Tác giả & Tác phẩm
15 tháng 05.2015
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng
Dẫn nhập: Với cái nhìn chủ quan của người biên soạn, tuyển tập 300 tác giả và tác phẩm đơn thuần chỉ là công việc góp nhặt sỏi đá những tác phẩm tiêu biểu một thời của những tác giả tiền chiến, hậu chiến, trước hay sau 75 của hai miền Nam Bắc, trong nước cũng như ngoài nước, già hoặc trẻ, cũ hoặc mới. Tác giả và tác phẩm được góp mặt mỗi tuần theo thứ tự họ hoặc tên qua mẫu tự A, B, C… Xin thành thực cám ơn những tác giả có mặt trong tuyển tập nhưng vì trở ngại thông tin, chúng tôi đã không thể xin phép quý vị trước khi đăng tải. – Ngộ Không Phí Ngọc Hùng..
Nguyễn Sỹ Tế
Tiểu sử
Bút hiệu: Người Sông Thương. Sinh năm 1922 tại Nam Định.
Mất ngày 17.11.2005 tại Long Beach California
Tác phẩm
Soạn sách giáo khoa như: Việt Nam văn học nghị luận.
Chờ sáng (1962), Chants d’Ya, Bốn phương mây trắng
Niềm im lặng của biển cả, Khúc hát Gia Trung
Mục Lục
Vài hàng về tác giả
Nhìn lại một thời – Doãn Quốc Sỹ
Hương thái cổ, cánh chim trời: đọc và dịch… – Đinh Từ Bích Thủy
Triết lý đoạn trường
Chân dung văn học Nguyễn Sỹ Tế - Viên Linh
Luật lệ đạo chích
Nguyễn Sỹ Tế, tác giả tác phẩm – Nguyễn Mạnh Trinh
Vũ Khắc Khoan và Tôi
Phụ đính I :
Nguyễn Sỹ Tế và những người bạn...Duơng Nghiễm Mậu
Phụ đính II :
Chuyện vui ngày xuân kén rể
Nguời thợ nhuộm sông Đà
Một kinh nghiệm về thơ
Chùm thơ Nguyễn Sỹ Tế
_________________
Vài hàng về tác giả
Nhà văn Nguyễn Sỹ Tế sinh năm 1922 tại Nam Định. Gia đình nội, ngoại thuộc hàng Nho học có khoa bảng. Thuở nhỏ ông học chữ Hán tại nhà, sau học trường Thành Chung Nam Định, trường Bưởi Hà Nội và trường Đại học Luật khoa Hà Nội.
Ông làm thơ chữ Hán từ hồi nhỏ, làm thơ chữ Pháp từ thời trung học. Bắt đầu viết văn và dạy học từ 1945. Ông hoạt động trong ngành giáo dục nhiều năm, dạy học tại các trường Trung học: Nguyễn Khuyến (Yên Mô - Ninh Bình), Chu Văn An (Hà Nội và Sài Gòn), Trưng Vương (Sài Gòn), Đông Tây, Cộng Hòa, Nguyễn Bá Tòng, Nguyễn Công Trứ (Sài Gòn).
Năm 1958, ông làm hiệu trưởng trường Trung học Tư thục Trường Sơn (Sài Gòn).
Năm 1956 - 1958, những năm đầu khi trường Luật Sài Gòn chuyển từ chương trình Pháp qua chương trình Việt, ông làm Phụ khảo (assistant) môn Dân luật và Quốc tế Tư pháp cho cố giáo sư Vũ Văn Mẫu - khoa trưởng trường Luật.
1957 - 1963, ông dạy môn kịch nghệ tại trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ - Saigon.
Từ 1962, dạy tại các trường Đại học miền Nam: Đại học Sư Phạm, Đại học Vạn Hạnh (Sài Gòn), Đại học Đà Lạt, Đại học Cần Thơ.
Năm 1964, làm Chánh văn phòng bộ Ngoại giao cho bác sĩ Phan Huy Quát.
Bên cạnh các tác phẩm sáng tác, ông viết nhiều sách biên khảo văn học. Ông còn tham gia hoạt động báo chí, đã viết cho các báo: Phổ Thông (Cựu Sinh viên Luật Hà Nội), Người Việt, Chuyển Hướng (Đoàn Sinh viên di cư), Hòa Bình, Dân Chủ, Sáng Tạo, Văn Học, Vấn Đề, Văn (Sài Gòn), Trúc Lâm (cơ quan của Giáo hội Liên Tông Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ), Khởi Hành (quận Cam), Phụ Nữ Việt (quận Cam), Vietnam News (Atlanta).
Ông qua Hoa Kỳ năm 1992. Thời gian ở Hoa Kỳ, ông làm Trưởng ban Văn học Viện Việt Học tại Quận Cam, California. Ông mất ngày 16 tháng 11 năm 2005, tại Hoa Kỳ.
Tác phẩm:
- Khúc Hát Gia Trung (thơ, 1994)
- Chants d’Ya (thơ Pháp ngữ, 1997)
- Chờ Sáng (tập truyện ngắn, 1962).
- Gió Cây Trút Lá (truyện dài, 1975)
- Mưa (kịch, 1953)
- Trắng Chiều (kịch 1955).
- Hồ Xuân Hương (khảo luận, 1956)
- Việt Nam Văn Học Nghị Luận (khảo luận, 1962)
- Tiểu Luận Văn hóa và Giáo Dục (khảo luận2000)
- Bốn Phương Mây Trắng (trường thiên tiểu thuyết, đang viết dở, đã xuất bản 2 tập)
- Luận đề về các tác giả cận kim và hiện đại Việt Nam (sách giáo khoa)
- Luận Phổ thông và Luận Tú tài (sách giáo khoa)
- Quốc văn Toàn thư lớp đệ Thất, đệ Lục, đệ Ngũ và đệ Tứ (sách giáo khoa, cùng soạn với G.s Tô Đáng và G.s. Vũ Khắc Khoan).
_________________
Nhìn lại một thời
Doãn Quốc Sỹ
1 - Nhìn lại một thời
Năm 1954 hai vợ chồng tôi cùng hai đứa con gái đầu lòng và cô em gái – năm người cả thảy – ra phi trường di cư vô Nam. Danh từ thời thượng mệnh danh là Bắc Cờ Năm Mươi Tư
Thuở đó tôi còn là sinh viên, gặp Trần Thanh Hiệp – sinh viên Luật Khoa – chúng tôi bèn thành lập đoàn thể Đoàn Sinh Viên Hà Nội Di Cư (ĐSVHNDC), Trần Thanh Hiệp đứng ra làm chủ tịch.
Để giới thiệu ĐSVHNDC nhân dịp chào mừng mùa Xuân năm đó, chúng tôi cho in tập Xuân Chuyển Hướng. Tôi còn nhớ trước 1954 - thuở còn ở ngoài Bắc – tôi sớm có khuynh hướng viết văn, hoàn tất được một truyện ngắn đầu tay dưới dạng một truyện cổ tích mang tên là “Sợ Lửa”. Di cư vô Nam năm 1954, may sao tôi có mang theo bản thảo Sợ Lửa và cho đăng vào tập Xuân Chuyển Hướng này! Thế là như lửa gặp gió, tôi tiếp tục . . . tiếp tục sang tác để chính thức đi vào nghiệp cầm bút của nhà văn bên cạnh sự nghiệp cầm phấn của nhà giáo sau này.
Sau tập Xuân Chuyển Hướng tôi đứng ra làm chủ nhiệm tờ tuần báo Người Việt nhưng cũng chỉ được vài số là đình bản. Sau đó gặp them Mai Thảo, Nguyễn Sỹ Tế, hai họa sĩ Duy Thanh và Ngọc Dũng nữa, thế là chúng tôi xúm lại chủ trương nguyệt san SÁNG TẠO – vào năm 1956 thì phải, nếu tôi nhớ không lầm! Toà soạn Sáng Tạo ở đường Ký Con. Truyện dài đầu tay Dòng Sông Định Mệnh của tôi đăng trên Sáng Tạo trước khi in thành sách. Sáng Tạo ra được tới số 30 hay 31 thì đình bản. Các văn hữu từ đó vẫn gọi nhóm chúng tôi – Mai Thảo - Nguyễn Sỹ Tế - Ngọc Dũng – Duy Thanh là nhóm Sáng Tạo – Tòa soạn ở đường Ký Con !
Thuở đó anh em chúng tôi ai muốn đem bài đến toà soạn, hay đến toà soạn để sửa bài thì ít nhất cũng phải đợi đến 9 giờ sáng hãy tới, vì tới giờ đó Mai Thảo mới ngủ dậy để ra ngồi trước bàn làm việc.
Từ tám chin giờ tối trở đi đó là giờ Mai Thảo có mặt ở vũ trường để khiêu vũ. Thuở đó đám sinh viên Hà Nội di cư chúng tôi đã có nơi cư trú đàng hoàng, đó là khu Đại Học Xá gần nhà thờ Ngã Sáu Chợ Lớn. Thỉnh thoảng khoảng 8 giờ tối Mai Thảo lái xe đến đón tôi cùng đi khiêu vũ, khoảng 12 giờ khuya thì về, bao giờ cũng rủ theo một em vũ nữ lên xe để cùng tới một tiệm ăn nào đó, vừa ăn uống vừa nói chuyện vui, rồi đưa em vũ nữ về nơi hẻm em ở.
Cùng là nhà giáo kiêm viết văn, chúng tôi có ba người : tôi, anh Nguyễn Sỹ Tế (hiệu trưởng trường Trường Sơn) và anh Nguyên Sa ( hiệu trưởng trường Văn Học).
Nhắc đến Nguyên Sa hầu hết chúng ta đều biết bài thơ nổi tiếng của anh “Áo Lụa Hà Đông” :
"Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
Anh vẫn nhớ em ngồi đây tóc ngắn
Mà mùa Thu dài lắm ở chung quanh
Linh hồn anh vội vã vẽ chân dung
Bay vội vã vào trong hồn mở cửa
Em chợt đến, chợt đi, anh vẫn biết
Trời chợt mưa, chợt nắng chẳng gì đâu
Nhưng sao đi mà không bảo gì nhau?
Để anh gọi tiếng thở buồn vọng lại..."
"Em ở đâu, hỡi mùa Thu tóc ngắn?
Giữ hộ anh màu áo lụa Hà Đông
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
... Anh vẫn yêu màu áo ấy em ơi"
Sau này khi sang tới xứ Cờ Hoa này chúng tôi ở cách mấy tiểu bang – tôi ở Houston, Texas, anh ở Quận Cam Cali - mỗi khi có dịp gặp nhau, tôi vẫn hỏi đùa anh:
Chị vẫn mặc áo lụa Hà Đông, phải không anh?
Nhớ lại kỷ niệm với anh Nguyễn Sỹ Tế, khi Cộng Sản chiếm nốt miền Nam, chúng tôi cùng bị đi tù chung và cùng bị đày lên tận miền Gia Trung thuộc núi rừng cao nguyên Pleiku, Kontum. Vùng này sở dĩ mang tên Gia Trung vì có dòng suối YA YUNG chảy qua. Tiếng địa phương là Ya Yung được chuyển sang tiếng Việt là Gia Trung !
Anh Nguyễn Sỹ Tế có 4 câu thơ bằng tiếng Pháp trong tập thơ Chant d’Ya (Tiếng Hát Gia Trung) của anh như sau:
Sur un fond de ciel balayé
Un engourdi crossant de lune
Parait las et comme épuisé
De sa lumineuse fortune
Và tôi dịch thoát nghĩa thành 4 câu thơ Việt như sau:
Đỉnh trời gió quét mây tan tác
Trăng lưỡi liềm ngơ ngác lạnh căm
Trăng sao đượm vẻ u trầm
Trăng sao quá đỗi âm thầm hỡi trăng.
Vào năm 1956 – cách đây đúng nửa thế kỷ - khi tập truyện cổ tích Sợ Lửa của tôi ấn hành lần đầu, ông bạn Nguyễn Sỹ Tế của tôi viết TỰA và Thanh Tâm Tuyền viết BẠT . Với tinh thần tri âm tri kỷ, ông bạn Thanh Tâm Tuyền qua bài thơ mang tên “NHỊP BA” đã nêu lên lòng ước muốn thường xuyên nóng bỏng trong tâm tư thầm kín của tôi: đó là ước muốn sao cho đất nước sớm được thống nhất tự do !
Xin quý vị hãy cùng tôi thưởng thức bài thơ “NHỊP BA” của Thanh Tâm Tuyền viết thay lời Bạt cho “Sợ Lửa”.
Nhịp ba
(Tặng Doãn Quốc Sỹ)
Ngực anh thủng lỗ đạn tròn
Lưỡi lê thấu phổi
Tim còn nhảy đập
Nhịp ba nhịp ba nhịp ba
Tình yêu, tự do mãi mãi
Anh về ngồi dưới vườn nhà
Cây liền kết trái
Hoa rụng tơi tơi ủ xác
Anh chạy nhịp hai qua cách trở
Mắt bừng
Thống nhất, tự do
Ngoài xa thành phố
Bánh xe lăn nhịp ba
Áo màu xanh hớn hở
Nhát búa gõ
Long máy quay
Cửa nhà thi nhau lớn
Nhịp ba, nhịp ba, nhịp ba
Tình yêu, tự do, mãi mãi
Sóng bồi phù sa
Ruộng lúa trổ hoa
Núi cao uốn cây rừng
Nhịp ba, nhịp ba, nhip ba
Tình yêu tự do mãi mãi
Đất nước ào vỗ nhịp
Triều biển chập chùng
Hà Nội, Huế, Sàigòn
Ôm nhau nức nở
Có người cầm sung bắn váo đấu
Đạn nổ nhịp ba
Không chết
Anh ngồi nhỏm dậy khoẻ mạnh lạ thường
Bước ai thánh thót
Nhịp ba
Tình yêu
Tự do mãi mãi
Tình yêu tự do mãi mãi
Tình yêu tự do mãi mãi anh ơi.
__________________
Hương thái cổ, cánh chim trời:
đọc và dịch thơ Nguyễn Sỹ Tế
Đinh Từ Bích Thủy
Lời Giới Thiệu của người dịch: Nguyễn Sỹ Tế sinh năm 1922 tại Nam Định, Bắc Việt. Ông là lý thuyết gia của tạp chí Sáng Tạo, thành lập trong Nam vào giữa thập niên 1950. Ông được các thành viên của nhóm Sáng Tạo, như Mai Thảo, Doãn Quốc Sỹ, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, v.v.. nhìn nhận như người “anh cả” của nhóm.
Ngoài một số biên khảo văn học và truyện ngắn đã xuất bản tại Việt Nam và Hoa kỳ, Nguyễn Sỹ Tế, với bút hiệu Người Sông Thương, cũng sáng tác nhiều bài thơ bằng tiếng Việt cũng như tiếng Pháp. Những tác phẩm được nhắc nhở nhiều của ông là Chờ sáng, Khúc hát Gia Trung, Chants d’Ya, Bốn phương mây trắng ….
Sau biến cố 30 tháng 4, 1975, nhà văn Nguyễn Sỹ Tế bị tù cải tạo nhiều năm vì tội “tham gia tổ chức phản cách mạng” trước khi được sang định cư tại Hoa Kỳ. Ông qua đời vì bệnh tim tại Quận Cam, Nam California, vào tháng 8 năm 2005.
Tập thơ Khúc Hát Gia Trung: Thơ Hồi Niệm của Một Tội Đồ (nxb lmn: 1994), ghi lại những cảm nghĩ của nhà thơ trong 10 năm đi tù. Sau một năm bị giam giữ tại sở An Ninh Nội Chính Sài-gòn, vào năm 1977 chính quyền Cộng sản tải ông đến trại tù Gia Trung, Pleiku (Gia Trung được phiên âm từ chữ Ya-Zun, trong ngôn ngữ Thượng có nghĩa là “nơi có suối.”) Vào tháng Giêng năm 1985, Nguyễn Sỹ Tế bị chuyển đến trại tù Hàm Tân (Long Khánh), nơi ông nhận xét “còn nổi tiếng hơn Gia Trung về mặt khai thác sức lao động của người tù để kinh doanh kiếm lời rất mau và rất lớn..” Ông bị giam ở đây đến tháng 10 năm 1987 thì được trả tự do.
Trong lời Khai Từ cho tập Khúc Hát Gia Trung, Nguyễn Sỹ Tế nhận định về thi ca Việt Nam nói chung, và quá trình sáng tác thơ của ông, như sau:
Thi ca của Việt Nam cũng như của thế giới đã đổi thay nhiều từ nửa thế kỷ nay. Và của tôi phần nào cũng thế. Từ những bài thơ theo quy luật cũ, kể cả thơ mới của buổi thiếu thời, tôi đã chuyển qua thơ tự do khi tôi tham gia phong trào đó ở miền Nam sau 1954 …. Vào tù, tôi bó buộc phải trở lại với các hình thức cũ hiền lành và dung dị hơn chỉ vì một lẽ đơn giản là sự đòi hỏi của ký ức: dễ bề cấu trúc, dễ bề thuộc lòng, dễ bề bảo tồn và hồi tưởng các thi phẩm.
….
Với công việc làm thơ-một phương giải thoát tự nhiên như bản năng sinh tồn-tôi đã tạo cho chính mình một cực hình kỳ lạ: làm thơ thầm trong đầu óc, lẩm nhẩm thơ trên đầu ngón tay trong đêm tối, học thuộc lòng thơ của chính mình …. Ngay lúc đó đã cả là một cuộc chiến đấu nặng nề trong trí nhớ đã suy thoái trong tháng năm và trong cảnh bị dập vùi. Môt lần ở Hàm Tân, tôi đã viết thơ lên giấy, xếp thành tập nhưng rồi vì một biến động trong trại, tôi phải hủy bỏ tác phẩm của mình. Về Saigon, tôi tái lập những thi phẩm của tôi một lần nữa, đưa cho Thanh Tâm Tuyền đọc. Năm 1989, trong chiến dịch “tái đánh văn nghệ sĩ,” tôi buộc lòng phải hủy bỏ chúng một lần thứ hai.
….
Ngay từ trước 1975, tôi đã nhận thấy một cuộc khủng hoảng trong thi ca của ta. Hiện nay, tôi cũng chưa dự đoán được là cuộc khủng hoảng đó kéo dài bao lâu nữa và sẽ có một lối thoát nào. Cho nên trong tù, tôi chỉ còn biết lo toan về chất liệu của thơ hơn là về thi pháp. Từ chất liệu khổ đau tôi chắt chiu lấy một tinh lọc nhỏ ….
Tôi thành thực tán thưởng các bạn tù của tôi đã có những tập thơ đấu tranh đầy máu lửa, những thi phẩm hiện thực phũ phàng đến ngột ngạt. Bởi quan niệm tranh đấu của tôi có khác. Tôi như một người, theo một câu nói của một nhà văn Trung Quốc nói về các triết gia của họ, “mơ màng với một con mắt mở, [đ]ể không bị cắt đứt bởi thực tại mà cũng không bị kéo xuống bởi thực tại.
Nguyễn Sỹ Tế cũng so sánh khuynh hướng thi ca của ông với các nhà thơ khác trong nhóm Sáng Tạo:
Cả hai Thanh Tâm Tuyền và Tô Thùy Yên đều chủ quan và hiền lành. Các anh đã gán cho thi ca những cứu cánh quá cao xa và hướng vào một thứ thẩm mỹ còn ‘cổ điển.’ Tôi thấy thi ca chỉ là một hiện tượng cá nhân, trong đó những yếu tố trí tuệ, tâm lý, sinh lý của nhà thơ và người đọc thơ bị khuấy động. Tôi nghiêng về một thứ thẩm mỹ của sự chênh vênh, của sự mất cân đối, một thứ thẩm mỹ của sự va chạm.[1]
Có thể nói, 4 bài thơ được trích dịch từ Khúc Hát Gia Trung, “Áo Xanh,” “Không Xuân,” “Cái Chết của Một Con Sáo,” và “Nhớ Biển” đều biểu lộ điều mà Nguyễn Sỹ Tế định nghĩa là “thứ thẩm mỹ của sự va chạm.” Đây là những bài thơ giản dị, u uẩn, đượm “hương thái cổ” dập dình giữa hiện thực và trừu tượng, và đồng thời, như những “cánh chim trời,” cũng hàm súc những tư tưởng, tình cảm phổ quát, mà khi đuợc dịch sang Anh ngữ vẫn tạo được sự gần gũi với độc giả ngoại quốc. Những ghi chú của Nguyễn Sỹ Tế dưới những bài thơ trong tuyển tập cũng giúp người đọc hình dung được khung cảnh bài thơ, cũng như hoàn cảnh sáng tạo của chúng.
Áo Xanh
Tặng Thanh Tâm Tuyền
Anh ngồi trong nắng thủy tinh
Ôm sầu dã thú nép mình cô đơn
Thời gian lả tả vàng son
Dậu thưa hiện-thực lối mòn suy tư.
Âm ba chuyển độ bao giờ
Suối nghe tưởng tiếng trẻ thơ nô đùa.
Xuân, Thu, Nhã Điển mấy mùa
Mùi hương thái cổ gió lùa rừng phong.
Ven đồi mấy nấm vùi nông
Nỗi hờn siêu thực một dòng vây quanh.
Sá gì một tấm áo xanh,
Nước non cát bụi Kinh Thành biển dâu.
(Ghi chú của Nguyễn Sỹ Tế: Hai năm đầu, tù nhân được phát một năm hai bộ quần áo vải, màu xanh chàm)
Blue Shirt
To Thanh Tâm Tuyền
In crystalline sunlight you
Bear your sorrow like a lonely wild beast
Time has peeled off its gold-crimson veneer
Life has frayed the bamboo fence, anguish worn down your path.
When did the stream’s cascading sounds
Become the laughter of children at play
Spring and Fall have come and gone in Athens
The wind blows ancient perfumes through the maple forest.
On the hillside lie shallow graves
Enclosed by a stream of surreal rage
Your blue shirt, bare comfort,
Your country has turned to dust
Your city a vast wasteland.
(Note by Nguyễn Sỹ Tế: During the first 2 years, prisoners are given two sets of blue indigo shirts and trousers each year.)
Trước khi thảo luận về cách đọc và dịch thơ Nguyễn Sỹ Tế, tôi muốn đề cập đến trạng thái lửng lơ(stalemate) giữa quen thuộc và xa lạ mà người dịch thường phải đối đầu trong quá trình chuyển ngữ. Có những điển tích hoặc tư tưởng mà độc giả của bản gốc, vì thấm nhuần bối cảnh văn hóa, có thể hiểu ngay nhưng qua bản dịch cần được diễn tả cụ thể hơn (nhưng hy vọng vẫn không hoàn toàn mất đi vẻ xa lạ, “mới mẻ” vì xuất xứ từ một văn hóa khác).
Cách đây gần một thế kỷ trước, nhà thơ Erza Pound đã dịch bài thơ Ngọc Giai Oán (Oán Hận trên Thềm Ngọc) của Lý Bạch như sau:
The Jewel Stairs’ Grievance
The jewelled steps are already quite white with dew,
It is so late the dew soaks my gauze stockings,
Anh I let down the crystal curtain
And watch the moon through the clear autumn.
(Nguyên văn:
Ngọc Giai Oán
Ngọc Giai sinh bạch lộ
Dạ cửu xâm la miệt
Khước há thủy tinh liêm,
Linh lung vọng thu nguyệt.
dịch:
Oán Hận Trên Thềm Ngọc
Đêm khuya thềm ngọc đầy sương,
Tất là thấm lạnh, thêm thương nỗi lòng.
Buông mành yên giấc cho xong,
Hãy còn lấp ló đứng trông trăng già.
bản dịch tiếng Việt của Trần Trọng Kim)[2]
Vì nghĩ rằng độc giả Anh ngữ không thể hiểu được nỗi lòng u tịch của người trong thơ, Erza Pound đã phải chú thích dưới bài thơ như sau:
Note.—Jewel stairs, therefore a palace. Grievance, therefore there is something to complain of. Gauze stockings, therefore a court lady, not a servant who complains. Clear autumn, therefore he has no excuse on account of the weather. Also she has come early, for the dew has not merely whitened the stairs, but soaks her stockings. The poem is especially prized because she utters no direct reproach.
tạm dịch:
Ghi chú –Lầu ngọc, có nghĩa là cung điện. Than thở, vì có điều phải phàn nàn. Vớ lụa, tức là một cung phi, không phải là tỳ nữ đang phàn nàn. Trời thu trong, cho nên người lỡ hẹn không thể lấy cớ là thời tiết xấu. Hơn nữa, nàng đã đến chỗ hẹn sớm (và phải đợi lâu), vì sương không những đã làm trắng bậc thang của lầu ngọc, mà còn thấm qua vớ. Bài thơ này thật tuyệt vì người trong thơ không trách móc thẳng thừng.
Erza Pound, một nhà thơ theo trường phái Tượng Hình (Imagism), chủ trương rằng một bài thơ phải chính nó “nói thẳng” với người đọc, đã tự mình phản lại khuynh hướng này khi thêm lời chú thích cho bài Ngọc Giai Oán.Khi Erza Pound dịch thơ Lý Bạch vào năm 1912 với ngôn từ hiện đại, súc tích và giản dị trong Anh ngữ (khác với cách dịch rườm rà, “cải lương” của các nhà thơ thời nữ hoàng Victoria ở cuối thế kỷ 19), ông đã không tin tưởng rằng người đọc có thể hiểu rõ được ý của Lý Bạch lúc đọc bản dịch của ông chính vì sự đơn giản của bản dịch đã để lộ những kẽ hở (interstice) hoặc mất đi những “mạch nối ngầm” mà độc giả Trung Hoa hay độc giả Việt Nam đọc bản dịch từ chữ Hán có thể hiểu ngay (vì đã thấm nhuần văn hóa Á Đông).
Vấn đề “kẽ hở/không có những mạch nối” cũng phát hiện trong quá trình dịch thơ Nguyễn Sỹ Tế. Như nhà thơ đã thố lộ, thơ của ông, vì phải sáng tác trong tù như một phương pháp tĩnh niệm để khỏi bị mất trí, đã mang cấu trúc “hiền lành” tuy nội dung đã được cất lọc. Thay vì dùng chú thích (ngoài chú thích sẵn có của tác giả về bối cảnh sáng tạo của bài thơ) vì nếu vậy bài thơ sẽ khó “nói thẳng” được với độc giả), tôi nghĩ mình phải tạo cho bài thơ trong tiếng Anh có những mạch nối hữu cơ để độc giả Anh ngữ hiểu được ý của bài thơ tương đương như người đọc trong nguyên bản tiếng Việt.
Thí dụ, trong bài Áo Xanh, câu “dậu thưa hiện thực, lối mòn suy tư” rất khó dịch. Theo cách hiểu của tôi, Nguyễn Sỹ Tế đã đảo ngược chủ từ và động từ trong câu, cho nên, trước khi dịch sang tiếng Anh, tôi đã hiểu câu trên là:
“Hiện thực đã làm thưa thớt, xơ xác giàn dậu, suy tư đã làm mòn lối đi.”
Trong tiếng Anh có hai động từ, “to slacken” (nới lỏng) và “to fray” (làm xơ xác). “To fray” tượng hình hơn, và cũng nhuyễn hơn trong tiếng Anh (vì không ai nói trong tiếng Anh là “reality slackens your bamboo fence” (hiện thực nới lỏng giàn dậu của anh), cho nên tôi đã dịch toàn câu như sau:
Reality has frayed your bamboo fence, anguish worn down your path. (Hiện thực đã làm xơ xác giàn dậu, sự dằn vặt/suy tư đã làm mòn lối đi/khuynh hướng đời sống của anh. Chữ “path” trong tiếng Anh có thể hiểu tương đương như chữ “lối đi” hay “đạo/đường” trong tiếng Việt.)
Hai câu cuối trong bài Áo Xanh cũng rất khó dịch:
Sá gì một tấm áo xanh,
Nước non cát bụi Kinh Thành biển dâu.
Theo cách tôi hiểu, Nguyễn Sỹ Tế muốn nói rằng tấm áo xanh (bắt buộc người mặc mang lên người bản sắc tội đồ/quân “ngụy”) thật ra chỉ là một bất hạnh nhỏ (sá gì /chả đáng gì), so với chuyện người tù (người quốc gia) phải chịu đựng cảnh mất nước, và mất đi quyền được gọi tên thành phố là Sài gòn. Thêm nữa, khi dịch, tôi không thể dịch “biển dâu” là “mulberry sea” vì độc giả Anh ngữ, nếu không quen thuộc với điển tích “tam thập niên vi nhất, thương hải biến vi tang điền” trong Thần tiên truyện (chu kỳ 30 năm một lần biển cả còn biến thành ruộng dâu huống chi con người chỉ là hạt bụi trong vũ trụ của tạo hóa, thì sự chuyển dịch từ cõi này qua cõi khác là chuyện bình thường), sẽ thấy cách dịch “mulberry sea” là hoàn toàn ngớ ngẩn hoặc vô nghĩa. Vì thế, tôi đã dịch hai câu này sang 3 dòng tiếng Anh là:
Your blue shirt, bare comfort, (áo xanh của anh, một thoải mái trơ trẽn)
Your country has turned to dust (nước non (anh) thành cát bụi)
Your city a vast wasteland (thành phố (anh) thành đất hoang).
Vì phải thêm câu thứ ba (thay vì hai câu cuối trong nguyên bản của Nguyễn Sỹ Tế) cho nên có lẽ giải pháp này không phải là giải pháp hoàn hảo nhất, nhưng tôi không biết làm sao hơn.
Không Xuân
Đông cắt thịt trải tù buổi sớm
Lên sườn đồi, trưa hạ như thiêu.
Chiều, thu lại điệu tù về trại
Tù thiếu mùa Xuân, thiếu đủ điều.
No Spring
Flesh-cutting winter dawn herds prisoners
up the hillside. Summer noon sears.
Fall afternoon returns the prisoners to camp
There is no Spring in prison there is nothing.
Bài “Không Xuân” tương đối dễ dịch. Động từ “trải” trong nguyên bản trở thành “herd” trong tiếng Anh, có nghĩa là “xua lùa,” như ta xua lùa đàn gia súc ra đồng. Tôi dùng chữ “herd” với ngụ ý là đám tù nhân không được cư xử như loài người. Câu cuối “Tù thiếu mùa Xuân, thiếu đủ điều” đã được tôi dịch liên tục, không dấu phẩy là “There is no Spring in prison there is nothing” (“Không có mùa Xuân trong tù không có gì cả”). Có thể nghĩa trong tiếng Anh “bi thảm” và khẳng định hơn trong nguyên bản, nhưng trong tiếng Anh, động từ “lack” (thiếu) có lẽ còn quá cụ thể, ám chỉ những thiếu thốn vật chất nhiều hơn là tinh thần. Khi dùng động từ to be trong thể phủ nhận, “There is no Spring…” thì người đọc sẽ thấy rõ tâm cảnh rất ư hiện sinh của đám tù nhân.
Cái Chết của Một Con Sáo
Con sáo nhỏ đã chết
Trong sức ép của lồng
Giữa sớm mai hoa nở,
Một mùa xuân phiêu lung.
Những con kiến đã tới
Sớm ma chay cho ngươi,
Nhưng cũng xin thụ hưởng
Tiên thường cỗ lòng tươi.
Chú tiểu tù hồi tưởng
những ngày dài tối đen.
Một cuộc tình phi lý
Bao cồng kềnh rối ren!
The Death of a Mynar Bird
The little mynar bird has died
Suffocated by its cage
In the flowering dawn
Of an uncertain spring
The ants have arrived
To prepare its funeral rites
But they ask for choice shares
in the pre-funeral feast.
The mynar’s keeper reflects
on the dark days now gone
An absurd love story beset
by mishaps and disorder.
Bài “Cái Chết của Một Con Sáo” làm tôi nghĩ đến những bài thơ ngụ ngôn về súc vật của La Fontaine đã được học lúc còn bé. Bài thơ đề cập đến lễ Tiên Thường, có nghĩa là “lễ nếm trước” (còn được gọi là lễ cúng ngày sống, trước lễ “chính kỵ” là lễ giỗ vào đúng ngày chết) nếu phải chú thích ở bản tiếng Anh thì cũng hơi dài dòng hoặc sẽ chi phối người đọc, cho nên đã được dịch một cách giản dị là “the pre-funeral feast” (bữa tiệc trước đám ma).
Câu ở đoạn cuối “chú tiểu tù hồi tưởng” được hiểu là đứa bé chủ nhân con sáo (và có lẽ cũng ám chỉ bọn canh tù với tâm địa nhỏ nhen?), được tôi dịch qua tiếng Anh là “the mynar’s keeper (người giữ sáo).
Nhớ Biển
Chiều vàng run rẩy ngã trên đồi
Nghe dục đồn xa kẻng mấy hồi.
Lão lính vác lên vai khúc củi,
Giã từ lối biển cánh chim trời.
(Ghi chú của Nguyễn Sỹ Tế: Ngọn đồi cao này dân địa phương gọi là núi Mây Tàu. Đường biển vốn là đường mơ tưởng giúp bao người Việt đã vượt biên.)
Remembering the Sea
On the hill the afternoon light shimmers
While far away the sentry bell calls.
Shouldering his firewood bundle, an old soldier turns
Away from the sea, from skyward wings.
(Note by Nguyễn Sỹ Tế: The locals refer to this tall hill as Chinese Cloud Mountain. The sea represents the path to freedom that has helped many Vietnamese cross borders.)
Tựa bài “Nhớ Biển” của Nguyễn Sỹ Tế được dịch qua tiếng Anh là “Remembering the Sea.” Trong tiếng Anh động từ “remember” vừa là vắng bóng vừa là thành tựu, vì khi “nhớ lại” thay vì chỉ “nhớ” (to miss), người nhớ lại, trong nỗi nhớ, cũng lấy lại được điều mình đã mất (như ý trong tựa A La Recherche du temps perdu(Remembrance of Things Past–mà tôi thấy thấm thía hơn là tựa được một dịch giả Anh ngữ mới đổi lại sau này là In Search of Lost Time của Proust). Vì vậy, “Remembering the Sea” có lẽ cũng có nhiều hứa hẹn hơn là chỉ “Nhớ Biển.” Tương tự, “Chiều vàng run rẩy ngã trên đồi” cũng khả quan hơn khi trở thành “the afternoon light shimmers”—“shimmer” là lấp lánh, tuy cũng có thể hiểu là “nhập nhòe” (như một ảo tưởng) hoặc “run rẩy” nhưng chưa chắc phải bị “ngã trên đồi” như trong nguyên bản tiếng Việt. Dù sao thì người lính già vẫn phải quay lưng lại (“turns away from”) lối ra biển và chân trời rộng của những cánh chim–điều này người dịch mong được giữ trung thành với tính chất “mơ màng/chênh vênh” mà Nguyễn Sỹ Tế đã định nghĩa thơ của ông vào thời kỳ hậu-Sáng Tạo.
Trong Lời Bạt cho tuyển tập thơ Black Dog, Black Night (lấy tựa từ một bài thơ của Hoàng Hưng), dịch giả/nhà thơ Hoa Kỳ Paul Hoover đã nhận xét:
Ngay từ đầu, thấy rõ là tấn kịch nhân sinh của bài thơ đã nằm sẵn đó hiển nhiên bên dưới cái mặt nạ của sự khác biệt văn hoá. Ngay khi chúng tôi giải thích những thuật ngữ như “young girl rice” (lúa ngậm sữa ngọt), những ẩn dụ địa phương của các nhà thơ trở nên phổ quát….[3]
Thật sự, là người dịch, tôi không dám tự tin như Paul Hoover, vì tôi nghĩ rằng “tấn kịch nhân sinh” (human drama) không dễ gì mà “nằm sẵn đó hiển nhiên” để người dịch, như Tạo Hóa, ung dung soi sáng. Ngay cụm từ “young girl rice” mà Paul Hoover diễn tả trong tiếng Anh cũng khó được người Việt nhận diện ra là loại gạo gì khi được dịch giả Phổ Linh dịch sang tiếng Việt là “lúa ngậm sữa ngọt.” Ngay cả chú thích của Phổ Linh ở cuối bài dịch, rằng loại gạo này là “lúa đang thì con gái” cũng chỉ làm độc giả Việt càng hoang mang, mù tịt. Nghĩ một lúc (rồi kiểm chứng qua Google và nguyên bản tiếng Anh của Paul Hoover), thì hóa ra Paul Hoover muốn ám chỉ “gạo Nàng Thơm” là thổ sản của huyện Cần Đước, tỉnh Long An, là nơi duy nhất trồng được loại gạo này, chỉ trổ bông vào tiết Đông chí có nghĩa là giữa mùa Đông, mà trong nguyên bản tiếng Anh Paul Hoover cũng giải thích là “loại gạo trồng ở địa danh có thời tiết cực đoan,” nhưng Phổ Linh đã bỏ không dịch hết đoạn này trong câu văn tiếng Anh của Paul Hoover).
Vì tất cả mọi bản dịch vừa là một cánh cửa mở ra đến một thế giới khác, vừa là một nhà tù, tôi nghĩ câu chuyện về ngôi chùa Thần Đạo (Shinto) ở làng Ise, Nhật Bản có lẽ gần gũi hơn với quan niệm dịch thuật “thương hải tang điền” của tôi.
Chùa làng Ise được xây lần đầu tiên vào thế kỷ thứ 7 bởi hoàng đế Temmu, nhưng cứ 20 năm theo tục lệ lại bị phá đi và xây lại. Tuy nhiên, nếu ai có hỏi dân làng, thì họ vẫn khăng khăng nói rằng ngôi chùa này đã được xây gần 2,000 năm trước. Tôi nghĩ quá trình sáng tạo hoặc dịch thuật văn chương cũng tương tự. Như người tù tái tạo liên tục những bài thơ trong trí óc, như một kiến trúc sư, người dịch vừa là người phá hủy vừa là người xây lại lại tác phẩm. Những tàn phá vẫn không thể phủ nhận điều là tác phẩm đã có một lịch sử, đã được ra đời lần đầu tiên trước khi những bản sao xuất hiện, và hy vọng sẽ mãi được tồn tại, qua thể này hay thể khác.
Cũng theo một truyền thuyết địa phương, chùa làng Ise đã được phá đi và xây cất lại nhiều lần mà hoàn toàn không dùng tới đinh, búa. Thiết tưởng sự vô tình, hay bất cẩn, tuy rất nhỏ, của người dịch hay người đọc, cũng gây ra những hậu quả trầm trọng cho một tác phẩm. Đồng thời, mọi xem xét tỉ mỉ để trám vào những kẽ hở, tuy cũng rất nhỏ, cũng vì thế mả “cứu sống/hồi sinh” được một tác phẩm.
__________________
Triết lý đoạn trường
Tôi rất ngần ngại khi phải trở lại một vấn đề đã cũ: bàn về Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du. Ngại ngần hơn nữa khi mà tác phẩm đó ít lâu nay trở thành đề tài cho những "tiếng nói chính thức" khen cũng như chê, ý thức hay vô tình, vụ lợi hay không vụ lợi.
Trong nghề nghiệp của tôi, tôi đã từng va đầu phải một chân lý già nua nhưng vĩnh cửu đã hơn một lần các văn học sử gia ghi nhận và kêu gọi: Chúng ta cứ tha hồ mà hao dụng mọi phương tiện thăm dò với cái tham vọng cắt nghĩa hết thảy, chiếu sáng hết thảy, rốt cuộc vẫn còn một xó tối nào đó nơi một tác giả, một tác phẩm mà không một "ánh sáng khoa học nào" có thể xuyên qua được; khi đó chúng ta chỉ còn có một lối là dùng trực giác của chúng ta mà thôi. Và sau hết thảy, một tác phẩm tự nó chứng tỏ cho nó, tự nó nói với người đọc, tự nó xếp chỗ ngồi cho nó!
Trong một bài tiểu luận đăng trong một số Sáng tạo cũng như trong một vài cuốn sách nhỏ viết cho học sinh trung học tôi đã khiêm mẫn gút vấn đề tư tưởng của Nguyễn Du vào một tấn thảm kịch nội tâm. Xin nhắc lại sơ qua để làm khởi điểm cho bài viết này.
Tấn thảm kịch nội tâm của Tố Như có thể rút về ba cuộc tranh chấp song đồng:
- Trước hết là cuộc tranh chấp ảnh hưởng giữa ba ý thức hệ căn bản của Đông phương xưa. Đã gần chín thế kỷ rồi, từ thời tự chủ, Phật giáo và Khổng giáo lần lượt thay nhau thống trị tư tưởng Việt Nam, rốt cuộc, qua những phen thử thách gay go nhất là hồi cuối thế kỷ XVIII vẫn không đem lại an bình cho quốc gia Việt Nam. Người ta bắt đầu nghi ngờ giá trị của những phương pháp ứng dụng, nếu không là nghi ngờ giá trị nội dung của những ý thức hệ đó.
- Thêm vào đó là tấn thảm kịch của một người đứng ở một ngã ba đường lịch sử phải chọn nhận một thái độ: ra làm quan với nhà Nguyễn hay vẫn trung thành với kỷ niệm của nhà Lê. Ngả đường đã giẫm chân lên rồi, Tố Như vẫn chưa hết thắc mắc. Mấy ai đã hoàn toàn tự chủ, không lỗi lầm, và đoán trước được mọi bất ngờ của việc đời, và chỗ vô thường của chính tâm lý mình?
- Sau rốt là sự tranh chấp giữa hai xu hướng thẩm mỹ nơi nhà thơ: thuận tình tới mức đã đạt tới của nghệ thuật hay phải đưa nó tới những bến bờ mới lạ. Không ai chối nhận được "tính cách kim thời" – modernisme – trong thi tài của Nguyễn Du.
Đó là những tranh chấp không tầm thường, không phiến diện, mà là những tranh chấp bám chặt vào ý thức của Tố Như làm nên cuộc khủng hoảng lương tâm, cuộc khủng hoảng đức tin, hiểu theo một nghĩa rộng, của tác giả. Đoạn trường hơn nữa, tấn thảm kịch nội tâm đó kéo dài vô tận mà dày vò nhà thơ cho đến lúc nhắm mắt phải thốt lên:
Bất tri tam bách dư niên hậu,
Thiên hạ thùy nhân khấp Tố Như?
Vậy thì hôm nay đây, theo gót một số người xưa: các thi gia Phạm Quý Thiên, Tôn Thọ Tường, Chu Mạnh Trinh, v.v. với trực giác và dưới ánh "tranh sáng tranh tối" của tấn thảm kịch trên, tôi thử gắng hệ thống hoá vấn đề, khoác cho nỗi đoạn trường của Tố Như một bộ áo mới, nghĩ rằng: Hãy khởi đầu rút vấn đề tư tưởng của Nguyễn Du về điểm dứt khoát nhất là thái độ của tác giả đối với cuộc sống, đối với những nỗi thống khổ ở trên đời: Triết lý về sự Đau khổ, Triết lý Đoạn trường
Lại nữa, từ tấn thảm kịch nội tâm đặt ra vấn đề tư tưởng của Tố Như, nhận xét đầu tiên của chúng ta phải là: Triết lý Đoạn trường đó, - danh từ hiểu theo nghĩa rộng, - tác giả không đặt trên bình diện của triết học thuần luận cao siêu mà chỉ đặt trên bình diện thông thường của thế nhân lấy bản thân làm luận cứ [1] .
Trả Nguyễn Du về nghĩ của thường nhân, cảm của nghệ sĩ, cảm và nghĩ của một người mà cuộc đời là ngay chứng tích của Đoạn trường, nhiên hậu ta mới đạt tới thực trạng tư tưởng của tác giả, đạt tới đâu là ý nghĩa và giá trị của sự Đau khổ, đâu là thái độ cần có.
I. Ý nghĩa và giá trị của đau khổ
Ý nghĩa và giá trị của sự Đau khổ? – Mà thật thế, Đau khổ không phải là một danh từ vô ích khi mà nó là một thực tại cũng già như nhân loại. Ấy thế mà rồi vì cớ này hay cớ khác, con người vẫn ít nhiều coi nhẹ thực tại đó.
1. Tố Như tuy không lớn tiếng rêu rao, song thật đã thâm cảm chân lý khởi đầu: Bài học Đoạn trường phải là một bài học chủ quan, thực nghiệm như mọi người Việt Nam ghi nhận trong câu:
Đoạn trường ai có qua cầu mới hay
Ý nghĩa của chân lý đã quá rõ. Phải có chính mình qua cầu Đoạn trường mới thấy sự Đau khổ là thấm thía như thế nào, quật ngã con người ra sao. Phải chính mình qua cầu Đoạn trường mới thấu hiểu những phản ứng vô thường từ cực cao đẹp đến cực xấu xa của người trong Đau khổ. Phải có qua cầu Đoạn trường mới hay cái cực hình của Đau khổ. Ngoại giả là mỹ ý suông không hoặc sai lệch tai hại.
Nhận như thế, chúng ta không lấy làm lạ nữa trước những cư xử của Thuý Kiều trong bao năm luân lạc từ bán mình chuộc cha đến đâm đầu xuống sông Tiền Đường tự tận: thất thân với Mã Giám Sinh, cúi lạy Tú bà, theo Sở Khanh, ra ở thanh lâu, chịu đòn để lấy Thúc Sinh, ăn cắp chuông vàng khánh bạc trốn khỏi nhà Hoạn Thư, xui Từ Hải ra hàng, chuốc rượu Hồ Tôn Hiến bên xác chồng, v.v.
Nhận như thế, chúng ta mới hiểu nỗi đau nhục của tác giả, một người đã khởi quân chống Tây Sơn vì nhà Lê, để rồi lại ra làm quan với nhà Nguyễn; chúng ta mới thấy rõ cái "dơ dáng dại hình" của một thứ "hàng thần lơ láo" không xếp nỗi chỗ ngồi cho mình trong phong trào mới. Ai muốn nói khôn cứ việc nói khôn, Tố Như hãy xin nói một câu chuyện kinh nghiệm, một câu chuyện thế tình của một người đã chứng kiến cái chết đập xác vào tường của mấy đứa trẻ thơ con quan tư đồ Diệu, cái nhục hình của thi hài Quang Trung bị giam và bị tán nhỏ buông sông, cái cảnh sĩ phu Bắc Hà điệu từng đàn từ Thăng Long vào Thuận Hoá rồi lại điệu ra Thăng Long, cái chết của Ngô Thời Nhiệm dưới roi đòn thù của Đặng Trần Thường, v.v.
Điều đó có khác chi trường hợp của Cao Bá Nhạ trong Tự tình khúc. Người ta có thể khắt khe lý thuyết mà trách cứ họ Cao: "Tại sao Cao không dám ngang nhiên chống đối chính quyền nhà Nguyễn, không dám ngang nhiên bạo động về sự suy sụp gần kề của ý thức hệ và tổ chức xã hội thời bây giờ, khi mà ông còn lạ gì pháp luật thời đại, khi mà ông đã thấy rõ cái mệnh ngàn cân treo trên đầu sợi tóc? Được như thế có phải giá trị tư tưởng của khúc ca lên cao biết mấy không?". Tôi nghĩ rằng trách như thế, mặc dầu có phần hữu lý, người ta đã ở ngoài cầu Đoạn trường vậy. Nếu như giá trị tư tưởng của khúc ca có bị sút kém vì thế, thì cũng chính vì thế mà giá trị ghi nhận tâm lý của khúc ca được trội lên. Ai trong chúng ta là chẳng có bản năng tự tồn? Tác giả đã nói đúng cái tâm lý quẩn quanh của một tên tử tù đơn độc cố bám lấy cái sống. Thêm nữa lại nên lưu ý rằng nạn nhân bám lấy cái sống không phải chỉ cho riêng mình như người "Thiếu nữ cầm tù" của André Chénie, mà còn vì hơn một lý lẽ khác mà lẽ trường tồn gia tộc quý giá của Đông phương là một. Tấn thảm kịch tư tưởng của Cao Bá Nhạ là ở chỗ: xuất thân từ cửa Khổng sân Trình, làm một nạn nhân cùng cực một chế độ chính trị và xã hội, ông muốn tìm một lối thoát cho tư tưởng hay ít nhất cũng cho tâm tưởng của mình mà không được, nên không còn biết làm gì hơn là bám lấy gốc nguồn để tự tạo cho mình một niềm an ủi mong manh.
Điều đó cũng có khác chi tấn thảm kịch của đại đa số loài người ngày nay săn đón bởi bao sức lực bạo tàn, ngồi ở một nơi mình không muốn, nhận những tội lỗi mình không làm, nói điều mình không tin, gục đầu trên hệ luỵ áo cơm và sự sống, trong một cuộc khủng hoảng lương tâm mênh mông, trong ám ảnh thường xuyên của bom đạn, hàng rào thép gai, đồn lũy, nhà tù, trại tập trung.
2. Ý nghĩa, - tôi muốn nói rõ hơn nữa, mối cảm thụ, - của Đau khổ phải là một ý nghĩa thật trải là như thế, và con người nhiều khi chỉ còn là một thứ đồ chơi trong bàn tay của Định mệnh. Nói như thế không có nghĩa là bảo sự đau khổ không có cái giá trị của nó. Thêm vào sự thật thứ nhất trên, chúng ta còn phải kể tới một sự thật khác: giá trị đào luyện và làm cao cả con người của sự Đau khổ. Tố Như không minh thị nói điều này trong tác phẩm của tiên sinh, song lý ưng phải là như thế. Hơn nữa đây cũng là một chân lý phổ biến không lạ gì đối với tiên sinh.
Chúng ta hãy tự hỏi: Giá trị của Thuý Kiều chứng tỏ làm sao nếu không có mười lăm năm luân lạc? Dầu chẳng cực đoan như Chu Mạnh Trinh nói: "Thì sao còn tỏ được là người thục nữ mà đủ đường hiếu nghĩa, tay đàn bà mà lại có cơ quyền", chúng ta cũng phải nhận rằng mối từ tâm rộng lớn của Thuý Kiều, thái độ nhẫn nhục của nàng trong cơn đương đầu với lưu lạc, việc nàng dám chọn cái chết ở sông Tiền Đường để rồi lại trở về sum họp với Kim Trọng khi mà thâm tâm nghĩ "còn tình đâu nữa, là thù đấy thôi"… phần lớn là do bài học Đoạn trường vậy.
Lại nữa, giá trị rung cảm của thi phẩm của Tố Như ở đâu mà ra, nếu không là ở chuỗi thống khổ dài của nàng Kiều? Người xưa nói: Nước sông Tiền Đường đã rửa oan cho Thuý Kiều. Chúng ta phải hiểu rằng: Nước sông đó đã "gạn đục, khơi trong" cho nàng. Hay rõ hơn: Cái chết của Thuý Kiều, - hay là nỗi thống khổ cùng cực của nàng cũng thế, - đã làm nàng sạch mọi tội lỗi ở cõi đời này, và bên kia nấm mồ sâu tất cả phải là im lặng.
Tại sao chúng ta lại cứ muốn điều đặc biệt? Đã nói Tố Như tử xin thuận tình đặt vấn đề trên bình diện thế tình. Tại sao chúng ta lại muốn bắt Thuý Kiều phải làm những điều mà đa số thế nhân không làm được, kể cả nhiệt độ tình yêu qua thời gian của nàng đối với Kim Trọng? Triết gia Edgar Quinet đã nói: "Tâm hồn con người cũng cùn nhụt với tuổi sống" (Les âmes s’émoussent en vivant). Thi hào Victor Hugo cũng khai triển một luận đề tương tự trong bài Đêm đại dương (Nuit d’océan): "Sự lãng quên cũng là nhân đạo".
Sẽ thừa chăng khi nói tới thái độ sống nhẫn nhục của Nguyễn Du trong phong ba lịch sử thời tiên sinh. Giá trị của Tố Như chính là giá trị của tấn thảm kịch nội tâm của tiên sinh vậy. Và về điểm này, chúng ta có thể so sánh Nguyễn Du với nhà đại thi hào của Đau khổ nước Đức cùng thế kỷ: Goethe.
Người ta cũng từng đã nói nhiều về giá trị đào luyện con người của sự Đau khổ. Tư tưởng Nho giáo, Phật giáo, văn học Tây phương đầy dẫy nhận định này. Nho giáo, cảnh cáo con người trên trường hành động về những thử thách cam go của cuộc đời. Phật giáo có cả một triết lý hùng hậu về sự khổ. Tây phương có câu: Người ta la một kẻ tập việc và sự đau khổ là ông thầy dạy việc (L’omme est un apprenti et la douleur son maitre). Thời đại mới của chúng ta cũng tung ra khẩu hiệu: Nhà tù là lò huấn luyện của cách mạng. Về điều Đau khổ làm cho con người thêm cao cả, hãy chỉ xin kể thơ của Alfred de Musset:
Không gì làm cao cả con người bằng một mối thống khổ lớn lao [2] .
hoặc:
Khúc đoạn trường là những khúc ca hay nhất
Và tôi biết có những khúc ca bất hủ chỉ là những tiếng thổn thức đơn thuần [3] .
II. Thái độ cần có trước đau khổ
Phần trên đã xét về ý nghĩa và giá trị của sự Đau khổ. Nhận chân hai điều đó, Tố Như đã nghĩ gì về một thái độ của con người trước sự Đau khổ? Đây mới là phần "trên" phần xây dựng trong Triết lý Đoạn trường của tác giả.
1. Trước hết là thái độ đối với sự đau khổ của chính mình, đối với cuộc đời, đối với Định mệnh. Xưa kia, các tác giả Đông Tây nói tới Định mệnh, ngày nay thêm những nhận thức mới người ta nói tới "Thân phận con người". Đặt vấn đề Định mệnh là đặt vấn đề cá nhân, mà đặt vấn đề Thân phận con người là đặt vấn đề tập thể rộng lớn. Ý nghĩa của hai điều hầu như rút về một. Là Định mệnh hay Thân phận con người thì đó cũng là một thực thể nhiều khi ở trong một cái vòng phi lý mà người đời phải nhận. Nhận rồi, con người chỉ còn có một lối cư xử là lợi dụng sự Đau khổ cho mình và cho đời. Chúng ta đã nói tới thái độ của Thuý Kiều trong cơn thống khổ. Nàng như đã tự sửa soạn đón nhận sự Đau khổ. Do đó Đoạn trường cũng hầu như không quật ngã được trọn vẹn người con gái đó. Cả cuộc đời nàng là một cái gương cưỡng lại với Định mệnh. Trong cuộc phân tranh này con người được hay thua còn tùy keo, tùy điều kiện. Sự thất bại không hẳn là một điều nhục. Thiện chí tranh đấu còn đáng kể hơn kết quả của tranh đấu. Như vậy không phải là một thái độ tiêu cực nhất đáng phải gạt bỏ như mấy nhà đạo đức kim thời hẹp hòi chủ trương. Tục ngữ ta có câu: "Còn nước còn tát". Ông thầy chữa bệnh gắng gổ tới phút cuối cùng. Người dân quê Việt Nam vẫn cứ cấy cày mặc dầu trông thấy một thiên tai gần kề.
Trầm lặng nhận cuộc thử thách rồi, chúng ta chọn phương tiện tranh đấu thế nào? Với kinh nghiệm muôn đời của thế nhân, Tố Như bảo: Hãy lấy cái "tâm" hơn là cái "trí". Sở dĩ phải chọn cái tâm làm phương tiện đấu tranh chính yếu trước, vì giá trị tự tại của cái tâm, mà sau còn vì lòng tin ở điều có thể "lấy tâm để sửa mệnh" trong khuôn khổ triết lý hằng cửu của dân tộc: Triết lý có Trời. Đến đây chúng ta tiến tới điểm tế nhị nhất trong triết lý đoạn trường của Nguyễn Du, và cũng là điểm tế nhị nhất trong tín ngưỡng của người Việt Nam: Định mệnh có hay không, Trời có hay không, không phải là vấn đề tìm hiểu hay chứng minh; vấn đề là ở chỗ tìm một thái độ đối với một thực tại đã hầu như thường xuyên. Trong một bài viết cũng trong tờ Sáng tạo, tôi đã có dịp nghĩ rằng đó cũng là một "quan niệm rất hiền triết" của người Việt Nam về tôn giáo, về cuộc đời.
Tuy nhiên, thái độ của Tố Như đối với sự Đau khổ ở đời cũng có những sắc thái riêng cần phân biệt. Tất nhiên đó không phải là chủ trương sống vô vi thanh tịnh kiễu Lão Trang, sống hồn nhiên như tạo vật tránh nhịp bạo tàn của định luật tang thương của bà Huyện Thanh Quan, xuất thế kiểu tiểu thừa của Phật phái, - việc đi tu của nàng Kiều chỉ là một việc chẳng được đừng. Đó cũng không hẳn là chủ trương nhập thế kiểu Đại thừa. Tố Như phàm trần hơn, nghĩ rằng một sự cứu vớt hợp lý phải bắt đầu bằng cự cứu vớt chính mình tỉ như luân lý thực tiễn của phương Tây nói: Lòng nhân từ xếp đặt đúng phải bắt đầu từ chính mình. Đó cũng không phải là những phản ứng tâm lý hồn nhiên, bướng bỉnh hay bừa bãi kiểu Hồ Xuân Hương. Vấn đề của Tố Như vừa đặt trên lĩnh vực tâm vừa trên lĩnh vực ý. Đặt trên lĩnh vực ý thức nó nhắc nhở tới chủ trương võ sĩ đạo của Nhật Bản hay chủ trương của Corneille hay chủ trương "khắc kỷ" (Stoïcisme) của Tây phương xưa mà nhà thơ Alfred de Vginy còn ca ngợi trong bài Cái chết của con chó sói:
Than khóc, cầu xin đều hèn cả.
Hãy quyết tâm làm tròn nhiệm vụ nặng nề và lâu dài.
Trên con đường mà số phận đã gọi ngươi,
Rồi sau rốt, như ta, đau khổ và nhắm mắt không nói năng [4] .
Nhưng chủ trương "khắc kỷ" trên đây lại chỉ đặt trên cơ sở của lý trí mà thôi. Đặt trên lĩnh vực tâm, thái độ của Tố Như còn rộng rãi và "nhân tính" hơn thế. Lấy cái tâm để sửa mệnh chỉ là điều đến sau của một "lối xử trí bằng cả tấm lòng" của một "thái độ sống tận tình với cuộc sống" như một nhà thơ hoạt động của ta ca ngợi trong câu:
Phải sống đến vong tình,
Không bao giờ tàn lụi!
Nói tới phản ứng ý thức, chúng ta cũng không nên vội cho rằng Nguyễn Du muốn đặt ra một vấn đề xã hội như cái bệnh của một số nhà phê bình thời nay ưa tìm kiếm hay đề cao. Tố Như còn rộng hơn thế, đặt vấn đề trong phạm vi nhân bản [5] . Hiểu như vậy tiếng than khóc trong Đoạn trường tân thanh không còn ý nghĩa kháng đối cái xã hội gọi là phong kiến Trung Hoa đời Minh, hay cái xã hội Việt Nam đầu nhà Nguyễn. Trong những nét thiên nhiên rộng lớn của nhà thơ thì hai cái xã hội đó cũng giống như một xã hội thời xưa nào đó, một xã hội thời nay nào đó, xã hội nhân loại trong những nét muôn thuở của nó, xã hội trong đó thân phận con người rủi ro chỉ là:
Phận bèo bao quản nước sa,
Lênh đênh đâu nữa cũng là lênh đênh.
hay là:
Thân lươn bao quản lấm đầu.
và cô độc trong trường đời, người ta hãy cốt yếu là trong cậy vào chính mình:
Biết duyên mình biết phận mình thế thôi.
Ta không nên bi quan mà cũng chẳng nên lãng quên đối với người đời. Nhân quần chẳng tốt mà cũng chẳng xấu:
Nơi thì lừa đảo, nơi thì xót thương.
2. Nhận định đặc tính và khả năng của con người như trên, Tố Như cũng không đòi hỏi nhiều ở thái độ của chúng ta đối với sự Đau khổ của kẻ khác.
Đã biết "cánh hoa rụng chọn gì đất sạch", con người "tay không đâu dễ tìm vành ấm no", với bao phản ứng, vô thường trong đau khổ, thái độ mà nhà thơ này xin ở người đời đối với những nỗi đoạn trường của kẻ khác là khởi từ tâm, là một tấm tình thương vậy. Đó cũng là thái độ của mụ Quản gia, vãi Giác Duyên, sư Tam Hợp của tác giả và bao người sau tiên sinh đối với Thuý Kiều. Tình thương làm nên tất cả. Tình thương hàn gắn đoạn trường của người đau khổ. Và biết đâu tình thương một ngày kia lại không tiêu diệt được đoạn trường ở cõi đời? Hãy đến với kẻ đau khổ như chính mình đã qua cầu đau khổ vậy.
Xuống một bậc, giả thử chúng ta chưa trang bị nổi cho mình một tình thương cao đẹp, chúng ta hãy đến với đau khổ của nhân gian bằng một đầu óc hiểu biết. Đó là một điều công bằng. Và đó cũng là một thái độ khôn ngoan: biết đâu một ngày kia chúng ta lại không bị đẩy tới chân cầu đoạn trường khi mà:
Cái điều bạc mệnh có chừa ai đâu?
Xuống một bậc nữa, thái độ đối với Đoạn trường của kẻ khác tối thiểu cũng phải là một thái độ thành kính, tỉ như người ta thành kính trước Trời Phật mà người ta có thể không hiểu, trong một giáo đường mà người ta có thể chẳng có lòng tin. Đó cũng là một thái độ xứng đáng.
Tất cả những điều đó gồm lại trong thái độ mà nhà thơ gọi là "khấp Tố Như".
*
Triết lý đoạn trường của Nguyễn Du là thế. Tôi nghĩ rằng vấn đề tư tưởng của nhà thơ cũng khởi đầu từ đó và không đi xa nhiều lắm.
Đoạn trường tân thanh là tiếng kêu cầu cứu, là tiếng kêu báo động vì một tấn thảm kịch ngạt chìm sau cái vẻ ngoài hiền lành và trầm lặng của câu chuyện, cũng hiền lành và trầm lặng như nếp sống của tác giả, như nếp sống của dân tộc. Giá trị của tấn thảm kịch này cũng là giá trị của con người, giá trị của triết lý đoạn trường của Tố Như. Thêm nữa, nói về rung cảm, giá trị rung cảm của Đoạn trường tân thanh lại cũng nhờ ở tấn thảm kịch nội tâm của tác giả và của nhân vật chính hơn là ở câu chuyện tầm thường của Thanh Tâm Tài Nhân.
Tấn thảm kịch đó cũng chẳng khác mấy tấn thảm kịch của đa số chúng ta ngày nay và còn kéo dài không biết đến bao giờ nữa: tấn thảm kịch của con người, của nhân loại chia từ trong nội tâm của chính mình trở đi. Tấn thảm kịch tầm thường có lẽ, - cũng tầm thường như tấn thảm kịch trầm lặng muôn đời của người Việt Nam, - mà thanh niên suy nghĩ ngày nay cũng không phải là không có lý do lên án! Nhưng mà đặt trong chiều đo của thế nhân vĩnh cửu, giải pháp đòi hỏi của nó là một giải pháp cho lâu dài.
Muốn bay cao Tố Như đã miệt mài đi trong cái thấp, muốn một điều Tuyệt đối tiên sinh thuận tình tự giam trong cái Tương đối, thực hiện cái mà bất luận một người nào tầm thường đến đâu trong xã hội Đông phương xưa cũng ý thức được là sự thái hoà giữa con người và vũ trụ.
Cho nên với phép nhiệm mầu của ngôn ngữ thi ca mà không ai chối nhận nơi tác phẩm của Tố Như, trong cái thời hiện đại mà chỉ trong vòng chia tư thế kỷ các lý thuyết ầm ĩ nhất đua nhau nằm xuống, Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du trường tồn bởi vì nếu có một cái gì trường tồn trong cái thế giới điên loạn này thì đó phải là "những trang văn chương thật thà nhân sự".
Nguyễn Sỹ Tế
____________________
Chân dung văn học Nguyễn Sỹ Tế
Viên Linh
Không một ngày cầm súng, nhưng ông đã ở tù cộng sản hơn 12 năm. Trả lời cuộc phỏng vấn của tạp chí Khởi Hành ông nghĩ vì sao ông bị cộng sản giam giữ lâu thế, tác giả “Chờ Sáng” cho biết: “Sau khi cộng sản kiểm soát được miền Nam, tôi có viết một bài nhan đề là ‘Ðể tiến tới chủ nghĩa xã hội với bộ mặt người’, vào năm 1976.” Ngay sau đó cộng sản bắt ông.
Nhà văn Nguyễn Sỹ Tế sinh năm 1922 tại Nam Ðịnh, trong một gia đình Nho Giáo khoa bảng. Khai tâm chữ Hán, học tiếng Pháp; ông làm thơ bằng những ngôn ngữ này trước khi viết bằng tiếng Việt. Sau bậc Thành Chung ở quê nhà, ông lên Hà Nội học tại trường Bưởi và sau đó tại Ðại Học Luật Khoa. Ông viết văn, soạn sách và dạy học liên tục từ 1945, phần lớn dùng tên thật, đôi khi ký là Người Sông Thương khi làm thơ. Là hiệu trưởng trường tư thục Trường Sơn từ 1958, Giáo Sư Nguyễn Sỹ Tế còn dạy văn học tại Ðại Học Sư Phạm Sài Gòn, và các đại học Văn khoa Vạn Hạnh, Ðà Lạt, Cần Thơ. Có một thời gian ông làm phụ khảo Luật cho Khoa trưởng Luật khoa Vũ Văn Mẫu và chánh văn phòng Bộ Ngoại Giao cho Ngoại Trưởng Phan Huy Quát.
Trước 1975, giáo sư, nhà văn Nguyễn Sỹ Tế đã cộng tác với các tạp chí Lửa Việt (sinh viên di cư, 1954), Dân Chủ, Sáng Tạo, Vạn Hạnh, Vấn Ðề, Văn, Thời Tập. Các tác phẩm đã xuất bản: Luận Ðề Về Nguyễn Du Và Ðoạn Trường Tân Thanh, Thăng Long, Hà Nội 1953; Hồ Xuân Hương, Người Việt Tự Do, Sài Gòn 1956; Việt Nam Văn Học Nghị Luận, Trường Sơn 1962; Chờ Sáng, tập truyện, Sáng Tạo 1962. Khoảng trên 20 cuốn luận đề khác về văn học Việt Nam thế kỷ XIX, về nhóm Nam Phong Tạp Chí và các tác giả cổ điển Việt Nam. Một số giảng thuyết và luận thuyết đại học về Văn Học luận, Thi Ca luận, Phê Bình luận, Văn Thể luận, các trào lưu văn học Tây phương hiện đại. Về kịch có Mưa, Trắng Chiều (...)Các tác phẩm thất lạc: ngoài các giảng thuyết nói trên, còn tập truyện dài Gió Cây Trút Lá. Ðang xuất bản truyện dài Bốn Phương Mây Trắng thì từ trần. Ông là hội viên liên kết của Trung Tâm Văn Bút Pháp. Hội viên danh dự Trung Tâm Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại. Ông tới Hoa Kỳ năm 1992, cư ngụ với gia đình tại California.
Nhà văn Nguyễn Sỹ Tế đã ngồi tù Cộng Sản 12 năm, từ 1976 tới 1987. Trong một lúc tâm sự với người viết bài này, ông nói cộng sản thù ông vì bài “Ðể Tiến Tới Một Chủ Nghĩa Xã Hội với Bộ Mặt Người” viết một năm sau khi miền Nam thất thủ. Ông từng bị kiên giam hơn một năm; ít ai có thể sống sót khi bị cùm riêng lâu như thế, một mình trong một cái cũi nhỏ xíu để giữa trời, ngày qua ngày, đêm qua đêm, trong nắng lửa và mưa bão. Ông cho biết nhờ một học trò vẫn ném vào cho ông những viên vitamin, nếu không ông đã không thể tồn tại. Lúc được rời cũi kiên giam, ông không thể đi được, vì hai chân đã cứng lại. Năm 1992, ông tới Hoa Kỳ và đã có thời làm trưởng ban Văn Học Viện Việt Học ở Quận Cam.
Nguyễn Sỹ Tế đã viết cho các tạp chí Phổ Thông của trường Luật Khoa Hà Hội. Vào Nam năm 1954, ông cùng nhóm Sinh Viên Hà Nội làm tờ Lửa Việt đặt tòa soạn tại một túp lều trên nền đất Khám Lớn Sài Gòn. Lửa Việt là tiền thân Sáng Tạo sau này, ba người chủ trương Lửa Việt sau là ba người trong số bảy người trong ban chủ trương Sáng Tạo: Nguyễn Sỹ Tế, Trần Thanh Hiệp, Thanh Tâm Tuyền (chủ nhiệm Mai Thảo của Sáng Tạo không thuộc nhóm sinh viên di cư, đến với Lửa Việt như một người gửi bài tới.) Tại hải ngoại Nguyễn Sỹ Tế viết thường xuyên cho tờ Khởi Hành cũng như trước 75 ông viết thường xuyên cho tờ Thời Tập.
Tác phẩm đầu tay của ông tại hải ngoại là Khúc Hát Gia Trung do nhóm LMN in tại Ðức năm 1994, thi tập này là một phần trong dự án (năm thi phẩm cùng phát hành một ngày tại Ðức: bốn thi phẩm kia là Hóa Thân của Viên Linh, Lời Viết Hai Tay (hai tay đều bị còng số 8, có nghĩa là tập thơ viết trong tù) của Cung Trầm Tưởng, Thơ Tô Thùy Yên của Tô Thùy Yên, Viết Từ Phương Ðông của Mai Vi Phúc. Mỗi thi sĩ có thi tập in lúc đó đều được trả nhuận bút US 1,000 ngay hôm ra mắt. Dự án này do Mai Vi Phúc chủ nhà xuất bản LMN ở Ðức và Viên Linh, chủ tịch Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại thực hiện [LMN là chữ viết tắt tên họ của ba người chủ trương nhà xuất bản: Lê Trọng Phương, Mai Vi Phúc, Nguyễn Nam]. Hơn ba trăm người đã tham dự ngày thơ nói trên tại Dormund cũng như mấy ngày sau tại Berlin.
Ðể viết về người bạn vong niên, những ngày đáng nhớ nhất của chúng tôi là thời gian đi dự Ðại Hội Văn Bút Quốc Tế năm 1994 tại Prague, Tiệp Khắc. Chưa bao giờ phái đoàn Việt Nam đông như thế, 9 người, khi điểm danh chỉ thua phái đoàn 11 người của Ðại Hàn. Chúng tôi gồm các anh Nguyễn Sỹ Tế, Cung Trầm Tưởng, Phạm Việt Tuyền, Cao Mỵ Nhân, Minh Nguyệt, Nguyễn Ngọc Nhuận (cựu thượng nghị sĩ, cựu đại tá VNCH), Ðỗ Kh., Lê Ðô, và trưởng phái đoàn. Ðó là năm thứ hai trong nhiệm kỳ của tôi. Chính trong đại hội này, nghị quyết tranh đấu cho các nhà văn bị cầm tù của Việt Nam - danh sách dẫn đầu bởi Tuệ Sỹ, Lê Mạnh Thát - đã được thông qua với tuyệt đại đa số, nghĩa là không có một phiếu trắng hay phiếu chống. Nghị quyết viết bằng tiếng Pháp, qua ngòi bút của anh Nguyễn Sỹ Tế. Tôi cũng nhờ anh làm phát ngôn viên tiếng Pháp khi cần. Theo thông lệ của PEN International, (Văn Bút Quốc Tế), cho dù phái đoàn đi đông bao nhiêu người, chỉ có hai người là đại biểu chính thức, được bỏ phiếu, tức là chỉ có anh Tế và tôi. Thế nhưng tới một lúc sắp bỏ phiếu để ủng hộ nghị quyết của phái đoàn Hung Gia Lợi (đòi dạy tiếng Hung ở Pays Basse, mà tôi đã hứa bỏ phiếu thuận, để đổi lấy phiếu của Hung cho nghị quyết Việt Nam lưu vong), thì vì nhịn đã quá lâu, anh Tế bảo tôi anh phải chạy ra ngoài hiên hút một hơi thuốc lá! Khi anh chưa kịp vào, tôi gọi anh Phạm Việt Tuyền vào thay chỗ anh Nguyễn Sỹ Tế, dự phòng lỡ ra. Quả nhiên, khi tác giả Bốn Phương Mây Trắng còn mơ màng với một đám mây do mình tạo ra ở ngoài hiên, thì ông tổng thư ký Alexandre Block, dùng tiếng Anh, kêu bỏ phiếu cho nghị quyết tiếng Hung. Ông không hỏi Ai thuận bỏ phiếu cho phái đoàn Hung, mà lại hỏi Những ai chống lại Nghị quyết của phái đoàn Hung? Anh Tuyền vì bất ngờ, dơ tay lên. Tôi buồn cười giật tay anh xuống. Lúc ấy thì anh Tế còn đang chạy vào. Anh cứ tiếc mãi. Hỏng quá! Hỏng quá!
Hơn 12 năm ở tù cộng sản chỉ vì một bài tiểu luận, chữ nghĩa đanh thép của Nguyễn Sỹ Tế, và của bất cứ kẻ sĩ nào quyết định “trí thức thì phải nói” (nói sự thật, và nói thật).
(Trích Hồi Ký Văn Học, chưa hoàn tất)
Một vài bài thơ chọn lọc của Nguyễn Sỹ Tế
Nhìn Khái Hưng
Tôi vẫn ưa nhìn một Khái Hưng:
Mắt thâu trời thẳm, bước xuyên rừng,
Tai nghe chim hót bên bờ suối,
Gác bỏ kinh kỳ chuyện đấu thưng.
Ai bảo Khái Hưng làm cách mạng
Hay làm văn hóa buổi giao thời
Anh em có việc thì ông giúp
Ông chỉ đi tìm cái đẹp thôi!
Tôi vẫn ưa nhìn một Khánh Giư:
Một trang tân học cốt nhà nho,
Ðã không thiên kiến đường kim cổ,
Chẳng để Ðông Tây lỗi hẹn hò.
Một bước vương chân vào chính trị,
Nát tan hồn bướm giấc mơ tiên.
Tài danh riêng để thơm tình bạn,
Mà hổ muôn đời lũ đảo điên!
Garden Grove 5.12.97
Không Xuân
Ðông cắt thịt trải tù buổi sớm
Lên sườn đồi.
Trưa, hạ như thiêu.
Chiều, thu lại điệu tù về trại
Tù thiếu mùa xuân, thiếu đủ điều.
Hạnh phúc nhỏ nhoi
Tên cán bộ hợm mình đấm bạo,
Chú vụng cơm lảo đảo lăn quay.
Cán đi, chú mở bàn tay,
Cười trông thấy nắm cơm nay vẫn còn.
Cơ hội cuối
Rừng núi bao la toàn khối nặng
Lạnh lùng che khuất cả trời xa,
Sườn non bỗng thấy trên màu lá,
Ngói đỏ nhô lên một mái chùa.
(Trích từ thi tập Khúc Hát Gia Trung,
tập thơ hồi niệm của một tội đồ, 1994)
__________________
Luật lệ đạo chích
Giới giang hồ có luật lệ riêng của họ mà người đời thường gọi là “Luật Giang Hồ”. Đi xa hơn, ta có thể nói tới một thứ luật của giới đạo chích. Câu chuyện sau đây là một bằng chứng.
Ở miền Trung châu Bắc Việt, hồi đầu thế kỷ 19, lúc còn thực dân Pháp cai trị nước ta, có một ngươì làm đạo chích rất nổi danh. Sức khoẻ của ông ta đã siêu quần bạt tụy, võ thuật lại còn vượt bậc. Về mặt con ngườì xã hội, ông còn là một người có lý tưởng công bằng, cứu nhân độ thế, trừ gian diệt bạo. Bởi thế, giới giang hồ chính thống vẫn nhìn ông với con mắt nể vì, coi ông như một người hiệp khách, thậm chí giữ vị thế của một trưởng môn võ công trong thiên hạ.
Chỉ xin nhắc lại dưới đây một vài thành tích trong rất nhiều thành tích đạo chích của ông. Nhà giầu có nào kín cổng cao tường biết mấy chăng nữa, ông cũng có thể ra vào dễ như không. Ông như thể một thứ bóng ma, xuất quỷ nhập thần. Những vấn đề rào dậu, gài bẫy khó khăn tới đâu ông cũng có thể giải quyết được. Do đó, nhiều thanh niên trai tráng trong toàn vùng rủ nhau đến thọ nghiệp ông rất đông đảo. Ông tận tụy chỉ bảo nghề nghiệp cho các đệ tử và buộc họ phải tuân theo một quy trình đào tạo khó khăn, nặng nề. Vì thế, ông cũng lại cực kỳ nghiêm khắc, giữ luật lệ gia môn mà trừng trị gắt gao những phần tử nào vi phạm nội quy. Học trò quý mến ông như cha mẹ, tôn vinh ông lên hàng đại sư phụ. Trong đám con em học nghề, có kẻ nóng nảy, nhẹ dạ, dại dột…, ông thường khuyên bảo nhẹ nhàng. Có kẻ vì hoàn cảnh gia đình, vì tính khí nông nổi mà phạm tội, ông sẵn sàng tha thứ, mở lòng thương cứu giúp. Tình thương bao la của sư phụ khiến kẻ đó hối lỗi, chấp nhận mọi hy sinh, nếu cần, để bảo toàn danh dự và an bình cho mọi người đồng môn.
Một năm kia, một chú thanh niên nọ, ờ một huyện xa, đã tới khẩn khoản sư phụ cho thụ nghiệp, hứa sẽ tuân thủ mọi luật lệ, mọi phép tắc, mọi chỉ giáo trong sinh hoạt chung dưới quyền lãnh đạo của sư phụ.
Quả như lời hứa, chàng tân tòng tỏ ra ngoan đạo vô cùng, thầy và bạn ai ai cũng quý mến. Ròng rã ba năm trời, trò luôn luôn cặp kè ở bên thầy. trong những cuộc xuất lâm hay hạ sơn hành nghề hay thực tập, thường khi người ta thấy học trò bám sát theo thầy. Có lần hai thầy trò đã lén vào đến trung tâm của mục phiêu rồi, thầy lại ra lệnh ngừng hoạt động, suy nghĩ giây lâu, cuối cùng lại ra lệnh cho trò cùng ông rút lui. Trò hỏi lý do trên đường về, thầy giải thích: “Ta nhìn nơi thờ tự, lại nghiệm địa lý của căn nhà phú hộ này thấy gia chủ có nhiều phúc đức phù hộ, nên ta nghĩ không nên động tới mà gây họa cho người ta, có khi chính mình còn lãnh hậu quả chẳng lành nữa!” Ở nhiều chỗ khác, ông cũng có những giải thích và bình luận về kỹ thuật phòng thủ của các gia chủ và cách gỡ rối để đột nhập mục phiêu, vô hiệu quả mọi chướng ngại như đinh để làm chông, thuốc độc để gây lở loét da thịt, giây và chuông báo động, thòng lọng để tròng vào cổ kẻ dại dột … Sau những lúc đó, nhìn thấy những xử sự và tiến bộ của người học trò, sư phụ tỏ ra đắc ý và tin tưởng lắm. Tình thân thương giữa hai người mỗi ngày một sâu đậm. Thậm chí mới mùa đông năm trước, người học trò đã mạo muội mời sư phụ về thăm quê mình, vào tận gia đình mình cho nội nhân diện kiến và tạ ơn.
Đến mùa đông năm sau, một biến động khủng khiếp đã xảy ra khiến cho kẻ mất người còn, công cuộc của sư phụ cùng các đệ tử phải bỏ dở một thời gian, đình chỉ hoạt động, tạm thời rã đám. Số là anh chàng đệ tử cuối cùng lâm nạn. Lâm nạn hoàn toàn là do chính anh ta đã không nghe lời khuyên bảo, căn dặn ngăn cản … Bởi tết nhất đã tới gần, nhà anh chàng vốn nghèo, năm đó lại mất mùa, nên càng cùng quẩn, không có cả khả năng mua sắm lễ lạt mọn để thờ cúng tổ tiên. Chàng đệ tử sinh ra nghĩ quẩn. Anh tính tới con đường cùng là tự mình và một mình lẻn đi ăn trộm một mẻ cuối năm, nơi một nhà phú hộ ở huyện bên. Căn nhà đồ sộ và ngóc nghách của ông này, anh ta đã có một lần tới viếng thăm trong đêm khuya cùng với sư phụ. Trong đêm trăng khuyết, hai người bò qua bò lại trên mái nhà, dừng lại ở mỗi góc, ngoái cổ nhìn xuống sân vườn bao quanh căn nhà. Lúc trở ra thì tiếng chuông nhà thờ xa đã điểm hai giờ sáng.
Trên đường về, đệ tử chăm chú lắng nghe lời phê phán của sư phụ: “Căn nhà đó vào thì dễ mà ra thì khó! Của cải nhiều để rải rác khắp nơi. Không một tiếng chó, tiếng mèo, Các thứ ấy dễ cho vào xiếc, vô hiệu hóa. Sân rất cứng, tường xây dầy, một đêm không thể đào tường khoét ngạch cho xong được. Chỉ có mỗi một lối vào khả thi, đó là mái nhà. Phải tìm đúng chỗ nơi có vết tích sắp xếp ngói không thể nào đúng hệt như mọi chỗ …” Sau một hồi suy nghĩ, sư phụ kết luận: “Chắc chắn là có bẫy. Loại gì chưa biết. Thật là thiên nan, vạn nan!”
Sau kỳ đi khảo sát đó với sư phụ, đệ tử xin phép về quê thăm gia đình và ăn tết. Sư phụ vui vẻ dúi cho một món tiền túi, một gói quà và những lời thăm hỏi gia đình rất ân cần.
Bẵng đi nửa tháng, một đêm trung tuần tháng chạp, sư phụ thao thức suốt đêm, không chợp mắt. Sáng dậy, tiếp tục bồn chồn, quên cả rượu trà. Một linh cảm mỗi lúc một rõ: có chuyện chẳng lành xảy ra cho ngươì đệ tử. Hoàng hôn, cơm nước xong xuôi, sư phụ vác một con dao dài, leo lên lưng ngựa tìm đến căn nhà phú hộ mà mơí đây ông vừa nghiên cứu, khảo sát với tất cả một túi kinh nghiệm trong nghề đạo chích của ông. Khi đến nơi thì đêm đã khuya, nhìn sao trên trời, ông ước tính đã nửa đêm.
Buộc ngựa nơi một khu rừng gần, sư phụ vội vàng đột nhập khu nhà của phú hộ. Ông thoăn thoắt chuyền từ cành này qua cành kia, leo lên mái nhà, bò đến chỗ ông đã nghi ngờ lần trước. Vừa đến nơi, ông đã thấy năm sáu viên ngói đã được rở ra, để lộ một lỗ hổng và một cái đầu người. Thầy bổ nhào tới. Quả tình trò đã lâm trọng nạn. Bốn con mắt nhìn nhau, bên kinh hoàng, bên tuyệt vọng. Một phút dài bằng thiên thâu…
Chỉ một thoáng sau, trò cúi gục đầu, lẩm bẩm nói lời tạ tội cùng sư phụ: “Con là kẻ bất hiếu, bất mục, đã không nghe lời của thấy. Con đáng tội chết. Xin thầy tha thứ cho con. Con vô phúc quá!...” Thầy cũng nói điều thật lòng: “Bao giờ thầy cũng thương con. Lúc này hơn lúc nào khác!” Nghỉ một vài giây, ông lại tiếp tục nói đến chuyện nhãn tiền: “Con đã lọt vào cạm bẫy không còn đường giải cứu. Con đã chôn cả nửa thân mình vào một chum lớn đựng một thứ mật dẻo. Nếu chỉ có thứ mật dẻo không thôi thì dùng sức người ngoài cũng có thể rút con ra được. đằng này, thứ mật dẻo lại được tên gia chủ ác ôn pha vào một thứ thuốc bột đặc biệt khiến cho mật trong một thời gian ngắn trở thành đông đặc đến độ không có cách nào rút chân ra được!” -Trò rẩu rĩ và ẩn nhẫn nói: “Tức là con không tránh khỏi cái chết?” -Thầy: “Đúng thế!”
Ông thầy đứng thẳng người lên, khấn vái thiên địa, tổ sư và gia tiên trò. Sau đó ông lại ghé vào tai trò mà phán: “Chết cũng có nhiều thứ, có cái nhục, có cái vinh. Khi đã sinh nghề là có tử nghiệp. Con nên nhận lấy một cái chết bởi bàn tay sạch. Ta sẽ chu toàn việc mai táng cho con nếu chẳng đầy đủ mọi phần thì cũng tạm thời có được cái thủ cấp. Ta sẽ sớm sủa báo cho vợ con, tính chuyện đưa nó đi sinh sống ở một nơi xa xôi khác, một thời gian lâu hay mau. Cuối cùng nó sẽ lại trở về quê cũ sống với mọi người .” Trò vái lạy ông ra vẻ chấp nhận cái bản án bất đắc dĩ dành cho hắn.
Tức thì sư phụ đứng phắt lên, rút cây đại dao dắt bên mình, dơ cao nhìn vào cái đầu của trò gục xuống. Một ánh thép lóe lên dưới trăng khuya, Chiếc đầu đứt lìa khỏi gáy, nhưng vẫn còn một chút da cổ chưa hề hấn, giữ cái đầu khỏi rớt xuống đất. Thầy túm lấy một mớ tóc của trò, xách cái đầu lên, nhấc ra khỏi cổ một cách nhẹ nhàng, tự nhiên. Lối chém này là “chém treo ngành”, chém còn để lại một phần nhỏ của vật khả dĩ không cho nó lìa hẳn khỏi gốc mà bay ra chỗ khác.
Lời hứa với kẻ tử tội đã được ông thầy giữ trọn vẹn. Chiếc đầu của người học trò đã được sư phụ đem lên chôn cất trên một ngọn núi cao rất hiểm trở. Tin đã được báo về cho vợ người học trò hay. Thầy lúc nào cũng sẵn sàng ứng phó hoàn cảnh vì tất nhiên câu chuyện chưa đến hồi kết thúc. Nếu chỉ có một mình thầy dính vào cái vụ đạo chích thì chẳng còn điều gì đáng nói cả. Ở đây câu chuyện anh chàng đạo chích lại có gia đình và để lại một chứng cớ bất lương là một cái xác không đầu kẹt trong chum mật pha thuốc.
Một tuần sau, ở huyện bên, huyện đường tổ chức một cuộc truy lùng gốc gác của kẻ đạo chích. Mõ đi rao khắp trong mọi tổng làng, mời dân chúng đúng ngày ấn định để chứng kiến một vụ điều tra của nhà chức trách về cái vụ đạo chích trước đó. Tiếng chuông, tiếng trống đánh lên inh ỏi. Từng toán lính của huyện nha kẻ mang giáo, kẻ vác súng trường đi diễn hành trước, một toán khiêng dụng cụ tra tấn đi sau. Dân chúng đứng chật hai bên đường. Viên tri huyện ra lệnh cho mang ra trình làng cái xác không đầu của phạm nhân. Người ta kêu lên một tiếng hãi hùng. Viên thừa lại của huyện đọc to qua một cái loa, lệnh của tri huyện: “Hỡi bà con trong huyện, hãy lắng nghe cho kỹ. Một vụ đạo chích chết người vừa xảy ra một đêm nọ trong huyện nhà. Thủ phạm khi tẩu thoát còn để lại một cái xác không đầu. Bà con hãy nhìn cho rõ cái xác đó với các đồ quần áo đã rách nát trên người hắn. Nếu đúng là thân nhân của bà con nào thì xin ra khỏi hàng để nhận xác và chịu tội. Nếu không, sau này nhà chức trách điều tra ra manh mối thì thân nhân đó phải chịu tội gấp hai lần!” Cái xác bất toàn được lính kéo lê trên con đường dài, hai bên có công chúng đứng coi. Tiếng kêu, tiếng sỉ vả, thậm chí tiếng cãi nhau om xòm của người dự kiến làm cho quang cảnh thêm nhốn nháo. Xác dẫn gần tới gần cuối đoạn đường, bỗng có một người đàn bà ăn mặc lấm lem, toan tách ra khỏi hàng, khóc bù lu bù loa. Liền đó, có một người đàn ông trung niên vạm vỡ, quắc thước có râu mép tỉa vênh lên, chạy lại nắm lấy tay và vai của người đàn bà, vừa đánh đập, vừa lôi đi, vừa quát tháo: “Mày là một con mụ lăng loàn, hư hỏng, tối ngày đi đàng điếm, cờ bạc. Dạy dỗ, đánh đập mấy cũng không chừa. Mới tối hôm qua đây, tao vắng nhà một lát, mày xách cái mâm đồng đi đánh bạc thua sạch. Tao đã hết lời răn đe, bảo đi cầm chiếc mâm đồng ở đâu, tao đem tiền đi chuộc về. Mày không nghe, mày chối cãi, mày thề thốt, mày khóc lóc. Bây giờ ra đến đây rồi mày còn giở trò…”
Người đàn bà vẫn khóc lóc van xin. Người bên đường đứng ra can ngăn. Người đàn ông được thể càng cao giọng giảng nghĩa lý. Khi người đàn bà toan lăn ra đường, người đàn ông lôi cổ đứng dậy rồi lôi luôn đi theo mình trên dọc đường: “Về nhà rồi mày sẽ biết tay tao!”
Đi được một quãng ngắn, người đàn ông kéo người đàn bà vào một cái miếu thờ bên đường. Họ đi vòng qua sau miếu, nơi đó có một con ngựa buộc đang chờ họ. hai người mau lẹ trèo lên lưng ngựa, phi về một nẻo rừng trùng điệp ở trước mặt. Người đàn ông chính là sư phụ đạo chích và người đàn bà chính là vợ anh đệ tử xấu số.
Nguyễn Sỹ Tế
01-30-05
__________________
Nguyễn Sỹ Tế, tác giả - tác phẩm
Nguyễn Mạnh Trinh
Nguyễn Sỹ Tế là một khuôn mặt văn hóa và trí thức có thể nói là tiêu biểu cho một thời kỳ lịch sử đặc biệt của dân tộc Việt Nam. Ông là một nhà thơ, một nhà văn và rất trân trọng văn chương chữ nghĩa. Đọc thơ văn của ông, thấy được tấm lòng với nghệ thuật. Dù đời sống thực tế có nhiều thăng trầm nhưng tâm tình của ông vẫn khoan hòa và trong bất cứ hoàn cảnh nào, văn chương vẫn là của thẩm mỹ quan sâu sắc và chính xác. Là một nhà giáo dục, làm hiệu trưởng trường trung học Trường Sơn và là giáo sư của nhiều viện đai học Việt Nam như Đại Học Sư Phạm, Đại Học Vạn Hạnh, Đại Học Đà Lạt, Đại Học Cần Thơ và có nhiều môn sinh thành đạt. Là một nhà văn hóa, ông có nhiều đóng góp vào những công trình giá trị trong mục đích bảo tồn văn hóa dân tộc và tiếp nhận những tinh hoa của các nền văn hóa khác.
Nhà văn Nguyễn Sỹ Tế sinh năm 1922 tại Vụ Bản, Nam Định. Gia đình bên nội và bên ngoại đều thuộc hàng Nho Học khoa bảng. Ông đã theo học chữ Hán nhiều năm trong gia đình, học trung học tại trường Thành Chung- Nam Định, trường Bưởi – Hà Nội và tốt nghiệp Đại Học Luật Khoa Hà Nội. Ông bắt đầu đi dạy học năm 1945 và từ đó đã viết văn làm thơ đăng báo. Và sự nghiệp giáo dục của ông đã kéo dài đến năm 1975 qua nhiều nơi, nhiều trường từ Bắc đến Nam. Ông đã làm phụ khảo môn Dân luật và Quốc tế Tư pháp cho giáo sư Vũ Văn Mẫu khoa trưởng Đại Học Luật Khoa Sài gòn trong những năm đầu khi chương trình học được chuyển đổi từ Pháp ngữ sang Việt ngữ (thời gian năm 1956-1958). Ông cũng là giáo sư của môn kịch nghệ trường Quốc Gia Âm nhạc và Kịch Nghệ Sài Gòn cũng như là giáo sư thực thụ hoặc thỉnh giảng của các Viện Đại Học ở miền nam. Về hoạt động chính trị ông cũng là một khuôn mặt chính khách có khuynh hướng Quốc gia, đã tham chính làm Chánh Văn phòng cho Bộ trưởng Ngoại Giao Phan Huy Quát năm 1964. Ông bị chế độ Công sản cầm tù khổ sai trong 11 năm từ 1976 đến 1987 tại các trại tù Gia Trung và Hàm Tân. Ông định cư tại Hoa Kỳ năm 1992 và đã từ trần năm 2005 tại Quân Cam, Nam California.
Ông đã viết, cộng tác hoặc chủ trương rất nhiều tờ báo ở Hà Nội, Sài gòn và ở hải ngoại. Đặc biệt ông là một trong những nhà văn di cư chủ trương tờ báo Chuyển Hướng và Người Việt trong giai đoạn sau năm 1954 di cư vào Nam cùng với nhà văn Doãn Quốc Sỹ và sau đó cùng với các nhà văn Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Doãn Quốc Sỹ …chủ trương tạp chí Sáng Tạo khởi đầu cho một cao trào văn chương bắt đầu cho Hai mươi năm văn học miền nam đầy chất sáng tạo và khai phá.
Tác phẩm của ông: về thi ca: Khúc hát Gia Trung và Chants D’Ya (thơ Pháp ngữ). Truyện ngắn Chờ Sáng, truyện dài: Gió Cây Trút Lá, trường thiên hai quyển : Bốn Phương Mây Trắng. Khảo luận Tiểu luận Văn Hóa Giáo Dục. Kịch ngắn : Mưa ; Trắng Chiều. Ngoài ra ông còn viết các bộ sách giáo khoa cho học sinh trung học như Quốc Văn Toàn Thư. Và các tập sách giáo khoa cho sinh viên Đại học như Phương pháp luận về văn học sử, văn thể học, thi ca luận, phê bình luận, các trào lưu văn học tây phương thời hiện đại, …
Nếu qua báo chí sách vở thì tôi đọc ông rất sớm từ lúc còn là cậu bé học sinh trung học đệ nhất cấp. Tôi đọc những bài viết của ông đăng trong tạp chí Sáng Tạo ký tên Người Sông Thương với tâm tư của một cậu học trò học hỏi chuyện văn chương mà lúc đó tôi thấy xa vời và quá sức... "vĩ đại”. Tôi nhớ không quên cảm giác tôi mua được cuốn sách Chờ Sáng bìa mầu trắng bạch rất trang nhã ở tiệm sách cũ ở gần trường tư thục Trường Sơn của thầy Nguyễn Sỹ Tế. Những cuốn sách cũ làm tôi ham mê đến nỗi phải nhịn đói buổi điểm tâm sáng hoặc cuốc bộ để hà tiện tiền xe buýt đến trường…
Tôi coi ông như một vị thầy đáng kính mến mặc dù tôi chưa học ông bao giờ. Đối với ông, qua những lần cùng các anh em đến thăm ông tại tư gia ông hay trong những buổi gặp mặt tại quán xá, tôi vẫn giữ một khoảng cách lễ độ của một người học trò với một người thầy.
Tôi nhớ vào khoảng năm 2005 lúc thầy bị bệnh thì một bữa vào buổi sáng cuối tuần gặp anh Duy Lam và tôi mới được anh nói về tình cảnh của nhà văn Nguyễn Sỹ Tế. Mấy tháng trước tôi có nghe là ông bị bệnh nặng và phải vào bệnh viện nằm. Nhiều người muốn thăm viếng nhưng gia đình ngại nên chỉ có vài người bạn thân đến thăm thôi. Đến nay, theo lời anh Duy Lam kể lại thì ông đã bị hôn mê từ đó đến giờ. Lúc đó dù bác sĩ ngần ngại khi ông muốn mổ van tim vì tình trạng cơ thể của ông sợ không chịu đựng được những phản ứng khi chữa trị. Sở dĩ ông muốn giải phẫu để có sức khỏe tốt đủ để hoàn tất bộ trường thiên “Bốn Phương Mây Trắng” mà cuốn đầu tiên đã hoàn tất và do chị Trương Anh Thụy của “Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông Hoa Kỳ“ ấn hành. Bộ trường thiên này trước đã đăng từng kỳ trên tạp chí “Phụ nữ Việt” của anh Long Ân và khi anh còn sinh tiền cũng nỗ lực nuốn in tác phẩm này.
Nhà văn Nguyễn Sỹ Tế trong lúc cuối đời đã thể hiện tấm lòng với văn chương thật là đáng kính trọng. Qua sự kiện nói trên, tôi nhận thấy một điều, khi tuổi già và quỹ thời gian gần cạn thì văn chương chính là những ước muốn được trân trọng nhất. Nhà văn Nguyễn Sỹ Tế đã muốn hoàn thành bộ trường thiên của mình cũng như những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng của văn học Việt Nam như Thanh Nam, Nguyên Sa, Trần Hồng Châu… khi nằm trên giường bệnh trong cảnh gần đất xa trời cũng vẫn tâm đắc và lo lắng về tác phẩm đang được in. Hình như, cuộc đời rốt lại chỉ còn là những trang sách giở để lại cho hậu thế.
Nói đến tên tuổi Nguyễn Sỹ Tế, người ta thường nghĩ về nhiều phương diện. Là một nhà giáo, hiệu trưởng trường trung học Trường Sơn, là giáo sư thỉnh giảng của nhiều viện đại học ở miền Nam Việt Nam. Là một nhà báo, ông đã chủ trương những tạp chí kỳ cựu nhất có sự góp mặt của nhiều cây bút thời danh từ lúc sau cuộc di cư năm 1954 và là cái nôi để những người viết mới thuở đó có cơ hội chiếm lĩnh văn đàn sau này. Là một nhà thơ, khi ở hải ngoại sau một thời kỳ bị đầy ải, ông đã in “Khúc Hát Gia Trung” và “Chants D’Ya” thơ Pháp Ngữ. Là nhà văn, ông đã xuất bản “Chờ Sáng” và “Bốn Phương Mây Trắng”. Là nhà phê bình văn học, ông đã mang kiến thức về nghệ thuật nhân văn và triết học để có những nhận xét chính xác và sâu sắc về những trào lưu văn chương Việt Nam và thế giới.
Như bài thơ “Phiêu“, ông đã hòa mình vào thiên nhiên để tìm lại những an tĩnh cho cuộc sống. Thơ vượt trên những độ thấp của cuộc sống để đến những cao rộng của nhân sinh:
“Cỏ rêu nở nụ hoa vàng
Một con suối nhỏ lang thang trong rừng
Khói tuôn mép rẫy ngập ngừng
Đôi ba mái lá ngủ lưng chừng đồi
Non mờ chắn lối xa xôi
Bốn phương mây trắng một trời hoang liêu
Gió lên thung đã rất chiều
Nhân sinh trọn một chữ “phiêu” vô tình!”
Hình như cảnh và người có một chút gì phảng phất liên quan với nhau. Dù thực tế của những đọa đầy tù ngục nhưng người đọc cảm thấy trong thơ có một sự an nhiên tự tại.
Hơn thế nữa, Thơ của ông có man mác thi vị của thời xa xưa. Dù, nói về nỗi đau hôm nay. Dù, là nỗi niềm của những kẻ sĩ bị nung nấu trong lò cừ thời cuộc. Thơ có ngôn ngữ mà người đọc dễ liên tưởng đến những thầm trao, những gửi đến. Thi sĩ gợi lại những hình ảnh cũ xưa, của một cảnh tượng đền đài nào gợi lại một thời hoàng kim nhưng nay hoang phế. Trong cái chạnh lòng, của cảm khái tâm sự, vẫn có tấm lòng vượt lên trên cuộc sống để có cái nhìn lạc quan cho tháng ngày hiện hữu bây giờ. Như bài “Phương Hải Tần”:
“Giã từ thành quách hoang liêu
Trăm năm để hận một chiều nước mây
Mái sương chia nửa chốn này
Nghe tâm tư động sáu giây nguyệt cầm
Khúc nghê thường những huyễn âm
Vành môi ngọc thụ một mâm hoang đường
Đan thanh khép kín nẻo tường
Bước chân hoang dại nhớ phương hải tần
Lên cao giũ áo phong trần
Xuống khe gột rửa nợ nần hôi tanh
Một mùa xuân thật hiền lành
Cỏ cây dệt mộng áo xanh trong đời. ”
Thơ là người. Có người nói như vậy bởi vì qua không gian và thời gian của thơ thì đời sống biểu hiện chân thực bằng chân dung tạo thành bắng ngôn ngữ vần điệu. Ông đã làm thơ, như một cách thế gửi chính mình, “Gửi hành nhân” :
“Gửi người lặng lẽ đăng trình
Hơi sương lạnh lẽo bình minh tới gần
Gửi người tìm chốn nương thân
Bếp không lửa tắt thập phần ủ ê
Gửi người đi chẳng trở về
Hẻm cùng ngõ cụt bốn bề lặng yên
Gửi người chạy trốn đêm đen
Một trang lịch sử ố hoen quê nhà! “
Người đang đi trên những quãng đường núi sọ. Là ai? Có phải là cả một thế hệ Việt Nam trong thời thế ngả nghiêng của chiến cuộc. Có chút chia sẻ nào với thơ “Khúc hát Gia Trung” và Chants D’Ya”?
Dù là ở thế hệ sau của thi sĩ, nói cho cùng tôi cũng là một “hành nhân” trong một cuộc đăng trình bất đắc dĩ. Là kẻ đi tìm chỗ nương thân nhưng chỉ toàn gặp nơi ”bếp không lửa tắt”. Cũng có thể là người đi chẳng thể trở về nơi dù là hẻm cùng ngõ cụt vẫn lạnh lùng lặng câm. Là người chạy trốn đen tối của một thời lịch sử? Có phải không những nỗi niềm chung mang của cả một thế hệ?
Có người nhận định Thơ của ông trầm mặc và đẫm màu suy tư. Có phải hình ảnh ông thầy giáo đã chiếm nhiều phần hơn con người thi sĩ?
Tuy có chừng mưc, có đạo mạo, có nghiêm chỉnh nhưng thơ của ông cũng không thiếu vẻ thơ mộng lãng mạn. Trong cái nhìn trong sáng không bị vẩn đục bởi những trăn trở đa đoan của cuộc sống, có khi là cái nhìn siêu thoát nhiễm mùi đạo học. Không phải đó là sự trốn tránh hiện thực mà chính là sự đi tìm cái thẩm mỹ quan để thăng hoa đời sống. Thí dụ như :
“rừng núi bao la toàn khối nặng
lạnh lùng che khuất cả trời xa
sườn non bỗng thấy trên màu lá
ngói đỏ nhô lên một cảnh chùa.”
Có phải Nhà Văn Nguyễn Sỹ Tế không chiến đấu bằng ngòi bút. Ông chỉ giáo dục, cảm hóa người khác bằng ngòi bút?
Nếu có nhận định trên bởi vì trong thơ văn lúc nào ông cũng khoan hòa nhân ái với mọi người ngay cả với những kẻ đã gây ra những thảm kịch cho đất nước, những kẻ đã đày ải bóc lột và đối xử dã man tàn ác với ông và đồng bào ruột thịt. Tôi thì nghĩ rằng mỗi tác giả đều có một tâm tư riêng một cảm nhận riêng nhưng văn chương mà hướng về cái đẹp, cái thiện là đáng tôn vinh. Một tác giả mà tôi nghĩ lúc nào cũng tràn đầy cái thiện, cái đẹp trong tác phẩm là nhà văn Doãn Quốc Sỹ. Ông cũng như nhà văn Nguyễn Sỹ Tế dù viết về đời sống lao nhục khổ ải lúc nào cũng chan chứa tâm tình trong sáng, yêu mình nhưng cũng yêu người và nhân sinh quan tràn đầy lạc quan dù thực tế toàn là những bóng tối bi đát.
Có người lại nói ông được biết đến là một nhà giáo dục, một nhà văn hóa, một nhà văn hơn là một nhà thơ? Theo tôi, thì ở trường hợp ông, thơ náu vào bên trong tâm tư trong khi ở thể văn xuôi và khảo luận thì trình diễn ra bên ngoài. Cả khi ông viết khảo luận bàn về thơ ký tên Người Sông Thương trên tạp chí Sáng Tạo ngày xưa có nhiều tìm kiếm cái mới lạ cho con đường sáng tác nhưng trong cái thâm trầm vẫn thấp thoáng những chân trời cổ điển của thơ đời Đường Tống của Trung hoa thời xưa hay thi văn đời Lý Trần của Việt Nam nhiễm nhiều thiền vị của đạo học. Đó là ý kiến riêng rất chủ quan của tôi. Và tôi nghĩ, có lẽ còn phải bàn luận nhiều về chủ đề trên.
Một nhà văn ở trong nước, Ngọc Trúc, có bài viết đăng trên báo Tuổi Trẻ về một kỷ niệm với thầy hiệu trưởng Trường Sơn: “lên cấp 3, tôi vào ban văn chương. Giờ học đầu tiên, thầy hiệu trưởng Nguyễn Sỹ Tế (giáo sư triết) đích thân đến lớp chúng tôi để giới thiệu ban giám hiệu và các giáo sư (các ban khác thì thầy hiệu phó hay giám thị đến). Thầy nói một câu mà chúng tôi rất tự hào và nhớ mãi: ”Xin trân trọng kính chào lớp hậu bối. Các em chọn ban văn chương có nghĩa là các em đã đến với môn học được xếp vào hàng cao quý nhất! các em có biết trong tất cả các lễ trao giải giải thưởng của ngành giáo dục trong nước cũng như trên toàn thế giới, phần thưởng môn văn sẽ được chính nguyên thủ quốc gia hoặc người nào giữ chức vụ cao nhất có mặt tại buổi lễ đích thân trao tặng đầu tiên”.
Không chỉ dưới mắt thầy cô, chúng tôi những học sinh chuyên văn luôn được yêu quý và trân trọng. Trong mắt bạn bè các lớp chuyên văn lúc nào cũng là thế giới hấp dẫn các bạn khác phái cùng trường lẫn khác trường. Chúng tôi rất hãnh diện vì mình đang học ban văn chương. Thế rồi 20 năm sau. Năm lớp 9, con gái tôi đoạt giải nhất môn văn cấp thành phố. Tôi cũng hãnh diện đi theo con mình đến Hội trường Thống Nhất để dự lễ trao giải thưởng. Thật lòng thời điểm đó chuyện cơm áo gạo tiền cứ cuốn hút tôi lao vào nên mọi chuyển biến trong xã hội tôi ít biết. Cho đến lúc trao giải thưởng môn văn khi nghe một giáo sư nói: ”Ngày nay trước thực trạng đa số các em học sinh thờ ơ với môn văn chúng tôi những người làm công tác nghiên cứu và giảng dạy văn học cảm thấy vô cùng có lỗi với các bậc tiền bối Nguyễn Trãi, Nguyễn Du tiên sinh…”. Tôi bất chợt bàng hoàng nghe rưng rưng nước mắt. ”
Tôi biết tại sao học sinh chán môn văn mà một người cầm bút ở trong nước đã viết. Học về những Hồ Chí Minh, Tố Hữu hay những văn nô khác hoặc những bài văn thơ tuyên truyền phục vụ cho chế độ thì làm sao có hứng thú được?
Tác phẩm Chờ Sáng là tập truyện ngắn của ông in năm 1961. Viết “Chờ Sáng“, nhà văn viết trong tâm cảnh của một người di cư đến đất lạ. Là tâm cảm của một người lữ khách, đi tìm những lôi cuốn của xã hội mới nhưng vẫn còn mang nặng tâm cảm của một người xứ Bắc. Trong hoàn cảnh trại tạm cư lều Phú Thọ hay đại học xá Minh Mạng của những ngày miền Nam mưa nắng hai mùa ấy, những ước vọng cũng như những nỗi niềm đã cống hiến cho văn chương khởi đầu những hứa hẹn của bình minh rực rỡ. Như Nguyên Sa đã viết về những ngày đầy hứng thú chiếm lĩnh văn đàn để trở thành một trào lưu văn học in hằn tâm tư kẻ sĩ của một thời đại lịch sử đầy biến cố. Tạp chí Sáng Tạo, Hiện Đại, Bách Khoa, Thế Kỷ Hai Mươi, …đã có mặt đúng thời đúng thế và tạo được những đóng góp vào văn chương dân tộc.
Khi viết trong tạp chí Sáng Tạo, đôi khi ông dùng bút hiệu Người Sông Thương trong những bài tiểu luận về thơ. Điều ấy chứng tỏ cái tình quê hương đã bắt rễ ăn sâu vào ông để trở thành một bản sắc thấy rõ trong những điều diễn tả.
Những truyện ngắn là những nhịp cầu nối liền những kỷ niệm nơi chốn xưa, Hà Nội, và, bây giờ, Sài Gòn, đã thành một hành trang để người cầm bút có thể trang trải được món nợ với quê hương, dân tộc. Không còn là người lữ khách ghé thăm qua nữa, mà, là ở lại để tạo dựng một cơ đồ mới, một cuộc sống mới. Niềm tin tưởng ấy, có lẽ là một trong những động lực để văn học lên đường nghệ thuật lên ngôi. Những thành quả của hai mươi năm văn học Miền Nam chứng minh điều ấy…
Ở vị trí của một người tị nạn Cộng sản từ miền Bắc vào, lẫn lộn giữa niềm hoài nhớ quê hương vừa xa và nỗi háo hức xây dựng một nền văn học mới thể hiện được khát vọng và ý hướng của những người Việt Nam yêu nước, ông viết bằng tâm cảm thực của mình với ngọn lửa đốt lên từ những ước vọng và giấc mộng tuổi trẻ.
Tiểu thuyết thứ hai của ông “Gió cây trút lá” đã đuợc viết trong hoàn cảnh và tâm sự thế nào? Tác giả “Gió cây trút lá“ đã viết về tác phẩm của mình: ”…Cuộc di cư vĩ đại hơn một triệu người miền Bắc đủ thành phần xã hội đã mở ra một môi trường dân tộc mới cho tôi. Bao công việc nặng nề đang chờ đợi khiến tôi chưa có cơ hội để nghĩ sâu hơn nữa về tác phẩm dư tính của mìình.
Mặc dầu vậy, năm 1974 do thúc đẩy của bằng hữu và cũng của lớp trẻ miền Nam tôi cũng hoàn thành được một cuốn truyện dài hướng vào ý nghĩ và việc làm của giới thanh niên học đường tại miền Nam lúc đó. Bắc Nam gặp gỡ giao động rồi hòa hợp trong một thời đoạn ngắn từ 1954 đến 1963. Đó là cuốn truyện Gió Cây Trút Lá. Gió trút lá cây như thời thế trút bỏ những mặc cảm phân chia, nghi kỵ giữa con người và con người cùng chung một vận mệnh”
Tác giả đã thai nghén bộ trường thiên tiểu thuyết cuối cùng của ông, Bốn Phương Mây Trắng, trong không gian và thời gian đặc biệt của dân tộc. Theo ông sau năm 1963 tình hình đất nước biến chuyển mạnh. Chiến tranh tái diễn mỗi lúc một tăng cường độ và quay cuồng vì sự tham dự trực tiếp hay gián tiếp của các siêu cường ủy nhiệm qua các tay sai của ngoại bang. Sự can thiệp trực tiếp rồi tham chiến của quân viễn chinh Hoa Kỳ tạo thành một cuộc chiến tranh ý thức hệ và chấm dứt bằng hội nghị Paris năm 1973 để năm 1975 chế độ Việt Nam Cộng Hòa bị sụp đổ và Công sản miền Bắc chiếm được cả miền Nam. Với sự thành lập của chính quyền cộng sản tại miền nam một chương lịch sử dài đau thương đã khép lại thời gian chín mùi cho ông khởi sự viết Bốn Phương Mây Trắng như dự tính, tiếc rằng cơ hội vẫn chưa chp phép. Bởi vì ông bị 12 năm trong tù.
Như vậy chắc thời gian ở trong trại giam khổ sai cải tạo ông ngưng công việc cầm bút hoặc suy nghĩ về văn chương nghệ thuật?
Không hẳn như vậy. Theo ông kể thì suốt trong thời gian dài mười hai năm đằng đẵng nói trên, mỗi khi có dịp ông lại đem tác phẩm của mình ra suy nghĩ thêm, đào sâu vào các chủ đề, phác họa những nhân vật chính, dàn trải bố cục và sắp xếp hành động cũng như cá tính của nhân vật chính. Đương nhiên đây chỉ là suy nghĩ và sắp xếp trong đầu óc mà thôi. Đời sống khắc nghiệt của trại tù cũng không làm ông ngưng suy nghĩ về văn chương. Con tằm phải nhả tơ dù hiện tại không biết lúc nào được ra tù và nếu có viết được thì viết cho ai và phổ biến thế nào. Suy tư thì vẫn suy tư và tiểu thuyết Bốn Phương Mây Trắng vẫn cứ dầy lên trong ký ức.
Đến “Bốn Phương Mây Trắng”, tác giả Nguyễn Sỹ Tế viết trong tâm cảm của một người viễn khách. Bây giờ, dù quê hương vẫn hiển hiện nhưng đã xa xôi lắm rồi. Hành trình đi tìm cội nguồn có lẽ là ước vọng cuối đời. Thời đại ấy, chúng tôi đã sống. Nỗi niềm ấy, chúng tôi đã mang. Đoạn trường ấy, chúng tôi đã đủ. Thời thế ấy, bây giờ phải làm sống lại bằng văn chương. Để những lớp người đi sau hiểu được những trớ trêu của lịch sử và những bất hạnh của một dân tộc. Viết, để sống lại một đời. Viết, để tìm lại một thời …
Như vậy có sự gì khác biệt giữa văn phong cũng như thông điệp chuyên chở theo tác phẩm của hai thời kỳ văn học này của tác giả Nguyễn Sỹ Tế?
Từ “Chờ sáng“ của một lữ khách đến “Bốn Phương Mây Trắng“ của một viễn khách, tuy khác biệt nhưng vẫn là một. Vẫn là những ray rứt rất tiểu tư sản của thời kháng chiến. Vẫn là những nỗi niềm rất kẻ sĩ Đông phương trước một thế thời ngửa nghiêng.
Định cư ở Hoa Kỳ năm 1992 thì ông in và ra mắt tập thơ Khúc Hát Gia Trung năm 1994 rồi sau đó, ra mắt tập thơ Chants D’ Ya năm 1997. Những bài thơ này ông đã sáng tác trong tù nay nhớ lại và sửa chữa. Thơ, một phần là tâm cảm nhưng văn mới chính là thịt da tượng hình vóc dáng văn chương ông. Có lẽ, ông không muốn nói về một khuôn dáng chiến sĩ dù trong suốt một thời gian dài từ 1945 trở về sau, Việt nam là một chiến trường ác liệt. Mà, ông muốn vẽ lại một hành trình mà, trong đó, con người đã bị đẩy vào những tình trạng bất đắc dĩ. Với bản tính trầm lặng hiếu hòa, với cá tính của một nhà giáo, văn chương ông không có nhiều chất chiến đấu hiểu theo nghĩa đơn giản. Nhưng, trong cung cách diễn tả, vẫn là sự hào sảng của một người biết và hiểu được triết lý của cuộc nhân sinh. Không kêu gào bạo lực, không muốn tham dự cảnh tương tàn, nhưng vẫn phải nhập cuộc, hiểu theo một nghĩa tích cực.
Sau khi hoàn tất tập thơ Pháp ngữ ông chuyên tâm vào việc viết bộ trường thiên này. Những chương đầu tiên được đăng trên Phụ Nữ Việt của nhà văn Long Ân. Ông hoàn tất đuợc phần đầu gờm hai cuốn dày chừng hơn 7 trăm trang. Cuốn thứ ba đang viết dở dang mấy chương thì ông bệnh nặng và từ trần. Theo dự trù của ông bộ trường thiên này sẽ kéo dài thành nhiều cuốn lần lượt theo từng thời kỳ của lịch sử Việt Nam. Tác giả sau nhiều năm nghiền ngẫm nhất là khoảng thời gian bị tù đày mười hai năm, đã thai nghén và khởi đầu viết một trường thiên nhiều tập về quê hương và dân tộc chúng ta như một chứng nhân. Dù chỉ là một nhà giáo dạy văn chương nhưng ông cũng phải trải qua những thăng trầm của lịch sử vừa đóng vai chứng nhân vừa là nạn nhân. Ông đã phác thảo và khắc họa nên một số nhân vật thanh niên, nói chung là trẻ và đầy nhiệt huyết và nhiều cá tính không những chỉ ở hai nhân vật chính là Bạch và Vân mà ngay cả ở những nhân vật phụ như Mến, như Quân, như Chấn, như Lan, …tất cả đều là những thanh niên sinh trưởng trong những gia đình tử tế và nề nếp có lý tưởng và tâm hồn thì trong sáng ngay thơ khi bước vào đời. Nhưng chả mấy lúc họ đã bị đưa đẩy vào thời cuộc với những lốc xoáy thời đại. Họ bị thử thách cam go phức tạp về mọi phương diện từ cái học, cái tư cách, cái bản chất trong những hoàn cảnh của một cuộc chiến phức tạp. Qua những cơn bão tố, tiểu thuyết trường thiên mở ra những phận đời, kể về những cuộc đời mà đôi khi, những độc giả có cảm tưởng là mình đang đóng một vai trò trong đó.
Tiểu thuyết kể lại nhiều trang của lịch sử Việt nam, như vậy cái cương vị là người chép sử có ảnh hưởng đến công việc của một tiểu thuyết gia không? Nhà văn Nguyễn Sỹ Tế xác định mình chỉ là một tiểu thuyết gia. Những biến cố lịch sử dù trong khoảng thời gian của tiểu thuyết dù có quan hệ tới đâu cũng không được đề cập tới nếu không có liên quan với nhân vật hoặc bố cục của truyện. Như vậy tiểu thuyết này hoàn toàn hư cấu? Thực sự không hẳn như vậy. Tác giả đã dùng những kinh nghiệm đời sống thực của với những biến chuyển thời sự để tái tạo lại một thế giới khác, có không gian thời gian khác nhưng vẫn có hơi hướng của lịch sử. Nhân vật của lich sử dưới con mắt sử gia khác biệt rất lớn với nhân vật lịch sử của tiểu thuyết gia. Thẩm mỹ quan của tiểu thuyết gia khác với cái ý nghĩa về “chân” của sử gia.
Có nhận xét cho rằng trong tiểu thuyết Bốn phương Mây Trắng tác giả muốn tái tạo lịch sử theo chủ quan mình? Nhưng thế nào là tái tạo lịch sử? Lịch sử của tiểu thuyết gia khác với của sử gia. Như vậy danh từ tái tạo có lẽ không thích hợp lắm. Trong Bốn Phương Mây Trắng những nhân vật sống trọn vai trò của mình mang theo thông điệp của tác giả kèm theo. Danh từ thông điệp không biết có ý nghĩa rộng lớn nào không nhưng tôi hiểu rằng ngôn ngữ văn chương của tác giả có mục đích nhắm đến điều ấy. Kinh nghiệm sống của tác giả trong một thời gian của lịch sử đã thể hiện như thế nào trong bộ trường thiên này? Tác giả viết ”Trong cái rủi tôi có phần may là đã sống trọn vẹn cái giai đoạn trớ trêu của nước nhà, dòng dã ba mươi năm được nói tới trong Bốn Phương Mây Trắng ngay sau khi tôi thành niên và vào học trường đại học nơi quê nhà. Suốt đời tôi chỉ có hai cái nghề để theo đuổi là dạy học và viết văn và tôi không có chân trong một đảng phái hay liên minh chính trị nào. Tôi đã viết bộ tiểu thuyết Bốn Phương Mây Trắng với tư cách của một chứng nhân luôn thể nạn nhân của thời thế như tuyệt đại đa số đồng bào của tôi.”
Phong cách tiểu thuyết của Bốn Phương Mây Trắng? Đây có phải là một chuyện tình lồng trong thời thế của một đất nước chiến tranh? Đúng vậy, đây là một truyện tình với các nhân vật tuy là ảo và hư cấu nhưng lại dựa trên sự thật của lịch sử trong một thời gian và không gian dài và rộng. Hai người trẻ có mối tình bị chia ly bởi vì ý thức hệ của hai người trái ngược nhau. Trong thực tế Việt Nam, đã có rất nhiều mối tình như vậy. Từ lúc còn tuổi trẻ khi đi còn đang đi học đến lúc vì thời cuộc kẻ Bắc người Nam cho đến lúc lìa đời vẫn không thể nào toàn vẹn mối chân tình ấy được.
Viết về một thời đại đầy phân ly và bi kịch như thế, Tác giả đã gửi gấm gì trong bộ trường thiên đang viết dang dở này ? Xin mượn lời của nhà văn Nguyễn Sỹ Tế:
“Tấn thảm kịch trong Bốn Phương MâyTrắng đã qua đi một phần tư thế kỷ nay rồi nhưng dư vang của nó vẫn còn. Bởi thực tại của ngày hôm nay không có khả năng khỏa lấp nó và tương lai không định hướng cũng chẳng đem lại một niềm tin nào cho ai. Nếu được phép biện hộ cho dân tộc đau khổ của tôi trước mọi người tôi xin biện hộ nhận tội-plaider coupable, vâng, ai cũng đúng cả chỉ có chúng tôi là sai thôi! Xin mượn một câu thơ trong bài Chị Tôi mà tôi đã sáng tác cách nay bốn mươi tư năm:
Phải nguyền rủa tất cả mọi người như tôi
Không ai có năng quyền làm lịch sử
Ngoại trừ trẻ thơ và những người đã chết
Tôi nghĩ rằng trong cái “hư” của Bốn Phương Mây Trắng là có cái ”thực” của lịch sử nước nhà hiện đại”.
_________________
Vũ Khắc Khoan và Tôi
A. Tưởng Nhớ Người Quá Cố
Nguyễn Sỹ Tế, Vũ Khắc Khoantại Trung học Trường Sơn, Sàigòn
Một chén hồ trường đã cạn khô,
Con tầu ga xép đứng trơ vơ,
Nhớ người ngồi đọc kinh trên tuyết
Nay đã xa bay cõi tuyệt mù!
(Hồ trường: nhan đề bài hùng ca của Nguyễn Bá Trác làm tại Trung quốc, trên bước đường ly hương lo việc nước của ông; bài ca này, Vũ Khắc Khoan thường ngâm vang trong những dịp hội họp bạn bè, khi ngà ngà say, tiên sinh được yêu cầu lên đóng góp gọi là "một tiết mục văn nghệ".Ga xép là tên một kịch phẩm và Đọc Kinh một thiên tùy bút của Vũ gia. Cõi tuyệt mù là lời nói kết thúc cái nhìn của tiên sinh về vũ trụ và nhân sinh trong cuốn Đọc Kinh; có thể tác giả đã dùng ba chữ đó để nói về Cõi hư vô hay Le Néant của Siêu hình học).
B. Vũ Khắc Khoan Và Tôi
Đối với tôi, Vũ Khắc Khoan bao giờ cũng là "người đi bước trước". Trước từ lúc ra đời, đi những bước trên đường đời và cuối cùng từ giã cõi đời. Người sinh năm Tỵ, tôi năm Tuất.
Mùa xuân năm 1950, tôi lặn lội từ hậu phương trở về thành (Hà Nội) rồi vào dạy học tại trường Chu Văn An, đã nghe học trò nói người dạy học từ trước, tại trường Nguyễn Trãi.
Ở Hà Nội, ngày ngày tôi đạp xe từ Chợ Hôm lên trường Cửa Bắc cũ (Chu Văn An), tiên sinh đi ngược chiều, từ Quan Thánh xuống Nguyễn Trãi. Nên chẳng gặp nhau. Cuộc giao du giữa chúng tôi quả là sơ khoáng, khởi sự chậm chạp trong mấy công việc thường nhật: dạy học, hoạt động hiệu đoàn học anh, viết văn, làm báo. Tiên sinh viết kịch, làm đạo diễn, viết truyện ngắn; tôi viết sách giáo khoa, kịch ngắn và truyện ngắn.
Tháng 8.1954, không đợi các giáo sư Chu Văn An, tôi cùng vợ con theo đoàn Sinh viên Đại học, đáp máy bay vội vã đi vào Nam. Tưởng di cư như tôi là sớm sủa rồi, không ngờ vào Saigon được mấy hôm tôi đã gặp Vũ gia ngồi chễm chệ trên ghế Công cán Ủy viên bộ Thông tin với bộ trưởng Phạm Xuân Thái. Ngoài ra, tiên sinh còn là một cây bút chủ lực của Nhật báo Tư Do, - cơ quan ngôn luận của người di cư- cùng với mấy cây bút cội: Hiếu Chân, Đinh Hùng, Mặc Thu, Trần Việt Sơn. Tôi tiếp tục dạy học, viết sách giáo khoa và làm báo cho Đoàn sinh viên Bắc Việt Di cư cùng với Thanh Tâm Tuyền, Trần Thanh Hiệp, Doãn Quốc Sỹ (tờ Người Việt và tờChuyển Hướng).
Trong hai năm đầu di chuyển, tôi phải dạy bao giàn cho trường Chu Văn An kể cả môn triết. Vũ gia tạm rời chính trường về Chu Văn An với tôi, tôi nhường tiên sinh một số giờ Việt văn lớp đệ nhất (ngoài Việt văn, tiên sinh còn dạy Sử). Cả hai chúng tôi đều không dạy tiếng Pháp.
Năm 1956, ngay từ đầu năm, tôi vào bộ Ngoại giao làm Phụ khảo Luật cho cố giáo sư Vũ Văn Mẫu lúc đó kiêm Khoa trưởng trường Luật chuyển từ chương trình Pháp qua chương trình Việt.
Mùa hè 1958, một số giáo sư đang dạy học tại Chu Văn An trong đó có Vũ Khắc Khoan, Bùi Đình Tấn, Bạch Văn Ngà. Nguyễn Xuân Kỳ (con cụ Chữ) lên tận bộ Ngoại giao rủ tôi ra mở trường tư để "kiếm thêm". Tôi đã nhận lời. Và đó là trường trung học tư thục, đệ nhị cấp Trường Sơn trước ở đường Tự Đức (Dakao) sau dọn về đường Lê Văn Duyệt, gần đường Hồng Thập Tự, Vũ Khắc Khoan và tôi trở thành đôi bạn chí thân từ đó.
Chúng tôi lên dạy đại học từ 1962, Vũ tiên sinh vào trường Văn Khoa, tôi trường Đại học Sư phạm. Sau 1963, chúng tôi cùng dạy chung tại Văn Khoa Vạn Hạnh và Văn Khoa Dalat. Vũ gia còn đi Huế, tôi xuống Cần Thơ.
Ngay từ Trung học, chúng tôi thường dạy chung kiểu tandem (dạy cặp) cho một số chương trình (tác giả, thời đại). Ở Dalat, chúng tôi vẫn giữ, nếu chương trình cho phép, lề thói ấy. Và cũng có một số phân công nhỏ: tiên sinh trông coi lý thuyết sân khấu, tôi lo lý thuyết thi ca và tiểu thuyết.
Có một thời, lúc Vũ gia làm Trưởng ngành kịch nghệ của trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ, tiên sinh kéo tôi sang đó dạy văn hóa, lịch sử nghệ thuật và các quan niệm diễn xuất cho sinh viên trong ngành.
Tôi biết Vũ Khắc Khoan có làm chính trị, còn tôi thì không, không bao giờ. Người ta bảo tôi Vũ tiên sinh thuộc đảng Duy Dân. Nhưng từ trước cho tới sau, tiên sinh không hề nói bất luận một điều gì về hoạt động chính trị và lý thuyết chính trị theo đuổi của mình cho tôi hay. Tôi không tò mò hỏi mà tiên sinh cũng lại rất kín đáo. Tôi càng quý mến bạn tôi ở chỗ này.
Tuy nhiên, tôi cũng biết từ khi cùng thành lập Trường Sơn, công chúng Saigon vẫn có một cái nhìn đánh dấu một dị biệt có thật giữa Vũ tiên sinh và tôi. Tiên sinh rời nhật báo Tự Do về viết lách chung với mấy bạn trong nhóm Quan Điểm (tên nhà xuất bản luôn thể nhóm) như: Nghiêm Xuân Hồng (luận thuyết), Mặc Đỗ (tiểu thuyết), Nhuệ Hồng (luật), Vương Văn Quãng, Tạ Văn Nho... Có một lúc kia, Saigon gán cho Quan Điểm cái danh xưng là nhóm Poujadistes (tên một nhóm trung niên và thanh niên Pháp ngoài xã hội và trong nghị trường chủ trương dấy lên phong trào trí thức tiểu tư sản bênh vực cho quyền lợi của giới tiểu thương, tiểu nông).
Ngoài ra, trong những bài viết của nhóm Quan Điểm, các vị đó nhất là Vũ Khắc Khoan- đều đưa ra hình ảnh về cái tư thế mắc kẹt của "giai cấp" mình là "trên đe dưới búa" (dưới thì vô sản thúc lên, trên thì tư bản giáng xuống). Có vài lần Thanh Tâm Tuyền và tôi trêu chọc Vũ gia về chuyện này, người chỉ phán một câu "Dư dục vô ngôn" mà tôi diễn dịch đùa thành thơ: "Trời xanh đâu có nói năng chi!". Mặc dầu vậy, thâm tâm tôi vẫn nhận biết một con người, một bằng hữu rất thâm hậu về mặt tình cảm. Qua Hoa Kỳ, đọc cuốn "ĐOẢN VĂN XA NƯỚC" của ông(do An Tiêm xuất bản), những trang viết về Thanh Tâm Tuyền thật là ý nhị và đầy những xúc động êm đềm.
Ngoài ra, Saigon còn nói (chỉ đúng một phần nhỏ) rằng tôi gánh vác cái nhiệm vụ "hòa giải" giữa hai nhóm nhà văn là nhóm Quan Điểm và "nhóm-phi- nhóm" Sáng Tạo của Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền và tôi. Riêng tôi, tôi vẫn nói với mọi người rằng tôi chống chủ trương phe nhóm (anti-ghetto-isme) và luôn thể chống chủ trương của lớp người tự nhận mình là ưu việt(élitisme). Nhưng rồi câu chuyện không có gì là nặng nề và đã qua đi một cách mau chóng. Thơ tự do của Thanh Tâm Tuyền được ngâm nga trong chương trình phát thanh Tao Đàn "tiếng nói của thi ca kim cổ" của Đinh Hùng. Và Vũ Khắc Khoan nhận xét về những thiên tiểu luận văn học của tôi: "Con đường nào cũng đưa tới La Mã. Đồng ý. Nhưng con đường Nguyễn Sỹ Tế là con đường mới, con đường của một nghệ sĩ".
Một ngày cuối tháng 4.1975, Vũ Khắc Khoan và tôi gặp nhau và nói chuyện một hồi lâu với nhau trong phòng giáo sư vắng hoe của trường đại học Tri Hành, đường Trần Quốc Toản, Saigon. Không ngờ đó là ngày chúng tôi chia tay. Chỉ một tuần sau, tôi đã được hay tin là Vũ gia đang ở đảo Guam cùng gia đình chờ ngày vào đất Mỹ.
Mùa thu 1986, tin Vũ Khắc Khoan tạ thế ở Mỹ đến tai tôi qua thông tin của mấy anh em văn nghệ sĩ cùng ở trại Hàm Tân (Long Khánh) với tôi.
Sang Hoa Kỳ năm 1992, tôi gặp lại Mai Thảo và gia đình Vũ gia. Tôi được biết mọi chuyện chung quanh cái chết của bạn tôi và được đọc những tác phẩm bạn đã viết ở chốn tha hương này. Và bây giờ, cố nhân của tôi vẫn nằm nghỉ một mình, cô đơn, lạ lùng giữa một nghĩa trang đất khách toàn những vong linh khác ngôn ngữ với một dòng chữ của thân nhân trên mộ bia: In loving memory of...
Tôi biết có nhiều bạn văn lớp cũ, nhân dịp ngày giỗ Vũ gia mà lại biết tôi đang viết về người, muốn tìm thấy nơi những trang viết của tôi một bài phê bình nào đó về văn nghiệp của người bạn quá cố của tôi. Thú thật, tôi không phải là một nhà phê bình văn học đúng nghĩa, mặc dầu tôi có viết nhiều bài tiểu luận văn học và giảng dạy về khoa "Phê bình luận trong văn học" tại mấy trường đại học Saigon trước kia. Bây giờ thì tôi lại càng không dám - nhất là về người bạn quá cố của tôi. Quá nhiều thời gian đã trôi xuôi, mười hai năm tù cộng sản, niên tuế quá cao, ký ức mòn... đều là những gì đã cản bước chân đi. Nhưng đây là dịp có lẽ độc nhất vô song trong tuổi già của tôi để biểu thị một tấm lòng đối với một người bạn thân đã qua đời, mặc dầu quên gần vãn những gì bạn đã viết trước kia và sau đó, tôi cũng xin ghi nhận sơ sài những gì tôi còn nhớ về Vũ Khắc Khoan, về những tác phẩm của tiên sinh, về cung cách viết văn của người.
- Nguồn gốc nuôi dưỡng: lịch sử dân tộc và phần nào thế giới, một chút nho học; văn học Pháp quốc từ symbolisme trở về trước; thần thoại Hy Lạp; Đạo đức kinh của Lão tử (đạo khả đạo phi thường đạo, danh khả danh phi thường danh); mấy pho kinh Phật; những giáo điều cơ bản của Thiên Chúa Giáo nói về sự khai thiên lập địa; tiểu thuyết cổ Trung quốc...
- Cung cách viết: viết ít thôi, thai nghén tác phẩm thật lâu; rút nội dung cô đọng về những chủ đề triết và văn học lớn; tra cứu, hỏi han cho đến lúc đắc ý mới viết.
- Chưa thấy tác giả văn chương nào lại chiếu phóng sâu xa cá tính, tâm hồn mình xuống tác phẩm của mình vào đúng chủ đề của chúng, vào ngay nhan đề của chúng như Vũ gia. Nên chi bạn bè gọi tên Vũ gia bằng tên những nhân vật của tác giả: Thằng Cuội, Thần Tháp Rùa, Thành Cát Tư Hãn, ông chủ nhà ga xép, một thiền gia ngồi tụng kinh trên tuyết (Minnesota)...
- Văn chương trau chuốt, đắn đo trong nhàn tản, bàng bạc màu cổ văn mà vẫn độc đáo. Một thoáng hương xưa còn để lại sau một mùa biến động hỗn mang lại trở về hỗn mang, khởi từ tuyệt mù để trở lại tuyệt mù. Vô thỉ vô chung
C. Di Cảo Của Vũ Khắc Khoan
Sang Hoa Kỳ, tôi đã ngạc nhiên khi đọc một Mai Thảo làm thơ lối cũ và một Nghiêm Xuân Hồng viết những thánh ca. Tôi nghĩ: dân Việt Nam có khiếu văn học, mỗi người Việt Nam trong bất bình đều có thể khoác áo thi gia. Đến lúc biết được Vũ Khắc Khoan cuối đời có làm một bài thơ bằng Pháp ngữ, tôi lại càng ngạc nhiên hơn. Tôi đang có trong tay tập di cảo của bạn tôi. Tôi phát hiện ra rằng mối kết liên kỳ diệu giữa bạn và mình chính là niềm cảm xúc mênh mang bùng lên trong tâm khảm trên cỗ xe chuyên chở là một nền văn thơ ngoại lai đã đổ xuống xứ chúng tôi non một thế kỷ mà chúng tôi đã phải nhọc công nửa cuộc đời để tiếp nhận.
Tập di cảo của Vũ Khắc Khoan mang nhan đề là:
Le petit oiseau, la petite branche
et le printemps.
Dưới ghi thể tài:
poème en prose
Tôi xin dịch:
Con chim bé, cành cây nhỏ
và muà xuân
Thơ xuôi
Dưới nữa là một câu thơ xuôi làm khai từ (prologue) cho toàn bài thơ:
Or il n'y a pas de
Printemps
pour toi, ô mortel
Pas encore
Tôi xin dịch:
Thế mà không có
Mùa Xuân
cho người, ô chúng sinh
Chưa có.
Bài thơ xuôi của Vũ gia kéo dài 49 trang đánh máy chia ra làm nhiều đoạn đánh số La Mã, mỗi đoạn lại chia làm nhiều khổ có dấu hoa thị để ngăn chia.
Cuối cùng lại có ghi chú:
Avril - Juillet 1986
V.KH.KH
Như vậy, bài trường ca của tác giả đã được sáng tác trong bốn tháng và dứt điểm non hai tháng trước ngày tạ thế của ông (tháng 9-1986). Tôi không hiểu bản đánh máy này tác giả đã kiểm soát lại chưa vì tôi không thấy có bút tích của ông.
Đọc sơ mấy lần, tôi tạm thời tóm lược nội dung và nhận xét hình thức của bài thơ xuôi tràng thiên đó: Bài thơ là một thứ tùy bút dài ghi nhận những suy tư và cảm xúc của tác giả về vũ trụ, nhân sinh quan nói chung và thân phận của mình,, của nhiều người nhiều nước khác nhau sinh ra giữa một thời nhiễu loạn.
Những suy tư và cảm xúc đó xoay chung quanh những tiểu thuyết và những "nguồn gốc nuôi dưỡng" tôi đã ghi trên kia (xem lại phần trên, đoạn nói về nguồn gốc nuôi dưỡng). Những dòng thơ chắp nối trong một mối giây kỳ diệu khiến tôi cảm thấy thi phẩm của bạn như thể là một pho kinh, một bản thánh kinh, một chuỗi những bài kệ, những bài sấm với những ngập ngừng hoài nghi của đạo Lão về tất cả.
Tôi xin dịch hầu độc giả phần đầu của hai đoạn đầu.
ĐOẠN I.
Ngày xưa có một thời
Mà tất cả còn hổn mang
Thế mà vị Chúa của người Do Thái
Và Zeus (thần thoại Chúa tối cao của dân Hy Lạp thời thái cổ)
Hãy còn đang ngủ vùi
Chẳng có gì tạo thành
Và chẳng có gì là hiện hữu
Nói cho đúng hơn
Dường như tất cả là thế
Người chẳng cảm thấy điều đó sao
Một cái thoáng ngờ thổn thức
vô duyên cớ
đang ngạt chìm đi
Cái "không" nó đang run rẩy
trong mất hút
nơi không gian kia không có chiều đo
và cái thời gian kia nó ngưng đọng lại
Ngươi chẳng cảm thấy sao
Cái đang thành hình
trước khi có một hình thức nào thủ đắc?
Khuôn mặt ngươi, khuôn mặt thực,
Hỡi kẻ chúng sinh kia
Trước khi mà ngươi đã thành?
Ngươi không thể trông thấy nó
Cũng không thể nghe thấy nó
Ngươi cảm thấy nó hiện diện nơi xa kia
Cái "Không" của cái "Không" nhỏ bé
Nụ hôn e lệ của một cánh bướm
Âm vang tàn của một tiếng chuông
nó dâng lên và hạ xuống
lại dâng lên để rồi tan
Ngươi cảm thấy nó mà
Than ôi, ngươi cũng ý thức thấy nó
- Đáng lẽ ngươi chẳng nên
Và nó, một cái không cảm giác,
Đáng lẽ ngươi chẳng nên
gọi tên nó làm gì
Cái điều nó không chấp nhận
một cái danh xưng nào
- Kể cả cái tên là "bất khả gọi tên"
Thế mà ngươi đã làm thế
Than ôi
Cái "bất khả gọi tên" là tên gọi đó
Và điều ác đã ra đời.
Thế mà chưa phải là khởi thủy
Chưa mà
Thấy không, chưa cái gì đã thành
Bóng tối - ánh sáng
Ngày và đêm
Điều thiện và điều ác
Cái đẹp và cái xấu
Tất cả hãy còn là hỗn mang
Ở chốn khởi thủy có phải là
Ngôi Thánh thần không?
Và ngôi Thánh thần có phải là
Hành động?
Thế mà cái Không có tên
không phải là thế
Cái không có tên
đã có trước ngày khởi thủy
Trước ngày mà tất cả mọi sự
vật đã hiện hữu.
.........
ĐOẠN II.
Ngày xưa có
Trên một cành cây con
Một con vật nhỏ bé
Cô đơn
Trần trụi
Một con vật nhỏ bé, rất nhỏ bé
Nhưng sáng suốt vô cùng
Đậu ở đó
Và suy tư
Và trước đó lâu nữa
Cảm thụ.
Đối diện với Vô cùng
Nó cảm thụ vô cùng
Và suy tư thấu đáo
Và thấy mình bị ràng buộc
Bị cầm tù
Ngạt thở, áp bức
Điên loạn
Và suy tư về Tự do
Và cảm thấy nhẹ lòng.
Nhẹ nhàng
Nhẹ nhàng
Một đợt khói
Nó dâng lên, dâng lên nữa
Nó bay đi và mất hút
Thế là nó (con chim) suy tư về cánh bay
Và cảm thấy
Run rẩy
Rất hồi hộp phập phồng
Hỡi bàn tay nhỏ bé
Nó buông xuôi
Nó nép mình
Nó run rẩy
Trong một bàn tay khác
Một bàn tay lực lưỡng trấn an
Nhưng cũng lại run rẩy
Mà vẫn che chở được
Nhẹ nhàng quá mà đồng thời
Nặng nề quá, nó cảm thấy trở thành
Một con bồ câu nó biết nghĩ
Con bồ câu nhỏ bé nó nhảy nhót
Thế là nó nghĩ
Về loài chim
Và nó thành chim
Trên một cành cây nhỏ
Nó nhỏ bé tí hon
Nó trần trụi
Vứt bỏ
Rất cô đơn
Nhưng mà tự do
Nhưng mà nhẹ nhàng
Và có cánh
Và nó cảm thấy mình
Rất hùng mạnh
Nó suy tư, nó nghĩ thế
Bởi vì nó có ý thức
.........
Lời cuối: Trên quan điểm của một nghệ sĩ, cảm ơn anh Khoan nay đã siêu thoát rồi.
Garden Grove, 22 Aout 2000
Khởi Hành số 47, Tháng 9.2000
Số đặc biệt: Tưởng Nhớ Vũ Khắc Khoan
***
Phụ đính I:
Nguyễn Sỹ Tế và những người bạn
trước khi có tạp chí Sáng Tạo
Dương Nghiễm Mậu
LTS. Mùa Tạ Ơn 2004, khi được mời tới dự cơm tối với một văn hữu thời Việt Nam Cộng Hòa [VNCH]–do một viên chức văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh khoản đãi–cố văn sĩ Nguyễn Thụy Long hỏi những văn nghệ sĩ đương quyền: “Có phải các anh là Cộng Sản?” Nửa thế kỷ sau ngày Hiệp định đình chiến 20-21/7/1954 ra đời, và 30 năm sau cuộc thất thủ của VNCH, sự hận thù Quốc Gia-Cộng Sản còn nguyên vẹn, nếu không phải sâu hơn, đậm đặc hơn.
Dương Nghiễm Mậu–tên thực Phí Ích Nghiễm, một trong số ít nhà văn hàng đầu miền Nam trong giai đoạn 1954-1975, người có tin đã từ chối di tản sang Mỹ theo đề nghị của cơ quan ông làm việc do một tâm ý nào đó–giúp độc giả Hợp Lưu nhìn lại một cách chính xác và khoa học một góc cạnh của hai thập niên văn học nghệ thuật chống Cộng nói chung, và giai đoạn “lập quốc 1954-1955” nói riêng. Là người trong cuộc, Dương Nghiễm Mậu ít nữa cũng để lại cho hậu thế, ngoài những tác phẩm của ông, những nét phác họa đơn sơ nhưng chính xác về giới văn nghệ sĩ di cư và diễn đàn ngôn luận của họ như Người Việt, Sáng Tạo, v.. v.. Dù chỉ là thiểu số trong tập thể văn nghệ sĩ đương thời, những tác giả di cư đóng góp không nhỏ cho sự làm giàu vùng văn hóa miền nam Việt Nam–một khâu quan trọng trong sự phát triển văn hóa quốc thống. Ngoài vài người như Doãn Quốc Sĩ, Trần Thanh Hiệp còn sống, những Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, v.. v.. đã hoàn cát bụi, chỉ lưu lại những tác phẩm rực lửa “đấu tranh” của họ cho một nền văn học nghệ thuật “tự do,” nhưng “chưa dân chủ”–qua những chú thích như “kiểm duyệt 6 hàng,” v.. v..
Dù đã có những nỗ lực thiêu hủy, tiễn tích nền văn học nghệ thuật VNCH, hay đặt công trình tim óc của văn nghệ sĩ miền nam dưới những lăng kính tán quang “cách mạng,” “nhân dân” trong ánh sáng “được làm vua, thua làm giặc,” cuộc cách mạng [thực sự] truyền thông thế giới khởi từ thế kỷ XX giúp nền văn học, nghệ thuật VNCH vẫn tồn tại–trong các thư viện nghiên cứu về Á Châu như thư viện đại học Cornell, thư viện Quốc Hội Mỹ, thư viện báo chí ở Chicago, thư viện và văn khố Trung Tâm Việt Nam ở Ðại học Texas Tech (Lubbock, Texas), cùng nhiều thư viện khác trên thế giới. Một số tác phẩm đã được in lại–có sự chấp thuận hay không của các tác giả. Nhưng quan trọng là những nhà nghiên cứu hay quan tâm nghiêm túc có thể truy cập đến nguồn nguyên bản. Một số tác giả còn sáng tác đều đặn ở hải ngoại (như Mai Thảo, Doãn Quốc Sỹ) hay tại quốc nội (nhưng xuất bản ở nước ngoài như Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Thụy Long, v.. v..). Văn khố VNCH tại Trung Tâm Lưu Trữ số 2 Sài Gòn cũng đã bắt đầu mở ra cho các nhà nghiên cứu chuyên nghiệp, dù điều kiện và thủ tục tham khảo còn rất giới hạn.
Không ít người–kể cả giới trẻ Việt Nam ở hải ngoại–đã và đang tìm hiểu về “một thời” từng tồn tại của VNCH. Bài viết của Dương Nghiễm Mậu trên Hợp Lưu số này là một trong những tư liệu quí, hiếm, góp phần trả lại cho nền văn học nghệ thuật miền nam vị trí đích thực trong lịch sử.
Trân trọng giới thiệu nhà văn Dương Nghiễm Mậu với độc giả và văn hữu thân quí của Hợp Lưu.
Houston Ngày 8 tháng 8 năm 2010
***
A. Tuần báo Người Việt
1
Sau năm 1975 cho tới những năm đầu thế kỷ 21, ở nước ngoài cũng như ở trong nước đã có những tác giả viết hoặc lên tiếng về văn học Miền Nam Việt Nam 1954 – 1975 như Võ Phiến, Thụy Khuê, Trần văn Nam, Phạm Xuân Nguyên, Vương Trí Nhàn, Nguyễn Hưng Quốc... Người thì viết về toàn cảnh sinh hoạt, người viết về các tác giả, người viết về thơ Tự do, người viết về tiểu thuyết hoặc những đề tài thu hẹp khác. Những bài viết này thường nhắc đến sự có mặt của Tạp chí Sáng-Tạo do Mai Thảo chủ trương biên tập. Đã có những đánh giá ban đầu về chỗ đứng của Tạp chí Sáng-Tạo. Bài viết này không hướng vào Tạp chí Sáng-Tạo mà nhắm làm rõ nét một số tác giả chính của tạp chí này trước khi nó ra đời, cùng lúc tìm hiểu về những mối liên hệ của mỗi cá nhân trong một thời điểm đặc biệt của lịch sử Việt Nam.
2
Theo những bài viết và những trang tiểu sử ngắn đã được in ra lúc sinh thời, chúng ta được biết: Thanh Tâm Tuyền tên thật là Dzư Văn Tâm, sinh tại Vinh ( Nghệ An) ngày 13 tháng 3 năm 1936 học bậc tiểu học tại Gia Định, ra Hà Nội đầu năm 1949 học bậc trung học. Năm 1952 dạy học tại trường Minh Tân (thị xã Hà Đông). Đăng những truyện ngắn đầu tiên trên tuần báo Thanh Niên (Hà Nội).
Năm 1954 di cư vào Nam. Hoạt động trong Hội sinh viên, cùng Trần Thanh Hiệp, Nguyễn Sỹ Tế, Quốc Sỹ chủ trương nguyệt san Lửa Việt (Sài gòn). Năm 1955 cùng các bạn làm tuần báo Dân Chủ của Vũ Ngọc Các và Tuần báo Người Việt.
Tuần báo Người Việt giới thiệu dưới đây là Tuần báo Người Việt bộ mới chỉ ra được bốn số vào cuối năm 1955.
Tuần báo Người Việt bộ mới phát hành ngày thứ năm hàng tuần :
- Số 1 ra ngày 27 tháng 08 năm 1955 có 36 trang
- Số 2 ra ngày 15 tháng 09 năm 1955 có 42 trang
- Số 3 ra ngày 01 tháng 10 năm 1955 có 42 trang
- Số 4 ra số đặc biệt với chủ đề Sáng Tạo có 66 trang và có quảng cáo cho số 5 xuất bản vào thượng tuần tháng chạp dương lịch nhưng không thấy ra.
Người Việt bộ mới in cỡ 20cm x 27 cm, bìa hai màu, Duy Liêm vẽ bìa và minh họa. Bìa một, trong một khung vuông có in tám chữ cỡ lớn đậm nét: Diễn đàn tiên phong đấu tranh văn hóa, tám chữ này cho thấy phần nào nội dung mà tờ báo hướng tới. Người Việt bộ mới hiện diện ở nửa sau của năm 1955 là một tập hợp đầu tiên giữa Thanh Tâm Tuyền với những người bạn:
Mai Thảo, Quốc Sỹ, Trần Thanh Hiệp, Nguyễn Sĩ Tế, Quách Thoại .
Thời điểm tuần báo Người Việt có mặt là một năm sau hiệp định Geneve: chia Việt Nam làm hai ở vĩ tuyến 17, lấy sông Hiền Lương làm ranh giới. Miền Bắc đã và sẽ có một chính quyền theo đường lối của cộng sản đệ tam. Miền Nam đang thành hình một chính quyền của những người không cộng sản, hướng tới dân chủ. Nền Cộng Hòa được khai sinh, chấm dứt hẳn chế độ phong kiến. Vì thế những chuyển đổi trong xã hội tại miền Nam khác với miền Bắc. Báo chí cũ vẫn tiếp tục xuất bản, nhưng nay có thêm nhiều báo mới của những cây bút di cư và những người bỏ hàng ngũ bên kia trở về. Ở Sài gòn, báo chí có một đời sống rất sinh động. Những báo chuyên về văn nghệ có: Tờ Văn Nghệ Tự Do với các cây viết: Nguyễn Hoạt, Như Phong, Bùi Xuân Uyên, Triều Đẩu, Tam Lang ... Tờ Quan Điểm với các cây bút: Vũ Khắc Khoan, Mặc Đỗ, Nghiêm Xuân Hồng, Vương Văn Quảng ... Tại Huế, thủ phủ của miền Trung, có tờ Mùa Lúa Mới của Đỗ Tấn, Võ Phiến ... Nguyệt san Văn Nghệ Mới của Nguyễn Văn Xuân, Phan Du, Trần Lê Nguyễn (I) ... Những diễn đàn này, với những thể hiện khác nhau cho thấy sự lựa chọn của họ. Tờ Người Việt đặt những vấn đề như: Phải bảo vệ nền độc lập văn hóa, Thực chất văn nghệ Cộng Sản, Chủ nghĩa Mác với văn nghệ Việt Nam. Nguyễn Văn Xuân trên tờ Văn Nghệ Mới trình bày một luận thuyết dài: Để xây dựng một nền văn nghệ dân chủ tiến bộ.
Tuần báo Người Việt bộ mới có những cây bút chính là: Thanh Tâm Tuyền, Trần Thanh Hiệp, Quốc Sỹ, Nguyễn Sĩ Tế, Quách Thoại, Mai Thảo ... Những sáng tác của họ chiếm phần lớn số trang của tờ báo. Nhưng là một diễn đàn tiền phong đấu tranh văn hóa nên tờ báo không thể không lên tiếng về những vấn đề thiết thân của xã hội đương thời. Sau đây là bản liệt kê những bài viết về các lãnh vực giáo dục, xã hội, văn hóa chính trị (Con số ghi ở sau đầu đề bài viết là số báo Người Việt)
- Hòa bình và Hội nghị Geneve (số 1)
- Phải bảo vệ nền độc lập văn hóa (số 1)
- Những sự kiện lịch sử (số1)
- Góp ý kiến về công cuộc tổ chức Trường Đại học Văn Khoa Việt Nam (số 1)
- Đặt vấn đề mục đích của giáo dục (số 2)
- Vấn đề giai cấp xã hội (số 2)
- Hiện trạng xã hội và kinh tế Việt Nam (số 2)
- Hiến pháp luật giản yếu (số 2)
- Vấn đề giai cấp (số 3)
- Nhân sinh quan của người Việt (số 4)
- Kinh tế nhu yếu (số 4)
Phần nhỏ trang báo trong bốn số Người Việt còn có những mục linh tinh:
- Điểm sách báo, Điểm phim, Đãi lọc, Tâm tình, Lượm lặt bốn phương, Phê bình...
- Nam Hải Dị Nhân Liệt Truyện của Thiết Bản Đạo Nhân (Trần Việt Hoài)
- Những tâm trạng bi thương, phóng sự của Trọng Lang.
- Dịch thuật : Trong bốn số báo Người Việt đã giới thiệu truyện ngắn và thơ có chọn lọc phù hợp với nội dung tờ báo . Người Sông Thương (Nguyễn Sỹ Tế) giới thiệu truyện ngắn Niềm Im Lặng Của Biển Cả của Vercors. Chiến Hữu giới thiệu Quê Hương của Majorie Honès .Về thơ đã giới thiệu thi phẩm của: Walt Whitman, Paul Eluard, Garcia Lorca, Pablo Néruda, Tristan Tzara.
Trong lãnh vực văn học nghệ thuật có những bài chính sau đây :
- Thực chất văn nghệ cộng sản (1)
- Đặt đúng vấn đề thơ Tự Do (2)
- Những sự kiện mới của văn hóa (3)
- Góp phần xây dựng văn nghệ (3)
- Nửa thế kỷ văn nghệ tôi đòi (4)
- Văn nghệ và cách mạng (4)
- Chủ nghĩa Mác với văn nghệ Việt Nam (4)
Chỉ đọc qua những đầu đề chúng ta cũng thấy ý hướng của các tác giả. Bài: Thực chất của văn nghệ cộng sản, Đỗ Thạch Liên viết: “Đi vào cái sống nhờ cậy, dựa trên kinh tế, để vào sâu trong cái chết hủy diệt, văn nghệ cộng sản chối từ vai trò sáng tạo của nó. Văn nghệ có những liên hệ khắng khít với bên ngoài nhưng cũng có cuộc sống biệt lập của nó với một bản thể phong phú và nhiệm vụ riêng biệt. Bản thể đó là sự rung cảm đòi sáng tạo, hay cách mạng cũng vậy. Nhiệm vụ đó là góp một phần trong sự tạo thành con người, một phần chính yếu chứ không phụ thuộc như lý luận mắc xít. Văn nghệ nào tách rời với bản thể và quên nhiệm vụ là đi vào đường tàn lụi. Văn nghệ tàn lụi lôi theo sự đổ vỡ của con người.”
Trong bài: Những sự kiện mới của văn hóa, Đỗ Thạch Liên viết: “Nhà văn Bernanos trong một buổi nói chuyện với đám sinh viên Ba Tây đã can đảm thú nhận những lỗi lầm hư hỏng của thế hệ đã qua khiến cho những thế hệ sau gặp bao nhiêu khó khăn gai góc, rồi ông nhân danh một người thuộc thế hệ cũ xin lỗi những thế hệ sau ( ....) Cũng trong buổi nói chuyện kể trên, Bernanos nói rằng: trọng trách của những thế hệ sắp tới là dành lại Tự Do.”
Trong bài viết: Góp phần xây dựng văn nghệ, Âu Âu Thành Đô đã nhìn lại những sự kiện trên thế giới từ khi chủ nghĩa Mắc-xít xuất hiện ,tác giả nhận định : “...chủ nghĩa Mác đã rèn luyện môn đồ thành con người chỉ biết suy nghĩ (luận) theo có một chiều (duy vật biện chứng ),chỉ biết có hành động (luật) theo có một hướng (độc tài vô sản) nên con người đó phải thui chột hết tình cảm ...Mà con người đã không rung động thì làm gì còn có tính chất con người nữa ?(...) Mà một chủ nghĩa đã không dựng trên nền tảng tình cảm thì không tài nào đi sâu vào lòng người được ?”
Trong bài viết: Văn nghệ và cách mạng, Đỗ Thạch Liên viết: “…Để văn nghệ có thể hoạt động đắc lực với nhiệm vụ lớn của nó tất nhiên phải có những điều kiện thuận lợi để phát triển. Điều kiện căn bản cần thiết nhất vẫn là Tự Do Cởi Mở (...) A. Einstein nói rất đúng: Tất cả mọi sự sáng tạo vĩ đại đều là công trình của cá nhân trong tự do.”
Nguyễn Sỹ Tế nhìn lại lịch sử với bài viết Nửa thế kỷ văn nghệ tôi đòi. Tác giả viết: “Tôi có ý nói nửa thế kỷ văn nghệ tôi đòi mà không nói 80 nô lệ như người ta thường nói là vì riêng về địa hạt văn nghệ, chúng ta có thể bỏ lại phần nửa thế kỷ trước. Trong nửa thế kỷ đó, cuộc thống trị của thực dân đang ở vào giai đoạn bình định chưa bước sang giai đoạn khai thác với đầy đủ hệ thống giây xích của nó. Sau đó tác giả lướt qua những chính sách của thực dân Pháp: Chính sách chia để trị: Nam thuộc địa, Bắc Trung bảo hộ. Đàn áp nhân dân. Chính sách ngu dân, hạn chế phổ biến văn hóa phẩm trong cả nước.”
Trên đây, qua mấy trích dẫn trong một số bài viết, chúng ta đã thấy quan điểm tổng quát của tuần báo Người Việt được trình bày trên diễn đàn.
Vào thời điểm 1955 , Thanh Tâm Tuyền và những người bạn còn rất trẻ mới bắt đầu khởi hành trên con đường sáng tác của mình, nhưng trên diễn đàn của họ lại có hai tên tuổi đã thành danh từ thời tiền chiến: Trọng Lang và Nguyễn Đức Quỳnh.
Ngoài ra, còn có những tác giả khác như: Minh Đạo, Lam Sơn, Tuệ Mai ,Hoàng Hoa, Tố Lữ, Phan Đông Hồ, Hoàng Linh, Nguyễn Văn Cẩn, Việt Hải, Duy Sinh, Lục An Châu, Việt San Xã Việt, Đoàn Thoại Sơn, Âu Âu Thành Đô, Tâm Thu, Chiến Hữu, Duy Năng, Hương Việt Hương, Trần Việt Hoài, Đỗ Thạch Liên, Ninh Sơn ... Tên những tác giả này có thể là tên của tác giả khác vì sau này nhiều bút danh không còn thấy xuất hiện. Dưới đây là phần tìm hiểu những sáng tác của Thanh Tâm Tuyền và những người bạn trên bốn số báo Người Việt.
Trước khi đăng những sáng tác trên báo Người Việt , Thanh Tâm Tuyền đã viết trên báo Thanh Niên, báo Lửa Việt, báo Dân Chủ và báo Người Việt bộ cũ. Về những sáng tác đầu đời này, chúng ta chưa thể tiếp cận. Trong 4 số báo Người Việt Thanh Tâm Tuyền đã cho in thơ, truyện ngắn, ký, kịch.
2 Thanh Tâm Tuyền và thơ tự do
3 Mai Thảo – Đêm giã từ Hà Nội và Góc đường Tự Do
4 Quốc- Sỹ với Con thuyền ma và Gánh xiếc
5 Nguyễn Sỹ Tế và Người sông Thương
6 Trần Thanh Hiệp và Tàn phá
7 Qúach Thoại và Còn sáng tạo, ta hãy còn sáng tạo
Trong 4 số báo Người Việt, Nguyễn Sỹ Tế không xuất hiện với một sáng tác nào. Ông có hai bài tiểu luận:
- Mục đích của giáo dục (số 3)
- Nửa thế kỷ văn nghệ tôi đòi (số 4)
Ngoài ra với bút hiệu Người Sông Thương ông dịch thơ của:
- Pablo Néruda với bài : Ngực em đủ với tim ta
- Juan Liscano với bài : Thần nữ, biển khơi và đêm tối
Về văn, ông dịch Niềm Im Lặng Của Biển Cả của Vercors. Người Sông Thương đã giới thiệu tác giả và tác phẩm như sau: “Vercors là biệt hiệu một nhà văn Pháp cũng gọi là kỳ cựu: Jean Bruller (sinh tại Balê năm 1902). Là một người thiết tha với lý tưởng tự do. Trong hồi chiến tranh Pháp - Đức ông gia nhập hàng ngũ kháng chiến và đã viết nhiều tác phẩm cho in dấu diếm và lưu hành bí mật truyền tay. Đoản thiên “Niềm Im Lặng Của Biển Cả” ông viết vào mùa hè năm 1941. Là một tác phẩm của hoàn cảnh “Niềm Im Lặng Của Biển Cả” không ngờ đã trải qua thử thách của thời gian để trở nên một áng văn chương giá trị (...) Nếu như “Niềm Im Lặng Của Biển Cả” đã vươn qua không gian và thời gian ấy chính vì nó đã mang trong nó một sức sống tối cao nhân thế và một lần nữa khóc thương đậm đà cho mối hận tình muôn thưở: Mối tình giữa lứa đôi thù nghịch.”
Nguyễn Sỹ Tế sinh năm 1922 tại Nam Định. Ông dạy học ở trường Chu Văn An (Hà-Nội) những năm 1952,1953. Năm 1954 di cư vào Nam. Ở trong Nam ông tiếp tục dạy học và làm hiệu trưởng trường trung học tư thục Trường Sơn. Cùng với việc dạy học ông còn viết văn và soạn sách giáo khoa như: Việt Nam Văn Học Nghị Luận (nhà xuất bản Trường Sơn-1962). Về sáng tác có: Chờ Sáng (1962). Sau tháng 04-1975, ông bị bắt giam 11 năm. Năm 1992 ông định cư tại Hoa Kỳ. Ông mất ngày 17 tháng 11 năm 2005 tại Hoa Kỳ.
Ghi chú:
A. Trọng Lang và Nguyễn Đức Quỳnh
Khi giới thiệu 4 số tuần báo Người Việt bộ mới, chúng ta đã ghi nhận những tác giả cộng tác trên diễn đàn này, trong đó có hai tác giả đã nổi tiếng từ thời tiền chiến, đó là Trọng Lang và Nguyễn Đức Quỳnh.
Khi đăng tải phóng sự Những tâm trạng bi thương: Một người mẹ của Trọng Lang, Người Việt đã viết lời giới thiệu: Người văn nghệ già không vì niên kỷ. Tuổi tác nặng thêm nhưng tâm hồn vẫn trẻ mãi còn rung cảm trong nhịp thế hệ. Trọng Lang có thể tự hào đến bây giờ mình vẫn còn trẻ mãi. Những tâm trạng bi thương là chứng cớ. Những mảnh đời vụn nát hôm qua cũng như hôm nay vẫn thừa xúc động tâm hồn giàu có của Trọng Lang, cây bút phóng sự sâu sắc phong phú vững chãi nhất của văn chương V.N.hiện đại. Phơi lên ánh sáng Những tâm trạng bi thương cái hằng ao ước của Trọng Lang là thôi khỏi viết về chúng nữa. Và đó cũng là niềm ao ước chung của những người “trẻ” theo nghĩa trên.
Trọng Lang tên thật là Trần Tán Cửu, sinh ngày 02-10-1906 tại làng Do Lễ, huyện Thường Tín tỉnh Hà Đông, nay là Hà-Nội. Từng viết cho các báo Thực Nghiệp, Phong Hóa, Ngày Nay, năm 1932 làm chủ bút báo Bắc Kỳ Thể Thao...
Tập phóng sự đầu tiên của ông là tập Trong làng chạy in trên báo Ngày Nay từ số 3 đến số 13 năm 1935. Trong tập Nhà Văn Hiện Đại của Vũ Ngọc Phan (1943) trong phần III Những nhà viết phóng sự, Trọng Lang xếp cùng với ba tác giả là: Tam Lang, Vũ Trọng Phụng và Ngô Tất Tố. Trong phần nhận xét, Vũ Ngọc Phan viết về Trọng Lang như sau: ”Trong số các nhà văn viết phóng sự gần đây, Trọng Lang có óc phê bình hơn cả. Văn ông đanh thép và sắc cạnh” (Nhà văn hiện Đại tr.610- NXB Thăng Long-SG1960) Số lượng tác phẩm của Trọng Lang rất lớn. Những tác phẩm chính gồm: Hà-Nội lầm than (1938), Làm dân (1942)...Năm 1954 ông di cư vào Nam và tiếp tục cộng tác với nhiều diễn đàn. Năm 1964 ông cho in Điên ...thời đại. Trọng Lang mất ngày 29-04-1986 tại Sàigòn. Trọng Lang góp mặt trên Người Việt với phóng sự Những tâm trạng bi thương gồm :
- Một người mẹ (số 1)
- Mồ hôi nước mắt trong thùng nước (số 4)
Khác với Trọng Lang, Nguyễn Đức Quỳnh góp mặt trên Người Việt với bút hiệu Âu Âu Thành Đô trong bài viết in trong hai số 3 và 4 Góp phần xây dựng văn nghệ. Với suy tưởng và trải nghiệm của chính bản thân mình, Nguyễn Đức Quỳnh chứng minh chủ nghĩa Mác là một ngụy thuyết. Ông viết: “Chủ nghĩa Mác đã rèn luyện môn đồ thành con người chỉ biết suy nghĩ (luận) theo có một chiều (duy vật biện chứng), chỉ biết có hành động (luật) theo có một hướng (độc tài vô sản) nên tất nhiên con người đó phải thui chột hết tình cảm. Mà con người đã không rung động thì làm gì còn có tính chất ... con người nữa (...) Hậu quả tất nhiên của nền Triết học duy lý khiên cưỡng ấy phải là một chế độ chính trị xu thời, tiền hậu bất nhất, luôn luôn bẻ quẹo thực tế khách quan đi cốt sao cho phù hợp với chủ quan lệch lạc của mình.”
Nguyễn Đức Quỳnh sinh ngày 23-11-1909 tại làng Trà Bồ, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên. Mất ngày 21-06-1974 tại Sàigòn. Từ những năm 1930 Nguyễn Đức Quỳnh đã cộng tác với các báo, nhưng đáng chú ý nhất là tạp chí Văn Mới và sự hình thành nhóm Hàn-Thuyên với góp mặt của; Trương Tửu Nguyễn Bách Khoa, Lê Văn Siêu, Nguyễn Tế Mỹ, Đặng Thai Mai, Đào Duy Anh, Phạm Ngọc Khuê, Lương Đức Thiệp ... Ông đã biên soạn nhiều sách lịch sử như: Gốc tích loài người (1943), Đời sống thái cổ (1942), Tây phương cổ sử (1944), Lịch sử thế giới (1944). Trong hai năm 1941 và 1942 ông cho ra đời bộ ba tiểu thuyết: Thằng Cu So, Thằng Phượng, Thằng Kình. Năm 1946 ông ra chiến khu và hoạt động tại Thanh Hóa. Năm 1952 ông vào Hà-Nội rồi Sài gòn làm tuần báo Đời Mới của Trần Văn Ân, trên báo Đời Mới ông cho in: Làm lại cuộc đời với bút hiệu Hà Việt Phương. Năm 1957, nhà xuất bản Quan Điểm cho in cuốn tâm bút Ai Có Qua Cầu với bút hiệu Hoài Đồng Vọng. Vào những năm 60 ông sinh hoạt với những người trẻ ở Đàm Trường Viễn Kiến, ông còn viết nhiều tác phẩm in trên nhật báo Tin Sáng của Lý Đại Nguyên.
Mai Thảo viết về Nguyễn Đức Quỳnh: “(...)Trong cái đám hai trăm đại biểu từ khắp nơi đeo bạc đà, vượt tiêu thổ, về họp mặt dưới những chùm hoa gạo đỏ thắm trên mái đình làng Quần Tín, người Hàn Thuyên gần đủ mặt, chỉ thiếu Lê Văn Siêu (...) Đã ngót ba mươi năm. Tôi còn như đang nhìn thấy anh đến. Tráng kiện, mạnh mẽ. Khuôn mặt rám nắng, vầng trán mênh mông. Cái nhìn sáng và sắc, chém đinh chặt sắt (...) và nụ cười, nụ cười thân yêu bè bạn sau này không bao giờ quên của cả một lớp người văn nghệ trẻ tuổi ở miền Nam, anh Nguyễn Đức Quỳnh tức khắc là “người” của đám người viết mới như tôi trong đại hội. Bên cạnh một Trương Tửu lè phè, xập xệ, một Đặng Thai Mai nhợt nhạt đau yếu, anh là khuôn mặt sống động và nghệ sỹ nhất của nhóm Hàn-Thuyên chúng tôi thấy mặt lần đầu (...) Họp mặt Quần Tín cũng là một chia lìa. Những người Mác-xít, chưa ra mặt hẳn, đã muốn áp đặt đường lối chính trị của họ vào hội thảo văn học (...) Trên bàn chủ tịch đoàn, Nguyễn Đức Quỳnh là người duy nhất đánh phá đường hoàng vào sự trầm trọng lệch lạc này (...)” (III)
Thanh Tâm Tuyền viết về Nguyễn Đức Quỳnh: “Cùng với ‘Những Ngày Thơ Ấu’ của Nguyên Hồng, Thằng Kình là quyển tiểu thuyết quan trọng đối với tôi. Đó là quyển sách đã vỡ lòng, đã mở mắt, đã đưa tôi vào đời. Tôi đã nếm mùi sung sướng và vị đắng cay khi đọc quyển sách ấy. Tôi đã gặp một ngọn lửa đốt cháy tôi – ngọn lửa của đời sống.
Tôi không phải là người của một vài cuốn sách. Trước và sau khi đọc ‘Thằng Kình’ , ‘Những Ngày Thơ Ấu’, tôi đã đọc hầu hết tiểu thuyết Việt Nam, tôi hiểu được giá trị, tôi cảm được cái hay của nhiều tác giả khác, nhưng chỉ có hai tác giả Nguyễn Đức Quỳnh và Nguyên Hồng gây được ở tôi lòng ngưỡng mộ. Tôi không nói yêu, không nói phục, tôi nói ngưỡng mộ. Văn chương phát sinh từ lòng ngưỡng mộ. Hết lòng ngưỡng mộ, hết văn chương. Kẻ được ngưỡng mộ chưa chắc đã sung sướng bằng kẻ ngưỡng mộ. Nên tôi không bao giờ quên ơn người đã khơi dậy lòng ngưỡng mộ nơi tôi.”
Hôm nay thì tôi hiểu: thơ mở một cõi ngoài cho người ta sống và tiểu thuyết mở chính cõi này cho người ta sống. Tiểu thuyết là mối hạnh phúc đau đớn anh nhận được, mở cho anh cửa ngõ trần gian nơi anh đắm đuối thèm khát tới. Anh sẽ vẫn còn sống được khi anh còn say sưa với những quyển tiểu thuyết như tôi đã say sưa Thằng Kình. Mọi quyển tiểu thuyết lớn lao đều mở rộng lối để đón người, Những người phải sống.” (III)
Sự góp mặt của Trọng Lang và Nguyễn Đức Quỳnh trên báo Người Việt, diễn đàn của những người viết trẻ vào thời điểm khởi đầu của họ (1955) và ghi nhận về các tác giả và tác phẩm tiền chiến này cho thấy: dòng văn học Việt Nam trước 1945 vẫn được tiếp cận, không phải chỉ ở thời kỳ này mà thơ của Nguyễn Đình Thi và Huy Cận trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp cũng được nói tới. Đây là sự tiếp cận với cái tiền phong, với cái mới. Đồng thời nó nói lên tính liên tục của văn học nghệ thuật miền Nam: dòng chảy của văn học nghệ thuật không bao giờ ngừng, không thể bị cắt đứt, hay phủ nhận. Tính liên tục ấy phải được hiểu rằng cái mới, tinh thần tiền phong phải được nuôi dưỡng và đương nhiên phủ nhận cái cũ lạc hậu, cái cũ xác chết. Văn học nghệ thuật đích thực bao giờ cũng kêu đòi cái mới, cái tiến bộ.
B. Thời điểm 1955
Tại miền Nam, khoảng một năm sau khi đất nước bị chia hai. Trong khi Thanh Tâm Tuyền và những người bạn xuất hiện trên báo Người Việt ở Sàigòn. Tại Huế, có tờ Văn Nghệ Mới, Nguyễn Văn Xuân đã cho in trọn bài luận thuyết Xây dựng một nền văn nghệ hiện thực dân chủ tiến bộ, cùng với truyện ngắn, truyện dài Đất Ô Châu , Trần Lê Nguyễn viết Bão Thời Đại. Cũng tại Huế vào thời điểm này còn có tờ Mùa Lúa Mới với thơ của Đỗ Tấn và văn của Võ Phiến với Chữ Tình, Người Tù. Những tác giả này, bằng những tác phẩm của mình đã lên tiếng như một chọn lựa. Người từ miền Bắc vào, người từ hàng ngũ bên kia bước qua bên này, người chọn lựa ở lại, người từ nước ngoài trở về ... tất cả đều đã phải trải qua những chọn lựa khó khăn.
Nhìn lại hai mươi năm văn nghệ miền Nam với những thành quả nó để lại rồi nhìn từ khởi điểm của nó, chúng ta thấy rằng đó là thành quả của lựa chọn: lựa chọn tự do. Không có tự do thì không thể có sáng tạo. Không có sáng tạo thì không có văn học nghệ thuật. Có tự do sáng tạo mà chúng ta đã có được những tác giả có bản sắc riêng và những tác phẩm giá trị.
Có một điều cần lưu ý ở đây: sự lựa chọn tự do không phải chỉ dành riêng cho những người từ miền Bắc di cư vào Nam , sự lựa chọn đó còn là sự lựa chọn ở lại miền tự do của những người như Bình Nguyên Lộc, Hồ Hữu Tường, Sơn Nam, Võ Hồng, Phan Du ...
Còn tại miền Bắc , quân đội Việt Minh tiếp quản Hà Nội, chính quyền cộng sản kiểm soát toàn miền Bắc. Hà Nội có một hội tụ: những văn nghệ sỹ đi kháng chiến trở về như Tô Hoài, Tú Mỡ, Phan Khôi, Nguyễn Đình Thi, Quang Dũng, Hữu Loan ... Những người đã ở hay về tề từ trước năm 1954 như Sao Mai, Ngọc Giao, Hoàng Dương, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tiến Chung, Hoàng Công Khanh. Những người tập kết từ miền Nam ra như Nguyễn Bính, Vũ Anh Khanh, Đoàn Giỏi, Trang Thế Hy, Xuân Vũ ...
Vào thời điểm 1955, tại Hà Nội cũng đã có những lên tiếng về tự do sáng tác, sang đầu năm 1956 Giai Phẩm Mùa Xuân ra đời, Hoàng Cầm cho in bài thơ Nhất định thắng của Trần Dần, giai phẩm bị tịch thu, Hội văn tổ chức phê bình và lên án Trần Dần và tác giả Nhất định thắng bị bắt giam tại Hỏa Lò, Hà Nội.
Tháng 8 - 1956 Giai phẩm mùa thu I. Sau đó ra thêm hai tập.
Tháng 9 - 1956 báo Nhân Văn ra số 1, do Phan Khôi làm chủ nhiệm, Trần Duy làm thư ký tòa soạn, Minh Đức xuất bản, ban biên tập gồm: Nguyễn Hữu Đang, Trần Duy, Lê Đạt, Hoàng Cầm.
Ngoài ra còn có những diễn đàn khác như Đất Mới, Trăm Hoa, và một thời gian ngắn tuần báo Văn Nghệ cũng góp phần vào công cuộc đổi mới văn học nghệ thuật. Ở chính thời điểm này văn học đã có được những tác phẩm giá trị về nghệ thuật cũng như tính tiên phong. Bên cạnh Phan Khôi, Hoàng Cầm ... những tên tuổi mới đã xuất hiện như Trần Dần, Phùng Cung, Lê Đạt, Bùi Quang Đoài, Phùng Quán, Hoàng Tích Linh.
Ngày 09 tháng 12 năm 1956 chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh về chế độ báo chí. Ngày 15 tháng 12 Ủy ban hành chính Hà-nội ra thông báo đóng cửa báo Nhân Văn. Báo Nhân Văn chỉ ra được 5 số, Tự do báo chí, tự do sáng tác đã bị chặn đứng. Một thời kỳ đã kết thúc.
C. Tạp chí Sáng Tạo
Tạp chí Sáng Tạo do Mai Thảo chủ trương biên tập số 1 phát hành tháng 10 năm 1956 gần một năm sau khi tuần báo Người Việt đình bản, trên diễn đàn này chúng ta găp lại Thanh Tâm Tuyền với nhũng người bạn cũ và thêm nhiều bạn mới. Sáng Tạo ra được 31 số thì tạm ngưng đó là tháng 9 năm 1959. Đây là một diễn đàn mở rộng. Bên cạnh những người viết mới còn có những tên tuổi của tiền chiến như: Vũ Hoàng Chương, Lê Văn Siêu, Đinh Hùng. Các nhà giáo nhà nghiên cứu như Phan Văn Dật, Nguyễn Đình Hòa, Nguyễn Duy Diễn, Lê Thương, Lê Cao Phan, Nguyên Sa, Nguyễn Phụng, Lữ Hồ. Những người đã viết từ trước năm 1956 như Vũ Khắc Khoan,Tô Kiều Ngân, Mặc Đỗ, Tạ Tỵ, Vĩnh Lộc,Thanh Nam …
Tạp chí Sáng Tạo bộ mới số 1 phát hành tháng 07 năm 1960 - Diễn Đàn Văn Học Nghệ Thuật Hôm Nay - do Mai Thảo làm chủ nhiệm với bộ biên tập gồm: Doãn Quốc Sỹ, Duy Thanh, Mai Thảo, Nguyễn Sỹ Tế, Thái Tuấn, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Trần Thanh Hiệp. Ngoài bộ biên tập còn có sự góp mặt của 15 tác giả khác như: Thạch Chương, Sao Trên Rừng ( Nguyễn Đức Sơn), Thảo Trường, Trần Thy Nhã Ca, Viên Linh, Trần Dạ Từ, Dương Nghiễm Mậu ...Tạp chí Sáng Tạo bộ mới ra tới số 7 tháng 09 năm 1961 thì đình bản.
Lời nói đầu của Sáng Tạo bộ mới viết: “Chúng tôi là những người viết trẻ, tự nhận chưa làm được gì cho nghệ thuật. Sự chân thành chúng tôi mang đến cho nghệ thuật là ý thức chúng tôi. Sáng Tạo từ nay sẽ đặt hẳn mình là diễn đàn là ý thức của những người viết trẻ, của văn nghệ mới. Trên “diễn đàn văn học nghệ thuật hôm nay” dựng lại, chúng ta, người viết và người đọc cùng tìm trả lời cho câu hỏi: thế nào là nghệ thuật hôm nay?”
Trong bảy số báo có đăng tải 4 cuộc thảo luận bàn tròn chủ yếu là của bộ biên tập:
- Số 1 - Nhân vật tiểu thuyết
- Số 2 - Nói chuyện về thơ bây giờ
- Số 3 - Ngôn ngữ mới trong hội họa
- Số 4 - Nhìn lại văn nghệ tiền chiến ở Việt Nam
Trong bốn cuộc thảo luận về nghệ thuật thì ba cuộc thảo luận về văn chương, một cuộc thảo luận về hội họa, còn các ngành nghệ thuật khác như: điêu khắc, kiến trúc, điện ảnh, sân khấu, âm nhạc chưa thấy được bàn đến. Trong cuộc thảo luận Nhìn lại văn nghệ tiền chiến ở Việt Nam đã có một kết luận như sau:
“Chúng ta đã làm một cuộc thanh toán với thế hệ trước qua việc xác định lại giá trị đích thực của văn chương nghệ thuật tiền chiến. Chúng ta đã kiểm điểm, nhận định, trong ý thức hoàn toàn chủ quan của thế hệ chúng ta với mục đích và hy vọng duy nhất: Cùng với nhau rũ bỏ những ám ảnh quá khứ để nhìn vào thực trạng, khơi mở một con đường tiến tới trước nghệ thuật hôm nay. Có thể thế hệ sau chúng ta sẽ làm lại hành động này với thế hệ chúng ta. Và chúng ta chấp nhận đó là một hành động tất yếu cho sự tiến hóa của nghệ thuật. Nghệ thuật là một vận động biện chứng của hủy diệt và sáng tạo.”
Qua bốn cuộc thảo luận bàn tròn cùng những quan điểm đã được trình bày trên Tạp chí Sáng Tạo, chúng ta thấy chỉ có một điểm chung cho bộ biên tập và những người cộng tác là: sáng tạo và đổi mới không ngừng. Sáng tạo và đổi mới như thế nào là thuộc về người sáng tác. Cho nên ngay trên diễn đàn Sáng Tạo, Thanh Tâm Tuyền trong bài viết Nhân nghĩ về hội họa (Sáng Tạo số 26 tháng 11 năm 1958) đã viết: “Tôi nói thẳng là tôi không đồng ý về hội họa trừu tượng vô hình dung ...” Ngay sau đó (Sáng Tạo số 27 tháng 12 năm 1958) Tô Thùy Yên lên tiếng bênh vực hội họa trừu tượng trong bài viết Để phục hồi hội họa trừu tượng. Tô Thùy Yên viết: “Tôi đứng lên giải vây cho hội họa trừu tượng, đồng thời đánh phá một số quan niệm sai lầm về văn nghệ được tung ra trong mục đích triệt hạ dễ dàng hội họa trừu tượng.”
Sau này, trong Sáng Tạo bộ mới số 3 tháng 09 năm 1960, Thanh Tâm Tuyền cho in bài Nghệ Thuật Đen. Sau đây là đoạn kết của bài viết: “Gọi nghệ thuật đen không phải vì những ý nghĩa suy đồi lầm lạc người ta gán cho nó. Gọi nghệ thuật đen bởi liên tưởng tới một màu da của nhân loại, màu da đen. Đen có thể là một màu đẹp như đêm tối trong suốt vô cùng, như tròng mắt của người thiếu nữ Á đông. Nhưng hiện thời đen tiêu biểu hết nghĩa cho một cảnh ngộ trong ấy con người chịu đựng sức nặng đè ép của sự vật của một trật tự mấy nghìn đời.
“Cớ sao tôi xanh, tôi sầu và tôi đen đến thế.” Hãy nghe tiếng kêu ấy của chàng nhạc sỹ da đen, hãy nghe những âm thanh đổ vỡ lổng chổng hay mệt mỏi thê thiết của chàng như hình ảnh của một thế giới dục tình bi đát.
Danh từ nghệ thuật đen được tạo thành từ hình ảnh một màu da lại luôn là thân phận của người một thân phận mọi. Bởi thế nghệ thuật đen chính là nghệ thuật hôm nay.”
Trước vấn đề được Thanh Tâm Tuyền đặt ra, trong Sáng Tạo bộ mới số 5 tháng 11 năm 1960, Thạch Chương đã viết bài Giới thiệu một nhận thức siêu thực về nghệ thuật. Kết luận của bài viết, Thạch Chương gọi nghệ thuật hôm nay là nghệ thuật trắng. Ông viết: “Nghệ thuật trắng là một lối nhìn hoang sơ nhất, trinh khiết nhất và do đó cũng ghê gớm nhất. Nó chính là siêu thực đơn và thuần vậy, và phải thẳng thắn nhận định như thế.”
Sau đó trên Sáng Tạo bộ mới số 7 tháng 09 năm 1961, trong một truyện ngắn tiểu luận nhan đề Buồn vàng Dương Nghiễm Mậu lại gọi nghệ thuật hôm nay là nghệ thuật vàng. Dương Nghiễm Mậu viết: “Dù em đen và em sầu, dù em trắng và em sầu. Đó là em. Còn anh, anh sầu và anh vàng ... Anh vàng và anh buồn em ơi.”
Tạp chí Sáng Tạo số 1 phát hành tháng 10 năm 1956 tại Sài gòn và số cuối cùng (số 7 bộ mới) phát hành tháng 09 năm 1961, có một thời gian bị ngắt quãng, tổng cộng được 38 số. Sự có mặt của Tạp chí là một đóng góp đáng kể cho sinh hoạt văn học nghệ thuật của miền Nam, nó đã giới thiệu được những tác giả mới, những tác phẩm mới khác với thời kỳ trước.
15 năm sau, năm 1970 Nguyệt san Tân-Văn cho xuất bản Tuyển truyện Sáng-Tạo do Mai Thảo chọn và giới thiệu gồm những truyện ngắn của các tác giả: Duy Thanh, Dương Nghiễm Mậu, Mai Trung Tĩnh, Phạm Nguyên Vũ, Song Linh, Thảo Trường, Thạch Chương. Đây không phải là những tác giả dựng lên tạp chí Sáng Tạo, mà là những tác giả đến với tạp chí. Mai Thảo đã viết bài giới thiệu cho tuyển tập này như một nhìn lại tạp chí Sáng-Tạo: “ (...) Trước sau, đối tượng của trận đánh lớn vẫn là một: phá đổ cái cũ, tạo dựng cái mới. Nói một cách khác, đó là kết thành của hoài bão và khát vọng chân thành nơi một lớp người muốn tạo dựng một nền văn học nghệ thuật của chính mình. Gọi lên đường ấy là trở lại đời sống, thoát ly quá khứ, thức tỉnh ý thức, thế nào cũng được. Điều đáng ghi nhận là lên đường ấy đã có. Có với sự có mặt của một lớp người viết mới. Tạp chí Sáng Tạo là một trong những diễn đàn đã được dự phần vào lên đường này.”
D. Thạch Chương và Duy Thanh
Trong Tuyển truyện Sáng-Tạo, Mai Thảo đã chọn truyện ngắn của hai tác giả đặc biệt, nói đặc biệt vì đó là một nhạc sỹ và một họa sỹ đã nổi tiếng:
Thạch Chương là bút hiệu của nhạc sỹ Cung Tiến, tên thật là Cung Thúc Tiến, ông sinh ngày 27 tháng 11 năm 1938 tại Hà-Nội đã sáng tác âm nhạc từ lúc còn học trung học trước khi di cư vào Nam năm 1954. Ông từng du học chuyên ngành kinh tế và một thời gian phục vụ trong quân đội. Sau năm 1975 ông định cư tại Hoa Kỳ. Ông đã dịch Hồi ký viết dưới hầm của F. Dostoievski, Một ngày trong đời Ivan Denissovitch của A.Soljenitsyne cùng nhiều truyện ngắn và thơ của nhiều tác giả nước ngoài. Ông đã cho in nhiều sáng tác và tiểu luận trên tạp chí Sáng-Tạo. Về âm nhạc có các tác phẩm nổi tiếng như: Thu vàng, Hoài cảm, Hương xưa, Mắt biếc ... nhạc của Cung Tiến không phải là tầm gửi với ca từ, ông không hạ thấp và làm tầm thường âm nhạc khi phổ thơ, hơn thế nữa, Cung Tiến làm cho thơ và nhạc cùng cất cánh. Về những tác phẩm phổ thơ của Cung Tiến, chúng ta có thể nhắc đến: Thuở làm thơ yêu em của Trần Dạ Từ, Lệ đá xanh của Thanh Tâm Tuyền.
Duy Thanh sinh trưởng tại miền Bắc, ông học hội họa cùng với Ngọc Dũng ở Hà-Nội và tại đây ông đã mở cuộc triển lãm đầu tiên trước khi di cư vào Nam năm 1954. Hội họa là sinh hoạt chính của ông. Năm 1964 Duy Thanh cho xuất bản tập truyện Lớp gió. Sau năm 1975 ông sống với gia đình tại Hoa Kỳ và không còn hoạt động nghệ thuât nữa.
Thạch Chương và Duy Thanh hầu như chỉ viết trên tạp chí Sáng-Tạo. Chúng ta không thấy Thạch Chương bàn về âm nhạc và Duy Thanh không bàn về hội họa như họa sỹ Thái Tuấn. Những sáng tác văn thơ của Thạch Chương và Duy Thanh không nhiều nhưng nó mới mẻ, chính điều đó góp phần làm rõ nét thêm bản sắc riêng của tạp chí Sáng-Tạo.
E. Tạp chí Hiện đại và Tạp chí Thế kỷ hai mươi
Vào thời điểm 1960 khi tạp chí Sáng-Tạo bộ mới phát hành thì trước đó và cùng lúc có thêm hai tạp chí có khuynh hướng đổi mới xuất hiện:
1 - Tạp chí Hiện-Đại số 1 phát hành tháng 04 năm 1060 do Nguyên Sa chủ trương biên tập ở những số đầu có sự góp mặt của bốn tác giả trong bộ biên tập tạp chí Sáng-Tạo là Duy Thanh, Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Doãn Quốc Sỹ. Tới số 4 Hiện-Đại giới thiệu ban biên tập gồm những tác giả: Đinh Hùng, Hoàng Anh Tuấn, Lưu Trung Khảo, Mặc Đỗ, Nguyên Sa, Nguyễn Duy Diễn, Nguyễn Thức, Tạ Tỵ, Thái Thủy, Thanh Nam, Trịnh Viết Thành.
Tạp chí Hiện-Đại ra tới số 9 tháng 12 năm 1960 thì đình bản, chính từ tạp chí này có ba nhà thơ đã được giới thiệu: Nguyên Sa, Trần Thy Nhã Ca, Hoàng Anh Tuấn. Hiện-Đại với sự góp mặt của ba tên tuổi thời tiền chiến là: Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương, Bàng Bá Lân. Đa số các tác giả khác đều đã từng xuất hiện trong thập niên 1950 trên nhiều diễn đàn khác nhau từ bắc tới nam.
2 - Tạp chí Thế-Kỷ-Hai-Mươi số 1 phát hành tháng 07 năm 1960, Giám đốc Nguyễn Cao Hách, chủ trương biên tập Nguyễn Khắc Hoạch, tòa soạn gồm: Lý Hoàng Phong, Tô Thùy Yên, Trần Lê Nguyễn.
Tạp chí Thế-Kỷ-Hai-Mươi đặc biệt có sự góp mặt của một số giáo sư đại học như: Nguyễn Khắc Hoạch, Nguyễn Văn Trung, Thanh Lãng, Nguyễn Đăng Thục, Lý Chánh Trung. Bên đó là các tên tuổi khác như nhạc sỹ Phạm Duy, họa sỹ Thái Tuấn và Nguyễn Trung, nhà phê bình điện ảnh Hà Thúc Cần. Có sự cộng tác của năm cây viết trong bộ biên tập của tạp chí Sáng-Tạo là: Thanh Tâm Tuyền, Nguyễn Sỹ Tế, Duy Thanh, Tô Thùy Yên, Doãn Quốc Sỹ. Tạp chí có sự hiện diện của nhiều cây bút độc lập như: Thảo Trường, Lôi Tam, Trường Duy, Võ Phiến, Cung Trầm Tưởng, Kiêm Minh, Trần Dạ Từ, Viên Linh, Dương Nghiễm Mậu, Sao Trên Rừng (Nguyễn Đức Sơn).
Tháng 12 năm 2009
Dương Nghiễm Mậu
Chú thích :
(I) Nguyệt san Văn Nghệ Mới xuất bản tại Huế năm 1955. Nguyễn Văn Xuân cho đăng truyện ngắn, truyện dài Đất Ô Châu, Luận thuyết Xây dựng một nền văn học nghệ thuật dân chủ tiến bộ. Luận thuyết này đã in trên báo Đời Mới của Trần Văn Ân và Nguyễn Đức Quỳnh với bút hiệu Việt Hiến. Nguyễn Văn Xuân sinh năm 1921 tại làng Thanh Chiêm, Điện Bàn, Quảng Nam mất ngày 04 tháng 07 năm 2007 tại Đà-Nẵng. Tác phẩm đã xuất bản Bão rừng (1957), Khi những lưu dân trở lại (1967), Phong trào Duy Tân (1969)... Trên Văn Nghệ Mới còn in kịch dài Bão Thời Đại của Trần Lê Nguyễn, năm 1968 vở kịch được nhà Sáng Tạo xuất bản. Trần Lê Nguyễn tên thật là Nguyễn Huy Tạo, sinh ngày 04 tháng 08 năm 1924 tại Thạch Thất - Sơn Tây mất ngày 07 tháng 07 năm 1999 tại Sài gòn.
(II) “Thềm cũ”, Hà-Nội ”Ơi núi rừng” đây là Thanh Tâm Tuyền nhắc đến bài Sáng mát trong như sáng năm xưa của Nguyễn Đình Thi in trên báo Văn Nghệ (1949) thời kháng chiến chống Pháp:
Sáng mát trong như sáng năm xưa
Gió thổi mùa thu hương cốm mới
Cỏ mòn thơm mãi dấu chân em
Gió thổi mùa thu vào Hà-Nội
Phố dài xao xác heo may
Nắng soi ngõ vắng
Thềm cũ lối ra đi
Lá rụng đầy
Ôi nắng dội chan hòa
Nao nao trời biếc
Gió đượm hương đồng rộng
Hương rừng chiến khu
Tháp Rùa lim dim nhìn nắng
Những cánh chim non
Trông vời nghìn nẻo
Mây trắng nổi tơi bời
Mấy đứa giết người
Hung hăng một buổi
Tháng tám về rồi đây
Hôm nay nghìn năm gió thổi
Trời muôn xưa
Đàn con hè phố
Môi hớn hở
Ngày hẹn đến rồi
Các anh ngậm cười bãi núi ven sông
Hà-Nội
Ơi núi rừng .
Về sau trong Người chiến sĩ NXB Văn học, Hà-nội 1960 có in bài Đất Nước, trong đó có một vài câu và một số chữ là ở trong bài Sáng mát trong như sáng năm xưa.
(III) Ngôi sao Hàn Thuyên của Mai Thảo và Anh đã đọc Thằng Kình chưa của Thanh Tâm Tuyền - Tập san VĂN số: Vĩnh biệt Nguyễn Đức Quỳnh tháng 06 năm 1974 Sài gòn
(IV) Đoàn Người Hóa Khỉ của D.Q.S sau này có in lại trên Sáng Tạo số 30 và 31.
(V) Theo Xuân Trường trong bài Một nhận định về Quách Thoại - Văn Nghệ số 24 tháng 6/7 năm 1963 Sài gòn.
(VI) Nỗi buồn trong thơ hôm nay của Thanh Tâm Tuyền - Sáng Tạo số 31 tháng 09/1959 Sài gòn
(VII) Những kỷ niệm về Quách Thoại - Sáng Tạo số 5 bộ mới tháng 11/1960 Sài gòn.
***
Phụ đính II:
Chuyện vui ngày xuân kén rễ
Mùa xuân là mùa tái sinh của vũ trụ. Những việc trọng đại trong đời người thường đưọc chăm lo chu toàn vào cái mùa đầm ấm này. Trong đó có chuyện dựng vợ gả chồng cho con cái của các gia đình. Để bảo đảm cho sự tốt đẹp của công việc chọn lựa, đã từ lâu người ta đã bầy ra nhiều cách để chọn ý trung nhân cho con gái, con trai của mình. Nói chung các cách đó được gọi là những cuộc tuyển phu, tuyển thê xưa kia, với nhiều cuộc tuyển chọn li kỳ, hấp dẫn.
Tại một làng kia có một gia đình phú hộ sinh được một cô con gái vừa đẹp lại vừa ngoan, mùa xuân năm ấy vừa đến tuần cập kê. Tất nhiên, phú ông tính toán thật kỹ lưỡng một cuộc tuyển phu cho con gái với những điều sắc bén sẽ được đưa ra để thử thách các trai làng. Cuối cùng, ông đã nghĩ ra được một lối “khảo thí” mau lẹ và chính xác để đánh giá các trai tài. Lối tuyển của ông theo thời mới, tương tự như lối trắc nghiệm IBM vậy. Phú ông cho treo bảng cầu “hiền tế” khắp các thôn xóm trong làng, trong tổng, ghi rõ mục đích tuyển phu, điểu kiện, ngày giờ và địa điểm tỉ thí.
Đúng ngày ước hẹn, căn nhà 5 gian bằng gỗ lim của phú ông đã được dọn dẹp sạch sẽ, đón mời các vị chức sắc trong làng, các trưởng tộc, trưởng xóm... tới chứng kiến và giám sát cuộc tuyển phu. Sau vài món thử thách bình thường, số ứng viên cũng đã rơi rụng nhiều. Cuối cùng, chỉ còn bốn chàng trai trẻ lọt vào chung kết. Bốn chàng được xếp ngồi cách nhau theo một hàng dài, chiếm mất ba gian nhà. Mỗi ứng viên ngồi trên một chiếc ghế đẩu, trước mặt có kê thêm một chiếc bàn con để làm việc. Việc gì? ai nấy đều hồi hộp đợi chờ xem.
Đúng giờ thìn, theo lệnh của phú ông, gia nhân trịnh trọng khiêng ra một thúng khoai lang đã luộc chín, đặt lên trên một cái mâm đồng lớn, có ba chân, đã kê sẳn ở giữa nhà. Các giai nhân đó chọn ở trong thúng khoai lấy bốn củ lớn có trọng lượng và thể tích tương đương với nhau. Họ bầy 4 củ khoai đã chọn được vào 4 cái đĩa lớn, mỗi đĩa có sẵn một con dao nhỏ. Xong xuôi, bốn giai nhân bưng bốn đĩa khoai lang tới chỗ bốn ứng cử viên mà trao cho họ.
Phú ông ra đứng trước mặt các ứng cử viên và các quan khách long trọng tuyên bố lý do và điều kiện dự thí: Xin các công tử cứ tự nhiên ăn hết củ khoai lang trong đĩa, trong vòng 20 phút đồng hồ. Ăn xong là cuộc tuyển cũng xong. Gia đình chúng tôi sẽ tuyên bố kết quả trong vòng 10 phút sau đó. Và bây giờ thì cuộc thi bắt đầu!
Từ lúc đó, hội trường im phăng phắc. Trăm con mắt đều dán vào chỗ bốn ứng viên, theo dõi cử chỉ của họ không bỏ sót một mảy may nào. Nhưng chăm chú hơn cả phải kể là các giám khảo có thực quyền là ông bà phú ông và cô ái nữ. Để tiện theo dõi cuộc thi, xin đánh số các thí sinh từ trái qua phải là A, B, C, D. Kết quả của cuộc quan sát là:
- Chàng A: lấy dao, sắn tay áo, lột vỏ khoai hết sức chi li cho tớí nhẵn nhụi; lấy dao cắt củ khoai ra làm nhiều miếng nhỏ vừa miệng ăn; lấy mũi dao (nhọn) xuyên từng miếng một mà đưa lên miệng nhai và nuốt ngon lành (phép này gọi là “bóc trần”).
- Chàng B: lấy móng tay cái bóc vỏ khoai từ trên xuống dưới, bóc được khúc nào lấy miệng cắn khúc đó mà ăn (phép này gọi là “bóc đến đâu xâu đến đó”).
- Chàng C: cũng lấy móng tay bóc vỏ khoai; nhưng bóc được một
khúc ngắn lại vội cắn lấy một khúc dài cho mau hết và đỡ cơn thèm (phép này gọi là “bóc ngắn cắn dài”).
Trước khi xét anh chàng D, xin tạm ghi kết quả từng phần:
Chàng A bị chê bai là con người đài các dởm, ngày sau vợ phải hầu hạ đủ điều. Chàng B bị công kích là không có óc lo xa, không có tinh thần tiết kiệm dễ gặp bất trắc cuộc sống. Chàng C: vừa trômng thấy chàng này bóc ngắn, cắn dài, làm một tiêu hai, chẳng cứ gia đình phú ông mà còn tất cả mọi người đều lắc đầu, xua tay gạt bỏ.
Chỉ còn lại có mỗi anh chàng thứ tư, anh chàng sau chót, anh chàng D. Thì... tất nhiên, anh ta đắc cử. Anh ăn theo phép gì mà đắc cử? Xin thưa: anh không có phép tắc nào cả, anh ăn khoai lang cả vỏ! Và được khen là con ngươì cần kiệm!
Nguyễn Sỹ Tế
California, 27 tháng 1 năm 2005
_________________
Nguời thợ nhuộm sông Đà
Thuở ấy, nước ta còn chia ra làm bộ, châu, huyện, di tích của mấy thời kỳ chịu Bắc thuộc. Sau này, qua nhiều thế kỷ tự chủ liên tục rồi, di tích ấy vẫn còn, và biên giới giữa nước ta và nước Tàu vẫn khôngg được phân chia dứt khoát. Trong cảnh huống xa xôi hẻo lánh gần biên thùy, thường có những vụ qua lại giữa các sắc tộc khác nhau bên đây và bên kia lằn ranh quốc gia. Vào thời kém hòa thuận, có những bọn giặc, pha nhiều sắc tộc, kéo về chiếm đóng và cai trị mấy châu cực Tây Bắc, tạo bao điều cay đắng cho dân lành.
Câu chuyện dân địa phương kể ra sau đây không rõ thuộc triều Trần hay triều Nguyễn Tây Sơn. Ở thượng nguyên sông Đà kia, chảy qua Phong Châu và Vũ Định Châu, có một dòng họ kia nổi danh nhiều đời là những nhà thợ nhuộm kiệt xuất, được trọng vọng khôngg những trong vùng mà còn ở cả những vùng lân cận, trong nước và ngoài nước. Đó là dòng họ Hoàng.
Chuyện được dân gian ưa kể nhiều nhất là câu chuyện chàng trai Hoàng Đan, một thiên tài thợ nhuộm khôngg những đã làm rạng rỡ danh tổ tông mà còn làm ngẩn ngơ bao sĩ khí từng thiết tha với sự sống còn của dân tộc quốc gia mình. Tài năng của chàng thợ nhuộm sông Đà, Hoàng Đan, ngoài phần thiên phú và sự chuyên cần ra, còn là di sản tinh thần thừa hưởng được từ ông cha. Ông nội chàng, cụ Hoàng Cổn, từng nổi danh về kỹ thuật nhuộm nên hàng trăm màu sắc kỳ ảo cho vải vóc, tơ lụa, đã có một thời được nhà vua vời vào cung đình, ban cho chức tước, để truyền dạy nghề nghiệp cho các cung tần mỹ nữ. Cụ đã sớm cáo quan, trở về sống ẩn dật nơi quê hương dạy dỗ con cháu, để có rộng rãi tháng ngày tìm tòi, nghiên cứu mà thăng tiến kỹ xảo của nghề nghiệp. Hoàng Cổn chỉ sinh hạ được một người con trai duy nhất là Hoàng Minh. Cụ đã dốc toàn tâm lực đem tất cả mọi bí quyết nghề nghiệp để gây dựng cho con trở thành một nhà thợ nhuộm bậc thầy năm chưa tròn 30 tuổi. Mà thật vậy, gấm vóc mang dấu ấn của Hoàng Minh nổi tiếng đến nỗi nhà họ Hoàng lúc nào cũng tấp nập khách và con buôn, thậm chí cả người nước ngoài đến chầu chực đợi ngày hân hoan lãnh phẩm vật ra về. Nào lụa hồng tía cho các cô thiếu nữ du xuân, nào màu xanh lục non của đầu hè còn tưởng nhớ mùa xuân cho những chàng trai khi trở lại nhà trường. Và nhất là phi thời gian như màu lam của các chàng tân khoa, của các vì quan tước, của các văn nhân trong các hội tao đàn. Một màu lam vừa trang nghiêm vừa cởi mở, rực ánh vinh quang mà khôngg một người nào bắt chước được. Và biết bao màu sắc khác, màu tím hoa cà, màu trái lựu, màu đỏ hoa sen, màu cánh én mùa thu, màu lục đậm của mùa đông.
Cụ Hoàng Cổn thường nói với con trai mình:
-Cha đặt tên con là Minh. Minh có nghĩa là một thứ cỏ quý của ngày xưa, đến nay rất hiếm hoi. Minh còn có nghĩa là sáng và là tối. Ba nghĩa đó họp lại tên con. Cỏ minh cho ta một chất liệu để giữ cho màu sắc một khi đã ăn vào vải vóc là không bao giờ phai lạt, bạc màu hay biến thái. Bởi lẽ tạo được một sắc màu tốt đẹp ban đầu chưa đủ. Phải làm sao cho sắc màu đó y nguyên như lúc ban đầu, mặc dầu năm tháng. Cái quý là ở chỗ đó. Cái tín nhiệm cũng nhờ ở đó. Hồi lâu cụ lại tiếp:
-Tất cả những màu sắc mà cha tạo được đều là cóp nhặt từ thiên nhiên, từ đất đai, núi sông đến hoa cỏ. Kể ra cũng đã khá nhiều trong cả một đời hành nghiệp của cha. Nhưng so sánh với thiên nhiên, vẫn chỉ là muôn một. Thiên nhiên là một nguồn bất tận các sắc màu tất nhiên phải cung cấp cho ta những chất liệu để thể hiện và trường tồn các sắc màu đó. Vấn đề là ta phải tra khảo thiên nhiên để tìm ra những chất liệu tìm ẩn đó. Nghề nào cũng có cái bí quyết của nó. Con phải kiên tâm.
Hoàng Minh nghe lời cha dạy đã pha chế được một số sắc màu đặc biệt năm 20 tuổi làm cha ông phải vui mừng. Một trong những màu đó là màu “hoa đào nở được hai ngày gặp mưa xuân”. Và chính cái màu đó, do cụ Hoàng Cổn nhuộm vào lụa nõn Hà Đông, đã khiến cho Hoàng Minh kiếm được một cô vợ đẹp trong mùa xuân nọ và luôn thể cho cha mình một nàng dâu hiền.
Nàng dâu hiền đó, sau ba năm làm dâu đã sinh hạ cho cụ Hoàng Cổn một đứa cháu nội, con trai, đặt tên là Hoàng Đan. Cụ giải thích cho con trai ý nghĩa của cái tên mà cụ đã lựa chọn cho cháu nội:
-Đan là một thứ đá đỏ mà người ta quen gọi là son. Như vậy, Đan vừa có ý nghĩa vật chất lại vừa có ý nghĩa tinh thần. Đan tượng trưng cho đức thủy chung, sự kiên trinh, lòng bền vững. Cho nên mới có chữ Đan Tâm hay tấm lòng son.
Hồi lâu, cụ lại trở về với nghề nghiệp mà dặn dò Hoàng Minh:
-Nói là son nhưng cũng có nhiều thứ đá son, có thứ cứng, có thứ mềm, có thứ khó trị, có thứ dễ trị, có thứ đỏ tươi có thứ đỏ xỉn màu đất sét. Cha còn nhớ một thứ son phải ngâm rất lâu vào trong một chất liệu lỏng có pha vỏ cây, sau đó lại phải nung trong lò một thời gian nữa mới thành một chất liệu tương đối mềm, khả dĩ tán nhỏ và rây cho mịn mới thành một thứ bột nhuyễn chưng với nước để làm thuốc nhuộm. Cha đã bảo con rằng chất liệu để làm màu sắc là ở trong thiên nhiên. Vậy còn phải cất công tìm kiếm trên mọi ngọn đồi, trên mọi dòng suối, trong mọi cánh rừng. Biết đâu một ngày nào đó con lại chẳng tìm được một cái màu son tươi hơn và kỳ ảo hơn cái màu son của tấm áo con tặng vợ con hồi mới quen biết nhau.
Hoàng Đan chỉ nhớ được ít điều về ông nội của mình bởi lẽ cụ đã qua đời khi anh mới lên 5 tuổi. Ngoại trừ đôi bàn tay và bộ quần áo lúc nào cũng lem luốc sắc màu của cụ. Trái lại, Đan nhớ rất nhiều và rất rõ về cha và mẹ chàng. Trong một phần nào đó, hình ảnh của cha có lẫn vào hình ảnh của ông nội. Cũng đôi bàn tay và bộ quần áo lúc nào cũng lem luốc sắc màu của ông. Hay là chàng đã chiếu phóng hình ảnh của cha lên hình ảnh kiếm tìm về ông nội? Có lúc chàng cảm thấy rõ là cha chàng đã chỉ nhắc lại bài học của ông nội khi cha chàng căn dặn;
-Sắc màu đều ở trong lòng thiên nhiên, ai cũng biết điều đó. Nhưng thiên nhiên lại cực kỳ lung linh để thay đổi sắc màu từng giờ, từng khắc. Nó biến động đến nỗi con người khó nắm bắt được nó trong những trạng thái vừa lộ ra đã tắt ngay, những trạng thái mà mình ưa nhìn hay mong muốn kiếm tìm đúng như đã sở kiến trong đầu óc. Tỉ dụ như núi kia khi xanh, khi biếc, khi nấu, khi lục, lúc màu đen lạy, lại có lúc màu sữa, màu chì...
Đan ngắt lời cha:
-Giống như con cắc kè, con biết mà!
Người cha giảng giải tiếp:
-Cần phải có một con mắt tinh đời của một nhà hội họa. Nhận biết chính xác các sắc màu rồi, còn phải biết thực hiện nên chúng. Cái nghề của chúng ta là ở chỗ này. Đem chất liệu về nhà xong, phải triền miên thử thách pha chế. Cả cái giàn lò nung lò xấy, lò sắc, cối giã, cối xay, túi lọc và các mẩu vải lụa ở nhà ngang kia con đã biết sử dụng thành thạo một phần lớn. Cha sẽ chỉ cho con học tiếp.
Đan còn nhớ những lần đi khảo sát thiên nhiên cùng cha khắp quanh vùng. Những núi đá, những đồi trọc, những hang sâu đầy thạch nhũ, những rừng rậm đủ mùi lá cây và vỏ cây. Ở mỗi nơi chàng đều được cha giảng giải và chỉ vẽ cho đầy đủ. Và trên đường về nhà mỗi lúc, hai cha con đều quẩy nặng những bao bố đầy những mẩu núi rừng lượm được.
Qua sự săn sóc tận tình của thân phụ, mới hai mươi tuổi đầu, Hoàng Đan đã trở thành một thợ nhuộm lành nghề nổi tiếng ở khắp mấy châu miền Bắc nước nhà. Và đến năm hai mươi lăm tuổi thì tiếng tăm của chàng đã vượt biên giới sang mấy nước láng giềng. Gấm vóc mầu của chàng nhận được những đơn đặt hàng cả một năm trước ngày lãnh hóa. Đặc biệt, Đan đạt được cả hai giai trình màu sắc ấm lạnh, xoay chung quanh hai màu trụ là màu hồng và màu lam. Những sắc hồng rạng rỡ như bình minh mà vẫn ấm dịu khôngg chói chang. Những sắc lam của chàng khôngg lạnh nghiêm như sắc lam của tổ phụ.
Nhờ sự cần cù và thanh danh nghề nghiệp, gia đình Đan đã có một cơ ngơi tương đối sang trọng với đầy đủ nhà trên nhà dưới, hoành phi câu đối, sân trước sân sau hoa cỏ đủ màu.
Nếu như kỷ niệm về cha thường chỉ liên quan tới sự thăng tiến nghề nghiệp và danh vọng của Đan thì kỷ niệm về mẹ lại thật là sung mãn và êm đềm. Ngay từ sớm, mẹ chàng đã ước tính cho chàng một cô gái làng bên cũng xinh xắn và hiền thục như bà. Đan đồng tình ngay với sự lựa chọn của mẹ. Chẳng bao lâu, Duyên-tên người con gái đó -đã chính thức trở thành vị hôn thê của Đan sau một lễ đính hôn long trọng đầy màu sắc. Gia đình Đan vốn đơn người vì chàng là cậu con trai độc nhất, Duyên thường mượn cớ tới lui rất siêng năng, vừa để chăm sóc mẹ chồng tương lai vừa để làm bạn với Đan. Cả ba người chẳng mấy chốc đã trở nên những tri kỷ tâm đầu ý hiệp. Duyên giúp mẹ trong công việc thêu thùa. Đan hướng dẫn nhẹ nhàng Duyên vào nghề nghiệp trong nhà. Đan chỉ vào một cái tàu thuốc nhuộm lớn, cầm một mảnh lụa dài, thành thạo lấy đôi bàn tay nhúng mảnh lụa vào tàu thuốc nhuộm mà dẫn giải cùng Duyên đang chăm chú quan sát và lắng nghe:
-Phần trí óc thông minh để tính toán trước cuộc pha chế và đôi mắt tinh nhuệ để chọn lựa hay thẩm định màu sắc đã có bọn đàn ông chúng anh. Trong nghề nghiệp của mình, anh khám phá ra rằng đôi mắt chưa đủ. Còn phải có đôi bàn tay nữa, đôi bàn tay khéo léo nhanh nhẹn, tinh vi, chính xác để làm sao nhúng mảnh lụa vào tàu nhanh và gọn sao cho trong giây lát mảnh lụa đã nằm gọn trong tàu thuốc nhuộm hưởng thụ đồng đều khối nước tắm đó. Rồi còn trở qua trở lại mảnh lụa để cho ráo nước từ từ trước khi phơi trong bóng râm và gió nhẹ. Đôi bàn tay đó có lẽ dễ có ở người phụ nữ hơn là ở phía nam nhi, Duyên đứng tập trung tư tưởng rất lâu nghe và nhìn Đan làm việc. Có một điều mà Hoàng Đan say mê nhất trong cuộc sống gia đình bên cạnh mẹ, cha và người yêu, đó là cái khôngg khí Tết nhất với mùi nhang thơm ngát mà mẹ chàng thường đốt vào dịp giáo năm và chàng cũng hay ngửi thấy thoang thoảng trong gió chung quanh những ngôi chùa mà chàng tới lui với Duyên.Còn những trận mưa xuân nữa chứ! Đan bỗng nhớ lại mấy câu thơ cổ mà cha chàng hay ngâm đúng xuân thu nhị kỳ, mỗi năm:
Cô vọng ngôn chi cô thích chi
Đậu bằng qua giá vũ như ti...[1]
Trời thì lạnh. Mặt trời khôngg xuất hiện. Ánh sáng mơ hồ và khôngg gian thu nhỏ lại. Toàn thể ngũ quan chàng thi nhau hoạt động. Mắt chàng nhìn thấy rõ từng tia khói nhang mong manh luồn trong gió, từng ngọn cỏ rung rinh lay động bởi mùa xuân. Những hạt mưa nhẹ như bụi bay chạm vào da thịt chàng, đọng thành giọt rớt vào vị giác chàng. Tiếng giun dế ỉ ôi trong bụi cây. Và mùi nhang vừa trầm vừa sạ thì thật là huyền diệu. Khứu giác của chàng như giãn nở và khựng lại.Toàn thân chàng đê mê tri giác chung quanh.
Đi trong mùa xuân, mấy lần kia, khi Đan còn nhỏ, mẹ sợ con lạnh, kéo con vào sát người bà, lấy vạt áo mình choàng cho con. Cậu bé khôngg cưỡng lại nhưng vẫn tiếp tục đùa với mưa bằng cách giơ thẳng cánh tay ra ngoài, ngửa lòng bàn tay lên đón lấy những hạt mưa lạnh nhảy múa trên da thịt mình. Một lần, khi đã có Duyên bên cạnh, Đan loay hoay thắp nhang giúp mẹ, vụng về đến nỗi để ngọn lửa nhang chạm vào bàn tay mình, tức thì Duyên đến cứu nguy:
-Tay anh để nhuộm chẳng phải để đốt nhang. Công việc đó là của em.
Duyên cười, giật lấy những cây nhang và xoa bàn tay bị phỏng của Đan. Một chuỗi ảnh tượng kéo theo sau. Những mâm cỗ đầy thơm mùi măng, nấm. Những khay trái cây mọng nước. Những tà áo mới lòe loẹt di động của các cô gái, các trẻ em lăng xăng đi lại ở trong nhà. Tết không có mùi nhang là khôngg có Tết. Xuân thiếu mưa bay bay là thiếu xuân. Trận mưa xuân và mùi nhang Tết đã trở thành một cặp yếu tố trong đời sống nội tâm, những điều kiện xúc tác, trong những lúc giáp năm, thể hiện những chùm hình ảnh thân yêu của Hoàng Đan, người thợ nhuộm kỳ tài nặng lòng với gia đình và quê hương của mình.
Nhưng rồi cuộc đời của người thợ nhuộm nổi danh miền thượng nguyên sông Đà không diễn ra yên lành như người ta tưởng. Đúng vào cái năm Hoàng Đan được 25 tuổi, hôn lễ của chàng và Duyên đang chuẩn bị tiến hành thì loạn lạc xảy ra. Một đoàn người rất đông đảo và hung dữ từ miền Tây Bắc vượt biên giới kéo qua xâm chiếm quê hương chàng. Họ võ trang đầy đủ những khí giới độc hại, đi đến đâu cướp của giết người đến đó. Điều đau xót hơn nữa cho dân chúng sông Đà là có một số người chính gốc sông Đà vì ham công danh phú quý, ghen tức với cảnh giàu sang của họ Hoàng đã thông đồng với giặc, đưa đường chỉ lối cho bọn hung hung tàn về giầy xéo quê hương. Lúc đó, triều đình Việt Nam còn phải đương đầu với những khó khăn ở phương Nam và có nhiều tranh chấp nội bộ nên tạm thời phải làm ngơ với bọn trên mà họ cho chỉ là đám giặc cỏ khôngg cần phải lo toan quá nhiều vì nghĩ rằng dẹp đi lúc nào cũng được.
Tai họa đến với gia đình Hoàng Đan. Ngay hôm kéo quân tới miền này, do sự mách nước của mấy người địa phương đi theo quân giặc, tên phó soái của đám quân xâm lăng đã đưa thuộc hạ đến nhà Hoàng Minh cướp hết châu báo ngọc ngà của gia đình ông. Vải lụa màu họ thu được chất đầy ba xe. Và chẳng nói chẳng rằng tên phó soái cho trói cha của Hoàng Đan lại và giải đi. May lúc đó Hoàng Đan vắng nhà và mẹ chàng cùng với Duyên trốn thoát vào hang sâu trong rừng mà khôngg một ai hay biết. Đến lúc việc cướp bóc của giặc tạm lắng dịu, Đan trở về nhà, thấy nhà hoang vắng, của cải mất hết. Hay biết cha đã bị bắt giải đi xa, Đan chỉ còn biết phải đi tìm mẹ và Duyên. Chẳng mấy lúc, chàng đã tìm vào được cái hang sâu, nơi ẩn náu của hai người. Mặt mày của mẹ và Duyên trông hốc hác và thiểu não. Ba người ôm lấy nhau nửa mừng nửa tủi. Cắt đặt công việc trong hang xong, Đan xin phép mẹ rời nhà đi tìm cha. Chàng toan đến thẳng doanh trại của bạo quân để đòi họ trả cha chàng lại cho chàng. Mẹ chàng và Duyên phải vừa khóc vừa van xin, chàng mới tạm bỏ ý định đi tìm cha.
Ở nơi trú ẩn, Đan vẫn nhiều lần lẻn ra ngoài đi nghe ngóng tình hình ở trong vùng. Một tin đến làm chàng phải đau đớn đến tột cùng: quân giặc đã giải cha chàng sang bên kia biên giới nơi chúng xuất phát trước đây. Hy vọng gặp lại cha của chàng xem chừng chỉ còn mỏng manh như sợi chỉ.
Sáu tháng sau, xem chừng tình hình sinh hoạt của dân chúng đã tạm yên, do thúc dục của mẹ và Duyên, Đan đưa gia đình trở lại làng xưa. Đó là một điều cực chẳng đã đối với hai người đàn bà yếu đuối, không thể nào kéo dài cuộc sống ở hang sâu trong rừng. Nhưng còn Đan thì sự liều lĩnh ở lại là một điều nguy hiểm vô cùng. Lần này, mẹ và người yêu lại khuyên nhủ Đan bỏ nhà ra đi một là để tìm đường sống, hai là có cơ hội tìm cha và phục thù cho quê hương. Nhìn thấy Duyên đã già và xấu đi rất nhiều, Đan sinh ra ái ngại. Duyên biết ý nói ngay:
-Xấu xí già nua cũng là một điều tốt, một cái khiên che đỡ cho em khỏi bị mọi người dòm ngó mà sinh ra lòng tà.
-Còn mẹ già yếu? –Đan hỏi.
-Em sẽ cố gắng lo mọi điều cho mẹ.
Bà cụ góp ý:
-Trời sinh voi thì sinh cỏ. Người ta sống được thì mình cũng sống được. Sống chết có số cả.
Nhìn căn nhà gia đình xưa kia đẹp đẽ bao nhiêu thì nay lại điêu tàn bấy nhiêu, Đan càng thấy hận thù quân xâm lược. Chàng loay hoay đến bàn thờ tổ tiên vừa được tái lập như thể tìm tòi một cái gì. Mẹ chàng biết ý, lấy trong giỏ bà vẫn mang theo bên mình, ba nén nhang đen đưa cho con. Tức thì Duyên cũng chạy lại giúp Đan đốt nhang và cắm lên bát nhang trên bàn thờ. Đan quỳ xuống lầm rầm khấn vái thật lâu trong lúc mẹ và Duyên ngồi xụp xuống hai bên và chắp tay khấn vái, nguyện cầu. Đêm hôm ấy, Đan ra đi trong cơn mưa phùn mùa đông đang báo hiệu mùa xuân. Lòng chàng lại càng thêm quyến luyến.
Cũng chính mùi nhang trầm và cơn mưa phùn cuối đông hai năm sau, ở một phương xa nơi Đan lánh nạn đã thôi thúc chàng trở về quê cũ, tìm lại mùi nhang và trận mưa xưa bên cạnh mẹ hiền và người yêu chung thủy.
Hoàng Đan lại càng hăm hở trở về hơn nữa khi thấy tình hình có vẻ trầm lắng hơn và nghĩ rằng muốn tìm cha chàng không thể nào rời bỏ miền biên giới quê hương. Cả một tháng trời ròng rã, lần mò đường ngang ngõ tắt, Đan mới tìm lại được khúc thượng nguyên sông Đà thân thuộc. Chàng hơi ngạc nhiên khi thấy chung quanh vẫn yên ổn cầy cấy ruộng nương, chỉ lâu lâu mới lại thấy vài tên lính giặc vác dao, cầm trượng đi tuần tiễu, canh chừng.
Quên hết chuyện đường trường và thời cuộc, Đan đẩy cổng, đi vào sân nhà chàng. Căn nhà lại còn hư nát hơn ngày chàng ra đi. Chàng chạy vòng ra sân sau. Không còn một vết tích nào của một cơ xưởng gia đình thợ nhuộm có danh vọng năm xưa. Đi sâu vào vườn, chàng thấy ở góc vườn có hai bóng người. Chạy vội lại, thì ra mẹ và Duyên đang cắm cúi bào khoai lang để phơi khô.
Gia đình hội họp trong bữa cơm chiều ngon lành, vui vẻ. Đan tỉ mỉ hỏi mẹ về sức khỏe, Duyên về công ăn việc làm. Mẹ kể chuyện nắng mưa dầu giãi. Duyên tóm tắt tình hình địa phương cho Đan nghe. Tất cả bồi hồi nhớ người cha xa vắng. Ở nhà chưa được một tuần chay, thì một buổi chiều kia giáp Tết, Đan nghe có tiếng chân rầm rộ đi vào sân nhà. Viên phó soái cũ cùng với hai tùy tùng võ trang xuất hiện trước thềm. Đan không chào không hỏi. Khách đã vào trong nhà tự tiện ngồi xuống ghế.
-Tôi đến đây không phải để bắt anh và giải đi đâu cả – tên tướng giặc trấn an Đan. Tôi là tân chủ soái. Tôi còn ở đây lâu.
Đan hỏi ngay tên giặc:
-Cha tôi bây giờ ở đâu?
-Ông ta thuộc về cựu chủ soái, hiện ở bên kia biên giới.
-Các người không gông cùm hành hạ cha tôi chứ?
-Ông ta là người có tài. Có tài thì phải được dùng.
-Dùng vào việc gì?
-Sao anh hỏi ngớ ngẩn thế. Là thợ nhuộm thì sản xuất kinh doanh chứ còn làm gì nữa. Bên người lợi nhiều thì bên mình cũng lợi ít.
Mẹ Đan và Duyên đứng bất động ở xó nhà chăm chú nghe lời đối đáp giữa tên chủ soái và Đan. Im lặng nặng nề kéo dài. Đan, toan thốt ra những lời thóa mạ kẻ thù thì tên chủ soái tiếp:
-Thế là cha anh đã an phận. Còn anh! Bây giờ chắc anh đã hiểu mục đích tôi đến đây làm gì. Tôi cũng cần phải có một người cho cơ sở và đường giây riêng của tôi chứ. Ai chẳng muốn kinh doanh, làm giàu?
-Ông lại mưu đồ đen tối như cấp trên xưa của ông rồi
-Không phải là mưu đồ đen tối. Đây là hợp tác kinh tế, đôi bên cùng có lợi. Anh về làm với tôi, tôi sẽ đưa anh quan biên giới, về miền Tây và sẽ có cơ hội gặp lại cha anh ở miền Tây Bắc.
-Nghĩa là ông xui tôi bỏ tổ quốc?
-Thế giới đại đồng mà! Ở đâu đất lành thì chim đậu.
-Tôi không nghĩ như ông.
-Cái đó tùy. Cuối cùng, kinh tế vẫn là huyết mạch và sự sống còn của con người.
-Người ta vẫn có thể sống bằng hoa cỏ để giữ lòng trong sạch, thủy chung với quê hương.
Một lúc sau, tên chủ soái chuyển giọng:
-Thực ra tôi cũng khôngg tính ở lại đây lâu trừ khi có một phân chia lại dứt khoát về biên giới. Khi ấy tôi lại tính con đường khác. Kinh doanh phải ở một nơi ổn định về chính trị.
Thấy Đan trầm ngâm không trả lời, hắn lại tiếp:
-Anh là người có kỳ tài. Chuyện này tôi đã biết từ lâu qua những đường giây buôn bán. Không nên để uổng phí cái tài của mình. Anh hợp tác với tôi là chấn hưng kinh tế cho toàn vùng. Mọi người đều có công ăn việc làm và lợi nhuận. Tất nhiên, tôi lợi nhiều, nhưng đó cũng là cái công tổ chức của tôi.
Đan bật lên một câu trả lời:
-Tôi không nghĩ như ông.
Một lần nữa, tên tướng giặc lại chuyển giọng:
-Anh còn mẹ già vợ dại, cần phải tính chuyện thực tế. Cuộc viễn chinh của tôi rồi cũng qua đi, để lại vườn hoang nhà trống. Đi xa, anh có điều kiện để thăng tiến nghề nghiệp một cách vững vàng hơn. Tôi biết tài nghệ của anh có phần xuất sắc hơn cha anh. Chúng ta sẽ thành công hơn mọi đối thủ.
-Tôi không nhận.
-Gia đình anh sẽ được bảo đảm lúc này. Bởi mai đây có thể có người khác thay thế tôi trên chỗ dừng chân này.
Đan vẫn chỉ một lời “Tôi không nhận”. Viên chủ soái lên mặt giận dữ:
-Anh không nhận không được!
Những người chung quanh bắt đầu giao động. Đan không kìm được sự bực bội của mình:
-Thì ông làm gì tôi?
Tên giặc đập bàn quát:
-Làm gì à? Ta có thể làm bất luận một điều gì cho cả nhà nhà ngươi biết tay. Ngươi không thấy cả miền thượng nguyên sông Đà này đang ở dưới quyền cai trị của ta hay sao? Ta muốn sinh sát ai mà chẳng được?.
Hắn đứng, tiến sát đến phía Đan, nhìn đôi mắt rồi đôi bàn tay của chàng. Hắn đi vòng quanh căn nhà một lát, dừng lại chỗ mẹ chàng và Duyên đang co rúm dưới đất. Mọi người như nín thở đợi chờ. Cuối cùng hắn lại trở về ngồi xuống ghế trước bàn:
-Có nhận không?
Đan vẫn lạnh lùng trong cương nghị:
-Không!
Trong thâm tâm, Đan muốn đợi xem giải pháp của kẻ thù là thế nào, có nguy hại đến tính mệnh của mẹ và Duyên hay không. Lúc sau, tên chủ soái nói bằng một giọng điềm tĩnh và dứt khoát, không che dấu niềm tin ở cái bản án mà hắn vừa khám phá ra trong đầu óc:
-Chiến cuộc tàn lụi rồi. Ta không muốn đổ thêm máu nữa. Ta sẽ không bức hại mẹ ngươi, vợ ngươi, và cả chính thân ngươi nữa. Nhưng để trừng phạt sự bất tuân phục của ngươi, ta cần phải triệt hạ cái thiên tài thợ nhuộm của ngươi. Tức thì, Đan cũng cương quyết và bình tĩnh đáp:
-Tôi sẵn sàng từ giã vĩnh viễn cái tài và cái nghiệp của tôi để giữ trọn niềm thủy chung trong sạch đối với quê hương tôi.
-Như thế ngươi cũng có chí anh hùng đó. Thì ta cũng phải đáp bằng phong độ hiệp khách.
-Xin cứ tùy nghi, không nể nang.
Tên tướng giặc đến gần Đan, nhìn thẳng vào mặt chàng:
-Ta muốn chặt bỏ một bàn tay của ngươi. Để cho ngươi đoạn tuyệt với cái tài thợ nhuộm của ngươi, không phách lối với ai được nữa.
-Xin tùy ý.
-Nhưng ta sẽ để cho ngươi đích thân tự hủy một bàn tay của ngươi. Không phải ta sợ mang tiếng mà ta muốn để cho ngươi trực tiếp đối diện với ý chí của mình, cho bớt ân hận về sau.
Đến phút chót, tên chủ soái vẫn chưa hoàn toàn tin tưởng vào ứng xử của Đan, khi chàng thợ nhuộm tiến lên ba bước lại cái bàn giữa nhà và nói với hắn:
-Xin vui lòng cho tôi mượn cái gươm của ông. Chẳng phải để chia xẻ một trách nhiệm tầm thường mà chỉ bởi vì tôi không có một phương tiện nào khác trong lúc này.
Tên tướng giặc rút gươm trần ra trịnh trọng giao cho Đan, trong khi hai tên tùy tùng cũng rút gươm ra thủ thế can thiệp, phòng khi chàng thợ nhuộm dùng gươm tấn công chủ họ. Tên tướng giặc khoát tay tỏ vẻ coi thường sự lo xa của thuộc hạ. Mà đúng thế, Đan đã đi vòng sang phía kia cái bàn. Chàng đặt bàn tay trái xuống bàn. Tay phải chàng vung gươm lên cao. Một nhát phập động trời. Mẹ Đan và Duyên nhắm mắt lại. Chiếc bàn tay đứt rời bắn vào một góc nhà trong khi máu xối xả rơi xuống mặt đất. Lấy vạt áo chùi sạch thanh gươm, Đan trao trả vũ khí cho người chủ nó. Tên tướng giặc cùng hai thuộc cấp bước ra khỏi nhà, không nói năng, đi mất.
Mùa xuân năm đó, Hoàng Đan êm đềm hưởng những ngày bình phục giữa vườn nhà, trong sự chăm sóc tận tình của Duyên. Chàng hỏi nàng:
-Làm sao em biết mà kiếm tìm được các thứ lá cây, vỏ cây rừng này mà băng bó cho anh?
Duyên chỉ cười:
-Nghề của em mà, đâu phải của anh!
Rồi nàng lại nghiêm trang và làm ra vẻ buồn rầu:
-Nhưng em lại sắp phải bỏ cái nghề của em rồi.
Đan sửng sốt:
-Sao thế? Có gì thế?
Tức thì Duyên lại cười:
-Trêu anh một chút thôi. Em chỉ bỏ nghề bà lang để làm nghề thợ nhuộm của anh thôi.
Thấy Đan vẫn chưa hiểu, Duyên giảng giải:
-Em đã chuẩn bị nghề mới này từ năm xưa khi mới quen biết anh.-Nhớ rồi. Em quan sát và nghe anh nói mỗi khi anh hành nghề, phải không?
-Anh bảo ngoài trí thông minh và đôi mắt tinh nhuệ ra, người thợ nhuộm còn cần phải có đôi bàn tay khéo léo. Nên về nhà em, em vẫn tập tành một mình phòng khi...
-Phòng khi, như hôm nay, anh đã bị phường vô luân lấy mất một bàn tay...
-Mà em đã chôn cất tại một góc vườn nhà.
Có tiếng mẹ Đan gọi Duyên vào trong nhà thắp nhang bàn thờ tổ tiên. Khi mùi nhang đã thơm lừng cả nhà bay ra ngoài trời, Duyên nói với Đan:
-Xem sắc trời như thế kia, mai sẽ có mưa xuân cho anh đó.
Đan lặng thinh trên chiếc ghế dài, nhìn theo nơi tay Duyên vừa chỉ...Mùa thu năm đó, giặc tan trước khi quân triều đình tới. Mùa đông, cụ Hoàng Minh cũng lặn lội vượt được biên giới trở về nhà. Mùa xuân năm sau, toàn họ hàng dự lễ cưới linh đình của cặp Đan Duyên. Về sau, nghề nghiệp của họ Hoàng lại tiếp tục tốt đẹp với đôi mắt tinh của Đan và hai bàn tay khéo của Duyên. Và cứ mỗi năm khi mùa đông qua đi, hai người không quên thắp nhang trầm chờ đợi mưa xuân.
[1] Thơ Vương Ngư Dương đề tựa Liêu Trai, Tản Đà dịch:
Nói láo mà chơi nghe láo chơi,
Giàn dưa lất phất hạt mưa rơi
__________________
Một kinh nghiệm về thơ
Chưa bao giờ dân tộc Việt Nam lại sản sinh ra nhiều nhà thơ đến như bây giờ. Giờ bất luận một tờ báo nào, từ báo hàng ngày qua các tạp chí hàng tuần, hàng tháng đến kỷ yếu hàng năm, người ta bắt gặp nhan nhản những bài thơ từ lục bát, Hán luật, qua thơ mới, thơ tự do. Dầu hoàn cảnh nào dẫn dắt, nguyên nhân nào đưa đẩy thì cảnh phồn vinh về thơ đó cũng là một điều vô cùng cho ngôn ngữ, văn học và rộng ra văn hóa Việt Nam.
Cổ nhân đã để lại cho hậu thế rất nhiều những pho sách, những bài học quý giá về thơ. Nhưng công trình của nàng Ly Tao vẫn không dứt điểm bởi dân tộc còn tiến hóa, văn học còn triển khai thì tiếng nói của thơ vẫn còn. Đây không phải là một luận thuyết về thơ. Tôi chỉ xin trình bày một vài kinh nghiệm của tôi trong nghề dạy học và viết văn về một thể loại văn học mà tôi hằng yêu mến. Chỉ để trả lời vài thắc mắc mở đầu trước cái lâu đài tráng lệ có tên gọi là THƠ.
1.Địa vị của Thơ trong Văn Học
Thơ chiếm địa vị gì trong văn học? Câu trả lời liên quan tới vấn đề Đối tượng của văn học. Hầu hết các sách văn học sử thế giới đều phân chia đối tượng của văn học thành: Thi ca, tiều thuyết, sân khấu, phê bình, khảo cứu, triết học, sử học v.v... Vào thời mới này, người ta còn nói tới văn chương truyền thanh, truyền hình và rộng ra, văn chương của các băng từ tính. Nhưng rồi bản liệt kê thể loại văn học có kéo dài biết mấy, người ta cũng gom lại thành hai mảng lớn: loại sáng tác với thi ca tiểu thuyết và san khấu, còn lại các loại khác được gọi chung là khảo luận (khảo cứu và luận thuyết) .Trên thực tế của thị trường thưởng ngoạn và theo tầm nhìn chung của quốc dân đại chúng, người vẫn tôn vinh, từ trước tới nay, loại sáng tác hơn những loại còn lại. Nếu ta phải giới thiệu văn học của nước nhà với độc giả ngoại quốc tự nhiên ta khuyên họ đoc các nhà thơ nào đó, các tiểu thuyết gia nào đó, các kịch tác gia nào đó. Tôi nhớ năm ngoái, Tổng Thống Cộng Hòa Tiệp kiêm kịch tác gia V. Havel, trong bài diễn văn buổi lễ khai mạc kỳ Đại Hội Thế Giới lần thứ 61 của Tổ Chức Văn Bút Quốc Tế, có một câu nói để vinh danh một tiểu thuyết gia của nước mình: “Tối các ngài sẽ thả bộ trên những con đường phố Praha còn mang dấu chân của Frank Kafka!”.Cách đây hơn mười năm, lúc đó tôi còn đang ở trại tù Gia Trung, một hôm một bạn văn có hỏi tôi: “Tôi biết bây giờ anh đang làm thơ. Mai mốt được thả về Sài Gòn, anh sẽ viết cái gì?” Tôi trả lời: “Tiểu thuyết”. Bạn lại hỏi: “Sau tiểu thuyết ?” Tôi trả lời: “Sân khấu!” – “Sau sân khấu?” – “Tôi làm thơ”. Tôi chỉ muốn nhắn nhủ với bạn tôi rằng Thơ là một ngành nghệ thuật ngôn ngữ khó khăn vào bậc nhất. Thơ dễ vào mà khó ra, làm thơ thật là dễ, nhưng làm thơ cho hay lại thật khó. Kinh nghiệm sống và đọc văn của tôi cũng chỉ chuẩn nhận một chân lý thủ đắc của lý thuyết văn học: Thơ là một siêu-nghệ-thuật về ngôn ngữ. Ta cần suy rộng thêm. Ngôn ngữ là một cái thiên tài sáng tạo của một dân tộc. Thậm chí, nhiều nhà văn học Tây Phương đã phải đồng hóa thiên tài ngôn ngữ (génie de la langue) với thiên tài dân tộc (génie de la race) .Ngôn ngữ của thi ca là một thứ ngôn ngữ siêu đẳng xôn xao âm hưởng và ấm áp sâu sắc màu. Nắm được con ngựa thần ngôn ngữ, con ngựa cực kỳ bất kham, ta đã có điều kiện căn bản để trở thành một nhà thơ rồi vậy!
2.Vai trò của Tâm Hồn Nhà Thơ
Điếu kiện căn bản nhưng chưa phải là điều kiện đủ. Có một nghệ thuật ưu việt về ngôn ngữ rồi, chưa hẳn chung ta đã là người làm nên thơ. Cổ nhân có câu: "Xảo ngôn lệch sắc, tiển kỹ nhân”. Tôi nhớ, cách đây ba mươi năm, khi tôi đang dạy về lý thuyết văn thể tại trường Đại Học Sư Phạm Sài Gòn, một buổi kia, tôi có đưa ra những dị biệt về hình thức, tức ngôn ngữ, tôi đã kết thúc phần phân biệt nội dung; đối tượng của văn xuôi là thực tại (le réel), đối tượng của thơ là điều khả hữu (le possible). Và tôi đã kết luận: Ranh giới giữa thơ và văn xuôi mỗi ngày một thêm mờ nhạt. Một sinh viên giơ tay nêu thắc mắc bằng kể lại một giai thoại về thơ có liên quan tới Lý Bạch. Một ngày xuân kia, nhân cảm ngộ mùa xuân, Lý cầm bút nghiên ra ngoài nội với ý định làm một bài thơ xuân. Đứng giữa cánh đồng, nhìn khắp chung quanh mình, đâu đâu cũng thấy hết lớp cỏ xanh này đến lớp cỏ xanh khác. Cảm hứng tuyệt vời đến nghẹn lời, Lý đã chỉ keu lên một tiếng, viết một chữ "Thảo". Sinh viên hỏi ý kiến chữ “Thảo” này của Lý Bạch có phải là thơ không? Tôi không ngần ngừ đáp: Phải. Và tôi giải thích: Anh vừa đưa ra một trường hợp cực đoan (cas extrême) trong vấn đề phân biệt thơ và văn xuôi phương pháp luận nhắc nhở ta; muốn phân biệt cho đúng hai đối tượng nào đó thì nên tránh những trường hợp cực đoan, bởi lẽ ở những trường hợp đó thì hai đối tượng lại hầu như không có gì dị biệt cả. Trở lại câu hỏi sinh vien đã nêu ra tôi trả lời “phải” vì hai lý do: Lý Bạch là một nhà thơ và khi viết chữ “Thảo” ông đã mang trong lòng một ý hướng làm thơ. Cuối cùng, theo ngôn từ và cung cách của các nhà kinh tế học, tôi đưa ra một định nghĩa về thơ:“Thơ là sản phẩm của thi ca làm ra trong tư cách đó.”
Nhắc lại chuyện trên, tôi chỉ muốn nói rằng có được một nghệ thuật cao tay về ngôn ngữ, người ta vẫn còn thiếu một điều kiện cần, và lần này đủ, để trở thành một thi sĩ. Đó là tâm hồn thi gia. Ngoài cái khả năng đặc biệt của trí tuệ và cảm quan ra, tâm hồn của nhà thơ là tâm hồn nhân ái, hướng vào những điêu cao viễn của chân thiện mỹ cho toàn dân tộc và nhân loại.Trong những nhận định trên, ta phải tiếc thương cho những ai đá từng làm thơ, đã có tác phẩm, đã nắm trong tay cái chìa khóa của ngôn ngữ, mà còn đánh mất tâm hồn của mình bởi những mê lực bên ngoài và bên trong. Với tâm hồn băng hoại, họ để mat luôn thể cái tư cách thi giai để chỉ còn cung cấp được những sản phẩm tồi tệ không xứng danh là thơ nữa. Thí dụ điển hình là trường hợp của một số nhà thơ miền Bắc trước đây đã làm tôi đòi cho Cộng Sản, đứng đầu là Tố Hữu.
3. Sứ Mạng của Nhà Thơ
Để bổ sung cho những nhận định trên đây về tâm hồn của nhà thơ, bây giờ xin trải dàithi ca dọc theo thời gian, để xét xem từ xưa đến nay, con người đã quan niệm như thế nào về sứ mạng của nhà thơ. Bắt đầu bằng cắt nghĩa sự xuất hiện của thơ trong sinh hoạt của nhân quần xã hội.
Căn cứ vào xã hội và khảo cổ học, các nhà văn học Tây Phương đưa ra mấy điều xác nhận kể như là chân lý phổ thông: Văn chương tôn giáo xuất hiện trước văn chương đời văn chương bình dân trước văn chương bác học, thi ca trước văn xuôi. Và một vài nhà văn học kia thành lập một giả thuyết để cắt nghĩa sự ra đời của thơ như sau:Hãy tưởng tượng thuở ấy nhân loại còn chưa có khả năng ngôn ngữ có nghĩa là còn chưa biết nói (tuổi ấu thơ của nhân loại ví với tuổi ấu thơ của con trẻ). Bỗng một ngày kia, có một vị tọa thiền giưa thiên nhiên trên một phiến đá, lắp bắp vành môi, phát ra những âm thanh kỳ ảo. Dân chúng nghe thấy bèn cho là phép lạ của trời, quỳ xuống chung quanh người được thiên sủng đó. Âm thanh phát ra từ cửa miệng của đạo sĩ đó là ngôn ngữ đầu của loài người và ngôn ngữ đó cũng chính là thơ vậy. Trong quan niệm của người cổ sơ, thi gia là một vị a thánh mang cái thông điệp của Thiêng liêng xuống trần gian. Quan niệm này cũng phù hợp một lý thuyết vào thơi kỳ mới đây của một nhà văn thể học Tây Phương phân chia lịch sử thi ca ra làm bốn thời kỳ: Thời kỳ anh hùng ca với phép lạ kỳ bí của Đấng Tạo Hóa đánh dấu sự lên ngôi của các dân tộc; thời kỳ thi ca trứ tình đánh dấu sư trưởng thành của cá nhân trong xã hội; thời kỳ thi ca sân khấu chuẩn nhận sự trưởng thành của xã hội; và thời kỳ thi ca giảng huấn (poésie didactique) là sự hòa đồng trí tuệ của cá nhân vào trong xã hội. Thiết tưởng ta chỉ cần giữ lại thời kỳ thứ nhat, thời kỳ thần bí của thi ca anh hùng để tăng cường giải thích quan niệm nhà thơ á thánh nêu trên kia. Bánh xe lịch sử cứ quay đều. Địa vị của nhà thơ ngày một phàm tục hóa. Bây giờ nhà thơ không còn là cái gạch nối giữa thiêng liêng và phàm tục nữa. Nhà thơ ở trong hàng của thế nhân. Nhưng nhà thơ vẫn có một vị trí cao xa giữa nhân quần. Nhà thơ là một người đặc biệt, một thứ “siêu nhân” có tầm nhìn viễn kiến, có trí năng siêu việt có cảm quan bén nhạy và phong phú khác thường. Người vừa là một nghệ sĩ lại vừa là một triết gia. Ngả theo quan niệm đó, Xuân Diệu viết:
Là thi sĩ nghĩa là ru với gió,
Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây,
Để linh hồn giăng buộc bởi muôn giây,
Hay chia sẻ bởi trăm tình yêu mến.
Tôi là khách tha hồ muôn khách đến,
Tôi là bình thu nhặt chí muôn phương...
Trong khi Thế Lữ biểu trưng nhà thơ bằng hình ảnh “Cây Đàn Muôn Điệu”:
Tôi là khách bộ hành phiêu lãng. Đường trần gian xuôi ngược để vui chơi...
Từ thánh qua tiên, xuống thấp hơn nữa, người ta bắt gặp một quan niệm phù hợp với trạng thái của một xã hội trong đó người bần dân kết đoàn lại để dành quyền sống từ tay chính quyền chuyên chế. Thi gia bây giờ là người của đám đông, phát ngôn viên của quần chúng đòi miếng cơm, manh áo, mái nhà ở ... Điển hình cho quan niệm này là nhà thơ Gringoire trong cuốn tiểu thuyết dài bất hũ của nhà văn lãng mạn Pháp quốc thế kỷ 19, cuốn “Nhà Thờ Đức Bà ở Ba Lê”.
Xã hội còn chia rẻ và tranh đấu chống lan nhau dữ dội hơn nữa. Từng cuộc xung đột ý thức hệ diễn ra. Kẻ nhập cuộc sống chết với lý tưởng phụng thờ. Người ta đưa ra một quan niệm mới hơn nữa về vai trò của nhà thơ, quan niệm về một “nhà thơ đấu tranh” hay mạnh hơn nữa, một “nhà thơ dấn thân”, một “nhà thơ cam kết”.Chúng ta đều là những nạn nhân của một chế độ tàn khốc phi dân tộc, phi văn hóa. Và bang hình thức này hay hình thức khác, là con người tị nạn, chúng ta đang tranh đấu cho sự sống còn của dân tộc Việt Nam và văn hóa mẹ đẻ. Các nhà thơ hãy nhận thức cho rõ vai trò của mình trong cuộc đấu tranh chung khi đang có trong tay một vũ khí văn học sắc bén là thi ca.Với bài viết này, tôi chưa nói gì được về thơ, có lẽ. Thì để kết luận, tôi mời các bạn thơtheo phương pháp của một vị cố Hòa Thượng miền Trung đồng thời là một thi sĩ uyên bác, suy ngẫm về Phật trong bốn câu thơ trác tuyệt của ngài:
Kinh điển lưu truyền tám vạn tư,Học hành không thiếu cũng không dư.Năm nay tính sổ chừng quên hết,Chỉ thấy trên đầu một chữ “Như”.
_______________
Chùm thơ Nguyễn Sỹ Tế
Người ta biết đến ông như một nhà văn hay một nhà giáo hơn là một nhà thơ.
Nhưng dù ở cương vị nào, ông cũng hiền lành, nhân ái, ngay cả đối với những người đày ải và đối xử tàn tệ với bản thân mình và đồng bào ruột thịt của mình. Ông không chiến đấu, dù là chiến đấu bằng ngòi bút. Ông chỉ giáo dục, cảm hóa người khác, bằng ngòi bút.
Thơ ông luôn có cái chừng mực trầm tĩnh, đạo mạo của một nhà giáo, nhưng không thiếu cái đẹp trong sáng, siêu thoát của một đạo nhân.
Những bài sau đây trích từ thi phẩm Khúc Hát Gia Trung của ông, do Edition Imn xuất bản năm 1994, hai năm sau khi ông đặt chân đến Hoa Kỳ.
Phương Hải Tần
Giã từ thành quách hoang liêu,
Trăm năm để hận một chiều nước mây.
Mái sương chia nửa chốn này,
Nghe tâm tư động sáu giây nguyệt cầm.
Khúc nghê thường những huyễn âm,
Vành nôi ngọc thụ một mâm hoang đường.
Ðan thanh khép kín nẻo tường,
Bước chân hoang dại nhớ phương hải tần.
Lên cao giũ áo phong trần,
Xuống khe gột rửa nợ nần hôi tanh.
Một mùa xuân thật hiền lành
Cỏ cây dệt mộng áo xanh trong đời.
Viên sỏi thí
Lữ khách dừng chân bờ nước vắng
Ném viên sỏi đẹp xuống lòng ao
Nước mau xóa trọn lằn giao động
Tiếc hận lòng ai bỗng dạt dào.
Phiêu
Cỏ rêu nở nụ hoa vàng
Một con suối nhỏ lang thang trong rừng.
Khói tuôn mép rẫy ngập ngừng
Ðôi ba mái lá ngủ lưng chừng đồi
Non mờ chắn lối xa xôi,
Bốn phương mây trắng, một trời hoang liêu.
Gió lên thung đã rất chiều,
Nhân sinh trọn một chữ "phiêu" vô tình!
Gửi hành nhân
Gửi người lặng lẽ đăng trình
Hơi sương lạnh lẽo bình minh tới gần.
Gửi người tìm chốn nương thân:
Bếp không lửa tắt thập phần ủ ê.
Gửi người đi chẳng trở về:
Hẻm cùng ngõ cụt bốn bề lặng yên.
Gửi người chạy trốn đêm đen:
Một trang lịch sử ố hoen quê nhà!
Cơ hội cuối
Rừng núi bao la toàn khối nặng
Lạnh lùng che khuất cả trời xa
Sườn non bỗng thấy, trên màu lá,
Ngói đỏ nhô lên một mái chùa.