Tác giả & Tác phẩm
tháng 1&2.2018
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng
Dẫn nhập: Với cái nhìn chủ quan của người biên soạn, tuyển tập 300 tác giả và tác phẩm đơn thuần chỉ là công việc góp nhặt sỏi đá những tác phẩm tiêu biểu một thời của những tác giả tiền chiến, hậu chiến, trước hay sau 75 của hai miền Nam Bắc, trong nước cũng như ngoài nước, già hoặc trẻ, cũ hoặc mới. Tác giả và tác phẩm được góp mặt mỗi tuần theo thứ tự họ hoặc tên qua mẫu tự A, B, C… Xin thành thực cám ơn những tác giả có mặt trong tuyển tập nhưng vì trở ngại thông tin, chúng tôi đã không thể xin phép quý vị trước khi đăng tải.
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng
Phùng Thành Chủng (II)
Tiểu sử:
Hiện đang sống ở Hà Nội. Tác phẩm Gọi hồn
Ngụ ngôn mới
Vọng núi
Sử học với giáo dục
Mục lục:
Chị dâu tôi
Bà tôi
Phụ đính truyện ngắn:
Phá giới
Nghiệp chướng
Chiếc tay nải mầu vàng
Bán khoán
Người khôn ngoan
Thợ nồi đất
Phụ đính chuyện chớp:
Thời
Bố
Trả công
Người em
_____________________
Chị dâu tôi
Ngày 13 tháng 2 năm Tân Mão (1951), bố tôi cùng với 14 người nữa ở làng bị giặc Pháp đưa lên núi Voi xử bắn! Hồi đó anh tôi mới lên 5 tuổi; còn tôi, phải 3 tháng sau mới kịp cất tiếng khóc cho sự có mặt của mình trên cõi đời này...
Mẹ tôi kể: ...
Đêm trước bộ đội ta về đánh bốt Hoàng Xá. Do chuẩn bị không chu đáo và thiếu sự phối hợp chặt chẽ, nên trời đã gần sáng mà vẫn không dứt điểm được, phải rút ra. Tuy không hạ được bốt, nhưng bọn địch trên đồn phải một phen hoảng loạn. Trận ấy, 3 tên- trong đó có tên thượng sĩ Lâm khét tiếng tàn ác đã phải đền tội. Về phía ta, chỉ có một người bị thương nhẹ...
Để trả thù, sáng hôm sau bọn lính trên đồn kết hợp với bọn lính kéo đến chi viện tổ chức một cuộc càn quét vào cái làng nhỏ bé nằm dưới chân núi Voi quê tôi. Chúng thoải mái cướp bóc, đốt phá bởi không gặp phải một sự kháng cự nào. Cuối cùng, vì bị chúng nghi đã dẫn đường cho bộ đội chủ lực về đánh bốt đêm trước- 15 con người, trong đó có bố tôi bị chúng bắt đi. Thực ra chỉ có bố tôi được “cài cắm” lại làm nhiệm vụ theo dõi việc bố phòng, ăn ở, đi lại, sinh hoạt của địch, còn 14 người là bị bắt oan.
...Đêm hôm đó nghe một loạt súng nổ. Sáng hôm sau, bọn lính trên đồn chõ loa xuống thông báo cho người nhà những người bị bắt lên núi Voi lấy xác. Không thấy xác bố tôi và xác anh Nhàn! Nhưng nghe có tiếng như tiếng người rên, mẹ tôi và mấy người trong họ vội chia nhau bổ ra các phía để tìm. Vì vọng núi, đứng ở đầu này thì nghe tiếng rên ở đầu kia, nhưng khi đến nơi lại nghe như ở chỗ khác. Việc tìm kiếm càng trở nên khó khăn khi tiếng rên mỗi lúc một thưa dần, yếu dần... và cho đến chiều tối hôm đó thì mọi người hoàn toàn thất vọng khi không còn nghe thấy tiếng rên nữa! Không ai để ý một điều là không thấy người nhà anh Nhàn lên lấy xác. Mãi mấy hôm sau mới biết anh Nhàn chỉ bị gãy hai dẻ xương sườn, tối hôm đó anh bò được về nhà. Gia đình anh giấu không cho ai biết và đã chuyển anh đi ngay trong đêm để chạy chữa (mãi mấy năm gần đầy ông Nhàn mới chết). Còn bố tôi, mẹ tôi bảo: Sau khi bị bắn, chắc cũng chưa chết, nhưng khi tìm đường mò về làng thì bị lăn xuống hang, uống vực,...
Vậy là bố tôi đã phải chết đến hai lần trong đau đớn và đói khát! Mà đã yên đâu- bởi sau khi bố tôi chết- ở dưới hang sâu, liệu bố tôi có được lũ chuột bọ buông tha?! Giá như bố tôi chết ngay sau loạt đạn của kẻ thù! Giá như...
Mặc dù 45 năm đã trôi qua, nhưng mỗi khi nghĩ đến cái chết của bố tôi, tôi lại vô cùng đau đớn và không cầm được nước mắt...
Từ đó, mẹ tôi lấy ngày 14 tháng 2 (một ngày sau hôm bố tôi bị bắn) làm ngày giỗ bố tôi.
Năm đó, mẹ tôi mới 27 tuổi.
***
... Mấy năm sau thì hòa bình lập lại. Mặc dù có rất nhiều người mối manh, khuyên mẹ tôi bước đi bước nữa, nhưng mẹ tôi quyết tâm ở vậy thờ chồng nuôi con. Vì điều kiện kinh tế khó khăn, hơn nữa những năm đó cả tỉnh mới có một trường cấp 3, nhà tôi lại cách thị xã hơn hai chục cây số nên học hết cấp 2 (lớp 7), anh tôi phải nghỉ học ở nhà làm ruộng. Được mấy năm thì xẩy ra sự kiện vịnh Bắc bộ. Tiếp đến là cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ. Mười năm hòa bình như một sự nghỉ ngơi, lấy sức. Thanh niên lớp này, lớp khác đi bộ đội vợi làng. Anh tôi nhập ngũ đầu năm 1966. Vì được báo trước, mẹ tôi đã kịp lo cho anh một người vợ- cả ăn hỏi, cưới xin chỉ trong vòng có mười ngày trước ngày anh lên đường. Người được mẹ tôi chấm làm dâu là chị Mừng. Chị Mừng hơn tôi hai tuổi, người cùng làng. Bố mẹ mất sơm, chị được ông chú đưa về nuôi từ nhỏ, Nhà chú thím cũng nghèo, lại thêm đông các em nên học hết lớp 4 (hết cấp một lúc đó), chị phải nghỉ học để phụ giúp chú thím. Chị không đẹp nhưng ưa nhìn. Mẹ tôi bảo chị có cái duyên của người con gái...
Mặc dù không có sự tìm hiểu trước, nhưng cả anh tôi và chị Mừng không ai có ý phản đối việc xếp đặt của hai bên bố mẹ. Hôm chạm ngõ (trước lễ ăn hỏi), mẹ tôi mua năm chục bánh gai, dẫn anh tôi đến cho chú thím chị Mừng và chị Mừng nhận mặt. Suốt buổi trong lúc mẹ tôi nói chuyện với chú thím chị Mừng, thì anh tôi- từ lúc đến cho tới lúc về- ngồi yên một chỗ, chán nhìn xuống đất lại ngước mắt lên nóc nhà đếm dui. Chị Mừng xách được ấm nước lên, rót mời mẹ tôi rồi vội vàng chạy tọt xuống bếp. Có lẽ cho đến khi cưới, duy nhất có một lần anh tôi và chị Mừng dám đi với nhau, ấy là lần hai người mượn xe đạp lai nhau ra trụ sở ủy ban đăng ký.
Đám cưới anh tôi là đám cưới đần tiên hồi đó được tổ chức theo đời sống mới. Đơn giản mà vui! Tất cả đều do đoàn thanh niên đứng ra lo liệu. Không ăn uống, chỉ có trầu cau, trà thuốc. Thuốc cũng chỉ có ba tút- hai tút được mua theo tiêu chuẩn đăng kí kết hôn, một tút theo tiêu chuẩn giấy gọi nhập ngũ. Hàng chữ Vui duyên mới không quên nhiệm vụ cắt bằng giấy vàng, dán trên vải đỏ được căng ở vị trí trang trọng phía trước rạp, nơi đặt bàn thờ tổ quốc. Chính quyền địa phương, các cơ quan đoàn thể đều cử người đại diện đến căn dặn, chúc mừng. Các em thiếu niên cổ quàng khăn đỏ, hàng ngũ chỉnh tề, dưới sự hướng dẫn của các anh, các chị phụ trách cũng đeo trống ếch đến góp vui. Sau tiệc trà là phần văn nghệ. Cũng có người dẫn chương trình, cũng đơn ca, độc tấu, ngâm thơ... Đủ các tiết mục. Người dự, người đến xem, vì thiếu bàn ghế, đứng xếp lớp vòng trong vòng ngoài. Ai cũng bảo: Từ trước tới nay chưa có đám nào đông và vui như đám cưới anh tôi...
Tối hôm ấy, sau khi khách khứa về hết, mẹ tôi tắt đèn, ý tứ giục tôi đi nghỉ. Vẫn nghe lịch kịch bên ngoài, mẹ tôi trở dậy: Thôi, còn gì để đấy mai dọn con ạ...- Tôi nghe mẹ tôi nói với chị Mừng. Đến lượt anh tôi loanh quanh như gà mắc tóc- hết vào nhà lại ra sân- Khi chị Mừng đã vào buồng...
Hôm sau, tôi thấy mẹ tôi có vẻ buồn. Sau này, tôi mới biết- sáng hôm đó, khi vào nhà tắm, mẹ tôi đã phát hiện ra chị Mừng đang trong thời kỳ có kinh.
Ba ngày sau, anh tôi nhập ngũ.
***
Sau 3 tháng huấn luyện ở Nho Quan- Ninh Bình, anh tôi còn được về nhà 12 ngày trước khi đi B. Suốt thời gian đó, mẹ tôi bắt chị Mừng nghỉ việc để anh tôi và chị có nhiều thì giờ gần nhau. Biết những món thường ngày, trước đây anh tôi vẫn thích ăn, tự tay mẹ tôi đi chợ mua, rồi cũng lại chính tự tay mẹ tôi nấu nướng. Thấy tôi cứ quẩn bên anh tôi, kéo tôi ra chỗ vắng, mẹ tôi bảo:
- Con phải để anh, chị con tâm sự với nhau. Có 12 ngày phép...
Tôi cãi:
- Không lẽ anh Lượng (Lượng là tên anh tôi) là của riêng chị Mừng?!
Mẹ tôi nhìn tôi như hóa đá, gương mặt bệch ra...
Tôi có ngờ đâu đã vô tình chạm vào nỗi đau của mẹ. Bởi có người mẹ nào không muốn được gần con mình trước lúc chia xa? Nhưng... những chuyện đó, phải sau này- lớn thêm chút nữa tôi mới hiểu, còn lúc đó nào tôi đã biết gì đâu?!
Sau ngày anh tôi trả phép một tháng, mẹ tôi mừng ra mặt, thì ra, mẹ tôi ngỡ chị Mừng đã có mang. Không hiểu sao lần ấy chị lên tháng! Sau khi thấy chị có kinh trở lại mẹ tôi buồn suốt mấy ngày.
Cũng năm đó, tôi tốt nghiệp cấp hai và tiếp tục được học lên vì huyện tôi bắt đầu có trường cấp ba. Mẹ tôi lấy cớ: Đêm nằm tôi hay ghếch gác làm mẹ tôi mất ngủ, bảo tôi sang buồng bên nằm với chị Mừng. Tôi biết, mẹ tôi muốn lấp đi sự trống vắng, giúp chị khuây khỏa nỗi nhớ anh tôi...
Thời gian đầu thỉnh thoảng anh tôi còn có thư về. Nhưng rồi những lá thư cứ thưa dần, thưa dần. Được một năm thì bặt tin! Căn cứ vào ngày tháng trên mỗi lá thư thì lá thư cuối cùng được anh viết tháng 2 năm 1967. Thếp giấy mẹ tôi mua, dành để viết thư cho anh, chị Mừng chưa kịp dùng hết! Mấy lá thư sau này mẹ tôi bảo chị viết cho anh, không thấy hồi âm...
Tôi đã có những dấu hiệu đầu tiên ở người con gái đến tuổi dậy thì. Tôi không cho mẹ tôi biết, chỉ nói với chị Mừng. Và những chuyện khác nữa của tuổi mới lớn! Đối với tôi, chị còn là một người bạn (hiểu theo cả nghĩa tuổi tác). Nghĩa là- với chị- tôi không phải giữ ý, giữ tứ, hoặc cảm thấy khó nói hoặc có những chuyện còn phải giấu giếm như với mẹ tôi....
Hàng ngày, ngoài thời gian học tập, tôi cùng chị tham gia công việc đồng áng và những sinh hoạt đoàn thể. Những năm tháng đó, không ai có thì giờ nghĩ nhiều đến cái riêng của mình. Vậy mà tôi đã làm một việc dại dột để sau đó phải ân hận mãi và tôi sẽ còn phải ân hận suốt đời. Đó là lần, tôi bỗng thấy lòng rạo rực khi cảm thấy được bằng khứu giác hương thơm tỏa ra từ da thịt chị. Đêm đó có trăng, ánh trăng chảy qua cửa sổ vào màn như đồng lõa. Sau lần vài mỏng, những đường nét trên thân thể chị hiện lên lồ lộ. Rất bản năng, bất ngờ tôi lùa tay vào những vùng cấm trên người chị mò mẫm, sục sạo.
Đang ngủ- như choàng tỉnh, chị hoảng hốt lôi tay tôi ra đập đạp xuống giường và trách cái cô này! Tôi không nói gì, chỉ cười rúc rích rồi ngủ thiếp đi... Bỗng nhiên, sau đó tôi thức giấc vì cảm thấy dưới lưng- chiếc giường thỉnh thoảng lại rung lên nhè nhẹ. Tôi tỉnh hẳn ngủ khi phát hiện ra chị Mừng đang khóc. Chợt hiểu ra tất cả- nhưng làm như không biết, tôi trở mình, quay lưng về phía chị và cố thở ra đều đều như vẫn ngủ say. Nhưng thấy chị thôi khóc. Lát sau chị lặng lẽ trở dậy. Tiếp đến tôi nghe tiếng gàu múc va vào thành giếng và tiếng xối nước ào ào...
Sáng hôm sau, tôi cứ nghĩ chị sẽ trách tôi về việc làm đêm trước, nhưng không thấy chị nói gì. Chị lại vui vẻ như không có chuyện gì xảy ra.
***
Năm 1973, đột nhiên anh tôi lại có thư về. Chị Mừng đạp xe hơn ba chục cây số xuống tận trường Cao đẳng sư phạm Thường Tín- nơi tôi đang học- để báo tin cho tôi. Vậy là anh tôi vẫn còn sống. Khỏi phải nói nỗi vui mừng của mẹ tôi, của tôi và chị Mừng. Nhưng, giá như không có lá thư ấy...
Tháng 9 năm 1975, gia đình tôi nhận được giấy báo tử anh tôi. Theo đó, được biết anh hi sinh ngày 30-3-1975 tại Buôn Ma Thuột- đúng một tháng trước ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Mẹ tôi ôm lấy chị Mừng mà khóc. Mẹ tôi khóc nhiều lắm- vì thương anh tôi và cả vì thương chị Mừng. Mẹ tôi bảo: Bố tôi mất, mẹ tôi còn có anh tôi và tôi trong bụng. Nhưng chị...
Tôi kịp nhận ta một sự trùng lặp. Năm đó, chị Mừng cũng đúng 27 tuổi.
... Cũng năm đó, tôi tốt nghiệp ra trường và được phân công về dạy ngay gần nhà. Năm sau tôi lấy chồng. Anh là kỹ sư, người xã bên, công tác ở phòng nông nghiệp huyện. Nhà anh đông anh em, nên khi anh đặt vấn đề, tôi lấy cớ mẹ tôi già yếu, yêu cầu anh gửi rể. Lúc đầu anh còn phản đối, với lý do đã có chị Mừng. Nhưng, thấy tôi kiên quyết, cuối cùng anh đã nhượng bộ. Vì sự kiện này, chị Mừng phải nhường cho vợ chồng tôi cái buồng chị đang nằm, dọn sang nằm với mẹ tôi. Cõ lẽ, mâu thuẫn nảy sinh từ đó...
Sau ngày được tin anh tôi mất, chị Mừng trở nên khác hẳn. Chị sống lặng lẽ, lủi thủi như một cái bóng. Mẹ tôi cũng chỉ biết có chị. Hình như hai con người ấy dựa vào nhau mà sống. Còn tôi, tôi chỉ đơn giản nghĩ rằng: Người chết thì đã chết rồi, có thương nhớ suốt ngày, thì anh tôi cũng không vì thế mà có thể sống lại được. Phải lo cho hiện tại. Trong việc này, chồng tôi luôn giữ một khoảng cách cần thiết đúng với vai trò rể là khách của mình. Tôi cảm thấy không khí trong gia đình thiếu sự hòa đồng. Đã có sự tách biệt giữa một bên là vợ chồng tôi và một bên là mẹ và chị.
.. .Vốn vô tư, bộc trực, tôi thường biểu lộ tình cảm với chồng tôi một cách ồn ào. Thấy thế, nhằm lúc chỉ có mình tôi, mẹ tôi bảo: Vợ chồng còn sống với nhau suốt đời, những lúc có chị con ở nhà, phải có ý, có tứ... Tôi không cãi lại, chỉ nghĩ là mẹ tôi lạc hậu, cổ hủ. Nhưng đến khi chồng tôi cũng nói với tôi như vậy, và- trước mặt chị- Anh cố tình lảng tránh sự săn sóc của tôi, thì tôi cảm thấy vì chị mà hạnh phúc của vợ chồng tôi không trọn vẹn...
Cho đến lần tôi nghe người ta nói chị có quan hệ thì thụt với tay Viên...
Viên đã có vợ con. Là người cùng xã chồng tôi. Năm 1976 anh ta đưa vợ con vào Lâm Đồng xây dựng vùng kinh tế mới, vì hàng hóa hai miền chưa lưu thông, anh ta vẫn lợi dung ra vào buôn bán. Không hiểu nguyên do từ đâu mà hai người quen biết và bắt bồ bới nhau?!
Tôi đem chuyện đó nói với mẹ tôi. Không nhờ mẹ tôi bảo nó đẻ tao sẽ ở với nó. Cái nhà này chia đôi, cho nó một nửa...
... Những lời đồn đại về chị là có thật. Thời gian sau, chị xin phép mẹ tôi dọn về bên nhà chú thím. Tôi không có nhà. Mẹ tôi đôi mắt đỏ hoe, đưa cho tôi mảnh giấy chị viết gửi lại
Cô Mai,
Chị đã xin phép mẹ dọn về bên nhà. Đáng lẽ phải đợi cô về, nhưng vì có việc vội, không chờ được, mong cô thông cảm. Nói với cả chú Phong như thế giúp chị. Cuối cùng, chúc cô chú vui vẻ, hạnh phúc.
Chị Mừng
Có lẽ việc chị dọn về bên nhà chú thím làm mẹ tôi phải nghĩ ngợi nhiều. Mấy tháng sau, mẹ tôi lâm bệnh và qua đời. Được tin, chị vội vã về chịu tang. Nhưng cả tôi, cả anh em họ hàng đã thống nhất không xé khăn cho chị. Bất chấp những cái nhìn ghẻ lạnh của mọi người, chị lăn xả vào ôm lấy quan tài mẹ tôi mà khóc. Nhẫn nhục cho đến khi lo xong công việc cho mẹ tôi, chị mới ra về...
Ít lâu sau, nghe tin chị theo tay Viên vào Lâm Đồng. Người ta bảo: Chú thím chị không được một cơi giầu chạm ngõ...
... Bỗng một hôm tôi nhận được một bức điện khẩn đánh đi từ thành phố Vinh:
Cô Mai
Khả năng chị không qua được. Cô vào ngay bệnh viện X, thành phố Vinh, hỏi thăm bác sĩ Lan khoa hồi sức cấp cứu...
Chị Mừng
Tại sao chị lại nằm ở bệnh viện X, thành phố Vinh? Lúc đầu tôi đã định không đi vì nghĩ giữa tôi và chị đã không còn tình cảm gì nữa. Nhưng chồng tôi khuyên: Nghĩa tử là nghĩa tận..., hơn nữa- đường từ nhà tôi vào Vinh cũng không xa lắm, nên cuối cùng tôi đã quyết định đi. Lúc tôi đến nơi, chị Mừng đã đang ở trong tình trạng hôn mê. Bác sĩ Lan trao cho tôi chiếc túi du lịch và một phong thư: Chị ấy nhờ tôi chuyển những thứ này cho chị. Khi tôi hỏi lý do của việc chị phải vào viện, bác sĩ tiếp: Sợ chị không đến kịp, những gì cần nói chị ấy đã nói và nhờ tôi viết hộ trong thư. Chị cứ đọc khắc rõ...
Linh tính như báo cho tôi biết là có việc hệ trọng. Tôi run run mở phong thư đã được thả vào phong bì, dán kín, bên ngoài ghi sẵn địa chỉ của tôi mà bác sĩ Lan trao cho:
Cô Mai!
Trên chuyến tàu ra Bắc, chị bị bọn trấn lột đâm trọng thương khi chị hô hoán và giành giật lại chiếc túi du lịch đựng hài cốt anh Lượng. Các bác sĩ cho biết vết thương của chị khá nặng! Sợ không chờ được đến lúc cô vào chị đã gửi bác sĩ Lan chiếc túi du lịch, nhờ chuyển cho cô. Nhận được thư này, cô thu xếp vào ngay đưa anh về...
Chị Mừng
Trời!- Tôi nhào đến bên chị. Hãy tha thứ cho em chị Mừng ơi! Nước mắt của sự hối hận của tôi ướt đầm ngực áo chị. Nhưng... chị đã chẳng còn bao giờ nghe được những điều tôi nói...
Hôm đí là ngày 27 tháng 3 năm 1978.
***
... Tôi đã đưa anh chị về yên nghỉ bên cạnh mẹ tôi. Từ đó đến nay, ngót 20 năm đã trôi qua, nhưng mỗi khi nghĩ về những hy sinh mất mát của những người vợ, người mẹ như mẹ tôi, như chị Mừng, tôi không khỏi luôn luôn có mặc cảm của kẻ có lỗi.
Tôi đã làm được gì cho cuộc đời này?!
_________________
Bà tôi
Bà tôi được truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.
Cháu tôi hỏi:
- Bà gọi là bà?
- ừ, bà gọi là bà, bà nội.
- Thế bố cháu?
- Bố cháu là chắt gọi là cụ, cụ ngoại.
- Còn cháu?
- Cháu là chút gọi là kỵ…
Ngừng một lát như để ghi nhớ những điều vừa hỏi, nó tiếp:
- Bà ơi, thế kỵ làm gì mà được phong anh hùng?
- Vì kỵ có một người con trai độc nhất là liệt sĩ!
- A, vậy là cháu biết rồi – nó reo lên – vậy cháu là chắt gọi liệt sĩ là cụ ngoại. Bố cháu là cháu gọi liệt sĩ là ông ngoại; còn bà… bà là… con của liệt sĩ.
- ừ bà là con…
- Thế mà chẳng bao giờ cháu thấy bà nói chuyện về cụ, về kỵ…
- Lâu quá rồi! Bà cũng quên mất…
Không nhận ra có điều gì đó không bình thường trong câu trả lời của tôi, cháu tôi hồn nhiên:
- Thế cụ hy sinh năm nào hả bà?
- Năm 1950!
- Năm ấy cụ bao nhiêu tuổi?
- Hai ba tuổi!
- Còn kỵ? Kỵ mất năm nào?
- Sau đó bốn năm!
- Năm đó kỵ bao nhiêu tuổi?
- Bằng tuổi bà bây giờ…
- Bằng tuổi bà là bao nhiêu?
- Năm mốt (51)!
- Năm mốt – nó nhẩm tính- vậy nếu còn sống thì năm nay kỵ cũng chỉ mới ngoài chín mươi…
- Còn sống thì năm nay kỵ chín lăm (95); cũng gần trăm tuổi rồi…
- Giá như kỵ còn sống để biết mình được phong là anh hùng bà nhỉ?
- ừ, giá như kỵ còn sống…! – Tôi lặp lại những lời của đứa cháu mà thấy tim mình như bị ai bóp chặt và nước mắt cứ chực trào ra…
***
Bà tôi bị quy là địa chủ và bị xử bắn trong cải cách ruộng đất! Không hiểu nghe ai xui khôn xui dại, mẹ tôi đã tố bà tôi: “Thủ đoạn bóc lột người làm của mụ rất tinh vi, xảo quyệt! Mụ luôn lấy tấm gương “thờ chồng nuôi con” của mình ra để ngăn cản không cho tôi tái giá, nhằm mục đích biến tôi thành một người làm việc kiêm đứa ở không công trong nhà!”.
… Hơn bốn mươi năm đã trôi qua, bây giờ ngồi hồi tưởng lại, những kỷ niệm đau buồn – vết thương lòng của một thời – nhờ thời gian đã kịp kéo lên một lớp da non, lại tấy lên nhức nhối như mới hôm nào! Nói thế chẳng để oán hận ai, bởi tôi cũng không còn muốn nhớ và nhắc lại những chuyện ấy nữa, mà nhớ và nhắc lại chỉ là sự bất đắc dĩ phải nhớ và nhắc lại, vậy thôi!
Bố tôi hy sinh trong chiến dịch Biên giới khi tôi mới ba tuổi! Thời gian còn chưa đủ để cho bà tôi có thể nguôi ngoai thì năm sau tiếp đến cái chết của ông tôi! Làm nghề thuốc, chuyên bốc thuốc trị bệnh cứu người, nhưng rốt cục ông tôi đã không thể cứu được mình thoát khỏi lưỡi hái của tử thần, bởi sự buồn phiền trước cái chết của bố tôi đã khiến căn bệnh nan y của ông tôi tái phát!
Sau hai cái tang gần như cùng một lúc, bà tôi nằm liệt giường mất mới tháng! Vừa vục dậy được, có người đến rỉ tai là có mấy nhà ở làng đang muốn bán ruộng với một cái giá rất phải chăng, bà tôi liền quyết định bán căn nhà ở phố phủ vốn là cửa hàng thuốc của ông tôi cộng với gánh hàng xén của mình và số vốn liếng dành dụm được trước đó để tậu ruộng! Bà tôi không ngờ rằng những người bán ruộng cho mình đều là những nhà có con em ở vào những cương vị cao trong hàng ngũ cách mạng, nên biết trước được tình thế, họ đã bán tống bán tháo số ruộng đang canh tác để chạy… làng…
Như vậy, tính đến khi bị quy là địa chủ và bị xử bắn, bà tôi mới chỉ là địa chủ được trên dưới ba năm! Lý do mà họ đưa ra là nhà chỉ có một lao động (người ta không tính mẹ tôi, bởi mẹ tôi cũng coi mình là người bị bà tôi bóc lột) mà có hơn chục mẫu ruộng – là người nhiều ruộng nhất làng và do đó cũng là người có nhiều người làm thuê nhất làng!
Trước đó, cũng không nghĩ là mình có thể bị bắn, nhưng lo tôi sẽ theo mẹ tôi “cắt đứt” với bà, nên một lần bà đã gọi tôi lại ướm thử: “Mẹ cháu bảo mấy hôm nữa sẽ về đón cháu đi đấy!”. Tôi đã bảo bà: “Không! Cháu sẽ không đi đâu cả, cháu ở với bà…”. Bà đã âu yếm kéo tôi vào lòng, xoa đầu khen tôi ngoan, hứa sẽ mua cho tôi một bộ quần áo mới để mặc tết, rồi cả hai bà cháu ngồi ôm nhau khóc! Tôi không ngờ (và bà tôi hẳn lại càng không ngờ) đó cũng là lần cuối cùng hai bà cháu còn được ngồi với nhau!
Sau đó, bà tôi đã gửi tôi về bên ngoại, cách nhà tôi chừng hai cây số nhờ các ông cậu, bà mợ trông nom. Về sau tôi mới biết là trong thời gian đó bà tôi đã phải chịu đựng biết bao nhiêu là nhục nhã, ê chề! Không kể ruộng đất, toàn bộ của nả, từ thóc lúa, con trâu, cái cày cho đến cái chổi cùn, cái rế rách trong nhà tôi đều bị tịch thu. Năm gian nhà ngói và ba gian nhà ngang trên mảnh đất mười hai thước được chia cho ba hộ thuộc thành phần bần cố nông. Bà tôi bị giam lỏng một nơi, có dân quân canh gác; đi đái, đi ỉa phải xin phép và phải chào hỏi, vâng dạ, phải xưng con và phải kêu là ông, là bà với tất cả những người mình gặp kể từ đứa trẻ con còn ẵm ngửa trở đi…
Ngày bà tôi bị bắn, như có linh tính mách bảo, tôi từ bên ngoại trốn về. Đến nhà, không thấy bà đâu lại thấy nhà cửa tan hoang như vừa bị mất cướp, tôi bất giác oà khóc bởi nỗi sợ hãi là tai hoạ đã giáng xuống đầu bà tôi; rằng đúng vào lúc bà tôi cần đến tôi thì tôi lại không có mặt và tôi đã vĩnh viễn mất bà! Đúng lúc đó thì một “ông” dân quân vai đeo súng dẫn hai người đàn ông đã đứng tuổi (sau này tôi mới biết một người cũng bị quy là địa chủ, còn một người làm nghề thầy cúng) đi vào. Theo lệnh của “ông” ta, hai cánh cửa sổ buồng nhà tôi được tháo xuống và mỗi người một cánh mang đi. Tôi vội chạy theo:
- Sao các ông lại tháo cửa nhà tôi?
“Ông” dân quân quay lại:
- Nhà nào của nhà mày! Đây là nhà của nông dân! – Rồi ông ta nhìn tôi cười nhăn nhở – mà… tháo hai cánh cửa này… là… tháo cho… bà mày đấy!
- Bà tôi đâu?
- Ơ…! Thì ra mày vẫn chưa biết gì thật à! Có muốn chia tay bà mày thì ra đồng Trước…
Đồng Trước! Bà tôi ra đồng Trước làm gì? Và người ta đang làm gì bà tôi ở đồng Trước? Tôi vội hớt hải chạy theo…
Cánh đồng Trước vừa gặt xong còn trơ gốc rạ, bây giờ là cả một biển người với cờ, loa, khẩu hiệu; với cả rừng những cánh tay giơ lên, hạ xuống và những tiếng hô: “Đả đảo! Đả đảo! Đả đảo” trong niềm phấn khích của đám đông nghĩ là mình đã đổi đời!
Tôi đến nơi đúng lúc người ta vừa thi hành án xong với bà tôi và Toà án nhân dân cách mạng đã tuyên bố kết thúc phiên toà. Đến đây, tôi mới hiểu hai cánh cửa sổ được mang ra đây để làm gì! Một cánh thay cho tấm “địa”, một cánh làm tấm “thiên” rồi với hai vòng thừng hai đầu và một chiếc đòn tròn (một loại đòn được dùng để gánh rạ), ông địa chủ và ông thầy cúng mỗi người một đầu – theo lệnh của “ông” dân quân – hai người khiêng xác bà tôi ra bãi tha ma! Nghĩa tử là nghĩa tận, ngoài việc dành cho bà tôi hai cánh cửa để làm “cỗ áo”, người ta còn chứng tỏ lòng nhân đạo bằng việc đốt cho bà tôi cả một bó nhang!
Với ai đó thì “chết là hết” nhưng số bà tôi còn khổ cả sau khi chết! Vốn người thấp, bé nhưng vì hai cánh cửa sổ quá ngắn, nên suốt dọc đường đi mái tóc và hai chân của bà tôi, đoạn từ đầu gối trở xuống cứ lê thê quết đất! Khi chỉ còn cách bãi tha ma một đoạn, bó nhang phía đầu “áo quan” bỗng nhiên bùng cháy và bén vào tóc bà tôi. “Ông” dân quân liền lệnh cho hai người hạ bà tôi xuống, và thật bất ngờ khi “ông” ta chỉ vào ông thầy cúng rồi chỉ vào đám tóc đang cháy của bà tôi ra lệnh:
- Thằng này! Đái…
Ông thầy cúng lắp bắp mãi mới thốt được nên lời:
- Dạ… thưa ông… con… con không mót!
“Ông” ta liền quay sang ông địa chủ:
- Thằng này…
Cùng lúc, nhận ra đũng quần của ông địa chủ đã ướt sũng, “ông” ta liền xăm xăm tiến đến trước mặt bà tôi và vén quần lên…
Tôi vội nhào đến và chỉ kêu được hai tiếng “Bà ơi” rồi không biết gì nữa…
***
Do có một người tham gia cách mạng và lại là liệt sĩ, nên trong sửa sai, gia đình tôi được xếp thuộc diện “địa chủ kháng chiến”. Năm gian nhà ngói và ba gian nhà ngang trên mảnh đất mười hai thước được trả lại. Trả giá cho lỗi lầm của mình, mẹ tôi đã tìm đến cái chết, nhưng không dám chết ở làng mà ra Hà Nội, tìm đến tận hồ Hale tự tử…
Bà tôi được truy tặng danh hiệu: “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.
Anh hùng? Không! Bà tôi không phải là anh hùng, cũng như trước đây bà tôi không phải là “cường hào ác bá”! Có gì mà “cường hào ác bá”! Bà tôi chỉ là một người phụ nữ Việt Nam như bao người phụ nữ Việt Nam bình thường khác! Vậy xin hãy để cho linh hồn bà tôi được yên nghỉ, bởi tôi muốn mãi mãi bà tôi vẫn chỉ là… bà tôi thôi!./.
___________________
Phụ đính truyện ngắn
Phá giới
Câu chuyện bắt đầu cách đây 4 năm.
... Buổi sáng hôm đó, vừa vực dậy được sau một trận ốm "thập tử, nhất sinh", Phùng đột nhiên bảo vợ:
- Tôi không thể ở với "người" được nữa! "Người" hãy buông tha cho tôi... Y nói như trong cơn mê sảng. Thoạt nghe, Thắm hơi ngớ người vì sự xưng hô lạ tai ấy. Phải mất một lúc lâu sau đó, thị mới tin vào những điều nghe được, và hiểu rằng y muốn nói gì...
- Tôi đã có điều gì không phải, để mình giận tôi? - thị nhẹ nhàng.
- Không! Tôi mắc nợ "người" 20 năm chung sống và... 2 đứa nhỏ để lại cho "người" trước lúc ra đi...
- Mình đi đâu?
- tôi đi ở chùa!
"ở chùa?" - Thắm bỗng giật mình sợ hãi, với ý nghĩ: "Người sắp chết, thường dở chứng, hay là...?".
Nhưng...
Như đã sắp đặt việc đầu tiên Phùng lẳng lặng đi kiếm lá đun một nồi nước xông. Xông xong, y lấy luôn nước đó để tắm. Rồi, thay một bộ đồ mới, đeo lên vai chiếc tay nải đã được chuẩn bị từ trước, vẻn vẹn chỉ có hai bộ quần áo, y đến trước Thắm:
- Ơn "người"! - Y nói, đầu hơi cúi, cử chỉ của kẻ sám hối...
Vẫn lặng lẽ theo dõi những việc Phùng làm, đến lúc này Thắm mới giật mình hoảng hốt. Thị sụp xuống:
- Mình sao thế? Mình không thương tôi thì thương lấy hai đứa nhỏ. Tôi xin mình...
Nhưng, Phùng đã ra tới cửa.
Vừa lúc đó, hai đứa con y cõng nhau đi chơi chạy về:
- Bố!
- Ðứa chị khoảng 11, 12 tuổi, ngước lên vừa thở, vừa hỏi.
Trong khi đó, thằng em quãng 4, 5 tuổi, đã nhìn thấy chiếc tay nải đeo trên vai Phùng. Nó nhoài người, rời hai tay khỏi vai người chị, chới với reo lên:
- Bố! Bố đi đâu? Cho con theo với...?
Phùng ngoái lại, gương mặt không biểu cảm, gần như lạnh lùng. Y nói với Thắm nửa trách móc, nửa cầu khẩn, nhưng dứt khoát:
- Tôi đã nói rồi! Kìa... "Người"...
***
Trụ trì ngôi chùa làng là một vị hoà thượng không có tuổi và không có giới tính. Sau khi nghe chuyện Phùng trình bày nguyện vọng muốn được xuống tóc quy y, nghĩ vợ chồng y có chuyện "cơm không lành, canh không ngọt", vị hòa thượng đạo cao, đức trọng đã ôn tồn khuyên y nên trở về với cuộc sống gia đình. Nhưng y khăng khăng xin ở lại. Phủ phục xuống chân hòa thượng, y lảm nhảm về những tội lỗi của một tâm hồn yếu đuối như y và cầu mong được giác ngộ.
- "Nam mô a di đà phật! Người đã tự đến. Thôi, ta cũng để người tự đi..." - Cuối cùng, hòa thượng đã phải nói với y như vậy, và để y ở lại...
... Ngày ngày, công việc của Phùng là gánh nước, bổ củi... và trông nom mấy sào vườn trồng thập cẩm đủ các thứ: sắn, rong giềng, chuối, khoai lang. .. ở sau chùa. ăn uống đã đành là kham khổ, còn không đủ no, Phùng sút đi nhanh chóng. Nhưng, vượt lên tất cả, y tìm thấy hạnh phúc trong sự giải thoát...
3 tháng
6 tháng
1 năm
Rồi 2 năm...
Bây giờ, thì thời gian đủ để vợ con Phùng và cái cộng đồng làng xã của y phải mặc nhiên công nhận y là người của nhà chùa.
... Cho đến một lần, thấy Phùng, lầm lũi ngoài vườn, tự đọa đày mình dưới trời mưa rét, hòa thượng động lòng trắc ẩn - nghĩ thời gian thử thách đối với y như thế là đủ, và đã có ý định sang hạ, sẽ chọn ngày để xuống tóc cho y - công nhận y ở thứ bậc thấp của kẻ tu hành, ấy là vào thời gian của những ngày đầu tiên bước sang năm thứ 3.
Nhưng điều đó chưa kịp thực hiện đã không bao giờ được thực hiện!
Một chuyện bất ngờ xảy ra chỉ cách cái thời điểm hòa thượng đã định để xuống tóc cho Phùng (nhưng chưa cho y biết) có mấy tiếng đồng hồ!
... Ðó là đêm mồng 7 rạng mồng 8 tháng 4 âm lịch (ngày bụt sinh, bụt đẻ). Vào quãng quá canh 3, Phùng trằn trọc không sao ngủ được. Y thấy tâm không tĩnh và lòng không định. Trời xui, đất khiến thế nào, để Phùng sực nhớ ra trước đây y cũng đã có một gia đình. Vợ y không đẹp lắm, nhưng đựoc cái dễ coi. Và hai đứa con thì kháu khỉnh...! Phùng đã phải trở dậy lên chùa, ra vườn, đi quanh sân, cầu cứu đến đức Phật Tổ, nhưng tất cả những câu tụng niệm giờ đây đối với y thoắt bỗng trở thành vô nghĩa! Cuối cùng, thì việc gì phải đến, sẽ đến. Không cưỡng nổi được lòng mình, Phùng đã len lén vượt qua bức tường bao xây quanh chùa mò về làng. Lại một lần nữa vượt tường rào để vào nhà. Y đánh lửa châm đèn và nhìn quanh một lượt. Quang cảnh vẫn như xưa. Không có gì thay đổi. Vẻ quạnh quẽ, bừa bộn. Và tất cả, sau 3 năm, hầu như đã mang lại một màu sắc mới. Chiếc giường kê ngoài nhà, trước đây vẫn dành cho hai đứa con y, bỏ trống. Phùng cầm đèn vào buồng. Lòng bấn loạn y tiến về phía chiếc giường mà vợ chồng y vẫn nằm, vừa quen thuộc, vừa lạ lẫm. Nhẹ nhàng kéo màn, Phùng giơ cao đèn. Trong cùng là đứa con lớn. Thằng nhỏ nằm giữa. Và... Thắm, Thắm nằm nghiêng, mặt ngoảnh ra ngoài, ngay sát chỗ y đứng. Người nóng bừng, Phùng rụt rè đặt tay lên vai thị lắc nhẹ. Thắm choàng dậy, hốt hoảng và sau đó là ngơ ngác khi đã nhận ra y. Phùng ra hiệu cho thị đừng để các con thức giấc. Qua ánh mắt, cử chỉ của ngôn ngữ đực, cái, thị đã hiểu... và lẳng lặng theo y xuống bếp. Ngọn lửa đèn bị tắt phụt, cả hai quấn chặt lấy nhau... Thắm nhanh chóng quỵ xuống, là người trong tay Phùng, để y đỡ nằm xuống nền bếp. Cuống quýt. Tìm nhau. Ðến khi cả hai buông nhau ra, Phùng bấy như con cua lột vỏ, trong khi Thắm nghiêng người, quàng tay, kéo y xích vào lòng mình, giọng phấn hứng: "Lâu rồi... mình khoẻ thế!". Phùng im lặng, không nói gì. Y thấy sượng sùng.
- Pinh... Po... ôông... Pinh... Po... ôông...
Tíếng chuông báo giờ hoà thượng dậy tụng kinh buổi sớm, từ chùa vọng đến làm Phùng sực tỉnh. Y vùng dậy, hốt hoảng... Thắm nghe mơ hồ tiếng gàu vấp vào thành giếng, tiếng xối nước ào ào... Nhưng, chỉ đến khi nghe tiếng kẹt cổng, giật mình quơ tay không thấy Phùng, thì mới hoàn toàn tỉnh hẳn. Vẫn lại mớ tóc rối bù, thị ngơ ngác chạy theo:
- Mình...?
Nhưng, Phùng đã không nghoảnh lại. Y hấp tấp chạy đi như bị ma đuổi.
***
Phùng đã quỳ xuống ôm lấy chân hòa thượng vừa khóc lóc, vừa kể hết tất cả những gì đã xảy ra. Y tự nguyền rủa mình như một kẻ khốn nạn, và cầu xin được hòa thượng tha thứ. Khẽ rùng mình, hòa thượng nghĩ đến cái thời khắc hệ trọng đã được quyết định, cũng chính là cái thời khắc này đây. Vậy mà bây giờ...!
- Nam mô a di đà Phật! Ðời là bể khổ!
Thoáng như sương khói một nét buồn trên gương mặt bình thản, hòa thượng không nói gì hơn và lặng lẽ quay gót.
... Những ngày sau đó, Phùng ở trong trạng thái suy sụp hoàn toàn. Y rũ xuống như một con thú bị trúng thương. Hỡi ôi! Còn sự trừng phạt nào ghê gớm hơn, khi mình đã mất đi lòng tin với chính mình? Ðể tự hành hạ, Phùng ăn rút đi và làm việc nhiều hơn. Y cố gồng mình lên, để gượng dậy. Nhưng, như một kẻ bao nhiêu năm nhịn ăn, nhịn mặc, tích cóp từng xu, từng đồng để làm giàu, giờ đây bỗng chốc cháy túi những đồng tiền kiếm lại đầu tiên quả là khó giữ! Ðược 6 tháng, sự việc lại lặp lại.
Lần này, hòa thượng đã ôn tồn khuyên y:
- Nhà ngươi còn nặng căn lắm! Âu cũng là nghiệp chướng, tránh sao cho khỏi. Vùng vẫy, dãy dụa làm gì vô ích. Ngươi nên trở về. Phật tại tâm. Thỉnh thoảng, những khi ngươi cần đến, ta vẫn sẵn sàng mở rộng cửa chùa. Phùng lại quỳ xuống ôm lấy chân hòa thượng khóc lóc. Y hứa nếu sự việc còn tái diễn, y sẽ không trở lại chùa. Và một lần nữa y lại xin hòa thượng tha thứ...
***
Câu chuyện rồi ra sẽ đến, nếu như không có cái buổi sáng (cách thời điểm Phùng mò về nhà lần thứ hai không lâu) hòa thượng bảo Phùng ra vườn cắt rau lang đi bán. Chưa đến 9 giờ y đã bán hết gánh rau. Ðang sắp quang gánh để về, thì những tiếng rao bán thuốc nam của một người dân tộc thiểu số làm Phùng chú ý. Theo như quảng cáo, thuốc của anh ta có thể chữa khỏi được nhiều thứ bệnh. Ðặc biệt, có một loại cao lá, nếu dán vào bộ phận sinh dục, có tác dụng diệt dục, dành cho những người vì lý do sức khỏe, và để đảm bảo tuổi thọ muốn cắt đứt những đòi hỏi sinh lý. Một ý chợt lóe lên trong óc Phùng, Y chớp lấy như kẻ chết đuối vớ được cái để mà bấu víu. Tim đập mạnh, y tiến đến chỗ anh chàng bán thuốc nam. Nhưng bỗng y chùn bước, ngần ngại... Y sợ mọi người quan chiêm! Dùng dằng mãi cho đến khi vãn chợ, và chờ cho anh chàng thuốc nam quảy hai bồ thuốc ra về. Phùng mới nhũng nhẵng bám theo. Khỏi chợ một quãng, khi không còn lo ai nhìn thấy, dấn lên và hỏi anh ta mua một lá cao...
Về chùa, Phùng dấu kín không nói gì với hòa thượng chuyện lá thuốc. Y lặng lẽ làm theo những gì đã được người bán thuốc nam chỉ dẫn. Mấy ngày sau, quả nhiên Phùng thấy trong người khang khác. Ra chỗ kín, xem thử, y thấy cái "đồ khốn nạn" đã bao nhiêu lần làm "khổ y", bây giờ teo quắt lại chỉ còn như một giải dọc mùng phơi héo. "Nó" không rụng hẳn, chắc vì còn một chức năng khác phải đảm nhiệm.
Phùng run lên vì sung sướng. Ngay đêm đó y mò về nhà. Lần này, không phải vì... lại bị "đồ khốn nạn" hành hạ, y trở về, với niềm tin kiêu hãnh, lòng tự tin, đòi được thách đấu... trong cơn phấn hứng hiếu thắng.
... Như có một phản xạ có điều kiện. Thắm lẳng lặng xuống bếp. Thị cười, bảo Phùng, giọng xuồng xã:
- Thế mà chả tu! Có... tu hú!
Phùng không nói gì. Y vặn cho ngọn đèn to hơn và vẫn đứng yên.
Thắm sẵng giọng giục:
- Không tắt đèn đi...
Phùng vẫn bất động. Thắm cảm nhận được ánh mắt lạnh lẽo của y "vuốt" dọc suốt thân thể thị. Thắm rùng mình. Linh tính đã báo cho thị biết có điều gì không bình thường, và rất bản năng, đang nằm ệch ở tư thế chờ đợi, thì chồm dậy quáng quàng vơ lấy đồng áo quần vừa trút ra...
Phùng đặt trả cây đèn xuống nền bếp. Hoàn toàn dửng dưng, y ngạo nghễ quay ra trong tư thế của kẻ chiến thắng.
***
... Chỉ có một điều Phùng không ngờ đến! Ấy là khi nhờ lá cao để chối bỏ tổ tông truyền của cõi trần tục, cũng chính là lúc y mất luôn khả năng ẩn ức để tìm đến với cõi niết bàn. Không về nhà, cũng không lên chùa. Bây giờ, người ta thấy y suốt ngày lang thang trên đường như một kẻ vô cảm...
___________________
Nghiệp chướng
Hoàn hơi bị ấm đầu, cho nên để phân biệt với những Hoàn khác, người ta gọi Hoàn là Hoàn âm lịch. Vì âm lịch Hoàn lấy vợ muộn- mãi đến năm Hoàn đã ở cái tuổi 37, lão Thủ (bố Hoàn) mới lo được vợ cho Hoàn. Vậy mà đến nay, 5 năm rồi vẫn không thấy vợ Hoàn chửa đẻ gì. Hoàn béo khỏe, Trâm vợ Hoàn (dưới Hoàn 5 tuổi) trái lại, trông cứ khô đét như người teo cơ...
Không biết bao nhiêu lần, lão Thủ giục Hoàn: Anh phải bảo chị ấy đi bệnh viện khám xem thế nào chứ! Hoàn chỉ ậm ừ. Nhiều lần như thế, lão Thủ phát cáu: Thế nào? Hoàn nhấm nhẳng: Chẳng có thế nào!- Chẳng thế nào mà đến bây giờ “nó” vẫn cứ đuồn đuỗn như con cá rô đực?! Hoàn không nói gì. Lão Thủ đấu dịu: Tôi với mẹ anh già rồi. Phận trai có mình anh, chứ... nếu được thằng nữa thì tôi mặc xác. Hoàn vẫn lì ra. Lão Thủ tức nghẹn họng mà không biết làm thế nào(!) Sốt ruột, nhằm lúc chỉ có mình Trâm, lão Thủ bảo thẳng:
- Tôi lấy vợ cho con để lo sau này có người nỗi dõi tông đường, trông nom giữ gìn đất hương hỏa, chứ không phải là... lấy về để làm cảnh!
Hơi bị bất ngờ, Trâm chưa nói gì, lão Thủ đã tiếp:
- Chị phải đi khám xem thế nào để... còn liệu. Đàn bà sinh nở có thì...
Lão Thủ chưa nói xong, Trâm đã bưng mặt khóc:
- Con khổ lắm bố ơi!
Lão Thủ ngờ ngợ:
- Sao...?
Trâm nghẹn ngào:
- Con và nhà con đã đi khám rồi...
- Khám rồi?
- Vâng!
- Thế...?
Trâm tức tưởi:
- Họ bảo... nhà con... bị... vô sinh...
Lão Thủ đứng lặng. Hai mắt trợn trừng, mồm lão như bị nhét giẻ- cứ há ra mà không kêu lên được! Ừ nhỉ, tại sao lão không nghĩ đến điều đó? Tại sao trước đây, lão chỉ lệch về một phía mà cho rằng Trâm chính là nguyên nhận của sự trục trặc, để đến bây giờ lão mới ngã ngửa người ra...?!
Thật trớ trêu, lão đã tính đến chuyện tìm một đám khác cho Hoàn. Vì vậy, để khỏi mang tiếng với làng nước là bỗng dưng giãy vợ cho con, lão đã rốt ráo giục Trâm đi khám để có cớ. Vậy mà...
Hốt hoảng lão chạy sang buồng bên:
- Này...!
Đang nằm trên giường, nghe lão gọi giật giọng, bà Thủ vội vàng ngồi dậy xớ rớ đưa đôi chân xuống đất quờ quạng tìm dép:
- Ông gọi tôi?
Lão Thủ đã đứng sừng sững trước mặt bà Thủ:
- Hỏng... rồi!
Bà Thủ ngây mặt. Lão Thủ tiếp:
- Thằng Hoàn nhà mình đi khám, người ta bảo... bị vô sinh!
- Vô sinh... là... là... thế nào hở ông?- Bà Thủ ngơ ngác.
Hai mắt lão Thủ như lồi ra khỏi tròng. Lão dằn giọng:
- Là không có con, là suốt đời làm ông mãnh, là... (đang định nói... là tuyệt tự nhưng lão đã kịp dừng lại)... là... thế chứ còn gì nữa!
Không ngờ bà Thủ thản nhiên:
- Ôi dào, nó không có con thì đã có con cái Kim. Tưởng gì...!
Không chờ để được nghe những câu như thế, lão Thủ rít lên: Đồ... ngoại bang! Và chỉ một chút nữa thì lão đã chồm đến bóp cổ con vợ khốn nạn đã trở nên vô tích sự không còn khả năng đẻ đái từ ngót hai chục năm nay! Lão nấc lên, nghẹn ngào như chính lão đang bị bóp cổ. Ôi! Giá như lão biết được sớm hơn thằng con lão như thế! Giá như lão còn trẻ... Lão chồm đến... Nhưng hai chân lão bỗng chới với như bị bước hụt. Mồm ú ớ, hai mép sùi bọt, lão từ từ khụyu xuống rồi đổ vật ra ngay dưới chân giường. Bà Thủ sợ đến ríu lưỡi:
- Trâm ơi...!
Đến lượt Trâm chạy sang hốt hoảng cùng bà Thủ bế thốc lão Thủ lên giường. Vội vàng lo mấy đồ đánh gió bọc vào chiếc khăn mùi soa, Trâm đưa để bà Thủ đánh gió cho lão. Được một lúc, chân tay lão ấm dần. Gương mặt đã thấy thần sắc của lão bỗng dưng động đậy. Lão từ từ mở mắt. Trâm nhẹ nhàng đặt một bàn tay lên trán lão. Ngước lên, nhìn thấy Trâm, lão Thủ chớp chớp đôi mắt đờ dại. Mồm lão mấp máy. Lão thảng thốt:
- Con ơi!
Bất giác, Trâm không cầm được nước mắt. Từ hai hố mắt già nua của lão Thủ những giọt nước mắt cũng ứa ra lăn xuống hai bên thái dương.
***
Kim- con gái lão Thủ lấy chồng đã từ hơn chục năm nay. Hai nhà tuy trong phố, ngoài làng nhưng cùng xã và cách nhau chỉ độ hơn cây số. Vợ chồng Kim mải làm ăn buôn bán, cả năm may ra được một lần- ấy là vào dịp tết nguyên đán, mới thấy vợ chồng con cái đặt chân đến cổng nhà ông bà ngoại! Nhưng độ này thấy Kim thỉnh thoảng lại đồng quà tấm bánh về thăm vợ chồng lão Thủ. Hai thằng con Kim, đứa lên chín, đứa lên năm, thì vài ngày một lần vào với ông bà ngoại. Mới đầu lão Thủ cũng vô tình không để tâm đến và coi là chuyện bình thường. Nhưng rồi lão ngợ ngợ, cảm thấy sự việc cứ như là được thực hiện theo một kế hoạch đã được sắp đặt từ trước (?!) Cho đến một hôm, vô tình lão nghe lỏm được cuộc đấu khẩu của hai đứa cháu ngoại ở sau nhà: Mẹ bảo bác Hoàn không có con. Ngày sau tao ở ngoài kia, mày ở trong này- Ứ phải! Em thấy bố bàn với mẹ là sẽ bán đi, mua miếng khác ngoài phố...
Thì ra thế! Thảo nảo...! Không muốn lộ cho hai đứa cháu biết mình đã rõ chuyện, lão Thủ giận sôi máu nhưng phải cố nén: Thì ra âm mưu của vợ chồng nó gớm thật. Để rồi xem vợ chồng nó giở những trò gì. Nhưng... ai đã nói với vợ chồng nó? Chờ hai đứa cháu về khỏi, lão Thủ túm ngay lấy bà Thủ: Ai đã đem chuyện thằng Hoàn nói với vợ chồng cái Kim? Bà Thủ còn đang ú ớ chưa biết trả lời ra sao, lão Thủ đã rít lên: Trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã tường. Cứ tin gái già, không khéo có ngày mất nước! Đúng lúc đó thì Hoàn đi đâu về. Nếu không sự thể không biết rồi sẽ ra sao...
Mấy hôm sau, hai đứa cháu lại dò vào, mang theo cả quần áo, sách vở: Bố mẹ chúng cháu bảo vào ở với ông bà ngoại cho vui. Hàng tháng, bố mẹ cháu sẽ gửi tiền và gạo vào... Lão Thủ điên tiết: Về bảo thằng Trọng Thủy với con Mỵ Châu nhà chúng mày, tao không phải như An Dương Vương. Từ rày trở đi, vợ chồng, con cái đừng có đặt chân đến cổng nhà tao làm gì cho bẩn. Xéo! Hai đứa cháu ngoại chẳng hiểu đầu đuôi ra sao, sợ quá bỏ cả quần áo, sách vở chạy mất...
... Mấy tháng sau, bỗng một hôm bà Thủ thì thầm với lão Thủ vẻ quan trọng: Này ông, hình như... con vợ thằng Hoàn nó chửa! Không ngạc nhiên, cũng không ra biết rồi, lão Thủ buông một câu: Thế à! Bà Thủ rụt rè: Tháng thứ ba rồi! Mà tôi để ý, thấy nó cứ khóc dấm, khóc dúi. Hình như... không phải là... nó “ấy” với thằng Hoàn! Lão Thủ trừng mắt: Ai bảo bà thế! Bà Thủ ấp úng: Thì... ông chẳng bảo với tôi... là thằng Hoàn...? Lão Thủ ớ ra...! Thật không may cho Kim đúng lúc đó bỗng dưng mò đến. Lão Thủ sực nhớ đã mấy tháng nay Kim mất mặt. Gần đây lão lại mấy lần thoáng thấy bóng Kim ngoài cổng nhưng vì lão ở nhà, Kim thập thò không dám vào. Cách đây mấy ngày, có việc đi đâu về, lão lại bắt gặp Kim từ trong ngõ đi ra. Loạn âm thật rồi! Lão Thủ quay sang Kim: Giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng! Cút! Kim há mồm vừa toan cãi lại, lão Thủ đã vào nhà vớ lấy chiếc điếu cày chạy ra...
Nhưng Kim đã không còn đứng ở đấy nữa...
***
Suốt thời gian Trâm có mang, Hoàn không ra vui cũng không ra buồn. Lầm lì, ít nói- thì vốn dĩ Hoàn vẫn lầm lì, ít nói. Chẳng có gì ở Hoàn chứng tỏ hạnh phúc của một người sắp được làm bố. Nhưng bảo Hoàn dửng dưng cũng không phải! Cứ như là chẳng có chuyện gì xẩy ra- như Trâm có mang hay không thì cũng thế! Hoàn hiện diện trong gia đình như một cái bóng. Gần đến ngày Trâm nằm chỗ, tất cả- từ tã lót, xô màn, cho đến quả chanh, lát cam thảo, vợ chồng lão Thủ đều phải lo liệu, chuẩn bị. Thì có ai bảo cho Hoàn biết(!) Mà những việc như vậy Hoàn đã được lo bao giờ?! Buổi sáng hôm Trâm trở dạ, Hoàn cũng không có nhà. Bà Thủ dìu Trâm đi trước, còn lão Thủ thì tay xách nách mang các thứ cần thiết, lếch thếch theo sau. Cũng may trạm xá gần nhà. Ra đến nơi, Trâm được đưa ngay lên bàn đẻ. Tất nhiên là lão Thủ phải đứng ngoài. Lòng dạ bồn chồn, chưa đến nửa tiếng đồng hồ mà lão Thủ ngỡ như nửa năm. Trâm đẻ ngay. Con so mà Trâm đẻ dễ quá. Vừa nghe tiếng Oa... oa...- Hình như chỉ chờ có thế, lão Thủ quên cả giữ gìn, vội vàng xô cửa bước vào. Người nữ hộ lý ngẩng lên, cười chia vui với vợ chồng lão:
- Mừng cho ông bà nhé! Cháu trai...
Trăm nghe không bằng một thấy, trăm thấy không bằng một sờ- Như để chắc chắn, lão Thủ run run đưa tay sờ chim đứa trẻ. Không còn nghi ngờ gì nữa, hạnh phúc thực sự đang ở trong tay. Lão Thủ ngẩng lên ngơ ngác- một lần nữa lão muốn kiểm tra liệu có phải lão đang mơ ngủ(?) Gương mặt lão bệch ra, đờ đẫn như gương mặt của kẻ mộng du. Thì đứa trẻ vẫn đang khóc ngằn ngặt! Bất giác, lão Thủ đưa hai tay ôm mặt, khóc tu tu...
Một tháng sau ngày Trâm đẻ.
... Sáng hôm ấy, nấu chín nồi cơm, bà Thủ vẫn không thấy lão Thủ dậy. Thường khi chỉ Hoàn là dậy sau cả nhà, còn cứ tầm bà Thủ hoặc Trâm dậy nấu cơm là lão Thủ cũng trở dậy quét dọn, xúc rửa ấm chén, hoặc cho lợn, cho gà ăn. Nhưng hôm nay...
Lúc đầu nghĩ có lẽ lão mệt, để cho lão ngủ, bà Thủ không gọi. Không ngờ lúc bà Thủ vào đánh thức lão dậy ăn cơm thì lão đã chết tự lúc nào!
... Buổi chiều hôm trước cúng mụ (đầy tháng) cho thằng Vỹ (tên lão Thủ đặt cho thằng bé), lão Thủ còn dặn bà Thủ đi chợ mua đủ 12 thứ quà và các thứ về để làm cơm. Hoàn đi làm vắng. Bà Thủ đi rồi, lão cứ quẩn quanh bên Trâm. Cuối cùng, lão rụt rè: Chị đưa tôi bế nó một tí! Trâm đưa thằng Vỹ cho lão. Tay lão run bắn. Gương mặt lão giật giật. Lão nhìn thằng bé như hóa đá. Có lẽ từ ngày Trâm đẻ, hôm nay lão mới được ngắm nó kỹ đến thế! Nhìn cử chỉ lão âu yếm thằng bé, trông cũng mủi lòng. Bỗng nhiên lão gục mặt xuống mặt nó. Hai vai lão run lên. Lão khóc nhưng cố kìm không để bật ra thành tiếng. Bất giác Trâm cũng cúi xuống nghẹn ngào...
Thằng Vỹ khóc thét lên, mặt nó đã nhòe nhoẹt nước mắt lão Thủ. Trâm vội vàng đón lấy thằng bé. Lão Thủ ngập ngừng như muốn nói với Trâm một điều gì đó nhưng lại thôi...
Lão có đau ốm gì đâu. Vậy mà...!
Ai cũng bảo lão trúng gió. Duy chỉ có một người ngờ ngợ về cái chết của lão. Ấy là Trâm...
50 năm sau...
Lão Thủ có ngờ đâu mảnh đất và dòng huyết thống mà lão quyết tâm bảo vệ bằng mọi giá, cuối cùng chỉ truyền được đến một đời. Năm 25 tuổi, Vỹ lấy vợ. Ngoài 30, vợ chồng Vỹ vẫn không có con. Khi đi bệnh viện khám mới biết... Vỹ lại vô sinh!
Sau khi vợ chồng Vỹ mất (trước sau một năm và cùng mới ở tuổi 49) vì vợ chồng Vỹ không có con, người ba họ- họ đằng bà Thủ, họ nhà Trâm, họ vợ Vỹ- tranh giành, kiện tụng nhau để được hưởng thừa tự miếng đất...... Trải qua bao nhiêu biến thiên dâu bể, đến nay không còn ai xác định được vị trí miếng đất ấy bây giờ ở đâu...
___________________
Chiếc tay nải màu vàng
Lảng vảng quanh khu vực nhà ga suốt buổi tối vẫn không “kiếm chác” được gì, Tiệm thở dài bước vào một tiệm giải khát. Y gọi một ly cà phê, một điếu thuốc lẻ, để lấy cớ ngồi nhấm nháp xem ti- vi giết thì giờ, chờ chuyến tàu ngược. Trên màn hình ti- vi của nhà hàng mở phục vụ khách uống lúc đó là cảnh sinh hoạt nửa văn minh nửa dã man của một dân tộc bán khai, trong bộ phim nhiều tập “Hình và Bóng”- một bộ phim tâm lý xã hội của nước ngoài đang được trình chiếu. Tuy chẳng hiểu gì, nhưng những hình ảnh nửa người, nửa thú trong phim làm y chú ý. Bỗng nhiên, bộ phim bị cắt ngang và xen vào mục thông tin, quảng cáo. Cùng nội dung với những dòng chữ hiện trên màn hình (kèm theo ảnh một người đàn ông) là giọng xướng ngôn viên:
Thông báo tìm người nhà.
Chồng tôi là Lại Văn Khứ, 55 tuổi, bị lẩn thẩn đã từ mấy năm nay. Thường bỏ nhà một hai bữa; chầy lắm một, hai ngày lại về. Nhưng lần này chồng tôi đi khỏi nhà đã nửa tháng không thấy quay lại. Đặc điểm, luôn mang theo bên mình một chiếc tay nải đã cũ, màu vàng (xem ảnh). Vậy ai biết chồng tôi hiện nay đang ở đâu, xin báo cho tôi theo địa chỉ:
Bà Nguyễn Thị Nhân
Phường X
Quận Y
Tỉnh Z
Hoặc cho con gái tôi là Lại Thị Hoa (cũng theo địa chỉ trên), gia đình tôi xin cảm ơn và hậu tạ.
- Đang xem hay thì...- Chắc có lẽ bực mình vì việc theo dõi bộ phim bị gián đoạn, ai đó phàn nàn.
- Có thế mới được ngồi xem không mất tiền- một người khác, vẻ hiểu biết hơn, lên giọng giảng giải.
- Thôi! Trật tự!- Một giọng như gắt, cắt ngang khi mục thông tin, quảng cáo chấm dứt và trên màn hình bộ phim lại được tiếp tục. Bỗng một hồi còi dài vọng đến, báo hiệu chuyến tàu ngược chuẩn bị vào ga, làm tất cả mọi người oà lên, không ai bảo được ai, nhốn nháo như ong vỡ tổ, Thoáng cái, quán vãn hẳn. Chỉ còn mấy người, chắc có lẽ đợi tàu xuôi ngồi lại. Những tiếp viên của nhà hàng vội vàng đi các dãy thu dọn, sắp xếp lại bàn ghế, chờ đợt khách mới. Làm như không quan tâm đến những điều đó, Tiệm uể oải đứng dậy lại quầy trả tiền rồi lững thững bước ra. Cả khu vực như bừng thức dậy, khác hẳn, so với sự yên tĩnh chỉ mấy phút trước đó. Trong nhà ga, chuông điện thoại đổ dồn. Trên sân, từng đám người tay xách, nách mang, vừa đi vừa chạy. Tiếng gọi nhau í ới. Rồi những quán gánh lưu động, cả hàng ăn, hàng uống cũng đã từ đâu xuất hiện. Những dãy đèn dầu đỏ quạch, tù mù (vì sợ ánh điện hắt ra không đủ sáng) trông như ma trơi. Và dàn ra, suốt một quãng dài hai bên đường tàu, ngoài khách đợi ngược, là những hàng bưng, hàng xách phục vụ khách đi tàu từ hoa quả, bánh kẹo, cho đến thuốc, nước. Đủ thứ. Như một con trăn khổng lồ, lúc này con tàu đang trên đà giảm dần tốc độ, rầm rầm tiến vào ga. Tru lên những nhịp còi ngắn, nó trèo trẹo nghiến bánh trên đường ray và thở ra phì phì. Tiếng rao, gọi, mời chào, những bóng người chạy đi, chạy lại, ồn ào, nhốn nháo, từ lúc con tàu còn chưa dừng hẳn. Như tức giận, khi phải dừng lại, thỉnh thoảng con tàu lại hộc lên... Tiệm trườn vào đám đông như một con rắn đi kiếm mồi. Vẻ lù đù trước đó biến mất. Y đã nhanh chóng trở thành một con người khác.
***
Còn cách biên giới một ga cuối, lão Khứ xuống tàu. Như vậy là lão đã xuống đúng nơi định xuống. Tại sao lão lần mò lên đây và lên để làm gì? Lý do nghe ra có vẻ rất đơn giản, ngẫu nhiên và tình cờ . Ấy là vào một buổi chiều cách đây nửa tháng- cũng như những lần trước đó, trong tâm trạng trống rỗng, lão lại khoác chiếc tay nải màu vàng, đã cũ của lão lên vai rồi lầm lũi ra khỏi nhà. Lão đi mà không cần biết đi đâu cũng như chẳng bao giờ lão ý thức được nơi sẽ đến. Lão bước đi lang thang, vô định. Chợt ý nghĩ về đứa con gái duy nhất rồi sẽ lấy chồng nay mai, còn lại hai vợ chồng già! Chẳng lẽ đến lúc đó, vợ chồng lão “phá” cho hết những gì không “mang” đi được rồi ngồi trông nhau chờ chết! Lần đầu tiên lão thấy cô đơn, trống trải và bị ám ảnh bởi một nỗi lo sợ mơ hồ... Chính vào lúc đó nỗi lo sợ đã gại vào một trong những nếp nhăn trí nhớ vốn từ lâu bị lãng quên của lão. Như que diêm được gại vào vỏ, một đốm lửa chợt bùng lên trong khoảng mù mờ của cõi tiềm thức, nhắc lão nhớ đến một địa danh. Ở đấy hơn 20 năm về trước lão đã có một gia đình. Hơn thế, lần đầu tiên lão có hạnh phúc được làm cha. Ở đấy lão đã để lại giọt máu của lão...
...Không tính đến sự thay đổi rất có thể xẩy ra sau bấy nhiêu năm xa cách, ý nghĩ đó cứ bám riết lấy lão, vô tình đưa chân lão ra ga. Vậy mà bây giờ, khi đã lặn lội lên đến nơi, lão lại không nhớ ra lão đang ở đâu, tại sao lão lên đây và lên để làm gì? Lão ngơ ngác nhìn quanh. Vừa từ trên tàu bước xuống, sự thay đổi không khí làm lão rùng mình vì lạnh. Mấy người bán hàng rong xúm đến. Không nói, không rằng, lão xốc lại chiếc tay nải trên vai, rồi men theo các toa, lão lầm lũi xuôi về phía cuối đoàn tàu...
Tiệm đi dọc theo các toa tàu như để tìm một lối lên. Y căng mắt ra quan sát, mong phát hiện một sự sơ hở, một tích tắc thiếu cảnh giác trong cảnh chen lấn, xô đẩy. Bỗng Tiệm thấy chếch ngay trước mặt, ở khuôn cửa phía trên, một cánh tay đeo “lắc” thò ra. Con tàu bất ngờ hú một hồi còi dài. Tiệm dấn lên, nhưng vừa nhớm tay định hành động, thì do nhìn ngang- tai đi trước- y không nhìn thấy một người khách đi ngược chiều và bị người này xô phải. Y vội rụt tay lại đúng lúc cái cánh tay đeo “lắc” thụt vào và con tàu đột ngột giật lên một cái rồi trôi từ từ trên đường ray... Bị buột mất con mồi, y tức tối quay ánh mắt sang kẻ đối diện. Chợt y sững ra. Đập ngay vào mắt y là một ông lão đeo trên vai chiếc tay nải màu vàng, nhắc y nhớ tới nội dung mẩu thông báo tình cờ thấy và nghe được trên ti- vi lúc ngồi trong quán giải khát. Lão đây chăng? Văng vẳng bên tai y những tiếng “cảm ơn”, “hậu tạ”. Ngoài ra, y chỉ nhớ loáng thoáng “bị lẩn thẩn...”, “chiếc tay nải màu vàng”... Trong đầu y một kế hoạch nhanh chóng được vạch ra. Nếu đúng lão là người đang được gia đình thông báo tìm kiếm trên ti- vi thì sẽ là một cơ hội để làm ăn. Y sẽ dụ lão về nhà. Rồi sau đó báo tin cho gia đình lão lên nhận và tìm cách “moi” tiền. Nhưng tên và địa chỉ của vợ con lão thì y đã quên khuấy! Y tặc lưỡi: “Mai xem thông báo lại trên ti- vi. Trước mắt phải “kiểm tra” xem có đúng lão không đã, để còn liệu”. Tên lão, y cũng không nhớ, nhưng có điều y chắc chắn hai chữ đầu phải là vần “khờ”. Hình như Kha hay Khá gì đó? Không phải! Hay là Khú là Khí? Gần như thế! Bộ nhớ của y được phấn khích bởi ý nghĩ là sắp “tóm” được tên lão. Trong lúc đó, ông lão đã né ra tránh đường, không nói gì và lại lầm lũi bước đi. Tiệm bước theo, vừa lúc bộ nhớ của y cũng đã “chạm” được vào tên lão.- Khứ! Đúng rồi! Khứ! Y vội vượt lên ghé sát vào mặt lão:
- Ai như bố Khứ?
Ồng lão dừng lại, nhìn y, gương mặt bệch ra, đờ đẫn. Tiệm nắm lấy hai tay lão lắc lắc. Y giả bộ mừng rỡ, reo lên:
- Bố thì không biết con nhưng con thì con biết bố- Rồi y liến thoắng- mấy tháng trước không có việc gì làm, con theo một toán thợ nề xuôi Z, làm chân phụ hồ cho họ. Mấy công trình cũng gần ngay khu vực bố ở. Vì thế hàng ngày con vẫn gặp bố đeo chiếc tay nải này trên vai đi “bát phố”. Có đúng không nào?
Một nụ cười bất chợt nở trên gương mặt đần độn. Lão Khứ gật gật đầu, Lòng Tiệm reo lên. Y tiếp:
- Lúc nãy con đã ngờ ngợ. Nhưng rồi con nhận ra ngay. Mà... bố lên đây có việc gì thế này?
Câu trả lời tự nhiên buột ra từ miệng lão Khứ:
- Lên thăm con!
Tiệm đưa đà:
- Con bố làm gì ở đây?
Lão Khứ cười ngớ ngẩn:
- Không biết!
Tiệm cũng cười theo. Vừa cười, y vừa kéo tay lão:
- Không biết thì làm sao mà bố tìm được! Với lại bây giờ khuya rồi mà bố đi một mình trên đường là nguy hiểm lắm. Mà đi đâu? Thôi, tốt nhất là bố về nhà con ngủ. Rồi mai tính sau...
Thấy lão Khứ vẫn ngần ngừ, Tiệm ngọt ngào:
- Nào, ta đi thôi bố!
Như thấy yên tâm, lão Khứ im lặng cất bước ngoan ngoãn đi theo Tiệm. Không ai ngờ rằng, hai con người ấy hoàn toàn không hề biết nhau. Trên đường đi, Tiệm hỏi những câu vớ vẩn để gợi chuyện, nhưng thấy lão Khứ không trả duyên, trả nợ gì, y lại thôi. Không ai nói với ai, hai con người- một già, một trẻ, đi bên nhau, lặng lẽ như hai cái bóng. Chiếc tay nải trên vai lão Khứ có vẻ nặng, cứ chốc chốc lại tụt xuống, làm lão phải dừng lại xốc lên. Những khi như vậy, Tiệm phải đứng lại để chờ. Đến đoạn đường tàu rẽ ra làm hai nhánh, chỗ người lái phải bẻ ghi để chuyển hướng con tàu hoặc cho tàu tránh nhau, chừng như đã thấm mệt, lão Khứ đột nhiên mở miệng:
- Anh mang giúp tôi một đoạn...
Vừa nói, lão vừa tụt chiếc tay nải khỏi vai. Nhưng khi Tiệm vừa đưa tay đón, nghĩ thế nào, lão lại thay đổi ý định:
- Thôi! Tôi mang được...
Một ý nghĩ chợt loé lên trong đầu Tiệm, dẫn đến sự thay đổi so với ý định lúc ban đầu. “Nhà y, hai vợ chồng, bốn đứa con, tổng cộng sáu cái tàu há mồm tất cả. Hàng ngày, chạy ăn còn chưa xong, đưa lão về nhà, rồi lấy gì mà nuôi lão? Vay mượn! Liệu sau đó gia đình lão trả cho được bao nhiêu mà vay mượn? Không khéo có khi còn lỗ tiền cơm”... Và, y đi đến một quyết định: “Giết lão Khứ, chiếm đoạt chiếc tay nải”. Quãng này đã cách nhà ga một đoạn khá xa, nhưng ánh sáng ngọn đèn điện từ một cột đèn gần đó hắt tới làm Tiệm do dự. Y nhìn quanh, không một bóng người. Tiếng chim kêu đêm bay ngang qua báo hiệu trời đã gần sáng. Bỗng y phát hiện ngay phía trước mặt, có những kiện hàng to xếp chất ngất hai bên đường tàu, tạo ra những khoảng tranh tối, tranh sáng rất thuận lợi cho y hành động. Y vượt lên, làm như cần đi tiểu tiện. Lão Khứ vừa thất thểu đi tới, y rút ngay con dao dắt sẵn trong người nhằm phía ngực trái của lão, dồn hết sức mạnh vào tay cầm dao, thọc luôn một nhát...
Vì quá bất ngờ, lão Khứ không kịp kêu lên một tiếng. Lão nghiêng người, đổ vật về một bên. Chiếc tay nải tuột ra khỏi vai lão. Trước cái chết quá đột ngột, lão không cảm thấy đau đớn. Lão có cảm giác giống như đang ở trong trạng thái chuẩn bị bước vào giấc ngủ. Cho nên, khi chiếc tay nải tụt khỏi vai, lão có cảm tưởng như vừa trút được một gánh nặng. Lão còn kịp nở một nụ cười...
Rút dao ra, gỡ tay lão để lấy chiếc tay nải và chùi con dao còn ấm, nóng máu lão vào đó, Tiệm lẩm bẩm: “Đúng là một thằng điên!”.
... Đến nhà. Run run, Tiệm kéo miệng chiếc tay nải, dốc ngược. Vẻ thất vọng hiện rõ trên gương mặt y. Ngoài mấy đồng bạc lẻ, chỉ thấy... giấy và... giấy! “Đúng là một ngày xúi quẩy!”- Tiệm rủa thầm trong miệng và vơ tất cả nhét trả lại vào chiếc tay nải. Không còn một thứ giấy tờ gì mà lão không mang theo. Từ giấy khai sinh, văn bằng chứng chỉ tốt nghiệp các cấp, chứng minh thư, đến giấy đăng ký kết hôn, sổ mất sức, giấy chứng nhận sở hữu nhà đất và... cả một lá số tử vi. Thôi thì đủ thứ...! Đáng lẽ Tiệm đã hoả thiêu tất cả, nhưng đến phút chót y đã giữ lại chiếc tay nải, bởi ý nghĩ: Những giấy tờ đại loại như thế của y còn đang nhét xó, nhét xỉnh, cũng phải có một chỗ chứa phòng khi cần đến. Nghĩ thế, y để lại chiếc tay nải rồi lục tìm các thứ giấy tờ của cả nhà nhét tất vào...
...Ba năm sau.
Vào một buổi chiều, có một người đàn bà lạ mặt, khoảng ngoài 50 tuổi tìm đến nhà Tiệm:
- Anh là anh tiệm, con bà Lương?
- Phải!- Tiệm cộc cằn đáp lại.
Khách vẫn dịu dàng:
- Bà đi đâu rồi anh?
- Bà hỏi mẹ tôi?
- Vâng!
- Mẹ tôi chết lâu rồi! Mà... bà cần gì?
Khách thở dài tỏ vẻ ái ngại. Rồi bà chậm rãi:
- Thôi, thế thì tôi nói chuyện với anh...
Rồi bà cho biết , Tiệm chính là con riêng của chồng bà. Cách đây mấy năm, ông đã nói cho bà biết điều đó và vì ông bà chỉ có với nhau một mụn con gái, cho nên ông đã viết sẵn một bản di chúc chuyển quyền sở hữu tài sản cho TIệm được thừa kế. Thể theo nguyện vọng của ông, bà đã lặn lội mấy trăm cây số lần mò đến đây để tìm mẹ con Tiệm. Nhưng vì địa chỉ không rõ ràng (bà chỉ nhớ được mang máng), cho nên mãi đến hôm nay bà mới tìm được tới đây...
Linh tính đã báo cho Tiệm biết có điều chẳng lành. Y buột miệng kêu lên:
- Bố tôi đâu?
Không trả lời thẳng vào câu hỏi của Tiệm, bà hạ thấp giọng bùi ngùi:
- ... Sau đó bố anh bị lẩn thẩn. Cách đây ba năm, ông ấy bỏ nhà, không biết đi đâu biệt tích. Tôi đã nhờ người tốn công tìm kiếm khắp nơi nhưng không thấy! Vì vậy, hàng năm tôi vẫn lấy ngày ông ấy bỏ đi làm ngày giỗ- Vừa nói, bà vừa lấy ra một tấm ảnh đưa cho Tiệm:- Đây là ảnh ông ấy...
Tiệm rú lên! Trong ảnh là một ông lão đeo trên vai chiếc tay nải màu vàng... Y không ngờ trong đống giấy tờ y hoả thiêu ba năm về trước có bản khai sinh gốc của chính y...
__________________
Bán khoán
Vợ chồng anh sinh con gái đầu lòng. Ca đẻ khó. Đứa trẻ ra ngược! Tuy phải phẫu thuật nhưng rất may là cuối cùng vẫn mẹ tròn con vuông. Theo giấy chứng sinh, con anh cân nặng ba cân hai, tình trạng sức khoẻ tốt. Vậy mà không hiểu sao sau khi đón con từ bệnh viện về, ban ngày thì bé rất ngoan, đói thì bú, trụt vú mẹ là ngủ; nhưng cứ đêm đến, quãng từ lúc gà lên chuồng cho đến nửa đêm là nó cứ khóc ngằn ngặt và oằn người lên như đau đớn ở đâu đó mà không nói ra được! Vợ chồng anh phần vì phải thay nhau thức để dỗ bé, phần vì nghe con khóc mà xót cả ruột, có muốn ngủ cũng không ngủ được, nên cả hai đều rộc hẳn đi! Đưa bé đi viện, bác sĩ cũng chịu không phát hiện ra đó là bệnh gì! Tình cờ có người mách những trường hợp như vậy ở trẻ sơ sinh gọi là khóc dạ đề và khuyên vợ chồng anh thay vì đưa con đi viện nên tìm đến một pháp sư. Có bệnh thì vái tứ phương, sau khi nghe anh trình bày, vị pháp sư lấy ra năm đạo bùa để vào một chiếc đĩa rồi miệng thì lầm rầm phù chú trong khi hai tay lúc thì bắt quyết lúc thì huơ huơ ba nén hương thành những hình loằng ngoằng trên đó như đang viết vào không khí. Rồi đưa cho anh mấy đạo bùa, ông ta khẳng định: Cháu sẽ đỡ dần và sẽ dứt khóc muộn nhất là sau chín ngày nếu là cháu gái và bảy ngày nếu là cháu trai sau khi đã dặn dò anh những việc cần làm. Theo đó, trong năm đạo bùa, một đạo được mang trong người cho bé, một đạo treo nơi đầu giường nằm, một đạo để dưới đít hòn đầu rau bà (chân giữa nếu là kiềng, bếp dầu hoặc bếp ga); tiếp đến anh phải sang nhà hàng xóm và phải là người khác họ, lấy trộm (chứ không được hỏi xin) lấy một chiếc đũa; sau đó mang về dùng dao tách đôi phần trên, kẹp vào đó một đạo (trong số hai đạo bùa còn lại) rồi cài lên chái nhà. Đến đây, ông ta lưu ý anh một điều là trong suốt quá trình thực hiện những công đoạn trên nếu có gặp ai và dù có ai hỏi han, kể cả đó là những người thân trong gia đình, anh cũng phải làm ngơ như không nghe tiếng và không được trả lời; rằng anh chỉ được phép giao tiếp với mọi người xung quanh khi những công đoạn nói trên đã hoàn tất và dặn anh phải nhớ kỹ điều đó. Cuối cùng, chờ khi bé khóc dữ, lấy nốt đạo bùa còn lại để vào một chiếc đĩa và đổ vào đó một ít cồn hoặc rượu có nồng độ cao rồi đốt lên và dỗ cho bé nhìn vào ngọn lửa. Sau đó, chờ khi đạo bùa đã cháy hết, dùng ba đầu ngón tay dập dập vào phần muội tro trong lòng đĩa rồi xoa vào hai bên bả vai cho bé…
Anh đã thực hiện tất cả những điều đó như một kẻ bị ám thị và kỳ lạ thay - đúng như lời vị pháp sư nói – con anh đỡ dần và đến ngày thứ chín thì dứt khóc hẳn. Hôm trả lễ, anh được vị pháp sư đọc cho nghe bài thơ nói về phép tính giờ trẻ con:
Chính thất sơ sinh Tị Hợi thì
Nhị bát Thìn Tuất diệc kham nghi
Tam cửu Mão Dậu chính thời sát
Tứ thập Dần Thân dĩ định kỳ
Ngũ thập nhất Sửu Mùi chính thị
Lục thập nhị Tý Ngọ tiên tri
Nhược ngộ Sửu Mùi do khả cứu
Thảng lâm Thìn Tuất bất thăng bi.
Theo đó, con anh sinh tháng mười một, giờ mùi là nhằm đúng giờ quan sát, do đó việc nuôi nấng sẽ rất vất vả; rằng số con anh là số phải mày Người và phải qua được cái tuổi mười hai mới có thể yên tâm và khuyên anh nên lên chùa làm lễ bán khoán cho bé. Và thế là trong tờ khoán ước màu vàng, khổ lớn, được viết bằng loại chữ tượng hình, trông như một đạo sắc phong dán nơi đầu giường nằm, ngoài cái tên khai sinh Nguyễn Thị Phương Thảo, con anh còn mang một cái tên khác của một dòng họ khác là Chu Thị Hạnh. Chả là con anh phải bán cho Đức Ông, là con mày của Đức Ông mà Đức Ông là họ Chu nên con anh phải mang họ Chu và tên thì từ Thảo đổi sang Hạnh. Không hiểu ở cõi siêu nhiên có thực có một ông họ Chu chuyên lo những việc cứu nhân độ thế, do đó được người đời tôn xưng là Đức Ông hay không, chỉ biết từ đó con anh một ăn một lớn, ngoại trừ mấy lần hắt hơi sổ mũi, còn thì chưa biết đến cổng bệnh viện là gì…
***
Đến tìm anh là một người đàn ông quãng ngoài sáu mươi tuổi trông khắc khổ nhưng khoẻ mạnh:
- Xin lỗi! Anh là nhà văn Nguyễn Thiêm?
Nhìn người khách lạ, anh buông một câu không mấy thiện cảm:
- Vâng, tôi là Nguyễn Thiêm…
Có vẻ như không nhận ra thái độ lạnh lùng của anh, ông ta vô tư tự giới thiệu mình và về mục đích của chuyến viếng thăm. Theo đó, ông ta đã được đọc những bài phóng sự điều tra chống tiêu cực mà anh là tác giả, biết anh là một nhà văn luôn đứng về phía lẽ phải, sẵn sàng bênh vực kẻ yếu, nên ông ta tìm đến anh với hy vọng là sẽ được anh giúp đỡ. Chuyện thì dài nhưng đại để là ông ta nhập ngũ năm 1968. Sau ba tháng huấn luyện cấp tốc, đơn vị ông được lệnh đi B, rồi bảy năm trong quân ngũ thì bảy năm ông gắn bó với chiến trường Tây Nguyên. Rằng ông bị thiệt thòi chỉ vì trình độ văn hoá có hạn (mới qua xoá mù chương trình Bình dân học vụ) còn trong chiến đấu ông là người rất dũng cảm và có nhiều thành tích; rằng ông đã từng được công nhận là dũng sĩ diệt Mỹ nhưng rốt cục vẫn chỉ là anh sĩ quan một vạch. Rồi năm 1975, sau ngày thống nhất đất nước, ông được ra quân; song vì ở quê không còn ai là người thân thích nên ông đã xung phong ở lại Tây Nguyên và coi đây như quê hương thứ hai của mình. Vậy mà không hiểu do một sự nhầm lẫn nào đó, năm 1986, sau mười tám năm xa cách, có điều kiện về thăm quê ông mới hay tin ở quê mọi người đều yên trí là ông đã chết vì đơn vị ông đã đánh giấy báo tử về địa phương là ông đã hy sinh từ năm 1972 và ở địa phương người ta đã tổ chức làm lễ truy điệu cho ông! Câu chuyện chỉ có thế chẳng có gì đáng phải để tâm bởi ông nghĩ trong chiến tranh việc báo tử nhầm là chuyện bình thường và sau khi trở lại Tây Nguyên ông vẫn coi đó như một chuyện vui mỗi khi có dịp nhắc đến. Song sự đời lại không đơn giản như ông tưởng! Bây giờ khi đã ở cái tuổi 65, ông có nguyện vọng muốn chuyển vợ con về quê để sống nốt những năm cuối đời, phòng nếu có mất còn được gửi nắm xương tàn ở chính nơi mình đã sinh ra và để các con ông sau này khỏi mất gốc, nhưng đến khi chuyển ra rồi ông mới ngớ người khi được biết mình vẫn là… liệt sĩ! Những giấy tờ cần thiết như: Quyết định phục viên, sổ hộ khẩu kèm theo giấy giới thiệu và xác nhận của chính quyền địa phương quê vợ mà ông đưa ra đều được trả lời là không hợp lệ với lý do về mặt thời gian những giấy tờ đó đều có sau giấy báo tử! Ông đã phải nuốt nghẹn để hỏi lại: Hẳn các anh cũng biết đó là một sự nhầm lẫn? – Nhầm hay không là việc của ông chứ không phải việc của chúng tôi!. Họ đã trả lời ông như vậy và một lần nữa ông đành phải nuốt nghẹn: Chẳng lẽ việc tôi còn sống sờ sờ và đang đứng trước mặt các anh ngay lúc này đây lại không có giá trị bằng mảnh giấy báo tử? –Việc nhà nước không phải đơn giản như ông nói với chúng tôi! Tất cả đều phải có nguyên tắc và phải có cơ sở pháp lý. Chúng tôi làm việc theo pháp luật… Cực chẳng đã, ông đành phải hạ một câu: Vậy theo các anh, trường hợp của tôi phải như thế nào mới là hợp lệ? – Ông phải có giấy xác nhận của đơn vị cũ là trước đây đã báo tử nhầm! Đòi hỏi đó với ông không gì khác hơn là một sự đánh đố bởi biết đơn vị ông bây giờ ở đâu; với lại ngần ấy năm đã trôi qua, nếu có tìm ra, thì những người cùng đơn vị với ông ngày ấy, bây giờ liệu có còn ai để mà xác nhận! Ông đã bỏ về và nhen nhóm trong đầu ý nghĩ: Chỉ còn cách trở thành tội phạm. Trước cơ quan công quyền ông khai nhận là đã can tội giết người – một bé trai mới lên ba tuổi rồi cho vào bao tải và vứt xuống giếng. Họ đã cho người đến hiện trường vớt chiếc bao tải lên, nhưng đến khi mở ra thì bên trong chỉ là một… con chó! Với tội danh gây rối trật tự trị an, ông bị xử ba năm tù nhưng cho hưởng án treo và có thời gian mười lăm ngày để chống án…
- Ông làm như vậy để làm gì? – Anh hỏi.
- Để được thấy là mình còn sống!
- Và… bây giờ thì ông… chống án?
- Tôi sẽ chống án!
- Với lý do một người đã chết cách đây hơn ba mươi năm không thể sống lại để phạm tội?
- Đúng thế!
- Nghĩa là… (?)
- Nghĩa là nghĩa vụ và quyền lợi phải đi đôi với nhau và bây giờ thì tôi lại muốn được là … liệt sĩ!
***
… Chuyện cách đây đã mười hai năm. Tất nhiên là với vị thế của mình và do tính chất của những tình tiết của vụ án đã không còn dừng lại như là những tình tiết ở một vụ án thông thường nên anh đã chẳng làm được gì hơn cho thân chủ của mình ngoài sự đồng cảm và lời tự thú rằng mình bất lực! Tuy nhiên sau đó ý tưởng cho một cái truyện ngắn cứ ám ảnh, cứ bám riết lấy anh và đúng vào cái buổi sáng mà vợ anh trở dạ, trong khi mẹ anh đưa vợ anh đến nhà hộ sinh thì cũng là lúc đứa con tinh thần của anh đòi được ra đời và hối thúc anh phải ngồi vào bàn viết…
Để tránh sa đà vào những tình tiết, những sự kiện cụ thể nhưng mang tính cá biệt, anh đã không cho câu chuyện một không gian cũng như một thời gian xác định. Ngay cả cái tên nhân vật anh cũng không muốn nó có một quốc tịch rõ ràng khi sự cần thiết tối thiểu là cái danh xưng cũng chỉ được anh cho một ký tự là chữ cái P! Nghĩa là, cái truyện ngắn của anh không còn thuần tuý là một truyện ngắn viết về vụ án, bởi chẳng còn tìm đâu ra dấu tích của cái vụ án mà anh đã nghe và câu chuyện mà người đàn ông đã kể.
Anh viết như là bị ma ám, như là ai đó viết chứ không phải là anh viết và - cũng thật trùng hợp – khi sau đó anh biết rằng đúng vào cái thời khắc ở bệnh viện vợ anh sổ bé Thảo thì cũng là lúc anh hạ dấu chấm hết cho cái truyện ngắn của mình.
Song có cái gì đó như là định mệnh, bởi suốt mười hai năm qua, cái truyện ngắn ấy đã được anh gửi cho rất nhiều nơi nhưng vẫn chẳng một nơi nào nhận in…
Ngày Phật đản anh lên chùa lễ cho bé Thảo. Vị sư già hỏi thăm:
- Dạo này con bé có được khoẻ không?
- Cảm ơn thầy! Nhờ Trời Phật phù hộ, cháu vẫn khoẻ.
- Sao không cho nó đi cùng?
- Sắp này cháu phải bận học.
- Năm nay nó đã học lớp mấy rồi?
- Dạ, lớp 6.
- Nam vô a di đà Phật! Vậy là hôm nào chuộc khoán cho nó được rồi đấy!
Chuộc khoán! Điều đó cũng đồng nghĩa với việc năm nay con anh đã mười hai tuổi và đã qua cái hạn sinh nhằm phải giờ quan sát! Nếu như vị sư già không nhắc thì anh đã chẳng còn nhớ là nó đã đến tuổi chuộc khoán! Trong cái khoảnh khắc của một sát na ấy, anh bỗng ngộ ra về cái gọi là số phận của đứa con tinh thần của mình:
Cái truyện ngắn của anh cũng đã sinh nhằm phải giờ quan sát!
***
Sự xuất hiện của cái truyện ngắn Vụ án của nhà văn Trung Quốc: Chu Tác Lâm (do nhà văn Nguyễn Thiêm dịch) trên tờ Cảo Thơm – một tờ báo có uy tín, chuyên về sáng tác, lý luận, phê bình và những thông tin văn học nghệ thuật của Hội nhà văn ngay lập tức đã gây xôn xao dư luận! Nếu như trước đây người ta thường quan niệm chiếc roi phê bình giúp cho con ngựa sáng tác lồng lên thì bây giờ tình hình đã hoàn toàn ngược lại! Con ngựa phê bình đã lồng lên trước ngọn roi của sáng tác hay đúng hơn là trước ngọn roi của một truyện ngắn… dịch! Vốn vẫn bị giới sáng tác coi là ăn theo, là nặng tính kinh viện, là phê bình cánh hẩu, hoặc chỉ là những chuyên gia điểm sách mà vẫn phải ngậm bồ hòn làm ngọt theo như phép thắng lợi tinh thần của A. Q, lần này các nhà phê bình đã nhận thấy ở cái truyện ngắn một chỗ dựa để nhất loạt phản pháo! Sau khi phân tích nội dung tư tưởng cũng như giá trị nghệ thuật của tác phẩm, bằng vào những lập luận sắc sảo, đầy tính thuyết phục, các nhà phê bình đã không ngần ngại khi cho rằng: Vụ án là đỉnh Chô Mô Lung Ma không chỉ của văn học Trung Quốc mà của cả thế giới; rằng từ Vụ án đến Vụ án Chu Tác Lâm còn thân phận và phi lý hơn cả KAFKA; và xa hơn là lời đoan chắc tác phẩm này nhất định sẽ đoạt giải… Nobel! Cuối cùng, nhằm chĩa mũi nhọn vào giới sáng tác mà cụ thể ở đây là các nhà văn, các nhà phê bình cũng đã không ngần ngại khi đưa ra nhận xét là nền văn học của chúng ta mấy chục năm qua mới chỉ có nền chứ chưa có đỉnh; rằng trông người lại nghĩ đến ta chúng ta còn bảo hoàng hơn cả nhà vua! Nhân đó khuyến cáo các nhà văn sở dĩ trong thời gian qua, giới phê bình đành phải im hơi lặng tiếng là vì còn thiếu vắng những tác phẩm đỉnh cao và không dấu giếm sự mỉa mai khi hy vọng những năm 50 của thế kỷ 21 chúng ta có thể có được những tác phẩm ngang tầm Vụ án!
Vậy Chu Tác Lâm là ai? Không phải khó khăn gì lắm, sau đó các nhà phê bình cũng đã phát hiện được chẳng có một nhà văn Trung Quốc nào có cái tên là Chu Tác Lâm cả! Thắc mắc này được chuyển đến cho nhà văn kiêm dịch giả Nguyễn Thiêm thì anh chỉ cười:
- Đó là tên bán khoán đứa con mày của Đức Ông… ./.
___________________
Người khôn ngoan
Hôm đó tại nhà riêng của mình, ông giám đốc tổng công ty Trịnh Phò “phải” tiếp một người khách khá đặc biệt. Đó là một thanh niên khoảng ngoài hai mươi tuổi, ăn vận lịch sự, đúng mốt. Sau khi được mời vào, câu đầu tiên anh ta nói với ông:
“Xin lỗi ! Tôi không nhầm nhà chứ ạ? Ông… là Trịnh Phò…?”
Thấy cách “đặt vấn đề” của anh ta như vậy, ông giám đốc tổng công ty không khỏi cảm thấy khó chịu. Thay vì phải trả lời, Trịnh Phò hỏi lại:
“Anh gặp tôi có việc gì?”
Không để ý đến thái độ của Trịnh Phò, anh ta dõng dạc:
“Thứ nhất, tôi đến yêu cầu ông bố trí để tôi về công ty ông làm việc. Thứ hai – anh ta nhấn mạnh - với chức danh: tôi sẽ là phó giám đốc công ty…”
Chỉ cần một chút thiếu bình tĩnh, Trịnh Phò đã “mời” anh ta ra khỏi nhà, nhưng ý nghĩ: “Nếu không phải là một kẻ mắc bệnh tâm thần thì cũng thuộc diện đầu gấu” thoáng nhanh trong óc ông tổng giám đốc . Nhìn từ đầu tới chân anh ta, ông mỉm cười diễu cợt:
“Trình độ học vấn của anh?”
Anh ta thản nhiên:
“Dở dang trung học”
“Lý do không học tiếp?”
“Không thích!”
“Trình độ ngoại ngữ?”
“Không!”
“Trình độ chuyên môn ?”
“Không!”
…Cứ sau mỗi câu trả lời của anh ta, ông giám đốc tổng công ty Trịnh Phò lại gật gật đầu. Rồi, như bỗng sực nhớ ra, Trịnh Phò đột ngột chuyển hướng:
“À, xin lỗi! Họ tên anh là gì nhỉ? Tôi chưa có hân hạnh đựơc biết quý danh!”
Anh ta lặng lẽ lấy ra từ túi áo ngực bên trái một chiếc phong bì, đặt lên bàn và lạnh lùng bảo Trịnh Phò:
“Trong này là tất cả những gì mà ông muốn biết về tôi…”
“Thì ra là một kẻ hợm của” - Trịnh Phò nghĩ thế! Nhưng, ông không ngờ anh ta lại có thể “hợm” đến mức… trắng trợn như vậy!
Không cần chờ xem phản ứng của Trịnh Phò ra sao, anh ta đã đứng dậy và tiếp:
“Tôi “cho” một đêm nay để ông suy nghĩ. Hẹn ông đúng bảy giờ sáng mai, cũng tại đây, tôi sẽ đến để được biết ý kiến của ông. Tạm biệt!”
… Đến nước này thì ông giám đốc tổng công ty Trịnh Phò thật sự không còn tin ở mắt, ở tai mình nữa. Tất cả những chuyện vừa xảy ra với ông mà nghe…. cứ như bịa! Phải mất một lúc lâu sau đó, ông mới lấy lại được thế cân bằng và như người vừa bước ra từ một giấc mơ…
Thấy chỉ còn một mình chồng ngoài phòng khách, Trịnh phu nhân vội vàng bước ra. Trịnh Phò cầm lên chiếc phong bì không đề tên người gửi, được dán kín, đưa cho vợ:
“Thử xem thằng này nó định “mua” tôi với chiếc ghế phó giám đốc bao nhiêu? Vàng lá, “đô” hay là tín phiếu?”
Trịnh phu nhân ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh, tay run run mở phong bì trong khi Trịnh Phò rút một điều thuốc lá, định mồi để tìm cho mình một phút thư giãn thần kinh nhưng không thấy bật lửa! Vừa lúc đó chuông điện thoại réo vang. Đầu dây đằng kia không phải ai khác – chính là thằng “mất dạy” vừa ở đây ra - chính hắn!
“Tôi nghe!” - Trịnh Phò muốn tỏ cho anh ta biết qua giọng nói, sự khó chịu của mình. Nhưng, ông nghe thấy từ đầu dây đằng kia:
“(Cười!) Xin được thông báo: Trong khi chờ biết ý kiến của ông, tôi đã tạm thời “giữ” hộ ông chiếc bật lửa. Mong rằng ông sẽ chọn cho mình một quyết định đúng đắn. Và cũng xin được trả lời câu hỏi cuối cùng của ông: Tôi - Nguyễn Thiên Tử…”
“Lại thế nữa!” - chốp - Trịnh Phò giận dữ cúp máy!
Vừa lúc đó Trịnh phu nhân hốt hoảng chìa cho Trịnh Phò chiếc phong bì:
“Này mình…”
… Trái với dự đoán của Trịnh Phò, trong phong bì không có vàng, “đô”, tín phiếu gì hết, mà chỉ là một tờ giấy học sinh với hai gạch chéo đè lên trên một hình vẽ trông vừa như chiếc bánh quấn thừng vừa như lá bùa của các thầy pháp (phù thuỷ) và một dấu chấm hỏi (?) có tính chất như một bức biếm hoạ nặc danh. Bên dưới, nơi vẫn thường dành để ghi lạc khoản là dòng chữ:
“Chào thân ái,
Người gửi: Nguyễn Hoàng Thiên”
“Phải báo ngay cho công an mình ạ! - Trịnh phu nhân lên tiếng - Bằng chứng là bút tích của “nó” còn đây…”
Thấy chồng vẫn đứng lặng yên như trời trồng, Trịnh phu nhân tiếp:
“À, nó có hẹn với mình bảy giờ sáng mai nó đến. Hay là…”
“Đồ… lưu… ma…anh…” - Trịnh Phò giận giữ rít qua hai kẽ răng. Nhưng, chừng như sực tỉnh, ông thảng thốt lắc đầu và xua tay ra hiệu còn mồm thì ú ớ như bị cấm khẩu.
*
Chuông đồng hồ điểm 23 giờ. Trịnh phu nhân thức giấc thấy chồng vẫn chong đèn ngồi trước bàn làm việc. Quay mặt vào tường, Trịnh phu nhân thở ra khe khẽ và lại thiếp đi…
Chuông đồng hồ ngân nga buông năm tiếng, Trịnh phu nhân choàng dậy. Trịnh Phò vẫn ngồi trước bàn làm việc. Trời mờ sáng. Vốn quen phục tùng và đã biết tính chồng, Trịnh phu nhân lặng lẽ đi chuẩn bị bữa sáng rồi lại bên chồng giọng dịu dàng:
“Mình thức trắng đêm?”
Trịnh Phò ngẩng lên âu yếm nhìn vợ và chỉ cho Trịnh phu nhân một dòng chữ trong cuốn sách mở sẵn để trước mặt. Đó là trang có vần “K” (xếp theo thứ tự chữ cái A, B, C…) của cuốn từ điển “Tiếng Việt phổ thông”. Theo tay Trịnh Phò chỉ, Trịnh phu nhân đọc được hai từ: KHẨU KHÍ. Thấy chồng vui vẻ, Trịnh phu nhân thở ra nhẹ nhõm. Như vậy có nghĩa là Trịnh Phò đã tìm được một giải pháp tối ưu và đã có chủ ý. Trịnh phu nhân nhẹ nhàng:
“Em đã dọn bữa sáng, mình nghỉ tay rồi đi ăn, kẻo nguội…”
Suốt bữa ăn, cũng như sau đó khi ngồi ở phòng khách, Trịnh phu nhân không hỏi và Trịnh Phò cũng không thông báo cho vợ biết về quyết định của mình.
Đúng bảy giờ, người khách “bất hảo” xuất hiện.
“Như đã hẹn, tôi đến để được biết ý kiến của ông?” – Anh ta lên tiếng với một thái độ bất cần.
Câu trả lời như đã được chuẩn bị sẵn, buột ra khỏi miệng Trịnh Phò:
“Tôi chấp nhận!”
“Và với chức danh phó giám đốc?”
“Phó giám đốc!” - Trịnh Phò lặp lại như một cái máy!
“Như vậy là ông đã tỏ ra biết điều. Bây giờ…” – Anh ta lấy ra chiếc bật lửa để lên bàn – “…Xin gửi lại ông”.
Trịnh phu nhân hoàn toàn bị bất ngờ trước thái độ và cách xử sự của chồng. “Chẳng lẽ…?!”
... Nhưng sau đó khi chỉ còn có hai vợ chồng, Trịnh Phò đã ôn tồn giải thích:
“Không để mất chiếc bật lửa của mình. Đó là cách xử sự của một người khôn ngoan!”
*
… Ba tháng sau, kể từ ngày Nguyễn Thiên Tử nhậm chức phó giám đốc công ty, Trịnh Phò nhận được quyết định bổ nhiệm thăng lên chức vụ trưởng. Kế chân Trịnh Phò, không ai khác là Nguyễn Thiên Tử. Nhân dịp này, vợ chồng Trịnh Phò có tổ chức một cuộc chiêu đãi tại nhà riêng. Trong số quà tặng tân vụ trưởng hôm đó có một chiếc hộp gồm một tá - mười hai chiếc bật lửa, kèm theo một mảnh giấy với dòng lạc khoản:
“Chào thân ái và quyết thắng
Nguyễn Hoàng Thiên”
Không hề ngạc nhiên về món quà đặc biệt đó (mười hai chiếc bật lửa) Trịnh phu nhân nói với chồng:
“Mình… quả là một người khôn ngoan!”
Đáp lại, Trịnh Phò cũng mỉm cười nhìn vợ:
“Và “cưng”, cưng cũng đã trở thành… một người khôn ngoan!”./.
___________________
Thợ nồi đất
Lòng đầy tự tin, Phùng mang những chiếc nồi đất của y đến các quầy giới thiệu sản phẩm. Nhưng ở đâu, Phùng cũng bắt gặp những đôi mắt soi mói, nhìn từ đầu đến chân y; những vẻ mặt lạnh lùng, khinh thị nữa, sau khi lướt qua tấm danh thiếp lạ hoắc! Không ở đâu người ta để mắt đến những chiếc nồi! Cứ như thể… (!)
…Cuối cùng, thì cũng được một nơi nhận giới thiệu cho Phùng mấy cái. Sau khi biết chuyện, họ ái ngại bảo: “Tốt nhất là ông nên xoay xỏa tìm cách mà tự giới thiệu lấy. Đừng đi lại nhiều làm gì, vừa mất thì giờ, vừa tốn công vô ích! Hơn nữa, ông biết đấy, cái cửa hiệu của chúng tôi quá nhỏ…”
Phùng cảm động trước những lời thành thực ấy. Y không thể lạm dụng lòng tốt của những con người có lẽ cũng dằn vặt, cũng khốn khổ, khốn nạn chẳng kém gì y. Sượng sùng, sợ sự hiểu lầm như kẻ: “Ăn mày quen ngõ”, bằng một cử chỉ vụng về, Phùng ấp úng được mấy lời: “Cám ơn”.
“Có lẽ không còn con đường nào khác?!” Phùng nghĩ thế! Và y tìm đến một cửa hàng dập khuôn. Tiếp Phùng, là một người đàn ông béo tốt, đầy vẻ trần tục, nhưng cố làm ra cao đạo. (Sau này Phùng mới biết ông ta tên là Hùng Cường, cũng là thợ nồi đất, giúp việc kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm cho nhà khuôn. Tưởng ai, chứ cái tên Hùng Cường thì Phùng đã biết đến từ lâu, nhưng hôm nay y mới giáp mặt. Sản phẩm của ông ta cũng thường thôi! Biết, vì sự “có mặt” đến mức lạm pháp của nó trên các quầy giới thiệu sản phẩm và trên thị trường!) Vẫn lại bắt gặp cái nhìn soi mói:
- Anh hỏi ai?
Phùng lý nhí:
- Tôi có một số nồi đất, muốn bán…
Ông ta lạnh lùng:
- Xin lỗi, ở đây chúng tôi không mua. Anh thử đến các quầy giới thiệu sản phẩm hỏi xem, ở đấy họ đang cần. Nếu được là họ mua đấy!- Và như sợ cuộc tiếp xúc không mấy thích thú với Phùng có thể kéo dài, ông ta chủ động – … Thế thôi nhé!
Phùng thở dài:
- Vậy mà trước đây tôi nghĩ: “Nếu chất lượng bảo đảm, cửa hàng vẫn sẵn sàng bỏ vốn kinh doanh?”
Ông ta nhìn Phùng như một kẻ từ hành tinh khác xuống:
- Xin lỗi! Anh tên gì nhỉ, tôi chưa có hân hạnh được biết quý danh?!
Phùng chìa ra tấm danh thiếp.
Ông ta lướt qua. Trả lại. Cười cười vỗ vai Phùng:
- Trước đây thôi! Chứ bây giờ anh đi khắp cả thành phố cũng không có nhà khuôn nào nhận kinh doanh. Cũng có, nhưng đó là mấy tay đầu nậu chứ không phải nhà khuôn. Còn ai muốn thì phải bỏ vốn. Chúng tôi chỉ làm công- Ngừng một lát, ông ta tiếp-… mà không phải cứ có tiền là chúng tôi đã làm cho ngay đâu nhé!
Phùng cười chua chát:
- Khó khăn thế ạ?!
Ông ta lấp lửng:
- Khó khăn thì chẳng khó khăn, nhưng cũng không phải dễ dàng…
- Xin ông cho biết cụ thể (?!)
- Thứ nhất, để giữ uy tín cho nhà khuôn, những sản phẩm nếu xét thấy chất lượng quá yếu kém là chúng tôi không nhận. Thứ hai, nguyên tắc của chúng tôi là tránh những chi tiết, những hoa văn rắc rối, phức tạp hoặc méo mó. Tối kỵ đấy! Tóm lại là phải tròn, nhẵn… Thế thôi! Ngoài ra, nếu sản phẩm được chúng tôi đóng dấu chất lượng, chỉ phải nộp cho chúng tôi một khoản lệ phí. Nhà khuôn sẽ liên đới chịu trách nhiệm về mặt chất lượng sản phẩm đối với người tiêu dùng. Không thì thôi! Còn sau đó, anh muốn dập ở đây hay ở đâu thì tùy. Chúng tôi không ép buộc…
Phùng rụt rè lấy ra những chiếc nồi đất kiểu, dáng khác nhau:
- Nhờ ông xem giúp!
Hùng Cường cầm lên nghiêng ngó, săm soi từng cái một. Cuối cùng, ông ta ngẩng lên cười cười nhìn Phùng. Cái cần cổ đỏ au như cổ gà chọi gật gật:
- Được! Không phải đặc sắc, nhưng được! Nhà khuôn nhận cấp dấu chất lượng sản phẩm và dập lô hàng này cho anh!
Bằng một phản xạ tự nhiên. Phùng dúm người lại như con cua trước con ếch:
- Xin ông cho biết, nếu dập, thì chi phí tất cả các khoản hết độ bao nhiêu?
- Cái đó còn tùy thuộc vào số lượng. Cũng một lần làm khuôn, nếu anh dập ít thì giá thành cao. Ngược lại, dập nhiều thì giá thành hạ…
- Bộ này của tôi gồm ba mươi cái. Nếu như dập một nghìn bộ…?
- Mười triệu!
Phùng giật thót người lắp bắp:
- Năm trăm bộ?
- Năm triệu sáu!
Phùng ngây mặt. Y đang phân vân có nên rút xuống nữa, hay chỉ rút xuống bốn trăm bộ, thì chừng như cũng đoán được sự tính toán của Phùng, Hùng Cường đã cắt ngang:
- Thế là ít lắm rồi đấy!
Phùng cố gặng:
- Mong ông thông cảm dập cho bốn trăm bộ. Tôi thiếu tiền…
Hùng Cường thản nhiên:
- Ở đây, chúng tôi không thể nhận với số lượng ít hơn…
Phùng thần mặt. Y đang cân bằng khả năng của y với số tiền mà y sẽ phải bỏ ra. Hùng Cường đã tiếp:
- Nếu anh đồng ý thì nộp tiền rồi làm hợp đồng. Không thì để khi khác. Chúng tôi rất ít thời giờ…
Phùng như bị thôi miên:
-Vâng, thôi thì nhờ ông giúp cho!
- Anh đồng ý chứ?
- Dạ!
- Năm trăm bộ?
- Vâng!- Phùng đáp như một cái máy!
***
Sau khi nhận đủ lô hàng năm trăm bộ nồi đất ở nhà khuôn Hùng Cường, Phùng ngỏ lời cảm ơn và lịch sự tặng lại nhà khuôn mấy bộ. Tiếp đến là những nhà khuôn khác, những quầy giới thiệu sản phẩm, mỗi nơi vài bộ. Đó là sự tế nhị trong phép xã giao để giới thiệu sản phẩm của mình với họ, và thông qua họ, giao lưu sản phẩm của mình giới thiệu với khách hàng. Cũng có nơi được biếu, trả tiền giới thiệu cho Phùng mấy bộ. Nhưng không giới thiệu và tìm cách ăn chặn để giới thiệu không mất tiền thì nhiều! Lại còn bạn thợ- thợ thật, thợ đểu, đủ các dạng, bát nháo, tạp pí lù! Rồi họ hàng thân quen, rồi anh em bạn bè, mỗi người một bộ. Tổng cộng hết hai trăm năm mươi bộ. Gửi bán vài nơi được một trăm năm mươi bộ. Còn một trăm bộ. Đến khi Hiệp hội nồi đất thành phố mời Phùng tham gia, thì những quan hệ mới trong các cuộc hội chợ, lại cho, lại tặng, lại biếu, số lượng một trăm bộ còn lại coi như là hết. Rốt cục, tính ra Phùng bị lỗ. Bỏ ra năm triệu sáu. Thu về được một triệu tư. Lỗ bốn triệu hai! Vậy mà vừa mới gặp Phùng, Hùng Cường đã bảo:
- Xin chúc mừng anh! Là những người thay mặt nhà khuôn cấp dấu chất lượng sản phẩm cho lô hàng của anh, ông chủ nhà khuôn và tôi rất phấn khởi.
Phùng ngạc nhiên:
- Có gì thế ạ?!
- Thứ nhất, được tin anh đã có chân trong Hiệp hội nồi đất của thành phố. Thứ hai, thấy những chiếc nồi đất của anh thỉnh thoảng xuất hiện trong một vài quầy giới thiệu sản phẩm. Như vậy, bây giờ không phải là năm trăm hay một nghìn, mà đã có đến năm nghìn người biết đến sản phẩm của anh…
Phùng rơi ngay vào tình trạng “tự kỷ ám thị” của những “đồng cô, bóng cậu” trước lúc lên đồng. Tất cả những so đo, tính toán trước đó- sự tác động, chi phối của hoàn cảnh thực tại – bây giờ đối với Phùng chỉ còn là “một cục vật chất” bé tí. Y buột miệng:
- Lần này tôi có một bộ, ba mươi hai cái…- Sau một phút ngập ngừng, y tiếp-… Xin ông một lời khuyên.
Hùng Cường gật gù:
- Theo kinh nghiệm của chúng tôi, dập dưới một nghìn bộ là lỗ, nghìn đến một nghìn hai trăm bộ là hoà. Trên số lượng đó mới bắt đầu có lãi. Nhưng…- Ông ta ngước lên nhìn Phùng-… lại còn phụ thuộc vấn đề là liệu anh có tiêu thụ được hay không?
Phùng chưa biết trả lời ra sao, vì điều đó đối với y quả thật là nan giải. Hùng Cường đã tiếp:
- Thôi! Trước mắt theo tôi, lần này anh dập lấy một nghìn bộ…
Phùng đã mất hết khả năng tự chủ:
-Vâng! Nhờ ông lo giúp!
Quả đúng như lời Hùng Cường nói, lô hàng một nghìn bộ nồi đất lần này, mặc dù lại cho, lại tặng, lại biếu (số lượng cũng chẳng kém gì lần trước) nhưng số còn lại đã “kéo” đủ cho Phùng hoà vốn.
Như ăn phải “bùa mê, thuốc lú”, Phùng ra nhà khuôn gặp Hùng Cường:
- Ông giúp tôi “lô” thứ ba. Lần này bốn mươi hai cái, số lượng một ngàn năm trăm bộ.
Xem xong hàng mẫu, Hùng Cường bớt lại bảy cái và khuyên Phùng dập lấy hai nghìn bộ. Ông ta động viên khích lệ Phùng và hứa sẽ môi giới nhờ tiêu thụ giúp.
Nhưng lần này, sau khi nhận số nồi đất từ nhà khuôn về được mấy tháng thì Phùng ngã bệnh. Y bị lao lực- kết quả của sự làm việc quá sức. Lần cuối cùng Phùng gặp Hùng Cường là lần, cực chẳng đã, Phùng gắng gượng ra để hỏi số tiền năm trăm bộ nồi đất Hùng Cường nhận bán hộ về lấy tiền mua thuốc. Nhưng ra đến nơi, Phùng thấy tất cả năm trăm bộ vẫn còn đánh đống ở góc phòng làm việc của Hùng Cường! Hình như cũng đọc được những suy nghĩ của Phùng, sau khi Phùng đứng dậy cáo từ ra về, tiễn Phùng ra cửa, Hùng Cường buông một câu:
- “Nghề chơi cũng lắm công phu…”
Sau chuyến đó trở về, Phùng quỵ hẳn. Y ho ra toàn máu tươi. Kém bồi dưỡng lại không có tiền thuốc thang. Phùng suy sụp nhanh chóng. Những phút cuối cùng trước khi hấp hối, Phùng chợt nhận ra những năm tháng đẹp nhất của đời y chính là những năm tháng y đi tìm kiểu, dáng, chất liệu cho những chiếc nồi đất của mình. Nhưng, để có được những chiếc nồi đất ấy…! Phùng mỉm cười chua chát với ý nghĩ: “May mà y còn là… một… thằng đàn ông!”
***
Sau khi Phùng mất, trong dân gian bỗng nhiên người ta truyền tụng về một đặc tính của những chiếc nồi đất của Phùng. Ấy là vào những đêm trời trong, trăng sáng, lấy một ít nước mưa giữa trời đổ vào nồi, “phơi” trên cao, ở những nơi trăng dãi. Sau đó chờ khi trăng lặn, lấy xuống dùng, ngoài xoa, trong uống, có thể chữa được chứng tâm thần hoảng loạn hoặc trì bế, hoặc hoang tưởng. Ngoài ra, nếu duy trì thường xuyên, đều đặn mỗi ngày một lần, nước đó còn có tác dụng bồi dưỡng khí chất, giúp phần nâng cao tuổi thọ. Vì thế, người ta đặt cho những chiếc nồi đất của Phùng cái tên là nồi “Tĩnh tâm”. Có một điều không ai ngờ và cũng thật là mỉa mai: Chính những chiếc nồi đất ấy đã làm Phùng khốn khổ, khốn nạn khi còn sống và là một trong những nguyên nhân rút ngắn cuộc sống của Phùng “Sinh ư nghệ, tử ư nghệ”, cho đến khi chết, Phùng vẫn không hề hay biết giá trị của những chiếc nồi đất của mình!
Nhân dịp này, những tay “chợ đen”, cả những kẻ đố kỵ và ghen ghét với Phùng khi Phùng còn sống, đua nhau giới thiệu và quảng cáo ầm ĩ những chiếc nồi đất của Phùng trên các quầy giới thiệu sản phẩm và trên thị trường. Nghe đâu, kiếm chác được cũng kha khá…!
Riêng Hùng Cường bất ngờ mở một phòng trưng bày những chiếc nồi đất của Phùng mà theo ông ta, đó là những chiếc nồi lúc sinh thời Phùng chưa công bố, làm thợ nồi đất và tất cả những ai quan tâm đến nồi đất đều phải sửng sốt. Khỏi phải nói, việc làm này đã nâng cao uy tín của ông ta trong giới hâm mộ nồi đất như thế nào! Chỉ có điều, đó chính là những chiếc nồi đất của Phùng mà trước đây ông ta đã loại ra, coi là phế thải…
oOo
… Trên mộ Phùng, bây giờ người ta thấy mấy dòng chữ được chạm, khắc trang trọng trên phiến đá xanh dựng làm mộ chí: “Nơi an nghỉ của một con người tài hoa mà bạc phận: Phùng- nghệ sĩ nồi đất!”.
__________________
Phụ đính chuyện chớp
Thời
Cải cách ruộng đất. Quy thành phần, bố tôi là địa chủ! Tất cả nhà cửa, ruộng nương bị tịch thu chia cho tá điền.
50 năm sau.
Khu ruộng của bố tôi ngày xưa hoá thành trang trại. Những hộ nhận khoán sản cho Hợp tác xã (trong đó có tôi) được ông chủ mới đền bù tính theo đầu sào một khoản tiền mang tính tượng trưng! Không ruộng, không biết nghề gì ngoài nghề nông, tôi thành tá điền! ....
Bố tôi và tôi đều không thức thời!
Bố tôi là địa chủ hơi sớm! Còn tôi, ngược lại... tôi là tá điền hơi muộn!
___________________
Bố
Về già, bố hay uống rượu. Nhà nghèo, mẹ vẫn lo cho bố đủ ngày ba bữa. Được cái, chưa bao giờ thấy bố say. Ngược lại, rượu vào hình như bố tỉnh ra...
Không hiểu bố, một lần tôi bảo: Bố uống ít thôi! Bố nhìn tôi, mặt bệch ra. Mẹ chạy vào: Ai cho phép con được nói với bố như thế ?!
... Tôi đi làm xa. Bố mất! Ngày giỗ đầu, tôi mua một chai rượu Tây trị giá tương đương hai chỉ vàng. Hết tuần nhang, mẹ bảo hạ mâm. Nhìn chén rượu rót cho bố vẫn còn nguyên, tôi khóc...
__________________
Trả công!
Người bố gương mặt ngời ngời hạnh phúc, vừa chăm chú theo dõi từng bước đi chập chững của đứa con, vừa nựng: Con trai của bố giỏi lắm! Một, hai, ba, nào... hoan hô!
Bốn mươi năm sau.
Người bố dò dẫm từng bước từ nhà ra sân như đứa trẻ mới tập đi, không may bị trượt chân, ngã tím cả mặt. Thằng con quát: Thật đúng là câm hay nói, què hay đi, cho chết!
... Hai giọt nước mắt rỉ ra từ hai hố mắt già nua. Người bố bây giờ mới thấy đau nơi bị ngã.
___________________
Người em
Nhà có hai chị em. Năm 1954, chị ở lại với gia đình ngoài Bắc, em theo chồng vào Nam.
Chiến tranh. Thằng con người chị xung phong đi bộ đội, vào Nam chiến đấu. Thằng con người em dù trốn chui, trốn lủi, cuối cùng số phận cũng bắt phải cầm lấy khẩu súng, và là người lính của phía bên kia. Cả hai đều tử trận!
Đất nước thống nhất. Hai chị em (lúc này đã là hai bà lão) đều sống trong cảnh cô đơn. Em đón chị vào Nam ở, để chị em sớm tối có nhau.
Từ đó, hàng năm , cứ đến ngày 27 tháng 7, người em lại vắng nhà...
Đăng ngày 09 tháng 02.2018