banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Hạnh phúc như người uống cà phê!

Nguyễn thị Cỏ May



Người ghiền cà phê được uống một tách cà phê ngon là thấy sướng như tiên. Hạnh phúc như đang sống trên Thiên đàng. Dĩ nhiên rồi!
Nhưng ở thế gian hiện nay, có mấy người cảm thấy thật sự hạnh phúc?
Thưa có. Có cả một dân tộc đang sống hạnh phúc nhứt thế giới tuy lãnh thổ về phía cực Bắc dính liền với Nga của Poutine, đã từng bị Nga xâm chiếm, và chiến tranh khốc liệt để bảo vệ đất đai.
Dân Phần lan là những những người hạnh phúc nhứt thế giới vì họ là những người uống  cà phê nhiều nhứt thế giới. Như vậy phải có mối quan hệ nhơn quả về cà phê và hạnh phúc sao?

Người hạnh phúc là biết uống cà phê và đọc sách
Đúng vậy vì một người Phần lan, theo kết quả điều tra của Viện Statista ở Đức, mỗi năm, uống hết 7,4 kg cà phê, nhiều hơn hai lần cho một người Pháp vì một người Pháp chỉ uống có 3 kg cà phê mỗi năm, đứng hàng thứ 15 theo bảng xếp hạng. Nhưng người Phần lan hạnh phúc nhứt và uống cà phê nhiều nhứt, không phải chỉ mới năm nay, mà được hạng nhứt như vậy đã liên tục từ sáu năm qua. Nước Pháp năm nay bị xuống một hạng, đứng thứ 21, sau cả Lituanie, xứ nhỏ bé vùng Baltique.
Người hạnh phúc là người uống càphê và đọc sách.  Có quả thật đúng như vậy không? Nhưng hiện tượng tâm lý này xuất hiện từ sau cuổn sách của Agnès Martin-Lugand «Những người hạnh phúc đọc sách và uống cà phê» (Les gens heureux lisent et boivent du café) do nhà Michel Lafont- Pocket phát hành.

Để biết cho rõ có phải uống cà phê là hạnh phúc hay không vì năm nay, Pháp bị mất hạng đang gây dư luận khá sôi nổi, nhà báo của tuần báo Le Point, bà Julie Malaure, hôm 29 tháng 5 vừa qua, đã đi gặp nhà nghiên cúu David Blum ở Phòng thí nghiệm Alzheimer của Viện Nghiên cúu quốc gia (CNRS), chuyên về Khoa Thần kinh và Hiểu biết (Neurosciences et Cognition). Ông đặc biệt quan tâm đến điều kiện và tập quán sanh hoạt của người ta để từ đó tìm chứng bịnh. Trong thói quen uống cà phê, ông chú ý tới tác dụng tâm lý của caféine trong cà-phê mà chúng ta uống hằng ngày.

Theo nhà khoa học David Blum, ảnh hưởng của caféine, về ngắn hạn, chúng ta ai cũng đều biết rõ. Nó tăng cường hoạt động của não. Nó giúp người ta tập trung trí óc nhiều hơn, làm cho người ta cảm thấy thông minh hơn. Nhận xét sự việc chung quanh mình rõ hơn, chính xác hơn nhờ đầu óc tỉnh táo hơn.
Nhưng về lâu về dài thì tác dụng của caféine tới nay vẫn chưa rõ ràng lắm. Người ta còn đang nghiên cúu. Người ta chỉ mới tìm hiểu ảnh hưởng của caféine trên bộ «gen» của con người. Nó có thể bị ảnh bởi môi trường. Như caféine, như stress...
Nhưng tác dụng của cà phê như vậy là tiêu cực hay tích cực?
Tích cực, đúng hơn. Kết quả thí nghiệm cho thấy cà phê giúp cho người uống tỉnh táo, thông minh hơn khi làm việc hay học hành.
Đó vẫn mới chỉ là những điều người ta ghi nhận được chắc chắn sau những công trình nghiên cúu.
Về dài hạn, tác dụng sẽ khác hơn nhưng vẫn là tác dụng tích cực. Hiện tại, cà phê cho người uống thấy mình chú ý về một vấn đề gì đó tốt hơn nhờ khả năng chú ý tăng mạnh. Nhưng chú ý và trí nhớ lại là hai tiến trình hoạt động khác nhau của não.

Những tác dụng khác của cà phê
Nhờ những nghiên cúu về dịch tể học, như điều tra một nhóm dân chúng, người ta biết được thói quen uống cà phê đã làm giảm nguy cơ của một số bịnh tật, nhứt là bịnh Alzheimer. Ngoài ra, cà phê còn giúp làm giảm nguy cơ về một số bịnh tiểu đường, bịnh ung thư.
Cách nay vài năm, một nghiên cúu quan trọng thực hiện trên 300000  đến 500000 người, kết quả đăng trên báo khoa học «New England Journal of Medecine» kết luận nhờ uống cà-phê mà người ta thoát khỏi tử vong vì bịnh tật hiểm nghèo được 1%.  Vậy uống cà-phê dẫn đến một kết quả chung là sống hạnh phúc và sống sót qua cơn bịnh tật hiểm nghèo.

Nên uống nhiều cà-phê?
Ở Pháp, không chỉ có cà phê là ơn ích cho đời sống vì đem lại hạnh phúc và giúp chữa hoặc tránh được nhiều bịnh tật, mà còn có rượu chát (ruợu nho – vin) cũng không thiếu những điều hay mà người ta đã khám phá được từ xa xưa.  
Như ai cũng biết Tây ăn nhiều thịt, nhứt là thịt nguội, mà đa số không bị béo phì như phần lớn dân Mỹ, vì nhờ uống rượu chát. Gần đây, tức cách nay lối năm bảy năm, ở Strasbourg, miền Đông Bắc xứ Pháp, nhà thương lớn của Trường Đại học Y khoa còn áp dụng rượu chát (vin) chữa bịnh. Không phải để xoa bóp mà cho bịnh nhơn uống theo liều lượng của bác sĩ ấn định. Dĩ nhiên bịnh nhơn là những  người bình thường, hoàn toàn không phải là những người ghiền rượu.
Cách chữa trị này có từ thời Trung cổ vì lúc bấy giờ chỉ có những tu viện mới có rượu vì họ là chủ đất.  
Ngày nay, người ta chỉ nói rượu giữ sức khỏe tốt, chống bịnh tật, nhứt là bịnh tim mạch, mỗi ngày nên uống 2 ly rượu chát đỏ hay trắng đều tốt cả.
Nhưng cho tới nay, vẫn chưa thấy nói cho rõ là 2 ly mà ly cở nào? Vì ly có rất nhiều thứ và kích cở khác nhau.  2 ly là 1/3 chai rượu 75 cl hoặc đúng 1 lít (ly ½ lít)!
Thường chiếc ly bầu ở café bar, thì 6 ly bằng 1 chai 75 cl, dân uống rượu gọi là balon.  Tây chiều đi làm về, tắp vào tiệm cà phê, đứng ở quầy, làm vài balon cho đời lên hương, xóa đi mệt nhọc của ngày làm việc, rồi mới về nhà cơm nước.

Trái lại, về cà phê, sách vở nói một ngày nên uống không quá 4 tách cà phê thì sẽ rất tốt cho sức khỏe nhưng lại không nói rõ một tách là bao nhiêu? 1 tách cà phê expresso ở Tây không giống ở Bỉ hay ở Ý. Lại còn 1 tách cà phê «dài» (long) lớn hơn…
Riêng 1 tách cà-phê Ý thì chỉ một «hít hà» là đủ hết, chớ không cần phải hớp.  Người đang hôn mê nhấp một ngụm cà phê Ý cũng phải thức dậy, tỉnh người cho tới hôm sau nếu không quen uống. Nó đậm đặc, ta đưa muổng khuấy, buông tay ra, chiếc muống đứng trong tách cà-phê.
Nhưng nay thì «Cơ quan an toàn thực phẩm Âu châu» (Autorité européenne de sécurité des aliments) đề nghị nên uống mỗi ngày không quá 400 mg caféine, bằng 3 hoặc 4 tách (cốc) cà-phê phin.  Như vậy là nhiều hơn tách cà-phê expresso ở Tây và Ý rất nhiều.  Nhưng rõ ràng về số lượng.

Uống cà phê vào lúc nào là đúng điệu?
Tây có thói quen sáng thức dậy, uống 1 tô cà-phê sữa, pha loảng, ăn bánh mì với mứt và bơ, hoặc bánh mì chấm vào cà phê, ăn vội rồi đi làm. Cà-phê uống bằng tách, chỉ uống sau bữa ăn hoặc trong ngày khi thấy mệt và buồn ngủ.
Thói quen uống cà phê của Tây cũng phù hợp với sách vở là không nên uống cà phê quá trễ vì nếu không quen sẽ bị mất ngủ. Cà phê tốt nhứt là uống vào buổi sáng.  Nó sẽ làm tăng chất adrénaline rất cần, nhứt là cho người chơi thể thao, để bắp thịt hoạt động tối đa.
Nhưng cà phê không nên cho trẻ con uống vì chúng nó đang ở tuổi phát triển. Mà sự phát triển của trẻ con lại đi theo đúng một qui trình nhứt định.  Uống cà phê sẽ làm xáo trộn sự phát triển một cách vô cùng nguy hại.

Một kỷ niệm uống cà phê ở Huê kỳ
Mùa xuân năm 1984, Cụ Trần văn Ân và Cỏ May tôi đi qua Huê kỳ thăm viếng gia đình và bạn bè.  Những ngày ở chơi ở nhà người cháu của Cụ ở San José, sáng ra mọi người đi làm, trẻ con đi học, chỉ còn Cụ Ân và tôi.  Hai bác cháu dẫn nhau đi dạo khu phố nơi nhà ở.  Thấy có một quán cà phê nhỏ, bình dân, như quán cóc bên nhà, chúng tôi vào uống cà phê, tuy sáng ra, ở nhà đã uống rồi.
Vừa ngồi xuống ghế, cô đầm đem ra 2 cái tách lớn (mug) để trước mặt mỗi người, rồi rót cà-phê.
Chúng tôi uống vừa hết 1/3 tách, cô đầm đem bình tới rót thêm cho đầy tách. Hai bác cháu ngạc nhiên, nói với nhau, chút nữa, nó tính tiền mình như thế nào đây. Vì cà-phê đã trả tiền rồi, mỗi tách là 1$.
Lối 15 phút sau, chúng tôi chỉ vừa kịp uống lưng thêm chút xíu, cô đầm vội cầm bình rót thêm. Chúng tôi sợ quá, vội bảo đừng rót nữa.  
Thấy thái độ ngạc nhiên gần như hoảng hốt của chúng tôi, cô đầm nhoẻn miệng cười rất tươi. Lúc ra đi, cô không tính thêm tiền.  Nhìn vài bàn khác, thấy bình cà phê để luôn trên bàn để cô đầm khỏi châm thêm như đối với chúng tôi.
Về nhà kể chuyện lại, ở nhà ai nấy đều cười bảo cà phê ở đây là như vậy.  Chỉ kêu 1 cà phê, người uống cứ uống cho tới lúc rời khỏi quán.
Mà cà phê ở Mỹ không giống cà phê bên Tây. Nó còn lạt hơn cà phê vớ!

Ở Pháp ngày nay, một tách cà phê giá từ 1,50€ tới 8,50€.  Tùy tiệm và cà phê đứng hay ngồi vào bàn.  Cà phê, tiệm cà phê đều không thay đổi, chỉ có người bán cà phê là không còn người Pháp nữa vì bị Ba Tàu chen vào và lần lần thay thế.  
Nhưng anh ba Tàu hay cô tư Xẩm đứng cà phê, bán vé số, thuốc lá… phần lớn không phải chủ tiệm mà làm công cho một hệ thống Tàu cộng đầu tư ngoài việc đưa người qua Tây còn có thêm nhiệm vụ tình báo nhân dân.  
Ở Pháp hiện nay có 4 bót công an Tàu kín đáo hoạt động.  Chưa thấy nhà cầm quyền Pháp lên tiếng.  
Trước đây, dưới thời nhà cầm quyền xã hội, ở ngoại ô, sát Paris phía Nam, có 4 khu nhà trên nóc gắn ăng-ten chảo thật bự, có cả trăm thằng  chệt làm việc.  Trước cổng có cảnh sát Pháp gác.  Thế mà cho tới khi tuần báo Observateur lên tiếng nhiều kỳ thì nhà cầm quyền Pháp mới lên tiếng.

Cà phê Tây xưa nay có truyền thống rất hay.  Dân uống cà phê vào kêu 1 tách cà phê, kéo ghế ngồi, coi báo, đọc sách, hay viết, có thề ngồi đó cho tới khi quán cà phê đóng cửa mà không hề bị làm phiền phức hay trông thấy cái mặt anh chủ tiệm nhăn nhó, cau có… Văn hóa cà phê Tây là vậy đó.

Thật đúng, rất thú vị, rất hạnh phúc khi vào quán cà phê, đọc báo, đọc sách. Cái hạnh phúc này to lớn nhưng rất rẻ tiền vì chỉ có 1,50€.  Nhưng không phải ai cũng có được.  Nhứt là người Việt nam trong xứ càng khó hơn vì ngày nay, người Việt nam khó có được một người một năm đọc hết một cuốn sách!
Thanh niên, phần đông, thì sáng say, chiều xỉn! Họ tìm cách trốn chính mình chớ không hẳn tìm thú vui trong ly ruọu.
Con cháu ngoan của bác nhà ta mà!

Nguyễn thị Cỏ May


Đăng ngày 05 tháng 06.2023