Phương Triều, những vần thơ thân phận
Đỗ Bình
Phương Triều tên thật là Lê Huỳnh Hoàng, quê quán Sa Đéc. Ông làm thơ từ lúc còn trẻ, gia nhập làng báo rất sớm năm 1959 và trở thành nhà báo chuyên nghiệp viết cho nhiều tờ báo ở Sài Gòn trước năm 1975 . Khi vào quân đội ông là sĩ quan báo chí Bộ Quốc Phòng Việt Nam Cộng Hòa từ năm 1967 đến 1975, ngoài ra ông còn giữ nhiệm vụ tổng thư ký tuần báo Hoa Tình Thương. Do nghiệp vụ báo chí, sau đó lại bị nhiều năm tù nên cảm hứng thơ phú trong ông đã thu về một góc nhỏ trong đáy hồn. Mãi đến khi qua định cư ở Hoa Kỳ bằng hữu văn nghệ xa gần đã réo gọi ông trở lại cầm bút. Năm 1994 ông làm thơ trở lại hay nói đúng hơn nguồn thơ trong ông từ đáy tim thức dậy, dâng trào và viết rất khỏe.
Những tác phẩm xuất bản:
CÒN NHỚ CÒN THƯƠNG (tập truện Sông Hậu xb, Sài Gòn 1966)
Tiếng HÁT HOÀNG HÔN (tập truện Sông Hậu xb, Sài Gòn 1969)
SẦU HƯƠNG PHẤN (tập truện Sông Hậu xb, Sài Gòn 1972)
THƠ PHƯƠNG TRIỀU (Thơ, Tình Thương xb California 1995)
TRĂM BÀI THƠ XUÂN (Thơ, Lê Huỳnh xb, Minesota 2000)
XÓM MỘ (Thơ, Lê Huỳnh xb, Minesota 2001)
GIỌT SỮA ĐẤT (Thơ, Lê Huỳnh xb, Minesota 2002)
XƯƠNG RỒNG ĐEN (Thơ, Lê Huỳnh xb, Minesota Texas 2004)
Thời gian Phương Triều ở Mỹ chúng tôi hay phone thăm nhau và trao đổi những câu chuyện về văn học nghệ thuật. Sau ngày anh bị bệnh thỉnh thoảng tôi nhận được thư anh, đến khi anh xử dụng điện thư không bao lâu thì anh mất ! Bằng hữu văn nghệ khắp nơi vô cùng thương tiếc anh. Trước đó, các bạn trong giới văn nghệ đã viết những dòng cảm nghĩ về anh: Con Người và Tác Phẩm như một món quà tinh thần vinh danh một người miệt mài sáng tác dù trong lúc bệnh. Cuốn sách được xuất bản có tựa: Các Tác Giả Viết Về Phương Triều, gồm 43 người. Anh đã gói thật kỹ, bọc nhiều lớp giấy vì sợ ướt và gởi tặng tôi ttước khi anh mất ! Hôm nay ngồi đọc lại những tập thơ của anh lòng tôi cảm thấy bùi ngùi nhớ bạn, nên viết thêm về những vần thơ của anh:Phương Triều theo khuynh hướng thơ mới nhưng sáng tác thơ theo nhiều thể thơ khác nhau. Do đó cấu trúc trong thơ ông rất vững vàng từ cách gieo vần điệu, niêm luật cho đến lối dùng ẩn dụ, hoán dụ, nhưng lại không câu nệ gò bó vào niêm luật. Thi sĩ đã để hồn thơ lai láng hòa nhập trong ngữ nghĩa theo nhịp con tim, khéo léo trong cách sử dụng con chữ như những tiếng thì thầm vọng từ một cõi mơ để diễn tả cái chiều sâu của bài thơ. Ông không chú trọng về mặt chải chuốt, bóng bẩy làm đẹp ngôn từ, nhưng lại rất tỉ mỉ khi chọn nghĩa ngữ, và sắp xếp câu thơ thành một thông điệp riêng của tiếng lòng gởi tặng đời. Thơ của ông là một thế giới riêng biệt. Nhà thơ khéo sử dựng nhạc tính trong thơ bằng một lối gieo vần ngắt nhịp ghép từ qua những âm kép làm giai điệu thêm phong phú. Ngôn ngữ trong thơ ông là những hình ảnh thắm màu sắc quê hương bao gồm những đau thương lẫn mật ngọt của quá khứ thêm chút hiện thực ê chề. Tác giả đã vẽ lên chân dung của những mảnh đời vỡ vụn!
Trong cái nhìn của tôi, Phương Triều là một nhà thơ dù rằng thời gian viết văn làm báo của ông dài hơn những quãng đời làm thơ. Có ai ở lứa tuổi học trò mà không mang tâm hồn thi nhân mơ mộng? Phương triều cũng thế, đã vướng nợ thi nhân nên tâm hồn bồng bềnh, mơ mộng mặc cho thực trạng có biến đổi. Nhưng cuộcđời đâu chỉ là cơn mơ ! Vì dấn thân vào làng báo quá sớm nên tính hồn nhiên mơ mộng của ông đã nhường lại cho tính hiện thực để nhìn đời bằng con mắt nhà báo đòi hỏi sự quan sát và độ chính xác, do đó nguồn thơ trong ông bị nghẽn lối ! Phương Triều không làm thơ một thời gian rất dài, các mạch cảm hứng đã sơ cứng như những rễ con thiếu nước không đủ nuôi cho cây trổ hoa lá, dù những năm tù đày, hay những năm sau khi được thả ông phải sống trong một hoàn cảnh khó khăn. Đó là những chất liệu đau thương để một nhà thơ có thể viết lên những vần thơ thống thiết nhất. Khi một nhà văn bị bạo lực tước đoạt ngòi bút, người văn sĩ khí phách sẽ cắn tay lấy máu viết trên đá ghi lại cho đời. Phương Triều nhếch miệng cười thay cho tiếng hét, để trút những phẫn nộ vào mặt những «kẻ bịt miệng người».Vì còn tình cảm gia đình, vợ con, những ân tình đó nên ông đành nín lặng. Sự chịu đựng khiến ông cắn bật máu môi, thu nạp tất cả những thươngđau rồi đè nén dòng cảm xúc và cất dấu trong tim thành những tiếng lòng chờ khi có dịp giải bày. Mãi đến khi đến được bến bờ tự do, nguồn thơ mới tuôn trào. Phương Triều từ những nỗi nhọc nhằn đớn đau của dân tộc vươn lên, hồn thơ cũng chắp cánh vút cao như những nham thạch phún ra từ lòng núi tạo thành những chùm pháo bông hừng hực lửa, nhưng ấm áp tình người, đầy hào khí nhưng không sắt máu.
Ai xa xứ lâu ngày, có về thăm quê hương nhìn thấy bao đổi thay: Những nhà cao tầng ngất ngưởng, những đường phố khang trang, những xe hơi lộng lẫy v.v... Đó là lớp son khỏa lấp những vết tích một thời cơ cực ! Sự đổi mới đã phải trả giá quá đắt bao hy sinh xương máu của dân tộc. Hôm qua và hôm nay vẫn còn những giọt mồ hôi của những người lao động xa xứ, những giọt nước mắt của những thiếu nữ bán thân cơ cực nơi xứ người, và nó còn là sự đánh đổi to lớn hơn, cao cả hơn mang ý nghĩa: Tự Do của bao sinh mạng trên biển cả, mất xác trong rừng sâu. Hôm nay đất nước vẫn chưa thục sự thay đổi tư duy, nhưng những người sống bỏ đi năm xưa đã vội mau quên?! Nhà thơ Phương Triều cảm nhậnđược điều này nên đã lục tung ký ức, ghi lại những dấu tích một thời khốn khổ trên quê hương, viết về từng ngõ hẻm, hang cùng nơi chui rúc của lớp người dân đen lây lất sống trong những ổ chuột qua ngày! Có lẽ trong số những tập thơ bi ca viết về nỗi thống khổ của quê hương, tập thơ Xóm Mộ và Trăm Bài Thơ Xuân của Phương Triều là tập thơ đầy xúc cảm nhất đã lột tả toàn cảnh những mảnh đời lây lất, sống trong một nghĩa trang sau ngày «giải phóng». Cái phồn hoa hiện thực xã hội chủ nghĩa Việt Nam ấy đã để lại bao nước mắt, cho dù những người hôm nay muốn quên, hay định xóa nhòa và nhà thơ Phương Triều cũng đã ra người thiên cổ, nhưng những mảnh đời ấy đã đi vào thơ văn âm nhạc, như những chứng tích không phai. Nếu người đời sau có dịp đọc lại sẽ nghĩ gì về một VN có thời khốn khổ ?!
Mời các bạn bước vào vườn thơ của Phương Triều để nghe ông tâm sự qua bài "Nghĩa trang", trích trong Xóm Mộ. Nhà thơ đã diễn tả cảnh khốn cùng, nỗi cơ cực. Ông dùng lối ẩn dụ, rất nhiều loài động vật được dùng để ẩn dấu, hoán vị nhiều cảnh đời khác nhau : Mưa ở đây là mong một sự thay đổi. Ở nghĩa trang làm sao đào giếng ? Như thế là thiếu Nước ! Nhưng cơn mưa không đến trong mùa nắng hạn theo nghĩa mong chờ, mà mưa gió làm ướt sũng những thân phận nghèo, những căn lều rách giăng bằng bao cát, làm tái tê, buốt phận nghèo ! Mưa ở đây làm mát tâm hồn. Chuỗi từ: Ngầu mắt đỏ, diễn tả bạo lực chỉ muốn cắn những kẻ khố rách!
Nửa đêm bất chợt mưa qua xóm
Gió dẫn bầy mây đứng sắp hàng
Sói giọt nước buồn trên đất bạc
Lùa thêm ẩm lạnh góc điêu tàn !
Hạ nồng cho tóc khô như rạ
Chiếc võng đu đưa sầu nghĩa trang,
Mưa ơi, lều bạt dù tan nát
Lòng vẫn thèm mưa giữa nát tan !
Con chó nhà ai ngầu mắt đỏ
Cắn đen thi thể buổi hoang tàn
Đám tang không có người ai điếu
Người chết nằm quên hết họ hàng !
Người chết hôm qua còn hát dạo
Ru đời mưa gió giữa lang thang
Người đó đêm qua say ngất ngưởng
Vung tay đấm ngực rồi cười khan !
Người đó hôm nay không hát nữa
Trợn trừng mắt đợi chút hương nhang !...
Nè em, đào giúp ta phần mộ
Ta dẫu người dưng cũng họ hàng
Nếu chẳng con Hồng thì cháu Lạc
Lều rách cùng nhau xóm nghĩa trang
Ông già vé số, cô chè đậu
Chia chút tình riêng chú lễ tang !...
( Nghĩa trang )
Nhà thơ ngậm ngùi thân phận, chua xót cảnh đời và châm biếm thói đời qua bài "Hồi xuân"
Uống đi ông, ông lão đàn cò!
Uống đi bạn, bạn già móc bọc!
Ăn đi em, lơ cơm xe đò
Nhà xóm mộ can gì mà lo!...
Thì lại tết, đếm người chưa chết
Đêm giao thừa được miếng xương kho
Chút lễ mời tiên nhơn mồ tổ
Về đây chơi, ăn miếng giả đò!
Xóm mộ hoang không người tảo mộ
Kẻ sống nhờ, phóng uế vô tư
Tới một lúc con người quên hết
Cõi phù sinh nào chốn thực hư ?
Em bắp cải tưởng mình hoa cúc
Anh cò ma tưởng cánh chim bằng
Thì cứ mặc mưa bùn nắng lửa
Khóc hay cười cũng được nhăn răng!
...............
(Hồi xuân)
Trong văn chương VN ngày xưa, hình ảnh cảnh nghèo được gắn liền với tính thanh cao. Kẻ sĩ chọn cuộc sống thanh bạch để tâm hồn trong sáng hướng về chân thiện mỹ. Trong thời đại Xã hội Chủ nghĩa cái nghèo làm con người co rúm lại vì lo miếng ăn, phải vị kỷ, bần tiện để tự tồn thì miếng kẹo gừng sẽ không cay mà đắng, vị đắng ở đây là nỗi khốn khổ cuộc đời! Nhà thơ dùng cặp từ "Mèn ơi!". Ngôn ngữ đặc chất miệt vườn, hay quá, vừa là lời than vừa và nhạc thơ mang âm điệu buồn tạo cho câu thơ mang tính đột ngột:
Tay phẩy quạt rát mày rát mặt
Miếng kẹo gừng đắng ngắt đêm xuân
Em ngồi mắt ngó rưng rưng
Khói hương di ảnh có mừng sang năm ?
Cứ thậm thụt lui ngày tháng chạp
Thế kỷ buồn già háp mươi năm
Mèn ơi, ai nói đẻ lầm
Trẻ chưa kịp lớn đã lăm le già!
Bếp thiếu lửa năm này năm nọ
Miếng bọt bèo đã bỏ bụng luôn!
Táo ông chắc đã quen buồn
Hăm ba tháng chạp tiễn suông ông về!...
Sáng mồng một không hề năm mới
Nắng xuân về chưa tới đã đi!
Miếng cơm chìm dưới khoai mì!
Miệng mo chưa đủ lấy gì đãi nhau?
( Miệng mo)
Như đã trình bày ở đoạn trên. Biến cố năm 1975 xảy ra chung cho miền Nam, nhưng hoàn cảnh gia đình mỗi người khác nhau. Nhà thơ đành giữ một thái độ im lặng trong một thời gian dài, vì nặng nợ gia đình. Cái nợ tình nghĩa ấy rất thâm sâu. Bài thơ Mắt mèo không những giải bày nỗi khổ tâm của nhà thơ, mà còn giải hộ cho một số những người từng bị tù vì thời cuộc:
Thương em ruột hến canh bầu
Húp thêm muối mặn làm dâu nhà nghèo!
Chồng tù vợ lãnh án treo
Thế nhân đầy những mắt mèo ngó đêm
(Mắt mèo-Sũa đất)
Những bà mẹ, những người vợ sau ngày đổi đời thật đáng vinh danh, ca ngợi. Bút mực nào diễn tả hết những nỗi nhọc nhằn, những hy sinh của những tấm lòng cao cả đó. Từ khi làm vợ của một nhà báo, một nhà văn, một sĩ quan, một người tù, và một phó thường dân. Người trong mộng của nhà thơ Phương Triều vẫn luôn sắt son chung thủy, vượt qua bao nhiêu thử thách, và nhà thơ nợ ân tình là phải. Bài thơ Rượu Mời là một khúc bi ca đẹp cho đời:
… Giao thừa còn khứa cá kho
Ta mút xương cá giả đò ngon cơm!
Vợ chồng như hai cọng rơm,
Gió mưa bật gốc, vẫn ôm nhau cười!...
( Rượu mời) »
Được thả tù, về khu xóm mộ Phương Triều bỗng ngỡ ngàng! Tâm trạng ngỡ ngàng không phải ở sự lạ thành phố mà bàng hoàng về sự đổi thay tình người! Bài Bóng Quế, nói lên sự ám ảnh bởi những bóng ma sống!:
Đêm ta về ma vẫn giả hình
Cõi sống chập chờn bóng quế lung linh
Nhiều em mặt giả và tên giả
Cười nói rân ran chuyện bất bình!
Góc phố ông già say ngất ngưởng
Bên hè bà cụ ngồi thất kinh
Cớ sao ta tưởng ta đoàn tụ
Mà bóng đìu hiu cũng bóng mình?
………
(Bóng quế)
Trước những đột biến của quê hương và sự đổi thay về giá trị đạo đức ở mảnh đất tạm dung, nhà thơ băn khoăn nghiệm lại về ý nghĩa sự mất còn. Dù ôm những nỗi đớn đau chung làm hao mòn tâm thức, nhà thơ không vì thế mà trở nên yếm thế, bi quan để hồn thơ chìm lắng trong hệ lụy áo cơm, rồi tan loãng. Phải chăng ngàn năm trước và ngàn năm sau những tấm lòng son sắt đối với quê hương nào khác nhau ? nếu có khác chăng là khác sự biểu lộ, cách diễn đạt.Có lẽ thế thi sĩ Phương Triều đã từ những nỗi nhọc nhằn đớn đau của dân tộc vươn lên, hồn thơ cũng chắp cánh vút cao như những nham thạch phún ra từ lòng núi tạo thành những chùm pháo bông hừng hực lửa, nhưng ấm áp tình người,đầy hào khí nhưng không sắt máu.Nhà thơ đã thay bạn bè, chiến hữu cất cao tiếng than vọng từ trong lòng quê hương, nơi đáy vực sâu tích tụ những lời uất nghẹn.
Đọc thơ anh tôi cảm thấy bùi ngùi:
Nửa đêm ngựa hí buồn trong gió
Xuân rụng đìu hiu ngọn nắng đào
bỗng thấy mình được trở về với quê hương bằng tâm tưởng sau bao năm xa cách. Trở về để tìm lại những mất còn trong cuộc bể dâu đầy xót xa. Bài thơ "Bạc màu" của Phương Triều tôi mượn thay lời kết về một giấc mơ hư trong đó có cả hồn tôi!
Mùa xuân còn rụng đầy hoa tuyết
Còn lạnh bao nhiêu quán dọc đường
Bấm tay đếm tuổi nghịch thường
Nghe chân gió nhẹ tìm phương cô phòng
Hồn trải mênh mang vào chớm mộng
Đôi tay ngày đó mải mê nhau
Sao không ấm được tròn chung thủy
Mà rã rời theo mệnh số đau ?
Người qua từng vết hằn binh lửa
Đời cháy bùng theo vạt chiến bào
Nửa đêm ngựa hí buồn trong gió
Xuân rụng đìu hiu ngọn nắng đào
Có ai về gọi lầm thương tưởng
Mắt trợn trừng không kịp thấy nhau
Khói vẫn run thêm chiều rũ rượi
Nhà ai thềm lạnh lối ra vào!
Ngẩng mặt mây sầu trôi điệp điệp…
Thân cò đơn lạnh giữa bờ lau
Đã bao lần bến không thuyền đậu
Gợn nét buồn xa nhạt bóng sao!...
Còn khói hương không ngày vọng bái ?
Kèn xuôi trống ngược dội vào nhau
Em phương trời có lành thương tổn?
Anh đất trầm luân cứ bạc màu!...
( Bạc màu)
Đỗ Bình
Đăng ngày 30 tháng 12.2016