NHÀ VĂN AN NAM KHỔ NHƯ CHÓ
Chân Diện Mục
Ông Nguyễn Vĩ nói thế, bị một người bạn bắt bẻ: Ông nói thế là làm nhục nhà văn! Sao lại so sánh ví von như thế! Nguyễn Vỹ trả lời: Có mà con chó nó tự ái,nó thấy nhục thì có!!!
Thử điểm lại cuộc sống các nhà văn từ hồi đó đến giờ xem sao. Vũ Trọng Phụng nghèo,thèm một miếng bí tết mà không có! Nam Cao và Nguyên Hồng cũng chẳng hơn gì! Nguyễn Bính sống lang thang nhờ bạn và chơi với :
Từ thuở về đây tớ vẫn nghèo
Bạn bè chỉ có gió trăng theo
Cuộc sống của Kiên Giang Hà huy Hà cũng được mô tả là khó khăn lắm!
Nhưng mà quí vị chỉ nói đến cái khổ về vật chất thôi:
Mỗi lần cầm bút nói văn chương
Nhìn đàn chó đói gặm trơ xương
Và nhìn chúng mình hì hục viết
Suốt mấy năm trời kiết vẫn kiết
Ít thấy ai nói đến cái khổ về tinh thần! Thế thì Nguyễn Vỹ nói đúng đấy! Con chó nào có nỗi khổ về tinh thần! Nay tôi xin sửa lại: "Nhà văn An Nam khổ hơn chó". Hẳn là khổ hơn rồi! Mặc cho cụ Cố Hồng nói: Biết rồi,khổ lắm,nói mãi. Tôi cứ nói mãi về nỗi khổ trăm chiều của các nhà văn!
Nhà văn cô đơn, không buồn bực sao được khi bài viết của mình rơi vào thinh không! Số Đỏ được người ta đọc ngấu nghiến, đọc ồn ào nhưng chỉ coi như là hoạt kê, tếu táo, như vậy là người ta chưa "biết rồi". Đức Phật nói: Tự giác, giác tha, giác hành viên mãn! Đã "biết rồi" thì phải hành động sao cho đừng "khổ lắm" mãi nữa!
Tới thời loạn ly, thời đấu đá nhau thì nhà văn càng khổ! Nhưng có những nhà văn càng sướng (!). Nhưng những trí thức coi các quan lớn văn nghệ không phải là nhà văn. Những ông chủ tịch này , trưởng ban nọ, hội trưởng kia… và những tướng tá nhà văn bị người ta đánh giá là viết lách chẳng ra hồn! Người ta sợ mà đăng bài của mấy ông. Đặc biệt là nhuận bút của mấy ông cao ngất trời! Nghe nói bài của Tố Hữu "được" hầu hết các báo đăng, nhuận bút gấp mấy chục lần người thường! Một món tiền khổng lồ! Không ai tưởng tượng nổi! Cuộc sống của Tố Hữu thì khỏi nói, một biệt thự nghênh ngang giữa Hà Nội với vườn hoa đầy kì hoa dị thảo. Xuân Sách đã diễu bài thơ của ông ca tụng chiến trường nở hoa:
Nhà càng lộng gió thơ càng nhạt
Máu ở chiến trường, hoa ở đây
Ai dám bảo nhà văn khổ. Phải cụ Phạm Duy Tốn còn sống thì chắc viết: Trong khi ngài vỗ đùi sảng khoái vì ngắm hoa nở đẹp thì… lính lác đói ăn và sốt rét. Ngài không gọi: "Điếu mày" nhưng có kẻ chạy nhanh lại phục vụ cà phê, thuốc lá!
Các nhà văn Hoàng Tộc sống cuộc đời Vương Giả như thế. Còn các "nhà văn cùng đinh" thì ông Nguyễn Vỹ ơi: Vũ Trọng Phụng thèm miếng bí tết cho tới chết, Kiên Giang chết vì đói, Sơn Nam chết vì không rượu, Vũ Hoàng Chương chết vì vắng bóng ả Phù Dung!
Nỗi khổ về tinh thần của nhà văn còn gấp bội nỗi khổ về vật chất! Chẳng bút nào tả xiết nỗi cay đắng, oán hờn của nhà văn. Phùng Quán đi câu cá trộm, Nguyễn hữu Đang chắt bóp từng bao thuốc lá (rỗng) để đổi những con cóc, Hữu Loan chở đá rách vai, Nguyên Hồng trở lại Thái Nguyên với núi rừng bạc mầu…
Tôi xin hỏi quí vị: Khi người ta xếp hàng mỏi chân để mua những thứ hàng chẳng ra gì, khi người ta đấu đá nhau để được những cuốn sổ cung cấp, những tem phiếu thì người ta sướng hay khổ. Tôi nghĩ rằng có nhiều tâm trạng ngậm ngùi… thao thức… khi phải nghe lệnh trên. Phùng Quán, Trần Dần đã đổ hết lỗi cho bà Thuỵ An, người mà trước đó hai chàng coi như thần tượng! Nguyễn công Hoan, Hoài Thanh hẳn trước kia đã từng kính ngưỡng cụ chủ bút báo Tiếng Dân, tác giả Chương Dân Thi Thoại. Nhưng bây giờ thì Hoài Thanh phán: Giấy mực đâu thừa để cho ông ấy viết. Còn Nguyễn công Hoan khi nghe Phan Khôi viết Tự Thọ:
Thọ ta ta chúc chứ cần ai
Thì phang ngay cho những câu ác độc:
Nhắn bảo Phan Khôi khốn kiếp ơi
Thọ mi mi chúc chứ cần ai
Văn chương đù mẹ thằng cha bạc
Tiết tháo tiên sư cái mẽ ngoài
Ôi! Tác giả Bước Đường Cùng, Tấm Lòng Vàng sao nỡ viết như thế. Ông và Hoài Thanh, tác giả Thi Nhân Việt Nam là những người tôi vốn thích. Không hiểu khi mạt sát Phan Khôi như thế các vị có tâm tư gì (!). Nghe nói người ta còn bắt Thế Lữ chửi nữa, nhưng… không biết làm sao không có bài của Thế Lữ mà có bài của vợ ông (?)
Ôi! Trong thời kỳ tâm hồn con người đảo lộn, thật khó mà nói: ai khổ hơn chó?, ai khổ như chó? ai sống qua ngày nhờ tem phiếu? ai sướng hơn vua?
Ôi! Một thời gió bụi đã qua nhưng tôi vẫn muốn kể chuyện các nhà văn nghèo khổ.
Nếu chữ hy sinh có ở đời
Tôi muốn nạm vàng muôn khổ cực (1)
Để vinh danh các nhà văn này.
Chân Diện Mục
(1) – Thơ Hồ Dzếnh
Nhà Báo VN khổ hơn chó
Vụ cưỡng chế Văn Giang
Nhà báo Võ Văn Tạo
Bảy thập kỷ trước, dưới ách thực dân phong kiến, thi sĩ-nhà báo Nguyễn Vĩ viết:
Thời thế bây giờ vẫn thấy khó
Nhà văn An Nam khổ NHƯ chó
Mỗi lần cầm bút nói văn chương
Nhìn đàn chó đói gặm trơ xương
Và nhìn chúng mình hì hục viết
Suốt mấy năm giời: kiết vẫn kiết!
Quật bằng gậy cao su
Thật ra, chẳng cứ thời thực dân, thời nào và ở đâu cũng vậy, đa số giới cầm bút lương thiện mưu sinh bằng nghiệp viết đều nghèo hoặc chẳng mấy khá giả. Khốn nỗi, nghiệp viết nó thế, người đời thấy văn nghệ sĩ, nhà báo hay lê la chè chén, cứ nghĩ họ đồng ra đồng vào. Trong cuộc mới biết, các cuộc nhậu "hoành tráng” có doanh nhân hay quan chức, các đối tượng này thường giành thanh toán. Giới cầm bút -"viêm màng túi mãn tính,” được "tha.”
Nhưng khổ chỉ đâu là nghèo? Và nghèo chưa chắc đã thậm khổ. Nhà thơ Giang Nam từng tả tâm trạng cậu bé chăn trâu vẫn"mơ màng nghe chim hót trên cao.” Phải, cũng phận nghèo, nhà văn và nhà thơ, trong cõi riêng của họ, vẫn có thể bay bổng, mộng mơ, chí ít cũng thỏa mãn phần nào khát vọng tự do tâm hồn.
Nhà báo Việt Nam khổ HƠN... chó
Nhà báo thì khác. Những nhà báo chân chính tự xác định thiên chức phản ánh sự thật, bảo vệ lẽ phải, bênh vực kẻ yếu, bảo vệ công lý, lên án cường quyền, tình trạng bất công, thói đạo đức giả... Do vậy, bên cạnh cái nghèo cố hữu, dưới thể chế toàn trị, bóp nghẹt tự do báo chí, nhà báo chân chính còn luôn bị giới chức cầm quyền làm đủ mọi cách cản trở họ thực hiện thiên chức, thậm chí khủng bố, sát hại.
Thật chẳng ngoa, ở những nước báo chí bị xiềng xích, thân phận nhà báo còn khổ HƠN... chó. Bị đánh, dù sợ sệt, chí ít con chó còn dám"ẳng” lên một vài tiếng. Nhờ đó, cái đau vợi bớt, kẻ ra tay đánh, nghe"ẳng,” có thể động lòng ngừng tay.
Ðấm vào mặt
Mới đây thôi, trong bản tin ngày 5 tháng 5, Ðài BBC cho biết, hai nhà báo của VOV (Ðài Tiếng nói Việt Nam) - cơ quan truyền thông vào hàng "chiếu trên” trong số hơn 700 tờ báo "quốc doanh” - là Trưởng phòng Kinh tế Ngọc Năm và phóng viên Phi Long đã bị lực lượng cưỡng chế xúm đánh hội đồng bằng tay, chân và dùi cui hết sức dã man, đến trọng thương, phải nhập viện cấp cứu, điều trị, vì "dám” tiếp cận hiện trường để tác nghiệp trong vụ cưỡng chế ở Văn Giang sáng 24 tháng 4. Theo BBC, 2 nhà báo này chính là 2 người đội mũ bảo hiểm màu trắng, trong các đoạn videoclip ghi cảnh lực lượng cưỡng chế đánh người như đòn thù hiểm độc (đá thúc mạng sườn) mà người dân bí mật quay được, đã được các báo mạng "ngoài quốc doanh” trong và ngoài nước đăng tải rộng rãi mấy hôm nay. Nguồn tin nói với BBC về vụ việc trên xin giấu tên. Ðoạn videoclip cũng cho thấy, 2 người bị hành hung chẳng hề có cử chỉ quá khích nào.
Ðến 5 tháng 5, hai nhà báo trên đã ra viện, đi làm trở lại. Thế nhưng, nếu BBC không "khui” vụ việc, có lẽ công chúng không thể biết họ bị hành hung hết sức dã man trong cái buổi sáng 24 tháng 4, 2012 ở Văn Giang - "vết nhơ lịch sử” ấy. Toàn bộ hơn 700 tờ báo "quốc doanh” bặt tin này. Cũng khó trách các báo, vì hai đồng nghiệp có "ẳng” tiếng nào đâu! Sếp và đồng nghiệp ở đài cũng có "ẳng” tiếng nào đâu! Hội Nhà Báo Việt Nam, cơ quan bảo vệ quyền lợi chính đáng của họ cũng có "ẳng” tiếng nào đâu!
Khốn nạn thân họ!
Những ai đã xem các video clip cưỡng chế Văn Giang, mới thấy: nổi lên trong cảnh lửa khói ngút trời, súng nổ kinh hoàng, người dân chỉ có gậy gộc, đất đá và lòng phẫn uất yếu thế lui dần, hàng nghìn cảnh sát cơ động, công an chìm nổi, dân phòng, xã hội đen... đằng đằng sát khí súng ống, quả nổ, lựu đạn cay, dùi cui, xe ủi... dũi tới... là cảnh 2 người đội mũ bảo hiểm trắng bị đánh hội đồng quá dã man, như thể họ là những kẻ cầm đầu hung hăng trong những hộ dân chống đối. Hình ảnh gây giận dữ, công luận căm phẫn nhất, chính là đoạn quay 2 người này bị đánh hội đồng.
Ðòn hội đồng đấm, đá, đạp, chọc gậy tre, quật gậy cao su
Trở lại truyền thông và vụ cưỡng chế Văn Giang. Sau vụ cưỡng chế mà thất bại thuộc về người dân Văn Giang mất đất, lẻ tẻ một số báo "quốc doanh” đăng tin ngắn ngủi vô cảm, lạnh lùng như chuyện xứ người. Một số báo phải lập tức bóc onlines. Không được "ẳng,” nhá! Thiên chức của báo chí - "chút lòng trinh bạch” cũng "từ nay xin chừa”!
Lẽ đương nhiên, không ít trường hợp báo chí "quốc doanh” phanh phui, cơ quan chức năng còn chẳng thèm ngó ngàng. Vụ hai nhà báo bị hành hung dã man ở Văn Giang, BBC đưa tin, còn khuya người ta mới "rờ” tới.
“Nhà báo Việt Nam khổ HƠN... chó,” nói thế có ngoa không?
Võ Văn Tạo
Đăng ngày 19 tháng 01.2016