Nước Pháp, thế hệ Macron
Từ Thức
Nước Pháp có Tổng Thống mới : Emmanuel Macron, 39 tuổi, mới chập chững bước vào chính trị từ 2 năm , mới lập đảng từ một năm nay. Như một chai nước, người thấy chai nửa vơi sợ ông Tổng thống còn quá trẻ, thiếu kinh nghiệm; người thấy chai nửa đầy, nghĩ ông ta là người của thời đại mới, có phương pháp hành động khác hẳn những chính khách kỳ cựu, đã thi nhau lãnh đạo, thi nhau thất bại, đã đưa một quốc gia đầy tiềm năng vào ngõ cụt. Điều chắc chắn: Macron vừa mở một kỷ nguyên mới trong sinh hoạt chính trị ở Pháp và ở Âu Châu. Macron đứng trước những trở ngại vạn nan , cải cách một cường quốc tụt hậu, đã quen sống trên khả năng của mình và không có thói quen hy sinh quyền lợi cá nhân.
Không phải chỉ nước Pháp, cả Âu Châu, cả thế giới chờ đợi kết quả bầu cử Tây. Không phải vô tình mà Obama từ nơi nghỉ hưu đứng ra kêu gọi dân Pháp dồn phiếu cho Macron. Nước Pháp, dù tụt hậu, vẫn là một trong hai quốc gia rường cột của Âu Châu. Liên hiệp Âu Châu, dù khập khễnh, vẫn là thị trường quan trọng nhất thế giới, vì đông dân ( 500 triệu ) hơn Hoa Kỳ, và có mãi lực lớn hơn dân Tầu; đồng Euros, dù bị đe dọa thường trực , bên cạnh đồng dollars, vẫn là một trong hai đơn vị tiền tệ chủ chốt.
Vào chung kết hôm Chủ Nhật, Emmanuel Macron, phong trào En Marche (Lên Đường) đã đè bẹp đối thủ, Marine Le Pen, ứng cử viên của đảng cực hữu Front National (FN, Mặt Trận Dân Tộc) với trên 66% phiếu bầu. Bà Le Pen, 49 tuổi, đã thành công trong việc đưa một đảng quốc gia cực đoan, trước đây chỉ đóng vai một nhóm phản kháng, vào ngưỡng cửa điện Elysée. Nhưng bà ta đã tự làm hara-kiri trước 16 triệu cử tri trong cuộc cuộc tranh luận trên TV ba ngày trước cuộc đầu phiếu. Không nắm vững vấn đề, tránh né đề cập tới chương trình hành động, ăn nói như một người đàn bà chua ngoa, lắm điều, khiêu khích, lỗ mãng, Le Pen cho cử tri thấy bà ta không có tác phong của một nguyên thủ quốc gia.
ĐÓNG HAY MỞ, ĐI HAY Ở?
Một chính trị gia nói về Jean Marie Le Pen, bố của Marine, người sáng lập FN: ông ta “chẩn bịnh đúng, nhưng cho thuốc sai".
Nhận xét ấy vẫn đúng với Marine. Chẩn bệnh đúng: FN đã đặt lên bàn, không úp mở, những vấn đề nhức nhối, mà các đảng khác tránh né: toàn cầu hoá đã gạt ra lề đường những nguời không có khả năng thích ứng, vấn đề di dân ồ ạt, không kiểm soát, vấn đề khủng bố Hồi giáo, sự chung đụng càng ngày càng khó khăn giữa dân địa phương và người Hồi giáo, vai trò của liên hiệp Âu Châu trong đời sống chính tri, kinh tế quốc gia, hàng hoá nhập cảng tràn ngập khiến hãng xưởng Pháp thi nhau đóng cửa. Cho thuốc sai: FN đưa ra những giải pháp đơn giản (simplistes) trước những vấn đề cực kỳ phức tạp. Lập trường bất nhất: Marine Le Pen trước đây vẫn tuyên bố, nếu thắng cử, Pháp sẽ rút ngay khỏi liên hiệp Âu Châu, ra khỏi hệ thống đồng Euros. Khi thấy ba phần tư dân Pháp, dù chỉ trích liên hiệp, vẫn muốn ở lại, vẫn muốn giữ đồng Euros, Le Pen thay đổi 180 độ trong vài ngày: sẽ không tự quyết định, nhưng tổ chức trưng cấu dân ý về chuyện đi hay ở, sẽ không ra khỏi đồng Euros, nhưng làm hai thứ tiền: Euros dành cho ngoại thương, đồng Franc xài trong nước, giống như… Cuba. Bà ta lúng túng khi giải thích, khiến ngưới ta nghĩ chính bà ta cũng không hiểu mình muốn gì.
Bầu Macron, cử tri Pháp tránh cho nước Pháp và Âu Châu một cuộc phiêu lưu chính trị với hậu quả khó lường. Dân Pháp đứng trước một chọn lựa, không phải chỉ lựa chọn giữa hai nhân vật chính trị, mà lựa chọn giữa hai ngả đường: hoặc theo chủ nghĩa dân tộc quá khích, bế quan toả cảng của đảng FN, cực hữu, hoặc sống với thời đại hoàn cầu hoá. Cử tri Pháp đã lựa con đường thứ hai, dù vẫn chỉ trích một Liên hiệp Âu Châu bị thế lực tư bản thao túng, thay vì liên hiệp của nhân dân, dù vẫn e ngại toàn cầu hóa, đầy những đe dọa về kinh tế, an ninh, văn hóa, xã hội.
Cả thế giới nín thở nhìn về Paris, bởi vì đó không phải là một cuộc bầu cử nội bộ, đó là một lựa chọn sớm muộn gì cũng đặt ra cho tất cả các quốc gia, từ Âu sang Á.
Bầu cho Macron, cử tri Pháp đã từ chối chính sách bế quan tỏa cảng, quốc gia quá khích của FN. Trong 11 ứng cử viên tranh cử vòng đầu, Macron là người duy nhất ủng hộ Liên Hiệp Âu Châu một cách tích cực, chủ trương phải mở cửa, sống với thời đại. Đó là một thái độ can đảm, bởi vì bênh vực Âu Châu, cổ võ chuyện mở cửa, trong cơn thịnh nộ nổi dậy từ bốn phía , không phải ai cũng dám làm, nhất là khi tranh cử.
Các ứng cử viên khác, từ cực tả sang cực hữu, đều chống Liên Hiệp Âu Châu, dùng liên hiệp làm con voi tế thần, đổ lên đầu liên hiệp tất cả những khó khăn của Pháp, trong khi, trên thực tế, tình trạng tụt hậu của người Pháp có thủ phạm chính là người Pháp, từ lãnh tụ tới công dân, những con ve ham vui, hát hết muà hè, đông tới mới hốt hoảng chạy gạo.
ĐI TÌM ĐA SỐ Ở QUỐC HỘI
Với Macron, những khó khăn bắt đầu.
Khó khăn trước mắt: làm cách nào có đa số ở quốc hội sau cuộc bầu cử lập pháp tháng tới ( vòng đầu : 11/06 , vòng hai : 18 /06 )
Theo hiến pháp Tây, tổng thống có toàn quyền, như một ông vua, với điều kiện nắm đa số ở quốc hội. Được Tổng thống bổ nhiệm, thủ tướng chỉ là người thừa hành, thi hành chính sách của Tổng Thống. Nhưng thủ tướng phải được quốc hội tín nhiệm. Nếu Tổng thống không nắm đa số ở quốc hội, chức Thủ Tướng sẽ rơi vào tay đối lập. Và thủ tướng, với hậu thuẫn của quốc hội, sẽ thi hành chính sách của đa số đối lập. Trong quá khứ, thường thường khi lựa một tổng thống, cử tri bầu một quốc hội với đa số thuộc phe Tổng thống. Đã có trường hợp Tổng thống không có đa số, chức thủ tướng rơi vào tay đảng đối lập, như khi François Mitterrand, tổng thống tả phái đã bắt buộc bổ nhiệm thủ tướng Jacques Chirac, hữu phái. Hay ngược lại, tổng thống hữu phái Jacques Chirac phải trao quyền hành cho thủ tướng phe tả Lionel Jospin. Đó là chế độ cohabitation, sống chung hoà bình, hay đúng hơn, sống chung miễn cưỡng. Quốc gia trở thành con rắn hai đầu:
Tổng thống chỉ để tâm tới chính sách ngoại giao và quốc phòng, việc quản tri quốc gia trong tay thủ tướng. Trong hoàn cảnh này, tổng thống có thể giải tán quốc hội, với hy vọng dân đi bầu lại sẽ cho mình đa số. Hay chấp nhận làm tổng thống giấy, chờ một ngày thuận lợi hơn. Nhưng đó là kịch bản của quá khứ, trong một môi trường chính trị đơn giản, với hai chính đảng lớn, một tả một hữu, thay nhau cầm quyền, thay nhau nắm đa số trong quốc hội. Kịch bản đó sẽ khó tái diễn, vì chắc sẽ không có đảng nào chiếm đa số qua cuộc bầu cử lập pháp tháng Sáu.
Trong kỳ bầu cử Tổng thống vừa qua, cử tri Pháp đã mang một trái bom, làm nổ tung hệ thống chính trị cũ. Hai chính đảng thay nhau cầm quyền từ nửa thế kỷ chỉ còn là những đống gạch vụn: đảng Cộng Hoà (LR, Les Républicains), hữu phái ôn hoà, chỉ chiếm 20% số phiếu, đảng Xã hội (PS, Parti Socialiste) còn thê thảm hơn nữa: 6%. Bên cạnh là ba lực lượng đang lên: phong trào En Marche, không tả không hữu, của Macron, FN (cực hữu) của Le Pen, La France Insoumise (cực tả) của Mélenchon, chưa nói tới UDI, đảng... đứng giữa.
BỐN NĂM MẢNH
Nước Pháp, trước đây chia làm hai, tả và hữu. Sau kỳ bầu cử vòng đầu, nước Pháp chia thành bốn mảnh chính ( trên dưới 20% số phiếu ): phong trào Macron; đảng cực hữu FN, ; đảng Cộng Hòa, hữu phái ôn hòa và nhóm cực tả của Menlenchon. Sau kỳ bầu cử vòng hai, phải them một mảnh nữa: trên 20% những người không đi bầu, và con số kỷ lục phiếu bất hợp lệ hay phiếu trắng, gần 10%, trên 4 triệu cử tri. Khó tưởng tượng một đảng sẽ chiếm đa số ở quốc hội. Trong quốc Hội hiện nay , đảng Xã hội nắm đa số, hơn đảng Cộng Hoà vài ghế. Không ai đoán sẽ có bao nhiêu dân cử thuộc hai đảng này tai qua nạn khỏi, sẽ được tái cử. Một số đã đầu quân theo Macron. Những người còn lại trong đảng sẽ chia năm, sẻ bẩy, đánh nhau chí chóe. Đảng của Macron mới ra đời từ một năm nay, lần đầu đưa người ra tranh cử. Cực hữu chỉ có 2 dân biểu. Cực tả : 0.
Đảng nào cũng có lý do để tin sẽ thắng lớn trong kỳ bầu cử quốc hội.
Macron tin rằng dân Pháp đã chọn ông ta làm tổng thống, sẽ cho phong trào En Marche của ông đủ đa số ở quốc hội để cải cách nước Pháp. Điều đó không có gì bảo đảm, vì trên 50% cử tri bầu cho Macron với mục đích ngăn chặn Le Pen. Đảng Cộng Hòa lạc quan vì nghĩ rằng ứng cử viên của họ, François Fillon, bị loại vì lem nhem tiền bạc, nhưng tư tưởng hữu phái ( tự do kinh tế, chống bao cấp đưa tới ỷ lại, cứng rắn với hồi giáo, dùng biện pháp mạnh để cải cách đất nưóc ) hiện chiếm đa số. Cực hữu nghĩ Le Pen thua vì lơ mơ về kinh tế, bất nhất về chuyện ra hay ở lại liên hiệp Âu Châu, hệ thống tiền tệ Euros, để lộ một khuôn mặt
đáng ghét trong buổi tranh luận, nhưng vấn đề họ nêu ra (vấn đề di dân, hiểm họa "hồi giáo hóa" nước Pháp, tai hại của hoàn cầu hóa) vẫn là mối bận tâm hàng đầu của dân Pháp. Nhóm cực tả của Melenchon (19%), tin rằng sẽ thu đựơc một số phiếu đông đảo của những người bất mãn trước sự lộng hành của thế lực tài phiệt.
Tháng Sáu, người ta sẽ chứng kiến một khuôn mặt chính trị hoàn toàn mới, chưa hề thấy ở nước Pháp. Quốc hội sẽ gồm những mảnh vụn, không ai tưởng tượng mặt mũi sẽ như thế nào. Tình trạng đó rất thường ở Đức, Hòa Lan, ở Bắc Âu. Không đảng nào chiếm đa số, người ta thoả hiệp với nhau để đi tới một đa số. Nước Pháp chưa có thói quen đó, chưa có văn hoá thỏa hiệp. Câu hỏi đầu tiên là Macron có đa số ở quốc hội hay không, hay có đủ khôn khéo để đi tới một thỏa hiệp, để bổ nhiệm Thủ tướng thi hành chính sách của ông ta hay không. Cuộc bầu cử dâu biểu tháng tới sẽ gay go, sôi nổi . Hoặc Macron có đủ đa số để thực hiện cải cách. Hoặc thiểu số, trở thành vua không ngai.
MACRON LÀ AI, MUỐN GÌ ?
Người Pháp có thói quen xếp loại chính khách thuộc phe tả, hay phe hữu. Đại khái, phe hữu tin ở khả năng cá nhân, mỗi cá nhân tìm cách thăng tiến, xã hội sẽ tiến bộ, thịnh vượng. Phe tả nghĩ nhà nước phải can thiệp, để tránh bất công, tránh cá lớn nuốt cá bé. Macron nói ông không thuộc phe tả, phe hữu. Hay đúng hơn, ông ta khuynh hướng tả, vì đã làm bộ trưởng Kinh tế thời Tổng Thống Hollande (đảng Xã Hội), nhưng có quan điểm thực tiễn, không bị ý thức hệ trói buộc. Ông ta nói biện pháp nào tốt là áp dụng, khỏi cần biết tả hữu. Nước Pháp bế tắc vì ý thức hệ gò bó. Người ta dùng chữ social libéral (theo chủ nghĩa kinh tế tự do, nhưng có khuynh hướng xã hội) để nói về Macron.
Những người theo Macron lập đảng là những người đến từ các đảng phái, cả hữu lẫn tả, thất vọng vì đường lối sinh hoạt của chính giới Pháp, hay những người chưa bao giờ hoạt động chính trị. Đa số trong các buổi meetings của Macron là những khuôn mặt trẻ, có trình độ học vấn tương đối cao, thích ứng với thời đại mới Macron muốn cải tổ nước Pháp. Trái với những chính khách bi quan, Macron tin rằng nước Pháp có đủ tiềm năng để ra khỏi hiện trạng bế tắc.Với điều kiện phải thích ứng. Thay vì đóng cửa, chống thế giới bên ngoài, Macron nghĩ phải mở cửa, phải đương đầu, phải lợi dụng thời thế.
Trước vấn đề thất nghiệp kinh niên của nước Pháp chẳng hạn, Benoît Hammon, ứng cử viên đảng Xã Hội cho rằng với những tiến bộ kỹ thuật, với máy móc, công việc sẽ càng ngày càng hiếm. Ông ta không tìm ra
giải pháp nào khác hơn là phát lương cho mọi người, có việc làm hay không, 750 Euros một tháng cho mỗi đầu người. Macron nghĩ những việc làm cũ sẽ biến mất, nhưng những việc làm mới sẽ thay thế. Giải pháp là phải thích ứng, phương pháp là đặt trọng tâm vào việc huấn nghệ. Macron hứa sẽ dành một ngân khoản lớn, 15 tỷ Euros, cho chương trình huấn nghệ.
Macron nghĩ muốn cải cách, canh tân nước Pháp, phải đặt trong tâm vào gíao dục. Ông ta sẽ dành ưu tiên về ngân quỹ và nhân lực cho giáo dục, nhất là bậc tiểu học, nguồn gốc của bất công, tuỳ theo trẻ em theo học ở một trường học tốt hay trường học dở, trong những khu lao động.
Để cải cách nước Pháp, Macron không đi con đường mà ông cho là vô trách nhiêm của phe tả (làm việc 35 giờ một tuần hay ít hơn , tăng lương, về hưu sớm, trợ cấp dưới mọi hình thức, gia tăng hàng ngũ công chức, thâm thủng ngân sách, chi nhiều hơn thu...). Cũng không dùng những biện pháp mạnh, thắt lưng buộc bụng như François Fillon của đảng Cộng Hoà. Fillon muốn giảm 500.000 công chức, Macron 120.000 (nước Pháp, với dân số 66 triệu, có số công chức ngang với Hoa Kỳ). Fillon muốn giảm chi 100 tỷ Euros mỗi năm để dần dần đi tới quân bình ngân sách, Macron 60 tỷ. Nước Pháp vô địch về thuế ( với… 250 loại thuế và taxes ) gây khó khăn cho các xí nghiệp, Fillon hứa giảm 50 tỷ tiền thuế, Macron 20. Fillon chủ trương bỏ tuần lễ 35 giờ, Macron để cho mỗi xí nghiệp tự quyết định, với sự đồng ý của chủ, thợ, và nghiệp đoàn.
Trái với Fillon, muốn đòi mồ hôi nước mắt của dân Pháp để cải cách, để nước Pháp có hy vọng bắt kịp nước Đức láng giềng, Macron nghĩ phải cải cách trên mọi phương diện, nhưng những biện pháp quá mạnh sẽ làm gẫy guồng máy, gây xáo trộn trong một quốc gia đã chia rẽ, đối nghich. Phe tả trách Macron thuộc hàng ngũ ưu đãi, của tư bản, xuất thân từ ngân hàng. Phe hữu kết án Macron là một Hollande thứ hai. Le Pen buộc tội Macron là ‘’mondialiste’’ (người của hoàn cầu hóa) , ngược lại với bà ta là "patriote" (người ái quốc).
Nếu có đa số ở quốc hội, việc đầu tiên Macron làm là cải tổ luật lao động, cho các xí nghiệp tự do hơn trong việc tuyển lựa cũng như sa thải, một trong những chìa khóa để giải quyết nạn thất nghiệp, nhưng cũng là cơ hội để các nghiệp đoàn đổ xuống đường. Macron hứa sẽ cải cách thể chế hưu bổng, cho đơn giản và công bình hơn. Đó cũng là cơ hội cho đình công bãi thị. Nước Pháp có hàng trăm chế độ hưu bổng khác nhau, với đủ loại ưu đãi, quà của các chính phủ muốn mua phiếu, và không ai muốn đụng tới ưu đãi mình đang hưởng.
Những người quen biết Macron nói ông ta trẻ, bề ngoài thân thiện, tươi cười, nhưng là một người có cá tính mạnh, không nhân nhượng.
Macron tốt nhiệp ENA ( Quốc gia hành chánh ) và Sciences Po (Khoa Học Chính Tri), hai đại học uy tín, nơi đào tạo giới lãnh đạo nước Pháp, nhưng cũng là đệ tử của triết gia Paul Ricoeur, làm ngân hàng nhưng sính văn học, nhờ bà vợ giáo sư văn chương. Trong những bài phỏng vấn, ông ta nhắc tới các nhà văn, trích dẫn các triết gia nhiều hơn là các chính trị gia.
Macron đề cao nỗ lực, khả năng làm việc, giá trị của tiền bạc, trong một nước coi chuyện nghỉ hè quan trọng hàng đầu, coi thành công tài chánh là chuyện phải dấu diếm, đi xe sang trọng là khiếm nhã đối với
người ít may mắn hơn.
TỪ BẢN LÃNH TỚI PHƯƠNG TIỆN HÀNH ĐỘNG
Muốn cải cách, nước Pháp cần một nhà lãnh đạo có bản lãnh, có phương tiện chính trị.
Về bản lãnh, Macron đã chứng tỏ ông ta là một người có cá tính mạnh, biết mình muốn gì . Khi còn là học sinh 15 tuổi, Macron yêu cô giáo lớn hơn 24 tuổi, đã có ba con, quyết định sẽ chỉ sống với bà này, bất chấp sự phản đối của gia đình, sự dị nghị của xã hội, và khi hai người thành hôn, chấp nhận sẽ không có con cái vì Brigitte Macron, ngày nay là đệ nhất phu nhân, đã cao tuổi ( Brigitte đã có ba con, xấp xỉ tuổi ông Tổng Thống )
Macron đang làm ngân hàng, lương lớn, sẵn sàng bỏ việc khi tổng thống Hollande mời làm cố vấn. Được bổ nhiệm Bộ trưởng Kinh tế, Macron từ chức sau hai năm vì thấy guồng máy chính tri Pháp quá lỗi thời, quá nặng nề. Macron lập phong trào En Marche, ứng cử Tổng thống, một chuyện điên rồ trong một nước muốn làm chính trị phải theo những đường mòn: gia nhập một đảng lớn, leo từ dưới lên trên, ứng cử cấp địa phương, ứng cử dân biểu, tranh dành một ghế thứ trưởng, bộ trưởng để, và, khi tuổi đã xế chiều, đã sầy vẩy, thân thể đầy dấu vết binh đao, nhòm ngó cái ghế thủ tướng hay tổng thống. Macron đã làm tất cả những chuyện đó trong… một năm. Chuyện khó tin, nhưng có thực. Người khác không dám nghĩ tới, Macron đã làm.
Hai mươi tuổi, Macron gặp Jacques Attali, cựu tay mặt của Tổng thống Mitterrand, Attali nói : anh sẽ là tổng thống nước Pháp. Attali đã giới thiệu Macron với Hollande, như trước kia đã giới thiệu Hollande và bà xã ông này, Ségolène Royal với Mitterrand. Hollande đã trở thành Tổng Thống, Royal suýt nữa thành tổng thống phụ nữ đầu tiên của Tây (bị Sarkozy đánh bại năm 2007).
MỘT SHRÖDER TÂY ?
Cố nhiên ông ta đã gặp nhiều may mắn: ra tranh cử đúng lúc dân Pháp đã chán những khuôn mặt cũ, muốn thay đổi; Fillon, ứng cử viên đảng Cộng Hoà gặp khó khăn vì lem nhem vấn đề tiền bạc, ứng cử viên cực hữu, Le Pen, trong cuộc tranh luận trước TV, đã cho cả nước thấy bà ta không có khả năng, không có phong thái của một quốc trưởng. May mắn, đúng, nhưng có những người biết nắm cơ hội, có những người để cơ hội đi qua. Macron thuộc loại thứ nhất.
Nhưng có bản lãnh không đủ, còn phải có phương tiện chính trị. Nếu không có đa số ở quốc hội, hay không kết hợp nổi một khối đa số, Macron sẽ chỉ là một tổng thống bù nhìn.
Nước Pháp cần một người như Gerhard Shröder của Đức, sẵn sàng hy sinh thất cử để cải tổ đất nước, đặt nền tảng để biến nước Đức, trong 10 năm, từ một quốc gia bệnh hoạn thành một cường quốc số 1 ở Âu Châu.
Trở ngại của Macron còn lớn hơn, vì dân Pháp không có tinh thần công dân cao như dân Đức. Nước Pháp rơi vào tình trạng suy thoái hiện tại vì tinh thần và hành động vô trách nhiệm từ trên xuống dưới. Vô trách nhiệm của giới cầm quyền và các chính đảng, chỉ nghĩ tới chuyện được tái cử, không dám thực hiện một cải cách sâu rộng nào, đòi hỏi sự hy sinh, vì sợ mất lòng cử tri. Vô trách nhiệm của các nghiệp đoàn, chỉ bảo vệ quyền lợi phe nhóm, bất chấp quyền lợi chung, sẵn sàng đình công, bãi thị , làm tê liệt kinh tế quốc gia. Nếu ở Bắc Âu, nghiệp đoàn đóng vai trò quan trọng và hữu ích, trong việc bảo vệ quyền lợi thợ thuyền, nhưng với tinh thần trách nhiệm, tìm giải pháp thương thuyết hơn là bạo động. Một vài thí dụ : phi công Air France làm việc ít giờ nhất, lãnh lương cao nhất, đình công nhiều nhất thế giới, đưa Air France tới đe dọa phá sản. Khi bộ giáo dục đổi số ngày học ở mẫu giáo, tiểu học từ 5 ngày xuống 4 ngày mỗi tuần, giáo chức đình công, đóng cửa trường, khi chính phủ khác trở lại tuần lễ 5 ngày, cũng những người đó đình công, đóng cửa trường. Nhân viên lái xe lửa 54 tuổi về hưu, vì trước đây là một nghề nặng nhọc, phải xúc than , phải lái xe; ngày nay chỉ ngồi bên cạnh computer, làm một ngày nghỉ một ngày, nhưng ai muốn đụng tới thể chế ưu đãi, cả hệ thống lưu thông của nước Pháp tê liệt vì đình công bãi thị.
Trước mắt Macron, hàng trăm vấn đề phải giải quyết, đòi hỏi sự quyết tâm của chính quyền, thái độ trách nhiệm của nghiệp đoàn và tinh thần công dân của mỗi người. Vấn đề số 1 là nạn thất nghiệp kinh niên. Tỷ số thất nghiệp ở Pháp trên 10% (25% trong giới trẻ) gấp hai tỷ số thất nghiệp ở Đức, Hòa Lan hay các nước Bắc Âu. Tại sao Pháp không giải quyết nổi nạn thất nghiệp, từ chính phủ này tới chính phủ khác ?
Đây là một thí dụ điển hình cho thấy cái bế tắc của xã hội Pháp. Lỗi tại mọi tầng lớp. Lỗi của nhà cầm quyền: không có một chính sách huấn nghệ hữu hiệu, mặc dù ngân sách huấn nghệ lớn nhất thế giới (tính trên đầu người). Lỗi tại các nghiệp đoàn: chống lại bất cứ giải pháp nào tìm cách đơn giản hóa việc tuyển dụng và sa thải nhân viên. Các xí nghiệp không dám tuyển dụng, sợ không thể sa thải khi hoạt động giảm bớt. Lỗi tại người dân: không chịu thích ứng, học nghề mới, chỉ kiếm việc ở gần nhà, không chịu làm việc nặng nhọc: 300.000 việc làm trong ngành xây cất, tiệm ăn, khách sạn không kiếm ra nhân viên trong một nước có 10% thất nghiệp. Lỗi tại hệ thống người thất nghiệp Pháp lãnh trợ cấp cao hơn, lâu hơn, dễ dàng hơn ở các nước láng giềng. Một người đi làm lương ít, có lợi tức nhỏ hơn một người thất nghiệp nhận đủ mọi hình thức trợ cấp.
VẤN ĐỀ CỦA MỌI NGƯỜI
Macron thắng cử, Âu Châu thở phào, nhẹ nhõm, hú vía vừa thoát khỏi một cuộc phiêu lưu với hậu quả không lường được, hay đúng hơn, có thể lường được: sự tan rã của liên hiệp Âu Châu, đưa tới bất ổn chính trị, kinh tế toàn vùng. Nhưng những vấn đề nhóm cực tả hay cực hữu nêu ra là những vấn đề phải được giải quyết. Vấn đề di dân, vấn đề Hồi giáo. Macron ca tụng một nưóc Pháp thân hữu giữa tất cả những người đén từ mọi chân trời, nhưng không thể nhắm mắt trước sự chung đụng càng ngày càng khó khăn giữa người địa phương và những người Hồi giáo, nhất là Hồi giáo quá khích. Vấn đề thế giới hoá, nếu đã mang lại thịnh vượng cho hàng triệu người, cũng đã đẩy hàng triệu người khác ra lề đường, lạc lõng trên chính quê hương mình. Vấn đề tài phiệt hãnh tiến, đã lộng hành như những ông chủ thực sự của thế giới, biến chính trị gia thành những bù nhìn. Và quan trọng hơn hết, đã biến thế giới thành một thị trường (phải không, ông Trump?), các dân tộc thành những người tiêu thụ, không còn cá tính, văn hóa, bản sắc riêng. Einstein, hình như Einstein, nói: mỗi lần đạt tới một khám phá, thực hiện một tiến bộ, phải tự hỏi tiến bộ đó có tính cách nhân bản hay không.
Đó là vấn nạn của cả thế giới, của mỗi quốc gia, của mỗi người, không phải chỉ của nước Pháp. Khi nào những vấn đề đó chưa có giải pháp, sớm muộn gì FN cũng nắm chính quyền ở Pháp, thế giới sẽ bị cai trị bởi những nhóm mị dân, chế ngự bởi chủ nghĩa dân tộc quá khích. Chủ nghĩa dân tộc quá khích, lịch sử đã chứng minh, sẽ đưa tới khủng hoảng kinh tế, bất ổn chính trị, hận thù, xung đột giữa các quốc gia. Chiến tranh chỉ chờ để bùng nổ. Đó không phải là chuyện giả tưởng. Đó là một đe dọa trước mắt, trong một thời đại hỗn loạn, nước nào cũng võ trang tới mang tai.
TỪ THỨC
(Paris, 07/05/2017)
Vay tiền giặc rước giặc vào nhà?
Lê Anh Hùng
Bản đồ quốc lộ 4 từ Lạng Sơn đi Cao Bằng, nơi dự trù được mở rộng làm đường cao tốc. (Hình: Google Map)
Đối với các nhà lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam, Trung Quốc luôn được coi là một quốc gia “4 tốt,” với mối bang giao được định hướng theo “16 chữ vàng.” Tuy nhiên, trong mắt công chúng Việt Nam, hai chữ Trung Quốc lại mang một ý nghĩa nhạy cảm đặc biệt. Và điều này bắt nguồn từ lịch sử dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm qua của người Việt.
Chính vì thế, trong khi lãnh đạo tỉnh Cao Bằng đang sốt sắng đề xuất với thủ tướng chính phủ giao các bộ tham mưu để vay $300 triệu từ Trung Quốc nhằm sớm làm đường cao tốc từ thị trấn biên giới Đồng Đăng, Lạng Sơn đến cửa khẩu Trà Lĩnh (còn gọi là Hùng Quốc), Cao Bằng thì người Việt trong và ngoài nước lại dõi theo với một tâm trạng đầy quan ngại.
Nhà văn Phạm Viết Đào, một blogger từng đăng nhiều tư liệu về cuộc chiến tranh biên giới Việt – Trung 1979-1990, nhận định về sự việc này:
“Trong cuộc chiến tranh 1979, Cao Bằng là địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất. Thị xã Cao Bằng gần như thành bình địa không còn một ngôi nhà nào nguyên vẹn… Thậm chí ngay sáng 17 Tháng Hai, 1979, xe tăng Trung Quốc bất thần xuất hiện tại Cao Bằng không biết vào từ ngả nào?
Có một nguồn tin cho biết: Trung Quốc đã đào sẵn những đường hầm xuyên núi để giấu xe tăng trong đó. Đúng giờ khởi sự chỉ cho bộc phá nổ phá cửa là xe tăng bò ra. Nhiều bà con Cao Bằng đã bị ăn đạn của quân Trung Quốc vì tưởng xe tăng ta.
Chiều 16 Tháng Hai, 1979, Tướng Đàm Quang Trung còn nói ở xã Quang Lang, huyện Hạ Lang rằng: “Có cho kẹo Trung Quốc cũng không dám đánh ta.”
Trong thời gian “tu nghiệp 258” [ở tù vì bị kết tội theo Điều 258 – LAH], chủ blog có ở chung với một tu nghiệp viên quê ở Cao Bằng. Anh ta bị bắt vì tội gián điệp, bán bí mật quân sự cho Trung Quốc, bị phạt 20 năm tù… Anh này cho biết: Sở dĩ thị xã Cao Bằng bị phá hủy nhanh vì trước đó các công trình lớn, đường sá, cầu cống do Trung Quốc giúp ta xây dựng họ đã cho gài trong đó nhiều mìn, thuốc nổ. Ngày 17 Tháng Hai, 1979, họ chỉ nối kíp là cầu cồng, trụ sở làm việc nổ tung.
Bây giờ Cao Bằng lại định vay $300 triệu của Trung Quốc để làm đường; chắc chưa quên những gì đã xảy ra trong năm 1979?! Trung Quốc đã gạ Quảng Ninh vay nhung đã bị từ chối rồi mà.”
Theo thông lệ, khi Trung Quốc cho Việt Nam vay ưu đãi, họ sẽ được quyền chỉ định nhà thầu thực hiện dự án. Và cũng theo lệ thường, các nhà thầu “made in China” này sẽ mang sang Việt Nam từ cái đinh ốc cho đến cả đội quân “công nhân” hùng hậu, sẵn sàng “lập xóm, lập phố” tại những địa bàn mà tuyến đường đi qua.
Thiết tưởng không cần phải nhắc lại là ngày 22 Tháng Ba, 2015, VOA từng đưa tin là một tháng trước đó, quân đội Giải Phóng Nhân Dân Trung Quốc đã ngưng một dự án xây đường của chính quyền một thành phố nằm gần biên giới với Việt Nam vì lo ngại nó có thể được sử dụng làm đường tắt cho một “cuộc xâm lược của Việt Nam.”
Trong khi đó, Cao Bằng và Lạng Sơn là hai trong số 6 hướng tấn công chính của Trung Quốc trong cuộc chiến xâm lược Việt Nam từ 17 Tháng Hai – 16 Tháng Ba,1979 (bao gồm Móng Cái, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai và Lai Châu). Vì thế, tuyến đường Trà Lĩnh – Đồng Đăng lại càng nhạy cảm về mặt an ninh quốc phòng. Ngoài ra, nó còn tạo điều kiện cho cuộc xâm lăng kinh tế đến từ phương bắc, góp phần bóp chết nền sản xuất trong nước bằng các sản phẩm chất lượng thấp, giá rẻ (một phần là nhờ được Bắc Kinh khuyến khích, trợ cấp) và độc hại.
Trung Quốc chưa bao giờ thực tâm giúp Việt Nam phát triển. Ngay trong những ngày tháng mặn nồng nhất của mối quan hệ “vừa là đồng chí, vừa là anh em,” khi cuộc chiến Pháp – Việt mới kết thúc, họ đã lợi dụng việc Việt Nam nhờ vẽ bản đồ để lấn chiếm đất đai biên giới của Việt Nam. Điều này hoàn toàn dễ hiểu, bởi từ hàng ngàn năm nay, họ còn luôn nuôi khát vọng cháy bỏng là thôn tính dải đất phương Nam.
Việc nhà cầm quyền Việt Nam vay tiền Trung Quốc làm đường cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh vì thế chẳng khác nào rước giặc vào nhà, “rước voi về dày mả tổ.”
Đăng ngày 14 tháng 05.2017