ĐẦU NĂM NÓI CHUYỆN 12 CON GIÁP

chan dien muc
Chân Diện Mục

Tôi cầm bút lên mà chả nghe thấy tiếng gà gáy! Ông Trump thì gáy quá lớn rồi (!), nhưng xứ tôi thì im re! Không phải họ không thích gáy mà có lẽ họ còn đang nghe ngóng: phía bên kia Đại Dương là tiếng gáy của loại gà nào? Gà lôi, gà sao hay gà ác???
Những lời tôi đây chỉ là tiếng thủ thỉ với bạn tâm tình thôi! Nào phải tiếng gáy!
Mặc dầu năm nay là năm Đinh Dậu! Nhưng con gà Việt Nam “chẳng là cái đinh gì cả“, tôi muốn mọi người hãy ngó tới Việt Nam chút chút… chơi!
Ôi! Sao họ không coi Việt Nam ra cái gì! Từ các ông Granet, Danse, Legge… cho tới Kim Định, Bình Nguyên Lộc đã đề cao Việt Nam (đề cao đích thực chứ không cường điệu, khoa trương…) nhưng những người mù và điếc vẫn coi Việt Nam là chư hầu, là bản sao của Trung Hoa! Tôi truyền đời cho những người ngu đần này đi kiếm thầy giỏi để vỡ lòng cho (không phải mổ bụng, đau đớn gì đâu!)
Những bài trước đây tôi đã nói về âm dương, ngũ hành, toán số, thuốc men Trung Hoa, nó chẳng ra cái gì cả (nhiều vị còn nói âm dương, ngũ hành của tộc Việt )
Hôm nay, ngày Xuân, tôi nói chuyện 12 con giáp chơi!
Mười hai con giáp này không biết có từ thời nào?
Coi danh hiệu các vua nhà Thương thì cũng thấy là thập can không biết có từ thời nào, vì ta thấy Tổ Giáp, Tổ Đinh, Thái Mậu, Bàn Canh… thật là lung tung chẳng ra phép tắc gì cả!
Mười hai con giáp thì nhiều tộc người miền núi Bắc Việt không giống đồng bằng. Có tộc có tuổi con chí! Có tộc có tuổi con người! Vậy không biết các tộc này hay người miền xuôi hay Tầu “phát minh“ ra thập nhị chi???
Thì cứ coi như Việt Nam và các tộc này biết chữ Hán và văn hoá Tầu đi! Nhưng tên 12 con giáp viết ra chữ nho không hề giống với tên của nó trong Hán tự ngày nay!!!???
Có mỗi một con mèo là phát âm hơi hơi giống: Mèo = Miêu = Mão. Nhưng người Tiều lại bảo Mão là tuổi con thỏ (!)
Tôi đặc biệt thắc mắc với cái tuổi con ngựa! Người ta không viết chữ Mã, mà viết chữ Ngọ (như 11 con kia cũng viết lung tung). Nhưng sao tôi thấy chữ Ngọ này viết hơi giống chữ Ngưu, chỉ thiếu cái trồi đầu! Chà! Cái này cũng hơi gay khi ta biết âm xưa biến đổi liên miên. Vậy thì Ngọ, Ngựa, Ngưu là đồng âm đích thực rồi! và nó biến đổi úm ba la như thế nào khi xếp vào 12 con giáp!
Nghe mấy con vật phát ngôn nhân lúc hội nhau (của Xuân Sách) ta thấy nhiều phần đúng và vui tai:
Chuột: Ta đục khoét khắp nơi, nhưng thường bị phát hiện vì không biết thu gọn sạch sẽ.
Trâu: Ta làm ra thóc gạo nhưng lại nhai rơm mòn cả răng.
Hổ: Ta cuỗm cả con lợn, không ai dám đụng, còn thắp hương cúng vái.
Mèo: Còn tôi trộm miếng mỡ vụn bị đòn chí tử.
Ngựa: Ta chịu bao nhiêu thiệt thòi vì ruột ta thẳng…
Tôi thường thấy người ta khen con này thông minh, con kia đem may mắn tới… nhưng không thấy ai khen con nào đẹp! Nhìn chữ Mỹ là đẹp trong Hán tự, ta thấy có bộ Dương! Hẳn nhiên các cụ coi con dê là đẹp! Nhưng ta không thấy các mỹ nhân trang điểm và đi đứng giống con dê! nhất là dê cái: vú nó to và dài sát đùi sau, khi đi vú cứ đập vào đùi! Tôi chẳng thấy đẹp chút nào cả???
Năm khỉ đã qua. Cái trò con khỉ nên vứt quách đi cho rồi! Và cái cười nữa. Con khỉ là con vật duy nhất biết cười (?). Nhưng… cười như khỉ thì cũng nên cho qua luôn!
Con gà đã tới kêu lên, cục tác lên, ó o lên.
Con gà tượng trưng cho siêng năng… nhưng cái bươi móc, cào cào, tranh ăn thực là phá hoại nhiều hơn xây dựng (!). Tôi cũng không thích bà gà mái đẻ trứng vàng! Vậy thì tôi thích anh gà trống chăng? – Anh ta chỉ đẹp mã thôi chứ có nên tích sự gì đâu? Nhưng anh ta phát ngôn… thì cũng khoái lỗ tai đấy nhỉ???
Trong khi các con khác trong sân kêu
Gì thế! Gì thế!
Đâu! Đâu! Đâu!
Khiếp! Khiếp! Khiếp!
Vừa đau vừa rát! Vừa đau vừa rát!
Thì chàng gà trống mãn nguyện và gân cổ lên:
Ở đời có thế mà thôi!!!
Mồng 8 – giêng – Đinh Dậu
C.D.M.


 NGÔNG

Thời của Ngông đã qua rồi?
Ngày nay người ta trọng những người thực tế, thực dụng, bương trải, nhạy bén, hoà nhập… giống người ta…
Người ta rất ghét những người cao ngạo, tự đại, phách lối, kiêu căng… Nhưng ngông không phải thế… Ngông có cao ngạo chút xíu! Ngông có đề cao mình, nhưng đề cao… bướng, đề cao chơi… chứ không đề cao mình mà hạ thấp kẻ khác!
Tôi rất thích những người ngông! Nhưng bây giờ hình như loại người đó bị chê là cao ngạo, tự đại, người hâm, người khùng… những người đi ngược với thời gian kiểu người âm lịch!
Tô Đông Pha viết:
Đãn nguyện tử tôn ngu thả độn
Vô tai vô hại đáo công khanh
(Chỉ nguyện con cháu ngu và đần
Không tai hoạ, hoạn nạn, làm nên công khanh )
Không kể là ngông! Thậm chí có kẻ còn cho là ông mỉa đời, cay cú!
Tản Đà rất ngông! Nhưng ngông kiểu đó… xưa rồi Diễm! Muốn gánh thơ lên bán chợ trên trời, muốn hỏi cưới Hằng Nga, Chức Nữ! Đọc thấy khoái, thấy cười, nhưng mà… chưa đã!!!
Ngày nay người ta ngông hơn nhiều! Tôi không muốn nói đến cách chơi ngông như: nuôi hổ, gấu trong nhà! Xây biệt thự trên đèo Hải Vân! Mở quán cà phê hàng trăm triệu đồng một ly!!!
Tôi chỉ nói đến cái ngông của văn thi sĩ thôi, Cái ngông nói bướng mà chơi! Không hại ai! Những người này thuộc đủ mọi thành phần, thành công hay thất bại, giầu hay nghèo .
Tú Xương, Tú Mỡ cũng ngông, nhưng đọc… chưa đã!
Học Lạc (có học hẳn hoi, đó là Học sinh, có chữ nghĩa Thánh Hiền) khi cúng Đình, đem tới một mâm xôi trên đề hai chữ “thằng Lạc“. Tuy đã khá ngông nhưng không đã bằng những bài thơ bây giờ, tung lên mạng, khắp năm châu được đọc và ái mộ!
Bùi Giáng ngông nghênh, tự xưng là trẫm, nhưng thơ của ông chưa ngông tới bến, kể cả bài ông viết về Phật và Đạo Pháp:
Phật ngồi dưới gốc Bồ Đề
Tiên nương quỳ gối tóc thề chấm vai
Thưa rằng Phật thực là tài
Thấy mà như đã từ ngoài vào trong.
Lê văn Chính sống qua nhiều triều đại: từ Triều Pháp, tới Triều Ngô, Triều Cách Mạng. Về già ông sống tại Sài Gòn. Cuộc sống đạm bạc, nhưng cái ngông của thế hệ này rất đáng phục và đáng yêu…
MUỐN ĐỂ RÂU
Chẳng sợ đời ban một chữ D
Sợ cằm tua tủa mép lê thê
Gái phô bộ ngực trông ra phết
Già thiếu hàm râu kể cũng ê
Họ đếch ra hồn nên chúng mỉa
Mình đừng xấu máu có ai chê
Năm nay để thử vài ba sợi
Chẳng giống Quan Công cũng giống hề.
CỢT VỚI MA (Femme)
Cú rũ ngồi như chó giữ nhà
Nhà còn chi nữa ngoại trừ ta
Mấy năm toạ thực, tiền không cánh
Một cuộc tang thương, chuyện quá đà
Tủ kính âm thầm đi chẳng hẹn
Bàn thờ nấn ná ở… may ra
Thần tài đã kí tờ ly dị
Thì tớ làm thơ cợt với Ma.
Đến như ông Thái Quốc Mưu thì đúng là ngông thứ thiệt. Ngông nghênh, nghênh ngang như cua mà có duyên đáo để. Ngông ngạo đời mà thấm thía lắm.
ĐỊA PHỦ DU
Nhận thiệp Diêm Vương khẩn khoản mời
Thôi thì… nhân tiện xuống thăm chơi
Hai hàng ngạ quỷ dàn nghênh đón
Mấy đám quan tham thấy rụng rời
Trộm cướp nhóm bầy xanh ngắt mặt
Nhà tu từng lớp nín khe hơi
Âm ty chẳng khác chi nhân thế
Cũng lắm hoa thơm lắm bọ giòi.
NGÔNG
Họ bảo rằng ta kẻ dại ngông
Ngông thì thừa mứa, dại đầy hông
Miếng mồi danh lợi đê mê chúng
Hai tiếng thuỷ chung ngán ngẫm lòng
Cất bút nghênh thơ, thơ hụt hẫng
Ôm đầu chọn tứ, tứ lòng vòng
Trăm bầu rượu cạn cùng thi hữu
Say khướt kéo bè đi đái rong.

Chân Diện Mục

 

Đăng ngày 09 tháng 02.2017