banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

KHẢO CỨU và ĐI ĐIỀN DÃ

chan dien muc

Chân Diện Mục

Ngày nay người ta khảo cứu Điền Dã là muốn tìm hiểu về di tích nào, danh nhân nào thì đi tới nơi để tìm hiểu, quan sát, hỏi thăm, phỏng vấn! Nhưng khổ một nỗi là nơi đó đã từng bị loạn lạc, chiến tranh nên di cư (có khi di cư cả làng). Còn danh nhân thì… không có con cháu, hoặc con cháu đi biệt, hoặc con cháu thay tên đổi họ. Hoặc con cháu dấu biệt tông tích ông cha. Có khi con cháu vì một chữ hiếu sai lầm (!) không nhận ông cha mình chết chém, tuyệt tự… là những điều đại bất hiếu (!) vô phúc (!). Có khi con cháu quá nghèo khổ… bị án hình sự… nên không muốn nhận kẻo hổ danh ông cha (!).

Cái tệ hại nhất trên thế gian này, không phải là "nhà khảo cứu" ít học, ngớ ngẩn, mà nhà khảo cứu tới nơi, phỏng vấn người địa phương bằng cách mớm lời (như công an mớm cung). Họ hỏi rằng: Nơi đây có anh hùng nào không? Có danh nhân nào không? Ông A này ở đâu? bà B kia ở đâu? Hầu hết người địa phương đều hồ hởi, phấn khởi khi được cùng quê với danh nhân kia, anh hùng nọ. Họ bèn chỉ đại mà rằng: hình như chỗ này, có lẽ chỗ kia. Thế là nhà "Khảo Kíu "của chúng ta phết ngay vào bài của mình là ở chỗ đó!!! Rồi nhà khảo cứu thứ hai, thứ ba cứ thế trích dẫn!

Trường hợp danh nhân Phan Văn Trị rơi vào cái nỗi khổ ba miệng bảy bản như thế! Người tới Gò Vấp, người tới Bến Tre, người tới Phong Điền Cần Thơ. Ông Nhất Tâm nói rằng "đã thấy "mộ cử Trị ở Bến Tre. Nhiều người nghi ngờ, nhiều người phản bác. Và ngày nay nếu bạn tới Bến tre thì cái mộ đó bốc hơi rồi. Ở Phong Điền thì con cháu họ Lê, họ Đinh nhận là cháu chắt, bà con sui gia của cử Trị, nhưng mà… kiểm chứng không nổi!. Có người tới Gò Vấp tìm hiểu… nắm ngay đầu bà Phan thị Tuyết Mai bảo rằng bà l2 con cháu Phan văn Trị. Bà Mai chối đây đẩy nói cương quyết không phải (!), nhất định không nhận. Nhưng nhà Khảo cứu đè đầu bà Mai bắt phải nhận!!! rồi viết bài đăng báo!

Một nhà khảo cứu tới Gò Công tìm tài liệu về Trương Định, theo cách làm “điền dã "của ông ta. Hỏi người địa phưong: biết anh hùng Trương Định không? – Biết chứ, Bình Tây Đại Tướng Quân lừng lẫy lắm! Đánh Pháp nhiều trận lớn. Quân Pháp chết như rạ. Hỏi người lập căn cứ ở đâu? xây đồn ở đâu? Người dân nào biết căn cứ địa là gì, quanh vùng chỉ có một cái đồn ở Bến Cốc. Hay là ở đó chăng? Nhà khảo cứu thứ nhất nói: Đúng rồi, vùng này chỉ có anh hùng Trương Định thôi! Nhà khảo cứu thứ hai nói: vùng này chỉ có đồn đó, đâu có đồn nào khác! Nhà khảo cứu thứ ba: Đích thị rồi, chỉ có anh hùng Trương Định mới có được công trình hoành tráng đó!
Ô hô! Khảo cứu Điền Dã, khảo cứu đoán mò, khảo cứu tô vẽ! Người ta không biết rằng quân Trương Định là dân đồn điền, nghĩa quân, núp trong "đám lá tối trời, đêm ra đánh Pháp". Trương Định làm sao xây đồn như một thành quách với đá xanh chở từ Biên Hòa về, xây rất kiên cố. Mà làm sao đi qua Sài gòn, hoặc qua vũng Tầu bị Pháp tuần tra nghiêm ngặt. Hay là ghe nhỏ của Trương Định đổ bộ ở rừng rậm Xuyện Mộc rồi vào Biên Hòa lấy đá chăng!. Người ta không biết rằng cái đồn Bến Cốc đó còn gọi là pháo đài Bến Cốc, người Pháp xây rất kiên cố… để phòng ngừa nguời Hòa Lan, người Tây Ban Nha… vào sông Vàm Cỏ chăng?

Một nạn nhân nữa của khảo cứu điền dã là cụ Quản Lịch. Người ta đi tìm tài liệu rơi rớt ở Tân An, Rạch Gía, Tà Niên, Kiên Lương, Phú Quốc!
Làm gì có con sông Nhựt Tảo, vàm sông Nhựt Tảo nào trên đời này! nhật tảo chỉ là sáng sớm thôi! Hai trận đánh của Quản Lịch thì một trận 4 giờ sáng, một trận 5 giờ sáng (trong trận trước quân của Quản Lịch dùng lá dừa khô, tẩm dầu con rái, trời còn đêm, sương mù dày đặc, nghĩa quân đốt lá dừa phóng bừa, phóng đại mác thông vào mấy tên Pháp trên boong tầu, giết được vài tên và cướp được vài món rồi rút rất nhanh... Chính tên thuyền trưởng Parfait hôm sau đốt nhà dân hai bên sông để trả thù, chứ nào có chìm tầu đâu). Ông Nguyễn dùng mác thông chứ không dùng kiếm đâu, các cụ ạ!
Khảo cứu gì mà lấy tài liệu ở hai nơi rồi ghép lại! Có hai người nói là mẹ con, nhưng lại cùng tuổi, mà không phải tuổi tí sửu… mà lại có khai sinh cùng ngày cùng tháng mới là báo đời chứ!
Nhà khảo cứu đi hỏi nhân dân! Nhân dân không biết! biết lõm bõm, hình như!… và đặc biệt là thần thánh hóa nhân vật! Nếu nhà khảo cứu lại khoa học hóa cái sự thần thánh đó thì thật là thảm họa!

Tiến sĩ Trần đức Thảo về nước phục vụ. Vị lãnh đạo nói với ông rằng: Chú thì học giỏi lắm rồi, nay chú về nước thì phải học nhân dân nhé! Ừ, nghe cũng xuôi tai đấy, nhưng nếu Trần đức Thảo học nhân dân thì bài viết của ông cũng như của vị trưởng ban văn hóa huyện Phú Quốc! Ông này đi hỏi một người dân tên là "Ba Ngây“. Hỏi ông có nghe nói tới hai vị nữ tướng phụ tá cho Nguyễn Trung Trực là bà Điều, bà Đỏ không? Đáp: Làm gì có bà Điều, chỉ có ông Nguyễn Hiền Điều là phó tướng của Nguyễn Trung Trực thôi! A ha! vị này không biết là Nguyễn Hiền Điều chết trước khi Nguyễn Trung Trực ra đời mấy chục năm sao?
Dân gian (!) Phú Quốc gọi Nguyễn trung Trực là ông lớn Tướng! Có cả bà lớn Tướng và đứa con chết non vì thiếu sữa! Có cả phó tướng và hàng chục Đội, Cai, Bếp! Có cả kho vũ khí và ụ súng. Các vị khảo cứu này làm sao biết được rằng có một vị tướng địa phương Vân Nam của Tưởng Giới Thạch đã chạy qua Miến Điện xuống Phú Quốc xin người Pháp cho ở nhờ một thời gian để đợi tầu về Đài Loan! (người ta tìm thấy cái ly bằng đá để uống trà, có lẽ của vị tướng Vân Nam này chăng )
Nguyễn Trung Trực được người ta hội thảo quá hoành tráng. Gồm các quan lớn, quan văn hóa, các giáo dư đầu nghành, các nhà khảo cứu có bằng cấp. Người ta tương hết những điều dân gian vào các bài tham luận tràng giang đại hải! Người ta mong mau đến lượt mình để lên đọc chứ có nghe tham luận của người khác đâu! Có khi người ta chẳng tin những điều mình viết, chỉ viết cho nhiều để chứng tỏ rằng mình biết nhiều, nghe nhiều, đâu biết rằng:
Những điều nghe thấy mà đau đớn lòng

Không đau đớn sao được khi nghe những điều:
Nguyễn trung Trực phi ngựa trên mặt biển Rạch Giá – Phú Quốc, Phú Quốc Rạch Giá. Những điều như dân gian Rạch Giá giải chiếu hoa hai bên đường đi tới Pháp Trường và làm văn tế sống vị anh hùng trước mặt người Pháp. Và đặc biệt cười thoải mái khi nghe chuyện bà Điều, bà Đỏ chê Nguyễn trung Trực nhát gan không chịu đánh Pháp liền khi bà khuyên đánh: Bộ ông không có trứng giái sao (!). Ồ! Chuyện kể lúc 0 giờ này sao nó vui và hay hết biết!!!
Chuyện Điền Dã thì nhiều lắm… tôi không dám kể nhiều sợ quí vị… mệt! Tôi chỉ nói vài chuyện cho quí vị mua vui mà thôi!

31-12-2015
Chân Diện Mục

 

Đăng ngày 19 tháng 01.2016