TẠP VĂN


Chân Diện Mục

Tạp văn là văn tạp nhạp, như số tiền lẻ, để chi cho đầy túi. Thôi thì viết bậy viết bạ, viết thí viết càn cho thiên hạ cười chơi... khóc chơi... suy nghĩ chơi!
Như Lỗ Tấn chẳng hạn, nhiều bài gọi là truyện ngắn (rất ngắn), tùy bút, tạp văn cũng được. Chính cụ coi là tạp văn và nhiều nhà nghiên cứu cũng gọi là tạp văn!
Việt Nam trước đây cũng có nhiều người được ca tụng như Phạm duy Tốn, Nguyễn Bá Học, nhưng coi lại thì toàn là tạp văn.
Gần đây thì ôi thôi... tạp văn nhiều vô số lủng.
Thời chưa nhiễu sự trước kia, tôi thấy tạp văn của Lỗ Tấn, Phan Khôi ghê gớm lắm. Thời đa đoan nhiễu sự bây giờ e rằng nhiều tác giả còn vượt các cụ! Cái thời ăn tạp, nói tạp, khoe tạp này... đã khiến nhiều tác giả mài bút cho sắc để viết tạp văn!
Trước đây tôi có nói tới Đỗ Trung Quân (Ngu Trung) Đào Hiếu (Ăn Cây Nào Rào Cây Ấy) viết tuy ngắn nhưng mà đọc thấy... đã! Đến như các ông nổi đình đám Phạm Lưu Vũ và Nguyễn Quang Lập (không ngạo đích danh ai nhưng như là đá giò lái!) Truyện Chị Cả Bống thì là truyện ngắn hay tuyệt vời rồi. Nhưng nhiều bài của ông tôi gọi là tạp văn để cười lẻ tẻ... chơi. Truyện Mỹ Tục là tục nước Mỹ, rồi Cơm Trắng và những bài mượn chuyện thời... Khổng Tử... chuyện Đám Mổ Bò gần đây đọc mới đã chứ! Nguyễn Quang Lập nói chuyện ngang ngang, móc họng. Nhưng chuyện Xóm Gái Hoang của ông đâu phải tả ba bà gái hoang, mà Nguyễn Quang Lập muốn tặng độc giả không phải những tiếng cười rỉ rả (ùa chầu chầu) tiếng cười vỡ òa, sảng khoái.
Cái vụ được mùa tạp văn này cũng có sự đóng góp của các nhà văn nữ lớn: Võ thị Hảo, Song Chi, Nguyễn thị Từ Huy...
Nguyễn ngọc Tư không nói chuyện đao to búa lớn! Chỉ là cảm nghĩ vụn vặt của cô khi đi qua nhà ông tỉnh ủy, chỉ là suy nghĩ vu vơ... không hiểu sao lại có những hy sinh lớn lao như thế (chuyện cục kẹo)
Song Chi và Nguyễn thị Từ Huy còn gọi đích danh ông Chính Trị để nói chuyện, để đặt câu hỏi, chứ Võ thị Hảo chỉ mô tả khơi khơi những chuyện tạp nhạp của các cô gái Thanh Niên Xung Phong (Như Ngã Ba Đồng Lôc chẳng hạn). Nhưng những khổ đau, thiếu thốn, đói rét... nơi rừng âm u. Các nàng thấy mình không những thiếu thốn... mà còn thấy mình xấu xí, mặc cảm, vô vọng... mong được có người tới... hiếp... rồi cười như điên dại! Ôi! Rất nhiều khu rừng mà tác giả gọi là rừng cười... đâu còn là chuyện tạp nữa!!! Nhưng oái oăm thay, đối với nhiều quan lớn nó lại không phải là chuyện lớn... quên đi cho rồi!
Nguyễn Anh Khiêm viết Ký Ức Sơ Sài. Nhiều người gọi là tùy bút và hình như chính tác giả cũng gọi là tùy bút. Nhưng tôi thích gọi là tạp văn. Tác giả không viết tùy hứng, tùy tiện, mà tác giả cố ý đấy chứ! Lâu lâu tác giả nhớ lại chuyện "vặt" xưa, viết ra để cười chơi và đã mua được nhiều nụ cười đồng điệu. Trong đó có những nụ cười lớn: Kha Kha Kha! Nhưng với riêng tôi, tôi chỉ cười mỉm thôi! Hồi xưa tác giả ra đường, thấy chuyện hay hay, lượm về cười chơi, bây giờ ngồi viết sơ sài lại! Một đêm tối ra đường, đi khệnh khạng thế nào suýt đâm vào gốc tre: Đ.M. tre gì mà lại trồng giữa đường??? Cũng trong đêm khuya kẻ hèn này ngồi đọc anh, mỉm cười bên ly trà nóng cũng thú đấy chứ! Cũng có khi không hề nhích mép mà trong bụng thú lắm, thú lắm! Sảng khoái lắm, sảng khoái lắm!
Chuyện tạp nhạp ở đất nước nhỏ bé này cũng đủ để đời nhỉ? Hi! Hi! Hi!
Chân Diện Mục


HƯ CẤU

Trong văn chương, tôi không ghét gì cho bằng Tiểu thuyết Lịch sử.
Tiểu thuyết thì có hư cấu. Tác giả xây dựng một nhân vất không có thật trên đời. Tác giả nói chuyện đời nay, hoặc nói chuyện mới qua gần gần thì tôi còn nghe được. Nhưng chuyện đã qua quá lâu! Quá lâu mà nói như tiểu thuyết thì thật là không ngửi được!
Tiểu thuyết hiện đại hầu hết là ái tình (đôi khi có tính xã hội trong đó) người ta đặt tên cho nhân vật như có thật ngoài đời. Những sinh hoạt, tâm tư... như người thật ngoài đời. Như vậy chỉ có cái tên nhân vật là hư cấu thôi!
Còn một tác giả nói chuyện xưa như là nay thì không thể chấp nhận được!
Tác giả nói Thi Sách họp các đồng chí lại tuyên bố: Thời cơ đã chín mùi để nổi dậy... Thi Sách thất bại... Bà Trưng khởi nghĩa thành công! Những tác phẩm này gọi là Tiểu Thuyết Lịch Sử hay Lịch Sử Ký Sự thì tôi cũng vứt béng chúng vào sọt rác
Nhưng những tác phẩm của Khái Hưng (Tiêu Sơn Tráng Sĩ), của Hoa Bằng, Phan Trần Chúc thì sao. Các tác giả này dựa theo Lịch sử, có thể có một chút sự thật, mô tả nhân vật going như một người thường ngoài đời. Những tác phẩm này tôi không dám mổ xẻ, chê trách. Nhân cách tác giả ngoài đời tôi lại càng không dám đụng tới! Những tác giả này viết rất hay, có kê cứu thận trọng, vô tư. Những tác phẩm này không phải lịch sử, cũng có người gọi là Lịch sử Ký sự, vậy gọi là tiểu thuyết lịch sử được không? Có cuốn rất ít tính tiểu thuyết. Nhưng gọi đại là Tiểu thuyết Lịch sử cho rồi!!! Ôi, tôi nhức đầu quá! Thôi thì nhờ các vị cao minh chỉ giáo thêm cho vậy.
Viết về những đề tài này, tuy một số người chưa vừa ý. Nhưng các tác giả đời sau phải đọc, phải học cách viết như thế, chứ nếu viết đại, viết bậy, hư cấu trên mây thì thật là thảm họa.
Như trên kia tôi đã nói: Viết về Thi Sách, Hai Bà Trưng như thế thì thật là quá bậy bạ. Một tác giả khác, cũng hơi lơn lớn viết về Hồ Quý Ly bằng giọng hiện đại thì đọc sao vô. Một tác giả khác (được nhiều người suy tôn là tác giả lớn) viết về Lê Lợi - Nguyễn Trãi như là các đồng chí thân thiết (dĩ nhiên như người hiện đại) làm ta ngỡ ngàng xiết bao! Những tác phẩm như thế thật không biết gọi tên chúng là gì? Còn tác giả của chúng thì xin miễn xếp hạng! Chuyện bà Phi Yến và Hoàng Tử Cải mà cho là tiểu thuyết lịch sử thì thật là thảm họa! Một người tù Côn Đảo, buồn tình viết chơi. Bà là Phi của Gia Long có đứa con là Cải (bà thương dân, yêu nước...) Thế mà các Sử Da sau này kê cứu... coi như chuyện có thật! Chuyện thêu dệt, tô vẽ... cũng như là hư cấu thôi. Nguyễn Trường Tộ học hành có ra cái gì! Cố Đạo gà cho thôi, Vua Nguyễn phong cho chức quan đi khai mỏ. Nguyễn Trường Tộ ớ người ra. Có làm được gì! Trần Lục làm nhà thờ đẹp cũng là người Pháp gà cho. Trần Văn Học vẽ bản đồ Gia Định... đường thẳng băng... vì dùng thước kẻ!
Thời kháng chiến thì người ta hư cấu quá nhiều! Hư cấu nhỏ! Hư cấu lớn, hư cấu ly kỳ, hư cấu bạo gan! Tuyên truyền mà. Những tác phẩm như Hòn Đất (kể chuyện Phan thị Ràng, tức Chị Sứ), Sống như Anh (kể chuyện Nguyễn văn Trỗi) chỉ là sách tuyên truyền! Nhưng nói đổ xuống sông xuống biển, nếu trời cho chế độ này kéo dài hàng trăm năm, thì sau này sẽ có các Văng Sĩ lấy những nhân vật có thật nhưng hơn cả hư cấu này, viết thành sách và gọi nó là Tiểu Thuyết Lịch Sử!
Ôi! Quả là một nền văn học Siêu Hư Cấu!
Chân Diện Mục


TẢ KHUYNH

Hai chữ Tả Khuynh trước đây không giống như sau này
Khi chủ nghĩa cộng sản cướp được chính quyền ở Nga. Đa số các nước ở Âu Châu đều có đảng Cộng Sản. Nhiều đảng cũng chẳng liên lạc với đệ tam quốc tế ở Nga. Các đảng này có làm nên cơm cháo gì đâu? Nhưng rất nhiều trí thức ở các nước trong các luận văn chính trị đều tự coi mình là phe Tả.
Họ chỉ là những người không thích các chính quyền đương thời. Các chính quyền của cá nhân chủ nghĩa, tư bản chủ nghĩa, muốn mạnh và giầu bằng bất cứ giá nào… lợi nhuận là trên hết… không đếm xỉa đến đời sống dân nghèo…
Ở Việt Nam thì người ta hiểu khác. Những người chống tư bản chủ nghĩa, chống Mỹ, đối lập với chính quyền… đều gọi là thiên tả??? Vậy những người chống chính quyền trước đây bị gọi là Tả Khuynh, nhưng sau 1975 họ cũng không hợp với cái mới… thì ta gọi họ là Khuynh gì?
Nguyễn Anh Khiêm được cử làm trưởng đoàn năm sáu người trong ba bốn hôm. Được người ta chúc mừng thì muốn đá vào người đó mấy đá.
Ôi! Chỉ vì Nguyễn Anh Khiêm không hợp với cái xã hội háo danh, ưa lập thành tích, soi bói và… nói dóc… Một đoạn của Bùi Hiển mà Nguyễn Anh Khiêm cho là tuyệt bút, và anh cho rằng không cần phải “thiết thực“ hay gắn liền với cái này cái nọ. Theo anh thì cần văn hay lời đẹp để nuôi dưỡng mỹ cảm nơi trẻ thơ, rèn luyện trực giác nơi tâm hồn chúng.
Cái tuyên ngôn này thật là không hợp với khẩu vị những kẻ ra những cuốn sách đồ sộ mà dẫn chứng toàn danh ngôn của các lãnh tụ chính trị.
Cuối cùng thì cay đắng nhận ra yếu hèn cùng tận, khiếp sợ cuộc đời quá đáng. Yếu đuối trong xử thế. Bất lực trong mưu sinh.
Người Do Thái rất trọng giáo viên. Nghệ thuật giáo dục là tự do và cao quý, nhưng Nguyễn Anh Khiêm thì bàng hoàng tả tơi sau tiết dự giờ! Đâu cần nhiêu khê như vậy mới biết khả năng thầy. Cứ hỏi học sinh là đủ, một em nói sai chứ bốn năm chục em thì không thể nghi ngời. (trên giáo viên là tổ trưởng bộ môn, tổ trưởng cấp lớp, đoàn thanh niên, công đoàn… hàng rổ ông lớn ngồi trên đầu giáo viên)
Cái trò dự giờ này đã đập vào mắt học sinh hình ảnh một ông thầy thảm hại! Nó cũng nêu một tấm gương về sự dối trá! Thảo nào mà Lữ Phương đã than dài: Ai ôi! nỡ lòng nào xây dựng cơ ngơi trên sự tàn phá con người“.
Lữ Phương cũng như Nguyễn ngọc Lan, Lý Chánh Trung là những người khuynh tả, nhưng cuối cùng nhận ra mình không đi trên đường phe tả của xã hội tiến bộ… mà đi vào xóm làng đang có bệnh dịch tả??? Dĩ nhiên đa số họ đã cài số de bởi ai mà ưa bệnh tả!
Một ông bạn bút hiệu Cao Thoại Châu. Ông là một sĩ quan quân đội Sàigon. Đã một lần cứu thoát một người nội tuyến. Sau 1975 người đó muốn trả ơn, Cao thoại Châu không chịu, cứ đi… học tập… theo tự nhiên (?). Cái thái độ quân tử hay đạt đạo này làm tôi quý mến. Anh chàng này đã cho ra Anh Trở Về Hòm Gỗ Cài Hoa nói lên sự tàn khốc, đau đầu, không rơi lệ nổi của chiến tranh. và Đêm Ở Vùng Quê Đức Hòa nói lên nỗi buồn của một nông dân: Buồn không tên, buồn chịu đựng… buồn vì… phải thế (như Nguyễn Huy Thiệp viết: “cầm lòng vậy… đành lòng vậy…)
Ôi! Những người tả khuynh thì không thể lấy 10 đầu ngón tay mà đếm. Riêng những người nổi tiếng đã đếm số trên trăm. Không nói đến ông Bertrand Russel khuynh suốt đời. Đa số đã quay lại, không nghiêng người mà đi nữa!
Mặc cho ông Soljenissin la lớn: Chúng ta không thể sống chung với dối trá! Đa số rất hãnh diện vì lừa dối được người! Những người này không thấy bộ mặt nửa khóc nửa cười của Nguyễn Mạnh Tường sao? Không nghe thấy tiếng thở dài của Trần Đức Thảo, Dương Quỳnh Hoa sao? Không nghe hơi thở nghẹn ngào như gà mắc tóc, như người sổ mũi Thích Trí Quang, Trịnh Công Sơn sao? Không thấy người bỏ chạy cong đuôi như Thiếu Sơn, Nguyễn ngọc Giao sao?…
Ở phương Bắc thì Hàn Tố Anh sững sờ, Bạch Hoa cay đắng và… Ba Kim, Lão Xá đành câm khi cuối đời.
Người Quân Tử không để cho người ta kéo bên này, đẩy bên kia cho nghiêng ngả!
Khổng Tử không chịu nghiêng ngả mà đề cao “Chính“. Người Quân Tử làm gì cũng phải chính danh. Chính trị là trị dân bằng con đường chính!
Ở bên Pháp có một số Đại Trí Thức tự cho mình cao siêu hơn bọn tả khuynh hữu khuynh. Không muốn Tả Khuynh Hữu Khuynh như bọn tầm thường theo Nga hoặc theo Mỹ!!! Tôi thấy mấy ông này chỉ nói suông, nói chuyện ngây thơ, không tìm hiểu thực tế, dấn thân vào thực tế. Mời mấy ông này sống với những nước “Lạ Đời“ thời… Thổ Tả thì… Biết liền!!!
Chân Diện Mục


BÁN TỰ VI SƯ, VÔ TỰ VI SƯ

Nghề thầy có cao quý không ???
Đọc Lều Chõng ta thấy vai trò của ông thầy cũng không lấy gì làm vĩ đại lắm (?). Chỉ là nhồi sọ một mớ kiến thức của ông Ba Tầu! Trường Cao Đẳng Tiểu Học Đông Dương mở ra cũng không có gì là đột phá, là cao siêu (?), cũng là nhồi sọ thôi! Những người tốt nghiệp trường này kiến thức cũng không quá trình độ thành trung bao nhiêu. Ấy vậy mà đã đem tới Việt Nam một luồng sinh khí mới (chớ có so sánh với tiến sĩ bây giờ, e rằng nhiều người sẽ cho là mình hâm!) Thời đại mới thì phải kiến thức mới chớ! Những ngũ luân, ngũ thường nghe sao mà nó xa lắc xa lơ, lạ hoắc lạ huơ!
Người Pháp đã dạy cho chúng ta thế nào là mở cửa nhìn ra thế giới. Người Pháp đã dạy cho chúng ta thế nào là dân chủ, tự do, bác ái. Thế nào là tự trọng, trách nhiệm, hòa nhập xã hội mới. Chính những ông thầy này đã truyền thụ những kiến thức đó.
Tôi ngồi nhớ lại: Ông thầy nào cũng đạo mạo, mô phạm, tư cách. Rất nhiều thầy tôi gọi thầy xưng con dù hơn tôi chừng mười tuổi. Tôi gọi luôn những thầy không dạy tôi là thầy. Tôi học các thầy từ lời nói cho tới hành động, cư xử chuyện đời.
Tôi rất nhớ và bái phục thầy Hoàng cơ Nghị. Thầy được cử làm chánh chủ khảo rất nhiều lần. Với thầy thì đừng hòng xin xỏ dù là thi oral. Câu chuyện để đời của thầy là bà Hoàng thị Nga em ruột thầy đi thi, hồi đó chỉ có một hội đồng thi duy nhất cho tú tài. Bà Nga rớt! Một con người như thầy thời sau không có đâu (!)
Người ngoại đạo lấy làm lạ là tai sao các trường sư phạm (thuộc địa) lại cho ra những người mà thoáng nhìn đã thấy toát lên phong thái bậc thầy rồi.
Tại sao bên văn học ta có văn học sử, bên sư phạm ta không nhắc các thầy tiêu biểu, các trường tiêu biểu? Tại sao bên Pháp có Sorbone, College de France, Normal Sup Paris, ta không có? Tại sao bộ phận Chu Văn An di vào Saigon thì… sau này… biến mất tiêu? còn ở Hà Nội thì không đào tạo được gì?
Trường Chu Văn An mấy năm đầu ở Saigon chẳng lừng lẫy sao? Không có trường sở phải mượn đỡ một dãy của Petrus Ký để học mà sản sinh ra những người du học Pháp đỗ đầu vào hai trường lớn ở Pháp. Ôi! Ngày nay thì chẳng còn trường để mà ghi danh nhớ ơn các vị hiệu trưởng Vũ Ngô Xán, Vũ Đức Thận, các giáo sư Hoàng cơ Nghị, Phạm Đình Ái, Vũ khắc Khoan, Bạch văn Ngà…!
Tôi là một học sinh cá biệt (!) học sinh khùng, học sinh hủ lậu, kính trọng cả các thầy mà các bạn tôi chê bai và… ghét cay ghét đắng… Thầy Bạch văn Ngà mà các bạn cho là rất khó, thầy Vũ Khắc Khoan đầu chải tém, ống quần túm rất hẹp (giống cao bồi), Thầy Quyến ăn trầu răng đỏ lòm và ở rất dơ…
Ôi! Thời gian thật lạnh lùng!
Nhớ hồi 1948-1949 học trường di tản chống Pháp gọi thầy là anh. Tôi không hiểu người ta đổi gọi là thầy từ năm nào? Sau này người ta gọi tất cả những người dạy mình là thầy (trừ một số trường Đại Học ở Saigon). Riêng ở các lớp Hán Văn tại Đại Học Sư Phạm và Đại Học Văn Khoa sinh viên không gọi thầy mà gọi cụ vì các cụ già quá! Nhưng tôi cứ gọi là thầy. Cụ Nguyễn Sĩ Giác, tiến sĩ khoa cuối cùng của Việt Nam đáng tuổi ông nội tôi nhưng tôi cứ gọi là thầy. Vì thầy vẫn cứ là thầy!!!
Ôi! Những đợt sóng trào: đợt một, đợt hai, đợt ba … xô những “anh hùng“đi và để lại những cặn bã. Nhưng sao tôi không thể nào quên những hình bóng xưa. Nhớ nhất là hình bóng thầy Vũ Hoàng Chương, thầy ốm như gió thổi bay! Thầy cầm cái cặp nặng chừng ba ký mà vai phải như xệ xuống (Nhưng thầy thét: "Trả ta sông núi" thì mới lớn làm sao?)
Tôi là một kẻ tầm thường, bất tài nhưng nghĩ đến các anh Doãn Quốc Sĩ, Trần Thanh Hiệp, Lê Xuân Khoa, Lê Hữu Mục tôi không đành lòng im lặng. Tôi không học với các anh nhưng coi các anh như anh cả, như Thầy. Tôi phải viết để lớp hậu sinh biết rằng thời đó có những con người có văn hóa, tư tưởng, tư cách như thế, đáng làm gương như thế
Chân Diện Mục

* Xin các bạn xóa bản viết cũ đi! Ông Thai Mai dịch rất hay rồi. Nhưng "Lời Ngưới Dịch" ở đầu sách tôi chẳng đồng ý chút nào! Vậy xin xóa tên Đặng Thai Mai trong các bài viết của tôi. C.D.M.


NHỒI SỌ

Người Tầu hỏi con đi học về: Hôm nay con làm bài thế nào ?
Người Do Thái hỏi con: Hôm nay đi học con có đặt câu hỏi nào không? Hôm nay con có thấy mình khác hôm trước không?
Người Tầu hãnh diện với những câu hỏi xưa như trái đất: Buổi sáng mặt trời gần ta hay buổi trưa mặt trời gần ta? Tại sao con ngỗng kêu to? Tại sao con ễnh ương kêu to?
Người Do Thái trọng Trí Tuệ chứ không lo nhồi nhét kiến văn! Trí thức là thực tế khách quan và chân tướng của vạn sự vạn vật, còn Trí Tuệ là đem thực tế khách quan và chân tướng của vạn sự vạn vật tiến hành tổng hợp ra phương án tốt nhất để giải quyết vấn đề.
Người Do Thái phải biết hoài nghi, dám đặt câu hỏi bất cứ lúc nào.
Người Do Thái rất coi trọng Nghệ Thuật Giáo Dục và sách vở.
Quay sang phương Đông, người Nhật cũng hơn ta nhiều lắm. Họ không tối ngày Khổng Tử viết, Mạnh Tử viết như ta. Họ chỉ lượm lặt những điều thâm thúy của người Trung Hoa chứ không học thuộc những điều viển vông, khoác lác và mạo tác.
Đạo Phật được truyền từ Trung Hoa tới Nhật. Nhưng đọc những tác phẩm của các Thiền Sư Nhật Bản ta thấy thâm diệu biết bao. Thật là vượt xa Trung Quốc. Tại sao? Bởi họ không có tinh thần nhồi sọ như ta!
Một Thiền Sư Nhật và một đệ tử đi trên đường, gặp một cô gái gần vũng nước, cô ta lúng túng không cách nào lội qua được. Thiền Sư liền ghé lưng cõng cô ta qua. Đệ tử bất mãn lắm, hậm hực mãi trong lòng. Về tới chùa, đệ tử hết chịu nổi, nói: Thầy! Sao thầy lại làm thế! Thiền sư bảo: Ta đã để cô ta ở lại chỗ lội rồi, chính con mới là người đưa cô ta về chùa!
Một Thiền Sư khác sai đệ tử ra quét sân vườn. Đệ tử quét sạch trơn. Thiền Sư hỏi được chưa? đệ tử nói rất được. Thiền Sư vin cây rung mấy cái: Hoa lá rụng lác đác: Thế này mới là đúng!
Ôi! Người Nhật đã có một tinh thần vô chấp, vô úy, vô ngã, thân tâm an lạc hòa nhập cùng thiên nhiên… mà người Việt mình không thể nào theo kịp!
Cũng chỉ tại cái ông Nhồi Sọ. Nhồi Sọ hàng ngàn năm rồi bây giờ vẫn còn nhồi sọ!!!
Nếu không trau dồi Trí Tuệ, tối ngày khoe khoang danh hão, chạy theo thành tích hão thì làm sao tiến bộ được.
Xít Ta Lin đi thăm một nhà máy thủy điện ở Âu Mỹ, hỏi người đi theo:
- Cái này ta làm được không?
- Thưa Đồng Chí số 1 ta làm được ạ
- Phải làm lớn hơn thế chứ!
- Thưa Đồng Chí số 1 vâng ạ
Thế rồi nhà máy thủy điện vĩ đại mọc lên ở Siberi nhưng… nước đóng băng, một năm chỉ hoạt động được… hai tháng!
Cái này… ở Việt Nam nói là nóng vội vì… duy ý chí!!! Ôi! Lạy Chúa, ngu thì nói mẹ nó là ngu, bày đặt nói duy ý chí!
Cũng là thủy điện, nhưng nếu ông bà Nhu dùng cái ý chí nóng vội muốn làm Hồng Y Giáo Chủ của Giám Mục Ngô Đình Thục để hành động thì có đi đến đâu! Chính ông bà Nhu đã mời kỹ sư thiên tài Nguyễn Khắc Nhẫn ở bên Pháp về xây đập Đa Nhim thì ta mới có cái đập đáng hãnh diện vào thời điểm đó (vì ông Nhật xì tiền cho nên ta chỉ biết có Nhật mà không biết đến kỹ sư Nhẫn )
Một nước siêu cường nhất thế giới như Mỹ mà nếu duy ý chí thì đôi khi còn đổ nợ! Một đất nước chỉ biết nhồi sọ làm cho dân tiêu điều, đói rét! Mà cứ ôm khư khư cái ngu Nhồi hoài, Nhồi mãi… thì tương lai đi về đâu?

Chân Diện Mục

 

Đăng ngày 27 tháng 02.2018