banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Chuyến xe chiều

 

Để tưởng nhớ em tôi – Nguyễn Phiêu Linh – và mến tặng tất cả SVSQ/TBTĐ Khóa 6/68

Điệp Mỹ Linh

Cho phi cơ lượn vài vòng trên không trung, Dinh cảm thấy vui hẳn lên với cảm giác được hoàn toàn tự do. Nhìn xuống, thấy đồng ruộng xanh ngát, tự dưng một giòng nhạc khởi lên trong lòng, Dinh hát theo điệu Valse Lente: “Làng tôi yêu mến có lũy tre đầm ấm, khoát bóng lên lều tranh… Tình quê hương ấy mỗi lúc sương chiều rơi, quyến luyến dâng đầy vơi tâm hồn tôi” (1).Lời ca khiến Dinh nhớ những chiều theo đoàn tù trở về trại, nhìn về phương Nam, Dinh cũng ngân nga những câu hát này cho vơi bớt nỗi niềm. Tiếp tục hát được vài câu nữa, Dinh thoáng giật mình, vì chàng là sĩ quan Dù chứ không phải sĩ quan Không Quân! Vừa khi đó, nhận ra kim chỉ nhiên liệu xuống đến chữ E, Dinh vội vàng cho phi cơ đáp khẩn cấp.
Trời tối dần. Dinh đi nhanh về hướng có ánh đèn. Gặp vài người Dinh mới nhận ra những người này không nói cùng ngôn ngữ với Dinh. Dinh dùng tay ra dấu cho họ biết phi cơ hết xăng, Dinh cần mua xăng. Những người này cũng ra dấu là ở đây xăng chỉ dùng cho công xa chuyển vũ khí đi “B”. Thấy quân phục của Dinh nhiều người kéo đến, nhìn Dinh bằng đôi mắt sôi sục căm thù.
Thấy ánh mắt căm thù, Dinh hãi sợ, bỏ chạy. Những người lạ đuổi theo. Một âm thanh hãi hùng vang lên trong đêm: “Ngụy trốn trại! Ngụy trốn trại! Bắt lấy nó! Bắt lấy nó!” Nhóm người vừa đuổi theo vừa lượm đá quăng về phía Dinh. Dinh trúng thương, ngã xuống.

Khi tỉnh giậy, trong nhiều tiếng lao xao, mơ hồ, Dinh nhận ra tiếng Duy, con lớn của chàng, quát đứa em:
- Dục! Coi ổng còn thở không?
Dinh muốn đáp: “Ba không sao đâu”, nhưng nói không được. Trong khi Duy và Dục bồng Dinh để lên giường, Dinh cố nhớ lại giấc mơ. Dinh tự hỏi, tại sao những lần trốn trại và những trận đòn thù xưa cứ ám ảnh chàng hoài? Dinh muốn lấy điện thoại, gọi cho Huyền – chị của Dinh, đang ở Mỹ – nhưng Dinh không thấy được gì cả!
Trên taxi, Dinh được để ngồi thẳng như pho tượng, Duy và Dục ngồi kè hai bên cho Dinh khỏi ngã. Sau khi bảo tài xế lái đến bệnh viện Đồng Nai, Duy than:
- Mẹ bà nó! Đây rồi ổng nằm một đống, đái ỉa một chỗ, ai lo được, Trời!
Dục đáp:
- Ông là anh cả, trưởng nam, ông phải lo chớ ông tính “bán cái” hả?
- Mẹ! Con c. tao chứ trưởng nam. Cũng vì hai chữ trưởng nam mà năm 75 ổng không chịu di tản; vì ông bà già của ổng không chịu đi. Mẹ bà nó! Ngoại trừ sĩ quan cấp nhỏ như ông Bảng, ở tù ngắn hạn, Mỹ không nhận; còn ai ra tù cũng nạp hồ sơ xin đi Mỹ, mà ổng không nộp, vì bà già của ổng chỉ muốn ở với trưởng nam chứ không chịu ở với ông Bảng.
- Bởi vậy tui với ông mới bốc cứt mà ăn.
Dinh muốn gào lên: “Ba không xin đi diện H.O. vì bà Nội chỉ một phần; lý do chính là vì hai con đều trên 21 tuổi, không được chấp thuận. Lúc đó, chỉ vì thương bà Nội và thương hai con – và cũng vì Ba không biết được rằng Ba cứ qua Mỹ, từ từ Ba sẽ bảo lãnh bà Nội và hai con sang sau – mà Ba không đành đi Mỹ một mình. Ba đã quyết định sai; nhưng sự sai lầm đó, cũng như sự sai lầm của Ba năm 75 là do tình thương mà ra.” nhưng Dinh không nói được! Dinh vừa đau xót, vừa tủi thân, vừa giận hai thằng con thiếu giáo dục!
Đây không phải là lần đầu tiên Dinh nhận ra sự thiếu giáo dục ở thế hệ trẻ. Ngay từ khi được ra tù, trên chuyến xe lửa về Nam, Dinh rất buồn lòng vì nhận thấy ngôn từ và hành động của những người trẻ trên xe lửa cũng như tại những ga xe lửa, đều khó chấp nhận. Về đến nhà, thấy Duy và Dục cũng ứng xử như những người trẻ vô học, Dinh rầy. Duy đáp: “Thời buổi này kiếm hột cơm đổ vô họng còn chưa có, ở đó mà lễ nghĩa, đạo đức!” Dinh bảo: “Con nên nhớ, ông bà mình dạy rằng: Đói cho sạch, rách cho thơm.” Duy gằn giọng: “Lời ông bà, lời thánh hiền, xưa rồi! Lời cách mạng là tiền. Tiền! Tiền!” Dinh nghiêm giọng: “Con nói chuyện với Ba mà tại sao con dùng những lời thiếu giáo dục vậy?” Duy đáp tỉnh bơ: “Có ai giáo dục tui đâu mà thiếu với đủ?” Dinh nghẹn lời! Từ đó, Dinh cố tình tránh mọi va chạm với hai con.
Lòng buồn vô hạn, nhưng khi nhận biết Duy và Dục, mỗi đứa một đầu, cố sức khiêng Dinh vào nhà thương, Dinh lại cảm thấy thương con vô vàn. Dinh muốn khóc nhưng khóc cũng không được, rồi Dinh từ từ lịm vào hôn mê.

Khi tỉnh lại, Dinh cảm biết thân người bên phải có thể cử động và có vật gì chụp vào miệng và mũi chàng. Dinh nghe giọng Bảng lay gọi chàng rồi Dinh nghe tiếng Duy:
- Dục! Mày ở đây với ông Bảng, tính gì cho ổng thì tính; tao về lục hình của ổng, đem đi phóng lớn để lo hậu sự cho ổng.
Dinh muốn gào lên“Con ơi! Ba chưa chết, con ơi!” nhưng nói không được. Bảng nạt Duy:
- Hậu sự cái gì? Để tao điện qua cho cô mày.
Duy đáp:
- Bệnh của ổng như vậy tiền núi cũng không chữa lành nói gì xin bà Huyền. Mỗi lần xin bả cho có vài trăm đô chớ mấy!
Bảng im lặng, bấm số. Sau khi Bảng cho hay Dinh bị stroke Huyền khóc nức nở. Chờ cho cơn xúc động của Huyền dịu xuống, Bảng nói:
- Chị à! Chị cố bình tĩnh nghe em nói. Ba Má không còn, chỉ còn chị, nếu không cho chị biết, nhỡ anh Dinh có gì thì em làm sao đây?
Nghe Bảng nói đúng, Huyền tự nhủ nàng phải bình tĩnh và sáng suốt để cứu Dinh. Nàng hỏi:
- Hiện tại bác sĩ đang làm gì cho anh Dinh?
- Bác sĩ nói trễ quá, không làm gì được. Họ cho ảnh ra phòng ngoài, nằm chung với mọi người rồi.
- Trời! Tình trạng của Dinh phải nằm ở phòng hồi sinh chứ tại sao lại nằm phòng ngoài?
- Em đâu biết.
- Tìm bác sĩ, yêu cầu bác sĩ trực tiếp nói chuyện với chị, nhanh đi.
Bảng “dạ”. Huyền không nghe được gì nữa. Một lúc sau, Huyền nghe giọng Bảng nói với ai, văng vẳng: “Chị tôi mới là người có khả năng thanh toán phí tổn bệnh viện. Bác sĩ không nói chuyện với chị tôi thì tôi với hai thằng này là ba mạng cùi chứ làm sao tụi tôi trả được.” Huyền nghe giọng lạ “Allo”. Huyền hỏi:
- Thưa, có phải bác sĩ là người đã khám nghiệm cho em tôi, Trần Dinh, không ạ?
- Vâng.
- Thưa, theo bác sĩ thì em tôi có khoảng bao nhiêu phần trăm hy vọng sống sót?
- Một phần trăm. Nhưng bệnh viện này không đủ phương tiện để giúp ông Dinh.
- Nếu vậy thì xin bác sĩ làm ơn chỉ cho tôi bệnh viện nào có thể cứu em tôi?
- Nếu có phương tiện tài chánh, bà nên đưa ông Dinh đến bệnh viện Chợ Rẫy.
- Thưa, nhờ bác sĩ giúp bằng cách cho một xe hồng thập tự đưa em tôi đến Chợ Rẫy, được không ạ?
Một thoáng chần chừ. Huyền tiếp:
- Thưa bác sĩ, người em kế của Dinh là Bảng, người mà lúc nãy đã yêu cầu bác sĩ nói chuyện với tôi đó. Bảng sẽ làm giấy cam kết với bệnh viện rằng Bảng và tôi sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm về tất cả mọi phí tổn mà bệnh viện đã cung cấp cho Dinh.
- Vâng, nếu thế thì không gì trở ngại.
- Xin cảm ơn bác sĩ.
Vừa trao điện thoại lại cho Bảng bác sĩ vừa nói:
- Xong, anh vào gặp tôi ngay.
Sau khi “đăng ký” cho Dinh vào bệnh viện Chợ Rẫy, Bảng bảo Duy và Dục ở lại trông chừng Dinh, Bảng đi có việc. Bảng đến ngân hàng nhận tiền Huyền gửi về bằng Moneygramme nhưng Bảng không cho Duy và Dục biết.
Khi trở lại bệnh viện, Bảng thấy Dinh đã được đưa ra phòng ngoài, cũng nằm chung với những bệnh nhân khác. Thấy Dinh nằm cùng giường, ngược đầu với một bệnh nhân khác, Bảng trách:
- Duy, Dục! Sao hai đứa mày không xin cho Ba tụi bay nằm riêng một giường mà để ổng nằm hửi cẳng người ta, tội quá vậy?
Duy đáp như Dinh là người xa lạ:
- Ổng nằm đây không lâu đâu mà lo.
- Mày nói cái gì, mày nói lại tao nghe?
- Thì bác sĩ ở đây cũng nói giống bác sĩ ở Đồng Nai chứ khác gì đâu. Ông không cho tui về rửa ảnh lo hậu sự cho ổng thì tui điện cho vợ tui, biểu vợ tui lục hình, đem đi rửa lớn, mua nhan đèn sẵn, thì cũng vậy thôi.
Những lời đối đáp của Duy và Bảng khiến Dinh chỉ muốn chết ngay tức thì! Riêng Bảng, khi nghe Duy nói rồi nhìn Dinh, Bảng cảm thấy đau lòng. Chỉ vì tình gia đình mà Dinh phải chịu hết khổ lụy này đến oan khiên nọ. Bảng cảm thấy cay cay ở mắt khi thầm nghĩ: Thôi, nếu số phần của anh chỉ đến đây thì biết đâu đó cũng là một giải pháp tốt; bởi vì, bên kia cuộc sống, có thể con người không quá thủ đoạn và đê tiện như trong đời sống này!
Sau giây phút mủi lòng, Bảng bảo Duy và Dục ở lại trông chừng Dinh, Bảng phải về, hôm sau Bảng sẽ trở lại. Bảng trở về Đồng Nai thanh toán tiền bệnh viện nhưng Bảng không muốn tiết lộ cho Duy và Dục biết.
Bảng vừa rời bệnh viện, Duy bảo Dục ra phía trước bệnh viện mua thức ăn. Dục vừa đi thì y tá vào phòng, hỏi:
- Có ai tên Trần Duy ở đây không?
- Có. Tui.
Người đàn ông phía sau người y tá bước đến gần Duy:
- Ba em tên gì?
- Trần Dinh.
- Em có người bà con nào bên Mỹ không?
- Có. Chị của Ba tui.
- Bà ấy tên gì?
- Trần thị Huyền.
Vừa nói người này vừa ra dấu cho Duy bước ra sân:
- Bà Huyền emailed thông báo bệnh trạng của ông Dinh cho những người cùng khóa Sĩ Quan Thủ Đức với ông Dinh. Những người này góp được một số tiền và anh tôi điện về, bảo tôi ứng trước số tiền đó để giúp ông Dinh.
Sau khi nhận tiền, Duy tìm Dục, bảo Dục trông chừng Dinh, Duy phải đi gấp. Duy đến những nơi ăn chơi mà lúc nào Duy cũng mơ ước mỗi khi Duy lái xe ôm đưa khách đến.
Hôm sau Bảng trở lại gặp lúc Duy đang xin bác sĩ cho Dinh xuất viện. Bảng cản:
- Không được. Bệnh của Ba mày như vậy mà mày đem ổng về nhà để ổng chết hả?
Duy muốn đem Dinh về vì Duy nghĩ tình trạng của Dinh, nếu sống được thì cũng chỉ báo đời thôi; càng để Dinh nằm bệnh viện lâu bao nhiêu thì lệ phí càng tăng bấy nhiêu. Sáu trăm năm mươi đô-la mà những cựu Sĩ Quan Thủ Đức gửi về biếu Dinh, tối hôm qua Duy “đi thoải mái” “chỉ tốn có một trăm đô chớ mấy”! Duy lại vừa điện thoại cho vợ của Duy đến, lấy một trăm về dẫn các con đi ăn nhà hàng và mua áo quần; năm mươi đô-la Duy trả lại cho vợ Duy vì vợ Duy đã tốn tiền sang hình và mua nhan đèn để lo hậu sự cho Dinh. Bốn trăm đô-la còn lại, Duy dự tính trả tiền nhà thương khoảng hai, ba trăm, số tiền còn lại Duy sẽ mua một “quần bò” thật “xịn” để tặng con nhỏ làm ở quán bia ôm mà Duy thích. Lý do là như vậy, nhưng Duy lại đáp khác:
- Đem ổng về có gì vợ tui lo giúp để tui còn đi làm ăn chứ bộ tui ở trong này để vợ con tui chết đói sao?
- Thì mày với thằng Dục thay phiên nhau ở đây.
- Ông đâu có bưng cứt đổ đái cho ổng. Ông đâu có ở đây để hửi mùi hôi mùi thúi và nghe người bệnh rên la cả đêm.
Bảng xoay sang bác sĩ:
- Xin lỗi bác sĩ, chị tôi bên Mỹ điện về, bảo tôi nhờ bác sĩ giúp cho anh tôi được nằm một phòng riêng.
- Ở đây không bệnh viện nào có tiêu chuẩn như vậy.
- Cùng lắm thì xin bác sĩ cho anh tôi nằm một mình một giường. Bác sĩ giúp giùm, chị tôi không quên ơn bác sĩ.
Câu cuối Bảng nói rất nhỏ, chỉ vừa đủ cho bác sĩ nghe; và cũng chính câu cuối cùng của Bảng khiến bác sĩ gật đầu:
- Vâng. Tôi có thể giúp anh điều đó.
Bác sĩ rời phòng. Bảng hỏi Duy:
- Thằng Dục đâu?
- Nó cũng lo đi làm ăn chớ bộ nó ở đây lo ôm xác ổng sao!
- Mày ăn nói mất dạy. Ngày nào Ba mày có quyền có chức thì Mẹ con mày dựa hơi; khi Ba mày đi tù, Mẹ mày lấy cán bộ, giao hai đứa mày cho Bà Nội mày nuôi. Bây giờ Ba mày trong tình cảnh này thì hai đứa mày chỉ mong cho ổng chết nhanh, phải không? Chờ đó, tao gọi cho cô mày.
- Gọi cho bả làm đ. gì! Mẹ bà nó, cho nhỏ giọt, đ. thèm nhắc tên bả nữa!
Không muốn đối đáp với đứa mất dạy, Bảng bấm số điện thoại. Sau khi nghe Bảng trình bày, Huyền bảo:
- Bảng mở speakerphone, để gần tai bên phải của anh Dinh. Bảng cầm tay phải của anh Dinh và cố để ý phản ứng của anh Dinh.
Khi Bảng báo cho Huyền biết mọi điều đã xong, Huyền vừa khóc vừa nói rất chậm:
- Dinh ơi! Chị đây. Nếu chị nói gì mà Dinh nghe và hiểu được thì Dinh bóp tay Bảng, nha.
Tiếng Bảng reo lên:
- Đó, đó, ảnh bóp tay em.
Những người thăm nuôi và những bệnh nhân nhẹ cùng phòng đều tò mò vây quanh giường của Dinh. Huyền tiếp:
- Dinh biết ai nắm tay Dinh không?
Nhiều tiếng reo lên: “Ối Giời! Ông ấy biết đấy.” Huyền tiếp:
- Mấy anh Thủ Đức bên này và bên Úc chung lời cầu nguyện cho Dinh. Dinh gắng vượt qua, nha.
Bảng không kềm được xúc động:
- Anh Dinh nghe và biết hết, chị à.
Huyền tiếp:
- Dinh nên ở lại bệnh viện để bác sĩ lo cho Dinh, nha.
Lại nhiều tiếng reo: “Đấy, đấy, ông ấy nắm chặt tay người em. Thế có tội không!” Huyền lại tiếp:
- Dinh! Như vậy là dấu hiệu tốt. Bảng sẽ yêu cầu bác sĩ, bằng mọi cách, chữa cho Dinh…
Cuộc điện đàm vừa đến đây thì phải ngưng, vì người nằm cùng giường với Dinh được chuyển sang nằm chung với bệnh nhân khác. Và một bệnh nhân trẻ, tên Diên, bị băng nơi chân, được đưa vào.
Duy và Dục ra ngoài ăn tối. Bảng tìm vị bác sĩ – mà lúc nãy Bảng yêu cầu ông ấy giúp cho Dinh được nằm riêng một giường – để “trả ơn”, như Bảng đã hứa. Sau đó, Bảng cũng tìm nhân viên trực, tặng họ tiền; vì kinh nghiệm cho Bảng biết rằng nếu không có thủ tục “đầu tiên” thì đêm hôm Dinh có bề gì nhân viên trực sẽ không báo cho bác sĩ.
Khi trở lại phòng bệnh, Bảng thấy một nhân dáng rất quen đang hối hả đi về phòng bệnh. Nhìn kỹ, Bảng nhận ra đó là Trang, vợ cũ của Dinh. Chưa biết Trang đến phòng bệnh để làm gì, nhưng Bảng không muốn Dinh bị xúc động khi gặp lại Trang. Bảng gọi:
- Chị Trang!
Trang quay lại:
- Ủa, chú làm gì ở đây?
- Em cũng muốn hỏi chị câu đó.
- Thằng con của tôi bị tai nạn xe gắn máy, đưa vào đây. Tôi từ Long An, nghe tin vội về thăm cháu. Còn chú?
Sau khi nghe Bảng kể qua bệnh trạng của Dinh, Trang khóc. Bảng nói:
- Chị với anh Dinh hết duyên hết nợ thì thôi; chỉ tội nghiệp cho anh Dinh là nếu anh Dinh bị xúc động mạnh trong tình trạng này thì anh ấy sẽ khó qua. Em yêu cầu chị là chị cố gắng đừng cho anh Dinh biết có sự hiện diện của chị trong phòng bệnh.
- Chú cho tôi thăm cháu xem tình trạng của cháu như thế nào rồi tôi sẽ liên lạc với chú.
- Chị ghi số điện thoại của em đi. À, chị cũng phải lánh mặt thằng Duy với thằng Dục nữa, nha. Hai thằng đó mất dạy lắm.
Trang vừa ghi số điện thoại vừa hỏi:
- Anh Dinh và Duy, Dục hiện sống ở đâu, chú?
- Vẫn ở kinh tế mới đó…
Bảng chưa dứt câu, Trang chợt nghe giọng Tâm, chồng của nàng:
- Ôi Giời, Trang! Em đến sao không vào thăm con ngay mà lại ở đấy? Nó hỏi em hoài. Còn mấy đứa kia đâu, sao em không đưa các con đến thăm anh nó?

Vừa đẩy chiếc xe lăn có Dinh ngồi bên trong, Bảng vừa nói:
- Anh em mình ra nghĩa trang thăm mộ, cúng tạ Ba Má và mấy đứa em xong, mình trở về để người ta làm “vật lý trị liệu” cho anh, nhen.
- Bảng cúng chứ anh đâu lạy được.
- Thì anh ra với em cho “dzui”.
Đến bên nghĩa trang nho nhỏ của gia đình, Dinh chợt nhớ câu Huyền emailed cho các bạn Thủ Đức của Dinh - lúc Dinh vừa được chuyển đến bệnh viện Chợ Rẫy - rồi những người bạn này chuyển email của Huyền về cho Dinh, sau khi Dinh rời bệnh viện: “Mấy mươi năm qua, bao nhiêu mồ hôi và nước mắt của tôi trên vùng đất Tự Do này chỉ đủ xây một nghĩa trang rất ‘hoành tráng’ nơi vùng kinh tế mới để chôn Cha Mẹ và các em tôi! Bây giờ tôi lại sắp chôn thêm một đứa em nữa! ‘Tạ ơn’ Bác và Đảng!!” Dinh thở dài, cảm thấy xót thương cho người chị, cuối tháng 4 năm 1975, vẫn còn dám “vượt sóng” trở về tìm gia đình mà không thành. Mỗi lần nghĩ đến Huyền không thể nào Dinh không hồi tưởng lại những ngày tháng êm đềm, hạnh phúc xa xưa khi cả hai chị em cùng học Luật, trước khi Dinh bị động viên. Dinh đang nhớ lại hình ảnh hốt hoảng, xáo trộn trong sân trường Luật vào hôm sinh viên Lê Khắc Sinh Nhật bị ám sát thì tiếng Bảng đưa Dinh trở về hiện tại:
- Anh Dinh! Anh xem bà nào mà trông quen quá vậy?
Dinh nhìn ra đường mòn, hơi ngờ ngợ, không tin vào mắt chàng. Người phụ nữ đến gần, lấy nón xuống, nhìn Dinh. Dinh gằn giọng:
- Cô còn gặp tôi để làm gì?
- Em biết em có lỗi với anh nhiều lắm. Nhưng anh nên cho em nói với anh những điều cần nói; nhỡ mai này chúng ta không thể gặp lại nhau.
- Gặp lại để làm gì?
- Anh cho em thố lộ với anh một lần, chỉ một lần thôi.
- Vâng. Cô muốn nói gì, nói đi.
Bảng lẻn đi về. Trang ngồi lên phiến đá nhỏ:
- Những lời của em không phải là những lời chạy tội mà chính là nỗi thống khổ của người vợ tù cải tạo.
- Chuyện cải tạo, cải tít  xưa rồi, đừng nhắc nữa.
- Vâng. Em sẽ tôn trọng yêu cầu của anh. Ngược lại em cũng yêu cầu anh cho em được nhắc lại chỉ một chi tiết thôi.
- Chi tiết nào?
- Anh nhớ lần em đến trại Yên Bái thăm anh không?
Dinh gật đầu. Trang tiếp:
- Anh còn nhớ là hôm đó anh quyết liệt từ chối, không muốn nghỉ qua đêm với em trong “lán” cạnh cổng trại hay không?
Làm thế nào Dinh có thể quên được. Trước khi Trang được phép thăm nuôi, Dinh đã cố gắng thuyết phục bạn tù thực hiện những buổi văn nghệ đặc sắc. Dinh giả vờ hăng say, vui thích vừa đàn vừa hát những nhạc phẩm sặc mùi “cách mạng”. Dinh thực hiện mọi phương thức để tạo niềm tin nơi ban quảng giáo – chỉ với mục đích sẽ tìm cơ hội vượt ngục. Sự thay đổi thái độ của Dinh làm bạn tù bất mãn, nhưng ban quảng giáo lại hài lòng. Nhờ sự hài lòng này, khi Trang ra thăm, ban quảng giáo cho Dinh một đặc ân là Dinh được ở lại “lán” với vợ một đêm. Dinh cương quyết từ chối. Nhưng…
Trang tiếp:
- Chính em là người đã khóc và năn nỉ anh; vì em thương anh, em nhớ anh, em chỉ muốn được ôm anh trong vòng tay.
- Nhắc lại để làm gì?
- Em chỉ muốn anh biết sự thật.
- Sự thật gì? Cô lấy chồng cán bộ, tôi mừng cho cô.
- Anh đừng tàn nhẫn với em.
- Ai tàn nhẫn với ai?
- Anh Dinh! Anh phải biết rõ nguyên do trước khi anh phán xét.
- Rồi, Mẹ con cô nghèo khổ, vì trước 75 tôi là một sĩ quan sạch. Cô lấy cán bộ vì cô chịu cực không được. Còn gì nữa?
Trang gục xuống:
- Còn một đứa con mà anh không biết, anh ơi!
- Tôi vừa về nhà sau thời gian quá dài nằm nhà thương, cô đừng đày đọa tâm hồn tôi nữa!.
Trang đứng lên, đổi giọng:
- Tôi sẽ trở lại trong vài phút.
Trang trở lại với Diên. Thấy Diên, Dinh ngạc nhiên đến sửng sờ. Diên có đôi mắt buồn buồn của Dục và đôi chân mày rậm, sóng mũi cao, cái cằm nhòn nhọn của Duy. Trang bảo Diên chào “Bác”. Diên chào. Dinh đưa tay phải ra, Diên lễ phép bắt tay Diên với cả hai tay và miệng hơi mỉm cười. Ôi! Nụ cười sao lại y như nụ cười mà ngày xưa Dinh thường thấy mỗi khi Dinh soi gương! Trang bảo:
- Con ra tiệm bi-da chơi, chờ Mẹ một tý nữa thôi.
Diên lại chào Dinh một lần nữa rồi đi. Trang hỏi:
- Anh nghĩ gì?
- Thú thật với cô tôi không hiểu tôi nghĩ gì!
- Sau lần đi thăm nuôi anh ở Yên Bái, em không “to be”. Em vừa phải chống chọi với những cơn nôn mửa mỗi ngày, vừa chịu đựng những lời đay nghiếng, chửi rủa thậm tệ của Má anh và vừa suy nghĩ xem có nên cho mọi người biết sự thật hay là phá thai? Em không thể phá thai, vì em đạo Thiên Chúa. Cuối cùng em cho Má anh biết sự thật. Má anh lý luận: Ba anh cũng tù cải tạo, khi Ba anh chết Má anh còn không được tin chứ đừng nói đến chuyện Ba anh được phép nghỉ qua đêm với Má anh. Chú Bảng là sĩ quan cấp nhỏ, cũng đi tù mà thiếm Bảng không được ở lại qua đêm; còn anh là một sĩ quan cao cấp, em là cái thớ gì mà được ở qua đêm với anh? Má anh than với mọi người rằng em đã lấy Tâm, một cán bộ thường theo tán tỉnh em mà quanh xóm ai cũng biết. Anh Dinh! Em có thể chịu cực nhưng em không thể chịu nhục.
- Má tôi mất lâu rồi, nên để Má tôi yên.
- Em không đổ lỗi cho Má anh. Em chỉ trình bày sự việc.
- Rồi, cô bất mãn Má tôi, cô đi. Nhưng tại sao cô lại bỏ Duy và Dục cho Má tôi nuôi?
- Sau 75, gia đình bên anh sa sút như thế nào thì gia đình bên em cũng không thể khác được. Nhưng ít ra, bên anh còn có chị Huyền giúp đỡ. Em nghĩ, Duy và Dục ở lại, trước nhất là hai con có được miếng ăn; hai nữa là Duy và Dục có thể đỡ đần Má anh những lúc Má anh cần. Thứ ba là em không biết Tâm đã hay tin em có thai hay chưa? Nếu Tâm biết em có thai, chưa chắc Tâm chịu lấy em. Nếu Tâm không lấy em thì làm thế nào em nuôi được cả ba đứa con? Anh tưởng em không đứt ruột khi phải xa hai con hay sao? Sau đó, ba lần em lén Tâm gửi tiền về giúp Má anh thì cả ba lần Má anh đều từ chối.
- Chuyện cô gửi tiền cho mà Má tôi từ chối, Má tôi có cho tôi hay và tôi nghĩ Má tôi hành động đúng.
Trang mũi lòng, khóc. Một lúc lâu lắm, Dinh hỏi:
- Chồng cô có biết chuyện của Diên không?
- Dạ, không. Sau khi em lấy Tâm, em năn nỉ Tâm xin thuyên chuyển thật xa để chôn vùi quá khứ. Khi sinh Diên em cho tiền bác sĩ và y tá, yêu cầu họ xác nhận Diên bị sinh thiếu tháng.
- Hiện tại Diên làm gì?
- Dạ, Diên vừa tốt nghiệp đại học, ngành tin học.
- Tại sao mãi đến nay cô mới cho tôi biết sự thật về Diên?
- Nếu anh vẫn khỏe mạnh và nếu em không thấy anh trong trạng thái hôn mê lúc ở nhà thương thì có lẽ em sẽ không tiết lộ.
- Sự tiết lộ này có mục đích gì?
- Dạ, mục đích thứ nhất, em muốn minh oan với anh; nhưng em không xin anh tha thứ. Mục đích thứ nhì, em muốn hỏi ý kiến anh xem em có nên cho Diên biết sự thật hay không?
Sau một lúc nhíu mày suy nghĩ, Dinh đáp:
- Thôi, hãy để cuộc sống của Diên phẳng lặng và tươi đẹp như vậy.
- Em cảm ơn anh. Chiều rồi, em phải về.
- Vâng.
Tần ngần một lúc, Trang để tay lên vai Dinh:
- Anh cho em đẩy xe anh vào nhà, nha.
- Thôi, tôi tự lo được.
- Lúc trẻ, em cùng anh đi không trọn đoạn đường. Bây giờ già, anh cho em đi cùng anh một khoảng ngắn của đoạn đường còn lại, nha, anh.
Khi Trang đẩy chiếc xe lăn của Thịnh đến lề quốc lộ, cạnh tiệm bi-da, Thịnh ra dấu cho Trang dừng xe, rồi bảo:
- Cô vào bảo Diên ra đón xe về kẻo trễ.
Biết Dinh muốn thấy Diên một lần nữa, Trang quay đi.
Khi Diên chào, bắt tay từ giã Dinh, Dinh nhìn vào mắt Diên – chính lúc đó Dinh cảm nhận được niềm thương yêu vô bờ dâng ngập trái tim chai sạn của chàng. Dinh bịn rịn, không muốn rời tay Diên.
Nhưng, chiếc xe đò dừng lại.
Xe đò từ từ lăn bánh. Dinh nhìn theo chiếc xe với tất cả xót xa và thương cảm như những lần Dinh nhìn theo Trang sau mỗi lần nàng đến trại tù thăm nuôi chàng. Vừa khi đó, từ tâm thức buồn thảm của Dinh, giòng âm thanh xưa vọng về: “Giọt nước mắt thương con, con ngủ Me mừng…Ôi! giòng nước mắt trong tim chảy lai láng vào hồn nửa đêm gọi đến mình… Giọt nước mắt thương em, trên vận nước điêu linh. Giọt nước mắt không tên, xin để lại Quê Hương…” (2)
Khi xe đò khuất ở khúc quanh, Dinh kín đáo đưa tay thấm nước mắt rồi tự lăn chiếc xe dọc theo lề đường…

ĐIỆP MỸ LINH

http://www.diepmylinh.com/

1.- Nguồn Mến Yêu của Hoàng Trọng
2.- Nước Mắt Cho Quê Hương của Trịnh Công Sơn

Đăng ngày 26 tháng 09.2016