banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

KHÔNG LÀM CHÍNH TRỊ

chan dien muc 
Chân Diện Mục

Cái tư tưởng này có âm ỷ từ lâu ở miền Nam nhưng phát triển mạnh, phát triển công khai từ 1964 ở đầu môi của rất nhiều người: Chuyện chính trị chính em… không làm.
Cái này nó cũng có nguyên do của nó. Của đáng tội, nhân dân đã bị các Chính trị gia… lừa nhiều lần rồi. Họ hứa đủ thứ, nhưng cuối cùng chẳng có gì. Thật khốn khổ cho dân Việt tôi! Người ta đồng hóa chính trị với quyền lực, chỉ huy dân chúng (?) Người ta đồng hóa chính trị với đảng phái, với hội đoàn, mặt trận…
Dân Việt đâu biết rằng đóng thuế hay trốn thuế là thái độ chính trị. Sinh viên xuống đường biểu tình tự phát là mần chính trị đó! Viết một bài báo bày tỏ ý mình là làm chính trị. Thậm chí không ngó ngàng gì đến non sông, đất nước, bất công… cũng là một thái độ chính trị vậy: Nhân dân đừng có no, để nhà nước no…! Trước đây người ta từng tranh cãi về lập trường:
- Bạn đúng là người không có lập trường
- Ừ! Lập trường của tớ là không lập trường!!!
Ôi! Nếu hiểu theo như đa số nghĩ thì Lưu Hiểu Ba không có lập trường. Đỗ Giai và Ngải Vệ Vệ không làm chính trị… Thế thì sao Lưu Hiểu Ba tù mút mùa, không được đi lãnh giải Hòa Bình! Đỗ Giai và Ngải Vệ Vệ bị bao vây, gần như là giam lỏng (!)
Bình thường một người không làm thì sẽ đói liền thôi! Thế thì xuống đường đòi việc làm, đòi trợ cấp, đòi công bằng, đòi nhà nước phải minh bạch mọi chuyện là… làm chính trị chăng?
Nhiều người bị tù đày mút mùa, làm cực khổ và ăn uống thiếu thốn nhưng khi ra tù thì hốt nhiên tỉnh ngộ. Người ta nói đời là giấc mộng, oan gia nghi giải bất nghi kết. Hãy xóa bỏ, buông xả để tìm an lạc. Đây là một thái độ quân tử hay đạt đạo? Đây là một thái độ bao dung hay từ bi? Nhưng rất nhiều trong số họ: Làm từ thiện cũng phải xin phép! Giúp đỡ bạn xưa cũng phải xin phép! Đi thăm mộ đồng đội cũ cũng phải xin phép! Vậy bao dung, từ bi là kiên nhẫn đợi đơn xin của mình được chấp nhận, hay trở về nhà tụng kinh niệm Phật!!!
Ngày nay người ta đang toàn cầu hóa. Người ta đang tìm cách chinh phục và lên sống ở cung trăng, sao hỏa.
Vậy thái độ khoan dung hỉ xả trong chính trị là như thế nào
Các cường quốc họp để quyết định số phận nước mình, thậm chí chia nhỏ nước mình ra mà mình không được mời tham dự, không được lên tiếng… thì mình có tủi thân không?
Các cường quốc chiếm các hành tinh khác… rồi xẻ thịt chia phần (dĩ nhiên không có phần mình)… thì ta có thèm thuồng, mơ ước miếng xôi thịt giữa ngôi đình trên hành tinh đó không?
Vậy không làm chính trị thì làm sao có “tiếng nói", được “nể trọng"… và có… “phần xôi thịt".

tháng 4-2017
Chân Diện Mục


BIÊN GIỚI HÒA BÌNH

A ha! Tôi vô tiệm sách: Thấy tràn ngập sách Tung Hoành của Tầu Khựa. Yến Tử Mưu lược Tung Hoành, Mặc Tử Mưu Lược Tung Hoành, Tôn Tử Mưu Lược Tung Hoành, Trang Tử Mưu Lược Tung Hoành, Quản Tử Mưu Lược Tung Hoành, Tuân Tử Mưu Lươc Tung Hoành, Mạnh Tử Mưu Lược Tung Hoành, Lão Tử Mưu Lược Tung Hoành, Hàn Phi Tử Mưu Lược Tung Hoành! Sao mà đã con mắt. Đã luôn… lỗ tai, và muốn lớn tiếng chửa cha hắn cho đã! Đem cái mưu lược này về mà tung hoành ở những nước mê tín Các Mác quá khích, và tung hoành tàn sát ở Tân Cương, Tây Tạng!
Ờ, mà sao lại lôi kéo cả Mặc Tử, Trang Tử, Lão Tử, Mạnh Tử vào cái trò tung hoành giết người này nhỉ?
Trước khi viết bài này tôi phài khai vị một chút nó mới ngon… Thực ra trước khi cầm bút, tôi muốn nói chuyện Hòa Bình. Nhưng tôi chỉ là một tên giáo làng ở nơi hẻo lánh, có đi đến đâu.
Nhờ lên mạng tôi được coi cái biên giới Bỉ và Hà Lan. Ôi! Nó chẳng có đồn bót, chẳng có kiểm soát, hỏi giấy… Nó chỉ có một cái vạch vôi hay sơn đơn sơ chéo qua con đường. Thật là một cái biên giới rất ư là… hòa bình. Ôi! Biết bao giờ nước tôi mới có cái biên giới hòa bình thế nhỉ? Biết bao giờ? Biết bao giờ? Cái này dễ thôi mà, chẳng cần nghiên cứu khả thi… vì chỉ cần một thùng vôi hay sơn mà thôi!
Mời các bạn tới tham quan và… khóc vì tủi nhục!
Trở lại vấn đề chiến tranh hay hòa bình. Muốn hòa bình thì phải có chiến tranh? Vậy cái tiêu chí: Trỗi dậy hòa bình của nước kia là: Trỗi dậy chiến tranh để hòa bình sao?
Nhức đầu quá!
Lôi ông Lịch sử ra làm chứng chút coi.
Người ta phát động chiến tranh để no ấm, thêm đất,tiến bộ hơn người, và… hòa bình?
Xưa Tần đánh Giao Châu là tìm hòa bình chăng?
Mã Viện, Cao Biền Nam tiến là tìm hòa bình chăng?
Cột Đồng Trụ là biểu tượng hòa bình chăng? Hòa Bình sao nó biết đi (?) và ngày nay chẳng ai thấy nó (ngày nay lâu lâu người ta lại nhổ cột mốc biên giới rồi trồng lấn qua đất bạn: cho cái biểu tượng hòa bình này nó… sinh động một chút). Cái tên Mã Viện này trên đường Nam tiến, gặp một ngọn núi chắn ngang, hắn bèn giương cung lắp tên… làm một phát: ngọn núi toác làm hai, thế là hắn có dường qua phương Nam, ngày nay vẫn còn (?). Dân chúng ở đó gọi ngọn núi là Mũi Tên Mã Viện! nay còn ở Quảng Tây.
Hành động, lời nói và kể lại cho con cháu… sao chẳng thấy có mùi vị hòa bình gì cả (?)
Ở Phương Tây: Muốn hòa bình thì Phần Lan phải chống Nga. Ở Kaschemire thì Ấn Độ và Pakistan cũng phải đổ máu. Ở vùng Alsace thì Pháp và Đức kiên trì tranh đấu, không đổ máu nhưng thằng Pháp không ngừng mấy chục năm di dân… rồi trưng cầu dân ý chứ có hô hào suông đâu, vậy không đổ máu nhưng cũng đổ mồi hôi, trí lực. Anh Ba Tầu thì đâu có dư hơi trà mà làm những chuyện trời ơi đất hỡi như thế! Anh ta có truyền thống tham lam từ xửa từ xưa. Anh ta tàm thực, tàm thực… viễn giao cận công. Anh ta tham lam đê tiện giống như kẻ kia ra chợ, thấy cái gì cũng thích… cái này tôi ăn được, cái này tôi xài được… rồi thản nhiên bỏ vào túi mình?
Cái truyền thống này kéo dài cả ngàn năm khi ta thấy nông dân trồng chuối, trồng tre ở giáp ranh. Ai mà không biết bụi chuối, bụi tre nó… đẻ con! Ấy thế mà người ta làm được dù phải chửi rủa thậm tệ và đánh nhau vỡ đầu (muốn biết tình làng xóm của con cháu Mao Trạch Đông như thế nào, xin mời xem: Chân dung người hàng xóm của Dương Thu Hương)
Ôi! Họ chiếm núi, chiếm thác, chiếm suối, chiếm sông… chưa đã… họ còn vác thần linh, anh hùng đi chiếm đất nữa! Họ viện trợ xây dựng những đền Khổng Học, dậy chữ nho và Khổng Học miễn phí cho nhiều nước (dù trước đây Hồng vệ binh, Hồng tiểu binh đã gọi Khổng Tử là Ác Ma). Dĩ nhiên có dậy học thuyết Mao Trạch Đông! Nhiều nước đã ơ hờ, tẩy chay… nhưng nhiều nước cương quyết đóng cửa, đuổi về vì dạy học thuyết Mao.
Trước đây tôi có viết bài Bỉ Trung Luận để chống lại Thoát Trung Luận. Chừng nào ta còn khinh bỉ họ thì họ không ràng buộc được ta.
Xin đừng ca tụng anh hùng Trung quốc, danh nhân Trung quốc! Xin đừng khoái những ngạn ngữ, tục ngữ của họ.
Xin đừng nghe những tư tưởng Xô Vanh của họ. Xin đừng nghe những lời dụ khị đường mật của họ
Khi nào ta có một đường biên tư tưởng rõ ráng, dứt khoát giữa ta và họ thì mới có hòa bình. Phải xác định họ không hơn ta.
Ông Trump làm đường biên giới với Mêhico rất là tốn kém.
Ta làm một đường biên để chống lại những tư tưởng độc hại… thì khó hơn nhiều! Dù lao tâm khổ tứ đến mấy ta cũng phải xác định biên giới tư tưởng giữa ta và họ.
Đây không phải là "định phận tại thiên thư"
Ta phải đứng vững trên đôi chân và ý chí, tư tưởng của mình .

tháng 4-2017
Chân Diện Mục


CHIẾN TRANH VÀ TIẾN BỘ

Chiến tranh đưa tới tiến bộ?
Một câu nói nghe ngứa tai! Nhưng thực ra chiến tranh đã giúp loài người phát minh ra nhiều thứ lắm.
Chính vì người ta phát minh ra thuốc nổ, bom đạn… rồi sau đó người ta phát minh ra phân hóa học. Người ta chế ra cái xe tăng, rồi người ta chế ra máy cầy, xe ủi. Người ta chế ra con tàu viễn dương khiến lính thủy xa bờ năm sáu tháng, ghẻ lở đầy người, thế là sinh tố A,B,C,D... ra đời.
Chính chiến tranh đã tạo ra tính kỷ luật, tính hợp đồng tác chiến cao. Điều này giúp cho kinh tế nhiều lắm. Nhật và Đức tuy bại trận, nhưng phục hồi rất mau vì tính kỷ luật và tính hợp đồng cao của họ.
Tôi nghĩ hồi xưa cũng thế thôi. Xưa người ta đánh nhau bằng cành cây, hòn đá… cái bồ cào (cái bồ cào của Trư Bát Giới bằng cây chứ không phải bằng sắt đâu. Phát minh ra sắt đã khiến cho các bộ lạc “hiếu chiến“ bá chủ thiên hạ. Quý vị thấy đấy, những kẻ bá chủ đã cho ra những cây gươm “chém sắt như chém bùn“. Đúng quá đi thôi. Tại sao tích là thiếc, còn thiết là sắt? trong khi người Việt miền Nam phát âm thiết cũng như thiếc? Trong bản thảo cương mục thì người ta ghi chì thiếc lẫn lộn mà họ gọi là Cổ Tịch Biệt Danh? Ôi! Nếu đem sắt mà chém vào chì thì cũng như chém bùn chớ bộ (!)
Chiến tranh ngày nay thì siêu đẳng, giựt mình, lé mắt. Sao người ta lại thông minh, khôn ngoan đến thế. Đỗ Phủ mà còn sống, thấy chiến tranh ngày nay khiến ngài vừa cảm phục lại vừa ngậm ngùi…
Ngày nay sinh viên đã được học những gì? Ngày nay người ta tuyển những kẻ thông minh nhất vào chế tạo vũ khí, hòa đàm, gián điệp. Chỉ những hàng dạt mới dạt vào nông nghiệp, công nghiệp (!?)
Mai mốt, thế kỷ 22, thế kỷ 23, những người không đất sống sẽ lên định cư ở cung trăng, sao hỏa… làm sao họ quên cảm ơn những kẻ ôm mộng chiến tranh giữa các vì sao…
Nếu không có chiến tranh thì làm sao người ta mở rộng biên cương, tiến lên cường quốc. Nếu không có chiến tranh thì làm sao người ta thực dụng, duy lợi đến đau lòng: Nay bạn mai thù, miễn sao tiến lên cường quốc!
Anh và Pháp đi khắp nơi cướp của giết người làm cho nước họ phồn vinh (giả tạo)
Chỉ có Paris và London giầu có trong khi dân họ chưa giầu (?) Nhưng cái sự ăn tiêu phè phưỡn ở thủ đô làm vung ra những hạt rơi, hạt rụng, và mấy chục năm sau, trăm năm sau… những nước này trở thành phồn vinh thực sự (!)
Hà Lan và Đan Mạch là những nước hiền khô, chuộng hòa bình. Nhưng trước đây Hà Lan từng theo đuôi Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha tung hoành trên các mặt biển cướp của và giết người. Đan Mạch và Na Uy đã phóng những đoàn Viking ra biển giết người như giết cá! Ngày nay hai nước này là những nước rất tiến bộ, rất dân chủ và yêu chuộng hòa bình!
Việt Nam đã từng ôm mộng Bá Chủ Đông Nam Á, nhưng… ông thần chiến tranh chưa… ngó tới!
Đ. M. Cái ông thần này tôi không biết nên gọi là thần Thiện hay thần Ác!
Nhưng trước mắt (2017) ta phải chọn lựa: Chiến Tranh hay Hòa Bình!
Dân đen dĩ nhiên là chọn Hòa Bình rồi.
Những kẻ lừng khừng, trung lập thì muốn Hòa Bình mà không… tủi nhục!
Nhưng còn những kẻ đang hưởng lợi thì sao?
Đợi hạ hồi phân giải.

tháng 4-2017
Chân Diện Mục


TRUYỀN THỐNG HAY CHUYỀN TAY

Rất nhiều nước đang hãnh diện và hô hào giữ gìn truyền thống của nước mình. Nhưng nhiều nước khác, đa số là rừng rậm, sa mạc, hải đảo chỉ tự hào về săn bắn, đánh cá và du lịch… và chẳng hề khoe khoang về quá khứ (!)
Người Đan Mạch, Na Uy, Anh Quốc chẳng hề khoe khoang về quá khứ Viking cướp biển. Trung Đông có anh Abu Dubai không nói chuyện truyền thống. Hồng Kông và Singapore chẳng thích thú khi người ta bảo tổ tiên chúng mày chỉ là những phu khuân vác bến tầu. Brunei lập quốc với đa số là người Ấn Độ và Mã Lai. Malaysia là những người Tầu lai và quá khứ của họ chỉ có cao su, dầu cọ và thiếc. Các Đảo Quốc Malta, Malorca, Cap Vert ngày nay rất giầu đẹp và tiến bộ, nhưng không phải tổ tiên họ truyền cho nghề làm du lịch. Tất cả những nước trên đây đều giầu đẹp, văn minh và cái mà họ có không phải do trời mà cũng không phải do tiền nhân.
Ngày nay có những nước lớn họng hò hét. Ca tụng tổ tiên tới trời! Ca tụng truyền thống tốt đẹp hơn hẳn các nước khác.
Nực cười thay và cũng khốn khổ thay, hai nước văn minh lâu đời Trung Quốc và Việt Nam lại là hai nước tồi tệ nhất!
Trung Quốc là cái gì nhỉ? Họ có truyền thống coi mình là văn minh, là trung tâm, khinh bỉ và tiêu diệt các nước chung quanh. Dẫm đạp người, coi người là man di, và đi đến đâu thì cướp sạch, giết sạch, đốt sạch!
Cái trò dẫm đạp Tây Tạng, Tân Cương dĩ nhiên là truyền thống của họ rồi (?) Giết chồng hiếp vợ (sát phu hiếp phụ) là truyền thống chăng? Thấy của tối mắt lại là truyền thống chăng? Âm mưu sâu độc kiểu Chiến Quốc sách là truyền thống chăng? Cái truyền thống này quá rực rỡ (?) nên họ dậy con phải nối nghiệp nhà, phải làm rạng rỡ tổ tông! Họ dậy con bắn cung ra bốn phía (tang bồng hồ thỉ) chỉ là dậy con cháu đi… ăn cướp!
Tám nước tàn sát Bắc Kinh, người Tầu quá hèn hạ, vô liêm sỉ, không lo nghĩ kế hoạch tương lai mà lo nghĩ làm món chuột bao tử làm sao cho ngon!
Thời Lý có truyền thống cầu quỷ thần, sấm ký, vẽ bùa… của các Pháp sư.
Thời Trần có truyền thống nhẩy cà tưng, trang điểm, làm điệu bộ. Thờ đức Cha Trần và đức mẹ Liễu Hạnh. Cái trò lên đồng này, buồn thay nó lưu truyền dai dẳng mãi. Nhục nhã thay đến tận ngày nay mà nhiều nhà lập thuyết lớn tiếng hô hào bảo tồn và quảng bá vì nó là tôn giáo của Việt Nam (!) chứ không phải nhập cảng từ Tầu và Ấn Độ! Học hành như thế thì đúng là thiên hạ đệ nhất trí thức!
Ở Mỹ có ngôi trường xây bằng đá rất đẹp, rất cổ kính, có lẽ từ 200 năm, họ rất hãnh diện vì ngôi trường cổ kính này. Nhưng ngày nay ở Cần Thơ họ cũng hãnh diện vì ngôi trường Phan Thanh Giản. Thực ra thì lúc đầu, thực dân xây một ngôi trường sơ học, rồi tiểu học, rồi College de Cần Thơ (dĩ nhiên đa số giáo viên là ông Tây bà Đầm) Học sinh thời này cũng chẳng tôn sư trọng đạo như ngày nay người ta tưởng!
Tôi không hiểu ở miền Nam người ta kính trọng các giáo sư người Pháp như thế nào? Nhưng ở miền Bắc nhiều học sinh gọi thầy cô là thằng Tây, con Đầm! (tôi nhớ có một học sinh ưa phá phách. Hắn không thuộc bài, bị gọi lên thì ấp úng hoài, rồi giả vờ rớt cây viết xuống, cúi xuống nhặt: Tờ rố đờ lông! Cô giáo nhằn: bài ngắn chứ đâu có dài mà than. Hắn lại rớt viết, cúi xuống nhặt: Tờ rố đờ lông! vì cô giáo mặc váy rông và ngắn! Cả lớp cười ồ. Cô giáo lại tưởng thằng này nói tiếng Tây sai)
Sau 1954 các sinh viên di cư vẫn gọi các giáo sư là thằng này thằng kia, chẳng có chút nào là tôn sư trọng đạo!
Các bạn có thể nói tôi yếm thế, tô đen… xuyên tạc.
Nhưng nếu tính bổ đồng thì có lẽ 100 học sinh chỉ có:
10 học sinh phá phách
40 học sinh thụ động, không ý kiến
40 học sinh quý mến và nể thầy
10 học sinh tôn sư trọng đạo… lấy thầy làm gương… nhớ ơn thầy

Trở lại ngôi trường Phan Thanh Giản Cần Thơ. Mãi tới khoảng 1958 (?) thời cụ Diệm ngôi trường mới được đổi tên là trường Phan Thanh Giản. Như vậy là ngôi trường Phan Thanh Giản có truyền thống chưa được 60 năm (!?)
Các bạn có thể nhớ ngôi trường cổ kính rêu phong, nhớ đường đi đến trường, nhớ tà áo đẹp dưới hàng phượng rơi hoa đỏ… Nhưng nếu các bạn nói truyền thống 100 năm thì tôi… hơi bị… không đồng ý.
Ngày nay trường Châu văn Liêm có truyền thống… Các Mác chăng ???
Cái truyền thống nịnh hót của Việt Nam thì số một: Người Pháp tới thì Uẩy me sừ, người Nhật tới thì Ô hai ô gô dai ma sư, người Mỹ tới thì ngửa tay xin đô la!
Cái trò đề bảng hiệu gia truyền trước cửa nhà đúng là con nuôi của truyền thống! Thuốc cam bà Lang Trọc có thể là gia truyền, chó rựa mận, bún ốc gia truyền cũng được đi. Nhưng những món ăn từ Âu Mỹ, những nghề từ thế kỷ 20 mà cứ xưng là gia truyền thì cũng lạ. Cái này không phải là "truyền thống" mà là "truyền tay"!
Ta huênh hoang nói đi tắt đón đầu các nước văn minh, nhưng ta chỉ láu cá vặt chuyền miệng chuyền tay cái trò tráo bài ba lá!
Biết bao giờ ta bỏ tính tham lam, gian mãnh, thiển cận nhỉ!
Ta nói ra biển lớn, nhưng không biết ngoại ngữ, không cầu thị một cách đứng đắn, không chịu dựa cột mà nghe, cứ cho mình là nhất thì bao giờ mở mắt ra được!
Ôi! Ra biển lớn với cái bộ dạng tô hô như thế, thì có khác nào triển lãm cái ao nhà cho thiên hạ bái phục !
Ta về ta tắm ao ta
Dù trong dù đục ao nhà vẫn... dơ!

tháng 4-2017
Chân Diện Mục

 

Đăng ngày 24 tháng 11.2017