banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

19-8 và 2-9 :

Cướp chánh quyền và diệt chủng

 

Nguyễn thị Cỏ May

Sách vở cộng sản ồn ào đề cao ngày 19-8 và 2-9 như một kỳ công của họ vì cướp được chánh quyền về tay nhơn dân. Họ dấu sự thật là hôm 17-8, công chức tổ chức biểu tình ủng hộ Chánh phủ Trần Trọng Kim và cộng sản chỉ có năm ba ngoe chen vào, giương cờ đỏ sao vàng lên, hô khẩu hiệu để biến cuộc biểu tình đó như của họ tổ chức để cướp chánh quyền.
Về phía chánh phủ Trần Trọng Kim lại không có quân đội, không có cả một lực lượng võ trang dân sự, nên chánh quyền không được bảo vệ. Nhựt đã đầu hàng, Đồng Minh chưa tới. Việt nam vào lúc đó như một cái nhà bỏ ngỏ, ai cũng có thể tới ở, không cần phải cướp.
Nhưng cướp chánh quyền cho ai và dùng chánh quyền để làm gì? Đìều ai cũng thấy rõ, Hồ Chí Minh cướp chánh quyền không phải cho nhơn dân Việt nam mà "cho Liên-xô và Trung quốc " (Lê Duẩn). Và khi nắm được chánh quyền, Hồ Chí Minh dốc hết tâm huyết biến đất nước Việt nam trở thành cộng sản bằng cách thanh toán sạch tất cả những cái gì đang có, đào tạo con người Việt nam trở thành con người xã hội chủ nghĩa (trồng người).
Trong Đệ II Thế chiến, Hitler và Đức quốc xã cũng chủ trương xây dựng dân tộc Đức chỉ gồm toàn những con người ưu tú. Họ loại bỏ không tội nghiệp những thành phần dân Đức "bất hảo" như bịnh tật, khả năng vô dụng, tâm tánh không dạy dổ được - như ở Việt nam không giác ngộ cách mạng, không trở thành con người xhcn được - sau khi đã loại bỏ những chủng tộc khác sanh sống trên nước Đức.

Tuyển chủng tộc ưu tú
Ngày nay, sau hơn 70 năm, hằng tuần, Do thái vẫn nhắc lại, khơi lại tội ác Hitler và Đức quốc xã đã diệt chủng Do thái, giết 6 triệu Do thái. Trong lúc đó, cộng sản Mao Trạch- đông, Lênine và Staline, Hồ Chí Minh ở Hà nội, Pol Pot ở Nam vang, đã giết chính dân của họ hơn 100 trìệu thì không được thường xuyên nhắc tới nên tội ác của cộng sản cơ hồ như bị quên lãng. Phía nạn nhơn thiếu những sử gia có khả năng và tâm huyết? Hay "từ bi" mà quên đi quá khứ đau buồn do cộng sản gây ra, hãy sống với hìện tại và nghĩ tới tương lai? Lại còn chạy theo kẻ chủ trương tiêu diệt mình!
Người Do thái nhắc lại tội ác của Đức quốc xã hằng ngày, hằng tuần mà họ cho rằng chưa đủ, hãy còn nhiều thiếu sót. Họ vẫn khai quật những đống tro tàn đã nguội lạnh để tìm ra những tội ác mới của Hitler và Chánh quyền III Reich. Họ tin "quá khứ không bao giờ chết và, quá khứ đã qua nhưng nó thường chưa qua hết"(Faulkner). Và quả nhiên, hiện nay, ở Đức, Viện Max-Planck, một trong những cơ quan nghìên cứu uy tín về y khoa, vừa tìm thấy trong những ngăn hầm của Vìện một bộ sưu tập gồm những bộ nảo của những nạn nhơn trong chiến dịch "chết danh dự" T4 lúc đó nhằm triệt để loại bỏ những phần tử bất hảo của dân tộc Đức. Trong số này, nhiều trẻ con bị giết bởi vì chúng đem lại ích lợi lớn cho khoa học. Và hơn nữa, chánh quyền III Reich cho rằng chúng tuy là dân Đức nhưng không xứng đáng đưọc sống chung với những người khác.
Khi sự thật được khám phá người ta mới thấy rõ là trí nhớ của con người còn nhiều thiếu sót. Những nạn nhơn chết hoàn toàn vô danh vì mỗi người mang một bí số, chớ không có hộ tịch. Họ không có tên vì tên trong khai sanh hay trên các giấy tờ khác đều bị phủ nhận hay hủy bỏ. Những sử gia đã ra sức sưu tầm lý lịch của từng người để hoàn trả cho họ đầy đủ hộ tịch của họ. Trả lại cho họ cái tư cách con người của họ.
Hitler xóa bỏ tên tuổi nạn nhơn để họ chết dưới một con số, nhờ đã học được ở Lê-nin và Staline. Sau này, ở miền Bắc Việt nam, khi đánh tư sản, cải cách ruộng đất, Hồ Chí Minh cũng học ở Staline và Mao và áp dụng đúng nguyên bản. Nạn nhơn không còn tên họ nữa mà chỉ có thành phần xã hội là tư sản, cường hào ác bá hay địa chủ và chết dưới lưỡi mả tấu của Hồ Chí Minh, dưới danh nghĩa giai cấp của mình. Cũng không được tang lễ, chôn cất, mồ mả. Nhưng phải thừa nhận Hồ Chí Minh "nhơn đạo" hơn họ Kim ở Bắc Hàn. Ở đây, chẳng những nạn nhơn trực tiếp bị xử mà cả thân nhơn, họ hàng nội, ngoại, bên vợ, bên chồng đều chết sạch và tất cả đều bị xóa sổ. Dân chúng không được nhắc tới, không được nhớ tới những nạn nhơn đó như họ chưa bao giờ hiện hữu trên đất nước Bắc Hàn vậy.

Trong Đệ II Thế chiến, Hitler cho thi hành một chương trình thanh toán những đứa trẻ tật nguyền, điều này đem lại cho bác sĩ khoa thần kinh học (neurologie) Julius Hallervorden xây dựng một bộ sưu tập nảo bộ trẻ con phong phú cho việc tìm hiểu những chứng bịnh về thần kinh khác nhau. Dĩ nhiên đó là một việc làm vô cùng gian ác, tội giết người tuy nhằm phục vụ khoa học để cứu người sau này. Thật vậy, cho tới ngày nay, sinh viên Đức và nhiều nước khác, còn tới nghiên cứu về khoa thần kinh học.Hoàn toàn khác với cộng sản, như Hồ Chí Minh, giết người hằng loạt chỉ vì những người đó không thể cải tạo theo cộng sản được. Trở ngại cho kế sách trồng người xã hội chủ nghĩa của ông mà thôi.
Tháng 10 năm 1940, nhũng đứa trẻ được đưa tới trại Nikolaiplatz, ở Brandeboug, cách Berlin 80 km, trên những chuyến xe đặc biệt, do bịnh viện tâm thần Görden gởi đi. Nơi đây thuộc trung tâm thành phố. Dân cư nhìn thấy những chiếc xe bus kiếng màu sẩm, mang nhản hiệu "Công ty từ thiện chuyên chở bịnh nhơn" tới lui từ nhiều tháng nay, ngừng lại trước ngôi nhà trước kia là nhà tù, nay đổi lại thành "Bịnh viện công lập Brandebourg", ngụy trang để tránh sự để ý nghi ngờ của dân chúng. Đìều gì xảy ra ở bên trong Bịnh viện? Không ai được biết. Nơi đây được mật vụ (SS) cải trang thành cảnh sát thường canh gác. Dân chúng để ý sẽ chỉ biết những chiếc bus màu xám nhà binh đó khi tới thì đầy người nhưng lúc trở ra về thì xe trống. Thỉnh thoảng trông thấy xe bus tới chở đầy trẻ con. Cũng như người lớn, chúng tới và biến mất ngay sau bức tường. Giống như chúng bị con quái vật khổng lồ nuốt trộng hết vậy.
Lúc bấy giờ, trung tâm tử thần Treblinka và Sobibor chưa có, chỉ mới có Brandebourg ở đây hoạt động bằng hơi ngạt (gaz) đầu tiên. Trẻ con tới liền được đưa đi khử trùng. Chúng nó đều quen biết nhau hay bạn bè nhau vì từng chơi đùa với nhau ở bịnh viện tâm thần Görden. Chúng nó là những đứa trẻ bị bịnh kinh phong, hoặc không học tập được ở trường, bị đưa tới đây vì bị chỉ định là những "phần tử vô dụng", không thể trở thành những công dân tốt hay những người bạn đồng hành của nhơn dân Đức sau này.
Trong hành lang tử thần, Y sĩ và Y tá ngồi sau một cái bàn lớn, kiểm lại danh sách từng đứa. Xong, chúng được hướng dẫn cởi bỏ hết quần áo. Có một cái cửa bằng sắt với ổ khóa. Phía sau đó là một căn phòng với tường cách âm thanh, với một hàng vòi búp sen (douche tắm) như một hàng "douches". Những đứa trẻ này có la không? Có khóc không? Không ai biết vì không ai nghe được. Không ai biết được những gìây phút chót của chúng.
Từ hơn nửa thế kỷ nay, những đứa trẻ "vô dụng" này đã bị quên lãng. Không lý lịch, không diện mạo. Chúng là những đứa trẻ trong bao nhiêu đứa khác, trong bao nhiêu con người khác, tất cả đều mang chung một hộ tịch là "bất hảo" và bị Hitler và nhà nước III Reich "tuyển chọn".
Gần đây, các sử gia khai quật, trong một cuốn sổ nhỏ, đọc được những mật mả "F" (Frauen - Phụ nữ), "M" (Männer - Đàn ông), "K" (Kinder -Trẻ con) và "J" (Juifs - Do thái). Tài liệu xếp đặt rất trật tự. Chính ông Heinze, nhơn viên mật vụ SS vào thời khởi nghiệp của Hitler, đồng ý theo thuyết tuyển lọc chủng tộc tinh ròng của Hitler, cung cấp những thông tin về những nạn nhơn.
Tháng 8/1941, chương trình tuyển lọc T4 ngưng vì bí mật bị lộ. Hitler sợ bị dân chúng kinh tởm, dư luận phản đối. Tạm nhận 70273 trẻ con đã được "khử trùng" đưa vào phòng hơi ngạt là đủ. Và chương trình T4 chuyển qua xử lý Do thái.

19-8 và 2-9 mở ra giai đoạn lịch sử Việt nam đau thương
Chỉ mươi ngày sau ngày thành lập Việt nam Dân chủ Cộng hòa, Hồ Chí Minh họp đảng cộng sản Đông dương
quyết định dứt khoát một mình Việt minh cai trị đất nước. Hồ Chí Minh xé bỏ bản tuyên ngôn độc lập để ém nhẹm luôn lời thề chống thực dân pháp. Khi Pháp trở lại, ông ta thỏa hiệp ngay với Pháp (6-3-46 và 14-9-46),vừa để hợp thức hóa sự hiện diện của Pháp, vừa để mượn tay Pháp tiêu diệt các đảng phái ái quốc lúc bấy giờ mạnh hơn Việt minh.
Đến khi không thỏa hiệp được với Pháp, Hồ Chí Minh tìm cách bỏ Hà nội chạy trốn, tuyên bố toàn dân kháng chiến để có chánh nghĩa, vừa đẩy dân chúng ra đánh Tây cho cộng sản. Cũng như bảo Cụ Vũ Đinh Quỳnh kêu gọi dân chúng treo cờ mừng "ngày sanh của bác 19-5" để đón tiếp D'Argenlieu lên Hà nội, tránh bị dân chúng sỉ vả khi biết được sự thật.
Hồ Chí Minh "cướp được chánh quyền", hoàn toàn không do khả năng của mình, mà nhờ Huê kỳ (OSS), nhờ cả soạn thảo bản Tuyên ngôn độc lập đọc ngày 2-9-45, thế mà sau đó, do bản chất là tên tình báo tay sai của Staline, Hồ Chí Minh đã không ngại vâng lời Mao, quay lại chống Huê kỳ cho phe cộng sản.
Và cũng trong tinh thần răm rắp tuân thủ lịnh Staline và Mao, Hồ Chí Minh làm cuộc cải cách ruộng đât long trời lở đất, đánh công thương nghiệp, giết hại không dưới nửa triệu dân Việt nam miền Bắc vô tội. Năm 1960, Lê Duẩn cả quyết theo Mao làm giải phóng Miền Nam, tiêu diệt hơn 10 triệu dân. Sau 30-04-75, cả Miền Nam ngập trong máu và nước mắt do các chánh sách dã man của cộng sản.
Sau Đệ II Thế chiến, Quốc xã bị đưa ra Tòa án Quốc tế Nhơn quyền xử tội chống nhơn loại. Đảng cộng sản Hà nội cũng vi phạm cùng tội ác chống nhơn loại, vậy chừng nào mới bị truy tố trước Tòa án Nuremberg II?

Nguyễn thị Cỏ May


Về bản tuyên ngôn độc lập 2 tháng chín 1945

Bùi Tín

Ngày 2 Tháng Chín năm nay là kỷ niệm 72 năm Bản Tuyên Ngôn Độc Lập do ông Hồ Chí Minh đọc tại vườn hoa Ba Đình, thủ đô Hà Nội.
Đây là một văn kiện lịch sử, được coi như văn kiện gốc gác khai sinh ra nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa: Độc lập – Tự do – Hạnh phúc.
Thế nhưng sự thật có phải hoàn toàn thế không? Cuộc sống luôn luôn có những hoài nghi, nghi vấn, những câu hỏi đặt ra cần giải đáp. Kho tàng nhận thức khoa học và văn hóa của loài người luôn tiến bộ là nhờ những hoài nghi, phân vân, những câu hỏi, vướng mắc như thế.
Năm nay trên mạng Dân Làm Báo có bạn đặt ra câu hỏi, 72 năm kỷ niệm Tuyên Ngôn Độc Lập, nhưng hiện nước ta có thật độc lập không? Và bạn đó trả lời là không. Độc lập sao cứ phải lùi bước trước các mưu đồ bành trướng, xâm lấn lãnh thổ biển đảo của Trung Cộng, cứ phải coi Trung Cộng là người anh em đồng chí, bạn vàng thân thiết nhất, người Trung Quốc tràn ngập đất nước, nhận đấu thầu trên mọi lĩnh vực, mọi địa phương, hàng Trung Quốc bao gồm hàng giả, hàng rỏm, hàng độc hại tràn ngập đất nước! Rõ ràng nước ta chưa độc lập, không có độc lập. Mọi công dân yêu nước phải nhận cho thật rõ điều này.
Xin nhớ Linh Mục Nguyễn Văn Lý, người tù chính trị kiên cường đáng kính từng ghi trên đầu mỗi lá đơn gửi chính quyền 2 hàng chữ:
Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa
Không độc lập – Thiếu tự do – Chưa hạnh phúc

Với ý kiến chân thật này linh mục đã phải nhận bản án hơn 10 năm tù đày khốn khổ. Đây là khí phách của nhà khoa học Ý Galilê bị trói trên dàn thiêu, vẫn dõng dạc tuyên bố: “Dù sao thì trái đất tròn vẫn quay” khi nhà thờ buộc phải theo lời Chúa: Trái đất là một mặt phẳng.
Nhân ngày 2 Thang Chín năm nay, tôi xin nêu lên một câu hỏi, mong được các nhà nghiên cứu lịch sử trong và ngoài nước cho ý kiến. Phải chăng Bản Tuyên Ngôn Độc Lập 2 Tháng Chín, 1945 là bản tuyên ngôn Độc lập đầu tiên và duy nhất? Đã đến lúc phải rõ ràng, sòng phẳng với lịch sử trên tinh thần tôn trọng tuyệt đối sự thật, chỉ có sự thật là có giá trị.
Trong bản Tuyên Ngôn Độc Lập 2 Tháng Chín, 1945 có viết: “Sự thật là dân ta đã lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật, chứ không phải từ tay Pháp.” Và: “Nhân dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay, đánh đổ chế độ quân chủ lập nên chế độ cộng hòa.”
Theo tôi đó là những điều không hoàn toàn thật, mà một nửa sự thật không phải là thật.
Ta lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật. Sự thật ta có đánh Nhật không? Những trận nào? Hầu như không, ngoài một vài hành động của du kích Việt Minh đánh lén sau khi Nhật đã đầu hàng Đồng Minh, đánh lẻ tẻ để cướp súng của chúng. Sự thật là quân Nhật tự trao trả chủ quyền cho Việt Nam sau khi làm cuộc đảo chính Nhật – Pháp ngày 9 Tháng Ba, 1945, rồi sau đó Nhật đầu hàng Đồng Minh, buông súng để chờ quân Đồng Minh (quân Tàu Tưởng và quân Anh) vào giải giáp. Ta có đánh trận nào đâu! Nói ta lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật là nói quá, nói sai, không thật.
Còn nói: “Ta đánh đổ chế độ quân chủ lập nên chế độ cộng hòa” cũng là điều phóng đại không thật. Đánh đổ là đánh ở đâu, bằng cách nào, bao giờ? Hoàng triều Bảo Đại Tháng Chín năm 1945 là một chính quyền độc lập, do chính quyền Nhật Bản tự nguyện trao trả quyền độc lập qua cuộc đảo chính Nhật – Pháp ngày 9 Tháng Ba, 1945.
Xin mời các bạn đọc kỹ lại cuốn hồi ký “Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc” của ông Phạm Khắc Hòe, nguyên Đổng lý văn phòng vua Bảo Đại, do nhà xuất bản Hà Nội in năm 1985 kể rõ những sự kiện sau đây.
“Ngày 11 Thang Ba, 1945, tại đại nội giữa kinh thành Huế, vua Bảo Đại đích thân chủ tọa cuộc họp đặc biệt của Cơ Mật Viện, coi như Hội Đồng Chính Phủ. (Cơ Mật Viện gồm có 6 Cơ Mật Viện Đại Thần, là 6 bộ trưởng ngang nhau là các bộ trưởng Bộ Lại, Bộ Tài Chính, Bộ Lễ Nghi, Bộ Tư Pháp, Bộ Giáo Dục và Bộ Kinh Tế. Khi nhà vua vắng mặt, bộ trưởng Bộ Lại là người đứng ra triệu tập và điều khiển cuộc họp). Trong cuộc họp này, bộ trưởng Bộ Lại Phạm Quỳnh trình bày bản dư thảo ‘Tuyên bố Việt Nam Độc lập’ rất ngắn gọn. Bộ Trưởng Tư Pháp Bùi Bằng Đoàn đề nghị thêm một ý: ‘Cần nói rõ việc xóa bỏ các Hiệp Ước đã ký với Pháp.’ Cuối cùng đã thông qua văn kiện lịch sử như sau:
Lời tuyên bố Việt Nam Độc Lập (11 Thang Ba, 1945)
Cứ tình thế chung trong thiên hạ, tình thế riêng cõi Đông Á, chánh phủ Việt Nam công nhiên tuyên bố từ ngày nay điều ước bảo hộ với nước Pháp bãi bỏ, và nước Việt Nam khôi phục quyền độc lập.
Nước Việt Nam sẽ gắng sức tự lực tiến triển cho xứng đáng địa vị một quốc gia độc lập và theo như lời tuyên ngôn chung của Đại Đông Á, tự coi mình là một phần tử Đại Đông Á đem tài lực giúp cho cuộc thịnh vượng chung.
Vậy chính phủ Việt Nam một lòng tin cậy ở lòng thành thực của Nhật Bản đế quốc, quyết chí hiệp tác với nước Nhật, đem hết tài sản trong nước cho đạt được mục đích như trên.
Khâm thử
Bảo Đại
Toàn Viện Cơ Mật ký tên:
Lại bộ đại thần: Phạm Quỳnh
Tài chính bộ đại thần: Hồ Đắc Khải
Lễ nghi bộ đại thần: Ưng Úy
Tư pháp bộ đại thần: Bùi Bằng Đoàn
Giáo dục bộ đại thần: Trần Thanh Đạt
Kinh tế bộ đại thần: Trương Như Đính
Sáu ngày sau, ngày 19 Tháng Ba, 1945, sau vị Cơ Mật Viện đại thần trên đây cùng vào yết kiến nhà vua và trình lên tờ phiến như sau:
Ngày mồng Sáu Tháng Hai năm Bảo Đại thứ 20
(dương lịch ngày 19 Tháng Ba năm 1945)
Tâu Hoàng Đế,
Chúng tôi, cơ mật viện đại thần, phụng độc Thượng Dụ số 1 ngày mồng 4 Tháng hai năm Bảo Đại thứ 20 tuyên bố thánh ý quyết định từ nay Việt Nam độc lập, hoàng đế tự ra thân chánh cầm quyền thống trị và hiệu triệu nhân tài trong nước ra giúp việc cải tạo chính trị quốc gia.
Đối với nhu yếu của thời cuộc, cần phải lập ra một chính phủ mới, điều hòa được cả phái tân – cựu trong quốc dân. Vậy chúng tôi xin kính cẩn dâng phiếu này xin hoàng đế chuẩn cho cả ban cơ mật hiện thời chúng tôi công cộng từ chức.
Nay cẩn tấu.
Cơ mật viện đại thần:
Lại bộ thần Phạm Quỳnh
Tài chính bộ thần Hồ Đắc Khải
Lễ nghi bộ thần Ưng Úy
Tư pháp bộ thần Bùi Bằng Đoàn
Giáo dục bộ thần Trần Thanh Đạt
Kinh tế bộ thần Trương Như Đính
Theo tình hình trên đây, ngày 17 Tháng Tư, 1945, Chính Phủ Trần Trọng Kim ra đời tại Huế, bao gồm nhiều trí thức có tài, có uy tín xã hội như Giáo Sư Hoàng Xuân Hãn, Luật Sư Phan Anh, Luật Sư Trịnh Đình Thảo, ông Hồ Tá Khanh, Bác Sĩ Vũ Ngọc Anh, Luật Sư Trần Văn Chương, Tiến Sĩ Vũ Văn Hiền, ông Nguyễn Hữu Thi… Chính Phủ Trần Trọng Kim tồn tại hơn bon tháng, đến ngày 25 Tháng Tám, 1945, khi vua Bảo Đại tự nguyện thoái vị trước yêu cầu của Việt Minh, tổ chức bề mặt của đảng Cộng Sản Đông Dương, được giấu mặt rất kỹ lưỡng trước nhân dân ta và thế giới.
Hơn 4 tháng cầm quyền, Chính Phủ Trần Trọng Kim đã lập nên 5 thành quả đáng nhớ, đó là lập nên “Quốc hiệu Việt Nam;” thả hết tù chính trị; chống đói ở miền Bắc qua cơn đói kéo dài; dùng tiếng Việt trong ngành giáo dục rộng khắp từ bậc tiểu học đến bậc đại học; tiếp thu Nam Bộ – thống nhất đất nước, – Nam Bộ vốn theo quy chế thuộc địa của Pháp; và chuẩn bị thảo Hiến Pháp mới với hội đồng soạn thảo gồm các ông: Phan Anh, Nguyễn Tường Long, Vũ Đình Hòe, Huỳnh Thúc Kháng, Đặng Thai Mai, Tôn Quang Phiệt, Hồ Tá Khanh, Nguyễn Văn Sâm, Nguyễn Văn Thinh, Hồ Hữu Tường. Nhược điểm lớn nhất là chính phủ này hiền quá, không có Bộ Quốc Phòng và Bộ Công An, chỉ có bảo an binh rất ít và yếu.
Do những sự thật ở trên, bản Tuyên Ngôn Độc Lập 2 Tháng Chín, 1945, đã có những điểm không chuẩn xác là: “Dân ta lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật,” “dân ta đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm, đánh đổ chế độ quân chủ lập nên chế độ Cộng Hòa.”
Sự thật là nhân dân ta hồi đó đã mặc nhiên hưởng lợi từ chuyện Nhật hất cẳng Pháp trong cuộc đảo chính Nhật – Pháp ngày 9 Thang Ba, 1945, quân Pháp bỏ chạy sang Trung Quốc, đất nước từ đó có độc lập với đầy đủ chủ quyền, với “Lời Tuyên bố Việt Nam Độc lập” ngày 19 Tháng Ba, 1945, sau đó nhân dân ta lại hưởng lợi từ chiến thắng của Đồng Minh trong Thế Chiến II, buộc quân Nhật phải đầu hàng, buông súng chờ bị giải giáp, tạo nên một khoảng trống về quyền lực.
Cho nên cái gọi là tổng khởi nghĩa Cách Mạng Tháng Tám trên thực tế là cực kỳ ôn hòa, không đổ máu, không có nổ súng chiến đấu, không có xung đột và chết chóc. Đảng Cộng Sản Đông Dương dưới danh nghĩa hiền lành yêu nước Việt Nam độc lập Đồng Minh – Việt Minh – đã tận dụng được khoảng trống, không có quyền lực vũ trang của nền độc lập non trẻ để dễ dàng cướp chính quyền và cướp luôn tính chính nghĩa về mặt hình thức, qua che dấu kỹ bản chất độc đoán đảng trị của mình.

Kiểu ăn gian giấu mặt này ngày càng lộ rõ. Đảng Cộng Sản chơi trò “đoàn kết dân tộc,” coi trọng các trí thức dân tộc, các nhân sĩ quan lại cũ cho đến nhà Vua – trở thành cố vấn Vĩnh Thụy, ve vãn các nhà kinh doanh yêu nước đóng góp hàng 5 ngàn lạng vàng trong Tuần lễ Vàng, chỉ khi họ còn ở trong thế cô đơn, yếu ớt, quân Pháp trở lại, biên giới chưa nối được với Đảng Cộng Sản Trung Quốc đàn anh. Từ sau chiến dịch biên giới 1950, bắt tay với ông Mao, tiếp nhận đoàn cố vấn Trung quốc, là họ trở mặt ngay: các trí thức, nhân sĩ cho về nghỉ, các trung nông – trí thức nông thôn bị nâng cấp là địa chủ (17,000 người bị bắn và chôn sống) trong cải cách ruộng đất, các nhà tư sản bị đấu tố và tịch thu tài sản, rồi giải phóng miền Nam thống nhất đất nước chỉ là chiếm đóng và trả thù miền Nam, phản bội lời hứa hòa hợp hòa giải dân tộc… nền chuyên chính độc đảng ngày càng lộ liễu, rữa nát, xã hội băng hoại, giáo dục cực kỳ lạc hậu, y tế bệ rạc… dẫn đến thảm họa ngày nay chưa có lối thoát.
Xin để các nhà sử học dân tộc và toàn dân lên tiếng đánh giá công và tội của đảng Cộng Sản Việt Nam sau 72 năm cầm quyền không chia sẻ cho ai.
Để đến nay các danh từ cách mạng, dân chủ, độc lập, bình đẳng, phát triển trở nên mỉa mai, cay đắng, vì đều không có nội dung thật. Một chuỗi dài lừa dối, khoa trương, lộng ngôn, đại bịp, đều bị bộc trần dưới một sự quan sát, phân tích khoa học, khách quan, tôn trọng sự thật và chỉ có sự thật.

September, 2.2017
Bùi Tín

https://www.voatiengviet.com


Phụ nữ Pháp có xu hướng quay về nếp cũ?

Nguyễn thị Cỏ May

Nhiều người vẫn có thành kiến cho rằng phụ nữ Pháp sống phóng túng vì quá tôn thờ chủ nghĩa tự do cá nhơn. Họ chỉ biết quyền lợi bản thân của họ là trên hết. Những Hội nghị Quốc tế Nhơn quyền là những dịp Nữ quyền được đề cao. Như quyền làm chủ thân thể của mình.
Cũng từ đây, tập quán sanh hoạt của phụ nữ Pháp thay đổi. Đời sống sanh lý của họ cũng thay đổi. Ngày nay, người phụ nữ có nhiều tình nhơn gấp ba lần hơn ngày trước.
Theo kết quả điều tra của Viện ICM (Institut de la Communication et des Médias), năm 1960, người phụ nữ 24 tuổi có trung bình 1,67 tình nhơn. Ngày nay, các bà, các cô không ngại lớn tiếng khoe mình có trung bình 5,67 bạn tình.
Sau cuộc biến loạn của giới trẻ ở Paris năm 1968 do Tả phái tổ chức, và luật phá thai ra đời năm 1970, người phụ nữ Pháp được thật sự giải phóng về mặt sanh lý và con số bạn tình của phụ nữ cũng từ đây gia tăng theo sở thích. Chỉ một sớm, một chiều đã vọt lên 3,72 tình nhơn cho mỗi phụ nữ. Nhưng phải đợi tới năm 2000, số tình nhơn của mỗi phụ nữ mới vụt lên chóng mặt. Theo 10% phụ nữ được hỏi trả lời rõ ràng là các bà, các cô biết qua ít nhứt mười người bồ trước khi dừng lại ở người khả dĩ "OK"!
Nhưng ngày nay, đời sống, cung cách sanh hoạt, và cả thời trang của người phụ nữ Pháp lại một lần nữa thay đổi. Nhưng thay đổi âm thầm, kín đáo.

Thời trang phụ nữ
Y phục mặc bên ngoài dĩ nhiên thay đổi theo mùa, với những kiểu cách mới. Thời trang Pháp của các nhà tiếng tăm xưa nay, như Dior, Nina Ricci, Chanel... thay đổi ít hơn, chậm hơn (2 lần/năm: Xuân-Hạ và Thu-Đông) so với những nhà thời trang mới của Mỹ, Espagne. Nghe nói sản phẩm của Zara, H&M, cứ mỗi 3 tháng, có kiểu mới tung ra thị trường.
Nhưng thứ thời trang kín đáo của phụ nữ, bám sát người phụ nữ từ cả trăm năm nay, cũng bắt đầu bị nhiều bà bỏ rơi để trở về với sự thoải mái thật sự.
Từ thời thượng cổ, người phụ nữ đã biết dùng phưong tiện kín đáo bảo vệ bộ ngực của mình và nâng cao lên. Phương tiện này được cải tiến từ từ và theo đó, tên gọi cũng thay đổi để sau cùng có tên là "soutien-gorge" (nịt ngực) như ngày nay ta biết, hoặc "brassière". Chữ "gorge", dùng một cách bóng gió để tránh nói rõ " bộ ngực" hay "cặp vú" (Từ điển tiếng pháp Allain Rey, Ed. 1999). Về tên gọi "brassière", hay "bra", ở Pháp không thấy, nhưng ỏ Québec, Canada, hãy còn thông dụng.
Chiếc áo "nịt ngực" được người phụ nữ dùng cho nhiều mục tiêu khác nhau, nhưng mục tiêu để làm nổi bật dáng vóc thân hình phụ nữ, làm cho bộ ngực phụ nữ tăng thêm giá trị thẩm mỹ, là chủ yếu hơn hết. Cũng như nhiều loại quần áo mặc bên trong của phụ nữ, áo nịt ngực đóng vai trò quyết định trong quan hệ giữa thân thể với y phục thời trang bên ngoài, trong sự biến đổi thân thể tự nhiên trở thành một thân thể văn hóa, một thân thể phản ánh bộ mặt xã hội.
Nhờ những tiến bộ ngành vải sợi, chiếc nịt ngực ngày nay kết hợp được hai yếu tố, sự thoải mái cho người mặc với nét hấp dẫn cho người nhìn.
Nhưng hiện có không ít phụ nữ không mặc áo nịt ngực nữa vì thấy không được thoải mái và hoàn toàn không hiệu quả ngăn chận bộ ngực chảy xệ xuống tới rún.
Một cuộc nghiên cứu khoa học dựa trên 330 phụ nữ trong 15 năm đã xác nhận không mặc áo nịt ngực tốt hơn cho sức khỏe, cặp vú tự nhiên được nâng lên 7 mm mỗi năm so với hai bờ vai, ngực có xu hướng rắn chắc lại và những vết hằn ửng đỏ trên da biến mất. Ngoài ra, một số phụ nữ tranh đấu nữ quyền còn cho rằng áo nịt ngực chỉ là công cụ áp bức và gây đau đớn cho cơ thể người phụ nữ mà thôi.
Người phụ nữ có ý muốn trở về với nếp sống theo tự nhìên của thời xưa, đơn giản bớt những ràng buộc của xã hội tiêu thụ ngày nay.

Một khi chia tay
Người phụ nữ Pháp xưa nay nổi tiếng là thanh lịch. Về ăn diện, nghệ thuật trang điểm của các bà đầm khó có ai qua mặt được. Nhưng điều đáng đề cao là các bà giữ được cách hành xử khi phải chia tay với chồng làm cho các ông ngày nay chỉ có biết dở nón tỏ lòng thán phục mà thôi. Không tỏ thái độ, lời nói, biểu lộ sự oán hận, thù hằn, mà vẫn giữ sự vui vẻ, bình thản, cả thân tình vì đã có với nhau một thời gian dài sống chung với nhau. Họ thật lòng trân quí những kỷ niệm đẹp với nhau.
Dĩ nhiên họ khó kìm giữ đưọc sự đau khổ. Họ khóc, nhưng khóc kín đáo, một mình, khóc cho chính họ, để giải tỏa sự đau khổ, thất vọng. Họ biết để mối quan hệ vợ chồng lại phía sau vì nó không còn với mình nữa. Để lấy lại phong độ trong cuộc sống hằng ngày. Sống với cái đầu mới mẻ hơn.
Trước hết, người phụ nữ sẽ chăm sóc kỷ hơn dung nhan của mình sau khi chia tay. Như làm một kìểu tóc mới cho trẻ trung hơn. Màu son tươi hơn, y phục đơn giản nhưng không thiếu nét "chic". Nghĩa là họ biến cuộc chia tay trở thành một cơ hội đổi mới từ phong cách tới tâm hồn, tức cách suy nghĩ, quan niệm cuộc sống. Sự thay đổi còn giúp họ nhìn lại họ rõ hơn, cảm thương bản thân mình hơn. Phải chăng đó là lý do tại sao ngày nay có nhiều phụ nữ tìm đền Thiền đường, Yoga để sống những khoảnh khắc thoải mái, tự tại, trọn vẹn với chính mình. Sống đời sống thật của mình, với chính mình. Một xu hướng sống mới của những người phụ nữ trẻ, nhưng chỉ là một hiện tượng trở về với nếp cũ đã có từ hằng ngàn năm qua.

Người phụ nữ ngày nay trước diễn tiến xã hội
Ở Vìệt nam thời xưa, người con gái qua khỏi hai mươi là kể như khó lấy chồng. Họ kỵ tuổi " hâm" lắm. Người ta bị ám ảnh cái gì cũ, muốn cho nóng sốt, phải đem hâm lại. Tuổi lý tưởng của người con gái lấy chồng là "trăng tròn", tức 16 tuổi.
Ở xứ Pháp, với nền văn hóa tôn trọng tự do cá nhơn, các cô có toàn quyền quyết định đời sống riêng của mình. Nhưng nổi lo về cơ hội lập gia đình, sanh con cái, ngày nay đang trở thành vấn đề khó khăn cho các cô, nhứt là các cô đẹp, học giỏi, đang có địa vị xã hội cao. Chờ gặp được người thích hợp, tương xứng lứa đôi thì thời gian không chờ người. Về mặt làm mẹ, khi đã tới 25 tuổi, khả năng sanh đẻ là 25%, khi lên 35 tuổi, còn 12%, tới 40 tuổi, chỉ còn 6%.
Để giải quyết tình trạng khó khăn này, người phụ nữ Pháp ngày càng nhiều, tìm tới các Trung tâm y tế nhờ cất giữ dùm trứng của mình bằng phương pháp đông lạnh, giá tối thiểu là 5500 euros. Như đi mua bảo hiểm cho khả năng sanh đẻ, phòng khi muốn có con, có thể thực hiện được.
Việc lập gia đình, kịp sanh con cái của những phụ nữ đẹp, học giỏi, có địa vị xã hội cao ngày càng trở nên gay gắt hơn. Những người phụ nữ này, hoàn toàn không do áp lực gia đình, chỉ muốn kết hôn với người đàn ông, về mặt kiến thức, phải ít nhứt tương đương với mình. Giống như tập tục đông phương chọn môn đăng hộ đối của thời xưa vậy. Trong lúc đó, việc học hành của nam giới ở Pháp ngày càng sa sút so với nữ giới.
Sự chênh lệch về tỉ lệ nam/nữ thành công ở Đại học Pháp ngày càng làm cho các cô, các bà thêm thất vọng. Từ năm 2000, có 54% nữ sanh viên trong các Đại học, năm 1984, tỷ lệ đó là 45%.
Ngoài lý do học kém, địa vị xã hội thấp, người đàn ông Pháp ngày nay còn mang thêm tâm lý lo ngại sự thăng tiến nghề nghiệp của phụ nữ mau hơn sẽ trở thành mối hăm dọa đời sống gia đình.
Khi người phụ nữ, chẳng những bình quyền về mặt xã hội, mà còn vượt lên thì họ lại phải sống với nổi buồn riêng của mình, sự cô đơn của người phụ nữ. Một mái ấm gia đình, với tiếng cười của trẻ con là điều vẫn còn trong mong ước.

Có giải pháp không?
Có giải pháp chớ nhưng phải do người phụ nữ dám thay đổi cách suy nghĩ, thay đổi quan niệm lập gia đình.
Tại sao không kết bạn đời với người học kém hơn mình, địa vị xã hội thấp hơn mình mà có tấm lòng tốt, hết lòng thương yêu mình? Quan hệ vợ chồng là quan hệ con người chớ không chỉ quan hệ về mặt xã hội.
Người phụ nữ Pháp ngày nay đã bắt đầu trở về với hình ảnh người phụ nữ truyền thống. Họ nhận thấy cách ứng xử mềm mỏng, dịu dàng, đầy nữ tính, tài nội trợ... mới là giá trị đích thực, mới là địa vị cao quí của người phụ nữ trong gia đình và cả ngoài xã hội.
Trong xã hội tân tiến ngày nay, sự mạnh mẽ, sự sắc sảo của một phụ nữ năng động là ưu điểm để thành đạt nhưng sự nhu mì, chu đáo, sâu sắc, tế nhị của người phụ nữ truyền thống bổng trở thành những giá trị tiêu chuẩn cho một số phụ nữ ngày nay chọn xây dựng đời sống.
Nguyễn thị Cỏ May

 

Đăng ngày 07 tháng 09.2017