Cái vuốt trán vô ngôn
Nguyễn Văn Sâm
1.
Người đàn ông trao đứa nhỏ cho người đàn bà mà mặt mày hùng hổ. Không chút âu yếm nào biểu lộ tình cảm của người chồng người cha, cũng không có tới một chút ánh mắt xót thương của kẻ phải chia tay với người thân, anh bặm trợn ngó vợ con mình vừa che dấu sự vô cảm vừa như để như sẵn sàng huyết đấu với một sát thủ nguy hiểm. Một chút sáng đèn xa xa rọi lên khuôn mặt anh lờ mờ nhưng cũng rõ nét. Trẻ trung đẹp trai. Tóc dầy, chảy chuốt đúng điệu. Cặp mắt kiếng cận gọng vàng càng tăng thêm vẻ trí thức. Thỉnh thoảng một ánh đèn xe Honda nào đó chạy ngang, rọi sáng mặt anh thì một chút bùng phát bất như ý hiện ra bằng cái nhăn mặt và cặp lông mày đậm nhướng lên, kéo dài ra hơn, biến dạng gương mặt thanh tú đi đôi chút.
Người đàn bà ôm đứa nhỏ vô lòng cứng chặt như sợ người đối diện đổi ý. Chưa quá tuổi hai mươi lăm, chị còn mặn mà tươi mát nhưng cặp mắt ướt rượt, cái nhìn xuống đứa con của chị thắm thiết biểu lộ một tình cảm khó tả, đó là sự pha trộn giữa tình thương bao la của người mẹ với đứa con đầu đời và nỗi buồn biểu lộ sự chán chường của một tuyệt vọng đầy ngỡ ngàng. Người đàn ông trong trận cãi nhau dài với vợ vẫn ngồi trên yên xe, chống một chưn xuống đất, không ngó đứa nhỏ sau khi trao, cũng không để ý gì tới cử chỉ của vợ mình. Kết thúc cuộc khẩu chiến là một câu hăm he của dân giang hồ ai nghe chắc cũng lùng bùng lổ tai. Trước khi rồ máy xe phóng đi anh búng cái tàn thuốc đương hút về phía vợ, người đàn bà hoảng hốt phủi phủi rồi đứng lên ôm con bằng một tay, tay kia phủi lia lịa cho con.
Tôi ngó qua cái khe thiệt nhỏ của của cánh cửa sắt, quan sát hoạt cảnh từ đầu tới cuối. Bàng hoàng khi nghe người thanh niên kia buông ra câu hăm dọa. Ứa nước mắt căm giận khi nhìn người đàn bà hoảng hốt phủi tàn lửa bay rớt trên mình con do cái tàn thuốc nhẫn tâm của người chồng. Xong xuôi chị ngồi xuống ở chỗ cũ, không ngó lên, đưa tay vuốt tóc con, thở một hơi dài. Mấy phút sau, chừng như nỗi buồn hơi nguôi ngoai, chị ngồi dựa lưng vô góc cột của tấm bảng ghi Khu Phố Văn hóa Khóm 5 phường 10, ngó qua bên kia đường đọc hàng chữ nổi bật: Toàn dân khu phố quyết tâm thực hiện nếp sống văn hóa mới dưới đó treo đong đưa tấm băng rôn có mấy hàng chữ đỏ chói trên nền vàng: Toàn dân hân hoan chào mừng đại hội… lần thứ… Quyết tâm tạo thành tích dâng… Ngó theo ánh mắt chị tôi bỗng bật cười khan, chắc chắn rằng trong hoàn cảnh của chị sự hân hoan và sự quyết tâm ai đó gán cho chị chớ chị không có một chút tẻo tèo teo nào. Cái con số La Mã có chữ X chữ I tôi không chắc chị đọc được. Sự ngờ vực nầy có tánh cách thực tế vì gần hai mươi năm nay học sinh bỏ học quá nhiều và đa phần thầy trò dạy cũng như học đều chểnh mãng, làm cho có. Chắc chắn là có chị trong số đó.
Đứa nhỏ cựa mình, người đàn bà sửa lại thế nằm của đứa nhỏ, vuốt mặt con nhiều lần rồi thoa thoa lên trán con, thoa tới đâu thì ánh mắt chị chăm chú tới đó như để nhìn tường tận hơn từng phân nhỏ khuôn mặt con mình. Ánh mắt chị tha thiết như là tình mẫu tử có tác dụng thần kỳ làm tiêu tan nỗi buồn người ta dầu ở trong tình trạng thiệt là tuyệt vọng.
Đứa nhỏ lại cựa mình, nhắm mắt khóc lớn, phá tan sự tĩnh mịch của đêm giao thừa không pháo, không lân. Người mẹ vạch quần con quan sát rồi mở bọc ny lon ra lấy những thứ lỉnh kỉnh ra làm vệ sinh cho bé. Một vài người ở trong xóm đi chơi khuya về ngó phớt ngang hai mẹ con với cặp mắt thiệt bình thường như cả hai không hiện diện, như cái chỗ ngồi hiện giờ của mẹ con người thiếu phụ kia vẫn là cái khoảng trống của bao lâu nay mà nhiều khi còn là chỗ dựa lưng của một gói rác ai đó lén để. Một hai phụ nữ trẻ buông cặp mắt thương hại nhìn qua cảnh tượng nhưng rồi cũng thản nhiên bước tới bấm chuông, vô nhà, khép cửa mà không quay lại, một hai cái chắc lưỡi thương hại họ cũng hà tiện không xài tới.
Ngó lén gương mặt thanh tú của người mẹ và nghe tiếng khóc khó chịu của đứa nhỏ tôi muốn làm một chuyện gì đó giúp họ, chẳng hạn như tặng một hộp sữa Vinamilk lạnh trong tủ đá, hỏi họ cần đi đâu thì sẽ kêu người xe ôm quen trong xóm đưa đi tôi trả tiền hay tốt hơn nữa thì cho chị ta vài ba trăm ngàn đỡ túng ngặt trong ba ngày Tết. Nhưng cuối cùng tôi chẳng làm gì cả mà trở vô tiếp tục ngồi hầu cái TV với những chương trình tuyên truyền trơ trẽn và nói dóc nhàm chán quá quen thuộc vì nhớ tới những chuyện không hay trong quá khứ: người chồng của nạn nhân trở lại gây sự và nhiều khi đã đâm chết kẻ ơn nhơn tốt bụng của vợ mình.
2.
"Mầy có biết tao bực mình lắm khi về mà mầy đã ngủ?"
"Đi từ sáng tới hơn giao thừa, vợ con nào đợi nổi?"
"Đó là những giao thiệp cần thiết cho sự làm ăn."
"Nhưng ngồi nán thêm là do anh chủ động."
"Sao tao về mà mầy không cằn nhằn như mọi khi?"
"Tôi đã tuyệt vọng về sự biết điều của anh."
"Tao muốn được tự do mà cũng muốn mầy để ý đến sự đi về của chồng."
"Đó không phải là tương quan vợ chồng".
"Mầy là má tao chắc!"
"Đó là sự tương quan chủ nhơn và nô lệ!"
"Tao làm ra tiền, tao phải xài theo ý tao."
"Tôi đã phản đối điều đó bốn năm nay, bây giờ anh được như ý sao lại phàn nàn?"
"Im lặng là mầy coi tao không có mặt, không quan trọng nữa!"
"Làm thinh vì thấy mình thất bại cải thiện một tình trạng."
"Mầy nói tao hư hỏng ngu si, như má mầy đã phán trước kia?"
"Anh tự biết, nhưng đừng đưa mẹ tôi vô chuyện nầy! Tôi lạy anh!"
"Giàu tiền ai cũng vậy phải thể hiện bản sắc."
"Nhưng mẹ con tôi như không có chồng, không có cha."
"Bịnh sao cử?"
"Anh cần người giữ nhà thì cứ đăng báo."
"Mầy kiếm chuyện để kiếm chỗ có tiền hơn tao biết! Mầy là một thứ đĩ."
"Xin nhẹ lời! Tôi đi vì tình vợ chồng như đã hết trong anh."
"Ai nói? Tất cả chuyện mầy cho là xấu tao cho là thể hiện quyền làm chồng."
"Đó là một sự cướp đoạt trắng trợn quyền làm vợ."
"Tao muốn mầy mặc kệ để tao đối phó với đời, do đó phải tự do đi về."
"Vậy thì tôi ở chỗ nào trong gia đình? Tôi còn ở với anh làm gì!"
"Mấy văn hoa quá tao không hiểu? Nếu mầy biến cái văn hoa đó thành những nụ cười thì tốt hơn."
"Những nụ cười lả lơi moi tiền! Những nụ cười thân thiện moi rượu!"
"Còn hơn mặt chầm dầm bà chằn lửa của mầy."
"Vì vậy anh thường xẹt về nhà một chút rồi biến không kịp ngó tới vợ con."
"Muốn tao bao la tình buồn thì bỏ thói cằn nhằn mà chú ý tới chồng hơn."
"Cằn nhằn hay làm thinh là muốn anh đi đúng đường."
"ĐM! Đừng cãi lý với tao. Chết à con!"
!!!!!!
"ĐM, mầy đi rồi sau nầy có chết bờ chết bụi kệ mầy, đừng vác đầu về nhà tao à nha!"
"Anh chưởi mẹ tôi thì mặt mũi nào tôi còn sống với anh!"
"ĐM! Tao nói thiệt! Tao mà biết mầy đi theo thằng nào thì cả ba đứa tụi bây bỏ mạng sa trường đó nhe. Có thể mẹ mầy nữa không biết chừng. Bỏ mạng trong đau đớn, nhớ đó!"
3.
Chừng một giờ sau tôi trở lên nhà trước, lén nhìn qua khe cửa thì người đàn bà và đứa nhỏ đã đi mất tiêu. Chỗ gốc cột trở về tình trạng bình thường, không một chút gì còn sót lại về hình ảnh của người đàn bà đau khổ và đứa nhỏ tội nghiệp kia. Ngay cả dấu vết của miếng tả vệ sinh em bé cũng không có. Trống không. Nhưng càng nhìn vô khoảng trống không đó tôi càng bị tức ngực, đau lòng như có một trái núi lớn vô hình từ đó bay đè lên ngực tôi. Đêm cuối năm thiên hạ sống cho nhau, vì nhau sao lại có chuyện người đàn bà bị xô vô hoàn cảnh phải ôm con đi lang thang trong bước đường vô định. Rồi chị sẽ đi về đâu!
Bàn thờ đã được đốt nhang, khói lùng tung trong căn nhà bít bùng tấp vô mắt khiến tôi nhớ tới hình ảnh người đàn bà ốm o, già nua, tay cầm cái ly cà phê đá, thường đi lang thang trên phố Bolsa mấy năm nay mà người biết chuyện ở đây xì xầm rằng hai thập niên trước cũng từng là một nhan sắc siêu hồn. Rồi người thiếu phụ trẻ măng kia sẽ ra sao với đứa con nhỏ trên tay cùng nỗi buồn nặng trĩu trong lòng. Lang thang những ngày Tết là chuyện nhỏ, lang thang suốt đời kéo lê theo đứa con còn hôi sữa trong nắng mưa là chuyện quá đau lòng. Tôi không dám tưởng tượng tiếp theo.
Tôi đốt thêm nhang trên bàn thờ, một hành động chính tôi cho là vô lý và thường phản đối, xá xá mấy cái cầu xin cho hai mẹ con người đàn bà không quen nầy được an lành, cũng là cầu xin người khuất mặt tha cho tôi cái tội chết nhát đã bỏ đi coi TV nên không thể giúp người cần cứu giúp.
Cái câu hăm he rợn người đó làm chùn lòng thương người của tôi thì ít mà khiến tôi xót xa thì nhiều về sự lệch lạc nhơn cách của hai người nầy. Những tiếng cuối câu của người đàn bà như những cái chấm than lớn xộn tôi tôi không tin rằng anh chồng có chỉ số IQ khiêm nhường kia hiểu được. Chắc chắn anh đã hiểu đó như những câu hỏi khiêu khích nên đã nổi máu giang hồ, một thứ giang hồ vặt chỉ đối với vợ con và người yếu đuối.
Tôi không cho rằng mình sẽ xui quanh năm vì mới qua Giao Thừa đã gặp chuyện thương tâm và những câu nói dơ dáy phải nghe, trái lại tôi chắc rằng mình sẽ sáng suốt hơn vì học được bài học qua những cái vuốt trán vô ngôn của người mẹ với đứa con nhỏ: bất cứ trong trạng huống bi thảm nào, còn đứa con thì người mẹ vẫn có thể chịu đựng được, và chịu đựng một cách ngoan cường….
Nguyễn Văn Sâm
(Cựu Giáo sư ĐHVK Sàigòn)
(Sàigòn, sáng Mồng Một Tết Bính Thân, 2016)