banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Cuba si, Cuba no

Từ Thức

Với cáí chết của Fidel Castro, Cuba trở thành vấn đề thời sự. Một ông bạn kiếm được, và gởi lại, một bài viết về một chuyến đi La havane thời Cuba vừa mở cửa. Tôi chuyển quý vị và quý bạn dưới đây, đọc chơi hay sử dụng tùy hỷ, vì thấy bao nhiêu nước đã chẩy dưới cầu, bài cũ, nhưng vấn đề của một xứ độc tài "xã hội chủ nghiã" vẫn không có gì thay đổi. Và Cuba, trên nhiều khía cạnh, giống y chang như VN, nhiều chuyện dở cười dở khóc.  TT

Mới đến La Havane (La Habana), thủ đô Cuba ngày đầu, chạy một vòng trên những con lộ chính, bạn ngạc nhiên thấy một thành phố sạch sẽ, tấp nập với những ngôi nhà kiểu Y-pha-nho cổ kính, đầy thẩm mỹ. Đâu là cái nghèo đói của một xứ đang phá sản mà báo chí Tây Phương mô tả, khi đề cập đến xứ của Fidel Castro? Hay Charles Aznavour có lý : “La misère serait moins pénible au soleil” (cái nghèo đói dễ chịu hơn dưới ánh sáng mặt trời.
Ở La Havane vài ngày dần dần bạn hiểu cái khang trang, sầm uất ở những nơi có du khách chỉ là bộ mặt bên ngoài che không nổi một xã hội lở lói, mệt mỏi. Những ngôi nhà kiểu thuộc địa đã làm La Havane nổi tiếng, được coi là kho tàng của nhân loại, đáng được tích cực trùng tu, là do sự bảo trợ của Unesco và do tiền của du khách đổ vào. Fidel Castro cần tiền, hiểu rằng du lịch là mối ngoại tệ chính, có thể cứu vãn chế độ, đã trao toàn quyền việc chỉnh trang cho ông Camilo Cienfeego, một kiến trúc sư đầy nhiệt thành, hết lòng với La Havane, quyết tâm xây dựng lại một thành phố đang đổ nát. Đó là một trường hợp “the right man in the right place” hiếm hoi. Tất cả những chức vụ khác đều nằm trong tay những người có tuổi đảng, được ông Lider Máximo (lãnh tụ tối cao) tin tưởng. Hồng hơn chuyên, khả năng chuyên nghiệp chỉ là một chi tiết rất phụ thuộc.

ĐỔ NÁT
Khi bạn chịu khó rời những con lộ chính, những khu dành cho du khách, đi sâu vào ngõ hẻm, bạn sẽ thấy khuôn mặt thực, lở lói của Cuba. Những ngôi nhà cổ kính kiểu thuộc địa, trước kia là những tuyệt phẩm kiến trúc, ngày nay là những ngôi nhà đổ nát, loang lổ, sẵn sàng sụp đổ bất cứ lúc nào. Thiếu nhiên liệu xây cất, suốt ngày lo chạy ăn không ai để ý đến việc chỉnh trang. Gần 50 phần trăm nhà ở La Havanne có tường bị rạn nứt, gần 50 phần trăm nóc nhà mục nát, gần 30 phần trăm nền nhà đe dọa sụp đổ.
Trong những ngôi nhà rêu phong, từ lâu không một vết sơn, một lớp vôi đen bẩn, người ta sống chen chúc, thỉnh thoảng bạn thấy những cột nhà chạm trổ công phu, những bực thang bằng đá hoa cương trắng, dấu vết còn lại của thời thuộc địa. Nhà cửa đóng im ỉm. Không một tiệm chạp phô, một tiệm bánh, một cửa hàng thực phẩm. Thỉnh thoảng một tiệm cà phê, một tiệm ăn nhỏ, nhiều tiệm mang tên Hà Nội, thủ đô của nước Xã hội Chủ nghĩa huynh đệ. Từ ngày đổi mới, tư nhân có quyền mở tiệm ăn, nhưng tiệm hạn chế 12 chỗ ngồi (những tiệm lớn đều của nhà nước hay của những người có quen lớn), và phải trả thuế rất nặng (1) . Việc cung cấp thực phẩm và nhật dụng đều do các cơ quan quốc doanh đảm nhiệm. Với sổ thực phẩm (libreta) người ta xếp hàng mua những thứ cần thiết đủ dùng trong vài ngày. Sau đó, mặc ai nấy lo. Chín mươi phần trăm người Cuba có nghề thứ hai, và cái kinh tế bên lề trở thành kinh tế quan trọng hàng đầu. Nhưng cửa hàng quốc doanh vẫn hiện hữu: vài ba nhân viên quốc doanh ngủ gà ngủ gật trước vài bông hoa giấy, vài đồ nhật dụng bằng plastique, vài thước vải rẻ tiền. Kiểm soát dạ dầy là phương pháp kiểm soát hữu hiệu nhất, libreta là bùa hộ mệnh của chế độ, ngày nay không còn sức mạnh vạn năng bởi vì đã có người xé rào, sinh sống kiểu khác. Fidel Castro mê canh nông, muốn biến những mảnh đất mầu mỡ trên diện tích 100.000 km2 của đảo thành những dinh điền kiểu mẫu, nhưng giấc mộng ấy, cũng như giấc mộng nhẩy vọt của Mao đã thất bại. Ngoài mía và thuốc lá, canh nông không đủ nuôi gần 10 triệu dân, Cuba phải nhập cảng 80 phần trăm thực phẩm.

RƯỢT ĐUỔI DOLLARS
Ở Cuba tất cả đều khan hiếm, từ thực phẩm đến những vật dụng hàng ngày: giấy bút, dầu mỡ, bột giặt, thuốc men, giầy dép. Mở mắt ra, người ta hùng hục chạy sống. Cái sinh hoạt sôi nổi nhất ở Cuba ngày nay là cuộc chạy duổi dollars Mỹ. Cách đây mười năm, dollars, tiền của đế quốc Mỹ còn bị cấm trên toàn lãnh thổ. Ngày nay, dollars trở thành một ám ảnh thường trực của dân Cuba. Bởi vì không có dollars, không thể sống còn ở Cuba. Đồng Pesos, tiền Cuba, chỉ xài trong những tiệm quốc doanh, uống ly cà phê hay mua ổ bánh mì. Từ 1993, khi kinh tế Cuba kiệt quệ, Castro đành phải cho phép xài tiền Mỹ. Xã hội đảo lộn với một vận tốc chóng mặt. Trước kia ai cũng nghèo, cả nước an phận chờ đợi ngày cách mạng thành công. Như ông già trong thơ Tố Hữu, ngồi đan rổ mơ nước Nga Xô Viết. Ngày nay, xã hội chia làm hai: những người có USD, nhờ tiền của “kiều bào” ở Miami gởi về, nhờ buôn bán hay làm việc với du khách; và những người không có USD sống ngoài lề. Từ đó đẻ ra những giai cấp mới: “macetas” là những người mới giầu, nhờ biết lợi dụng cơ hội để kiếm dollars; “jineteros”: những thanh niên sống bằng cách lừa gạt, nhất là lừa gạt du khách; “jineteras”: những cô gái sống nhờ du khách, hoặc sống một đêm hay suốt thời gian du lịch với hy vọng được một ông Tây, ông Đức mang về xứ (Cuba ngày nay là một trong những sex tours nổi tiếng, trong khi Castro coi việc giải phóng phụ nữ là một trong những ưu tiên hàng đầu).
Du khách chỉ đi vài chục thước đã gặp những người bản xứ bán xì gà, bán rượu rhum lậu (hai thổ sản có tiếng của Cuba, độc quyền của nhà nước). Xì gà lậu rẻ bằng một nửa giá chính thức nhưng không bảo đảm, có khi là xì gà thứ thiệt lấy trộm của nhà nước, nhiều khi là xì gà giả gói bằng lá cây. Có người dụ bạn đến uống nước ở một quán cà phê, nơi anh ta đàn hát. Những người đàn bà mặc quần áo địa phương nhận chụp hình, hay... hơn nữa, với du khách. Có người dụ cho mượn một cô em, bà chị trong thời gian bạn ở Cuba. Cuộc rượt đuổi dollars là môn thể thao quốc gia, được toàn thể nhân dân tham dự, không phân biệt giai cấp, tuổi tác. Ngày bạn rời hotel, bà bồi phòng để lại một mảnh giấy bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, Y Pha Nho hay Đức, chúc bạn một chuyến du lịch vui vẻ, với hậu ý nhắc bạn đừng quên để lại vài dollars. Những ông bán săng nhớt, lấy tiền mười lít săng, và tìm cách đổ vào xe tám lít. Những chú nhóc dụ giữ xe cho bạn và nếu bạn từ chối, khi trở lại chắc chắn cái xe không còn hoàn hảo. Những tiệm ăn dụ bán tôm hùm nếu bạn trả bằng dollars ( tôm hùm Cuba nổi tiếng nhưng là độc quyền của nhà nước, phần lớn xuất cảng,và ngày nay khan hiếm vì khai thác một cách hỗn loạn). Một người Cuba có một chút tài mọn nào đó: nhảy múa, ca hát, đàn địch, vẽ tranh, chụp ảnh đều không quên mang cái tài mọn của mình ra kiếm tiền Mỹ. Ở một khu gần trung tâm La Havanne, tôi thấy một bà cụ tóc bạc phơ, ngồi trước cửa mời du khách mua hình chân dung của chính bà cụ trong bộ guayabera (áo Cuba bằng vải bông trắng) miệng ngậm xi gà. Ai cũng có cái gì để bán, tại sao bà cụ không đem bán chân dung của mình kiếm tiền độ nhật ?

CÔNG AN 
Trước điện Capitol, xây theo điện Capitol Hoa Kỳ, một cô đồng nghiệp của tôi cho một em nhỏ một cây bút và một tập post-it. Chỉ vài phút, cô nàng bị bao vây bởi một đám đông bu lại như một đàn ong. Nhưng cũng chỉ vài phút sau, đám đông bị giải tán. Vì cảnh sát Cuba rất hữu hiệu. Và rất đông. Đi đâu cũng đụng đầu nhân viên an ninh, an ninh nổi, an ninh chìm, an ninh đồng phục, an ninh “giả dạng thường dân.” Cuba chiếm kỷ lục thế giới về tỷ số cảnh sát công an trên một mét vuông. (Đó là một nghề dành cho người được ưu đãi: có quyền, không mấy cực khổ, lương hậu 25, 30 USD một tháng trong khi lương trung bình ở Cuba khoảng 10 dollars+), không kể tiền kiếm chác bên trái, bên phải. Xứ độc tài nào cũng vậy, phải có một lớp có đặc quyền để bảo vệ chế độ. Điều đó cắt nghĩa tại sao ở Cuba tương đối có an ninh hơn ở những nơi khác tại Nam Mỹ như Ba Tây, Mễ, Colombie... là những nơi bạn rất không nên đi loạng quạng một mình sau 8 giờ tối. Ở Mexico, ngay giữa thành phố, hôtel khuyên khách không nên đứng gần cửa sổ, tránh tên bay đạn lạc của những băng đảng thanh toán nhau.
Rượt đuổi dollars là môn thể thao quốc gia và cũng là một bổn phận đối với gia đình. Vì bạn đi làm được trả bằng pesos nhưng trên thị trường pesos chỉ có giá trị hơn giấy lộn đôi chút. Mua bán gì phải khuân theo hàng ký lô tiền. Trong cuộc chạy đuổi dollars hào hứng ấy, nhà nước đứng hàng đầu. Cái gì có thể kiếm dollars được đều dưới độc quyền của nhà nước. Tiệm ăn trên 12 chỗ ngồi, khách sạn lớn, những cửa hàng bán xì gà, rượu rhum, đồ kỷ niệm. Và bán với giá cắt cổ. Một cái T-shirt ( made in China ) giá 15USD, bằng giá ở Paris, nơi đồng lương tối thiểu trên 1000 dollars.

DOLLARS 
Cuba có hai thế giới, thế giới tưng bừng náo nhiệt của du khách, của những người có tiền xanh, bên cạnh thế giới mệt nhoài của dân địa phương. Sau 50 năm cách mạng, cái mơ của đa số dân Cuba là vượt biển qua Miami hay có bà con thỉnh thoảng gởi về một cái ngân phiếu. Anh nào cũng nghĩ tới chuyện vươt biển. Nhà có cái gì nổi trên nước, một cái thuyền con, một ruột xe, vài phiến gỗ, một ánh cửa, có thể biến thành một phương tiện vượt biển, chạy qua với đé quốc Mỹ ở Miami, bên kia bờ biển.
Hotel National là Hotel lớn nhất và nổi tiếng nhất ở La Havane. Chỉ cần liếc qua giá phòng ngủ cũng đủ thấy cái bất công quái gỡ của xã hội Cuba. Giá một đêm, một phòng ngủ từ 310 đến trên 1000 ( một ngàn ) US dollars, trong khi lương của một công nhân ở đồn điền trồng mía 6 (sáu) dollars một tháng. Một bà cuốn xì gà cho hay bà lãnh 8 dollars mổi tháng, làm việc không có giờ, phải làm xong một đống xì gà trước mặt. Nếu không phải đang “đi khách” cho sở làm, ăn ngủ bằng tiền lèo, chắc chắn không bao giờ tôi đặt chân đến một khách sạn như vậy. Một phần vì khả năng tài chánh, một phần vì ăn ở một nơi như vậy, giữa một biển nghèo đói chung quanh, nó vừa lố bịch vừa bất nhẫn.
Cách hay nhất để hiểu người bản xứ, để hiểu xã hội Cuba là đến ở nhà một người bản xứ. Từ ngày du lịch mở mang người Cuba nào có một căn phòng tươm tất, ở một nơi khang trang, đều biến nhà riêng thành hotel, mỗi ngày cho thuê lấy 10, 20, dollars, với một bữa cơm chiều. Chính phủ cho phép, không quên lấy “xâu,” nhưng chủ nhà cũng đủ đòn phép để ăn gian tiền thuế. Với sự cộng tác hơi vị lợi của công an phường.
Cô hướng dẫn viên của National nói, một cách hãnh diện: “Cái phòng ông ngủ trước kia là phòng của Ernest Heminway.” Bèn rất lấy làm cảm động được ngả lưng trên cái giường nơi tác giả “The old man and the sea” đã nằm. Nhưng bữa cơm chiều, cái xúc động ấy hơi giảm đi, khi một cô đồng nghiệp cho hay bà hướng dẫn cũng nói với cô ta như vậy về cái phòng ngủ của cô ta. Hoặc Hemingway đổi phòng lia lịa, hoặc cô nhân viên khách sạn National bịa ra để chiều khách. Điều chắc chắn là Khách sạn National gắn liền với lịch sử của La Havanne. Ngoài Hemingway, khách sạn đã là nơi trú ngụ của Churchill, Errol Flynn, Ava Garner, Frank Sinatra và... Al Capone.

PEDRO
Người đưa tôi đi thăm La Havane ban đêm là một nhân viên giảng huấn đại học. Cũng như các bà làm phòng hotel là giáo viên hay y tá. Đồng lương công chức ba cọc ba đồng không đủ sống, Pedro kiếm dollars bằng cách đưa du khách thăm thành phố bằng chiếc xe Cadillac kiểu cổ mầu lá mạ rất đẹp. Pedro rút trong túi ra một mẩu dây thép, mở máy xe. Hỏi chìa khóa xe đâu, anh ta cười: Không có chìa khóa. Chiếc Cadillac do em trai anh ta vồ được, khi những người giầu có vượt biên trốn chế độ XHCN những năm 60, khi Castro mới lên nắm quyền. Họ bỏ lại những chiếc xe du lịch Mỹ lộng lẫy, mang theo chìa khóa trên đường di tản chiến thuật. Ở Cuba rất ít xe hơi, đa số là những chiếc xe du lịch Mỹ kiểu cổ như xe của Pedro, do những người giầu có mua khi Cuba còn là một “ổ điếm của Hoa Kỳ” (trước 1959 ), dollars chảy như nước. Những chiếc xe đầy mầu sắc ấy, nhiều người chơi xe cổ muốn mua, nhưng Castro cấm xuất cảng, coi như là tài sản quốc gia. Pedro nói đời sống ở Cua rất cơ cực nhưng đã dễ thở hơn nhiều từ khi mở cửa cho du khách và dollars được lưu hành. Mỗi năm Cuba thâu được hai tỷ mỹ kim nhờ du khách và một tỷ Mỹ kim của người Cuba tỵ nạn ở Mỹ gởi về. Hiện nay có trên một triệu người Cuba (nghĩa là một phần mười dân số) sống ở ngoại quốc, hầu hết ở Mỹ. Ngày nay “kiều bào” ở Mỹ có thể về thăm nhà, có quyền và được khuyến khích mang dollars về, nhưng anh nào léng phéng đến chính trị, chính em là có dịp ở lại quê hương yêu dấu luôn. Khác với người Việt Nam, cộng đồng Cuba ở Mỹ có lobby rất mạnh có ảnh hưởng lớn đến chính sách của Hoa Kỳ đối với Cuba và là mối bận tâm lớn cho Castro.
Biết nói tiếng Anh, bập bẹ tiếng Pháp, làm ăn với du khách, Pedro thuộc giai cấp được ưu đãi. Nhưng để tiếp xúc với khách của Hotel, Pedro phải chi tiền cho nhân viên Hotel, chi tiền cho nhân viên an ninh. Anh ta có vẻ thông hiểu tình hình thế giới, không còn ngồi mơ nước Nga nữa, khác với đa số người Cuba sống trong một xã hội bịt kín. Ở Cuba có hai tờ báo, đều là báo nhà nước, tờ Granna của đảng Cộng Sản ( Granna là tên chiếc tàu chở Fidel Castro và Che GUEVARA đổ bộ Cuba lật đổ chế độ độc tài BATISTA) và tờ Juvendud Revelde của Đoàn Thanh niên Cộng sản. Trên báo đầy dẫy những kiến nghị của các hội đoàn ủng hộ Castro, hoanh nghênh tinh thần cách mạng kiên trì của nhân dân Cuba anh dũng, đề cao cảnh giác trước âm mưu thâm độc của đế quốc Mỹ, cực lực lên án việc bế quan tỏa cảng của Mỹ làm kiệt quệ kinh tế Cuba.
Cuba bị Hoa Kỳ bế quan tỏa cảng (embargo) từ thời Kennedy (1960). Embargo là điển hình cho chính sách ngoại giao anh chị, cả vú lấp miệng em của Uncle Sam. Nạn nhân trực tiếp của embargo là người dân thấp cổ bé miệng đã cơ cực vì độc tài, còn cơ cực hơn vì thiếu thốn những thứ tối cần. Mục tiêu của embargo, trên lý thuyết, là để trừng trị những chính quyền độc tài, vi phạm luật pháp quốc tế. Trên thực tế không một chính quyền độc tài nào bị khó khăn. Trái lại, từ Saddam Hussein ở Irak, Kadafi ở Libye tới Castro ở Cuba, tất cả đều mượn cớ sự đe dọa của embargo để xiết cổ dân chúng hơn trước và củng cố quyền hành hơn trước. Các cơ quan tuyên truyền của Castro suốt ngày suốt đêm giải thích cho dân chúng rằng sở dĩ đời sống của họ cùng cực là hoàn toàn vì embargo, lờ đi những lầm lẫn, mù quáng của nhà nước, nạn tham nhũng quan liêu, chính sách kinh tế kỳ quái, việc cầm tù hầu hết những người trí thức có khả năng chuyên môn. Có người cho rằng nếu không có embargo làm cái dù che, chế độ Castro đã sụp đổ từ lâu. Nhưng đó cũng chỉ là giả thuyết, không ai làm lại lịch sử.
Báo chí ngoại quốc ở Cuba bị canh chừng rất chặt chẽ. Anh ký giả ngoại quốc nào lớ ngớ là bị trục xuất ngay. Các ký giả Cuba lừng khừng với cách mạng đều nằm tù. Người Cuba hợp tác với báo chí ngoại quốc, trực tiếp hay gián tiếp làm hại uy tín quốc gia, có thể bị 20 năm tù và bị phạt tới 4500 USD (25 năm tiền lương chính thức của Pedro). Những hình phạt nặng, khiến bạn suy nghĩ trước khi muốn xé rào.

TRÀNG GIANG ĐẠI HẢI
Truyền hình của nhà nước có hai đài, ngoài những phim truyện (feuilletons) rất được theo dõi, một thứ thuốc phiện của dân chúng hơn là món giải trí duy nhất, có rất nhiều cuộc thảo luận bàn tròn về chính trị, về thành quả cách mạng, về tương lai sáng lạn của đất nước. Và những diễn văn trực tiếp truyền hình của Lider Máximo. Những bài diễn văn dài ba, bốn giờ đồng hồ. Đó là dấu hiệu Đồng chí Fidel Castro, 76 tuổi, đã bắt đầu mệt mỏi. Trước kia mỗi bài diễn văn của Castro dài tám, chín tiếng đồng hồ. Sáng dậy, mở mắt ra thấy Lider Maximo đọc diễn văn, chiều đi làm về vẫn thấy Lider Maximo đọc diễn văn. Mỗi năm, Castro đọc từ 30 đến 40 bài diễn văn (10 ngày một bài). Bài này giống bài kia như hai giọt nước, từng câu, từng chữ. Cả nước kính cẩn nghe, nhưng trong bụng chắc nhiều anh lẩm bẩm cái câu nổi tiếng của Vũ Trọng Phụng: “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi.”
Máy truyền hình nhập cảng từ Trung Quốc được sửa lại, chỉ bắt được đài nhà nước. Máy truyền thanh chỉ nghe được đài nhà nước. Các đoàn thể bảo tồn cách mạng ở các khu phố chịu trách nhiệm, nếu có antennes trên nóc nhà để nghe đài nước ngoài. Computer cấm bán cho tư nhân. Sách vở bị kiểm duyệt khắt khao. Trong bối cảnh ấy, tôi ngạc nhiên thấy trong một tiệm sách một cái tựa to tổ bố: Human Rights (Nhân quyền). Ông nào chơi ngang đến cỡ đó? Cầm cuốn sách đọc trang đầu. Tác giả, một giáo sư đại học La Havane cắt nghĩa ngon lành rằng nhân quyền không thể phi chính trị; nhân quyền phải nhằm mục đích cách mạng; nhân quyền kiểu Tây kiểu Mỹ chỉ là nhân quyền phản cách mạng. Nhân quyền ở Cuba mới là human rights thứ thiệt.
Giáo sư Pedro có vẻ không tin tưởng gì ở cách mạng. Cái tương lai huy hoàng của Pedro đơn giản, gần gũi hơn. Anh ta hy vọng với số đô la để dành được, anh sẽ mua một căn nhà, vừa ở vừa cho du khách thuê. Anh có thể dưỡng già dài dài. Pedro là một “macetas” sung sướng. Nhưng vì thói quen, mở miệng ra, Pedro nói đến cách mạng. Cái quán ăn này mở sau cách mạng, cái nhà thờ này xây trước cách mạng. Lấy vợ sau cách mạng vài năm.

LA HAVANE BY NIGHT
Đêm ở La Havane. Bóng đêm trùm xuống, La Havane trở thành một thành phố khác. Như một con rắn lột vỏ. Ánh nắng mặt trời có làm dịu đi cái nghèo đói hay không, không biết. Nhưng chắc chắn là bóng đêm xóa nhòa những vết nứt loang lổ, những đổ nát hoang tàn. Thành phố đẹp hẳn ra, quyến rũ. Có cái gì liêu trai từ những căn nhà cổ. Và dân La Havane cũng đẹp hẳn ra, tươi cười, nhún nhảy. Mỗi người Cuba là một tay khiêu vũ, sinh ra để nhảy múa. Cái nhún nhảy ở từng bước đi, ở từng cử chỉ. Đêm xuống, dân Cuba quên cái cực nhọc của ban ngày, đổ ra đường nhộn nhịp. Khuôn mặt họ tươi ra, không còn nhăn nhó dưới ánh nắng gay gắt. Và quần áo tươm tất, đỏm dáng. Đào đâu ra những quần áo thướt tha, khi nghĩ đến những nhà hàng quốc doanh lèo tèo vài thước vải rẻ tiền? Quên dollars, quên cách mạng, quên những bài diễn văn dài tám giờ, quên embargo, người ta đàn hát, nhảy múa náo nhiệt. Không phải chỉ ở những khu du khách, ngay cả ở những khu bình dân, đen tối, trong những tiệm cà phê rẻ tiền, những tiệm ăn 12 chỗ ngồi, đâu đâu cũng có tiếng nhạc, giọng hát. Cái yêu đời rất tự nhiên, cái nhún nhảy của từng thớ thịt ấy, tôi đã thấy ở một thành phố Nam Mỹ khác. Rio de Janeiro. Hay những khu phố nghèo ở Phi Châu. Bây giờ tôi mới hiểu tại sao chỉ ở Hoa Kỳ vài ngày đã chán, chỉ muốn bỏ đi, những thị trấn khang trang nhưng buồn tẻ, không hồn, buồn như chấu cắn, trong khi ở Nam Mỹ, Phi Châu hay Á Châu, mặc dù có cái nghèo đói, cái bất an ninh ,có một cái gì đớ hấp dẫn, lôi cuốn, gọi là cái hồn (une âme).
V.S. Naipaul, giải Nobel văn chương, đưa ra một nhận xét lý thú về dân Phi Châu. Ông ta bảo dân Phi châu ngày nay bị cuốn hút vào đời sống văn minh như những dân khác. Ban ngày, giới thượng lưu cũng thắt cà vạt, samsonite đi làm, cũng tất tả ngược xuôi như mọi người, nhưng đêm xuống, họ cởi bỏ tất cả những cái gì vướng víu của ban ngày, nhảy múa ca hát, tham dự những lễ vaudou, những tập tục thờ cúng quỷ thần, những nghi lễ mê tín đã có từ hàng trăm năm trong những bộ lạc hẻo lánh. Họ trở thành người Phi châu. Họ trở thành chính họ. Và cái đời sống ban đêm ấy giúp họ chịu đựng đời sống của ngày hôm sau, đóng cái vai trò mà xã hội bắt họ phải đóng. Họ tìm lại chính mình. Giống như một ông già Việt Nam, giữa New York hay San Francisco, bày gà luộc bánh chưng trên bàn thờ, kính cẩn vái lạy. Rất nên giải thích ý nghiã của hành động đó cho lớp trẻ.
Dạo chơi ban đêm ở La Havane, tôi nghĩ tới cái nhận xét ấy của Naipaul. Đa số dân Cuba đã đến từ Phi Châu, trước kia là những nô lệ. Trong một hộp đêm, tôi ngồi nhìn hằng giờ Ivis, một cô gái da đen chiêu đãi viên sau quầy rượu. Một nụ cười nở thường trực, tự nhiên. Một đôi mắt to, đen nháy, tinh nghịch. Ivis tiếp hàng chục người khách ngồi chung quanh quầy rượu, người này một ly whisky, người kia một ly martini, vừa đùa cợt với một ông khách, vừa lúc lắc cái bình cocktail, vừa nhún nhẩy theo điệu nhạc. Ivis không làm việc, cô ta chơi trò chơi chuốc rượu, Ivis không đi, cô ta khiêu vũ. Ivis không trả lời téléphone, cô ta đang hát líu lo cho người bên kia đầu dây. Và tất cả với nụ cười không một chút gắng gượng. Và như vậy, sáu đêm mỗi tuần. Và khi hộp đêm đóng cửa, cuốc bộ hàng giờ về nhà. Bởi vì ban đêm không có xe buýt. Và xe buýt ở La Havanne ban ngày, đến và đi tùy hứng không giờ giấc, phải xếp hàng chờ hàng giờ, phải xếp hàng leo lên, chen lấn như cá hộp. Và nụ cười không bao giờ tắt. Sau bao nhiêu năm cách mạng, sau bao nhiêu bài diễn văn tám giờ.

PARADISIO
Paradisio là một trung tâm nghỉ mát ở Varadero, bãi biển dài gần 30 cây số, với cát trắng và nước xanh biếc. Varadero là bãi biển đẹp nhất vùng Caraïbe. Paradisio như cái tên của nó là một thiên đàng. Trên 500 căn nhà đầy đủ tiện nghi dành cho du khách nằm cạnh bờ biển, dưới bóng những bóng cây dừa và những vườn hoa rực rỡ, giữa những piscine mông mênh với những dàn nhạc trình diễn thường trực trên bồn cỏ xanh. Champagne Pháp, vodka Nga, caviar Iran. Bạn quên mình đang ở Cuba, một trong những nước XHCN cuối cùng trên mặt đất, quên cửa hàng quốc doanh, quên người phu trồng miá với đồng lương dưới 10 đô. Tôi hỏi cô hầu bàn ở tiệm ăn: những người Cuba kia, họ đào đâu ra tiền để tới đây. Cô ta cười: Người Cuba nào? Đó là du khách, đa số người Mễ giầu có; Ở đây chỉ có nhân viên là người Cuba. Hay những người Cuba tai to mặt lớn, con cưng của chế độ. Trung tâm này cấm người bản xứ.
Không phải chỉ ở PARADISIO. Tất cả các hotel, các khu nghỉ mát trong vùng Varadero đều cấm người Cuba. Suốt 30 cây số dọc bờ biển, hotel sang trọng san sát. Khách là người Pháp, người Đức, người Ý, Canada, Úc , người Mễ. Tất cả đều cấm dân bản xứ. Fidel Castro là một nhà cách mạng, trở thành anh hùng quốc gia vĩ đại đã đấu tranh dành chủ quyền cho dân tộc. Sau 50 năm cách mạng, người Cuba không có quyền đặt chân vào những nơi sang trọng trên đất nước mình. Chắc chắn Fidel Castro không vui gì với tình trạng không biết nên cười hay nên khóc ấy, nhưng cái khó nó bó cái khôn. Cần tiền quá, tìm mọi cách chìu khách du lịch. Còn người Cuba, nếu để họ vào đó chỉ cần thấy cái đời sống hủ hóa của tư bản, liệu có còn lòng dạ để tiếp tục cuộc cách mạng đã kéo dài từ lâu. Quá lâu.Varadero còn một cái độc đáo nữa. Muốn vào vùng nghỉ mát, phải trả tiền. Ba dollars mỗi xe khi vào, $3 khi ra. Trên thế giới có lẽ đó là nơi duy nhất phải nộp tiền mãi lộ mới được vào. Ở Luân Đôn cũng phải trả tiền khi vào thành phố, nhưng mục tiêu là để hạn chế xe cộ giảm bớt ô nhiễm. Ở Cuba, nó chỉ có mục đích làm tiền.

CASTRO VÀ CHE
Cuba có rất nhiều cái giống Việt Nam. Trước hết là khí hậu, cây cỏ. Nếu bạn ở ngoại quốc lâu năm, đặt chân tới Cuba bạn không khỏi xúc động thấy cái nóng phà vào mặt khi ra khỏi máy bay, thấy những rặng dừa, bông hoa râm bụt, những bụi chuối và hàng chục thứ cây, hoa quả vùng nhiệt đới. Cuba giống VN trên phương diện lịch sử. Sau hàng trăm năm bị đô hộ toàn dân lao đầu vào cuộc tranh đấu dành độc lập và một ngày nào đó, mở mắt ra thấy nước mình trở thành thành trì của XHCN. Và là những nước XHCN cuối cùng, trong khi cả thế giới đã quay đầu đi một hướng khác.
Cuba do Christophe Colombe khám phá ra từ 1492, trở thành thuộc địa của Y Pha Nho gần 400 năm (từ 1510 đến 1898, trong đó có một năm (1762) là thuộc địa của Anh). Hết Y Pha Nho, Cuba rơi vào tay Hoa Kỳ, từ 1898 đến 1959, năm Fidel Castro lật đổ chế độ độc tài thối nát của Batista cầm quyền dưới sự bảo trợ của Mỹ. Đó là thời kỳ Cuba mang cái tên không mấy vẻ vang là ổ điếm của Hoa Kỳ.
Cầm đầu phong trào kháng chiến cùng với Che GUEVARA từ 1956, Castro lúc đầu thề sống thề chết không phải là Cộng sản, chỉ có một mục tiêu đấu tranh dành độc lập. Khi nắm quyền trong tay Castro thực hiện xã hội chủ nghĩa với bàn tay sắt, tiêu diệt thẳng tay đối lập, và nhìn nhận ông là người CS từ khi còn đi học. Hàng chục ngàn người Cuba vượt biển qua Mỹ sau khi Castro lên cầm quyền và tiếp tục chạy trốn chế độ. Che GUEVARA chỉ tham chánh một thời gian ngắn rồi bỏ sang BOLIVIE tiếp tục chiến đấu, bị quân đội Bolivie hạ sát theo lệnh của CIA Mỹ. Ngày nay uy tín của Castro bị sứt mẻ, vì tình trạng phá sản ở Cuba, vì vi phạm nhân quyền biến Cuba thành một nhà tù khổng lồ. Trái lại hào quang của CHE không những không thuyên giảm, mà còn lớn hơn. Ở Cuba, hình ảnh của CHE tràn ngập đường phố. Vượt cả biên giới Cuba, CHE trở thành thần tượng của những người chống thế giới hóa của tư bản. Trong lòng người dân, CHE vẫn là một anh hùng lãng mạn, một thứ Don Quichotte “giữa đường thấy sự bất bằng mà tha,” một thứ Robin des Bois, cướp của nhà giàu để chia cho những người nghèo khó. Thần tượng Che có cái may chết sớm như James Dean hay Marilyn Monroe...Người ta quên rằng nắm quyền vài tháng (1960) , Castro đã hành quyết 600 người, nhốt 70.000 người, trong đó có cả các cựu đồng chí.
Castro cai trị Cuba bằng bàn tay sắt nhưng cũng có những năm đạt được nhiều thành quả. Đó là những năm 70, Cuba được Nga sô trợ giúp triệt để với dụng ý biến Cuba thành một mặt hàng tốt đẹp của XHCN. Hàng hóa do Cuba sản xuất đứng đầu là đường mía, được Nga sô mua với giá cao, trên giá thị trường. Kinh tế phồn thịnh, Cuba thực hiện một phong trào chống mù chữ đại qui mô. Chế độ y tế của Cuba được coi là kiểu mẫu ở Nam Mỹ. Những thành quả ấy làm người ta quên những nhà tù trên khắp Cuba. Gió thay chiều khi bức tường BERLIN sụp đổ (1989). Gorbachev bỏ rơi Cuba, không muốn tiếp tục gánh nặng Cuba. Mất thị trường Nga, hàng hóa Cuba không cạnh tranh nổi với thị trường thế giới. Thêm vào đó embargo của Mỹ, những chính sách kinh tế sai lầm liên tiếp, tham nhũng lan tràn, guồng máy quản trị lỗi thời, đưa Cuba đến phá sản. Castro, anh hùng chống Mỹ cứu nước đã buộc lòng phải mở cửa cho dollars tràn vào làm bá chủ đất nước. Du lịch và dollars đã tạm thời cứu vãn chế độ, du lịch và dollars sẽ gây đổ vỡ cho chế độ.
Castro có lẽ là người cuối cùng còn tin tưởng. Ông nhất định không chịu rời bỏ chủ nghĩa CS. Ông đã trù tính cả tương lai cho Cuba khi ông chết: Castro chỉ định người sẽ “nối ngôi”: người em cùng cha khác mẹ, Raul CASTRO. Cho chắc ăn hơn nữa, Castro ra lệnh cho quốc hội tu chính hiến pháp, cấm không được thay đổi thể chế, “XHCN hay là chết” như ông vẫn tuyên bố. Những người thân cận Castro hy vọng khi Castro lìa đời, Cuba sẽ theo đuôi Trung Hoa và Việt Nam , thiết lập chế độ tư bản man rợ: củng cố độc tài chính trị để giữ quyền lực, nhưng mở cửa kinh tế để kiếm dollars. Trên một bức tường trong thành phố, bên cạnh câu thần chú của Đảng Socialism or Death, có người liều mạng viết, tiếng Anh: NEITHER, hay tiếng Pháp : Quelle différence? (Có cái gì khác nhau, giữa XHCN, Socialism, và cái chết, Death?). Có anh châm biếm: Miami or Death.

IVIS
Tôi rời Cuba, rời Nam Mỹ không có thì giờ đi thăm như dự tính Trinidad, nơi V.S. NAIPAUL sinh ra, lớn lên và nhắc đến rất nhiều trong tác phẩm. Nhưng có lẽ cũng không nên tiếc. Bởi vì những thành phố trong sách vở, khi thấy tận mắt, người ta nhiều khi thất vọng. Nhất là từ khi tác giả đặt bút viết đến nay đã có bao nhiêu nước chảy dưới cầu. Hà Nội ngày nay không còn là Hà Nội của ba mươi sáu phố phường của Thạch Lam. La Havane bây giờ không còn là La Havane sôi nổi nồng nàn của Hemingway, cũng không còn là La Havane êm đềm trưởng giả của Graham Green.
Chỉ có một cái chắc không bao giờ thay đổi, và đó là nét lạc quan, một niềm hy vọng. Đó là nụ cười tuyệt vời của Ivis. Nụ cười Ivis còn, Cuba còn. Cách mạng XHCN của Castro, trong lịch sử Cuba, sẽ chỉ là một dấu ngoặc. Tâm hồn của một dân tộc, phải không VS Naipaul, phải không Ivis, là một cái gì rất mơ hồ, nhưng cực kỳ mãnh liệt, không ai tiêu diệt nổi.

Từ Thức
(Paris 2003)

( 1 ) Những dữ kiện, con số trong bài này là dữ kiện năm 2003


Che Guevara trách Fidel Castro "hèn"

Che Guevara cùng Fidel Castro thời kỳ Cách mạng CubaAFP - Image caption - Che Guevara cùng Fidel Castro thời kỳ Cách mạng Cuba

Một cây bút Cuba viết cho báo "Neues Deutschland" nói với tôi: "Nói về Fidel phải nhắc tới Che Guevara (1928-1967)".
Che Guevara, con người có "đôi mắt ngọt ngào và nụ cười buồn buồn làm phụ nữ nghẹt thở" giống Fidel như hai giọt nước. "Che" gần Fidel hơn cả chú em Raul Castro bé như viên kẹo.

Cặp người hùng huyền thoại Fidel-Che
Người Cuba nhìn cuộc cách mạng của mình qua những tấm áp phích hoành tráng khuôn mặt của "Che" và các bài diễn văn ứng khẩu của Fidel.
Nét khỏe, chắc rất Mỹ La tinh vẻ đẹp ngạo nghễ của Che, và cách nói rắn, trực tiếp của Fidel mê hoặc không chỉ ở Cuba.
Những người đàn bà vướng vào ánh sáng mê hoặc của hai ngôi sao chổi đều có những kỷ niệm tê đắng. Mà con đường họ đi thì giao thoa rất nhiều mỹ nhân.
Tháng 10/1948, Fidel cưới Mirta Díaz-Balart, em gái Bộ trưởng Nội Vụ chính phủ Fulgencio Batista (1901-1973). Nhà độc tài Batista còn gửi quà tặng cho chú rể trẻ, người sau này đuổi ông ta khỏi đất nước.
Che Guevara sinh năm 1928, kém Fidel hai tuổi. Che có mối tình đầu với tiểu thư con một triệu phú. Cũng như Fidel, Che lụy tình ở tuổi 24.
Với Che, tình yêu, tiền tài, địa vị xã hội chỉ là gió thoảng.
Đang học dở, Che bỏ kỳ thi lấy bằng bác sĩ, lấy mô-tô chu du thiên hạ để học giật mình. Con đường Che đi, trải từ Argentina, qua Chile, Bolivia, Peru, Columbia, Venezuela, giờ thành con đường hành hương những người say mê phiêu lưu, nhớ về Che.
Họ như song hành, gần gũi, như tiền định.
Năm 1947, Fidel sang Cộng hòa Dominica tham gia cuộc chiến đấu chống Tổng thống Rafael Trujillo.
Ngày 26/7/1953, Fidel dẫn 115 đồng đội tấn công trại lính Moncada. Thất bại, bị kết án tù chung thân, song hai năm sau Fidel được phóng thích.
Sau khi ra tù, Fidel sang Mexico và gặp Che Guevara ở đây tháng 7/1955.
Che là người mua chiếc Yacht Granma chở Fidel cùng 80 quân nhân phong trào "M-26/7" đổ bộ vào Cuba ngày 2/12/1956, mở đầu cuộc chiến tranh du kích.
Cả hai không rời nhau nửa bước.
Fidel mơ "giấc mơ Mỹ", song rơi vào vòng "cầm tù" của Khrushchev, nhà lãnh đạo Liên Xô thời đó.
Ngày 1/1/1959, Fidel cùng đoàn quân chiến thắng tiến vào La Havana.
Chỉ bốn tháng sau, ngày 15/4, nhân vật số một Cuba bí mật thăm Mỹ, bỏ mũ trước tượng đài Abraham Lincoln.
Tổng thống Dwight. D. Eisenhower bận một cuộc chơi golf, gửi Phó Tổng thống Richard Nixon tiếp đón Fidel lạnh nhạt tại Nhà Trắng.
Thái độ khinh khỉnh của Eisenhower mua cho nước Mỹ một kẻ thù lù lù trước mũi, mà 634 lần họ định ám sát cũng không thành.

Cuộc "ly khai" của Che với 'Đế quốc phương Nam' Liên Xô
Với 115 người, Fidel tấn công một trại 1.500 lính.
Từ 14 người sống sót trong 82 đồng đội đổ bộ, ba năm sau Che và Fidel đã có một đội quân 800 người. Họ hạ gục 80.000 quân chính quy có máy bay, trọng pháo của Batistuta.
Mở đầu cuộc cách mạng, Fidel và Che đã tạo nên một huyền thoại lãng mạn, đầy chất thơ, quyến rũ, mơ ước về một vùng đất dân chủ, công bằng.
Thế nhưng Che tỉnh táo nhận ra qua cuộc khủng hoảng tên lửa 1962 rằng cả Hoa Kỳ lẫn Liên Xô đều chỉ coi Cuba như lá bài mặc cả trong chiến lược toàn cầu. Hành động xuống thang cho thấy Liên Xô không sẵn lòng mạo hiểm giúp đỡ cho cách mạng Mỹ Latin.
Tại Algeria 25/2/1965, Che công kích Liên Xô thiếu nỗ lực cho cuộc đấu tranh giải phóng các dân tộc bị áp bức.
Hoa Kỳ được Che đặt tên "Đế quốc phương Bắc", còn Liên Xô là "Đế quốc phương Nam".
Che viết hẳn một chuyên đề phê phán "Giáo khoa chính trị học" Liên Xô.
Tranh luận với Bộ trưởng Văn hóa Cuba Armando Hart, Che cho rằng đưa môn triết trong các sách giáo khoa Xô-viết vào giảng dạy ở các đại học La Havana là nguy hại.
Che nói một câu tiên tri – Đường lối đó "không cho người ta suy nghĩ, đảng đã làm ra nó cho mày thì mày phải tiêu hóa nó", "Không thể diệt ý kiến bằng bạo lực mà chỉ có thể ngăn cản trí thông minh nẩy nở".
Ngay khi lên làm Thống đốc Ngân hàng Cuba, Che đã phản đối gay gắt bệnh giáo điều, dập khuôn mô hình kinh tế Liên Xô.

Che: Fidel "hèn, như một thằng đào ngũ"
Một ngai vàng không có chỗ cho hai người.
Che chẳng đoái hoài cái ngai đó. Song trái tim Che đã tan vỡ khi nghe Fidel đọc lá thư tuyệt mệnh của mình, viết phòng hờ lúc đi xa mà lẽ ra chỉ được công bố sau khi chết (họ thỏa thuận với nhau thế), lại được đọc khi Che vừa mới rời Cuba bước vào hoạt động bí mật.
Đó là hồi giữa thập niên 1960, khi Che Guevara từ bỏ mọi chức vụ đang có tại Cuba để dấn thân sang các nước vùng Nam Mỹ, tiếp tục cuộc cách mạng giải phóng Mỹ Latin nhằm "tạo ra một, hai, ba và rất nhiều Việt Nam".
Việc công bố thư có phải là một cách bịt đường về, phủi tay trước những hoạt động Che làm, hay đó chỉ cách để Fidel thông báo cho "bạn bè gần xa, đồng chí tư bản cũng như cộng sản" rằng Che một mình làm cả một cuộc chia ly, một cuộc nổi loạn ở đâu đó?
Nghe tin này qua Đài phát thanh La Havana, Che cười nhạt, nói "Hèn thật, như một thằng đào ngũ".
Có thể Fidel không đếm xỉa bất cứ chỉ trích của người nào, nhưng lời nói của Che giản dị, nhưng đau nhất.
Ngày 8/10/1967, Che bị giết ở Quebrada del Yuro, Bolivia, trong một ngôi trường nhỏ.

Ernesto Che Guevara (sinh năm 1928) bị giết ở rừng núi Bolivia năm 1967Image copyright OTHER - Image caption-Che Guevara bị giết ở rừng núi Bolivia năm 1967

Mario Teran, người nhận lệnh bắn Che kể lại cho tạp chí Paris Match năm 1977: "Tôi chần chừ đến 40 phút trước khi phải hành quyết Che. Tôi tìm gặp Đại tá Perez, hy vọng bãi bỏ lệnh này. Song Đại tá nổi giận. Đây là giờ phút tồi tệ nhất trong cuộc đời tôi".
"Khi tôi quay lại, Che đang ngồi trên ghế băng. Khi nhìn thấy tôi vào, Che hỏi: "Ông đến để giết tôi?" Tôi không e dè gì, nhưng cúi đầu, không trả lời. Tôi không dám bắn. Khoảng khắc này, tôi thấy như Che lớn khủng khiếp, ánh mắt tự tin. Tôi thấy Che nhổm lên và nhìn thẳng vào mắt tôi, làm tôi nôn nao hết cả người. Tôi nghĩ rằng với một cú chớp nhoáng Che có thể đoạt khẩu súng trong tay tôi.
"Hãy thanh thản anh bạn, ngắm cho cẩn thận. Anh chỉ giết một con người". Tôi lùi lại một bước về phía cửa, nhắm mắt, xả loạt tiểu liên đầu tiên vào Che…"

Ảnh hưởng của Che
Ánh mắt Che khi chết rộng mở, độ lượng và nhân ái. Ánh mắt ấy chấn động nhân loại và chắc chắn ám ảnh đến một người đồng hương Argentina, kém Che 8 tuổi. Người tên là Jorge Mario Bergoglio, được biết đến nhiều hơn dưới tên Giáo hoàng François.
Người bạn của Fidel ấy, với cốt cách khinh bạc tiện nghi vật chất, những ham muốn tầm thường, xa lánh thói tự tư, tự lợi, quyền lực, lên đường chiến đấu chống lại bất công của nhân loại có khác gì Chúa?

Hình Che ở Cuba ngày nayImage copyright GETTY IMAGES-Image caption-Hình Che ở Cuba ngày nay

Ngay khi bước vào Vatican tháng 3/2013, Giáo Hoàng đã cầm hồ sơ Cuba trong tay, coi đó như sứ mệnh cá nhân.
Hai bức thư bí mật với dấu ấn chiếc nhẫn Giáo Hoàng được gửi tới Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro.
Tháng 6/2013, một phái đoàn Cuba lặng lẽ đến Rome, bí mật gặp phái đoàn các nghị sĩ Hoa Kỳ trước sự hiện diện của Đức Thánh Cha.
18 tháng trao đổi, thỏa thuận những nhân vật trong bóng tối với sự bảo trợ của Vatican cuối cùng đã dẫn đến cuộc điện đàm một tiếng đồng hồ giữa hai nguyên thủ quốc gia đối nghịch nhau đúng một nửa thế kỷ.
Ngày 17/5/2015, sự vun trồng kết trái. Hai nước chính thức lập lại quan hệ ngoại giao.
Những lời tiên tri của Che đã đúng. Cái chết như thần thoại của Che đã mở cánh cửa cho Cuba.
Bây giờ ai cũng biết đằng sau sự biến mất của Che là gì.
Fidel không thể nào không đọc những hàng chữ này. Những hàng chữ của một trong ba đồng đội sống sót của Che kể lại cuộc chia tay với "hậu phương lớn Xô Viết" để thấy thế nào "vừa là vô sản, vừa là anh em":
"Khi ba người Cuba chúng tôi trốn thoát khỏi Bolivia, Tổng thống de Gaulle không tận tay đến tiếp chúng tôi tại Pháp, song ông đã trực tiếp yêu cầu chính phủ Tahiti bảo đảm an ninh cho chúng tôi, giám sát việc chúng tôi được tiếp đón nồng hậu ở đây, chúng tôi như trong vòng tay người nhà.
Khi đến Paris, thành viên Đảng Cộng sản Pháp đã ra tận sân bay, chuẩn bị một cuộc tiếp đón ấm nồng, chan chứa tình bạn, tổ chức một buổi phỏng vấn truyền hình, đối đãi với chúng tôi rất tốt, rất nhân văn. Người Pháp lịch thiệp, tế nhị cử một quan chức ngoại giao tháp tùng chúng tôi đến tận Sứ quán Cuba tại Tiệp Khắc. Nhưng chúng tôi không bao giờ, không khi nào nhận được thị thực quá cảnh Liên Xô. Chúng tôi phải đợi ba ngày tại Praha, cho đến khi Ramiro Valdez (Bộ trưởng Ngoại giao) bay từ Cuba sang đàm phán với KGB ngõ hầu được quá cảnh tại Nga trong vòng 10 phút trên phi trường Moscow. Chúng tôi bay từ Praha hồi 2h sáng, do chênh lệch múi giờ cũng đến Moscow vào lúc 2h. Gacia Paléaz lái xe đón chúng tôi ngay chân cầu thang máy bay, đi sau một xe có rất nhiều đèn pha, chắc của KGB và đưa thẳng chúng tôi ra đường băng có một chiếc IL 62 đậu mà cửa sau đã mở sẵn. Chúng tôi lên máy bay bằng cửa này. Tất cả diễn ra chưa đến 10 phút. Hành động của họ chứng tỏ Liên Xô đã gây sức ép lên Fidel, họ quên ai là bạn của Che và đồng đội chúng tôi... Một sĩ quan Cuba có hàm rất cao nói: "Tôi nói chính xác đến từng chữ một, nếu như câu nói này có thể làm tôi không còn chỗ đứng trên trái đất tôi vẫn nói, người ta đã vứt họ vào những cánh rừng Bolivia như vứt mẩu thép gỉ vào đống rác."

Đài truyền hình Arte của Pháp trong chương trình đặc biệt tưởng niệm cái chết của Fidel Castro ngày 25/11/2016 bình luận, "Liên Xô mong muốn ký Hiệp ước giải trừ vũ khí hạt nhân với Mỹ nên đã áp lực lên Cuba thí Che".
Che đã lặng lẽ đi con đường của mình. Con đường tiền định của một nhà cách mạng. Trong một thế giới đầy bất ổn, Che như chịu hình phạt của người mang thông điệp lớn lao, bi kịch mà hạnh phúc.
Còn Fidel? Fidel thường ví mình như một Cid Campeador, anh hùng thần thoại Tây Ban Nha được biết dưới cái tên Rodrigo Diaz de Vivar, được nhà soạn nhạc Piere Corneille phổ thành vở Opera năm 1637.
Ông nghĩ rằng mình cũng là một kỵ mã mà cái chết vẫn làm kinh khiếp kẻ thù. Như người vợ Chimène của "Cid Campeador" cột xác chồng lên chiến mã xung trận. Ai đó sẽ dựng Fidel y như thế trong dáng đứng chiến đấu chống chủ nghĩa đế quốc.
Nhưng hình như phút cuối đời mình, Fidel đổi ý.
Fidel muốn được hỏa thiêu và không một tượng đài hay đường phố nào sẽ mang tên mình ở Cuba.
Sao Fidel không muốn về nằm cùng với Che ở Santa Clara?
Biệt ly với Che, bỏ bạn chết trong rừng Bolivia, Fidel đã bán linh hồn mình cho "Đế quốc phương Nam". Fidel lánh mặt bạn trong ngày phán xử cuối cùng.
Phạm Cao Phong
Gửi tới BBC Tiếng Việt từ Paris
29 tháng 12 2016

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả hiện sống tại Paris, Pháp.


Bộ mặt thật của Fidel Castro

Đông Đô Phạm (Danlambao) 

fidel castroNhân lúc Fidel Castro xuống địa ngục gặp Các-Mác chúng ta củng nên đọc lại trên tạp chí L’Express của Pháp giới thiệu một chương trong quyển sách “bộ mặt thật của nhà lãnh đạo Cuba Fidel Castro” (La Vie cachée de Fidel Castro) do tác giả JuanReinaldo Sanchez (một sĩ quan cận vệ và củng là đầu bếp) suốt 17 năm theo chân nhà cách mạng Cuba tiết lộ nội dung vạch trần bộ mặt “lưu manh giả danh lương thiện” của Fidel Castro.(Sách được bán trên Amazon) (1)...fidel castro

Chúng ta hãy nghe lời đạo đức giả của ông râu xồm lưu manh này - Hehe... “Tôi là Fidel Castro- xin được trịnh trọng tuyên bố rằng, trái ngược với tất cả những gì mà ngài Bush (TT/Mỹ) nói, hiện giờ tôi chẳng có một đôla dính túi. Toàn bộ tài sản của tôi đều dễ dàng đút gọn vào túi áo sơ mi của ông ta”.(nguồn:This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.) (2)

fidel castro
Nhưng đây là: Tài sản nhỏ bé dễ dàng đút gọn vào túi áo sơ mi của Fidel Castro
Vương Quốc biển của Fidel Castro (Ảnh do tác giả Sanchez bí mật chụp)
Fidel Castro khẳng định: "Cả cuộc đời, ông không có tài sản nào cả, chỉ có một chiếc lều câu cá (theo lịch sử đảng CS Cuba). Thực tế, căn lều của lãnh đạo Cuba là một hệ thống biệt thự sang trong, huy động những phương tiện hậu cần khổng lồ của nhà nước và quân đội để xây dựng chiếm trọn hải đảo Cayo Piedra mà giới lãnh đạo xã hội chủ nghĩa thường sang thăm Cuba nhưng ít ai được mời đến nơi này vì Fidel Castro dấu kín không muốn phơi bày bộ mặt thật vương giả của mình”. 
“Cayo Piedra thực ra là hai đảo nằm gần nhau và để đi lại dễ dàng Fidel Castro ra lệnh cho xây một chiếc cầu dài 215 mét nối hai đảo nam và bắc để cho ba chiếc du thuyền của gia đình ông cập được vào bãi cát mịn. Trừ văn hào Gabriel Garcia Marquez, người bạn thân thiết nhất được mời đến nhiêu lần. Còn tuyệt nhiên Fidel Castro che giấu rất kỹ, hiếm khi nào mời khách dù quen hay lạ. Khách mời quan trọng lắm cũng chỉ được lưu trú trong một biệt thự ở phía bắc với một hồ bơi 25m. Ở phía nam, có một nhà hàng nổi, nơi gia đình Fidel Castro thường hay dùng cơm. Viên cựu sĩ quan cận vệ cho biết trong 17 năm hầu cận Fidel Castro, ông có gặp một số lãnh đạo chính trị như Tổng bí thư cộng sản Đông Đức Erich Honecker, chủ nhân đài CNN Ted Turner, vua gà của Pháp Gerard Bouroin khi ông này qua Cuba tìm thị trường. Tuyệt nhiên không bao giờ thấy người em Raul Castro.
Dân chúng Cuba ăn uống kham khổ còn Chủ tịch nước ăn uống ra sao? Ở tư dinh La Habana, một bà gia nhân giám sát hai đầu bếp chỉ để phục vụ cho Fidel Castro… bữa ăn của nhà cách mạng được một ông quản gia chuyên nghiệp phục vụ tận bàn như trong nhà hàng 5 sao. Mỗi chiều, Dalia, vợ của Phi-đen soạn ba thực đơn: ăn sáng, ăn trưa và ăn tối cho ngày hôm sau nhưng không phải chung cho cả gia đình mà là cho từng “cá nhân một, với sở thích thói quen ẩm thực và yêu cầu riêng”.
Buổi sáng, Fidel Castro thức giấc lúc 11 giờ để ăn sáng, hiếm khi nào dậy trước 10 giờ và bắt đầu ngày làm việc vào khoảng 12 giờ trưa. Khi ông dùng sữa, thì sữa phải là từ bò nuôi trong nông trại gia đình cung cấp và mỗi thành viên gia đình có một con bò sữa riêng. Sữa đưa lên bàn ăn đựng trong chai có số riêng. Chai sữa bò của Fidel Castro mang số 5. Fidel Castro có vị giác rất tinh tế phân biệt được mùi vị nếu sữa không xuất phát từ con bò cái của ông. 
Về an ninh, luôn luôn có 15 vệ sĩ túc trực bên mình. Hầu hết được tuyển chọn theo khả năng tác xạ và cận chiến. Đặc biệt là trong số vệ sĩ có một người có diện mạo rất giống Fidel Castro tên là Silvino Alvarez, thấp hơn chút ít nhưng nếu ngồi trong xe thì không thể phân biệt được, ai giả ai thật. Năm 1992, khi lãnh đạo Cuba lâm bệnh nặng, nằm liệt giường, ông “Phi-đen” giả được cho lên xe chủ tịch chạy vòng vòng trong đường phố thủ đô La Habana, cố ý đi qua những nơi đông người như đại lộ Prado dọc bãi biển và khu có sứ quán Anh, Pháp. Ngang qua đám đông, “chủ tịch giả” cũng đưa tay chào như chủ tịch thật, để dân chúng tin rằng lãnh tụ mình vẫn khỏe mạnh… (JuanReinaldo Sanchez)

fidel castro
Đây! Hình ảnh XHCN/CS Cuba sau hơn nữa thế kỷ dưới sự lạnh đạo “kiệt xuất của anh hùng lỗi lạc” Fidel Castro - Ngay tại thủ đô La Habana / Cuba, Nhiều khu vực dân cư còn rất nghèo, nghèo hơn cả Sài Gòn nửa thế kỷ trước (thập niên 1960).

Hai ngày qua, kể từ 25-11 Fidel Castro “đứt bóng” truyền thông nhà nước CSVN như một giàn nhạc giao hưởng “kèn Tây” cùng hợp xướng đồng ca tô son điểm phấn cho cái xác ông râu xồm Fidel của đảo quốc CS/Cuba vừa giã từ trần thế xuống “thiên đàng XHCN” để hội ngộ với ma vương quỷ sứ Hồ Chí Minh và Các-Mác. Một trong những điệu kèn thảm thiết đó rên rỉ như thế này: “Sự ra đi của lãnh tụ kiệt xuất Fidel Castro đã để lại niềm tiếc thương vô hạn trong lòng người dân Cuba. Họ luôn xem ông như vị anh hùng lỗi lạc, người đã dành trọn cuộc đời mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và kiến thiết nước nhà”dantri.com.vn
Chúng ta điểm lại xem Fidel Castro “kiệt xuất” giải phóng dân tộc và kiến thiết nước nhà Cuba như thế nào kể từ nhà nước Cuba do hai anh em nhà Castro thay nhau lãnh đạo (1959) đến nay. Trong số 53 quốc gia và vùng lãnh thổ Châu Mỹ không có nước nào lấy cái mô hình anh hùng “kiệt xuất” giải phóng dân tộc của Fidel Castro để làm gương - chỉ duy nhất Cuba là Cộng Sản XHCN (một số vài nước khoát cái áo XHCN nhưng thân xác vẫn là tư bản 100%).
Từ sau cuộc “Cách mạng” Cuba năm 1959, tiêu chuẩn sống người dân Cuba luôn đi xuống. Năm 1962, chính phủ Cuba phải áp dụng chế độ phân phối lương thực, thiếu thốn càng trở nên gay gắt sau sự sụp đổ của Liên Xô- Đông Âu Ngoài ra, Cuba đã trải qua tình trạng thiếu hụt nhà ở vì chính phủ không thể đáp ứng nổi sự gia tăng nhu cầu. Tới cuối năm 2001, nghiên cứu cho thấy mức sống trung bình tại Cuba thấp hơn trước “cách mạng 1959” nhà nước CS/Cuba không thể trả lương đáp ứng nhu cầu của người lao động và hệ thống phân phối nhu yếu phẩm luôn bị ám ảnh thường xuyên vì thiếu hụt hàng hóa. Khi số lượng phân phối giảm sút, người Cuba dần phải quay sang chợ đen để có được những sản phẩm căn bản: quần áo, thực phẩm, đồ dùng gia đình, vật dụng chăm sóc sức khỏe. Khu vực không chính thức này được nhiều người dân Cuba gọi là “sociolismo” (một nghĩa khác của thị trường tự do chợ đen) tình trạng tham nhũng trong các ngành công nghiệp nhà nước, như ăn cắp tài sản nhà nước để bán ra chợ đen, cũng thường xuyên hơn. Cuba từng là nước sản xuất và xuất khẩu đường lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, vì tình trạng đầu tư máy móc kém, sản lượng đường của Cuba đã giảm nghiêm trọng. Năm 2002, hơn một nửa các nhà máy đường ở Cuba phải đóng cửa. Mùa thu hoạch gần đây nhất chỉ đạt 1.1 triệu tấn, thấp nhất trong gần một trăm năm qua, chỉ tương đương với sản lượng năm 1903 và 1904. Chính phủ Cuba buộc phải áp đặt hầu hết các loại giá cả và khẩu phần lương thực cho các công dân. Hơn nữa, bất kỳ một công ty nào muốn thuê nhân công người Cuba phải trả bằng ngoại tệ cho chính phủ Cuba, và chính phủ sẽ hoán đổi trả tiền cho người lao động đó bằng đồng peso Cuba.(hoán đổi rất thấp so giá trị thật của ngoại tệ) - Mức GNI (Gross national income, thu nhập quốc dân) bình quân đầu người của Cuba (số tiền lương đem về nhà) của đại đa số người Cuba chỉ ở mức $20/tháng=440.000 VND. (cafekubua.com)
Tóm lại, Fidel Castro một tên cộng sản sống như đế vương trên mồ hôi nước mắt người dân nhưng vỗ ngực xưng tên mình là giai cấp vô sản, y chính là một trong những kẻ “lưu manh giả danh lương thiện”.
Hơn một trăm triệu nạn nhân chết vì các chế độ cộng sản trên toàn thế giới, nhân loại đang kinh tởm nguyền rủa, gần mực thì đen gần đèn thì sáng.
“Hãy nói cho mọi người biết bạn của anh là ai, mọi người sẽ nói cho anh hiểu anh là loại người như thế nào”. 

Đông Đô Phạm
danlambaovn.blogspot.com

 

Đăng ngày 30 tháng 12.2016