Đi hát

Một nét hào hùng của giới giang hồ đất Nam kỳ Lục Tỉnh

Nguyễn thị Cỏ May

Mở cửa mau. Không tao bắn chết cha bây giờ!
Chủ tiệm chết điếng, nhìn họng súng trân trân. Mười Nhỏ giục :
- Mở cửa mau. Ông cố nội mầy đây chớ ai mà ngó châm bẩm vậy?
- Bườm!
Tất cả rút ra bờ sông.
Trên đường về, Mưòi Nhỏ gật gù khoái chí. Nhưng Bảy Rô lặng thinh. Qua những phút sôi nổi, lòng anh thấy ray rứt vô cùng. Tự nhiên mình nhảy vô đánh người ta chết giấc, vơ vét hết tiền bạc của người ta. Suốt đường về, anh chỉ lo cho tên Ba Tàu tỉnh lại, thấy sự nghiệp mồ hôi, nước mắt của mình bị vơ vét sạch, sẽ uất ức mà chết luôn.
Đánh cướp vụ thứ nhì, ghe hột vịt. Vừa thấy Bảy Rô nhảy lên ghe, ông già chủ ghe đớ lưởi:
- Ông… Ăn cướp! Chưa kịp tra hỏi, ông già chủ ghe đem dâng trọn cọc tiền vừa bán ghe hột vịt cho chủ vựa. Bảy Rô cướp tiền, nhảy qua ghe tam bản. Đi chưa được mấy sào thì nghe ông già chủ ghe kêu gào thảm thiết.
Mười Nhỏ hét:
- Đm. Trở lại, tao giết thằng già này mới được. Nó dám chửi mắng ông cố nội thì nó phải chết.
Bảy Rô bước nhanh tới mủi tam bản:
- Để tao trị thằng già này cho. Anh chống sào nhảy trở lên ghe, ngắt đôi cọc tiền vừa cướp được, dúi một nửa vào ngực ông già, đồng thời, dậm chơn lên ván ghe đánh rầm một cái, hét to:
-Giỏi la hả? Đánh cho mầy chết để mày hết la!
Trên đường về, anh thấy vui vui trong lòng. Đâu đó, trong sâu thẳm hồi ức, anh nghe văng vẳng lời dạy của ông già anh lúc còn sống: “Nhơn phi nghĩa bất giao, vật phi nghĩa bất thủ”.
Anh tính sẽ không nhận tiền chia phần trong hai vụ ăn hàng này và sẽ nói thật khéo để Mười Nhỏ vui lòng cho anh giải nghệ (Nguyên Hùng, Người Bình Xuyên, 1968, Sài gòn).

Một nét độc đáo của đất Nam kỳ
Giang hồ, ở đâu và thời nào cũng có, nhưng mỗi nơi và mỗi thời đều mỗi khác. Nếu nói giang hồ là băng đảng ăn cướp thì giang hồ Nam kỳ sẽ khác hơn nhiều băng đảng ăn cướp khác rất nhiều. Chỉ cần so sánh với cái đảng cộng sản thì sẽ thấy giang hồ Nam Kỳ Lục Tỉnh hào hùng chớ không hèn hạ như đảng cộng sản, anh em giử điệu nghệ với nhau, lấy thủy chung kết tình huynh đệ, chết sống với nhau, chớ không như đồng chí ám hại nhau chỉ vì chút quyền lợi, hoặc đạp lên lưng nhau để tiến thân. Họ đi giang hồ là để tranh thủ cho riêng họ, cho phe cánh họ một địa vị trong cái xã hội mà họ bị loại ra vì không chịu nép mình theo, một khu vực hay môt giang sơn riêng biệc của họ để họ được sống hoàn toàn tự do, theo luật pháp riêng của họ mà làng xã, Tây Tà không chi phối được. Tiếng Giang Hồ ở đây không mang ý nghĩa xấu. Còn đảng cộng sản là nơi tập hợp những người không nghề nghiệp, phạm pháp, nhơn danh cách mạng, cướp chánh quyền rồi hành xử chánh quyền cướp của cải nhơn dân, cướp tài nguyên đất nước làm giàu. Cờn ăn cướp của cộng sản là hoàn toàn thuộc về bản chất lê-nitstalinít và mao-it để làm giàu và hưởng thụ riêng.
Giang hồ nổi tiếng trong Nam là Phong trào Bình Xuyên với Bảy Viễn Thủ lãnh. Những chuyện đánh cướp nhà giàu, đánh cò bót, biện chà, bênh dân nghèo bị hiếp đáp, trở thành những giai thoại hào hùng mà Cỏ May tôi lúc nhỏ, sống ở quê nhà, Quận Cần Giuộc, nghe say mê như chuyện thần tiên.

Sơn Vương, một tay giang hồ văn nghệ và Chúa đảo
Năm Đường lái chiếc Clément Bayard mới toanh chở Sơn Vương tới khu Chơ Cũ, ngừng lại ở ngã tư Lefèbre và Chaigneau, bóp kèn ”tin… tin, t…i…n n…n”. Từ trên lầu tiệm may Nam Chấn Hưng, một thanh niên đi ra, leo lên xe ngồi cạnh Năm Đường. Lần đầu tiên, anh ngồi xe mới thấy đã quá. Đó là Nguyễn Phương Thảo, sau này là Trung tướng Nguyễn Bình của Hồ Chí Minh, từ Hải Phòng vào Nam tìm cách sanh sống, vừa nhập bọn với nhóm Sơn Vương.
Thấy hãy còn sớm, Sơn Vương bảo Năm Đường chạy thẳng tới Nghi Xuân lầu ở Đại lộ La Somme ăn sáng. Xong, Năm Đường lái xe chạy về hướng Thủ Đức. Xe ra khỏi Sài gòn,vừa tới cầu sắt hẹp, Năm Đường cho xe ngừng lại, mở nắp thùng xe dựng lên, làm như xe bị hư máy.
Nguyễn Phương Thảo nôn nóng muốn tận mắt chứng kiến cách đánh cướp kỳ lạ của dân Sài gòn. Đi đánh cướp bằng xe hơi mới cáo cạnh, súng giả làm vũ khí.
Thảo vẫn thắc mắc nên hỏi lại Sơn Vương một lần nữa “Có chắc ăn hay không mà anh Hai dám bỏ súng thiệt ở nhà?”.
- Này, coi đi, súng thiệt hay giả. Súng giả mà mình đánh thắng súng thiệt mới đã.
Thảo mới biết Sơn Vương còn là nhà văn, nhà thơ nữa. Sáng ra, anh ngồi bán sách báo ở chợ Cũ chỉ để dò xét, theo dõi con mồi. Biết tên Giám đốc Đồn điền cao-su Mimot (Quân Mimot, Tỉnh Kampong Cham, Cao Miên) sáng thứ bảy nào cũng tới nhà băng rút tiền mặt đem lên sở phát lương thầy thợ. Đi xe gì, theo con đường nào.
Thảo mong thì giờ trôi qua mau lẹ để chứng kiến cảnh đấu nhau. Sơn Vương hút vừa tàn điếu thuốc thì từ xa, bụi đỏ tung bay. Một chiếc Peugeot xuất hiện. Thấy đường bị kẹt, có xe chết máy nằm giữa đường. Người lái xe Peugeot là người Pháp, cho xe chậm lại, quát lớn “Nép vô lề cho người ta qua cầu”.
Năm Đường làm bộ lăng xăng sửa xe. Sơn Vương bước lại xe người Pháp, nói “Xe ăng panh. Chúng tôi đang sửa. Nếu ông muốn qua cầu gấp thì xuống xe phụ đẩy với chúng tôi.
Người Pháp trợn mắt “Đẩy xe cho mấy người à?”.
Ông ta xuống xe, đi tới đi lui, với vẻ bực bội.
Bất ngờ Sơn Vương chỉa súng vô ngực, hô lớn “Haut les mains!”. Ông Tây hoảng, dơ hai tay lên cao. Nhanh như chớp, Sơn Vương đoạt khẩu súng lục trong túi ông ta, đồng thời, xách va-li bạc trong xe ông Tây ném cho Nguyễn Phương Thảo giữ.
Năm Đường chờ Sơn Vương và Nguyễn Phương Thảo lên xe là nhấn ga vọt. Sơn Vương không quên ném khẩu súng giả vào xe của ông Giám đốc đồn điền, vừa nói: “Cho mượn tháng lương thầy thợ, nghe Mong-sừ Gaillard. Tặng luôn ông cây súng làm kỷ niệm”.
Xe chạy thẳng tới Bà Quẹo, Sơn Vương và Nguyễn Phương Thảo xuống, bao xe thổ mộ (xe ngựa) về Chợ Cũ. Năm Đường đem xe về hãng nơi Nam Đường làm việc, chùi rửa, gắn lại bảng số thiệt, trả xe. Mọi việc êm xuôi.
Nhưng hơn một tháng sau, cảnh sát điều tra, khám phá ra nội vụ. Người Pháp chủ hãng đi về Pháp nghỉ hằng năm nên Năm Đường lấy xe chở Sơn Vương đi hát. Vì lúc bấy giờ, Sài gòn không có mấy chiếc Clément Bayard. Năm Đường đành khai ra hết. Cả ba người đều bị bắt.
Cò Bazin của bót Catinat điện thoại báo tin ông Gaillard đã bắt được tên cướp và đòi 5000$ tiền thưởng. Ông Gaillard tới Catinat, ông Bazin giao Sơn Vương cho Gaillard trọn quyền xử lý.
Giận lắm, Gaillard rút ngay roi gân bò trên tường, đánh vút lên một cái “Mầy lấy của tao 50000$, nay tao chỉ xử mầy 50 roi thôi. Mầy sẳn sàng chưa ?
- Mời ông!
Gaillard dồn hét sức mạnh ra cánh tay, quất lên lưng Sơn Vương nghe một tiếng ”trót” rợn người. Ngọn roi đưa lên đánh tiếp cho thấy vết roi bầm tím, rướm máu thắm qua sơ-mi lụa trắng của Sơn Vương. Đánh tới roi thứ ba, Gaillard thấy thắm mệt, bàn tay ê ẩm, ngọn roi muốn rớt khỏi tay trong lúc đó Sơn Vương, thân người cao gầy, lại đứng sừng sửng, tỏ vẻ không hề hấn gì hết.
Gaillard nhìn Sơn Vương, ngạc nhiên, bảo “Tao cho mầy thiếu số roi còn lại”.
Sơn Vương lắc đầu “Ông cứ đánh cho đủ. Tánh tôi ưa sòng phẳng“. Thấy gặp phải tay anh chị đúng mức, Gaillard bảo “Mầy ngon. Tao bỏ luôn”.
Bước ra ngoài, Gaillard bảo Cò Bazin hãy thả Sơn Vương ra. Thanh toán nhau như vậy đủ rồi. Nếu Bazin có đưa ra tòa, ông ta sẽ không tới tòa.
Cò Bazin kinh ngạc nhưng rồi cũng phải thả Sơn Vương ra về.
Sau đó, Bazin cho sưu tra thì mới biết hai anh em Gaillard là dân Corse, từng bị nhiều tiền án, cướp xe chở tiền cho ngân hàng Huê kỳ, từng vượt ngục Cayenne.
Giang hồ có cách xử sự với nhau đúng theo điệu nghệ giang hồ! (Sơn Vương, Giang hồ Lục tỉnh, Nguyên Hùng, xb Mũi Cà Mau, 1998)

Năm Bé, anh chị bến cảng Hải phòng, mê hào khí Nam kỳ
Năm Bé không phải tên thiệt của anh. Vô Nam vào cuối thập niên 20, anh được anh em gắn cho thêm cái tên “Năm Bé” cho giống dân Nam Kỳ thứ thiệt. Mà thiệt tình, anh chỉ còn cái giọng nói Bắc kỳ chưa thay đổi được mà thôi. Ngoài ra, cách suy nghĩ, ứng xử, anh đều là Nam kỳ còn hơn Nam kỳ sanh đẻ tại chổ nữa. Quả thiệt, anh là thứ Nam kỳ đặc sệt 72 phần dầu. Một cái đặc biệt khác ở anh mà anh thường nói ra là anh không bao giờ chơi với tụi cộng sản hết cả, nhứt là thứ cộng sản Bắc kỳ.
Khi còn ở Hải phòng, anh nghe chuyện kể về Công tử Bạc liệu, đốt tờ giấy bạc 5$ con công để rọi kiếm tờ 1$ của nghệ sĩ Phùng Há làm rớt, anh đã mê từ đó và tìm cơ hội thoát vào Nam để được sống đời sống thoải mái,hào hùng cho thoả lòng dân bến cảng. Dao búa, ngon lành thiệt, nhưng vẫn chưa đủ. Cốt cách dân giang hồ phải có thêm một cái gì hào hùng nữa chớ!
Anh nhập băng đảng với Bảy Viễn để sau này cùng đi đày Côn Đảo và cùng vượt biển về đất liền.
Bảy Viễn nói với anh ngày anh nhập bọn “Tụi này thiệt tình không ưa Bắc kỳ. Anh là Bắc kỳ mà thấy anh chơi được, đúng điệu nghệ, nên sẳn lòng kết bạn với anh”.
Một hôm đi dạo trên đường Catinat (sau này là Tự Do, Sài gòn 1), thấy tiệm Tây chưng trong tủ kiếng mấy cái nón hiệu Borsalino* của Ý, thứ vành hơi lớn, là thứ anh mê từ lâu mà chưa có dịp mua. Anh bước vào tiệm, bảo người Pháp bán hàng lấy nón cho anh xem, đội thử để mua. Người bán hàng nhìn anh với ánh mắt ngờ vực vì anh mặc quần lảnh đen, áo bành-tô (paletot)** ka- ki xanh giống thợ thuyền nên chưa vội lấy nón, mà chỉ anh xem tấm bảng giá :
- Coi giá đây. 25$ một cái, có tiền mua không ?
Đây là giá lương tháng của thầy ký làm trong Tòa Bố (tòa Tỉnh trưởng).
- Đưa coi đội có vừa không đã.
Thấy nét mặt anh hầm hầm, người bán hàng vội mở tủ lấy ra một cái Borsalino đưa anh coi. Đội lên đầu vừa vặn. Anh hài lòng, giữ luôn trên đầu, bảo người bán lấy gói luôn cho anh 4 cái còn lại. Móc bóp rút ra 1 tờ bộ lư , 1 tờ 20$ và 1 tờ con công, tất cả là 125$ đưa trả tiền nón, làm cho người bán hàng há miệng, trố mắt nhìn anh Năm Bé.
Cầm nón đem về không biết làm gì cho hết, bèn kêu bạn tới cho bớt.
Thỏa mãn vì mua được nón vừa ý thì ít, mà thỏa mãn vì dằn mặt được thằng Tây bán nón làm phách thì nhiều.

“Trích nước tiểu” ăn thề, kết nghĩa huynh đệ trên biển
Sau trận bão, lương khô trôi mất. Đói thì chịu tạm được nhưng khát thì vô phương. Ở trên biển, trời nắng, nước biển mặn càng làm cho cơn khát thêm mãnh liệt hơn. Anh em phải đái ra uống giải cơn khát. Ở trong tù nghe nói tù thường phải uống nước tiểu. Nay anh em tự do trên biển cả mà cũng uống nước tiểu như tù!
Nhớ lại trận bão vừa qua, ai cũng hải hùng. Một áng mây lớn đen ngòm phủ xuống mặt biển, Tư Nhị nói rồng xuống hút nước, sẽ hút chiếc bè của mình lên rồi phun ra xa hằng cây số. Chắc số mạng của tụi mình tới dây là chấm dứt.
Mọi người chỉ nhắm mắt lại chờ rồng hút đi. Mà có mở mắt ra cũng không thấy gì. Khoảnh khắc trôi qua, sao ai cũng thấy êm ru. Mọi người mở mắt ra thì thấy vẫn còn ngồi yên trên bè và biển trở lại hiền hòa.
Tư Nhị reo lên “Cá Ông đở”. Anh bèn chấp tay “ Nam mô A Di Đà Phật, Nam Hải Tưóng quân đã cứu mạng anh em chúng tôi”. Anh nói lớn như khấn vái. Đúng là Đức Phật thấy anh em tụi mình ăn hiền, ở lành, nên cho Nam Hải Tướng quân tới cứu mạng. Chuyến này về tới đất liền bình yên, tụi tui sẽ vật heo tạ ơn ngài Nam Hải Tướng quân!.
Bốn ngưòi cùng đồng sanh, đồng tử trên chiếc bè vượt ngục. Cơn nguy biến đã qua, Tư Nhị có ý nghĩ khi nhớ lại chuyện xưa “Lưu, Quan, Trương trích huyết ăn thề kết nghĩa trong vườn Đào” nên đề nghị bốn anh em hôm nay cùng chia nhau uống chung nước tiểu của nhau thay thế “trích huyết” để kết nghĩa huynh đệ. Nghe qua, ai cũng hưởng ứng.
Mười Trí, sau này làm Sư Thúc Hòa Hảo cánh Năm Lửa, xâm nhập lực lượng Hòa Hảo hoạt động để lôi kéo Hòa Hảo về với Việt Minh nhưng không được, vội lên tiếng :
- Nói kết nghĩa, phải biết nhau từ chơn tơ, kẻ tóc. Mình mới biết Năm Bé có mấy ngày. Năm Bé buồn, cho là phải, bảo ba anh hãy kết nghĩa với nhau đi. Trừ tôi ra. Bảy Viễn không đồng ý cho rằng cùng chung chết sống với nhau, ai làm kỳ vậy cho được.
Mười Trí thấy Bảy Viễn nói có lý nên đồng ý. Tư Nhị tìm cái gáo dừa tát nước, đưa lên trang nghiêm nói lớn “Hôm nay,ngày tốt, giờ hoàng đạo, mời đại ca tiểu vô đây. Rồi lần lược tới anh Bảy, anh Năm Bé và tôi là em út, sau cùng. Chúng ta làm lễ trích huyết ăn thề theo kiểu tù vượt ngục, thay máu đào bằng nước tiểu ”.
Anh Mười tuổi quí mão (1903) là anh Hai, anh Bảy, tuổi giáp thìn (1904) là anh Ba, anh Năm Bé lá anh Tư, tui làm em Út. Vậy anh Hai khấn vái ít lời cho cuộc lễ hôm nay.
Năm 1952, Bảy Viễn bị Nguyễn Bình theo lệnh Hà nội, đưa phong trào kháng chiến trong Nam vào khuôn khổ lãnh đạo của Việt Minh cộng sản, phải bỏ về thành. Mười Trí hết lòng thuyết phục Bảy Viễn ở lại nhưng không được. Bảy Viễn không chơi với cộng sản “Anh em đánh Tây từ hồi tụi nó chưa vô đây. Nay, tự nhiên vô đây, muốn ngồi trên đầu trên cổ người ta. Chơi kìểu Bắc kỳ, ai chịu được?”. Sau cùng, Mười Trí đưa Bảy Vìễn đi gần tới ranh giới an toàn. Trước khi quay trở lại, Mười Trí cầm tay Bảy Viễn nói lời cuối cùng cho hủy bỏ lời thề sống chết có nhau vì mai này, mỗi người đi một ngã.
Mười Trí biết giữ nghĩa, trọng lời thề nhờ thời gian dài sống với anh em giang hồ, những người tuy chơi dao búa, đánh cướp, nhưng biết lấy đạo nghĩa làm gốc, lấy thủy chung kết bạn.
Như đã nói Sơn Vương vừa là tay giang hồ, vừa là nhà văn đa tình, vừa chúa đảo. Tên thiệt là Trương văn Thoại, quê Gò Công. Lần đầu tiên Sơn Vương bị đày ra Côn nôn là năm 1933. Lần thứ nhì, năm 1942. Anh ở tù trên đảo trước sau, tất cả là 35 năm. Quả thật, anh là chúa đảo vì anh là một người tù ở đảo lâu năm nhứt từ ngày Tây chiếm Côn sơn làm thành Quận hành chánh của Nam kỳ năm 1882. Nhưng trên thực tế, anh cũng làm chúa đảo. Năm 1945, sau khi Nhựt đảo chánh Pháp, giao đảo cho tù thường phạm cai quản cho tới khi Tây trở lại năm 1946.
Trong thời gian Sơn Vương trở ra đảo lần thứ hai, anh yêu cô Võ thị Kim Hoa, con gái của Vệ Liển, viên chức của thời Pháp. Năm ấy, Kim Hoa đã trở thành một cô gái 18 tuổi, đẹp lộng lẩy. Anh hơn em 13 tuổi. Sơn Vương gởi cho Kim Hoa thư tỏ tình, trong đó có 2 câu thơ:
“Ước gì kéo được thời gian
Cho tôi trẻ lại, cho nàng già hơn”.
Nguyễn thị Cỏ May

Ghi thêm :
* Đi hát:  là đi đánh cướp, tiếng lóng của giới giang hồ Nam kỳ Lục tỉnh
* Bườm:  là khẩu hiệu rút lui.
Muốn biết thêm nhiều tay giang hồ khét tiếng khác, mời tìm đọc «Giang Hồ Lục tỉnh» của Nguyên Hùng, do Mủi Cà Mau xuất bản năm 1998.
* Áo bành-tô là một thứ áo « vết -veste » (paletot):
«Áo bà- ba tay vắn, tay dài. Em may cả chục cái, sao anh không bận, mà bận chi hoài cái áo bành-tô?».
«Anh bận hoài cái áo bành-tô?
Vì áo bành-tô có nhiều túi, anh bận hoài để có chổ bỏ cục tình của em» (câu hát nhà quê Nam kỳ).
* Nón Borsalino nổi tiếng của Ý, ngày nay, bán ở một vài cửa hàng lớn Paris, giá lối 250€/cái. Trời mưa không ướt. Có thể xếp bỏ túi được, không gảy. Ngày xưa ở Sài gòn, còn có thêm nón Fléchet, nón Mossant được dân có tiền ưa thích. Nay, giá 1 cái Fléchet ở Paris lối 150€. Không thấy có hiệu Mossant bày bán. Nhưng trên internet có, giá lối 130€/cái.
NTCM


Mất gốc

Trần Mộng Lâm

Nhiều khi thành thực quá cũng gây cho mình những bực mình.
Trước đây ít lâu, tôi có viết một bài ngắn mang tựa đề: Tôi không phải dân Bắc. Tuần vừa qua, tôi lại viết bài: Hai nỗi cô đơn. Với 2 bài viết này, tôi nhận được khá nhiều điện thơ góp ý kiến, có người đồng ý, có người không đồng ý, nhưng cũng không có vấn đề gì quan trọng. Khi mình đã đưa ra một ý kiến, thì phải chấp nhận các lời phê bình.
Mới đây, khi đi ăn cưới cô cháu gái, tôi gặp anh Lâm Văn Bé, anh cười nói với tôi: Tôi hiểu ý anh, nhưng tôi nghĩ anh sẽ bị phản đối nhiều đó. Một lúc sau, gặp một ông bạn khác, ông này cũng nhã nhặn, nhưng hỏi móc tôi: Anh không sợ bị kết án là mất gốc??? Tôi hỏi lại ông:
- Theo anh, gốc của tôi là gì?
- Thì anh người miền Bắc. Tuy anh ở trong Nam lâu, lấy vợ miền Nam, nhưng gốc của anh là người Bắc.
Tôi nản quá, nói với ông ta:
- Anh trật lất rồi. Gốc của tôi là Việt Nam Cộng Hoà. Tôi là công dân của Việt Nam Cộng Hoà. Những công dân VNCH có người sanh tại Miền Bắc, có người sanh tại Miền Trung, có người sanh tại Miền Nam, nhưng họ đều có chung một nền văn hóa, tôi gọi văn hóa Miền Nam. Gọi như vậy là để phân biệt với các công dân của Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, ngày xưa gọi là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.
Ngày nay, trong nước, còn sót lại những công dân cũ của VNCH. Tại Hải Ngoại, đa số là người của VNCH. Tại Việt Nam, những người sống tại Miền Bắc trước 1975 là công dân của CHXHCNVN. Hiện nay, đại đa số người Việt Nam trong nước là các công dân của CHXHCNVN.
Người Việt Nam, nói chung, có cùng một tiếng nói, nhưng nói cùng một thứ tiếng không có nghĩa là cùng một tổ quốc. Người Anh, người Úc, người Mỹ, cùng nói tiếng Anh, nhưng họ không cùng một tổ quốc.
Cũng vây, người Việt Nam Cộng Hòa và người của CHXHCNVN không cùng một tổ quốc. Với tôi, người của CHXHCNVN rất xa lạ: Họ nói khác tôi (tiếng Việt Cộng), họ suy nghĩ khác tôi, sống khác tôi, thậm chí lái xe, chưởi thề, ăn mặc, hát, đóng kịch, mọi thứ đều khác... Họ có một lá cờ khác, một bài quốc ca khác, những anh hùng khác, những thần tượng khác. Những người đó là gốc của tôi hay sao???
Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam là tổ quốc của tôi hay sao??? Không, gốc của tôi là VNCH, tổ quốc của tôi là Việt Nam Cộng Hòa. Công dân của VNCH là công dân VNCH và công dân của CHXHCNVN là công dân của CHXHCNVN.
Hai khối người, nhưng cũng là hai nỗi cô đơn. Hai nỗi cô đơn này hiện hữu tại trong nước, nhưng cũng hiện hữu tại Hải Ngoại.
Bây giờ, giả thử có một ông đảng viên CS nào kêu gọi nới rộng tự do một chút, cởi mở hơn một chút, sửa sai chế độ của họ một chút, thì đó là việc của họ. Riêng tôi, Cộng Sản phải được xóa bỏ toàn bộ. Sửa nó? đúng là nằm mơ giữa ban ngày.
Trần Mộng Lâm

 

Đăng ngày 08 tháng 01.2017