Tạp văn Chân Diện Mục
BÁN TỰ VI SƯ, VÔ TỰ VI SƯ
Chân Diện Mục
Nghề thầy có cao quý không???
Đọc "Lều chõng" ta thấy vai trò của ông thầy cũng không lấy gì làm vĩ đại lắm (?). Chỉ là nhồi sọ một mớ kiến thức của ông Ba Tầu. Trường Cao Đẳng Tiểu Học Đông Dương mở ra cũng không có gì là đột phá, là cao siêu (?), cũng là nhồi sọ thôi! Những người tốt nghiệp trường này kiến thức cũng không quá trình độ thành trung bao nhiêu. Ấy vậy mà đã đem tới Việt Nam một luồng sinh khí mới (chớ có so sánh với tiến sĩ bây giờ, e rằng nhiều người sẽ cho là mình hâm!) Thời đại mới thì phải kiến thức mới chớ! Những ngũ luân, ngũ thường nghe sao mà nó xa lắc xa lơ, lạ hoắc lạ huơ!
Người Pháp đã dạy cho chúng ta thế nào là mở cửa nhìn ra thế giới. Người Pháp đã dạy cho chúng ta thế nào là dân chủ, tự do, bác ái. Thế nào là tự trọng, trách nhiệm, hòa nhập xã hội mới. Chính những ông thầy này đã truyền thụ những kiến thức đó.
Tôi ngồi nhớ lại: Ông thầy nào cũng đạo mạo, mô phạm, tư cách. Rất nhiều thầy tôi gọi thầy xưng con dù hơn tôi chừng mười tuổi. Tôi gọi luôn những thầy không dạy tôi là thầy. Tôi học các thầy từ lời nói cho tới hành động, cư xử chuyện đời.
Tôi rất nhớ và bái phục thầy Hoàng cơ Nghị. Thầy được cử làm chánh chủ khảo rất nhiều lần. Với thầy thì đừng hòng xin xỏ dù là thi oral. Câu chuyện để đời của thầy là bà Hoàng thị Nga em ruột thầy đi thi, hồi đó chỉ có một hội đồng thi duy nhất cho tú tài! Bà Nga rớt! Một con người như thầy thời sau không có đâu(!)
Người ngoại đạo lấy làm lạ là tai sao các trường sư phạm (thuộc địa) lại cho ra những người mà thoáng nhìn đã thấy toát lên phong thái bậc thầy rồi.
Tại sao bên văn học ta có văn học sử, bên sư phạm ta không nhắc các thầy tiêu biểu, các trường tiêu biểu? Tại sao bên Pháp có Sorbonne, Collège de France, Normale Sup. Paris, ta không có? Tại sao bộ phận Chu Văn An di vào Saigon thì… sau này… bi mất tiêu? còn ở Hà Nội thì không đào tạo được gì?
Trường Chu Văn An mấy năm đầu ở Saigon chẳng lừng lẫy sao? Không có trường sở phải mượn đỡ một dãy của Petrus Ký để học mà sản sinh ra những người du học Pháp đỗ đầu vào hai trường lớn ở Pháp! Ôi! Ngày nay thì chẳng còn trường để mà ghi danh nhớ ơn các vị hiệu trưởng Vũ Ngô Xán, Vũ Đức Thận, các giáo sư Hoàng cơ Nghị, Phạm Đình Ái, Vũ khắc Khoan, Bạch văn Ngà…
Tôi là một học sinh cá biệt (!) học sinh khùng, học sinh hủ lậu, kính trọng cả các thầy mà các bạn tôi chê bai và… ghét cay ghét đắng… Thầy Bạch văn Ngà mà các bạn cho là rất khó, thầy Vũ Khắc Khoan đầu chải tém, ống quần túm rất hẹp (giống cao bồi), Thầy Quyến ăn trầu răng đỏ lòm và ở rất dơ…
Ôi!Thời gian thật lạnh lùng!
Nhớ hồi 1948-1949 học trường di tản chống Pháp gọi thầy là anh. Sau các trường này đều chạy vào Thanh Hóa. Thanh Hóa lúc này là thủ đô văn hóa, thủ đô giáo dục. Thái Nguyên chỉ là đầu não thôi. Thanh Hóa mới là nơi tập trung nhân tài, là An toàn khu lớn nhất của kháng chiến. Chính nơi này có ông thầy lớn Đặng Thái Mai của tôi. Tôi không được học với thầy nhưng không phải thầy cho nửa chữ mà thầy cho cả ngàn chữ. Sau này người ta gọi tất cả những người dạy mình là thầy (trừ một số trường Đại Học ở Saigon).Riêng ở các lớp Hán Văn tại Đại Học Sư Phạm và Đại Học Văn Khoa, sinh viên không gọi thầy mà gọi cụ vì các cụ già quá! Nhưng tôi cứ gọi là thầy! Cụ Nguyễn Sĩ Giác, tiến sĩ khoa cuối cùng của Việt Nam đáng tuổi ông nội tôi nhưng tôi cứ gọi là thầy vì thầy vẫn cứ là thầy.
Ôi! Những đợt sóng trào: đợt một, đợt hai, đợt ba… xô những “anh hùng“ đi và để lại những cặn bã. Nhưng sao tôi không thể nào quên những hình bóng xưa. Nhớ nhất là hình bóng thầy Vũ Hoàng Chương, thầy ốm như gió thổi bay! Thầy cầm cái cặp nặng chừng ba ký mà vai phải như xệ xuống (Nhưng thầy thét "Trả ta sông núi" thì mới lớn làm sao?)
Tôi là một kẻ tầm thường, bất tài nhưng nghĩ đến các anh Doãn Quốc Sĩ, Trần Thanh Hiệp, Lê Xuân Khoa, Lê Hữu Mục tôi không đành lòng im lặng. Tôi không học với các anh nhưng coi các anh như anh cả, như Thầy. Tôi phải viết để lớp hậu sinh biết rằng thời đó có những con người có văn hóa, tư tưởng, tư cách như thế, đáng làm gương như thế.
Chân Diện Mục
TRUYỀN THỐNG CA MÚA CỦA VIỆT NAM
Sử sách Việt Nam, từ thời Lý trở về trước, không thấy nói tới ca múa.
Tới thời Trần, sau khi đánh thắng quân Nguyên, vua tôi mở hội ăn mừng: có ca múa.
Người ta dùng dùi trống và mo nang để diễn. Một số sử gia sau này chê là thô bỉ!
Tới đầu Lê, một lần vua tôi về thăm đất cũ Lam Sơn. Dân chúng hai bên đường múa Rí Ren để đón mừng. Tể tướng Lê Sát cho là dâm bôn. Ra lệnh cấm! Cái điệu Rí Ren này nó múa nam nữ quấn xoắn xít vào nhau (có lẽ giống điệu Bướm Vờn Hoa của người Miên chăng?)
Sau này ít thấy nhắc tới. Tôi tìm trong những lễ hội ở Đền Chùa (có lẽ vào cuối Lê đầu Nguyễn và có lẽ hát nhiều hơn múa). Những điệu múa dài, có bài bản, không đứt khúc thì e rằng có từ thời Tây. Tôi nghĩ rằng trong bài múa dài thì phải lấy trống làm chính. Người ta không thể lấy sáo và kèn làm nòng cốt cho bài múa. Trừ người Mèo lấy khèn làm nên cho điệu xòe (xòe tiếng Thái là múa, có lẽ người ta bắt chước điệu múa của con công chăng?)
Người Việt có cái trống duy nhất dành cho múa là cái trống cơm. Thú vị thay! Người Miên cũng chơi trống này, nhưng khác là người Việt để trống nằm ngang bụng và hai tay vỗ mặt trống hai bên. Còn người Miện để trống dọc và vỗ tay xuống. (về sự liên hệ Miên - Việt tôi có viết cả trăm trang, xin trình diện quý vị vào một dịp khác)
Trở lại sân đình, trong một lễ hội ta thấy có những điệu múa, người ta vừa đi lượn vừa hát. Nhóm thứ nhất hát: Cái nạo thế sừ là cái sự thế nào? Nhóm kia lấy linga và yoni đâm vào nhau rồi hát: Cái nạy thế sừ là cái sự thế này!!! Hoặc trong một lễ hội khác người ta vừa đi vừa hát: lấy linga đâm vào yoni: Linh tinh tinh tình phooc. Những động tác này rất đơn sơ, không thể gọi là một bài múa. Ta cũng chỉ thấy ở một số rất ít làng nên không thể dùng chữ truyền thống ở đây. Các nhà khảo cứu sau này gọi những lễ hội đó là lễ hội phồn thực!
Khi nhà Nguyễn lập triều đại mới ở Huế. Ta thấy âm nhạc và vũ khúc có ảnh hưởng ngoại tộc nhiều… như Chiêm Thành và Hoa tộc… Vũ khúc Bình Ngô và vũ khúc Vạn Quốc Lai Triều… cho ta thấy ảnh hưởng lung tung… mà điều đáng buồn là ảnh hưởng ngoại thì nhiều… mà yếu tố Việt lại ít!!!
Trước đây ông Hoàng Thi Thơ có xây dựng một số vũ khúc, nhưng số người hưởng ứng làm theo cũng như khán giả không mặn mà lắm! Không biết dân Việt mình có khoái khẩu cái bộ môn này không???
Mắc cười là sau năm 1975 có một số biên đạo múa (từ mới của Bắc Kỳ) xây dựng những vũ khúc không giống ai (!) Người ta làm một số động tác rồi… đi bộ… sắp xếp lại đội hình… để diễn chuỗi động tác tiếp theo… chứ chẳng theo nhịp trống gì cả! sắp xếp kiểu này… thí chẳng có truyền thống… chẳng có ngoại nhập… chẳng có lai căng… br />Cho nên tôi rất đồng ý với Lê Đình Chơn Tâm là Việt Tộc không có bộ môn múa!
Tôi viết bài này cho Lê Đình Chơn Tâm, người học trò tôi đặc biệt quý mến.
Chân Diện Mục
CẤM CHỈ
Nghe hai tiếng Cấm Chỉ người ta nghĩ ngay tới lệnh cấm. Cấm đây là cấm đoán chứ không phải khôi hài như ông vua kia gặp một cô gái câm bèn gọi nơi đó là Cấm Thị, gặp một cô gái cười bèn gọi nơi đó là Hòe Thị.
Ngõ Cấm Chỉ đích thị là nơi lưu niệm một ông vua bố láo, nợ đầy mình, nợ lút đầu! Cái ông chúa chổm này vi hành bị người ta đón đường chỉ mặt đòi nợ. Vua liền hạ lệnh: Cấm chỉ! Thế là nơi đó chết danh Ngõ Cấm Chỉ!!! Dân chúng coi đó là chuyện thường chứ không nhục thay cho vua.
Bây giờ người ta nợ hàng trăm, ngàn tỷ, có ai chỉ mặt đâu mà cấm chỉ! Các nhà kinh tế học chia đều món nợ đó cho dân… trả trăm năm không hết. Nhưng chủ nợ hoặc vô hình, hoặc ở một nước xa xôi… nên dân không bị chỉ mặt! Dân không trả nổi bèn chỉ mặt con cháu mà dặn rằng: sau này các con các cháu hãy ráng làm mà trả nợ dù không bị ai chỉ mặt!
Nợ chồng nợ chéo, nợ khó đòi… nhưng người ta vẫn huênh hoang, phè phưỡn… bởi chuyện mai sau là chuyện mơ hồ, vô hình (?) Mà đặc biệt là người ta huênh hoang, phè phưỡn… bới chuyện ra nhậu ở đình làng cho nó thiêng, hãnh diện là làng ta có thuần phong mỹ tục. Mặc cho dân làng bán vợ đợ con để trả nợ!
Đặc biệt là các ông lớn chỉ nhổ nước bọt rồi xoa tay ngồi cao! Chẳng ông nào có cổ phần trong cái hội duy trì và phát triển thuần phong mỹ tục này!
Các Mác dạy (!) làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu! Nhưng có ai hỏi: khả năng anh hạng bét mà sao nhu cầu anh nhiều thế… thì không trả lời. Các quan im lặng làm lơ có ai thèm trả lời những câu hỏi không thông minh, không thông suốt đường lối và không được trên thông qua!
Tôi đi qua đường xưa lối cũ thì không còn thấy dấu vết của ngõ Cấm Chỉ! Tôi đâm ra nghi ngờ: Người ta đã nợ quá nhiều, những món nợ quá lớn, ai mà đi qua lối cũ để bị đòi, bị chỉ!
Con người thật là chóng quên! Lại càng chóng quên những ân nghĩa mà mình đã thụ. Ngày nay các bà lớn về thăm quê. Giầy cao gót làm sao qua cầu khỉ để thăm một người mà mình đã thụ ơn!
Các Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng đã từng nuôi các ông lớn hồi xưa ăn dầm nằm dề ở nhà mẹ! Nhưng ngày nay người ta hô hào nhân dân góp tiền, xây nhà… cho mẹ! Chẳng có ông lớn nào đón mẹ về nhà phụng dưỡng mẹ cho bõ công lao bú mớm! Tôi nghĩ thăm nom thường cũng hiếm nữa, trừ phi… quay phim quảng cáo tấm lòng hiếu thảo! Nếu có mẹ nào chỉ mặt nói: Thằng chó, nhờ có hồi đó tao nuôi kỹ nên mày mới có ngày nay! E rằng khúc phim đó sẽ bị cắt!
Thế mới hay, chỉ một ngón tay ra đâu… có dễ! Bà cố nội có sống dậy bảo chỉ… cũng… không có ai dám!!!
Chân Diện Mục
THẰNG ĂN MÀY
Ăn mày là ai , ăn mày là ta
Đói cơm rách áo hóa ra ăn mày
Tôi có anh học trò, mỗi lần ngồi với tôi (lúc này anh ta đã khá giả), có người ăn mày đi qua, thế nào anh ta cũng gọi lại cho tiền, cười nói: khi người ta khi mình! Không hiểu đó là một câu nói diễu chơi, hay phóng khoáng, hay đạt đạo!
Ăn mày có phải là hạng người đáng khinh không? Nhà Nguyên Trung Quốc rất khinh những người học Nho nhưng còn xếp trên hạng ăn mày. Nguyên chia dân chúng ra làm mười giai cấp: hạng tám: đĩ; hạng chín: Nhà Nho; hạng mười: ăn mày!
Sau này ta được học dân chủ (!) không gọi họ là ăn mày nữa mà gọi là người hành khất.
Ông Turguenev gặp một người hành khất, ông ta móc hết túi trên túi dưới, không tiền, không cả cái mùi xoa, bèn đưa tay ra bắt: người anh em, tôi không có gì cho người cả. Người hành khất bắt tay và nói: Người anh em, thế cũng là một cách làm từ thiện rồi. Họ dân chủ, chứ ta mãi sau này vẫn gọi thằng ăn mày, thằng bung xung, thằng mõ…!
Chó đâu chó sủa chỗ không
Chẳng thằng ăn trộm cũng ông ăn mày
Gọi ông chơi cho vui chứ ông này bà kia gì !
Lê Thánh Tông viết tào lao: Thằng ăn mày, thằng bù nhìn, con chó đá, cái cối xay, cái chổi, con có … là diễu chơi (đời sau mạo tác) chứ nhà vua đâu có ngạo đời, coi khinh quần thần, và… tự diễu mình như thế! Cái ông vua tào lao này còn sống tới ngày nay chắc bị… đảo chánh quá!
Ngày nay người ta ăn mày quá khứ, tối ngày kể chuyện hào hùng trước kia (kể cả tưởng tượng, hư cấu) để thiên hạ sợ chơi! Đồng thời người ta lại ngửa tay xin tiền viện trợ của nước khác (?). Chuyện trong nhà thì phá hoại, chuyện đi xin thì giỏi giang lắm (!) Thế mà vẫn dương dương tự đắc: Trước kia ta quét lá đa ở chùa, bây giờ ta sang cả. Người ta đua nhau tới đút cho ta ăn chứ ta ăn mày ai! Thực ra thì ăn mày đủ thứ: Ăn mày địa vị, ăn mày bằng cấp, ăn mày danh hiệu. Chuyện thường thôi!
Việt Nam tôi xếp hạng mấy về chỉ số lạc quan, đáng sống nhỉ? Của đáng tội, tôi thấy nay không hơn gì xưa (!)
Dân Việt Nam vẫn chia làm ba hạng: Con cóc, thằng bù nhìn, thằng ăn mày!
Chân Diện Mục
Đăng ngày 30 tháng 11.2017