Nguyễn Khắc Viện một thời Nazi
Nguyễn thị Cỏ May
Hà nội làm lễ tưởng nìệm 20 năm ngày chết của ông Nguyễn Khắc Viện. Tuy cách đây gần nửa năm, báo chí ở Việt nam, nhứt là trên mạng, vẫn còn ca ngợi công đức của ông phục vụ chế độ cộng sản Hà nội.
Báo Lao Động viết "…Cuối đời, Nguyễn Khắc Viện đã có nhiều góp ý chân thành với Đảng và Nhà nước về nhiều vấn đề chính trị, xã hội của đất nước, đặc biệt là vấn đề phát huy dân chủ của xã hội. Rất nhiều các học giả, nhà chính trị, nhà khoa học cả trong và ngoài nước đã dành những lời tốt đẹp nhất để nói về ông. Nhà triết học nổi tiếng người Pháp Gunter Giesenfeld khẳng định: “Không chỉ trong suy nghĩ mà toàn bộ con người ông là một cầu nối giữa phương Tây và phương Đông. Kiến thức bách khoa phong phú, từng trải Đông Tây, tác phẩm uyên thâm đồ sộ, ở Pháp quốc kiên trì tranh đấu, tấm lòng với nước tận trung, vòng danh lợi coi khinh, lương tâm toả sáng”. Giáo sư Hoàng Như Mai nói về ông: “Suốt cả cuộc đời, Nguyễn Khắc Viện tuân thủ trung thực và trung thành một đạo Sống rất đẹp, vốn là cái truyền thống muôn đời của trí thức Việt Nam: yêu nước, lo dân”. Nhà báo Đặng Minh Phương đã tặng ông đôi câu đối: “Tài năng đa dạng hiếm hoi, tinh thông kim cổ, tư duy sắc sảo tuyệt vời; về Việt Nam bền bĩ dựng xây, ngòi bút vì dân cương trực, thói quan liêu căm ghét, nhân cách ngát hương".
Vài nơi khác viết ông là «bậc tiên tri», «một con người uyên bác và thẳng thắn», hoặc «người có tư tưởng canh tân đất nước»…
Nhưng ông Nguyễn Khắc Vìện có đủ ở bản thân ông những điều mà các «đồng chí» của ông đem lại cho ông hay không? Còn những điều ở ông, không phải bí mật gì, lại không ai nói tới, coi như không có vậy?
Quan trọng có lẽ là chuyện ông Nguyễn Khắc Viện chạy theo Hitler những năm 1943-1945. Không phải chỉ một mình, ông còn dẩn theo 6 «đồng chí» trí thức khoa bảng của ông và 300 công nhơn việt nam từ Paris qua Berlin đầu quân với Hitler.
Khi thương, trái ấu cũng tròn
Khi được lịnh phải bốc thơm một ngưòi nào thì miệng lưởi cộng sản sẽ phủ kín người đó, không còn sót một chổ nào dù nhỏ xíu để người khác có thể chen vào phụ họa thêm. Trái lại, phải hạ bệ ai, thì nạn nhơn chẳng những không còn đất sống, mà cũng không còn đủ dưỡng khí để thở nữa.
Như chuyện rất nhỏ, rất hiển nhiên, mà báo nhà nước cũng cố tình bỏ qua chi tiết để ngầm đề cao Viện khi thi đậu Tú Tài: «Năm 1934, Nguyễn Khắc Vìện đậu xuất sắc một lượt 3 bằng Tú Tài». Nghe qua, ai mà không lè lưỡi tỏ vẻ bái phục. Nhưng «đậu xuất sắc» là đậu như thế nào? Đậu Tú Tài pháp xưa nay, cả Tú Tài Việt nam ở Sài gòn trước 1975, có hạng «Thứ, Bình thứ, Bình, Ưu và tối Ưu». Vậy Nguyễn Khắc Viện đậu «xuất sắc» là đậu ở hạng nào đây? Còn một chi tiết nữa: Nguyễn Khắc Vìện đậu luôn 3 Tú Tài ở trường Bưởi năm 1934, tại sao nhà báo Nhà nước không nới rõ hơn ông Viện đậu 2 Tú Tài bổn quốc (Baccalauréat local) Ban Triết và Ban Toán và 1 Tú Tài chánh quốc (métropolitain - Pháp lúc đó chia làm 2 phần : Pháp chánh quốc và Pháp hải ngoại), tức Tú Tài Pháp, để tránh cho người ta khi đọc không hiểu lầm là ông Viện đậu 3 bằng Tú Tài pháp, tức cả 3 Ban (Toán, Khoa học và Triết)?
Nói như vậy không có ý bảo rằng Tú Tài bổn quốc kém giá trị hơn Tú Tài chánh quốc. Trái lại, chương trình học và thi Tú Tài bổn quốc nặng nề hơn Tú Tài chánh quốc. Chỉ có điều bất lợi là người đậu Tú Tài bổn quốc không học Đại học ở Pháp được vì văn bằng này chỉ có giá trị ở Đông Dương mà thôi.
Khi đề cao một người nào một cách thái quá, thì khó tránh giống như biến họ trở thành lố bịch. Cộng sản quen làm vì họ được dạy thờ «chủ nghĩa anh hùng», một thứ sản phẩm cộng sản tinh ròng, ở tầm cao hơn,là tôn thờ lãnh tụ.
Nguyễn Khăc Viện ở Paris
Sau 3 năm theo học Y khoa ở Hà nội, ông Vìện sang Pháp tiếp tục chương trình Y khoa tại Đại học Y khoa Paris. Ông tốt nghiệp ngành Nhi khoa và bịnh nhiệt đới năm 1941. Qua năm sau, ông bị lao phổi nặng, vào điều trị ở bệnh viện Saint Hilaire du Touvet, Grenoble. Thời đó bệnh lao phổi chưa có thuốc chữa trị như ngày nay. Từ năm 1943 đến năm 1948 ông phải chịu mổ 7 lần, cắt bỏ 8 cái xương sườn, cắt bỏ toàn bộ lá phổi bên phải và một phần ba lá phổi bên trái.
Các bác sĩ Pháp ở nhà thương nơi ông điều trị bảo là ông không thể sống hơn hai năm. Trong thời gian nghỉ dưỡng bịnh ở Pháp, ông «tự tìm ra» một phương pháp thở để tự chữa bệnh cho mình. Và kết quả là ông đã sống đến 85 tuổi (1997), còn họat động tích cực, năng nổ, dẻo dai, bền bỉ trong nhiều lãnh vực: giảng dạy y khoa, tâm lý học trẻ con, cả về đạo học. Thật ra, phương pháp thở mà bác sĩ Nguyễn Khắc Viện «tự tìm ra» được không phải là điều gì mới mẻ do ông sáng tạo. Nó được ông lược giản môn khí công, thiền, yoga, tài chí, dưỡng sinh… của Đông phương đã có từ ngàn xưa, dưới cái nhìn sinh lý học hô hấp của một người thầy thuốc Tây y và được ông bỏ công giản lược bằng 12 câu văn vần cho dễ nhớ.
Trong chuyện này, có báo ở Hà nội nói “bác sĩ tây bảo ông chỉ sống không quá 6 tháng» là để đề cao sự kỳ diệu 12 câu văn vần kia của ông.
Nguyễn Khắc Viện lại một lần nữa dấn thân
Vừa xuất viện, thấy sự thắng thế của Đức, Nguyễn Khắc Viện liên lạc với bộ máy tuyên truyền Đức Quốc Xã, tổ chức cho một số sinh viên Việt Nam sang Đức trong đó có Lê Văn Thiêm, Phạm Quang Lễ, Hoàng Xuân Nhị, Nguyễn Hoán v.v... (AOM, Indochine, Nouveau Fond, Hộp Hồ sơ 145, Hồ sơ số 1305 - MẬT).
Tại Pháp, bộ hạ của Goebbels giao cho Đặng Đức Hồ nhiệm vụ thành lập một đội Vệ binh SS người Đông Dương! Sau ngày nước Pháp được giải phóng, Đặng Đức Hồ Pháp bị kết án 20 năm tù khổ sai. Năm 1992, triết gia Trần Đức Thảo nói với ông Hoàng Khoa Khôi, Đệ Tứ, ở Paris: «Nguyễn Khắc Viện đã từng đem 300 lính thợ Việt nam qua Đức đầu quân Đức Quốc Xã, khoảng 1943-1944»!
Trong tờ báo viết tay, chính ông viết trọn tờ báo, và in thạch bản, Nguyễn Khắc Viện ca ngợi không tiếc lời chủ nghĩa phát-xít của Hitler: «…Rồi thấy các chính phủ dân chủ, các nghị viện lao nhao, nói nhiều làm ít, xoay sở không ra mối, họ đau lòng ngờ vực các chính phủ cộng hòa, dân biểu mà xưa nay, họ cho là chế độ tối hay. Nên có kẻ xướng lên và thi hành những quốc chính độc tài toàn quyền. Độc tài nghĩa là bao nhiêu quyền bính góp vào một người thủ súy đủ tài trí tự quyết đoán, không bị những nghị viện ô hợp làm khó dễ, cá nhân không có quyền chỉ trích những mệnh lệnh của chính phủ. Có chịu như vậy một quốc dân mới tránh cái nạn quyền lợi giai cấp xâu xé làm hổn độn, mới ra khỏi được cái vòng khủng hoảng, có trật tự». (Trích «Vì đâu», Nam Việt, số 6, 8.1944, 4, Place du Panthéon, Paris V). Địa chỉ này là Tòa hành chánh Thị xã quận V của Paris, bị Đức lấy làm Cơ quan quân quản, và cũng là trụ sở báo Nam Việt của Nguyễn Khắc Viện.
Trước khi qua Berlin, Nguyễn Khắc Viện đã tích cực hoạt động cho Hội Việt kiều yêu nước ở Paris và trở thành Tổng Bí thư đảng đoàn. Viện đã là đảng viên cộng sản pháp.
Ông đã có sự chọn lựa đường lối chánh trị dứt khoát như vậy nên, năm 1953, Hồ Chí Minh vâng lời Staline và Mao làm cải cách ruộng đất ở miền Bắc, ông không một lời nói phải cho cha bị đấu tố, hành hạ đến chết, những người họ hàng khác phải tự tử vì không chịu nổi sự hành hạ như súc vật. Sau này, trước khi chết, ông trả lời một người cùng quê «ông ủng hộ cải cách ruộng đất là để có Độc lập»!
Ông Viện làm việc tận tình để cúc cung phục vụ cộng sản thì đúng. Nói ông yêu nước nồng nàn, tưởng nên xét lại. Lúc đó, người dân Việt nam nơi vùng cộng sản kiểm soát bị đủ mọi áp bức của cộng sản. Năm 54, khi Hồ Chí Minh về Hà nội, miền Bắc sống trong gông cùm cộng sản. Nếu là người thông minh, yêu nước thật tình, mà sao ông vẫn một lòng một dạ theo cộng sản được?
Trong lúc đó, Trần Đức Thảo là người có tư tưởng cộng sản đặc sệt lại phản tỉnh, nhà cầm quyền Hà nội đã phải trục xuất ông khỏi Việt nam vì không giết ông được.
Tuy nhiên, vào những năm 1990, Nguyễn Khắc Viện, mới bắt đầu làm «tiên tri». Ông viết sớ tâu với «Hoàng đế» Lê Duẩn đưa ý kiến cải tổ chánh trị để đảng vững mạnh. Lê Duẩn mỉm cười bảo «khéo trò cải lương»!
Nguyễn Khắc Viện, người con của gia đình Nguyễn Khắc, của xứ Nghệ truyền thống khoa bảng, cách mạng, nhưng ông chỉ giữ được đức tánh làm việc không mỏi mệt, còn tinh thần cách mạng phục vụ lẽ phải, phục vụ dân tộc, ông đánh mất cho cộng sản mà đến ngày chết, ông vẫn chưa nhận thấy sai lầm. Ông nói ông không sợ «vô sản», tức sợ nghèo, mà chỉ sợ thứ «vô học». Vậy mà ông có thể theo phục vụ thứ vô học đó trọn đời!
Trước khi chết, ông gởi gấm lại ước nguyện của ông là 12 câu hát về sức khỏe của ông được hậu thế lưu giữ áp dụng. Phải chăng ông không dám nói ra ý thiệt của ông là phần còn lại cuộc đời của ông chỉ là những sai lầm đầy tội lỗi?
Nguyễn thị Cỏ May
Nỗi đau đớn của Đoàn Văn Toại
Fb Ngô Thanh Tú
"Tôi nhận lãnh trách nhiệm về những thảm kịch xảy ra cho đồng bào của tôi. Và nay tôi chỉ còn cách đóng vai nhân chứng cho sự thật này hầu các người đã từng ủng hộ Việt Cộng trước kia có thể cùng chia sẻ trách nhiệm với tôi."- Đoàn Văn Toại (1945-2017)
Đó như là lời sám hối của ông Đoàn Văn Toại, một người đã lầm tin vào Cộng sản, được chính quyền Cộng sản Bắc Việt xếp vào dạng "Thành phần thứ 3" viết trong bài chính luận "Thổn thức cho Việt Nam". Có rất nhiều người sẽ không biết ông Toại, nhưng với những lớp người lớn tuổi, từng sinh sống, hoạt động ở Saigon trước 1975 đã từng nghe đến tên ông. Ông từng là phó Chủ tịch Tổng hội sinh viên Saigon trong hai năm 69-70, ủng hộ triệt để Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam (MTDTGPMN) được lãnh đạo bởi luật sư Nguyễn Hữu Thọ, mà thực sự đằng sau đó là CS Bắc Việt.
Trong "Thổn thức cho Việt Nam", ông Toại đã bày tỏ sự hối hận của mình khi đã đặt niềm tin vào những đề cương của MTDTGPMN đưa ra. Với việc thừa nhận như vậy, ông đã hơn hẳn rất nhiều người, trong đó có từng là cấp trên của ông trong Tổng hội sinh viên Saigon Huỳnh Tấn Mẫm.
Nếu đọc các tác phẩm của nhà văn Đào Hiếu, mà nhất là qua hai tác phẩm được ông viết sau này, "Lạc Đường" và "Cuộc cách mạng bị thất lạc" sẽ cho thấy ông này luôn muốn trốn tránh trách nhiệm, không coi việc ủng hộ MTDTGPMN đã dẫn đến tấn thảm kịch cho dân tộc Việt Nam. Ông luôn đổ thừa cho thời cuộc. Theo tôi, đó là lối từ thoái trách nhiệm khôn ngoan, nhưng là việc làm của những kẻ không đủ dũng khí.
Không riêng gì Huỳnh Tấn Mẫm, Đào Hiếu mà còn rất rất nhiều những lãnh đạo phong trào sinh viên thuộc Thành phần thứ 3, hay lãnh đạo của MTDTGPMN không chịu nhận trách nhiệm cho những gì mà họ đã gây ra. Cho dù, tấn thảm kịch của dân tộc, quốc gia Việt Nam hiện nay một phần đến từ những việc làm dốt nát của họ trong quá khứ. Đó là ủng hộ Cộng sản.
So với những người khác, lời sám hối hay thú tội của ông Đoàn Văn Toại được coi là can đảm.
Ông Toại không chỉ bị tù dưới thời VNCH, mà sang thời Cộng sản-khi Cộng sản Bắc Việt đã chiếm được Saigon, ông cũng bị chính những người "đồng chí" của mình bỏ tù. Với hai tháng ngồi biệt giam, và những tháng tù tiếp theo ông đã được "Đảng cho ta sáng mắt sáng lòng". Từ đó, ông nhận ra con đường đã đi là sai lầm. Sau khi ông ra tù, không rõ bằng cách nào đã vượt biên thành công, qua Pháp rồi sau đó đến Hoa Kỳ. Ngay tại Hoa Kỳ, vào khoảng cuối thập niên 80s, ông đã bị những người đồng hương của mình 2 phát đạn. Nhưng cuộc đời của ông không chấm dứt ở đó, nó chỉ chuyển sang lặng lẽ cho đến những phút cuối đời.
"Tất cả những ai từng ủng hộ MTDTGPMN trong cuộc chiến đấu chống chế độ Sài Gòn đều có thể cảm nhận sự bị phản bội và nỗi tuyệt vọng của họ."- (Thổn thức cho Việt Nam-Đoàn Văn Toại)
Trong khoảng chục năm đổ lại, tại Saigon thành lập ra một số hội đoàn mà thành viên là những người từng thuộc thành phần thứ 3 trước đây. Đáng kể trong đó có Huỳnh Tấn Mẫm, Hồ Ngọc Nhuận, Lê Hiếu Đằng...Lúc này, họ không còn được coi là "thành phần thứ 3", ủng hộ cho Cộng sản, mà được gọi bằng cái tên mỹ miều là lực lượng "phản tỉnh". Dù vẫn còn nhận được sự ưu ái đáng kể từ chính quyền CS, nhưng với CS, lực lượng "phản tỉnh" lúc này trở thành cái gai.
Những kẻ phản tỉnh ấy, liệu có bao giờ cảm thấy hối hận vì nhũng việc làm của mình trong quá khứ? Liệu họ ân hận vì đã góp tay đẩy dân tộc, quốc gia này xuống bờ vực thẳm, ngày càng bị xiềng sâu vào gót giày của Trung Cộng? Điều đó dư luận không rõ, chỉ có thể một số thân hữu của họ mới biết. Song, cho đến nay khi chúng ta vẫn chỉ thấy toàn những lời ngụy biện, bào chữa trốn tránh cho những việc làm xuẩn ngốc của lực lượng "thành phần thứ 3" hay những lãnh đạo trong MTDTGPMN trong quá khứ, phần nào cho thấy những kẻ "phản tỉnh" ấy chưa bao giờ thực sự tỏ ra hối hận về những việc mình đã làm.
Ở một góc độ nào đó, về nhân cách tôi tôn trọng Đoàn Văn Toại, Trương Như Tảng hơn là những người như Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Hiếu Đằng, Hồ Ngọc Nhuận, Nguyễn Thị Bình, Nguyễn Hữu Thọ...
Trong bài chính luận "Thổn thức cho Việt Nam", ông Đoàn Văn Toại đã dũng khí nói rằng:
- Bây giờ nhìn lại cuộc chiến Việt Nam, tôi chỉ cảm thấy buồn rầu cho sự ngây thơ của mình khi tin rằng cộng sản là những người cách mạng và xứng đáng được ủng hộ. Trên thực tế, họ đã phản bội nhân dân Việt Nam và làm thất vọng các phong trào tiến bộ trên toàn thế giới.
Những lời thú nhận ấy thôi cũng đủ xếp tư cách Đoàn Văn Toại hơn hẳn những người mà tôi đã nêu trên. Tôi phỏng đoán trong những ngày cuối cùng trong cuộc đời làm người, khi mà ông Toại đã nhận ra bộ mặt thật của Cộng sản- những kẻ không hề có tinh thần quốc gia, dân tộc hẳn ông phải đau đớn lắm. Đau đớn vì lý tưởng, tuổi xuân, những năm tháng ngồi tù, niềm tin mình đặt vào bị đánh lừa. Cái thể chế mà ông Toại hay rất nhiều người khác tin rằng nó: Của dân, do dân và vì dân lại chẳng đúng như vậy. Đó là chính quyền thừa hành theo sự chỉ thị từ Soviet. Nhiều người tin rằng, chính quyền CS Bắc Việt độc lập với Soviet, trong đó có Toại cuối cùng đã té ngửa ra, nhưng lúc đó đã không còn kịp nữa. Cái giá cho sự ngây thơ chính trị của ông Toại là những năm tháng tù đày và sau đó phải trốn khỏi Việt Nam.
Ông Toại đau đớn nhận ra rằng, ngay cả dưới chế độ mà bị CS Bắc Việt tuyên truyền là "bù nhìn" (puppet) của Hoa Kỳ thì không hề có bất cứ lãnh tụ nào của Mỹ được giăng trên đường phố, trong nhà. Nhưng, Saigon từ sau 1975 hay miền Bắc trước đó trên đường phố, nhà cửa hình lãnh tụ Soviet, từ Carl Marx, Lenin, Stalin...cho đến Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh...được vẽ vời, treo khắp trên đường phố. Vậy, đâu là chế độ bù nhìn?
Cái hối hận của Đoàn Văn Toại là đã góp tay gây ra thảm họa kinh hoàng từ sau khi Saigon thất thủ, hàng triệu người, không phải chỉ là quân nhân, mà ngay cả đến những người tu hành, trẻ em cũng phải vào tù, chịu sự trả thù của chính quyền mới. Hàng trăm ngàn người đã chết, hàng trăm ngàn gia đình phải chịu cảnh ly tán. Thảm họa ấy, nếu những người thuộc thành phần thứ 3, hay MTDTGPMN không gây ra thì chính họ cũng góp tay vào. Ông Đoàn Văn Toại cũng đã trở thành người thiên cổ, nỗi đau đơn của ông cũng không còn, nhưng vết xe đổ mà ông để lại liệu có bao nhiêu người trong quốc gia này học được để mà né tránh?
27/11/2017
Đăng ngày 29 tháng 11.2017