banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Chữ nghĩa làng văn

01 tháng 07.2015

phingochung
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

“Chữ nghĩa làng văn” đôi khi chỉ là một chữ, cụm từ, đoạn văn cô đọng, diễn nghĩa, diễn giải một áng thơ văn hoặc một thể tài nào đó. Những trích dẫn được góp nhặt qua sách vở, trên mạng lưới của nhiều tác giả thành danh hay khuyết danh, không ngoài góc nhìn tận tín thư bất như vô thư. Ấy là chưa kể nhiều từ ngữ, đề mục trong bộ sưu tập đang còn trong vòng nghi vấn, cần phải thẩm định lại nếu có thể được với những bậc thức giả văn kiến súc tích. Những phụ chú, dẫn chứng hay giai thoại do người viết kể lại, với chủ quan, khách quan chỉ cách nhau một sợi tóc. Vì vậy người sưu tầm không đặt ra “sai” hay “đúng”, vì cái sai hiện tại có thể là cái đúng ở một thời điểm nào khác. Xin chân thành cảm tạ và cáo lỗi những tác giả đã đóng góp bài vở trong sưu tập này, nhưng vì phương tiện eo hẹp nên người sưu tầm không thể thỉnh ý tác giả trước khi đăng tải.


Thả thơ
Thả thơ là một nghệ thuật chơi chữ, người thả thơ đưa ra mấy câu thơ, trong đó giấu đi một chữ và đưa ra một số chữ để thay chữ bị khiếm khuyết. Cái khéo của người thả thơ chọn những chữ có vẻ “đúng” để cho người chơi trò chơi chữ nghĩa phân vân…
Dưới đây là một thí dụ với Bùi Giáng:
Và hé mở môi không hường một lúc
Sương gió cũ thiên thu cúi gục
Cỏ nội đồng là sực tỉnh ra hoa
Em ra đi là bưng mặt khóa òa
(Không đề - Mưa nguồn)
Chúng ta phải chọn 1 trong 5 chữ “sầu – buồn – là – về - còn
(Liên Hoa – Đặc san Mê Linh 2006)

Đãng tử, lãng tử
Thơ có câu “Đừng học thói huyênh hoang đãng tử - Lại đua đòi bạo ngược cường đồ”
Đãng tử - Kẻ chơi bời, không có địa vị trong xã hội.
Tiếng Việt Ta gọi là…”lãng tử”.

Địa danh miền Trung trong văn học sử
Thanh Hóa
Thanh Hóa là tỉnh cực Bắc miền Trung. Cách đây khoảng 6000 năm đã có người sinh sống tại đây. Các di chỉ khảo cổ cho thấy nền văn hóa xuất hiện đầu tiên là văn hóa Đa Bút. Sang đầu thời đại đồ đồng, Thanh Hóa đã trải qua các giai đoạn văn hoá: Cồn Chân Tiên, Đông Khối - Quỳ Chữ tương đương với các văn hóa Phùng Nguyên - Đồng Đậu - Gò Munlưu vực sông Hồng.

Thời Bắc thuộc
Nhà Hán chính quyền đô hộ Thanh Hóa thuộc quận Cửu Chân. Sang đến thời nhà Lương đổi Cửu Chân là Ái Châu. Đến thời nhà Tùy gọi là Cửu Chân quận. Cửu Chân là miền đất rất khó xác định địa giới rành mạch, có thể bao gồm Thanh Hoá, một phần đất Nghệ An và một phần đất phía Nam Ninh Bình ngày nay.
Ở thời kỳ tự chủ Thanh Hóa được đổi tên nhiều lần:
Thời Nhà Lý phủ Thanh Hóa.
Thời Nhà Lê, Thanh Hóa là thừa tuyên Thanh Hoa.
(gồm tỉnh Thanh Hóa ngày nay và tỉnh Ninh Bình).
Gia Long thứ nhất (1802), đổi gọi là trấn Thanh Hóa. Năm Minh Mệnh thứ 12 (1831), đổi trấn thành tỉnh, bắt đầu gọi là tỉnh Thanh Hoa (lấy nội trấn làm tỉnh Thanh Hoa và ngoại trấn làm tỉnh Ninh Bình, tên tỉnh Thanh Hoa có từ đây). Với chức quan đầu tỉnh là tổng đốc, bố chánh và án sát, dưới có các quan phủ và huyện. Dưới nữa là chánh tổng, lý trưởng, (lý trưởng do dân bầu và được quan huyện thay mặt triều đình thừa nhận).
Đến năm Thiệu Trị thứ nhất (1841), lại đổi thành tỉnh Thanh Hóa. Tên gọi Thanh Hóa không đổi từ đó cho tới ngày nay.

Thả thơ với Bùi Giáng
Chữ được chọn: “về”.
(Liên Hoa – Đặc san Mê Linh 2006)

Chữ nghĩa trong câu đối
khải địnhThái tử Bửu Đảo, sau này là Hoằng Tôn Tuyên Hoàng đế Khải Định nổi tiếng là ăn chơi, mê đào hát và giỏi chữ Hán-Nôm.
Dưới đây là khẩu khí của ông, cũng là câu đối duy nhất trong kho tàng câu đối nước ta với vế trên toàn chữ Hán, vế dưới toàn chữ nôm:
“Quốc gia lịch tứ thiên dư, do truyền nhân vật, như Tô như Duật, như Phật Tử Quân, như Trần Quốc Tuấn, như Phạm Công thượng tướng quân, như Bạch Vân phu tử, như ngự sử Lê Cảnh Tuân, như công thần Nguyễn Công Trứ, tài chi tuấn thời chi tuế, thế chi ư, khí nhưng nhiên phủ, thần long đắc vũ tiện vân đằng”.
“Xuân xanh tuổi ngoài đôi chục, chơi đục trần ai, khi bài khi bạc, khi tài bàn vác, khi tổ tôm quanh, khi năm canh ngồi nhà hát, khi gác cổ ả đào, khi ghẻ tầu con đĩ xác, khi nằm rạp thuốc phiện tiêm, hoanh ra dáng rạng ra rồng, ngông ra phết, cóc biết chi tồi, miệng én đưa qua mùi gió thoảng”.

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Thà hôn em một lần rồi chịu tát, còn hơn cả đời nhìn thằng khác hôn em!

Phương ngữ Hà Tĩnh
Để chỉ đồ tre nứa đan thưa dùng để đựng các loại rau, củ, quả thì tiếng Bắc chỉ có vài danh từ là “giành”, “rổ”, trong khi phương ngữ Hà Tĩnh có rất nhiều từ tùy thuộc vào mắt đan thưa hay mau, kiểu đan lồng mốt, lồng đôi hay lồng ba v.v. như “giành”, “ky”, “đúa”, “sảo”, “cạo” “rổ” v.v. Còn các dụng cụ đan bằng tre nứa có mặt phẳng lớn hơn để chứa, đựng thì tiếng Bắc chỉ có “nong, nia” chung chung, còn phương ngữ Hà Tĩnh lại phân ra như “vựa” (được đan ken dày), “nôống gầm” (dùng để sảy lúa, gạo”, “nôống sưa” là cái nong được đan thưa (dùng để phơi khoai, sắn cắt lát cho chóng khô), “ránh” cũng là nong đan thưa nhưng mắt lỗ bé hơn so với nôống sưa ( dùng phơi cau khô) v.v.
(Tống Trần Tùng - Tản mạn về ngôn ngữ địa phương Hà Tĩnh)

Đất lề quê thói
Sinh chậm
Trong khi sinh đứa trẻ lâu ra. Nguời chồng phải:
Lẳng lặng qua nhà hàng xóm, tìm người đàn bà nào dễ sinh. Ăn cắp chiếc rút quần hoặc giải rút sống váy của người này rồi mang về quấn vào bụng vợ.
(Nguời Việt đất Việt – Toan Ánh)

Vinh quy bái tổ
Theo Khâm định Đại Nam hội điểu sự lệ, từ khoa thi Tiến Sĩ đầu tiên của triều Nguyễn (1822) đã có lệ định việc vinh quy của tân Tiến Sĩ. Việc vinh danh cho các tân Tiến Sĩ là cho xem hoa tại vườn ngự uyển và cưỡi ngựa dạo quanh kinh thành.
Xong việc ngắm hoa, các tân Tiến Sĩ lại được cấp một lọng đen, một hồ lô đen, một con ngựa kèm theo bốn lính hầu. Tiếp đó, quan kinh dẫn các tân Tiến Sĩ cưỡi ngựa ra cửa chính đông đi ngắm phố phường xung quanh kinh thành. Xong việc trở về thì phải trả lại ngựa. Hôm sau, quan kinh lại dẫn các tân Tiến Sĩ vào Văn Minh điện để dâng biểu tạ ân và để vua hỏi han các tân Tiến Sĩ. Xong xuôi, quan bộ lễ sẽ chọn ngày tốt để các tân Tiến Sĩ làm lễ ở Văn Miếu.
Tân Tiến Sĩ được ban cấp cờ có thêu học vị đã đạt được trong khoa thi và tấm biển màu đỏ một mặt khắc hàng chữ ân tứ vinh quy, mặt kia khắc tên tuổi thứ hạng đỗ đạt. Đồng thời, triều đình lệnh cho các quan địa phương cử mười hay hai mươi quân lính binh phục đầy đủ để hộ tống tân Tiến Sĩ về làng vinh quy bái tổ.
Về địa phương thì quan chức sở tại phải tổ chức một đám rước long trọng để đón tân Tiến Sĩ về làng. Đám rước tân Tiến Sĩ đi đầu có hai người cầm biển, tiếp đó tân Tiến Sĩ ngồi trên võng có hai người gánh, sau cùng là một người mang đồ đạc, hai bên có hai hàng lính hộ tống. Về đến làng thì được các vị chức sắc làng và dòng họ cùng dân chúng ra nghênh đón.
(Phụ đính: Tục vinh quy bái tổ có từ thời Lê)
(Khoa bảng Việt Nam thời xưa – Phạm Vũ)

Chỉn
Chỉn : chỉ
(chỉn có một mình – chỉn ghê: thật ghê gớm)
(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

Năm tao bảy tuyết
Trong tiếng Việt để diễn tả ý nhiều lần gặp lại (của một sự việc nào đó), người ta thường dùng thành ngữ năm tao bảy tiết (tuyết).
Tao ở đây là "lần", "lượt", "phen" và tiết (tuyết) là chỉ hình thức đối xứng về mặt ngữ âm trong thành ngữ cùng với các số từ quen thuộc năm và bảy để diễn đạt, biểu thị cái ý "nhiều lần”. Thường thì thành ngữ trên được dùng khi muốn nói về một sự tái diễn nhiều lần mà thường không toại nguyện người trong cuộc.
Trong sử dụng, có khi thành ngữ năm tao bảy tiết phát sinh những nét nghĩa mới tuỳ hoàn cảnh nói năng. Có khi nó hàm nghĩa "nhiều, ở mức độ lớn". Thí dụ: "Mẹ chỉ biết, thương chồng thì lo cho chồng năm tao bảy tiết, thương con, mẹ lo cho con chẳng kể nắng mưa".
Có khi năm tao bảy tiết (tuyết) còn hàm nét nghĩa "vất vả, phải làm đi làm lại nhiều lần":
"Bên anh chăn nuôi thế nào chứ ở đây thật là năm tao bảy tuyết đấy ".
(Nguồn: Tìm hiểu điển tích thành ngữ)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Lạy thượng đế bao giờ con hết khổ
Tổ cha mày con khổ mãi nghe con

Cơm
Ta đã biết làm ruộng, nên ta đã có danh từ Cơm không phải Quan-thoại cũng không phải Quảng-đông. Nhưng chắc là ta chưa biết nấu cháo, y như đồng bào Thượng ở Kontum ngày nay, họ không hề biết món đó, nếu không có chung đụng với ta.
Quan-thoại nói Chúa, Quảng-đông nói Chúc, Hán Việt nói Chúc, tiếng Việt Cháo, rõ ràng do tiếng Tàu mà ra.
Ta không biết món cháo, y như đồng bào Thượng ngày nay. Vả lại Trung Hoa cũng biết cháo trước ta không lâu lắm. Theo bác sĩ Huard, giáo sư y khoa ở Hà-nội hồi tiền chiến, tác giả quyển"Y Khoa Trung Hoa" thì môn trị bịnh bằng cách ăn uống (diététique), chỉ mới xuất hiện ở Trung Hoa vào cuối đời nhà Chu mà thôi, tức cách nhà Hán chỉ một triều đại nhà Tần dài không tới trăm năm. Món cháo không phải là món ăn của người thường mà là món ăn của người đau ốm vì cháo thuở ấy là cháo trắng, tức cháo hoa, chớ chưa biết nấu cháo thịt, cháo lòng, cháo cá như về sau.
(Bình Nguyên lộc - Dân Lạc Việt qua ngôn ngữ Việt Nam)

cot bien gioi
Cột biên giới cách Lạng Sơn 18km
(Hình chụp của quân đội Nhật)

Đường thiên lý là tên gọi cũ của Quốc Lộ 1A (QL1A) ngày nay. Thời nhà Nguyễn còn có tên là “đường cái quan”, chạy dài từ Lạng Sơn từ cây số 0 ở Ải Nam Quan (nay gọi là “Hữu Nghị Quan”) đến mũi Cà Mâu (thị trấn Năm Căn).

cot bien gioi

 

 

 

 

 

 

 

Đường thiên lý được thiết lập và xây dựng qua nhiều triều đại. Đường cái quan (hay đường thiên lý) vượt qua đèo Tam Điệp.
Dân gian gọi đèo Tam Điệp là “đèo Ba Dội”. Bà Hồ Xuân Hương làm bài thơ “Đèo Ba Dội” nổi tiếng như sau:
Một đèo, một đèo, lại một đèo,
Khen ai khéo tạc cảnh cheo leo.
Cửa son đỏ loét tùm hum nóc,
Hòn đá xanh rì lún phún rêu.
Lắt lẻo cành thông cơn gió thốc,
Đầm đià lá liễu giọt sương gieo.
Hiền nhân, quân tử ai là chẳng ...
Mỏi gối, chồn chân vẫn muốn trèo
(Nguồn: Vương Sinh)

Không nghe, không thấy, không nói
Nếu người Nhật có triết lý qua ba con khỉ: “Bịt tai, bịt mắt, bịt mồm” thì Lê Quý Đôn trong Kiến văn tiểu lục có bài thơ này:
Nhĩ bất văn nhân chi tội
Mục bất đổ nhân chi đoản
Khẩu bất ngôn nhân chi quá
(Tai không nghe chuyện tội lỗi của người, mắt không thấy những vụng kém của người, miệng không nói những sai lầm của người)

Nét đặc biệt trong tiếng Huế
Tiếng Huế không phải chỉ đơn giản tê mô răng rứa như xuất hiện trong thơ và văn xuôi những nét chấm phá rất dễ thương để nói về người và xứ Huế; mà nhức đầu, phức tạp, nhiêu khê, đa dạng và phong phú hơn nhiều. Tùy vào từng địa phương của Huế, cách phát âm có chỗ nặng nơi nhẹ; lúc thanh tao khi khó hiểu.
Chiều hắn cho gắt, hắn được lờn
(Chiều nó cho lắm vào, nó làm tới).
Mệ tra rồi mệchướng
(Bà ấy già nên sinh tật).
Chữ chướng, người Huế cũng thường dùng để chỉ người bướng bỉnh hoặc các vị có lối nói, cách hành xử ngang như cua .
Ăn bụ cua cho hết đái mế
(Ăn vú cua cho hết đái dầm).
Chữ bụ cũng dành cho người và các loài có vú khác. Bụ mạ là vú mẹ, bọp bụ là bóp .
(Nguồn ĐatViet.com)

Chẻn : vừa vặn
(vừa chẻn – ngồi chèn hoẻn: ngồi trơ trụ)
(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

Cánh
Chiếc phao câu được thằng Mõ chặt làm bốn, bày vào một đĩa dành cho đám đàn anh. Cái đầu được chia thành năm, bày vào một đĩa dành cho các cụ. Hai chiếc cánh gà, đôi chân gà được chặt và bày vào một đĩa khác nữa.
Thứ nhất phao câu nghĩa là chiếc phao câu được dành cho chiếu thứ nhất. Làng nào có tiên chỉ thì ông tiên chỉ, một mình một cỗ, được hưởng cả cái phao câu. Không có tiên chỉ thì những người được ngồi chiếu nhất cùng hưởng. Làng thằng Mới có bốn người ngồi chiếu nhất nên chiếc phao câu được chia làm bốn phần.
Thứ nhì đầu cánh nghĩa là chiếu thứ nhì chia nhau cái đầu gà. Làng nào có nhiều người ngồi chiếu nhì thì hết đầu gà có thể dùng thêm cánh gà bù vào.
(Phụ chú: Đầu cánh là cái đầu và cái cánh chứ không phải là cái đầu (ngọn) của cái cánh)
(Ngô Tất Tố - Nghệ thuật băm thịt gà)

(còn tiếp)