banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Tác giả & Tác phẩm

01 tháng 09.2016

phingochung
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

Dẫn nhập: Với cái nhìn chủ quan của người biên soạn, tuyển tập 300 tác giả và tác phẩm đơn thuần chỉ là công việc góp nhặt sỏi đá những tác phẩm tiêu biểu một thời của những tác giả tiền chiến, hậu chiến, trước hay sau 75 của hai miền Nam Bắc, trong nước cũng như ngoài nước, già hoặc trẻ, cũ hoặc mới. Tác giả và tác phẩm được góp mặt mỗi tuần theo thứ tự họ hoặc tên qua mẫu tự A, B, C… Xin thành thực cám ơn những tác giả có mặt trong tuyển tập nhưng vì trở ngại thông tin, chúng tôi đã không thể xin phép quý vị trước khi đăng tải.
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng


Phạm Công Thiện (I)

Tiểu sử
Sinh ngày 1.6.1941 tại Mỹ Tho.

Tác phẩm
Tiểu luận về Bồ Đề Đạt Ma, tổ sư Thiền tông
Ngày sinh nhật của rắn
Hố thẳm của tư tưởng
Đối mặt với 1000 năm cô đơn của Nietzche

pham cong thien
Phạm Công Thiện
(tranh Đinh Cường)

Mục lục
Ngày sanh của rắn
Mặt trời không bao giờ có thực và ký ức Sài Gòn – Nguyễn Xuân Hoàng
Trường giang Mỹ Tho
Đọc lại Phạm Công Thiện – Nguyễn Hưng Quốc
Một buổi sáng đọc thơ Tuệ Sĩ
Nói chuyện với tác giả “Hố Thẳm Tư Tưởng” – Bùi Vị Xuyên
Trời tháng tư
Một bài thơ mới nhất viết cho Phạm Công Thiện – Thế Phong
Về thơ Phạm Công Thiện – Nhiều tác giả

Phụ đính
Nhớ đứng chờ ta ở cõi siêu
Thơ Phạm Công Thiện xuất bản tại Việt Nam
Nghĩ về nhà thơ Phạm Công Thiện
Phạm Công Thiện & những ngày tháng cũ

________________

Ngày sanh của rắn

Ngày Sanh Của Rắn là tập thơ duy nhất được xuất bản của Phạm Công Thiện.
Trước hết, nhà Hoa Nắng in tập thơ này tại Paris [không ghi năm] với số lượngrất nhỏ để biếu. Sau đó, An Tiêm chính thức ấn hành lần đầu tiên tại Sài Gònnăm 1966, và, cuối cùng, Trần Thi in lại tại California năm 1988.

I
tôi đi đông chìm
trời âm u thung lũng khô
nhiều mây chim bay không nổi
tôi đi
dưới kia sụp đổ
núi cấm nổ tôi ra
cửu long ca từ tây tạng
tôi về
tôi hiện
đèn tắt trời gió tắt trăng
chim lạ
kêu tiếng người
hố thẳm ra đời
tôi bay trên biển

II
tôi nằm cho rã chiếu cạp điều
nước chảy lên vùng phố tịch liêu
tôi nhớ một lần cây quế mọc
tôi đứng gọi hương trọn buổi chiều

III
mưa chiều thứ bảy tôi về muộn
cây khế đồi cao trổ hết bông

IV
trời mưa nữu ước cây mọc
nhớ hương trời mưa ngày tháng
nhớ hương đường hoang mái vắng
nữu ước chỉ còn hương trong giấc ngủ
tim anh tràn máu
con chim đã bay về rừng đạn
anh không còn làm tu sĩ
anh chỉ còn hương trong giấc ngủ
anh chỉ còn máu để đổ vào tim hương
đổ vào tám tách cà phê đen anh uống mỗi đêm
tại greenwich village
tại làng thi sĩ
tại đường khói bay
tại hương trong giấc ngủ
tại chiều ba mươi tết ở Việt Nam
bây giờ anh xa hương đến mấy đại dương xanh
mấy phương trời cỏ mọc
mấy phương trời hương khóc
hương còn ca hát
hương còn phơi áo giữa phố buồn
hương còn cười
mười năm rồi cây quế vẫn mọc trên đời anh
trên mắt anh
môi anh
trên bước chân buồn phố mẹ ngày xưa
trên bước chân chiều phố lạ hôm nay
mưa làm tóc anh thơm
mùi cây quế
giữa hồ
mọc giữa hồ quế hương
tóc anh mọc dài
che chở hương
lúc mưa rơi
lúc đông lạnh
lúc chim chiều đi mất
mưa trên phố đêm
trên quán cà phê ý đại lợi
trên chiến tranh
của quê hương
của quế hương
còn anh

V
rạng đông tôi xin thề thức dậy ba giờ sáng
đợi kinh đào chảy ngược
cửa nhỏ đóng kín
những chiếc cầu tuổi dại
mười sáu năm tôi thức trong đời
mười sáu con kinh đào không bao giờ chảy ngược
đứng ngang cầu pont-neuf
nhìn sông seine tôi thấy cửu long
paris đuổi mất mây mộng hoang đường
đập vỡ cơn điên trên triền đá sương
tôi trốn giặc đời
tắm trong hồn hương
trái đu đủ
trong khu vườn xưa
con rắn nhỏ

VI
tôi chấp chới
đắng giọng
giữa tháng ngày mơ mộng
nốt ruồi của hương
hay nốt ruồi của rigvéda
tôi mửa máu đen
trên nửa đêm Paris
Tôi giao cấu mặt Trời sinh ra mặt Trăng
Tôi thủ dâm Thượng đế sinh ra loài Người
cho quê hương nằm ở nhà thương điên của trí nhớ
mặt trời có thai!
mặt trời có thai!
sinh cho tôi một đứa con trai mù mắt

VII
Tôi nuốt nọc đen giữa đường Guillaume Apollinaire
từ xóm Saint-Germain-des-prés
mọc lên giáo đường hang động
cà phê biến hồn đầu thai
hoá thành một triệu con ma đen
nhảy múa trên núi lửa đầu tôi
tôi mặc đồ xanh
và mang đồng hồ da đen
tôi chứa chấp sáu ngọn lửa điên
trong sáu diêm quẹt còn rớt lại
tôi gọi hương và tôi chết giấc
tôi chạy lên trời làm rắn thâu đêm
máu đổ mưa đen
ồ cây mồng tơi
của thời trẻ dại
tôi gọi thầm
rắn cuộn tròn
tương lai

VIII
mười năm qua gió thổi đồi tây
tôi long đong theo bóng chim gầy
một sớm em về ru giấc ngủ
bông trời bay trắng cả rừng cây
gió thổi đồi tây hay đồi đông
hiu hắt quê hương bến cỏ hồng
trong mơ em vẫn còn bên cửa
tôi đứng trên đồi mây trổ bông
gió thổi đồi thu qua đồi thông
mưa hạ ly hương nước ngược dòng
tôi đau trong tiếng gà xơ xác
một sớm bông hồng nở cửa đông

IX
rắn trườn vỡ trứng chim rừng
tôi nghe tiếng hát hoang đường nửa đêm
khuya buồn tủi nhục môi em
mưa bay nhỏ nhẹ qua thềm bơ vơ
tiếng ru chín đỏ điện thờ
hoang vu tôi đứng đợi chờ chim kêu
tay còn ôm giữ tình yêu
tôi về phố động những chiều hư vô
đời đi trên những nấm mồ
đau tim em hát cơ hồ khăn tang
phố chiều tôi bước lang thang
nuôi con sông nhỏ mơ màng biển xanh
nửa đêm khói đốt đời anh
yêu em câm lặng khô cành thu đông
lời ca ru cạn dòng sông
trọn đời chạy trốn mống vồng cầu điên
bỏ mình nước chảy đồi tiên
theo con chim dại lạc miền thiên hương
về đâu thương những con đường
lê thê phố cũ nghe buồn hè xưa

X
mùa xuân bay thành khói
tôi ca hát một mình
suốt đời không biết nói
nước chảy tràn con kinh
quá khứ bay lên trời
biến thành cánh chim non
tôi quì hôn lá mới
đau khổ trắng linh hồn
hư không đổ ra khơi
kỷ niệm trôi qua cầu
bãi chiều chưa người tới
tình nhỏ quên từ lâu
xuân bay trắng núi đồi
tôi nằm ngủ mơ chim
bỗng hét lên trong tối
ngồi thức dậy bảy đêm
trời cuối năm gác trọ
đèn tắt suốt đêm dài
con chim mười năm nhỏ
bay về đậu nơi đây
hơi thở giết thời gian
bướm nằm chết thang lầu
tiếng chim ru ngày tháng
máu chảy về sông sâu
suốt đời không biết nói
tôi ngồi thức một mình
đốt thuốc lên nhìn khói
đêm rạng điềm hư linh

XI
tôi lái ô tô buýt giữa thành phố New York
mỗi ngày tôi lái ô tô buýt đi trên những con đường không người
những con đường chim chết
những con đường của mỗi ngày từ Riverside drive đến Broadway
đến đại lộ thứ năm rồi đến washington square
công trường nghệ sĩ tóc bay hương hát
từ Greenwich Village tôi đi về Chinatown
mười lăm xu mỗi chuyến xa hay gần hay mau hay chậm
tôi vẫn lái cuộc đời tôi trên những con đường quen thuộc
không mây mùa lá hay mùa kèn
nửa đêm dong buồm thổi đến honolulu lặng gió
xa Việt Nam Đà Lạt và cà phê Tùng
cuối năm tôi cúi đầu trong hầm cà phê Figaro Nữu Ước
chuyến ô tô buýt của đời tôi vẫn chạy hoài
trên những con đường mỹ châu trống rỗng
chuyến xe không về Harlem đói lửa
vì mỹ châu trống rỗng trên chuyến ô tô buýt chiều nay tóc bay hương khóc
tôi vẫn lái chuyến xe này đi về đêm tối
đêm tối Nữu Ước là đêm tối nhà xác
tôi đốt đèn cầy để nhìn xác tôi giữa nhà mồ mỹ châu lạnh lẽo mưa đen
đêm qua tôi thấy máu đổ trong hầm xe điện irt
giữa con đường 42nd hay Times Square
tôi thấy Việt Nam ngang tàng cho mặt trời vẫn mọc trên rắn lửa
trên mái ô tô buýt chiều thu

XII
buổi chiều mưa đụng tim
mưa đụng máu
đèn đường đổ xuống nước xanh
xin hét lên rừng u minh đầu đông
tử hình trong ngục
nhốt vào trong ngục
suốt đời trong ngục
khói vóc lửa núi
nhóm nước đầu thu
xin đừng nói
lá chuối
lá me non
xanh nhà thương
ngồi trong thành phố
hoa trắng không còn
con chó đứng nhìn xe lửa mỗi ngày
chùm hoa trắng rụng một hai bông rất nhỏ
bông trắng quá nhỏ
buổi chiều ích kỷ
con đường quá dài
những cây trắc bá chùi đầu lên nghĩa địa
một người hoạ sĩ thất tình
nhân loại đều thất tình
nói đi thật nhiều
khoai tây
lang thang ngược vòng những vũ trụ
anh nói gì
tôi không nghe
xuống phố và lên phố
chạy hun hút qua hai nghĩa địa
cây trắc bá
chôn vùi con chó nhà ga

Phạm Công Thiện
(Triết gia Quẫn trí 1966 )

_____________________

Mặt trời không bao giờ có thực và ký ức Sài Gòn

Nguyễn Xuân Hoàng

Hôm nay, trong lúc ghé qua một chi nhánh Thư Viện (Mỹ) gần nhà để tìm vài quyển sách cần thiết cho công việc, tôi tình cờ phát giác ra một điều: cái thư viện nhỏ xíu bằng lỗ mũi này cũng có một kệ dành cho những quyển sách bằng tiếng nước ngoài (tức không phải tiếng Anh – đến khổ, sinh sống ở hải ngọai, viết cái gì về ”nước ngoài” cũng phải ghi phụ chú).
Ở một góc khá khiêm tốn của những kệ sách đầy ụ (đó là lí do mãi đến hôm nay tôi mới biết đến), tôi thấy một ngăn là sách tiếng Pháp, một ngăn là tiếng Tây ban Nha, và một ngăn nữa – ít sách hơn – là tiếng Việt. Ngồi bệt xuống đất (vì ngăn sách tiếng Việt ở dưới cùng), tôi lật từng quyển sách. Sách chưởng Kim Dung, Gia Cát Thanh Vân, sách dậy học tiếng Anh, sách văn học in ở trong nước, sách cũ miền Nam do nhà xuất bản Xuân Thu ” copy ” lại từ hồi những năm 80s ở Cali v.v.. Bỗng một quyển sách nhỏ đập vào mắt tôi: Mặt trời không bao giờ có thực của Phạm Công Thiện, sách do Trần Thi xuất bản năm 1987 tại California, USA. Thế là tôi ngồi dựa lưng vào một góc tường (kín đáo), lần giở từng trang sách.


pham cong thien
Triết gia Phạm Công Thiện (hình lấy trên mạng) và hình bìa quyển sách tôi tìm thấy ở thư viện (Wichita-Kansas)

Cái tên Phạm Công Thiện chẳng xa lạ gì với một tầng lớp sinh viên học sinh thành thị miền Nam cỡ tuổi tôi. Dạo ấy, cùng với những món văn chương thời thượng là Jean Paul Sartre, Albert Camus v..v.., những tạp chí văn học kiểu Văn Học, Văn, Trình bày, Khởi Hành, Bách Khoa, Vấn Đề , thì những quyển sách của Phạm Công Thiện là những thứ không thể thiếu của những cậu, những cô (Cậu chiếm đa số, còn Cô chỉ là ăn theo) áo sơ mi xanh nhạt bỏ trong quần, mắt hấp háy đôi gọng kiếng cận thị. Quyển sách bán chạy nhất của Phạm Công Thiện là quyển: Ý Thức mới trong Văn nghệ và Triết học, do nhà An Tiêm của thầy Thanh Tuệ xuất bản , đã tái bản tới lần thứ 4. Quyển sách dầy cộm, cầm vừa đầy một bàn tay, được nhìn thấy bất cứ chỗ nào có ly cà phê đen (đắng nghét), có gói thuốc Bastos xanh (khét nghẹt), có nhạc Trịnh công Sơn liên tục rỉ rả (đến phát ngán) và tất nhiên, những khuôn mặt tuổi trẻ trầm tư về thân phận con người, về cuộc chiến dai dẳng, về tuổi trẻ đi hoang, về tình yêu chưa hề được nếm . . . Ngần ấy những ưu tư đè nặng lồng ngực lép kẹp vì thiếu dinh dưỡng nên chàng nào cũng muốn ” buồn nôn “.
Thế nên, thuở ấy, cùng với những thứ thời thượng khác, đọc Phạm Công Thiện cũng là một thứ thời thượng. Giở những trang sách của Phạm Công Thiện, (tôi) đọc mà không hiểu ông ta viết gì, nhưng trong những câu chuyện cà phê đàm bên quán cóc , (tôi) vẫn say sưa nói về những điều ” không hiểu ” ấy trong sách của vị Triết Gia thần đồng lỗi lạc (1). Thuở ấy, ai không từng biết đến cái tên Phạm Công Thiện, ai không từng đọc (cái tên) sách Phạm Công Thiện, kẻ ấy chính thị là tên lạc hậu, là người không-trí-thức.
Thuở ấy, hầu như đi đâu cũng nghe được những câu thơ ”chấn động mặt trời” của Phạm Công Thiện, kiểu:
tôi giao cấu mặt trời sinh ra mặt trăng
tôi thủ dâm thượng đế sinh ra loài người
cho quế hương nằm ở nhà thương điên của trí nhớ
mặt trời có thai!
mặt trời có thai!
sinh cho tôi một đứa con trai mù mắt
(Trích: Ngày Sanh của Rắn – Phạm Công Thiện . Ấn bản điện tử . Nguồn: Tiền Vệ)
Ai cũng thuộc thơ PCT (nhưng chỉ thuộc mấy câu đại lọai như vậy thôi, vì giá trị ”chấn động mặt trời” chăng, chứ nếu bảo rằng hiểu, thì, như tôi, hiểu . . . chết liền (tại chỗ).
Thuở ấy, PCT viết: Phùng Phật sát Phật. Phùng Miller sát Miller (Henry Miller, nhà văn Mỹ, được PCT nhắc tới rất nhiều trong những tác phẩm của mình (2)). (Chúng) tôi cũng ” thời thượng ‘ đặt bút: Phùng Phạm (Công Thiện). Sát Phạm (Công Thiện). Phạm Công Thiện đã gặp Miller ở California, nhưng, tất nhiên, ông không giết Miller . Hãy nghe ông kể:” Năm 1965, tôi được gặp Henry Miller tại Pacific Palisades ở California. Trời đất đã sắp đặt cho tôi gặp Henry Miller tại Huê kỳ để được ông “điểm đạo”. Chứ không phải để ” sát “. Hiện nay, tôi được biết Phạm Công Thiện cũng ở Mỹ. Dù ở Mỹ cũng đã lâu, cũng đã từng đi đây đi đó, nhưng tôi chưa bao giờ gặp ông, để tôi có thể ”sát Phạm Công Thiện“. Thực ra, cái ý nghĩa ”sát” trong câu ”Phùng Phật Sát Phật”, như chính PCT giải thích: “giết Phật ở đây không có nghĩa là giết Phật, mà có nghĩa là giết ông “Phật” mà ta đã chấp trong trí ta. Tôi cũng muốn mượn cái nghĩa ”sát” ấy để ”sát Phạm (Công Thiện)” vì đã hơn 40 năm qua đi, sống gần hết một đời, đã cay đắng kinh qua cái thân phận buồn thảm của con người, đã đi vào chiến tranh và ra khỏi chiến tranh, đã đi vào thù hận và ra khỏi thù hận (tôi hy vọng như vậy), đã nếm được vị ngọt (và đắng) của tình yêu, vậy mà cứ mỗi lần đọc cái tên Phạm Công Thiện là cả một ký ức của Sài Gòn năm xưa cứ đội mồ sống dậy. Vì thế, tôi muốn – một lần và mãi mãi – gặp Phạm Công Thiện để thanh tóan cho xong “cái quá khứ đã chấp trong trí tôi”.
Như hôm nay, ngồi thu lu trong góc khuất một thư viện tỉnh lẻ, lần giở từng trang viết Phạm Công Thiện của một thời (3), như lần giở từng trang đời của một thế hệ. Ngày xưa, chưa bao giờ tôi đọc xong một quyển sách nào của PCT, dù lúc nào cũng cầm một quyển trên tay. Có lẽ vì tôi chưa đủ ”nội lực” để hiểu. Vì thế, những trang sách mù mờ dang dở nối tiếp nhau làm chứng cho những dang dở của cuộc đời. Ngày nay, tôi cũng có đủ những quyển sách của PCT trong tay (dù dưới hình thức e-book), chỉ cần một cái nhấp chuột, là quyển sách (điện tử) lại nằm gọn trong tầm mắt. Và tôi cũng chưa bao giờ đọc xong bất cứ tác phẩm nào của ông. Tại tôi vẫn chưa đủ nội lực? (có lẽ vậy) hay mỗi khi mở sách PCT là những trang sách mù mờ của quá khứ cứ đè trĩu tâm tư, nhắc nhở tôi những dang dở mà chắc là tôi sẽ không bao giờ hòan tất.
T.Vấn©2010

(1)Hãy nghe chính vị triết gia nói về mình trong lần tái bản thứ tư của quyển YTMTVNVTH: “Tôi thực sự bắt đầu viết quyển Ý thức mới trong văn nghệ và triết học vào năm 1960 (thực sự khởi từ năm 1959), nghĩa là lúc tôi được mười tám và mười chín tuổi. Bây giờ tôi gần 30 tuổi. Bao nhiêu nước chảy trôi phăng qua cầu trong mười năm trời. Bây giờ nhìn lại chặng đường xưa, tôi không ngờ lúc 18 – 19 tuổi tôi lại thông minh dễ thương như vậy, rồi nhớ lại lúc 13-14 tuổi cho đến lúc 16 tuổi, tôi đã xuất bản một quyển, sách về ngôn ngữ học và đã viết trên 20 quyển sách về văn học quốc tế và ngôn ngữ học (trong đó có một quyển mà Nguyễn Hiến Lê đề tựa giới thiệu và ngạc nhiên không ngờ tôi mới 16 tuổi), sau này khi tôi được 18 tuổi thì tôi đốt sạch hết tất 20 quyển ấy!“ (Ấn bản điện tử . Nguồn: Talawas)
(2)Một đọan trích trong YTMTVNVTH, Phạm Công Thiện viết về Henry Miller: ” . . .Hãy đốt hết. Chỉ chừa lại những quyển sách của Henry Miller. Đốt hết và chỉ chừa Henry Miller. Hãy đọc Henry Miller đi. Mở rộng đôi mắt ra mà đọc. Mở rộng trái tim ra mà đọc. Khi đọc xong rồi thì đốt luôn Henry Miller. Đốt hết. Không chừa gì cả, đốt luôn cả trái tim lạnh lẽo của ta. Đốt luôn cả cuộc đời chật hẹp của ta… Cả thế giới sẽ ngùn ngụt lửa khói. Tất cả thư viện đều bốc cháy đỏ rực, tất cả những quyển sách của nhân loại sẽ thành tro bụi. Hỡi loài người, hãy cười ngất lên, hãy thức tỉnh, hãy đứng dậy, hãy dang hai tay lên trời, ngọn lửa thiêng của thế giới sẽ lan tràn khắp nơi. Khi tất cả những quyển sách của trần gian đã biến thành tro bụi; lúc bấy giờ, hỡi loài người, ta hãy đứng im lặng, trang trọng ngắm nhìn mây trắng bay về ngút trời xanh và lắng tai nghe tiếng chim kêu vang ca trái đất: Triêu Dương của Mùa Xuân Vĩnh Cửu bắt đầu ngự trên trần gian; một đoá hoa trắng bừng nở rung rinh trên đống tro tàn điên loạn… Khi viết chương này, tôi chưa từng gặp Henry Miller. Năm 1965, tôi được gặp Henry Miller tại Pacific Palisades ở California. Trời đất đã sắp đặt cho tôi gặp Henry Miller tại Huê kỳ để được ông “điểm đạo”. Sau khi được điểm đạo thì tôi lên sống tại Nữu Ước, sống từ địa ngục này đến địa ngục khác, rồi lại lang thang lê lết ở Paris từ quán cà phê này đến quán cà phê khác, để rồi một ngày hạ dạo đó được gặp mặt Krishnamurti tại Paris dưới bóng những cây marronnier xanh đậm, trộn lẫn với tóc trắng của mây và màu xám của những đường phố lót gạch.” (Ấn bản điện tử. Nguồn: Talawas)
(3)Quyển ”Mặt trời không bao giờ có thực” mà tôi đang cầm trên tay (Trần Thi xuất bản năm 1987 tại California, USA), có những chi tiết khá thú vị, khiến tôi không thể không nói đến.
Thứ nhất, ngay trên trang đầu tiên, một độc gỉa nào đó – trước tôi – đã dùng bút chì ghi hàng chữ: ”tất cả triết gia đều là những kẻ bị ung thư tinh thần- 12-10-94“. Kẻ viết những dòng này, dường như cũng mang một tâm trạng nào đó đầy những uẩn khúc.
(Tranh vẽ không…”hiển thị”)
Thứ hai, nhiều phần trong tác phẩm được minh họa bởi những bức vẽ của một người tên Trần Thị Loan, những bức vẽ mà ông nhận xét rằng: ”Những bức tranh vẽ thơ mộng trong Mặt trời không bao giờ có thực do Trần Thị Loan thực hiện một cách linh động man mác để đánh dấu một ngày và một đêm nào đó đã đi vào chiêm bao vạn đại “ (Sđd- không có số trang). Quả thật, xem những bức vẽ và đọc lời nhận xét của ông, tôi cứ như người đi lạc vào sương mù. Tôi không thấy lối ra.

______________________

Trường giang Mỹ Tho

1
Thôi nôi con trường giang mọi rợ
tôi mọi mãi mỗi trường an
con diều hâu chạy bắt con chim
con chim lòn qua kẽ núi
lọt ra gió Hải Nam thổi hiu hắt về trường sơn
nước trường giang mẹ ru chim ngủ
con lớn khôn rồi bỏ mẹ bay xa
Cha con già trường sơn con ơi
trường giang đi chảy mãi nửa đời
trường sơn già ngồi đứng hứng mưa
mưa đi từ dưới chân đỏ bồ câu thượng thuỷ tây hồ
con lớn khôn rồi quên đất quên sông
con sông nào Cửu Long chảy từ thượng tứ
Mỹ Tho buồn thây chết trôi sông
Súng nổ bên cầu quay
Mẹ bồng con đóng cửa
Lính Tây dương đang say rượu giao thừa
Bông cúc vàng đầy sân ướt máu
Ba con già con trẻ đi xa
Súng nổ trên mái lầu
Nhà cháy bên hông
Mấy dì con chơi tứ sắc
Con còn nhỏ quá con ơi.

2
Thôi nôi thằng trường giang mọi rợ
tôi mọi mãi nỗi lang thang
Con chim trĩ xưa đỏ nuôi cá lia thia
Cá phượng mái đẻ ra một bầy trứng
Và rong rêu xanh kì lạ ao hồ
Trốn học bị cha còng cẳng
Bầu cua cá cọp mỗi năm buồn
Càng lớn lên càng thấy Tết bơ vơ
Bông mai nở trên đầu cây chợ vắng
Dưa hấu làng hiu hắt nắng ba mươi
Súng nổ bên cầu quay
Mẹ tôi bồng con chạy trốn
Giặc Lê dương đang say rượu
Thằng bé con có biết gì đâu
Chim bay nhiều chiều nay Toulouse
Tôi uống từng chùm nho đỏ
Còng cẳng tôi trên thượng tuý thu hồ
Người dượng bị Tây bắn
Xác nơi đâu hai con nhỏ bơ vơ
Bà ngoại đi tìm thây chẳng thấy
Mười năm sau tôi bị còng cẳng ngục tù
Mẹ tôi đến thăm
đem theo một gà mên cơm nóng
Mẹ tôi khóc
Tôi nhìn sông Cửu Long chảy
Đừng như dượng con ơi
Tôi nhìn sông Cửu Long chảy
Tôi đúng rồi trường giang mọi rợ
Mẹ hãy về đi và hãy bỏ con đi
Mẹ tôi khóc
Đừng như dượng con ơi
Yêu nước làm gì để hai con nhỏ bơ vơ
Tôi nhìn trường giang chảy
Mẹ hãy về đi
người công an già gác cổng
Cậu rất lạ kì
Sau này cậu có làm lớn
Hãy nhớ đến tôi
Tôi nhìn trường giang chảy
Tôi chỉ muốn làm con chó
Chạy giỡn mưa trường giang sa

3
Rồi từ ấy trường giang lại càng mọi rợ
khi chảy khi bay
khi thượng đỉnh đìu hiu khi trác táng đến tận màn sân khấu
Vẫn nhớ những buổi hát bội quê nhà
Kèn trống cải lương đứa con nít ngó cô đào trang điểm
từng dưới hầm nhà hát Mỹ Tho
Cô đào chửi đụ má
Đứa con nít đéo hiểu gì hết
Mà chỉ nhớ tô hủ tiếu phổi bò
Nó bắt gặp một sáng khi cô đào chổng cẳng ăn gãi ngứa
Tấn tuồng sao quá lạ
Tôi không hiểu
Nhưng sao mà quá đỏ nóng
như một triệu côn trùng loé sáng
Tôi bắt mỗi đêm
trong bao diêm
Cho tôi những tràng dưa hấu
quá đỏ
quá đỏ
những ngày trước Tết
Biển Nha Trang trời sinh các hạ
Đọc thơ Ba Tiêu cho Quách Tấn nghe
Cây mận đẻ hoa thằng Mỹ Tho nằm võng
Từ ô y hạng Quách Tấn tỉa thơ
Ta đéo biết gì hết
Đạp xe đạp ngồi ra bãi biển
ngó cái gì chỉ thấy mây bay
Trường giang chảy đại dương bại trận
Quách Tấn buồn bông cúc đơm hoa

4
Thôi rồi thôi trường giang mọi rợ
tôi mọi mãi nắng chiều Ban Mê Thuột
Hoàng Kiều ơi em đã đi xa
Buồn xóm cũ chiều xưa chưa tỉnh dậy
Buon Brieng và Bon Sar Par
Kontum và Pleiku chiều nay cỏ mọc
Bu Prang và Ban Don ở nơi đâu
Tìm thượng tứ té ra hạ thế
Gió chiều nay Toulouse máu đỏ
Hai đứa con bây giờ ở nơi đâu?
Dượng của anh bị lê dương bắn chết
Người con gái nằm trôi thây trên bãi lạ
Chiều nay
Chim bay quá nhiều
Chuyện đời xưa không còn nữa
Như Mãn đã chết
Treo thây trên hàng rào
Hoàng Kiều ơi đâu nữa là Thu Uyên
Em còn quá nhỏ
Rừng xưa chim lặng tiếng
Hãy đóng cửa
Long Khánh
Hãy đóng cửa
Con trâu vừa bị chém
Trường giang ta sẽ ru em ngủ
Máu đêm xưa thương em từng trận mưa rào
Bồ câu buồn gáy lại năm xưa
Mái chùa cũ Đà Lạt chiều tận thế.
16.7.1980
(Trong Tạp chí Việt, số 01.1998)

______________________

Đọc lại Phạm Công Thiện

Nguyễn Hưng Quốc

Phạm Công Thiện là một trong vài tác giả cũ trước 1975 thỉnh thoảng tôi vẫn đọc lại. Và vẫn thấy thích. Có điều hiếm khi nào tôi đọc lại trọn vẹn một tác phẩm nào đó từ đầu đến cuối. Thường, tôi chỉ đọc lóc cóc từng đoạn. Như đọc thơ. Mỗi lần cầm sách ông lên, cứ mở đại một trang nào đó, đọc; xong, gấp sách lại mà không cần làm dấu. Lần sau, lại mở sách một cách hoàn toàn ngẫu nhiên, không chọn lọc. Tôi để ý: hình như, trong văn xuôi, ngoài Võ Phiến, chỉ với Phạm Công Thiện, tôi mới đọc như thế. Điều đó chứng tỏ cách đọc ấy không đến từ thói quen đọc sách của tôi mà chủ yếu đến từ phong cách viết văn của ông. Nói cách khác, theo tôi, cách viết của Phạm Công Thiện không đòi hỏi, thậm chí, không khuyến khích người ta đọc trọn. Có cảm tưởng ông không quan tâm nhiều đến tính hệ thống và cấu trúc chung của cuốn sách. Rất hiếm, nếu không muốn nói là không có, cuốn nào của ông có môt bố cục thật chặt chẽ. Phần lớn, nếu có, chỉ chặt chẽ được phần đầu. Sau đó, là những ý rời, những đoạn rời. Là phóng bút. Là viết theo sự đưa đẩy của cảm hứng.
Mà cảm hứng của Phạm Công Thiện thì hình như bao giờ cũng dào dạt. Nó cuồn cuộn. Nó tràn bờ; nó vượt ra ngoài mọi khuôn khổ quen thuộc. Nó tạo nên đặc điểm đầu tiên và rất dễ nhận thấy trong văn phong Phạm Công Thiện: nồng nhiệt. Trong văn như có lửa. Lúc nào ông cũng ném hết tâm hồn và nhiệt huyết vào câu chữ. Không cần dè dặt. Đã tin, tin hết lòng. Đã thích, thích hết mực. Khen ai, ông khen không tiếc lời. Những từ ngữ như “đại thi hào”, “đại văn hào” “hay nhất”, “lớn nhất”… được dùng một cách thật hào sảng. Năm 1967, trong cuốn Im lặng hố thẳm, ông xem Nguyễn Du là một trong năm nhà thơ vĩ đại nhất của phương Đông; năm 1996, trong cuốn Nguyễn Du, đại thi hào dân tộc, ông đi xa hơn một chút nữa, cho Nguyễn Du là một trong ba nhà thơ vĩ đại nhất của nhân loại, bên cạnh Hoelderlin và Walt Whitman. Ngoài ba nhà thơ ấy, có còn ai đáng kể nữa không? Hình như là không. Đó là “ba thiên tài lớn nhất của nền thi ca nhân loại trong hai ngàn năm hoang vu trên mặt đất.” Với Nguyễn Du, viết thế, dù sao, cũng được: Ở Việt Nam, Nguyễn Du là một biểu tượng; mà đối với một biểu tượng, người ta không cần đặt ra những giới hạn. Nhưng với nhiều nhà thơ khác, Phạm Công Thiện cũng hào sảng như thế. Trong cuốn Hố thẳm của tư tưởng, xuất bản năm 1967, Phạm Công Thiện viết về Quách Tấn: “Quách Tấn là thi sĩ vĩ đại nhất của Việt Nam hiện giờ; Quách Tấn là người đã đánh dấu thi ca tiền chiến và thành tựu thi ca hậu chiến qua hai tập thơ Đọng bóng chiều và Mộng ngân sơn”. Hơn nữa, “Quách Tấn là một thi sĩ duy nhất của Việt Nam, đã thành tựu tất cả những gì mà Nguyễn Du còn để dở dang; còn tất cả những thi sĩ khác, kể cả Hàn Mặc Tử, kể cả Xuân Diệu, Huy Cận, v.v. đều là những thi sĩ thiên tài, nhưng không có đủ tất cả tính kiện hay kiện tính trong thơ họ để tính dưỡng và thành tựu thi cuộc mà Nguyễn Du đã mở đầu cho thi ca Việt Nam”.
Cũng trong cuốn ấy, Phạm Công Thiện viết về Hàn Mặc Tử: “Hàn Mặc Tử vỗ cánh phượng hoàng và bay xuống đậu giữa Thiên Thanh, Rimbaud và Hoelderlin đứng dậy chắp tay, đứng về phía trái; Keats và Leopardi đứng dậy chắp tay, đứng về phía mặt; Hàn Mặc Tử bay sà xuống đậu ngay chính giữa; ngay lúc ấy, lập tức hai Thi Sĩ bên trái và hai Thi Sĩ bên mặt quì xuống lạy ba triệu lạy; khi bốn Thi Sĩ lạy xong và ngước mặt lên thì Hàn Mặc Tử đã vụt biến mất và hoả diệm sơn biến thành một quả trứng phượng hoàng khổng lồ: quả trứng phượng hoàng cô liêu xoay tròn năm vòng và thu hình nhỏ lại thành trái đất; từ ấy, trái đất liên tục xoay tròn giữa vũ trụ vô biên và con người không còn làm thơ nữa.” Những kiểu phát ngôn như thế này rất phổ biến trong văn chương Phạm Công Thiện: “Chỉ một câu thơ của Nguyễn Du cũng đủ phá huỷ trọn tư tưởng Nam hoa kinh của Trang Tử. Một bài thơ của Trần Cao Vân (bài Vịnh tam tài) đủ thu gọn tất cả Tống Nho. Một vài câu thơ Hàn Mặc Tử đủ nói hết trọn sự nghiệp tư tưởng thánh Thomas dAquin và thánh Augustin. Một câu thơ của Rimbaud hay một dòng văn của Henry Miller đủ nói hết Kierkegaard, Paul Tillich hay Heidegger.” Với những tên tuổi lớn, Phạm Công Thiện vung bút như thế, kể cũng dễ hiểu. Với một số nhà thơ có tầm vóc nhỏ hơn, chỉ hơn mức trung bình một tí, Phạm Công Thiện cũng rất hào phóng lời khen ngợi. Trong cuốn Khơi mạch nguồn thơ thi sĩ Seamus Heaney, giải Nobel văn chương 1995, nhắc đến hai câu thơ của Hoài Khanh “Con sông nào đã xa nguồn / Thì con sông ấy sẽ buồn với tôi”, ông hạ bút: “Câu thơ bất hủ”; nhắc đến bốn câu “Tôi đứng bên này bờ dĩ vãng / Thương về con nước ngại ngùng xuôi / Những người con gái bên kia ấy / Ai biết chiều nay có nhớ tôi” của Hoàng Trúc Ly, ông bình: “Bốn câu thơ bát ngát như đất trời quê hương” (tr. 29).
Phạm Công Thiện là như thế. Lúc nào cũng nồng nhiệt. Lúc nào cũng rộng rãi. Lúc nào cũng cực đoan. Có người cực đoan vì đần. Phạm Công Thiện cực đoan nhưng vẫn toát lên vẻ thông minh và rất thông thái. Sự cực đoan ở nhiều người khác gợi lên ấn tượng hẹp hòi và hung bạo. Phạm Công Thiên cực đoan một cách hồn nhiên và vô hại. Bao trùm lên tất cả, ông cực đoan một cách chân thành và duyên dáng. Đọc, thấy ngay ông cực đoan, nhưng không ai nỡ bắt bẻ. Bắt bẻ, tự nhiên có cảm giác là mình tỉnh táo một cách nhỏ nhen.
Một trong những đặc điểm nổi bật khác của Phạm Công Thiện là ám ảnh về hình ảnh và ám ảnh về chữ. Văn Phạm Công Thiện có nhiều hình ảnh và ẩn dụ. Đoạn văn viết về Hàn Mặc Tử ở trên là một ví dụ. Phượng hoàng và hoả diệm sơn. Ở những nơi khác, hết núi lửa thì đến hố thẳm, hết ngày sinh của rắn thì đến những con chim biết nói tiếng Phạn, hết đòi giết các con kiến trong ý thức thì đến giao cấu mặt trời sinh ra mặt trăng, v.v... Đâu đó, Phạm Công Thiện tự nhận “ngôn ngữ của tôi là ngôn ngữ của thi sĩ. Ai muốn hiểu sao thì hiểu.” Là ngôn ngữ của thi sĩ, giọng văn của Phạm Công Thiện lúc nào cũng thơ mộng. Thơ mộng ngay cả khi ông bàn chuyện triết lý hay Phật pháp. Thơ mộng ngay cả khi ông hục hặc gây hấn phản kháng, thậm chí, chửi bới ầm ĩ. Sự thơ mộng ấy đến, một phần, từ hình ảnh, nhưng phần khác, quan trọng hơn, theo tôi, từ nhạc điệu. Văn của Phạm Công Thiện rất giàu nhạc tính. Câu văn của ông biến hoá đa dạng, thường thì dài hơn mức cần thiết. Để cho chữ có âm vang. Ông không ngại lặp lại, dưới hình thức này hay hình thức khác, dường như để những âm vang ấy không bị tắt quá sớm. Thấy rõ nhất là qua các câu văn dịch của Phạm Công Thiện. Trong cuốn Khơi mạch nguồn thơ thi sĩ Seamus Heaney, ông dịch chữ “recollections” của Yeats thành “hồi tưởng, truy tưởng, hoài tưởng, mặc tưởng, nhớ tưởng”; (tr. 14); câu “The end of art is peace” thành “Cứu cánh của nghệ thuật là sự hoà bình, sự an bình, thanh bình” (tr. 46). Dịch, như thế. Ông viết cũng thế. Thiếu một chút cô đúc. Bù lại, câu văn trở thành nhẹ nhàng và vang hưởng.
Tôi có cảm tưởng một trong những ám ảnh lớn nhất của Phạm Công Thiện là chữ. Rải rác trong nhiều bài viết khác nhau, chẳng hạn, trong cuốn Đi cho hết một đêm hoang vu trên mặt đất (1988), ông nói về sự say mê học tiếng và học chữ của ông. Quả thật, khả năng học tiếng và học chữ của Phạm Công Thiện là một kỳ tích ở Việt Nam. Cho đến nay có lẽ cũng chưa có ai vượt qua ông được. Tuy nhiên, ở đây, tôi chỉ xin giới hạn trong phạm vi văn chương: ở Phạm Công Thiện, ám ảnh về chữ có thể thấy rõ trong cách viết văn. Có thể nói văn Phạm Công Thiện có khi chỉ là một dòng liên tưởng bất tận gợi lên từ những con chữ. Chữ này gọi chữ nọ. Ngỡ như chữ chứ không phải là ý đóng vai trò quan trọng trong việc định hình cấu trúc của đoạn văn. Nhưng chữ, dưới ngòi bút của Phạm Công Thiện, thật ra, cũng tức là ý. Chữ đẩy đưa, luyến láy nhưng không thừa thãi. Cũng trong cuốn Khơi mạch… ông viết: “Thơ là linh hồn của tất cả âm nhạc; hình ảnh của Thơ là vô hình đột chuyển thành ra hiện hình và hiện ảnh: hiện hình và hiện ảnh của Thơ chính là hiện cảnh linh động và hiện thực hơn tất cả cảnh sắc và phong cảnh hiện tiền” (tr. 7). Xin lưu ý:
những chữ “hiện” trong đoạn này cũng như các đoạn sau là do tôi in nghiêng. Để độc giả dễ thấy. Ám ảnh về từ tố “hiện” ấy kéo dài sang mấy trang sau: “Một bài thơ hốt nhiên xuất hiện, đột hiện; một tia chớp ngang trời, một sự xuất hiện thình lình như tiếng sét bất ngờ. Thơ là xuất nhập, tất cả rạng ngời của một sự Xuất Hiện, tất cả oai lực lặng lẽ của sự Linh Hiện. Sự Xuất Hiện, Linh Hiện là suối nguồn của tất cả mọi ý nghĩa, ban bố ý nghĩa và khai mở vạch đứt giữa mọi ý nghĩa và mọi vô nghĩa. Từ đó có vô hạn nghĩa” (tr. 9). Chưa hết, sau đó, nhắc đến mấy câu thơ của Archibald MacLeish: “… wordless / as the flight of birds… / A poem should not mean / but be.” Ông viết: “Cái chữ be đơn sơ ở trên xuất đầu lộ diện như một tiếng sét, cái là hiện hữu, nói lên sự xuất hiện của Tính thể và Thể tính: sự hiện thể, hiện tính, hiện tính thể của chính tính thể, sự hiện thân nguyên vẹn, sự hiện diện sung mãn của cái là, cái có; sự hiện diện ở đây chính là sự thị hiện bất ngờ từ cái không đến cái có, từ cái không là đến cái là, thoáng hien, thoáng mất như tia chớp.
Bài thơ là sự hiện diện, hiện tính, thị hiện; sự hiện diện chẳng những là hiện diện của chính sự hiện diện mà lại còn hiện diện ngay cả sự khiếm diện, ngay cả sự mất tích và xa vắng.” (tr. 10-11). Cách viết như thế đã xuất hiện ngay từ Ý thức mới trong văn nghệ và triết học (1965), một trong những tác phẩm đầu tay của ông. Sau khi nêu lên năm chữ: chay, cháy, chày, chảy và chạy trong tiếng Việt, Phạm Công Thiện viết:
“Tất cả tư tưởng triết lý đạo lý của Việt Nam đã nằm trong năm chữ trên. Con đường của tinh thần Việt Nam phải đi trên năm bước tuần tự: trước nhất phải trong sạch thuần khiết, phải giữ nguyên tính thuần tuý, sạch sẽ, không pha trộn với ngoại chất (CHAY), nhờ thế thì sức mạnh tâm linh mới bừng cháy dậy như cơn hoả hoạn thiêng liêng thiêu đốt cho tan hết mọi nhỏ nhoi tầm thường rác rưởi (CHÁY) và nhờ ngọn lửa thiêng liêng bùng cháy trong tim cho nên sống hồn nhiên liều lĩnh, không cần tranh đua lý sự gì nữa cả, vượt lên trên mọi dự trù tính toán và lồng lộng phăng phăng, ngang dọc, đầu đội trời chân đạp đất, liều lĩnh, không sợ hãi (CHÀY), vì sống như thế, nên sức sống ào ạt phăng mạnh như nước lũ (CHẢY) cho nên không vướng mắc gì nữa, không vấp, không kẹt vào trong bất cứ cái gì trên đời này (CHẠY).
Không cần phải đọc Platon, Aristote, Kant, Hegel hay Karl Marx, không cần phải đọc Khổng Tử và Lão Tử, không cần phải đọc Upanishads và Bhagavad Gita, chúng ta chỉ cần đọc lại ngôn ngữ Việt Nam và nói lại tiếng Việt Nam và bỗng nhiên nhìn thấy rằng tất cả đạo lý triết lý cao siêu nhất của nhân loại đã nằm sẵn trong vài ba tiếng Việt đơn sơ như CON và CÁI, như CHAY, CHÁY, CHÀY, CHẢY, CHẠY và còn biết bao nhiêu điều đáng suy nghĩ khác mà chúng ta đã bỏ quên một cách ngu xuẩn.” (tr.xi-xii)
Thì cũng yêu chữ, nhưng ở nhiều cây bút khác, chúng ta chỉ được dẫn đến những điệu ầu ơ cũ rích.
Ở Phạm Công Thiện, chúng ta bắt gặp những ý tưởng thật thâm trầm và thú vị. Rõ ràng bên cạnh tình yêu đối vối chữ, ông còn có một tình yêu gì khác nữa. Đó là tình yêu gì? Giới hạn trong phạm vi văn học, không chừng đó là tình yêu đối với cái khó, cái phức tạp và cái trừu tượng. Trong tập Mặt trời không bao giờ có thực (1967) của ông, tôi thích hai đoạn này:
“Cái gì làm tôi không hiểu nổi, cái ấy làm tôi say sưa yêu dấu.” (Số XXXVI)
và:
“Tôi yêu những gì khó khăn, những gì khô khan, những gì rắc rối. Tôi yêu đọc những quyển sách khó hiểu và nặng nề. Tôi thích đọc những quyển tiểu thuyết khô khan lượm thượm dài dòng, tôi ưa những cánh cửa đóng kín, những hàng rào cao.” (Số XXXVIII).
Nói đến chuyện khó hiểu, không thể không nghĩ ngay đến chính các cuốn sách của Phạm Công Thiện. Không ít người vẫn cho văn của Phạm Công Thiện là tối tăm. Tôi nghĩ ngược lại. Vấn đề không chừng là ở cách đọc. Có thể vận dụng kinh nghiệm đọc Kafka của Phạm Công Thiện vào việc đọc chính Phạm Công Thiện: “Một thi sĩ đọc tác phẩm của Kafka sẽ hiểu gấp ngàn lần hơn một triết gia, học giả hay nhà phê bình.” Lâu nay, tôi vẫn đọc Kafka từ góc độ của một nhà nghiên cứu và nhà phê bình. Và tôi không chắc các nhà thơ trung bình có thể biết và hiểu Kafka nhiều hơn tôi. Nhưng riêng với Phạm Công Thiện thì tôi tin cách đọc từ góc độ một nhà thơ sẽ có hiệu quả lớn.
Tôi đã đọc (lại) các tác phẩm của Phạm Công Thiện như đọc những bài thơ. Với một tâm cảm thơ. Và tôi thấy mọi thứ đều dễ dàng. Trong vắt.
Melbourne 5 tháng 1.2009
Trích dẫn:
Phạm Công Thiện (1965), Ý thức mới trong văn nghệ và triết học, Sài Gòn: An Tiêm; tái bản lần thứ ba (1966). [Xem bản điện tử do talawas thực hiện].
Phạm Công Thiện (1967), Mặt trời không bao giờ có thực, Sài Gòn: An Tiêm. [Xem bản điện tử do talawas thực hiện].
Phạm Công Thiện (1967), Hố thẳm của tư tưởng, Sài Gòn: Phạm Hoàng xuất bản. [Xem bản điện tử do talawas thực hiện].
Phạm Công Thiện (1967), Im lặng hố thẳm, Sài Gòn: An Tiêm; tái bản lần thứ hai (1969). [Xem bản điện tử do talawas thực hiện].
Phạm Công Thiện (1988), Ði cho hết một đêm hoang vu trên mặt đất, California, USA: Trần Thi.
Phạm Công Thiện (1996), Nguyễn Du, đại thi hào dân tộc, California, USA: Viện Triết Lý Việt Nam và Triết Học Thế Giới.
Phạm Công Thiện (1996), Khơi mạch nguồn thơ thi sĩ Seamus Heaney, Giải Nobel Văn Chương 1995, California, USA: Viện Triết Lý Việt Nam và Triết Học Thế Giới.

_____________________

Một buổi sáng đọc thơ Tuệ Sĩ

Nguồn: Văn Học (California) số đặc biệt Tuệ Sỹ Lê Mạnh Thát
Số 35, tháng 12 năm 1988

Ta làm kẻ rong chơi từ hỗn độn
Treo gót hài trên mái tóc vào thu
Ngồi đếm mộng đi qua từng đọt lá
Tuệ Sỹ

Hình như Tuệ Sỹ làm thơ rất nhiều; nghe nói lúc băng rừng vượt núi trong thời gian đấu tranh bí mật để liên lạc giao kết với mặt trận rừng núi cao nguyên, trên những ngọn đèo trùng điệp của quê hương, Tuệ Sỹ đã làm rất nhiều thơ; hình như có người đã giữ lại nhiều tập thơ chưa xuất bản và không chịu phổ biến. Tôi chỉ được đọc đi đọc lại hai bài thơ của Tuệ Sỹ. Hình như hai bài thơ này đã được làm trước khi cộng sản vào chiếm miền Nam (và đã được phổ biến nhiều lần trên các báo chí hải ngoại hiện nay). Thơ của Tuệ Sỹ không phải chỉ có thế, hiển nhiên. Tuy nhiên, chỉ nội hai bài thơ cũng đủ nói lên thế giới thơ mộng lặng lẽ của Tuệ Sỹ.
Thế giới thơ mộng lặng lẽ của Tuệ Sỹ không có nhan đề; hai bài thơ đều không có tựa. Một người đã từng quen biết Tuệ Sỹ nhiều chắc chắn phải ngạc nhiên: Tuệ Sỹ không để lộ ra bất cứ hình ảnh hay chi tiết gì có liên hệ trực tiếp hay gián tiếp với đời sống cá nhân thường nhật của mình. Có lẽ đặc tính thứ nhất của thơ Tuệ Sỹ là không có "cá tính". Đi ngược lại với thói quen phê bình thơ văn của phần đông (ai cũng muốn đi tìm "cá tính" của mỗi thi sĩ), tôi nghĩ rằng cái việc thể hiện cái "không có cá tính" trong thơ là điều khó khăn nhất cho một người làm thơ. Cá tính được cụ thể hóa qua những hình ảnh chi tiết của đời sống cá nhân thường nhật; ngay đến những bài thơ khách quan lạnh lùng của thi hào Hy Lạp hiện đại Cavafy cũng mở rộng rõ ràng tiểu sử đời sống cá nhân thường trực hàng ngày của chính đương sự; ngay cả những bài thơ tuyệt tác của thi hào thế kỷ XVI-XVII của Anh John Donne, gọi là nhà thơ "siêu hình" nhưng cũng để lộ những nét sâu đậm của đời sống cá nhân thường nhật. Trái lại với Tuệ Sỹ, đời sống cá nhân thường nhật đã vắng mặt; còn cá tính đã được bôi sạch hay đã được ẩn giấu nhẹ nhàng đâu đó. Về hai bài thơ không nhan đề, tôi xin gọi bài A và bài B để tiện điểm danh; hai bài thì đều không có chấm phết; trong bài A chỉ có dấu chấm hỏi bất ngờ duy nhất:
Chẳng một lần lầm lỡ không ư?
Câu hỏi mà cũng chẳng phải câu hỏi: câu hỏi trên chỉ để nhấn mạnh một cách tương phản một cái gì dứt khoát nhất nằm ở câu thơ thứ năm:
Một lần định như sao ngàn đã định
Chúng ta hãy để ý hai chữ "một lần" trong câu trên và trong câu hỏi: mấy chữ "một lần" mang tất cả sức nặng gợi nghĩa của chữ Đức "Einmal" (một lần) trong thơ của Rainer Maria Rilke. Tuệ Sỹ đã sử dụng bốn lần mấy chữ "một lần" trong bài thơ A (trong câu 5, câu 6, câu 11 và câu 12) và mỗi lần dùng "một lần" trong câu đầu thì câu kế tiếp cũng vang lên "một lần"nữa. Xin đọc một lần nữa:
Một lần định như sao ngàn đã định
Lại một lần nông nổi vết sa cơ
(câu 5 và câu 6)
Một lần ngại trước thông già cung kỉnh
Chẳng một lần lầm lỡ không ư?
(câu 11 và câu 12)
Chúng ta cũng cần để ý những chữ "định", "nông nổi" "ngại", "lầm lỡ" đi theo sau mấy chữ "một lần". Một lầnđịnh, một lần nông nổi, một lần ngại, một lần lầm lỡ. Như thế có nghĩa là gì? Không có gì than tiếc cả, ngược lại. "Định" chỉ có ý nghĩa là "định" mỗi khi "định" được thực hiện bi tráng giữa những nông nổi, những ngại ngùng, những lầm lở vô định. Đây chẳng phải là cái ngờ vực bất hủ của Descartes (đã được an nhiên xác định trước từ dự tưởng về nền tảng bất di dịch tuyệt đối của chân lý như là "xác thực tính", tức là "Certitudo" trong ý nghĩa siêu hình của tuyệt điểm triết lý triết lý Descartes, nghĩa là "Fundamentum Absolutum Inconcussum Veritatis" (theo nghĩa vừa dịch trước khi dẫn). Cũng chẳng lưỡng lự theo điệu đã được nuôi dưỡng trong tư tưởng Long Thọ thì không thể rơi vào Chủ quan tính hay Khách quan tính như thế (mà Cá tính chỉ là hậu quả tất yếu của Siêu Hình Học Tây Phương cận đại và hiện đại về Chủ Thể Tính; và Khách quan tính cũng chỉ là hậu quả đương nhiên của Chủ Thể Tính tương đối và tuyệt đối của Kant và Descartes và tuyệt đối nhất là của Hegel). Xin trở lại bài thơ A, và xin đọc lại hai câu mở đầu:
Này đêm rộng như khe rừng cửa biển
Hai bàn tay vén lại tóc xa xưa
Và xin đọc lại hai câu cuối của bài thơ:
Ngày mai nhé ta chờ mi một chuyến
Hai bàn tay vén lại tóc xa xưa
Tất nhiên tôi phải ngạc nhiên và ngừng lại suy nghĩ: tôi không bao giờ thấy Tuế Sỹ có tóc (chỉ sau ngày cộng sản nhốt tù thì tóc mới mọc lên). Thầy tu không có tóc lại làm thơ với hình ảnh trữ tình lặp đi lặp lại hai lần trong bài A ("vén lại tóc xa xưa") và một lần trong bài B ("Treo gót hài trên mái tóc vào thu"). Tóc ở đây là tóc của ai? Của một thiếu nữ? Tầm thường quá và không hẳn là thế. Dù là thầy tu đi nữa thì đôi lúc cũng mơ mộng như mọi người cho vui nhẹ trong không khí khổ hạnh? Tóc của đàn ông? Cũng không hẳn thế? Thôi thì cứ gọi tóc của thơ, đủ rồi. Có thể tạm chẻ sợi tóc ra làm tư và gọi là "tóc của tục đế, thế đế" theo tinh thần của Long Thọ " (Chân đế hay đệ nhất nghĩa đế thì phải cần đến Tục đế hay Thế đế, vì "Niết Bàn không khác mảy may nào cả với Luân Hồi": tuyệt đỉnh cao siêu nhất của Phật Giáo). Bỏ triết lý và tôn giáo qua một bên, và xin trở lại thế giới của Tuệ Sỹ và xin đọc lại từ đầu với 6 câu mở đầu bài:
Này đêm rộng như khe rừng cửa biển
Hai bàn tay vén lại tóc xa xưa
Miền đất đỏ trăng đã gầy vĩnh viễn
Từ vu vơ trong giấc ngủ mơ hồ
Một lần định như sao ngàn đã định
Lại một lần nông nổi vết sa cơ
Cách hạ vần cuối rất rộng rãi (…ưa,…ồ,…ơ, …iễn, …inh) chữ "Này" bắt đầu câu thơ để gọi. Thơ là gọi: gọi tên, hay đúng hơn: gọi sự có mặt, gọi sự hiện diện. Thơ thường khi cũng gọi sự vắng mặt, làm cho sự vắng mặt được có mặt. Đêm là sự vắng mặt của ban ngày.
Này đêm rộng như khe rừng cửa biển
"Đêm rộng" ở đây không có nghĩa là đêm lớn rộng, mà có nghĩa là mở rộng ra như khe mở rộng ra rừng và cửa mở rộng ra biển; đêm rộng là đêm mở rộng ra ngày mai như câu thơ 13 trước câu thơ cuối:
Ngày mai nhé ta chờ mi một chuyến
Và câu cuối:
Hai bàn tay vén lại tóc xa xưa
Câu cuối 14 lặp lại câu thứ hai như điệp khúc quyết định: "Hai bàn tay" chớ không phải một bàn tay. Thiếu nữ vén tóc thường khi chỉ vén có một tay chỉ có tráng sĩ tóc dài theo điệu "thử địa biệt Yên Đan"mới vén tóc bằng cả hai tay nhất quyết: "nhất khứ bất phục hoàn". Mấy chữ "xa xưa" cũng có thể hiểu ngược lại thời gian thông thường là "xa xưa của tương lai", vì chính mấy chữ "ngày mai nhé" đã được mấy chữ "xa xưa" mở rộng chân trời như "cửa biển", hay ẩn giấu chân trời và mở rộng thời gian như "khe rừng" hay "sao ngàn": mỗi "một lần", mỗi một bước chân của Thời gian là cô đọng lại Thời gian tinh túy "vĩnh viễn" (không phải "vĩnh viễn" theo điệu "cái hiện tại đứng ở lại" của thần học thánh Augustin "Nunc Stans"mà theo nghĩa "hiện tại thu phối vĩnh cửu" của thuật ngữ Heidegger: Augenblick-Augenblitz": tia chớp xé rách thời gian của Héraclite và khi mở Vĩnh cửu, cái Một mở rộng và thu phối cái Tất cả (Hen Panta) theo nhịp Hoa Nghiêm Kinh (một lầnbao dung tất cả lần). Quan niệm "Nunc Stans" xuất phát từ tư tưởng Hữu Thể, còn "Vĩnh Viễn" của Tuệ Sỹ nằm gọn trong sự vắng mặt của Không Tính. Tuy vậy, Tuệ Sỹ không bao giờ sử dụng danh từ Phật học trong thơ (khác hẳn với những thi sĩ thích làm thơ "thiền", dù Tuệ Sỹ đã từng làm việc chơi "tay trái" là dịch giỡn bộ Zen của Suzuki. Thực ra ít có người tu chứng cùng hiểu Thiền như Tuệ Sỹ.) Mấy chữ "không như" và "không hư" trong câu thơ 8 và 10 chẳng có liên hệ mảy may gì với chữ "không" trong "Không tính" của Bát Nhã và Thiền. Sự vắng mặt nói lên sự có mặt nào đó.
Bây giờ đọc lại trọn bài thơ A (gồm 14 câu, mỗi câu 8 chữ), chúng ta tự hỏi nhà thơ muốn nói gì? Đọc thơ mà thấy rằng tác giả muốn nói rõ cái gì thì chẳng còn là thơ nữa. Nhưng có lẽ câu thứ 5 ("một lần định như sao ngàn đã định") và hai câu cuối ("…ngày mai nhé ta chờ mi một chuyến/ hai bàn tay vén lại tóc xa xưa") cũng gợi chủ ý cho ta rất nhiều? Như trong bài B ("…Một buổi sáng nghe chim trời đổi giọng/ người thấy ta xô dạt bóng thiên thần") đã gợi chủ ý cho tất cả bài B. Có lẽ đặc tính thứ hai trong thơ của Tuệ Sỹ là trừu tượng hóa bản thân cụ thể, trừu tượng hóa cá tính. Tôi dùng mấy chữ trừu tượng ở đây trong ý nghĩa đẹp nhất và thơ mộng nhất, như nhà thơ vĩ đại Paul Valéry đã "trừu tượng hóa" nhân vật tản văn thường mang tên là "Monsieur Teste". Tuệ Sỹ không hề đọc Valéry mà thường đọc đi đọc lại một nhà thơ trái ngược hẳn với Valéry là Heine. Điệu thơ Đường Tống cũng đã được dấu kín lặng lẽ trong thơ Tuệ Sỹ, mặc dù Tuệ Sỹ đã từng thuộc nằm lòng cả thế giới Tống Đường. Nói rằng thơ của Tuệ Sỹ hay hoặc không hay thì lố bịch. Chỉ có thể nói rằng thơ của Tuệ Sỹ đáng được chúng ta đọc đi đọc lại nhiều lần và suy nghĩ lan man hoặc cảm nhận tùy hứng. Ít nhất có một người làm thơ đáng cho ta đọc giữa "sống chết với điêu tàn vờ vĩnh" để cho chúng ta còn có được "một buổi sáng nghe chim trời đổi giọng." Đặc tính thứ ba và cuối cùng của thơ Tuệ Sỹ chính là tiếng thơ đổi giọng của một loài chim đi từ cõi xa xưa của vô biên tế kiếp trong lòng sâu thẳm của Tính Mệnh Quê Hương.
California, ngày 18 tháng 11, 1988

___________________

Nói chuyện với tác giả “Hố thẳm tư tưởng”

Bùi Vị Xuyên

Lời giới thiệu của tạp chí VĂN số tháng 9 năm 1969:
Paris, 12.8.1969
Ở Paris tôi tình cờ đọc được một bài ngắn các anh viết về tôi trong một số Văn.
Tôi thấy rằng các anh có lòng quý mến tôi, nhưng các anh vẫn ngộ nhận tôi ngay nền tảng.
Những gì tôi đã viết và đã xuất bản, không phải tôi cố viết “cao”, viết “tối”, “khó hiểu”, v.v... mà vì chính điều tôi muốn nói là điều không thể nói theo ý thức thông thường hằng ngày được. Tất cả triết lý, tất cả tư tưởng cao siêu, đối với tôi, đều không có ý nghĩa gì hết, ngoài ra là ráng nói lên sự tương tranh tàn nhẫn giữa con đường và bóng tối.
Sự tương tranh tàn nhẫn này là đòi hỏi một ngôn ngữ khác, ngôn ngữ của một kẻ bại trận trước sự đổ vỡ của thế giới và mặt đất. Husserl cũng là kẻ tranh đấu quyết liệt trong sự tương tranh tàn nhẫn giữa thế giới và trái đất. Phải bắt đầu mọi sự từ sự căng thẳng xung đột ấy thì mới nói lên sự có mặt của Đêm tối trong cơn bệnh tàn tạ của nhật nguyệt.
Phạm Công Thiện.
Ít ngày sau khi nhận được lá thư trên, chúng tôi được tin anh Phạm Công Thiện đã từ Vienne trở về Sài gòn, vì bị chứng đau ruột hành. Toà soạn nhờ anh Bùi Vị Xuyên tới thăm anh Phạm. Bài dưới đây là những ghi chú về một cuộc mạn đàm dài hơn hai tiếng đồng hồ mà tác giả HỐ THẲM TƯ TƯỞNG dành cho Văn.
Xin mời bạn đọc đi vào tâm sự (để tìm hiểu) một tác giả có tiếng là viết tối tăm, khó hiểu nhất hiện nay.
________

“Tôi sinh ra đời bên một dòng sông gọi là sông Cửu Long, mà Cửu Long có nghĩa là chín con rồng; hồi nhỏ, tôi thường bơi lội như một con rồng con, ở bên một cù lao, gọi là cù lao Rồng. Thuở nhỏ, tôi thường trốn học để chạy rong chơi ở cù lao Rồng, hoặc trốn nhà để tắm bơi ở trong con sông chín con rồng...”
(Hố Thẳm Tư Tưởng, 1967, trang 104-105)
BVX: Xin anh cho biết thêm về quê hương anh.
PCT: Những dòng trên được viết vào năm 1966 tại Paris trong quán cà phê Dôme ở Montparnasse giữa một buổi chiều xuân phơi phới có gió rất nhẹ và lá rất non; đó là thời gian duy nhất mà tôi đã nghĩ nhiều về Việt Nam, nơi tôi đã được sinh ra để sống và khổ, nơi tôi đã bỏ đi và định bỏ đi vĩnh viễn, nơi tôi thù ghét kinh tởm đến rợn người;
đối với tôi danh từ quê hương chẳng có ý nghĩa gì cả, tôi chỉ biết rằng nơi tôi được sinh ra đời chỉ là nơi tôi đã trải qua những bi kịch đau đớn thảm khốc nhất trong một kiếp người; tôi hận thù Việt Nam, tôi kinh tởm Việt Nam, tôi muốn bôi xoá hai chữ Việt Nam trong tim tôi và óc tôi.
BVX: Trong số những nhà văn hiện đại, anh là người có dịp được đi ra nước ngoài nhiều nhất. Sao anh không thực hiện ý định bỏ đi vĩnh viễn như vừa nói?
PCT: Như anh thấy, tôi đã trở về.
BVX: Trở lại năm 1966, dạo đó anh đã...
PCT: Vâng, tôi đã kinh tởm Việt Nam, tôi đã muốn bôi xoá hai chữ Việt Nam trong tim tôi và óc tôi. Nhưng những ngày xuân dạo đó ở Paris, tôi bắt đầu cảm thấy có một cái gì nhoi nhói trong tâm hồn, có một cái gì non non như lá xuân, có một cái gì xa và gần như đêm khuya, có một con sông nào đó bắt đầu chảy nhẹ vào hồn tôi trên những buổi sáng chim hót bên hàng xóm; dòng sông Seine ôm lấy Paris. Đứng trên cầu Pont Neuf một đêm khuya, nhìn xuống dòng sông Seine xám đen, tôi thấy một trăm con sông chảy qua đời mình, một trăm con sông nhảy múa như một trăm con rắn và Ngày sinh của rắn bắt đầu xuất hiện vào đêm đó; một trăm con rắn đang cuộn nhau nhảy múa trong một vũ điệu mang tên kỳ lạ là Mặt trời không bao giờ có thực, con rắn chúa nhảy múa một lúc thì biến thành rồng, và ngay giây phút ấy, tôi sực biết rằng con rồng ấy là sông Cửu Long. Tôi mỉm cười vì thấy mình vừa sống qua một giấc mộng hoang đường, đang khi mình mộng mà hai mắt vẫn mở và nhìn xuống dòng sông Seine.
Đêm đó, bước trở lui về quán trọ ở Quartier Latin, tôi đã nằm thức suốt đêm và cũng chính đêm đó lần đầu tiên trong đời, tôi bỗng thấy hiện tính của Việt Nam ngọ nguậy cựa mình bay vụt phóng vào hố thẳm đầy lửa máu, rồi bay vọt lên cao tít mù, một nơi nào cao vút trên kia, không biết gọi tên là gì, có lẽ đó là một đám khói, khói thuốc mà tôi đang nằm hút liên tiếp từ điếu này đến điếu khác suốt trọn cả đêm. Sáng hôm sau và tất cả những ngày sau liên tiếp, Hố Thẳm Tư Tưởng được ra đời, và được ra đời kế tiếp là Im Lặng Hố Thẳm; tôi ngồi viết quyển Im Lặng Hố Thẳm tại một quán cà phê trước trạm métro Place Jussieu, những ngày ấy có thi sĩ Nh. Tay Ngàn ngồi bên cạnh tôi, tôi vừa viết vừa đọc cho Nh. Tay Ngàn nghe và hắn đã nghe với lỗ tai của một thi sĩ ngây thơ vô tội, hắn là độc giả đầu tiên và chính là độc giả lý tưởng của tôi, vì tôi chỉ thích người ta đọc những gì tôi viết bằng một tâm thức mơ mộng của thi sĩ đãng trí hơn là đọc để soi mói, vì hiếu kỳ, để so sánh phê phán, vì tự mãn phè phỡn với vốn liếng học thức, để tranh luận hơn thua, vì cảm thấy mình bị sỉ nhục hạ thấp. Những gì tôi đã viết từ trước cho đến nay chỉ là những cái tát tai mà tôi đã đập vào tri thức, văn chương, văn hoá, lý luận học đường, tôn giáo, tín ngưỡng, ý thức hệ, đạo đức, tập quán và truyền thống. Tôi muốn đảo ngược lại mọi sự, đảo ngược cả chính tôi, tôi muốn cào bới cho máu chảy vọt ra từ vết thương nặng nề mà tôi, một kẻ yêu đời và thờ phụng cuộc đời, phải chịu đựng một cách tàn nhẫn vì chỉ muốn sống và sống trọn vẹn tràn trề với mình và với tất cả con người trên mặt đất này.
BVX: Anh đã hăng hái “tát tai” mọi sự, và...
PCT: Tất nhiên mọi sự sẽ tát tai lại tôi; những ngày tôi trở về Việt Nam, tôi đã sung sướng đưa tai mình cho thiên hạ tát vào; sau tập thơ Ngày Sinh Của Rắn, quyển Hố Thẳm Tư Tưởng và Im Lặng Hố Thẳm ra đời thì không có một tờ nhật báo nào mà không đem tên tôi ra để làm trò hề, nhất là có một tờ nhật báo bán chạy nhất bấy giờ là nơi tên tôi được nhắc đi nhắc lại nhiều lần để đồng hoá với một cái gì nham nhở, hợm hĩnh, quái dị điên rồ ở đất nước này, sau đó có những tờ tạp chí, một tạp chí tên gì đó đã đăng một bài dài nhan đề là “Phạm Công Thiện, ông là ai?” và gần đây hơn nữa có một tạp san khác lại đăng loạt bài “Hiện tượng Phạm Công Thiện” để rồi kết luận rằng tôi là thằng điên chữ, một tên điếm đàng, một tên côn đồ trong văn nghệ vân vân. Tôi đã say sưa đọc tất cả những gì thiên hạ nói, viết, phê phán, đề cao, chỉ trích, mạt sát tôi; tôi say sưa đọc những thứ đó như đọc chính những gì mình đã viết và đã muốn viết: vì tất cả những gì người ta đã nói về tôi đều đúng là điều tôi muốn nghĩ về tôi. Tất cả những sách tôi xuất bản đều bán hết trong một hai tháng, tôi bỗng trở nên một tác giả có sách bán chạy nhất ở Việt Nam. Đó là cái tát tai thứ hai, vì không có gì nguy hiểm cho một con người sáng tạo bằng sự thành công có tính cách thương mại. Con người sáng tạo, tự nhận mình là kẻ sáng tạo, cảm thấy bị sỉ nhục vì người ta đem mình ra thị trường như đem một con quái vật từ sở thú. Cái tát tai thứ ba là sau khi tôi đã bị sỉ nhục bằng đủ mọi cách thì đồng lúc tôi cũng được vuốt ve ngọt ngào một cách lố bịch khi được biết rằng mình trở nên một thứ “thần tượng” cho phần đông thanh niên Việt Nam; họ tôn tôi là “thần tượng” vì những lý do ngu xuẩn của họ. Tôi bắt đầu đóng cửa phòng lại và xô đuổi tất cả môn đệ ngu xuẩn ấy ra ngoài hành lang. Tôi không là gì cả, tôi chỉ là một thanh niên muốn nói những gì cần nói, muốn im lặng những gì cần im lặng và muốn sống cho ra hồn cái đời sống riêng tư lập dị của mình.
BVX: Anh tự cho mình là lập dị. Nhưng tôi biết có nhiều người (trong số có Trần Phong Giao) cho anh là bậc thiên tài...
PCT: Bây giờ đây, đối với tôi, danh từ “thiên tài” chỉ là một trò ngu xuẩn, ngu xuẩn như tất cả danh từ cao đẹp hoa mỹ khác. Động từ “sáng tạo” hay danh từ “nghệ sĩ” cũng là ngu xuẩn nốt. Thiên tài, nghệ sĩ, cô đơn, thi sĩ, nổi loạn, hư vô, hiện sinh, triết lý, tất cả đều ngu xuẩn. Càng ngu xuẩn, càng sống với tất cả ngu xuẩn ấy, tôi càng thấy tất cả những ngu xuẩn đều cần thiết trong một giai đoạn để chuẩn bị cho một sự ngu xuẩn lớn nhất: đó là cái chết của tôi, của anh, của em, của tất cả mọi sự trên mặt đất. Sống là ngu xuẩn, chết cũng là ngu xuẩn, thế thì chỉ còn một con đường là ngu xuẩn với ngu xuẩn qua ngu xuẩn trong tất cả ngu xuẩn của mọi sự ngu xuẩn. Đẩy tất cả mọi ngu xuẩn đến ngu xuẩn đầu tiên và cuối cùng: mơ mộng trong khi vẫn mở mắt, cười tất cả mọi sự bi thảm, yêu tất cả những cái gì không có ở tại đây và bây giờ, đùa chơi với tấn trò đùa của thời gian vũ trụ, đóng vở tuồng chèo của đời mình cho đến độ xuất thần ngã ngửa. Nhưng vẫn chưa hết, còn nhiều nữa: đùa dai đến đâu đi nữa thì cũng thấy mệt và sự mệt mỏi ấy nói lên hữu hạn tính của con người và của cả tính thể: Henry Miller trở lại sống ở Huê Kỳ sau khi đã chửi bới Huê Kỳ không còn manh mún gì nữa; Rimbaud trở về chết và chịu rửa tội tại nhà thương ở Marseille sau khi nóiMerde à Dieu; Hécralite nằm chết ứ nước với bầy heo sau khi đã ca tụng lửa của vũ trụ; Nietzsche bị đóng đinh ứ máu sau khi đã chửi bới kẻ đóng đinh trên thập tự giá. Cái tát tai tôi gửi cho anh cũng chính là cái tát tai anh gửi cho tôi, hay nói một cách tài tình thần bí như Eckhart thì “đôi mắt tôi nhìn Chúa cũng là đôi mắt Chúa nhìn tôi”, hay nói một cách triết lý thì “hữu hạn, giới hạn, chính là cửa mở ra vô hạn”. Hay nói một cách trữ tình bóng gió thì sau khi đã bỏ quên sông Cửu Long, đánh mất hẳn dòng sông của tuổi thơ mình, thì sông Cửu Long lại bắt đầu chảy lại trong đời sống tôi; điều phi thường là lần này sông Cửu Long không cần phải chảy lại trong một vị trí địa lý nhất định nào mà sông Cửu Long có thể chảy lại trong bất cứ nơi nào trên mặt đất này khi mà tôi bắt đầu mở mắt ra nhìn thấy sự chết không thể tránh được và sự sống cũng không thể tránh được, nói như Saroyan, người mà một lần tôi đã say sưa yêu mến trong quyển Ý thức mới trong văn nghệ và triết học. Bây giờ tôi mới thấy rằng ý thức mới không phải là ý thức về sự tiến bộ mà là ý thức về sự thoái bộ. Sự thoái bộ (Rückschritt) thì cao quí và khó tìm hơn sự tiến bộ (Fortschritt) vì một bước lùi là một bước rút gần đến Nơi Suối Nguồn (Ursprung), suối nguồn ấy là Hiện tính (Anwesenheit), tức là Tính thể như là Hiện tính (Sein als Anwesenheit), nghĩa là Vô Ẩn tính (Un-Verborgenheit), mà bỏ quên Hiện tính (Anwesenheit) thì sự tiến bộ sẽ đưa lịch sử thế mệnh tựu thành một trận chiến tranh tàn khốc ở Việt Nam và trên dòng sông Cửu Long, bên cạnh những bông bèo và bông lau là những xác chết của những con người Việt Nam, những xác chết trôi nổi lềnh bềnh trong nỗi mất quê hương chung của toàn thể nhân loại ở thế kỷ XX.
BVX: Sự đi nhiều có ảnh hưởng tới quan niệm về triết lý của anh không?
PCT cười buồn, ngả người ra thành ghế, ngước nhìn lên trần nhà.
BVX: Tôi thấy anh thường gọi triết lý là con đường...
PCT chồm ra phía trước, lấy tách nước trà, uống một hơi dài, chậm chạp, rồi anh trả lời, giọng rành rẽ như khi giảng bài trong lớp.
PCT: Gọi triết lý là con đường, vì con đường mở ra những ngã ba, ngã tư, tiếp nối với những con đường khác: con đường có thể băng qua những thung lũng, qua những vú đồi xanh nhung, những nội cỏ hoa vàng có bướm tình lượn nhau, những con đường cũng có thể là con sông, vì con sông có nghĩa là con đường nước: sông là thể tính của con đường, thể tính của sông là chảy, chảy là căn tính của chạy, một con đường chạy dài là sự thoái bộ của con sông đang chảy, trong danh từ triết Đức, sự thoái bộ gọi là “Rückschritt”’; ngày 20 tháng 10, năm 1966, chính Heidegger đã tuyên bố rằng trong lịch sử triết lý không có sự tiến bộ (Fortschritt) mà chỉ có sự thoái bộ (Rückschritt); đó là sức mạnh huyền bí của triết lý: Khoa học tiến thì triết lý lùi: sự thoái bộ của triết lý kêu gọi sự tiến bộ của khoa học, sự thoái bộ của triết lý không phải là vì triết lý đã đánh mất sứ mệnh và tác dụng của mình, chính sự thoái bộ của triết lý mới chính là sự thành tựu của thế mệnh hiện nay: sự thoái bộ của triết lý không phải là sự truy khảo có tính cách sử học bị chìm mất trong thời đại ảo thoại mà chính sự thoái bộ của triết lý là thuận theo tính mệnh của tính thể trong sự hiện tại của thời hiện đại. (Heidegger: Dieser Rückschritt verliert sich jedoch nicht historisch in ein mythisches Zeitalter, sondern er bewegt sich geschickhaft in der Gegenwart des jetzigen Weltalters).[1] Sự thoái bộ ở đây là sự chảy lại về nguồn của con sông, lùi lại nguồn, lùi lại nơi thể tính (Wesen) của tất cả lịch sử. Con sông có thể trở thành một con đường cho con người khai thác giao dịch kinh tế thương mại, con sông có thể trở thành một sự trang hoàng có tính cách thẩm mỹ cho một thành phố, con sông đang trở thành một đối tượng cho sự khai thác kỹ nghệ, một đối tượng cho cơ khí và khoa học, chẳng hạn như sông Cửu Long đang được khai thác trở thành nguồn điện lực cho người Việt Nam; sự tiến bộ của sông Cửu Long trong việc thích ứng với nhu cầu của văn minh cơ khí cũng là sự thoái bộ của sông Cửu Long trong việc nuôi dưỡng thể tính của suối nguồn phát xuất từ Tây Tạng. Sự tiến bộ của sông Cửu Long cũng được đánh dấu bằng những xác chết thả trôi trên dòng nước, những xác người không được thừa nhận, những xác người không thuộc về bên đây hay bên kia, những xác người đã chết cho sự ẩn tính (lē thē)[2] của tính mệnh trong thời hiện đại.
BVX: Con đường dẫn đi xa thật. Chúng ta tới Heidegger rồi, phải không anh?
PCT: Vâng, tới Heidegger và, — nếu đó là ý anh muốn ngầm hỏi, — trở lại Việt Nam. Này nhé:
“Vấn tính về sự hiển tính của Tính thể đòi hỏi một sự trầm tư về ý nghĩa nguyên uyên của Tính thể như là Hiện tính. Vấn đề này về sự hiển tính đòi hỏi một sự trầm tư về tính cách đặc biệt của sự hiển tính kia mà thuở bắt đầu của tư tưởng Tây phương điều ấy được biết (bekannt) với cái tên là A-Lētheia [3] (Vô Ẩn Tính) [Un-Verborgenheit], nhưng không được suy tưởng một cách chủ luận thấu suốt và chỉ được tri nhận [erkannt] như thế thôi. Một sự trầm tư gần gũi hơn về thể tính của Vô Ẩn Tính như thế trong tận nơi suối nguồn của nó có thể đưa dẫn đến sự nhập kiến khai ngộ rằng trong suốt toàn thể của triết lý Tây phương sự xác định luân chuyển về Tính thể như là Hiện tính là tương tức với sự thể tính hoá của Vô Ẩn Tính. Vấn tính về Tính thể phơi bày vào trong vấn tính về sự tương tức giữa Vô Ẩn Tính và Hiện Tính (“Chân lý” và “Tính thể”), tức là về cái qui định sự tương tức này như tự là thế. Với vấn tính này, tư tưởng đi trở lại đằng sau nguồn gốc của tư tưởng Tây phương tại nơi những người Hy-lạp và nhờ đường lối này mà đem đến được toàn thể lịch sử của tư tưởng từ những tư tưởng gia trước Socrate cho đến Neitzsche, đem toàn thể lịch sử tư tưởng ấy đến được một chiều hướng khai vực mới lạ. Trên con đường này thì sự việc trở nên minh bạch rằng trái ngược với những khoa học, trong lịch sử của triết lý không có sự tiến bộ (Fortschritt) mà đúng nghĩa hơn thì chỉ có sự thoái bộ (Rückschritt). Tuy nhiên, sự thoái bộ này không phải là sự truy khảo có tính cách lịch sử bị đánh chìm mất tự thể trong một thời đại của ảo thoại mà chính sự thoái bộ ấy lại dính liếu mật thiết với sự hiện tại của thời đại qua sự tương dung với tính mệnh của tính thể.”
[Đoạn văn nầy, PCT (vừa) nói (vừa viết) bằng tiếng Đức. Ít phút sau nói dứt chữ chót, anh trao cho chúng tôi bản viết tay nguyên tác chữ Đức. Chúng tôi rất tiếc vì nhà in không đủ chữ (Đức) để in nơi đây.]
Những lời nói trên của Heidegger là những bông bèo và bông lau phất phơ bên ngọn gió Tây phương thổi hiu hiu qua những xác chết của những con người Việt Nam trôi lềnh bềnh trong dòng sông Cửu Long. Heidegger đã nói những lời trên trong một bức thư gửi cho giáo sư Manfred S. Frings[4]trước buổi hội thảo về Heidegger được tổ chức tại trường đại học DePaul ở Chicago vào ngày 11 và 12 tháng 11, năm 1966. Đã lỗi thời rồi cái giai đoạn mà người ta gọi Heidegger là “tên chó săn của bọn trưởng giả tư sản không chịu quay đầu về với vô sản”. Đã quá lỗi thời rồi cái giai đoạn người ta gọi Heidegger là “tên phát xít tay sai của Hitler”, đã quá lỗi thời rồi cái giai đoạn người ta gọi Heidegger “tên hiện sinh sa đoạ, chủ nhân ông của bọn hiện sinh trụy lạc”, đã quá lỗi thời rồi cái giai đoạn người ta gọi Heidegger là “tên chủ trương chủ nghĩa hư vô, tên vô trách nhiệm”, “tên phù thuỷ man rợ tối tăm”, “tên vặn vẹo chữ nghĩa khó hiểu”, “tên bày trò huyễn hoặc vô nghĩa”. Càng ngày, tên tuổi của Heidegger càng sáng chói lên một cách kỳ lạ, càng sáng chói hơn nữa khi đêm tối của thế giới đang tràn ngập mặt đất.
BVX: Nếu tôi lầm lẫn, xin anh tha lỗi. Dường như qua các tác phẩm đã in, anh có chịu ảnh hưởng khá sâu đậm tư tưởng của Heidegger?
PCT: Hầu hết những quyển sách sôi nổi của tôi, từ Ý thức mới trong văn nghệ và triết học (1963), đến Hố Thẳm Tư Tưởng (1963) và Im Lặng Hố Thẳm (1966) đều được viết ra từ ý thức của một con người trẻ tuổi được nuôi dưỡng bằng tư tưởng của Heidegger từ gần mười năm trước.
Thực sự, tôi đã nhiều lần muốn vượt Heidegger, nhưng chính sự vượt qua ấy cũng bị kẹt trong tư tưởng của chính Heidegger. Nói khác đi là tôi muốn vượt qua cái mà chính cái ấy là cái đưa tôi vượt: đó là mâu thuẫn, mâu thuẫn ấy giống như mâu thuẫn của những người chủ trương phải gây chiến tranh để đạt đến hoà bình, mà Heidegger đã hỏi lại: làm gì có thể tạo ra cái mà mình đã phá huỷ ngay từ đầu, tôi đã trích dẫn câu nói ấy của Heidegger trong bài “Ontological Background of the Present War in Vietnam” viết trong Dialogue (Lá Bối xuất bản 1965). Mâu thuẫn ấy cũng chính là mâu thuẫn của Heidegger khi Heidegger muốn vượt qua siêu hình học của Nietzsche và Platon. Chính Heidegger cũng đã thất bại, chính sự thất bại của Heidegger đã đưa Heidegger trở về với tiếng ca của thi sĩ, như tiếng ca Hölderlin và Hebel. Tiếng ca của thi sĩ và tư tưởng của tư tưởng gia, đó là ngôn ngữ của sự im lặng phát từ sự cảm tạ, vì tư tưởng thành tựu là sự cảm tạ (Danken) của con người Suất tính (Seinlassen) vì Xuất tính (EK-sistenz), để cho Tính thể được là thể tính (sie lässt das Sein – sein). Chính sự thất bại lớn lao của tư tưởng gia Heidegger đã làm một cuộc chuyển tính (Kehre) cho tư tưởng gia Heidegger thành ra thi sĩ Heidegger. Sự thất bại của Heidegger là một điều biến đổi tôi trở nên một con người tư tưởng, nghĩa là một con người tư tưởng mãi về điều không thể tư tưởng được, điều ấy là sự thất bại của ý thức con người trước hư vô, trước cái chết, trước thể tính và tính thể, trước toàn thể và toàn tính, trước siêu việt thể và siêu vượt tính; từ sự thất bại lớn lao cao vút của Heidegger, kiên nhẫn và chậm rãi, tôi đọc lại toàn thể những gì đáng đọc trong toàn thể truyền thống triết lý Tây phương và Đạo lý Đông phương; kết quả của sự suy tưởng kiên nhẫn ấy là quyển Im Lặng Hố Thẳm. Trong quyển Im Lặng Hố Thẳm, tôi muốn dùng sự thất bại vĩ đại của Heidegger để viết lại hướng đi của triết lý Tây phương và đạo lý Đông phương, nhưng điều khó khăn nhất vẫn là cách diễn đạt của tôi, vì đối mặt với cái không thể nghĩ được, tôi không thể diễn đạt bằng ngôn ngữ sáng sủa mạch lạc, vì sự sáng sủa, mạch lạc, nghĩa là viết triết lý, trình bày triết lý và tư tưởng với lập luận chặt chẽ của giáo sư đại học thì tôi sẽ rơi vào sự phản bội lớn lao nhất với chính nỗ lực suy tư của con người bị đặt trước Hư Vô và Thế Mệnh; đó là lý do cắt nghĩa tại sao có nhiều giáo sư đại học đã trách rằng tôi “viết triết lý như làm văn nghệ”, lời phê phán ấy phát xuất từ cái nhìn quá non nớt của những giáo sư triết lý mà chưa bao giờ biết triết lý hay chỉ coi triết lý như một nghề sinh nhai hoặc một sự tô điểm tinh thần cần thiết cho vị thế trí thức của mình. Đang khi siêu hình học và triết lý đã chấm dứt sứ mạng, đang khi sự sáng sủa, mạch lạc, minh bạch, khúc triết bị tố cáo như là phát xuất từ sự sai lầm của Platon trong ý niệm về λαμπρότης [5] vì cách nhìn của Platon đối với thế gian đã bị đồng hoá qua phạm trù nhãn quan, vì Platon đã thể nghiệm Tính thể như là ý quan thể (eidos),[6] tức là một vật thể được quan kiến (idein)[7] bởi con người, và chân lý đã đánh mất bản tính và trở thành sự chính xác (orthotēs)[8] của quan kiến ấy. Từ đó, đến Descartes thì triết lý cận đại và hiện đại được mở màn, từ chủ tính của Descartes mà nhu cầu về mạch lạc, sáng sủa, khúc triết lại càng trở nên khẩn cấp hơn nữa, qua quan niệm của Descartes về chân lý như là sự xác tín (certitude).[9]
BVX: Nghe anh lý luận, chính tôi, ngồi ở nơi đây, cũng khó tin anh lại là một giáo sư dạy Triết tại Đại học...
PCT: Đi từ ý thức trên, tất nhiên là tôi không thể trình bày tư tưởng hay triết lý như một học giả, hay như một triết gia nhà trường, hoặc như một giáo sư triết học ở đại học. Đó là những hạng người mà tôi tàn nhẫn gọi là những tên thợ về triết lý hoặc những tên nô lệ học đường, bàn tay của họ đụng đến đâu thì ở đó trở thành bụi bẩn ở thư viện hoặc bảo tàng viện, họ dạy vì người khác đã dạy họ học, họ viết vì người khác đã dạy họ viết như thế, họ không dám đi ra ngoài thông lệ. Nỗi khổ tâm nhất của tôi trong mấy năm gần đây là phải dạy triết lý cho Đại học Vạn Hạnh; đôi lúc tôi cảm thấy bất lực khi đứng giảng triết lý cho sinh viên, vì tôi chỉ có thể dạy họ hiểu những gì có sẵn trong những sách triết lý, nhưng mỗi khi tôi muốn giảng khác đi, dạy những gì không có trong sách vở thì tôi có cảm tưởng rằng họ không hiểu được những gì tôi muốn nói, mỗi khi tôi bắt đầu suy tư lớn tiếng qua sự đối mặt với bất khả tư nghị trong tư tưởng thì tôi có cảm tưởng rằng tôi chỉ nói với hư vô; sau mỗi lần giảng dạy theo điệu ấy, tôi luôn luôn muốn tự tử, vì tôi bị kéo trong sự căng thẳng cùng tột giữa ngôn ngữ và sự im lặng, giữa ánh sáng và đêm tối. Càng lúc tôi càng thấy rằng chỉ khi nào ngôn ngữ của tôi trở nên tối tăm, khó hiểu thì lúc ấy tôi mới cảm thấy gần với điều tôi muốn nói. Nhưng còn người nghe? Tôi càng diễn tả một cách mạch lạc, sáng suốt, dứt khoát thì tôi càng thành công trong việc tạo ra ảo tưởng cho người nghe rằng họ hiểu tôi, nhưng lúc ấy tôi đã thất bại một cách đau đớn trong sự đối chất quyết liệt với hố thẳm, với uyên nguyên tàn bạo của ngôn tính. Vấn đề lớn nhất của con người hiện nay vẫn là vấn đề về thể tính của ngôn ngữ, không ai hiểu nổi sự im lặng lớn lao của tất cả những tư tưởng gia vĩ đại của nhân loại, nếu mình vẫn chưa đi đến thể tính của ngôn ngữ.
Ở Việt Nam, từ đầu thế kỷ XX cho đến nay, tôi chưa đọc được một quyển sách tư tưởng hay triết lý nào bằng chữ Việt khả dĩ nói lên được nỗi khó khăn tàn bạo xuất phát từ sự căng thẳng cùng tột giữa hữu hạn tính của ngôn ngữ Việt Nam và hữu hạn tính của truyền thống văn hoá Đông phương trước sự đối chất quyết liệt với hữu hạn tính của truyền thống văn hoá Tây phương trong nỗi vong quốc thê thảm của con người ở địa cầu vào thời hiện đại. Suốt thời gian ở Paris, tôi cứ liên miên nghĩ về ý nghĩa của những chữ Việt thông thường như những chữ thì, thế thì, như thế, như thể, vân vân, rồi tôi suy nghĩ nhiều về những chữ Nôm, từ chữ Nôm đến những chữ Việt-Hán như tính, thể, thế, hữu, vô, thời, vân vân; từ những chữ Việt-Hán ấy, bỗng nhiên tôi chú trọng đặc biệt vào chữ Việt trong hai chữ Việt Nam; trong thời gian ấy, tôi cũng chú trọng đặc biệt đến chữ Phạn (Sanskrit) và chữ Hy-lạp, vì đó là hai ngôn ngữ của hai nền văn hoá lớn nhất của nhân loại; suốt thời gian nghĩ về ngôn ngữ, tôi đọc đi đọc lại nhiều lần những quyển sách của Korzybski, I.S. Hayakawa và Wittgenstein và lý luận học biểu tượng của Suzanne K. Langer. Đặc biệt nhất là tôi đọc đi đọc lại thiên khảo luận của Karl Jaspers về tư tưởng của Long Thọ (Nāgārjuna) và quyển The Central Philosophy of Buddhism của T.R.V. Murti, nhất là sự ảnh hưởng của Kant đối với luận thuyết của T.R.V. Murti, tôi cố gắng đi sâu vào Trung Quán luận của Long Thọ và càng lúc càng thấy rằng tư tưởng gia lớn nhất của toàn thể nhân loại chính là Long Thọ. Từ cái nhìn của Long Thọ, tôi đọc lại toàn thể đạo lý của Đông phương và Tây phương qua một màu sắc mới lạ hẳn, nhưng giai đoạn ấy là giai đoạn chua chát nhất, vì tôi trải qua những sự thất bại liên miên của tất cả những bộ óc lớn lao nhất của nhân loại, trong tim và trong óc tôi chỉ còn lại một đám khói, thứ khói xanh rẻ tiền của thuốc gauloises. Khi trở về Việt Nam, tôi đã dành một niên khoá để dạy về Trung Quán luận của Long Thọ và mỗi lần vào lớp dạy là mỗi lần tôi cảm thấy mình bị đưa vào một sự mâu thuẫn gần đứt gân máu, cảm giác sau khi dạy vẫn là cảm giác của một kẻ gần sắp chết. Cũng thời gian ấy, tôi tụng kinh Bát Nhã và xoay tất cả thời gian của mình vào việc giảng dạy Heidegger, tôi muốn tạo cho Đại học Vạn Hạnh trở thành trung tâm của tư tưởng Long Thọ và của tư tưởng Heidegger. Nhưng rồi lần lần tôi lại bắt đầu nếm tất cả chua cay về sự thất bại của Heidegger, rồi tôi lại bắt đầu ngửi được sự thất bại bi tráng của Long Thọ trước sự im lặng của đức Phật, một sự im lặng mà tôi muốn gọi tên là Im Lặng Hố Thẳm. Để giải trí và làm vơi nhẹ sự căng thẳng cùng tột của trí óc mình, tôi bắt đầu tìm đọc lại những tác giả mà tôi từng khinh ghét như Platon, Aristote, Kant, Hegel và Karl Jaspers, nhất là Bertrand Russell, Étienne Gilson, Whitehead, Carnap và Ryle. Tất nhiên, Nietzsche, Rimbaud và Henry Miller vẫn là buổi điểm tâm quen thuộc mỗi ngày. Tất nhiên, trận chiến tranh Việt Nam vẫn là điều khó hiểu trong những điều khó hiểu nhẊt đã vồ chụp lấy tôi. Nghĩ đến chiến tranh Việt Nam thì tôi nghĩ ngay đến chủ nghĩa hư vô (nihilisme) hiểu theo Ernst Jünger trong quyển Über die Linie của Ernst Jünger, và mừng nhất là khi tôi khám phá ra rằng Ernst Jünger là bạn của Heidegger đã từng có những liên lạc gần gũi. Tôi bắt đầu đọc lại Bible và ăn nằm với những tác phẩm của những nhà thần bí Thiên Chúa giáo như Eckhart, Jakob Böhme, William Blake. Trong thời gian cô liêu này, một hôm tình cờ, tôi khám phá ra Nishida Kitarō, triết gia lớn nhất của Nhật bản ở thời hiện đại, sự khám phá ra tư tưởng của Nishida Kitarō đã làm tôi cụt hứng, vì Nishida Kitarō đã làm những điều tôi muốn làm: “luận lý học trường sở” (bashoteki) của Nishida đã sử dụng tư tưởng của Long Thọ về không tính qua sự tri ngộ thâm trầm của Nishida với triết lý Tây phương, nhất là với tư tưởng của Husserl, nhất là khi Nishida áp dụng triệt để ý niệm noēma và noēsis [10] của Husserl trong việc lý hội thực tại. Sau khi khám phá Nishida rồi, tôi bỏ đọc sách triết lý và tìm đọc lại thơ của Rilke, Leopardi, Rimbaud. Tôi bắt đầu ngồi viết phần Phụ lục cho quyển Im Lặng Hố Thẳm, giai đoạn ấy, tôi thường nghe những Symphonies của Beethoven. Quyển Im Lặng Hố Thẳm được xuất bản vào ngày giỗ của Nietzsche, ngày 25 tháng Tám năm 1967. Nhan đề trọn vẹn của quyển sách là: Im Lặng Hố Thẳm, con đường triết lý Việt Nam. Tất cả những gì tôi đã trình bày từ trên là muốn nói lên không khí trí thức và tâm linh, những điều kiện phức tạp về tinh thần và vật chất, mà tôi đã sống và thở trong việc hoàn thành quyển Im Lặng Hố Thẳm. Phần chính của Im Lặng Hố Thẳm được viết ra tại Paris trong những hoàn cảnh đã kể trên, và phần Phụ lục của Im Lặng Hố Thẳm được viết ra tại Sài gòn trong những hoàn cảnh đã kể trên (và mặc dù gọi là Phụ lục, nhưng phần Phụ lục lại dày hơn phần chính và cũng không kém phần quan trọng trong vị trí tư tưởng của tôi). Quyển Im Lặng Hố Thẳm được in ra 4.000 quyển và đã được bán hết. Khi nhà xuất bản An Tiêm tỏ ý định muốn tái bản lại, thì tôi chỉ cảm thấy lãnh đạm, thờ ơ, không hăng hái gì cả, vì tôi biết rằng một giai đoạn quá khứ đã đi qua, tư tưởng của tôi bắt đầu chuyển qua một phương hướng khác, vì tôi bắt đầu cảm thấy không còn thiết tha với con đường mà tôi từng gọi ép là “con đường triết lý Việt Nam”.
BVX: Không còn thiết tha, như vậy...
PCT: Khát vọng sống lại trỗi dậy lùng bùng bên hai thái dương của tôi, tôi bắt đầu lười đọc sách, lười viết, lười sáng tác, suốt ngày chỉ nằm dài hút thuốc và nghe nhạc; khát vọng muốn làm thánh lại nổi dậy và tôi lựa chọn cuốn kinh đơn giản chất phác nhất của Phật giáo (kinh Dhammapada) để ở đầu giường, nhưng cùng lúc với khát vọng làm thánh thì khát vọng làm quỉ lại nổ như địa chấn làm rạn vỡ tim óc tôi. Tôi không còn thích làm tư tưởng gia, không còn thích làm thi sĩ hay tiểu thuyết gia, tôi chỉ muốn bỏ tất cả, đi lại từ số không, bỏ cả ý định làm thánh, bỏ cả ý định làm quỉ và chỉ muốn sống bình thường, rất bình thường, tập cười dù chẳng có gì đáng cười trên đời cả. Tôi bắt đầu đọc lại những tác phẩm tôi đã xuất bản và ngạc nhiên nhận rằng chính tôi là tác giả mà tôi cũng không hiểu những gì tôi đã viết, thế thì làm sao mong đợi độc giả hiểu được những gì tôi đã viết? Thực ra, những gì tôi đã viết không phải là cao siêu, khó hiểu, phức tạp gì cả; trái lại, tôi đã viết rất rõ ràng, dứt khoát, đơn giản. Nhưng chính sự rõ ràng, dứt khoát, đơn giản ấy lại không nói được điều gì tôi muốn nói; đáng lẽ ra tôi không nên viết gì cả, đáng lẽ ra tôi không nên dạy học,đáng lẽ ra tôi không nên đọc bất cứ cuốn sách nào cả, đáng lẽ ra tôi không nên tự coi mình là một cái gì đó,đáng lẽ ra tôi nên không là gì cả, không làm gì cả, không đau đớn gì cả, không biết gì cả, không hiểu gì cả. Mà thực ra tôi đã hiểu được gì? Những quyển sách của tôi viết chỉ là những đôi giày cũ tôi đã vứt bỏ đây đó ở mọi nơi, như những đôi giày tôi đã vứt bỏ ở Florence, ở Genève, ở New York. Những quyển sách của tôi bắt đầu ngó vào tôi như chửi vào mặt tôi; khi bước vào những quán sách ở đường Lê Lợi, tôi thấy những quyển sách ấy ngó nhìn tôi với một ngàn tiếng “đáng lẽ”. Tôi đã làm gì cho đời tôi? Tôi đã là gì, ra gì? Tại sao thế này? Tại sao thế kia? Càng lúc tôi càng thấy mình xa lìa tất cả tư tưởng, xa lìa tất cả triết lý, xa lìa tất cả đạo lý. Sự xa lìa ấy là sự thụt lùi, sự lùi bước; tôi cảm thấy có một cái gì rút đi khỏi tôi như một cơn rút của thuỷ triều, như một con sông chảy lùi. Tôi thấy không còn tiến đi tới đâu nữa. Sự thoái bộ, à, sự thoái bộ, tôi sống qua sự thoái bộ toàn triệt của đời sống và của tâm thức. Khi sự thoái bộ của tâm thức tôi lùi đến chỗ cùng độ thì bỗng nhiên tôi gặp chữ “Rückschritt” trong một bức thư của Heidegger gửi cho giáo sư Manfred S. Frings, viết vào ngày 20 tháng 10, 1966. Chữ Đức “Rückschritt” có nghĩa là sự thoái bộ, và theo Heidegger, lịch sử của triết lý chỉ có sự thoái bộ, và triết lý khác hẳn khoa học là khoa học thì có sự tiến bộ (Fortschritt) còn triết lý, đúng nghĩa là triết lý thì chỉ có sự thoái bộ (Rückschritt) và chính sự thoái bộ ấy là sự thụt lùi để trở về suối nguồn của tất cả tư tưởng, của tất cả lịch sử, của tất cả khoa học, triết học, văn học, nói tóm lại, suối nguồn của toàn thể ăn minh nhân loại. Chỉ nội một chữ “Rückschritt” trong tư tưởng gần đây của Heidegger cũng đủ đẩy lùi tôi ra khỏi cơn bế tắc của tâm tư trong suốt thời gian gần đây.
BVX: Ra khỏi cơn bế tắc đó rồi...
PCT: Tôi bắt đầu sống hăng hái lại, say sưa viết lại, đọc sách lại, đi lại con đường triết lý mà tôi gọi là “con đường triết lý Việt Nam”, vì khi trải qua kinh nghiệm về sự thoái bộ triệt để kia thì chỉ có một chữ “Rückschritt” của Heidegger cũng đủ sức làm chảy lại dòng Cửu Long trong tâm thức tôi. Sự tiến bộ của sông Cửu Long đã được bày tỏ bằng những xác chết lềnh bềnh của những con người Việt Nam và sự thoái bộ của sông Cửu Long đã được tô điểm bằng những bông lau và bông bèo. Tôi tìm đọc lại một lần nữa, đọc lại những quyển sách tôi đã xuất bản; bây giờ những quyển sách ấy không còn nhìn ngó tôi, tôi với những tiếng “đáng lẽ”, tôi nhìn thấy rằng những quyển sách ấy phải được viết như thế, tôi để những quyển sách ấy được là thế, để cho tính thể của chúng nó được thể tính “laisser-être, letting be, senlassen” (Gelassenheit!).Đọc lại quyển Im Lặng Hố Thẳm, tôi thấy rằng quyển ấy đã trung thành triệt để với sự thoái bộ của triết lý qua phương pháp suy tư: Reductio ad Impossibile và Via Negativa. Con đường triết lý Việt Nam phải là con đường thoái bộ của triết lý, vì sự thoái bộ ấy đưa đến sự tiến bộ của hư vô và chiến tranh Việt Nam là sự tựu thành của sự tiến bộ (Fortschritt) của Hư vô. Vấn đề quyết liệt nhất hiện nay không phải là tẩy trừ hư vô, vì sự tẩy trừ đặt căn tính từ thể tính của hư vô; vấn đề quyết liệt nhất của con người Việt Nam hiện nay là cưu mang hư vô, để cho hư vô được là hư vô. Và kinh nghiệm của Việt Nam không phải là kinh nghiệm riêng lẻ mà lại là kinh nghiệm mãnh liệt nhất trong tất cả những kinh nghiệm trong toàn thể văn hoá nhân loại đối với hư vô. Chữ “việt” trong Việt Nam có nghĩa là “vượt qua” mà cũng có nghĩa là “đi lên và đi xuống”; trong tinh thần tinh nghĩa Hán – Việt thì việt vừa có nghĩa là “vượt” vừa có nghĩa là “rơi”. Kinh nghiệm của Việt Nam là đi xuống hư vô và đi lên trên tất cả kinh nghiệm của nhân loại hiện nay về việc đối mặt với hư vô. Ở thời Lý tại Việt Nam, một tư tưởng gia Việt Nam tên là Thiền sư Ngộ Ấn, đã nói đến “Diệu Tính Hư Vô” và nói lên sự khó khăn trong việc lãnh hội diệu tính hư vô (diệu tính hư vô bất khả phan).[11] Hư vô của Thiền sư Ngộ Ấn không phải là hư vô của tư tưởng Tây phương, cũng không phải hư vô hiện nay đang vây phủ toàn lãnh thổ Việt Nam. Chủ nghĩa hư vô hiện nay đang thao túng toàn thế giới và đã thao túng Việt Nam một cách mãnh liệt nhất; chính chủ nghĩa hư vô ấy đã phát hiện qua sự thụt lùi của “diệu tính hư vô” của Ngộ Ấn. Sự thụt lùi ấy thuận theo tính mệnh của toàn thể nhân loại ở thời hiện đại. Tư tưởng gia và triết gia Việt Nam hiện nay không phân biệt Gia-tô giáo hay Phật giáo, tư sản hay vô sản, cần phải suy nghĩ về sự thụt lùi ấy, và chỉ có tư tưởng gia hay triết gia Việt Nam nào đủ sức chịu đựng sự thoái bộ của triết lý, đủ sức ý thức về ự thụt lùi của “diệu tính hư vô” thì mới đủ tầm vóc để đứng dang chân trên thế mệnh của nhân loại ở thời hiện đại.
BVX: Muốn đủ tầm vóc ấy, cần phải...
PCT: Sứ mệnh ấy đòi hỏi những điều kiện sau đây:
1. Xác định lại giới hạn của tư tưởng Tây phương (được thể hiện qua triết lý, siêu hình học, tâm lý học, luận lý học, xã hội học, tất cả những khoa học).
2. Xác định lại giới hạn của tư tưởng Đông phương (được thể hiện qua đạo học Ấn độ, Phật giáo, Khổng giáo, Lão giáo).
3. Xác định lại giới hạn tính của giới hạn (hay hữu hạn tính của ngôn ngữ và con người).
Nhưng trước khi làm được những việc trên, tầm quan trọng nhất là phải tìm hiểu giới hạn của ý thức con người đối với hư vô. Tất cả những nền khoa học hiện nay đều chối bỏ hư vô: sự tiến bộ (Fortschritt) của hư vô là sự thoái bộ (Rückschritt) của sự Huyền bí. Huyền bí càng thoái bộ thì Huyền tính càng thụt lùi, sự thụt lùi này không phải gây ra bởi sự tiến bộ của khoa học mà chính sự thụt lùi này làm nền tảng chính phát triển toàn triệt của khoa học. Con đường triết lý Việt Nam phải bắt đầu bằng sự ý thức nẩy lửa về sự thất bại lớn lao nhất của con người trước sự lấp đầy hố thẳm không đáy: Trong quyển Hố Thẳm Tư Tưởng, tôi đã nêu lên sự xác định:
“Suy tư trong tương lai phải là suy tư về bóng tối mà không bi quan và không uỷ mị” (trang 216)
Câu nói trên trở nên khó hiểu hơn nữa khi người ta không chịu hiểu:
“Bóng tối là máu me, máu nguồn của tất cả dòng máu trong cơ thể con người và sinh vật. Bóng tối cũng là máu của mặt trời.” (trang 216)
Viết triết lý mà viết bằng ngôn ngữ như trên thì chỉ có nghĩa là làm tối thêm những gì vẫn luôn luôn đen tối.
[Một học tăng gõ cửa, bước vào trình một tờ giấy. PCT lướt đọc, vẫy tay cho người học tăng lui ra.
Tôi nhắc với PCT quan niệm về cuộc chiến tranh Việt Nam của Bertrand Russel. Anh mỉm cười buồn rồi chậm rãi nói tiếp.
PCT: Sự leo thang của trận chiến tranh ở Việt Nam xuất phát từ sự tiến bộ của hư vô, nhưng rồi đây khi chiến tranh ở Việt Nam được chấm dứt và hoà bình hiện đến thì sự tiến bộ của hư vô lại càng đi nhanh một cách phũ phàng hơn nữa. Diễn tả sự tiến bộ của hư vô thì chỉ có nghĩa bị kẹt vào ngôn ngữ hiện thời, thứ ngôn ngữ bị qui định trọn vẹn bởi sự tiến bộ hư vô kia. Sự thoái bộ của tư tưởng chính yếu đòi hỏi sự thoái bộ của ngôn ngữ chính yếu; dụng ngữ của Việt ngữ càng nhiều thêm lên hiện nay, sự thể này chỉ chứng tỏ rằng sự tăng trưởng của Việt ngữ chỉ là hậu quả của sự tiến bộ của hư vô; ngôn ngữ Việt Nam được tăng thêm nhiều chữ mới, nhưng sự tăng trưởng ấy chỉ nói lên sự nghèo nàn của suy tư và sự thiếu thốn về sự quyết định trầm trọng đối với tính mệnh Việt Nam. Sự tiến bộ của ngôn ngữ Việt Nam hiện nay là chướng ngại lớn nhất cho sự thoái bộ của ngôn tính chính yếu, không cho tiếng nói sâu thẳm của Việt Nam được thụt lùi trở lại Uyên Nguyên. Nỗi khó khăn lớn lao nhất cho con đường triết lý Việt Nam là đứng bên trong sự tiến bộ của ngôn ngữ Việt Nam hiện nay mà vẫn giữ được sự thoái bộ của ngôn tính Việt Nam chính yếu để cho Việt Tính được tính thể như là thể tính. Quyển Im Lặng Hố Thẳm đã đi trên bước thụt lùi ấy, đó là lý do cắt nghĩa tại sao Im Lặng Hố Thẳm khó đọc và tối nghĩa. Siêu hình học Tây phương chẳng những đã đi vào trong ngôn ngữ Tây phương mà lại đi vào cả ngôn ngữ Việt Nam hiện nay. Đó là nỗi nguy hiểm lớn nhất mà Việt ngữ phải trải qua từ lúc được chuyển thể qua mẫu tự La-mã và từ đó cho đến nay, càng lúc Việt ngữ lại càng đánh mất Việt tính và bị qui định trọn vẹn bởi sự tiến bộ của Hư vô, nhưng thể tính của nỗi nguy hiểm kia đã được cưu mang bi đát qua ý thức sáng tạo của vài ba thi sĩ lớn của Việt Nam ở thời hiện đại như Hàn Mặc Tử ở thời trước. Chính họ là những người đã giữ cho ngôn tính Việt Nam được chập chững đi trên con đường của sự thoái bộ trở về Việt tính. Tất cả suy tưởng về Hư vô trong truyền thống triết lý Tây phương từ Platon cho đến Jean-Paul Sartre đều bị rơi vào bế tắc, vì ngôn ngữ họ dùng đã bị qui định bởi sự thành tựu của siêu hình học, tức là “siêu thể học”. Ngay đến một người có ý thức mãnh liệt nhất về Hư vô như Ernst Jünger, khi viết về sự vượt qua Hư vô, cũng bị kẹt vào ngôn ngữ của siêu thể học Tây phương; điều ấy đã khiến cho Heidegger phải minh định lại cùng Ernst Jünger trong tập Zur Seinsfrage (V. Klostermann, Frankfurt am Main, 1956). Sự tiến bộ của ngôn ngữ Việt Nam là đi cùng một nhịp với sự tiến bộ của hư vô và sự hỗn loạn của ý thức Việt Nam. Tìm hiểu ý nghĩa của chiến tranh Việt Nam là phải thụt lùi lại thể tính của sự hỗn loạn. Con đường triết lý Việt Nam phải đi cùng nhịp với tư tưởng Heidegger, nhưng phải vượt qua Heidegger bằng một bước lùi ở đằng sau suy tư của Heidegger về hư vô và tính thể.
BVX: Bước lùi anh vừa nói đó, sẽ đưa triết lý tới đâu?
PCT: Bước lùi ở đằng sau ấy đưa con đường triết lý Việt Nam đối mặt với Hố Thẳm; Hố Thẳm ở đây mang trọn vẹn ý nghĩa của Xáos [12] của Hy lạp (cf. Hesiod, Thegony). Những trang cuối của quyển Im Lặng Hố Thẳm có nhắc đến chữ Ungrund của Jacob Boehme. Chữ Đức “Ungrund” cũng chính là ý nghĩa của Hố Thẳm. Nếu gọi Hố Thẳm là một ý niệm thì đó phải là ý niệm giới hạn (Grenz begriff). Hố Thẳm gửi sự hỗn loạn ra đời sống, vì thể tính của đời sống là hỗn loạn, nhưng sự hỗn loạn sẽ trở nên sự giải phóng và giải thoát, khi thể tính của hỗn loạn được đặt lại trong ý nghĩa của Hố Thẳm, tức Xáos. Từ Xáos của Hy lạp đến “Diệu Tính Hư Vô” của Ngộ Ấn thì sự thoái bộ của con đường triết lý Việt Nam được luân chuyển mơ màng trong một trôn ốc xoáy tròn qua ngôn ngữ của sự im lặng. Chỉ từ đó, Việt tính mới hội thành Hiện tính của Việt Nam và đưa con người Việt Nam trở về Vùng Đất Già, mảnh đất chung của toàn thể nhân loại, tức là nguồn suối đầu tiên khi triết lý chưa ra đời và con người chưa biết lý luận, nhưng đất rất gần người, trời rất gần đất, những con đường chảy vào những con sông; trên bờ, con người hóng gió và ca hát nghêu ngao; dưới nước, con người trở thành bông bèo và bông lau, để cho Im Lặng Hố Thẳm được im lặng qua tiếng vèo của lá và tiếng vù của chim giữa sự đi lên của mùa đông và sự đi xuống của mùa xuân, giữa sự vượt qua của mặt trời và sự rơi xuống của mặt trăng, một vành trăng non chưa trở thành đối tượng cho việc truy thể trong sự tiến bộ của Hư vô ở thời hiện đại. Và lời cuối cùng phải chăng là lời của thi sĩ:
A quand la récolte de l’abîme?
René Char (Fureur et Mystère, tr. 185-186)
BVX: Lời cuối cùng của anh lại trở về với “bông bèo và bông lau”, về dòng Cửu Long rồi đó. Nhưng anh vẫn chưa cho tôi được biết gì về quê hương anh, cuộc đời anh...
PCT xô ghế đứng lên, phác một cử chỉ bâng quơ về trước mặt. Khuôn mặt anh tái xanh. Có lẽ tại anh đang bệnh. Đèn ngoài đường đã bật sáng. Bàn tay anh nóng và hơi ướt, nhưng anh siết tay tôi thật chặt. Ngay cả đến cái bắt tay của anh cũng không là cái bắt tay của người tu hành — hay ít nhất, của những tu sĩ mà tôi đã được gặp. Tôi nắm chặt tay anh, nhìn sâu vào mắt anh, và — điều lạ lùng — tôi đã bắt gặp trong đó những tia nhìn nửa như tinh quái, nửa như ái ngại. Tia nhìn đó đuổi theo tôi thấp xuống những bực thang viện Đại học Vạn Hạnh, về tận toà soạn khi tôi ngồi soạn lại bài này...

______________________

Trời tháng tư

1
Viết là đâm nổ mặt trời. Nhìn lên trời tháng tư tại Paris, tôi tìm không ra mặt trời: mặt trời đã chạy trốn.
Bây giờ là năm giờ rưỡi chiều.
Chiều Paris, những trời chiều Paris.
Phương trời.
Hai ngày trước khi đưa tiễn Nguyên tại ga Lyon, Phương cùng tôi đã đi bộ trở về Jussieu, Phương đã kể cho tôi nghe về mối tình của Phương và Nguyên; hai người đã gặp nhau, đã yêu nhau và cưới nhau. Lúc Phương và Nguyên hôn nhau tại sân ga một giây trước khi tàu đi, tôi khoanh tay đứng nhìn và mỉm cười.
— Giống như nàng và chàng hôn nhau trong tiểu thuyết, chỉ là không có mưa.
Tôi thấy ngay là mình vừa nói xong một câu vô duyên; tôi vội nói tiếp một câu khác để đuổi mây bay đi.
— Khi tới Rome, Nguyên nhớ đến thăm mộ của K. Việc thăm mộ của K. còn quan trọng hơn việc dự hội nghị nữa.
Tàu bắt đầu chuyển bánh.
— Ráng ngủ cho nhiều nhé. Phải ngủ nhiều mới được.
Tôi không nghĩ đúng như tôi đã nói; tôi chỉ muốn nói lên một cử chỉ chăm sóc, mà tôi có bao giờ biết chăm sóc ai đâu. Tôi chỉ biết chăm sóc những bóng ma nhảy múa trong tiềm thức. Tàu chạy mất. Phương và tôi cùng nhau đi về.
Chúng tôi đi về, không phải dưới cơn mưa, mà là dưới bầu trời đen tối; thế rồi nhẹ nhàng như bóng chim bồ câu trên cát, tôi sực nghe ý thức tôi nổ tung và chợt biết mặt trời đã chạy trốn vĩnh viễn trong không gian cỏ xanh.
Tôi khoanh tay đứng nhìn và mỉm cười.
Mười năm rồi, từ ấy đến mấy ngày hôm nay, tôi đã đánh giặc với mặt trời, tôi đã quỳ lạy xin van mặt trời hãy để tôi yên, tôi đói khát thanh bình, tôi đói khát, quá đói khát.
Mới hôm qua, ngồi uống một cốc bia ngoài sân một quán cà-phê gần Notre Dame bên cạnh dòng sông Seine lờ đờ ngu xuẩn, tôi bước nhón nhén trên cánh đồng cỏ xanh của dĩ vãng, tôi đá một chân vào đám lá mắc cỡ, những cái lá bé li ti bỗng rún mình lại, tôi khoanh tay đứng nhìn và mỉm cười; những chiếc lá con thu nhỏ lại, rún mình nhỏ bé lại lần hồi chỉ còn là một hạt bụi; hạt bụi xanh lại thu nhỏ lại quá nhỏ, nhỏ hơn hạt nhân; tôi vội rút bút máy trong túi áo ra và đá ngòi bút vào hạt nhân màu xanh ấy; đùng một thoáng kinh hoàng, hạt nhân lá mắc cỡ nổ tung lên thành mặt trời, tôi liền phóng cả cái bút thẳng vào tim mặt trời và nó nổ bùng lên rùng rợn một cách im lặng, thứ im lặng lẻ loi của ngày vũ trụ được sáng tạo dưới rún người đàn bà ở không gian cỏ xanh; tôi bàng hoàng nhìn thẳng vào cốc bia trên bàn và sực ý thức rằng mặt trời vừa đầu thai thành muôn triệu cái bọt bồng bềnh trong nước bia; tôi cúi đầu xuống thổi những cái bọt cô liêu ấy và đôi mắt tôi bắt đầu ướt, không phải ướt nước mắt, mà là ướt nước biển xanh vào lúc 12 giờ khuya khi tôi tắm biển ở New Haven tại Huê Kỳ sau lúc nhảy hát với một vũ nữ người Nga dưới căn gác sặc mùi rượu bia. Tôi trả tiền người bồi bàn và bước qua đường De la Huchette, khu phố beatniks của Paris. Bước vào quán Popoff, tôi gọi một cốc rượu đỏ, ực vào một nhúm, đi thẳng vào cầu tiêu của quán cà-phê, đóng chặt cửa lại, đuổi đi hết những bầy ong của tiềm thức.
Đi vào cầu tiêu là đi vào cõi chết; chỉ khi nào đi vào cõi chết mới có được nỗi cô đơn khôn cùng của lúc đi trong cầu tiêu. Đi vào cõi chết là cởi truồng ra, duỗi hai chân ra và ngồi trên địa cầu, để hồn bay lênh đênh trên không trung đóng chặt, tư tưởng loãng ra và biến mất theo tư tưởng loài người; ngoài cánh cửa cầu tiêu là nói chuyện, lựa lời nói chuyện cho có duyên dáng, thanh lịch và quý phái, hoặc lựa lời nói chuyện cho vũ bão, tục tĩu, hoang đàng cộc lốc, ngang tàng hoặc la hét lên hoặc nói khe khẽ thủ thỉ như đôi nhân tình đầu thu chớm lạnh; ngoài cánh cửa cầu là phải nói chuyện, nói chuyện để cho mặt trời vẫn mọc, để đi, đứng, ngủ thức, thở, ăn, đợi, yêu, ghét, và nhìn những chiếc tàu đi mất.
Khi tới Rome, nhớ đến thăm mộ K...
K. đã đi vào cầu tiêu ở Rome và đã đóng cửa lại và đã không còn nghe bên ngoài nói chuyện nữa.
Paris, ngày 9 tháng 4 năm 1966
K. thân quí,
Mặt trời đã nổ tung rồi, mặt trời đã lủi chạy mất rồi, mỗi hơi thở của tôi đưa mặt trời chạy xa thêm một triệu dặm. K. có cảm động sung sướng mà nghe được tin mừng này?
Rome còn đó, tôi ngồi đây tại Paris và một tháng nữa tôi sẽ qua Luân Đôn nơi K. chào đời. Bây giờ tôi phải nói chuyện thay K. tôi không nói khe khẽ như người say đắm, tôi không nói nhỏ nhẹ phơi phới như K. đã nói với chim hoạ mi, với bình sứ Hy Lạp và với mùa thu.
Tôi nói bằng tiếng Phạn, không phải tiếng Phạn của kinh Vệ Đà, mà là tiếng Phạn của kinh Đà Lạt. Tôi đã học ngôn ngữ này tại suối Cam Ly, tại quán cà-phê Tùng gần chợ Hoà Bình và tại những chân đồi cỏ tơ ở Đà Lạt.
Thăm K. mạnh.
Thân yêu,
Tôi =? XXX
Tái bút: Tôi có bảo Nguyên qua Rome thăm K. nhưng không biết K. có chịu cho thăm không? Nguyên đi qua để dự Hội nghị Quốc tế về Bất Bạo Động; sẵn dịp Nguyên đi Rome, tôi có nhờ Nguyên đến thăm mộ K. hộ tôi: mười năm rồi, trên những nẻo đường lênh đênh, tôi đã bỏ quên, bỏ rơi K.; mấy ngày trước khi Nguyên lên đường, tình cờ như tiếng gọi từ thế giới vô hình tôi đọc lại vài bài thơ K., tôi gọi tôi từ địa cầu vô hình, tôi gọi tôi trở về với tôi.
Bị bỏ rơi, bị bỏ rơi, tiếng run lên như tiếng chuông, run lên như tiếng nấc của Hư vô, run lên như K. giữa những cơn đau điếng hồn trong vũ trụ đìu hiu.
Tôi vừa nghe Belafonte ca bản Jamaia Farewell.
Tiếng chuông cõi chết đã đưa tôi xa nàng và gọi tôi trở về tôi.
Tôi trở về tôi. Trở về tôi của tôi cô liêu, của tôi hiu quạnh, của tôi đơn độc, của tôi duy nhất.
Ai bỏ rơi tôi?
Bỏ rơi, bỏ hoang, bỏ trống, bỏ hiu hắt, bỏ cô liêu.
Tôi bỏ rơi tôi.
K. than thở, K. chấm một dấu than.
K. ơi!
Mai nầy tôi chết, hãy chôn tôi với.
Còn uống rượu?
Hãy chôn tôi với.
Chôn tôi với cây đàn, hở F.G.L.?[*]
Hãy chôn tôi với.
! ! ! ! ! ! ! ! ! ! ! ! ! ! ! ! ! ! ! ! ! ! ! !
Với cây đàn. Những con chim bay tung trời. Sao tôi không còn khóc được?
Chim. Chim.
Tôi không còn biết yêu. Tôi không còn biết nói.
Mai này tôi chết đi, hãy chôn tôi với.
Tôi gọi tên em Tên em là.
Tôi còn gì nữa để nhìn lên trời, phương trời tháng tư? Tôi còn gì nữa để nhìn lên phương trời? Chỉ còn lòng kiêu ngạo vô biên.
K. ơi, tôi là R.!
Chỉ còn lòng kiêu hãnh mênh mông như phương trời. Phương trời tháng tư.
Tôi không còn biết ca hát. Tôi chỉ biết nói ồn ào trên vực thẳm đìu hiu.
! ! ! ! ! ! ! ! ! ! ! ! ! ! ! ! ! ! ! ! ! ! ! !
Mưa rơi trên cánh chim.
Nói ồn ào trên cánh chim non những ngày lửa mất.
K. Nguyên thăm mộ K. chưa?
K. ơi, K. ơi, K. ơi!
F.G.L.
L. đã nói, L. đã không nói, đã không bao giờ muốn nói.
Tôi đã không bao giờ muốn nói.
Không bao giờ muốn nói điều ấy với em.
Tại sao vậy hỡi L.?
Nếu tôi chết
Xin em hãy để ban-công mở rộng.[**]
L.L.
Hãy để bao lơn mở rộng để tôi nhìn lên phương trời
Phương trời tháng tư
Hãy để bao lơn mở rộng
Tôi muốn nhìn lên phương trời
Tôi còn gì nữa để nhìn lên phương trời
Chỉ còn lòng kiêu ngạo như đại dương bao la vỗ sóng.
Còn gì? Còn gì?...
Mai nầy khi tôi chết đi
F.G.L.
Mai nầy khi tôi chết đi
Mai nầy khi tôi chết đi
Hãy chôn tôi với cây đàn guitare, hỡi F.G.L.
Cây đàn tháng tư
Phương trời, hãy chôn tôi với phương trời tháng tư.
Thân ái chào K.
Tôi = R. – xxx
Tái tái bút:
Tôi có bảo Nguyên qua Rome thăm K, nhưng không biết K. có chịu cho không? Nguyên đi qua để dự Hội nghị Quốc tế về Bất Bạo Động.
K. có chịu cho thăm không?
Tôi cố gắng tưởng tượng K. đang ở Rome để dự Hội nghị Quốc tế về Bất Bạo Động!!!
! ! ! ! ! ! ! ! ! ! ! ! ! ! ! ! ! ! ! ! ! ! ! !
K. đã chết đi vì lý do nào?
K. đã chết đi.
Không phải vì tình yêu.
K. đã chết đi vì lý do nào?
K. đã chết đi và không thể sống nổi trên cuộc đời này vì K. biết rằng thế giới này sẽ tổ chức những cuộc Hội nghị Quốc tế về Bất Bạo Động! Đó là lý do quan trọng nhất đã khiến K. không sống nổi trên cuộc đời này!
Những Hội nghị Quốc tế về Bất Bạo Động đã giết K.! Tôi gục đầu ràn rụa những giọt sóng biển. Tôi gục đầu, tôi ôm đầu mà không thể khóc được. Tôi để cho tên K. trôi theo sóng nước. Tôi gục đầu và chỉ còn lòng kiêu ngạo vô hạn mới có thể để yên cho những con chim bay rợp trời.
Trời tháng tư.
Tôi chỉ còn biết nói ồn ào vô vọng trên hố thẳm bơ vơ. Mặt trời chạy trốn, mặt trời chạy trốn.
Thân yêu chào K.
Tôi = kẻ khác – R.
nghĩa là xxxxxx
Tôi vừa thức giấc sau một đêm dài triền miên trên thế giới khác; tôi đã viết một bức thư cho K. trong mộng, (một con bồ câu mái) chuyển thư tôi cho K.; bây giờ tôi không còn ngủ nữa, tôi đã thức rồi.
Khi tôi vừa thức thì chắc K. đã nhận được thư rồi. Chừng nào K. trả lời thư tôi? Không biết. Có lẽ lúc nào tôi chết rồi mới nhận được thư của K. Mai nầy tôi chết đi...

2
Viết là gọi phù phép cho mặt trời sống lại.
àm mặt trời sống lại gọi là HỒI DƯƠNG. Trong ngôn ngữ thường nhật, làm người chết sống lại cũng là hồi dương (không viết hoa). Tôi đã hồi dương?
Hôm nay, vừa tắm xong, bỗng nhiên tôi nhớ thèm một mùi thuốc lá. Phương trời tháng tư không lạnh, chỉ heo hắt những đợt gió nhẹ chớm xuân. Tiếng chim kêu ban mai khiến tôi nhớ một mùi thuốc lá quen quen. Mưa Paris phơi phới phương trời bao la, phơi phới những vòng khói thuốc bâng quơ của dĩ vãng nhiều buồn. Tôi nhớ thèm một mùi thuốc lá; tôi nhớ mùi thơm của lá tràm mà tôi chưa bao giờ thấy (hay đã thấy trong tuổi nhỏ và không biết tên; những gì chưa có tên sẽ không bao giờ mất và sẽ còn lại đời đời, dù vũ trụ có tan tành như bọt), tôi nhớ mùi lá tràm, nhớ những hoa trắng của cây tràm, xin cho tôi dùng củi tràm nhúm lửa để đốt lên một điếu thuốc gauloises xanh, xin cho tôi vỏ cây tràm để trám ghe và chèo vào hư vô.
Nhưng cây tràm không mọc ở Paris.
Tôi xin đi vào vào vườn bách thảo ở giữa đường Linné và đường Lacépède hay ở giữa con đường không tên trong tiềm thức. K. đã chết vì cây tràm không mọc ở Rome và K. đã chết tại Rome.
Tôi nhớ mùi thuốc lá hay tôi nhớ mùi lá tràm bị đốt?
Tôi mang vào đôi giày cũ, đôi giày mà Vĩnh đã gọi là đôi giày của V.G., V.G. cũng đã chết, chết theo Pr... Tôi nhè nhẹ bước xuống thang lầu, những chiếc thang lầu gỗ của những nhà trọ cũ ở Paris. Tiếng gỗ kêu thành những bước chân xuống lầu; những bước chân bước xuống niềm câm lặng nặng nề của dòng ý thức bảo vệ rụt rè.
Một cánh cửa mở, một người bước ra đường. Một người hay bóng ma? Tôi là một con ma nhớ khói nhà, bước ra đường để tìm một bao thuốc gauloises xanh, bước ra phố để đốt lên một nhúm lửa cho ấm hồn phiêu dạt. Paris phơi phới đầu xuân, những mùa xuân không bao giờ nở trọn. Tôi ca hát một mình. Ma có ca hát không? Mặt trời đã nổ hôm qua.
Tôi băng qua đường Monge, ngày chúa nhật, quán thuốc đầu phố đã đóng, một mùi khói đã tan. Vòng qua đầu phố ngang vườn bách thảo, quán thuốc thứ hai đã đóng rồi. Quán thuốc thứ ba cũng đóng. Hai vòng khói đã bay về không gian cỏ xanh. Tôi bước về đường Puits-de-l’Ermite, đứng lại ngó vào đền thờ Hồi giáo. Một người da đen đứng nơi cửa phát báo, hai người khách du lịch rụt rè muốn bước vào trong thánh đường. Tôi bước qua đường Quatrefages: một điệu nhạc ru khơi vơi bồng bềnh trong đôi mắt của người con gái tôi không gặp. Tôi nhìn lên trời.
Bước vào một quán rượu gần bến taxi ở đường Monge, hỏi mua một bao thuốc, người quầy rượu chỉ qua quán thuốc bên đường kế cận, tôi đánh diêm đốt lên điếu thuốc đầu tiên trong đời (tôi vừa mới ra đời): khi tôi đánh diêm, tôi nhìn lửa bừng lên đốt cây diêm thành khói, lửa đã đốt hình hài tôi và nó sẽ làm khói bay vút lên những bầu trời thần thoại. Tôi buồn vô hạn. Nhân loại đã phản bội tôi. Tôi đã đánh lửa lên cho con người. Tôi đã thổi khói ra để con người được nhìn cõi mông lung của lửa, khói và nước (nước trong miệng tôi đã ôm lửa để run lên khói điên). Những cây tràm đã bị bới tung để được thay vào đó những nhà máy, những xưởng, những chợ búa, những thành phố. Con người hút thuốc để chạy trốn sự chạy trốn của mặt trời. Hút thuốc lúc đi tiêu, hút thuốc lúc đi đái, hút thuốc lúc ngồi nhà đĩ, hút thuốc trước khi bắn loạt súng đầu tiên vào những cây tràm, hút thuốc lúc chán chường, hút thuốc để giữ lập trường, hút thuốc để che giấu sự trống rỗng không đáy của đôi mắt, hút thuốc vì không dám làm sống lại mặt trời.
Hút thuốc vì sợ chết.
Và sợ sống – – – xxxxx
Hút thuốc là đánh đĩ tư tưởng mình để có thể sống ngày qua ngày, đêm qua đêm.
Đừng nói đến cách mạng, đừng nói đến cộng sản hay tư bản, công bình hay bác ái, đừng nói đến vô minh hay giác ngộ, thiên đàng hay địa ngục, bạo động hay bất bạo động. Hút thuốc đi.
Có người đang hấp hối, rụt rè, sợ hãi, lo lắng, ngột ngạt, nhứt đầu, đau buồn, ỉa không ra, ngủ để được ru vào những hình ảnh đẹp hay rợn người, đi đứng trên những buổi chiều của những ngày hôm qua. Con người đưa tay ra nắm ghì, ôm giữ, chụp lấy những làn khói thuốc mong manh của tình yêu, của tình người, của những điệu nhạc ru hồn, của những chùm lá xanh đầu xuân. Không có phức cảm tự ty, không có phức cảm tự tôn, không có phức cảm Oe., chỉ có phức cảm Pr., phức cảm thừa hưởng niềm kiêu hãnh điêu đứng của một kẻ ăn cắp lửa để đem cho con người. Con người hút thuốc không phải để có niềm linh cảm bi tráng của Pr. mà để gợi lại một phức cảm trong bóng đêm tiềm thức; con người đã đóng đi Pr. giữa hai diêm quẹt bắt tréo; con người đã giết và phản bội Pr. trong từng điếu thuốc họ hút. Tất cả linh cảm của buổi ban đầu đã rơi xuống thành phức cảm và cảm giác. Người con trai và người con gái ôm nhau trần truồng trên giường và bị trói chặt trong phức cảm và cảm giác, vì linh cảm đã biến mất trong lòng đời. Con người không còn nhảy múa trên lửa, trên hố thẳm đìu hiu của đêm điên; con người chỉ còn nhảy múa trong khói thuốc. Thế là cây tràm không còn mọc được trong ngôn ngữ con người. Hai người nói chuyện nhau bằng những tiếng ú ớ của kẻ câm điếc. Bắn cho nổ tròng con mắt, bắn cho nổ lỗ tai để mà nghe và nói bằng tiếng Phạn. Các người hút thuốc, đốt lửa hút thuốc, vì các người không còn đủ niềm linh cầu để đốt lên một cơn lửa điên trong đời sống của các người.
Đứng lại, khoanh tay và quì gối xuống mà nhìn tôi hút thuốc. Tôi đánh diêm đốt lửa và hai triệu vũ trụ đang được tượng hình theo hai ngón tay tôi. Tôi bước chậm rãi qua một con đường ngược chiều; cơn say của mùa xuân Paris đang chếnh choáng theo hai bước chân tôi. Mặt trời chuyển động theo hơi thở tôi. Mặt trời đang HỒI DƯƠNG khi tôi bước qua đường Tournefort ở Quartier Latin, tôi đảo lộn con đường ngược lên lối Jules Chaplain và đứng lại nghe người nghệ sĩ nghèo đứng đờn vĩ cầm giữa phố; mặt trời quay mòng và nhập dòng ý thức tôi; ý thức tôi đưa nhẹ vào tim và kéo ra một điệu vĩ cầm tuyệt vời mà chỉ những con người tội lỗi mới nghe được. Tôi trở lại vườn bách thảo, bước xuống ngang viện Thực vật học, đi thơ thẩn trên những lối cỏ công viên, chới với theo những cánh hoa đong mình rơi rụng trên đất. Tôi nhìn mấy cái ghế dài ở công viên và thấy Rimbaud lấy phấn viết “Merde à Dieu”! Người đi đường thấy tóc của Rimbaud mọc dài đến vai, móc túi lấy ra 4 xu và bảo Rimbaud đi hớt tóc. Rimbaud lấy 4 xu và chạy đi mua thuốc hút! Tôi lại gần ghế dài ấy, bôi chữ “Merde à Dieu” và cầm phấn viết lại “Merde à Rimbaud”!
Tôi bước thật chậm về đường Guy de la Brosse, ném trọn bao gauloises vào giỏ rác. Bước lên phòng, nằm dài xuống sàn, trùm mền kín cả đầu, ngủ một giấc dài đến tối.
Thức dậy, tôi bò quanh tìm thuốc hút, nhưng chẳng còn điếu nào rớt lại. Tôi lại nằm xuống sàn, đắp mền kín đầu, hơi thở ngột ngạt hâm nóng cả người, câu thơ của Bob Kaufman ru tôi vào giấc ngủ đìu hiu; “Tôi nhớ Chaplin và vấn lên một điếu thuốc tâm tư”... Người thi sĩ da đen của nhóm Beat ru tôi vào giấc ngủ tháng tư: “Mặt trời ra đời và Thượng đế đã ngủ với một điếu thuốc cháy, hừ, thượng đế đã vỡ chết do một đêm dài phán xét”...

3
Đẩy cánh cửa sổ lên, tôi đứng nhìn ra sông Hudson thấp thoáng đằng xa phía bên mặt, công viên trước mặt đã thay lá. Phòng bên, Chang đang thổi bản paloma, tôi vỗ mạnh vào vách và hét bảo Chang thổi lại một lần nữa. Chang là một người bạn Trung Hoa, anh học tại trường cơ khí Brooklyn. Chang là một trong năm người bạn thân nhất của tôi tại ngôi nhà quốc tế nầy.
Khoảng năm trăm người ở “ngôi nhà quốc tế” (International House) đều là sinh viên của Đại học đường Columbia, khoảng hai chục người học tại trường âm nhạc Julliard, vài ba người học ở N.Y.U. chỉ có hai người học ở trường cơ khí Brooklyn. Chang là một trong hai người ấy; trường Brooklyn rất xa ngôi nhà chúng tôi ở: do đó Chang đi học và ăn trưa tại trường, mãi đến chiều tối anh mới về nhà. Phòng tôi ở số 358, ở khít bên phòng Chang, mỗi lần, nằm trên giường, nghe tiếng nước róc rách bên cạnh hoặc nghe tiếng kèn là tôi biết Chang có ở nhà; lúc đó, chỉ cần vỗ vào vách ba bốn lần thì Chang biết tôi đòi anh thổi bản Paloma. Khi nào hứng, anh liền thổi ngay, khi nào không hứng, anh nhảy ra ngoài đập cửa phòng tôi. Khi nào hứng, tôi quấn khăn vào người; chạy ra mở cửa; khi nào không hứng, tôi hét lên cho Chang biết tôi muốn nằm yên để ngủ.
Trời New York tháng mười đã lạnh cóng người, thế mà lúc nào leo lên giường nằm ngủ, tôi cũng cởi hết quần áo, cởi cả quần áo lót, đắp chăn vào thân thể trần truồng và để da thịt mình ướp vào những tấm mền nỉ mịn như cỏ non. Nơi gần đầu giường, tôi dán một bức tranh nhỏ của Le Douanier Rousseau, hình một con sông chảy bình thản giữa hai bờ hoàng hôn. Trước khi ngủ, tôi thường nhìn con sông ấy và nhắm mắt lại để hồn tôi bềnh bồng trôi theo dòng sông buồn. Chỉ có cách tượng hình bình thản như vậy mới có thể đưa tôi vào giấc ngủ; còn không thì tôi sẽ thức suốt đêm nhìn trần nhà, để rồi ngóc đầu ngồi dậy mặc quần áo, lấy subway đi xuống Washington Square, trốn vào một hầm cà-phê ở Greenwich Village, uống liên tiếp gần mười tách cà-phê đen, hút liên miên hai ba chục điếu thuốc, đi từ quán cà-phê này đến quán cà-phê khác, sau cùng đến ngồi thừ ra trong hầm quán cà-phê Figaro ở giữa đường Bleecker và đường Mac Dougall, ngồi thừ ra trong một góc thật tối, đến gần bảy giờ sáng, khi quán sắp đóng cửa thì thì lủi thủi bước xuống hầm subway mà đi trở về nhà, rồi nằm ngủ nửa tỉnh nửa mê đến trưa mới ngồi dậy rửa mặt, để rồi tiếp tục sống lại chuỗi ngày đêm vô vị, đánh nhịp đây đó bằng những cuốn sách bơ vơ của S.W., của H.M., của M.H. hoặc bằng những câu chuyện nhảm với mấy đứa con gái đủ màu da của ngôi nhà quốc tế này.
Tôi đang thiêm thiếp mê man giữa tỉnh và thức, tôi sực giựt mình vì tiếng đập cửa đánh mạnh vào thái dương như tiếng sét rớt vào phòng. Tôi chụp lấy đồng hồ, 11 giờ trưa rồi. Hồi 7 giờ sáng, trước khi đi ngủ, tôi đã cẩn thận treo bảng “Please do not disturb” (bảng do nhà I.H. in sẵn cho mọi người ở trong nhà); bảng ấy rất ích lợi, vì khi nào mình muốn tự tử mà treo bảng ấy nơi cửa thì không ai đến phá cửa để phiền rầy cái xác thối của mình (“xin vui lòng đừng làm phiền rầy”). Vậy mà chú Chang nầy lại cứ đập cửa phiền rầy tôi, nhất là mỗi khi anh đi ngang qua thấy tôi treo bảng ấy nơi cửa.
— Thức dậy mầy, ngủ gì ngủ suốt ngày.
— Đêm qua tao không ngủ.
— Vậy mầy làm gì đêm qua?
— Tao thức đọc sách...
— Đêm qua mầy đi hoang suốt đêm, tao không biết sao mà còn nói láo.
— Ừ, mầy ăn sáng chưa?
— Thay đồ mau xuống ăn với tao. Gần hết giờ rồi.
— Vô đây mầy, ngồi chờ tao một phút.
— Mở cửa sổ ra mầy, bước vào phòng mầy sặc mùi thuốc, mầy lại đẩy giường đi chỗ khác nữa, mầy không bao giờ nằm im một chỗ, hôm qua mầy để ghế bành vào giữa, hôm nay mầy đẩy nó qua bên hông, mầy đẩy giường vào cửa sổ, sát bên lò sưởi điện, coi chừng nó nóng quá độ đốt cháy hết cả giường, đốt luôn cả mày thì hết đi hoang cả đêm. Ừ, đêm qua mầy đi hoang ở Greenwich Village? Bữa nào dẫn tao đi với...
— Mầy rủ con Patricia đi luôn...
— Ừ, Pat nó lo lắng cho mầy đó.
— Lo lằng cái gì?
— Nó nói với tao dạo nầy mầy đâm ra bấn loạn tinh thần gì đó, hôm qua Pat lên phòng tao bảo tao qua gõ cửa phòng mầy để rủ mầy đi viếng hội chợ quốc tết với tụi tao, tao đập cửa mầy mà mầy cũng chẳng lên tiếng, ngủ gì mà ngủ hoài, không chịu làm gì cả.
— Tao ghét tất cả hội chợ, tao ghét cái thành phố New York này, hội chợ quốc tế ở đây chỉ là một thứ New York thu nhỏ lại, tao chán, tao chán cái đời sống Mỹ quốc này. Ờ, tụi mình lên gõ cửa phòng con Pat, rủ nó đi xuống ăn sáng với tụi mình, con Pat nó nói với mầy thế nào? Tao cứ đùa phá nó hoài, hôm qua tao văng tục với cô nàng, tao nói rằng chỉ có sex là quan trọng đối với cuộc đời tao, tao nói rằng tao bị ứ dục tình, tao muốn...
— Mầy cứ phá Pat hoài, mầy phải tội nghiệp cô nàng, Pat nó rất hiền thùy đoan trang, mầy đụng con nào mầy cũng phá rầy, thằng Alberto nói mầy Don Juan là đúng...
— Mẹ kiếp thằng Alberto, tao còn nợ nó 10 dollars...
— Mầy xài tiền vừa vừa thôi, mầy tiêu tiền quá đáng, tháng nào mầy cũng xài hết tiền, xài hết ngay mấy ngày đầu tháng, rồi nhịn đói cuối tháng, cứ thế thì có ngày bệnh nằm xuống thì nguy...
— Tao sẽ bỏ học bổng trong một ngày gần đây, tao chán cái đời sống U.S.A. nầy, tao gần điên lên rồi... Hôm qua, viện I.I.E. cử tao làm đại diện sinh viên quốc tế ở N.Y. này để tiếp tân, tao viết một bức thư cho I.I.E. và bảo rằng tao không đi, bảo rằng tao chán Mỹ quốc, rằng tao chỉ thấy sự trống rỗng của thực tại Hiệp Chủng Quốc...
— Mầy điên rồi, mầy đừng gửi bức thư ấy, nguy hiểm lắm.
— Tao gửi rồi. Hồi sáng này tao nghe điện thoại ré vang phòng tao mà tao không trả lời, tao chắc I.I.E. gọi tao... Thôi mầy chạy ra trước bầm thang máy sẵn chờ tao ra sau, chừng một phút nữa... Mẹ kiếp, tao đi thang máy hoài cũng phát điên lên... Tao chán New York, chán những cái thang máy, chán những ngôi nhà hộp quẹt khổng lồ (như ngôi nhà này), chán những chai coca-cola mười lăm xu, chán mấy cái hamburgers, chán những subways, chán những đại lộ không cây, chán những supermarkets, chán những kỹ thuật đọc nhanh tại mấy đại học đường, chán những phòng lò sưởi điện nóng quá sức, chán những cái hotdogs, chán những nhà hàng Mỹ, chán những cái ô tô buýt, chán những điếu thuốc Mỹ, chán cái đại lộ Thứ Năm, chán tất cả những đứa con gái Mỹ, tất cả bọn con gái Mỹ đều nứng mà không dám thoát ra... Mẹ kiếp tao chán chán muốn điên lên, bất cứ thằng Mỹ nào gặp tao cũng hỏi tao nghĩ thế nào về tình hình Việt Nam, tao bảo chúng chuyện ấy không can hệ gì tới chúng, tao bảo chúng hãy để tao yên, tao bảo với chúng rằng thằng Mỹ nào cũng hỏi tao như vậy. Hôm qua con Elisabeth ngạc nhiên lúc nó biết tao là người Việt Nam, nó có vẻ thích nghe tao nói về Việt Nam, nó có vẻ thương người Việt Nam — nó thương Việt Nam lắm, thằng Ba Tư, thằng Ali đó, mầy quen không, thằng cao cao ở lầu mười, thằng quỷ Ba Tư này bảo tao hãy fuck con Elisabeth một cái để trả thù cho Việt Nam, tao nói tao chán con gái Mỹ như chán hotdogs... Ừ, xong rồi, thang máy xuống kìa, mầy hãy chạy ra nhanh bấm nút giữ lại để tụi mình đi nhanh cho kịp giờ điểm tâm...
— Bây giờ 11 giờ 10 phút rồi, còn nửa giờ nửa mới hết điểm tâm.
— Được rồi, mầy giữ nút đỏ ấy đi để tụi mình lên thẳng tầng mười.
— Mầy gõ phòng Pat đi, tao đứng đợi nơi hành lang nầy.
— Ai đó?
— Ta
— Ta là ai?
— Ta chứ ai? Ta là Thượng đế...
— Ồ, anh có chuyện gì lạ không anh?
— Thằng Chang bệnh gần chết, xuống mau thăm nó, nó đang bệnh gần chết... Nó bị xe đụng tét háng...
— Anh quỷ này đừng rộn chuyện...
— Ừ Pat đang làm gì đấy?
— Đang viết thư.
— Cho anh chàng ở Paris?
— Ồ, anh đừng nói nữa, chuyện riêng của em, em đã quên anh chàng ấy rồi, em viết thư cho Air France để xin mấy tấm hình quảng cáo Paris để dán trong phòng cho đỡ buồn, em sẽ xin thêm cho anh một tấm nhé...
— Ừ, Chang ơi, Pat gọi mầy kìa.
— Ủa, có anh Chang lên nữa à, thôi mời hai anh vào phòng.
— Pat, mạnh chứ? Chưa ăn sáng hử, thôi đi xuống ăn chung với tụi này.
— Thôi hai anh đi ăn đi, em còn kẹt giờ học tại Columbia vào hai giờ, em phải viết xong mấy bức thư và dọn bài sẵn...
— Pat xuống ăn ngay lập tức, không nói lôi thôi. Ê Chang, mầy thấy rõ chưa cô nàng sợ mập không dám ăn sáng.
— Thôi em đi ngay đây, anh chỉ có tài nói xấu thiên hạ... Ừ hôm qua, Catherine nói anh đi chơi với Anna mấy tuần nay phải không? Lãng mạn ghê!
— Cái con Catherine lẩn thẩn này. Anh chỉ đi với Anna có một lần thôi, lần nào nó gặp anh, nó cũng thấy anh ngồi ăn cơm chung bàn với Anna, nó tưởng anh và Anna đang lãng mạn với nhau gì đấy, thực ra thì anh đâu có ưa con Anna...
— Thôi đừng giải thích dài dòng, đi xuống ăn sáng cho rồi kẻo trễ giờ...
— Ừ, có sẵn thang máy đây, may quá...
— Bấm nút B đi mầy.
— Này, này, anh hút bớt lại một chút, em thấy anh hút thuốc liên miên không dứt.
— Con gái đừng đá động đến việc con trai.
— Ừ, anh Chang, hôm nay, anh có xem phim Hawaii ở phòng dưới không, em nhớ Hawaii quá, nhưng không hiểu sao em lại nhớ luôn cả Paris, vì một lần nọ lúc còn học ở Paris em cũng có xem một phim Hawaii cũng đẹp như vậy, lễ Thanksgiving, có lẽ em sẽ về Hawaii thăm ba má em, hay hoặc có lẽ em sẽ qua Paris chơi cho đỡ nhớ... Em là người Mỹ, nhưng không hiểu tại sao em thích sống ở Pháp hơn Mỹ...
— Hừ, cái nước Mỹ này...
— Ừ, ừ lại mầy nữa, đúng đề tài muôn đời của mầy rồi, mầy cứ chửi Mỹ hoài, tao cũng đâm nhức óc...
— Không chừng tao cũng bay qua Paris vào lễ Thanksgiving... nhưng tao cứ tiêu hết tiền hoài, khó để dành lại để mua vé máy bay.
— Đáng kiếp mày.
— Anh nên thực tế một chút, anh sống bất chấp... Em thấy anh không nên sống như vậy... Rồi cũng không đi đến đâu, anh phải thực tế, đừng quá viển vông... ở đời sống này, chúng ta cần phải...
— Này, Chang... mày đưa Pat xuống ăn trước, tao cần trở về phòng...
Tôi bấm nút ngừng lại từng 3, bước về phòng, đứng nơi cửa một phút, nhìn lên tên mình dán nơi cửa như nhìn một tên lạc loài, tôi không mở cửa phòng mà bước lui hành lang để vào phòng W.C. Tôi đóng kín cửa lại hai vòng khoá, cởi quần ra như một đứa con nít, ngồi trên bệ trắng, đánh diêm hút thuốc, phà khói vào thành cửa; những cuộn khói bay mạnh vào cửa, rồi dội lại vào mắt tôi; khói thuốc làm xốn cả mắt, tôi thấy cay cay và nước mắt ứa ra. Tôi ngồi luôn gần một giờ rưỡi đồng hồ, không xuống phòng ăn.

4
Những ngày đầu ở New York, tôi đã chạy lục gần hết những nhà sách của thành phố để tìm F.G.L.
Tôi đã không bao giờ muốn nói
Không bao giờ muốn nói điều ấy với em
Tôi đã đọc hai câu thơ ấy của F.G.L. ở nơi đâu tôi cũng không còn nhớ rõ. Tôi gặp Laura. Xanh lá cây, chao ôi, xanh lá cây...
Hồi còn ở tại old campus của đại học đường Yale tôi đã gặp Laura. Trong đám sinh viên ở old campus của Yale hè năm ấy, chỉ có tôi và Bích là người Việt, còn tất cả còn lại đều là sinh viên đủ mọi quốc tịch. Bích mặc áo dài Việt, trông rất nhu mì đoan trang, Bích rất hiền lành và rụt rè. Tôi lạnh nhạt với Bích và ít nói chuyện với nàng, chỉ thỉnh thoảng nàng nhờ tôi làm dàn bài cho luận đề của nàng, tôi mới chỉ sơ qua vài ý quan trọng, chỉ thế rồi tôi tìm cách lánh mặt để đi theo đám con gái nhí nhảnh ở phòng nhạc cuối sân campus. Đám con gái nhí nhảnh nhất là đám sinh viên người Á Căn Đình và Ba Tây, vừa nhí nhảnh, vừa lãng mạn và yêu đời, khác hẳn đám con gái Na Uy, Đan Mạch và Thuỵ Điển; hầu hết bọn con gái những xứ Bắc Âu này đều to béo và trắng một cách vô duyên.
Laura có lẽ là cô gái trẻ tuổi nhất trong đám sinh viên ở old campus; Laura vừa tốt nghiệp văn khoa tại một đại học đường ở Á Căn Đình; Laura nói với tôi đây là lần đầu tiên nàng xa nhà và tuy mới chỉ qua nước Mỹ, nhưng nàng đã bắt đầu thấy nhớ Á Căn Đình một cách lạ thường. Quê nàng ở Cordoba, một thành phố lớn của Á Căn Đình, dọc theo một con sông, một con sông điên, xanh lá cây, xanh lá cây, ta muốn ngươi xanh lá cây. Verde, Verde...[***]

5
Nguyên vừa ở Rome về, anh đã thành công rực rỡ tại hội nghị. Nguyên cũng đã đi thăm mộ K., anh kể lại rằng anh đã đi tìm mộ K. suốt buổi mà người ở trong nghĩa địa cứ chỉ anh đi xuống, rồi lại đi lên, cứ khiến anh đi sai đường; mãi đến lúc nghĩa địa gần đóng cửa anh mới tìm ra mộ K. và anh chỉ đứng nhìn mộ chừng một chốc thời gian rất ngắn, trong một tâm trạng thiếu chuẩn bị vì bị những công việc của hội nghị rầt là ám ảnh. Anh nói rằng anh rất tiếc là không được đủ khung cảnh tâm tư để mà gặp mộ K., anh chỉ nói là mộ K. rất đẹp. Anh cũng có đến thăm nhà K. ở với Sh.; hộp thư còn mang tên K. và Sh.; anh lại nói thêm: “K. ở một ngôi nhà như thế mà làm thơ không hay sao được?”
Tôi rất buồn nghe anh nói câu ấy, nó nói lên tất cả con người của Nguyên. Tôi muốn ngôi nhà ấy sụp đổ ngay lập tức.

6
Tôi vừa ngồi dịch xong tin tức tại toà soạn báo D.T. ở đường Phạm Ngũ Lão. Đêm qua tôi thức suốt đêm không ngủ, con đường buổi sáng tinh mơ của Sàigòn hãy còn động đậy lại những dư âm của những bước chân rã rời đêm khuya. Tôi nhét một búng thuốc lá thơm Half and Half vào cái pipe nặng nề, thực ra đúng hơn: tôi nhét một búng ý tưởng vào cái pipe và đánh diêm thổi lên một cuộn trầm tư phiêu bồng về đời sống mình, về đời sống những thằng bạn, về đời sống tất cả con người trên mặt đất, về đời sống một loại cỏ tơ, về đời sống một loại cá bạc má màu xanh, về đời sống những con ma chàm, về đời sống vô hình của cõi chết trong những hốc đá Tây tạng, về đời sống ban đêm của Nga, một vũ nữ của phòng trà Tự Do ở đường Catinat mà tôi đã muốn yêu đương vớ vẩn và tôi đã ôm Nga, ghì ôm thực chặt, thực nóng vào đêm qua, sau khi uống sặc rượu whisky cùng Tuấn qua một chuỗi nhìn câm câm xoáy vào bóng tối chờn vờn của tiếng ca vất vưởng, tiếng ca rớt từ hơi thở, run lên từ thanh huyền của một nàng ca sĩ mong manh, mong manh như một con tinh trùng ba giờ khuya.
Nga ơi, Nga ơi, anh yêu em, anh nói rằng anh yêu em, nhưng trọn người anh không nghĩ thế, trọn cả đám cá bạc má dưới dòng nước đỏ của anh không nghĩ thế. Nhưng có cần gì hỡi em? Nga, Nga, anh buồn ngủ. Anh không hề yêu em.

7
Hai chân tôi lạnh lạnh, tôi trùm lên ba tấm mền, tôi muốn ngủ, nhưng ngủ thì thua cuộc, tôi muốn hét lên cho Nguyên biết rằng tôi chịu thua cuộc, vì tôi quá buồn ngủ. Hồi chiều, trong một cơn say máu, tôi đánh cuộc với Nguyên là tôi sẽ viết xong quyển “Trời tháng Tư” nội trong đêm nay. Nguyên nói rằng anh cũng sẽ viết xong quyển tiểu thuyết của anh. Chúng tôi đã đánh cuộc với nhau. Tôi sắp thua cuộc, vì tôi quá mệt, tôi muốn ngủ, tôi muốn ngủ, tôi muốn hét lớn. Tôi không sợ thua cuộc, vì tôi đã thua rồi, thua ngay từ lúc có ý định đánh cuộc với Nguyên. Tôi bắt đầu viết “Trời tháng Tư” lúc Nguyên đi Rome. Nguyên đã trở về Paris; hôm nay tôi đã viết tới 47 trang rồi. Bây giờ gần 3 giờ khuya, tôi và Nguyên vừa mới đi đêm trở về. Tối đêm qua, tôi đã ngủ một giấc thực ngon. Khoảng 7 giờ sáng hôm nay, tôi đã thức giấc. Tôi vẫn nằm dài trên sàn, đắp mền kín cổ.
Nguyên và Phương còn nằm ngủ ở phòng bên. Tất cả còn nằm trong im lặng: đâu đó vài tiếng chim hàng xóm kêu ríu rít.

8
Nguyên vừa bước vào gần nơi tôi nằm, anh đem đến cho tôi một điếu xì gà, tôi rủ anh vào ngồi ghế kế bên tôi cho vui, tôi bảo anh ngồi viết tiểu thuyết bên cạnh tôi. Ừ, tôi cần một sự có mặt nào đó. Nguyên ngồi tư lự; mỗi khi tư lự, anh thường nhổ mấy chân râu sót lại trên càm. Anh đang suy nghĩ tìm ý tưởng. Tôi không suy nghĩ, tôi không tìm ý tưởng; tất cả ý tưởng đều như nhau. Tôi viết như tôi nói, tôi viết theo dòng máu chảy, máu tôi chảy quá nhanh, ngòi bút tôi chạy theo không kịp. Tôi vừa đánh số tám ở trên, đó là một chi tiết vô nghĩa, nó chỉ có sự hợp lý của ý nghĩa tưởng tượng.

9
Tôi vừa đánh xong số chín, thế là “Trời tháng tư” đã đến chương chín, việc ấy khó hiểu cũng như tại sao tôi nằm dài trên sàn nhà này, đắp ba tấm mền, mặc một áo pullover (Nguyên cho mượn), ngậm điếu xì gà (Nguyên vừa cho), thở mấy vòng khói, năm ngón tay giữ lấy cuốn giấy trắng (mua từ lúc còn ở Greenwich Village tại New York), vừa gãi lòng bàn tay ấy (bỗng nhiên thấy ngứa), vừa bảo Nguyên cho đọc mấy trang viết của Nguyên, vừa mới thổi thêm một vòng thuốc vừa nhìn lên đồng hồ chỉ ba giờ rưỡi khuya, vừa cầm bút và đang cầm bút viết chữ “chữ” nơi trang giấy này. Tôi vừa gạt xong tàn thuốc và tôi nghĩ rằng tôi phải viết theo điệu thông thường, có viết thông thuờng người đọc tôi mới hiểu tôi. Nhiều khi tôi cũng cần được hiểu. Ai cũng cần như thế. Đó là ngộ nhận lớn nhứt trong cuộc đời này. Nguyên đang ngồi rờ mũi và tư lự tìm ý tưởng để viết tiếp cái tiểu thuyết mà anh đánh cuộc với tôi. Tôi đang viết cuốn tiểu thuyết của tôi. Tôi cũng đánh cuộc, tôi sắp bỏ cuộc và bây giờ tôi viết, tiếp tục viết để giải thích tại sao tôi muốn bỏ cuộc.
Có lẽ tại tôi buồn ngủ, có lẽ tại tôi mệt cò lẽ tại tôi hút hết mấy bao thuốc, có lẽ tại tôi uống cà-phê quá nhiều, có lẽ tôi làm biếng, chán làm văn nghệ, có lẽ tôi muốn ôm một đứa con gái và hôn nó đắm đuối để đừng nghĩ lôi thôi, có lẽ rằng nếu tôi muốn tìm hết đủ lý do để cắt nghĩa tại sao tôi muốn bỏ cuộc thì tôi phải viết ít nhứt một ngàn trang mói nói sơ sơ được một phần trăm lý do khác, mà một lý do khác lại gợi một lý do khác, cứ đi lòng vòng như thế thì biết đến khi nào mời nói hết được. Đó là bi kịch hay hài kịch hay không kịch gì hết. Tôi không biết.
Thôi bây giờ, các ngài hãy cố gắng đọc tiếp. Tôi sẽ viết một cách dễ dàng, thông thường, cổ điển, nhất trí, liên tục. Có thế, các ngài mới hiểu tôi muốn nói gì. Tôi chỉ muốn nói: “Hồi chiều, Nguyên và tôi đã đánh cuộc với nhau rằng chúng tôi sẽ thức suốt đêm để viết văn: tôi đánh cuộc sẽ viết xong quyển tiểu thuyết của tôi vào trọn đêm nay, còn Nguyên đánh cuộc sẽ viết xong quyển tiểu thuyết của anh cũng vào trong đêm nay.” Các ngài hãy nghe tiếp, tôi sẽ ung dung kể tiếp những lý do của sự đánh cuộc trên. Trước khi Nguyên đi Rome, tôi có hứa với Nguyên là sẽ viết xong một quyển tiểu thuyết để đăng trong một tạp chí do Nguyên chủ trương biên tập. Khi Nguyên đi Rome trở về rồi mà tôi chỉ viết xong mười mấy trang thôi. Tôi thường nói với Nguyên rằng tôi sẽ viết ào ào như thác chảy, nhưng hơi buồn đối với Nguyên là cái thác nước của tôi chỉ chảy bằng miệng hay bằng óc bằng tim chứ nó không chịu chảy bằng ngòi bút. Một buổi chiều vào khoảng hai ngày khi Nguyên đi Rome rồi thì tôi mới bắt đầu có ý định viết một quyển tiểu thuyết; buổi chiều hôm ấy tôi đưa Phương xuống métro ở Jussieu, rồi ôm tập giấy trắng đi lang thang tìm một quán cà-phê để viết tiểu thuyết. Tôi còn nhớ khoảng trưa hôm ấy, Phương có hỏi tôi có định viết về đề tài nào chưa; lúc đó Phương đang gọt cà-rốt, tôi vội nói ngay rằng tôi không bao gờ định một đề tào nào để viết vì việc ấy quá tầm thường, rằng tôi có thể viết bất cứ một đề tài nào, chẳng hạn như của cà-rốt (tôi lặp lại; Phương đang ngồi gọt cà-rốt), tôi nói rằng tôi có thể viết một cuốn tiểu thuyết một ngàn trang về củ cà-rốt mà Phương đang gọt; tôi sợ Phương không hiểu, tôi liền nói tiếp: “viết về củ cà-rốt, viết về những gì chung quanh củ cà-rốt, chẳng hạn như người gọt cà-rốt, thế giới, trần gian, vũ trụ chung quanh của cà-rốt, cả một địa cầu, cả những địa cầu xoay quanh của cà-rốt, vân vân.” Phương mỉm cười thông cảm: Tôi cũng mỉm cười và muốn trùm mền kín đầu để ngủ một giấc. Buổi chiều hôm ấy, sau khi Phương đã đi hút dạng dưới hầm métro ở Jussieu, tôi tiếp tục bước lững thững đến chợ Maubert vừa đi vừa nghĩ từng thoáng ý tưởng rời rạc; tôi đi ngang qua nhà sách Shakespeare and Company ở đường Bûcherie; nhằm ngày lễ Pâques, hiệu sách đóng cửa; tôi đứng trước cửa kính hiệu sách và ngó vào mấy cuốn sách chưng bày, tôi để ý nhìn cuốn thư từ giữa Henry Miller và Anaïs Nin; tôi bước qua đường và nhìn lên hàng cây xanh đầu xuân, rồi nhìn lên trời chiều Paris, mây trắng bay loạn trời, một nỗi buồn vu vơ thoáng chụp nghẹn hơi thở, tôi đứng bên cầu, nhìn qua nhà thờ Notre-Dame, nhìn xuống dòng sông Seine, không thấy gì cả, chỉ thấy quá khứ; tôi nổi giận, bước qua bên lề đường cũ, tìm một góc bàn tại một quán cà-phê, nhưng chẳng tìm thấy một góc nào cả, khách quá đông. Tôi băng qua đường Huchette và nhìn vào một hộp đêm mà cách đây hai tháng tôi đã nằm ngủ trước cửa để chờ sáng. Ừ, cách đây hai tháng, tôi không có một chỗ để ngủ, đến nỗi phải đi long bong gần khắp Paris suốt trọn cả đêm, lạnh cóng người, đói cào bụng, mà vẫn phải đi mãi, đi để cho người nóng lên mà khỏi lạnh, đi vì không tìm ra một chỗ kí gió để ngủ, đi vì sinh ra đã có hai chân lại không phải là hai cánh, hai chân chỉ là hai chân, nghĩa là gồm mười ngón, mười ngón gồm có mười móng và khi mòng mọc dài thì phải cắt, nếu không thì vấp dễ chảy máu, nếu không thì nó mọc dài, thực dài như móng gà hay móng ó, khi nó mọc dài ra như vậy thì không thể mang giày được, thì đi chân không trên đường Paris, thì sẽ bị đạp miểng chai, mà đạp miểng chai thì dễ bị làm độc, và khi ngộ độc thì phải nằm nhà thương. Tôi không muốn nằm nhà thương. Tôi chỉ muốn đi, thở, nhìn đám đông, nhìn những đôi mắt mất hồn, rồi đi, đi cho đến lúc nào chết. Lúc chết tôi sẽ không còn đi, tôi sẽ bay, bay bằng gì, tôi cũng quên mất rồi. Bây giờ tôi chưa muốn bay, tôi chỉ muốn đi, đi bằng đôi giày ống mà tôi đã mua ở Harlem cách đây tám tháng. Tôi đi vào trong đường Huchette, bước vào quán Popoff, nuốt một cốc rượu đỏ, trả ba mươi xu, vào cầu tiêu, ỉa một phút, lại góc bàn ngồi chơi ba phút, nhìn mấy bọn beatniks chung quanh, gặp một thằng bạn da đen, nó mỉm cười, chìa cho nửa khúc bánh mì, tôi vội nhai ngốn ngấu, nhìn mấy đứa con gái beatniks ngủ gà ngủ gật, liếc nhìn xem thằng tóc dài râu hoe kia đang đọc cuốn sách gì, tôi ngồi thừ ra thở dài, ôm kè tập giấy trắng, bước ra đường, băng qua quán Rotonde, ngồi ngoài terrasse gọi một cốc bia, hút ba điếu thuốc gauloises, nhìn những cặp đùi của những con đầm, ngước nhìn lên bầu trời tháng tư của Paris, rút bút máy ra và dí vào trang đầu tập giấy bốn chữ “Phương trời tháng tư”, rồi đề ở dưới “tiểu thuyết” và đề thêm “Bắt đầu viết tại Paris ngày 8 tháng 4, 1966”. Thế là cuốn tiểu thuyết đầu tiên vừa được đặt tên xong. Tại sao lại đặt là “phương trời” mà không đặt là “bầu trời”? Đó lại là một lý do đòi hỏi phải cắt nghĩa thành một cuốn tiểu thuyết nữa. Ít ngày sau, tôi bôi xoá chữ “phương” trong “phương trời” vì một đời sống tâm tư biến chuyển đột ngột. Sự biến chuyển này đòi hỏi phải cắt nghĩa thành một cuốn tiểu thuyết khác. Không lẽ tôi sinh ra đời để viết tiểu thuyết hoài hay sao?
Đó, xong rồi, cuốn tiểu thuyết có tên là “Trời tháng tư”. Tôi đặt “trời tháng tư”, vì tôi đang ở vào tháng tư, mà tháng tư ở Paris là đầu mùa xuân; hơn nữa, tôi thích con số 4, vì một lý do dễ hiểu là cô gái tôi yêu đầu tiên là đứa con gái thứ tư (tôi nghe mấy đứa em nàng gọi nàng là “chị tư”).
Nói tới đứa con gái đầu tiên này, tôi buồn muốn nghẹn thở. Tôi chẳng muốn làm gì nữa, tôi chỉ muốn trùm mền kín đầu và ngủ một giấc. Nguyên ơi, tôi xin đầu hàng. Tôi xin thua cuộc, buồn ngủ quá rồi. Thưa các ngài, xin hãy cho tôi ngủ, mai tôi sẽ kể tiếp vì sao tôi phải đánh cuộc với một người tên là Nguyên và vì sao tôi lại chịu thua cuộc.

10
Tôi bắt đầu quyển tiểu thuyết của tôi bằng câu: “Viết là đâm nổ mặt trời”. Vừa viết xong câu ấy, tôi có linh cảm như là đang mở thác nước trong đầu tôi và cho nó chảy ào ạt tràn ngập mấy ngàn trang giấy. Tôi vội viết như chạy tung vào con đường vắng vô tận. Bữa chiều hôm ấy, sau khi đưa Phương đến métro ở Jussieu, tôi vội đi vòng tìm đường Saint Honoré, tôi đi phất phơ ngược đường xuống Pont Neuf, đứng ngó xuống dòng nước sông Seine, chỉ thấy dĩ vãng, tôi nổi giận và lấy métro xuống đường Saint Honoré, tôi tìm toà đại sứ Anh để xin visa đi qua Anh quốc; Nguyên đã đi qua Rome dự Hội nghị về Bất Bạo Động trong một tuần lễ, Nguyên để vợ ở nhà (Phương và Nguyên mới cưới nhau được khoảng chừng sáu tháng); gian phòng Nguyên mướn gồm có ba phòng (phòng ngủ, phòng sách và phòng ăn), gần hai tháng nay, Nguyên đem tôi về nuôi ở nhà Nguyên, tôi đã qua Pháp được gần sáu tháng rồi, mấy tháng sống long đong, không tiền không nhà, không nơi trú ẩn. Tình cờ tôi gặp Nguyên, Nguyên mời khéo về sống với Nguyên; hai vợ chồng ở phòng ngủ, còn tôi thì nằm nơi phòng sách, Nguyên và Phương tế nhị và muốn giúp đỡ tôi một cách kín đáo: Nguyên bày ra việc làm báo và nhờ tôi viết tiểu thuyết. Chỉ có cách giúp đỡ kín đáo như vậy, tôi mới được yên tâm trùm mền nằm suốt ngày. Lúc Nguyên đi Rome, Phương ở nhà, tôi cũng tiếp tục ở đó để chờ Nguyên về. Tôi được một người cho vừa đủ số tiền để đi Anh quốc. Tôi muốn lên đường, nhưng Nguyên nói khéo bảo tôi hãy ở lại viết cho xong cuốn tiểu thuyết rồi đi. Tôi lưỡng lự vừa muốn đi vừa muốn ở lại. Paris đang ở vào tháng tư, tôi muốn ở lại với mùa xuân Paris. Khi Nguyên đi rồi, chỉ còn Phương độc nhất ở nhà, tôi ngại ngùng, buồn quá không biết làm gì, lại muốn đi Anh, tôi đến đường Saint Honoré để xin một cái visa nhưng nhằm ngày lễ Pâques toà đại sứ Anh đóng cửa. Tôi lại lủi thủi trở về, bỗng muốn viết một cuốn tiểu thuyết dài và muốn bắt đầu bằng câu “viết là đâm nổ mặt trời”.
Bây giờ Nguyên đã đi Rome về, mà quyển tiểu thuyết chỉ mới được viết xong có 47 trang. Bởi thế, chiều qua, chúng tôi đánh cuộc là sẽ viết xong tối nay. Bây giờ chuông đồng hồ vừa rung đúng 6 giờ sáng, mà tôi chỉ viết tới trang 60. Thôi thì tôi xin thua cuộc, cũng như tôi đã thua cuộc một lần trong mối tình đầu.
Em ơi, anh đã mất trọn phương trời tháng tư.

11
Sáng này trong W.C, tôi đọc xong tập thơ vào năm 1873 của Rimbaud, tập thơ ấy chấm dứt như vầy:
“Thực là sướng vô cùng, vì tôi chỉ còn có thể cười nhạo những mối tình cũ rích lường dối và bĩ báng đập phá những cặp nhân tình giả dối này — ừ, tôi đã thấy hoả ngục của đàn bà ở đó — vâng, tôi sẽ được quyền ôm lấy chân lý trong hồn và xác.”
Tập thơ của Rimbaud cũng bắt đầu viết vào tháng tư.
Giữa mùi thơm cây dẻ đầu xuân, tôi cười ầm lên:
— Em ơi, trọn phương trời tháng tư đã mất.
Paris, 18 IV 1966

* Những chữ viết tắt dùng trong truyện “Trời Tháng Tư”:
K.: Keats
L.: Lorca
F.G.L.: Federico Garcia Lorca
V.G.: Van Gogh
R.: Rimbaud
OE.: Oedipe
Pr.: Prométhée
N.Y.U.: New York University
I.H.: International House
S.W.: Simone Weil
H.M.: Henry Miller
M.H.: Martin Heidegger
N.Y.: New York
I.I.E.: Institute of International Education
Sh.: Shelley
Nhà thơ Trần Hữu Dũng từ Sài Gòn vừa gửi cho Tiền Vệ một bài phỏng vấn Phạm Công Thiện do Bùi Vị Xuyên thực hiện theo lời yêu cầu của tạp chí VĂN. Trong cả một đời chữ nghĩa của Phạm Công Thiện, có lẽ đây là bài phỏng vấn duy nhất, đăng trên tạp chí VĂN số tháng 9 năm 1969, từ trang 79 đến trang 98.
Đọc kỹ, chúng tôi nhận thấy rằng vì thời đó điều kiện ấn loát còn hạn chế, cụ thể là không có font chữ typo cho tiếng Đức và tiếng Hy-lạp, nên một số chữ đã bị in sai. Để phổ biến như một văn bản hoàn chỉnh hơn, chúng tôi đã sửa chữa lại những chữ đó cho chính xác và bổ sung một vài phụ chú cần thiết.
Chân thành cảm ơn nhà thơ Trần Hữu Dũng, và trân trọng gửi văn bản này đến độc giả.

_______________________

Một bài thơ mới nhất viết cho Phạm Công Thiện

Thế Phong

pham cong thien
Phạm công Thiện - Thế Phong - Đinh Cường. Đà Lạt 1963 thời Thiện 22 tuổi viết Ý Thức mới trong văn nghệ và triết học

Lời dẫn: Một thư điện tử FWD báo tin Phạm Công Thiện " ra đi"- kèm tấm ảnh bộ ba: Thiện, Phong, Cường - họa sĩ Đinh Cường chụp. Vậy là đã 48 năm, tập truyện ngắn" Tuyển truyện Thế Phong (Thế Nguyên bỏ vốn, lấy tên Nxb Hoa phương đông,Saigon 1963) cùng theo tôi lên Dalat. Rong chơi và tiện thể "ký gửi sách" tại nhà sách Duy Tân (đường Duy Tân - Dalat ) và gặp Thiện và Cường tại đó.
Đinh Cường mặc "complet", tôi sơ mi trần, và Thiện còn khoác "manteau ", đầu đội mũ.
Nói như tây, Thiện quả là "belle gosse" mà không" beau gosse" - lại chưa "lấm bụi phong trần, vẻ bất cần đời" bây giờ.
Trước đó vài năm, một buổi chiều, Thiện gặp tôi đang ngồi uống cà phê ở quán Kim Sơn trên đường Bonard (Lê Lợi), anh rủ về Mỹ Tho:"...có thể đi ngay chiều nay, được không?".
Gật đầu, bảo ngồi đợi, tôi đem xe đạp qua lề vỉa hè trái đường Nguyễn Trung Trực, khóa vòng vào trụ điện xi măng cho chắc. Đã có lần đi chơi vài ngày, trở về, chiếc xe đạp vẫn tại vị chờ chủ.
Lần ấy,tôi ngủ một đêm tại nhà Thiện ở 41 Thủ Khoa Huân, cha mẹ mở cửa hàng bán toàn xe đạp. Ba mẹ chiều chuộng con cả như "con cầu tự" vậy!
Theo Trần Tuấn Kiệt viết trong" Tác giả, tác phẩm" - Phạm Công Thiện sinh ngày 1-6-1941 ở Mỹ Tho. Gia đình khánh kiệt, con cả mà chẳng giúp đỡ được gì cho ba mẹ, các em, cứ lang bạt kỳ hồ với "túi chữ nghĩa".
"Anh ngữ tinh âm"- cuốn tự điền bỏ túi đầu tay của Thiện - tác giả tròn 16 tuổi (tự bỏ tiền in ấn) - Nguyễn Hiến Lê cầm trên tay, khen như một" kỳ tích".!
P C Thiện qua đời, nhiều bài chiêu niệm ra đời. Thân quen ít, lạ hoắc vô kể - chẳng biết có phải đây là một cách "tiếp cận khoa học" - để "ăn theo" cái chết "một thiên tài lỡ..." - thì hơi "bị" nhiều! Nguyễn Hưng Quốc có đôi ý tưởng khá hay hay: "... nhiều người cầm bút khác lại "ca tụng Phạm Công Thiện như một triết gia. Tôi thì tôi coi PCT chủ yếu là một nhà thơ và một nhà tùy bút" (...).
(trích theo VOA - Blog của TS Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân, nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa kỳ). Với tôi, đúng quá đi chứ! ấy là TS Quốc nhận xét về Thiện - nhưng trong đầu tôi nẩy ngay một ý tưởng" kỳ quặc:" vậy ra TS Quốc viết về Thiện là ý riêng thôi - chẳng "phản ánh quan điểm" chính phủ, chính phiếc" nào cả ?!
Trước 1975, Thiện " rất can đởm, rất anh hùng" lên án " giáo sư đại học Nguyễn Nam Châu" đạo văn"- một bài viết về văn chương Anh - đăng trên tạp chí" Đại Học" ở Huế. (chủ bút: Nguyễn Văn Trung). Nguyễn nam Châu còn đội một bút danh khác: Hoài Kim Yến - tác giả loạt bài" Hôn nhân dị chủng" đang in trên báo Bách khoa - vậy mà Lê N.Châu không bỏ qua - cho đăng ngay bài PCThiện lên án" đạo văn" - (cũng trên tạp chí" Bách Khoa ")- quả cũng " rất anh hùng và can đởm" !
Kết cục, " ngài giáo sư đạo văn của Đại học Huế "biến" mất trên báo chí, bỏ viết, bỏ nghề, "sống" lưu vong" trên đất nước Belgique thì phải?
Tiếp,PCT lại viết sách lên án Nguyễn văn Trung. Và có cuộc" đàm phán văn chương đá banh " giữa Trung và Thiện - " trọng tài Lê N.Châu " cầm "còi" chạy tung tăng trong "sân Bách Khoa.". Hai đối thủ chân đau, miệng lở, mồ hôi nhễ nhại, chân nam đá chân xiêu, cỏn trọng tài cũng" bở hơi tai", gọi" Huân, nữ thư ký phu nhân 'tiếp sức "cốc trà đá" . Cả ba ra khỏi sân, riêng trọng tài Châu hổn hển tuyên bố trước phóng viên báo chí:
Kết quả trận đấu: Thiện - Trung 1-1 .
Cả chục năm sau, Trung sang tây chưa quên chuyện xưa - lại ngồi vào bàn - cầm quản bút chấm vào bình mực, hý hoáy lên án đối thủ:
" ...- mày vẫn chỉ là thằng điên trong thành phố thôi, Thiện ơi!..":
(người viết giả thiết - xin giáo sư Trung ngồi xe lăn trên đất tây tha thứ!)
"...hôm đó anh ta mặc áo nhà sư tiếp phái viên báo Pháp. Nói chuyện thì thấy anh ta chẳng điên tí nào cả, rất nhã nhặn và vui vẻ bình thường. (...)
(theo" Thông luận ") .
và bây giờ xin mời đọc đoạn thơ xuôi trích dưới đây - họa sĩ Đinh Cường viết về Thiện - tôi khoái quá!
Cũng xin nói thật lòng", đôi khi "thích hơn một tí " , khi xem tranh "quý tộc Đinh Cường". Quen nhau từ đầu thập niên 60- chàng sinh viên hội họa kẻ chữ "rất nghề" - bốn chũ VĂN HÓA Á CHÂU mới",thay "manchette "chữ cũ tròn trịa". và giới thiệu một số bài viết, dịch về hội họa đăng trên tạp chí " Văn Hóa Á Châu" - có thể đôi ba bài kia - bài viết đầu tay của họa sĩ tài danh Đinh Cường sau này.

_____________________

PHẠM CÔNG THIỆN
Ý THỨC MỚI TRONG VĂN NGHỆ * TRIẾT HỌC.
(........)
Cuốn sách tôi mua lại được nơi hàng sách cũ
trước nhà thương Tử Dũ
trong phần cuối thư gửi cho Nietzsche
Sau khi đã phá hoại đến cùng cực... Đi vào im lặng
Chào Dionyos Philosophos

Trên tất cả đỉnh cao là lặng im (5)
Thư quán Hương Tích in ở Sài Gòn
"Thầy " (*) Tuệ Sỹ nhờ tôi đem về mấy quyển
giao cho Thiện, chỉ có một người liên lạc được
với Thiện ở Houston.. còn thì lặng im

Bây giờ thì
Đã đi rồi đã đi chưa
Thượng phương lụa trắng đong đưa giữa trời
Đã đi mất hẳn đi rồi
Hạ phương tịch mich trùng khơi phong kiều.(6)

Ngọn lửa tịch mịch đã tắt
nhớ xưa trên căn gác nhà Thanh Tuệ ở Lý Thái Tổ
Bùi Giáng găp Nguyễn đức Sơn và Phạm Công Thiện
cả ba mặt trời như muốn nổ tung
làm Bửu Ý phải can, tôi thì nhìn xuống con hẻm
chờ kêu mua mấy chén chè xôi nước
các ngài ăn cho ngọt giọng rồi cười

Ôi làm sao nhớ hết thời xa xưa ấy
thời Thiện ở dưới căn phòng nhỏ tầng hầm
đường Yagut, mê mải viết Saroyan
Đà Lạt nay tên đường vẫn vậy tôi ghé qua
muốn chụp tấm ảnh đưa về Thiện xem mà không kịp nữa
Ơi Hoài Khanh đang còn ở Biên Hòa tóc bạc phơ
nhớ đêm giáng sinh nào lên Đà Lạt thăm Thiện
Ơi Hoàng trúc Ly khuất mặt những câu thơ Thiện ngợi ca
bởi Thiện là thi sĩ là họa sĩ lạ lùng kia đã đi qua rồi
đi cho hết một đêm hoang vu trên măt đất .(7)
Thiện đã về Thiện đã tới...[]

____________________

Về thơ Phạm Công Thiện

Nhiều tác giả Phạm Công Thiện là tác giả nổi tiếng từ mấy chục năm nay. Ở trong nước cũng như hải ngoại, phàm ai là người đọc sách đều biết Phạm Công Thiện. Có một thời tuổi trẻ Miền Nam say mê, tôn thờ ông. Ông là học giả, triết gia, thiền sư, nhà tùy bút, nhà thơ… Nhiều người đã viết về ông, ca ngợi ông. Sau đây là một vài nhận định về Phạm Công Thiện…
Khi viết về Phạm Công Thiện, các nhà phê bình đồng ý trên một điểm: Phạm Công Thiện trước hết là một nhà thơ, một nhà thơ xuất sắc. Ông mang một trời thơ dị thường bên cạnh những vẻ đẹp thơ mộng có khi thô ráp của đời thường. Chúng tôi xin giới thiệu ở đây hai trích đoạn: một trong bài Ngày Sinh Của Rắn sáng tác trước 1975, và một trong bài Trường Giang Mỹ Tho viết sau 1975.
“Ðời gọi ông là thần đồng, là triết gia, là phù thủy văn chương hay gì gì đi nữa thì tôi vẫn thích đọc ông như một thi sĩ, và nhìn ông như một nghệ sĩ, vác một trời tư tưởng mênh mông, ôm một bầu tâm thức tịch lặng, nói những gì muốn nói, làm những gì muốn làm, và rồi... chẳng bao giờ nhìn lại cái gì đã nói, đã làm; chẳng bao giờ đứng lại. Ông sống trên đời như một du tử hết sức giàu có, và hết sức trắng tay, lang thang mãi... cho hết những đêm hoang vu trên mặt đất.(*)
Hình như trong số mấy chục tác phẩm đã xuất bản, ông chỉ cho ra đời mỗi một tập thơ duy nhất là Ngày Sinh Của Rắn. Ðó là nói theo đúng cách phân loại bài bản của học đường; chứ nhìn ở khía cạnh rung cảm nghệ thuật thuần túy, ngay cả những tập văn xuôi nặng triết lý của ông vẫn mang cả một trời thơ dị thường.
VĨNH HẢO

***
“Phạm Công Thiện ao ước trở thành một nghệ sĩ lớn, như Rimbaud, trong khi nhiều người cầm bút khác lại ca tụng Phạm Công Thiện như là một triết gia. Tôi thì tôi coi Phạm Công Thiện chủ yếu là một nhà thơ và một nhà tuỳ bút. Nói cách khác, theo tôi, Phạm Công Thiện là một nhà thơ trước khi là một nhà tuỳ bút; là một nhà tuỳ bút trước khi là một nhà văn; là một nhà văn trước khi là một nhà tư tưởng; là một nhà tư tưởng trước khi là một người phá phách và là một người phá phách trước khi là một kẻ lập dị. Suốt mấy chục năm nay, Phạm Công Thiện luôn luôn chịu đựng một sự đánh giá bất công cũng như những sự khen ngợi oan ức khi người ta nhìn ông theo một chiều hướng khác, ngược lại.
Phạm Công Thiện làm thơ không nhiều. Đến nay, ông chỉ có một tập thơ duy nhất được xuất bản: Ngày sinh của rắn, trước, do Hoa Nắng in tại Paris, sau, An Tiêm in lại tại Sài Gòn năm 1966 và, Trần Thi in lại tại California năm 1988. Ở lần in nào, tập thơ ấy cũng đều mỏng manh, chỉ có 12 bài, phần nhiều là ngắn và tự do. Nói chung, bài nào cũng có nét riêng, có thể nói là khá hay, đặc biệt là một bài thơ hai câu có sức ngân rất sâu:
Mưa chiều thứ bảy tôi về muộn
Cây khế đồi cao trổ hết bông.
NGUYỄN HƯNG QUỐC
***
“Tôi đọc Ngày Sinh Của Rắn những ngày sau khi nhận nó. Và tôi biết mình có những nhận xét sai lầm về Phạm Công Thiện - ít ra trong Thơ. Cuốn thơ được in lần đầu tại Sài Gòn năm 1966, và đã tuyệt bản sau một thời gian rất ngắn. Cuốn thơ tôi có đã được tái bản tại Hoa Kỳ với sự đồng ý của tác giả, hai mươi hai năm sau, năm 1988. Bây giờ chắc lại cũng đã mất tích.
Tôi đọc nó với tâm trạng của một người ly hương. Tuy không hẳn là tâm trạng của một Phạm Công Thiện đang là sinh viên du học ngày trước, nhưng với tôi vẫn những xúc động bồi hồi. Mười hai bài thơ đủ thể, dài ngắn khác nhau. Các bài thơ đều có những liên hệ mật thiết, kết hợp thành một bài thơ dài. Là cái hay tiềm ẩn của cuốn thơ.
NGUYẼN PHƯỚC NGUYÊN

***
Phụ đính:

Nhớ đứng chờ ta ở cõi siêu *
T.Vấn

1.
Mẩu tin trên mạng một buổi sáng lang thang đã đem đến cho tôi nỗi ngậm ngùi. Người mà tôi mơ ước được một lần gặp gỡ để ” thanh tóan cho xong cái quá khứ đã chấp trong tôi ” bằng cách bắt chước chính ông ” Phùng Phật sát Phật. Phùng Miller sát Miller”, để rồi biến thành “Phùng Phạm sát Phạm ”, không còn nữa. Phạm Công Thiện đã qua đời trước khi tôi có cơ hội ” sát thủ “.
Phạm công Thiện chết rồi, mặt trời sẽ hy vọng có thực. Ngày ông qua đời, thứ Ba 8 tháng 3 năm 2011, mặt trời mùa đông vạch mây ngó xuống . Đó là một ngày nắng hiếm hoi.
Trong bài tựa cho lần tái bản quyển sách nổi tiếng ” Ý thức mới trong văn nghệ và Triết học ” do nhà xuất bản An Tiêm ấn hành năm 1970, ông viết:
“Bây giờ gần 30 tuổi thì tôi lại xuống núi (chứ không phải lên núi như Zarathustra) để làm nước chảy ồn ào trong những lỗ cống của cuộc đời.
Thực ra còn đến hai tháng nữa, tôi mới đúng 29 tuổi. Tôi cho phép tôi làm nước chảy trong cống rãnh trong thời gian một năm nữa thôi, từ 29 tuổi đến 30 tuổi.
Từ 30 tuổi trở đi cho đến 40 tuổi thì tôi sẽ không là tôi nữa. Đó là điều bí mật chỉ có tôi mới biết rõ vì sao tôi sẽ không là tôi nữa.
Từ 40 tuổi cho đến 50 tuổi, hư vô sẽ thổi trên mặt đất.
Từ 50 tuổi cho đến 60 tuổi thì kỷ nguyên Tây lịch đã tới năm 2000.
Từ 60 tuổi cho đến 70 tuổi thì trái đất sẽ rất nhiều chim, những con chim biết nói tiếng Phạn.
Từ 70 tuổi cho đến 80 tuổi thì núi Hy mã lạp sơn sẽ sụp đổ và chảy tan thành một đại dương mới.
Từ 80 tuổi cho đến 90 thì Thái Bình Dương sẽ trở thành nấm mồ chôn hết lục địa.
Từ 90 tuổi cho đến 100 thì mặt trời trở thành mặt trăng và mặt trăng trở thành địa cầu mới. “
Chẳng may, ông đã mất năm 71 tuổi (ông sinh năm 1941). Ông không kịp chờ cho “núi Hy mã lạp sơn sẽ sụp đổ và chảy tan thành một đại dương mới. ” . Nhưng nếu ông còn sống, liệu ngày ấy có đến không?
Đã đi mất hẳn đi rồi .
Đó là câu thơ của chính ông trong tập thơ cuối cùng (Trên Tất Cả Các Đỉnh Cao Là Lặng Im) mà nhà thơ Viên Linh đã mượn làm đề tựa bài viết ngắn về cái chết của vị triết gia thi sĩ thần đồng. Có thật là Phạm Công Thiện ” đã đi mất hẳn đi rồi ”?
Với ai thì chắc hẳn là không cần phải hỏi lại. Nhưng với Phạm Công Thiện thì khác. Vẫn phải bắt chước ông (lại một lần nữa tôi bắt chước ông !) hỏi chính mình: Đã đi rồi đã đi chưa?
Tại sao?
Vì Phạm Công Thiện là một hiện tượng chưa một lần được lý giải thỏa đáng cho người đương thời, cho các thế hệ nối tiếp mỗi khi họ ngồi trước đèn lần giở những trang cảo thơm của quá khứ. Kể từ khi xuất hiện năm 1957, lúc mới 16 tuổi, bằng cách tự xuất bản quyển Anh Ngữ Tinh Âm, rồi tiếp theo ông cho ra đời những tác phẩm gây chấn động cả một tầng lớp trí thức, sinh viên thành thị dưới nhiều hình thức: nghiên cứu triết học, tôn giáo, thi ca, văn học v..v. Ở tuổi chưa tới 30, ông đã lần lượt đảm trách nhiều chức vụ nghiên cứu, giảng dạy khác nhau ở đại học và các tu viện Phật giáo (dù ông xuất thân từ một gia đình theo Thiên Chúa Giáo). Đó là chưa kể những sự kiện khác thường trong cuộc đời của ông. Năm 1964, giữa lúc tiếng tăm nổi lên như cồn, ông từ bỏ Thiên Chúa giáo của mình để trở thành một nhà sư với pháp danh Thích Nguyên Tánh. Năm 1970, rời bỏ đất nước sang Israel, Đức, rồi Pháp sinh sống. Tại đây, ông cởi áo cà sa, lấy vợ – một người theo đạo Thiên chúa.
Từ bấy đến nay đã hơn 50 năm trôi qua, nhiều người già tóc bạc da mồi đương thời với ông vẫn còn phải tự hỏi mình:
Phạm Công Thiện, ông là ai?
Cho đến buổi chiều ngày thứ Ba 8 tháng 3 năm 2011 lúc mà Phạm Công Thiện ” mệt dần, bắt đầu nhập định và ra đi nhẹ nhàng ” tại thành phố Houston, tiểu bang Texas, câu hỏi lại càng nổi cộm hơn bao giờ hết, vì đã đến lúc ” cái quan định luận ”, khi thể xác ông đã thực sự là một thi hài như thi hài của bao con người khác khi chết. Thiên tài hay thường nhân, bạo chúa hay minh vương, nằm xuống rồi cũng thì có khác gì nhau. Thế nên, với Phạm Công Thiện, câu hỏi từ 50 năm vẫn lơ lửng.
Phạm Công Thiện là một triết gia hay kẻ mắc bệnh điên tư tưởng? Là một học gỉa hay chỉ là con mọt sách? là một thi sĩ, một nhà văn hay kẻ lộng ngôn xem chữ nghĩa như một trò chơi? Là bậc tu hành tinh thông lẽ đạo bằng trí thông minh tuyệt vời hay kẻ mượn áo cà sa trốn lánh việc đời rồi hốt nhiên trở nên ” ngộ ” một cách bất đắc dĩ? Là con người lập dị nhờ vào khả năng ngôn ngữ hơn người hay kẻ phá phách cậy mình thông kinh đạt quyển nên tung hòanh chốn trường văn trận bút như chỗ không người? Là vị thần đồng thực sự hay kẻ kiêu ngạo coi trời bằng vung?
Nhiều người đương thời đã tìm cách lý giaỉ hiện tượng Phạm Công Thiện với nhiều cách nhìn khác nhau, đôi khi đối nghịch.

2.
Hãy đọc tiểu sử của Phạm Công Thiện:
Sinh ngày 01 tháng 6 năm Tân Tỵ, 1941, tại Mỹ Tho, Việt Nam.
- Tiến Sĩ Triết Học tại Đại Học Sorbonne, Pháp,
- Nguyên Giáo Sư Triết Học tại Đại Học Toulouse, Pháp,
- Nguyên Khoa Trưởng Phân Khoa Văn Học và Khoa Học Nhân Văn tại Đại Học Vạn Hạnh, Sài Gòn; Giám Đốc Soạn Thảo Chương Trình Giảng Dạy cho tất cả các Phân Khoa của Viện Đại Học Vạn Hạnh từ năm 1966 tới năm 1970,
- Nguyên Chủ Biên Tạp Chí Tư Tưởng của Viện Đại Học Vạn Hạnh, Sài Gòn,
- Nguyên Giáo Sư Phật Học tại các Học Viện, Cao Đẳng Phật Học tại Hoa Kỳ,
- Nguyên Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Văn Hóa, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại Tại Hoa Kỳ, Văn Phòng 2 Viện Hóa Đạo .
Hãy đọc danh sách những tác phẩm của ông:
• Tiểu Luận Về Bồ Ðề Ðạt Ma, tổ sư Thiền Tông (1964)
• Ý Thức Mới Trong Văn Nghệ Triết Học (1965)
• Ngày sanh Của Rắn (1967)
• Trời Tháng Tư (1966)
• Im Lặng Hố Thẵm (1967)
• Hố Thẵm Của Tư Tưởng (1967)
• Mặt Trời Không Bao Giờ Có Thực (1967)
• Bay Ði Những cơn Mưa Phùn (1970)
• Ði Cho Hết Một Ðêm Hoang Vu Trên Mặt Ðất (1988)
• Sự Chuyển Ðộng Toàn Diện Của Tâm Thức Trong
Tư Tưởng Phật Giáo (1994)
• Triết Lý Việt Nam Về Sự Vượt Biên (1995)
• Làm Thế Nào Ðể Trở Thành Một Bậc Bồ Tát
• Sáng Rực Khắp Bốn Phương Trời (1998)
• Tinh Tuý Trong Sáng Của Ðạo Lý Phật Giáo (1998)
• Trên Tất Cả Ðỉnh Cao Là Im Lặng
• Một Ðêm Siêu Hình Với Hàn Mặc Tử
• Khai Ngôn Cho Một Câu Hỏi Dễ Hiểu: Triết Học Là Gì?
• Ðối Mặt Với 1000 Năm Cô Ðơn của Nietzche
Tác phẩm dịch đã xuất bản
• Jiddu Krishnamurti, Tự do đầu tiên và cuối cùng (1968)
• Martin Heidegger, Về thể tính của chân lý (1968)
• Martin Heidegger, Triết lý là gì? (1969)
• Friedrich Nietzsche, Tôi là ai? Đây là người mà chúng ta mong đợi! (1969)
• Nikos Kazantzakis, Rèn luyện tâm thuật huyền linh (1991)
Một tiểu sử và những thành tựu đáng nể. Cho tới nay, trong thế giới người Việt ở cả trong lẫn ngòai nước, chưa thấy ai có những thành tựu đa dạng và ở một số tuổi ít ỏi như thế.
Ông là một thiên tài. Điều này ít ai có thể chứng minh ngược lại. Không phải là thiên tài thì làm sao có được sự nghiệp đồ sộ khó ai bì như vậy. Nhưng không phải là không có người bảo ông điên. Mặt khác, cũng chính ông đã từng viết ” bệnh điên trở thành một thời trang làm dáng cho bọn tự nhận là thiên tài “. Ở Phạm Công Thiện dường như điều đơn giản nhất cũng trở nên rối rắm, khó hiểu. Thí dụ như định nghĩa về thiên tài . Và cũng hình như cũng chính ông làm cho ranh giới vốn đã mong manh giữa thiên tài và cuồng sĩ lại càng trở nên mong manh hơn.
Ông là một triết gia. Chính bản thân mình, ông chưa bao giờ tự nhận là triết gia. Có lẽ là do ông dạy Triết, viết sách Triết, nghiên cứu Triết với ngôn ngữ của kẻ lập ngôn nên nhiều người tưởng lầm, hoặc do quá hâm mộ nên tôn xưng ông là triết gia. Hệ lụy đời ông có lẽ cũng bắt đầu từ ngộ nhận mang tầm vóc bi kịch này. Và cũng từ đây, có kẻ đương thời khẳng quyết triết gia là kẻ mắc bệnh ung thư tư tưởng.
Cư sĩ Phạm Công Thiện, pháp danh Nguyên Tánh
Ông là một học gỉa. Tinh thông nhiều ngọai ngữ, là chìa khóa mở ra những cánh cửa văn hóa thế giới. Có đọc Phạm Công Thiện (tuy không hiểu được hết những điều ông viết), mới thấy hết sự mênh mông của sở học mà ông chiếm hữu. Đã thế, những trang sách Phạm Công Thiện mang một đặc tính khác thường so với những trang sách kinh điển: hòai nghi, phản kháng, phủ nhận, với sự mãnh liệt và thái độ cao ngạo của tuổi trẻ. Vì vậy mà có người cho rằng ông là kẻ phá phách, coi trời bằng vung chăng? Dẫu cho có là một thiên tài, thì tuổi trẻ vẫn cứ là tuổi trẻ với những thuộc tính làm nên một lực đẩy khiến nhiều người già khó chịu. Thiên tài cộng với tuổi trẻ thì khó tránh được những điều ong tiếng ve . Hãy đọc một đọan trích trong bài tựa cho lần tái bản thứ tư của quyển sách Ý thức mới trong văn nghệ và triết học (YTMTVNVTH) thì sẽ thấy quả chẳng oan cho ông tí nào:
” . . .Tôi thực sự bắt đầu viết quyển Ý thức mới trong văn nghệ và triết học vào năm 1960 (thực sự khởi từ năm 1959), nghĩa là lúc tôi được mười tám và mười chín tuổi. Bây giờ tôi gần 30 tuổi. Bao nhiêu nước chảy trôi phăng qua cầu trong mười năm trời. Bây giờ nhìn lại chặng đường xưa, tôi không ngờ lúc 18 – 19 tuổi tôi lại thông minh dễ thương như vậy, rồi nhớ lại lúc 13-14 tuổi cho đến lúc 16 tuổi, tôi đã xuất bản một quyển, sách về ngôn ngữ học và đã viết trên 20 quyển sách về văn học quốc tế và ngôn ngữ học (trong đó có một quyển mà Nguyễn Hiến Lê đề tựa giới thiệu và ngạc nhiên không ngờ tôi mới 16 tuổi), sau này khi tôi được 18 tuổi thì tôi đốt sạch hết tất 20 quyển ấy!
Tai nạn lớn lao nhất trong đời tôi là phải chịu đoạ đầy làm thần đồng lúc còn thơ dại, rồi lúc lớn lên làm thanh niên thì phải chịu đoạ đầy làm thiên tài . . . “.
Ông là người tinh thông đạo Phật. Chắc cũng khó chối cãi. Mới 23 tuổi, ông đã viết sách về Bồ Đề Đạt Ma, vị tổ sư của Thiền tông. Rồi một lọat những trọng trách ông đảm nhận liên quan đến việc giáo dục các tăng sĩ, những chức vụ trong các tổ chức Phật giáo, những họat động nhằm xiển dương Phật giáo, những tác phẩm nghiên cứu về Phật pháp sau này. Nhưng cũng có người cho rằng ông mặc áo nhà tu, rồi cởi áo nhà tu, rồi lại tuồng như mặc lại chiếc áo ấy chỉ là phản ánh sự bất định trong tâm hồn một người tưởng mình là cái rốn của vũ trụ. Ngày ông lên chùa Hải Đức ở Nha Trang cạo đầu, mặc áo cà sa, mang pháp danh Thích Nguyên Tánh, người thời ấy bảo ông trốn việc quan đi ở chùa. Có người bảo ông tìm nơi an tịnh để chữa bệnh ” khủng hỏang tâm linh”.Giải thích gián tiếp về việc này, ông viết “sự chọn lựa đi tu cũng là một thái độ sống trước hư vô. Đi tu đâu phải là chuyện dễ; có lẽ có thể nói rằng phải có can đảm lắm và nhiều sức mạnh lắm mới đi vào con đường cô đơn ấy . . . ” . Nhưng cũng có người mãi đến hôm nay vẫn xưng tụng ông là Bồ tát (chính xác hơn là “khi Thiền sư Thi sĩ Phạm Công Thiện từ trần, chắc chắn sẽ có rất nhiều người gọi anh là Bồ tát, một danh hiệu rất mực tôn kính trong nhà Phật, chỉ đứng sau danh hiệu Ðức Phật. ”).
Ông là nhà văn. Quả thật, chỉ với ” Bay đi những cơn mưa phùn“,viết từ năm chưa tới 30 tuổi, kẻ ganh tị nhất với ông cũng phải thốt lên lời tán thưởng. Đó là những trang văn xuôi của thơ, là hình ảnh trau chuốt của cái đẹp, là sự thăng hoa của tâm hồn con người, là chữ nghĩa cuối cùng đã thóat ra khỏi được những giam hãm của đời sống. Có người bảo bao tinh anh của ông đã phát tiết hết cả từ những ngày còn trẻ, phát rộ sớm thì lụi tàn sớm, thế nên nhiều năm nay ở hải ngọai ông có còn viết được gì nữa đâu ngòai một tập tùy bút ” Đi cho hết một đêm hoang vu trên mặt đất “.
Ông là nhà thơ. Đến đây thì chắc nhiều cái đầu gật gù. Theo nhiều người thân cận với ông thì ông chỉ muốn là, được gọi là, thi sĩ. Ông đã từng khẳng định chắc nịch “Tôi không là một tên tiên tri nào cả, ngôn ngữ của tôi là ngôn ngữ của thi sĩ. Ai muốn hiểu làm sao thì hiểu. “. Chắc ông đã mãn nguyện. Tập thơ mỏng manh ” Ngày sanh của rắn ” xuất bản năm 1966 ở Sài Gòn đã khẳng định vị trí thi sĩ của ông. Sau này, với bài Trường Giang Mỹ Tho viết năm 1980 đã được nhiều người coi là tuyệt tác, hoặc tập thơ cuối cùng ” Trên tất cả đỉnh cao là lặng im “, với lời mở đầu rất ” Phạm Công Thiện ” nhưng tôi chưa thấy ai phàn nàn:
“… Một đêm, tôi nằm chiêm bao thấy Goethe hiện về, bảo tôi hãy nhớ lại câu thơ ngắn của ông và gợi ý gián tiếp cho nhan đề tập thơ này:
Ueber allen Gipfeln
Ist Ruh
(Trên Tất Cả Những Đỉnh Cao Là Bình Yên)
Có lẽ là vì trần gian này đã có quá nhiều thi sĩ ngông nên có thêm một vị nữa cũng chẳng chết ”thằng tây” nào chăng? Nhưng mà ngày xưa, ông đã bị mỉa mai là “thi sĩ khều mặt trời” với những câu thơ “đình đám” trong tập ”Ngày sanh của rắn“:
tôi giao cấu mặt trời sinh ra mặt trăng
tôi thủ dâm thượng đế sinh ra loài người
cho quế hương nằm ở nhà thương điên của trí nhớ
mặt trời có thai!
Mặt trời có thai!
Sinh cho tôi một đứa con trai mù mắt
(Ngày sanh của rắn)
Vì đình đám quá nên những câu thơ ” thời thượng ” mà ai cũng biết ấy đã che khuất đi những câu thơ tuyệt vời khác, chẳng hạn:
“Mưa chiều thứ bẩy tôi về muộn
Cây khế đồi cao trổ hết bông “
Quả là khẩu khí một thi sĩ . . . triết gia.

3.
Nhưng với tôi, kẻ mang một quá khứ không thể tách rời cái tên Phạm Công Thiện thì cách lý giải của Nguyễn Ngọc Tuấn trên Tiền Vệ khiến tôi dễ dàng chấp nhận hơn:
“. . . theo tôi, Phạm Công Thiện là một nhà thơ trước khi là một nhà tuỳ bút; là một nhà tuỳ bút trước khi là một nhà văn; là một nhà văn trước khi là một nhà tư tưởng; là một nhà tư tưởng trước khi là một người phá phách và là một người phá phách trước khi là một kẻ lập dị. Suốt mấy chục năm nay, Phạm Công Thiện luôn luôn chịu đựng một sự đánh giá bất công cũng như những sự khen ngợi oan ức khi người ta nhìn ông theo một chiều hướng khác, ngược lại.
Phạm Công Thiện có một cái tài đặc biệt rất hiếm người có là ông có thể làm cho độc giả đọc ông một cách thích thú, say mê và thán phục mặc dù, khi gấp sách lại, người ta hoàn toàn không hiểu là ông nói cái gì cả. Bởi vậy, mặc dù tác phẩm của ông nổi tiếng là khó hiểu, ông vẫn có một lượng độc giả khá lớn, khá trung thành, và đôi khi khá bình dân. Nói như thế cũng có nghĩa là nói thế mạnh đầu tiên và nổi bật nhất của Phạm Công Thiện chính là ở khả năng diễn đạt, hay nói cách khác, ở giọng văn của ông. Đó là một giọng văn có sức hấp dẫn lạ lùng, một giọng văn vừa uyên bác vừa sôi nổi, vừa rất trí tuệ và lại rất giàu chất thơ. . . “
Những người không sống ở Sài Gòn vào thập niên 1960s, khỏang thời gian cái tên Phạm Công Thiện biểu trưng cho một hiện tượng thật đình đám dù là không khí chiến tranh đã ngự trị khắp nơi kể cả những thành phố lớn, có thể không cảm và hiểu hết được những tác động đối nghịch nhau mà Phạm Công Thiện đã tạo cho người đương thời. Nay, gần 50 năm đã trôi qua, cái gì còn đọng lại đã chứng tỏ gía trị của chúng, hoặc ít nhất cũng chứng tỏ khả năng sống sót sau cơn lũ thời gian. Với trường hợp Phạm Công Thiện, dù ông vẫn không ngừng sáng tác sau khi rời nước để phiêu bạt giang hồ từ năm 1970, nhưng những đề tài được bàn luận về ông, cho tới hôm nay, phần lớn vẫn là về những gì ông viết trong thập niên đáng nhớ ấy. Liệu chi tiết này có nói thêm được gì không về giá trị những suy tưởng của một thanh niên chưa tới 30 tuổi ngày nào?

4.
Trong tập thơ Nhân Gian, xuất bản năm 2006, nhà thơ Phạm Thiên Thư đã vẽ Phạm Công Thiện bằng 4 câu thơ:
Con người hóa kiếp nhà thơ
Khi bay thành nhạc khi chờ là hương
Lang thang trong cuộc đoạn trường
Lấy trăng thái cổ soi đường bến mê
Con người dù có hóa kiếp nhà thơ cũng sẽ đến lúc phải ” xả bỏ thân tứ đại“. Thọ 71 tuổi như ông, tuy chưa đủ để gọi là chết già, nhưng ”lang thang trong cuộc đọan trường” bấy nhiêu năm ai mà không mệt mỏi, dù có là thiên tài. Cho nên, nằm xuống là yên nghỉ . . . đời đời. Khi sinh thời, nhà thi sĩ triết gia nổi tiếng cao ngạo vốn đã bỏ ngòai tai mọi lời chê tiếng khen thì lúc này đây, còn có gì để ông phải bận tâm dùng dằng. Có bận tâm chăng là bận tâm cho kẻ hậu sinh ôm di sản của ông mà chợt rùng mình nghĩ đến gánh nặng oằn vai trên đọan đường dài trước mặt. Từ đây, trọng tâm của mọi cuộc bàn luận sẽ chỉ còn là về những gì ông để lại cho đời. Khi mặt đất này không còn bóng dáng con người mang cái đầu quá lớn trên thân xác nhỏ nhoi của mình nữa, thì mọi hệ lụy trần gian cũng sẽ biến thành hạt bụi theo gió bay đi như những cơn mưa phùn.
Nhà thơ Nguyên Sa sinh thời có viết bài thơ nói chuyện phải quấy với Phạm Công Thiện, trong đó có hai câu cuối:
Này người bỏ sóng sang thuyền tĩnh
Nhớ đứng chờ ta ở cõi siêu
(Nói chuyện phải quấy với Phạm Công Thiện – Nguyên Sa)
Tôi chợt có ý nghĩ rằng, có lẽ giây phút này đây, chính thi sĩ triết gia Phạm Công Thiện đang thét vang trong gió hai câu thơ ấy của người bạn cũ.
Nhớ đứng chờ ta ở cõi siêu. Thắp nén hương lòng, tôi cầu chúc cho ông đạt được ý nguyện./.
03-12-2011
*Thơ Nguyên Sa
*Bài này có nhiều chỗ trích dẫn, trích giải. Tuy nhiên, nó không có tầm cỡ một bài khảo luận nên tôi nghĩ không nên làm cho bài viết trở nên nặng nề một cách không cần thiết bằng những dấu chỉ gốc của những đọan trích dẫn, trích giải. Thay vào đó, tôi dùng thủ thuật nối kết (Hyperlink) dẫn đến nguồn của đọan trích dẫn, trích giải được hiển thị qua những chữ đổi màu trong bài. T.Vấn

_____________________


Thơ Phạm Công Thiện xuất bản tại Việt Nam

Vũ Trọng Quang

Tên của tập thơ “Trên Tất Cả Đỉnh Cao Là Lặng Im” do NXB Văn Hóa Sài Gòn liên kết với thư quán Hương Tích phát hành vào giữa năm 2009; đây có thể xem tập thơ tái bản tại Việt Nam, vì trước đó vào năm 2000 tập thơ đã xuất hiện tại Hoa Kỳ do Viên Thông xuất bản; với lời mở của Phạm Công Thiện:
“sau bao nhiêu năm mình mới trông thấy: những gì vẫn còn lại và những gì bị xóa mất”, “ Tôi đã bỏ quên đâu mất rất nhiều bài thơ của mình trên 35 năm lang thang lưu lạc khắp thế giới; tập thơ này chỉ còn lại những gì vẫn còn lại với sự Lặng Im hiu hắt nào đó trên cao…”. Ấn bản tại Việt Nam vẫn giữ nguyên văn và đầy đủ so với ấn bản tại Hoa Kỳ, chỉ khác là lần tái bản có lời dẫn của nhà thơ thiền sư Tuệ Sỹ: “Như huyễn tượng, như chiêm bao, như thành phố giữa hư không, cũng vậy, những gì xuất hiện, tồn tại, rồi hủy hoại.
Kể từ tập thơ đầu “Ngày Sanh Của Rắn” của Phạm Công Thiện do NB An Tiêm xuất bản năm 1966, thì “Trên Tất Cả Đỉnh Cao Là Lặng Im” là tập thơ thứ hai. Tập trước chỉ có 1 bài được đánh số thứ tự La Mã mỏng manh, nhưng mông mênh; tập 2 hiện hữu trên 100 bài hoành tráng lại qui hồi một điểm cô đơn lớn. Năm 1966 đi về “mưa chiều thứ bảy tôi về muộn/ cây khế đồi cao trổ hết bông”, năm 2000-2009 lại bôn ba đi đi “bôn ba ngoài vạn dặm/ cũng chỉ một trăng rằm/ bao nhiêư là hố thẳm/ xoáy về nốt ruồi đậm”, tuy vậy bôn ba để về lại “mười lăm tỷ năm qua/ từ vạn triệu thiên hà/ bây giờ ta mới tới/ gặp lại em hôm qua”.
Và đây, hãy nhìn Phạm Công Thiện “Đi”:

Đã đi thì đã đi rồi
Thượng phương trùng điệp thấy gì nữa đâu
Hạ phương ngày tháng bể dâu
Sắt son tình cũ phượng cầu túy hương
Có còn gì nữa mà thương
Buổi trưa nằm ngủ thấy nường năm xưa.
Đã đi rồi đã đi chưa
Thượng phương lụa trắng đong đưa giữa trời
Đã đi mất hẳn đi rồi
Hạ phương tịch mịch trùng khơi phong kiều
Chuyển hình trên đỉnh cô liêu
Lửa bay thành ngọn hồng điều mật ngôn
Đại Huyền biến ngưỡng triêu tôn
Tiền thân Tây Tạng nhập hồn chiêm bao
Án nga nga nẵng bạch nào
Một luồng sáng rực chiếu vào trái tim
Năm nàng thiên nữ tôn nghiêm
Trùng quan ngũ sắc ứng điềm tán không
Án Đa La tịch mịch hồng
Mười phương xuất hiện những đồng sinh thiên
Bát Nhã là gái thiên tiên
Khoan thai cởi áo mây hiền trên cao
Gió lùa thơm tóc tơ đào
Thập bát Không Định tiêu dao tiếng đàn
Trời mưa chim ngủ trên ngàn
Sắt son tình cũ nước tràn sang sông
Đã đi rồi có đi không
Thượng phương trùng điệp cỏ hồng thúy hương
Đi đâu mà lại lên đường
Hạ phương còn gặp cô nường năm xưa
Đã đi rồi đã đi chưa
Sắt son triều ngưỡng tình xưa hiện về
Phượng cầu ngũ lĩnh sơn khê
Một bông hồng nở bốn bề lặng im
Năm nàng tiên đậu vào tim
Âm nhập dương khởi lim dim xuất thần
Nhập định tam muội tần thân
Trở về động cũ như lần gặp xưa
Đã đi rồi đã đi chưa
Đền thiêng triệu ngưỡng người xưa kiếp nào
Tình bay lên nóng trăng sao
Gió lùa thơm tóc cô nào năm xưa
Đã đi rồi đã đi chưa
Thương phương lụa trắng đong đưa giữa trời
Đã đi mất hẳn đi rồi
Hạ phương tịch mịch bỏ đời biệt tăm.
Phạm Công Thiện

_________________________

Nghĩ về nhà thơ Phạm Công Thiện

Phan Tấn Hải

Làm thế nào để hình dung về Phạm Công Thiện? Một lần tôi đã tự hỏi mình như thế. Và ngay lập tức trước mắt tôi hiện ra một cặp kính cận dày cộm và chòm tóc trắng phất phơ... Có lẽ, nếu vẽ vài nét trên giấy kiểu tốc hoạ thì thế như dường là đủ. Không, chưa đủ. Vậy thì nghe thêm giọng nói Nam bộ đặc biệt của anh. Hay là thêm khuôn mặt tròn, và đôi mắt thơ ngây...
Nhưng tận cùng, Phạm Công Thiện là một nhà thơ và là một thiền sư – và đó là những phẩm chất rất khó hình dung, vì mỗi nhà thơ và mỗi thiền sư đều có những độc đáo riêng. Và tôi tin rằng, khi nào thân xác anh rời khỏi thế giới đời thường này, rất nhiều người sẽ gọi Phạm Công Thiện là một vị Bồ tát, một danh hiệu tôn quý trong Phật giáo và là một hạnh nguyện để chỉ một người tái sinh từ kiếp này sang kiếp khác để giúp cho mọi người hiểu được thật nghĩa của vũ trụ. Trong những năm qua, rất nhiều tăng ni Phật tử đã gọi nhà thơ Bùi Giáng là một vị Bồ tát, và tôi tin là sau này, Phạm Công Thiện cũng sẽ được tôn vinh như thế, bất chấp những đời thường bất toàn mà chúng ta đôi khi gặp nơi anh.
Thực sự, tôi đã nhìn anh như một vị Bồ tát từ những ngày tôi mới lớn, và ngay khi lần đầu đọc cuốnÝ thức mới trong văn nghệ và triết học. Lúc đó, tôi đang học lớp đệ tứ, hay đệ tam ở Chu Văn An, Sài Gòn. Bây giờ gọi là lớp 9 hay lớp 10. Ðâu đó, khoảng giữa thập niên 1960. Dù là đọc ngấu nghiến, nhưng một ngày không đủ, và đọc một tuần cũng không đủ. Vì có những dòng tôi phải đọc đi đọc lại, không hoàn toàn vì tính bí hiểm triết lý, mà chỉ vì tính thơ mộng dị thường trong ngòi bút của anh. “Ði cho hết những đêm hoang vu trên mặt đất...” Thế đấy, tôi đã đi như thế từ bốn thập niên trước trên các trang sách của anh.
Tôi đã ngồi ở sân Chùa Xá Lợi, dưới các tàng cây ngọc lan và bông sứ lần giở từng trang sách đó. Và rồi lại ngồi trong một quán cà phê cách trường Chu Văn An vài mươi bước, ngay lối vào ký túc xá Minh Mạng của các anh chị sinh viên lớn. Không phải chuyện ngồi đọc cho ra vẻ triết gia, mà thực sự vì có những đoạn văn trong cuốn Ý thức mới làm tôi run rẩy cả người. Từng trang một, giữa các dòng chữ của Phạm Công Thiện toát ra một hơi lạnh của vũ trụ vô cùng vô tận. Và tuy là văn xuôi, hầu hết, nhưng thi tính vẫn dày đặc kinh ngạc.
Lúc đó, tôi chưa từng gặp anh, nhưng lại có cảm giác Phạm Công Thiện phải là một cái gì có màu xanh, phải liên hệ tới màu xanh, thí dụ xanh da trời hay xanh lá cây. Không biết tại sao, nhưng trong trí óc tôi lúc đó, là một thiếu niên say mê đọc sách và cứ nghĩ tới triết gia Phạm Công Thiện là thấy hiện lên một màu xanh. Phải màu xanh mới lạnh chứ. Vì từng trang Ý thức mới đều mang theo hơi lạnh đó. Trong đó, có hơi lạnh Ðà Lạt, có sương mù Paris, có ngồi thiền trên đồi vắng, có chất vấn về triết lý với cái búa của Nietzsche, với hiện sinh Camus, và vân vân, và vân vân. Ðủ thứ mà bây giờ tôi không thể nhớ hết. Cứ mở trang sách ra, là hơi lạnh của vũ trụ vô cùng vô tận lại toát ra từ các dòng chữ của anh. Bất kể lúc đó, tôi đang ngồi trong sân chùa Xá Lợi, hay vài tuần sau nữa tới la cà tại các quán cà phê trên đường Nguyễn Thiện Thuật, nơi đó có khi tôi ngồi ở quán cà phê Bình Minh và có khi bước sang kế cận ngồi ở quán Hoàng Hôn, và nơi đó cứ mỗi chiều trở về đêm là đèn đường hắt xuống màu vàng mờ nhạt làm tôi cứ ngỡ mình đang ngồi giữa Paris đọc sách.
Mới biết, văn chương mạnh như thế. Sau này, nhiều thập niên sau, khoảng đầu thập niên 1990, được cơ duyên gặp nhà thơ Phạm Công Thiện tại Quận Cam, California, tôi ngạc nhiên không hiểu vì sao thời mới lớn mình lại cứ hình dung anh ra một màu xanh. Nhớ lại mới ngạc nhiên. Ðúng ra, nếu phải liên kết với màu sắc, nơi anh phải là một màu trắng. Tóc trắng một chòm, kính trắng dày cộm, đôi mắt cực kỳ ngây thơ, khuôn mặt bầu, lại thường mặc áo trắng hay màu sáng. Và toàn thân Phạm Công Thiện toát ra cả một màu trắng hồn nhiên, thơ ngây. Nhưng tới tuổi trung niên rồi, tôi không còn bận tâm chuyện màu sắc nữa, dù là người hay chữ, hay mực, hay giấy. Thêm nữa, khi đọc lại anh, tôi không còn nhiều rung động mạnh mẽ như thời mới lớn, dù là lòng tôn kính anh vẫn không mờ nhạt trong tôi.
Nếu phải giải thích, có lẽ cảm giác màu trắng sau này nhiều phần tôi có cũng từ một bài thơ của Phạm Công Thiện được nhạc sĩ Lê Uyên Phương phổ nhạc. Trong bài thơ, tôi nhớ có những câu dị thường như:

... Mười năm qua gió thổi đồi tây
Tôi long đong theo bóng chim gầy
Một sớm em về ru giấc ngủ
Bông trời bay trắng cả rừng cây...

Và nhớ nhất là mấy chữ:

... Tôi đứng trên đồi mây trổ bông...
Thực sự, gọi Phạm Công Thiện bằng “anh” là điều không phải lẽ đối với tôi, trên nguyên tắc. Vì tôi đã từng trực tiếp nghe nhiều vị danh tăng gọi Phạm Công Thiện bằng danh xưng “thầy” rất là tôn kính, trong những vị gọi như thế có những thượng toạ hiện là tác giả và dịch giả nhiều sách về Phật học. Dễ hiểu, Phạm Công Thiện đã từng dạy ở Ðại học Vạn Hạnh, nơi đào tạo nhiều thế hệ tăng ni và trí thức Phật giáo.
Ðứng về mặt đời thường, lý ra tôi cũng phải gọi anh là thầy. Vì thực tế, Phạm Công Thiện còn là thầy của vợ tôi – nàng kể lại rằng trong thập niên 1980 vẫn thường mỗi tuần sang Chùa Liên Hoa, trên đường Bixby, thị xã Garden Grove, Quận Cam, để nghe thầy Thiện giảng Kinh Kim Cang.
“Không hiểu gì cả, nhưng ông Phạm Công Thiện dạy hay hơn mấy thầy khác nhiều, kể cả mấy thầy ở Ðại học Vạn Hạnh hồi xưa.” Ðó là lời nàng kể, khi còn nhắc là năm 1974, nàng đã từng học miệt mài ở Ðại học Vạn Hạnh...
Tại sao không hiểu gì hết, mà lại thấy hay? Tôi nghĩ, chỉ có Kinh Phật và thơ mới thế thôi.
Như thế, đúng ra tôi phải gọi nhà thơ Phạm Công Thiện bằng thầy. Nhưng cơ duyên lại là, lòng anh Thiện rất mực thoải mái, không nghi lễ. Và tôi lại là bạn thân của các nhà thơ Lê Giang Trần, Phạm Việt Cường... những người thân tình và thường uống rượu với anh. Nói là uống rượu nghe có vẻ trần gian lắm, nhưng phải nhìn thấy Phạm Công Thiện mới thấy là hoàn toàn không có gì gọi là trần gian nữa. Tất cả thế gian quanh anh đều thoạt hiện ra như thơ, như văn, như nhạc, như hoạ... Và cả đôi khi tôi ghé nhà Lê Giang Trần ở trong một khu mobile home chật chội, u tối, tại Santa Ana và gặp anh Phạm Công Thiện đang ngồi trong nhà Trần với chai rượu trên bàn. Tất cả thế gian đều như mộng, như huyễn, như sương rơi, như điện chớp... Sự hiện diện của anh Phạm Công Thiện như dường để nhắc tới tính vô thường đó.
Khi tôi tới Quận Cam năm 1990, anh Phạm Công Thiện đã tạm ngưng các lớp Phật học ở Chùa Liên Hoa mấy năm rồi, nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn cơ may gặp nhà thơ dị thường này. Và nếu sau này có ai muốn biết về các chuyện đời thường của Phạm Công Thiện, tôi nghĩ rằng nhà thơ Lê Giang Trần có thể kể lại trên cả ngàn trang sách, vì cứ hễ anh Thiện về Quận Cam thì chỉ nghe về ở nhà Lê Giang Trần, một nhà thơ cũng thơ mộng lạ lùng và dị thường. Còn thì, khi nghe tin anh đi Úc, khi nghe nói anh lên ngụ ở chùa Diệu Pháp ở Los Angeles, và khi thì nghe đủ thứ địa danh trên địa cầu. Nói thế, không có nghĩa Trần là bạn đời thường của anh Thiện. Thực sự, nhà thơ Lê Giang Trần nhìn nhà thơ Phạm Công Thiện như một vị Bồ tát. Một hoá thân, không thể khác hơn được, trong mắt của Trần.
Người ta không thể hình dung hết những tôn kính mà nhiều người dành cho Phạm Công Thiện. Bất kể là anh đã từng sống rất đời thường, hệt như bao nhiêu người khác giữa phố chợ trần gian. Bất kể là anh cũng viết báo lung tung, cũng một thời tranh luận từ trước 1975 tại Sài Gòn, và rồi lại viết báo tranh luận tại Los Angeles thời 1980 sau này. Và bất kể là anh uống rượu cũng tưng bừng, cũng mấy lần vợ con, cũng thích hút thuốc lá, cũng nhiều thứ rất trần gian... Nên thấy, trong những người tôn kính Phạm Công Thiện có nhiều vị sư, có nhiều nhà thơ, và tôi tin là không thể đếm hết.
Không phải những người đó tôn kính Phạm Công Thiện chỉ vì anh từng là giáo sư Ðại học Vạn Hạnh (nơi này có cả trăm giáo sư chứ), hay vì anh làm thơ hay (trước và sau anh cũng có nhiều nhà thơ xuất sắc chứ), hay vì anh đã hùng biện để bảo vệ Phật giáo (đâu có mấy ai nhớ anh đã gây lộn với ai, và về đề tài gì), hay vì anh có thể vừa mới rời một quán nhậu nơi đường Westminster là bước vào ngôi chùa đường Bixby giảng Kinh Kim Cang mà vẫn dạy hay hơn tất cả các ông sư trên đời này (có thể, nhưng chi tiết này cần phải kiểm chứng, vì các vị giảng sư chưa chắc đã đồng ý là có ai giảng Kinh này hay hơn họ), hay vì anh mỗi lần vào thư viện Mỹ là mượn ra cùng một lúc 30 cuốn về đọc tốc độ còn mau hơn các thiếu niên Sài Gòn đọc truyện võ hiệp Kim Dung (tôi tin có người còn đọc nhanh hơn), và vân vân...
Có thể vì vai trò của Phạm Công Thiện trong sự phát triển Phật giáo cũng lớn lao? Thực ra, có nhiều vị đã đóng góp cho Phật giáo nhiều hơn anh nhiều. Thí dụ, như cư sĩ Tâm Minh Lê Ðình Thám, HT Minh Châu, HT Trí Thủ, HT Thanh Từ, HT Nhất Hạnh, TT Tuệ Sỹ, GS Lê Mạnh Thát... Thực sự, Phạm Công Thiện không viết nhiều về Phật giáo.
Còn nói về các chức vụ chính thức thì Phạm Công Thiện cũng không hơn nhiều vị khác, dù anh từng là “nguyên Giáo sư Triết học Tây phương Viện Ðại học Toulouse, Pháp quốc, nguyên Giáo sư Phật giáo Viện College of Buddhist Studies, Los Angeles, Hoa Kỳ, nguyên Giám đốc soạn thảo tất cả chương trình giảng dạy cho tất cả phân khoa Viện Ðại học Vạn Hạnh từ năm 1966-1968, nguyên khoa trưởng phân khoa Văn học và Khoa học Nhân văn của Viện Ðại học Vạn Hạnh từ năm 1968-1970, sáng lập viên và nguyên chủ trương biên tập tạp chí Tư tưởng của Viện Ðại học Vạn Hạnh, 1966-1970” (theo phần chú thích trong bài “Hai vị thiền sư,” Phạm Công Thiện viết tại California ngày 18.10.1988 về TT Tuệ Sỹ và TT Trí Siêu, vị sau này thường dùng tên là GS Lê Mạnh Thát. BáoNguồn sống số 16-17, 1989, San Jose, California).
Vậy mà, cũng như nhà thơ Lê Giang Trần nói trên, tôi tin Phạm Công Thiện phải là một kiểu hoá thân Bồ tát. Nếu Tây Tạng có các hoá thân Ðạt Lai Lạt Ma, Ban Thiền Lạt Ma, Karmapa, Rinpoche, vân vân... thì Việt Nam mình ngay trong thời này cũng có các hoá thân Bồ tát như các nhà thơ Tuệ Sỹ, Bùi Giáng, Phạm Công Thiện... Bạn không tin? Hãy hỏi các vị sư Sài Gòn ở thế hệ trung niên trở lên, như dường cũng có nhiều vị sư chia sẻ niềm tin như thế.
Còn nói theo kiểu bây giờ, thì Phạm Công Thiện đã xuất hiện trong Phật giáo một cách “rất là ấn tượng.” Chuyện Phạm Công Thiện trở thành nhà sư Thích Nguyên Tánh thì cũng có nhiều người biết, và vẫn được truyền tụng hoài. Nhưng nơi đây, để nghe tận nguồn, chúng ta hãy nghe nhà thơ Quách Tấn kể lại, trong “Hồi ký về thượng toạ Thích Trí Thủ”, khi giới thiệu anh Thiện với thượng toạ Trí Thủ (lúc giữ chức Giám viện Phật học Viện Hải Ðức, nơi thi sĩ Quách Tấn dạy các tăng ni môn quốc văn), trích:
Khoảng đầu năm 1964, Phạm Công Thiện bị khủng hoảng tinh thần, ở Mỹ Tho ra Nha Trang an dưỡng. Lên chơi chùa Hải Ðức, Thiện ước được sống trong cảnh u tịch trong ít lâu để lấy lại sức khỏe. Tôi liền đến xin thượng toạ, và tỏ thật rằng Thiện là một thiên tài và là người Cơ Ðốc giáo, mọi người trong chùa tỏ ý không bằng lòng. Thượng toạ cười:
“Không hề gì, có bác Quách bảo đảm.”
Nhưng để “đề phòng”, thượng toạ cho dọn một căn phòng dưới xưởng làm hương để Thiện ở, trưa chiều lên chùa ăn cơm.
Ðược nơi ăn chốn ở vừa ý, Thiện bảo tôi:
“Ðể đền ơn ông, tôi xin hẹn trong sáu tháng sẽ đọc và hiểu được kinh chữ Hán.”
Tôi không dám tin, nhưng cũng không dám ngờ.
Ở Trại Thuỷ, cả ngày Thiện nằm đọc sách. Thỉnh thoảng tôi đến thăm Thiện và thượng toạ Trí Thủ. Một hôm thượng toạ bảo tôi:
“Anh chàng có đạo tâm.”
Tôi cười thầm trong bụng: “Ðạo Thiên Chúa hay đạo Phật.”
Ba tháng sau, tôi lên Hải Ðức, không thấy Thiện nơi xưởng hương. Hỏi người làm hương trong xưởng cho biết rằng thượng toạ Trí Thủ đem anh lên ở nơi cốc của thượng toạ hơn một tháng rồi.
Tôi bèn leo dốc lên cốc: một nhà sư trẻ đang ngồi xếp bằng ngay ngắn, mắt lim dim trên chiếc ghế dài nơi cốc. Nhìn kỹ thì là Phạm Công Thiện! Rõ là một nhà sư 100 phần trăm. Thiện ngồi yên, tôi lẳng lặng đi vào cốc. Thượng toạ Trí Thủ mừng rỡ, muốn gọi Thiện. Tôi “xin đừng”. Sau mấy câu hàn ôn như thường lệ, thượng toạ nói:
“Thiện quy y với tôi rồi, tôi đặt cho pháp danh là Nguyên Tánh."
Tôi không tỏ ý tán thành cũng không tỏ ý phản đối. Ðối với Thiện quy y cũng thế mà không quy y vẫn thế.
Mấy tháng sau – tháng 9 năm 1964. Tôi lên Hải Ðức một lần nữa. Cốc đóng—người trong chùa cho biết thượng toạ cùng Thiện vào Sài Gòn, còn lâu mới về. Tôi cảm thấy bùi ngùi như nhớ nhung, như thương tiếc.
Tôi ngẫu chiếm một tuyệt:
Lịu địu
Áo giũ ngày sương gió
Lên chùa thăm cố nhân
Non nghiêng thềm nắng xế
Lịu địu bóng nhàn vân.
Sau nghe tin Thiện dạy học ở Ðại học Vạn Hạnh, rồi đi Mỹ, đi Pháp. Còn thượng toạ Thích Trí Thủ thì trụ trì chùa Già Lam, rồi được phong hoà thượng, thỉnh thoảng mới về Nha Trang thăm chùa cũ và nghỉ ngơi. Thiện thì từ ngày từ giã Nha Trang, tôi không còn gặp lại...”
Bây giờ Phạm Công Thiện không viết nhiều như ngày xưa nữa. Những cuốn sách gần đây đa số là viết về Phật A Di Ðà và Bồ tát Quan Thế Âm. Từ lâu, anh cũng không làm thơ nhiều nữa. Những tác phẩm thời trẻ của anh, khoảng hơn hai mươi cuốn, còn được quần chúng nhớ đặc biệt là vài cuốn, như: Tiểu luận về Bồ Ðề Ðạt Ma, tổ sư Thiền tông (1964), Ý thức mới trong văn nghệ và triết học(1965), Ngày sanh của rắn (1967)... Cuốn được nhớ tên nhất tại hải ngoại của Phạm Công Thiện, có lẽ là cuốn Ði cho hết một đêm hoang vu trên mặt đất (1988)...
Nhưng đêm hoang vu của anh vẫn chưa hết, cho nên vẫn thấy anh đi liên tục. Ðể theo dõi bước đi một đoạn đời của anh, hãy trích một chút sau đây từ cuốn Những bước chân nhẹ nhàng trở về sự im lặng của Phạm Công Thiện, xuất bản 1994 tại Los Angeles, từ Lời nói đầu:
“Quyển sách này được viết chậm rãi thong dong từ trên 10 năm nay, từ năm 1983 tại Los Angeles và tại những vùng phụ cận Los Angeles, California, Hoa Kỳ. Từ năm 1970 cho đến 1983, tôi đã sống ở Do Thái, rồi ở Ðức quốc và ở lâu dài tại Pháp quốc; đến năm 1983, qua một cơn chuyển động toàn diện của tâm thức viễn ly, tôi đã trở lại Hoa Kỳ, trở lại thành phố Los Angeles sau một thời gian xa vắng gần 20 năm; từ năm 1983 cho đến năm 1994, trên 11 năm nay, lại qua nhiều cơn chuyển động toàn diện liên tục của tâm thức viễn ly, tôi vẫn tiếp tục sống ở thành phố Los Angeles; sau vài chuyến lui về vùng đồi núi im lặng ở Úc châu, tôi vẫn trở lại thành phố Los Angeles như trở về tập sống hồn nhiên tự tại với những cơn động đất thường xuyên của đời mình...”
Bây giờ Phạm Công Thiện vẫn còn đi. Và đôi khi vẫn còn viết – như một nghiệp tiền định của anh.
Nếu bạn nhớ rằng Phạm Công Thiện sinh năm 1941 thì mới kinh ngạc, khi biết rằng anh in cuốn Tiểu luận về Bồ Ðề Ðạt Ma năm 1964, nghĩa là khi mới 23 tuổi. Nơi đây, chúng ta không nói chuyện cuốn sách anh viết đã có giúp gì cho ai về mặt giác ngộ hay không (chuyện này, khó có thước đo), nhưng chỉ nói về đề tài để khảo sát, suy nghĩ và viết xuống thì đã là một điều hết sức dị thường. Tôi từng đọc rằng khi anh còn ở tuổi vị thành niên, anh đã soạn một cuốn Tự điển Anh ngữ tinh âm, nhưng vì tôi chưa bao giờ đọc cuốn này cho nên không dám bàn. Nhưng ở tuổi 23, mà anh viết sách Thiền tông thì phải có một tâm hồn rất mực thơ mộng, một khát khao trí tuệ rất mực mãnh liệt, dù là, đối với Thiền tông, đúng hay sai và mê hay ngộ cũng là chuyện rất mực khó dò...
Nhưng vì sao một người đời thường lại được cả các tăng ni tôn kính? Mà người đời thường này, anh Phạm Công Thiện, lại không hề biết cách kiếm tiền... Tôi nghĩ, nhiều phần là trong các kiếp trước, Phạm Công Thiện đã từng là thầy, từng là bậc tôn túc của các vị tăng ni kia, và của nhiều cư sĩ đời thường như tôi...
Và tôi tin rằng, khi Thiền sư Thi sĩ Phạm Công Thiện từ trần, chắc chắn sẽ có rất nhiều người gọi anh là Bồ tát, một danh hiệu rất mực tôn kính trong nhà Phật, chỉ đứng sau danh hiệu Ðức Phật. Tại sao như thế? Tôi không thể trả lời chính xác. Nhưng nhà thơ Bùi Giáng đã được tôn xưng là Bồ tát, và tôi tin, chắc chắn rằng Phạm Công Thiện cũng sẽ được tôn xưng như thế. Thêm nữa, Kinh Pháp Hoa cũng viết rằng tất cả mọi người đều là Phật – và bây giờ nhiều người trong chúng ta đã quen thuộc với cách Phật giáo Tây Tạng gọi ngài Ðạt Lai Lạt Ma là Bồ tát Quan Thế Âm, gọi ngài Ban Thiền Lạt Ma là Phật A Di Ðà hoá thân...
Ðể trả lời cho bớt vẻ thần bí hơn, có lẽ nên nói rằng nhà thơ Phạm Công Thiện đã đánh thức được nơi rất nhiều người niềm say đắm với cuộc đời. Bất kể là nhân loại thường trực đối diện với biết bao nhiêu là hố thẳm và hoang vu, chính niềm say đắm này đã và đang dẫn chúng ta đi qua biết bao nhiêu là ngọn đồi mây trắng...
Một số tác phẩm gần đây của Phạm Công Thiện có lưu trữ tại:
http://thuvienhoasen.org/index-tacgia-phamcongthien.htm,http://quangduc.com/tacgia/phamcongthien.html,
http://buddhismtoday.com/tacgia/phamcongthien.htm.
Tác giả Phan Tấn Hải còn là một cư sĩ, có các tác phẩm về Phật giáo lưu trữ ở trang:
http://thuvienhoasen.org/index-tacgia-nguyengiac.htm.
© 2006 talawas
Phạm Công Thiện & những ngày tháng cũ
Trịnh Cung
Sài Gòn 9 giờ sáng, nắng bắt đầu nóng gắt. Nhà lại bị cúp điện. May mà ở gần công viên Tao Đàn, chúng tôi quyết định vào đó đọc sách và trốn nóng.
Vừa chọn xong chỗ ngồi dưới bóng cây vú sữa già thì điện thoại reo trong túi quần. Tôi móc ra nghe, tiếng Nhiên: “Phạm Công Thiện mất rồi anh. Ngày 8 tháng 3 tại Houston. Anh biết chưa?” Tôi thốt lên: “Thế hả?...”,rồi buột miệng: “Mình phải làm cái gì đi Nhiên...”. Tôi quay lại phía Lan: “Thần giao cách cảm hay sao mà sáng nay em lại cầm theo cả Ý Thức Mới của Phạm Công Thiện?”.
Tôi lại gọi cho Nhiên: “Thành phố này còn những ai quen thân Phạm Công Thiện để báo tin? Cung Tích Biền, Dương Nghiễm Mậu, Trần Thị Ngh, Nguyễn Thị Hoàng...? Hình như không, tôi không biết chắc, giờ Phạm Công Thiện tiếp nối Bùi Giáng ra đi, bộ 3 kỳ nhân văn nghệ của Sài Gòn một thời, giờ chỉ còn lại một Nguyễn Đức Sơn (Sao Trên Rừng) sống biệt lập trên đỉnh ngọn Phương Bối Am, Đại Lào, Bảo Lộc. Hay Nhiên gọi cho Nguyễn Đức Sơn đi!” Nhiên trả lời: “Em không có số điện thoại của anh ấy.”
Tôi bắt đầu đọc lại Ý Thức Mới Trong Văn Nghệ Và Triết Học, bản in cũ do Lá Bối xuất bản năm 1965. Tôi đặc biệt chú ý đến 1 trong 2 lá thư dùng mở đầu cho cuốn sách này mà Thiện gửi cho Huy và Hồng. Đó chính là bức thư Thiện viết cho Huy tại Nha Trang tháng 6 năm 1963, năm Thiện mới 22 tuổi, với lời lẽ rất u buồn, đầy tâm trạng. Trước kia tôi không chú ý lắm về 2 lá thư này mà bị phần nội dung chính của Ý Thức Mớicuốn đi như một dòng nước xoáy, tôi cứ chìm ngày càng sâu tận đáy của Hố Thẳm. Lúc đó, cách nay 48 năm, tôi cũng mới 24 tuổi.
“Huy,
Suốt đời tôi chắc chắn không bao giờ tôi quên được đôi mắt ướt lệ của một nàng ca sĩ mà chúng mình đã nhìn thấy vào một đêm mưa tầm tã trong một phòng trà mờ tối ở Sài Gòn.
Hình ảnh đau buồn lặng lẽ ấy đã ám ảnh tôi suốt những đêm dài âm u ở vùng biển xanh.
Tôi vẫn không quên được một tối cùng ngồi với Huy nơi một quán rượu bên bờ sông Sài Gòn. Đêm ấy, trời làm mưa, trời làm gió... Mưa phủ kín hết những chiếc tàu. Mưa phủ kín hết những hoài vọng triền miên của tuổi trẻ.
...”
Huy là nhà văn Tuấn Huy, tác giả của tập truyện Ngày Vui Qua Mau, cũng là một trong vài người bạn ban đầu khi tôi còn chân ướt chân ráo ở Sài Gòn những năm 60. Huy là người Bắc di cư hiền lành, vui tính, hay chia sẻ. Sau này tôi được gặp anh vài lần trong mấy dịp tôi qua Mỹ. Anh không còn viết nhiều như trước vì bận việc cơm áo nơi xứ người. Anh làm việc cho một văn phòng luật sư ở Bolsa, quận Cam, Cali. Không biết bây giờ, sau hơn 10 năm không gặp lại, Tuấn Huy, bạn đang ở đâu, làm gì? Thiện thì vừa ra đi!
Cũng nhờ những tháng ngày phất phơ ở Bolsa ấy mà tôi có dịp gặp lại Phạm Công Thiện khi anh từ nước Úc qua Mỹ. Lúc đó là tháng 10 năm 1998, chúng tôi đã là những người già, bất lực và tuyệt vọng. Ở Thiện, tôi không còn nghe hơi nóng của tiếng nói, tôi không còn loá mắt bởi ánh sáng rực chiếu từ đôi mắt anh dù dưới làn kính cận dày độ như thời tôi và Thiện gặp nhau ở Sài Gòn những năm 60-70. Đó là những năm đẹp nhất đã sinh ra những kẻ bất thường, những kẻ độc đáo duy nhất trong nền văn nghệ Sài Gòn, không có trước và sau: Phạm Công Thiện, Bùi Giáng, Nguyễn Đức Sơn. Thời đã làm ra tiếng gào thét của Thiện khi mặt trời đỏ đổ máu xuống Sài Gòn: “Máu, máu, kìa!”, Thiện vừa gào vừa chỉ tay về phía mặt trời đỏ khi hai đứa tôi đang thả bộ trên đường Tự Do. Tôi nghĩ thầm, chắc Thiện nhớ đến hình ảnh hoàng hôn đẫm máu (bloody twilight) trong “Dry September” của Faulkner.
Khi nói đến 3 nhân vật độc đáo này, thì Bùi Giáng là người được yêu mến đến mức tôn thờ nhưng chẳng tạo được ảnh hưởng gì lớn trong sáng tạo. Nguyễn Đức Sơn thì luôn luôn xa cách, dữ dằn và quyết liệt... Riêng Phạm Công Thiện, với Ý Thức Mới Trong Văn Nghệ Và Triết Học (1965), Im Lặng Hố Thẳm (1967) và Hố Thẳm Tư Tưởng (1967), là người đã gây ảnh hưởng rất lớn cho giới làm văn chương trẻ sau 1975 ở phía Nam Việt Nam. Nhất là với thế hệ những nhà thơ đương đại trong nước vừa thành danh những năm 1990-2000. Đây là điều ít ai trong những người làm văn nghệ lớp trước làm được. Chỉ riêng Ý Thức Mới, Phạm Công Thiện đã lặng lẽ trở thành thần tượng của họ mà không cần đến một chương trình quảng bá tốn kém nào. Lan đã nói với tôi: “Bọn em khi đọc được Ý Thức Mới, như người đang mệt nhoài trong cuộc lang thang tìm lối bỗng thấy một con đường sáng mở ra ngay trong tầm mắt...”.
Trong một tiểu luận đăng trên trang Evan - VnExpress thứ Bảy, 15.5. 2004, nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh đã từng viết về ảnh hưởng ghê gớm của Pham Công Thiện đối với một tài năng thơ khá đặc biệt — Vương Huy:
“Bây giờ tôi vẫn nhớ hình ảnh chàng thi sĩ cao gầy [Vương Huy] đi ngược gió Sài Gòn lúc trào hứng trong cơn say, lảm nhảm: “Tôi sẽ giết chết Phạm Công Thiện! Tôi sẽ giết chết Phạm Công Thiện!”. Hình ảnh đó thât đẹp! Ồ, nhưng cỡ ông Thiện làm sao mà Huy giết được! Ông đã giết bao nhiêu người thì có, giết luôn cả Huy, chứ ai mà giết được ông! Sau này tôi mới nhận ra Thiện lớn cỡ nhường ấy...”
(“Lửa Sâu Cõi Đá của Vương Huy: Cuộc lữ hành tìm về một thiên đường đã mất”, Nguyễn Hữu Hồng Minh)
Tôi nghĩ, trước khi ra đi, Thiện không biết tác phẩm của mình sau nhiều chục năm vẫn tồn tại ở đây và đã gây nên một hiệu ứng tuyệt vời như thế, nhất là trong một đất nước mọi thứ đều phải do nhà nước định hướng. Nỗi quạnh hiu, cô độc trong hoài vọng của tuổi trẻ của những Vương Huy hôm nay và những Phạm Công Thiện thời Việt Nam chiến tranh phải chăng không hề có sự phân biệt nào, dù thời gian có cách biệt?
Thiện ơi, tôi vẫn thỉnh thoảng đọc câu thần chú “Gaté, Gaté, Paragaté, Parasamgaté, Bodhi Svaha” mà bạn đã dạy cho anh em cầu nguyện tai qua nạn khỏi mỗi lần đi qua những nơi đèo heo hiểm trở. Và đôi khi tôi tự hỏi có nên tiếp tục khấn câu thần chú này nữa hay thôi, khi mà được trở về Vương Quốc Hư Vô là một ước nguyện giải thoát. Bây giờ bạn đã giải thoát.
Sài Gòn, ngày 9 tháng 3 năm 2011.

(còn tiếp)