Chữ nghĩa làng văn
15 tháng 10.2016
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng
“Chữ nghĩa làng văn” đôi khi chỉ là một chữ, cụm từ, đoạn văn cô đọng, diễn nghĩa, diễn giải một áng thơ văn hoặc một thể tài nào đó. Những trích dẫn được góp nhặt qua sách vở, trên mạng lưới của nhiều tác giả thành danh hay khuyết danh, không ngoài góc nhìn tận tín thư bất như vô thư. Ấy là chưa kể nhiều từ ngữ, đề mục trong bộ sưu tập đang còn trong vòng nghi vấn, cần phải thẩm định lại nếu có thể được với những bậc thức giả văn kiến súc tích. Những phụ chú, dẫn chứng hay giai thoại do người viết kể lại, với chủ quan, khách quan chỉ cách nhau một sợi tóc. Vì vậy người sưu tầm không đặt ra “sai” hay “đúng”, vì cái sai hiện tại có thể là cái đúng ở một thời điểm nào khác. Xin chân thành cảm tạ và cáo lỗi những tác giả đã đóng góp bài vở trong sưu tập này, nhưng vì phương tiện eo hẹp nên người sưu tầm không thể thỉnh ý tác giả trước khi đăng tải.
Thơ Nôm Hồ Xuân Hương
Sau hơn 40 năm âm thầm ấp ủ, nghiền ngẫm...Kiều Thu Hoạch (Người cùng quê xứ Đoài với Phó bảng Kiều Oánh Mậu - người có công lớn trong việc hiệu đính truyện Kiều), ông đã công bố cuốn "Thơ Nôm Hồ Xuân Hương" với 84 bài thơ, câu đối. Có thể nói: Cuốn sách là một công trình đầy đủ, đúng chuẩn nhất về văn bản, dịch nghĩa, dịch thơ, khảo cứu, chú giải chữ Nôm, những bài thơ bất hủ của Bà chúa thơ Nôm Việt Nam.
Tiếp cận thơ Nôm từ góc nhìn văn bản học, cuốn sách của Kiều Thu Hoạch, chí ít cũng cho chúng ta 3 thông tin rất có giá trị:
- Một là: thời điểm xuất hiện"Xuân Hương thi tập" là thời Vua Minh Mạng (1820-1840)
- Hai là, lúc bấy giờ Hồ Xuân Hương đã nổi tiếng hay thơ Nôm.
- Ba là, lúc bấy giờ Xuân Hương vẫn còn trẻ, còn được người đời (qua văn bản) gọi bằng "cô".
Qua các văn bản chữ Nôm xưa, Kiều Thu Hoạch đã loại trừ được một số bài thơ bị gán cho nữ sỹ như các bài: "đánh cờ người", "tát nước", "cái nợ chồng con", "đánh đu", "bà đanh", "đồng tiền hoẻn", "ông cử võ"...
(Nguyên Khôi)
Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Vói tay ngắt lấy cọng ngò,
Thương anh muốn chết giả đò ngó lơ.
Tiếng Việt dễ và…dễ thương
Hỏi: Qua hai câu ca dao
Trèo lên cây bưởi hái hoa
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân
Chẳng lẽ nụ của cây cà gọi là nụ "tầm xuân" ? Thưa thầy đồ…
Đáp : Xin hiểu cho là hoa bưởi, tầm xuân nở vào tháng hai tháng ba, mà cà thì ra quả cũng vào thời gian này nên Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân là dzậy.
Xin hiểu thêm hoa tầm xuân cũng là loại hoa hồng. Tên Việt: Tầm xuân. Tên Hoa: Tường vi là một loại cây mọc ven tường, xúm xít từng bụi, hoa cái đỏ, cái trắng, cái vàng. Cùng họ với hoa hồng.
***
Bài "Nụ Tầm Xuân" gói ghém tâm sự đôi trai gái duyên trắc trở.
- Cây bưởi cao - tượng trưng cho thượng lưu phú quý.
- Hoa bưởi thơm - tượng trưng cho danh vọng, sự nghiệp.
- Vườn cà - tượng trưng cho làng quê, xóm nghèo.
- Nụ tầm xuân - tượng trưng cho cô gái tuổi đương xuân.
(Đỗ Trọng Khơi - ĐatViet.com)
Câu thai đố
Câu thai đố là một loại hình văn dân gian, một loại văn chương bình dân truyền khẩu đa dạng, hình thức có lúc nghiêm túc, có lúc bông đùa, dí dỏm, có lúc thô tục. Thí dụ:
Hai tay ôm lấy cột nhà
Ruột gan không có, cái da bầy nhầy
(Cái võng)
Hoặc giả như:
Ai vui tôi cũng vui cùng
Ai buồn tôi cũng buồn cùng với ai.
(Cái gương soi)
(Lưu Văn Nam – Văn hóa dân gian)
Chữ nghĩa làng văn xóm chữ
T.K.: Chính Trần Vũ đã khám phá ra Đỗ Hoàng Diệu, việc này xảy ra như thế nào xin kể lại.
Đ.H.D.: Tình cờ Diệu gửi tác phẩm đầu tiên của mình đến Hợp Lưu và trong thời điểm ấy nhà văn Trần Vũ đang chịu trách nhiệm chính về nội dung cho tờ Hợp Lưu. Đó là một may mắn cho Diệu bởi vì nếu không là Trần Vũ mà là một người khác chịu trách nhiệm nội dung Hợp Lưu thì chắc gì đã có một loạt truyện ngắn của Diệu được nhìn nhận và được in trên Hợp Lưu như thế, để rồi sau này nó âm vang về trong nước. Vì thế cho nên Diệu rất cám ơn nhà văn Trần Vũ.
Vì Trần Vũ đã động viên, khuyến khích Diệu viết truyện; giục Diệu viết truyện như người mẹ buổi sáng giục con dậy sớm đi học. Ngay khi Diệu viết xong Bóng đè gửi đến Hợp Lưu và Trần Vũ biên thư trả lời, Vũ đã nói, đã động viên, khuyến khích rằng Diệu viết như thế rất được và nên tiếp tục phát huy theo dòng như thế, ghi nhận những hình ảnh, chi tiết như thế, phải cố gắng viết nhiều, nếu không sẽ phí đi, sẽ nguội đi. Chính nhờ những lời động viên ấy, Diệu mới hăng say và viết. Nếu không có sự thúc đẩy của Trần Vũ thì chắc gì Diệu đã viết được Bóng đè, chắc gì Diệu đã viết được Vu quy, Tình chuột trong một thời gian sớm như thế.
(Nói chuyện với Đỗ Hoàng Diệu - Thụy Khuê)
Chữ Việt cổ
Từ cổ tiếng Việt trong "Đại Nam quốc âm tự vị" của Huỳnh Tịnh Paulus Của. Những cứ liệu khảo sát từ cổ rất đa dạng và phong phú, nhưng do điều kiện về thời gian, chúng tôi chỉ khảo sát những từ đã từng tồn tại là những từ bình thường, nhưng nay đã hoàn toàn biến mất trong từ vựng hiện đại
An: yên ngựa
(Đại Nam quốc âm tự vị - Huỳnh Tịnh Paulus Của)
Đất lề quê thói với phong tục cổ truyền
Thuyết âm dương
Căn cứ nhận xét lâu đời về giới thiệu tự nhiên, người xưa đã nhận xét thấy sự biến hoá không ngừng của sự vật.
(Thái cực sinh lưỡng nghi, lương nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái. Lưỡng nghi là âm và dương, tứ tượng là thái âm, thái dương, thiếu âm và thiếu dương. Bát quái là càn, khảm, cấn, chấn, tốn, ly, khôn và đoài).
Người ta còn nhận xét thấy rằng cơ cấu của sự biến hoá không ngừng đó là ức chế lẫn nhau, giúp đỡ, ảnh hưởng lẫn nhau, nương tựa lẫn nhau và thúc đẩy lẫn nhau.
Để biểu thị sự biến hoá không ngừng và qui luật của sự biến hoá đó, người xưa đặt ra "thuyết âm dương".
Thuyết âm dương:
Âm dương không phải là thứ vật chất cụ thể nào mà thuộc tính mâu thuẫn nằm trong tất cả mọi sự vật, nó giải thích hiện tượng mâu thuẫn chi phối mọi sự biến hoá và phát triển của sự vật.
Nói chung, phàm cái gì có tính chất hoạt động, hưng phấn, tỏ rõ, ở ngoài, hướng lên, vô hình, nóng rực, sáng chói, rắn chắc, tích cực đều thuộc dương.
Tất cả những cái gì trầm tĩnh, ức chế, mờ tối, ở trong, hướng xuống, lùi lại, hữu hình, lạnh lẽo, đen tối, nhu nhược, tiêu cực đều thuộc âm.
Từ cái lớn như trời, đất, mặt trời, mặt trăng, đến cái nhỏ như con sâu, con bọ, cây cỏ, đều được qui vào âm dương.
Ví dụ về thiên nhiên thuộc dương ta có thể kể: Mặt trời, ban ngày, mùa xuân, hè, đông, nam, phía trên, phía ngoài, nóng, lửa, sáng. Thuộc âm ta có: Mặt trăng, ban đêm, thu, đông, tây, bắc, phía dưới, phía trong, lạnh nước, tối.
Trong con người, dương là mé ngoài, sau lưng, phần trên, lục phủ, khí, vệ; Âm là mé trong, trước ngực và bụng, phần dưới ngũ tạng, huyết, vinh.
Âm dương tuy bao hàm ý nghĩa đối lập mâu thuẫn nhưng còn bao hàm cả ý nghĩa nguồn gốc ở nhau mà ra, hỗ trợ, chế ước nhau mà tồn tại. Trong âm có mầm mống của dương, trong dương lại có mầm mống của âm.
(Trích "Cây thuốc vị thuốc VN." của Đỗ Tất Lợi)
Khăm
Khăm : lừa nhau
(chơi khăm)
(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)
Chữ nghĩa làng văn xóm chữ
T.K.: Có dư luận đồn rằng Trần Vũ viết hộ Diệu truyện Bóng đè, chuyện này hư thực ra sao?
Đ.H.D.: Bây giờ trong nước và ngay cả trong hội nghị lý luận phê bình vừa rồi, họ nói rằng Bóng đè liên quan một nhân vật hải ngoại là Trần Vũ. Có một sự cấu kết nào đó giữa Đỗ Hoàng Diệu và Trần Vũ để viết nên Bóng đè. Diệu thấy đó là một điều rất nực cười. Ở Sài Gòn chẳng hạn, lại có người nhầm Trần Vũ với Trần Trọng Vũ, con của Trần Dần nữa! Người ta nói với nhau là truyện đó do Trần Trọng Vũ viết chứ có phải Trần Vũ viết đâu! Diệu nghe rất buồn cười vì Trần Trọng Vũ chỉ vẽ tranh chứ đâu có viết văn. Người ta nhầm một cách cơ bản như thế. Trần Vũ làm công tác chủ biên, cho nên công việc biên tập của Vũ là chuyện đương nhiên. Ví dụ trong truyện Bóng đè chẳng hạn, bản thảo đầu tiên gửi đến cho Vũ dài 18 trang, sau đó Vũ biên tập, cắt bỏ một số câu, một số từ, còn lại 16 trang như đã in trên Hợp Lưu.
Hoặc như Dòng sông hủi, Vũ cũng biên tập, cũng sửa một vài chỗ, bỏ đi một vài câu để thành nguyên bản như đã in trên Hợp Lưu. Còn Vu quy thì Vũ không cắt một chữ, Vũ không bỏ một chữ nào, Diệu gửi thế nào là Vũ in nguyên văn trên Hợp Lưu như thế. Và khi nhận được bản thảo Vu quy, Vũ nói ngay rằng truyện này Vũ sẽ không cắt một chữ nào và Diệu bây giờ đã không cần đến bàn tay biên tập của Vũ nữa, cứ thế mà viết đi. Đấy là một sự khuyến khích, động viên Diệu rất lớn. Điều cuối cùng qua việc này, Diệu muốn nói rằng: Để cho các tác phẩm xuất hiện và tạo nên không khí văn học ở trong nước cũng như ở bên ngoài, vai trò của người chủ biên các tạp chí văn học rất lớn.
(Nói chuyện với Đỗ Hoàng Diệu - Thụy Khuê)
Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Những sai lầm tai hại trong hai quyển Từ điển từ và ngữ Việt Nam và Từ điển từ và ngữ Hán Việt của Nguyễn Lân.
ẩn lậu 陰漏
Theo soạn giả thì ẩn nghĩa là giấu kín; lánh đi; ngầm; lậu nghĩa là rỉ ra ngoài, và ẩn lậu nghĩa là giấu giếm, không thẳng thắn nói ra. Quả thật, trong chữ Hán, chữ lậu 漏 này có nghĩa là rỉ ra ngoài. Nhưng như thế thì các từ tố ẩn và lậu có vẻ như trái nghĩa với nhau, bởi vậy, giải nghĩa như vậy là không thoả đáng, mà gọi là sai cũng được. Chữ lậu còn có vài nghĩa khác nữa, mà trong trường hợp này nó có nghĩa là lọt, là thoát (lậu võng nghĩa là lọt lưới), cũng là trốn tránh mà thôi. Vậy ta có thể nói rắng, ẩn lậu nghĩa là giấu giếm, là lẩn tránh. Soạn giả định nghĩa rằng, ẩn lậu nghĩa là giấu giếm, không thẳng thắn nói ra là để “khắc phục” điều mâu thuẫn mà ông cũng nhận thấy như chúng tôi chăng, nhưng, không thẳng thắn nói ra nghĩa là nói một cách ấp úng vì sọ sệ, hoặc là ở trong tình thế không thể giấu giếm được nên đánh phải nói ra chứ đâu có phải là ẩn lậu.
(Lê Mạnh Chiến & H.H.Phúc)
Cả vú lấp miệng em
Nhiều bà mẹ, khi nghe trẻ khóc, không cần dỗ dành, vỗ về gì cả mà dùng bầu vú sữa sẵn có trên mình để lấp miệng đứa bé. Nhờ được bú tí mẹ, đứa trẻ không khóc nữa. Hiện tượng mà chúng ta vẫn gặp, được dân gian khái quát thành câu cả vú lấp miệng em để chỉ hiện tượng dùng quyền lực để chèn ép, lấn át kẻ khác.
Tuy nhiên, ở thành ngữ này, có một số điểm khá lý thú về mặt chữ và nghĩa. Vú ở đây là mẹ, biểu trưng cho thế mạnh, trong khi đó em vừa là em bé, vừa là từ biểu trưng cho người người yếu thế. Miệng trong thành ngữ không chỉ là miệng ăn, miệng bú mà còn là miệng nói. Vì thế, miệng được biểu trưng cho lời nói, cho ý kiến, đề nghị, của người dưới với người trên. Còn lấp là hành động che, bịt lại, không cho lộ ra, không cho nói.
Ở trong thành ngữ này, riêng từ “cả” là ít giá trị biểu trưng nhất, lại hơi khó hiểu. Nhiều người đã hiểu cả là chỉ gộp, chỉ tổng thể với nghĩa là “tất cả, toàn bộ”, như trong cả nhà, cả con gà,… Nhưng cách hiểu này là không chính xác. Thực ra, cả trong thành ngữ này có ý nghĩa là “to, lớn”, như nghĩa của cả trong đũa cả, cả lưng rộng háng, cả hơi lớn tiếng,… Sự giao kết nghĩa của các yếu tố, tạo thành câu cả vú lấp miệng em nhằm hàm chỉ một thói xấu của người đời là hay ỷ vào thế lực, sức mạnh để chèn ép, lấn át người kém mình về thế lực và địa vị trong cuộc sống.
Từ Hán-Việt
Tôi muốn trình bày là những từ Hán Việt thông dụng, khi dùng nó phải đúng, và phải chính xác, chứ không phải bắt chước theo người Tàu, vì theo tôi, trong hiện tại, người Tàu dùng chữ cũng có nhiều từ rất là "kỳ dị". Tỷ dụ như:
Đảng Đối Lập họ gọi là đảng Phản Đối; bộ Y Tế thì họ gọi là bộ Vệ Sinh, Lữ Quán (Tửu Điếm) thì họ lại gọi là Tiệm Rượu.
Lại nhận thấy cách xưng hô trong tiếng Việt quả rất phức tạp nhưng cũng hết sức phong phú và chính xác, chứ không đơn giản "nị - ngộ" trong tiếng Hoa. Như “nhạc gia” là gia đình bên vợ (chứ chẳng phải là cha vợ như nhiều người vẫn thường gọi lầm), và “quân phụ” (phụ thân của phu quân) mới là cha chồng v.v...
(Thầy Chạy - Những danh từ Hán-Việt thường dùng)
Chữ nghĩa làng văn xóm chữ
Phạm Xuân Nguyên: “Sex” trong Bóng đè như một phương tiện là tình cờ hay chủ ý, với chị?
Đỗ Hoàng Diệu: Đầu tiên thì là tình cờ thôi, nhưng sau thì là có chủ ý. Truyện “Bóng đè” đầu tiên trong đầu em chỉ có cái cốt là một cô gái lấy chồng ở quê, rồi về nhà chồng, rồi nằm trên tấm phản, tức là trong đầu em vẽ ra một bức tranh, em nhìn thấy bàn thờ, nhìn thấy tấm phản, thấy bóng ma từ bàn thờ bước ra đè cô gái và cảm xúc bị bóng đè.
Đấy, lúc đầu em chỉ nghĩ ra bức tranh như thế thôi. Nhưng mà chẳng nhẽ khi viết em chỉ kể về cô gái, về bóng ma đi xuống đè cô gái. Cô gái bị bóng đè, thế là hết à. Sau em suy nghĩ lại thì mọi chuyện trong “Bóng đè” là phải như thế, tự nhiên là phải như thế.
(Trò chuyện với Đỗ Hoàng Diệu – Phạm Xuân Nguyên)
Truyện cực ngắn: Nhà thơ
Nói cách khác, truyện thật ngắn ngắn hơn truyện ngắn; truyện cực ngắn lại càng ngắn hơn truyện thật ngắn. Ngắn đến độ không thể ngắn hơn được nữa.
Như truyện:
Nhà thơ ngồi làm việc trong thư phòng. Có một sợi thòng lọng treo ngoài cửa. Mọi cơn mộng bay qua đều bị siết cổ. Nhà thơ chết mòn trên trang giấy.
Năm vị Tam Nguyên
Trong suốt 845 năm khoa cử lịch triều, kể từ khoa thi đầu tiên Minh Kinh Bác Học mở ra năm Ất Mão 1075 dưới triều vua Lý Nhân Tông tới khoa thi cuối cùng năm mậu ngọ 1918 ở Trung Kỳ, chỉ có 5 người được vinh dự mang danh hiệu Tam Nguyên tức đỗ đầu cả ba kỳ thi Hương, Hội và Đình. Đó là các vị Đào Sư Tích, Lê Quí Đôn, Trần Bích San, Nguyễn Khuyến và Vũ Phạm Hàm.
Danh hiệu khác với học vị. Đỗ đầu một kỳ thi thì được mang danh hiệu "Nguyên". Đỗ đầu kỳ thi hương là Giải Nguyên, đỗ đầu kỳ thi Hội là Hội Nguyên, đỗ đầu kỳ thi Đình là Đình Nguyên. Học vị là đẳng cấp cao thấp của văn bằng. Thấp nhất là Tú Tài cao hơn là Cử Nhân (dưới triều Lê Trung Hưng là Sinh Đồ và Hương Cống). Thi Hương chỉ đỗ Tú Tài hoặc Cử Nhân, ai đỗ Cử Nhân mới được phép thi Hội ở kinh đô. Nếu đỗ thi Hội, thi Đình thì được học vị Tiến Sĩ. Học vị Tiến Sĩ lại chia ra nhiều cấp khác nhau với ba giáp là đệ nhất, đệ nhị và đệ tam. Tiến Sĩ Đệ Nhất Giáp còn gọi là Tiến Sĩ Cập Đệ chỉ lấy có ba người, cao nhất là Trạng Nguyên (trùm đầu), thứ nhì là Bảng Nhãn (mắt bảng), thứ ba là Thám Hoa (thăm hoa). Dưới đời nhà Nguyễn học vị Trạng Nguyên bị bãi bỏ, do đó từ năm 1822 trở về sau Bảng Nhãn là học vị cao nhất (dưới triều vua Gia Long chỉ có thi Hương, mãi đến năm 1822 vua Minh Mạng mới mở khoa thi Hội). Thứ đến là Tiến Sĩ Đệ Nhị Giáp còn gọi là Tiến Sĩ Xuất Thân không hạn chế số người, nhiều hay ít tùy theo khoa. Đỗ đầu đệ nhị giáp có học vị là Hoàng giáp. Sau cùng là Tiến Sĩ Đệ Tam Giáp còn gọi là ĐồngTiến Sĩ Xuất Thân (tức là Tiến Sĩ thường).
Đến đời Minh Mạng kể từ khoa thi năm 1829 sợ bỏ xót nhân tài nên cho những người trúng cách nhưng không đủ phân điểm được đỗ Phó Bảng. Phó Bảng là học vị cao hơn Cử Nhân nhưng dưới Tiến Sĩ (vua Tự Đức gọi là Tiến Sĩ bất cập hay nôm na là Tiến Sĩ đỗ vớt).
(Trần Bích San – Lịch sử khoa cử lịch triều Việt Nam)
Khẳm
Khẳm : đầy, hết chỗ
(thuyền chở khẳm – ăn khẳm)
(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)
Giai thoại làng văn
Tôi được gặp ông Phùng Tất Đắc lần đầu tiên tại trụ sở báo Đông Tây ở 12 phố Nhà Thờ. Vừa mới thấy ông Đắc ngồi ở bàn viết ở cửa sổ đi thẳng vào, tôi đã biết ngay. Ngồi xuống ghế, nói với ông câu đầu, máu tôi chảy có một dòng, phần vì sợ văn ông, phần vì vẫn nghe tiếng ông là con nhà giầu ở Nam Thành, thạo đời một cây, lại có tiếng là tay ăn chơi sộp, mà mình thì chỉ là một anh học trò mới bước chân vào đời! Nói thì biết nói gì bây giờ? Tôi luống cuống và cảm thấy tay chân thừa cả, không biết giấu chỗ nào.
Mà ông Phùng Tất Đắc thì mặt lại lạnh như tiền, không hề khuyến khích tôi một ly ông cụ. Thành thử ngồi chưa đầy năm phút, tôi đứng dậy xin lên lầu gặp ông Hoàng Tích Chu như đã hẹn, nhưng trong năm phút ấy, có ai biết rằng tôi đã sợ ông Phùng Tất Đắc thêm biết chừng nào không?
Ông Đắc mặc âu phục, vén tay áo sơ mi lên ngồi rung đùi khảo cứu Nho giáo. Bên cạnh hai cuốn sách của Lệ Thần Trần Trọng Kim, tôi thấy một chồng sách chữ nho. Đêm hôm ấy, về nằm nhớ lại buổi ban chiều, tôi chán đời không thể tả, vì thấy Phùng Tất Đắc, tôi quan niệm muốn viết báo cho ra viết báo, muốn sử dụng ngòi bút cho tài tình như ông Đắc trong mục “Trước Đèn” của báo Đông Tây, người ta phải thông kim bác cổ, thạo cả chữ Hán lẫn chữ Tây. Mà tôi thì chữ Tây mới đến sơ gông, còn chữ Hán thì biết có mấy chữ “Cố công điền giao từ” do hai cụ Thiện và cụ Chính dạy ở trường Hàng Vôi lúc còn theo tiểu học. Thế này thì đến kiếp chết cũng không thể thành một nhà báo như Phùng Tất Đắc và Hoàng Tích Chu!
Tôi lại xây mộng, tôi lại mơ ước học chữ Hán, nhưng đó chỉ là mơ ước hão thôi, cũng như sau này tôi thấy bọn các ông Đỗ Văn, Chu Mậu, Đặng Trọng Duyệt làm báo chữ Tây, viết chữ Tây, tôi lại mơ ước giỏi chữ Tây để viết báo Tây kiểu “Cri de Hanoi”, rút cục bao nhiêu mộng ấy đều biến ra mây khói... phù du hết.
(Vũ Bằng – Bốn mươi năm nói láo)
Chữ nghĩa làng văn xóm chữ
Theo các nhà ngữ học thì tiếng Việt là thứ tiếng đứng thứ 12 trên thế giới về số đông người nói là 83 triệu. Tiếng Việt vay mượn rất nhiều từ ngữ 58thứ tiếng lớn nhỏ ở nam Á châu, từ tiếng Thái Lào, Khmer, Miến, Malay, Indonesia cho đến những tiếng nói thiểu số với vài ba trăm ngàn người, tiếng Muờng, tiếng Nùng, tiếng Hmong, tiếng Chàm. Như:
- ta nói săn sóc, chăm “sóc” mà ta chẳng hiểu “săn” là gì mà “sóc” là gì.
“săn” là theo dõi, “sóc” là sức khoẻ gốc Sanskrit / Pali.
(Nguyễn Hy Vọng - sưu tầm & tản mạn)
Bằng hữu kim kỳ phú
Bài phú của Nguyễn Đôn Phục, ông đỗ cử nhân khoa quý dậu năm thời Tự Đứclà một kho ngôn ngữ dân gian gồm những tục ngữ, thành ngữ, phương ngôn cúa một vùng đất, hàm súc về nhân sinh, tình yêu, tinh bè bạn ..v..v..
Nguyễn Đôn Phục xuất thân từ cửa Khổng sân Trình, chọn lọc từ khó tàng văn học dân gian đem sắp xếp hệ thống lại một cách công phu trong bố cục của một bài phú có vần điệu, có đối xứng theo luật bằng trắc vừa kết hợp được tính cổ điển và tính dân gian phóng khoáng từ thời Tự Đức thứ 26 (1873).
Bởi vì cơm chúa nên múa tối ngày; chớ thấy ăn khoai vác mai chạy quấy.
Dầu mà không mợ thì chợ cũng đông; e khi có chồng như gông vào cổ.
Đừng khinh dại ngộ, cha nó lú còn chú nó khôn; phải nghĩ nguồn cơn, mẹ tốt sữa nên con mới mập.
Chớ dớn dác cái cù cái đập, mà dựa hơi lũ cá lòng tong.
Nhẫy đồng vì bởi nước sông, có gió nên rung mõ.
Trách đòn gánh, nọ công trau rồi lại đè vai; sợ lũ gà kia vì vắng chủ đã toan bươi bếp.
Nói sao cho hết tình đời ai dại ai khôn, kể thử mà nghe lời thế tục, tục thanh thanh tục.
Ai chưa nhắm mắt về cùng mười đất chín trời, thì phải cắn răng với năm cha ba mẹ...
(còn tiếp)