Tác giả & Tác phẩm

01 tháng 06.2016

phingochung
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

Dẫn nhập: Với cái nhìn chủ quan của người biên soạn, tuyển tập 300 tác giả và tác phẩm đơn thuần chỉ là công việc góp nhặt sỏi đá những tác phẩm tiêu biểu một thời của những tác giả tiền chiến, hậu chiến, trước hay sau 75 của hai miền Nam Bắc, trong nước cũng như ngoài nước, già hoặc trẻ, cũ hoặc mới. Tác giả và tác phẩm được góp mặt mỗi tuần theo thứ tự họ hoặc tên qua mẫu tự A, B, C… Xin thành thực cám ơn những tác giả có mặt trong tuyển tập nhưng vì trở ngại thông tin, chúng tôi đã không thể xin phép quý vị trước khi đăng tải.
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng


Nguyễn Xuân Hoàng (II)

Tiểu sử
Hiện ngụ cư tại Hoa Kỳ.

Tác phẩm
Kẻ tà đạo, Ý nghĩ trên cỏ

nguyen xuan hoang
Ảnh Nguyễn Hoàng Nam

Mục lục
Tự truyện một người vô tích sự
Nhà văn với nhà báo – Sử Mặc
Vài nét về Tác giả & Tác phẩm – Nguyễn Mạnh Trinh
Văn học Việt Nam trong và ngoài nước
Đọc một chữ, trăm nỗi niềm – Võ Phiến
Nguyễn Xuân Hoàng, từ thơ đến văn - Viên Linh
Nhà từ đường

Phụ đính
Phỏng vấn nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng – Lê Quỳnh Mai
Một chặng đường văn chương -Ngô Nguyên Dũng
Nguyễn Xuân Hoàng và vài "ý nghĩ trên cỏ” -Nguyễn Tà Cúc
Nguyễn Xuân Hoàng tại Boston - Trần Thu Miên & Phạm văn Đảm
Nguyễn Xuân Hoàng: “kiểu cách mà hững hờ” - Võ Phiến
Tro, lửa, và nỗi hoài nhớ trong tùy bút của Nguyễn Xuân Hoàng – Bùi Vĩnh Phúc

______________

Tự truyện một người vô tích sự

Tôi là đứa con thứ mười hai trong một gia đình mười ba anh chị em. Mười ba người con trong một gia đình, con số ấy đâu có nhỏ, phải không? Nhưng biết làm sao! Có ai trên đời này được quyền chọn nơi chốn, gia đình hay dân tộc để chào đời đâu. Tóm lại, tôi là một người Việt Nam ra đời ở miền Trung, trong thời chiến, dưới một mái nhà “đông dân” và “kinh tế gia cảnh” đang hồi sa sút.
Phải nói là nhà tôi đông người quá, đông đến nỗi tôi không thể nào nhớ hết tất cả những anh chị em của tôi. Cha tôi, má tôi, đôi ba ông anh, đôi ba bà chị, một vài cô em… chỉ chừng đó người thôi cũng đủ nằm chật trong ký ức tôi rồi.
Vậy thì, có lẽ, tôi chỉ xin nói trước một đôi điều về đôi ba người trong gia đình tôi thôi. Tôi nghĩ rằng khi vẽ lại chân dung những người thân thích ruột thịt của mình, tôi cũng đã tự vẽ phần nào chân dung mình. Tuy có hơi nhợt nhạt, nhưng chắc là sẽ không xa sự thực lắm đâu!
Cha tôi, tất nhiên đó là người mà tôi muốn nhắc đến trước nhất trong bản tự truyện này. Ông cao lớn, quắc thước, vạm vỡ. Ngay giờ đây, khi hồi tưởng lại hình ảnh của ông, điều mà tôi có thể nhìn thấy lại trước nhất và rõ nhất là đôi mắt của ông. Đôi mắt ấy đầy thần lực, hơi lạnh và có một vẻ gì như tàn nhẫn. Khi nhìn ai, đôi mắt kia như phát ra một mệnh lệnh buộc họ phải phục tùng. Rất nhiều màu nâu đen, rất ít lòng trắng, đôi mắt ấy khá gần với loài hổ báo. Cũng có khi tôi tưởng đôi mắt ấy là con dao cau phạt ngang, có thể cắt đứt cổ tôi như chơi.
Tôi rất sợ cha tôi. Và tôi không biết rõ lòng mình là có bao giờ tôi yêu ông không.
Má tôi thường nói cha tôi là một con sâu rượu. Quả thật, ông uống như hũ chìm và không bao giờ tôi thấy ông say. “Tao mà say rượu à, rượu say tao thì có!” Cha tôi nhiều lần nói như vậy.
Mỗi ngày bốn bận, cha tôi uống rượu theo chu kỳ “sáng – trưa - chiều - tối”. Sáng uống theo lối sáng, chiều uống theo kiểu chiều. Sáng đánh răng súc miệng, uống ít thôi. Tối cần giấc ngủ, uống khá khá được. Trưa, chiều thì tùy hứng.
Má tôi nói rượu là độc được. Cha tôi nói rượu là thuốc an thần. Cha tôi tích trữ rượu. Má tôi giấu rượu. Cha tôi ít nói khi đã uống nhiều. Và má tôi không phải là loại đàn bà lắm lời.
Nói chung, gia đình tôi đông, nhưng buồn và lạnh. Chúng tôi cử động, ăn uống, đi lại, học hành, trò chuyện như những người khách trọ trong một căn nhà nấu cơm tháng.
Có một thời gian, tuy hơi bất ngờ, nhưng mà cũng ngắn thôi, tôi thấy cha tôi không uống rượu nữa. “Sáng – trưa - chiều - tối” ông chỉ uống trà. Cái thói quen mà ông không thay đổi, đó là bao giờ cũng thức dậy sớm hơn tất cả mọi người trong nhà. Ông nấu nước trong một chiếc ấm màu đen quánh, pha trà trong một bình đất nung màu đỏ gạch cua bóng lưỡng, và uống trong một cái chén nhỏ cũng bằng đất nung da màu lông thỏ đỏ. Cái chén ấy ông trang trọng gọi nó là Thố Hào Trản. Cha tôi rất quý cái chén này. Có lúc tôi nghĩ là ông quý nó còn hơn đứa con của ông là tôi nữa. Ông thường đem khoe với mấy người bạn của ông cái chén đất và nói rằng nó xưa lắm, “bảy trăm năm tuổi đấy!”. Nếu đời sống con người chỉ kéo dài có năm mươi năm thôi thì cái chén này đã áp vào môi của mười bốn đời người. Nó “chạm” đến bảy thế kỷ của nhân loại. Có lần tôi hỏi ông tại sao cha biết cái chén này xưa tới bảy trăm năm. Ông nói chính một ông bạn làm quản thủ công nhựt ở viện bảo tàng vườn Bách Thảo Sài Gòn nói như vậy.
“Cha à! Ông ta căn cứ vào đâu mà nói như vậy?”
“Tao không biết, nhưng tao tin ông ấy. Ông ta là một nhà chơi đồ cổ lừng danh. Lời ông ông ấy rất có giá trị.”
“Nhưng tại sao bảy trăm năm thì quý?”
“Cái gì trên cõi đời này mà lâu đời đều quý cả.”
Tôi biết cha tôi trả lời lấy lệ. Và tôi vẫn không tin là hễ cái gì lâu đời cũng đều quý cả.
Nhưng đột nhiên, cũng bất ngờ như lần chừa rượu, ông bỏ trà không một lời báo hiệu. Tôi nhìn thấy cái chén đất nung, da màu lông thỏ đỏ, nằm lăn lóc dưới gầm tủ; bình trà bỏ ở góc nhà; còn cái ấm đất màu đen quánh nằm ở chái hiên.
Ông uống rượu trở lại.
Thời gian sau đó rất tình cờ có lần tôi nghe ông nói “mấy cái thằng ăn không ngồi rồi, dư tiền dư của, bày đặt chén Tiểu Tống với Đại Tống, Thán Hào Trổ với Thố Hào Trản!” Theo ông, rượu tốt hơn trà, và cái quan trọng chính là “nội dung” chứ không phải là cái “hình thức”. Chén nào cũng được, rượu là đủ.
Tôi không giống cha tôi về mặt này.
Tôi uống rượu nhưng không mê rượu.

*
Má tôi là một phụ nữ có cái chiều cao “hơi cao” so với chiều cao trung bình của một phụ nữ Việt Nam. Da trắng, tóc đốm màu bạch kim, mũi cao nhỏ, mắt xanh hơi nghịch ngợm, cái vẻ bề ngoài của bà nổi bật giữa những người phụ nữ Việt Nam. Những buổi đi học về, tôi thường chui xuống bếp với má tôi và đôi khi cả bà chị kế tôi cũng xuống bếp theo. Thỉnh thoảng, bà kể cho chúng tôi nghe về những mảnh đời của cha tôi. Chấp vá lại những câu chuyện hở đầu hụt đuôi của bà, tôi hình dung ra cuộc đời của ông, bằng cách thêm mắm dặm muối cho nó liền lạc.
Là thủy thủ của những thương thuyền, cha tôi trôi nổi từ hải cảng này sang thương cảng khác. Nay Hồng Kông mai Tân Gia Ba, mốt Marseille, bữa kia Amsterdam… ông như một con cá mập giang hồ vẫy vùng giữa trời và nước. Những hình xâm xanh lè còn đầy trên chiếc ngực vạm vỡ và lông lá của ông, cùng với dòng chữ lăn quăn trên hai cánh tay ông, làm chứng cho những lời nói của má tôi. Trước khi lấy bà, cha tôi đã có một đời vợ. Mẹ trước tôi là một phụ nữ Pháp, tên Suzanne, sinh trưởng ở Marseille, thành phố mà đã có thời cha tôi tưởng chừng sẽ chôn chân vĩnh viễn lại đó như quê hương thứ hai. Nhưng cũng theo lời má tôi kể, ông phải bỏ đi vì một chuyện “lỡ tay” của ông. Một hôm ông bước vào quán rượu quen, gọi thức uống như thường lệ, nhưng chờ mãi vẫn không thấy người bồi mang lại, trong khi đó thì tên chủ quán người Pháp cứ đi ra đi vào ngó ông khinh khỉnh. Ông sốt ruột, nắm cổ áo hắn hỏi tại sao. Hắn nói ở đây không có chỗ cho một dân “Mít”. Ông giận điên lên, quật tên chủ quán xuống sàn nhà và tấn công hắn bằng một thế võ cực kỳ hiểm độc. Tên chủ quán chết không kịp lời trối trăn. Để trốn tránh pháp luật, ông dắt bà Suzanne chạy lên Paris. Paris đâu phải đất sống của ông. Ông quẩy đuôi trở lại sông hồ, bỏ lại thành phố ánh sáng lộng lẫy kia người đàn bà với một giọt máu của ông. Sau này, vẫn theo lời kể của má tôi, có lần bà Suzanne gửi thư cho cha tôi nói về giọt máu rơi của ông nay đã là một thiếu nữ tên Marthe. Má tôi muốn tự tay biên thư cho bà Suzanne, nhưng cha tôi không bằng lòng. Ông nói đó là chuyện của ông, má tôi không được xen vào. Chị Marthe của tôi có thời nổi tiếng là một trong số những người mẫu lừng danh của Paris. Người ta gọi chị là Marthe Nuyen (lẽ ra phải viết là Marthe Nguyễn mới đúng, nhưng chuyện này đâu có ăn nhằm gì). Tôi biết chi tiết này vì lúc hơi lớn một chút có lần tình cờ tôi nhìn thấy trong cuốn nhật ký của bà chị kế tôi có một tấm ảnh in hình một cô gái Pháp ăn mặc thật đẹp như một tài tử điện ảnh. Sau lưng tấm ảnh là lời đề tặng cho cha tôi có chữ ký rất rõ là Marthe Nuyen. Nhật ký của chị nói rằng Marthe làm nghề người mẫu. Và cha tôi biên thư phản đối bà Suzanne tại sao để con tự do làm nghề này. Nghề người mẫu thì đâu có gì là xấu, nhưng tôi không hiểu tại sao cha tôi nói vậy. Cho đến bây giờ, thật tình mà nói, tôi không biết gì nhiều hơn về người chị có cùng chung với tôi một người cha này. Bỏ Paris, cha tôi đi Hương Cảng, lại theo một số tàu buôn khác, lại giang hồ kỳ hiệp, nay thương cảng này, mai hải cảng kia. Đó là thời gian cha tôi gặp má tôi.

*
Bà là người Trung Hoa, nhưng có dòng máu của dân Hồng Mao. Bà thường nhắc đến ông ngoại tôi một cách kính cẩn như nhắc đến một vị thần đầy quyền lực: “Ông ngoại con không phải là người phàm. Ổng là con nhà quý tộc chớ không phải dân giang hồ tứ chiếng như cha mày đâu.”
“Má, con nhà quý tộc thì sao?” Tôi hỏi.
“Dân quý tộc không lấy con nhà thường dân.”
“Vậy sao má chịu lấy cha?”
“Không biết! Đừng nhiều chuyện! Nhưng má thích tụi con ăn học đàng hoàng, hơn là lang bạt kỳ hồ.”
Bà không muốn chúng tôi giống cái thời tuổi trẻ của cha. Ước muốn của bà, sau này, tôi thấy hình như không đạt được bao nhiêu phần trăm.
Ông ngoại tôi người Bắc Kinh, con một gia đình quyền quý có chức phận, được gởi sang Anh du học. Ông lấy một phụ nữ người Anh và sinh ra má tôi. Không hiểu vì sao ông bỏ bà ngoại tôi ở lại Luân Đôn, về nước chỉ mang theo cô con gái là má tôi. Nhưng rồi, ông cũng không nuôi má tôi. Ông đem gửi bà cho một gia đình người Hoa khác ở Hương Cảng, cung cấp ít tiền bạc và thỉnh thoảng mới đến thăm bà. Cuộc tình duyên giữa má tôi và cha tôi ra sao, không ai trong đám con cái chúng tôi biết. Mà má tôi cũng không bao giờ hé môi nói rõ tại sao một thiếu nữ “con nhà quan xinh đẹp thế kia” (tôi vẫn luôn luôn nghĩ má tôi là người đàn bà đẹp nhất mà tôi đã gặp trong đời) lại đi phải lòng một người đàn ông giang hồ như cha tôi. Dù sao khi tôi bắt đầu nhận ra mình là đứa con của một gia đình đông đảo, tôi có thể nói má tôi là ngưòi đàn bà tần tảo lo cho chồng cho con trong cái xã hội bình thường của chúng ta. Quần quật suốt ngày với con cái nhà cửa, chạy ăn từng bữa, tất tả, ngược xuôi, đắp cái này, vá cái kia, nhưng không bao giờ thấy bà hé răng kêu một lời than thở. Về ngôn ngữ, tôi không biết nói sao cho đúng. Má tôi nói tiếng Hoa cũng sõi như tiếng Việt. Phần tôi, tôi chỉ ăn cắp được của má tôi và cha tôi một chút chiều cao của thân thể, nhưng tiếc thay, tôi không lấy được một tí nào về sự chịu đựng lớn lao của bà và cái cang cường dũng cảm của cha.
Tuy vậy hình như tôi là một đứa con được má nuông chiều quá đáng trong một gia đình đông đúc. Cha tôi lạnh lùng. Anh chị em tôi dửng dưng. Nhiều khi tôi có cảm tưởng như chẳng có sợi dây gia tộc nào ràng buộc được chúng tôi lại với nhau.
Nói nào ngay, mấy ông anh bà chị tôi không ai ghét bỏ tôi, nhưng hình như cũng không ai yêu tôi. Riêng tôi, tôi nghĩ là mình thù ghét tất cả mọi người, trừ một người, tất nhiên, đó là má tôi. Tôi đâu có cần gì phải làm ra vẻ lạnh lùng. Tôi có thừa sự nhạt nhẽo để có thể chia xẻ cho tất cả mọi người. Cái phần ấm áp, tôi chỉ dành riêng cho mỗi một mình má tôi.
Thật ra, chị Thảo tôi, mà tôi có lần nói rất giống má tôi, là người mà tôi cũng yêu lắm, gần bằng tình yêu mà tôi đã dành cho má tôi. Nhưng giữa chị và tôi có một khoảng cách vô hình. Không bao giờ hai chị em tôi nói với nhau quá câu thứ hai mà không cãi nhau. Đúng với cái tên mà má tôi đã đặt cho chị, chị là một thứ cỏ hoang mọc trên một vùng đất khô cằn là cái gia đình tàn tạ của chúng tôi. Và cái sắc đẹp man dại của chị làm cho má tôi lo lắng buồn bã hơn là làm cho bà hãnh diện mừng vui. Chị Thảo là một kết hợp kỳ lạ giữa cha tôi và má tôi. Chị có cái nhan sắc của má tôi và cũng có cái lạnh lùng đôi khi tàn nhẫn của cha tôi.
Năm mười bảy tuổi, chị bị một tên thanh niên con nhà giàu trên tỉnh theo đuổi. Hắn mang tặng chị hết món này đến thứ khác, toàn là loại đắt tiền. Lúc đầu chị cười cợt, coi như trò đùa. Về sau chị vất tất cả những thứ ấy ra cửa. Hắn tên là T. và theo chủ quan tôi, lúc ấy hắn là một thanh niên khá đẹp trai. Cao lớn, để ria mép, ăn mặc chải chuốt, hắn đẹp theo kiểu một công tử. Hắn khôn khéo, tìm mọi cách để chiều lòng mọi người trong nhà tôi. Kín đáo mang rượu đến cho cha tôi mỗi tuần, tặng vải vóc cho má tôi, đồ chơi cho tôi và các em tôi. T. đi lòng vòng chung quanh trước khi chinh phục tâm điểm là chị Thảo tôi. Tôi có cảm tưởng như nếu bắt hắn phải quỳ xuống để xin chị Thảo chút tình yêu, chắc hắn cũng sẵn sàng không do dự. Nhưng chị Thảo nhất mực không hề cảm động hay thương hại hắn nói gì đến thương yêu. Tôi không biết là lúc đó chị có đang yêu người nào không. Hình như là không. Thật ra tôi cũng không chắc lắm. Nhưng rõ ràng là chị vất cái thứ tình yêu đầy quy lụy, say đắm và mù quáng của T. xuống cống rãnh. Nhiều buổi chiều, tôi thấy T. đứng bứt rứt bên kia đường, dưới gốc cây muồng hoa vàng nghệ, ngó chăm vào nhà tôi. Hắn đau khổ thấy rõ. Và thú thật, tôi có thương hại hắn. Tôi thấy chị Thảo tàn nhẫn. Cha tôi không giờ uống một giọt rượu của T. Còn má tôi vào những ngày năm cùng tháng tận, cần mua sắm ít vải may quần áo mới cho chúng tôi, vậy mà bà cũng nhất quyết gói gửi trả tất cả vải vóc lại cho T. Một lần cha tôi cho gọi T. vào nhà, rót rượu cho hắn uống. T. nói không biết uống rượu. Cha tôi bảo “Nam vô tửu như kỳ vô phong” đàn ông không uống rượu như cờ không gió. Hắn nhìn cha tôi như cầu khẩn. Cha tôi cụng ly. T. bưng lên nốc cạn một hơi. “Khá!” cha tôi nói, và rót tiếp một ly thứ hai. Cứ thế hết ly này đến ly khác. Khi cha tôi đứng dậy, T. ói thóc ói tháo, đầu gục xuống bàn, người mềm như sợi bún.
Khi người Pháp trở lại Việt Nam sau cuộc chiến, T. làm thông ngôn trong một tiểu đoàn Lê dương. Hắn lúc bấy giờ nổi tiếng như một hung thần. Nhiều người đã chết dưới tay hắn. T. háo sắc đến độ gần như vùng nào mà tiểu đoàn hắn đi qua đều có vài ba thiếu nữ là nạn nhân của hắn. Đi bên cạnh T. luôn luôn có hai tên lính người Ma Rốc rạch mặt. Nhiều cô gái sau khi bị hãm hiếp, còn bị tên Ma Rốc dùng dao cắt vú và đâm nát cửa mình.
Thời gian này gia đình tôi đã tan thành nhiều mảnh. Tôi theo cha tôi chạy lên Hòn Lớn, một địa danh ở miền Trung, nằm dưới chân một ngọn núi khô cằn, nhà cửa giống như những căn chòi cất vội vàng trên một nền đất chưa được phẳng. Tiếng súng còn khá xa chỗ ở của cha con tôi.
Lúc đó, tiểu đoàn của T. đang bố ráp càn quét ở một vùng quê khác, nơi má tôi và chị Thảo đang ẩn náu. Sau này má tôi kể lại: Một buổi tối T. xông vào nhà với hai tên lính Ma Rốc rạch mặt. Hắn ung dung ngồi hút thuốc để hai tên Ma Rốc đè chị Thảo ra cột lên giường và trói má tôi chặt vào cột nhà. Ở thôn quê hồi đó, phòng khách, phòng ngủ, phòng ăn chỉ là một. Má tôi hãi sợ lắm. Hắn hỏi chị Thảo:
“Em có bằng lòng lấy tôi không?”
“Không!” Chị trả lời.
“Tại sao?”
“Không tại sao gì cả.”
“Chừng nào mới chịu lấy tôi?”
“Không chừng nào hết!”
“Sợ tôi không?”
“Tại sao phải sợ?” Chị Thảo hỏi lại ương ngạnh.
T. rút khẩu súng ngắn đeo ở thắt lưng ra, kê vào đầu chị, nhắc lại một lần nữa. Chị Thảo không nhìn hắn. Má tôi la lên, sợ T. bắn thật. Hắn tát vào mặt má tôi. Xong hắn xé quần áo chị Thảo ra, hãm hiếp chị ngay trước mắt chừng ấy con người. Lúc đó, má tôi nói, hắn như một con thú say mồi. Má tôi phát bệnh nặng sau khi chứng kiến cái cảnh tượng hãi hùng giáng xuống đời chị Thảo. Chị Thảo, sau tai nạn khủng khiếp kia, âm thầm bỏ má tôi đi biệt vô âm tín. Mặc dù chỉ nghe lời kể của má tôi về những hành động dã man của tên T., tôi không bao giờ quên hắn. Tôi sẽ nhắc hắn ở đoạn sau.
Phần tôi, kể từ khi bắt đầu va chạm cuộc sống, tôi khám phá ra rằng con người ta không thể nào sống mà thiếu người khác được. Tôi thấy tôi là kẻ đói tình thương trong một gia đình thừa mứa những liên hệ ruột thịt. Nói giản dị, khi tôi nhận thấy mình cần một bà chị như kiểu chị Thảo để yêu mến thì chị ấy không còn trong gia đình nữa. Có lẽ là chị ấy vẫn còn sống đâu đó mà không muốn trở về gia đình chăng, tôi không rõ.
Tôi giữ lại trong trái tim mình hai người anh. Một ông anh cả và một người anh kế.

*
Anh cả tôi bỏ nhà đi giang hồ khi mới mười bốn tuổi. Năm đó tôi chưa chào đời. Má tôi nói anh đi Sài Gòn. Sau đó là Cà Mau, Rạch Giá, Năm Căn, Cần Thơ, Châu Đốc… Có lần trong bữa cơm má tôi nói anh mày ở Vạn tượng bên Lào mới gửi thư và tiền về cho má. Lần khác trả lời câu hỏi của chị Thảo, má nói anh cả đang ở Savanakhet. Khi cha tôi bỏ trà, liệng lăn lóc cái Thố Hào Trản, là lúc ông nói anh đang ở đồn điền Chup bên Nam Vang, Căm bốt. Nói chung là tôi rất lơ mơ về nơi ăn chốn ở của anh ấy. Còn mặt mũi của anh ra sao thì mãi lâu về sau tôi mới có dịp nhìn thấy.
Người anh kế tôi, tuy cao lớn, nhưng dáng người thanh nhã. Ấy vậy mà khi vừa đậu xong cái bằng tú tài toán anh đã chọn đời lính như một nghề nghiệp. Anh thi vào trường Võ Bị Đà Lạt nhưng khi ra trường chuyển sang binh chủng Không Quân. Khi Sài Gòn thất thủ, anh đang mang lon trung tá, bị bắt đi học tập cải tạo và chết trong lao tù Cộng Sản. Anh là người lính ưa văn chương chữ nghĩa. Anh có nhiều bạn là nhà văn nhà thơ, mặc dù anh không hề viết một truyện ngắn hay làm một bài thơ nào. Sở dĩ tôi có biết mặt quen tên một ông nhà văn, một bà nhà thơ nào đó, chẳng qua cũng là do ông anh tôi dắt về nhà thôi. Anh che chở cho một nhạc sĩ trốn lính, bỏ tiền trợ cấp cho một bà ca sĩ có bầu “với ai đó”. Anh luôn luôn hào hoa rộng lượng. Tôi thích nhìn anh trong bộ đồ bay, chữ Tổ Quốc Không Gian trên ngực áo, chiếc nón lưỡi trai che ngang cặp kính Ray Ban rất là thời thượng. Anh có nhiều bạn gái, phần lớn là ca sĩ phòng trà, và anh không yêu một cô nào quá lâu. Anh nói với tôi anh không có tình yêu. Mãi đến năm Bảy Hai, sau mùa hè đỏ lửa, trước ngày má tôi qua đời, anh báo tin cho tôi biết là anh quyết định lấy vợ. Chị là một cô giáo dạy Vạn Vật và là người rất xa lạ với thế giới đầy buông thả của anh. Nếu cái vẻ hào hoa phong nhã của anh là thứ vũ khí sắc bén chinh phục các cô ca sĩ thì khi gặp chị, vũ khí ấy trở thành thừa thãi, vô hiệu. Chị nói chị lấy anh vì tánh thật thà của anh, chứ không phải vì “cái mã bề ngoài” của anh. Hôn nhân đã ép anh vào một khuôn khổ, không kẽ hở. Nhà cửa, vợ con, gia đình, hàng xóm đâu ra đấy. Anh không còn luông tuồng như xưa nữa. “Tình yêu có thật!” Anh vẫn nói với tôi như vậy khi đã có với chị một đứa con. Tuy vậy mỗi khi có dịp về Sài Gòn, anh như một con cá gặp nước. Bạn bè, ăn nhậu, nhẩy nhót như điên. Vũ nữ, ca sĩ, phòng trà, âm nhạc, rượu chè… anh sống vội vã như thể ngày mai trái đất này sẽ trở thành tro bụi. Tuy vậy có lần anh nghiêm chỉnh nói với tôi rằng không biết cuộc chiến tranh này rồi sẽ đi về đâu. Có nhiều điều anh không hiểu. Tình hình chính trị ngày càng xấu. Các thành phố lớn có vẻ như co rúm lại. Chiến tranh đâu chỉ có ở một mặt trận, nó nằm cùng khắp đất nước thành thị, thôn quê, ruộng vườn rừng núi. Ngay trong hơi thở ta, trên da thịt ta, trong thành phố hiền lành chiến tranh cũng đầy chật. Anh nói đến những ánh đèn nhấp nháy của nhà cửa làng mạc, nói đến rừng núi sông ngòi… những nơi anh đã bay qua. Anh nói đến những đám mây như những tảng bông trắng xốp, đến bầu trời xanh lơ mênh mông. Anh thích nhà văn phi công người Pháp, ông Saint Exupéry trong tác phẩm Terre Des Hommes. Và câu nói của một nhân vật trong cuốn sách này ám ảnh anh là: “Cái mà mình đã làm, mình nói thật, không một con vật nào làm được.” Anh muốn có cái cơ hội thử thách điều đó.
Khi hay tin anh chết trong lao tù cải tạo, nhớ đến lời nói của anh, tôi tự nghĩ không biết anh đã chiêm nghiệm ra điều ấy hay chưa.
Nghĩ cũng hay, một gia đình đông đảo đến là như thế mà chiến tranh đến, chiến tranh đi, vô tình cướp mất của tôi lúc này một ít ông anh, lúc kia một ít bà chị, để rồi rút cục con rắn dài mười ba khúc chỉ còn lại có khúc đầu, khúc giữa và khúc đuôi.
Tôi muốn giới thiệu về ông anh cả tôi trước khi nói tiếp về ông anh trung tá.

*
Cũng giống như cha tôi, anh cả tôi cao lớn vạm vỡ khác thường. Anh có một khuôn mặt bạnh, chân mày rậm xếch, mũi to, miệng rộng, cằm vuông, râu quai nón, đen sạm. Một vết sẹo dài chạy từ khóe mắt đến mang tai. Mắt anh không lớn nhưng lì lợm và dữ dằn như mắt cha tôi. Tóc anh xoắn chảy xuống gần phía ót một chùm mịn quăn tít. Cổ anh tròn cứng, vai ngang, hai bàn tay to lớn phốp pháp. Trên khuôn mặt anh, người ta có thể nhìn thấy một sự kết hợp kỳ lạ, mâu thuẫn đến tuyệt vời giữa sự cứng rắn và mềm mại, dễ ghét và dễ thương, hận thù và thân ái… Tất cả những hình nét mà tôi có thể vẽ được về anh chỉ là nhờ vào những tấm ảnh anh gửi về cho má tôi. Tôi còn nhớ Tết Nguyên Đán một năm nào đó, lần đầu tiên tôi giáp mặt anh. Tôi thấy những đường nét mà tôi đã hình dung về anh là không xa lắm. Hồi đó tôi mới bốn tuổi, má tôi bắt tôi ra mừng anh ở xa mới về. Tôi đứng nép bên má nhìn anh, thấy anh tưởng như một người đã quen nhau từ lâu lắm. Nhưng tôi không chào anh. Anh là người quen trong trí tưởng tôi, hơn là người anh có mặt trong đời sống thực tôi. Anh ở nhà không lâu và lại ra đi hồi nào tôi cũng không nhớ. Tôi chỉ biết thời gian đó gia đình tôi tạm coi như sum họp nhất, mặc dù lạnh lẽo vẫn là khí hậu chính của mọi người. In hình như là trong nhà ai cũng linh cảm sắp có một điều chi đó xảy ra, như chờ đợi một cơn bão vậy. Và tôi thấy người anh cả tôi lúc ấy rất quan tâm đến chị Thảo. Anh nói chuyện khá lâu với chị và loáng thoáng tôi nghe nhắc đến tên T., người thanh niên vẫn theo đuổi chị. Một buổi tối, cả nhà ngồi quanh bàn ăn, cha tôi gợi chuyện để anh cả tôi kể những biến cố đời anh. Anh cười, hàm râu quai nón giãn ra như một ông tây con. Anh nói ít, cũng như má tôi vậy, về nơi ăn chốn ở của anh: rừng cao su, những người phu được mộ từ miền Bắc, những tên chủ đồn điền người Pháp hách dịch phách lối, cách tra tấn dã man những người trốn việc mà bọn cai vẫn thường đối xử với đám phu phen… Anh kể chậm rãi về nhiều người, nhiều việc, nhưng không ai biết chút gì thêm về đời tư của anh. Khi anh đứng dậy thì thầm với chị Thảo điều gì đó, cha tôi tuyên bố một câu khó hiểu: “Thằng này giống tao!” Về sau tôi biết là anh đã “làm thịt” một tên cai phu tàn ác vì hắn hành hạ dã man một người phu đồn điền.
Một năm sau, Cách mạng Tháng Tám bùng nổ trên toàn quốc, anh tôi bị con lốc thời cuộc cuốn theo, thổi bay từ núi rừng này sang núi rừng khác, mặt trận, chiến khu, và biệt tích biệt tăm, cho đến sau tai nạn buồn thảm của chị Thảo tôi.
Tôi quên nói là sau khi trái lựu đạn nội hóa đầu tiên nổ tung trong một ngày mùa Thu ngay trước cửa nhà tôi thì gia đình tôi giống như một tổ ong bị vỡ. Chúng tôi, những con ong bay tán loạn, tơi tả, lạc loài, vô định. Má tôi và chị Thảo một đàng, các ông anh bà chị khác một ngõ. Chỉ có riêng mình tôi, theo cha chạy qua những làng xa tận cùng một chân núi. Tôi biết những cánh đồng xanh lá mạ, những vườn xoài vườn mận, những hệ thống dẫn thủy nhập điền thô lậu, những con sông dài phơi mình ngái ngủ giữa trưa hay trôi lặng lẽ dưới bóng trăng đêm… Tôi được thấy những đàn bò gậm cỏ buồn nản, những con trâu lười biếng trầm mình dưới đầm nước tù ngầu đục… Nhưng cuộc chiến ngày một đuổi nà những người thành phố. Tiếng súng lúc đầu còn xa, càng về sau càng gần hơn. Trước mặt chúng tôi là ruộng vườn, thôn xóm. Sau lưng chúng tôi là núi đá, rừng cây. Cùng đường rồi, chạy đi đâu nữa. Cha tôi nói như vậy. Và ông vừa làm tiều phu, vừa làm nhà nông. Cha tôi nói đất đai chỉ nuôi sống che chở những ai yêu nó, sống với nó, làm việc với nó. Cha tôi là một người tháo vát. Ông nói tận trong máu huyết của mỗi người Việt Nam đều có chứa đựng dòng máu của một nông dân. Đây là thời gian cha tôi trở lại với ấm trà và chén đất. Không còn cái Thố Hào Trản của thời Đại Tống Tiểu Tống gì đó, mà một ông bạn già của cha tôi từng nói. Chén đất nung thứ thiệt màu đỏ gạch cua, cha tôi làm lấy. Ông vẫn là người dậy sớm, nấu ấm trà. Và tôi trở thành người bạn hiền bé nhỏ đối ẩm cùng ông. Cuộc sống của hai cha con tôi nơi sơn cùng thủy tận hạnh phúc một cách bắt buộc. Cha tôi nhắc má tôi và chị Thảo ít hơn là nhắc đến hai ông anh tôi. Cho đến một hôm, một người liên lạc đến báo cho cha tôi biết anh cả tôi ở chiến khu về muốn gặp ông. Tôi mừng lắm. Nhưng cha tôi trầm ngâm không nói chi. Tôi còn nhớ cuộc gặp gỡ của chúng tôi diễn ra dưới chái hiên của căn chòi lợp lá phên. Buổi chiều ở núi lạnh tê. Anh tôi đứng trước sân căn chòi. Vẫn cao lớn, hơi gầy, râu cạo nhẵn, tóc vẫn xoăn tít bám sát da đầu. Vết sẹo dài từ khóe mắt trái đến mang tai. Cha tôi và tôi đứng dưới dàn bầu nậm. Tôi hết nhìn anh lại nhìn cha. Anh gầy càng giống cha nhiều hơn. Hai người đàn ông đứng im sững như hai người thợ săn đang rình mồi, nhìn ngó nhau trân trân. Tôi thấy những đốm sáng cuối cùng của ngày lóng lánh trong đôi mắt anh. Sau cùng, tôi nghe thấy tiếng cha tôi kêu tên anh trai tôi. Tối hôm đó, ba chúng tôi ăn cơm chung bên bếp lửa. Cơm trộn bắp chan nước mắm bằng nước muối pha đường thẻ. Bữa cơm rất ngon miệng, mặc dù tôi đã quá ngấy với những hột bắp nhiều hơn gạo trong chén cơm. Anh ôm tôi vào lòng, lấy khẩu súng ngắn ở thắt lưng ra, tháo đạn, cho tôi mượn. Anh đọc cho tôi nghe một bài thơ của một tác giả mà sau này tôi biết là Quang Dũng:
Mẹ tôi em có gặp đâu không
Những xác già nua ngập cánh đồng
Đó là những câu thơ mà tôi sẽ còn nhớ mãi. Một lúc, anh ngập ngừng nói với cha:
“Con đã gặp thằng T.!”
“Thằng T.?” Cha tôi hỏi gặng. “Mà ở đâu?”
“Ở Tân Hưng. Gần Gò Quít, cha nhớ không?”
“Nhớ. Rồi sao?”
“Con hỏi nó có biết con là ai không? Nó nói biết. Con hỏi nó sợ không? Nó nói không…”
Anh ngừng lại, trầm ngâm.
“Cha biết con đã làm điều gì phải làm cho em Thảo.”
Cha tôi im lặng rót trà vào chén đất, uống một hơi cạn.
Sáng hôm sau, khi tôi thức dậy, anh đã ra đi từ hồi nào. Cả cha tôi nữa, ông cũng đã vào rừng đốn cây làm thêm phên cửa, sửa vách và dành củi cho mùa đông.
Người anh sinh trước tôi vài năm, cũng như tôi, lớn lên cuộc chiến tranh Việt Nam đi vào một khúc quanh khác. Người Pháp đã ra đi sau khi thất thủ Điện Biên Phủ. Người Mỹ vừa đến, Quốc trưởng Bảo Đại bị truất phế, Tổng Thống Ngô Đình Diệm và nền Đệ Nhất Cộng Hòa thành lập. Gia đình mười ba anh em chúng tôi chỉ còn cô út ở nhà với má tôi. Anh cả tôi cũng như chị Thảo đều biệt tăm. Ông anh kế của tôi theo học trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt. Còn tôi, sau đó vào Quang Trung rồi đi Thủ Đức. Chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ. Các tướng lãnh thay nhau cầm quyền. Cha tôi qua đời đúng vào dịp Tết Mậu Thân. Bốn năm sau má tôi cũng “đi theo”, khi một tay nhà báo Pháp viết về “đại lộ kinh hoàng” ở Quảng Trị, nơi người bạn Thủy Quân Lục Chiến của tôi làm bài thơ Cổ Thành tặng tôi trước khi hy sinh. Cô em gái út nhà tôi lấy chồng. Ngôi nhà tôi ở đã bán. Tôi là người lính sống ở văn phòng nhiều hơn chiến trường. Tôi luôn luôn là kẻ được nuông chiều trong một xã hội không phải ai cũng may mắn được như thế. Ông anh Không Quân của tôi tuy vẫn hào hoa bay bướm, nhưng là một người cha gương mẫu, một người chồng tốt. Anh được bạn bè đồng đội quý mến và quả tình anh cũng rất yêu mến con đường anh đi. Một lần chúng tôi gặp nhau ở Sài Gòn, anh nhắc tên người anh lớn và chị Thảo của chúng tôi. Không biết bây giờ anh chị ấy ở đâu, ra sao. Sống chết thế nào. Anh nói chiến tranh ghê tởm và anh hỏi tôi nghĩ sao. Tôi nghĩ sao? Tôi là một người vô tích sự. Nhưng bây giờ hiểu ra, tôi yêu tất cả mọi người. Tôi không thù ghét ai. Người anh Không Quân của tôi cũng nói vậy. Anh chờ đợi và mong muốn hòa bình. Anh nói anh không phải là một nhà chính trị, nhưng anh tin rằng anh chiến đấu cho tự do của dân tộc. Anh nói anh không hề mù quáng nghĩ rằng anh đang sống trong một xã hội tốt đẹp, nhưng anh tin rằng anh đang chiến đấu trong một xã hội để làm cho nó tốt hơn cái hiện có.

*
Tháng Tư Bảy Lăm, Sài Gòn thất thủ, trong “những người chiến thắng” trở về có ông anh cả tôi, nay là một cán bộ chức sắc, một thứ công thần. Anh có tìm gặp tôi trước ngày tôi bị gọi đi học tập cải tạo. Tôi thấy anh khác xưa nhiều. Vết sẹo trên mặt có vẻ như nhạt đi, những bắp thịt gân guốc đã mất. Anh gầy và trầm ngâm. Anh không gặp người anh Không Quân của tôi. Tôi không nghe anh giải thích tại sao. Cô em út của chúng tôi đã theo chồng rời bỏ Sài Gòn trong một ngày áp chót của cuộc chiến. Tôi không hiểu tại sao có phương tiện trong tay mà người anh Không Quân của tôi không ra đi. Cũng như những sĩ quan thua trận cấp úy khác, tôi thu xếp ít quần áo và lương thực cho mười ngày học tập. Nói là mười ngày, nhưng ba năm sau tôi mới được trở về, khi ông anh Không Quân của tôi vẫn còn ở lại trong một trại cải tạo ngoài Bắc. Ra tù tôi sống lang thang làm đủ thứ nghề, đi khắp mọi nơi, nhưng tôi vẫn không gặp và không nghe chút tin tức gì về chị Thảo tôi. Làm như chị là một người không có thực trong gia đình tôi.
Ông anh cả tôi sau đó có đến thăm tôi trên một lần nữa, sau khi tôi vượt biên bị bắt ở Rạch Giá vừa được thả về. Ông nói đừng làm chuyện bá láp, vượt biên là phản quốc. Đó là thời gian chế độ mới đánh tư sản, đổi tiền. Ông nói học tập cải tạo là rất tốt cho những đầu óc vô tích sự như tôi. Phải như thế thì tôi mới “sáng mắt sáng lòng” ra được. Mãi đến năm thứ mười sau ngày Sài Gòn thất thủ tôi mới vượt biên thông suốt. Tôi đến được Pulau Bidong, trong một chuyến đi không đến nỗi bi thảm như những người khác. Tôi luôn luôn là một người may mắn. Một năm sau nhờ sự bảo lãnh của cô em út, tôi được Mỹ nhận cho định cư.
Khi còn ở đảo tôi hay tin người anh lính Không Quân đã chết trong trại giam. Ông anh cả tôi cũng không còn nữa. Một lá thư từ bên nhà gửi qua cho biết ông ấy chết hơi khác thường: tự tử bằng một viên đạn bắn qua đầu. Qua thư từ tôi biết thêm sau khi ông đi thăm người anh lính Không Quân bị bệnh nặng nằm chờ chết trở về, ông đã chọn cái chết của chính mình như một cách nói lời tuyệt vọng. Mười năm sau khi lấn chiếm miền Nam, đất nước ngày càng tan nát, đời sống người dân ngày càng xuống thấp, trong khi máu mủ ruột thịt bỏ đi xa hay vẫn còn nằm trong lao tù của chế độ mà mình phục vụ, có lẽ đã là động cơ thúc đẩy họng súng quay về phía ông. Đôi khi tôi nghĩ cái lẽ sống mới quan trọng hơn sự sống. Có phải vì thế mà ông anh cả tôi hành động kiểu đó chăng? Đó là tôi suy nghĩ vậy, chớ tôi không chắc lắm đâu.
Hôm qua tôi vừa được thư bà chị dâu từ Cabramatta Úc Đại Lợi gửi sang cho hay chị đã lập gia đình. Người chồng chị hiện nay cũng là một người Việt Nam. Hai vợ chồng mở một tiệm ăn. Cả hai mời tôi có dịp sang chơi, sẽ đài thọ vé máy bay và nơi ăn chốn ở.
Tôi không biên thư trả lời. Tôi gọi điện thoại viễn liên chúc mừng chị. Tôi nói muốn đón các cháu sang Mỹ chơi. Chị hứa.

Đời sống ở Mỹ thật tiện nghi. Tôi đủ ăn đủ mặc và tôi giàu tự do. Tuy nhiên vào những buổi sáng cuối tuần, đi bách bộ trong khu công viên Mile Square Park ở Quận Cam, tôi như thấy mình đang trở lại thời sống với cha ở một vùng núi miền Trung, và văng vẳng bên tai vẫn như còn nghe lời cha nói: “Thằng này đúng là đồ vô tích sự!”

Buổi sáng sớm rừng còn đầy sương mù, gió thổi luồn qua những vòm cây lạnh. Trên những ngọn cây cao, tôi nghe tiếng chim kêu từng hồi. Giẫm trên những ngọn cỏ ướt sương, bập bập điếu thuốc lá chưa kịp khô, tôi thấy mình già hẳn. Như giờ đây, gần bốn mươi năm sau tôi thấy tôi mới già bằng thuở đó./.

_____________

Nhà văn với nhà báo

Sử Mặc

Sử Mặc (SM) : Chào nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng (NXH) Từ khi kế nhiệm tờ Văn của Mai Thảo (MT), nhiều người nhận thấy rằng mục Sổ Tay của NXH viết hay không kém nhà văn tiền nhiệm. Nhưng cũng kể từ khi chuyên trách mục này, độc giả lại ít được đọc truyện MT trước đó hoặc truyện NXH sau này . Đây chỉ là một sự dừng chân nghỉ mệt để khơi động một chu trình viết lách khác . Hay có sự bế tắc nào?
NXH : Chào anh Sử Mặc. Sao hôm nay lại có chuyện phỏng vấn này? Chắc phải có chuyện chi đặc biệt phải không? Dù sao đã hỏi thì xin trả lời: Phần anh Mai Thảo thì tôi không dám có ý kiến, còn phần tôi thì vì công việc lu bu, thì giờ cho việc viết quá ít, thành ra mới có cơ sự đó.
SM : Trước kia, nhà văn NXH là một giáo sư triết. Vậy nghề giáo chuyên môn này có giúp ích gì cho nghề văn không? Sự giao thoa giữa hai nghề mang tỉ lệ thuận hay nghịch?
NXH : Đi dạy học cũng như làm thợ nề thợ mộc, nói chung cũng như những ngành nghề khác, nó cũng giúp cho nghề văn mặt này và có trở ngại cho nghề văn mặt khác. Có khi thì thuận, cũng có khi nghịch.
SM : Có người cho rằng trong giới văn nghệ với nhau có sự kết bè và phân biệt đối xử. Cụ thể: nhà văn nhà thơ "lớn" phải đánh bạn với nhà văn nhà thơ cùng tầm cỡ! -Văn nghệ "cung đình"(có dán marque trí thức, phú hộ) không đi đôi với văn nghệ "bụi" (hiểu theo nghiã chịu chơi, bất cần dư luận) - Báo chuyên đề văn học không chơi với báo chợ - vv. Anh có nhận thấy như vậy không ? Nếu có, tình trạng này có ở mức độ tệ hại và có cơ may cải thiện không ?
NXH: Không biết có hiện tượng này cho "một ai đó" với "một ai đó" không? Nhưng cá nhân tôi, tôi không thấy có chuyện này. Vì thật sự tôi không hiểu thế nào là "lớn" thế nào là "tầm cỡ"? Nhưng tôi biết một điều - một điều rất cũ và rất xưa - là hai người hợp tánh với nhau, cùng chia sẻ được với nhau về một số suy nghĩ đời sống cũng như chuyện chữ nghĩa, dễ nói chuyện với nhau hơn là những người gặp nhau chẳng biết PHẢI nói chuyện gì. Chẳng hạn, tôi vẫn thích giao du với anh Nguyễn Mộng Giác vì chúng tôi là bạn với nhau từ lâu. Không phải vì anh ấy làm báo Văn Học còn tôi làm báo Văn. Anh Giác có lúc không làm tờ Văn Học, còn tôi anh Mai Thảo mới chuyển tờ Văn để trông coi từ tháng Chín 1996. Chẳng hạn, anh Phùng Nguyễn tôi mới quen khi gặp anh ở nhà anh Giác, và tôi trở thành bạn thân của anh ấy từ năm sáu năm nay. Mà rất thân như anh em. Trường hợp nhà văn Lê Minh Hà ở Đức, Ngọc ở New York - nay do công việc đã dọn về Florida - tôi chưa hề quen mà cũng chưa hề biết mặt, nhưng tôi có cái cơ may được đọc bản thảo của chị (Ngọc) và được cho bài (Lê Minh Hà) và Văn được phép đăng truyện của các chị. Tôi rất sung sướng quen biết với họ. Trường hợp Nguyễn Nam An, Quan Dương, Phạm Chi Lan, Nguyên Nhi, Nguyễn Thị Thảo An... là những tác giả tuy không giao du thân thiết [riêng Nguyễn Nam An tôi vẫn tự cho phép mình coi là anh em trong một gia đình] nhưng tôi bao giờ cũng vẫn qúy mến các anh chị đó. Không những vì tài năng của họ mà còn vì tư cách của họ nữa. Anh có để ý là khi mình đi dự một tiệc cưới, khi được xếp ngồi cùng bàn những người mình không quen thật khó nói chuyện không. Không phải chuyện giàu nghèo hay có danh vọng gì đâu, mà là vì không cùng ngành nghề hay sở thích đó thôi.... Anh có nghĩ vậy không?
SM : Đúng đấy nhà văn à ! Hoan nghênh tinh thần cỡi mở của anh NXH . Nhưng tôi thấy điều này vẫn còn lấp ló đâu đó . Nhưng thôi ! Bá nhơn bá tánh...miễn sao mình sống thật với mình là qúy phải không anh ! Như vậy trong văn chương cũng cần triệt hạ quan niệm đàn anh đàn em, chia bè kết lũ, phải thế không ạ?
NHX : Tôi nghĩ câu hỏi đã được trả lời.
SM : Với tư cách chủ nhiệm/chủ bút một tạp chí chuyên đề văn học có tầm vóc hiện nay ở hải ngoại, anh có thiên vị không trong việc lựa chọn bài vở ? Lấy một ví dụ nhỏ : giữa một thân hữu cộng tác có phụ giúp vật chất cho tờ báo nhưng khả năng văn chương yếu kém và một ngòi bút cộng tác khá nhưng hoàn toàn không có khả năng góp gạo thổi cơm chung, anh nghiêng về bên nào ?
NXH : Chúng tôi thấy câu hỏi này rất dễ trả lời: Thứ nhất, chúng tôi không có may mắn có được một thân hữu cộng tác có phụ giúp vật chất cho tờ báo mà lại đòi đăng bài. Tờ Văn được rất nhiều thân hữu giúp, nhưng không thân hữu nào đòi cái chuyện kỳ quái đó. Thứ hai, tôi vô cùng mừng rỡ và sung sướng được đăng bài của những tác giả tài năng. Tôi sợ các bậc tài năng ấy không chịu cho bài chứ. Anh cứ hỏi các ông Nguyễn Mộng Giác, Khánh Trường thì biết KHÔNG CÓ NHÀ VẮN VIẾT BÀI, ĐỐ ANH LÀM SAO RA BÁO!
SM : Hiện tượng nữ giới rầm rộ tham gia sinh hoạt văn nghệ, theo anh là để : Điểm trang cho cuộc đời? - Bình đẳng với nam giới? - Do hoàn cảnh xã hội mới thúc đẩy?
NXH : Hình như nhà văn Võ Phiến có nói đâu đó một câu đại khái là chúng ta đang có một nền văn chương đổi phái tính. Tôi không phải là nhà nghiên cứu sợ trả lời kiểu thầy bói thì anh cười.
SM : Nhìn lại sinh hoạt văn học VN hải ngoại hơn hai mươi năm qua, anh nhận thấy kể theo phái tính ngòi viết nam hay nữ dài hơi hơn ? Tại sao ?
NXH : Tôi nghĩ người dài hơi vẫn là người nam: Trước đây là nhà văn Nguyễn Mộng Giác. Hình như giờ đây nhà văn Hoàng Khởi Phong có dự tính viết bộ trường thiên Người Trăm Năm Cũ dài hơn Sông Côn Mùa Lũ......
SM : Anh có quan niệm đem ngôn từ dung tục vào văn chương có thể tẩy được phần nào cái vết nhàm chán của văn chương lãng mạn cổ điển . Đấy có phải là một hình thức đổi mới nghệ thuật viết không ?
NXH : Càng ngày tôi (cá nhân-chủ quan) càng thấy những chữ nghĩa "đẹp đẽ," "lãng mạn" làm văn chương chúng ta không chỉ nhàm chán mà còn khó nuốt nữa.
SM : Nhiều người hô hào : phải gia nhập, đầu tư vào thị trường văn chương chữ nghĩa bản xứ . Anh nhận thấy có mảy may nào hi vọng không ? Hay chỉ là một ý niệm suông ?
NXH : Gia nhập, đầu tư như thế nào? Tôi không rõ. Nhưng tôi biết những nggòi bút trẻ như Nguyễn Quí Đức, Andrew Lam, Andrew Phạm, Linda Lê và... đã và đang đi vào thị trường chữ nghĩa bản xứ bằng chính tài năng của họ trên lãnh vực văn chương. Họ viết trực tiếp bằng tiếng Anh, hay tiếng Pháp (trường hợp Linda Lê). Họ đang làm cái việc mà cá nhân tôi ao ước vì tôi không có khả năng đó.
SM : Anh có nhìn ra cái động lực đã làm chùn bước các ngòi bút được kể là năng động, là niềm hi vọng cho văn học lưu vong lâu nay như Trần Vũ, Đỗ Kh. , Nguyễn Qúi Đức, Vũ Quỳnh Hương, Vũ Quỳnh Nh. v.v...
NXH : Tôi nghĩ các người trẻ đầy tài năng này vẫn viết đấy chứ. Nguyễn Quí Đức vẫn sáng tác trong khi đang làm cho một đài phát thanh của nguồn bản xứ, Đỗ Kh. làm điện ảnh, hai nhà văn họ Vũ thì một người công chuyện đa đoan, một người đời sống gia đình bận bịu. Để hai vị nữ lưu đó có chút thì giờ tôi tin là người đọc chúng ta sẽ có cơ hội thưởng thức văn chương của họ. Riêng Trần Vũ, tôi có may mắn gặp anh hồi đầu tháng Mười Một vừa qua tại Paris, anh nói lúc này anh "ngưng viết vì anh cần làm việc có tiền và có địa vị trong xã hội". Anh Trần Vũ có lý riêng của anh. Đôi khi văn chương chẳng qua cũng chỉ là một trò chơi. Không thích trò chơi đó người ta tìm trò chơi khác thực tế hơn.
SM : Nhà văn NXH trong mong gì ở giới viết lách trẻ?
NXH : Chưa bao giờ tờ Văn được đăng nhiều sáng tác của người trẻ như những năm gần đây.
SM : Anh theo đuổi nghề báo là vì : Muốn gánh lấy một trách nhiệm? (như duy trì một diễn đàn văn nghệ đứng đắn) - Thời cơ đưa đẩy ? - Thỏa mãn một sở thích cá nhân? - Mưu sinh?
NXH : Như đã trả lời ở trên: Công việc làm báo của tôi hiện nay (không phải tờ Văn) cũng như mọi người khác trong xã hội là phải làm việc làm một việc nào đó để sống. Không lẽ mình cứ ngồi chơi lấy gì nuôi bản thân, nói chi chuyện nuôi gia đình. Còn tờ Văn là một chuyện khác. Nó chẳng mang lợi lộc gì ngoài bỏ công bỏ sức xxin bài, lay out, chịu nợ nhà in, gửi báo mỗi tháng và những khi báo gửi trễ bị một vài bạn đọc khó tánh mắng vào mặt, như mình là một người được bạn ấy nuôi sống bằng mấy cục đồng trong một năm. Chúng tôi luôn luôn biết ơn bạn đọc. Những bạn đọc đã thông cảm việc làm của chúng tôi, đã thông cảm nhưng khi báo ra trễ, gửi trễ vì nhiều lý do, trong đó có lý do Sổ Tay bao giờ cũng đưa chậm, vì cứ muốn chờ thời sự sau cùng để cho vào bài viết. Một vài bạn đọc hiếm hoi ccó vẻ như muốn nói "Tôi mà giận lên không thèm mua báo nữa thì chỉ có nước đi ăn mày."
SM : Từ ngày báo chí liên mạng nở rộ, báo dưới "đất" có bị ảnh hưởng gì không về lượng độc giả, thân hữu cộng tác bài vở?...
NXH : Tôi không rõ lắm. Báo Văn cũng như Văn Học, Hợp Lưu đâu có đông người đọc đến nỗi sự thay đổi này làm ảnh hưởng chuyện kia, trừ phi các tác giả thỉnh thoảng có cho bài nay họ chỉ dành cho báo liên mạng thì họ không cho nữa thôi.
SM : Có người than phiền đa số các vị chủ báo lười trả lời thư tín, thắc mắc của độc giả thân hữu như một thái độ xem thường bạn đọc . Điều này oan hay ưng?
NXH : Tôi không biết các ông Nguyễn Mộng Giác, Khánh Trường thế nào chứ cá nhân tôi thích trả lời bằng điện thoại (nếu người viết có ghi số điện thoại) hoặc thích nhất là trả lời qua email. Chuyện viết một bức thư trả lời với tôi lúc này là một nỗi khổ tâm, không phải xem thường bạn đọc đâu, oan lắm!!!!!- mà vì quá lu bu. Có một cách trả lời thứ ba là mở hộp thư tòa soạn. Tôi nghĩ nhân đây lợi dụng câu hỏi của anh, tôi cầu mong bạn đọc tha thứ và thông cảm. Nhớ cho số điện thoại hoặc cho địa chỉ email. Hết lòng biết ơn các bạn và anh Sử Mặc.
SM : Xin cám ơn nhà văn NXH . Cám ơn quý bạn đọc !

_____________

Nguyễn Xuân Hoàng,

vài nét về Tác giả & Tác phẩm

Nguyễn Mạnh Trinh

Thời đại của Nguyễn Xuân Hoàng là một thời thế đặc biệt. Ở đó, đầy những biến cố từ thuở kháng chiến chống Pháp, đến thời đệ nhất, đệ nhị Cộng Hòa, từ những cuộc di cư đến ngày di tản, từ cuộc vượt tuyến di cư vào Nam đến vượt biển tị nạn xứ người. Những biến cố ấy tạo cho cả một thời đại những nét chung mang nhưng lại là những điều riêng biệt trong ký ức mỗi người.
Ðọc sách viết về thời kỳ ấy hay viết để kể lại, cái nét chung ấy nhiều khi chuyển thành riêng biệt. Trong văn chương, lấy cái chung làm cái riêng của mình chẳng phải là dễ dàng. Nguyễn Xuân Hoàng là một tác giả mà trong tác phẩm của mình đã mang độc giả đi qua những cảm giác tiền chế của cái chung để đi vào cái riêng của mình một cách rất nghệ thuật. Chính cái nét sống động, của những mảnh đời thật, của biến cố thực, của cảm giác thực đã làm độc giả đi vào một thế giới với sự tò mò qua nhiều câu hỏi.
Nguyễn Xuân Hoàng? Trần Lâm Thăng của Người Ði Trên Mây và Bụi và Rác? Là tôi trong Tự Truyện Một người Vô Tích Sự, trong Ngôi Nhà Ngói Ðỏ?
Hay là tôi của Mang Mang với thi sĩ Hoang Vu hoặc trong câu thơ “Nha Trang Hang Ðộng Tuổi Thơ”? Nhà văn? Nhà giáo? Nhà thơ ? Nhà báo? Don Juan hết thời? Người đi trên mây?…
Là một phần hay tất cả trong văn chương và đời thường? Những câu hỏi như thế cứ quanh quẩn trong tâm cảm người đọc. Dù có thắc mắc, nhưng tác giả đã khẳng định ở bìa sau Người Ði Trên Mây: “Cái tôi trong truyện đương nhiên không phải là cái tôi ngoài đời. Tôi là một người khác.” Tác giả nói như thế.
Vậy, tôi là ai, ai là tôi? Một câu hỏi khó cho một thi sĩ đã viết:
“Người Ði Trên Mây
Tôi. Hay chính ai?
Sa Mạc dặm dài
Ai. Hay riêng tôi?
Ý Nghĩ Trên Cỏ
Tôi? Nguyễn Xuân Hoàng
Ngôi Nhà Ngói Ðỏ
Nguyễn Xuân Hoàng. Tôi?
Trong Bụi Và Rác
Sinh Nhật. Mù Sương
Bắt đầu trôi dạt
Câu thơ. Mang Mang
Một Kẻ Tà Ðạo
Người khác hay tôi?
Trong thời dông bão
Nỗi hoặc bời bời.
Người Vô Tích Sự
Tự Truyện một đời
Chân dung lịch sử
Vài giọt nắng soi
Tôi hay kẻ khác
Tôi hỏi tôi hoài
Gọi tôi lạ mặt
Ấn dấu mốt mai
Ngaỳ nào xa khuất
Gió lộng hiên ngoài..”
Những tác phẩm của một đời và cũng của một thời. Cái nợ văn chương dường như chẳng bao giờ làm vui người gánh nghiệp. Những nhan đề sách như cùng chuyên chở một nỗi băn khoăn của thời đại như những viên gạch nối tiếp nhau của ngã đường đến một phương trời nào mà đêm và ngày không còn phân biệt và thiên thần và quỉ dữ chẳng khác gì nhau. Sống trong chiến tranh, chịu những cuồng nộ của chiến tranh và mong đợi hòa bình. Nhưng, chỉ là cơn mộng. Cho nên vẫn đi trên mây như cả một thế hệ cũng đi trên mây. Mây không phải chỉ là mây hồng tươi đẹp hay mây vàng hôn phối mà còn là mây của bụi và rác, của những trận cuồng phong, của những cõi người thất tán. Nguyễn Xuân Hoàng viết khác với những người đi trước, không giống những người đi sau và nhiều khác biệt với người cùng thời. Ông chẳng thích đóng vai nhân chứng mà cũng chẳng muốn làm người kể chuyện. Mỗi cuốn tiểu thuyết, mỗi một bài thơ, mỗi trang tùy bút, cũng chỉ là một giai đoạn trong hành trình tìm cái đẹp. Vượt qua. Những định kiến thế nào là văn chương cổ điển hay hiện thực, hiện đại hay hậu hiện đại. Ghé qua tân tiểu thuyết rồi để trở lại với mình, với một Nguyễn Xuân Hoàng luôn luôn vật vã với ước vọng làm mới văn chương. Triết học Tây phương hình như cũng có chút ảnh hưởng trong suy nghĩ nhưng làm văn chương ông thoát ra khỏi cái niền kim cô của luận lý muôn đời có sẵn.
Có những người yêu tiểu thuyết Nguyễn Xuân Hoàng. Hay mến chuộng những trang tùy bút.Và yêu những bài thơ viết rất hiếm hoi. Và tiếc sao Nguyễn Xuân Hoàng không là thi sĩ. Bài thơ đầu tiên ký tên Hoang Vu, một bút hiệu lạ đăng trên tạp chí Hiện Ðại của nhà thơ Nguyên Sa với lời giới thiệu: “Có phải nỗi buồn tập hợp trên mắt những người trẻ tuổi ấy phảng phất niềm đau của thế kỷ bây giờ”, bài thơ Mang Mang của âm điệu một thời, ngữ ngôn một thuở của những năm đầu thập niên 60 thế kỷ 20. Một bài thơ lục bát đã có lúc thành dòng thi ca thời thượng:
từ xa phố chợ đến giờ
chân quen bỏ lệ gõ bờ lộ quen
hoang vu chín đến độ thèm
lạnh tàn nhẫn rót vào đêm lên đường
mùa sương phố núi mờ sương
nhịp buồn hút gió hồn nương sao rừng
chuyện linh hồn với bản thân
bàn tay thượng đế mộ phần chiêm bao
đồi thông xanh tóc nghẹn ngào
ngập ngừng lạnh xuống từ bao lâu rồi
còn tôi, còn chỉ mình tôi
mây bay đầu núi kéo trời lên xa
bàn tay thoáng nổi da gà
thầm sâu lòng đất nhà ga luân hồi.”
Bài thơ có một cái gì của khởi đầu, của những điều không có lúc chấm dứt, của mở ra rồi bỏ trống. Không gian có lúc không còn của đồi thông, của phố chợ mà là những hình ảnh khác, của thế giới khác, sâu lắng hơn và cũng… hoang vu hơn. Có một điều tôi nghiệm ra, thơ từ cội nguồn như thế nên những cuốn tiểu thuyết, những bài tùy bút Nguyễn Xuân Hoàng đều có “mang mang”một dòng thơ ở trong dù ở trong phong thái lạnh lùng, của cảm giác bị nén xuống để thành ám ảnh thành kỷ niệm. Thơ có phải là nguồn của dòng chữ viết văn xuôi?
Ðọc truyện dài Nguyễn Xuân Hoàng, người đọc như đi vào một thế giới mà ở đó, những cảm giác vỡ tràn trong những nhận thức man mác của một cuộc sống nửa mê nửa tỉnh. Kỷ niệm, như bóng tối làm nền cho những dương bản chói rọi , và những đối nghịch của thực và mộng là căn bản cho những phận đời tuy trong tiểu thuyết nhưng bàng bạc trong thực tế…
Ðọc Khu Rừng Hực Lửa, Sa Mạc, Người Ði Trên Mây, Bụi Và Rác,…thấy thân phận của người trí thức trong một cuộc sống thật nhiều biến cố.Những thay đổi đến tận gốc rễ của một thế hệ mà con đường trường hành là nẻo song song của cõi binh lửa, của những cái chết ở ngoài xa tiền tuyến mà lại tác dụng đến những cuộc đời của những người thành phố. Những nhân vật dường là hình tượng tổng hợp của nhiều người, gần cận bên ta mà cũng xa lạ với chúng ta. Có những suy tư, có những dằn vặt, và hình như ở bất cứ cảnh ngộ nào, cũng là những ngõ cụt, của những nỗi niềm tràn ứ mà không lối thoát…Cái tâm cảm bất lực ấy dường như đã quen thuộc với thế hệ chúng tôi. Những cảnh ngộ , mà, mọi toan tính cố gắng đều vô dụng. Con người, cuốn trôi theo cơn lũ thời thế…
Nhiều người gán cho Nguyễn Xuân Hoàng cái tên của chính tác phẩm ông – “Người đi trên mây”. Hình như nhà thơ Nguyên Sa có nói ai mà chẳng có lúc đi trên mây. Nhưng có nhiều thứ mây, có loại êm đềm thơ mộng nhưng cũng có loại gây ra cuồng phong bão tố. Ông nhắc đến đám mây của Trần Lâm Thăng, nhân vật chính của Người Ði Trên Mây, của Bụi Và Rác:
” Ðám mây mầu đỏ hất thầy giáo Trần Lâm Thăng ra khỏi trường học, nơi anh dạy Triết, khi mà triết học dưới màu mây đó chỉ là “một môn học bá láp”. Mây đỏ đẩy “người đi trên mây” vào nhà giam ở vùng phan Thiết, ném anh xuống đáy xà lim ở Kiên Giang.
Trần Lâm Thăng bị những đám mây màu đỏ đổ xô đẩy đi từ phi lý này đến phi lý khác, sự phi lý nghẹn họng của các thầy cô trước những giáo án, giáo trình, những lớp học bị dòm ngó, phi lý cuộc đời của Tư Long, phi lý khi trở về nhà sau những năm tháng giam cầm vợ con đã biến đi mất, phi lý bị tống vào xà lim chỉ vì cao hơn những người tù khác một cái đầu.
Nhưng thật kỳ lạ, đứng trên những đám mây của quê hương tự do, thầy giáo Triết Trần Lâm Thăng quả thực đi trên mây, nhưng hôm nay, đi trên những đám mây màu đỏ hình tượng “búa liềm” “người đi trên mây” Trần Lâm Thăng lại di chuyển bằng những bước thật vững vàng. Trần Lâm Thăng từ chối không dạy học cho một trường trung học đã bị biến thành một nhà giam, từ chối và thúc đẩy bà chị dâu không cho bọn công an cướp sống ngôi nhà, từ chối dứng về phía Mười Tân, một khuôn mặt rất Trần Bạch Ðằng của Việt Nam sau bảy mươi lăm…”
Ðọc “Ngôi Nhà Ngói Ðỏ”, những truyện ngắn như những nhát cọ của lưỡi dao sắc, bén , và phác họa được cảnh sống của những người luôn lầm lũi trong sương mù. Cái bàng bạc của triết học dường như làm nền tảng cho những cảm giác thăng hoa trong cõi ngôn ngữ mở rộng trong nhiều cánh cửa. Những cuộc đời trôi theo những lượn sóng, để cảm giác lênh đênh của những hàng chữ mãi bềnh bồng. Mô tả bằng vài phác họa, trong cái chắt lọc cô đọng những xúc cảm. Và , có một lúc, xúc cảm vỡ òa trên trang giấy.
Ðọc “Tự Truyện Một Người Vô Tích Sự”, để những câu hỏi đặt ra mà nhiều khi thấy thừa thãi câu trả lời. Có những điều nói hoài mà chẳng đủ nhưng có những việc, chỉ trong một sát na ngắn ngủi cũng đủ hiểu thấu. Vẽ chân dung từng người trong gia đình, để vẽ lại chân dung chính mình, nhân vật xưng Tôi trong truyện dường như có tham vọng vẽ lại cả một không gian, thời gian mà trong đó, những chuyện tử sinh, những bên này, bên kia quốc gia, cộng sản là những chất liệu của một thời thế hỗn mang của lịch sử. Có nhân vật chỉ là cái bóng, nhưng lại là những ám ảnh khôn nguôi. Xuất hiện trong chuyện kể, từ người cha, người mẹ, người anh cả, người anh thứ, người chị tên Thảo, tất cả bị cuốn vào một cơn lốc, mà, ở đó, nỗi chết là một phương cách giải quyết hợp lý cho từng nút thắt của truyện.
“... Khi còn ở đảo tôi hay tin người anh lính Không quân đã chết trong trại giam. Ông anh cả tôi cũng không còn nữa. Một lá thư từ bên nhà gửi qua cho biết ông ấy chết hơi khác thường: tự tử bằng một viên đạn bắn vào đầu. Qua thư từ tôi biết thêm sau khi ông đi thăm người anh lính Không quân bị bệnh nặng nằm chờ chết trở về, ông đã chọn cái chết của chính mình như một cách nói lời tuyệt vọng. Mười năm sau khi lấn chiếm miền Nam, đất nước càng ngày càng tan nát, đời sống người dân ngày càng xuống thấp, trong khi máu mủ ruột thịt bỏ đi xa hay vẫn còn nằm trong lao tù của chế độ mà mình phục vụ, có lẽ đã là động cơ thúc đẩy họng súng quay về phía ông. Ðôi khi tôi nghĩ cái lẽ sống mới quan trọng hơn là sự sống. Có phải vì thế mà ông anh cả tôi hành động kiểu đó chăng? Đó là tôi suy nghĩ vậy, chớ tôi không dám chắc lắm đâu…”
Chuyện ấy, người bên này, kẻ bên kia trong một gia đình, có lẽ quen thuộc. Nhưng cái kết cuộc khốc liệt ấy, thì hiếm hoi hơn. Người chiến thắng, kẻ chiến bại trong một cuộc chiến “vô tích sự”. Và , những hy sinh xương máu, những đổ vỡ chia ly là những hệ quả tất yếu của một tấn thảm kịch của dân tộc kéo dài nhiều thập niên. Lấy gia đình mình làm đề tài, người kể chuyện xưng tôi hình như vượt qua vai trò của ngôi thứ nhất số ít. Nỗi đau, của một thế hệ có lẽ sâu lắng ngậm ngùi hơn từ những chủ quan của những cuộc sống mù mịt hướng đi, của những ngã rẽ mà khi quyết định là những trò chơi dỡn đùa với may và rủi.
Ðọc “Ngôi nhà ngói đỏ”, đọc “Barbara”, đọc “Giáng sinh , hãy chờ”,… để thấy được một tâm cảm lãng mạn. Những quá khứ như những kỷ niệm không thể quên và tách rời khỏi đời sống, mãi mãi về sau, lần khuất bên cạnh. Chúng ta, ai mà chẳng có nỗi niềm riêng, nhưng phong thái biểu lộ thì có người trầm lắng có người sôi động.
Ở tác giả “Ngôi nhà ngói đỏ”, là một trường hợp đu dây giữa thực và mộng. Thấp thoáng là sương mù Ðà Lạt, là mưa giọt phố Saigon, là bãi cát hoang vu Nha Trang thời thơ ấu. Có phải đó là hành trang để đi vào một cõi văn chương mà tình yêu đã trở thành bông hoa trang sức. Trái tim vẫn có nhịp đập của nó, dù ở bất cứ trạng huống nào và sự ngưỡng vọng, đôi khi là niềm tin để bước đến và đi cùng tận cuộc sống.
Nhân vật của ông, có khi xưng tôi, có khi là ngôi thứ ba nhưng, không phải là biểu hiện của một người. Mà, là tổng hợp của nhiều khuôn mặt. Có thể, một người mà đa diện phong phú đến như thế chăng? Ðể , nhiều người , đọc và nhìn vào đó, soi gương để thấy bàng bạc nhân dáng, cảnh ngộ mình. Nhưng, cái tâm cảm chung thì rõ nét. Tâm cảm của những người hình như không bao giờ vừa lòng với cái mình hiện có. Họ nhìn về quá khứ, ngơ ngác với tương lai và ngập ngừng trong hiện tại. Nguyễn Xuân Hoàng có phương cách diễn tả của ngôn ngữ, gọn và sắc, bén như những nhát gươm nhưng cũng lạnh lẽo như kỹ thuật tiểu thuyết không tiểu thuyết, truyện không truyện. Chất mơ hồ làm đặc quánh lại những không gian thời gian để những tác động với con người thành những gián tiếp cho cảm xúc. Trong mô tả, là tâm tình dồn nén vào trong suy tư của mình. Giữa hư cấu và hiện thực, có biên giới khá mơ hồ . Ông hay viết về những cơn mơ, của ước muốn luôn luôn ấp ủ về những hình bóng lúc xa lúc gần nhưng hiện diện hàng ngày trong cuộc sống.
Nhà văn Nhật Tiến thấy truyện “Barbara” làm ông xúc động. Nhà văn Hoàng Khởi Phong tâm đắc với “Tự Truyện Một Người Vô Tích Sự”. Riêng tôi, tôi đọc “Ðoản Văn Viết ở Cali” nhiều lần và mỗi lần đọc, tôi lại thấy mình phiêu du vào những thế giới cảm quan khác nhau. Tôi đọc, thấy lại những ngày tháng qua. Gần hai mươi năm rồi có phải? Tác giả “Người Ði Trên Mây” có lúc như đã cho tôi chia sẻ để “share” những trang nhật ký. Có lãng mạn, có thơ mộng, có bồng bềnh. Có những cơn mưa,ở nơi này nhớ nơi kia. Có Pasternak và có Ðỗ Phủ, có mùa hạ bãi trường và mùa thu tựu trường, có Paris và Virgina,… nghĩa là tràn ứ những dữ kiện , những cảm giác. Với tôi, đó là những đoản văn tuyệt vời tuy có người đã cho rằng đó chỉ là những ghi chép vụn vặt. Tôi yêu cái lãng mạn nhưng gần gũi với cuộc sống. Ai trong chúng ta mà không có lúc thấy xao động cùng trời cùng đất? Ai trong chúng ta mà không có lúc lái xe một mình mà đãng trí nghĩ về ngày tháng xưa, kỷ niệm cũ. Nhất là, với văn phong bay bướm của một nhà văn đi tìm cái mới lạ trong cái cổ điển như Nguyễn Xuân Hoàng.
Tôi đọc ” Mưa Cali nhớ Phạm Ngũ Lão”:
“Cali mưa cơn mưa nhỏ chợt đến chiều nay trên đường Westminster như một người khách lạ không hẹn mà tới, Những hạt mưa lớn,thưa, gõ từ tốn trên mặt kính chắn gió nghe như tiếng mưa thuở nào rơi trên mái tôn trước hiên nhà.
Bầu trời ẩm đục, thấp và nóng. Cali đang mùa hè. Cơn mưa tuy không đủ sức làm dịu những cục than hồng, nhưng có thừa cái sắc bén của con dao cau rạch trong tôi những vết thương hoài niệm.
Mưa gõ đi từ góc ngã tư đường Harbor-Westminster là những mũi kim xoi đằm trí nhớ. Mưa dẫn tôi đi trở về trên những con đường quen, khu phố cũ, những bạn bè xa xưa…”
Tôi lấy làm lạ tại sao Nguyễn Xuân Hoàng ít làm thơ. Bởi vì tôi thấy cõi thơ bát ngát trong những đoản văn vừa đọc. Cảnh làm gợi nhớ người, thơ làm cho cảm giác chơi vơi hơn trong cái trơ trọi của thực tại.
Cái trí nhớ ấy có lẽ đầy chật những ý thơ, những câu của ca dao ngàn xưa nhưng còn sống mãi. Sau này, khi ông phụ trách tạp chí Văn, viết những trang sổ tay, tôi vẫn thích những dòng chữ ghi lại từ những ngày tháng thực, dù vội vàng nhưng có nét đáng yêu của những vần thơ tiềm ẩn bên trong…
Ngôi Nhà Ngói Ðỏ in năm 1989. Tôi đã đọc một trong những cuốn đầu tiên mang từ nhà in về. Ðến nay, đã mấy chục năm. Bây giờ, thỉnh thoảng giở ra đọc, vẫn tìm được những nét xao động của tâm tư một thời. Chủ quan tôi, đây là một tập truyện ngắn xuất sắc. Xin nhấn mạnh, đối với tôi, một độc giả . Những truyện viết đều tay, có cảm xúc chân thực làm người đọc dễ chia xẻ. Văn phong bay bướm của từ ngữ nhiều hiển lộng như những viên đá tảng lót đường cho những bước chân đi tìm cái đẹp. Thời gian qua, nghĩ đến Sai Gòn, Ðà Lạt , Nha Trang,.. tưởng về người cũ, tôi lại giở những trang sách và như một lúc trở về chốn xưa. Có như thế. tưởng tượng như mình trẻ lại , của mới thuở nào. Và, để nhớ lại cái nỗi tức bực của tác giả Người Ði Trên Mây khi trang đầu là “Ngôi Nhà Ngói Ðỏ ” khi ngoài bìa là “Căn Nhà Ngói Ðỏ”của ấn bản đầu tiên. Phải, dường như mới ngày nào, gần lắm, như hôm qua , hôm kia của cuộc đời… Những câu chuyện vẫn còn sức sống, có phải?…

_____________

Văn học VN trong và ngoài nước

Nếu lấy những năm 1945, 1954, 1975 – những dấu mốc của lịch sử Việt Nam đương đại - làm dấu mốc cho Văn Học Việt Nam thì điều ấy cũng không lấy gì làm sai lắm.
1945: văn học kháng chiến và văn học đô thị; 1954: văn học ngoài Bắc văn học trong Nam, và đến năm 1975: Văn học trong nước và văn học ngoài nước, mà ta vẫn thường gọi là văn học hải ngoại.
Trong khi văn học đô thị và văn học kháng chiến chỉ kéo dài có 9 năm, văn học trong Nam-ngoài Bắc kéo dài 21 năm, thì văn học trong nước và ngoài nước tính đến nay đã là 30 năm. Và không biết còn kéo dài bao nhiêu năm nữa. Ba mươi năm ấy nhìn lại – cả trong và ngoài nước – chúng ta có khá nhiều tác giả, nhiều đầu sách, nhưng dường như không có tác phẩm nào lớn, theo nghĩa đưa được văn học Việt Nam hoà nhịp vào dòng văn học thế giới. Tại sao?
Ba mươi năm, sau một cuộc chiến tàn khốc, bao nhiêu xương máu đã đổ xuống, bao nhiêu nước mắt, chia lìa, đau đớn và đau khổ. Thử tưởng tượng [tôi không nghĩ chỉ là tưởng tượng đâu!] trên bàn thờ của một gia đình Việt Nam, bà mẹ đốt nhang trước chân dung hai đứa con, một người lính Cộng Hoà và một người lính Cộng Sản. Hai kẻ thù ngoài mặt trận là hai đứa con yêu của một bà mẹ. Không phải là cái thắng của một chủ nghĩa hay là cái thua của một thể chế, với bà mẹ, đây là nỗi đau hai mặt: cái chết của hai đứa con mang cùng huyết thống đứng trên hai chiến tuyến đối nghịch!
Khi cuộc chiến chấm dứt, nỗi mừng của người thắng trận cũng mang theo nỗi đau của người thua trận. Những vinh và nhục, không phải chỉ một cá nhân, một gia đình mà cả một dân tộc phải mang theo. Và kỳ lạ thay, những bài học mới cho cả hai phía: cái được cho người thua và cái mất cho người thắng.
Nếu tủi nhục và xót xa, cho người này; hãnh tiến và quyền lực cho người kia, thì cái được và cái mất nào cho một bà mẹ trong hoàn cảnh bi thương trên? Hình ảnh hàng triệu người bỏ nước ra đi, đường biển, đường bộ, đường rừng, đường bay; bao nhiêu người trong lao tù khổ ải, bao nhiêu người chôn vùi trong lòng biển cả, bao nhiêu là nạn nhân của hải tặc bạo tàn,…chắc rồi cũng sẽ phai đi theo năm tháng nhưng không thể nói là mất hẳn trong trí nhớ lịch sử.
Sự đổi đời lớn lao, cắt da xé thịt, một thế hệ lớn lên, thành đạt ở đất nước ngoài Việt Nam, hay vùng vẫy vươn lên trong một đất nước đang còn thay da đổi thịt, thế nhưng văn học chúng ta bên này, bên kia vẫn chưa có tác phẩm ngang tầm với thời đại. Tại sao?
Đó là một câu hỏi khá lớn cho một bài viết nhỏ. Tôi chỉ muốn giới hạn mấy suy nghĩ quanh vài hiện tượng văn học gần đây trong và ngoài nước để may ra tìm cho nó một câu trả lời.
Văn học trong nước
Trước hết là chuyện Hoa Thủy Tiên trong bài Trò Chuyện Với Hoa Thủy Tiên và Những Nhầm Lẫn của Nhà Văn - trên bán nguyệt san Ngày Nay, Hà Nội [các số 4, 5, 6 các ngày 15/2/2004, 1/3/2004 và 15/3/2004] của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Bài viết thực sự đã gây một chấn động lớn trong giới văn học trong nước và tạo ra những phản ứng nhiều tầng và nhiều hướng.
Ông viết: “Khoảng hơn hai chục năm trở lại đây, ở Việt Nam không có những nhà văn có phong độ, khí phách lớn. Đến ngay cả những nỗi buồn cũng không phải là những nỗi buồn lớn. Thái độ hời hợt của xã hội với văn học, cách tiếp nhận của xã hội đối với các giá trị văn học cũng làm mất đi cảm hứng ở nhiều nhà văn nhiệt thành. Đấy là chưa kể đến sự tráo trở và lạnh lùng của cơ chế thị trường vẫn chẳng nể nang gì ai cả.”
Vậy thì văn học Việt Nam hiện nay thiếu gì? Nguyễn Huy Thiệp trả lời “văn học thiếu vắng những tham vọng to lớn”…. “Văn học luôn tránh né một vấn đề nan giải khó nói nhất trong xã hội: không phải khó khăn kinh tế, không phải sex, không phải là tình cảnh chiến tranh. Nó là vấn đề nhân tính. Văn học Việt Nam gần đây mất đi khả năng tưởng tượng, lãng mạn, mơ mộng và nhiệt huyết sống. Nó trở nên thực dụng, ê chề, lọc lõi, oái oăm, đôi khi đểu cáng.”
Để có một nhà văn có giá trị nhân đạo [có lẽ Nguyễn Huy Thiệp muốn nói nhân bản], ông viết, phải dựa vào nhiều yếu tố, không phải chỉ là nỗ lực cá nhân và tự phát, “năng khiếu” như lâu nay người ta vẫn tưởng. Đã đến lúc phải nghĩ đến một tuýp nhà văn khác: lớp nhà văn trí thức của một xã hội phát triển. Họ viết văn có bài bản, có lý luận, lý lẽ chứ không mò mẫm. Trước đây, ở Việt Nam hầu như chưa có những điều kiện xã hội để xuất hiện týp nhà văn này. Theo ông, văn học giá trị bao giờ cũng đề cao nhân tính, và, một xã hội không có những tác phẩm văn học hay, không có những tác phẩm văn học giá trị nghĩa là nhân tính mất đi.. . Trách nhiệm đó không phải chỉ ở một người nào mà nó ở toàn xã hội. [bđd].
Đánh giá nền văn học trong nước bằng cái nhìn từ trong, Nguyễn Huy Thiệp viết: “Nhìn vào danh sách hơn 1,000 hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam người ta đều thấy đa số đều chỉ là những người già nua không có khả năng sáng tạo và hầu hết đều “vô học”, tự phát mà thành danh. Trong số này có tới hơn 80% là nhà thơ, tức là những người chỉ dựa vào “cảm hứng” để tùy tiện viết ra những lời lẽ du dương, phù phiếm vô nghĩa, nhìn chung là lăng nhăng, trừ có dăm ba thi sĩ tài năng thực sự (số này đếm trên đầu ngón tay) là còn ghi được dấu ấn ở trong trí nhớ người đời, còn toàn bộ có thể nói là vứt đi cả.” [bđd].
Chính những dòng chữ này của Nguyễn Huy Thiệp, trong phần thứ ba của bài viết, là ngòi thuốc nổ tạo thành một chấn động liên lỉ.
Chuyện Hoa Thủy Tiên mới nở chưa kịp tàn thì nổ tiếp chuyện “Cái nước mình nó thế!” của Hoàng Ngọc Hiến - giáo sư đại học, nhà nghiên cứu phê bình văn học, tác giả của một nhận định từng làm rung động giới văn học trong nước những năm 80 khi ông đưa ra cụm từ “hiện thực phải đạo”.
Đây là bài phỏng vấn do Phạm Thị Hoài và Trương Hồng Quang thực hiện trên Talawas. Một bài phỏng vấn đậm đặc sôi nổi và mở ra nhiều cánh cửa trong đời sống văn học trong nước. Nó không chỉ liên quan đến những người cầm bút [trong nước] mà còn liên quan đến cả giới chức văn hoá và chính trị. Nổ tung như tạc đạn, nếu có thể gọi như thế.
Từ Nguyễn Huy Thiệp với bước đầu đi vào thế giới văn chương –đến nhà thơ nữ Xuân Quỳnh, người phụ trách mảng văn xuôi nhà xuất bản Tác Phẩm Mới [tiền thân của Hội Nhà Văn bây giờ], và Nguyễn Duy, Thu Bồn. Rồi Nguyễn Minh Châu, Hà Minh Đức, đến Chế Lan Viên, Tố Hữu, Lưu Quý Kỳ, Bùi Minh Quốc, Vũ Thị Thường, Nguyễn Đình Thi, cả ông Lê Đức Thọ và Trần Độ..…
Phát biểu về Chế Lan Viên, ông Hiến cho rằng “Nhà thơ lớn nước mình cũng nhà quê, cũng trẻ con cả thôi, cả nước mình nó thế: Nhà quê và trẻ con.”
Hoàng Ngọc Hiến còn cho biết “Trần Đăng Khoa [người từng nổi tiếng là nhà thơ thần đồng trước kia, đã] tìm mọi cách để hạ uy thế của Nguyễn Huy Thiệp, đối với Trần Đăng Khoa thì Nguyễn Huy Thiệp là thằng cường hào địa chủ trong văn học cần lật đổ.” Theo ông, cái cách của Trần Đăng Khoa là thế này: “Nguyễn Huy Thiệp là người sắc sảo, trí tuệ ư? Không, sắc sảo trí tuệ cái gì, chỉ có phép nói ngược thôi. Anh nói trắng thì nó nói đen, anh nói phải thì nó nói trái, Thiệp nó chỉ có thế, chứ chẳng có trí tuệ gì. Họ [Trần Đăng Khoa và những người như ông Khoa] muốn chôn, muốn đóng ván thiên cho Thiệp.” Và ông gọi ông Khoa là nông dân và trẻ con.
Ông cũng nhắc đến tên nhà thơ Hữu Thỉnh [phe bảo thủ, chống đối Nguyễn Huy Thiệp] và Hội Nhà Văn Việt Nam - một tổ chức của Đảng và là “một bộ máy quan liêu, lấn át tính chất nghề nghiệp”, nhưng người ta vẫn muốn vào Hội vì quyền lợi và được đi nước ngoài. Ông cũng nhắc đến Nguyễn Khoa Điềm, người ở trên đe dưới búa, nhắc đến dịch giả Lê Huy Bắc, nhân vật được coi là người giỏi tiếng Anh nhất trường Sư phạm, một trường đại học mẫu mực, trường điểm của nhà nước, tương lai của nền học thuật Việt Nam. Thế nhưng, ông Hoàng Ngọc Hiến cho biết bản dịch của ông Lê Huy Bắc, “một đoạn mười dòng của ông ấy đã có bốn cái contresens, tức dịch ngược hẳn ý của người ta.” Ông cũng nhắc đến Đặng Việt Bích, con trai ông Trường Chinh, muốn làm Viện trưởng trường Đại học Văn Hoá-Nghệ Thuật, nhưng không được vì “quá lười đọc sách, ngu dốt, ích kỷ, nhếch nhác.”
Phê bình bài trả lời phỏng vấn của ông Hoàng Ngọc Hiến trên Talawas, ông Trần Mạnh Hảo nhắc một câu nói của ông Hiến: “Theo tôi [Hoàng Ngọc Hiến], dùng tiếng Việt chính xác mới là yêu tiếng Việt, mà cái yếu nhất trong văn học Việt Nam từ 1945 đến nay không chính xác về từ ngữ. Toàn dùng những từ chung chung, từ khuôn sáo, không chọn được từ chính xác.”
Văn học hải ngoại
Đó là văn học do một người cầm bút trong nước nhìn từ bên trong. Còn nền văn học hải ngoại qua cái nhìn của người viết và người đọc thì sao?
Nhà văn Nguyễn Mộng Giác, tác giả hai bộ trường thiên tiểu thuyết đồ sộ. Mùa Biển Động và Sông Côn Mùa Lũ, trong bài “Tình trạng lão hoá trong sinh hoạt văn học” [nxb Văn Mới, 2004] cho biết những nhà xuất bản uy tín trước đây [như Văn Nghệ, Thanh Văn, An Tiêm và mới nhất như Văn Mới] ngày càng ngại bỏ tiền xuất bản sách, nhất là loại sáng tác như thơ, tiểu thuyết. Số ấn bản trung bình chỉ lên đến 500, nghĩa là nếu bán hết may lắm lấy lại đủ vốn, cho nên dù sách xuất bản dưới nhãn hiệu nào, đa số trường hợp đều do chính tác giả bỏ tiền túi in lấy sách của mình. “Tình trạng ấy đưa đến một loạt phụ ứng: sách in ra nhiều nhưng chất lượng không bao nhiêu, nhu cầu quảng cáo để bán sách giết chết ngành phê bình, độc giả đứng trước rừng sách nhiều màu không biết nên mua sách nào sau nhiều lần “trao thân lầm tướng cướp” quyết định không mua sách nữa, không có người mua sách thì ngành xuất bản sa sút kéo theo động cơ thúc đẩy việc sáng tác… Cái vòng lẩn quẩn không lối thoát ấy có thể xảy ra cả trong nước, nhưng ở hải ngoại trầm trọng hơn do tình trạng lão hoá của sinh hoạt chữ nghĩa.”
Lão hóa theo Nguyễn Mộng Giác là một khi người cầm bút chỉ nhằm viết cho những người cùng cảnh ngộ lưu vong như mình đọc, thì họ sẽ cứ viết như lâu nay họ đã từng viết: “tiếc nuối một thời hoàng kim đã mất, xót xa trăn trở với những khổ ải đã trải qua, lật từng trang album bồi hồi với những kỷ niệm đẹp, mơ ước ngày trở về có khải hoàn môn dựng trên khắp nẻo đường và gặp lại một quê hương y nguyên như thời hoàng kim cũ.”
Có thể nói thêm là Lão hoá không chỉ ở người viết mà còn cả ở người đọc nữa, bởi vì ở hải ngoại số người đọc báo Việt và văn chương Việt ngày như một giảm xuống. Cứ nhìn vào các tạp chí văn chương như Văn Học, Hợp Lưu hay Văn thì biết.
Đã đến lúc người viết nhận ra rằng tác phẩm của một nhà văn không chỉ nhắm vào một nhóm người, một cộng đồng nhỏ mà là cho cả một dân tộc nếu không có tham vọng có một readership lớn hơn, vượt khỏi biên giới của một nước.
Những câu hỏi rất cũ đặt ra cho người cầm bút như Viết cho ai? Viết cái gì? Viết như thế nào? Bây giờ vẫn còn có thể đặt lại trong một ý nghĩa mới. Nó không chỉ đúng cho người cầm bút hải ngoại mà theo Nguyễn Mộng Giác, nó còn đúng cả cho người cầm bút trong nước nữa. Ông kể lâu lâu xem một tạp chí hay một tuần báo văn chương trong nước, ông cảm thấy bị xúc phạm khi đọc hồi ký hay truyện ngắn của những cây bút Miền Bắc dùng những “nhân xưng miệt thị như “y”, “hắn”, “chúng”, “bọn nguÿ”, “thằng ngụy” y như trong thời chiến tranh. Rõ ràng là người viết văn ấy viết cho họ đọc với nhau, bất kể những thay đổi trong hơn một phần tư thế kỷ qua.”
Theo nhà nghiên cứu phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc [Chiến tranh, như một thi pháp, Talawas, 27/5/2004] thì trong văn hoá chiến tranh có ba điều đáng kể nhất: “chủ trương phi-nhân hoá kẻ thù, mỹ học về bạo động và đạo đức học về sự phá hoại”. Và trong quá trình phi-nhân hóa kẻ thù người ta tìm cách tước bớt chất người của kẻ thù bằng một hệ thống đại từ nhân xưng cực hạn chế: “thằng”, “con” và “mụ”. Những biện pháp phi-nhân hoá kẻ thù như thế làm cho hành động giết người được miễn trừ trách nhiệm đạo đức: giết kẻ thù chỉ là giết một khái niệm, một con thú hay một kẻ chưa thành người vậy thôi.” [bđd].
Đào sâu hơn, Nguyễn Hưng Quốc cho rằng giới văn nghệ sĩ Việt Nam viết về chiến tranh ‘như một cách tái tạo lại chiùnh mình’. “Những nỗ lực tái tạo ấy thay đổi theo thời gian và theo thời tiết chính trị chung quanh….. Nỗ lực tái diễn dịch và tái cấu trúc quá khứ như thế là hành động phổ quát ở hầu hết mọi người cầm bút.. Bởi vậy, đối diện với đề tài chiến tranh, trong đó có chiến tranh Việt Nam, chúng ta không cần, không nên, và thật ra, cũng không thể đặt ra vấn đề chính xác trong việc tái hiện hiện thực”. Và ông kết luận: “Một cuộc chiến tranh có thể mang tính chính nghĩa hay phi nghĩa; nhưng một tác phẩm viết về chiến tranh thì chỉ có vấn đề hay hoặc dở mà thôi”. Và ông thêm, trong thế giới nghệ thuật, cái hay nhất bao giờ cũng được xem là cái đúng nhất. Chiến tranh và Hoà bình của Leo Tolstoi không phải là tác phẩm viết đúng nhất mà là tác phẩm viết hay nhất về cuộc chiến tranh Nga-Pháp. Và khi nó được xem là hay nhất, nó tự động được xem là chuẩn mực, từ đó, không phải chỉ có cuộc chiến tranh Nga-Pháp mà hầu hết các cuộc chiến tranh khác đều ‘bắt chước’ Chiến tranh và Hoà bình.” [bđd].
Cụ thể hơn, Hoàng Ngọc Tuấn trong một bài viết trên Hợp Lưu [số 71, tháng 6&7, 2003] có tựa đề “Văn chương về chiến tranh Việt Nam và nhu cầu sáng tạo bút pháp mới” cho rằng mặc dù “văn chương về chiến tranh Việt Nam cực kỳ phong phú về số lượng, chỉ có một số tác phẩm được xem là những thành tựu nghệ thuật”. Tại sao vậy? Cũng như cách nhìn trên của Nguyễn Hưng Quốc, Hoàng Ngọc Tuấn cho biết phần lớn tác giả xem nhẹ giá trị sáng tạo nghệ thuật và đề cao “sự trung thực”, họ viết như một người lính hơn là như một nghệ sĩ văn chương, cũng giống như một bức ảnh rõ ràng và chính xác và một bức ảnh nghệ thuật có một khoảng cách rất xa. Trong gần hai thập niên trở lại đây, một số nhà văn đương đại của Hoa Kỳ đã nhận ra rằng không phải chỉ có một sự thật, mà có nhiều sự thật về chiến tranh Việt Nam và về bất cứ sự kiện nào xảy ra trong cuộc chiến ấy, và họ nỗ lực tìm kiếm những bút pháp mới có khả năng diễn tả cái hiện thực đa phương, đa tầng của lịch sử và cái tâm cảm cực kỳ phức tạp của con người trong cuộc chiến ấy.” [bđd]
Ông nêu ra cuốn tiểu thuyết Paco’s Story cuœa Larry Heinemann làm ví dụ. Theo ông, Heinemann phù hợp với quan niệm thẩm mỹ hậu hiện đại, theo đó tác giả không chủ tâm đưa ra một phán xét chung cuộc nào cả, và độc giả phải đối diện với vô số khả thể diễn dịch. Sau này, trong số những nhà viết tiểu thuyết hậu hiện đại về chiến tranh Việt Nam, Tim O’Brien với tiểu thuyết The Things They Carried (1990) là đáng lưu ý nhất. Theo Hoàng Ngọc Tuấn trong khi tuyệt đại đa số các nhà văn chiến tranh trong thời hiện đại nỗ lực chinh phục độc giả bằng những sự kiện và diễn biến “như thật” hoặc “hoàn toàn có thật”, O’Brien lại cố làm cho độc giả hoài nghi liên tục bằng những sự kiện và diễn biến không ngừng tự mâu thuẫn nhau…Hơn thế nữa, ông còn xen vào câu chuyện để, một cách tỉnh táo, lật tẩy chính lối viết của mình.” [bđd]
Nhiều người trẻ gốc Việt hiện nay tại hải ngoại đã không viết bằng tiếng mẹ đẻ mà viết trực tiếp bằng tiếng Anh hoặc Pháp. Họ không đơn giản chỉ viết cho người ngoại quốc đọc. Họ viết như một nhà văn.
Một trong những người trẻ cầm bút đó, nhà văn Nguyễn Quí Đức - hồi đầu tháng Ba, 2005, trước một chuyến đi công tác trong vùng Đông Nam Á cho một đài phát thanh tiếng Mỹ do anh làm chủ biên - nói rằng đối với giới trẻ, văn chương ngày nay không còn biên giới, nó đã ra khỏi cái đường biên quốc gia, tuổi trẻ của anh và những người trẻ hơn anh, nhận ra không còn nữa cuộc đối thoại đông và tây, không còn chuyện bắc và nam, không còn chuyện xung đột tôn giáo. Thế giới đã nhỏ hẹp với khoa học kỹ thuật tối tân ngày một biến ảo không lường. Đinh Linh có thời đến sống ở Italy, đạo diễn lừng danh Trung Quốc Trần Khải Ca đến Việt Nam. Đây là thời đại để người ta đi tới chứ không phải để người ta bước lui. Một phụ nữ Thái lấy chồng Đức và sanh con bên Pháp, hay một người Ấn chào đời ở Anh và đi học ở Mỹ. Vấn đề toàn cầu hoá đang là câu trả lời cho những câu hỏi cục bộ của người cầm bút đương thời.
Trước đây gần tám năm, Salman Rushie cũng từng đề cập đến vấn đề trên cho văn học Ấn Độ, trong một bài viết dành cho hợp tuyển Những tác phẩm văn học Ấn Độ điển hình: 1947-1997 [sau đó bài được Tạp chí Dân tộc Ấn Độ (India’s National Magazine) số ra ngày 9-22/8/1997 kỷ niệm 50 năm ngày Ấn Độ độc lập, in lại.].
“Tiếng Anh là phương tiện giao tiếp thông dụng nhất thế giới; chẳng lẽ chúng ta lại không vui mừng về sự tinh thông của chúng ta về thứ ngôn ngữ mà uy thế của nó càng ngày càng lớn mạnh. Việc lên án các nhà văn về những thành công của họ trong việc bứt phá các rào cản ngôn ngữ không khác việc làm của chủ nghĩa địa phương hẹp hòi là bao (chủ nghĩa địa phương có thể là thói tật chính của văn học bản địa.) Vai trò quan trọng của văn học được thể hiện ở chỗ, nó là phương tiện có thể tạo ra những cuộc đối thoại giữa các quốc gia trên thế giới…… Văn học sẽ có ít, hoặc chẳng có gì để nghiên cứu với những cái tên chỉ được biết đến trong nước của tác giả”. [Phạm Phương Chi dịch, http://evan.com.vn, 10/3/2005]. Cái nhìn của Salman Rushdie đối với văn học Ấn không khác mấy cái nhìn của Nguyễn Quí Đức đối với sự bế tắc của văn học Việt Nam.
Sau cái “nhếch nhác” của văn học trong nước và cái “lão hoá” của văn học hải ngoại, liệu văn học Việt Nam bao giờ mới có tác phẩm ngang tầm thời đại?
Phải chăng, để ra khỏi cái ngõ cụt ấy là một nền văn học Việt Nam viết bằng tiếng Anh, Pháp như nhận định của Nguyễn Quí Đức?

______________

Đọc một chữ, trăm nỗi niềm

Võ Phiến - Nguyễn Xuân Hoàng
(đàm thoại)

Nguyễn Xuân Hoàng(N.X.H.): Rồi đây e không còn ai viết truyện dài, không có những công trình văn nghệ qui mô nữa. E nghệ phẩm cứ theo thời mà teo dần...
Võ Phiến (V.P.): Uả, có chuyện gì xảy ra vậy?
N.X.H.: Ai cũng bận hết, ai cũng quen thói đọc nhanh cả, riết rồi hễ bốc phải cuốn sách dày là phóng như ngựa phi đường trường. Chết sách thôi. Truyện ngắn, sách mỏng: cứ trình ra thị trường những món nhè nhẹ dễ tiêu như thế có hi vọng được chiếu cố kỹ hơn. Không đến nỗi uổng công đẽo gọt. Có lẽ đó là chiều hướng sáng tác của tương lai chăng?
V.P.: Ấy chết. Hoá ra ông vẫn còn bị ám ảnh về một biện pháp đối phó với hoàn cảnh mới, ông vẫn đang tìm kiếm đường hướng mới. Khoan đã, ông ơi. Việc gì phải đến rồi nó sẽ đến. Bây giờ hãy tiếp tục suy nghĩ thêm đôi điều về những hậu quả của một thời vội vã.
Theo chỗ tôi nhận thấy, khi đọc nhanh thì bộ sách nghìn trang bị thiệt thòi, mà bài thơ bốn câu cũng cứ bị thiệt như thường. Ðọc vội thì đọc văn chết văn, đọc thơ chết thơ, đọc sách dày chết sách dày, đọc sách mỏng chết sách mỏng. Cái mẹo của ông vị tất cứu thoát nổi văn chương.
N.X.H.: Ông có ngon trớn mà đi quá xa chăng? Tôi chưa hiểu vì sao một bài thơ ngắn cũng đến nỗi bị nguy hại vì thói đọc nhanh.
V.P.: Cái đó có đấy. Ông có biết hai câu lục bát này không?
“Chờ anh em mãn kiếp chờ,
Chờ cho ến xại vượt bờ khùi ui.”
N.X.H.: Ông vừa đặt ra đấy hả?
V.P.: Không. Ca dao đấy. Truyền tụng đã lâu trong nước.
N.X.H.: Nước nào?
V.P.: Việt Nam. Vùng Bạc Liêu. Bạc Liêu là đất sinh sống của dân Tiều. Trong câu ca dao nọ tiếng Tiều xen lẫn vào tiếng Việt. Trên một số báo xuân gần đây, ông Lê Văn Lân đã cao hứng đưa ra mấy câu cho bà con thưởng thức chơi.
N.X.H.: Ðiệu này thưởng thức gì nổi.
V.P.: Thì đấy. Ông Lê có giải thích: “ến xại” là hai chữ “ung thái” phát âm theo giọng Triều Châu. Ung thái tức rau muống. Còn “khùi ui” là “khai hoa” theo giọng Triều Châu. Hai câu đó, ông Lê dịch:
“Chờ anh em mãn kiếp chờ,
Chờ cho rau muống vượt bờ nở bông.”
N.X.H.: Nghe thắm thiết lắm.
V.P.: Vậy thì nghe thêm:
“Chim kêu ngồ ố, láng dài
A hia xủa bố, a mùi ùm chai.”
Thắm thiết không?
N.X.H.: Ông Lê Văn Lân dịch thế nào?
V.P.: “A hia” là anh, “xủa bố” là cưới vợ, “a mùi” là em, “ùm chai” là không biết. Ông Lê dịch:
“Chim kêu ngồ ố, láng dài,
Anh đi lấy vợ, em rày chẳng hay.”
Ca dao “xủa bố”, ca dao “ến xại”, ở Bạc Liêu trai gái hát đi hát lại bao đời, anh ngậm ngùi em thổn thức, ông lại chê! Ông nghe thêm mấy bài nữa nhé.
N.X.H.: Có lẽ đủ rồi. Cũng biết thêm một loại văn chương...
V.P.: Ông thấy loại ấy ra sao? Bây giờ, nhờ ông Lê, chúng ta đã hiểu ý nghĩa những câu ấy đầy đủ, ông đọc lại nguyên bản thấy thích không? “Chờ cho ến xại lên bờ khùi ui.” Thế nào? “A hia xủa bố, a mùi ùm chai.” Thế nào?
N.X.H.: Thì ông sao tôi vậy. Chắc đại khái như nhau. Ðọc lên, không thấy có cảm xúc gì. Nghĩa là chưa có, chúng ta chưa kịp có cảm xúc. Có lẽ những bà con ở Bạc Liêu...
V.P.: Ðấy! Biết rõ cái nghĩa chữ trong một câu văn một câu thơ, không đủ. Ðọc cuốn sách toán, sách thiên văn, địa lý, hiểu rõ nghĩa là đủ; nhưng đọc văn nghệ phẩm thì như thế chưa giúp ta thưởng thức được gì.
Tôi hiểu ý ông mà. Ông vừa thoái thoát: “Ðủ rồi”, tôi hiểu ngay. Ông nói thế cũng như cụ cố Hồng kêu “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi.” Thơ “ến xại”, biết chừng ấy quá đủ. Còn chị Trúc đọc thơ Nguyễn Bính, tôi chắc chắn không vội kêu đủ đâu:
“Chị có một em, em một chị
Trời làm xa cách mấy non sông”...
Lời lời như thế, chán thế quái nào được. Ðọc một chữ thích một chữ, đọc một câu sướng một câu. Ðọc qua một lần chị rơm rớm nước mắt. Muốn đọc lại ngay. Ðọc lại chị vội vơ khăn lụa. Chữ đậm chữ nhạt, tiếng có tiếng không, lời mờ lời tỏ, chúng nó kết hợp với nhau diễn bày cái gì vậy cà. Chữ nghĩa của chú em sao mà tha thiết tình tứ quá trời. Và tội nghiệp ơi là tội nghiệp. Thương quá sức. Thơ chú em đâu có bí hiểm gì, cái biết chị biết từ khuya. Nhưng chữ nghĩa ấy cứ còn nhẩm trên môi nó còn nhả ra tình cảm, làm mềm cả lòng người. Từng chữ từng lời từng tiếng trong câu văn câu thơ thành công, nó không chỉ chứa cái để biết, nó còn tiết ra từ từ muôn vàn cái để cảm. Từ từ, xin nhắc lại là từ từ.
Xem sách, gặp chữ. Mỗi chữ là một ký hiệu. Mỗi ký hiệu tương ứng với một ý tưởng, hay với một hình ảnh, một âm thanh, một sự vật cụ thể. Cái chủ yếu trong nghệ phẩm là những hình tượng cụ thể được gợi lên. Một chữ, một ký hiệu xa lạ mắt ta gặp thấy, miệng ta đọc lên mà nó không gợi nên một hình ảnh gì cả thì nó không có khả năng gây xúc cảm. “Ến xại”, “khùi ui” đều có mang theo ý nghĩa rõ ràng, nhưng (đối với chúng ta) nó không mang theo hình ảnh nào, nên không gây được rung động. Ngay những tiếng “ngồ ố”, “láng dài”, chúng ta cũng thấy nó xa lạ, nó không có âm vang tình cảm trong tâm hồn những người ở các địa phương cách xa Bạc Liêu.
Trường hợp đọc nhanh cũng có chỗ liên quan với trường hợp đọc ngôn ngữ xa lạ.
N.X.H.: Có phải ông muốn nói đọc nhanh thì không bắt được hình ảnh?
V.P.: Có thế ông à. Từ cái lúc con mắt mình bắt gặp ký hiệu (chữ viết) cho đến lúc một hình ảnh nào đó được gợi lên, dựng ra trong trí, phải có một khoảng thời gian.
Một câu văn có nhiều chữ, một đoạn văn có nhiều câu, một bài văn có nhiều đoạn. Ký hiệu này gợi một hình ảnh, ký hiệu kia gợi một mùi, ký hiệu nọ gợi một âm thanh, một vị, một màu, một tình cảm, một rung động v.v... Phải có thời gian tối thiểu cho nó. Phải chờ nó xuất hiện, chờ nó kịp tác động. Ðừng hối hả quá, đừng xô đẩy nó gấp quá. Chữ viết trên một thông cáo, một văn thư hành chánh chỉ nhả ra cái nghĩa. Chữ viết trên một tác phẩm văn chương, nó nhả ra một thế giới cảm xúc. Ðọc nhanh, hỏng hết. Thành ra thơ “ến xại”, “khùi ui” tuốt.
N.X.H.: Có thế. Bài thơ nhạt vị hẳn đi. Dù sao, phải nhận rằng cách ông phát biểu có phần cực đoan.
V.P.: Có lẽ. Khi mình mải mê đuổi theo một lý luận, say sưa chứng minh một điều gì, mình bị cuốn hút theo một chiều hướng, dễ đâm cực đoan. Ông can thiệp đúng lúc. Vậy đừng hăng hái quá. Chúng ta thư thả, lai rai, tản mạn từ chuyện nọ sang chuyện kia. Này, tôi chợt nhớ mấy câu thơ của Huy Cận thời tiền chiến:
“Tới ngả ba sông, nước bốn bề,
Nửa chiều, gà lạ gáy bên đê.”
N.X.H.:
“Làng xa lặng lẽ sau tre trúc;
Bến cũ thuyền em sắp ghé về.”
Bài ‘Em về nhà’ trong Lửa thiêng, phải không?
V.P.: Chính đấy. Ông cũng thích cũng nhớ mấy câu ấy hả? Ngày tôi tiếp xúc lần đầu với những câu thơ đó tôi chưa trông thấy cái ngả ba sông nào, chưa biết con đê nào cả, vậy mà vẫn thấy xao động lạ lùng.
“Tới ngả ba sông, nước bốn bề
Nửa chiều, gà lạ gáy bên đê.”
Tiếng gà gáy thì tất nhiên là quen thuộc. Cái tiếng gà gáy vào lúc nửa chiều, ở chỗ sông nước mênh mông, tiếng con gà lạ nơi một ngả ba... Trí tưởng tượng tha hồ vẽ vời. Từ cái biết rồi, mơ tưởng đến những cái chưa biết. Từ cái đã có sẵn trong kỷ niệm đến những cái mình tiếp tục dựng lên. Chúng ta bị cuốn đi xa, thật xa...
Sau này Xuân Diệu viết cuốn Thế giới thơ Huy Cận, có đoạn đề cập tới câu thơ nọ. Ông ta bảo hai câu thơ vừa rồi “chứa cảnh, chứa hồn, chứa cả những gì không thể nói được.” Ông có chú ý tới cách nói ấy không? Ngay Xuân Diệu, gần gũi Huy Cận là thế, gắn bó với thơ trước sau là thế, mà cũng không nói được cái chứa của câu thơ: “Những gì không thể nói được.” Mơ hồ quá, rộng lớn quá. Quả như mình cảm tưởng.
Xuân Diệu không biết hết cái “chứa” của câu thơ, nhưng ông ta biết rõ về khung cảnh trong câu thơ. “Ðây là Ngã ba Tam Sa trên sông Phố, tại Linh Cảm, ở quê Hà Tĩnh của Huy Cận.” Linh Cảm: Ðịa danh ấy làm tôi liên tưởng đến mối tình đau đớn của người bạn lớn hơn tôi ba bốn tuổi... Người nữ sinh anh yêu chính ở Linh Cảm. Bấy giờ tôi nào biết Linh Cảm là đâu, nhưng cái cách anh ấy nói đến hai tiếng Linh Cảm trong những đêm tâm sự truyền cho nó bao nhiêu là thắm thiết, bi thương, quằn quại... Tôi có dịp trông thấy một lần ngắn ngủi cô nữ sinh nọ trong cuộc gặp gỡ giữa hai người. Tôi có cảm tưởng tình yêu ấy chỉ một chiều. Cô gái không nói gì mấy. Nét mặt dịu dàng, nhẫn nhục, thương cảm. Gặp nhau một lần ấy rồi thôi, sau này không có sự qua lại nữa. Tuy nhiên, trong nhiều năm trời sau đó tôi nhận thấy anh bạn tôi vẫn không thoát nổi mối tình. Ðang dạy học ở Huế, anh bạn bỏ dạy; hỏi đi đâu, bảo nghe mách có chỗ dạy ngoài Hà Tĩnh, muốn ra xem thử. Lại lần khác gặp biến cố lớn, gia đình chờ mãi bặt tin anh, rất lo lắng. Về sau anh về, bảo rằng lúc ấy bị kẹt ở Linh Cảm v.v... Tôi lén lút nhìn anh, thương xót.
Từ đó, tiếng gà lạ gáy bên đê lại gợi lên trong trí tôi những liên hệ u ẩn, khổ đau, gợi một nét mặt đẹp dịu dàng và buồn bã; cái ngã ba sông nước bốn bề tự dưng liên hệ với nỗi đau âm thầm một đời v.v...
Mình càng gần gũi lâu một ngôn ngữ càng thấy nó chất chứa trong mỗi lời mỗi tiếng lắm điều ngổn ngang. Hãy thư thả, thư thả. Ðể cho mỗi tiếng từ từ nhả ra hết cái chứa đựng tình cảm của nó. Cầm khúc xương gà mút qua một cái, thấy vô vị, vứt đi. Kẻ nhẩn nha cắn vỡ nó ra, hút được cái tủy trong xương, thấm lắm ông ơi.
N.X.H.: Trong câu văn, nhất là câu thơ, tất nhiên có chứa những cái nói được. Nhưng quan trọng nhất lại là có chứa cả những gì không thể nói được...
V.P.: Và cái đó mới là cái mình cần thưởng thức cho kỳ được. Cái phần tinh túy ấy, câu văn câu thơ nào cũng ôm ấp giữ riệt lấy như giữ của quí, như gái giữ thân, chỉ chịu trao cho bậc tri kỷ. Những tiếp xúc văn chương nhanh chóng, dễ dàng, không đi đến đâu...
N.X.H.: Nhưng, xin lỗi, tôi nghĩ cách thưởng thức văn thơ như thế có gì không ổn.
Trong câu thơ của Huy Cận không hề có hình ảnh một khuôn mặt nữ sinh dịu hiền, không có tâm trạng tan tác của mối tình một chiều v.v... Trong ấy Huy Cận gửi vào một hình ảnh cũng đẹp đẽ nhưng khác xa: cô em đi thuyền “về nhà” nọ có thể đã nhiều lần nép mình trong vòng tay anh v.v..., chia xẻ những phút giây nồng nàn... Cái được gửi vào trong mỗi chữ khác với cái được chữ nhả ra.
V.P.: Thì vẫn thế. Tác phẩm văn chương chẳng qua là những quán trọ Y-pha-nho. “Ta chỉ giàu những của sẵn mang theo.” Nếu người đọc đi vào sách chỉ mang theo cái tâm sự của đứa trẻ lớp mẫu giáo thì chẳng tiếp nhận được mấy tình cảm đâu, dù sách là đại danh phẩm. Câu thơ hay chỉ khua dậy những tình cảm trong lòng người đọc “giàu”. Nhưng dù có “giàu” tới đâu, có chất chứa bao nhiêu của cải bên trong, cũng phải kịp có thì giờ dàn ra chứ.
N.X.H.: Nói về cái thơ cái thẩn, lan man một chút như thế có bớt căng.
V.P.: Thì lan man thêm chút nữa đi. Theo chân ông Bùi Giáng nhé. Có ông Bùi Giáng thì hết căng ngay.
N.X.H.: Bùi Giáng cũng có nói về hoàn cảnh mới cho sáng tác văn nghệ nữa sao?
V.P.: Ðâu có, đâu có. Bùi quân vượt ra ngoài không gian lẫn thời gian. Ông không lý đến chuyện hoàn cảnh đổi thay này nọ đâu.
Chính bởi ông Bùi vượt thời gian mà tôi muốn nói đến ông lúc này. Số là cách đây vài tháng bà Phan Thị Trọng Tuyến có gửi cho mượn cuốn Ngày tháng ngao du, in từ năm 1971, đọc thấy có những ý kiến bây giờ vẫn còn hay còn đúng. Tôi khoái quá, liền ca ngợi ngay, giờ lại muốn ca ngợi nữa. Không nhịn được.
N.X.H.: Uả, việc gì phải nhịn cho nó bí người? Muốn ca, xin cứ ca bằng thích.
V.P.: Xin vâng. Này nhé, ai nấy đều biết Nguyễn Du có câu “Phong lưu rất mực hồng quần” chứ gì? Ông Bùi Giáng liền đặt ra vấn đề: “Hồng quần là quần hồng. Quần hồng là biểu tượng đàn bà. Nhưng chỗ kỳ dị là: không thể dùng tiếng ‘Ðàn bà’ thay thế cho tiếng hồng quần trong câu thơ đó. Thử đọc: ‘Phong lưu rất mực đàn bà’??? Và kỳ dị hơn nữa: không thể đem tiếng quần hồng thay thế cho tiếng hồng quần. Thử đọc: ‘Phong lưu rất mực quần hồng’ thì mọi người đều phì cười. Tại sao có sự lạ đó.”
Bùi quân lại còn giải rõ thêm: “Nếu đem quần hồng thay thế cho hồng quần, thì lời thơ tan hoang tinh thể. Làm sao một ông giáo sư trịnh trọng có thể giải thích sự huyền bí đó cho học sinh luyện thi? Ông chỉ có thể bảo rằng: Nàng Thúy Kiều sống phong lưu rất mực, ngày ngày tháng tháng nàng luôn luôn vận chiếc quần hồng. Và học sinh sẽ cười rộ suốt cả lớp. Còn học hành gì được nữa?”
N.X.H.: Ông Bùi Bàng Giúi vui thật. Vừa thâm vừa vui.
V.P.: Chưa hết. Bùi quân còn vui còn thâm hơn nữa. Ông ấy giễu Crayssac bằng cách trích đúng y nguyên bản dịch cho bà con coi chơi thôi, không hề thêm bớt gì cả:
“Elle vivait ainsi, de facon indolente,
Les beaux jours de loisir d’une vie élégante,
De par le rang des siens pouvait porter, selon
La coutume chinoise, un rouge pantalon.”
Ông phán: “Ngôn ngữ tèm nhem”! Ðố René Crayssac cãi được.
N.X.H.: Ngộ thật. Chỉ có sáu chữ đơn giản mà loay hoay dài dòng tới bốn câu vẫn không dịch được. Hồng quần là quần hồng mà không phải là quần hồng. Thay thế bằng quần hồng không được, bằng quần đỏ quần điều đều không được; thậm chí thay thế bằng những tiếng đàn bà hay phụ nữ v.v... đều bất khả. Cắc cớ thật.
V.P.: Ðã sẵn lan man, mình lan man luôn. Hãy tưởng tượng mai kia rồi nước ta lại xảy ra cách mạng. (Ối, gì chứ cách mạng thì ai cấm được nó xảy ra bất cứ lúc nào). Cách mạng xong, xuất hiện một nhà lãnh đạo văn hoá rất mạnh tay, một vị tên là Giang Tục nào đó chẳng hạn, từng là cựu tù nhân Côn Lôn, cựu nạn nhân Chuồng Cọp. Bèn có chủ trương triệt để tiêu diệt tàn tích văn hoá phong kiến, xoá sạch dấu vết dâm thư đồi trụy có thể làm bại hoại luân thường đạo lý. Truyện Kiều đi đời. Khi cách mạng hoàn thành sứ mạng lịch sử và bị xua đuổi như đuổi tà, đất nước thở dài khoan khoái, nhiều người sực nhớ lại Truyện Kiều, muốn tìm đọc để mua vui một vài trống canh chơi, bấy giờ mới hay Truyện Kiều đã mất tích hẳn trên đời. Ðây đó trên thế gian chỉ còn rải rác các bản dịch nằm trong góc các thư viện Âu Mỹ. Có còn hơn không. Có người tóm được bản René Crayssac, quyết tâm căn cứ vào bản này để phục hồi Truyện Kiều Việt ngữ. “Phong lưu rất mực hồng quần” bèn được dịch phăng phăng. Dịch rằng:
“Thế là nàng sống nhởn nhơ
Những ngày đẹp đẽ phong lưu tuyệt trần
Giàu sang cùng một giai tầng
Mặc theo lối xẩm cái quần đỏ tươi.”
Ông nghĩ sao?
N.X.H.: Tôi nghĩ dịch như thế, đọc bản Kiều “phục hồi” tha hồ mua vui suốt năm canh.
V.P.: Không những học sinh cười rộ, mà bà con cả nước sẽ cười bò lê bò càng, còn luyện thi luyện thiếc, còn nói chuyện văn hoá văn huyếc gì được nữa.
Ðấy, ông thấy không? Hồng quần là cái quần hồng, nghĩa nó thì giản dị mà lắng nghe cho được cái xúc cảm đích thực nó gây ra nơi lòng mình lại không hề giản dị. Mấy tỉ người trên đời không ai giống ai, mỗi người một vẻ. Cái tiếng, cái chữ cũng vậy. Mỗi chữ một tướng mạo. Có chữ trông hung tợn, có tiếng nghe chịu liền. Có chữ mới chạm mặt nó đã phát dội, có tiếng đọc lên càng ngẫm càng thấy nó có cái duyên ngầm, ý vị thấm thía v.v... Ông Bùi bảo: “Làm sao (...) có thể giải thích sự huyền bí đó?” Tôi khoái Bùi quân ở cái chữ “sự huyền bí”.
Người độc giả vội vàng, hớt hơ hớt hải, sớn sa sớn sác, đọc một chữ bỏ một chữ, phớt qua một cái nhanh như điện, thì bắt sao được “sự huyền bí” của chữ nghĩa. Từ từ, hãy đợi chữ nghĩa nó nhả ra cái huyền bí. Cho nên một bài thơ ngắn, thậm chí một câu sáu chữ cũng đừng tưởng nó không thể xếu mếu vì lối đọc cóc nhảy.
N.X.H.: Hôm nay ông chú trọng về thơ. Chữ trong thơ nó thường ngậm kỹ nhả lâu...
V.P.: Không hẳn. Cố nhiên là lời thơ vẫn trau chuốt hơn lời văn, mỗi một chữ trong câu thơ thường được chọn lựa đắn đo hơn trong câu văn. Tuy nhiên, không phải chữ viết trong câu văn là thực thà đơn giản đâu. Một tác giả đã nói: “Không có một người viết tản văn nào, dù là người sáng suốt nhất, có thể biết được ‘hoàn toàn’ mình muốn nói gì; hoặc ông ta đã nói mạnh quá hoặc nói yếu quá, vì mỗi lần viết ra một câu văn là chấp nhận một cuộc đánh cá, một mạo hiểm; cứ càng sờ soạng vào càng thấy cái chữ viết nó lộ sắc thái riêng; đúng như Valéry đã cho thấy, không ai có thể hiểu thấu đến cùng một chữ một lời. Như vậy mỗi một chữ được dùng là đồng thời dùng trong cái nghĩa rõ ràng thông dụng của nó và dùng luôn cả vì một số âm vang u ẩn nào đó, cơ hồ có thể nói là vì cái diện mạo của nó nữa.”
N.X.H.: Có phải là lời của Sartre?
V.P.: Ấy chết! nói ra thấy xấu hổ. Cái biết của mình là một cóp nhặt đó đây. Trả lại cho người cách sòng phẳng, mình chẳng còn gì. Tự mình nghiệm ra suốt đời không suy nghĩ được mấy điều ra hồn. Tệ thật.
Thôi, xin bỏ qua Sartre. Ông nhớ cuốn Louis Lambert của Balzac chứ ạ?
N.X.H.: Một cuốn tiểu thuyết tự truyện. Louis Lambert chính là Balzac ấy chứ gì?
V.P.: Ðấy. Thuở bé, cậu bé bị mẹ hất hủi, lúc nào cũng thui thủi một mình với cuốn sách. Mới mười hai tuổi, cậu đã đọc được rất nhiều, và tâm trí thu hút vào sách mạnh mẽ đến nỗi mắt nhìn trang sách mà trí tưởng tượng có thể dựng lên cả cảnh tượng ngoài đời rõ mồn một. “Khi tôi đọc một đoạn tả trận đánh ở Austerlitz tôi trông thấy cả mọi cái đã xảy ra. Tiếng súng nổ vang, tiếng binh sĩ gào thét dội vào tai tôi, chấn động sâu xa. Tôi có thể ngửi thấy mùi thuốc súng và nghe tiếng vó ngựa cũng như tiếng người la hét v.v...”
Ðọc mà “kỹ” đến thế, thì chữ viết trong cuốn tiểu thuyết cũng bật ra hình ảnh, âm thanh, mùi vị, màu sắc được. Ðâu phải chỉ có trong thi ca?
Nhưng ngày nay mấy ai trong chúng ta mơ tưởng tìm ra một độc giả đọc sách mình kỹ như thế! Ðọc không còn đọc như thế nữa, mà viết vẫn cứ tiếp tục viết như thế, sao được? Cái viết phải liệu thân nó cho kịp thời chứ.
5 – 1993

______________

Nguyễn Xuân Hoàng, từ thơ đến văn

Viên Linh

1.
Trong cuộc sống, đọc thơ văn sách báo của cổ nhân là điều tất phải có đối với kẻ từng ngồi trên ghế nhà trường; và chiêm nghiệm thanh sắc đương thời cũng là điều hẳn sẽ tới với kẻ biết nghe biết nhìn giữa cuộc hành trình. Chưa kể có kẻ đã kín đáo thổ lộ với bà tiên hiện ra trong giấc mộng ba điều ước của cuộc đời, mà không hề nghi ngờ rằng bà tiên đó đôi khi là một mụ phù thủy hóa trang, mụ sẽ nhân đó bày ra một lộ trình trắc trở cho kẻ mơ mòng. Không còn nhớ lúc niên thiếu kẻ viết bài này đã ước ao gì, nhưng cô bạn học lớp nhất trường làng – không phải là cô thôn nữ cùng quê, mà là dân Hà Nội tản cư về trú ngụ chùa Đồng Văn – trong lúc nghe sáo diều vi vu vẳng lại từ con đê cuối thôn, đã vạch áo tôi ra, đập nhẹ bàn tay trắng muốt lên ngực tôi, và chỉ bảo cho tôi làm ngược lại trên ngực nàng, nói rằng, về thể chất mình cũng xứng đôi lắm. Tôi đã ngây thơ hỏi lại: “Thể chất” là gì?” Nàng đứng trên mặt bàn lớp học trên ngọn đồi đình làng, nhún nhảy xòe chiếc váy hoa, hát và múa theo bài “One Day”của Johanne Strauss, và dạy tôi hát theo; nàng nói: “Gia đình Xuân sẽ về Hà Nội. Sau này anh nhớ lên Hà Nội cho sớm. Em dạy mình hát, mình sẽ cùng nhau thành danh ca nức tiếng Hà thành.” Tôi cho là không cần, nên nói rằng: “Chỉ cần Xuân hát cho anh nghe là được rồi.” Nàng tiên ấy còn dạy tôi một điều thứ ba nữa, sau hai điều về thể chất và danh vọng, ấy là tiền tài. Nay nhớ lại, dường như lần nào nàng cũng lừ mắt lộ vẻ gì đó như chán nản, có lẽ vì thế mà đến ngày nàng theo gia đình dinh tê về thủ đô, vào khoảng năm 1949, nàng không thèm từ biệt tôi chăng? Nhưng không hẳn thế, vì nàng vẫn nhét vào túi quần soóc của tôi một chiếc khăn mùi soa thêu thùa trắng tinh, và một bánh xà phòng Dove mà mãi khi đi Mỹ tôi mới thấy lại, hẳn là có điều gì đầy hứa hẹn chứ? Chị tôi khi thấy hai kỷ vật của cái con bé ranh Hà Nội tản cư, đã cười rằng, đó là quà của con ông quan thuế bắt hàng lậu có khác, chứ ý tứ gì, làm tôi tức lắm. Xuân đẹp và chân thành. Xuân không thể là người như chị tôi phán, hay như cái anh giáo sư triết học nọ sau này phán: “Người ta nói sắc đẹp vốn là bạn đồng hành của dối trá và phản bội”[1].

2.
Năm 1959, trong một lúc sa xảy với nghề báo, tôi theo bạn lên dạy học tư ở Ban Mê Thuột. Rời Sài Gòn tạm một thời gian, sách vở đồ đạc nặng gửi lại nhà một đồng nghiệp, thình lình một hôm nhà giáo dạy cùng trường Bạch Đằng đưa cho tôi xem tờ tạp chí Hiện Đại. Trên cùng một trang báo có bài thơ “Phượng Liên” của tôi đăng dưới bài “Mang Mang” của Hoang Vu. Tôi không gửi thơ cho Hiện Đại, mà do người bạn nơi tôi để lại đồ đạc sách vở, đã lấy bài thơ tôi viết cho em Phượng Liên ở Huế, cũng là bạn chung, và là bạn thư từ với tôi, đưa cho Nguyên Sa. Như Võ Phiến nhớ đúng khi anh viết đã đọc thơ phiếm của Thần Đăng (Đinh Hùng) và thơ tôi trên Ngôn Luận, giai đoạn 1954 [2]. Tới năm 1960 tôi đã có vài chục bài thơ đăng trên các tạp chí Văn Nghệ, Sáng Tạo, Thế Kỷ 20, Gió Mới, nhưng Nguyên Sa viết như đây là những cây bút lần đầu xuất hiện, mặc dù anh có thòng một câu kiểu búa lớn: “Có phải nỗi buồn tập hợp trên mắt những người trẻ tuổi ấy phảng phất niềm đau của thế kỷ bây giờ?” [3]. Tôi đã leo lên lầu cao ốc Mai Loan nơi đặt tòa soạn Hiện Đại để chất vấn, vì không ai chọn thơ của người đã có thơ in từ sáu năm trước, với một anh in thơ lần đầu, nhưng chỉ gặp Thái Thủy.
Hoang Vu chính là Nguyễn Xuân Hoàng. Và thơ Nguyễn Xuân Hoàng hay không thua gì văn Nguyễn Xuân Hoàng (khác với trường hợp Mai Thảo: thơ Mai Thảo hay hơn và thật hơn văn Mai Thảo) [4]. Tôi sao lục bài thơ ấy nguyên văn như sau, chỉ chú thích thêm tên của thi sĩ:
Mang Mang
từ xa phố chợ đến giờ
chân quen bỏ lệ gõ bờ lộ quen
hoang vu chín đến độ thèm
lạnh tàn nhẫn rót vào đêm lên đường
mùa sương phố núi mù sương
nhịp buồn hút gió hồn nương sao rừng
chuyện linh hồn với bản thân
bàn tay thượng đế mộ phần chiêm bao
đồi thông xanh tóc nghẹn ngào
ngập ngừng lạnh xuống từ bao lâu rồi
còn tôi, còn chỉ mình tôi
mây bay đầu núi kéo trời lên xa
bàn tay thoáng nổi da gà
thẳm sâu lòng đất nhà ga luân hồi

Hoang Vu (Nguyễn Xuân Hoàng)

Bài thơ không viết hoa ở đầu câu, không dấu chấm xuống dòng, từ ngữ hay thi ngữ, đậm đặc nét thơ của giai đoạn ’60: linh hồn, thượng đế, luân hồi, bản thân, mây kéo trời lên xa và mộ phần chiêm bao, lạnh tàn nhẫn. Tiếc thay cái tên Hoang Vu không xuất hiện nữa, vì nếu Nguyễn Xuân Hoàng còn làm thơ, bầu trời thi ca Việt Nam sẽ thêm một vì sao sáng.
Bài này cũng như bài “Phượng Liên” của tôi nằm cùng một trang báo, mà hai tác giả của hai bài thơ trước sau có chung những khó khăn tương tự, những rắc rối tan tác thì đúng hơn, đều rất bi thương. Nguyên Sa vơ vào hai tên trên cùng một trang báo, như sự tình cờ run rủi hai toa tàu xuôi ngược ráp tạm nơi một sân ga xép. Hoàng đậu tú tài xong, thi tuyển thành công vào Quốc Gia Hành Chánh, song bỏ. Đang học Y Khoa — vì bà mẹ muốn con trai thành bác sĩ — thì nhận lời thách đố của bạn học Hà Thúc Nhơn, viên bác sĩ quân y ở Nha Trang sau này chống tham nhũng bằng súng đạn và chết vì súng đạn — chơi trò nghịch ngợm lỗ mãng của con trai thời mới lớn, nên tuy thắng cuộc thách đố, (Hà Thúc Nhơn thua, sẽ phải trả tiền đãi bạn học ăn phở cả tháng), song Hoàng phải rời Y Khoa vì trò dại dột. Cuối cùng anh đi học Sư Phạm, ra làm giáo sư triết, một nghề anh từng xác định: “Giáo dục không phải ngành thích hợp của tôi. Từ tiểu học, qua trung học, lên đại học, các ông thày bà cô nhìn tôi như môt đối tượng để trút lên đó những bực dọc của cuộc đời khốn nạn của họ. Tôi là tấm bia để họ bắn vào đó những mũi tên mặc cảm” [5].
Đây là lời nói thật của Nguyễn Xuân Hoàng, kẻ đã cùng tôi “Đi thật xa với …” trên báo Văn [*]. Nhìn Hoàng tôi biết con người của bạn không phải con người của khuôn thước, vâng dạ, mòn sáo, lễ phép vì xã giao, vì một nghề nghiệp phải gương mẫu, ra đường thấy ai cũng cúi đầu nhũn nhặn chào hỏi, mà miệng thì lầm bầm bài bác người ta. Tôi từng phải đi dạy học tư một thời gian, không phải giam thân vào nghề mô phạm như chàng thi sĩ Hoang Vu, nhưng tôi cũng không thích nghề dạy học — nghề nghiệp sau này của các bạn cùng lớp với tôi thời trung học: các giáo sư Nguyễn Nhật Duật, Hà Mai Phương, và của hầu hết các bạn văn nghệ cùng thời: Huỳnh Phan Anh, Đặng Phùng Quân, Nguyễn Đông Ngạc, Nguyễn Văn Sâm, Cao Thoại Châu, Nguyễn Định… — vì nhiều lý do. Một trong những lý do nhãn tiền là thù lao quá ít ỏi. Không thể sống quá kham khổ, gò bó, hệ lụy: kham khổ về vật chất cũng như kham khổ về thời gian; gò bó hệ lụy về giao tế cũng như về phương cách sống. Người nghệ sĩ sáng tạo mà theo nghề dạy học thì khó thành công, dễ mang tiếng, vì cung cách nghệ sĩ là tự do diễn đạt, tự do phát biểu. Tôi thật sự không nhìn thấy ở thi sĩ Hoang Vu, hay ở nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, một nhà giáo khuôn mẫu. Như tôi cũng thật sự không bao giờ nhìn thấy ở các bạn nhà giáo của tôi một phong cách duy nhiên tự do phóng khoáng cởi mở thành thật hồn hậu khôn ngoan thân hữu phục thiện giản dị tinh tế như ở Nguyễn Xuân Hoàng. Làm gì lại có một nhà giáo hiếm hoi như thế, chỉ có một nhà văn như thế đi làm nhà giáo mà thôi.
Thuở còn niên thiếu chắc hẳn Nguyễn Xuân Hoàng đã nói ra ba điều ước với một mụ phù thủy mà chàng ta ngỡ là nàng tiên, nên mụ liền thiết kế cho chàng một mê cung, một nẻo đường chông gai trắc trở, gài tác giả Người Đi Trên Mây vào đáy tầng địa đạo, Bụi và Rác, châm chọc Orphee đa tình và chất phác ngứa cổ quay lui, khiến cho Eurydice thân tâm hóa đá, tếch nẻo tây phương, hành hạ người cha thương con yêu dấu ngàn trùng xa cách, trừng phạt tấm lòng hồn hậu phải đeo mặt nạ vô tâm vô tình và bạc bẽo. Không, người đời cứ ngỡ Phan An Tống Ngọc khôi ngô kỳ vĩ thì hẳn đương nhiên hạnh phúc trong chốn tình trường, có biết đâu họ cũng tâm tư nhàu nát, mắt lệ nhiều khi, đêm đêm một mình một bóng chờ đợi người Bích Câu mái tóc bạch kim, hay xuân hạ thu đông cũng nhiều lần nương tai nghe tiếng mãn gào trên mái bỏng?
“Mang Mang” của Hoang Vu mở đường văn chương cho họ Nguyễn năm 1960, thì “Phượng Liên” khiến trung niên thi sĩ Bùi Giáng lù lù hiện ra, ôm lấy tôi, ồn ào nói: Ông đừng làm thơ tự do nữa nhá, chỉ làm thơ lục bát thôi nhá! Lần đầu tiên thơ lục bát Việt Nam đem tên người yêu vào trong thơ một cách bề thế nghiêm trang số dách là ông đấy nhá. Huy Cận hắn đọc lục bát của ông là hắn sẽ đi tìm ông đấy [**]. Từ đó mà tôi có thêm một người bạn thơ, và không chỉ có một hành lang vây sầu, mà hành lang nào cũng vây sầu cả. Sau này Nhã Ca cười như nắc nẻ, cho tôi biết Phượng Liên là ai. Dù thế nào, nàng cũng đã ở chín suối rồi.

3.
Tháng trước Khởi Hành dọn tòa soạn, kéo dài nhiều ngày, mỗi ngày ít nhất là một chuyến xe pick up sách vở chở đi, mang về địa điểm mới, chở vào kho, và vất vào thùng rác. Ông già chở sách báo mỗi chiều sau phận sự, lại chở đi một xe giấy báo sách vở đã xé bìa, đem bán. Chúng tôi nói rằng ngoài thù lao nhất định mỗi ngày, sách vở giấy báo cũ đem bán cân ông được quyền giữ lấy. Ông cho biết đã bán 6 xu một pound giấy, và mỗi ngày kiếm được thêm 20 đồng, có ngày tệ nhất được 15 đồng. Tôi đã cho đi hầu hết các tập san lưu giữ mấy chục năm nay, Văn Học, Văn, Hợp Lưu, vì cuối cùng không định viết gì về báo chí văn học hải ngoại nữa, mà sẽ chỉ viết về văn học miền Nam 1954-1975. Tôi cũng đã cho đi khoảng gần trăm số báo Văn Học và tuần báo Văn Nghệ của Hà Nội, mà hồi đặt mua từ nhà phát hành ở New York, phải trả năm mỹ kim một tờ báo có gáy vuông (Văn Học, Nghiên Cứu Lịch Sử, Khảo Cổ Học), và ba mỹ kim cho một tờ báo đóng gáy yên ngựa (Văn nghệ của Hội Nhà Văn).
Trong thị trường xuất bản hải ngoại, các tạp chí văn chương hữu ích hơn các thi phẩm, truyện dài, truyện ngắn, vì chính ở đó là công trình tập thể của từng nhóm, tâm tư trao đổi của tuổi trẻ lưu vong, và dấu tích làm báo tập thể của tờ báo. Chẳng hạn tờ Văn Học sẽ cho thấy đó là tờ báo của nhiều ông chủ nhiệm kiêm chủ bút nhất: năm trước có ông chủ nhiệm Võ Phiến thì năm sau có ông chủ nhiệm Nguyễn Mộng Giác; ông nào có tiền in báo thì lên làm chủ nhiệm một thời gian, hết tiền thì đi ra và lại có ông C ông D lên làm chủ nhiệm kế tục. Thành ra Văn Học là tờ báo có tới năm sáu chủ nhiệm, ông nào có gan thì làm chủ nhiệm lâu hơn, ông nào có con là bác sĩ luật sư thì tờ báo dày hơn là ông độc thân, v.v.
Tờ Văn thì khác, ở trong nước đầu tiên thì Trần Phong Giao làm thư ký tòa soạn, tới giai đoạn sau thì trước là Nguyễn Xuân Hoàng , sau chót lại là Mai Thảo; ra hải ngoại đổi lại, Mai Thảo ra đi, để tờ báo cho Nguyễn Xuân Hoàng tiếp tục, cả hai kiên thủ thành trì được tổng cộng trên 250 số, công lao khá lớn. Nguyễn Xuân Hoàng làm tờ Văn từ tháng 12.1996, vất vả hơn Mai Thảo hồi những năm 80, vì người trước được đàn em hỗ trợ, lấy cho rất nhiều quảng cáo. Nếu chỉ tính 100 mỹ kim một trang, tờ Văn của tác giả Cùng Đi Một Đường lấy quảng cáo một số có thể in ba số báo cho ba tháng. Còn tờ Văn của tác giả Người Đi Trên Mây ít quảng cáo hơn nhiều, nên khó khăn gấp bội.
Cuối năm 1996 Mai Thảo không có ý định trao lại báo Văn cho Nguyễn Xuân Hoàng, mà đã ngỏ ý giao cho người khác, song người này vốn luôn luôn thất bại khi làm báo, nên ý định của Mai Thảo thay đổi vào phút chót. Mai Thảo nói với tôi khi anh còn ở trong chung cư độc thân Christian Home trên đường Bolsa, khoảng tháng 9 năm 1996. Đời làm báo của Nguyễn Xuân Hoàng không chỉ qua tờ Văn, mà còn trên 10 năm làm báo cho công ty Người Việt, và khoảng năm năm làm tờ Việt Mercury ở San Jose. Và hiện nay còn đang làm tờ Việt Tribune cho bà Trương Gia Vy, cũng ở thành phố bắc California đó. Trong khi hàng tuần anh còn viết bài cho cái blog do anh phụ trách trên diễn đàn của đài Tiếng Nói Hoa Kỳ.
Chủ nhiệm báo Văn là ông Nguyễn Đình Vượng rất ưu ái nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, song một hôm vì tôi tới báo Văn gạ chuyện mà ông gọi anh và tôi là hai gã playboy. Lúc ấy có mặt Mai Thảo, chắc Hoàng còn nhớ.
Vốn là cuối tháng 4 đầu tháng 5, 1969, nơi trang 80 trong số Văn tưởng niệm Y Uyên mới gục ngã trên trận địa gần đồi Nora, Phan Thiết, thư ký tòa soạn Trần Phong Giao đã sơ ý phát biểu một lời xúc phạm tới phụ nữ Huế. Trần Phong Giao đã, lạ thay, quá tự tin ở sự phán đoán của mình khi khuyên một nhà văn trẻ đừng lấy gái Huế: “ái tình (…) thì được, còn cái mục xây dựng thì đừng, ấy là dựa theo kinh nghiệm bản thân cũng là đúc kết kinh nghiệm của một vài anh em có vợ Huế khác” [6]. Hai nhà văn nữ gốc Huế là Túy Hồng và Nhã Ca đã gửi lá thư cho trang “Văn Học Nghệ Thuật” nhật báo Tiền Tuyến, do Thanh Tâm Tuyền phụ trách; một lá thư ngỏ kể tội Trần Phong Giao khinh nhờn xứ Huế, cào xước quê hương xứ Huế, và tuyên bố chấm dứt cộng tác với báo Văn. Thời gian ấy tôi nhận lời mời của đại tá Anh Việt Trần Văn Trọng, chủ tịch Hội Văn Nghệ Sĩ Quân Đội, làm thư ký tòa soạn Khởi Hành mới được ba tuần, nhưng từ 1966 tới lúc ấy vẫn đang là thư ký tòa soạn nhật báo Tiền Tuyến của Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị. Khi kiểm soát bài vở tôi khựng lại ở trang văn nghệ, rồi đề nghị với Thanh Tâm Tuyền: để cho có hiệu quả, thư của các nữ sĩ này phải đăng lên Khởi Hành, là báo văn học nghệ thuật. Tôi trả nhuận bút lá thư 500 đồng, nhờ anh gửi cho hai bà ấy. Từ Cục Tâm Lý Chiến trên đường Hồng Thập Tự, tôi chạy ra Khởi Hành trên đường Phạm Ngũ Lão, đục bỏ một bài đã đổ khuôn chì, cho sắp chữ thay thế bằng lá thư của hai nữ sĩ. Thư đề “Kính gửi Anh Trần Phong Giao, TKTS báo Văn,” nhưng tôi đặt lại tựa, in chữ lớn ngoài bìa báo: “Túy Hồng, Nhã Ca lên tiếng về một nhận định của báo Văn đối với gái Huế.””
Hôm sau báo phát hành. Đó là Khởi Hành số 3, ra ngày 15.5.1969, và bài đó in nơi trang 2, chạy qua trang 3. Vào Tiền Tuyến, Thanh Tâm Tuyền đưa trả tôi 500 và đòi lại lá thư, tôi đưa anh tờ Khởi Hành còn thơm mùi mực in, nói anh quên hôm nay là thứ Năm rồi à? Báo đã phát hành sáng nay. Thanh Tâm Tuyền có vẻ hối tiếc:”Tôi quên là tôi cũng viết báo Văn, ông Vượng (chủ nhiệm báo Văn) rất quí tôi, lẽ ra tôi không nên đưa cho bạn lá thư đó. Nhưng mà làm báo như bạn mới là làm báo!””
Bài báo trên Khởi Hành gây chấn động dư luận cả nước, làn sóng phản đối báo Văn lan rộng, mấy ông bà dân biểu (trong có Kiều Mộng Thu địa hạt Huế) họp báo tại Quốc Hội kết tội và đòi báo Văn phải xin lỗi phụ nữ Huế. Ít lâu sau từ Khởi Hành tôi qua báo Văn, cả hai tờ báo cùng tọa lạc trên đường Phạm Ngũ Lão, để xem phản ứng của anh em báo Văn ra sao. Không thấy Trần Phong Giao, chỉ thấy ông chủ nhiệm Vượng, Mai Thảo và bạn Nguyễn Xuân Hoàng. Thấy tôi, ông Vượng cà khịa ngay: “Thư người ta gửi cho Trần Phong Giao, phản đối hắn chứ có gửi cho báo Văn đâu mà anh viết là gửi cho báo Văn?” “Đành là thế, nhưng mà tội là của Trần Phong Giao, còn trách nhiệm là của báo Văn chứ?” “Mẹ, anh đánh anh em, anh đánh tôi. Chờ đó.” Ông lầm bầm nói với Mai Thảo ngồi viết ở cái bàn bên cạnh, nhưng cũng có ý để tôi nghe thấy: “Tôi mà đi giày săng-đá, tôi đá nó rồi.” Tôi nghe, trả lời:”Thì tôi vẫn ở đây mà.”
Mai Thảo tuy vẫn cắm cúi viết, nhưng khuôn mặt tươi rói, rồi cười rung cả hai vai. Tôi biết ý nghĩa phản ứng ấy của Mai Thảo. Chúng tôi vốn biết ông Nguyễn Đình Vượng xưa kia đi lính, đeo lon thượng sĩ trong quân đội liên hiệp Pháp, đương nhiên ông quen đi giày đinh. Nguyễn Xuân Hoàng và tôi nhìn nhau cười vui vẻ, coi như chuyện phải thế thôi. Ông Nguyễn Đình Vượng nói với Mai Thảo, mà như nói với cả Hoàng và tôi: “Mẹ, coi hai tên thư ký tòa soạn hai tờ báo văn nghệ kìa! Trông như playboy với nhau. Thế thì văn nghệ khá làm sao được. Hừ…” Tôi nghe đúng như thế, dù mãi 1972 Hoàng mới chính thức làm thư ký tòa soạn báo Văn.
Chuyện văn nghệ xảy ra như thế là thường, sau này quan hệ giữa chúng tôi vẫn tốt đẹp. Trước đó ba năm ông Vượng đã xuất bản Thị Trấn Miền Đông cho tôi, các năm sau còn xuất bản ba cuốn nữa: Mã Lộ (1970), Một Mùa Mê Hoặc, Tình Nước Mặn (1973). Trần Phong Giao còn kể với tôi nhà văn nào đã tới bảo ông Vượng, sao số Văn đặc biệt về thơ lại phỏng vấn tôi dài đến 17 trang, sao (vẫn nhà văn này, vừa ra mắt sách ở Quận Cam) lại xuất bản Một Mùa Mê Hoặc cho tôi làm gì! Năm 1973 tôi mời Trần Phong Giao làm tổng thư ký tòa soạn cho tờ tạp chí Thời Tập của tôi, nhưng anh từ chối, chỉ nhận cộng tác thường xuyên bằng cách giữ mục “Giải Đáp Thắc Mắc Văn Học,” ký tên Thư Trung, là mục ăn khách nhất của báo Văn, và tiếp tục trên Thời Tập cho tới 1975. Anh còn viết một bài rất giá trị và cần thiết cho những ai muốn trở thành chủ nhiệm hay thư ký tòa soạn một tờ tạp chí văn chương [7]. Sau này tôi mới biết Trần Phong Giao đã vĩnh viễn rời báo Văn, xung quanh chuyện mua một ngôi nhà. Mãi năm 1972 Nguyễn Xuân Hoàng mới chính thức làm thư ký tòa soạn, nhưng chính Mai Thảo lại là người ở lại làm báo Văn cho tới 1975.
Làm thơ, viết văn, làm báo, là làm tất cả những gì bấp bênh, vô định. Giai đoạn làm báo của nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng vui ít buồn nhiều, nhất là thời kỳ làm báo ở Little Saigon. Chính anh viết:“
“Tôi và con đường Moran của Quận Cam dính vào nhau gần 12 năm trước khi chia tay. Mười hai năm, tôi đã sống và thở với nó. Mùa nắng mùa mưa, mùa nước mắt và mùa hạnh phúc. Sống giữa những bản tin, sống giữa những ngày dài, sống giữa những đêm đen. Con đường Moran như con đường Phạm Ngũ Lão Sài Gòn, nó là dòng sông chảy mãi trong tôi như ở quê tôi, con sông chảy dưới chân cầu Hà Ra ngó lên một đỉnh tháp. (…) Những bản in phải bỏ dấu bằng tay trước khi lay-out [trình bày], và những buổi tối dán từng trang trên bản vỗ để mỗi đêm trên đường trở về trời đã mịt đen, đói và lạnh. Và sao mà cô đơn. Mười hai năm là thời gian dài gấp rưỡi thời gian tôi đã ở lại Việt Nam sau tháng Tư 75, và gần gấp ba thời gian tôi ở San Jose làm việc cho một tờ báo mới. (…) Nó đã ghi vào nhật ký tôi những trang tràn ngập niềm vui sau ngày rời trại tị nạn Bataan, Phi Luật Tân, và không ít những trang ướt nhòe những vết mực đen. Hình như đời sống con người được đo bằng khốn khó hơn là đo bằng những phút giây hạnh phúc. Phải rồi, chiều dày của nhân cách nào mà chẳng tính bằng sự mất mát hơn là sự thu nhập… Nó nuôi tôi và hủy diệt tôi, nó cho tôi tình bạn, tình yêu nhưng nó cũng cho tôi nỗi bất hạnh và sự phản bội… và tôi khám phá ra cái ánh sáng của nó: con đường Phạm Ngũ Lão ngày xưa đang thở trong tôi” [8].
Những trang viết trên chỉ là sơ khởi cho một chương của cuốn hồi ký, tôi viết trước ra nhân lấy tiêu điểm từ một bài thơ ít ai biết của Nguyễn Xuân Hoàng. Tặng bạn.
(Những đoạn dự thảo trong Hồi ký 60 Năm Làm Thơ Viết Văn Làm Báo, 5.2012)
(Khởi Hành 187-188, số tháng 5+6, 2012. Đăng lại với sự đồng ý của tác giả)

Chú thích:
1. Nguyễn Xuân Hoàng, Người Đi Trên Mây, Người Việt 1987, tr. 27
2. Võ Phiến, Văn học Miền Nam, tổng quan, Văn Nghệ 1986, tr. 180
3. Nguyên Sa, tạp chí Hiện Đại số 2, 5.1960, tr. 102. [Cảm ơn thi sĩ Thành Tôn đã cho mượn tờ Hiện Đại]
4. Viên Linh, nói với Mai Thảo tại quán ăn của thân nhân thiếu tá Hùng Sùi ở San Jose, hôm ấy quanh bàn ăn có mặt nhiều văn nghệ sĩ, nếu tôi nhớ không lầm có Khánh Trường, Phan Thị Trọng Tuyến
5. Nguyễn Xuân Hoàng, Người Đi Trên Mây, 19 * Một mục của tờ L’Express Hoàng đã đề nghị với tôi, và chúng tôi đã đồng ý nói hết, nói thật, nói thẳng, trong bài “Đi Thật Xa Với Viên Linh” của báo Văn chủ đề thơ Việt Nam năm 1972 ** Bài Phượng Liên kết bằng hai câu: “Thôi còn giấc ngủ canh thâu/ Một hành lang rộng vây sầu Phượng Liên”
6. Túy Hồng, Nhã Ca, “Lên Tiếng Về Một Nhận Định Của Báo Văn Đối Với Gái Huế,” Khởi Hành số 3, 15.5.1969, tr. 2-3 [Chúng tôi chỉ lược chữ lấy ý, không đăng nguyên văn có mấy chữ rất xúc phạm.]
7. Trần Phong Giao, “Độc Giả Và Những Người Làm Một Tạp Chí Văn Chương,” Thời Tập xuân Ất Mão, 18+19, 1+2.1975, trang 75-80
8. Nguyễn Xuân Hoàng, “Con Đường Mang Tên Moran,” Viễn Đông, 9.2004

_____________

Nhà từ đường

Tôi trở về Nhà Từ Đường sau 15 năm đi xa. Thật ra con số 15 năm là không đúng. Nó chỉ đúng tính theo ngày tôi bỏ nước ra đi, chứ không đúng tính từ ngày
Tôi trở về Nhà Từ Đường sau 15 năm đi xa. Thật ra con số 15 năm là không đúng. Nó chỉ đúng tính theo ngày tôi bỏ nước ra đi, chứ không đúng tính từ ngày tôi trở lại Nhà. Hồi còn ở trong nước chẳng mấy khi tôi lên ngôi Nhà Chung này. Tôi thấy mình lúc nào cũng bị cái hiện tại lôi cuốn theo như một hạt bụi giữa cơn lốc. Học hành, thi cử, bạn bè, nghề nghiệp, chiến tranh, tình yêu.... Hết Đà Lạt rồi Sài Gòn. Giữa hai thành phố ấy còn có Huế, Cần Thơ, Mỹ Tho, Rạch Giá, U Minh, Cái Sắn...Trong cái mớ chằng chịt về con người và địa danh ấy, tôi thấy mình như một người bị quấn cuốn giữa những chiếc vòi của con bạch tuộc.
A, anh hỏi tôi chuyện chiến tranh hả? Chiến tranh? Ừ, thời của tôi ai mà chẳng bị chiến tranh chi phối. Tuổi tôi chỉ là tuổi bản lề, thời của ông anh tôi là một cuộc chiến, và thời kề cận tôi là tiếp tục một cuộc chiến sắp tàn. Tuổi trẻ tôi cũng thở cái không khí sặc sụa mùi tử khí. May sao, thế hệ kế đó vừa mặc bộ treillis vào người thì chiến tranh cũng vừa kịp kết thúc. Anh nói anh không biết chiến tranh hả? Năm nay anh bao nhiêu rồi? Mới hai mươi bảy à? Phải. Anh nói anh mới hai mươi bảy, có nghĩa là anh quá trẻ để biết cuộc chiến Việt Nam. Anh nói lúc mẹ bế anh xuống tàu ở Bến Chương Dương trong một ngày Tháng Tư 1975, anh chưa đầy tháng tuổi phải không? Ừ. Tuổi ấy thì biết gì? Nhưng anh có biết là anh đã chào đời trong những giây phút của một cuộc chiến sắp tàn - chứ vẫn chưa tàn không? Anh có biết là mẹ anh bế anh chạy trong khi ven đô súng còn nổ và cả thành phố Sài Gòn chìm trong cơn hỗn loạn không? Còn bây giờ? Trên cái đất nước tưởng là yên ổn này, hải đảo của hòa bình, thiên đàng của hoan lạc, có thật là chúng ta đang đứng bên ngoài cuộc chiến không? Sau cái vụ 911, nước Mỹ có thật sự bình yên không? Còn tình hình Trung Đông hiện nay, vùng đất ngày nào cũng khét lẹt thuốc súng, ngày nào cũng có khủng bố và người chết. Và Iraq? Và bán đảo Triều Tiên? Và trước đó không lâu là Afghanistan. Liệu nước Mỹ có tấn công Iraq không? Liệu nước Mỹ có còn bị khủng bố chơi những đòn nặng như vụ Tháp đôi ở New York nữa hay không? Và liệu rồi đây con cái của anh có phải ra trận không?
Chiến tranh là ngu dốt. Nhưng liệu khi người ta muốn hòa bình thì có hòa bình được không?
Có lẽ, không một người Việt Nam nào không có kinh nghiệm về chiến tranh. Sài Gòn hay Hà Nội có chiến tranh theo cách riêng của nó. Những cuộc xuống đường. Những trái hỏa châu chiếu sáng khu ngoại ô hằng đêm. Lựu đạn cay trên đường phố. Mìn nổ ở một quán ăn. Bom phá sập một cao ốc. Và Hà Nội những ngày hoảng hốt vì bom Mỹ. Những lo sợ của người dân trước cuộc chiến leo thang. Đường mòn Hồ Chí Minh. Đường Trường Sơn "ào ào lá đổ"... Đâu cần phải nhích chân ra khỏi vòng đai thành phố người ta mới biết được thế nào là khói lửa và súng đạn. Mới năm tuổi, tôi đã biết thế nào là chiến tranh. Những người lính Nhật đã trói Cha tôi bắt ông đi đâu. Má tôi bồng em tôi đi tìm chồng. Anh tôi đã vào rừng đi kháng chiến. Tôi đi suốt từ căn nhà này đến căn nhà khác gõ cửa tìm mẹ và xin ăn. Đôi khi người ta cho ăn [đôi khi người ta đuổi đi] ... Mỗi ngày tôi đi xa vào các làng quê. Tôi có khóc nhiều không lúc đó? Chiến tranh chỉ có chết chóc và đói khổ. Người ta đói khổ đã nhiều, người ta không muốn gánh thêm một miệng ăn và nổi khổ nào nữa, dù rất nhỏ. Tôi đi mãi, từ nhà này sang nhà khác, từ làng này sang làng khác.
Trong một cuộc hành quân của lính Pháp, một người lính già Lê Dương nhặt được tôi ngoài ruộng mang về nuôi. Đó là thời gian tôi có những phút giây gần với súng đạn và cận kề chết chóc hơn, bởi vì cha nuôi tôi - mà tôi gọi là papa Chopin - là một sĩ quan phụ trách vũ khí và cả bataillon luôn luôn di động. Cho đến ngày ông chết trong một trận phục kích, tôi lại bơ vơ. May sao, một người thông ngôn giúp tôi tìm lại được gia đình. Một cuộc trùng phùng đầy nước mắt. Má tôi ôm tôi khóc rấm rức. "Má tưởng không bao giờ gặp lại con." Mái tóc bà có những sợi bạc. Hai gò má hóp. Hai đứa em gái tôi ngồi hai bên cũng khóc. Sao hồi đó tôi không khóc, tôi nhớ như vậy! Đôi mắt má tôi luôn nheo lại, như lúc nào cũng cười, nhưng là một nụ cười buồn bã, và cái dáng đi của má sao mà tất bật, vất vả. Quê má tôi xa hơn quê cha tôi nhiều. Đó là khoảng cách của hai thành phố. Hai ngọn đèo. Hai dân tộc.
Tại sao hai dân tộc? Dì tôi - bà chị của má tôi - như những người Hoa trong vùng cắt tóc bôm-bê - nói tiếng Hoa và ở trong ngôi nhà gạch rộng thuộc loại dư ăn thừa để trong cái thị trấn heo hút nghèo nàn. Anh Bảy, con dì tôi, cao lớn khỏe mạnh, tóc quăn, có một chiếc răng vàng, làm chủ một tiệm chạp phô, nói tiếng Việt bằng cái giọng lơ lớ. Thỉnh thoảng, tôi nghe anh nói tiếng Hoa với má tôi, thứ tiếng mà bà không bao giờ nói với các con một lần nào.
Tôi trở về gặp mẹ, nhưng không gặp Cha. Cha tôi ở đâu? Bà nói suốt mấy năm nay, ông đã đi tìm tôi và giờ đây, ông đang ở trong một căn chòi dưới chân Hòn Lớn, một ngọn núi khá cao, cách xa nhà cả một ngày đường. Anh tôi thời đó như những thanh niên cùng lứa tuổi đã vào chiến khu chống Pháp. Và mãi đến khi ông Ngô Đình Diệm lên làm Tổng thống cha tôi mới trở về. Anh tôi đi Thủ Đức. Nhiều năm sau tôi rời Nha Trang vào Sài Gòn học tiếp... Chiến tranh có lúc như lắng xuống, nhưng có lúc ồ ạt... Chiến tranh là không khí của thành phố, chiến trận là không khí của thôn quê. Bạn tôi, nhiều đứa hôm trước còn ngồi với tôi nói nói cười cười, tháng sau, tuần sau, hôm sau đã không còn thấy mặt nữa, không bao giờ trở về nữa.
Trở về Việt Nam sau 15 năm, tôi quyết định trở lại nhà Từ Đường. Tại sao à? Bởi vì giờ đây, mộ Cha tôi, và mộ Anh tôi đã dời về đó. Hai ngôi mộ song đôi, nằm giữa một vườn cây xanh lá. Trong một buổi sáng tháng Tám nắng vừa lên, tôi ngồi bên mộ Cha và Anh, nghe tiếng chim hót trong bụi cây, tưởng như thấy lại khuôn mặt khắc khổ của Cha, cái vẻ lặng lẽ lầm lì suốt ngày không nói một lời của ông. Và khi ông phải nói, tôi nghe rõ cái âm thanh sấm sét mang theo hơi rượu nồng nặc từ miệng ông phả ra trong cơn bùng nổ của một hỏa diệm sơn. Tôi cũng thấy lại anh tôi, người đàn ông to lớn, khỏe mạnh, cười to, ăn mạnh, nói lớn, lúc nào cũng giam chật trong bộ quần áo trận. Một người đàn ông khỏe mạnh và quyết liệt, nhưng cũng tình cảm và lãng mạn biết là chừng nào. Anh yêu những người lính của anh như anh yêu gia đình mình. Và anh yêu những người nghèo khổ khốn cùng như anh yêu chính bản thân anh. Tôi chưa thấy ai có một trái tim phóng khoáng và quảng đại như anh. Ba đứa em của anh, không một đứa nào có được một chút lòng quảng đại và tính lãng mạn của anh.
Mộ Anh nằm cạnh mộ Cha, dưới bóng mát những tàng cây chôm chôm. Đứa con trai lớn của anh từ trại tù cải tạo về, được nhà nước báo cho biết khu nghĩa trang trên lưng một ngọn đồi gần đèo Rù Rì phải giải tỏa, đã mang hài cốt ba cháu về chôn cạnh mộ ông nội trong vườn Nhà Từ Đường. Còn hài cốt má, vốn được chôn cất cạnh bên đứa con trai, sau cùng theo ý nguyện của bà phải đưa về quê ngoại để nằm bên cạnh những người chị em của bà. Khi sống Cha và Má tôi là hai người khắc khẩu, và lúc ra đi, mỗi người trở lại với nơi chốn riêng tư của mình.
Sau 15 năm trở lại ngôi Nhà Từ Đường, thăm lại mộ Cha và mộ Anh, tôi mới nhìn ra cái ngôi nhà đầy ánh nắng, lúc nào cũng ấm tiếng cười kia nay sao mà lạnh lẽo!
Chiến tranh đâu còn nữa. Nhưng cái gì làm cho ngôi nhà kia âm u, khu vườn cây ăn trái kia trở nên buồn bã?
Ngôi Nhà Từ Đường ấy, mặc dù vẫn còn cái sân tráng xi măng nằm dưới dàn cây thanh long, và vườn sau nhà là những cây mãng cầu Xiêm, cam và bưởi, tôi nhìn thấy nó đang xuống cấp. Cái vẻ lạnh lùng và ảm đạm của ngôi nhà quạnh hiu không còn chút sức sống như thân thể của một người già máu đã rút dần ra khỏi thân xác, chờ ngày chia tay...
Ông chú bà thím tôi cũng đã ra đi. Những người con của chú thím cũng đã người ở Úc, người ở Pháp. Ngôi nhà bây giờ trao lại cho hai vợ chồng người cháu gái, người phụ nữ trẻ đứng trước mặt tôi phải nhắc mãi tôi mới nhớ ra ngày xưa chị chính là con bé tóc ngắn, mặt mũi trắng trẻo xinh đẹp đứng thập thò bên chại nước mưa hái cho tôi những chùm chôm chôm.
Chiến tranh Việt Nam đã qua rồi. [Qua thật chưa?] Cha tôi nếu còn sống, chắc thuốc lá và rượu cũng sẽ giết ông. Và anh tôi, một người cương trực, ghét sự ác, yêu cái thiện, người tranh đấu không hề mỏi mệt cho những bất công xã hội. Và một con người như thế vốn là một sinh vật hiếm hoi trong thế giới loài người.
Này anh bạn, anh có bao giờ nhìn thấy cảnh một chiếc xe nước to tưới cho cả một cánh đồng chưa? Chưa bao giờ thấy à? Nếu anh có dịp xem phim Chúng Tôi Muốn Sống anh sẽ thấy xe nước đó. Nó nằm trên thửa ruộng thuộc Nhà Từ Đường của dòng họ nhà tôi.
Từ thành phố Nha Trang, muốn lên Nhà Từ Đường của họ nhà tôi nếu đi xe đò, cũng phải mất cả tiếng đồng hồ. Xe bỏ anh ở một góc đường đầy ổ gà và bụi. Anh phải xuống xe đi bộ một quãng nữa. Băng qua những bờ ruộng và sau cùng là một con đường mòn nhỏ giữa những hàng rào những bụi cây. Tốt nhất là anh nên đi xe gắn máy hay xe đạp.
Hồi trước, người trông coi Nhà Từ Đường là chú thím tôi. Ông là một người đàn ông nho nhả, khuôn mặt trắng hồng, môi đỏ, dáng dấp nhẹ nhàng như một thầy đồ; còn bà thím tôi là một phụ nữ cao lớn, da ngâm đen, khuôn mặt có những nét thô cứng. Bà có vẻ khó tính, nhưng là một phụ nữ tốt bụng và quán xuyến. Tôi có cảm tưởng tất cả chuyện trong nhà ngoài ngõ đều do một bàn tay bà. Ngôi Nhà Từ Đường ba gian. Những cây cột to lên nước đen bóng. Mái ngói đỏ, cửa lớn rộng, chạm trỗ những hoa văn kỳ lạ. Có lần chú bảo tôi, lẽ ra cha mày phải là người trông coi Nhà Từ Đường, nhưng ổng đã không làm công việc đó. Chú không nói cha tôi bỏ làng ra đi từ hồi nào? Ông giang hồ bốn phương tám hướng, trong làng từ lâu không ai nghe tên ông. Ông quen má tôi và cưới bà trong trường hợp nào, và tại sao ông không đưa bà về quê, không ai trong nhà biết chuyện đó. Tôi tưởng tượng ra cảnh một người đàn ông giang hồ, một hôm lạc vào một thị trấn nhỏ, gặp cô thiếu nữ xinh đẹp con một nhà buôn người Hoa, anh chàng phải lòng nàng dừng chân ở lại. Nhà gái chắc là không ưng chàng rễ vì nó là người Ố Nàm, và đặc biệt nó không có vẻ gì là con nhà làm ăn buôn bán. Chắc má tôi phải yêu lắm sự ngang tàng của ông mới chịu lấy ông. Và bên ngoại tôi chắc cũng không cho của hồi môn. Chúng mày yêu nhau thì ráng mà sống với nhau như thế cho biết đá biết vàng. Như thế Cha tôi không đưa Má tôi về Nhà Từ Đường. Hai người quyết sống với nhau như thế - bất cần mọi thứ trên đời - coi có chết con giáp nào không. Không ai nói cha tôi là con một ông Kinh lược của triều đình. Cũng không ai nói với tôi rằng Má tôi con một chức sắc ngoại giao người Bắc kinh làm việc ở Luân Đôn vì đâu lưu lạc đến một vùng quê nghèo khổ nhất miền Trung Việt Nam làm ăn buôn bán?
Phải chăng đó chỉ là một câu chuyện hoang tưởng do một đầu óc không được khỏe mạnh của tôi bịa đặt ra.
Mười lăm năm sau ngày ra khỏi nước, tôi trở lại thăm nhà, thăm lại khu vườn nơi chôn cất Cha tôi và Anh tôi. Hai ngôi mộ nằm sát nhau, được xây cất rất sơ sài. Vôi hồ gạch đã vữa nát. Đất giữa mộ đã chìm xuống, lá cây rơi ngập úa nhão nhớp nhúa không ai dọn dẹp. Những dòng chữ trên mộ bia màu đỏ kia đã phai. Tôi đọc được ngày sanh ngày mất của Cha và Anh. Tôi tưởng tượng mỗi ngày Cha và Anh trò chuyện với nhau như hai người bạn. Có lẽ Anh sẽ là người được Cha tâm sự nhiều nhất. Anh là người biết rõ mối tình của Cha, biết rõ người phụ nữ xinh đẹp gốc Hoa kia vì sao chịu lấy một anh chàng Việt Nam giang hồ không một đồng xu dính túi, đi lang thang như một tên du thủ du thực, không ngày mai. Và tôi tưởng tượng một ngày nào đó khi tôi ra đi, liệu tôi có được một chỗ bên cạnh Cha và Anh tôi không? Thật ra tôi có được cái quyền ấy không? Khi người ta không làm được điều chi tốt đẹp trong cuộc sống, người ta không thể đòi cuộc sống một điều chi hết. Khi người ta không nợ nần nhau, người ta không phải trả.
Mười lăm năm sau khi ra khỏi Việt Nam, tôi đã trở về thăm lại ngôi nhà xưa, ngôi nhà mà lẽ ra Cha tôi phải ngồi đó thay mặt cho cả một dòng họ, nhưng ông đã bỏ đi giang hồ khi ông vừa mới lớn. Ông đã xuống tàu viễn dương đi khắp năm châu bốn bể như một thủy thủ, đã sống ở Pháp những năm của tuổi trẻ, đã có con với một người phụ nữ bản xứ, đã đi lính Pháp, đã bị Nhật bắt, đã vào rừng sống như một Lỗ Bình Sơn thời chiến, đã yêu một phụ nữ Trung Hoa, đã đẻ ra một bầy con, và sau cùng đã trở về ngôi nhà của tổ tiên khi hai tay ông đã buông xuôi....
Mười lăm năm sau ngày ra khỏi nước, tôi quay trở về như một người xa lạ. Thành phố tôi đã ở thời tuổi nhỏ như nhỏ lại, những con đường quen đã xa lạ, tiếng sóng biển vọng lại âm thanh đều đặn kỳ quái của một vùng biển chết nào. Bãi cát không còn cái màu của thời tôi mới lớn và rừng dương đã bị xóa khỏi bản đồ của trái tim.
Tôi nhớ những trận mưa bão thổi mù trời, nước dội xuống ngập thành phố, những hàng cây trụ điện gẫy gục, và sóng biển thổi táp lên tận nhà hàng Frégate, nơi có cô bé đầm lai tên Odette chờ tôi mỗi khi tan lớp ra về.
Tôi nhớ bà Dì của bạn T.T.L. người thường xuyên cho tôi được đến nhà hàng của Dì "ăn cho bỏ những ngày cơ cực". Tôi nhớ tôi là đứa học trò không có sách cầm tay, đi lang thang từ nhà ông chú này đến nhà bà cô khác. Ngồi ăn một mình dưới ngọn đèn điện tối ám hơn cả ngọn nến leo lắt nhất của ai đốt trên ngôi mộ nghĩa địa. Tôi là một đứa trẻ lớn lên không có tình yêu. Và tôi hiểu tại sao tôi yêu tất cả mọi người, kể cả những người không yêu tôi.
Mười lăm năm sau trở lại thăm thành phố, nơi đã nhìn tôi lớn lên như một thứ cỏ cây, tôi muốn tìm câu trả lời cho câu hỏi tại sao tôi đã không đập phá nổi loạn thời gian đó? Tại sao tôi đã không nắm dao đâm thẳng vào những kẻ quyền thế hà hiếp kẻ khốn cùng? Tại sao tôi đã không cầm súng lia vào cái đám hãnh tiến khốn nạn vẫn thường vênh váo, dửng dưng trước nỗi đau của người khác? Tại sao tôi đã không cho nổ tan xác cái bọn phè phỡn trong khi những bà mẹ những bà chị những người em còng lưng trên những gánh hàng rong suốt ngày, suốt đêm, suốt đời vẫn không đủ tiền nuôi nổi một miệng ăn...Tại sao tôi đã không là một tên du đãng?
Mười lăm năm sau ngày ra đi khỏi nước, tôi trở về nhìn lại biển xưa thấy không còn lại chút dấu vết nào của những ngày trốn học, những buổi trưa hạnh phúc nằm trên bãi cát, gối đầu lên hai cánh tay, đấp mặt bằng cành lá dừa, ngủ một giấc chờ đến giờ tan học lủi thủi trở về ... Trở về nhưng không biết về đâu. Nhà ông chú hay nhà bà cô. Và ngôi nhà nào sẽ mở cửa cho tôi bước chân vào.

***
Phụ đính:

nguyen xuan hoang


Phỏng vấn nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng

Lê Quỳnh Mai

LQM: Xin ông giới thiệu vào dòng về tạp chí Văn và tuần báo Việt Mercury mà hiện nay ông là Tổng Thư Ký.
NXH: Tạp chí Văn do ông Nguyễn Đình Vượng sáng lập tại Saigon năm 1964- giấy phép xuất bản ngày 4 tháng Mười Hai, 1963, với Trần Phong Giao trong vai Tổng Thư Ký. Năm 1972, ông Trần Phong Giao thôi việc, ông Nguyễn Đình Vượng mời tôi làm công việc của Trần Phong Giao. Cùng làm việc chung trong thời gian này, có nhà văn Mai Thảo. Sauk hi cụ Nguyễn Đình Vượng qua đời năm 1974, tôi có nhiều việc phải làm, người trông coi là Mai Thảo.
Sau năm 1975, khi vượt biên đến được Hoa Kỳ, nhà văn Mai Thảo cho dựng lại tờ Văn năm 1982. Đầu năm 1996, sức khỏe Mai Thảo sa sút, và ông đã trao lại cho tôi trông nom từ tháng Tám, 1996. Số báo đầu tiên tôi thực hiện từ tay Mai Thảo ghi tháng Chín năm 1996 trong một bữa cùng với họa sĩ Khánh Trường đón anh về từ Seattle. Vì thời gian đó tôi đang làm Tổng thư ký nhật báo Người Việt, nên dù rất thích, tôi bắt đầu làm tờ Văn khá vất vả. Nếu không có Nguyễn Mộng Giác, Khánh Trường và nhà thơ Nguyên Sa giúp sức, chắc không xong.
Về tờ tuần báo Việt Mercury, ấn bản tiếng Việt của nhật báo San José Mercury, tôi vào làm với vai trò Tổng thư ký qua cuộc tuyển người của tờ báo này. San José hiện có khoảng 100.000 người Việt sinh sống và làm việc tại đây. Việt Mercury khổ tabloid, khởi đầu ước chừng 40 trang, nhưng số đầu tiên có ngay 88 trang và số Xuân vừa qua có đến 216 trang.
LQM: Ông có ý định thay đổi( sáng tạo) về hình thức và nội dung của tạp chí Văn không?
NXH: Nếu cô để ý, có thể cô đã nhận thấy tờ Văn trong ba năm qua có nhiều thay đổi từ hình thức đến nội dung. Nhiều người viết mới, nhiều tác giả từ lâu không viết cho Văn nay đã đến với Văn. Đặc biệt Hoàng Ngọc Tuấn và Nguyễn Hưng Quốc ở Úc. Mặc dù tôi vẫn không ngừng tìm cách thay đổi tờ báo này để phù hợp với khung cảnh mới, nhưng phải nói là tôi chưa ưng ý cả hình thức lẫn nội dung của tờ báo hiện nay.
LQM: Xin ông cho vài nhận xét hoặc ý kiến về tình trạng văn hóa tại hải ngoại hiện nay?
NXHĐó là một câu hỏi khó. Tại sao cô không hỏi về tình trạng văn học? Nói vể văn hóa rộng lớn quá!
LQM:  Là một nhà văn đồng thời là một giáo sư về bộ môn viết. Xin ông cho biết ý kiến về lối giáo dục của học đường tại Bắc Mỹ.
NXH: Từ ngày sang Mỹ đến nay, tôi không hề được tham dự vào sinh hoạt học đường nên không thể trả lời câu hỏi của cô. Thật ra từ những ngày trong nước, tôi không phải là một người có suy nghĩ nhiều về đường lối giáo dục. Tôi thích công việc của một người sáng tạo hơn là một nhà nghiên cứu. Có lần đài phát thanh Sài Gòn mời tôi nói chuyện về chương trình giáo dục Việt Nam bậc Trung học. Tôi có phát biểu một câu đại khái chương trình giáo dục mà chúng ta nói là khai phóng và dân tộc, thực ra chỉ là sao chép của Tây, rời của Mỹ. Ví dụ, ở các lớp đệ nhất cấp, đang học về Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Hồ Xuân Hương… bỗng nhảy lên lớp Đệ Nhất (12) học về các ông Triết Tây, chẳng ra làm sao cả. Người học sinh không được trang bị trước một kiến thức cầu nối giữa những món ăn.
LQM: Ông có nhận xét gì về dân tộc Việt Nam so với dân tộc Đông phương khác (khi những dân tộc này cùng định cư tại hải ngoại như chúng ta).
NXH: Vẫn là một câu hỏi khó! Tôi nghĩ để trả lời câu hỏi này, cần có một công trình của nhiều người và nhiều nỗ lực hơn.
LQM: Theo ông, làm sao để người Việt nam hiện nay có thể hòa nhập với thế giới chung quanh mà vẫn giữ được bản sắc của mình.
NXH: Người Nhật, người Hoa và nhiều sắc tộc khác đã sống ở Mỹ, ở Canada, ở Pháp, ở Úc … Cá nhân tôi, mặc dù đã ở Mỹ được 15 năm, vẫn chưa hội nhập được đất nước này. Bức rào ngôn ngữ, văn hóa và phong tục tập quán luôn luôn ngăn cản tôi. Tôi thiếu kinh nghiệm đó và như vậy cô hiểu tại sao tôi không thể trả lời câu hỏi của cô.
LQM: Ông là nhà văn. Nhưng trong quá khứ cũng như hiện tại đều chăm sóc cho các tạp chí hoặc nhật báo, tuần báo. Xin ông cho biết sự khác biệt giữa hai lãnh vực này – viết văn và làm báo.
NXH: Làm báo đôi khi giết chết công việc viết văn. Nhất là làm báo tin tức, thời sự. Thời sự – actualité – là cái sẽ qua đi. Còn tác phẩm văn chương là cái còn lại. Người làm báo chạy theo thời gian, người viết văn đôi khi có thể nhẩn nhơ. Làm báo là ăn fastfood, làm văn là ngồi vào bàn ăn từ từ thưởng thức nghệ thuật nấu nướng.
LQM: Theo ông, hạnh phúc lớn nhất của một người viết văn là gì?
NXH: Hạnh phúc của một người viết văn là khi chấm dứt chữ cuối cùng của một sáng tác. Hạnh phúc lớn nhất của họ là được người đọc. Nhưng tại sao cô không hỏi nỗi đau khổ của người cầm bút?
LQM: Trong nhiều năm hoạt động, vừa là nhà văn vừa là nhà báo. Điều gì làm ông thích thú nhất? Và điều gì làm ông chán ghét nhất?
NXH: Tôi nghĩ cái thích thú của người làm báo khác với cái thích thú của người viết văn. Người làm báo thích thú thấy những gì mình viết ra tác động tích cực trên khía cạnh xã hội và đời sống thực tế. Trong khi cái thích của nhà văn là mang lại niềm vui của tâm hồn. Khía cạnh nhân bản là cái lớn lao nhất mà cả hai cùng chia sẻ.
LQM: Cuộc sống của một nhà văn nổi tiếng có gây khó khăn gì cho gia đình hoặc cá nhân ông không? Nếu có, thì đó có phải là cái giá đánh đổi cho sự nổi tiếng không?
NXH: Tôi không thể trả lời cô câu hỏi này vì trước hết tôi chưa hề nổi tiếng, nghĩa là tôi chưa có kinh nghiệm của một người nổi tiếng. Tôi mong mình cứ mãi là một người bình thường trong những người bình thường. Viết văn thì có gì ghê gớm chứ!
LQM: Nếu cho ông đánh đổi giữa danh vọng và tuổi trẻ, ông chọn điều nào? Và nếu cho làm lại từ đầu, ông sẽ đi theo con đường nào?
NXH: Tôi thích tuổi trẻ và tôi không cần danh vọng. Mặc dù tuổi trẻ và danh vọng cũng là những thứ sẽ qua đi, như bóng mây. Nhưng tuổi trẻ là điều tôi thích thú, bởi vì mới ngày nào… và bây giờ …
Nếu cho làm lại từ đầu, tôi sẽ chọn việc viết văn. Tôi yêu chữ nghĩa hơn những thứ khác …
LQM: Ông cũng từng làm thơ. Tại sao không tiếp tục trong lãnh vực này?
NXH: Tôi đã bắt đầu chuyện viết lách bằng thơ. Nhưng tôi thấy thơ không đủ. Vả lại tôi tự thấy mình không có cái khả năng của một thi sĩ. Làm thơ thật khó!
LQM: Trở lại những tác phầm của ông. Võ Phiến đã nhận định rằng: Truyện NXH vốn không rườm rà, lòng thòng, đối thoại thường vắn tắt ỡm ờ (Văn Học Miền Nam- 1990). Võ Phiến cũng nói rằng: Chính tác giả cản trở chúng ta. Ông có đồng ý về nhận định này không? Nếu không, tại sao? Nếu có, xin ông giải thích tại sao thường cắt xén, sửa chữa dù tác phảm của ông đã xuất bản.
NXH: Nhà văn Võ Phiến cũng như mọi người đọc khác, luôn luôn có cái nhìn chủ quan của ông. Khi người viết để trang sách của mình viết dưới mắt người đọc – bất cứ người đọc nào- có quyền phê phán. Tôi muốn hỏi cô nghĩ sao về những gì tôi viết, hơn là ông A hay ông B nào đó, dù ông ấy là một tác giả lớn. Một tác giả thành danh thường đã có một bút pháp, phong cách của mình. Võ Phiến còn chủ quan hơn người đọc bình thường. Vả lại, tôi chưa hiểu mệnh đề – chính tác giả cản trở chúng ta- của ông. Tôi là một người đọc rất yêu thích những tạp bút của Võ Phiến. Trong văn chương, ông ấy là ông anh của tôi. Không có Võ Phiến, tập truyện đầu tay của tôi, cuốn Mù Sương, đã không ra đời.
LQM: Hầu hết những tác phẩm của ông đều có đoạn kết bi quan về hạnh phúc gia đình, thường có dáng dấp của sự đổ vỡ, lạnh lẽo, tàn nhẫn như Nguyễn Mộng Giác đã phê bình. Đây có phải là biểu tượng thời thơ ấu của nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng không?
NXH:  Nhà văn Nguyễn Mộng Giác như con mắt nhìn rõ trái tim tôi.
LQM: Ông đã viết: Trong thời chiến, tình yêu đôi khi chỉ là xa xí phẩm (Dưới Tàn Cây Trứng Cá; Bất Cứ Lúc Nào bất Cứ Ở Đâu). Theo ông, tình yêu có còn được xem là xa xí phẩm nơi cộng đồng Người Việt chúng ta đang lưu vong – nơi không có chiến tranh- hay không?
NXH: Tôi viết câu đó trong một truyện ngắn ở thời điểm cuộc chiến Việt Nam đang hồi gay gắt. Những người bạn cùng lứa tuổi tôi ra mặt trận. Nhiều người đã ngã xuống. Nhiều người đã trở về không nguyên vẹn. Nhiều người có địa vị và giàu có nhờ chiến tranh. Có kẻ sống trong âm mưu. Có kẻ sống trong ngây ngô trước một thời đại đầy nghi hoặc. Tôi thấy chiến tranh dã man (chiến tranh nào mà không dã man?) và tôi thấy mình tồi tệ. Một con đà điểu dấu đầu trong cát. Tôi tưởng Tình Yêu là món quà xa xỉ. Nhưng câu nói đó giờ đây nghe cô nhắc, tôi thấy mình thật sai lầm. Phải nói là chính trong hoàn cảnh chiến tranh, khi mà cái chết không biết lúc nào chụp xuống đời mình, khi đó Tình yêu thật vô cùng cần thiết. Còn giờ đây giữa một đất nước thanh bình và vĩ đại như nước Mỹ, nơi vật chất thừa thãi, nơi tự do gần như tuyệt đối, tôi thấy Tình yêu mới là xa xí phẩm, nhưng là xa xí phẩm vô cùng cần thiết. Thiếu Tình yêu thì còn phương hướng nào mà sống!!!!
LQM: Trong video Dòng Thời Gian do Trung Tâm Thùy Dương thực hiện cách đây không lâu tại Cali. Nhà thơ Du Tử Lê đã phát biểu: Tình yêu không đi đôi với tình dục là tình yêu tật nguyền. Xin ông cho biết ý kiến về lời phát biểu trên.
NXH: Tôi hoàn toàn đồng ý với Du Tử lê. Đã qua rồi, từ lâu lắm thứ tình yêu trống trơn, tình yêu platonique. Nhưng tôi không thích thứ tình yêu giả chỉ để lấy cớ đi đến kết thúc bằng tình dục. Tình dục trống trơn là công việc của sinh vật(?) Tình yêu trống trơn là chuyện của mấy ông Thánh. Chúng ta không phải là thánh thần. Chúng ta cũng không phải chỉ là loài vật.
LQM: Như Nietzsche đã nói,“Khi người ta thản nhiên trước tất cả mọi sự thì người ta đã hoàn toàn tự do.” Ông sống ở hải ngoại cũng khá lâu, Vậy ông thấy bản thân đã hoàn toàn tự do theo đúng nghĩa chưa?
NXH: Tôi nghĩ khái niệm tự do là một khái niệm luôn luôn cần phải xét lại. Nói một cách khác, tự do tùy theo mình đứng ở vị trí nào để nhìn nó. Có thật là có một thứ tự do thuần túy không? Người chủ và người nô lệ có cùng một ý niệm về tự do không? Người giàu và người nghèo có cùng một thứ tự do không? Người sống dưới chế độ dân chủ và người sống dưới chế độc độc tài có cùng một tự do không? Tôi thích câu chuyện ngụ ngôn của Esope về ý nghĩa chữ Tự Do.
LQM: Có một công việc hữu ích, viết hồi ký, về những năm tháng hoạt động trong lãnh vực văn học. Ông có nghĩ đến sẽ làm công việc này trongt thời gian sắp tới không? Ngoài ra ông có ý định xuất bản tác phẩm mới không?
NXH: Tôi có đọc hồi ký của những nhân vật chính trị, quân sự, khoa học, có ảnh hưởng lớn trong lịch sử xã hội, một dân tộc. Hồi ký, của ông vua như Bảo Đại, quân sự như ông Nguyễn Chánh Thi, Trần Văn Đôn, Đỗ Mậu, một học giả như Nguyễn Hiến Lê, nhà văn như ông Võ Phiến, nhạc sĩ như ông Phạm Duy… tôi nghĩ rất hay. Phần tôi, tôi không nghĩ và chưa nghĩ đến chuyện này. Mình phải biết mình là ai chứ.
Về xuất bản sách. Tôi đang viết cuốn thứ ba của bộ ba Người Đi Trên Mây. Vẫn chưa xong. Viết rồi xóa, rồi viết rồi xóa. Tôi không bao giờ bằng lòng với những gì tôi đã viết. Tôi cần thời gian. Mà tôi luôn luôn thiếu thứ này. Tất nhiên cũng còn nhiều thứ thiếu khác mà tôi không muốn kể ra đây.
LQM: Cả một đời cống hiến cho văn học. Bây giờ nhìn lại, nếu có một điều đáng tự hào về mình. Ông tự hào điều gì?
NXH: Trước hết tôi thấy cuộc đời tôi đâu có đóng góp gì cho văn học. Một vài truyện, một vài cuố tiểu thuyết, đôi ba bài báo. Những thứ đó quá nhỏ so với nhiều tác giả viết trước tôi, những người cùng thời với tôi, và cả những tay bút mới viết bây giờ. Tôi thấy những người đó lớn hơn tôi nhiều. Tôi không thấy có gì để tự hào. Tôi nghĩ nếu mình có thể làm lại từ đầu, tôi sẽ viết những cuốn đã viết bằng một phương cách khác.
LQM: Xin ông cho biết cảm tưởng khi bắt đầu sống vào đầu thiên niên kỷ thứ ba. Và ông ước muốn điều gì cũng như nuối tiếc điều gì?
NXH: Tôi ước sao đất nước của chúng ta giàu mạnh hơn. Con người Việt Nam trong nước cũng như ngoài nước được đối xử trân trọng hơn. Tôi ước sao không ai nghèo. Tôi ước sao cuộc đời chỉ có Tình yêu, không thù hận. Ước nhiều quá, cô còn muốn tôi ước nữa không?!
Cám ơn nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng đã gởi tặng thính giả một phỏng vấn thú vị. ……………..

Phỏng vấn nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng đươc phát thanh trên Chương Trình Văn Học Nghệ Thuật – đài TNVN- 103.3 FM- Montreal, ngày 26 tháng 3 năm 2000.

______________

Một chặng đường văn chương

Ngô Nguyên Dũng

nguyen xuan hoangNiên khoá 1968-1969, đậu xong Tú tài một, tôi được vào trung học Pétrus Ký học lớp đệ nhất. Giảng dạy môn triết học là một giáo sư trẻ vừa tốt nghiệp Đại học Sư phạm Ðà lạt, khoa Triết, kiêm văn sĩ đang được nhiều độc giả trẻ ngưỡng mộ: Nguyễn Xuân Hoàng.
Tôi chú ý đặc biệt đến ông, vì từ năm học lớp đệ ngũ tôi đã bắt đầu tập tễnh viết văn, làm thơ thiếu nhi gởi đăng trang Búp-bê do nhà văn Duyên Anh phụ trách trong nhật báo Sống. Giữa thập niên 1960, tôi khởi sự dọ dẫm làm quen với sách báo văn học ảnh hưởng đậm nét trường phái văn chương tây phương đang được giới độc giả trẻ tuổi ở Sài gòn ưa chuộng.
Bữa nọ, chị tôi được bạn cho mượn quyển "Vòng Tay Học Trò" của Nguyễn thị Hoàng. Tôi xin đọc. Chị nói không được, bảo tôi chưa tới tuổi. Tôi nài nỉ. Cuối cùng chị xiêu lòng.
Cảm xúc tôi, khi mở đọc những trang sách đầu tiên, lạ lắm. Tôi thấy mình tuồn tuột rơi theo những trang chữ diễm lệ óng ả của tác giả diễn tả tâm tư cô giáo Trâm vướng víu khắc khoải vào mối tình cấm kỵ với cậu học trò tên Minh. Không khí xứ lạnh Ðà lạt ấy, thứ bút pháp bóng bẩy dục tính ấy mới lạ, rất khác, hoàn toàn khác với văn phong của các tác giả trong những cột tiểu thuyết tình cảm xã hội đăng nhiều kỳ trong nhật báo. Cũng không giống những "Ðiệu Ru Nước Mắt" hay "Trần thị Diễm Châu" của Duyên Anh, là vài quyển tiểu thuyết người lớn đầu tiên chính tôi bỏ tiền túi mua về đọc.
Bắt đầu từ đó tôi tìm đọc những tác phẩm kén độc giả như "Con Sâu" của Dương Nghiễm Mậu, "Bếp Lửa" của Thanh Tâm Tuyền, "Sống Chỉ Một Lần" của Mai Thảo, "Sau Giờ Ra Chơi" của Nguyễn Ðình Toàn, "Khung Rêu"của Nguyễn thị Thuỵ Vũ, …
Cho tới lúc đọc được văn chương Nguyễn Xuân Hoàng, một lần nữa, tôi khám phá thêm một khuynh hướng sáng tác khác: tính đẹp của tư tưởng bi quan ẩn trong chủ nghĩa hiện sinh. Ở tuổi mười tám, tôi tìm đọc văn ông, ngoài vai trò độc giả, còn với tâm trạng tò mò của một đứa học trò, hy vọng nhặt ra những mảnh vụn tâm tư ẩn náu giữa những dòng chữ về con người và đời sống của người thầy mà tôi mến mộ. Tôi tìm thấy không nhiều, mà vặt vãnh như những mẩu giấy ráp một bức ảnh lỗ chỗ nhiều mảng trống.
Với cương vị giảng viên môn triết, Nguyễn Xuân Hoàng là một người thầy linh động hoạt bát. Ông dẫn dắt tuổi trẻ chúng tôi bước vào ngôi nhà triết học tây phương với những luận lý, tâm lý và đạo đức học cổ điển. Thầy Hoàng là người trẻ nhất, dáng vẻ hào hoa và diện mạo điển trai nhất trong ban giáo viên lớp mười hai của chúng tôi.
Là văn sĩ, Nguyễn Xuân Hoàng đã khai mở trong tâm thức tôi những cánh cửa bước vào cõi chữ nghĩa huyễn mộng. Cuối năm 1969, tôi rời nước du học. Bạn tôi biết tôi để ý tới văn chương Nguyễn Xuân Hoàng, cho nên mỗi khi có tác phẩm mới ấn hành của ông ở quê nhà, đều gởi cho tôi. Từ đó, những "Ý Nghĩ Trên Cỏ", "Khu Rừng Hực Lửa", "Kẻ Tà Ðạo", "Bất Cứ Lúc Nào, Bất Cứ Ở Ðâu" rắc mầm trong tâm tư tôi những chồi cây.
Trong "Khu Rừng Hực Lửa" tôi đã gạch dưới vô số câu và những chương tâm đắc. Tôi đã xúc động dào dạt sau khi đọc xong đoản văn "Cha và Anh", mà tôi nhớ được in trong tập truyện "Bất Cứ Lúc Nào, Bất Cứ Ở Ðâu", ấn bản in ở Sài gòn khi trước. Ngoại trừ "Kẻ Tà Ðạo" là một quyển tiểu thuyết với nhiều tình tiết gút mắc, những truyện ngắn, truyện vừa hoặc tuỳ bút khác của ông là những suy tư, những ý tưởng, những nhân sinh quan của riêng ông, một trí thức gia chịu ảnh hưởng triết lý tây phương và trào lưu chủ nghĩa hiện sinh trong văn chương, về cuộc đời, tình yêu và thân phận con người trong một đất nước chiến tranh.
Trong văn chương Nguyễn Xuân Hoàng, rải rác đây đó là những tư tưởng bi quan, vô vọng trước những bất toàn của con người, tầm hữu hạn của hạnh phúc, những bất trắc của đời sống. Chính những đặc điểm ấy làm nên bản sắc văn-chương-Nguyễn-Xuân-Hoàng, không trùng lặp với ai khác.Sau "Khu Rừng Hực Lửa", một truyện vừa gây nhiều tiếng vang trong giới yêu thích văn chương, tiểu thuyết "Kẻ Tà Ðạo" là tác phẩm thành công rộng rãi của ông, ấn hành năm 1973. Quyển truyện là một phim bản linh động kể lại sinh hoạt của giới trẻ, giới văn thi sĩ và chính trị gia Sài gòn vào cuối thập niên 1960 với những phân cảnh yêu vội sống cuồng lồng trong tình huống chính trị rối reng, không lối thoát. Cá tính và cách ứng xử của những nhân vật nam qua bút pháp Nguyễn Xuân Hoàng, như Thăng trong "Kẻ Tà Ðạo", không cường điệu thái quá, không công-tử-tính cổ điển như một tay chơi đất Hà thành vào những thập niên 40, 50 của thế kỷ 20 qua ngòi bút Mai Thảo, mà hờ hững, lãnh đạm trước thực trạng chính trị và xã hội như một kẻ mộng du giữa ban ngày. Và Thăng đi về phân vân giữa những nhân vật nữ.
Loại văn phong được Nguyễn Xuân Hoàng sử dụng, gán ghép cho những vai trò văn chương rất thời thượng, rất "tây", rất trí thức, nhiều phim ảnh tính. Và thụ động.
“… Tôi là một người đàn ông thụ động. Tôi không biết sục sạo tìm kiếm như con gà bươi móc trong đống rác ngoài sân để mổ được chút hạt gạo thừa.
Tôi thụ động trong tận cùng xương tuỷ …” ([1])
Không phải chỉ riêng những nhân vật nam trong tiểu thuyết Nguyễn Xuân Hoàng chất chứa tâm trạng thụ động ấy, mà không ít người thuộc giới trí thức cũng như văn thi sĩ thời bấy giờ cũng cùng quan điểm như họ. Phần lớn, có lẽ, bắt nguồn từ bối cảnh chiến tranh. Ranh giới sống chết quá mong manh. Cánh cửa hướng về tương lai khoá kín. Quan niệm về cuộc sống trong văn chương ông tuy mù mờ bảng lảng, nhưng vẫn khiến người đọc nghĩ ngợi. Nó bóc vỏ những bí ẩn về tính hiện hữu của đời sống, mặc dù không sắc sảo, tinh tế như văn chương Võ Phiến, nhưng đủ đậm để khắc dấu thành một ấn tượng Nguyễn Xuân Hoàng.
Sau biến cố 1975, tôi trực tiếp tham dự vào các diễn đàn văn chương hải ngoại. Khi được tin thầy tôi, nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, cùng gia đình sang Hoa kỳ định cư, tôi tìm cách liên lạc. Trong lá thư đầu tiên trả lời tôi, ông đề nghị sửa cách xưng hô, gọi bằng "anh" thay vì "thầy". Kể từ đó, tôi thường xuyên theo dõi văn nghiệp ông. Ông viết không nhiều, không bền bỉ dài hơi như Nguyễn Mộng Giác, nhưng tương đối đều đặn.
Những sáng tác ở ngoài nước của ông, tôi được ông gởi tặng bốn quyển: truyện dài "Người Ði Trên Mây", tái bản của "Kẻ Tà Ðạo" với nhiều nhuận sắc và sửa đổi, là quyển một trong trường thiên tiểu thuyết cùng tựa ([2]), tập truyện "Căn Nhà Ngói Ðỏ", truyện dài "Sa Mạc" và tập truyện tái bản "Bất Cứ Lúc Nào, Bất Cứ Ở Ðâu".
Ðọc "Người Ði Trên Mây", tôi bỡ ngỡ vì không thấy lại những chương, những đoạn và những câu văn đã từng làm tôi rung động trong "Kẻ Tà Ðạo". Cá nhân tôi ưng ý bản chính hơn bản nhuận sắc ấn hành ở Hoa Kỳ, vì"Kẻ Tà Ðạo" sắc nét và đậm đà cảm tính hơn "Người Ði Trên Mây", với những ý nghĩ thú vị về văn chương và điện ảnh của nhân vật Thăng. Hoặc, có lẽ chỉ vì "Kẻ Tà Ðạo" đã bầu bạn thân thiết cùng tôi suốt nhiều năm tha hương đầu tiên.
Mở tập "Căn Nhà Ngói Ðỏ", lòng tôi chùng xuống, khi đọc lại dòng chữ ông ghi thêm trên truyện ngắn "Tự Truyện Một Người Vô Tích Sự": "Tặng Ngô Nguyên Dũng tự truyện này. N.X.H.". Chi tiết thân ái này của ông dành cho tôi, từ lâu rồi tôi quên bẵng. Tôi tần ngần đọc lại đoản truyện, lần này với nhiều xúc cảm sâu xa như thể chính tôi là người hứng chịu những nghịch cảnh, những mất mát.
Chuyện kể kết thúc như sau:»… Buổi sáng sớm rừng còn đầy sương mù, gió thổi luồn qua những vòm cây lạnh. Trên những ngọn cây cao, tôi nghe tiếng chim kêu từng hồi buồn bã. Giẫm trên những ngọn cỏ ướt sương, bập bập điếu thuốc lá chưa kịp khô, tôi thấy mình già hẳn. Như giờ đây, gần bốn mươi năm sau tôi thấy tôi mới già bằng thuở đó.« ([3])
*Một hôm, đã lâu, tình cờ tôi xem được một cuốn phim Ý đen trắng cũ của đạo diễn Federico Fellini chiếu trên truyền hình: "La Strada", Anthony Quinn diễn vai chính. Phim kể về cuộc sống lang bạt nay đây mai đó của một gã đàn ông cục súc hành nghề xiếc dạo, giang hồ mưu sinh cùng một thiếu nữ phụ việc … Sực nhớ lại, trong một tác phẩm nào đó của nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, đã có lần ông đề cập tới một cuốn phim có nội dung tương tự với nhạc phim là một khúc kèn đồng não nuột, mà không nhắc tới tựa. Soạn lại những gáy sách cũ, tôi tìm thấy độc nhất một quyển của ông: "Kẻ Tà Ðạo". Những cuốn khác thất lạc đâu mất. Tôi bâng khuâng lật từng trang sách úa vàng hoài niệm. Và tôi tìm ra đoạn văn ấy ([4]), cũng như những suy nghĩ rời của nhân vật Thăng, xưng tôi, đôi ba lần đề cập tới W. Somerset Maugham. Luôn cả câu văn trích từ một truyện ngắn của Maugham đã được Nguyễn Xuân Hoàng đem in lên bìa sau, làm nền cho quyển sách, đã bám víu tôi một khoảng thời gian dài:
»Thảm kịch của tình yêu không phải là cái chết hay sự chia phôi … Thảm kịch của tình yêu chính là sự dửng dưng.« ([5])
Những mẩu chuyện nhắc nhớ bên lề của ông, từ một cuốn phim không đề tựa cho tới câu văn trích dẫn nói trên, đã bắt tôi lùng mua tất cả sách truyện của W. Somerset Maugham được chuyển sang Ðức ngữ, để tìm cho ra manh mối, được trích dẫn từ truyện ngắn nào. Nhờ vậy mà tôi đã đọc sạch ráo toàn bộ trước tác của Maugham. Văn chương của Nguyễn Xuân Hoàng, vì vậy, có thể nói, là tác động làm vỡ mạch những đam mê văn chương, âm nhạc, điện ảnh trong tôi. Và tôi viết. Viết để giải toả những ứ nghẽn của tư tưởng. Viết để thăng hoa ý nghĩ thành những trang chữ hào nhoáng. Viết để khai sinh những bóng hình hư cấu. Viết để biểu lộ thái độ tự mãn, rúng ép những nhân vật hành động theo ý mình.

nguyen xuan hoang
Nguyễn Xuân Hoàng
(bìa sau Kẻ Tà Ðạo, Sài gòn, 1973)

Năm 2002, trong chuyến đi Cali thăm bạn, tôi và bạn có tham dự một buổi nhạc thính phòng vinh danh nhạc sĩ Phạm Duy. Sau giờ trình diễn, ca sĩ Quỳnh Giao dẫn tôi vào dự buổi tiếp tân, gặp gỡ ca nhạc sĩ. Tình cờ tôi tái ngộ nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng cùng hiền thê là chị Trương Gia Vy. Chào hỏi nhau xong, ông nhoẻn cười nhìn tôi:
“Ngô Nguyên Dũng thấy anh ra sao?”
Tôi không nhớ tôi đã trả lời ông như thế nào, vì trong khoảnh khắc ấy, thú thật, tôi đang bối rối. Ồn và đông, quá đông những khuôn mặt vang tiếng trong giới ca nhạc sĩ hiện diện, mà tôi chỉ là một tham dự viên "đi ké", không được mời, cũng không phải khán giả mua vé hạng nhất. Tôi nán lại thêm chốc lát, rồi lẻn về.
Từ đó tới nay, tôi và ông gần như bặt tin nhau.
Giờ đây, đọc và ngẫm lại, tôi nhận ra có điều gì dường như nghịch lý trong câu văn ghi trên của W. Somerset Maugham. Ví dụ như, thay "tình yêu" bằng "đời sống" và hoán đổi mệnh đề, thành:
“Thảm kịch của đời sống không phải là sự dửng dưng … Thảm kịch của đời sống chính là cái chết hay sự chia phôi”, thì sao?
Theo thời gian, sở đọc văn chương của tôi có phần thay đổi. Ðọc lại dăm ba quyển sách đã một thời làm tôi ngẩn ngơ đêm ngày, tôi không còn xúc động như xưa. Bi thảm hơn nữa, tôi cảm thấy có điều gì đó không thật giữa những hàng chữ. Không phải tôi thất vọng. Ðúng hơn, tôi hoài nghi. Nhưng những trang sách của Nguyễn Xuân Hoàng là một trong vài ngoại lệ nằm trong sở thích tôi. Thỉnh thoảng có dịp, tôi lấy ra, đọc lại. Những bóng ảnh quá khứ trồi lên, quay quắt. Thời hoa niên hừng hực nắng Sài gòn. Những khuya tha hương quạnh quẽ, tôi viết nằm trong căn phòng hẹp. Chữ ứa ra giấy. Băn khoăn dập xoá. Lắm khi rúng động theo tâm tình của nhân vật. Ðôi lúc gục đầu ngủ quên trên bản thảo.
Gấp sách, tắt đèn, tôi mở cửa sổ. Nhà trọ hai gian như hai hộp diêm kề cận nhau trong ngõ cụt. Cũng khung cửa ấy, những sáng mùa hè mở ra vườn nắng, nhác thấy con bồ câu trên đầu hồi mái nhà hàng xóm, cúc rúc rời rạc. Cứ vậy, lẻ loi, nhẫn nại nhiều sáng liên tiếp. Cho tới sáng nọ, sau một lúc cúc rúc, bất chợt nghe tiếng cánh xoạc. Một con bồ câu khác sà xuống, cách đoạn rụt rè một sải tay. Lấc ngấc dè dặt ngó nhau một chặp, đoạn con trống đập cánh, liệng một vòng biểu dương tài mọn. Rồi đậu lại, gần hơn, vờ vĩnh ngó mông. Tưởng xong, ngờ đâu một con thứ ba, rồi thứ tư xúm lại, ngúc ngắc xum xoe. Không biết tính toan ra sao, đột ngột cả bốn vỗ cánh túa lên, mất dạng.
Ðứng yên như vậy một đỗi lâu. Hương đêm tháng tám lùa vào, se se dịu dàng. Ðêm ngoài chập chùng úp tay lên vườn cây. Không một hơi gió. Ngoài kia tịch mịch, rỗng rang. Nhưng trong tôi chật chội những ý tưởng, những hình bóng. Không dưng một câu hát lướt ngang trí: "Ðể lại cho ai. Buồn như giọt máu …" ([6]). Ðam mê văn chương trong tôi như một thương tích, tưởng lành, không dưng loét đau, rỉ máu. Hồi tưởng nhiều thập niên dài. Ðọc và viết, chỉ mình tôi với chữ, thâu đêm. Chuyện văn chương, cũng như kiếp nhân sinh, phải chăng chỉ là những vui buồn phù du chất nặng chiếc thuyền bào ảnh, là một giấc huyễn mộng dài?
Nhưng dù là gì đi nữa, tôi tin rằng, những tác phẩm của thầy tôi, nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, vẫn vững chãi với thời gian. Chữ nghĩa của ông hội đủ sức đề kháng, chống chọi lại những huỷ diệt không thương tiếc của năm tháng qua dòng biến động lịch sử. Cùng với nhiều văn nhân thi sĩ tài danh khác, ông là một tên tuổi, một khuôn mặt quan trọng góp phần gầy dựng một nền văn học rực rỡ của miền Nam, thời kỳ 1954-75 nói riêng, và của toàn cõi Việt nam nói chung.
Một lần nữa, tôi cám ơn đời đã cho tôi cơ hội góp mặt trên văn đàn, để tôi có dịp cùng đi với ông, nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, trên nẻo về văn chương vô tận. Dẫu chỉ một chặng đường ngắn ngủi.
(Ðức, tháng 8. 2013)
[1] Kẻ Tà Ðạo, tr. 22, nxb. Nguyễn Ðình Vượng, Sài gòn, 1973. (Không tìm thấy trong ấn bản "Người Ði Trên Mây".)
[2] Bụi và Rác: quyển hai của bộ tiểu thuyết "Người Ði Trên Mây", tôi không được đọc.
[3] Căn Nhà Ngói Ðỏ, tr. 27-28, nxb. Văn Nghệ, Hoa Kỳ, 1989.
[4] n. tr., tr. 192-193. (Không tìm thấy trong ấn bản "Người Ði Trên Mây".)
[5]The tragedy of love is not death or separation … The tragedy of love is indifference.”, Red, W. Somerset Maugham. (Trong "Người Ði Trên Mây", tái bản của "Kẻ Tà Ðạo", đoạn văn được nhân vật xưng tôi nhớ và thuật lại rành rẽ truyện ngắn nói trên của W. Somerset Maugham – Kẻ Tà Ðạo,tr. 335-336, nxb. Nguyễn Ðình Vượng, Sài gòn, 1973 – được rút gọn: "Rồi chị Quỳnh sẽ hiểu. Yêu nhau mà không lấy nhau được đến nỗi phải chia tay, hoặc phải đi tìm cái chết… thì tình yêu ấy vẫn tồn tại. Thảm kịch của tình yêu chính là người nầy dửng dưng dưới mắt người kia trong khi vẫn sống bên nhau." Tôi nhớ lại một truyện ngắn của nhà văn Anh, ông Somerset Maugham, mà có lần tôi đã thấy trên kệ sách trong nhà này…Người Ði Trên Mây, tr. 245, nxb. Người Việt, Hoa Kỳ, 1987.)
[6] Trích đoạn ca khúc "Lặng Lẽ Nơi Này", Trịnh Công Sơn.

________________

Nguyễn Xuân Hoàng &

vài "ý nghĩ trên cỏ”

Nguyễn Tà Cúc

Trong bài "Những Đoản Văn Rời Về Tạp Chí Văn" (đăng trên Giai Phẩm Xuân Người Việt 2012), nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng (1) có viết: "Nhà văn không thể tồn tại nếu trước hết không tồn tại trong một cộng đồng. Anh ta chỉ là một thành viên của xã hội. Anh ta không phải là một đơn vị biệt lập hay cô lập. Như một miếng ngói, một viên gạch, một hòn sỏi, một vại nước phía sau hè, một vòm mái cong, một cành lá nằm ngang bên ngoài khung cửa sổ, một tiếng chim hót buổi sớm,… nhà văn là một trong muôn một làm thành đời sống." Chính vì thế, chính vì quan niệm "Nhà văn không thể tồn tại nếu trước hết không tồn tại trong một cộng đồng" này mà mười ba năm trước (2000), tôi đã chỉ trích ông nặng nề qua cái nhìn của một người phải tham dự vào một công việc chung lúc ấy, một công việc mà cái thảm trạng Nước tàn sông núi còn đây/Thành xuân, cây cỏ mọc đầy khắp nơi khiến phải đặt lại vấn đề với tình cảnh sử dụng văn chương vào những việc không phải văn chương, không từ ông, nhưng rất gần quanh ông. Mười hai năm sau, tôi viết một bài khác (2), đưa ra một cái nhìn khác, cũng trên tinh thần này, nhưng chỉ dựa riêng trên tác phẩm của ông nhiều hơn.

Bài viết hôm nay, không bàn đến tác phẩm-và-tác giả Nguyễn Xuân Hoàng nữa, mà nhắm vào một vấn đề cả ông và tôi cho là quan trọng: cung cấp tài liệu về/cho Văn học Miền Nam. Sự quan tâm ấy giúp tôi và ông vượt qua được bài viết "dữ dội" năm 2000 vì chúng tôi đồng ý rằng, tài liệu là vấn đề sinh tử của Văn học Miền Nam. Có hai điều bất lợi hiển nhiên cho việc nghiên cứu về Văn học Miền Nam. Thứ nhất, rất nhiều tác phẩm đã bị hủy hoại trong cơn sốt "giải phóng" sau 1975 khiến cho sự hiếm hoi trở thành một trở ngại tài chính hầu như không thể vượt qua được. Một bộ Phổ Thông (chủ nhiệm&chủ bút Nguyễn Vỹ) nay giá ba nghìn mỹ kim, bộ Bách Khoa bốn nghìn mỹ kim vv. Có những bộ như Khởi Hành (Bộ cũ, Sài gon) không còn đủ số để bán trọn bộ. Thứ hai, một số sách báo Miền Nam thoát được cơn phần thư vì "di tản" trước qua các đại học Hoa Kỳ thì bị dần dần hủy hoại vì giấy xấu. Tôi đã từng cầm cuốn "Thơ đen" (Tú Kếu) mà giấy giòn như bánh đa nướng quá, hẳn chỉ mươi năm nữa là nát vụn. Những tài liệu Miền Nam trước đó có liên quan trực tiếp đến Văn học Miền Nam 1953-1975 như sách báo của Nữ Lưu Thư quán (Phan Thị Bạch Vân làm Giám đốc kiêm Chủ nhiệm& Chủ bút) hầu như hoàn toàn biến mất. Một số rất hiếm hoi giữ lại được bằng microfilm thì trừ phi là một sinh viên hay giáo sư trong một Đại học Hoa Kỳ, người ta không cách nào mượn được.
Tôi muốn nhấn mạnh ở đây là các khó khăn này chỉ dành cho những người nghiên cứu độc lập, dĩ nhiên. Nếu được tài trợ thì còn nói làm gì nữa. Nhưng chính vì thế mà vấn đề phổ biến tài liệu thuộc Văn học Miền Nam càng cấp bách hơn: càng cần nhiều người nghiên cứu càng tốt, nhất là những người nghiên cứu độc lập, để cuộc chạy đua đi tìm sự thực không bị giới hạn vào các quỹ tài trợ và có khi, vào thiên kiến của người được nhận tài trợ.
Đó là một sự thực không thể chối cãi được: sau khi cuộc chiến đã chấm dứt trên các địa danh đẫm máu như Đồng Xoài, Pleime vv., một cuộc chiến khác đã âm thầm khởi đầu từ lâu nhân danh "văn chương, văn học" và "lịch sử, sự thực" tại các trường Đại học Hoa Kỳ nơi hiện diện một số đông giáo sư chuyên về Việt Nam học mà nhiều người vốn xuất thân là những người chống lại sự tham dự của Hoa Kỳ vào Chiến tranh Việt Nam. Bởi thế, những cựu quân nhân phản chiến nay trở thành giáo sư hay học giả này nếu không có mấy cảm tình thì cũng không có bất cứ kiến thức hay nhu cầu tìm hiểu nào về nhà văn và Văn học Miền Nam, một lãnh vực mà họ không quan tâm. Cho nên, bãi chiến trường lần này càng không kém phần ác liệt vì sẽ để lại di tích muôn đời trên sách vở, không phải tại cổ thành đổ nát Quảng Trị mà tại những tòa nhà thâm nghiêm, lưu dụng các bộ óc danh tiếng đại diện chung cho lịch sử Hoa Kỳ.
Như vậy, tưởng đâu cuộc chiến lại mất quân bằng lần nữa chăng? Không, may mắn thay, sự phát triển của Internet đã khiến việc trao đổi, cung cấp, số hóa tài liệu để nghiên cứu không còn là một vấn đề nan giải nữa. Từ Talawas (Phạm Thị Hoài chủ trương), Gió-O (Chủ trương Lê Thị Huệ), Da Màu (do rất nhiều các chị và các anh có thiện tâm điều khiển), Tiền Vệ (Nguyễn Hưng Quốc chủ trương) vv. tại Hoa Kỳ cho tới Phong Điệp (ký giả & nhà văn Phong Điệp chủ trương) Diễn đàn Sách Xưa (gồm rất nhiều anh em chơi sách cũ hay mua bán trao đổi nhưng đồng thời sử dụng các sách báo cũ ấy để lưu lại tài liệu) vv. tại Việt Nam, không riêng gì người đọc mà người nghiên cứu khắp thế giới cũng có thể lọc ra những tài liệu cần thiết tưởng chừng như không thể nào tìm lại được.
Hơn thế nữa, nếu chúng ta vẫn nói đùa "một người Việt Nam là một nhà thơ" thì nay chúng ta cũng có thể nói không đùa rằng "mỗi nhà văn, mỗi nhà nghiên cứu, mỗi thường dân Việt Nam là một blogger"! Từ các loại blog hay diễn đàn cá nhân này, người ta có thể tìm kiếm tài liệu về Phan Khôi (Lại Nguyên Ân) hay tình hình xã hội nhân văn hiện nay tại Việt Nam hoặc nhân dáng các nhà văn Miền Bắc qua blog của nhà phê bình Vương Trí Nhàn. Qua blog Phong Điệp, tôi đã được đọc lời nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân minh xác một số vấn đề mà ông nghĩ tôi đã hiều nhầm khi đặt ra vài câu hỏi với ông về việc nghiên cứu Văn học Miền Nam (3). Cũng từ một website khác, tôi đã được đọc bài của Giáo sư Phan Nam Sinh (thứ nam của Phan Khôi, nhà văn/dịch giả Kinh thánh Tin lành Việt ngữ) có một chi tiết tối cần thiết (4) cho loạt nghiên cứu của tôi về việc phiên dịch Kinh thánh Tin lành Việt ngữ và một vụ án văn học Thế kỷ XX (5). Cách đây hơn một năm, tôi sẽ không viết được bài sưu khảo về Nguiễn Ngu Í nếu tôi không được một nhóm bạn văn –vẫn theo dõi và hỗ trợ từ Sài gòn– gửi cho hơn 300 trang scan một số bài viết của ông trên tạp chí Bách Khoa. Trước đó tôi cũng sẽ không tái tạo được áo Lemur và có bài viết về thái độ tiêu cực của Tự lực Văn đoàn với đồng nghiệp cấp tiến Miền Nam nếu tôi không được trao cho tài liệu từ một người không quen nhưng quan tâm đến văn học ở Hà nội (6).
Viết ra kinh nghiệm của riêng tôi không phải để nói về mình (một điều khả ố) mà để qua thí dụ giữa tôi và nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, tôi muốn nói lên rằng, thứ nhất, sự phê bình, dù "dữ dội" đến đâu không bao giờ có thể lại là cái rào cản giữa những người cùng suy nghĩ về một vấn đề nào đó. Thứ hai, tôi muốn cổ võ cho cái quan niệm rằng chính chúng ta, những người có lòng với Văn học Miền Nam, nên giúp nó tồn tại bằng cách cung cấp và chia sẻ tài liệu. Chỉ có hai cách đó mới giúp các thế hệ đi sau một cách thực tiễn trong việc tái tạo chân dung của một nền văn học rực rỡ với cả ưu lẫn nhược điểm của nó mà ngay chính các nhà phê bình sinh trưởng và được giáo dục tại Miền Bắc cũng phải công nhận rằng đã hay vẫn còn vượt xa người anh em bên kia dòng Bến Hải.
Trong tinh thần ấy, tôi trao cho các bạn Da Màu số tài liệu ông đã gửi cho tôi vào năm 2010 khi tôi yêu cầu để Da Màu tiện sử dụng nếu muốn. Những tài liệu này gồm có:
-Truyện ngắn Tự truyện của một người vô tích sự mà ông đã hoàn chỉnh lại vì theo ông, đó là truyện mà ông thích nhất: "Thật ra viết xong, in xong, đọc lại vẫn chưa thích cuốn nào cả. Tuy nhiên có 1 truyện ngắn in trong CĂN NHÀ NGÓI ĐỎ, có tựa là TỰ TRUYỆN CỦA MỘT NGƯỜI VÔ TÍCH SỰ có thể là truyện ưa thích nhất, nếu có nói như vậy cho đến lúc này" (Email Nguyễn Xuân Hoàng trả lời Nguyễn Tà Cúc).
- Bài Bụi Và Rác của Nguyễn-Xuân Hoàng cùng thủ bút của nhà thơ Trần Hồng Châu (giáo sư Khoa Trưởng Đại học Văn khoa Sài gon Nguyễn Khắc Hoạch)
- Bài phỏng vấn "ĐẠI HỌC BOSTON Phỏng Vấn Nguyễn Xuân Hoàng", 2000.
- Bìa tạp chí Văn số cuối 125-129 , Tháng 2&3. 2008. Theo Nguyễn Xuân Hoàng, tờ này không bao giờ phát hành vì không có ruột dù đã làm xong.
- Ảnh chụp Bùi Giáng, Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo và Nguyễn Xuân Hoàng tại trước Tòa soạn Tạp chí Văn, Sai gon.
Trên nguyên tắc, tôi không bao giờ chuyển tài liệu cho người khác mà không có sự xin phép trước. Nhưng trong trường hợp hết sức đặc biệt này, tôi rất tự tin rằng ông sẽ hài lòng là đằng khác (nếu ông chỉ gửi cho tôi những tài liệu đó) khi tôi thực hiện điều rất nhiều người trong chúng ta đã quan tâm. Tôi thành thực hy vọng những tài liệu kèm theo sẽ giúp được cho bất cứ ai nghiên cứu về Nguyễn Xuân Hoàng nói riêng–một nhà văn không bao giờ ngừng viết, nghĩa là đúng như ông nói "không đi trên mây" –và Văn học Miền Nam nói chung, nơi đã có sự góp mặt của ông. [NTC]

Chú thích:
(1) Trong nước, cũng có một nhà văn –trẻ hơn, đã qua đời– cũng trùng tên Nguyễn Xuân Hoàng khiến nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, mà tôi đang viết về đây, thuộc Văn học Miền Nam, phải thêm một dấu gạch nối vào tên ông Nguyễn-Xuân. Riêng trong bài này, tôi sẽ giữ nguyên tên Nguyễn Xuân Hoàng như nó đã xuất hiện trên các tác phẩm của ông trước 1975 để các nhà nghiên cứu đi sau không bị nhầm lẫn. Thí dụ điển hình là cuốn Ý nghĩ trên cỏ mà tên tác giả "Nguyễn Xuân Hoàng" không hề có dấu gạch nối giữa hai chữ Nguyễn-Xuân.
(2) Bài này đã đăng trên Tạp chí Khởi Hành, Chủ đề Nguyễn Xuân Hoàng, Số tháng 5&6, 2012
(3) Lại Nguyên Ân, Trả lời ký giả Nguyễn Tà Cúc ,20/6/2009
(4) Phan Nam Sinh (Đồng Nai), Về những nghi vấn xung quanh hai tác phẩm của Phan Khôi, 25.6.2012
(5) Nguyễn Tà Cúc, Phan Khôi và Công trình phiên dịch Kinh thánh Tin lành Việt ngữ, 2013
(6) từ áo dài “lemur” đến thái độ tiêu cực của tự lực văn đoàn với nữ đồng nghiệp cấp tiến miền nam – 18.07.2013

______________

Nguyễn Xuân Hoàng tại Boston

Trần Thu Miên & Phạm Văn Đảm

Thưa ông NXH, xin ông cho thính giả biết về ông qua một vài dữ kiện liên quan đến tiểu sử cá nhân, học vấn, và kinh nghiệm nghề nghiệp.
NXH: tôi nguyên là học sinh Pétrus Ký ở Saigon, Việt Nam, tốt nghiệp môn Triết Đại học sư phạm Đà Lạt. Trở về phụ trách Triết tại trường cũ là Pétrus Ký, Saigon. Về báo chí tôi làm thư ký toà soạn tạp chí Văn [1972-1974]. Đến Mỹ năm 1985, làm tổng thư ký nhật báo Người Việt tại Nam Cali, tổng thư ký tạp chí Thế Kỷ 21 từ 1986 đến 1997. Cuối năm 1998 tôi nhận làm tổng thư ký tuần báo Việt Mercury [ấn bản tiếng Việt của tờSan Jose Mercury News] cho đến nay. Đồng thời, hiện nay tôi còn là chủ bút tạp chí Văn, do nhà văn Mai Thảo dựng lại tại Hoa Kỳ từ năm 1982, nhưng đến đầu năm 1996, do tình hình sức khoẻ của ông không tốt, ông đã trao tờ Văn cho tôi trông nom. Văn số tháng chín 1996 là số báo đầu tiên do tôi làm chủ bút cho đến nay.
Trong quá khứ ông là một nhà giáo. Kinh nghiệm về nghề giáo có liên quan đến việc sáng tác văn chương và sinh hoạt báo chí không?
Nhiều người dạy học đã viết văn, và họ thực sự là nhà văn nhà thơ như Nguyên Sa, Trần Hồng Châu – bút hiệu của giáo sư Nguyễn Khắc Hoạch nguyên là khoa trưởng đại học Văn khoa Sàigòn- Nguyễn Mộng Giác, Trần Doãn Nho, Võ Hồng và nhiều người khác. theo tôi, kinh nghiệm dạy học cũng như kinh nghiệm của những ngành nghề khác có cái lợi và cái bất lợi trong sáng tác văn học. tôi nghĩ đôi khi, công việc của một nhà giáo có thể là một trở ngại cho việc viết lách và sinh hoạt báo chí.
Ông đã đi vào thế giới văn chương bằng cách nào và khởi điểm cuộc hành trình văn chương của ông bắt đầu từ lúc nào?
NXH: Năm 18 tuổi tôi làm bài thơ đầu tiên được nhà thơ Nguyên Sa giới thiệu trên tạp chí hiện đại của ông. năm 20 tuổi truyện ngắn đầu tay của tôi đăng trên tạp chí văn học do nhà viết kịch Dương Kiền, bào huynh của nhà báo Dương Phục làm chủ bút [không phải tờ Văn học của anh Nguyễn Mộng Giác hiện nay]
Xin ông kể cho thính giả một kỷ niệm văn chương đặc sắc nhất của đời viết văn.
NXH: Thế nào là một kỷ niệm văn chương đặc sắc? Xin ông có thể nói rõ hơn?
Tác phẩm đầu tay đưa ông vào thế giới văn chương là tác phẩm gì, đã xuất hiện trên văn đàn nào (tạp chí văn học hay thời báo vv…)?
NXH: Tập truyện ngắn đầu tay của tôi, Mù Sương, được nhà văn Võ Phiến giám đốc nhà xuất bản Thời Mới ấn hành năm 1966. Tôi không viết nhiều nhưng đó là cái mốc khi tôi bắt đầu vào con đường chữ nghĩa.
Ông còn nhớ gì khi biết tác phẩm của mình được chọn đăng lần đầu?
NXH: Tôi rất xúc động. Tôi giữ tờ báo ấy khá lâu. Tôi cảm thấy từ bản viết tay, bôi xoá nham nhở đến những giòng chữ in, sao mà lạ lùng như thế. Tôi không tin bài mình được chọn đăng. Đó là tôi nói bài thơ, còn truyện ngắn thi tôi không có cái cảm giác đó nữa.
Trong tất cả những tác phẩm ông đã xuất bản, tác phẩm nào ông ưng ý nhất và tác phẩm nào làm ông thất vọng nhất (xin cho biết tại sao)?
NXH: Tôi không có cuốn sách nào của mình cho tôi cái cảm giác ưng ý nhất hay thất vọng nhất. Nhưng tôi có cái cảm giác là khi đọc lại thấy lẽ ra mình đã không nên viết như vậy. Nhà văn Võ Phiến trong một bài viết về tôi có khám phá ra là mỗi lần cho in lại một sáng tác cũ của mình tôi thay đổi và sửa chữa nhiều lắm. Phần lớn là cắt ngắn đi, nên hiểu đó là sự thất vọng. Tôi thất vọng hầu hết những gì tôi đã viết.
Nhà văn Việt Nam hay ngoại quốc nào đã ảnh hưởng đến sự nghiệp văn chương của ông? Tại sao và như thế nào?
NXH: Tôi không biết người nào ảnh hưởng đến tôi nhiều nhất. Hình như trước đây tôi thích Hemingwaytrong cách viết đối thoại, Paustovski trong suy nghĩ văn chương. Bếp Lửa là tác phẩm của Thanh Tâm Tuyền trong nhóm Sáng Tạo. Gần đây nhất tôi rất thích Milan Kundera, một tác giả Pháp gốc Tiệp. Cách viết của tôi là luôn luôn tìm cách phủ nhận cách viết những tác giả mà tôi thích.
Nếu người ta hỏi ông về trường phái văn chương, ông tự coi mình thuộc trường phái nào?
NXH: Tôi không có câu trả lời. Có lúc tôi và các bạn tôi [như] Huỳnh Phan Anh, Nguyễn Quốc Trụ, Đặng Phùng Quân thích quan niệm văn chương tiểu thuyết mới ở Pháp thời thập niên 60 với Alain Robbe-Grillet,Michel Butor, Claude Simon, Nathalie Sarraute … và tôi đã viết một cuốn truyện vừa Khu Rừng Hực Lửađăng nhiều kỳ trên tạp chí Văn. Sau đó cuốn sách này được nhà xuất bản Đêm Trắng in, nhưng theo tôi nhà xuất bản bị lỗ nặng vì in cuốn này.
Thưa ông, theo ông thì văn chương có khả năng đóng góp gì cho đời sống nhân loại? Hay nói hạn hẹp hơn là văn chương có khả năng đóng góp gì cho xã hội mà nhà văn đang sống?
NXH: Văn chương có đóng góp gì cho xã hội? Tôi nghĩ văn chương là một sản phẩm của xã hội. là con đẻ của xã hội, nó nói tiếng nói của xã hội, thở hơi thở của xã hội chắc chắn nó có chịu hổ tương của xã hội. Tuy nhiên tôi phủ nhận việc đặt lên vai nhà văn trọng trách của một người mang một thông điệp đến xã hội. Nhà văn cũng như một người thợ mộc, thợ nề, người làm vườn…… cái mà ông làm được cho đời sống đó là qua chữ nghĩa người đọc thấy cuộc sống mình hạnh phúc hơn. Nhưng tôi nghĩ khả năng đó đâu phải là nhà văn nào cũng có. Khi người đọc khám phá ra cuốn sách và nhận được nơi đó niềm vui hay nơi đó là nỗi đau khổ hay đó chỉ là rác rến thì phải nói tùy tác phẩm … [Một] nhà văn Pháp nói một câu tôi rất thích: đó là với những ý tưởng tốt đẹp người ta thường làm văn chương dở….
Xin ông cho thính giả biết vài chi tiết về cách ông sáng tác. Thí dụ như kinh nghiệm về việc viết tiểu thuyết, và tiến trình sáng tạo một tác phẩm của ông?
NXH: Kinh nghiệm viết tiểu thuyết? Tôi không phải là một tác giả viết nhanh và viết nhiều. Tôi bắt đầu viết khi lòng tôi cảm thấy là chắc mình phải viết một câu chuyện về cái chuyện này! Nhưng thấy vậy mà từ lúc muốn viết đến lúc viết ra dòng chữ đầu tiên cũng truân chuyên lắm.
Tôi thường viết về ban đêm, và không bao giờ bằng lòng về những dòng chữ của mình. Cuốn Bụi và Rác tôi viết trong một năm. Cuốn Sa Mạc viết trong 6 tháng. Cuốn Căn Nhà Ngói Đỏ trong 3 năm. Riêng cuốn Người Đi Trên Mây III, cuốn chót trong bộ ba, tôi đã bắt đầu từ bảy năm nay. Năm rồi viêt được trên 100 trang, nhưng khi đọc lại thấy không được mà cứ để trong máy hoài thì không yên nên tôi đã delete toàn bộ. CuốnNgười Đi Trên Mây IIInhư vậy là vẫn còn trong trí tưởng. Nhà xuất bản đã trả tiền mà tôi chưa đưa cho họ chữ nào.
Ông hiện là nhà báo, xin ông kể cho thính giả vài chi tiết về kinh nghiệm làm báo của ông?
NXH: Tôi từng làm báo Văn [ở] Saigon những năm 70. Tôi làm tổng thư ký nhật báo Người Việt tin tức thời sự ở Nam Cali mười ba năm, rồi làm tuần báo Việt Mercury từ 1998 đến nay. Tôi thấy làm báo văn chương khác với báo tin tức, thời sự, báo Việt-Việt khác với báo Việt-Mỹ, như trường hợp một bản tin, một bức ảnh, một trích đoạn, một nguồn tin ….
Thưa ông, ký giả báo chí và nhà văn có những điểm gì giống nhau và những điểm gì khác nhau?
NXH: Những bài báo của ký giả giống như mì ăn liền, fast food còn những bài viết của nhà văn như một món ăn mà người đầu bếp phải chuẩn bị nấu nướng kỹ lưỡng, dọn lên một bàn ăn có khăn trải bàn có chén bát …. Cái giống nhau là phải dùng chữ viết, là kinh nghiệm sống … cái khác nhau là một cái đi qua, một cái để lại. Nhưng nói vậy thôi chứ đi qua như thế nào, để lại cái gì còn tùy tài năng của người viết ….
Ông có nhận xét gì về sinh hoạt văn chương Việt Nam hải ngoại?
NXH: Theo một nhà văn bạn chúng tôi thì văn chương VN hải ngoại đang bị lão hoá. Người viết già và người đọc cũng già. Thực ra, với tư cách một người phụ trách tạp chí Văn từ nhiều năm nay, tôi thấy nhiều người viết mới. Chỉ với không tới hai triệu người sống rải rác khắp năm châu bốn biển, bằng những ngôn ngữ khác nhau mà chúng ta hiện có một lực lượng người viết khá đông đảo, Trần Vũ, ở Pháp, Lê Minh Hà ở Đức,Nguyễn Hoàng Nam, Nguyễn Quí Đức ở Mỹ, nhiều nguời viết mới và viết rất hay: Phùng Nguyễn, Hồ Như, Nguyễn thị Ngọc Nhung, Trần Mai Ninh, Miêng, và gần đây tôi thấy Trịnh Y Thư với tập truyện ngắnNgưòi Đàn Bà Khác tôi rất thích …. Trong những tác giả ở hải ngoại có người có thể vừa viết cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh [như trường hợp Nguyễn Quí Đức] có người chỉ viết được có tiếng Anh như Andrew Lam, Andrew X. Pham, Lai Thanh-ha, Monique Trương, Isabelle Thuy Pelaud, Angie Chau, có người chỉ viết được tiếng Pháp như Linda Lê … Nỗi lo sợ là người đọc văn chương Việt hải ngoại sẽ mất dần theo năm tháng. Cái hình kim tự tháp chữ nghĩa văn chương là cái đáng sợ của những người cầm bút VN. Đó là chưa kể một lớp người viết mới xuất hiện trên mạng lưới như nhóm văn học nghệ thuật liên mạng với Pham Chi Lan.
Hàng năm mỗi lần nghe hay đọc tin về giải thưởng Nobel văn chương, tôi vẫn thấy mình thắc mắc và nôn nao chờ không biết khi nào một nhà văn Việt Nam sẽ nhận được vinh dự này? Ông nghĩ gì về vấn đề này? Đã có nhà văn Việt Nam nào được đề nghĩ lĩnh gải Nobel chưa? Ông có tiên đoán gì về vinh dự này không (còn bao lâu nữa sẽ có nhà văn Việt Nam được vinh dự này?)
NXH: Tác giả Cao Hành Kiện người Trung Hoa vừa được giải Nobel văn chương năm 2000, rời Trung Quốc năm 1987 tị nạn ở Pháp và tác phẩm của ông viết bằng Pháp ngữ …. Tôi nghĩ trước hết người viết khi sáng tác không ai nghĩ mình viết để nhắm vào cái giải Nobel. Thứ nữa, tác phẩm ấy muốn đến với đông đảo người đọc trước hết nó phải được viết bằng Anh ngữ [hay Pháp ngữ]. Văn chương viết bằng tiếng Việt chưa đủ sức gõ vào cánh cửa của người đọc quốc tế. Đó là tôi chỉ mới nói tới có cái phương tiện là ngôn ngữ thôi. còn cái chứa đựng trong chữ viết là sức nặng của tác phẩm, cái đó định đoạt chiều cao và bề dày của tác phẩm.
So sánh về gía trị văn chương của các tác phẩm đã xuất bản trong thập niên 90 ở cả Việt Nam lẫn hải ngoại, có bao nhiêu tác phẩm được coi là hay? Tác giả là ai?
NXH: Xin được phát biểu với tính cách cá nhân và chủ quan nhé: ở hải ngoại tôi thấy Trần Vũ là một tác giả trẻ đang sống tại Pháp với tập truyện Ngôi Nhà Sau Lưng Văn Miếu và trong nước là Nguyễn Huy Thiệp với toàn bộ những truyện của ông, mặc dù cả hai tác giả này theo tôi tác phẩm của họ chứa nhiều bóng tối hơn là ánh sáng.
Ông nghĩ gì về tương lại văn chương Việt Nam tại hải ngoại?
NXH: Đã trả lời ở trên.
Ông có kinh nghiệm gì muốn chia sẻ hay lời nhắn nhủ gì dành riêng cho các bạn trẻ muốn trở thành nhà văn trong tương lai?
NXH: Tôi không dám có ý tưởng nhắn nhủ những người trẻ cầm bút muốn thành nhà văn, nhưng tôi có thể nói từ suy nghĩ của tôi về công việc viết của mình: chỉ nên viết những gì mình sống, và từ kinh nghiệm sống ấy trí tưởng tượng, kiến thức đóng góp rất nhiều vào sự hình thành tác phẩm. Hãy viết giản dị, tránh sự lê thê, tránh những chữ đao to búa lớn, tránh những hình ảnh cũ, tránh sự lập lại những ý tưởng sáo mòn, tránh thứ văn chương tĩnh từ ….
Theo ông thì các cộng đồng người Việt hải ngoại nên làm gì, hay đóng góp gì vào sinh hoạt văn chương nghệ thuật Việt Nam?
Dân tộc VN là một dân tộc sính văn chương chữ nghĩa. tuy vậy tôi vẫn không có câu trả lời cho một câu hỏi như thế. Liệu ba năm, năm năm, mười năm nữa chúng ta có còn một Trần Vũ, một Hồ Như, một Nguyễn Quí Đức không hay chỉ có Linda Lê, Andrew Lam, Andrew X. Pham? Một trong những ông thầy hồi trung học của tôi là nhà văn Cung Giũ Nguyên, nhưng ông chỉ viết tiểu thuyết bằng tiếng Pháp, Le filsde la Baleine. Văn chương Việt Nam không ghi tên ông vào danh sách những nhà văn VN, liệu những Linda Lê, Andrew Lam, Andrew X. Pham, Isabelle Thuy Pelaud, Angie Chau … có phải là nhà văn VN không khi những cây bút này không sáng tác bằng tiếng Việt? tôi không có câu trả lời.

_________________

Nguyễn Xuân Hoàng: “kiểu cách mà hững hờ”

Võ Phiến

Truyện Nguyễn Xuân Hoàng, trước hết hãy xin cử ra lấy vài truyện, để xem qua cái dáng dấp đặc biệt của nó.
Truyện “Một người ngồi trong ghế bành” chẳng hạn. Một thiếu phụ – Diệp – đêm ấy nhờ “tôi” đưa tới một quán nước để gặp một người đàn ông chưa từng biết mặt. Là ai vậy? Để làm gì vậy? Tôi tò mò hỏi: “…hình như có một người đàn ông nào đó yêu em và em muốn biết mặt người đàn ông đó. Phải vậy không?” Diệp bảo,”Cứ cho là gần như vậy đi.” Người chưa từng biết mặt hẹn trước: Trong tiệm có chiếc ghế bành bằng da màu đỏ; đến, ông ta sẽ ngồi vào ghế ấy. Diệp và tôi vào, gọi nước, gọi món ăn. Chợt Diệp hướng mắt về phía chiếc ghế bành, ngạc nhiên: Một người đàn ông đã ngồi trong ấy. Thức ăn mang lên, tôi ăn bữa tối một mình.
Xong một truyện. Đây là một truyện nữa: “Đường mòn.” “Tôi” – Bích –là một cô giáo dạy ở một trường quận hẻo lánh, bất an. Nghỉ hè, tôi thu dọn đồ đạc, làm va-li, chờ chuyến xe về thành phố. Ở thành phố tôi có một người tình chờ đợi; ở đây – chỗ quận lỵ – tôi có một người đàn ông quen thuộc “theo cái nghĩa rất đàn bà.” Chuyến xe chưa đến, có tiếng gõ cửa, gọi “Bích! Bích!” Vạn tươi cười bước vào. “Anh cao lớn, khỏe mạnh, đen đúa. Bộ đồ tác chiến làm người anh như to và dày hơn.” Vạn và tôi không nói gì nhiều. Tôi pha hai ly cà-phê. Hai người ngồi đối diện nhau. Vạn hỏi: “Bích à? Sao em không nói gì với anh hết vậy? Tôi: “Anh muốn em nói với anh cái gì bây giờ? Em sẽ biên thư cho anh mà!” Vạn cúi xuống tháo dây giày. Vạn choàng tay ra sau rịt đầu tôi xuống. Tôi nghe nước miếng mình ứa ra. Rồi Vạn đề nghị: “Anh đóng cửa sổ, nghe em?” Tôi biết Vạn muốn gì ở tôi, và tôi nữa, tôi biết tôi sẽ phải từ giã Vạn như thế nào (…) Tôi nghe những tế bào trong tôi cữa quậy,nghe ngóng, chờ đợi nhức nhối …
Xong một truyện nữa.

Vừa rồi có nói đến cái dáng dấp đặc biệt của truyện Nguyễn Xuân Hoàng. Xem qua, thấy ngay quả là đặc biệt. Hồi tiền chiến chắc không ai nghĩ có thể viết truyện như thế. Viết như thế, viết làm gì? Viết mà không cốt nói lên cái gì, không nhằm làm sáng tỏ cái gì, không nhắn nhủ điều gì, không gởi gắm gì ráo, không đưa ra nhận thức nào, phát giác nào cả … Viết chi vậy?
Không những thời trước không ai viết thế, mà đời nay, bây giờ, viết thế cũng chẳng mấy ai. Viết thế, cũng thậm chí cũng không phải là viết mua vui. Vui vẻ gì đâu những câu chuyện như vậy mà vui?
Viết như vậy có vẻ là một cái viết thật hững hờ. Như thể bắt gặp cái gì đó, tiện tay ghi phác qua, có sao ghi vậy thôi. Ngay trong truyện “Một người ngồi trong ghế bành” trên đây cô Diệp nói về anh bạn của cô ta: “Anh không thực tế chút nào hết, anh lơ lơ lửng lửng, anh bấp bênh và không dứt khoát. Anh gần gũi một cách xa lạ, nồng nàn một cách lãnh đạm, em không yêu anh vì thế.” Nếu Diệp là người “thực tế,” nếu cô hiểu yêu đương đưa tới hôn nhân, tới cuộc sống chung với nhau, thì không yêu “anh” là phải thôi. Anh lơ lơ lửng lửng, ở đời với anh thế nào được!
Gái thực tế không lấy làm chồng một anh như thế. Độc giả thực tế e cũng không đọc những truyện của một tác giả như thế. E như thế, cho nên nghĩ chẳng mấy ai viết vậy. Nhưng nghĩ thế không hẳn đúng. Trước không có ai, nhưng về sau thì có. Chiều hướng rõ dần: viết vậy có cái hay, viết vậy cũng đưa tới thành công. Trong nuớc, gần đây có Phan thị Vàng Anh là một.
Trong nước Nguyễn Khải chẳng hạn là người thực tế; Phan thị Vàng Anh thì lơ lơ. Ngoài nước, Doãn Quốc Sỹ, Nguyễn Ngọc Ngạn chẳng hạn là người viết thực tế; Nguyễn Xuân Hoàng thì lửng lửng. Cái viết nào cũng đẹp. Mỗi người có nét riêng: cô Vàng Anh thì tinh quái, hóm hỉnh; ông Nguyễn, không.
Bảo truyện của Nguyễn Xuân Hoàng hững hờ, ấy là nói về cái vẻ, cái dáng dấp. Còn về công phu xây dựng, về kỹ thuật, thì dựng nên một dáng hững hờ vị tất kém vất vả hơn dựng một dáng nghiêm túc. Ông Nguyễn là người viết đắn đo.
Hãy lấy một ví dụ. Lấy ngay cái truyện “Một người ngồi trong ghế bành” đã nói trên đây. Truyện ấy xuất hiện trong cuốn Sinh nhật do Nguyệt san Văn Uyển ấn hành năm 1968, có nhiều chỗ khác với bản in ở Những Truyện Ngắn Hay Nhất của Quê Hương Chúng Ta ra đời sáu năm sau. Khác là do sự sửa chữa của tác giả: đọc lại thiên truyện chính mình đã viết, đã cho in, ông không bằng lòng. So sánh bản trước với bản sau, theo dõi cách sửa chữa, thì thấy cái ông không bằng lòng nhất ở bản trước là nó dài, nó thừa lời. Bản trước dài 12 trang sách, mỗi trang độ 280 chữ; bản sau còn lại 7 trang, mỗi trang chừng 400 chữ. Như thế sau khi sửa sang cái truyện co lại mất khoảng 1/8: cứ tám dòng chữ có một dòng bị cắt bỏ.

Thử xem một vài trường hợp cắt xén. Trong bản trước, khi truyện kể tới chỗ “tôi” ngồi trên ghế dựa ở nhà Diệp, tréo chân, trông thấy một mảng bùn dính nơi đầu mũi giày, thì “tôi” nghĩ đến con đường lầy lội cạnh nhà mình, nghĩ có lúc mình lỡ ngã xuống có thể bị xe nhà binh cán chết, rồi lại nghĩ luôn tới cái tật của mình là hay nghĩ ngợi về chết chóc mặc dù đang khỏe mạnh v.v… Trong bản sau, những suy tưởng lan man ấy bị loại bỏ.
Trong bản trước, khi truyện kể tới chỗ hai người (Diệp và “tôi”) cùng đi với nhau giữa đường phố, cùng nói cười với nhau, Diệp bảo: “Lâu nay em không biết cười, cười được kể cũng khó ghê. Đừng anh, đừng làm đau em, Diệp kêu lên khi tôi nắm chặt tay nàng kéo ùa về một sạp báo còn chong đèn.” Trong bản sau, đoạn ấy không còn: Diệp không nói cười khó, cũng không kêu đau tay.
Đại khái sửa chữa là thế. Tôi nghĩ lan man: Cắt! Diệp nói lẻo bẻo: Cắt!
Truyện Nguyễn Xuân Hoàng vốn không hề là truyện rườm ra lòng thòng. Trái lại. Đối thoại trong truyện ông thường vắn tắt, ỡm ờ, thông minh, có lúc đến khó hiểu. Ấy thế mà duyệt lại truyện mình, ông cũng chỉ rặt cắt với tỉa với xén. Bỏ bớt chỗ này, loại bớt đoạn kia lia lịa. Rõ ràng có một ý định chỉ giữ lại cái cốt tủy.
“Cốt tủy” trong thiên truyện chúng ta đang nói đây là cái gì vậy? Là cái người ngồi trong ghế bành đó chăng? Trời đất! Một người không tính danh, không hình dạng, không có tiếng nói, không có một cử chỉ nào hết trơn. “Một người đàn ông đã ngồi trong ấy,” chỉ có vậy thôi, không thêm được một lời. Người như vậy mà “cốt tủy” nỗi gì?
Là “tôi” chăng? – “Tôi” tha hồ làm cái rốn của vũ trụ ở đâu khác, chứ ở đây thì không. Ở đây, tôi bị gọi tới gặp Diệp không biết vì lý do gì, được cô ta dẫn đi, dọc đường mua cho gói thuốc, mưa cho tờ báo, trao đổi những câu vẩn vơ, tới nơi cô ta gọi cho một bữa ăn, tôi ngồi ăn một mình. Tôi như vậy, “cồt tủy” chỗ nào.?
Vậy chuyến đi là “cốt tủy” chăng? Một người đàn bà đi gặp một người đàn ông, đi đến một cuộc hẹn hò có thể quyết định tương lai mình: việc như thế quan trọng chứ gì nữa? Chính vì e độc giả nghĩ vậy, tác giả hình như cố gắng đánh bạt ý nghĩ ấy. Trong ấn bản trước, vừa gặp mặt “tôi,” Diệp rối rít, “Anh chờ em có lâu không? Em sắp khóc vì sợ đến trễ hẹn. Em mắc bận quá. Thiệt là kỳ, bữa nay là ngày xui nhất trong năm của em ….” Trong ấn bản sau, đã sửa chữa, Diệp trả tiền taxi tắc-xi xong, “nàng bước xuống xe, cầm tay tôi kéo đi, không nói thêm nột lời nào khác.” Những chuyện Diệp sắp khóc, Diệp than xui xẻo, làm nổi bật tầm quan trọng của chuyến đi. Ông Nguyễn phất tay gạt bỏ tuốt.
Trong ấn bản trước, ở một đoạn khác, đoạn Diệp và “tôi” trò chuyện dọc đường, :tôi” có câu: “Em chẳng quên thứ gì hết, vậy mà không hiểu tại sao chồng em lại có thể bỏ em được.” Nói như thế tức cho biết em là một thiếu phụ đang thiếu chồng. Ở bản sau tác giả xóa bỏ câu nói ấy. Thành thử hoàn ảnh đổi khác hẳn: Em là một thiếu phụ, chấm hết. Đừng nghĩ tới chuyện em thiếu gì, cần gì. Tầm quan trọng của chuyến đi, của cuộc hẹn hò bị đánh trụt xuống ngay.
Thế trong thiên truyện còn gì nữa để làm cái “cốt tủy”? Là Diệp chăng? Có thể lắm. Tại sao không? Đưa ra được một nhân vật linh động như thế, sống như thế, thực như thế, cũng đủ là một thành công đáng xem là chủ đích của thiên truyện. Hà tất nhân vật phải đánh giặc giỏi, phải đủ ba đảm đang, mới là nhân vật xuất sắc? Chỗ đáng tiếc là chính tác giả cản trở chúng ta: ông không nhận vai trò của Diệp, ông đánh lạc định hướng của truyện bằng cái nhan đề; nhan đề không đả động đến Diệp, tác giả truất phế Diệp. Tác giả là chúa tể, thân phận mỗi nhân vật là do ông định chứ còn ai nữa? Vì thế, dù cho chúng ta – độc giả – có chọn Diệp làm cái cốt tủy của thiên truyện thì ở đây ta không hề gặp sự đồng tình sốt sắng của tác giả. Mà gặp một thái độ cơ hồ miễn cưỡng, gần như muốn chối bỏ. Hững hờ là thế.
Hãy lấy thêm một thí dụ khác, truyện kế tiếp trong cuốn sách, tức “Giả mù sa mưa.” Câu chuyện dài dòng hơn: “Tôi” và Thư có một đứa con với nhau, nhưng chưa bao giờ Thư nhìn tôi bằng cái nhìn dịu dàng, nói gì đến chuyện yêu đương. Tôi ở với anh Đàm và chị Trang là chị dâu tôi. Anh Đàm đi lính mất biệt. “Chị Trang đứng đắn đầy sinh lực và đầy dục vọng, anh Đàm mạnh dạn một cách yếu đuối, và tôi? …. Tôi gọi chị Trang bằng chị khi có người khác, và khi chị Trang nằm trong cánh tay tôi, khuy áo mở hết, da thịt trắng trẻo, tôi cũng gọi chị Trang bằng chị. Nhà vắng vẻ, chị Trang gọi: “Chú Mạnh ơi, chú Mạnh! Chú có còn thức đó không?” Có, có, có. Tôi luôn luôn thức tỉnh, mãi mãi thức tỉnh, trong lời kêu gọi của chị. Anh Đàm chợt về rồi chợt đi. Chị Trang gọi kêu, tôi luôn thức tỉnh. Sự việc tiếp tục diễn tiến, không có gì quan trọng. Hững hờ là thế. Vân vân và vân vân.
Vừa rồi có bảo Diệp là một nhân vật sống động, xứng đáng làm cốt tủy của truyện. Nàng hối hả, bẻo lẻo, như cạn cợt mà không cạn cợt, nói năng đùa giễu tuồng như dễ dãi mà không dễ dãi, mà chu tất, mà ý nhị, mà tinh tế, “anh làm gì, đi đâu, ở đâu, em biết hết …,” và biết đúng phóc, biết cả tính nết anh, biết từng thói quen của anh (tới nỗi anh phát sợ). Thế Diệp với “tôi” quan hệ thế nào? Diệp sống ra sao? – Tác giả bỏ lửng. Diệp là một phong cách thấp thoáng thôi, là cái thấp thoáng của một phong cách độc đáo thôi, là một gợi ý nhẹ nhàng thôi. Ở Nguyễn Xuân Hoàng thường không có những trang phân tích tỉ mỉ, những biện bạch dông dài.
Hoặc gợi ý về bóng dáng đáng yêu của em Diệp ở đây, hoặc gợi ý về cuộc sống nhẹ thênh của cô giáo Bích ở truyện “Đường mòn” đã dẫn ở đoạn trên. Bích sắp đi, Vạn vào phòng. “Nếu Vạn không mở đầu, tôi (tức Bích) tin chắc rằng sẽ không có gì xảy ra, nhưng Vạn đã mở đầu tôi tin chắc rằng mọi sự đều được phép xảy ra hết.” Tất nhiên là Vạn mở đầu chứ. Và mọi sự đã xảy ra. Dễ dàng thôi. Không tính trước, không đắn đo. Ngẫu nhiên. Như cuộc đụng độ tình cờ giữa hai toán quân đôi bên trên đường di chuyển. Như một cuộc tao ngộ chiến, không phải một cuộc phục kích, không có bố trí, điều nghiên, kế hoạch gì ráo. Chuyện có thể có, có thể không. Ngoài dự định. Cũng không có hậu quả đáng kể. Xảy ra cách hững hờ.

Không phải mọi thiên truyện của Nguyễn Xuân Hoàng đều một kiểu, tất nhiên. Làm gì có một người nhạt nhẽo, có một sự nghiệp trước tác đơn điệu đến thế! Nhưng cái cốt cách chung là thế. Vả lại cuối một thời kỳ sáng tác, “Một người ngồi trong ghế bành” được ông chọn và chữa: cái ông chọn và cách ông sửa chữa nó hẳn đã tiết lộ xu hướng của ông chứ.
Nguyễn Xuân Hoàng cẩn thận kết cấu nên những công trình hững hờ mà kiểu cách. Một tác giả không có chủ tâm, cặm cụi tạo nên những tác phẩm không có chủ đích (không có chủ đích nào ngoài nghệ thuật).
Vậy ông Nguyễn muốn … vượt không gian và thời gian chăng? – Rất có thể. Có thể ông không hề muốn bắt vào thời thế, không có ý phát biểu gì về các vấn đề xã hội, chính trị …. Thế nhưng có dễ đâu. Lũ cỏ lan mặt đất, mớ rêu xanh dưới đế giày, mấy con éng liệng ngược liệng xuôi trong tòa nhà vắng …, những thứ lăng nhăng ấy nào có định phát biểu cái gì? Nào có ý nói lên cái gì? Chẳng qua tự chúng nó, bản thân chúng nó, bày ra cái hoang sơ tiêu điều thôi.
Đám nhân vật của Nguyễn Xuân Hoàng – đa số là những người trẻ – không hẹn mà họ cùng nhau bày ra một vẻ chung, khiến những ai có chút quan tâm đến thế cuộc lúc bấy giờ hẳn phải chú ý ….
Trước hết là thái độ chung chạ của họ. Giữa người trẻ với nhau, tất có xảy ra một cái gì. Trong đám nam nữ nhân vật của ông Nguyễn cũng xảy ra lắm điều, trừ tình yêu. Nhiều nhất là sự chung chạ.
Diệp thân mật với “tôi” đến nỗi có lần “tôi” hỏi “Sao em còn đợi gì mà chẳng lấy quách tôi đi có hơn không.” Lấy “tôi” à? Còn khuya. Diệp vừa nói rõ: “Ai mà yêu nổi ông.” (“Một người ngồi trong ghế bành.”)
Còn Vạn với Bích? Còn giữa hai người khác phái mà “mọi sự đều được phép xảy ra” và đã từng xảy ra ngay trong truyện? Đối với Bích, Vạn chỉ là một người đàn ông “quen thuộc, theo cái nghĩa rất đàn bà,” thế thôi. (“Đường mòn.”)
Thế giữa Thư với Mạnh? Giữa hai người đã có một đứa con, đứa “con của chúng ta” thì sao? Mạnh suy nghĩ, “Chúng tôi có là gì nhau đâu (….) Chúng tôi chỉ là bạn, bạn, ngắn ngủi có từng ấy thôi. “Chưa bao giờ Thư nhìn tôi bằng cái nhìn dịu dàng, nói gì đến chuyện yêu đương.” Mạnh còn nghĩ xa hơn: “Tôi thì tôi rất ghét những con vật làm ra vẻ cao siêu đó lắm.” (Thư là một trong số những “con vật” ấy.) Thư cũng nghĩ ngợi về Mạnh: “Tôi chưa bao giờ yêu anh. Tuy nhiên tôi có một trí nhớ tốt: anh là vật xúc tác kỳ diệu nhất mà tôi được biết.” Thư được “biết”điều ấy vào cái hôm Mạnh say khướt rồi ở lại một mình chung phòng với Thư suốt ngày. (“Giả mù sa mưa.”)
Mạnh với Thư “có là gì nhau đâu;” Lữ với Hà cũng là một cặp nữa, và cũng tự kiểm điểm, “chúng tôi chẳng là gì nhau.” Hà tự hỏi: “Làm sao tôi có thể yêu được Lữ?” Thế thì tại sao lại gần nhau?” Hà bảo: “Có lẽ rồi tôi đến ghiền anh mất.” (“Sinh nhật trên sân thượng.”)
Một vật xúc tác tốt, một thói quen trở nên cái ghiền. Ngoài ra, trong cuốn Sinh nhật, về mối liên hệ nam nữ còn có nhiều lối nói khác: Bóng tối, hơi thở dục tình, những mơn trớn làm rởn da gà (trang 29), những rạo rực của một thân xác ham muốn (trang 64), thích chiều cao và bề dầy của thân thể anh, thèm khát được ôm ấp, chịu đựng và chế ngự sức nặng của thân thể đó, muốn bị bẹp dí, rã rời, tan biến như mây khói khi gần gũi (trang 67), con sâu dục vọng đang bò lẩn quẩn (trang 73), thân thể tôi đây anh cứ mở cửa đi vào, bởi làm đàn bà chỉ có ý nghĩa khi có sự hiện diện của một người đàn ông (trang 78), nghe nước miếng mình ứa ra thèm khát, nghe những tế bào trong tôi cựa quậy, nghe ngóng, chờ đợi nhức nhối (trang 88) v.v….
Toàn những thân xác rạo rực. Còn “trái tim,” chỗ phát xuất của tình yêu xưa nay? – “Trong đời sống chúng ta thiếu thốn hết đủ thứ nhưng trong trái tim chúng ta lại quá thừa sự dửng dưng (….) Không, chẳng còn thứ tình yêu nào dành cho chúng tôi hết” (trang 66).
Những nhân vật dửng dưng, không có tình yêu, những nhân vật ấy cũng không buồn nghĩ về cuộc sống: “Chưa bao giờ nàng trả lời tôi một câu nào khác ngoài câu: Không, tôi chẳng nghĩ gì hết” (trang 56). “Thói quen, tôi coi đời sống như một chuỗi những thói quen, những thói quen tốt và xấu đan kết vào nhau chằng chịt (….) Thói quen làm ta dửng dưng hết mọi sự vật, trí tưỡng tượng khô cằn và cảm xúc cũng trở nên chai cứng” (trang 61). “Đời sống bị bủa vây bởi những đều đặn nhàm chán, niềm tin cũng đã tàn rữa” (trang 64).
Cả cuộc sống đã thế, huống hồ cái chiến tranh đang diễn ra quanh đây. Đáng gì mà phải suy nghĩ, phải tìm hiểu. Bất quá, đó là “một cuộc chiến kỳ lạ đến khó hiểu” (trang 75). Rối lắm. Kỳ lạ lắm. Không hiểu được. Đuổi nó đi chỗ khác chơi. Đừng lý đến nó.

Những nhân vật như thế không riêng của Nguyễn Xuân Hoàng. Nhân vật bực dọc với cuộc chiến kỳ lạ, phi lý v.v…, nhan nhản trong truyện các ông Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Đình Toàn, Thế Uyên, trong thơ Nguyễn Bắc Sơn v.v…. Kẻ trót dính vào truyện thời cuộc, không khỏi tưởng tượng ra cái cảnh đạo quân hùng hổ của Miền Bắc xông vào, xéo lên đám nhân vật nọ như lên một khối nhão nhoẹt, ngơ ngác, vô lực, vô thức, không một chút đề kháng: cảnh tượng thảm hại quá chừng.
Các tác giả sẽ nhún vai: Cái đó không thuộc về nghệ thuật.
12-97

____________

Tro, lửa, và nỗi hoài nhớ

trong tùy bút của Nguyễn Xuân Hoàng

Bùi Vĩnh Phúc

Nguyễn Xuân Hoàng là một nhà văn của tùy bút, của lòng hoài niệm không nguôi về những nơi chốn cũ, về những giấc mộng xa vắng thiết tha làm dậy men trong lòng người. Tôi vẫn nghĩ như thế từ lâu khi đọc văn ông.
Nói như vậy không có nghĩa là Nguyễn Xuân Hoàng đã không có những đóng góp đáng kể trong những thể loại khác, như truyện ngắn và truyện dài. Dù sao, truyện ngắn của Nguyễn Xuân Hoàng, nhìn ở một góc cạnh, cũng chia sẻ rất nhiều yếu tố cấu thành của nó với những tùy bút của ông. Ngoài những tập truyện ngắn, truyện dài đã được xuất bản trong nước trước 1975, ông đã có những tập truyện dài xuất bản ở ngoài nước như Người Đi Trên Mây (1987), Sa Mạc (1989), và Bụi Và Rác (1992). Nhnguyen xuan hoangững truyện dài vừa kể đã cho người đọc thấy một Nguyễn Xuân Hoàng mới hơn, so với những ngày Sàigòn, về kỹ thuật truyện, về giọng văn, câu văn, cũng như về cả mắt nhìn vào đời sống. Dù sao, bài nhận định này không phải là chỗ để tôi trình bày những suy nghĩ của mình về kỹ thuật truyện của Nguyễn Xuân Hoàng, qua đó ông đã tự định hình con người mình trong văn chương. Ở đây, tôi chỉ muốn nói về tùy bút của ông. Những tùy bút (và cả một truyện ngắn mấp mé ở dạng tùy bút) trong tập Căn Nhà Ngói Đỏ. Đó là tập sách đã để lại nhiều ấn tượng trong tôi về văn chương của Nguyễn Xuân Hoàng.
Căn Nhà Ngói Đỏ được gọi là một tập truyện ngay trên bìa sách khi nó được xuất bản vào năm 1989. Sau đó, trong phần liệt kê những sách đã xuất bản của mình (trong tập truyện dài Bụi Và Rác) vào năm 1992, tác giả gọi nó là một tập tạp văn. Thật sự, trong cái nhìn của tôi, đó là một tập tùy bút, thể văn thành công nhất của Nguyễn Xuân Hoàng. Trong tập sách này, chỉ có truyện đầu tiên,Tự Truyện Một Người Vô Tích Sự, là có dáng dấp của một truyện ngắn, mặc dù nó cũng chia sẻ phần nào cái vóc dáng tinh thần của nó với những tùy bút của ông.
Tập sách Căn Nhà Ngói Đỏ, đúng với tên gọi của nó, có mô-típ là những căn nhà—những căn nhà, những ngôi nhà thật sự, hay là những căn nhà của tuổi thơ, của kỷ niệm, những biểu tượng về những nơi chốn, những hình ảnh đã nuôi dưỡng đời sống tác giả suốt những ngày khôn lớn. Cái mô-típ đó được nhìn thấy tràn khắp trong những hình ảnh nói về đời sống, nói về kỷ niệm của Nguyễn Xuân Hoàng.
Trong Barbara, hình ảnh căn nhà được thể hiện qua hình ảnh căn phòng của người yêu:
Barbara, em có biết là cả thành phố đã bị sụp xuống trong lừa dối và sự ra đi của em đã nhận chìm anh trong đống tro tàn của những trối trăn? Anh đã ngồi trong căn phòng em rất lâu, thật lâu. Anh đã nằm trên chiếc giường đầy hơi hướm em và tưởng chừng như đang đắp lên người tấm thân nồng ấm của em, đã đốt những điếu Pall Mall dư thừa trong túi áo….
(Barbara, trang 39)
Căn phòng ấy, sau khi người yêu đã ra đi, trở thành nơi định cư cho những kỷ niệm cứ còn ngun ngún cháy lên những khoảng trời xanh cũ trong lòng tác giả. Nó giữ lại trong nó cái hơi hướm và những cảm giác nồng ấm của một chất da thịt thơm tho của kỷ niệm.
Mà không phải chỉ có căn phòng là một nơi chốn cư trú cho những kỷ niệm. Em, chính em cũng đã là nơi chốn trú ngụ cuối cùng của ta:
Barbara, nơi trú ngụ sau cùng của anh là em, nhưng sau khi anh bay qua đại lộ kinh hoàng của một cuộc chiến tàn bạo, con thuyền trú ngụ ấy đã nhổ neo.
(Barbara, trang 42)
Nhưng "nhà" không chỉ là nơi cư trú tinh thần. Trong đời thường, nó chính là nơi mà ở đó ta đã được sinh ra và lớn lên:
… Chính tại ngôi nhà đó, ngôi nhà với những mái dột cột xiêu,nền đất đã lún, giếng nước đã cạn, cây dừa xiêm đã nâng trái… Phải, chính tại ngôi nhà đó tôi đã ra đời, đã sống những ngày tuổi nhỏ trong một thứ hạnh phúc buồn thảm…
(Căn Nhà Ngói Đỏ, trang 47)

Nói chung, gia đình tôi đông, nhưng buồn và lạnh. Chúng tôi cử động,ăn uống, đi lại, học hành, trò chuyện như những người khách trọ trong một căn nhà nấu cơm tháng.
(Tự Truyện Của Một Người Vô Tích Sự, trang 12)

Tự Truyện Một Người Vô Tích Sự để lại trong lòng ta hình ảnh một ngôi nhà tan tác. Đó là ngôi nhà riêng của người kể chuyện; nhưng đó cũng là ngôi nhà chung, ngôi nhà bốc lửa kêu gào của quê hương. Căn nhà là nơi giữ lại trong lòng ta những kỷ niệm thơ ấu, những ấn tượng đầu đời. Những nỗi vui và những niềm sầu thảm. Nhưng chúng, những căn nhà trong đời sống này, cũng là nơi đã mở ra cho ta những rung động thiết tha khi trái tim của chúng ta cháy đỏ bên nhau:
Hãy tưởng tượng giữa tiếng nhã nhạc đó, giữa cái hôn nồng cháy mà chúng ta đang trao nhau, giữa thành phố miền cao nguyên mùa đông (…), căn nhà trên ngọn đồi của chúng ta đột sáng bùng lên, đỏ những viên ngói, xám những cánh cửa, trắng những hoa sứ ngoài sân và xanh tất cả những lá cây, anh sẽ được nhìn thấy đầu tiên màu nâu kỳ lạ tuyệtvời trong đôi mắt long lanh tình ái em và cái màu trắng xanh còn lại phản chiếu những lá cây trong vườn hy vọng của chúng ta.
(Giáng Sinh, Hãy Chờ, trang 66)

Căn nhà cháy lên những màu sắc rạng rỡ trong ngòi bút hồi tưởng của Nguyễn Xuân Hoàng. Câu văn rất mới với những tính từ đỏ, xám, trắng, xanh như muốn cựa động để biến trở thành những động từ. Những động từ hân hoan lấp lánh cái ánh sáng của tình yêu. (Dù sao, tôi nghĩ là tôi sẽ thích hơn nếu tác giả cắt bỏ hai chữ “tình ái” ra khỏi đoạn văn. Tình ái vừa có tính cách cliché, lại không cần thiết (nếu không nói là thừa) cho cảm xúc chung mà đoạn văn gợi lên, vừa làm cho cái ánh long lanh của đôi mắt bị khuếch tán, làm cho nhịp câu mất đi cái nét đặc biệt của ba âm bằng chảy mướt thiết tha: Đôi mắtlong lanh em.) Nhưng căn nhà, trên hết, là những hình ảnh của quê hương trong lòng mỗi một chúng ta. Ai là người không có một quê hương. Quê hương vật lý và quê hương tinh thần. Quê hương đã đốt cháy mãi trong lòng chúng ta những đốm lửa hồng xa vắng và thả bay lả tả trong lòng ta những tàn tro âm ỉ một đời. Quê hương cũng là quê nhà. Cái quê nhà ấy nằm phục sẵn trong trái tim ta. Để bất cứ khi một âm thanh hay một hình ảnh nào hiện đến với ta trong những ngày lữ thứ, nó cũng trở thành một nhắc nhở thiết tha, một réo gọi đằm thắm về nơi chốn cũ, một nơi chốn ấm êm của cuộc đời.
Khi tiếng réo của vòi ấm vang lên tôi chợt liên tưởng đến ngày khai trường ở quê nhà.(…) Con đường làng, bờ ruộng. Chiếc cầu khỉ. tiếng ơi ới gọi nhau đi học băng qua vườn sau đầy những cây cam, cây bưởi cây chuối của một bạn học năm ngoái còn chung lớp chung thầy… vẫn đầm ấm hơn tiếng chào nhau bên những chiếc xe bóng lộn đỗ xịch trước một cổng trường vôi mới quét. Và tiếng trống trường sẽ vang lên ở một chái hiên bay qua những hàng cau những thửa ruộng… bay qua cái bầu trời xanh lơ trong trẻo của một thời tiết mới mẻ, gột rửa sạch cái nóng tàn nhẫn của mùa hè quái ác.
(Tiếng Trống Mùa Tựu Trường, trang 115)
Căn nhà trong tâm tưởng của Nguyễn Xuân Hoàng cũng còn là một vùng quê miền Trung, nằm dưới chân một ngọn núi lớn, dựa lưng vào một vách đá cao. Những cánh đồng khô rạ cháy. “Rừng cây rậm rạp là mái nhà lớn che những khi nắng cháy mưa dầm, ruộng đồng là những trang giấy trắng để chúng tôi tha hồ viết lên đó những dấu chân (…) Và bảng đen là bầu trời của những đêm ba mươi, được vẽ lên đó những đường vòng cung toán học bằng những chú “mòng” trâu được đốt bằng đuôi, sau khi thả ra từ chiếc túi, bị buộc chặt…”
(Mùa Hè Đã Hết, tr. 110)
Ngôi nhà của Nguyễn Xuân Hoàng còn là thành phố Nha Trang.
Trong thành phố đó, tôi đã nhìn mình mòn chết
Mất tích, sủi tăm, tan biến như một hột muối trong biển
(…)

Hãy tưởng tượng một đứa bé chưa kịp lớn trong ngôi nhà đó lúc nào cũng thấp thỏm lủi chạy như con cút đất
(…)

Nha Trang
đó là cuốn vở nháp bị bỏ quên của trí nhớ
(…)

Nha Trang
một giọt nước mắt của Việt Nam tôi (…)
(Nha Trang, Những Hang Động Tuổi Thơ, trang 185-191)

Mà không phải chỉ có Nha Trang, tất cả quê hương là một nơi chốn để nhớ về. Quê hương là một căn nhà lớn. Nó cất giữ cho ta bao nhiêu hạnh phúc và đắng cay và ngọt ngào và nước mắt. Tất cả chúng ta đều chia sẻ với nhau một quê hương chung; nhưng mỗi người, trong đời sống và trong kinh nghiệm riêng, lại có cho trái tim mình những kỷ niệm mà nhiều khi chỉ có riêng mình hay biết. Bây giờ, tôi muốn thắp lên một ngọn nến đỏ giữa trái tim mình để soi kiếm, lục lọi lại một chút vàng son cũ. Quê hương. Nó là tiếng cười ta thuở chân sáo vào đời, là nỗi rộn ràng ta lần đầu nhìn em áo ngoan hài tím tóc thả gió thu, là mộng mơ ta bên em nhìn dòng sông mà mầu chiều bơ vơ đổ bóng. Nó là nụ hôn trong vườn đêm thơm mùi ngọc lan thao thiết, bờ môi em dịu dàng hé mở như một cánh hoa. Là chất sữa của nhung trên da thịt em dịu dàng trinh trắng. Là em run rẩy trong tay ta như một ánh trăng xanh chỉ chờ rạn vỡ. Quê hương là những ngày mà gió nắng vẽ trên vầng trán ta biết bao điều lý tưởng, là trái tim ta cháy lên bao tha thiết cuồng say. Và quê hương cũng là những ngày loạn lạc, khói lửa mịt mù, là đắng cay của những người vợ trẻ, là xót xa của những người mẹ già tóc trắng như sương. Quê hương là gió bão, là lời chúc dữ, và là giọt nước mắt ta chảy ra một đêm tối khi chân bước xuống thuyền, là nỗi quặn đau ta mỗi khi nhìn lại, nỗi quặn đau mà ta hằng chắt chiu chẳng nỡ rời bỏ, chối từ. Quê hương. Giọt nước mắt ta chảy ra hóa thành một đêm tối bơ vơ.
Đó là quê hương của tôi.
Với Nguyễn Xuân Hoàng, quê hương không chỉ là Nha Trang. Nó còn là Huế, Đà Lạt, U Minh, Tuy Hòa…, để mỗi khi nhớ về, trái tim ông còn se thắt. Cái ngọn lửa của quê hương kia không phải chỉ đốt lên những điều tươi vui và hạnh phúc. Người Pháp có đoản ngữ Nostalgie de la boue. Ôi, nỗi nhớ bùn đen. Nostalgia for the mud. Một nỗi nhớ lãng mạn và buồn đau. Nhiều khi ta nhớ về quê nhà chỉ là để thấy thấp thoáng trong trái tim mình một “con đường đất đỏ cũng nhờ nhờ trong sương như một vết thương vừa kéo mủ” (Đà Lạt khi tôi vừa mới lớn, tr. 179), một thành phố “tối tăm trong những bong bóng mưa vỡ tung khi chạm thành cửa kính, mũi xe, mặt đường (…) Cửa kính sỉn mờ, hành lang u ám, và tiếng trống vào lớp buồn xưa. (…) Mưa rơi trên sân trường, mực đầy trang giấy trắng. Và niềm im lặng cổ kính (…) làm ướt đẫm linh hồn ta.” (Những Cửa Sổ Của Huế, tr. 164, 167). Quê hương nằm trong những hình ảnh mờ mịt, đau xé và xót xa như thế. “Đó là nơi mà có những ngày mưa liên tu hồ tận, tôi đã nằm co quắp như một con rùa chui trong chiếc mai vốn không mấy an toàn của nó. Những trận mưa bão phũ phàng thổi tung cuộc sống riêng tư của con người, lột trần truồng mỗi cá nhân chúng ta phơi trước những ngọn đèn hàng ngàn nến của một chế độ đầy hà khắc” (Mưa Trên Đường Hy Vọng Mới, tr. 80). Đối với Nguyễn Xuân Hoàng, những hình ảnh của quê hương cứ như “một thứ lửa than nằm dưới đám tro hồng chỉ chờ đợi một chút hơi diêm sinh là phựt bừng lên.”
Khi trái tim con người ta chỉ là một bếp tro âm ỉ nóng những hình ảnh quê nhà, thì bất cứ một gặp gỡ nào trong đời cũng chỉ là dịp để thổi bừng lên ngọn lửa thương yêu cũ. Ở Mỹ, ông cám ơn con người và đất nước này đã mở cho ông cánh cửa của một vùng trời mơ ước; nhưng ông vẫn luôn tự hỏi, “Liệu có vùng trời nào thay thế được quê hương tôi?”. Nhìn Paris với dòng sông Seine lờ lững, dòng sông của những mộng tưởng tuyệt vời một thời tuổi trẻ, những khát khao ngọt ngào của một thuở sinh viên, bây giờ, ông chỉ thấy rõ rằng cái dòng sông Seine ấy “chắc chắn đã làm mạnh thêm tình yêu của tôi đối với những dòng sông nhỏ chảy chậm lờ (…) của quê hương”. Ông hiểu rằng những dòng sông, những chiếc cầu của quê hương mình tuy không lừng lẫy, và cũng chẳng có tiếng tăm chi, thế nhưng lúc nào chúng cũng “thân mật gần gũi, thô sơ nhưng tràn đầy tin cậy” (Paris Trong Trí Tưởng, tr. 120).
Như thế, mô-típ căn nhà hiện đầy trong tùy bút của Nguyễn Xuân Hoàng. Nó là một mô-típ được xây dựng trên những hình ảnh và những rung động có thật. Ai trong chúng ta cũng đều giữ gìn được trong lòng mình những hình ảnh đậm đà và tha thiết như thế của quê nhà. Nhưng gìn giữ, chắt chiu chúng, rồi đưa chúng vào một chỉnh thể mỹ học có tính cách văn chương chính là vai trò của một nhà văn. Công việc ấy cũng là một loại thuốc thử để xác định một người cầm bút có phải là một nhà văn hay không.

Nguyễn Xuân Hoàng là một nhà văn.
Hơn nữa, ông không phải là một nhà văn dễ dãi với chữ nghĩa và cách diễn đạt của mình. Câu văn của ông gọn, đẹp, sắc, và thông minh. Điều đáng quý nữa là ông ít, rất ít, khi để cho câu văn của mình rơi vào những tình cảm sướt mướt có tính cách đồng bộ. Ông cố giữ cho câu văn của mình đẹp, không thường, nhưng cũng không trở nên màu mè, sặc sỡ.
Hãy xem xét thử một số câu văn của Nguyễn Xuân Hoàng để thấy được sự đáng quý ấy:
Khi chiếc xe màu xanh vừa phóng qua mặt đường làm bắn tung nước lên áo anh cùng với tiếng cười nhọn và khô, anh chợt có cảm tưởng hạnh phúc của chính mình cũng đã bị ướt ngoi như một người đi dưới cơn mưa tầm tã.”  (…)
Ly cà-phê thì loãng tràn những giọt nước mưa từ tấm “bạt” nhà binh đổ xuống, nhưng ý nghĩ anh sao lúc nào cũng đậm đặc hình ảnh em.”
(Barbara, tr. 31, 36)
Những hình ảnh ẩn dụ, đối nghịch một cách cân phương và hết sức mới, đã làm cho những câu văn của Nguyễn Xuân Hoàng bỏ neo được vào ấn tượng người đọc.
Đoạn văn dưới đây tiếp tục cho thấy Nguyễn Xuân Hoàng đã nuôi dưỡng được trong lòng mình những hạt giống ẩn dụ tốt. Và đến ngày mùa, chúng nở thành những đóa hoa thật đẹp:
Bầu trời ẩm đục, thấp và nóng. Cali đang mùa hè. Cơn mưa tuy không đủ sức làm dịu những cục than hồng, nhưng có thừa cái sắc bén của con dao cau rạch trong tôi những vết thương hoài niệm.
Mưa gõ đi từ góc ngã tư đường Harbor-Westminster là những mũi kim soi đằm trí nhớ  (…)
Ôi mưa Cali! Hãy xối xuống nữa đi những giọt nước dĩ vãng. Hãy trải xuống nữa đi những tấm thảm Ba Tư của ký ức! Hãy dầm dùm nữa đi trong ngăn kéo trí nhớ mỏi mòn tôi những kỷ niệm tưởng đã úa vàng! (Mưa Cali Nhớ Phạm Ngũ Lão, tr. 82)
Nhưng, có thể nói, Nguyễn Xuân Hoàng đã thành công nhất, trong tùy bút, thể văn sở trường của ông, trong bài viết về Huế. Huế Mà Ta Sẽ Trở Lại. Bài tùy bút này gồm có ba phần: phần đầu, mang cùng tựa đề của toàn bài; phần hai, Những Cửa Sổ Của Huế; và phần ba, Huế Chào Buồn. Đây là một trong vài bài tùy bút đặc sắc nhất mà tôi đã được đọc về Huế. Bài viết chan chứa những kỷ niệm đẹp, những hình ảnh thơ mộng xót xa, những ẩn dụ hoán dụ so sánh đặc sắc. Hãy đọc thử một đoạn:
Thành Nội là vầng trán của Huế, trên đó người ta có thể nhìn thấy những nếp nhăn cổ tích, con đường hẹp ngập đầy bóng mát và lá úa của những tàn cây lớn đứng tuổi trước những thành quách rêu phong là dấu vết của một thứ quá khứ vàng son không bao giờ long lanh lại nữa.
Óc não Huế là khu Đại học trẻ trung chẻ ra bằng những con đường đá xanh, rợp bóng cây của những cuộc dạo chơi tình cảm, đứa con muộn màng của mối tình kỳ cựu nhất là chàng trai tơ Quốc học và nàng kiều nữ Đồng Khánh.
Ruột gan Huế là chợ Đông Ba ngổn ngang xô bồ bên ngoài ngôi nhà tối tân không được tận tình sử dụng. Và Vĩ Dạ bên kia Đập Đá chính là Tình Ái Huế.

Nhưng đoạn đẹp nhất, thơ mộng, đáng yêu và tình tứ nhất là những câu văn, những kỷ niệm trong Huế Chào Buồn. Đoạn này khá dài, và cả đoạn là một trái tim tha thiết để lại cho Huế, một câu hò mà âm vang của nó còn để rớt lại cái dư âm ngọt ngào trong trí tưởng ta. Với vài chục lời chào cho Huế, Nguyễn Xuân Hoàng đã vẽ lại được bao nhiêu nét tình tứ, thơ mộng của cái thành phố cổ kính ấy. Ông còn vẽ được cái phong cách cũng như tinh thần cách mạng của Huế. Và cái nét lờ lững của một dòng sông. Và những mùi thơm dịu ngọt trong vườn đêm Huế. Những câu văn mềm mại—như một bàn tay vẫy gọi trong vườn trăng—nhưng vẫn đầy chất sống mà không bị rơi xuống sự sướt mướt. Tôi muốn để người đọc tự khám phá lấy chất văn của Nguyễn Xuân Hoàng trong đó.
Là một người chịu ảnh hưởng văn chương Pháp khá nặng (và những ảnh hưởng này được nhìn thấy một cách tích cực nhiều hơn là tiêu cực trong văn chương ông), Nguyễn Xuân Hoàng không khỏi nhiều lúc để lộ ra trước mắt độc giả những nét ảnh hưởng này. Có khi, người đọc còn có thể có cảm tưởng là ông cố tình để lộ chúng ra trong văn chương của mình. Chúng ta hãy thử cùng đọc một số những câu văn sau đây:
“… anh (…) đã ngã xuống cái ngã êm ái khi bị viên đạn đầu tiên của mắt em bắn cái nhìn xuyên tâm anh.” (Barbara, tr. 37)
Barbara, kể từ giờ phút ấy đến lúc gặp lại em là mười năm. Thời gian ấy ngắn hay dài của một đời người? Nó đã uống cạn chưa trong anh cốc rượu nồng nàn của một người đàn ông tràn đầy sinh lực? Nó đã làm phai tàn chưa trong em tình yêu cuồng tín của một thiếu nữ vừa mới lớn? (…) (Barbara, tr. 39)
Chiến tranh mà anh chờ đợi ngày chấm dứt của nó, giờ đây như đã tàn, nhưng hòa bình thì hình như vẫn chưa thấy đến.”
(Giáng Sinh, Hãy Chờ, tr. 72)
Chính là dưới những tàn cây bã đậu đầy gai (…) tôi đã yêu một người đàn bà như thế” (Pasternak Dưới Tàn Cây Bã Đậu, tr. 90)
Đọc những câu văn này, trước tiên, người ta sẽ yêu cái âm điệu của nó, những âm điệu thiết tha, ôm ấp, bồng bế ngay trong cách cấu âm của chúng và trong cách chúng được đặt để bên nhau. Sau đó là những hình ảnh. Những hình ảnh đẹp. Và không mòn. Nhưng người ta cũng sẽ thấy là câu văn được đặt theo một ngữ pháp rất…Tây. Đây là một đặc điểm của văn chương Nguyễn Xuân Hoàng. Một đặc điểm khiến cho câu văn của ông rất mới. Ông dùng nhiều lối nói, lối viết đặc biệt của Pháp (gallicisme). Rõ ràng và trong sáng.
Tuy nhiên, một đôi khi, cũng với một thứ ngữ pháp như thế, cũng với những hình ảnh độc đáo và bất ngờ, nhưng với sự tham lam trong ẩn dụ, Nguyễn Xuân Hoàng đã đem lại cho người đọc một vài câu văn với những hình ảnh đặc biệt nhưng khá tối nghĩa, như:
Em là khu rừng của những cây cao-su mâu thuẫn.” (Barbara, tr. 40)
Lúc ấy ta có thể mường tượng thấy gian phòng tròn của viện bảo tàng Louvre, ở đó có tấm thân nõn nà của Thần vệ nữ Milo, tưởng như được đúc bằng một thứ ngọc trai mờ tối mà những giọt lệ bướng bỉnh chẳng cần một cớ gì hết cũng vẫn hiện ra trên mắt mọi người.”
(Paris Trong Trí Tưởng, tr. 119)
“…Xa em một nửa vòng trái đất, sống như rong rêu ở quê nhà, em vẫn hiện diện trong từng nỗi nhớ của anh, nhưng sao giờ đây, ngồi giữa một đất nước tự do, sợi dây thừng của lòng hoài nghi đã được cởi bỏ, mà vẫn biệt tích mù tăm?”
(Giáng Sinh, Hãy Chờ, tr. 75)
Câu đầu, sự tham lam trong việc dồn nén những biện pháp tu từ (hai ẩn dụ, một nhân hóa) trong một câu quá ngắn đã khiến việc sắp đặt “chỗ ngồi” cho chúng trở thành bất khả. Tất cả đều là khách danh dự! Và kết quả là có sự giận dỗi giữa những vị khách quý kia. Độc giả, dù muốn, cũng không biết làm thế nào để thực hiện công việc hòa giải!
Câu sau, cụm từ “những giọt lệ bướng bỉnh chẳng cần một cớ gì hết cũng hiện ra trên mắt mọi người” được gắn vào liên từ "mà", mà tiền tố (antecedent) của liên từ này là “một thứ ngọc trai mờ tối”. Tất cả những điều ấy không thể gắn bó vào nhau theo một trật tự ngữ nghĩa nào, cho dù người đọc văn một cách nhanh nhậy, bằng một thứ tập quán (tâm lý) Gestalt nào đó, vẫn có thể tự suy nghĩ để hiểu ra điều tác giả muốn nói.
Câu cuối, chủ từ của “xa em” và “sống” chắc chắn phải là “anh” (hiểu ngầm), nhưng cách viết của tác giả làm cho người ta thấy “em” là chủ từ của động từ "hiện diện" trong mệnh đề chính, đồng thời cũng là chủ từ của hai động từ vừa nói (một dạng "dangling modifier" như trong tiếng Anh). Ngoài ra, người đọc không thể tìm ra chủ từ của động từ “biệt tích mù tăm” là ai xét trên mặt ngữ pháp của câu, mặc dù sau khi suy nghĩ, họ cũng có thể đoán ra. Hình ảnh ẩn dụ “sợi dây thừng của lòng hoài nghi” khá đặc biệt. Nó mới. Có thể vì quá chú tâm vào việc sử dụng ẩn dụ này mà tác giả đã sơ ý trong những kết cấu vừa nói chăng?
Nhưng cho dù đôi khi tác giả còn bị vướng vào một vài câu văn bất ngờ như thế (ai trong chúng ta đã không từng gặp những sự bất ngờ? đã không từng chệch bước trong một điệu nhảy?), trong nhận xét của tôi, điều ấy không ảnh hưởng gì đến những đóng góp đẹp đẽ của Nguyễn Xuân Hoàng. Nguyễn Xuân Hoàng vẫn là một nhà văn đầy chất sáng tạo. Ông có tài sử dụng chữ nghĩa, nắm bắt những ẩn dụ, tạo dựng nhịp điệu cho chữ, và thường không dễ chấp nhận những câu văn tầm thường. Ông yêu thương, chăm bón, và bồi đắp cho chữ nghĩa mình một sức sống đẹp đẽ trong mỗi câu văn. Những câu văn của Nguyễn Xuân Hoàng có thể ngắn, gọn, sắc và lạnh, chứa đầy chất sống như trong Tự Truyện Một Người Vô Tích Sự. Nó cũng có thể dịu dàng, tha thiết như trong Barbara. Nó cũng có thể có giọng ề à kể chuyện trong Căn Nhà Ngói Đỏ. Và nó lại cũng có thể hết sức tình tứ, thiết tha và sáng tạo như trongHuế Mà Ta Sẽ Trở Lại (Những Cửa Sổ Của Huế, vàHuế Chào Buồn). Những tùy bút/đoản văn trong Căn Nhà Ngói Đỏ mang chứa trong nó rất nhiều màu sắc thiên nhiên, khiến cho những bài văn, tuy tha thiết ngọt ngào, nhiều đoạn tình tứ nữa, luôn ngồn ngộn sức sống và chan chứa mầm xanh.
Một cách hữu thức hay vô thức, dùng mô-típ căn nhà để nói lên những tro than, những ngọn lửa còn ngún đỏ trong lòng mình, để nói về nỗi hoài nhớ của mình, Nguyễn Xuân Hoàng đã thành công trong việc gửi đến người đọc những thiết tha của ông đối với quê hương, đối với con người, và đối với những giá trị nhân bản trong đời.
Trái tim, hãy tiếp tục cháy lên và thổi đỏ trong lòng ta những mảnh than hồng ngày cũ. Và hãy cứ phất phới tung bay lên đi những tro than chưa từng một lúc nguội lạnh kia. Con phượng hoàng của kỷ niệm ta sẽ trở mình và bay vút lên từ những tro than đó!
(VI, 1995 – Irvine, California. (*)
Xem lại: VIII, 2013)

Và, dưới đây, xin ghi lại ít đoạn trong những suy nghĩ mà tôi đã viết về cái "mạch điện chớp sáng" kia trong Sổ Tay Nguyễn Xuân Hoàng. Về cái hữu-thể-hướng-tử kia trong ông. Và trong mỗi một chúng ta.

___________

Một sổ thông hành để đi vào trái tim đời

(Tựa, cho Sổ Tay của Nguyễn Xuân Hoàng)

Nhà văn phải làm việc trên những chất liệu của đời sống. Nhưng hắn không được quyền mang tất cả những chất liệu thô của cuộc đời vào trang giấy. Đối mặt, tiếp cận với những hiện thực của cuộc đời, nhà văn phải ghi lấy những hình ảnh, những ấn tượng mình có vào trong tâm hồn. Hoặc kỹ hơn nữa, hắn phải luôn luôn có một vài mảnh giấy rời, hay một quyển sổ tay nhỏ, bỏ sẵn trong túi. "Lẩn" vào cuộc sống, nhìn ngắm, quan sát, rung động, khổ đau, hạnh phúc, giận dữ, thiết tha… với đời, hắn giữ lại tất cả những điều đó cho riêng mình. Khi thuận tiện, tìm một góc riêng, hắn ngồi xuống, hí hoáy ghi nhận cuộc đời trong mắt nhìn, trong cảm quan và ấn tượng của riêng hắn. Từ những cảm quan, ấn tượng có thể còn khá mơ hồ đó, những tác phẩm lớn có thể ra đời.
Các nhà văn Việt Nam chắc chắn là đã có rất nhiều người viết sổ tay. Nhưng rất ít người công bố những ghi nhận, cảm xúc, ấn tượng ban đầu ấy cho độc giả quan sát. Độc giả, trước sổ tay của một nhà văn, sẽ làm một công việc đặc biệt: quan sát cái được quan sát. Sự quan sát này mang tính văn học, thậm chí văn chương nữa. Nó không còn phải là cái quan sát mang nhiều tính thực tế, khách quan, trước những hiện tượng, sự kiện, biến cố của cuộc đời. Nó là sự quan sát, theo dõi, đánh giá cái đã được quan sát, theo dõi của nhà văn. Chắc chắn một sự quan sát như thế sẽ đem lại nhiều thú vị. (…)
Trong văn chương thế giới, có lẽ Sổ Tay (Carnets) của Albert Camus là một trong những trang văn, ghi nhận những hiện thực thô của cuộc sống, bằng cái nhìn rất ấn tượng, đặc thù của mình. Hãy xem ông tả khung cảnh New York mà tôi thử dịch lại sau đây:
"Có lẽ New York sẽ chẳng là gì cả nếu nó không có bầu trời của nó. Vươn mình ra khắp bốn góc của chân trời, trần trụi và bát ngát, nó đem lại cho thành phố sự huy hoàng, tráng lệ của nó vào buổi ban mai và nét vĩ đại vào những buổi tối. (…) [T]ôi nghĩ đến những buổi chiều khác, quá dịu dàng và lướt qua quá nhanh đến nỗi nó bóp thắt trái tim ta, những buổi chiều nhuộm tím những khoảng sân cỏ bát ngát của Central Park… Những bầy trẻ nhỏ da đen đang dùng gậy gỗ để quật bóng, giữa những tiếng reo cười ồn ào hạnh phúc, trong khi những cụ Mỹ già, áo sọc ca-rô, đang ngả người trên băng ghế (…), những chú sóc vụt chạy biến lao mình vào bụi rậm tìm kiếm những mẩu thức ăn khoái khẩu của chúng. Trên những lùm cây rậm rạp trong sân cỏ, những con chim đang tấu một khúc nhạc jazz chào mừng sự xuất hiện của ngôi sao đầu tiên trên nóc cao ốc Empire State…
(Albert Camus / Carnets, "Le Ciel de New York")

Carnets, sổ tay, theo định nghĩa, là một cuốn sổ, giống như một giấy thông hành, một hộ chiếu, một thứ giấy tờ chính thức cho phép bạn đi lại, đặc biệt cho phép bạn vượt qua các biên giới quốc gia. Đúng là như vậy. Với Carnets, Camus đã đưa ra những ghi nhận về mọi sự của cuộc đời, những cái nhìn xuyên quốc gia, để nhìn vào trái tim sự sống. Ông đã viết, trong Carnets, "Một người trí thức là một kẻ mà trí óc hắn quan sát chính nó", và "Chúng ta chỉ sống thật sự một vài giờ phút trong cuộc đời của mình." Những giờ phút ấy hẳn phải là những lúc con người sống rất thực với bản chất, với rung động của chính hắn.
Nguyễn Xuân Hoàng cũng vậy. Ông cũng đã sống những giờ phút như thế trong Sổ Tay của mình.
Ông đã viết như thế này trong một đoạn Sổ Tay, khi nói về những người bạn thân thiết một thuở giờ đã ra đi, không còn có mặt trong cuộc sống:
"Chia tay và gặp gỡ là một biện chứng. Nói theo nhà triết học Martin Heidegger thì bản chất con người là “luôn luôn bị ném về phía trước”. Con người là sinh vật luôn luôn lo toan và dự tính, bởi vì bản thể con người không ở trong con người, nhưng ở trước mặt nó. Chính trong viễn tượng đó, Heidegger gọi con người là vật sống đấy để chết. Con người sinh ra nhất thiết phải chết. Daseinlà hữu thể để chết (sein Zum Tode: être pour la mort). Sự chết để lại dấu tích trên từng hành động, trong từng ý nghĩ ta.
(trích bài "Chia Tay")
Những lời, những chữ ấy như tự nhắc nhở cho mình. Như tự nhắc nhở, rằng, một ngày nào đó ta cũng phải nói lời chia tay, từ biệt với thế gian này. Tự nhắc nhở như thế để ý thức hơn nữa về những giây phút sống của mình hiện tại. Để ta sống một cách có ý thức và có ý nghĩa hơn. Và người đọc, khi tiếp cận với những dòng chữ trên, chắc hẳn cũng sẽ làm một cuộc quy chiếu. Ngay trên bản thân mình. Để thấy rằng mình là một hữu thể hướng về cái chết. Être pour la mort. Viết như thế là vượt qua biên giới của cuộc sống hữu hạn trong vòng trần gian này. Để hướng lòng tới một đích tới xa vời và sâu thẳm hơn.
Viết như thế, nhà văn đã sử dụng một thứ carnets văn học. Nhận thức hiện thực. Và nhận thức nó với một cảm quan nhanh nhậy và bén sắc. (…)
Giá trị của sổ tay là ở mắt nhìn, ở cách quan sát. Nhưng, dĩ nhiên, tất cả những điều ghi chép ấy phải bập bùng một ánh lửa phía sau. Ánh lửa bập bùng ấy nằm trong trái tim của người viết.
Nguyễn Xuân Hoàng có một trái tim bập bùng ánh lửa như thế. Ông viết về những điều xảy ra quanh mình, những điều bất cứ một người nào khác cũng có thể thấy. Nhưng những hình ảnh mà ông ghi nhận xuống, để thành những con chữ nhẩy múa trước mắt người đọc, đã được lọc qua một lăng kính đặc biệt của riêng ông. Chúng phản chiếu cái ánh sáng cháy đỏ, ấm nóng của những ánh lửa trong trái tim nhà văn. Cái ánh sáng ấy làm cho những hình ảnh thô tháp, tầm thường trong đời sống trở nên lấp lánh, và, đôi khi, như trộn lẫn trong chúng âm thanh của những tiếng nhạc, những bài hát mà chúng ta đã nghe đâu đó, trong đời. (…)
Những bài hát. Và trái tim ta. Và mắt nhìn, và chữ viết của nhà văn. Đời sống con người, có lẽ, một phần nhờ vào những thứ ấy, mà có thể tiếp tục. Dù cho nó có là một "hữu thể hướng về cái chết" đi chăng nữa, tôi tin chắc, con người đã hướng về cái chết kia với cả thân xác, tâm hồn và trái tim của mình. Thân xác, tâm hồn và trái tim ấy vẫn cần một chút "dưỡng chất trần gian" để đi trọn con đường của nó. Đó là thơ, văn và những gì tạo nên nghệ thuật của con người.
Nguyễn Xuân Hoàng, trong chữ viết của mình, đã đem lại cho chúng ta một chút "dưỡng chất trần gian" như thế.
Xin cám ơn Nguyễn Xuân Hoàng. Và cám ơn Sổ Tay.
(Tustin Ranch, Calif. – VII, 2011)
Xin cầu chúc mọi điều tốt đẹp cho nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, cho một người bạn văn chương của tôi. Anh là một homo literatusvới ý nghĩa đáng trân trọng của nó.
Bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu (**), bạn ơi, xin hãy bình an.
Tustin Ranch, California
tháng VIII, 2013

Nguồn: Da Mau

(còn tiếp)