Vài ngày trước bầu cử tổng thống Pháp:

ứng viên của đảng Mặt trận Dân tộc mất điểm

Ngày mai, chủ nhật 7/5/2017, dân Pháp bỏ phiếu bầu tổng thống mới. Trong thăm dò dư luận cuối cùng do hãng Ipsos Sopra Steria thực hiện, công bố trên tờ Le Monde, thứ sáu 5/5/2017, Macron chiếm ưu thế, tăng 4 điểm, Le Pein tụt 4 điểm, so với thăm dò dư luận công bố đầu tuần, tỉ lệ là 63/37.

Marine Le Pen, đảng cực hữu Front National, bị mất điểm sau cuộc tranh luận chính trị giữa hai ứng viên tổng thống, truyền hình trực tiếp tối thứ tư, 3/5/2017. Vì sao vậy ?
Chưa bao giờ trong lịch sử tranh cử của Pháp mà thảo luận chính trị lại xuống cấp đến như thế. Bà Le Pen đã huỷ hoại mọi quy tắc, mọi văn hoá tranh luận, biến cuộc tranh luận thành một cuộc chửi bới hạ cấp. Ngay sau khi chương trình tranh luận kết thúc, các bình luận viên chính trị của kênh truyền hình BFM đã sững sờ bộc lộ nỗi thất vọng và lo lắng của họ trước việc các nguyên tắc dân chủ bị vi phạm trắng trợn trong một cuộc đối thoại mà mục đích là chứng minh cho người dân Pháp thấy hai ứng viên có đủ tư cách, phẩm chất và năng lực để làm Tổng thống Pháp, một cường quốc đứng thứ 5 thế giới. Bà Le Pen đã chứng minh rằng cực đoan kêu gọi cực đoan và bạo lực sẽ kêu gọi bạo lực. Ngay khuya hôm đó, một bài báo trên tờ Le Monde kết luận là « không thể tranh luận được với cực hữu ». Nhìn rộng ra thì có thể thấy, rất khó để có thể tranh luận với những người cực đoan.

Bà Le Pen, trong cuộc tranh luận truyền hình, đã cố tình sử dụng chiến lược lăng nhục đối thủ, suốt từ giây đầu tiên đến giây cuối cùng. Văn hoá tranh luận hoàn toàn biến mất. Các nhà bình luận kết luận rằng: lăng nhục người khác được sử dụng như một vũ khí của những người cực đoan. Nhìn chung những người cực đoan có xu hướng sử dụng bạo lực, dù là cực đoan phái tả hay cực đoan phái hữu thì điểm chung giữa họ là bị chi phối bởi ước muốn sử dụng bạo lực.

Lăng nhục bằng ngôn ngữ cũng là một hình thức bạo lực, bạo lực ngôn từ. Bà Le Pen đã sử dụng hình thức bạo lực ngôn từ này trong cuộc thảo luận chính trị tranh chức tổng thống. Điều nguy hiểm là, cách thức của bà buộc đối thủ của bà là Macron cũng phải đáp lại bằng bạo lực ngôn từ. Cuộc thảo luận chính trị trở thành một cuộc lăng nhục lẫn nhau, trang BBC của Anh quốc đánh giá là một «cuộc đấu bẩn thỉu đầy những dối trá và sự thật nửa vời ».

Emmanuel Macron, trong gần suốt chiến dịch tranh cử, hầu như chỉ dùng phương pháp « programme contre programme » (chương trình chống lại chương trình ), hết sức tránh chỉ trích cá nhân người khác (cũng vì thế mà bị chê là ba phải, đồng ý với hết mọi người). Tuy nhiên, chiến thuật lăng nhục được sử dụng một cách cố tình của Le Pen, ngay từ phút đầu tiên, đã khiến cho Macron cũng có lúc bị mất kiềm chế, và đáp trả bằng những lời lăng mạ cá nhân, dần dần về sau mới khôi phục được thái độ tự chủ, phần nào lấy lại sự điềm tĩnh và phong thái cần có của một chính trị gia. Trong một cuộc phỏng vấn truyền hình sáng hôm sau, sáng thứ năm, 4/5/2017, Macron thanh minh rằng ông không thể làm khác, ông không thể đối thoại, vì người ta không thể đối thoại một mình. Vì thế, chất lượng của cuộc thảo luận chính trị bị kéo tụt xuống, và làm cho người Pháp thất vọng tràn trề.

Một nhà bình luận nói đó là một cuộc tranh luận « thảm thương », một nhà báo khác cho rằng đó là « đối thoại giữa những người điếc », nữ phát ngôn viên của phong trào En Marche ! nói không hiểu tại sao là một phụ nữ mà bà Le Pen lại có thể lăng mạ người khác đến mức như vậy… Thôi thì đủ loại bình luận, và tất cả đều trong tinh thần chán ngán, thất vọng, lo lắng…
Các nhà báo bộc lộ sự lo lắng của họ khắp nơi. Đích thân giám đốc tờ Le Monde, Jérôme Fenoglio,  ngay sáng thứ năm, 4/5, viết bài « Marine Le Pen, le visage de l’extrême droite » (Marine Le Pen, bộ mặt của cực hữu) để cảnh báo rằng (tôi trích nguyên văn) : « Bằng cách vi phạm hết tất cả các luật lệ của cuộc thảo luận, bằng cách coi thường ngay cả những yêu cầu về sự thành thực, Marine Le Pen đã bộc lộ rõ cách thức thực hành quyền lực của bà, nếu chẳng may, bà được sử dụng quyền lực. Mục đích của bà không phải là trao đổi, mà là hạ thấp đối thủ. Chiến lược của bà hoàn toàn không phải là để thuyết phục, mà là để tiêu diệt. Chương trình của bà chỉ là một chiến dịch huỷ hoại mà thôi. »

Dĩ nhiên, Le Pen mất điểm sau cuộc tranh luận, và bị phản đối khắp nơi. Trong một hoạt động cuối cùng của chiến dịch tranh cử, vào ngày thứ sáu, 5/5, khi tới thăm nhà thờ ở Reims, Marine Le Pen đã phải lén lút rời khỏi nhà thờ bằng một cửa nách, nhưng vẫn không tránh khỏi bị đám đông la ó. Trong một xã hội như xã hội Pháp, ứng viên không được đánh giá cao chỉ vì biết cách lăng nhục người khác, trái lại, người Pháp lo sợ rằng điều đó sẽ làm tổn hại nền dân chủ lâu đời của họ.

Trong kỳ bầu cử lần này ở Pháp, có quá nhiều sự việc, dấu hiệu, gây lo lắng. Và dường như các dấu hiệu ấy mới chỉ bắt đầu, khi mà rạng sáng ngày hôm nay, thứ bảy 6/5, phong trào En Marche ! của Macron tố cáo là bị tin tặc đánh cắp hàng loạt thông tin, và hàng nghìn tài liệu của phong trào đã bị ăn cắp và công bố trên mạng. Macron đã đệ đơn kiện. Sự vụ này bị đánh giá là nhằm mục đích phá hoại bầu cử tổng thống ở Pháp, bởi các tài liệu thật bị trộn lẫn với các tài liệu giả mạo nhằm gây bất ổn cho dư luận. WikiLeaks xác nhận không tham gia vào việc này, và cố vấn của Julian Assange bình luận rằng đó là một biện pháp « ghê tởm ». Báo chí Pháp đặt câu hỏi về việc Nga có đứng sau vụ này hay không. Đồng thời, người ta phát hiện ra một trong những tác nhân tích cực trong việc truyền bá các tin giả về Macron là một cảm tình viên của phái cực hữu Mỹ, Jack Posobiec, một người pro-Trump và pro-Le Pen. Câu chuyện đã cho thấy hơi hướng và màu sắc của phong trào cực đoan phái hữu ở phạm vi toàn cầu.
Người Pháp có đủ các lý do để lo lắng. Và người ta chờ đợi cuộc bầu cử ngày mai.

Paris, 6/5/2017
Nguyễn Thị Từ Huy

 nguyenthituhuy's blog

 

Đăng ngày 06 tháng 05.2017