Tác giả & Tác phẩm
01 tháng 07.2016
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng
Dẫn nhập: Với cái nhìn chủ quan của người biên soạn, tuyển tập 300 tác giả và tác phẩm đơn thuần chỉ là công việc góp nhặt sỏi đá những tác phẩm tiêu biểu một thời của những tác giả tiền chiến, hậu chiến, trước hay sau 75 của hai miền Nam Bắc, trong nước cũng như ngoài nước, già hoặc trẻ, cũ hoặc mới. Tác giả và tác phẩm được góp mặt mỗi tuần theo thứ tự họ hoặc tên qua mẫu tự A, B, C… Xin thành thực cám ơn những tác giả có mặt trong tuyển tập nhưng vì trở ngại thông tin, chúng tôi đã không thể xin phép quý vị trước khi đăng tải.
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng
Nhã Ca & Trần Dạ Từ (2)
Tiểu sử
Hiện đang sinh sống tại California, Hoa Kỳ.
Tác phẩm
Một mai khi hòa bình (1969)
Mưa trên cây sầu đông (1969)
Tòa bin-đing bỏ không
Hồi ký một người mất ngày tháng
Đường Tự Do Sài Gòn (2006).
Nhã Ca và Trần Dạ Từ (1966)
Mục lục
Những ngày giờ cuối
Nhã Ca: Một huy hoàng trên cỏ mướt – Đinh Thị Bích Thủy
Nhã Ca và Phan Khôi – Nguyễn Tà Cúc
Phụ đính I :
Trần Dạ Từ
Trần Dạ Từ - Thế Phong
Đọc thơ Trần Dạ Từ - Hợp Lưu
Trần Dạ Từ - Du Tử Lê
Nỗi đau, chữ viết - Hồ Văn Đồng/Hoàng Hải Thủy
Đôi dòng về tác phẩm "Nụ cười trăm năm"- Nguyễn & bạn hữu
Buồn ga nhỏ - Trần Dạ Từ
Phụ đính II :
Chùm thơ Trần Dạ Từ
______________
Những ngày giờ cuối
(…trích Nhã Ca Hồi Ký)
Đây là những ngày giờ cuối còn được thấy quê hương. “Nhìn đi. Nhìn nắng. Nhìn hàng cây. Nhìn thành phố. Sẽ không biết bao giờ mới được nhìn thấy lại.” Tôi đã không ngừng tự nhủ mình vậy, từ khi cô bạn Elizabeth Stamp, bí thư thứ nhất của sứ quán Thụy Điển, tìm tới.
Vào cửa hàng một mình, đang như một phu nhân khó tánh, ngắm lui ngắm tới mấy tấm vải thêu tay. Elizabeth thình lình bước thẳng vào phòng trong.
“Gia đình Lê Hạ Vĩnh?”
Gật đầu. Tấm danh thiếp được úp xấp xuống mặt bàn. Đúng thể thức Catherine đã ấn định từ mấy năm trước để nhận ra người thật sự đáng tin cậy.
Ôm mừng nhau. Elizabeth tự giới thiệu cô vừa sang Việt Nam nhận bàn giao chức vụ rồi vào ngay công việc:
“Tôi mang đến tin vui. Tòa Đại Sứ đã được phía Việt Nam thông báo chấp nhận cho Ông Bà ra đi. Xin sửa soạn ngay. Có thể mọi thủ tục sẽ hoàn tất rất sớm.”
Đúng như tin Elizabeth mang tới, chỉ vài bữa sau, có thêm tin Hội Đồng Bộ Trưởng Hà Nội chính chức quyết định cấp xuất cảnh. Thủ tục tiến hành nhẹ nhàng. Viên chức đại diện Sở Ngoại Vụ phía Nam tiếp kiến, có cả màn pha trà, mời thuốc hút.
“Mừng anh chị và các cháu sắp ra đi.”
Ông ta nói bằng giọng thân mật.
“Nghe nói mọi người khi được cấp xuất cảnh đều phải tới đây khai báo, ký đủ thứ cam kết. Xin anh vào việc dùm.” Từ nói.
“Ồ, không đâu. Với anh chị, đâu cần thủ tục vớ vẩn ấy. Chúng tôi được lệnh lãnh đạo cho mời anh chị tới đây chỉ để chúc mừng. Mong anh chị quên những chuyện đã qua, bắt đầu cuộc sống mới tốt đẹp.”
“Quên chuyện đã qua là thế nào? Xin anh nói rõ hơn. Tôi chưa hiểu hết ý.” Tôi hỏi.
“Không có gì để anh chị phải bận tâm.” Ông ta trả lời bằng giọng khoan hòa hơn. “Nhà nước ta và nhà nước Thụy Điển vốn có tình hữu nghị tốt đẹp. Anh chị sẽ ra đi bằng một loạt thông hành đặc biệt có thể gia hạn nhiều năm, bất cứ lúc nào muốn về thăm quê hương rồi đi lại cũng đều được. Tòa Đại Sứ ta ở Thụy Điển đã được lệnh sẵn sàng giúp đỡ khi anh chị cần tới.”
“Xin anh cám ơn quí vị lãnh đạo dùm. Sau khi rời khỏi đất nước, chúng tôi sẽ không có nhu cầu làm rộn quí vị thêm nữa.”
Vẫn cười tươi, rót trà, mời đốt thuốc. Ông ta đáp lại câu nói của Từ bằng một vẻ thông cảm, hiểu biết:
“Trong những năm qua, anh chị đã chịu nhiều khổ cực. Nhất là chị và các cháu, nhiều lúc đã bị đối xử bất công, không xứng đáng. Trong thời kỳ quá độ, mọi lãnh vực đều có những sai lầm đáng tiếc. Chúng tôi mong anh chị nhìn về tương lai và bỏ qua điều này.”
Kết thúc buổi gặp, ông ta đích thân tiễn khách ra tận cổng ở đường Võ Tánh, còn dặn dò thêm:
“Từ nay cho tới ngày anh chị ra đi, có bất kỳ rắc rối nào, xin cứ trực tiếp cho tôi biết.”
Không có sự rắc rối nào. Trái lại là khác.
Ngày giờ chuyến bay đăng ký là đầu tháng Mười. Bình thường, đôi khi còn hoãn đi. Vậy mà đăng ký xong mấy bữa, thình lình có lệnh báo tận nhà: chuyến bay được sắp lại sớm hơn, ngay trong tuần, ngày 7.9.1988.
“Tưởng còn được ba tuần lễ sửa soạn. Nào dè chỉ còn có dăm bữa.”
Một anh bạn thân nghe tôi than, phì cười:
“Ngược đời. Người ta đi thì than là bị hõan lên hoãn xuống, ông bà thì lại than là bị tống đi sớm.”
Nhìn đi. Nhìn nắng. Nhìn hàng cây. Nhìn thành phố. Đây là những ngày giờ cuối cùng
Tôi đang đứng trên hè phố, ngay trước nhà, tự nhủ vậy.
Thình lình thấy mình bị ôm cứng, trong tay Nguyễn Thị Hoàng.
“Trời ơi, Nhã Ca. Nhã Ca còn đây à? Rứa mà người ta bảo bà với ông Từ đi rồi. Họ còn bảo cả thành phố đang đồn ầm lên về việc hai ông bà được Mỹ bốc đi.”
Chị Nguyễn Thị Hoàng, tác giả Vòng Tay Học Trò, là nhà văn nổi tiếng như cồn từ những năm sáu mươi. Chúng tôi biết nhau nhưng không có dịp thân tình, cũng lâu rồi không gặp. Khuôn mặt kiều diễm của Hòang lúc này đang đầm đìa nước mắt. Cũng dễ hiểu thôi. Cùng chịu mười ba năm cắn răng, mỗi người cùng quẫn riêng một kiểu, thấy lại nhau, khó cầm nước mắt.
Khi chia tay, ra tới đường. Hoàng còn nói thêm:
“Nhã phải tới mình một lần trước khi đi. Nhà nghèo, nhưng dì Nhã sẽ là thượng khách của các cháu. Tôi còn giữ một tấm hình cũ chụp với ông Từ, ông Nguyên Sa, ông Võ Phiến ở Hội Nghị Văn Bút Đài Bắc. Tôi sẽ mang lại cho ông Từ. Bà phải hứa hai ông bà dành riêng cho tôi một buổi. Mình phải nâng ly với nhau. Hứa đi.”
Thì hứa.
Tôi đã tới và sẽ còn nhớ mãi. Xóm nghèo ngọai ô. Lối đi quanh quất dẫn vào bãi đất hoang trống trải. Căn nhà nhỏ xơ xác, dù bên đống rác tạm bợ một thời, vẫn ngăn nắp đẹp đẽ theo một kiểu cách riêng. Vách tường hoen ố, được điểm trang khéo léo bằng tranh lụa do các cháu gái tự sáng tác lấy. Các cháu của Hoàng, tất cả, đều tài hoa, xinh đẹp như mẹ.
. . .
Nếu một ngày nào, bạn thấy lại bầu trời
Nghĩa là bạn tự do.
Đừng quên chúng tôi,
Những con chim gãy cánh
Chẳng nhớ đọc ở đâu, từ bao giờ, nhưng mấy câu thơ trên đây, hình như của một nhà thơ Ba Tư, bỗng thình lình hiện ra trong đầu tôi.
Đó là khi anh Doãn Quốc Sỹ, anh Hoàng Hải Thủy, nhìn tôi tươi cười. Nụ cười hiện ra phía sau tấm lưới sắt trong khu thăm nuôi khám Chí Hòa, khi các anh nghe thấy tôi báo tin:
“ Nhã thay Từ vào chào các anh. Bọn Nhã sắp đi.”
“Từ ra sao?” anh Sỹ hỏi.
“Như ngày nào.” Tôi nói. “ Hai đứa chia nhau. Nhã vô đây. Từ mới xách gói đi mấy trại xa thăm Thảo Trường, Tú Kếu.”
“Bắt tay một cái, Nhã.” Anh Hoàng Hải Thủy kêu.
Chẳng thể xuyên thủng tấm lưới sắt, bàn tay hai anh em áp lên nhau từ hai phía. Hơi sắt lạnh ngắt.
Trong khu khám Chí Hòa mênh mông, nhà thăm gặp nằm trơ vơ trên một bãi đất trống. Căn nhà như một chuồng nhốt thú, có lưới sắt bao quanh. Tù nhân bị lùa vào phía trong, thân nhân đứng ngoài.
Mới đêm nào. Nhớ chuyến xe tù vào Chí Hòa cùng bạn hữu. Mười hai năm. Bây giờ, tôi đứng ngoài lưới sắt. Có thể chúng tôi sắp thấy lại bầu trời, nghĩa là sắp tự do. Đoạn thơ chả hiểu từ đâu hiện ra trong đầu vào lúc đó: Phía sau lưới sắt, khuôn mặt anh Thủy, anh Sỹ xạm xanh một màu chì. Bên cạnh tôi, phía ngoài, mái tóc của chị Hoàng Hải Thủy bạc phơ, đôi mắt chị Doãn Quốc Sỹ đang sắp sửa trào lệ.
“Thăm Từ. Thăm các bạn. Chỉ là tạm biệt thôi. Không sao đâu. Nhớ chúng tôi nhé, Nhã.”
Anh Sỹ nói. Tất cả im lặng giây lâu. Thình lình:
“Không. Đừng nhớ chúng tôi. Nhã nhìn chị kìa.”
Anh Hoàng Hải Thủy nói thêm.
Tôi không nhìn. Việc gì phải nhìn.Tôi biết tất cả đang dàn dụa nước mắt. Tôi đang đứng bên cạnh các chị. Anh Thủy nói thêm:
“Nhắn các bạn đừng lo cho chúng tôi. Nhưng Nhã hãy nhớ chị.”
Tôi nhớ. Tôi sẽ nhớ mãi.
Nhịn ăn, nuôi chồng. Các chị đều gầy mòn, ốm yếu.Giỏ thăm tù nhẹ hều. Vậy mà chị Sỹ, chị Thủy, chả hiểu sức ở đâu ra, vẫn đang mạnh mẽ dán người vào lưới sắt, như sắp sửa phá bung được tấm lưới để nhào vào vòng tay thân yêu.
Đừng quên chúng tôi, những con chim gãy cánh.
Tôi nhớ, tôi sẽ nhớ mãi.
Trước tôi, biết bao người vẫn nhớ. Không chỉ nhớ như một tình cảm mà như một đạo lý. Từng là con chim gãy cánh được nhớ tới, chúng tôi đã hưởng bao ân nghĩa.
Cô Chín Cao Ngọc Phượng, anh bạn Trần Tam Tiệp, nhiều người khác nữa, bao năm, vẫn bền bỉ liên lạc với bạn hữu bên nhà.
Bè bạn thế giới: Kathleen Von Simson, Thomas Von Vegesack, Marianne Eyre, Anita Klum. Suốt mười năm, đã phối hợp các vận động Văn Bút và Ân Xá Quốc Tế, hướng về những bạn Văn tù đầy ở Việt Nam. Những nỗ lực cao quý này sẽ còn được tiếp tục.
Đừng quên chúng tôi, những con chim gẫy cánh
Doãn Quốc Sỹ, Hoàng Hải Thủy, Thảo Trường, Tú Kếu, Tuệ Sỹ.
Tôi đã từng gãy cánh. Làm sao có thể quên?
Tôi sẽ nhớ. Nhớ mãi.
Cho tới ngày tất cả chúng ta đều thấy lại bầu trời.
_______________
Nhã Ca: Một huy hoàng trên cỏ mướt
Đinh Thị Bích Thủy
Dù chẳng có gì mang lại giờ phút
Huy hoàng trên cỏ mướt, vinh quang từ hoa thắm
Ta không tiếc nuối, mà cảm nhận
Sinh lực trong những gì còn lại.
Though nothing can bring back the hour
Of splendour in the grass, of glory in the flower;
We will grieve not, rather find
Strength in what remains behind ….
William Wordsworth, Những Gợi Ý về Bất Diệt (Intimations on Immortality)
Trong Văn Học Miền Nam, (quyển Thơ Miền Nam), nhà văn Võ Phiến đã nhận định về Nhã Ca như sau:
Sống giữa một thời không còn cấm kỵ, mà sôi nổi, mà cực đoan, Nhã Ca mạnh dạn tự mình chọn lựa tình yêu của mình, con đường hạnh phúc của mình, con đường đời của mình. Bà không ngần ngại bỏ nhà ra đi, đổi họ thay tên, phiêu lưu trong cái nghề viết văn làm báo. Tự do, bà thích nói đến tiếng ấy: tự do trong thể xác, trong đời mình ….[1]
Nhã Ca, trong chân dung của Võ Phiến, là một Nhã Ca cương quyết, chắc nịch, không biết sợ. Nói một cách khác, một Nhã Ca có diện tướng … hoàn toàn đàn ông. Người viết không nghĩ thế. Có lẽ nhận xét của Võ Phiến, và cũng của nhiều nhà văn có một định nghĩa giản dị về danh từ feminism–feminismlà nữ quyền, nhưng nữ quyền ở đây chỉ đảo ngược vấn đề phái tính: nữ quyền là quyền của đàn bà được cư xử “tự do” như đàn ông. Chính ra, feminism, nếu được hiểu như phụ nữ học, là cả một gian sơn mênh mang và phong phú. Trong văn chương miền Nam Việt Nam trong thời điểm 1954-1975, như văn chương Tây Phương trong bán thế kỷ 20, của những nhà văn phụ nữ như Edith Wharton, Virginia Woolf, Sylvia Plath, ánh nhìn của phụ nữ, ảnh hưởng từ xã hội, thường biểu lộ nhiều xung đột và thương lượng, giữa quyền lực và yếu thế, giữa ước mơ được độc lập và sự đày ải trong hoàn cảnh cá nhân, gia đình, và tài chính. Thơ văn của Nhã Ca, như văn chương của Túy Hồng, của Nguyễn thị Thụy Vũ, của Trần thị Ngh., cũng biểu lô những mâu thuẫn và xung đột này.
Nếu Nhã Ca được coi là “cực đoan” hay “sôi nổi” hơn những nhà văn phụ nữ khác trong cùng thời, có lẽ cũng vì bà đã thành thật …đến tàn ác với chính bà, và tự gánh lấy trách nhiệm cho những quyết định trong nghề nghiệp và đời sống cá nhân. Nhân vật trong những tác phẩm của Nhã Ca không đổ tội cho thời thế, cho đàn ông, cho đàn bà cạnh tranh tình cảm và sắc đẹp như nhân vật ca sĩ “có giáng đi khắc khổ” của Túy Hồng trong Lòng Thành. Nhân vật của bà cũng không có thái độ chán chường, mơ hồ, tuyệt vọng của những phụ nữ bị bệnh hiện sinh thời cuộc như Ngọc trong truyện Trời Xanh Trên Mái Cao của Nguyễn thị Hoàng, hay Linh trong Bà Điếc của Nguyễn thị Thụy Vũ. Cũng không phiêu lưu tình cảm và thể xác … chỉ vì muốn phiêu lưu như người con gái trong truyện Nhà Có Cửa Khóa Trái của Trần thị Ngh. Cơn bệnh hiện sinh thời cuộc, hoặc những chán chường, hay trâng tráo sống sượng–khi được nhìn qua lăng kính của 40 năm sau, ở một xứ sở hoàn toàn tự do và đầy dẫy những ảnh hưởng không cổ truyền–đã cho ta thấy rằng nó chỉ là bề trái của nỗi bế tắc trong số mệnh.
Nhã Ca đi xa hơn, trong những tác phẩm bà không chấp nhận bế tắc, mà lúc nào cũng cân nhắc, đắn đo. Người phụ nữ tiêu biểu của Nhã Ca nhiều tình cảm, nhưng ít khi bồng bột. Trong Chuyện Đôi Ta, nhân vật Nguyễn, một nữ sinh 17, đã nghĩ rất sáng suốt về mình:
Nguyễn biết Nguyễn chứ. Đẹp rực rỡ, duyên dáng? Có lẽ Nguyễn không dám chủ quan. Nhưng tươi sáng, thông minh, nhanh nhẹn, đó là đặc điểm của Nguyễn. Chuyện tình tới muộn. Nguyễn phải rõ hơn hết mọi người. Tới chậm, vì người ta chưa muốn cho nó tới sớm. (Chuyện Đôi Ta, tr. 9-10)
Nhân vật Nguyễn của Nhã Ca cũng không khác chân dung của tác giả năm 19 tuổi, lần đầu tiên đuợc gặp mặt Trần Dạ Từ, người chồng tương lai đã đáp chuyến tàu từ Sàigòn về Huế mùng một Tết năm 1958 để “đối diện” người tình, sau hàng ngàn bài thơ tình qua bưu điện. Người con gái 19 tuổi năm ấy cố tự chủ khi đi bộ trên đường phố Huế, bên một người đàn ông vẫn còn xa lạ, “dấm dẳng nói năng giọng Bắc như ông tướng.” Cô gái có phần ngại ngùng, lo lắng, nhưng cố trấn an mình vì cô biết cô đang dấn thân trên một cuộc hành trình …lịch sử trong đời, và nó sẽ kéo cô đi xa mãi, ra khỏi tuổi nhỏ đang vượt dần tầm tay cô:
Đi nữa. Khuôn mặt anh ta lúc nào cũng như muốn lẩn vào bóng đêm. Mấy lần con bé phải nén tiếng kêu, cố để khỏi bổ nhào vì những con cóc ở đâu ra nhiều quá, nhẩy lon ton bên chân.
“Cóc à?”
“Cóc.”
Cứ dấm dẳng vậy cho tới lúc quay về bên cánh cổng sắt.
“Không nói gì à?”
“Bao giờ anh đi?”
“Không biết.”
Im lặng. Đứng. Gió. Con bé rút cổ lại.
“Em lạnh?”
“Không.”
“Mai làm gì?”
“Sáng, phải theo ba má sang chúc tết bên ngoại.”
“Mình còn gặp lại chứ? Buổi trưa?”
“Ở mô?”
“Anh ở khách sạn Đồng Lợi. Số 47, đường Gia Long, trên lầu, phòng số 4.”
Khách sạn? Con bé mà dám leo lên một khách sạn giữa thành phố Huế? Có mà muốn tự tử.[2]
Trái với nhận định của Võ Phiến, những nhân vật của Nhã Ca không “cực đoan” hay “sôi nổi” hay “bù lu bù loa” vì họ là loại đàn bà thường tình. Họ cũng không coi tự do là quyền người đàn bà đương nhiên được hưởng, mà là cả một cố gắng, chờ đợi, kiên trì. Nếu những quyết định của những nhân vật trong truyện của Nhã Ca có chiều hướng phản lại truyền thống cổ truyền, thì sự “phản bội” ấy cũng tiêu biểu cho nhiều đắn đo, u hoài và thương lượng với những yếu tố đã hiện hữu:
-Con kể cho bố mẹ nghe. Chuyện như thế nào?
-Dạ, chúng con rất mến nhau.
Mẹ:
-Mến nhau. Được đi. Nhưng mến rồi để đi đến đâu?
-Con không nghĩ gì cả. Chuyện còn xa vời. Chúng con chỉ đi quá tình bạn một chút.
Mẹ lắc đầu:
-Không thể như thế được. Yêu để không làm gì hết. Không mục đích. Gia đình cậu ta chẳng biết con, cậu ta cũng chẳng cần biết gia đình mình. Nguyễn, con ngu quá.
Tại sao phải biết tới nhiều thế trong lúc hai đứa chưa biết hết nhau? Nhưng Nguyễn không cãi …. Những lời nói của Mẹ, hẳn có lý, đối với bà và nhiều người, đối với Nguyễn lại xúc phạm nặng nề….
Nguyễn nghĩ ra lối thoát. Quên và học …. Cứ để cho người lớn tính toán. Nguyễn đã có chủ định, đã có con đường để đi. Học cho xong cái đã, rồi xin xuất ngoại. Thời gian còn bao nhiêu đổi thay, lo gì…. [3]
Mặc dù những nhân vật nữ của Nhã Ca có phần thực tế, khôn ngoan, và lô-gích, Nhã Ca không có một cái nhìn “cằn cỗi,” “già trước tuổi” như thế hệ đàn ông của những đồng nghiệp hoặc bạn bè cùng thời: Vũ Khắc Khoan (viết về những “lộng ngôn” mơ hồ), Nguyễn Mạnh Côn (đã “lập thuyết với những trầm tư siêu hình bí hiểm”), Doãn Quốc Sỹ (cay đắng, uất ức giữa hai chặng đường, giữa sự cuồng tín của người cộng sản và “bãi rác thủ đô” của người quốc gia trong Khu Rừng Lau),[4] Dương Nghiễm Mậu (trong lời Bạt cho tập Nhã Ca Mới “chúng tôi thật đau khổ, nhưng chúng tôi không thể làm gì khác”)[5] đã coi nghiệp cầm bút như một chuyến du hành bất đắc dĩ của người khổ hạnh, một cách “trốn thế sự” đầy chán chường và mệt mỏi. Nhã Ca, ngược lại, đã có những tác phẩm rất gần gũi với giới trẻ.
Nhà văn Võ Phiến đã thấy rằng ở chặng cuối thời điểm 1954-1975, văn chương miền Nam đã "trẻ dần trẻ dần, cuối cùng họ sắp thành trẻ nít".[6] Ông than thở rằng những nhà cầm bút miền Nam, ngoài Nhã Ca có Từ Kế Tường, Hoàng Ngọc Tuấn, Nguyễn thị Hoàng, Đinh Tiến Luyện, Duyên Anh, đã đi theo đòi hỏi của thị trường để các độc giả “thân ái” của mình lôi từ tuổi cao xuống tuổi thấp, từ một tuổi trung niên đầy ưu tư xuống một lứa tuổi ô mai nũng nịu hay toe toét ….”[7] Có lẽ sự chú trọng vào giới trẻ cũng nói lên sự mất tin tưởng của người cầm bút với thời thế của những ”người lớn.” Như nhà văn Lệ Hằng đã chất vấn Mai Thảo:
Tại sao anh và cả nhóm bạn bè trong Sáng Tạo không nắm lấy thời cơ ấy vực dậy một nửa nước cho vững vàng, sao các nhà văn đầy may mắn ấy không làm được chút gì cho mai sau, cho miền Nam rã rời phân hóa ấy, để sự rã rời của Miền Nam đẩy nửa nước vào tay thiên hạ, tức tưởi và nhục nhã như vậy!?[8]
Nhã Ca, trái với lời ”buộc tội” của Lệ Hằng đối với nhóm Sáng Tạo, đã chứng tỏ nỗ lực chia xẻ với thời cuộc và hướng về tương lai giới trẻ học thức của miền Nam. Trên những đặc san cuối năm do Đại Học Y Khoa Huế xuất bản, trong phần tin tức thường có loan báo ”luận án tiến sĩ y khoa đoạt giải thưởng Nhã Ca” hàng năm. Đây là một giải thưởng được Nhã Ca thiết lập năm 1969, cũng chính do bà bảo trợ. Khoản tiền dùng cho giải thưởng này chính là tác quyền cuốn Giải Khăn Sô Cho Huế, bút ký Nhã Ca viết về biến cố Mậu Thân tại Huế. Trước Tết 1967, Nhã Ca đã từ Sàigòn về Huế chịu tang thân phụ. Bẩy ngày sau, cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân bùng nổ. Nhã Ca bị kẹt lại ở Huế hơn hai tháng, và những bi thương thảm hại, những điều bà được trực tiếp nhìn và nghe thấy đã tạo thành Giải Khăn Sô Cho Huế. Toàn bộ tác quyền đầu tiên của bút ký nổi tiếng này đã được Nhã Ca dành tặng cho Huế, như một cử chỉ ”chịu tang” chung với đất nước và gia đình.[9]
Nhã Ca cũng đi xa hơn những nhà văn cùng thời khi đã nhận định trách nhiệm và sự ảnh hưởng của bà với thế hệ mới lớn. Vào đầu thập niên 1970s, bà xuất bản những tác phẩm trong loạt sách“Trăng Mười Sáu” viết riêng về tình yêu và tuổi mới lớn trong chiến tranh, như Bầy Phượng Vỹ Khác Thường, Ngày Đôi Ta Mới Lớn,Bé Thơ, Ngày Thơ Tình Thơ, Bước Khẽ Tới Người Thương v.v…. Tủ sách “Trăng Mười Sáu” lấy ý và tên từ hai câu thơ trong bài thơ tình của phu quân Trần Dạ Từ :
Em mười sáu tuổi, trăng mười sáu
Mười sáu trăng chờ, em nhớ không?[10]
Trong một cuộc phỏng vấn với nhà báo Nguyễn Mai vào mùa hè 1973, Nhã Ca đã cho biết tác phẩm mở đầu loạt sách này là Trưa Áo Trắng, viết về khung cảnh những buổi trưa êm ả quanh trường nữ trung học Gia Long, và một chàng lính trẻ từ mặt trận lạc về rừng áo trắng đó, để thấy rằng “giữa những cặn bã, dơ bẩn của thành phố, vẫn còn những mảnh nhỏ thơ mộng, tinh khiết, đáng yêu….”[11]
Tương tự, trong thơ của bà, Nhã Ca đã nhận thấy cái nhìn của tuổi trẻ–dập dình giữa từng trải và vô tội, giữa quá khứ và biển cả trước mặt (như hình ảnh cuối cùng của Antoine Doinel trong phim Les Quatre Cents Coups của Truffaut), là cái nhìn trung thực nhất trong thời loạn:
Trong khu vườn trẻ thơ của nàng có tất cả
Tất cả những gì mọi người có thể nghĩ ra
Sự giáo dục buông thả thổi lớn cô bé
Bầy ngựa dạy nàng sự hung hãn
Người đàn bà điên dạy nàng những ảo tưởng
Con rắn dạy nàng sự khôn ngoan
Bầy dã tràng dạy nàng sự tan vỡ
Mặt trời dạy nàng sự nhẫn nhục
Và biển dạy cho nàng khóc lóc …[12]
(Đi Trong Tuổi Nhỏ)
Nhã Ca hiểu được những nghịch lý của thân phận, những vai trò chồng chéo lẫn nhau lên một con người: nghệ sĩ, tình nhân, vợ, mẹ, người của chính trị và thời cuộc. Hình ảnh người đàn bà trong thơ Nhã Ca có thể huy hoàng, diễm lệ, và có tầm thước vũ trụ:
Hỡi các chị, chúng ta đều sáng như mặt trời
tinh khiết như bình minh
vì chúng ta làm ra ái tình
ra hoa lá và sự sống trên trái đất.[13]
(Đàn Bà Là Mặt Trời)
Hay cũng có thể xôn xao, khắc khoải trong nhiệm vụ nhân chứng trong thời chiến:
Tất cả thở trong đêm nhừ tử
Thở trong đêm và thở trong tôi
Thở trong lịch sử[14]
(Đêm 1964)
Hoặc là một thiếu phụ nhỏ bé, cô đơn, từ người tình thủa nào giờ đã trở thành bà mẹ. Trước thế hệ con trẻ, người mẹ cảm thấy mình không có đủ quyền lực để chinh phục được hết những bất an trong đời sống của đứa con:
Tôi bây giờ đứng thu thân
Sống cam phận nhỏ chia phần an vui
Cây mang nặng vết thương người
Phố xưa tiếng động đã vùi lấp anh
Cổng rào nhỏ dấu chim xanh
Nỗi bi thương cũ xin dành phút giây
Vết chân con lẫn bóng ngày
Lá bi quan thoắt rơi đầy tuổi thơ.[15]
(Vết Chân Con)
Trong văn chương thế giới, có lẽ người phụ nữ có diện mạo và di sản văn chương gần nhất với Nhã Ca là Simone Weil, triết gia, nhà hoạt đông chính trị, và nhà văn Pháp (1906-1943). Simone Weil coi thế giới như màn kịch sinh động giữa tâm linh và chính trị, giữa cô đơn và cộng đồng, và văn chương của bà lúc nào cũng là nhịp cầu giữa hoài bão cá nhân và ước mong quần chúng. Nhịp cầu này là cách Simone Weil dung hòa tinh thần tự quyết của cá nhân với nền tảng và ký ức văn hóa, lịch sử và xã hội. Nhã Ca, như họa sĩ Chóe miêu tả bà: nữ thần Công Lý với một tay đong đưa lịch sử quê quán cố đô Huế, một tay mang nặng thuyền Việt Nam, không phải là con người thơ thới. Như Simone Weil, văn chương bà, dù là văn chương viết về tuổi trẻ, vẫn trĩu nặng ưu tư. Nghệ thuật của bà là cuộc đời trước mặt. Ở bà, cá nhân là chính trị, là xã hội. Bà có chân dung đầy góc cạnh nhọn, như những bức tranh của Braque, của Picasso.
Nhã Ca là một nhà văn độc lập và bất khuất, bà cũng là một tiêu biểu rõ rệt nhất cho nền văn chương nhân bản của miền Nam trong thời kỳ 1954-1975.
Chú thích:
[1] Văn Học Miền Nam (quyển thơ) (Văn Nghệ: 1999), tr. 3000.
[2] Mùng Một Tết 1958, trích Hồi Ký Nhã Ca (Thương Yêu: 1990)
[3] Chuyện Đôi Ta, tr.52-53.
[4] Võ Phiến, Văn Hoc Miền Nam Tổng Quan (Văn Nghệ: 2000), tr. 130-134
[5] trích từ tập Nhã Ca Thơ (Vietbook, USA: 1999), tr. 18.
[6] Võ Phiến, Văn Hoc Miền Nam Tổng Quan, tr. 105.
[7] Như trên, tr. 106.
[8]Lệ Hằng, Mea Culpa (về Mai Thảo), trong Nói Thầm Với Đá, tr. 16. (Tân Thư: 1998)
[9] Đặng Tường Vi (Việt Tấn Xã), Nhã Ca: Nhà Văn Nữ có Số Tác Quyền Lớn Nhất, trích từ Phần Phụ Lục củaChuyện Đôi Ta (NXB Xuân Thu, Houston: 1976), tr. 169-170.
[10] Trần Dạ Từ, trong tập Thủa Làm Thơ Yêu Em
[11] Nhã Ca, Phút Nói Thật , phỏng vấn của Nguyễn Mai (tạp chí Văn), trích từ Phần Phụ Lục của Chuyện Đôi Ta, tr. 187-188.
[12] Nhã Ca Thơ, tr. 107-110.
[13] Như Trên, tr. 115-121.
[14] Như Trên, tr. 76-77.
[15] Như Trên, tr. 89.
_____________
Nhã Ca và Phan Khôi
Nguyễn Tà Cúc
Tuyển Thơ Tác giả Nữ Việt Nam và Tuyển Văn Tác giả Nữ Việt.
Hai cuốn này do cùng một ban biên tập tuyển chọn (Lại Nguyên Ân, Ý Nhi, Ngô Thế Oanh, Mai Hương và Phạm Xuân Nguyên) mà trong số có hai nhà (nam) phê bình danh tiếng—Lại Nguyên Ân và Phạm Xuân Nguyên—đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc tỏ ra công bằng hơn cho Phụ nữ và Lịch sử Việt Nam “từ cổ điển đến Hiện đại” bằng cách cho một số nữ tác giả Miền Nam trước 1975 và cả ở ngoài nước xuất hiện bên cạnh các nữ tác giả từ Miền Bắc hay tại Miền Nam sau 1975. Dĩ nhiên như nhà xuất bản và người đọc đã biết trước, cả hai tuyển tập văn thơ này đều có những khiếm khuyết không thể tránh khỏi vì lý do đơn giản là toàn ban biên soạn đã không có một người nào từ Miền Nam thông hiểu được tình hình Văn học Miền Nam. Ngoài ra, phải chăng sự thiếu sót ấy là vì lý do chính trị vẫn còn là cái bóng mờ hay tỏ trong những tuyển tập như thế. Cho nên, người viết góp ý kiến với ban biên soạn không phải để chê trách mà chỉ để trước là ghi nhận thiện chí của họ và sau nữa, hy vọng thêm được tài liệu cho những người biên soạn khác.
Riêng về các tác giả thành danh của Miền Nam trước 1975, trong cuốn Tuyển Văn, chỉ có Túy Hồng xuất hiện với truyện ngắn “Lòng thành” và Nguyễn Thị Thụy Vũ với “Lòng trần”. Trong cuốn Tuyển Thơ có Trần Thị Tuệ Mai (bốn bài), Minh Đức Hoài Trinh (hai bài), Hoàng Hương Trang (2 bài), Túy Hồng (1 bài), Nhã Ca (5 bài) và Nguyễn Thị Hoàng (1 bài) v.v… Sự chân thành của Ban Biên tập được bầy tỏ trong “Lời Thưa Cuối Sách” của cả hai cuốn Tuyển Văn và Tuyển Thơ: “Chúng tôi cố gắng chọn những sáng tác tiêu biểu, cho tác giả, cho nhiều thế hệ Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, cho một số cây bút trẻ địa phương và cho cả từng giai đoạn sáng tác, giai đoạn lịch sử, cũng như cho sự đa dạng của cá tính, phong cách. Mong sao qua những sáng tác mang dấu ấn cá nhân thuần túy, chúng ta không chỉ gặp số phận, tâm hồn tác giả, mà còn cảm nhận được hiện thực đời sống xã hội, hiện thực lịch sử, không khí thời đại.” (trang 1029-1030) Nhưng chính vì sự chân thành và cố gắng này mà người đọc cảm thấy ngay cái bất cập là, có lẽ ngoài ý muốn của nhóm tuyển chọn và biên soạn, Tuyển Văn đã không có tác phẩm của Nhã Ca, Trùng Dương, và nhất là của Nguyễn Thị Hoàng.
Nguyễn Thị Hoàng chịu ảnh hưởng rõ rệt lối viết của các đàn chị Tây Phương và các phong trào văn học ngoại quốc thời bấy giờ mà điển hình là cuốn Vòng tay học trò. Ảnh hưởng ấy sau này dẫn đến một sự vá víu khiến cho Nguyễn Thị Hoàng (không như Nguyễn Thị Thụy Vũ), ngoài một số truyện thành công vì diễn tả được xác thực tâm sự và cá tính nhân vật, chỉ thành công được lúc đó --tác phẩm của Nguyễn Thị Hoàng được tái bản rất nhiều lần là điều không ai có thể chối cãi được-- mà thất bại sau này khi cứ rập khuôn một kiểu viết nhàm chán và tự kỷ quá đáng, như một con công không bao giờ thay lông được cho nên dù có xòe theo kiểu nào, những màu sắc cũ càng ấy không còn làm rung động được ai nữa. Cho nên vẫn cần phải có truyện của Nguyễn Thị Hoàng trong Tuyển Văn là vì đây là một trường hợp chứng tỏ Miền Nam đã mở ra cho mọi khuynh hướng văn chương nước ngoài nhập vào và chúng đã để lại một dấu vết rõ ràng cả về thành công lẫn thất bại như thế. Sau nữa là trường hợp Nhã Ca. Nhã Ca là một tác giả vẫn đáng được đưa vào Tuyển Văn dù tác phẩm có khi không xuất sắc so với nhiều tác giả đương thời nhưng chúng đánh dấu được thời gian chập chững rồi tiến bộ của một số các nhà văn nữ Miền Nam thời hậu 1954.
Bài “Đàn bà là mặt trời” của Nhã Ca (tên thật Trần Thị Thu Vân, trang 283-287) trong Tuyển Thơ thì cần chú thích cho độc giả biết về thiên Nhã Ca mà tác giả là vua Solomon trong Kinh Thánh Tin Lành, Bản dịch Việt ngữ, xuất bản lần đầu vào năm 1926. Tại sao vậy? Vì Nhã Ca đã lấy nguyên một số ý tưởng (của nguyên bản) mà cố ý chỉ đảo lộn hay có khi thay đi rất ít. Nhưng quan trọng hơn nữa là --nếu người viết xét đoán đúng căn cứ trên các tài liệu có sẵn -- thì Nhã Ca đã sử dụng một số chữ (dịch) của nhà thơ, nhà lý luận, nhà bút chiến Phan Khôi. Không cần phải là người nghiên cứu, bất cứ ai cũng biết rằng mỗi nhà thơ cần một ngôn ngữ riêng. Trong trường hợp này, chỉ cần đơn cử một vài chữ tiêu biểu như “ái tình chàng, ái tình tôi” của Phan Khôi và “ái tình tôi” trong bài thơ của Nhã Ca hay “tôi, chị” trong cả hai bản này. Những sự “từa tựa” ấy không thể coi được là tình cờ vì nếu so với, thí dụ như bản dịch Kinh Thánh của Dòng Chúa Cứu thế do Linh mục Nguyễn Thế Thuấn dịch (2) thì bản dịch này có chữ “Diệu Ca” (thay vì Nhã Ca) với những chữ như “em, anh, cô,” và “tình yêu (chàng)”. Ngay cả tựa đề của bài thơ đáng lẽ Nhã Ca cũng phải chú thích là đã mượn của Kinh Thánh Tin Lành và bản dịch của Phan Khôi, vì “Đàn bà là mặt trời” rõ ràng là đã lấy từ câu “Người nữ … như mặt trời” (6:10). Vì giới hạn của bài viết, người viết chỉ có thể nêu ra vài thí dụ điển hình để độc giả so sánh:
Thánh Kinh Báo số 1 tuy đề tháng giêng 1931 nhưng phát hành vào tháng 10.1930, căn cứ trên bài báo giới thiệu của Phan Khôi. (Tạp chí Khời Hành số 185)
- Thiên Nhã Ca, “Vua Sa-lô-môn làm”, Kinh Thánh Tin Lành-Sách Cựu Ước, Thánh kinh hội Mỹ Quốc tái bản, Phan Khôi dịch:
6:10 Người nữ này là ai, hiện ra như rạng đông, Đẹp như mặt trăng, tinh sạch như mặt trời
1:6 Chớ dòm xem tôi, bởi vì tôi đen
7:12 Tại đó tôi sẽ tỏái tình tôi cho chàng
4:10:Ái tình mình ngon hơn rượu
8:6: Lòng ghen hung dữ như Âm Phủ …Sự nóng nó là sự nóng của lửa
- “Đàn bà là mặt trời”, Nhã Ca Trần Thị Thu Vân:
Hỡi các chị, chúng ta đều đẹp như mặt trời tinh khiết như bình minh (trang 283, Tuyển Thơ)
Tôi đang đỏ đang đen (trang 283, sđd)
Tôi cũng có một ông vua choái tình tôi (trang 287, sđd)
Để tôi làm ra ái tình và rượu ngọt (trang 286, sđd)
Xui chúng ta nóng bỏng như lửa (trang 283, sđd)
Tôi sẽ …nóng hơn lửa (trang 285, sđd)
Chúng ta có lòng ghen mạnh như bão, trang 286, sđd
Cho nên, “hãy trả lại cho Phan Khôi những gì của Phan Khôi”, hãy thêm Nhã Ca của Kinh Thánh Tin Lành vào tiểu sử của ông khi mà nhiều tài liệu, kể cả của chính Phan Khôi, đã hầu như công nhận như vậy (3). Phần khác, đúng như Nhà xuất bản Phụ nữ đã công nhận trong “Lời nhà xuất bản”: “Cũng có một điều Nhà xuất bản muốn được nói thêm là, lịch sử chúng ta đã trải qua không ít những thăng trầm, nhất là những thời kỳ chiến tranh kéo dài, khiến nhiều di sản văn hóa, văn học của dân tộc đã không thể tránh khỏi sự thất lại, tản mác, kể cả bị thiêu cháy thành tro bụi, không sao có thể còn khôi phục lại được. Điều này đã hạn chế không ít đến công việc sưu tầm, tuyển chọn cũng như hoàn chỉnh toàn vẹn những công trình chúng ta mong muốn…” (trang 7, sđd).
Chú thích:
2) Bản Kinh Thánh này xuất bản tại Sàigon, 1976 và do những người sau đây “phụ trách ấn hành”: Chân Tín, Đinh Khắc Tiệu, Nguyễn Ngọc Lan, Nguyễn Nghị, Nguyễn Sĩ Nhàn, Nguyễn Văn Phán, Nguyễn Quốc Thái, Nguyễn Gia Trần, Phạm Thanh, Phạm Gia Thụy, Trần Quốc Hùng và Trần Công Thạch.
3) Phan Khôi xác nhận việc ông tham dự công trình dịch Kinh Thánh Tin Lành qua một bài điểm báo có tên “Giới thiệu và phê bình Thánh kinh báo” đăng trên Phụ nữ Tân văn số 74 ra ngày 16.10.1930: “Sau hết, tôi xin có lời cảm ơn ông bà mục Sư Cadman đã gởi tặng tập báo nầy cho tôi. Vì tôi làm chung việc dịch Kinh thánh với ông trong 5 năm (1920-1925)…” (Lại Nguyên Ân sưu tập và biên soạn, Các tác phẩm của Phan Khôi đăng báo năm 1930,http://lainguyenan.free.fr/pk1930/thanhkinh.html). Còn về phần Hội Thánh Tin Lành thì Mục sư Tiến sĩ Lê Hoàng Phu cũng đã công nhận tương tự trong cuốn Lịch sử Hội Thánh Tin Lành Việt Nam. Ngoài ra, người viết đã từng thấy một cuốn Kinh Thánh Tin Lành tái bản vẫn có ghi rõ tên Phan Khôi là người dịch cùng Cadman ở Sài gòn năm 1972. Tác giả Nguyễn Đình Bùi Thị - (Thăng Bình, Quảng Nam) đã ghi lại là khi ông đến thăm năm 2009, bia mộ phần tác phẩm của Phan Khôi có đề rõ “Kinh thánh 1920-1925”. (http://hoithanh.com/Home/100-nam-tin-lanh-vn/1620.html)
***
Phụ đính :
Trần Dạ Từ
Trần Dạ Từ: thi sĩ, nhà báo.
Tên thật là Lê Hà Vĩnh. Chồng nữ sĩ Nhã Ca. Sinh năm 1940 tại Hải Dương, Bắc Việt. Di cư vào Nam năm 1954.
Đầu thập niên 1960 cộng tác với Nguyên Sa làm tờ Gió Mới.
Sau 1975 bị Cộng Sản giam cầm nhiều năm. Dưới sự bảo trợ đặc biệt của chính phủ Thụy Ðiển, đã cùng với gia đình sang Thụy Điển sinh sống năm 1988, đến năm 1992 sang quận Cam, Hoa Kỳ. Cùng với Nhã Ca, ông xuất bản tờ Việt Báo.
Trần Dạ Từ (Lê Hà Vĩnh, 1940-)
Thế Phong
Bắt đầu vào làng thơ bằng bút hiệu Hoài Nam, và có tên thật là Lê Hà Vĩnh, sinh 1940 ở miền Bắc. Những bài thơ viết theo lối thơ mới có, bảy chữ có, lục bát cũng có. Một điều đặc biệt là thơ Hoài Nam ban đầu rất ư là Nguyễn Bính, thường đăng trên Văn Nghệ Tiền Phong, từ 1957. Thời gian sau, thơ Hoài Nam lại chịu ảnh hưởng một nhà thơ khác, Hữu Loan, nhất là bài Màu Tím Hoa Sim, gần như Hoài Nam sao lại hình-tượng-ý-thơ-đời-sống từ lớp người thơ kháng chiến. Có thể đây là một cách lấp trống thiếu hụt trong thơ của người trẻ trên dưới hai mươi bây giờ chăng? Bài thơ bảy chữ như Trông Lại, tư tưởng và kỹ thuật rất thấp, cứ cho là khởi điểm không thể cao hơn đi - nội dung thơ lại lãng mạn rẻ tiền, thơ chắp vá. Qua giai đoạn khác, Hoài Nam làm thơ tranh đấu kiểu tuyên truyền lại càng thấp hơn, đem ngòi bút làm thơ cho có lập trường chính trị để nuôi thân (thời kỳ 1958, Hoài Nam đăng thơ trên báo quân đội Cây Mai vv… chẳng hạn). Đến 1959,60,61 Hoài Nam thay đổi bút danh là Trần Dạ Từ, loại bỏ hẳn thời kỳ ấu trĩ Hoài Nam và tạo lập cho mình một đời thơ nghệ thuật. Thái độ can đảm này như người đọc đã nhận thấy, anh từ bỏ chặng đường thơ đặt hàng có lập trường, để coi nghệ thuật là cứu cánh cho sự nghiệp của anh hình thành. Từ giai đoạn này, Trần Dạ Từ tạo cho mình một chỗ đứng, thơ chuyển sang hiện sinh nhưng là lối bắt chước hiện sinh Tây phương - đối với Trần Dạ Từ lại là hiện sinh nửa vời, phi lý không lý do, công thêm lối thơ dadaisme, utopisme, obscurantisme của Pháp đầu thế kỷ này. Sau, qua những đợt thơ bị tiêm nhiễm, chưa biết con đường thơ của Trần Dạ Từ đi về đâu?
Tôi lược bỏ giai đoạn một, hai của thơ Hoài Nam. Đi ngay vào phần phân tích thơ có mục đích tạo sự nghiệp thơ nghệ thuật của Trần Dạ Từ . Anh làm thơ rất nhanh, nhiều, dễ dàng. Sự tự phong cho anh có niềm kiêu hãnh, ai mới vào nghề cũng phải trải qua. Ngày xưa Nguyễn Bính từng được nhắc nhở như là một nhà thơ học thức kém, nhưng sống nhiều mặt của cuộc đời, giầu kinh nghiệm, tình yêu, tình đời và có nghệ thuật thơ nên thơ Nguyễn Bính làm mê đắm người đọc, nhất là giới bình dân. Nhưng từ 1945, Ngày Lớn bùng nổ, làm Nguyễn Bính có thay đổi cả đời và thơ, nhưng lối thơ diễn tả vẫn là lục bát nhiều hơn.
Trở lại với Trần Dạ Từ, một số bài thơ đăng báo hôm nay rất điêu luyện, ý dồi dào, tứ mới lạ, nhưng thơ rất ẩm ướt chốn khuê phòng, cũng như lối thơ gọi là tranh đấu nhưng vẫn chưa hết tâm trạng được đăt hàng qua một số bài thơ có mặt trên báo chí. Hiện tại, như tôi trình bày ở trên, Trần Dạ Từ bị tiêm nhiễm bởi hiện sinh Tây phương, chứng tỏ người thơ có trình độ trí thức, nên thơ anh sặc mùi nôn mửa hiện sinh, theo chân những người thơ đi trước làm thơ đăng trên tạp chí Sáng Tạo của Mai Thảo. Cái lối hiện sinh theo đuôi, không có kinh nghiệm, tư tưởng của chính bản thân mình thoát thai, cứ như triết gia văn sĩ J. P. Sartre đi - còn chấp nhận được - nhưng ở đây là hiện sinh theo đòi, chỉ là một lối snobisme. Tôi không hiểu rằng đó có phải là một lối-thoát-bế-tắc nên giả tạo, đầy ảo tưởng, mà sau mỗi thời kỳ chiến tranh, sự chán chường nửa vời kia, vì không có lý tưởng thực sự đeo đuổi, đành phải bám vào để tự che giấu chính mình, làm bảnh với chính mình trước, để có thể sống cho là hiên ngang bề thế! Cái lối hiện sinh, tạm gọi là theo đuôi kia liệu còn kéo dài cho anh nương tựa được bao lâu? Ấy là tôi chưa kể đến nội dung thơ buồn nôn nửa chừng, chán yêu bằng nửa đốt tay, tạo cho họ chỗ đứng nào thực sự trong văn học, nhưng trước mắt tạo một tiền lệ hư xấu cho lớp sau, cùng họ bám víu vào đấy để kéo dài sự vinh quang giả tạo, điên cuồng! Các tạp chí nào đã đăng lối thơ phi lý hiện sinh ấy? Xin thưa, đó là tờ báo của mấy ông nhà văn sống thì so đo, chiu chắt từng đồng viện trợ, chia xẻ rất ít cho anh em (tôi nói đến cách họ đối xử với nhà thơ Quách Thoại được rêu rao là cùng băng nhóm, sống chết có nhau), nhưng trong văn chương lại tỏ ra lý tưởng hão, nửa vời, đầy tính hung hãn phá phách kiểu hiện sinh, sống hôm nay biết hôm nay, mai chết bỏ, dầu là bỏ ở ngoài đường.
Ấy, hiện sinh nửa vời ở Việt Nam (Nam) là như thế! Trần Dạ Từ cùng một số lớp trẻ như anh, chập chững theo đi làm văn thơ, đẽo gọt ngôn từ cho kêu, tiện dũa âm thanh hóc hiểm, ý tưởng hũ nút, chỉ nói đến thơ lục bát của anh bắt chước âm thanh ma qúai học đòi từ Cung Trầm Tưởng. Trần Dạ Từ chịu rất nhiều ảnh hưởng thơ lục bát C.T.T nên khi đọc thơ dễ nhận ra ngay sự chắp vá, tí ti hiện sinh, tí ti cách mạng, xin xỏ đấu tranh kiểu cải lương, theo đòi vô chính phủ kiểu André Breton (cũng là người đi sau tiếp nối gót Thanh Tâm Tuyền, dịch thơ Breton trước lấy ý; làm bài thơ thứ hai là của riêng). Như vậy từ thơ André Breton qua Thanh Tâm Tuyền rồi đến Trần Dạ Từ đã qua tay ít nhất tới hai lần rồi.
Vốn văn hoá Tây phương của anh rất mỏng, trước họ lớp ba mươi, đa số cũng đã mỏng rồi! Không trách vốn học thức thấp hay cao, nhưng trách ở chỗ thấp mà làm ra cao, tư tưởng thấp như ngọn cỏ, lại tưởng chừng cao trên ngọn cây to, hãy nhìn thi ca của họ đăng trên Sáng Tạo, Thế Kỷ 20 thì rõ. Nhớ lại một họa sĩ, anh Ngọc Dũng, cũng làm thơ chiêm bao: nào là hơi thở vẫn rì rào đến buổi chiều ấy bơ vơ như gạch ngói, đúng là quái thai thơ! Nếu nói là hiện tượng voyou thì quá! Họa sĩ Duy Thanh qua tập truyện ngắn Thằng Khởi cũng không hẳn là quái thai song văn chương tạo được một hiện tượng được coi là lạ! Thơ Ngọc Dũng, văn Duy Thanh, theo tôi, nên coi là vắng; vì họ sinh ra chỉ để Ils sont nés pour la peintre, chứ khó là một Văn Cao thực sự tài hoa cả nhạc, họa, thơ, kịch - trường hợp Văn Cao mới đúng là hiện tượng spectaculaire !
Tôi rất quí và trọng tài họa của Ngọc Dũng và Duy Thanh, cũng như đối với thơ Trần Dạ Từ, thơ của chính rung cảm đời thơ của anh thật đáng phục, nhưng bắt chước thơ lục bát Cung Trầm Tưởng (cách diễn đạt, âm thanh, ngôn từ, tiết tấu) nói như một bạn văn khác, gọi C.T.T là một Bà Huyện Thanh Quan mới của lục bát. Thực ra, thơ lục bát của C.T.T đôi câu rất lạ, rất hay, rất cảm, nhưng với Trần Dạ Từ trở thành non tay, vụng ý, làm dáng văn chương nhiều hơn là sáng tạo! Âu đó cũng là sự đua đòi bắt chước và đó không phải là réminiscence đối với Trần Dạ Từ. Đọc một hai câu thơ lục bát của Trần Dạ Từ như:
… Cây ngùi bóng cả đôi hiên
Chiều vơ ngõ lụn, tay phiền giấc trưa
Thực chất thơ Trần Dạ Từ, theo tôi, một số bài như Thơ Tình Tháng Sáu, Nhã Ca… và một vài bài ký tắt T.T.N.C (§) đăng trên tạp chí Hiện Đại của Nguyên Sa. Đấy chính là bản sắc thơ độc đáo của Trần Dạ Từ, điều này chứng tỏ, sau một thời gian thử nghiệm, anh đã tìm cho mình một bản sắc thơ độc đáo. Dưới đây trích dẫn hai bài thơ hay của Trần Dạ Từ.
Trích thơ Trần Dạ Từ :
I- NHÃ CA
bây giờ ngày đã hết
ban đêm đương bắt đầu
chỉ còn lại mình anh
và trái đất cằn khô
bây giờ tháng đã hết
mùa đông đương bắt đầu
chỉ còn lại mình anh
và tiếng nói hư vô
bây giờ năm đã hết
thời gian đương bắt đầu
chỉ còn lại mình anh
và nốt nhạc cô đơn
bây giờ thôi đã hết
lãng quên đương bắt đầu
chỉ còn lại mình anh
và nỗi nhớ nhung đen
II - THƠ TÌNH THÁNG SÁU
Mộng sẵn sàng rồi lòng trong sạch đó
Em ngồi đây coi giùm anh giấc ngủ
Chiều hôm nay, trời sực nức hương thơm
Lá biết dong chơi, cây biết giận hờn
Đôi cánh ăn năn dịu dàng khẽ vỗ
Bỗng nhiên thôi từng ấy lượt đi về
Tóc đã dài hẹp trán say mê
Thân đã duỗi quá xa tầm vóc cũ
Em ngồi lại coi giúm anh chút nữa
Ôi những ngày không viết một bài thơ
Bao nhiêu đêm nằm với ngực mơ hồ
Bao nhiêu sáng dậy nghe đời xế lụi
Vâng lòng tôi đấy, dại khờ bé bỏng
Bấy nhiêu ngày, ăn chửa hết cô đơn
Bấy nhiêu thơ, không nói, để trong hồn
Bấy nhiêu đó, không ai nhìn thấu cả
Em ngồi đây, ngồi sát nữa, người thương
Kìa những ngày thơ rụng đổ chân tường
Em vẫn sống như những chiều bãi biển
Anh vẫn đẹp như những giờ em đến
Thơ có đầy vơi vẫn đủ nuôi sầu
Tay có khổ mình vẫn vuốt ve nhau
Xếp giùm trán, hôn giùm môi và hát
Nỗi vui đó anh chờ em sắp đặt.
Nhã Ca & Trần Dạ Từ
_______________
Đọc thơ Trần Dạ Từ
Nguyễn & bạn hữu
(Nguồn: Hợp Lưu)
Thi sĩ, nhà báo. Tên thật là Lê Hà Vĩnh. Chồng nữ sĩ Nhã Ca. Sinh năm 1940 tại Hải Dương, Bắc Việt. Di cư vào Nam năm 1954. Đầu thập niên 1960 cộng tác với Nguyên Sa làm tờ Gió Mới. Sau 1975 bị Cộng Sản giam cầm nhiều năm. Dưới sự bảo trợ đặc biệt của chính phủ Thụy Điển, đã cùng với gia đình sang Thụy Điển sinh sống năm 1988, đến năm 1992 sang quận Cam, Hoa Kỳ. Cùng với Nhã Ca, ông xuất bản tờ Việt Báo.
Trần Dạ Từ trước hết là một nhà thơ. Ông nổi tiếng với tập “Thuở Làm Thơ Yêu Em”. Ngoài ra ông còn là người tham dự tích cực vào các sinh hoạt văn nghệ của Miền Nam trước đây. Theo lời kể, ông là người đầu tiên đưa báo xuống đường phố Sài Gòn khi tự mình ôm xấp báo đi bán dạo. Ông làm báo, làm phát thanh (đài Sài Gòn và đài Tiếng Nói Tự Do). Khánh Ly kể lại: Mùa hè 1959, ông Mặc Thu, “xếp” chương trình Tiếng Thơ, Đài Phát Thanh Sài Gòn, trịnh trọng bảo một anh nhóc tì, “Thi sĩ coi cháu Mai tập bài này, điệu ru con miền Bắc”. Tức cười, năm ấy tôi 14 tuổi. Thi sĩ bất quá chỉ hơn tôi dăm ba tuổi. Hai anh em cùng dân bà cả đọi, đi xin ngâm thơ để kiếm cơm. Theo lời Du Tử Lê, Trần Dạ Từ còn là người đứng đằng sau những khởi động văn học nghệ thuật ở Miền Nam. Qua trên dưới ba chục nhật báo của miền Nam Việt Nam, 20 năm mà, Lê Hà Vĩnh tức Trần Dạ Từ đóng vai tổ chức ban biên tập, cắt đặt bằng hữu ông vào những vai trò, chức vụ có tính vận hành, quyết định. Nhưng, tuyệt nhiên, độc giả không hề thấy dù chỉ thấp thoáng bóng dáng hay tên tuổi của thi sĩ trên “manchette” báo. Ông cũng là người khởi xướng phong trào hát cộng đồng trên đài phát thanh.
Du Tử Lê viết: Số là thời gian đó, nhà thơ Trần Dạ Từ đang làm cố vấn cho nhà văn Huy Quang/Vũ Đức Vinh, tổng giám đốc Hệ Thống Truyền Thanh Việt Nam. Nhiệm vụ của ông là cung ứng những chương trình phát thanh đặc biệt theo yêu cầu của nhà văn Huy Quang, hoặc góp ý với ông tổng giám đốc, trong những vấn đề thuộc lãnh vực chuyên môn. Ở cương vị này, Trần Dạ Từ đã thực hiện được một chương trình “mẫu”, gọi là “chương trình hát cộng đồng,” thu ngay tại đài Saigon, với hàng chục ca viên một lúc.
Quả là Trần Dạ Từ đã hoạt động và đóng góp trên nhiều lãnh vực. Sau 1975, ông bị bắt đi cải tạo tới 12 năm.
Nói về Trần Dạ Từ, chúng ta có nhiều điều để nói. Nhưng trước hết phải kể ông là nhà thơ được mọi người yêu mến.
Thơ cũ của nàng
Người đi qua đời tôi
Trong những chiều đông sầu
Mưa mù lên mấy vai
Gió mù lên mấy trời
Mây mù lên mấy biển
Người đi qua đời tôi
Hồn lưng mùa rét mướt
Đường bay đầy lá mùa
Vàng xưa đầy dấu chân
Lòng vắng như ngày tháng
Đen tối vùng lãng quên
Người đi qua đời tôi
Chiều ầm vang tiếng sóng
Bàn tay mềm khói sương
Tiếng hát nào hơ nóng
Người đi qua đời tôi
Nghe những lời linh hồn
Phi lao dài tiếng ru
Êm ái lòng hối tiếc
Trên lối về nghĩa trang
Trong mộ phần tối đen
Người đi qua đời tôi
Không nhớ gì sao người
Em đi qua đời anh
Không nhớ gì sao em
Nụ hôn đầu
Lần đầu ta ghé môi hôn
Những con ve nhỏ hết hồn kêu vang
Vườn xanh, cỏ biếc, trưa vàng
Nghìn cây phượng vỹ huy hoàng trổ bông.
Trên môi ta, vạn đóa hồng
Hôn em trời đất một lòng chứa chan
Tiếng cười đâu đó ròn tan
Nụ hôn ngày ấy miên man một đời
Hôm nay chợt nhớ thương người
Tiếng ve mùa cũ rụng rời vai anh
Trưa vàng, cỏ biếc, vườn xanh
Môi ai chín đỏ đầu cành phượng xưa.
(Trích Thủa Làm Thơ Yêu Em)
Dạ khúc một, hai ba
1
Khi buổi chiều rụng xuống, lũ cột đèn đứng lên
Con phố này nỗi đau buồn bật sáng
Làm sao anh không thể nhớ em ngày tóc chẻ đôi
Mùa đông dài, tiếng guốc nhỏ,
Khua mãi vào vô thức
Làm sao anh không thể nhớ em
Dù chỉ một lần
Đã đi qua đây không nhìn ai
Và gọi tên anh
Đêm rũ rượi bài hát buồn, cánh tay
Rồi nước mắt
2
Một vòng hoa trôi tới chân anh
Với con mắt trên lầu cao lén ngó
Khi hạnh phúc vỡ tan như bóng đèn
Giơ tay lên, che mắt nhìn
Quá khứ
Một vòng hoa trùm lấy thân anh
Bàn ghế thoi thóp thở
Hai người bên cạnh, những người xung quanh
Thoi thóp nhớ.
Một vòng hoa đặt xuống đời anh
Rồi cỏ mọc lên không nói gì
Không nói gì, không, không còn thiết nói gì
Cả bài thơ, cả tuổi thơ này nữa
Người ca sĩ già ôm chiếc máy phóng thanh
(vòng hoa trôi tới vòng hoa trùm lấy
và vòng hoa đặt xuống)
Ôi tiếng nào ru anh vào giấc ngủ em
Bài ca ấy hay vòng hoa phúng viếng.
3
Anh đi qua đó lần thứ hai
Giấc mơ quen tựa bàn tay bỏ thõng
Hai dãy lầu cao chiếc bóng lẻ loi
Dấu vết em không còn lại chút gì
Như đời sống
Đi qua đó lần thứ hai
Này
Người đàn bà đứng trên bao lơn nhìn xuống kia
Nhớ tôi không
Một cái đầu to hai cánh tay dài
Và những cơn bão vọng
(Trích Thủa Làm Thơ Yêu Em)
____________
Trần Dạ Từ
Du Tử Lê
Trong tập “Nguyên Sa Hồi Ký” (NS/HK) do Ðời, California, xuất bản năm 1998, ở phần Hai, chương “Nồi niêu soong chảo,” thi sĩ Nguyên Sa đã đề cập tới phần đời làm báo đầy biến động, nhiều đương đầu hào hứng (sau cuộc cách mạng 1 tháng 11, 1963 tại miền Nam,) của nhóm ký giả trẻ: Nhóm “Nồi niêu soong chảo” do nhà thơ Trần Dạ Từ đại diện.
Nguyên Sa viết:
“Những ngày Sáng Tạo có tiền kiếp. Thời gian bỏ đi có tiền kiếp của nó. Những ngày ở Sống với Chu Tử là một tiền kiếp khác, xôn xao Lương Sơn Bạc. Tờ Sống ra được có một số thì bị đình bản, anh em báo Sống với Ðằng Giao, Tú Kếu, Trần Dạ Từ nhóm ký giả trẻ gọi là ‘nồi niêu soong chảo’ lếch thếch nồi soong ra đi đầu quân, khi thì ở Tiền Tiến với ông chủ nhiệm Ðỗ Công Dụng, khi thì Hòa Bình với Linh Mục Trần Du, khi khác là Tranh Ðấu của chủ nhiệm Ngô Ðức Mão, một đệ tử của cụ Nguyễn Thế Truyền, Mai Châu bỏ tiền...” (NS/HK, trang 213)
Trên hành trình báo chí gập ghềnh, cam go lý tưởng, qua mấy chục nhật báo khác nhau, thời gian đáng nhớ nhất của tác giả “Thuở Làm Thơ Yêu Em” có lẽ là thời gian ông phải đương đầu với cuộc tranh chấp sống mái với người bỏ tiền in tờ Tranh Ðấu. Vì thế, ông đã tìm tới “Ông đội mũ” (bí danh Trần Dạ Từ đặt cho thi sĩ Nguyên Sa). Với Nguyên Sa thì dường như, đó cũng là một kỷ niệm đáng nhớ, khi ông viết:
“Trần Dạ Từ là một tiền kiếp khác. Phải rồi, Trần Dạ Từ là tiền kiếp. Tiền kiếp đẩy tôi tới nhà in, tôi vẫn đội mũ nguyên trên đầu, Trần Dạ Từ dắt tới trước mặt tôi chủ nhân của nhà in nói đây là ông anh tôi, liệt kê các loại võ nghệ tài chính và xã hội, kể từ hôm nay ông anh sẽ lo mọi vấn đề tiền bạc. Tôi gật đầu bảo chứng người em tiền kiếp, tôi nói tôi trả tiền, cứ in, ngày nào thanh toán ngày đó, không cần để tới sáng ngày mai. Viên quản lý vui vẻ ngay, máy in đang chờ, thợ in đang chờ, có người lãnh nhận việc trả tiền là bật đèn xanh...” (NS/HK, trang 214). Kết quả, “đại gia” Mai Châu đã phải “tung khăn” đầu hàng “Ông đội mũ!”
Lập lại sự việc này, tôi không có ý muốn đề cập tới tình thân giữa Nguyên Sa, Trần Dạ Từ. Một tình thân mang tính tinh truyền từ kiếp trước. Một tình thân đã vượt xa cái biên giới hạn hẹp của chữ và, nghĩa.
Lập lại sự việc này, tôi chỉ muốn nhấn mạnh, phải chăng định mệnh đã chọn, trao những dụng cụ cần thiết, như cuốc, xẻng... vào tay Trần Dạ Từ để ông xắn sâu và, xới lên những khoáng-sản-tinh-thần. Những khả năng trí tuệ tiềm ẩn nơi con người sinh ra, vốn mang sẵn một “định mệnh dữ dội” (?)
Lập lại chuyện này, tôi cũng chỉ muốn nhấn mạnh, qua trên dưới ba chục nhật báo của miền Nam Việt Nam, 20 năm mà, Lê Hà Vĩnh tức Trần Dạ Từ đóng vai tổ chức ban biên tập, cắt đặt bằng hữu ông vào những vai trò, chức vụ có tính vận hành, quyết định. Nhưng, tuyệt nhiên, độc giả không hề thấy dù chỉ thấp thoáng bóng dáng hay tên tuổi họ Lê trên “manchette” báo.
Tôi muốn cám ơn thi sĩ Nguyên Sa, qua trích đoạn hồi ký kể trên.
Từ đó, tôi muốn gọi họ Lê là: “Người đứng sau những khởi động đáng ghi nhớ.”
Cũng vậy, tôi muốn gửi lời cám ơn ca sĩ Khánh Ly, qua một đoạn viết ngắn, nơi trang 2 booklet đi kèm đĩa nhạc “Nụ Cười Trăm Năm” (nhạc Trần Dạ Từ), khi cô viết:
“Mùa Hè 1959, ông Mặc Thu, sếp chương trình Tiếng Thơ đài phát thanh Saigon, trịnh trọng bảo một anh nhóc tì, ‘Thi sĩ coi cháu Mai tập bài này, điệu ru con miền Bắc.’ Tức cười. Năm ấy tôi 14. Thi sĩ bất quá chỉ hơn dăm ba tuổi. Hai anh em cùng dân bà Cả Ðọi, đi xin ngâm thơ để kiếm cơm. Biết nhau từ đó...”
Tôi nói, tôi muốn gửi lời cám ơn ca sĩ Khánh Ly vì, nhờ bảng chỉ đường đơn sơ này, tôi mới được biết tác giả “Nụ Hôn Ðầu” đã bước vào lãnh vực phát thanh rất sớm. Ðó là những năm đầu thập niên (19)60, khi người Mỹ mở cuộc thi tuyển, chọn ra một số người để huấn luyện họ trở thành những chuyên viên phát thanh chính quy, cho lãnh vực phát thanh ở miền Nam Việt Nam. Và, họ Lê là một trong số người được tuyển.
Nhắc lại giai đoạn “hai anh em cùng dân bà Cả Ðọi,” nhà thơ Trần Dạ Từ nói, ông nhớ ông có theo học một khóa phát thanh, diễn ra trong một ngôi biệt thự kín khuất ở đường Chi Lăng, Gia Ðịnh. Học viên được chỉ dạy cặn kẽ từ cách viết một bản tin cho phát thanh, tới kỹ thuật biên tập một chương trình. Học viên cũng được dạy và thực tập sử dụng âm thanh, cách chọn lựa, ứng dụng “sound effect.” Kỹ thuật “in/out” một buổi phát thanh, v.v... Tất cả những lớp học đó, đều diễn ra trong những wagon xe lửa, như những studio lưu động, đặt trong biệt thự vừa kể.
Ông nói, khoảng gần 2 năm sau, kỹ thuật phát thanh do người Mỹ dạy, mới được người Mỹ đem về khu cư xá Thành Tín, ở đầu đường Hồng Thập Tự và, giao việc quản trị cho quân đội VN, với ngân sách của Tòa Ðại Sứ Hoa Kỳ.
Nói cách khác, hậu thân của giai đoạn này, chính là đài Tiếng Nói Tự Do với ông Vũ Quang Ninh (thời còn mang cấp bậc đại úy).
Họ Lê cũng nhớ, thời gian đầu của đài Tiếng Nói Tự Do, ngoài cá nhân ông, trong vai trò trưởng ban Phóng Viên, còn có Phan Tùng Mai (con nhà cách mạng Phan Văn Hùm), trưởng ban Biên Tập; Nguyễn Sơn, trưởng ban Nghiên Cứu; Nhã Ca phụ trách biên tập chương trình Văn Học Nghệ Thuật...
Ở giai đoạn hình thành, đài Tiếng Nói Tự Do được phép tuyển thêm phóng viên. Ðài đã phỏng vấn một số sinh viên đang theo học trường Bộ Binh Thủ Ðức. Một trong những sinh viên sĩ quan được tuyển chọn về làm phóng viên cho đài, là nhà báo tên tuổi sau này, Nguyễn Thượng Hiệp. (6)
Từ bảng chỉ đường đơn sơ của ca sĩ Khánh Ly, nơi booklet của CD “Nụ Cười Trăm Năm” (nhạc Trần Dạ Từ), hôm nay, tôi mới được biết, sự ra đời của phong trào hát cộng đồng vào khoảng giữa thập niên (19)60, cũng có dấu ấn của “người đứng sau những khởi động đáng ghi nhớ” Trần Dạ Từ.
Ký ức họ Lê cho biết, trong một buổi tham dự trại Suối Thông/Ðà Lạt, 1965 do thanh niên, sinh viên tổ chức, cùng với cố nhà báo Lê Ðình Ðiểu, ông chú ý tới một nhạc sĩ trẻ ôm cây ghi ta thùng, hát một số ca khúc có nội dung phản ảnh những băn khoăn, khắc khoải có tính cách thời đại, như nỗ lực đi tìm tiếng nói chung cho lớp tuổi của họ. Ông càng chú ý hơn nữa, khi thấy các bạn trẻ hân hoan tham dự vào tâm tình, chuyển động của ca khúc, qua tiếng vỗ tay. Nhịp theo. Hào hứng. Trần Dạ Từ bàn với Lê Ðình Ðiểu:
“Nên đem anh chàng này về Saigon, Ðiểu à!”
Nhưng bằng cách nào? Vấn đề ở chỗ đó!
Một lần nữa, tôi lại thấy dường như định mệnh đã chọn, trao những dụng cụ cần thiết, như cuốc, xẻng... vào tay Trần Dạ Từ, để ông xắn sâu và, xới lên những khoáng-sản-tinh-thần, một mặt nào đấy, làm thành ý nghĩa một thời cho miền Nam, 20 năm.
Số là thời gian đó, nhà thơ Trần Dạ Từ đang làm cố vấn cho nhà văn Huy Quang/Vũ Ðức Vinh, tổng giám đốc Hệ Tổng Truyền Thanh Việt Nam. Nhiệm vụ của ông là cung ứng những chương trình phát thanh đặc biệt theo yêu cầu của nhà văn Huy Quang, hoặc góp ý với ông tổng giám đốc, trong những vấn đề thuộc lãnh vực chuyên môn.
Ở cương vị này, Trần Dạ Từ đã thực hiện được một chương trình “mẫu,” gọi là “chương trình hát cộng đồng,” thu ngay tại đài Saigon, với hàng chục ca viên một lúc. Nhà văn Huy Quang thích lắm. Ông nói, “đài cần có những chương mới mẻ như thế.”
Tuy nhiên, cũng chính vì sự quá mới mẻ - Hiểu theo nghĩa, hồi nào giờ, các đài phát thanh của miền Nam chỉ quen phát những chương trình song ca, tam ca, tứ ca. Nói chung là hợp ca. Chưa bao giờ đài có chương trình “cộng đồng ca” với hàng chục ca viên. Vì thế, nhà văn Huy Quang nghĩ, ông cần phải có được sự chuẩn thuận của cấp cao hơn: Tổng ủy viên Thông Tin - Chiêu Hồi (tức bộ trưởng Thông Tin-Chiêu Hồi cũ).
Như tôi từng nói, bản chất họ Lê vốn quyết liệt, đeo đuổi tận cùng những gì đã dự trù. Nên, để thành tựu được mơ ước của mình, ông cùng Lê Ðình Ðiểu và một số bạn khác, thực hiện một băng “mẫu.” Do ông và các bạn hát; đưa trình tổng ủy viên Thông Tin-Chiêu Hồi thời đó: Tướng Nguyễn Bảo Trị. (7)
Nghe và y cứ trên những trình bày của Lê Ðình Ðiểu, Trần Dạ Từ... về nhu cầu giới trẻ cần những hình thức sinh hoạt mới, linh động, lành mạnh, tươi tốt... Tướng Trị đồng ý. Sự đồng ý của ông, có nghĩa “đèn xanh” được bật cho hệ thống Truyền Thanh Việt Nam, phát thanh rộng rãi những ca khúc mang tính “cộng đồng ca” nhắm vào lớp thính giả thanh viên, sinh viên.
Ðó là cánh cửa thứ nhất, mở vào phong trào du ca, sau này.
Cũng từ bảng chỉ đường đơn sơ của ca sĩ Khánh Ly, nơi booklet của CD “Nụ Cười Trăm Năm” (nhạc Trần Dạ Từ), hôm nay, tôi mới được biết, ngay từ (19)60 Trần Dạ Từ và một số bằng hữu của ông, như Thanh Thoại, Lê Ðình Ðiểu, Ðỗ Quý Toàn, Trần Ðại Lộc, Ðỗ Kim Ninh... đã khởi xướng phong trào đọc thơ (chỉ đọc, không ngâm) tại sân trường Ðại Học Văn Khoa Saigon.
Rất mau chóng, ngọn lửa đem thi ca vào đời thường, đã cháy lan qua các khuôn viên đại học khác. Như Vạn Hạnh, Ðà Lạt, Huế... Trước khi phong trào tỏa rễ, đâm chồi ra đường phố; với những cuộc đọc thơ tại các quán café, hay những họp mặt văn nghệ của văn nghệ giới trẻ.
Vẫn ở vị trí của “Người đứng sau những khởi động đáng ghi nhớ,” hôm nay, nhắc lại, họ Lê còn hưng phấn cho biết:
“Khi tôi đọc thơ Thanh Tâm Tuyền, với những câu như:
“Vứt mẩu thuốc cuối cùng xuống giòng sông
“mà lòng mình phơi trên kè đá
“con thuyền xuôi
“chiều không xanh, không tím, không hồng
“những ống khói tầu mệt lả...”
“Các bạn trẻ cho biết họ hiểu ngay. Họ không thấy đó là những câu thơ khó hiểu như khi đọc bằng mắt...” (8)
Cá nhân, tôi vẫn lấy làm tiếc sau khi giải thưởng văn học nghệ thuật toàn quốc, bộ môn thơ, năm 1971, trao cho thi phẩm “Thuở Làm Thơ Yêu Em” Trần Dạ Từ thì, giữa các nhà thơ như Vũ Hoàng Chương, Thanh Tâm Tuyền, Nguyên Sa, Mộng Tuyết, Trần Dạ Từ,... đã xẩy ra một cuộc tranh biện khá ồn ào, kéo dài nhiều tháng! (9)
Nhưng điều đó, không có nghĩa tất cả mọi người đều cho cuộc hôn phối giữa thơ và nhạc, là một hôn phối lý tưởng. Ngược lại! Không ít người cho rằng, đã đến lúc phải chấm dứt. Ðại diện cho quan điểm này, có thể kể họa sĩ, nhà văn, nhà thơ Tạ Tỵ.
Sinh thời, họ Tạ trong một bài viết về thơ của chúng tôi, đã không ngần ngại lên án gay gắt việc đem thơ vào âm nhạc. (Cá nhân ông, trong quá khứ, cũng đã có đôi bài thơ trở thành ca khúc.) (10)
Dù ông không đưa ra những luận cứ cụ thể để bảo vệ quan điểm của mình, nhưng tôi tôn trọng ý kiến ông - - Bằng vào chiêm nghiệm, có những nhạc sĩ đã giết chết bài thơ một cách tức tưởi, ngay tự những nốt nhạc thứ nhất của họ.
Nhưng, thực tế cũng cho thấy, không thiếu những bài thơ tầm thường, trở thành quen thuộc. Ðược đám đông yêu thích. Sau khi chúng được hóa thân, thoát xác bởi giai điệu. Thậm chí, cũng có không ít trường hợp, tác giả thơ, vốn không được bao nhiêu người biết tới, nếu không có phần dao, kéo thẩm mỹ kỳ diệu của âm nhạc.
Tôi cũng tôn trọng những tìm đến với thơ, của một số nhạc sĩ miền Nam. Dù cho trong số họ, dường như chưa một ai đưa ra những lý giải rốt ráo về tương quan hữu cơ giữa thi ca và âm nhạc.
Tuy nhiên, nói chung, âm nhạc vốn thuộc lãnh vực nghệ thuật. Nó trực tiếp đi vào trái tim người thưởng ngoạn, không qua những giải mã của khối óc.
Theo các nhà nhạc học thì, âm nhạc đúng nghĩa không có lời. Ðó là bậc thang cao nhất của bộ môn nghệ thuật đặt căn bản trên giai điệu. Với thời gian, vì nhu cầu phục vụ quảng đại quần chúng, âm nhạc đã rời tháp ngà, bằng cách thêm ca từ. Tự đó, chúng ta có ca-khúc.
Sự tương tác giữa giai điệu và ca từ, sẽ được coi là một hôn phối tốt đẹp của cặp đôi nghệ thuật và văn học, nếu ca từ một ca khúc ẩn chứa giá trị tư tưởng, triết lý hoặc vẻ đẹp mới lạ, chữ, nghĩa được đặt đúng chỗ. Trường hợp này, âm nhạc vượt khỏi phạm trù nghệ thuật, để hòa nhập phần nào vào văn học. Nói cách khác, các ca khúc ấy, tự thân, đã có được cho nó, tính văn học.
Trong dòng chảy tân nhạc Việt Nam, chúng ta có khá nhiều ca khúc mang tính văn học. Trong số đó, không ít, vốn bắt nguồn từ thi ca. Như một số ca khúc của Văn Cao, Dương Thiệu Tước, Ðoàn Chuẩn-Từ Linh, Phạm Duy, Phạm Ðình Chương, Cung Tiến, Trịnh Công Sơn, v.v.
Cũng trong dòng chảy liên lủy của dòng tân nhạc Việt, hôm nay, nếu họa sĩ, thi sĩ nhà văn Tạ Tỵ còn tại thế, tôi không biết ông sẽ có cảm nghĩ gì? Khi trên tay ông là một đĩa nhạc gồm nhiều bài thơ được soạn thành ca khúc, bởi chính tác giả của chúng. Tôi muốn nói tới đĩa nhạc “Nụ cười trăm năm,” nhạc Trần Dạ Từ. (11)
Với cá nhân tôi, đó là hai cành nhánh đi ra từ một gốc. Gốc Trần Dạ Từ. Do đấy, nếu thi sĩ Tạ Tỵ có mặt giữa chúng ta hôm nay, ở đây, tôi tin, ông sẽ không phải nhọc lòng cật vấn: Nên/Không nên đem thơ vào khuôn nhạc! Bởi vì, thơ và nhạc đã là một. Nó tựa như hai mặt một đồng tiền. Nó là sự lấp lánh khôn biện biệt vì, cùng một duyên khởi. Một tâm thái.
Vấn đề đặt ra là: Nó đã đem những gì đến cho người nghe?
Câu trả lời sẽ không khó, nếu mười hai ca khúc đa số viết trong 13 năm tù đầy của thi sĩ Trần Dạ Từ trong đĩa nhạc vừa kể, là những hờn căm. Những uất nghẹn. Nhục nhằn. Ðầy ải. Vô nhân...
Câu trả lời sẽ không khó, nếu đó là những tình khúc, như những tình khúc chúng ta đã có từ hơn nửa thế kỷ qua. Những tình khúc được chắt ra từ những thời-tiết-tình-cảm trong bối cảnh thời gian, nơi chốn của cá nhân, đôi lứa. Những tình khúc lộng lẫy chia lìa. Tuyệt vọng. Những tình khúc long lanh cảm thức đáy sâu chôn vùi hoặc, đỉnh ngọn mất tích, của những cuộc tình đổ vỡ. Bi thương.
Câu trả lời cũng sẽ không khó, nếu đó là những tình khúc như những xuôi chảy về vực chứa đáp ứng tâm-lý-thuận-chiều đám đông.
Ngặt thay, những quen thuộc kia, không có trong cõi giới âm nhạc Trần Dạ Từ. Trái lại. Tôi gặp, thấy trong đĩa nhạc “Nụ cười trăm năm” của Trần Dạ Từ là những cảm thức, những dòng chảy thác, ghềnh khác.
Với 13 năm tù đầy, trải qua hầu hết những trại tù từ Nam ra Bắc, sau biến cố tháng 4 năm 1975, những ca khúc làm thành “Nụ cười trăm năm,” như đã nói, hầu hết được viết trong bóng tối của những năm, tháng trước mặt đã bị khóa chặt mọi cửa nẻo! Vậy mà, tôi không thấy một nốt thăng thống hận. Tôi cũng không thấy một nốt giáng hay, một dấu lặng nguyền rủa.
Ngay ca khúc có tính khốc liệt nhất, bài “Chết oan” tác giả viết thời gian bị cầm tù ở trại giam Gia Trung năm 1979. Bài duy nhất nhắc tới hai chữ “ngục tù” và, tự thân mỗi con chữ như một giọt những lượng cường toan, có khả năng cháy khét thần trí người thưởng ngoạn:
“Một Mùa Hè chết oan bên trời / Một nụ cười chết oan bên đồi / Một hẹn hò chết oan trong đời / Chết oan trong hồn tôi / Biết bao lời muốn nói // Ngày lại ngày. Chết oan, / Chết oan. Trên ghềnh đá chơ vơ / Biết bao nhiêu đợi chờ / Chết oan. Chết oan trong ngục tù / Biết bao nhiêu mộng mơ / Chết trong ta từng giờ...”
Vậy mà, trước cái chết qua đủ mọi dạng thức, hiện ra trên tất cả mọi nẻo đường, mọi ngõ ngách, đang lạnh lùng, xăm xăm từng bước đi tới, tác giả vẫn không quên từ tốn dỗ dành người ngoài cửa ngục, khi khép lại ca khúc (hay khép lại đời mình) bằng một nhắc nhở hãy trở về, an trú trong nôi mẹ: Lời ru:
“Em yêu, thôi đừng nhắc / Cái chết đang điểm giờ / Em yêu thôi đừng khóc / Hãy lắng nghe lời ru.”
Trước đó một năm (năm 1978,) cũng ở trại tù Gia Trung tác giả đĩa nhạc “Nụ cười trăm năm” viết... (dĩ nhiên trong đầu), ca khúc “Như bóng quê xa.” Một ca khúc sống động vẽ lại một giai đoạn lịch sử của những người yêu nhau trong bối cảnh chiến tranh gia tăng và, sự chết là lời thầm thì thứ hai, song sinh cùng những thầm thì thương yêu đôi lứa mà, vẫn chứa chan lời cảm ơn người, cảm ơn đời:
“Ta lớn lên khi hờn oán đang gào thét / Ta biết nhau khi cuộc chiến đang tràn lan / Trong dằng dặc bạo tàn / Em đã cho anh nụ cười vui trong tóc / Trong đêm đen chết chóc / Em đã cho anh dòng lệ ấm trên môi // Người yêu ơi / Nụ cười em như sao mai rạng rỡ / Còn theo ta dù đêm sâu buốt giá / Khi bên tai ta cái chết thì thầm / Người yêu ơi / Dòng lệ em trên môi ta vẫn ấm // Năm tháng rồi nguôi dần những hàm oan / Nắng mưa rồi lấp dần những trận chiến / Rồi một ngày không xa / Những lời oán hận thôi gào thét // Và chỉ còn lại nụ cười em / Mênh mang như bóng quê xa / Và chỉ còn lại tình yêu em / miên man trong trái tim ta.”
Một ca khúc khác, cũng được viết trong thời gian tác giả bị giam cầm ở trại tù, 1981, bài “Saigon blue,” cá nhân tôi cũng thấy mình chấp chới trôi theo những ấm áp đâu đó của nụ cười nhân ái, niềm tin vào căn để nhân bản hay, thiện căn nhân quần:
“Thành phố oan trái / Ngọn lửa đỏ cháy mãi / Thời trẻ trung rồ dại của ta / Thành phố yêu ma / Còn nhớ ta / Con thiêu thân rụng cánh đêm nào / Chút hơi tàn / vẫn không ngừng kêu người // Thành phố. Thành phố mà nắng vàng thắm tươi như người / Thành phố. Dòng thác òa vỡ vùi lấp nhau trong đời / Dù oan khiên đông giá trong đêm tối / Lời thương xưa thơm mãi trên đôi môi / Em yêu, em có nghe / Thành phố ấy vẫn gọi / Thành phố ấy vẫn thở / Thành phố ấy, em có nghe / Vẫn thì thầm những hẹn hò trong ta...”
Trước nữa, trong trại tù T20, người thi sĩ tài hoa của chúng ta, khi chuyển hóa từ thi ca qua âm nhạc, như một phương cách để tự tồn (lời kể của chính ông), Trần Dạ Từ viết:
“Chiều mưa. Mưa cho ta nhớ / Ta nhớ ôi ngày thơ / Thành phố xưa, hai đứa ta / Nơi hẹn hò / quán nhỏ chiều mưa lũ / Chiều mưa. Mưa cho ta nhớ / Ta nhớ con đường xưa / Ngàn giấc mơ, hai đứa ta, con sông mờ / Trú mưa chiều tháp cổ / Và anh hôn em, như mưa xóa không gian / Và anh hôn em, trong tiếng chuông chiều tan...” (Trích “Chuông và mưa”, 1976).
Giữa trùng vây của ngục tù, trong tuyệt lộ, ông vẫn viết dưới ngọn lửa tình yêu bất biến:
“Cám ơn em đã tới trong mơ / Mang theo vầng trăng đầy một thuở / Cám ơn em đã nhắc giùm ta / Ðiều không ai còn nhớ: Ðêm nay sinh nhật ta // Ðêm nay sinh nhật ta / Ðêm nay sinh nhật ta / / À ra chính đêm nay ta thành người / Và vầng trăng gọi thủy triều lên đầy tuổi / Ðời gọi ta đầy giấc thôi nôi / Lòng gọi nhau, đầy lời muốn nói // Ôi chính đêm này ta có em / Dòng sông thơ dại có trăng rằm / Em áo vàng và em tóc ngắn / Ta đầy nhau và sông đầy trăng...” (Trích “Sinh nhật ca”)
Tôi nghĩ như thi ca, âm nhạc (nhất là loại ca khúc) dù được viết cho một người (để nhân bản thành nghìn người), hay được viết cho nghìn người (để quy về một người), thì xương sống của những tình khúc vẫn là thời gian, nơi chốn, thiên nhiên, thời tiết, con người... Ðể hình ảnh, cảm xúc, kỷ niệm, suy tưởng... là những động mạch chủ dẫn máu huyết luân lưu, thông qua trái tim, nuôi nấng tình còn (ngay cả khi trong đời thường, tình kia đã mất).
Do đó, qua những trưng dẫn trên, ta thấy, “Nụ cười trăm năm” của Trần Dạ Từ cũng vẫn là những thành phố, vầng trăng, con sông, đường phố, hẹn hò, buồn/vui một tình yêu! Nhưng đất/trời, nhân gian trong nhạc (cũng như trong thơ) Trần Dạ Từ, đã là một đất/trời / một nhân gian khác. Chúng không còn là những tình khúc được chắt ra từ những thời-tiết-tình-cảm trong bối cảnh không gian, nơi chốn cá nhân, đôi lứa của những tình khúc trước đó. Chúng cũng không còn là những tình khúc long lanh cảm thức đáy sâu chôn vùi, hay đỉnh ngọn mất tích, từng làm thành tên tuổi nhiều tài năng tân nhạc Việt khác. Chúng không xuôi chảy về vực chứa đáp ứng tâm-lý-thuận -chiều đám đông.
Tôi cũng tìm thấy trong cõi nhạc Trần Dạ Từ một khía cạnh ít thấy trong kho tàng tình khúc của chúng ta; đó là tính dí dỏm thông minh (mà thấm thía như hậu vị của một tách trà lựa lọc từng lá. (Tính dí dỏm vốn nhiều, sẵn trong thơ ông):
“Khi hai đứa quen nhau / Em ngó trời, anh ngó đất / Giây phút đầu ấy, trời đất nôn nao / Khi hai đứa thương nhau / Ôi bầu trời ôi mặt đất / Trời đất quấn quýt tan trong nhau / Anh hôn em anh hôn em lần đầu / / Trời đất biết ta / Khi em về trời em đẹp nhất / Khi anh về đất anh đẹp nhì / Nhất nhì hai đứa ôi trời đất / Còn lại mênh mang... Còn lại mênh mang một chút gì...” (Trích “Trời đất biết ta.”)
Hoặc:
“...Gọi nhau nghe trái đất quay / Trái đất quay, quay, quay nửa vòng (...)Cùng nhau, hai tuổi năm mươi / Có nhau, ta có chung nụ cười / Nụ cười trăm năm / Nụ cười trăm năm.” (Trích “Nụ cười trăm năm”)
(Tôi không hiểu, cớ gì trái đất quay nhiều như vậy mà, cuối cùng cũng chỉ chuyển dịch được có nửa... vòng? Tôi cũng tự hỏi, nếu họ cùng có hai tuổi... một trăm, thay vì cộng, thi sĩ nhân lên, ông sẽ có bao nhiêu... nụ cười?)
Nhưng, đáng kể hơn cả, theo tôi, qua “Nụ cười trăm năm,” tình khúc Trần Dạ Từ đã cho thấy: Rào kẽm, công an chấp pháp, quản giáo, tổ trưởng, đội trưởng, trật tự, “ăng ten”... đã không thể giam nhốt, không thể theo dõi, không thể báo cáo, không thể lập biên bản cái phần vằng vặc nhân bản trong ông.
Sự nhân bản hóa thảm kịch cá nhân mình, để mở vào một tình yêu bao la, tình yêu nhân loại, tôi nghĩ, luôn là thuộc từ của những Thi-Sĩ-Viết-Hoa.
Tôi muốn gọi đó là những quý kim hay, tiền tệ riêng, trong ngân khố trí tuệ sung mãn tài năng, Trần Dạ Từ. ếu cách đây trên nửa thế kỷ, ta đã để thi ca Trần Dạ Từ dẫn dắt ta đến những chân trời thơ mộng và, lãng mạn, xanh. Thì, hôm nay, xin rằng, cũng vậy.
Cũng vậy, qua âm nhạc, ta hãy để những tình khúc của ông dắt đưa ta, từ các mảnh đất “chết oan,” tới chân trời nhân bản, lấp lánh tin yêu, qua người phát ngôn không thể xứng hợp: Tiếng hát Khánh Ly. Quê người.
(Feb. 16 2011.)
Chú thích:
(*) Bài 1 nhan đề “Mùa Xuân và, Ðêm-từ-biệt... Trần” in trong giai phẩm 2011, Nhật báo Người Việt, Xuân Tân Mão.
(6) Nhà báo Nguyễn Thượng Hiệp đã qua đời vào tháng 11, 2009.
(7) Cựu Trung Tướng Nguyễn Bảo Trị hiện cư ngụ tại miền Nam California.
(8) Trong “Bao Giờ,” thơ Thanh Tâm Tuyền.
(9) Ðọc Nguyễn Ðức: “Năm mới chuyện cũ: Giải thưởng văn hóa (?) nghệ thuật toàn quốc năm 1971,” tạp chí Văn Học Cali, số 70 & 71, Xuân Nhâm Thân. (Tư liệu của nhà thơ Thành Tôn)
(10): Ðọc “Tạ Tỵ, Du Tử Lê nhà thơ của những khám phá,” Nguyệt san Thời Báo, Texas, số tháng 3 năm 1997. Hoặc “Du Tử Lê, tác giả và tác phẩm” tập II, Tủ sách văn học Nhân Chứng, California, ấn hành 1997.
(11) Khánh Ly Productions, California, 2010.
_______________
Nỗi đau, chữ viết
Hồ Văn Đồng/Hoàng Hải Thủy
“Lời Nói bay đi, Chữ Viết ở lại.”
Nhà văn Doãn Quốc Sĩ - CHOÉ vẽ.
Mời quí vị đọc một Hồi Ký Tù Ðầy của Ký Giả Hồ Văn Ðồng. Bài viết của ông được trích từ tác phẩm “Quê Hương Bạn Hữu Tù Ðầy” do Trung Tâm Ðộc Lập, Stuttgard, Cộng Hoà Liên Bang Ðức, ấn hành nhân “Ngày Văn Nghệ Sĩ Việt Nam 1990” được tổ chức tại Stuttgard.
Nhà báo Hồ Văn Ðồng bị VC bắt đi tù khổ sai nhiều năm ở quê hương, ông bị VC bắt 2 lần, ông vượt biên và định cư ở Virginia, Hoa Kỳ, ông từ trần năm 2005 ở Virginia, hưởng thọ 83 tuổi.
***
Hồi Ký:
Ở Tù với Trần Dạ Từ
Hồ Văn Đồng
Ngày 3 Tháng Tư, 1976, khi Công an Cộng sản mở chiến dịch hốt gọn văn nghệ sĩ Sài Gòn, tôi đang ở Phan Rang, ngụp đầu trong một cánh đồng mía.
Là một anh nhà báo về già, từ nhiều năm trước 1975, sau khi đóng cửa nhật báo Quyết Tiến, sang nhượng cơ sở nhà in ở đường Võ Tánh cho anh Ðặng Văn Bé, chủ nhiệm nhật báo Thách Ðố, tôi thực sự về vườn, hiểu cả theo nghĩa đen: Tôi ra Phan Rang, mua khu đất, tự tay trồng dăm ba mẫu mía, vật lộn với chủ nhân mấy lò nấu đường trong khu, mỗi tháng tôi chỉ về thăm nhà ở Sài Gòn vài ngày.
Khi Cộng sản chiếm Sai Gòn, dù có chung tâm sự với anh em làng văn làng báo, tôi vẫn cười cười nói với anh em:
“Moa đâu còn là nhà báo. Moa là nông dân. Lê Nin kêu nông dân là liên minh vững chắc của giai cấp vô sản tiên phuông. Mao chủ tịch còn sửa lưng cả Lê Nin, kêu nông dân là thành phần cốt cán của cách mạng. Các toa phởn phơ ở thành phố quen hư thân mất nết, ngán đi kinh tế mới. Moa đã tự giác đi kinh tế mới lao động sản xuất từ khuya rồi. Nông dân trăm phần trăm, moa còn ngán chó gì nữa.”
Ngày 9 tháng 3, 1976, khi tôi xách cái bị lát nông dân từ Phan Rang về Sài Gòn thăm nhà, công an Cộng sản đã rình sẵn từ bao giờ, theo chân tôi vô nhà tôi còng tay tôi cái rụp.
Tại Sở Công an Thành phố, trước là trụ sở Nha Cảnh sát Ðô thành, đường Trần Hưng Ðạo, khi cánh cửa sắt nặng nề của phòng giam mở ra, tôi nghe nhiều tiếng cười. Một giọng nói vui vẻ vang lên:
“A.. Ðồng Ðen đây rồi. Ði đâu giờ này mới chịu mò tới? Nhờ anh tí, bắt anh em chờ mãi.”
Ký giả Hồ Văn Ðồng - CHOÉ vẽ.
Vẫn lối nói quen thuộc của giới làng báo miền Nam, thường dành cho anh em tới trễ trong một buổi họp mặt thân mật. Chỉ khác chút xíu: cuộc họp mặt lần này đông đảo chưa từng thấy, mà lại là họp mặt trong nhà tù Cộng sản.
Phòng giam mỗi bề khoảng 5 thước, lố nhố năm sáu chục người tù nằm ngồi, gần như nêm cứng, chen chân muốn không lọt.
“Lại đây nè, cha nội. Xớ rớ chi vậy.”
Giọng nói quen thuộc lại vang lên. Một anh chàng thấp lùn phe phẩy tay quạt, mặt mũi vêu vao, đang ngoác miệng ra cười, vẫy vẫy tôi. Tôi nhận ra anh bạn phóng viên Anh Quân. Bên cạnh Anh Quân là anh Doãn Quốc Sỹ, anh Ðằng Giao, anh Trần Dạ Từ … Phòng giam nêm chặt kiểu cá mòi đóng hộp, dưới mái tôn nóng điên người, tất cả đều ở trần, quần cụt, mồ hôi nhễ nhại. Tôi chào tất cả và nói:
“Ðông đảo phe ta cả, vui quá há.”
Anh Doãn Quốc Sỹ cười hiền lành:
“Vui thật ông ạ. Còn Khô Vinh đại sư nữa kìa.”
Tôi nhìn theo mắt anh Sỹ hướng về một góc phòng. Trên bệ xi-măng cạnh cầu tiêu chung trong góc phòng, tôi nhận ra anh Nguyễn Mạnh Côn. Khô Vinh đại sư là tên một nhân vật tiểu thuyết của Kim Dung. Anh em gán cho anh Côn biệt danh này vì anh gầy gò, người nhỏ thó, xương xẩu giống hệt một nhà tu khổ hạnh. Ngồi trần trụi bên cầu tiêu, Khô Vinh đại sư nhìn tôi cười cười, tay ra dấu chào.
Phòng giam chúng tôi ở, được gọi bằng một tên hoa mỹ là “Tập thể Hai.” Tại Sở Công an, còn có Khu A, Khu B, Tập thể Một, phòng giam nữ, và các phòng biệt giam… Thời điểm này, không kể khám Chí Hòa, Ðề lao Gia Ðịnh, trụ sở các phường quận, nghe nói Khách sạn Ðại Lợi và nhiều cao ốc, nhà cửa khác trong thành phố, đều đã biến thành nhà giam.
Số văn nghệ sĩ bị giam ở nhiều nơi, nhưng đông nhất vẫn là Ðề Lao Gia Ðịnh cũ, (nay được gọi bằng bí số: T 20, và Nhà Tù Số 4 Phan Ðăng Lưu) và ngay tại Sở Công an.
Nhà văn nữ Nhã Ca - CHOÉ vẽ.
Khi công an Cộng sản bắt văn nghệ sĩ, họ bắt vợ chồng Trần Dạ Từ – Nhã Ca, họ bắt cả vợ chồng Ðằng Giao – Chu Vị Thủy, chị Thủy ôm cháu nhỏ mới sinh bẩy ngày vào tù. Chị Thủy là con gái nhà báo Chu Tử. Có anh em nói, danh sách bắt bớ này phần chính do Vũ Hạnh đề nghị. Vũ Hạnh thời trước, viết phê bình văn nghệ cho báo Bách Khoa theo lối hiện thực xã hội kiểu Cộng sản, rồi nằm trong tờ Ðiện Tín của nhóm Lý Quí Chung, chuyên viết những truyện kháng chiến đường rừng. Báo Sống của anh Chu Tử có hồi chỉ đích danh Vũ Hạnh là Cộng sản nằm vùng.
Khi tôi bị bắt vô Sở Công an, chị Chu Vị Thủy đã được cho mang cháu nhỏ về quản thúc tại gia. Trong số văn nghệ sĩ nằm tù Cộng sản trong chiến dịch này chỉ có chị Nhã Ca là phụ nữ duy nhất. Suốt thời kỳ ở Sở Công An, chị bị nhốt sà-lim. Anh Nguyễn Mạnh Côn bảo tôi:
“Con mụ dữ quá.”
Tuy cười, anh rất quan tâm việc chị Nhã Ca bị bắt.
Một bữa, sau buổi “đi làm việc”, có nghĩa là bị gọi đi hỏi cung, khi trở về phòng, anh Côn kể với chúng tôi:
“Moa nói với họ là bao nhiêu nhân vật quan trọng ở miền Nam này, đâu có người nào cách mạng bắt đi tù cả chồng lẫn vợ như trường hợp Trần Dạ Từ và Nhã Ca. Nhốt bà mẹ của 6 đứa con nhỏ, có đứa còn chập chững tập đi, thì vẻ vang gì. Nói thật, bà ta chỉ là một bà viết văn bình thường, chẳng hiểu biết gì về chính trị. Nếu sách bà ta có chống Cộng, ấy là do tôi mà có. Thả bà ta về, rồi muốn tôi làm trâu, làm ngựa gì cũng được”.
Anh Côn hút thuốc phiện lâu năm, nên vào tù anh bị thuốc phiện vật lên vật xuống. Nhiều phen phải kêu cai tù đưa anh đi cấp cứu. Một buổi tối, công an mở cửa phòng kêu anh “đi làm việc.” Vài phút sau đã thấy anh trở vô. Mọi người hỏi sao lẹ vậy, anh đáp:
“Tên X. gọi ra. Hắn đưa cho moa một cục, nói là cách mạng chiếu cố. Moa trả lại hắn, bảo tôi không cần nữa.”
Tôi còn nhớ rõ, có người hỏi “Cục gì?” Ký giả Anh Quân, cũng là dân từng nằm bàn đèn thuốc phiện, nháy mắt:
“Cái ông này. Cục Vàng Ðen chớ còn cục gì nữa.”
Anh Côn đưa lên đầu ngón tay:
“Bằng chừng này này”.
Thấy Anh Quân suýt soa tiếc rẻ, tôi nói với anh Côn:
“Sao anh không cầm đại vô, rồi cho Anh Quân nó phê.”
Nhà Văn Nguyễn Mạnh Côn, người tù bị bọn Cai Tù Việt Cộng bắt Chết vì Khát và Ðói trong Trại Tù Khổ Sai Xuyên Mộc - CHOÉ vẽ.
Người tù được chọn làm trưởng phòng, anh Hoàng Phú Lâm, gia đình chủ nhân Ðệ Nhất Khách Sạn, cũng là một quân nhân trong văn phòng ông Ðại tướng Cao Văn Viên ở Tổng Tham mưu. Anh Lâm từng chính mắt thấy ông bà Cao Văn Viên kính nể anh Côn như ông thầy, nên rất trọng anh Côn.
Từ lúc hết bị thuốc phiện hành, anh Côn tươi tỉnh hơn, trò chuyện vui hơn. Các bạn trong phòng giam thường ngồi quanh anh, nghe anh kể những truyện khoa học giả tưởng rất hấp dẫn.
Mấy năm trước, anh Nguyễn Mạnh Côn trở thành nhà thầu khoán có hạng trong quân đội. Anh Trần Dạ Từ đã thu xếp xong từ lâu, việc anh Phạm Duy bán lại cho anh Côn ngôi nhà lầu trong Cư Xá Chu Mạnh Trinh, Phú Nhuận. Năm 1975, cùng với Trần Dạ Từ, “Nhà thầu Nguyễn Mạnh Côn” bao dàn việc ấn loát binh thư cho Tổng Cục Quân Huấn do Tướng Nguyễn Bảo Trị làm Tổng Cục trưởng. Riêng dịch vụ này đã lên tới cả trăm triệu bạc, lại còn nhận thầu công việc đại tu bổ Nghĩa Trang Quân Ðội ở xa lộ. Khi bắt anh Côn và anh Từ, công an cộng sản dùng cả mấy xe chở đầy nhóc toàn sách binh thư chiến thuật, sách in dạy đủ món, từ các dùng mìn, thủy lôi tới tổ chức biệt kích. Công an nghe đâu còn thu cả lô quĩ phiếu mấy chục triệu bạc tiền in binh thư chưa kịp lãnh ở nhà anh Trần Dạ Từ, hèn chi họ chả cho là hai anh là hai tay nguy hiểm ghê gớm. Các “đồng chí” làm sao tưởng tượng nổi, ở miền Nam, việc thầu in sách cho Bộ Thông Tin, cho Quân Ðội chỉ là việc làm ăn bình thường, người thầu khoán nào cũng có thể nhận làm những việc như vậy.
Trong tù, nhiều khi vui chuyện có lần anh Nguyễn Mạnh Côn kể:
“Một lần hai anh em tớ vô Tổng Tham mưu gặp Trung tướng Nguyễn Bảo Trị, khi ra về tớ bảo Từ:
“ Hỏng mất cậu ạ. Một anh thi sĩ, một anh nhà văn, mở miệng ra toàn là nói tiền với bạc. Xe vô một sở chỉ huy quân đội mà anh em binh sĩ phải đứng đón, mở cửa xe cho hai thằng mình. Vậy thì mình còn chó gì là thi sĩ với nhà văn nữa. Cứ điệu này, chắc mình tiêu tùng luôn.”
Anh nói thêm, một cách nghiêm chỉnh:
“Cái vụ anh em mình ai nấy sạch sẽ vô tù, không chừng là vớ bở to đấy các cậu ạ. Tin lời tôi đi. Biết đâu, nhờ đó mà nhà văn, nhà thơ trong chúng mình tái sinh.”
Anh Doãn Quốc Sỹ kết luận:
“Mèo lại hoàn mèo.”
Chúng tôi đều cười, mừng cho sự tỉnh táo lạc quan của anh Nguyễn Mạnh Côn khi anh đã chia tay được với Nàng Tiên Nâu.
Nhưng cũng ngay thời gian ở Sở Công an, anh Côn bắt đầu nói về cái Chết. Một bữa, anh bàn với tôi:
“Lần này, sống mà về được, hai anh em mình phải sang Thủ Ðức, tìm một miếng đất, nhỏ thôi, làm sẵn một “sanh phần” cho bọn mình, ông ạ.”
Sanh phần là ngôi mộ làm sẵn khi người còn sống. Thấy anh Côn và tôi bàn hoài chuyện mua đất, xây mộ sẵn cho mình, anh Trần Dạ Từ gạt đi, anh nói thời của bọn Ðỏ mà tính chuyện lo trước chỗ chôn mình là chuyện vớ vẩn.
Anh Côn nói với anh Từ:
“Không vớ vẩn đâu, cậu ạ. Ðỏ Ðen gì cũng chỉ là nhất thời. Thời của họ cũng chẳng lâu lắc gì đâu. Các cậu sẽ được nhìn thấy nó sụp đổ như thế nào. Ở tuổi của Từ, điều này chắc như đinh đóng cột. Thế hệ các cậu, chính cậu, sẽ phải góp phần làm cho nó đổ, rồi ráng mà gánh vác lấy việc thu dọn sau đó. Còn tớ với ông Ðồng Ðen, bọn tớ già rồi, làm xong phần mình rồi. Bọn tớ nhất định cứ đi tìm đất làm sanh phần.”
Anh Nguyễn Mạnh Côn là tác giả cuốn “Chống Mác-xít,” nhiều năm phụ trách phần bình luận phát thanh bằng tiếng Pháp của Ðài Sài Gòn. Anh rất giỏi toán học, khoa học, anh viết văn, viết báo hình như bằng thứ chữ nghĩa chính xác của nhà toán học nhiều hơn là chữ nghĩa kiểu nghệ sĩ. Sau Hiệp định Paris, anh Côn cho phát hành cuôn sách dầy cộm, mang tên “Hòa Bình, nghĩ gì, làm gì?” Những người từng chỉ huy ngành Chiến tranh Chính trị, Cao đẳng Quốc phòng, như các Tướng Vĩnh Lộc, Trần Văn Trung, Nguyễn Bảo Trị… đều tâm phục anh.
Có ông bạn dược sĩ già, nói là thông gia với gia đình nhà báo Ðỗ Quí Toàn, ở tù cùng phòng, không khoái chuyện xây sanh phần, nhưng nghe anh Côn bảo thời của bọn Ðỏ chẳng lâu lắc gì, thì như người vừa uống xong thuốc bổ, nhất định bắt cả anh Côn lẫn tôi phải xài tiếng Pháp, phân tích lời nói đó của anh Côn thật kỹ cho ông nghe.
Ông bạn dược sĩ già trong buổi truyện trò trong phòng tù VC năm nào hiện đang ở khu Irvine, Nam California. Vợ chồng Trần Dạ Từ ở Thụy Ðiển. Tôi vừa vượt biển vô được đất Mỹ. Ðằng Giao, Anh Quân còn ở quê nhà. Khi tôi viết bài này anh Doãn Quốc Sỹ đang tiếp tục nằm trong nhà tù. Riêng anh Nguyễn Mạnh Côn không còn nữa. Lời xưa anh nói, chỉ hơi sai một chút: Chúng tôi không còn dịp cùng nhau sang Thủ Ðức mua đất, đào huyệt, lo sẵn sinh phần cho mình.
Ðúng hai năm sau ngày anh Trần Dạ Từ ra khỏi nhà tù Cộng sản, cũng đúng một năm sau ngày Văn Bút và chính phủ Thụy Ðiển đón tiếp gia đình anh ở Stockholm, anh chị và các cháu sang Ngày 9 tháng 9, 1989, bạn hữu văn giới ở Hoa Kỳ đã họp mặt mừng đón anh chị ở Nam Cali.
Cùng với các anh Nguyên Sa, Phạm Duy, Mai Thảo, Tạ Tỵ, Viên Linh, Lê Ðình Ðiểu và nhiều anh em khác, tôi đã có dịp kể chuyện tôi ở tù cộng sản với Trần Dạ Từ và bạn hữu. Tiếc thay, khi vừa nhắc tới trái chuối, củ khoai hai anh em tôi chia cho nhau trong tù, là tôi đã òa khóc ngay trên diễn đàn, không sao nói được thành tiếng nữa. Sức lực tuổi già tệ hại quá. Bao nhiêu năm trong ngục tù, anh em nhà văn nhà báo đâu có ai thấy nhau khóc. Tất cả chúng tôi, ngay trong ngục tù, vẫn vui sống, vẫn tươi cười với nhau.
Tôi thú thật không hề biết gì về văn thơ. Về thơ Trần Dạ Từ ra sao tôi cũng không biết. Tôi chỉ biết anh trong nghề làm báo. Tờ nhật báo cuối cùng của anh Từ, trước khi đóng cửa vì Luật Báo chí VNCH đòi chủ báo phải đóng tiền ký quỹ 20 triệu, in trong nhà in của tôi ở đường Võ Tánh. Vị trí làng báo Sai Gòn dành cho Trần Dạ Từ làm tôi ngạc nhiên, cứ tưởng anh phải là một người lớn tuổi hơn. Khi gặp, tôi mới biết anh sinh năm 1940. Thời Ðệ Nhất Cộng Hòa, cả miền Nam chỉ có 9 nhật báo. Năm 1962, anh Trần Dạ Từ đã là Tổng thư ký nhật báo Dân Việt, một tờ báo gốc Thiên Chúa giáo cánh Bắc. Anh Chu Tử viết truyện dài và mục Ao Thả Vịt nổi tiếng, là từ báo này. Sau 1964, bộ biên tập bạn hữu của Từ sẽ còn điều khiển các tờ báo có lúc có số bán vượt mức như những báo Sống, Hòa Bình, Ðộc Lập.
Sau khi bị bắt tù thời Phật giáo tranh đấu năm 1963, ra tù, Trần Dạ Từ tiếp tục làm tờ Dân Việt, nay đã đổi tên thành Việt Báo, do anh Phương Linh làm chủ nhiệm. Tôi còn nhớ đây là lúc thịnh thời nhất của Phật giáo miền Trung. Tờ tuần báo “Lập Trường” do nhóm các anh Tôn Thất Hanh, Lê Tuyên, Cao Huy Thuần xuất bản ngoài Huế, làm mưa làm gió một thời, tới mức các anh công khai đòi phải đưa thủ đô ra Huế. Có nghĩa phải coi Huế là thủ đô quốc gia. Bài quan điểm đòi Thủ đô chính trị phải là Huế lý luận rằng gần mực thì đen, gần đèn thì rạng. Thủ đô Quốc Gia VNCH phải là Huế, gần đèn, quốc gia mới mong rạng được.
Thời ấy, cánh chính khách theo các thầy ngoài Huế đang lên chân. Chủ báo Lập Trường được mời vô Sai Gòn làm thành viên Hội đồng Nhân Sĩ. Chính nghĩa chống độc tài quân phiệt rạng ngời, phần lại lo bị chụp mũ Dư đảng Cần Lao, chế độ cũ, làng báo Sài Gòn êm re.
Chính lúc đó trên tờ Việt Báo xuất hiện loạt bài ký tên Trần Dạ Từ, thẳng thắn “hỏi thăm” anh em nhóm Lập Trường, phản đối việc dời Thủ Ðô từng điểm một rành rọt. Tuần báo Văn Nghệ Tiền Phong, phần quan điểm thời cuộc do anh Nguyễn Mạnh Côn, thường viết với bút hiệu Ðằng Vân Hầu, gọi việc anh Từ ký tên cho loạt bài này là “sự dại dột đáng kính trọng “ của người viết báo. Còn nhớ, lãnh tụ sinh viên nổi danh thời 1964 là anh Nguyễn Trọng Nho, tuyên bố tán thành các luận cứ “không thể dời Ðô ra Huế” của Trần Dạ Từ. Làng báo Sai Gòn bắt đầu hưởng ứng lập trường của Trần Dạ Từ. Báo Lập Trường im tiếng, ít lâu sau, Lập Trường tự đóng cửa. Cao Huy Thuần lấy học bổng đi sang Pháp học. Sau 1975, báo Cộng Sản ở Hà Nội viết Cao Huy Thuần là nhà nghiên cứu, chuyên về tiểu sử Hồ Chí Minh.
Sống với nhau trong tù, nhất là qua anh Côn lúc đầu, biết thêm về anh Trần Dạ Từ, tôi càng ngạc nhiên hơn. Hóa ra đời văn của anh Từ còn kỳ lạ hơn tôi tưởng. Thấy anh hồi ngoài hai mươi tuổi đã làm tổng thư ký một tờ nhật báo Công giáo, lại là người đưa hồi ký của Linh Mục Cao văn Luận lên báo Ðộc Lập – Hồi ký Bên Lề Lịch Sử – tôi đinh ninh anh phải là tín hữu công giáo thì anh lại là một Phật tử. Trong bộ biên tập anh Từ điều khiển, nhiều người là đại khoa bảng. Tôi đinh ninh anh phải là người học hành cao lắm, hóa ra anh chưa học xong tiểu học. Tiếng Tây, tiếng Mỹ bập bẹ, cùng lắm chỉ đủ để đoán mò ra nội dung bản tin viễn ký hàng ngày, trước khi trao cho người phiên dịch trong tòa báo. Thì ra, người bạn đồng nghiệp trẻ của chúng tôi, vốn xuất thân là cậu bé bán báo, mười hai tuổi đã kiếm sống ngoài lề đường.
Tết năm 1955, trước khi người Pháp rời hẳn Việt Nam, Ðài Phát Thanh Pháp Á ở Sài Gòn tổ chức giải Thơ, phần thưởng lớn gấp ba giải thưởng của Ðài Phát Thanh Sài Gòn. Người được Giải Nhất là một thiếu niên 15 tuổi, khi tới Ðài mặc quần sọoc. Chủ sự chương trình Pháp Á là anh Hoàng Cao Tăng phải họp ban giám khảo mời chú thiếu niên ra thử tài đủ kiểu, xét xem chú có đúng là tác giả bài Thơ Giải Nhất hay không, lại buộc anh Hồ Ðình Phương, thư ký hội đồng, phải lập biên bản, ký bảo lãnh, mới chịu phát cho tác giả mấy ngàn bạc tiền Giải Nhất Thơ. Năm 1956, vẫn thiếu niên ấy, lại đoạt Giải Nhất Giải Truyện Ngắn của tuần báo Nhân Loại, do anh Tam Ích làm Trưởng Ban Giám Khảo. (Người đoạt giải nhì là anh Lê Vĩnh Hòa, sau này là nhà văn liệt sĩ của Mặt Trận Giải Phóng). Anh Hồ Ðình Phương phụ trách trang “Bình Thơ” trên báo Văn Nghệ Tiền Phong dành cả 4, 5 kỳ báo bình thơ của thiếu niên Trần Dạ Từ.
Bước vô làng báo chuyên nghiệp, thiếu niên 15 tuổi làm thơ văn ấy phải làm từ việc thầy cò, viết lấp chỗ trống đủ các mục, từ tin xe cán chó, tới bài quan điểm, rồi mới thành Ký giả Trần Dạ Từ.
Hồi còn tù ở Sở Công an, anh Nguyễn Mạnh Côn có lần nói với tôi:
“Có dịp, ông nhớ bắt tên Từ học thêm, phải cho nó thật giỏi tiếng Pháp.” Anh Côn kể từ lâu anh đã bắt anh Từ học thuộc bản Tuyên Ngôn của Ðảng Cộng sản bằng tiếng Tây. Tôi nghe mà phì cười. Học kiểu ấy thì làm sao mà khá cho nổi.
Hồi hai anh em tôi nằm bên nhau ở Trại Tù Khổ Sai Gia Trung, đến phiên tôi dạy anh Từ học tiếng Pháp. Lại có thêm một chuyện buồn cười. Không khá gì hơn ông thầy Nguyễn Mạnh Côn, anh Từ lại phải tộng cho bằng hết năm, sáu bản văn Lê Nin bằng tiếng Tây, nhờ hình Lê Nin in trên bìa sách, mà sách gửi được vô trại tù.
Tụng kỹ Lê Nin quá, có lần Trần Dạ Từ nói:
“Có dịp, anh em mình phải chú giải lại Lê Nin bằng sự việc có thực, ông ạ. Tức cười thật, thì ra trí tuệ phương Tây bị bọn Cộng dùng chữ nghĩa lừa bịp.”
Năm 1977, cũng tại Trại Gia Trung, chị Nhã Ca – chị được thả sau chừng một năm tù ở Nhà Tù Số 4 Phan Ðăng Lưu – đi cùng vợ tôi lên Trai thăm anh Từ và tôi, sau đó anh Từ cho tôi biết anh Mai Thảo, sau cả năm bị bọn Công An lùng bắt, đang trốn nấp trong nhà chị Nhã Ca trên đường Tự Do. Tôi với anh Doãn Quốc Sỹ nhìn nhau, không biết nói sao.
Suốt cả năm không có tin nhà, chả biết vợ con sống chết ra sao, anh Từ không hề hé răng nói một câu lo âu hay buồn nản, anh vẫn bình tĩnh tụng Lê Nin toàn tập chữ Pháp.
Anh Doãn Quốc Sỹ sau này, trong tù, sẽ thay tôi đọc cả chục bài thơ của Trần Dạ Từ, bằng tiếng Tây.
Nói rằng trong tù anh em văn nghệ sĩ chúng tôi không hề khóc, với tôi, là sai. Tôi đã có hai lần khóc trong tù Cộng sản.
Một lần, khi làm việc trực nhật, xuống bếp trại lãnh cơm đem về phóng cho anh em, thấy mấy cục cơm rơi phía ngoài nồi, tôi đói và tôi tiếc của trời, cho là chuyện thường, tôi bốc mấy cục cơm trên đất bỏ vô miệng.
Có người báo cho bọn quản giáo là tôi tự ý bốc cơm ăn, thế là bọn cán bộ ra lệnh họp đội, mang tôi ra đấu tố vì “tội lượm cơm của đội ăn riêng.” Anh Từ bảo tôi:
“Nó muốn kiếm chuyện, chọc mình cãi cho nó có cớ bêu xấu mình rồi nhốt sà-lim, cùm chân, cho ăn đói. Chuyện không đáng cãi. Ðừng dại húc đầu. Anh đừng thèm cãi tiếng nào. Nhận ngay lỗi, tự mình xin chịu biện pháp kỷ luật. Vậy là hết chuyện để nó bới móc.”
Phiên họp đội đấu tố được tổ chức. Tôi nói, bao năm rồi tôi vẫn nhớ nguyên từng tiếng, như sau:
“Tôi xin nhận tội đã bốc cơm của đội và của nhân dân bỏ vô miệng. Năm nay tôi 60 tuổi, một người chừng ấy tuổi mà tư cách không ra gì, bốc cả đến mấy cục cơm rơi bỏ vô lỗ miệng, ngay trước mặt bao anh em, thật xấu hổ. Tôi xin nhận tôi phạm cái tội này. Xin các anh em phê bình tôi. Xin cán bộ cho tôi chịu hình phạt, như cúp phần ăn, đi kỷ luật, để giúp tôi tự sửa mình. Xin hết.”
Anh em tù im lặng. Không ai đấu tố lời nào. Sau đó cũng không thấy hình phạt. Ít lâu sau, khi nghe tin anh Nguyễn Mạnh Côn chết ở Trại Tù Xuyên Mộc vì anh tuyệt thực nên anh bị bọn Cai Tù không cho uống nước, lại nghe kể trước khi chết anh thều thào: “.. Ðói, đói… Cơm cơm…” Tôi khóc.
Tôi còn khóc một lần nữa, khi tôi chuyển trại.
Ðược rời khỏi đội khổ sai nặng nề nhất trại, bị gọi là đội trừng giới, với nhiều người, là cái may. Với tôi, thì việc ra khỏi đội là phải xa anh Từ và bạn hữu. Trong tù, anh Từ là người lặng lẽ, không bao giờ chịu hái một cây rau cọng cỏ hoặc moi móc kiếm thêm củ khoai, củ sắn.
Gặp nhau lần cuối bên bờ suối, kiếm được củ khoai, tôi dúi vội cho anh.
Khi quay đi, một lần nữa, tôi khóc.
Xin các bạn họp mặt hôm 9.9.1989 chào mừng anh chị Trần Dạ Từ tha lỗi cho tôi, tôi đã vì khóc mà bỏ ngang phần phát biểu.
Viết tại Hoa Thịnh Ðốn, Tháng 3.1990
HỒ VĂN ÐỒNG
Công Tử Hà Ðông Sao Y bản chính.
Hoa Thịnh Ðốn Tháng 3, 1990. Hoa Thịnh Ðốn Ngày 30 Tháng Tư 2012 – đã 22 năm đi qua cuộc đời này kể từ ngày Ký giả Hồ Văn Ðồng viết bài hồi ký quí vị vừa đọc.
“Lời Nói bay đi, Chữ Viết ở lại.”
“Chữ Viết ở lại..” Như Chữ Viết, Những Nỗi Ðau Ở Lại mãi với Người. Ở lại mãi cho đến khi Người chết. Rất có thể Người Chết mang theo Nỗi Ðau. Nhiều ký giả kể trong bài viết trên đây nay đã ra người thiên cổ.
Tôi hai lần gặp Hồ Văn Ðồng trong Nhà Tù Số 4 Phan Ðăng Lưu. Anh hai lần bị bọn Công An Thành Hồ bắt giam. Hai mươi năm sau Ngày 30 Tháng Tư năm 1975, tôi gặp lại anh ỡ Xứ Tình Nhân, Kỳ Hoa Ðất Trích. Khi vợ chồng tôi đến Virginia, anh đến phi trường đón chúng tôi. Tôi đưa anh tới nơi anh yên nghỉ ngàn đời.
Năm năm cứ đến Ngày Oan Trái
Ta thắp hương lòng để nhớ thương.
Cảm khái chừng bao!
_______________
Đôi dòng về tác phẩm "Nụ Cười Trăm Năm"
Nguyễn & bạn hữu
1
Trần Dạ Từ
Trần Dạ Từ trước hết là một nhà thơ. Ông nổi tiếng với tập "Thuở Làm Thơ Yêu Em". Nhiều bài thơ của ông được các nhạc sĩ lừng danh phổ nhạc - Cung Tiến, Phạm Đình Chương, Phạm Duy... Vâng. Ai cũng biết Trần Dạ Từ là nhà thơ. Nhưng ít ai biết ông là nhạc sĩ sáng tác ca khúc. Cho đến một hai năm gần đây khi ông cho in tuyển tập "Nụ Cười Trăm Năm" và cùng với Khánh Ly tổ chức trình diễn nhạc ông ở Cali và Houston.
"Nụ Cười Trăm Năm" gồm 12 tình khúc, thơ và nhạc của Trần Dạ Từ được thực hiện thành CD tại phòng thu âm của Thúy Nga Paris, với giọng hát Khánh Ly và Quang Tuấn.
Đề cập tới nguyên nhân ra đời của CD đặc biệt này, Khánh Ly kể:
"Mùa hè 1959, ông Mặc Thu, "xếp" chương trình Tiếng Thơ, Đài Phát Thanh Sài Gòn, trịnh trọng bảo một anh nhóc tì, "Thi sĩ coi cháu Mai tập bài này, điệu ru con miền Bắc". Tức cười, năm ấy tôi 14 tuổi. Thi sĩ bất quá chỉ hơn tôi dăm ba tuổi. Hai anh em cùng dân bà cả đọi, đi xin ngâm thơ để kiếm cơm. Chúng tôi biết nhau từ đó.
"Ba mươi năm sau, tháng Chín 1989, mừng đón Trần Dạ Từ lần đầu tiên tới Mỹ, một số bạn hữu gồm các anh Mai Thảo, Phạm Đình Chương, Trầm Tử Thiêng, chị Kiều Chinh và chúng tôi họp nhau ở Cerritos. Ngồi vòng tròn trên sàn nhà, tới phiên anh Từ, thay vì đọc thơ, anh cầm đàn. "Một mùa hè chết oan bên trời..." Anh hát và nói, chỉ là loại bài hát lầm bầm cho qua trong tù thôi, chẳng để làm gì.
"Mùa hè 2009, bỗng nhớ bài hát cũ, tôi đi tìm anh Từ, bảo anh ngó quanh coi còn ai. Các ông ấy chết rồi. Anh cũng vậy. Những bài hát 13 năm tù đâu, đưa ngay chúng cho em. Nhờ vậy mà có CD Nụ Cười Trăm Năm.
Tháng Tám rồi, trong buổi họp mặt Viết Về Nước Mỹ năm 2009, lần đầu tiên tôi hát bài "Nụ Cười Trăm Năm", trong số khán thính giả vây quanh, có cô nhà văn rất trẻ nói em nghe cô hát mà giàn giụa nước mắt. Tôi nói tôi cũng như em thôi. Hơn một lần mắt đẫm lệ khi hát.”
Với tâm tình này, Khánh Ly cho biết cô đã dành nhiều công sức trong hai năm 2009-2010 cho việc tập dượt, sống và hát, với thơ, nhạc Trần Dạ Từ, để có thể trình diễn và giới thiệu hàng loạt ca khúc khác thường của nhà thơ Trần Dạ Từ. "Nụ Cười Trăm Năm", CD đầu tiên của loạt ca khúc này, đã được chăm chút thực hiện hoà âm và thu âm trong suốt năm 2010."
Nhà báo Ngọc Lan của tờ Người Việt cũng ghi nhận cảm xúc của mình khi đến với thơ và nhạc Trần Dạ Từ:
"Tôi đến với đêm ra mắt CD "Trần Dạ Từ-Khánh Ly và Nụ Cười Trăm Năm" khi miệng tôi đã có thể nghêu ngao những câu hát "Chiều mưa. Mưa cho ta nhớ. Ta nhớ ôi ngày thơ. Thành phố xưa, hai đứa ta. Nơi hẹn hò, quán nhỏ chiều mưa lũ..." cũng bằng cảm xúc của những miên man, se sắt, và thấm đẫm những nhớ nhung đến nao lòng.”
Nhà thơ Du Tử Lê, trong lời phát biểu của mình tại buổi ra mắt CD "Nụ Cười Trăm Năm" đã cho rằng:
"Vẫn là thành phố, vầng trăng, con sông, và tình yêu, nhưng đất trời nhân gian trong nhạc cũng như trong thơ Trần Dạ Từ là một đất trời, một nhân gian khác, không phải là cái mà chúng ta thường thấy trong tình khúc của chúng ta trong quá khứ."
Ca thơ của"Nụ Cười Trăm Năm":
Trang thư xưa cúc hoa vàng
Đi theo ta mãi mênh mang
Mênh mang thời yêu dấu
Mênh mang những bể dâu
Và cơn gió thu xưa nhắc ta có nhau
Có nhau. Có xưa ôi khờ khạo
Có nhau. Có nay sao dạn dầy
Và có ta dạt đó, trôi đây
Gọi nhau nghe trái đất quay
(trái đất quay, quay, quay)
nửa vòng
Và hồn ma và bóng quế
dù cho vẫn chập chùng
Thì tình ta, tình ta mãi
mãi mênh mông biển trời
Cùng nhau, hai tuổi năm mươi
Có nhau, ta có chung nụ cười
Nụ cười trăm năm
Nụ cười trăm năm
(Source: Trẻ)
2.
Phóng viên Ngọc Lan
Tôi đến với đêm ra mắt CD “Trần Dạ Từ-Khánh Ly và Nụ Cười Trăm Năm” khi miệng tôi đã có thể nghêu ngao những câu hát “Chiều mưa. Mưa cho ta nhớ. Ta nhớ ôi ngày thơ. Thành phố xưa, hai đứa ta. Nơi hẹn hò, quán nhỏ chiều mưa lũ...” cũng bằng cảm xúc của những miên man, se sắt, và thấm đẫm những nhớ nhung đến nao lòng.
Nghĩa là, “Nụ Cười Trăm Năm” đủ sức níu tôi nghe, nghe, và lại tiếp tục nghe để càng lúc càng nhận ra những điều thật lạ qua những ca từ, những thanh âm vừa mới vừa quen của nhạc sĩ/thi sĩ Trần Dạ Từ, cùng giọng ca có “ma lực” của Khánh Ly.
Khán phòng sang trọng của The Turnip Rose nằm ở thành phố Costa Mesa chiều tối Chủ Nhật qua đầy nghẹt người. Họ là những người thân, những bằng hữu, những khán giả, những người cùng thế hệ, đến để gặp gỡ, để lắng nghe, để chúc mừng Trần Dạ Từ và Khánh Ly lần đầu tiên ra mắt CD.
“Nụ Cười Trăm Năm” - CD đầu tiên của nhà thơ/nhạc sĩ và người ca sĩ đã hiện diện trong dòng thơ nhạc Việt Nam suốt nửa thế kỷ qua - đáng để người ta phải nghe và phải có lắm chứ!
Tôi thuộc loại người thường không nhớ và không hay tìm hiểu về tác giả của những bài thơ, những tình khúc. Tôi chỉ mê nghe, và nhẩn nha theo những giai điệu có thể khiến lòng mình chùng lại, dịu đi, để rồi sau đó lại chùng chình, xốn xang, rưng rức những nỗi niềm, những kỷ niệm buồn vui, của mình, và cả của người.
Thế nên, tôi đã cảm thấy ngạc nhiên đến bất ngờ thích thú khi nhận ra điều mà có lẽ nhiều người đã nhận ra từ lâu: Tác giả của lời thơ trong các bài hát “Người đi qua đời tôi” (nhạc Phạm Ðình Chương), “Thuở làm thơ yêu em” (nhạc Cung Tiến), “Nụ hôn đầu” (nhạc Phạm Duy)... không ai khác hơn chính là Trần Dạ Từ, người nhạc sĩ của “Nụ Cười Trăm Năm.”
Nhà thơ Du Tử Lê, trong lời phát biểu của mình tại buổi ra mắt CD “Nụ Cười Trăm Năm” đã cho rằng, “Vẫn là thành phố, vầng trăng, con sông, và tình yêu, nhưng đất trời nhân gian trong nhạc cũng như trong thơ Trần Dạ Từ là một đất trời, một nhân gian khác, không phải là cái mà chúng ta thường thấy trong tình khúc của chúng ta trong quá khứ.”
Không biết có nhiều người như tôi hay không, khi tiếp cận lần đầu tiên đến những bài hát, là tự thân bài hát với nhạc điệu đó, lời ca đó, giọng hát đó, để mà cảm nhận, mà lắng nghe theo cách của riêng mình, trước khi biết đến lịch sử ra đời của nó. Chính vì điều này, tôi đã nghe “Chuông và Mưa,” “Sinh nhật ca,” “Vầng Trăng Xưa,” “Trăng ban chiều,” “Saigon Blues,” “Nụ cười Trăm Năm”... qua giọng hát Khánh Ly với tất cả tâm tư của một người trẻ đã đi qua những rung động, những lãng mạn của một thời yêu.
Nhưng.
Dường như lời thơ của Trần Dạ Từ, âm thanh réo rắt của Trần Dạ Từ không dừng lại ở tình yêu đôi lứa đơn sơ đó.
Giọng ca chất chứa những dằn vặt thời gian của Khánh Ly chuyên chở nhiều hơn những điều có trong ca từ.
“Nếu từng giọt mưa đi tới, bối rối, bồi hồi” hay “Từng giọt chuông vang mãi, ấm mãi một lời” trong “Chuông và Mưa” chỉ mang đến cho tôi sự bồng bềnh của kỷ niệm về tình yêu, thì “Dòng tóc năm xưa trôi về đâu, Dòng tóc năm xưa nay tìm đâu” trong “Sinh nhật ca” phải chăng chỉ là sự lạc mất nhau của hai người yêu nhau?
Tôi không nghĩ vậy.
Tiếng hát rõ chữ và trầm đục của Khánh Ly cho tôi sự cảm nhận của một điều mất mát gì lớn lao hơn.
Và như vậy, “vầng trăng thất lạc trong cuồng lũ” ở “Sinh nhật ca” hay hình ảnh của “thành phố trăn trối, chiều hè nào hấp hối” và “đôi môi xưa dập vỡ đâu ngờ. Chút hương thừa đắng cay từ bao giờ” trong “Saigon Blues” ít nhiều đã cho thấy sự òa vỡ, đớn đau của “đất trời nhân gian” trong “phần nhân bản vằng vặc trong tâm hồn Trần Dạ Từ,” như cách nói của nhà thơ Du Tử Lê.
Những cảm giác mà tôi có được lại càng sáng tỏ hơn khi tôi biết rằng 10 trong số 12 ca khúc có trong CD “Nụ Cười Trăm Năm” là những sáng tác vút lên từ 13 năm ngục tù của nhạc sĩ/thi sĩ Trần Dạ Từ, qua các nhà giam T20, Gia Trung hay Hàm Tân.
Tôi nhớ ai đó đã nói, cách để mình tồn tại trong những nghịch cảnh khốc liệt và oan trái, là mình phải biết đứng trên nghịch cảnh đó.
“Vẫn nắng vàng, dù buổi chiều của đời
Vẫn trời xanh, dù bao nhiêu tan nát...
Và đầu ta vẫn thơ. Và môi ta vẫn hát
Mái tóc nâng niu xưa cho dù bạc
Nhằm nhò gì
Tình yêu ta, cây lão mai của em
Vẫn không ngừng đơm hoa.”
Những lời thơ, hay ca từ trên trong “Vầng Trăng Xưa” chính là một kiểu thách thức, ngạo đời của Trần Dạ Từ để có thể bình tĩnh đón nhận những cái “chết oan trong ngục tù,” hay “chết oan trong hồn tôi” (Chết Oan).
Tuy nhiên, điều khiến cho tôi cảm thấy “Nụ Cười Trăm Năm” càng nghe càng “nghiện” còn là ở chỗ dí dỏm rất đời mà cũng rất lạ của lời ca.
Tôi bật cười khi nghe lời bài hát “Trời Ðất Biết Ta” được nhạc sĩ sáng tác mới vừa đây, năm 2010, “Khi hai đứa bên nhau/Em nói trời, anh nói đất/Hai đứa trời đất, ngày tháng hư hao...” Thì ra ở độ tuổi nào những người yêu nhau cũng nói chuyện “trời đất,” và chuyện trời đất đó cũng đi vào lời ca một cách tự nhiên, dung dị, như “anh yêu em, anh yêu em dường nào.”
Trần Dạ Từ đã “Cám ơn Khánh Ly, người đã đánh thức những bài hát ngủ quên.”
Nhà văn Doãn Quốc Sĩ đã nói thay những người có mặt trong đêm ra mắt CD “Nụ Cười Trăm Năm,” “Cám ơn Trần Dạ Từ đã cho mọi người thưởng thức một đêm nhạc thật nhiều kỷ niệm ngày xưa.”
Và tôi.
Cám ơn tiếng hát Khánh Ly đã mang đến cho tôi nét đẹp không thoáng qua của “trang thư xưa cúc hoa vàng/đi theo ta mãi mênh mang/Mênh mang thời yêu dấu/Mênh mang những bể dâu” của “Nụ Cười Trăm Năm.”
3.
Du Tử Lê
Hành trình từ thơ đến nhạc Trần Dạ Từ: Những ẩn số?
Tìm đến với thơ để làm giầu có thêm cho cõi giới âm nhạc của mình, là một việc làm vốn bình thường, quen thuộc của nhiều nhạc sĩ từ Đông qua Tây, chứ không phải đó là một nét đặc thù của sinh hoạt thi-ca Việt Nam. Nó càng không là nét nổi bật của hai mươi năm sinh hoạt văn học, nghệ thuật miền Nam.
Nhưng điều đó, không có nghĩa tất cả mọi người đều cho cuộc hôn phối giữa thơ và nhạc, là một hôn phối lý tưởng. Ngược lại! Không ít người cho rằng, đã đến lúc phải chấm dứt. Đại diện cho quan điểm này, có thể kể họa sĩ, nhà văn, nhà thơ Tạ Tỵ.
Sinh thời, họ Tạ trong một bài viết về thơ của chúng tôi, đã không ngần ngại lên án gay gắt việc đem thơ vào âm nhạc. (Cá nhân ông, trong quá khứ, cũng đã có đôi bài thơ trở thành ca khúc.) (10)
Dù ông không đưa ra những luận cứ cụ thể để bảo vệ quan điểm của mình, nhưng tôi tôn trọng ý kiến ông - Bằng vào chiêm nghiệm, có những nhạc sĩ đã giết chết bài thơ một cách tức tưởi, ngay tự những nốt nhạc thứ nhất của họ.
Nhưng, thực tế cũng cho thấy, không thiếu những bài thơ tầm thường, trở thành quen thuộc. Được đám đông yêu thích. Sau khi chúng được hóa thân, thoát xác bởi giai điệu. Thậm chí, cũng có không ít trường hợp, tác giả thơ, vốn không được bao nhiêu người biết tới, nếu không có phần dao, kéo thẩm mỹ kỳ diệu của âm nhạc.
Tôi cũng tôn trọng những tìm đến với thơ, của một số nhạc sĩ miền Nam. Dù cho trong số họ, dường như chưa một ai đưa ra những lý giải rốt ráo về tương quan hữu cơ giữa thi ca và âm nhạc.
Tuy nhiên, nói chung, âm nhạc vốn thuộc lãnh vực nghệ thuật. Nó trực tiếp đi vào trái tim người thưởng ngoạn, không qua những giải mã của khối óc.
Theo các nhà nhạc họ thì, âm nhạc đúng nghĩa không có lời. Đó là bậc thang cao nhất của bộ môn nghệ thuật đặt căn bản trên giai điệu. Với thời gian, vì nhu cầu phục vụ quảng đại quần chúng, âm nhạc đã rời tháp ngà, bằng cách thêm ca từ. Tự đó, chúng ta có ca-khúc.
Sự tương tác giữa giai điệu và ca từ, sẽ được coi là một hôn phối tốt đẹp của cặp đôi nghệ thuật và văn học, nếu ca từ một ca khúc ẩn chứa giá trị tư tưởng, triết lý hoặc vẻ đẹp mới lạ, chữ, nghĩa được đặt đúng chỗ. Trường hợp này, âm nhạc vượt khỏi phạm trù nghệ thuật, để hòa nhập phần nào vào văn học. Nói cách khác, các ca khúc ấy, tự thân, đã có được cho nó, tính văn học.
Trong dòng chảy tân nhạc Việt Nam, chúng ta có khá nhiều ca khúc mang tính văn học. Trong số đó, không ít vốn bắt nguồn từ thi ca. Như một số ca khúc của Văn Cao, Dương Thiệu Tước, Đoàn Chuẩn - Từ Linh, Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Cung Tiến, Trịnh Công Sơn, v.v…
Cũng trong dòng chảy liên lủy của dòng tân nhạc Việt, hôm nay, nếu họa sĩ, thi sĩ nhà văn Tạ Tỵ còn tại thế, tôi không biết ông sẽ có cảm nghĩ gì? Khi trên tay ông là một đĩa nhạc gồm nhiều bài thơ được soạn thành ca khúc, bởi chính tác giả của chúng. Tôi muốn nói tới đĩa nhạc “Nụ cười trăm năm,” nhạc Trần Dạ Từ. (11)
Với cá nhân tôi, đó là hai cành nhánh đi ra từ một gốc. Gốc Trần Dạ Từ. Do đấy, nếu thi sĩ Tạ Tỵ có mặt giữa chúng ta hôm nay, ở đây, tôi tin, ông sẽ không phải nhọc lòng cật vấn: Nên / không nên đem thơ vào khuôn nhạc! Bởi vì, thơ và nhạc đã là một. Nó tựa như hai mặt một đồng tiền. Nó là sự lấp lánh khôn biện biệt vì, cùng một duyên khởi. Một tâm thái. .
Vấn đề đặt ra là: Nó đã đem những gì đến cho người nghe?
Câu trả lời sẽ không khó, nếu mười hai ca khúc đa số viết trong 13 năm tù đầy của thi sĩ Trần Dạ Từ trong đĩa nhạc vừa kể, là những hờn căm. Những uất nghẹn. Nhục nhằn. Đầy ải. Vô nhân…
Câu trả lời sẽ không khó, nếu đó là những tình khúc, như những tình khúc chúng ta đã có từ hơn nửa thế kỷ qua. Những tình khúc được chắt ra từ những thời-tiết-tình-cảm trong bối cảnh thời gian, nơi chốn của cá nhân, đôi lứa. Những tình khúc lộng lẫy chia lìa. Tuyệt vọng. Những tình khúc long lanh cảm thức đáy sâu chôn vùi hoặc, đỉnh ngọn mất tích, của những cuộc tình đổ vỡ. Bi thương.
Câu trả lời cũng sẽ không khó, nếu đó là những tình khúc như những xuôi chảy về vực chứa đáp ứng tâm-lý-thuận-chiều đám đông.
Ngặt thay, những quen thuộc kia, không có trong cõi giới âm nhạc Trần Dạ Từ. Trái lại. Tôi gặp, thấy trong đĩa nhạc “Nụ cười trăm năm” của Trần Dạ Từ là những cảm thức, những dòng chảy thác, ghềnh khác.
Với 13 năm tù đầy, trải qua hầu hết những trại tù từ nam ra bắc, sau biến cố tháng 4-1975, những ca khúc làm thành “Nụ cười trăm năm,” như đã nói, hầu hết được viết trong bóng tối của những năm, tháng trước mặt đã bị khóa chặt mọi cửa nẻo! Vậy mà, tôi không thấy một nốt thăng thống hận. Tôi cũng không thấy một nốt giáng hay, một dấu lặng nguyền rủa.
Ngay ca khúc có tính khốc liệt nhất, bài “Chết oan” tác giả viết thời gian bị cầm tù ở trại giam Gia Trung năm 1979. Bài duy nhất nhắc tới hai chữ “ngục tù” và, tự thân mỗi con chữ như một giọt cường toan, có khả năng cháy khét thần trí người thưởng ngoạn:
“Một mùa hè chết oan bên trời / Một nụ cười chết oan bên đồi / Một hẹn hò chết oan trong đời / Chết oan trong hồn tôi / Biết bao lời muốn nói // Ngày lại ngày. Chết oan, / Chết oan. Trên ghềnh đá trơ vơ / Biết bao nhiêu đợi chờ / Chết oan. Chết oan trong ngục tù / Biết bao nhiêu mộng mơ / Chết trong ta từng giờ…”
Vậy mà, trước cái chết qua đủ mọi dạng thức, hiện ra trên tất cả mọi nẻo đường, mọi ngõ ngách, đang lạnh lùng, xăm xăm từng bước đi tới, tác gỉa vẫn không quên từ tốn dỗ dành người ngoài cửa ngục, khi khép lại ca khúc (hay khép lại đời mình) bằng một nhắc nhở hãy trở về, an trú trong nôi mẹ: Lời ru:
“Em yêu, thôi đừng nhắc / Cái chết đang điểm giờ / Em yêu thôi đừng khóc / Hãy lắng nghe lời ru./.”
Trước đó một năm (năm 1978,) cũng ở trại tù Gia Trung tác giả đĩa nhạc “Nụ cười trăm năm” viết… (dĩ nhiên trong đầu), ca khúc “Như bóng quê xa.” Một ca khúc sống động vẽ lại một giai đoạn lịch sử của những người yêu nhau trong bối cảnh chiến tranh gia tăng và, sự chết là lời thầm thì thứ hai, song sinh cùng những thầm thì thương yêu đôi lứa mà, vẫn chứa chan lời cảm ơn người, cảm ơn đời:
“Ta lớn lên khi hờn oán đang gào thét / Ta biết nhau khi cuộc chiến đang tràn lan / Trong dằng dặc bạo tàn / Em đã cho anh nụ cười vui trong tóc / Trong đêm đen chết chóc / Em đã cho anh dòng lệ ấm trên môi // Người yêu ơi / Nụ cười em như sao mai rạng rỡ / Còn theo ta dù đêm sâu buốt giá / Khi bên tai ta cái chết thì thầm / Người yêu ơi / Dòng lệ em trên môi ta vẫn ấm // Năm tháng rồi nguôi dần những hàm oan / Nắng mưa rồi lấp dần những trận chiến / Rồi một ngày không xa / Những lời oán hận thôi gào thét // Và chỉ còn lại nụ cười em / mênh mang như bóng quê xa / Và chỉ còn lại tình yêu em / miên man trong trái tim ta./.”
Một ca khúc khác, cũng được viết trong thời gian tác giả bị giam cầm ở trại tù, 1981, bài “Saigon blue,” cá nhân tôi cũng thấy mình chấp chới trôi theo những ấm áp đâu đó của nụ cười nhân ái, niềm tin vào căn để nhân bản hay, thiện căn nhân quần:
“Thành phố oan trái / Ngọn lửa đỏ cháy mãi / Thời trẻ trung rồ dại của ta / Thành phố yêu ma / Còn nhớ ta / Con thiêu thân rụng cánh đêm nào / Chút hơi tàn / vẫn không ngừng kêu người // Thành phố. Thành phố mà nắng vàng thắm tươi như người / Thành phố. Dòng thác òa vỡ vùi lấp nhau trong đời / Dù oan khiên đông gía trong đêm tối / Lời thương xưa thơm mãi trên đôi môi / Em yêu, em có nghe / Thành phố ấy vẫn gọi / Thành phố ấy vẫn thở / Thành phố ấy, em có nghe / Vẫn thì thầm những hẹn hò trong ta…”
Trước nữa, trong trại tù T20, người thi sĩ tài hoa của chúng ta, khi chuyển hóa từ thi ca qua âm nhạc, như một phương cách để tự tồn (lời kể của chính ông), Trần Dạ Từ viết:
“Chiều mưa. Mưa cho ta nhớ / Ta nhớ ôi ngày thơ / Thành phố xưa, hai đứa ta / Nơi hẹn hò / quán nhỏ chiều mưa lũ / Chiều mưa. Mưa cho ta nhớ / Ta nhớ con đường xưa / Ngàn giấc mơ, hai đứa ta, con sông mờ / Trú mưa chiều tháp cổ / Và anh hôn em, như mưa xóa không gian / Và anh hôn em, trong tiếng chuông chiều tan…” (Trích “Chuông và mưa”, 1976).
Giữa trùng vây của ngục tù, trong tuyệt lộ, ông vẫn viết dưới ngọn lửa tình yêu bất biến:
“Cám ơn em đã tới trong mơ / Mang theo vầng trăng đầy một thuở / Cám ơn em đã nhắc dùm ta / Điều không ai còn nhớ: Đêm nay sinh nhật ta // Đêm nay sinh nhật ta / Đêm nay sinh nhật ta / / À ra chính đêm nay ta thành người / Và vầng trăng gọi thủy triều lên đầy tuổi / Đời gọi ta đầy giấc thôi nôi / Lòng gọi nhau, đầy lời muốn nói // Ôi chính đêm này ta có em / Dòng sông thơ dại có trăng rầm / Em áo vàng và em tóc ngắn / Ta đầy nhau và sông đầy trăng…” (Trích “Sinh nhật ca”).
Tôi nghĩ như thi ca, âm nhạc (nhất là loại ca khúc) dù viết được viết cho một người (để nhân bản thành nghìn người), hay được viết cho nghìn người người (để quy về một người), thì xương sống của những tình khúc vẫn là thời gian, nơi chốn, thiên nhiên, thời tiết, con người… Để hình ảnh, cảm xúc, kỷ niệm, suy tưởng… là những động mạch chủ dẫn máu huyết luân lưu, thông qua trái tim, nuôi nấng tình còn (ngay cả khi trong đời thường, tình kia đã mất.)
Do đó, qua những trưng dẫn trên, ta thấy, “Nụ cười trăm năm” của Trần Dạ Từ cũng vẫn là những thành phố, vầng trăng, con sông, đường phố, hẹn hò, buồn / vui một tình yêu! Nhưng đất / trời, nhân gian trong nhạc (cũng như trong thơ) Trần Dạ Từ, đã là một đất / trời / một nhân gian khác. Chúng không còn là những tình khúc được chắt ra từ những thời-tiết-tình-cảm trong bối cảnh không gian, nơi chốn cá nhân, đôi lứa của những tình khúc trước đó. Chúng cũng không còn là những tình khúc long lanh cảm thức đáy sâu chôn vùi, hay đỉnh ngọn mất tích, từng làm thành tên tuổi nhiều tài năng tân nhạc Việt khác. Chúng không xuôi chảy về vực chứa đáp ứng tâm-lý-thuận-chiều đám đông.
Tôi cũng tìm thấy trong cõi nhạc Trần Dạ Từ một khía cạnh ít thấy trong kho tàng tình khúc của chúng ta; đó là tính dí dỏm thông minh (mà thấm thía như hậu vị của một tách trà lựa lọc từng lá. (Tính dí dỏm vốn nhiều, sẵn trong thơ ông):
“Khi hai đứa quen nhau / Em ngó trời, anh ngó đất / Giây phút đầu ấy, trời đất nôn nao / Khi hai đứa thương nhau / Ôi bầu trời ôi mặt đất / Trời đất quấn quýt tan trong nhau / Anh hôn em anh hôn em lần đầu / / Trời đất biết ta / Khi em về trời em đẹp nhất / Khi anh về đất anh đẹp nhì / Nhất nhì hai đứa ôi trời đất / Còn lại mênh mang…Còn lại mênh mang một chút gì…” (Trích “Trời đất biết ta.”)
Hoặc:
“…Gọi nhau nghe trái đất quay / Trái đất quay, quay, quay nửa vòng (…) Cùng nhau, hai tuổi năm mươi / Có nhau, ta có chung nụ cười / Nụ cười trăm năm / Nụ cười trăm năm./”. (Trích “Nụ cười trăm năm.”)
(Tôi không hiểu, cớ gì trái đất quay nhiều như vậy mà, cuối cùng cũng chỉ chuyển dịch được có nửa… vòng? Tôi cũng tự hỏi, nếu họ cùng có hai tuổi…một trăm, thay vì cộng, thi sĩ nhân lên, ông sẽ có bao nhiêu…nụ cười?)
Nhưng, đáng kể hơn cả, theo tôi, qua “Nụ cười trăm năm,” tình khúc Trần Dạ Từ đã cho thấy: Rào kẽm, công an chấp pháp, quản giáo, tổ trưởng, đội trưởng, trật tự, “ăng ten”… đã không thể giam nhốt, không thể theo dõi, không thể báo cáo, không thể lập biên bản cái phần vằng vặc nhân bản trong ông.
Sự nhân bản hóa thảm kịch cá nhân mình, để mở vào một tình yêu bao la, tình yêu nhân loại, tôi nghĩ, luôn là thuộc từ của những Thi-Sĩ-Viết-Hoa.
Tôi muốn gọi đó là những quý kim hay, tiền tệ riêng, trong ngân khố trí tuệ sung mãn tài năng, Trần Dạ Từ.
Nếu cách đây trên nửa thế kỷ, ta đã để thi ca Trần Dạ Từ dẫn dắt ta đến những chân trời thơ mộng và, lãng mạn, xanh. Thì, hôm nay, xin rằng, cũng vậy.
Cũng vậy, qua âm nhạc, ta hãy để những tình khúc của ông dắt đưa ta, từ các mảnh đất “chết oan,” tới chân trời nhân bản, lấp lánh tin yêu, qua người phát ngôn không thể xứng hợp hơn: Tiếng hát Khánh Ly. Quê người.
(DTL: Feb. 16, 2011)
Chú thích:
(10): Đọc “Tạ Tỵ, Du Tử Lê nhà thơ của những khám phá,” Nguyệt san Thời Báo, Texas, số tháng 3-1997. Hoặc “Du Tử Lê, tác giả và tác phẩm” tập II, Tủ sách văn học Nhân Chứng, California, ấn hành 1997.
(11) Khánh Ly Productions, California, 2010
_______________
Buồn ga nhỏ
Trần Dạ Từ
Nếu một ngày nào, người ta sẽ bóc những con đường sắt này đi, những con tàu sẽ không qua lại nữa và ta vẫn phải sống ở đây…
Rất nhiều lần, Hảo nhìn lên cái chòi nước cao lênh khênh đứng ở cuối sân ga và nghĩ như vậy. Hảo không cần tìm hiểu xem tại sao mình đã có ý nghĩ đó cũng như chẳng bao giờ thắc mắc đến cái nếp sống tẻ nhạt của mình kéo dài từ ngày này qua ngày khác giữa một nơi hẻo hút. Cuộc đời của Hảo từ lúc bé dại cho đến khi trưởng thành đã bị gắn liền vào cái ga trạm nhỏ bé này, như những con tàu bám lấy những con đường sắt.
Hảo lên đây từ ngày nàng mới lên tám tuổi, sau khi đã theo học ở một trường quận miền xuôi, vừa đủ để biết đọc những pho truyện Tàu cho mẹ nghe và viết giúp mẹ những món tiền chi thu hàng ngày trên cuốn sổ chợ. Gia đình Hảo hồi đó gồm có một ông bố nghiện rượu, yêu những toa tàu và những chai rượu hơn yêu vợ con, một bà mẹ sống lầm lũi như một cái bóng và một người anh trai ngờ nghệch, thích làm phu khuân vác ở ngoài ga hơn là cắp sách đến trường.
Năm Hảo mười bốn tuổi thì mẹ nàng qua đời. Người anh trai của nàng cũng bỏ nhà ra đi sau đó ít lâu. Cha nàng càng uống rượu nhiều hơn để rồi cuối cùng tục huyền với một người đàn bà bán thức ăn trên xe lửa. Những sự thay đổi đó cũng chẳng khiến Hảo vui thêm hay buồn thêm. Mười bảy tuổi, Hảo lấy chồng. Người chồng của nàng cũng là một nhân viên trong nhà ga và uống rượu cũng không thua gì bố vợ. Cho tới bây giờ Hảo vẫn không hiểu được tại sao nàng lại trở thành vợ của người đàn ông già hơn nàng đến gần hai chục tuổi, đen đủi và xấu xí như một đầu tàu xe lửa cũ kỹ kia. Cái hình ảnh mà Hảo nhớ nhất trong ngày cưới của nàng là đêm tân hôn. Người ta dẫn nàng vào một căn phòng nhỏ và để nàng ở trong đó một mình. Nàng ngồi trên chiếc giường có trải chiếc chiếu hoa hãy còn mới. Trong khi đó ở nhà ngoài, người ta thi nhau uống rượu và nói đủ thứ chuyện nhảm. Mệt mỏi, Hảo ngã người xuống giường, mặt áp lên chiếc gối có thêu những đóa hoa lớn. Rồi nàng ngủ thiếp đi cho tới lúc cảm thấy có một hơi thở nặng nề ở bên cạnh thì giật mình tỉnh dậy. Cái cảm giác đầu tiên của nàng là sợ hãi và buồn nôn. Giữa đêm khuya im lặng ngọn đèn dầu nhỏ đặt trên bàn soi rõ nét mặt đần độn và đỏ nhừ của người chồng. Mắt y nhắm nghiền lại và cái miệng có những chiếc răng nửa vàng nửa đen hả ra. Hảo rùng mình, quay mặt vào tường. Một lát sau nàng lại tiếp tục giấc ngủ bỏ dở, cho đến khi bàn tay người đàn ông kia lay khẽ vai nàng…
Ấy thế rồi Hảo đã thành bác Tín gái, như tất cả mọi người chung quanh đã gọi. Cái tên Hảo mờ dần theo những ngày tháng làm vợ của nàng để rồi bị quên hẳn.
Như vậy đã ba năm. Những con tàu vẫn qua lại một ngày hai buổi. Những nét mặt chung quanh vẫn là những nét mặt cũ. Chỉ có những ngọn cây rừng ở chung quanh là Hảo nhận thấy hình như chúng mọc cao thêm và mỗi ngày che lấp thêm một khoảng chân trời.
Tiếng gọi của gã đàn ông khiến Hảo giật mình nhìn lên. Ánh nắng chói lòa. Nàng chưa kịp nhận ra nét mặt của người vừa gọi.
- Kiên đây mà… Kiên ngày xưa vẫn sang chơi anh Tứ đó, Hảo nhớ không?
Hảo reo lên một tiếng nhỏ. Kiên là bạn với người anh trai của nàng hồi nhỏ. Y cũng bỏ nhà đi như anh nàng và bây giờ đã trở về, nhưng không còn là một gã thanh niên lông bông như ngày trước nữa. Hảo ngây người ra ngó Kiên. Mớ tôm đang nhặt dở nhảy lách tách dưới chân nàng. Kiên cười, đưa hai tay lên vuốt lại mái tóc bóng loáng:
- Cô Hảo trông tôi có lạ lắm không?
Hảo cũng cười gật đầu, lâu lắm nàng mới được nghe thấy một người gọi đến tên thật của nàng.
- Anh vào trong nhà chơi.
Vừa nói nàng vừa cúi xuống nhấc rổ tôm lên và bước vào nhà. Kiên đi theo, tiếng giày đế da nện lộp cộp trên sàn xi măng.
- Ông cụ đi đâu mà không thấy ở nhà?
Hảo dừng lại và có cảm giác là nét mặt của mình lúc đó đỏ lắm. Nàng ngờ rằng Kiên đang chế giễu mình vì đã lấy một người chồng già.
- Anh nói sao?
- Bác đâu?
Hảo thở dài nhẹ nhõm. Ra Kiên chưa hay tin nàng lấy chồng.
- Bây giờ tôi ở riêng rồi anh ạ.
Nói xong Hảo vội vã bước nhanh xuống bếp. Tiếng Kiên đuổi theo:
- Ở riêng rồi à? Ai thế?
Hảo làm như không nghe thấy những câu hỏi đó. Nàng cất vội mớ tôm lên chạn ăn rồi rửa sạch tay và bước lên nhà. Nàng rót nước mời Kiên:
- Nghe nói anh đã lập gia đình rồi phải không?
Kiên đỡ chén nước trên tay Hảo, cặp mắt nhìn thẳng vào người nàng:
- Làm gì có chuyện đó!
Và y hỏi lại Hảo:
- Cô ở riêng từ hồi nào, sao không nghe ai nói gì cả?
Hảo đứng dựa mình vào tường lơ đãng:
- Ba năm rồi…
- Ai thế?
- Người này chắc anh cũng biết.
- Ai?
Nàng nói rất khẽ:
- Tín.
Kiên tỏ vẻ ngạc nhiên:
- Tín? Có phải bác Tín…
Kiên không nói hết câu, nhìn chằm chặp vào mắt Hảo. Nàng ngượng ngập gật đầu quay đi, tránh cái nhìn bạo dạn đó và nói lảng:
- Có lẽ nhà tôi cũng sắp về rồi đấy! Hay là trưa nay anh ở lại đây ăn cơm với chúng tôi cho vui.
Kiên khẽ vạch tay áo nhìn chiếc đồng hồ mạ vàng lóng lánh rồi đứng dậy:
- Thôi, tôi phải về đằng ông chủ tôi ăn cơm trưa nay. Lúc khác tôi sẽ lại thăm…
Kiên ngập ngừng. Hảo biết rằng y chưa muốn đổi cách xưng hô với nàng. Hai người vơ vẩn nhìn nhau rồi Kiên chậm chạp ra cửa. Câu nói sau cùng của y là một câu nói bâng quơ nhưng Hảo cho là ám chỉ nàng:
- Chóng thật. Mới ngày nào mà bây giờ đã bảy năm rồi. Về đây, trông cái gì cũng thấy khác…
Hảo nhìn theo gã đàn ông quen biết hồi nhỏ của mình. Y đi về phía nhà ga, chiếc bóng đổ xuống mặt đường. Hảo thở dài quay vào, sửa soạn cơm trưa.
Nàng uể oải làm cái công việc hàng ngày đó và lần đầu tiên nàng cảm thấy khó chịu. Những con tôm không còn nhảy lách tách nữa mà mềm nhũn dưới tay nàng. Hảo nghĩ tới bữa cơm sắp tới. Một chai rượu trắng ngất ngưởng đặt trên bàn. Vài ba món ăn khó nuốt. Hơi thở phì phì của anh chồng hôi mùi rượu. Tiếng húp canh xùm xụp. Những lời nói tục tằn, lỗ mãng. Những trận cười làm bắn tung tóe những món ăn. Hảo rùng mình không dám nghĩ tiếp nữa. Nàng rửa tay vội vã rồi đi nhóm bếp. Tiếng kẻng khua từ ngôi trường tiểu học gần đó rộn rã nổi lên. Tiếng trẻ con ào ào đổ ra đường. Chỉ còn nửa giờ nữa, Tín sẽ về. Y sẽ cởi trần ra nằm xuống bộ ván hát ông ổng bài vọng cổ quen thuộc. Chỉ hai câu thôi và ngày nào y cũng hát tới, hát lui trong lúc đợi cơm.
Cái xóm ga nhỏ bé từ ngày Kiên trở về bỗng ồn ào hẳn lên. Ở một nơi mà ngày ngày người ta chỉ đợi có hai chuyến tàu đi về để được nhìn lên những bộ mặt mới lạ của hành khách thì sự có mặt của Kiên đã là một viên đá ném mạnh xuống một vũng nước phẳng lặng. Thằng bé lêu lổng ngày xưa bây giờ đã được người ta nhắc đến một cách trân trọng. Những tiếng đồn về Kiên làm ăn lớn ở Sài Gòn không ngày nào là không được truyền từ miệng người này sang miệng người khác. Sự thật thì chưa một ai biết rõ là Kiên làm nghề gì ở Sài Gòn cả. Họ chỉ nhìn Kiên qua những cách chi tiêu rộng rãi của y và nhất là cái lối nói chuyện có thêm nhiều danh từ mới lạ của y đã đem từ Sài Gòn về. Cố nhiên là Hảo không thể nào không để ý tới sự có mặt của người đàn ông đó. Cả một nếp sống bình lặng của nàng đã bị xáo trộn hẳn lên. Những giờ Tín đi làm, Hảo thường hay thơ thẩn đứng chơi ở trước cửa nhà mình. Nàng hiểu tại sao mình làm như vậy nhưng không sao đặt tên cho những ý nghĩ thầm kín đang dằn vặt trong lòng nàng. Một đôi khi gặp Kiên đi qua cửa, cúi chào mình, Hảo lại thấy lòng mình bâng khuâng, thao thức. Nàng muốn gọi y lại, để được nghe y nói một vài câu như hôm đầu tiên y đến thăm nàng nhưng cái tiếng gọi đó chẳng bao giờ thốt ra được. Những cặp mắt tò mò của những người chung quanh và những cái miệng nhàn rỗi lúc nào cũng như sẵn sàng để nói đến việc thiên hạ đã khiến Hảo lo ngại. Vì vậy Hảo chỉ còn mỗi một niềm an ủi cuối cùng là ngày ngày ra đứng ở cửa để chờ Kiên và để được nhìn thấy Kiên mỉm cười cúi đầu chào mình. Hảo gọi đó là những giờ vui trong một ngày. Và những giờ vui đó sẽ vụt tắt khi tiếng kẻng khua rộn rã của trường học vẳng lên báo hiệu giờ sửa soạn hai bữa cơm buồn nản thường nhật.
Buổi chiều hôm đó, cũng như mọi bữa, Hảo đứng trước cửa, vơ vẩn nhìn những đám cây rừng xanh ngắt phía xa thì Kiên đi tới.
Sau khi chào nàng, Kiên đứng lại chứ không đi thẳng như những lần khác. Hảo ấp úng:
- Mời anh vào chơi trong nhà…
Và nàng đi nhanh vào nhà. Kiên chậm bước theo sau.
- Sao anh hẹn lại chơi mà từ bữa đó tới nay chẳng thấy anh tới?
Kiên ngước mắt nhìn lên mái nhà, không trả lời Hảo. Những tia nắng chiều lọt từ kẽ lá chiếu xuống chỗ hai người.
- Bao giờ anh đi về Sài Gòn?
- Tối nay.
Kiên chậm rãi trả lời, mắt vẫn nhìn lên mái nhà. Hảo nghe rõ một tiếng nấc ngắn ngủi trong cổ mình. Nàng nhắc lại câu trả lời của Kiên rồi hỏi khẽ:
- Sao anh về Sài Gòn sớm thế? Mới ở đây có ít ngày đã lại đi ngay, có việc gì vội hay sao?
- Không, chẳng có việc gì vội cả nhưng ở đây buồn quá, tôi không thể nào ở đây lâu thêm được nữa.
Hảo cười gượng gạo:
- Thế ngày xưa, anh sống ở đây thì sao?
- Ngày xưa khác. Bây giờ khác. Ngày xưa chị còn là… cô Hảo, bây giờ chị đã là…
Cặp mắt của Kiên từ từ cúi xuống nhìn những ngón tay của Hảo đang đặt trên thành ghế.
- Là gì đi nữa thì tôi với anh cũng là những người bạn thuở nhỏ, Hảo tiếp, và tôi mong rằng anh vẫn cứ gọi tôi bằng tên Hảo như ngày xưa…
Hảo nói câu đó một hơi dài và nói xong nàng mới giật mình không ngờ là đã nói được một câu như thế. Và, nàng đứng lặng trước mặt Kiên, đôi mắt chớp nhanh.
- Tôi đi Sài Gòn lần này, có lẽ lâu lắm mới trở về đây được. Nếu tối nay, Hảo không mắc công chuyện gì, Hảo hãy ra ga…
- Không được đâu, Hảo run giọng trả lời, tôi không thể nào tới đó được!
Kiên đứng dậy đi lại gần chỗ Hảo đứng:
- Nếu vậy, chúng ta hẹn nhau ở nơi khác trước giờ tàu chạy, được không?
Hảo giật mình, hai bàn tay nắm chặt lấy thành ghế:
- Không… không được đâu!
Kiên thở dài. Y nói bằng một giọng vô cùng tha thiết và Hảo có cảm tưởng như y đang đứng sát bên nàng:
- Hảo có biết không? Tôi về đây lần này chỉ mong gặp Hảo. Vì Hảo mà tôi trở về nơi này. Ngờ đâu, Hảo bây giờ không còn là Hảo ngày trước nữa. Tôi đi qua nhà Hảo, nhìn thấy Hảo đứng ở cửa hàng bao nhiêu lần mà không dám dừng lại để nói chuyện với Hảo. Tôi…
Kiên còn nói nhiều hơn nữa, những lời nói của y biến thành những ngọn gió mát rượi thổi vào tâm hồn Hảo. Trong một lúc, Hảo thấy khu rừng trước mặt xanh hơn lúc thường và ánh nắng chiều đã hết gay gắt. Chưa bao giờ Hảo được nghe những lời dịu ngọt như vậy từ miệng một người đàn ông thốt ra, ngay cả những lúc nàng được chồng âu yếm. Hảo rùng mình. Bàn tay nàng rời khỏi thành ghế và che lấy mặt. Khi Kiên vừa đặt tay lên người nàng, toàn thân nàng run bắn lên. Nàng vội vã gạt tay Kiên ra và chạy lại góc tường nép vào đó. Kiên vừa định bước tới thì một hồi kẻng vang lên. Những tiếng ồn ào của lũ trẻ nhỏ tràn ngập như thác nước ùa ra ngoài đường. Hảo kêu lên qua hơi thở dồn dập:
- Thôi, anh về đi. Về đi. Đã đến giờ, tôi…
Kiên dừng lại. Gã đàn ông hiểu ngay câu nói bỏ lửng của nàng. Y nhìn ra ngoài cửa. Một vài đứa bé đi học về, đang lởn vởn nhìn vào. Hảo giục thêm một lần nữa rồi úp mặt vào tường. Nàng nghe rõ tiếng giày của Kiên xa dần, xa dần…
Tiếng còi rú lên một lần cuối rồi cả đoàn tàu lừ lừ tiến vào bóng đêm. Đứng nấp vào một góc tối nhất của sân ga, Hảo nhìn theo đoàn tàu. Phía bên kia, Hảo thấy rõ chồng mình đang lắc lư chiếc đèn đỏ trên tay.
Khi đoàn tàu đã khuất hẳn và chiếc đèn đỏ trên tay chồng nàng không còn lắc nữa, Hảo mới men theo con đường cỏ trong sân ga, đi lối tắt về nhà. Những bước chân của Hảo dẫm lên đám cỏ rừng, lạnh buốt và nhói đau. Nhưng, Hảo không cảm thấy gì hết. Nàng chỉ nhìn lên cái chòi nước nằm cuối sân ga và nghĩ đến những ngày tháng sắp tới. Tiếng kẻng khua tan giờ học. Cái bếp lửa than hồng. Hai bữa cơm đều đặn trong một ngày. Những cơn say ngu độn của ông chồng với hai câu vọng cổ. Hảo muốn bật khóc nhưng không sao khóc được. Tất cả còn lại trong lòng nàng là một sự trống rỗng khủng khiếp, một sự tiếp nối những buồn nản thường xuyên, chạy dài như những con đường sắt.
_______________
Chùm thơ Trần Dạ Từ
Khai bút, dặn vợ
Coi chừng
Bàn tiệc khổ đau thịnh soạn
Sức hút lạ lùng của bóng ma
Đang hú gọi ta
Trong bụi gai ký ức chằng chịt
Coi chừng
Sự rực rỡ của những vết thương
Con xúc xắc đen đỏ quay tít
Đang hớp hồn ta
Cõi xa thẳm mù mịt
Bắt sâu. Vun gốc. Tỉa lá
Hãy thức khuya dậy sớm
Chăm bón cây oan khiên
Đã nếm trái, nên thưởng hoa của nó
Vâng ý Cha. Nâng chén đắng
Đừng cạn vội vàng
Nhâm nhi. Chiêm nghiệm. Cẩn trọng
Sẽ thấy cái hậu ngọt
Chúng ta chắt chiu từng ấy năm
Gom được chút vốn liếng nhọc nhằn
Dành được chút đắng cay quí giá
Phải dè sẻn, em ạ.
Khi em mười sáu
Cho tôi xin nửa bóng trăng ngoài
Với nửa mùa thu trong mắt ai
Lá rụng bao nhiêu hè phố cũ
Sao nghe lòng rưng rưng nhớ người
Đêm biếc cành soan, thơm giấc mơ
Đầu hiên hoa trắng nở bao giờ
Em mười sáu tuổi trăng mười sáu
Áo lụa phơi buồn sân gió xưa
Tôi dối lòng tôi đêm sắp tàn
Đêm tàn để lạnh giấc mơ em
Để bàn tay gối sầu trên ngực
Và gió thu đầy trong mắt trăng
Tôi dối lòng tôi trăng sắp mờ
Trăng mờ em sẽ thấy bơ vơ
Sẽ thương cho những con đường cũ
Và nhớ bao nhiêu lối hẹn hò
Nhưng hẳn là em không nhớ đâu
Giấc mơ còn mát ánh trăng sầu
Hoa còn thơm tuổi đời trên má
Mùi áo còn say muôn kiếp sau
Lòng nhớ lòng thương lòng ngại ngùng
Bây giờ tôi cách núi xa sông
Bài thơ từ thủa trăng mười sáu
Mười sáu trăng chờ em biết không
Tôi dối lòng tôi bao nhiêu lần
Bao nhiêu lần trăng vẫn là trăng
Lòng nhớ lòng thương lòng sắp khóc
Đêm chưa tàn đâu đừng nói năng.
(Trích Thủa Làm Thơ Yêu Em)
Nụ hôn đầu
Lần đầu ta ghé môi hôn
Những con ve nhỏ hết hồn kêu vang
Vườn xanh, cỏ biếc, trưa vàng
Nghìn cây phượng vỹ huy hoàng trổ bông.
Trên môi ta, vạn đóa hồng
Hôn em trời đất một lòng chứa chan
Tiếng cười đâu đó ròn tan
Nụ hôn ngày ấy miên man một đời
Hôm nay chợt nhớ thương người
Tiếng ve mùa cũ rụng rời vai anh
Trưa vàng, cỏ biếc, vườn xanh
Môi ai chín đỏ đầu cành phượng xưa.
Dạ khúc một, hai, ba
I.
Khi buổi chiều rụng xuống, lũ cột đèn đứng lên
Con phố này nỗi đau buồn bật sáng
Làm sao anh không thể nhớ em ngày tóc chẻ đôi
Mùa đông dài, tiếng guốc nhỏ,
Khua mãi vào vô thức
Làm sao anh không thể nhớ em
Dù chỉ một lần
Đã đi qua đây không nhìn ai
Và gọi tên anh
Đêm rũ rượi bài hát buồn, cánh tay
Rồi nước mắt
II.
Một vòng hoa trôi tới chân anh
Với con mắt trên lầu cao lén ngó
Khi hạnh phúc vỡ tan như bóng đèn
Dơ tay lên, che mắt nhìn
Quá khứ
Một vòng hoa trùm lấy thân anh
Bàn ghế thoi thóp thở
Hai người bên cạnh, những người xung quanh
Thoi thóp nhớ.
Một vòng hoa đặt xuống đời anh
Rồi cỏ mọc lên không nói gì
Không nói gì, không, không còn thiết nói gì
Cả bài thơ, cả tuổi thơ này nữa
Người ca sĩ già ôm chiếc máy phóng thanh
(vòng hoa trôi tới vòng hoa trùm lấy
và vòng hoa đặt xuống)
Ôi tiếng nào ru anh vào giấc ngủ em
Bài ca ấy hay vòng hoa phúng viếng.
III.
Anh đi qua đó lần thứ hai
Giấc mơ quen tựa bàn tay bỏ thõng
Hai dãy lầu cao chiếc bóng lẻ loi
Dấu vết em không còn lại chút gì
Như đời sống
Đi qua đó lần thứ hai
Này
Người đàn bà đứng trên bao lơn nhìn xuống kia
Nhớ tôi không
Một cái đầu to hai cánh tay dài
Và những cơn bão vọng
(Trích Thủa Làm Thơ Yêu Em)
Thơ tình kiểu Nguyên Sa
Nó ở đâu ra. Cái nhe răng
Nó ở đâu ra. Cái trợn mắt
Nó ở đâu ra. Cáo gầm gừ
Nó ở đâu ra. Móng và vuốt
Chúng ta đã gặp gỡ. Đã hẹn hò
Đã ôm ấp. Đã vuốt ve
Đâu thấy có nó
Chúng ta đã yêu đương. Đã sinh nở
Đã ghen tuông. Đã giận dữ
Đâu thấy có nó
Chúng ta đã sụp đổ. Đã chia lìa
Đã nhắm mắt. Đã tưởng tượng
Đâu thấy có nó
Nó ở đâu ra. Sao nó ra vậy
Cụp nó lại. Dìm nó xuống
Bẻ nó. Chặt nó. Dzụt bỏ nó
Khó à
Làm thế nào bây giờ
Từ từ. Cẩn thận nhé
Anh hôn em.
Saigon, 9-9-1988
Ngày trở về từ nhà tù
(Trích Nụ Cười Trăm Năm)
Thành phố dỹ vãng
Một bến xe bỏ không từ nhiều năm
Một người tài xế mặc vét xám
Những hành khách
Và chú lỏi tỳ đu theo những chuyến xe
Chiếc phu la đỏ
Em hãy coi sự huyên náo đang bắt đầu trong anh
Tiếng chào hỏi, tiếng cười
Tiếng mời mọc, tiếng gọi
Một ngôi chợ đã biến mất
Những bà hàng vải nhân từ
Một gian hàng tạp hóa có cô con gái đẹp
Một hàng cơm
Người phu quét chợ
Và chú lỏi tỳ chui nhủi như rác rưởi
Dưới quầy sắt, sạp gỗ
Em hãy yên lặng dự một ngày chợ
đang bắt đầu trong anh
Buổi sáng: tiếng xé vải, tiếng mời mọc
Tiếng cãi lộn, tiếng rủa
Buổi chiều: tiếng những nhát chổi cùn
Quét sự sầm uất đi
Và ban đêm, tiếng gió
Một con dốc dẫn xuống thác
Một ki-ốt bán sách báo
Một người đàn ông thọt
Giấu hai chân sau quầy hàng
Từng nhìn chú lỏi tỳ thương xót
Một con dốc dẫn lên nhà hỏa xa
Một lò lửa
Và những bạn gái đầu tiên
Từng cùng chú lỏi tỳ đuổi bắt
Một con dốc dẫn xuống rạp chớp bóng
Một căn phố
Và một thiếu nữ mơ mộng
Từng dạy chú lỏi tỳ đàn hát
Hãy yên lặng trên những vỉa hè đang bắt đầu trong anh
Tiếng chân bước của người thọt
Tiếng đàn măng-đô-lin
Tiếng lửa cháy
Tất cả, đó là một thành phố.
Một thành phố lạnh lẽo mà thân thiết
Ở đó, chú lỏi tỳ của em đã sống và lớn lên
Với những tờ báo phát hành mười giờ sáng
Những mặt hồ và rừng thông
Những bữa ăn bằng lá cây
Những chỗ nằm trong chợ
Và những đêm
Nô giỡn cùng ảo tưởng
Tóm lại, hãy yên lặng sống bên anh
Chúng ta sẽ lên cao, sẽ nhìn xuống
Dưới lớp sương mù kia là thành phố
Trong đó, anh có một dỹ vãng
Như bến xe, như chợ, như phố xá
Lỏi tỳ
Tới cùng ta. Đừng sợ
Mình sẽ nhận ra nhau dễ dàng
Vì chú không bao giờ lớn khôn
Không bao giờ đổi khác
Không bao giờ chết.
Làm thơ không biết mệt
Báo cho em một tin vui, anh vừa đau dậy
Em đừng xuýt xoa, đừng an ủi
Hãy sung sướng cùng anh
Như anh đã sung sướng ốm đau
Sung sướng mạnh khỏe
Anh đã phải chia với em sự sung sướng, em biết không
Như đã từng bắt em chia cùng anh bao khổ đau oan ức
Anh đang sung sướng, đang hạnh phúc
Mỗi bữa cơm anh mạnh dạn ăn ba bát cơm đầy
Mỗi buổi sáng anh mạnh dạn tắm mát
Anh ăn nhiều quá chăng
Tắm nhiều quá chăng
Em yêu, đừng trách anh
Hãy nhớ tin vui anh báo em
Anh vừa đau dậy
Em chưa vui nổi cùng anh sao, em yêu
Sao em ngu thế
Anh sắp kể em nghe bao chuyện lạ
Chuyện anh gặp thần chết trong cơn đau sung sướng
Thần chết, em ơi, ngồi ngay trên đầu giường
Thần chết, em ơi, đứng ngay trên trần mùng
Thần chết, em ơi, đẹp đẽ không kém em
Ngây thơ không kém anh
Anh sung sướng quá, anh không đủ ngôn ngữ diễn tả
Hãy nhìn sâu mắt anh
Thần chết trong mắt anh quần áo thùng thình
Đầy nhân từ khoan khoái
Em yêu, em nhớ hay quên
Những món nợ anh đã từng vay em
Đã từng cùng em vay kẻ khác
Những món nợ vay một trả mười
Vay một bàn tay trả bao nhiêu thân xác
Vay một dòng lệ trả bao nhiêu đại dương
Vay một nụ cười trả bao nhiêu sầu thảm
Phải rồi, em yêu, làm sao ta quên nổi
Những chủ nợ ta từng vay
Từng bắt ta nhăn nhó khi vay
Nhăn nhó khi khất nợ
Nhăn nhó khi trả nợ
Em yêu, đừng la anh lạc đề
Cũng đừng sót ruột
Anh nhớ anh đang kể em nghe chuyện thần chết
Anh nhớ anh phải nói rõ em biết
Thần chết, chính là một chủ nợ
Em đừng giật mình, đừng nhăn nhó
Chính thần chết đã cho ta vay ngày thôi nôi
Với bao nhiêu năm sống
Bao nhiêu ngọn nến đủ màu tươi cười trên chiếc bánh sinh nhật
Như anh đã từng vay thần chết
Bao nhiêu ngày đêm phấn đấu và yêu em
Em nhớ không, em yêu
Những lần chúng ta khất nợ nhau
Những lần cùng nhau khất nợ người khác
Em nhớ đi, anh sắp kể em nghe
Chuyện anh vừa khất nợ với thần chết
Anh khất nợ tươi vui không sượng sùng nhăn nhó
Khi thần chết nhìn ra anh, vồn vã
- Ủa, xong rồi hả, đến trả nợ đấy hả, sớm thế
- Ối dào, xong gì đâu, bác ơi
Thần chết vồn vã hỏi, anh vồn vã đáp
Và anh tỉ tê với thần chết
Nào em chờ anh về yêu mến
Nào bạn bè chờ anh về nhậu nhẹt
Nào quê hương nhân loại chờ anh về phụng sự
Anh còn muốn tỉ tê nhiều nữa
Nhưng em biết sao không
Thần chết đã tươi cười giở sổ
Tươi cười gia hạn cho anh nợ
Không so đo lời lãi
Em yêu, em thấy chưa
Đúng anh còn yêu em yêu loài người
Còn muốn nhậu nhẹt và phụng sự
Như thần chết, ông chủ nợ nhân từ, còn yêu mến ta
Còn tiếp tục cho ta vay những ngọn nến rực rỡ
Nở chan hòa hạnh phúc trên bánh sinh nhật em
Trên bánh sinh nhật của con thơ
Bánh sinh nhật của bằng hữu nhân loại
Đã vui nổi cùng anh chưa, em yêu
Hãy cùng anh ngọt ngào như bánh
Chiếc bánh sinh nhật tròn trĩnh thơm tho
Đang chờ ta chia nhau
Hãy cùng anh tung tăng như lửa
Ngọn lửa ấm áp của sự sống vẫn cháy
Dù nơi này hay nơi kia
Vẫn cháy, dù người này hay người khác
Vẫn cháy, dù chính đôi ta
Không còn nữa
Nhận tin vui anh báo chưa, em yêu
Hãy ghé nụ cười em gần lửa
Cho anh nhìn rõ
Hãy ghé hơi thở em gần bánh
Cho anh nuốt ngon
Hãy sung sướng cùng anh vừa đau dậy
Như anh sung sướng yêu em yêu loài người
Sung sướng yêu sự sống yêu sự chết
Và sung sướng làm thơ không biết mệt.
(Tạp chí Văn, 1972)
. . .
Đăng ngày 03 tháng 07.2016