Lại tới mùng 8 tháng 3
Bao giờ Nam Nữ mới thật sự bình đẳng?
Nguyễn thị Cỏ May
Trong nhiều thế kỷ, đàn bà vẫn chưa được thừa nhận về mặt pháp luật bình đẳng với đàn ông. Về các mặt như giáo dục, nghề nghiệp, dân quyền và luật pháp… họ vẫn còn phụ thuộc ông chồng của họ. Ngay cả bản Tuyên Ngôn Nhơn quyền cũng không đề cập tới người đàn bà. Chính nhờ những nổ lực tranh đấu gian khổ trên nhiều mặt trận mà người phụ nữ đạt được mức binh đẳng trên luật pháp như họ đang hưởng ngày nay.
Quá trình tranh đấu liên tục đem lại cho người phụ nữ những quyền như quyền đi học, quyền có nghề nghiệp, quyền bầu cử, quyền ứng cử, quyền tham gia chánh phủ, quyền quản lý tài sản của mình, quyền ly dị, quyền hưởng pháp luật bình đẳng. Những điều này đã đạt được, không phải ngay ở thời gian đầu tranh đấu mà phải trải qua một thời gian dài. Luật pháp nhìn nhận nữ quyền ban hành đã làm thay đổi sự vận hành của xã hội. Khi thừa hưởng những luật lệ này, người phụ nữ cũng bắt đầu hội nhập với thực tế mới.
Nhưng trên thực tế, sự bình đẳng Nam Nữ hãy còn là điều ước mơ vươn tới tuy luật pháp đã được cải thiện rất nhiều. Hội nghị quốc tế về nữ quyền cũng đã tổ chức tới lần thứ tư.
Phụ nữ làm chánh trị
Cộng sản lúc chưa cướp được chánh quyền hô hào nam nữ bình quyền lớn tiếng hơn bất kỳ ai khác. Nhưng khi nắm được chánh quyền thì người phụ nữ bị đối xử cực kỳ tệ bạc.
Trong chánh phủ Nguyễn Xuân Phúc có 2 nữ Bộ trưởng trên 22 người (9%), Thứ trưởng 10 trên 128 người (8%), 7 Vụ trưởng và 62 Phó Vụ trưởng. Trong lúc đó, đảng cộng sản bố trí 83% phụ nữ tham gia lao động sản xuất.
Bà Nguyễn thị Thanh Hòa, Chủ tịch Trung ương Liên Hiệp Phụ nữ, cho biết bà đang thi hành Nghị quyết 11 của Bộ Chánh trị khóa X về công tác phụ nữ “…đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, chỉ tiêu: phấn đấu đến năm 2020, số nữ Đại biểu Quốc Hội và Hội đồng Nhơn dân các cấp sẽ tăng từ 35% đến 40%.
Hiện nay, Quốc Hội chỉ có 24,4% phụ nữ, Hội đồng Tỉnh 25,7%, Huyện 24,6%, cơ sở 27,7%.
Tại sao phải phấn đấu trong 3 năm để được thêm 5% phụ nữ dân cử các cấp trong lúc đảng cộng sản có đủ quyền hành mở cửa cho bao nhiêu người vào, có ai dám phản đối? Có ai có quyền ứng cử nếu không được cái đảng giới thiệu, tức cho phép? Phấn đấu và chờ đợi phải chăng vì chỗ ăn có giới hạn mà số người nộp tiền rồi đang xếp hang chờ đợi tới phiên mình lại quá đông?
Đây là sự thiệt thòi của phụ nữ Việt nam nhưng vẫn là thứ thiệt thòi của kẻ ăn trên ngồi trước, giai cấp có tiền và có quyền. Còn bao nhiêu phụ nữ vừa trưởng thành, ở vùng quê đồng bằng sông Cửu Long, phải đi ra nước ngoài “lao động” kìếm cơm cho bản thân và nuôi gia đình, thực chất là đi bán rẻ tấm thân rách nát do chương trình “xóa đói giảm nghèo” tổ chức, được chánh quyền trung ương Hà nội ưu tiên dành cho dân Nam bộ miền Tây. Mỗi trường hợp được đi phải mất cho hồ sơ và dịch vụ hướng dẫn từ 10000 tới 15000$ USD, thông qua Bộ Thương binh Xã hội là cơ quan chủ quản.
Chương trình “xóa đói giảm nghèo” này chỉ có ở chế độ Hồ chí Minh, chớ trong lịch sử Việt nam, cả dưới thời quân chủ và thực dân cực thịnh, cũng chưa bao giờ xảy ra vì ít ra những chế độ này còn biết tôn trọng quyền sống của người dân ( xem thêm Michel Benge, Hà nội tổ chức buôn bán người…, Nguyễn Trọng Dân dịch).
Về nữ quyền, Pháp xưa nay được tiếng là “cái nôi nhơn quyền” mà trong chánh phủ Valls 2, chỉ có được 19 nữ trên tổng số thành viên 38 người. Trong chánh phủ hiện tại của Cazeneuve, chờ chấm dứt nhiệm kỳ của ông Tổng thống Hollande trong vài tháng nữa, có được quân bình Nam/Nữ là 9/18 người.
Quốc Hội Pháp năm 2014 có 87 nữ Thượng Nghị sĩ (25%), 155 nữ Dân biểu. Tây cánh tả vổ tay tự tán thưởng lần đầu tiên, Pháp có số nữ Dân biểu cao, không chỉ riêng ở Pháp mà hơn cả Âu châu.
Số phụ nữ đứng đầu Quốc gia hay Chánh phủ trên thế giới có 17 người: 7 nữ Quốc trưởng hay Tổng thống, 10 nữ Thủ tướng. Trên thế giới có 4,93% quốc gia do phụ nữ lãnh đạo, tập trung ở Nam Mỹ, Bắc Âu và một vài nước ở Á châu.
Về đời sống xã hội, cùng làm một công việc, cùng thâm niên ngang nhau, người phụ nữ luôn luôn lãnh lương thấp hơn đàn ông ít nhứt 25%. Thăng tiến chậm hơn. Chức vụ lãnh đạo xí nghiệp do đàn ông đảm trách nhiều hơn đàn bà.
Trong lúc đó, nữ sinh hằng năm đậu Tú Tài đông hơn nam sinh khá cao. Vậy sự bất bình đẳng Nam/Nữ về mặt xã hội từ lâu nay là do nề nếp độc đoán xã hội chớ không do khả năng bẩm sanh giới tính?
Khi người phụ nữ đứng lên
Người phụ nữ không thể tiếp tục chấp nhận sự thua thiệt do tập quán xã hội áp đặt nữa, họ đã lần lượt đứng lên, tranh đấu khôi phục lại những quyền mà họ đương nhiên phải được hưởng.
Nhiều tổ chức phụ nữ ra đời. Vì khao khát được tự do, nhiều tổ chức tranh đấu nữ quyền đôi lúc đã không tránh khỏi trợt lề, trở thành đối tượng cho những phản ứng bất lợi.
Tổ chức phụ nữ Femen phát xuất từ Kiev, Ukraine, căn bản chống lại chánh sách thôn tính của Poutine, chống tham nhũng trầm trọng có nguồn gốc từ cộng sản, xu huớng cực tả và chống Thiên Chúa giáo. Từ năm 2011 họ bị đàn áp, bị cảnh sát Nga bắt nhiều lần nên bỏ chạy qua Tây Âu và từ mấy năm nay, tập trung hoạt động ở Paris. Người sáng lập Femen và cũng là Chủ tịch là bà Anna Hutsol.
Đầu năm 2013, nhơn lúc Giáo hoàng Benoit XVI từ chức, 8 phụ nữ Femen, mặc manteau, vào nhà thờ Đức Bà (Notre Dame de Paris), khi tới bên cạnh mấy cái chuông mới để ở đó chờ đưa lên tháp, tất cả cùng cởi áo ra, phơi bày ngực trần, hô lớn khẩu hiệu “No more pope”, vừa dùng thanh gổ đánh vào chuông mới để chào mừng Giáo hoàng Benoit XVI lấy một quyết định sáng suốt từ chức, một hiện tượng có một không hai trong lịch sử giáo hội, nếu không vì một nguyên nhơn nghiêm trọng.
Dĩ nhiên, những phụ nữ này bị cảnh sát tới bắt đưa về bót gần đó lập biên bản, xong thả ra. Vị cảnh sát trưởng nói “chỉ là thủ tục!”. Và, người làm hư cái chuông mới bị phạt 1000€.
Nhiều ngưòi không khỏi ngạc nhiên sao những phụ nữ Femen có thể vào nhà thờ biểu tình, với những hành động phá phách như vậy mà cảnh sát không ngăn chặn kịp lúc? Báo chí đã được thông báo trước cả ngày kia mà? Cứ thử nghĩ nếu có người loan tin sẽ ném cà chua vào mặt ông Tổng thống Hollande thì chắc chắn người đó sẽ bị bắt trước khi tới nơi để thi hành toan tính của mình. Phải chăng chủ trương tả khuynh và chống Thiên Chúa giáo của Femen phù hợp với đường lối mác-xít của đảng PS, chỉ không dám công khai tuyên bố?
Từ lúc ông Dominique Strauss-Kahn, sau vụ Sofitel ở NY và vụ “dẫn gái” ở Carlton, Lille, về ở lầu I trước Công trưòng des Vosges, Paris IV, nơi đây, ngoài đám nhà báo túc trực từ sáng tới tối, còn có thêm mấy phụ nữ Femen tới đứng trước cửa, vừa réo ông DSK hãy xuống làm tình chơi. Các bà sẳn sàng!
Sau cùng, ông DSK bán lại phần của ông trong căn nhà này cho bà Anne Sinclair, bà vợ vừa ly dị với ông, dọn qua Paris XVI ở cho yên thân. Và khu phố từ đó cũng yên tĩnh trở lại như trước.
Không phải tổ chức Femen nữa mà những người phụ nữ bình thường ở Canada, New York, Paris… cùng hẹn nhau đi dạo phố, ngực trần. Phản ứng của họ là tại sao đàn ông đi ra ngoài ở trần được mà người phụ nữ lại không có quyền trong lúc thân thể là sở hữu của họ? Quyền này, ai có quyền ban cho họ hay tước đoạt của họ? Thế là câu chuyện trở thành động cơ thời sự làm nổ ra phong trào phụ nữ đòi quyền tự do, bình đẳng với đàn ông trước thân thể của chính mình.
Phong trào “Go Topless”
Nhiều phụ nữ tập họp lại cùng nhau đi diễn hành ngày chủ nhựt trên đưòng phố NY hoặc ở khu phố Times Square, nơi có đông đảo du khách để thực hiện quyền của phụ nữ để ngực trần nơi công cộng. Ông Thị trưởng Bill de Blasio tim cách chống lại những người biểu tình. Sau đó, chánh quyền thừa nhận quyền biểu tình ngực trần của phụ nữ nhưng họ vẫn cảm thấy quyền này chắc không bền vững. Xã hội vẫn còn dị ứng khi nhìn thấy người phụ nữ phơi vú nhưng lại thấy bình thường trước đàn ông.
Phong trào “Go Topless” hằng năm tổ chức diễn hành trên 60 thành phố của nước Mỹ để bênh vực cái nhin phi giới tính ngực đàn bà, điều này mới có thể dẫn đến sự bình đẳng Nam Nữ về cơ thể, mới tránh được sự ham muốn cơ thể phụ nữ, là nguồn gốc những tệ nạn mà người phụ nữ là nạn nhơn.
Ông Thống đốc NY cũng lên tiếng phản đối sự xuất hiện những người phụ nữ ngực trần trên đường phố.
Khi nghe ông Thống đốc tuyên bố cho rằng đây là chuyện nghiêm trọng của thành phố cần phải dẹp, bà Nadine Gary, phát ngôn của phong trào “Go Topless”, phản ứng trên tờ New York Times, cho rằng “qua lời tuyên bố gay gắt của ông Thống đốc, phải chăng chánh quyền đang chuẩn bị đàn áp phụ nữ?”.
Bà nói tiếp “Những người phụ nữ này không khỏa thân, mà đó là những bức tranh, là nghệ thuật”. Theo NY Times thì để ngực trần nơi công cộng không vi phạm luật pháp nếu không nhằm mục đích khai thác thương mại.
Ngoài phong trào “Go Topless”, còn có nhiều phong trào khác dựa theo “ Free the Nipple” đòi hỏi quyền tự do đi ra đường để ngực trần, lên án ngăn cấm “Go Topless” là nặng đầu óc kỳ thị giới tính.
Cũng may, tới nay chưa có mấy bà già tham gia phong trào “Go Topless” !
Tuy nhiên ở NY, ở Canada, nhiều phụ nữ để ngực trần bị cảnh sát lập biên bản hoặc bắt buộc mặc áo. Cũng may cho tới nay, chưa thấy có mấy bà già tham gia phong trào ngực trần này !
Ở Pháp, để ngực trần, tùy trường hợp, trên lý thuyết, bị phạt vì lý do phơi bày bộ phận kích dục.
Nhưng đó là lý thuyết. Thực tế, theo AFP (26/09/2016), thì đi dạo Paris với ngực trần sẽ được phép trong gần đây. Ngoài ra thành phố Paris còn tổ chức một khu vực dành cho những người khỏa thân tới sanh hoạt theo ý thích của họ.
Đệ I Phó Thị trưởng, ông Bruno Juliard, nói rõ hơn là ông chấp thuận hoàn toàn yêu cầu này và bà Thị trưởng Hidalgo cũng đồng ý.
Ở các thành phố lớn Âu châu như Berlin, Munich, Barcelone… đều có khu vực dành cho những người khoả thân thì tại sao Paris lại không có được?
Thủy tổ của phong trào tranh đấu nữ quyền
Ngày nay khi người phụ nữ tranh đấu cho nữ quyền, có ai biết người đầu tiên khởi xướng ý niệm về nữ quyền bằng cả mạng sống của chính mình? Đó là Bà Olympe de Gouges.
Khi cách mạng 1789 diễn ra, bà cho phổ biến sách vở, truyền đơn đòi hỏi sự bình đẳng về quyền lợi cho tất cả công dân, không phân biệt giới tính, màu da, giàu nghèo. Bà cũng bênh vực quyền ly dị… Bà lấy lại bản «Tuyên ngôn Nhơn quyền và Dân quyền» của cách mạng, sửa lại theo chủ trương của bà «Tuyên ngôn Nữ quyền và Nữ công dân quyền». Bà đề tặng Hoàng hậu Marie-Antoinette và viết «Người phụ nữ có quyền lên đoạn đầu đài thì cũng có quyền đăng đàn tranh đấu».
Bà phản đối án tử hình, đòi hỏi quyền bầu cử cho phụ nữ. Bà bị Robespierre bắt và tử hình ngày 3 tháng 11/1793.
Trước khi chết, bà hét lên «Hỡi các con yêu của Tổ quốc, các con hãy trả thù cái chết của ta»!
Nguyễn thị Cỏ May
Cộng sản Hà Nội - Một tổ chức buôn bán con người khủng khiếp!
Michel Benge từng làm việc tại Việt Nam hơn 11 năm như là một quan sát viên nên ông rất am tường nhiều sự dối trá của nhà cầm quyền Cộng Sản Hà Nội. Ông cũng là một người hoạt động nhân quyền rất tích cực. Lối viết của ông hóm hĩnh nhưng vô cùng sắc bén, cứa thẳng vào chổ ung nhọt của chế độ Cộng Sản Hà Nội:
"...Chúng nó bán đất, bán quê hương và bán luôn cả người dân...chúng nó không phải là người nữa mà là loài quỷ đỏ...
...Các tòa đại sứ của Cộng Sản thì trơ như đá không giúp đỡ gì cho các nạn nhân. Cộng Sản Hà Nội cũng vờ vịt ban hành đạo luât chống buôn người, xử án một vài vụ hời hợt cho lấy lệ để lừa qua mặt sự giám sát của Liên Hiệp Quốc hay Hoa Kỳ hoặc qua mặt các quốc gia trợ giúp chống buôn người, cho thấy rằng đảng ta cũng có quan tâm. Tất cả sự láo lừa đó chỉ nhằm che đậy chính sách buôn bán con người của đảng đang ngày được đẩy mạnh, đem đến một nguồn lợi nhuận khổng lồ cho các đảng viên, từ công khai lẫn hối lộ lén lút.
Ngoài ra, có ai biết rằng tại Việt Nam hiện nay, tố cáo tham nhũng là phạm pháp hay không?..."
Cộng Sản Hà Nội
Một tổ chức buôn bán con người khủng khiếp!
Michel Benge
Nguyễn Trọng Dân lược dịch
Cộng Sản Hà Nội được coi là một chính thể lừng danh vì vi phạm nhân quyền nặng nề nhất tại Đông Nam Á – theo tường trình của UB Đối Ngoại Hạ Viện Hoa Kỳ. Các công ty gọi là tuyển nhân công của chính phủ do Cộng đảng kiểm soát chuyên buôn bán cung cấp con người từ nam, nữ, trẻ em cho mọi thị trường từ tình dục cho đến lao động khổ sai- đem về một nguồn lợi quá lớn cho đảng.
Thống kê dữ liệu về việc xúc tiến buôn bán con người của Cộng Sản Hà Nội lên đến mức báo động và rõ như ban ngày nhưng đừng hòng tìm thấy từ nguồn tin xác thực từ chính phủ Hà Nội. Bộ Lao Động & Thuơng Binh Xã Hội của Cộng Sản Hà Nội miễn cưỡng đưa ra con số nhỏ bé 2935 nạn nhân từ năm 2004 đến năm 2009- trong khi các tổ chức quốc tế đã có bản tường trình với con số hơn 400 ngàn người Việt Nam bị bán đi tính từ năm 1990 cho đến nay; và đó chỉ là con số của những trường hợp buôn bán con người đã bị bại lộ, còn con số những nạn nhân người Việt Nam bị (đảng) bán đi chưa bị bại lộ có thể lên đến thêm cả chục ngàn nạn nhân nữa.
Hình thức buôn bán còn người thông qua chiêu bài “xuất khẩu lao động ” không còn lạ gì đối với xã hội Việt Nam. Sau khi Cộng Sản thôn tính Việt Nam Cộng Hòa năm 1975- hàng trăm ngàn lao công đã được “xuất khẩu” sang Liên Xô và khối Đông Âu để trả nợ chiến tranh. Không biết bao nhiêu lao công Việt Nam tại Đông Âu lâm vào cảnh túng quẩn, thất nghiệp và mất khả năng tài chánh để hồi huơng. Cộng Sản Hà Nội cũng nhanh chóng trở thành một tổ chức buôn bán trẻ em, phụ nữ cho thị trường nô lệ tình dục kể từ đó.
Cộng sản Hà Nội bị cảnh cáo về hành động khuyến khích buôn bán con người cho thị trường tình dục:
Cộng Sản Hà Nội trở thành tổ chức cung cấp nô lệ tình dục và lao động khổ sai chủ yếu trên thế giới- thậm chí có nhiều trường hợp nạn nhân từ lao động khổ sai bị ép trở thành nô lệ tình dục.
Xảo trá và lường gạt trong hôn nhân là một cách để Cộng Sản Hà Nội buôn bán phụ nữ cho thị trường tình dục. Mồi để nhử các nạn nhân là năm ngàn dollar Mỹ, một số tiền quá lớn khiến các gia đình thôn quê dưới chế độ XHCN hầu hết là nghèo rất khó mà từ chối. Phụ nữ và các bé gái dưới vị thành niên từ đó được bán qua thị trường tình dục ở Campuchia, China, Lào, Thái Lan, Malaysia, Đài Loan, Ma cau, Trung Đông, và ngay cả Âu châu. Tương tự, trẻ em ở Campuchia cũng được bán vào Việt Nam để giúp Việt Nam nhanh chóng trở thành một nơi thiên đường du lịch cho huởng lạc tình dục trẻ em đối với du khách khắp nơi từ Nhật, Nam Hàn, Trung Cộng, Dằi Loan,Anh, Úc, Âu châu , và ngay cả du khách từ Hoa Kỳ. Tàn nhẫn và phi truyền thống luân lý hơn hết, phụ nữ Việt Nam còn được “xuất” hay bán sang các nước chỉ để làm “thợ đẻ” không thôi- tức là đẻ con cho những gia đình không thể sinh con hoặc đẻ con để cung cấp cho “thị trường con nuôi” mà khách hàng là những gia đình ở các quốc gia giàu có.
Một trường hợp điển hình tại nước Nga:
Cô Danh đã tường trình trước Quốc Hội Hoa Kỳ về đường dây từ Việt Nam có Cộng đảng bảo kê buôn bán phụ nữ sang Nga thông qua dụ dỗ lừa gạt là sẽ có lương hậu, thu nhập cao cho những nạn nhân này khi họ sang Nga làm tiếp đãi viên. Thực tế, họ bị bán vào các nhà thổ tại Moscow. Đường dây buôn bán phụ nữ này được tổ chức bởi các công ty quốc doanh tuyển người, đem đến không biết bao nhiêu là tiền cho các đảng viên. Còn các nạn nhân khi đến Nga bị giữ passport, chẳng được trả đồng lương nào cả và không có sự chăm sóc sức khỏe hay những hổ trợ để quay về lại quê nhà. Nhiều phụ nữ Việt Nam đã bị cầm cố tại những nhà thổ ở Nga hơn bốn năm trời và luôn bị đánh đập tàn nhẫn nếu muốn rời khỏi hay cố tình bỏ trốn. Và dù là bị cầm cố như vậy, họ vẫn phải trả tiền nhà, tiền ăn tiền quần áo(?!)
50300" Người em gái của cô Danh là cô Huỳnh Thị Bé Hương là một trong những nạn nhân chịu cảnh thảm thiết này từ chính sách buôn bán con người của đảng. Khoảng sau vài tháng bị giam cố nghiệt ngã, Huơng phải nhờ gia đình nghèo khó của cô gởi tiền để lo sức khỏe – gia đình cô lật đật gởi 300 dollar Mỹ để giúp cô. Sau đó, cô lại gọi về nhờ giúp 2000 dollar Mỹ để bay trở về sau khi công ty quốc doanh tuyển người (để bán) tại Việt Nam đồng ý hủy hợp đồng. Cô Danh đang ở Mỹ mượn tiền để gởi đến cơ quan này, rồi số tiền đòi hỏi cứ tăng kên, từ 2000 dolllar lên 4000 dollar, rồi 6000 dollar- rõ ràng, đây là cách giữ người siết tiền của đường dây buôn người hợp pháp này.
Vào tháng Hai năm 2013, sau 13 tháng làm nô lệ tình dục, cô Hương trốn khỏi nhà Thổ cùng với ba nạn nhân Việt khác. Cô Hương ráng liên lạc với tùy viên sứ quán Nguyễn Đông Triều tại tòa đại sứ Cộng Sản Hà Nội ở Moscow xin cầu cứu giúp- Triều nhẫn tâm làm ngơ và nói với cô Huơng rằng:”Cơ quan nào đem cô đến đây thì bảo cơ quan đó đem cô về!” Hai ngày sau, cô Huơng cùng ba người trốn đi bị bọn băng đảng bắt về lại nhà thổ và bị đánh đập tàn nhẫn. Sau đó, cô Huơng mới khám phá ra má mì của nhà thổ này là bạn mần ăn, ăn thông với các tùy viên sứ quán của Cộng Sản Hà Nội tại Moscow- nên cô Huơng cùng ba người trốn đi đã bị bán rẽ bởi bọn cán bộ đảng viên làm ở sứ quán.
Khi cô Danh biết được tình trạng thảm khốc của người em gái mình, cô đã liên lạc được với hai tổ chức phi chính phủ tại Mỹ thay vì liên lạc với nhà cầm quyền Cộng sản Hà Nội cố tâm bán rẻ con người, đó là hội “Boat people SOS” và liên hội “Coalition to Abolish Modern-Day Slavery in Asia” chuyên hổ trợ cho các hoạt động chống buôn người- nhờ vậy, cô Danh có cơ hội thông báo chi tiết nội tình cho Dân Biểu Al Green và Bộ Ngoài Giao Hoa Kỳ . Thông qua nỗ lực vận động chung của hai hiệp hội trên cũng như của Dân Biểu Green cùng báo chí, cô Huơng cuối cùng cũng đã có thể về lại quê nhà với điều kiện rất ngặt nghèo là gia đình cô Huơng bị buộc phải chấm dứt mọi truy tố hay tố cáo cơ quan “tuyển người” của đảng là tổ chức bán buôn người trá hình trước công pháp, cũng như phải chính thức xin lỗi má mì của nhà thổ này là Thúy An về việc kết án bà ta buôn bán tình dục trên thân phận những thiếu nữ nghèo. Không những vậy, cô Danh còn buộc phải viết một lá thư…”cám ơn” các tùy viên sứ quán Cộng sản Hà Nội tại Moscow ”giúp đỡ” cô Huơng quay về.
Cuối cùng, cô Huơng cũng đã được chở đến sứ quán của Cộng đảng tại Moscow- tại đây, cô được tùy viên sứ quán là Kiên giải thích về các điều kiện liệt kê trên và cô Huơng bị buộc phải viết một lá thư khẳng định những gì cô báo cho gia đình về má mì Thúy An là hoàn toàn bịa đặt cũng như phải viết một lá thư “cám ơn” nhân viên toàn đại sứ cùng má mì Thúy An đã giúp cô trở về quê nhà (?!)
Đương nhiên là tòa đại sứ Cộng Sản Hà Nội tại Moscow không những không giúp mà còn làm ngơ trợ giúp má mì Thuy An gia hại các nạn nhân – cô Huơng thoát được thảm cảnh hoàn toàn là do áp lực ngoại giao từ phí Hoa Kỳ cũng như nỗ lực từ thiện của hai tổ chức phi chính phủ kể trên và sự tận tâm hổ trợ của giới báo chi truyền thông quốc tế. Cộng Sản Hà Nội thiệt là dối trá và nhẫn tâm!
Buôn bán lao động khổ sai:
Cộng Sản Hà Nội “xuất khẩu” hay bán con người ra nước ngoài lao động khổ sai nhằm giảm bớt đối kháng bất mãn trong lòng xã hội, một kế sách đã được thông chế Tito thực hiện ở Nam Tư trước đây. Tito là một tên Cộng Sản tàn bạo ngồi ở ghế “tổng thống suốt đời” cho đến khi chết vào năm 1980.
Cộng Sản Hà Nội đẩy mạnh xuất khẩu bán buôn con người cho các thị trường lao động khổ sai khắp nơi trên thế giới nhằm che giấu bất lực của nhà cầm quyền trong việc tạo công ăn việc làm ngay tại đất nước và đồng thời, tạo ra một khoản thu nhập lớn đem về cho đảng.
Năm 2007, ngân sách của đảng đã thu về được hai tỷ Mỹ kim từ sự bán buôn uất khẩu con người cho lao động khổ sai. Việt Nam hiện có khoảng 51.4 triệu người đang ở tuổi lao động và 70% dân số là dưới 30 tuổi. Bất chấp đẩy mạnh buôn bán con người tối đa, Cộng đảng vẫn phải lo đối phó sự bất mãn của gần 10 triệu người thất nghiệp, theo thống kê của Quỹ Tiền Tệ Quốc tế IMF.
Cộng sản Hà Nội cố bán ra thế giới khoảng 500 ngàn người cho thị trường lao động khổ sai vào năm 2005, và con số bán lao động khổ sai ra thị trường thế giới cứ mỗi năm mỗi tăng. Vào năm 2008, Cộng Sản Hà Nội đạt được thoả hiệp với Qatar, nâng tổng số lao động khổ sai bán qua vùng Vịnh từ 10 ngàn lên đến 100 ngàn cho đến hết năm 2010, gấp mười lần con số của những năm trước
Cấu trúc hệ thống buôn bán con người của Cộng sản Hà Nội:
Tất cả các công ty quốc doanh tuyển nhân công để bán ra nước ngoài cho thị trường lao động khổ sai đều là một bộ phận trong một hệ thống buôn bán con người rất chặt chẽ tinh vi của Cộng đảng- liên quan đến nhiều viên chức cao cấp trong đảng, hệ thống ngân hàng.
Các nạn nhân nghèo trước hết bị lừa khi ký các hợp đồng láo gọi là “hợp đồng nội” hay hợp đồng trong xứ, có nhiều hứa hẹn ba xạo về điều kiện việc làm tốt đẹp. Sau đó, các nạn nhân nghèo phải mượn nợ từ các nhà băng ngân hàng quốc doanh cũng của đảng để trả các khoản phí giấy tờ, tiền giấy máy bay, tiền đào tạo. Nếu không đủ kinh phí, bậc phụ huynh phải bán luôn điền sản nhỏ nhoi của mình để cho con cái có đủ kinh phí nộp đơn đi lao động khổ sai.
Sau khi đã nộp không biết bao nhiêu thứ phí không bồi hoàn cho đúng thủ tục của “hợp đồng nội,” các nạn nhân trước ngày đi một hay hai ngày mới bắt đầu ký hợp đồng nội khác, hoàn tòan lật lộng với những gì trong “hợp đồng nội” ban đầu- nhưng các nạn nhân đã hết cách vì chi ra quá nhiều tiền, lún sâu trong nợ rồi nên đành phóng lao thì phải theo lao; ký bừa đồng ý cho xong mà thôi.
Khi đến được nơi lao đông khổ sai ở xứ người, các nạn nhân lúc bấy giờ bị lấy hết giấy tờ, buộc phải ký hợp đồng thứ nhì gọi là “hợp đồng ngoại” mà không có nạn nhân nào có thể từ chối cũng như hiểu là mình đang ký thỏa thuận điều gì trong bản hợp đồng ngoại này. Từ đó, cuộc đời của các nạn nhân lao vào tăm tối – làm việc lao lực khổ sai hơn 10 tiếng mỗi ngày trong điều kiện độc hại, với lương bổng vô cùng thấp và không có sự chăm sóc y tế. Có nhiều nạn nhân không được trả lương trong khi vẫn phải trả nợ cho công ty môi giới tuyển người tại Việt Nam khi mượn nợ làm thủ tục. Cuối cùng, các nạn nhân đi đến chổ suy yếu bệnh tật, không thể có tiền để quay về xứ sở, cũng như trả nợ-và nhà cửa của gia đình thì bị siết. Thảm cánh bần cùng thê thảm không thể tả.
Các tòa đại sứ của Cộng Sản thì trơ như đá không giúp đỡ gì cho các nạn nhân. Cộng Sản Hà Nội cũng vờ vịt ban hành đạo luât chống buôn người, xử án một vài vụ hời hợt cho lấy lệ để lừa qua mặt sự giám sát của Liên Hiệp Quốc hay Hoa Kỳ hoặc qua mặt các quốc gia trợ giúp chống buôn người, cho thấy rằng đảng ta cũng có quan tâm. Tất cả sự láo lừa đó chỉ nhằm che đậy chính sách buôn bán con người của đảng đang ngày được đẩy mạnh, đem đến một nguồn lợi nhuận khổng lồ cho các đảng viên, từ công khai lẫn hối lộ lén lút.
Ngoài ra, có ai biết rằng tại Việt Nam hiện nay, tố cáo tham nhũng là phạm pháp hay không?
Michel Benge
Nguyễn Trọng Dân lược dịch
http://www.americanthinker.com/articles/2013/05/communist_vietnam_human_trafficker_extra ordinaire.html
http://docs.house.gov/meetings/FA/FA16/20130411/100637/HHRG-113-FA16-Wstate-DanhH-20130411.pdf
Những người phụ nữ trong nỗ lực góp phần
thay đổi vận mệnh của non sông
Mạng Lưới Blogger Việt Nam
“Xin anh/chị/bạn cho biết cảm nhận của mình về những đóng góp của phụ nữ cho công cuộc tranh đấu về nhân quyền, dân sinh, bảo vệ chủ quyền, bảo vệ môi trường” là câu hỏi mà MLBVN dành cho những vị khách mời nhân ngày 8/3 năm nay. Xin chuyển đến quý bạn đọc những cảm nhận của Nghệ sĩ Kim Chi, các cựu Tù nhân Lương tâm Bùi Thị Minh Hằng, Đỗ Thị Minh Hạnh, Huỳnh Anh Tú, Trương Minh Đức, các bloggers Trần Bang, Nguyễn Thị Bích Ngà, Song Vinh, Sương Quỳnh, Hải Âu và Nguyễn Ngọc Lụa để cùng suy ngẫm về những người phụ nữ đã dấn thân cho tự do, dân chủ và công bằng xã hội.
Việc làm nhỏ bé này của chúng tôi như một lời tri ân gửi đến những người phụ nữ quả cảm đã dám đối mặt với bạo quyền để nhận lấy những đòn roi và tù đày. Các mẹ, các chị, các em đã thắp nên ngọn nến của niềm hy vọng nhằm xua tan những đêm dài tăm tối, đã gánh trên vai gánh nặng của hơn 90 triệu con người với ước vọng thay đổi vận mệnh của đất nước.
*
Nghệ sĩ Kim Chi:
Nhiều người vẫn nghĩ rằng người phụ nữ thời xa xưa không được tôn trọng, nhưng thực tế ngay cho đến bây giờ, không phải mọi phụ nữ đều được tôn trọng, nhất là trong xã hội Việt Nam. Tôi đã từng đến các gia đình ở nhiều vùng nông thôn Việt Nam, họ mời tôi ăn cơm nhưng tôi không thấy người phụ nữ chủ nhân được tham dự. Khi tôi nêu thắc mắc thì ông chủ nhà giải thích rằng: “Nhà em quen là cứ mỗi khi có khách thì bà ấy ăn dưới bếp”. Tôi đã phản ứng ngay: “Vậy thì tôi xin phép đi xuống bếp ăn cùng bà chủ nhà. Vì tôi cũng là phụ nữ”. Trước thái độ đó của tôi, người vợ rơm rớm nước mắt phần vì tủi thân, phần vì cảm động vì lần đầu tiên có người bày tỏ công khai sự kính trọng mình. Qua một chuyện rất nhỏ và điển hình như thế, tôi khẳng định cho đến hôm nay, đa số phụ nữ ở Việt Nam không được tôn trọng.
Trong phong trào “thoát Trung”, tranh đấu cho Nhân quyền, bảo vệ môi trường thì người phụ nữ lại tham gia đông đảo, mạnh mẽ, thậm chí có chị em còn thể hiện sự vượt trội so với nam giới. Tôi có thể nêu ví dụ, có rất nhiều chị em dấn thân phải chịu tù đày như: Lê Thị Công Nhân, Phạm Thanh Nghiên, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Cấn Thị Thêu, Bùi Thị Minh Hằng, Tạ Phong Tần, Trần Khải Thanh Thủy, Lê Thị Kim Thu, Đỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Phương Uyên, Trần Thị Nga, Nguyễn Đặng Minh Mẫn, Trần Thị Thúy, Trần Ngọc Anh, Trần Thị Hài, Nguyễn Minh Thúy, Lê Thu Hà, Nguyễn Thị Minh Thúy, Nguyễn Thúy Quỳnh...
Tôi xin dành sự ngưỡng mộ đặc biệt dành cho 3 trường hợp mới bị bắt là Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Cấn Thị Thêu và Trần Thị Nga. Các bạn có thể tìm thấy dấu ấn của họ để lại trên các tư liệu tranh đấu cho nhân quyền, đặc biệt là cuộc chiến chống lại nhà máy Formosa gây thảm họa môi trường.
Rất tiếc, tôi không thể nhớ được hết tên những chị em vì yêu nước mà dấn thân chấp nhận tù đày.
Ngoài những người đã chịu tù đày, còn rất nhiều những gương mặt nữ dấn thân khác như: Nguyễn Hoàng Vi, Trịnh Kim Tiến, Đào Trang Loan (Hư Vô), Mai Phương Thảo, Cẩm Hường, Phạm Đoan Trang, Nguyễn Nữ Phương Dung, Nguyễn Thúy Hạnh, Sương Quỳnh, Nguyễn Thị Bích Ngà (Ngà Voi), Võ Hồng Ly, Sông Quê, Đặng Bích Phượng, Trần Thị Thảo, Trần Thu Nguyệt... và nhiều chị em khác mà tôi không thể nêu hết tên.
Nhắc đến những người đấu tranh trực diện, đương đầu với chế độ độc tài, chúng ta không thể không nhắc tới những người mẹ, người vợ, người em, người chị của những TNLT và những người đang dấn thân. Sự hy sinh âm thầm của họ chính là sức mạnh để chúng ta có những người đấu tranh, dấn thân mạnh mẽ như ta đã thấy.
Tôi kính trọng và biết ơn những người phụ nữ quả cảm ấy. Tôi muốn nhân ngày 8/3/2017, gửi đến chị em những lời chúc sức khỏe, mạnh mẽ và chiến thắng.
Cựu TNLT Bùi Thị Minh Hằng:
Bất cứ thời kỳ nào của lịch sử Dân Tộc Việt Nam thì vai trò người Phụ Nữ cũng được in dấu ấn. Điều đó thể hiện rõ ràng qua quá trình lịch sử phát triển của Dân Tộc Việt Nam. Từ thời Hai Bà Trưng - Bà Triệu cho đến ngày nay. Phụ nữ tuy là "Phái yếu" nhưng trên thực tế họ đều gánh vác và thể hiện rất nổi bật vai trò của mình qua từng thời kỳ. Khi có giặc thì phụ nữ Việt Nam cũng tham gia vào đánh giặc. Đánh cho đến " Chỉ còn cái lai quần cúng đánh" với phương châm " Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh". Khi hòa bình xây dựng đất nước hay trong vai trò của một người chủ gia đình, tôi nhận thấy đều hiện diện vai trò người phụ nữ Việt Nam. Hiện nay, đứng trước hiện tình đất nước. trong nhiều năm qua tôi đã nhìn thấy hình ảnh rất anh hùng bất khuất của nhiều phụ nữ. Họ hiện diện và đi đầu trong cuộc đấu tranh đòi quyền lợi đất đai. Ho lên tiếng cho Dân chủ Nhân quyền và công cuộc canh tân đất nước. Họ từ mọi tầng lớp trong xã hội đã sẵn sàng rời bỏ căn bếp trong gia đình để bước ra ngoài xã hội. Lực lượng và con số phụ nữ tham gia vào đấu tranh không lùi bước trước bạo quyền Cộng sản càng ngày càng gia tăng. Điều đó có thể nhìn rất rõ qua danh sách TNLT đã - đang bị giam cầm và hàng ngũ những người dấn thân tiếp tục. Toàn cảnh bức tranh của cuộc đấu tranh và canh tân đất nước đang có sự đóng góp không hề nhỏ từ những BÓNG HỒNG.
Nhà báo Sương Quỳnh (Sài Gòn):
Ai cũng có thể nói câu “phụ nữ là một nửa thế giới”, nhưng không phải người đàn ông nào cũng công nhận một cách thành tâm đóng góp của người phụ nữ cho thế giới này. Nhất là tại Việt Nam, khi nhận thức của người dân còn lạc hậu, pháp luật nằm trong tay kẻ mạnh thì con người nói chung và phụ nữ nói riêng không thể được tôn trọng, thậm chí bị chà đạp.
Và đương nhiên, ở đâu có sự chà đạp nhân quyền, nhân phẩm thì ở đó có những con người đứng lên đòi nhân quyền, nhân phẩm cho mình và cho đồng bào của mình.
Tại Việt Nam đã xuất hiện nhiều phụ nữ can đảm cất lên tiếng nói để đòi quyền bình đẳng, tôn trọng nhân quyền, bảo vệ mội trường, dân sinh và lên án bất công xã hội. Họ đã bị cầm tù chỉ vì hành động theo lương tâm và trách nhiệm của mình.
Tôi nghĩ, không chỉ ngày này mà hãy nhớ đến họ trong cả những ngày bình thường nhất, để xã hội biết đến sự hy sinh cao cả của họ. Những người này đã âm thâm chịu đựng những đau thương khi phải xa con, xa mẹ già, xa những người thân yêu chỉ vì họ mong muốn đóng góp cho xã hội được tốt đẹp hơn.
Cựu TNCT Huỳnh Anh Tú:
Nhiều người hỏi tôi vì sao lại đấu tranh chống độc tài? Câu trả lời khiến rất nhiều người bất ngờ. Xuất phát của tôi không có gì lớn lao, ghê gớm, hay những lý tưởng vĩ đại như một số người nghĩ. Tôi đấu tranh vì thương cảm, xót xa cho thân phận của những cô gái điếm người Việt trên đất Thái. Sau năm 1975, vì gốc gác Việt Nam Cộng Hòa nên gia đình chúng tôi gặp vô vàn khó khăn, tủi hổ trong đời sống hàng ngày. Năm 1992, gia đình tôi bỏ xứ ra đi để tìm tự do. Chúng tôi là hàng xóm của những người đồng bào lam lũ, và một số cô gái điếm. Họ lương thiện nhưng không có cơ hội kiếm tiền một cách đàng hoàng, nên phải bán thân vừa lo cuộc sống nơi đất khách quê người, vừa phụ giúp cho cha mẹ. “Khách” mua trinh của những cô gái Việt - đau đớn thay có những tham tán, tùy viên của tòa đại sứ Việt cộng. Tôi không bao giờ quên hình ảnh hai cô gái điếm cùng khu trọ đã thất thần và hoảng sợ thế nào khi nhận ra người bạn xấu số của mình bị giết, xác thối rữa bị quẳng trong một hẻm núi. Những cảnh đời đau khổ, tủi nhục ấy đã dấy lên trong tôi lòng thương cảm. Tôi thù ghét sự xấu xa, khinh miệt những kẻ gây nên tội ác, và tôi đấu tranh chống lại nó.
Trên con đường tranh đấu, tôi đã gặp những người phụ nữ bình dị nhưng phi thường như Bùi Thị Minh Hằng, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Nguyễn Hoàng Vi, Trịnh Kim Tiến, Đỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Phương Uyên, Mai Phương Thảo, Nguyễn Thị Bích Ngà, Trần Thị Nga... Khó mà kể ra hết những hy sinh, mất mát và sự đóng góp của họ trong công cuộc tranh đấu này. Những tổn thương do năm tháng tù đày và những đòn thù mà nhà cầm quyền giáng xuống đầu họ, nếu không tận mắt chứng kiến, khó có thể thấu hiểu được. Tôi đã cảm nhận, đã chứng kiến những tổn thương ấy lớn lao ấy đối với Nghiên, người bạn đời và cũng là một cựu TNLT. Tôi xin nghiêng mình cảm phục các chị, các em đã dũng cảm dấn thân cho cái đẹp và cái thiện. Nhưng mọi lời ca tụng cũng trở nên vô nghĩa nếu chúng ta không xúm vào gánh vác cùng những người phụ nữ nhỏ bé ấy. Xin góp một bàn tay thắp nên ngọn nến để xua tan bóng đêm tăm tối của ngục tù đang bủa vây cả dân tộc này.”
Cựu TNLT Đỗ Thị Minh Hạnh:
Trước đây, người phụ nữ chỉ đóng vai trò là người nội trợ, săn sóc gia đình và chuyện quan tâm về các vấn đề về xã hội họ cho rằng đó là việc của đàn ông. Đây là một quan niệm hết sức sai lầm. Người phụ nữ hiện nay đang dần khẳng định vị trí và vai trò của mình trong xã hội, họ đã biết quan tâm các vấn đề về chính trị, kinh tế và đòi hỏi quyền lợi của người dân. Tuy con số rất nhỏ so với hơn 90 triệu dân và đa phần tập trung vào dân oan. Không chỉ riêng phụ nữ mà ngay cả đàn ông cũng ít người dám lên tiếng phản đối những điều sai trái của nhà cầm quyền, là vì nỗi sợ bị đàn áp, bắt bớ và vì cơm áo gạo tiền... Tuy nhiên, vai trò của phụ nữ trong công cuộc tranh đấu về nhân quyền, dân sinh, môi trường, biển đảo không hề nhỏ trong xã hội ngày nay và rất cần thiết. Chính vì họ là phụ nữ nên luôn có sự tác động và thúc đẩy tinh thần của các chị em khác cũng như thúc đẩy tinh thần dấn thân của nam giới. Người phụ nữ có thể làm được những gì người đàn ông làm được và có khi họ còn làm tốt hơn nữa.
Cô Nguyễn Thị Ngọc Lụa:
Về phương diện lay động lương tâm của xã hội như những phụ nữ dám chấp nhận tù đày để lên tiếng như Mẹ Nấm, Trần Thị Nga... Cho đến các chị em dân oan như Trần Ngọc Anh và Cấn Thị Thêu...
Người phụ nữ thân phận yếu đuối lẽ ra họ cần phải được bảo vệ. Nhưng vì sự sống còn của dân tộc nên họ không thể ngồi yên để thụ hưởng hạnh phúc riêng tư. Chính họ phải dấn thân cho một đất nước đã không còn nhân tính do chính nhà cầm quyền bất nhân tạo ra. Tôi mạn phép được hỏi những cánh đàn ông vô cảm, thiếu trách nhiệm với dân tộc rằng, có bao giờ cảm thấy tự hổ thẹn khi mình không sánh bằng phụ nữ hay không?
Blogger Nguyễn Thị Bích Ngà:
Phụ nữ Việt Nam vốn thường mơ ước một cuộc sống gia đình bình yên, chăm lo mái ấm và chồng con. Nhưng trong những năm qua cái mơ ước tưởng chừng giản đơn đó lại rất khó đối với nhiều phụ nữ bởi họ không thể ngồi yên nhìn tương lai đất nước, dân tộc đi vào chỗ chết. Chủ quyền, nhân quyền, môi trường, dân sinh, xã hội, dân trí dân khí... chỗ nào cũng đầy lo lắng. Những người phụ nữ không thể ngồi yên đó đành phải gạt đi cái mơ ước hạnh phúc giản đơn của mình để chung tay lo việc đất nước, cộng đồng, cũng chính là lo cho chính họ và gia đình tương lai con cái. Nhiều phụ nữ đã phải đi tù vì cái "tội yêu nước" trong đó có những người mẹ có con thơ dại. Những đóng góp của họ cho đất nước nói chung và cho phong trào nới riêng là không thể cân đong đo đếm, góp phần thúc đấy tiến trình tìm dân chủ, tự do và phát triển cho Việt Nam. Tôi tự hào và ngưỡng mộ họ và đã học hỏi được nhiều ở nơi họ.
Kỹ sư Trần Bang:
Trong công cuộc đấu tranh đòi tự do nhân quyền, dân chủ, bảo vệ chủ quyền đất nước, bảo vệ môi trường sống của Việt Nam hiện nay, phụ nữ Việt nam đóng vai trò quan trọng. Họ không những không thua nam giới, mà trong một số lĩnh vực phụ nữ còn đứng ở vị trí tiên phong, dẫn dắt, và số lượng nữ giới ở một số XHDS tham gia còn đông hơn nam giới. Phải chăng, khi dân tộc rơi vào thời kỳ tăm tối thì người đầu tiên và quyết liệt để chống lại kẻ thù của dân tộc lại khởi đầu bởi phụ nữ. Như thời kỳ ngàn năm Bắc thuộc, khởi nghĩa giành độc lập và chống cường quyền đã có Hai Bà Trưng tiếp đó là Bà Triệu.
Ngày nay bóng tối độc tài cộng sản phủ trên quê hương cướp mất tự do, cướp tài sản, ruộng đất của người dân, khi kẻ bành trường lợi dụng bóng tối Cộng Sản Việt Nam để chiếm Hoàng Sa, Trường Sa, ngang nhiên khẳng định đường lưỡi bò ở Biển Đông. Bành trướng cộng sản Trung Quốc đang đầu độc đất nước Việt Nam ở mọi lĩnh vực tư tưởng, chính trị, kinh tế, văn hóa, đầu tư, du lịch... hàng hóa, công nghệ độc hại, lạc hậu nhằm làm suy đồi người Việt để nô lệ hóa người VN và chiếm toàn bộ VN. Đó cũng là lúc xuất hiện hàng loạt các phụ nữ đứng lên quyết phá tan màn đêm tối đang bao phủ, phải kể đến Dương Thu Hương, Phạm Thị Hoài... trong lĩnh vực văn nghệ, báo chí. Sau này rất nhiều những phụ nữ tuổi còn trẻ đã ý thức được mối nguy cơ mất nước, chủ quyền Quốc gia bị Trung Cộng xâm chiếm như Hoàng- Trường sa... và đã lên tiếng chống lại kẻ xâm lược, chống bất công, chống độc tài Cộng Sản, đòi dân chủ, tự do cho người dân như Phạm Thanh Nghiên, Đỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Đặng Minh Mẫn, Cấn Thị Thêu, Trần Thị Nga, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Nguyễn Hoàng Vi, Nguyễn Thị Minh Thúy, Lê Thu Hà, Hồ Thị Bích Khương, Trần Thị Ngọc Anh, Trần Thị Hài, Bùi Thị Minh Hằng, Nguyên Ngọc Lụa, Nguyễn Phương Uyên,... tôi xin ngả mũ kính phục và tri ân những anh thư Việt Nam này.
Hải Âu (Mạng Lưới Blogger Việt Nam):
Tôi cho rằng những đóng góp của những người phụ nữ đang hoạt động nhân quyền tại VN là vô cùng đáng quí. Họ chấp nhận thiệt thòi, chấp nhận hy sinh hạnh phúc bản thân, chấp nhận chịu cảnh chia cắt tình mẫu tử, chấp nhận tù đày của cộng sản. Những điều mà lẽ ra một người phụ nữ không đáng phải gánh chịu. Tuy nhiên, trước sự cai trị tàn độc của nhà cầm quyền cộng sản, họ đã can đảm dẫn thân cho nhân quyền, dân quyền và cho môi trường sống của VN. Dù chế độ cộng sản không chấp nhận họ, thậm chí đàn áp, bắt bớ, bỏ tù họ thì tôi vẫn tin họ không bao giờ bị khuất phục. Nhân ngày 8/3 tôi xin được tỏ lòng trân quí những đóng góp của họ. Dù rằng giờ phút này họ đang chịu sự kềm kẹp, khủng bố ở ngoài đời hay nơi nhà tù cộng sản.
Ký giả Trương Minh Đức:
Chúng ta không thể phủ nhận những đóng góp của giới nữ trong cuộc vận động đòi tự do, nhân quyền, dân chủ ở Việt Nam cũng như những hy sinh, mất mát của họ. Tuy nhiên, ngày hôm nay tôi xin được nhắc đến những người phụ nữ khác, không đấu tranh trực diện nhưng đóng vai trò rất quan trọng về tinh thần cho những người TNLT, những cựu TNLT và những người tranh đấu trong hành trình vượt qua những khó khăn, thử thách và gian khổ, nhất là khi đương đầu với nhà cầm quyền độc tài hiện nay. Nhà cầm quyền dùng mọi thủ đoạn để nhắm vào họ, gây những tác động tâm lý không nhỏ đến cuộc sống mưu sinh hàng ngày nhằm làm nhụt chí những người đấu tranh. Họ là mẹ, là vợ, là chị, là em, là con của những người tranh đấu. Những người đấu tranh dân chủ chỉ thật sự mạnh mẽ, thật sự tiến lên và thành công khi “hậu phương” của họ mạnh mẽ và vững chắc. Chính họ đã đem lại một tinh thần thép cho công cuộc đấu tranh này. Không chỉ những năm tháng tù đày, mà trong mỗi ngày trên đường dài tranh đấu của tôi, tôi thực sự biết ơn vợ tôi, các con tôi đã chăm lo và hy sinh cùng tôi.
Nhân dịp ngày 8 tháng 3 năm nay, kính chúc quý bà, quý cô, những người vợ, người mẹ, người chị, người em, người con trong gia đình luôn mạnh khỏe, vững vàng để hỗ trợ về tinh thần, đời sống nhằm góp phần cho công cuộc chung của đất nước.
Blogger Song Vinh (Hoa Kỳ):
Người phụ nữ không những đóng góp cho xã hội và gia đình, họ còn là người đứng sau hay đi trước những lúc cần. Họ làm vậy không chỉ cho gia đình riêng, mà cả cho gia đình bên chồng, hoặc cho con cho cháu. Hơn thế, trách nhiệm của họ không ngừng lại ở đó, vì đôi tay cùng con tim họ đã bao la như lòng biển. Họ vươn ra. Những phụ nữ không đóng góp gì cho tranh đấu nhân quyền, dân sinh, môi trường... thì đang ở nhà nấu cơm. Còn những phụ nữ lo cho việc tranh đấu cho dân oan, nhân quyền, bảo vệ chủ quyền, môi trường thì đang ở... trong tù, hay sắp vào tù. Nơi nước ngoài, có thể, họ là những ngôi sao lu mờ. Ở Việt Nam, họ cũng là ngôi sao lu mà còn là những người bị chính quyền đàn áp, bị tra tấn vô cùng tàn độc, bị bắt vô tù không cần nguyên do. Nhưng bạn ơi, những vì sao lu là những vì sao sáng, sáng hơn những vì sao khác, chỉ vì chúng ở quá xa.
Mạng Lưới Blogger Việt Nam
mangluoiblogger.blogspot.com/2017/03/nhung-nguoi-phu-nu-trong-no-luc-gop.html
Không ưng được đổi lại
"Nếu cùng với việc bán nước, chuyện bán đàn bà cho người Tầu không làm chúng ta nổi giận, chắc chúng ta sẽ chấp nhận bất cứ sự sỉ nhục nào."(Từ Thức)
Đọc bài viết dưới để thấy đàn bà VN đã, đang bị sỉ nhục thật ác độc và có hệ thống.
Xin chuyển một bài về phóng sự trên đài truyền hình Pháp, tối hôm qua, nói về chuyện tổ chức bán đàn bà VN cho người Tầu. Thú thực, tôi không dám coi hết ,như không có đủ can đảm nhìn vết thương nhầy nhụa trên thân thể mình.
Phóng sự chiếu trên TV cùng ngày với đám tang ông Stéphane Hessel (Tổng thống Pháp chủ tọa), tác giả cuốn Indignez-vous! (Hãy nổi giận!). Nếu cùng với việc bán nước, chuyện bán đàn bà cho người Tầu không làm chúng ta nổi giận, chắc chúng ta sẽ chấp nhận bất cứ sự sỉ nhục nào.
Hy vọng các đài truyền hình Việt nam hải ngoại có cơ hội trình chiếu thiên phóng sự. Bạn có thể coi phóng sự trên website của FRANCE TELEVISON, đài FRANCE 2, chương trình ENVOYE SPECIAL, ngày 07032013.
Người Pháp kinh ngạc trước màn ảnh truyền hình vì tưởng rằng chế độ nô lệ đã chấm dứt trên thế giới.
Quảng cáo dưới đây được tìm thấy trên Internet.
http://m.9gag.com/gag/6699050
________________
Mua đàn bà VN: Không ưng được đổi lại
Ngô Nhân Dụng
(bài viết này đề cập đến đế tài đường dây buôn bán phụ nữ V.N đã đưoc chiếu trên TV Pháp )
Khán giả ti vi ở Pháp đã được coi một chương trình đặc biệt và một phóng sự hình ảnh về đề tài, nạn mua bán đàn bà Việt Nam đưa sang Trung Quốc (Les Branches esseulées: Trafic de femmes vietnamiennes en Chine).
Tựa đề “Les Branches esseulées” dịch nguyên văn hai chữ Hán mà người Tầu phiên âm là “Guang-gun,” đọc lối Hán Việt là “Quang Côn.” Quang là sáng, cũng nghĩa là trống trải, như khi ta nói “phong quang, quang đãng.” Côn là cây gậy, có thể dùng để đánh nhau, “Côn quyền ra sức lược thao gồm tài” (Truyện Kiều). Quang côn là cây gậy trơ trụi, là cành cây không lá không hoa. Trong từ điển Hán Việt ghi nghĩa thông dụng nhất của từ này: Quang côn là đàn ông con trai chưa có vợ, độc thân, thường gọi là ế vợ.
Hai nhà báo công ty truyền thông CAPA, Patricia Wong và Gaël Caron, đã bỏ mấy tháng trời theo dõi một chàng trai người Trung Hoa đi mua vợ ở tận vùng gần Sài Gòn, Việt Nam, cách xa làng anh ta 3,500 cây số. Tên anh ta là Xiao Lu, 30 tuổi, chưa có vợ bao giờ. Anh làm công nhân đồn điền trà, ở một làng tên là Ting Xia. Tìm trong các mạng ở Trung Quốc thấy có làng trồng trà có tiếng tên là Thôn Ðình Hạ. Chương trình Quang Côn này sẽ được chiếu trên đài France 2 vào tối Thứ Năm, ngày 7 Tháng Ba 2013 này. Hai nhà báo đi theo anh Xiao Lu trên con đường thiên lý tầm thê đó. Nhưng bài phóng sự cũng mô tả chung nạn mua bán đàn bà con gái từ các nước Việt Nam, Lào, Miến Ðiện và Indonesia, đưa sang Tàu.
Trước đây đã nhiều nhà báo viết về nạn buôn phụ nữ Việt Nam bán sang Tàu, như trên tờ Wall Street Journal đã kể câu chuyện một cô quê ở Nam Ðịnh bị bán sang Quảng Ðông. Cô phải sống ở một làng miền núi, bị gia đình chồng và cả hàng xóm của họ canh giữ nghiêm ngặt không cho trốn đi. Sau cố lén gửi được thư cho gia đình tại Việt Nam, rồi một người anh trai lặn lội đi tìm được làng cô ở và bày mưu cứu cô về. Năm 2004 hai tác giả Valerie Hudson và Andrea den Boer viết cuốn sách tiếng Anh mang tựa đề “Bare Branches,” Cành Trụi, dịch sát hai chữ Quang Côn, trình bày tình trạng nhiều đàn ông ở nước Tầu ế vợ, do nhà xuất bản Ðại Học MIT in.
Bản tin loan báo chương trình Quang Côn, Les Branches esseulées, cho biết những “cô dâu” được “nhập khẩu” qua Tàu, trên nguyên tắc để làm vợ cho các quang côn, những cành cây trụi lá; nhưng họ được đem bán như bán nô lệ. Sớm muộn họ sẽ chạm mặt với thực tế phũ phàng, khác hẳn những gì được ông chồng tương lai hứa hẹn. Họ sẽ lao động cực nhọc ở các làng quê hẻo lánh, ngoài việc lo sinh đẻ. Nhiều cô dâu đã tìm đường trốn đi, nhiều cô đành chịu đựng số phận.
Hai nhà báo Patricia Wong và Gaël Caron bắt đầu chương trình với cảnh mua vợ của Xiao Lu tại vùng phụ cận Sài Gòn. Các quang côn được tập trung tại một khách sạn; họ bị ngăn cản không cho đi đâu, vì bọn lái buôn đã tịch thâu giấy thông hành, hộ chiếu của họ. Rồi họ được đi xem mặt hàng, là các cô gái Việt Nam tuổi ở 20. Một chuyến đi mua vợ như vậy tốn khoảng 5,000 đồng Euro, vào khoảng 8,000 đô-la Mỹ; những cô còn trinh được trả giá cao hơn. Giống như các siêu thị và cửa hàng bách hóa lớn ở Mỹ, khách tiêu thụ không hài lòng với các “món hàng” này có thể đem đổi lấy món hàng khác tương đương,“échangeable” trong nguyên văn. Bọn buôn người gồm cả người Tàu và người Việt.
Trong gian phòng khách sạn, nhà báo quay cảnh Xiao Lu gặp cô dâu tên là Thu Yến, một cô gái quê sợ sệt, nhút nhát. Hai người không thể nói chuyện gì với nhau cả vì ngôn ngữ bất đồng. Tất nhiên không ai mở miệng nói đến chữ “yêu.” Mấy ngày sau, họ về làng của cô gái ở vùng đồng bằng sông Cửu Long làm lễ cưới, một nghi lễ không có giá trị pháp lý. Sau đám cưới, bà mối người Tàu tên là bà Vương (Wang) đưa cho Thu Yến hộ chiếu với visa nhập cảnh Trung Quốc. Mấy ngày sau, Thu Yến về đến nhà chồng, ở một làng trong một thung lũng hẻo lánh; mọi người chung quanh nói thứ tiếng cô không hiểu được.
Trung Quốc có rất nhiều đàn ông ế vợ, một phần vì chính sách của Mao Trạch Ðông chỉ cho phép mỗi cặp vợ chồng có một đứa con, áp dụng cho phần lớn nhưng không phải tất cả dân Trung Hoa. Vì mong có con trai nối dõi, nhiều người đã giết chết các trẻ sơ sinh con gái, nhiều nhất là ở miền quê; gây ra cảnh trai thừa gái thiếu hiện nay.
Theo báo Nhà Kinh tế (The Economist, March 6, 2010), đầu năm 2010 Viện Khoa Học Xã Hội Trung Quốc (CASS) đã tiên đoán trong mười năm nữa ở nước Tầu cứ năm (5) thanh niên đến tuổi cưới vợ sẽ có một chàng không thể tìm được cô nào để “rước về.” Con số này tính ra dựa trên tỷ lệ số trẻ em trai và gái sinh ra trong khoảng từ 5, 10 năm trước. Vào năm 2020 trong lớp tuổi 19 trở xuống, sẽ có từ 30 đến 40 triệu thanh niên “thặng dư” so với số phụ nữ độc thân cùng tuổi, nghĩa là họ không thể nào có vợ - trừ khi nhập cảng phụ nữ hoặc xuất khẩu đàn ông!
Ðể độc giả thấy rõ con số đó lớn hay nhỏ ra sao, báo Economist đã so sánh: Con số 40 triệu này lớn bằng tất cả số thanh niên cùng tuổi ở nước Mỹ vào năm 2020, có vợ hoặc chưa có vợ. Trong lịch sử loài người, trong thời gian không có chiến tranh, chưa bao giờ một nước nào trên thế giới lại “chứa” một lực lượng đàn ông độc thân và ế vợ cao đến thế. Nếu so sánh với Việt Nam thì con số 40 triệu đó cũng xấp xỉ một nửa dân số nước ta, tức là gần bằng tổng số người đàn ông, con trai người Việt, kể từ trẻ sơ sinh tới các cụ già.
Trong các xã hội bình thường, cứ 100 trẻ em gái sinh ra thì có từ 103 đến 106 trẻ sơ sinh con trai. Vì trẻ em con trai dễ bị chết yểu hơn con gái, cho nên khi chúng lớn lên đến tuổi lập gia đình thì số trai gái cao xấp xỉ bằng nhau. Nhưng tại nhiều nước hiện nay tỷ lệ 100 gái/105 trai không còn nữa. Trong những năm từ 1985 đến 1989, tỷ lệ nam nữ ở Trung Hoa đã chênh lệch thành 100/108, tức là 100 bé gái thì có 108 bé trai. Trong những năm từ 2000 đến 2004, tỷ lệ càng nghiêng lệch thêm, 100 bé gái sinh ra thì sinh 124 bé trai. Tại nhiều tỉnh ở miền Nam và Trung nước Tầu, tỷ lệ này lên tới 100/130 hay 140.
Tỉnh Quảng Ðông, ở sát nước ta, là nơi cứ 100 em gái ra đời thì có 120 em trai. Ðến năm 2025, 2030, cứ 100 cô gái sẽ có 120 cậu trai muốn cưới làm vợ. Nếu trong mươi năm tới ở tỉnh trù phú nhất Trung Quốc này, mà có độ dăm, mười triệu thanh niên ế vợ, thì có ảnh hưởng gì tới xã hội Việt Nam hay không?
Chương trình ti vi trên đài France 2 chắc sẽ làm các khán giả người Pháp kinh ngạc. Nhưng đối với khán giả người Việt Nam thì chắc đó cũng là một mối sỉ nhục. Trong lịch sử nước ta chưa bao giờ có cảnh phụ nữ được đem bày hàng để bán, với điều kiện “không hài lòng thì đổi” để tận tình phục vụ người tiêu thụ. Chỉ dưới chế độ “ưu việt” kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa hiện nay mới biến các cô gái thành hàng hóa xuất khẩu như vậy. Nhưng sau khi cảm thấy tủi nhục, người Việt Nam còn lo ngại nữa.
Có một quy luật dân số học, trong quá khứ, nhận thấy rằng các nước nhiều thanh niên ế vợ thường hay gây chiến với lân bang. Khi dân số nước đó tăng lên nhanh hơn khả năng sản xuất, số thanh niên trai tráng nhiều hơn, đa số trong tuổi lao động bị thất nghiệp, quá nhiều người không thể nào kiếm được vợ vì thừa trai thiếu gái, thì chiến tranh có thể giúp giải quyết cả ba vấn đề một lúc: thất nghiệp, dân số đông, và đàn ông ế vợ. Chính quyền một quốc gia quá đông “quang côn” thấy đó là một cách giải quyết số đàn ông thặng dư. Nếu không, đám thanh niên “bức xúc” và bất mãn đó sẽ dùng thời giờ không làm việc để gây tội ác, hoặc quay ra làm cách mạng, nổi loạn chống chính quyền. Không phải cuộc chiến tranh nào cũng xẩy ra vì quá nhiều thanh niên ế vợ; nhưng trong một xã hội mà số đàn ông thặng dư đông quá thì, khi kinh tế suy yếu, người cầm quyền thường gây chiến.
Ở Trung Quốc, ông Tập Cận Bình mới nhậm chức đã gia tăng ngân sách quân sự, tỷ số gia tăng lớn quá đến nỗi Bắc Kinh phải lên tiếng giải thích, khi nhiều quốc gia tỏ ý lo ngại. Ông Tập Cận Bình tăng ngân sách quốc phòng chỉ để mua chuộc các tướng lãnh Trung Quốc? Hay ông đang lo trước vấn đề do 35 triệu quang côn sẽ gây ra trong mươi năm sắp tới?
Ngô Nhân Dụng
http://www.diendantheky.net
http://www.daihocsuphamsaigon.org
Đăng ngày 08 tháng 03.2017