Tâm nguyện cá hồi
Điệp Mỹ Linh
Trong cuộc điện đàm viễn liên, nghe Dũng – sống bên Việt Nam – nói “bạo” quá, Túy Hoa ngăn:
- Chị ở bên này, nói gì cũng được; Dũng ở trong tay “người ta”, phiền lắm!
- Sợ gì, chị! Sau 30 tháng Tư 75, em đi tù “đã đời” rồi, giờ tù thêm nữa cũng chẳng “nhầm nhò” gì.
- Cậu vẫn “gàn” như xưa. Nè, hồ sơ bảo lãnh gia đình cậu tới đâu rồi?
- Dạ, phỏng vấn rồi, chờ khám sức khỏe nữa là xong.
- Tốt!
- Khoan nói tốt đã, chị!
- Sao vậy?
- Bao nhiêu năm ở tù Cộng Sản, ăn toàn giun, dế, bo bo; mãn tù về ở kinh tế mới, ăn thức ăn nhập cảng của Trung Cộng đầy chất độc. Rồi xảy ra vụ Formosa và mấy khu kỹ nghệ làm giấy của Tàu thải chất độc làm ô nhiễm môi trường nữa thì tỷ lệ dân Việt Nam bị ung thư cao lắm; chưa biết gia đình em có qua được vòng khám sức khỏe hay không!
- Cậu mợ và mấy đứa nhỏ có bị gì không?
- Sao khỏi được, chị!
- Làm thế nào Dũng biết được?
- Bác sĩ ở đây cho biết là bị “yếu” gan, phải chích ngừa.
- “Yếu” gan! Tiếng Việt trong nước bây giờ tôi không hiểu được! Nhưng nếu bệnh chưa phát thì không sao. Chỉ có bệnh hay lây như lao phổi hay AIDS thì ngại Mỹ không nhận. Còn hai đứa con lớn của cậu không hội đủ điều kiện đi Mỹ, phải ở lại Việt Nam, các cháu làm gì để sống?
- Dạ, tụi nó cũng buôn bán, bon chen ở Saigon.
- Tôi tưởng con của cậu hoc xong đại học cả rồi mà!
- Dạ. Tụi nó xong đại học mà không có thủ tục “đầu tiên” (tiền đâu) thì không công ty nào mướn tụi nó. Xã hội Việt Nam bay giờ là “nhất thân, nhì thế, tam kế, tứ tiền”. Bởi vậy, bên này, sáng ra, thạc sĩ, tiến sĩ – con nhà nghèo, không thế lực – ngồi đầy các quán vỉa hè; nhờ vậy, con em buôn bán thức ăn vặt cũng sống qua ngày. Bây giờ ngó vậy mà đỡ hơn thời bao cấp nhiều lắm, chị à!
- Ừ, lúc vừa được Cộng Sản Việt Nam (C.S.V.N.) thả về, câu đầu tiên Ba viết trong thư cho chị là: “Nhờ Trời con thoát được; nếu không có con ở bên đó ‘tiếp tế’ thì gia đình mình chết hết rồi!”
Dũng dùng danh từ thân thương – ông Già – mà chị em nàng thường dùng mỗi khi nói về người Cha khổ hạnh:
- Ông Già nói đúng. Nhưng dù thoát chết trong trại cải tạo, thoát chết thời bao cấp thì em đi Mỹ cũng chỉ vì mấy đứa con của em thôi; nếu không vì con em, em không bao giờ rời Việt Nam đâu.
- Cậu tiếc gì nữa một giải đất mà, trước 75, ở ngoài Bắc, bước ra ngõ thì gặp anh… khùng; sau 75, bước ra ngõ thì gặp quân Tàu Ô?
- Chị à! Bọn lãnh đạo đảng Cộng Sản hèn hạ, ngu dốt thây kệ mẹ nó; còn giải đất này có tội tình gì đâu! Anh Hai, anh Năm và em đã đổ máu vì giải đất này mà! Sau lưng nhà em là nghĩa trang của gia đình mình do chị gửi tiền về xây. Chị nhìn lại tấm hình gia đình mình chụp trước 75, ở Nha Trang, xem – đông kín, cứ ngại máy ảnh không thể lấy hết – bây giờ còn lại được mấy “mống”? Như vậy mà bảo em không thương tiếc giải đất này sao được, chị Hoa!
- Dũng thì như vậy; còn chị, chị không thể sống với kẻ đã đày đọa và tạo nên những cái chết quá dã man, quá tàn khốc cho Cha Mẹ và các em của chị.
- Ông Già chết, vậy mà yên thân chứ ông Già không thể nào sống với bọn dốt nát, khốn nạn, chó má này được đâu!
- Lãnh tụ, cha già, bác của họ làm bồi trên tàu của Tây thì đảng viên cũng phải dốt nát như lãnh tụ, cha già, bác của họ chứ ai có học mà còn tin vào lý thuyết Cộng Sản kỳ quái, lỗi thời đó nữa! Những kẻ dốt nát mà còn trẻ, vì mặc cảm, chỉ muốn “xả thân” để tìm chút hư danh thì có đại tá phi công Cộng Sản Nguyễn văn Bảy nè.
- Đại tá Bảy nào, chị?
Vì đang đọc tin tức online khi Dũng gọi điện thoại, Túy Hoa đáp:
- Để chị đọc cho nghe: Đây, lời giới thiệu về đại tá không quân Cộng Sản tốt nghiệp lớp 3 trường làng: “Năm 17 tuổi, cụ bị ba mẹ ép cưới vợ. Nhưng vì không muốn lập gia đình sớm, cụ trốn ba mẹ tham gia cách mạng. Đến năm 1960, cụ là một trong số rất ít người được chuyển từ sư đoàn bộ binh sang không quân, rồi được chọn đi học lái máy bay...
Cụ Nguyễn văn Bảy tâm sự: "Cái hồi được tuyển tôi cao 1m67, nặng chưa đầy 70kg. Gia đình nông dân nghèo rách khố nên nằm mơ tôi cũng không dám nghĩ là mình được đi học lái máy bay. Hồi ấy, để được học lái máy bay, ít nhất cũng phải xong lớp 10/10 (tương đương lớp 12 hiện nay), trong khi tôi mới học tới lớp 3.
Vì vậy, đúng vỏn vẹn một tuần học văn hóa theo phương châm "cần gì học đó", tôi hoàn thành 7 lớp học còn lại…(1)
- Chị sao thiệt thà quá! Người Cộng Sản chỉ cần học đủ để đọc được chữ và con số trên đồng tiền thôi!
- Có lẽ Dũng nói đúng. Qua trường hợp đại tá Bảy, chị nghĩ, đa số những người miền Nam trốn theo Việt Cộng là những thành phần bất mãn chứ có phải vì lòng yêu nước thương dân gì đâu!
- Cộng Sản mà thương ai, chị! Sĩ quan Không Quân của C.S.V.N. học tới lớp 3, hèn gì Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc đi họp hội nghị thượng đỉnh, lúc lãnh tụ các nước nắm tay nhau trước khi bế mạc hội nghị thì Thủ Tướng Phúc – vì không hiểu tiếng Anh tiếng Pháp – nhe răng, cười, đưa tay lên, vẫy chào! Năm 1975, bộ đội cụ Hồ, sau khi cưỡng chiếm được Saigon, tịch thu nhà cửa của “Ngụy”, ngang nhiên nuôi cá trong bồn cầu; khi tò mò, đụng vào nút giật nước, nước rút, cá bị hút theo, mấy chàng C.S.V.N. nhảy “tưng tưng” chửi om lên là “Ngụy” gian manh, xảo trá, lừa đảo!
- Đất nước, con người, xã hội như thế mà cậu không muốn lìa xa, tại sao?
- Từ sau 30- 04- 75 đến nay, đối với em, cuộc đời này không còn ý nghĩa gì nữa. Em chỉ mong đưa được các con em thoát khỏi cái xã hội thoái hóa, khốn nạn này thôi. Còn mảnh đất này đã thắm máu của em, của hai ông anh của em và cũng đã “ôm trọn” thân xác Cha Mẹ, anh em của em, em không thể lìa xa! Em sống thì sao cũng được; nhưng chết, em phải trở về!
- Trở về để sống với kẻ thù à
- Không! Tụi C.S.V.N. làm gì kệ mẹ tụi nó! Em chỉ muốn trở về để, trước khi nhắm mắt lìa đời, em được tạ tội với giải đất mà – vì tình hình chính trị thế giới – những người lính như em đã không còn đạn để bảo vệ lâu hơn!
- Thôi, Dũng đã làm hết khả năng của Dũng rồi, đừng mặc cảm nữa. À, không nhớ chị đọc ở đâu mà có người định nghĩa Cộng Sản là cộng tất cả tài sản của nhân dân rồi chia đều cho đảng viên!
- Chính xác!
- Thôi, nói chuyện khác đi, cậu.
- Chị không biết em ở tù lâu là vì cái miệng của em chứ không phải vì cấp bậc của em sao?
- Cậu thì “ruột để ngoài da”, tính thẳng “như ruột ngựa”, ai mà không biết. Nè, cháu Luận – con nuôi của Dũng – bị kẹt lại, làm nghề gì để nuôi vợ con của cháu?
- Thằng Luận tội lắm, chị à! Hồi em đi cải tạo, một mình nó vừa đi học vừa mót củi, mót khoai bán để phụ với vợ em đi thăm nuôi em.
- Cậu ở phải thì gặp phải. Người bạn chuyển cho tôi hai câu trích từ kinh Thánh, thâm thúy lắm: “He who is kind to the poor lends to the Lord, And he will reward him for what he has done.” (2)
- Lúc đó em chỉ hành động theo trái tim và bản năng của một người được giáo dục và đào tạo trong một xã hội đầy nhân bản và đạo lý chứ em không đủ thì giờ để nghĩ đến sự đền đáp sau này.
- Ừ, xã hội chị em mình lớn lên – trước 30- 04- 75 – “đợt sống mới” có, “ca- ve” có, gái bán “bars” có; nhưng giá trị của người phụ nữ Việt Nam chưa bao giờ bị hạ thấp như bây giờ! Bây giờ, phụ nữ Việt Nam thấy người ngoại quốc hoặc Việt kiều là “xáp” đến làm quen. Sau câu chào hỏi là câu: “Anh lập gia đình chưa?” Nếu chàng nào đáp “chưa” thì kể như chàng đó không thể nào dứt cô ta ra được! Còn đội tuyển U23 Việt Nam chỉ mới thắng một trận đấu thể thao mà mấy cô ả đứng trên xe Honda hai bánh – ngay giữa phố đông người – cởi tuốt luốt!
- Chính xác luôn! Cũng nhờ sự giáo dục ở học đường và một xã hội với nền đạo đức cao – trước 30- 04- 75 – cho nên sau này mới có những phụ nữ chung thủy, tảo tần nuôi chồng trong tù, nuôi con ở kinh tế mới và biết bao thiếu phụ vẫn hy sinh đời họ cho chồng bị tàn phế trong cuộc chiến.
- Tôi phục những phụ nữ vượt đèo vượt suối thăm nuôi chồng cải tạo và tôi cũng phục vợ của quý vị Thương Binh V.N.C.H., một đời gắn bó với người chồng không toàn vẹn của họ.
***
Tại bệnh viện Orange Coast Medical Center, thấy Dũng ăn được, có vẻ tỉnh táo hơn mấy ngày qua, Túy Hoa đưa vấn đề đã “làm bà mất ngủ” ra hỏi lại Dũng:
- Cậu suy nghĩ kỹ về quyết định của cậu chưa?
- Dạ, kỹ rồi, chị.
- Biết bao nhiêu người trên thế giới – ngay cả người C.S.V.N., Cộng Sản Tàu, Cộng Sản Nga – đều ước mơ được sang Mỹ để sống hoặc chữa bệnh; vì vấn đề y tế ở Mỹ tiến bộ nhiều hơn những nước văn minh khác. Vậy mà cậu đã sang đây, lại cương quyết đi về. Tôi không hiểu được!
- Đời người chỉ có hạn thôi, mình không thể sống mãi; vậy thì, khi bác sĩ đã “bó tay” em còn chờ gì nữa?
- Nhưng cậu ở lại đây bác sĩ có thể kéo dài đời sống của cậu.
- Kéo dài thêm vài ba tháng, một năm trong đau đớn thì kéo dài làm gì, chị?
- Con người chỉ có một đời để sống. Tôi theo đạo Phật, tin vào luân hồi, sống đạo đức theo lời Phật dạy; nhưng tôi thà sống cuộc đời này hơn là được hứa hẹn một đời sau mà tôi không biết sẽ ra sao!
- Em cũng rất thực tế giống chị. Nhưng em khác chị ở chỗ, em chỉ muốn thân xác em được chôn nơi quê nhà, cạnh Ba Má và những người ruột thịt của em.
Túy Hoa im lặng, không biết có nên cho Dũng biết tình hình “lộn xộn” bên Việt Nam trong mấy tuần qua để Dũng thay đổi quyết định của chàng hay không. Bất ngờ vợ của Dũng hỏi:
- Chị Hoa! Mấy tuần nay em nghe radio tiếng Việt nói tình hình bên Việt Nam “lộn xộn” lắm mà em không biết sự thật như thế nào. Em ngại, nếu tình hình bên Việt Nam vẫn không thay đổi thì khi anh Dũng trở về…
Vợ Dũng chưa dứt lời đã bị Dũng cắt ngang:
- Tình hình bên đó “lộn xộn” như thế nào anh cũng không cần biết. Anh chỉ muốn được nằm trong lòng Đất Mẹ thôi.
Vợ Dũng im lặng, nhìn Túy Hoa như ngầm hỏi ý kiến. Túy Hoa giải thích cho cả hai:
- Ba yếu điểm quân sự và chiến lược cuối cùng là Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc đã bị Cộng Sản Việt Nam cho Trung Cộng thuê đến 99 năm! Mấy tuần nay bên Việt Nam biểu tình rầm rộ lắm!
Dũng trợn mắt, há mồm, hất mền như muốn ngồi bật dậy – nhưng bị vợ lấy tay ấn vai, đành phải nằm xuống – giọng đầy tức giận:
- Mẹ nó! Chỉ còn cái “mã Cha của nó” mà nó cũng bán cho Tàu, Trời! Vậy mà em có biết gì đâu!
- Cậu có biết thì cậu – cũng như tôi – chỉ khóc thầm chứ làm gì được! Chỉ tội là bên Việt Nam, người ta biều tình rầm rộ, liên miên và nhiều người bị công an bắt, đánh đập rất tàn nhẫn.
Dũng ngạc nhiên:
- Dân Việt Nam “ngậm miệng” mấy mươi năm mà nay dám biểu tình chống Cộng Sản; vậy là tụi Cộng Sản tới số rồi!
- Chị cũng không ngờ! Họ biểu tình dưới mọi hình thức. Khí thế người Việt trong nước nổi lên chống Cộng Sản rất cao.
- Trời, “hết sẩy”! Nghe như vậy em lại càng cương quyết trở về.
- Cậu trở về cũng đâu làm gì được! Thôi, chị nghĩ Dũng cũng chẳng nên biết thêm về mấy chuyện bên Việt Nam; hãy cố tịnh dưỡng vì căn bệnh của Dũng.
- Ở đâu trên trái đất này thì em không cần biết chứ bất cứ điều gì xảy tại Việt Nam em cũng đều muốn biết – vì giải đất hình chữ S đó đã thấm máu của em và máu của hai ông anh của em. Nghe đồng bào bên Việt Nam nổi lên chống lại tụi Cộng Sản, em “phái” (khoái) sao đâu! Ước chi em được về Việt Nam ngay bây giờ!
- Dù có mặt tại Việt Nam vào thời điểm này, cậu cũng không thể làm gì được – vì cậu không còn như trước nữa – hãy tự giới hạn mình!
- Không được! Tình hình bên Việt Nam như vậy em lại càng muốn về gấp.
- Cậu về để làm gì? Với tình trạng thể chất như cậu bây giờ, cậu hãy nghĩ đến cậu và gia đình của cậu.
- Không được! Em muốn về để thấy tận mắt, để được hít thở cái không khí hào hùng của người Việt dám vùng lên chống lại đảng cướp Cộng Sản Việt Nam; được như vậy rồi thì dù em có “lăn quay” ra chết ngay em cũng “dzui”, chị à!
Túy Hoa xoay sang vợ của Dũng, hỏi:
- Mợ và các cháu nghĩ như thế nào về quyết định của Dũng?
Vợ của Dũng vừa thút thít vừa đáp:
- Dạ, anh Dũng muốn như vậy thì em và các cháu cũng làm theo tâm nguyện cuối cùng của anh ấy chứ biết làm sao, chị!
Túy Hoa nói ra tâm trạng của bà:
- Ai cũng muốn trở về quê nhà vào cuối đời. Nhưng – sau khi về thăm, thấy rõ bộ mặt thật của một xã hội sa đọa, tồi tệ từ văn hóa đến đạo đức – tôi sẽ không bao giờ về Việt Nam khi thứ người gốc “răng hô mã tấu” còn cai trị và gót giày của quân Tàu Ô còn dẫm trên Quê Hương tôi.
Dũng đáp:
- Đó là ý riêng của chị. Còn em, em muốn được nằm trong lòng đất nước mà em đã được sinh ra và lớn lên để cùng bạn bè trang lứa đổ máu, gìn giữ phần đất đó suốt bao nhiêu năm dài!...
Dũng vừa nói ngang đây thì con của Dũng bước vào – mà quên tắt iPhone. Giọng hát của Michael Buble nghe văng vẳng: “…Let me go home. I'm just too far from where you are. I wanna come home…”(3)Túy Hoa và vợ của Dũng cùng khoát tay, bảo cô bé tắt iPhone. Dũng cười, tiếp:
- Đừng, để em nghe. Lời ca của bài này hợp với ý em quá! Chị chơi nhạc, vậy chị biết tựa bài này không, chị Hoa?
Nhíu mày lắng nghe thêm một đoạn nữa, Túy Hoa đáp:
- Biết. Tựa đề là I Want To Go Home.
- Đúng ý em quá! Chị nhờ mấy cháu thâu bài này cho em, được không, chị?
- Okay.
Dũng vừa im lặng lắng nghe vừa lim dim đôi mắt. Không hiểu tiếng hát, lời ca của Michael Buble hay là liều lượng của thuốc giảm đau đã giúp Dũng vượt thoát nỗi đau của chàng mà Dũng cảm thấy tâm hồn chàng lâng lâng, thơ thới, thanh thảng, nhẹ tênh, rồi vút cao như những cánh diều mà ngày còn bé Dũng rất yêu thích.
Ngày còn bé, sau lần đầu tiên biết thả diều, Dũng đòi Ba làm cho Dũng chiếc diều bằng giấy màu. Thấy Ba và Dũng ngồi bệt trên sàn nhà, cắt cắt, dán dán, Túy Hoa đến:
- Sao Ba chỉ làm diều cho Dũng mà Ba “hỏng” làm diều cho con? Con “hỏng” chịu đâu!
Ba đáp:
- Con là chị, con phải tập tính tự lập. Con muốn làm diều thì ngồi xuống đây, nhìn Ba làm rồi học hỏi, tự làm lấy.
Nếu sự dạy dỗ của Ba thời chị em của Dũng còn bé đã giúp Túy Hoa trở thành một phụ nữ có tinh thần tự lập cao thì – sau này – quân trường Thủ Đức và quân trường Đồng Đế cũng đã rèn luyện Dũng trở thành một sĩ quan can trường, đảm lược. Có thể nói, với khẩu hiệu “Biệt Động Quân, ‘sát’!” dấu giày của Dũng đã in trên nền đất khắp bốn vùng chiến thuật.
Bất cứ cuộc đụng trận nào trên mỗi vùng chiến thuật cũng đều lưu lại trong lòng Dũng những kỷ niệm khó quên. Khi thì hiệu thính viên tử trận, lúc thì thuộc cấp bị thương, đôi khi chính Dũng bị thương. Có khi cả đơn vị của chàng được trực thăng vận, nhảy ngay trên đầu địch, phải áp dụng chiến thuật cận chiến – mà lúc bé đi xem xi- nê cùng gia đình, thấy người Da Đỏ và người Mỹ “xáp trận” chị em của Dũng thường gọi là đánh “xáp lá cà!”
Sau nhiều trận đánh “xáp lá cà” Dũng vẫn “không hề hấn gì”. Nhưng một lần về phép, đi dạo phố, Dũng thấy một em bé đánh giày, khuôn mặt hom hem, quần áo rách rưới, một tay xách thùng đồ nghề đánh giày, tay kia xách chiếc giỏ đi chợ cũ, không biết đựng gì bên trong, đi đến gần nhóm quân nhân Hoa Kỳ đang đứng đợi tại bến xe buýt – chỉ dành riêng cho quân nhân Hoa Kỳ – rồi chỉ chỉ vào chiếc giỏ đi chợ. Thấy chú bé nghèo, vài quân nhân Mỹ lấy kẹo tặng cho chú bé. Dĩ nhiên, không thể nào nhóm quân nhân Hoa Kỳ này có thể hiểu chú bé cần gì.
Khi đi ngang nhóm quân nhân Hoa Kỳ và chú bé, Dũng thấy chú bé nhìn Dũng bằng ánh mắt như van xin, cầu khẩn. Dũng dừng lại, cười thân thiện với các quân nhân Mỹ rồi khom xuống hỏi chú bé:
- Em cần gì, nói đi, tôi dịch giùm cho.
Đứa bé quay lui, chỉ tay về góc phố:
- Mấy chú đằng kia biểu con đem cái này đến bán cho mấy “thằng” Mỹ này thì họ sẽ cho con nhiều tiền, mà con không biết sao để nói.
Đã biết những trò Việt Cộng lợi dụng sự ngây thơ của trẻ em để khủng bố, Dũng vừa chụp chiếc giỏ đi chợ từ tay chú bé – với mục đích vất chiếc giỏ ra xa – vừa hét lớn bằng tiếng Anh: “Nằm xuống!”thì tiếng nổ lớn phát ra! Vì tiếng nổ phát ra khi chiếc giỏ vẫn còn trong tay chú bé và tay của Dũng, cho nên, đứa bé chết không toàn thây! Dũng bị thương nơi tay, mặt và bụng; vài quân nhân Mỹ cũng bị thương! Tất cả được đưa đến bệnh viện Hoa Kỳ điều trị.
Suốt thời gian điều trị, Dũng cứ thầm buồn vì chàng đã không thể nhanh hơn một tý nữa để cứu đứa bé trai vô tội!
Đứa bé trai đánh giày, Dũng không cứu được. Nhưng, trên đường triệt thoái khỏi Cao Nguyên, tháng 3 năm 1975 – trong sự hủy hoại toàn diện và tàn bạo do trọng pháo của C.S.V.N. nả xối xả vào đoàn dân quân di tản – đơn vị của Dũng là một trong các đơn vị Biệt Động Quân được lệnh “đóng chốt” tại Phú Túc để giữ an ninh cho đoàn người di tản đi qua.
Trong cảnh hỗn loạn, tang thương cùng tiếng khóc than tại Phú Túc, Dũng thấy từng nhóm người gục ngã sau mỗi lần đại pháo của Việt Cộng nả liên tục, nả điên cuồng, nả chính xác vào đoàn người đang cố tìm đường sống! Bỗng Dũng giật mình khi thấy, xa xa, một em bé đứng chơ vơ giữa những thân người vừa gục ngã!
Không cần suy nghĩ, Dũng “phóng” nhanh đến, chụp ngang người đứa bé, ôm vào lòng, rồi “phóng” trở về phòng tuyến. Trong cơn hãi hùng, đứa bé chỉ biết hét lên “Ba! Ba!” và đưa tay chỉ ra xa, có ý bảo Bố của em còn nằm ngoài kia. Nhưng Dũng đang chạy thục mạng, không thể thấy được ngón tay của đứa bé đang chỉ!
Là một sĩ quan xuất thân khóa 6/68 Trường Sĩ Quan Bộ Binh Thủ Đức, vừa lập gia đình, chưa có con, nghe tiếng “Ba! Ba!” từ đứa bé trai, Dũng xúc động tột cùng – vì tưởng rằng đứa bé gọi chàng bằng “Ba”!
Đến phòng tuyến, Dũng vừa khom người, muốn để đứa bé xuống đất thì đứa bé khóc lớn, cong hai chân lại, không chịu đứng xuống. Dũng đành ngồi xuống, dỗ dành đứa bé. Đứa bé bớt khóc. Dũng trao đứa bé cho một quân nhân thân tín, bảo:
- Mày lo cho nó giùm tao. “Con” tao đó, mày!
Quay sang đứa bé, Dũng tiếp:
- Chú này sẽ lo cho “con”. “Ba” phải chận Việt Cộng để Việt Cộng khỏi làm con sợ, nhen!
Đứa bé vừa gật đầu vừa đưa tay quẹt nước mắt.
Sau nhiều cuộc giao tranh dữ dội giữa Biệt Động Quân và C.S.V.N. quanh Phú Túc, Công Binh đã thực hiện xong cầu và phà dã chiến để đoàn người và xe vượt qua sông Phú Túc.
Khi đơn vị về đến tuyến phòng thủ Cung Sơn, lửa đạn hơi lắng dịu, Dũng mới có cơ hội ôm đứa bé trai vào lòng một lần nữa, rồi hỏi:
- Con tên gì?
- Dạ, con tên Lụm.
- Lụm mấy tuổi?
- Con tên Lụm, hỏng phải lụm.
- Lụm mà không phải lụm thì tên con là gì?
Đứa bé vừa đưa tay lượm vỏ đạn trên nền đất vừa nhìn Dũng, đáp:
- Dạ, Lụm như lụm cái này nè.
- A, con tên Lượm, phải không?
Lượm gật gật đầu trong tiếng cười vô tư của nhóm lính trẻ. Dũng lại hỏi Lượm:
- “Ba” đặt “con” tên Luận, “con” chịu không?
Luận không đáp, vói hai tay ôm cổ Dũng, muốn nép mặt sát vào má Dũng, nhưng vì cấn cái nón sắt của Dũng, Luận đành nghiêng mặt lên vai Dũng!...
Nhớ lại hình ảnh thân thương xa xưa, tư dưng khuôn mặt của Dũng trông tươi tắn và môi Dũng như đang mỉm cười. Cả gia đình chưa kịp mừng thì bác sĩ Becker bước vào. Túy Hoa đứng lên:
- Chào bác sĩ! Tôi là chị của Dũng. Tôi muốn hỏi thăm bác sĩ xem tình trạng bệnh lý của Dũng có thể kéo dài được bao lâu?
- Không lâu đâu!
- Thưa bác sĩ, cách đây khoảng một năm, trước khi được Sở Di Trú Hoa Kỳ cho phép nhập cư, Dũng đã khám sức khỏe tại Việt Nam, mọi điều tốt đẹp. Tại sao chỉ chưa được một năm sau, căn bệnh lại hoành hành đến độ tàn khốc như vậy?
- Tôi không thể giải đáp câu hỏi của bà; vì tôi không phải là bác sĩ đã khám nghiệm cho ông Dũng Nguyễn bên Việt Nam cách nay khoảng một năm.
- Dũng muốn về lại Việt Nam trước khi chết. Bác sĩ nghĩ Dũng còn đủ sức để về Việt Nam hay không?
- Tôi phải xem lại hồ sơ bệnh lý và tất cả thí nghiệm của ông Nguyễn trước khi tôi trả lời câu hỏi của bà.
- Nếu sau khi xem lại tất cả thí nghiệm và hồ sơ bệnh lý của em tôi và ông quyết định là em tôi có thể trở về Việt Nam, xin ông vui lòng cho chứng từ hợp pháp để em tôi không bị rắc rối tại phi trường. Được không ạ?
- Vâng. Tôi có thể làm điều đó; đồng thời tôi cũng kèm theo tất cả hồ sơ bệnh lý và kết quả thí nghiệm của ông Nguyễn; nhở nửa đường, ông Nguyễn gặp trở ngại về sức khỏe, phi cơ phải đáp khẩn cấp xuống một nước nào đó thì bác sĩ nước đó chỉ cần đọc hồ sơ tôi gửi kèm, khỏi phải làm thí nghiệm, mất thì giờ.
- Thành thật đa tạ bác sĩ.
- Không có chi. Tôi sẽ trở lại sau khi hoàn tất giấy tờ cần thiết để ông Nguyễn rời Hoa Kỳ.
Bác sĩ Becker vừa quay gót ra đến cửa, Túy Hoa chợt nhớ, vội bước theo:
- Bác sĩ Becker! Tôi muốn nhờ bác sĩ cho toa để chúng tôi mua thêm thuốc giảm đau tại Mỹ cho em tôi đem về Việt Nam dùng.
- Về Việt Nam bác sĩ bên đó sẽ cho toa. Bà khỏi lo.
- Thưa bác sĩ, nói ra điều này tôi cảm thấy xấu hổ, nhưng đây là sự thật.
- Bà cứ nói.
- Bên Việt Nam, bác sĩ tốt nghiệp trước 1975 đa số đều di tản khỏi Việt Nam; số còn lại thì nay cũng già rồi. Còn bác sĩ tốt nghiệp tại Việt Nam sau 1975, tôi không tin tưởng. Thuốc bên Việt Nam chỉ là thuốc giả hoặc thuốc trộn bột gạo, được nhập cảng từ Trung Cộng. Xin bác sĩ làm ơn giúp cho em tôi để những ngày cuối đời em tôi đỡ bị vật vả trong cơn đau.
Bác sĩ Becker nhíu mày một giây rồi đáp:
- Vâng. Tôi sẽ làm theo yêu cầu của bà.
***
Từ cửa sổ của chiếc Boeing đồ sộ, Dũng cứ mãi hoài nhìn về hướng mặt trời lặn như chờ đợi, như mong ngóng một điều gì! Suốt đường bay dài, Dũng phải dùng thức ăn, thức uống vì cần uống thuốc giảm đau chứ thật ra Dũng không cảm thấy đói – vì lòng Dũng tràn ngập niềm vui và sự yêu thương diệu vợi kể từ khi xe lăn đẩy chàng qua được cổng an ninh của phi trường Los Angeles.
Khi chiếc Boeing từ từ hạ thấp ở cao độ vừa phải, Dũng thấy – xa xa, cuối tầm mắt mờ đục của chàng – từng lượn sóng trắng xóa đang ve vuốt những bờ cát mịn màng của Quê Mẹ thân yêu. Chợt nhớ đến iPod Túy Hoa tặng chàng hôm qua, Dũng vội lấy ra, gắn earphones vào tai rồi nhấn nút play.
Vợ của Dũng – ngồi ghế bên cạnh – nhìn sang, thấy gương mặt của Dũng tươi hẳn lên và Dũng cười. Nàng nắm tay Dũng, siết chặt. Vừa khi đó, vợ của Dũng nghe Dũng hát nho nhỏ, khàn khàn theo giọng ca của ai đó từ iPod: “…I gotta go home. Let me go home. It will be all right. I'll be home tonight. I'm coming back home.” (4)
Điệp Mỹ Linh
https://www.diepmylinh.com
Chú thích:
1. Thy Huệ. Báo điện tử VTC News.
2. Ông V.C. Phạm chuyển.
3&4. I Want To Go Home của Charles Brown.
Đăng ngày 20 tháng 12.2019