banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

LŨ LỤT THEO KẾ HOẠCH

Từ Thức

Mẹ tôi, em có gặp đâu không?
Những xác già nua ngập cánh đồng
Tôi nhớ một thằng con bé nhỏ
Bao nhiêu rồi xác trẻ trôi sông!

Quang Dũng nói về tang tóc chiến tranh. Nhưng thời bình, hình ảnh VN vẫn thế. Nước ngập đồng, cuốn trôi nhà cửa, ruộng vườn. Xác người lẫn với xác gia súc trôi lềnh bềnh trên sông..Những hình ảnh bi thảm không dám nhìn lâu. Bao nhiêu người chết? Có ai đếm xác, làm thống kê những người chết ở VN? Và thống kê VN, có thể tin được không?
Ở một nước bình thường, nhà nước đã công bố quốc tang và đặt các địa phương bão lụt vào tình trạng khẩn cấp, dồn mọi năng lực quốc gia vào việc cứu trợ và phòng ngừa.
Ở VN, theo phong tục địa phương, chuyện đầu tiên của các quan chức là phủi tay, trốn tránh trách nhiệm. Như ông chi cục trưởng Cục đê điều thành phố Hà Nội, Đỗ Đức Thịnh: "Dân mình nói là có vỡ đê Hữu Bùi, nhưng chúng ta có thể nói là có vỡ đê nhưng vỡ đê có kế họach, chứ không phải bất ngờ"!
http://nld.com.vn/…/ca-phong-hop-cuoi-o-khi-dai-dien-ha-noi…
Ông chi cục trưởng không nói, hay không biết, rằng kế hoạch hữu hiệu nhất để vỡ đê là đốn hết cây, phá hết rừng, để không còn gì cản nước lũ.
Cũng như cách hữu hiệu nhất để tạo ngập lụt tới cổ trong thành phố, là xây nhà bừa bãi, nhất là các cao ốc, dinh thự, khách sạn lớn không theo một kế hoạch địa ốc nào, ngoài kế hoạch làm giầu. Nền nhà bằng xi măng cốt sắt, cắm sâu dưới đất, chặn các mạch nước, khiến nước bị ứ đọng, tràn lên mặt đường. Dân lãnh đủ, nhà nước oán "trời làm cơn lụt mỗi năm"

NGƯỜI ANH EM TRUNG QUỐC
Còn một kế hoạch khác, dã man hơn : người bạn Trung Quốc xả nước lũ. Ông Lưu Minh Hải, Giám đốc trung tâm Dự báo khí tượng Lào Cai cho biết : ‘’ nguyên nhân lụt lội là do phiá thượng, người Trung quốc thông báo có xả lũ do mưa lớn những ngày qua. Vị trí xả lũ cách thành phố Lào Cai khoảng 100 km với lưu lượng xả lũ 25.000 mét khối mỗi giây ‘’ khiến nước lũ dâng cao bất ngờ, cuốn trôi nhà cửa, ruộng đồng.
http://thanhnien.vn/…/trung-quoc-xa-lu-sang-viet-nam-hoa-ma…

CỨU TRỢ VÔ KẾ HOẠCH
Tai họa có kế hoach, nhưng PHÒNG NGỪA không có kế hoạch. Báo chí, kể cả báo "lề phải" không ngớt nhắc tới việc làm tắc trách của các cơ quan khí tương nhà nước, "nói vậy nhưng không phải vậy". Nói bão đã yên, nhưng bão tiếp tục; nói nước lũ đã xuống, nhưng lũ lên cao. Tắc trách đến độ nhiều nơi , người dân chỉ tin vào "đài" khí tương của tư nhân, lập ra với phương tiện sơ sài để giúp nhau.
Ở những nưóc khác, người ta báo trước, dân chúng di tản hay chuẩn bị đề phòng, bão lụt không giết một mạng người, hay số nạn nhân rất nhỏ.
Tai họa có kế hoạch. Nhưng CỨU TRỢ vô kế hoạch. Các bà cán bộ mặc váy, bắt tùy tùng kéo bè đi thăm dân khi nước chỉ tới mắt cá chân, giải thích bởi vì đi gấp quá, không kịp thay quần áo.
Những câu ngớ ngẩn đã nghe hàng trăm lần, có thể cười chơi vài phút, nếu không liên hệ đến tai họa bi thảm của hàng chục, hàng trăm ngàn người.
Phải làm gì, ngoài việc than khóc và phẫn nộ? Cứu trợ? Hải ngoại cũng như quốc nội sẵn sàng. Ai cầm được nước mắt trước những xác trẻ trôi sông? Nhưng có gì bảo đảm là tiền cứu trợ đến tay đồng bào nạn nhân, hay lại giúp mafia đỏ xây thêm cao ốc, dinh thự?
Bế tắc. Vấn nạn gì của Việt Nam cũng bế tắc. Như cống rãnh trong các thành phố Việt Nam.

 

 

Fb Từ Thức


UNESCO : NHỮNG MẤT MÁT

Từ Thức

Vào vòng 3 cuộc bỏ phiếu bầu Tổng Giám Đốc UNESCO (cơ quan có trọng trách phát triển văn hoá, khoa học và giáo dục trên thế giới), ứng cử viên VN đã rút lui.
Đây là một thắng lợi ngoại giao chưa từng có. Vì VN, mặc dù chắc chắn sẽ đắc cử, đã tự động nhường cho các nước bạn, gây sự cảm phục của mọi người. Uy tín của nước ta đã lớn, sẽ lớn hơn nữa.
Bên cạnh chiến thắng ngoại giao của ta, cũng phải buồn cho thế giới:
- Học sinh mẫu giáo, tiểu học các nước mất cơ hội đội nón cối, không được đu giây, giải trí ngoài giờ học, không được tự do hành nghề, kinh doanh như ở VN
- Học sinh, sinh viên các cấp vẫn tiếp tục dốt nát, không biết tư tưởng Bác là gì
- Các khoa học gia mất cơ hội đưa dép râu vào vũ trụ
- Các bloggers, ký giả hết được gởi đi nghỉ mát
 Những người làm văn hóa sẽ bơ vơ, không được hướng dẫn làm thơ, viết văn, viết báo, làm phim, đóng kịch.
- Bãi bỏ dự án biến các thành phố trên thế giới thành Venise ( Venice )
Danh sách những mất mát còn dài, đó chỉ là một vài thí dụ nhỏ

 

 

Info : Ứng cử viên PHÁP, Audrey AZOULAY vừa đắc cử chức Tổng thư ký UNESCO. Trong vòng bầu thứ 3, bà Azoulay, với 30 phiếu đã đánh bại ứng cử viên Qatar, 28 phiếu, trên tổng số 58 phiếu của Hội đồng các nước điều hành ( Conseil Exécutif ) của UNESCO. Audrey Aoulay ( photo ), 45 tuổi, cựu bộ trưởng Văn hoá thời François Hollande sẽ điều hành một UNESCO đang khủng hoảng, sau khi Hoa Kỳ và Do Thái đã rút ra khỏi UNESCO

 



THẮNG LỢI VẺ VANG

Phạm Sanh Châu, ứng cử viên VN vào chức Tổng giám đốc UNESCO chỉ được 2 phiếu bầu, kể cả phiếu của VN , trên tổng số 58 phiếu. Nước đàn anh Trung Quốc cũng chỉ được 5 phiếu.
Có cái gì bất bình thường, bởi vì cho tới nay, nhà nước và báo chí lề phải vẫn quả quyết là thế giới khâm phục, kính trọng, ngưỡng mộ VN.
Chắc chắn là trong số 58 nước bỏ phiếu, 56 là phản động. Cách thức bỏ phiếu của tư bản giẫy chết cũng nhảm nhí : mỗi người chỉ có một phiếu bầu...!
Buồn cho ông Châu thì ít, buồn cho văn hóa thế giới nhiều hơn : đã mất một cơ hội được trao vào tay một đỉnh cao trí tuệ loài người, hết hy vọng có cơ hội phát triển tốt đẹp như văn hóa, khoa học, giáo dục ở VN.
Lại phải lập ra một cái UNESCO quốc doanh, để hội viên không có thằng phản động nào lọt vào phá hoại.
VN có một chút an ủi: Trung Quốc cũng chỉ được 5 phiếu. Samuel Huntington, trong The Clash of Civilizations, viết : trong những thập niên gần đây, tại những hội nghị quốc tế, Trung Cộng bao giờ cũng chiếm đa số vì đã mua chuộc hầu hết các nước nhược tiểu, từ Phi Châu tới Nam Mỹ. Phải chăng thế giới đã biết thực chất của Trung Hoa? Ít nhất cũng đã thấy ơn ớn nếu trao văn hóa, khoa học, giáo dục cho mấy ông con trời.
Báo điện tử của đài nhà nước VOV.VN quả quyết : với cuộc bầu cử này "VN đã gặt hái được nhiều kết quả khả quan" và "điều đó thể hiện vị trí và vai trò của VN được tăng cường trên trường quốc tế". Làm dư luận viên khổ thiệt. Giả thử VN được tới 3 phiếu bầu, phải dùng những chữ gì để ca ngợi chiến thắng ngoại giao rực rỡ của Đảng và nhà nước ?

10.oct.2017
Từ Thức

https://www.facebook.com/tu.thuc



CÁI TÔI CỦA NGƯỜI VIỆT

Tại sao cái tôi, cái "égo" của người Việt lớn thế? Tôi gặp không biết bao nhiêu người vỗ ngực, tự cho mình là vĩ nhân. Không phải chỉ vỗ ngực, còn trèo lên nóc nhà gào khản cổ: tôi giỏi quá, tôi phục tôi quá, tại sao tôi tài ba đến thế?
Một lần ngồi nhậu với 5 ông , có cảm tưởng ngồi với 5 giải Nobel văn chương. Những ông như vậy, nhan nhản. Nói "ông", vì hầu như đó là một cái bệnh độc quyền của đàn ông. Như ung thư vú là bệnh của đàn bà.
In một hai cuốn sách tào lao tặng bố vợ, nghĩ mình ngồi chung một chiếu với Marcel Proust, Victor Hugo. Làm vài bài thơ, câu trên vần (hay không) với câu dưới, nghĩ mình là Beaudelaire, Nguyễn Du tái sinh. Lập một cái đảng có ba đảng viên, kể cả em gái và mẹ vợ, nghĩ mình là lãnh tụ, ăn nói như lãnh tụ, đi đứng, tắm rửa như lãnh tụ. Viết vài bài lăng nhăng, vá víu, đầu Ngô mình Sở, nghĩ mình là triết gia, trí thức, tư tưởng gia lớn, sẵn sàng dẫn dân tộc đi lên (hay đi xuống). Học gạo được cái bằng, nghĩ mình đã chế ra điện và nước nóng.
Ở đâu cũng có những cái tôi tổ bố, nhưng ở người Việt, nó là một hiện tượng phổ thông.
Cũng lạ, cái TÔI tổ bố ở một nơi như VN. VN, xứ của văn hoá Phật Giáo, tôn giáo của vô ngã, cái tôi không có. Nơi chịu ảnh hưởng Lão giáo, những người đã ra suối rửa tai, vì nghe thiên hạ nhắc tới tên mình. Nơi người Công giáo rất nhiệt thành, và Công giáo coi chuyện vị tha, nghĩ tới người khác là đức tính hàng đầu. Khổng giáo? Khổng tử khuyên: biết, nói là biết; không biết, nói là không biết; thế là biết đấy
Không lẽ người Việt ta hiểu lầm tôn giáo mình đang theo ?
Phải chăng đó là nét đặc thù của một dân tộc đầy tự ti mặc cảm ?
Trong y học, égocentrisme là một cái bệnh (pathologie). Và trong 9 trên 10 trường hợp, những người có mặc cảm tự cao, tự đại (complexe de supériorité) là để che đậy tự ti mặc cảm ( complexe d’infériorité ). Tư cao, tự đại là một cách tự vệ của người yếu.
Những người có thực tài rất khiêm nhượng, vì họ không so sánh với người khác. Họ so sánh mình với mình, so sánh mình hôm nay với mình hôm qua, so sánh tác phẩm mới với tác phẩm cũ của chính mình. Và thường thường thất vọng. Khi một nghệ sĩ thoả mãn với tác phẩm của mình, anh ta hết là nghệ sĩ. Anh ta không tìm tòi nữa, anh ta về hưu. Như một bà bán hột vịt lộn, một tài xế xe đò về hưu.
Người Việt ta có cái tự mãn dễ dàng, kiêu hãnh lặt vặt, nên cái gì của ta nó cũng nho nhỏ. Thành quả không thể lớn hơn tham vọng.
Nếu Picasso thoả mãn với "péiriode bleue" (thời kỳ Xanh), sẽ không có "période rose" (thời kỳ Hồng) , nếu hài lòng với période rose sẽ không có tranh lập thể, đưa hội họa đi xa ngàn dặm.
Mỗi lần nghe, hay coi Jean Marie Le Clézio, Patrick Modiano trong những chương trình văn chương trên France Culture hay France 5, khó tưởng tượng họ đã chiếm giải Nobel Văn chương, Le Clézio Nobel 2008, Modiano, 2014. Họ khiêm nhượng, ngập ngừng, do dự, gần như cáo lỗi sắp sửa nói những điều tào lao. Modiano tìm chữ một cách khó khăn, ít khi chấm dứt một câu , như muốn nói : thôi, bỏ qua đi, những điều tôi nói chẳng có gì đáng để ý. Họ lắng nghe người khác, dù người trước mặt chỉ là một nhà văn chân ướt chân ráo, vừa in cuốn sách đầu tay.
Thảo luận, nghĩa là nghe quan điểm của người khác , là điều chúng ta không làm được. Cái tôi của ta nó lớn quá. Tôi nắm sự thực trong tay. Ai nghĩ khác tôi là xúc phạm Tôi, nghĩa là xúc phạm Sự Thực. Phải căm thù, phải triệt hạ, phải chụp cho một cái nón cối.
VN là nưóc nghèo nhất, chậm tiến nhất, đáng lẽ mình phải khiêm nhương, nhưng không, tỷ số những người kiêu ngạo của ta nó lớn gấp bội thiên hạ. Bạn đã gặp một người Nhật nào vỗ ngực: tôi, tôi, tôi?
Trước đây, khá lâu, tôi cư ngụ Rue Marcadet, Paris. Bên cạnh là một cặp vợ chồng già, hiền lành, bình dị như một cặp thư ký hay công nhân về hưu. Mỗi lần gặp ở thang máy, bà vồn vã chào, hỏi thăm đủ chuyện. Thỉnh thoảng ông mời vào nhà, uống trà, hỏi chuyện về Phật giáo mà ông nói đọc nhiều, nhưng có điều không hiểu. Thí dụ ông muốn so sánh ý niệm niết bàn của Phật Giáo với thiên đàng của Thiên chúa giáo. Bà hỏi cách làm gỏi cuốn
Ông bà là công giáo thuần thành, nhưng muốn tìm hiểu về những tôn giáo khác. Tuyệt nhiên không bao giờ ông bà nói về mình. Nếu không coi TV , chắc không bao giờ tôi biết bà là Yvonne Loriot,một danh cầm piano, chiếm 7 giải nhất khi còn học ở Conservatoire de Paris,trước khi trở thành giáo sư âm nhạc có uy tín lớn, ông là Olivier Messaien, một trong những nhạc sư, tác giả nhạc cổ điển lớn nhất của hậu bán thế kỷ 20.
Rất nhiều nhạc sư, nhạc trưởng nổi tiếng ở Âu Châu , như Pierre Boulez, Iannis Xenakis hãnh diện là đệ tử của ông. Tác phẩm opéra "Saint-Francois d’Assise" của ông được trình diễn trên khắp thê giới, như những tác phẩm của Mozart, Beethoven.
Nhìn hai ông bà già hiền lành, gần như vụng về, xếp hàng mua ổ bánh mì, ít người nghĩ đó là hai nhân vật chiếm chỗ lớn trong bất cứ một tài liệu nào nói về âm nhạc cổ điển cận đại. Và mới tuần trước, họ là thượng khách của hoàng gia Thụy Điển.
Ông bà ( ngày nay đã qua đời ) sống trong một căn nhà bình dân, ăn uống đơn giản như một cặp vợ chồng nghèo. Tiền bản quyền nhạc tặng các hội từ thiện, hay giúp trùng tu nhà thờ Notre Dame de Lorette gần nhà. Những lúc rảnh rỗi, bà theo ông vào rừng, thu thanh để nghiên cứu tiếng chim hót.
Khi nào có những người như Messaien, Le Clozio, Modiano, chưa nói tới tài năng, chỉ nói tới thái độ khiêm nhượng, VN sẽ là một nước trưởng thành. Trong khi chờ đợi, phe ta thi nhau trèo lên nóc nhà, gào: Khổ quá, tại sao tôi tài giỏi đến thế! Khi gào mỏi cổ, đóng áo thụng vái nhau.
Đó cũng là một trò vui, nếu nó không có hậu quả nghiêm trọng. Chúng ta đều biết đất nước nằm bên bờ vực thẳm, không thể nhẫn tâm khoanh tay nhìn, trước khi quá muôn. Nhưng chúng ta không thể ngồi với nhau. Cái TÔI của chúng ta nó lớn quá. Lớn hơn cả vận mệnh dân tộc.


Photo: ông bà MESSAIEN

08.oct.2017
Từ Thức

https://www.facebook.com/tu.thuc.



MAËLYS

Từ sáu tuần nay, không một ai ở Pháp không biết mặt MAËLYS, một cô bé 9 tuổi bị mất tích khi dự một đám cưới. Hình Maëlys trên màn ảnh TV, dán trên các góc đường để thiên hạ có thể giúp cảnh sát tìm ra cô bé. Ngày nay, cảnh sát giữ một người bị tình nghi nhưng anh ta nhất định chối, mặc dù có nhiều dấu hiệu khiến cảnh sát tin anh ta là thủ phạm.
Khi Maëlys mất tích, hàng ngàn dân địa phương, dưới sự hướng dẫn của hàng trăm cảnh sát và gendarmes (cảnh sát mặc quân phục), tự nguyện tham dự đã lùng kiếm từng thước đất những vùng chung quanh.Trực thăng bay trên trời, chó cảnh sát sục sạo dưới đất, người nhái (brigade nautique) dưới nước, người ta không bỏ sót một góc rừng, một khúc sông, hồ nào, đã gõ cửa tât cả các nhà, lục soát các garages, hầm hố trong vùng. Một nhóm cảnh sát đặc biệt được thành lập để phụ trách vụ Maëlys.
Tại sao người ta huy động, từ dân chúng tới các cơ quan an ninh, một lực lượng hùng hậu như vậy để kiếm một cô bé, trong khi ở VN, biết bao nhiêu trẻ em bị bắt cóc lấy nội tạng, lúc đầu còn có báo chí nói tới, ngày nay không còn là một tin tức đáng để ý nữa?
Thứ nhất, bởi vì ở một xứ văn minh, mạng sống của một trẻ em là một cái gì thiêng liêng, vô giá.
Thứ hai, ở một xứ dân chủ, dư luận là yếu tố quyết định. Khi dư luận chú trọng tới chuyện gì, các giới có thẩm quyền phải tìm mọi cách để giải quyết. Xã hội người ta là một xã hội còn biết xúc động, chưa khô kiệt tình người.
Mỗi khi có vụ bắt cóc con nít, cảnh sát báo động trên khắp các đài truyền hình, các mạng xã hội, với hình ảnh trẻ em nạn nhân và người bị tình nghi. Và thường thường, nhờ sự công tác của dân chúng, người ta kiếm được đứa nhỏ trong 48 giờ.
Có người nói họ làm được như vậy bởi vì Pháp là một nước giầu. Nhưng toàn dân địa phương tự đông ngày đêm đi tìm một cô bé mất tích, không phải chỉ có xứ giầu mới làm được.
Phương tiện? VN, cùng với Trung Quốc, Cuba, Bắc Hàn, có một lực lượng an ninh nổi, an ninh chìm hùng hậu nhất thế giới, tính trên đầu người và trên ngân sách quốc gia. Nhưng công an, cảnh sát làm việc khác. Truy tầm, tra khảo những người bị nghi là phản động, đàn áp dân biểu tình phản đối việc ruông đất bị cướp, sông biển bị ô nhiễm.
Đi kiếm một đứa bé mất tích lợi lộc gì? Để thời giờ đứng vồ mấy anh lái xe gắn máy còn có tiền xài, hay đạp mấy gánh hàng rong của những người nghèo khó ở lề đường, ít nhất cũng thoả mãn thú tính.
Vấn đề không phải có phương tiện hay không. Vấn đề là cảnh sát, công an có nhiệm vụ gì: bảo vệ hay đàn áp. Bảo vệ dân hay bảo vệ chế độ?

07 octobre 2017
Từ Thức

 

 

 

https://www.facebook.com/tu.thuc

 


Cựu chiến binh Cộng sản Bắc Việt nói gì 42 năm sau ngày 30/4/1975?  

 

Đăng ngày 16 tháng 10.2017