banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Bang hội Tàu ở Paris

Nguyễn thị Cỏ May

Trong một bài trước, Cỏ May có nói phớt qua Hội Tam Điểm của Tàu ở Paris. Nay, Cỏ May trở lại với thêm vài chi tiết để thấy Hội kín của Tàu hoạt động ỏ Paris, điều này muốn nói lên một sự thật là nơi nào có Tàu tới ở và làm ăn thì sau đó Bang hội, hội kín sẽ bám theo để hoạt động trong cộng đồng người Tàu. Báo chí pháp gọi hội Tam Điểm (La Triade hay Tam Hiệp hội) là "mafia tàu" do hoạt động của tổ chức bí mật này.

Một lãnh thổ Tàu trên đất Pháp
Ở Pháp do chánh sách "hội nhập", mặc cảm thực dân cũ và nặng nề hơn hết là lá phiếu cử tri gốc di dân mà chánh phủ mặc nhiên chấp nhận trong thành phố có những khu gần như hoàn toàn tự trị của di dân định cư. Tới thành phố Marseille, miền Nam nước Pháp, người ta sẽ có cảm tưởng ngay đó là thành phố Phi châu. Chỉ có ông Thị trưởng là người Pháp. Ngoại ô phía Bắc Paris, tỉnh Seine Saint Denis (93), có nhiều thành phố ở đó khó tìm được một người Pháp chánh cống. Nhiều gia đình không cho con em đi học vì không muốn học theo văn hóa Pháp. Họ sống như đang sống ở Phi châu, với cả những tập tục bộ lạc của họ. Cũng ở tỉnh 93 này, thành phố Aubervilliers, nằm sát Paris, nay thuộc người Tàu "làm chủ". Người Tàu này tới từ lục địa. Họ không thuận với Tàu tới trước như ở Quận 13 vì Tàu ở đây đi theo làn sóng tỵ nạn cộng sản ở Đông dương cộng thêm ít tàu Hồng kông ăn có, tới với giấy tỵ nạn mua ở trại. Nhóm Tàu nữa tới từ lục địa lập nghiệp ở Quận XX cũng không mấy ăn ý với 2 nhóm kia. Họ cũng tổ chức đời sống riêng của họ ở đây, giữ truyền thống đặc sệt Tàu như xí xô xí xào ầm ỉ, khạc nhổ xuống đất, cả trong tiệm ăn, giành nhau ưu tiên, không biết xếp hàng theo thứ tự. Còn việc làm ăn của Tàu, nói chung, chỉ có người trong cuộc mới biết.
Báo chí Pháp ngày nay cũng phải thừa nhận Aubervilliers là "một vùng lãnh thổ của Cộng Hòa Pháp hoàn toàn bị mất". Cảnh sát CRS - như cảnh sát dã chiến - bị cấm tới. Nhiều người dân Pháp sanh sống trước giờ ở đây nay phải bỏ trốn tới nơi khác ở để tránh cho con cái những thảm cảnh xảy ra không biết lúc nào.
Aubervilliers kết nghĩa với thành phố Á rập Beit Jala ở Palestine nên đã trở thành thành phố Hồi giáo. Hơn 88% (trên dân số là 75000) dân ở đây là Á rập và đen Hồi giáo. Người Tàu di dân từ lục địa tới đây lập nghiệp, nhờ điều kiện kinh doanh dễ dàng do chánh quyền thị xã dành cho cùng với cam kết sẽ thâu nhận công nhơn là dân ở đây làm việc. Chẳng mấy lúc, Aubervilliers trở thành nơi xuất nhập cảng, sản xuất hàng hóa Tàu, phân phối đi các nơi khác ở Âu châu, nhứt là qua Đông Âu, cả Nga. Dân Hồi giáo bắt đầu cảm thấy tự ái bị tổn thương trước sự năng động làm ăn ngày càng phát triển của người Tàu mới tới xứ của mình trong lúc đó mình lại sống vất vưởng bằng tiền trợ cấp xã hội. Thế là dân Hồi giáo, chủ nhà, bắt đầu đặt ra luật lệ của mình. Người Tàu trở thành nạn nhơn. Họ bị xách nhiểu, hành hung, móc túi, trấn lột khi họ ra về hoặc tại cơ sở buôn bán. Người Tàu khiếu nại chánh quyền. Thị xã biết và đề nghị thâu nhận dân Hồi giáo Đen và Á rập làm việc để chấm dứt tình trạng bất ổn này nhưng người Tàu từ chối bởi dân Đen và Á rập không thể làm việc như dân Tàu. Hơn nữa, mục đích của người Tàu là thâu nhận công nhơn người Tàu, vừa giúp đỡ đồng bào, khuyến khích người Tàu tới Pháp sanh sống đông đảo, vừa kín đáo trong việc làm ăn của họ.
Dân Hồi giáo tăng cường bạo loạn chống Tàu, cả với khẩu hiệu "Tàu hãy cút đi". Hàng chục cửa hàng bị đập phá, cướp giựt hàng hóa.
Một hôm, chủ nhơn Tàu tổ chức một buổi họp gồm chánh quyền Thị xã, Đại diện Tòa Đại sứ Tàu ở Paris để tìm giải pháp. Trong buổi họp, họ đã nói thẳng "Nếu chánh quyền Pháp bất lực, họ sẽ nhờ mafia Tàu bảo vệ họ (Tuần báo Marianne, Paris,số 852).
Tin buổi họp loan truyền ra ngơài. Từ nay, tình hình tự lắng dịu từ từ. Có lẽ vì dao mác nhà bếp ngắn so với dao mác nhà nghề! Hơn nữa, phim Kongfu vẫn còn gây ấn tượng sâu đậm ở dân Đen và Á rập.
Aubervilliers bắt đầu thay đổi bộ mặt mới, trở thành một thành phố của cộng đồng người Tàu tới từ hoa lục ngự trị với qui luật của họ. Nơi xuất cảng, phân phối hàng hóa rẻ tiền cho các chợ. Và cũng là nơi làm ăn lậu nhiều thứ, nhiều công nhơn không giấy tờ...
Dân Đen và Á rập đành bằng lòng, sáng ra, tụ tập trước cổng khu Tàu, chờ hàng hóa tới, công nhơn Tàu làm không kịp, được mướn với năm ba chục euros, trả ngay tiền mặt.
Chánh sách hội nhập, tính đa văn hóa của Pháp chủ trương, có lẽ như thế đã thành công!

Tam Điểm, Thiên Địa hội, Mafia
Bang hội Tàu là tổ chức ái hữu, tương thân tương trợ thật sự, đúng nghĩa. Kìều dân Tàu sống khi gặp khó khăn nhờ Bang hội giúp đỡ cụ thể. Họ tuân hành tiếng nói của Bang hội. Ông Bang trưởng có ảnh hưởng, cả uy quyền rất lớn đối với kiều dân đồng hương. Bang hội hoạt động mạnh, được trọng nhờ kinh nghiệm sống lưu lạc qua nhiều thế hệ.
Ngoài Bang hội, người Tàu còn có hội kín hoạt động trong bóng tối vi phạm pháp luật nhưng vẫn tồn tại qua suốt thời gian dài cho tới ngày nay, cả ở hải ngoại, tức chổ nào có người Tàu sanh sống là có Hội kín. Báo chí, sách vở tây phương gọi là "mafia tàu " hay nói rõ hơn, đó là "Triade".
Triade, có người gọi là Tam Điểm. Đúng ra là Thiên Địa hội hay Tam Hoàng.
Gọi Thiên Địa hội (Tiandihui) vì nó được tượng trưng bằng một tam giác mà con người làm gạch nối giữa Trời và Đất.
Thiên Địa hội đầu tiên ra đời từ năm 1644, lúc nhà Minh bị nhà Mãn Thanh lật đổ. Một nhóm 108 vị tu sĩ Phật giáo đứng lên chỉ huy cuộc nổi loạn chống lại nhà Mãn Thanh ở phía Đông-Nam nước Tàu. Hội Tam Điểm ngày nay có nguồn gốc từ đó.
Tam Điểm gồm có 2 cánh rất riêng biệt rõ ràng. Một cánh có nguồn gốc quốc gia chủ trương phản Thanh phục Minh. Nhóm này gồm lối 50 hội nhỏ họp lại, hoạt động bí mật, đều có căn cứ trên đất Tàu. Tới năm 1949, Mao Trạch-đông chiếm trọn nước Tàu, lập chế độ cộng sản, ra lịnh cấm Hội Tam Điểm hoạt động nên họ phải trốn khỏi lục địa, chạy qua Hongkong, Macao và Taïwan. Từ đây, hội Tam Điểm hay Thiên Địa hội chỉ còn là cái bóng mờ của quá khứ hào hùng, ái quốc. Họ biến chất trở thành băng đảng mà hoạt động là tội phạm có tổ chức. Trong số 50 hội này có ít lắm 7 hội có tầm vóc quốc tế. Ngoài Hội Tam Điểm, Tàu lục địa ngày nay có thêm nhiều băng đảng mới thành hình dưới chế độ cộng sản, nếu báo chí Tây phương gọi mafia tàu thì không xa thực tế lắm.
Những băng đảng mới hay mafia tàu đang có mặt trên khắp thế giới, trong cộng đồng người Tàu. Họ làm tiền bằng buôn bán ma túy, tống tiền, rửa tiền, buôn lậu võ khí, đưa lậu người ra ngoại quốc.
Họ hoạt động trong cái thế giới riêng của họ và kín đáo, không đụng chạm vô cớ tới xã hội bình thường.

Tại sao Tam Đìểm Tàu ở Paris phát triển mạnh?
Vì hội kín nên Tam Điểm hay Thiên Địa hội hay mafia tàu ở Paris, không ai biết họ là những người nào, ở đâu? Nhưng có điều mà ai cũng biết là họ rất đáng sợ. Vì họ có mặt ở khắp nơi, bất cứ lúc nào, dám làm bất kỳ điều gì theo lịnh Đại ca. Họ bám rất chặt Paris và vùng Paris.
Tam Điểm hay Thiên Địa hội không giống mafia Ý hoặc mafia Nga. Họ rất năng động và tầm hoạt động rất rộng và bám sát môi trường của họ. Trong một báo cáo hàng năm của Pháp về tổ chức tội phạm có tổ chức xác nhận mafia tàu rất kín đáo và rất hữu hiệu. Giám đốc cơ quan sưu tầm và phân tách chiến lược tội phạm có tổ chức (CIRASCO), ông François-Xavier Masson, xác nhận họ là một thế giới không dễ xâm nhập vào được.
Ở Pháp khác với Ý hay Espagne, không có những cuộc hành quân cảnh sát lớn nhằm vào băng đảng Tàu. Nhưng họ theo dõi sát một số hoạt động của băng đảng Tàu. Một nhơn viên cảnh sát (CIRASCO) cho biết trên 3 hồ sơ khác nhau về mãi dâm, làm lậu và ma túy vừa được giải quyết, kết luận thì tất cả đều qui về người trách nhiệm dẫn lên tới đỉnh hình tháp.
Không giống những tổ chức xã hội đen khác, băng đảng Tàu không dùng nước Pháp làm nơi ẩn núp, rửa tiền, mà họ chỉ huy nhiều cơ sở thương mãi, từ mãi dâm tới ma túy, làm giả hàng hóa, làm giấy tờ giả, đưa lậu người ra ngoại quốc hoặc vào Pháp. Băng đảng Tàu luôn luôn hoạt động tự túc, độc lập làm cho mọi theo dõi của cảnh sát Pháp gặp nhiều khó khăn.
Từ lâu nay, họ tập trung mạnh vào việc rửa tiền và chuyển tiền mà phần lớn chuyển về Tàu. Những nhà điều tra của Pháp ước tính cho tới nay dịch vụ này hằng năm lên tới cả trăm triệu euros.
Giới chức Pháp theo dõi, biết rất rõ một số hoạt động của băng đảng tội phạm có tổ chức của Tàu trên đất Pháp, nhưng họ chờ khi nào có đủ bằng cớ, nắm trọn mạng lưới, mới ra tay tóm một lần cho trọn gói. Nhưng tránh né là nghề của băng đảng tài ba như Tam Đìểm. Cảnh sát chưa kịp ra tay thì họ bìến mất, thay đổi địa bàn hoạt động làm cho cảnh sát phải bắt lại đường dây theo dõi nữa.
Băng đảng tuy ghê gớm nhưng họ không đụng chạm tới đời sống bình thường của dân chúng Pháp. Nhưng gần đây, vì có nhiều trường hợp khá nghiêm trọng, làm cho cộng động người Tàu ở Paris đã phải lên tiếng và tố cáo nên họ đã phải lắng dịu bớt. Cá sống nhờ nước mà nước dậy sóng thì cá phải tạm thời lẩn trốn!

Nguyễn thị Cỏ May


Thần tượng

Thùy Nguyễn

Bài viết của tác giả Thùy Nguyễn, hiện là bác sĩ ở TP Westminster, California, Hoa Kỳ.

Thế giới thay đổi và Việt Nam cũng phải thay đổi.
Sau 75, chúng tôi trở thành kẻ thua cuộc, cho dù chưa bao giờ ra trận, cho dù vào năm 75, chúng tôi vẫn còn là học sinh.
Họ là kẻ chiến thắng và họ có thể chửi chúng tôi bất cứ lúc nào trong những buổi họp tổ dưới cái tên gọi mỹ miều: Phê và Tự Phê. Chúng tôi học cách im lặng để sống, một con giun học cách lách mình để tránh khỏi cái đạp nghiền nát của kẻ mệnh danh là con người vĩ đại làm nên kì tích cho dù thân phận giun dế chẳng làm hại đến ai và rồi trở thành hèn lúc nào cũng không hay. Hôm xem phim The Hunter Games, tôi khóc ngon lành, cả một quá khứ dường như sống dậy. Một thời kinh hoàng mà tôi đã từng sống qua.
Tôi bước chân vào đại học ở tuổi 18, những chiếc áo dài trắng nữ sinh xếp lại và thay bằng quần tây áo sơ mi. Những chiếc quần tây áo sơ mi chỉ mặc khi đi học tư Anh Văn ở Hội Việt Mỹ trước 75, sau vài năm, đã trở nên sờn mông, tôi may lộn mặt trong ra cho đỡ trông cũ kỹ, cái màn treo cửa mẹ cho phép tôi mang xuống, những vạt áo dài của chị, của mẹ bị cắt xén, may dúm dó trông đến phát tội nghiệp vì tôi chỉ là cô thợ may bất đắc dĩ vụng về (1).

Hình năm 1978, lúc tác giả (áo bông) là sinh viên y khoa ở Sài Gòn. Ảnh: Thùy Nguyễn

Có những buổi đi học, học chuyên môn thì ít mà chính trị thì nhiều, ngồi câm lặng nghe chửi, đêm về là những giấc ngủ chập chờn, chóng mặt xây xẩm mỗi khi trở mình ở một đứa trẻ chưa tới tuổi 20.
Dù muốn hay không tôi đã sống đời viễn xứ. Bỏ tất cả sau lưng, tôi đến Mỹ ở tuổi trễ tràng, bắt đầu cắp sách, đón xe buýt đi học, với ước mong hoà mình vào cuộc sống mới đầy xa lạ.
Ngoài những môn khoa học bắt buộc, tôi phải lấy những môn phụ như ngoại ngữ, triết học, lịch sử, và một trong những lớp ấy là lớp Lịch Sử Hoa Kỳ ở Thế Kỷ 20 (American History in the Twentieth Century).

Ảnh chụp năm 1988, khi tác giả là sinh viên ở Mỹ. Ảnh: Thùy Nguyễn

Học lớp này mà tôi ngỡ như mình đang theo học lớp triết học Mác Lênin ở Việt Nam. Cô giáo của tôi, cô Reyburn (lâu ngày tôi quên mất tên, nhớ mang máng) thuộc loại dân hippy của thập niên 60’s, thần tượng Karl Marx, say sưa nói về chiến thắng mùa xuân 75 ở VN, mở màn cho phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới, san bằng khoảng cách giữa giàu và nghèo. Cô kể cô đến Đông Đức, tuy không có những cuộc sống thoải mái như ở Mỹ, nhưng công nhân Đức không bị bóc lột, mọi người sống trong ấm no, hạnh phúc. Rồi cô say sưa nói về động lực thúc đẩy cho sự phát triển xã hội là Phê-Tự Phê, cô có đến dự và nó hết sức dân chủ, ai cũng có quyền phát biểu ý kiến của mình để xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn. Cô nói đến đây, tôi thấy điên lên và giơ tay xin góp ý.
Được cô cho đồng ý, với số vốn liếng Anh ngữ hạn chế và giọng nói đầy ngọng nghịu, tôi bảo tôi biết rõ cái thực chất Phê- Tự Phê. Nó là cái thang để người ta bước lên đài danh vọng và đẩy bạn mình xuống địa ngục trần gian. Ở XHCN (lúc ấy, không phải bây giờ), điều quan trọng là quyền lực, vì Đảng lãnh đạo, và họ chỉ có 1 con đường do họ quyết định, những ai làm trái ý họ sẽ bị thủ tiêu (Đảng ta với chủ trương chuyên chính vô sản và bạo lực Cách Mạng, những ai đi ngược với đường lối của Đảng sẽ bị bánh xe lịch sử Nghiền Nát). Cộng Sản nói vậy nhưng không phải vậy và hàng trăm ngàn người chết trong tù cải tạo và hàng trăm ngàn người chết trên đường vượt biên.
Tưởng nói trái ý với cô như thế, Reyburn sẽ trù dập tôi. Nhưng không. Cô ráng nghe tôi trình bày bằng tiếng Anh ngọng nghịu. Cô bảo “Thuy, you have first hand knowledge and maybe East Germany is different than Vietnam” (Thuỳ, em có kinh nghiệm sống, và có thể ở Đông Đức khác với Việt Nam).
Ngay sau đó xảy ra sự sụp đổ Bức Tường Bá Linh và vụ sinh viên Trung Hoa bị đàn áp đẫm máu tại Thiên An Môn. Reyburn không còn sự say mê trong việc rao giảng chủ nghĩa xã hội. Tôi biết cô buồn lắm. Niềm tin đã mất. Thần tượng bị sụp đổ. Tôi muốn nói với Reyburn rằng việc cô thần tượng Karl Marx không gì sai, cô tin vào việc ấy làm xã hội tốt đẹp hơn, con người đối xử với nhau công bằng hơn. Khoá học ấy tôi được điểm A, và tôi biết rằng Reyburn là một người Mỹ thật sự, đối với cô sự tự do ngôn luận vô cùng quan trọng, cô chấp nhận những quan điểm khác biệt và ngay cả đi ngược với quan điểm của cô.
Sự sụp đổ ở Đông Đức kéo theo sự sụp đổ của các nước Đông Âu XHCN và Liên Xô, và Việt Nam không còn là lá cờ đầu trong phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới. Thế giới Cộng Sản co cụm lại và họ phải thay đổi để sống còn. Nếu họ từng thần tượng học thuyết Tiến Hoá của Darwin thì đây là bằng chứng rõ ràng nhất, điển hình nhất của quá trình đào thải của sự chọn lọc tự nhiên. Những gì không thích cho quá trình tiến hoá sẽ bị loại trừ. Vài ba nước còn lại cứ bám vào CNXH mà thực xã hội ấy không hề mang tính chất XHCN của Marx và Engels. Đây là một xã hội người bóc lột người vô cùng dã man, chế độ gọi là CS nhưng không hề đại diện cho giai cấp công nhân, nông dân, và nhân dân lao động. Khoảng cách giàu nghèo càng cách xa. Khi xem phim The Hunter Games nước mắt của tôi cứ lăn dài trên má, thi đua nhau rơi lã chã. Trong phim này, giai cấp thống trị sống trong giàu sang, phè phỡn và xem những trò giết người của những người dân như thú vui tiêu khiển. Những người dân thuộc 2 bộ lạc sống như thời bán khai, họ xung phong ra giết nhau chỉ vì cái danh “tập thể anh hùng” cho bộ lạc ấy. Họ giết nhau man rợ, người với người, cho dù chưa từng quen biết nhau.
Khi tôi kể với cô Quỳnh về việc này, em ấy nói ở Việt Nam có chiếu phim này. Thể họ nghĩ sao, tôi hỏi em? Bình thường, giải trí như những phim khác.
Thỉ ra chỉ mình tôi, một con chim thoát khỏi cái lồng, đau đớn nhìn vào cái lồng đang thấy những con chim đồng loại của mình đang chém giết nhau, những con chim đầu đàn nhìn đàn chim rướm máu chờ chết, đang cất lên nhũng tiếng kêu khoái trá … còn những con chim trong lồng vẫn sống vô tư cho dù nó đang bị dày xéo thảm thương, máu chảy ra đến chết.
Như đã nói ở trên, tôi không thấy gì sai ở cô Reyburn khi cô thần tượng Marxism vì đó là ý tưởng tốt của cô, xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn. Những ai còn có thần tượng để tôn sùng, để noi gương theo tôi họ vẫn còn thiết tha đến cuộc sống. Ngay từ nhỏ, tôi vô cùng thần tượng Nguyễn Thái Học, người đâu mà anh hùng đến thế, yêu nước đến thế, người trí thức không màng lợi danh, xem cái chết nhẹ tựa lông hồng, ông và 12 đồng chí mở mắt nhìn xem lưỡi dao rớt xuống khi họ kêu vang Việt Nam muôn năm.
Có thể đối với tôi, Nguyễn Thái Học là thần tượng, nhưng có những người khác xem các vị khác là anh hùng. Như nhà văn Duyên Anh, ông Mơ Thành Người Quang Trung. Và tôi tin tưởng rằng với các nữ sinh Trưng Vương không ai anh hùng như Hai Bà, là người đàn bà đầu tiên của Việt Nam và không lộng ngôn nếu nói của thế giới chống lại quân xâm lược. Khi tôi viết về “Làm gái toàn là Trưng Vương, làm trai rạng hồn Quang Trung”, một em trên facebook nói với tôi, em thích Trần Hưng Đạo hơn, em có lý của em, trên thế giới chỉ riêng mình Đức Thánh Trần đánh bại quân Nguyên 3 lần, đội quân bách chiến bách thắng, xâm chiếm cả vùng đất rộng lớn mênh mông. (Ngay đến giờ vẫn có nhiều người Hồi giáo ở vùng Trung Đông mang họ Khan của Thành Cát Tư Hãn)

Tại sao có nhiều thần tượng khác nhau?
Điều thật đơn giản, vì thần tượng vẫn có khiếm khuyết của riêng mình. Ngay cả thượng đế còn không toàn hảo. Có lần tôi đi thực tập ở nhà thương Children’s Hospital at Los Angeles, nhà thương này cộng tác với trường Y khoa USC của tôi. USC vừa mới “dụ” được một giáo sư mổ tim bẩm sinh cho trẻ em của Stanford về với mức lương 1 triệu dollars, vào thời điểm trên 25 năm về trước là số tiền lớn khủng khiếp. Ông ấy vô cùng tự tin khi có người hỏi ông làm gì. Vị giáo sư ấy trả lời, God creates mistakes and I am fixing them (Thượng đế tạo ra lỗi lầm và tôi sửa lại điều lầm lỡ ấy).

Ảnh chụp tác giả dự lễ tốt nghiệp ở Shrine Auditorium, từng là nơi trao giải thưởng Oscar mỗi năm, cho đến khi dời về Kodak Center. Nguồn: Thùy Nguyễn

Các bạn thấy tôi hay nói về Phê- Tự Phê, vì tôi bị ám ảnh bởi nó. Nó làm cho tôi biết sự yếu hèn của mình, không dám chống trả lại sự bất công, áp bức để đêm về nó trở thành những cơn ác mộng, những chóng mặt choáng váng uất ức vào giấc ngủ. Thành ra những ai dám làm những điều tôi không dám, đều là những anh hùng. Họ biết những điều mình làm sẽ ảnh hưởng đến gia đình của họ, đến sự sống còn của họ, nhưng họ vẫn làm vì lương tâm, vì yêu nước, vì yêu tự do, vì yêu con người, yêu thiên nhiên.. Họ đã phải trả cái giá rất đắt cho việc làm của họ. Họ là Dương Thu Hương, Đặng Vũ Bình, Phạm Hồng Sơn, Lê Thị Công Nhân, Lê Quốc Quân, Điếu Cày Nguyễn văn Hải, Việt Khang, Phạm Thanh Nghiên, Tạ Phong Tần, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Bùi Thị Minh Hằng, Cấn Thị Thêu … cái danh sách càng ngày càng dài thêm.
Điều tôi học được ở 2 vị giáo sư của tôi trên quê hương mới này giúp tôi ngỡ ra nhiều điều. Với cô Reyburn dạy Sử, chúng ta nên tôn trọng quyền tự do tư tưởng và tôn trọng sự khác biệt. Với ông giáo sư mổ tim kiêu hãnh nọ thì bài học tôi học được từ ông, không có gì hoàn hảo, tuyệt đối cả. Ngay cả thượng đế cũng có lỗi lầm.

BS Thùy Nguyễn, Westminster, quận Cam. Ảnh: Thùy Nguyễn

Với bài học này, theo tôi, ngay cả thần tượng cũng không tuyệt đối, bởi họ vẫn là con người. Chúng ta thần tượng ai đó vì họ đã gợi được trong chúng ta sự khao khát cho một xã hội tốt đẹp hơn… và điều này cho tôi kết thúc câu chuyện ở đây khi ngoài kia tiếng pháo bắt đầu nổ, mừng ngày khai sinh ra đất nước Hoa Kỳ, quê hương mới của tôi.
Thuỳ Nguyễn

1/ Lúc tháo màn cửa xuống để may áo, tự dưng tôi nhớ đến cô Scarlett O’hara trong Gone With The Wind, từ một tiểu thư phải sống bương chãi thuộc phía thua cuộc sau chiến tranh Nam Bắc, tháo màn cửa nhung xanh để may chiếc áo đầm, gặp Rhett Butler trong tù. Có điều khác, Scarlett không phải học chính trị tẩy não và tôi chẳng có chàng Rhett Bulter trong tù để vào thăm xin tiền.
(Hình đính kèm, tôi là đứa đen đủi mặc chiếc áo sơ mi bông may dúm dó, cắt từ vạt áo dài mini của bà chị Tư, mới 20 mà trông như 40)
2/ Hình chụp 10 năm sau đó, trở về đời sống sinh viên ở Mỹ
3/ Hình tốt nghiệp bác sĩ Y Khoa tại đại học University of Southern California (USC)
4/ Vẫn đang hành nghề ở quận Cam

 

http://baotiengdan.com


Một thời bát nháo

(Các trí thức VN đã đi buôn lậu và làm cửu vạn quốc tế như thế nào?)

Nguyễn Đình Cống

1. KHUNG CẢNH
Đó là thời kỳ từ năm 1976 đến năm 1990. Từ 1976, sau một thời gian ngắn kết thúc chiến tranh, thống nhất lãnh thổ, làm cho hàng chục triệu người vui sướng, được nhận họ, nhận hàng thì đất nước rơi vào tình cảnh kiệt quệ. Miền Bắc phong trào hợp tác xã nông nghiệp đã làm bần cùng hóa nông dân và xã hội, Miền Nam công cuộc cải tạo tư sản đã phá nát mọi doanh nghiệp. Khắp nơi cấm chợ ngăn sông. Rồi đem quân qua Cămpuchia và chiến tranh biên giới phía Bắc. Các trí giả thi nhau phán đoán lúc nào tình hình kinh tế sẽ xuống đến tận đáy để rồi từ đó ngoi lên. Người này đoán 1980, kẻ khác cho là đến 1982. Nhưng rồi đến 1984 sự khủng hoảng vẫn tiếp diễn. Mọi người phải lo tự cứu trước khi Trời cứu. Người ta làm đủ mọi việc có thể kiếm được miếng ăn và nghĩ ra nhiều mưu mẹo để vá sửa quần áo rách. Nhiều gia đình nuôi lợn trong khu vệ sinh tại các tầng cao của các khu nhà tập thể. Bà vợ của một giáo sư tâm sự : chồng ốm không lo bằng lợn ốm.
Trong tình hình bi đát sắp chết chìm đến nơi thì một vài chiếc phao cứu sinh xuất hiện, trong đó có khoán hộ trong nông nghiệp và xuất khẩu lao động. Với các lao động phổ thông thì sang Liên xô và các nước XHCN Đông Âu. Với các trí thức như bác sĩ và thầy giáo thì đi Châu Phi làm chuyên gia y tế và giáo dục ( tại các nước Angiêri, Cônggô, Ănggôla, Mađagasca ). Gia đình tôi, con gái đi lao động ở Bungari (1985- 88), tôi đi làm chuyên gia giáo dục tại Angiêri ( 1986- 89). Bài này viết về một số chuyên gia đó. Viết theo một số ghi chép và trí nhớ còn giữ lại được sau hơn một phần tư thế kỷ.
Thời gian đầu, từ năm 1982, việc đi chuyên gia Châu Phi là quyền lợi kết hợp nghĩa vụ. Mọi việc về hợp đồng, chế độ, nghĩa vụ, tổ chức, tuyển chọn v.v… đều do Phòng Hợp tác chuyên gia của Bộ lo. Công việc và sinh hoạt của chuyên gia tại mỗi nước do một Tùy viên của sứ quán ở nước đó quản lý. Lương nước ngoài trả tạm thời do chuyên gia giữ, nhưng cuối cùng được bao nhiêu đều phải nộp vào quỹ ở Sứ quán, do người của Bộ Tài chính quản.( * ). Tiền lương mỗi chuyên gia được hưởng do Nhà nước qui định, gồm 2 phần. Một phần bằng tiền địa phương, vừa đủ tiêu dùng hàng ngày ở mức trung bình. Một phần nữa được thanh toán bằng ngoại tệ với mức 80 đến 100 đô la mỗi tháng. Những chuyên gia như thế được gọi là “ chuyên gia nghĩa vụ”. Chính phủ dùng số tiền thu được từ lương của chuyên gia để góp vào việc trả nợ, nghe nói rằng đó là nợ vay của một số nước Châu Phi để chi dùng cho cuộc chiến tại Căm puchia.
Sau này, từ 1990 trở đi một số khá đông chuyên gia không còn phải làm nghĩa vụ nữa, lương nước ngoài trả bao nhiêu họ được hưởng gần trọn vẹn ( phải đóng thuế thu nhập và một vài loại phí dịch vụ ).
Trong tình trạng kiệt quệ của thời kỳ những năm 80 thế kỷ trước, mỗi gia đình có thêm được 100 đô la mỗi tháng là đã thoát được cảnh túng quẩn, nhưng hình như các chuyên gia nghĩa vụ không có ai thỏa mãn với thu nhập đó mà đều tìm cách kiếm thêm bằng nhiều cách, chủ yếu bằng buôn lậu và làm cửu vạn. Mà là buôn lậu và làm cửu vạn giữa các nước, đó là buôn lậu quốc tế, làm cửu vạn quốc tế theo đúng nghĩa đen. Khi nghe nói các trí thức, trong đó có khá đông tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư đi buôn lậu và làm cửu vạn thì nhiều người không tin, cho là chuyện bịa, nhưng thật sự là đúng như vậy. Thì chính tôi và các bạn bè là các giáo sư, tiến sĩ đều đã buôn lậu và làm cửu vạn như thế. Ngoài các chuyên gia thì nhiều người Việt có điều kiện đi nước ngoài hoặc từ đó trở về đều kết hợp buôn bán một thứ gì đó (ngày nay người ta gọi là hàng xách tay) hoặc làm cửu vạn giữa các nước.

2. BUÔN LẬU SANG CÁC NƯỚC
Định nghĩa : Buôn là việc mua để bán một thứ gì đó nhằm kiếm tiền. Buôn lậu là buôn một cách lén lút, không khai báo, trốn thuế. Buôn lậu quốc tế là buôn lậu từ nước này qua nước khác. Như vậy dù chỉ mua vài cái áo, vài chai rượu, vài tút thuốc lá từ nước này mang sang nước khác bán để kiếm tiền cũng đúng là buôn lậu quốc tế. Khi nghe đến buôn lậu quốc tế người ta thường hình dung ra những món hàng hóa có giá vài trăm ngàn đô la, vài triệu đô la trở lên chứ có ai đi buôn các món hàng chỉ có giá trị vài chục đô. Thế mà các bác sĩ, các giáo sư VN chủ yếu buôn lậu quốc tế chỉ với các món hàng từ vài chục đến vài trăm đô, rất ít người, rất ít khi có món hàng đến ngàn đô. Họ buôn lậu chỉ là kết hợp, là tranh thủ, vừa buôn vừa run sợ. Kết thúc một chuyến mà kiếm được vài chục đến vài trăm đô tiền lời là mừng vô cùng. Việc kết hợp buôn lậu được thực hiện theo cả hai chiều đi và về.
Ngoài lần đi đầu tiên và lần về cuối cùng, chuyên gia nghĩa vụ được phép nghỉ, về nước, mỗi năm một lần. Mỗi lần đi hoặc về thường phải chuyển máy bay tại một nước Châu Âu. Mỗi lần như vậy họ thưòng không đi ngay mà ở lại vài ngày để mua bán hoặc ở lâu hơn để làm cửu vạn. Cũng có lúc họ chuyển máy bay thêm một lần nữa ở Thái Lan, lúc này họ tranh thủ mua hàng.
Trước mỗi lần đi các chuyên gia cần thu thập thông tin “ Sang nước ấy thì nên mang hàng gì”. Hồi ấy chưa phổ biến điện thoại di động và email nên thông tin chủ yếu bằng truyền miệng. Ở Liên xô có thể bán quần bò, áo phông, rượu thuốc Sâm Quy Tinh, kính nhâm, đồng hồ đeo tay hiệu Seiko của Nhật hoặc đồng hồ điện tử v.v… Sang Châu Phi thì mang áo Kimônô, hàng thổ cẩm, các đồ thủ công mỹ nghệ như dây chuyền và nhẩn bằng bạc, các tượng nhỏ bằng gốm và sừng, thậm chí các loại mũ nan v.v... Cũng có thể mua hàng từ Liên xô và Đông Âu mang sang Châu Phi như rượu, khăn mu soa, búp bê gỗ v.v…
Để bán hàng ở Liên xô và Đông Âu chỉ cần liên hệ với một đường dây người Việt sở tại rồi giao toàn bộ để họ đem bán đến tận tay người mua dùng. Ở các nước Châu Phi không có sẵn các đường dây như vậy của người Việt, phải trông cậy vào các mối quan hệ với người địa phương biết buôn bán. Chuyên gia giáo dục dựa vào gia đình các sinh viên, chuyên gia y tế dựa vào đồng nghiệp hoặc gia đình bệnh nhân. Thỉnh thoảng một vài nơi cũng xuất hiện một số “ Cò”. Họ cũng là chuyên gia, có khả năng buôn bán và quan hệ với dân buôn sở tại. Những cò này làm môi giới bán hàng và làm dịch vụ lậu đổi tiền ( đổi tiền địa phương ra đô la ).
Việc bán hàng phần lớn xẩy ra bình thường nhưng thỉnh thoàng gặp sự cố. Đó là do thông tin đã quá lạc hậu hoặc sơ suất. Một món hàng trước mấy tháng bán rất chạy, nay bỗng trở nên ế ẩm, hoặc tai hại hơn là bị hải quan phát hiện, tịch thu hàng và truy cứu trách nhiệm. Điều này các giáo sư đi công tác hoặc dự hội thảo dễ bị vướng vào hơn là các chuyên gia. Xin kể 2 câu chuyện.
1-Sao anh giỏi thế. Tháng 6 năm 1987 Giáo sư H được mời sang Liên xô dự hội thảo khoa học và báo cáo công trình nghiên cứu. Trước khi đi, việc chuẩn bị báo cáo ông chỉ làm nhoáng trong 2 buổi là xong. Ông để nhiều tâm sức cho việc thu thập thông tin thị trường, mượn tiền để mua hàng và sắp xếp va li. Ông sang trước 4 ngày. Ba ngày đã trôi qua mà những đường dây ông được giới thiệu đều từ chối nhập hàng, vì thứ đó hiện nay rất khó bán, các đường dây đều còn và không có mối tiêu thụ. Ngày thứ tư, bụng cồn cào như lửa đốt. Chưa bán được hàng thì còn tâm trí nào mà dự hội thảo, nói gì đến báo cáo, báo chồn. Ông bỗng nhớ đến Toàn, một sinh viên cũ đang làm nghiên cứu sinh. Ông gọi điện thoại và chỉ sau 2 giờ Toàn đến nhà khách sứ quán. Sau câu chuyện vui mừng thầy trò gặp nhau, ông tỏ ý nhờ Toàn tìm mối tiêu thụ hàng ông mang sang. Toàn vui vẻ nhận lời, cho rằng việc đó quá dễ, anh đang rất cần hàng đó. Trước khi đi người quen tính toán cho GS sẽ bán được khoảng từ 700 đến 750 đô, lãi được gần 200 đô và quan trọng hơn là có tiền để mua hàng mang trở về. Sau 3 ngày không bán được ông chỉ mong kiếm được 650 đô là quá tốt. Thế mà Toàn không hề hỏi GS định bán bao nhiều, rút ví ra đưa ngay 800 đô. GS mứng rơi nước mắt. Được tin Toàn nhập hàng của GS, một số người ở các đường dây đến hỏi Toàn nguồn tiêu thụ, khen Toàn “ Sao anh giỏi thế”. Toàn chỉ vào một đống dưới gầm giường, giải thích : Đấy, hàng của GS mang sang vẫn còn đấy, dây nào tiêu thụ được thì anh biếu không.
2- Mất chì nhưng gỡ được chài. Tháng 8 năm 1989, tôi kết thúc nhiệm kỳ chuyên gia 3 năm. Sau khi về Hà Nội nghỉ hè tôi trở lại Angiêri để làm nốt một số việc và thanh toán với sứ quán trước khi về hẳn. Tôi bay sang Mascơva, đi tàu hỏa đến Praha để bay sang Angiê. Ngoài một số hàng mỹ nghệ và kimônô mang từ nhà tôi còn mua thêm ở Praha vài trăm chiếc mu soa. Nhẩm tính, nếu tất cả trót lọt sẽ kiếm được khoản lời trên 150 đô. Theo lịch, chuyến bay sẽ đến nơi vào 23 giờ 15 và vào 24 giờ Hải quan đổi kíp. Đoán rằng lúc đó nhân viên hải quan chuẩn bị kết thúc kíp trực, chắc là mỏi mệt, không khám xét kỹ nên tôi không chịu khó ngụy trang chu đáo. Không ngờ chuyến bay bị trể, máy bay hạ cánh lúc quá nửa đêm.. Đến nơi thì kíp hải quan mới vừa đến thay, họ đang hăng hái, khám xét kỹ. Thế là tôi bị tạm giữ toàn bộ số hàng, nhét đầy vào một túi du lịch. Mặc dầu tôi khai đó chỉ là những thứ tôi mua để làm quà tặng cho bạn bè ( thực ra là nói dối ), nhưng họ không tin. Họ cấp cho một biên lai thu giữ để xử lý. Nếu sau 3 tháng mà không trình bày được lý do chính đáng thì số hàng bị tịch thu. Tạm thời túi du lịch được giữ trong kho hải quan. Về trường nơi công tác, tôi nhờ các bạn người Angiêri có quen biết Hải quan xin giùm, nhưng không được. Nếu bị mất toàn bộ số hàng thì đúng là “ mất cả chì lẫn chài”. Nhưng tháng 10 tôi đã làm xong mọi việc cần thiết và về nước, đã lấy lại được một phần trong số hàng bị giữ, xem như chỉ mất chì còn giữ được chài ( Chuyện này rất hay, xin kể sau vì bài đã hơi dài, tạm dừng )
Còn tiếp vài kỳ nữa gồm các mục : Buôn lậu từ nước ngoài về Việt Nam, Làm cửu vạn giữa Đông Âu và Liên xô, Những cái chết bi thương và bí ẩn, Vài chuyện lạ có thật…
( * ). Trong thời gian tôi ở Angiêri, cán bộ sứ quán quản lý chuyên gia là GS Nguyễn Xuân Đặng, nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức Bộ Đại học, nguyên Hiệu phó trường ĐHXD, cán bộ của Bộ Tài chính phụ trách thanh toán thu nhập và lương của chuyên gia là ông Thái Bá Minh.

3. BUÔN LẬU TỪ CÁC NƯỚC VỀ ViỆT NAM
Hồi ấy ở VN việc mua bán chỉ tập trung vào các cửa hàng Mậu dịch (MD) của nhà nước hoặc cửa hàng Hợp tác xã (cũng chủ yếu từ MD). Trong các cửa hàng MD có bày nhiều thứ hàng đẹp mắt, nhưng chủ yếu chỉ là hàng mẫu, không bán. Trong tình hình ấy người ta buôn lậu đủ thứ, buôn lậu trong nước, buôn lậu quốc tế.
Về việc mua thức ăn hàng ngày có bài ca:
Tôn Đản là chợ vua quan
Vân Hồ chợ của quyền gian nịnh thần
Đồng Xuân chợ của thương nhân
Vỉa hè là của nhân dân anh hùng.
Buôn lậu lặt vặt của các trí thức chuyên gia chủ yếu tại các vỉa hè.
Từ Liên xô, Đức, Tiệp Khắc về thì mang dây mai so, phích nóng lạnh vạn năng, quạt tai voi, đồ nhôm gia dụng, phụ tùng xe đạp, hạt tiêu, lưỡi cưa đá, vitamin B12, thuốc chế từ nhung hươu, Bungari cung cấp các loại vải và thuốc kháng sinh; Angiêri cung cấp sữa đầu xù, các loại thuốc tân dược, bút máy (nhập từ Trung quốc), hộp bút vẽ Rotring (nhập của Đức), len, quả chà là; ở Pháp về thì mang mì chính, len, vải… Những chuyên gia ở Châu Phi, mỗi lần về phép thường chỉ mang hàng theo người, chỉ khi kết thúc hợp đồng mới đóng vài thùng hành lý, trong đó chứa khá nhiều hàng lậu. Ngoài ra các chuyên gia góp nhau gửi tiền cho các công ty Nhật, mua từng côngtainơ xe mô tô second-hand. Các công ty thu mua xe cũ được nhặt từ các bãi rác, đóng thùng, gửi về cho người nhà của chuyên gia nhận, mỗi chiếc giá vài chỉ vàng. Trong việc này, năm 1989 các chuyên gia đã bị công ty Sawaso quỵt mất trên 300 chiếc, nhận tiền rồi mà không giao hàng (chuyện này sẽ kể sau).
Các cán bộ đang làm việc hoặc học tập tại Liên xô và Đông Âu thì thỉnh thoảng đóng những thùng hàng gửi về cho người nhà. Hồi ấy đa số các nghiên cứu sinh và thực tập sinh Việt Nam tại nước ngoài lo học thì ít, lo buôn bán nhiều hơn. Trong số họ phần đông chỉ là “lính”, một số ít là “tướng tá”, tại mỗi nước có vài người được quần chúng suy tôn là “soái”, đó là những người có số vốn lớn, có ảnh hưởng trong phạm vi rộng, chỉ đạo nhiều đường dây. Phạm Nhật Vượng là một soái như vậy tại Nga, bây giờ là chủ tịch tập đoàn Vingroup. Đặng Hùng Võ là một soái tại Ba Lan, sau về nước làm Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Xin kể vài chuyện về việc buôn bán của trí thức làm chuyên gia.
Chuyện 1 – Mua tích trữ thuốc
Mỗi dịp nghỉ hè mỗi chuyên gia ở Angiêri thường mang lậu về một lượng thuốc có giá khoảng 200 – 400 đô. Để có lượng thuốc đó phải mua tích trữ dần, vì chỉ có thể mua lẻ tại các hiệu thuốc, không thể một lúc mua được nhiều, mà cũng không thể mua nhiều lần ở cùng một cửa hàng.
Mua thuốc gì thì phải nhận được chỉ đạo từ trong nước báo sang hoặc nhờ tư vấn của các chuyên gia y tế. Các loại thuốc được nhiều người quan tâm là Ospen, Rovamicin, thuốc chữa lao, dạ dày và tim (mỗi loại có vài thứ, lâu ngày quên tên).
Tại Angiêri, trong vài đợt nghỉ tôi đã đi chơi, thăm vài bạn ở các thành phố khá xa, cách trên 400 km. Đến nơi, sau một lúc ngắn ngủi thăm hỏi qua loa, bạn hỏi: có cần thuốc gì để dẫn đi mua.
Hè năm 1988 tôi mua tích lũy được kha khá thuốc Ospen, chỉ để một phần trong vali, một phần để phía dưới trong túi ni lông, phía trên để thức ăn, nước uống, xách theo người. Ra sân bay cùng một người bạn vừa mới quen. Hai người xách hai túi ni lông bên ngoài giống nhau. Khi xếp hàng hơi lâu để chờ qua cửa kiểm tra, hai người đặt 2 túi xuống nền nhà, cạnh nhau. Tiếp tục đi, tôi xách một túi đi trước. Vào phòng đợi, sực nhớ ra tôi xem lại thì biết đã xách nhầm, ngồi chờ bạn vào để đổi. Chờ và tìm nhưng không thấy đâu. Sau hơn nửa giờ mới thấy. Hỏi để đổi lại túi thì bạn trả lời: Thấy ông xách túi của tôi, tưởng là xách hộ nên tôi đi vào, không xách gì thêm. Tôi vội trở ra, hy vọng túi còn đó, nhưng nó đã không cánh mà bay. Tôi chỉ nghi chứ không có chứng cứ. Đành tự an ủi là của đi thay người. Lần này mất cả chì lẫn chài.
Chuyện 2 – Máu khô
Chuyện này tôi nghe kể, không trực tiếp chứng kiến.
Ở Ăngôla, không hiểu nhờ móc ngoặc thế nào mà chuyên gia mua được một loại hàng chiến lược là máu khô. Khi mang ra sân bay bị phát hiện. Không những bị tịch thu, còn bị thông báo về cho sứ quán và nghe đâu các vị trong đường dây có bị một kỷ luật nào đó.
Chuyện 3 – Đóng thùng hành lý
Khi về nước lần cuối, các chuyên gia được cấp tiền cước để gửi 50 kg hành lý. Thường gửi trước từ 10 đến 20 ngày. Mất nhiều công sức trong chuyện đóng gói hành lý là tìm cách che giấu một số lớn thuốc. Mỗi người làm theo một cách, ít trao đổi với nhau. Hồi ấy tại các nơi nhận hàng hóa gửi chậm người ta chủ yếu kiểm tra trực tiếp bằng mắt và tay, chưa thấy dùng máy soi chiếu, vì thế mưu mẹo giấu hàng cũng đơn giản. Tôi đã dùng 2 thùng các tông. Để giấu thuốc trong các thùng đó tôi đã bỏ công tạo ra 2 lớp vỏ, giấu các vỉ thuốc vào giữa hai lớp đó. Mỗi hộp có 1 vỉ và 1 tờ giấy. Phải bóc hộp, lấy vỉ thuốc ra cất riêng, làm xẹp hộp lại và tờ giấy cất riêng, về nhà ghép lại như cũ để mang đi bán. Mất 3 ngày để thiết kế và tự tay chế tạo. Nhưng rồi khi chở các thùng đi gửi, qua cửa kiểm soát, cán bộ hải quan hỏi: Chuyên gia giáo dục Việt Nam hết nhiệm kỳ, về nước à? Trả lời: Vâng, chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ. Thế là hải quan phẩy tay cho đi mà không khám xét gì. Thật tiếc cho công sức ngụy trang. Càng tiếc hơn, biết thế thì mua thêm vài trăm hộp thuốc nữa.
Chuyện 4 – Lòng tốt của bạn bè
Ở Angiêri tôi hỏi một anh bạn bác sĩ, là chuyên gia y tế xem năm ấy nên mua thuốc gì mang về. Anh cho biết là thuốc lao PT đang bán chạy. Tôi đã đi lùng vài hiệu nhưng chưa mua được. Nửa tháng sau gặp lại tôi hỏi anh xem có biết thuốc lao PT đang bán ở đâu. Anh nói phải quen mới mua được. Anh vừa mua được 10 hộp, nếu tôi thích anh để lại cho, anh có mối sẽ mua sau. Tôi mừng quá, cám ơn. Khi mang về Hà nội thì mới biết loại thuốc đó rất khó bán, giá đang giảm, đành bán lỗ vốn.
Khi dừng lại ở Liên Xô tôi đến thăm một số người quen ở ký túc xá trường Đại học nọ. Một anh bạn hỏi tôi có muốn mua lưỡi cưa đá thì anh để lại cho vài chiếc, thứ ấy trong nước đang được giá. Trước đây đã từng nghe về mặt hàng này nên tôi mua lại. Mang về Hà Nội tìm nguồn để bán, mãi không bán được, vì loại ấy ít thích dụng. Đành vừa bán vừa biếu để mong gỡ lại chút vốn.
Chuyện 5 – Bị lừa tại Hà Nội
Những lần trước mang được ít thuốc về tôi giao việc đi bán cho vợ. Bà ấy mang bán cho một người thu mua, người ấy mang bán lại cho các hiệu thuốc. Lần này (mùa đông 1989, sau khi về hẳn) tôi quyết định tự mình mang đến bán thẳng cho các hiệu thuốc để kiếm lãi nhiều hơn. Tôi mang 120 hộp Rovamicin trong một túi dứa. Đã đi qua một số hiệu thuốc để chào hàng mà chưa bán được, nơi trả lời không mua thứ đó, nơi trả giá quá rẻ. Tôi mang lên phố Cầu Gỗ và bị lừa lấy mất toàn bộ. Mẹo lừa kể ra cũng chưa phải cao cường gì, nhưng vì mình là con người khờ khạo trên đường phố, là kẻ ngu ngơ trong thị trường nên một con mẹ lưu manh bình thường cũng lừa được.
Chuyện 6 – Chuyện của đứa cháu
Nhân kể chuyện bị lừa tôi nhớ đến câu chuyện với đứa cháu, kỹ sư xây dựng, đang tham gia vào đường dây buôn bán ở Nga. Tôi gọi hắn là Cu Xèng. Tôi hỏi, này Xèng, hiện nay (1989) ngành xây dựng đang phát triển, tại sao cháu bỏ nghề mà nhảy sang buôn bán, và nhờ đâu mà mày thành công. Xèng trả lời: “Cậu biết rồi đấy, cháu học Xây dựng là theo yêu cầu của bố mẹ chứ cháu vẫn thích buôn bán từ nhỏ, nên có dịp là cháu làm theo ý thích và năng khiếu của mình. Còn kỹ năng buôn bán cháu học được từ đường phố, học được trong những ngày nghỉ, trong những buổi trốn đến lớp để tham gia buôn bán và chơi cờ bạc với bạn bè, những buổi hoạt động mà nhà trường và gia đình đều cấm. Ba mẹ cháu, kể cả cậu nếu biết cháu chơi với loại bạn bè nào trong các ngõ ngách đường phố để học những điều nhà trường không dạy thì chắc là các cụ sẽ ngăn cấm, ít ra là khuyên bảo đừng tiếp tục vì sợ “gần mực thì đen”. Thế mà càng lăn lộn trong xã hội cháu càng ngày càng sáng ra nhiều thứ.
Tôi hỏi tiếp: Mày giải thích rõ hơn, cậu vẫn chưa hiểu hết.
Cu Xèng nói: Trong buôn bán có 2 điều quan trọng. Một là khả năng đánh hơi để biết sự lên xuống của giá cả hàng hóa, tìm được chỗ mua, chỗ bán thích hợp, hai là khả năng phát hiện xem đối phương đang giao dịch thật thà đến bao nhiêu, có khả năng lừa bịp chỗ nào, cần biết để tránh. Chính trong những buổi chơi với bạn bè đường phố mà cháu học được cách phát hiện và tránh những cú lừa.
Hè năm 1988, tôi từ Angiêri sang Liên Xô, Cu Xèng đã cấp vé máy bay và đón vợ tôi từ Hà Nội sang để gặp nhau tại Mascơva. Chúng tôi định đi chơi Ba Lan nhưng còn ngại khó khăn khi trở về vì nghe đâu mua vé tàu từ Ba Lan đi Mascơva rất vất vả. Cu Xèng bảo: “Cậu mợ không việc gì phải lo, gặp khó khăn gì cứ đến chỗ anh Đặng Hùng Võ, nói là người nhà của cháu, anh ấy sẽ giúp”. Chúng tôi chơi ở Ba lan 5 ngày. Sau nhiều cố gắng mà vẫn không thể mua được vé tàu, tôi đến nhờ anh Võ, anh hẹn chiều đến lấy. Chiều tôi đến, anh đưa cho 2 vé với lời chúc thượng lộ bình an. Tôi xin gửi tiền, anh không nhận, nói rằng anh xin biếu. Tôi cám ơn, dẫn vợ trở lại Liên Xô để về nước.

4. LÀM CỬU VẠN QUỐC TẾ
Cửu Vạn, gốc là tên một quân bài Tổ Tôm. Phần chính của bài Tổ Tôm gồm 3 loại quân là Vạn, Sách, Văn. Mỗi loại được đánh số từ Nhất, Nhị … đến Cửu (Cửu Vạn, Cửu Sách, Cửu Văn). Con bài Cửu Vạn được thể hiện một người phu khuân vác, với một thùng hàng trên vai. Trong tiếng Việt từ Cửu Vạn được dùng theo nghĩa bóng trong vài chục năm gần đây để chỉ những người mang vác hoặc chở thuê hàng hóa cho người khác (cũng giống như dùng từ lóng Ô Sin để chỉ người giúp việc gia đình, theo tên một bộ phim của Nhật, cô bé Ô Sin từ người giúp việc, phấn đấu trở thành bà chủ lớn). Hiện nay khi nghe từ Cửu Vạn người ta thường hình dung những người được thuê vận chuyển hàng hóa cho một ông bà chủ nào đó, vận chuyển bằng sức lao động mang vác hoặc bẳng phương tiện cá nhân.
Các trí thức, cán bộ của VN làm Cửu Vạn quốc tế cũng đều được thuê áp tải hàng hóa qua biên giới các nước, nhưng thường không phải mang vác hoặc dùng phương tiện cá nhân mà bằng phương tiện tàu bay hoặc tàu hỏa liên vận quốc tế. Trong thời kỳ 1986-1990 một số nước Đông Âu như Nam Tư, Ba Lan đã mở cửa buôn bán với thế giới tư bản nên nhập được một số hàng hóa mà Liên Xô đang cần. Các tướng, soái người Việt tại các nước tổ chức buôn lậu hàng từ các nước vào Liên Xô. Ngoài những phương tiện bí mật của mỗi đường dây thì người ta còn lợi dụng các cán bộ đi công tác, các chuyên gia quá cảnh có hộ chiếu công vụ để vận chuyển hàng, đặc biệt là những người có hộ chiếu đỏ (hộ chiếu ngoại giao, được miễn khám xét hành lý). Trước đây tôi cứ tưởng hộ chiếu đỏ chỉ cấp cho cán bộ cao cấp đến mức nào đấy đi công tác quan trọng, không ngờ một số người nhà của quan chức bậc cao, đi chơi cũng được cấp. Số người nhà này có nhiều điều kiện và rất tích cực trong việc làm cửu vạn.
Công việc cửu vạn khá đơn giản. Theo hẹn, bạn ra ga hoặc sân bay, nhận vé, lên tàu. Việc vận chuyển hàng đến nơi, sắp xếp vào chỗ đã có người làm. Đi tàu, qua biên giới, hải quan hỏi hàng này của ai, nếu bạn có hộ chiếu đỏ, chỉ trả lời của tôi, thế là xong. Khi bạn dùng hộ chiếu xanh (công vụ) thì có thể bị khám xét, liệu mà trả lời cho trôi chảy. Đến nơi đã có người đến nhận hàng tại ngay trên tàu, bạn không cần mang xách gì cả. Như vậy cửu vạn chủ yếu chỉ là áp tải. Hộ chiếu đỏ thường áp tải các hàng giá trị cao như cả vali đồng hồ điện tử, một túi xách lớn vàng trang sức, tiền công cho 1 chuyến (khoảng 10 giờ nằm trên tàu hỏa) khá cao, từ 1500 đến 2500 đô la. Hộ chiếu công vụ chỉ áp tải các hàng bình thường, chủ yếu là máy tính để bàn, mỗi máy gồm 3 thùng các tông. Hồi ấy chủ yếu là máy XT 186, tiền công mỗi chuyến khoảng trên dưới 200 đô la (cùng với 1 vé tàu khứ hồi). Suốt 3 năm làm chuyên gia, đi qua Liên Xô 4 lượt, tôi chỉ làm cửu vạn có 1 lần vào tháng 10 năm 1989, áp tải máy tính từ Ba Lan sang Liên Xô với giá 200 đô.
Khi từ Angiêri qua BaLan tôi đi cùng PGS. Ngô và gặp mấy bạn sang dự hội thảo về cơ học, trong đó có GS. Phan của ĐHBK, ông là một cán bộ chủ chốt của Hội Cơ học VN. Sau vài câu hỏi thăm xã giao Phan hỏi tôi: Mày đã có mối nào làm cửu vạn chưa. Tôi trả lời đang đi tìm. Phan nằn nì: mày quen biết nhiều, tìm được mách tao với. Hai ngày sau tôi và Ngô mới tìm được mối, hai người sẽ mang 2 máy cùng đi với nhau. Không ngờ khi ra ga thì chỉ mới có một máy. Nhường cho Ngô đi trước, tôi ở lại hôm sau đi. Chiều hôm sau tôi ra ga, có người đưa vé và dẫn lên tàu, chỉ cho các thùng máy đã được sắp xếp gọn gàng, nói cho biết dấu hiệu để nhận ra đúng người sẽ được giao hàng. Tàu qua biên giới vào ban đêm. Đã xảy ra vụ khám xét. Xin chép lại một số câu đối thoại của tôi với cảnh sát và hải quan Liên Xô (CS). Đối thoại bằng tiếng Nga, tuy đã trên 27 năm nhưng tôi còn nhớ được.
CS: Mấy thùng này của ai, hàng gì?
Tôi: Hàng của tôi, đó là máy tính điện tử.
CS: Mua từ đâu, mang đi đâu?
Tôi: Mua tại cửa hàng bán máy tính tại Warsava để đem về Việt Nam.
CS: Ông nói dối, đây là máy tính ông buôn lậu hoặc chở cho người buôn lậu vào Liên Xô.
Tôi: Căn cứ vào đâu mà các anh nói như vậy?
CS: Chúng tôi đã bắt được nhiều người Việt Nam đem máy tính vào bán ở Liên Xô rồi. Dân Việt Nam lấy tiền đâu mà mua máy tính để dùng riêng cho cá nhân.
Tôi: Các ông khinh người vừa thôi. Ông xem lại cho kỹ hộ chiếu của tôi để biết tôi đã đi qua những đâu. Nói cho ông biết, tôi được Liên Xô cấp bằng tiến sĩ, các ông nghe tôi nói tiếng Nga chuẩn đấy chứ, hay các ông thích trao đổi bằng tiếng Pháp, tôi xin vui lòng, tôi đang làm chuyên gia, giáo sư, dạy đại học tại Angiêri, nhận lương bằng đô la. Ở Việt Nam hiện nay chưa có loại máy tính này nên tôi mua về dùng. Một giáo sư, đi làm chuyên gia tại Angiêri mà không đủ tiền mua một máy tính về dùng sao. Xin các ông đừng xem người Việt nào qua đây cũng đều là nghèo đói cả.
CS (sau khi xem kỹ hộ chiếu): Lần trước đi từ Ba Lan vào Liên Xô, ông đã mang một máy tính, chúng tôi đã đánh dấu bí mật trong hộ chiếu, ông nói sao.
Tôi: Tôi nói là các ông bịa đặt. Các ông xem kỹ lại đi. Tôi khẳng định, đây là lần đầu tiên và có thể là lần cuối tôi mang máy tính vào Liên Xô để đem về Việt Nam dùng cho cá nhân. Tôi chỉ quá cảnh qua Liên Xô mà thôi.
CS: Ông về Việt Nam vào ngày nào, chúng tôi sẽ báo để sân bay kiểm tra xem có đúng như ông nói không.
Tôi: Tôi còn ở lại Mascơva vài hôm, thăm trường Đại học, nơi tôi đã bảo vệ luận án tiến sĩ, thăm một số giáo sư của trường, chưa biết chắc chắn sẽ đi ngày nào vì chưa đăng ký vé, nhưng cũng chỉ trong khoảng 5 đến 7 ngày. Các ông cứ ghi tên tôi, số hộ chiếu gửi cho sân bay để họ kiểm soát, nếu tôi không mang máy tính về Hà Nội thì cứ giữ tôi lại.
Khi đi qua Liên Xô tôi có 5 lần phải đấu trí với cảnh sát và hải quan, đây là một. Các lần khác xin kể sau. Tàu đến sân ga vào buổi sáng, tôi nhận ra người cần bàn giao hàng theo dấu hiệu đã được dặn. Người nhận hàng cho biết chuyến hàng hôm qua do anh Ngô áp tải không đến, không biết vì sao. Đoán là có sự cố xảy ra, tôi vội đánh điện về Ba Lan nói rằng tôi sẽ trở lại ngay. Trên tàu đi Ba Lan tôi ở cùng khoang với 2 cô người Nga. Các cô mang lậu trứng cá hồi, nhờ tôi thu giấu hộ 20 hộp. Vừa xuống tàu đã thấy Ngô đứng đợi tôi với bộ mặt ủ rũ. Thì ra hàng mà Ngô áp tải đã bị tịch thu tại biên giới. Tôi đoán mấy người khám xét tôi chính là bọn hôm trước đã tịch thu hàng của Ngô.
Hồi ấy giữa các chuyên gia truyền nhau một kinh nghiệm như sau: Khi bị cảnh sát, hải quan Liên Xô khám xét, dù có biết tiếng Nga cũng làm như không biết, chỉ nên nói tiếng Pháp hoặc tiếng Anh với họ. Bạn Ngô đã theo kiểu ấy và rồi vì sơ suất thế nào đó mà bị chúng nó tịch thu hàng. Tôi không theo kinh nghiệm đó mà vẫn dùng tiếng Nga, có thể là tôi nói tiếng Nga lưu loát hơn.
Chỗ này dừng lại một chút để giải thích. Trước đây các nghiên cứu sinh Việt Nam ở Liên Xô thường ở chung với nhau cho thuận tiện trong sinh hoạt. Khi nhận tôi vào ký túc xá, bà phụ trách hỏi tôi muốn ở chung với người Việt hay người Nga. Tôi xin ở với người Nga, điều này làm bà ta ngạc nhiện và tỏ ra vui thích. Hàng ngày tôi sinh hoạt, hòa nhập với các nghiên cứu sinh người Nga, vì thế tôi nói tiếng Nga khá lưu loát so với các bạn khác
Trở lại Ba Lan. Ngay chiều hôm đó tôi cùng với Ngô đi tàu đến ga biên giới, tôi đã dùng tiếng Nga trình bày với hải quan để xin lại máy tính, dựa trên các lập luận như đã dùng trên tàu. Thế nhưng mọi trình bày đều vô ích. Họ không những không chịu nghe mà còn dùng những lời thô bỉ mạt sát chúng tôi, làm nhục chúng tôi. Lần đầu tiên trong đời tôi bị sỉ nhục như một tên tội phạm bẩn thỉu. Tôi tức nghẹn đến tận cổ. Ước gì lúc ấy có súng trong tay, tôi sẽ bắn vài phát rồi ra sao thì ra. Không làm gì được chúng nó, tôi và Ngô đành lủi thủi kiếm tàu về Mascơva. Sau này Ngô phải bỏ ra 600 đô, bằng 50% giá mua máy tại Ba Lan để đền cho chủ hàng vì lỗi làm mất hàng. Không những mất cả chì lẫn chài mà còn mất thêm nhiều thứ nữa.
Trong tình hình đó vẫn có một vài chuyên gia kiếm được khá đô la nhờ làm cửu vạn. Về sau mới biết các bạn đó đã đút lót, mỗi chuyến vài chục đô cho CS và hải quan. Người ta cho rằng trước lúc phe XHCN sụp đổ thì người Việt Nam đã xuất cảng văn hóa đút lót sang các nước đó và góp phần làm hủy hoại nhà nước cộng sản. Thực ra hồi ấy chúng tôi cũng biết việc đút lót nhưng không làm sao thực hiện được vì chưa quen và không mạnh dạn làm thử.
Nghĩ lại, thấy chuyện buôn lậu và làm cửu vạn là phạm vào dối trá, nhục nhã, mình vừa là nạn nhân vừa là tội phạm, ôn lại để thấy nhục. Nỗi nhục này tự trên trời trút xuống?
Lúc đang buôn lậu và làm cửu vạn quốc tế thì thấy vui vẻ, sung sướng sau mỗi lần kiếm được chút lợi lộc nhờ dối trá, bịp bợm. Nay mỗi lần nghĩ lại thấy tủi hổ, xót xa. Trong lúc nghèo đói, khó khăn, chỉ một chút lợi nhỏ cũng có thể làm cho con người không giữ trọn phẩm chất trong sạch. Đã có lúc tôi tự hào về cuộc đối đáp với cảnh sát trên tàu, bây giờ nghĩ lại chỉ thấy xấu hổ. Tự hào, hãnh diện vì thắng được người ta nhờ gian dối trong những việc hàng ngày thì cuộc đời sẽ thất bại trong tổng thể. Tôi bỗng nhớ tới một bài được học từ năm 1944 như sau: «Tin nhau buôn bán cùng nhau/ Thiệt hơn, hơn thiệt trước sau như nhời/ Hay gì lừa đảo kiếm lời/ Nhà đều ăn cả, tội Trời riêng mang/ Hay chi những thói gian tham/ Mưu mô, lừa bịp, tìm đường dối nhau/ Của phi nghĩa có giàu đâu/ Ở cho ngay thật bền lâu suốt đời».

5. CHUẨN BỊ ĐI LÀM CHUYÊN GIA
Vào thời kỳ 1980-85 việc xuất khẩu lao động mở ra hy vọng cho nhiều người. Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp (hồi đó Bộ Giáo dục và Bộ Đại học & Trung học chuyên nghiệp còn tách riêng) cùng Bộ Y tế lo về việc gửi chuyên gia sang Châu Phi, Bộ Lao động lo gửi công nhân sang Liên Xô và Đông Âu. Việc gửi công nhân tương đối đơn giản vì chủ yếu tuyển thanh niên, dựa vào lý lịch, tập trung huấn luyện một đợt ngắn. Tuyển chuyên gia phức tạp hơn vì phải chọn người có trình độ cao đang làm việc trong các cơ quan nhà nước. Có 3 tiêu chí được dựa vào: sức khỏe, ngoại ngữ và chuyên môn. Về sức khỏe, phải qua được một hội đồng khám xét qua loa và tuổi chưa quá 60. Về chuyên môn, chủ yếu dựa vào bằng cấp. Kiểm tra ngoại ngữ là chủ yếu. Đi các nước Angiêri, Công gô, Mađagasca cần tiếng Pháp, đi Ănggôla cần tiếng Bồ Đào Nha. Với chuyên gia giáo dục kiểm tra 3 vòng. Vòng 1 là kỳ thi các kỹ năng nghe, viết, chung cho mọi người. Qua vòng 1 thì được tham gia lớp học và thi vòng 2 về giảng bài theo từng ngành chuyên môn. Sau đó được vào Sứ quán nước bạn để tùy viên văn hóa phỏng vấn trực tiếp. Về hình thức, việc kiểm tra là nghiêm ngặt, nhưng thực tế vẫn để lọt một số người không đạt yêu cầu, đến khi các vị ấy trực tiếp làm việc với sinh viên và tập thể các thầy giáo mới bộc lộ sự yếu kém, thậm chí có một vài người bị đuổi về nước chỉ sau vài tháng không thể dạy được.
Đối với số ít đã khá thành thạo ngoại ngữ, việc qua 3 cửa ải khá dễ dàng, còn đối với số đông thì cũng khá vất vả, phải bỏ công sức và học phí để theo các lớp.
Hồi ấy, đời sống quá khó khăn, nhiều gia đình trí thức lo ‘chạy ăn từng bữa toát mồ hôi’, thì giờ đâu, công sức đâu mà học. Họ vui mừng khi kiếm được miếng đất để trồng rau, nuôi được con gà con lợn. Câu chuyện quan trọng của các bà vợ khi gặp nhau là trao đổi kinh nghiệm trong việc nuôi gà, nuôi lợn. Khá nhiều thầy giáo, kể cả tiến sĩ, giáo sư, ngoài công việc qua quýt ở lớp, ở trường thì lo băm rau, thái bèo, nấu cám. Tôi có gặp may là tiếng Pháp tạm được, không phải đi học ở các lớp, nhưng vẫn phải tự học thêm. Tôi bị một số người chê trách là chỉ lo công việc khoa học mà ít quan tâm đến việc giúp vợ nuôi lợn.
Trong tình hình ấy tôi tâm sự với bạn bè, rằng nuôi gà, nuôi lợn đều tốt nhưng sẽ tốt hơn là nuôi người, chỉ ngại là có người xứng đáng mà nuôi hay không. Người xứng đáng là người có ý chí, có nghị lực, có trí tuệ. Trong gia đình người đó có thể là chồng, là vợ hoặc con. Vợ tôi không bắt tôi băm bèo, nấu cám vì bà ấy thấy nuôi cho tôi học hành tử tế để đi làm chuyên gia sẽ có hiệu quả cao hơn. Một số bà nói rằng họ thấy chồng có trí tuệ, rất muốn chồng đi học bổ túc ngoại ngữ để dự thi làm chuyên gia, nhưng vì trong nhà không kiếm đâu ra tiền đóng học phí. Tôi thấy trong nhà có giường và tủ bằng gỗ lát còn rất mới. Hồi ấy trong nhà có 2 thứ đó là đáng tự hào. Tôi chỉ vào giường và tủ, khen rằng đẹp, quý, đem bán đi có thể kiếm đủ tiền cho chồng đi học. Trước mặt tôi bà vợ bạn chỉ ậm ừ, nhưng sau đó, khi kể chuyện với người khác bà ta lên án tôi, đã xui dại. Vợ chồng bà ta mất bao nhiêu công sức nuôi gà nuôi lợn mới sắm được cái giường, cái tủ gỗ lát, thế mà có người lại đề nghị đem bán đi, thế có đểu không. Tiếc thay cho một trí tuệ bị cùn mòn đi do phải băm bèo, nấu cám nuôi lợn theo sự chỉ đạo của người vợ có tầm nhìn hạn hẹp.
Có một số thầy giáo, khi biết có thể đi làm chuyên gia thì đã hết sức chuẩn bị để đi cho bằng được. Họ chủ yếu không nhằm vào việc kiếm tiền mà nhằm vào mục tiêu khác cao đẹp hơn. Về lý lịch, họ là những trí thức loại 3 theo sự sắp xếp bí mật của tổ chức, trước đây họ không được cho ra nước ngoài để học tập hoặc nghiên cứu. Được tuyển đi làm chuyên gia là dịp tốt, dịp may hiếm có để họ được ra nước ngoài.

Xin dừng lại một chút để viết về các loại trí thức.
Năm 1956 Nhà nước bắt đầu mở rộng việc đào tạo đại học, mở thêm 5 trường đại học mới trong lúc còn rất thiếu thầy giáo. Năm 1960-61 sinh viên khóa 1 của các trường đại học ( 5 trường mới mở ) tốt nghiệp ra trường. Một ít trong số họ được giữ lại làm cán bộ giảng dạy, bổ sung cho đội ngũ thầy giáo còn thiếu. Những người chịu trách nhiệm chính trong việc này là các ông Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Văn Huyên. Các ông đề ra tiêu chuẩn số 1 để chọn thầy giáo là phải học giỏi. Hồi ấy số sinh viên học giỏi xuất thân từ thành phần công nông rất ít, đa số có thành phần xuất thân là địa chủ, phú nông, tư sản… Việc trong hàng ngũ trí thức ở các trường đại học có quá nhiều người không xuất thân từ công nông đã bị Tuyên giáo đảng phát hiện và chấn chỉnh. Trí thức được chia làm 4 loại. Loại 1 thuộc thành phần cơ bản, xuất thân từ công nông, được ưu tiên trong đào tạo, bồi dưỡng, được cho đi học thêm ở nước ngoài. Loại 2, xuất thân không phải từ công nông nhưng có giác ngộ, được cho đi học thêm có điều kiện. Loại 3 được sử dụng nhưng không được cử đi học thêm ở nước ngoài. Loại 4, có vấn đề về lý lịch, phải tìm cách loại bỏ. Số trí thức loại 3 tương đối đông, nhiều người đã bằng cách tự học để vươn lên, nhưng khả năng được ra nước ngoài làm nghiên cứu sinh để bảo vệ học vị tiến sĩ hầu như bị chặn đứng. Đa số họ đã tự nghiên cứu, làm luận án và bảo vệ học vị ở trong nước (từ 1974 trở về sau). Bây giờ việc đi làm chuyên gia đã mở ra cho họ con đường ra với thế giới.
Trở lại với việc học ngoại ngữ. Những chuyên gia các đợt đầu tiên (từ 1982 đến 1985) phần lớn giỏi ngoại ngữ. Ban đầu cứ tưởng rằng để dạy được chuyên môn bằng Pháp ngữ thì thầy phải thật giỏi tiếng Pháp, thế nhưng không hoàn toàn đúng như thế. Trừ một vài môn về khoa học xã hội, nhân văn cần phải giỏi ngôn ngữ, còn các môn tự nhiên như toán, lý, hóa, các môn kỹ thuật như cơ khí, điện, xây dựng, v.v. thì để lên lớp giảng bài chỉ cần một vốn ngôn ngữ vừa phải. Để giảng các môn vừa nói chỉ cần nhớ kỹ vài chục câu mẫu, quan trọng là phải nắm vững các thuật ngữ chuyên môn. Trình độ ngoại ngữ sẽ cần hơn khi phải làm việc riêng với sinh viên, khi tham gia sinh hoạt tập thể. Nhận xét vừa rồi được các chuyên gia lớp trước truyền cho lớp sau, làm cho một số người tưởng nhầm rằng có thể đi làm chuyên gia khi chưa thành thạo ngoại ngữ, đến mức ngoài giờ giảng bài họ không dám tiếp xúc với sinh viên và người nước ngoài, thậm chí bị lúng túng khi gặp một số mẫu câu chưa được học thuộc. Vài người đã bị phát hiện quá kém, bị cắt hợp đồng, cho về giữa chừng (đúng ra là bị đuổi việc). Đó là một nỗi nhục của tập thể chuyên gia.
Làm sao qua 3 lần kiểm tra, về hình thức thì rất chặt chẽ mà để lọt một số người chưa đủ tiêu chuẩn? Tôi hỏi chuyện một vài người có liên quan, được biết nguyên nhân chủ yếu để lọt vào đội ngũ chuyên gia một số người trình độ quá kém là sự thông cảm, nể nang khi xét tuyển. Người dự tuyển tự biết mình còn kém nhưng cứ lo chạy chọt, xin xỏ, may ra được thông cảm. Hội đồng xét duyệt biết rõ người dự tuyển quá kém, chưa đủ trình độ, nhưng thông cảm hoàn cảnh khó khăn, chiếu cố cho đi để mong kiếm ít đô la cải thiện đời sống. Họ có biết đâu chuyện: «Đem chuông đi đánh nước người. Đánh không thành tiếng hổ ngươi xách về»? Than ôi! Một số hội đồng của VN quen thói ban ơn, lừa dối người trong nước, tưởng rằng có thể lừa được người nước ngoài. Đâu có dễ thế! Biết đâu rằng chứng nhận cho người không đủ trình độ đi làm chuyên gia họ đã góp phần làm nhục đội ngũ trí thức của đất nước. Họ không biết rằng chứng nhận cho một người có đủ năng lực mà thực ra người đó chưa có đủ, tưởng là lòng tốt giúp người ta nhưng thực tế đã làm một việc dối trá, làm hại người ta và nhiều người khác có liên quan. Tôi nghĩ rằng những người bị đuổi về có thể kiện hội đồng xét duyệt ra tòa án. Cũng may là đa số chuyên gia Việt Nam là những người giỏi thật sự, họ đã gỡ gạc lại được phần nào uy tín.
GS. Vũ Công Ngữ, một chuyên gia cơ học đất, đi năm 1985, hè 1986 về nghỉ phép, tôi đến thăm để hỏi kinh nghiệm. Xin tóm tắt câu chuyện của GS Ngữ: «Chúng tớ sang đến nơi hơi muộn, nhiều môn học đã được phân cho các chuyên gia các nước đến trước. Tớ thăm dò biết được môn Cơ học đất đã được phân cho một thầy trẻ người Ba Lan. Khi gặp Trưởng khoa để nhận môn dạy, tớ nói, tôi là giáo sư, tôi có thể dạy bất kỳ môn học nào do các ông phân công. Tuy vậy, xin nói để các ông biết tôi là chuyên gia trong lĩnh vực Cơ học đất. Tôi biết môn này các ông đã phân cho thầy khác. Nếu thầy đó giỏi hơn tôi thì cứ để ông ấy dạy, phân cho tôi môn nào cũng được. Còn nếu không phải như thế, để tôi dạy môn Cơ học đất thì người được hưởng lợi là sinh viên của các ông. Không những thế, ngoài việc dạy cho sinh viên tôi còn có thể bồi dưỡng cho thầy giáo của các ông về lĩnh vực quan trọng này. Thế là hôm sau trưởng khoa mời thầy giáo trẻ Ba Lan lên, cho nhận môn khác còn để môn Cơ học đất cho tớ…».
Đó là bài học hay. Khi đến nhận việc tôi nói với Trưởng khoa: «Tôi là giáo sư, có thể dạy nhiều môn học khác nhau. Tuy vậy tôi là chuyên gia của Việt Nam trong lĩnh vực Kết cấu bê tông, vậy nếu tôi được dạy môn đó thì sẽ có lợi nhiều cho sinh viên của các ông». Đúng như GS. Ngữ và tôi đã nói và làm, mình phải xuất phát từ cái lợi của đối tác để thảo luận thì dễ được chấp nhận. Thực chất thì ngoài cái lợi cho họ thì cũng là vì cái lợi của mình lớn hơn. Nếu phân cho ông Ngữ dạy Kết cấu bê tông và phân cho ông Cống dạy Cơ học đất thì các ông cũng dạy được nhưng sẽ vất vả hơn vì phải mất nhiều công để chuẩn bị.
Trường hợp được dạy đúng môn sở trường của mình như tôi và anh Ngữ không nhiều. Một số thầy phải nhận dạy các môn khác. Xin đơn cử vài vị. Thầy Cơ học kết cấu Vũ Như Cầu được giao dạy bài tập Toán; thầy Kết cấu Bê tông cốt thép Nguyễn Lê Ninh dạy Vật liệu xây dựng và Động lực học; thầy Thiết kế và thi công đường Dương Học Hải dạy Trắc địa; chuyên gia về thủy lực và thủy công Nguyễn Trọng Thao được phân dạy Sức bền vật liệu; thầy về thi công Nguyễn Văn Quỳ được phân môn Kết cấu bê tông; chuyên gia thiết kế cầu đường GS. Nguyễn Phúc Trí được phân dạy Quy hoạch thủy lợi; GS. ngành cầu Lê Văn Thưởng dạy Kết cấu thép, v.v. Rồi các thầy cũng dạy được cả vì đều thông thạo tiếng Pháp, nhưng phải chuẩn bị bài vất vả hơn so với các thầy được dạy đúng chuyên môn. Đã đi làm thuê để kiếm đô la thì khó chọn được việc vừa ý.

6. DẠY VÀ HỌC Ở ANGIÊRI
Khi viết lý lịch để xin đi làm chuyên gia, chúng tôi đề chữ KHÔNG ở mục Tôn giáo với thói quen và niềm tự hào từ thời trẻ, được dạy rằng, như thế mới là người theo duy vật, thuộc thế hệ làm cách mạng vô sản. Người của Bộ Ngoại giao yêu cầu chúng tôi tạm quên thói quen và niềm tự hào ấy, viết lại lý lịch. Phải khai theo một tôn giáo nào đó (Phật, Thiên Chúa, Tin Lành, Cao Đài, Hòa Hảo… gì cũng được), không được ghi là người không theo tôn giáo nào. Người ta cho như thế là kẻ vô đạo, vô thần. Mà như vậy thì dù bạn có tài giỏi đến đâu cũng bị loại ngay từ đầu (có dấu hiệu nói dối).
Tổ chức dạy học ở Angiêri có nhiều điểm khác với Việt Nam. May cho tôi, khi đến nhận việc thì tại trường đó (INES de Chlep) đã có vài anh đã dạy một hai năm như Ngô Phú An, Vũ Như Cầu, Nguyễn Lê Ninh. Khi tôi hỏi về các điều cần biết thì các anh chỉ bảo tận tình. Một số thầy quá quen với cách làm ở VN, chủ quan, cứ tưởng đó là mẫu mực có thể áp dụng cho mọi nơi nên đã gặp lúng túng trong thời gian đầu, gây ra những chuyện buồn cười. Xin kể vài chuyện.
Thầy Đào, đến sau tôi một thời gian. Sau khi anh ổn định chỗ ở, tôi đến chơi, có gợi ý xem anh có cần các bạn đã đến trước mách bảo gì không, nhưng anh tỏ ra không cần. Nghĩ rằng anh đã biết những «phong tục» ở đây nên tôi không dám tự tiện chỉ dẫn, ngại phạm vào lỗi bày vẽ cho người khác điều họ đã biết, không cần nghe.
Hôm đầu tiên anh lên lớp về, tỏ ra khó chịu, đến gặp tôi để thổ lộ nỗi bực dọc. Anh nói: «Này, tớ lạ cho cái đất nước này, chẳng ra sao cả. Theo thời khóa biểu tớ đến đúng lớp, đúng giờ nhưng không có sinh viên nào trong lớp, bọn chúng tụm năm, tụm ba ở bên ngoài. Tớ hỏi, có phải các cậu là sinh viên của lớp này không, chúng bảo phải. Thế sao không vào lớp. Trả lời: chúng tôi đang đợi thầy giáo. Tớ bảo chính tôi là thầy giáo đây, các cậu vào lớp đi, đến giờ học rồi. Chúng nó bảo ông đã đến chậm giờ, xin mời ông vào trước. Nhường nhau một lúc tớ đành vào trước vậy. Khi lớp đã ổn định tớ chuẩn bị bắt đầu bài giảng thì thấy không có phấn và trên bảng đen có vài vết cần xóa, thế mà không thấy giẻ lau. Tớ hỏi ai trực nhật hôm nay. Không ai trả lời. Hỏi tiếp ai là lớp trưởng, không ai trả lời. Một lúc sau có 1 sinh viên đứng dậy hỏi: Thưa thầy, ông hỏi những người đó để làm gì. Tớ nói là đi lấy phấn và giẻ lau bảng, đồng thời trực nhật phải lau bảng sạch sẽ trước khi thầy vào dạy. Cậu sinh viên nói: Đó là việc của các thầy giáo, không phải việc của sinh viên, chúng tôi không có ai làm trực nhật cả. Hôm nay thầy mới đến, tôi đi lấy giúp, từ hôm sau ông phải tự lo lấy. Đến khi hết giờ, trong lúc mình đang chuẩn bị thu xếp thì chúng nó kéo nhau ra trước, không có được cái lễ phép tối thiểu chờ thầy ra xong mới ra. Thế có ngược đời không, có đáng chấn chỉnh không».
Tôi vỗ vai Đào, cười mà bảo rằng: Ở cái xứ này, quy định của người ta, đã thành luật lệ là như thế đấy, tại ông quá quen với các trường ở Việt Nam mà không chịu tìm hiểu nên đã bị hors-jeu (việt vị). Theo quy định ở Angiêri thì thầy đi dạy phải tự mang theo phấn và bàn chải lau bảng, nhận ở văn phòng khoa, thầy phải đến và vào lớp trước tiên, sinh viên vào sau, sinh viên chào thầy hoặc không chào cũng được, tự tìm chỗ ngồi. Đúng giờ thầy bắt đầu, khi kết thúc thầy là người ra sau cùng. Quy định của người ta khác với mình. Thôi thì «Đáo giang tùy khúc, nhập gia tùy tục» chứ không thể bảo người ta ngược đời được, không thể dùng quy định của mình để áp đặt cho người khác.
Đối với SV, nghe giảng lý thuyết là quyền lợi, đánh giá bằng bài thi với thang điểm từ 0 đến 20. Làm bài tập và bài thực hành là bắt buộc, ngoài điểm đánh giá về khả năng, còn có điểm đánh giá về chuyên cần với thang điểm từ 0 đến 10 (gần đây ở VN có cho điểm này nhưng chủ yếu là đối với việc học lý thuyết). Cuối học kỳ tôi mang bảng đánh giá chuyên cần nộp cho giáo vụ. Vừa xem xong vị trợ lý bảo tôi: «Chết, chết, thầy cho điểm thế này thì gay go, khó tránh khỏi phản ứng mạnh của SV. Từ trước đến nay mọi thầy giáo cho điểm chuyên cần từ 5 đến 8, thế mà thầy lại cho từ 2 đến 10». Tôi trả lời là đã đánh giá theo đúng quy chế, tôi có đủ chứng cớ vì tôi theo dõi khá sát tình hình làm bài tập và đồ án của mỗi SV, tôi chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu có SV nào phản đối. Đúng là ban đầu bảng điểm do tôi đánh giá có gây một cú sốc cho những ai xem thấy (kể cả SV và thầy giáo), vì người ta đã quen với bảng điểm từ 5 đến 8. Thế nhưng sau đó không có ai thắc mắc và khiếu nại gì, nhiều người công nhận sự đánh giá của tôi mới tương đối chính xác.
Một hôm, theo đúng thời khóa biểu tôi lên lớp. Bình thường tôi đến trước 5 phút, vào lớp, ngồi yên vị thì SV lục tục vào. Hôm nay, đợi đến 15 phút chẳng thấy SV nào, hỏi ra thì SV đang bãi khóa để phản đối một lệnh nào đó của Hiệu trưởng. Bãi khóa là một trong các quyền tự do của sinh viên. Theo quy định thì khi SV bãi khóa thầy giáo vẫn không được bỏ về, phải ở lại lớp cho đến hết giờ. Tôi không những ở lại lớp mà còn viết lên bảng các đề mục của bài học và nói một vài câu. Sau này tôi nói đùa là có vài lần vẫn giảng bài khi trong lớp không có một SV nào cả.
Vào đầu học kỳ 2 năm thứ 2 làm chuyên gia, tôi lên lớp buổi đầu theo thời khóa biểu để dạy tiếp lớp đã học trong kỳ 1. Chỉ có vài SV. Tôi hỏi: Các cậu lại bãi khóa à? Trả lời: Không, chúng em không bãi khóa. Mấy đứa em được các bạn nhờ lên đây ngồi nói chuyện với thầy cho vui kẻo sợ thầy buồn, các bạn nói rằng trong thời gian vừa rồi, liên hệ, trao đổi với nhiều bạn bè học ở các trường khác mới biết chúng em đã học được khá nhiều so với các nơi, thế thì xin thầy cứ từ từ.
Làm bài thi. Sau khi SV kết thúc làm và nộp bài thi, thầy giáo có nghĩa vụ công bố công khai đáp án và mức điểm cho mỗi câu. Việc đó nhằm giúp SV tự đánh giá bài làm, mỗi người có thể tính được số điểm có thể đạt. Sau khi thầy công bố điểm SV có quyền khiếu nại nếu thấy điểm tự chấm và điểm thầy cho chênh nhau đáng kể. SV có quyền yêu cầu thầy cho xem lại bài làm của mình và điểm của thầy ghi cho mỗi câu.
Trong 3 học kỳ đầu tiên tôi đã chấm bài rất cẩn thận, không có một khiếu nại nào. Đến học kỳ thứ 4 thì xảy ra sự cố. Cùng một lúc có gần 10 SV đến yêu cầu tôi cho xem lại bài thi. Đúng ra chỉ được tiếp mỗi lần không quá 3 SV, để trong khi SV xem lại bài thì thầy có thể bao quát được. Nhưng tôi đã chủ quan, phát bài lần lượt cho tất cả. Khi trả lại, hầu hết không có ý kiến gì, chỉ có một SV khiếu nại là tôi dã bỏ sót một ý, không chấm đến, bị mất 1 điểm. Tôi ghi nhận và hứa xem lại, hôm sau trả lời. Khi xem lại cẩn thận và đối chiếu với nhiều bài thi của cùng SV ấy ở các môn khác tôi nghi ngờ câu không được chấm là do SV mới viết thêm vào (lợi dụng sự nhốn nháo đông người). Hôm sau, tiếp SV tôi nói: Tôi công nhận, nếu chấm thêm ý anh phát hiện thì bài thi được thêm 1 điểm. Nhưng tôi nghi ngờ đó là ý anh mới viết thêm vào. Tôi chỉ nghi ngờ mà không có chứng cứ. Điều này chỉ có 2 người biết là anh và Thượng để. Vậy tôi đề nghị kéo dài thêm 1 ngày để anh và tôi cùng cầu nguyện Thượng đế. Nếu anh khẳng định mình không viết thêm thì xin Thượng đế chứng giám, ngày mai anh gặp lại, tôi sẽ làm thủ tục chữa điểm. Nếu anh định lừa dối thì may ra có thể lừa được người thường chứ không thể giấu được Thượng đế. Anh hãy cầu nguyện Ngài, xin tha tội và không cần gặp lại tôi. Kết quả anh ta không đến gặp lại.
Danh hiệu chuyên gia giáo dục là do chúng ta đặt ra để gọi cho oai chứ bạn gọi chúng tôi là «người cộng tác» (tiếng Pháp là Coopérant). Tại nhiều trường đại học ở Angiêri, ngoài các coopérant người Việt Nam còn có người từ nhiều nước khác như Pháp, Nga, Rumani, Ba Lan, Bờ biển Ngà…, trong đó có cả người Việt quốc tịch Pháp. Tất cả chỉ là những người đi làm thuê theo hợp đồng. Sinh viên nói riêng và người dân Angiêri nói chung đánh giá các coopérant Việt Nam có hai cái nhất trong số các coóperant, và đó cũng là các thắc mắc, khó hiểu. Một là đa số họ giỏi hơn coopérant các nước khác. Hai là toàn bộ họ tằn tiện, chịu khổ cực, có cuộc sống vật chất không hề xứng đáng với vai trò thầy giáo đại học và với số lương được trả. Mãi về sau, khi đã tìm hiểu được nguyên nhân thì người Angiêri mới thông cảm và yêu mến hơn các coopérant Việt nam. Nguyên nhân giỏi hơn vì phần lớn họ là những chuyên gia hàng đầu của Việt Nam, còn coopérant các nước khác chỉ là những thầy giáo bình thường, chưa được xếp hạng cao tại nước của họ. Ngay như tại trường mà tôi đang dạy, là một trường nhỏ, mới thành lập tại một thành phố nhỏ (INES de Chlep) mà đã có các thầy có tên tuổi, các chuyên gia hàng đầu của VN như Lê Văn Thưởng (cầu), Dương Học Hải (đường), Đào Hữu Vinh (hóa học), Ngô Phú An (vật lý), Nguyễn Đình Cống (kết cấu bêtông), Nguyễn Lê Ninh (động lực học), Lê Đức Thắng (cơ đất), Nguyễn Phúc Trí (chuyên gia TK CĐ). Đúng là một nghịch lý khi nhà nước đưa các trí thức hàng đầu đi làm thuê cho những quốc gia vừa độc lập ở Châu Phi. Nguyên nhân họ phải sống tằn tiện, chịu cực khổ là vì họ phải làm nghĩa vụ đối với nhà nước vừa ra khỏi chiến tranh, phần lớn lương phải nộp cho nhà nước để góp phần trả nợ, họ chỉ được cấp một số tiền đủ để duy trì cuộc sống bình thường và khi kết thúc mới được trả thêm 100 đô la cho mỗi tháng làm việc.
Trong lịch sử phát triển Đại học của Việt Nam chúng ta có ghi nhận sự đóng góp của các chuyên gia Liên xô. Không biết trong lịch sử phát triển nhiều trường đại học của Angiêri có câu nào nhắc đến các coopérant của Việt Nam hay không.

7. TÔI ĐÃ LÀM CHUYÊN GIA NHƯ THẾ NÀO
Để đi làm chuyên gia tại Châu Phi, dư luận cho rằng Angiêri là hay nhất. Vì thế tôi đã mừng khi được phân đến đó, lại mừng hơn khi được phân về trường INES de Chlep, nơi có các bạn như Vũ Như Cầu, Nguyễn Lê Ninh, Ngô Phú An đã thành «ma cũ». Nhưng đến khi kết thúc, về nước, gặp các bạn đi Công gô, Mađagasca, Ăng gô la mới biết mình đã bị thiệt thòi nhiều. Lý do là ở Angiêri không có chế độ trả tiền làm thêm ngoài định mức tiêu chuẩn. Họ chỉ trả lương theo 3 cấp chức vụ. Các thầy cùng cấp, dù làm nhiều hay ít cũng hưởng lương như nhau. Thế mà do hoàn cảnh éo le gây nên tôi phải đảm nhận một khối lượng giảng dạy gấp từ 1,5 đến trên 2 lần so với các thầy khác. Làm việc như tôi, nếu ở các nước khác thì kiếm được khá bộn tiền vì rằng tiền làm thêm không phải nộp cho nhà nước (Ở Công gô, Mađagasca, mỗi giờ dạy thêm được trả 20 đô la).
Khi tôi đến INES de Chlep thì đã có 2 thầy người bản xứ dạy Kết cấu bê tông, Touahri là giảng viên và Setti là trợ giảng. Touahri tốt nghiệp Thạc sĩ ở Anh về, Setti là kỹ sư từ Pháp. Trường mới mở được 3 năm. Sinh viên khóa 1 đang học năm thứ 3, năm trước đã học một kỳ Kết cấu bê tông do Touahri dạy, tôi tiếp thu lớp đó để dạy tiếp và nhận thêm môn Vật liệu xây dựng của năm thứ nhất. Buổi đầu tiên tôi dùng 1 tiết để kiểm tra trình độ. Tôi ra câu hỏi sau: Hãy trình bày một cách tóm tắt những kiến thức về Kết cấu bê tông đã học được. Chỉ có vài SV chép được một số khái niệm và công thức, còn đa số trả lời là không hiểu gì hoặc chỉ hiểu lơ mơ và không nhớ gì cả. Nhiều SV xin tôi dạy lại từ đầu. Tôi thấy yêu cầu đó là chính đáng nên chấp nhận và được cả lớp hoan hô. Tôi dạy đến đâu SV phấn khởi đến đó vì tôi vừa dạy Kết cấu bê tông vừa dạy lại những khái niệm cơ bản của môn Sức bền vật liệu. Tôi không dạy theo lối thầy đọc trò chép mà theo cách gợi mở để sinh viên tự chiếm lĩnh kiến thức.
Tôi bắt đầu nổi tiếng là thầy dạy giỏi. Trường INES de Chlep đã có thầy Nguyễn Lê Ninh nổi tiếng vì không những dạy hay mà còn hướng dẫn SV làm nghiên cứu khoa học, được giải thưởng toàn quốc. Năm ngoái, trường mới mở được 2 năm mà SV làm NCKH được giải thì đáng tự hào lắm chứ. Năm nay Hiệu trưởng đề nghị tôi hướng dẫn SV làm NCKH. Nhóm SV lại nhận được giải thưởng. Sự nổi tiếng mang lại cho cá nhân tôi uy tín nhưng đồng thời cũng thêm vất vả. Học kỳ 2 có thêm 2 lớp học Kết cấu bê tông. Ban đầu cả 2 lớp được phân cho Touahri và Setti, nhưng được 2 tuần thì SV một lớp bãi khóa đòi thay thầy giáo, họ yêu cầu Hiệu trưởng để tôi dạy. Tôi không nỡ từ chối mặc dầu tôi đã dạy 2 lớp, đã đủ khối lượng và biết rằng chẳng nhận được đồng nào do dạy thêm. Chưa hết, năm sau tôi còn được yêu cầu dạy môn Kết cấu bê tông ứng lực trước cho lớp cao học và hướng dẫn anh bạn Setti làm luận văn thạc sĩ, năm sau nữa, ngoài việc dạy 4 lớp còn hướng dẫn 6 SV làm đồ án tốt nghiệp. Như trên tôi đã viết, nếu những việc làm thêm ngoài định mức mà được trả công thì tôi kiếm thêm bộn tiền, có thể không cần buôn lậu và làm cửu vạn.
Vào cuối năm 1988, một hôm một sinh viên hỏi tôi: Thưa thầy, các bạn ở lớp khác nhờ em hỏi xem lớp ta có học về Quy tắc 3 chốt (Règle des trois pivots) không ạ, nếu học thì học vào khi nào. Tôi trả lời là sẽ học vào buổi tiếp theo. Buổi đó bỗng nhiên sinh viên ở đâu kéo đến khá đông. Hỏi ra thì sinh viên ở lớp khác đến nghe tôi giảng quy tắc 3 chốt. Họ có quyền vào nghe mà không cần xin phép hoặc thông báo trước. Họ vừa học vấn đề đó tuần trước, do thầy khác giảng, thầy giảng đi rồi giảng lại mất hơn 1 giờ mà cả lớp vẫn không hiểu, họ muốn đến nghe xem tôi giảng như thế nào. Tôi trình bày chưa đến 15 phút mà họ hiểu và vận dụng được ngay. Giờ nghỉ, họ đến gặp, cám ơn tôi. Tôi nói đây là vấn đề khó, nhờ việc họ đã được nghe giảng 1 lần trước rồi, nay nghe lại thì hiểu được dễ dàng hơn. Họ cãi lại là sinh viên của lớp tôi chỉ mới nghe lần đầu mà cũng hiểu được ngay.
Thành phố Chlep trước đó khoảng 6 năm bị một trận động đất lớn, nhiều công trình bị sập đổ, nhiều khu nhà mới xây dựng chưa có người ở, phải gia cố để chịu được động đất. Năm 1987 Ủy ban chống động đất Angiêri tổ chức Hội thảo toàn quốc về xây dựng trong vùng động đất. Tất cả có 12 báo cáo thì các chuyên gia giáo dục Việt Nam ở Chlep đóng góp 4, trong đó người tích cực tham gia là Nguyễn Lê Ninh, ngoài ra có báo cáo của Ngô Phú An về dự báo động đất, của Nguyễn Phúc Trí về sự hóa lỏng nền khi động đất và của tôi về biện pháp ứng lực trước trong việc gia cố kết cấu.
Năm 1988, ngay sau trận đông đất mạnh ở phía Nam Liên Xô (thành phố Lênin Acan) một nhóm các nhà khoa học Mỹ đã lập tức đến tận nơi khảo sát (Khi họ khảo sát xong, ra về thì các nhà khoa học của Liên Xô mới đến ). Biết việc này Chính phủ Angiêri mời các nhà khoa học Mỹ, trên đường về nước, ghé qua thủ đô Angiê trình bày kết quả nghiên cứu. Trường Đại học INES de Chlep nhận được 2 giấy mời. Hiệu trưởng đã cử người thứ nhất là Chủ nhiệm khoa Xây dựng Ezian, người thứ 2, đáng ra là anh Ninh, nhưng không rõ vì bận việc gì không đi được nên tôi được thay vào. Trong buổi hôm đó tôi hiểu biết được nhiều điều lý thú và tôi nêu một câu hỏi cũng được các nhà khoa học và cử tọa quan tâm (một trong 3 câu hỏi hôm đó, tôi hỏi về sự hư hỏng công trình do dao động đứng).
Một hôm tôi lên Sứ quán trở về bằng tàu hỏa, ngồi cùng với một thanh niên bản xứ. Sau đây là câu chuyện giữa tôi và cậu ta (Cậu TN) mà tôi còn nhớ được nội dung.
Cậu TN – Xin lỗi, ông có phải là người Việt Nam, ông đi về đâu?
Tôi – Vâng, tôi là người Việt Nam, tôi về thành phố Chlep, tôi đang làm việc ở đó.
Cậu TN – Ở Chlep ông có biết thầy giáo người Việt Nam tên là Nguyễn Đình Cống không?
Tôi – Tôi có biết ông ta vì là đồng hương. Thế anh là sinh viên ở trường và biết ông ấy à.
Cậu TN – Tôi là sinh viên nhưng không ở trường Chlep, tôi không biết ông ấy, chỉ là nghe bọn bạn bè là sinh viên ở Chlep kể nhiều chuyện về ông ấy đến mức tôi nhớ tên ông ta.
Tôi – Thế à, chắc ông ta bị chê bai chứ gì. Tôi biết trình độ tiếng Pháp của ông ấy cũng như của đa số chúng tôi không được lưu loát lắm, mà tiếng Pháp không lưu loát thì khó mà dạy hay được.
Cậu TN – Không, không phải thế. Bọn bạn tôi khen ông ấy hết lời, phong ông ta là thầy giáo số 1 của trường, một vài đứa còn nói rằng từ bé đến giờ mới được học với một ông thầy dạy hay, dạy giỏi đến thế, mà lại rất tận tâm, rất thương yêu và công bằng với sinh viên. Chúng nó làm tôi phải ghen tị là chưa được học với những ông thầy như thế, dù là người Angiêri hay người nước ngoài.
Tôi – Cám ơn anh bạn trẻ đã có nhận xét tốt về người bạn đồng hương của tôi. Có dịp gặp tôi sẽ nói cho ông ấy biết đánh giá tốt của sinh viên.
Nghe khen thế thật sướng lỗ tai. Đây là lần thứ hai tôi được nghe sinh viên nói về mình mà họ không biết ai đang ngồi nghe. Lần trước, vào năm 1976, trên một chuyến tàu Hà Nội – Lao Cai (tôi chỉ đi đến ga Hương Canh), tôi cùng đi với một nhóm sinh viên trường Đại học Kiến trúc, họ sẽ xuống ga Phúc Yên để về Xuân Hòa. Họ kể chuyện cho nhau nghe và cười vui thích thú. Tôi hỏi: Các cậu kể chuyện gì mà vui vẻ thế. Trả lời: kể chuyện vui về thầy giáo. Tôi khen: Quá hay, bọn bác, lớn tuổi rồi, mỗi lần bạn học gặp nhau, kể chuyện bạn bè và thầy giáo cũ là rất thú vị. Các cậu có chuyện gì hay kể cho bác nghe với, kể lại chuyện vừa rồi cũng được. Thế là các cậu kể cho tôi nghe ba chuyện về một ông thầy, không nêu tên, chỉ khi thì gọi thầy ấy, khi gọi ông ấy. Nghe xong tôi hưởng ứng bằng mấy lời khen hay, tôi hỏi: Thầy mà các cậu vừa kể của trường Đại học Kiến trúc à. Trả lời: Không, đó là thầy của trường Đại học Xây dựng, cháu được bọn sinh viên Đại học Xây dựng kể cho nghe, thấy hay nên nhớ và kể tiếp cho bạn bè. Tôi hỏi, thế có biết tên thật ông thầy đó là gì không. Trả lời, hình như là ông Cống, đúng rồi, là Nguyễn Đình Cống. Tôi bảo, thế thì chuyện các cậu kể là chuyện bịa. Nếu các cậu không bịa thì bọn sinh viên Xây dựng bịa ra rồi kể cho các cậu nghe. Trả lời: Bọn sinh viên Xây dựng khẳng định là chuyện thật trăm phần trăm. Mà làm sao bác lại cho là chuyện bịa. Tôi nói: Thì bác đây chính là thầy giáo Cống trường ĐH XD chứ ai!
Trở lại với chuyện chuyên gia. Trong lớp cao học đầu tiên ở trường INES de Chlep, đợt đầu chọn ra 2 học viên làm luận văn thạc sĩ để rút kinh nghiệm. Đó là Ezian, trưởng khoa, do Nguyễn Lê Ninh hướng dẫn, đề tài về gia cố kết cấu chịu động đất, và Setti, trợ giảng môn Kết cấu bê tông, do tôi hướng dẫn, đề tài nghiên cứu tính toán cấu kiện bê tông cốt thép nén lệch tâm xiên. Chính tại đây tôi đã vừa hướng dẫn, vừa tự mình làm những thí nghiệm đầu tiên về cột bê tông cốt thép chịu nén lệch tâm xiên, khởi đầu cho các nghiên cứu sau này.
Nhân chuyện được gọi là chuyên gia tôi kể thêm chuyện, sau khi về hưu tôi được mời sang Lào dạy môn Kết cấu bê tông 2 lần cho các lớp được Pháp tài trợ. Dạy các lớp này đã để lại cho tôi những kỷ niệm đẹp về sư phạm. Trước khi dạy tôi xin trưởng khoa cho biết : (1) Những môn SV đã học và (2) Chương trình, yêu cầu của môn học. Ngoài ra tôi muốn tìm hiểu thư viện của trường xem các tài liệu có liên quan. Yêu cầu 1 được đáp ứng ngay, còn về yêu cầu 2 được trả lời như sau: Ông là giáo sư, xin ông cứ dạy cho SV những điều mà ông thấy cần thiết và có ích, chúng tôi không có yêu cầu gì thêm.
Lớp học chỉ có 18 SV, buổi đầu tiên tôi dẫn lớp đi xem các kết cấu bê tông cốt thép có trong khuôn viên trường, đặt ra một số câu hỏi và gợi ý, đưa tài liệu tham khảo để SV phô tô, giới thiệu các tài liệu có trong thư viện. Nhiều buổi học sau không phải diễn ra theo kiểu thầy giảng trò ghi mà cùng nhau thảo luận các vấn đề, các câu hỏi đã đặt ra và mới xuất hiện, trao đổi, giải đáp các vấn đề trong tài liệu. Cũng có kết hợp một số buổi dạy theo hình thức thuyết giảng theo PP Socrate. Chính ở Lào tôi mới có dịp vận dụng phương pháp dạy học hiện đại theo cách đặt và giải quyết vấn đề. Kết quả thành công tốt đẹp, vượt ngoài dự kiến. Thế mà ở Việt Nam tôi đã vài lần thực hành và truyền bá phương pháp nhưng chưa thành công.
Đã từ lâu tôi hiểu và vận dụng phương châm: Thầy giáo không phải là người bán lẻ các kiến thức mà phải là người khơi dậy được trong lòng người học ngọn lửa nhiệt tình vươn tới Chân, Thiện, Mỹ, hướng dẫn họ phương pháp phát triển trí tuệ. Vào cuối đời tôi vẫn mong ước được đem phương pháp giảng dạy tiên tiến, hiện đại, có hiệu quả cao dùng cho các lớp đại học và cao học. Thế nhưng, trong lúc tôi vẫn còn sức khỏe và tâm huyết để thực hiện thì từ đầu năm 2016, sau khi tôi ra khỏi ĐCSVN, mọi hợp đồng giảng dạy với các cơ sở đào tạo đã bị đơn phương hủy bỏ, các buổi nói chuyện về phương pháp học tập và NCKH, dự định trình bày cho sinh viên bị ngăn cấm, việc mang sách để tặng hoặc bán cho sinh viên cũ về dự Hội của Trường bị xua đuổi. May mà vẫn còn một con đường FB để thỉnh thoảng cất tiếng khi sắp tàn hơi.

8. NỖI BUỒN CỦA KẺ LÀM THUÊ
Trong bài 6 (Dạy và học ở Angiêri) tôi đã viết về thân phận làm thuê và các coopérant Việt Nam có cuộc sống vật chất kham khổ nhất so với coopérant các nước khác và thầy giáo người bản xứ. Sự kham khổ thể hiện rõ nhất trong 2 việc: đi chợ mua thực phẩm và đi lại trong thành phố (đi từ nhà ở đến trường và trở về). Đi chợ hoặc vào các cửa hàng mua thực phẩm, rau quả thì các coopérant VN thường chọn mua những thứ rẻ tiền, ít có ai sờ đến những hàng chất lượng cao. Tôi có anh bạn, ở nhà nghiện thuốc lá, mấy lần định bỏ nhưng không thành công. Sang đến Angiêri vài tháng thấy anh ta bỏ được. Hỏi ra mới biết lý do chỉ vì muốn tiết kiệm ngoại tệ.
Về đi lại. Coopérant các nước có quyền được mua ô tô với giá ưu đãi, khá rẻ. Khi về nước không được mang theo, cũng không được bán lại cho người bản xứ, chỉ được bán lại cho các coopérant khác. Phần lớn các thầy giáo bản xứ cũng có ô tô riêng. Trong các coopérant người Việt (cho đến năm 1989) chỉ có 1 người là Nguyễn Kim Luyện mua xe với giá quá hời, chưa đến 500 đô la, nhưng hình như chỉ để tập lái, sau một thời gian bán lại cho người khác kiếm chút lời. Trong tình hình như vậy, các thầy khác đi đến trường chủ yếu bằng ô tô cá nhân, còn các coopérant VN chủ yếu đi xe Căng hải (cuốc bộ – xe Hai cẳng). Tại Chlep, chỗ chúng tôi ở cách trường trên 3 km. Thỉnh thoảng có thầy đi nhờ được xe của Xixê (Người Bờ biển Ngà), của Setti hoặc Rưbai (Angiêri). Nếu có giờ dạy đầu tiên có thể đi nhờ xe buýt của trường chở sinh viên đi học (xe buýt của trường mỗi ngày chỉ chạy vài chuyến lúc đầu buổi sáng). Phần lớn các thầy Việt Nam, trong phần lớn thời gian phải đi bộ. Các thầy được người địa phương chỉ cho một con đường tắt, đi qua đồi trồng Ô liu, qua cánh đồng cam, qua một con suối cạn (chỉ có nước khi mưa). Con đường đó, trước đây chỉ có bọn chó hoang qua lại, nay được mòn thêm nhờ các coopérant VN.
Thành phố thủ đô Angiê xây dựng trên các quả đồi gần biển. Đường phố thường uốn lượn, lên xuống theo chu vi đồi, ngoài ra có những đoạn đường đi bộ lên xuống theo chiều dốc. Tại Thủ đô có vài trường ở trên mức khá cao. Các thầy người Việt hàng ngày phải đi bộ, trèo dốc thở ra cả hơi tai. Trong một lần vài thầy ngồi cùng nhau uống rượu trong đêm giao thừa, đã tức cảnh làm thơ (Tôi được nghe GS Đoàn Định Kiến đọc, nay nhớ lại lỏm bỏm):
Thơ rằng: Ai đã đem ta đến chốn này/ Còng lưng leo dốc ngược trời mây/ Tin nhà biền biệt bao ngày tháng/ Trừ tịch cùng nhau chén vơi đầy.
Bài họa: Vì hám đô la đến chốn này/ Sá gì đồi núi phủ đầy mây/ Phải kiếp làm thuê đành chịu cực/ Mong kiếm cho con bát cơm đầy.
Một bài khác: Tạm biệt con thơ với vợ hiền/ Sang Phi há chẳng phải là điên/ Nay mai sống sót may về được/ Sờ túi xem ra đã có tiền.
Nhân câu «Nay mai sống sót…», xin kể về một số cái chết. Đầu tiên, vào năm 1985, thầy S. (trường ĐH Tổng hợp), trong một buổi sớm, trời còn tối, đi bộ băng qua đường tại thủ đô Angiê, bị ô tô tông chết. Đầu năm 1986, tại thành phố Chlep, bác sĩ K. bị đột tử vì cảm. Đầu năm 1987 thầy P. ( trường ĐH Bách khoa Hà Nội) chết ở thành phố Tiaret. Cuối năm 1987 thầy B. mất tích. Năm 1990, thầy N. bị bắn chết ở sân bay.
Việc thầy B. mất tích đã làm xôn xao dư luận. Tôi có quen biết anh từ 1985, khi còn ở Hà Nội. Anh có biết một vài thủ thuật chữa bệnh bằng xoa bóp, châm cứu. Nghe đâu đã chữa giúp một số các cô, các bà và bị các ông để ý. Sự mất tích của thầy B. đã được Sứ quán báo cho chính quyền sở tại và nhờ tìm kiếm, nhưng hơn 1 năm không tìm thấy dấu vết. Giữa năm 1989, một số thợ săn phát hiện trong rừng sâu có một xác người đã khô, treo cổ trên cây. Đó là xác thầy B. Tại sao có vụ treo cổ thì có một số giả thuyết nhưng tôi không biết được kết luận của cơ quan chức năng.
Vụ thầy N. bị bắn ở sân bay là do hồi đó ở Angiêri có bạo loạn. Quân nổi dậy chống chính phủ chiếm được sân bay, bắt một số hành khách làm con tin và xử bắn một số, trong đó Việt Nam bị dính một người.
Từ năm 1988 chúng tôi đã rục rịch nghe về các phong trào phản đối. Thỉnh thoảng ngồi bàn tán với nhau, nếu xảy ra bạo loạn thì tìm cách thoát như thế nào khi không thể sử dụng máy bay. Một trong các khả năng là tìm cách thoát bằng đường bộ sang các nước lân cận, rồi từ đó mới tìm cách bay sang Trung Đông hoặc Châu Âu. Chúng tôi lo trước cảnh mà sau này những người Việt lao động tại I Rắc, I Răng, Ly Bi, kể cả tại Angiêri phải chịu đựng.
Về sức khỏe, từ năm 1969, sau khi đến Liên Xô vài tháng, tôi bị một triệu chứng, không có bệnh gì rõ ràng, nhưng cứ vài tháng lại bị một đợt người bị mệt rã rời, trong khoảng trên dưới 1 tuần. Nhiều lúc không thuốc men, không chữa gì cả cũng tự khỏi. Sau khi tốt nghiệp về nước triệu chứng đó vẫn duy trì. Mặc dầu tôi đã được đi nghỉ dưỡng và nằm bệnh viện nhiều lần, kể cả ở Liên Xô, trong nước và cả ở Pháp nhưng không chữa dứt điểm được. Năm 1984, biết được Lương Y Nguyễn Than Tán chữa bệnh bằng Tác động cột sống, tôi đã vừa chữa, vừa theo học phương pháp. Gần suốt năm 1985 và sang 1986 tôi không bị triệu chứng mệt nữa, nghĩ rằng đã đủ sức khỏe nên mới đi sang Châu Phi. Không ngờ chỉ giữ được sức khỏe bình thường trong vòng trên 4 tháng, sau đó triệu chứng mệt trở lại. Cái cảnh làm thuê ở xứ người, bạn bè tuy có nhưng mỗi người ở một phòng riêng, ai cũng lo việc của mình, đến khi bị ốm đau, nằm một mình mới thấm thía. Có lần, vào hôm chiều thứ Năm, trên đường từ trường đi bộ về tôi bị mệt nặng. Về đến nhà, không kịp cởi dày và thay quần áo, cứ thế nằm vật ra giường. Đến sáng thứ 7, sau gần 2 ngày không thấy mặt, bạn bè mới phát hiện ra tôi vẫn nằm liệt trên giường. Nguyễn Trọng Thao và Dương Học Hải vội tìm một người bạn là nữ bác sĩ Nguyệt Hồ, chuyên gia y tế. Chị Nguyệt Hồ mang đến và truyền cho một lọ đạm, tôi mới lấy lại được sức lực. Tôi tức cảnh, lẫy Kiều mấy câu sau:
Cửa người đày đọa tấm thân/ Chỉ vì đồng bạc xanh xanh đó mà/ Dặm nghìn nước thẳm non xa/ Biết đâu đến cảnh thân ta thế này/ Làm thuê thế yếu khó xoay/ Nhỡ khi xảy việc ai hay sự tình/ Nổi chìm chiếc bách lênh đênh/ Ngẫm mình mình lại thương mình xót xa/ Cũng liều cất bước cho qua/ Hết hợp đồng lại có ta với mình.
GS Nguyễn Phúc Trí, không làm thơ, nhưng lại ngâm nga một bài bằng tiếng Pháp: Partir c’ est mourir un peu. C’ est mourir en ce qu’ on aime… Tôi tạm dịch như sau: Ra đi là chết một phần/ Chết trong những cảnh, những tình mến yêu/ Hồn ta để lại ít nhiều/ Khắp nơi, khắp mọi sớm chiều lại qua/Như đùa, rồi vẫn cứ đi/ Mãi cho đến lúc phân ly vĩnh hằng/ Đem gieo những mảnh linh hồn/Gieo trên mỗi một bước đường gian truân/ Ra đi là chết một phần.
Chúng tôi, những người đã được Việt Nam phong Phó giáo sư, kể cả một số Giáo sư, sang Angiêri chỉ được xếp vào hàng Giảng viên. Chỉ có anh Nguyễn Phúc Trí được xếp là Giáo sư. Anh là người lớn tuổi nhất, ở VN lại nhiều năm làm Giám đốc một Viện Tư vấn Thiết kế lớn, thế mà lâm vào cảnh đi làm thuê chịu bao điều cay đắng. Anh đến Angiêri muộn hơn chúng tôi, cầm lệnh về Thành phố Tizi Udu, nhưng cơ sở không nhận, trả lại. Phải đợi chờ, mãi mới được phân về Chlep, loay hoay thế nào lại mất hộ chiếu, từ đó kéo theo nhiều rắc rối. Tôi đã dựa vào bài Nhớ Rừng (của Thế Lữ), làm một bài về anh.
Thơ về GS Nguyễn Phúc Trí: Gặp phải cảnh bất bình nơi Sờ Lép ( Chlep)/ Ta trông chờ cho ngày tháng dần qua/ Giận bọn kia dám ngạo mạn ngẩn ngơ/ Giương mắt bé diễu oai linh cao rộng/ Nay vì muốn đổi môi trường hoạt động/ Đi Châu Phi một chuyến thử chơi/ Chịu ngang hàng cùng Ninh, Cống dở hơi/ Với mấy đứa Hải, Vinh vô tư lự/ Càng ngẫm nghĩ càng căm chúng nó/ Tizi Udu không nhận ta phải chạy vòng quanh/ Mất hộ chiếu càng bị chúng nó hành/ Đã chậm hợp đồng lại chậm luôn xê đắc (*)/Chỉ vì phải làm hồ sơ xin Các (**)/ Bị mấy anh cảnh sát khinh nhờn/ Lại chỉ vì lỡ bước chậm chân/ Phải nhận dạy môn Quy hoạch/ Rồi những chuyện giấy tờ Ký túc/ Nhầm linh tinh làm ta phải trầm ngâm/ Ôi cuộc đời sao lắm gian truân/ Nhỡ một chút sa chân vào thế yếu… [(*)Xê đắc- CEDAC- từ viết tắt, Phiếu chuyển đổi tiền của Ngân hàng ; (**)Các- Carte de séjour- Phiếu lưu trú].
Số coopérant đến Chlep năm 1986 còn gặp một tai họa là đã làm việc 9 tháng nhưng chưa nhận được một đồng lương nào. Hàng tháng, để chi tiêu, phải mượn từ anh em cũ và của Sứ quán. Sắp đến đợt nghỉ hè về nước, thế mà chưa có lương để mua sắm thì xoay xở làm sao. Tiền đi mượn chỉ vừa đủ ăn hàng ngày. Xin tạm ứng cuả Sứ quán một số tiền đô la cho anh em trong đơn vị chuẩn bị nghỉ hè là một việc khó. Anh em họp lại, cử người thay mặt đi mượn. Tôi được tín nhiệm giao việc đó. Trên 50 tuổi tôi đã rút ra các kế sách để dùng trong những trường hợp cần đề đạt ý kiến với những người có quyền lực để làm một việc nào đó. Bước thứ nhất là dùng tình cảm. Bước thứ 2 là dùng lý lẽ. Nếu qua 2 bước này mà chưa đạt thì dùng bước 3 là dọa dẫm. Tôi đã có một số lần đạt thắng lợi ở bước này. Tuy vậy dọa trẻ con thì dễ, còn dọa người có chức quyền thì quá khó, phải biết được chỗ yếu của người ta, biết được họ đang sợ điều gì mà dọa đúng vào đó mới được. Lần này tôi đã nhờ kết hợp với anh Nguyễn Xuân Đặng (CB phụ trách chuyên gia của Sứ quán) mới dùng được mẹo dọa gián tiếp vị cán bộ phụ trách tài chính để mượn được cho mỗi người 200 đô la. Tôi mang về đưa cho anh em, nhưng sau đó ít lâu phải thu hồi trả lại cho Sứ quán vì đã nhận được lương.
Việc các coopérant VN có cuộc sống vật chất kham khổ có làm cho một số sinh viên, đồng nghiệp, người dân thông cảm, quý trọng, nhưng cũng có một số người, kể cả đồng nghiệp trong trường coi thường và tỏ ra khinh bỉ. Trong một lần họp các thầy giáo toàn khoa, một thầy giáo người Angiêri nêu một vài nhận xét về Cooperant VN có ý xúc phạm. Tôi và Nguyễn Lê Ninh hơi bị nóng mặt, nhưng chưa trả lời, còn chờ các anh lớn tuổi hơn, tiếng Pháp giỏi hơn lên tiếng (có 2 anh như vậy). Thế nhưng các anh ngồi yên. Tôi buộc phải lên tiếng bảo vệ lẽ phải. Nguyễn Lê Ninh đã tiếp lời tôi. Chúng tôi chỉ ra rằng, nhận xét về các coopérant thì quan trọng nhất là đánh giá công việc giảng dạy của họ, những đóng góp của họ vào thành tích và sự phát triển của khoa, của trường, tác dụng của họ trong việc giáo dục sinh viên. Xét về những việc đó thì chúng tôi xứng đáng được tự hào. Còn về sinh hoạt, chúng tôi có những khó khăn, ai biết đến chúng tôi cám ơn, ai không biết chúng tôi không trách.

9. CHUYỆN BỊ THU VÀ ĐI NHẬN LẠI HỘ CHIẾU CuỐI năm 1987, không biết từ đâu tung ra tin, những coopérant ký hợp đồng từ 1987 trở về sau không được cấp vé máy bay về nước sau năm đầu tiên. Điều này làm các bạn vừa sang hoang mang, lo lắng. Không biết ai đã nghĩ ra mẹo sang Ba Lan mua vé máy bay để về nước nghỉ hè. Chẳng là thời gian này Hàng không Ba Lan được Liên xô bao cấp. Ba lan bán vé thu đô la còn máy bay Liên xô chuyên chở khách. Vé mỗi chuyến BaLan Hà Nội chỉ hơn 100 đô la, mua vé chỉ cần trình hộ chiếu và vé có giá trị trong 12 tháng.
Đầu năm 1988 Nguyễn Lê Ninh đi nghỉ đông ở Ba Lan, mang theo hộ chiếu của Dương Học Hải, Đào Hữu Vinh và Lê Đức Thắng để mua hộ vé. Từ Angiê đi máy bay sang Tiệp khắc rồi đi tàu hỏa tiếp đến BaLan.Do sơ suất nhỏ mà trên tàu hỏa Lê Ninh bị Công an Tiệp phát hiện và tịch thu 3 hộ chiếu, bị giữ để điều tra, bị báo về cho sứ quán của ta ở Praha. Sứ quán Praha thông báo cho sứ quán Angiê, lúc này do ông Vũ Toàn làm Đại sứ. Ông Toàn, thông qua Nguyễn Xuân Đặng, chỉ thị cho đơn vị chuyên gia ở Chlep họp kiểm điểm.
Nhận được chỉ thị, đơn vị có 2 luồng ý kiến. Một số cho rằng phải họp để kiểm điểm, nhưng nên làm chiếu lệ, loa qua, chỉ cần lập biên bản báo cáo cho Sứ quán. Đó là cách làm để đối phó. Một số khác cho rằng không việc gì phải họp, không kiểm điểm ai cả, việc xẩy ra chỉ là rủi ro nhỏ. Cuối cùng chẳng họp, chẳng kiểm điểm mà chỉ có những lời đàm tiếu vui vẻ. Nhưng phải làm sao để lấy lại hoặc xin cấp lại các hộ chiếu. Sau một thời gian các hộ chiếu được công an Tiệp trả cho Sứ quan ở Praha vì vậy Sứ quán ở Angiê không cấp hộ chiếu mới mà phải tìm cách lấy hộ chiếu cũ về.
Có 3 phương án được đặt ra: 1- Thượng sách: Sứ quán ta ở Angiê kết hợp cử cán bộ ngoại giao sang Tiệp công tác rồi cầm hộ chiếu về. Nếu không thể kết hợp công tác để có công tác phí của nhà nước thì các đương sự góp tiền để cho cán bộ ngoại giao đi về. 2- Trung sách: Nếu có một vài chuyên gia y tế đi nghỉ, sang Tiệp chơi thì Sứ quán Angiê làm công văn, đề nghị Sứ quán Praha bỏ các hộ chiếu vào phong bì, niêm phong như hồ sơ ngoại giao, nhờ chuyên gia mang về. 3- Hạ sách:: Đơn vị phải cử người sang Tiệp, nhận mang về.
Hai phương án đầu không được chấp nhận, phải dùng PA 3. Đơn vị họp và nhất trí cử tôi đi. Tôi vui vẻ nhận lời, bàn giao công việc nhờ anh Ninh dạy thay trong 1 tuần. Vấn đề còn lại là phải hoàn thiện thủ tục ( mua vé máy bay, xin visa xuất cảnh) và xin phép Hiệu trưởng. Rồi phải nghĩ ra được lý do để nói dối khi xin phép ( vì mọi người thống nhất là không nói thật chuyện bị tịch thu hộ chiếu). Đã có cuộc hội ý kéo dài nhiều giờ của một nhóm 5 người ( kiểu như họp thường vụ đảng ủy ) gồm Lê Văn Thưởng, Nguyễn Phúc Trí, Nguyễn Lê Ninh, Ngô Phú An, Nguyễn Đình Cống để nghĩ ra điều bịa, lấy làm lý do trình bày. Bàn luận mãi rồi cũng tìm được điều nói dối và phổ biến cho toàn đơn vị để ai có hỏi thì trả lời thống nhất.
Khi tôi đến gặp Hiệu trưởng Boukais có anh Ninh đi cùng. Chúng tôi là 2 thầy giáo được Hiệu trưởng quý trọng, tin cậy. Sau khi chào nhau, Boukais hỏi: Hai ông đến gặp tôi chắc có chuyện gì quan trọng cần chỉ bảo hoặc góp ý. Tôi nói: Không có chuyện gì, chỉ là tôi muốn xin ông tạm nghỉ vài ngày để sang Tiệp Khắc có việc. Boukais hỏi: việc cá nhân hay của tập thể. Tôi nói là việc cá nhân và chuẩn bị trình bày lý do, nhưng chưa kịp nói thì Boukais đã tiếp: Ai chứ ông Cống cần nghỉ vì việc cá nhân thì xin cứ nghỉ, Boukais chỉ hỏi xem tôi nghỉ mấy ngày, có cần ông hỗ trợ gì không, và đã bố trí người dạy thay chưa. Tôi trả lời: Cám ơn ông, tôi chỉ cần ông biết và cho phép là đủ, tôi cần nghỉ tối thiểu là 3 ngày, tối đa là 1 tuần, còn việc dạy thay, mọi sự đã có ông Lê Ninh đảm nhận. Lúc này anh Ninh nói: Xin ông an tâm, tôi hứa làm tốt công việc của ông Cống trong thời gian ông ấy vắng mặt.
Boukais nói thêm: Tôi biết máy bay đi Tiệp mỗi tuần chỉ có một chuyến, vào thứ 5, sáng đi, chiều về cùng trong 1 ngày, như vậy trong vòng 3 ngày thì ông đi về bằng cách nào. Thôi ông cứ nghỉ tối thiểu là 1 tuần cho rộng rãi, thứ 5 tuần này đi, thứ 5 tuần sau về. Ông còn chịu sự quản lý của Sứ quán. Vậy các ông còn phải xin phép Sứ quán và tôi muốn biết ông đã được Sứ quán cho phép. Tôi giải thích: Nếu ông thấy không tiện để tôi nghỉ dài ngày thi 3 ngày là đủ. Chỉ cần 1 ngày thứ 5 ở Tiệp là xong việc, thứ 6 tôi sẽ từ Tiệp đi Rumani để thứ 7 bay từ Ru về Angiê.
Qua việc Boukais không hỏi lý do làm tôi tỉnh ngộ ra một điều về sự tôn trọng chuyện riêng tư của con người. Nhờ việc tôn trọng này mà làm cho người ta bớt được sự dối trá. Nếu Boukais hỏi lý do thì tôi đã phạm tội nói dối mà ông ta cũng không biết được sự thât.
Việc đã quá gấp, trong hạn nửa tháng phải có hộ chiếu cho các bạn. Đơn vị đã cử anh người đi Sứ quán (cách 300 km) xin xác nhận cho phép tôi đi Tiệp. Anh Bằng đã nhận việc này, đi về trong 1 ngày. Để xin Visa được nhanh chóng cần nhờ người địa phương quen thân với công an dẫn đi, chỉ sau 1 buổi anh Ninh đã tìm được người như vậy và người bạn đó đã dẫn tôi đến công an, làm 1 nhoáng là xong (thông thường phải mất ít nhất 3 ngày).
Máy bay từ Thủ đô Angiê đi Tiệp mỗi tuần chỉ có 1 chuyến vào thứ 5. Hôm ấy thứ hai và không còn chỗ. Thấy tôi có vẻ quá thất vọng, người bán vé khuyên: Nếu ông không vội xin cứ đợi, may ra có người trả lại vé. Hoặc ông có số điện thoại thì để lại, khi có ai trả vé chúng tôi sẽ báo. Thôi thì đành đợi và cầu Trời khấn Phật phù hộ. Vừa đợi tôi vừa tìm phương án khác là đi máy bay sang một nước gần đó như BaLan, Đức hoặc Rumani (Đi đến mỗi nơi cũng chỉ có 1 chuyến mỗi tuần, vào các ngày khác nhau) rồi đi tàu hỏa sang Tiệp. Đi Liên xô có nhiều chuyến bay hơn, nhưng từ Mạc Tư Khoa đến Praha khá xa. Đợi đến gần cuối buổi, nhận được lời thông báo: Vừa có người trả 1 vé, nhưng…, nhưng là vé loại 1, ông có đi không. Tôi đồng ý mua ngay, về nhà chuẩn bị để thứ ba đi tàu lên Sứ quán lấy giấy giới thiệu đi nhận hộ chiếu, thứ 4 chuẩn bị vài thứ hàng mang sang Tiệp để nhờ gửi về nước và sáng thứ 5 lên máy bay. Nghĩ rằng đi vé hạng nhất, được mang theo 30 kG hành lý nên cố tranh thủ đi chọn mua các hộp sữa đầu xù còn thời hạn khá dài. Đến Tiệp tôi sẽ nhờ Lê Bá Huế ( đang làm nghiên cứu sinh ở Praha) ghép các hộp sữa vào với thùng hàng của cậu ấy để gửi về nước cho vợ đi bán kiếm lãi.
Khi làm thủ tục lên máy bay tôi bị một phút suýt đứng tim. Người đi vé hạng nhất đi một đường riêng, ai cũng sang trọng, tay xách cái cặp nhẹ nhàng, chẳng ai có hành lý nặng nề như tôi. Giữa đám người ấy tôi tỏ ra lạc lỏng. Khi hai thùng hàng nặng của tôi được băng chuyền đưa đi một đoạn thì bỗng nhiên có lệnh dừng lại. Tôi bàng hoàng nghĩ đến việc hàng bị giữ vì trong đó có quá nhiều sữa hộp, bị cấm xuất. Đang nghĩ cách khai báo thì được mời đến chỗ kiểm tra hộ chiếu. Họ bảo: Ông chưa thể xuất cảnh sang Tiệp được. Câu nói như gáo nước lạnh dội vào đầu. Tôi cố bình tĩnh, hỏi tại sao. Họ bảo: hộ chiếu của ông chưa thấy có visa cho nhập cảnh của Tiệp. Tôi thở phào như trút được gánh nặng. Chẳng là từ trước đến nay chưa có một người Việt nào đi vé hạng nhất nên công an ở tuyến này không biết thủ tục. Tôi giải thích là tôi dùng hộ chiếu công vụ của Việt Nam và theo hiệp ước tương trợ Varsovi thì đi lại giữa các nước trong khối đó không cần visa. Họ bảo thế à và ra hiệu cho băng chuyền tiếp tục hoạt động.
Tôi định sau khi nhận hộ chiếu của các bạn sẽ nhờ Sứ quán bỏ vào phong bì, niêm phong, ngoài ghi là tài liệu ngoại giao gửi Sứ quán tại Angiê, để lỡ ra có bị khám xét thì không bị tich thu như anh Ninh đã bị. Thế mà không cách gì xin làm được việc ấy. Họ trả lời làm thế là không đúng quy trình ngoại giao. Tôi có mang về được thì mang, còn không thì cứ gửi lại để những ai có hộ chiếu đó đến nhận. Tôi hỏi, những người đó đang ở Angiêri, làm sao họ đến Tiệp được khi không có hộ chiếu. Họ giải thích: Sứ quán ở Angiêri phải cấp hộ chiếu tạm thời cho những người đó. Sau này tôi mới tỉnh ngộ ra là mình còn thiếu một cái phong bì kèm theo lời đề nghị. Thôi thì đành liều, cầu xin Trời Phật phù hộ cho qua khỏi. Tôi có gần 1 tuần đi chơi, thăm bạn bè người quen ở Tiệp và tranh thủ mua hàng mang về bán ở Angiêri.
Sau 1 tuần, tôi đút 3 hộ chiếu vào túi trong của áo vét và ra sân bay. Xuống máy bay khoảng 7 giờ chiều, tôi đi ngay tàu hỏa, gần 2 giờ sáng về đến Chlep. Quá khuya, không còn tắc xi. Những người cùng xuống ga đã được người nhà đem ô tô đến đón về hết. Tôi đang thẩn thờ thì có một thanh niên đến hỏi về đâu. Tôi nói là Coopérant, đang dạy học tại INES de Chlep, định về khu nhà khách của trường. Anh ta nói là đi đón người nhà nhưng không gặp, rất tiếc, anh ta đi theo hướng ngược lại, nếu đi cùng đường anh ta sẽ chở tôi về. Tôi tỏ lời cám ơn và tìm một chỗ ngồi trong phòng đợi nhà ga, chờ trời sáng. Được một chốc người thanh niên quay lại, mời tôi lên xe để đưa về. Anh ta nói, khi đã biết tôi là thầy giáo thì không thể để tôi ở lại một mình qua đêm trong phòng đợi tàu. Dù có phải đi ngược đường thì anh ta cũng phải chở tôi về mới an tâm. Tôi về đến nơi lúc hơn 2 giờ sáng. Đứng giữa sân, nhìn lên các phòng của các bạn, thấy đèn sáng, biết rằng nhiều bạn đang thức đợi tôi về. Đừng giữa sân tôi nói to «Về rồi». Mọi người mở cửa chạy xuống, vui như đón một chiến binh từ mặt trận.
Gần đây, sau khi thôi giữ chức Hiệu trưởng trường ĐH Xây dựng, trong một buổi có đông bạn bè, Nguyễn Lê Ninh đã vỗ vai tôi, giới thiệu với mọi người: « Đây là người hùng của các chuyên gia giáo dục ở Chlep, đã đi từ Angiê sang Tiệp khắc để nhận lại hộ chiếu cho các giáo sư Dương Học Hải, Lê Đức Thắng, Đào Hữu Vinh ».

10. MUA XE HONDA BÃI RÁC Vào những năm 1985-1990, một trong các món hàng các chuyên gia VN làm việc ở Châu phi mua bán kiếm lời là Xe Hon đa cũ nhập từ Nhật. Lịch sự gọi là xe mô tô second hand, thực tế là xe phế thải, được một số công ty cho thu nhặt từ bãi rác thải, đóng thùng công tai nơ gửi về Việt Nam. Có 2 con đường chính mua xe cũ. Thứ nhất là Công ty ngoại thương TOSERCO Hànội, trụ sở ở Giảng Võ, thu mua về bán lại bằng đôla ( Phải nạp trước đô la cho công ty ), chuyên gia mua về để dùng hoặc bán lại lấy tiền Việt, hưởng một khoản lời.Thứ hai là các chuyên gia gửi tiền sang cho công ty Nhật ( một số công ty tổ chức làm việc này, gửi quảng cáo tiếp thị đi các nơi ). Mỗi đợt có một vài người đứng ra tổ chức Hội mua xe, một lúc vài công tai nơ. Một người đại diện, thu nhận đơn đặt hàng và tiền, gửi chuyển khoản và hợp đồng qua Nhật. Công ty nhật nhận được tiền sẽ thông báo Vận đơn. Người nhà các chuyên gia sẽ nhận xe ở Hải Phòng hoặc Hà Nội, chia nhau theo hồ sơ của vận đơn. Ban đầu các xe như vậy phải đóng thuế nhập cảng. Mỗi xe cũ bán ra thị trường được khoảng trên dưới một cây vàng.
Từ 1987 có sự thay đổi. Xe của các chuyên gia nghĩa vụ được miễn thuế. Nghe đâu kết quả đó là do một số thầy ở Đại học Bách khoa, bạn của cô Phan Lương Cầm đã vận động được ông Võ Văn Kiệt ra quyết định miễn thuế cho các chuyên gia Châu Phi. Từ đó việc nhập xe cũ trở nên sôi động, có người gửi mua một lúc trên 10 chiếc.
Đặt mua xe loại nào để bán được giá, việc đó phụ thuộc vào thị hiếu đường phố, do các cò mua bán xe máy chỉ đạo. Các chuyên gia ở Châu Phi nhận được lệnh của người nhà đặt loại xe màu ốc bươu, kim vàng giọt lệ. Tra khảo hết các thông báo chào hàng, tra khắp tài liệu tham khảo mà không biết đó là loại xe của hãng nào, mang ký hiệu gí để ghi cho đúng.
Các Hợp đồng và tiền được liên tiếp chuyển sang Nhật và các công tai nơ xe cũ chuyển về Việt Nam. Câu chuyện các chuyên gia thường hỏi nhau là ở nhà đã báo nhận được xe chưa, bán được bao nhiêu. Thế rồi một sự cố không ngờ tới đã xẩy ra, làm cho các chuyên gia mất trắng hàng chục vạn đô la. Đó là vụ SAWASO nổi tiếng.
Công ty Sawaso xuất hiện chậm hơn, mới từ đầu năm 1988. Họ gửi thư chào hàng có rẻ hơn các công ty khác vài giá, thu hút được khá nhiều hợp đồng. Khoảng đầu năm 1989 các công tai nơ của Sawaso gửi về đều đặn. Nhưng rồi từ cuối 1989 họ không gửi nữa. Trước khi về nước kết thúc 3 năm làm hợp đồng
( tháng 10 năm 1989) tôi dồn toàn bộ số lương của năm cuối cùng gồm 1200 đô gửi vào hội mua xe của Sawaso ở Chlep do GS Lê Văn Thưởng và Đào Hữu Vinh làm hội trưởng, với hy vọng sau khi nhận được xe sẽ bán được từ 3 đến 4 cây vàng. Thời bây giờ ( 2017 ) thì số tiền 1200 đô la hoặc 3 cây vàng, tuy lớn nhưng nhiều người kiếm được. Vào năm 1989 đó là cả một gia tài đáng kể. Tuy vậy tôi chỉ mất vào loại trung bình, có một số người mất gấp đôi, gấp ba so với tôi, thuộc loại mất gần hết thu nhập. Những người chưa kịp gửi mua xe của Sawaso thở phào nhẹ nhỏm, tránh được, vì không vội tham rẻ mà tránh được tổn thất.
Cũng có một số người chủ trương kiếm được đồng đô la nào thì « giắt vào lưng quần » mang về, không làm kiểu « phóng cẩu nhi truy » ( thả chó ra rồi đuổi theo để bắt lại ). Đại diện cho nhóm này có lẽ là GS Dương Học Hải. Anh Hải về nước trước tôi, nhờ tôi thanh toán. Dự kiến số tiền còn được nhận khoảng 400 đô la. Tôi hỏi anh có muốn đặt mua xe hon đa không, nếu thừa tiền thì không sao, nếu thiếu tôi sẽ cho mượn. Ban đầu anh đồng ý, nhưng giữa chừng gửi thư sang bảo được bao nhiêu cứ mang về, không gửi mua xe. Trong số các chyên gia đi Châu Phi tôi biết chắc anh không làm cửu vạn, còn có buôn lậu hay không thì cho đến bây giờ tôi không biết và không hỏi.
Chuyện Sawaso không gửi xe khi đã nhận nhiều tiền tôi chỉ được biết vào đầu năm 1990, sau khi đã về nước vài tháng. Chúng tôi, những nạn nhân đang ở Hà Nội, họp nhau vài lần bàn kế hoạch kiện cáo, nhờ các cán bộ ớ Sứ quan Nhật bản giúp đỡ để đòi lại tiền. Nghe đâu ông chủ Sawaso không phải cố tình lừa đảo,không cố tình gian lận mà vì gia đình bị tai nạn, ông ta bị phá sản nên không còn khả năng thực hiện hợp đồng, cũng không thể trả lại tiền. Thôi thì đành ngậm ngùi chịu mất trắng. Tổng kết lại trong suốt thời gian làm chuyên gia tôi bị mất chỗ này, chỗ kia, bị lừa bởi người này người nọ vào khoảng gần một nửa thu nhập ( do được trả lương, do tiền công làm cửu vạn và tiền lãi do buôn lậu ). Ôi, Sawaso, một công ty khắc tinh của các coopérant Việt Nam trong thời gian 1988- 1990.
Việc mua xe cũ hoặc các hàng khan hiếm khác thông qua công ty ngoại thương TOSERCO thì chắc chắn hơn nhưng lời lãi không được bao nhiêu. Điều quan trọng là phải mua bằng ngoại tệ. Mà ngoại tệ phải được chứng minh nguồn gốc. Chúng tôi, các chuyên gia, khi về nước có quyền mang theo vài ngàn đô la, nhưng lần về cuối cùng, có bao nhiều tôi đã gửi vào chỗ mua xe hết rồi, làm 1 chuyến cửu vạn được 200. Qua Mạc Tư Khoa tôi gặp người quen, mượn được 1000 đô, hẹn về Hà Nội trả bằng tiền Việt. Có tiền đô tôi lại gửi vào Toserco để mua xe bãi rác.
Một hôm, trên 40 người tập trung từ sớm ở Giảng Võ để nhận xe theo giấy hẹn. Thế nhưng đến khoảng 9 giờ vẫn không có ai tiếp. Mọi người nhốn nháo vì không có tổ chức, không ai bảo được ai. Trong tình hình đó tôi nghĩ thử tập hợp xem có được không. Tôi đứng ra nói to với mọi người: « Thưa bà con, tôi là một khách hàng như bà con, tôi là thầy giáo tại trường Đại học Xây dựng, tên là Nguyễn Đình Cống. Tôi thấy chúng ta nên tổ chức lại để làm việc với Toserco chứ không nên từng người nhốn nháo như thế này. Tôi đề nghị cử ra một ban đại diện gồm 3 người. Có ai trong bà con có quen biết với Toserco hoặc tự thấy có khả năng làm đại diện trong những việc như thế này xin hãy đứng ra tự nhận nhiệm vụ thay mặt tập thể. Hoặc giả bà con biết ai có thể đảm trách được thì giới thiệu. Riêng tôi, rất tiếc là tôi tự thấy chưa có đủ kinh nghiệm và kiến thức làm việc này». Nhiều ý kiến đề xuất: «Chúng tôi tán thành ý kiến cử đại diện. Thôi bác Cống nhận làm đi, chúng tôi tín nhiệm bác». Tôi nói: «Được bà con tín nhiệm thì tôi sẽ cố gắng, vậy xin hỏi có ai phản đối không». Không có phản đối. Tôi mời thêm một bà và một ông nữa, cùng tôi là 3 người. Tôi chỉ xem tướng mạo rồi chọn chứ cũng chưa biết tên và ở đâu. Cả hai người vui vẻ nhận lời cùng tôi làm đại diện. Tôi hỏi bà con có nhất trí không, mọi người vỗ tay.
Thì ra là hàng chưa về, họ còn chờ thỉnh thị cấp trên xem nên trả lời với khách hàng như thế nào. Tôi nói nên trả lời đúng sự thật, đừng nghĩ ra mưu mẹo dối trá. Họ viết một vài điều cam kết rồi cùng 3 người chúng tôi ra nói chuyện vói bà con trong không khí vui vẻ, thông cảm.
Hồi ấy mua được một xe mô tô nhặt từ bãi rác của Nhật mang về là một thằng lợi đối với nhiều người.
.............................

N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN
https://www.facebook.com/ngdinhcong

 

Đăng ngày 11 tháng 07.2017