Sợ


Từ Thức

Một bên là những người tay không. Một bên là một lực lượng đàn áp hùng hậu, tàn bạo hơn thú dữ. Trước cái can đảm phi thường của dân Hong Kong, người ta đặt câu hỏi: họ có biết sợ không?
Denise Ho, một trong những lãnh tụ Hong Kong trả lời: trước đây, chúng tôi đã sợ hậu quả của sự im lặng, ngày nay chúng tôi không biết sợ nữa.
Sợ là một tình cảm tự nhiên. Người xưa tóm tắt tình cảm của con người bằng bốn chữ: hỉ, nộ, ái, ố. Có lẽ phải thêm chữ thứ năm: sợ. Sợ là một phản ứng tự vệ, để sống còn. Con nai không biết sợ sẽ làm mồi cho cọp, báo.
J.P Sartre: "những người không biết sợ không phải là những người bình thường. Không liên hệ gì tới sự can đảm". Francois
Mitterrand: "can đảm là chế ngự được cái sợ, không phải là không biết sợ", không nói khác gì hơn Nelson Mandela: "Tôi hiểu được can đảm không phải là không biết sợ, nhưng là khả năng chiến thắng sự sợ hãi"

KHÔNG CÓ THỜI GIỜ
Denise Ho và những người xuống đường Hong Kong đã chế ngự được cái sợ công an, cảnh sát, súng đạn hay cả cái chết, vì có cái sợ lớn hơn: sống suốt đời dưới ách Trung Cộng.
Khi đã lâm cuộc, cái sợ biến mất, hay giảm đi. Ngạn ngữ La mã: cái can đảm tăng lên khi người ta dám hành động; cái sợ tăng khi người ta do dự.
Aissatou Barry nói: tôi không có thời giờ để sợ. Aissatou là một thiếu nữ 12 tuổi, người Guinée, sáng lập và đứng đầu một tổ chức chống tệ nạn gả bán các bé gái vị thành niên. Aissatou quên sợ khi tay không, tới đám cưới các thiếu nữ vị thành niên để phản đối, gây rối loạn, ăn đòn, cho tới khi cảnh sát phải can thiệp. Và cảnh sát bắt buộc phải huỷ bỏ đám cưới, vì luật Guinée ngày nay đã cấm hôn nhân vị thành niên. Aissatou đã cứu được 9 bé gái trong một nước 52 phần trăm thiếu nữ vẫn bị gả bán khi chưa tới tuổi trưởng thành.
Aissatou bắt đầu hoạt động khi một bạn học cùng tuổi bị ép bỏ học để lấy một ông chồng già. Cái bất bình và tình thương bạn lớn hơn cái sợ.

BẠO LỰC VÀ KINH HOÀNG
Võ khí của các chế độ độc tài là bạo lực. Mục đích của bạo lực là phủ cái kinh hoàng lên khắp xã hội để người dân sợ. Sợ tới độ không dám chống đối, không dám nhìn, nghe, nói, không dám có ý kiến riêng, không dám suy nghĩ nữa.
René Lenoir: "Khi một cá nhân sợ, họ trao tự do của mình cho một chính quyền mạnh, trở thành hoàn toàn vô trách nhiệm".
(Lorsque les individus ont peur, ils abandonnent leur liberté à un pouvoir fort, ils se déresponsabilisent totalement). Cá nhân khi đó khoán trắng đời mình cho nhà nước, trở thành hoàn toàn thờ ơ và từ đó đi tới vô cảm. Người Việt không sinh ra vô cảm, người Việt trở thành vô cảm.
Khi bạo lực là một quốc sách, thực hiện quy mô, trong gần một thế kỷ như ở Việt Nam, cái sợ trở thành bản năng, một nghệ thuật sống, một cá tính của dân tộc. Một nhà văn nói thay mọi người, những ngày cuối đời: tôi còn sống vì biết sợ.
Khi biết sợ trở thành một túi khôn, một phản ứng tự nhiên để sống còn, một nhân sinh quan, một triết lý sống của người dân, tập đoàn cầm quyền có thể thoả mãn: họ đã thành công trong kế hoạch trồng người. Đã đặt một nền tảng vững chắc cho chế độ
Một người VN khi muốn làm một cái gì để cải tiến xã hội, sớm muộn gì cũng được nghe lời khuyên, chí tình, của một người thân: Cộng Sản nó mạnh lắm, không làm gì được nó đâu.
Người Cộng Sản đã lý thuyết hoá việc gieo rắc kinh hoàng và thực hiện một cách hữu hiệu lý thuyết đó. Hữu hiệu và đẫm máu: trên dưới 100 triệu người bỏ mạng.
Marx và Engels đã khai sinh, và Engels tiếp tục biện minh cho ý niệm độc tài vô sản. Ông trùm Cộng Sản Lev Kamenev quả quyết việc tiêu diệt tận gốc rễ các lực lượng đối lập là phương tiện duy nhất để duy trì cách mạng. Lénine nói những chế độ Cộng Sản bền vững là những chế độ có khả năng tận diệt, không đắn đo do dự, các phần tử chống đối.
Staline, và ngay cả Lénine trước đó, Mao, Pol Pot đã thực thi triệt để lý thuyết trên. Những người CS Việt Nam được Nga, Tàu huấn luyện, cũng thực hiện kế hoạch gieo rắc kinh hoàng trong suốt những thập niên vừa qua.
Chưa nói tới chống đối, mỗi khi có sự hoài nghi, có chút nản lòng, có dấu hiệu mệt mỏi trong xã hội, nhà nước phát động những chiến dịch kinh hoàng, hết Cải cách ruộng đất tới Nhân Văn Giai Phẩm. Cũng chỉ là học sách vở của Mao, hết kế hoạch nhẩy vọt tới Cách mạng văn hoá. Phải đè nặng cái sợ trên đầu dân.
Ngày nay, cái gọi là toà án nhân dân ban phát 10, 15 năm tù, bản án dành cho những kẻ cướp của giết người ở những xứ văn minh, cho những người nghĩ khác với tập đoàn cầm quyền, cũng không có mục đích gì khác hơn là gieo rắc khủng bố, duy trì cái sợ. Như ngày xưa, người ta bêu đầu phạm nhân giữa chợ để răn trăm họ.

SỢ NHÀ NƯỚC
Để sống còn, phương tiện duy nhất của người dân là cái sợ. Cái sợ trở thành một bản năng. Đúng hơn là cái sợ chính quyền, ngay cả ở những người không biết sợ, không phải vì can đảm, nhưng vì vô ý thức. Đó không phải là một cái sợ bâng quơ, nhưng là cái sợ guồng máy đàn áp của chính quyền.
Rất nhiều người VN đứng hồn nhiên coi gỡ mìn, chở mìn trên xe đạp, nghĩa là coi mạng sống của mình không đáng một xu, nhưng không hề, không dám phản đối khi bị nhà nước cưỡng bức. Không dám tỏ một thái độ chống nhà nước, dù rất bất mãn, uất ức.
Nhiều nạn nhân bị cán bộ cướp vườn, cướp ruộng, tuyệt vọng, mổ bụng tự tử, sau khi giết cả vợ con, nhưng không đụng tới chân lông bọn cầm quyền lộng hành. Cái sợ nhà nước đã ăn sâu vào tiềm thức, không rời bỏ được, ngay cả khi không còn gì để sợ nữa.
Khi hết sợ, người ta trở thành một người tự do. Biết phẫn nộ trước những bất công, bất bình trước những cái trái tai gai mắt.
Khi người ta tìm lại được những tình cảm tự nhiên, người ta bừng tỉnh, hết muốn làm nô lệ. Gandhi: khi một người quyết định không muốn làm nô lệ nữa, xiềng xích đã đứt.
Cởi bỏ cái sợ là bước đầu của mọi thay đổi, nhưng làm cách nào gột rửa được cái sợ đã ăn sâu vào xương tuỷ qua nhiều thế hệ, để trở thành dân tộc tính?
Lại trở lại công thức La Mã: người ta hết sợ khi hành động. Hay nói như người Pháp: l’appétit vient en mangeant (Cứ ăn đi, sự ngon miệng sẽ tới). Khởi đầu bằng những hành động ít nguy hiểm nhất, thí dụ tranh đấu cho môi trường, hay chống lại những chuyện trái tai gai mắt trong đời sống thường nhật.
Cái sợ giảm đi khi người ta không đơn độc. Chính vì vậy mà "tụ tập đông người" là một cái tội trong xã hội Cộng Sản. Cấm tụ tập đông người, không phải sợ gì vài chục người, nhưng sợ cái sợ của người dân sẽ giảm đi. Chính vì vậy mà phải vu cáo, nhục mạ, đánh hội đồng để cô lập hoá những người chống đối.
Trong bối cảnh đó, không thể không khâm phục những người tại quốc nội, đã chế ngự được cái sợ, để tranh đấu cho quyền làm người, cho sự mất còn của đất nước.

08-10-2019

tuthuc-paris-blog.com


 

Cẩm nang

phải đầu tư thế nào ở Việt Nam?

Từ Thức

 Luật VN từ nay cho phép ngân hàng tuyên bố phá sản. Nghĩa là một buổi sáng đẹp trời, tới ngân hàng thấy cửa đóng then cài, bạn khám phá ra mình đã mất cả chì lẫn chài.
Sự thực, muốn giúp dân tiến tới cách mạng vô sản cũng chẳng cần phá sản ngân hàng, chỉ cần phá giá đồng bạc.
Có người cẩn thận, lo cho tương lai, bao nhiêu tiền bỏ vào quỹ tiết kiệm ‘’nhân dân ‘’. Sau bao nhiêu năm dành dụm, tính lấy tiền ra mua nhà, cuới vợ cho con, khám phá ra tiền tiết kiệm chỉ còn đủ ăn một chầu phở bột ngọt. Còn bị các chuyên viên chê là không biết quản trị tiền bạc
Phải làm gì với tiền VN ?
Mua vàng ? VN ngày nay tràn ngập vàng giả của Tàu.
Chôn trong nhà, ngoài vườn ? Nhưng nhà hay vườn cũng có thể bị cướp.
Đầu tư ?. Nhưng cũng phải biết cách, biết nơi đầu tư. Loạng quạng mất cả tiền còn nằm tù mục xương vì đủ thứ tội, ít nhất trong khi gia sản của mình được ‘’ nhân dân ‘’ chia nhau .
Cách hay nhất , ý nghĩa nhất là đem hiến tiến bạc cho quốc gia để xây lăng mộ cho các lãnh tụ.
Bây giờ đang là mùa lãnh tụ băng hà. Lăng mộ huy hoàng, mông mênh quá tốn kém trong khi kinh tế quốc gia kiệt quệ, nợ nần chồng chất. Mỗi người dân phải tự nguyện đóng góp vào việc xây lăng mộ cho xứng đáng với các lãnh tụ kính yêu.
Ngoài chuyện bổn phận công dân, đó cũng là một cái thú cá nhân, một thoả mãn tinh thần. Mỗi lần đi qua một lăng mộ vĩ đại, hay thấy hình ảnh huy hoàng của những đám quốc tang , sẽ có cái tự hào là mình đã được hân hạnh trực tiếp đóng góp. Có cái kiêu hãnh là chủ nhân tinh thần của một mảnh nghĩa trang được coi là hoành tráng nhất thế giới
Các triết gia đều đồng ý : cái thoả mãn tinh thần nó cũng quan trọng đối với con người, ít nhất ngang hàng với những thoả mãn vật chất.
 03-10-2019
 tuthuc-paris-blog.com


Jacques Chirac

Từ Thức

Hôm nay, thứ Hai 30/09, nước Pháp đưa tang Jacques Chirac.
Trên 80 nguyên thủ quốc gia hay đại diện chính phủ sẽ tới dự buổi lễ tiễn đưa cựu tổng thống Pháp vừa từ trần, tại nhà thờ St Sulpice, Paris, nhưng hình ảnh nói nhiều về tình cảm của dân Pháp là trên 7 ngàn người, ngày Chủ Nhật, đã đội mưa, xếp hàng trên 1 cây số dưới trời mưa tới điện Invalides chào ông tổng thống lần cuối cùng. Nhiều nguời đến từ xa, đúng chờ 5, 6 giờ, cho tới 2 giờ sáng.
Hình ảnh Chirac tràn ngập trên báo chí, nhưng diễn tả cá tính Jacques Chirac ( năng động, nóng nẩy, bất chấp lễ nghi…) hơn cả, là tấm hình Chirac nhẩy qua hàng rào métro. Năm 1980, thị trưởng Paris Jacques Chirac tới khánh thành trạm xe điện ngầm tốc hành RER Auber. Không biết sau khi đút vé vào máy kiểm soát, phải rút vé ra, cửa mới mở, ông thị trưởng không ngần ngại nhẩy qua rào cản.
Người Pháp thích Chirac, kể cả những người đối lập, và tiếc thương Chirac ( mặc dù 12 năm tổng thống của Chirac, thất bại nhiều hơn thành công, với những dự án cải tổ bị bỏ giữa chừng vì những cuộc biểu tình chống đối ), chính vì thấy ông ta giống như mình, không phải một chính khách ngồi trong tháp ngà
Mỗi người có một giai thoại về Chirac. Chirac bắt khách ngồi chờ vì phải điện thoại kiếm nhà cho một bà thư ký về hưu. Thăm viếng một bảo tàng viện, tổng thống Chirac đứng nói chuyện với nhân viên, ông thủ tướng nhắc là có báo chí và quan khách đang chờ. Chirac để thủ tướng đi trước, ở lại hỏi han nhân viên… hơn một giờ. Khi thăm viếng Hội chợ Nông Nghiệp, Chirac la cà suốt ngày, không bỏ sót một gian hàng nào, uống bia, rượu đỏ, rượu trắng, nếm tất cả các món ăn một cách ngon lành, đùa dỡn với nông dân như bạn nối khố.
Thăm viếng chính thức Do Thái, khi thấy an ninh Do Thái ngăn cản dân Palestine lại gần, ông tổng thống Pháp nổi giận, la hét : Hãy để cho người ta đến. Các anh có muốn tôi trèo lên máy bay về Paris ngay không ?
Khi cô con gái út, Claude, đi nghỉ hè ở nhà nữ danh ca Line Renaud, Chirac gọi điện thoại mỗi ngày 5 lần, khiến cô con gái phải than : nếu papa gọi suốt ngày, còn gì là vacances nữa !
Chirac sẽ được an táng ở nghĩa trang Montparnasse, Paris, trong một ngôi mộ bình dị như bất cứ ngôi mộ nào của những người vô danh tiểu tốt chung quanh. Không bằng một góc lăng của các đỉnh cao trí tuệ loài người, của những đầy tớ ‘’chỉ biết phục vụ dân, không biết gì khác ‘’
Bia mộ cũng chỉ ghi đơn giản, theo ý người quá cố : ''Jacques Chirac 1932-2019''. Không bằng cấp, chức tước tùm lum.
Chirac yên nghỉ bên cạnh mộ cô con gái lớn, Laurence. Laurence là bi kịch của cuộc đời Jacques Chirac. Laurence bị trầm cảm nặng, mắc bệnh từ chối ăn uống ( anorexie mentale ), từ năm 15 tuổi, hậu quả một cơn bệnh hiểm nghèo, méningite ( viêm màng não ). Chirac từ trần cách đây vài ngày, nhưng một người bạn thân nói ông đã chết từ 3 năm nay, khi Laurence lìa đời ở tuổi 58.


30.09.2019
tuthuc-paris-blog.com

__________________


Adieu Jacques Chirac

Từ Thức


Jacques Chirac vừa từ trần, hưởng thọ 86 tuổi, sau nhiều năm bạo bệnh.
Sống ngoài nước Pháp, có thể cái tên Chirac xa lạ đối với bạn, nhưng Chirac là người đánh dấu chính trường Pháp những thập niên gần đây.
Hầu hết người Pháp, từ tả sang hữu, đều nhớ tiếc, và nhớ ơn Chirac, người đã từ chối tham dự cuộc chiến tranh chống Irak, tránh cho nước Pháp một cuộc chiến tranh không lối ra.
Nước Pháp tham chiến với Hoa Kỳ tại Afghanistan, nhưng Chirac dứt khoát nói ‘’ N0N ‘’ khi George Bush tuyên chiến với Irak năm 2003
Trái với các đồng minh của Mỹ thời đó, Chirac nghĩ chiến tranh, nhất là chiến tranh không có sư thỏa thuận của Liên Hiêp Quốc, không phải là giải pháp, sẽ làm đảo lộn trật tự ở Trung Đông, mở đường cho hỗn loạn và tạo cơ hội cho các tổ chức hồi giáo cực đoan, đe doạ an ninh thế giới.
Theo Chirac, nếu Tây Phương mang chiến tranh sang Trung Đông, người Ả Rạp sẽ mang khủng bố tới các nước Tây Phương. Vì vậy, điều kiện tối cần là phải có sư đồng ý của Liên Hiệp Quốc, trong đó có các nước Á Rạp, để cuộc chiến không phải la chiến tranh giữa Tây Phương với thế giới Hồi Giáo
Dân biểu, thị trưởng Paris, thủ tướng, trước khi trở thành tổng thống ( từ 1995 tới 2007 ), Chirac là một khuôn mặt chính trị quen thuộc, như một người trong gia đình của nhiều thế hệ.
Mitterrand nói: ‘’ tôi là tổng thống lớn cuối cùng của nước Pháp. Sau tôi, sẽ chỉ còn những nhà kinh tài, những kế toán viên''
Mitterrand lầm, người kế vị Mitterrand, Jacques Chirac, không phải là một kế toán viên, nhưng một chính trị gia có khả năng quyết định, có can đảm lựa chọn khi cần.

tuthuc-paris-blog.com

_______________

 

Mâu thuẫn

Từ Thức

Chirac là một nhân vật phức tạp, đầy mâu thuẫn.
Là lãnh đạo phe hữu, ông ra luật cho phép phá thai, khi dư luận vẫn còn e dè.Chủ trương tư do kinh tế, Chirac có khuynh hướng xã hội,chống bất công;
Là người sẵn sàng dùng thủ đoạn, kể cả phản bội đàn anh như Chaban Delmas, Giscard để nắm quyền, Chirac là người thực sự nhân bản. Có 2 Chirac, một chính trị gia không nương tay, bên cạnh một người chí tình trong đời tư. Sau này, chính Chirac cũng bị những người thân phản bội trong chính trường, hết Balladur tới Sarkozy.
Chirac nói về Mitterrand, tổng thống phe tả: sức mạnh của Mitterrand là ông ta có bạn ở mỗi làng xóm trên toàn nước Pháp. Đó cũng là sức mạnh của Chirac, ông có bạn khắp nơi, kể cả những người thuộc phe đối lập, từ tả sang hữu. Chirac sẵn sàng đứng nhậu cả buổi trong quán cafe với một người vô danh tiểu tốt.
Chirac là một ông tổng thống, giữa hai buổi tiếp tân, gọi điện thoại hỏi thăm cô thư ký có con đau, nằm bệnh viện. Hay chúc mừng sinh nhật một thầy giáo làng, một chủ tiệm bánh mì quen từ nhỏ
Là cựu tổng thống đầu tiên bị đưa ra toà và bị kết án về tội ‘’ emploi fictif ‘’ ( trả lương cho vài đảng viên bằng ngân sách công ) khi làm thị trưởng Paris, ông biết đặt quyền lợi chung trên tính toán cá nhân. Chirac cương quyết từ chối cộng tác với đảng cực hữu, coi tất cả những gì cực đoan là nọc độc tiêu huỷ xã hội, trong khi chung quanh ông, rất nhiều người muốn thương lượng để giữ ghế.
Là người xuềnh xoàng, bất chấp lễ nghi, thích nói tục, cư xử như một người bình dân, Chirac có trình độ văn hoá cao, đặc biệt lá văn hoá Á Châu, thuộc lòng thơ Đường, thơ Hai ku, đam mê sumo và tất cả những gì liên hệ tới văn hoá nghệ thuật Nhật Bản. Nhưng đó là khu vườn riêng, Chirac không bao giờ đề cập tới nơi công cộng. Chirac không muốn khoe mình có văn hoá. Có người nói Chirac lấy bìa báo Playboy che cuốn thơ Đường hay triết Đông đang đọc.
 Một người bạn nói : đưọc Chirac mời ăn cơm, rất thú, vì ông ta thân tình và rất tếu, nhưng rất khổ sau bữa ăn phải uống bia, coi video các trận đấu sumo hay tuồng Nô tới nửa đêm.
Đứng đầu một đảng hữu phái, thay vì có tinh thần dân tộc hẹp hòi, Chirac thù ghét chuyện kỳ thị ( có con gái nuôi là một boat people Việt Nam ), Chirac là Tổng thống đầu tiên nhìn nhận lỗi lầm của Pháp đối với dân Do Thái.
Say mê nghệ thuật, lịch sử của các dân tộc Á, Phi, Úc Châu, Nam Mỹ ông thành lập một bảo tàng viện về ‘’ art premier ‘’ ( nghệ thuật có trước nghệ thuật Tây Phương hiện đại ): bảo tàng viện Jacques Chirac, Quai Branly, trên bờ sông Seine, Paris.Theo ông, không có thứ bậc trên dưới trong nghệ thuật thế giới. Chirac chê các bộ trưởng : các ông chỉ biết Hy Lạp, La Mã.
Là người có óc thực tiễn, nhưng Chirac cũng là chính trị gia đầu tiên để ý tới vấn đề mội trường. Bài diễn văn cách đây 17 tại một hội nghị quốc tế ở Nam Phi của Chirac bắt đầu bằng một câu lịch sử : '' Nhà chúng ta đang cháy, nhựng chúng ta quay mặt nhìn nơi khác ''
Tóm lại, Chirac là tổng hợp đủ mọi mâu thuẫn. Không phải là một ông thánh, không phải là một Tổng thống không tì vết và trong 12 năm tổng thống, Chirac bị chống đối nhiều, như tất cả những người cầm quyền ở Pháp, khiến các dụ án cải tổ đều bị bỏ dở, nhưng mọi người nhìn nhận ông thực sự nhân bản, yêu đời, yêu người.
Có lẽ chính vì vậy, mỗi người Pháp tìm thấy mình nơi Chirac, và xúc động nghe tin cựu Tổng thống từ trần. Như nghe tin một người thân ra đi. Khắp nơi, người ta xếp hàng dài ở những nơi đặt sổ vàng tiễn đưa Jacques Chirac
26-09-2019

tuthuc-paris-blog.com



 
Chuyện hàng ngày dưới huyện

Từ Thức

X là một thanh niên thất nghiệp, ngày rộng tháng dài. Một hôm buồn buồn, ghé qua phi trường chơi, thấy thiên hạ làm đuôi trước một máy bay riêng , cũng tới đứng xếp hàng.
Lên máy bay, được xếp ngồi ghế hạng nhất. Bên phải, gần cửa sổ, một phụ nữ sang trọng, nước hoa Pháp, đồng hồ Houblot, áo dài top model. Cứ 10 phút, bà ta đứng dậy, đi toilettes. X bực mình, gọi chiêu đãi viên, đòi lôi bà ta xuống hạng nhì, nơi gần WC.
Chiêu đãi viên nói hơi khó, vì bà ta là chủ máy bay, trưởng phái đoàn công du ở Nam Hàn. Và giải thích: bà vào toilettes để thử áo. Bà mang theo 300 cái áo dài, phải thử hết, xem nên chọn cái nào cho buổi tiếp tân chính thức.
Tới Hán Thành, X theo bà vào dinh tổng thống, trụ sở quốc hội, thảo luận vài chuyện với tổng thống, chủ tịch quốc hội Hàn quốc, dự yến tiệc linh đình, thấy vui hơn ngồi ở quán thịt chó hay ăn phở chửi ở Hà Nội.
Cuộc thăm viếng chính thức chấm dứt, X nói với bà áo dài : bà cứ dẫn phái đoàn về trước, tôi ở lại chơi vài tháng, khi nào chán sẽ kiếm máy bay nào còn chỗ, quá giang về sau.
Tám người khác ham vui, hay quen thói nghiên cứu, sểnh ra là đi công du nghiên cứu, cũng ở lại với X.
Báo chí toàn quốc không ngớt ca tụng cuộc viếng thăm thành công ngoài sức tưởng tượng của bà áo dài ở Hán Thành.
28.09.2019
tuthuc-paris-blog.com



Khí hậu, chuyện nhà giàu?

Từ Thức

Phiên họp thượng đỉnh về khí hậu ngày 23/09 tại Liên hiệp Quốc không mang lại kế quả gì cụ thể. 66 quốc gia cam kết sẽ đóng góp vào việc giảm bớt tiêu thụ, chấm dứt hiện tượng tăng Co2, tăng nhiệt độ trước 2050 ( việc đầu tiên là trồng lại những rừng cây bị phá hoại ), nhưng chỉ là những cam kết suông. Không có gì bắt buộc họ phải thực hiện những lời hứa.
Tất cả đồng ý việc thay đổi khí hậu là vấn đề hệ trọng, phải hành động, nhưng người nọ chờ người kia, với lý luận không hoàn toàn vô lý : nếu tất cả không hành động cùng một lúc, những hành động lẻ tẻ sẽ không thay đổi gì. Âu Châu đi tiền phong trong lãnh vực môi trường cũng không đi tới một thoả thuận chung. Vấn đề là các quyết định của Liên Hiệp Âu Châu phải được tất cả 28 nước hội viên đồng ý, nhưng về khí hậu, luôn luôn có 3 hay 4 nước phản đối, coi việc phát triển kinh tế quan trọng hơn.
Rất ít chính trị gia tha thiết chuyện môi trường, khí hậu, vì ưu tiên hàng đầu của chính trị gia là thắng cử, trong khi các kế hoạch về môi trường chỉ có kết quả trong nhiều năm tới, khi họ đã rời chính trường.
Mặc dầu vậy, khí hậu sẽ là vấn đề chính, vì dư luận ngày nay coi đó là chuyện hệ trọng, ngang với kinh tế. Không phải tình cờ mà một thiếu nữ 16 tuổi, khởi đầu làm sit-in một mình, đã lôi kéo trên 4 triệu người trẻ trên khắp thế giới.
Các chính trị gia hành động theo dư luận. Không phải vô cớ mà Liên Hiệp Quốc triệu tập một phiên họp thượng đỉnh khẩn cấp.
Trên thực tế, người dân nhiều nơi đã thay đổi lối sống: đi xe đạp hơn là xe hơi, hạn chế việc tiêu thụ nhiên liệu, giảm bớt lãng phí… Xã hội dân sự đã buộc các chính phủ đi theo : trồng cây trong thành phố, cải thiện hệ thống lưu thông công cộng, kiểm soát các hãng xưởng sa thải hoá chất, cấm dùng bao nhựa, biến chế những vật liệu phế thải..

CHUYỆN NHÀ GIÀU ?
Nhiều người Việt vẫn nghĩ chuyện môi trường, khí hậu là chuyện viển vông, chuyện của nhà giầu.
Sự thực, chuyện đó trước hết là vấn đề của các nước nghèo.
Nạn nhân bão lụt ở các nước giầu đều được giúp đỡ, trợ cấp, bồi thường. Hệ thống an sinh tốt, không ai bị bỏ rơi. Không thiếu gì người giầu nhờ tiền bồi thường, trợ cấp đủ loại sau thiên tai.
Trong khi đó, người dân các nước nghèo, nạn nhân của thiên tai, không có đường nào khác hơn chịu chết, hay kéo nhau đi làm nô lệ ở nước ngoài. Nhiều vùng ở Bangladesh chìm dưới biển, dân trở thành vô gia cư, lang thang, đói khát, không ai đoái hoài. VN cũng bi đát không kém. Nếu không bi đát hơn.
Những người nhạo báng chuyện thay đổi khí hậu, thường thường cũng là những người chống di dân. Quên rằng việc di dân vì khí hậu trong những năm tới, theo dự trù, sẽ đông gấp hàng trăm, hàng ngàn lần di dân vì kinh tế.
Khi người dân bị bão lụt tàn phá, ruộng vườn khô cằn, làng xóm chìm dưới biển, sẽ không có đường nào khác hơn là đi tìm đất sống ở những nơi khác.
Khi hàng triệu người, hàng tỉ người đi tìm đất sống, sẽ không có lực lượng nào cản nổi.
Tất cả các chuyên viên nghiên cứu về vấn đề này đều đồng ý: giải quyết nạn thay đổi khí hậu sẽ tốn nhiều tiền, nhưng quá rẻ đối với giá phải trả, nếu không có biện pháp phòng ngừa khẩn cấp.
24-09-2019
tuthuc-paris-blog.com

 

 

 Đăng ngày 11 tháng 10.2019