Dù sao, ngày 11/1/2015 tôi cũng đã xuống đường với biểu ngữ: «Tôi là Charlie…», vì thế với tinh thần Charlie, hôm nay tôi xin giới thiệu lại với quý độc giả truyện ngắn dưới đây, đã từng đăng trên Tiền Vệ. Truyện ngắn này được viết đầu năm 2013, vào dịp sinh nhật của đảng chính trị duy nhất tại Việt Nam. Đảng chính trị đang nắm quyền lực tuyệt đối này phải chịu trách nhiệm về sự suy thoái toàn diện của xã hội Việt Nam đương thời, và phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về các nguy cơ an ninh quốc gia và những mất mát từng phần của lãnh thổ, cũng như về quá trình Trung Quốc hóa trên nhiều phương diện đang diễn ra tại Việt Nam hiện nay.
Một câu hỏi rất cũ: văn học ngụ ở chốn nào giữa tưởng tượng và thực tế?
Paris, 3/2/2015 - Phan Huy Đường (website "Ăn mày văn chương")
Sinh nhật
Nguyễn thị Từ Huy
Sinh nhật tháng 5
Phiên toà mở vào ngày 4/5, xử một nhóm đàn ông về mười tội mà họ phạm phải. Để cho phiên toà có tính quốc tế nên người ta mời một thẩm phán người nước ngoài. Tính quốc tế đang là mốt thời thượng. Cái gì cũng thế, phải đẳng cấp quốc tế thì mới có giá trị.
Quan toà là một ông sinh vào tuần đầu tiên của tháng 5. Công tố viên là một ông sinh vào tuần thứ ba của tháng 5. Cả hai đều bất tử, đều là những người sống mãi, kể cả sau khi chết.
Không một luật sư nào dám nhận bào chữa, vì họ biết là cầm chắc phần thua. Quan toà quốc tế, không mua được, không đe doạ được, mà chứng cứ lại rõ ràng quá rồi, bào chữa thì chỉ có thua mà thôi. Khi vụ xử này diễn ra, người dân ở đây rất hồi hộp và hy vọng, họ trông chờ rằng đây sẽ là lần đầu tiên công lý được thực thi cùng với vị quan toà ngoại quốc này.
Không có luật sư bào chữa nên một đám phụ nữ phải đóng thay vai trò này.
Quan toà có vầng trán rộng, rộng một cách đặc biệt, râu và tóc tạo thành một đường viền kín quanh khuôn mặt, đồng chất đến nỗi người ta không phân biệt được đâu là râu và đâu là tóc. Công tố viên có vầng trán cao và cũng rộng, nhưng không rộng bằng ông kia. Tóc ngắn, râu dài rủ xuống thành chòm, mỏng, thanh thoát. Cả hai yên vị vào chỗ của mình. Phòng xử án trang nghiêm, không khí im lặng kín cẩn.
Toà bắt đầu tuyên cáo trạng:
– Hôm nay, Toà xử những người đàn ông làm cho đất nước này be bét. Tất cả là mười tội. Tội thứ nhất: làm mất biển đảo. Tội thứ hai: làm văn hoá suy đồi. Tội thứ ba: làm mất tài nguyên khoáng sản. Tội thứ tư: cho thuê lãnh thổ dài hạn. Tội thứ năm: giáo dục suy thoái. Tội thứ sáu: y tế vô nhân đạo. Tội thứ bảy: giao thông nát bét. Tội thứ tám: kinh tế khủng hoảng, dân đói, nợ nần chồng chất. Tội thứ chín: tham nhũng hoành hành. Tội thứ mười: luật rừng thay luật pháp.
Một phụ nữ áo nâu, chít khăn mỏ quạ đứng lên, giọng run run:
– Thưa toà, nên tha tội. Họ không có tội. Tội là do chúng tôi.
– Cái gì? Toà nghe không rõ hỏi lại.
– Xin toà nghe chúng tôi bào chữa.
– Nói đi.
Người phụ nữ run quá, cái khăn mỏ quạ chúi về phía trước, không nói được, đành ngồi xuống.
Quan toà ghé tai hỏi nhỏ công tố viên:
– Sao thời buổi này mà bà ấy còn phải mặc áo vá?
– Vậy người ta mới phải mời ngài tới đây xét xử.
Một bà áo dài cất tiếng:
– Làm mất biển đảo là do Bộ Ngoại giao kém. Có mỗi con đường ngoại giao là được phép mà đánh võ mồm mãi không xong. Làm mất tài nguyên là do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường thiếu năng lực. Bộ trưởng Bộ Giáo dục thiếu kiến thức nên nền giáo dục bi bét. Văn hoá suy đồi là do Bộ trưởng Bộ Văn hoá không có văn hoá. Giao thông ách tắc là do Bộ trưởng Bộ Giao thông bị nghẽn các rãnh não. Y tế vô nhân đạo là do Bộ trưởng Y tế mất nhân tính. Kinh tế suy thoái, dân đói, nợ nần là do Bộ trưởng Bộ Tài chính bất cả chính lẫn tài…
– Thế thì bà còn định bào chữa cái nỗi gì? Lấy cái gì mà bào chữa đây? Toà sốt ruột ngắt lời.
– Thưa ngài, nhưng lỗi dứt khoát không phải là của họ. Họ không bao giờ có lỗi.
– Chẳng phải bà vừa nêu lỗi của họ đó sao?
Bà mặc áo dài bất ngờ quá, phản ứng không kịp, đành ngồi xuống. Một bà mặc áo bà ba màu đen liền thế chỗ, không dám để lâu, bà nói ngay:
– Nhưng các ông Bộ trưởng kém cỏi bất tài là do giáo dục gia đình kém. Mà giáo dục gia đình kém là do phụ nữ kém. Dạ, lúc nào cũng thế, con hư tại mẹ, cháu hư tại bà, thưa ngài. Xin ngài hãy nhìn đúng nguyên nhân. Nền giáo dục sa sút là do phụ nữ sa sút, không biết dạy con. Đàn ông không làm gì nên tội. Ngài đừng phán xét họ, đừng kết án họ, tội nghiệp họ. Xin ngài hãy nhìn nguyên nhân gốc của vấn đề.
Bà áo đen nói đến đó cũng bị nghẹn lời, đành thôi. Bà áo sơ mi trắng đứng dậy, tiến lên trước toà, van vỉ:
– Dạ, xin ngài đừng kết án họ. Những người đàn ông của chúng con không có lỗi. Mọi tội lỗi đều là do phụ nữ chúng con. Chúng con không biết dạy dỗ nên con cái hư hỏng. Dạ đúng là « con hư tại mẹ cháu hư tại bà », đúng lắm ạ. Không có gì đúng hơn thế đâu ạ. Đàn ông của chúng con không có lỗi.
– Thế là thế nào? Quan toà có vẻ khó hiểu.
Bà áo trắng cố gắng nói rành rọt:
– Đàn ông hèn nhát là vì các mẹ không rèn luyện họ. Đến bảy, tám tuổi đầu rồi mà cho ăn vẫn còn phải đút thì ngài bảo làm sao mạnh mẽ được đây. Đàn ông yếu kém là vì mẹ họ không có gen thông minh, vì mẹ họ đa phần mù chữ. Chúng con phải chịu hết, mọi tội lỗi đều do chúng con gây ra. Đàn ông sa đoạ là do chúng con cám dỗ họ. Đàn ông nghiện ngập là do chúng con khiến họ tuyệt vọng. Đàn ông thất nghiệp là do chúng con không biết tạo công ăn việc làm cho họ. Đàn ông ngoại tình là do chúng con kém hấp dẫn, không biết làm đẹp, không biết nói dịu dàng, không biết chiều chuộng. Đàn ông gia trưởng là do chúng con quá nhường nhịn. Đàn ông lãnh đạo quốc gia không ra gì, làm tan nát cơ đồ, đẩy giang sơn vào nguy biến là do phụ nữ chúng con tăm tối và ngu dốt, do chúng con không có đủ kiến thức để truyền đạt lại cho họ, không đủ khả năng để khai minh cho họ. Lỗi là tại chúng con mọi đàng.
Bà vặn vẹo đôi tay, hét lên, giọng nghẹn ngào, ăn năn hối lỗi. Càng về cuối các câu nói càng vấp vào nhau, âm thanh va đập, đứt gãy trong tiếng thở. Rồi bà dừng lại thở dốc. Tóc xoã ra rũ rượi.
Quan toà chợt nhớ ra điều gì, hỏi:
– Trong số các Bộ trưởng cũng có phụ nữ, sao ở đây chỉ xử mỗi đàn ông?
Công tố viên trả lời:
– Bà ta bị xử riêng. Là phụ nữ nên tội sẽ nặng hơn, lại trực tiếp liên quan đến sinh mạng con người. Họ sẽ mở một phiên toà khác.
Quan toà lại hỏi tiếp:
– Hình như trên cấp Bộ trưởng còn có các lãnh đạo cao hơn, phải không? Sao những người kia không bị xử?
Công tố viên suy nghĩ một lúc, như để tìm câu trả lời sao cho quan toà có thể chấp nhận được:
– Đúng là có lãnh đạo cấp cao hơn, nhưng theo luật ở đây thì những người đó đứng ngoài vòng pháp luật. Ngài thấy đấy, đó là lý do khiến Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Chủ tịch Quốc hội phải chịu cái tội để « luật rừng thay luật pháp ».
– À ra thế ! Quan toà dường như đã hiểu.
Một thiếu nữ mới chừng ngoài hai mươi tuổi, bị đánh mặt sưng vù, răng gãy, máu me be bét, vịn tay ghế đứng lên. Cô thều thào nói:
– Vì ngài mà chúng tôi bị đánh đấy.
– Không đúng.
– Chúng tôi nói là đúng đấy. Vì ngài mà chúng tôi bị đánh.
– Sao lại có thể như thế?
– Họ đánh chúng tôi để bảo vệ ngài.
– Tôi đâu cần phải bảo vệ.
– Bạn tôi còn bị bỏ tù, bị đánh đập, bị bỏ đói trong tù. Vì ngài cả đấy. Một răng hàm trên của tôi gãy là do ngài đấy
– Không thể như thế được.
Cô gái quay sang công tố viên:
– Vì cả ngài nữa ạ. Khắp nơi họ chăng khẩu hiệu học tập ngài, và họ đánh chúng tôi.
– Không thể tin được.
– Là sự thật đấy ạ. Họ học tập ngài, và họ đánh chúng tôi. Họ noi gương ngài, và họ đánh chúng tôi.
– Không thể hiểu nổi !
– Ngài phải gắng mà hiểu. Ngài làm gương cho họ mà còn không hiểu thì sao chúng tôi hiểu được. Một răng hàm dưới của tôi gãy là do ngài đấy ạ.
Bà áo trắng đã lấy lại bình tĩnh, can ngăn cô gái:
– Thôi cháu ơi, đừng kết tội các ông ấy nữa. Mọi tội lỗi đều do phụ nữ chúng ta mà ra.
Rồi bà hướng lên quan toà:
– Ngài bỏ qua cho cô ấy, còn trẻ người non dạ, thiếu hiểu biết, chưa dám nhận trách nhiệm. Mất mùa là tại thiên tai. Mà thiên tai xảy ra là do phụ nữ chúng con vừa không biết dự đoán lại vừa không biết cách phòng chống. Phụ nữ chúng con chỉ được cái vô tích sự, chúng con không nên lảng tránh trách nhiệm, chúng con sẽ dạy cho các cháu gái hiểu rõ điều này, thưa toà. Các cháu gái phải biết nhận lỗi từ bây giờ, không nên đổ lỗi cho người khác. Ai đổ thừa thì được, phụ nữ không có quyền đổ thừa. Cháu phải nhớ lấy điều ấy.
Bà khăn mỏ quạ từ nãy giờ ngồi nghe, lấy lại được tinh thần, tiếp thêm lời:
– Thưa ngài, chúng tôi nguyện nhận hết tội lỗi. Chỉ xin ngài trả lại nam tính cho đàn ông của chúng tôi. Xin ngài đừng lấy mất nam tính của đàn ông xứ sở chúng tôi. Có nam tính thì họ sẽ giải quyết được tất cả mọi việc.
– Các bà nói gì kỳ vậy? Làm sao tôi có thể lấy mất nam tính của đàn ông của các bà? Quan toà hỏi giọng hơi căng.
Một bà váy ngắn, tóc ngắn và vàng, đeo kính gọng màu tím, giày cao gót, tỏ ra hơi bất bình:
– Ngài làm bộ đấy ư? Ngài hẳn phải biết rằng ngài đã ám vào họ đến mức khi lên giường họ vẫn bị trọng lượng của ngài đè bẹp. Họ còn làm ăn được gì khi bao nhiêu sức lực phải vừa dành cõng ngài trên lưng vừa phục vụ chúng tôi ở dưới. Họ nhanh chóng thở như bễ lò rèn và chúng tôi ngán ngẩm không để đâu cho hết. Ngài làm ơn buông tha họ cho chúng tôi được nhờ. Ngài nặng lắm, ngài có biết không? Ngài cản trở lắm, ngài có biết không?
– Tôi quả thực không biết gì về chuyện này. Tôi không có ý định ám ai cả. Tôi thậm chí còn không biết họ. Quan toà trả lời, giọng có chùng xuống.
– Ngài có tự do nên vợ ngài mới yêu ngài được lâu như vậy. Trong những di sản của ngài mà đàn ông của chúng tôi mang về đây, không có tự do. Ở đây người ta kiểm duyệt những gì ngài nói về tự do. Ngài thử lên báo mà đọc xem, tất cả các phát ngôn hay tư tưởng của ngài về tự do đều bị cắt hết.
– Chết thật ! Tự do là phần tinh khí khiến tôi có thể trở nên nhẹ nhõm. Cấm đoán, kiểm duyệt mất thứ đó thì bảo làm sao mà tôi không trở thành gánh nặng?
– Thế đấy, hình như ngài bắt đầu ngộ ra sự thật. Ngài phải biết là bây giờ ngài nặng lắm rồi.
– Trời ơi, tự do chính là linh hồn. Thể xác mà không có linh hồn thì thối rữa mất thôi.
– Phải, ngài nặng mùi lắm rồi.
– Thối rữa và nặng mùi lắm rồi, tội nghiệp thân ta !
Rồi thẩm phán quay sang công tố viên hỏi:
– Ông có xác nhận được những gì mà các bà này vừa nói không? Tôi thật không thể ngờ được.
Công tố viên trả lời:
– Tôi làm nhiệm vụ cáo buộc, các bà ấy làm nhiệm vụ bào chữa. Trước toà, chúng tôi buộc phải nói ngược nhau. Đạo đức nghề nghiệp không cho phép tôi làm khác được, thưa ngài.
Bà áo trắng kính cẩn thưa với công tố viên:
– Còn ngài, thưa ngài công tố viên, ngày nào chúng tôi cũng cầu cho linh hồn ngài siêu thoát.
– Các bà biết vì sao tôi không siêu thoát được. Tôi cũng muốn lắm. Như thế này có sung sướng gì đâu.
– Chúng tôi biết ngài rất khổ. Di nguyện của ngài không được tôn trọng. Ngài thật quá khổ, thưa ngài.
– Linh hồn tôi cứ đi thang máy lên xuống suốt cả chín tầng lầu. Đi lên rồi lại đi xuống, kẹt cứng không ra được. Người ta không cho tôi siêu thoát. Tôi có nghe tiếng các bà cầu cho tôi, nhưng vẫn bị kẹt ở đó.
– Chúng tôi sẽ tiếp tục cầu cho ngài nữa. Chúng tôi sẽ chuộc lỗi với ngài.
.......
Gần trưa, quan toà nói với công tố viên:
– Mai sinh nhật tôi, tôi không muốn vụ xử này khiến người ta oán thán tôi. Có lẽ ta tạm dừng ở đây, tuần sau ta tiếp tục. Ngài thấy được không?
Ngài kia hơi mỉm cười:
– Ngày mai sinh nhật ngài thật sao? Chúc mừng sinh nhật!
– Cảm ơn Ngài! Còn ngày sinh của ngài là lúc nào vậy?
– Cũng chẳng quan trọng gì, ai cũng có một ngày để nhìn thấy thế giới này, còn ngày nào thì quan trọng gì đâu.
Thẩm phán chợt hốt hoảng:
– Vậy chớ các bị cáo đâu?
– Ờ nhỉ! Công tố viên ớ người, lúng túng. Hình như bên bộ phận thư ký quên gửi giấy triệu tập cho bị cáo rồi.
– Thế thì ta phải xử tiếp, chẳng còn cách nào khác. Ngài mời cử toạ ra ngoài để chúng ta hội ý.
Mọi người lần lượt ra khỏi phòng xử án. Họ đứng ngoài băn khoăn lo lắng không rõ toà sẽ phán quyết thế nào. Một vài bà lần tràng hạt niệm nam mô a di đà phật, cầu cho đàn ông của họ thoát tội. Một vài bà nhắm mắt, thở đều, tranh thủ thiền để tránh căng thẳng. Mười lăm phút sau, họ lại tề tựu đầy đủ trước mặt quan án.
Quan toà long trọng đứng dậy, nghiêm trang và dõng dạc tuyên bố:
– Toà tuyên bố các bị cáo vô tội, xử trắng án, tha bổng!
Bên dưới nghe có tiếng thở phào nhẹ nhõm, những bàn tay phụ nữ bé nhỏ chắp lại thành kính cảm ơn, đôi mắt dưới cái khăn mỏ quạ nhòa lệ, một vài giọt nước mắt sung sướng không kìm nén được rơi xuống.
Quan toà ngừng giây lát, quan sát phòng xử. Sau đó, ngài hất hàm về phía những người bào chữa, lớn tiếng:
– Bắt giam đám phụ nữ kia, chờ ngày xét xử. Lính đâu, dẫn chúng đi!
Đám phụ nữ mặt tái mét, vừa ngạc nhiên vừa sợ hãi: – Ơ kìa, thưa ngài…
Những người lính mặc cảnh phục dẫn họ đi.
Toà tuyên bố nghỉ. Thẩm phán nghiêng sang công tố viên, nói nhỏ:
– Ngài yên tâm, phiên xử sau sẽ nhanh chóng và nhẹ nhàng. Vì họ đã nhận hết tội. Biên bản hôm nay đã ghi chép rất đầy đủ rồi.
Thẩm phán và công tố viên cùng đi vào hậu trường phòng xử.
Sinh nhật tháng 2
Năm 2030, Viện Khổng Tử từ lâu đã hoạt động tích cực, phát huy ảnh hưởng hết sức rộng rãi. Bắt đầu từ việc cắm rễ ở ĐHHN năm 2013, giờ đây rễ của nó đã lan hết các trường đại học trong toàn quốc. Trường nào cũng có viện Khổng Tử, dập dìu tài tử giai nhân đến văn ôn võ luyện. Người người theo đạo Khổng, nhà nhà theo đạo Khổng. Đất nước đã Hán hoá hoàn toàn, đã chịu hợp tác toàn diện, trên mọi lĩnh vực, đã chịu nhận chỉ đạo toàn diện của chính phủ bạn. Đường dây nóng giờ đây không chỉ dừng lại ở đầu não thủ đô mà đã phủ kín đến tận các tỉnh, huyện. Không chỉ Bình Dương, Vũng Tàu, Sài Gòn, Đắk Nông, Nha Trang, Hà Tĩnh có khu Tàu, người Tàu sinh sống trên khắp mọi địa bàn, họ lấy những chỗ đẹp nhất, chiến lược nhất. Họ xây những thành trì vững chắc nhất. Tiếng Tàu líu la líu lô vang lên khắp nơi. Nhiều nhà hàng Tàu chăng biển cấm người bản xứ. Nhiều căn cứ của Tàu cấm người bản xứ không được lai vãng. Truyền hình trung ương chỉ còn chiếu phim Tàu. Các chương trình giao lưu với các tỉnh, các huyện bên Hoa Quốc được tăng cường phát sóng. Tiếng Hoa được dạy trong tất cả các trường học. Khắp nơi người ta hát nhạc Hoa, đọc tiểu thuyết Hoa, ăn món ăn Hoa, vào những dịp lễ hội, áo sườn xám chiếm thế thượng phong trên đường phố, thế chỗ áo dài. Duy chỉ có quốc hiệu là vẫn còn được giữ nguyên.
Chiến tranh là thứ người ta sợ nhất, nhưng rốt cuộc không có chiến tranh. Bộ ngoại giao đã giành thắng lợi rực rỡ bằng tất cả mọi nỗ lực miệng của mình, một mặt liên hồi phát ngôn tuyên bố chủ quyền, mặt khác dẹp được chiến tranh bằng cách để cho người Tàu và văn hoá Tàu từ từ xâm chiếm hết lãnh thổ, biến sự hiện diện của Tàu thành một tất yếu lịch sử. Thành công lớn nhất là sự thanh bình đã được bảo vệ, sự thanh bình trên toàn xứ sở và trong mỗi một người. Giông tố đã đi qua, biển vẫn hát mỗi sáng và mỗi chiều. Đất nước bình yên hơn bao giờ hết. Mà bình yên nhất là giới đại lãnh đạo, giới đại gia, giới đại học và đại nghiên cứu.
Thành tích về cơ bản là vĩ đại, to lớn. Nhưng dù sao đi nữa cũng có một vài nhược điểm không thể phủ nhận, mà các sử gia gọi là thời kỳ bắc thuộc lần ba. Cái nhược điểm nhỏ này, nếu chỉ phê và tự phê thì nghe ra không ổn. Mà cứ phê và tự phê mãi thì cũng nhàm. Cần phải có một phiên toà cho đúng mốt.
Phiên toà mở ra xét xử kẻ tội phạm đã làm cho dân tộc lệ thuộc một trăm phần trăm vào ngoại bang. Vẫn là cặp thẩm phán/công tố viên ấy xét xử.
Bị cáo mặc áo màu đỏ, búa liềm in trên ngực.
Phiên toà này cũng không có luật sư nào dám nhận bào chữa. Phần thua đã quá hiển nhiên. Không thể bào chữa vào đâu được.
Tuy nhiên, trong một phiên toà đích thực, bị cáo có quyền tự bào chữa. Thẩm phán quốc tế tôn trọng tuyệt đối quyền này.
Trước toà, bị cáo đòi cho gọi bà Nguyễn Thị Dân Trí và các ông Trí Văn Thức và VHLKHXH, tên ông này dài quá không nhớ nổi nên chỉ gọi theo tên viết tắt. Toà chấp thuận.
Khi các bên liên quan đã có mặt đầy đủ, thẩm phán hỏi bị cáo:
– Sao ông cho gọi mấy vị này?
– Họ phải liên đới trách nhiệm với tôi.
Cả ba vị kia đồng thanh:
– Chúng tôi không liên quan gì.
Toà cho phép bị cáo trình bày. Bị cáo rành rọt nói:
– Ông Trí Văn Thức có nhiệm vụ phản biện mà không làm tròn nhiệm vụ. Tiếng nói của ông quá yếu, thiếu cương quyết, vòng vo tam quốc, không có mấy tác dụng. Đáng lẽ ông phải ngăn không cho tôi phạm sai lầm chứ. Bây giờ để tôi phạm sai lầm đến mức này rồi, ông cũng phải chịu trách nhiệm trong đó chứ.
Ông Thức kia đứng lên phản đối:
– Chúng tôi đã cố hết sức rồi mà ông không chịu nghe thì có ấy. Bao nhiêu lần khuyên can, bao nhiêu lần kiến nghị, bao nhiêu lần trình tấu. Đến nỗi dân người ta chán hết cả lỗ tai rồi mà ông có chịu nghe đâu. Chúng tôi khổ hết mức rồi đấy.
Bị cáo không thừa nhận:
– Ông đã chịu làm hết trách nhiệm đâu. Ông có cương quyết gì đâu. Ông vẫn ủng hộ tôi đấy chứ. Ông mà phản đối triệt để thì phải tẩy chay tôi chứ. Đằng này ông vẫn đứng trong hàng ngũ với tôi, cùng đồng chí với tôi mà. Lạ thật, vẫn còn cùng đồng chí là vẫn còn cùng chiến tuyến chứ. Tôi hiểu thế đâu có sai gì chứ.
– Sai quá! Vị kia phản đối.
– Vì các ông vẫn gọi tôi là đồng chí, cùng sinh hoạt, cùng hội đoàn, thì tôi tưởng là các ông làm ra vẻ phản biện chơi thôi, chứ thâm tâm các ông vẫn đang ủng hộ tôi. Phải vậy không? Tôi đâu có hiểu nhầm. Tôi nghĩ các ông làm ra vẻ nước sôi lửa bỏng cho có vẻ phản biện thôi. Chứ nếu mà nước sôi thật, lửa bỏng thật thì các ông phải nhảy ra rồi chứ, còn ở trong nồi làm gì? Đằng này các ông vẫn đứng yên trong nồi cùng tôi. Thế nên tôi tưởng tình thế vẫn chưa nghiêm trọng, tôi mới phạm sai lầm đến mức này. Tình thế đã nghiêm trọng thật rồi mà các ông lại cứ làm tôi tưởng rằng đang ngon lành lắm, đang ổn lắm. Chẳng phải văn hoá của chúng ta là văn hoá nói vậy mà không phải vậy hay sao? Các ông cứ ngồi trong nồi cùng tôi nên tôi tưởng các ông nói dzậy mà không phải dzậy. Các ông kêu gọi tôi dậy, nhưng các ông lại cứ ngồi nguyên trong nồi, cho nên tôi cũng cứ ngồi nguyên trong nồi, tôi không chịu dậy. Cho nên tôi cứ đủng đỉnh mà phạm sai lầm. Thưa toà, tôi nói thế có đúng không?
Toà phán:
– Bào chữa thế nghe cũng có lý đấy.
Bị cáo tiếp:
– Người xưa khi khuyên can nói: “ Bệ hạ muốn hàng hãy chém đầu thần trước đã ”. Ngày nay các ông phản biện chỉ nói: yêu cầu thế nọ, đề nghị thế kia, tuyên bố thế đó… thì tôi cứ tưởng rằng mấy cái yêu cầu, đề nghị ấy không thực hiện cũng chẳng sao, chẳng ảnh hưởng gì đến cái đầu của ai, nên tôi không thực hiện. Tôi không thực hiện nên mới ra nông nỗi này. Tội của ông là nặng lắm đó.
Ông Trí Văn Thức ngơ ngác:
– Ông nói vậy nghĩa là sao?
– Nghĩa là hậu quả ngày hôm nay ông cũng phải chìa vai ra mà gánh với tôi chứ. Cùng là đàn ông mà, chạy trốn thế coi sao được. Ông phải cùng nhận tội với tôi chứ, thế mới công bằng chứ, thưa toà.
Toà nói:
– Tự bào chữa hay lắm.
Ông Thức phản đối:
– Thưa toà, chúng tôi đã can ông ấy hết sức rồi đấy ạ. Kêu ra cả bàn dân thiên hạ. Kêu ra cả quốc tế. Ông ấy nhất định không nghe, còn dùng dùi cui, còn gọi lên thẩm vấn, còn cho dư luận viên bôi nhọ chúng tôi. Thế mà nay ông ấy còn đổ thừa cho chúng tôi.
Toà hỏi bị cáo:
– Có đúng như vậy không?
Bị cáo thành khẩn:
– Đúng là có đấy ạ. Nhưng mà là tôi thương cho roi cho vọt thôi. Là vì tôi thương ạ, thưa toà. Tôi thương các ông ấy lắm. Thương lắm thì phải cho roi vọt nhiều. Lẽ đời nó là như thế đấy ạ.
Toà quay sang vị kia:
– Ông ấy thương ông đấy mà. Ông không cảm nhận được gì sao? Có đúng là thương cho roi cho vọt không?
– Không đâu. Không có thương xót gì ở đây đâu. Xin toà công minh và công tâm. Ông ấy bắt bớ đàn áp bao nhiêu người. Dân chúng tôi khổ lắm ngài biết không? Người ta kêu oan hàng chục năm, người ta phải chít khăn tang, phụ nữ phải khoả thân, đàn ông phải tự tử, mà ông ấy vẫn không động lòng. Ông ấy trăm tay nghìn mắt, tim sắt da đồng, không có gì có thể làm ông ấy xúc động tí ti, chứ đừng nói thương. Thưa toà, ngài phải căn cứ trên pháp luật mà xét, không thì oan uổng cho chúng tôi lắm đấy ạ.
– Ông làm hết sức rồi chứ?
– Vâng, hết sức rồi ạ. Còn sức nữa chúng tôi còn làm nữa. Nhưng sức của chúng tôi chỉ bấy nhiêu thôi.
– Hết sức rồi thì tha cho ông. Ông có thể về. À, mà muốn ngồi nghe tiếp cũng được, cứ tự nhiên.
Rồi quan toà hỏi tiếp bị cáo:
– Còn bà Nguyễn Thị Dân Trí thì sao? Sao lại phải cho gọi bà ấy?
– Bà này cũng phải chia tội, dân trí của bà thấp quá, chúng tôi không lãnh đạo được, nên mới thành ra như thế này. Chứ bà ấy mà dân trí cao thì đã đâu đến nỗi…
Bà Dân Trí hơi hoảng sợ, nhưng cũng biểu lộ thái độ không đồng tình:
– Tôi đâu có muốn thấp, tôi cũng muốn dân trí được nâng cao chứ. Ông cố tình ngu dân rồi bây giờ đổ lỗi cho chúng tôi. Cả một bộ máy giáo dục ngu dân hoạt động gần nửa thế kỷ nay, não chúng tôi bị tẩy, bị cạo trắng hếu hết cả rồi, không còn suy nghĩ nhận thức gì được, thế mà nay trước toà lại tìm cách chạy tội. Thế mà coi được sao!
– Bà nói cái gì, nói thế nghe sao được. Căn tính của bà ngàn năm nay không chịu đổi. Chúng tôi lãnh đạo cách mấy bà cũng không chịu đổi, giờ còn đổ thừa cho tôi là sao! Lẽ ra chủ trương đường lối của tôi mà sai, nếu dân trí bà cao bà cũng biến thành đúng chứ. Lẽ ra chính sách của tôi mà tồi tệ, nếu dân trí bà cao bà phải biến nó thành tốt chứ. Đằng này chúng tôi bảo thế nào bà làm thế ấy, nên mọi sự nó mới tệ hại thế này. Chúng tôi cũng muốn làm lãnh đạo giỏi, nhưng bà thực thi kém thì chúng tôi giỏi sao nổi đây?!!
Toà phán:
– Tự bào chữa thế cũng không phải là không có lý.
Bà Dân Trí mạnh dạn hơn một tí, hướng về phía thẩm phán:
– Không phải thế đâu ạ. Không phải là tôi không chịu đổi, mà là tôi đi thụt lùi. Tôi cũng muốn đổi lắm mà cứ tụt dần lại phía sau thôi. Dân Trí tôi trước kia khá hơn bây giờ nhiều ạ. Trước kia còn đẻ ra được triết gia xịn, nghệ sĩ xịn, nhà văn xịn, tướng xịn, nhà ngoại giao xịn, giáo sư xịn... Chứ nay thì chịu. Là do ông ta cố tình ngu dân nên bây giờ tôi mới đâm ra đờ đẫn, mù quáng như thế này đấy ạ. Trước kia ý thức của tôi khá lắm, bây giờ hầu như không còn ý thức gì nữa, hầu như tôi không còn kiểm soát được hành động nữa, hầu như chỉ làm theo lệnh trên như cái máy, hầu như…
Toà hơi sốt ruột vì bà ta “ hầu như ” nhiều quá, chắc cũng chẳng nói thêm điều gì hay ho mới mẻ nữa, bèn bảo:
– Những hành vi được thực hiện trong khi không ý thức thì không bị kết tội. Toà bỏ qua cho bà, bà có thể ngồi xuống được rồi.
Bà kia ngồi xuống. Thẩm phán ra hiệu tới phiên bị cáo phải chịu chất vấn:
– Còn ông kia, VHLKHXH gì đó, sao phải gọi ông ấy ra đây?
Bị cáo cao giọng:
– Ông này tội nặng lắm đấy ạ. Thực ra ông ấy mới có tội, chứ không phải tôi. Ông ấy là người viết văn kiện, vạch chiến lược đường lối cho tôi. Tôi chỉ làm theo chiến lược của ông ấy thôi. Xin Toà công tâm, đèn trời soi xét. Cái ông VHLKHXH này mới là chủ mưu, còn tôi thì chỉ tay sai thực hiện các âm mưu do ông ấy đề xướng thôi.
Ông VHLKHXH giãy nảy:
– Thưa toà, đừng nghe ông ta vu oan. Tôi làm theo chỉ thị của ông ta thì có ấy. Ông ta bắt tôi phải tìm cơ sở khoa học cho học thuyết của ông ta, bắt tôi phải vạch cương lĩnh, soạn thảo văn kiện cho ông ta.
Toà hỏi:
– Thế ý tưởng là của ai? Của ông hay của bị cáo?
– Dạ ý tưởng là của bị cáo. Tôi chỉ triển khai ra, tìm thêm trong sách vở các chứng cứ thích hợp.
Bị cáo phản kháng kịch liệt:
– Ông nói láo. Mọi thứ do ông soạn từ A đến Z mà còn nói là ý tưởng của tôi. Tôi thì có ý tưởng gì chứ! Ông nói A thì tôi nghe A, ông nói B thì tôi nghe B. Là do ông nói ra hết đấy nhé. Mọi thứ tôi đọc đều do ông viết hết. Tôi và người của tôi chỉ thực hiện thôi.
– Nhưng tôi cũng là người của ông mà. Tôi cũng chỉ thực hiện thôi. Ông bảo tôi làm thế thì tôi làm thế, tôi đâu làm khác được. Tôi cũng là người của ông, ông nhớ chứ! Thưa toà, ông ấy mới thật chủ mưu, tôi chỉ là tay sai thôi, chỉ đâu đánh đấy.
– Thế người của ông ấy là ai? Sao ông tự nhận mình là người của ông ấy?
– Bình thường thì người của ông ấy là công an và quân đội, nhưng tôi cũng là người của ông ấy.
– Vậy sao ông ấy không gọi công an và quân đội ra toà luôn, mà chỉ bắt mình ông chịu tội?
Bị cáo cướp lời:
– Công an và quân đội thì đúng là người của tôi, và đúng là người thực hiện. Nhưng nếu cho gọi công an, quân đội thì lại cũng phải gọi kinh tế, báo chí, truyền hình, phát thanh, giáo dục, văn học, nghệ thuật, đoàn thanh niên, mặt trận tổ quốc, hội phụ nữ… người của tôi nhiều lắm, gọi đến không có chỗ cho họ đứng đâu. Nhưng họ chỉ là người thực hiện, cũng như tôi thôi. Cái ông VHLKHXH này mới là người chủ mưu. Ông ta phải là bị cáo chính chứ không phải tôi. Tôi gọi ông ta ra toà vì ông ta phải nhận tội chủ mưu mới đúng. Chủ mưu bao giờ cũng nặng tội hơn, toà biết rõ quá rồi còn gì!
Thẩm phán gật đầu, ngài thấy hình như cũng có lý. Bị cáo rất biết cách tự bào chữa.
Ông VHLKHXH nói gần như năn nỉ:
– Thưa toà, không đúng đâu ạ. Bị cáo mới là người chủ mưu thực sự. Mong toà công minh nhìn ra được chân tướng của vấn đề, không kết tội oan chúng tôi.
Toà lúng túng. Sự vụ này chẳng khác gì vụ con gà quả trứng, không biết quả trứng có trước hay con gà có trước. Không biết ai mới thật chủ mưu đây. Nhưng quan toà vốn thông minh hơn người, bèn tìm ra phán quyết sau sáu mươi giây suy nghĩ:
– Theo các ông trình bày thì cả hai đều là chủ mưu.
– Không, tôi chỉ là người thực hiện thôi. Cả hai không hẹn mà cùng kêu lên một lúc.
– Vậy, cả hai đều là người thực hiện.
– Dạ, đúng như thế đấy ạ. Cả hai lại đồng thanh kêu lên.
– Tôi nhắc lại cho rõ đây: cả hai đều là người chủ mưu và đều là người thực hiện.
– Vậy sao?
Ngài VHLKHXH tái mét mặt, ông ta không ngờ toà lại quyết như vậy. Đang yên đang lành ngồi nhà, tự nhiên bị kêu lên đây, lại bị buộc tội chủ mưu. Ông ta tìm cách tự cứu mình:
– Thưa toà, thực ra chúng tôi chỉ làm một việc là kế tục tư tưởng của ngài thôi ạ. Xin ngài soi xét. Chúng tôi lấy sách của ngài gối đầu giường. Chúng tôi tiếp thu tất cả những gì sáng láng nhất của ngài. Chúng tôi dựa trên đó để xây dựng cương lĩnh, đường lối và những thứ khác cho bị cáo. Xin ngài hiểu cho!
– Nói láo! Thẩm phán đột ngột cáu bẳn một cách khó hiểu. Ông láo vừa vừa chứ. Láo vừa thôi còn chấp nhận được, láo quá thì không xong đâu.
– Dạ. Ngài quả thật là sáng suốt. Chúng tôi quả cũng có kiểm duyệt ngài đôi chút. Chúng tôi cũng có cắt xén, chọn lựa những gì phù hợp với chúng tôi, còn những gì không phù hợp thì chúng tôi để lại, bỏ qua, xoá đi. Thực ra là chúng tôi cũng có làm ngài méo mó biến dạng ít nhiều. Xin ngài lượng thứ. Nhưng chúng tôi là sản phẩm của ngài, điều này là thật đấy ạ.
Thẩm phán có vẻ mệt mỏi, nhìn sang bị cáo. Ngài chưa kịp nói gì, bị cáo đã kính cẩn thưa:
–Dạ thưa toà, hôm nay là sinh nhật tôi, xin toà làm ơn xem xét giảm án.
– Hôm nay là ngày nào?
– Dạ, ngày 3/2 ạ.
– Vậy ra hôm nay ông tròn một trăm tuổi?
– Dạ vâng.
– Trời đất. Thứ nhất không ai xử nặng một ông già. Mọi ông già đều đáng kính. Thứ hai không ai bị xử vào ngày sinh nhật cả. Thứ ba, xét thấy, tội không phải do một mình ông ấy gây ra, bây giờ mà xử xem ra ai cũng có tội hết. Vậy tốt nhất là toà hoãn vụ án này lại vô thời hạn. Hơn nữa đằng nào đất nước các vị cũng bắc thuộc một trăm phần trăm rồi, có bỏ tù các vị cũng không cứu vãn gì được nữa. Các vị về nhớ đoàn kết, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, vạn niên giai lão. Nước Tàu còn thì các vị còn. Án cứ hoãn lại đấy, sau này sẽ có người xử tiếp.
Toà tuyên bố nghỉ. Ai nấy hoan hỉ ra về. Đến lúc đó thẩm phán mới nhận ra rằng công tố viên đã không nói một lời nào trong suốt cả phiên xử, bèn phân bua với ông này:
– Ngài đừng buồn chi, bày biện ra thế thôi, chứ những phiên toà này, cả ngài và tôi nữa, đều chỉ là hư cấu thôi mà. Tất cả những chuyện này đều chỉ là do một tay bất tài bịa ra mà thôi, hắn viết lách ba lăng nhăng, có gì thực đâu. Kết tội họ hay tha họ cũng chẳng ích gì, có giải quyết vấn đề gì đâu. Ta cứ hoãn lại đấy, đợi đến khi người sống, người thật, họ xử lấy với nhau. Chúng ta chỉ là những bóng ma của quá khứ, lại do tưởng tượng vẽ ra mà thôi, chúng ta chẳng làm được gì đâu. Ngài về nghỉ đi. Hẹn gặp lại ngài dưới suối vàng.
Từ Huy
Đăng ngày 05 tháng 03.2016