Tác giả & Tác phẩm

01 tháng 07.2015

phingochung
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

Dẫn nhập: Với cái nhìn chủ quan của người biên soạn, tuyển tập 300 tác giả và tác phẩm đơn thuần chỉ là công việc góp nhặt sỏi đá những tác phẩm tiêu biểu một thời của những tác giả tiền chiến, hậu chiến, trước hay sau 75 của hai miền Nam Bắc, trong nước cũng như ngoài nước, già hoặc trẻ, cũ hoặc mới. Tác giả và tác phẩm được góp mặt mỗi tuần theo thứ tự họ hoặc tên qua mẫu tự A, B, C… Xin thành thực cám ơn những tác giả có mặt trong tuyển tập nhưng vì trở ngại thông tin, chúng tôi đã không thể xin phép quý vị trước khi đăng tải. – Ngộ Không Phí Ngọc Hùng..


Nguyễn Thị Chân Quỳnh (II)

Tiểu sử
(Xem Vài hàng về tác giả 2)

Tác phẩm
(Xem Vài hàng về tác giả 2)

nguyen thi chan quynh
Khảo quan trường thi Nam Định
Lễ Xướng danh khoa Đinh Dậu 1897

Mục lục
Vài hàng về tác giả (2) – Hữu Ngọc
Nguyễn Đình Chiểu ra Huế…
Mạc Đĩnh Chi (1286-1350) vài truyền thuyết
Một số truyền thuyết sai lầm về Cao Bá Quát
Tú Xương có đi thi chữ Quốc ngữ không?
Đồng Sĩ Vịnh hay Cao Xuân Dục?
Sờ râu các cụ khảo quan... nhớ Tú Xương – Cao Xuân
Thư ngỏ gửi ông Cao Xuân Tứ

Phụ đính 
Ký sự đi thái tây
Di sản Hoàng Xuân Hãn
Hồ Xuân Hương "Rút nhầm tơ duyên..."
Công chúa đời Trần

______________


Vài hàng về tác giả

Hữu Ngọc

nguyen thi chan quynh

- Sinh năm 1931 tại Hà Nội.
- Sang Pháp từ cuối năm 1952.
- Kỹ sư Kỹ nghệ Dệt (Tốt nghiệp : Ecole Supérieure des Industries Textiles de Lyon / Trường Cao học Kỹ nghệ Dệt ở Lyon). Làm việc tại các xí nghiệp vùng phụ cận Paris.
- Vì dị ứng với hóa chất, chuyển sang học Anh văn. Đỗ tiến sĩ Văn khoa (Anh văn) tại Đại Học Paris-Sorbonne (Paris IV).
- Dậy học và làm việc trong phòng đánh giá văn bằng ngoại quốc và hướng dẫn sinh viên, Đại học Paris-Sorbonne.
- Cộng tác với đài phát thanh BBC ở Luân đôn, trong ban Việt ngữ với biệt hiệu Minh Khuê.
Trong thời gian làm ở BBC đã cùng nhà thơ Keith Bosley dịch một số thơ Việt sang tiếng Anh. Sau khi về Pháp, Keith Bosley lựa rồi cho in thành Tuyển tập The War Wife (Allison & Busby, London, 1972) và phần thơ Việt trong The Elek Book of Oriental Verse (Paul Elek, London, 1979).
- Từ 1989 bắt đầu cộng tác với một số tạp chí hải ngoại như Thế kỷ 21, Hợp Lưu, Văn Lang, Văn Học, Chim Việt Cành Nam, Giao Điểm, Trăm Con, Hồn Việt, Etudes Vietnamiennes...
Đã xuất bản :
- The War Wife, thơ Việt tuyển dịch chung với nhà thơ Keith Bosley (Allison & Busby, London, 1972).
- "Lối Xưa Xe Ngựa..." tập I (An Tiêm, Paris, 1995).
Tái bản năm 2001 (nhà xuất bản Tuổi Trẻ và Trung Tâm Nghiên cứu Quốc Học, TPHCM).
- Hoa Thơm Cỏ Lạ , tuyển dịch truyện ngắn hay cuả Anh quốc (An Tiêm, Paris, 1995).
- "Lối Xưa Xe Ngựa..." tập II (An Tiêm, Paris, 2002).
- Khoa Cử Việt-Nam, tập Thượng, Thi Hương (An Tiêm, Paris , 2002).
Tái bản năm 2003 (nhà xuất bản Văn Học và Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Học, TPHCM)
- Khoa Cử Việt-Nam, tập Hạ, Thi Hội - Thi Đình (Nhà xuất bản Văn Học và Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Học, TPHCM, 2007).

* * *
Tôi nhớ đến một quyển tiểu thuyết Pháp đọc hồi còn trẻ: Một anh chàng giàu có ở Paris một hôm tình cờ đi qua một cái ngõ mang tên một người không nổi tiếng. Anh nghĩ phải tìm hiểu cặn kẽ xem vì sao họ được đặt tên đường phố, không chỉ trường hợp này! Và thế là anh bỏ hàng chục năm đi điều tra, vào tòa thị chính các thành phố, làng xóm, hỏi dân các địa phương, lùng các thư viện để thỏa mãn trí thức. Sự tò mò tìm hiểu ấy đã đem cho đời anh một lẽ sống.
Ở Việt Nam, tôi không ngờ lại có một trường hợp tương tự, nhưng có ý nghĩ đóng góp cho xã hội hơn nhiều! Chuyện chị Chân Quỳnh, Việt kiều ở Pháp. Có lần chị về Hà Nội để dự một cuộc hội thảo của Trung tâm nghiên cứu Quốc học. Người nhỏ nhắn, tóc đã đốm bạc, ăn nói nhẹ nhàng, áo quần giản dị. Chỉ dăm ba câu trao đổi chúng tôi đã thấy hợp chuyện, vì cùng thế hệ trên dưới bát tuần, cùng học thời Pháp và cùng là dân Hà Nội chính cống, chị gốc Hàng Bồ, tôi Hàng Gai. Mặc dầu rời Việt Nam vào tuổi 21, sau hơn nửa thế kỷ, chị vẫn nhớ như in Hàng Bồ với những ngôi nhà lớn như cửa hiệu Quảng Hưng Long, nhà in Lê Cường ... Gia đình chị là tư sản nhỏ, có cửa hàng đồ dệt với khoảng chục công nhân dệt. Năm 1952, ở Hà Nội, bố mẹ chị cho con trai sang Pháp để tránh bị bắt lính, chị Quỳnh đã học Trường Albert Sarraut, nay đòi đi cùng em sang Pháp học, chị được học 4 năm ở thành phố dệt Lyon và tốt nghiệp Trường cao học kỹ thuật dệt. Tiếc thay vì dị ứng với hóa chất, chị chuyển sang học Anh ngữ và đỗ tiến sĩ Trường Sorbonne - Paris, từ kỹ thuật chuyển sang văn chương. Chị tham gia dịch thơ Việt sang tiếng Anh và cộng tác với một số tạp chí hải ngoại. Chị cũng dịch một số tuyển tập truyện ngắn nước ngoài sang tiếng Việt, nhan đề là Hoa thơm cỏ lạ.
Nhưng công phu nhất và có giá trị nhất là hai tập của bộ sách nghiên cứu về khoa cử Việt Nam: Thi hương (425 trang) và Thi hội, thi đình (515 trang khổ to) có những ảnh lịch sử rất quý, tầm cỡ tác phẩm của Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp. Bộ sách này ra đời do một sự ngẫu nhiên, biến chị Quỳnh thành một "thám tử văn hóa" bất đắc dĩ. Đầu đưôi câu chuyện là thế này: Năm 1985, đã ngoài năm chục tuổi, chị mua được cuốn sách của người Pháp viết về Đông Dương có một loạt ảnh về lễ xướng danh trường thi Hà Nam năm 1897 (do Salles chụp). Chị thích quá vì đã đọc sách về thi cử của Ngô Tất Tố và Chu Thiên. Chị nảy ra ý nghĩ sưu tầm một bộ ảnh đầy đủ hơn. Được biết là ở Thư viện Quốc gia Paris còn 2 chiếc bưu ảnh thời kỳ này. Chị xuống thang máy 5-7 tầng hầm, tìm ra hai tấm bưu thiếp đã mờ. Hiểu biết kỹ thuật ảnh, chị định xuất bản một cuốn sách ảnh, kèm thơ văn về thi cử và một ít chú thích đơn giản, cho đối tượng là Việt kiều và người nước ngoài. Bản thảo xong từ năm 1989, sau chị thấy cần viết lại kỹ hơn, vì phần chú thích vẫn còn nhiều nghi vấn lịch sử. Bản thảo cuốn sách phổ thông dày dần thành sách nghiên cứu, đòi hỏi công phu tìm tòi, điều tra. Chị bảo:"Vì mới đầu cần chú thích ảnh tôi phải đọc sách và khám phá ra sách sử của ta viết không giống nhau, cần tìm ra ai đúng ai sai, tìm ra các bằng chứng, tôi dần thấy vui thích với công việc mình làm. Ấy là chưa kể nhờ đọc sách, tôi đã mở rộng kiến thức, sửa được những ý nghĩ sai lầm của mình. Khoa cử không phải chỉ là thi văn chương, kỳ thi văn sách bàn về thuật trị nước mới là trọng yếu".
Xin kể lại một số vụ rắc rối mà "thám tử văn chương" chị Quỳnh đã điều tra được. Vụ cái biển phụng chỉ: sao chữ trên lại nhỏ, chũ duới lại to và lệch sang bên phải ? Lại viết ngược, chữ trên là chỉ, dưới là phụng. Tìm hiểu, thì ra: chữ Nho đọc từ phải sang trái, phụng là việc của quan, viết nhỏ; chỉ là việc của vua, ra lệnh viết to. Vụ tài liệu Pháp ghi địa danh không có dấu, tra mãi mới ra Cau Do là Câu Đơ (chỉ Hà Nội). Rivière de Thu là sông Thù (điển tích trong kinh Lễ). Vụ thời trước có học Nam sử không hay chỉ học Bắc sử ? Phải chăng khi Pháp cải cách khoa cử năm 1909 mới đưa Nam sử vào chương trình. Nghiên cứu thì thấy các cụ đã học sơ học vấn tân, một phần ba về Nam sử. Việc toàn quyền Paul Doumer bôi nhọ Văn thân, cho là vì các nhà Nho thi hỏng nên bất mãn. Việt kiều có người hỏi: thời hiện đại hóa, bỏ hàng chục năm nghiên cứu khoa cử xưa có ích gì ? Chị đáp là để đóng góp cho quốc học, để hiểu ông cha ta đã đào tạo trí thức tu thân trị quốc thế nào, đạo Nho đến nay vẫn còn chỗ đứng, khoa cử liên quan đến vận mệnh nước nhà trong gần nghìn năm. Sao ta không quan tâm?
28-6-2008

_____________

Nguyễn Đình Chiểu ra Huế chuẩn bị
thi Hương hay thi Hội khoa Kỷ dậu (1849)?

(trích Lối xưa xe ngựa - Nguyễn Thị Chân Quỳnh)

Văn Học số 49 đăng bài của ông Trần văn Tích bàn về cuốn " Việt Sử Khảo Luận " của ông Hoàng Cơ Thuỵ, tác giả tỏ ý thắc mắc tại sao có sách chép chuyện vô lý là Nguyễn Đình Chiểu chỉ đỗ Tú tài mà lại ra Huế để chuẩn bị thi Hội, có phải là đặc ân của triều Nguyễn dành cho nho sĩ miền Nam ? và thêm " trước và sau Nguyễn Đình Chiểu không thấy có chuyện đó " (= Tú tài được thi Hội), tôi mạn phép bàn góp mấy lời :
Quả Nguyễn Đình Chiểu có ra Huế chuẩn bị khoa thi Kỷ Dậu (1849), nhưng để thi Hương hay thi Hội thì mỗi sách chép một phách. Lệ thường, những người đỗ Tú tài phải thi Hương lại kỳ cho đến khi có chân Cử nhân rồi mới được thi Hội, vì thế ta mới có những vị Tú Kép (đỗ 2 khoa Tú tài), Tú Mền (đỗ 3 khoa Tú tài), Tú Đụp (đỗ 4 khoa Tú tài). Đó là lệ thường, ngoài ra còn có những lệ luật khác cho phép một số Tú tài được chính thức dự thi Hội, không cần xin đặc ân. Sau đây là những loại người được phép ứng thi Hội :
- Cử nhân mới và cũ (đỗ từ những khoa trước).
- Tôn sinh (người trong hoàng tộc). Ấm sinh (con quan)
- Giám sinh, Cống sinh (những người học xuất sắc, do phủ, huyện tiến cống vào Kinh học đỗ, cho làm Giám sinh, được cấp lương, mũ áo, miễn thuế, tạp dịch. Song muốn thi Hội còn phải qua một kỳ Hạch nữa, đỗ mới được thi. Những người đỗ cũng được gọi là "ông Cống" (danh từ này vốn dành để gọi những người đỗ Hương cống, tức Cử nhân).
- Huấn đạo, Giáo thụ (có những người chỉ đỗ Tú tài, nhưng nhờ học lực cũng được bổ vào hai chức này).
- Học sinh Thượng hạng, trúng Tú tài (Học sinh là những người có tư chất, ham học, được tuyển lựa ở địa phương, chước cho đi lính, tạp dịch).
- Tú tài được làm việc trong Hàn Lâm Viện.
Trừ Cử nhân và Giám sinh, những người khác đều phải qua một kỳ Hạch, đỗ mới được thi Hội.
Đọc Quốc Triều Đăng Khoa Lục của Cao Xuân Dục, chúng ta thấy riêng triều Nguyễn có đến 26 vị Tú tài hay Phó bảng, nổi danh nhất phải kể đến Trần Quý Cáp, xuất thân là học sinh Thượng hạng, trúng Tú tài, đỗ Tam giáp Tiến sĩ khoa 1904. Trong Giai Thoại Làng Nho Toàn Tập, ông Lãng Nhân chép "Trần Quý Cáp đỗ ba khoa Tú tài liên tiếp, theo lệ được thi Hội", chưa rõ lệâ năm nào, có điều chắc chắn họ Trần khi ứng thi không có chân Cử nhân.
Chứng minh được Tú tài có quyền thi Hội vẫn chưa bảo đảm Nguyễn Đình Chiểu ra Huế chuẩn bị thi Hội. Luật thi Hương xưa nay bắt Thí sinh phải thi tại nguyên quán, song vẫn có những trường hợp ngoại lệ cho phụ thí, tức là những người có cha làm quan xa, đến kỳ thi Hương không về kịp quê quán nên xin đặc ân được phụ thí tại nơi cư ngu. Tuy là chuyện hiếm, nhưng Đại Nam Thực Lục Chính Biên cũng chép ít nhất tới ba đạo sắc dụ về phụ thí :
1) 1821 : từ Phú Yên về Nam, cho Thí sinh tuỳ tiện phụ thí, từ Bình Định ra Bắc phải theo nguyên quán.
2) 1834 : Nam kỳ có biến, học trò Gia Định được phép phụ thí ở Thừa Thiên (ĐNTLCB XXV, 283-4).
3) 1858 : Định lệ từ nay cho 6 tỉnh Nam kỳ được thi phụ trường Thừa Thiên.
Lý do : Nguyễn Chính từ Hưng Hoá không về kịp sinh quán Gia Định, được phụ thí ở Thừa Thiên, đã đỗ đầu, nhân đó thành lệ (ĐNTLCB XXVIII, 427). Nguyễn Đình Chiểu ra Huế từ năm 1846, tức là trước khi phụ thí ở miền Nam thành lệ (1858) song rất có thể Nguyễn Đình Chiểu đã xin đặc cách được phụ thí ở Thừa Thiên vì người cha, Nguyễn Đình Huy, đã từ Gia Định trốn về Thừa Thiên năm 1833 khi Lê văn Khôi nổi loạn ở Nam kỳ.
Mặc dầu Nguyễn Đình Chiểu có đủ điều kiện để xin phụ thí, tôi vẫn tin tác giả Lục Vân Tiên ra Huế để thi Hội chứ không phải để thi Hương, vì lẽ những người xin phụ thí vốn là những người đã có mặt sẵn ở Thừa Thiên, không về kịp quê quán mới có lý để xin phụ thí, đằng này Nguyễn Đình Chiểu đang ở sinh quán Gia Định, lại lục đục bỏ ra Huế để đón một khoa thi mà trên nguyên tắc mình không được phép dự, trừ phi làm đơn xin phụ thí, thiết tưởng hành động như thế có điều không ổn.

Những đặc ân của triều Nguyễn dành cho nho sĩ miền Nam
(Hay những " kỳ thị " của nhà Nguyễn với sĩ phu miền Bắc).
Một điều hiếm khi thấy các sửû gia nêu lên là sự "kỳ thị" của triều Nguyễn đối với đám sĩ tử ngoài Bắc : từ cách lựa chọn học sinh, đến cách tổ chức các khoa thi, chấm thi, bổ quan chức v.v...rất nhiều đạo dụ cho thấy sự bất công của nhà Nguyễn. Sau đây là một số những sắc chỉ chép trong Đại Nam Thực Lục Chính Biên :
1) Tuyển chọn Học sinh : 1855 Định ngạch Học sinh cho các tỉnh biên giới : Cao Bằng, Lạng Sơn v.v...khảo hạch và cấp lương cho ăn học như các Học sinh từ Quảng Bình vào Nam (tức là miền Nam được hưởng đặc ân trước).
2) Phụ thí :
- 1821 Định lệ cho thi Hương từ nay từ Phú Yên vào Nam được tuỳ tiện phụ thí, từ Bình Định ra Bắc phải theo nguyên quán.
1858 Định lệ cho 6 tỉnh Nam kỳ được thi phụ ở trường Thừa Thiên.
3) Tổ chức các khoa thi :
- 1834 thi Hội. Lệ trước các Cử nhân, Giám sinh ở Kinh, ở các Trực (Quảng Bình, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Quảng Nam) và ở Tả kỳ (Bình Định, Phú Yên, Bình Thuận, Khánh Hoà) trở về Nam, Hữu kỳ (Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hoá) trở ra Bắc đều hội lại để cùng thi...nhưng số người đỗ chưa được quân bình. Những kẻ sĩ từ Kinh, Trực trở vào Nam thi chung với các kẻ sĩ từ Hữu kỳ ra Bắc nên khi điểm duyệt không khỏi có sự sút kém về phân số (điểm). Từ nay ba kỳ thi Hội, mỗi kỳ chia làm hai lượt, mỗi lượt để riêng ngày : Cử nhân, Giám sinh ở Thừa Thiên cùng các Trực và Tả kỳ trở vào Nam cùng thi một lượt. Đầu bài thi sẽ ra riêng và khi chấm sẽ tuỳ theo bài văn mà điểm duyệt.
Vua dụ : Nếu mỗi kỳ thi chia làm hai lượt cũng chưa được tiện, vậy chuẩn cho trường thi chia làm hai vi :
Vi Giáp : sĩ tử ở Kinh, Trực và Tả kỳ trở vào Nam.
Vi Ất : sĩ tử ở Hữu kỳ trở ra Bắc.
Thi cùng một ngày. Thu quyển xong, Đề điệu (quan trường phụ trách việc Giám sát) chua luôn hai chữ "Vi Giáp" hay "Vi Ất" vào phía dưới mấy chữ "kỳ thi thứ mấy"...Vi nào nên lấy bao nhiêu Trúng cách (đỗ thi Hội), bao nhiêu Phó bảng, sẽ hạ chỉ đặc cách quyết định cho được thăng bằng, thích đáng (?). (ĐNTLCB XVI, 50-5).
- 1907 Lệ cũ Cống sĩ từ Quảng Bình trở về Nam vào Vi Giáp, từ Hà Tĩnh trở ra Bắc vào Vi Ất, nay Cao Xuân Dục xin cho thi lẫn lộn.
4) Chấm thi :
- 1825 học trò Thừa Thiên, Quảng Nam không một ai đỗ. Vua sai Lục bộ duyệt lại quyển văn lấy thêm Cao Hữu Dực ở Thừa Thiên và Trương Tăng Diễn ở Quảng Nam làm Hương cống (Cử nhân). (ĐNTLCB VII, 180).
1826 thi Hội, ứng thí trên 200 người, quan trường lấy đỗ 9. Vua bảo thị thần Lương Tiến Trường và Nguyễn Kim Xán :"Nay thiên hạ một nhà, Nam, Bắc đều là tôi con của trẫm. Nam hiền thì dùng Nam. Bắc hiền thì dùng Bắc; không phải có thiên tư. Vả lại học trò Nam, Bắc đều là người ở trong giáo dục, học lực tưởng không hơn kém nhau, thế mà nay 9 người đỗ đều là người Bắc là sao thế ? Nên lựa lấy một, hai người từ Thừa Thiên vào Nam để cổ lệ sĩ phong mới phải". Thế là quan trường lấy thêm Phan Thanh Giản cho đủ số 10 người (ĐNTLCB VIII, 28-9).
-1874 Sắc rằng :"Đặt khoa thi chọn lấy học trò để giúp nhà nước, hạng Tú tài để đấy không dùng là vô ích, trừ người nào bổ quan thì không kể. Từ nay thi Hương đình bãi lấy Tú tài, bắt đầu từ hai trường Hà Nội, Nam Định". Bộ Lễ can :"Xưa nay quan viên phạm tội nặng mới tướt bỏ tên trong sổ xuất thân là Tiến sĩ, Cử nhân hay Tú tài. Nay cả nước nguyên lấy đổ 4, 5000 Tú tài, nhất khái bỏ hết tên ở sổ, sinh dị nghị. Xin gia ơn cho đình miễn. Vả thi Hương năm nay ở các trường Hà Nội, Nam Định là làm bù cho khoa Quý Dậu. Khoa thi Hương các trường Thừa Thiên, Nghệ An, Bình Định, Thanh Hoá năm ngoái đều lấy Tú tài, nay nếu bãi bỏ sẽ không công bằng". (ĐNTLCB XXXIII, 108-9).
-1874 Gần đến kỳ thi hai trường Hà Nội, Nam Định vua lại dụ :"Mỗi trường không được lấy quá 50 Tú tài". Chủ khảo trường Nam Định Lê Đức Quang tâu :"Thi Hương năm nay ở hai trường là bù khoa Quý Dậu. Năm ngoái 4 trường Thừa Thiên, Nghệ An, Bình Định, Thanh Hoá vẫn lấy số Tú tài như cũ, nay hai trường Hà Nội, Nam Định xin chuẩn cho lấy trên dưới 100 người". Vua y. ĐNTLCB XXXIII, 125).
Khoa 1840 khi thấy văn bài miền Nam sút kém, vua bảo :"Văn phong ở Nam Kỳ mới mở, quyển văn thi đỗ so với các trường khác không khỏi có chỗ hơi kém...Đời xưa có người ít văn học mà công nghiệp rõ rệt, cứ gì phải Khoa mục đâu ?" (ĐNTLCBXXII, 170-2).
Nhưng khi văn bài sĩ tử miền Bắc sút kém (khoa 1828) vua bảo Hà Quyền, Phó Chủ khảo Bắc thành :"Bắc thành vốn xưng là nơi văn vật mà kỳ thi này chỉ được những người hạng bình, hoá ra chỉ là hư danh à ?". Quyền tâu :"Bắc thành gần đây chức Giáo, Huấn không được tốt cho nên học trò không lấy ai mà theo được". ĐNTLCB IX, 103).
5) Bổ quan chức :
- 1838 Khảo hạch các Tú tài các khoa từ 40 tuổi trở lên ở Quốc Sử Quán. Đỗ hạng bình 9 người, cho làm Huấn đạo. Hạng thứ hay liệt 70 người : những ai ở Hà Tĩnh trở ra Bắc cho về học tập mỗi người cấp cho hai lạng bạc; ai quê ở Quảng Bình trở vào Nam cho làm Hành tẩu Lục Bộ (chức quan chuyển đạt những mệnh lệnh của vua hay của thượng quan) hàng tháng cấp một quan tiền, một phương gạo (=30 bát gạo).
- 1857 Định : người nào thi Hội không có phân số (điểm) người từ Quảng Bình vào Nam 30 tuổi trở lên, từ Hà Tĩnh ra Bắc từ 35 tuổi trở lên, đã thi Hội hai khoa mà tình nguyện làm việc thì cho ra làm việc.
- 1875 Trước kia phàm đỗ Tú tài hai khoa, tình nguyện ra làm việc từ Quảng Bình vào Nam 40 tuổi trở lên, từ Hà Tĩnh ra Bắc 45 tuổi trở lên, đều chiểu lệ xét bổ.
- Lệ cũ Cử nhân Nam, 30 tuổi, Bắc 35 tuổi, đã thi Hội hai khoa mới được xét bổ. Nay Nam, Bắc cùng cho lấy 30 tuổi làm hạn. (ĐNTLCB XXXIII, 183-4).
Vì không được đọc trọn bộ Đại Nam Thực Lục Chính Biên nên tôi chỉ chép được có chừng ấy sắc dụ, nhưng bấy nhiêu cũng đủ cho thấy óc thiên lệch của triều Nguyễn. Có lẽ vì buổi đầu nhà Nguyễn được nhân dân miền Nam nâng đỡ, nên dành nhiều cảm tình cho người miền Nam. Ngược lại, dù đất nước đã thống nhất, song người dân Bắc lòng còn tưởng nhớ nhà Lê, có ý không phục nhà Nguyễn, bởi thế vua Gia Long bỏ Thăng Long, dời đô vào Huế (nhưng không quên dời luôn cả Quốc Tử Giám đem vào ) và nhà Nguyễn tỏ ra "kỳ thị" dân Bắc, đấy chẳng qua cũng chỉ là một phản ứng tự vệ.

Những cấm lệ “kỳ quặc” của khoa cử
Trên đây là những sự bất công của riêng triều Nguyễn đối với sĩ phu ngoài Bắc. Còn nói chung về Khoa cử, các nhà nghiên cứu lớp trước (tôi không muốn trỏ vào những người làm cách mệnh, chán ghét khoa cử như Phan Bội Châu) ai cũng ca ngợi Khoa cử công bằng, không phân giai cấp, con nhà nghèo cũng có quyền đi thi v.v...Kể ra, so với chế độ "con vua thì lại làm vua" quả Khoa cử công bằng thật. Song tất cả chỉ là vấn đề tương đối. Chúng ta chẳng ai không nhớ trường hợp Đào Duy Từ đã đỗ thi Hội, chỉ vì người cha cầm đầu đội nữ nhạc trong cung vua Lê Anh Tôn, nên bị xoá tên trong sổ nhữngngười Trúng cách. Đào Duy Từ uất ức mới bỏ vào Nam phò tá chúa Nguyễn. Tại sao lại có lệ lạ lùng ấy ? - Bởi người xưa liệt các ca sĩ vào loại "xướng ca vô loài" lười biếng, chỉ rong chơi ca hát, đáng khinh, không được xếp vào loại công dân có nghề nghiệp hữu ích cho nhân quần.
Ai nghe chuyện cũng bất bình thay cho Đào Duy Từ, những chẳng thấy ai phàn nàn hộ (trừ Trần Văn Tích và Nguyễn Tuân) cho một nửa số công dân Việt Nam cũng bị cấm thi mặc dầu cha ông không thuộc loại "xướng ca vô loài" : nay là phụ nữ. Phải chăng phụ nữ không phải là công dân nước Việt ? Chế độ phong kiến quyết tâm gạt hẳn phụ nữ ra ngoài, Đoàn thị Điểm, Hồ Xuân Hương đều bó tay, ấy thế mà vẫn có người lọt lưới, cải nam trang đi học và... đỗ Trạng nguyên ! Vào cuối thời nhà Mạc, và thời nhà Lê Trung Hưng, bà Trạng Nguyễn thị Du đã đóng góp cho nền văn học Việt Nam nói chung và huyện Chí Linh nói riêng nên được dân làng Kiệt Đặc (Chí Linh) thờ làm thần (Xem bài Nguyễn thị Du, vị nữ Trạng nguyên độc nhất của ta sinh năm nào ?").
Ngoài phụ nữ và con nhà "xướng ca vô loài" không được đi thi, thời xưa còn nhiều cấm lệ mà ngày nay chúng ta thấy lạ lùng khó hiểu, chẳng hạn cấm những người có đại tang không được đi thi. Vì sao ? - Vì người xưa trọng đức, có tang phải ở nhà cư tang, đi thi để mong vinh hiển cho thân mình mà quên cha mẹ là phạm tội bất hiếu. Người đã mang tiếng bất hiếu, không thương đến cả cha mẹ mình, thì mong gì đi làm quan nghĩ đến dân đen ? Đấy là mặt lý thuyết. Song trên thực tế, ba năm mới có một khoa thi, nếu gặp hai cái đại tang liên tiếp cộng với một khoa bị tật bệnh không đi thi được vị chi mất chín năm đèn sách công toi. Chính một phần vì cái lệ khắc nghiệt đó mới có những cụ già 60 tuổi còn lẽo đẽo lều chõng và đến năm Thành Thái thứ 18 mới sửa lại cho phép những ngưòi có đại tang đi thi, nhưng ngược lại, tuổi bị hạn chế (1). Dễ hiểu hơn là những lệ cấm người nào có cha ông ba đời làm trộm cướp, phản tặc. Chọn người ra làm "phụ mẫu" dân tất phải kén người có hạnh kiểm tốt. Song thế nào là "phản tặc ? ". Với nhà Nguyễn thì làm quan với Tây Sơn, hay cả với nhà Lê đều là "phản tặc" cả : Lê Đức Quang, Phạm Huy Lê chỉ vì khai lầm cha ông làm quan với nhà Lê đã bị xoá tên trong sổ Cử nhân khoa 1831. ĐNTLCB X, 293-5).
Lại còn một hạng người tuy không chính thức bị cấm thi mà cũng chẳng khác bị cấm : đấy là dân làng Thiên Thuộc (sau gọi là làng Tức Mặc) quê hương của các vua nhà Trần, bị cấm không được học tập văn nghệ, cốt để giữ tinh thần thượng võ, treo gương cho thanh niên toàn quốc. Năm 1821, vua Trần Nhân Tông lập trường học ngay phủ lỵ phủ Thiên Trường (sau là Xuân Trường) tức là phủ hạt nhà vua, thế mà dân làng Thiên Thuộc vẫn không được phép học văn. Đã không học thì thi làm sao được ? nên tuy không bị cấm mà cũng chẳng khác bị cấm là thế. Song chính nhờ trọng ngành võ bị mà nhà Trần bao lần thắng trận vẻ vang, sự kiện này ngoài sử liệu còn nằm trong ngạn ngữ "Đánh giặc đời Trần, làm quan họ Đặng".
Thành ra có nhiều cấm lệ mà ngày nay mới thoạt nghe ta thấy "kỳ quặc", song đặt vào khung cảnh thời xưa, lấy đức làm trọng, đặt đức trên tài, thì những lệ ấy không phải hoàn toàn vô căn cứ. Mặc dầu cha ông ta hết sức đề cao đức hạnh trong cách giáo dục và kén chọn người ra làm "phụ mẫu" dân, trên thực tế số tham quan vẫn nhiều hơn số những ông quan liêm chính, nhưng dù ít vẫn còn hơn không.
Châtenay-Malabry, tháng 6, 1990
(Văn Học, số 7, tháng 11, 1990)

1. Đại Nam Điển Lệ; dịch giả : Nguyễn Sĩ Giác. Saigon : Viện Đại học, 1962, tr. 359.
Trong Hồi ký, Paul Doumer tỏ ra rất ngạc nhiên thấy một Thí sinh 80 tuổi mới đỗ Tú tài.

***
Đọc lại Quốc Triều Đăng Khoa Lục của Cao Xuân Dục (tr. 107) thì thấy chắc chắn Nguyễn Đình Chiểu ra Huế năm 1849 để thi Hội chứ không phải thi Hương vì thi Hương đã được tổ chức năm 1848. Sau đây là chi tiết khoa thi Hội năm 1849 :
Tực Đức năm thứ hai, Kỷ Dậu (1849),
Quan duyệt quyển : Vũ Tuấn, Mai Anh Tuấn
Quan đọc quyển: Phan Thanh Giản, Trương Quốc Dụng
Lấy đỗ đầu : Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân Đỗ Duy Đê đỗ Cử nhân năm Mậu Thân (1848) v.v...
Theo chỗ tôi biết thì chỉ có một lần vào năm 1779 chúa Trịnh Sâm mới mở Hương Hội thịnh khoa, tức là tổ chức thi Hương và thi Hội cùng một năm. Khoa này Nguyễn Du đỗ Tiến sĩ xuất thân, Phạm Quý Thích đỗ Đồng Tiền sĩ xuất thân (Đại Việt sử ký tục biên, tr. 448).
____________

Mạc Đĩnh Chi (1286-1350) vài truyền thuyết

Mạc Đĩnh Chi (1286-1350) (1) tự là Tiết Phu, người huyện Chí Linh, tỉnh Hải Duơng, nổi tiềng học vấn uyên thâm, có tài ứng đối mẫn tiệp nhưng người thấp bé, hình dung xấu xí. Ông đỗ Trạng nguyên khoa Giáp Thìn (1304) thời Trần Anh Tông, khi chưa đầy 20 tuổi. Thời xưa người được chấm đỗ thi Đình có khi còn phải vào yết kiến để vua xét dung mạo rồi mới quyết định cho đỗ hẳn hay không. Mạc Đĩnh Chi vào ra mắt nhưng vua Trần Anh Tông thấy tướng mạo ông xấu xí có ý không muốn cho đỗ Trạng. Ông làm bài phú "Ngọc tỉnh liên" (Hoa sen trong giếng ngọc), ca ngợi nết cao quý của bông sen, tự ví mình với hoa quân tử. Vua đọc xong thuận cho ông đỗ Trạng nguyên (2).
Trải qua ba đời vua : Anh Tông (1293-1313), Minh Tông (1314-1328), Hiến Tông (1329-1340), làm quan đến chức Đại liêu ban Tả Bộc xạ (3). Hai lần được cử đi sứ sang Trung quốc (4), ông thường tỏ ra có tài hùng biện, dùng văn chương áp đảo triều thần nhà Nguyên, những câu ứng đối tài tình của ông được chép nhiều trong sách sử Trung hoa. Đặc biệt ông từng được Nguyên đế khen tặng là "Lưỡng quốc Trạng nguyên".
Ông đã trước tác rất nhiều nhưng còn truyền lại chỉ có những tập Tán văn, Tế văn, câu đối và bốn bài thơ trong Khởi-Thì-Tập, Tạ văn một đạo trong QuốcTriều Biểu-Chương cùng bài bia Bùi Công Mộc-Đạc Thần-Đạo mà thôi (5).
Mạc Hiển Tích, Tiến sĩ đệ nhất danh khoa Bính Dần (1086) đời Lý Nhân Tông, làm quan đến Thượng thư bộ Lại, là viễn tổ của ông. Em Mạc Hiển Tích là Kiến Quan cũng đỗ Tiến sĩ, làm đến Công bộ Thượng thư (6).
Mạc Đăng Dung là cháu đời thứ 7 của Mạc Đĩnh Chi (6).

1- HỌ MẠC VÀ THUYẾT PHONG THỦY
Những truyền thuyết về Mạc Đĩnh Chi có rất nhiều nhưng cũng như các truyền thuyết thường có nhiều điều sai lạc, hoang đường. Thí dụ chuyện bà mẹ ông vì bị khỉ hiếp mà đẻ ra ông cho nên tướng mạo ông xấu xí, giống khỉ. Khỉ bị cha ông giết, xác do mối đùn thành một cái mồ lớn, cha ông biết đấy là khu đất quý, dặn con cháu chôn mình lên trên mộ con khỉ, sau chính ông cũng táng ở dưới chân, cho nên con cháu ông làm to (7) qúy hiển là nhờ khu đất ấy. Thế nhưng Mạc Hiển Tích, Mạc Kiến Quan là viễn tổ của ông cũng đã làm quan to từ triều Lý, hiển nhiên không phải nhờ ngôi đất ấy mà ắt phải nhờ một ngôi mộ nào khác của tổ tiên thời trước nữa, nếu ta tin vào thuyết phong thủy, địa lý. Song tác giả Công Dư Tiệp Ký lại cho biết nhà Nguyên thấy Mạc Đĩnh Chi có kỳ tài mà tướng mạo lại không có gì đáng quý nên sai một thầy địa lý Tầu sang xem phong thổ nước ta. Ông dẫn đi xem phần mộ tổ tiên, ngôi nào họ cũng lắc đầu, đến ngôi mộ phụ thân ông thì họ tấm tắc khen đấy mới chính là ngôi mộ phát tích. Nhưng nếu những phần mộ tổ tiên chôn ở đất không phát thì giảng nghĩa sao đây về hai ông Hiển Tích và Kiến Quan làm quan còn to hơn con cháu Mạc Đĩnh Chi ?

2- "LƯỠNG QUỐC TRẠNG NGUYÊN" VÀ BÀI THƠ TÁN QUẠT
Truyền thuyết về bài thơ tán quạt và chức "Lưỡng quốc Trạng nguyên" thì tuy không huyền hoặc, hoang đường nhưng lại khiến ta giảm lòng khâm phục ông Trạng Mạc và óc phê phán của triều đình nhà Nguyên. Tuy Nguyên đế thuộc dị tộc (Mông cổ) nhưng triều đình bao gồm cả các quan người Hán.
Theo Công Dư Tiệp Ký tập II thì trong một lần đi sứ nhà Nguyên gập lúc có người ngoại quốc dâng quạt, Nguyên đế muốn thử tài, sai ông cùng Sứ thần Cao Ly mỗi người phải làm ngay một bài tán quạt. Sứ thần Cao Ly làm xong trước, có những câu :
Uẩn long trùng trùng, Y Doãn, Chu Công,
Vũ tuyết thê thê, Bá Di, Thúc Tề.
Nghĩa là :
Khí nóng bừng bừng, Y Doãn, Chu Công
Mưa tuyết đầm đìa, Bá Di, Thúc Tề (8).
Ý nói mùa hạ nóng nực thì cái quạt đắc dụng như hai ông Y Doãn, Chu Công ; mùa đông giá rét thì cái quạt vô dụng chết lả như hai ông Bá Di, Thúc Tề.
Trong lúc ông chưa biết viết gì, liếc sang đầu quản bút của Sứ thần Cao Ly đoán được ý tứ rồi theo đó suy diễn thêm ra thành bài thơ tán quạt sau đây :
Lưu kim thước thạch, thiên địa vi lô,
Nhĩ ư tư thì hề, Y, Chu cự nho.
Bắc phong kỳ lương, vũ tuyết tái đồ,
Nhĩ ư tư thì hề, Di, Tề ngạ phu.
Y : Dụng chi tắc hành, xả chi tắc tàng (9), duy ngã dữ nhĩ hữu thị phù.
Nghĩa là :
"Nấu vàng nung đá, Trời đất như lò thì ngươi lúc ấy khác gì Y, Chu nổi tiếng bậc cự nho ?
Gió lạnh buốt xương, mưa tuyết đầy đường thì ngươi lúc ấy cũng như Di, Tề nhịn đói trên núi Thú Dương.
Ôi ! Dùng thì ra giúp đời, bỏ thì tạm ẩn để chờ thời. chỉ ta với ngươi giữ được như thế."
Sứ thần Cao Ly xong trước, ông viết xong cũng trình lên, Nguyên đế khen bài của ông hay hơn, cầm bút khuyên vào câu có chữ "Y" và phê "Lưỡng quốc Trạng Nguyên".
Nếu quả sự thực là như vậy thì chức "Lưỡng quốc Trạng Nguyên" phải chia đôi với Sứ thần Cao Ly mới đúng vì nội dung bài văn không do ông nghĩ ra mà là "mượn" của Sứ thần Cao Ly, ông chỉ thêm câu kết trích trong Luận Ngữ để tỏ ý chí của mình.
Nguyên Đế đọc cả hai bài mà không nhận thấy sự trùng ý của hai Sứ thần và không truy nguyên kể cũng lạ.

3- BÀI VĂN TẾ CÓ BỐN CHỮ "NHẤT"
Bài văn tế này rất nổi tiếng nhưng các bản được truyền tụng khác nhau ở vài chi tiết : khi thì nói đấy là bài văn tế một cô Công Chúa Tầu, khi thì là văn tế một bà Hoàng Hậu, khi lại là một bà Hậu Phi, còn chính bài văn lúc thì có bốn chữ "nhất", lúc lại chỉ có một chữ "nhất" hoặc là tờ giấy trắng không có chữ gì cả.
A- Các bản truyền tụng kể trong một lần Mạc Đĩnh Chi đi sứ sang Trung quốc, thân sĩ nhà Nguyên thấy ông có tài ứng đối giỏi, áp đảo họ, nên có ý chơi khăm, cử ông đọc văn tế bà Công Chúa/Hoàng hậu/Hậu Phi. Thói thường người đọc cũng là người viết hay ít nhất cũng được đọc trước. Văn tế thì viết rồi dán lên bảng gỗ gọi là Chúc bản. Nếu không đọc được hay đọc một bài văn tế cũ đều bị tội (10). Mạc Đĩnh Chi ra quỳ trước lễ đàn nghe xướng xong mở Chúc văn ra để đọc chỉ thấy tờ giấy trắng tinh có bốn chữ "nhất". Ông biết họ thử tài, nhanh trí ứng khẩu đọc bốn câu thơ, mỗi câu có một chữ "nhất" ở trong, ca tụng phong cách bậc nhất của người chết :
Thanh thiên nhất đóa vân,
Hồng lô nhất điểm tuyết,
Thượng uyển nhất chi hoa,
Dao trì nhất phiến nguyệt.
Y !
Vân tán, tuyết tiêu, hoa tàn, nguyệt khuyết !
Dịch nghĩa :
Trời xanh, một đám mây,
Lò hồng, một điểm tuyết,
Thượng uyển, một cành hoa,
Dao trì, một vừng nguyệt !
Ôi !
Mây tản, tuyết tiêu, hoa tàn, giăng khuyết !
Triều đình nhà Nguyên rất khâm phục.
Có những dị bản còn thêm mấy chi tiết như khi ông đang chuẩn bị về nước thì được cử ra đọc văn tế, tất cả các sứ thần đến dự tang lễ đều khâm phục, bài văn này được khắc vào đá để lên mộ bà Công Chúa/Hoàng Hậu...
B- Nhiều người yên trí bài văn tế này do Mạc Đĩnh Chi làm, có lẽ phần nào dựa vào bài viết đầy đủ nhất về Mạc Đĩnh Chi trong Công Dư Tiệp Ký (1755) của Vũ Phương Đề (Tiến sĩ khoa 1736)
a) Công Dư Tiệp Ký (CDTK)tập 2 chép Mạc Đĩnh Chi khi được cử đọc văn tế bà Hậu Phi, vào quỳ trước linh vị, nghe xướng xong mở Chúc văn ra chỉ thấy có bốn chữ "nhất", biết họ thử tài, đọc ngay :
Thanh thiên nhất đóa vân,
Hồng lô nhất điểm tuyết,
Thượng uyển nhất chi hoa,
Quảng hàn nhất phiến nguyệt.
Y !
Vân tán, tuyết tiêu, hoa tàn, nguyệt khuyết (10).
Bản này rất giống những bản truyền tụng chỉ hơi khác ở câu thứ tư là "Quảng hàn nhất phiến nguyệt" chứ không phải "Dao trì nhất phiến nguyệt" nên ta có thể tin bài văn đúng là của ông Trạng Mạc vì ít nhất đã có tới hai bản khác nhau cùng ghi là của ông làm. Vũ Phương Đề chú rõ :"Bài văn ấy còn ghi trong Bắc Sử. Có người bảo là của Lý Bạch nhưng ta xét kỹ thì về lời và ý giống văn thể của ông. Tuy thế chưa chắc đã phải vì bài thơ Đề Quạt đích thị là của ông thế màThuyết Linh lại chép là của Phương Hiếu Nhi, lấy đó suy ra thí sử sách bên Tầu chép về việc ấy chắc gì đã đúng".
Bản của Vũ Phương Đề, chép theo Bắc sử, có lẽ sai vì câu "Quảng hàn nhất phiến nguyệt" vô nghĩa : "Quảng hàn" là cung trăng mà "nguyệt" cũng là trăng, "trong cung trăng có một vừng trăng" không có nghĩa gì cả. Sự lầm lẫn này nếu không phải do người chép Bắc sử đã nhầm thìta có thể cho là không phải Mạc Đĩnh Chi đã ứng khẩu ra bốn câu thơ ấy mà là nhớ lại một bài thơ đã đọc từ trước, rồi quên mất hai chữ "Dao trì" và nhanh trí thay tạm bằng "Quảng hàn". Trong lúc "tang gia bối rối" không ai lưu ý đến chi tiết nhỏ ấy.
Vũ Phương Đề nhận định sách sử bên Tầu cũng có thể sai thì đúng, bảo bài văn tế ấy không phải của Lý Bạch thì không cần dựa vào văn thể mà xét đoán cũng rõ, và xét văn thể còn có thể sai chứ tính theo thời điểm thì chắc chắn không nhầm : Lý Bạch sống đời Đường, sao có thể làm văn tế một bà chết thời Nguyên ? Sau nhà Đường (618-907) còn các đời Ngũ Đại (907-960), Tống (960-1234), rồi mới tới Nguyên (1234-1368).
Vũ Phương Đề khẳng định bài thơ tán quạt là "đích thị" của Mạc Đĩnh Chi, lấy gì làm bằng ? Dựa vào chi tiết Mạc Đĩnh Chi nhanh trí chỉ nhìn đầu quản bút Sứ thần Cao Ly mà mượn ý viết hay hơn ? Nhưng nếu ông Trạng Mạc đã "cóp" ý của Sứ thần Cao Ly, biết đâu Sứ thần Cao Ly lại không "mượn" ý của Phương Hiếu Nhi hay một người nào khác đã viết từ trước nên mới nhớ lại mà làm được nhanh như thế.
Ngoài ra câu "Hồng lô nhất điểm tuyết" cũng hơi gò ép ở chỗ sao lại có tuyết trong "lò lửa đỏ", chẳng lẽ chỉ để đối với "trời xanh" ?
b) Theo một số tài liệu khác thì bài văn tế ấy là của Dương Ức đời Tống khi đi sứ Bắc Liêu.
Trong Kiến Văn Tiểu Lục (1777) , mục "Tùng đàm", Lê Quý Đôn (Bảng Nhãn khoa 1752) cho biết theo Thuyết Phu Tùng Thuyết thì Tiến sĩ Dương Ức đời Tống Chân Tông đi sứ phương Bắc (Bắc Liêu) được cử đọc bài kính tế Hoàng Hậu, song Chúc văn chỉ là một tờ giấy trắng không có một chữ nào. Dương phải tự nghĩ ra và đọc :
Duy linh,
Vu sơn nhất đóa vân,
Lãng uyển nhất đoàn tuyết,
Đào nguyên nhất chi hoa,
Thu không nhất luân nguyệt.
Khởi kỳ,
Vân tán, tuyết tiêu, hoa tàn, nguyệt khuyết.
Phục duy thượng hưởng.
Dịch nghĩa :
Kính nghĩ anh linh, như :
Một đóa mây Vu sơn,
Một khối tuyết Lãng uyển,
Một cành hoa nguồn đào
Một vầng trăng trời thu.
Ngờ đâu :
Mây tán, tuyết tiêu, hoa tàn, trăng khuyết.
Kính xin hâm hưởng.
Triều đình nhà Liêu rất khâm phục. Tống Chân Tông nghe chuyện này khen Dương có tài mẫn tiệp, làm rạng rỡ thể diện Trung quốc. Thế mà tục truyền việc ấy là của Nguyễn Đăng Cảo bản triều" (người huyện Tiên Du, tỉnh Bắc ninh, đỗ Tiến sĩ khoa Bính Tuất (1646) đời Lê Chân Tông) (10).
Bài này tuy ý tựa như bản truyền tụng, nhưng lời lẽ, hình ảnh thì khác, đặc biệt câu thứ ba "Lãng uyển nhất đoàn tuyết" chứ không phải "Hồng lô nhất điểm tuyết", tuy vậy câu này đối với câu trước vẫn chỉnh vì câu trước không phải "Thanh thiên nhất đóa vân" mà là "Vu sơn..." "Vu sơn" đối với "Lãng uyển" rất chỉnh cho nên không cần phải gò ép tuyết vào lò lửa đỏ, không ai lại gắp tuyết bỏ vào lò lửa hay đặt lò lửa dưới tuyết. Tuyết ở trong vườn Lãng uyển hợp lý hơn trong lò lửa. Rất có thể là Mạc Đĩnh Chi đọc rộng, nhớ đến bài văn của Dương Ức và trong lúc cần phải ứng biến nhanh lại không nhớ rõ lời lẽ bài của Dương Ức, hoặc sợ phạm tội đọc một bài văn cũ nên đã "mượn" ý của Dương Ức nhưng chỉ mượn ý mà thôi.
Kết luận là bài văn tế chắc của Dương Ức người đời Tống làm khi đi sứ Bắc Liêu. Nước Tống thưở ấy đã suy vi, hàng năm phải cống cho nước Liêu 10 vạn lạng bạc cùng là tơ lụa v.v... cho nên sứ thần nước Tống sang Liêu bị "chơi khăm" cũng có lý. Sở dĩ Chúc văn là tờ giấy trắng không có chữ nào có thể vì nước Liêu không dùng chữ Hán
Tính theo thời điểm thì nhà Tống (966-1278) cầm quyền chính Trung quốc trước nhà Nguyên (1280-1341), vậy thì bài văn tế không thể do Mạc Đĩnh Chi nghĩ ra trước.
Xét rằng nhiều sự nhầm lẫn đã xuất phát ngay từ sách sử Trung quốc nên ta có nhầm gán cho Mạc Đĩnh Chi hay Nguyễn Đăng Cảo cũng không lạ. Có điều Nguyễn Đăng Cảo sống thời Lê Trung Hưng thế kỷ 17 sao có thể đi sứ nhà Nguyên, thế kỷ 13, 14 ?
Nhầm lẫn còn có thể "thông cảm" được nhưng chỉ e có những người "cố ý nhầm" nghĩ là gán ghép cho Mạc Đĩnh Chi sẽ khiến người ta khâm phục ông Trạng Mạc hơn, có biết đâu lại làm giảm giá trị của một ông Trạnh tài năng vốn có thừa không cần ai "tô son điểm phấn" thêm.
Hà Nội, tháng 3- 2011

Chú thích
(1) - Trong Giai thoại làng Nho Lãng Nhân chép năm sinh của Mạc Đĩnh chi là 1280 nhưng nếu ông Mạc đỗ Tiến sĩ khoa 1304 khi chưa đầy 20 tuổi thì không thể là 1280 vì lúc ấy ông đã 24 tuổi.
Vũ Phương Đề nói có thuyết cho ông Mạc sinh năm Giáp Thân (1284), tức là ông đỗ năm 20 tuổi chứ không phải dưới 20.
(2)- Lệ xem dung mạo rồi mới cho đỗ không thấy chép ở đời Trần trong Khoa Mục Chí của Phan Huy Chú. Thời Lê, tới khoa 1496 mới chép lệ này :"Lệ cũ thi Đình không bị đánh hỏng. Khoa này thi Hội lấy 43 người Trúng cách nhưng sau khi xét dung mạo ở điện Kim Loan vua đánh hỏng 13 người. Nguyễn văn Huấn thi Hội đỗ thứ hai cũng bị xóa tên".
"Ngọc tỉnh liên" : Hàn Dũ đời Đường có câu thơ "Thái hoa phong đầu ngọc tỉnh liên" = Trên đỉnh núi Thái hoa có thứ hoa sen mọc trong giếng ngọc" CDTK, tr 114.
(3) - "Bộc xạ" là chức Á Tướng. Nhà Trần dùng Hành Khiển hay Thượng thư vào chức này.
(4) - Lãng Nhân, tr 1.
(5) - Công Dư Tiệp Ký, tập II, tr 111.
(6) - CDTK tập II, tr 100.
(7) - CDTK tập II, tr 112 : "Con trai Mạc Đĩnh Chi là Khản và Trực đều làm đến Viên ngoại. Cháu là Địch, Toại, Viễn muốn phục thù cho nhà Trần, khi Trương Phụ đem quân sang đánh nhà Hồ, đã đón đường đầu hàng để báo cáo tình hình họ Hồ lúc ấy đang tìm mọi cách để cố thủ. Trương Phụ dùng làm Hướng đạo quan (việc còn ghi rõ trong Bình-Giao Nam-Lục của Khâu văn Tráng). Vì có công lớn, nhà Minh phong cho Toại làm Tham Chánh, Địch làm Chỉ Huy Sứ, Viễn làm Diêm Thiết Sứ. Sau khi Toại mất, con cháu di cư vào vùng Ma Khê, huyện Thanh Hà, đời thứ ba lại di vào làng Cổ Trai, huyện Nghi Dương rồi sinh ra Mạc Đăng Dung".
(8) - CDTK tr 103-4 : Y Doãn làm tướng đánh diệt vua Kiệt nhà Hạ, giúp Thành Thang, sáng lập nhà Thương, dậy vua thái Giáp, con Thành Thang.
Chu Công Đán giúp vua Vũ Vương và Thành Vương nhà Chu, dẹp nội loạn, sáp nhập hơn 50 nước nhỏ, sửa chính sự, trị nước theo đạo Nho, chế tác lễ nhạc...
Bá Di, Thúc Tề là anh em ruột, con vua nước Cô Trúc. Khi Vũ Vương đánh vua Trụ, hai ông can không được. Vũ Vương diệt Trụ, lập nhà Chu, hai ông không thèm ăn thóc nhà Chu, nhịn đói chết ở núi Thú Dương.
(9) - "Dụng chi tắc hành..." trích lời dậy của Khổng Tử trong Luận Ngữ.
(10) - Lê văn Đình, tr 377-9.
(11) - CDTK tập II, tr 108-9.
(12) - Kiến Văn Tiểu Lục, tr 448. Bản của Lê văn Đình chép cũng giống bản của Lê Quý Đôn.

SÁCH BÁO THAM KHẢO
Đào Trinh Nhất, "Từ những câu đối Mạc Đĩnh Chi đến bài thơ Nguyễn Tân trước khi chết chém", Trung Bắc Chủ Nhậtsố 234, 31-12-1944.
Lãng Nhân (Phùng Tất Đắc), Giai Thoại Làng Nho Toàn Tập. Saigon : Nam Chi Tùng Thư, 1966. Tái bản ở Mỹ.
Lê văn Đỉnh, Giai thoại văn học đời Tống. Hà Nội : Văn Học, 1996.
Lê Quý Đôn, Kiến Văn Tiểu Lục . Hà Nội : Khoa Học Xã Hội, 1977. Bản dịch của Phạm Trọng Điềm. Phan Huy Chú, Lịch Triều Hiến Chương, Khoa Mục Chí. Hà Nội : Văn Học, 1961. Tổ biên dịch : Viện Sử học Việt Nam.
Vũ Phương Đề, Công Dư Tiệp Ký tập II. Dịch giả Tô Nam Nguyễn Đình Diệm. Saigon : Bộ Quốc Gia Giáp Dục, 1962.

____________

Một số truyền thuyết sai lầm về Cao Bá Quát

Cũng như nhiều danh nhân khác, Cao Bá Quát đã bị người đời gán ghép cho những chuyện xét ra phần lớn là ngụy tạo, ngay tiểu sử của ông cũng không minh bạch.
1- Cao Bá Quát sinh năm nào ?
Cao Bá Quát là dân ngụ cư ở Thăng Long nhưng quê ở làng Phú Thị, huyện Gia Lâm, Kinh Bắc (Bắc Ninh), cách Hà Nội 17 cây số về phía đông.
Nhiều sách viết về Cao Bá Quát đánh dấu hỏi khi đề cập đến năm sinh của ông, có người phỏng đoán ông sinh năm 1800 nhưng không cho biết dựa vào đâu. Sở Cuồng, Lãng Nhân đều nói ông đỗ Cử nhân năm 14 tuổi. Ai cũng biết ông đỗ khoa 1831, vậy ông sinh năm 1831 - 14 = 1817 ?
Song nếu căn cứ vào bài "Thiên cư thuyết" (Câu chuyện dời nhà) của ông ta có thể tính ra được khá chính xác nhờ hai câu trong bài :"Mùa thu năm ngoái, sau khi chiếm được tên trên bảng, định dời nhà đi nơi khác..." và "Tuổi ta mới ngoài hai kỷ mà núi sông thành quách cũ đã thay đổi ba lần..." (1). Cao Bá Quát "chiếm được tên trên vảng" năm 1831, vậy thì bài "Thiên cư..." đựợc viết vào năm sau tức là 1831+1 = 1832. Lúc ấy Cao Bá Quát "mới ngoài hai kỷ", mỗi kỷ là 12 năm, "ngoài hai kỷ" tức là 2 x 12 = ngoài 24 tuổi. Vậy thì Cao Bá Quát sinh vào khoảng :
1832 - 24 = 1808
Tôi nói "vào khoảng" vì hai chữ "mới ngoài" không cho biết đích xác là bao nhiêu năm, thứ nhất thời xưa tính theo âm lịch nên cuối năm âm có thể lấn sang đầu năm dương lịch. Dù sao thì năm sinh của Cao cũng không thể là 1800 hay 1817.
Hiện nay năm 1808 được chính thức coi là năm sinh của Cao, Hà nội vừa làm lễ kỷ niệm 200 năm sinh của Cao Bá Quát (1808-2008).
2- Tên tự và tên hiệu
Cao Bá Quát là em sinh đôi với Cao Bá Đạt, sinh ra sau nhưng không chịu gọi Đạt bằng anh viện cớ trong bụng mẹ mình ngồi trên nên sinh sau (2). Cụ thân sinh ra hai ông tên là Cao văn Chiếu (Chiến ?) vốn là một cụ Đồ nho, đã đặt tên các con theo một điển tích trong Luận Ngữ : "Lúc triều đại nhà Chu mới lập, có nhiều hiền tài giúp. Một nhà có bốn cặp sinh đôi là Bá Đạt-Bá Quát, Trọng Đột-Trọng Hốt, Thúc Dạ-Thúc Hạ và Quý Tùy-Quý Oa đều là hiền sĩ" (3). Cụ Đồ Cao đặt tên hai con là Bá Đạt, Bá Quát ngụ ý mong cả hai sau này cùng thành những bậc hiền tài, giúp vua trị nước. Tên Chu Thần (bầy tôi nhà Chu) của Cao Bá Quát cùng chung một ý ấy.
Cao Bá Quát có tới ba tên khác nhau vừa là tên tự vừa là tên hiệu : Chu Thần, Mẫn HiênCúc Đường, song có sách nóiChu Thần là tự của ông, sách khác lại cho đấy là hiệu của ông. Căn cứ vào một số sách và từ điển (4) thì Hiệu là "Danh hiệu" "Bút hiệu" do đương sự tự đặt lấy, gói ghém ý nguyện ở trong ; Tự là tên chữ Hán, qua tên tự người ta liên tưởng được tên chính. Chu Thần với nghĩa "bầy tôi nhà Chu" đúng là tên tự của Cao Bá Quát. Thơ văn Cao Bá Quát, Danh nhân lịch sử Việt Nam đều chép tự của ông là Chu Thần, hiệu Cúc Đường, bút hiệu là Mẫn Hiên.
3- Học vấn
Cao Bá Quát nổi tiếng "văn hay chữ tốt", nói đến ông không ai không nhớ đến hai câu :
"Thần Siêu (Nguyễn văn Siêu), Thánh Quát"
và :
"Văn như Siêu, Quát vô Tiền Hán,
Thi đáo Tùng (Tùng Thiện Vương), Tuy (Tuy Lý Vương) thất Thịnh Đường"
tương truyền của vua Tự Đức ngụ ý ca tụng văn thơ hai ông Siêu, Quát vượt cả nhà Hán, nhà Đường (5).
Ngay từ nhỏ hai anh em ông Quát đều có tiếng học giỏi, 14 tuổi đã biết làm đủ mọi thể văn bài trường thi và thi Hạch (6) ông Quát đã đỗ Thủ khoa. Tương truyền kỳ thi Hạch ấy hai anh em ông còn quá trẻ, đầu còn để trái đào, nhưng lại làm xong văn bài trước tiên, cổng trường còn đóng chưa được phép ra về bèn rủ nhau đá cầu đợi giờ mở cổng. Quan trường thấy lạ, gọi lại hỏi rồi ra một vế đối để thử tài :
Nhất bào song sinh, nan vi huynh nan vi đệ
(một bọc sinh đôi, khó biết ai là anh ai là em)
Quát đối :
Thiên tải nhất ngộ, hữu thị quân, hữu thị thần
(nghìn năm mới gập một lần, có vua thế nên mới có bầy tôi như thế)
Vì câu trên trỏ vào hai anh em ông nên câu dưới có thể hiểu là ông Quát mà làm vua thì ông Đạt làm bầy tôi. Quan trường lấy làm kinh dị, sai mở cổng cho hai anh em ông về trước.
Theo Trúc Khê Ngô văn Triện kỳ thi Hạch ấy diễn ra ở Bắc Ninh, đầu đề bài thơ là "Thiếu niên anh tuấn" Quát làm bài rất hay nhưng hai câu cuối thất niêm, các bài khác cũng xuất sắc, quan trường không câu nệ, cố chấp, vẫn cho đỗ Đầu Xứ (7).
Vì ông tuổi trẻ đỗ sớm nên mắc tật kiêu ngạo. Để chứng tỏ tính nết kiêu ngạo của ông, người ta thường kể ông từng tuyên bố :"Thiên hạ có bốn bồ chữ, riêng tôi giữ hai bồ, anh tôi giữ một bồ" (có chỗ chép "Anh tôi là Bá Đạt và bạn tôi là Nguyễn văn Siêu giữ một bồ) còn một bồ chia cho kẻ sĩ khắp thiên hạ". Song theo cụ Lãng Nhân, Giai thoại làng Nho toàn tập, thì câu này phỏng theo ý của Tạ Linh Vận (Trung quốc) "Trong thiên hạ tài có một thạch (mười đấu), Tào Tử Kiến (Tào Thực, con Tào Tháo) được tám đấu, riêng tôi giữ một đấu còn một đấu phân phát cho khắp kẻ sĩ cổ kim" (8). Như vậy rõ ràng là chuyện bắt chước Trung quốc, liệu có phải Cao đã "cóp" người xưa thật hay vì thấy ông mang tiếng kiêu ngạo mà có người đã đem chuyện này gán ghép cho ông ? Bởi vì đã có khá nhiều chuyện người ta nói chắc như đinh đóng cột mà xét ra lại không đúng như sẽ được trình bầy ở phần cuối bài này.
Năm 1831 ông thi Hương, được lấy đỗ Á nguyên (đỗ thứ nhì) trường Hà Nội song khi bộ Lễ duyệt lại hạ xuống đỗ cuối bảng. Người ta cho vì cái tính ngông mà mấy lần thi Hội ông đều bị đánh hỏng. Chẳng hạn gập đầu đề thích ý thì ông bất chấp luật trườnng quy, có lần làm bài ông viết đủ bốn loại chữ :thảo, lệ, triện, chân. Có người nói vì quan trường ghét tính ông ngông nghênh, kiêu ngạo nên cố ý đánh hỏng. Chuyện này hơi khó tin vì thi Hội các quan trường chỉ được chấm bản sao do các "ông Nghè bút thiếp" chép bằng mực đỏ thì làm sao có thể nhận biết tự dạng của ông mà đánh hỏng ? Trừ phi các quan thông đồng với nhau sau khi chấm xong và kháp phách (9), biết đích xác quyển văn nào của ông để đánh hỏng.
4- Hoạn lộ
Tuy đỗ Cử nhân từ khoa 1831 nhưng mãi mười năm sau (1841) ông mới được triệu vào Kinh giữ xhức Hành tẩu bộ Lễ, một chức qquan hàng thất hay lục phẩm, có nhiệm vụ truyền các mệnh lệnh của vua, của các quan Thượng Thư hay quan đầu nha môn.
Tháng tám năm 1841 ông được cử làm Sơ khảo trường Thừa Thiên. Lúc chấm bài thấy cố mấy quyển viết hay nhưng lỡ phạm trường quy, ông cùng bạn là Phan Nhạ lấy muội đèn (10) chữa hộ. Việc phát giác, Cao bị giam cầm, đánh đập gần ba năm mới thành án trảm, nhờ vua Thiệu Trị tiếc tài, cho giảm án xuống "giảo giam hậu", tức là đáng lẽ bị chặt đầu thì nay được giam lại chờ ngày bị thắt cổ, được chết toàn thây kể như tội nhẹ hơn. Cuối cùng án đổi sang "dương trình hiệu lực" nghĩa là được phép lập công chuộc tội, đi theo phái đoàn Đào Trí Phú sang "Tây dương" bán hàng nội hóa và mua những sản vật Tây phương như ống dòm, phong vũ biểu v.v...
Về chuyện ông được cử đi xứ nào mỗi chỗ chép một khác, người thì nói đi Tân-gia-ba, người nói đi In-đô-nê-xia, người nói đi Căm-pu-chia, người nói đi Ba-ta-via v.v... bởi chữ "đi Tây dương" không minh bạch. Thuyết đi Tân-gia-ba có lý hơn cả, dựa vào mấy câu thơ sau đây ông viết bằng chữ Hán, Trúc Khê dịch :
Nhai văn nhá chữ buồn ta,
Con giun còn biết đâu là cao sâu !
Tân-gia từ biệt con tầu,
Mới hay vũ trụ một bầu bao la (11).
Năm 1843, sau khi xuất dương về, ông trở lại Đà Nẵng rồi được phục chức ở bộ Lễ, sau thăng Chủ sự, rồi lại bị sa thải phải quay về Thăng Long sống những ngày rất túng thiếu.
Năm 1847, sau bốn năm bị thải, ông lại được triêu vào Kinh làm trong Hàn-lâm-viện. Hơn một tháng sau phải đi công cán ở Đà Nẵng, rồi trở về sưu tầm, sắp xếp các "văn thơ" cho vua (có chỗ chép các "vần thơ" cho vua vì vua Tự Đức thích làm thơ nên muốn có vần sắp sẵn).
Năm 1850, ông đổi đi làm Giáo thụ ở Quốc Oai (Sơn Tây). Năm 1853 các tỉnh Sơn Tây, Kinh Bắc bị nạn châu chấu cắn lúa, dân đói khổ, nổi loạn. Ông từ chức, lấy cớ nuôi mẹ già rồi liên lạc với các nhóm nghĩa quân, bầu Lê Duy Cự (tức Duy Đồng, tự xưng là cháu bốn đời của Lê Hiển Tông) lên làm Minh chủ, mình làm Quốc sư. Ông khởi nghĩa ở Mỹ Lương, tức Chương Mỹ và Lương Sơn, Bắc Ninh), tiến đánh vùng Hà Nội, Sài Sơn (Sơn Tây) nhưng mấy tháng sau thua trận phải rút về Mỹ Lương. Tháng 11 năm 1854 ông mất.
5- Cái chết của Cao Bá Quát
Về cái chết của ông có nhiều thuyết khác nhau. Một số người tin ông bị bắt, giải về Hà Nội rồi đưa vào giam ở Huế trước khi đem ra chém đầu, Trong thời gian bị giam trong ngục ông làm hai đôi câu đối nổi tiếng :
Một chiếc cùm lim chân có đế,
Ba vòng dây xích bước cỏn vương.
và :
Ba hồi trống giục, đù cha kiếp,
Một nhát gươm đưa, đ... mẹ đời !
Dựa vào văn phong người ta có thể tin là do ông sáng tác được song theo chính sử nhà Nguyễn, Đại Nam Thực Lục Chính Biên, thì năm 1854 ông bị "suất đội Đinh Thế Quang bắn chết tại trận. Vua Tự Đức hạ lệnh bêu đầu ông khắp các tỉnh miền Bắc rồi bổ ra ném xuống sông. Sau Quang được thăng lên Cai đội" (12). Như vậy là ông chết trận chứ không hề bị giam cầm, chết trận không nhục nhã bằng bị giam cầm rồi đưa ra chém. Bộ Thực Lục do các sử thần nhà Nguyễn chép, không có lý do gì dám sửa sự thật để giữ thể diện cho một phản thần nhà Nguyễn. Cho nên, theo tôi, hai đôi câu đối trên là ngụy tạo.
Cũng có thuyết nói ông bị bắt và tự sát trên đường giải về Kinh. Có lẽ người ta đã nhầm ông với anh ông là Bá Đạt khi ấy đang làm Tri huyện Nông Cống (Thanh Hóa), vì em làm phản bị vạ lây, giải về Kinh, giữa đường cắn ngón tay viết bản trần tình rồi tự tử.
Lại có thuyết cho khi bị giải về Hà Nội, có người thương ông đã đem một tử tù giống ông thay thế để ông trốn lên Lạng Sơn làm sư, mấy năm sau mới chết, nhưng không đưa ra bằng chứng (13).
Người ta còn nói ông bị vu hãm vào tội phản nghịch mà chết, chẳng hạn ngồi nói chuyên với Tùng Thiện Vương, ông chê Tổng đốc Sơn Tây Nguyễn Bá Nghi là dốt nên Nghi để tâm thù, biết ông dự một đám chay có cờ bằng giấy, gươm bằng gỗ cũng cứ vu cho ông tội "khởi nghĩa" đóng cũi đem về Hà Nội chém. Thuyết khác nói ông từng làm gia sư cho một viên Tri Huyện chỉ có chân Tú tài nên bị một Chánh tổng khinh, ông giúp viên Tri huyện vu oan cho Chánh tổng tội phản nghịch phải xử tử nên sau bị quả báo v.v...
Ông Quát có thể phê bình chê Bá Nghi nhưng tại sao ông ngồi với Tùng Thiện Vương mà Bá Nghi lại nghe được ? Còn chuyện viên Tri huyện thù Chánh tổng thì gia sư Cao, vốn vẫn khinh những người dốt, sao lại có thể giúp Tri huyện dốt mà không đồng tình với viên Chánh tổng ?
6- Tâm trạng Cao Bá Quát
a) Chu Thần hay phản thần ?
Vì sao Cao Bá Quát trước làm quan với nhà Nguyễn, chọn tên tự là Chu Thần mà sau lai quay ra làm phản chống lại Nguyễn triều ? Phần đông người ta cho vì ông bất mãn với chính thể, có tài mà không được trọng dụng. Sở dĩ ông bị nhiều người ghét bỏ chính là vì cái tinh kiêu ngạo, khinh người khiến cho con đường sĩ hoạn lộ của ông bao phen lận đận mà vẫn không toại chí. Khi giữ chức Giáo thụ ở Quốc oai, gập năm mất mùa, nhân dân nổi loạn ông mới quyết tâm xoay thế cuộc, dứt tình với nhà Nguyễn, phất cờ khởi nghĩa, tố cáo triều đình không phải thời Nghiêu, Thuấn.
Có người đi xa hơn nữa, cho là ông nuôi mộng đế vương (14), dựa vào đôi câu đối ông sáng tác khi ông bị giam trong ngục trước khi bị xử trảm :
Một chiếc cùm lim chân cố đế,
Ba vòng dây xích bước còn vương.
"đế " và "vương" ở cả dưới chân ông. Song chính sử đã chép ông bị chết trận chứ không bị giam trong ngục, đôi câu đối này rõ ràng là ngụy tạo, thuyết "mộng đế vương" không có cơ sở. Hơn nữa, nếu quả ông nuôi mộng đế vương thì sao không tự mìng xưng làm Minh chủ mà lại suy tôn Lê Duy Cự lên chức ấy, chỉ nhận mình là Quốc sư cho thêm rắc rối ? Phải chăng vì ông tự biết mình không đủ uy tín nên phải dựa vào Lê triều ?
Thuyết ông bất mãn với thời cuộc hợp lý hơn.
b) Mặc Vân Thi Xã
Thi Xã này do Tùng Thiện Vương Miên Thẩm và Tuy Lý Vương Miên Trinh, con vua Minh Mạng lập ra để cùng các nhà thơ đương thời trong hoàng tộc và các danh sĩ xướng họa.
Tương truyền Cao Bá Quát đã chê thơ của Thi Xã như sau :
Ngán cho cái mũi vô duyên,
Câu thơ Thi Xã, con thuyền Nghệ An.
(thuyền Nghệ An chở nước mắm nên nặng mùi).
Tuy nhiên, không thiếu gì người chép ông là bạn tri kỷ của Tùng Thiện Vương. Đặc biệt khi ông đổi đi làm Giáo thụ Quốc Oai, Tùng Thiện Vương nhờ ông đề Tựa cho tập thơ mới sáng tác, ông đã viết bài Tựa hai trang (15). Xưa nay người ta viếtTựa để khen, dù là khen dè dặt chứ không ai viết để chê. Một mặt Cao chê thơ Thi Xã, mà Tùng Thiện Vương làm Minh chủ, nặng mùi, mặt khác lại khen thơ Vương và làm bạn tri kỷ của Vương, mâu thuẫn là ở chỗ ấy. Sở Cuồng giải thích là trước kia Cao vẫn tỏ ý khinh thị hai anh em Vương nhưng nhờ hai Vương đều trọng tài ông và tính khí độ lượng nên về sau cảm hóa được ông trở thành bạn và gia nhập Thi Xã. Tuy cách giải thích cũng có lý nhưng tôi vẫn thấy bất ổn. Người ta chỉ nói Cao Bá Quát rất mực thông minh và kiêu ngạo không thấy ai nói ông "tiền hậu bất nhất". Đã chê tất phải thấy thơ không hay, rồi vì cảm tình riêng mà bỗng chốc thơ không hay lại hoá hay thì khó mà tin được. Mấy câu thơ trên chắc cũng là ngụy tạo.
c) "Tử năng thừa phụ nghiệp"
Đây cũng là một thí dụ người ta đưa ra để chứng tỏ tinh ngạo mạn của Cao. Tương truyền một hôm Cao đến chơi, Tùng Thiện Vương đem đôi câu đối mới làm ra khoe :
Tử năng thừa phụ nghiệp (nghiệp cha con nên nối theo)
Thần khả báo quân ân (ơn vua kẻ làm tôi nên báo)
Cao đọc xong chê :"Tối hảo ! Tối hảo ! Quân thần điên đảo !" (sao con lại đứng trước cha, tôi đứng trước vua ?). Vương yêu cầu sửa lại, Cao bèn viết :
Quân ân thần khả báo
Phụ nghiệp tử năng thừa.
Có sách chép đôi câu đối này là của vua Tự Đức, sự thật nó là của người Trung quốc, it nhất đã được kể trong hai cuốn Nhất kiến cáp cáp tiếu Hải Nam nhân vật chí (16) Dựa vào Hải Nam nhân vật chí, Sở Bảo viết :"Danh thần đời Minh Khâu Văn Trang khi tám, chín tuổi đi qua cổng một vị quan to về hưu có treo đôi câu đối mới gỗ sơn son thếp vàng. Mỗi lần đi qua Khâu giơ tay đánh lõ tót (?) vào câu đối tỏ ý khinh bỉ. Viên quan già cho đòi vào hỏi lý do, Khâu chê đôi câu đối không hay, con đứng trước cha, tôi đứng trên vua là bất kính. Viên quan hỏi Khâu có biết sửa không, Khâu nói có biết và sửa lại như trên.
Hai chuyện giống nhau như hệt, vậy ai "cóp" ai ? Khâu là danh thần đời Minh, Cao là danh nho thời Nguyễn, dĩ nhiên Khâu không thể "cóp" Cao được. Nhưng liệu có phải Cao đã "cóp" Khâu hay không ? Khẩu khí của hai câu "Quân ân thần khả báo", "Phụ mhiệp tử năng thừa" có hợp với tính tình Cao hay không ? Một người có tính ngạo mạn, quật cường, đã từng lên án vua Tự Đức không phải Nghiêu, Thuấn, đã phất cờ khởi nghĩa với hai câu thêu trên cờ :
Bình Dương, Bồ Bản vô Nghiêu, Thuấn
(ở Bình Dương, Bồ bản đã không có vua hiền như Nghiêu, Thuấn)
Mục Dã, Minh Điều hữu Võ, Thang
(thì ở Mục Dã, Minh Điều tất phải có những người như vua Võ, vua Thang) (17).
có thể nào lại câu nệ "tôn ti trật tự" đến thế trong văn thơ không ?
Biết con không ai bằng cha, tương truyền cụ Đồ Cao xem văn hai con đã đánh giá như sau : "Văn Bá Đạt hơn về khuôn phép mà thiếu tài tử, văn Bá Quát hơn về tài tử mà thiếu khuôn phép" (18).
Chính mình từ nhỏ văn đã thiếu khuôn phép lại có thể chê văn người "cương thường điên đảo" được ư ? Có thực Cao Bá Quát mâu thuẫn đến bậc ấy không ?
Người đời gán ghép hai câu ấy cho ông, tưởng làm tăng giá trị của Cao lên nhưng lại không nghĩ rằng vì thế khiến Cao mang tội "đạo văn".
Châtenay-Malabry thàng 1-1991
Giao Điểm số 3, tháng 5-1991
Sửa lại, Hà Nội tháng 12-2008

CHÚ THÍCH

1- Thơ văn Cao Bá Quát, tr.9, 342-4.
2- Tuy có thể là Cao cãi bướng nhưng ngày nay y học nhìn nhận ngưới sinh trước là em.
3- Luận Ngữ, tr. 295.
4- Toan Ánh, Nếp cũ, tr. 53.
5- Sở Cuồng nói là của Trung quốc, Cao Bá Quát, Tư liệu, tr. 186.
Nguyễn văn Siêu (1799-1872) hiệu Phương Đình, người huyện Thọ Xương.
Tùng Thiện Vương Miên Thẩm (1819-1870), con thứ 10 vua Minh Mệnh.
Tuy Lý Vương Miên Trinh (1820-1897), con thứ 11 vua Minh Mệnh.
6- Lãng Nhân, Giai thoại Làng Nho Toàn tập, tr. 306. chép là thi Hương năm 14 tuổi, Ông sinh năm 1808 + 14 = 1822, nói ông đỗ Cử nhân năm 1822 là không đúng vì ông đỗ khoa 1831.
7- Trúc Khê, tr. 336. chép ông thi Hach đõ Đầu Xứ ở Bắc Ninh, mới hợp lý.
8- Lãng Nhân, sđd tr. 303 -
Lê Quý Đôn, Vân Đài Loại Ngữ, tr. 252.
9- Kháp phách : Quyển văn của học trò phải rọc phách tức là xé trang đầu cung khai tên tuổi, quê quán v.v... cất đi trước khi giao cho quan trường chấm để tránh chuyện gian lận, chấm xong , xếp thứ tự rồi mới đem cái phách tức tờ cung khai tên tuổi ra ráp vào quyển thi, gọi là kháp phách, để biết tên tác giả quyển thi.
10- Theo Thực Lục, ông làm Sơ khảo trường Thừa Thiên chứ không phải Phúc khảo. Theo lệ, quan trường chấm bằng mực xanh, hồng hay son ta, son Tầu nhg cấm khg được dũng mực đen như học trò nên ông phải hơ son lên đèn cho thành muội đèn mầu đen để sửa hộ bài cho học trò.
11- Trúc Khê, tr. 353- Lãng Nhân, tr. 311.
12- Thực Lục, XXVIII, tr. 85.Thực Lục về Dực Tôn Anh Hoàng Đé,quyển XI, đệ tứ kỷ (1854-58)
13- Sở Cuồng, Cao Bá Quát, Tư liệu, tr. 89.
14- Lê Kim Ngân, Văn Học Việt Nam thế kỷ XIX, tr. 218.
15- Thơ văn Cao Bá Quát, tr. 33.
16- Sở Bảo, "Râu nọ cầm kia", Trung Bắc Chủ Nhật, số 13, 26-5-1940.
17- Sở Cuồng, Cao Bá Quát, Tư liệu, tr. 88.
Vua Nghiêu đóng đô ở Bình Dương, vua Thuấn đóng đô ở Bồ Bản.
Vua Võ đánh vua Trụ ở Mục Dã, vua Thang diệt vua Trụ ở Minh Điều.
(Kiệt, Trụ là hai ông vua tàn ác, hại dân)
18- Lê Kim Ngân, tr. 186.

SÁCH THAM KHẢO
Cao Bá Quát Toàn Tập, tập I. TP Hồ Chí Minh : Văn Học & Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Học, 2004.
Cao Bá Quát. Tư liệu - Bài viết từ trước tới nay. TP Hồ Chí Minh : Văn Học & Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Học, 2004.
Diên Hồng, Từ Điển Thành ngữ, Điển tích, Houston, Texas : Zieleks tái bản, 1981.
Đại Nam Thực Lục Chính Biên. Hà Nội : Sử Học, Khoa Học, KHXH, 1962-1978.
Đặng Thị Hảo, Từ Điển Văn Học, I I, Hà Nội : KHXH, 1984 (Nguyễn Thuyên).
Đào Duy Anh, Đất nước Việt Nam qua các đời, Hà Nội : KHXH, 1965 ; Paris : Đông Nam Á tái bản.
Đào Trinh Nhất, "Đức Minh Mệnh quở trách Khâm Thiên Giám", Trung Bắc Chủ Nhật, số 187, 12-12-1943.
Đoàn Trung Còn dịch , Luận Ngữ. Saigon : Trí Đức Tùng Thư, 1950 (?).
Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục. Hà Nội : Văn Sử Địa, 1957.
Lãng Nhân, Giai Thoại Làng Nho Toàn tập. Saigon : Nam Chi Tùng Thư, 1966 ; tái bản ở Mỹ.
Lê Kim Ngân, Văn học Việt Nam thế kỷ XIX, Phần Cổ văn.
Lê Quý Đôn, Vân Đài Loại Ng. Saigon : Phủ Quốc Vụ Khanh đặc trách Văn Hóa, 1972.
Dịch giả : Tạ Quang Phát.
Nguyễn Huyền Anh, Việt Nam danh nhân từ điển. Houston, Texas : Zieleks, 1981.
Nguyễn Lộc, Từ Điển Văn Học, I, Hà Nội : KHXH, 1983.
Sở Bảo, "Râu nọ cầm kia", Trung Bắc Chủ Nhật số 13, 26/5/1940.
Toan Ánh, Nếp cũ, Con người Việt Nam. Xuân Thu tái bản ở Mỹ.
Thơ văn Cao Bá Quát. Hà Nội : Văn Học, 1984.
Trần văn giáp chủ biên, Lược truyện các tác gia Việt Nam, I. Hà Nội : Sử Học, 1962.
Trương Hữu Quỳnh, Phan Đại Doãn, Danh nhân lịch sử Việt Nam. Hà Nội : Giáo Dục, 1987.
Tuyển Tập TrúcKhê Ngô văn Triện . Văn Hóa Thông Tin, 2003.
Vũ Ngọc Khánh, Bi kịch nhà vua. Hà Nội : Văn Hóa, 1990.
______________


Tú Xương có đi thi chữ Quốc ngữ không?

(trích Lối xưa xe ngựa - Nguyễn Thị Chân Quỳnh)

Đây là một loạt ba bài đăng trong Thế Kỷ 21 để tranh luận với ông Bằng Vũ vì ông cho rằng Tú Xương có đi thi chữ quốc ngữ :
Địa vị chữ quốc ngữ và chữ Pháp hồi đầu thế kỷ XX.
Tú Xương có thi chữ quốc ngữ hay không ?
Ai cứng đầu ?
I - Khoa cử thời cái cách
Địa vị chữ quốc ngữ và chữ Pháp hồi đầu thế kỷ XX
Sau khi chinh phục nước ta bằng vũ lực, Pháp nghiên cứu phép cai trị của " dân bản xứ ", nhận thấy quyền hành nằm cả trong tay vua quan. Câu hỏi họ đặt ra lúc ấy là nên giữ hay nên bỏ chế độ cũ ? Sau khi thử đi tính lại, họ quyết định duy trì trật tự có sẵn, chỉ " chặt bớt tay chân " nhà vua để giảm sức phản kháng của triều đình bằng cách tước hết quyền hành của các quan, biến bọn này thành những người thừa hành mệnh lệnh của họ, do đó Khoa cử được tiếp tục tổ chức. Để tỏ ra " nước mẹ " vẫn quan tâm đến vấn đề khai hoá " dân bản xứ " và cũng thể theo lời yêu cầu của một số trí thức của ta, nhà nước Bảo hộ đưa ra những đề nghị cải cách Khoa cử. Theo Bằng Vũ (Thế kỷ 21, số 14) thì nghị định cải cách do Toàn quyền Doumer ký từ 6/6/1898. Tôi chưa được đọc nghị định này (1) song tôi nghĩ chính nó là cha đẻ ra đạo dụ Thành Thái năm thứ XVIII (1906) bắt các Thí sinh phải thi môn chữ Pháp kể từ 1903 theo Doumer, kể từ 1907 theo Thành Thái. Tại sao phải đợi 8 năm triều đình ta mới " biến " được nghị định của Doumer thành sắc dụ ? - Có thể do sĩ phu nhao nhao phản đối và triều đình cũng nhận thấy khó lòng thực hiện nổi chính lệnh của Doumer trong một thời gian quá ng?n cho nên sau khi bàn ra tán vào, triều đình mới quyết định, năm 1906, thành lập một Hội đồng Học vụ để quy định phép học và phép thi, b?t đầu áp dụng từ năm 1907. Như thế có nghĩa là những khoa thi Hương năm 1900, 1903, 1906 vẫn được tổ chức y như cũ, chữ Hán vẫn chiếm địa vị độc tôn. Về phép thi Hương, Hội đồng quyết định như sau :
Kỳ 1 : (cũng gọi là trường 1) : 5 đạo văn sách hỏi về luân lý, sử, địa, luật, chính trị, viết bằng chữ Hán,
Kỳ 2 : 3 bài luận quốc ngữ (văn, sử, địa, cách trí).
Kỳ 3 : 2 bài chữ Pháp :
- 1 bài chữ Pháp dịch ra quốc ngữ,
- 1 bài chữ Hán dịch ra chữ Pháp.
Kỳ 4 = Phúc hạch :
- 1 luận chữ Hán,
- 1 luận chữ quốc ngữ,
- 1 bài chữ Pháp dịch ra chữ Hán.
(Đại nam điển lệ, tr. 397).
Ta nhận thấy mỗi khoa vẫn chỉ có bốn kỳ như thường lệ, nhưng kể từ nay chữ quốc ngữ và chữ Pháp đều là những môn thi b?t buộc như chữ Hán.
Ta cũng nhận thấy chữ Nôm không được nhắc đến. Chữ Nôm tuy được đặt ra từ lâu và đã cống hiến cho nền văn học nước nhà những áng văn thơ bất hủ, song trừ một vài trường hợp đặc biệt như dưới thời Mạc Mậu Hợp, đề mục kỳ đệ tứ khoa Tiến sĩ năm 1565 là một bài phú Nôm (2) và dưới thời Quang Trung, kỳ thi Hương ở Nghệ An khoa 1789 bài làm viết bằng chữ Nôm tuy đầu bài vẫn bằng chữ Hán - Nguyễn Thiếp tức La Sơn Phu tử làm Đề điệu (3) - còn thì chữ Nho vẫn chiếm địa vị độc tôn, thứ nhất dưới triều Nguyễn. Nhà nước phong kiến coi chữ Hán mới đủ nghiêm túc để " chở đạo ", để bàn những vấn đề " kinh bang tế thế ", chữ Nôm chỉ được dùng những lúc giải trí, vui chơi ngẫu hứng, tuyệt nhiên không được có mặt trong các kỳ thi, bởi Khoa cử kén người ra gánh vác những việc " quốc gia dại sự " nên không dùng dến thứ chữ " nôm na mách qué " ấy !
Trên nguyên tác, chương trình cải cách sẽ được áp dụng từ năm 1907, song trung bình ba năm mới có một khoa thi, mà năm 1906 vừa trùng với Khoa thi Hương năm Bính Ngọ, nên chỉ có thể thực sự áp dụng cải cách vào khoa kế tiếp, năm 1909, trừ phi có ân khoa, tức là một khoa ngoại lệ được tổ chức vào những dịp vui mừng đặc biệt như vua mới lên ngôi chẳng hạn. Năm 1907 quả vua Duy Tân lên kế vị vua cha Thành Thái vừa bị hạ bệ, song tôi không nghe nói có ân khoa nào trong dịp này.
Đáng lẽ quyết định của Hội đồng được áp dụng kể từ 1909, nhưng có thể vì sĩ phu phản đối hay vì chính quyền nhận thấy khó lòng thực hiện được nên đến năm 1908 lại thành lập thêm một Hội đồng Cải cách Học vụ (Conseil de Perfectionnement de l'enseignement indigène) sửa lại những quyết định năm 1906 của Hội đồng Học vụ như sau :
a) Thi Hương
Kỳ 1 : 5 đạo văn sách,
Kỳ 2 : 2 bài luận chữ Hán,
Kỳ 3 : 3 bài luận chữ quốc ngữ.
Trúng kỳ 1 mới được vào thi kỳ 2, trúng kỳ 2 mới được vào thi kỳ 3, trúng cả ba kỳ, ai tình nguyện thi chữ Pháp sẽ dịch một bài chữ Pháp ra chữ quốc ngữ, ai không thi không b?t buộc.
Kỳ 4 = Phúc hạch :
1 bài luận chữ Hán (kinh sử)
1 bài luận chữ quốc ngữ (cách trí, địa dư, sử)
b) Thi Hội
Kỳ 1 : 7 đạo văn (kinh, truyện (4), Nam sử, B?c sử, Thái tây liệt quốc sử, cách trí, địa dư, luật nước nhà).
Kỳ 2 :
1 bài chiếu dụ
1 bài tấu sớ
1 biểu văn (5)
cả 3 đều bằng chữ Hán, văn kim
Kỳ 3 :
1 luận bằng chữ Hán
1 luận chữ quốc ngữ
Kỳ 4 : 7 đạo sách văn (địa dư, chính trị Đông dương, chính trị nước ta, nhân vật nước ta, hiến chương sáu Bộ, thời vụ) (6).
Ta nhận thấy lần này thi Hương có thêm một kỳ đặc biệt dành cho những ai tình nguyện thi chữ Pháp. Câu thơ " Bốn kỳ trọn vẹn, thêm kỳ nữa " có phải đã được Tú Xương viết sau khi có quyết định này không ? - Chắc chắn là không, bởi vì nhà thơ đã mất ngay từ năm trước (1907), ta chỉ có thể phỏng đoán rằng tuy dự tính cải cách đến 1908 mới chính thức công bố, song dân chúng đã được nghe phong thanh từ trước.
Sau khi công bố, chương trình cải cách có được triệt để áp dụng không ? Tôi thu thập được đầy đủ chi tiết hai khoa thi Hương 1909 và thi Hội 1910, xin chép cả ra đây :
a) Thi Hương khoa 1909, trường Hà Nam (7)
5/11/1909
Kỳ 1 : 5 đạo văn sách (tu thân, ngũ luân, Nghiêu Thuấn và Khổng Tử, Khoa cử Trung quốc và Khoa cử thời nhà Lê, phép cai trị Đông Dương).
Kỳ 1 có 3068 Thí sinh, 934 người đỗ, được phép thi kỳ 2.
5/11/1909
Kỳ 2 : 2 bài luận chữ Hán (kinh, sử)
408 người đỗ, được dự thi kỳ 3.
2/12/1909
Kỳ 3 : 3 bài luận quốc ngữ (văn, địa dư, khoa học và tính đố).
261 người đỗ, được vào Phúc hạch.
8/12/1909
Kỳ thi đặc biệt dành cho những ai tình nguyện thi chữ Pháp. Đề mục là một bài chữ Pháp đơn giản, dịch ra chữ quốc ngữ.
32 người thi, 20 người đỗ.
11/12/1909
Kỳ 4 = Phúc hạch :
1 bài luận chữ Hán
1 bài luận chữ quốc ngữ
đều hỏi về đạo trị nước.
Lấy đỗ 50 Cử nhân và 150 Tú tài
16/12/1909
Yết bảng và lễ Xướng danh.
b) Thi Hội khoa 1910 (8)
Kỳ 1 : 10 đạo văn sách (chứ không phải 7) hỏi về kinh, truyện, Nam sử, B?c sử. Chỉ làm 6 bài cũng đủ, ai giỏi muốn làm nhiều hơn càng tốt.
Kỳ 2 :
1 bài chiếu dụ
1 sớ, tấu
1 biểu
Kỳ 3 :
1 bài luận chữ Hán
2 bài luận quốc ngữ (đầu bài bằng chữ Hán, bài làm viết quốc ngữ).
Kỳ 4 : 10 đạo văn hỏi sách hỏi về Thái tây, cách trí, địa dư nước nhà và thời sự.
Ai trúng cả ba kỳ đầu và tình nguyện thi chữ Pháp sẽ dịch một bài chữ Pháp ra quốc ngữ. Đầu bài sẽ do tòa Khâm sứ ra, chọn một đường quan (quan lớn) ở kinh, người Việt hiểu chữ Pháp chấm. Theo Quốc Triều Đăng Khoa Lục thì các khoa thi Hội năm 1901, 1904 và 1907 vẫn được tổ chức như cũ, nghĩa là chữ Hán chiếm địa vị độc tôn.
Tóm lại hai khoa thi Hương năm 1909 và thi Hội năm 1910 đích thực là hai khoa đầu tiên áp dụng chương trình cải cách như đã chua rõ trong Quốc Triều Đăng Khoa Lục Concours triennal du Tonkin, 1909 (9). Ta thấy chữ quốc ngữ nay được nâng lên địa vị ngang với chữ Hán, chữ Pháp mới chỉ là môn thi phụ, " tình nguyện " chứ không b?t buộc. Theo Robert de la Susse (10) thì đến khoa 1912 chữ Pháp vẫn chỉ là môn tình nguyện. Về quốc ngữ, khoa trước (1909) đầu bài ra bằng chữ Hán, Thí sinh cũng làm bài bằng chữ Hán rồi phiên âm ra quốc ngữ khiến những ai không biết chữ Hán đọc không hiểu (11), kỳ này đề mục ra thẳng bằng quốc ngữ. Phải đợi đến khoa 1915, theo Trần Văn Giáp chữ Pháp mới trở nên một môn thi b?t buộc vào kỳ đệ tam. Tiếng gọi là môn thi b?t buộc nhưng chữ Pháp lúc ấy chưa thể sánh ngang với chữ Hán, Thí sinh chỉ phải dịch một bài chữ quốc ngữ ra chữ Pháp chứ chưa đủ khả năng viết một bài tràng giang đại hải như khi viết luận chữ Hán.
Nói vậy không có nghĩa là tiếng Pháp lúc đầu không được " dân bản xứ " hoan nghênh, đã có người từ hoan nghênh đi đến khâm phục sát đất, đề nghị nên dùng " tiếng Pháp làm quốc văn " và vứt bỏ tiếng ta đi. Trong Nam Phong số 22 (1919) Thượng Chi (Phạm Quỳnh) đã trích lại lập luận của một " thức giả " (12) : " Nói thương tiếc tiếng An Nam vẫn là hay lắm, nhưng một tiếng nghèo nàn kém cỏi như tiếng An Nam mình thương sao cho đặng ? Chi bằng ta liệu sớm mà bỏ đi, mà theo học một thứ tiếng rất hay, rất đẹp, rất cao thượng, rất hoàn toàn là tiếng Pháp...Tiếng An Nam ta không đủ dùng, không biết còn tập luyện đến bao giờ mới thành được một thứ tiếng hoàn toàn ? Tiếng Pháp không đợi ta tập luyện đã là một tiếng hoàn toàn...Ta thông đồng được với mấy trăm triệu người trên thế giới, chẳng hơn là dùng tiếng An Nam chỉ ngót 20 triệu người hiểu được mà thôi...Hiện tình không những Nam kỳ mà ngay ở Bắc kỳ phàm bọn thượng lưu giao thiệp với nhau toàn dùng tiếng Pháp cả ; tiếng An Nam không ai bảo bỏ mà tự nhiên cũng bỏ, vì dùng nó không tiện bằng tiếng Pháp...Không mấy nỗi mà cả xã hội ta sẽ dùng tiếng Pháp làm cái tiếng phổ thông. Đó là kết quả tự nhiên của Tây học, dầu không muốn cũng không được...Tôi có thằng con nhỏ từ thưở biết nói tôi cho vào học trường Tây, nói thuần tiếng Tây ; nay nó không nói một tí tiếng ta nào nữa ". Đọc mà bàng hoàng. Dĩ nhiên Thượng Chi đã phản đối từng điểm cái đề nghị kỳ quặc của ông Tây da vàng này.
Về phần chữ quốc ngữ thì ngay từ bước đầu đã chiếm được một địa vị khả quan trong các khoa thi, tuy chưa đánh bật được chữ Nho ra ngoài. Tuy thế, dân chúng lại không " nhất trí ". Trừ những bậc sáng suốt như Trần Quý Cáp hay nhóm " Đông Kinh Nghĩa Thục " v.v...đề cao chữ quốc ngữ, phần đông vẫn bảo thủ, khinh bỉ thứ chữ do các giáo sĩ ngoại quốc đặt ra. Đấy là thành phần trí thức, người dân quê xem ra lại còn bảo thủ hơn, nếu ta dựa vào mấy bài đăng trong Nam Phong : Nguyên Tất Tế, Tri phủ Mỹ Đức, trong Nam Phong số 21, viết : " Trong 100 người có đến 60 người có thể miệng đọc tay viết được (chữ Nho) trên dưới thông dụng thành ra chữ bản quốc...Nhiều khi tôi bảo Tổng sư dậy trẻ thuần bằng quốc ngữ cho chóng thì bố mẹ đem ngay con đi tìm thầy khác. Hỏi cớ sao, người ta đáp : " Quốc ngữ mất dấu, chữ nọ ra chữ kia, nếu không học Nho, ch?c sau con cháu lẫn cả tên ông vải...Thấy trường Pháp Việt mở ra cũng biết cho con học đó thì dễ kiếm ăn, ngặt vì nhà nghèo, một quyển " lecture " (tập đọc) giá 7 hào, đ?t hơn 4 quyển Tứ truyện (Tứ thư), một tập giấy Tây giá hào rưỡi, đ?t bằng 100 tờ giấy Nam ; mình làm mồ hôi, nước m?t nửa năm trời không đủ tiền gửi con vào trường học một tháng, đành cho con học Nho vậy, để biên ký việc nhà " (13).
Trần Duy Nhất, (Nam Phong số 47) đặt câu hỏi : "Tại sao mà sự quốc dân giáo dục không có cơ tiến bộ ? ". Theo tác giả thì phần đông cho " học quốc ngữ là vô dụng ". Chỉ vì nghị định b?t người ra làm Tổng Lý phải biết chữ quốc ngữ nên khi nào s?p đi làm họ sẽ học rút. Họ nói " Học làm quái gì chữ cò quăm mách qué ấy ? Chữ Thánh hiền nào lại có chữ thánh thế ? Thánh nào lại dậy nhảm nhí những con cua, con ốc ấy ? đến đàn bà, trẻ con cũng thừa biết nữa là " (14). Bởi những người này đơn giản nghĩ rằng học chữ quốc ngữ hiểu ngay, không phải học nghĩa như chữ Nho, nên cho rằng không khó, không học cũng biết, không cần học, và tin tưởng rằng " học quốc ngữ thì đến già đời cũng không làm gì được ". Đến khấn vái tổ tiên cũng dùng chữ Nho, sợ chữ Nôm sai lạc, gia phả, chúc thư, văn tự, văn tế, đơn từ đều bằng chữ Nho. Khi nhà cầm quyền cưỡng ép b?t họ cho con em đi học chữ quốc ngữ hay chữ Pháp thì có người " coi chỗ học đường hầu như giám thất, mà cho đi học là một cái tội, phải b?t bớ, phải chạy bậy mới được thả ra " (15). Người dân quê hồi đầu thế kỷ tôn trọng chữ Hán không có gì lạ bởi Khoa cử chỉ mới bị bãi bỏ từ năm 1919, nhưng đến 1970 mà họ vẫn tôn trọng chữ Nho thì quả là điều đáng cho ta lưu ý. NguyễnVăn Xuân, trong Phong Trào Duy Tân (1970) viết : " Ở thôn quê hiện nay, đôi nơi vẫn còn cái tục trọng chữ thánh hiền, người ta dùng bất kỳ thứ giấy quốc ngữ, Tây, Mỹ để biến thành giấy vệ sinh, nhưng giấy có chữ Nho thì tuyệt nhiên không bao giờ ! " (16), mặc dầu khi ấy chữ quốc ngữ đã chiếm một địa vị vượt xa chữ Hán. Cho nên nói rằng đạo Nho thâm nhập cốt tuỷ của dân ta không phải là nói ngoa vậy.
Chatenay-Malabry tháng 8, 1990

Chú thích
(1) - Phan Kế Bính, (Việt Nam Phong Tục), Trần Văn Giáp (Khai Trí Tiến Đức Tập san số 2 và 3) đều không đả động đến nghị định của P. Doumer chỉ có Đại Nam Điển Lệ (tr. 369) nh?c tới " nghị định của Thống sứ Bắc kỳ ".
(2) - Trần Lê Sáng, Phùng Kh?c Hoan, Hà Nội, 1985, tr. 30.
(3) - Nguyễn Trọng Thuật, " Vấn đề quốc văn ", Nam Phong số 182, 3-1933, tr. 271.
(4) - Kinh = những lời giảng dậy của Khổng Tử ở phần đầu các kinh sách.
Truyện = những lời giảng giải thêm của môn đệ Khổng Tử ở phần cuối kinh sách.
(5) - Chiếu = lời vua ban cho thần dân.
Biểu = bài văn của thần dân dâng lên vua để bầy tỏ điều gì.
Sớ = tờ điều trần dâng lên vua.
(6) - Nguyễn Sĩ Giác, dịch giả, Đại Nam Điển Lệ, Saigon : Viện Đại Học Saigon, 1962.
(7 & 9) - Concours triennel du Tonkin, 1909. Hanoi-Haiphong : nhà in Extrême-Orient, tr. 7 " Cette épreuve (facultative) de français, de même que la troisième épreuve de langue annamite était une innovation car dans les précédents concours toutes les compositions étaient rédigées en chinois ". (Kỳ thi chữ Pháp (tình nguyện) này cũng như kỳ thi trường ba bằng chữ quốc ngữ là một điều mới lạ, vì trong các khoa thi trước, tất cả mọi bài làm đều viết bằng chữ Hán).
(8) - Cao Xuân Dục, Quốc Triều Đăng Khoa Lục, dịch giả Lê Mạnh Liêu. Saigon : Bộ Quốc Gia Giáo Dục, 1962.
(10) - Robert de la Susse, " Les concours littéraires en Annam ", Revue Indochinoise N°2, 1913.
(11) - Một số người Pháp biết quốc ngữ được cử ra phụ giúp quan chấm trường.
12 - Thượng Chi (Phạm Quỳnh) " Chữ Pháp có làm quốc văn Annam được không ? ", Nam Phong số 22, 4-1919, tr. 279-86.
13 - Nguyễn Tất Tế, " Bàn về việc học của quốc dân. Chữ Nho có bỏ được không ? ", Nam Phong số 21, 3-1919, tr. 197-201.
14 - Trần Duy Nhất, " Tại sao mà sự quốc dân giáo dục không có cơ tiến bộ ? ", Nam Phong số 47, 5-1921. Tr. 386-405.
15 - Nguyễn Văn Xuân, Phong Trào Duy Tân, Saigon : Lá Bối,1970.

II - Tú Xương có thi chữ quốc ngữ hay không ?
Thế Kỷ 21, số 20, đăng bài " Từ nghị định Doumer 1898 đến dụ Thành Thái 1906 " của nhà nghiên cứu Bằng Vũ hàm ý trách tôi đã " phỏng đoán " Tú Xương chỉ " nghe phong thanh " chuyện cải cách khoa cử khi viết câu thơ : " Bốn kỳ trọn vẹn, thêm kỳ nữa "
Nếu trong bài " Địa vị chữ quốc ngữ và chữ Pháp hồi đầu thế kỷ XX " (Thế kỷ 21, số 18) tôi chỉ lược lại những tài liệu tôi đã đọc thì nay xin trích thêm để chứng tỏ chỉ từ năm 1909 ta mới thi chữ quốc ngữ.
Trích : " Le concours triennal du Tonkin pour 1909 a eu lieu à Nam Định du 6 novembreau 16 décembre, dans les conditions déterminées par l'arrêt du 30 mars 1908 " (Khoa thi Hương ở B?c kỳ năm 1909 tại trường Nam Định b?t đầu ngày 6/11 và kết thúc ngày 16/12, tổ chức theo nghị định ngày 30/3/1908).
Sau cái tựa dài dòng đến phần trích lại nghị định do J. Morel ký tại Hà Nội ngày 30/3/1908, được Bonhoure duyệt và ký ngày 3/4/1908. Ta thấy mỗi khoa gồm bốn kỳ thi b?t buộc, trong đó có môn thi quốc ngữ, và thêm một kỳ thi tình nguyện chữ Pháp. Bài vở sẽ được chấm từ 0 đến 20 điểm. Tiếp đó là bài diễn văn của viên Thống sứ B?c kỳ Simoni đọc bằng tiếng Pháp và được Án sát tỉnh Nam Định đọc lại bằng chữ Hán, trong có câu : " Grâce au quốc ngữ, la pensée occidentale peut être rapidement diffusée au Tonkin dans toutes les classes de la population. Ce concours comprendra donc une épreuve de langue annamite.
Avant peu d'années, tous les Annamites cultivés auront à coeur de parler le langage de la nation qui les protège ; c'est en vue de préparer cet avenir prochain qu'une épreuve de langue française facultative a été inscrite au nouveau programme ".
(Nhờ chữ quốc ngữ, những luồng tư tưởng Tây phương sẽ có thể truyền bá nhanh chóng ở B?c kỳ đến mọi tầng lớp dân chúng. Vì vậy khoa này gồm có một kỳ thi bằng quốc ngữ.
Chẳng bao lâu, tất cả thành phần trí thức An Nam sẽ thích thú sử dụng tiếng của nhà nước Bảo hộ, chính vì để chuẩn bị cho một tương lai gần đây mà một bài thi tình nguyện bằng chữ Pháp đã được ghi vào chương trình mới).
Sau bài diễn văn đến chi tiết các đề mục khoa 1909 như tôi đã chép trong Thế kỷ 21, số 18. Về môn thi chữ Pháp có một câu tuy đã trích kỳ trước, nay xin trích lại vì nó nói rất rõ :
" Cette épreuve facultative de français, de même que la troisième épreuve de langue annamite était une innovation car dans les précédents concours toutes les compositions étaient rédigées en chinois ". Kỳ thi chữ Pháp (tình nguyện) này cũng như kỳ thi trường ba bằng chữ quốc ngữ là một điều mới lạ vì trong các khoa thi trước tất cả mọi bài viết đều bằng chữ Hán).
Cho rằng một tài liệu này chưa đủ để tin, tôi xin nêu thêm Quốc Triều Đăng Khoa Lục của Cao Xuân Dục : " Khoa Canh Tuất, niên hiệu Duy Tân thứ tư (1910) " (tức là Khoa thi Hội theo liền với khoa thi Hương 1909).
Lệ thi khoa này đổi định như sau :
Kỳ đệ nhất : 10 đạo văn sách v.v...(như đã chép trong Thế Kỷ 21, số 18)...Khi chấm bài đổi phân ra điểm (1) kể từ 0 đến 20 điểm, quyển nào 10 điểm trở lên là hạng trúng...
...Kỳ đệ tam viết bài luận chữ Nho ra một quyển, bài luận chữ quốc ngữ ra một quyển bằng giấy tây. Sau khi nộp quyển do Viện Đề Tuyển soạn cùng một hiệu, như quyển chữ Nho đánh số " giáp nhất hiệu " thì quyển quốc ngữ cũng hiệu " giáp nhất hiệu " rồi mới rọc phách cả (2).
Quyển chữ Nho chiếu lệ các khoa trước, cũng do các viên lại phòng viết ngay ng?n phân minh ra rồi đệ giao các quan trường chấm (3). Quyển quốc ngữ không phải sao ra như chữ Nho, giao ngay cho các quan trường chấm.
...Các khoản khác đều theo lệ cũ ".
Nếu khoa 1910 không phải là khoa đầu tiên cải cách thi Hội thì Cao Xuân Dục đã không dành tới bốn trang rưỡi để ghi chú những chi tiết khoa này. Cứ xem những khoa trước và sau khoa Canh Tuất cũng thấy rõ :
-- Khoa 1913 : Cao Xuân Dục chỉ dành chưa đầy nửa trang để ghi những điểm đáng lưu ý của khoa này , có hai chỗ liên quan đến cải cách :
1) Các Cống sĩ làm văn thi kỳ đệ nhất và đệ tứ đổi dùng 5 đạo văn sách thôi...
2) Nguyên lệ trước đầu bài quốc ngữ ra bằng chữ Hán, nay Toà Khâm sứ bàn xin ra đầu bài cũng bằng quốc ngữ...(4).
-- Khoa 1907 : những đặc điểm khoa này chỉ gồm vỏn vẹn có mấy dòng : " Kỳ thi Hội này viên Sử quán Tổng tài Cao Xuân Dục tâu xin, được Vua ưng, cho các Cống sĩ vào thi đóng vi lẫn lộn chứ không chia vi Giáp, Ất như trước (nguyên lệ trước các Cống sĩ quán từ Quảng Bình trở về Nam thì vào vi Giáp, các Cống sĩ quán tự tỉnh Hà Tĩnh trở ra B?c thì vào vi Ất (5).
Cả Quốc Triều Đăng Khoa Lục Le concours triennal...đều cùng ghi tỉ mỉ, nhưng với tư cách một người đã từng nhiều phen làm khảo quan, Cao Xuân Dục chú trọng đến phép chấm thi, còn tác giả cuốn Le concours triennal...thì quan sát với con m?t một người ngoại quốc nên ghi chép đầy đủ các đề mục, ngày thi, số Thí sinh và số Tân khoa...Mỗi người nhìn theo một khía cạnh, ráp cả hai lại ta có một cái nhìn khá rõ về hai khoa cải cách đầu tiên.
Một bằng chứng nữa tỏ ra khoa 1909 mới b?t đầu thi quốc ngữ là con số Thí sinh trường Hà Nam khoa này sụt hẳn đi.
Theo Nguyễn Tuân (Chuyện Nghề) thì
Khoa 1891 có 9000 người dự
Khoa 1894 có 11000 người dự
(Le Petit Journal số 245 : có 60 người đỗ)
Trong Bút Nghiên (trang 190) Chu Thiên đưa ra những con số sau :
Khoa 1889 có 7760 người
Khoa 1891 có 9772 người
Khoa 1894 có 11872 người
Theo Doumer
Khoa 1897 có 10000 người
Theo Le concours triennal...thì
Khoa 1909 chỉ còn có 3068 Thí sinh.
Tôi nghĩ sở dĩ Thí sinh trường Hà Nam khoa 1909 sút hẳn đi vì khoa này các thầy khoá lần đầu phải thi quốc ngữ (chữ Pháp là môn tình nguyện nên không kể) có nhiều người không chịu học chữ quốc ngữ bởi quốc ngữ do các giáo sĩ Tây phương đặt ra nên nhiều nhà Nho thiếu cảm tình với quốc ngữ, cho học quốc ngữ là " vong bản ", là " vọng ngoại " v.v...thà bỏ hẳn thi cử. (Đây là một hi sinh to lớn vì các thầy Khóa trọn đời đi học chỉ cốt thi đỗ ra làm quan, nay bỏ thi tức là c?t hết đường tiến thủ).
Ngược lại, những khoa cuối thế kỷ 19, con số Thí sinh trường Hà Nam lại tăng vọt hẳn lên chỉ vì sĩ tử nghe phong thanh (6) sẽ có cải cách nay mai nên đổ xô nhau đi thi vớt mấy khoa cuối. Trung bình số người thi mỗi trường từ 3000 đến 5000, đặc biệt trường Hà Nam đông đảo hơn vì hợp thí hai trường Hà Nội và Nam Định. Tại sao lại hợp thí và phải ở Nam Định ? Như tôi đã trình bầy trong bài " Ai làm chủ khảo trường Hà Nam khoa Đinh Dậu?" (Thế Kỷ 21, số 2) trường Hà Nội bị lính Pháp chiếm, phải đóng cửa, khoa cuối của trường Hà là khoa 1879.
Đến năm 1884, trường Nam Định bị quân Pháp đốt, chưa sửa sang kịp, lại nhân sĩ tử miền B?c náo loạn phản đối hoà ước Giáp Thân (Patenôtre), nhà cầm quyền b?t các Thí sinh cả hai trường phải vào Thanh Hoá hợp thí, khoá này gọi là " Khoá Thanh ", chỉ có trên 2000 người dự.
Mãi đến 1886, khi vua Đồng Khánh lên ngôi mới cho hai trường Hà Nội và Nam Định hợp thí ở Nam Định, sau vì loạn lạc thành lệ. Ta thường dùng lẫn lộn " trường Nam Định " với " trường Hà Nam ", nếu muốn phân biệt rõ thì "trường Nam Định" trỏ vào cái trường bằng gạch ngói ở ngoại thành Nam, còn " trường Hà Nam " trỏ vào đám sĩ tử của hai trường Hà Nội và Nam Định hợp thí tại trường Nam Định.
Theo nhà nghiên cứu Bằng Vũ thì " các thí nghiệm đem quốc ngữ và chữ Pháp vào các kỳ thi chỉ xẩy ra đơn độc tại trường thi Nam Định ", những chi tiết tôi đưa ra trên đây đều thuộc trường Hà Nam, như thế không có gì là không ổn.
Tôi không được rõ nhà nghiên cứu Bằng Vũ dựa vào tài liệu nào khi viết trường Nam là "thí điểm độc nhất" ? Theo Robert de la Susse thì chương trình cải cách được áp dụng cùng một lúc cả ở miền Trung. Ngay trang đầu Robert de la Susse đã nói rõ ông chỉ cho biết những chi tiết ở các trường miền Trung chứ không viết về trường Nam Định : " La note qui va suivre...ne vise que les concours ayant lieu en Annam. Je ne suis donc entré dans aucun détail concernant le concours de Nam Định ".
Trang 4 viết về trường thi ở Huế : " Le concours se compose de quatre épreuves...des dissertations en caractères, des sujets de quốc ngữ obligatoires et un sujet de français facultatif encore en 1912 ". (Khoa thi gồm bốn trường...chữ Hán và chữ quốc ngữ là những môn thi b?t buộc, chữ Pháp mãi đến 1912 cũng vẫn còn là môn thi tình nguyện). Chữ " encore " chứng tỏ trước khoa 1912, ít nhất cũng có một khoa mà chữ Pháp là môn thi tình nguyện ở trường Thừa Thiên. Vấn đề khó giải quyết là biết rằng đến 1909 mới bắt đầu thi quốc ngữ và Tú Xương mất từ hai năm trước (1907) tại sao lại có bài " Cũng đi thi " khiến người đọc có thể hiểu Tú Xương đã thi quốc ngữ ?
Cũng đi thi
Tấp tểnh người đi, tớ cũng đi,
Cũng lều, cũng chõng, cũng đi thi.
Tiễn chân cô mất hai đồng chẵn,
Sờ bụng thầy không một chữ gì !
Lộc nước còn mong thêm giải ngạch ;
Phúc nhà may được sạch trường quy.
Bốn kỳ trọn vẹn thêm kỳ nữa, (7)
Á, ớ, u, ơ, ngọn bút chì.
Đọc bài này ta có thể hiểu, trong một khoa nào đó không chua rõ, Tú Xương đã thi cả năm trường, trong có môn thi quốc ngữ, và lần này đặc biệt được " sạch trường quy ". Dựa vào bài thơ, nhà nghiên cứu Bằng Vũ đã phản đối khi tôi phỏng đoán rằng Tú Xương chỉ " nghe phong thanh " chuyện cải cách, và viết : " Tôi luôn luôn kính trọng Tú Xương và nghĩ ông không phải con người nhìn " vỏ dưa " ra " vỏ dừa ". Từ trước tới nay, các nhà nghiên cứu đã có chê Tú Xương về một số mặt, nhưng tuyệt nhiên chưa thấy ai trách nhà thơ hiện thực này " nghe phong thanh " một sự việc rồi g?n việc đó vào bàn chân ông. Sự việc ông dự một kỳ thi Hương " bốn kỳ trọn vẹn ", lại đèo " thêm kỳ nữa ", ông đã trung thực ghi nhận như các văn bản xưa cũ nhất đã sao chép ".
Trước hết, đối với tôi, " những văn bản xưa cũ nhất " chưa hẳn đã chắc chắn sát với nguyên bản nhất. Nếu quả thế thì các học giả Đông Tây còn mất công nghiên cứu mọi văn bản để hiệu đính làm gì ? Thêm nữa, vì "kính trọng" Tú Xương mà tin ông đã "trung thực ghi nhận"...theo tôi là một lập luận dựa trên tình cảm, không phải trên những bằng chứng cụ thể.
Vì nhà nghiên cứu Bằng Vũ tin chắc chắn Tú Xương đã đi thi quốc ngữ, bằng vào bài thơ " Cũng đi thi ", ta chỉ việc xét trong ba khoa thi Hương Tú Xương đã dự sau khi nghị định Doumer ra đời và trước khi nhà thơ mất (cũng dựa vào văn thơ của Tú Xương) xem có khoa nào nhà thơ thi cả năm kỳ, lại " sạch trường quy " hay không thì biết. Ba khoa ấy là 1900, 1903 và 1906. Tôi đã soát lại, nếu Tú Xương đi thi từ năm 15 tuổi thì đến 1906 là vừa đúng tám khoa, trừ phi có ân khoa. Ba khoa kể trên cùng dưới thời Thành Thái và theo các tài liệu tôi được đọc thì không có ân khoa nào.
-- Khoa 1900 bị loại ngay vòng đầu, nhờ những chi tiết rất rõ rệt trong bài " Phú hỏng thi khoa Canh Tý " (1900). Bài này khá dài, tôi chỉ xin trích những câu có liên quan đến vấn đề thi hỏng của Tú Xương.
... " Năm vua Thành Thái mười hai (1900)
Lại mở khoa thi Mỹ Trọng.
Kỳ đề tam văn đã viết rồi,
Bảng đệ tứ chưa ra đã ngóng.
.....
Nào ngờ
Bảng nhỏ thấy tên,
Ngoại hàm còn trống...
Tức là khoa này Tú Xương chỉ vào được đến tam truờng là hỏng.. Khi xem bảng để vào thi kỳ đệ tứ thì thấy tên mình trên " bảng nhỏ ". Tên nêu lên " bảng nhỏ " có nghĩa là không những Tú Xương không " sạch trường quy " mà còn phạm trường quy và lỗi rất nặng, lỗi nhẹ chỉ bị đánh hỏng thôi, không bị nêu tên ra bảng con. Vừa bị phạm trường quy, vừa không được thi kỳ đệ tứ, dĩ nhiên không phải Tú Xương viết bài " Cũng đi thi " năm 1900.
-- Khoa 1903, Quý Mão, xin xem bài :
Phận hẩm duyên ôi
Trách mình phận hẩm lại duyên ôi,
Đỗ suốt hai trường, hỏng một tôi !
" Tế " đổi ra " Cao " mà chó thế !
" Kiện " trông ra " Tiệp " hỡi Trời ơi...
Theo Bảo Vân, vì thi hỏng mãi, năm 1903 Tú Xương đổi chữ lót "Tế Xương" ra "Cao Xương" nhưng vẫn hỏng (8).
Câu "Đỗ suốt hai trường, hỏng một tôi" cho thấy Tú Xương hỏng ngay từ trường hai vì đã nhầm chữ "Kiện" với chữ "Tiệp", như thế tức là Tú Xương không thi 5 trường và cũng không "sạch trường quy" khoa 1903.
-- Khoa 1906 (Bính Ngọ). Ai cũng biết Tú Xương lận đận với thi cử chỉ vì không thuộc trường quy, nhờ câu thơ:
" Tám khoa chưa khỏi phạm trường quy !"
(Buồn vì hỏng thi)
Câu này cho thấy ít nhất khoa thứ 8, Tú Xương lại phạm trường quy một lần nữa, mà khoa thứ tám chính là khoa Bính Ngọ (1906) vì Tú Xương chỉ thi tất cả có 8 khoa.
Nếu cho rằng lập luận này không vững, và tin là Tú Xương đã thi cả năm trường và " sạch trường quy " khoa này, vậy thì một người " nổi tiếng tài hoa " như Tú Xương, lẽ ra không đỗ Cử nhân, cũng phải đỗ Tú tài, dù là Tú tài đội bảng như năm 1894, đằng này Tú Xương hiển nhiên không phải là " ông Cử " mà cũng không ai gọi ông là " Tú kép ", hoá ra bài làm dở l?m hay sao ? Bảo Tú Xương làm bài " dở ", tôi nghĩ tội còn nặng hơn là nói Tú Xương dùng óc tưởng tượng " vẽ " cảnh mình đi thi quốc ngữ. Các văn, nghệ sĩ đều là những người có óc tưởng tượng rất phong phú và rất cần đến óc tưởng tượng khi sáng tác. Nói Tú Xương nghe " phong thanh " chuyện cải cách rồi viết bài thơ " Cũng đi thi " tôi không nghĩ là đã thiếu kính trọng hay xúc phạm đến danh dự nhà thơ. Huống chi Tú Xương đã từng thực sự " nghe phong thanh " mà làm thơ :
Nghe nói khoa sau sắp đổi thi,
Các thầy đồ cổ đỗ mau đi.
Nếu không bia đá còn bia miệng,
Vứt bút lông đi, giắt bút chì. (9)
Giờ xin bàn đến vấn đề Tú Xương có luôn luôn ghi nhận " trung thực " hay không. Nếu ta có thể tin Tú Xương " trung thực " trong câu :
" Ví phỏng chăm nghề nghiên bút thì mười ba, mười bẩy đỗ những tự bao giờ "
(Phú hỏng thi khoa Canh Tý)
thì ta cũng có thể đánh dấu hỏi khi Tú Xương viết :
...Cao lâu thường ăn quỵt,
Thổ, đĩ lại chơi lường... "
(Tự vịnh)
Đến bài :
" Hán tự chẳng biết Hán "...
thì không cần phải đánh dấu hỏi cho mất thì giờ, hiển nhiên Tú Xương biết chữ Hán. Lại đến bài :
" Ngày mai tớ hỏng tớ đi ngay "...
rõ ràng nhà thơ nói ngoa, thi hỏng xong vẫn nằm nhà chứ không hề " sang Tầu " và cũng chẳng " tếch sang Tây ".
Nhà thơ cũng đã có lần công nhận ra miệng là mình viết chuyện tưởng tuợng :
" Ông trông lên bảng thấy tên ông
Ông nốc rượu vào, ông nói ngông 
Trên bảng, 52 thầy Cử đội
Bốn kỳ, mười bẩy cái ưu thông "...

Trung bình mỗi trường thi lấy 50 người đỗ Cử, nếu khoa ấy vua "gia ơn" cho lấy thêm ba người nữa (Tú Xương đỗ thứ nhất, 52 người kia phải đội ông) thì bốn kỳ Tú Xương cũng không thể có được mười bẩy cái "ưu thông" bởi mỗi kỳ chỉ có bốn khảo quan chấm: Sơ khảo, Phúc khảo, Giám khảo (Nội trường) và Chánh, Phó Chủ khảo hay Phân khảo (Ngoại trường) dù cho ai cũng phê bài của ông " ưu " thì ông cũng chỉ lĩnh được có mười sáu cái "ưu thông" chứ không thể có "mười bẩy" cái được.
Bài này có thể bảo tại Tú Xương đùa, nhưng còn bài :
" Nào có ra gì cái chữ Nho ?
Ông Nghè, ông Cống cũng nằm co !
Chi bằng đi học làm thầy Phán,
Tối rượu sâm banh, sáng sữa bò ".
Ai đọc mà chẳng tưởng Tú Xương đã sống dưới thời Khoa cử tàn rồi ? Thật ra Tú Xương mất từ năm 1907, mà khoa thi Hương cuối cùng ở miền Bắc là khoa 1915, và khoa thi Hội cuối cùng là khoa 1919.
Tóm Lại, nhà nghiên cứu Bằng Vũ có quyền tin Tú Xương đã thực sự đi thi quốc ngữ, tôi cũng có quyền tin đến 95% Tú Xương chưa kịp đi thi quốc ngữ đã mất, 5% còn lại xin hẹn khi nào có thêm tài liệu sẽ công bố, dù tài liệu đó chứng tỏ tôi sai lầm.
Châtenay-Malabry, tháng giêng, 1991

Chú thích
(1) - Dưới triều Nguyễn, lúc đầu thi Hội chấm cũng lấy các hạng ưu, bình, thứ v.v...như thi Hương. Từ 1829, đổi ra lấy phân số, tức là đỗ " ưu " được 9, 10 phân, " ưu thứ " được 7, 8 phân v.v... Đến 1910 lại đổi ra chấm lấy điểm từ 0 đến 20.
(2) - Rọc phách là đánh dấu trên tờ đầu quyển thi rồi gập đôi lại, xé ra lấy nửa có mang tên họ Thí sinh cất đi, cái ấy gọi là cái phách. Khi quyển thi chấm xong, đem ráp lại với phách thấy đúng khớp là biết tên họ tác giả. Rọc phách cốt để khảo quan chấm thi cho công bình.
(3) - Cũng vì muốn khảo quan không nhận ra tự dạng các Cống sĩ thi Hội nên quyển thi được các " ông Nghè bút thiếp " sao lại rồi đưa cho khảo quan chấm bản sao. Những " ông Nghè bút thiếp " này chưa từng đỗ ông Nghè, mà chỉ là những người viết chữ đẹp, ngay ng?n, rõ ràng, nên được chọn làm công việc sao lại quyển thi của những ông Nghè tương lai.
(4) - Đề mục kỳ trước bằng chữ Hán, Thí sinh cũng viết bằng chữ Hán rồi phiên âm ra quốc ngữ khiến những người Pháp chấm bài, không biết chữ Hán, không hiểu. Lần này Tòa Khâm yêu cầu ra đề bằng chữ quốc ngữ.
(5) - Đây là một trong những " kỳ thị " của nhà Nguyễn đối với sĩ phu miền B?c. Miền Nam, miền B?c thi riêng, có đầu bài riêng và cách chấm cũng khác nhau.
(6) - Chuyện sĩ tử " nghe phong thanh " là chuyện có thật, xin xem Chuyện Nghề của Nguyễn Tuân viết về khoa Đinh Dậu (1897).
(7) - Bài này tôi chép theo Bảo Vân, chỉ đổi câu 7 từ " Ba kỳ " ra " Bốn kỳ " cho hợp ý nhà nghiên cứu Bằng Vũ, tôi chưa từng nghiên cứu về Tú Xương nên không có ý kiến.
(8) - Bảo Vân, sđd, tr. 125
(9) - Lãng Nhân, Giai Thoại Làng Nho Toàn Tập, tr. 762
Sách tham khảo
- Bảo Vân, Thơ nôm Yên Đổ, Tú Xương, Canada : Quê Hương, 1980 ?
- Cao Xuân Dục, Quốc Triều Đăng Khoa Lục,
Saigon : Bộ Quốc Gia Giáo Dục, 1962

- Chu Thiên, Bút Nghiên, Đại Nam tái bản ở Mỹ
- Paul Doumer, L'Indo-Chine française (Souvenirs) Paris : Vuibert et Nony, 1905
- Lãng Nhân, Giai Thoại Làng Nho Toàn Tập, Saigon : Nam Chi Tùng Thư, 1966, tái bản ở Mỹ
- Le Concours triennal du Tonkin pour 1909, Hanoi-Haiphong, Imprimerie d'Extrême-Orient
- Nguyễn Tuân, Chuyện Nghề, Hà-nội : Tác phẩm mới, 1986.
Robert de la Susse, Les Concours littéraires en Annam. Extrait de la Revue Indochinoise n° 2 Février 1913, Hanoi-Haiphong, Imprimerie d'Extrême-Orient.

III - Ai cứng đầu ?
Trong Thế Kỷ 21, số 26, nhà nghiên cứu Bằng Vũ tuyên bố ông " cứng đầu ", vẫn tin Tú Xương đã đi thi quốc ngữ và khuyên tôi nên đọc một số bài đăng trên các báo Việt và Pháp. Nếu có dịp tất nhiên tôi sẽ tìm đọc. Duy bài của A. Salles được nhà nghiên cứu Bằng Vũ trích đăng một câu để bênh vực cho thuyết của mình thì tôi thấy cần phải nhận định lại ý nghĩa câu văn. Câu ấy như thế này :
" Déjà, à la session de 1908, une épreuve spéciale d'annamite et de français a été introduite ".
1) Câu này có thể hiểu Salles định nói : " ngay từ khoa 1908 đã bắt đầu có đề tài chữ quốc ngữ và chữ Pháp ". Song nghĩ lại thấy không ổn, bởi thi Hương ba năm mới có một kỳ, tính từ khoa Canh Tý (1900), tức khoa Tú Xương viết bài " Phú hỏng thi ", thì các khoa kế tiếp phải rơi vào những năm 1903, 1906, 1909 chứ không phải 1908. Năm 1908 không có khoa thi nào cả.
2) Dù 1908 có khoa thi Hương thì khi ấy nhà thơ cũng đã mất được một năm rồi (1907).
3) Nếu ta lại nhìn đến ngày tháng số báo đã đăng bài của Salles, Bulletin du Comité de l'Asie française, thì sẽ thấy ghi số 75, tháng 6 năm 1907. Vậy thì đúng lý ra nếu muốn trỏ vào khoa thi sẽ được tổ chức vào năm 1908, tức là một năm sau, thì Salles không thể dùng những chữ " a été introduite " mà phải viết " sera introduite " nếu không sẽ sai văn phạm.
Theo tôi, câu này phải hiểu là " đề nghị dùng chữ quốc ngữ và chữ Pháp kể từ khoa 1908 đã được (Hội đồng Học vụ) chấp thuận (từ năm 1906) " như thế những chữ " a été " mới thích hợp. Đến năm 1908, khi Hội đồng Cải cách Học vụ nhóm họp lại thì chữ Pháp chỉ còn là một môn thi tình nguyện mà thôi chứ không bắt buộc nữa.
4) Trong một bài trước, nhà nghiên cứu Bằng Vũ tỏ ý tin rằng đề tài quốc ngữ được dùng ngay từ kỳ thi Hương năm 1900, sau khi có nghị định do Toàn quyền Doumer ký (1898). Nhưng khoa 1900 Thí sinh chưa b?t buộc phải thi chữ quốc ngữ, bằng chứng là nhà cách mạng Phan Bội Châu, đỗ thủ khoa trường Nghệ năm 1900, chỉ " đọc được sơ sơ chữ quốc ngữ ", còn thì suốt thòi kỳ bị giam lỏng ở Bến Ngự, vẫn thường xuyên phải có thư ký đi kèm để ghi chép những sáng tác bằng quốc văn, cụ Phan chỉ tự ghi lấy những bài viết bằng chữ Hán. Ít nhất chúng ta cũng có tới hai chứng nhân, Vương Đình Quang và Quang Đàm, đã từng làm thư ký cho cụ Phan (1). Một người đã đi thi chữ quốc ngữ lẽ nào còn cần phải có thư ký để ghi chép hộ những sáng tác của mình bằng chữ quốc ngữ ?
Trên đây là để trả lời phần " ngoại lý ", về " nội lý " nhà nghiên cứu Bằng Vũ cho biết ông dựa vào bài thơ " Tấp tểnh người đi, tớ cũng đi ". Tôi xin nêu ra một thuyết không phải là vô căn cứ : bài này chưa ch?c đã do Tú Xương viết. Lời lẽ tuy rất giống nhưng có một chi tiết khiến người ta phải nghi ngờ: " Tiễn chân cô mất hai đồng chẵn ". Nhà Tú Xương ở phố Hàng Nâu, thành Nam Định, trường thi nằm ở chân thành Nam, nghĩa là nhà của Tú Xương không xa trường thi, cho nên không có lý do gì để " cô Tú " " tiễn chân " chồng mất " hai đồng ". Người xưa tiễn các Thí sinh đi thi vì lý do phần đông những người này ở xa trường, thường khi cách sông phải qua đò cho nên món tiền tiễn chân được gọi là " tiền đò ". Thực sự " tiền đò " không những giúp Thí sinh qua đò mà giúp cả tiền nhà trọ trong suốt cả thời kỳ thi dài năm tuần. Nhà đã gần trường thi thì Tú Xương không phải qua đò, cũng không phải ở trọ.
Cho nên : Tú Xương vẫn không đi thi chữ quốc ngữ !
Châtenay-Malabry, tháng 8, 1991

______________

Ai là chủ khảo trường Hà Nam khoa Đinh Dậu (1897)
Đồng Sĩ Vịnh hay Cao Xuân Dục?

Trước khi vào chính đề, tôi xin nói qua về Trường Hà Nam, Khoa Đinh Dậu và Cao Xuân Dục.

I - Trường Hà Nam khác Trường Nam Định ở điểm nào ?
Triều Nguyễn có tất cả 8 trường, sau rút lại còn 5 là : Gia Định, Thừa Thiên, Thanh Hoá, Nghệ An và Hà Nam.
Trường Hà Nam là hai trường Hà Nội và Nam Định hợp thí ở Nam Định sau khi trường Hà bị lính Pháp chiếm, phải đóng cửa từ năm 1882. Khoa cuối của trường là khoa Kỷ Mão (1879).
Năm 1884, sĩ tử hai trường này phải vài Thanh Hoá hợp thí, nên gọi là " Khoá Thanh ". Lý do chính thức : trường Hà bị đóng cửa, trường Nam bị đốt từ năm 1883. Lý do khác : sĩ tử Baéc hà nổi loạn chống Hoà ước Giáp thân (Patenôtre 1884).1884, sĩ tử hai trường này phải vào Thanh Hoá
Đến 1886, vua Đồng Khánh mới cho hai trường hợp thí ở Nam Định, lấy tên chung là " trường Hà Nam ". Từ đó, nhân vì loạn lạc, thành lệ hợp thí ở Nam cho đến khoa cuối là khoa Ất Mão (1915). Dựa vào đây, ta có thể đưa ra hai nhận xét :
1) Tú Xương không thể viết hai câu thơ sau đây trước năm 1886 :
" Được gần trường ốc vùng Nam Định,
Thua mãi anh em đám Bắc kỳ ".
2) Nguyễn Tuân trong truyện " Báo oán " (Vang bóng một thời " đặt khoa cuối của trường Hà Nam vào năm Mậu Ngọ (1918), thực ra đấy là khoa cuối của miền Trung (và đây là một trong những " kỳ thị " của triều Nguyễn đối với sĩ tử Baéc hà).
Như vậy " trường Hà Nam " dùng để trỏ vào đám sĩ tử thuộc vùng Hà Nội và vùng Nam Định (1), còn " trường Nam Định " trỏ vào cái trường xây bằng gạch ngói ở ngoại thành Nam.
Theo Trần Văn Giáp, và một số người khác, thì trường Nam xây ở làng Năng Tĩnh. Chính ông Giáp đã đến thăm tận nơi khi trường " chỉ còn chơ vơ cái nhà Thập đạo (2) ", nhưng Tú Xương, trong bài " Phú Hỏng thi " viết khác :
" Năm vua Thành Thái mười hai,
Lại mở khoa thi Mỹ Trọng ".
Vậy thì trường thi nằm ở đâu, Năng Tĩnh hay Mỹ Trọng ? Nếu vào thời Lê hay Nguyễn sơ, trường thi còn bằng nhà tranh, vách nứa, sau mỗi kỳ thi phá đi để lấy chỗ trồng trọt, cầy cấy thì chuyện di chuyển trường không khó, còn nếu trường bằng gạch thì không thể mỗi chốc phá đi xây lại được. Sử chép rằng từ 1845, trường Nam theo chỉ thị của vua Thiệu Trị, được xây cất bằng gạch ngói theo mẫu mực trường Ninh Baéc (Thừa Thiên) chỉ trừ chỗ cho sĩ tử ngồi thi vẫn để đất trống, học trò đi thi vẫn phải mang lều chõng như xưa. Trường đã bằng gạch, không di chuyển được, nên tôi tạm đặt nằm giữa hai làng Năng Tĩnh và Mỹ Trọng, ở chân thành Nam, vì theo Ngô Vi Liễn cả hai làng này cùng thuộc tổng Mỹ Trọng và ở cạnh nhau.

II - Khoa Đinh Dậu có gì đặc biệt ?
1) Trước hết chúng ta có loạt ảnh của Salles chụp cảnh trường Hà Nam. Đây là những sử liệu rất hiếm và quý báu.
2) Nhà thơ Trần Tế Xương (hay Kế Xương) khoa này nghiễm nhiên đội danh " ông Tú " đi thi, dù chỉ là " Tú rốt bảng trong năm Giáp Ngọ (1894) ".
Ai cũng biết Tú Xương " lảo đảo trường ốc " rất nhiều (tám khoa mà chỉ được " một tí Tú tài quèn " và ngâm vịnh về thi cử cũng không ít, riêng khoa này ông để lại cho chúng ta ít nhất hai bài, một vịnh " Chủ khảo Cao Xuân Dục " và một vịnh cảnh đi thi :
" Nhà nước ba năm mở một khoa,
Trường Nam thi lẫn với trường Hà.
Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ,
Ậm oẹ quan trường (3) miệng thét loa.
Lọng caém rợp trời, quan Sứ đến,
Váy lê quét đất, mụ đầm ra.
Nhân tài đất Bắc nào ai đó ?
Ngoảnh cổ mà trông lại nước nhà !
3) Toàn quyền Paul Doumer vừa ở Pháp sang nhậm chức, lần đầu chứng kiến cảnh thi của ta (và cũng là lần đầu trường Nam có một " quan Tây to " đến dự lễ Xướng danh và phát quà thưởng (1 đồng hồ vàng hay bạc v.v...). Sau này trong hồi kýL'Indo-Chine française (Souvenirs) Doumer dành mấy tờ nhaéc lại quang cảnh trường thi, nhưng vì không hiểu rõ nên viết nhiều điều sai lầm, chẳng hạn : sĩ tử vào trường được mang theo người hầu, trong khi thầy ngồi làm văn thì tớ nằm khểnh một góc đợi giờ sửa soạn cơm nước v.v...có lẽ Doumer đã lầm quan trường với Thí sinh ? Doumer còn ở lại đến 1901 mới về nước, và được chứng kiến thêm khoa 1900 nữa ở Nam Định.
4) Không khí trường Hà Nam và thành Nam Định lúc ấy rất sôi nổi vì hai vấn đề :
- Chữ Hán saép bị bỏ hẳn, chữ Quốc ngữ baét đầu được dự tính thay thế và sĩ tử còn phải làm toán bằng con số Ả rập nữa. Lúc ấy tinh thần ái quốc đang cao, học chữ Quốc ngữ thường bị ngộ nhận là " vọng ngoại " và "vô sỉ" nên nhiều người không chịu học, bỏ thi. (Trần Quý Cáp thuộc số người hiếm, nhìn nhận ưu điểm của Quốc ngữ, gọi là " hồn trong nước ").
-Nhưng sôi nổi hơn nữa là phong trào chống Pháp đang hăng của " Kỳ Đồng (1875-1929) tên thực là Nguyễn Văn Cẩm, trẻ tuổi và thông minh nên được mệnh danh là " Kỳ Đồng ". Vì chống Pháp, năm 1887 đã bị " gửi " sang học 9 năm Alger (Baéc Phi). Năm 1896 về nước, tiếp tục hoạt động và liên kết với Đề Thám nên đến 1901 lại bị đầy sang Tahiti (theo Nguyễn Tuân, sau thành bạn của hoạ sĩ Gauguin).
Vì có vụ " Kỳ Đồng " nên Pháp phòng biến động chuẩn bị rất ngặt : từ một tuần trước đã cho hai pháo thuyền Avalanche và Le Jacquin chĩa mũi vào trường thi dọa nạt. Doumer nói cứng rằng ông ta tin chaéc chaén không ai dám làm gì, bọn nổi loạn chẳng qua là hạng thi hỏng bất đaéc chí, tuy vậy vẫn nên thị uy để cảnh cáo những phần tử còn nuôi ý báo động.
5) Khoa này tại trường Nghệ An, nhà cách mạng Phan Bội Châu, vì một lý do không được nêu ra, đã can án " Hoài hiệp văn tự nhập trường, chung thân bất đaéc ứng thí " tức là " mang sách có chữ viết vào trường, bị phạt cấm suốt đời không được đi thi ".

III - Cao Xuân Dục
Tuy làm quan đến nhất phẩm và là một trong " Trứ Trụ Triều Đình ", song có lẽ Cao Xuân Dục được ít người biết.
Cao Xuân Dục (1842-1923), hiệu là Tử Phát, người xã Thịnh Khanh, huyện Đông Thành, tỉnh Nghệ An, đỗ Cử nhân năm 1877, làm quan đến Học bộ Thượng Thư, hàm Đông Các Đại Học Sĩ (hàm = có trách nhiệm mà không ăn lương), tước An Xuân Nam.
Cao Xuân Dục có hai người con đỗ Cử nhân và một người đỗ Phó bảng (Cao Xuân Tiếu, được cử làm Giám khảo trường Hà Nam cùng một khoa với cha) và là nhạc gia Hoàng Tăng Bí.
Rất trọng việc học, ông đã xuất tiền thuê người chép lại những sách quí hiếm chia cho các con giữ mỗi người một bản lưu lại về sau. Chính ông cũng là tác giả hai bộ sách có giá trị : Quốc triều Hương khoa lục (chép tất cả các khoa thi Hương của tất cả các trường dưới triều Nguyễn) và Quốc triều Đăng khoa lục (chép các khoa thi Tiến sĩ triều Nguyễn).
Mặc dầu chỉ đỗ Hương thí, ông được cử đi chấm thi Hội mấy lần,và hay nâng đỡ học trò. Chính ông đã xin cho các Phó Bảng (4) được hưởng những quyền lợi như các ông Nghè. Khi ông làm Chủ khảo trường Hà Nam, Tú Xươngđã vịnh ông như sau :
" Này này Hương thí đỗ khoa nào ?
Nhân hậu thay lòng quan Thượng Cao !
Người ta thi chữ, ông thi phúc,
Dù dở, dù hay cũng được vào ! "

IV - Ai là chủ khảo Trường Hà Nam khoa Đinh Dậu ?
Theo ảnh của Salles thì Chủ khảo trường Hà Nam khoa Đinh Dậu là Cao Xuân Dục. Salles là một nhà nhiếp ảnh làm việc tỉ mỉ và có qui củ, ban ngày chụp, ban đêm rửa ngay, sợ để lâu khí hậu nóng bên ta sẽ làm hỏng kính ảnh (lúc ấy chưa có phim). Hơn thế, Salles chua rất rành mạch không những " năm " mà cả " ngày, tháng " cùng tên họ, chức tước người trong ảnh, với đủ cả các dấu saéc, huyền, hỏi v.v...Trong loạt ảnh ấy có một chiếc chú thích là " Thân Trọng Koái, Giám sát " (5) (có lẽ ngày nay ta viết là " Quới " ?) chụp một người còn trẻ măng. Raéc rối là năm 1941, Trần văn Giáp cũng sử dụng loạt ảnh này trong Tập San Khai Trí Tiến Đức, số 2 và 3, nhưng " Thân Trọng Koái " thì lại biến thành " Nguyễn Gia Thoại, Phó Chủ khảo ". Dĩ nhiên Trần văn Giáp biết nhiều về thi cử của ta, viết như thế hẳn có lí do, song Salles là một người làm việc nghiêm túc, biết tin ai ? Tôi trông cậy vào cuốn Hương Khoa Lục để tìm ra manh mối. Cuốn này không được phổ biến như cuốn Đăng Khoa Lục (đã được dịch ra Quốc ngữ) nhưng trường Bác cổ Viễn Đông (Ecole d'Extrême Orient) ở Paris có một bản chữ Hán.Thật chẳng khác nào " sét đánh ngang tai " khi tôi thấy Cao Xuân Dục chép rằng ông là Chủ khảo khoa 1894 còn Chủ khảo khoa 1897 thì lại là ...Đồng Sĩ Vịnh ! Thế là vụ Thân Trọng Koái / Nguyễn Gia Thoại chưa giải quyết xong lại nẩy ra vụ Cao Xuân Dục / Đồng Sĩ Vịnh còn quan trọng hơn. Không lẽ Salles cẩn thận như thế mà dự khoa 1894 lại chép nhầm là khoa 1897 ? Còn nếu Salles quả dự khoa 1897 thì moi đâu ra được cái tên " Cao Xuân Dục " để đặt cho Chủ khảo khoa này, vốn phải là Đồng Sĩ Vịnh, theo chính Cao Xuân Dục ? Nếu Salles không lầm, Chủ khảo khoa 1897 đúng là Cao Xuân Dục thì chẳng lẽ Cao Xuân Dục lại lầm, không rõ mình là Chủ khảo khoa nào ?
Sau một thời gian loay hoay điều tra sách vở và " chứng nhân " không đi đến kết quả nào, tôi trở lại với mớ ảnh của Salles, thấy có một chiếc chụp cảnh lễ Xướng Danh chú thích " với sự hiện diện của các ông Doumer (Toàn quyền), Lenormand (Công sứ Nam Định) và Picanon (6) ", như thế là Doumer có mặt khi Cao Xuân Dục làm Chủ khảo. Trong hồi ký, Doumer cho biết ông ta sang Đông Dương ngày 21/1/1897,Doumer có thể lầm khi tả trường thi, nhưng khi viết về sự nghiệp bản thân aét không nhầm. Rõ ràng Cao Xuân Dục không thể làm Chủ khảo khoa 1894 được. Và người cho Thí sinh Trần Tế Xương (hay Kế Xương) đỗ Tú tài đội bảng chính là Đồng Sĩ Vịnh.
Đọc lại mấy bài Tựa cuốn Đăng Khoa Lục thì thấy không còn hồ nghi gì nữa : Cao Xuân Dục đã hoàn tất cuốn Hương Khoa Lục vào năm 1892, Đăng Khoa Lục vào năm 1893 và có ý sẽ tiếp tục chép thêm các khoa sau dần dần. Song theo lời người bạn giúp tôi tra cứu cuốn HươngKhoa Lục (lưu trữ tại Trường Viễn Đông Bác Cổ ở Paris) thì nét bút của người chép phần sau khác hẳn phần trước, tức là phần sau không chaéc do Cao Xuân Dục viết. Đăng Khoa Lục cũng có hai bản, bản của ông Hoàng Xuân Hãn thiếu mấy khoa sau, bản của Lê Mạnh Liêu dịch mới đầy đủ. Đọc bài Tựa của Vũ Phạm Hàm ta có thể nghĩ người viết tiếp chính là trưởng nam của Cao Xuân Dục, tức Cao Xuân Tiếu. Song Cao Xuân Tiếu cùng đi chấm thi khoa 1897 với cha, chaéc không thể lầm được. Trên bìa cuốn Đăng Khoa Lục, quyển 1, đề rõ tên ba người hiệu đính là Cao Xuân Tiếu, Đặng Văn Thuỵ và Nguyễn Duy Nhiếp. Nếu ba người cùng hiệu đính cuốn Hương Khoa Lục thì sự lầm lẫn do hai người kia hợp lí hơn.
Vấn đề " Ai là Chủ khảo... " đã giải quyết, nhưng vẫn còn vụ Thân Trọng Koái / Nguyễn Gia Thoại cần phải " thanh toán ".Hương Khoa Lục chỉ cho biết khi Cao Xuân Dục làm Chủ khảo thì Nguyễn Gia Thoại làm Phó, nhưng không thêm chi tiết nào. Lại cũng nhờ một tấm ảnh khác của Salles mà vụ này được đưa ra ánh sáng. Trong một chiếc ảnh chụp lễ Xướng Danh ở Cổng Tiền môn, các quan theo thứ tự phẩm trật ngồi ghế tréo chứng kiến, có ông ngồi đầu hàng bên trái, mặt để râu, bên cạnh tấm biển " Phụng chỉ ". Chúng ta biết rằng : " Khi triều đình cử ban Giám khảo xong, ông Chủ khảo được ban lá cờ " Khâm sai ", ông Phó được lĩnh biển " Phụng chỉ ". Như vậy ông có râu đích thực là Phó Chủ khảo Nguyễn Gia Thoại không còn nghi ngờ gì nữa, và khuôn mặt ông không giống mặt Thân Trọng Koái một tí nào, Thân Trọng Koái không có râu.
Vì sao Trần văn Giáp lại chú thích như thế ? Có lẽ thấy Salles " quên " không chụp ảnh riêng ông Phó Chủ khảo mà lại chụp tới những hai ông Giám sát nên ông Giáp nghĩ : " bớt một ông Giám sát chaéc không ai lưu ý chứ để thiếu ông Phó Chủ khảo quan trọng như thế thì có điều bất tiện. Oâng liền " mượn " tạm ảnh Thân Trọng Koái, xoá tên thật đi và điền Nguyễn Gia Thoại " vào. Với ông đây chỉ là một ảnh " tượng trưng " cho ban Giám khảo đủ bộ, còn đích thực là ảnh chụp Thân Trọng Koái hay Nguyễn Gia Thoại thì với bọn hậu sinh chúng ta không quan hệ. Dĩ nhiên đây chỉ là một giả thuyết.
(Thế kỷ 21, số 2, tháng 6 , 1989)
Tài liệu rút trong Khoa Cử ở Việt Nam (chưa in)

Chú thích
1) Sĩ tử trường Hà gồm các tỉnh : Hà Nội, Sơn Tây, Tuyên Quang, Hưng Hoá, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Ninh.Sĩ tử trường Nam gồm : Nam Định, Hưng Yên, Quảng Yên, Hải Dương.
2) Trong trường thi, khu dành cho học trò có hai con đường chạy gặp nhau, thành hình chữ thập, chia khoảng đất này làm bốn vi, ở giữa chỗ hai đường gặp nhau, người ta xây nhà Thập Đạo, nơi các sĩ tử đến lấy dấu Nhật Trung và nộp quyển v.v...
3) " Quan trường " đây trỏ vào các ông Giám sát Ngự sử ngồi trên chòi canh cao quá muốn truyền hiệu lệnh gì phải dùng loa.
4) " Phó bảng " triều Nguyễn khác với " Phụ Bảng " các triều trước. " Phó Bảng " chỉ những người thi Tiến sĩ không đỗ nhưng được điểm cao cũng như những người đi thi Hương đỗ Tú tài  còn " Phụ Bảng " chỉ các ông Tiến sĩ hạng ba (Tam Giáp Tiến sĩ) ; càng không nên nhầm với " Bảng Nhãn " là các ông đỗ Tiến sĩ hạng nhất, đứng sau Trạng nguyên. Nhà Nguyễn theo lệ " Ngũ Bất Lập " của Minh Mệnh đặt ra, không lấy Trạng nguyên, nên Bảng Nhãn đương nhiên là người đỗ Tiến sĩ cao nhất.
5) Giám sát tuy thuộc hàng quan trường nhưng không chấm thi mà phụ trách giám thị quan trường và học trò.
Nguyễn Tuân, trong Chuyện Nghề, nói có cả Công sứ Darles cũng dự khoa này. Darles là một trong " Baéc kỳ tứ hung " (ác) : " Nhất Đac (Darles), nhì Ke (Eckert), tam Be (Wintrebert), tứ Bích (Bride) " (Bride là Chánh án phiên xử Phan Bội Châu năm 1925).

Sách tham khảo
- Đại nam thực lục chính biên. Bản dịch của Viện sử học Hà Nội, 1962 - 70.
Doumer Paul, L'Indo-Chine française, Souvenirs Paris : Vuibert & Nony, 1905.
Ngô Vi Liễn, Nomenclature des Communes du Tonkin. Hà Nội : Lê Văn tân, 1928.
Nguyễn Tuân, Chuyện Nghề. Hà Nội : Tác phẩm mới, 1986.
Trần Văn Giáp, " Lược khảo về Khoa cử Việt Nam ", Khai Trí Tiến Đức tập san số 2 & 3, Hà Nội, Janvier-Juin 1941.
Bài này viết xong từ năm 1989, hai năm sau tôi được một người bạn sao chụp cho tập Lược khảo về Khoa cử Việt Nam (trích trong Tập san Khai Trí Tiến Đức, cũng xuất bản năm 1941) của Trần Văn Giáp.
Điều đáng chú ý là đề tựa 10 chiếc ảnh của Salles, ông Giáp viết :
" Kỷ niệm thi Nam khoa, Thành Thái Giáp Ngọ và Đinh Dậu (1894-1897)".
Có lẽ ông Giáp phân vân không rõ Salles phải hay Cao Xuân Dục đúng nên ông đề tên cả hai khoa, mặc dầu ảnh chỉ chụp có một khoa và các khảo quan cũng chỉ được đề cử ra cho một khoa mà thôi, đề tên cả hai khoa cho một lô ảnh chụp một khoa như thế không ổn.
Phụ đề của bài này trước là : " Nguyễn Khuyến hay Cao Xuân Dục ? " nay xin sửa lại là: "Đồng Sĩ Vịnh hay Cao Xuân Dục " vì Nguyễn Khuyến chỉ là Phó Chủ khảo khoa 1894.

_______________

Sờ râu các cụ khảo quan nhìn tây đầm... nhớ Tú Xương

Cao xuân Tứ

Thực tình tôi do dự trước khi viết bài này bởi vì tôi nghĩ rằng muốn bàn chuyện khoa cử ngày xưa trước hết mình cũng cần có tí vốn liếng chữ Hán (để tra khảo sách Hán Nôm qua văn bản gốc mỗi khi cần) ít ra như cỡ ông Trần Văn Tích, mà tôi lèm nhèm chỉ biết dăm ba chữ loại "tam tự kinh". Thêm nữa lại có vấn đề "hồi tỵ" khi phải đề cập tới những chuyện liên quan đến họ hàng xa gần, dù là chuyện khoa cử lăng nhăng. Nhưng rồi nghĩ lại biết đâu những dòng tản mạn dưới đây có thể giải đáp phần nào một vài thắc mắc có tính cách văn bản học. Không biết chữ Tàu, chữ Nôm thì nhờ người khác đọc, dịch hộ, chẳng chết ai! Và cũng mong rằng các nhận xét cụ thể, kinh nghiệm "thực địa", chút khơi mào về tư liệu, có thể mở ra hướng nghiên cứu mới, đem lại một chút thoáng mát vào một đề tài mà theo tôi, rất là khô khan nếu không có ông...Tú Xương nhúng tay vào một trăm năm trước!
1.
Gần dây trên tạp chí Hợp Lưu số 63 có bài viết của bà Nguyễn Thị Chân Quỳnh ghi lại những kinh nghiệm, những khó khăn đã gặp phải trong quá trình nghiên cứu chế độ thi cử tại Việt Nam thời trước. Có một chi tiết làm tôi chú ý. Nhà học giả nhận xét rằng theo Quốc Triều Hương Khoa Lục thì Cao Xuân Dục là chủ khảo kỳ thi hương năm Giáp Ngọ 1894 ở Nam Định, trong khi những hình ảnh do Selles chụp nhân dịp xướng danh khoa Đinh Dậu1897 (xôm trò vì có mặt toàn quyền Doumer) được in lại trong sách của Daney lại có sự hiện diện của Cao Xuân Dục ở đấy (mà theo bà Nguyễn Thị Chân Quỳnh là với tư cách chủ khảo kỳ thi Hương này). Như vậy, theo bà, Hương Khoa Lục (mà tác giả là Cao Xuân Dục) đã chép nhầm về khoa thi do chính tác giả làm chủ khảo!
Sở dĩ có sự ngộ nhận này có lẽ vì bà học giả đã quên (hoặc chưa) đọc tiểu sử Cao Xuân Dục nên không ghi nhận thời kỳ ông làm tổng đốc Nam Định-Ninh Bình trong thời gian 1896-1898.

Tiểu sử Cao Xuân Dục cho biết trong quá trình làm việc ở Bắc Kỳ vào thập niên cuối của thế kỷ 19: "...năm 1890 ông được thăng chức tổng đốc Sơn Hưng Tuyên... Cuối năm 1893 ông cho xuất bản Quốc Triều Hương Khoa Lục phần chính biên. Năm 1894 được cử làm chánh chủ khảo trường thi Hà Nam, sau đó được phong hàm thự hiệp biện đaị học sĩ lãnh tổng đốc Nam Định-Ninh Bình...Năm 1898 được điều về Huế làm tổng tài quốc sử quán..."(1). Như vậy lúc ông đang tại chức tổng đốc Sơn Hưng Tuyên thì được cử làm chánh chủ khảo trường thi Hà Nam khóa Giáp Ngọ 1894 (nhà thơ Trần Tế Xương đỗ tú tài khóa này); và sự hiện diện của ông trong lễ xướng danh khóa thi Đinh Dậu 1897 chỉ có tính cách nghi lễ trên cương vị quan đầu tỉnh (tổng đốc Nam Định-Ninh Bình, còn gọi là Nam Ninh tổng đốc) chứ không phải với tư cách chủ khảo khoa này.
Để kiểm chứng, khi nhìn những bức ảnh in lại trong sách của Daney, chỉ có cái ảnh Cao Xuân Dục (ông Tây ghi là le tong doc, đúng quá!) đứng một mình trơ trọi có lọng che(2) là ...Cao Xuân Dục. Còn trong số mấy ông khảo quan ngồi trên ghế cao lêu nghêu không có ông nào là Cao Xuân Dục cả, cho dù có lấy kính lúp xem lòi cả tròng, "sờ cằm đo râu" theo kiểu cảnh sát hình sự, "a-ma-tơ" kiểu Lê Phong phóng viên (3) hoặc nhờ ông Sherlock Holmes(4) điều tra với sự tiếp sức của anh bạn nối khố Dr Watson cũng chịu thua không tìm đâu ra cụ Cao! Mà cũng dễ hiểu thôi, ai mà chẳng biết mấy khi quan đầu tỉnh Nam Định lại được cử làm chánh chủ khảo ngay ở trường Nam Định, vì sợ ông sẽ thiên vị sĩ tử tỉnh nhà. Thế là đóng hồ sơ cái rụp, và Sherlock Holmes sẽ nheo mắt bảo anh bạn nối khố: "Có gì đâu mâ phải động não? It?s elementary, my dear Watson!"
2.
Và nếu ông Sherlock Holmes buồn...ngủ vì chẳng có việc gì để mà động não, buồn tình tôi cũng sờ... râu con kiến, nghĩ mình cũng nên tìm hiểu về khoa Đinh Dậu 1897 này xem nó ra làm sao. Đằng nào thì cũng phải Redde Caesari quae sunt Caesaris! Khó gì, mở cuốn Hương Khoa Lục ra xem thì thấy ghi rành rọt chủ khảo khoa này là Đồng Sĩ Vịnh, Tả tham tri bộ Lễ sung biện Các vụ, từ Huế ra; phó chủ khảo là Nguyễn Quán, Hàn lâm viện trực học sĩ kiêm toản tu Quốc sử quán cũng từ Kinh ra. Vậy trong số mấy ông ngồi trên ghế cao lêu khêu hoặc ngồi ăn yến chắc là có hai ngài này...Có một ông diện mạo oai vệ, đầu chít khăn, phải chăng là Hoàng Cao Khải kinh lược Bắc Kỳ? Xin nhờ Sherlock An Nam nào điều tra hộ xem, bởi vì ở lễ xướng danh hai khoa thi Hương 1891 và 1894 trước đó đều có sự hiện diện của quan kinh lược họ Hoàng (xem ở phần sau), huống chi lần này lại có toàn quyền Doumer mới sang nhậm chức. Và nếu tiếp tục làm việc "nghiêm túc" thì cũng nên tra cứu thêm về hành trạng quan chủ khảo khóa Đinh Dậu 1897: Đồng Sĩ Vịnh, Cụ là ai? Hãy trả về cho César, à quên, cụ Đồng Sĩ Vịnh những gì của cụ, có phải không ạ?
Hương Khoa Lục ghi Đồng Sĩ Vịnh trúng cử nhân khoa Tự Đức Tân Dậu (1861) ở trường thi Thừa Thiên (do Phan Huy Vịnh làm chủ khảo), đỗ thứ 26 trong số 30 ông cống, nhưng không ghi lúc ấy ông bao nhiêu tuổi. Tra thêm Quốc Triều Khoa Bảng Lục, thì không thấy ông đỗ tiến sĩ hay phó bảng(5). Ông quê quán làng Mậu Tài, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên.

Sẵn có Đại Nam Thực Lục(6) đầy đủ 38 tập trong nhà, bèn mở ra xem có thêm dữ liệu gì không, thì được biết hoạn lộ của ông cũng ba chìm bảy nổi, tuy chưa phải lên voi xuống chó như Nguyễn Công Trứ. Năm Tự Đức thứ 27 (1874) Đồng Sĩ Vịnh giữ chức viên ngoại lang ở Cơ Mật viện bị giáng cấp vì việc chiếu chỉ ban hành bất cập (tên hoạn quan dính líu trong vụ này bị đánh 80 trượng!) Cũng năm ấy ông làm khoa đạo, đàn hặc sứ bộ Phan Sĩ Thực, sau 2 năm đi sứ ở nước Tàu trở về lại đi thẳng về nguyên quán chứ không vào Kinh chầu vua ngay. Năm 1876 Đồng Sĩ Vịnh làm bố chính Nam Định, thành bị quân Pháp đánh hạ, ông bị cách chức, phải phạt làm lính đi tiên phong để chuộc tội. Năm 1885 ông lại được triều đình cử làm tuần phủ Ninh Bình nhưng chẳng bao lâu bị quân Pháp bắt giam một thời gian. Về Kinh năm 1887 ông được cử làm phó quản đốc "thông bảo chuyên nha" phụ trách đúc tiền (Đồng Khánh Thông Bảo). Đại Nam Thực Lục tập cuối cùng chép đến 1888 là năm vua Đồng Khánh mất. Như ghi trong Hương Khoa Lục, với tư cách Lễ bộ Tham tri dưới đời Thành Thái ông được cử làm chủ khảo thi Hương trường Hà Nam năm 1897 (lúc này trường Nam (đã) thi lẫn với trường Hà - thơ Tú Xương - từ khoa 1886). Với cái đà này chắc ông phải lên tới chức thượng thư trước khi về hưu chẳng chơi! Lục những cuốn "từ điển danh nhân" không thấy ghi chép gì về Đồng Sĩ Vịnh. Chỉ thấy trong Từ Điển Nhân Vật Lịch Sử Việt Nam (7) có chép về ông Đồng Sĩ Bình (1904-1930) quán làng Mậu Tài, có hoạt động cách mạng (không nói rõ theo đảng phái hay khuynh hướng nào) và bị cầm tù, đày ải trong nhiều năm.

Họ Đồng Sĩ là một dòng họ lớn ở Thừa Thiên. Tôi nhớ hồi còn bé ở Huế có ông Đồng Sĩ Nga làm tỉnh trưởng vào khoảng 1950 là bạn của thân phụ tôi. Thế nào chẳng có thân thuộc dòng họ này lưu lạc sinh sống ở hải ngoại. Làng Mậu Tài thuộc huyện Phú Vang nằm gần thành phố Huế, tên làng đã đi vào tâm thức dân gian qua những câu ru hời đậm đà mà kẻ sinh đẻ ở Huế như tôi vẫn nhớ hoài:
Ru em cho théc cho muồi
Để mẹ đi chợ mua cau ăn trầu
Mua vôi chợ Quán chợ Cầu
Mua cau Nam Phổ mua trầu chợ Dinh
Chợ Dinh bán áo con trai
Triều Sơn bán nón Mậu Tài bán kim.
Giả sử vào một ngày đẹp trời ông (bà) khách (Việt kiều?) quay gót về thăm chốn Thần Kinh. Sau mấy màn tham quan lăng tẩm, "ngủ đò", bún bò, cơm hến, bia hơi, khách bắt đầu... chán, cảm thấy ngứa ngáy, định cất bước giang hồ đi nốt chặng đường đất nước, chợt nhớ cái "vấn nạn" thi cử năm xưa: Đồng tiên sinh, cụ là ai? Đất nước đổi mới, đi lại cũng dễ, khách bèn rời khách sạn (nhà nghỉ, nhà khách??), bỏ dăm ba đôn (euro còn ít người xài), mướn chiếc xe (ôm) phóng về làng Mậu Tài - không phải đi mua kim chỉ đâu nhá mà để làm một chút "điền dã". Vâng, tìm đến từ đường họ Đồng Sĩ, biết đâu trên bàn thờ lại chẳng có bức chân dung của cụ Đồng Sĩ Vịnh. Nhẩn nha đọc một vài câu đối (nếu biết chữ Hán!), ngắm bức hoành phi, hỏi chuyện với hậu duệ 3, 4 đời của cụ, tò mò xin cho xem cuốn gia phả, chắc là có vài dòng ghi lại chặng đường khảo quan của tiên sinh ở xứ Bắc kỳ Bảo hộ vào thời kỳ "quá độ tây-ta" thủa xa xưa ấy... Việc này thực hiện dễ như chơi, nếu... muốn.
3.
Gần đây có dịp về Việt Nam tôi thử làm một chuyến "giang hồ văn hóa vặt", gọi là lần theo dấu chân của tiền nhân, để xem dấu vết còn lại có đúng như đã ghi trong hành trạng cụ cố tôi là Cao Xuân Dục khi ông làm việc ngoài Bắc. Tôi đã "khám phá" được gì? Có ông bạn (thông thạo chữ Hán là cái chắc rồi) chỉ cho tấm bia ở chùa Đồng Quang (Hà nội) cạnh gò Đống Đa, ghi lại việc tu sửa chùa này với sự góp sức của Cao Xuân Dục khi ông làm bố chính Hà nội (1886) cùng với tổng đốc Lê Đĩnh và khâm sai Nguyễn Trọng Hợp (8). Thời gian ông làm Sơn Hưng Tuyên tổng đốc còn để lại di tích ở chùa Thầy, và ở động Hoàng Xá hiện nay vẫn còn tượng Cao Xuân Dục được khắc ở vách. Trong Long Cương Văn Tập (9) lưu ở viện Hán Nôm (Hà nội) có ghi lại bài văn bia ông soạn nhân dịp trùng tu văn miếu ở Sơn Tây. Tôi chưa có dịp tìm xem và không rõ bia này có còn không.
Thời gian ông làm tổng đốc Nam Định-Ninh Bình (1896-1898) còn để lại khá nhiều vết tích: những bi ký do ông soạn trong dịp trùng tu các di tích lịch sử rải rác đó đây, như ở nền nhà Hưng Đạo Đại Vương (Tức Mặc), đền Không Lộ (nội thành Nam Định cũ).... Đặc biệt là văn bia do Cao Xuân Dục soạn năm Thành Thái thứ 13, 1901 (lúc này ông đã vào Huế làm việc ở Quốc Sử Quán) nhân dịp trùng tu xong Phủ Giầy Vân Cát ở ngoại thành Nam Định. Tên bia là "Thánh Mẫu Cổ Trạch" (nhà ở ngày xưa của Thánh Mẫu - Liễu Hạnh, CXTứ chú), "Linh Từ Bi Ký" (bia ghi chép về ngôi đền thiêng), nội dung cho biết: "Phủ Vân Cát ...dựng từ đời Lê Cảnh Trị (10) , đời Cảnh Thịnh (11) mở rộng ra, đến năm kỷ mão (1879) đời Tự Đức được sửa sang, lợp mái lại. Năm Thành Thái thứ 10 (1898) đền bị hư hại vì mưa gió, quan huyện hợp sức với quan tỉnh vận động quyên góp công đức, cùng với thân hào đứng ra tu sửa, đến năm Thành Thái thứ 12 (1900) thì xong..."
Văn bia này dựng ở Ngũ Vân Lâu phía trước Phủ Giầy, là một trong những địa điểm thờ Mẫu nổi tiếng ở miền Bắc (ngang hàng với Phủ Tây Hồ ở Hà nội, đền Sòng ở Thanh Hóa...) Qua bao lớp sóng phế hưng, cải cách ruộng đất, đấu tố, bom đạn...Phủ Giầy Vân Cát (Vân Cát nữ thần: mẫu Liễu Hạnh, CXTứ chú) vẫn còn đó, văn bia vẫn còn đây (mới 100 năm thôi mà!). Công trình kiến trúc hiện nay theo dạng trùng thiềm, hình chữ "quốc", là kiểu phổ biến đời Nguyễn. Ngày nay trong bầu không khí đổi mới, thời "nhang khói thị trường", vào dịp hội lễ hàng năm vào tháng Ba âm lịch, hàng ngàn người đổ xô về Phủ Giầy cầu xin lộc thánh (mẫu), chen lấn xem lên đồng, làm mồi rất ư là ngon cho... bọn móc túi!
Tôi đến đây một chiều đông giáp Tết, trời rét căm căm, thành ra không được thấy cảnh nhộn nhịp này, nhưng lại được thưởng thức mấy quả chuối ngự mua ở cổng đền, đặc sản xứ Sơn Nam Hạ ("ăn chuối ngự, đọc thơ...Xương"), bé bằng ngón tay mà cực kỳ...ngon. Lác đác mấy bà sồn sồn phấn son lòe loẹt vào đền khấn vái (cầu tài? giấc mơ hồi xuân?) và một cặp còn trẻ dáng điệu ngơ ngác, hỏi ra thì họ đến đây để cầu tự.
Chẳng phải vì tình cờ mà bài thơ "Phủ Giầy" của tôi (Hợp Lưu số 65) có mấy câu:
... tình đói ăn xin
mút mùa chiêm
từng bát từng bát
đong nỗi cô đơn vàng mã
em phủ phục
huyền thoại mẫu nào cụ thể hơn
giấc mơ phồn thực
và tôi chở khói hương
đi vào vận hội
...
4.
Có thể nói cuộc đời ngắn ngủi (37 năm) của nhà thơ Trần Tế Xương đã nổi trôi theo những mùa thi ở thành Nam, nơi ông sinh trưởng: ông đi thi những tám lần mà chỉ được mỗi một chân Tú tài. Những khoa thi này vẫn còn sống mãi trong tâm tưởng (một vài) chúng ta cũng nhờ những vần thơ trào lộng của ông.
Khóa thi Đinh Dậu 1897 thiên hạ nháo cả lên vì có tân toàn quyền Đông Dương Paul Doumer dùng đường thủy tới dự lễ xướng danh, nào lính nào tàu chiến hộ tống, đại bác bắn chỉ thiên ra oai, chả là lúc ấy dư luận xôn xao về vụ Kỳ Đồng khởi nghĩa. Ngoài Doumer còn có sự hiện diện của thống sứ Bắc Kỳ Fourrès và công sứ Nam Định Lenormand. Cái hoạt cảnh Tây Ta "giao lưu" được ghi lại thật sống động, như những hình ảnh của một bài phóng sự chớp nhoáng hay một cuốn phim thời sự đập ngay vào mắt:
Lọng cắm rợp trời quan sứ đến
Váy lê quét đất mụ đầm ra
Hoặc:
Trên ghế bà đầm ngoi đít vịt
Dưới sân ông cử ngoảnh đầu rồng.
Theo Nguyễn Văn Hoàn (12) thì ngay ở khoa Tân Mão (1891) đã có "Tây" về dự: thống sứ Bắc Kỳ Neyret đi cùng với kinh lược Hoàng Cao Khải. Nhà văn Nguyễn Tuân đã ghi lại lễ xướng danh khoa Giáp Ngọ (1894) là khóa Tú Xương đỗ tú tài, cũng có Tây đến "quậy". Với giọng khinh bạc thường lệ, chả cần tuân thủ một quy luật văn bản học nào hết, ông viết: (13)
"Ở một đống giấy lộn trong thúng một bà đồng nát bán rong sách báo Tây cũ làm giấy gói hàng ở dọc phố Lãn Ông Hà Nội, thấy có những tờ rời nói về khoa thi hương Giáp Ngọ (1894) ông Xương đỗ tú tài rằng:
"Trường thi Nam Định năm 1894 đông như kiến cỏ...Kỳ đệ nhất vào ngày 25-10-1984, kỳ đệ nhị ngày 15-11. Kỳ đệ tam 25-11. Vào kỳ phúc hạch đệ tứ là ngày 2-12-1984. Ngày 8-12-1894 là lễ xướng danh những người đỗ. Tiếng loa ran lên, ồm ồm lanh lảnh. Tiếng í ới gọi nhau lạc đường của các thầy khóa, của tiểu đồng lão bộc quản gian nhổ lều đội chỏng ra về. Đám đông lên tới hai mươi nhăm ngàn người. Lễ xướng danh từ sớm cho đến chiều. Quan toàn quyền (De Lanessan, CXTứ chú) bận không đến, có quan cai trị (thống sứ) Moren thay mặt...Xướng xong tên 60 cử nhân tân khoa thì quan Moren về. Các ông tân khoa phục lạy. Ở tỉnh đường quan tổng đốc, quan kinh lược Bắc Kỳ (Hoàng Cao Khải, CXTứ chú) ban mũ, ban áo tấc xanh, ban ô, ban tráp sơn nó là những huân hiệu cụ thể của người men chân lên cái thang hoạn lộ...Ngày yết bảng ấy được kết thúc nhốn nháo la đà ở toà sứ Nam Định bằng một tiệc rượu, nhảy đầm có mặt đủ các thứ tai họng tai mũi thực dân nứt mắt cũng như xồm xoàm (...)
Tú Xương đỗ tú tài thiêm thủ (lấy thêm) khoa Giáp Ngọ 1894 do Cao Xuân Dục làm chủ khảo. Chỉ có một lần nhà thơ nhắc đến "thượng Cao" trong bài tứ tuyệt:
Này này hương thí đỗ khoa nào
Nhân hậu thay lòng quan thượng Cao
Người ta thi chữ ông thi phúc
Dù được dù không cũng muốn vào (14)
Đối tượng "ông" ở đây được hiểu khác nhau. Lãng Nhân Phùng Tất Đắc (nhà báo lão thành gốc Nam Định) cho rằng đây là nói về một vị họ Từ, "quan thượng Cao Xuân Dục làm chủ khảo thi Hương đã rộng rãi cho ông đỗ, nay ông thi tiến sĩ nữa thì ra ông thi bằng phúc ấm tổ tiên..." Ông này vào kinh đỗ luôn tiến sĩ, sau lần lượt làm tri phủ (Xuân Trường), đốc học (Nam Định), tuần phủ (Ninh Bình) (15).... Tựa đề mỗi người đặt một cách: "Thi Phúc" (Nguyễn Văn Huyền et al), "Gửi bạn đi thi" (Sở Cuồng Lê Dư), "Gửi bạn thi đỗ" (Vũ Đăng Văn; Hoàng ngọc Phách, Lê Thước & Đỗ Đức Hiểu) (16)
Thượng (17) Cao là "Cao Xuân Dục, một vị chánh chủ khảo hồi bấy giờ được sĩ tử ca ngợi là nhân hậu" (theo Nguyễn Văn Hoàn) (18). Nguyễn văn Huyền et al ghi: "từng làm tổng đốc Nam Định, thượng thư bộ học. Khoa thi hương này ông được cử làm chánh chủ khảo, có tiếng là nhân hậu, chấm nới tay."
Chắc Tú Xương cũng có thiện cảm đối với chủ khảo khoa thi đã chấm cho mình đỗ lần đầu (và cũng là lần cuối) trong cái nghiệp lều chõng, dù chỉ đỗ tú tài vớt. Nhân hậu là phải. Ai chả biết nhà thơ đã không tiếc lời đả kích các học quan, khảo quan mà ông cho là "xí trai", dốt hoặc tham nhũng.(19)
Ở phố hàng Song thật lắm quan
Thành thì đen kịt, đốc thì lang
Thành là quan giữ thành tên là Pháo. Đốc là quan đốc học tên Kinh (hay Uông?), ông này da mặt loang lổ (dân Huế gọi là bị "lác").
Dù bản thân là tay chơi có hạng ("bài bạc kiệu cờ cao nhất xứ", "cao lâu ăn qu?/ thổ đĩ chơi lường" "ăn chơi liều lĩnh, tứ đốm tam khoanh"), ông lại căm ghét hạng học quan ham vui cờ bạc:
Ông về đốc học đã bao lâu
Cờ bạc rong chơi rặt một màu
Và dù tự trào đi thi "sờ bụng không một chữ gì", ông chê một khảo quan gốc gác tỉnh nhà gia đình vốn làm nghề bán thuốc bắc:
Sơ khảo khoa này bác cử Nhu
Thực là vừa dốt lại vừa ngu...
Một ông buôn sắt giả danh thầy đồ bị nhà thơ giễu tơi bời:
Hỏi thăm quê quán ở nơi mô
Không học mà sao cũng gọi đồ
...
Hỏi mãi mới ra thằng bán sắt
Mũi nó gồ gồ, trán nó giô.
Một ông huyện được cử phụ trách việc trường quy ở kỳ khảo (thi thử) cho thí sinh sắp đi thi Hương, dốt quá đến nổi có chuyện tráo bài mà không hay:(20)
Thánh cắt ông vào chủ việc thi
Đêm ngày coi sóc chốn trường quy
Chẳng hay gian dối vì đâu vậy?
Bá ngọ thằng ông biết chữ gì!
Có bản chép "đù mẹ" thay vì "bá ngọ" (tiếng nhà chùa).
Khoa Canh Tý (1900) Tú Xương lại hỏng. Kỳ này có hai tay hay chữ là Vũ Tuân và Lê Sĩ Nghị tranh nhau ghế khôi nguyên:
Hai đứa tranh nhau cái thủ khoa
Tuân khoe văn hoạt, Nghị văn già
Vũ Tuân đỗ giải nguyên, năm sau vào kinh lại đỗ phó bảng. Khoa thi hội Tân Sửu (1901) này do Cao Xuân Dục làm chủ khảo. Cái tiếng "nhân hậu" của ông được biểu hiện một lần nữa khi ông "vớt" thêm bốn người cho vào thi Đình trong dó có Nguyễn Sinh Huy là thân phụ Hồ Chí Minh. Ông còn xin vua (Thành Thái) cho những người đỗ phó bảng như các ông Tuân, Huy (trước tên là Sắc) và Phan Chu Trinh cũng được ban áo mão, cấp ngựa trạm vinh quy bái tổ. Đây là một tiền lệ trong chế độ khoa cử triều Nguyễn (21).
Còn Lê Sĩ Nghị á nguyên sau này không đỗ đại khoa, mặc dù tăm tiếng ông dã nổi như cồn từ sáu năm trước. Lãng Nhân viết (22):
"(...) Năm Giáp ngọ (1894) mới 17 tuổi, đã về thi hương tỉnh Nam Định. Sĩ tử nghe tiếng ông đều lấy làm ngại. Kỳ đệ nhất ông làm tới bảy bài kinh nghĩa. Lệ thi hương chỉ bắt buộc có 2 bài, một bài kinh làm theo điển cố Ngũ Kinh, một bài truyện lấy Tứ Thư làm tài liệu, ông đã làm tất cả 5 bài kinh và 2 bài truyện, bảy bài đều được phê ưu, thật là một kỷ lục. Nhưng sau xét lại một bài truyện, đầu bài là: Đạo chi tương hành dã dư (đạo của ta nếu gặp lúc được thi hành) lấy chữ Luận ngữ, ông chép đầu bài vô ý bỏ mất chữ dã. Như thế là phạm trường quy, dẫu văn hay đến đâu cũng phải ra bảng con, nghĩa là hỏng.
"Song quan trường có ý tiếc tài. Ngày ra bảng kỳ đệ nhị, chánh chủ khảo Cao Xuân Dục cho loa gọi ở cửa trường: thí sinh Lê sĩ Nghị ở Hưng Yên, vào cho quan trường hỏi. Ông vào thì chủ khảo phàn nàn cho ông bị hỏng, ủy lạo và tặng ông bài thơ:
Vũ trụ vô hoàn cục
Giang sơn tái tú linh
Kim quân di nhất dã
Ngô đạo ký chung thành
"(Trong vũ trụ không có cuộc nào hoàn toàn/ non sông ta vẫn còn linh khí/nay phải bỏ sót ông là một vậy/đạo ta mong có lúc được thịnh hành)
"Bài thơ có ý dụng tâm, câu thứ nhất thứ hai rút ở chính bài kinh nghĩa của họ Lê làm:
Vũ trụ hoàn toàn chi cục
Giang sơn bằng tái tú chi linh
"Câu thứ ba: tiếc ông là bậc nhân tài bị rớt lại và ngụ ý đầu bài ông bỏ sót chữ dã.
"Câu thứ tư: mong ông sau này thành đạt.
"Thi hỏng ông trở về cố gắng học thêm. Đến khoa Đinh Dậu (1897) lại hỏng. Cách ba năm sau, khoa Canh tý (1900) đỗ á nguyên (...)
Lãng Nhân Phùng Tất Đắc là nhà báo kỳ cựu ở Bắc kỳ, thông thạo tiếng Pháp lẫn chữ Hán. Ông là người đã chỉnh lại họ tên chính thức của Tú Xương là Trần Tế Xương (chứ không phải Kế) trên báo Đông Tây năm 1932 (23). Di cư vào Nam ông nổi tiếng với Kim Lai Ần Quán và Nam Chi Tùng Thư, in ấn đẹp (nhất?) Sài Thành một thời. Sau 1975 ông sang tị nạn ở Anh. Bài viết trong Giai Thoại Làng Nho (in lần đầu năm 1966) không biết trước đấy đã đăng ở báo nào chưa, nhưng những chi tiết về Lê Sĩ Nghị, các khoa thi, chủ khảo...khi đối chiếu đều đúng rập theo nguồn tư liệu "gốc" cũng như qua thơ Tú Xương. Thế thì nội dung cụ thể các bài thi, ngay cả đầu đề ở khoa thi Giáp Ngọ 1894, về trao đổi giữa chủ khảo Cao Xuân Dục và thí sinh Lê Sĩ Nghị, Lãng Nhân lấy từ đâu ra nhất là bài thơ đầy ý nhị: vũ trụ vô hoàn cục?
Trong dịp về Việt Nam gần đây, tôi được biết ở viện Nghiên Cứu Hán Nôm còn một số sách tựa đề Hà Nam Hương Thí Văn Tuyển. Đây là những tuyển tập nhiều bài kinh nghĩa, văn sách, thơ phú chọn lựa trong các kỳ thi Hương của trường Hà Nam được in ra thành sách, liên quan đến các khoa thi Giáp ngọ (1894), Đinh Dậu (1897) Canh Tý (1900), Canh Tuất (1909) và một cuốn chép tay về khoa thi Bính Tuất (1886). (24) Trong Long Cương Văn Tập (25) có một bài sớ của Cao Xuân Dục tâu vua xin cho khắc in những bài văn làm trong các khoa thi, như vậy việc cho in các tập văn tuyển về các kỳ thi này là do ông khởi xướng. Tôi chưa có dịp khảo chứng ngọn ngành về cuộc trao đổi giữa Cao Xuân Dục và Lê Sĩ Nghị như Lãng Nhân ghi lại, nhưng cũng đoán là từ Hà Nam Hương Thí Văn Tuyển mà ra. Đây là nguồn tư liệu phong phú cho những ai muốn đào sâu vào nội dung đề tài khoa cử vào những năm đầu thời kỳ thuộc Pháp.
5.
Nam Định, ngày cuối đông...Buổi sáng mờ sương, lạnh buốt, tôi rời nhà khách đi lang thang. Vào quán cóc mần một bát cháo lòng cho ấm dạ. Hỏi mãi không tìm đâu ra quán cà phê nhâm nhi một cái "phin" cho tỉnh người, cùng lắm nước sôi cà phê bột cũng cam. Thoáng nhớ Tú Xương chỉ thích "một trà một rượu một đàn bà", biết đâu dân Nam Định theo gương ông không xài cà phê. Rượu, đàn bà thì sớm quá, mới tám giờ sáng. Lại không quen cái tật "chén trà trong sương sớm" của Nguyễn Tuân. Đi bộ hơn cây số thì đến bờ hồ. Dưới vòm cây rậm rạp hiện ra một quán lợp lá quảng cáo các món nhậu. Ngoài hiên là mấy cái bàn ghế plastic thấp lè tè. May quá ở đây có cà phê, lại "phin". Ông chủ ngồi chồm hổm nhổ lông con ngan vừa cắt tiết xong, đựng trong một cái chậu. Lạnh thế này mà chỉ mặc độc cái mai-ô. Có tiếng cười khúc khích. Phóng mắt nhìn quanh. Một cặp trai gái đang đú đởn trên chiếc võng mắc ở góc sân, cạnh chiếc xe máy hiệu Dream mới toanh. Nhìn chiếc giày cô gái gót cỡ một tấc nằm chỏng gọng trên cỏ, đầu tôi bỗng vang lên chí cha chí chát khua giày dép, đen thủi... Cô chủ bưng cà phê tới, mắt đá lông nheo: "Anh hai đi chơi đâu sớm thế!" Ôi quê hương Tú Xương! Sinh hoạt thị dân thành Nam một thế kỷ sau, bước vào thiên niên kỷ mới, vận hội mới, bụi ơi là bụi. Tự hỏi phố hàng Thao ông chơi ả đào ngày xưa bây giờ nằm đâu. Gì chứ hát caraôkê thì ngõ ngách nào mà chẳng có. Định chiều nay tìm đến phố hàng Nâu (bây giờ là phố Minh Khai) đến thăm nhà cũ cụ Tú. Quay mặt nhìn ra hồ. Một vài sợi nắng thoi thóp. Nước Vị Hoàng có thời đã liếm láp bờ cỏ này? Trường thi Mỹ Lộc thủa trước bây giờ ở đâu? Chợt nhớ đêm qua ông bạn đọc cho câu thơ Nguyễn Bính: lỡ duyên búi tóc củ hành, trường thi Nam Định biến thành trường bay...Úi cha!
Lần bước đến viếng mộ nhà thơ nằm cạnh hồ. Mộ làm bằng đá xây hình chữ nhật, khá bề thế, xung quanh hoa cỏ tươi mát. Sáng nay chỉ có mỗi mình tôi. Tấm bia cẩm thạch mầu xanh lục sáng loáng, một mặt khắc hai câu trong bài thơ cảm hoài:
Vẳng nghe tiếng ếch bên tai
Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò
Mặt kia ghi lại hai câu Yên Đổ phúng Tú Xương:
Này ai chín suối Xương không nát
Có lẽ nghìn thu tiếng vẫn còn
Lãng Nhân ghi "miệng vẫn còn". Vâng, lại vấn đề văn bản học. Tiếng thì tốt mà miệng lại độc. Bia miệng mà. Miệng thì cần gì văn bản chính xác. Cứ nhớ mà chép ra. Thơ Tú Xương cũng thế, không còn bản gốc, dù chỉ mới trăm năm ("trong cõi người ta"). Tam sao thì thất bản. Sàng lọc "nghiêm túc" còn được hơn trăm bài. Theo phương pháp sờ ngọn tìm gốc. Mở cuốn sách Tú Xương: Tác phẩm - Giai thoại (26) in năm 1986 đã long gáy ông bạn biếu làm quà, ở ngay trang đầu phần giới thiệu Nguyễn Đình Chú trích hai câu Này ai chín suối...Nhưng ông giáo sư lại "bật mí": "...gần đây đã có người cải chính rằng đó là hai câu đối ở cột lăng của Đoàn Triển (27) tại làng Hữu Thanh Oai, nhưng từ lâu nhiều người vẫn tin là của Nguyễn Khuyến viếng Tú Xương. Sự lầm lẫn này nếu đúng là lầm lẫn, thì cũng đã dựa trên một điều rất đáng có, rất muốn có" (chữ nghiêng của tôi).
Vâng, dù gì cũng đã khắc vào bia rồi. Tam nguyên Yên Đổ viếng ông Tú Vị Xuyên hai câu để đời. Ông nghè hiển đạt nửa đường từ quan về già ngả nón chào ông tú một đời lận đận chết yểu. Giao tình giữa hai đại thụ thơ quốc âm cuối thế kỷ 19, mỗi người một vẻ "rất đáng có". Cái bốp chác thị thành và cái yên ắng nông thôn, yin yang hài hoà, hai mặt của cùng một cái mề đai văn chương, thật là "rất muốn có" cho một chặng đường văn học chính thống đang độ chuyển mùa sang thế hệ Tản Đà. Sờ ngọn tìm gốc làm chi cho mệt. Truyền thống phải thế. Có gắp nhầm chút xương cũng chẳng sao, bởi vì máu thịt thì đã ngấm vào mạch thơ dân tộc rồi...Biện chứng là phải thế...
Cũng may là mình mù Hán tịt Nôm.
Amsterdam tháng 8. 2002

CHÚ THÍCH
(1) Quốc Triều Hương Khoa Lục, tác giả Cao Xuân Dục; Nguyễn Thúy Nga, Nguyễn Thị Lâm dịch, Cao Tự Thanh hiệu đính và giới thiệu, NXB TPHCM, 1993. Phần tiểu sử tác giả dựa trên tài liệu (chữ Hán) An Xuân Nam Cao Xuân Dục lý lịch (còn lưu lại ở Viện Nghiên Cứu Hán Nôm) và bài "Notices nécrologiques S.Ẹ Cao Xuan Duc" củ? Charles Patris (Bulletin des Amis du Vieux Hue, 1923). Thực ra lúc mới về Huế năm 1898 ông chỉ làm phó tổng tài quốc sử quán, đến 1903 mới chính thức giữ chức tổng tài.
(2) Lúc còn ở Saigon tôi đã được xem một số ảnh Cao Xuân Dục ở nhà bà cô là Cao Ngọc Anh (1877-1970), và tại nhà một số họ hàng như các anh Cao Xuân Thiệu (đã mất), Cao Xuân Vỹ (hiện ở Mỹ), khi thì ông mặc triều phục, khi áo the, lúc mũ cánh chuốn, lúc khăn đóng. Có điều làm tôi chú ý nhất là bộ râu thật đẹp, thật sum suê của ông chẳng thua gì "Tây", hơn xa các vị đồng liêu trong phủ phụ chính chụp chung trong một tấm ảnh đầu đời Duy Tân (cố ngoại tôi là Tôn Thất Hân râu cũng vào hạng khá, ông Nguyễn Hữu Bài rõ ràng "no hair", có lẽ ông không (để?) râu). Sau này Bác sĩ Cao Xuân Cẩm (1906-198?) sinh thời ở Paris lúc xem cuốn sách của Daney có chỉ cho tôi cái ảnh Cao Xuân Dục đứng một mình (lúc ông mới ngoài ngũ tuần) và đề nghi nên chụp lại, in ra nhiều tấm để phát cho bà con. Trong bài của Charles Patris cũng có in lại một số ảnh Cao Xuân Dục ở nhiều thời điểm khác nhau.
(3) Nhân vật trong truyện trinh thám của Thế Lữ
(4) Nhân vật trong truyện trinh thám của Sir Arthur Conan Doyle
(5) Quốc Triều Khoa Bảng Lục của Cao Xuân Dục, Trúc Viên Lê Mạnh Liêu dịch, Nguyễn Đăng Na hiệu đ6nh, NXB Văn Học, Hanoi 2001. Cuốn này trước đây dưới tựa đề Quốc Triều Đăng Khoa Lục đã được Trung Tâm Học liệu Bộ Văn Hóa Giáo Dục & Thanh Niên in lần đầu 1962, tái bản 1972 tại Saigon.
(6) Đai Nam Thực Lục Chính Biên, từ quyển 33 đến 38, Quốc Sử Quán triều Nguyễn, Bản dịch Viện Sử Học, NXBKHXH, Hanoi 1975, 1976, 1977
(7) Từ Điển Nhân Vật Lịch Sử Việt Nam của Nguyển Q.Thắng & Nguyễn Bá THế, NXBKHXH, Hà nội 1992
(8) Về sau Cao Xuân Dục và Nguyễn Trọng Hợp trở thành thông gia: bà Cao Ngọc Anh (tên thật Cao Thị Hoà) là kế thất của án sát Nguyễn Duy Nhiếp và là kế mẫu của tiến sĩ Hán học Nguyễn Sĩ Gíac có thời giảng dạy ở Đại học văn khoa Sài gòn). Về tiểu truyện Cao Ngọc Anh, xin xem "Giai Thoại Làng Nho Toàn Tập" của Lãng Nhân , Nam Chi Tùng Thư, Saigon, 1966.
(9) Sách chữ Hán. Ký hiệu VHv. 1573h Viện Hán Nôm (Hà Nội), gồm các bài biểu, sớ, tựa sách, văn tế, văn bia... của Cao Xuân Dục.
(10) Lê Huyền Tông (1663-1671)
(11) Vua Cảnh Thịnh (Nguyễn Quang Toản) nhà Tây Sơn (1793-1800)
(12) Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam - giai đọan nửa cuối thế kỷ 19, NXB Văn Học Hànội, 1964, in lại trong Trần Tế Xương, về Tác Gia và Tác Phẩm, NXB Giáo Dục, Hà Nội 2001.
(13) Thời và Thơ Tú Xương, tạp chí Văn Nghệ, 5-1961, in lại trong Trần Tế Xương, về Tác Gia và Tác Phẩm, SĐD.
(14) Đây là theo Lãng Nhân. Các bản khác chép :"Dù dở dù hay ông cũng vào".
(15) Chơi Chữ, tái bản ở Mỹ, Zieleks Co, Houston, Texas, 1978
(16) Xem Tú Xương: Tác phẩm-Giai thoại, Nguyễn văn Huyền chủ biên, Đỗ Huy Vinh và Mai Anh Tuấn sưu tầm và khảo dị văn bản, Nguyễn Đình Chú giới thiệu. Hội Văn học Nghệ Thuật Hà Nam Ninh, 1986
(17) Gọi "thượng" là vì tổng đốc ngang với hàm thượng thư (chánh nhị phẩm dưới triều Nguyễn bắt đầu đời Minh Mệnh, theo Việt nam sử lược của Trần Trọng Kim). Mãi đến 1907 Cao Xuân Dục mới được cử làm thượng thư bô học.
(18) Xem chú thích 11, SĐD
(19) Về những câu thơ trích và chú giải kèm theo, chủ yếu tôi dựa theo cuốn Tú Xương: Tác phẩm - Giai Thoại (SĐD) mà văn bản, theo Đoàn Hồng Nguyên trong kỷ yếu Trường ĐHSP TPHCM 1999, là đáng tin cậy hơn cả.
(20) Tú Mỡ: Tính chất trào lộng trong thơ Tú Xương, Tạp chí Văn Học, Hà nội số 11, 1969, trích trong Tú Xương: Tác phẩm - Giai thoại, SĐD
(21) Quốc Triều Khoa Bảng Lục, SĐD. Về chút ơn thừa vua ban ngày tàn dư của nền Hán học, người con cả của ông là Cao Xuân Tiếu (1865-1939 ) đỗ phó bảng khoa Ầt mùi (1895) sáu năm trước không được hưởng. Sau này hai con rể ông là Lê Xuân Mai (1874-1945) và Hoàng Tăng Bí (1881-1939) cùng đỗ phó bảng khoa Canh Tuất (1910) được hưởng vinh dự này. Người con rể đầu là Đăng Văn Thụy đỗ hoàng giáp đình nguyên khóa Giáp Thìn (1904) đương nhiên được hưởng quy chế vinh quy bái tổ. Những chi tiết này được chép theo gia phả.
(22) Giai Thoại Làng Nho, SĐD
(23) Theo Vũ Đăng Văn trong Thân Thế và thơ văn Tú Xương, Cây Thông. Hà Nội 1951, trích trong Tú Xương: Tác phẩm và Giai thoại, SĐD trang 49.
(24) Ký hiệu ở thư viện Viện Hán Nôm: VHv 323 Khoa Bính Tuất (1886) bản viết tay; VHv 1125 Khoa Giáp ngọ (1894) bản in; VHv 656 khoa Đinh Dậu (1897) bản in; VHv 658 khoa Canh Tí (1900) bản in; VHv 1632, VHv 2607 và A 3014 khoa Quí Mão (1903) là 3 bản in dày mỏng khác nhau của Gia liễu Đường. Trong một vài cuốn còn có thêm phần phụ lục về một số bài văn chọn lọc ở các khoa thi hội và thi đình, ví dụ VHv 658 khoa Canh Tí (1900) có thêm hội thi văn tuyển khoa Tân Sửu (1901) v.v... Nhân đây tôi xin cảm ơn cô Nguyễn Thu Hương ở Khoa Sử trường Đại Học KHXH và Nhân Văn Hà Nội đã vào viện Hán Nôm thu thập giùm những thông tin này, đồng thời ghi chép và dịch hộ bài văn bia ở Phủ Giầy Vân Cát (Nam Định).
(25) Xem chú thích 9, SĐD
(26) Theo Nguyễn Đình Chú: Đoàn Triển 1854-1919), hiệu Mai Viên, quê làng Hữu Thanh Oai. đậu cử nhân, làm quan đến hàm hiệp biện đai học sĩ, có trước tác. Theo Hương Khoa Lục ông đỗ cử nhân năm 1886 trường Hà Nam-Ninh Bình, có lần làm viên ngoại lang ở nha kinh lược Bắc Kỳ, gia đình đỗ đạt nhiều.

____________

Thư ngỏ gửi ông Cao Xuân Tứ

(Muộn còn hơn không)

Vẫn chuyện chủ khảo Cao Xuân Dục
Vì mục lực kém tôi không đọc được trên mạng nên đến bây giờ, cuối tháng 3/2009, tôi mới được một người chuyển cho bài "Sờ râu các cụ khảo quan" của ông Cao Xuân Tứ (CXT), viết từ năm 2002, phê bình tôi sau khi đọc bài "Vì sao tôi nghiên cứu Khoa cử" của tôi (Hợp Lưu số 63, năm 2002).
Bài dài tới 13 trang, chia làm 5 phần, song chỉ ba phần đầu có liên quan đến tôi, phản bác ý kiến của tôi là Quốc Triều Hương Khoa Lục (HKL), mà tác giả là Cao Xuân Dục, đã chép sai. Dựa vào ảnh của Salles chụp lễ Xường danh trường Hà Nam khoa Đinh Dậu, mà Daney in lại một phần trong Quand les Francais découvraient l'Indochine (Khi người Pháp khám phá ra Đông Dương)tôi chứng minh CXD mới là Chủ khảo trường Hà Nam khoa Đinh Dậu (1897) chứ không phải là Chủ khảo khoa Giáp Ngọ (1894) như HKL đã chép.
Sau đây xin trích lại những ý chính của ông CXT :
- "muốn bàn chuyện khoa cử ngày xưa trước hết mình cũng cần tí vốn liếng chữ Hán (để tra khảo sách Hán Nôm qua văn bản gốc mỗi khi cần) ít ra như cỡ ông Trần văn Tích (...) Nếu không biết chữ Tàu, chữ Nôm thì nhờ người khác đọc hay dịch hộ, chẳng chết ai..."
- "Nhà học giả nhận xét rằng theo HKL thì CXD là chủ khảo kỳ thi Hương năm Giáp Ngọ 1894 ở Nam Định, trong khi những hình ảnh của Selles chụp nhân dịp xướng danh khoa Đinh Dậu 1897 (...) in lại trong sách của Daney lại có sự hiện diện của CXD ở đấy (mà theo bà Nguyễn Thị Chân Quỳnh là với tư cách chủ khảo kỳ thi Hương này). Như vậy, theo bà, HKL (mà tác giả là CXD) đã chép nhầm về khoa thi do chính tác giả làm chủ khảo (...) Sự hiện diện của ông (CXD) trong lễ Xướng danh khoa 1897 chỉ có tính cách nghi lể trên cương vị quan đầu tỉnh (tổng đốc Nam Định-Ninh Bình) chứ không phải với tư cách chủ khảo khoa thi Hương này. Để kiểm tra, khi nhìn những bức ảnh in lại trong sách của Daney chỉ có cái ảnh CXD (ông Tây ghi là le tong doc, đúng quá) đứng một mình trơ trọi, có lọng che là...CXD (...) Còn trong số mấy ông khảo quan ngồi trên ghế cao lêu nghêu không có ông nào là CXD cả cho dù có lấy kính lúp xem lòi cả tròng (...) cũng chịu thua không tìm đâu ra cụ Cao".
- Nếu muốn tìm hiểu sự thật thì"Khó gì, mở cuốn HKL ra xem thì thấy rành rọt chủ khảo khoa này là Đồng Sĩ Vịnh, Phó Chủ khảo là Nguyễn Quán. Trong số mấy ông ngồi trên ghế cao lêu khêu hoặc ăn yến chắc là có hai ngài này (...) Có một ông diện mạo oai vệ, đầu chít khăn, phải chăng là Hoàng Cao Khải, Kinh Lược Sứ Bắc kỳ ? Xin nhờ Sherlock Holmes An Nam nào điều tra hộ".
- " bà học giả đã quên hay chưa đọc tiểu sử CXD", nhưng ông đã đến Viện Hán Nôm đọc "An Xuân Nam CXD lý lịch" và đọc "Notices nécrologiques S.E. CXD" của Charles Patris trong Bulletin des Amis du Vieux Hue, 1923, nên biết năm 1897 CXD đang làm Tổng đốc Nam Định-Ninh Bình ắt không thể đồng thời làm Chủ khảo trường Nam được.
- "...mong rằng các nhận xét cụ thể, kinh nghiệm "thực địa", chút khơi mào về tư liệu có thể mở ra hướng nghiên cứu mới".
Tuy ông CXT chỉ điểm những chỗ "sai lầm" cho tôi song lại mở đầu bằng câu :"Thân gửi tác giả Sự muôn năm cũ" (tức BS Trần văn Tích), và sau khi cho biết ông đã đi các Thư viện để đọc bản gốc chữ Hán ông kết thúc bài với câu :"Cũng may mà mình mù Hán tịt Nôm".
Xin trả lời ông CXT :
Rất tiếc là những "cao luận" của ông chưa thuyết phục được tôi, tôi vẫn giữ y nguyên kết luận bài "Ai là Chủ khảo trường Hà Nam khoa Đinh Dậu ?" (Thế Kỷ 21, số 2, 1989) : CXD chính là Chủ khảo trường Hà Nam khoa Đinh Dậu (1897) chứ không phải Chủ khảo khoa Giáp Ngọ (1894) như HKL đã chép.
Dưới đây là những lý do khiến tôi không phục những "cao luận" của ông CXT :

1- Ảnh : Trông gà hóa cuốc : Salles không phải là Daney
Ông CXT nhận xét :"Sự hiện diện của CXD trong lễ Xướng danh khoa 1897 chỉ có tính cách nghi lễ trên cương vị quan đầu tỉnh (tổng đốc Nam Định-Ninh Bình) chứ không phải với tư cách chủ khảo (...) Xem ảnh của Daney chỉ có cái ảnh CXD (ông Tây ghi là le tong doc, đúng quá) đứng một mình trơ trọi, có lọng che là... CXD (ảnh 1, tr 92) ...còn trong số mấy ông khảo quan ngồi trên ghế cao lêu nghêu không có ông nào là CXD cả cho dù có lấy kính lúp xem lòi cả tròng (...) cũng chịu không tìm đâu ra cụ Cao (...) Dễ hiểu thôi, ai mà chẳng biết mấy khi quan đầu tỉnh lại được cử đi làm chánh chủ khảo ngay ỏ trường Nam Định (...) Thế là đóng hồ sơ cái rụp".nguyen thi chan quynh
Nhưng thưa ông, hồ sơ chưa đóng được : Cái ảnh ông quan một lọng (tr 92) mà ông nhìn nhận là CXD lại... không phải là CXD ! Tuy Daney chú là "le tong doc" nhưng (như ông đã viết trong chú thích 17 của ông) "tổng đốc ngang với hàm thượng thư", vậy thì nghi vệ phải đủ bốn lọng che chứ không thể chỉ một lọng như một Tân khoa quèn vừa mới thi đỗ (ảnh 3, tr 95). CXD lúc ấy, theo ông, là Tổng đốc Nam Định sao lại chỉ có một lọng che, ba lọng kia cụ Cao cất giấu ở đâu mà kỹ thế ?
Nếu ông xem kỹ hơn sẽ thấy tr 95 cũng có "le tong doc" ngồi dự yến hạng nhất với Công sứ Lenormand, khuôn mặt "le tong doc" tr 95 khác hẳn "le tong doc" tr 92, khác đến nỗi ông không nhận ra, và phải mô tả là một ông quan "chít khăn" và "diện mạo oai vệ", ông đoán có lẽ là Hoàng Cao Khải, Kinh Lược Sứ, nhưng không dám chắc nên kêu gọi Sherlock Holmes An Nam tìm hộ xem đích xác là ai. S. Holmes có mặt và xin thưa :"Chính là cụ cố nhà ta đấy ạ". Sở dĩ tôi dám cả quyết thế vì đã đến tận kho ảnh của Salles xem và chọn thêm mấy cái mà nguyen thi chan quynh

Daney không in trong sách ông ta, trong đó có ảnh chụp một ông quan cũng đứng một mình, nhưng che bốn lọng, được Salles chú rõ là "Chủ khảo CXD, chụp ngày 27/12/1897", và một ảnh chụp trưởng nam của CXD là Cao Xuân Tiếu, cùng chấm thi một khoa với cha, với tư cách là Giám khảo. Cả hai ảnh này tôi đều in lại trong quyển Thi Hương (Paris : An Tiêm, 2002 và TPHCM, Trung Tâm Nghiên cứu Quốc học, 2003), riêng ảnh cụ Thượng Cao còn in trong bài "Ai là Chủ khảo trường Hà Nam khoa Đinh Dậu ?" (Thế Kỷ 21 số 2, 1989 và"Lối Xưa Xe Ngựa..." , tập 1,Paris : An Tiêm, 1995). Tôi đã gửi tặng ông CX Hạo hai quyển "Lối Xưa Xe Ngựa..." tập I và Thi Hương do An Tiêm xuất bản. Năm 2003 tôi về Việt Nam có lại thăm ông Hạo và khi ông biết tôi chưa được thấy quyển Thi Hươngdo Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Học in, đã vào nhà lục tìm cho tôi xem nhưng một lúc sau ông trở ra nói tiếc rằng "chi trưởng" đã mượn. Có nghĩa là ông CX Hạo có cả mấy quyển sách của tôi chụp lại ảnh Chủ khảo CXD. Ông CXT đã đi tìm văn bản gốc trong các Thư viện nhưng dường như Thư viện gia đình thì ông lại không ngó đến. Ông lầm ở chỗ trong "Ai là chủ khảo..." cũng như trong "Vì sao..." tôi đều cẩn thận viết rất rõ là tôi dựa vào ảnh của Salles, song ông lại chỉ căn cứ vào ảnh của Salles do Daney in lại để viết bài phê bình tôi, mà Daney lại chú thích sai nhiều chỗ ông CXT không nhìn thấy, không thế thì ông CXT đã "không có chuyên để động não chắc sẽ... buồn ngủ" như S. Hlomes chính hiệu !
Daney không in lại ảnh Chủ khảo CXD bốn lọng nhưng không phải không in ảnh CXD. Sự thật, CXD xuất hiện tới ba lần trong sách của Daney, tại ông CXT không xem kỹ nên không nhận ra cụ cố. Nếu ông nhìn khuôn mặt người ngồi giữa bức ảnh chụp "Toàn ban Giám khảo" (Le jury au grand complet) ở hai trang 86-87 mà dường như ông không trông thấy (vì không có kính lúp ?) nên không đả động tới, sẽ thấy rất giống khuôn mặt người ngồi dự yến hạng nhất với Lenormand "diện mạo oai vệ" (tr 95), giống cả ông quan đứng nhận lễ tạ ơn của các Tân khoa tr 93 và cũng rất giống... Chủ khảo CXD bốn lọng. Chỉ vì ông quá tin vào câu chú thích cái ảnh tr 92 của Daney "M. Se le tong doc de la province" (mà ông khen "đúng quá") rất hợp với tiểu sử CXD ông đã dẫn nên "quên" không nhìn đến cái ảnh số 2 tr 95, cũng được Daney chú là "le tong doc" song khuôn mặt "le tong doc" này đã không giống "le tong doc" trang 92, mà lại giống ông quan ngồi giữa ảnh "Toàn ban Giám khảo". Tôi đã chỉ cho Daney những chỗ sai lầm của ông ta và Daney nhìn nhận có biết mình sai nhưng là sau khi sách đã in ra.
Tóm lại, CXD được Salles chụp ít nhất bốn lần (song Daney chỉ in lại có ba, và chú thích sai lầm) :
- Đứng một mình che bốn lọng (Daney không in lại)
- Ngồi dự yến hạng nhất với Lenormand (tr 95)
- Ngồi chính giữa ảnh chụp toàn ban Giám khảo (tr 86-87)
- Đứng nhận lễ tạ ơn của các Tân khoa (tr 93, ảnh 3)
toàn là những ảnh chứng tỏ vai trò quan trọng của người trong ảnh, và cả bốn cùng một khuôn mặt. Salles ghi chú ảnh ông quan bốn lọng là Chủ khảo. Tôi tin Salles không sai lầm vì
Chủ khảo đi bốn lọng là phải, dự yến hạng nhất với Công sứ cũng đúng bởi đây là bữa tiệc ăn mừng kết thúc khoa thi, Chủ khảo mới là vai chính chứ không phải "le tong doc", trong toàn ban Giám khảo thì Chủ khảo phải được xếp ngồi chính giữa và dĩ nhiên người đứng nhận lễ tạ ơn của các Tân khoa cũng phải là Chủ khảo không thể là quan Tổng đốc đầu tỉnh được.
Tôi viết rõ trong "Ví sao..." là tôi dựa vào ảnh do Salles chụp và chú thích, ông không đọc kỹ, lầm lẫn Salles với Daney, chỉ sử dụng ảnh và chú thích của Daney. Ông đã đi các Thư viện để đọc bản gốc, tại sao không tìm đến kho "ảnh gốc" của Salles mà lại nghĩ xem ảnh Daney in lại cũng đủ ? Phải chăng ông cho chỉ văn bản gốc mới đáng tin cậy ? Xin hỏi đây có phải là thái độ của một "ông học giả" nghiêm túc ?
Tôi còn viết trong bài "Vì sao..." là Trần văn Giáp (TS Khai Trí Tiến Đức, 1941) đã nhận ra sự không thống nhất giữa ảnh của Salles và HKL"nên mới chú thích lọat ảnh của Salles kiểu "nước đôi" :"Kỷ niêm thi Nam khoa, Thành Thái Giáp Ngọ và Đinh Dậu". Chú thích như thế tỏ ra tác giả thận trọng, chưa giải quyết được thì tồn nghi, nhưng không ổn ở chỗ mỗi khoa người ta đề cử một ban Giám khảo mới, không thể nào cùng một ban Giám khảo lại được cử đi chấm hai khoa thi liên tiếp cùng một trường". Do tình cờ đọc Hồi ký của Toàn quyền Paul Doumer, tôi biết P. Doumer chỉ được cử sang làm Toàn quyền Đông Dương từ 1897, ảnh của Salles có một cái chụp P. Doumer ở cổng trường, dự lễ Xướng danh khoa 1897, lại có ảnh chụp Chủ khảo CXD vậy thì rành rành CXD làm Chủ khảo khoa 1897 bởi 1894 P. Doumer còn ở Pháp, Salles không thể chụp ảnh được. Ông CXT cũng bỏ qua nhận xét của Trần văn Giáp, một mực vin vào Daney, không đếm kể đến Salles. Xin "Hãy trả cho César, à quên, cho ...Salles cái gì của Salles" !
Cụ Thượng Cao có linh thiêng mà biết có ông chắt (?) giỏi giang, thông kim bác cổ (thông thạo Hán Nôm, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng La tinh và cả quốc ngữ nữa, không những đã biết Sherlock Holmes, Dr Watson, Lê Phong mà các tác giả như Nguyễn Tuân, Lãng Nhân, Trần Tế Xương, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Sĩ Giác, Tú Mỡ, Vũ Bằng v.v...cũng không xa lạ đối với ông, trong nhà lại có trọn bộ 38 quyển dịch Đại Nam Thực Lục) thì hẳn cụ "ngậm cười nơi chín suối", song nếu cụ lại phát hiện ra ông chắt này khăng khăng không nhận ảnh Salles chụp cụ la cụ lại kiên quyết nhận "ông một lọng" thì không biết cụ sẽ cười hay khóc ? Ảnh cụ sờ sờ ra đấy tới ba cái mà ông không nhìn thấy dù là "bộ râu rất đẹp" của cụ mà ông thích, phải chăng vì ông lại quên kính lúp hay chưa xem đến "lòi tròng mắt" ?

2- Văn bản : HKL với "Lời nói đầu" của các dịch giả và "Tiểu dẫn HKL" (HKL, dịch giả Nguyễn Thúy Nga và Nguyễn thị Lâm, TPHCM, 1993).
Tôi đã chứng minh qua ảnh của Salles là HKL chép sai nhưng ông không chấp nhận lại dậy tôi muốn biết sự thật thì "Khó gì, giở HKL ra xem sẽ thấy chép rành rọt...". Xác minh HKL không chép sai khoa 1897 bằng cách giở HKL khoa 1897 ra làm bằng chứng, thành thật mà nói tôi không theo kịp cái "lô-gích" loanh quanh của ông !
Tuy vậy, tôi cũng vui lòng chứng minh thêm một lần nữa là HKL có chép sai và lần này dựa vào HKL, đúng như ý ông muốn. Trong "Lời nói đầu" (tr 8 và 9) các dich giả cho biết :
"Mặc dù là sách in HKL vẫn có nhiều sai sót về nội dung mà xét ra do cả khâu biên soạn lẫn việc in ấn (...) Chúng tôi có đối chiếu với các sách sử như Đại Việt lịch triều Đăng khoa lục, Đại Việt sử ký tòàn thư, Lịch triều hiến chương loại chí, Khoa mục chí, Việt sử thông giám cương mục ... để đính chính (...) Nhưng khả năng bao quát cũng như điều kiện tư liệu của chúng tôi không đủ để phát hiện cũng như đính chính tất cả những sai sót (...) Có khá nhiều trường hợp mà ghi chép của HKL không thống nhất với một số sử sách cũng được biên soạn đồng thời như Đại Nam Thực lục (Chính biên và Tiền biên)chẳng hạn (...) Chúng tôi chủ yếu tập trung vào việc phiên dịch cho đúng chứ không xác lập một bản chính xác về mặt lịch sử".
- HKL chia ra hai phần : Chính biên, dừng lại năm 1893 và Tục biên chép từ 1894 cho đến 1919, khi Khoa cử bị bãi. PhầnChính biên do CXD chép và xác nhận (tr 47) ở cuối sách : .
"Ngay sau tiết Trùng cửu tháng cuối thu năm Quý Tị, Thành Thái thứ 5 (11-10-1893, Tổng đốc Sơn Hưng Tuyên, An Xuân Nam, Cổ Hoan Long Cương Cao Xuân Dục, tự Tử Phát, viết ở hiên tây dinh thự.
(Hương á là Bạng Sa Cao Xuân Tiếu, con trai, và Mã Phong Đặng Văn Thụy, con rể hiệu đính)"
Phần Tục biên có nhiều dị bản, không thấy ghi rõ ai chép nhưng tôi nghi không phải là CXD viết tuy lúc ấy ông còn sống. Chỉ vì ông đứng tên là tác giả HKL nên có sự ngộ nhận lúc đầu là CXD chép sai, đúng ra phải viết là HKL chép sai. Tôi đã viết trong "Ai làm Chủ khảo..." (1989) là lúc ấy tôi chưa có HKL (sách chưa xuất bản) nên đã nhờ người tới Thư viện trường Viễn Đông Bác Cổ ở Paris (Ecole francaise d'Extrême Orient) tìm hộ trong HKL, bản chữ Hán, thành phần khảo quan khoa 1897 xem ai là Phó Chủ khảo vì theo Salles là Thân Trọng Koái nhưng Trần văn Giáp lại chú thích cái ảnh ấy của Salles là "Phó Chủ khảo Nguyễn Gia Thoại" (TS Khai Trí Tiến Đức số 2 và 3, 1941). Tuy chưa có bản dịch HKL nhưng tôi dã có bảnQuốc Triểu Đăng Khoa Lục do Lê Mạnh Liêu dịch nên đã biết HKL chia làm hai phần : Chính biênTục biên và đã nghi là phần Tụcbiên có thể do người khác chép chứ không phải CXD vì "chữ viết ở hai phần khác nhau", theo lời người bạn đọc hộ bản chữ Hán.
Bây giờ thì có thể tạm "đóng hồ sơ cái rụp" !
- Ông CXT còn viết :"bà học giả quên hay chưa đọc tiểu sử CXD" nên không biết CXD làm Tổng đốc Nam Định-Ninh Bình từ 1896 đến 1897, do đó không thể được cử làm Chủ khảo trường Nam khoa 1897."nguyen thi chan quynh
Khi viết bài "Ai là Chủ khảo..." (1989) thì tuy chưa có kinh nghiệm nhưng tôi có dành một đoạn giới thiệu CXD, có điều không đi sâu vào chi tiết, chẳng hạn CXD làm Tổng đốc Nam Định từ 1896 đến 1897, theo ông CXT. Ông tin chắc vào chi tiết này vì đã đọc ở Thư viện Hán Nôm "An Xuân Nam CXD lý lịch" và "Notices nécrologiques S.E, CXD" của Charles Patris trongBulletin des Amis du Vieux Hue. Rất tiếc là nó không phù hợp với những bằng chứng của Salles. Tôi chưa từng nghiên cứu tiểu sử CXD chưa thể hoặc không thể dứt khoát nói sự lầm lẫn do đâu mà ra mà chỉ có thể phỏng đoán hoặc giả CXD được đặc cách cử đi chấm khoa 1897 (điều này có thể xẩy ra) hoặc tiểu sử của CXD mà ông đã đọc trong Thư viện chép sai. Trong chú thích 1 của ông, chính ông CXT đã sửa tiểu sử ông đã đọc : "Thực ra, lúc mới về Huế năm 1898 ông (CXD) chỉ làm phó tổng tài Quốc sử quán, đến 1903 mới giữ chức tổng tài". Còn dựa vào ông Tây Patris thì chưa chắc đã hơn vì tôi nghi ông ta cũng chỉ đọc tiểu sử CXD trong Thư viện như ông CXT.
Tôi tin là ống kính rất trung thực, thấy gì chụp nấy, quyết không thêm không bớt, cũng không "quên " điều gì trong khi văn bản do người sao chép, dù cẩn thận cũng có thể bị "tam sao thất bản". Tuy ông CXT đã đi các Thư viện song nếu ông đọc các bản gốc cũng kỹ lưỡng như ông đã đọc bài "Vì sao ..." của tôi hay xem ảnh của Salles in trong sách của Daney thì, xin lỗi ông, tôi có quyền nghi ngờ, cổ nhân nói "sai một ly đi một dậm". Và mạo muội khuyên ông kiểm tra lại tiểu sử CXD, chẳng hạn trong sổ sách của bộ Lại hay các sắc chỉ vua ban v.v... hoặc đổi sang viết truyện hư cấu có lẽ thích hợp hơn.

3- Tìm hướng mới : Trong phần dẫn nhập ông CXT tỏ ý muốn "khơi mào về tư liệu (đọc bản gốc chữ Hán để đối chiếu) để có thể mở ra một hướng nghiên cứu mới", đó là ý kiến hay dù đã sáo cũ. Mặt khác, ông lại khẳng định "Muốn bàn chuyện Khoa cử ngày xưa trước hết mình cũng cần có tí vốn liếng chữ Hán để đọc văn bản gốc", nếu không biết thì không nên bàn về một đề tài khó như Khoa cử. Đồng ý là muốn nghiên cứu sử sách cũ của Việt Nam thì rất nên "có tí vốn liếng" về Hán Nôm vẫn hơn song đấy có phải là điều kiện "sine qua non" (không có không được) ? Sinh thời cụ Lãng Nhân cũng đã khuyên tôi chỉ nên tin vào HKL nhưng sau khi đọc bài "Ai là Chủ khảo..." thì cụ không ngần ngại đổi ý. Sự thật là sự thật, dù nó do một người "mù Hán tịt Nôm" hay do một người "không có tí vốn liếng" nào phát hiện. Tôi biết đọc và biết viết từ 1 đến 10 không hiểu có thể xếp vào hạng "có tí vốn liếng" không ?
Nếu cứ khoanh tay ngồi đợi người có đủ vốn liếng Hán Nôm để viết về Khoa cử thì không chừng chúng ta còn phải đợi dài dài. Khoa cử bãi từ 1919 mà đến nay chỉ thấy lác đác vài ba người viết rất sơ lược như Dương Quảng Hàm, Trần văn Giáp, hay Nguyễn Q. Thắng (sách ông N.Q. Thắng xuất bản năm 1993 nghĩa là sau khi tôi quyết định viết về Khoa cử năm 1986). Vì Khoa cử là một đề tài quan trọng mà không thấy có ai viết nên tôi mới bất đắc dĩ "sắn tay áo" làm việc này chứ không phải tôi tự cho mình có đủ tư cách, bản lĩnh để viết về Khoa cử. Tôi chỉ làm cái việc "don dẹp cho quang", tránh cho những người đi sau khỏi mất thì giờ tìm hiểu những sai lầm tôi đã thấy, trong thì giờ chờ đợi một cuốn sách do một người có đầy đủ khả năng viết.
- Có điều khó hiểu là tuy ông CXT "muốn mở một hướng mới..." nhưng lại khăng khăng đòi phải "có tí vốn liếng" Hán Nôm để đọc bản gốc, tức là phải đi theo... con đường cũ. Ông chỉ chấp nhận đối chiếu giữa các văn bản, còn đối chiếu giữa ảnh và văn bản thì ông lại quay mặt đi ! Ảnh của Salles là chứng cớ rành rành nhưng ông tìm đủ cách để không đếm kể đến, hoặc chỉ nhắc đến một cách nửa vời qua sách của Daney. Ảnh do Salles chụp và chú thích hẳn phải đúng hơn Daney chú thích. Salles là người làm việc nghiêm túc, ghi rất rõ ngày, tháng, năm chụp, hơn nữa, tên người trong ảnh được bỏ đầy đủ các dấu sắc, huyền, hỏi vv... Ông ta là người Pháp tất nhiên không thể bịa đặt ra những tên như CXD hay CXTiếu song ông CXT lại không tìm xem kho ảnh của Salles. Còn Daney không phải chuyên gia về Việt học mà chỉ là một giáo sư dậy triết trong một trường trung học ở Paris, được quản lý loạt ảnh của Salles nên mói viết quyển Quand les Francais découvraient l'Indochine. Daney đã sai lầm mấy chỗ tuy chúng ta có thể " châm chước" được nhưng cũng cần nêu ra cho độc giả biết :
- tr 92, ảnh 1, Daney đưa ra ảnh "le tong doc" đứng một mình, có một lọng che (mà ông CXT phê "đúng quá" và cho biết ông Cao Xuân Cẩm còn đinh sao lại nhiều bản để chia cho họ hàng). Thật ra đấy chắc chắn không phải là ảnh một ông Tổng đốc vì chỉ có một lọng che.
- tr 95 ảnh 2 cũng chú là "le tong doc" đang dự yến nhưng ông này lại không giống ông tổng đốc tr 92. Hơn nữa, trong bữa tiệc ăn mừng kết thúc khoa thi thì Chủ khảo mới là vai chính, sao Lenormand lại ngồi với "le tong doc" ? Còn Chủ khảo, theo ông CXT đoán có lẽ ngồi chung trong các bàn tiệc khác, nghĩa là ngồi chung với các Tân khoa (cỗ hạng ba, bốn người một cỗ) hoặc các lại phòng giúp việc trong khoa thi (cỗ hạng ba, sáu người một cỗ) ? "Ai mà chẳng biết" Khoa cử kén người hỏi về đạo Nho, nếu xếp Chủ khảo ngồi ăn lẫn lộn với Tân khoa hay lại phòng thử hỏi còn gì là tôn ti trật tự, rất quan trọng đối với cụ Khổng ?
- Một sai lầm nữa của Daney ở tr 68, ảnh 2, ông ta đã chú là ảnh Phan Thanh Giản do Tran Nguon Han chụp năm 1873. Đúng là ảnh Phan Thanh Giản thật nhưng do người Pháp chụp khi ông là Chánh sứ sang Pháp (1863) điều đình chuộc lại ba tỉnh miền Đông. Phan Thanh Giản đã uống thuốc độc tự tử từ năm 1867, lẽ nào sống lại năm 1873 cho Tran Nguon Han chụp ?.
Phần kết :
Tôi đã chứng minh qua ảnh của Salles và HKL là HKL quả có chép sai về khoa 1897.Ông CXT không chấp nhận lập luận của tôi, tuyệt đối chỉ tin HKL và văn bản gốc chữ Hán, ông "nói có sách", nhưng tôi lại "mách có ảnh" tin vào ống kính của Salles hơn. Đối với tôi chuyện Chủ khảo khoa 1897 đã ngã ngũ từ lâu, ông CXT không đồng ý, đó là quyền của ông. Ai sai ai đúng đã có công luận.
Sau cùng, có một điều hơi kỳ quặc mà S. Holmes An Nam chậm hiểu, nghĩ mãi không ra là bài "Sờ râu..." có câu :"không biết chữ Tàu thì nhờ người đọc, dịch hộ..." nhưng lại gửi cho,,, BS Trần văn Tích ! Rõ ràng ông ám chỉ tôi, nếu ông thực tình muốn chỉ điểm những "sai sót" để tôi sửa lỗi thì sao không gửi thẳng cho tôi ?
Hà Nội, tháng 4, 2009

nguyen thi chan quynh
Khảo quan trường Hà-nam - Lễ Xướng Danh khoa Đinh Dậu (27/12/1897)
Ở giữa: Phó chủ khảo Đồng Sĩ Vịnh, Chủ khảo Cao Xuân Dục, Giám khảo Cao Xuân Tiếu


***
Phụ đính I:

Ký sự đi thái tây :
Phi-Li-Phê Bỉnh (1759-1830 ?)
Phạm Phú Thứ (1821-1882)

Từ thế kỷ thứ XVII đã có sách viết khá tường tận về Việt-Nam, hoặc của các giáo sĩ Tây phương như :
nguyen thi chan quynh- năm 1617 có C. Borri, người Ý, viết về Ðàng Trong (Relation de la Nouvelle Mission des Pères de la Compagnie de Jésus au Royaume de la Cochinchine) ;
- năm 1651, A. de Rhodes viết về Ðàng Ngoài (Histoire du Royaume de Tonquin) ;
hoặc do những người lai đã sinh sống lâu năm trên đất Việt như :
- năm 1685 có S. Baron, lai Hoà-lan, sinh trưởng ở Kẻ Chợ (Thăng-long), viết Description du Royaume de Tonquin, giới thiệu Ðàng Ngoài ;
- năm 1867, Michel Ðức Chaigneau, lai Pháp (cha là Jean-Baptiste, một đại thần dưới triều vua Gia-Long) sinh trưởng ở Huế, viết Souvenirs de Hué, giới thiệu Huế.
Nhờ phương pháp ghi chép tỉ mỉ của Tây Âu, tuy cũng có những nhận xét sai lầm nhưng nói chung thì họ đã hé mở cho ta thấy từng mảng quá khứ khá sát với sự thật.
Còn cha ông chúng ta đã nhận xét Tây dương như thế nào ?
Những người chưa từng bước chân ra khỏi nước rất dễ có những ngộ nhận : tác giả Ðại Nam Việt Quấc triều Sử ký tả cảnh nước Pháp có "cửa son chói lói, lầu vàng oai nghi", và Bá-đa-lộc vào bệ kiến quốc trưởng Pháp thì "quỳ lạy" ! Trong cuộc chiến chống Pháp, người ta còn đồn rằng "Tây không có đầu gối, cứ rải ổi xanh ra đường nó dẫm phải trượt chân ngã, bắt dễ như chơi" (có lẽ vì thấy Tây đi ủng cao che lấp đầu gối ?).
Thời xưa, những người được nhìn tận mắt các nước Tây Âu là chuyện hi hữu, phần đông hoặc được các giáo sĩ gửi đi du học, hoặc do triều đình phái đi quan sát. Năm 1839, vua Minh-Mạng sai một phái đoàn gồm hai quan đại thần (Tôn Thất Thường/Liễu và Trần Viết Xương) cùng với hai người thông ngôn trẻ (Võ Dũng nói tiếng Pháp và một người nữa thông thạo tiếng Anh) sang Âu châu. Vì chỉ là phái đoàn bán chính thức, đi để bầy tỏ tình hữu nghị và nghiên cứu phong tục, thăm các xưởng đóng tầu, chế tạo binh khí vv. không có quốc thư nên không được Pháp Hoàng Louis Philippe tiếp đón, nhưng được vào yết kiến Tổng Trưởng bộ Hàng Hải. Các nhà báo [1] thấy lạ, viết bài tường thuật, tả các quan ta "có luồng mắt nhanh như chớp, nước da mầu đồng đỏ, răng đen nhuộm bằng cao chanh, mặc áo lụa xanh dài chấm gót, bổ tử thêu hình chim [2] bằng chỉ mầu và kim tuyến trên nền đỏ viền bạc, mũ đen che kín gáy, chóp đính quả cầu nhỏ bằng bạc (...) Họ mang theo hai thứ tiền, một bằng vàng hình giống thoi mực tầu, thứ kia cũng bằng vàng, tựa như các đồng 20 louis vàng, còn tiền giấy thì giống những tờ 6 hay 4 quan của Pháp (...) Họ thường dùng bàn tính gồm những con toán tròn xâu vào giây thành từng hàng, làm tính rất nhanh (...) Khi thấy điều gì đáng ghi nhớ, họ điềm nhiên rút ở thắt lưng ra một cái bảng nhỏ bọc giấy, bình tĩnh đứng ngay giữa đường lấy bút ghi chép".
Theo Ðào Trinh Nhất, phái đoàn Phan Thanh Giản khi đi Pháp về kể những chuyện lạ nước ngoài như "đèn thắp không dầu, ngọn lửa chúc xuống (đèn điện), giếng nước vọt lên cao (nước phun trong công viên) vv... Vua kinh dị giao cho đình thần bàn. Các quan bàn xong tâu :"Quy luật tự nhiên là nước chẩy xuống, lửa bốc lên cao, trái lại là nghịch thường, không đúng sự thật. Bọn Phan Thanh Giản bị họ bầy trò quỷ thuật làm cho quáng mắt" [3]. Thoạt nghe rất hữu lý, nhưng suy nghĩ lại tôi lấy làm ngờ là những lời đồn bậy :
- Trong Tây Hành Nhật Ký, Phạm Phú Thứ chép rằng Marseille và Paris đều thắp đèn khí đốt. Cũng không có gì lạ bởi khi phái đoàn sang Pháp (1863-4) thì Thomas Edison (1847-1931) mới có 16 tuổi, phải đợi thêm 16 năm nữa (1879) Edison mới sáng chế ra bóng đèn điện.
- Từ đời Khang-Hy (1662-1729) Trung quốc đã có những bể nước phun trong ngự viên do các giáo sĩ Tây phương kiến tạo, vậy mà từ cuối thế kỷ 17 đến giữa thế kỷ 19, sứ thần ta vẫn thường đi cống Trung quốc lại không một ai thấy nước phun, phải đợi phái đoàn Phan Thanh Giản sang Tây mới biết ?
Vì thế, muốn rõ cảm nghĩ đích thực của những người Việt đầu tiên đặt chân đếnTây phương, tôi muốn chỉ dựa vào bút chứng. Tôi đã tìm được hai quyển ký của Phi-li-phê Bỉnh và Phạm Phú Thứ. Khi biết Trương Vĩnh Ký cũng có mặt trong chuyến đi Tây với sứ bộ Phan Thanh Giản và có viết một bài về chuyến đi này bằng tiếng Y-pha-nho, tựa đề là "Alguna reflexions de su viaje por Europa", đã đăng trên báo Y-pha-nho, tôi có ý tìm nhưng chưa tìm ra. Dường như ông có viết cả Nhựt trình đi sứ Lang-sa (1863) song tiếc rằng tôi cũng chưa được đọc. Do đó tôi phải từ bỏ ý định dành riêng một phần nói về Trương Vĩnh Ký.
Mặt khác, nhận thấy Phạm Phú Thứ và Nguyễn Trường Tộ có rất nhiều ý kiến giống nhau về cải cách duy tân : giáo dục, binh bị, khai mỏ, đánh thuế vv. nên tôi cũng muốn tìm hiểu về những điểm dị đồng giữa hai ông.
Một vấn đề khiến tôi thắc mắc không ít là tiểu sử Phạm Phú Thứ nói rõ chính ông đã biến bến Ninh-hải ra thương cảng Hải-phòng, song Phan Trần Chúc, Bảo Vân... lại quả quyết đấy là công của Bùi Viện, mà Bảo Vân thì nhận Bùi Viện là tổ phụ của mình. Ðâu là sự thực ? Chỗ khó khăn ở đây là thiếu tài liệu chính xác về Bùi Viện, bút chứng của ông vỏn vẹn có mấy bài thơ và văn tế, Thực Lục chép về ông chỉ có hai dòng, Liệt Truyện thì đến cái tên Bùi Viện cũng không thấy ! Tài liệu chính là hai quyển sách của Phan Trần Chúc và Bảo Vân, nhưng sách của Phan Trần Chúc lại nhiều chi tiết sai lầm, sách của Bảo Vân thì ngoài chuyện sửa một số sai lầm của Phan Trần Chúc -như Bùi Viện đã gập Tổng Thống Grant chứ không phải Lincoln- còn thì hầu như giống hệt sách của Phan Trần Chúc nên tiếng là hai nhưng chỉ kể là một, do đó tiểu sử của Bùi Viện còn nhiều lỗ hổng.
Vì chưa được thấy nhật ký đi Tây của Trương Vĩnh Ký, mặt khác vì nhận thấy Phạm Phú Thứ có liên hệ với cả Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Trường Tộ và Bùi Viện, đều là những người đã từng xuất ngoại, nên tôi dành phần thứ ba để so sánh Phạm Phú Thứ với các nhân vật lịch sử trên.

nguyen thi chan quynh
Các quan ta tiếp đãi Simon, thuyền trưởng chiến hạm Le Forbin, đến Đà-Nẵng yêu cầu triều đình gửi Toàn quyền đại thần vào Gia-định thương thuyết.
Thông ngôn: Trương Vĩnh Ký và Cố Trường (Le Grand de la Liraye)

***

I - PHI-LI-PHÊ BỈNH (1759-1830 ?) VỀ "SÁCH SỔ SANG CHÉP CÁC VIỆC"

A - TIỂU SỬ
Phi-li-phê Bỉnh quê ở Hải-dương. Năm 27 tuổi thụ phong chức Thầy Cả (linh mục) Dòng Tên (Compagnie de Jésus). Ba năm sau ông cầm đầu một phái đoàn gồm toàn linh mục người Việt sang Bồ-đào-nha để xin vua Bồ can thiệp với Toà Thánh La-mã bãi lệnh đóng cửa Dòng Tên. (Nguyên do các giáo sĩ Dòng Tên cho phép giáo dân được giữ tục thờ cúng tổ tiên nên Giáo hoàng Clément XIV ra lệnh đóng cửa dòng này từ năm 1773, và vì vua Bồ là người cai quản giáo hội tất cả vùng Á Ðông nên muốn gì đều phải xin Giáo hoàng qua trung gian Bồ-đào-nha).
Tháng 7/1796, phái đoàn lên đường. Hơn 6 tháng sau đến thủ đô Lisbonne rồi sống lưu vong ở đấy cho tới khi chết.
Ngoài thì giờ hành đạo, Phi-li-phê Bỉnh đã viết tới 21 bộ sách, không kể những quyển viết về đạo còn có :
1797 Sách tự vị tiếng nước ta cùng tiếng nước người (Việt Bồ - Bồ Việt).
1822 Truyện Anam đàng ngoài cuyển nhất
Truyện Anam đàng trong cuyển nhị
Sách sổ sang chép các việc.
Có lẽ P. Bỉnh mất năm 1830 vì Sách sổ sang... cho biếtkhởi sự viết và hoàn tất năm 1822 nhưng mấy trang cuối lại ghi năm 1830.

B - SÁCH SỔ SANG CHÉP CÁC VIỆC
Ðây là một quyển hồi ký chép tỉ mỉ đời sống hàng ngày và tổ chức xã hội của Bồ-đào-nha vào cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19. Sau đây tôi lược lại những nhận xét của tác giả, cố giữ nguyên văn, duy phần chính tả đôi khi phải đổi, thí dụ "nc" sẽ viết là "nước" vì máy điện toán của tôi nhất định không chịu thêm dấu sắc vào "nc".
1 - Ðời sống hàng ngày
Trước hết về chuyện ăn uống, Phi-li-phê Bỉnh nhận xét :"Thói phương Tây không uống nước lã, chè thì bỏ đường vào mới uống được. Chè Ðại Minh là chè quý (...) Ðể muôi vào trong chén có nghĩa là chẳng muốn uống nữa (...) Ăn rau sống, khoai lang củ tròn tròn, chim thì không mổ ruột, giết lợn ăn cả năm, jambon và dồi chẳng sánh nem chạo của ta vv.".
Ăn tiệc thì mỗi người có tới 15, 20 điã. Lễ trọng, phần mỗi người nửa con gà. "Làm tiệc mà chẳng có thịt bò con, gà nướng thời chẳng gọi là tiệc trọng thể, cũng như xứ Bắc làm ma mà chẳng có thịt chó thì chẳng gọi là đám ma lớn".
"Thói nước người bổn đạo cho cho nam nữ cùng ngồi vuối Vít-vồ cùng Thầy Cả mà thói Anam là thói lịch sự, cho đến nỗi có nhà thì vợ chồng cũng chẳng ngồi ăn cơm vuối nhau, vì cha thì ngồi vuối các con blai, mà mẹ thì ngồi vuối các con gái".
Làm bếp dùng chảo phẳng lòng đỡ tốn dầu mỡ. Bếp cao đứng làm đỡ mệt.
Cối xay bột chạy bằng gió không tốn sức lực.
Về vệ sinh thì quần áo mỗi tuần hai lần thay giặt, giường trải trắng muốt.
"Sinh đẻ chẳng cho nằm trên giường, cứ giắt tay mà đem đi bách bộ chung quanh nhà cho tới khi dở dạ thì mới bảo ngồi xuống mà sinh. Con trẻ phương Tây chẳng có mớm".
"Người phương Ðông ít máu hơn người phương Tây".
Chữa bệnh bằng tắm nước mỏ sắt. Bệnh phù mỗi ngày dùng hai lọ rượu khai thông, (ăn) một con gà mái. "Thầy thuốc nước ta, khi chẳng chữa được, thì cáo từ kẻo phải xấu hổ. Thầy thuốc nước người chẳng cáo từ, vì khi thấy bệnh nặng thì bảo nhà kẻ liệt rằng phải gọi hai thầy thuốc nữa" (cả ba cùng được trả công).
2 - Tổ chức xã hội
Về giáo dục thì trẻ em "nên 5, nên 6" [4] cho đi học. Thầy dậy ăn lương nhà nước. Sách in ghép 24 chữ cái. "Con trẻ nước người có phép tắc, đứa nào nói cả tiếng thì mẹ nó lấy ngón tay để lên miệng mình, nghĩa là đừng nói thì nó liền ở lặng".
"Loài lục súc thì ở hiền lành mà vâng theo chúa mình. Bán gà, bò thì đánh ra chợ, chẳng phải buộc trói vì chủ nó đứng đâu thì nó đứng đấy".
Ði bán hàng quà mà rao các phố thời cũng có xe ngựa chở của. Bán hạt dẻ ngoài đường cũng phải nộp thuế.
"Cuân lính nước người chẳng phải cắt cỏ trâu cỏ ngựa như ta. Nhà Vương phải phát cuần áo, phát lang mỗi ngày cho nó ăn là bánh cùng rượu và thịt. Khi yếu đuối chẳng cầm khí giới được nữa thì cũng phải phát lang cho đến khi nó chết".
Tối thứ bẩy thì chúa nhà phải trả công cho các kẻ làm việc trong tuần.
Nhà cửa cao 5, 6 từng. Chẳng có ai tin sự tìm hướng nhà để đạt phú quý. Nộp thuế cho phường thì hễ nhà cháy phường xây lại cho. Chữa lửa có xe thụt nước.
Ở Kẻ Chợ có nhà chứa thư, nhận thư rồi chia ra từng thành phố, từng làng... bỏ vào túi da cho người cưỡi ngựa chạy cả ngày đêm, mưa gió cũng phải đi, rồi lại nhận thư đem về Kẻ Chợ, lại chia ra từng khu, niêm yết tên những người có thư theo thứ tự A, B, C... để đến mà nhận thư, nhà Dòng cho đầy tớ đem tiền đến chuộc thư về.
Nhà nước tổ chức rút sổ số, in thẻ giấy ra mà bán. Cho bốn thằng trẻ con mặc trọng thể, ở trần hai cánh tay đến nách mà bắt thăm vv...

C - NHẬN XÉT VỀ "SÁCH SỔ SANG..."
Sách sổ sang... là một cuốn hồi ký không chỉ ghi chép đời sống xã hội Bồ-đào-nha mà còn đề cập đến nhiều vấn đề khác.
Viết về đạo giáo, Phi-li-phê Bỉnh thường tỏ ra có thiên kiến, tựa như cuốn Ðại Nam Việt Quấc Triều Sử Ký, hay bài bác những đạo khác, viện cả những lý lẽ hoang đường.
Về sử, ông cũng chép những điều không chính xác như "khi vua Ðinh Thiên Hoàng giết được Liễu Thăng mà lên trị (thực ra Liễu Thăng bị Lê Lợi giết)... Tha vụ Liễu Thăng cho nước Anam (tha cống người vàng để thế mạng hai tướng Liễu Thăng và Lương Minh bị ta giết) thì bởi vì Thầy Dòng ÐCJ tâu xin, chẳng phải là ông Thượng Chắy (?) (sử chép là nhờ Nguyễn Công Hãng) làm được việc ấy đâu" [5].
Có lẽ về đạo cũng như về sử, ông chỉ nhắc lại một cách máy móc những "kiến thức" ông đã tiếp thu, đã được truyền dậy, chứ không tìm hiểu ngọn nguồn. Chỉ những gì ông mục kích tận mắt rồi chép ra mới thật là kinh nghiệm của ông và là những chi tiết có giá trị. Chẳng hạn ông viết :"Người phương Tây chẳng muốn những đồ ăn thói cách Anam cũng như tôi chẳng muốn thói cách phương Tây". Tất nhiên đôi khi cũng có những đìều võ đoán như :"Người phương Ðông ít máu hơn người phương Tây", hoặc chỉ đúng một nửa như "giường trải trắng muốt, ăn nửa con gà, một tuần thay giặt quần áo hai lần..." bởi ông là Thầy Cả nên mới được biệt đãi, không phải người dân Bồ nào thời ấy cũng được như thế.
Nói chung thì Sách sổ sang... vẫn là một bút chứng quý hiếm, chứa đựng nhiều chi tiết xác thực về xã hội Bồ lúc ấy và cả về xã hội Việt-Nam (đám ma lớn ở Bắc phải có thịt chó đãi khách). Không những thế, hồi ký của P. Bỉnh còn là một cứ liệu về chữ quốc ngữ trong giai đoạn hình thành, đồng thời cho ta thấy ngôn từ, pháp cú của tiếng Việt thời bấy giờ.

II - PHẠM PHÚ THỨ (1821-82) và TÂY HÀNH NHẬT KÝ

A - TIỂU SỬ


nguyen thi chan quynhPhạm Phú Thứ hiệu là Trúc Ðường, biệt hiệu Giá Viên, tổ tiên họ Ðoàn gốc ở Bắc, vào Quảng-nam mới đổi ra họ Phạm Phú. Năm 1843, đỗ Tiến-sĩ (vì thi Hương và thi Hội đỗ đầu nên gọi là Song nguyên ; thi Ðình ông đứng thứ ba, đầu bảng đệ tam giáp).
Ra làm quan năm 1844, bắt đầu với chức Hành tẩu hàm Biên tu ở Nội các.
Năm 1850, ông giữ chức Kinh Diên Khởi Cư Chú (chép những lời nói và hành động của vua nơi giảng sách). Vì thấy Tự-Ðức ham xướng ca, ngại rét ít lâm triều hoặc nghe giảng sách, ông dâng sớ can, lời lẽ cứng cỏi, bị đầy đi chăn ngựa ở trạm Bưu chính Thừa-nông (phía Nam Huế), ba tháng sau nhờ bà Từ Dũ can thiệp, được về Kinh giữ chức Tu Thư Hiệu Lực (biên chép sách vở để chuộc tội) rồi năm 1851, ông "Xuất Ngoại Hiệu Lực", với danh nghĩa đưa tiễn quan nhà Thanh, Ngô Hội Liên (bị bão dạt vào Cửa Thuận) về Quảng-châu. Lần đầu ra khỏi nước, được mở rộng tầm mắt, đặc biệt thấy Ma-cao, trung tâm buôn bán quốc tế, phồn thịnh : thuyền máy nhiều từng, súng đạn, hàng hóa, thực phẩm chất đống... Các tiểu thương người Hoa làm việc có quy củ, người bán rau cũng có cân, có sổ ghi chép. Phạm Phú Thứ viết :"Quang cảnh thế giới đã thức tỉnh giấc mộng trần tục của tôi" [6].
Năm 1856, làm Án-sát Thanh-hóa, ông đã hướng dẫn việc chế tạo một chiếc tầu thủy vận tải kiểu mới và một chiếc tầu bọc đồng, được khen thưởng bốn lần.
Năm 1857, ông dâng sớ xin thuê thuyền buôn tư nhân -nhỏ và dễ xoay sở hơn tầu nhà nước nặng nề, cồng kềnh- để vận chuyển và tuần phòng bờ biển.
Năm 1858, được chuyển về Nội các, thăng Thị lang (1861) rồi Tả Tham tri bộ Lại (1863).
Ðầu năm 1863, giữ chức Khâm sai đại thần lĩnh Hiệp Biện Ðại Học Sĩ, cùng với Chánh, Phó Toàn quyền đại thần Phan Thanh Giản và Lâm Duy Thiếp (cũng gọi là Hiệp) vào Gia-định trì hoãn việc phê chuẩn hoà ước Nhâm-Tuất (ký ngày 5/6/1862, nhường ba tỉnh miền Ðông : Biên-hoà, Gia-định và Ðịnh-tường) với phái đoàn Pháp (Bonard) và Tây-ban-nha (Palanca). Kết quả không tốt, ông bị giáng chức. Trong thời gian này, ông đã gập Nguyễn Trường Tộ.
Năm 1863-64, Phạm Phú Thứ sung chức Phó sứ cùng với Chánh sứ Phan Thanh Giản và Bồi sứ Ngụy Khắc Ðản sang Pháp điều đình xin chuộc ba tỉnh miền Ðông. Khi về, dâng Tây Hành Nhật Ký. Nguyễn Trường Tộ đã gập ông trước và sau chuyến đi, và đã nhờ ông chuyển lên triều đình ba bản điều trần.
Sau khi đi Tây về, ngay từ 1865, giữ chức Thượng Thư bộ Hộ tới năm 1874, ông đã thuyết phục được triều đình ban cách thức chế "xe trâu" (do ông vẽ kiểu học được ở Ai cập, dùng trâu kéo tiện lợi gấp mấy gầu tát nước của ta), tạo 27 cỗ phát cho các tỉnh làm mẫu.
Năm 1867, ông đề nghị mở cảng ngoại thương ở Hải-yên (Hải-dương, Quảng-yên) và dâng sớ trình bầy những mục tiêu cần thực hiện để duy tân, tự cường, gồm ba giai đoạn :
a - lúc đầu nên đối xử hòa hoãn với Pháp để có thì giờ chấn chỉnh, nhờ họ huấn luyện quân sĩ và dậy khoa thương mại ;
b - khi đã đủ sức, điều đình bồi thường để Pháp rút về ;
c - khi đã mạnh mà họ còn ngoan cố thì "thề quyết chẳng đội trời chung".
Từ 1874 đến 1880, Phạm Phú Thứ giữ chức Thự Tổng đốc Hải-yên kiêm Tổng lý Thương chính đại thần, và đã thực hiện được một số cải cách như :
4/1878 : mở trường dậy chữ Tây cho nha Thương chính Hải-dương, mỗi tháng cấp một quan tiền và một phương gạo cho những người đi học [7].
Dựng lại nhà xuất bản Hải Học Ðường (có từ đời Gia-Long nhưng đã đóng cửa), cho in lại một số sách dịch sang chữ Hán về khoa học và kỹ thuật của các giáo sĩ Tây phương viết :
Bác vật tân biên (về khoa học)
Khai môi yếu pháp (khai mỏ)
Hàng hải kim châm (cách đi biển)
Vạn quốc công pháp (giao dịch với ngoại quốc).
Thực Lục cũng chép :"Tháng 5 nhuận,1876, Nha Thương chính Hải-dương dịch Phép diễn tập súng Tây dâng lên".
Tự ông dịch Tùng chính di quy về kinh nghiệm quản lý hành chính và dự tính cho in những sách :
Ðịa cầu thuyết lược
Cách vật nhập môn... [8]
Công việc đang dang dở thì năm 1879 ông bị cáo tội thiếu công minh : đối xử dễ dãi với Hoa thương và nghiệt với người Pháp. Vua chuẩn cho về kinh dưỡng bệnh và nghĩ tội, đợi xét án, song đến tháng 3/1880 ông mới thực sự về Kinh vì Tổng đốc mới Hải-yên, Lê Ðiều, xin cho ông ở lại mấy tháng để giúp am tường công việc.
Năm 1882, Phạm Phú Thứ mất, tước Vĩnh Lộc Ðại Phu, Trụ Quốc Hiệp Biện Ðại Học Sĩ.
- Tác phẩm của Phạm Phú Thứ :
Giá Viên Toàn Tập gồm 26 quyển, một nửa là thơ (chữ Hán), phần còn lại là phú, biểu, luận, ký, minh... đề cập đến các lĩnh vực khác nhau như khoa học, kỹ thuật, hành chánh vv.
Tây Hành Nhật Ký cũng gọi là Giá Viên Biệt Lục hayTây Phù Nhật Ký.
Tây Phù Thi Thảo.
Liệt triều thông hệ niên phả toản yếu.
Bắc quốc lịch triều thông hệ niên thứ.
Bản triều liệt thánh sơ lược toát yếu.

B - TÂY HÀNH NHẬT KÝ (1863-64)
Tây Hành Nhật Ký do Phạm Phú Thứ viết, Phan Thanh Giản và Ngụy Khắc Ðản duyệt lại, ghi chép việc từng ngày trong chuyến công du sang Âu châu. Khởi hành ngày 27/6/1863 trên chiếc tầu Européen, đi qua Poulo Condor, Tân-gia-ba, Sumatra, Tích-lan, Aden, Ai-cập, Jérusalem, La-mã, Corse... Ngày 13/9/1863 đến Paris sau khi qua Toulon và Marseille. Ngày mồng 5/11/1863 phái đoàn vào triều kiến hoàng đế Napoléon III ở điện Tuileries.
Từ 10/11/1863 đến 22/11/1863 đi thăm Tây-ban-nha rồi lên đường về, qua Ý-đại-lợi. Ngày 2/12/1863, Trương Vĩnh Ký yết kiến Giáo hoàng ở Roma. Ngày 18/3/1864 phái đoàn về tới Saigon, 28/3 đến Huế, ba hôm sau Phạm Phú Thứ dângTây Hành Nhật Ký lên vua Tự-Ðức.
Sau đây là những nhận xét chung của Phạm Phú Thứ về Tây phương, đặc biệt về nước Pháp :
1 - Ðời sống hàng ngày
Cũng như Phi-li-phê Bỉnh, cái làm Phạm Phú Thứ ngạc nhiên là người Tây uống trà phải bỏ đường. Bữa cơm thì có thịt rán hay quay, ăn rau sau cùng. Mời ăn tiệc mà giấy đứng tên cả hai vợ chồng có nghĩa là khách quý. Nam nữ cùng ngồi chung vì người Tây tôn trọng phụ nữ. Bàn tiệc trải khăn trắng muốt, giữa bàn bầy bình hoa to, trên bàn điểm những bó hoa nhỏ. Muỗng nĩa bằng bạc mạ vàng, đĩa sứ viền chỉ vàng. Mỗi thực khách có tới 5, 7 cái cốc để uống nước, uống rượu vang, sâm banh vv., lại có mảnh giấy nhỏ ghi rõ tên họ, chức tước thực khách đặt ở chỗ ngồi, chỗ bên phải chủ nhà trọng hơn chỗ bên trái.
Nếu có nhạc giúp vui thì nhạc trưởng ghi tên những khúc sẽ trình tấu lên một tờ giấy nhỏ.
Phương Tây có tục khi chào thì bỏ mũ, bắt tay phải tháo bao tay bên phải để tỏ ý kính trọng. Bao tay làm bằng lụa hay bằng da, với người Trung quốc thì dùng bao tay trắng, bình thường dùng mầu lam hay đen tùy thích.
Khách sạn ở Marseille, nơi sứ bộ trú ngụ, có tới bẩy từng, hàng trăm phòng, màn và rèm cửa đều bằng gấm vóc.
Nóc nhà có thu lôi hút điện sét đánh. Nhà nào cũng có ống dẫn nước và dẫn khí đốt đến tận nơi. Ðèn khí đốt sáng hơn nến và đèn dầu.
Ði tầu hỏa gập tiết trời lạnh thì sưởi bằng ống đồng chế nước nóng đóng chặt nút, bọc nhung đỏ, để ở dưới chân, hễ nguội lại thay nước nóng mới.
Xe chở hàng hóa chạy cả ngày đêm, dùng 8 ngựa, xe quốc trưởng dùng 6 ngựa.
Paris có trên năm mươi cửa, mở suốt ngày đêm. Ðường đi lát đá nhẵn như mài, hơi hư hỏng là được sửa chữa ngay. Ngày nào cũng quét đường, dù trời mưa cũng không nghỉ. Xe ngựa đi lại như mắc cửi. Hai ven đường đi, cứ cách nhau độ ba, bốn trượng lại có cột đèn cao chừng 5, 6 thước ta. Ðèn thủy tinh, đốt bằng hơi. Phố nhỏ cũng có đèn sáng trưng như ban ngày. Các cửa hiệu đều treo đèn trước cửa, hàng hóa bầy trong tủ kính. Không có ăn mày rách rưới ở ngoài đường.
Cứ độ vài dẫy nhà là lại có một khoảng đất trồng hoa, hoặc công viên cây cối um tùm, có bể nước phun để dân chúng du ngoạn, hít khí trời trong sạch. Cây được tưới bằng vòi nước, có ống dẫn nước đến tận nơi. Vườn Bách thảo có đủ loại cây lạ với bảng treo ghi tên. Vườn Bách thú thì đủ loại muông thú. Nếu là loài thú sống ở rừng thì nuôi trong hang hốc, những loại sống ở đồng bằng thì nhốt
trong chuồng. Chim nuôi trong lưới sắt, cá to trong hồ ao, cá nhỏ trong bồn thủy tinh.
Các hí trường thường diễn những tuồng mô tả đời sống hàng ngày, ngụ ý răn dậy. Khán giả vỗ tay tán thưởng nhưng không nói chuyện ồn ào. Có bán trà, bánh, chương trình in thành một quyển sổ nhỏ. Ở đây cấm hút thuốc vì phụ nữ không ưa, ở nhà thì người chồng phải hút trong phòng riêng.
2 - Tổ chức xã hội
Ngưồi Pháp bầu nghị sĩ vào Hạ viện, cứ 35 000 người thì bầu một người, sáu năm một lần. Người đắc cử phải làm lễ tuyên thệ. Hàng năm các nghị sĩ họp ở Paris mấy tháng, thảo luận những đề tài do quốc trưởng lựa chọn như đóng thuế muối, thuế thuốc lá...
Nhà thương do thầy thuốc và các bà sơ đảm trách, chữa những bệnh hiểm nghèo, những người tàn tật...
Nghĩa trang có tường vây quanh, rộng độ một lý, đường đi trồng cây hai bên, có người quét dọn. Mộ vừa đủ chỗ cho một quan tài, thỉnh thoảng có mái che. Vòng hoa bằng lụa mầu, ngụ ý mầu sắc không phai nhạt chẳng khác gì lòng người tưởng nhớ kẻ đã khuất. Ngày ngày, đàn ông, đàn bà đến đây cầu nguyện cho vong linh người chết.
Chính phủ tổ chức đưa thư cho cả công lẫn tư gia bằng tầu hỏa hay tầu thủy, đến nơi nhanh chóng. Mỗi lá thư phải trả công ít nhiều tùy xa hay gần.
Sứ bộ đã tham quan trên hai chục xưởng máy to nhỏ về các kỹ nghệ luyện kim, đóng tầu thủy, làm đạn dược, đồng hồ, đồ gốm, dệt thảm...

C - ẢNH HƯỞNG CHUYẾN ÐI TÂY
Ngay từ trước khi đi Tây, Phạm Phú Thứ đã nhận biết kỹ thuật Tây phương tinh xảo, đáng cho ta học hỏi, bắt chước. Xuất ngoại có đem lại gì thêm cho ông ?
Trong một lá thư gửi cho Lương văn Tấn/Tiến, người em con cô, ông nói rõ :"Ðến Tuyết-sơn (Mont Blanc) và Hồng-hải, không có cái gì mà không thu thập. Mắt đã tìm được nhìều cái mới, cần cho ta sau này" [9].
Sau chuyến viễn du, ngoài Tây Hành Nhật Ký, Phạm Phú Thứ còn dâng 11 lá sớ, và gửi khoảng 20 lá thư đến các đại thần như Trần Tiễn Thành, Tôn Thất Thuyết, Nguyễn văn Tường, Hoàng Kế Viêm... trình bầy những biện pháp cải cách cần phải gấp rút thi hành về binh bị, kinh tế, giáo dục, tiểu công nghệ...
Cụ thể là từ 1865, ông đã cho thực hiện "xe trâu" ; 1867, ông đề nghị mở cảng ngoại thương ở Quảng-yên [10] ; 1868, mở trường Thủy học nghiên cứu kỹ thuật hàng hải, tuần phòng [11] ; thời gian làm Tổng đốc Hải-yên, ông cho lập trường dậy tiếng Pháp, in những sách phổ biến khoa học kỹ thuật Tây phương vv.
Ông vẫn thừa nhận văn minh cơ khí Tây phương cực kỳ tinh diệu, nhưng chỉ để phục vụ vật chất mà nhẹ về mặt đào luyện nhân phẩm, ông viết :
"Tứ đoan thâm ý tích vô truyền"
nghĩa là :"Tiếc rằng ý nghĩa sâu xa của bốn tiêu chuẩn đạo đức nhân, nghĩa, lễ, trí thì không được truyền lại" [12], ngụ ý chỉ có kỹ thuật đáng cho ta học hỏi. Ý kiến này cũng được biểu lộ trong hai câu thơ :
Tảo giao Ðông thổ kiêm trường kỹ (=Giá như Ðông phương sớm giỏi kỹ thuật)
Pha-lý, Long-đôn vị túc hiền (=Paris, London đã chắc gì hơn ta ?).
Song dường như Phạm Phú Thứ chỉ chú tâm học hỏi kỹ thuật mà ít lưu ý phần "nhân sự phiền toái" nên ông mới viết trongTây Hành Nhật Ký :"Nếu ta muốn gửi người sang học tập, họ sẵn sàng truyền thụ phương pháp", và khi về (1867), ông còn đề nghị ba giai đoạn đối phó với Pháp mà giai đoạn đầu là phải tạm thời hòa với họ để nhờ họ huấn luyện binh sĩ và dậy khoa thương mại. Phạm Phú Thứ đúng là nho gia nên mới đặt tin tưởng ở thiện chí của đối phương chứ Pháp đã đem súng ống, dùng vũ lực khống chế, xâm lược nước ta, chẳng qua vì lợi lộc, đời nào lại thành tâm dậy cho ta tiến đến chỗ phú cường để có thể đánh đuổi họ đi, thoát ly khỏi ách đô hộ của họ ?
Trong Tây Hành Nhật Ký tác giả ghi chép rất tỉ mỉ những điều mắt thấy tai nghe từng ngày từng giờ. Tuy chuyến đi chỉ non 9 tháng nhưng Tây Hành Nhật Ký cho ta một cái nhìn khá đầy đủ về cả địa lý, chính trị, kinh tế, tôn giáo, phong tục vv. những nơi ông đã đi qua. Phạm Phú Thứ không do Tây học đào tạo nhưng nhật ký của ông tường tận không khác gì của một người theo Tây học. Có lẽ ông là người duy nhất đã thực hiện đúng ý muốn của Minh-Mệnh. Ngay từ năm 1832, vua đã phán :"Các bản nhật ký về việc đi sứ chỉ thấy ghi tên đất và số dậm đường, còn tình hình dân, công việc nước không từng nói đến. Sắc cho bộ Lễ từ nay truyền chỉ cho sứ thần phải hỏi han dân tình được sung sướng hay bị đau khổ, trong nước có tai biến hay có điềm lành ghi chép rõ ràng, còn tên đất, số dậm đường đã có trong sách, có thể khảo cứu được".


III - PHẠM PHÚ THỨ VỚI TRƯƠNG VĨNH KÝ, NGUYỄN TRƯỜNG TỘ VÀ BÙI VIỆN

A - PHẠM PHÚ THỨ (1821-82) VÀ TRƯƠNG VĨNH KÝ (1837-98)
Năm 1862, khi theo chân thuyền trưởng Simon ra Huế đòi bồi thường chiến tranh, Trương Vĩnh Ký có gập Thị lang bộ Lại Phạm Phú Thứ hay không thì không rõ nhưng chắc chắn sau đó họ đã gập nhau nhiều lần bởi cả hai cùng có mặt trong chuyến đi Âu châu năm 1863-64. Về nước rồi, ít nhất còn gập nhau lần nữa : Khi Trương Vĩnh Ký ra Bắc năm 1876 có đến thăm Tổng đốc Hải-dương Phạm Phú Thứ mà ông nhận là quen biết từ chuyến đi Tây năm 1863-4.
1 - TIỂU SỬ P.J.B. TRƯƠNG VĨNH KÝ
nguyen thi chan quynhTrương Vĩnh Ký còn gọi tắt là Pétrus Ký hay Pétrus Key, tự là Sĩ Tải, sinh ở Cái-mơn, Vĩnh-long. Lên 5 tuổi được học chữ Hán, 11 tuổi đi Cao-mên học ở Pinha-lu, nơi đây cậu bé họ Trương gập g" nhiều bạn ngoại quốc, đã tỏ ra có khiếu về ngôn ngữ, tự học tiếng Ðông phương để chuyện trò với chúng bạn. Hai năm sau được gửi đi học ở Ðại Chủng Viện Hội Truyền Giáo Nước Ngoài (Mã-lai). Tại đây, Trương đã đoạt giải nhất về la-tinh. Bouchot kể rằng một hôm Trương Vĩnh Ký nhặt được ở ngoài sân một lá thư, tuy không biết tiếng Pháp nhưng nhờ biết la-tinh Trương hiểu lá thư đó gửi cho một ông thầy người Pháp và đem đến trả kèm với bản lược dịch của mình. Ông thầy ngạc nhiên trước sự thông minh của cậu bé nên cho mượn sách học tiếng Pháp, thế là Trương Vĩnh Ký biết tiếng Pháp.
Năm 1858, mẹ chết, Trương Vĩnh Ký về nước chịu tang, đồng thời cũng để suy ngẫm vấn đề có đi tu hay không, nhưng rồi ông quyết định lập gia đình (1861).
Năm 1859, vì có nạn cấm đạo gắt, Trương Vĩnh Ký lên Saigon ở với giám mục Lefèbvre. Năm sau giám mục giới thiệu cho làm thông ngôn với Trung tá Hải quân Jauréguibéry. Năm 1862, ông theo thuyền trưởng Simon ra Huế đòi triều đình bồi thường chiến tranh, cũng vẫn với chức thông dịch viên cho Pháp. Bouchot viết rằng chính Phan Thanh Giản đã yêu cầu người Pháp gửi Trương Vĩnh Ký làm thông ngôn trong chuyến đi Tây năm 1863-4 và chính Trương Vĩnh Ký đã dịch bài diễn văn của Phan Thanh Giản đọc ở điện Tuileries. Nhờ thông thạo ngoại ngữ, ở Pháp Trương đã làm quen được với giới trí thức như Victor Hugo, Littré, Duruy, Chavannes, E. Renan, Paul Bert... Theo H. Gautier, trong buổi nói chuyện ở trú quán Việt-Nam, Trương Vĩnh Ký đã so sánh khá lý thú hai nền chính trị Âu Á [13].
Về nước, ông lần lượt được giữ những chức vụ ngày một cao : 1866, Giám đốc trường Thông ngôn ; 1869, Chủ bút tờ Gia-đinh Báo ; 1872, Giám đốc trường Sư phạm vv. Khi Paul Bert được cử làm Toàn quyền Ðông-dương (1886) đã triệu ông ra hợp tác. Do sự sắp đặt của Paul Bert, Trương Vĩnh Ký giữ chức Tham Tá Cơ Mật Viện sung Hàn-lâm-viện Thị Giảng Học Sĩ, dậy chữ Pháp cho vua Khải-Ðịnh. P. Bert chết cuối năm 1886, những người kế chân như Paulin Vial hay Noel Pardon không tín dụng Trương Vĩnh Ký nên ông lui về dậy học và viết sách cho đến khi mất (1898).
- Những đặc điểm của Trương Vĩnh Ký
Trương Vĩnh Ký có biệt tài về ngôn ngữ học, biết 27 thứ tiếng Âu Á, cả sinh ngữ lẫn tử ngữ.
Trong vòng 35 năm, ông vừa phiên âm Hán văn ra quốc âm, vừa trước tác, vừa sưu tầm, nghiên cứu... đề cập đủ mọi lĩnh vực : ngôn ngữ, sử, địa, phong tục, văn hóa, khoa học, luật, kinh tế... tổng cộng lớn nhỏ 121 "tác phẩm". Tuy đấy là những tài liệu có giá trị song ta cũng cần phải dè dặt khi sử dụng, thí dụ ông chép là Minh-Mạng giết Nguyễn văn Thiềng/Thành trong khi sử chép là Gia-Long, hoặc ông dự định đưa trình tại Paris "phương pháp sinh con trai hay con gái tùy theo ý muốn" do ông tìm ra [14].
Năm 1868, nhờ làm thông ngôn đóng góp vào việc lập Thương Ước giữa hai nước Việt và Y-pha-nho. ông được huân chương Chevalier de l'Ordre royal d'Isabelle la Catholique.
Năm 1874, có vinh dự được xếp thứ 17 trong 18 danh sĩ hoàn cầu.
Năm 1886, sau nhiều năm phục vụ cho chính quyền Pháp ở Việt-Nam, ông được giới hữu trách Pháp thưởng Bắc đẩu Bội tinh (Chevalier de la Légion d'Honneur).
Cũng năm ấy ông được Nam triều ban Long Bội tinh.

2 - SO SÁNH PHẠM PHÚ THỨ VÀ TRƯƠNG VĨNH KÝ
Về chuyến đi Âu châu, Phạm Phú Thứ để lại Tây Hành Nhật Ký, Trương Vĩnh Ký cũng viết "Alguna reflexiones de su viaje por Europa" và có lẽ cả Nhựt trình đi sứ Lang-sa nhưng dường như chưa người Việt nào được đọc.
Tuy song phương cùng có mặt trong chuyến đi Âu châu nhưng với danh vị khác nhau : Phạm Phú Thứ là quan đại thần của triều đình, không biết tiếng Pháp, giao dịch phải qua thông ngôn ; Trương Vĩnh Ký là thông ngôn của soái phủ Pháp, nhờ thông thạo ngoại ngữ, trực tiếp giao dịch được với người ngoại quốc. Hai người gần như ở hai cương vị đối lập, liệu cả hai có những quan điểm tương đồng ?
a - Về Chính trị
- Phạm Phú Thứ là quan, chính trị nằm trong nhiệm vụ của ông nên trong chuyến Tây du ngoài sứ mạng xin chuộc ba tỉnh miền Ðông ông còn có trách nhiệm khảo sát tình hình ngõ hầu cải cách đất nước. Ông nhìn nhận Việt-Nam yếu kém so với Pháp nên chủ trương bước đầu không nên vọng động, phải uyển chuyển với người Pháp, nhờ họ huấn luyện binh sĩ, truyền dậy ngành thương mại... tiến dần đến chỗ hùng cường, khi đủ mạnh thì điều đình bồi thường để họ rút về, nếu họ ngoan cố thi đánh.
Trương Vĩnh Ký cũng nhận định Việt-Nam không thể chống nổi Pháp, phải nhờ Pháp dìu giắt nhưng khác với Phạm Phú Thứ chỉ coi hòa với Pháp là một giai đoạn tạm thời khi còn yếu thế, Trương Vĩnh Ký hoàn toàn tin tưởng ở "tổ quốc thứ hai" của ông, đinh ninh Pháp và những kế hoạch chấn chỉnh Việt-Nam của Paul Bert là những mẫu mực để noi theo, vì thế ông dự tính viết hẳn một quyển sách về P. Bert, với tựa đề Kỷ Nguyên Mới.
- Khác với Phạm Phú Thứ đi thi để ra làm quan, gánh vác việc nước, Trương Vĩnh Ký thường nói mình bị hoàn cảnh "xô đẩy" vào chính trường... Có thể khi bắt đầu ra làm thông ngôn cho Pháp, do giám mục Lefèbvre dẫn giắt, ông còn trẻ, chưa ý thức được rõ rệt vai trò của mình như Nguyễn Trường Tộ (hơn ông 7 tuổi). Nguyễn Trường Tộ ngay từ khi còn trẻ đã nuôi dư"ng ý chí phục vụ tổ quốc, nên thoạt đầu khước từ không làm thông ngôn cho Pháp, sau nhận làm với mục đích đóng góp vào việc hòa giải, đến khi thấy mình không đóng góp được vào việc hòa giải đã xin từ chức, bị ép thì trốn lánh (điều trần 13/5/1863), còn Trương Vĩnh Ký chưa có chủ định, do hoàn cảnh xô đẩy ra làm cho Pháp. Mặc dầu bị P. Bert ép vào chính trường, ông vẫn chu đáo hoàn tất nhiệm vụ đối với người dùng mình, không làm gì phi phận, vượt chức năng như Nguyễn Trường Tộ, đã từng đánh tráo công văn nếu thấy bất lợi cho Nam triều (điều trần 13/5/1863).
Cũng bởi Trương Vĩnh Ký chưa có chủ kiến, không suy xét tận tường mọi khía cạnh, đến tầm quan trọng của câu nói việc làm nên khi ra mắt Giáo hoàng, ông mới ngỏ lời cám ơn các nhà truyền giáo đã thực hiện những "hảo sự" cho Việt-Nam, thậm chí còn phác họa "nỗi vui mừng" của người dân Việt được thấy nước nhà bước vào thời kỳ "ổn định và hòa bình" [15]. Chắc ông lên tiếng với tư cách người có đạo chứ ông đã từng làm thông ngôn trong nhiều chuyến hòa đàm, làm sao lại có thể nói là người dân Việt "vui" và nước Việt đã bước vào giai đoạn "ổn định và hòa bình", thứ nhất lúc ấy ông biết rõ mục đích chuyến đi năm 1863 là điều đình xin chuộc ba tỉnh vừa mất vào tay Pháp và phái đoàn đã thất bại trong việc xin chuộc ba tỉnh ? Thiết nghĩ với tư cách một thông dịch viên được Pháp tin cậy ắt ông được đọc nhiều tài liệu quan trọng và ông thừa thông minh để hiểu chiến tranh bùng nổ do ai châm ngòi, không thể thoái thác là ra ngoài sở liệu của ông được.
b - Về Văn hóa
Trương Vĩnh Ký thường tự nhận chỉ là con người của văn hóa nên muốn phục vụ cả "hai tổ quốc" bằng con đường văn hóa. Trong thư gửi cho Stanislas Meunier ông viết :"Tôi chỉ có thể làm cái gạch nối giữa hai dân tộc vừa mới gập nhau tại Nam kỳ. Tôi chỉ có thể giúp hai dân tộc này hiểu nhau và thương yêu nhau, do đó tôi thường dịch từ tiếng Việt ra tiếng Pháp và từ tiếng Pháp ra tiếng Việt với nhận thức rằng sau ngôn ngữ, sau chữ nghĩa, một ngày nào đó các tư tưởng sẽ được hấp thụ và chúng tôi bắt đầu làm quen với nền văn minh mới của xứ sở ông" [16]. Trương Vĩnh Ký muốn "khai trí" người dân Việt bằng cách truyền thụ những cái hay, cái mới, học hỏi được ở Tây phương, đồng thời vẫn tiếp tục truyền thống phương Ðông để "tiến đức". Ông đã thực hiện những gì ?
Theo Nguyễn văn Trấn, Trương Vĩnh Ký đã viết về chuyến đi Âu châu :"Tôi trở về với tâm hồn sung sướng vô cùng. Thành phố Ba-lê, một đô thị uy nghi nhứt hoàn cầu mà tôi có dịp thăm viếng vào năm 1863, và tôi cũng đã gập g" nhiều thân hữu danh tiếng và bác học, nhứt là văn học và khoa học. Khi xa rời những buổi học tập cao quý đó, tôi đã thu thập nhìều kinh nghiệm và nhiều kiến thức" [17]. Quả thật sau chuyến đi mới thấy ông viết những bài nghiên cứu về kiến vàng và kiến hôi, về rau câu, về các loại chim, các loại cây trái vv. đăng trên Bulletin du Comité Industriel et Agricole de la Cochinchine (Tập San Nông Công Nam-kỳ). Nhưng đây là báo chuyên môn ít người đọc được nên không phổ biến.
Về những tác phẩm Trương Vĩnh Ký đã biên soạn, ngoài sách dậy ngôn ngữ thì không thấy ông gieo rắc văn minh Tây phương cho người Việt, quanh đi quẩn lại chỉ thấy ông toàn viết về văn hóa Á đông và Việt-Nam, ông dịch và phiên âm Tứ Thư cho người Pháp hiểu thì có, nhưng đến một bài giới thiệu hay dịch La Fontaine cho người Việt biết thì không, thế là ông giúp cho người Pháp hiểu người Việt hơn song ông không giúp gì cho người Việt "làm quen với nền văn minh mới" của Pháp. Tuy ông đã giải thích trong "Lời nói đầu" của Thư mục 1892 là cần phổ biến cái "Chính đạo (đạo Nho) đang bị suy đồi" song nhiệm vụ giúp cho đôi bên hiểu nhau hơn, tự ông vạch ra, ông chỉ mới hoàn thành có một nửa. Sau này Phạm Quỳnh với tờNam Phong đã thay ông giới thiệu cùng độc giả cả hai nền văn hóa Á Âu.
Rút cục, ta chỉ thấy ảnh hưởng của chuyến đi Pháp thể hiện rõ qua những bài nghiên cứu khoa học và dự tính dịch tự vị của Littré sang tiếng Việt (chẳng may ông mới dịch đến chữ "cheval" thì mất). Có thể do những người bạn quen ở Pháp đề bạt nên năm 1874 ông đã được vinh dự xếp chung với các danh sĩ hoàn cầu. Ðến 1886, khi Paul Bert sang làm Toàn quyền đã nhớ đến ông, yêu cầu ông cộng tác. Khi trường Thông ngôn đóng cửa, nhờ những người bạn ở Pháp can thiệp, ông vẫn còn có chỗ dậy học vv. Nói tóm lại dường như ảnh hưởng của chuyến đi Pháp chỉ thấy rõ trong sự nghiệp bản thân của ông.
Phải chăng đến cuối đời ông cảm thấy có điều bứt rứt nên mới ký thác tâm sự uẩn khúc trong bài thơ thường được gọi là "Cuốn sổ bình sanh", hoặc "Tuyệt mệnh thi" :
Quanh quanh quẩn quẩn lối đường quai,
Xô đẩy người vô giữa cuộc đời.
Học thức gởi tên con mọt sách,
Công danh rốt cuộc cái quan tài !
Dạo hòn, lũ kiến men chưn bước,
Bò xối, con trùng chắt lư"i hoài !
Cuốn sổ bình sanh công với tội,
Tìm nơi thẩm phán để thừa khai. [18]

B - PHẠM PHÚ THỨ (1821-82) VÀ NGUYỄN TRƯỜNG TỘ (1830-71)
Nguyễn Trường Tộ đã gập Phạm Phú Thứ năm 1863 trước khi phái đoàn đi Tây, chính Nguyễn Trường Tộ đã nhờ giám mục Croc (Hòa) giới thiệu Phạm Phú Thứ với một số chính khách ở Pháp, và cũng chính Phạm Phú Thứ đã giúp chuyển những bản điều trần quan trọng nhất của Nguyễn Trường Tộ lên Cơ Mật Viện. Năm 1864, khi phái đoàn về, họ lại gập nhau ở Gia-định. Vì đồng chí hướng, chắc rằng đôi bên còn nhiều lần hội diện khác, bởi các điều trần của Nguyễn Trường Tộ gửi Cơ Mật Viện phần lớn đều qua trung gian Phạm Phú Thứ.
1 - TIỂU SỬ NGUYỀN TRƯỜNG TỘ
Nguyễn Trường Tộ sinh quán ở Bùi-chu, Nghệ-tĩnh. Giỏi chữ Hán, mở trường dậy học, rồi dậy ở nhà Chung, quen giám mục Gauthier (Ngô Gia Hậu), được giám mục dạy chữ Pháp và một ít khoa học thường thức. Khi có nạn "phân tháp" (chính sách phân những gia đình có đạo ra ghép ở chung với người bên lương) Nguyễn Trường Tộ theo giám mục Gauthier lánh ra Ðà-nẵng. Lúc ấy Pháp đã chiếm Ðà-nẵng, có mời ông làm thông ngôn nhưng ông từ khước. Theo Nguyễn Trường Cửu, con trai Nguyễn Trường Tộ, thì khoảng 1859-60 Nguyễn Trường Tộ có sang Pháp và Ý, đã vào chầu Giáo hoàng Pie IX, được ban một chữ tiền lớn hơn đồng bạc (gia đình còn giữ được) nhưng Trương Bá Cần lại tỏ ý hoài nghi vì trước chuyến đi năm 1867, chỉ thấy Nguyễn Trường Tộ viết chung chung về Âu châu chứ không có những chi tiết tỏ ra đã sống ở Âu như sau năm 1867. Tuy nhiên, Thực lục chép :"Tháng 9/1870, Nguyễn Trường Tộ trước có sang Tây học lâu ngày" [19].
Tháng 3/1861, Nguyễn Trường Tộ theo giám mục Gauthier về Gia-định. Ðến tháng tư, thấy Chí-hoà thất thủ, ông nhận làm thông ngôn cho Pháp với dụng ý đóng góp phần nào vào cuộc nghị hòa. Ông từng mạo hiểm đánh tráo công văn khi thấy bất lợi cho Nam triều, hay bí mật gửi thư cho khâm mạng Nguyễn Bá Nghi mách nước vv... nhưng đến cuối năm 1861, khi Bonard mở rộng chiến tranh Nguyễn Trường Tộ thấy không trông mong tiếp trợ gì được cho cuộc nghị hòa thì ông kiên quyết từ chức (1862).
Nguyễn Trường Tộ đã tìm gập Phạm Phú Thứ trước và sau khi phái đoàn đi Pháp, sau đó liên tiếp gửi điều trần lên Cơ Mật Viện qua trung gian của Phạm Phú Thứ. Năm 1867, ông được triều đình gửi đi Pháp cùng với giám mục Gauthier tìm mua máy móc, sách học, tìm thầy, thợ chuyên môn mang về. Công việc còn dang dở thi mất thêm ba tỉnh miền Tây, lúc ấy triều đình chỉ muốn tìm cách lấy lại đất đai chứ không màng tới chuyện khác nên gọi ông về. Rút cục chuyến đi này không đem lại nhiều kết quả mong đợi.
Năm 1871, ông lại được triệu vào Kinh để tính chuyện thực hiện những đề nghị về quân sự, ngoại giao... trình bầy trong các điều trần, song cũng không đi đến đâu. Ông trở về quê ở Nghệ-an rồi mất, thọ 41 tuổi.
- Những đặc điểm của Nguyễn Trường Tộ
Trước hết là ý chí cương quyết vì nước canh tân. Tuy không biết nhiều thứ tiếng bằng Trương Vĩnh Ký nhưng ngoài chữ Hán ông nói được tiếng Pháp, tiếng Anh. Ông cũng rất thông minh lại hiếu học. Trong bản điều trần cuối tháng 5/1865, ông nêu rõ những mục đích xuất dương :"Tôi sở dĩ khinh danh lợi... vì thâm ý là đi sang các nước xem nắm tình hình... để trở thành một kẻ mưu trí gấp lo chống đỡ hoạn nạn cho nước". Ðiều trần 3/1868 :"Mấy chục năm nay tôi bôn tẩu trong thiên hạ, thu thập những tình thế biến thiên xưa nay, đem những điều đã đọc trong sách nghiệm ra việc đời. Dù trao đổi với ai một lời nói, một câu chuyện, thâm tâm tôi cũng có ý muốn thu lấy sự hiểu biết của người làm của mình". Hoặc :"Về việc học không môn nào tôi không để ý tới : cái cao của thiên văn, cái sâu của địa lý, cái phiền toái của nhân sự, cho đến luật lịch, binh quyền, tạp giáo, dị nghệ, các môn cách trí, thuật số không môn nào là tôi không khảo cứu, nhất là để ý về sự thế dọc ngang tan hợp trong thiên hạ" (điều trần13/5/1863).
Trên thực tế, ông quả đã tỏ ra học rộng biết nhiều. Trong một điều trần, ông cắt nghĩa rành rọt nguyên do phát minh phong vũ biểu, cách chế tác và sử dụng vv.
Những điều ông học hỏi không phải chỉ được phát biểu suông trong các điều trần mà còn được thực hiện như công trình xây dựng tu viện thánh Phao-lồ ở Saigon [20]. Ông giỏi về thuyền máy nên năm 1867 ông được triều đình tin cậy gửi đi mua sắm máy móc, và khi triều đình bị lừa, mua lầm phải chiếc tầu thủy London cũ nát, cũng phải nhờ ông về Kinh giúp giải quyết. Ông biết chữa đồng hồ :"Tôi nghe nói cái đồng hồ không chạy, tôi sẽ đích thân chỉnh lại cho tốt, nếu tôi chưa khỏi bệnh thì tôi thuê thợ Tây, họ biết tôi cũng chỉnh được nên không dám làm cẩu thả" (điều trần cuối 1864 đầu 1865).
Các bản đìều trần của ông trình bầy những dự kiến cải cách về đủ mọi phương diện : giáo dục, quân sự, ngoại giao, khai mỏ, đánh thuế... ông luôn luôn so sánh Tây với ta, nêu rõ nhược điểm của ta do đâu mà ra, nói rõ những việc nào cấp bách nên làm trước.
Người đương thời mệnh danh ông là "Trạng Tộ". Khi nước Anh mở Hội nghị Cách trí đã mời ông tham dự [21].
Tóm lại, về ngoại ngữ, ông thua kém Trương Vĩnh Ký nhưng về nghiên cứu, xem ra ông đi sâu hơn, nghị luận chính xác hơn tác giả Cours d'Histoire annamite và "Phương pháp sinh con trai hay con gái tùy ý muốn".
Từ tháng 9-1862 cho tới tháng 7-1864 trong lúc ở Sài Gòn, Nguyễn Trường Tộ đã đảm trách công việc xây dựng cơ sở của Dòng Thánh Phaolô ở số 4 đường Tôn Đức Thắng ngày nay. Đây là một trong những cơ sở đầu tiên được xây dựng theo lối kiến trúc Tây Phương ở Sài Gòn vào những năm 60 của thế kỷ XIX.

nguyen thi chan quynh
Trên đây là phối cảnh được vẽ lại theo một bức ảnh chụp cơ sở của Dòng Thánh Phaolô ở Sài Gòn, đăng trên báo MISSIONS CATHOLIQUES năm 1876, nghĩa là 12 năm sau khi cơ sở này được hoàn tất. Đây có lẽ là nguyên trạng cơ sở do Nguyễn Trường Tộ xây cất.

2 - SO SÁNH PHẠM PHÚ THỨ VÀ NGUYỀN TRƯỜNG TỘ
Chúng ta biết Phạm Phú Thứ đã thu hoạch những gì trong chuyến đi Âu châu, còn Nguyễn Trường Tộ về nước đã thảo 58 điều trần trong vòng mười năm.
Phạm Phú Thứ và Nguyễn Trường Tộ có rất nhiều điểm tương đồng về canh tân, nhưng thường là "đại đồng, tiểu dị".
a - Về đối ngoại
Ngay từ đầu, Nguyễn Trường Tộ đã có thái độ bất hợp tác với người Pháp. Ông có cái may hơn Phạm Phú Thứ là biết ngoại ngữ và trong thời gian nhận làm thông dịch viên của Pháp, ông được đọc những tài liệu khá hệ trọng nên mới có thể ngầm giúp triều đình. Ông nhận thức rõ trọng trách của vai trò trung gian của người thông dịch nên tỏ ý bất mãn với thái độ của một viên thông ngôn khác (điều trần 2/1865) :"Thuyền của Tây đã đến Kinh, tôi đã ngầm hẹn với ông Hoằng (Nguyễn Hoằng, một linh mục thường cộng sự với triều đình) cùng đi với tôi là có thâm ý riêng : thuyền Tây nói thẳng là không trả ba tỉnh và sẽ đòi bồi thường hàng năm. Tôi nghĩ có lẽ triều đình đã có lời bàn riêng với họ, nhưng viên thông ngôn đã bị họ sai khiến, nên hễ có lời nào nói không hợp với họ thì hắn ta bênh che không dám nói hết lời. Như thế thì thật hỏng việc. Như việc thông dịch của Trung quốc đối với các nước ngoài trước kia, vì những sự thêm bớt mà đến hỏng việc nước. Cho nên tôi thầm hẹn với ông Hoằng cùng nhau đến đấy. Nếu triều đình có những việc gì cần nói cứng hoặc cần đấu dịu cứ việc nói thẳng không ngại gì". Tuy rất ngoan đạo và được giám mục Gauthier nâng đ" song khi đụng đến sự mất còn của dân tộc thì Nguyễn Trường Tộ không ngại căn dặn triều đình chớ có sơ hở, tiết lộ những điều ông bàn dù là với giám mục và đặc biệt "chớ có cho các đạo đồ cùng đến dự nghe, sợ có những trở ngại khác" (điều trần tháng 8/1866).
Vì nắm rõ tình hình, ông kiên quyết chủ hòa :"Hòa là thượng sách, đến Trung quốc còn phải cắt đất cầu hòa. Có hòa trăm việc mới chỉnh đốn...". Ý kiến cũng như Phạm Phú Thứ chỉ khác ở chỗ ngoài việc chỉnh đốn ông còn bầy mưu thiết kế như lợi dụng sự cạnh tranh và "mối thù truyền kiếp" giữa Anh và Pháp để mà liên kết với Anh, xúi giục, mượn tay họ chống Pháp, hoặc tìm những người Pháp không phục chủ trương của Tây soái để ly gián vv.
Có lẽ nhờ biết tiếng Pháp, từng làm thông ngôn, tiếp cận nhiều với người Pháp, ông hiểu rõ Pháp hơn. Phạm Phú Thứ dường như tin Pháp sẵn lòng dìu giắt ta đến chỗ phú cường, có thể đìều đình bồi thường cho họ rút về còn Nguyễn Trường Tộ tỏ ý hoài nghi, ví Pháp "như cô dâu mới cưới, tật xấu chưa lộ". Ông cam quyết :"Pháp đã đến là không đi, đánh cũng không đi mà hòa cũng không đi" (điều trần tháng 3-4/1863).
b - Về giáo dục
Cả hai cùng trọng thực học. Phạm Phú Thứ khuyên cải cách khoa cử, nhưng vẫn trọng nhân nghĩa, đạo đức của Nho giáo. Nguyễn Trường Tộ bài bác cái học cũ quyết liệt hơn :"Thơ phú không đuổi được giặc (...) Ta toàn học những chuyện xa xưa (...) người xưa đã mất không thể dựng lên mà hỏi. (.. ) muốn đem những điều được truyền dậy ra thực hành thì phải trở ngược lại với nhân dân thời thượng cổ (...) Ta học thiên văn, địa lý, chính sự, phong tục bên Tầu (nay họ đã sửa đổi khác hết rồi) lớn lên lại dùng địa lý, thiên văn, phong tục nước Nam hoàn toàn khác hẳn..." (điều trần 15/11/1867). Và " Cái học của phương Tây công hiệu vì chia ra từng môn từng loại mà học, tùy tính chất của mỗi người, đáp ứng được cả trăm việc. Ta chỉ trọng đạo Nho, dùng một sở trường, bỏ phí nhân tài" (điều trần 1/9/1866).
Phạm Phú Thứ khuyên học thêm ngoại ngữ, Nguyễn Trường Tộ chủ trương bỏ hẳn chữ Hán, dùng chữ Nôm :"Có những người mỗi lần mở miệng ra nói lại phải nhờ người khác dịch giải. Ta một nước tại sao lại có hai thứ ngôn ngữ ? (...) Nước ta có tên tuổi vào hàng nhì phương Ðông, không có chữ viết riêng mà chỉ dùng chữ Nho, phát âm đã không đúng giọng Trung quốc, cũng không phải tiếng phổ thông của nước ta, nói với người Tầu người Tầu chẳng nghe, nói với dân ngu, dân ngu chẳng hiểu..." (điều trần 15/11/1867).
c - Về quân quyền
Phạm Phú Thứ xuất thân Nho học thì tôn quân là chuyện dĩ nhiên nhưng Nguyễn Trường Tộ đã từng du lịch nhiều nơi, tham bác Ðông Tây, nghiên cứu các thể chế, thế mà cũng chủ trương "Ngôi vua là quý, chức quan là trọng" (điều trần cuối tháng 5/1866). Nguyên vì thời của ông nhiễu nhương, ngai vàng của Tự-Ðức lung lay do hai mối đe dọa là nội loạn và ngoại xâm : Hồng Bảo, anh cả Tự-Ðức, mưu phế lập và các giáo sĩ muốn đưa lên ngôi một ông vua ít chống đạo hơn ; de la Grandière định lợi dụng tình thế ép triều đình đổi Vĩnh-long, Châu-đốc, Hà-tiên để được viện trợ quân sự. Nguyễn Trường Tộ hiểu rõ âm mưu thôn tính của Tây soái nên chủ trương tôn quân với lý do nước muốn yên trị phải có người nắm chủ quyền, nếu hơi bất mãn là đòi phế lập thì nước sẽ loạn, có nội loạn tất dễ bị ngoại xâm.

C - PHẠM PHÚ THỨ (1821-82) VÀ BÙI VIỆN (1839-78)
Phạm Phú Thứ và Bùi Viện cùng trong Tân đảng chắc có gập nhau nhiều lần, nhưng chỉ một lần được sách sử ghi lại : tháng 7/1873, khi Bùi Viện được cử đi ngoại quốc khảo sát tình hình thế giới, Phạm Phú Thứ đã làm thơ tiễn bằng chữ Hán, dịch như sau :
Mạch Tây cảng mới nước xuôi dòng,
Bốn cõi doanh hoàn, một lối thông.
Bầu trời thăm thẳm bao la rộng,
Muôn dậm làn thu thẳng ruổi dong [22].
1 - TIỂU SỬ BÙI VIỆN
Bùi Viện hiệu là Mạnh Dực, sinh ở Trình-phố, Thái-bình. Năm 1868, đỗ Cử-nhân. Vì hỏng thi Hội, lưu lại Huế học ở Quốc Tử Giám, trọ tại nhà quan Tế tửu Võ Duy Thanh. Bùi Viện coi thường cái học từ chương không thực dụng, hàng ngày đọc binh thư, để tâm nghiên cứu các ngành nông, công, thương, được Võ Duy Thanh mến, những lúc rảnh rỗi thường gọi ông vào phòng bàn quốc kế dân sinh, lại giới thiệu các đại thần có kiến thức như Lễ bộ Tham tri Lê Tuấn... Khi Lê Tuấn làm Thị sư Ðề đốc ra Bắc dẹp loạn, vì là người Trung không am tường tình hình ngoài Bắc, đã đem theo Bùi Viện và được giúp đ" rất đắc lực.
Phan Trần Chúc chép rằng sau khi giúp Lê Tuấn chiến thắng, Bùi Viện được thư của Doãn Uẩn mời ra giao trọng trách vừa đánh dẹp hải tặc, vừa xây dựng kiến thiết Hải-phòng, lúc ấy Doãn Uẩn giữ chức Doanh Ðiền Sứ ở Nam-định, chuyên việc mở mang khai khẩn ruộng đất, và được triều đình ủy thác việc biến bến Ninh-hải thành thương cảng. Bảo Vân, Sở Bảo, Lãng Nhân vv. cũng chép là Doãn Uẩn, nhưng theo Liệt Truyện Thực Lục thì Doãn Uẩn mất từ năm 1849, khi Bùi Viện mới có 10 tuổi ; Doãn Khuê, em Doãn Uẩn, mới giữ chức Nam-định Doanh Ðiền Sứ năm 1871, và đến khi Nam-định thất thủ (1873) Doãn Khuê có tội, phải đi tuần phòng ngoài biển chuộc tội, rồi được phục chức, năm1876 sung Thương biện, coi khai khẩn ruộng đất, mất năm 1879. Như vậy phải sửa là thư của Doãn Khuê mời Bùi Viện mới đúng.
Năm 1873, Francis Garnier đánh chiếm các tỉnh Hà-nội, Nam-định... Lê Tuấn được cử làm Chánh sứ đi Tây, vào Gia-định trước để thương lượng với Thống đốc Dupré lấy lại mấy tỉnh miền Bắc vừa bị mất. Lê Tuấn xin được đem theo Bùi Viện nhưng lúc ấy Bùi Viện đang về thăm quê, triều đình viết thư gọi ra. Phái đoàn phải cấp tốc lên đường, Lê Tuấn không chờ được nên khởi hành trước. Theo Phan Trần Chúc, khi Bùi Viện được thư, trở lại Kinh thì Lê Tuấn đã mất, sau đó Bùi Viện được cử đi tham quan các nước để định hướng canh tân. Sự thực Bùi Viện không phải xuất ngoại sau khi Lê Tuấn chết vì đến 15/3/1874 Lê Tuấn còn ký hoà ước Giáp Tuất ở Gia-định, mà Bùi Viện đã bái biệt vua ở núi Thúy Vân để lên đường từ tháng 7/1873. Trước khi đi vua còn dặn dò đừng sơ xuất để lộ cái kém cỏi của nước mình và đừng quá tiết kiệm để nhục quốc thể.
Thoạt đầu, Bùi Viện đến Hương cảng tình cờ gập sứ thần Hoa-kỳ khuyên không nên trông cậy ở Trung quốc, khác nào chết đuối vớ phải bọt, nên cầu viện Hoa-kỳ, và viết thư gửi gấm Bùi Viện với một người bạn thân cận Tổng thống Grant (Lâm Khẳng).
Thế là mùa đông 1873, Bùi Viện lên đường đi Nhật để lấy tầu sang Mỹ. Ðến Hoa-thịnh-đốn, vì không biết tiếng nên phải dàn xếp qua thông ngôn người Hoa mới được diện kiến Tổng thống Grant. Trong thì giờ chờ đợi, Bùi Viện đi tham quan các thị trấn lớn Hoa-kỳ. Bởi không có quốc thư, Tổng thống Mỹ nói không lấy danh nghĩa gì xin quốc hội giúp được. Bùi Viện phải trở về lấy quốc thư, nhưng đến khi quay lại năm 1875 thì cục diện thay đổi, Hoa-kỳ không muốn giúp nữa. Theo Lãng Nhân, lúc đầu Hoa-kỳ thuận giúp với điều kiện được tự do thông thương, đồng thời cũng muốn trả thù Pháp đã can thiệp vào vụ Mễ-tây-cơ nhưng khi Bùi Viện trở lại với quốc thư thì Mỹ thấy Pháp đã củng cố địa vị ở Việt-Nam nên không muốn giúp nữa, đòi đưa 2 triệu quan để chi dụng vào việc xuất binh. Bùi Viện thất vọng, trở về tay không. Mùa thu 1875, ông dừng chân ở Nhật, đến Hải Vân quan thì được tin mẹ mất, ông về triều phục mạng rồi về quê chịu tang. Mới được ba tháng lại có chỉ triệu ra Kinh để giao trọng trách.
Theo Bảo Vân thì ngày 12 tháng 4 năm Bính Tý (1876) ở cửa bể Thuận-an (cách Huế 15 cây số) có hai chiếc thuyền của giặc Tầu ô đánh cướp đoàn thuyền vận tải gồm 9 chiếc của nha Kinh Lược chở hàng hóa và binh lính về Huế, ngay khi vua ra chơi Thuận-an. Bùi Viện làm bài vè chế nhạo, đến tai vua. Tự-Ðức bèn triệu về Kinh, phong chức Tham Biện Thương Chính, sai đi thám thính tình hình hải tặc. Tháng 5/1876, sau khi nhận chức, Bùi Viện đi kinh lý ; tháng 7 dâng biểu nói : Cần phải trừ nạn hải tặc thì dân mới có thể yên ổn làm ăn, buôn bán như triều đình vẫn khuyến khích. Tuy nhiên, không thể trông cậy ở người Thanh vì là cảnh "mẹ gà, con vịt", không tận tâm ; cũng không thể trông cậy ở tầu vận tải của nhà nước vừa nặng nề, vừa cồng kềnh khó xoay sở, giặc đi thuyền nhỏ mà trốn vào chỗ nước nông là ta bó tay. Các nhà buôn sẵn sàng đóng tiền bảo hiểm, nên lấy tiền đó lập đội Tuần dương quân, vừa để tuần phòng, vừa để hộ vệ các thương thuyền, vừa vận tải hàng hóa nhà nước. Tuần dương quân sẽ thuộc quyền chỉ huy của một viên quan cao cấp, lập bản doanh ở Nam-định ; trên mỗi cửa bể trọng yếu nên đặt một tiểu đồn phòng, có pháo đài, súng đại bác, trước hết đặt ở Nam-định, rồi đến Ninh-hải...
Thực lục xác nhận :"Tháng 8/1877, bắt đầu đặt Nha Tuần tải, lấy Biên tu lãnh trước tác Bùi Viện sung chức Tuần tải Nha Thương chánh Quản đốc" [23]. Bùi Viện đã thi hành kế hoạch chiêu mộ hải tặc thông thạo thủy chiến và dân chài giỏi võ nghệ, lập thành đội Tuần dương quân gồm hai đoàn Thanh dũng (người Thanh) và Thủy dũng (người Việt). Chính Bùi Viện làm Thượng tướng, được vua trao sắc ấn. Ông thân đốc Thủy dũng luyện tập, đặt ra quân luật, lập các nha đồn, đóng được 200 chiếc tầu lớn, đặt trụ sở Nha Tuần tải -coi như bộ Tổng Tư lệnh Tuần dương quân- ở lầu Thương Bạc, tại Huế. Ðây cũng là nơi điều khiển Chiêu Thương Cục, công ty xuất nhập cảng lớn nhất nước ta hồi ấy, đem lại những món tiền quan trọng cho công quỹ vì triều đình có một nửa cổ phần [24].
Ðến tháng 5/1878 Tuần dương quân đã hai lần giao chiến với Tầu ô ở hải phận Hà-tĩnh và Thanh-hóa, bắt được thuyền giặc cùng súng ống, lương thực...
Một năm sau khi lĩnh chức Chánh Quản đốc, 4 tháng sau khi được triệu về Kinh, Bùi Viện từ trần vào ngày mồng một, tháng mười một, năm Tự-Ðức thứ 31 (1878). Triều đình xét ông có tội tiêu lạm công quỹ 36 vạn, ra lệnh tịch biên gia sản, nhưng vô hiệu vì ông chỉ có một mái nhà tranh. (Có thuyết nói ông bị giam và chết trong ngục).

2 - PHẠM PHÚ THỨ HAY BÙI VIỆN ÐÃ BIẾN NINH-HẢI RA HẢI-PHÒNG ?
Tháng 11/1872, khi Jean Dupuis từ Saigon ra, lần theo sông Nhị-hà tìm lối sang Vân-nam, đã bỏ neo ở bến Ninh-hải (thuộc Hải-dương), lúc ấy Ninh-hải chỉ có mấy xóm chài lơ thơ và đầy hồ ao, bùn lầy.
Theo Quang Uyển thì từ 1867 Phạm Phú Thứ đã đề nghị mở cảng ngoại thương ở Hải-yên và khi làm Tổng đốc Hải-yên ông đã lập "thành tích sáu năm mở cảng Ninh-hải (Hải-phòng)" [25].
Thái Nhân Hoà cũng viết :"Chưa quá ba năm (1874-76), Phạm Phú Thứ đã góp phần thay đổi bộ mặt Hải-yên nói chung và tỉnh lỵ với cảng Hải-phòng nói riêng" [26].
Tùng Phong cũng chép :"Năm 1874, triều đình ký với Pháp cho lập toà Lãnh sự ở Hải-phòng. Cung chức được mấy tháng, Phạm Phú Thứ cùng Tuần phủ Nguyễn Tăng Doãn kinh lý từ Hải-dương đến Hải phòng, cho lập mấy đồn lính coi việc tuần phòng, Nha Thương chính ở Hạ-lý để thu thuế tầu bè qua lại (...) sau đó mới lập Toà Lãnh sự" [27].
Thực Lục cũng ghi :"Tháng 8/1874 Lại bộ Thị Lang Nguyễn Tăng Doãn sung giảng định Thương Ước làm Khâm phái ở Hải dương khám xét địa thế Hải-dương và ngoại thành Hà-nội, chọn chỗ làm nhà cho quan quân Pháp ở và khám xét chỗ quân Pháp đóng ở cửa bể nào, hình thế như thế nào, vẽ bản đồ chung cả tỉnh và vùng phụ cận dâng lên".
- Thế nhưng Phan Trần Chúc lại viết :"Triều đình muốn lập cửa bể Hải-phòng, người đương thời gọi là bến Ninh-hải, thuộc địa phận Hải-dương, vốn chỉ có mấy chiếc lều tranh, bãi biển bùn lầy (...) Doãn Uẩn (Doãn Khuê) giao cho Bùi Viện biến thành một thương cảng kiêm quân cảng nơi giao thiệp với các nhà buôn ngoại quốc (...) Chỗ mà J. Dupuis bước xuống đầu tiên chính là bến Ninh-hải, hoặc thành phố Hải-phòng bây giờ, một công trình kiến trúc của Bùi Viện" [28].
Sở Bảo cũng ghi :"Doãn Uẩn (Doãn Khuê) ủy thác cho ông (Bùi Viện) việc mở rộng bến Ninh-hải thành một hải cảng để buôn bán với các nước, tức Hải-phòng" [29].
Xét rằng năm 1874 bắt đầu mở nha Thương chính, công việc thù tiếp nặng nề, triều đình mới cử Phạm Phú Thứ làm Tổng đốc Hải-yên kiêm Tổng lý Thương chính. Sung chức được mấy tháng ông đã cùng Tuần phủ Hải-dương Nguyễn Tăng Doãn đi kinh lý để trù tính kế hoạch. Ninh-hải thuộc Hải-dương, do Phạm Phú Thứ quản lý. Về phần Bùi Viện thì năm 1874 còn đang xuất dương, đến1876-77 mới đảm nhận chức Tuần-tải-nha Chánh-quản-đốc lĩnh Thương Chính Tham Biện, vừa giữ trách nhiệm về hải phòng vừa mở mang kinh doanh. Bùi Viện đặt đại bản doanh Tuần dương quân ở Nam-định, đặt tiểu đồn cũng ở Nam-định trước rồi mới đến Ninh-hải, tức là Nam-định đối với ông quan trọng hơn Ninh-hải.
Phạm Phú Thứ giữ chức Tổng đốc Hải-dương kiêm Tổng lý nha Thương chính có thể coi là chức quan cao nhất ở ngoài, là người chủ sự từ năm 1874 ; còn Bùi Viện mãi đến 1876/7 mới sung chức Thương chính Tham biện và Tuần-tải-nha Chánh-quản-đốc (Phan Trần Chúc cho là ngang với chức Tổng trưởng bộ Hải quân) chắc là thuộc cấp của Phạm Phú Thứ. Có thể ông là người thực hiện việc biến Ninh-hải thành thương cảng Hải-phòng nhưng Phạm Phú Thứ là người điều khiển ? Thiếu tư liệu, thực sự khó mà phân biệt rõ được nhiệm vụ của hai người ở Ninh-hải.
- Ðiều đáng chú ý là thời bấy giờ phong trào duy tân đã mạnh, những người thức thời không phải chỉ có Phạm Phú Thứ, Nguyễn Trường Tộ và Bùi Viện. Thí dụ :
Ta biết năm 1858 Phạm Phú Thứ đóng được thuyền máy kiểu mới, nhưng Nguyễn Trường Tộ cũng là một tay rất am tường thuyền máy, từng viết điều trần góp ý mua và đóng thuyền máy.
Theo Ðào Trinh Nhất và Sở Bảo thì Võ Duy Thanh, người cùng thời với Phạm Phú Thứ, cũng đã nghĩ và cùng Bùi Viện đóng được một chiếc chiến thuyền nhỏ, thí nghiệm ở cửa Thuận-an, và lúc gần mất (1861) còn viết sớ khuyên vua gấp tổ chức Hải quân theo Thái Tây vì hình thế nước ta nhìều bờ bể, địch đổ bộ chỗ nào cũng được, việc phòng thủ bờ bể rất khẩn yếu [30].
Chính các ông vua nhà Nguyễn cũng là những người giỏi chế tạo máy móc :
Trong Trung Bắc Chủ Nhật, Quán Chi cho biết Gia-Long đã chế tạo được bốn chíếc thuyền theo kiểu Tây. Thoạt tiên mua một chiếc tầu chiến cũ về tháo tung ra xem rồi ráp lại như cũ, sau thử chế tạo một chiếc mới nguyên theo kiểu mẫu ấy, tự mình giám đốc thợ thuyền, chỉ bảo từng li từng tí, có lúc phải sắn tay áo cầm thước đo. Làm được chiếc đầu nhà vua đóng thêm ba chiếc nữa, có chiếc không đầy ba tháng đã xong, trên đặt được 26 khẩu thần công, có chiếc tới 36 khẩu và 300 thủy binh. 3 chiếc đầu giao cho thủy quan Pháp cai quản, chiếc thứ tư nhà vua tự điều khiển [31].
Thực lục chép : "Năm 1838 (Minh-Mệnh) sai Vũ Khố đóng thuyền máy hơi nước (theo kiểu thuyền Tây dương mà làm), thưởng cho đốc công, thợ làm việc100 quan tiền".
Năm 1834, vua Minh-Mệnh phán :"Những chỗ đông nhà ở mùa hè rất sợ cháy. Ta đã chế cái xe chữa cháy đ" tốn sức mà lửa nào cũng phải tắt" [Làm một cái máy chứa nước trong thùng, do bốn hay năm người đẩy xe, một người cầm sào dài buộc vòi (bằng da cuộn lại) vào đầu sào giơ lên, bốn người ở hai bên vặn máy, nước trong thùng chẩy qua vòi tuôn như mưa].

* * *
- Phi-li-phê Bỉnh được đào tạo để thành linh mục, vì đạo mà xuất dương rồi phải sống lưu vong đến chết. Ở nước ngoài, ông chỉ giao thiệp với người trong đạo nhiều nhất chứ không phải với từng lớp trí thức nên những gì ông được mục kích thường chỉ là đời sống hàng ngày. Ông không có trách nhiệm chính thức với quốc dân đồng bào, không hi vọng được về nước và cũng không có gì đảm bảo nhật ký của ông sẽ được lưu truyền, song ông vẫn kiên trì ghi chép tường tận những điều học hỏi được ở nước ngoài với hi vọng sẽ giúp cải thiện đời sống của dân Việt. Ông đã tận dụng sở học và sở năng của mình để phục vụ dân tộc.
- Phạm Phú Thứ  làm quan, dĩ nhiên có phận sự chăm lo cho dân song ông không chỉ làm một cách tắc trách. Ngay từ trước khi đi Tây ông đã thiết tha với việc canh cải đất nước, sau khi xuất dương, chiêm nghiệm tận mắt kỹ thuật tinh xảo của Thái Tây, ông đã cố công học hỏi, ghi nhớ để về áp dụng, nào chế tạo "xe trâu", nào mở trường Thủy học, trường dậy tiếng Pháp, in sách phổ biến khoa học kỹ thuật vv. Tuy tâm phục kỹ thuật của Tây, ông vẫn tôn trọng cái "học để thành người" của Nho giáo.
- Nguyễn Trường Tộ rất gắn bó với tiền đồ dân tộc. Tuy không chính thức giữ một trách vụ gì, song ông kiên quyết đem những sở đắc của mình ký thác vào 58 bản điều trần, đưa ra những giải pháp canh tân để phục vụ đất nước. Là một người có đạo, đương nhiên ông bị hiềm nghi nhưng nhờ lòng nhiệt thành ông đã khiến triều đình chuyển sang tín nhiệm, ủy thác cho ông thảo thư gửi Tây soái, sang Pháp mua máy móc, tìm thầy thợ... Tự-Ðức còn sai Trần Tiễn Thành thu thập các điều trần và thư từ của Nguyễn Trường Tộ đóng thành một tập theo thứ tự ngày tháng dâng lên vua xem. Từ chỗ bị nghi ngờ, nhờ lòng chí thành, ông đã biến thành chỗ sở cậy của triều đình. Tuy bài bác Nho học nhưng tác phong của Nguyễn Trường Tộ lại vẫn là tác phong của một chân Nho : tận tụy vì nước dù ốm đau "chân bị tê bại, phải nằm ngửa mà viết" (điều trần cuối cùng đang viết dở thì mất), không màng danh lợi "Triều đình có việc gì cần tôi xin vâng mệnh xong lại xin về như trước, còn tước lộc quyết không dám nhận" (điều trần 9/2/1871).
"Mặt trời cho dẫu không soi đến,
Hướng dương xin vẫn nếp hoa quỳ".
(điều trần 13/5/1863)
Tiếc rằng ông không gập thời, lại mệnh đoản nên chưa thực hiện được những sở học đã thu thập ở nước ngoài.
- Bùi Viện cũng như Phạm Phú Thứ, Nguyễn Trường Tộ đều là những người có tâm huyết, ý thức rất rõ về thực trạng nước nhà, quyết tâm học hỏi để canh cải, ôm ấp nguyện vọng xoay chuyển tình thế. Sau hai chuyến công du Bùi Viện đã được giao cho việc lập đội Tuần dương quân, và đóng góp vào việc biến bến Ninh-hải thành thương cảng Hải-phòng. Tuy không thành công trong vấn đề cầu viện Hoa-kỳ, tuy ông để lại trong công quỹ một lỗ hổng là 36 vạn quan khi mất, song ông cũng đã đem hết sở năng của mình học hỏi được ở ngoại quốc để phục vụ đất nước.
- P. Bỉnh, Nguyễn Trường Tộ và Trương Vĩnh Ký đều có đạo, song xem ra về mặt tôn giáo, Trương Vĩnh Ký công bình hơn cả, trong khi P. Bỉnh chỉ suy tôn một đạo Thiên Chúa và Nguyễn Trường Tộ tin rằng trong vụ tranh chấp lương-giáo, lỗi tại triều đình :"Chỉ từ khi ban hành lệnh nghiêm cấm mới sinh ra kỳ thị nhau... nước vốn trong, có quấy lên mới đục" thì Trương Vĩnh Ký nhìn nhận rằng trong vụ hiềm khích này đôi bên lương giáo cùng có lỗi.
Trương Vĩnh Ký là một kỳ tài, thông minh, uyên bác, thông thạo ngoại ngữ, thân cận với rất nhiều trí thức Pháp, hẳn ông phải là người lĩnh hội được nhiều nhất những cái hay cái mới của Tây ; ông lại có phương tiện phổ biến những điều hấp thụ được qua các tác phẩm biên soạn đã được ấn hành, đương nhiên chúng ta đặt kỳ vọng nơi ông. Song ý định "giúp cho hai dân tộc hiểu nhau hơn" do chính ông vạch ra, chung qui ông chỉ thực hiện có một nửa, tức là giúp cho người Pháp hiểu người Việt. Sự nghiệp trước tác của ông tuy đồ sộ nhưng ngồi nhà cũng viết được hà tất phải là người đi xa ngàn dậm. Tìm một người biết 27 thứ tiếng thì mới khó chứ tìm một người hiểu văn hóa Á-Ðông thì thiếu gì, ông không viết vị tất đã không ai làm nổi ? Do đó chúng ta có quyền thất vọng.
Nói thế không có nghĩa là phủ nhận công đóng góp của Trương Vĩnh Ký cho văn hóa nước nhà. Dù ông chỉ tuân hành chỉ thị của Tây mà viết sách báo bằng quốc ngữ nhưng hiển nhiên ông là người Việt đầu tiên phổ biến chữ quốc ngữ, đem chữ quốc ngữ từ lĩnh vực tôn giáo sang lĩnh vực văn học, ông đã gián tiếp góp phần vào sự hình thành của quốc ngữ mà lợi ích của quốc ngữ thì ngày nay không ai chối cãi. Ngoài ra, những sách viết về văn học, sử, địa, phong tục vv. của ông để lại tuy cũng có những chỗ cần phải dè dặt nhưng tựu chung vẫn là những chứng liệu hiếm quý để ta trân trọng.
Châtenay-Malabry, tháng 7, 2000

_____________

Di sản Hoàng Xuân Hãn

(tựa đề khác: Thư ngỏ gửi anh Nghiêm Xuân Hải) 

LTS: Hợp Lưu nhận được bài viết của nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Thị Chân Quỳnh dưới dạng một bức thư trả lời cho nhà nghiên cứu Nghiêm Xuân Hải liên quan đến bài biên khảo "Di sản Hoàng Xuân Hãn" trên Hợp Lưu số 65 (tháng 6 & 7 năm 2002) và những thảo luận riêng giữa hai tác giả. Tuy là hình thức thư ngỏ nhưng những điều được đề cập trong đó có giá trị về khảo cứu văn học, nhất là về vấn đề "quả thực chỉ có môt Hồ Xuân Hương" do Trần Thanh Mại đề xuất vào những năm đầu của thập niên 60. Hợp Lưu, do đó, xin được giới thiệu bức thư ngỏ này ở phần biên khảo. HL

 Tôi nhận được Hợp Lưu số 65, tháng 6 &7 năm 2002 từ lâu, trong có bài "Di sản Hoàng Xuân Hãn" của anh, tr. 21 - 25 anh phê bình bài "Tìm hiểu mối tình giữa Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương (tác giả Lưu Hương Ký)" của tôi, đăng trong Hợp Lưu số 35, tháng 6 &7 năm 1997. Tuy nhận được Hợp Lưu từ lâu, nhưng đến nay tôi mới viết xong bài trả lời vì từ cuối năm 2001 mắt tôi phải làm việc quá độ (1) nên sau đó bị mờ, dòng chữ cong queo như con giun, tôi phải ngừng đọc, sách báo đến tôi chất đống, mỗi ngày đọc vài ba trang, vì thế đến 10 tháng 8 tôi mới thấy bài của anh và thấy anh hỏi (t. 22): "Biết đến bao giờ Nguyễn Thị Chân Quỳnh mới sửa lại chỗ sai của mình?".

Phải nói rõ từ đầu là anh đã lần lượt gửi cho tôi tới ba bản "Di sản Hoàng Xuân Hãn": bản đầu qua M. Y. kèm thư đề ngày 9/10/98; bản thứ hai không có thư kèm, mấy dòng chữ bút chì ghi góc trái trang đầu không đề ngày nhưng thư trả lời của tôi viết hôm 30/11/98; bản thứ ba của anh kèm với thư ngày 22/01/99, vì bận viết sách nên đến tháng 5/99 tôi mới trả lời.
Nhận thấy thư đi thư lại lôi thôi, mất thì giờ, không bằng giải thích tận mặt, nên cuối cùng, vào khoảng hè năm 1999, tôi đã mời anh đến nhà nói chuyện, hôm ấy còn có hai người bạn khác là anh VNQ và chị VTHĐ. Tôi có nói rõ tôi không thù oán bác, không "vạch lá tìm sâu", nhưng nhận thấy bác viết có những chỗ không ổn nên phải lên tiếng. Đối với tôi, hai vấn đề Hồ Xuân Hương và bản dịch "Chinh Phụ" chưa ngã ngũ, chưa thể khẳng định vì chưa có bằng chứng chính xác, tất cả chỉ là phỏng đoán nên có thể đúng và cũng có thể sai. Trong trường hợp bác đúng thì không nói làm gì nhưng trong trường hợp bác sai thì con cháu Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm, nếu có và còn sống, chắc cũng đau lòng...
Đấy là chưa kể một buổi tối năm 1998 (hình như tối thứ bẩy, tôi không ghi ngày) anh gọi điện thoại nói chuyện rất lâu, khoảng hai tiếng đồng hồ và hỏi tôi số điện thoại của ông Nguyễn Quảng Tuân lúc đó sang Pháp v.v... Còn nhớ trong điện thoại tôi có nói là một bằng chứng bác viết mà không kiểm tra là hai chữ "nữ giới" trong một văn bản bác gán cho bà Đoàn Thị Điểm, bác giảng "nữ giới" là "ý muốn nói đó là đàn bà diễn ca" (2) nhưng tôi tra tự vị Hán Việt Từ Điển của Đào Duy Anh thì chữ "giới" đó có nghĩa khác, thí dụ của Đào Duy Anh: "giới yên" có nghĩa là "răn đừng hút thuốc phiện", anh có thể kiểm tra dễ dàng vì bác có sao chụp bià bản "nữ giới" ở cuối quyểnChinh Phụ Ngâm Bị Khảo (3).
Tóm lại là tôi tưởng đã nhiều lần trả lời anh hoặc trực tiếp, hoặc qua thư hay điện thoại và chuyện đã "thanh toán" xong từ lâu, nay mới hiểu là anh muốn tôi phải công bố trên báo. Vậy tôi xin lần lượt trả lời anh từng điểm trong đoạn anh phê bình tôi, in trên Hợp Lưu số 65, từ trang 21 đến trang 25 :
- tr. 21 Anh viết :"Nguyễn Thị Chân Quỳnh không giới thiệu A0 mà lại giới thiệu "Thiên Tình Sử" là sách người ta tự ý in ba bài của bác, tôi cho là sách "ăn cướp", nếu dịch từ "pirater" của Pháp".
(A0 = "Hồ Xuân Hương với vịnh Hạ Long", Tập san Khoa Học Xã Hội. Paris : số 10-11, tháng 12/1983)
1- Thiên Tình Sử - Trước hết, khi viết bài "Tìm hiểu..." tôi không "giới thiệu" Thiên Tình Sử (TTS) mà là "sử dụng" TTS vì tôi chỉ mua được bản đó chứ không mua được bản gốc in trong Tập san Khoa Học Xã Hội. Anh trách tôi sao không hỏi mượn anh bản gốc, nhưng lúc đó tôi tưởng TTS là bản gốc, được in lại với sự thỏa thuận của bác thì còn đi hỏi mượn làm gì?
2- Nhưng đấy là chi tiết phụ, cái chính là sử dụng TTS có làm sai lạc những luận cứ của tôi hay không? Trong thư viết cho anh ngày 30/11/98 tôi nhìn nhận là sau khi đối chiếu, so sánh từng dòng, tôi thấy TTS khác với bản gốc anh cho mượn khoảng 150 chỗ: lỗi nhẹ là quên viết hoa tên người, tên địa điểm... nặng là quên một hai chữ, hay bỏ sót cả mấy dòng khiến câu văn sai nghĩa hoặc vô nghĩa. Tuy nhiên, đối với những lập luận của tôi thì những lỗi lầm ấy không có ảnh hưởng gì cả. Lập luận của tôi là:
a) Chưa thể khẳng định hai bà Hồ Xuân Hương, tác giả Lưu Hương Ký (LHK) và tác giả những bài thơ ai cũng biết mà tôi gọi là thơ truyền tụng (TTT), chỉ là một người vì vấn đề còn nhiêu khê, những "bằng chứng" đưa ra chỉ là phỏng đoán. Ngoài cái tên giống nhau và cùng hay làm thơ thì văn phong, duyên tình của hai bà vv. khác nhau xa.
b) Mối tình giữa Nguyễn Du và tác giả LHK được nhìn nhận qua bài thơ "Cảm cựu..." chưa chắc đã có thật: nếu quả hai người có tình với nhau đủ "ba năm vẹn" như xác nhận trong "Cảm cựu...", cả hai đều là thi sĩ có tài, hay làm thơ, tại sao lại không có thơ xướng họa với nhau trong LHK như đối với Tốn Phong, Mai Sơn Phủ, Hiệp trấn họ Trần và những bạn tình khác của nữ sĩ? Bài "Cảm cựu..." do Xuân Hương viết chỉ chứng minh mối tình của Xuân Hương đối với Nguyễn Du nhưng còn phần Nguyễn Du thì sao? LHK không có mà trong di cảo của Nguyễn Du cũng không có một bài nào đả động đến Xuân Hương chứ đừng nói tới mối tình giữa hai người. Bài "Mộng đắc thái liên" bác đưa ra nói là chắc khi viết bài này Nguyễn Du nhớ tới Xuân Hương, nhưng chính bác cũng không dám quyết đấy là sự thực. Trích TTS:
tr. 246: ('Mộng thấy hái sen') hình như nhắc nhở đến hồi dan díu với Xuân Hương;
tr. 248 : Bài này chứng rằng Nguyễn Du ở Quảng-bình hay ở Huế có lúc nhớ đến một người bạn gái xưa ở cạnh Hồ Tây tại Thăng-long. Tuy bút chứng không muốn trỏ là ai nhưng lấy mọi bằng chứng mà suy thì tôi đoán đó là Xuân Hương có lẽ là hợp lý. Dầu sao nếu Hầu (Nguyễn Du) còn quen một người con gái Hồ Tây nào khác thì tình duyên giữa Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương là sự có thật. Nó kéo dài "ba năm vẹn".
Đọc kỹ bài thơ thì người con gái ấy là "hàng xóm" của Nguyễn Du (song không ai biết đích xác lúc ấy Nguyễn Du ở đâu) và hai người rủ nhau đi hái sen ở Hồ Tây, chứ không phải người con gái ấy "ở cạnh Hồ Tây" để mà đoán là Xuân Hương.
Vì chưa có bằng chứng nào khác tỏ ra Nguyễn Du có đáp ứng mối tình này, nên tôi cố công thử tìm xem ở những thời điểm nào hai người cùng sống ở Thăng-long trong ba năm xem chuyện có thể xẩy ra được không? Kết quả là "không" (4).
- tr. 22: Anh viết: "Sách (TTS) không in lại bản đồ mà bác vẽ, đọc thấy thiếu ngay. Bản đồ trong bài A8 của Nguyễn Thị Chân Quỳnh thì rất xưa (1490) và rất quí trên mọi phương diện nhưng tiếc là nó đã thay thế và làm mất bản gốc của HXH. Tôi không biết nó có đúng hơn với sự thực của thời Hồ Xuân Hương, nhưng trong bản gốc HX Hãn có vẽ thêm đường đi nên dễ hiểu hơn. Nên tôi có lời trách (chung cho tôi và tác giả Nguyễn Thị Chân Quỳnh) : tôi đã nhờ chị TKhuê đăng trong báo Hợp Lưu số 29 (mà tác giả có trong tay vì có nói đến tờ báo đó) rằng ai muốn biết thêm về di sản của HX Hãn xin liên lạc với tôi. Nếu tác giả liên lạc với tôi (dễ quá vì cùng ở vùng Paris) tôi đã cho sao chụp ngay bài báo. Không liên lạc có phải vì tôi không đắt rao hàng chăng?".
[A8 = "Tìm hiểu mối tình giữa Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương (tác giả LHK)", Hợp Lưu số 35, tháng 6 &7/1997]
3- Bản đồ Thăng-long - Xin trích lại thư tôi trả lời đề ngày 30-11-1998: "Tôi đã giải thích với anh trên điện thoại, xin nhắc lại là tôi thường cố ý minh họa những bài viết bằng tranh ảnh hay bản đồ xưa: Đấy là cách "bảo tồn di sản" của tôi, phải in ra để cho nhiều người được xem và đỡ bị thất lạc, mai một. Bản đồ tôi đưa ra quý ở chỗ vẽ từ thời Lê Thánh Tông, thế kỷ 15, trong có chua rõ chỗ của phường Khán Xuân mà xưa nay người ta vẫn cho là chỗ ở của Xuân Hương nên tôi mượn cớ ấy để cho in bản đồ chứ không phải vì không có bản đồ của Bác trong tay nên đem cái này vào thay thế mà không có một lời giải thích. Đấy không phải là cung cách làm việc của tôi".
Xin thêm một câu: Tôi cũng đã từng giải thích với anh: Tôi không biết bác có vẽ bản đồ Thăng-long (vì TTS không in) thì còn "thay mận đổi đào", lấy bản đồ thời Lê ra thay bản đồ của bác làm gì? Chính anh cũng nhìn nhận trong TTS không có bản đồ bác vẽ. Anh được đọc bản gốc thì anh "nhận ra ngay", nhưng tôi chỉ có TTS thì không thể đoán được.
Anh còn "vặn" tôi "Khán Sơn" (trên bản đồ 1490) không phải là "Khán Xuân" và tôi đã giải thích: "Phường Khán Xuân nằm giữa núi Khán tức Khán Sơn và núi Xuân" (5).
Tôi đã nói rõ tôi đưa bản đồ Thăng-long 1490 ra với mục đích phổ biến một bản đồ xưa hiếm quý chứ tôi có nói bản đồ ấy "đúng hơn với sự thực của thời Xuân Hương" đâu?
Còn bảo vì tôi phổ biến bản đồ Thăng-long 1490 "làm mất bản gốc" (bản HXHãn vẽ) anh có thấy là anh nói quá đáng không? Nếu có người "làm mất" bản của bác thì là người chịu trách nhiệm in TTS chứ sao lại là tôi?
- tr. 22 và 23 - Anh viết " Bài A2 in trên Hợp Lưu số 13, dễ tìm, sao Nguyễn Thị Chân Quỳnh không giới thiệu và xuất xứ cho đúng câu nhận xét đã ghi trong chú thích số 1 của chị là bác nhầm. Nhưng năm 1993 bác đã sửa lại trong A2, tức là bốn năm trước bài A8 của Nguyễn Thị Chân Quỳnh (...) Chuyện chỉ là chi tiết đáng bỏ qua, nhưng nó đã phạm đến nguyên tắc M1 : Viết để phục vụ cho độc giả (đỡ mất thì giờ). Nay lại viết để cho độc giả rắm rối thêm. Vậy tốt hơn hết là không viết chú thích số 1 mà lại còn viết sai một thế kỷ. Và biết đến bao giờ Nguyễn Thị Chân Quỳnh mới sửa lại chỗ sai của mình?".
(A2 = Thụy Khuê thực hiện: Giáo sư Hoàng Xuân Hãn nói chuyện về thân thế và sự nghiệp Hồ Xuân Hương. Hợp Lưu số 13, tháng 11&12/1993)
4- Thời điểm - Trước hết, trong chú thích số 1 quả tôi có đánh máy "sai một thế kỷ" thật : Trần Thanh Mại phát hiện ra LHK năm 1963 chứ không phải "1863", đó là lỗi tôi đánh máy dở, mắt lại chẳng lấy gì làm tinh tường nên tuy có đọc lại mà không phát giác ra, tôi xin nhận lỗi.
Nhưng tôi cũng xin nhắc anh là trong thư trả lời ngày 30/11/98, tôi có nêu ra một thắc mắc: "Tái bút: Bài này Bác viết xong đầu năm 1984 mà anh ghi bút chì là Tập san Khoa Học Xã Hội tháng 12/1983 e có sự sai lầm?". Thư trả lời của anh đề ngày 22/01/1999: "Tại sao bác đề ?cuối đông năm Quí Hợi, đầu 1984?? Theo tôi, năm Quí Hợi (1993) là bác viết nhầm từ Quí Dậu (1983), cuối đông là vào khoảng 12/1983, 01/1984".
Chẳng lẽ đánh máy "sai một thế kỷ" lỗi lại nặng hơn?
5- Về chi tiết bác nhầm thời điểm tuy tôi có nhắc đến nhưng đã đưa nhận xét ấy xuống "chú thích" tức là coi nó không quan trọng. Chính anh cũng nhìn nhận là "đáng bỏ qua". Mục đích của tôi lúc ấy chỉ là tìm xem có những thời điểm nào Hồ Xuân Hương và Nguyễn Du cùng sống ở Thăng Long trong "ba năm vẹn", để chứng minh mối tình giữa hai người có thể có thật.
Xin trích thư đề ngày 30-11-98: "Thời điểm. Anh trách tôi là biết Bác đã tự sửa lại sai sót về thời điểm mà lờ đi, không đả động đến vv... Nếu mục đích của tôi là bới móc những lỗi lầm của Bác thì "không đả động đến" quả là lỗi nặng của tôi, nhưng mục đích của tôi là tìm hiểu xem Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương có những dịp nào cùng sống một thời với nhau, cho nên dù Bác tự ý loại ra vài thời điểm, tôi vẫn nhặt lên, hơn thế nữa, tôi tự ý tìm thêm những thời điểm khác mà hai người cùng sống ở Thăng-long và đã chứng minh là không thể có được" (6).
6- Nguyên tắc M1: Viết để phục vụ cho độc giả (đỡ mất thì giờ) - Xin có một nhận xét là bài anh viết không theo nguyên tắc này, tôi không biết các độc giả khác thì sao chứ tôi đọc anh rất "vất vả" vì những A0, A2, A3, A8, A12, P1, P3, P4, P9, P10, P11, P12, M0, M1, M2, M3, M5 (chỉ đếm riêng trong mấy trang phần tôi) thì cảm giác của tôi là viết thế đỡ mất thì giờ cho tác giả chứ không "đỡ mất thì giờ cho độc giả" (mỗi lần phải đi tìm ý nghĩa những A0, A2, A3, M0, M1, M2... ấy), chính anh đôi khi cũng tự giải nghĩa liền sau đấy.
7- Rắm rối - Anh trách tôi "viết để cho độc giả rắm rối thêm". Nếu chỉ vì tôi đưa ra những ý kiến khác với bác khiến cho vấn đề không đơn giản nữa thì quả là đúng. Song nếu tôi không đưa ra những điều mình thắc mắc, thấy không ổn, mà chỉ chép lại nguyên văn những gì bác viết thì tôi nghĩ thà đừng viết còn hơn. Nếu bác viết chỗ nào cũng hợp lý thì việc gì tôi còn phải lên tiếng? Còn như bác viết có chỗ người ta không đồng ý thì dù tôi không lên tiếng cũng có người khác.
- tr. 23 - 25 : Bài "Cảm cựu..." trong LHK có hai câu thơ :
Xe ngựa trộm mừng duyên tấp nập,
Phấn son càng tủi phận long đong.
Anh viết : "HXHãn hiểu rằng câu trên nói đến việc cụ Nguyễn Du sửa soạn ngựa xe đi sứ sang Tầu.
Còn một độc giả như tôi thì sao? Tôi xin nói rõ tiến trình lập luận tìm hiểu của tôi.
Đầu tiên tra tự vị. (P9: tìm nghĩa những chữ và M5: trở về nguồn, tìm hiểu chữ Việt cổ).
Chữ duyên có hai nghĩa có thể chấp nhận : Nghĩa tình duyên, nhân duyên lấy vợ lấy chồng, và nghĩa duyên nợ, duyên kiếp, duyên số, duyên phận (destinée, sort) Ngày nay nghĩa nhân duyên lấy vợ lấy chồng thông thường ở ngoài đời, nhưng vào chùa thì nghĩa duyên kiếp thông thường hơn. Và duyên lại có những nghĩa khác: cái đẹp kín đáo hấp dẫn hay sự may mắn trong các tập hợp "có duyên", "vô duyên" nay vẫn thường dùng, và duyên còn có nghĩa bờ... trong duyên hải = bờ biển.
Xưa thì sao? (P9 và P3, P4). Chữ nhân duyên là từ Phật giáo...
Anh giảng nghĩa chữ "duyên", trích Phật giáo, truyện Kiều vv hết trang 24 và đầu trang 25 rồi anh kết: ...trong Kiều có độ 40 lần duyên có nghĩa là duyên số vợ chồng nhưng vẫn còn 16 lần duyên có nghĩa là duyên phận, vậy nghĩa này xưa thông dụng. Dùng đối chiếu ba lần :"Biết duyên mình, biết phận mình thế thôi", "Giận duyên tủi phận bời bời", "Cũng là phận cải duyên kim", thì luôn luôn duyên có nghĩa là duyên-phận.
Tiếp theo là tìm hiểu văn phong và nhân tính của tác giả, ngẫm nghĩ xem câu thơ có hợp tình hợp cảnh không. Theo HXHãn thì Hồ Xuân Hương của LHK cũng là tác giả những bài thơ truyền tụng (trừ những bài mà người sau đã gán cho bà và nay ta phải tìm cách loại ra). Viết LHK cho hậu thế, bà chỉ chọn những bài thơ "cao cấp". Vậy bà là một người đàn bà phóng khoáng, một thi nhân lỗi lạc và bà rất tự cao, không chịu thua kém đàn ông. Chẳng nhẽ một nhà thơ phóng khoáng, tự cao, hãnh diện, với địa vị văn giới và ý kiến về vợ lẽ rành rành như trong các bài thơ, lại đi than với hậu thế là ông kia đi lấy vợ bé mà không lấy tôi. Tôi thấy đây là một mâu thuẫn lớn, mà cách giải thích của Nguyễn Thi Chân Quỳnh chưa đáp ứng được.
Đến đây sực nhớ đến phương pháp P10 (không có chữ Nôm trước mắt thì đừng nên đoán). Vậy chữ duyên viết bằng chữ Nôm trong văn bản LHK có thể giúp ta chọn nghĩa. Nhưng khi không có bản LHK trước mắt, ta cũng có thể kiếm được câu trả lời bởi vì tra tự vị thì duyên với cả hai nghĩa đều viết cùng một chữ Nôm. Như vậy nhìn mặt chữ Nôm, trong trường hợp này, không giúp ta làm rõ nghĩa hơn được".
8- Chữ "duyên" - Anh giảng giải cả trang về ý nghĩa chữ "duyên", trích Kiều, đạo Phật vv. nhưng anh không nói vì sao chữ duyên ấy lại dẫn đến ý nghĩa : "Nguyễn Du sắm ngựa xe đi sứ". Chỉ nói "Hoàng Xuân Hãn hiểu rằng..." đối với tôi không đủ.
Tuy "duyên phận" có thể dịch ra tiếng Pháp là "destinée, sort" nhưng nghĩa chính của "destinée, sort" là số phận, chứ không phải "duyên phận", "duyên phận" chỉ là nghĩa phụ, tức là "số phận về mặt tình duyên".
Trích thư ngày 30-11-98: "Chữ duyên. "Tôi vẫn giữ lập trường của tôi (không phải là tôi không biết chữ "duyên" có nhiều nghĩa). Nếu anh không tin nên đọc lại tất cả bài thơ ("Cảm cựu..."), thứ nhất câu cuối, và nên đọc tập LHK thì sẽ thấy rõ tác giả thuộc hạng người nào, Hồ Xuân Hương mà anh nói là tác giả TTT".
Câu cuối là một câu than thân : "Lầu Nguyệt năm canh chiếc bóng chong".
"Lập trường của tôi" là vẫn cho câu thơ "Xe ngựa trộm mừng duyên tấp nập" trỏ vào việc như Nguyễn Du lấy vợ thì "hợp tình hợp cảnh" hơn là trỏ vào việc Nguyễn Du đi sứ và nó còn đối nghĩa với câu dưới "Phấn son càng tủi phận long đong" của Xuân Hương than thân.
Trong thư tôi khuyên anh đọc LHK, nếu anh đọc sẽ thấy mấy câu khác tương tự, trong bài "Thu nguyệt hữu ức Mai Sơn Phủ kí" (Đêm thu nhớ Mai Sơn Phủ viết), ý nghĩa thật rõ ràng, phù hợp với cách giải thích của tôi :
Son phấn trộm mừng duyên để lại,
Bèo mây thêm tủi phận về sau.
Trăm năm biết có duyên thừa nữa,
Cũng đỏ tay tơ cũng trắng đầu. (7)
9- Mâu thuẫn - Anh tin hai bà Xuân Hương là một nhưng tôi không tin. Đọc LHK tôi thấy tác giả "hiền lành" chứ không phải "cao ngạo", tác giả TTT mới "tự cao". Hãy cứ cho cả hai là một, "tự cao", nhưng đọc cả TTT lẫn LHK rõ ràng không thiếu gì những câu than thân, tủi phận. Bề ngoài người ta có thể tỏ ra cứng cỏi nhưng bề trong vẫn có thể có những lúc yếu đuối, không có gì là "mâu thuẫn". Thử đọc:
TTT : Bài "Tự tình I" :
Canh khuya văng vẳng trống canh dồn,
Trơ cái hồng nhan với nước non! (8)
LHK : Bài "Cảm cựu..." :
Phấn son càng tủi phận long đong.
(...)
Lầu Nguyệt năm canh chiếc bóng chong!
không than thân thì là gì?
10- Hồ Xuân Hương - Bác cho hai bà Xuân Hương là một nhưng tôi nhận thấy chưa thể khẳng định như thế vì còn nhiều chỗ không ổn, chỉ lấy hai thí dụ : văn phong và duyên tình.
a) Văn phong: Thơ LHK tuy có thể liệt vào những áng thơ hay nhưng chưa ai nhìn nhận đó là những câu thơ kiệt tác, phi thường, "có một không hai", hơi văn đi mạnh, hình ảnh sắc sảo, táo bạo, gieo vần oái oăm mà vẫn thoát một cách tài tình vv. như trong TTT. Đứng cạnh những bài TTT thơ LHK trở nên "bình thường".
Cùng là than thân, hãy so sánh:
Chiếc bách (TTT)
Chiếc bách buồn về phận nổi nênh,
Giữa dòng ngao ngán nỗi lênh đênh.
Lưng khoang tình nghĩa mong đầy đặn,
Nửa mạn phong ba luống bập bềnh.
Chèo lái mặc ai lăm đỗ bến,
Buồm lèo thây kẻ rắp xuôi duềnh.
Ầy ai thăm ván cam lòng vậy,
Ngán nỗi ôm đàn những tấp tênh! (9)
(Tôi trích bài này để tiện so sánh văn phong hai bà chứ không phải chọn bài này vì cho nó hay hơn những bài khác trong TTT)
Tự thán I (LHK)
Con bóng đi về chốc bấy nay,
Chữ duyên nào đã chắc trong tay.
Nghĩ cùng thế sự lòng như đốt,
Trông suốt nhân tình dạ muốn say.
Muôn kiếp biết là duyên trọn vẹn,
Một đời riêng mấy kiếp chua cay.
Nỗi mình nỗi bạn dường bao nả,
Dám hỏi han đâu những cớ này. (10)
Bảo rằng thơ trong LHK "cao cấp", nữ sĩ về già tự ý loại những bài thơ "ngổ ngáo" viết khi còn trẻ để đương đầu với đám thư sinh chọc ghẹo như Trần Thanh Mại đề xướng và bác đồng ý thì quả thật tôi thấy khó tin. Một người đã sáng tác được những bài thơ như TTT (dù có bị người đời "nhuận sắc" nhưng cái cốt lõi vẫn còn) lại không nhận ra giá trị của nó, vứt bỏ đi để mà chọn giữ lại những bài thơ "cao cấp" như trong LHK, thì có họa là "điên"!
Người ta vì khâm phục những bài TTT nên mới nhớ đến tên Hồ Xuân Hương, và tìm đọc LHK vì tò mò thấy tên Hồ Xuân Hương, nếu tác giả LHK mang tên khác chưa chắc đã có nhiều người tìm đọc như thế.
Ông Đào Thái Tôn đã viết và nhìn nhận hai Xuân Hương là một, rằng thơ LHK là thơ "sàng lọc" lúc về già vv. nhưng trong những buổi họp bạn bè, ông vẫn chọn ngâm TTT. Trích Đào Thái Tôn, Thơ và Đời: "Nói vậy thôi chứ mai uống rượu vào mà bạn bè bảo tôi đọc thơ Hồ Xuân Hương tôi vẫn có thể đọc "Thiếu nữ ngủ ngày", "Đánh cờ người"... những bài thơ mà tôi đã loại ra khỏi phần chính văn" (11).
Vì sao? Tất nhiên là vì nghệ thuật độc đáo của chúng chứ không phải vì ý nghĩa "tục". Văn thơ hải ngoại ngày nay thiếu gì người viết về tình dục nhưng nào có ai được người đời ca tụng, trọng vọng? Nếu dựa vào LHK để "sàng lọc" TTT thì là làm chuyện ngược đời.
Chính Trần Thanh Mại nêu ra thuyết dựa vào LHK để thanh lọc TTT nhưng lại tự mâu thuẫn ở chỗ khi dịch bài "Cảm cựu..." câu 6 lại cố ý dùng chữ giống giọng TTT:
Biết còn mảy chút sương đeo mái (12)
b) Tình duyên hai bà tuy cùng trắc trở nhưng những "bạn tình" của hai bà khác hẳn nhau. Trong LHK không có bóng dáng Tổng Cóc, ông Phủ Vĩnh Tường (13) và trong TTT cũng không thấy một bài nào, một câu nào nhắc đến Tốn Phong, Mai Sơn Phủ, Hiệp trấn họ Trần vv. Dù cho là tác giả LHK chỉ chọn lọc những bài thơ "cao cấp" để đưa vào LHK nhưng chẳng lẽ dân gian cũng chọn lựa TTT để loại ra những bài có dính dáng đến Tốn Phong, Mai Sơn Phủ, Hiệp trấn họ Trần vv. ?
Tại sao không tạm thời chấp nhận có hai bà Xuân Hương sống cùng thời và cùng làm thơ hay nhưng mỗi người văn phong một khác, như đã có hai Nguyễn Du sống cùng thồi? Nguyễn Du, 1765/6-1820, tác giả Truyện Kiều, là người Nghệ, đỗ Tam trường (có lẽ là thi Hội), khi có loạn Kiêu binh, ông lên Thái-nguyên rồi được kế nghiệp cha nuôi, giữ chức Chánh Thủ hiệu (một chức quan võ nhỏ), ông chống Nguyễn Huệ và thời Gia-long từng làm Cai bạ (Bố chính) rồi Cần-chính điện Học sĩ vv. Nguyễn Du thứ hai người huyện Thanh-oai, đỗ Hoàng giáp (tức nhị giáp tiến sĩ) năm 32 tuổi (1785), làm quan ba triều: Lê, Nguyễn Huệ và Gia-Long (14).
Đấy là chưa kể, ít người biết là có tới hai bản LHK chứ không phải một. Theo Hồ Tuấn Niệm thì bản thứ hai nằm trong Thư Viện Khoa Học Xã Hội (A - 2814) nhưng "hoàn toàn khác về nội dung" (15).
11- Anh viết: "P10 (không có chữ Nôm trước mắt thì đừng nên đoán)". Vậy thì trường hợp hai chữ "nữ giới" rõ ràng bác có bản nôm trước mắt (và nhất định là bác thừa hiểu ý nghĩa cả hai chữ "giới"), nhưng bác vẫn giảng sai thì anh nghĩ sao?
Trong Chinh Phụ Ngâm Bị Khảo (CPNBK), ngoài hai chữ "nữ giới" bác giảng không ổn, tôi còn thấy bác ghi cuối bài "Tựa":
tr. 9: "Viết tại ngụ sở, gần bờ sông Sen tại Pa-ri, mùa hè năm 1952";
tr. 36, bác viết: "Từ năm 1926 ông Phan Huy Chiêm đã gửi thư cho báo "Nam Phong", nói rằng bản "Chinh Phụ Ngâm" là "cụ Phan Huy Ích dịch ra văn nôm, hiện nhà họ Phan còn giữ được bản chính, vừa chữ vừa nôm". Nhưng từ đó, mặc dầu những nhà khảo cứu yêu cầu, ông Huy Chiêm chưa từng xuất bản bài diễn ấy. Ầy là vì lẽ ông Huy Chiêm nghĩ rằng bản diễn ca của cụ tổ mình chính là bản đã in khắp nơi, mà có lẽ có câu không hay bằng nữa. Mùa hè năm nay tôi đã được ông Huy Chiêm nhờ người họ gửi cho một bản nhưng chỉ là một bản đã phiên âm ra chữ la-tinh. Hình như bản chữ nho và chữ nôm nay chưa tìm lại được".
Tôi thắc mắc là cho đến khi bác viết xong bài "Tựa" nhà họ Phan vẫn chưa đưa ra được bản chính chữ nôm của Phan Huy Ích, chẳng hóa ra bác đã khởi sự viết CPNBK chứng minh rằng bản dịch hay nhất xưa nay người đời gán ghép cho bà Đoàn Thị Điểm chính là của Phan Huy Ích ngay từ khi trong tay chưa có bản chữ nôm của nhà họ Phan làm bằng chứng?
Và cho đến nay vẫn chưa ai được thấy nó. Sau này (1970) ông Nguyễn văn Xuân tìm ra một bản ở Huế tên là Chinh Phụ Ngâm Diễn Ấm Tân Khúc mà ông và bác đoán là bản của Phan Huy Ích dịch. Tôi dùng chữ "đoán" vì trang cuối bài "Tựa" chỗ đề tên tác giả (hay dịch giả) lại bị mất (16) nên bằng chứng này cũng chưa thể kể là "bằng chứng" đích xác, mà chỉ là phỏng đoán.
Đây là tôi chỉ đứng trên lập trường lý luận về những bằng chứng cụ thể, đích xác, không ai chối cãi được, còn phần chữ nôm xin để nhường các chuyên gia.
Tôi đã trả lời anh cặn kẽ, từng điểm một, mong là chuyện chấm dứt ở đây. Bài này chỉ nêu ra một số thí dụ, nếu anh muốn có bài viết đầy đủ về những chỗ tôi còn thắc mắc thì xin đợi khi nào tôi lành mắt và có thì giờ thong thả tôi sẽ viết thật cặn kẽ, tường tận (17).
Xin nhắc lại là mục đích của tôi không phải để bới móc những sai lầm, sơ sót của bác mà chỉ là đưa ra những chỗ lập luận của bác mà tôi thấy không ổn, nhắc độc giả nên dè dặt. Nhận xét chung của tôi vẫn là bác làm việc công phu nhưng đôi khi thiếu kiểm tra, nên có những sai lầm dễ đàng tránh được nếu cẩn thận hơn. Chẳng hạn mất công tìm ra tên họ hai ông Hiệp trấn họ Trần (17) thường xướng họa với tác giả LHK nhưng bác không kiểm lại nên không thấy rằng ông Hiệp trấn Sơn-nam-hạ Trần Quang Tĩnh là người Bình-định chứ không phải người "đồng quận" (châu Hoan) với Xuân Hương như được khẳng định trong thơ. Còn Trần Ngọc Quán thì chỉ được thăng lên chức "Hiệp trấn Sơn-nam-thượng" năm 1815 trong khi LHK, chép những bài thơ đã xướng họa của nữ sĩ với Hiệp trấn họ Trần lại ngừng từ năm 1814, tức là một năm trước (19).
Cũng xin nhắc lại là khi viết bài "Tìm hiểu..." tôi phải tạm dùng TTS để chứng minh mối tình giữa hai người chưa thể coi là có thật vì vậy cuối bài tôi chua rõ :
"Xin lưu ý: Vì chưa tìm được bài của các ông Trần Thanh Mại, Lê Thước và Trương Chính nên tôi viện dẫn GS Hoàng Xuân Hãn nhiều hơn".
Nó có nghĩa là vì không có những "bản gốc" về vấn đề Xuân Hương của Trần Thanh Mại (là người đã đưa ra các giả thuyết: hai bà Hồ Xuân Hương, tác giả TTT và tác giả LHK, chính là một; thơ trong LHK do nữ sĩ chọn lọc loại ra những bài thơ "ngổ ngáo" làm lúc trẻ vv.) nên tôi tạm viện dẫn TTS vì bác cũng đồng ý với những giả thuyết của Trần Thanh Mại. Nhưng nay tôi đã tìm được những "bản gốc" của Trần Thanh Mại thì tôi xin chuyển những "nhận xét" sang "chính danh thủ phạm": Trần Thanh Mại mới là người đã xướng xuất ra những giả thuyết không ổn này, không phải bác.
Tuy nhiên, phải nhìn nhận là chỉ trong vòng hơn một năm (1963-65) mà Trần Thanh Mại vừa phát hiện ra tập LHK, dịch ra quốc ngữ, tìm ra đối tượng trong bài "Cảm cựu..." là Nguyễn Du, phát hiện ra bài "Tựa" LHK của Tốn Phong, dựng giả thuyết hai bà Hồ Xuân Hương là một vv. thiết tưởng sức người không thể làm hơn được. Dù các giả thuyết ông đặt ra có những chỗ không ổn thì ông cũng không đủ thì giờ kịp nhận ra. Ông mất quá sớm (1965), nếu ông còn sống thì chưa biết câu chuyện sẽ đi đến đâu.
Trần Thanh Mại đưa ra LHK làm cho vấn đề Xuân Hương vốn đã không đơn giản thêm "rắm rối" nhưng ai dám bảo công đóng góp của ông, chỉ riêng cho vấn đề Hồ Xuân Hương, là nhỏ?
Nghiên cứu, biên khảo là để tìm ra sự thật. Nêu ra một vấn đề chưa được giải đáp thỏa mãn không phải là làm cho "rắm rối" mà chính là để cùng nhau thảo luận, góp ý, làm cho "sáng tỏ" vấn đề ấy, không phải để chỉ trích riêng ai. Trước đây, ông Bằng Vũ có ý không hài lòng, vì tôi cãi là Tú xương không đi thi chữ quốc ngữ, tôi đã đem bài trả lời ông in vào"Lối Xưa Xe Ngựa..." tập I, nhưng lại cắt xén đoạn nói về thái độ của tôi khi cầm bút, nghĩ là không cần thiết, nay xin chép lại đoạn ấy:
"Đứng trước một điều nào mà tôi nghĩ là sai lầm đối với lịch sử hay văn học sử, tôi đã chọn thái độ lên tiếng. Giữ im lặng dĩ nhiên sẽ không có điều tiếng gì, nhưng có nghĩa là để mặc độc giả lầm theo (tôi muốn nói những người không có thì giờ đi tra cứu sách vở).
Song lên tiếng cũng có hai cách: Thảo luận để cùng nhau tìm ra sự thật, tôi tưởng rất nên. Còn vạch những chỗ sơ suất của người khác để khích bác tôi thấy không đem lại điều gì bổ ích mà còn mất thì giờ và cũng chẳng làm tăng giá trị người viết lên trước con mắt độc giả. Đôi khi tôi quả có nêu danh một vài tác giả trong bài nhưng không ngoài mục đích tìm hiểu sự thật, và tôi cũng không cho rằng vì tôi mà những tác giả ấy bị hạ uy tín." (20).
Không ai dám nghĩ đến phủ nhận công lao của bác đóng góp cho Việt-Nam, nhưng bác cũng không tránh khỏi lỗi lầm sai sót. Nếu tôi không nêu những chỗ tôi thấy không ổn ra thì cũng có những người khác nêu ra. Bằng chứng là mới đây ông Lê Hữu Mục và bà Phạm Thị Nhung đã xuất bản một quyển sách nhan đề là Tiếng nói Đoàn Thị Điểm trong Chinh Phụ Ngâm Khúc chứng minh bản dịch hay vẫn là của Đoàn Thị Điểm. Tôi chưa được đọc quyển này, cũng chưa từng bàn luận với bà Phạm Thị Nhung về Chinh Phụ Ngâm, và chỉ có một lần trao đổi sơ qua với ông Lê Hữu Mục về CPNBK của bác, đúng sự thực là ông Lê Hữu Mục nói cho tôi nghe những chỗ ông không đồng ý với bác về chữ Nôm, tôi không biết Hán-Nôm nên chỉ "đóng góp" được có hai chữ "nữ giới" mà tôi đã tra tự vị. Có nghĩa là cả hai vị viết sách đều không do tôi xui giục. Mục đích khi viết của tôi không phải là bới móc những sai sót của bác mà là nhắc nhở mọi người nên dè dặt. Chính vì bác có uy tín nên người ta thường quá tin, không kiểm tra lại, cứ theo bác mà chép nên sự lầm lẫn do đó nhân lên không biết bao nhiêu lần!
Anh cứ yên tâm, chuyện đâu còn đó. Di sản của bác không thể chỉ vì vài bài viết của tôi mà bị suy suyển, cái gì bác viết đúng vẫn đúng, và dù sao cũng còn có công luận.
Di sản của Hoàng Xuân Hãn đồ sộ và quan trọng thật nhưng cũng không ngoài mục đích đóng góp cho việc tìm hiểu sự thật trong di sản của cả nước Việt-Nam.
Hai vấn đề Hồ Xuân Hương và bản dịch Chinh Phụ Ngâm sẽ còn làm tốn nhiều giấy mực.

Châtenay-Malabry 29-8-2002
Xin lưu ý : Tôi vẫn phải sử dụng TTS để cho số trang những câu trích dẫn vì

đã trả anh bản gốc sau khi đối chiếu, sửa những chỗ sai và sao chụp bản đồ Thăng-long của bác vẽ, thiếu trong TTS.
Chú Thich:
1- Tôi phải sửa bản thảo hai quyển Thi Hương và"Lối Xưa Xe Ngựa..." tập II, để kịp đưa cho nhà xuất bản mang sang Mỹ in trước Tết.
2- CPNBK, tr. 27.
3- CPNBK, tr. 290.
4- Xin xem "Tìm hiểu mối tinh giữa Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương (tác giả LHK)", Hợp Lưu, số 35 và "Rút nhầm tơ duyên...", Thế Kỷ 21, số 115.
5-Thăng-long, Đông Đô, Hà-nội, tr. 57 : Núi Khán là khán đài thời Lê, chỗ vua xem diễn binh, giáp với Trại Hàng Hoa (Ngọc-hà, Hữu-tiệp) ngoảnh mặt ra Hồ Tây. Pháp đã san bằng núi Khán để xây Phủ Toàn quyền (nay là Phủ Chủ tịch).
6- Xin xem "Tìm hiểu...", Hợp Lưu số 35 và "Rút nhầm tơ duyên...", Thế Kỷ 21, số 115.
7- Đào Thái Tôn, tr. 123.
8- Đào Thái Tôn, tr. 170.
9- Đào Thái Tôn, tr. 169.
10- Đào Thái Tôn, tr. 135.
11- Thơ và Đời, tr. 249.
12- TTS tr. 245 bác viết là Hồ Tuấn Niệm sửa "đeo" ra "treo" bởi phiên âm như thế mới đúng, bác cho là vô nghĩa, sửa thành "sương siu mấy" mới có nghĩa (sương siu = bịn rịn với mối tình xưa), ông Nguyễn Quảng Tuân không đồng ý, cho phải đọc là "sương gieo mãi" (Kỷ Yếu Hội Nghiên Cứu Văn Học năm 1998, tr. 185-92).
13- Bác chứng minh bài thơ "Khóc ông phủ Vĩnh Tường" là ngụy tạo, mới nghe rất hợp lý nhưng xét lại vẫn có chỗ chưa ổn. Xin đọc "Rút nhầm tơ duyên...", Thế Kỷ 21, số 115.
14- Tạp Kỷ II, tr. 290 - Tục Biên, tr. 463.
Thực Lục XII, tr. 36, Nguyễn Du làm Thự Ngự sử; XIII, tr. 7, Nguyễn Du làm Giám sát Ngự sử đổi ra làm Án sát Thái-nguyên.
Thực Lục XIII, tr. 47 cho biết tên của tác giả Truyện Kiều ít nét hơn.
Ngô Đức Thọ, Các nhà khoa bảng Việt Nam :"Nguyễn Du người huyện Chương-đức, nguyên quán huyện Thanh-oai, 32 tuổi đỗ Hoàng giáp (1785), làm quan đời Lê Hiển Tông đến chức Hàn lâm viện thị thư, Thiêm đô Ngự sử, khi Nguyễn Huệ ra Bắc (1788) ông được giữ chức Hàn lâm Trực Học sĩ, cùng làm việc với Ngô thì Nhậm và Ngô văn Sở, thời Gia Long ông làm Đốc học Bắc thành".
15- Hồ Tuấn Niệm, "Chung quanh vấn đề Tiểu sử của Hồ Xuân Hương", Nghiên Cứu Lịch Sử, số 152, tháng 9-10, 1973, chú thích số 3.
16- Nguyễn văn Xuân, tr. 33.
17- Tôi cố gắng lắm mới viết xong bài này vì đọc rất khó khăn. Dù có chữa lành mắt, việc chính của tôi vẫn là viết quyển Thi Hội - Thi Đình, còn những thắc mắc về bác, tôi không viết cũng có người khác viết.
18- Chưa chắc có tới hai ông Hiệp trấn họ Trần. Xin xem "Rút nhầm tơ duyên...".
19- Thực Lục IV, tr. 246. Bài "Tựa" LHK của Tốn Phong cho biết đã viết xong đầu năm 1814.
20- "Tú Xương có đi thi chữ quốc ngữ hay không?", Thế Kỷ 21, số 23, 3-1991.
Sách Dẫn:
• Cao Lãng, Lịch Triều Tạp Kỷ, Hoa Bằng dịch. Hà-nội : Khoa Học Xã Hội, 1975.
• Đại Nam Thực Lục Chính Biên, tập IV, Hà-nội : Sử Học, 1963; tập XII, XIII, Hà-nội : Khoa Học, 1965.
• Đại Việt Sử Ký Tục Biên, Ngô Thế Long và Nguyễn Kim Hưng dịch. Hà-nội : Khoa Học Xã Hội, 1991.
• Đào Thái Tôn, Thơ Hồ Xuân Hương - Từ cội nguồn vào thế tục. Nhà xuất bản Giáo Dục, tái bản năm 1995.
• Hoàng Xuân tuyển chọn, Lữ Huy Nguyên giới thiệu, Hồ Xuân Hương - Thơ và Đời. Hà-nội : Văn Học, 1995.
• Hoàng Xuân Hãn, "Hồ Xuân Hương với vịnh Hạ Long", Tập san Khoa Học Xã Hội, số 10-11. Paris, tháng 12/1983.
• Hồ Xuân Hương - Thiên Tình Sử. Hà-nội : Văn Học, 1995.
• Chinh Phụ Ngâm Bị Khảo. Paris : Minh Tân, bản in lại không đề năm.
• Hồ Tuấn Niệm, "Chung quanh vấn đề Tiểu sử Hồ Xuân Hương", Nghiên Cứu Lịch Sử, số 152, tháng 9-10 / 1973.
• Kiều Thu Hoạch, "Đại cương về đất nước và con người", Thăng Long, Đông Đô, Hà Nội. Hà-nội : Sở Văn Hóa và Thông Tin Hà Nội, 1991.
• Ngô Đức Thọ chủ biên, Các nhà khoa bảng Việt-Nam (1075-1919). Hà-nội : Văn Học, 1993.
• Nguyễn Quảng Tuân, Kỷ Yếu Hội Nghiên Cứu Văn Học, TPHCM, 1998.
• Nguyễn Thị Chân Quỳnh, "Tú Xương có đi thi chữ quốc ngữ hay không?", Thế Kỷ 21, số 23, 3-1991.
• "Tìm hiểu mỗi tình giữa Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương (tác giả Lưu Hương Ký)", Hợp Lưu, số 35, tháng 6-7, 1997.
• "Rút nhầm tơ dưyên...", Thế Kỷ 21, số 115, 11-1998.
• Nguyễn văn Xuân, Chinh Phụ Ngâm Diễn Ấm Tân Khúc. Saigon : Lá Bối, 1972.
• Trần Thanh Mại, "Phải chăng Hồ Xuân Hương còn là một nhà thơ chữ Hán?", Nghiên Cứu Văn Học, số 3, 1963.
• "Trở lại vấn đề Hồ Xuân Hương", Nghiên Cứu Văn Học, số 10, 1964.
• "Bản Lưu Hương Ký và lai lịch phát hiện nó", Nghiên Cứu Văn Học, số 11, 1964
Hồ Xuân Hương "Rút nhầm tơ duyên..."
Người ta thường nói Xuân Hương vì tài cao nên trắc trở đường tình duyên : lấy phải Tổng Cóc dốt nát, lấy ông Phủ Vĩnh-tường xứng đôi hơn nhưng lại phải làm lẽ... song đấy là truyền thuyết. Mãi đến khi đọc "Long-biên trúc chi từ" của Tùng Thiện vương (1), làm khi theo vua Thiệu-Trị ra Thăng-long tiếp sứ nhà Thanh sang phong vương (1842), ta mới có bằng chứng Xuân Hương quả có thật và đã vất vả về đường tình. Bài thơ gồm 14 đoạn, đoạn 8 và 9 vịnh cảnh Hồ Tây có nhắc đến Xuân Hương. Thơ chữ Hán :
Tĩnh đầu liên hoa khai mãn trì,
Hoa nô chiết khứ cung thần ti.
Mạc hướng Xuân Hương phần thượng quá,
Tuyền đài hữu hận thác khiên ti.
Trụy phấn tàn chi thổ nhất dinh,
Xuân Hương qui khứ, thảo thanh thanh !
U hồn đáo để kim như tuý,
Kỷ độ xuân phong xuy bất tinh !
Ðại ý nói :
Sen Tịnh-đế nở đầy hồ,
Cô hầu gái hái hoa để cúng thần.
Ðừng dẫm lên mộ Xuân Hương nhé,
Ở suối vàng nàng còn ôm hận rút nhầm tơ (duyên).
Phấn rụng, cành tàn, một gò đất,
Xuân Hương đi về, cỏ xanh xanh.
Cho đến giờ u hồn còn như say ngất,
Mấy độ gió xuân thổi vẫn không tỉnh (2).
Căn cứ vào mấy câu thơ trên, ta biết chắc chắn đến năm 1842 thì Xuân Hương đã mất, tuy không rõ mất năm nào nhưng mộ đã "xanh ngọn cỏ" và nàng quả đã "rút nhầm tơ duyên"...
Vấn đề rắc rối từ năm 1963, khi ông Trần Thanh Mại phát hiện ra tập Lưu Hương Ký (LHK) - mà tác giả đích thực mang tên Hồ Xuân Hương- và bài "Tựa" LHK của Tốn Phong Thị. Xuân Hương trong tập LHK cũng lận đận về đường tình, nhưng phong cách thơ LHK thì khác hẳn những bài thơ truyền tụng (TTT) mà ai cũng biết. Từ đó (1963), các nhà nghiên cứu chia thành hai nhóm : một nhóm tin tác giả LHK cũng chính là tác giả những bài TTT, nhóm kia còn ngần ngại.
Dưới đây, tôi lần lượt trình bầy từng mối tình của tác giả TTT và của tác giả LHK trong hai phần riêng rẽ, dựa vào những tài liệu đã công bố trên sách báo, để minh chứng rằng trong hiện tình chúng ta chưa thể xác quyết tác giả LHK và tác giả TTT là một người.
I - TÌNH DUYÊN CỦA TÁC GIẢ THƠ TRUYỀN TỤNG (thơ chữ Nôm)
Số phận hẩm hiu, Xuân Hương có ít nhất là hai đời chồng là Tổng Cóc và ông Phủ Vĩnh-tường, ít ra cũng một lần làm lẽ, còn Chiêu Hổ tuy đôi khi tỏ ra suồng sã nhưng chỉ là bạn xướng họa.
A - TỔNG CÓC
1 - Không ai biết đích xác tên tuổi, gốc tích của Tổng Cóc. Có người cho là Xuân Hương lấy lẽ ông Phủ Vĩnh-tường trước, góa chồng rồi mới lấy Tổng Cóc, tức là "lấy xuống". Nhưng cũng có người, như ông Nguyễn Hữu Tiến trongGiai nhân dị mặc, cho là lúc trẻ Xuân Hương bị mẹ ép uổng phải lấy cường hào Tổng Cóc trước. Tổng Cóc đã dốt nát lại có tính ăn chơi bạt mạng, sau một lần đánh bạc thua nhẵn túi, gia sản khánh kiệt nên tiếc của mà chết. Xuân Hương bèn làm bài thơ nổi tiếng "Khóc Tổng Cóc" lời lẽ trào phúng, bởi đối với ông chồng không xứng ý này nàng không có chút cảm tình nào.
2 - Khoảng năm 1989, ông Nguyễn Hữu Nhàn viết bài "Phóng sự điền dã", theo những tài liệu của ông Dương văn Thâm (3), cho biết Tổng Cóc là người Tứ xã, tên thật là Kình, tự là Nguyễn công Hòa, "Cóc" là tên gọi xấu xí lúc bé để đánh lừa cho ma quỷ khỏi bắt đi. Tên "Cóc" sở dĩ được nhiều người biết là vì bài thơ của Xuân Hương. Tổng Cóc làm đến chức Phó Tổng, vốn dòng dõi Nguyễn Quang Thành (đỗ Tiến-sĩ năm 1680), là một nho sinh từng xướng họa với Xuân Hương chứ không phải dốt nát như người ta lầm tưởng. Thí dụ có lần Xuân Hương ra vế :
Tối ba mươi khép cánh càn khôn kẻo nữa ma vương đưa quỷ tới.
Tổng Cóc liền đối :
Sáng mồng một mở then tạo hóa để cho thiếu nữ rước xuân vào.
Tổng Cóc có tính ưa ăn chơi, lấy Xuân Hương cũng là người hoang phí lại thêm nghệ sĩ tính. Chẳng bao lâu cửa nhà sa sút, vợ cả ghen, Tổng Cóc bỏ đi biệt sau khi để lại một lá thư từ giã, Xuân Hương lúc ấy đã có thai ba tháng. Xuân Hương sau cũng bỏ nhà đi, sinh hạ một con gái nhưng không nuôi được, lúc ấy đang làm lẽ ông Phủ Vĩnh-tường. Tổng Cóc dò tìm đến nhưng không dám giáp mặt, Xuân Hương làm bài "Khóc Tổng Cóc" gửi chồng cũ, thực sự là khóc cho mối tình cũ của mình chứ không phải trào lộng khóc Tổng cóc chết như ta vẫn tưởng vì như thế tỏ ra Xuân Hương ác, không nhân hậu., theo tác giả
Những chứng tích được nêu ra là :
- Căn nhà của Tổng Cóc đã cưới Xuân Hương hiện là nhà ông Kiều Phú, xã Sơn-dương (xã này, cũng như Tứ xã, đều thuộc huyện Phong-châu, Vĩnh-phú), vách bằng ván gỗ mít, còn lờ mờ vết chữ của Xuân Hương.
- Trên bàn thờ gia tiên ông Bùi văn Thắng, xã Tứ-mỹ, còn đôi bình tiện bằng gỗ mít, bị cưa chỗ loe miệng, một thời bị rẻ rúng bỏ lăn lóc. Trên mỗi bình có hai câu thơ chữ Hán do chính tay Xuân Hương viết :
Thảo lai băng ngọc kính (= nói đến tấm gương bằng ngọc)
Xuân tận hóa công hương (= hóa công cũng chịu lúc tàn xuân)
Ðộc bằng đan quế thượng (= chi bằng lúc vin cành quế đỏ)
Hào phóng bích hoa hương (= tha hồ hoa biếc tỏa hương thơm)
- Nhà thờ tổ dòng họ Tổng Cóc nay là nhà ông Nguyễn Bình Lưu. Ông Dương văn Thâm vẫn còn nhớ đôi câu đối treo trên cột...
B - ÔNG PHỦ VĨNH TƯỜNG
1 - Theo ông Ngô Lãng Vân thì sau khi góa Tổng Cóc, Xuân Hương mở quán làm kế sinh nhai. Những khách hâm mộ văn tài tìm đến xin xướng họa rất nhiều, trong số có một ông giải nguyên (đỗ thủ khoa thi Hương). Xuân Hương ra đề : "Thạch liên thiên" (= thơ vịnh đá liền với trời), ông giải nguyên cắn bút nghĩ mãi chỉ ra được bốn chữ "Thiên thạch như lai ", Xuân Hương cho người ra bảo :"Nếu không làm được thì xin về thôi, ngồi ngậm bút mãi làm gì ?". Ông giải nguyên uất quá ngất đi, Xuân Hương thương hại viết nối cho thành hai câu thơ đầu :
Thiên thạch như lai bản thượng huyền (= trời với đất xưa nay rất huyền bí)
Nhất triều vân vũ thạch liên thiên (= nhưng gập trận mưa thì đá liền với trời)
Ông giải nguyên nhân đấy viết nốt được hai câu cuối :
Bổ thiên thạch hữu kỳ công tại (= đá có kỳ công đã vá trời)
Thiên thạch tương liên tự cổ truyền (= như vậy từ xưa đá với trời dính liền với nhau)
được Xuân Hương khen hay. Sau nhiều lần xướng họa, Xuân Hương trở nên vợ lẽ ông giải nguyên, sau này thành ông Phủ Vĩnh-tường (4).
2 - Ông Phủ Vĩnh-tường" là Trần Phúc Hiển ?
Trong Quốc sử di biên, Phan Thúc Trực (1808-52) có viết về một ông Tham hiệp trấn Yên-quảng bị án tử hình khoảng 1818/9 về tội tham nhũng, có nhắc đến người tiểu thiếp của ông này :
Kỳ tiểu thiếp Xuân Hương, năng văn, chính sự. Thời xưng tài nữ (5)
Năm 1973, ông Lê Xuân Giáo dịch là :"Người tiểu thiếp của quan Tham hiệp lúc đó tên là Xuân Hương vốn hay văn chương và chánh sự nên được người đương thời khen ngợi là 'nữ tài tử' ". Trong phần chú thích ông Lê Xuân Giáo viết thêm : "Xuân Hương đây tức là Hồ Xuân Hương lừng danh thời Lê mạt, Nguyễn sơ mà ai cũng biết " và kết luận rằng nữ sĩ có tới ba đời chồng chứ không phải hai : Tổng Cóc, ông Phủ Vĩnh-tường, và cuối cùng là quan Tham hiệp Yên-quảng. Không rõ căn cứ vào đâu ông Lê Xuân Giáo khẳng định rằng người tiểu thiếp ấy chính là Hồ Xuân Hương ? và thêm :"lấy độ một năm thì quan Tham hiệp bị tử hình " (6).
Năm 1983, GS Hoàng Xuân Hãn cũng cả quyết :"Chúng ta có thể tin chắc tài nữ này chính là tài nữ Xuân Hương mà ta từng quen biết " (7).
Sự thực Phan Thúc Trực chỉ viết người tiểu thiếp tên là Xuân Hương chứ không nói họ của nàng, tôi ngờ chính hai ông Lê Xuân Giáo và Hoàng Xuân Hãn đã suy đoán và thêm họ "Hồ" vào. Tuy nhiên, ông H.X. Hãn còn căn cứ vào sáu bài thơ chữ Hán của Hồ Xuân Hương, tìm thấy trong Ðại Nam dư địa chí ước biên, mục Quảng-yên, tựa đề :"Chu thứ Hoa-phong tức cảnh bát thủ" (= Ðậu thuyền ở Hoa-phong tức cảnh làm tám bài) vịnh cảnh Hạ-long. Trong số sáu bài còn lại thì bài cuối bị loại vì không ăn nhập với Vịnh Hạ-long. Theo ông H.X. Hãn thì đời Gia-long, Yên-quảng (sau gọi là Quảng-yên) chia làm ba huyện mà huyện Hoa-phong gồm các đảo trên Vịnh Hạ-long, và những bài thơ vịnh cảnh Hạ-long là bằng chứng nữ sĩ đúng là người tiểu thiếp của quan Tham hiệp Yên-quảng. Ông còn tìm tòi và khẳng định quan Tham hiệp ấy tên là Trần Phúc Hiển, tuy không rõ đỗ gì, nhưng năm 1813 được từ Tri phủ Tam-đái thăng lên chức Tham hiệp Yên-quảng (phủ Tam-đái 1822 mới đổi tên thành phủ Vĩnh-tường). Ông kết luận :
- Khi chết Trần Phúc Hiển giữ chức "Tham hiệp" thì không có lý do gì để Xuân Hương khóc chồng với chức "Tri Phủ", cũ xưa và thấp kém hơn ;
- Trần Phúc Hiển chết năm 1819, Xuân Hương không thể khóc chồng với cái tên "Ông Phủ Vĩnh-tường" bởi lúc ấy "Phủ Vĩnh-tường" còn mang tên cũ là "Phủ Tam-đái" ;
- Nếu quả Xuân Hương sinh khoảng 1772, như ông H.X. Hãn đoán, thì đến 1819 nữ sĩ đã gần 50 tuổi, với số tuổi ấy khó lòng có thể tái giá với một "ông Phủ Vĩnh-tường" nào khác.
Do đó bài thơ "Khóc ông Phủ Vĩnh-tường" chỉ có thể là ngụy tác (8).
Lập luận của Giáo sư H.X. Hãn có thể coi là vững :
a - Nếu chắc chắn tác giả TTT và tác giả thơ vịnh cảnh Hạ-long là một (nên nhớ ông Phủ Vĩnh-tường là chồng tác giả TTT chứ không phải chồng tác giả thơ vịnh cảnh Hạ-long), sự kiện Trần Phúc Hiển từng làm Tri phủ Tam-đái chưa phải là một bằng chứng đích xác ông là chồng tác giả TTT vì còn có biết bao nhiêu ông Phủ Vĩnh-tường khác. Xét văn phong thì TTT khác hẳn thơ vịnh cảnh Hạ-long khó có thể chấp nhận hai tác giả là một người được.
b - Nếu không có sự xuất hiện của một ông Phủ Vĩnh-tường thứ hai, ông Phạm Viết Ðại, cũng có vợ tên Xuân Hương.
3 - Ông Phủ Vĩnh-tường là Phạm Viết Ðại ?
A- Trần Phúc Hiển không phải là người duy nhất có thể là "ông Phủ Vĩnh-tường". Trong Tạp chí Văn Học (Việt-Nam) số 3, 1974, ông Phương Tri cho biết ông Trần Tường đã phát hiện ra ông Phủ Vĩnh-tường tên là Phạm Viết Ðại, dựa vào Trà-lũ xã chi, gia phả và trí nhớ các cụ già làng Trà-lũ. Phạm Viết Ðại sinh năm 1802, đỗ Cử-nhân năm 1842, năm 1862 được thăng chức Ðồng Tri phủ Vĩnh-tường, đến tháng 4, 1862 thì mất, cái chết có phần oan khiên. Các cụ già trong làng còn nhớ những giai thoại và thơ xướng họa giữa Phạm Viết Ðại với người vợ kế tên Xuân Hương, một số thơ, tuy có sai ít nhiều, đã được ông Nguyễn Hữu Tiến nhận đúng là của nữ sĩ họ Hồ. Trần Tường còn nhận thấy nhiều bài thơ vịnh cảnh của Xuân Hương trùng hợp với những nơi mà Phạm Viết Ðại đã từng làm quan : Ninh-bình (2 bài), Thanh-hóa (3 bài), Sơn-tây (3 bài) (9).
Thuyết này có những chỗ chưa ổn :
a - Gia phả họ Phạm nay đã mất, chỉ còn bằng vào Giai nhân dị mặc của Nguyễn Hữu Tiến ;
b - Trong Quốc triều Hương khoa lục, Cao Xuân Dục chép Phạm Viết Ðại chỉ đỗ thứ 16 trên 20 người, mà truyền thuyết thì nói ông Phủ Vĩnh-tường đỗ giải-nguyên ;
c - Phạm Viết Ðại chết năm 1862. Nếu đúng như Lê Dư viết là Xuân Hương chết sau chồng vài năm thì nữ sĩ phải mất vào khoảng 1864/5 trong khi Tùng Thiện Vương đã thấy mộ Xuân Hương từ năm 1842 (tức là năm họ Phạm mới đỗ Cử nhân). Hồ Xuân Hương chết trước hai mươi năm, không thể làm thơ khóc Phạm Viết Ðại được, dù cho ông là "Ông phủ Vĩnh Tường".
B- Tuy nhiên, lại có một Xuân Hương chết năm 1869, dựa vào Xuân đường đàm thoại của Tam nguyên Trần Bích San. Nhà nghiên cứu Ðào Thái Tôn tỏ ý nghi Xuân đường đàm thoại chỉ là loại "văn chơi", thiếu độ tin cậy cao :"không có giả thiết nào đứng vững nếu tin vào Xuân đường đàm thoại ". Thế nhưng năm mất của Xuân Hương trongXuân đường đàm thoại lại gần với năm mất của Xuân Hương vợ kế của Phạm Viết Ðại hơn là với Xuân Hương trong thơ Tùng Thiện Vương, và còn phù hợp cả với Xuân Hương sinh năm 1814 của Ngô Giáp Dậu (11).
Ông H.X. Hãn tỏ ý nghi ngờ thuyết cho ông Phủ Vĩnh-tường là Phạm Viết "Ðạt" (chính ra là "Ðại") có người vợ kế "tên Xuân Hương mà họ coi là Hồ Xuân Hương. Họ lại thêm rằng bà vợ đã làm thơ đối đáp với chồng... Sự tin được thuyết này hay không liên hệ mật thiết với kết quả điều tra xem bài "Khóc ông Phủ Vĩnh-tường" có được ghi nhớ một cách đặc biệt trong họ Phạm ở Trà-lũ hay không ?" (12).
Ðành rằng độ tin cậy của những tài liệu này không thể bì với bài thơ của Tùng Thiện Vương song thuyết cho ông Phủ Vĩnh-tường là Trần Phúc Hiển cũng không hơn, cũng chỉ là phỏng đoán, dựa vào cái tên "Xuân Hường" và những chi tiết "tiểu thiếp, biết làm thơ", song phong cách những bài thơ của người tiểu thiếp quan Tham hiệp chỉ giống phong cách thơ trong LHK chứ không giống TTT nên ta chỉ có thể coi tác giả thơ vịnh cảnh Hạ-long với tác giả LHK là một nhưng không thể khẳng định họ cũng là một với tác giả những bài TTT nổi tiếng xưa nay, mà ông phủ Vĩnh-tường là chồng tác giả TTT chứ không phải chồng tác giả LHK.
C - CHIÊU HỔ
Như trên đã nói, Chiêu Hổ không phải là bạn tình của nữ sĩ mặc dầu trong thơ văn xướng họa có những lời lẽ trêu cợt suồng sã. Chiêu Hổ được người đời biết đến chỉ nhờ những lời đối đáp, xướng họa với Xuân Hương. Cũng như Tổng Cóc và ông Phủ Vĩnh-tường, Chiêu Hổ là ai thì vẫn còn là một vấn đề chưa được giải quyết thỏa đáng.
1 - Chiêu Hổ là một Huyện quan ?
GS H.X. Hãn cho biết khoảng 1892/3, A. Landes, Ðốc lý Hà-nội, đã thuê người chép lại những bài thơ Nôm, trong đó có cả thơ Hồ Xuân Hương. Theo bản này thì trước cửa nhà Xuân Hương có đề "Cổ Nguyệt Hồ", quan Huyện đi qua bèn vịnh :
Nhà Cổ hãy còn đeo đẳng Nguyệt,
Buồng Xuân chi để lạnh lùng Hương (13).
Phải chăng vì thế mà có thuyết nói khi Chiêu Hổ thi đỗ được bổ chức huyện quan, Xuân Hương ghẹo :
Mặc áo Giáp, giải cài chữ Ðinh, Mậu Kỷ Canh khoe mình rằng Quý.
Chiêu Hổ đối lại :
Làm đĩ Càn tai đeo hạt Khảm, Tốn Ly Ðoài khéo nói rằng Khôn.
Vẫn theo bản của Landes, Xuân Hương đã từng cùng quan Huyện đi ngoạn cảnh Ðèo Ba Dội, cầm tay nhau mà leo lên. Xuân Hương xướng :
Trèo một đèo, lại một đèo...
Mỏi gối chồn chân vẫn muốn trèo.
Quan Huyện họa :
Ðã khỏi Ðèo Ông lại một đèo,
Nhác coi phong cảnh ngán trăm chiều...
Ông H.X. Hãn đặt câu hỏi phải chăng quan Huyện đây là Phạm Viết "Ðạt" (14) ? quên rằng trước đó chính ông đã tỏ vẻ nghi ngờ thuyết cho Phạm Viết "Ðạt" là ông Phủ Vĩnh-tường.
2 - Chiêu Hổ là Phạm Ðình Hổ (1768-1839) ?
Một số người (Văn Tân, Trần Thanh Mại v.v.) đoán Chiêu Hổ chính là Phạm Ðình Hổ. Nguyễn Triệu Luật còn viết rõ rằng Chiêu Hổ, tức Phạm Ðình Hổ, cùng với Nguyễn Án (đồng tác giả Tang thương ngẫu lục với Chiêu Hổ) và Xuân Hương được người đương thời mệnh danh là "Tam tài tử" (15).
Thực ra Chiêu Hổ không thể là Phạm Ðình Hổ vì nhiều lý do :
a - Phong cách hai người khác nhau rất xa : Chiêu Hổ tính tình phóng túng, tai quái, ưa bỡn cợt và khi xướng họa với Xuân Hương thường chỉ dùng Nôm ; Phạm Ðình Hổ tính tình nghiêm cẩn đến câu nệ, lại có ý khinh chữ Nôm. Trong "Tự thuật" ông viết :"Có người đem những sách truyện Nôm và những trò thanh sắc, nghề cờ bạc rủ rê chơi đùa thì ta bịt tai lại không muốn nghe. Ta đã học vỡ được ít kinh sử, thế mà chữ Nôm ta không biết hết" (16).
Trong khi Chiêu Hổ trêu chọc người thì Phạm Ðình Hổ lại bị người trêu cợt : Năm 1830, ông đang làm Tế tửu Quốc-tử-giám đã xin từ chức, viện cớ "Học thức thô thiển, bị bạn đồng nghiệp trêu chọc" (17).
b - Phạm Ðình Hổ chỉ đỗ Sinh-đồ (Tú-tài), tuy được đặc cách vời ra làm quan nhưng không làm quan Huyện mà làm ở Viện Hàn-lâm và ở Quốc-tử-giám.
c - Chữ "Chiêu" trỏ vào con một ông Tiến-sĩ được học ở "Chiêu văn quán". Cha Phạm Ðình Hổ chỉ đỗ Hương-cống (Cử-nhân) nên Phạm Ðình Hổ không thể dự hàng các "cậu Chiêu" được (18).
I I - TÌNH DUYÊN CỦA TÁC GIẢ LƯU HƯƠNG KÝ
Khác với TTT toàn là thơ Nôm, tập LHK gồm 24 bài thơ chữ Hán và 28 bài chữ Nôm nhưng tựa đề thì vẫn bằng chữ Hán. Ðọc LHK ta thấy Xuân Hương có khá nhiều bạn trai, bạn thơ, bạn tình... nào Nguyễn Hầu, nào Trần Hầu, nào Tốn Phong thị, Mai Sơn Phủ, Thạch Ðình, Cự Ðình, Thanh Liên, Chí Hiên... Trong số những bạn trai này, có khá nhiều bạn tình thế nhưng trong "Bạch Ðằng giang tạm biệt" tác giả vẫn lên tiếng trách người bạn tình không chung thủy:
Tơ tóc lời kia còn nữa hết ?
Chớ thói lưng vơi cỡ nước Ðằng (19).
và than thân, trong "Cảm cựu kiêm trình Cần Chánh học sĩ Nguyễn Hầu" :
Phấn son càng tủi phận long đong.
(...)
Lầu Nguyệt năm canh chiếc bóng chong.
LHK có rất nhiều câu than thân nên Trần Thanh Mại mới nhận xét :"LHK là tiếng kêu thất vọng để có một tình yêu thành thực, thủy chung" (20). Ông Trần Thanh Mại xót thương "người đẹp" thì nghĩ thế chứ công bình mà nói thì Xuân Hương của LHK thiếu gì bạn tình, chính mình không chuyên nhất, không chung thủy, sao có thể trách người chẳng thủy chung ?
Sau đây là những người bạn tình của Xuân Hương, căn cứ vào tập thơ LHK :
A - NGUYỀN HẦU
Trong LHK có một bài rất được chú ý là bài "Cảm cựu kiêm trình Cần Chánh học sĩ Nguyễn Hầu - Hầu, Nghi-xuân, Tiên-điền nhân" (= Nhớ bạn cũ viết gửi Cần Chánh học sĩ Nguyễn Hầu - Hầu, người ở Nghi-xuân, Tiên-điền) khiến ta nghĩ ngay đến Nguyễn Du bởi Nguyễn Du quê ở Nghi-xuân, Tiên-điền, năm 1805 được phong Du Ðức Hầu, đến năm 1813 thăng Cần Chánh học sĩ sung Chánh sứ sang tuế cống nhà Thanh. Bài này chắc viết sau khi Nguyễn Du được phong làm Cần Chánh học sĩ (tháng giêng năm 1813) và trước khi Tốn Phong Thị hoàn tất bài "Tựa" LHK (tháng hai năm 1814).
Khó lòng có thể có một người họ Nguyễn thứ hai ở Tiên-điền cũng được phong làm Cần Chánh học sĩ cùng trong khoảng thời gian này. Trần Thanh Mại là người đầu tiên phát hiện ra bài thơ và cũng là người đầu tiên đoán "Nguyễn Hầu" là Nguyễn Du.
Chúng ta thử nhận xét mối tình giữa cặp tài tử Hồ Xuân Hương - Nguyễn Du.
1 - Tình của Xuân Hương đối với Nguyễn Du qua bài thơ "Cảm cựu..."
Câu 1 & 2 :
Dậm khách muôn nghìn nỗi nhớ nhung,
Cậy ai tới đấy gửi cho cùng.
"Dậm khách" trỏ vào chuyện Nguyễn Du đang trên đường đi sứ.
Hai câu thơ này cho ta có cảm tưởng trên đường đi sứ, qua Thăng-long, Nguyễn Du có gập lại Xuân Hương và bài thơ được Xuân Hương sáng tác ngay sau khi đôi bên chia tay, lúc tâm thần đang bị khích động nên mới có "muôn nghìn nỗi nhớ". Nếu không phải vừa mới gập lại nhau mà chỉ bình tĩnh ngồi hồi tưởng lại mối tình chia cắt đã gần một chục năm, kể từ khi Nguyễn Du vào Kinh làm quan (1805), thì tình đã lắng xuống, nhạt phai, làm sao có thể xúc động để có "muôn nghìn nỗi nhớ" được ?
Câu 3 & 4 :
Mối tình chốc đã ba năm vẹn,
Giấc mộng rồi ra nửa khắc không.
Xuân Hương nói rõ hai người dan díu với nhau đủ "ba năm vẹn", vậy ta thử tìm xem họ yêu nhau vào thời điểm nào ?
a - 1781-4 ? Thời gian này hai người cùng có mặt ở Thăng-long hay không ?
Nguyễn Du tuy sinh (1765) ở Thăng-long nhưng năm mười tuổi mồ côi cha phải đến ở với anh là Nguyễn Khản được vài năm thì về quê học. Năm 17 tuổi ta (1781), Nguyễn Du trở ra Thăng-long, đi thi đỗ Tam trường (21) rồi ở lại Thăng-long cho tới khi kiêu binh phá nhà Nguyễn Khản (1784), Nguyễn Du phải trốn lên Thái-nguyên ở với cha nuôi họ Hà, giữ chức Chánh Thủ hiệu (một chức quan võ nhỏ) ở đó. Như thế thì sự hiện diện của Nguyễn Du ở Thăng-long trong khoảng thời gian 1781-4 coi như chắc chắn.
Về Hồ Xuân Hương, ông H.X. Hãn đoán bà sinh năm 1772 thì đến 1781 bà mới có 9 tuổi, dù cả hai đều có mặt ở Thăng-long đủ ba năm cũng không thể bắt tình với nhau được.
Huống chi, theo ông Hồ Trọng Chuyên thì năm 13 tuổi Xuân Hương còn ở quê nhà (Châu Hoan = Nghệ-Tĩnh) xướng họa với Dương Tri Tạn rồi mới dời quê theo cha ra Bắc. Cứ cho là Xuân Hương ra Thăng-long năm 13, tức là 1772 + 13 = 1785, nhưng lúc ấy Nguyễn Du không còn ở Thăng-long mà đang ở Thái-nguyên (22).
b - GS H.X. Hãn đưa ra hai thời điểm khác : 1790-31792-5 (23) song lúc ấy Tây-sơn đã ra Bắc và Nguyễn Du chống Tây-sơn nên về ở nhà người anh vợ là Ðoàn Nguyễn Tuấn ở Quỳnh-hải (Thái-bình) trong mười năm, từ 1786 đến 1796 (khi Nguyễn Du vào Nam, định theo chúa Nguyễn nhưng giữa đường bị quân Tây-sơn bắt được, giam ba tháng mới thả ra). Trong thời gian mười năm này, Nguyễn Du thường than trong thơ tình cảnh bệnh hoạn, nghèo túng, có khi mấy ngày bếp không nhóm lửa, vợ con nheo nhóc... Tuy nghèo nhưng cũng có hai lần Nguyễn Du ra Thăng-long :
- năm 1793, để thăm anh là Nguyễn Nễ, đích xác Nguyễn Du trọ ở gần Giám hồ (căn cứ vào bài "Long thành Cầm giả ca") chứ không phải là "ở nhà Nguyễn Nễ, gần Giám hồ" như ông Hoàng Xuân Hãn nói ;
- và năm 1794 để tiễn Ðoàn Nguyễn Tuấn vào Kinh làm quan.
Có thể Nguyễn Du còn có những lần khác ra Thăng-long mà ta không biết, song với tình cảnh nghèo túng, bệnh hoạn, lại ôm hoài bão hoạt động để khôi phục nhà Lê, khó có thể tin Nguyễn Du tìm cách ra Thăng-long để dan díu với Xuân Hương. Dù có chăng nữa thì cũng chỉ là những cuộc gập gỡ ngắn ngủi, bị gián đoạn, khó có thể là mối tình "ba năm vẹn".
c - 1802-5 ? Thời điểm này cũng không thích hợp nốt bởi mùa hè năm 1802 Nguyễn Du mới theo Gia-long ra Thăng-long mà đến đầu Xuân năm 1805 đã vào Kinh làm quan, tính ra chỉ có hai năm rưỡi, không đủ "ba năm vẹn".
Câu 5 & 6 :
Xe ngựa trộm mừng duyên tấp nập,
Phấn son càng tủi phận long đong.
"Mừng duyên tấp nập" mà cho là trỏ vào chuyện Nguyễn Du được thăng lên chức Cần-chính Học sĩ và đi sứ e rằng quá khiên cưỡng, nếu trỏ vào chuyện Nguyễn Du cưới vợ thì có lý hơn bởi câu sau cho thấy Xuân Hương chạnh nghĩ đến duyên phận lẻ loi của mình mà "tủi phận long đong". So sánh duyên phận Nguyễn Du với thân phận mình, như thế mới đối.
Câu 7 & 8 :
Biết còn mảy chút sương siu mấy, (24)
Lầu Nguyệt năm canh chiếc bóng chong.
Hai câu này nối ý hai câu trên, than cảnh Xuân Hương lẻ bóng, đơn chiếc.
2 - Tình cảm của Nguyễn Du đối với Xuân Hương
a - Tuy Xuân Hương nói mối tình kéo dài "ba năm vẹn" thế mà trong cả tập LHK không có lấy một bài thơ của Nguyễn Du xướng hay họa với Xuân Hương, đối với cặp tài tử hay thơ như Xuân Hương - Nguyễn Du kể cũng lạ.
b - Năm 1813, Nguyễn Du trên đường đi sứ, đã gập lại Xuân Hương ở Thăng-long, Xuân Hương viết bài "Cảm cựu..." tả "muôn nghìn nỗi nhớ nhung" của mình thế nhưng Nguyễn Du lại không có bài thơ nào nhắc nhở đến Xuân Hương và mối tình "ba năm" ấy. Suốt dọc đường đi sứ ta chỉ thấy Nguyễn Du nghĩ đến "cô Cầm" để rồi sáng tác ra bài "Long thành Cầm giả ca" nổi tiếng, nhưng tuyệt nhiên không có lấy một nửa lời nhớ nhung Xuân Hương ! Nếu bảo Nguyễn Du đang làm quan to, sợ "quan trên trông xuống, người ta trông vào", như ông Hoàng Xuân Hãn nói, thì tại sao trong thời gian yêu nhau "ba năm vẹn", chưa làm quan, cũng không có bài nào ? Không có trong LHK mà cũng không có trong những tác phẩm Nguyễn Du để lại.
c - Bài "Mộng đắc thái liên" (= Mộng thấy hái sen) của Nguyễn Du
GS H.X. Hãn cho rằng khi Nguyễn Du vào làm quan ở Kinh và ở Quảng-bình đã làm bài thơ này có lẽ vì nghĩ đến Xuân Hương.
Ðể xét xem người thiếu nữ trong thơ có thật là Xuân Hương hay không, tôi chọn bản dịch từng chữ của ông Mai Quốc Liên để giữ được đầy đủ chi tiết trong nguyên tác hơn là bản dịch thành thơ của các ông Lê Thước và Phạm Khắc Khoan mà GS H.X. Hãn dùng (25).
Mộng thấy hoa sen
Buộc chặt quần cánh bướm,
Hái sen, chèo thuyền con.
Nước hồ sao lai láng,
Trong nước có bóng người.
Hái, hái sen Hồ Tây,
Hoa và gương đều để trên thuyền.
Hoa để tặng người mình trọng,
Gương để tặng người mình thương.
Sáng nay đi hái sen,
Nên mới hẹn với cô láng giềng xóm Ðông.
Chẳng rõ đến lúc nào không biết,
Cách khóm hoa nghe cười nói.
Mọi người đều biết yêu thích hoa sen,
Nhưng ai là kẻ yêu thân cây sen ?
Trong thân cây sen có những sợi tơ,
Vấn vương không thể dứt được.
Lá sen sao xanh xanh,
Hoa sen đẹp đầy đặn.
Hái sen chớ làm hỏng ngó,
Sang năm sen không sinh lại được.
Những chi tiết về thiếu nữ hái sen không nhiều : cô ta mặc "quần cánh bướm", và là "láng giềng xóm Ðông" của Nguyễn Du, song chẳng ai rõ nữ sĩ có mặc "quần cánh bướm" hay không, và hai người có là "láng giềng" bao giờ không. Nếu Xuân Hương là cô "láng giềng xóm Ðông" của Nguyễn Du thì, so với nhà của cô, ắt hẳn nhà của Nguyễn Du phải ở phía Tây phường Khán-xuân, song chúng ta chỉ biết thuở nhỏ Nguyễn Du ở nhà cha và anh tại phường Bích-câu, phía Nam Thăng-long, và năm 1793 khi Nguyễn Du từ Thái-bình ra Thăng-long thăm Nguyễn Nễ đã trọ ở gần Giám hồ, cũng là phía Nam Thăng-long nốt, chứ không phải gần Hồ Tây và phường Khán-xuân, tương truyền là nơi Xuân Hương cư ngụ, ở Tây Bắc. Kẻ ở Nam, người ở Bắc, đã không biết đích xác địa chỉ của hai người, làm sao xác quyết được họ là "láng giềng" với nhau ? Hơn nữa, Nguyễn Du chỉ nói đi hái sen ở Hồ Tây chứ không nói là đi hái sen với người thiếu nữ sống ở gần Hồ Tây. Chúng ta chẳng có bằng chứng nào tỏ ra người thiếu nữ hái sen chính là Xuân Hương cả.
Chúng ta cũng chưa có bằng chứng nào minh định là Nguyễn Du đã có một thời yêu Xuân Hương, bài "Cảm cựu..." chỉ "minh chứng" mối tình của Xuân Hương đối với Nguyễn Du mà thôi. Phần Nguyễn Du không có lấy một câu thơ nào cho biết đích xác Nguyễn Du có tình với Xuân Hương. Ở đời có khi "hoa rơi tuy hữu ý" mà "nước chẩy lại vô tình", chung quy chỉ là "giấc mộng rồi ra nửa khắc không" !
B - TRẦN HẦU
1 - Tình của Xuân Hương đối với Trần Hầu
Trong LHK có ít nhất là 6 bài thơ xướng họa giữa Xuân Hương và Trần Hầu. Nữ sĩ cho biết Trần Hầu là người đồng hương. Hai người hâm mộ tiếng nhau mà đem lòng quyến luyến :
Bấy lâu ngư"ng mộ tiếng văn chương, nay mừng được gập mặt,
(...) Chén tình vừa nhắp đã nồng nàn, đôn hậu.
Thanh khí của châu ta còn được ưa chuộng,
Tài tình của chúng ta là chung đúc nơi đây (26).
Tuy quyến luyến nhưng chưa tiện ngỏ ý :
Thân bèo nước gập nhau, nâng chén rượu dưới trăng,
Tấc lòng son sắt thực khó nói.
Gọi đàn, vì có ý mà gẩy khúc Cầu Hoàng,
(...) Sau phút ly biệt, còn lưu luyến biết bao tình (27).
và :
Trăm năm gập gỡ là bao nả,
Thắc mắc sầu riêng khó giở ra (28).
Dẫu Xuân Hương tỏ ra có tình ý thắm thiết nhưng thực ra đôi bên chưa có gì gọi là gắn bó.
2 - Tình của Trần Hầu đối với Xuân Hương
Họ Trần xác nhận vì hâm mộ mà tìm đến nàng :
Giữa chốn Long thành được nghe nói đến nàng... (29).
nhận mình là người đồng hương :
Phương chi lại là người đồng quận (30).
và mình đã đứng tuổi :
Thương ta bất tài, mái tóc luống bạc... (31).
Còn về giao tình giữa hai người thì :
Chưa gập mà lòng đã mến trước,
Há phải đến lúc họa thơ với nhau mới có tình cảm mặn nồng ? (32)
Tình cảm mà đã "mặn nồng" từ trước khi gập mặt thì không phải là tình yêu mà chỉ là lòng mến mộ văn tài của Xuân Hương, huống chi Trần Hầu còn thêm :
Mừng cho nàng có phận gửi thân nơi quyền quý,
(...) Chỉ mong cái tình của chúng ta gập nhau trong mộng (33).
Hai câu này cho ta có cảm tưởng là thấy Xuân Hương đã kết duyên với người khác Trần hầu không tỏ vẻ đau khổ. Mối tình Trần Hầu - Xuân Hương cũng chỉ được coi là "mộng", chẳng khác gì mối tình giữa Nguyễn Du và Xuân Hương.
3 - Trần Hầu là ai ?
Trong LHK, từ đầu chí cuối Xuân Hương chỉ xướng họa với một " Hiệp trấn Sơn-nam-thượngTrần Hầu", nhưng trongTục Hoàng Việt thi tuyển, Nguyễn Ðình Hồ có chép hai bài thơ chữ Hán của Xuân Hương :
"Ðang quét sân vừa đi vừa than để trả lời" (sau Trần Thanh Mại phát giác ra tác giả bài này là một thi sĩ Trung quốc) ;
"Bình thủy tương phùng nguyệt hạ tôn" là một bài thơ Xuân Hương "họa" "Hiệp trấn Sơn-nam-ha", nhưng trong LHK lại chép là của Xuân Hương "xướng" với "Hiệp trấn Sơn-nam-thượng ".
Vì dựa vào Tục Hoàng Việt ... GS H.X. Hãn tin là có tới hai ông Hiệp trấn họ Trần, một ở Sơn-nam-thượng và một ở Sơn-nam-hạ, và tìm ra cả tên của hai người :
a - Hiệp trấn Sơn-nam-thượng tên là Trần Ngọc Quán. Theo ông H.X.Hãn thì năm 1813, đời Gia-long, có Trần Ngọc Quán làm Cai bạ Quảng-đức (Thừa-thiên) đến năm 1815 được bổ chức "Hiệp trấn Sơn-nam-thượng" (Ðại Nam Thực Lục Chính Biên xác nhận).
Dứt khoát ta phải loại bỏ Trần Ngọc Quán vì lẽ đến tháng 2, 1815 ông này mới giữ chức "Hiệp trấn Sơn-nam-thượng" trong khi bài "Tựa" LHK đã viết xong từ tháng 2, 1814, tức là từ một năm trước, và tất nhiên những bài thơ trong LHK phải được viết ra từ trước bài "Tựa".
b - Hiệp trấn Sơn-nam-hạ là Trần Quang Tĩnh. Vẫn dựa vào Ðại Nam Thực Lục Chính Biên, ông Hãn cho biết Trần Quang Tĩnh quê ở Gia-định, năm 1807 được thăng từ Cai bạ lên "Hiệp trấn Sơn-nam-hạ" (35).
Lần này thời điểm phù hợp nhưng lại không ổn về địa điểm : Trần Hầu trong LHK là "Hiệp trấn Sơn-nam-thượng" chứ không phải Sơn-nam-hạ. Trong Tục Hoàng Việt thi tuyển mới có "Hiệp trấn Sơn-nam-hạ" song độ tin cậy của Tục Hoàng Việt... không lấy gì làm cao, chép có hai bài thơ nói là của Xuân Hương thì một bài đã vơ nhầm của một thi sĩ Trung quốc, bài thứ nhì có nhầm từ Sơn-nam-thượng ra Sơn-nam-hạ, đổi "xướng" ra "họa", cũng không phải là chuyện chẳng thể có.
Cứ cho là Tục Hoàng Việt... chép đúng thì ta phải sửa lại tất cả những bài thơ xướng họa với họ Trần trong LHK chứ không có lý do gì để tách riêng bài "Bình thủy tương phùng..." cho là liên quan đến "Hiệp trấn Sơn-nam-hạ" còn tất cả những bài khác thì vẫn với ông "Hiệp trấn Sơn-nam-thượng.
Mặt khác, Trần Hầu trong LHK là người đồng quận (châu Hoan) với Xuân Hương, còn Trần Quang Tĩnh quê ở Gia-định làm sao có thể coi là một được ?
Ông Ðào Thái Tôn cũng chép rằng bài "Bình thủy tương phùng..." là của "Hiệp trấn Sơn-nam-thượng", theo LHK, nhưng trong phần chú giải thì lại chép theo ông H.X. Hãn về một "Hiệp trấn Sơn-nam-hạ" thành ra đầu đuôi không ăn nhập với nhau. Phải chăng ông Ðào thấy LHK "đáng tin cậy hơn" nhưng đồng thời ông cũng "muốn tin" học giả H.X.Hãn (36) ?
C - TỐN PHONG THỊ
Ngoài LHK Trần Thanh Mại còn phát hiện ra ở Thư viện Khoa Học Trung Ương một bài "Tựa" tập LHK kèm với 32 bài thơ của Tốn Phong Thị trong đó có 31 bài thơ chữ Hán nói đến mối tình giữa Xuân Hương và Tốn Phong. Theo bài "Tựa" thì Tốn Phong cũng quê ở châu Hoan như nữ sĩ, hai người gập nhau năm 1807 và đến năm 1814 thì Xuân Hương đưa tập LHK nhờ Tốn Phong viết Tựa. T.T.Mại đoán Tốn Phong họ Phan chỉ vì trong bài "Tựa" thấy nói Tốn Phong có cô "em họ tên Phan Mĩ Anh". Ðoán thế là khiên cưỡng vì có thể là em họ bên ngoại, không cùng một họ.
Theo ông Lê Trí Viễn thì Xuân Hương có tới 10 bài thơ gửi Tốn Phong, tôi chỉ được đọc có năm bài với tựa đề nêu tên Tốn Phong.
1 - Tình ý của Xuân Hương đối với Tốn Phong
So với hai người "tình" trước thì mối tình của Xuân Hương đối với Tốn Phong xem ra gắn bó hơn, vì Xuân Hương nhắc tới "giải ước nguyền" trong bài "Tốn Phong Thị nằm mộng, ghi lại mang cho xem, nhân đó ghi thuật bằng thơ" :
(...) Chén tình đã nhẫn lâu mà nhạt,
Giải ước nguyền âu thắm chẳng phai.
và trong bài "Họa Tốn Phong nguyên vận" thì nhắc đến "chén thề, món tóc (thề), trăm năm..." :
Kiếp này chẳng gập nữa thì liều,
Những chắc trăm năm há bấy nhiêu ?
(...) Chén thề thuở nọ tay còn dính,
Món tóc thời xưa cánh vẫn đeo.
Ðược lứa tài tình cho xứng đáng,
Nghìn muôn non nước cũng tìm theo.
Câu cuối nói lên sự quyết tâm, chí tình của Xuân Hương.
2 - Tình của Tốn Phong đối với Xuân Hương
Tốn Phong luôn luôn tán tụng sắc đẹp và văn tài của Xuân Hương :
Trên đàn thơ xuất hiện một vị thần thơ,
(...) Gập người ngờ là tiên nữ gửi xuống trần
(Bài số 12, theo cách đánh số của T.T.Mại)
song Tốn Phong chỉ nhắc đến tình giao du, xướng họa :
Tựa :"Tình cờ mới gập lần đầu mà thành đôi bạn thân thiết... Tôi phải xuôi ngược vào Nam ra Bắc không thể cùng nhau xướng họa..."
Bài số 11 :"Gập người ngờ là có mối duyên bút mực từ xưa"
Còn duyên tình ? Chỉ thấy Tốn Phong than :
Duyên lạ mây mưa phó mặc hồn mộng,
Ðừng nói nhớ nhau với biết nhau
Ðồng tâm chỉ thấy vị ấm chén rượu. (Bài số 18)
Ở đây cũng như với họ Nguyễn, họ Trần, hễ nói tới "tình" thì ta lại gập chữ "mộng".
Vì hiếm tài liệu chính xác về Xuân Hương nên ta phải căn cứ vào bài "Tựa" của Tốn Phong tuy nhiên bài này cũng có chỗ không ổn : Tốn Phong cho biết trong bài "Tựa" rằng hai người quen nhau từ "Xuân Ðinh Mão" (1807), đến "Xuân Giáp Tuất" (1814) thì gập lại, tính ra phải là 7 năm, thế mà Tốn Phong nhiều lần nói rõ là chỉ có "6 năm" :
Bài số 28 :
Từ lúc chia tay người mỗi ngả,
Tình khách cũng đã sáu năm tới nay.
Bài số 22 :
Cánh bèo gập nhau sáu năm về trước.
Tốn Phong nhớ nhầm hay... không biết làm tính ?
D - MAI SƠN PHỦ
Trong LHK ít nhất cũng có tới ba bài Xuân Hương viết về Mai Sơn Phủ nhưng không có thơ của Mai Sơn Phủ nên ta chỉ có thể căn cứ vào thơ của Xuân Hương để phỏng đoán.
Chắc Mai Sơn Phủ cũng cùng quê với nữ sĩ vì trong bài "Thuật ý kiêm trình hữu nhân Mai Sơn Phủ" (= Kể ý mình và trình bạn là Mai xuân Phủ) có câu :
Giấc mộng tình quê thấy tịch liêu
Trong bài "Họa Sơn Phủ chi tác", ta thấy tình của Xuân Hương rất thiết tha :
Nước mắt trên hoa là lối cũ,
Mùi hương trong nệm cả đêm thâu.
Vắng nhau mới biết tình nhau lắm,
Này đoạn chung tình biết mấy nhau.
Song Sơn Phủ dường như lại hững hờ nên Xuân Hương nhắc nhở :
Nhớ nhung đừng lỡ hẹn sai kỳ
(...) Hai ta đều muộn nói mà chi ?
và "khuyến khích" :
Hãy nên trao gửi mối duyên đi,
Lòng son ai n" phụ giai kỳ ?
Xem ra, với Mai Sơn Phủ, cũng vẫn chỉ là "giấc mộng tình quê" mà thôi.
o O o
Vì không được đọc những bài thơ liên quan đến Thanh Liên, Chí Hiên, Thạch Ðình vv. nên tôi chỉ có thể bàn về tình duyên của tác giả LHK qua Nguyễn Hầu, Trần Hầu, Tốn Phong Thị, Mai Sơn Phủ. Tuy với ai Xuân Hương cũng tỏ ra khăng khít nhưng đối phương, nếu có thơ xướng họa, chỉ thấy mập mờ nói đến "mộng".
Hơn nữa, khó có thể tin rằng một người phụ nữ "nghiêm chỉnh", "biết dừng lại trên lễ nghĩa" (như Tốn Phong viết trong bài "Tựa") lại có thể cùng một thời gian "thành thật gắn bó" với ít ra là hai, ba người : Ong H.X. Hãn cho là khoảng 1813/4, Xuân Hương nối lại tình xưa sau bẩy năm xa cách với Tốn Phong khi ông này quay lại Thăng-long. Cũng trong thời gian ấy, Xuân Hương viết bài "Cảm cựu..." bầy tỏ "muôn nghìn nỗi nhớ nhung" với Nguyễn Hầu và trách người tình để mình "năm canh chiếc bóng chong". Ðấy là chưa kể ông H.X.Hãn còn cho là lúc ấy Trần Phúc Hiển vừa được thăng chức Tham hiệp Yên-quảng, trên đường đi nhậm chức, dong thuyền qua Thăng-long có ghé thăm và hứa hẹn sẽ cưới Xuân Hương (37).
Ðiều khó hiểu là Xuân Hương không những gắn bó với mấy người cùng một lúc mà còn không ngại ngùng đem những bài thơ bộc lộ tình yêu khăng khít của mình với những người khác cho Tốn Phong đọc và nhờ viết cả bài "Tựa" mà không sợ Tốn Phong ghen. Thói thường, người ta dẫu có "ăn vụng" thì cũng tìm cách "giấu giếm". Cho nên tôi nghĩ rất có thể Xuân Hương chỉ coi những "mối tình" này là cái cớ để làm "văn chơi", hơi cường điệu một chút, chứ sự thật không có tình ý gì cả. Bởi không có tình ý nên mới không ngại ngùng đưa cho Tốn Phong đọc, biết rằng Tốn Phong sẽ hiểu. Quả nhiên ta thấy Tốn Phong viết trong bài "Tựa" :
"Thoạt đầu tôi hết sức kinh ngạc, lạ lùng (vì bất ngờ khám phá ra Xuân Hương còn thắm thiết với nhiều người khác ngoài mình ra) rồi dần dần càng đọc càng thấy lòng thư thái (vì đã hiểu đây chỉ là "văn chơi", không phải sự thực)trở nên vui thú, khoái trá (bây giờ Tốn Phong mới thực sự thưởng thức văn tài của Xuân Hương)".
Nếu không thế thì vì sao thoạt mới đọc LHK Tốn Phong lại "hết sức kinh ngạc, lạ lùng" ? Không thể nói "kinh ngạc" vì thấy thơ Xuân Hương quá hay, Tốn Phong đã xướng họa nhiều lần với Xuân Hương còn lạ gì tài của vị "thần thơ" này ? Rồi tại sao lại "dần dần càng đọc càng thấy lòng thư thái", cái gì đã khiến lòng Tốn Phong "không thư thái" trước đó ?
Mới đọc thoáng, tưởng như tình duyên của tác giả LHK cũng trắc trở như tình duyên của tác giả TTT, nhưng xét kỹ thì có lẽ không phải, "duyên" trong LHK chỉ là thứ "duyên bút mực" còn "tình duyên" thực thì lại không thấy Xuân Hương viết rõ, chỉ có thể đoán qua Tốn Phong, bài số 18 :
Nhà Nguyệt bây giờ vui bạn phượng
chứng tỏ khi Tốn Phong quay lại thì dường như Xuân Hương đã kết duyên với người khác, mà lại là người xứng ý nên mới "vui bạn phượng".
Chuyện Xuân Hương xuất giá có thể là chuyện thực vì Trần Hầu cũng viết :
Mừng cho nàng có phận gửi thân nơi quyền quý (38).
Tuy nhiên, tất cả vẫn chỉ là phỏng đoán, vấn đề Hồ Xuân Hương và LHK còn dành cho ta nhiều nghi vấn...
Trong TTT ta không thấy có bóng dáng Tốn Phong, Trần Hầu, Nguyễn Hầu, Mai Sơn Phủ v.v., và trong LHK cũng không thấy bóng dáng của Tổng Cóc, ông Phủ Vĩnh-tường hay Chiêu Hổ. Tại sao lại có sự trùng hợp kỳ lạ như vậy ? Nếu cho là Xuân Hương về già tự ý loại bỏ những bài TTT cho là nghịch ngợm làm lúc trẻ để đối đáp với những lời trêu ghẹo của con trai cho nên trong LHK không có bóng dáng Tổng Cóc, Chiêu Hổ v.v. nhưng chẳng nhẽ dân gian cũng tự ý loại bỏ trong TTT những bài có dính dáng đến Nguyễn Du, Trần Hầu, Tốn Phong... ? Loại ra vì lẽ gì ? Huống chi văn phong của TTT và LHK khác nhau rất xa, ai cũng nhận thấy.
Ta chỉ có thể đi đến kết luận là về mặt tình duyên, cũng như về văn phong, trong hiện tình chúng ta chưa có cứ liệu chắc chắn để xác quyết tác giả Lưu Hương Ký cũng chính là tác giả những bài thơ truyền tụng ai cũng biết.
Châtenay-Malabry, tháng 9, 1998
Thế Kỷ 21, số 115, 11/1998
Sửa lại tháng 9, 2005

CHÚ THÍCH
1 - Tùng Thiện Vương Miên Thẩm là em vua Thiệu-Trị, nổi tiếng văn tài cùng với Tuy Lý Vương Miên Trinh.
"Long Biên" ám chỉ Thăng-long.
"Trúc chi từ" là một loại thơ gồm nhiều đoạn ngắn ví như những khúc cây trúc.
2 - Phần thơ chữ Hán của Tùng Thiện Vương trích theo Trần Thanh Mại, Nghiên cứu Văn học, số 3/1963. Tôi chiết trung nhiều bản dịch cốt giữ nguyên ý của tác giả.
3 - Thơ và Ðời, tr. 2, 218-39.
4 - Ngô Lãng Vân, tr. 34-5.
5 - H.X. Hãn, tr. 178.
6 - Quốc sử di biên, tr. 281.
7 - H.X. Hãn, tr. 180.
8 - " " , tr. 196-7, 268-70.
9 - Ðào Thái Tôn, tr. 98.
10 - H.X. Hãn, tr. 268. Lê Dư viết rằng Xuân Hương chết sau người chồng cuối cùng vài năm.
11 - Bùi Hạnh Cẩn, tr. 10.
12 - H.X. Hãn, tr. 278_9.
13 - " " , tr. 288.
14 - " " , tr. 291.
15 - Ngược Ðường Trường Thi, tr. 104.
16 - Vũ Trung Tùy Bút, tr. 118.
17 - Ðại Nam Thực Lục, X, tr. 161.
18 - Vũ Trung Tùy Bút, tr. 5 - Liệt Truyện, I I I, tr. 474-5- Bài của Tảo Trang - Tự vị Lê văn Ðức và Lê Ngọc Trụ.
19 - Ðào Thái Tôn, tr. 117.
20 - " " " , tr. 50.
21 - Ai cũng biết Nguyễn Du đỗ Tam trường, nhưng không ai biết đích xác Nguyễn Du đỗ thi Hương hay thi Hội, thi ở Thăng-long hay Sơn-nam, đỗ năm 17,18 hay19 tuổi. Gia phả họ Nguyễn ở Tiên-điền tuy chép là Nguyễn Du đỗ Tam trường thi Hương nhưng cần phải kiểm tra lại (cũng như chép Nguyễn Du đón đường vua Gia-Long để xin ra làm quan mà Ðại Nam Thực Lục lại chép Nguyễn Du bất đắc dĩ phải ra tham chính với nhà Nguyễn nên thường giữ im lặng, không bàn tâu gì, nên bị vua quở).
Theo tôi, thi Hương bắt buộc phải thi ở quê hương mình, mà quê Nguyễn Du là Nghệ-Tĩnh, còn Thăng-long chỉ là nơi Nguyễn Du sinh trưởng nên nếu là thi Hương thì Nguyễn Du bắt buộc phải về quê thi, như người cháu năm đời là Nguyễn Mai đã đỗ Cử nhân khoa 1900 ở Nghệ, chứ không có lý do gì để thi ở Sơn-nam (như gia phả chép) là quê vợ, trừ phi Nguyễn Du khai gian. Nguyễn Du cũng không được phép xin phụ thí ở Thăng-long, vì trường hợp này chỉ dành cho những người có cha đang trị nhậm ở Thăng-long, xa quê hương, phần Nguyễn Du, mồ côi cha từ năm 10 tuổi ai cũng biết, tất nhiên không được hưởng ngoại lệ này.
Căn cứ vào những tiểu sử Nguyễn Du mà tôi được đọc thì sau khi mồ côi cha, Nguyễn Du về ở với anh là Nguyễn Khản, học anh vài năm rồi về quê học Tiến-sĩ Nguyễn Hành (không phải Nguyễn Hành cháu Nguyễn Du) ít lâu sau trở lại Thăng-long và thi đỗ Tam trường. Nhiều người (như ông H.X. Hãn) khẳng định là Nguyễn Du đỗ Sinh-đồ (có người còn biên là "đỗ Tú-tài" mà quên rằng thời nhà Lê chưa ai dùng danh từ "Tú-tài", phải đợi vua Minh-Mệnh nhà Nguyễn mới cải danh từ "Sinh đồ" ra "Tú tài") có nghĩa là đỗ Tam trường thi Hương, chắc cho là Nguyễn Du chân trắng tất phải bắt đầu bằng thi Hương. Thực ra Nguyễn Du vì có cha làm quan to nên được hưởng lệ tập ấm, miễn thi Hương, chỉ cần đỗ một kỳ khảo hạch là được thi Hội. Ðiều này được ông Lê Xuân Giáo, từng đàm luận về Nguyễn Du với Cụ Nghè Mai, xác nhận và còn thêm Nguyễn Du đỗ Tam trường "có phân số" (tức là tuy không đỗ thi Hội nhưng bài làm không quá dở). Theo Lịch Triều Hiến Chương - Khoa Mục Chí, thì Thăng-long chỉ tổ chức thi Hội vào những năm :
1781 khi Nguyễn Du được 17 tuổi ta ;
1785 khi Nguyễn Du 21 tuổi và đã dời kinh thành lên Thái-nguyên.
Còn năm 1783, Nguyễn Du được 18 tuổi tây, 19 tuổi ta, thì không có khoa thi Hội nào cả.
Cho nên tôi kết luận rằng Nguyễn Du chỉ có thể trở lại Thăng-long để thi Hội vào năm 1781, 17 tuổi ta.
22 - Hồ Tuấn Niệm, "Bàn lại đôi điểm...", Văn Học, số 1.
23 - H.X. Hãn, tr. 268, 249.
24 - Theo H.X. Hãn, tr. 245, thì T.T.Mại dịch là "sương đeo mái", Hồ Tuấn Niệm sửa là "sương treo mái" cho gần với cách phát âm hơn, nhưng lại không có nghĩa, H.X.Hãn sửa lại là "sương siu mấy" (sương siu = bịn rịn) rồi Nguyễn Quảng Tuân, trong Kỷ Yếu Hội Nghiên CứuVăn Học, 1998, tr. 185-92, không đồng ý, cho là "sương gieo mãi" mới đúng.
25 - Nguyễn Du Toàn Tập, tr. 192-5.
26 - Ðào Thái Tôn, tr. 143. "Châu ta" = châu Hoan (Nghệ-an + Hà-tĩnh).
27 - " " " , tr. 138.
28 - " " " , tr. 144.
29 - " " " , tr. 143.
30 - " " " , tr. 197.
31 - " " " , tr. 194.
32 - " " " , tr. 199.
33 - " " " , tr. 194.
34 - H.X. Hãn, tr. 274 - Thực Lục, IV, tr.190, 350.
35 - " " , tr. 261 - " " , III, tr. 317.
36 - Ð.T. Tôn, tr. 137-9.
37 - H.X. Hãn, tr. 240.
38 - Ð.T. Tôn, tr. 194.
SÁCH THAM KHẢO
BÙI HẠNH CẨN, Hồ Xuân Hương - Thơ chữ Hán, chữ Nôm và giai thoại. Hà-nội : Văn Hóa Thông Tin, 1995.
CAO XUÂN DỤC, Quốc Triều Hương Khoa Lục. Nhà xuất bản TP HCM, 1993. Bản dịch của Nguyễn Thúy Nga, Nguyễn thị Lâm.
DƯƠNG THƯỢNG NGÃ, "Hồ Xuân Hương", Làng Văn, bốn số, 1997.
ÐÀO THÁI TÔN, Thơ Hồ Xuân Hương - Từ cội nguồn vào thế tục. Hà-nội : Giáo dục, 1993 ; tái bản năm 1995.
HOA BẰNG, Hồ Xuân Hương, nhà thơ cách mạng. Saigon : Bốn Phương, 1950.
" " (Sơn Tùng Hoàng Thúc Trâm), Quốc văn thời Tây Sơn.Saigon : Vĩnh Bảo, 1950.
HOÀNG XUÂN, LỮ HUY NGUYÊN, Hồ Xuân Hương - Thơ và Ðời. Hà-nội : Văn Học, 1995.
HOÀNG XUÂN HÃN, Hồ Xuân Hương - Thiên Tinh Sử, Hà-nội : Văn Học, 1995.
Bản này so với bản chính in trong TS Khoa Học Xã Hội, Paris (số 12, 1/1986) có nhiều chi tiết sai nhưng riêng đối với bài "Rút nhầm tơ duyên..." thì những sai lầm đó không có ảnh hưởng gì.
HỒ TUẤN NIỆM, "Bàn góp về nguồn gốc giai cấp của Hồ Xuân Hương", Nghiên cứu Văn Sử Ðịa, số 25, 2/1975.
" " " "Bàn lại đôi điểm về Tiểu sử Hồ Xuân Hương",Văn Học, số 1, 1/2-1972.
" " " "Chung quanh vấn đề Tiểu sử của Hồ Xuân Hương", Nghiên Cứu Lịch Sử, số 152, 9&10 / 1973.
LÊ TRÍ VIỀN chủ biên, LÊ XUÂN LÍT, NGUYỀN ÐỨC QUY"N, Nghĩ về thơ Hồ Xuân Hương. Sở Giáo-dục Nghĩa-bình, 1987.
LÊ XUÂN GIÁO, "Thân thế, Sự nghiệp và Tâm tình của Nguyễn Du tiên sinh",Tập sanVăn Hiến - Tưởng niệm Ðại thi hào Nguyễn Du. Hoa-kỳ, Los Angeles, 1978 ?
MAI QUỐC LIÊN, NGUYỀN QUẢNG TUÂN, NGÔ LINH NGỌC, LÊ THU YẾN, Nguyễn Du Toàn Tập - Thơ chữ Hán. Hà-nội : Văn Học, 1996.
NGÔ LÃNG VÂN, Hồ Xuân Hương Toàn Tập. Saigon : Sống Mới, 1971 ; tái bản ở Mỹ, không đề năm.
NGÔ THỜI CHÍ, Hoàng Lê Nhất Thống Chí. Bản dịch của Ngô Tất Tố. Saigon : Phong trào Văn hóa tái bản năm 1969 ; tái bản ở Mỹ.
NGUYỄN LỘC, Thơ Hồ Xuân Hương. Hà-nội : Văn Học, 1982.
NGUYỀN HỮU NHÀN, "Hồ Xuân Hương và Tổng Cóc (Phóng sự điền dã)", Hồ Xuân Hương - Thơ và Ðời, tr. 218-39.
NGUYỄN TRIỆU LUẬT, Ngược Ðường Trường Thi. Hà-nội : Tân Dân, 1939 ; Saigon : Bốn Phương tái bản năm 1957 ; tái bản ở Mỹ.
PHẠM ÐÌNH HỔ, Vũ Trung Tùy Bút. Bản dịch của Ðông Châu Nguyễn Hữu Tiến. Paris : Ðông Nam Á tái bản.
PHAN HUY CHÚ, Lịch Triều Hiến Chương - Khoa Mục Chí. Hà-nội : Sử Học, 1961. Tổ Biên dịch, Viện Sử học Việt-Nam.
PHAN THÚC TRỰC, Quốc Sử Di Biên, tập Thượng. Phủ Quốc Vụ Khanh đặc trách Văn Hóa, 1973. Bản dịch của Lê Xuân Giáo.
PHƯƠNG TRI, "Tài liệu về Hồ Xuân Hương trên đất Nam hà", Tạp chí Văn Học, số 3, 1974.
TẢO TRANG, "Chiêu Hổ và Phạm Ðình Hổ", TS Nghiên Cứu Văn Học, số 3, 1962.
Ðào Thái Tôn in lại trong Thơ Hồ Xuân Hương..., tr. 255-64.
TRẦN BÍCH SAN, "Xuân đường đàm thoại", 1869. Trần Tường phát hiện và công bố trên Tạp chí Văn Học, số 3, 1974, dưới nhan đề "Một số tư liệu mới tìm thấy về Hồ Xuân Hương".
TRẦN THANH MI, "Phải chăng Hồ Xuân Hương còn là một nhà thơ chữ Hán ?", Nghiên Cứu Văn Học, số 3/1963.
" " " "Thử bàn lại vấn đề tục và dâm trong thơ Hồ Xuân Hương", Nghiên Cứu Văn Học, số 4/1964.
" " " "Trở lại vấn đề Hồ Xuân Hương", Nghiên Cứu Văn Học, số 10/1964.
" " " "Bản Lưu Hương Ký và lai lịch phát hiện nó", Nghiên Cứu Văn Học, số 11/1964.
__________


Công chúa đời Trần
Nói tới công chúa đời Trần người ta thường liên tưởng ngay đến Huyền Trân công chúa do Thượng hoàng Nhân Tôn trong một chuyến đi thăm Chiêm Thành đã hứa gả cho quốc vương Chế Mân để kết mối giao hảo giữa hai nước; thứ nữa, người ta nghĩ đến An Tư công chúa gả cho Thoát Hoan để mong hoà giải với quân Nguyên; nàng công chúa thứ ba đời Trần còn được nhắc nhở tới là Thiên Ninh công chúa vì có dính liếu tới một vụ loạn dâm với em ruột.
Trong Việt Sử Tiêu Án, Ngô Thì Sĩ đã chê trách nhà Trần về hai điểm :
- Phải dùng "mỹ nhân kế" để giữ nước
- Loạn luân.
Nhưng công bình mà nhận xét thì ở nước ta "loạn luân" và dùng "mỹ nhân kế" để giữ nước không phải chỉ xảy ra ở đời Trần.

I.- "MỸ NHÂN KẾ"
Dù ở Âu hay Á, xưa hay nay, thì phụ nữ vẫn thường được dùng làm "vật hi sinh" trên bàn thờ tổ quốc. Riêng đời Trần không phải chỉ Huyền Trân hay An Tư công chúa mới được đem ra làm vật đổi chác. Theo thứ tự ta phải kể :
1) Năm 1228, gả Ngoạn Thiềm công chúa - em vua Thánh Tôn, con Thái Tôn - cho Nguyễn Nộn. Nộn là cư sĩ chùa Phù Đổng, vì bắt được vàng ngọc không dâng lên triều đình nên vua hạ chiếu bắt giam. Tự Khánh, anh thứ hai của Linh Từ quốc mẫu - mẹ Lý Chiêu Hoàng - xin cho Nộn được đánh giặc chuộc tội, vua sai đi đánh dẹp người Mán ở Quảng Oai. Nộn chiếm cứ vùng Bắc Giang, Đoàn Thượng chiếm vùng châu Hồng (Hải Dương). Nộn giết Đoàn Thượng, chiếm quân và cướp của châu Hồng, thanh thế lừng lẫy. Thủ Độ lo lắng, một mặt sắc phong cho Nộn làm Hoài đạo Hiếu vũ vương, một mặt gả Ngoạn Thiềm cho để ngầm dò la tin tức. Nộn biết ý, dọn cho công chúa ở riêng một nơi nên công chúa không làm gì được cả.
2) Năm 1286, tướng Nguyên là Ô Mã Nhi đánh rất gấp, quân ta tan vỡ, bọn Trần Kiện, Lê Tắc(1) đem cả nhà đầu hàng quân Nguyên. Triều đình phải sai người đưa công chúa An Tư - em gái út của Thánh Tôn - đến cho Thoát Hoan để xoa dịu.
3) Chế Mân, dựa vào lời hứa của Thượng hoàng Nhân Tôn, dâng kỳ hương cùng báu vật xin cưới Huyền Trân. Triều đình chỉ có hai người bàn nên gả là Trần Khắc Chung và Văn Đạo Tái, con Trần Quang Khải. Sau Chế Mân dâng thêm hai châu Ô, Lý, vua Anh Tôn mới quyết định. Tháng 6 năm 1306, vua Anh Tôn gả em gái là Huyền Trân cho Chế Mân. Tháng 5 năm 1307 Chế Mân chết, theo tục lệ Chiêm Thành thì Hoàng Hậu phải lên dàn hỏa thiêu chết theo. Tháng 10, vua sai Trần Khắc Chung sang điếu tang và tìm cách đem Huyền Trân cùng Thế tử Đa Gia, con Chế Mân, về. Sử chép trên đường về Trần Khắc Chung và công chúa Huyền Trân tư thông với nhau loanh quanh mãi trên biển đến tận tháng 8 năm 1308 mới cập bến(2).
4) Năm 1363, Minh Tôn gả Nguyệt Sơn công chúa cho Ngô Dẫn vì Dẫn có viên ngọc rất lớn, bán được nhiều tiền, trở nên giầu có. Dẫn cậy giầu, tư thông với người khác, khinh khi công chúa. Công chúa tâu lên, Dẫn được miễn tội chết nhưng gia sản bị tịch thu.
Ngô Thì Sĩ viết :"Nhà Trần quen làm lối này, cốt được lợi trông thấy, đem má phấn đánh đổi lấy tràng thành, gả Ngoạm Thiềm cho Nguyễn Nộn, An Tư cho Thoát Hoan đều lối ấy cả"(3).
Ngô Sĩ Liên cũng chê trách : "Thượng hoàng đã xuất gia rồi, vua đổi mệnh có khó gì mà đem gả cho người xa, không phải giống nòi, cho đúng lời hẹn trước rồi sau dùng mưu gian trá cướp lại thế thì tín ở đâu(4) ? ". Phê bình như thế e có hơi khe khắt. Trước hết, khi gả Huyền Trân, vua Anh Tôn không thể biết trước năm sau Chế Mân sẽ chết, việc dùng mưu đón Huyền Trân về để tránh cho công chúa khỏi bị hỏa thiêu không thể coi là " gian trá" đánh lừa lấy được thành rồi thì cướp người về như một vài người đã trách cứ. Còn " đổi mệnh " không gả, theo lời bàn của Ngô Sĩ Liên, thì cũng không phải là thủ tín.
Chẳng qua các sử gia ghét nhà Trần về tội loạn luân nên thấy cái gì nhà Trần làm cũng đáng chê trách. Ở nước ta, dùng " mỹ nhân kế " nào phải chỉ nhà Trần ? Sử chép rõ ràng về nhà Lý :
1) Năm 1029, gả Bình Dương công chúa cho châu mục lang là Thân Thiệu Thái.
2) Năm 1036, Lý Thái Tôn, sợ khó khống chế các tù trưởng quản lĩnh các châu miền thượng du, kết mối giao hảo bằng hôn nhân, gả công chúa Kim Thành cho châu mục Phong Châu là Lê Tông Thuận, gả công chúa Trường Ninh cho châu mục Thượng Oai là Hà Thiên Lãm.
3) Năm 1082, gả Khâm Thánh công chúa cho châu mục Vị Long là Hà Di Khánh.
4) Năm 1126, đem Diên Bình công chúa gả cho Dương Tự Minh là thủ lĩnh phủ Phú Lương.
5) Năm 1144, lại gả công chúa Thiều Dung cho Dương Tự Minh lúc này cai quản các khe động dọc theo biên giới đường bộ và phong Minh làm Phò mã lang.

Thế là một mình Dương Tự Minh được cưới tới hai nàng công chúa và nhà Lý đã dùng tới 5 công chúa làm " vật hi sinh ", nhà Trần 4. Sử nhà Lê tuy không ghi chép tỉ mỉ về các công chúa như nhà Trần, nhưng cũng cho biết năm 1706 đem người tông nữ, lấy danh nghĩa quận chúa gả cho tù trưởng Triều Phúc người Ai Lao. Ngô Thì Sĩ đã viết sử lẽ nào không biết những chuyện này ?

II.- LOẠN LUÂN
Quả thật đời Trần người trong họ lấy lẫn nhau rất nhiều. Sử chép :
1) Trần Liễu, anh Thái Tôn, con Thượng hoàng Trần Thừa, lấy Thuận Thiên công chúa, con vua Lý Huệ Tôn và Thuận Trinh. Thuận Trinh là em ruột Trần Thừa, Trần Liễu và Thuận Thiên là con cô con cậu.
2) Năm 1225, Trần Cảnh, tức Thái Tôn, lấy Chiêu Hoàng, em Thuận Thiên.
3) Sau khi Lý Huệ Tôn chết, giáng Huệ hậu làm Thiên Cực công chúa, gả cho Thủ Độ tức là chị em họ lấy nhau. Hai người vốn đã có tư tình với nhau từ trước.
4) Năm 1237, vì Chiêu Hoàng không có con, Thủ Độ ép Thái Tôn lấy Thuận Thiên, lúc ấy đã có mang ba tháng với Trần Liễu. Trường hợp này vừa là con cô con cậu lấy nhau, vừa là em chồng lấy chị dâu.
5) Vua Thái Tôn hứa gả em gái là Trưởng công chúa Thiên Thành(5) cho Trung Thành vương(6) và đã cho Thiên Thành tới ở nhà Nhân Đạo vương, là cha đẻ ra Trung Thành vương, để chờ ngày cưới.
6) Năm 1251, Hưng Đạo vương muốn lấy Thiên Thành, đang đêm lẻn vào phòng Thiên Thành thông dâm. Thụy Bà Trưởng công chúa, chị Thái Tôn và Thiên Thành, mẹ nuôi Hưng Đạo vương, đang đêm gõ cửa cung nói dối là Hưng Đạo vương đã bị Nhân Đạo vương bắt giam, xin vua cứu giúp. Sự thật, khi vua sai người tới thì Hưng Đạo vương còn trong phòng Thiên Thành và lúc ấy Nhân Đạo vương mới biết. Hôm sau Thụy Bà phải dâng mười mâm vàng sống xin cưới Thiên Thành cho Hưng Đạo. Vua bất đắc dĩ phải gả và bồi thường cho Trung Thàng vương. Như vậy Thiên Thành có họ với Trung Thành vương, lại là cô ruột Hưng Đạo, vì Hưng Đạo là con Trần Liễu, anh ruột Thiên Thành.
7) Năm 1258, Thánh Tôn lấy Thiên Cảm là con Trần Liễu, tức là con chú con bác lấy nhau.
8) Thụy Bảo công chúa, con vua Thái Tôn, lấy Uy Văn vương Toại.
9) Gả công chúa tên Thúy, con Thái Tôn cho Thượng vị Văn Hưng hầu(7).
10) Thiên Thụy công chúa, con vua Thánh Tôn và Thiên Cảm, tức cháu nội Thái Tôn và cháu ngoại Trần Liễu, lấy Hưng Vũ vương Quốc Nghiễn, là con Hưng Đạo, cháu nội Trần Liễu, vừa là con cô con cậu (Hưng Đạo và Thiên Cảm là con Trần Liễu) vừa là cháu chú cháu bác lấy nhau.
11) Thiên Thụy lại tư thông với Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư là tôn thất nhà Trần, nhờ có công đánh quân Nguyên được Thượng hoàng Thánh Tôn nhận làm con nuôi.
12 & 13) Năm 1274, Nhân Tôn, con Thánh Tôn, lấy Bảo Thánh, rồi Tuyên Từ, đều là con Hưng Đạo vương. Trường hợp này giống Thiên Thụy lấy Quốc Nghiễn.
14) Anh Tôn, con Nhân Tôn, cháu Thánh Tôn, chắt Thái Tôn, lấy Văn Đức phu nhân năm 1292, là con Hưng Ngượng vương Quốc Tảng, cháu nội Hưng Đạo, chắt Trần Liễu. Thế là cháu cô cháu cậu (Hưng Đạo và Thiên Cảm là con Trần Liễu) hay chắt chú chắt bác lấy nhau.
15) Sau Anh Tôn lại bỏ Văn Đức phu nhân mà lấy em ruột phu nhân là Thánh Tư.
16) Anh Tôn lấy Huy Tư là con Thụy Bảo công chúa và Trần Bình Trọng. Thụy Bảo là em Thánh Tôn, Anh Tôn là cháu nội Thánh Tôn, tức cháu lấy cô.
17) Năm 1301, Thiên Trân công chúa, con Anh Tôn, Anh Tôn là con Nhân Tôn, cháu Thánh Tôn, lấy Uy Túc công Văn Bích, cháu nội Trần Quang Khải. Quang Khải và Thánh Tôn là anh em, tức cháu chú cháu bác lấy nhau.
18) Thiên Trân chết, Uy Túc lại lấy Huy Thánh công chúa.
19) Thượng Trân công chúa, em Anh Tôn, chắt Thái Tôn lấy Văn Huệ công Quang Triều, con Quốc Tảng, cháu Hưng Đạo, chắt Trần Liễu, tức chắt chú chắt bác lấy nhau.
20) Minh Tôn, con Anh Tôn, cháu Nhân Tôn, lấy Huy Thánh tức Lệ Thánh, con gái lớn Huệ Vũ vương Quốc Chẩn / Trẩn. Trẩn là em Anh Tôn : Con chú con bác lấy nhau.
21) Minh Tôn gả Huy Chân, con Nhân Tôn, cho Uy Giản hầu năm 1317.
22) Mẹ Huy Chân là Trần Thị Thái Bình, cung tần của Thượng hoàng Anh Tôn.
23) Năm 1318 Minh Tôn gả Thiên Chân Trưởng công chúa cho Huệ Chính vương.
24) Năm 1337 Hiến Tôn, con Minh Tôn, lấy Hiển Trinh, con gái lớn Huệ Túc vương Đại Niên.
25) Năm 1342, Thiên Ninh công chúa, con Minh Tôn, lấy Hưng/Chính Túc vương Kham.
26) Năm 1349, Dụ Tôn, con Minh Tôn, lấy con gái thứ tư Huệ Túc vương là YÙ Từ Nghi Thánh.
27) Năm 1351, Dụ Tôn loạn dâm với Thiên Ninh là chị ruột. Nguyên năm 1339 Dụ Tôn bị chết đuối ở Hồ Tây, được thầy thuốc Tầu Trâu Canh dùng kim châm cứu khỏi nhưng đoán sau này lớn lên sẽ bị liệt dương. Sau quả nhiên sự việc xảy ra đúng như vậy, Trâu Canh được vời đến chữa, khuyên vua giết một đứa con trai nhỏ tuổi lấy mật hoà với thuốc dương khởi thạch mà uống rồi thông dâm với chị hay em ruột. Vua nghe theo, thông dâm với Thiên Ninh công chúa.
28) Huy Ninh công chúa, con Minh Tôn, lấy Tôn thất Nhân Vinh. Sau Nhân Vinh bị Nhật Lễ giết, Nghệ Tôn là anh, lại gả Huy Ninh cho Quý Ly.
29) Duệ Tôn, con Minh Tôn và Lê Đơn Từ, cô Quý Ly, lấy Hiền Trinh là em họ Quý Ly, tức anh em họ lấy nhau.
30) Duệ Tôn lấy Thái bảo Trần Liêu làm phi.
31) Năm 1375 Duệ Tôn gả con là Trang Huy công chúa cho Nguyên Dẫn, con Cung Chính vương. Cung Chính vương và Duệ Tôn đều là con Minh Tôn, tức con chú con bác lấy nhau.
32) Thiên Huy hay Thái Dương công chúa, con Nghệ Tôn, lấy Phế Đế là con Duệ Tôn. Nghệ Tôn và Duệ Tôn cùng là con Minh Tôn, mẹ Nghệ Tôn là Minh Từ, mẹ Duệ Tôn là Đơn Từ, là hai chị em ruột, cô của Quý Ly : vừa là con chú con bác, vừa là cháu dì cháu già lấy nhau.
33) Sau khi Phế Đế chết, Thái Dương tư thông với Nguyên Uyên, con Cung Tín vương Thiên Trạch, em Nghệ Tôn : con chú con bác lấy nhau.
34) Năm 1393, Nghệ Tôn giận đem gả Thái Dương cho Nguyên Hãng là em Nguyên Uyên để làm nhục.
35) Tuyên Huy công chúa, con Duệ Tôn, lấy Quan Phục Đại vương Húc, con Nghệ Tôn, giống trường hợp Thái Dương lấy Phế Đế.
36) Quý Ly gả Trang Huy công chúa, con Tôn thất Nhân Vinh (bị Nhật Lễ giết) cho Mộng Dữ, con Nguyên Đán, cháu bốn đời của Quang Khải.
37) Thuận Tôn, con út Nghệ Tôn, lấy Thánh Ngẫu là con gái lớn của Quý Ly và Huy Ninh công chúa. Huy Ninh là em Nghệ Tôn, tức là con cô con cậu lấy nhau. Thuận Tôn lại là cháu nội của Đơn Từ, cô của Quý Ly, lấy con gái Quý Ly, tức anh em họ lấy nhau.
38) Hồ Hán Thương, con của Huy Ninh và Quý Ly, lấy Trần thị.
Tóm lại, nếu không phân biệt nội ngoại thì ít nhất cũng có gần 40 vụ người trong họ Trần lấy nhau còn ghi trong sử sách.
Không riêng gì Ngô Sĩ Liên, và Ngô Thì Sĩ chê trách nhà Trần, ngay cả Lê Quý Đôn, đầu óc tương đối cởi mở, cũng hạ bút :"Họ Trần lập Hoàng hậu lấy chị em con chú con bác cùng họ làm vợ. Nhờn lễ loạn luân như thế mà vẫn điềm nhiên không coi là kỳ quái...Triều Lê ta gia pháp rất đúng, giáo dục luân thường rất rõ ràng, khi chọn phi tần tất lấy trong con em các dòng họ công thần và con nhà tử tế mà lễ trật phân biệt, tôn ti rạch ròi, không có cái tệ bất chính trong chốn buồng the của đời trước "(7).
Nhưng nếu ta tò mò lật sử ra sẽ thấy gì ?
1&2) Lê Thần Tôn, con Kính Tôn và Trịnh thị Ngọc Trinh, em Trịnh Tráng, lấy Trịnh thị Ngọc Trúc/Hành, con Trịnh Tráng, tức con cô con cậu lấy nhau. Trước đó Ngọc Trúc đã lấy chú họ vua là Cường quận công Lê Trụ, sinh được bốn con. Trụ bị bắt giam, Trịnh Tráng đem Trúc gả cho vua, thế là cháu lấy thím họ.
3) Lê Chân Tôn, con Thần Tôn, lấy Trịnh thị Phương Từ, em Ngọc Trúc.
4) 1663 Lê Huyền Tôn, con Thần Tôn, cháu ngoại Ngọc Trinh, lấy Ngọc Áng, con thứ Trịnh Tạc, cháu Trịnh Tráng, tức cháu cô cháu cậu lấy nhau (Tráng và Ngọc Trinh đều là con Trịnh Tùng).
5) Lê Dụ Tôn, con Hi Tôn, cháu Thần Tôn, chắt Ngọc Trinh, lấy Ngọc Trang là cháu 7 đời của Trịnh Tráng (Tráng sinh ra Tạc, Tạc sinh ra Căn, Căn sinh ra Vĩnh, Vĩnh sinh ra Bính, Bính sinh ra Cương, Cương sinh ra Ngọc Trang).
6) Duy Phường, con Dụ Tôn và Ngọc Trang, bị Trịnh Giang tố cáo tư thông với vợ Trịnh Cương, tức cha đẻ ra Ngọc Trang.
7) Duy Vĩ, con Hiển Tôn, cháu Thuận Tôn, chắt Dụ Tôn và Ngọc Trang, đính hôn với Tiên Dung quận chúa, con Trịnh Sâm, cháu Trịnh Doanh, Doanh và Ngọc Trang đều là con Trịnh Cương. Thế là cháu lấy cô họ.
Đấy là chưa kể trường hợp Lê Tương Dực loạn dâm với vợ lẽ của cha và những vụ chưa minh định được vì sử chép quá sơ sài như :
- Lê Thái Tổ lấy nguyên phi là Lê thị Ngọc Dao, con Thủ tướng Lê Sát. Sát người Lam Sơn, trên bảng 93 công thần được xếp hạng nhì.
- Huệ phi của Thái Tổ là Lê thị Nhật Lễ, con Thủ tướng Lê Ngân, cũng người Lam Sơn, và được xếp hạng tư trên bảng công thần.
- Lê Nhân Tôn gả em gái là Vệ Quốc Trưởng công chúa cho con Thái úy Lê Thụ, cũng có tên trên bảng công thần.
Xét rằng thời xưa những người nắm quyền cao phần nhiều đều trong hoàng tộc thì rất có thể Lê Thụ, Lê Ngân, Lê Sát, đều có họ với Thái Tổ, đặc biệt Sát và Ngân đều quê ở Lam Sơn. Mặt khác, 93 người có tên trên bảng công thần đều cùng họ Lê thì chắc một số vì có công lớn được ban quốc tính (được nhận họ của vua làm họ của mình) khó mà biết rõ sự thật, như Lê Lễ, cũng có tên trên bảng công thần, người ở Lam Sơn, được ban quốc tính, lại chính là cháu gọi Thái Tổ bằng cậu (8).
Triều Lý có vua Thần Tôn năm 1128 lấy con gái Điện Tiền Chỉ huy sứ Lý Sơn là Lệ Thiên hoàng hậu.
Có lẽ Lê Quý Đôn cũng như hai vị sử gia họ Ngô chỉ kể tội riêng nhà Trần vì theo thuyết " nữ nhân ngoại tộc ", con chú con bác kể như là họ thân lấy nhau phạm tội, còn con cô con cậu họ sơ, kể như lấy người ngoài, không có tội gì cả. Thời xưa nội ngoại phân biệt rất kỹ cho nên Phạm Đình Hổ, trong Vũ Trung Tuỳ Bút, cho rằng người nào không có con trai cho con gái ăn thừa tự cũng phạm tội loạn luân (9).
Nhưng theo con mắt đời nay, trai gái cũng là con cả, cùng chung một huyết thống thì không thể cho con chú con bác lấy nhau là có tội mà con cô con cậu lấy nhau lại vô tội được. " Nữ nhân ngoại tộc " không phải là luật tự nhiên, chẳng qua là một đạo lý do người đặt ra nhưng không phải là một đạo lý được khắp mọi nước tôn thờ. Ngược lại, loạn luân là một hiện tượng tự nhiên, ở đâu cũng có. Việt Nam ta có câu :
Cháu cậu mà lấy cháu cô,
Thóc giống đầy bồ, lúa má nhà ta.
Ở Pháp, trên đài truyền hình thỉnh thoảng vẫn thấy người ta khuyến khích con cái mạnh dạn tố cáo phụ huynh đã cưỡng hiếp con em trong nhà. Tại Bretagne, hiện có một gia đình cha con ăn ở với nhau đã có mấy mặt con. Theo Gilbert Prouteau, thời Trung Cổ, Âu Châu có những buổi lễ của phù thủy, sau khi múa hát xong thì tha hồ cha mẹ loạn dâm với con, anh với em. Người Hi Lạp và Incas thời xưa chính thức cho phép con cùng cha lấy nhau và còn khuyến khích người trong hoàng tộc lấy nhau để giữ cho huyết thống hoàng gia không bị pha trộn với những dòng máu khác (10) vì họ cho rằng những cuộc hôn phối này không có hại gì cho đời sống, người cùng chung một huyết thống và giáo dục lấy nhau dễ hợp nhau hơn, như thế chỉ có lợi chứ không có hại. Cho nên " Nữ nhân ngoại tộc " không nhất thiết là luật chung của thiên hạ. Thuyết này do người đặt ra thì người cũng có thể đặt khác hoặc hủy bỏ, dựa vào nó kết tội nhà Trần là " bất chính " và cho nhà Lê là " gia pháp rất nghiêm " e không ổn, với cách suy luận ngày nay.
Để chứng minh nhà Trần có tội, Ngô Thì Sĩ viết : " nhà Trần lấy vợ người cùng họ, âm dương không phải lứa đôi nên có tai biến (11) " chỉ vì sử chép :

  • Năm 1300 người đàn bà ở Hồng Lộ sinh con trai hai đầu.
  • Năm 1304, người dàn bà ở kinh thành sinh con gái hai đầu, bốn chân, bốn tay.
  • Năm 1350, làng Thiên Cương (Nghệ An) có người con gái hoá trai.

Theo Nho giáo thì vua là con Trời, vua hành sự không phải thì Trời ra tai để răn dậy. Đấy là một phương pháp để hạn chế uy quyền vua, không cho lộng hành, vua tuy có quyền sinh sát nhưng còn phải e dè sự kiểm soát của Trời. Ngô Thì Sĩ vì có thành kiến với nhà Trần nên chỉ vạch tội nhà Trần mà cố ý bỏ qua những tai dị xẩy ra không thiếu gì dưới thời Lê Trịnh, cũng như đời Lý.
Ngày nay tuy chúng ta không tin những tai dị xẩy ra vì Trời muốn vua phải sửa lỗi, nhưng y học công nhận người trong họ không nên lấy lẫn nhau dễ mắc bệnh máu loãng khó cầm. Có điều lạ là không thấy sử chép họ Trần mắc bệnh này, mặc dầu những bệnh kỳ lạ khác đều được ghi lại như :
- Lê Ngọa Triều vì hoang dâm không ngồi dậy được nên khi lâm triều phải nằm.
- Lý Huệ Tôn bị trúng gió sinh chứng cuồng dịch, khi thì xưng là Thiên tuớng giáng hạ, tay cầm giáo và mộc, trên búi tóc cắm lá cờ nhỏ, đùa giỡn múa may suốt ngày, khi thì toát mồ hôi, trong người ráo khát, uống rượu say ngủ li bì, hôm sau mới tỉnh, không làm được việc phải giao hết chính sự cho Trần Tự Khánh là anh vợ (12).
- Trần Dụ Tôn bị liệt dương.
- Vệ Quốc Trưởng công chúa bị câm.
- Lê Thần Tôn bị bệnh ung thư mà băng.
- Trịnh Giang dâm loạn, thông gian cả với vợ lẽ của bố là Đặng thị. Một lần bị sét đánh gần chết, từ đấy sợ hãi, đào hầm dưới đất trú ẩn không dám ra nữa, chính sự giao lại cho em là Trịnh Doanh (13).
Sử không ghi chép người trong họ Trần bị bệnh máu loãng có thể nào vì người xưa biết phép điểm huyệt cầm máu nên không nhận ra chứng bệnh máu loãng ?
III.- CÁI VẠ NGOẠI THÍCH
Người ta thường cho rằng người họ Trần lấy lẫn nhau để bảo vệ ngôi báu không để lọt ra ngoài vì chính nhà Trần đã cướp ngôi nhà Lý một cách êm thắm qua cuộc hôn nhân dàn xếp giữa Lý Chiêu Hoàng 8 tuổi, với Trần Cảnh 9 tuổi. Theo Văn Hòe thì Thủ Độ, người chủ mưu sang đoạt cơ nghiệp nhà Lý, đã ra lệnh : " Con gái nhà Trần phải gả cho họ Trần " (14). Tuy nhiên, mặc dầu Thủ Độ đã phòng xa nhưng nhà Trần vẫn mất vì lấy người họ khác, không phải một lần mà tới hai lần :
- Cung Túc vương Dục, con trưởng của Minh Tôn, vì bất tài không được lập làm Thái tử, say mê một người con hát đẹp hay đóng vai Tây vương mẫu, lấy làm vợ mặc dầu người này đã có mang với chồng, cũng là phường chèo, tên là Dương Khương. Sau đẻ ra Nhật Lễ được Dục nhận làm con. Các vua Hiến Tôn, Dụ Tôn và Dục đều mất, Thái hậu, mẹ Dục, lấy cớ Nhật Lễ được Dục chính thức nhận làm con thì có quyền lên ngôi. Năm 1369 Nhật Lễ lên ngôi rồi có ý muốn trở về họ Dương của cha đẻ nên bị Nghệ Tôn giết. Nhà Trần suýt mất lần thứ nhất.
- Minh Tôn lấy hai người cô của Quý Ly : Minh Từ sinh ra Nghệ Tôn, Đơn Từ sinh ra Duệ Tôn. Nghệ Tôn cướp lại ngôi trong tay Nhật Lễ ít lâu nhường ngôi cho Duệ Tôn. Duệ Tôn lấy em họ Quý Ly là Hiển Trinh sinh ra Phế Đế. Nghệ Tôn nghe Quý Ly giết Phế Đế lập con út mình là Thuận Tôn lên ngôi. Thuận Tôn lấy Thánh Ngẫu là con gái lớn của Quý Ly và Huy Ninh công chúa đẻ ra Thiếu Đế. Quý Ly ép Thuận Tôn nhường ngôi cho Thiếu Đế khi ấy mới hai tuổi, sau lại cướp ngôi của Thiếu Đế, tức cháu ngoại mình, mà lập ra nhà Hồ.
Nói rằng nhà Trần mất vì cái vạ ngoại thích cũng được, song sự thật làm gì có một dòng họ nào nắm được chính quyền mãi mãi ? Nhà Trần nếu không mất vì " cái vạ ngoại thích " ắt cũng mất vì một lí do khác.
Còn nói rằng người họ Trần lấy lẫn nhau để giữ ngôi báu cho họ Trần cũng chưa hẳn hoàn toàn đúng vì Thủ Độ đã tư thông với chị họ là mẹ Lý Chiêu Hoàng từ trước khi Trần Cảnh được Chiêu Hoàng nhường ngôi, khi ấy đã có ngôi báu đâu mà giữ ? Phải nói rằng họ Trần vẫn lấy lẫn nhau từ trước nhưng đặc biệt được Thủ Độ khuyến khích từ khi Trần Cảnh lên ngôi mở đầu cho nhà Trần.
Không rõ lấy tài liệu ở đâu, Ngô Thì Sĩ viết : " Con nhà chài lưới chả biết lễ nghĩa, tập tục loạn luân như thế từ đời Kính, Hấp đã có " (15).
Tổ tiên nhà Trần lập nghiệp ở hương Tức Mặc, huyện Mỹ Lộc, phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định, làm nghề đánh cá trở nên giầu có. Trong An Nam Chí Lược, Lê Tắc cho biết Trần Thừa nhờ có công đánh giặc được phong chức Thái úy, em là Kiến Quốc được làm Đại tướng quân. Tuy nhiên nhà Trần vốn không phải gốc Việt mà từ đất Mân (có nơi nói là Quế Lâm) ở Trung Quốc sang từ đời Trần Kính, Kính sinh ra Hấp, Hấp sinh ra Lý, Lý sinh ra Thừa, Thừa sinh ra Cảnh. Nếu nhà Trần biết rõ gốc gác của mình như thế ắt có chép gia phả và không đến nỗi không hiểu lễ nghĩa như Ngô Thì Sĩ nói. Không giữ lễ là một chuyện, không biết lễ lại là một chuyện khác.
IV.- VÀI NÉT SINH HOẠT CỦA CÁC CÔNG CHÚA ĐỜI TRẦN
Ngoài những cuộc hôn nhân với người trong họ, hoặc với người ngoài vì chính sự, sử nhà Trần còn ghi chép đôi nét về những sinh hoạt khác của các công chúa :
1) Phàm người nào lấy công chúa, nếu công chúa chết hay bỏ đều không được lấy người khác, có lấy cũng phải giấu. Có lẽ đây là luật lệ chỉ áp dụng với người ngoài, vì khi Thiên Trân công chúa, con Anh Tôn, mất thì Uy Túc công Văn Bích lại lấy Huy Thánh công chúa (16).
2) Bắt đầu từ 1266 các công chúa cũng như vương hầu, cung tần được phép chiêu tập những người xiêu tán không có sản nghiệp làm nô tì để khai khẩn ruộng hoang, đắp đê ngăn nước mặn ở ven biển độ hai, ba năm sau khai thành ruộng. Nhưng từ 1397, Quý Ly chỉ cho các Đại vương va Trưởng công chúa được có ruộng không hạn định.
3) Võ học. Nhà Trần chấn chỉnh văn học nhưng cũng rất trọng võ học, xét ra có phần còn trọng võ hơn văn, như năm 1281, khi Nhân Tôn mở nhà học ở phủ Thiên Trường (Xuân Trường) lại cấm người làng Tức Mặc, quê hương vua, không được vào học văn nghệ, cũng như không cho hiệu quân Thiên Thuộc (những binh sĩ ứng tuyển ở Tức Mặc) học văn sợ khí lực kém đi (17).
Khi các vương hầu, công chúa lập trang trại thì phải luyện binh lính trừ bị thành từng đội quân bản bộ. Thưở ấy trai tráng trong nước theo luật " toàn quốc vi binh " khắp nước từ trên xuống dưới đều tinh thông võ nghệ nên mới đẩy lui được cả quân Chiêm lẫn quân Nguyên mấy lần định xâm lăng. Do đó ta mới có câu khen " đánh giặc đời Trần ..."
Do truyền thống tinh thần thượng võ ấy, các công chúa cũng luyện tập võ nghệ đến trình độ có thể điều binh khiển tướng như khi quân Minh sang, công chúa Thiên Huy cùng với Thị Trung họ Hồ là Trần Nguyên Chi đem dân tránh loạn ra Đồ Sơn, trong khi công chúa Thiên Gia và Trung sư lệnh Trần Sư Hiền ngược sông Cái, đầu hàng quân Minh (18).
Đặc biệt năm 1369, khi Nhật Lễ lên ngôi dự tính trở về họ Dương của cha đẻ, nhà Trần suýt mất. Khi ấy người họ Trần tuy lo sợ nhưng không thấy ai nhúc nhích. Cung Định vương vốn đã không có chí làm vua, lại có con gả cho Nhật Lệ, càng e dè. Công chúa Thiên Ninh phải đứng ra khuyến khích : " Thiên hạ này là của cha ông ta lẽ nào bỏ cho người khác ? Ông nên đi đi, tôi sẽ đem gia nô dẹp yên nó cho ". Cung Định vương nghe theo, cùng với Tuyên vương Chương Túc hầu Nguyên Đán hẹn với Thiên Ninh ở Đại La giang, thuộc Thanh Hoá, để khởi binh, giết được Nhật Lễ năm 1370. Cung Định vương lên ngôi năm 1371 và phong cho Thiên Ninh làm Lạng quốc Thái Trưởng công chúa, đổi tên là Quốc Hinh (19). Cung Định vương tức là vua Nghệ Tôn.
Ngày nay nhắc đến Thiên Ninh công chúa người ta chỉ nhớ tới tội loạn dâm với em, mà cũng không xét kỹ xem có thực là " tội " hay không ? " Tội " là khi công chúa ưng thuận vì bị kích thích, ham muốn một cuộc phối hợp với em ruột. Nhưng nếu Thiên Ninh ưng chịu chỉ vì thầy thuốc Trâu Canh phán như thế mới chữa cho Dụ Tôn khỏi chứng liệt dương thì đấy lại là chuyện khác. Trâu Canh đã từng cứu Dụ Tôn thoát chết một lần, lời nói ắt có giá trị. Nếu Thiên Ninh hi sinh để cứu Dụ Tôn thiết tưởng đấy là " công " chứ không còn là " tội " nữa, hay ít ra cũng " tội " nhỏ mà " công " lớn. Thêm vào đấy còn cái công đánh dẹp Nhật Lễ, giành lại ngội báu cho nhà Trần. Chỉ tiếc rằng Thiên Ninh lại dem cơ nghiệp nhà Trần giao vào tay Nghệ Tôn, trước đã không có chí làm vua, sau lại một mực tin dùng Quý Ly, nên nhà Trần lại mất về tay nhà Hồ.
Tuy sử không chép nhiều, nhưng ta cũng thấy rằng các công chúa đời Trần không phải chỉ thụ động tuân theo thượng lệnh, hoặc nằm trong lòng địch dò la tin tức như công chúa Ngoạn Thiềm, hay lấy mỹ sắc xoa dịu đối phương đê đem lại hoà bình cho đất nước như Huyền Trân hay An Tư, hoặc lấy người cùng họ để giữ ngôi báu nhà Trần khỏi lọt vào tay họ khác, mà còn có những hoạt động như lập trang trại, luyện tập quân sĩ, điều binh khiển tướng, ít nhất cũng tích cực đóng góp vào công việc mở mang đất nước và gìn giữ ngai vàng cho nhà Trần.
Châtenay-Malabry, tháng 2, 1993
(Văn Lang, số 5, tháng 6 - 1993)
Chú thích
1. Lê Tắc là tác giả An Nam Chí Lược.
2. Trong " Chuyện nàng công chúa có ân sâu với Huế ", Nhớ Huế (30/8/92) tác giả viết rằng thuyền của Huyền Trân đi 7 ngày đã tới Cửa Thuận, chờ đợi 2 tháng tin bắt cóc hoàng tử Đa Gia không thấy nên công chúa lên kiệu về kinh, 20 ngày tới Thăng Long và chỉ ba tháng sau công chúa xuất gia, nhằm ngày Tết Nguyên Đán năm Kỷ Dậu (1309) nghĩa là 6 tháng sau khi dời Chiêm Thành. Thuyết này e không ổn vì Chế Mân mất tháng 5/1307, vua sai Trần Khắc Chung sang đón Huyền Trân từ tháng 10/1307, cho là hai tháng sau Trần Khắc Chung mới đến Chiêm Thành và đón được Huyền Trân về thì họ phải khởi hành vào khoảng đầu 1308, sáu tháng sau Huyền Trân đi tu, phải vào khoảng giữa 1308 chứ không thể vào Tết 1309, vì có một lỗ hỗng khoảng 6 tháng không biết họ đi đâu.
3. Việt Sử Tiêu Án, tr. 222
4. Toàn Thư, II, tr. 93.
5. "Trưởng công chúa", là chị em ruột của vua, con của Thượng hoàng, chứ không phải là " công chúa lớn nhất " (Cuơng Mục, VII, tr. 29).
6. " Từ 1241, anh em vua phong vương, con trưởng các vương cũng phong vương, con thứ phong Thượng vị hầu. Làm chế độ vĩnh viễn. (Toàn Thư II, tr. 17 và Cương Mục V, 38).
7.Thông Sử, tr. 115-6.
8. Thông Sử, tr. 165, Toàn Thư III, tr. 69.
9.Vũ Trung Tuỳ Bút, tr. 69.
10.Les Miroirs de la Perversité, tr. 346.
11.Việt Sử Tiêu Án, tr. 221.
12.Cương Mục, IV, tr. 64.
13.Sử Ký Tục Biên, tr. 159.
Theo Vũ Trung Tuỳ Bút thì người bị sét đánh là Trịnh Sâm, con Trịnh Doanh, và Trịnh Giang, Trịnh Doanh đều là con Vũ Thị.
14. " Trần Thủ Độ ", Trung Bắc Chủ Nhật số 182.
15.Việt Sử Tiêu Án, tr. 170.
16.Toàn Thư II, tr. 97.
17.Toàn Thư II, tr. 47 và Cương Mục V, tr. 500. Tuy vậy, những tướng giỏi đời Trần như Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật v.v...đều tài kiêm văn võ.
18.Toàn Thư II, tr. 17-8.
19.Toàn Thư II, tr. 137-8, Cương Mục VI, tr. 59-64.
Sách tham khảo :

  • Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, Tổ biên dịch Phạm Trọng Điềm, Hoa Bằng, Trần văn Giáp. Hà Nội : Văn Sử Địa, 1957.
  • Lê Quý Đôn, Đại Việt Thông Sử, Hà Nội : KHXH, 1978. Biên tập : Mai Ngọc Mai.
  • Lê Tắc, An Nam Chí Lược, Viện Đại học Huế, Ủy Ban Phiên dịch sử liệu Việt Nam, 1961.
  • Ngô Sĩ Liên, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Hà Nội : KHXH, 1967-73. Cao Huy Giu dịch.
  • ?, Đại Việt Sử Ký Tục Biên, Ngô Thế Long và Nguyễn Kim Hưng dịch, Hà Nội : KHXH, 1991.
  • Ngô Thì Sĩ, Việt Sử Tiêu Án, bản dịch của Hội Việt Nam nghiên cứu liên lạc Văn hoá Á châu, Văn Sử tái bản ở Mỹ.
  • Phạm Đình Hổ, Vũ Trung Tuỳ Bút, bản dịch của Nguyễn Hữu Tiến, Đông Nam Á tái bản ở Paris.
  • Prouteau Gilbert, Les Miroirs de la Perversité, Paris : Albin Michel, 1984.
  • Vân Hạc, " Thanh Niên Đời Trần ", Trung Bắc Chủ Nhật, số 61, 18/5/1941.
  • Văn Hòe, " Trần Thủ Độ ", Trung Bắc Chủ Nhật, số 182, 7/11/1943.

 

Đăng ngày 14 tháng 07.2015