Chữ nghĩa làng văn
tháng 01.2017
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng
“Chữ nghĩa làng văn” đôi khi chỉ là một chữ, cụm từ, đoạn văn cô đọng, diễn nghĩa, diễn giải một áng thơ văn hoặc một thể tài nào đó. Những trích dẫn được góp nhặt qua sách vở, trên mạng lưới của nhiều tác giả thành danh hay khuyết danh, không ngoài góc nhìn tận tín thư bất như vô thư. Ấy là chưa kể nhiều từ ngữ, đề mục trong bộ sưu tập đang còn trong vòng nghi vấn, cần phải thẩm định lại nếu có thể được với những bậc thức giả văn kiến súc tích. Những phụ chú, dẫn chứng hay giai thoại do người viết kể lại, với chủ quan, khách quan chỉ cách nhau một sợi tóc. Vì vậy người sưu tầm không đặt ra “sai” hay “đúng”, vì cái sai hiện tại có thể là cái đúng ở một thời điểm nào khác. Xin chân thành cảm tạ và cáo lỗi những tác giả đã đóng góp bài vở trong sưu tập này, nhưng vì phương tiện eo hẹp nên người sưu tầm không thể thỉnh ý tác giả trước khi đăng tải.
Chữ Việt cổ
Từ cổ tiếng Việt trong "Đại Nam quốc âm tự vị" của Huỳnh Tịnh Paulus Của. Những cứ liệu khảo sát từ cổ rất đa dạng và phong phú, nhưng do điều kiện về thời gian, chúng tôi chỉ khảo sát những từ đã từng tồn tại là những từ bình thường, nhưng nay đã hoàn toàn biến mất trong từ vựng hiện đại
An: yên ngựa
(Đại Nam quốc âm tự vị - Huỳnh Tịnh Paulus Của)
Giai thoại về một bài thơ
Đầu làng Ngang có một chỗ lội
Có đền ông Cuội cao vòi vọi
Đàn bà đến đấy vén quần lên
Chỗ thì đến háng chỗ đến gối
Ông Cuội ngồi trên mỉm mép cười
Cái gì trăng trắng như con cúi
Đàn bà khép nép đứng liền thưa
Con trót hớ hênh ông xá tội ...
1 - Bài thơ “Chỗ lội làng ngang” của cụ Tam Nguyên Yên Đỗ Nguyễn Khuyến. Tuy nhiên vì tam sao thất bản nên một hai bài viết ở đâu đó còn thiếu mấy câu sau :
”Không, không, mi chẳng tội tình gì
Chỉ làm ông cứng con buội
Về bảo đàn bà khắp làng mày
Ra đây ông cho giống ông Cuội”
Từ đấy làng Ngang đẻ ra người
Đẻ ra rặt những thằng nói dối
2 – Nhà văn miền Bắc Lê Lựu, triển khai bài thơ trên ra tiểu thuyết Chuyện Làng Cuội. Từ địa danh của bài thơ, Lê Lựu dàn dựng truyện tình xung quanh cái đầm làng Cuội Hội thi nói khoác cũng xẩy ra ở tại miếu ông Cuội nên bị Hội Nhà Văn ở Hà Nội áp chế như Nguyễn Ngọc Tư bị Hội Nhà Văn Cà Mâu chế tài với Cánh Đồng Bất Tận.
(Trần Đăng Khoa – Chân dung và đối thoại)
Chữ nghĩa làng…nhậu
Tửu lạc vong bần
“Vong” là “quên”. Câu này nghĩa là uống rượu quên nghèo, như câu “Lạc đạo vong bần” nghĩa là vui đạo quên nghèo.
Người Tầu cũng có câu tương tự của Lý Bạch: “Trừu đao đoạn thủy, thủy cánh lưu – Cử bôi tiêu sầu, sầu cánh sầu”.
Ca dao lơ mơ lỗ mỗ
(…trích lục lại)
Chim khôn chim đậu cành cao
Bướm khôn bướm đậu ngay vào đầu chim
Ca dao có từ bao giờ?
Theo Thiền sư Lê Mạnh Thát: Văn học nước ta có ba bài phú đầu tiên bằng chữ Nôm xuất hiện vào đời Trần của Vua Trần Nhân Tông, Thiền sư Huyền Quang và Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi.
Cả ba tác phẩm này cùng ra đời vào thế kỷ XIII, xen kẽ có những bài thơ thể lục bát. Như vậy thơ lục bát đã thành hình vào thế kỷ XIII và ca dao lục bát ra đời. Và thể song thất lục bát xuất hiện sau đấy vào thế kỷ XV, ca dao song thất cũng ra đời sau đó.
Năm 1433, Phan Phu Tiên và Chu Xa sưu tập thơ của vua quan nhà Trần, nhà Lê thành cuốn Việt âm thi tập, bài tựa có câu:
Đời Đường, Ngu vua tôi xướng họa thời Liệt quốc dân ca, ca dao. Tuy bàn việc khác nhau nhưng nhưng cùng là để bày tỏ nỗi lòng”.
Vào thế kỷ XVII, dưới thời chúa Trịnh có một nhà nho đề xướng dân ca là những bài ca nhân gian.
(Bùi Kim Chi – Khảo luận về ca dao dân ca)
La đà
La đà : ngà ngà say, rủ thấp
(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)
Tiếng Việt rắc rối
Hỏi: Trong Quốc văn giáo khoa thư. Bài 31 tựa đề “Chăn trâu”. Phần bài tập có mục “Học tiếng” chữ “nón mê”. Vậy chứ nón mê là nón chi. Ai biết xin giải đạp cám ơn nha.
Đáp : Nón mê là nón cũ, nón rách.
Hỏi : Nghe kỳ! Sao không gọi là nón rách, nón cũ, mà lại gọi là…nón mê.
Đáp: Sao Nam Kỳ kêu cái mũ là…cái nón.
(Trau giồi tiếng Việt - ĐatViet.com)
Đất lề quê thói với phong tục cổ truyền
Mẹ cô dâu không đưa dâu
Ngày xưa, hôn nhân cưỡng ép, thường là cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy. Thực ra, trong nhiều gia đình, người cha quyết định mọi việc, người mẹ chỉ tuân theo. Vì thế đã xảy ra một số trường hợp oái oăm: Ngày con gái vu quy đáng lẽ là ngày vui nhất trong đời nhưng người thì khóc lóc buồn tủi vì bị ép buộc, người thì lo sợ cảnh làm dâu, làm vợ, từ tấm bé chưa rời mẹ, nay tự nhiên mẹ con xa nhau, mẹ thương con cũng mủi lòng sụt sùi khóc.
Thế là, trong khi hai họ đang vui mừng yến ẩm ở nhà ngoài thì hai mẹ con lủi thủi, cắp nón ra về. Tan tiệc, nhà trai chẳng tìm thấy cô dâu đâu nữa. Qua vài đám đại loại như vậy người ta rút kinh nghiệm không nên để mẹ cô dâu đi đưa dâu, dần dần bắt chước nhau, trở thành tục lệ.
Chữ nghĩa làng…nhậu: Rượu Ta
Tửu sử ngoại truyện (1)
Ít ai biết nước ta nấu rượu, cất rượu vào thời nào, chỉ biết rằng:
Lê Hoàn tức Lê Đại Hành lập lên nhà Tiền Lê, sản xuất những sản phẩm cổ truyền cần thiết cho mình như kéo tơ, dệt lụa, rèn sắt, đúc đồng, làm giấy, làm đồ gốm v.v… Năm 982, Lê Hoàn sai sứ sang Tống cầu phong, sứ thần nhà Tông viết trong An Nam ký truyện sứ: “Vua Đại Việt vừa múa hát vừa… uống rượu”.
(Nguồn: “Đại Cồ Việt-nước Việt-Phật giáo”, tạp chí Hán Nôm)
Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Cái gì có chân mà không có đầu: Cái ghế
Con gì có đầu mà không có chân: Con chim
Ai là tác giả ca dao?
Từ khi có chữ Hán, nước ta có thêm lớp nho học. Những hàn nho dạy các nho sinh làm thơ và ngâm thơ. Những bài thơ ấy nói đến cuộc sống bình dị ở xóm làng. Già làng cảm xúc, thấm thía nên học thuộc lòng rồi đem dạy cho con cháu. Thơ trở thành ca dao. Trong việc đồng áng họ hát thẳng ca dao như đồng dao để quên nỗi nhọc mệt. (5,6%). Đến khi muốn dò ý nhau, họ hát những bài ca dao tình tự. Lối hát trữ tình này làm cho trai có vợ, gái có chồng sau này trở thành dân ca. (47,1%)
(Bùi Kim Chi – Khảo luận về ca dao dân ca)
Chữ nghĩa làng văn xóm chữ
Tủ sách của một nhà văn miền Nam sau ngày “giải phóng” trống rỗng. Tôi nhìn tủ sách kỳ lạ. Thầy cũng có một tủ sách và tủ sách ấy ăn vào tuổi thơ tôi không hề biến mất. Tôi không thể nhớ tủ sách đem về khi nào, chỉ biết, từ lúc có trí khôn, tủ sách đã ở đó, chễm chệ và sừng sững. Thầy buôn bán theo truyền thống Trung Hoa, nhưng tủ sách chiếm nửa bức tường. Chiếc bóng của chúng tôi, của kẻ ăn người ở trong nhà luôn chao lượn lên khung kính phản chiếu những hình ảnh lặng lờ. Những khi tôi ngủ quên trên ghế đệm, tủ sách ngả chiếc bóng đen đè lên mình. Khi tôi thức giấc, chiếc bóng hoá trở lại thành tên khổng lồ mặt gỗ chứa thật nhiều sách rình rập canh chừng. Nhưng tôi lớn lên và nỗi sợ hãi biến mất, chỉ còn những tò mò thấp thoáng trên các tựa sách ở tầng cao khóa kín.
Chính trong những năm đầu trung học đệ nhất cấp, khi chiều cao cho phép với lên phần có ổ khoá, tôi khám phá Dương Nghiễm Mậu. Sách của ông xếp cạnh sách Mai Thảo, Nguyễn Thị Hoàng. Tuổi Nước Ðộc, Con Sâu, Trong Hoang Vu, Ngày Lạ Mặt, Ngã Ðạn xếp cạnh Mười Ðêm Ngà Ngọc, Sống Chỉ Một Lần, Viên Ðạn Ðồng Chữ Nổi, Hạnh Phúc Ðến Về Ðêm, Vòng Tay Học Trò, Dưới Vừng Hoa Trắng, Tiếng Chuông Gọi Người Tình Trở Về...
Buổi trưa ngồi với Thận Nhiên, Dương Nghiễm Mậu không nói điều gì. Dương Nghiễm Mậu cười nhẹ như tàu dừa lay, gần như ông không động đậy. Ở Dương Nghiễm Mậu nụ cười diễn ra ở chuôi mắt, ở ngón tay đập cán thuốc mà nhịp nhanh chậm thay cho tiếng cười luôn luôn kín đáo. Dương Nghiễm Mậu rót trà. Ông hiểu thế hệ tôi và Nhiên không còn ai uống trà nữa, nhưng ông vẫn rót. Váng nước vàng màu mỡ gà, giữa buổi trưa nóng hực sủi tăm như số lượng dấu hỏi chất chứa trong đầu tôi từ buổi trưa tháng 5-75 Bà mở khoá cho chúng tôi đọc tất cả sách người lớn của tủ sách đồ sộ, trong vòng 48 giờ rồi Bà đem bán ký vì Công an phường đã ra lệnh tịch thu văn hoá phẩm đồi trụy của Ngụy.
Bà bán sạch tuổi thơ tôi trong chớp mắt. Làm sao tôi đọc hết hai mươi năm văn học miền Nam trong 48 giờ? Làm sao tôi trưởng thành kịp trong 48 tiếng để hiểu những chiếu bài mạt chược, trong phòng khách sạn rì rầm, hai người đàn ông đàn bà làm gì trên mặt nệm trong tiểu thuyết Mai Thảo.
(Sàigòn, ngày lạ mặt - Trần Vũ)
Chữ nghĩa làng văn
Khi chúng ta viết, dù thơ hay văn (nhưng đặc biệt là thơ), sự chọn lựa, kết hợp các từ ngữ cũng chính là một hành động rất vũ đoán, một cách vô tình hay hữu ý, sử dụng những biện pháp chuyển nghĩa (trope) như ẩn dụ, hoán dụ, so sánh, nhân hoá, v.v.
Khi một người Việt Nam nào đó, trong xa xưa, đã sáng tạo ra câu Lòng em như quán bán hàng / Còn anh là khách qua đàng trú chân, hay câu Em như cái giếng giữa đàng / Người khôn rửa mặt, kẻ phàm rửa chân, thì quả là người đó đã rất vũ đoán để đem so sánh tâm hồn hay thân phận của một con người (đặc biệt lại là một người con gái) với một túp hàng quán, hay như một cái giếng. Thế nhưng, chính cái vũ đoán đó đã để lại cho chúng ta những câu ca dao tuyệt vời như thế cho đến bây giờ. Nó làm cho những hình ảnh ấy sống mãi.
Cũng thế, trong vở chèo Thị Kính, tác giả đã cho Thị Mầu “chào hàng”/”nhá hàng” với anh Nô bằng một câu chòng ghẹo táo bạo, Gió xuân đánh tốc dải yếm đào / Anh trông thấy oản sao không vào thắp hương. Tác giả của câu chèo tinh quái và kinh khủng này đã đặt vào miệng Thị Mầu một ẩn dụ thật… trẻ không tha, già không thương vì “oản” là để cúng Phật, và câu hát bóng gió đầy tính…trêu hoa ghẹo nguyệt kia, “gọi mời thắp hương” kia, lại được thốt ra trong khung cảnh nghiêm trang nơi cửa thiền. Mà chính là vì ả Thị Mầu đang ve vẩy ở nơi đấy nên mới có cớ giục mời người ta vào thắp hương như thế!).
Một sự nhìn ngắm, liên kết để rồi so sánh đến vậy, không gì khác, chính là một sự vũ đoán, ập vào nhau những hình ảnh, những khái niệm đáng lẽ là rất xa nhau. Nó làm bật ra những tia lửa của sự sáng tạo. Đúng là có những cái vũ đoán chết người, nhưng chúng đã khắc nét vào văn chương như thế.
(Bùi Vĩnh Phú – Viết, đọc và thẩm thức văn chương)
Tiếng Việt trên net
thui = thôi
trơi= chơi, ví dụ: "đi trơi"
Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Nhận được thư em lúc nhá nhem
Mừng mừng tủi tủi mở ra xem
Trong thư em viết dăm ba chữ
“Anh ơi ngày mai “nó”… lấy em
Sự phát triển của tiếng Việt
Sấm Truyền Ca (1670)
"Trần Hớn Xuyên (1854-1940) là người đã sưu tầm tập Sấm Truyền Ca kể lại trường hợp ông khám phá ra bản hiện nay vào năm 1910: "Trải qua cơn bắt đạo dữ dằn đời vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Ðừc, việc giữ đạo ở miền Nam phải âm thầm, sách vở ảnh tượng đều được chôn giấu.
Ðến năm 1870 có người đào được tại Cái Nhum (Chợ Lách, Vĩnh Long) một hầm vô chủ, có nhiều sách vở về đạo thánh, trong đó có Sấm Truyền Ca, giấy đã mục nhiều. Các linh mục Pháp thời đó không nhìn nhận là đúng với Kinh Thánh của bổn đạo, nên cấm bổn đạo vì sách dị đoan. Vì đó Sấm Truyền Ca bị mai một (...)
Sấm Truyền Ca là sự dung hòa giữa nền văn hóa Ðông phương và Tây phương. Tôi không nhận xét về mặt hợp hay không hợp Kinh Thánh, tôi mến phục lối thơ lục bát của người xưa và cách dùng chữ An Nam hồi đó, đã lột được ý nghĩa của Kinh Thánh cho người An Nam dùng cách dễ dàng (…).
(Nguyễn Vy Khanh - Tiếng Việt một số tác phẩm mới phát hiện)
Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Những sai lầm tai hại trong hai quyển Từ điển từ và ngữ Việt Nam và Từ điển từ và ngữ Hán Việt của Nguyễn Lân.
Ẩn lậu 陰漏
Theo soạn giả thì ẩn nghĩa là giấu kín; lánh đi; ngầm; lậu nghĩa là rỉ ra ngoài, và ẩn lậu nghĩa là giấu giếm, không thẳng thắn nói ra. Quả thật, trong chữ Hán, chữ lậu 漏 này có nghĩa là rỉ ra ngoài. Nhưng như thế thì các từ tố ẩn và lậu có vẻ như trái nghĩa với nhau, bởi vậy, giải nghĩa như vậy là không thoả đáng, mà gọi là sai cũng được. Chữ lậu còn có vài nghĩa khác nữa, mà trong trường hợp này nó có nghĩa là lọt, là thoát (lậu võng nghĩa là lọt lưới), cũng là trốn tránh mà thôi. Vậy ta có thể nói rắng, ẩn lậu nghĩa là giấu giếm, là lẩn tránh. Soạn giả định nghĩa rằng, ẩn lậu nghĩa là giấu giếm, không thẳng thắn nói ra là để “khắc phục” điều mâu thuẫn mà ông cũng nhận thấy như chúng tôi chăng, nhưng, không thẳng thắn nói ra nghĩa là nói một cách ấp úng vì sọ sệ, hoặc là ở trong tình thế không thể giấu giếm được nên đánh phải nói ra chứ đâu có phải là ẩn lậu.
(Lê Mạnh Chiến & H.H.Phúc)
Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Đi cầu: Là đi vô toilet chứ không phải lái xe chạy qua cầu.
(Nguồn: từ sổ tay của một người Mỹ học tiếng Việt)
“Từ điển” của một người Bắc vào Nam sau 75
(Chữ nghĩa làng văn giữ nguyên chữ và câu cú, không…”nát bàn” với lời bàn Mao Tôn Cương)
À nha = thường đi cuối câu mệnh lệnh dặn dò, ngăn cấm
(không chơi nữa à nha)
Áo thun ba lá = Áo thun ba lổ, áo may ô (ở Bắc bộ)
(Nhớ đâu viết đấy… - Nguyễn Văn Trường)
Sách giáo khoa
Theo tinh thần Đổi Mới. Lúc đó tôi quan niệm rằng chương trình cũ cũng như cả nền văn học trước 1975 chủ yếu nhằm phục vụ đất nước trong hoàn cảnh chiến tranh. Yêu cầu hàng đầu là phục vụ chính trị, cổ vũ chiến đấu. Văn học lúc đó vì thế phải theo sát từng nhiệm vụ chính trị: kháng chiến chống Pháp, cải cách ruộng đất... Khi đất nước bị chia cắt thì chuyển sang phục vụ hai nhiệm vụ chiến lược: Đấu tranh thống nhất đất nước, và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Văn học cứ phục vụ sát từng bước một. Khi Mỹ đánh ra miền Bắc thì văn học cùng với chương trình văn học lại phải tập trung cổ vũ cao trào cả nước chống Mỹ. Tất cả mọi ngành đều như vậy, văn học và giáo dục cũng như vậy. Do phải phục vụ chính trị, cổ vũ chiến đấu, nên tiêu chuẩn chính trị trong văn học đặt lên hàng đầu, tiêu chuẩn nghệ thuật đặt ở hàng thứ hai hay thứ ba gì đấy. Do ưu tiên hàng đầu là phải phục vụ chính trị, cho nên có nhiều tác phẩm không có giá trị nghệ thuật gì, nhưng cũng được chọn vào chương trình.
(Nguyễn Đăng Mạnh - Dạy văn thì phải đúng là dạy văn)
Giai thoại làng văn xóm chữ
Năm 1971 Hồ Hữu Tường in "41 năm làm báo".
Theo nhận định của nhiều người tập hồi ký "41 năm làm báo" chứa nhiều dữ kiện lịch sử, về báo chí mà những thế hệ sau muốn tìm hiểu phải đọc. Trong kỹ thuật kể chuyện ông đã hài hước hóa nhiều câu chuyện và người đọc thấy được sự phóng túng và luôn luôn muốn vượt khỏi những câu thúc thường ngày.
Trong cuộc đời làm báo của ông, ông đã gặp các nhân vật lịch sử như Nguyễn An Ninh, Nguyễn Thế Truyền, Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm... Ông phác họa những chân dung độc đáo của những người mang trong người những lý tưởng cao đẹp và coi thường những bi thảm của cuộc sống. Họ là những người trong hoàn cảnh thời cuộc chuyển mình đã làm hoạt động của họ trở thành công việc đội đá vá trời. Có lúc bi thảm nhưng cũng có lúc khôi hài, có lúc cương quyết nhưng cũng có lúc lãng mạn, những chân dung và những sự kiện đã trở thành những truyện sống động của những tư liệu lịch sử.
Viết hồi ký "41 năm lám báo", ông cốt ý muốn dựng lại một thời kỳ lịch sử vối những nhân vật có thực với những câu chuyện đầy chất lịch sử như nguồn gốc cái tên Nguyễn Ái Quốc hoặc câu chuyện nhà cách mạng Nguyễn An Ninh đi bán dầu cù là rong để vừa hoạt động vừa là một cách dấn thân cho sinh kế...
(Nguyễn Mạnh Trinh – Những hồi ký làm báo)
Chữ nghĩa làng văn
- Truyện ngắn của chị có nhiều chữ lạ như ngõi, ngẫn ngẫn, to hó, nhảo, nhuôm nhuôm, chỉn chu. Như thế, có cần một chú thích cho các độc giả miền Nam và hải ngoại?
- Không có từ nào thật lạ, thật sáng tạo của riêng tôi trong số những từ chị vừa dẫn. Những ngõi, nhảo, nhuôm nhuôm, tôi học từ các bà các chị ở quê tôi. To hó, từ này tôi mượn của ông Tô Hoài từ trước năm 45. Ngẫn ngẫn tôi học được từ mấy anh chị đi từ miền Nam. Chỉn chu thì có trong tự điển. Và nói chung, nhiều chữ tôi dùng hiện vẫn được sử dụng hàng ngày ở VN, chỉ không thông dụng ở hải ngoại. Vậy thì đâu có cần chú thích. Chúng ta phải tự làm giàu có vốn từ cho mình bằng cách đọc và học.
(Lê Quỳnh - Phỏng vấn nhà văn Lê Minh Hà)
(còn tiếp)
Đăng ngày 08 tháng 01.2017