Nhà văn An Khê một tấm lòng vàng
Nạng Gỗ
Ngày tháng trôi đi buồn vẫn đọng
Trên dòng chinh chiến đã rêu phong
Súng gươm lặng lẽ vào quên lãng
Khấp khểnh đường chiều, chiếc nạng cong!
Đỗ Bình
Ngày đó làng văn nghệ Paris rất vui vì được tin nhà văn An Khê một cây bút lão thành trong giới cầm bút trước 75 ở sài Gòn, mới từ Việt Nam qua Pháp định cư vào cuối năm 1988.
Nhà văn An Khê tên thật là Nguyễn Bính Thinh sinh 01.09.1923 tại làng Tân An, tỉnh Sa Đéc nhưng trưởng thành ở Rạch Giá, Kiên Giang). Ông là một cây bút lâu năm trong nghề, gia nhập vào làng báo VN từ đầu năm 1950 cho đến ngày 30. 04. 1975, với các bút hiệu : Nguyễn Bính Long viết về gián điệp, Trương Thanh Vân viết về trinh thám. Năm 1952 ông vào quân đội và năm 1954 ông bị thương ở đèo An Khê hỏng cánh tay mặt. Từ đó ông lấy bút hiệu An Khê và gõ máy một tay để viết tiểu thuyết Dã Sử VN. Ông viết tiểu thuyết đăng các báo hàng ngày cho các nhựt báo ở thủ đô và viết rất khỏe. Năm 1966 ông là chủ nhiệm nhụt báo Miền Tây, là tờ báo đầu tiên của vùng, sau biến cố năm Mậu Thân tờ báo đình bản. Trước năm 1975 ông cộng tác với các tạp chí : Đời Mới, Phổ Thông Bán Nguyệt San, Tiếng Chuông, Buổi sáng, Công Nhân, Dân Tiến, Vận Hội mới, Tin Sớm, Tia Sáng, Quyết Tiến, Thời Báo, Cấp Tiến, Dân Chúng, Dân Nguyện, Tiến,… Đã viết khoảng 250 quyển tiểu thuyết, và đã in thành sách ở VN được 22 bộ. Ra hải ngoại vì tuổi tác và sức khỏe kém, nhất là cánh tay bị đau nhức nên ông chỉ viết được ít truyện ngắn cộng tác với một số báo ở hải ngoại như : Làng Văn, Tiểu Thuyết Nguyệt San, Văn Nghệ Tiền Phong, Viên Giác Ái Hữu và Ngày Mai. Năm 1993 Cơ sở Làng Văn (Canada) có giúp ông hoàn thành tác phẩm cuối đời cuốn hồi ký ngắn : Từ Khám Lớn Đến Côn Đảo.
Ở Pháp nhà văn Võ Đức Trung, người chủ trương Thi Tập Một Phần Tư Thế Kỷ Thi Ca Hải Ngoại cùng với chúng tôi : nữ sĩ Nguyễn Thị Vinh,nhà văn Nguyễn Hữu Nhật, GS Nguyễn Thùy và Đỗ Bình. Anh Võ Đức Trung rất qúy và nể trọng nhà văn An Khê xem như thày. Anh An Khê khuyên nhà văn Võ Đức Trung hãy giữ chất miền Nam trong văn chương của anh. Nhà văn Võ Đức Trung đã viết nhiều tác phẩm hay, giọng văn miệt vườn của anh đã làn nổi bật tính chất và các nhân vật trong truyuện, đó là là điểm đặc sắc trong những tác phẩm của Võ Đức Trung. Nhà văn An Khê biết tôi thân với họa sĩ Hiếu Đệ và nhà báo Đặng Văn Nhâm nên bảo tôi hãy nhờ các anh ấy viết bài yểm trợ phế binh. Thuở ấy làng báo chí tươi mát hòa chung một dòng đấu tranh cho sự tự do quê hương. Mọi sinh hoạt bừng khí thế, hòa nhịp trong tinh thần tình bằng hữu thân thiện. Ngày đó GS Đặng Văn Nhâm vừa ra cuốn Đan Việt Đại Từ Điển được đông đảo đồng hương đón nhận, anh Nhâm chăm lo viết sách và hăng say trong sinh hoạt VN QDĐ. Anh Từ Đan Mạch qua Paris kết nạp chiến hữu là BS Trần Duy Tâm một người du học Pháp từ thập niên 50, làm giám đốc đài radio Sài Gòn ở Paris, phát thanh hoàn toàn bằng tiếng Pháp. Đài được sự cộng tác của TS Trần Bình Tịnh( chủ tịch Liên Minh Quốc Tế, gồm những trí thức, lãnh tụ nghiệp đoàn chống CS thuộc các nước Đông Âu), cùng một số người khác, trong đó có nhạc sĩ Trần Văn Trạch, ông là người quốc gia yêu nước tranh đấu cho tự do đến hơi thở cuối cùng. Riêng GS Nguyễn Tánh Đệ vừa ra tù và định cư ở Mỹ. Người đã từng là thày dạy vẽ cho tôi, cũng là bạn tù nằm cạnh nhau, và chung đường phố ở Sài Gòn, và cũng đã tặng cho tôi bức tranh phong cảnh bằng sơn mài trước năm 1975 mà gia đình tôi còn giữ ở VN. Họa sĩ Hiếu Đệ sau khi bắt liên lạc với nhà văn An Khê hai người rất hợp nhau vì là bạn cũ, anh Hiệu Đệ là lớp đàn em của An Khê trong giới báo chí Sài Gòn tthời cuối thập niên 50 của thế kỷ trước. Sau này cho đến khi từ giã cõi đời họa sĩ Hiếu Đệ và nhà văn Võ Đức Trung rất tâm đắc, và đã viết chung nhiều tác phẩm. Ở Paris còn có họa sĩ Vương Đình Thư người nhiều năm cộng tác làm việc chung với họa sĩ Hiếu Đệ ở xưởng vẽ. Hiện anh Vương ình Thư có giữ nhiều bộ tranh sơn mài qúy của họa sĩ Hiếu Đệ.
Ơ Trong giới nghệ sĩ việc xưng hô với nhau người ngoài nghe hơi nghịch nhĩ, nhưng chúng tôi thì quen. Chúng tôi: LS Phạm Thanh Vân, nhà Báo Nguyễn Cao, và tôi được nhà văn An Khê nhận làm anh em kết nghĩa nên gọi nhà văn An Khê là Anh Hai, nhưng chúng tôi lại là bạn thân của cháu ruột ông, là cựu thiếu tá Lực Lượng Đặc Biệt Nguyễn Bính Quang, mỗi lần chúng tôi gặp nhau ngôn ngữ vẫn tự nhiên.
Có thể nói nhà văn An Khê là người khởi xướng đầu tiên Phong Trào yểm Trợ Phế Binh VNCH ở hải ngoại, mà chúng tôi là những thành viên rất ít ỏi ban đầu, trong đó có GS Lương Thị Nga, anh chị BS Nguyễn Văn Màu là những tấm lòng vàng đã tận tình giúp đỡ đưa đón chúng tôi. Thuở ấy viết những bài về phế binh kêu gọi tình người rất nhạy cảm, dễ bị ngộ nhận ! Vì sau cuộc chiến có quá nhiều người bị thương tật do chiến tranh, nhất là gởi tiền về sợ bị ăn chận vì sựkiểm soát chặt chẽ của giới cầm quyền địa phương! Cũng may sự trong sáng và lòng chân thật đã giúp chúng tôi thêm nghị lực, giữ được niền tin của đồng bào. Ngày ấy tôi được các chiến hữu trao cho trách nhiệm chủ bút nguyệt san: Vùng Dậy, chủ nhiệm là cựu Trung Tướng Trần Văn Trung, gồn những cây viết ở Paris như nhà báo Phan Ngọc Khuê, GS Nguyễn Vô Kỷ, nhà văn Nguyễn Vân Xuyên, nhà thơ Hoa Tiên Phan Thế Nghiệp, nhà thơ Tôn Thất Phú Sỹ, họa sĩ Nguyễn Đức Tăng, nhà báo Hoàng Thụy Long, nhà báo Trịnh Long Hải, nhà báo Trương Hạnh, Đại tá Trần Công Liễu,Thiếu tá Nguyễn Hồng Sơn,Thiếu tá Nguyễn Quang Hạnh (hiện là chủ tịch Hội Bạn Thương Phế Binh VNCH và là chủ nhiệm tờ báo Nạng Gỗ) ..vvv... Ngoài thời gian làm việc để nuôi gia đình, chúng tôi đều bỏ tiền túi, và dành những thì giờ còn lại chăm sóc tờ báo. Sau khi nghe lời kêu gọi của nhà văn An Khê dành một số ngày cuối tuần đi vận động giúp cho anh em phế binh VNCH còn nơi quê nhà. Các anh trong tòa soạn sợ tôi bỏ thì giờ nhiều vào công việc vận động yểm trợ thương phế binh VNCH mà sao lãng trách vụ tờ báo. Nhiều lần từ Paris xuống Marseille thấy anh An Khê cặm cụi gõ máy, ngón tay của anh bị chảy máu chúng tôi thấy xót xa ! Hiểu lòng chúng tôi anh nói: “Xá gì chút máu các chú ơi ! Anh em phế binh bên nhà còn khổ gấp trăm ngàn lần nữa. Chỉ có chúng ta bị thương tật nên mới thông cảm được những mất mát của anh em.” Vì được chúng kiến tấm lòng của nhà văn An Khê đối với anh em phế binh, và câu châm ngôn “Lá lành đùm lá rách ” được chúng tôi thêm vào:“ Lá rách đùm lá nát”, chúng tôi thêm vào để tự an ủi mình trên con đường làm việc nghĩa. Những bài viết của chúng tôi đã động lòng người, đồng bào ở Pháp đã hưởng ứng. Các chiến hữu Nguyễn Quang Hạnh, đàn em thân tín của Trung tướng Nguyễn Chánh thi, anh là một khuôn mặt tích cực trong giới đấu tranh thuở đó. Vì quá thận trọng, sợ bị chụp mũ nên anh hết sc ngăn cản tôi, không muốn tôi bị ngộ nhận. Với tấm lòng thành tôi đã kêu gọi trách nhiệm một người đã từng chỉ huy đơn vị tác chiến ngoài mặt trận. Tôi đã thuyết phục được anh, từ chống đối anh đã chuyển sang nhận trách nhiệm làm hội trưởng Hội Bạn Của Phế Binh VNCH, và tôi đặt tên cho tờ báo, tiếng nói chính thức của hội là Nạng Gỗ, từ đó cho đến hôm nay đã gần ba mươi năm. Những người tích cực trong hội là các anh Nguyễn Quang Hạnh, Họa sĩ Nguyễn Đức Tăng,GS Nguyễn Vô Kỷ, GS Nguyễn Ngọc Chân, BS Nguyễn Bá Linh, nhạc sĩ Minh Nhật, ca sĩ Kim Nga.. .vv… đã không quản ngại thời gian, tiền bạc, làm công việc chia sẻ Tình Thương, tổ chức những bữa tiệc tình thương, lấy tiền giúp cho những người có một thời là lính đã vì quê hương mà bị thương tật. Tiếng thơm đồn xa, vì là việc nghĩa nên đã được sự hưởng ứng nhiệt tình của các đồng hương đến tham dự chia sẻ và giúp đỡ. Những tấm lòng nhân đã không phân biệt tuổi tác, nam nữ đã cộng tác nhiệt thành như: Nhà thơ nữ Hà Lan Phương, nhà thơ nữ Kim Lan, nhà báo Ngô Thị Ngoan, chị NguyễnQuang Hạnh, anh Jean Tài và nhiều nhà hảo tâm ẩn danh…Ttrong đó phải kể BS Phan Minh Hiển và GS Nguyễn Văn Huy những người chưa một lần mặc áo lính, nhưng thương những người đã vì tự do và quê hương mà mất đi phần thân thể. Hai người này đã viết một cuốn sách nói về sự khốn cùng của người phế binh VNCH còn lại trong nước, cuốn sách gây động lòng người làm rơi bao nước mắt.
Có lần chúng tôi : Nhà văn An Khê, LS Phạm Thanh Dân, GS Lương Thị Nga và tôi đi vận động ở các tỉnh miền Nam nước Pháp, trên đường trở về nhà anh An Khê lúc gần sáng, chị Lương Thị Nga vì lái xe đường xa đưa chúng tôi đi nhiều ngày nên quá mỏi mệt, lúc về xúyt nữa xe rơi xuống đèo !
Khi phong trào phế binh ở hải ngoại được mọi người chiếu cố; tôi tự ý rút lui, và cũng rời khỏi tờ nguyệt san Vùng Dậy lui về đọc sách.
Vào thu năm 1994 nhà văn An Khê từ giã cõi đời, trước khi mất anh gởi cho tôi thư từ và những bài viết giá trị.Ở Paris chúng tôi đã làm buổi lễ tưởng niệm nhà văn An Khê, hầu hết các anh chị văn nghệ sĩ, báo chí đều tham dự.
Ít lâu sau GS Lương Thị Nga cũng về miền vĩnh hằng! Thuở đó chỉ có hai nhóm ở hải ngoại tiếp xúc với Cao Ủy, ngoài Ủy Ban Quyền Làm Người của ông Võ Văn Ái thường xuyên ra vào Cao Ủy Liên Hiệp Quốc tranh đấu. Nhóm thứ hai là chúng tôi mà GS Lương Thị Nga là phát ngôn viên, vì thông thạo 5 thứ tiếng nên tiếp xúc nhiều nhất với Cao ủy Liên Hiệp Quốc.
Đỗ Bình
Paris 17.02 2017
(trích Bên Dòng Kỷ Niệm)
Đôi dòng về Nhạc sĩ Phạm Duy
Đỗ Bình
Viết về nhạc sĩ tài danh Phạm Duy có hơi thừa, vì ông đã viết hồi ký nói về đời mình, tuy nhiên nếu không nói về một nhạc sĩ mà tôi qúy mến, đã gặp nhiều lần và thường xử dụng tác phẩm của ông đàn hát trong những lúc vui buồn, hay trong những sinh hoạt văn nghệ trước năm 75 và sau này ở hải ngoại là thiếu xớt! Từ bản nhạc đầu đời: Cô Hái Mơ phổ thơ Nguyễn Bính, có thể nói Phạm Duy là người phổ thơ nhiều nhất trong giới nhạc sĩ thời bấy giờ. Đa số nhạc phổ thơ của ông rất hay vì đã chọn những bài thơ có giá trị nên nhạc của ông đóng góp vào kho tàng âm nhạc dân tộc rất nhiều, nhất là dòng nhạc trữ tình mang chất thính phòng. Ông là một trong những nhạc sĩ lớn, hàng đầu về số lượng tác phẩm và đa dạng về thể loại: Nhạc kháng chiến: Tình Ca, Bà mẹ Gio Linh, Nương Chiều, Ngày Trở Về, Chiến Sĩ Vô Danh, Về Miền Trung, Tình Hoài Hương, Bà Mẹ Quê, Em Bé Quê... Tình ca lứa đôi: Cây Đàn Bỏ Quên, Bên Cầu Biên Giới, Tiếng Đàn Tôi, Cành Hoa Trắng, Hẹn Hò, Tìm Nhau, ThươngTình Ca, Ngày Đó Chúng Mình, Mưa Rơi, Đường Em Đi, Nghìn Trùng Xa Cách, NhaTrang Ngày Về, Phượng Yêu,Giết Người Trong Mộng, Trả Lại Em Yêu,... Trường ca, Tâm ca, Bi ca, Đạo ca, Tục ca, Thiền ca, Rong ca, Tị nạn ca. Những bài tình ca quê hương và tình ca lứa đôi đã chắp cánh, đưa hương thơm nhạc sĩ lên đỉnh chót vót của âm nhạc, và có lúc dòng nhạc « lạ» đã đẩy thiên tài rơi xuống đáy vực vì những bài Tục Ca pha đầy chất hệ lụy mà thói quen thưởng ngoạn âm nhạc của công chúng thuở ấy vẫn chưa tiếp nhận được! Nhạc sĩ Phạm Duy viết những bài Tục ca là do ảnh hưởng từ nhạc sĩ, thi sĩ, ca sĩ người Pháp tên là Georges Brassens, rất nổi tiếng, sinh năm 1921 và mất 1981. Bài Tục ca số 5: "Khỉ đột" của Phạm Duy viết năm 1970 tại Sài Gòn bắt nguồn từ bài Le gorille, hay còn gọi là Gare au gorille của Georges Brassens. Nhạc sĩ Phạm Duy viết trong cuốn Ngàn Lời Ca: «Trong thời gian tôi đi học nhạc tại Pháp (1954-1955), tôi rất yêu thi sĩ kiêm ca nhạc sĩ Georges Brassens. Nghệ sĩ này nổi tiếng vì tính bất cần đời của ông. Khi ra sân khấu, ông không chào hỏi khán giả, ghếch một chân lên ghế, ôm đàn guitare hát với giọng hát đồng quê (accent du terroir) chứ không phải với giọng điêu luyện nhà nghề. Hát xong là đi thẳng vào hậu trường, không để ý tới tiếng vỗ tay của khán giả. Georges Brassens tự nhận mình là "le pornographe de la chanson", người viết nhạc khiêu dâm hay là "le polisson de la chanson", kẻ nói tục trong ca khúc. Trong số những bài ông gọi là "chansons grossières", tôi thích bài "Gare au gorille" và dịch nguyên văn để thành tục ca số 5 nhan đề "Khỉ đột». Phải chăng để đối nghịch với cái «tục lụy » ông đã sáng tác ra một số ca khúc mang tính Thiền? Những ca khúc đó về mặt cấu trúc, giai điệu rất hay, tuy nhiên với cá tánh sôi động và tham ái thì làm sao ông có thể lắng đọng tâm hồn, diễn tả được cái tinh khiến thanh tịnh để hoàn tất được chân lý của Thiền định.
Phạm Duy là một người đa tài nhưng lắm tật vì cách sống quá hiện thực. Ông không chạy theo những lý tưởng cao siêu, luôn hòa theo nhịp thở thăng trầm của xã hội, đôi khi thái quá khiến người đời chưa cảm thông được! Ông thường nói:«Rồi đời sau, người ta sẽ hiểu tôi hơn!».
Vào năm 1988 có lần trong cơ sở tòa soạn báo Quê Mẹ của ông Võ Văn Ái, trước mặt nhiều người, nhạc sĩ Phạm Duy nói ông đã rút tỉa được tinh hoa âm nhạc của Nhật Bản, của Ấn Độ và Trung Đông, lẫn bán cổ điển tây phương. Nhạc của ông bây giờ cao, phải hòa tấu như những symphonie Mozart, Beethoven. Ông hát không đàn, ca khúc Người Tình Gìa Trên Đỉnh Đầu Non để tặng những người hiện diện. Ông bảo với tôi "ông rất kỳ vọng vào ngưòi con là nhạc sĩ Duy Cường, vì anh ấy có năng khiếu đặc biệt về âm nhạc, và rất có tài". Duy Cường quả là một nhạc sĩ đầy tài năng, đã theo học ngành Hòa Âm và tốt nghiệp ở nhạc viện Mỹ. Chính Duy Cường đã làm hòa âm phối khí cho băng nhạc Phạm Duy.
Về con người Phạm Duy, ông sống rất trung thực với chính mình, dám nói một số điều suy nghĩ, mà những người khác cũng nghĩ nhưng dè dặt không nói. Công chúng yêu mến ông, nhưng vẫn nhìn cách sống phóng túng tưởng ông chẳng thiết tha gia đình. Thật ra ông sống rất nội tâm và rất thương vợ con. Một trong những nguyên nhân sự trở về của ông, cũng là muốn mở đường tìm chỗ cho các con làm văn nghệ trên quê hương, vì những sinh hoạt văn nghệ có tầm vóc ở Mỹ ngày càng ít vì chi phí cho việc tổ chức quá tốn kém nên việc mưu sinh càng khó khăn!
Cách nay gần ba mươi năm tôi được một số bạn là nhạc sĩ vì qúy mến nên đã phổ thơ của tôi thành nhạc, trong đó có nhạc sĩ Minh Mạch, anh là một cựu sĩ quan VNCH, giáo viên dạy toán trung học. Anh có năng khiếu về âm nhạc và đã theo học guitare cổ điển ngay từ thuở còn trẻ. Khi phổ xong nhạc anh vội đến nhà và đàn hát cho tôi nghe. Tôi rất xúc động và cảm ơn sự chia sẻ. Tình cờ nhạc sĩ Minh Mạch gặp nhạc sĩ Phạm Duy ở tiệm sách Nam Á trong khu Á Châu Paris 13, anh Minh Mạch đã cho anh Phạm Duy xem bản nhạc mới viết của mình, ý muốn nhờ Phạm Duy xem lại có chỗ nào bổ túc nhưng không nói ra. Nhạc sĩ Phạm Duy tưởng anh Minh Mạch khoe nhạc, nên xem qua nhưng chẳng nói gì. Nhạc sĩ Minh Mạch trong lòng không vui, về kể cho tôi nghe về cuộc gặp gỡ đó, và hỏi tại sao anh Phạm Duy không biểu lộ ý kiến! Tôi trả lời: «Thế là anh chỉ biết Phạm Duy mà chẳng hiểu gì ông! Cũng may mà ông không nói chứ ông nói còn khó nghe nữa! Ông ấy biết mình có tài nên rất cao ngạo! Ở Paris trong lãnh vực âm nhạc về môn sáng tác ca khúc, Phạm Duy chỉ nể một người là nhạc sĩ Lương Ngọc Châu sáng tác trước ông, tác giả nhạc phẩm Tiếng Hát Lênh Đênh, viết chung với Tử Phác thời tiền chiến, nhạc sĩ Lương Ngọc Châu qua Pháp vào thập niên 50. Ở tỉnh là nhạc sĩ Đan Trường, sáng tác ca khúc tiền chiến: Trách Người Đi từ thập niên 40 của thế kỷ trước. Nhạc sĩ Đan Trường qua Pháp vào thập niên 40».
Ít ngày sau đó tôi gặp nhạc sĩ Phạm Duy ở Paris, anh bỗng đề nghị :«Cậu lựa một ít bài thơ đắc ý khi nào hứng tôi phổ cho». tôi dạ và cảm ơn, rồi tháng ngày trôi đi tôi không gởi tặng cho ông tập thơ nào, mà cũng không gởi những bài thơ chọn lọc cho ông. Tôi nghĩ ông quá bận nhiều việc chắc không có thì giờ đọc thơ. Thì giờ đối với ông rất qúy vì phải đi khắp nơi giới thiệu băng nhạc để mưu sinh. Hơn nữa nếu muốn phổ một bài thơ thì với tài năng của nhạc sĩ Phạm Duy chỉ mất nửa giờ là xong bản nhạc.»
Khoảng 2006 nhạc sĩ Trịnh Hưng có về Việt Nam, nhân dịp đó,tôi và nhà thơ Kim Vũ ở Cali đã nhờ nhạc sĩ Trịnh Hưng mang ít tiền về biếu một số ít văn nghệ sĩ có đời sống khó khăn mà chúng tôi đã ngưỡng mộ họ qua tác phẩm đọc trên trang sách khi xưa, nhưng chưa hề hân hạnh gặp mặt. Nhạc sĩ Trịnh Hưng là bạn cũ sinh hoạt chung với các văn nghệ sĩ đó hồi tiền chiến. Khi nhạc sĩ Trịnh Hưng trở về Paris tôi đến thăm, anh đã gọi phôn cho nhà thơ Hữu Loan để tôi nói chuyện thăm hỏi sức khỏe của ông. Dịp về thăm quê hương nhạc sĩ Trịnh Hưng cùng nhạc sĩ Duyên Hùng ở Lyon đã đến thăm nhạc sĩ Phạm Duy. Trong câu chuyện nhạc sĩ Phạm Duy có nhắc đến tôi. Ngay lúc đó nhạc sĩ Trịnh Hưng tặng cho nhạc sĩ Phạm Duy một CD Tôi Yêu, trong đó có bản nhạc mà nhạc sĩ Trịnh Hưng phổ thơ của tôi. Sở dĩ nhạc sĩ Phạm Duy nhớ đến tôi vì có lần sau năm 2000, hội Dược Sĩ ở Paris tổ chức Ngày Văn Hóa, có mời một số diễn giả, trong đó có nhạc sĩ Phạm Duy từ Hoa Kỳ sang nói chuyện về Kiều, nhân tiện giới thiệu luôn CD vừa ra mắt ở Mỹ. Nhưng có một sự việc xảy ra khoảng thời gian trước khi nhạc sĩ Phạm Duy sang Paris, trong một lúc vui cùng các bằng hữu văn nghệ sĩ, nhạc sĩ Phạm Duy đã phát biểu một số câu không hợp tai người nghe ! Nhạc sĩ Phạm Duy là một người quen biết nhiều, lại từng trải sự đời, có kiến thức rộng và nhiều thăng trầm theo thế sự, thì những lý tưởng, những mộng ước cao xa ông đều xem thường, tâm hồn ông rất thực tế không bay bổng như lúc sáng tác hay trình diễn. Nhưng đối với những người sống nguyên tắc, thì lời phát biểu đó đã làm tổn thương đến họ. Sự việc trở nên trầm trọng, tiếng đồn ầm ĩ càng xa khiến nhiều người phẫn nộ! Hôm đến dự Ngày Văn Hóa ở Cité internationale universitaire de Paris tôi tình cờ vào cửa phụ mà không vào cửa chính, nếu tôi vào cửa chính chắc sẽ không thấy nhạc sĩ Phạm Duy! Khi vào giảng đường tôi thấy tất cả quan khách đều ngồi một phía cánh phải, chỉ mỗi Phạm Duy ngồi một mình ở cánh trái giảng đường, và khoảng giũa là nhà phê bình văn học Thụy Khuê cùng đến với Phạm Duy, đang trông quầy sách. Tôi tiến thẳng đến ngồi cạnh nhạc sĩ Phạm Duy, tôi thấy ông xúc động, ông nói: «Chỉ có cậu là không bỏ Tớ!». Nghe ông nói khiến lòng tôi bồi hồi. Tôi đến với ông vì yêu văn học nghệ thuật nên trân qúy tác giả. Ông là một nhạc sĩ lớn của dân tộc đã đóng góp nhiều tác phẩm làm giàu đẹp cho kho tàng văn hóa âm nhạc Việt. Nhạc của ông là khung trời kỷ niệm của tôi từ lúc còn bé đến khi vào đời, làm sao tôi có thể quay lưng với ông. Giảng đường bên cánh trái rộng lớn hơn vì chỉ có hai chúng tôi ngồi. Nhưng sau đó, số người quen biết tôi đến ngồi càng lúc càng nhiều, và họ ngồi bên chúng tôi nghe các diễn giả và nhạc sĩ Phạm Duy nói chuyện cho đến khi chấm dứt.
Có lần chúng tôi tổ chức bữa tiệc gây qũy giúp cho một số thuyền nhân tị nạn còn bị kẹt ở đảo Palawan Phi Luật Tân, nhân dịp ông sang Paris vì công việc, ông đã nể lời mời của tôi đến tham dự, để lôi cuốn thêm khách đến vì ngưỡng mộ ông. Những năm gần đây nhạc sĩ Phạm Duy đã giã từ cuộc đời lưu vong, vùi chôn những ca khúc Tị nạn hừng hực lửa mà có thời giúp ông được tiền bạc rủng rỉnh, và sự hâm mộ nồng nhiệt của công chúng. Trở về là ông buông thả tất cả những vàng son của quá khứ để quay về cố quận đánh đố với bạo lực, chấp nhận sự rủi ro ruồng rẫy của xã hội mới, và sự dè bỉu của bằng hữu, dư luận. Có lẽ đây là sự thay đổi lần cuối của một người già. Phạm Duy muốn trở về được chết trên quê hương, và phải chấp nhận sống cô đơn bên lề những hào quang xã hội! Phải chăng để khơi dậy dòng nhạc vàng trữ tình hồi sinh sau nhiều năm dài bị quên lãng, hay vì một lý do thầm kín nào khác? Ở vào tuổi ngoài 90 nhạc sĩ như một nhánh sông cạn xuôi về nguồn tìm lại giai điệu một thuở vàng son năm xưa mà dấu vết tưởng đã lạc vào trang cổ tích. Dòng nhạc của Phạm Duy sau hơn nửa thế kỷ bị cấm ở miền Bắc và gần bốn mươi năm bị cấm ở miền Nam. Giai điệu du dương, mượt mà đó đã trỗi dậy như làn gió mát khắp trong nước làm khoan khoái lòng người. Nhiều thế hệ chưa từng biết nhạc Phạm Duy nay đã thưởng thức những giai điệu quê hương, những bài tình ca tuyệt vời đầy hoa thơm nghệ thuật. Người nhạc sĩ tài hoa đó đã để lại nhiều tác phẩm hay cho đời. Những hương thơm cỏ lạ, những buồn vui cảm mến của người đời chỉ còn trong trang sách. Những giai điệu tuyệt vời, rồi cũng phai theo thời gian. Phạm Duy bỏ lại tất cả không mang theo về với cát bụi.
Đỗ Bình
Paris 28.02.2017
(trích Bên Dòng Kỷ Niệm)
Đăng ngày 30 tháng 06.2017