Chữ nghĩa làng văn
tháng 04.2017
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng
“Chữ nghĩa làng văn” đôi khi chỉ là một chữ, cụm từ, đoạn văn cô đọng, diễn nghĩa, diễn giải một áng thơ văn hoặc một thể tài nào đó. Những trích dẫn được góp nhặt qua sách vở, trên mạng lưới của nhiều tác giả thành danh hay khuyết danh, không ngoài góc nhìn tận tín thư bất như vô thư. Ấy là chưa kể nhiều từ ngữ, đề mục trong bộ sưu tập đang còn trong vòng nghi vấn, cần phải thẩm định lại nếu có thể được với những bậc thức giả văn kiến súc tích. Những phụ chú, dẫn chứng hay giai thoại do người viết kể lại, với chủ quan, khách quan chỉ cách nhau một sợi tóc. Vì vậy người sưu tầm không đặt ra “sai” hay “đúng”, vì cái sai hiện tại có thể là cái đúng ở một thời điểm nào khác. Xin chân thành cảm tạ và cáo lỗi những tác giả đã đóng góp bài vở trong sưu tập này, nhưng vì phương tiện eo hẹp nên người sưu tầm không thể thỉnh ý tác giả trước khi đăng tải.
Thơ vô thức
Đối với việc trước tác, khi muốn dựng lên một hình ảnh nào đó, điều trước tiên, ta cần chứng minh tài năng và bản lãnh của mình. Dư luận sẽ công bình phán xét. Ta không nên theo thói thường, phải “đạp đổ” một cái gì đấy xuống... Điều gì thật sự hay đẹp, tự nhiên sẽ được chấp nhận. Gần đây, một số người cố tạo ra những cuộc “gây hấn” lớn. “Gây hấn” là một điều cần thiết để cải thiện. Nhưng, không phải vì thế mà chúng ta, để tạo sự chú ý, cần chăng, ví dụ, đem truyện Kiều... và cụ Nguyễn Du ra 'tra tấn'.
Cũng gần đây, tôi (Nhược Trần) thấy trong giới văn nghệ sĩ Việt Nam, không ít người chạy theo một trào lưu mới đề cao và ưa chuộng thể “thơ vô thức” (?). Trong dư luận đa số độc giả biết thưởng thức thơ đều cảm thấy ngột ngạt khó chịu, mỗi khi bắt gặp những thể loại thơ này đăng nhan nhản trong các tạp chí Việt ngữ. Những sự ghép chữ gượng gạo. Những câu văn xuôi bị cắt ra từng đoạn, phẩy, chấm xuống hàng. Những bài thơ không thật, vô nghĩa và trống rỗng.
Thơ giống với hội họa ở ý nghĩa và tác dụng nghệ thuật nội tại, nhưng khác ở cách thể hiện. Tranh trừu tượng, tranh biểu tượng... có thể được thực hiện bởi vô thức hay tiềm thức. Nhưng trong thơ không thể có những thứ ngôn ngữ hỗn loạn được gọi là vô thức hoặc bí hiểm siêu hiện thực. Ý tứ của câu thơ có thể chuyên chở những tư tưởng lớn, những ẩn dụ, những ý nghĩa tiềm tàng của tiềm thức hay vô thức thông qua ngôn ngữ nhiều hình tượng, nhưng ở một người có tâm lý “bình thường”, khi sáng tác không thể ít nhiều không chú tâm đến những qui luật về ngữ pháp. Nói tóm, tôi khuyến khích những tìm tòi, những thể nghiệm siêu thực, nhưng hoàn toàn phủ nhận những thái độ làm dáng ngụy tạo và những sự lạm dụng quá đà. Trò chơi chữ nghĩa thật bao la vô tận, ta không nắm bắt được nó, nó sẽ hốt hồn ta mất.
(Nhược Trần - Về chuyện mới cũ)
Triết lý củ khoai
(…trích lục lại)
Lúc bé, tưởng thành người lớn là lớn, bây giờ đã thấy có nhiều người đã lớn mà vẫn chưa thành người lớn, và đến khi thật sự thành người lớn thì người ta sẽ biết không bao giờ bé trở lại được.
Bút ký, ký sự đầu tiên
Có thể nói Hải Thượng lãn ông Lê Hữu Trác là người đầu tiên viết ký sự hay bút ký đầu tiên trong văn học nước nhà. Là danh y đất Hương Sơn, Hà Tĩnh, năm 1782 thời vua Lê chúa Trịnh, ông nhận được lệnh triệu về kinh đô Thăng Long chữa bệnh cho Trịnh Cán con của Trịnh Sâm gần một năm. Năm 1783, ông viết xong “Thượng kinh ký sự” ghi lại chuyến đi. Tập ký ấy là một tác phẩm văn học vô cùng quý giá cho sử học, xã hội học thời bấy giờ.
(Hải Thượng lãn ông: Hải Thượng là hai chữ đầu của tỉnh Hải Dương (quê nội) và phủ Thượng Hồng (quê ngoại). Còn “lãn ông” là “ông lười”, ngụ ý…lười biếng với phú quý công danh)
(Thành Viên – Vietpen.net)
Chữ Việt cổ
bủ: bà già
(Phạm Xuân Độ)
Chính sử, ngoại sử
Sử Việt chia làm hai phần:
Phần chính sử hay là bản kỷ.
Phần ngoại sử hay là ngoại kỷ.
Trong phần ngọai kỷ gồm những chuyện cổ tích, thần thoại, truyền thuyết, huyền thoại. Tất cả đều là hư cấu, hoang đường.
(Lê Đình Châu – Thần tổ kép của dân tộc Việt Nam)
Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Sau một loạt ấn bản “từ điển Vũ Chất” bị “tuýt còi” với lỗi ngô nghê, mới đây, lại có thêm một
cuốn từ điển với cách giải nghĩa từ ngữ… giật mình, đó là cuốn “Từ điển tiếng Việt” do NXB Bách khoa Hà Nội biên soạn, với đối tác liên kết là Nhà sách Huy Hoàng.
“nhọ” là “lọ”
(Chính Lê)
Mõ
Trẻ già chốn chốn đều nghe lệnh
Làng nước ai ai cũng cứ lời
(Lê Thánh Tôn)
Đầu thế kỷ 20, thằng Mõ còn mang tên là mộc đạc, rồi đạc phu.
Mộc đạc nguyên nghĩa là cái chuông bằng đồng, có quả lắc bằng gỗ. Ngày xưa dùng "mộc đạc" để đánh hiệu vào học. Do đó người ta gọi thầy học là mộc đạc (Đào Duy Anh), hoặc đạc tư (Thiều Chửu), thầy giảng đạo gọi là đạc đức (Huỳnh Tịnh Của).
Ta có thể suy ra rằng ngày xưa mõ làng còn dùng chuông, trước khi dùng mõ.
Đầu thế kỷ 20, trong sách vở chưa có tên thằng Mõ. Ngược lại chữ mõ (chuông mõ) đã có mặt và được định nghĩa là đồ dùng làm hiệu lệnh, bằng bộng cây hoặc bộng tre. Chuông mõ là tiếng gọi chung đồ dùng của thầy chùa (Huỳnh Tịnh Của).
Cái mõ xuất hiện trước thằng Mõ. Nhưng có thể nào cho rằng gọi là thằng Mõ vì nó gõ mõ không ? Chắc chắn là không vì chẳng có ai dám gọi nhà sư là thằng mõ.
Muốn tìm nguồn gốc chữ Mõ chúng ta hãy tìm hiểu chính thằng mõ. Phần đông mõ làng là những người tha phương cầu thực, từ chỗ khác tới làng kiếm ăn. Bị mọi người khinh rẻ. Chỉ cần nói thằng mõ, ai cũng biết nhân vật được nói tới.
(Nguyễn Dư – Chim viêt.free.fr)
Chữ nghĩa làng văn xóm chữ
Nói về cuốn hổi ký mà mẹ ông, bà Nguyễn Thị Thế, viết về gia đình Nguyễn Tường ông cho biết: Trong sách học thì ghi là Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam sinh ở Hải Dương, không nói gì đến gốc gác của họ Nguyễn Tường, là một dòng giõi quan từ đời ông Nguyễn Tường Vân là Binh bộ Thượng thư của vua Gia Long.
Nhà văn, hoạ sĩ Duy Lam: Ông Nhất Linh là bác tôi vì mẹ tôi là em ruột của ông có viết cuốn Hồi ký của gia đình Nguyễn Tường - Nhất Linh - Hoàng Đạo - Thạch Lam. Tôi đã tái bản đến ba lần. Mẹ tôi viết sau khi ông mất và đó là điều đáng tiếc. Chắc ông rất thú vị vì em gái của mình mà ông rất quý cũng đã viết hồi ký. Cuốn hồi ký được nhắc nhiều nhất trong văn học. Nhắc đi nhắc lại, trích trong văn chương Việt Nam.
Khi quyển hồi ký ra đời vào năm 1968 ở Sài Gòn thì nó đã làm cho tất cả các sách giáo khoa phải thay đổi vì cái gọi là gốc gác của họ Nguyễn Tường là ở Cẩm Phô, Quảng Nam. Trước đó không ai hề hay biết. Trong sách học thì ghi là Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam sinh ở Hải Dương, không nói gì đến gốc gác của họ Nguyễn Tường, là một giòng dõi quan từ đời ông Nguyễn Tường Vân là Binh bộ Thượng thư của vua Gia Long. Chữ Tường là bởi vua Gia Long đi đến chân núi Phước Tường, Hội An thì hỏi mọi người núi này là núi gì, ông trả lời “Thưa Chúa đây là núi Phước Tường”. Vua Gia Long nói với ông Nguyễn Tường Vân đi bên cạnh là hầu cận rất thân “Phước là họ ta nhưng Tường thì ta ban cho nhà ngươi”. Từ đó trở đi thì mới là họ Nguyễn Tường, trước thì chỉ Nguyễn không thôi.
Cụ Nguyễn Tường Vân có làm sứ thần cho vua Gia Long sang nước Trung hoa thời nhà Thanh. Ở nhà tôi có một bức hình chụp cụ Nguyễn Tường Vân do nhà Thanh vẽ tôi có triển lãm trong các ngày lễ văn hóa ở các trường trung học ở Đà Nẵng năm 1971. Bức hình đã lâu đời hết sức nhưng màu vẫn còn đẹp nguyên."
(Gia đình Nguyễn Tường, vinh quang và bi kịch – Duy Lam)
Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Đề: Tả con gà
Nhà em có 1 con gà. Nó là giống gà Đông Cảo. Nó to bằng con gà gi. Nó nặng từ 8-10 kg... nên chả hiểu nó là giống gà gì. Cứ sáng sớm thức dậy, con gà trống nhà em nó đều nhảy phốc lên cây rơm, gáy ò ó o.
Gáy xong hồi dài nó lấy hai cánh vỗ phành phạch vào mông đít.
Đất lề quê thói với phong tục cổ truyền<
Chiếc kim
Ngoài cái trâm còn 7 chiếc kim.
Theo quan niệm cổ truyền " Nam thất nữ cửu" (đàn ông 7 vía, đàn bà 9 vía). Vì để phòng xa, dùng cho con rể nên bà mẹ vợ chỉ đưa 7 chiếc kim, chứ không phải dùng cho con gái vì con gái không bị phạm phòng.
Trong hàng vạn trường hợp mới có một trường hợp là phạm phòng, nhưng điều cần thiết là phải cùng nhau hiểu biết, thông cảm mà phòng ngừa, nhất là trong tuần trăng mật hoặc vợ chồng cách xa nhau lâu ngày về gặp nhau.
Giới thiệu thêm phương thuật chữa tai biến phạm phòng:
Khi nam nữ giao hợp với nhau, khoái cảm lên đến cực độ, tinh khí xuất quá nhiều, có thể chết (chết trên bụng vợ). Khi xảy ra như thế, nhất thiết không được đẩy rời nhau ra (dù là xấu hổ cũng phải để nguyên như tư thế đang giao hợp). Nếu đàn ông xuất tinh quá nhiều bị thoát, thì người đàn bà phải chúm miệng thổi hơi nóng của mình vào miệng chồng, nếu đàn bà bị thoát hết khí, thì đàn ông cũng làm như vậy, để tống hơi nóng của mình vào miệng vợ. Tống hơi nóng như vậy mấy chục lần, dương khí sẽ dần trở lại.
Trong khoảnh khắc cấp bách giành giật giữa cái sống và cái chết như vậy, để bảo vệ điều hoà hai khí âm dương, chẳng những không được hoảng hốt rời khỏi giường, mà không để cho dương vật thoát ra khỏi âm hộ, nên phải ôm chặt lấy phần nửa mình phía dưới, Người đã ngất lịm rồi không biết gì nữa, hoàn toàn do người sống chủ động ôm riết lấy, để cho khí không tuyệt hẳn, phải tống khí liên tục cho đến khi sinh khí của người kia tỉnh lại mới thôi.
Cách tống khí: Phải chúm miệng lại, đưa được khí từ hạ đan điền(1) lên, truyền qua miệng tống khí vào đến yết hầu người kia theo nhịp thở. Cách này cả trai và gái đều nên biết. Sau khi dương khí đã hồi phục phải dùng bài "Nhân sâm phụ tử thang"(2). Nếu nhà nghèo không có nhân sâm, thì cấp tốc dùng 4 lạng hoàng kỳ, 2 lạng đương quy, 5 đồng cân phụ tử, sắc uống cũng có thể cứu sống được.
Trường hợp người đàn ông xuất tinh quá nhiều khí hết, mà đã nhỡ đẩy ra rồi, thì phải cấp tốc vực ngồi dậy ôm choàng lấy mà tống khí vào miệng, nếu khí qua miệng khó vào thì dùng ống thông hơi hai đầu đút vào miệng mà thổi, miễn sao hơi vào được qua cuống họng. Có thể mượn người đàn bà, con gái mạnh khoẻ khác hà hơi, không nhất thiết phải là người vợ hoặc người đàn bà vừa giao hợp. Đó là cách lấy người để chữa người, khả năng sắp chết vẫn cứu sống được.
(1) Hạ đan điền: vùng bụng dưới rốn.
(2) Nhân sâm phụ tử nhang: Phụ tử: 1 đồng cân. Phục linh: 7,5 phân. Nhân sâm: 1 đồng cân. Bạch truật: 1 đồng cân. Bạch thược: 1,5 đồng cân
Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Làm thinh: Không làm gì cả mà chỉ không… nói thôi.
(Nguồn: từ sổ tay của một người Mỹ học tiếng Việt)
“Từ điển” của một người Bắc vào Nam sau 75
(Chữ nghĩa làng văn giữ nguyên chữ và câu cú, không…”nát bàn” với lời bàn Mao Tôn Cương)
Ba đía : xạo
Bà chằn lửa = người dữ dằn (dữ như bà chằn)
Ba ke, ba xạo
Bá láp bá xàm =Tầm xàm – bá láp
(Nhớ đâu viết đấy… - Nguyễn Văn Trường)
Chữ nghĩa làng…nhậu
Đản nguyện trường, tuý bất nguyện tỉnh
(chỉ mong say mãi không tỉnh)
(Lý Bạch)
Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Những sai lầm tai hại trong hai quyển Từ điển từ và ngữ Việt Nam và Từ điển từ và ngữ Hán Việt của Nguyễn Lân.
Bồng bột 蓬 勃
Theo các từ điển Hán ngữ, từ bồng bột vốn có nghĩa là xanh tốt um tùm (nói về thảo mộc) và nghĩa mở rộng là sôi nổi, mạnh mẽ (thường chỉ trạng thái hăng hái quá mức). Sang tiếng Việt thì hầu như từ này không được dùng với nghĩa vốn có ban đầu của nó trong Hán ngữ nữa. Từ điển Tiếng Việt do Gs Hoàng Phê chủ biên giải thích rằng, từ bồng bột có hai nghĩa: 1. (ít dùng) Sôi nổi và có khí thế mạnh mẽ; 2. Sôi nổi, hăng hái nhưng thiếu chín chắn, không lâu bền. Còn theo cuốn từ điển mà chúng ta đang xem xét thì bồng bột nghĩa là sôi nổi nhất thời. Theo chúng tôi thì Từ điển tiếng Việt giải nghĩa đầy đủ hơn. Nhưng, điều mà chúng tôi lưu ý ở đây là, soạn giả của chúng ta giải nghĩa các từ tố chưa thoả đáng. Ông cho rằng,bồng = cỏ bồng, cảnh tiên, và, bột = bỗng nhiên. Như vậy thì hai từ tố bồng và bột thật khó tạo thành cái nghĩa sôi nổi nhất thời mà soạn giả đã nêu lên!
Ðành rằng, chữ bồng có các nghĩa như ông đã nêu nhưng đó không phải là nghĩa của nó trong từ bồng bột. Chữ bồng còn có nghĩa là bù xù, bờm xờm và đó mới là nghĩa đúng ở đây. Nghĩa này đã trở nên quen thuộc với mọi người Việt Nam. Về từ tố bột, tuy nó cũng có nghĩa là bỗng nhiên nhưng còn có một số nghĩa khác nữa như mạnh mẽ, hưng thịnh; đùn lên, đẩy lên, v.v. Ðó chính là nghĩa của từ tố bột trong từ bồng bột.
(Lê Mạnh Chiến & H.H.Phúc)
Ca dao, thành ngữ lịch sử
Thời Tây Sơn, hai anh em Nguyễn Huệ và Nguyễn Nhạc suýt đánh nhau để tranh quyền, Nguyễn Nhạc yếu thế, mượn ca dao để khóc và nói với em:
Lỗi lầm anh vẫn là anh
Nồi da xáo thịt sao đành hỡi em
Thời nhà Nguyễn, vua Tự Đức giết anh là Hồng Bảo để củng cố ngai vàng của mình, quan triều Nguyễn là Nguyễn Hàm Ninh mượn câu thành ngữ “răng cắn lưỡi” làm một bài thơ tiếng Hán. Trong bài thơ quan không nhắc đến “răng” và “lưỡi”. Nhưng vì trong bài thơ có câu: “Hà nhẫn tương vong cốt nhục tình”. Vua Tự Đức vì thấy bài thơ… hay. Nên mỗi chữ thưởng cho… một roi.
(Nguyễn Tử Quang – Điển hay tích lạ)
Lai
Lai : nhiều, lâu
(lai láng)
(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)
Chữ đại hay chữ thái?
Tương truyền thuở nhỏ, một hôm cậu bé Lê Quý Đôn cởi truồng đi tắm với các bạn. Có một vị quan Thượng thư đồng liêu với cha (là Lê Trọng Thứ) tới thăm, hỏi đường đến nhà. Cậu liền đứng dạng chân và dang tay ra bảo quan Thượng:
Nếu ông biết được cháu đang ra dấu chữ gì, cháu sẽ chỉ nhà cho.
Quan Thượng bực mình nói:
Trẻ con đừng hỗn láo. Mày mới học lỏm được chữ “đại” mà đã dám đi trêu chọc người rồi. Cậu cười to:
Thế thì ông không biết chữ thật! Có cái chấm ở dưới nữa thì là chữ “thái” chứ sao lại chữ “đại”!
(Phụ chú: Chữ thái, chữ đại giống chữ nhân, hình tượng chữ nhân là người có 2 nét xổ dang ra như 2 cái chân.
Chữ thái cùng nghĩa với chữ đại là lớn, nét giống chữ đại nhưng có một dấu chấm ở chỗ dang ngang như 2 cái chân người)
Chữ Việt gốc Tàu
Chữ Việt gốc Tàu là một đặc thù của văn hóa Đồng Nai – Cửu Long, là những chữ, mà ta dùng thẳng từ của người Tầu và dùng âm của mẫu tự quốc ngữ viết lại.
Như những từ ngữ trong canh bài xì phé (bài tây) :
Tẩy – Con bài úp
Pha – Nghĩa là sợ, không thêm tiền vào nữa.
Tố - Thêm tiền vào. Hán Việt là “đa”.
Thấu cấy – Dân xì phé gọi là thấu cáy Hán Việt là “thâu kê”, diễn nôm là…ăn cắp gà.
(Lê Ngọc Trụ – Tầm nguyên tự điển Việt Nam)
Ca dao
Thành ngữ điển tích của Trịnh Văn Thanh định nghĩa ca dao.
Ca: câu hát có khúc điệu.
Dao: câu hát không thành khúc điệu.
“Có khúc điệu” với “Không thành khúc điệu” ?!?!
Chữ Hán trong ca dao
Các hàn nho tránh từ chương, đề tài liên quan đến đời sống thực tại với đời sống bình dị của dân làng. Thế nhưng họ cũng không quên nghệ thuật làm thơ, chơi chữ của người Hán qua Kinh Thi. Như chiết tự như dưới đây với hỏi và đáp:
Hỏi chàng đọc sách kinh thi
Đàn bà đi lọng chữ chi hỡi chàng?
Đáp:
Anh đây học sách cửu thiên
Đàn bà đi lọng chữ yên rõ ràng
(Bùi Kim Chi – Khảo luận về ca dao dân ca)
"Nhập gia vấn húy"
Năm 1128, vua Lý Thần Tông (12 tuổi) cho Thái úy Lê Bá Ngọc làm thái sư, đổi họ làm Trương. Ngô Thời Sĩ ( Đại Việt sử ký tiền biên, KHXH, 1997).
Năm 1232, Trần Thái Tông ban những chữ quốc húy và miếu húy. Vì cha tên là Lý nên bắt tất cả những người họ Lý phải đổi thành họ Nguyễn.
Đời Trần Nhân Tông (1282), có con cá sấu đến sông Lô, vua sai hình bộ thượng thư là Nguyễn Thuyên làm bài văn tế ném xuống sông. Cá sấu tự nhiên bỏ đi. Vua cho việc này giống việc của Hàn Dũ, bèn cho Nguyễn Thuyên đổi họ thành Hàn Thuyên.
Sử chép rằng năm 1400, Trần Vấn và Trần Tùng được Hồ Quý Ly ban họ Hồ. Rất có thể Hồ Quý Ly là người đầu tiên nhập cảng trò ban họ vua vào nước ta.
Hồ Quý Ly vốn họ Hồ, được Lê Huấn nhận làm con nuôi và cho đổi sang họ Lê. Đến khi cướp được ngôi nhà Trần, lại bỏ họ Lê lấy lại họ Hồ.
Sau khi toàn thắng quân Minh, năm 1428 Lê Lợi lên làm vua, ban thưởng, ban họ vua cho 221 công thần.
Vua Tự Đức phê rằng: Bầy tôi có công được ban quốc tính là Hán Cao tổ ban cho Lâu Kính trước tiên. Việc làm ấy tuy cốt để tỏ ý thân mật trung hậu đối với công thần, nhưng đã mang tiếng là làm rối cả họ hàng nhà vua, không đủ để làm gương mẫu cho đời sau; huống chi nhà Lê lại cho quốc tính nhiều quá thế này thì nhàm lắm! (Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục).
Năm 1460, Lê Thánh Tông bắt người họ Trần phải kiêng huý, đổi thành họ Trình.
(Nguyễn Dữ - Người đâu tên họ là gì?)
(còn tiếp)
Đăng ngày 15 tháng 04.2017