Chút tình tưởng nhớ Giáo sư Học giả Võ Thủ Tịnh

 

Hoài niệm của Võ Đức Trung

Chúng tôi dấn thân vào nghiệp văn chương chữ nghĩa do thôi thúc của đam mê thuở đầu đời, từ khi còn mài đủn quần ở ghế nhà trường trung học. Chúng tôi cứ nghĩ chỉ là một thoáng mê hoặc bởi hấp lực của ánh hào quang lấp lánh nơi cõi ảo tưởng, mông lung mơ hồ của tuổi trẻ… nào ngờ nó vẫn đeo đuổi mãi theo chúng tôi, song hành với những tháng năm thăng trầm quá nghiệt ngã của dòng sử mệnh hơn nửa thế kỷ qua.

Tuy nhiên, cũng nhờ nghiệp dĩ, vinh nhục cũng nhiều mà niềm vui không ít ấy đã giúp chúng tôi được dịp gần gũi và giao tình với những bực đàn anh đàn chị tên tuổi lẫy lừng trong chốn văn chương báo chí từ thời Việt Nam Cộng Hòa ra tới hải ngoại. Đây là một may mắn quí hiếm lần đầu tiên trong đời chúng tôi, mà nay ngoái nhìn lại đoạn đường gian khổ, lao đao lận đận đã qua, chúng tôi không có điều gì để tiếc nuối, trái lại còn hãnh diện là khác.

Trước ngày Miền Nam bị cộng sản Bắc Việt lật lộng gian dối cưỡng chiếm bằng súng đạn hận thù, nhiều bực đàn anh đã đi qua đời chúng tôi và đã để lại trong chúng tôi biết bao kỷ niệm trong sáng đậm đà, nay kẻ mất người còn trong cách ngăn diệu vợi, nhưng vẫn sáng trưng trong tâm thức chúng tôi. Chúng tôi nhớ đến sử gia Lê Thọ Xuân của ‘Phan Thanh Giản’ (Nam Xuân Thọ), nhà văn và sử học Nguyễn Văn Xuân của ‘Ông Ích Khiêm’, cụ Thuần Phong với những bài nghiên cứu về Chinh Phụ Ngâm, nhà văn Phi Vân Lâm Thế Nhơn với những truyện đồng quê Nam Kỳ Lục Tỉnh, học giả Vương Hồng Sển của ‘Tạp Pín Lù’, học giả Nguyễn Hiến Lê tác giả của hơn một trăm quyển sách đủ thể loại, các thi sĩ Quách Tấn của ‘Xứ Trầm Hương’, ‘Đời Bích Khê’, Vũ Hoàng Chương của ‘Thơ Say’ hay ‘Đời Vắng Em Rồi Say Với Ai?’, giáo sư Hùng Nguyên Nguyễn Ngọc Huy của ‘Hàn Phi Tử’… và còn nhiều người khác nữa không sao kể xiết qua vài trang giấy giới hạn nầy. Bao nhiêu gương mặt sáng giá của Miền Nam tự do đã làm nên một thời, đã từng giúp đỡ, khích lệ và hợp tác với chúng tôi qua nhiều phương diện đa dạng nhằm thăng hoa nền văn học và văn hóa nhân bản trên cơ sở tự do sáng tác, tự do in ấn các tác phẩm của chính mình.

30 tháng tư năm 1975, một khúc quanh mới, bi thảm nhứt của lịch sử nước nhà từ thời lập quốc, dựng nước. Chúng tôi bỏ nước ra đi tìm tự do, từ bỏ không chung sống dưới chánh thể xã hội chủ nghĩa, lấy chủ trương hận thù và đấu tranh giai cấp cai trị độc tài độc đoán. Sống sót sau chuyến hải trình thập tử nhất sanh, từ các đảo Kéramot, Kuku, thị trấn Letung thuộc Nam Dương quần đảo, chúng tôi xin tỵ nạn chánh trị và tiếp đó ổn cư ở vùng Bắc nước Pháp.

Nơi đây, chúng tôi vẫn bị réo gọi bởi nghiệp bút nghiên chữ nghĩa cứ dày vò thôi thúc không ngưng trong lòng, mỗi khi quá khứ chập chờn ẩn hiện vỗ về. Chúng tôi lại bắt đầu lao vào kiếp đời vinh nhục năm xưa, nhưng thực tế còn nghiệt ngã khó khăn hơn nhiều so với những năm tháng mà chúng tôi cho là hạnh phúc, huy hoàng nơi quê nhà ngày trước.

Cũng tại nơi mảnh đất lưu vong lạnh lẽo, tứ cố vô thân nầy, dần dà với ngày tháng lạnh lùng len lén trôi qua mau, chúng tôi lại được những bực đàn anh đàn chị đồng chung cảnh ngộ tỵ nạn cộng sản, dang tay chung sức chung lòng cùng nhốm lên ngọn lửa của tình thương, của trách nhiệm, của lương tâm qua tinh thần ‘dĩ văn hội hữu, dĩ hữu phò nhân’. Như thầy Tăng Sâm, cao đệ của Đức Khổng Tử từng phát biểu thuở nào.

Quả đây là một may mắn thứ hai trong đời chúng tôi. Vì các bực đàn anh giàu kinh nghiệm trong trường văn trận bút nầy đã thương yêu hết lòng khuyến khích và tích cực ủng hộ chúng tôi trong công tác văn hóa và báo chí, từ dạo chúng tôi vừa đặt chân đến ‘miền đất hứa’, tôn trọng tự do và nhân phẩm con người vào cuối năm 1979 cho đến ngày hôm nay. Chúng tôi xin được kể dưới đây một vài anh chị tiêu biểu gọi là để tri ân những người đã góp công sức vắt tim nạo óc cho công cuộc chung nầy, tiêu biểu như các thi sĩ Tạ Tỵ, Cao Tiêu, Hiếu Đệ (Hoa Kỳ), học giả Võ Long Tê (Gia Nã Đại), giáo sư Vũ Ký, ký giả Nguyễn Ang Ca, nhà thơ tình cảm Phương Hà Nguyễn Thanh Bích (Bỉ Quốc), thiền sư Lê Đình Tuế (Thụy Sĩ), lão ký giả Văn Lang Trần Văn Ân, tiến sĩ hàn lâm Hương Giang Thái Văn Kiểm, tiểu thuyết gia An Khê Nguyễn Bính Thinh, nữ sĩ Vân Nương Lê Ngọc Chấn, giáo sư Tô Vũ Võ Thủ Tịnh… trên đất Pháp.

Nhắc đến anh Võ Thủ Tịnh, chúng tôi chợt nhớ hôm nay là ngày giỗ đầu tiên của Anh, do vậy chúng tôi xin được có đôi dòng ưu ái, chân thành hoài niệm Anh. Đây cũng là một chút tình của đàn em vong niên tưởng nhớ đến người Anh cả mà chúng tôi thường gọi thân tình là ‘hiền huynh kính mến’, người đã đồng lao cộng khổ với chúng tôi xuyên suốt mấy thập niên qua. Mà đối với Anh, một cuộc đời thăng trầm vinh nhục không ít, kéo dài gần một thế kỷ, một sự nghiệp giáo dục, báo chí cùng văn chương văn hóa đa dạng và độc đáo, chúng tôi không biết mình phải bắt đầu từ đâu, khởi sự tự nơi nào cho đúng với vị trí và tầm quan trọng mà Anh đã để lại cho hậu thế. Hơn nữa, vốn biết mình không hội đủ khả năng diễn đạt đầy đủ những ưu điểm qua kho tàng chữ nghĩa và những lời gia huấn Anh đã chắt chiu vung bón cả một kiếp người và tự xét mình không phải là nhà phê bình văn học nên chúng tôi có nhiều đắn đo ngần ngại. Mà chẳng lẽ chỉ vì những ngần ngại đắn đo xét ra không có căn cơ vững vàng nầy mà chúng tôi đành lòng chịu lỗi đạo với Anh chăng?

Thôi thì nơi đây chúng tôi xin ghi lại một vài kỷ niệm riêng tư của chúng tôi đối với Anh vậy. Nhưng riêng lòng chúng tôi luôn mong mỏi và hy vọng sau nầy những nhà phê bình văn học, những bực cao kiến tiếng tâm lừng lẫy sẽ quan tâm nhiều hơn đến công trình sáng tạo và nghiên cứu của Anh. Dĩ nhiên cũng nhằm bổ sung những khiếm khuyết mà chúng tôi không thể khắc phục hôm nay.

Chúng tôi đến với anh Võ Thủ Tịnh qua một duyên văn nghệ và qua sự nồng nhiệt giới thiệu của một người anh lớn khác trong nghiệp là tiến sĩ hàn lâm Hương Giang Thái Văn Kiểm, còn có bút hiệu là Bao La Cư Sĩ. Anh Kiểm đã từng hợp tác với chúng tôi ngay từ số đầu tiên của tập san song ngữ Việt-Pháp «Văn Hóa» (France Vietnam Culture) do chúng tôi chủ trương biên tập từ thập niên 90, xuất bản liên tục mỗi hai tháng một số và phát hành trong hầu hết các xứ quan trọng vùng Pháp thoại.

Lúc đó, anh Kiểm đã tâm đắc bài thơ ‘Buồn Biệt Xứ’ do chúng tôi tập tành sáng tác vào những ngày đầu ly hương, lòng ngập tràn niềm thương nỗi nhớ nơi chôn nhau cắt rún của mình với nỗi uất hận nghẹn ngào bất đắc dĩ phải rời bỏ thôn ổ xóm làng cội rễ. Anh Kiểm bèn chuyển ngay đến anh Võ Thủ Tịnh với ước mong bài thơ được chuyển qua Pháp văn, nhằm mục đích cống hiến và giới thiệu với độc giả địa phương một nỗi buồn thê thiết, một thổn thức sâu lắng và một tâm sự đắng cay của người Việt lưu vong lúc bấy giờ. Việc nầy cũng nhằm tranh thủ cảm tình người Pháp về nỗi bất hạnh của người Việt tỵ nạn cộng sản, qua phong trào thuyền nhân đang trong thời kỳ cao độ vào khoảng 1979/1980.

Không dè chỉ mấy ngày sau, anh Tịnh chuyển đến chúng tôi bản dịch gói ghém cả một nghệ thuật xử dụng âm điệu và ngôn ngữ, xứng đáng là một bực am tường văn phong của những Alphonse de Lamartine, Victor Hugo hay Alfred de Musset, Alfred de Vigny… làm cho chúng tôi vô cùng xúc động. Xúc động vì cảm thấy đã được thêm một bực đàn anh tâm đắc, chia xẻ nỗi niềm riêng tư của mình.

Chúng tôi xin ghi lại sau đây bài thơ với bản dịch để giữ một kỷ niệm văn thi tài khó quên ở Anh:

Buồn Biệt Xứ

Xưa vui bên nhau

Giờ, chia biển Thái

Gặp, chờ kiếp sau?

Buồn đeo đẳng mãi!

                          Tháng năm rơi rụng

                          Tóc sớm điểm bông

                          Sầu lan từng vũng

                          Tình đầy, tràn sông.

                          Con chim vườn sau

                          Từng nhánh nó nhảy

                          Con tàu oan trái

           Bờ đâu? Bến nào?

                          Xuân của đất trời

                          Đông Tây, kim cổ

                          Quê xưa xa xôi

                          Mai vàng nở rộ?

                          Nắng hè chói chan

                          Lạnh tanh tiếng quốc

                          Hoàng hôn vắng khói

                          Nhà? Nhớ mênh mang.  

                          Hồ thu gió gào

                          Nhăn nheo sóng chuyển

                          Dâu bể, thấp cao

   Lòng ai xao xuyến?                    

Đông sang bông bạc

Rụng kết thảm đời

Biệt xứ thuyền giạt

Bao năm còn trôi?

Mười năm tỉnh say

Chập chờn giấc điệp

                       Nói gì đêm nay?

Ôi, ngày sum hiệp!

 

    Spleen

    (Mélancolie en Terre d’Exil)

Ensemble jadis, joyeux, côte à côte,

Alors que maintenant, des deux bords de l’océan,

Nous sommes séparés l’un de l’autre…

Quand pourrions-nous nous revoir?

Sinon dans une autre existence!

 

Le temps s’éparpille en s’effilochant

En flocons précoces de cheveux blancs!

La mélancolie se répand en marée,

Et l’amour emplit en débordant le fleuve!

 

Derrière la maison jouxtant le jardin ensoleillé,

De branche en branche, le petit oiseau sautille, insouciant,

Par dessus l’immense mer du karma:

Nulle part pour jeter l’ancre un seul jour!

 

Alors que le Printemps est suspendu entre Ciel et Terre,

De l’Orient à l’Occident, d’antan comme d’aujourd’hui!

Au pays natal si lointain et toujours insaisissable,

Les mêmes pruniers fleurissent-ils encore?

 

L’été dardant la terre de ses rayons accablants?

Et les poules d’eau ont cessé leurs râles,

Des crépuscules sans fumée en volute s’échappant des masures,

Oh! Que c’est pénible l’indicible nostalgie!

 

Sur le lac en automne, le vent hurle dans les flots fripés!

Comment peut-on ne pas se sentir meurtri.

Et douloureux devant ces perpétuels changements,

Qui transforment illico la mer en champs de muriers?

 

Expatriés, nous sommes semblables à ces flocons de neige

Dont l’hiver tapisse la terre en un linceul immaculé

Servant de voile au frêle esquif à la dérive,

Sans jamais parachever cette interminable odyssée!

 

Voilà que plusieurs dizaines de printemps se sont écoulés

Dans l’alternance du rêve et de la triste réalité,

Enfin, que reste-il à se dire dans le silence impassible de la nuit?

Sinon le murmure d’amour de l’ultime rencontre inespérée!

Nơi đây, chúng tôi không quên tri ân một số các bạn văn cũng đã tham gia dịch bài ‘Buồn Biệt Xứ’ trên đây ra Pháp văn nhằm phổ biến sâu rộng trong dư luận lúc bấy giờ, những người thức thời đã phẫn nộ trước chủ trương và những biện pháp hận thù sắt máu của cộng sản. Đặc biệt, chúng tôi xin cám ơn hai bực đàn anh khả kính là tiến sĩ hàn lâm Lê Mộng Nguyên tác giả nhạc bản bất hủ ‘Trăng Mờ Bên Suối’ và nhà thơ tình cảm Chiêu Tam Đặng Văn Chiêu qua hai bài dịch đến nay, sau hơn ba mươi năm, đọc lại trong lòng chúng tôi vẫn man mác xúc động như những cảm giác thuở ban đầu.

Chúng tôi không dè từ dạo giao duyên đó, mối dây liên lạc giữa anh Võ Thủ Tịnh và chúng tôi càng ngày càng khắng khít qua những thử thách của thời gian. Vì thời gian là thước đo trung thực nhứt của những tấm lòng chân thật, tôn trọng và quí mến nhau, làm cho hai anh em chúng tôi thêm gần gũi, cảm thông để rồi đi đến thân thương đậm đà. Mà mỗi lần nhắc đến Anh, hầu như chúng tôi đều nhớ đến ông nội chúng tôi. Ông là người gốc gác miền Trung, ngày xưa theo chân ông bà cha mẹ vào lập nghiệp nơi đất Nam Kỳ Lục Tỉnh, khẩn hoang lập ấp, chỉ với đôi tay trắng và tấm thân trần, ngoài tấm lòng quả cảm và niềm tin mảnh liệt ở tương lai. Chúng tôi không rõ nguyên quán đích thực của ông, vì ngày ấy còn quá nhỏ không đủ trí khôn cùng lời lẽ để hỏi cho cặn kẽ gốc gác cội nguồn.

Sau nầy, chúng tôi chỉ biết do mẹ chúng tôi lúc sanh tiền kể lại là dòng họ của chúng tôi quê quán vùng Quảng Nam – Đà Nẵng bây giờ. Tôi còn nhớ rõ lời của mẹ tôi:

- Dòng họ tụi con ở xa lắm, ở tận ngoài xứ Quảng, nghe đâu là Quảng Nam… chớ không phải ở Huế.

Mẹ chúng tôi là người miền Nam rặc nòi cùng với gia đình tổ phụ sinh sống nơi vùng sâu, sông nước ruộng đồng hẻo lánh, cách ngăn với thế giới văn minh tân tiến, xem như một chọn lựa hơn là do định mệnh khắc khổ. Dường như tất cả bà con nơi đây đều gắn bó, an tâm hạnh phúc qua công việc đồng áng và khai hoang quần quật, không  thiết gì đến việc rời khỏi bản quán, dù chỉ một đôi ngày. Việc đi xa khỏi xóm làng là một biến cố quan trọng trong đời họ.

Mẹ chúng tôi nói quê của ông tôi ở ‘tận ngoài xứ Quảng’ có nghĩa là một nơi xa, xa quá sức tưởng tượng của người. Mà chắc có thể thuở nhỏ mẹ chúng tôi cũng đã từng nghe các bực trưởng thượng trong làng từng nhắc nhở và ngưỡng mộ trường hợp phu nhân của nhà thơ Bùi Hữu Nghĩa đã lặn lội cả năm trường từ Nam ra Huế để kêu oan cho chồng? Nhưng ý của mẹ chúng tôi muốn nói thêm rằng ‘quê hương xứ Quảng’ của ông tôi nghèo xơ nghèo xác, dân tình khổ sở cơ cực, đất đai lại cằn cỗi nên mới đành lòng bỏ xứ dắt díu bồng chống nhau tha phương cầu thực, chớ không phải là Huế, đất thần kinh vọng tộc, giàu sang quyền quý.

Do bôn ba ly hương sinh sống, đầu tắt mặt tối với nắng sớm mưa chiều để xây dựng cơ ngơi trên mảnh đất mới ‘chim kêu vượn hú’, ông lúc nào cũng luyến nhớ, hướng tâm về xứ sở ông bà cách ngăn, không một lần về quê thăm thôn ổ xóm làng chôn nhau cắt rún. Canh cánh xót xa mãi trong lòng nên thỉnh thoảng có dịp gặp đó đây người nào mang dòng họ Võ, nhứt là người miền Trung là ông có thói quen, trăm lần như một, liền nhận họ là bà con họ hàng ruột thịt ngay.

Cái cảm tình nồng nàn sâu đậm nầy của ông tôi nói lên cả một tấm lòng và ‘một trời thương nhớ’ không nguôi. Dù bất đắc dĩ phải biệt làng biệt xứ, ‘lưu vong’ chính trên đất nước mình, lúc nào ông cũng không quên hướng tâm về nơi cố thổ, qua chứng tích mồ mả tằng tổ huyền tổ đã lưu dấu thuở đầu đời.

Với anh Võ Thủ Tịnh, cùng gốc gác với dòng họ chúng tôi, sanh quán làng Long Phước (Long Xuyên), tổng Mỹ Khê, phủ Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, nên khi gặp chúng tôi, Anh cũng nhận ngay là người trong tông tộc với tấm lòng sung sướng được có thêm một người ruột rà trong tầm tay vói. Và cứ mỗi lần gặp nhau, Anh vui vẻ xác nhận chúng tôi không phải là người em kết nghĩa trong trường văn trận bút thường tình, mà chính là người em ruột thịt chung một ông tổ trong dòng họ của Anh.

Anh còn cẩn thận sao chép gởi cho chúng tôi một tập tài liệu gần sáu mươi trang đánh máy về ‘Lược sử Hình thành và Phát triển Dòng họ Vũ-Võ ở Việt Nam’ (Lưu hành trong nội bộ dòng họ) do Vũ Mạnh Hà chịu trách nhiệm xuất bản, Hà Nội ngày 28 tháng 5 năm 1995. Anh còn kèm theo những dòng chữ ưu ái căn dặn chúng tôi nên đọc thật kỹ để hãnh diện và tự hào về những bực tiền bối khoa bảng lẫy lừng trong dòng tộc, từ thời nầy qua thời khác, trải qua biết bao thế hệ đã không ngừng đóng góp công sức làm rạng rỡ đất nước quê hương Việt Nam.

Nhiều lần, Anh nhấn mạnh về những bậc tiền bối nầy, những người đã thành công đổ đạt và ‘làm quan lớn’ để ngày nay đọc lịch sử dòng họ, chúng tôi mới được thơm lây. Cũng như Anh từng ngửng mặt với đời qua ông thân sinh là cụ Võ Hoành, Thủ khoa Cử nhân trường Thừa Thiên, khoa Quý Mão (1903), Phó Bảng khoa Canh Tuất (1910), làm quan đến chức Tham tá Nội các kiêm Giám đốc Cổ học viện tại Huế.

Anh cũng nhắc nhở chúng tôi đừng quên ông tổ của dòng họ Võ từ Bắc, Trung chí đến Nam là cụ Vũ Hồn (804-853). Từ đời cụ Vũ Hồn đến nay (2010) trải qua được 1168 năm sản sinh không biết bao nhiêu là nhân tài, bao nhiêu tấm gương trong sáng để đời. Và để chúng tôi không thắc mắc hoài nghi chi cả, Anh còn nhắc đến giả thuyết về sự biến đổi từ họ Vũ ở miền Bắc qua họ Võ ở miền Trung và miền Nam theo những dữ kiện lịch sử được biết. Theo Anh kể thì vào năm 1648, chúa Trịnh đốc quân xâm lấn Đàng Trong. Lúc bấy giờ chúa Nguyễn Phúc Tần (1619-1687) thường gọi là Chúa Hiền, người nổi tiếng am tường binh pháp nên đánh thắng vẻ vang. Người anh ruột của Chúa Hiền húy là Nguyễn Phúc Vũ mất sớm, do đó những người mang họ Vũ từ Bắc bị phân tán xuôi vào Nam lập nghiệp đều phải đổi thành họ Võ do sự  cấm kỵ. Như vậy dù là họ Vũ (Bắc) hay họ Võ (Trung và Nam) đều chung một tộc, chung một nguồn gốc.

Đến đây, chúng tôi bỗng nhớ lại vì đã khắc ghi nằm lòng một câu nói đâu đó của lão ký giả Văn Lang Trần Văn Ân, từng là Cố vấn của Phái đoàn Việt Nam Cộng Hòa thương thuyết với cộng sản Bắc Việt và Mặt trận Giải phóng Miền Nam tại hội nghị La Celle Saint Cloud năm 1973, lúc đó đang tỵ nạn chính trị ở thành phố Rennes (Pháp):

«Ông bà ta rất chú trọng tới gốc nguồn của dòng họ vì nó có ảnh hưởng sâu xa tới đời con cháu. Phàm con người cũng như muôn loài sanh vật, nguồn gốc qui định các thế hệ. Cho nên sở dĩ tin vào sự quan hệ của nguồn gốc nên ông bà mình mới có câu: ‘Nuôi heo chọn nái, cưới gái chọn dòng’ là như vậy».

Từ dạo đó, chúng tôi quý mến và trọng kính xem Anh Võ Thủ Tịnh như một ‘tộc trưởng’ danh chánh ngôn thuận của dòng họ Võ chúng tôi ở Pháp. Vì Anh là người lớn tuổi nhứt của họ nầy ở đây theo sự hiểu biết của tôi. Chúng tôi cũng đã nhiều lần đề nghị Anh nên sớm thành lập Hội Ái Hữu Tộc Võ ở Pháp và có thể cả Âu Châu. Anh rất sung sướng tán đồng hưởng ứng, nhưng khổ nỗi vì đã quá tuổi ‘cổ lai hi’ rất xa và nhứt là bệnh tật thường xuyên phá rầy nên Anh không thực hiện được.Và giờ đây, chúng tôi đau đớn đã mất đi một người Anh cả đầu đàn khả ái, gương mẫu trong dòng tộc mình.

Khi tôi chủ trương tờ tạp chí song ngữ Pháp Việt «Văn Hóa», cùng với các bực đàn anh khác, Anh là người trụ cột ‘bao sân’ trong ban biên tập rất hạn chế. Mỗi khi chúng tôi cần đến bài vở, chỉ cần chúng tôi nhắc điện thoại gọi cầu cứu đến Anh, không khi nào chúng tôi thất vọng cả. Anh đã không ngừng liên tục tô điểm tờ báo xuyên suốt mười lăm năm trường cho đến khi vì lý do sức khỏe và tuổi tác nên chúng tôi tự ý đình bản trong luyến tiếc.

Anh viết hầu hết các thể loại và viết rất sâu sắc, lý luận hàm súc vững vàng, tài liệu dẫn chứng chọn lọc xác thực, văn phong lại bình dị trong sáng, nhứt là ý hướng khiêm tốn và chân thành. Anh quán triệt cả chữ Hán lẫn chữ Nôm, chưa kể phần Anh ngữ và Pháp ngữ đã đưa Anh lên địa vị một tác giả có tiếng vùng Pháp thoại, qua nhiều tác phẩm đã trình làng. Chúng tôi có thể kể đại khái như ‘A la Découverte du Bouddhisme’ (Présence Indochinoise, Paris 1987), ‘La Littérature Orale et Populaire du Vietnam’ (Sudestasie, Paris 1993), ‘Les Origines du Laos’ (Sudestasie, Paris 1993), ‘Au Pays Des Sedang’ (Présence Indochinoise, Paris 1998)…

Từ những bài phê bình nghiên cứu công phu về những giai đoạn lịch sử nước nhà chưa được sáng tỏ, về những giá trị tinh thần ở lãnh vực tôn giáo, nhứt là Phật giáo, Tam giáo… đến những bài viết triển khai về ngôn ngữ bình dân: tục ngữ, ca dao, di ngôn, truyền thuyết, cả phong tục tập quán, sinh hoạt truyền thống dân gian của xã hội ngày xưa… đều được Anh đề cập một cách trang trọng.

Dĩ nhiên phần ngôn ngữ bác học, chữ nho chữ nôm, xuyên qua những tấm gương ngang tàng khí khái của những danh thần hay thi nhân tiền bối đều được Anh ghé mắt thăng hoa không sót một lãnh vực nào. Anh cũng không quên nhắc nhở rất nhiều lần những tánh hư tật xấu, những tiếng khóc nụ cười của dân gian đã đánh dấu nền văn hóa nhân bản của dân tộc mà Anh vừa trịnh trọng, vừa hóm hỉnh trang trải trên giấy trắng mực đen với cả một tấm lòng thương nước thương nhà vô bờ bến.

Nếu kể ra đây những bài viết và những đề tài vừa đa dạng vừa phức tạp, dù có được chọn lọc đến đâu cũng không giấy mực nào kể cho xiết. Chúng tôi chỉ xin tóm lược qua đại ý là những bài viết ấy của anh rất xác thực rõ ràng, giúp người đọc có được cơ hội hấp thụ thêm kiến thức vừa quí hiếm vừa bổ ích, nhằm cũng cố cho mình hướng nhìn xán lạn về tương lai, một tương lai rực rỡ của đất nước, của dân tộc, dù cho quê hương yêu quí của Anh hiện nay đang bị một lớp mây mù che phủ. Tất cả được Anh trình bày tài tình qua kho tàng tài liệu dồi dào, lời lẽ lại hồn nhiên, diễn đạt một cách thích thú, tình ý chân thành thiết tha, thể hiện nỗi lòng thương cảm bao la, rộng lớn ôm ấp trọn vẹn thân phận của con người, của một kiếp nhân thế lắm đau thương nhưng ngăn ngắc niềm tin và hy vọng.

Năm 1999/2000, chúng tôi cao hứng chủ trương biên soạn bộ ‘Một Phần Tư Thế Kỷ Thi Ca Việt Nam Hải Ngoại (1975-2000)’ gồm tất cả tám quyển, mỗi quyển trung bình từ 350-400 trang và giới thiệu được trên 300 nhà thơ từ khắp nơi trên thế giới. Lúc ấy, mục đích của nhóm chúng tôi nhằm giới thiệu đơn thuần một số người làm thơ ở hải ngoại trong hai mươi lăm năm vừa qua, với hậu ý bảo tồn và lưu trữ cho mai sau một sinh hoạt tinh thần tuyệt vời và phong phú, tức dòng thơ đặc thù của người Việt tỵ nạn cộng sản. Những người buộc lòng phải lưu vong để mang chở theo mình cái ‘hồn văn hoá’ âm ỉ sục sôi đêm ngày, không thôi ray rứt thân phận ly hương xa xứ, xem như ‘một gia tài Văn Hóa Việt Nam’ đích thực.

Nội dung chính là nói lên tâm trạng cùng thân phận lưu đày, tình yêu quê hương, niềm tự hào dân tộc… Nhưng quan trọng nhứt là chiến đấu tính trong tinh thần lưu vong tỵ nạn, không chấp nhận chế độ cộng sản độc tài. Tiêu chuẩn chọn lựa của chúng tôi nhằm vào hồn thơ, còn phần kỷ thuật nếu đạt được càng tốt. Miễn là hồn thơ phải sáng tỏ trong rung động để chinh phục người thưởng ngoạn cùng chung một tâm trạng xót xa bi thống.

Công việc dài hạn nầy tất nhiên phải được sự tiếp tay đóng góp của nhiều người thiện chí, tự nguyện hy sinh vật chất lẫn tinh thần. Nói đến sự hy sinh vô bờ bến nầy, chúng tôi không thể nào không nhắc nhở đến công lao vượt bực của anh Võ Thủ Tịnh trong suốt quá trình gian khổ hình thành những tuyển tập. Anh không những là một cố vấn đắc lực của chúng tôi, một mẫu người khó tìm nơi cõi tạm lưu vong quá nhiều cám dỗ vật chất tiền tài, mà còn là một người dấn thân hàng đầu qua những việc làm cụ thể.

Đôi ba lần Anh không nề hà, để tâm viết những ‘Lời Vào Sách’, cho đến giờ phút nầy vẫn còn ngân nga vang vọng trong tâm thức chúng tôi. Lương tâm của người cầm viết khẳng định một lập trường rõ ràng với trách nhiệm cao cả, trường kỳ trong mặt trận văn hóa dằn co giữa chính nghĩa quốc gia và chủ nghĩa cộng sản vô thần nơi hải ngoại, của một công dân Việt Nam lưu vong ở con người ốm yếu mảnh khảnh của Anh sáng rực hơn lúc nào hết.

Làm sao chúng tôi có thể quên được những dòng chữ tình lý vẹn toàn, xuất phát từ tiếng thét réo gọi nội tâm của một trí thức đúng với danh xưng cao đẹp của nó:

«Hãy trả cho ta đôi bàn tay để viết những bài ca bất tuyệt của tình yêu, của đất nước, của độc lập tự do. Gia tài chúng ta là cây bút, sức mạnh nghìn cân. Trần thế gian tà, dân lành đói rách lầm than, chỉ còn duy nhứt chút quyền than vãn…

«Vũ khí ở nơi hồn, nơi óc.

«Thi ca chúng ta vì Tổ Quốc, vì Ngày Mai.

«Vũ khí chính là Thơ lên tiếng báo động, làm biểu hiệu cho đấu tranh.

«Người văn nghệ giữa vùng ánh sáng, viết cho Đời Mới để gởi trao cho Dân Tộc, Con Người, Nhân Loại. Và với một ngôn ngữ mới.

«Đó là ngôn ngữ của Thi Ca mà Beaudelaire xác nhận đã gắn liền Thi Ca với Công Bình và Hy Vọng. Trong ngục tối Thi Ca trở thành nổi loạn chống áp bức… Thi Ca là trùng ảnh của Hy Vọng và Niềm Tin của nhân dân… của dân tộc Việt Nam chúng ta mai sau.

«Một Thi Ca nổi loạn chống áp bức như vậy tưởng cũng có thể cho phép chúng ta liên tưởng đến một nhận xét của Georges Jean trong La Poésie: ‘Các cuộc vùng lên của những dân tộc bị áp bức thường bắt đầu bằng một cuộc nổi loạn Thi Ca’» (Lời Vào Sách - Thi Ca, Quyển III - Đầu xuân 2004).

Quả là những lời ẩn chứa đánh động, thúc giục lương tri của những ai còn tha thiết đến vận mệnh của đất nước, đến tiền đồ của quốc gia dân tộc, đến sự sinh tồn tất yếu của dòng giống Tiên Rồng Lạc Long. Sự tế nhị nhưng sáng rực hào khí nơi Anh là một gương hiếm có cho những ai đang tìm một hướng đi, một khắc khoải tồn vong cho chính mình.

Riêng phần chúng tôi, trong quá trình hình thành tuyển tập Thi Ca, chúng tôi vấp phải khá nhiều khó khăn phức tạp trong việc chọn lựa các thi phẩm để giới thiệu. Chúng tôi thường đắn đo cân phân, đôi khi chùn chân, tưởng chừng không còn đủ can đảm để tiếp tục đi trọn con đường mình đã dự phóng. Đại ý không ngoài những ý kiến chung quanh hai chữ ‘tuyển tập’ sao cho đúng với ý nghĩa. Rồi đến những đóng góp không được thống nhứt, đôi khi xung khắc quyết liệt về những danh từ ‘nhà thơ’, ‘thi sĩ’, về ‘chiếu trên chiếu dưới’, người đã thành danh, người chưa được nổi tiếng…

Chính anh Võ Thủ Tịnh đã nhập cuộc gỡ rối trong lúc chúng tôi chưa tìm ra được giải pháp thích nghi. Anh an ủi chúng tôi và hết tình hết nghĩa khuyến khích chúng tôi bằng những lời lẽ khơi dậy niềm tin nơi chúng tôi. Bây giờ hãy nghe Anh phát biểu như một giáo sư đang đứng trên bục giảng:

«Theo phái siêu thực, nếu đã dành ưu tiên cho sự lắng nghe tiếng nói nội tâm, thì các chuẩn thành công cho thi ca (văn, ý, nhạc, tâm và hồn) không còn đặt nặng vấn đề hoàn hảo về hình thức và qui luật của câu thơ, mà ngược lại chỉ đặt tính chất xác thực và mạnh mẽ của thông điệp nhận được mà thôi. Nói một cách đơn giản và dễ hiểu hơn, ai cũng có thể thành một nhà thơ, dù hình thức câu thơ không được hoàn hảo, miễn bài thơ có hồn, thi nhân đã cảm hứng một cách chân thành.

«Thi hào Charles Beaudelaire (1827-1867) tác giả Les Fleurs du Mal (1857) có viết:

«’Không có bài thơ nào dầu vĩ đại, dầu cao quí, dầu xứng với danh vị thi ca đến đâu, bằng được một bài thơ viết ra duy nhất chỉ vì cái thú làm thơ mà thôi’ (Notes Nouvelles sur Edger Poe).

«Một nhà thơ tiền bối cũng đã từng phát biểu như sau:

«’Thơ là nhạc của tâm hồn, là tiếng nói xuất phát tự trái tim’».

Nhờ vậy chúng tôi mới trực nhớ lời phát biểu sau đây của thi sĩ Pháp Lautréamont (1846-1870):

«Thi ca phải được mọi người sáng tạo nên, chớ không dành riêng cho một ai cả».

Và cũng nhờ những lời tháo gỡ cứu tinh đúng lúc đó, chúng tôi mới mạnh dạn đứng lên, tiếp tục đi nốt đoạn đường còn lại của bộ tuyển tập gồm tám quyển như đã nói bên trên. Dù vậy, anh Võ Thủ Tịnh vẫn tiếp tục suy nghĩ để làm sáng tỏ thêm quan điểm của mình. Anh nhắm mục tiêu rào trước đón sau những phê phán ác ý có thể xảy ra.  Một lần nữa, nơi đây chúng tôi xin chân thành cám ơn Anh đã vắt tim nạo óc ở tuổi trượng triều trượng quốc nhằm thi vị hóa công việc làm của chúng tôi như sau:

«Trên văn đàn Việt Nam, người ta thường gọi các tác phẩm văn thơ bằng danh từ ‘Hoa’, như trong cụm từ ‘Trăm Hoa Đua Nở’ chẳng hạn. Cho nên một tuyển tập thi ca có thể coi như một ‘Bó Hoa’, tức là một tập hợp nhiều cành hoa. Có những hoa được người trồng tỉa công phu nhưng cũng có những hoa dại mọc trên bờ đập, ven rừng…

«Thông thường, một bó hoa gồm các cành hoa nhiều loại khác nhau. Bên cạnh những đóa hoa trồng trong chậu sành chậu sứ hay trong vườn giậu, chúng ta để ý thấy có kèm theo vài cành hoa hoang dại mọc lên giữa thiên nhiên.

«Có hoa vừa đẹp vừa thơm, đáng quí đã đành, nhưng trái lại, cũng có hoa chỉ đẹp không thơm, chỉ thơm không đẹp, nhưng cũng là những hoa có ít nhiều giá trị, cần thiết để góp phần làm nổi bậc màu sắc, hương thơm của các loại hoa quí trong một bó hoa.

«Hình thành một bó hoa, một tuyển tập thi ca cho đúng chuẩn, theo thiển ý là cả một nghệ thuật. Nếu có những cành hoa vườn chậu, cũng cần có các cành hoa thiên nhiên. Nếu có những bài thơ tuyệt tác thiên hứng của những thi sĩ thành danh, cũng cần phải có những bài thơ phát sinh từ cảm hứng chân thành của con người.

«Phan Khôi trong ‘Giai Phẩm Mùa Thu, Tập I’ trong phong trào “Trăm Hoa Đua Nở” đã từng cảnh cáo cộng sản Bắc Việt:

«’Nhược bằng bắt mọi người phải viết theo một lối như mình, rồi đến ngày kia, hàng trăm thứ hoa cúc đều phải nở ra cúc vạn thọ hết. Và cứ như thế nầy mãi, than ôi, cái ngày ấy chẳng xa đâu!’.

«Ngày ấy đã đến dưới chế độ Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa và đã đánh dấu ngày phát sinh ra nạn «Thi Phiệt» của một hạng người cho rằng ngoài bọn họ ra, không ai có quyền và có đủ tư cách để làm thơ cả…

«Từ đó, chúng ta có được những bó hoa tuyệt đẹp, được phối trí với đầy đủ các loại hoa thân thương quí trọng của đất nước, nhằm cống hiến và nhắc nhở nhau, cũng như giới thiệu với bạn bè năm châu bốn biển một nếp sống tinh thần trong sáng, một truyền thống thanh cao tao nhã của dân tộc Việt Nam bất khuất và kiên trung, vốn có một nền tảng văn hiến vững chắc và lâu đời» (Hoa Và Thơ – Thi Ca, Quyển IV, 30 tháng 10 năm 2004).

Chúng tôi không còn lời lẽ nào để thêm vào lập luận của Anh, một lập luận làm nổi bật chiến đấu tính của người Việt Nam chân chính và lập trường quốc gia vững chắc, nhằm thăng hoa chính nghĩa tự do dân chủ của Miền Nam, đối kháng với chủ trương bóp nghẹt sáng tác và tự do phát biểu ý kiến cá nhân trong chế độ xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc trước đây, cũng như ở nước Việt Nam thống nhứt hiện nay. Ngoài ra Anh cũng thường nhắc nhở lưu ý chúng tôi một hiện tượng có thể coi là độc nhứt, chưa bao giờ xảy ra trước đây trong nhân loại.

Anh so sánh phong trào rầm rộ đấu tranh qua văn thơ báo chí của tập thể người Việt Nam lưu vong khắp năm châu, một khi được đặt chân đến ‘miền đất hứa’ và đã góp phần không nhỏ đánh động lương tâm và lương tri của hầu hết các quốc gia trên thế giới, những quốc gia đã mở rộng vòng tay nhân từ tiếp rước cưu mang người tỵ nạn cộng sản. Trước đây, khi cộng sản đệ tam cướp chánh quyền tháng mười năm 1917, sát hại Hoàng gia Nga để áp đặt một chế độ độc tài sắt máu, rất nhiều công dân Nga đã ly hương, tuông chạy ra ngoại quốc, nhưng họ không gây được một phong trào phản đối rộng rãi qua văn chương và thi ca như trường hợp cộng đồng người Việt tỵ nạn chúng ta. Và sau nầy, các biến cố ở thủ đô Budapest (Hung Gia Lợi), Pragues (Tiệp Khắc) cũng đã xô đẩy một số đông nạn nhân vượt tuyến, nhưng rốt cuộc cũng không gây được một tác động đối kháng có chiều sâu tập thể đáng kể nào, mà chỉ thấy rải rác ở một số văn nghệ sĩ cá nhân mà thôi. Việt Nam qua một tập thể, một cộng đồng hơn ba triệu người bỏ xứ ra đi và phân tán trên khắp các lục địa đã thực sự đóng góp không ít nhằm phơi bày tính phi nhân của cộng sản cùng với những tệ nạn và tai họa khủng khiếp do chế độ độc tài nầy gây ra.

Người đời thường có thói quen nói ‘thà giữ ở nhau một nỗi nhớ, một niềm thương trong lòng còn tuyệt vời hơn là gặp lại nhau’ dù trong hoàn cảnh nào. Câu nói nầy chúng tôi đã đọc đâu đó lâu rồi không nhớ xuất xứ, nhưng đối với chúng tôi thì trái lại, chúng tôi thích được dịp gặp lại nhau, dù không có gì quan trọng để nói, dù không có gì cần thiết để chia xẻ với nhau. Vì chúng tôi nghĩ rằng được gặp lại nhau còn hơn là chôn chặt giữ mãi mãi trong lòng nỗi nhớ niềm thương không ngớt dày vò mình.

Chúng tôi ít có dịp về thủ đô ánh sáng Paris nhứt là sau ‘cái năm tuổi’, chúng tôi chẳng may bị tai biến mạch máu não đến bất thình lình nên sau đó bác sĩ khuyến cáo phải hạn chế việc đi đứng, xê dịch xa nhà. Nhưng đôi khi về đây, chúng tôi không quên tìm cách để được gặp người ‘tộc trưởng kính mến’ Võ Thủ Tịnh thân yêu của chúng tôi.

 Những năm sau nầy Anh không được khỏe lắm, việc di chuyển khó khăn, không được như xưa do tuổi đời mỗi năm mỗi chất chồng, bào mòn thêm một dáng thể vốn đã suy yếu. Do vậy, mỗi lần đó, chúng tôi có nhờ kỷ sư Hứa Vạng Thọ, người đã thực hiện ‘site Võ Thủ Tịnh’ trước đây khá lâu, đã bỏ thời gian và công khó đến tận nhà Anh ở quận 20 (Paris) và đưa Anh đến Marne La Vallée nơi nhà của trưởng nam chúng tôi để chúng tôi có thì giờ cùng nhau hàn huyên tâm sự thoải mái.

Mặc dù đã vào tuổi trượng triều trượng quốc nhưng Anh vẫn còn minh mẩn lắm. Bề ngoài trông Anh đạo mạo, đúng là ngoại hình của một bực túc nho thời đại phong kiến trên đà tàn tạ, cẩn trọng dè dặt trong từng lời nói trước đám đông. Nhưng trong không khí ấm áp thân tình, Anh nói chuyện rất cởi mở lại có duyên lôi cuốn qua giọng trong ấm của người miền Trung và không bỏ qua nét dí dỏm hóm hỉnh, quyến rủ đúng lúc, rất hợp tình hợp cảnh.

Chúng tôi từng say mê quên cả giờ giấc ăn uống để tai lắng nghe, theo dõi cuộc đời oái oăm chìm nổi của Anh, khi Anh tâm sự với chúng tôi cách đây không lâu lắm. Anh không ngần ngại thố lộ, gởi gấm chúng tôi những cuộc tình lỡ, tình hờ, tình dang dở, tình buồn… của cái thuở lang bạt bồng bột thời thanh xuân nơi sanh quán mà Anh kể với những tình tiết éo le ngang trái, những trạng huống vừa thê thiết đến rướm lệ, vừa rộng rãi thứ tha Phật tánh.

Anh không có cái tánh phiêu lưu lãng mạn bất cần đời, qua men rượu nồng cay thâu đêm suốt sáng đến quên cả đường về. Anh không có nếp sống bạt mạng ngang tàng nhưng rất mực dễ thương của nghệ sĩ quá cố Hiếu Đệ mà Anh cũng như chúng tôi rất mực quý mến, hết lòng thương yêu. Trái lại, con người Anh rất lịch sự lại tế nhị, thông minh đổ đạt nhưng không kêu căn, sống tri túc vô cầu bất chấp và nhờ đó Anh tự do hành xử, không bị chi phối bởi một cá nhân hay hoàn cảnh nào. Ngoài bản tánh vị tha yêu đời, vừa lương thiện tốt bụng, vừa ngay thật biết tôn trọng ý kiến người khác, Anh còn một ưu điểm nữa là ý chí hiếu học khi đã quá tuổi đời tám mươi.

Và dù năm tháng chồng chất có tàn nhẫn bào mòn thể xác, nhưng không thể che dấu được nơi Anh nét duyên ngầm của thời trai trẻ đẹp trai. Cho nên chúng tôi  hay đùa cợt bảo chắc thuở thanh xuân ‘chọc trời khuấy nước’, Anh phải có số đào hoa, khiến cho nhiều cô gái đương thời mê mệt là phải lắm. Anh chỉ mỉm cười lặng thinh như hồi nhớ ‘ngày xưa thân ái’, nay chỉ còn lờ mờ trong ký ức.

Trên đây, chúng tôi có nói Anh là người hiếm hoi trên cõi đời nầy nổi tiếng hiếu học khi đã quá tuổi tám mươi. Mà quả vậy. Hiếu học và cầu học là thái độ đứng đắn trong nếp sống lành mạnh của những bực thức giả. Anh không ngớt tìm hiểu học hỏi từ trong sách vở và qua trường đời. Chính cái học cần thiết đó đã đem đến cho Anh một sở trường hiểu biết rộng rãi và sâu sắc, giúp Anh rất nhiều trong việc nghiên cứu sưu tầm cũng như sáng tác.

Ngoài tám mươi tuổi xa rồi Anh vẫn còn đeo đuổi đèn sách đều đặn để tiếp tục cầu tiến, không ngừng lập chí tu thân, trao dồi mãi mãi nếp sống có trách nhiệm, có lý tưởng. Vì Anh thường phát biểu quan điểm của mình cho rằng việc học không kể đến tuổi già hay còn trẻ, hơn nữa biển học mênh mông không lúc nào người có tinh thần cầu học cho là đủ cả. Mà tự thấy mình còn thiếu kém, còn khiếm khuyết ở một lãnh vực nào đó mình mới xử sự đắn đo, tạo cho mình tánh khiêm tốn, cẩn trọng.

Một người bạn chung của Anh và của chúng  tôi, thi  sĩ  Phương Hà ở Bruxelles (Vương quốc Bỉ) có kể chúng tôi nghe về cái tính lãng mạn thi vị mà Anh đã thể hiện trong những lần đi du lịch xa Paris. Nên nhớ một thời gian dài Anh sống cô đơn cô độc trong khắc khổ, trong gói ghém nhưng Anh vẫn chấp nhận nghịch cảnh, bằng lòng với định mệnh, như lúc Anh làm ‘gát dan’ hay ‘lao công’ tại  một  nhà  in  ở ngoại ô Paris. Dù vậy, cái tánh lãng mạn đầu đời vẫn ngấm ngầm tồn đọng trong con người Anh để thỉnh thoảng lại bừng dậy vào một dịp thuận tiện nào đó.

Nhiều lần, đi du lịch xa, Anh không quên mua những tấm bưu thiếp tuyệt đẹp để gởi về địa chỉ nhà mình. Anh thác lời người Anh thương yêu trọng quý với những lời tình tự nồng ấm ngày xưa, tưởng như chính người nầy đã tự tay luyến nhớ gởi thiệp cho Anh. Và khi trở về đến nhà, cũng chính tay Anh mở thùng thư, trịnh trọng nhận lấy bưu thiếp để sau đó lắng nghe vang vọng những thổn thức sâu lắng trong thăm thẳm lòng mình. Còn gì thi vị cho bằng, cho dù người thương bây giờ có ‘nghìn trùng xa cách’, có ‘cao bay’ đến một chân trời ‘hoa bướm’ xa lạ, dù cho cuộc tình đồng thuận trước đây bây giờ có dang dở đau thương đến mức độ nào. Vốn trọng quý quá khứ, Anh vẫn thấy trong đó những hình ảnh thơ  mộng ngày nào, những lời tình tự năm xưa để lịm dần trong tưởng tiếc và để ru Anh trong những giấc ngủ cô liêu.

Năm 1966, thời cuộc nhập nhầy, đẩy đưa xô đẩy Anh phiêu lưu trôi giạt ra xứ người để rốt cuộc gặp được ‘mụn tình muộn’ nơi mảnh đất thơ mộng ‘ngàn voi’ và làm rễ quý của Vương quốc Lào cho đến ngày cờ đỏ lên ngôi khắp bán đảo Đông Dương. Anh lại ly hương lần thứ hai và tìm nguồn vui hạnh phúc khi được định cư trên đất Pháp với tư cách tỵ nạn chính trị cộng sản và tiếp tục nổ lực hoạt động trong công đồng ở hai lãnh vực văn hóa và tôn giáo.

Nhưng trong thời gian khá dài nơi đất Lào, ngoài lãnh vực báo chí bút nghiên như một thú bẩm sinh, ngoài nghiệp gõ đầu trẻ, sinh hoạt chính yếu để sinh sống, Anh không quên ân nghĩa cưu mang một thời lao đao lận đận, cái vốn thỉ chung ơn đền nghĩa trả cố hữu nơi Anh. Anh đã bỏ thời gian và công khó hoàn thành rất nhiều sách nghiên cứu về Vương Quốc Lào với tất cả lòng quý trọng một đất nước mà thế giới hết lời ca tụng phong quang cảnh trí thiên nhiên và nhứt là con người rất mực hiền hòa chân thật. Đại khái chúng tôi có thể kể: ‘Les Origines du Laos’ (sđd), ‘Le Phralak-Phralam (Version Lao du Ramayana – Ed. Vithanha, Laos 1972), ‘The Nang Tan Tay’ (The Lao Arabian Nights – Ed. Cultural Survey of Laos, Vientiane, Laos 1972)…

Có lần chúng tôi cùng Anh và vài người bạn chung vui nơi một nhà hàng nằm ở ngoại ô Paris. Chúng tôi để ý Anh ăn uống nhỏ nhẹ như mèo, ăn rất ít, tránh những món ăn có dầu mỡ mà chỉ thích rau quả. Chúng tôi có cảm tưởng như Anh là một nhà tu hành chân chính, bực thiện tu đạm bạc của thời xa xưa, nơi những ngôi chùa cổ hẻo lánh hay những tịnh xá thanh vắng đìu hiu, xa lánh bụi trần. Việc nầy cũng có thể giải thích tại sao cơ thể Anh ốm yếu như con cá lẹp hay tăm nhang.

Dáng vẻ và ngoại hình của Anh khiến chúng tôi bỗng hồi nhớ trong số các bực đàn anh đã một thời đi qua đời chúng tôi trước tháng Tư Đen 1975 chỉ có thi sĩ Vũ Hoàng Chương là người duy nhứt có dáng thể giống hao hao như Anh, mà chúng tôi thường đùa vui bảo nếu gió mà thổi mạnh một chút chắc Anh sẽ bay bổng lên không trung không khó. Anh Vũ Hoàng Chương mà trước đây chúng tôi được may mắn thực hiện các thi tập ‘Ngồi Quán’, ‘Đời Vắng Anh Rồi Say Với Ai?’ cũng như tái bản ‘Rừng Phong’, đã ra người thiên cổ sau khi bị cộng sản bắt đi học tập cải tạo về được vài ngày. Nay anh Võ Thủ Tịnh cũng ra đi… kết thúc hai kiếp người sống không hổ thẹn, hai cuộc đời sáng danh, bất khuất kiên cường, hai chứng nhân lịch sử vững bước trên con đường thênh thang của trái tim.

Hồi còn sinh tiền, bạn bè thân hữu của Anh ai ai cũng đều biết Anh ở một nơi rất khiêm nhường, nhà cửa không được rộng rãi cho lắm. Tuy nhiên sự chật hẹp, thiếu hẳn những tiện nghi thời thượng mà cuộc sống vật chất đua đòi hiện nay không thể thiếu, nhưng không vì vậy làm lu mờ tấm lòng bao la rộng mở vòng tay của Anh đối với những người đồng hương Quảng Nam – Đà Nẵng hay bạn bè quen biết ở khắp nơi trên thế giới, một khi họ ghé qua Paris. Anh vui vẻ, niềm nỡ đón tiếp tất cả trong tinh thần ‘bốn biển anh em một nhà’.

Có người đến từ Hoa Kỳ, Gia Nã Đại hay Tân Tây Lan, Úc Châu, cả những anh chị em từ các tỉnh lẻ của Pháp lên. Có người đến từ các xứ Âu Châu lân cận như Anh, Đức, Áo, Bỉ, Hòa Lan, Na Uy... Chỉ cần một tấm thảm trải lên sàn nhà cũng đủ mang đến cho Anh và khách khứa đến trọ tạm đôi ngày vài bữa cả một không khí ấm áp thân tình, khắng khít chia xẻ nỗi niềm ly hương xa xứ. Do vậy, chúng tôi thường bảo nhà Anh quả là một trạm dừng chân lý tưởng cho những người lỡ bước theo đúng truyền thống tốt đẹp của ông bà ngày xưa, một quán ‘chiêu bạn bè đãi người thân quen’ bất vụ lợi.

Những ngày cuối cùng nằm ở bệnh viện, Anh đã tâm sự với một người bạn văn thân tình đến thăm:

«Tôi muốn đi cho rồi vì quá đau yếu nhưng Chúa muốn sao cũng được, tùy ý Chúa».

Anh sống trọn vẹn với đức tin, tôn trọng đời sống đến phút cuối. Vả lại đức tin đã đem lại cho Anh lẽ sống như Anh đã viết trước đây:

«Cảm nghiệm sự hiện diện của Đức Chúa Trời là một vũ khí sắc bén để giúp chúng ta được giải thoát ra khỏi mọi đau thương bi đát của thân phận con người trên thế gian nầy» (Trăm năm trong cõi người ta – Trích TinParis ngày 10/02/2010).

Vì sống trọn vẹn với đức tin như thế nên chúng ta không mấy ngạc nhiên khi nhận thấy Anh tỏ ra rất thanh thản, coi thường sự sống chết, tử sinh, chấp nhận tuổi già phá rầy, cũng chẳng oán ghét cái chết. Do cái cửa thênh thang rộng mở đưa Anh đến trạng thái thoát ly những hệ lụy trần gian chẳng qua là nghiệp dĩ văn chương chữ nghĩa mà Anh đeo đuổi đến phút cuối cùng. Bằng cớ là chúng ta cứ thong dong bước vào site www.vothutinh.net của Anh thì hẳn đã nhận được điều nầy không khó.

Ngày 19 tháng 9 năm 2008, chúng tôi nhận được một bức thư của nhà thơ tình cảm Phương Hà, người bạn kết nghĩa của chúng tôi từ ngày hai anh em chúng tôi thoát nạn cộng sản vào năm 1980. Trong thư, anh gởi cho chúng tôi những dòng ký thác sau đây:

«Nếu Phương Hà không được gặp anh chị Võ Đức Trung trước khi viễn du, thì đây là lời tâm tình gởi lại cho hai cố nhân».

Anh kèm theo bài thơ ‘Rời Những Vòng Tay’ với chú thích: «Cố nhân của Phương Hà là tất cả những người ruột rà, tình nghĩa và tâm giao… từng được hạnh ngộ trên đời».

Anh Phương Hà sinh tại làng Thuận Trì, tổng An Lương, định cư tại quê mẹ là làng Long Phước, tổng Mỹ Khê, Duy Xuyên thuộc tỉnh Quảng Nam, cùng sanh quán Long Phước của anh Võ Thủ Tịnh. Có thể nói hai gia đình rất gần gũi, gần gũi trong tình cảm và trong khoảng cách, thường qua lại thăm viếng vấn an nhau chưa tàn điếu thuốc, chưa kịp mỏi chân. Do vậy, hai anh Võ Thủ Tịnh và Phương Hà quả là hai người đồng châu, đồng hương, đúng với danh xưng và ý nghĩa cao đẹp của nó. Trái đất tròn, qua những tháng năm cách biệt, cả hai may mắn gặp lại nhau nơi xứ lạ nên coi nhau như anh em ruột thịt không có gì là lạ.

Năm nay anh Phương Hà cũng đã ngoài tám mươi và tâm cảm những ngày trước mặt mình không còn bao lâu nữa nên cũng muốn giã từ trước bạn bè cho phải đạo. Nhưng thực tế anh còn đây với chúng tôi và khi chúng tôi thương nhớ viết những dòng hoài niệm nầy thì anh đang du Xuân tận bên Californie, Hoa Kỳ. Còn anh Võ Thủ Tịnh thì đã giã từ chúng tôi ra đi vĩnh viễn được một năm rồi.

Nơi nầy, hôm nay chúng tôi xin phép anh Phương Hà được ghi lại dưới đây nguyên văn bài thơ ‘Rời Những Vòng Tay’, xem như anh ưu ái thác lời anh Tịnh để ký gởi tâm tư tình cảm mình, trước khi anh ấy vĩnh viễn chia tay anh em chúng ta đi vào vùng bình an miên viễn, không còn hận thù sắt máu của đấu tranh giai cấp của cộng sản, không còn niềm đau ray rứt dằn xé nơi cõi tạm lưu vong:

 

                  Rời Những Vòng Tay

 

Mai nầy tôi đi xa

Để hẳn rồi ra không về nữa

Từ tạ trần gian mưa rào nắng lửa

Nặng trĩu thương yêu

Trong những vòng tay chân trời, song cửa

- Những vòng tay trước sau, hôm bữa -

Tưởng như ôm nghẹt thở cũng chưa vừa.

 

Mà thôi… bạn thiết của tôi ơi

Ân oán buồn vui một thoáng trên đời

Danh lợi trần ai mắc chi thiên cổ lụy

Vòng tay thương nhẹ gỡ, thảnh thơi rồi

Nếu phải nợ nần còn lỡ thiếu

Hẹn kiếp sau lời vốn gộp thành đôi.

 

Hồi còi cõi âm dường đã hụ

Chỗ còn đủ, mình viễn du với nhé

Chuỗi hôn thơm vĩnh biệt gởi bạn bè

Hôn ân tình chưa trao nơi ngã rẽ

Đợi tìm nhau trên canh sớm đèn khuya

Để chung chia nỗi thân đơn bóng lẽ

Khi người đi kẻ ở thoắt chia lìa.

 

… Và tôi đã đến

Đang ở trên kia - thượng tầng khí quyển -

Đoàn tụ với tiền nhân

Nhưng quả tim tôi

Tôi để lại dương trần

Quấn quít và rất gần

Quanh quẩn cạnh người thân.

 

Có chăng chỉ làn mây trắng

Thấy hay không niềm đau chưa lắng

Ngừng lang thang, dừng lại thoáng bâng khuâng

Rồi bay đi

Mà không biết đi đâu

Cũng chẳng nói xa gần.

 

Nhìn mây tôi chỉ muốn xin theo

Tập tành làm chân phù vân lãng tử

Bay vòng quanh nhìn xuống cõi trần

Những buổi tốt trời

Lang thang tìm

Tôi lại thấy cố nhân…

Thật não nùng ai oán!

Giờ đây, ‘cố nhân’ đã thực sự mất… ‘cố nhân’ rồi!!!

           

Dân Mộc Tiểu Lộ, những ngày đầu Xuân Tân Mão 2011.

Võ Đức Trung

 

*Cùng một tác giả:

Các tập truyện do Hương Cau (1, Allée des Peupliers 59320 Hallennes-Lez-Haubourdin, France - Phone: 03 20 44 81 32) ấn hành:

1. "Phá Sơn Lâm đâm Hà Bá" (in lần thứ ba)
2. "Hùm chết để da" (in lần thứ hai)
3. "Nước mắt tình yêu" (viết chung với Họa sĩ Hiếu Đệ)
4. "Bên đục bên trong" (viết chung với Họa sĩ Hiếu Đệ)
5. "Niềm đau bạc tóc" (viết chung với Họa sĩ Hiếu Đệ)
6. "Con nhện giăng tơ"
7. "Quê Cha quê Mẹ quê mình"
8. "Cảnh đấy người đây"
9. Dòng Đời Xuôi Ngược

10. Như Nước Trong Nguồn
11. Việt Nam, Niềm Thương Nỗi Nhớ v.v…