Tác giả & Tác phẩm
15 tháng 04.2015
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng
Dẫn nhập: Với cái nhìn chủ quan của người biên soạn, tuyển tập 300 tác giả và tác phẩm đơn thuần chỉ là công việc góp nhặt sỏi đá những tác phẩm tiêu biểu một thời của những tác giả tiền chiến, hậu chiến, trước hay sau 75 của hai miền Nam Bắc, trong nước cũng như ngoài nước, già hoặc trẻ, cũ hoặc mới. Tác giả và tác phẩm được góp mặt mỗi tuần theo thứ tự họ hoặc tên qua mẫu tự A, B, C… Xin thành thực cám ơn những tác giả có mặt trong tuyển tập nhưng vì trở ngại thông tin, chúng tôi đã không thể xin phép quý vị trước khi đăng tải. – Ngộ Không Phí Ngọc Hùng..
Nguyễn Quốc Trụ
Tiểu sử
Sinh ngày 16.8.1937 Kinh Môn, Hải Dương, quê Sơn Tây. Hiện định cư tại Canada
Tác phẩm
Những ngày ở Sài Gòn (Tạp ghi 1970)
Lần cuối, Sài Gòn (Tạp ghi 1998)
Người chết mỉm cười (Tạp ghi 1999)
Sông chảy về Nam
Chân dung văn học
Mục Lục
Tên của cuộc chiến
Khu Chợ Đũi
Những ngày ở Sài Gòn
Những ngày ở hẻm Đội Có
Lần cuối, Sài Gòn
Trở lại Hà Nội, Sài Gòn
Phụ đính :
Tản mạn…ký giả Lô Răng
Cõi khác
Chuyện của Gấu
Viết mướn
Tên của cuộc chiến
Khi mới tới Sài-gòn, nhân vật đầu tiên chào mừng, welcome, thằng bé Bắc-kỳ-di-cư-tôi ngày nào, là khách sạn Majestic.
Khách coi bộ quá hăm hở, mấy ngàn con người lôi thôi, lếch thếch, chỉ vì ách nước vận trời mà hân hạnh được tầu Mỹ chở tới đây. Chưa từng thấy biển, bị "trấn" ngay cho một chuyến đi suốt chiều dài đất nước. Chưa từng chiêm ngưỡng thành phố, đụng liền Hòn Ngọc Viễn Đông. Tuy đã từng ghé Cảng Hải Phòng, những ngày chờ đợi làm thủ tục, đã "kinh qua" Vịnh Hạ Long, trên những con tầu há mồm trước khi ra Đệ Thất Hạm Đội, nhưng lòng dạ nào mà ngắm trời ngắm đất. Thiên nhiên hình như cũng hết còn là của họ, như cọng rơm cọng cỏ, con gà con chó, xó nhà miếng vườn, đành đứt ruột bỏ lại. Ấy là chưa kể, người lớn trẻ con ói lên ói xuống vì say sóng.
Chen chúc, luồn lách, cậu bé men tới mép tầu. Majestic thấp hơn cậu một chút. Con tầu như hiểu ý, nghiêng hẳn sang một bên, cậu có thể thò tay với tới.
Lần thực sự viếng thăm, chỉ ít lâu sau, là để đập phá khách sạn.
Thời gian học lớp đệ ngũ trường Văn Lang, của thầy Nguyễn Khắc Kham. Vẫn "thói" bắc không thể bỏ, chọn thầy trước khi chọn trường, chọn lớp. Tiếng là trường, chỉ một căn hộ trong một con hẻm đường Ngô Tùng Châu gần Ngã Sáu Sài-gòn. Tiếng là di cư, nhưng chính ở đây, cậu có người bạn Nam-kỳ đầu tiên. Cũng lần đầu, cậu nghe anh bạn Trí phát âm "tìn thươn", thay vì tình thương. Con nhà giầu miệt tỉnh, mấy chị em kéo lên Sài-gòn mua nhà thay vì trọ học. Và phải là một trường Bắc-kỳ. Anh giải thích: ở dưới đó, anh "số dzách", nhưng ông thầy lắc đầu, không ăn thua gì đâu, so với đám học trò người bắc. Anh đưa về "khoe" với mấy anh chị em. Cả nhà đều mến, nhưng phàn nàn với đứa em: bạn mày nói, tụi tao nghe không ra! Còn thằng bé cứ há hốc mồm, nghe kể về một miền đất, sáng rảo bộ ra quán cà-phe nơi đầu ngõ, tiện chân ngoáy ngoáy một hố đất nơi con rạch, trưa về thò tay nhấc lên một con cá. Nhưng hình ảnh "Nam-kỳ nhất" ở nơi cậu, là từ một cô gái "lai", Bắc-kỳ xa xưa từ hồi nảo hồi nào. Và nó bắt nguồn từ... Hà-nội!
Hồi đó ở với bà chị họ, nơi ngoại ô Bạch Mai. Một bữa có một ông chú, từ Sài-gòn ghé. Gọi là chú, vì ngày trước học chung với ông già. Chú Th. quê Phú Hữu, một làng nằm trên sườn một ngọn đồi, dưới chân núi Tản. Ngày nhỏ theo bà già từ Thanh Trì, ven sông Hồng, vượt hết cánh đồng Sơn, đứng từ dưới nhìn lên, những căn nhà lẩn sau đám cây trên đồi. Bà già chỉ: nhà bà Hàn kia kìa. Gái Thanh Trì thường làm dâu Phú Hữu. Cậu bé có mấy bà cô ở trên đồi. Trai Phú Hữu thường ra Thanh Trì làm học trò ông giáo Dực. Ông già và chú Th. học chung lớp. Chú thi rớt, bị bố la, bỏ xứ Bắc, nhẩy tầu đi một lèo tới Sài-gòn làm giầu. Ông già thi vô sư phạm, ra làm hiệu trưởng trường tiểu học, mỗi nhiệm sở đẻ một đứa con làm dấu. Đứa Hải Dương, đứa Lục Yên Châu... Nhiệm sở chót Việt Trì (Vĩnh Yên), năm 1945, rồi "thôi" luôn.
Lần đó chú Th. ghé chơi trên đường về quê, mang làm quà cho mấy trái xoài, và dẫn thằng cháu đi mua cho một đôi giầy, vô tình cho nó một thú vui: đánh thật bóng, rồi thử xem bụi hè phố Hà-nội mất mấy ngày mới làm mờ.
Lần gặp lại, là ở Sài-gòn. Ông hỏi: "Nước nhà độc lập rồi, còn 'dzô' đây làm gì?" Ông hình như lấy làm tiếc cho thằng con người bạn học. Cộng sản "nòi", bố bị đảng phái thủ tiêu. Lý lịch "tốt" như thế, bỏ đi thật uổng! Chửi một hồi thấy tội, ông nhắc lại một vài kỷ niệm, hồi học chung với ông già. Giầu có như vậy, ông vẫn nhớ, và cười cười, mày chắc cũng đã hưởng qua nhiều lần, cái thú ngồi giữa đồng làng, làm một trong tứ khoái, rồi "chịn" lên mặt cỏ tươi. Làng Thanh Trì của tôi, chú chỉ nhớ có vậy. Thú thật! Làng Thừa Lệnh, quê Chu Tử, kế ngay bên Phú Hữu. Hai người hình như quen nhau, từ hồi còn nhỏ. Cô bé con chú Th. là "mặc khải" miền nam, Sài-gòn của tôi. Dây mơ rễ má với Hà-nội, là vậy.
"Nới" rộng ra, nó liên can đến cả một miền đất.
Nhiều người bắc chắc còn nhớ cái váy nâu, cái quần thâm. Vải may xong, nhúng nâu, nhúng bùn, phơi nắng, cho tới khi cứng như mo cau, mới được xỏ vào người. Lần bà chị đưa đứa em tới "trình diện" ông chú, người đàn bà miền nam xuất hiện trước thằng nhỏ Bắc-kỳ, là hình ảnh một cô bé trong bộ bà ba đen, mỏng, mượt, mát, như... làn da thứ nhì của con người.
Đang ngồi học, đột nhiên tất cả ùa ra khỏi lớp. Phái đoàn Việt Cộng ở khách sạn Majestic! (1).
Lần đó đập phá đã tay, "truy lùng" Văn Tiến Dũng đã đời, cảnh sát mới can thiệp. Có anh bạn Ngô Khánh Lãng cùng đi. Anh không gặp Việt Cộng, mà là một cô đầm. Đẹp lắm, anh nói. Với anh, (với chúng tôi), đầm có nghĩa là đẹp. Khi cửa phòng bị phá, nhìn thấy anh, cô quá sợ. Sợ bị giết. Suốt cuộc chiến, và những lần biểu tình, xuống đường của nó, đây là lần đầu, và cũng là lần cuối, tôi biết thế nào là hơi cay. Cũng có được một chiến lợi phẩm, cuốn tự điển Larousse bỏ túi, Lãng nhặt được ở hành làng, trong lúc rút quân. Trên đường về, không biết nghĩ sao, hai đứa liệng vô đống rác khổng lồ ở đường Hàm Nghi.
Từ văn phòng hãng thông tấn UPI, 19 Ngô Đức Kế, nhẩy mấy bước là tới khách sạn Majestic. Một bữa xuống sở, gặp nhiếp ảnh viên người Nhật, Sawada Kyoichi. Tôi bảo anh, tuần trước mới cưới vợ. Anh tròn xoe mắt, nói sao không cho biết. Đám cưới mãi tít Cai Lậy, "many VC there!" Anh bật cười, kéo tôi băng qua đường, lên terrace khách sạn, làm một chầu ăn sáng.
Vòng vo Tam Quốc nãy giờ, duyên do là, tôi không thể quên anh, hoặc anh cũng rứa, cho nên đứa sống, đứa chết đành mượn Majestic là nơi "tái ngộ", nhớ về những ngày đầu, theo kiểu "ý thức đuổi theo cái chết của ý thức" (2).
Tuy cùng là Mỹ, nhưng hãng thông tấn AP giầu hơn UPI. Lương hậu hĩ hơn. Một số thông tín viên, nhiếp ảnh viên thường coi UPI là nơi học nghề. Khi đã có chút tên tuổi, chờ AP bật đèn xanh, là nhẩy. Tôi vẫn còn nhớ nhiếp ảnh viên Henri Huêt, người Pháp lai, làm cho UPI, sau về AP. Mỗi lần lên Đài, nơi tôi làm việc, anh hay nói chuyện với tôi, và chị Linh, nữ điện thoại viên phụ trách mạch Paris. Bằng tiếng Pháp. Một bữa, anh vừa quay đi, chị Linh ghé tai tôi nói nhỏ: Thằng chả ăn mắm hút ròi, chưa lột lưỡi đã biết tiếng Việt, vậy mà bầy đặt! Thực tình, cho tới lúc đó, tôi vẫn nghĩ anh không biết tiếng Việt.
Cách loan tin cũng khác. UPI thường chuyển tin liền, nếu cần, cải chính sau. Tin AP do đó chính xác hơn. Nhân viên cũng nhiều hơn. Đám phóng viên tự do, freelance, thường ghé AP trước. Nếu UPI có hơn được AP một chút gì đó, là nhờ kỹ thuật chuyển vô tuyến viễn ảnh. Ông Hưng, tuy cựu nhân viên bưu điện, như lo về bưu vụ; khi chuyển hình, ông thường để tín hiệu tối đa, vô tình tăng nhiễu. Thời gian đầu, Horst Faas, trưởng phòng hình ảnh AP nghi, gã chuyên viên trẻ UPI "phá". Anh kêu Iwasa, chuyên viên kỹ thuật của hãng, từ Tokyo qua Sài-gòn, lên Đài kiểm tra chất lượng máy móc, đường dây. Iwasa ăn ngủ trên Đài cả tháng. Anh rất chịu gã chuyên viên trẻ, chịu khó nghe gã bập bẹ "dịch" vừa bằng tay, vừa bằng miệng, truyện ngắn đầu tay của gã sang tiếng Anh, và hỏi cái cô Mai ở trong truyện là cô nào trong số các cô ban ngày anh thường gặp. Mai của tôi, My Mine, khi đó đã bỏ bưu điện qua làm nữ tiếp viên hàng không Air Vietnam.
Trong số những nhiếp ảnh viên UPI, Sawada nổi tiếng nhất, nhưng chẳng bao giờ anh bỏ hãng, dù Horst Faas đã nhiều lần ra dấu. Những ngày Khe Sanh, hình ảnh của Sawada về những ngọn đồi đẫm máu, tên chỉ là những con số (chắc là chỉ cao độ), đã được tờ Paris Match dùng làm trang bìa. Cả số báo là hình của anh. Gần như tháng nào anh cũng được hãng tuyên dương. Bức hình đoạt Pulitzer: một bà mẹ, tay bồng con, tay kia với theo một đứa, mấy đứa lớn bu quanh mẹ, vượt một khúc sông, chạy giặc. (3)
Tôi vừa mới làm cho UPI là đã quen anh. Theo nguyên tắc, tôi luôn luôn phải có mặt tại Đài, phòng hờ những lần gửi hình đột xuất. Một lần ỷ y, tôi về nhà, khi đó ở một con hẻm đường Nguyễn Huỳnh Đức, sau nhà Hội Đồng xã Phú Nhuận. Anh mầy mò kiếm ra được. Khi anh mất, bà vợ có ghé Việt Nam. Hai vợ chồng không con. Tôi đứng nhìn người đàn bà Nhật, chắc cũng ít nói như anh, vẻ xa lạ hờ hững giữa văn phòng hãng. Như chưa được sự giới thiệu của người đã chết, tôi e dè không dám tới nói lời chia buồn, và tôi nghĩ bà cũng chẳng cần. Làm sao giải thích cho bà hiểu nổi, tại sao chồng bà lại chết vì một xứ sở vô tình đến như vậy?
Làm cho UPI, dần dần trong tôi nẩy sinh một tình cảm quái gở. Mỗi lần có một phóng viên, nhiếp ảnh viên mới, là tôi tự hỏi, tay này chịu được bao lâu? Lần nhiếp ảnh viên người Nhật, tên Mine, mới tới Sài-gòn, tôi lắc đầu tự nhủ thầm, đúng là tên tiền định! Chân ướt chân ráo, anh đã được "đãi ngộ": đang ở một đồn binh Mỹ, một chiếc C.130 bay ngang, bị ngay pháo bên dưới cắt thành hai mảnh. Hai năm qua đi, hết hạn, anh trở về Tokyo. Tưởng là thoát, không ngờ anh phải qua Việt Nam, thế hai tuần, cho một đồng nghiệp đi phép. Anh bị chết cháy, trong thiết vận xa M.113, khi trúng mìn.
Kent Potter, được UPI cho làm trưởng phòng hình ảnh, deskman, chỉ việc ngồi lựa hình, đánh caption (4) gửi đi, vậy mà gặp mặt là nghe anh than chán quá, chán quá. Chiến tranh gì mà buồn tẻ thế này! Đúng lúc đó, xẩy trận Hạ Lào. Anh nhẩy vội ra Trung. Chuyến đó, chiếc trực thăng chở phóng viên báo chí bị rớt, (trúng đạn?), chết đâu mười mấy mạng, trong có anh. Tôi cứ nghe như Thần Chết lắc đầu quầy quậy, giọng bực mình, tao đã bảo ở nhà, vậy mà không chịu, cứ nằng nặc...
Sawada không chết vì cuộc chiến Việt Nam, nhưng sau đó, khi nó chuyển qua Kampuchia. Anh là người, có lúc tôi nghĩ, may mắn, vì luôn luôn có mặt trong những trận đánh lớn, và cứ nhè những khía cạnh cuộc chiến muốn giấu, để mà lột trần ra. Cái xấu, cái ác, có lẽ cũng là chuyện làm xàm, đôi khi chán ngắt, chính vì vậy Thần Chết muốn giấu, cũng nên! Thông thường đám phóng viên Tây-phương, cứ thấy xác chết là "mê", chụp hình lia lịa. Hình của Sawada là những gì hết đỗi tầm thường, nếu không muốn nói, nhàm chán, y hệt như nếu không có những xác người "bầy ra đấy", nó vẫn phải "xẩy ra": hình một người lính VNCH "chán đời", ngồi thừ, điếu thuốc gắn trên môi, "để đó". Có vẻ như anh không còn một chút hơi sức, chỉ để kéo một hơi thuốc. Có vẻ như anh chẳng vui gì mà hút thuốc, sau khi người bạn thân vừa tử trận. Hay là anh nghĩ, không biết con vợ "bay bướm" ở nhà có "buồn" vì anh vẫn còn sống... Bản chất ù lì, "tiêu cực" có khi cần thiết cho sáng tạo, hơn là sự hăm hở, sôi sục, muốn "viết", "chụp". Hình mấy mẹ con bơi qua sông chạy giặc: vẻ "trơ ra" của thiên nhiên. Vũ Ngọc Phan đã từng chê Nguyễn Tuân: muốn kéo thiên nhiên xuống cho vừa ý con người...
Sự tầm phào.... Sawada chết "lãng nhách" như vậy. Người Kampuchia, lính hoặc không lính, đều không ưa phóng viên nhà báo. Nhưng lại mê cái máy hình, chiếc xe honda... Như đa số phóng viên chết tại đây, họ đều bị giết khi đang chạy xe trên một khúc đường vắng, thường chỉ bởi một con người, "đột nhiên" nổi lòng tham.
Majestic sau đổi tên là Cửu Long. Tôi có lần lẩn thẩn, tại sao không là Văn Tiến Dũng, kỷ niệm một lần ông đã từng ở đây, và phải "bực mình" bỏ đi.
Có lần tôi đã mất cả một ngày trời, chỉ để 'nhớ cho ra", tên một tiệm sách: tiệm Lê Phan ở đường Phạm Ngũ Lão, Sài-gòn.
Hình như cái tên là khó nhớ nhất, đối với bộ não con người. Bởi vì phải mất 30 năm tôi mới nhớ ta tên một cô bạn. Tên một phóng viên người Nhật. Và tên một cuộc chiến….
... Một ngôi làng chìm trong khói lửa. Tiếng gào thét. Dân làng bị dồn đuổi nhẩy ào xuống con mương cạnh đó tìm nơi thoát thân. Trong làn nước bùn đục ngầu có hai tốp mẹ con cuống cuồng bơi, người mẹ ra sức bảo vệ đứa con nhỏ, nét mặt hoảng loạn cùng cực... Kyoichi bất giác chuyển động và bấm máy lia lịa như mất hồn. Bức ảnh hoàn thành với cái tên Lánh nạn.
Đó chỉ là một cảnh quay được dàn dựng bởi diễn xuất của diễn viên Nhật bản, Osawa Takao trong vai Kyoichi và một số diễn viên nghiệp dư người Việt Nam tại Xuyên Mộc, Bà Rịa (sáng 3-6-1999). Những cảnh ấy đã tái hiện một sự kiện người thực việc thực trong cuộc đời nhà nhiếp ảnh người Nhật Sawada Kyoichi xẩy ra vào tháng 5-1965 trên chiến trường Việt Nam. Sawada Kyoichi là ai?
Sinh ra ở vùng quê Aomori, lên Tokyo làm biên tập ảnh cho hãng UPI, chàng trai Sawada vẫn mang nặng mặc cảm: "Nơi đó chỉ thừa nhận những kẻ sinh ở thành phố, có tiền, có học vị". Và anh đến chiến trường Việt Nam (vào năm 1965) quyết "trở thành nhà nhiếp ảnh được cả thế giới công nhận, cho cái bọn đang kiêu căng ở hòn đảo biết tay". Chỉ sáu tháng sau khi đến Việt Nam, Kyoichi có bức Lánh nạn ở một làng nhỏ phía bắc Quy Nhơn. Bức ảnh sau đó được đăng trên hầu hết các tờ báo lớn trên thế giới khi đưa tin về chiến tranh Việt Nam, nhận giải thưởng Granpuri trong liên hoan ảnh phóng sự thế giới tại Hagu, và giải báo chí quốc tế (Pulitzer), tại New York. Sawada Kyoichi trở thành một trong ba phóng viên ảnh trong cuộc chiến Việt Nam đoạt giải Pulitzer. "Thế kỷ 20, dân tộc Việt Nam đã có một cuộc chiến tranh lừng lẫy, và đất nước tôi có một người con - Sawada Kyoichi - đã góp phần ghi lại những hình ảnh đau thương và hào hùng về cuộc chiến đó. câu chuyện về anh gợi lại suy nghĩ về sự tàn hại của chiến tranh bởi nó vẫn đang tiếp diễn ở nhiều nơi trên thế giới". Đó là lý do thúc đẩy Đài truyền hình Nagoya và hãng truyền hình Kyodo (Nhật Bản) cùng hợp tác sản xuất bộ phim "Khoảnh khắc lóe sáng" - phim truyền hình dài 95 phút, một dạng phim tư liệu dựng lại trung thực cuộc đời nhà báo dũng cảm này.
"Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng, tuy là phóng viên chiến trường, Sawada quan tâm trước hết đến những người dân vô tội Việt Nam bị cuốn hút vào cuộc chiến..." - ông Matsumoto, nhà sản xuất bộ phim, nói. Thật vậy, theo trình bầy của tác giả kịch bản Inaba Kazuhiro - người từng tham gia chiến tranh Việt Nam - ý nghĩa của bộ phim không nằm ở các sự kiện mà là quá trình thay đổi cách nhìn của chính Sawada khi trực tiếp đối mặt với chiến tranh. Nhờ sự cảnh tỉnh của một nhà xã hội học người Nhật, Sawada nhận ra khi chụp những bức hình như Lánh nạn, anh đã "không cảm thấy đau đớn gì, khi nhìn người bị thương, bị chết", chỉ biết chụp ảnh; trong khi "với tư cách một con người có một việc phải làm - là cứu họ - trước khi có những bức ảnh ấy". Từ New York, sau khi nhận giải Pulitzer, Sawada quay về Việt Nam, tìm những nhân vật trong bức Lánh nạn, hỏi thăm, tặng quà, và tặng họ tấm ảnh ấy...
Cuộc sống chung cực kỳ hòa hợp với người vợ Sata (do nữ diễn viên Zair Naomi thủ vai), hơn anh 10 tuổi, vừa là vợ, vừa là bạn, là một mảng khác, đã lãng mạn bộ phim. Họ hạnh phúc và đang muốn có đứa con đầu lòng. Nhưng Sawada không thể ngồi yên... "Nếu chờ ai đó sẽ làm thì không biết bao giờ mới có hòa bình, nên anh phải làm vì anh là thợ ảnh", Sawada nói với vợ trong đêm Giáng Sinh cuối cùng lên đường sang chiến trường Cambodia (năm 1970). Anh bị bắn chết tại đây. Một cái chết "thanh thản như đang ngủ"...
Lời người viết: Phần đầu bài viết đã đăng trên tạp chí Văn, như một tưởng niệm của người viết, về người bạn cùng sở, Sawada Kyoichi. Phần hai, tác giả là Hoài Hương, đăng trên báo Tuổi Trẻ, mà người viết được đọc qua báo Nhân Dân, trên Internet. Người viết xin mạn phép tác giả Hoài Hương, lược bỏ một số đoạn có tính tuyên truyền, và thành thực tin rằng, ở bên kia thế giới, Sawada Kyoichi cũng đồng ý như vậy. Vả chăng, đoạn nói về bức ảnh "Chết trong bụi đỏ", "chụp cảnh chiếc xe tăng đang kéo lê xác người trên đường, hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh TP Hồ Chí Minh (số 18 Võ Văn Tần)", theo như người viết được biết, tuy của UPI, nhưng không do Sawada Kyoichi chụp. Cái gì của César, hãy trả cho César.
Chú thích:
1. Phái đoàn miền Bắc, do Văn Tiến Dũng cầm đầu, là để bàn chuyện hiệp thương, tổng tuyển cử... sau năm 1954, theo tinh thần hiệp định Genève.
2. Chaque conscience poursuit la mort de l'autre (Hégel); Simone de Beauvoir trích dẫn, trong Nữ Khách, (L'invitée).
3. Kyoichi Sawada (UPI), đoạt Pulitzer, giải thưởng của Mỹ, về hình chiến tranh (combat photography), năm 1966; Toshio Sakai (UPI), 1968; Horst Faas (AP), 1965; David Halberstam (NY Times), 1964; về hình cùng với Macolm Browne (AP), về phóng sự (combat reporting).
4. Caption: Chú thích dưới một tấm hình. Chỉ những phóng viên lâu năm trong nghề mới được làm việc này. Tiền đánh caption hơn tiền trả cho nhiếp ảnh viên chụp tấm hình.
_______________
Khu chợ Đũi
Hồi mới tới Sài-gòn, nơi chốn đầu tiên mà tôi làm quen, là khu chợ Vườn Chuối.
Chuyến đó ở trên tầu Rắn Biển, Marine Serpent hơi lâu, vì phải đợi ngài Hồng Y Spellman ghé thăm và ban phước lành cho đồng bào di cư. Trong khi chờ đợi, chẳng biết làm gì, họ kéo nhau lên boong, ăn hột vịt lộn từ mấy chiếc ghe nhỏ chuyền lên, ngắm thành phố, làm con tầu khổng lồ nghiêng hẳn sang một bên. Xưa quá rồi Diễm ơi, nhưng sao thỉnh thoảng vẫn mơ thấy những con sóng đuổi theo con tầu như cố níu kéo, mấy bà Bắc-kỳ hè nhau mở cánh cửa khoang tầu thay vì nhẹ nhàng vặn vô lăng, mấy đấng đàn ông đứng ngay trên boong "mở cửa sổ ngó xuống biển", gió tạt vào mấy anh lính thuỷ hạm đội 7 ở phía dưới. (A, thì ra đó là lý do tại sao nước biển mặn. Cả triệu con người chứ ít ỏi gì! Nhân vật Nguyễn của nhà văn thèm giang hồ, nhân một chuyến đi xa, đành soi gương, vuốt tóc, bằng bãi nước anh ta vừa thải, đám di cư còn "cơ may" tới được Miền Nam, đâu có suốt đời phải "phóng uế" nơi đất người; phải có "căn phần" mới được như Tôn Ngộ Không đi khắp ta bà, tận cùng thế giới, tè một "phát" mà vẫn chưa ra khỏi bàn tay của quê nhà, ôi cái thú ăn, ngủ nơi quê hương, dân lưu vong dễ gì có được!)
Dải đất hình chữ S xa xa, dọc theo con tầu, lúc ẩn lúc hiện...
Chuyến đó đi một mình. Bà cụ cố vớt vát được đồng nào hay đồng đó, ở những phiên chợ Trời mọc lềnh khênh suốt thành phố Cảng. Chúng mới được di cư từ Hà-nội xuống. Thủ đô lúc này đã được tiếp quản, nhưng Hải-phòng còn chút ân huệ 300 ngày.
Chả là, ông anh rể lấy bà chị họ, làm nhân viên Nha Thông Tin, sở làm ngay kế bên Bờ Hồ; khi xẩy ra vụ di cư, ông nhẩy qua quân đội, lãnh chức sĩ quan đồng hóa, và lo việc tiếp rước đồng bào tại đầu cầu Hải-phòng. Bà mẹ và đứa em ở lại đi chuyến chót, cùng ông anh. Cho thằng em vào trước lo việc học.
Rời con tầu, mỗi người được phát 300 đồng. Những chuyến trước, tiền di cư "tính liền", nhưng chuyến đó, chỉ nhận được một mẩu biên nhận, mấy ngày sau tới Tổng Uỷ Di Cư, ở đường Trần Hưng Đạo đổi lấy tiền mặt. Nếu không đến nhà bà chị ở khu Vườn Chuối, biết đâu lại có dịp tái ngộ người bạn Hà-nội, Đỗ Tiến Đức ở Nhà Hát Lớn thành phố, hoặc quen Viên Linh ở khu lều di cư Phú Thọ, ngay khúc trường đua. Xưa quá rồi Diễm ơi.
Trường Nguyễn Trãi khi đó bị xóa sổ. Đây là nói về trường Nguyễn Trãi di cư, như Chu Văn An di cư, không phải trường Nguyễn Trãi sau này, ở miệt Khánh Hội. Mò đến Hồ Ngọc Cẩn; thầy giám thị phán, "mê Hà-nội vào trễ, học lại lớp cũ." Tiếc một năm đèn sách, đành nhẩy ra trường tư. Ngày ngày lãnh trách nhiệm xách một thùng nước cho bà chị có sạp bún chả tại chợ Vườn Chuối, rồi băng con hẻm cắt ngang Phan Đình Phùng, Trần Cao Vân, Hồng Thập Tự. Trường Văn Lang của thầy Nguyễn Khắc Kham nằm trong một con hẻm ở đường Ngô Tùng Châu, kế nhà thờ Huyện Sĩ. Nhà của Huỳnh Phan Anh nằm ngay đầu con hẻm ăn ra đường Hồng Thập Tự, Khu Chợ Đũi. Nhà "cô bé" cũng kế đó. Gần ngã tư Lê Văn Duyệt-Phan Đình Phùng. Trường học của cô bé, trường Kiến Thiết cũng kế đó, cách con hẻm "Huỳnh Phan Anh" vài chục bước chân. Khu này vốn nổi tiếng vì mấy tiệm sách cũ, Huỳnh Phan Anh và tôi đã từng lục lọi những số báo nrfẠ, những cuốn tiểu thuyết đen, série noire. Ít người Sài-gòn quên được món cơm xá xíu ngay đầu con hẻm Kiến Thiết. Mấy đứa em của Huỳnh Phan Anh có đứa học chung với cô bé. Đó là những chuyện sau này.
Tôi ở khu chợ Vườn Chuối tới năm học Đệ Nhị, rồi qua Thủ Thiêm trọ học, nhờ bà cô mỗi tháng từ Pháp gửi tiền về, cộng thêm tiền làm nghề "trợ giáo". Mãi sau này, khi quen cô bé, tôi mới lại lảng vảng ở khu đầu đường Lê Văn Duyệt - Phan Đình Phùng. Rồi khi quen Huỳnh Phan Anh, mới trở lại con hẻm cũ.
Tôi "biết" Sài-gòn, phần lớn là qua "ông thầy" Huỳnh Phan Anh. "Thằng chả" dậy tôi chơi banh bàn, bi da. Quán bi da nổi tiếng mà lâu ngày tôi quên mất tên, ở khu Ngô Tùng Châu, gần trường Nguyễn Bá Tòng, là nơi hai đứa nhiều ngày đứng suốt buổi, khi ra khỏi quán hai chân rã rời, kéo nhau băng qua đường, leo lên gác xép ngủ. Nhà Huỳnh Phan Anh là nơi lần đầu tiên tôi nhìn thấy cái bàn ăn "dã chiến", khi ăn mở ra, ăn xong xếp lại. Đứa em trai nói ngọng. Mấy chị em là nguồn kinh tế của hai đứa chúng tôi. Rồi thằng chả dậy tôi "xóm" nghĩa là gì.
Sau này học trò vượt ông thầy. Tôi sa xuống mãi đáy Sài-gòn, những nơi chốn mà bạn tôi đã từng căn dặn chớ mò tới. Cái trò đọc sách trong một quán chệt, chỉ cần một ly cà phê túi, hoặc ly hồng xà (hồng trà), rồi cứ thế ngồi suốt buổi, là cũng do anh truyền cho tôi. Và hai đứa chia nhau kinh nghiệm đọc, nhờ nó. Có lần anh kể cho tôi nghe, bữa trước đọc Buồn Nôn, La Nausée, tới đoạn Roquentin đi trong thành phố Bouville, "một mình mà như cả một đoàn quân đang xuống phố"; "đọc tới đây, thú quá tao cũng bỏ ra ngoài đường lang thang một hồi...", và có lần cũng cảm thấy, như Roquentin, "tương lai đang chờ đợi ở một ngã tư đầu đường". Tôi cũng có những kinh nghiệm y hệt như vậy.
Qua anh tôi có được quá nhiều bạn: Dương Văn Ba, Nguyễn Xuân Hoàng, Nguyễn Đồng, Hoàng Ngọc Biên, Đặng Phùng Quân, Nguyễn Nhật Duật... Có thời gian tôi "cộng tác" với báo Điện Tín, là do anh. Thân nhất, có lẽ là lúc anh đang học Sư Phạm Đà Lạt. Tuần nào tôi cũng nhận được thư. Anh vốn là một con người rất cứng rắn, "dur", ít khi bộc lộ tình cảm. Những lá thư là một Huỳnh Phan Anh "đích thực", đối với tôi.
Lần đầu tiên tôi biết Đà Lạt là lần lên thăm anh. Đúng vào dịp Giáng Sinh, với một người bạn. Cả ba đi lang thang ngoài đường đến gần sáng, say, hát, la, rống dọc theo những con dốc. Lần đó, tôi có cảm tưởng sống lại Hà-nội, và mơ hồ hiểu được tâm trạng của những người lính lê dương nhớ nhà, say sưa giữa thành phố, giữa cuộc chiến "không phải của họ".
Với Huỳnh Phan Anh, tôi chỉ ân hận một điều, anh dậy tôi nhiều quá, còn tôi, chỉ có một bài học, đúng ra là một kinh nghiệm, mà không làm sao nói lại cho anh hiểu: tại sao bỏ vào Nam.
Nhưng câu hỏi đó, cho đến nay tôi cũng vẫn chưa trả lời được, cho chính tôi.
Cuốn truyện đầu tay của tôi là cuốn mở đầu nhà xuất bản Đêm Trắng do anh chủ trương. Thoạt tiên "gạ" ông Nguyễn Đình Vượng, nhưng gặp Trần Phong Giao cản đường. Của đáng tội, thư ký tòa soạn báo Văn không tin cuốn sách sẽ bán được. Tác giả cuốn sách cũng nghĩ vậy. Huỳnh Phan Anh "xúi", thì bỏ tiền ra in, tao làm nhà xuất bản. Anh nhờ Nguyễn Đồng làm bìa. In 2000, đến nhà phát hành Sống Mới, gặp ngay Nguyên Vũ, hình như đang là tác giả có sách bán chạy nhất lúc đó. Anh nói vô, ông chủ mua cho 300 cuốn. Còn lại bán lai rai, cũng thu đủ vốn. Khi đọc tên tác giả, tác phẩm: đứng hàng thứ bẩy, trong danh sách 12 nhà văn phản động đồi truỵ, trên báo Tin Sáng, ngay sau khi Việt Cộng vào Sài-gòn, (đây là danh sách đầu tiên, sau được bổ sung thêm, thành 19, rồi cả Miền Nam, trừ mấy anh nằm vùng, tất nhiên), tôi sợ, (có), hãnh diện, (có), nhưng thật sự ngạc nhiên.
Bởi vì tôi không thể tin, cuốn sách được mấy ổng chiếu cố kỹ đến như vậy. Tôi không tin cuốn sách còn, nếu có chăng, may ra ở trong thư viện.
Đã bao lần tôi cầu mong nó quên tôi, như tôi quên đã quên nó.
_______________
Những ngày ở Sài Gòn
Nơi tôi làm việc là tầng lầu trên cùng một building, bất động sản của người Pháp; tôi là chuyên viên kỹ thuật lo sửa chữa máy móc, trông coi đường dây liên lạc vô tuyến điện thoại, viễn ký, viễn ảnh từ Sài Gòn tới những thành phố lớn, thủ đô các quốc gia trên thế giới. Do hoàn cảnh địa dư, buổi sáng tôi có thể chào buổi chiều, "Good Evening", với một đồng nghiệp ở California; nếu rảnh rang, tôi có thể hỏi thăm hoặc bông đùa đôi câu với một nữ điện thoại viên ở Hongkong, hoặc Tokyo… Buổi chiều, tôi có thể biết thời tiết một Paris buổi sáng; tôi hỏi thăm những đồng nghiệp không bao giờ gặp mặt, có phải tuyết bắt đầu rơi, mùa đông ở nơi xa xôi đó có gì tương tự với những ngày giá lạnh của miền quê hương cũ… Chiến tranh ngăn chặn quá khứ một quê hương phải rời bỏ, ngăn chặn tương lai, và cùng với nó, tất cả những ước mơ khiến chúng tôi nhìn rõ nỗi thất vọng của nhau, cùng cách thức mà từng đứa lựa chọn để biểu lộ nỗi phiền muộn của mình… Lãng tìm cách tự cứu, tập Yoga, ăn cơm gạo lức muối mè, xa lánh bạn bè, những bức thư của anh thường tận cùng bằng câu, "Bao giờ thì hoà bường?" Không bao giờ anh dùng từ "hoà bình", như sợ hãi, ghê tởm… hoà bường, hoà bường, trong trí tưởng tượng của tôi, người bạn những năm trung học trở thành Rip Van Winkle, nhân vật của Koestler, gã tù nhân khốn khổ suốt ngày lảm nhảm khẩu hiệu ghê gớm nhất thời đại, "Bebout les Damnés de la terre!"; "bebout" thay vì "debout", "Vùng lên hỡi những kẻ trầm luân…" biến thành "Tùng lên, tùng lên…". Còn Vưu đọc đi đọc lại một cuốn sách cũ nát bấy, khi tôi hỏi tìm gì, anh trả lời, "Les pages érotiques" (Những trang khiêu dâm). Tường tự tạo cho mình những cơn khoái lạc, tưởng tượng trên thế gian không còn đàn bà… Chúng tôi không chết vì đã chót sinh ra, đã chót già, nhưng chết vì cuộc chiến không phải do chúng tôi gây nên, và không phải chúng tôi muốn tiếp tục, "Tôi năm nay hai mươi tuổi và không cho phép bất cứ một ai được nói, đó là tuổi đẹp nhất trong đời một người" (1).
Chiến tranh, đó không phải thứ khổ đau mà có khi con người phải tạo ra như một cái cớ để đương đầu, để tìm kiếm một thứ hạnh phúc biết đâu ở phía sau, ở phía bên kia niềm khổ đau. Chiến tranh đó là một thứ khổ đau được nhân lên không biết bao nhiêu lần, không xây dựng mà là hủy diệt, ngăn cỏ mọc, huỷ những lời nói yêu thương, hạnh phúc, những tình tự… Mai nói bằng một giọng đều đều, "Anh Tam vẫn tỏ vẻ ghét chiếc mũ sắt nặng nề. Người ốm nhom, mắt cận thị, anh mặc áo thung, đội chiếc mũ sắt đứng trước gương ngắm nghía, một lát sau anh quay nhìn Mai, nói đùa, "Chết như thế này không ổn, nặng quá… không phải ý nghĩa của cái chết, mà là cái chết trở thành một đồ vật nặng nề…", hôm đó anh dẫn mấy người lính đi tuần tra quanh vùng đóng quân, một người lính giẫm phải mìn… Mai lật từng tấm vải trắng phủ mặt những xác chết nhưng không thể nhận ra một trong những tử thi đó, là anh Tam của Mai ngày xưa. Thần Chết như chơi trò đố tìm với Mai, và đã xóa hết những dấu vết quen thuộc, như muốn đánh lừa, hoặc muốn che giấu Mai một ý nghĩa nào đó, hoặc một lời dặn dò của người đã chết… Phải tưởng tượng xác chết giá lạnh kia, là người thân thương ngày xưa, phải tưởng tượng khoảng trống kia là cái miệng vẫn tươi cười, khoảng sâu hoắm cao hơn chút nữa là đôi mắt long lanh nhìn Mai tuần trước… Phải hiểu rằng chết là như thế đó, và đời sống lúc này phải kết thúc như vậy, không có cách nào khác. Anh Thụ, người con trai độc nhất của bác Mai, anh Tam và Mai là bạn từ hồi nhỏ, cả hai người con trai đều luôn luôn chiều chuộng săn sóc Mai, đứa con gái ốm yếu, gầy còm, vừa cất tiếng khóc chào đời, mẹ đau nặng, phải tập sống bằng nước cơm, suốt đời không biết mùi sữa mẹ, thay vào đó là mùi vị căn bệnh phong thấp quái ác, mỗi lần thời tiết thay đổi, hai chân tê cứng không làm sao cất bước… Anh Thụ đi lính, anh Tam bắt chước, anh Thụ chết trước độ một năm, anh Tâm theo luôn, hai nấm mồ, cái hàng trước, cái hàng sau, cùng một hàng dọc… Ngày Mai đậu Tú Tài, anh Tam được tin liền bảo Mai, "Anh sẽ tặng Mai một món quà thật đặc biệt", món quà đặc biệt của anh Tam là chiếc nhẫn… Lần đầu tiên anh làm Mai sợ. Mai yêu anh Tam nhưng không hiểu tình yêu là gì. Mai, đứa con gái biết ý nghĩa của cái chết trước khi biết ý nghĩa của sự sống, biết mọi người đều phải chết trước khi biết mọi người có thể sống, có thể yêu thương nhau. Mai có người yêu trước khi có tình yêu. Bây giờ, những lần đọc tiểu thuyết, đi coi chiếu bóng, thấy người ta yêu nhau, người ta tình tự, vuốt ve, hôn nhau… Mai chưa hề có diễm phúc hưởng chúng, chưa hề có tình yêu đó. Mai có một tình yêu khác, một người yêu khác.
Mai thôi làm việc. Những dòng chữ cuối cùng nàng viết cho tôi trước khi từ biệt, là trên mẩu giấy ghi điện đàm mạch Sài Gòn – Hoa Kỳ: một người lính Mỹ đang nói chuyện với người yêu: "I love you" – ["Don’t say anything. Let’s me think good about you before leaving" (Đừng nói gì hết. Để Mai nghĩ tốt về anh trước khi từ biệt).] Tiếng nói người lính đầy những lệ, người yêu của anh đang nói những lời vĩnh biệt…
***
Niên học cuối của Lan Hương ở bậc trung học bắt đầu bằng những buổi sáng sớm giá lạnh xô đẩy trí nhớ tôi tìm lại Hà Nội, tôi thức giấc sớm, thân thể rét run, bàng hoàng tưởng như đang run rẩy trong một buổi sáng nào đó trong Hà Nội, tưởng như chiến tranh đã hết. Những địa danh như Hà Nội, Việt Trì, Sơn Tây, Ba Vì, Yên Bái, Đồn Vàng… chẳng gây ở nơi Mai một xúc động nhỏ nhặt, nhưng đã trở thành một phần của thân thể tôi, và tiết trời giá lạnh đã đốt cháy nén hương làm tất cả sống dậy. Những buổi học trong rừng, trên những căn nhà sàn miền thượng du Bắc Việt, xen lẫn tiếng thầy giáo giảng bài có tiếng chim kêu kỳ lạ, tiếng người hú gọi nhau vang âm khắp thung lũng, ngày nào tản cư rời xóm làng miền quê nội ngoại ven sông Hồng, đi sâu mãi vào vùng núi Tản Viên Ba Vì, đi bộ suốt đêm, một chiếc chiếu gấp đôi choàng qua vai làm ấm ngực, đứa trẻ vừa đi vừa ngủ gật, một lần đi qua một khu rừng thông, tiếng thông reo, và còn reo mãi cho tới bây giờ. Những buổi chiều một mình lang thang trên những ngọn đồi vùng Phú Thọ, những khóm sim mọc hỗn độn trên những ngọn đồi chập chùng chạy dài mãi phía xa, lẫn dần vào bóng chiều đã xẫm, (bây giờ, đôi lần tình cờ đọc câu, "qua những đồi hoa sim, mầu tím hoa sim tím cả những chiều hoang biền biệt", toàn thân bị dĩ vãng ấu thời chiếm đoạt, run đến nổi gai ốc…). Những buổi sáng thơ thẩn trong rừng lần theo một tiếng chim lạ, hoặc loay hoay dò theo một vết nứt tìm giò măng dưới mặt đất… những năm tản cư trở thành những năm du lịch miền núi đồi thượng du Bắc Việt. Những giếng nước do những viên đá sắp xếp, buổi sáng hơi nước bốc lên nghi ngút, nhúng tay sâu, hơi ấm theo bàn tay thấm vào hết người. Mùa hè chợt tới, những dòng suối trong vắt, nước lạnh buốt, những viên sỏi dưới dòng suối long lanh như những viên ngọc, đàn gà rừng mầu sắc rực rỡ bay tán loạn khi thấy bóng người, sườn núi phía trước sương mù che phủ trắng xoá, lấy hai tay để lên miệng làm loa, cất tiếng hú, âm thanh vang rền, đập đi đập lại, một hồi lâu sự yên tĩnh mới trở lại, tuổi thơ của tôi không có gì đáng phàn nàn…
***
Hà Nội những năm đầu bậc trung học. Hình bóng một đứa bé vừa đi vừa cúi nhặt những trái sấu vàng rụng rải rác trên đường từ nhà đến trường. Một bà cô lấy chồng ngoại quốc. Đứa cháu buổi sáng đi học sớm, bà cô ló đầu ra ngoài khung cửa sổ trên tầng lầu, vo tròn tờ giấy bạc ném xuống cùng câu dặn dò thường lệ, "Tan học về đúng giờ, không được la cà dọc đường, nhớ coi chừng xe cộ, không được ra bờ sông tắm…". Càng về già nụ cười của bà cô càng thêm đằm thắm. Đất nước chia đôi, bà theo chồng về Pháp, và ôm chặt đứa cháu vào lòng, mắt đẫm lệ, "Bây giờ cháu phải về quê với họ hàng nhà mình, các chú các bác đều theo kháng chiến, cháu sẽ không phải khổ…". Đứa nhỏ rời Hà Nội, xách chiếc va li nhỏ về tới gần làng, đứng cuối bờ đê, nhìn về phía có hai cây cau cao vút, nhìn thật lâu, khi đêm xuống xóa nhòa cảnh vật, bất giác cất tiếng hú, âm thanh đập xuống mặt sông, phụ thêm tiếng sóng vỗ vào bờ đê làm ù tai, rồi dội đi thật xa, đó là những lời từ biệt cuối cùng.
Hà Nội. Những buổi sáng mùa đông đứng co ro ở một góc đường, miệng mở tròn, nhìn một cách thích thú làn hơi nóng từ trong người tỏa ra như những đợt khói tròn, rồi trở thành trắng xóa. Những buổi tối lén bà cô đi xem phim, một lần trở về muộn, bị mấy đứa trẻ đánh giầy lột hết tiền bạc. Một lần bị Tây say rượu rượt đuổi, tiếng la hét của gã ngoại nhân phảng phất điều chi thật thê lương, ngậm ngùi. Tiếng khóc nức nở của một cô gái đi chợ bán rau muống sớm, bị Tây hiếp ở một ngõ hẻm, buổi sáng đi học nhìn thấy một thân hình rũ rượi, một dòng nước nhờn lẫn máu chảy dọc theo ống quần, hai tay quờ quạng tìm cách che bộ ngực, chiếc áo nâu bị xé toạc. Tiếng rên rỉ của một người đàn ông ăn mặc khác thường bị trúng đạn ở bụng, nằm quằn quại giữa đường phố, đứa bé bật khóc nức nở, không phải sợ hãi, không phải trong giấc mơ, nó gặp lại người đàn ông đã chết, cả hai đều không thể quên con phố cũ…
Mai, Mai, để anh kể cho em nghe về một thành phố mà anh vừa biết yêu nó thì phải rời bỏ, một quãng đời của anh, bây giờ nhớ lại thấy đâu đó trong quá khứ những trái sấu vàng vương vãi, tiếng lá vàng xào xạc, tiếng còi mười giờ chạy dọc theo con phố Tràng Tiền. Mùa Thu, màu thu Hà Nội, những lá cây vàng úa, hàng cây hai bên đường hình như cao thêm, thành phố trang nghiêm và buồn rầu như đang trầm ngâm suy nghĩ, buổi sáng trong suốt không vẩn một hạt bụi, tiết trời lành lạnh người ta quên đi, rồi đột nhiên nhớ lại, và chút giá lạnh đã len vào tâm hồn; buổi chiều sẽ bất chợt trở về, những con đường sẽ im lìm và trầm lặng hơn như giấu giếm một tiếng thở dài; chúng như bị bỏ quên, trừ một hai cặp tình nhân đi lại, hoặc một hai đứa nhỏ tha thẩn… Để anh kể cho em nghe về một thành phố mùa thu có những hạt mưa nhỏ như những hạt bụi bay trong gió, mùa hè vàng nắng đã qua đi từ lâu cùng những buổi tắm sông, nằm trên cát nóng bỏng, nhìn thẳng vào mặt trời.
Hà Nội, thành phố có hương thơm và mặt trời ve vuốt, thành phố mà Cẩn nói, được dựng lên cho những nhớ nhung và mơ tưởng của một thời trẻ dại, "con đường Trường Thi, hai hàng me bên đường vào khoảng tháng sáu, tháng bẩy như thế này, lá me bắt đầu rụng để lộ những nhánh cây nhỏ, những đứa trẻ háu ăn đã vô ý tưởng là những quả me, và ngó lên bằng cặp mắt thèm thuồng. Mùa hè vàng nắng không còn, nhưng những ngày cuối mùa nóng, người dân Hà Nội có thói quen trước khi ngủ mở tất cả những cánh cửa sổ để đón gió mát, đột nhiên trong đêm khuya, có những cơn gió lạ từ đâu chợt tới, thổi thốc những chiếc lá khô bay phấp phới, và người lớn vội vàng trở dậy đóng bớt cửa sổ, "đó là những dấu hiệu đầu tiên báo hiệu mùa thu trở về."
Mùa Thu, những đứa trẻ xâu những đôi guốc, dép vào một mẩu dây, rồi một tay cầm cặp, một tay xách xâu guốc dép, chúng đi thành từng đàn, tranh nhau cười nói, vung tay múa chân, khi đi qua nhà một đứa trong bọn, bọn trẻ đứng từ phía ngoài, lăng xâu guốc dép, ném chiếc cặp thật mạnh vào tận trong nhà, rồi sau đó thảnh thơi, hớn hở chạy theo bè bạn, mùa hè: những xe phun nước chạy chầm chậm, những tia nước bắn tung toé lên mặt đường nóng bỏng, lũ trẻ chạy theo sau ngửa mặt hứng; mùa lạnh: những người cảnh binh mặc áo dạ tím, những đứa trẻ không còn dám tháo bỏ giầy dép ra khỏi chân, sợ những lần vô ý vấp ngã, những ngón chân sẽ tê điếng có khi cả giờ đồng hồ. Hoặc là tôi phải quên, hoặc bắt buộc phải nhớ: sống tức là sống trong nỗi nhớ Hà Nội. Chúng tôi: những đứa trẻ rời bỏ Hà Nội và trở thành những con bệnh, mỗi lần thời tiết thay đổi, trở nên lạnh, hoặc những đêm đi chơi về muộn trong một Sài Gòn đã thuộc về chúng tôi, lúc bấy giờ gió nhiều, những hơi thuốc nhỏ nhoi chẳng đủ ấm, thế là tiếng lá cây xôn xao, không gian, thời gian, cảnh vật… tất cả biến thành những sợi dây trói, kéo lũ chúng tôi trở lại Hà Nội, chúng tôi trở thành những kẻ mộng du, đêm đêm trở dậy đi đi lại lại trong Hà Nội…
Mười một năm đã qua, những đứa trẻ đã lớn, chiến tranh tiếp tục và ngày càng khủng khiếp, ghê rợn, có những đứa trẻ đã chết (đã trở về Hà Nội). Trong tập Notes của Tuấn, xen lẫn những ghi chú về Sartre và Heidegger, Cẩn tình cờ đọc thấy câu: Hà Nội, pole positif de la douleur (Hà Nội: cực dương của nỗi đau): Lãng sống đời khổ hạnh, tập không yêu không ghét đời sống, thật vậy không, hả Lãng: Ta là kẻ đã đạt…? Có phải mày đã đạt, và nhìn bạn bè bằng cặp mắt bao dung, hiền từ pha chút thương hại. Những đứa bạn lúc nào làm ra vẻ sắp sửa ra đi, sắp sửa lên đường, lưng còng xuống vì gánh nặng lịch sử, lịch sử: nơi chốn tự nhiên của sự hung bạo (lieu naturel de la violence). Vưu làm thơ, tôi còn nhớ được hai câu: Xin lấy máu làm dầu soi sáng/Cho con cháu mình soi tỏ mặt nhau. Vưu, kẻ phóng đãng… còn tôi kẻ mơ ước viết một cuốn sách nối liền hai thành phố Hà Nội và Sài Gòn…
Mai, Mai… để anh kể cho em nghe về một thành phố thỉnh thoảng buổi sáng có sương mù…
Mai thôi làm việc. Khi chúng tôi chia tay nhau tại cầu thang, trong khi chờ thang máy, đột nhiên nàng nói: "Tôi sợ, tôi sợ lắm", nàng nói câu đó bằng tiếng Pháp. Tôi mở cửa thang máy cho nàng và bỗng chợt nhớ câu tôi hỏi vị bác sĩ người Pháp chữa trị cho tôi, khi còn nằm trong nhà thương Grall: Như vậy là chiến tranh đã chấm dứt đối với tôi? (Est-ce que la guerre est finie pour moi?).
Tôi chờ đợi khi ra khỏi nhà thương, khi đứng ở trước cổng nhà thương nhìn ra ngoài đời và chiến tranh đã hết.
________________
Những ngày ở hẻm Đội Có
1958. Học xong trung học, tôi thi vô trường Bưu Điện vừa mới được thành lập, sau một năm lân la làm quen cái không khí đầy náo nức của tương lai như đang giục giã ở ngay đầu ngã tư của cuộc đời, ở một đại giảng đường đại học. Bạn thử tưởng tượng, một học sinh nghèo, sống chui rúc ở cuối con hẻm Đội Có, Phú Nhuận, nơi đám người nghèo khổ bám quanh thành phố, khi chiến tranh chưa dồn dập đem những tiện nghi vật chất tới tận giường ngủ, xó bếp, rồi lấy đi một số những người thân yêu của họ, chỉ biết xài đèn dầu, uống nước giếng. Đám thanh niên, ngoài những lúc tự an ủi nhau bằng những mối tình tưởng tượng, những tiếng hát nhái theo giọng Út Trà Ôn, Trần Văn Trạch quanh cây đàn ghi-ta bên cạnh giếng nước vào những lúc con xóm, sau một ngày mệt lả, mặc tình cho bóng đêm và muỗi đói hoành hành, chỉ còn cách kéo nhau ra phía sau dãy nhà lụp xụp, mặc tình ngắm nghía mấy cô gái họ vẫn thường trầm trồ mỗi lần thoáng thấy bóng.
Các cô lúc này đang xắn cao quần, thoăn thoát giữa đám rau muống xanh um phủ kín mấy vũng nước đen ngòm, nguồn lợi thứ nhì sau mấy ao cá, một nơi hò hẹn khác nữa của đám thanh niên thiếu nữ, và của cả đám con nít. Buổi sáng đi học, nếu nhà không còn cơm nguội, đành nhịn đói, bỗng một ngày thấy như Alice lạc vào xứ thần tiên, lạc vào đại giảng đường Khoa Học, đại học Sài Gòn. Phở hồi đó có ba đồng một Tô, tiền ông Diệm, như sau này người dân miền Nam vẫn thường xuýt xoa, tiếc nhớ một hoàng kim thời đại khi chưa nếm mùi Giải Phóng, và tệ hơn, mùi Cộng Sản, thảm hơn nữa, Cộng Sản Bắc Việt! Những buổi sáng hiếm hoi, trong túi có mấy đồng bạc cắc Bà Trẻ thương tình giấu giếm cho, nhân bữa trước bán hết mớ đồ xi. Mấy cô gái, mỗi lần đi chợ Phú Nhuận, sau khi mua mớ rau, con cá, thường xúm quanh cái mẹt của bà già Bắc Kỳ, mân mê mấy chiếc vòng mã não, chiếc cà rá hình trái tim, cây lược lưỡi liềm, tấm gương bầu dục phía sau có hình mấy tài tử tân nhạc, cải lương... Tôi có cảm tưởng cả khu phố cũng xôn xao cùng tôi qua những hương vị buổi sáng của nó: tô phở nơi đình làng Phú Nhuận. Trong hơi phở có chút hiền từ của những cây nhang, những lời cầu khấn của mấy bà đi chợ, tiện ghé đình ăn sáng và lạy Phật... Dĩa bánh ướt của cô gái trong xóm với đôi quang gánh lúc nào cũng lao về phía trước, chỉ chậm lại nơi đầu con hẻm chừng mười lăm phút, rồi lại tất tả chạy quanh xóm. Có bữa dù đã chạy vội từ nhà, khi ra tới nơi, chỉ kịp nhìn thấy một nửa bóng dáng cùng những cử chỉ quen thuộc của cô còn nán lại phía nửa sau đòn gánh.
Khi đã đi làm, có chút lương bổng hàng tháng, có nhà do cơ quan cấp, bị dòng đời xô đẩy không kịp ngoái cổ nhìn lại chấn xưa, có những buổi sáng sớm chạy xe vòng vòng, đuổi theo dư âm ngày tháng cũ, biết đâu còn chút nào qua hương vị dĩa bánh cuốn Thanh Trì, tại con hẻm Trần Khắc Chân, Tân Định. Thứ bánh mỏng lét, không nhân, chấm nước mắm nhỉ màu mật, cay xè vị ớt bột, kèm miếng đậu phụ nóng hổi, dòn tan, miếng chả quế, giò lụa, khi đã no nê vẫn còn thèm thuồng chút thơm tho của đôi ba giọt cà cuồng đầu tăm... Nhìn bước đi tưởng chậm chạp của thời gian, của thành phố thì đúng hơn, trong cơn tuyệt vọng chạy đua với chiến tranh, trong nỗi hối hả tìm ra ông chủ đích thực, sau những ông chủ thuộc địa, thực dân, đế quốc, cuối cùng khám phá ra đó chính là kẻ thù… Nhìn bước đi chắc nịch của thời gian trên khuôn mặt xinh tươi của mấy cô gái ngày nào còn tranh giành đồ chơi, tị nạnh, đun đẩy nhau công việc, nay đã biết xấu hổ trước mấy cậu khách hàng. Hay tới 79 đợi một tô phở đặc biệt sau khi len lỏi qua đám bàn chật cứng khách, cố tìm một ghế trống, tới quán bà Ba Bủng, để rồi lưỡng lự giữa một tô bún ốc, bún riêu hay một dĩa bún chả giò... Ôi, tất cả chỉ vì thèm nghe cho được cái âm thanh ấm áp của mấy đồng bạc cắc Bà Trẻ cho ngày nào…
Bà Trẻ, vợ một người em ông ngoại, khi còn con gái nổi tiếng rất đẹp, thông minh, được cho ra tỉnh học, đột nhiên bị gia đình gọi về quê gấp. Bà đã đành lòng vùi dập ước mơ trở thành cô giáo của mình, làm vợ “thế” cho bà chị ruột, vợ ông Nghị, lúc đó bệnh nặng, đang chờ chết, để nuôi nấng dạy bảo đứa con gái của người chị, lúc đó còn ẵm ngửa, thực ra là để gìn giữ mớ của cải bên chồng, không cho lọt ra người ngoài, đúng hơn, không rớt tới đám con cái mấy đời vợ trước.
Sự hy sinh của bà không được đền đáp. Cô con gái sau này vẫn thường tỏ ra hỗn hào với bà, ý rằng bà đã sống nhờ tiền bạc của mẹ ruột cô ta, chưa kể nỗi ganh tị sau biến thành hận thù, rồi được Cộng Sản cho phép gọi là nợ máu, của mấy cô, cậu thuộc dòng vợ thứ nhất, thứ nhì... Họ tố bố địa chủ hãm hiếp mẹ nông dân, tố mẹ ghẻ ngoài cái tội thù ghét, hành hạ con chồng, còn can tội giấu giếm tiền bạc, của cải... Bà Trẻ may mắn đem đứa con trai độc nhất, ông chồng, cô con gái xuống Hải Phòng rồi vào Nam.
Ông Nghị, tướng người cao lớn, mấy đời vợ, mấy dòng con, không kể con rơi con rớt, con “làm phúc” Bà Trẻ kể cho tôi nghe về một cặp vợ chồng hiếm hoi đã “nhờ vả”, ông Nghị, và đứa con gái, kết quả của mối tình "thả cỏ", của một bữa rượu say sưa bên mâm thịt cầy, trong lúc người chồng giả vờ mắc bận bỏ ra ngoài, đã bị câm ngay từ khi lọt lòng...
Nghe bà kể, tôi mơ hồ nhận ra nỗi thất vọng của một người vợ, của một người đàn bà đã hy sinh một cách vô ích tuổi trẻ, nhan sắc, sự thông minh và luôn cả lòng tốt của mình. Nỗi đắng cay của một bà mẹ về đứa con trai duy nhất: cậu H. Tuy không tật nguyền, nhưng không thể nào là một đứa con của hạnh phúc, cho nên cậu không thừa hưởng được tính thông minh, chăm học của mẹ, không thừa hưởng vóc dáng cao lớn, đàn ông của bố, nhưng lại giữ nguyên được truyền thống của những người đàn ông trong họ, luôn coi người đàn bà mới là chủ thực sự trong gia đình. Cậu luôn tỏ ra bất lực trước bà chị cùng bố khác mẹ, một cô gái tuy chưa quá tuổi lấy chồng đã là gái già. Những lúc bị đay nghiến, hành hạ quá mức, cậu chỉ phản ứng bằng cách đập đầu vào tường. Âm thanh của sự nhẫn nhục không chịu ngừng lại trước ngưỡng cửa của chiến tranh: Trong những năm miền Nam bị Thần Chết ngày đêm đòi mạng, cậu H. đã áp dụng cái võ khí tỏ ra hữu hiệu nhất đối với cậu là tự hành xác để được hoãn dịch. Cậu nhịn ăn, nhịn ngủ, uống cà phê đen, uống trà đặc, hút thuốc lá... Không chịu ngừng lại mà còn vượt xa hơn nữa, tới miền đất của phúc phận, nghiệp duyên. Cuộc sống gia đình hạnh phúc của cậu những năm sau 1975, theo Bà Trẻ của tôi, là do đức Phật đã thấu tới nỗi đau khổ, lòng ăn chay niệm Phật của bà, nhưng tôi cho rằng ngài đã bị những tiếng đập đầu binh binh của cậu H. làm giật mình, nhìn xuống cõi đời ô trọc này...
Tôi viết dưới ánh sáng của một ngọn nến: Sài Gòn.
28.3.66. “Tôi đột nhiên nhận ra khuôn mặt thảm hại của tình yêu”. Ôi chao! Tôi đã có lần viết về cái cảnh thất thểu dưới mưa, chạy lẽo đẽo theo một cô bé nơi đường Cộng Hòa, ngay trước đại học Khoa Học. Và cái cảm giác giận dữ, mệt mỏi, theo tôi hoài, còn dai dẳng hơn cả mối tình...
Hãy viết về Sài Gòn cho chẳng riêng ai mà cũng là cho tất cả mọi người. Hãy viết về một thành phố trong cơn hối hả đi tìm người thân tưởng đã mất tích, và trong khi chờ đợi đã bồn chồn muốn có tất cả, muốn sống một lần, ngay lập tức, ngay tại đây... Hãy viết về một thành phố tưởng như nông nổi, tạm bợ, nhưng có khả năng cảm hóa, biến đổi tất cả những ai đã từng sống trong nó thành những tín đồ của một thứ tôn giáo, đạo miền Nam, đạo Sài Gòn... Hãy viết về những bạn bè đã thất lạc, đã lang thang nơi này nơi nọ mà địa chỉ cuối cùng còn nhớ được: Sài Gòn.
______________
Lần cuối, Sài Gòn
Viết, một cách nào đó, là chết. Hà-nội, tuổi thanh xuân, mối tình đầu... mòn dần theo những chữ. Khi gặp Lan Hương, cô bé mới 11 tuổi, học trường Kiến Thiết, trong một con hẻm bên kia đường Phan Đình Phùng, bên kia nhà cô bé, một tiệm sách theo chủ nhân bỏ chạy vào Sài-gòn nhưng vẫn cố giữ cái tên có từ Hà-nội, những chả cá Thăng Long, bánh cuốn Tây Hồ, những điểm xuyết của một Hà-nội trong một Sài-gòn sau được họa sĩ Phạm Tăng ghi lại bằng những cảnh chăn trâu, thổi sáo trên bờ đê, hát trống quân, đánh đu... trên bìa một tờ báo Xuân năm nảo năm nào,"Chúng ta đi mang theo quê hương".
Một tiệm sách có tấm bảng hiệu, vừa níu kéo một chút quá khứ, vừa làm lan can cho căn gác lửng, và là chỗ tôi thường đứng tỳ tay nhìn xuống đường, nhìn buổi chiều, đợi chờ cô bé trở về nhà trên đường đón em học trường mẫu giáo Aurore ở gần ngã tư Cao Thắng-Phan Đình Phùng. Ngay ngã tư có tiệm Thanh Xuân, nơi hân hạnh được cô bé tới chụp hình cho cuốn học bạ, nhờ vậy tôi cũng được ăn theo, tấm hình sau được họa sĩ Ngọc Dũng thương tình chuyển thành phác họa, khi cả bọn xúm quanh anh thuở còn đi học cứ ba tháng hè kéo nhau tới nhà anh T. ăn bám bà cụ. Kỷ niệm độc nhất đánh dấu những buổi chiều hạnh phúc, báo trước cuộc chia ly kéo dài...
Khi gặp lại, cô bé đã đậu tú tài phần một, được ông bố khắc nghiệt cho đi thăm Đà Lạt. Mỗi sáng thứ bẩy, tôi theo chuyến xe đò sớm nhất vượt quãng đường mấy trăm cây số, rồi chiều chủ nhật trở về cho kịp thứ hai đi làm, trong đầu đầy ấp hình ảnh Đà Lạt với quán cà phê Tùng, tiếng hát Sylvie Vartan, "J'attendais que ma vie recommence"... bóng dáng cô bé xuất hiện nơi đầu con dốc, tha thẩn bên hồ, thấp thoáng xa gần giữa vườn thông, trước ống kính máy chụp hình tôi mượn của một người bạn Phi làm cùng sở. Khi đó tuy ông Diệm không còn, nhưng Miền Bắc chắc còn đang lo đấu tố, thanh trừng địa chủ nên bỏ qua cho hạnh phúc nhỏ bé của chúng tôi.
Khi về, cô bé có thói quen để cô em vô nhà, còn cô chạy đến bên phông tên ngay bên đường cách nhà chừng mười bước để rửa chân, thật ra để đùa nghịch cùng những giọt nước. Những cử chỉ, dáng điệu của cô làm tôi sau này vẫn thường băn khoăn tự hỏi, không biết cô bé đi đón em tan trường về, hay ngược lại. Những giọt nước bị đôi bàn tay nhỏ bé ngăn chặn, bắn tung tóe, trầm bổng, trở thành muôn vàn nụ cười trên môi, trên má, trên tóc, càng thêm long lanh nhờ ánh mắt tinh nghịch, nhờ nụ cười, tôi gặp lại hình ảnh tuyệt vời này trong phim "Lần cuối nhìn Paris", như thể chính cô bé của tôi đã khám phá ra, đã tìm lại cho cả Châu Âu, cho cả loài người, một thành phố Paris bị chiếm đóng vừa được giải tỏa, và nữ tài tử Liz Taylor chỉ lập lại những cử chỉ thật đàn bà của một cô bé con-người nữ muôn đời ở trong tôi.
1965. Những ngày viết "Những ngày ở Sài-gòn". Thời gian xa cách làm những giọt nước chín mùi, biến thành những chữ. Cô bé đã lớn, đã bước vào những năm cuối cùng của bậc Trung Học. Đã có lần tham gia biểu tình, bãi khóa. Đã có người yêu đón đưa những lần tới lớp, những giờ tan trường. Đã bị bà Giám Hiệu ra thông báo cấm những trò có hại cho thanh danh nhà trường như vậy. Đã bãi học không phải để tham gia biểu tình, nhưng để đi chơi với người yêu. Lợi dụng thành phố đang trong cơn nhốn nháo, cả hai theo chiếc xe lên nghĩa trang Bắc Việt để thì thầm những lời yêu đương giữa những nấm mồ và lắng nghe những người đã chết kể về từng gốc cây ngọn cỏ. Cô bé đã quên những buổi chiều đùa nghịch ngày xưa, có thể vì vậy mà phông tên nước cũng chẳng còn, có thể vì cô biết rằng chẳng còn ai mỗi lần tan sở vội vàng đạp xe tới cho kịp nụ cười của cô, nhưng vẫn giữ thói quen bọc những cuốn tập bằng những tờ giấy xanh có một cái tên rất đỗi trớ trêu là những tờ giấy dầu, kèm thói quen cất giấu những lá thư ở giữa hai lần bìa, như thể những bài học lạnh lùng, những công thức khó nhớ sẽ che chở giùm cho cô những tình cảm bồng bột, trước con mắt tò mò, soi mói của người khác, như thể những dòng chữ nóng bỏng trong thư nếu không làm cho cô học bài dễ dàng, ít ra nó cũng làm cho cô bớt cô đơn, trống trải. Cô viết: "Làm sao có thể quên được một người đã nói yêu mình, lần đầu tiên trong đời. Cái lần anh đón H. trên đường tới trường Gia Long, ngay lối vào vườn Tao Đàn, buổi sáng sớm sau bao năm trời xa cách, H. đã tự nhiên ngồi lên xe. Vậy là anh đã hiểu." Lần khác cô viết: "Có những đêm H. giật mình thức giấc, có thể vì nước mắt đầm đìa trên gối. H. thường khóc trong khi ngủ, mỗi lần quá cô đơn và nghĩ đến anh."
1965. Những ngày cuộc chiến tuy chưa dữ dội nhưng đã hứa hẹn những điều khủng khiếp. Người Mỹ đổ quân xuống bãi biển Đà Nẵng, liền sau đó là lần chết hụt của tôi tại nhà hàng Mỹ Cảnh. Tất cả những sự kiện đó, mỉa mai thay, chỉ làm cho bóng ma chiến tranh thêm độc, đẹp, thêm quyến rũ và trở thành những nét duyên dáng không thể thiếu của cô bé. Của Sài-gòn.
Chỉ có những người vội vã rời bỏ Sài-gòn ngay những ngày đầu, họ đã không kịp sửa soạn cho mình một nỗi nhớ Sài-gòn. Còn những ai ở trong tâm trạng sắp sửa ra đi, đều tập cho quen dần với cơn đau sẽ kéo dài. Đều lựa cho mình một góc đường, một gốc cây, một mái nhà... để cười hay để khóc một mình. Một mẩu đời, một đoạn nhạc, một bóng chiều, một giọt mưa, một sợi nắng... để gọi thầm trong những lúc quá cô đơn. Để mai kia mốt nọ, trên đường tha phương cầu thực, nơi đất khách quê người, những khi ngọn gió heo may bắt đầu thổi, những khi ngồi bó gối bên trời, nhìn lá vàng rơi đầy, lấy tay che thời gian không nổi, hay những đêm tàn nghe bếp lửa réo gọi... sẽ nhâm nhi những cọng cỏ tưởng tượng của quê hương. Ôi,"Ôm em trong tay mà đã nhớ em ngày sắp tới" (1). Hãy cho tôi thăm lại con phố Bonard, nơi có bót Hàng Ken, chú bé di cư ngày nào ngơ ngác, rụt rè làm quen, tự mình khám phá Sài-gòn. Gần gốc cây chỉ còn trong cậu bé ngày xưa, một người đàn ông đánh đập dã man một người đàn bà. Không quên bài học Công Dân, chú bé chạy vào trong bót. Chú bị ăn bạt tai, cùng những lời sỉ vả, người ta đánh vợ, mắc mớ chi tới mày. Đồ con nít Bắc kỳ di cư, vô đây làm tàng. Ôi bài học đầu tiên khi tìm cách làm quen thành phố, được thời gian gọt giũa trở thành một nốt ruồi son đáng yêu biết là chừng nào trên khuôn mặt cô bé. Trên khuôn mặt Sài-gòn.
Một thành phố mà tôi đã chết ở trong, nay sống lại, chỉ để kể về nó.
1967
Có những đoạn đời, tôi sống thường trực bằng cái chết của những người thân. Một lần, thời gian em tôi chưa tử trận, tôi đi coi xinê, khi ra về thấy em tôi giữa đám người ngồi gần màn ảnh. Và cái cảm giác bàng hoàng khi nghe tin còn kèm theo nỗi hối hận, chua xót, khi nhận ra sự thật: Tôi đã giấu giếm quá kỹ những tình cảm ruột thịt đến nỗi khiếp sợ khi phải đối diện với nó. Những lần trốn nắng gắt Sài-gòn, tôi chui vào rạp xinê tìm một chỗ trống xa màn bạc, làm như vậy biết đâu đứa em trai vẫn ngồi đâu đó phía trên kia, và tôi cố tìm cách thù ghét Sài-gòn thay vì thù ghét chiến tranh, cố tin rằng em tôi chỉ cận thị chứ chưa hề tử trận, cố tìm cách trở về quãng đời êm ả khi anh em còn đi học, khi thành phố chưa bị cái đói, cái rét của một miền đất xa xôi ám ảnh, đe dọa. Con đường Phan Đình Phùng vẫn còn phông tên nước, và chiến tranh đang kết thúc ở ngoài kia, ở ngoài Sài-gòn.
Em tôi nằm xuống với một viên đạn ở trong đầu. Mấy người lính kể lại, chuẩn uý không kịp đau đớn. Lời trối trăng nghe như gió thoảng lại: "Chắc tao chết mất..." Trung đội vi hành tuần tra vòng đai phi trường Sóc Trăng. Khi nghe tiếng súng, theo phản xạ, em tôi chúi đầu về phía trước. Chiếc nón sắt quên không buộc rớt xuống và một viên đạn trong tràng AK từ bên sông bắn hú họa xuống mặt sông, dội lên, xớt qua vai rồi hết đà nằm luôn trong ót. Viên bác sĩ quân y nói với tôi, ông đã không lấy viên đạn ra vì sợ làm nát khuôn mặt. "Chuẩn ý Sĩ không kịp ghi địa chỉ cấp báo. Chúng tôi phải nhờ Bưu Điện liên lạc với Sài-gòn. Ngoài mấy bức hình chụp lúc tẩm niệm, chuẩn uý không để lại gì cả. Quần áo, đồ dùng cá nhân, poncho... đều đi theo với chuẩn uý."
Có, có, chuẩn uý Sĩ có để lại một bà mẹ đau khổ như bất cứ một bà mẹ nào có con trai tử trận, một người anh trai để mang xác em về nghĩa trang quân đội Gò Vấp mai táng, một đứa cháu còn nằm trong viện bảo sanh, người chú vô thăm lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng, như để tìm dấu vết thân thương, ruột thịt, trước khi vĩnh viễn bỏ đi...
Em tôi còn để lại một thành phố Sài-gòn trong đó có tuổi trẻ của tôi, của em tôi, thấp thoáng đâu đó nơi đầu đường, cuối chợ Vườn Chuối, ngày nào ba mẹ con dắt díu nhau rời con tầu khổng lồ Marine Serpent, miệng còn dư vị hột vịt lộn, người dân Sài-gòn trên những ghe nhỏ bám quanh con tầu, chuyền lên boong, trong những chiếc giỏ lủng lẳng ở đầu những cây sào dài. Hai anh em mồ côi cha vừa mới mất Hà-nội, ngơ ngác nhìn thành phố qua những đống rác khổng lồ nơi đại lộ Hàm Nghi, qua ánh điện chói chang, sáng lòa trêm mặt sông, trên những con tầu đậu nối đuôi nhau suốt hai bên bờ vùng Khánh Hội, và đổ dài trên những con lộ thẳng băng. Qua những lần đổi vai đòn gánh của bà mẹ, từ cháo gà, miến gà, tới cháo lòng, bún riêu, bánh cuốn... Qua ánh mắt thất vọng của Người. Bốn anh chị em, bây giờ chỉ còn hai đứa, vậy mà cũng không nuôi nổi. Cuối cùng cả ba mẹ con đành lạc lối giữa những con hẻm chi chít, chằng chịt vùng Bàn Cờ. Tôi đi làm bồi bàn cho tiệm chả cá Thăng Long, làm trợ giáo, cố gắng tiếp tục học. Em tôi điếu đóm, hầu hạ một ông cử già, bà con với anh Hoạt, chồng người chị họ. Anh Nguyễn Hoạt, tức Hiếu Chân, bị bắt chung với Doãn Quốc Sĩ, sau mất ở trong khám Chí Hòa, chính quyền CS bắt phải hủy xác thành tro, trước khi mang ra khỏi nhà tù.
Một Sài-gòn trong có quán cà phê Thái Chi ở đầu đường Nguyễn Phi Khanh, góc Đa Kao. Bà chủ quán khó tính, chỉ bằng lòng với một dúm khách quen ngồi dai dẳng như muốn dính vào tuờng, với dăm ba tờ báo Paris Match, với mớ bàn ghế lùn tịt. Trên tường treo một chiếc dĩa tráng men, in hình một cậu bé mếu máo, tay ôm cặp, với hàng chữ Pháp ở bên dưới: "Đi học hả? Hôm qua đi rồi mà!"
Đó là nơi em tôi thường ngồi lỳ, trong khi chờ đợi Tình Yêu và Cái Chết. Cuối cùng Thần Chết lẹ tay hơn, không để cho nạn nhân có đủ thì giờ đọc nốt mấy trang Lục Mạch Thần Kiếm, tiểu thuyết chưởng đăng hàng kỳ trên nhật báo Sài-gòn, để biết kết cục bi thảm của mối tình Kiều Phong-A Tỷ, như một an ủi mang theo, thay cho những mối tình tưởng tượng với một cô Mai, cô Kim nào đó, như một nhắn nhủ với bạn bè còn sống: "Đừng yêu sớm quá, nếu nuốn chết trẻ." Chỉ có bà chủ quán là không quên cậu khách quen. Ngày giỗ đầu của em tôi, bà cho người gửi tới, vàng hương, những lời chia buồn, và bộ bình trà "ngày xưa cậu Sĩ vẫn thường dùng."
"Sao không hát cho những người vừa nằm xuống..."
Đã có một thời, tôi không sao chịu nổi. Chúng rũ rượi, mệt lả. Đầy sũng nước mưa, nước mắt. Chúng gọi tên thảm kịch. Thảm kịch của những cái vô ích. Của cuộc chiến điêu đứng, rồ dại. Chúng gợi tâm trạng nhớ. Nhớ bùn. Nhớ đời sống thảm hại, nhàm chán. Nhớ những kỷ niệm chẳng đáng nhớ. Nhớ ngã tư đường Lê Văn Duyệt-Phan Đình Phùng gần nhà cô bé, khi chưa có tượng Thích Quảng Đức. Cô bé hớt hải chạy ra, hớt hải lắc đầu, rồi lại hớt hải chạy về. Nhớ những ngày nhà cô bé dời lên đường Gia Long. Buổi sáng, cô đưa em đi học trường Kiến Thiết gần khu Chợ Đũi, đưa mắt nhìn người yêu đang chờ đợi trong quán cà phê Tầu ở ngay đầu đường. Khi về, cô tha thẩn giữa những hàng cây nơi vườn Tao Đàn. Mùa Thu theo chiếc lá nhẹ nhàng đậu trên vai cô bé đang mơ mộng, đang trở thành người lớn.
Nhớ, nhớ..."Nếu mai không nở, anh đâu biết Xuân về hay chưa...", em tôi vẫn thường nghêu ngao một mình trước khi bỏ đi. Như những lời chúc dữ, chúng báo trước một Miền Nam mòn mỏi, suy sụp, trước một Miền Bắc lì lợm, dai dẳng. Trong mỗi chúng ta đều có một Sài-gòn đang âm ỉ cháy. Tôi đốt lên ngọn nến của tôi để cho Sài-gòn của bạn sáng ngời.
Buổi sáng cuối cùng, cùng với Sài-gòn, ngồi một mình trong quán vắng, nghe giọng ca Thanh Tuyền... Cũng vẫn giọng hát cũ, bài ca xưa mà sao nghe lòng mình thay đổi. Cảm giác đắng cay, tủi nhục những ngày tháng Tư nay đã hết hẳn rồi. Người Sài-gòn đọc trong mắt kẻ thắng trận nỗi thèm khát, mong sao được là nguỵ. Giờ này, tiếng hát như được cất lên từ đáy mồ biển cả, từ quần đảo ngục tù, như được sống lại từ một con ngựa thành Troie mà Cộng sản miền Bắc trong cơn điên cuồng vơ vét đã vô tình rước về. Nàng Mỵ Nương đang nhỏ lệ hòa tan bao nỗi tủi hờn của những anh chàng Trương Chi suốt đời không biết hát, suốt đời chưa từng được nghe một người hát cho một người...
Và tôi bỗng thấy bớt nhớ Sài-gòn.
Phút cuối nhìn lại Sài-gòn, tôi có cảm tưởng mọi nhà, mọi người đang tiễn tôi bằng tiếng hát Thanh Tuyền, như một lời nhắn nhủ: "Nếu mai không nở thì anh đâu biết Xuân về hay chưa..."
1989
Trong một bài viết ở phía sau tác phẩm, Nabokov kể lại, phút hạnh ngộ giữa ông và cô bé kiều diễm, thời gian ông bị những cơn đau đầu thường trực hành hạ. Và một thoáng nàng - la palpitation de Lolita - đã lung linh xuất hiện, khi ông đang đọc mẩu báo, thuật câu chuyện về một nhà bác học đã thành công trong việc dậy vẽ cho một chú khỉ ở một vườn thú. "Tác phẩm đầu tay" của "con vật đáng thương" là hình ảnh mấy chấn song của cái chuồng giam giữ nó.
Trong chuyến đi dài chạy trốn quê hương, trong mớ sách vở vội vã mang theo, tôi thấy hai cuốn, một của Nabokov, và một của Koestler. Tôi đã đọc Darkness at Noon" qua bản dịch "Đêm hay Ngày" do Phòng Thông Tin Hoa Kỳ xuất bản cùng một thời với những cuốn như "Tôi chọn Tự do"... Chúng vô tình đánh dấu cuộc di cư vĩ đại với gần một triệu người, trong có một chú nhỏ không làm sao quên nổi chiếc chuồng giam giữ thời ấu thơ của mình: Miền Bắc, Hà-nội.
Lần thứ nhì bỏ chạy quê hương, cùng nỗi nhớ Sài-gòn là sự thật đắng cay mà tuổi già càng làm thêm chua xót: Một giấc mộng, dù lớn lao dù lý tưởng cỡ nào, cũng không thể làm sống lại, một sợi nắng ấm của Sài-gòn: Trong những đêm chập chờn mất ngủ, hồn thiêng của thành phố thức giấc ở trong tôi, tôi tưởng hồn ma của chính mình đang lang thang trên những nẻo đường cũ xưa, sống lại cái phần đời đã chết theo cùng với thành phố, bởi cái phần đời đó mới đáng kể. Tôi đọc lại Nabokov và lần ra sợi dây máu mủ, ruột thịt giữa tác giả-nhà văn lưu vong-con vật đáng thương-nàng nymphette tinh quái. Đọc lại Koestler để hiểu rằng, tuổi trẻ của tôi và của bao lớp trẻ sau này, đều bị trù yểm, bởi một ngày mai có riêng một con quỷ của chính nó: Miền Bắc, Hà-nội.
1954
Những ngày đầu kinh ngạc bỡ ngỡ, cố làm quen Sài-gòn. Chú nhỏ mồ côi cha, một mình lủi thủi xuống tầu, bỏ lại thành phố vừa mới kịp yêu mến. Tiếng còi mười giờ chạy dài trên con phố Tràng Tiền, đuổi theo chú bé đến tận con tầu khổng lồ. Ngơ ngác nhìn biển lạ lần đầu. Cơn say sóng dật dờ. Ngay cả trong giấc mơ, chú vẫn còn trông thấy thấp thoáng đâu đó, những trái sấu vàng vương vãi trên con đường từ hồ Halais tới nhà trường gần bên Bờ Hồ. Vẫn đứa trẻ lớn lên tại Sài-gòn nhưng lúc nào cũng ngây thơ, cứng đầu, khăng khăng mặc cả cùng quá khứ, nỗi mất mát chỉ có thể đền bù bằng một tình yêu lớn lao đầu đời: "Anh yêu em bởi vì anh yêu Hà-nội". Ôi những cái "bởi vì" ngông cuồng đáng yêu của một thời thơ dại.
Cả tới khi mối tình tan vỡ vẫn xót xa gượng cười, bởi thành phố tuổi thơ có bao giờ phản bội?
Và trộn vào giấc mơ tuổi thơ, là cơn mộng đời rực rỡ. Sẽ trở thành nhà văn. Sẽ viết một truyện dài nối liền được hai thành phố.
Cơn mộng đời dẫn tôi tìm lại Koestler, qua bản dịch tiếng Pháp, những ngày học Chu Văn An, khi nhà trường còn nằm phía sau trường Pétrus Ký, miếng đất sau trở thành Trung Tâm Học Liệu. Đọc và gần như thuộc lòng một số câu văn, để trau giồi ngoại ngữ, thâu thập tri thức, tập tành suy tưởng. Rồi dần dà theo tuổi học, tuổi đời, tôi lần tới những câu của Camus, con người nổi loạn, những khẩu hiệu làm rung động loài người (Bí mật của Vô sản là cái chết của Tư bản, thí dụ vậy), những trang nhật ký của Roquentin...
Cùng với những cuộc phiêu lưu của những tác phẩm lớn ở trong tôi, Sài-gòn trở thành một sân khấu cho tôi đóng vai những nhân vật-nhà văn. Thành phố thân yêu, một buổi sáng đẹp trời bỗng nhường cho một St. Petersbourg thời Dostoievsky với những cầu thang âm u, và cậu sinh viên, trong một góc bàn tại một tiệm cà phê Tầu nơi Ngã Sáu, một mình đi lại trong giấc mơ vĩ đại, biến đổi thế giới, làm lại loài người.
Hay một London của Dickens, một buổi chiều đầy sương mù, chú bé Oliver Twist đói lả người, như tôi, một ngày trong chuỗi ngày cắp sách đến trường, đêm đêm làm bồi bàn, thời người Mỹ chưa đổ quân ào ạt vào Việt Nam. Thành phố chưa có xa lộ, chưa có cầu Sài-gòn. Và tiệm chả cá Thăng-Long nơi tôi tối tối bưng xoong mỡ sôi đổ lên dĩa chả cá, nghe tiếng mỡ kêu xèo xèo, chưa biến thành nhà hàng Kontiki ở ngay đầu đường Phạm Đăng Hưng, nơi dành riêng cho đám quân nhân Hoa Kỳ.
Ngày mai trời sẽ mưa trên thành phố Bouville
Demain il pleuvra sur Bouville
(Sartre, La Nausée)
Ôi Sài-gòn, một Sài-gòn hư tưởng, một Bouville, một London, của riêng tôi đó!
Koestler, enfin, retrové, cuốn "Le Zéro et l'Infini", tôi lục lọi cách chuyến đi không xa, trong mớ sách "ký gởi" - một hình thức mới của sách vỉa hè- tại một tiệm phía bên kia cầu Thị Nghè. Cái thiểu số hỗn độn may mắn sống sót sau những ngày tháng Tư, trở thành những nạn nhân đầu tiên thay con người Sài-gòn dãi dầu mưa nắng Trong số những người đang lục lọi quanh tôi, có kẻ chỉ tò mò lật vài trang đầu, tìm tên chủ nhân, có thể kèm theo đó là một lời đề tặng của chính tác giả cuốn sách. Cả hai đều đã đi xa, vợ con ở nhà mang mớ sách kỷ niệm đổi lấy một vài mớ rau, một hai lon gạo.
Gặp lại những nhân vật của Koestler, những nhân vật văn chương còn mang nặng những nét đặc thù của nguyên mẫu ngoài đời, những Roubachof suốt đời tắm bằng máu của kẻ khác, kể cả của người yêu, bạn bè, đến khi chết lại mong trở thành những Thánh Tử Đạo, đọc lại nhhững câu văn mang sự thực khủng khiếp còn hơn cả những lời nguyền rủa: "Bằng roi vọt chúng ta quất lên đám đông đang rên rỉ, bắt họ hướng về hạnh phúc chỉ có tính tương lai và hoàn toàn lý thuyết...", tôi bỗng nhận ra một điều thật giản dị: Nếu những tác phẩm lớn đều cưu mang trong nó bóng dáng của những tác phẩm lớn khác - một cách nào đó Hemingway chú giải Joyce, Camus mô phỏng Kafka, rõ ràng Garcia Marquez viết lại Faulkner... - Cũng vậy, những bạo chúa chỉ là những bản sao của những bạo chúa khác. Staline bắt chước Néron, cả hai đều có tham vọng văn chương, một muốn làm thi sĩ, một muốn ngự sử văn đàn, kẻ ban phát giải thưởng văn học. Mao diễn lại tuồng đốt sách, chôn học trò. Molotov chỉ mong người đời coi là một Robespierre của Cách Mạng Nga. Người ra lệnh bắn vào sinh viên biểu tình tại Thiên An Môn là một học trò đắc ý của Chu Ân Lai, ông này lại là một học trò đắc ý nhất của Cách Mạng Pháp. Polpot đã từng du học ở Paris. Tất cả đều tâm đắc một điều: Không có một cuộc cách mạng nào mà không có quá độ. Một cuộc cách mạng không đổ máu thì rất đáng ngờ.
Lolita, của một người bạn thân.
Tôi gặp K. khi anh từ một trại cải tạo ở miền Bắc về, tại chợ sách phía sau rạp Đại Nam, điểm không hẹn mà gặp của những kẻ chỉ cần nhìn lại một cuốn sách cũ là cảm thấy bạn bè vẫn còn đủ, Sài-gòn vẫn là Sài-gòn. Bẵng thật lâu, trước chuyến đi xa chừng nửa năm, tôi gặp lại anh, lúc này làm nghề bán sách dạo. Anh thận trọng ghé chiếc xe đạp với chồng sách cao ngất ngưởng, vào lề đường, rồi đến bên tôi, thường là buổi chiều, tại cà phê "Bà Lê Chân", cũng một quán đặc biệt vỉa hè Sài-gòn, của một anh bạn xưa thi sĩ. Chủ quán cười cười như để bào chữa cho vai trò mới mẻ của mình: Quán là khởi đầu của mọi khởi đầu. Và khởi đầu, cho dù buồn, vẫn còn hơn kết cục vui. (Le début même triste, c'est mieux que la fin heureuse. Cantique des cantiques). Câu nói của anh còn là lời trách móc nhẹ nhàng cái tật của tôi, khi viết, thường hay lấy một câu của một nhà văn nước ngoài làm khởi đầu. Quán, nơi tụ tập của những đứa con hoang đàng, dù có đi xa chân trời góc bể nào cũng nhớ hoài, giống như sự trừng phạt. Quán, Mái Nhà Xưa. Sài-gòn, Sài-gòn...
Le domicile est suspendu au cou de l'homme
Comme une punition
Alain
"Niên học cuối của Lan Hương ở bậc Trung Học, bắt đầu bằng những buổi sáng sớm giá lạnh xô đẩy trí nhớ tôi tìm lại Hà-nội..."
1965
Dùng với truyện ngắn đầu tay, "Những ngày ở Sài-gòn", đăng trên tuần báo Nghệ Thuật, tôi đã mơ tưởng một truyện dài nối liền được hai thành phố. Làm như cuốn sách nhỏ bé có thể xoa dịu cái xấu của cả một miền đất. Thiên nhiên, mặt hồ, mặt ao... in hằn vẻ khắc nghiệt của số phận từng con người, khiến họ chỉ nhìn thấy nỗi khổ đau, chỉ làm cho họ thù ghét trước khi tìm cách yêu thương nhau. Làm như những chữ mỏng manh yếu ớt có thể làm sống lại người cha thân yêu đã mất tích vì tai họa đảng phái ngay những ngày đầu mọi biến động và cũng là ngày đầu mọi khổ đau của một bà mẹ cùng bốn đứa con, người chị lớn nhất mới 9 tuổi. Người cha mất tích đúng ngày 30 tết năm 1945, sau này mấy anh chị em vẫn lấy mâm cơm giao thừa làm mâm cơm cúng...
Giờ này, tôi chỉ còn nửa giấc mơ. Hà-nội đã chết trong tôi từ lâu, cũng như trong một số người thân quen. Thanh Tâm Tuyền chắc cũng rõ điều này, khi viết xong "Bếp Lửa", nhưng anh cố tình chống trả sự thật tàn nhẫn, trong bài viết khi cuốn sách được tái bản lần cuối tại Sài-gòn, trước khi lịch sử sang trang: "Tôi đã loay hoay, hì hục viết một Bếp Lửa khác". (Một Hà-nội khác, theo tôi). Nhưng rồi chính anh cũng phải giận dữ để cho một nhân vật thốt lên: "Hà-nội là cái quái gì". Hà-nội cũng đã chết với Mai Thảo trong "Đêm giã từ...": "Tôi nhìn xuống Hà-nội. Địa ngục ở đó".
Hà-nội chết theo mối tình đầu. Tình yêu khi đó giống như căn bệnh lúc trưởng thành, là tiếng khóc chào đời. Đó còn là nỗi sợ hãi đời sống, và mong muốn có một người cùng chia xẻ. Nhưng cũng có thể đó chỉ là phản ứng của cơ thể trước sự thay đổi của thời tiết. Đứa nhỏ tuy đã quen với nắng ấm Miền Nam nhưng không làm sao quên được những đợt gió bấc lạnh buốt. Hình như bằng những xôn xao, những mơ hồ như vậy khi tôi viết cho Lan Hương những dòng cuối cùng: "Anh không sợ chúng ta không yêu thương nhau nhưng chỉ sợ chúng ta thương nhau nhiều quá".
Hà-nội giá lạnh dần trong tôi theo hơi ấm toát ra từ hai bàn chân của đứa em trai, chuẩn úy Nguyễn Quốc Sĩ, sĩ quan khóa 23 Thủ Đức, biệt phái tiểu đoàn Địa Phương Quân canh giữ phi trường Sóc Trăng, tử trận ngày 23 tháng 11 năm 1967, trước biến cố Mậu Thân một năm, sau khi ra trường chưa đầy 7 tháng, chưa kịp lãnh lương theo đúng cấp bậc. Chưa kịp ghi địa chỉ cấp báo thân nhân. Mấy người sĩ quan cùng đơn vị chỉ nghe nói Chuẩn Úy có một người anh làm công chức Bưu Điện tại Sài-gòn, ngoài ra còn viết văn, viết báo. Và tôi biết tin em tôi tử trận qua tờ công lệnh gởi tới Đài Phát Thanh Sài-gòn, nơi tôi thỉnh thoảng gởi bài cộng tác, và qua hệ thống điện đàm nội bộ, giữa hai Đài Vô Tuyến Điện Sóc Trăng-Sàigòn, trong căn phòng kế bên văn phòng tôi làm việc.
Trong những giờ phút thê lương ngồi bên xác đứa em tại nhà hội Thị Xã Sóc Trăng, nghe những người lính cùng đơn vị của đứa em kể lại những giây phút cuối cùng của người chỉ huy, nhìn hai hàng nến, lá quốc kỳ, viên sĩ quan đứng cứng người như pho tượng trước chiếc quan tài trong kẽm, ngoài gỗ, tôi có cảm tưởng đứa em đã đem cùng với nó giùm tôi tất cả những kỷ niệm còn sót lại về một thành phố đã có lần hai anh em cùng rời bỏ: Hà-nội maudit!
1958
Học xong Trung học tôi thi vô Trường Quốc Gia Bưu Điện vừa mới được thành lập sau một năm lân la làm quen cái không khí đầy nao nức của tương lai như đang giục giã ở ngay đầu ngã tư của cuộc đời, ở đại giảng đường Đại Học Khoa Học. Bạn thử tưởng tượng một học sinh nghèo, sống chui rúc ở cuối con hẻm Đội Có, Phú Nhuận, nơi đám người nghèo khổ bám quanh thành phố, khi chiến tranh chưa dồn dập đem những tiện nghi đến tận giường ngủ, xó bếp, rồi lấy đi một số người thân, quanh năm chỉ biết xài đèn dầu, uống nước giếng. Đám thanh niên, ngoài những lúc tự an ủi lẫn nhau bằng những mối tình tưởng tượng, bằng những tiếng hát nhái theo giọng Út Trà Ôn, Trần Văn Trạch quanh cây đàn ghi ta bên cạnh giếng nước, vào những lúc con xóm sau một ngày mệt lả, mặc tình cho bóng đêm và muỗi đói hành hạ; buổi sáng chỉ còn cách kéo nhau ra mấy dẫy nhà lụp xụp, mặc tình ngắm nghía mấy cô gái họ vẫn thường trầm trồ, mỗi lần thoáng thấy bóng. Các cô lúc này xắn quần cao, thoăn thoắt giữa đám rau muống xanh um phủ kín mấy vũng nước đen ngòm, nguồn lợi thứ nhì sau mấy ao cá, một nơi chốn hẹn hò khác nữa của các cô cậu choai choai, và của đám con nít; bỗng một ngày đẹp trời, thấy như Alice lạc vào xứ thần tiên, lạc vào trường Đại Học Khoa Học.
Phở hồi đó ba đồng một tô. Tiền ông Diệm, như sau này người dân Sài-gòn vẫn thường xuýt xoa, tiếc nhớ một hoàng kim thời đại khi chưa nếm mùi Giải Phóng, và tệ hơn, mùi Cộng Sản, thảm hơn nữa, Cộng Sản Bắc Việt. Những buổi sáng hiếm hoi trong túi có mấy đồng bạc cắc bà Trẻ thương tình giấu giếm cho, nhân bữa trước bán hết mấy món đồ xi cho mấy cô gái, mỗi lần đi chợ Phú Nhuận, sau khi mua mớ rau, con cá, vẫn thường xúm quanh cái mẹt của bà già Bắc Kỳ, mân mê chiếc vòng mã não, chiếc cà rá hình trái tim, cây lược lưỡi liềm, tấm gương bầu dục phía sau có hình mấy nghệ sĩ cải lương... tôi có cảm tưởng cả con hẻm, khu phố cũng xôn xao cùng tôi qua những hương vị buổi sáng của nó: Tô phở nơi đình làng Phú Nhuận, trong hơi phở có chút hiền từ của khói nhang, của những lời cầu khấn, mấy bà mấy cô đi chợ tiện thể ghé đình lạy Phật và dùng điểm tâm. Dĩa bánh ướt của cô gái trong xóm với đôi quang gánh lúc nào cũng lao về phía trước, chỉ chậm lại nơi đầu con hẻm mươi, lăm phút rồi lại tất tả chạy quanh xóm. Có bữa dù đã chạy vội từ nhà, khi ra tới nơi chỉ còn kịp nhìn thấy một nửa bóng dáng cùng cử chỉ quen thuộc của cô còn nán lại phía sau lưng đòn gánh. Khi đã đi làm, có lương tháng, có nhà ở, do cơ quan cấp, bị dòng đời xô đẩy không cho ngoái cổ nhìn lại con hẻm xưa, có những buổi sáng chạy xe vòng vòng đuổi theo dư âm ngày tháng cũ, biết đâu còn sót lại qua dĩa bánh cuốn Thanh Trì, nơi con hẻm đường Trần Khắc Chân, khu Tân Định. Thứ bánh cuốn mỏng tanh, không nhân, chấm nước mắm nhĩ màu mật, cay xè vị ớt bột, kèm miếng đậu phụ nóng hổi, dòn tan, miếng chả quế, giò lụa. Chủ nhật đổi món bún thang dậy mùi mắm tôm, khi đã no nê vẫn còn thèm thuồng chút thơm tho của đôi ba giọt cà cuống đầu tăm. Nhìn bước đi của thời gian, của thành phố trong cơn tuyệt vọng chạy đua với chiến tranh, trong nỗi hối hả đi tìm ông chủ đích thực, sau những ông chủ thuộc địa, thực dân cũ, thực dân mới... cuối cùng khám phá ra chính đó là kẻ thù... Nhìn bước đi thời gian trên khuôn mặt xinh tươi của mấy cô con gái bà chủ tiệm, mới ngày nào còn tranh giành đồ chơi, còn tị nạnh đùn đẩy nhau trong việc phục vụ khách, bây giờ đã biết đỏ mặt trước mấy cậu thanh niên. Tự nhủ thầm hay là tới 79 đợi một tô phở đặc biệt sau khi len lỏi qua các dẫy bàn chật cứng thực khách, cố tìm một cái ghế trống. Hay tới quán bà Ba Bủng để rồi lưỡng lự, giữa một tô bún ốc; cố tìm lại hình bóng con ốc nhồi ngày xưa, tại một vùng quê của xứ Bắc Kỳ xa lơ xa lắc, chỉ muốn quên đi, chỉ muốn chối từ nhưng cuối cùng khám phá ra, trong đáy sâu âm u của tâm hồn, của tiềm thức, của quá khứ, hiện tại, tương lai, của hy vọng, thất vọng, của hạnh phúc, khổ đau... vẫn có một con ốc nhồi ẩn náu dưới mớ bèo trên mặt ao đầy váng; giữa một tô bún riêu, hay một tô bún chả thơm phức vẫn còn chút dư vị chợ Đồng Xuân, mới ngày nào được về Hà-nội ăn học. Ôi tất cả, chỉ vì thèm nghe cho được cái âm thanh ấm áp của mấy đồng bạc cắc reo vui suốt con hẻm Đội Có, Bà Trẻ cho, ngày nào, ngày nào...
Bà Trẻ, vợ một người em ông Ngoại, khi còn con gái nổi tiếng đẹp, thông minh, học giỏi, được ra tỉnh học, đột nhiên bị gia đình gọi về quê gấp. Bà đã đành vùi dập giấc mơ trở thành cô giáo, để đi lấy chồng, đúng ra là để làm vợ thế cho bà chị ruột, vợ ông Nghị, lúc đó bệnh nặng nằm chờ chết. Để nuôi nấng, dạy bảo đứa con gái còn đang ẵm ngửa của bà chị, đúng ra, để giữ mớ của cải bên chồng không cho lọt ra ngoài, đúng hơn, không rớt tới đám con của mấy bà vợ trước. Sự hy sinh của bà không được đền đáp. Cô con gái sau này vẫn thường tỏ ra hỗn hào, ý rằng bà sống nhờ của cải, tiền bạc của mẹ ruột cô ta, chưa kể nỗi ganh tỵ, sau biến thành hận thù, rồi được Cộng Sản cho phép biến thành nợ máu của mấy cô cậu thuộc đời vợ thứ nhất, thứ nhì. Họ tố bố địa chủ hãm hiếp mẹ nông dân, tố mẹ ghẻ, ngoài tội hành hạ đánh đập con chồng, bóc lột công sức lao động, ngoài ra còn thêm tội giấu giếm tài sản, tiền bạc, của cải... Bà Trẻ cuối cùng may mắn đem đứa con trai độc nhất, ông chồng, cô con gái bà chị xuống được Hải Phòng, rồi vào Nam.
Ông Nghị, tướng người cao lớn, mấy đời vợ, mấy dòng con, không kể con rơi con rớt, con làm phước. Bà Trẻ kể cho tôi nghe về một cặp vợ chồng hiếm hoi, đã nhờ vả ông. Và đứa con gái, kết quả của mối tình "thả cỏ", của một bữa rượu say sưa bên mâm thịt cầy trong lúc người chồng giả đò mắc bận đi ra bên ngoài, đã bị câm ngay từ lúc lọt lòng. Nghe bà kể, tôi mơ hồ nhận ra nỗi thất vọng của một người đàn bà đã hy sinh một cách vô ích tuổi trẻ, nhan sắc, sự thông minh và luôn cả lòng tốt, tính vị tha của nình. Cậu H. vì không thể là đứa con của hạnh phúc, cho nên không được thừa hưởng tính thông minh của người mẹ, vóc dáng cao lớn của người cha, nhưng vẫn giữ nguyên được truyền thống của những người đàn ông trong họ, luôn coi người đàn bà là chủ trong gia đình. Cậu luôn tỏ ra bất lực trước người chị cùng bố khác mẹ, một cô gái tuy chưa đến tuổi lấy chồng mà đã là gái già. Những lần bị đay nghiến hành hạ quá mức, cậu chỉ phản ứng bằng cách đập đầu vào tường. Âm thanh của sự nhẫn nhục không chịu dừng lại ở ngưỡng cửa chiến tranh: Trong những năm miền Nam ngày đêm bị Thần Chết réo đòi mạng, cậu H. đã áp dụng khí giới hữu hiệu nhất mà cậu có, là tự hành xác để được hoãn dịch. Cậu nhịn ăn, nhịn ngủ, uống cà phê đen đậm đặc, cố làm cho xuống cân, phổi có vết nám... Không chịu ngừng lại mà còn vượt xa hơn nữa, tới miền đất của phúc phận, nghiệp duyên: Cuộc sống gia đình hạnh phúc những năm sau 1975, theo Bà Trẻ, là do Đức Phật đã hiểu thấu nỗi khổ đau, lòng ăn chay, niệm Phật của bà, nhưng tôi cho rằng Ngài đã bị những tiếng đập đầu binh binh của cậu H. làm giật mình, nhìn xuống cõi đời ô trọc này.
Tôi viết dưới ánh sáng của một ngọn nến: Sài-gòn.
1966
"Tôi đột nhiên nhận ra khuôn mặt thảm hại của tình yêu". Ôi chao, tôi đã có lần viết về cái cảnh thất thểu dưới mưa chạy theo một cô bé con nơi đường Cộng Hòa, trước cổng trường Đại Học Khoa Học, và cái cảm giác giận dữ, mệt mỏi theo tôi hoài, còn dai dẳng hơn cả mối tình.
Hãy viết về Sài-gòn cho chẳng riêng ai mà cũng là cho tất cả mọi người. Hãy viết về một thành phố trong cơn hối hả tìm một người thân tưởng đã mất tích, cuối cùng đã mất gần như tất cả những đứa con thân yêu còn lại. Hãy viết về một thành phố tưởng như nông nổi tạm bợ, tưởng như lúc nào cũng muốn có tất cả, muốn sống một lần, ngay lập tức, ngay tại đây... nhưng có khả năng cảm hóa, biến đổi tất cả những con người đã từng sống trong nó, thành những tín đồ của một thứ đạo giáo, đạo Miền Nam, đạo Sài-gòn. Hãy viết về những bạn bè thân yêu, đã lang thang nơi chân trời, đã nằm sâu dưới đáy mồ biển cả, nơi rừng sâu nước độc, đã thất lạc... mà địa chỉ cuối cùng còn giữ được: Sài-gòn.
_______________
Trở lại Hà Nội, Sài Gòn
Tôi trở lại đất Bắc cũng vào tháng Sáu. Không đêm trắng. Không thảm đỏ. Quê hương đón tiếp tôi, trên chiếc xe 12 chỗ ngồi, bằng một thảm rơm rạ trải dài mãi ra, dọc con đê, trên con đường từ Hà Nội về một làng quê ven sông Hồng, thuộc tỉnh Sơn Tây.
Lộ trình chuyến đi: Ngày đầu ghé Thanh Trì, nơi quê cha đất tổ dòng họ Nguyễn. Ngủ tại đây, sáng hôm sau qua phà Trung Hà, tới Thanh Sơn quê hương nhà chồng của bà chị. Hai vợ chồng có được một đứa con gái. Chồng vào Nam chiến đấu, mất tích. Bà chị ở goá từ năm 25 tuổi. Mới gần đây thôi, bà mới được công nhận là vợ liệt sĩ. Trên đường về cùng ngày ghé Việt Trì, nơi cha tôi bị sát hại.
Sông Hồng đang mùa nước lớn, có những khúc đê, xe mon men bên cạnh biển. Cô Nguyên, một trong hai bà cô của tôi cho biết, có những năm nước lớn, có thể ngồi trên mặt đê, để rửa ráy chân tay. Cô như muốn nhắc nhở tôi một điều, cơn đe dọa muôn đời của thiên nhiên đối với mảnh đất này, vẫn còn nguyên đó. Nó chẳng là gì nếu so với con đê ở miền bắc Việt Nam, đắp rồi lại xóa, đời này sang đời khác, cho đến nay, vẫn còn nguyên hiểm họa.
Cũng theo nghĩa đó, một nhà sử học cho rằng, nhà Nguyễn chấm dứt với Tự Đức: trong đời ông vua này trị vì, 18 lần vỡ đê.
Người đầu tiên, ngoài dăm người thân đã viết ở trên, "đại diện" Hà Nội tiếp đón tôi, là một người ở Thanh Xuânnay thuộc Hà Nội. Tôi có số diện thoại và địa chỉ của anh, qua một bạn văn. Ngay khi còn nhấp nha nhấp nhổm trên chiếc ghế, tại căn nhà của ông cậu, tôi đã điện thoại cho anh…. "Như vậy là chiều nay tụi mình sẽ gặp nhau", anh trả lời. Hà Nội đang nóng như thế, chợt đổ mưa. Hai đứa chúng tôi, lần đầu gặp nhau, dưới cơn mưa Hà Nội.
Quán có tên Rendez-vous, gần ngay bên hồ, kế bên khách sạn Phú Gia, nơi ngày xưa nổi tiếng với món vịt quay, như lời chỉ dẫn của Sơn, người bạn mới quen. "Anh cứ nói cho tới Phú Gia cũ là taxi hay xe ôm biết liền". Ngồi đây, tôi chỉ nhớ, nó rất gần rạp Lửa Hồng ngày xưa, một rạp ciné của hướng đạo, chuyên chiếu những phim như Tarzan, Zorro, cho đám con nít nhà nghèo thành phố. Một trong những thiên đường tuổi thơ của tôi.
Những phim Tarzan, Zorro, và những phim sau đó, khi thằng bé lớn hơn một chút, thì cũng vẫn những phim mà Joseph Brodsky đã từng mê mẩn, như Đại uý Blood, Tướng Cướp Rừng Xanh (Robin Hood)… là những món quà Hà Nội dành cho tôi, một thằng bé nhà quê may mắn được ra Hà Nội để học. Ôi chao, tôi vẫn còn nhớ một trong những niềm vui lớn lao của lũ học trò chúng tôi hồi đó, là sưu tầm những tờ chương trình, đúng ra là những tờ tóm lược một cuốn phim đang được trình chiếu. Một tờ chương trình, cũng một phim đó, ở rạp Majestic lẽ dĩ nhiên bảnh hơn của một rạp khác, thí dụ vậy. Tôi nhắc tới rạp Majestic ở phố Huế, bởi vì chỉ còn nó là sống sót, sau Hà Nội tiếp quản, sau Hà Nội cải cách ruộng đất – đại bác đêm đêm dội về thành phố, người phu địa chủ quét đường, dừng chổi lắng nghe! – sau Hà Nội Nhân Văn Giai Phẩm, sau Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi - và để đánh đổi sự sống sót, nó đành mất tên, trở thành Rạp Tháng Tám.
Ông cậu cho tôi biết, tiền thân của nó là Majestic.
Anh chàng xe ôm bảo tôi: đây là rạp xi nê độc nhất của Hà Nội bây giờ.
***
Khi trở về Hà Nội, thằng bé ngày xưa và là tôi ngày nay, một ông già, cũng cố đòi cho được cái... tuổi thiên đường, sau bao phen dọ dẫm về nó. Như tôi đã kể qua, về lòng biết ơn của một đứa bé nhà quê may mắn được ra Hà Nội học, nhờ có một bà cô làm me Tây, ông Tây này là kỹ sư sở hoả xa Đông Dương.
Tôi viết, làm me Tây, vì thực sự như vậy. Hai người sống với nhau đã lâu. Khi Nhật chiếm Đông Dương, họ phải chạy qua bên Trung Quốc. Tôi nhớ có lần nghe bà cô tôi nói, cái ông Tây trẻ ở cùng chung villa ngay bên hồ Hallais rất thương bà, nhưng tình nghĩa những ngày hoạn nạn khiến bà không thể bỏ ông Tây già, lớn hơn bà tệ lắm cũng hơn chục tuổi. Chỉ tới khi hiệp định Genève ký kết, họ mới làm giá thú, để hoàn tất thủ tục nhập nước Pháp.
Cái villa mà hai ông Tây ở đó, nằm trên đường Nguyễn Du, Hà Nội. Ông cậu tôi lắc đầu khi nghe tôi hỏi thăm về con phố ngày xưa, nói, bây giờ nó có một cái tên khác, và rồi ông ghé sát tận tai tôi nói nhỏ, đường Hàng Lờ.
Ngày xưa, đứng trên đường Hàng Lờ nhìn vào, bên cạnh villa về phía bên phải, là một viện bảo sanh, bên trái, một tòa nhà chỉ có bốn bức tường cao, nghe nói bị ma ám, cứ ngày xây, đêm đổ, và là nơi cư ngụ của một hai gia đình nghèo. Cả hai bên, tôi đều gây chuyện, và đều làm cho bà cô của tôi bực mình. Với những gia đình nghèo, là một chuyện giữa tôi và đám con nít nhỏ tuổi hơn. Chúng gây sự trước, và khi xẩy chuyện, tôi bị buộc tội bắt nạt con nít.
Còn bên trái, là vào những ngày Hà Nội nhốn nháo, kẻ ở, người đi vào nam, cả một khu phố quanh hồ Hallais, ban ngày biến thành Chợ Trời, và ban đêm, Chợ Trộm. Đêm nào cũng nghe tiếng người la, Cướp, Cướp. Đêm, thay vì ngủ trong nhà, tôi kiếm một góc khuất khuất ở sân trước, để săn trộm. Luôn thủ sẵn một cây gậy. Đi đêm mãi có ngày gặp ma. Một bữa trộm vào nhà thiệt. Chúng lựa đúng chỗ tường thấp, nơi tôi thường leo vô, mỗi lần trốn nhà đi xem xi nê về muộn. Nhưng hóa ra là chúng chỉ mượn đường, để viếng nhà bảo sanh kế bên. Nửa đêm, nghe tiếng mấy bà đẻ la, tôi giật mình chồm dậy, thấy mấy tên trộm đang leo tường ra ngoài đường. Đuổi theo, chúng làm rớt một chiếc bàn ủi, như để chia phần cho tôi.
Đúng là để gieo họa, bởi vì sáng hôm sau, mấy bà đẻ xúm nhau đứng trên ban công nhìn sang thằng bé bằng những cặp mắt nghi kỵ. Thế là bà cô tôi tế cho một trận. Bà chửi cháu thì ít, nhưng hàng xóm thì nhiều. Sau thằng con ông chủ viện bảo sanh, hình như cũng học trường Nguyễn Trãi với tôi, nói cho ông bố biết, và ông sang tận nhà xin lỗi.
Bài học đầu tiên trong đời, do bà cô dậy, chớ ôm lấy chuyện thiên hạ mà có khi mang họa, tôi đã không học được, bởi vì, mãi sau này, khi vào Sài Gòn, tôi lập lại y chang sự ngu ngốc kể trên. Chuyện này, tôi đã kể trong truyện ngắn Lần Cuối, Sài Gòn. Nay xin trích đăng ở đây, để độc giả cười thêm một trận.
"Ôi, ôm Em trong tay mà đã nhớ Em ngày sắp tới" (Thơ Thanh Tâm Tuyền). Hãy cho tôi thăm lại con phố Bonnard, nơi có bót Hàng Ken, chú bé di cư ngày nào ngơ ngác rụt rè làm quen, tự mình khám phá Sài Gòn. Gần gốc cây kia, chỉ còn trong cậu bé ngày xưa, một người đàn ông đánh đập dã man một người đàn bà. Không quên bài học Công Dân, chú bé chạy vào bót Hàng Ken, méc mấy ông cảnh sát. Chú bị ăn bạt tai, cùng những lời sỉ vả, người ta đánh "dzợ" người ta, mắc mớ gì tới mày, hả thằng con nít? Đồ Bắc Kỳ di cư vô đây làm tàng! Ôi bài học đầu tiên khi tìm cách làm quen thành phố, được thời gian gọt rũa trở thành một nốt ruồi son đáng yêu biết là chừng nào, trên khuôn mặt "cô bé". Trên khuôn mặt Sài Gòn.
Những đêm trực ở Đài, hoặc ngủ ngay sau khi đọc vớ vẩn một mẩu báo, một trang tiểu thuyết, nghe lơ đãng một điệu nhạc, một giọng hát, chập chờn theo khói thuốc rồi ngủ lúc nào không hay. Có khi ngủ luôn tới sáng. Đó là những đêm thành phố may mắn không bị pháo kích, tình hình chiến sự tương đối yên tĩnh. Một lần ngủ quá say dù đã cẩn thận để điện thoại ngay kế bên, và chỉ giật mình thức giấc khi nghe tiếng đập cửa ầm ầm: Anh chàng Mẽo trưởng phòng tin tức AP và nhân viên đồng nghiệp Bưu Điện làm ngoài giờ cho hãng thông tấn ngoại quốc, một đỏ gay tức giận, một lắc đầu ái ngại, hình như vào lúc đó hai ông Thiệu Kỳ đang gặp tổng thống Johnson tại đảo Midway.
Bị nặng nhất là trong Mậu Thân đợt hai. Khoảng gần nửa đêm, UPI vớ được hình đặc biệt, bằng mọi giá phải chuyển ngay đi Tokyo: Chừng trên dưới một chục ký giả, phóng viên ngoại quốc, ngồi xe díp lùn có gắn bảng báo chí, Press, ở kính trước, không may bị Việt Cộng tóm được tại khu chợ Thiếc. Sau cùng là thảm sát. Người gục chết trên vô lăng, kẻ vắt nửa khúc đầu trên sàn xe, nửa khúc đuôi trên mặt lộ. Sau này, dư luận thế giới hình như chỉ còn nhớ cảnh tướng Loan xử bắn tù binh ngay trên đường phố.
Bao nhiêu năm, quãng đời vẫn bám cứng. Bao nhiêu năm vẫn còn giữ nguyên cảm giác rụng rời, trong đêm khuya vì mệt mỏi quá thiếp đi, khi giật mình thức giấc, thản nhiên bật đèn, thò đầu ra bên ngoài cửa sổ, thấy từng mũi súng trên tháp chiến xa giận dữ ngó thẳng khuôn mặt trắng bệch, tách bạch từng sợi tóc đang dựng đứng...Có đêm, khoảng ba giờ sáng, chợt thức giấc mở cửa căn phòng nhỏ, bước ra ngoài nhìn đám máy móc quen thuộc. Ra bao lơn nhìn ngang tầm thành phố. Ngọn đèn đỏ lập lòe trên tháp Đài Truyền Hình, trên tháp Đài Viba Bưu Điện. Những hàng cây đen sẫm trong đêm. Những ngọn đèn đường lạnh. Bãi đất trống bên dưới chân Đài. Những vòng kẽm gai quấn quanh tòa nhà. Những người lính gác trong những công sự cá nhân quanh quất đâu đó... Chính vào những lúc cô đơn như thế, vẫn thường tự hỏi đã yêu thương cô bạn, kể từ lúc nào...
Khi chưa gặp nhưng đã tưởng tượng ra một hình bóng, một dáng dấp tuy mảnh mai yếu ớt, nhưng cũng thật bướng bỉnh cứng cỏi, tuy sẵn sàng chịu đựng, sẵn sàng tha thứ cho lỗi lầm của kẻ khác, kể cả lỗi lầm của định mệnh, nhưng không thể nào cho phép cuộc chiến, cuộc đời, hoàn cảnh sống và nhất là những người khác làm xấu đi, hủy hoại, hoặc tiêu diệt. Một hình ảnh kết tụ của khí hậu, đất đai, mùa màng, cây cối... thay thế những nuối tiếc chắt chiu, những khô cằn, khắc nghiệt, mặc cảm côi cút, bất hạnh: Tất cả đã chết, lần thất thểu dưới mưa, chạy theo một cô bé con với một ý tưởng thật ngây ngô tức cười, nhưng cũng thật cảm động: "Anh yêu em bởi vì anh yêu Hà-nội." Hay những lần gặp sau đó, những buổi tối ngồi trò chuyện ở phòng khách trong khi mấy đứa em, mấy cô bạn ở chung nhà đã lui vào phía trong. Kể cô nghe những chuyện lặt vặt ở sở, cuốn sách vừa đọc, xứ Bắc Kỳ xa xôi, và Hà-nội.
Nghe cô kể những năm học trường quận lỵ, trung học Mỹ Tho, đại học Đà Lạt. Nghe cô giảng giải về một miền đất không hoàn toàn giản dị. Phải nhạy cảm lắm mới nhận ra chút dấu hiệu thật mơ hồ, mong manh của sự chuyển mùa: Mối tình lúc đầu giống như chớm thay đổi thời tiết. Tự nhủ thầm cô bạn chắc không nhận ra, và sẽ chẳng bao giờ dám thú nhận. Sau này nhớ lại, đã thực sự yêu thương, không phải lần vì quá cô đơn, lén viết lên trang tiểu thuyết Tô Hoài cô đang đọc, trong lúc cô lui vào trong, Je vous aime, nhưng khi tới báo tin đứa em trai tử trận, không gặp, đành nhờ một cô bạn ở chung nhà nói giùm, tin chắc cô sẽ hiểu. Và trong những đêm ngồi canh xác đứa em tại nhà Hội thị xã Sóc Trăng, chờ máy bay đưa về nghĩa trang quân đội Gò Vấp mai táng, trong lúc loay hoay thắp từng cây nến trên quan tài bị gió thổi tắt, hay nhặt nhạnh từng mẩu nến, đốt lên ngọn lửa ngồi xúm quanh, chia nhau chút hơi ấm, hơi lạnh của người đã chết, nghe những người lính, viên sĩ quan cùng đơn vị nói về những ngày đầu chuẩn uý tới nhậm chức, những giờ phút cuối... Trong những giờ phút thê lương vẫn nghĩ rằng một ngày nào sẽ kể lại tất cả.
Sau cùng phải cảm ơn cô bạn đã cho có đủ thời giờ kể hết mối tình. Những lần từ biệt cô trên đường trở về, thành phố những đêm run rẩy chờ đợi những đợt pháo kích bất thần giáng xuống. Những ngã tư đường chằng chịt những vòng kẽm gai. Có những khoảng đường phải xuống xe dẫn bộ. Trong bóng đêm nhợt nhạt của những ngọn đèn đường, nhìn thấy những mũi súng đen sâu thăm thẳm chứa đầy ngờ vực đe dọa. Nhìn thấy hết mọi nỗi bi thương, nếu chẳng may sinh ra mà không được gặp cô bạn, nếu chẳng may bị cô hất hủi, nói không, nói không thể yêu, không thể hiểu được tình yêu là gì. Nhiều lần tới nhà khi đã quá khuya, trong nhà đèn đã tắt, tất cả chắc đã yên ngủ từ lâu: Hoặc hết sức muốn gặp. Muốn nhìn thấy bóng dáng. Nghe tiếng chân di động. Tiếng lách cách mở cửa. Rồi tiếng nói, tiếng nói... Muốn liều lĩnh đập cửa ầm ầm. Hoặc không hề có ý định gặp. Không hề trông mong cô sẽ giúp đỡ, thông cảm... Đứng yên lặng trước mái hiên hàng giờ, nghe tiếng chuột chạy trên đám lá khô, tiếng mèo kêu thảm thiết trên mái ngói, chờ cơn cuồng nộ vô ích tàn lụi dần rồi thất thểu rời con ngõ.
Nơi làm việc là tầng lầu trên cùng của một building, bất động sản của người Pháp. Những đêm trực thường lợi dụng những lúc rảnh rỗi giao Đài cho người phụ ca, lấy xe chạy vòng vòng. Ghé quán cà phê khu Đa Kao, nơi đứa em từng ngồi dán lưng vô tường. Quán cà phê túi, hủ tíu Tầu khu ngã Sáu Sài-gòn, hồi tưởng những ngày còn đi học, cuốn sách trên tay, ly hồng xà trước mặt và cứ thế ngồi suốt buổi. Ghé sạp thuốc lá, mua từng điếu lẻ, một thói quen từ hồi còn đi học, sống bằng sự yêu thương đùm bọc của Bà Trẻ trong căn nhà ở cuối hẻm Đội Có, Phú Nhuận. Ghé sạp báo mua một tờ có đăng truyện chưởng Kim Dung. Lướt qua những hàng chữ lớn nơi trang nhất. Một lần đọc thấy tin quận lỵ quê cô bạn bị pháo kích, sáng sớm hôm sau vội ghé nhà rồi cả hai ra bến xe đón những chuyến đầu tiên từ lục tỉnh lên. Khi biết cuộc pháo kích không gây thiệt hại nghiêm trọng, đã đánh bạo rủ cô ra Sài-gòn.
Đó có lẽ là lần du ngoạn đầu tiên.
Một lần trên đường về, khi chạy xe đến gần khu chợ Bến Thành, từ xa đã nhìn thấy một gói đồ nằm giữa mặt lộ, đường Trần Hưng Đạo, dưới ánh đèn chói lòa. Có tiếng súng nhỏ rồi tiếng còi xe Quân Cảnh thổi dạt xe cộ, người đi đường qua hai bên. Khi cơn báo động hoảng đã qua đi, trong một thoáng bỗng nhận ra vẻ tiều tụy của thành phố. Của mối tình. Ngay cả những giây phút êm đềm ngồi quây quần bên mấy đứa em, mấy cô bạn, vẫn cảm thấy cực kỳ cô đơn, có cảm giác như không còn thương yêu nổi ai. Những ngày Mậu Thân căng thẳng, Đại Học đóng cửa, cô bạn về quê, nỗi nhớ bám riết vào da thịt thay cho cơn bàng hoàng khi cận kề cái chết theo từng cơn hấp hối của thành phố cùng với tiếng hỏa tiễn réo ngang đầu. Trong những giờ phút lặng câm nhìn bóng mình run rẩy cùng với những thảm bom B52 rải chung quanh thành phố, trong lúc cảm thấy còn sống sót, vẫn thường tự hỏi, phải yêu thương cô bạn một cách bình thường, giản dị như thế nào cho cân xứng với cuộc sống thảm thương như vậy...
1969
Đó những ngày trên khuôn mặt người dân Sài-gòn khi ra đường còn nguyên vẻ hốc hác mất ngủ, xen đôi nét mừng rỡ vì đêm qua Việt Cộng tha không pháo kích vô thành phố. Hằng đêm, họ không còn được nghe lời ân cần chúc đồng bào ngủ ngon, xin đồng bào vặn nhỏ chiếc la-dô để khỏi làm phiền bà con lối xóm. Thay vào đó là một giọng nói đã được gột bỏ mọi rào đón: Tên những người phải trình diện theo lệnh Tổng Động Viên, nghe như đã thuộc tài nguyên của một thế giới khác, những con số kèm theo tên mỗi người ít ra còn chút ý nghĩa vì chúng cho biết sắp tới lượt ai được thần chết coi giò coi cẳng...
Vậy mà khi đến lượt trình diện, thời tiết Miền Nam những ngày cận Tết, lần đầu tiên nằm giường sắt Quang Trung, tự nhủ thầm đứa em trai cũng có thể đã từng nằm đúng trên chiếc giường sắt lạnh lẽo này...Đột nhiên nhớ những ngày ở Trung Tâm Ba Tuyển Mộ Nhập Ngũ. Nhớ cái chết của anh chàng thanh niên tuy cách xa chừng chục tuổi nhưng cùng trình diện một đợt. Bởi vì đối với mi, nếu không có biến cố Mậu Thân và sau đó là lệnh Tổng Động Viên, chắc gì đã có dịp được nằm giường sắt Quang Trung. Mấy ngày đầu bỡ ngỡ, suốt ngày ngồi câu lạc bộ, hoặc bên ly cà phê, hoặc bận rộn với mấy trái bida, đêm nằm co quắp trên chiếc giường sắt. Đúng vào thời điểm này, bài Tình Nhớ của Trịnh Công Sơn vừa được tung ra. Khoảng nửa đêm, một tay nào chắc nhớ nhà, nhớ bồ, hay chính nỗi cô đơn của mi cứ thế huýt sáo mãi điệu nhạc... Bây giờ mỗi khi tình cờ, hoặc cố tình nghe lại, có cảm tưởng bài nhạc vẫn cất giữ giùm nỗi chia xa Sài-gòn trong khi cuộc chiến, trước mắt là những ngày tháng gian khổ nơi quân trường đang chờ đợi, nỗi nôn nóng mong được gặp lại cô bạn nếu mai kia có dịp trở lại Sài-gòn. Đợt trình diện đó có đủ mặt "anh hào". Thì vẫn đám bạn bè từng ngồi chung bàn ở quán Cái Chùa, cùng ngửi mùi mực in quán Văn đường Phạm Ngũ Lão. Quán có ông chủ già rất lịch lãm, và ưu ái anh em văn nghệ, chẳng bù cho ông thư ký tòa soạn Trần Phong Giao, bảo hoàng hơn vua, lúc nào cũng nhăn nhó trong cách tính trang, tính tiền nhuận bút, và nhất là trong việc giúp đỡ những người chưa thành danh muốn nhờ bảng hiệu nhà xuất bản Nguyễn Đình Vượng. Cậu thanh niên hình như chưa từng bỏ sót một số báo Văn, "văn kỳ thanh" nào Nguyễn Xuân Hoàng, nào Huỳnh Phan Anh... lần này gần như gặp đủ mặt. Sau khi cậu ta tự tử chỉ hùi hụi tiếc một điều, nếu biết trước đã kéo cả bọn tới trình diện. Bởi vì Huỳnh Phan Anh, bị ám ảnh bởi những ngày "đổ mồ hôi nơi quân trường thay vì đổ máu nơi trận địa", cộng thêm những lời hù dọa của những anh chàng ra vẻ hiểu biết những trò "huấn nhục" sắp tới, khiến căn bệnh bao tử đột nhiên lên cơn, đêm nào cũng dùng cái thùng nước lèo của mi làm chiếc gối; còn Nguyễn Xuân Hoàng vốn bô trai nên lúc nào cũng quanh quẩn bên mấy nữ tiếp viên câu lạc bộ... Đêm, vẫn đêm đêm, như hồn ma cố tìm cách nhập xác, như tên trộm muốn đánh cắp thời gian đã mất, mi một mình trở lại Sài-gòn, quán Cái Chùa. Chạy xe dọc đường Tự Do, ngó con phố bắt đầu một ngày rồi ghé quán Cái Chùa làm người khách thứ nhất, chẳng cần ra dấu, người bồi bàn tự động mang tới ly cà phê sữa, chiếc bánh croissant, và mi ngồi trầm ngâm tưởng tượng cô bạn chắc giờ nầy đang ngó xuống trang sách, cuốn tập tại giảng đường Văn Khoa khi đó đã chuyển về đường Cường Để, cũng gần nơi làm việc, tự nhủ thầm buổi trưa có nên giả đò ghé qua, tuy vẫn ghi danh chứng chỉ Triết Học Tây Phương nhưng gặp ông thầy quá hắc ám đành chẳng bao giờ tới Đại Học, nếu có chăng thì cũng chỉ lảng vảng ở khu chứng chỉ Việt Hán. Rồi lũ bạn rảnh rỗi cũng dần dần tới đủ... Lại vẫn những lời châm chọc, khích bác lẫn nhau, đó cũng là một cách che giấu nỗi sợ, nếu đủ tay thì lại kéo tới nhà Nguyễn Đình Toàn làm canh xì. Nhà Toàn ở ngay dưới chân building nơi hàng ngày làm việc, số 7 Phan Đình Phùng, Đài Phát Thanh Sài-gòn số 5, Trung Ương Cơ Xưởng Vô Tuyến Điện số 11: nhiệm sở đầu tiên sau khi ra trường. Một nửa tòa nhà sau bị phá bỏ lấy chỗ xây cất Trường Quốc Gia Bưu Điện, thay vì học nhờ trường Quốc Gia Thương Mại ngay đầu đường Phạm Đăng Hưng đối diện nhà thờ Phan-xi-cô.
Rồi quen tác giả Chị Em Hải một bữa tình cờ cùng ăn sáng tại quán phở 44 đối diện Đài Phát Thanh Sài-gòn. Toàn tới làm quen, tự giới thiệu và đề nghị viết cho Văn. Vợ Toàn là một trong những người đầu tiên đọc bản thảo truyện ngắn "Thời Gian. Sau truyện ngắn là lần gặp gỡ Nguyễn Đình Vượng và Trần Phong Giao ở quán Cái Chùa. Ông già rất trịnh trọng, đúng tác phong protocole. Tiền nhuận bút để trong phong bì. Ba trăm đồng, thời ông Diệm mới bị giết là một món tiền đủ cho một buổi gặp gỡ tại quán Ngân Đình, ngay cột cờ Thủ Ngữ ngó qua Thủ Thiêm. Sau đó thường thì ngồi trơ cu lơ một mình trong lúc chờ bạn bè tại một bàn tại góc quán Cái Chùa, mơ màng tự hỏi không biết sáng nay cô bạn có giờ học tại Văn Khoa hay không.
Hoặc ba hoa trò chuyện chán chê với đám bạn bè về một cuốn sách vừa được xuất bản, một bài thơ, một truyện ngắn vừa được đăng báo, tựu chung cũng chỉ để quên đi một chốc một lát, hoặc may lắm một nửa buổi không nhớ tới cô bạn. Rồi cũng tàn câu chuyện, đám bè bạn từng đứa bỏ ra về. Huỳnh Phan Anh có thể đã đến giờ lên lớp, có thể bực mình vì thằng bạn Bắc Kỳ đổi tên cuốn truyện, Thất Lạc thành Thật Lạt, nhại cách nói của dân miền Nam. Còn Nguyễn Xuân Hoàng có lần bỏ quán Cái Chùa đến cả tuần lễ, chỉ vì cũng vẫn thằng bạn khốn nạn bầy đặt viết bài phê bình, giới thiệu cuốn sách mới ra lò của anh, Sinh Nhật, bị đổi thành Sinh Nhạt, và bài phê bình mang tên Đi Tìm Một Chiếc Mũ Đã Mất, nhại theo Proust. Ba mươi năm sau mới thấy nhớ, thấy thương bạn bè, đứa còn đứa mất, chẳng đứa nào được may mắn với cõi sống, cõi viết. Nguyễn Đình Toàn ở Việt Nam, nghe nói mắt cũng đã mờ. Huỳnh Phan Anh vợ con vượt biển không được may mắn. Còn Nguyễn Xuân Hoàng bây giờ lại ôm lấy tờ Văn, chẳng biết có nên cơm cháo gì hay không...
1996
Đau khổ nhất là những ngày cô bạn đi lấy chồng. Vẫn những ngày tháng ngây ngô bên mớ máy móc, nghe tiếng người nói xôn xao từ những thành phố xa lạ, qua đường dây điện thoại viễn liên, mơ màng tưởng tượng chiến tranh rồi sẽ qua đi, cô bạn rồi sẽ hạnh phúc, hạnh phúc... Hết còn nỗi ngây thơ tưởng mình ở trên cao, trên tận đỉnh cồn, thấy hết, hiểu hết. Vẫn những đêm dài điên cuồng đuổi theo bóng mình sợ hãi trốn sâu trong những hang cùng ngõ hẻm thành phố của Hà Nội, của Sài Gòn, chạy hoài, chạy hoài, không còn nơi để ghé, không còn chỗ để ngừng...
***
Phụ đính :
Tản mạn xung quanh
Tạp ghi của ký giả Lô Răng
Người khai sinh ra mục Tạp Ghi trên nhật báo Tiền Tuyến ngày nào, sau những năm tháng dài cải tạo, trở về đời, và trở ra hải ngoại, đã cho ra mắt độc giả hai tập tạp ghi, chỉ là những bài viết sau này, khi mục tạp ghi do ông khai sáng đã trở thành "lịch sử", bởi vì làm sao mà độc giả "lại" còn có thể "lại" được thưởng thức, chỉ một bài trước đó?
Tôi viết "trở ra", là bởi vì, trước 75 ông đã từng ra "ngoài này" nhiều lần, và đã từng viết về nỗi, đêm nằm kế bên một bãi biển, nhớ phở, ".... Trong những đêm chập chờn mất ngủ, hồn thiêng của thành phố thức giấc ở trong tôi, tôi cứ tưởng, những tiếng sóng vỗ vào bờ bên ngoài kia, là những tiếng réo gọi: Phở, Phở!" (mô phỏng một câu văn trong Lần Cuối Sài Gòn của Nguyễn Quốc Trụ: "Trong những đêm chập chờn mất ngủ, hồn thiêng thành phố thức giấc ở trong tôi, tôi tưởng hồn ma của chính mình đang lang thang trên những nẻo đường xưa cũ, sống lại cái phần đời đã chết theo cùng với Sài Gòn, bởi cái phần đời đó mới đáng kể.").
Trong nỗi hoài nhớ đó, chúng ta có thể coi đây, vẫn chỉ là những "nhớ phở" ngày nào của ông, nhưng lần này, "dậy" lên cùng với phở, là cái mùi "tâm linh" như ông diễn tả, ngay ở những trang mở đầu của "Tuyển tập Tạp ghi", khi trích dẫn Nguyên Phong: "Các cổ thư Đông Phương đã vạch ra một cuộc sống ở cõi trần như sau: 25 năm đầu để học hỏi, 25 năm sau để lo gia đình... 25 năm sau nữa phải từ bỏ việc đời để lo cho tâm linh." (Hành Trình Về Phương Đông).
Chúng ta tự hỏi, nếu không có những tháng ngày cải tạo, liệu ông có tới được cái trạng thái tâm linh đó không, hay nói như Võ Phiến: "Các hồi ký lao tù khác thường chung một vẻ, một hướng. Bè Bạn Gần Xa biệt ra một hướng riêng. Các hồi ký khác nói về cái xấu, cái khổ, cái tàn khốc dã man. Bè Bạn Gần Xa nói về cái tốt, cái cao quí trong tù. Các hồi ký khác đọc thấy đau đớn uất hận. Bè Bạn Gần Xa thấy tin tưởng, xúc động, hãnh diện về con người – thấy sướng...".
Sự thực, không phải không có dấu vết của cái ác, ở trong những bài tạp ghi, về những ngày tháng đó. Cái tốt ở trong, chỉ là tốt, khi quanh nó, cái ác luôn luôn rình mò, và giọng tâm linh của tạp ghi, không phải dễ gì ai cũng có, vào lúc cuối đời. Nên nhớ, Phan Lạc Phúc là người miền bắc. Gia đình ông, bạn bè ông, có người ở bên này, ở bên kia, như những trang đầu viết về thời thơ ấu cho thấy. Nếu ông viết về cái ác ở trong tù bằng cái giọng không thể nào gây tác động ác, là bởi vì ông biết rất rõ, không thể có một cách viết khác, đối với những con người như ông.
Trong lần về Hà Nội, cá nhân người viết có hân hạnh gặp, quen, và quen thân, với một người thuộc hàng con cháu của ông. Nghe "người ấy" nói bằng một giọng bùi ngùi, "Em phải gọi ông ấy bằng ông", tôi lại thấy giọng của cô, ở trong những dòng tạp ghi của Phan Lạc Phúc.
Viết tới đây, tình cờ giở qua số báo Điểm Sách Nữu Ước vừa mới nhận được, tôi thấy có bài viết của nữ văn sĩ Mỹ gốc Đại Hàn, Suki Kim, viết về chuyến trở về của bà, vào ngày 16 tháng Hai, năm 2002:"... thật là một tình trạng kỳ cục, đối với một người viết tiểu thuyết, đến từ East Village thuộc Nữu Ước, một kẻ chẳng phải nhà hoạt động nhân quyền, hay diễn viên. Tôi sinh ra là Đại Hàn, và sau đó, là người Mỹ di dân từ khi mười ba tuổi. Cái phần Mẽo ở trong tôi chối đây đẩy xứ sở này, chốn đèo heo hút gió, đứa con hoang của chiến tranh lạnh. Nhưng tôi thường xuyên bị ám ảnh, bởi cơn đói của nó, trên màn hình TV vào mỗi buổi chiều. Khi bạn bè hỏi tôi, liệu có khi nào, hai phần Đại Hàn sẽ hợp làm một, tôi không biết làm sao trả lời. Tôi biết nhiều như họ, và cũng ít như họ. Nhưng có một điều làm tôi lẻ loi ra, giữa đám bè bạn của mình, đó là, tôi chắc chắn một điều, cho dù miền đèo heo hút gió đó - tôi muốn nói Bắc Hàn - tà ma ác quỉ tới mức nào, tôi chẳng thể thù ghét nó." ("... I am certain, no matter how evil North Korea is supposed to be, that I could never hate it". Suki Kim: A Visit to North Korea, NYRB, số đề ngày 13 tháng Hai, 2003)
Khi viết về bạn bè, Lô Răng dựa vào hồi nhớ, kỷ niệm, thành thử thật khó mà chân xác tới từng chi tiết. Đoạn viết về Cung Tiến là một thí dụ. Người viết và còn là nhạc sĩ này, theo như tôi biết, là người giới thiệu và dịch Dostoevsky, nhưng chưa hề giới thiệu những tác giả như Lévi-Strauss, Virginia Woolf. Trong khi chuyện gẫu, giữa bạn bè tại quán Cái Chùa, Sài Gòn, có thể cái tên Lévi-Strauss được nhắc tới, cùng với thuyết cơ cấu, vốn thời thượng vào lúc đó. Tôi còn nhớ có lần Cung Tiến tỏ ra có vẻ "chịu" tác phẩm Sống và Chín của nhà nhân học người Pháp nói trên. Nhưng với nữ văn sĩ người Anh, Virginia Woolf, không. Bởi vì nữ hoàng của trường phái Bloomsbury này thật khó mà quen thuộc với giới viết văn tại Sài Gòn lúc đó, vẫn còn mê mải với những tác giả hiện sinh như Sartre, Camus, hoặc "phiêu lưu dấn thân phận người" như Malraux.
**
Trong những "lời bình" (Một vài nhận định của bằng hữu), ở bìa sau Tuyển Tập Tạp Ghi, tức cuốn thứ nhì sau Bè Bạn Gần Xa, có của Võ Phiến, Nguyễn Xuân Nghĩa, Tiến sĩ Nguyễn Cao Đàm... những bằng hữu này đều không phải khách hàng thường trực của Quán Chùa hồi "đó đó". Giở trang trong thấy có thêm Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Nguyễn Đình Toàn, Viên Linh. Ngoại trừ NMT, số còn lại, tuy khách Quán Chùa, nhưng ít khi ngồi cùng bàn với người khách năm thì mười họa mới ghé, là ký giả Lô Răng, và khi xuất hiện, thường ngồi cùng Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, hoặc một tay "ngang", là người viết bài này. Nên nhớ Phan Lạc Phúc là một "chức sắc" trong giới quan võ, và những nhân vật chẳng có túi nào thường "ngại" gặp "bang chủ". Tôi đã từng chứng kiến cảnh một thi sĩ binh nhì gặp một thi sĩ sĩ quan, trong giờ hành chính, và tôi tin rằng, thật khó, hai người có thể khề khà, bên ly rượu, hoặc bên tách cà phê, nói chuyện bù khú, tao tao mày mày, hoặc lịch sự hơn, anh anh tôi tôi.
Như vậy là trong những bạn bè gần xa được Lô Răng kể tới trong Tạp Ghi, ngoại trừ những người đã ra đi, không có ông nào viết về tác giả tạp ghi, cả.
Tôi không nghĩ họ vô tình. Thanh Tâm Tuyền, trong Thơ Ở Đâu Xa, có những dòng riêng cho bạn ông:
Thư gửi phan lạc phúc ở k5 – tl
Nhớ bạn như đang nhớ thuốc lào
Đường gần nhưng cách trở biết bao
Mấy năm không gặp nhau rồi nhỉ?
Râu tóc long đong hẳn bạc phau
"Đằng ấy" còn chăng nét "tiếu ngạo"
"Tớ đây" vẫn giữ vẻ "tiêu dao"
Mong ngày hội ngộ nằm chung chiếu
Tán gẫu qua đêm như độ nào.
1979
Ngoài ra, còn những bài khác, đề tặng, hoặc viết về những bè bạn gần xa khác, ở trong, hoặc ở ngoài tù. Có thể coi Thơ Ở Đâu Xa là một ấn bản khác, của Bạn Bè Gần Xa.
Nếu không ai viết (tạp ghi) về Lô Răng, thì "ta" sẽ viết, vậy! Bởi vì, theo một nghĩa nào đó, cá nhân người viết là mộr "truyền nhân" của trường phái văn chương, cứ gọi đại bằng cái tên là "Tạp Ghi", và thay vì coi đây thuộc dòng hậu-hiện đại, cứ "nghiêm túc" gọi bằng cái tên "hậu-75". Bởi vì, người viết "cũ" này, đã "tái" khởi nghiệp bằng mục Tạp Ghi trên tờ Văn Học, Cali, của Nguyễn Mộng Giác.
Nói về cái ác ở trong trại cải tạo
Trong một bài viết về ba nhà văn miền bắc, "Mỗi trường hợp mỗi khác", Jennifer Trần coi Nguyễn Huy Thiệp là người nhìn ra nguyên nhân cuộc chiến, từ một cái ác "bị bỏ quên ở chuồng heo", dựa theo, [mặc khải từ] cách đọc truyện ngắn Y Sĩ Đồng Quê của Kafka, của nhà văn Do Thái Amoz Oz. Phan Huyền Thư, trong bài viết Xin Tằm Hãy Thương Tơ lại coi đây chỉ là hiệu ứng "cá mè một lứa", của cư dân một miền đất. Sở dĩ chủ nghĩa tập thể xã hội chủ nghĩa ăn dầm ở dề tại miền đất này là vì tâm lý cá mè một lứa, "có thể, tao hơn một thằng nào đó, nhưng vĩnh viễn không thể xẩy ra trường hợp, có một thằng hơn tao"! Nhìn theo cách đó, thời đại tem phiếu chính là thời đại hoàng kim của miền đất này, và cái ác của chế độ giáng xuống tầng lớp tinh anh như nhóm Nhân Văn Giai Phẩm, thí dụ vậy, thật ra không phải nhân danh chủ nghĩa xã hội, Đảng, mà vì "tại sao mày dám hơn chúng ông?".
Tôi không biết, Phan Huyền Thư đã từng đọc Hannah Arendt, nhưng đây chính là phát giác của nhà văn, triết gia gốc Do Thái này, khi theo dõi vụ án xử Eichmann ở Jerusalem, vào năm 1961, bà đã nổi tiếng [vì đã] khám phá ra ‘sự dung tục của cái ác’, (the banality of evil). Thay vì coi Eichmann là một con quỉ bài Do Thái, bà coi đây là một tên vô đạo, nhưng còn là một tên thư lại dung tục một cách khủng khiếp. Eichmann của bà ít quan tâm tới chuyện ý thức hệ Nazi, nhưng lại lo đến xón đái ra được, về chuyện làm sao cho những chuyến tầu chở con thịt đến lò thiêu, chạy đúng giờ đúng giấc."
Sá gì mấy cuộc bể dâu
Câu thơ "Nhớ bạn như đang nhớ thuốc lào", [bạn ở đây là Phan Lạc Phúc, tức ký giả Lô Răng], của Thanh Tâm Tuyền, tuy thoát thai từ ca dao (nhớ ai như nhớ thuốc lào, đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên), nhưng chỉ những ai đã từng ở tù vi xi, thì mới cảm thấy hết được cái nỗi nhớ, và cùng với nó, là cái nỗi say, và kẻ hèn này cũng đã từng có một kỷ niệm huy hoàng (kinh hoàng, đúng hơn), về nó.
Ở trong tù hút thuốc lào bằng khẩu ba zô ka, và, tôi không biết trại tù miền bắc ra sao, chứ ở trại tù miền nam, thường là cả lán chỉ có một khẩu, và, bạn biết rồi đấy, cái bi thuốc lào đầu tiên buổi sáng, khi đang còn mắt nhắm mắt mở (đang còn say ke), nó mới ngon làm sao, say làm sao, và mới nhớ làm sao, những ngày sau này, khi không còn được ở trong trại tù!
Nhà văn gốc Do Thái viết văn bằng tiếng Hung, Imre Kertéz, được giải Nobel năm rồi, đã nói đến những giây phút hạnh phúc ngắn ngủi, ở một nơi thỉnh thoảng có mặt trời là Lò Thiêu, tôi cứ thử tưởng tượng, nếu ông đi tù vi xi, chắc chắn phải thêm vào "một chỗ dưới mặt trời" - mượn cái tên phim có cô đào Taylor và chàng Monty Cliff – tức khoảnh khắc hạnh phúc mà điếu thuốc lào mang lại.
Như trên đã viết, cả phòng chỉ có một khẩu ba zô ka, thành thử trước khi đi ngủ, "trại viên" thường tìm cách giấu khẩu súng, riêng cho mình, để sáng sớm hôm sau, là người đầu tiên nhét bi thuốc, châm que diêm bắn một phát, rồi ngã lăn đùng ra, mặc kệ trời đất xoay mòng mòng...
Nhà thơ Thanh Tâm Tuyền cũng đã tả cái thú bắn thuốc lào này, trong Thơ Ở Đâu Xa:
Thơ thuốc lào
Ngồi chơi hút điếu thuốc lào
Tạm quên những lúc gian lao ưu phiền
Điếu thông đóm nỏ thuốc êm (1)
Thử coi sẽ thấy đảo điên đất trời
Bạn tù ơi lửa châm rồi
Rít cho ròn rã mê tơi cõi lòng
Tựa lưng nhả khói thong dong
Tít say lú lấp cả mong với chờ
Kể chi vợ dại con thơ
Sá gì chuyện cửa chuyện nhà mai sau
Sá gì mấy cuộc bể dâu
Loay hoay chỉ tổ bạc đầu mà thôi
Này đây trà đậm chén mời (2)
Long Giao còn thú tuyệt vời nào hơn (3).
Sáng bữa đó, "bạn tù", "trại viên", tức kẻ hèn này hân hạnh là người đầu tiên nạp đạn. Vừa nhả khẩu súng, chưa kịp ngã lăn đùng ra để phê, thì tiếng kẻng "tập hợp, chào cờ!" rùng rợn đã ré lên! Thế là "chàng" cứ thế bò, lăn, lê, mắt nhắm tít, để "kìm" cơn say, nhằm hướng sân trại, đâu biết rằng tất cả bạn tù, lẫn quản giáo, đang "chiêm ngưỡng" từng bước "lăn trầm" của "chàng"!
Trong Tuyển Tập Tạp Ghi cũng có những dòng "sám hối, giải oan cho một trận thuốc lào này," của Lô Răng, khi cô con gái út khuyên ông, "Đừng hút thuốc lào nữa bố ơi, con chịu không nổi." (trang 66). Đấy là cô "lịch sự", không nói thêm, "... vì nó ‘hôi’ lắm"!
Chú thích:
(1) Ngược thuốc êm, là thuốc xóc, ép tim, tay nào ham "ém khói" có thể đi đoong, ngay khi vừa rời súng. "Nhà dịch thuật" Tú "Lé", dịch Bố Già, đã đi luôn, sau bi thuốc tại trại Phú Văn.
(2) Trà đậm còn thua trà quạo, thứ trà bột xanh.
(3) Long Giao, tên một trại tù, nghĩa đen là rồng "ăn nằm".
Mắt em dìu dịu buồn Tây Phương
Thơ Quang Dũng
Bài viết "Người Sơn Tây", trong Tuyển Tập Tạp Ghi của Lô Răng mở ra bằng một cú phôn, của một ông bạn, rằng cái "câu hát ‘Con gái Sơn Tây yếm thủng tầy giần, rốn lồi quả quýt...’, là do kẻ viết bài [ký giả LR] bịa ra. Không, tôi đâu dám thế. Khả năng hạn hẹp của tôi không đủ sức sáng tác ra một bài hát ly kỳ như vậy..."
Bài hát ly kỳ đó quả có thiệt, như cá nhân người viết bài này đã từng nghe, hồi còn nhỏ, và trong lần về lại xứ Đoài mây trắng, mới đây, sau nửa thế kỷ xa cách, tôi đã được một người bà con đọc cho nghe toàn bài, khá dài, với khá nhiều chi tiết ly kỳ, tiếc không nhớ trọn để chép lại hầu độc giả. Trong có chi tiết về đôi mắt người Sơn Tây, không "xoáy vào" vẻ đẹp dìu dịu buồn, nhưng mà là "toét nhèm, đo đỏ, mọng nước" của nó.
Lô Răng tự hỏi, "Lý do nào mà người Sơn Tây lại tự trào, tự biếm mình như thế thì cho đến bây giờ tôi vẫn chưa hiểu nổi." Tôi cũng nghĩ vậy. Nhưng những chi tiết về cửa sổ [đôi mắt] mở ra linh hồn của những cô gái Sơn Tây, có thể đã có một thời đúng như trên miêu tả, và là do hậu quả của "thổ ngơi" (đất đỏ) tại vùng này.
Trong những nhân vật nổi cộm của Sơn Tây, Lô Răng bỏ qua một vài người. Thí dụ như ngoài Cử Bình, tức Chu Văn Bình, tức Chu Tử, người làng Thừa Lệnh, còn có Cử Côn, tức Chu Quang Côn, người làng Phú Hữu, kế ngay bên làng Thừa Lệnh. Hai ông cử này, tuy là bạn học, tuy cùng họ Chu, nhưng không phải bà con, một người vào Tề, người theo Kháng Chiến. Trên web site Tin Văn, do người viết phụ trách, hiện đang đăng hồi ký của Chu Quang Cảnh, em ruột Chu Quang Côn, viết về ông anh của ông, và những ngày Hà Nội vào cuộc toàn quốc kháng chiến. Chu Quang Côn là chú của tôi.
"Còn nhớ dạo ‘nín thở qua sông’ ở miền nam, tôi sống như cỏ cây trong một khu vườn ngoại thành. Thỉnh thoảng một vài người bạn đi xe đò lên thăm. Một hôm có hai ông bạn làm thơ, ông Thanh Tâm Tuyền và ông Cung Trầm Tưởng lên chơi. Chúng tôi ngồi dưới gốc chôm chôm, chuyện phiếm. Ông Cung Trầm Tưởng lai rai đọc thơ Quang Dũng, bài ‘Đôi Mắt Người Sơn Tây’: ‘Vừng trán em vương trời quê hương, Mắt em dìu dịu buồn Tây Phương’. Nhà thơ tác giả ‘Tiễn Em’ vốn ngày xưa học ở bên Pháp, chợt nghiêng đầu mà hỏi; ‘Sao lại buồn Tây Phương, sao lại có beauté grecque [vẻ đẹp Hy Lạp] ở đây kìa’.
Và Lô Răng trả lời, Tây Phương là chùa Tây Phương ở Sơn Tây. Nhưng Sơn Tây quả có một vẻ đẹp đến từ Tây Phương thật, và hiện nay là một trong những kỳ quan của nó, phân biệt với những vùng khác tại miền bắc. Kỳ quan này có tên là Lô Cốt!
Sau đây xin giới thiệu [trích đoạn] bài viết của Phan Huyền Thư - nữ thi sĩ, tuy sinh tại Hà Nội, nhưng cũng dân kẻ Nủa, tức làng Hữu Bằng, quê Lô Răng - về kỳ quan này. Bài đăng trên báo Tia Sáng (trong nước) số 5/4 tới 5/5 năm 2001. Cô còn viết dưới bút hiệu Phan Lạc Nhi, qua bài viết Xẩm thất truyền cũng trên cùng số báo.
Lô cốt, di sản vô giá của chiến tranh
Phan Huyền Thư
"Người Pháp khi vào Việt Nam đô hộ đã mang theo những phong cách kiến trúc tuyệt vời, đồng thời họ cũng mang theo một hệ thống lô cốt được xây dựng theo trọng tuyến trên khắp đất nước. Biết đâu lô cốt sẽ còn bền bỉ hơn những ngôi chùa nét cong diêm dúa dòng Đại thừa hay Tiểu thừa long phụng nhả ngọc phun châu... Hiện nay, trong khu tư liệu lịch sử còn khá nhiều những dấu vết của nền móng thuộc địa đầu tiên mà người Pháp áp đặt lên nước An nam nhỏ bé mà gai góc này, như bức ảnh chụp nền móng lô cốt Pháp xây trên bệ rồng kinh thành Thăng Long xưa...
Hơn bất kỳ một bảo tàng quân đội hay chiến tranh nào khác, lô cốt đã trở thành một biểu tượng mang tính cạnh tranh với những di sản văn hóa Lạc Việt."
"Một làng nhỏ ở Hải Dương, trong kháng chiến chống Pháp có một câu chuyện rất thương tâm, mở và đóng trong một cái lô cốt đầu làng. Một phụ nữ, tình nghi là vợ du kích nên bị cai đồn bắt ra bốt đầu làng. Chị bị hãm hiếp trong cái lô cốt đó. Sau chồng trở về, thấy vợ mang thai nên đã không chấp nhận. Chị lại ra lô cốt ở khi quân Pháp đã rút đi, đẻ đứa con của mình ở chính lô cốt đó. Sau này, cái lô cốt trở thành nhà của hai mẹ con. Người cha đứa bé hình như có đi tìm lại con và gặp nhau trong lô cốt, nhận tình phụ tử... Ngày nay có thể tìm về nơi xẩy ra câu chuyện và gặp lại những người trong cuộc....."
"Sơn Tây là mảnh đất nhiều cô cốt nhất trên cả nước. Xứ sở này mặc nhiên mang một vẻ đẹp u uẩn và thiên về âm tính. Cũng ở đây, lô cốt ít bị phá lấy đá hay dẹp đường, người ta phát hiện ra vẻ kiên cố kín đáo của lô cốt, để ‘cố thủ’ những tình cảm riêng?"...
Phan Huyền Thư đã tiên đoán đúng, về sự trường tồn của lô cốt, so với chùa Tây Phương, như Lô Răng cho biết, về "tin mới nhất tôi vừa nhận được là tượng Phật Bà trăm mắt trăm tay tại chùa Tây Phương vừa được lấy đi, chắc là mang xuất khẩu..."
Và ông kết luận, so với câu thơ mà Cao Bá Quát "phang" quê hương Sơn Tây của ông và cũng là của người viết bài này (‘Nhà dột một vài gian, một thầy, một cô, một chó cái/Học trò dăm bẩy đứa, nửa người, nửa ngượm, nửa đười ươi’), thì "cái tin trên còn nặng hơn là lời miệt thị của ông Cao Bá Quát dạo nào."
Năm năm báo oán, đời đời đánh ghen.
Ca dao Xứ Đoài
Viết về Sơn Tây mà bỏ qua không nhắc tới Nguyễn Tuân thì thật là một sự thiếu sót lớn. Bởi vì, nếu Tây Tạng được coi là mái nhà của cả một cõi người, thì, họ Nguyễn cũng đã coi núi Tản là "ngọn đỉnh trời", nơi thần tiên đem người đẹp về ở. Và, nếu lịch sử văn học Tây Phương bắt đầu bằng cuộc tranh chấp một người đẹp thành Troie, thì, "chính cái hạnh phúc trên non Tản và lòng ghen của một ông hoàng tử Nước kia, đã trở thành câu hát của người Xứ Đoài:
‘Núi cao sông hãy còn dài,
Năm năm báo oán, đời đời đánh ghen’."
(Trên Đỉnh Non Tản. Nguyễn Tuân).
Và cũng Nguyễn Tuân đã - phải chăng ông liên tưởng tới hai câu thơ của Cao Bá Quát - chọn cho Huấn Cao một nơi, để chết, là Sơn Tây, qua truyện "Chữ Người Tử Tù":
"Nhận được phiếu trát của Sơn Hưng Tuyên đốc bộ đường, viên quan coi ngục quay lại hỏi thầy thơ lại giúp việc trong đề lao:
-Này thầy bát, cứ công văn này, thì chúng ta sắp nhận được sáu tên tù án chém. Trong đó, tôi nhận thấy tên người đứng đầu bọn phản nghịch là Huấn Cao? Hay là cái người mà vùng tỉnh Sơn ta vẫn khen cái tài viết chữ rất nhanh và rất đẹp đó không?"
Chúng ta tự hỏi, cái người mà tỉnh Sơn ta vẫn khen đó... lại "nỡ lòng nào mà ‘phang’ quê hương tôi một câu quá nặng: ‘Nhà giột ba gian, một thầy, một cô, một chó cái/Học trò dăm bẩy đứa, nửa người nử ngợm, nửa đười ươi’.", như ký giả Lô Răng viết, trong Tuyển Tập Tạp Ghi?
Phải chăng, có một cắt nghĩa "khác", hai câu thơ trên?
**
Tôi không tin rằng, Huấn Cao đã "phang" quê hương tôi. Hai câu thơ của Cao Bá Quát, và cái bài hát thật ly kỳ về người con gái Sơn Tây mà Phan Lạc Phúc có nhắc tới, "Con gái Sơn Tây yếm thủng tầy giần..." hình như có... bà con, cũng như những "vẻ đẹp" của đôi mắt người Sơn Tây, như trong bài hát ly kỳ (không dìu dịu buồn Tây Phương, mà đo đỏ, mọng nước, như... đau mắt hột kinh niên...), và những chi tiết về con người ở đây (nửa người nửa ngợm nửa đười ươi), có gì liên quan với nhau. Nói rõ hơn, có một Sơn Tây đẹp hoang sơ, cùng với nó, là một tư tưởng hoang sơ, theo kiểu Lévi-Strauss miêu tả, hay như Nguyễn Tuân miêu tả, trong Trên Đỉnh Non Tản:
"Rừng Tản thấm không hết làn sương núi. Sương cành trên đọng gieo xuống cành dưới. Chỉ có một điệu chìm chìm tẻ tẻ. Rừng vắng và ẩm và mốc. Ngực đã bắt đầu tức tức. Càng lên cao, bọn người thấy mình càng rời lìa cái nguồn sống quen thuộc của mọi ngày. Ở đây bắt đầu một nguồn sống mới lạ. Nguồn sống của dây mơ rợ móc và cỏ và đá vào lúc mới có Cấu Tạo."
Và đúng là nó đã mất đi, rồi, như trong truyền thuyết về một nhà trời trên đỉnh non Tản, về những chuyện không được thuật lại:
"Nhưng, ác cái là những chuyện rừng lại không được thuật lại.... Cái lá trúc xe điếu ấy là một con dao găm, một con trúc dao có phép thuật kết quả đời kẻ nào bép xép lỡ mồm tiết lộ đến thiên cơ thần cơ." (Trên Đỉnh Non Tản).
Triết gia Lévi-Strauss cũng phụ hoạ lời của Thánh Tản Viên: Cái Thiêng Liêng ở đâu là cứ để chỗ đó, cấm di dịch." (Chaque chose sacrée doit être à sa place. La pensée sauvage, La Science du Concret, p. 22).
Chu Tử có thể là người đã phạm vào chuyện lỡ mồm lỡ miệng đó, khi đem cái tư tưởng hoang sơ về miền xuôi, về Hà Nội. Theo như kể lại, ông từng nhắc tới một kỷ niệm khi còn nhỏ, ở làng, thường thấy cảnh tượng, vào buổi chiều, đàn bà, con gái ra giếng tắm truồng....
Và ông đã từng đập lộn với người miền xuôi, tức mấy bạn học của ông, khi tụi nó dám chê cái tập tục đàn bà con gái tắm truồng của quê hương ông.
"Ở đây lẫn lộn. Ta khuyên thầy Quản nên thay chốn ở đi. Chỗ này không phải là nơi để treo một bức lụa trắng trẻo với những chữ vuông vắn tươi tắn nó nói lên những cái hoài bão tung hoành của một đời con người... Tôi bảo thực đấy.... Ở đây, khó mà giữ thiên lương cho lành vững và rồi cũng đến nhem nhuốc mất cái đời lương thiện đi."...
"Kẻ mê muội này xin bái lĩnh".
(Chữ Người Tử Tù. Nguyễn Tuân)
Đến đây, chúng ta có thể muờng tượng ra được, tại sao Ghi của Trần Dần, lại đầy cái ác, rong ruổi cùng những câu thơ văn "thần kinh quỉ khiếp", so với thứ văn chương mộc mạc của Tạp Ghi của Lô Răng, một "kẻ mê muội này xin bái lĩnh", và đã ngộ ra lời phán, lời phang, lời khinh, của Huấn Cao, về "quê hương của chúng ta", khi dắt díu nhau xuống tầu há mồm, và sau này, xuống cá bé, cá lớn...?
Trường phái Tạp Ghi
Phan Lạc Phúc hay ký giả Lô Răng tuy là người khai sinh ra môn phái Tạp Ghi, nhưng thực ra có rất nhiều cách viết tạp ghi, và do đó, nó có nhiều tên gọi khác nhau, tùy cách viết, tùy người viết, và tùy công lực (đông hay tây), của người đó. Thí dụ như mục Nói Hay Đừng xuất hiện trước đó trên nhật báo Tự Do, do Hiếu Chân phụ trách. Những bài viết của ông thiên về nho học, và người thầy của ông là cụ cử Ngô Thúc Địch. Bởi ông theo tây học, cho nên những bài viết thâm thúy về nho học của Hiếu Chân gây thắc mắc, khiến một vị thâm nho bực mình, coi đây là một trường hợp "nhẩy dù xuống rừng khổng học". Tuy nhiên, có vẻ chúng có một nét chung, là thường bật ra từ một sự kiện mang tính thời sự nóng hổi. Và tuy Lô Răng là người phụ trách, nhưng không phải không có những người lâu lâu tạt ngang, đỡ hộ ông một tay.
Còn nhớ ngày nào, khi cả thế giới, trước tiên, đau xót, chia buồn với phu nhân tổng thống Hoa Kỳ Kennedy, rồi sau đó, ái ngại, băn khoăn, không hiểu nàng Jackie có bai bai nước Mỹ, đi thêm một bước nữa hay không, ký giả Ba Tê đã thay thế chưởng môn Lô Răng, đi một đường "độc và đẹp", ví nhan sắc Jackie như những ngày thu bất thường, và bất chợt của Sài Gòn mấy bữa đó, nhưng thực sự để nói về chân lý, mỹ nhân, không phải tự cổ như danh tướng, mà là từ xửa từ xưa, vốn độc và đẹp, và có thể, còn hay nói dối nữa! Chúng ta cứ thử tưởng tượng, không phải con rắn xúi bà Evà ăn trái cấm, mà chính bà đã mớm lời cho nó nói như vậy, sau khi sự tình đổ bể?
Một lần khác, cũng vẫn ký giả Ba Tê đã than rằng, bài viết của một ông nào đó, mà tôi không còn nhớ tên (hình như liên can đến một hội Khổng học thì phải), làm cho ông uống ly cà phê buổi sáng tại Quán Chùa mất ngon! Tay kia nhỏ nhẹ trả lời, xin lỗi đã làm hỏng một ly cà phê buổi sáng của ông.
Bản thân người viết cũng đã từng đỡ tay cho LR, hình như một hai lần, và thường vào thứ bẩy, vốn là ngày "người" hay có hẹn với anh em bang phái "chắn cạ". Lô Răng, Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Thái Thủy... đều là những chức sắc nhiều túi trong bang phái này. Chỉ cần vài tua bài, là LR đã biết nhà trên nhà dưới, nhà nào chờ cây bài nào, và thường đúng ngay chóc!
Như đã viết trong một kỳ trước, trong những lời bình của bằng hữu, ở trang bìa, có, của:
* Võ Phiến: "Các hồi ký lao tù khác thường chung một vẻ, một hướng. Bè Bạn Gần Xa biệt ra một hướng riêng. Các hồi ký khác nói về cái xấu, cái khổ, cái tàn khốc dã man. Bè Bạn Gần Xa nói về cái tốt, cái cao quí trong tù. Các hồi ký khác đọc thấy đau đớn uất hận. Bè Bạn Gần Xa thấy tin tưởng, xúc động, hãnh diện về con người – thấy sướng...".
* Tiến sĩ Nguyễn Cao Đàm (Ngày Nay, Minnesota): Cuốn "Ghi" của Trần Dần trong giai đoạn chỉ 7 năm mà đầy những hận thù oan trái, giả dối, và vô cùng bi thảm. Cuốn Bè Bạn Gần Xa của Phan Lạc Phúc toàn là những sự kiện nhân nghĩa, đôn hậu, như những đoá hoa tuyệt đẹp nở ra từ nhọc nhằn thống khổ. Hai cuốn ký nêu trên thuộc về những tư liệu sống động của hai thời kỳ đất nước, (từ chiến tranh) trở về cuộc sống hoà bình mà hoá ra lại đầy thống khổ. Có lẽ sau này nên có sự nghiên cứu thật sự vô tư xem tại sao lại là như thế...
"Tại sao lại là như thế?" Chúng ta tự hỏi, và cố gắng trả lời...
Tạp ghi hay Hồi ký Tù?
Theo tôi những bài tạp ghi của Phan Lạc Phúc, tức ký giả Lô Răng, xuất bản ở hải ngoại, gồm hai tập Bè Bạn Gần Xa và Tuyển Tập Tạp Ghi, chúng khác với những bài tạp ghi trước 1975 của ông trên nhật báo Tiền Tuyến, và cũng khác với những hồi ký về những ngày tháng ở trong trại cải tạo của một số tác giả khác. Vốn biết rõ tính khiêm cung, nhún nhường của tác giả, tôi tin ông cảm động, nhưng còn cảm thấy áy náy, với những nhận xét về mình, như của Võ Phiến (các hồi ký lao tù khác thường chung một vẻ, một hướng. Bè Bạn Gần Xa biệt ra một hướng riêng...), hoặc khi thấy những bài tạp ghi của ông được so sánh với Ghi của Trần Dần, một người mà tôi tin rằng ông hết sức kính trọng, và chẳng bao giờ có ý nghĩ để những câu thơ canh tân, không chỉ văn học mà luôn cả ngôn ngữ (tiếng Việt), và còn đầy tính tiên tri về thời cuộc, và quá nữa, định mệnh của cả một dân tộc, (thí dụ như câu thơ "Tôi đi giữa những phố... chỉ thấy mưa sa trên mầu cờ đỏ"), kế bên những dòng tạp ghi hết sức mộc mạc của ông. Bảo rằng Ghi của Trần Dần đầy những cái độc cái ác, còn tạp ghi của Lô Răng đầy sự nhân hậu, bảo rằng đọc những hồi ký khác thấy uất hận, đọc tạp ghi thấy sướng... đó chỉ là những nhận xét thiên về cảm tính. Với tư cách một độc giả, người viết thử đưa ra những nhận xét của riêng mình, và thử coi xem những nhận xét trên có cơ sở hay không.
Trong một bài phỏng vấn đăng trên tờ Văn Học Pháp (Magazine Littéraire, số tháng Giêng 2003), "Ngợi Ca Văn Hóa Lai Giống" (Éloge de la culture métissée), nhân tác phẩm mới nhất "Điều tôi tin" (bản tiếng Pháp: Ce que je crois) ra mắt độc giả, nhà văn Mexico, Carlos Fuentes, đã cho rằng sự lai giống về văn hoá là một nét đặc biệt của Mexico, do xứ này là xứ lai và sẽ mãi mãi là như thế, bởi vì dân chúng ở đây chỉ có 10% da trắng, 10% da đỏ, còn lại là lai. Chỉ trong vòng 25 năm chẳng thể còn da trắng hay da đỏ thuần chủng (vrai), và dân Mexico trở thành lai hết. Đây là một thực tế tại xứ sở của ông, người ta có thể sướng hoặc không sướng về chuyện này. Nhưng nói gì thì nói, [hiện tượng] lai thuộc vào căn cước của xứ sở của tôi.... Những cuộc di dân lớn làm thay đổi diện mạo của một xứ sở, và đây là một sự thoát nạn, cứu tinh (le salut), bởi vì một xứ sở đóng kín sẽ có ngày mất tiêu luôn căn cước của chính nó.
Chúng ta có thể mượn hình ảnh trên đây, để so sánh một Lô Răng với một Trần Dần, thí dụ vậy. Nếu bỏ qua khía cạnh tài năng, một Lô Răng, nếu không vào Nam vào năm 1954, có thể trở thành một Trần Dần "khác", hoặc thuộc thế hệ tiếp theo Trần Dần, nếu nhỏ tuổi hơn. Lô Răng, trong một bài tạp ghi trước 1975, đã nói rõ ra một điều, ông biết ơn miền nam đã cưu mang ông, đã làm cho tính tình của ông hiền hoà hẳn đi (tôi nhớ đại khái như vậy). Từ đó, chúng ta suy ra một điều, nếu phải khẳng định như Trần Dần đã từng khẳng định ["Nhân cách của nhà văn chính là văn cách của anh ta" (trong bài ‘Gặp gỡ Trần Dần – Đối thoại mất ngủ’, của Hoàng Phủ Ngọc Tường, Tạp Chí Sông Hương số 31 tháng 5&6, 1988, in lại trong ‘Ghi 1954-1960’, trang 439, td mémoire, 2001)] – Lô Răng sẽ trả lời, nhân cách của nhà văn là cách ở đời của người đó, theo nghĩa, lý tưởng của những người như Lô Răng là đời sống, chứ không phải văn chương, hay một ý thức hệ nào khác. Nhìn rộng ra, đây là sự khác biệt giữa hai miền đất, một bên coi đời sống mới là lý tưởng, coi đời sống như là nó là, một bên coi văn học, văn hóa, hoặc ý thức hệ chi chi... mới là lý tưởng, đời sống chỉ là phụ thuộc; một bên trọng văn nói, một bên trọng văn viết...
Cũng trong bài phỏng vấn, Carlos Fuentes cho biết, do sống xa xứ sở của ông, nên ông có được một khoảng cách tốt, và một viễn tượng tốt để nói về nó, trong những cuốn sách của ông. Vẫn theo ông, mỗi tiểu thuyết gia đều biết, bên cạnh một thế giới thực còn có một thế giới khác chưa được viết ra. Ông đã bàn về điều này rất nhiều lần với tiểu thuyết gia người Ý là Italo Calvino. Rằng tiểu thuyết, nó giống như bóng ma mà chỉ tiểu thuyết gia mới nhìn thấy. Nếu áp dụng nhận định trên vào trường hợp những tạp ghi của Lô Răng, và những hồi ký tù của những người khác, tôi nghĩ, ông không hề viết về thế giới thực, độc, và ác ở trong trại cải tạo. Ông viết về những "bóng ma" mà chỉ ông mới nhìn thấy được: tuổi thơ của riêng ông, những ngày còn ở một cái làng nhỏ bé ở gần Hà Nội, những ngày được ra Hà Nội học...
**
"Giữa một truyền thống tư tưởng và ý thức hệ ăn bám vào nó, có một hố thẳm", nhà văn Romania, Normal Meana, trong bài viết "Felix Culpa", đã trích dẫn câu trên từ bài viết "Huyền thoại Nazi", [của hai tác giả Philippe Lacoue-Labarthe và Jean-Luc Nancy, trong Critical Inquiry 16, no.2 (Winter 1990).
Chúng ta tự hỏi, phải chăng Nhân Văn Giai Phẩm, với những Trần Dần của nó, đã nói lên cái hố thẳm chia rẽ một bên là truyền thống tư tưởng của một miền đất, và một bên là ý thức hệ cộng sản, như một thứ dây leo, ăn bám vào nó?
Trong những lần toan tính chạy trốn quê hương, tôi chưa hề có ý nghĩ, có ngày trở về. Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản! Trong những chuyến đi như thế, có một, phải nói là thập tử nhất sinh, nhưng cũng thật hết sức tiếu lâm. Đó là lần đi tại bãi Vàm Láng, vào đúng đêm 23 tháng Chạp, tức là ngày ông Táo chầu Trời. Trong đêm tối, giữa giông bão, tại ngay cửa biển Vũng Tầu, anh chàng thanh niên kế bên cứ nhè ông già là tôi, là người yêu của ảnh, và cứ thế vò đầu bứt tai, bứt tóc người yêu, miện lảm nhảm những lời hoảng loạn. Những ngày bị bắt sau đó, trước là ở Chấp Pháp, sau tới khám đường Mỹ Tho, sau cùng là án tập trung cải tạo hai niên tại trại bà Bèo, một bữa có người vô rước cô bạn gái của anh về đời. Cô ta đi một mách, không nhìn lại, và anh chỉ cái dáng đang đi bên ngoài đó, và bảo, đó là người yêu của anh. Nhưng khủng khiếp nhất, gay cấn nhất, lại là chuyến rời trại Thái Lan để đi "tái định cư tại một đệ tam quốc gia", như thuật ngữ của Cao Uỷ Tị Nạn.
Nhưng đến đây, xin phép độc giả cho mở qua cái hồ sơ bịnh lý của tôi một chút.
Tôi vốn bị cao áp từ khi còn ít tuổi, tức cái tuổi khó mà bị cao áp. Và đây là di truyền. Vào năm 1965, bị thương nặng trong vụ mìn nổ ở nhà hàng Mỹ Cảnh, được truyền máu do xuất huyết trầm trọng sau khi giải phẫu, căn bịnh biến mất, và chỉ trở lại sau đó, khi đã có tuổi. Và trong những giờ phút chờ lên máy bay để ra đi, đột nhiên căn bịnh làm ngụy, y sĩ Cao Uỷ đã có lúc đưa ra đề nghị gạt tên khỏi danh sách chuyến bay.
Sau này nghĩ lại, tôi cho rằng, chính cái ý nghĩ chẳng thể nào trở về, nó khủng khiếp tới độ làm cho huyết áp tăng vọt. Và đây không phải là một trường hợp hi hữu, nhiều người đã từng gặp. Những gì gì, thí dụ như "Ngựa Hồ hí gió bắc...", hay chuyến trở về của nhà văn Mỹ gốc Đại Hàn, mà tôi có nhắc tới ở đầu bài viết, là cũng tương tự, theo tôi, nhằm thoả mãn một nhu cầu tâm linh, cứ tạm gọi như vậy.
Vào ngày 25 tháng Sáu năm 1950, khi Bắc Hàn ném bom Nam Hàn, người bà của Suki Kim rời căn nhà ở Seoul, cùng với năm đứa con, trong có mẹ của Kim, mới bốn tuổi. Chỉ còn mỗi cách đi bộ và bằng xe lửa, nếu muốn rời thành phố. Sân ga Seoul chật cứng người, nhưng mấy mẹ con cũng kiếm được chỗ ngồi trên xe, cho tới lúc có người la lớn, người trẻ phải nhường chỗ cho người già, người bịnh. Và người con trai út trong gia đình đã đứng dậy, nói với mẹ, "Đừng lo lắng gì Má, con sẽ đi chuyến sau".
Chẳng thể có chuyến sau, vì đó là chuyến chót. Người ta kể lại, đã nhìn thấy binh sĩ Bắc Hàn trói tay cậu con trai, và dẫn đi. Người bà sau đó, sống là để mong có ngày gặp lại con. Theo Phật Giáo Đại Hà, tội lớn nhất, là bỏ mặc người thân yêu ruột thịt. Và khi điền đơn xin trở về gặp lại quê hương, khi phải trả lời câu hỏi quan trọng nhất, ai là thân nhân còn ở miền bắc, Suki Kim đã ghi tê người chú: Yoon Nam Jung. Tuổi 68. Điạ chỉ không biết.
Thật kỳ lạ, khi đọc Kim, tôi có cảm tưởng như đã trải qua những giây phút tương tự, như của người bà của cô, khi rời Hà Nội trên chuyến xe lửa xuống Hải Phòng, và như của chính bà, khi điền tên người bà con còn ở lại Hà Nội. Khác chăng, là người bà con của tôi hiện còn sống.
Tôi như sống lại cảnh tượng con tầu không thể nào chạy nhanh, không phải vì trên tầu chật cứng, mà là vì dân làng hai bên đường, người nhẩy lên toa cố kéo người trên xuống, người đứng chặn tầu không cho đi, cùng những tiếng gào thét, "Đừng đi theo đế quốc, đừng làm Việt Gian, đừng bỏ quê hương, họ hàng".... Đó là thời gian 300 ngày trước khi Cảng Hải Phòng đóng lại vĩnh viễn, và làn sóng người bỏ đi nam ngày càng dâng cao...
Những người như ký giả Lô Răng, đều đã có dịp trở lại, như là người tù. Thanh Tâm Tuyền, bạn ông, đã kể lại cảm giác của ông, khi trải qua một đêm đông tại trại K2, Tân Lập:
Đêm rét nằm co quắp
Thân xương xẩu trơ khấc
Bụng đói, ruột ục sôi
Vẳng trong tiếng gió bấc
Suối chảy siết bồi hồi
Luồn trong nỗi giá buốt
Thoáng rùng rợn xa xôi
Nhớ đã hơn năm trời
Tin nhà trông vắng bặt
Lưu đầy trên đất Bắc
Chốc đã ba đông rồi
Còn qua bao cửa ngục
Đây quê mình quê người
....
Thương vợ con khôn nguôi.
Và đây là, một chiều cuối năm trên đất Bắc của nhà thơ:
Chiều cuối năm qua xóm nghèo
Mưa bay lất phất gió căm căm
Đường lầy trơn nhà cửa tối tăm
Trốn đâu lũ trẻ mặt lem luốc
Co ro đứng coi tù qua thôn
Vác bó cuốc nặng bước loạng choạng
Về trong xây xẩm buổi tàn đông
Lạnh lẽo nhà ai không đèn lửa
Ảm đạm lòng ta chiều cuối năm
78
Malraux đã từng bị Gide chê, tiểu thuyết của "bạn ta" không có con nít, không tiếng cười, và gồm toàn những người thông minh. Văn học miền Bắc theo tôi, cũng không có con nít, mà chỉ có thần đồng, chỉ toàn là những anh hùng diệt Mỹ Ngụy trong tương lai:
Những em bé em bé
Tay búp nụ hoa hồng
Tập bay như chim sẻ
Mai đây thành phi công
(Xuân Diệu).
Con nít không có, lấy đâu ra tiếng khóc của con nít? Có chăng, là trong thơ Trần Dần, về tiếng khóc của một đứa con nít bị cả một miền đất bỏ đói, vì là con địa chủ.
Ra đi là hết rồi
Rời quê hương cộng sản Romania vào lúc cuối đời, chọn cảnh chợ chiều, trâu chậm uống nước đục, khi tự chọn cho mình một đệ tam quốc gia để tái định cư, Normal Manea cũng đã có những giờ phút căng thẳng như của kẻ hèn này, vào cái giờ phút bước lên máy bay, ra đi là hết rồi, hoàng hạc nhất khứ bất phục phản, cái sự trở về là vô phương, đừng hòng mong... như ông kể lại trong bài viết "Lịch sử [Câu chuyện về] một cuộc phỏng vấn", trong tuyển tập những bài tiểu luận của ông, "Về Những Tên Hề, Nhà Độc Tài và Người Nghệ Sĩ", (nhà xb Grove Weidenfeld, New York, 1992): "...The hopless return had upset me..."
Trâu chậm uống nước đục. Ông cho biết, mấy năm trước đó, khi mới qua, ông cảm thấy nhu cầu phải viết về quá khứ cộng sản của mình, và của nước mình, nhưng lại ngần ngại, khi thấy tên mình, hoặc thấy mình đứng xếp hàng trong cái danh sách dài những nhà văn ly khai, bên cạnh nhãn hiệu đó, là những nỗi đau mà họ đã từng chịu đựng. Tuy nhiên, theo ông, không đúng như những khán thính giả, độc giả Tây Phương vẫn thường tin tưởng, cái gọi là xã hội toàn trị, "tuồng ảo hóa đã bầy ra đấy", cho dù ma quái tới cỡ nào, nó cũng không phải là một câu chuyện hồn ma bóng quế theo kiểu Liêu Trai Chí Dị: nó là một thực tại con người, khăng khăng bám chặt lấy cõi người ta, và chặt đầu này, nó mọc ra đầu khác, nghĩa là nó có thể sống lại, ngụy trang dưới một ý thức hệ khác, hay một hình thức xã hội khác. [Giống như trường hợp ở Việt Nam, đa số chúng ta đều nhận ra, đâu còn chủ nghĩa cộng sản, xã hội cộng sản, toàn trị ở đó nữa, tuy bề ngoài nhà nước vẫn khăng khăng khẳng định. Nhưng thật khó mà tin rằng, xã hội đó đã có tự do, đã có dân chủ.]
Trong cõi lưu vong vào lúc xế chiều như thế đó, Manea bàn về sự liên hệ giữa nhà văn, Quyền Lực, và "Cái Tập Thể Bị Áp Bức Nhưng Cũng Khó Mà Dám Tự Coi Mình Là Vô Tội", tức đám con dân xã hội chủ nghĩa. Và sự liên hệ giữa nhà văn và chính cái phần dễ bị thương tổn của chính hắn ta/bà ta đó.
Theo ông, trong bất cứ một hệ thống chính trị sử dụng văn hóa như là vũ khí (bằng cách choàng hoa cho nghệ sĩ, nghĩa là ban cho họ những đặc quyền, hoặc những sự trừng phạt thái quá, thí dụ như cách đối xử giữa Tố Hữu và nhóm Nhân Văn chẳng hạn, nhà văn, nhìn về Tố Hữu, rồi nhìn về Nhân Văn, thường xuyên cảm thấy quanh mình đầy cạm bẫy, thấy mình thoả hiệp lúc nào không hay, nghĩa là dễ đánh mất mình như chơi. Muốn bảo tồn nguyên vẹn căn cước của mình, nhà văn phải học cách phòng ngự, chống trả, nhất là từ những cạm bẫy tâm thần (mental traps), từ những viễn ảnh, những cái nhìn quá giản đơn [sự vật], không chỉ ở bên trong những hệ thống toàn trị, mà là ở tất cả mọi nơi. Những điều tưởng như đối nghịch, hoá ra là phù hợp, bổ túc cho nhau, bởi vì như mọi người đều biết rõ, rất nhiều người chống phát xít, là những tay cộng sản, và thường xuyên là, những kẻ được coi là những địch thủ, hoặc kẻ thù của những chế độ toàn trị này (phát xít, cộng sản, chính thống tôn giáo...), lại là những người cổ võ một chế độ toàn trị khác, một cách ý thức, hoặc vô thức.
Nhưng điều này mới thật là quan trọng, mà là kết quả của bao nhiêu năm tháng sống dưới chế độ cộng sản, và sau cùng quá nghẹt thở, đành phải bỏ đi, chỉ để nói ra, là: Cái gọi là tinh thần cởi mở thực sự, của Dân Chủ, nó không chỉ phản ứng, chống lại chủ nghĩa toàn trị, nhưng nó hoàn toàn ngoại lai, không hề chịu nổi chủ nghĩa toàn trị, và như thế, do bản chất của chính nó, nó ở trên những đối cực [thí dụ như một cái nhìn quốc cộng, chẳng hạn].
[But the authentically liberal spirit of democarcy is not only opposed to totalitarianism, it is alien to it, and by its very nature above polarities].
Cái dở của Tạp Ghi của ký giả Lô Răng
Khi điểm cuốn Hermit in Paris (nhà xb Jonathan Cape £16.99, pp276) của nhà văn Ý, Italo Calvino, người điểm sách của tờ Người Quan Sát Mới (số đề ngày 9 tháng Hai, 2003, trên lưới toàn cầu), Philip Hensher đã cho rằng, cuốn sách giầu có những hồi ức này chỉ có một cái dở là tác giả của nó ít quan tâm tới chính mình.
Liệu chúng ta có thể áp dụng nhận xét này, với Tạp Ghi của Lô Răng. Tôi nghĩ là được.
Lô Răng viết bằng giọng mộc mạc pha chút lãng mạn về bạn bè, về thiên nhiên.... Người ta nói, chọn bạn mà chơi. Thành thử nói về bạn cũng là một cách nói về mình, nhưng giả dụ như có một người nào đó, đưa ra một vài chi tiết về con người của ông, ắt là cũng thú vị lắm chứ!
Nhà tôi ở dưới cầu Thị Nghè, gần Sở Thú, gần Đài Truyền Hình, Đài Mẹ Việt Nam, Đài Phát Thanh Sài Gòn, những ngày Mậu Thân trở thành "mục tiêu" của hoả tiễn vi xi. Cũng là thời gian bà xã mang bầu cháu gái lớn. Tuy những ngày quá gay cấn phải "sơ tán" tới nhà một người bà con ở Trương Minh Giảng, nhưng cái thai đã bị ảnh hưởng, cháu sinh ra tưởng bị liệt, cứ nằm hoài trong nôi, chỉ tới khi ông bố đi làm về mới mỉm cười và chịu cho bế. Đi bác sĩ Trần Ngọc Ninh ở Tân Định, ông khám thật kỹ lưỡng xuơng, gân, thần kinh... Sau khi kê thuốc, ông mắng vốn: gia đình phải biết yêu thương nó! Ông đâu biết, khi nằm trong bụng mẹ, cái thai đã "nghe ra" những tiếng hoả tiễn réo xèo xèo khi bay ngang nhà. Nhờ thuốc insulin do ông Ninh kê đơn, cháu đỡ dần, nhưng phải tới 5 tuổi mới biết đi. Và cho tới khi lấy chồng, có con, vẫn còn mắc tật đái dầm!
Gần ngay chân cầu, là khu vực thuộc Tâm Lý Chiến, trong có toà soạn báo Tiền Tuyến, nằm chung một lô đất với Cục An Ninh Quân Đội, số 8 Nguyễn Bỉnh Khiêm, phía sau nó là một trại gia binh. Khu này ngày trước có tên là Kho Đạn. Từ nhà tôi ghé Tiền Tuyến quá gần. Thời gian phụ trách trang Văn Học Nghệ Thuật cho Tiền Tuyến, tôi thường xuyên ghé chơi, ngoài chuyện đưa bài. Có lần vô, thấy một ông nằm ngay tòa soạn "ngơi" trên một cái ghế bố. Hỏi, có người trả lời, Lý Phật Sơn đó.
Chắc còn nhiều người nhớ tên Lý Phật Sơn, người bình Kim Dung trên tờ Tiền Tuyến ngày nào. Những lời bình nhuốm mùi "thiền", cộng thêm kiến thức sâu rộng của anh, làm say mê người đọc. Tuy là báo quân đội, nhưng thật khác hẳn tờ Quân Đội Nhân Dân của miền bắc, Tiền Tuyến là một tờ báo bán chạy, thuộc loại "top ten" trong số rất nhiều nhật báo của Sài Gòn lúc đó. Không chỉ có lời bình của Lý Phật Sơn, còn tạp ghi của Lô Răng, còn truyện fơi ơ tông của Thanh Tâm Tuyền, truyện trinh thám phóng tác của Hoàng Hải Thủy, và nhứt là, còn truyện dài Bà Phi gây sôi nổi trong giới văn nhân, cả dân sự lẫn "quân quyền", của Thảo Trường... Trong Tạp Ghi, Lô Răng cũng đã thổ lộ, sức ép ở trên xuống tờ Tiền Tuyến, và cá nhân ông, vì truyện Bà Phi, nhưng không vì thế mà ông yêu cầu tác giả tự kiểm duyệt, hay chính mình ra lệnh đục bỏ đoạn gây rắc rối. Thảo Trường chắc chắn phải cảm được cái sự tri âm tri kỷ đó.
Nhưng Lý Phật Sơn là một tay trốn lính. Đó mới là cái sự lạ, phân biệt hai cách đối xử thật cách biệt giữa "tình người", giữa "thổ ngơi" của hai miền đất, giữa cái gọi là lý tưởng = đời sống, và lý tưởng = ý thức hệ, hay nói gọn lỏn là như thế này: lòng yêu những người có tài, của những người đã chọn nghề binh như Lô Răng, hay như Lưu Kim Cương, chẳng hạn. Chúng ta tự hỏi, cái kho tàng, hay di sản âm nhạc của Việt Nam, sẽ mất đi, hoặc thiếu đi bao nhiêu bản nhạc của Trịnh Công Sơn, nếu anh chàng cận thị này phải cầm cây súng, thay vì cây đàn? Với những người lính nhà nghề như Lưu Kim Cương, hay như Lô Răng, một tên lính lóng cóng như Trịnh Công Sơn, hay Lý Phật Sơn, chỉ làm bận tay, và có khi còn làm cho họ chết oan!
Nhìn rộng ra, chúng ta tự hỏi, bao nhiêu "nhân tài" đã thoát khỏi cuộc chiến, qua những chính sách như hoãn dịch vì lý do học vấn, cho đi du học những người đậu cao, cho về ngành chuyên môn những người có tay nghề. Do thổ ngơi của một miền đất, từ đó đẻ ra lòng yêu, trọng nhân tài, không phải chỉ như một chính sách, mà còn như tình người. Đó là điều mà Lô Răng không nói ra, ở trong những bài tạp ghi của ông, khi chọn ngay toà soạn Tiền Tuyến làm nơi trú ngụ cho một Lý Phật Sơn.
Bản thân tôi cũng đã được hưởng một chút "ân tình" đó. Là dân sự, nhưng lúc nào trong người cũng có một cái thẻ nhà báo, của một tờ báo nhà binh, tức tờ Tiền Tuyến, do chính chủ bút Lô Răng ký. Nhờ nó, tôi tha hồ đi quá giờ giới nghiêm.
Nhưng đi quá giờ giới nghiêm làm cái khỉ gì cơ chứ?
Số là "cô bạn" của tôi thì ở mãi bên Chợ Lớn. Tôi thường là chọn ca trực đêm, để dễ bề nói dối bà xã. Khi bớt việc, trao Đài cho một nhân viên phụ, thế là "chàng", trong túi thủ thẻ nhà báo quân đội, giấy chứng nhận hợp lệ tình trạng quân dịch, người và xe cứ thế phóng thẳng một mạch qua Chợ Lớn, ngồi cho tới khuya, ỷ y nếu có quá giờ giới nghiêm, đã có lá bùa hộ mạng, chứng nhận đây là phóng viên tiền tuyến của báo quân đội, đang đi công tác!
Ôi, làm sao quên được cảm giác, khi về, vắng tanh, phóng xe như điên trên đường phố Sài Gòn, mà hồn của mình thì vẫn luẩn quẩn ở một con hẻm ở đường Nguyễn Trãi, Chợ Lớn, nơi có căn nhà, có "giàn thiên lý, có người tôi thương"!...
Kỷ niệm lô cốt.
Lô cốt tại quê tôi, như ký ức ngày nhỏ còn giữ được, có từ lúc quân đội Pháp nhẩy dù xuống đồng bằng Sơn Tây, (hình như là vào năm 1946 thì phải), và lập hệ thống đồn bót dọc theo đê. Cùng với dân làng, mấy mẹ con rời làng, con đê, sông Hồng, chạy vào phía sâu trong, tức phía núi Tản Viên, rồi khi tiếng súng đã im, tình hình yên ổn trở lại, dân làng tìm cách mò về, riêng gia đình tôi, chạy ngược lên Vĩnh Chân, Phố Ẻn, thuộc Phú Thọ. Rồi cũng thất tán mỗi người một nơi. Khi trở về làng, mấy năm sau, tôi nhìn thấy cái lô cốt, lần đầu tiên.
Làng tôi có ông giáo Dực (hay Giực), thầy dậy của bố tôi, rồi của tôi. Ông là người từ đâu tới, lấy một bà cô của tôi, rồi "dừng bước giang hồ", không hiểu là do nhan sắc của bà cô, hay là do Cô Ba, tức nàng phù dung. Do biết tiếng Pháp, những ngày Tây chiếm đóng, ông thường lên bót gặp viên trưởng đồn, như là một người đại diện cho dân làng. Có một lần, ông dẫn tôi theo, và tôi nhìn thấy một ông Tây, lần đầu tiên.
Trẻ con vùng này hầu hết là học trò ông giáo Dực. Ông là một người rất tự kiêu, như một kỷ niệm mà tôi còn giữ mãi: Khi ông già tôi bị giết do tai họa đảng phái, bởi một người học trò của ông, người học trò này cũng đã học ông giáo Dực, ông bảo tôi: Bố mày bị giết vì thù oán cá nhân, chứ không phải học trò giết thầy. Cái thằng giết bố mày, dưới mắt nó, chỉ có tao đáng là thầy dậy nó thôi.
Nhưng không phải ông giáo Dực, mà là một người con trai út của ông, tức chú Trực, mới là người gần gũi với tuổi thơ của tôi, tại quê làng.
Lớn hơn tôi vài tuổi, tài hoa nhất mực, nào nghề đàn, nghề chụp ảnh. Chú là người đã dậy tôi hát, những bài hát đầu đời như "Anh Kim Đồng ơi, anh Kim Đồng ơi", "Mơ Liên Xô". Chú dậy tôi chơi đàn măng đô lin, chơi cờ tướng, gần như tất cả những thú vui ấu thời này đã theo tôi ra Hà Nội, rồi vào nam, rồi ra hải ngoại, rồi lên không gian ảo. Nhờ giỏi toán, giỏi đàn, tôi đã được Ông Tây, chồng của Cô Dung tôi để ý, thương hại, bảo bà cô của tôi lo cho ăn học, tại Hà Nội, và những ngày sau 1954, khi đã về Pháp, ông bà vẫn gửi tiền cho tôi đóng học phí, những ngày di cư. Riêng cái món cờ tướng, nó làm tôi mê mẩn, theo tôi vào trong kỳ thi, và, lẽ dĩ nhiên, vào trong tù.
Tôi rớt tú tài phần hai, kỳ một, là vì cờ tướng. Vào trường thi, tôi không làm sao tập trung, bởi vì trong đầu chứa đầy những quân cờ, những nước đi của một con mã, con pháo, hoặc con xe...
Nói tóm lại, tôi nợ Chú Trực của tôi nhiều lắm.
Khi trở về, gặp lại, biết được hoàn cảnh thương tâm của ông, tôi mới nhận ra, tất cả những giấc mộng của ông, đã được thực hiện, một phần nào, ở tôi, ở thằng cháu.
Chú Trực còn một người anh, là Chú Thức, Học giỏi, sinh viên Hà Nội. Sau đó, ông theo Việt Minh, lên rừng, chưa thi thố được một chút tài năng, thì chết vì bịnh sốt rét. Chú Trực cũng đã từng được nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, trong lần đi qua làng lên chiến khu, nhận làm học trò, và xin gia đình cho theo ông. Nhưng ông giáo Dực từ chối, viện cớ không có ai lo cho ông những ngày hiện tại và khi về già. Về lại quê nhà, tôi mới hiểu ra, ông đã "giành" [theo nghĩa giành giựt, không cho không cách mạng], cho người con trai út một việc: làm gián điệp cho Tây, mà "thuật ngữ" hồi đó gọi là làm Việt gian.
Do tài đàn hát, chụp hình, chụp ảnh... Chú Trực trở thành điểm gặp của thanh niên, trai tráng trong làng, và trong vùng, lẽ tất nhiên, trong số đó, có nhiều người là du kích. Chẳng ai nghi ngờ, khi nhờ chụp hình, Chú đã dành riêng cho mình một tấm, và mang nộp cho Phòng Nhì Pháp, ở tỉnh lỵ Sơn Tây. Chỉ tới khi du kích bị bắt nhiều quá, và tình cờ, một người du kích nguỵ trang làm người đi mua đồng nát, thấy chú Trực ghé Phòng Nhì, sự việc mới đổ bể.
Đang đêm, du kích từ bên kia sông, về bắt Chú mang đi. [Thằng em út của Gấu cũng bị đưa ra hậu phương, trao cho ông bác, theo kiểu này]. Nhưng sau đó, Chú được thả, do có người bà con làm Cách Mạng, thứ gộc, bảo lãnh. Nhưng chú không về làng, biệt tích luôn, thay tên đổi họ, lấy vợ, đẻ con. Chỉ tới khi Chú làm đơn xin vô Đảng thì lý lịch cũ mới lộ ra. Đám Cách Mạng trong làng tôi yêu cầu đưa Chú Trực về lại làng, để quản lý. Người vợ của Chú xin Đảng cho ly hôn, và xin cho đứa con "từ chối" ông bố Việt gian.
Về gặp, ông nhắc, hồi ở Hà Nội, tôi có chép tất cả những bản nhạc nổi tiếng lúc đó, và gửi về tặng ông. Ông giữ mãi làm kỷ niệm. Sau có thể vì hoạt động gián điệp, ông đưa lại tập nhạc cho đứa em trai của tôi. Tôi nghĩ, ông biết, sẽ có ngày ông bị Cách Mạng thủ tiêu, nên trả lại kỷ niệm của một thằng cháu đã vào nam, cho gia đình nó.
Liệu ông tin rằng, thằng cháu sẽ có ngày trở về?
Lần gặp lại, nhìn ông, xót xa quá, tôi quên hỏi.
Tập nhạc, thằng em tôi, vì chẳng bao giờ nghe nhạc, nên đã để gián và mối xơi hết.
Trở lại với cái lô cốt. Cũng tại đây, tôi nhìn thấy con người (theo quốc gia) đánh con người (theo cộng sản), lần đầu tiên.
Cháu có muốn ra Hà Nội học không?
Trong những câu chuyện về lòng biết ơn ông thầy hồi học mẫu giáo, tiểu học trường làng, có một, về một ông học trò vinh qui bái tổ, gặp lại, sung sướng, biết ơn, và hãnh diện "khoe" với ông thầy làng về sự thành đạt của mình - trong đo, lẽ dĩ nhiên có công đầu của ông thầy làng - bằng một câu hỏi, tuy vẫn có ý tự khoe mình, nhưng thật là tuyệt vời:
-"Thưa Thầy, Thầy còn nhớ con không?"
Tôi tin rằng, ông thầy chẳng thể nào nhớ, cái ông mũ cao áo dài đó là ông nào. Bởi vậy, mới có cái câu hỏi "phô ra" lòng biết ơn của một ông học trò, để che bớt đi cái khoản mũ cao áo dài của mình. Trong Tuyển Tập Tạp Ghi, Phan Lạc Phúc kể lại, thời lên tám, đang học lớp Dự Bị, thì một bữa, ông bác đi xe ô tô về làng. Ông anh của ông vốn nhát, trông thấy "nó" – cái ô tô - là trốn biệt. Còn ông, nhờ bạo dạn, không những không sợ "nó" mà còn dõng dạc đọc một bài học, khi ông bác ra lệnh. Thế là ông bác gật gật cái đầu ra vẻ hài lòng, "Cháu có muốn ra Hà Nội học không?" Ông bác sau đó lên xa đi, và đứa cháu "tò mò đi theo mùi khói xăng, theo dấu những vết xe mà lòng bắt đầu mơ tưởng những chân trời mới lạ..."
Lạ, lạ thật... bởi vì tôi cũng có những kỷ niệm tương tự như ông, về cảm giác lần đầu nhìn thấy cái xe hơi, và câu hỏi, "Cháu có muốn ra Hà Nội học không?" của tôi cũng xêm xẹm, tuy có khác vài chi tiết nho nhỏ. Người hỏi tôi, không phải là một ông bác, mà là một bà cô lấy chồng Pháp. Tuy bà cô tôi hỏi, nhưng chính ông Tây chồng bà mới là người biến câu hỏi thành một "hiện thực" lâu dài.
Sau đây là đoản văn viết về hình ảnh cái xe hơi xuất hiện lần đầu tiên trong đời một thằng nhỏ Bắc Kỳ. Bài hình như được viết cho một số báo Văn, đặc biệt về Hà Nội, sau in lại trong tập truyện đầu tay, "Những Ngày Ở Sài Sài Gòn", xuất bản tại Sài Gòn, năm 1970.
Trái tim trong thành phố
Trước hết, tôi không phải là người sinh trưởng tại Hà Nội. Quê tôi ở Sơn Tây, một tỉnh cách xa Hà Nội độ bảy tám chục cây số. Đối với một người miền Nam, khoảnh cách đó chỉ bằng quãng đường từ Sài Gòn đi ngã ba Trung Lương, thời gian di chuyển chừng trên dưới một tiếng đồng hồ. Nhưng ở Bắc, cuộc kháng chiến chống Pháp bắt đầu bằng chính sách tiêu thổ kháng chiến, đường xá cầu cống bị tiêu huỷ, quãng đường Hà Nội – Sơn Tây do đó cũng chịu chung số phận. Làng tôi ở ven sông Hồng. Khoảng năm 1946 khi quân Pháp nhẩy dù xuống đồng bằng Sơn Tây sau đó thành lập chính quyền quốc gia, gia đình chúng tôi chạy tản cư xa dần sông Hồng, ngược lên vùng Việt Bắc. Ít lâu sau, chúng tôi tìm cách dinh tê. Về Tề, tôi theo học lớp Nhất trường tiểu học quận, và khi đậu tiểu học, tôi được ra Hà Nội học.
Muốn đi Hà Nội, từ làng tôi phải đi bộ dọc theo con đê, tới khi con đê gặp quốc lộ số một, nối liền Trung Hà, địa đầu của tỉnh Sơn, với tỉnh lỵ, rồi với Hà Nội. Do đường xấu, từ Sơn tới Hà Nội cũng phải mất một ngày trời.... Đối với tôi, những chiếc xe hàng cọc cạch từ từ bò trên con đường nhựa nham nhở kia, chẳng khác gì những con cua, khi tới gần nghe tiếng máy nổ, ngửi mùi xăng nhớt, những kinh ngạc, lạ lùng, bỡ ngỡ... làm thằng bé nhà quê quên đi những thú vui đồng nội...Hà Nội như thế, đối với tôi, là kỷ niệm về một cây kem lạnh buốt răng, là hình ảnh hiệp sĩ bịt mặt Zorro, người rừng Tarzan...
Vào Nam, tiếp tục học, ra trường, đi làm, cảm thấy nhớ Hà Nội như tuổi thơ vĩnh viễn qua đi, chẳng làm sao có lại. Những năm mới lớn luôn tìm cách trở lại Hà Nội không phải chỉ để thì thầm trong những lúc cô đơn, mơ mộng, mà còn là để viết trong những lá thư tình đầu tiên trong đời. Khi cảm thấy được yêu, có cảm tưởng như đã quên được rồi, Hà Nội, hoặc Hà Nội đã hiện thân ở nơi người yêu, "Anh yêu Em bởi vì anh yêu Hà Nội," ôi những cái "bởi vì" thật ngông cuồng và cũng thật đáng yêu của một thời trẻ dại...
Cách đây ít lâu, hồi còn độc thân, một bữa theo một người bạn về khách sạn ngủ. Phòng ngủ có gắn máy lạnh. Nửa đêm, chợt thức giấc, nghe tiếng máy lạnh chạy, trong khoảnh khắc, tôi bỗng có cảm giác lạnh giá như đang sống lại một ngày, và tiếng máy lạnh chạy rào rào kia chẳng khác gì tiếng gió bấc thổi ở nơi quê nhà.
Cõi khác
1969
Những đêm trực ở Đài, hoặc ngủ ngay sau khi đọc vớ vẩn một mẩu báo, một trang tiểu thuyết, nghe lơ đãng một điệu nhạc, một giọng hát, chập chờn theo khói thuốc rồi ngủ lúc nào không hay. Có khi ngủ luôn tới sáng. Đó là những đêm thành phố may mắn không bị pháo kích, tình hình chiến sự tương đối yên tĩnh. Nhưng hầu như đêm nào cũng bị dựng dậy. Khi thì nhân viên viễn ký hai hãng AP, UPI yêu cầu chỉnh lại tín hiệu. Hoặc đồng nghiệp trực Đài phát tín Phú Thọ nhắc đến giờ thay đổi tần số liên lạc. Có khi một đồng nghiệp Phi Luật Tân ở mãi Manila réo chuông máy viễn ký liên hồi, chỉ để hỏi thăm thời tiết Sài-gòn, tình trạng vợ con gia đình, hay nhờ dịch giùm một message bằng tiếng Pháp của hãng SITA than phiền nhân viên RCA Manila làm ăn cẩu thả. Một lần ngủ quá say dù đã cẩn thận để điện thoại ngay kế bên, và chỉ giật mình thức giấc khi nghe tiếng đập cửa ầm ầm: Anh chàng Mẽo trưởng phòng tin tức AP và nhân viên viễn ký, cũng đồng nghiệp Bưu Điện làm ngoài giờ cho hãng thông tấn ngoại quốc, một đỏ gay tức giận, một lắc đầu ái ngại, hình như vào lúc đó hai ông Thiệu Kỳ đang gặp tổng thống Johnson tại đảo Midway. Hôm sau bị ông Tổng Giám Đốc, cũng may còn là thầy dậy cũ khi học trường Quốc Gia Bưu Điện, gọi lên văn phòng giũa cho một trận. Bị nặng nhất là trong Mậu Thân đợt hai. Khoảng gần nửa đêm, UPI vớ được hình đặc biệt, bằng mọi giá phải chuyển ngay đi Tokyo: Chừng trên dưới một chục ký giả, phóng viên ngoại quốc, ngồi xe díp lùn có gắn bảng báo chí, Press, ở kính trước, không may bị Việt Cộng tóm được tại khu chợ Thiếc. Sau cùng là thảm sát. Người gục chết trên vô lăng, kẻ vắt nửa khúc đầu trên sàn xe, nửa khúc đuôi trên mặt lộ. Sau này, khi cuộc chiến nghiêng về phía Miền Bắc, dư luận thế giới hình như chỉ còn nhớ cảnh tướng Loan xử bắn tù binh ngay trên đường phố. Hôm sau, Horst Fass, trưởng phòng hình ảnh AP, thay vì gọi điện thoại than phiền với Trưởng Đài Vô Tuyến Điện Thoại, anh viết văn thư tố cáo gã chuyên viên trẻ, Jeune Technicien, nhân viên Bưu Điện làm cho UPI, đã gửi hình trong giờ giới nghiêm. Sau cùng mọi chuyện cũng ổn thỏa, vì ngay những ngày đầu biến cố Mậu Thân, khi hai bên đang tranh giành từng viên gạch, hoặc đánh cuộc xem tao Dù hay mày Biệt Động Thành, ai chết trước tại Đài Phát Thanh Sài-gòn ngay kế bên, khi đám quân cảnh Mỹ đang vật lộn tay đôi với Việt Cộng tại Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ cách đó cũng không xa, gã chuyên viên trẻ do nhà ở cạnh Đài, lại đúng đêm trực nên đã một mình "tử thủ", sau thêm tay phóng viên AP được đám lính Dù, lính chiến xa mở vòng kẽm gai cho vào bên trong phòng tuyến. Gã chuyên viên trẻ đã chuyển hình cho AP, giùm ông bạn già trước cũng nhân viên Bưu Điện nhưng bị An Ninh Quân Đội cho đi nằm ấp một thời gian dài, khi được thả bị Bưu Điện cho về hưu non, do có kẻ tố cáo ông là Việt Cộng nằm vùng ngay từ hồi còn ông Diệm. Sự thực ông bị một đồng nghiệp mưu hại chỉ vì nhất định không vào đảng Cần Lao hay tham gia phong trào Cách Mạng Quốc Gia. Những ngày đầu tháng Tư, AP đề nghị cho cả gia đình ông đi Mỹ, nhưng ông từ chối.
Bao nhiêu năm, quãng đời vẫn bám cứng. Những giây phút tuy chết chóc, tuy kinh hoàng nhưng sao vẫn có vẻ chi quyến rũ, chi kỳ cục. Cảm giác của một người tuy biết rằng có thể chết bất cứ lúc nào nhưng vẫn loay hoay, cựa quậy: Gã chuyên viên trẻ lui cui chỉnh tín hiệu máy chuyển hình, như đây là tấm cuối cùng, đặc biệt nhất, chất lượng nhất. Gã phóng viên người Mẽo cao như cây sào, chẳng biết một chút gì về máy móc, kỹ thuật, nhưng cũng chăm chú theo dõi, như để nhắc nhở nếu có gì sai sót, và không quên lom khom, cố thu gọn cái thân xác kềnh càng sao cho bằng gã chuyên viên người Việt, ý như vậy là đồng đều nếu chẳng may có một viên đạn bất ngờ. Cả hai cùng lúc nhoài người xuống sàn nhà, có khi còn trước cả một tiếng nổ lớn ngay phía dưới chân building, hay ở Đài Phát Thanh liền bên. Những lúc tiếng súng tạm ngưng, trong khi chờ Tokyo xác nhận chất lượng buổi chuyển hình, và quyết định tấm nào cần lập lại, cả hai chăm chú theo dõi biến động trên bản tin AP, UPI qua máy viễn ký, có cảm giác vừa ở bên trong vừa bên ngoài những giây phút nóng bỏng, và chiến tranh cho đến lúc này, vẫn còn thuộc về những kẻ kém may mắn hơn mình.
Bao nhiêu năm vẫn còn giữ nguyên cảm giác rụng rời, trong đêm khuya vì mệt mỏi quá thiếp đi, khi giật mình thức giấc, thản nhiên bật đèn, thò đầu ra bên ngoài cửa sổ, thấy từng mũi súng trên tháp chiến xa giận dữ ngó thẳng khuôn mặt trắng bệch, tách bạch từng sợi tóc đang dựng đứng...
Có đêm, khoảng ba giờ sáng, chợt thức giấc, mở cửa căn phòng nhỏ có gắn máy lạnh và được ngăn tiếng động, ban ngày dùng làm studio cho đám phóng viên các hãng thông tấn truyền hình đọc tin về hãng chính và cùng lúc cho cả thế giới. Khi chiến tranh leo thang, nhất là sau vụ nổ tại nhà hàng Mỹ Cảnh khiến gã chuyên viên và ông Trưởng Đài suýt mất mạng nếu không có sự thông cảm của số mệnh, vào phút chót đã kiếm giùm hai người thế mạng, Bưu Điện cho thành lập Trung Tâm Báo Chí, Press Centre tại khu Thương Xá Rex và Trung Tâm USO ở đường Nguyễn Huệ cho đám quân nhân Mỹ, khi đó cuộc sống tại đỉnh cồn mới trở lại bình thường, và bớt mùi nơm nớp sợ sệt. Buổi sáng sớm không còn cảnh mở cửa ra cầu thang thấy một anh GI nằm ngủ ngon lành, chờ làm người khách hàng đầu tiên nói chuyện với vợ con gia đình. Hoặc cảnh một cô điện thoại viên dẫn anh chàng ngoại nhân vào phòng studio, khi trở ra anh khóc ròng: Giờ này đã nửa đêm gần sáng, vậy mà vợ anh không có nhà. Thời gian đầu, Bưu Điện chỉ có một mạch vô tuyến điện thoại trực tiếp với Oakland, California qua hệ thống cao tần HF, máy móc sử dụng do người Pháp để lại nên ba trật bốn vuột, và chỉ trao đổi điện đàm cao lắm là hai hoặc ba tiếng đồng hồ. Rồi cuộc chiến bắt đầu thực hiện những điều cam kết tàn khốc. Ông Diệm chết. Người Mỹ đổ quân xuống bãi biển Đà Nẵng, hy vọng mở ra một Normandie thứ hai tại Á Châu, lập lại lịch sử, lần trước là Phát-xít, Quốc Xã, lần này biết đâu là Cộng Sản. Đám diều hâu kên kên ký giả, phóng viên, đánh mùi xác chết, thèm mùi danh vọng, biết đâu một "Chuông Gọi Hồn Ai", một "Mặt Trận Miền Tây..." tái xuất hiện nơi đầm lầy nhiệt đới này. Đám tài phiệt ATT ở Mỹ, RCA Manila, Cable/Wireless Hongkong... ngửi mùi tiền, đổ xô vào Việt Nam.
Sốt sắng nhất là RCA Manila. Được lời mời của Bưu Điện, họ phái ngay hai chuyên viên Phi Luật Tân qua Sài-gòn giúp thành lập mạch viễn ký, đường điện thoại viễn liên Sàigòn-Manila (vô tuyến điện), Manila-New York (cáp ngầm dưới biển). Trong bữa tiệc chia tay tại nhà hàng nổi Mỹ Cảnh, số phận run rủi xui khiến gã chuyên viên nẩy ý định tốt, nhường hai ông bạn mới quen chỗ ngồi phía trong, nhìn ra mặt sông, ngắm cảnh Thủ Thiêm, những con đò đưa khách qua lại hoặc mua vui trên sông, những ánh đèn rực rỡ từ những con tàu đùa giỡn cùng sóng nước. Như đã được chỉ định làm vật tế thần, hai ông bạn Phi vừa mới chân ướt chân ráo tới Sài-gòn, chưa được thưởng thức gái đẹp, đồ ăn ngon, phong cảnh hữu tình, đã hứng giùm hầu hết những mảnh mìn Claymore từ phía bờ sông thổi xuống. Một bị mảnh mìn cưa ngang cổ họng chết tại chỗ. Một bị thương nặng, được chở cấp tốc về căn cứ Clark Phi luật Tân, vài ngày sau chết vì xuất huyết nội sau khi giải phẫu. Gã chuyên viên trẻ suýt cụt một cánh tay, nếu không nhờ tài giải phẫu của Bác Sĩ Daney, người Pháp, làm việc tại nhà thương Grall. Vậy mà anh ta cũng không làm sao từ bỏ được cái tật khuỳnh tay lên thành ghế.
Có khi vào khoảng hai ba giờ sáng, như người khách tuy không được Cõi Âm mời gọi nhưng vẫn cố tình mò tới, như bị người chết, những gã phóng viên, nhiếp ảnh viên người Mỹ, người Nhật... dựng dậy, gã chuyên viên trẻ mở cửa căn phòng nhỏ, bước ra ngoài nhìn đám máy móc quen thuộc. Ra bao lơn nhìn ngang tầm thành phố. Ngọn đèn đỏ lập lòe trên tháp Đài Truyền Hình, trên tháp Đài Viba Bưu Điện. Những hàng cây đen sẫm trong đêm. Những ngọn đèn đường lạnh. Bãi đất trống bên dưới chân Đài. Những vòng kẽm gai quấn quanh tòa nhà. Những người lính gác trong những công sự cá nhân quanh quất đâu đó... Chính vào những lúc cô đơn như thế, vẫn thường tự hỏi đã yêu thương cô bạn, kể từ lúc nào...
Khi chưa gặp nhưng đã tưởng tượng ra một hình bóng, một dáng dấp tuy mảnh mai yếu ớt, nhưng cũng thật bướng bỉnh cứng cỏi, tuy sẵn sàng chịu đựng, sẵn sàng tha thứ cho lỗi lầm của kẻ khác, kể cả lỗi lầm của định mệnh, nhưng không thể nào cho phép cuộc chiến, cuộc đời, hoàn cảnh sống và nhất là những người khác làm xấu đi, hủy hoại, hoặc tiêu diệt. Một hình ảnh kết tụ của khí hậu, đất đai, mùa màng, cây cối... thay thế những nuối tiếc chắt chiu, những khô cằn, khắc nghiệt, mặc cảm côi cút, bất hạnh: Tất cả đã chết, lần thất thểu dưới mưa, chạy theo một cô bé con với một ý tưởng thật ngây ngô tức cười, nhưng cũng thật cảm động: "Anh yêu em bởi vì anh yêu Hà-nội."
Hay ngay khi gặp lần đầu nhưng tất cả đều đã muộn, đã không thể sửa chữa được, và đó là ý nghĩa của thảm kịch, thần thánh cũng phải cúi đầu khuất phục.
Hay những lần gặp sau đó, những buổi tối ngồi trò chuyện ở phòng khách trong khi mấy đứa em, mấy cô bạn ở chung nhà đã lui vào phía trong. Kể cô nghe những chuyện lặt vặt ở sở, cuốn phim vừa coi, cuốn sách vừa đọc, xứ Bắc Kỳ xa xôi, và Hà-nội. Nghe cô kể những năm học trường quận lỵ, trung học Mỹ Tho, đại học Đà Lạt. Nghe cô giảng giải về một miền đất không hoàn toàn giản dị. Phải nhạy cảm lắm mới nhận ra chút dấu hiệu thật mơ hồ, mong manh: Mối tình lúc đầu giống như chớm thay đổi thời tiết. Tự nhủ thầm cô bạn chắc không nhận ra, và sẽ chẳng bao giờ dám thú nhận. Sau này nhớ lại, đã thực sự yêu thương, không phải lần vì quá cô đơn, lén viết lên trang tiểu thuyết Tô Hoài cô đang đọc, trong lúc cô lui vào trong, Je vous aime, nhưng khi tới báo tin đứa em trai tử trận, không gặp, đành nhờ một cô bạn ở chung nhà nói giùm, tin chắc cô sẽ hiểu.
Và trong những đêm ngồi canh xác đứa em tại nhà Hội thị xã Sóc Trăng, chờ máy bay đưa về nghĩa trang quân đội Gò Vấp mai táng, trong lúc loay hoay thắp từng cây nến trên quan tài bị gió thổi tắt, hay nhặt nhạnh từng mẩu nến, đốt lên ngọn lửa ngồi xúm quanh, chia nhau chút hơi ấm, hơi lạnh của người đã chết, nghe những người lính, viên sĩ quan cùng đơn vị nói về những ngày đầu chuẩn uý tới nhậm chức, những giờ phút cuối... Trong những giờ phút thê lương vẫn nghĩ rằng một ngày nào sẽ kể lại tất cả.
Sau cùng phải cảm ơn cô bạn đã cho có đủ thời giờ kể hết mối tình. Con chó dại trong một phút cô đơn, tỉnh táo không còn sợ hãi cái bóng của chính nó. Những lần từ biệt cô trên đường trở về, thành phố những đêm run rẩy chờ đợi những đợt pháo kích bất thần giáng xuống. Những ngã tư đường chằng chịt những vòng kẽm gai. Có những khoảng đường phải xuống xe dẫn bộ. Đôi khi đi lầm vào một quãng đường cấm phải đi ngược trở lại. Trong bóng đêm nhợt nhạt của những ngọn đèn đường, nhìn thấy những mũi súng đen sâu thăm thẳm chứa đầy ngờ vực đe dọa. Nhìn thấy hết mọi nỗi bi thương, nếu chẳng may sinh ra mà không được gặp cô bạn, nếu chẳng may bị cô hất hủi, nói không, nói không thể yêu, không thể hiểu được tình yêu là gì. Nhiều lần tới nhà khi đã quá khuya, trong nhà đèn đã tắt, tất cả chắc đã yên ngủ từ lâu: Hoặc hết sức muốn gặp. Muốn nhìn thấy bóng dáng. Nghe tiếng chân di động. Tiếng lách cách mở cửa. Rồi tiếng nói, tiếng nói... Muốn liều lĩnh đập cửa ầm ầm. Bắt buộc cô hốt hoảng trở dậy, vội vã bật đèn, vội vã mở cửa. Bắt buộc cô phải nghe, phải nói, phải gật đầu ưng thuận, trong khi không có thì giờ để phân vân, cân nhắc...
Hoặc không hề có ý định gặp. Không hề trông mong cô sẽ giúp đỡ, thông cảm... Đứng yên lặng trước mái hiên hàng giờ, nghe tiếng chuột chạy trên đám lá khô, tiếng mèo kêu thảm thiết trên mái ngói, chờ cơn cuồng nộ vô ích tàn lụi dần rồi thất thểu rời con ngõ. Một lần xe hết xăng, đứng xớ rớ ngay giữa mặt lộ, mơ hồ hy vọng một tên khùng, một thằng say, hay một người lính ban cho một cái chết lãng nhách, nhưng ít ra còn có thể giải thích như một tai nạn. Sau cùng một người đi đường đã thương tình kéo về tận đỉnh cồn. Nơi làm việc là tầng lầu trên cùng của một building, bất động sản của người Pháp. Những đêm trực thường lợi dụng những lúc rảnh rỗi giao Đài cho người phụ ca, lấy xe chạy vòng vòng. Ghé quán cà phê khu Đa Kao, nơi đứa em từng ngồi dán lưng vô tường chờ Thần Chết dựng dậy. Quán cà phê túi, hủ tíu Tầu khu ngã Sáu Sài-gòn, hồi tưởng những ngày còn đi học, cuốn sách trên tay, ly hồng xà trước mặt và cứ thế ngồi suốt buổi. Ghé sạp thuốc lá, mua từng điếu lẻ, một thói quen từ hồi còn đi học, sống bằng sự yêu thương đùm bọc của Bà Trẻ trong căn nhà ở cuối hẻm Đội Có, Phú Nhuận. Ghé sạp báo mua một tờ có đăng truyện chưởng Kim Dung. Lướt qua những hàng chữ lớn nơi trang nhất. Một lần đọc thấy tin quận lỵ quê cô bạn bị pháo kích, sáng sớm hôm sau vội ghé nhà rồi cả hai ra bến xe đón những chuyến đầu tiên từ lục tỉnh lên. Khi biết cuộc pháo kích không gây thiệt hại nghiêm trọng, đã đánh bạo rủ cô ra Sài-gòn. Đó có lẽ là lần du ngoạn đầu tiên.
Một lần trên đường về, khi chạy xe đến gần khu chợ Bến Thành, từ xa đã nhìn thấy một gói đồ nằm giữa mặt lộ, đường Trần Hưng Đạo, dưới ánh đèn chói lòa. Có tiếng súng nhỏ rồi tiếng còi xe Quân Cảnh thổi dạt xe cộ, người đi đường qua hai bên. Khi cơn báo động hoảng đã qua đi, trong một thoáng bỗng nhận ra vẻ tiều tụy của thành phố. Của mối tình. Ngay cả những giây phút êm đềm ngồi quây quần bên mấy đứa em, mấy cô bạn, vẫn cảm thấy cực kỳ cô đơn, có cảm giác như không còn thương yêu nổi ai, đã tự lừa dối khi nghĩ rằng đã yêu thương cô bạn. Đã lấy mức độ pháo kích làm thước đo tình yêu, đã lầm tiếng hỏa tiễn là tiếng reo hò đắc thắng của mối tình: Nhiều khi quẩn trí còn mong mỏi thành phố bị pháo kích hoài hoài để được sống mãi mãi những giờ phút thê thảm nhất của mối tình. Những ngày Mậu Thân căng thẳng, Đại Học đóng cửa, cô bạn về quê, nỗi nhớ bám riết vào da thịt thay cho cơn bàng hoàng khi cận kề cái chết theo từng cơn hấp hối của thành phố cùng với tiếng hỏa tiễn réo ngang đầu. Trong những giờ phút lặng câm nhìn bóng mình run rẩy cùng với những thảm bom B52 rải chung quanh thành phố, trong lúc cảm thấy còn sống sót, vẫn thường tự hỏi, phải yêu thương cô bạn một cách bình thường, giản dị như thế nào cho cân xứng với cuộc sống thảm thương như vậy...
1969 (2)
Mối tình tưởng tượng nhưng luôn có cảm tưởng cuộc chiến coi nó như kẻ thù, luôn soi mói rình rập, khi nhắn nhủ khi đe dọa, phải chi mi đừng tưởng tượng ra một cô bạn tuyệt vời như vậy, phải chi mi bớt yêu thương cô bạn đi một chút, số phận không phải của riêng mi mà biết đâu của cả dân tộc sẽ bớt chút thê thảm. Khi cô bạn tìm được người bạn đời, mi không còn trông cậy vào đâu để chạy trốn nỗi cô đơn, đành trốn chui trốn nhũi vào trong mớ sách vở, và khi hết còn chịu đựng nổi, đã tàn phá đời mi thay vì chịu thua... Đó những ngày trên khuôn mặt người dân Sài-gòn khi ra đường còn nguyên vẻ hốc hác mất ngủ, xen đôi nét mừng rỡ vì đêm qua Việt Cộng tha không pháo kích vô thành phố. Hằng đêm, họ không còn được nghe lời ân cần chúc đồng bào ngủ ngon, xin đồng bào vặn nhỏ chiếc la-dô để khỏi làm phiền bà con lối xóm. Thay vào đó là một giọng nói đã được gột bỏ mọi rào đón: Tên những người phải trình diện theo lệnh Tổng Động Viên, nghe như đã thuộc tài nguyên của một thế giới khác, những con số kèm theo tên mỗi người ít ra còn chút ý nghĩa vì chúng cho biết sắp tới lượt ai được Thần Chết coi giò coi cẳng...
Nhà cô bạn lúc này đã dời vô Chợ Lớn. Căn nhà cũ, khu chung cư Nguyễn Thiện Thuật, tuy không bị thiêu rụi trong biến cố Mậu Thân nhưng cũng không còn có thể ở được. Phần hồn của nó đã chết theo cả khu, còn chút nào cô gái đem theo cùng với cô về cuộc đời mới, một buổi tối làm như tình cờ ghé qua, thấy tất cả đều lạ mặt. Cảnh vật, con người còn tỏ vẻ giận dữ, như thể mi là nguồn cơn của mọi tai họa, tại mi mà cô ta rời khỏi chỗ này... Vậy mà khi đến lượt trình diện, thời tiết Miền Nam những ngày cận Tết, lần đầu tiên nằm giường sắt Quang Trung, tự nhủ thầm đứa em trai cũng có thể đã từng nằm đúng trên chiếc giường sắt lạnh lẽo này... Khi đã bớt bi thương, vẫn khuôn mặt cô bạn từ trong căn nhà đứng nhìn ra, vẫn mũi súng đen ngòm ngó sâu vô mắt, đêm nào từ nhà cô bạn về đã quá giờ giới nghiêm, một người lính từ đáy sâu thành phố đột nhiên xuất hiện. Anh chàng như bực tức vì đã phải chờ đợi giây phút này từ đời kiếp nào, như hả hê vì bắt được quả tang, mũi súng đen ngòm đầy hăm dọa tra hỏi, nhưng cũng đầy đau thương trắc ẩn: "Có phải mi yêu thương cô bạn?", và cứ thế khăng khăng chối miết :"Không, Không!"... Ba mươi năm sau, tưởng vết thương đã lành, tưởng không chỉ mọi người mà ngay cả chính mi cũng đã quên đi, Thần Chết cũng bỏ qua, hoặc chính nó cũng bị đánh lừa, hả hê trong nỗi chiến thắng, như vậy mi không hề chịu thua định mệnh, đúng vào lúc đó, mọi chuyện lại bắt đầu, còn thê thảm hơn ngày nào, bởi vì bây giờ đâu còn chiến tranh để mà ăn vạ. Không những vậy, bây giờ mi còn một người vợ mà mi chưa từng nói được một lời yêu thương an ủi, còn mấy đứa nhỏ đã trưởng thành, hoàn toàn do người vợ đau khổ của mi nuôi nấng, dậy dỗ...
Đột nhiên nhớ những ngày ở Trung Tâm Ba Tuyển Mộ Nhập Ngũ. Nhớ cái chết của anh chàng thanh niên tuy cách xa chừng chục tuổi nhưng cùng trình diện một đợt. Bởi vì đối với mi, nếu không có biến cố Mậu Thân và sau đó là lệnh Tổng Động Viên, chắc gì đã có dịp được nằm giường sắt Quang Trung. Mấy ngày đầu bỡ ngỡ, suốt ngày ngồi câu lạc bộ, hoặc bên ly cà phê, hoặc bận rộn với mấy trái bida, đêm nằm co quắp trên chiếc giường sắt. Đúng vào thời điểm này, bài Tình Nhớ của Trịnh Công Sơn vừa được tung ra. Khoảng nửa đêm, một tay nào chắc nhớ nhà, nhớ bồ, hay chính nỗi cô đơn của mi cứ thế huýt sáo mãi điệu nhạc... Bây giờ mỗi khi tình cờ, hoặc cố tình nghe lại, có cảm tưởng bài nhạc vẫn cất giữ giùm nỗi chia xa Sài-gòn trong khi cuộc chiến, trước mắt là những ngày tháng gian khổ nơi quân trường đang chờ đợi, nỗi nôn nóng mong được gặp lại cô bạn nếu mai kia có dịp trở lại Sài-gòn. Nhưng kỳ diệu, không, phải nói thê thảm, bài nhạc vẽ rõ bộ mặt, tuy non nớt tuy thẫn thờ ngơ ngác, còn nguyên nét học trò lần đầu tiên xa mái trường, lìa gấu áo mẹ, nhưng vẫn toát ra vẻ bướng bỉnh, liều lĩnh của một con bạc dốc hết túi làm cú đánh cuối cùng: Để phản đối chiến tranh, thay vì trốn tránh, cưỡng lại lệnh trình diện nhập ngũ, cậu thanh niên chờ chiếc xe GMC đang chạy hết ga, từ bên lề đường ngay phía bên ngoài câu lạc bộ, lao ra hứng trọn...
Đợt trình diện đó có đủ mặt "anh hào". Thì vẫn đám bạn bè từng ngồi chung bàn ở quán Cái Chùa, cùng ngửi mùi mực in quán Văn đường Phạm Ngũ Lão. Quán có ông chủ già rất lịch lãm, và ưu ái anh em văn nghệ, chẳng bù cho ông thư ký tòa soạn Trần Phong Giao, bảo hoàng hơn vua, lúc nào cũng nhăn nhó trong cách tính trang, tính tiền nhuận bút, và nhất là trong việc giúp đỡ những người chưa thành danh muốn nhờ bảng hiệu nhà xuất bản Nguyễn Đình Vượng. Cậu thanh niên hình như chưa từng bỏ sót một số báo Văn, "văn kỳ thanh" nào Nguyễn Xuân Hoàng, nào Huỳnh Phan Anh... lần này gần như gặp đủ mặt. Sau khi cậu ta tự tử chỉ hùi hụi tiếc một điều, nếu biết trước đã kéo cả bọn tới trình diện. Bởi vì Huỳnh Phan Anh, bị ám ảnh bởi những ngày "đổ mồ hôi nơi quân trường thay vì đổ máu nơi trận địa", cộng thêm những lời hù dọa của những anh chàng ra vẻ hiểu biết những trò "huấn nhục" sắp tới, khiến căn bệnh bao tử đột nhiên lên cơn, đêm nào cũng dùng cái thùng nước lèo của mi làm chiếc gối; còn Nguyễn Xuân Hoàng vốn bô trai nên lúc nào cũng quanh quẩn bên mấy nữ tiếp viên câu lạc bộ; cuối cùng chỉ có còn mi, để quên đi nỗi nhớ, để đỡ bồn chồn chờ ngày nghỉ phép cuối tuần gặp lại Sài-gòn, gặp lại cô bạn, đã thân cận người bạn nhỏ mê văn chương và có thể còn mê làm cách mạng, còn mong mỏi cái chết của mình có thể sẽ có ích, nếu không gây một tiếng vang nào đó thì ít ra cái mạng sống này cũng do ta quyết định. Nhưng những người Quân Cảnh đã mau chóng xóa sạch dấu vết, nếu còn chăng, đối với mi, là khuôn mặt trẻ thơ không chút dấu hiệu cho biết đây là người được Thần Chết tuyển chọn, không thông qua cuộc chiến...
Đêm, vẫn đêm đêm, như hồn ma cố tìm cách nhập xác, như tên trộm muốn đánh cắp thời gian đã mất, mi một mình trở lại Sài-gòn, quán Cái Chùa. Những buổi sáng ghé 19 Ngô Đức Kế, nếu không có Radiophoto cần chuyển, thay vì như người ta trở về nhà chở vợ đi ăn sáng rồi đưa tới sở làm, mi chạy xe dọc đường Tự Do, ngó con phố bắt đầu một ngày rồi ghé quán Cái Chùa làm người khách thứ nhất, chẳng cần ra dấu, người bồi bàn tự động mang tới ly cà phê sữa, chiếc bánh croissant, và mi ngồi trầm ngâm tưởng tượng cô bạn chắc giờ nầy đang ngó xuống trang sách, cuốn tập tại giảng đường Văn Khoa khi đó đã chuyển về đường Cường Để, cũng gần nơi làm việc, tự nhủ thầm buổi trưa có nên giả đò ghé qua, tuy vẫn ghi danh chứng chỉ Triết Học Tây Phương nhưng gặp ông thầy quá hắc ám đành chẳng bao giờ tới Đại Học, nếu có chăng thì cũng chỉ lảng vảng ở khu chứng chỉ Việt Hán. Rồi lũ bạn rảnh rỗi cũng dần dần tới đủ... Lại vẫn những lời châm chọc, khích bác lẫn nhau, đó cũng là một cách che giấu nỗi sợ, nếu đủ tay thì lại kéo tới nhà Nguyễn Đình Toàn làm canh xì.
Nhà Toàn ở ngay dưới chân building nơi hàng ngày làm việc, số 7 Phan Đình Phùng, Đài Phát Thanh Sài-gòn số 5, Trung Ương Cơ Xưởng Vô Tuyến Điện số 11: nhiệm sở đầu tiên sau khi ra trường. Một nửa tòa nhà sau bị phá bỏ lấy chỗ xây cất Trường Quốc Gia Bưu Điện, thay vì học nhờ trường Quốc Gia Thương Mại ngay đầu đường Phạm Đăng Hưng đối diện nhà thờ Phan-xi-cô. Hai năm trời làm công việc sửa chữa máy móc từ các đài địa phương gửi về, lâu lâu vì nhu cầu công vụ, lại một thầy, một đệ tử, thường là một chú nhỏ học việc, một chiếc công xa đã được chuyển bảng xe thành số dân sự, phòng ngừa dọc đường gặp mấy ông du kích giải phóng, hai thầy trò làm một chuyến viễn du tới một đài địa phương, thời gian yên tĩnh trước cơn bão tố, trước khi gặp cô bạn...
Quen tác giả Chị Em Hải một bữa tình cờ cùng ăn sáng tại quán phở 44 đối diện Đài Phát Thanh Sài-gòn. Ông chủ quán cùng làm Bưu Điện giữ việc tháng tháng phát tiền. Toàn tới làm quen, tự giới thiệu và đề nghị viết cho Văn. Vợ Toàn là một trong những người đầu tiên đọc bản thảo truyện ngắn "Thời Gian". Khi Toàn đưa đến nhà giới thiệu, Bà tuyên bố một câu xanh rờn :"Anh đúng là văn sĩ mê gái!". Không ngờ câu nói trở thành định mệnh. Y hệt Bà biết rất rõ, cái cảnh thất thểu chạy theo một cô bé con nơi cổng trưởng Đại Học Khoa Học, đại lộ Cộng Hòa, không phải tận cùng mà là bắt đầu. Y hệt Bà biết rất rõ cô bạn tuy hai người chẳng hề gặp nhau. Sau truyện ngắn là lần gặp gỡ Nguyễn Đình Vượng và Trần Phong Giao ở quán Cái Chùa. Ông già rất trịnh trọng, đúng tác phong protocole. Tiền nhuận bút để trong phong bì. Ba trăm đồng, thời ông Diệm mới bị giết là một món tiền đủ cho một buổi gặp gỡ tại quán Ngân Đình, ngay cột cờ Thủ Ngữ ngó qua Thủ Thiêm, nơi mi suýt đi theo ông Diệm.
Bởi vì nếu ông Diệm còn sống, có thể không có vụ người Mỹ đổ quân tại Đà Nẵng, và sau đó là cả một đám kên kên, diều hâu, ký giả, phóng viên ngoại quốc đổ xô vào Việt Nam. Mi đâu có dịp kết bạn cùng hai chuyên viên Phi Luật Tân làm cho hãng RCA Manila. Theo lời mời của Bưu Điện, họ sang Sài-gòn giúp thành lập mạch viễn ký dành cho báo chí ngoại quốc, cuối cùng bỏ mạng tại nhà hàng nổi Mỹ Cảnh trong vụ Việt Cộng đặt hai trái mìn dàn chào đám quân nhân Mỹ mới tới, xác được mang về Manila, những nạn nhân đầu tiên của mạch thông tin liên lục địa qua cáp ngầm dưới đáy bể. Nhưng ký giả đầu tiên hy sinh tại chiến trường Việt Nam là Huỳnh Thành Mỹ, nhiếp ảnh viên hãng thông tấn AP...
Trong số những ký giả, phóng viên chiến trường chết tại Việt Nam, Huỳnh Thành Mỹ là người đầu tiên, và được nhắc nhở nhiều nhất, ít ra cũng giữa đám đồng nghiệp tại hãng AP. Cuộc chiến khi đó tương đối còn sớm sủa, nếu chỉ tính về con số tử vong. Thần Chết còn mải thăm dò con mồi, chưa lựa chọn nạn nhân giữa đám người lăng xăng với cái máy chụp hình, cái camera, cuốn sổ tay, như thể ba thứ đồ linh tinh, cộng thêm mớ dây nhợ lằng nhằng, kể luôn cả hai chữ báo chí, Press, gắn trước ngực, là những bùa trừ tà, súng đạn phải tránh né.
Những buổi sáng, nếu có Radiophoto, khi xong việc, hoặc ở lại sở phụ giúp một đồng nghiệp làm ca sáng, chờ tới trưa coi UPI có hình cần chuyển, hoặc theo ông Hưng, đồng nghiệp làm cho hãng AP tới văn phòng hãng này, ở tầng lầu phía bên trên passage Eden, nhìn bức hình Huỳnh Thành Mỹ phóng lớn treo trên tường, uống ly cà phê kiểu Mỹ, nói dăm ba câu tiếng Tây với Horst Fass, trưởng phòng hình ảnh, rồi cùng ông Hưng đi kiếm mấy cuốn truyện "série noire" của một tay bán sách dạo ở một con hẻm chật cứng giữa hai bức tường gần bên tiệm thuốc tây trên đường Tự Do. Trường hợp không có Radiophoto, thường ngồi trơ cu lơ một mình trong lúc chờ bạn bè tại một bàn tại góc quán Cái Chùa, mơ màng tự hỏi không biết sáng nay cô bạn có giờ học tại Văn Khoa hay không, mơ màng tưởng tượng chiến tranh rồi sẽ qua đi, cô bạn rồi sẽ gặp một người chắc chắn hơn hẳn mi: Một người hoặc không nợ nần gì cuộc chiến nên không bị nó hành hạ đến trở thành khật khùng, hoặc thừa thông minh, thừa khôn ngoan để cùng cô thoát ra khỏi, cho dù người đó có yêu thương cô hay không thì mọi chuyện cũng chẳng liên can chi tới mi.
Buổi tối hôm đó khi ở nhà cô bạn ra về đã quá giờ giới nghiêm, mi bị một người lính bất thần chặn lại, lúc đó mi như nhìn thấy nỗi chết hiện ra qua mũi súng đen ngòm ngó sâu vô mắt, mi như sống lại những kỷ niệm, cảm giác, lần đầu tiên xuống xe đò, Cai Lậy đã xế chiều và đang tan chợ. Mi ngu ngơ lạ hoắc giữa phố thị đang trong cơn hối hả thu dọn. Khi đi ngang qua cây cầu gỗ, bất thình lình đại bác từ chi khu bắn đi. Ầm một tiếng. Không gian chao đảo. Cây cầu gỗ run lẩy bẩy. Mặt nước sông nhăn nhó... Giây phút đó mi mới nhận ra một điều thật tầm thường là chiến tranh có thực, và những gì mi tưởng tượng ra về một cô bạn chưa từng gặp, tất cả đều có thực, ba mươi năm sau, mi mới hiểu ra, đó chỉ là một nửa ý nghĩa của thảm kịch...
Hoặc ba hoa trò chuyện chán chê với đám bạn bè cho tới khi không còn kiếm ra một câu nói thật độc địa, thật cay đắng về nhau, về một cuốn sách vừa được xuất bản, một bài thơ, một truyện ngắn vừa được đăng báo, tựu chung cũng chỉ để quên đi một chốc một lát, hoặc may lắm một nửa buổi không nhớ tới cô bạn. Rồi cũng tàn câu chuyện, đám bè bạn từng đứa bỏ ra về. Huỳnh Phan Anh có thể đã đến giờ lên lớp, có thể bực mình vì thằng bạn Bắc Kỳ đổi tên cuốn truyện, Thất Lạc thành Thật Lạt, nhại cách nói của dân miền Nam. Còn Nguyễn Xuân Hoàng có lần bỏ quán Cái Chùa đến cả tuần lễ, chỉ vì cũng vẫn thằng bạn khốn nạn bầy đặt viết bài phê bình, giới thiệu cuốn sách mới ra lò của anh, Sinh Nhật, bị đổi thành Sinh Nhạt, và bài phê bình mang tên Đi Tìm Một Chiếc Mũ Đã Mất, nhại theo Proust. Bao nhiêu năm trời nhớ lại mới thấy càng thù ghét cái phần thâm căn cố đế, cái bản chất thâm độc nơi đáy sâu thân thể, bao nhiêu năm tháng, mưa gió, khí hậu, con người, vùng đất hiền hòa không sao gột rửa nổi. Ba mươi năm sau mới thấy nhớ, thấy thương bạn bè, đứa còn đứa mất, chẳng đứa nào được may mắn với cõi sống, cõi viết. Nguyễn Đình Toàn ở Việt Nam, nghe nói mắt cũng đã mờ. Huỳnh Phan Anh vợ con vượt biển không được may mắn. Còn Nguyễn Xuân Hoàng bây giờ lại ôm lấy tờ Văn, chẳng biết có nên cơm cháo gì hay không...
Khi đã gần trưa, gã chuyên viên trẻ bèn ghé hãng, không biết làm gì xoay qua đổ xí ngầu với Tư Râu, người chuyên mang hình lên Đài để chuyển đi. Rồi cuộc chiến ăn sâu tới tận xương tận tuỷ Miền Nam. Có những lần Tư Râu phải chạy lên chạy xuống hàng chục bận, từ 19 Ngô Đức Kế - con phố nhỏ gần bờ sông, đâm ra Công Trường Mê Linh, có tượng Đức Trần Hưng Đạo tay chỉ hướng sông hướng biển khuyên con cháu sau này lấy "nước" mà dựng "đất", do vậy mà có dân tộc "Boat People"- tới Đài Liên Lạc Vô Tuyến Điện Thoại Quốc Tế, số 7 Phan Đình Phùng. Mỗi bận như vậy, có khi chỉ để mang một tấm hình vừa mới rửa xong, từng tấm một vì không thể chờ đợi, những tấm kia còn đang trong phòng tối, hoặc còn tươi mùi thịt sống, còn khét mùi bom đạn đang được cấp tốc từ chiến trường gửi về. Một lần trong khi chạy xe, anh may mắn chụp được hình, đúng ra là tử thi viên Bộ Trưởng Giáo Dục Lê Minh Trí, bị hai tay đi xe gắn máy thả một trái lựu đạn vô xe trên đường Nguyễn Du.
Huỳnh Thành Mỹ là nhiếp ảnh viên hãng AP đầu tiên bỏ mạng trong khi UPI, người đầu tiên bị cuộc chiến làm cho sống dở chết dở là Nguyễn Thành Tài. Anh là người giới thiệu gã chuyên viên trẻ cho UPI, ngay sau khi AP có mạch vô tuyến viễn ảnh. Một lần, vì quá đói hình, anh mò lên, nghe đâu khu Long Thành, gạ một người lính làm "người mẫu" cho anh chụp một série hình, cảnh một anh lính trúng đạn Việt Cộng, buông rơi súng rồi từ từ khuỵ xuống. Đối với một chuyên viên sử dụng camera, chuyện này quá thường, nhưng với một nhiếp ảnh viên, đây là một hành động đòi hỏi sự gan dạ, bình tĩnh, làm chủ bản thân, làm chủ tình hình... Bạn cứ thử tưởng tượng trong lúc súng nổ đạn bay mà cứ bình chân như vại, căn từng chút ánh sáng, lấy từng góc độ cho không phải một, mà năm, bẩy tấm hình nghệ thuật, chụp một người trúng đạn đang từ từ... từ giã cõi đời.
Hình đem về hãng, rửa ra, gây chấn động trong đám phóng viên, nhiếp ảnh viên UPI. Viên trưởng phòng hình ảnh tuyên bố, kể từ chiến tranh Algérie đến nay mới lại có một série hình độc đáo như vậy. Trước mắt, Tài được thưởng "Nhiếp ảnh viên số một trong tháng". Câu chuyện đúng ra không ngừng ở con số một đó, vì tiếp theo vinh quang, tiền bạc của ngày hôm nay, còn giải thưởng Pulitzer của ngày mai. Nhưng không ngờ khi hình được đăng lại trên báo chí Việt Nam, đám cảnh sát Tổng Nha ngửi thấy mùi là lạ qua cái tên Việt Nam, Nguyễn Thành Tài. Giá tên một nhiếp ảnh viên người Nhật, người Mỹ thì lại không sao. Họ bèn liên lạc với tiểu khu, nơi có trận đánh xẩy ra. Sau khi được xác nhận không có một trận đụng độ, chạm súng nào trong thời gian đó, họ sau cùng kiếm ra anh lính đã tử trận nhưng vẫn còn sống. Tài bị kết tội "phá hoại tinh thần chiến đấu của quân đội Việt Nam Cộng Hòa." Sau vụ đó, anh hết còn được UPI tin tưởng. Trong một lần theo hành quân, anh bị mảnh mìn muỗi cài giữa đám lá cây xớt qua mang tai, không may chạm dây thần kinh, trở thành ngớ ngẩn, sau cùng bị UPI cho thôi việc.
1996
"J'écris depuis que tu me lis
Les mots sont en retard sur nos vies"
Christian Bodin (L'inespérée)
(Tôi viết kể từ khi em đọc
Chữ sao muộn màng so với đời sống của chúng ta)
Đau khổ nhất là những ngày cô bạn đi lấy chồng. Vẫn những ngày tháng ngây ngô bên mớ máy móc, nghe tiếng người nói xôn xao từ những thành phố xa lạ phía bên ngoài địa ngục, qua đường dây điện thoại viễn liên, mơ màng tưởng tượng chiến tranh rồi sẽ qua đi, cô bạn rồi sẽ hạnh phúc, hạnh phúc... Hết còn nỗi ngây thơ tưởng mình ở trên cao, trên tận đỉnh cồn, thấy hết, hiểu hết. Vẫn những đêm dài điên cuồng đuổi theo bóng mình sợ hãi trốn sâu dưới đáy địa ngục, trong những hang cùng ngõ hẻm thành phố, chạy hoài, chạy hoài, không còn nơi để ghé, không còn chỗ để ngừng... Chỉ mong gặp lại những hồn ma quen, những gã phóng viên người Nhật, người Mỹ, hai gã chuyên viên Phi Luật Tân, để hỏi coi họ có còn luyến tiếc đất nước này hay không, chỉ muốn la lớn, tôi yêu em, tôi yêu em, cho cả thế giới, cả loài người đều nghe...
Cho người chết gật đầu thông cảm.
Nguyễn Quốc Trụ
Chú Thích: Cõi Khác, phần đầu [1969 (1)], là một ấn bản - version - "khác", của Kiếp Khác, đã đăng trong Những Ngày Ở Sài Gòn , tập truyện, nhà xb Đêm Trắng, Sài Gòn, 1970. Phần sau được viết tại hải ngoại, đã đăng trên một tờ báo địa phương ở Canada, sau trên Văn Học (Cali). Không nhớ rõ số mấy, ngày mấy.
_________________
Chuyện của Gấu
Gấu, Bắc Kỳ 54. Rời Hà Nội khi vừa mới biết yêu cái cột đèn, cái ngã tư, tiếng còi mười giờ chạy trên thành phố... Vào Nam, Gấu nhớ tiếng còi, nhớ cái tháp rùa đến ngơ ngẩn mụ cả người, bèn tự nhủ thầm, phải kiếm cho được một cô bé Hà Nội...
Cô là em của một người bạn học. Ông anh vợ hụt học dưới Gấu một lớp. Quen qua một người bạn, tên Uyển, hồi ở hẻm Đội Có, Phú Nhuận. Kỷ niệm lần đầu tới nhà cô bé, nghĩ lại thấy thật buồn cười.
Ông anh cô khi đó đang học Đệ Tam, ban toán, và ông đã ra câu đố: muốn gặp em tao thì phải giải cho được bài toán hình học này. Chẳng hiểu ông thực tình bí, hay là muốn thử tài, theo kiểu: mày có đủ sức chinh phục con em tao hay không? Hồi đi học, Gấu vốn nổi tiếng là một cây toán. Cô em cũng dân toán, sau học y khoa.
Lên đại học, ghi danh chứng chỉ Toán Đại Cương; tới kỳ thi, không hiểu bài toán muốn gì, Gấu nộp giấy trắng ra về!
Nhà nghèo, Gấu chỉ đủ tiền mua cours của giáo sư Monavon, mà không hề làm một bài tập nào.
Ôi, giấc mộng đã tan mà sao ảo tưởng vẫn còn!
Khi Gấu quen, cô bé mới mười một tuổi, chưa có núm cau. Chưa có gì, chỉ có một nỗi buồn Hà Nội, ở trong đôi mắt thăm thẳm.
Như lạnh lùng tra hỏi: anh yêu tôi hay là anh yêu Hà Nội?
Vừa ra ý ỡm ờ: anh yêu tôi, vì tôi độc?
Và đẹp?
Nhà cô bé giầu, Gấu sững sờ tự hỏi, tại sao lại có nỗi buồn như thế ở trong cô bé mới mười một tuổi?
Sau này thân rồi, cô tâm sự: đi học, H. chỉ có mỗi một cái áo dài trắng độc nhất. Có lần, H. nghe mấy con bạn nói đằng sau lưng: con nhỏ này nó làm bộ nghèo...
Lần cuối cùng gặp cô bé, khi mối tình đã tan vỡ. Cô lúc này coi Gấu như một người thân, nói: H. mới đi chợ cho mẹ, lỡ tiêu quá một chút, anh đưa H. để bù vô. H. rất ghét phải giải thích...
Em gái của cô, mỗi lần thấy bố vô phòng, là bỏ ra ngoài.
Lần cuối cùng hẹn gặp trước khi Gấu lấy vợ: cô đang học y khoa, ở tít mãi trong Chợ Lớn. Chỗ gặp mặt là một quán Tầu ngay Chợ Đũi. Gấu vẫn thường ngồi đó, chờ cô bé đưa em đi học tại một trường kế bên, rồi ghé. Cô em gái có lần thấy, đang bữa ăn chiều như nhớ ra, kêu "chị, chị ra đây em nói cái này hay lắm: buổi sáng em thấy chị đi với anh Gấu." Bạn bè, cô, và cô em gái vẫn gọi anh bằng cái tên đó. "Có thể bữa nào giận H. nó sẽ nói cho cả nhà nghe, nhưng cũng chẳng sao..."; Gấu ngồi chờ, cố nhớ lại những kỷ niệm cũ. Khi quá giờ hẹn 5 phút, anh bỏ đi.
Sau này, anh nghe cô kể lại: Bữa đó, trời mưa lớn, H. dội mưa chạy xe từ Đại học Y khoa, suốt quãng đường Chợ Lớn - Sài Gòn. Cũng biết là vô ích, vô phương. Lũ bạn nói, con này điên rồi. Tới nơi, đã trễ hẹn. Thường, em vẫn trễ hẹn, anh vẫn chờ (có lần anh nói anh có cả một đời để chờ...), nhưng lần đó, em hiểu.
Bữa đó, mưa lớn thật. Gấu đã đội mưa đi ra khỏi quán. Đi khơi khơi, không chủ đích, mơ hồ hy vọng những đợt mưa xối xả trên thành phố Sài Gòn xóa sạch giùm tất cả những kỷ niệm về một cô gái Hà Nội, độc, và đẹp...
Độc, là chuyện sau này, do Gấu tưởng tượng ra, khi đi tìm một cái tên, cho một cuộc chiến. Sự thực, những kỷ niệm về một miền đất, về một thành phố, và về cô bé, chúng thật đẹp.
"Suốt khoảng phố gần trường toàn nhà một tầng cửa gỗ lùa, lọt vào một nhà cửa sổ chấn song sắt luôn mở rộng. Có một lồng chim ngày nào đi học tôi cũng thấy treo phía ngoài. Chim gì chẳng đẹp. Trông như mớ cỏ rối. Nhưng tiếng hót thì trong veo. Trong. Và phấp phỏng như nắng thu đang do dự rây qua ngàn vạn lá xuống phố. Nhà ấy không bán hàng. Có những đứa trẻ ăn mặc đẹp hơn tôi, chân đi dép nhựa ra vào. Chúng đến đó học đàn. Chúng làm tôi tủi thân nhiều hơn là thẹn. Có một lần tôi bị tụt quai dép cao su và tôi chẳng còn cách nào hơn là lếch thếch xách cả dép lẫn cặp nhón nhén đi bộ trên hè phố trước mặt chúng nó.
Từ ngôi nhà chúng ra vào bay ra những hợp âm thô kệch, lập cập. Thua tiếng hót của con chim giống như nùi cỏ rối (...) Nhưng không hiểu sao tôi cứ buồn buồn khi nghe tiếng dương cầm vang lên lập cà lập cập dưới ngón tay bọn trẻ con không quen biết..."
"Có lần tôi nhìn thấy cô chơi đàn. Tôi không biết đó là bản gì. Nhưng tiếng pi-a-nô buổi tối thành phố lên đèn ấy tôi nhớ lập tức. Tiếng đàn mới cao sang làm sao. Trong vắt. Róc rách. Dường như những thân sao đen cao vút đang từ từ vướn lên, vòm lá mở ra để lộ một bầu trời đen thẫm, mịn màng như một đĩa thạch và chi chít sao."
"Chiến tranh đánh phá lần thứ hai. Có vẻ ác liệt hơn lần trước. Cũng có thể là vì tôi lớn hơn và biết sợ nhiều hơn trước. Chúng tôi lại đi sơ tán. Để lại Hà Nội những hầm công cộng dài rộng mênh mông, những hố tăng xê ngập nước ngày mưa. Để lại tiếng loa truyền thanh và tiếng còi báo động nghe hết hồn hết vía rú lên từ phía Nhà Hát Lớn..."
".... Hồi ức chiến tranh thường chỉ quẫy cựa khi đi qua Phố Huế. Một đứa lớp tôi chết ở đó. Vệt bom liếm hết nhà nó thì dừng và hôm đó là hôm nó về lấy gạo nuôi em."
"Đâu phải mưa ô buy... vào thành phố"...
Thi sĩ Thanh Tâm Tuyền có lẽ là người đầu tiên có những dòng thơ văn về Hà Nội. Câu thơ trên, Gấu chỉ nhớ loáng thoáng, trong tập Tôi không còn cô độc, đã một thời làm ngơ ngẩn cả đám.
Ngớ ngẩn, đúng hơn.
Số là Phạm Năng Cẩn rất mê câu thơ đó. Anh cứ ngâm đi ngâm lại khiến Nguyễn Quốc Sủng đâm ra thắc mắc, hỏi, mưa ô buy là mưa gì? Gấu nhớ là, bạn Cẩn ngớ ra, và... cương đại: mưa ô buy là một thứ mưa bụi (buy biến thành bụi), hạt lấm tấm như nhũ kim cương trên những chiếc áo Mùa Thu, Hà Nội!
Sủng coi bộ không hài lòng với một lời giải thích rất thơ như vậy. Một bữa, trong lúc cả đám vây quanh nhà thơ, anh hỏi. Thi sĩ trả lời: ô buy là một từ tiếng Pháp, obus. Mưa ô buy là mưa đại bác, mưa trái phá!
Gấu được đi học Hà Nội, là nhờ bà cô lấy chồng Pháp. Một kỹ sư Sở Hỏa Xa Đông Dương. Bà cô đẹp, cao, sang, không một chút liên can tới cái làng nghèo đói ven đê sông Hồng. Người ở đó không muốn bà về. Chỉ cần tháng tháng gửi tiền. Vì cũng là một người cùng làng, thằng cháu bị vạ lây, thời gian đầu sống với bà cô.
Có thể, lúc đầu bà cô chỉ nghĩ tới Gấu, do tội nghiệp. Chẳng bao giờ bà hỏi han. Gấu cũng chẳng dám đòi hỏi gì, ngoài hai bữa cơm, rồi lo đi học. Bà cho Gấu ở riêng một căn phòng kế bên nhà bếp. Không được bén mảng lên nhà trên.
Gấu chỉ có một bộ quần áo đi học. Mỗi lần giặt, ủi liền, cho kịp giờ đi học. Có những lần quá ướt, bàn ủi không kịp nóng. Cho tới một bữa, Gấu ỷ y, chạy ra ngoài, khi ngửi mùi khét thì đã xong một bên ống quần.
Đó là một villa trông ra hồ Halais. Nhà của hai ông Tây, đều kỹ sư Sở Hỏa Xa Đông Dương. Ông Tây già, là chồng bà cô. Chức vụ chắc thua ông Tây trẻ, vì ông này có tới hai người hầu: một người bếp, một người bồi. Ông Tây già ăn uống đều do bà vợ. Ông bếp già, vào những ngày cuối tuần, chủ đi chơi, thường dắt gái về nằm trong bóng tối hành lang phía trước. Mỗi lần như vậy, Gấu lén lên nhà trên, bò tới sát, chỉ cách bức tường, cánh cửa, rồi hồi hộp lắng nghe. Một lần cô gái làng chơi biết, nói: có người ở bên trong nhà. Ông bếp hừ, hai thằng bé, trời tối mịt, chúng nó chẳng thấy gì đâu.
Mỵ, là tên anh bồi. Gấu không nhớ tên ông bếp già. Ông rất thù ghét Tây, tuy làm bồi bếp. Gấu biết từng chi tiết chiến thắng Điện Biên Phủ, là do ông kể. Hiệp định Genève chia đôi đất nước, ông về làng, chắc chắn là khổ sở với quá khứ Việt gian. Gấu gặp cả hai vợ chồng anh Mỵ, và đứa con gái duy nhất mới sinh được vài tháng, ở Hải Phòng, những ngày chờ đợi tầu. Thằng em đã về quê, ở với bà vợ lớn.
Lần đó, anh Mỵ nói với bà cô. Bữa hôm sau, bà dẫn Gấu đi mua mấy bộ quần áo. Bà mắng: tại sao không nói. Thấy thằng cháu im thin thít, bà như hiểu ra, giải thích: Tao chỉ ghét mẹ mày. Cả làng cả họ cứ xúm vào gấu váy con mụ me Tây này.
Không những mắng, mà còn tát cho Gấu vài cái.
Đó là lần bà bắt gặp hai đứa, Gấu, thằng Hìu, em anh Mỵ, trời tối thui mà cũng cố căng mắt nhìn ra phía ngoài...
Lếch thếch xách dép, một kỷ niệm như vậy dù sao cũng dễ thương hơn nhiều, so với của Gấu, những ngày đầu học Nguyễn Trãi, với cái quần độc nhất, với đôi guốc lạch cạch nện trên đường phố, trong sân trường. Nhưng dù dép, dù guốc, cũng không bằng chân trần, lúc tan học, nhìn lũ bạn đứng từ ngoài liệng cả dép lẫn cặp vào tới tận gậm giường bên trong nhà, rồi theo nhau chạy ra bãi cát dưới chân cầu sông Hồng, hoặc lang thang bên dưới vòm trời thành phố. Và tiếng còi dễ thương đuổi theo Gấu suốt đời chưa biến thành ghê rợn, nhưng tiếng kèn đồng thê thảm từ một vũ trường gần bờ Hồ theo Gấu mãi, cùng với hình ảnh cô gái bán rau muống bị Tây hiếp đứng co ro cố túm chiếc quần còn rỉ dòng nước nhờn, khi nhìn thấy thằng nhỏ đi học đang bước tới, ngay gần nhà ở ngoại ô Bạch Mai, kế bên đường rầy xe điện.
"Vậy mà không hiểu sao đôi khi tôi cứ nghẹn ngào, không làm sao dứt đứt ra khỏi lòng dạ những xôn xao của cái thời ngốc".
Ngay khi từ biệt, Gấu đã biết, sẽ có ngày cô bé (Hà Nội?) trở lại, qua một hình bóng khác. Khó mà dứt đứt ra khỏi lòng dạ, một thành phố, một đoạn đời.
_________________
Viết mướn
Trước 1975, tôi là một cán sự kỹ thuật bưu điện, ra trường khóa đầu tiên, [hình như là năm 1960], làm việc tại Ty Trung ương Cơ xưởng Vô tuyến điện, số 11 đường Phan Đình Phùng, Sài Gòn, chuyên lo việc sửa chữa máy móc vô tuyến điện từ các đài địa phương gửi về. Lâu lâu, được phái đi các đài để sửa máy tại chỗ, do không thể chuyển về Sài Gòn. Sau hai năm, do biết tiếng Anh tiếng Pháp, tôi được chuyển qua bên quốc tế, làm việc cũng kế bên Ty Trung ương Cơ xưởng Vô tuyến điện, building số 7 Phan Đình Phùng. Đài Phát thanh Sài Gòn, tòa nhà số 5. Tôi đã có lần kể về những ngày Mậu Thân, đám biệt động thành chiếm Đài Phát thanh Sài Gòn, lính Dù được trực thăng đưa tới, từ trên đánh xuống, chung quanh Đài, xe tăng, thiết giáp vây chặt. Đài Vô tuyến Điện thoại Quốc tế, nơi tôi làm việc cũng lọt vào trong vòng đai. Thời gian đó, tôi có làm part time cho một cơ quan thống tấn quốc tế. Thế là tử thủ luôn tại Đài, chuyển hình chiến tranh đi khắp thế giới, cho tới khi trận kết thúc. Khi tiếng súng im hẳn, buổi sáng hôm đó, tôi lò mò hạ sơn [Đài VTĐ ở lầu trên cùng building năm tầng này], xuống tiệm phở 44 Phan Đình Phùng ở phiá bên kia đường, làm một tô điểm tâm, hình ảnh còn đọng lại mãi cho đến bây giờ, là một
chiếc rép râu, trên mặt đường phía bên ngoài tiệm phở. Chủ nhân của nó, là một xác người nằm trong nhà để xe, nơi lính Dù kéo vô chất thành đống chờ dọn dẹp, chuyển đi nơi khác, trả nhà để xe lại cho những chiếc xe đạp, xe gắn máy, của nhân viên Đài Phát thanh Sài Gòn. Nói là nhà để xe, nhưng thực sự chỉ là một khúc lề đường được lợp tôn, chăng kẽm gai, theo kiểu dã chiến.
Vào những năm sau cùng của Miền Nam Cộng hòa, tôi xin chuyển về làm ngay tại Bưu điện chính Sài Gòn, phía bên cạnh Vương cung Thánh đường. Chuyên lo về kiểm tra tần số vô tuyến điện, và liên lạc với Cơ quan Viễn thông Quốc tế, trụ sở chính tại Genève.
Dài dòng như vậy, để xin thưa một điều, là những phòng ốc, hành lang bên trong Bưu điện, tôi rất rành rẽ. Văn phòng Tổng Giám đốc Bưu điện nằm ở lầu hai, kế ngay bên chiếc đồng hồ lớn. Thời gian ngay sau khi ông Diệm đổ, ông Tổng Giám đốc Bưu điện cũ đi theo, ông Điều, thầy dậy bưu điện của tôi, lên làm Tổng Giám đốc, học trò cũ của ông là lũ chúng tôi vẫn thường lên gặp thầy tại đây. Đứa mè nheo xin nhà, đứa xin đi nước ngoài tu nghiệp. Từ đó, theo hành lang có thể đi ra phía sau, và đi ra cổng sau Bưu điện, nằm trên đường Hai Bà Trưng. Đây là con đường ra vô hàng ngày của nhân viên Bưu điện.
Sau 1975, tôi đã có lần phải “thoát ra” ra phía cổng sau, bằng con đường này.
Nói rõ hơn, trước 1975, văn phòng của tôi, là ở bên trong Bưu điện. Sau 1975, văn phòng của tôi, là vỉa hè phía đằng trước Bưu điện. Cái duyên nợ của tôi với Bưu điện quả là tuyệt vời. Không có thời gian làm Đài Vô tuyến điện Quốc tế, và nhân đó làm thêm cho hãng tin UPI, tôi không có cơ hội làm quen Châu Văn Nam, một nhiếp ảnh viên của hãng này. Sau 1975, nếu không làm chuyên viên vỉa hè Bưu điện, tôi không làm sao có cơ hội gặp lại anh, và từ đó, mới có chuyến vượt biên bằng đường bộ, qua Lào, băng qua sông Mekong, tới Thái Lan, vô nhà tù quốc tế Bangkok, vô trại tị nạn, và sau đó, tái định cư Canada, miền “đất lạnh tình nồng”, “miền đất hứa”, miền đất thiên đàng”… như một ông nhà văn Việt Nam cũng tái định cư tại đây đã từng ca ngợi, với một chuỗi tác phẩm có tên như trên.
Trở lại với những năm tháng sống bên vỉa hè phía bên ngoài toà nhà Bưu điện Sài Gòn. Đây đúng là nhà của cả nhà chúng tôi. Cả hai vợ chồng đều ra đây kiếm sống, nuôi bốn đứa nhỏ; hai đứa lớn, những lúc không tới lớp, thường ra đây phụ bố mẹ, nhất là trong những dịp lễ hội, Giáng Sinh, Tết… Có khi còn đem công việc về nhà làm, thí dụ như những ngày hội, cần hoa giấy, confetti, thế là cả nhà xúm nhau làm, có khi thức suốt đêm. Hay những ngày hè nắng gắt, đứa cháu lớn mở ngay bàn bán nước giải khát kế bên bà mẹ đang cặm cụi viết một bức thư cho khách hàng.
Người khám phá ra vỉa hè Bưu điện, là bà xã, tức nhà văn Thảo Trần, tác giả một vài truyện ngắn đã từng được bà chủ báo Sài Gòn Nhỏ cho đăng. Đó là thời gian sau khi tôi đi cải tạo về, không biết làm gì, bà xã một bữa đi đâu về, hớn hở nói, kiếm ra việc làm rồi. Tôi hỏi việc gì. Bà nói, viết điện tín, viết đơn mướn. Nhất là viết điện tín. Tôi trợn ngược con mắt, đã lé lại càng thêm lé, và hỏi lại:
“Viết điện tín? Làm sao cái có cái nghề gì kỳ cục vậy?”
Hóa ra là có cái nghề viết điện tín thiệt, ở ngay vỉa hè Bưu điện.
Thời gian này, đã có nhiều người vượt biển. Con số những người chết trên biển cả chắc là nhiều, nhưng người may mắn tới trại tị nạn, tái định cư đệ tam quốc gia cũng tăng lên. Thư từ, điện tín, rồi thùng quà theo nhau mà về. Gia đình thân nhân nhận xong thùng quà vội vàng chạy ra Bưu điện, nhờ một ông viết mướn đánh giùm cho một cái điện tín, đã nhận đồ. Với ông viết mướn, ba chữ “đã nhận đồ” đó biến thành một chữ, tính tiền cũng chỉ một chữ, đó là “danhando”.
Bởi vì tiếng Việt đơn vận, nên Bưu điện cho ghép như vậy. Tôi không nhớ, con số tối đa những mẫu tự được ghép. Nhưng quả là thật tuyệt vời, cái nghề tuyệt vời, nghề ghép chữ, những năm tháng đói khổ như thế đó, nhưng bây giờ nhớ lại, thật là tuyệt vời.
Quả là tuyệt vời, theo cả nghĩa tiếu lâm, tức cười của nó. Do không có dấu, cho dù nếu viết riêng ra, vẫn có thể hiểu theo nhiều cách. Đã có lần, trong phòng tranh của một họa sĩ, đám chúng tôi, khi đó còn là học sinh trung học, đã làm mấy cô gái đỏ mặt trước một bức tranh, vẽ ba người đàn ông, với lời chú không bỏ dấu, và nếu bỏ dấu, thì một trong những nghĩa của nó là như vầy: “Ba người nhóm cãi lộn”. Bởi vậy, có lần, tôi bị khách hàng mang bức điện đã gửi đi, được bà con của khách hàng ở nước ngoài gửi trả về, với lời chú: Đọc không hiểu gì cả.
Chính vì làm cái nghề ghép chữ đó, mà đám chúng tôi bị nhân viên bảo vệ Bưu điện làm khó dễ. Có lần tôi bị bắt, dẫn vô chính văn phòng ông giám đốc Bưu điện thuở nào, bắt ngồi đó, chờ mấy ông công an đến làm việc. Tôi đã men theo hành lang, chuồn ra cổng sau, ra trở lại phiá trước, và tiếp tục hành nghề. Đám bảo vệ không làm sao hiểu nổi, tại làm sao mà cái thằng mắt lé đó lại ra thoát được!
Tổng cộng tôi bị bắt hình như ba lần, đi cải tạo ba lần, về lại làm nghề viết mướn tiếp, cho tới ngày gặp Châu Văn Nam thì mới bỏ được Nghề Tổ Đãi đó.
© 2004 talawas