banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Tác giả & Tác phẩm

tháng 12.2017

phingochung
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

Dẫn nhập: Với cái nhìn chủ quan của người biên soạn, tuyển tập 300 tác giả và tác phẩm đơn thuần chỉ là công việc góp nhặt sỏi đá những tác phẩm tiêu biểu một thời của những tác giả tiền chiến, hậu chiến, trước hay sau 75 của hai miền Nam Bắc, trong nước cũng như ngoài nước, già hoặc trẻ, cũ hoặc mới. Tác giả và tác phẩm được góp mặt mỗi tuần theo thứ tự họ hoặc tên qua mẫu tự A, B, C… Xin thành thực cám ơn những tác giả có mặt trong tuyển tập nhưng vì trở ngại thông tin, chúng tôi đã không thể xin phép quý vị trước khi đăng tải.
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng


Phùng Quán (II)

Mục lục
Phùng Quán khi yêu - Nguyễn Quang Lập
Vũ Bội Trâm, vợ Phùng Quán đã trở về cát bụi
Sự tích chiếc xe trâu của Phùng Quán - Nguyễn Quang Lập
Sự thật, từ ngòi bút Phùng Quán - Nguyễn Khắc Phê
Anh hùng ca “Vượt Côn Đảo” - Châu Diên
Bài thơ đánh phá Lời mẹ dặn của Phùng Quán – Phạm Thắng Vũ
Chuyện kể của “cây thập tự” – Bội Trâm

Phụ đính I:
Người bạn lính cùng tiểu đội – Phùng Quán
Tôi là người có lỗi – Ngô Minh

Phụ đính II:
Quê nội Phùng Quán, biết mấy mà thương
________________

Phùng Quán khi yêu

Nguyễn Quang Lập

Đã viết chuyện Phùng Quán nhiều rồi, định bụng không viết gì thêm nữa. Sau ngày anh mất, bác Ngô Minh và chị Bội Trâm (vợ Phùng Quán) đã cho xuất bản nhiều cuốn sách về đời anh và các sáng tác chưa công bố của anh, ai đọc hết sẽ thấy cuộc đời Phùng Quán, khỏi phải nói gì thêm. Chiều nay vào trang web người quen cũ, nữ nhà văn Phong Điệp, mình đã từng làm việc với cô ở tờ Văn nghệ trẻ, tình cờ thấy bài: “Đi tìm Như của Phùng Quán” của một người mình không quen, tên là Thu Dịu, đọc xong ngồi ứa nước mắt. Lại nhớ anh.
Mình chơi thân với Phùng Quán hơn mười lăm năm, anh vẫn hay đùa, nói thằng Lập chơi với tui từ thời hắn hỉ chưa sạch mũi. Thực ra khi đó mình cũng gần ba chục tuổi rồi, có điều mắc bệnh viêm mũi, cứ se lạnh là nước mũi lòng thòng như con nít. Mỗi lần ra mình ra Hà Nội, anh lại dắt mình đi các tòa soạn báo, các nhà xuất bản cho mình làm quen, sau này có chỗ gửi bài. Đến đâu anh cũng vỗ vai mình cười cười, nói đây là thằng nhà văn hỉ chưa sạch mũi, dân bọ gộc. Mau làm quen đi, sau này hắn thành nhà văn lớn còn có cớ để mà khoe.
Một hôm anh đưa mình đến nxb Văn hóa, vào phòng chị Q. Chị Q. lúc này cũng đã trên bốn mươi nhưng hãy còn dòn lắm, xinh nữa. Anh Quán vào phòng không gõ cửa, chị Q. thấy anh cũng không chào, chỉ chào mình không thôi. Anh Quán đến bàn chị kéo cái hộc bàn ra, chị trừng mắt lên đập tay anh, nói hộc bàn của người ta, tìm cái gì. Anh cười cười, nói em có cất thuốc lào của anh đây không. Chị lại trừng mắt lên, đẩy anh ra, nói em dư hơi đi cất thuốc lào cho anh à. Cút đi, vô duyên. Nói thế nhưng chị ném cho anh một bọc thuốc lào to tướng, nói thuốc lào Vĩnh Bảo thật đấy, em vừa đi Vĩnh Bảo về.
Xem thế là biết hai người có tình ý với nhau rồi. Mình hỏi anh Quán, nói chị Q. là anh đang yêu hay đã yêu. Anh thong thả tra thuốc lào vào nỏ, mồi lửa rít một hơi dài, ngửa cổ nhả khói, nói đã yêu, đang yêu. Anh dừng lại nhấp một ngụm nước, nghĩ ngợi gì lung lắm, rất lâu sau anh mới nói rồi chắc cũng sẽ yêu. Mình biết cái sự ngập ngừng của anh, vì khi đó anh đang yêu cô N. ở Huế, cô N. và chị Q. đang có “xung đột” mạnh vì bài thơ Phùng Quán tặng cô N. Bài thơ này được in lên có lời đề tặng cô N. của Phùng Quán. Chị Q. nói đó là bài thơ anh Quán tặng chị hơn chục năm trước. Cô N. nói chị Q. nhận xằng. Chị Q. tức mới trưng bản gốc lên, thế là cãi nhau, hi hi.
Mình nhăn răng cười hỏi anh Quán, nói răng rứa răng rứa. Anh cười khì, nói kẹt thơ chơ răng. Yêu nhiều rứa mần thơ răng kịp. Thừa nhận anh Quán có nhiều người yêu, người yêu một ngày người yêu một đời, rất nhiều. Thời trẻ anh cực đẹp trai, lớn lên một chút thì tiếng tăm nổi như cồn, anh đi tới đâu có người theo anh ở đó. Ngay cả khi anh đóng vai ông già, để râu dài, mặc áo quần bà ba, đi guốc mộc thì vẫn có người yêu anh. Anh không khoe chuyện yêu đương cũng chẳng giấu diếm, ai biết chuyện mà hỏi anh là anh thừa nhận liền, không hề chối cãi quanh co, kể cả vợ anh.
Năm 1990, sau chuyện lình xình giữa cô N. và chị Q. anh thấy nhức đầu mới rời Huế ra Quảng Trị ở nhà mình cả tháng. Anh em tối tối ngồi uống rượu với nhau, chuyện văn chương thơ phú chán rồi thì quay sang chuyện gái gú. Mình nói em hỏi thiệt anh nha, anh còn làm ăn chi được nữa không. Anh cười phì, nói thằng ni chủ quan. Mình không tin lắm, thấy anh đi đứng không được nhanh nhẹn hoạt bát, mấy chuyện sexy không còn mặn nữa, đụng sự thì đánh trống lãng thì dù anh có kể thế nào mình cũng không tin.
Một hôm mình nói chuyện này với Ngô Minh, nói anh Quán có làm ăn chi được nữa mà yêu đương hè. Ngô Minh cười sật sật, nói lúc đầu tao cũng nghĩ như mi, té ra không phải. Đêm ngủ với anh, tao sờ anh, oa chà… cứng ngắc. Từ đó mình mới tin, không dám coi thường anh nữa, hi hi. Anh ít khi kể chuyện yêu đương, chuyện trong buồng tối lại càng không. Nhưng một hôm đang cao đàm khoát luận đột nhiên anh hỏi mình, nói mi yêu đương lăng nhăng rứa, có mối tình mô tử tế không.
Mình kể anh nghe mối tình đầu bảy năm của mình, chuyện qua lâu rồi mà thỉnh thoảng mình vẫn bị nghẹn giọng, rưng rưng. Nghe xong anh cười cái hậc, nói chuyện thường, mối tình đầu của tao hay hơn. Rồi anh vừa nhấp rượu vừa thong thả kể chuyện. Phùng Quán rất có tài kể chuyện, bất kì chuyện gì anh cũng đều có thắt nút mở nút, có cao trào, có vĩ thanh, đặc biệt cái kết lúc nào cũng bất ngờ. Anh nói anh yêu đương nhiều nhưng có ba người đàn bà đến chết anh cũng không bao giờ quên, đó là chị Bội Trâm, chị Q. và bà Nhủ (không phải Như), người mà nửa thế kỉ sau cô Thu Dịu bôn ba đi tìm và tìm được.
Chị Bội Trâm thì tất nhiên rồi, đó là người đàn bà vô cùng tuyệt vời, khi khác mình sẽ kể. Chị Q. vừa là người tình vừa là bạn vừa là ân nhân của anh. Những năm bị án “treo bút”, rượu chịu cá trộm văn chui, nếu không có chị Q. thì nhà anh sẽ rơi vào túng quẫn, nếu không muốn nói là chết đói. Khi đó chị Q. làm biên tập ở nxb Văn Hóa đã đặt hàng cho anh viết lời cho hàng chục tập truyện tranh, mười mấy cuốn văn xuôi, tất nhiên là lấy tên người khác. Đây là việc cực kì nguy hiểm, nếu lộ ra chẳng những chị bị mất việc mà có thể chị bị rơi vào vòng lao lý. Nhưng chị Q. không sợ, suốt ba chục năm chị luôn tạo điều kiện cho anh Quán làm văn chui, bất chấp mọi sự dè bỉu đe nẹt của người đời. Chị làm việc đó vì yêu, vì thương và vì cảm phục Phùng Quán, có một lần chị đã nói với mình như vậy. Tiếc là thiên tình sử của chị với anh Quán mình chỉ biết đến đó thôi, không biết được nhiều hơn.
Anh Quán cũng không kể nhiều về chuyện tình với chị Q., khi nào hỏi đến`thì anh nói khi thì Q. hay lắm khi thì Q. ngon lắm, tuyệt tuyệt, vậy thôi. Riêng mối tình với cô Nhủ thì anh kể với mình suốt đêm, kể khi say, kể đi rồi kể lại, đôi khi bật khóc. Những khi kể chuyện cảm động thì anh không mày tao nữa, anh xưng mình. Anh nói hồi đó mình mới 22 tuổi, là phóng viên quân đội, đi xuống Sầm Sơn đón tù Côn Đảo, hỏi chuyện và viết báo. Chẳng ngờ chuyện tù Côn Đảo hay quá, mình quyết định viết hẳn một cuốn sách, gọi là Vượt Côn Đảo. Cô Nhủ hồi đó mới 16 tuổi, là con gái nhà mình ở trọ, tối nào cũng kéo đội Chim hòa bình, như kiểu đội thanh niên xung kích bây giờ, của thôn cô đến nhà cô nghe mình kể chuyện.
Nghe mình kể chuyện các cô thích lắm, mắt trố miệng há hết lượt. Vài cô trong đội Chim hòa bình có ý với mình, mình biết nhưng lờ đi, kỉ luật quân đội hồi này nghiêm lắm, tơ lơ mơ là bị cạo trọc đầu. Nhưng rồi mình cũng không trốn được ái tình. Mình đã yêu Nhủ, yêu nồng nàn, trong khi cô chuẩn bị lấy chồng. Đến chết cũng không quên nụ hôn đầu của mình. Tối đó cả nhà đi vắng. Mình đang hí húi viết thì Nhủ đến bịt mắt, mình quờ tay ra sau vô tình chạm ngực Nhủ. Rứa là tối tăm mặt mũi, rứa là hôn vày hôn vò em. Hôn xong rồi ngồi ngẩn ngơ, không biết mình vừa hôn vô chỗ mô. Chỉ một lần hôn đó thôi mà nhớ nhau suốt đời.
Anh dừng lại mắt rưng rưng, nói mình nhớ như in buổi chiều mình trốn Nhủ ra đi. Trốn là vì không thể cưới Nhủ được, yêu một cô gái sắp cưới chồng là trọng tội, chẳng những đơn vị trừng trị mà làng xóm cũng không tha. Mình khoác ba lô tìm đường về Hà Nội. Ra đến giữa cánh đồng bỗng nghe Nhủ gọi thất thanh, nói anh Quán ơi đừng đi đừng đi. Nhủ chạy đến, ôm chầm lấy mình, nói để em trả lễ cho nhà trai rồi em theo anh, anh đi đâu em cũng đi. Và Nhủ gục mặt vào ngực mình nấc lên nói anh ơi đừng bỏ em…tội nghiệp.
Kể đến đây thì Phùng Quán nghẹn lại, trong giây lát mặt anh đầm đìa nước mắt.
_______________

Vũ Bội Trâm

Vợ Phùng Quán đã trở về cát bụi…

Đường Bá Bổn

Lời dẫn:
Qua một bài nhỏ của nhà báo Tân Linh đăng trên "Văn hóa & Thể thao", báo tin chị Vũ Bội Trâm đã qua đời vào ngày 15/8/2010. Cái tin này chẳng khiến giới văn chương mấy quan tâm, nếu ai đó ,không biết chị Vũ Bội Trâm ( 1932-2010) là vợ nhà thơ Phùng Quán (1932-2004), còn là chị ruột nhạc sĩ Vũ Hướng (thân sinh MC âm nhạc Anh Tuấn bây giờ rất nổi đình đám ở Hà Nội). Tôi nhớ lại, lần gặp chị Trâm - nhà báo Kiều Liên Sơn(1936-2006) đưa lại thăm, khi chị còn ở phía sau Trường Chu văn An, bện cạnh Hồ Tây. Và phu quân chị, nhà thơ Phùng Quán đã ngồi chễm chệ trên bàn thờ, khói nhang nghi ngút - và cô gái phố Hàng Cân Hà Nội, nữ sinh trường Nữ Trưng Vương, kể chuyện gặp anh bộ đội về giải phóng Hà Nội, quen biết ra sao, sau làm đám cưới vào năm 1962 - cặp vợ chồng này đều cùng tuổi 30. Chị Bội Trâm dạy văn ở Trường Chu văn An, nên được cấp một căn phòng nằm phía sau trường, từng được bố mẹ ở phố Hàng Cân cho con rể những cột gỗ lim to đùng, để con rể cơi nới căn phòng khang trang, rộng rãi hơn. Cô giáo Trâm, người mảnh dẻ, ăn nói lịch thiệp, từng được mệnh danh "con gái Tràng An thanh lịch gạo trắng, nước trong", khác hẳn "con gái thành phố Hoa phượng đỏ", khi ấy được mệnh danh "đồng chua, nước mặn". Chị là một người vợ, mẹ của hai người con: một gái, một trai, chồng là nhà thơ có một thời dính líu "Nhân văn Giai phẩm", bị tước "văn tịch", môt thời "bất hạnh" uông rượu lậu, câu cá chui, thơ làm ra không in được, đành rủ vợ ra ven Hồ Dâm Đàm nghe "thơ ngoài luồng". Và khi qua đời, đám tang chưa bao giờ được nhiều bạn bè, văn chương, báo chí, người hâm mộ đi đưa đông cho đến vậy. Cuối cùng tập thơ PHÙNG QUÁN được Hội Nhà văn TW tài trợ in, khi tác giả không còn, và chị Bội Trâm thay chồng ký tặng bạn bè.
Ngay cả nhà báo-nhà văn Kiều Liên Sơn cũng không còn nữa (1936-2006), nay đến chị Bội Trâm - nên, tôi cho trích đoạn trong tập bút ký "Hà Nội 40 năm xa" (nxb Thanh niên, 1999, 2006) để nhớ lại lần gặp gỡ của 15 năm trước.

"... Kiều (Kiều Liên Sơn) giắt tôi lại thăm khu Trường Bưởi (nay Chu Văn An) đến thăm chị Bội Trâm (vợ Phùng Quán) nằm ở phía sau trường. Chị niềm nở tiếp đón, hỏi thăm vợ con Kiều, rồi hỏi "con mèo đem về còn không?"
Hiểu ngay, gia đình Kiều và gia đình Phúng Quán có sự thân tình.
Trên bàn thờ, có chưng khung ảnh Phùng Quán, còn treo lủng lẳng chiếc áo vét-tông, đầy chữ ký bẳng hữu thân thuộc, và khói nhang nghi ngút như không bao giờ tắt. Kiều lấy hương đốt vái lạy bạn đã rửa chân lên ngồi trên bàn thờ hơi sớm. Tôi vẫn ngồi, có lời thưa: "...tôi xin lỗi, vì không thể vái lạy bởi người Tin lành phải làm theo lời kinh thánh chỉ dạy".
Nhìn cột gỗ lim nổi vân gỗ, lên nước bóng loáng, chứng tỏ cột gỗ rất lâu năm tồn tại. Thấy ngắm nghía mải mê, chị kể cho nghe, cột nhà này được tháo gỡ từ nhà ông bà ngoại ở Hàng Cân, đưa về đây dựng cho rể. Chị ngỏ ý muốn đưa chúng tôi lên thăm gác xép, buổi sinh thời anh thường làm việc.
Gác xép gọi là chòi, tên chủ nhân đặt, nơi Tào Mạt thường ngắm Hồ Tây, và cùng trò chuyện với Phùng Quán ngày qua ngày, có khi ở lại đêm. Chị đi lại phía sau cửa sổ dài, hẹp, bốn cánh (persienne) mở toang cả sáu cửa, như chị giới thiệu: ...cho các anh thỏa thích ngắm cảnh sông nước mênh mang hồ Lãng Bạc, như xưa anh Phúng Quán, ngày đêm mở đón gió lùa, vừa uống rượu, vừa vuốt râu, ngâm thơ toáng lên cho vợ nghe". Phía vách trong, treo chân dung Phúng Quán do Bùi Xuân Phái phác họa, cạnh là chân dung Essénine, không nhớ ai vẽ, một tấm liễn "Trường ca Võ Thị Sáu" viết tay, lủng lẳng đong đưa tận cuối vách.
Hiển nhiên, sinh thời Phùng Quán lấy rượu làm bạn, rất có thể uống nhiều, quá độ, lúc qua đời vì hậu họa từ rượu gây ra.
Cô đơn lẻ loi như Phúng Quán, cạnh bên còn Tào Mạt, còn vợ, còn con. Nhưng còn cái anh cô đơn không còn bạn-người, chỉ còn bạn-vật-người, chính là Essénine đang ngồi trên tấm vách kia, uống rượu chẳng còn ai bên cạnh, đành gọi:" hỡi con chó cái kia, mi hãy đến đây, cùng uống rượu với ta".
Chị Bội Trâm đưa chúng tôi xuống gác, lấy hai tập thơ vừa xuất bản, bìa màu vàng:
THƠ PHÙNG QUÁN
(nxb Hội nhà văn, Hà Nội 1995)
Chúng tôi vừa uống nước, vừa nghe kể, đám tang chưa bao giờ đông đến vậy, hằng hà anh em, bạn bè, người có quyền, có chức ghi vào sổ lưu niệm. Và người cuối cùng, tính đến giờ phút này, chị ngừng lại, đó là "đương kim Trưởng ban Văn hóa Tư tưởng Trung ương: Hà Đăng."
Tào Mạt thường ghé lại CHÒI (viết hoa) cùng anh ngắm sóng hồ Lãng Bạc, gió thổi lăn tăn; ngược lại, sóng lòng hai kẻ đang cuồn cuồn nổi, cao hứng coi Trời chỉ là cái vung đầy ắp rượu nồng. Quá chén, chẳng cần che chắn nói năng như lúc bình thường, bảy lần uốn lưỡi hãy ra lời, hoặc tai họa ra từ miệng, tất cả là hư ảo - cứ nói thẳng thừng- có hai điều Tào Mạt ước ao: MỘT là, sẽ giới thiệu Phùng Quán vảo Đảng CS VN, HAi là, một bài thơ của Tào Mạt phải được dùng làm LỜi TỰA cho tập thơ PHÙNG QUÁN khi xuất bản.
Nhưng không là ý mình, mà ý Trời, Phùng Quán chết sau Tào Mạt, nên không thể bảo lãnh cho bạn được đeo Thẻ Đỏ. Còn bài thơ làm Tựa của Tào Mạt thì đã được in trong tập thơ này rồi.
Có một câu thơ tự bạch của Phùng Quán: "...May thay, bước vào tuổi 64 (tính theo âm lịch) nhờ tình ưu ái của Ban Chấp hành Hội Nhà Văn, tôi đã thực hiện được một trong hai điều ước của Tào Mạt đối với tôi...".
Bài thơ của Tào Mạt viết chữ Hán, rồi chính tác giả tự dịch xuôi nghĩa:
TẶNG PHÙNG QUÁN
Tuổi trẻ đã có nhiều công tích vẻ vang
Như chim nhạn vượt qua mây thành
Ý thành nhưng vì lời chưa chín chắn
Tai họa kết là lính quay giáo
Chất ngọc bị bẩn bởi ghét bụi
Lòng trong sạch tự chiết xuất ra văn
Râu bạc trắng thì phúc cũng đến
Cả văn lẫn chất ngày càng dày dặn...
TÀO MẠT
Thơ với Phùng Quán: không chỉ giải thoát tâm linh, còn là động lực tinh thần, để nâng đỡ tâm linh. Bút tích của anh ghi trên đầu tập thơ: Thơ đề trên thơ / có những phút ngã lòng / Tôi vịn thơ mà đứng dậy.
Chị Bội Trâm mời nước lần hai, bây giờ mới lấy bút ra đề tặng.
Chỉ với tôi thôi, người chưa bao giờ gặp mặt Phùng Quán, và cả với chị, thật cảm động!
Vốn nhà giáo, nét chữ rất chân phương, ngay ngắn, viết theo hàng chỉ kẻ, tiếp đến hàng chữ ghi tặng:
Thơ là mạng sống
là lý lịch đới tôi
Một đời lưu lạc
Một đời cay cực
Một đời thơ
PHÙNG QUÁN
Kính tặng anh THẾ PHƯƠNG
Hồ Tây, thu 1995
VŨ BỘI TRÂM
vợ anh Phùng Quán
Kiều thấy viết sai, đề nghị chỉnh sửa: PHƯƠNG thành PHONG. hai âm Ư, Ơ được chị nắn nót tôi lại thành O.(................)

Phùng Quán là cháu gọi Tố Hữu bằng cậu ruột. nhưng khi cậu đang có quyền cao, chức trọng, nhiều kẻ săn đón, thì anh như không biết là có. Cho đến khi, nhìn biệt thự khổng lồ trên đường Phan Đình Phùng (Hà Nội) không còn lính gác bồng súng đi đi, lại lại, mỗi lính canh từ đầu này sang đầu kia, và anh lính khác từ đầu kia đi lại, như chỉ nháy mắt nhìn nhau gặp ở điểm giữa- thì vợ chồng Phùng Quán mới lại thăm cậu vào dịp tết cổ truyền.
Trong bài báo kể lại sau này (tạp chí "Cửa việt", xuân, không nhớ năm?) ngoài vợ chồng anh, chỉ còn gặp một bà khách duy nhất đến thăm cậu mợ anh, và được giới thiệu là chị Nê(phu nhân ông Võ Chí Công). Tuy không nói ra, anh nghĩ, người khách này thật có tình,có nghĩa, rất đáng khâm phục, nể trọng. Sau khi trò chuyện, lúc ra về, người cậu giang hai tay ôm vợ chồng cháu, thủ thỉ tâm tình, đại để sao cháu không đến gặp cậu trong lúc cháu khó khăn, cháu bị quan điểm chính trị quy chụp, mà bỏ hết những thứ kia đi; thì vẫn còn tình máu mủ, ruột thịt kia mà! Người cậu còn phê đứa cháu dại dột, không biết cách ứng xử, lại vụng về khi cần phải lên tiếng cưu mang. Khi ra đến cổng, người cháu rưng rưng giọt lệ, đọc khẽ câu thơ mà cậu là tác giả, từ vài chục năm trước: "Ai nên khôn chẳng dại đôi lần" (Tố Hữu).
(trích "Hà Nội 40 năm xa"của Thế Phong)
_________________

Sự tích chiếc xe trâu của Phùng Quán

Nguyễn Quang Lập

Những năm tám mươi mình ở quê, mỗi lần ra Hà Nội mình thường trọ hai nơi, một là nhà Phạm Xuân Nguyên, hai là nhà Phùng Quán. Chỉ hai nơi đó là mình cảm thấy hoàn toàn tự do như ở nhà mình.
Nhà thằng Nguyên bằng cái lỗ mũi, chưa đầy chục mét vuông. Vợ chồng nó còn trẻ, có mình chúng nó như bị cấm đoán chuyện vợ chồng, rất khổ nhưng chúng nó vẫn vui vẻ. Mình cũng ái ngại lắm. Thường trước khi ngủ mình nốc rượu thật say, một là để ngủ cho ngon, khỏi phải tưởng tượng lung tung, hai là ngầm thông báo cho chúng nó là mình say rồi, “chết” rồi, muốn làm gì thì làm, hi hi.
Lúc đầu cứ ra Hà Nội là mình tấp vào nhà thằng Nguyên. Một hôm anh Quán đến chơi nhà thằng Nguyên gặp mình ở đấy. Tàn cuộc anh kéo mình ra ngõ, nói mày vô nhà lấy đồ anh chở lên nhà anh. Mình ngạc nhiên, nói răng rứa anh. Anh cười, vỗ nhẹ vai mình, nói mày có vợ rồi mà tồ lắm. Mày nằm chềnh ềnh ra đó, tụi nó biết mần ăn ra răng. Mình ok liền, vui vẻ theo anh về nhà. Bây giờ mình mới để ý chiếc xe đạp của anh Quán, nó to quá cỡ, trông thô kệch kinh hồn, chưa bao giờ mình thấy chiếc xe đạp nào to kềnh càng và thô kệch như xe này, ống tuýp khung xe to hơn cổ tay, nan vành xe chiếc nào chiếc nấy to bằng đầu đũa, không thèm nói ngoa.
Anh Quán nói đó là xe trâu, người Nga dùng nó làm xe thồ, chở vài tạ vẫn chạy tốt. Mình hỏi sao anh mua xe này. Anh cười cái hậc, nói tiền đâu mà mua, có tiền cũng chẳng có mà mua, xe này khắp Hà Nội bói không ra một chiếc. Mình nói ủa, rứa răng anh có. Anh nói người ta tặng. Mình hỏi ai tặng, anh nói Lê Nin. Mình cười phì, nói anh không biết nói trạng. Lê Nin chết năm nào, anh sinh năm nào mà bảo Lê Nin tặng anh chiếc xe đạp này. Anh cười hì hì, nói rứa mới tài.
Mình không hỏi nữa vì biết thế nào anh cũng kể, tính anh thích kể có đầu có đuôi, ít khi kể gọn lỏn một câu. Anh hay kể mấy chuyện liên quan đến sự viết của anh. Anh kể cái truyện Vượt Côn Đảo tất nhiên anh bịa, hồi đó nghe người ta kể lại một phần anh bịa ra chín phần. Cho đến ngày anh ngồi kể cho mình nghe, khoảng năm 85- 86 chi đó, anh vẫn chưa biết Côn Đảo méo hay tròn. Trong đó có mấy câu anh tả con đường từ nhà tù ra bãi dương (trường bắn) được lót xương của các tù nhân bị án tử hình. Là anh bịa ra thế để nâng cao lòng căm thù Đế quốc thực dân chứ xương người làm sao lót được đường. Chẳng ngờ trong hồi ký của một ông ở tù Côn Đảo về (ông này nổi tiếng lắm, không dám nêu tên, hi hi) khi viết về con đường này cũng tả y chang như anh tả, cũng con đường lót xương các tù nhân, he he.
Cũng chuyện tù Côn Đảo, trong Trường ca Võ Thị Sáu (thực ra là bài thơ dài, in nguyên một trang báo Tiền Phong) anh viết tuổi 16 chị Sáu vẫn hái hoa Lêkima cài tóc. Buổi sáng ngày bị hành hình, chị đã ngắt một nhành hoa Lêkima cài lên mái tóc, trên đường ra pháp trường chị vừa đi vừa hát. Anh đâu biết Lêkima là cây gì, nghe cái tên đẹp thì tưởng hoa của nó chắc đẹp lắm. Sau này mới biết Lêkima thực ra là cây Qủa trứng gà, hoa đã xấu lại đầy nhựa, “ngắt một nhành hoa cài mái tóc” có mà dở hơi. Ai dè bác Nguyễn Đức Toàn lấy cảm hứng từ bài thơ của anh để viết bài Biết ơn Võ Thị Sáu (chắc khi đó bác Toàn cũng không biết cây Lêkima là cây gì): Mùa hoa lê-ki-ma nở ở quê ta miền đất đỏ/ Thôn xóm vẫn nhắc tên người anh hùng/ Đã chết cho mùa hoa lê-ki-ma nở… Chị Sáu đã hi sinh rồi,/Giọng hát vẫn như còn vang dội vào trái tim…Anh Quán cười khà khà, nói sau này hễ viết về chị Võ Thị Sáu thì người ta lại bê nguyên chi tiết này vào, vui quá là vui.
Đến ngày thứ ba anh Quán mới kể sự tích chiếc xe trâu. Bữa đó trời mưa, anh đi đâu về, chạy rật rật vào nhà, miệng nói tay chỉ, nói Lập Lập mày bê chiếc xe đạp vào nhà cho anh. Mình chạy ra, vừa nhấc lên đã lè lưỡi, nặng quá là nặng. Mình vừa thở vừa nói xe này đúc bằng sắt hay sao, nặng như chiếc xe máy. Anh Quán cười nhẹ, nói thì bằng sắt chứ sao, có tí nhôm nào đâu, có rứa mới gọi là xe trâu. Anh lôi chai rượu vừa kiếm đâu về rót ra hai ly, nói uống đi. Xe này anh kiếm được thời viết văn chui đấy, chuyện hay lắm.
Anh kể đâu như năm 69-70, bé Đỗ Quyên, con gái đầu của anh, đang học cấp I. Mùa hè thì không sao, cứ đến mùa đông là nó thường xuyên đi học muộn. Trời rét mướt cả nhà ngủ khì trong chăn ấm, đến khi tung chăn vùng dậy đã bảy, tám giờ rồi. Con gái bị cô giáo phê bình liên tục, anh xót lắm, nghĩ bụng không biết làm thế nào kiếm được cái đồng hồ báo thức. Đồng hồ báo thức Liên Xô hồi đó bán phân phối giá 20 đồng, đối với anh Quán là cả một món tiền to. Nhưng giá có kiếm được 20 đồng cũng chả đến lượt anh, sổ gạo còn hồi hộp sợ có ngày bị cắt mất, anh đâu dám mơ được phân phối đồng hồ. Đến chơi nhà Trần Dần, anh thấy có tờ họa báo Phụ nữ Liên xô, vừa lật vài trang chợt thấy thông báo thể lệ cuộc thi viết về Lê Nin. Ngó xuống phần giải thưởng, giải khuyến khích là đồng hồ báo thức, bút máy và một vài thứ khác. Lập tức anh về nhà viết ngay, quyết giành cho được cái giải khuyến khích. Chừng hai ngày anh viết xong cái truyện Như con cò vàng trong cổ tích. Tất nhiên anh không lấy tên thật. Anh thư vào Nghệ An cho chú em họ đang làm công nhân lâm trường gì đấy, xin phép được lấy tên anh ấy. Sở dĩ anh lấy tên chú em họ, vì chuyện thi cử anh không dám mượn tên mấy ông bạn nhà văn anh vẫn mượn tên, hơn nữa lấy tên một người thuộc giai cấp công nhân chắc người ta sẽ ưu tiên hơn.
Mới gửi thì thấp thỏm lắm, thỉnh thoảng có bưu tá gọi ra ngõ lấy thư, trống ngực đập to hơn trống làng, cứ tưởng bở thư chú em họ báo tin giải thưởng. Hơn nửa năm vẫn biệt vô âm tín, tuyệt vọng luôn. Trách mình to đầu mà dại, tự nhiên đơm đó ngọn tre, đấu với các anh tài của cả 12 nước XHCN, cái giải rút cũng đừng có mà mơ.
Một hôm rượu say anh ngủ như chết, chị Trâm, vợ anh, véo cho cái rõ đau. Anh giật mình mở mắt, chị Trâm cầm tờ giấy báo trúng giải chú em họ vừa cầm ra đưa qua đưa lại trước mắt anh, ối cha mẹ ơi giải nhất! Anh tự véo đùi mình hai ba cái để xem mình tỉnh hay mơ. Chú em họ mặt nhăn như bị, nói anh mần ri chết em rồi. Anh hỏi sao. Chú em họ kể giấy thông báo về buổi sáng, buổi chiều đã ồn khắp lâm trường, một ngày sau thì ồn ra cả tỉnh. Một ông công nhân ở nơi khỉ ho cò gáy bỗng nhận cái giải nhất của Liên Xô, lại giải nhất viết về Lê Nin thế mới kinh. Đài lâm trường, đài huyện, đài tỉnh đua nhau nói râm ran. Các nhà báo kéo nhau về Lâm trường ầm ầm, chú em họ hãi quá, nửa đêm nhảy tàu ra nhà anh.
Chuyện nghiêm trọng. Việc này nếu lộ ra chẳng những anh mất toi cái giải nhất mà việc viết văn chui của anh hơn chục năm qua nhất định bị lật tẩy, khéo không tù tội như chơi. Anh lạy lục chú em họ đã thương thì thương cho trót, cố làm sao đừng để chuyện này lộ ra. Anh diễn giải phân tích cái truyện, đặt ra đủ loại câu hỏi rồi trả lời, để chú em họ đối phó với đám nhà báo. Chú em họ cay đắng ra về, thôi thì đâm lao phải theo lao, nếu lộ ra anh Quán chết thì anh cũng chết theo, chẳng phải chuyện chơi.
Được hơn một tuần, nửa đêm chú em họ lại mò ra, lôi trong bị ra cái đồng hồ báo thức và 50 chục đồng đưa cho anh Quán, nói của anh đó, anh cầm đi rồi tha cho em, hai ba tuần nay vợ chồng em mất ăn mất ngủ, kiểu này rồi cũng “tăng xông” đứng tim mà chết, chẳng sống được đâu. Hỏi thì chú em họ kể, hết lâm trường mít tinh biểu dương đến huyện, sở hội họp khen ngợi. Lại còn Tỉnh ủy gọi lên chiêu đãi, tặng 50 đồng; Ủy ban tỉnh gọi lên chiêu đãi, tặng đồng hồ báo thức. Hai vợ chồng chú em họ sợ hết hồn, cứ mỗi lần có trát gọi là tim họ nhảy lên sau gáy, mặt mày xanh như đít nhái.
Rồi cũng qua. Ngày anh Quán đưa chú em họ đến Đại sứ quán Liên Xô nhận chiếc xe đạp là ngày cuối cùng trong suốt ba tháng trời căng thẳng hồi hộp. Anh nấp sau gốc cây bên kia đường, đối diện cổng Đại sứ quán, căng thẳng đến độ mồ hôi đầm đìa toàn thân, ướt sũng cả áo quần, chỉ sợ đến phút chót mọi việc bị lật tẩy. Chờ suốt ba tiếng đồng hồ mới thấy chú em họ đẩy chiếc xe đạp đi ra. Anh ôm chầm lấy chú em họ nghẹn ngào không nói được. Hồi lâu mới nấc lên, nói em ơi, ơn em đời đời kiếp kiếp. Anh theo Vệ quốc quân vào sống ra chết không biết bao nhiêu lần, chưa lần nào anh sợ như lần này.
Nghe đến đây tự nhiên mình muốn khóc.
(Trích Tạp văn Chuyện đời vớ vẩn của Nguyễn Quang Lập do NXB Văn học ấn hành)
___________________

Sự thật, từ ngòi bút Phùng Quán

Nguyễn Khắc Phê

Đã là nhà văn, ai cũng biết sử dụng thủ pháp “hư cấu” - cũng có người gọi đó là “bịa như thật”. Riêng nhà văn Phùng Quán, theo thiển nghĩ của tôi, suốt cả cuộc đời ông, từ tác phẩm đầu tiên cho đến dòng chữ cuối cùng ông viết trên giường bệnh, đều được xây dựng từ những nguyên mẫu có thực ngoài đời, đều đầy ắp những sự thật anh hùng, bi tráng và cả đau đớn của thời đại, của kiếp nhân sinh. Ngay cả trong những tác phẩm nổi tiếng như “Vượt Côn đảo”, “Tuổi thơ dữ dội”, mặc dù tiểu thuyết là thể loại văn học cho phép nhà văn thả sức tưởng tượng và hư cấu, Phùng Quán vẫn “tận dụng” tối đa nhân vật, chi tiết có thật ngoài đời. Ví như vị bác sĩ trong “Tuổi thơ dữ dội”, ông không ngại lấy họ tên thật là Lê Khắc Thiền, một nhân vật khá nổi tiếng trong ngành y, sau này từng giữ chức Viện trưởng Quân y 108 và Viện Đông y. Ba trường ca nổi tiếng một thời của ông (“Năm người anh hùng thành Xê-pát-tô-pôn”, “Võ Thị Sáu”, “Người anh hùng đánh cầu Phú ỐC”) cũng đều viết về những người anh hùng được ghi danh trong lịch sử…
Cần phải nhắc lại như thế để thấy cảm hứng sự thật chủ đạo trong những tác phẩm của Phùng Quán là anh hùng ca, là những bài ca tôn vinh sự hy sinh cao cả của người chiến sĩ. Đương nhiên, sự vật nào cũng có hai mặt, nhưng với nhà văn-chiến sĩ Phùng Quán, bất đắc dĩ lắm, ông mới viết về mặt trái. Đó là trường hợp ông viết bài thơ “Chống tham ô lãng phí”. Giữa lúc dư luận cả nước đang sôi sục lên án giặc “nội xâm” tham nhũng, thiết nghĩ cũng nên nhớ lại “quả bom” chống tham nhũng mà nhà thơ-chiến sĩ tiên phong Phùng Quán đã cho nổ từ nửa thế kỷ trước. Ông đã kể lại với Lê Gia Ninh - một bạn văn ở Huế, như sau: Trong một dịp đi thực tế ở Nam Định, “qua những xóm làng chiến tranh vừa chấm dứt”, ông đã gặp “những bà mẹ già quấn giẻ rách, da đen như củ cháy giữa rừng / Kéo dây thép gai tay máu ròng ròng” để “trồng ngô trỉa lúa” nhưng “nước biển dâng cao ướp muối các cánh đồng” khiến “phân người toàn vỏ khoai tím đỏ”… Vậy mà có một “lũ người tiêu máu của dân / Như tiêu giấy bạc giả… “Đài xem lễ” họ cao hứng dựng lên / nửa chừng bỏ dở…” Trở về Hà Nội, sau một đêm lang thang giữa mưa rét, bần thần như người ốm, gặp ai cũng lặng câm, nhà thơ-chiến sĩ về phòng, mặc lại áo trấn thủ, đặt ống điếu thuốc lào như khẩu Bazoka hướng nòng về phía trước và viết…viết liên tục, từng chữ, từng câu trào ra đầu ngọn bút: “Bọn tham ô, lãng phí quan liêu / Đảng đã phê bình trên báo / Còn bao tên chưa ai hay? / Lớn, bé, nhỏ, to, cao, thấp, béo gầy…/ Chúng nảy nòi, sinh sôi như dòi bọ! / Khắp đất nước đâu đâu chẳng có!...Trung ương Đảng ơi!...Đảng phải lập những đội quân trừ diệt / Có tôi! / Đi trong hàng ngũ tiên phong.”(Trích từ “Thơ Phùng Quán” - NXB Văn học, 2003)
Thật đáng tiếc là sau khi bài thơ “Lời mẹ dặn” ( “Yêu ai cứ bảo là yêu / Ghét ai cứ bảo là ghét / Dù ai ngon ngọt nuông chiều / Cũng không nói yêu thành ghét / Dù ai cầm dao doạ giết / Cũng không nói ghét thành yêu…Bút giấy tôi ai cướp giật đi / Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá” - Trích sách đã dẫn) cũng ra đời trong dịp này, Phùng Quán đã phải trả giá đắt khi “muốn làm nhà văn chân thật / Chân thật đến trọn đời” (Trích “Lời mẹ dặn”) Trước đây vì ngại nói sự thật, báo chí thường viết ông “bị tai nạn nghề nghiệp”, nhưng mấy năm gần đây thì nhiều người đã nói rõ: Vì bị cho là “dính” vụ “Nhân văn”, ông đã như bị “án treo” suốt 30 năm ! Và nhờ “Đổi Mới”, ông đã được minh oan, hầu hết tác phẩm của ông đã được xuất bản, trong đó có tác phẩm được giải thưởng cao của Hội Nhà văn, được tái bản nhiều lần.
Cảm hứng viết về sự thật, lời thề “Chân thật đến trọn đời” của ông từ nửa thế kỷ trước, đã được thể hiện đậm nét trong cuốn sách “Phùng Quán - Ba phút sự thật” (NXb “Văn nghệ” TP. Hồ chí Minh.) Chị Vũ Bội Trâm (vợ nhà thơ Phùng Quán) với sự giúp đỡ của nhà thơ Ngô Minh, đã tập hợp 15 bài ký của ông - trong đó có những bài công bố lần đầu, có dòng chữ cuối cùng ông viết trên giường bệnh (năm 1995)…- làm nên cuốn sách này. 15 bài ký đều viết về những con người có thật, sự việc có thật, với cách nhìn nhân hậu và trào lộng của một con người đã nếm trải, đã thấu hiểu mọi nỗi của kiếp nhân sinh khiến những trang văn thấm đẫm nước mắt và nụ cười, làm người đọc xúc động và day dứt khôn nguôi. Ngay cả khi viết về những năm tháng cơ cực, oan trái của đời mình (Hồi ký “Một năm lao động ở công trường Cổ Đam”), ông cũng chỉ kể lại một cách bình thản, không oán giận ai và không quên điểm vài chi tiết trào lộng; có buồn đau thì cũng là nỗi đau của người trong cuộc, chứ không phải là kẻ đứng ngoài bêu riếu và xỉa xói. Và ngay cả khi kể lại chuyện mình phải “nói dối”, ông cũng nhắm mục đích giúp bạn đọc hiểu rõ sự thật về một nhân vật tài danh từng bị “bỏ quên”.
Đó là việc ông “liều mạng” bịa chuyện nhà văn Đoàn Phú Tứ, nguyên là đại biểu Quốc hội Khoá 1, uỷ thác cho ông lên gặp Chủ tịch Quốc hội xin tiền mua một cỗ áo quan. Lời uỷ thác là bịa, nhưng ông làm thật và Văn phòng Quốc Hội đã tìm ra danh sách đại biểu Khoá 1 có tên Đoàn Phú Tứ. Lúc đó, do đồng chí Lê Quang Đạo đi vắng, không ai “duyệt chi” tiền mua áo quan, nhưng Văn phòng đã kịp mua vòng hoa đến viếng… Tôi hiểu Phùng Quán viết hồi ức này không chỉ để tạ tội trước vong linh nhà văn đã khuất và Chủ tịch Lê Quang Đạo về việc mình buộc lòng phải “bịa” lời uỷ thác của Đoàn Phú Tứ mà còn là dịp để ông kể lại việc Đoàn Phú Tứ - nhà thơ đầu tiên đứng lên chống lại tệ tham nhũng: Chính là trong bữa tiệc cưới đầy ắp sơn hào hải vị do đại tá, Cục trưởng quân nhu Trần Dụ Châu chủ hôn, nhà thơ cự phách của nhóm Xuân Thu nhã tập, thay vì đọc thơ mừng theo lời mời của chủ hôn, đã lớn tiếng nói: “Bữa tiệc cưới chúng ta sắp chén đẫy hôm nay, được dọn bằng xương máu của chiến sĩ!” Lúc đó, nhà thơ dũng cảm của chúng ta “lặng lẽ nhổ vào cốc rượu đỏ như máu đầy tràn trước mặt” sau khi bị tên vệ sĩ theo lệnh Trần Dụ Châu tát bốp vào mặt, nhưng ngay đêm đó, ông viết một bức thư dài lên Hồ Chủ tịch. Và Trần Dụ Châu đã bị tử hình như chúng ta đã biết!…

Sự thật về cuộc đời của một nhân vật như Đoàn Phú Tứ, tác giả bài thơ “Màu thời gian” nổi tiếng (đến mức các tác giả “Thi nhân Việt Nam” nhận định: “Không có bài nào khác tinh tế và kín đáo như thế.”) người sáng lập ban kịch “Tinh hoa” năm 1936 quy tụ những tên tuổi như Thế Lữ, Vũ Định Liên, Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Xuân Khoát…, dịch giả của nhiều tác phẩm lớn của thế giới… lại có thời phải ra chợ Hàng Da nhặt vỏ chuối về giúp con nuôi lợn… là đề tài của một trường thiên tiểu thuyết. Viết về Đoàn Phú Tứ, cũng như những nhân vật nổi tiếng khác (như Văn Cao, Tố Hữu, Trần Đức Thảo, Nguyễn Hữu Đang, Phùng Cung…) cho đến những đồng đội thời chống Pháp của ông như nhà thơ Hồ Vi, như các liệt sĩ hy sinh ở Huế ngày đầu kháng chiến và “Người bạn lính cùng tiểu đội” trùng tên với một nhà văn lớn, nhưng số phận lại thật oái oăm, ông chỉ chắt lọc những chi tiết đắt giá, những tiếng nói tri âm với mình, để rồi tác giả cùng nhân vật đúc kết, gửi lại hậu thế điều tâm huyết nhất - bản chúc thư bằng “xương máu” của cả cuộc đời mình. Kết thúc câu chuyện chưa đầy 3 trang sách viết về người sinh viên anh hùng Cu Ba Ăngtôniô Êchxêvania với kế hoạch đánh chiếm Đài Phát thanh quốc gia của chế độ độc tài Batitsta để có “Ba phút sự thật” - xé toạc bức màn lừa mị của bọn độc tài, trước khi bị bắn chết, Phùng Quán viết: “Cả những đề tài lớn lao nhất như sự thật, như chân lý, đều có thể diễn đạt nó trong vòng 180 giây đồng hồ với điều kiện tác giả phải sẵn sàng đem mạng sống trả giá cho những giây đồng hồ quý báu đó.” Với nhà thơ Tố Hữu mà ông gọi bằng “cậu”, sau 32 cái Tết, Phùng Quán mới thăm lại vì ông phải chờ…đến lúc tác giả của “Từ ấy”, “Việt Bắc” không còn quyền lực gì trong tay nữa, ông thuật lại phút chia tay giữa hai người: “…Nhà thơ nói vui với vợ tôi: “Thằng Quán nó dại”. Khi ra đến gần cổng sắt, nhà thơ dừng lại, nói tiếp, như vẫn không dứt dòng suy nghĩ của mình: “- mà cậu cũng dại…”…Tôi bật cười to:”Thưa cậu, thì chính cậu đã viết điều đó thành thơ từ nửa thế kỷ trước: Ai nên khôn mà chẳng dại một đôi lần!”…Bài viết về triết gia Trần Đức Thảo, sau khi nhắc việc cái lọ tro đựng thi hài ông từ Pháp chuyển về phải “tạm trú” dưới gầm cầu thang nhà tang lễ thành phố 50 ngày đêm - một thời gian kỷ lục - để chờ “cấp trên” xem có đủ “tiêu chuẩn” an táng ở Mai Dịch không, Phùng Quán đã viết: “Nếu tro trong bình kia biết nói thì tro sẽ nói: “Người cách mạng không nên đòi hỏi hưởng thụ quá những tiêu chuẩn mà cách mạng đã quy định…Thói đặc quyền đặc lợi đã làm hư hỏng biết bao nhiêu người tốt!...” Tuy vậy, “chúc thư” hệ trọng nhất mà tác giả muốn gửi lại cho hậu thế từ các tên tuổi như Trần Đức Thảo, Văn Cao, Phùng Cung, Đoàn Phú Tứ… có lẽ là trách nhiệm của xã hội đối với nhân tài của đất nước. Trong bài “Một thoáng Văn Cao”, sau khi nhắc lại kỷ niệm những ngày gian khổ thời chống Mỹ, có lần Văn Cao hỏi vay Phùng Quán 5 đồng vì “từ sáng đến giờ chỉ toàn rượu suông, muốn đi ăn bát cháo”, đã kể lại câu chuyện thời chống Pháp ở “Trung đoàn 101” danh tiếng, khi Phùng Quán được cử vào đội bảo vệ cho một nhóm văn nghệ có tên tuổi như Thanh Tịnh, Phạm Duy, Bửu Tiến…từ vùng tự do Khu Bốn vào chiến trường Bình Trị Thiên, Chính uỷ Trung đoàn Trần Quý Hai đã chỉ thị: “ Nhân tài là báu vật của Tổ Quốc. Những người lính chúng ta có nhiệm vụ phải chăm nom, săn sóc, bảo vệ họ như con ngươi của mắt mình”. “Chúc thư” này, Phùng Quán đã thể hiện trong một bài thơ mừng thọ Văn Cao 60 tuổi: “…Chúng tôi thường mơ / Một hôm nào đó nhạc sĩ Văn Cao bị bốn bề vây súng giặc / Chúng tôi sẽ xông ra lấy ngực che đạn cho anh…”

Trong cuốn sách, hồi ký“Người bạn lính cùng tiểu đội” chiếm số trang nhiều nhất (trên 50 trang), tuy mang cái tựa khá là “khô khan”, nhưng theo tôi đây là những trang vào lại hay nhất của đời văn Phùng Quán, đậm đà chất tiểu thuyết với nhân vật mang khát vọng lớn và nỗi đau của con người như nhân vật của Dostoievsky. “Nhân vật” của “tiểu thuyết” này trước khi trở thành cán bộ của Đài Tiếng nói Việt Nam, đã xông pha trận mạc ở chiến trường “Bình Trị Thiên khói lửa” và Trung Lào, từng dành mỗi tháng 5 đồng giúp tác giả “Vượt Côn Đảo” nuôi con hồi ông đang phải bất đắc dĩ làm người câu cá trộm ở Hồ Tây, từng “vỡ lòng” cho Phùng Quán về niêm luật thơ Đường và văn hào Nga Dostoievsky; “nhân vật” ấy từng có những trang viết mà một tài năng như Phùng Quán, sau khi nghe tác giả đọc xong hai chương tiểu thuyết, đã phải thốt lên: “Tôi muốn nói một điều gì mà cổ tự nhiên tắc nghẹn. Từ đáy lòng tôi dâng lên một nỗi buồn kinh khiếp. Đó là nỗi buồn khi đọc một nhà văn đồng thời, và tự phát hiện mình không bao giờ viết nổi những trang viết như anh ta! Buồn vì tủi thân, và cả vì…đố kỵ…” “Nhân vật” ấy, sau một “tai nạn” như trời giáng, sau ngày đất nước thống nhất, được một người học trò cũ rước vào TP. HỒ Chí Minh; ngày chia tay, bạn hữu đến chật căn phòng bé tẹo, đến mức Phùng Quán đã viết: “Có nơi nào trên trái đất này / Mật độ nhà thơ như ở đây? / Ba thước vuông sáu nhà thơ ngồi / Hai phải đứng vì không đủ chỗ…/ Có nơi nào trên trái đất này / Mật độ yêu thương như ở đây? / Mỗi tấc đất có một người quỳ gối / Dâng trái tim và nước mắt / cho nỗi đau của cả loài người…” Thật không may, tháng ba âm lịch năm 1981 (vậy là đã tròn một phần tư thế kỷ đã qua!) “nhân vật” ấy bị tai nạn giao thông, chắc là lúc đang mê mải một tứ thơ nào đó, đã đạp thẳng xe vào một chiếc xe tải đang cài số lùi; trước cái chết cận kề, ông đã nói những lời cũng đặc biệt như cuộc đời ông: “Xin lỗi anh, tại tôi đãng trí…” Và Phùng Quán đã viết: “Có lẽ đây là lần đầu tiên trong lịch sử tai nạn giao thông, người bị đụng xe lại đi xin lỗi tài xế!”…

Chỉ riêng câu chuyện về nhân vật tai tiếng mà đã thành như “vô danh” này đủ làm cho cuốn sách có “sức nặng” rất đáng tìm đọc. Cuốn sách còn có nhiều ảnh lưu niệm quý và tiểu sử Phùng Quán. Nhìn một chuỗi ảnh chân dung ông, từ chú bé mang quần trắng áo dài đen đến anh “lính cụ Hồ” 1954 và nhà thơ trong tấm “áo liệm” do Thu Bồn tặng, trên đó có hàng trăm chữ ký của bạn bè cũng như danh mục dài dằng dặc những tác phẩm Phùng Quán phải “mượn tên” thuở còn phải “viết chui” - nhìn những sự thật không cần bình luận này cũng đủ để ta ngẫm nghĩ đến bao bài học đắt giá ở đời…

Đã đăng trên báo “Văn nghệ” ngày 22/7/200.
______________


Anh hùng ca “Vượt Côn Đảo”

và con người Phùng Quán

Châu Diên

Nếu không nhầm, thì đòn tấn công mở đầu vào tác phẩm Vượt Côn Đảo của Phùng Quán không từ các nhà phê bình chuyên nghiệp, mà từ bài báo in năm 1955 của một cậu giáo dạy Văn. Cậu giáo này sau thành nhà nghiên cứu Tâm lý học giáo dục, và còn thành nhiều thứ “nhà” khác nữa, trong đó có một “thứ” cực kỳ khủng khiếp, ông trở thành đại diện của Việt Nam trong khá nhiều tổ chức Giáo dục quốc tế. Sức nặng của bài báo phê bình văn học duy nhất trong đời ông không ở lập luận, mà ở chỗ, nhân danh một tập thể giáo viên và học sinh một trường lớn, đông hàng nghìn người, nó phản kháng, nó phê phán tác phẩm của Phùng Quán có nội dung phiêu lưu, anh hùng cá nhân, rồi nó kết luận đó là một tác phẩm độc hại vì không có tính tư tưởng cao.
Kể từ bài báo (tạm coi là) đầu tiên đánh vào Vượt Côn Đảo cho tới nay đã năm mươi năm. Năm mươi năm… của một dân tộc với những đổi thay hào hùng và lắm khi cũng khó hiểu! Hào hùng thì ai cũng rõ rồi. Còn khó hiểu tới đâu, thì chỉ cần nếm một thìa “đổi thay” nho nhỏ này là đủ: cái sự nghiệp Giáo dục có phần công lao của ông giáo nổi tiếng một cách tăm tối bi đát kia – mượn tạm cách biểu đạt tristement célèbre của người Pháp – bây giờ đang đứng trước một phong trào chính thống nghe thật lạ tai, nói không với tiêu cực. Còn nhớ, nhà thơ châm biếm Thợ Rèn khi được khen và khi tự tổng kết cuộc đời sáng tạo, đã từng nói đại ý rằng, “châm ai thì châm, tôi không bao giờ nỡ châm những con người vô cùng trong sáng ở hai ngành Công an và Giáo dục”. Lý ra thì bác Thợ Rèn nên thêm ngành Y tế nữa, với những lương y như từ mẫu!
Hôm nay đây viết về tác phẩm Vượt Côn Đảo, có lẽ nên nói ngay một lần và nói ngay từ đầu: cả thế giới này xuống xuống lên lên, đổi thay thay đổi, chỉ riêng Phùng Quán là cố định một chỗ, không thay đổi chút gì. Tiểu luận này sẽ chỉ nói về một điều bất biến đó qua Vượt Côn Đảo.

1.
Khi Phùng Quán bắt tay viết Vượt Côn Đảo, đất nước yêu dấu của anh vừa trải qua ba việc lớn. Việc lớn thứ nhất là chiến dịch Điện Biên Phủ đại thắng, bộ đội ta tiến quân trở về giữa mùa hoa nở... Việc lớn thứ hai là đại thắng tại Geneva đem lại Hoà bình và triển vọng sau hai năm tổ quốc ta chắc là sẽ thống nhất, từ mục Nam quan tới mũi Cà Mau, trời ta chỉ một trên đầu, đất nước liền một dải... Còn việc lớn thứ ba, ít người bây giờ muốn nhắc lại, không ít người thực lòng hiểu nhầm hoặc cố ý hiểu nhầm nó, nhưng với một chút bình tâm trung thực là đủ thấy việc lớn thứ ba đó là sự thay đổi sâu xa trong nhận thức của con người. Một sự thay đổi căn bản – có nhiều khi như là một đảo lộn – cả trong tâm hồn lẫn trong lý trí những con người từng chỉ có hai bàn tay trắng hò reo mà giành lấy chính quyền cách mạng những ngày tháng Tám 1945, rồi cũng những người ấy lại lầm lũi một cuộc trường chinh suốt chín năm bắt đầu từ ngày 19-12-1946.
Có được những thay đổi to tát trong nhận thức của lớp người như Phùng Quán, ấy là do họ thành tâm tiếp thu những nội dung chỉnh huấn vào giai đoạn chuẩn bị chiến dịch Điện Biên Phủ. Trước đó, họ ra đi chiến đấu vì những động cơ “cách mạng” mơ hồ, nay họ được trang bị “quan điểm dân tộc“, “quan điểm nhân dân”, “quan điểm giai cấp”, “quan điểm lao động”, “quan điểm quần chúng”. Trước đây họ chỉ biết sống chung trong một đơn vị chiến đấu, nay họ có nhận thức mới về “tính tập thể”, một tình cảm đồng đội trong một tình yêu nhân dân và giai cấp mà không tình cảm muôn thuở nào sánh nổi. Chỉnh huấn giúp họ thực lòng tin tưởng vào tập thể, tin vào sự chân thành của những con người cùng giai cấp, cùng chiến hào. Trong cái tập thể mênh mông, họ có cái nhóm ba người sống chết với nhau không khác anh em ruột thịt, cùng chiến đấu và cùng tu dưỡng trong những buổi sinh hoạt chính trị công khai hoặc những buổi chiều “tâm giao” còn hơn là của những cặp tình nhân, đó là những phương tiện cụ thể thực hiện cái tình đoàn kết chiến đấu mới mẻ đó.
Một thay đổi nữa cần thấy ở lớp người như Phùng Quán: trong những cuộc chỉnh huấn giữa những năm 1950, ấy là không chỉ học về những tình yêu bao la, họ còn được học về lòng căm thù. Lòng căm thù như một nghệ thuật biết ghét, chứ không chỉ là cái thứ căm thù hời hợt, còn thiếu hẳn một nhận thức sâu xa, căm thù vì dân tộc, căm thù vì nhân dân và căm thù vì giai cấp (cần lao) chứ không vì một mối thù riêng tư. Vì thế mà họ có lòng căm thù theo chủ đích: đế quốc, thực dân, địa chủ phong kiến. Những bài học căm thù tiến hành đầy kỹ thuật tâm lý học qua những hình thức kể nghèo kể khổ, đủ sức “phát động” sự căm thù ở ngay cả những con người dửng dưng nhất. Chưa hết, họ còn có cả sự tự phê bình để biết căm thù cả những thói hư tật xấu nằm trong chính con người mình, rồi nhờ sự “phân tích” của những người hiểu biết hơn (trình độ chính trị cao hơn) nên càng thấy mỗi khuyết điểm, mỗi điều còn xấu xa trong từng con người, sẽ thành vũ khí nối dài bàn tay tội ác của đế quốc và phong kiến, mỗi khuyết điểm của ta đều gián tiếp hoặc trực tiếp làm hại cho cách mạng.
Dựa trên lòng yêu và lòng căm thù “đúng đắn”, những bài học chỉnh huấn giúp cho những người như Phùng Quán mở rộng tầm “tứ hải giai huynh đệ”. Nhờ đó mà yêu Liên Xô và Trung Quốc cùng nhân dân các “nước dân chủ mới” như yêu người anh em thật. Cũng không nên quên cái không khí văn hoá mới lạ thổi từ đất nước ta đi ra và từ thế giới bè bạn thổi vào đất nước ta khi ấy. Từ bên trong là những lời và nhịp hào hứng đây Von-ga đây Dương Tử đây Sông Lô đây sóng căm hờn vút cao sóng lấp lánh vàng sao… Phim ư? Bộ phim hay nhất không có giải Oscar, mà là phim được quần chúng xem phim căm phẫn bắn thẳng vào kẻ thù trên màn hình có tên cụ thể là Hoàng Thế Nhân đang nhăn nhở trước cô gái sau rồi sẽ lưu lạc trong rừng thành cô gái tóc trắng. Câu chuyện người anh hùng Liên Xô được một anh chiến sĩ kể vào ngày Tết cho bạn tù trong Vượt Côn Đảo đúng là truyện ngắn vẫn được coi là người thật việc thật của nhà văn lớn Boris Polevoi. Còn người anh hùng phi công Meresseiev cũng thành quân ta tự bao giờ!
“Ta” còn độ lượng thương cả những lính da đen đang bắn giết hãm hiếp cướp bóc ngay trên đất nước mình, thương vì họ cùng ta có chung kẻ thù, thương họ chưa giác ngộ nên vẫn mê muội trong vòng thao túng của quân thù tầm cỡ toàn cầu (nói theo ngôn từ hôm nay cho dễ hiểu). Vì thế mà càng yêu hơn biết bao nhiêu những anh em ta Issara, Issarak đang có mặt thực thụ hoặc ít ra cũng cảm thấy sự có mặt của những chiến sĩ Miên-Lào đó đâu đây ngay trong chiến hào với chúng ta…
Phùng Quán đã đến với nhận thức mới vào cái thời con người thì trong sáng và xã hội thì hoàn toàn thiếu thông tin khiến niềm tin như thể hoàn toàn mang tính tôn giáo. Khi đó không ai có thể biết rằng Lưu Thiếu Kỳ dám nói hỗn chê Hồ Chí Minh là “tay hữu khuynh” (1), một họ Lưu cúc cung tận tuỵ với “bác Mao” đến thế, mà rồi cũng chết còng queo trong tù không mảnh quần che thân trước con mắt những Vệ Binh Đỏ do Mao lập ra; cũng chưa ai nghĩ và có biết cũng chẳng dám tin rằng có thể có một Chu Ân Lai đích thân ép Phạm Văn Đồng “đặt bút ký Hiệp nghị Geneva trong nước mắt” (2).
Nếu không nhận ra được tâm trạng chân thành tuyệt đối của những nhà văn hoá như Trần Dần và Phùng Quán, ta sẽ không sao hiểu được toàn bộ tác phẩm Vượt Côn Đảo cũng như tác phẩm anh em của nó thời đó là Người người lớp lớp.
Côn Đảo từ lâu đã là một “địa ngục trần gian”. Không ai dám nói ngược lại, báng bổ vong linh những người đã đổ máu ở đảo này mà phải tội! Ta kính cẩn tin vào chuyện đó, không cần lý lẽ nhiều lời, và sau này lại còn có cả những tư liệu thực chứng cho thấy niềm tin của ta không sai (3). Đến những năm 1950, cuộc sống ở hòn đảo đó càng khủng khiếp. Hơn hai trăm tù binh bị giặc bắt từ khắp các chiến trường đã bị đưa về giam trên hòn đảo “địa ngục trần gian” này. Cái gì đã đoàn kết họ lại, cái gì đã phả sức chiến đấu vào những bắp thịt bị hành hạ đến héo mòn, cái gì khiến họ yêu thương nhau hơn cả anh em ruột thịt? Những chuyện kể của những người sống sót khỏi chốn địa ngục đó mà Phùng Quán gặp và ghi được tại nơi trao đổi tù binh sau Hiệp nghị Geneva 1954, toàn bộ cái mãnh liệt tinh thần của họ và ngay cả toàn bộ cái mong manh thân xác họ mang được từ địa ngục trở về đã làm nên một Phùng Quán của Côn Đảo, đã nhào nặn một Phùng Quán nữa cho Côn Đảo, và sự cộng hưởng tài tình và ân tình nơi Phùng Quán đã tổ chức lại được một cuộc vượt Côn Đảo khác, có thể ít thật hơn hoặc còn rất xa mới gần được sự thật, nhưng lại thiêng liêng vô cùng và được lưu giữ đến mãi mãi, một chuyến vượt ngục bất thành nhưng là cả một hình hài nằm trong cuốn sách mỏng chưa đến 200 trang!
Vượt Côn Đảo cần được nhìn nhận như đó chính là con người Phùng Quán; chính là Phùng Quán đã tham gia cuộc “vượt Côn Đảo”, cũng như Người người lớp lớp cần phải được nhìn nhận như đó chính là con người Trần Dần. Hai nhà thơ, hai cõi lòng chân thành, hai con người thật sự trong trắng, hai miếng đất màu để tự họ biến thành hai tác giả tạo ra hai tác phẩm suy cho cùng thì không “hiện thực” lắm, hoặc không hiện thực một cách nghiêm nhặt, nhưng là hai tác phẩm có đủ khuyết tật của mọi tác phẩm nghệ thuật thực thụ.
Nhiều chục năm sau khi in Vượt Côn Đảo, trải biết bao thăng trầm, độc giả mới được hé lộ Phùng Quán có ngừoi cha đẻ tên là Phùng Văn Nguyện, học sinh trường Quốc học Huế, tham gia bãi khoá, bị bắt giam… rồi lại tiếp tục hoạt động và bị mật thám Pháp bắt giam, đánh đập tra tấn cho đến chết ở nhà lao Đà Nẵng. Phùng Quán gần suốt đời giữ riêng mấy điều ấy cho mình, nay ta biết thì cũng đủ lý giải cho ta vì sao vào năm 1954, trong cuộc trao đổi tù binh, trong số biết bao nhiêu nhà văn có mặt ở đó, chỉ riêng Phùng Quán lao vào mảng “đề tài” tù binh Côn Đảo. Ta hoàn toàn tin rằng đã có một Phùng Quán nhập thân vào cha mình và các đồng chí của cha mình trong bất kỳ một nhà lao nào khác song thảy đều giống hệt cái địa ngục trần gian Côn Đảo. Ta thấy rõ Phùng Quán không chỉ viết văn, mà chính Phùng Quán đã muốn vượt ngục cùng với cha mình và bè bạn. Phùng Quán không đứng tách mình ra ca ngợi những người anh hùng thất trận, Phùng Quán đã và đang tự sự. Tác phẩm Vượt Côn Đảo thành một nén hương của cõi lòng Phùng Quán khấn cha và khấn các chiến sĩ của đất nước!

2.
Vượt Côn Đảo là một bản anh hùng ca. Phùng Quán đã gặp ở nơi trao đổi tù binh tại Sầm Sơn những con người hai lần vượt ngục thất bại. Phùng Quán không chỉ ghi chép những lời kể của họ, anh còn nghiền ngẫm những tâm tư kia. Và anh không làm công việc như một cán bộ tuyên huấn bình thường, anh tạo lại cho bản anh hùng ca đó một dáng dấp tiểu thuyết. Trong bài thơ dài bằng văn xuôi này, có những nhân vật để ta nhớ mãi, mặc dù nhân vật nào cũng chỉ được phác hoạ khá nhanh chứ chưa thành những miêu tả tỉ mỉ của cây tiểu thuyết nhà nghề. Lần giở tập tiểu thuyết gọn nhẹ này, ta gặp những tình huống đủ khiến ta hồi hộp, và không hề có một chút gì là “anh hùng cá nhân”, là “phiêu lưu chủ nghĩa”… Phải trong sáng lắm để có thể hiểu nổi cái hào hùng của một cảnh “phiêu lưu” như thế này:
… Nước thấm qua lần vải ri rỉ chảy vào thuyền, ngang mắt cá, lút bàn chân. Chiếc thuyền này làm trước tiên, đã năm tháng liền dưới hầm, vải bị mục, sơn rã ra. Anh em lấy nón, lon đồ hộp tát tới tấp.
Lão Học đổ nước ngọt xuống bể, lấy thùng tát nước. Mạn thuyền nước ép cong cong như một quãng đê sẵp vỡ. Một vài chỗ bục ra, nước trào vào thành một vòi dài…
Anh Cả bảo:
– Thuyền nặng quá, ném tất cả vũ khí xuống bể!
Bằng từ từ thả khẩu tôm-sông xuống nước, ngồi ngẩn ra một giây như người mất hồn. Sức người đuối dần, nước vẫn nhiều.
Mặt trời đi dần về phía chân trời. Nắng đổi sang màu vàng nhạt.
Với tình hình này, một tiếng đồng hồ nữa sẽ chết hết. Không thể ôm nhau mà nhìn thần chết đến cướp cùng một lúc. Giờ phút này phải đòi hỏi sự hy sinh. Anh Cả hội ý với Du và cuối cùng quyết định.
– Cần năm đồng chí hy sinh để cho thuyền nhẹ bớt.
Mười đồng chí giơ tay cùng một lúc. Trong đó có Bằng, Chức, lão Học.
Anh Cả nhìn mười đồng chí một lượt, ngồi lặng đi một phút. [ . . . ] Anh.nghĩ đến Bằng và Vịnh ngây thơ như hai đứa bé, nhường nhau manh áo rách, hẹn nhau cùng nhập Quyết tử quân, chiến đấu cho độc lập, thống nhất của đất nước, về quê ăn trái sầu riêng, vú sữa…
Tất cả nghiến chặt răng lại, cố nuốt nỗi đau đớn đang trào lên chèn ngang cổ.
Anh Cả tuyên bố:
– Đồng chí Chức trước phạm khuyết điểm, đoàn thể đã đình chỉ sinh hoạt. Hôm nay tôi thay mặt Đảo uỷ tuyên bố để đồng chí được trở lại sinh hoạt.
Chức nghẹn ngào:
– Cám ơn đồng chí, cám ơn chi bộ, tôi chết không ân hận gì nữa.
Anh Cả nói tiếp:
– Đồng chí Bằng chiến sĩ chủ lực, lúc nào cũng tỏ ra anh dũng tận tuỵ. Tôi thaỵ mặt Đảo uỷ kết nạp đồng chí vào Đảng. Bắt đầu từ giờ phút này, đồng chí Bằng chính thức là một đảng viên Đảng Lao động Việt Nam.
Nước mắt sung sướng tràn lên gò má 18 tuổi của Bằng.
Lão Học xin có ý kiến, giòng trầm trầm bình tĩnh:
– Thưa đồng chí, tôi già rồi, có về cũng không còn làm được việc cho Tổ quốc, cho Đảng bao nhiêu. Tôi xin thay một đồng chí còn trẻ ở lại phục vụ nhân dân.
Đôi mắt lão nhìn anh Cả thiết tha khẩn khoản, mái tóc cằn cỗi lưa thưa bạc của lão bay bay trong gió. Tất cả lòng hy sinh khảng khái toả sáng trên khuôn mặt héo hon. Sóng bể đổ lên từng đợt hung dữ như thử thách những người con dũng cảm của Tổ quốc. Không thể chậm trễ thêm một phút nào nữa, anh Cả cắn chặt vành môi bật máu, cố hết sức nhưng giọng nói vẫn run run:
– Tôi đồng ý để đồng chí Học hy sinh thay đồng chí Chức.
Năm người lần lượt xuống bể. Bằng xuống đầu tiên:
Bằng quay lại nói với Du:
– Thôi em đi đây, anh được gặp chị Thơm, anh bảo em gửi lời thăm, em là em ruột của anh chị. Anh bảo Vịnh: em không thể về quê chơi với Vịnh được nữa…
Một đoạn văn làm ta nhớ đến Kinh Kha trước khi sang Tần. Nhưng nói như thế sách vở quá, không xứng với Phùng Quán. Nhà thơ này không bao giờ dừng lại với văn chương sách vở. Lẩm nhẩm những lời chú Bằng nói với anh Du, ta tưởng như nghe tiếng nói giọng Huế nhẹ nhàng của chính Phùng Quán. Những lời lẽ đủ sức cho người đọc của tất cả các bên chiến tuyến ngồi lại cùng nhau, mong sao đất nước và nhân loại sẽ không bao giờ còn phải ném con đẻ của mình xuống dòng nước bạc như thế nữa.

3.
Nói đến nhà thơ Phùng Quán nhân tác phẩm Tuổi thơ dữ dội, Nguyễn Khắc Viện thích nhắc nhớ tới Gavroche của Victor Hugo. Thực ra, nếu nhìn chưa kỹ, ta sẽ thấy một sự tương đồng bề ngoài giữa Phùng Quán với Gavroche, song nếu nhìn vào sâu xa bên trong, ta phải thấy sự giống nhau rất lớn giữa hai nhà thơ, một Phùng Quán và một người đã sinh ra Gavroche. Phải nhấn mạnh điều này nữa, rằng Phùng Quán không phải là người được tiếp cận sớm với Victor Hugo, nên nếu có chỗ nào giống nhau giữa hai nhà thơ sống cách nhau hơn trăm năm ấy, thì đó là do Trời phú chứ không do Phùng Quán được học hành.
Victor Hugo thích được nói đến thời đại với những nét hào hùng
Thế kỷ ấy dài những hai năm!
Rôma văn vật thế chỗ cho Sparta võ công
(V. Hugo - Lá thu)
Ta biết rõ ta từ đâu tới,
Cho dù ta chẳng biết rồi sẽ về đâu.
(V. Hugo - Lá thu)
Thì đây, Phùng Quán nào có chịu thua:
Nếu tôi chết, xin các đồng chí đừng đưa tôi đi đâu hết cả
Hãy chôn tôi nơi chính tôi đã ngã!
Nếu mộ tôi là vị trí tốt để đánh mìn
Xin các đồng chí đừng do dự gì hết cả
Hãy đào mộ tôi lên!
Quăng hài cốt tôi đi!
Và thay vào đó cho tôi một trăm cân thuốc nổ!
Những lời thơ này của Victor Hugo nào có khác gì chuyện Bản hùng ca bị mối xông và mười bảy bộ hài cốt do Phùng Quán kể:
Một trăm nghìn người, nát tan vì đại bác và đạn ghém,
Một trăm nghìn người ngã xuống chiến trường,
Ngã xuống vì đất nước…
Một trăm nghìn binh sĩ, anh hùng chứ đâu phải nạn nhân
Chết trong cuồng phong sự kiện sáng ngần
Nơi cất cánh Thần Tự do trắng trong và kiêu hãnh…
(V. Hugo - Lộng gió tâm hồn)
Và như để đáp lại, đây là thơ Phùng Quán:
Đất nước ta đâu chừng ấy nghĩa trang!
Đâu chừng ấy nấm mồ liệt sĩ!
Hãy đi từ Ải Nam Quan
Thẳng đến tận hàng dương Côn Đảo
Nhặt lên từng hòn đất nếm xem
Có hòn nào không hăng nồng vị máu?
Sao mà họ giống nhau! Họ còn giống nhau cả trong cách chịu đựng cảnh lưu đầy. Hai nhà thơ hình như đều mệnh Thuỷ. Một người bị lưu đầy ở đảo, một người ở bán đảo Nghi Tàm nhìn ra đại dương Hồ Tây. Cuộc sống chật vật, song lúc nào cũng tuyệt đối lạc quan. Sau này, hết hạn lưu đày, vẫn có cái “chòi ngắm sóng” để nhớ mình người Hương Thuỷ, mang mệnh Thuỷ. Vì thế, nên chăng dùng chính những vần thơ tuyệt đối yêu đời của Phùng Quán làm ở ngôi “nhà” quá hẹp của vợ chồng Tuân Nguyễn – một bạn chiến đấu từ thời ở Huế, và cũng là một nhà thơ – để kết thúc tiểu luận này:
Có nơi nào trên trái đất này
Mật độ nhà thơ như ở đây?
Ba thước vuông sáu nhà thơ ngồi
Hai phải đứng vì không đủ chỗ…
Có nơi nào trên trái đất này
Mật độ cô đơn hơn ở đây?
Một đám trẻ bơ vơ không nhà cửa
Sống bằng thơ đau với rượu cay…
Có nơi nào trên trái đất này
Mật độ yêu thương như ở đây?
Mỗi tấc đất có một người quỳ gối
Dâng trái tim và nước mắt
Cho nỗi đau của cả loài người…
Có nơi nào trên trái đất này!…
Có nơi nào trên trái đất này!…
Có nơi nào trên trái đất này!…
Có một nơi ấy, ở đó chắc là có thêm một chỗ đứng cho Victor Hugo bên cạnh Phùng Quán! Một nơi chính là cõi lòng chân thành và mơ mộng bất biến của những nhà thơ đích thực.
Cảm nhận và chấp nhận điều đó, ta sẽ đọc lại Vượt Côn Đảo như đọc Thơ, không đọc nó ngặt nghèo như đọc tiểu thuyết, và đọc nó như là Thơ viết hoa.
Hà Nội, 15 tháng 5-2007
_________________


Bài thơ đánh phá

"Lời mẹ dặn" của Phùng Quán

Phạm Thắng Vũ

Thi sĩ Phùng Quán (PQ) có 2 bài thơ nổi tiếng tên là Lời Mẹ Dặn và Chống Tham Ô Lãng Phí trong thời kỳ Nhân Văn-Giai Phẩm (NV-GP) tại miền Bắc Việt Nam (thời còn nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa) thì ai cũng biết cả rồi. Các lý do để hình thành lên phong trào NV-GP (những năm ngay sau 1954 khi chính quyền Việt Cộng tiếp thu Hà Nội) và các cá nhân văn-nghệ sĩ cùng trí thức tham gia phong trào NV-GP cùng các biện pháp mà nhà cầm quyền đối phó lại (bao gồm cả giới văn-nghệ sĩ đứng về phe chế độ) thì ta cũng đã biết cả rồi, nên tác giả bài viết nầy (Phạm Thắng Vũ) cũng không nhắc lại nữa.

Lời Mẹ Dặn
Tôi mồ côi cha năm hai tuổi
Mẹ tôi thương con không lấy chồng
Trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải
Nuôi tôi đến ngày lớn khôn.

Hai mươi năm qua tôi vẫn nhớ
Ngày ấy tôi mới lên năm
Có lần tôi nói dối mẹ
Hôm sau tưởng phải ăn đòn.
Nhưng không, mẹ tôi chỉ buồn
Ôm tôi hôn lên mái tóc
- Con ơi
trước khi nhắm mắt
Cha con dặn con suốt đời
Phải làm một người chân thật.
- Mẹ ơi, chân thật là gì?
Mẹ tôi hôn lên đôi mắt
- Con ơi một người chân thật
Thấy vui muốn cười cứ cười
Thấy buồn muốn khóc là khóc.
Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét.
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu

Từ đấy người lớn hỏi tôi:
- Bé ơi, Bé yêu ai nhất?
Nhớ lời mẹ tôi trả lời:
- Bé yêu những người chân thật.
Người lớn nhìn tôi không tin
Cho tôi là con vẹt nhỏ
Nhưng không! những lời dặn đó
In vào trí óc của tôi
Như trang giấy trắng tuyệt vời.
In lên vết son đỏ chói.

Năm nay tôi hai mươi lăm tuổi
Đứa bé mồ côi thành nhà văn
Nhưng lời mẹ dặn thuở lên năm
Vẫn nguyên vẹn màu son chói đỏ.
Người làm xiếc đi giây rất khó
Nhưng chưa khó bằng làm nhà văn
Đi trọn đời trên con đường chân thật.

Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêụ

Tôi muốn làm nhà văn chân thật
chân thật trọn đời
Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi
Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã
Bút giấy tôi ai cướp giật đi
Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá.

Lời Mẹ Dặn (LMD) ngay sau khi đăng trên báo Văn (số 21 ra ngày 27 tháng 9 năm 1957) thì không lâu sau đó trên báo Nhân Dân xuất hiện một bài thơ với tựa là: "Lời Mẹ Dặn" Có Phải Là Bài Thơ Chân Thật? (LMDCPLBTCT?) với từng câu dựa vào từng câu của bài thơ LMD để đánh trả lại cá nhân nhà thơ PQ.
Thực ra thì trên hết, nhà cầm quyền Hà Nội khi đó đàn áp phong trào NV-GP là đã ra mặt chống lại các đòi hỏi tự do về văn hóa, báo chí cùng tư tưởng mà các văn-nghệ sĩ chỉ muốn dùng ngọn bút để báo động, phê phán nền hành chánh quan liêu, tình trạng xã hội tệ hại sau vụ cải cách ruộng đất... Các tác phẩm của giới văn-nghệ sĩ trong phong trào NV-GP có gay gắt có dữ dội nhưng hoàn toàn không có ý muốn bạo loạn (lật đổ) chế độ. Văn-nghệ sĩ vẫn tin vào lãnh đạo (những người mới ngày nào đây còn chỉ đạo họ trong sáng tác) và lý thuyết Cộng Sản (là chính quyền mà họ đã đi theo từ khởi đầu cuộc chiến Việt-Pháp 1945-1954), một lý thuyết vẽ ra cảnh bình đẳng, không bất công, người bóc lột người... Nhưng tất cả họ đã lầm.

"Lời Mẹ Dặn" Có Phải Là Bài Thơ Chân Thật?
Có bạn đọc xong thơ "Lời Mẹ Dặn",
Nghĩ không thông tìm đến hỏi tôi.
Rằng tác giả mượn lời thơ tuyên bố:
"Làm nhà văn chân thật trọn đời,
"Từ thuở nhỏ từng nghe mẹ dặn,
"In tấc son không dám trái lời:
"Yêu ai cứ bảo là yêu,
"Ghét ai cứ bảo là ghét,
"Thấy buồn muốn khóc là khóc
"Thấy vui muốn cười cứ cười".
Vậy tác giả phải là người chân thật,
Xin cho nghe, cho biết rõ đầu đuôi?

Lời bạn hỏi không làm tôi đột ngột,
Bài thơ kia tôi đã đọc qua rồi.
Trước hãy nói đến tình yêu ghét,
Ghét với yêu là lẽ sống con người.
Mẹ muốn con thành người chân thật,
Cần khuyên con biết ghét yêu ai:
Phải yêu kẻ lòng ngay dạ thẳng,
Phải ghét quân bán nước buôn nòi.
Lòng yêu ghét phải như gương sáng,
Ví bằng không, bia miệng muôn đời.

Con bất hiếu thường trái lời mẹ dặn,
Rằng ghét yêu là quyền ở lòng tôi.
Nó ghét kẻ thầy hiền bạn tốt,
Nó yêu quân gái điếm cao bồi,
Ghét những người đáng yêu của thiên hạ,
Yêu những người đáng ghét của muôn người.
Quen học thói gà đồng mèo mả,
Hóa ra thân chó mái chim mồi.
Con hư hỏng, khuyên răn chẳng được,
Mẹ ê chề đau khổ khuôn nguôi.
Nên từ lúc con còn bé nhỏ,
Mẹ phải lo dạy dỗ cho rồi.
Dạy cho biết điều hay lẽ phải,
Ngay cả trong tiếng khóc câu cười.
Có lúc con tủi buồn khóc lóc,
Mẹ phải ru rát cổ khàn hơi.
Có lúc con reo cười đùa nghịch,
Bảo không nghe phải mượn đòn roi.
Kẻo rồi nữa tre già măng mọc,
Mẹ hiền đâu dám để buông trôi.

Trên thực tế người trong cuộc sống,
Nào mấy ai tùy tiện khóc cười:
Biết bao kẻ khi vui muốn khóc,
Lúc buồn tanh thì lại muốn cười.
Ngẫm mình thấy khóc cười vô lý,
Muốn reo như thông đứng giữa giời.
Biết bao kẻ cười ra nước mắt,
Buồn lại e rằng khóc hổ ngươi.
Cười khóc một khi không thực tế,
Thà cắn răng, mím miệng, dằn hơi.
Có những kẻ âu sầu khóc tủi,
Lệ chưa khô bỗng đã cười vui.
Khóc tủi những mong người tội nghiệp.
Cười vui cho được khách mê tơi.
Mục đích cốt tiền nhiều nặng túi,
Phương châm theo mật ngọt chết ruồi.
Ngoài miệng vẫn nói cười thơn thớt,
Mà không dao, nham hiểm giết người.
Ấy là bọn quen nghề bịp bợm,
Kiếm ăn trên tiếng khóc nụ cười.

Đoàn vệ quốc phất cao cờ quyết chiến,
Liều tử sinh nơi khói lửa tơi bời.
Họ chặt tay để xông lên mặt trận,
Họ đem mình ra lấp lỗ châu mai.
Khi chôn cất những người đồng đội,
Trong phút giây họ cũng ngậm ngùi.
Nhưng quyết không dừng chân sùi sụt.
Tiến lên theo nhịp hát vang trời.
Ai dám bảo họ thiếu chân thật?
Họ là người chân thật nhất đời!
Ai dám bảo họ là đất sét?
Họ là"người"hơn cả mọi người!
Họ đáp lời kêu gọi của Tổ quốc,
Vì nhân dân đổi khóc ra cười.
Cười với khóc muôn màu muôn vẻ,
Ghét hay yêu tùy việc tùy người.
Đâu có phải
"Yêu ai cứ bảo là yêu,
"Ghét ai cứ bảo là ghét.
"Thấy buồn muốn khóc là khóc,
"Thấy vui muốn cười cứ cười".
Lời mẹ dặn chắc không ngớ ngẩn,
Từ nghìn xưa ai cũng thế thôi.
Nhưng có lẽ dặn khi còn nhỏ,
Nên nhà văn nay đã quên rồi;
Cũng có lẽ nhà văn xiên xỏ,
Viết văn ra cốt để bịp đời!

Nói đã hết, bạn tôi chưa thỏa mãn,
Còn mấy câu xin hỏi nốt mới thôi:
Câu:
"Sét đánh trên đầu không ngã,
"Đường mật công danh không làm ngọt lưỡi tôi,
"Bút giấy tôi đã bị người cướp giật,
"Tôi dùng dao mài đá viết văn chơi".
Câu nói ấy có phải là chân thật,
Xin cho nghe cho biết rõ đầu đuôi?

Mấy câu nầy có phần lắt léo,
Chữ trong văn mà nghĩa xa xôi.
Nghĩa xa quá thành văn khó hiểu,
Nhưng ích chi mà nặn óc tìm tòi.
Theo lẽ thường: thì sét đánh không ngã,
Chắc trên đầu có cắm thu lôi;
Nếm đường mật lưỡi không biết ngọt,
Chắc ăn tham vị giác hỏng rồi.
Nghề bút giấy đã làm không trọn vẹn,
Thì dùng dao khắc đá cũng xoàng thôi!
Ý kiến tôi thế thì nói thế,
Đúng hay không xin bạn tự trả lời.

Tác giả bài thơ là Trúc Chi mà ở thời điểm đó (phong trào NV-GP) thì có nhà thơ Trúc Chi đang cư trú tại thành phố Hải Phòng. Ông nhà thơ nầy gốc dân miền Nam tập kết và cũng từng tiếp xúc với nhà thơ PQ mỗi khi có dịp ra Hà Nội. Khi đọc được bài thơ LMDCPLBTCT? trên báo Nhân Dân thì nhà thơ PQ đã xuống thành phố Hải Phòng để gặp và hỏi nhà thơ Trúc Chi cho ra nhẽ nhưng khi gặp hỏi thì không phải. Nhà thơ Trúc Chi nói với nhà thơ PQ:"Ông nghĩ tôi là cái hạng người nào mà đi làm mấy chuyện khốn nạn đó".
Nhà thơ PQ tìm mãi mà không biết ai là Trúc Chi của bài thơ LMDCPLBTCT? đến độ ông thuộc lòng tất cả bài thơ nầy, nói là quyết tìm cho ra tác giả là ai vì, ông cho là đời ông tan nát cũng vì cái ông Trúc Chi nầy chứ không ai khác. Tìm cho ra để biết thôi chứ cũng chẳng có ý gì.

Thực ra thì đọc 2 bài thơ ta dễ dàng thấy ở bài LMD mang tâm tình của một người mới lớn, vẫn còn là một cậu bé nhớ lời mẹ dặn khi xưa. Còn ở bài LMDCPLBTCT? thì rõ ràng là của một người có tuổi, từng trải việc đời qua các câu:
... Biết bao kẻ cười ra nước mắt,
Buồn lại e rằng khóc hổ ngươi.
Cười khóc một khi không thực tế,
Thà cắn răng, mím miệng, dằn hơi...

Nhà thơ PQ cũng đoán như vậy nhưng đành chịu vì một khi họ đã dấu tên thật của mình lại còn dùng bút hiệu của một nhà thơ khác khi đăng bài viết nầy trên tờ Nhân Dân. Chắc chắn cá nhân người có tên Trúc Chi nầy phải là một đảng viên Cộng Sản vì cứ lấy câu thơ: "Cười với khóc muôn mầu muôn vẻ... Vì nhân dân đổi khóc ra cười ..."Nhưng tại sao người nầy lại dấu tên thật? Họ không dám để tên thật chắc là vì bài thơ LMD của nhà thơ PQ quá đúng và bài thơ họ phản bác chỉ rặt điều quy kết tàn ác, triệt tiêu ý tưởng của bài thơ LMD ngay từ khi nó mới xuất hiện trên trang báo Văn ở miền Bắc khi đó.
Nhà thơ PQ chịu chết, tìm không ra. Mãi cho đến năm 1989 thì chuyển ông tìm mới thỏa khi nhân được đọc tập thơ Một Đôi Vần (MDV) của Hoàng Văn Hoan (HVH) do nhà xuất bản Việt Bắc ấn hành (trong đó có bài thơ LMDCPLBTCT?) và ở trang đầu của tập thơ MDV có lời giới thiệu HVH chính là Trúc Chi. Trong thời kỳ NV-GP xẩy ra thi ông HVH là Ủy viên Bộ Chính Trị Đảng Lao Động Việt Nam. Biết được Trúc Chi là HVH rồi thì nhà thơ PQ vuốt râu ngâm nga (lúc nầy nhà thơ đã để râu dài và ông HVH đang sống tại Trung Quốc): "Anh Hoan ơi... Ai quen học thói gà đồng mèo mả. Ai hóa ra thân chó mái chim mồi...".
Hoàng Văn Hoan (1905-1991) dân Nghệ An, là một nhà hoạt động chính trị từ thời Pháp thuộc, đảng viên đảng Cộng Sản Việt Nam từ những buổi còn sơ khai cho đến khi đảng nầy đoạt được chính quyền hoàn toàn trong các giai đoạn 1945-1954 rồi từ 1954 cho đến 1975. Từng giữ các chức vụ Thứ trưởng Quốc Phòng (năm 1945), Đại biểu Chính Phủ tại Liên Khu 4 (năm 1946), Đại sứ Việt Cộng tại Trung Cộng (từ năm 1950-1957), Bí thư Thành Ủy Hà Nội (năm 1961) và Phó Chủ Tịch Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội Việt Cộng (từ năm 1958 đến 1979). Nhân trong 1 chuyến bay sang Đông Đức chữa bệnh, khi máy bay quá cảnh tại thành phố Karachi (thuộc nước Pakistan) ngày 11 tháng 6 năm 1979 thì HVH đã đào thoát sang Trung Quốc và chết tại đó năm 1991.


Mộ chí của Hoàng Văn Hoan tại Trung Quốc.

Feb 16, 2014
__________________

Chuyện kể của “cây thập tự”

Bội Trâm

SGTT - Vì yêu thương người vợ đã cả đời chỉ biết hy sinh cho chồng con, nên Phùng Quán đã làm bài thơ “Kinh cầu nguyện buổi sáng” với những câu cháy lòng:
“Có thể em chết trước tôi
Cũng có thể tôi chết trước em
Nhưng không sao cả em ơi
Ngày lấy em tôi đã có lời nguyền
Nếu tôi bỏ em bơ vơ dọc đường
Tôi sẽ bị trời tru đất diệt!
Em là cây thập tự của đời tôi
Tôi phải mang vác cho đến ngày chung cuộc!”

Khi nhà giáo lấy chồng nghệ sĩ
Đó là một ngày cuối năm, trời se lạnh, ông đi ra đi vào một lúc rồi quay lại nói với vợ: “Tôi đi xuống nhà mua điếu thuốc”. Khi ông xuống nhà, đương lúc mua thuốc, có người bạn văn đi ngang qua, ông hỏi: “Đi đâu đấy?” – “Tôi đi Huế chơi, còn 30 phút nữa tàu chạy, phải đi ngay không kịp tàu” – “Cho tôi đi với!” Và thế là ông đi luôn một mạch vài tháng sau mới quay về nhà. Nghe chuyện này, nhiều người thắc mắc không biết lúc ấy vợ nhà thơ làm gì, đi tìm chồng hay giận quá mà bỏ luôn. Tôi chỉ cười xoà vì mình vốn là nhà giáo, lấy chồng văn nghệ sĩ. Mà văn nghệ sĩ lúc nào cũng sống phóng túng, thoải mái, trong khi nhà giáo lại sống nghiêm túc, cẩn thận, kỹ càng. Chúng tôi cũng lâu lắm mới làm quen được nếp sống của nhau. Sống chung phải bỏ qua rất nhiều tiểu tiết. Mà anh ấy thì đãng trí lắm, lúc nào cũng suy nghĩ đâu đâu. Phụ nữ xưa như chúng tôi được dạy lúc nào cũng phải nhẫn nhịn, nén mình. Sống không phải cho mình mà cho người thân. Nhưng anh ấy rất yêu tôi, vậy là đã đủ rồi.

Chữ “tình” thuỷ chung
Tôi với anh trước khi yêu nhau đã là một đôi bạn chân tình. Anh đi thực tế ở nông thôn, viết thư cho tôi như viết nhật ký. Hôm nào nhận được thư anh, bố tôi lại đùa: “Có lẽ nó gửi cả cuốn tiểu thuyết cho con”, vì thư dài có khi đến chục trang. Sau đó khi anh ngỏ lời, tôi đã theo anh. Tình yêu của tôi với anh càng lúc càng sâu đậm. Ngày tôi lấy anh, biết bao người can ngăn vì ai cũng sợ “dính” vào anh cả. Nhưng tôi thấy rõ cốt cách của anh, một con người chỉ biết sống chết cho sự thật như thế không thể là người xấu, càng không phải là một người đàn ông hèn. Và chỉ người có nghĩa khí mới thật sự đáng cho tôi yêu thương và ngưỡng mộ đến chết.
Cho đến năm tôi 37 tuổi, bị ung thư vú cắt bỏ hết một bên. Lúc ấy, bị ung thư nghĩa là chết. Trước giờ vào phòng mổ, tôi nắm tay anh nói: “Nếu em chết, anh phải lấy vợ. Nhưng anh hãy chọn một người vợ hiền để cô ấy còn thương con mình, để con mình có mẹ, anh ạ”. Anh nói: “Em mà chết, anh chết theo”. Mổ xong, án tử vẫn lơ lửng trên đầu. Những ngày ấy anh dịu dàng lắm, ân cần lắm. Chỉ cần như thế thôi, tôi đã cảm nhận được hạnh phúc cả đời.

Người chân thật cởi trần
Có câu chuyện về bức ảnh chụp anh cởi trần tại nhà của nhiếp ảnh gia Lê Huy Hoà. Sau bữa ăn, anh nói: “Dân gian có câu: “Đi với Bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy”, nhưng tớ chẳng mặc áo gì cả. Coi đây, tớ là nhà thơ cởi trần”. Anh chẳng khoác lên người chiếc áo nào như sự thật trần trụi nhưng không thể chối bỏ. Và dĩ nhiên đã có thời không chỉ anh mà có nhiều người trả giá để nói sự thật. “Ba mươi năm – Tôi bị dìm trong bùn–nhơ–lăng–nhục/Nhưng cuối cùng/Quê hương đã nhận ra/Trái–tim–thơ–trong–sạch/Và gương mặt–Thơ–bi–thiết–của tôi…”, anh viết.
Đó là những gì mà anh phải chịu, cũng là những gì anh được phục hồi. Từ việc cuốn Tuổi thơ dữ dội được tái bản gần chục lần đến những giải thưởng cho các cuốn tiểu thuyết, rồi được vinh danh bằng giải thưởng Hồ Chí Minh. Trái tim nhà thơ bao dung, khao khát thấy được một đất nước thanh bình cho mọi người. Anh sống giản dị, áo sờn vai, dép lốp do tự chính tay anh đẽo ở chiến trường bao năm anh vẫn đi. Vì thế mà anh viết: “Tôi có quyền gì – được no hơn nhân dân tôi một miếng ăn/ Tôi có quyền gì – được lành hơn nhân dân tôi một manh áo?/ Tôi có quyền gì – được rộng hơn nhân dân tôi một tấc vuông nhà ở?/ Tôi có quyền gì – được lên xe xuống ngựa/ Khi gót chân nhân dân tôi nứt nẻ bụi đường?/ Dù tôi là thiên tài/ Dù tôi là thi nhân!/ Dù tôi chót vót tận đỉnh cao quyền lực!/ Tôi có quyền gì?/ Tôi có quyền gì?/ Tôi có quyền gì?”

Chúng tôi được hai con, một con trai đã 40 chưa lấy vợ, cô con gái thì đã lấy chồng và tôi cũng có cháu ngoại. Anh con trai suốt ngày đọc sách, mê văn học giống bố, nhưng không theo văn nghiệp mà học thiết kế mỹ thuật, giờ làm ngành khác. Hồi nhỏ có lần mê chơi bỏ học vẽ, tôi dỗ mãi không được. Ông ấy đi đâu về thấy hai mẹ con mặt mày căng thẳng. Sau khi hỏi có chuyện gì rồi ông ấy dắt cu con ra công viên chơi. Chỉ mươi phút sau đã thấy cu cậu lăng xăng chạy về kêu to: “Mẹ ơi, con đi học vẽ đây!”. Hỏi anh nói gì mà thằng cu chịu đi học. Anh bảo vừa dắt con đi dạo, vừa kể câu chuyện ngày xưa nhà bố nghèo, bố không có tiền đi học phải học lóm người ta, thấy bạn bè có bút màu bố thèm lắm mà không dám mượn. Bây giờ con trai bố có sẵn bút màu, có cả rất nhiều thời gian rảnh rỗi để đi học vẽ thì lại không muốn đi, như vậy thì phí quá”. Cũng phải nói là ông ấy không chỉ đọc thơ hay mà còn có tài nói. Có những hôm bạn bè, thanh niên tụ tập rất đông để nghe ông nói chuyện. “Hôm nào có anh Quán về ăn cơm thì em chẳng biết mình ăn mấy bát rồi, vì nghe anh nói chuyện quên hết cả”.
Dẫu cho ông đã ra đi trước tôi, thì cũng không sao, tôi sẽ ở lại và làm tiếp những gì còn dang dở. Đó cũng là cách sống tôi chọn lựa với đời mình, thuỷ chung với ông đến hơi thở cuối cùng.

Bà Bội Trâm kể
_______________

Phụ đính I:

Người bạn lính cùng tiểu đội


Tuân Nguyễn (ảnh trên bia mộ)

Vào những năm đầu của thập ky sáu mươi (1960), trên các mặt báo trung ương và địa phương các trang thơ tràn ngập đề tài sản xuất, chiến đấu, ca ngợi các hợp tác xã điển hình, các nông trường, các nhà máy, hầm mỏ tiên tiến, nào"sóng Duyên Hải, gió Đại Phong", nào gương người tốt việc tốt, tố cáo tội ác Mỹ Diệm…, thôi thì đủ thứ. Bỗng dưng, trên một trang thơ tuần báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam xuất hiện một bài thơ tứ tuyệt, nhan đề: Nghe nhạc Strauss. Tên tác giả lạ hoắc: Tuân Nguyễn.
(….)
Tuân nói:
- Mình định viết một bài thơ dài, nhan đề: Tôi có lỗi. Tuân nói rõ thêm: chữ Tôi ở đây phải viết hoa. Vì Tôi ở đây là nghệ sĩ và trí thức chân chính của đất nước. Tôi có trách nhiệm với tất cả những lỗi lầm, những oan uổng, đớn đau, những xấu xa, hèn mạt, đáng lăng nhục và xúc phạm con người. Trong mọi chuyện, chính Tôi là người có lỗi. Vì Tôi chưa đem hết sức mình thực hiện sứ mệnh cao cả mà Thượng đế đã đặc trao cho người nghệ sĩ.

Chú thích: (1) Kiểm tra
__________

Tuân Nguyễn – Tôi là người có lỗi

Ngô Minh
(Đọc sách Nhớ Tuân Nguyễn)

Nhà văn Trần Phương Trà, người Huế ở Hà Nội vừa gửi tặng tôi cuốn sách Nhớ Tuân Nguyễn do anh sưu tầm và biên soạn (NXB Hội Nhà văn, 2008). Cuốn sách 420 trang dày dặn là tập hợp đầy đủ nhất về tính cách, sáng tác và cuộc đời đau đớn của nhà thơ Tuân Nguyễn và những kỷ niệm sâu sắc của bạn bè về anh. Đã 25 năm Tuân Nguyễn về cõi vĩnh hằng, hình ảnh của anh, thơ ca của anh vẫn nóng hổi nước mắt trong tâm trí bạn bè. Điều ấy không dễ có. Họ vẫn lưu giữ thơ anh, vẫn thuộc thơ anh để chép lại cho người biên soạn sách. Đọc xong tập sách, tôi xúc động thẫn thờ. Trong tôi cứ nhói lên một câu hỏi: Sao người trí thức trẻ ấy lại lâm vòng lao lý oan khiên làm vậy? Trong bài “Tuân Nguyễn- Kẻ mơ mộng”, Hà Nhật kể: “Buổi chiều ngồi nói chuyện với Cao Xuân Hạo về Tuân Nguyễn, Hạo buông một câu nghe là lạnh người: Tuân Nguyễn sinh ra ở đời là để đóng cái vai trò này: Khi có ai đó muốn kêu lên ‘Trời ơi sao mà tôi khổ thế?’, thì nhìn vào Tuân Nguyễn sẽ thấy mình chưa phải là người khổ”.
Tôi chưa được gặp anh Tuân Nguyễn. Thế hệ độc giả Việt Nam tuổi 60 như tôi trở xuống cũng không mấy người biết Tuân Nguyễn, bạn đọc ở miền Nam lại càng không biết, vì thời trẻ anh chỉ có ít thơ in trên báo, phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, chưa có tác phẩm nào được xuất bản, lúc 31 tuổi (1964) anh đã bị tù tội đến 10 năm trời. Nhưng giới trí thức Hà Nội những năm 60 của thế kỷ trước ai cũng biết “vụ” Tuân Nguyễn. Vì Tuân Nguyễn là nhà báo, thân thiết với làng văn nghệ, nên việc anh bị bắt làm rúng động giới trí thức lúc bấy giờ. Tôi biết nhiều về Tuân Nguyễn nhờ anh Phùng Quán kể; rồi sau này biên soạn, tổ chức bản thảo mấy cuốn sách về Phùng Quán, được đọc nhiều bài viết về Tuân Nguyễn. Năm 1985, lần đầu tôi đến nhà anh Phùng Quán ở phía sau Trường Chu Văn An cũ. Tôi thấy nhà thơ có làm trang thờ hai người: Chị Võ Thị Sáu, người con gái đất đỏ bị quân Pháp hành hình ở Côn Đảo khi còn tuổi vị thành niên mà Phùng Quán viết trường ca Tiếng hát trên địa ngục Côn Đảo, bên cạnh là trang thờ Tuân Nguyễn, một người bạn đồng hương, đồng đội, tri âm, tri kỉ của anh Quán, một người có khuôn mặt khôi ngô, đeo kính cận dày cộp đang nhìn đời như một đứa trẻ. Ngày nào anh Quán cũng thắp nhang rồi vái ở hai trang thờ đó. Anh bảo thiêng lắm. Năm 2003, sau khi ra mắt cuốn Nhớ Phùng Quán (NXB Trẻ) được vài tháng thì có một người không nêu tên đã mail vào máy tôi bài “Người bạn lính cùng tiểu đội” của Phùng Quán viết về Tuân Nguyễn. Tôi đọc mà bàng hoàng gan ruột. Khi tổ chức bản thảo cuốn Phùng Quán - Ba phút sự thật cho NXB Văn nghệ, tôi đã coi bài viết này là “cái đinh” của cuốn sách. Đó là chân dung của một trí thức nhân hậu, trung thực, một tâm hồn thật đẹp, một nhân cách tuyệt vời. Bị tù tội gần 10 năm xơ xác thân mình vẫn đam mê văn chương thơ phú. Bị ô tô tông chấn thương sọ não, dẫn đến cái chết ở tuổi mụ 49, Tuân Nguyễn vẫn thương người lái xe đã tông mình, vì anh ấy phải đi làm để nuôi vợ và 8 đứa con ở nhà. Tôi cứ ám ảnh câu trăn trối của Tuân Nguyễn: “Đừng bắt tội người lái xe. Cái kết cục buồn thảm này là lỗi tại tôi… Tôi là người có lỗi…”
Vâng, TÔI LÀ NGƯỜI CÓ LỖI! Phùng Quán kể rằng, có lần Tuân Nguyễn “định viết bài thơ dài, nhan đề: “Tôi có lỗi”. ”Chữ Tôi ở đây phải viết hoa. Tôi ở đây là người nghệ sĩ, người trí thức chân chính của đất nước. Tôi có trách nhiệm với tất cả, những oan uổng, đớn đau, những xấu xa, đang lăng nhục và xúc phạm con người. Vì tôi chưa đem hết sức mình thực hiện sứ mạng cao cả mà Thượng đế đã đặc trao cho người nghệ sĩ”. Nói cách khác người trí thức, nghệ sĩ chưa có những tác phẩm lớn để để lay động tâm can con người, làm cho con người ngày càng NGƯỜI hơn, nên xã hội còn có quá nhiều kẻ hại dân hại nước! Lỗi là lỗi như thế. Vì lẽ đó, đọc cuốn Nhớ Tuân Nguyễn, tôi muốn kể lại câu chuyện về NGƯỜI CÓ LỖI Tuân Nguyễn để bạn đọc biết thêm trí thức Việt Nam đã sống như thế nào trong cái thời khốn khổ chưa xa ấy…

Tuân Nguyễn là một người dấn thân vì kháng chiến. Anh tên thật là Nguyễn Tuân, sinh tháng 9-1933 ở Phú Thượng, Phú Vang, Thừa Thiên - Huế. Lớn lên thấy tên mình trùng với tên nhà văn “Vang bóng một thời”, nên anh đảo ngược lại thành Tuân Nguyễn, vì sợ người đời cho là ngộ nhận. Theo nhà thơ Hà Nhật, bạn thân của Tuân Nguyễn thì quê gốc của anh ở Quảng Bình. Học trường Pellerin (trường dòng) ở Huế, tốt nghiệp Tú tài 2 toán. Thông thạo tiếng Pháp, tiếng Anh, biết cả chữ Hán, lại có năng khiếu văn chương. Thời ấy tiếp tục học lên đại học hay đi du học, nhất định anh sẽ trở thành một trí thức giàu có. Nhưng anh là người mơ mộng, người lãng mạn nên thoát ly theo cách mạng. Năm 1949, anh tham gia Đoàn Học sinh Kháng chiến Huế. Năm 1950 lên chiến khu gia nhập Vệ Quốc đoàn ở Trung đoàn 101, rồi Trung đoàn Trung Lào trong những năm 1950, 1951, 1953, những năm ác liệt nhất. Là học sinh vừa chậm, vừa yếu, lại cận thị nặng mà phải tham gia các trận đánh, cứu thương, tải gạo, rồi phải ăn những bát cơm thấm máu đồng đội…, thế mà Tuân Nguyễn đã vượt qua tất cả. Sau Hiệp định Genève anh được vào học Đại học Sư phạm Hà Nội, khoa Văn khoá I cùng lứa với Hà Nhật, Vũ Bội Trâm (vợ Phùng Quán sau này). Năm 1957 ra trường làm giáo viên dạy cấp 3 Trường Học sinh miền Nam tại Hà Đông. Năm 1960 là biên tập viên chương trình “Tiếng thơ” của Đài Tiếng nói Việt Nam.
Những năm ở Đài Tiếng nói Việt Nam là những năm Tuân Nguyễn đọc rất nhiều sách và say sưa với thơ, viết cả trường ca, viết nhiều phóng sự về nông thôn, viết được hai chương gần 100 trang tiểu thuyếtNgười mơ mộng. Anh đọc sách trực tiếp bằng tiếng Pháp, tiếng Anh. Anh mê Đốt, nghiện Đốt. Anh thích thơ Chế Lan Viên qua tập thơ Ánh sáng và phù sa. Thời gian này anh cũng được đi rất nhiều nơi như đảo Cô Tô, Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình, sang Vân Nam, Trung Quốc, vô tận Vĩnh Linh, Quảng Bình, đi thuyền trên sông Kiến Giang. Đi nhiều, có đầu óc quan sát, suy nghĩ nên anh biết rõ cuộc sống thực của người dân và những sai lầm khuyết điểm trong xây dựng kinh tế và quản lý xã hội ở miền Bắc. Ở Hà Nội, anh chơi thân với nhiều bạn văn thơ như Băng Sơn, Nguyễn Xuân Thâm, Tạ Vũ, Nguyễn Thị Điều, Vân Long, Hà Nhật, Hoàng Tố Nguyên… Anh làm thơ nhớ Huế, nhớ miền Nam, “Nghe quan họ nhớ mái nhì”, “Tôi viết vài thơ gửi Huế yêu/ Giữa trưa Hà Nội nắng vui reo…”, “Anh nhìn bằng tim, tim anh trong vắt”, anh viết thơ về Lê Quang Vịnh, Nguyễn Văn Trỗi, thơ tặng một kiều bào về nước, tăng một chuyên gia địa chất Nga... Anh còn viết nhiều thơ tình rất sâu sắc: “Tôi thường đợi vần thơ như đợi người yêu dấu / Lúc đi chơi không muốn đóng cửa phòng” (“Không đề I”); “Khi tình yêu đi qua / Một mảnh buồn ở lại(“Không đề II”)… Anh có nhiều câu thơ găm vào trí nhớ bạn bè: “Người ta lấy của anh nhiều thứ/ Chỉ còn hai tay và cái mắt hay cười”; “Phật nào lấp được bể trầm luân”… Bạn bè anh hay nhắc bài thơ “Nghe nhạc Johann Strauss” viết trong một đêm cùng bạn thơ đi chơi Hà Nội rồi về nhà Băng Sơn uống rượu:
Sông Hồng bỗng xanh màu Đa Nuýp
Nhạc bồng bềnh trôi tới các vì sao
Trời lung linh khẽ chao mình theo nhịp
Những con người nước lạ phải lòng nhau
Nghe bản nhạc “Sông Đa Nuýp xanh” của nhạc sĩ Áo vẳng lên trong đêm Hà Nội mà lẩy ra được ý thơ “Sông Hồng bỗng xanh màu Đa Nuýp” là rất nhạy cảm. Câu thơ “Những con người nước lạ phải lòng nhau”chứng tỏ một tấm lòng rộng mở, một tình cảm nhân loại bao la. Những năm ấy thơ Tuân Nguyễn được in nhiều ở báo Văn nghệ, báo Thống nhất, phát trong buổi “Tiếng thơ”. Anh được coi là một cây bút thơ chỉnh chu, lão luyện. Nhưng như trong bài thơ “Không đề I” anh viết năm 1963: “Có những người / Nếu thêm được mười năm/ Sẽ trở thành thi sĩ / Nhưng cuộc sống không mỉm cười đến thế/ Đã chết sớm mười năm / Để lại những tuần trăng chưa đến độ rằm”… Những câu thơ như là vận vào số phận của anh…
Ngày 21/10/1964, khi mới 31 tuổi, tài năng sắp chín, Tuân Nguyễn bị bắt tại cơ quan trước sự ngạc nhiên và hoảng sợ của bạn bè, đồng nghiệp. Tại sao anh bị bắt? 45 năm nay, câu trả lời vẫn úp mở. Theo tôi biết, Tuân Nguyễn bị bắt trong trào lưu “chống xét lại” nhập khẩu từ phương Bắc. Dạo đó ở miền Bắc, người ta lùng bắt “bọn xét lại” ở khắp nơi y như lùng bắt địa chủ trong Cải cách Ruộng đất. Trí thức là những người có đầu óc suy nghĩ độc lập, luôn có tư duy phản biện đối với những việc làm không đúng, không nhân văn, những ấu trĩ, non nớt của các cấp lãnh đạo. Họ không nói được trong cuộc họp thì nói trong cuộc rượu, hoặc ghi những suy tư của mình vào nhật ký. Ai bị phát hiện ra những lời nói mang tư tưởng “ngược” ấy đều bị quy vào tội “xét lại”, “chống đối”, “phản động” và bị bắt tù mà không cần xử án. Để tìm ra những trí thức “phản động” đó cần phải có bọn giòi bọ làm nghề tố giác! Tố giác để tâng công, tố giác để chạy tội. Phùng Quán kể: ”Tuân Nguyễn trong đợt học tập nghị quyết 9, cậu ta xin bảo lưu ý kiến, bị cơ quan đưa ra kiểm điểm vì những luận điệu ủng hộ chủ nghĩa xét lại Liên Xô, cậu ta làm thơ ca ngợi Khrushchev… Vào thời gian ấy, những chuyện như thế là chuyện chết người cả”. Hơn nữa, lãnh đạo đã để ý nhiều lần Tuân Nguyễn chơi thân với “Phùng Quán Nhân văn - Giai phẩm”, Phùng Quán hay đến Đài. Vì Phùng Quán và Tuân Nguyễn ở cùng tiểu đội trong Trung đoàn 101 thời chống Pháp ở Bình Trị Thiên, sao mà không thân nhau được? Mà Tuân Nguyễn lại không quan niệm Phùng Quán là người có tội. Phùng Quán bị nạn, đẻ con gái đầu lòng, không có tiền mua sữa, Tuân Nguyễn đã trích lương mình mỗi tháng 5 đồng mua sữa cho cháu Đỗ Quyên. Đến kỳ lĩnh lương Tuân Nguyễn dặn Phùng Quán đến Đài để lấy tiền vì anh hay bận. Tuân Nguyễn cũng đã lường trước hậu quả của mỗi quan hệ này, nên anh đã nhờ người canh chừng. Trong bài “Nhớ anh Tuân Nguyễn”, Mai Niệm viết: ”Mỗi lần anh Quán đến chơi, anh Tuân nguyễn thường nhờ tôi xuống dưới cầu thang cạnh bếp ăn tập thể để canh có ai hỏi anh Tuân Nguyễn thì ngăn lại, bảo anh đi vắng (nhất là H.)… Sáng 18/8/1963, anh Quán đến… Tôi đang lau xe đạp thi H. đến. H. là người cùng phòng nên đi thẳng lên gác… Vừa lên chưa được một phút, H. đã xuống, mặt hầm hầm sát khí bảo tôi: Sao cậu lại để cho ông Quán đến cơ quan mình mà không báo bảo vệ?”… Tuân Nguyễn có một bài viết rất sâu nói về một công trường thuỷ lợi tại Nông trường Quốc doanh Rạng Đông, Nam Định, tố cáo bọn có chức có quyền trong các phòng ban thông đồng với ban chỉ huy công trường nghiệm thu khống khối lượng đào đắp để ăn chặn tiền nhà nước, chia nhau. “Bài viết bị trưởng phòng cho là ‘không có lập trường’, nói xấu cán bộ thuỷ lợi, bôi nhọ xã hội chủ nghĩa.” Thế là tên Tuân Nguyễn đã nằm trong “sổ đen” rồi. Trong bài “Một kỷ niệm buồn”, nhà văn Đoàn Minh Tuấn kể: “Những sinh hoạt hàng ngày trong gian khó, Tuân Nguyễn đều ghi vào nhật ký, kể cả lên giá một cốc siro một hào thành một hào mốt, cùng với những suy nghĩ về thời cuộc. Tuân Nguyễn bị H., người cùng Phòng Văn nghệ, lấy được lấy được cuốn nhật ký và nộp cho tổ chức. Tổ chức đọc và suy diễn cho rằng nói xấu chế độ, tư tưởng lệch lạc…” Về việc cuốn nhật ký của Tuân Nguyễn, Xuân Đài kể rằng, Tuân Nguyễn đã báo cho bạn bè biết ai đó đã mở ngăn kéo bàn viết của anh, dù đã khoá rất kỹ, lấy mất cuốn nhật ký và một chỉ vàng. Tuân bảo nhật ký của mình ghi cả tiếng Việt lẫn tiếng Pháp, những chuyện riêng tư và một số nhận định của mình về thời cuộc của đất nước và thơ. Thằng đê tiện đã đánh lạc hướng bằng cách ăn cắp thêm chỉ vàng để Tuân Nguyễn nghĩ là kẻ gian lấy trộm. Người biết sự thật là hai nhà văn Phạm Tường Hạnh và Mai Văn Tạo, hai anh đều là đảng viên, đều làm việc ở Đài Tiếng Nói Việt Nam thời ấy cho biết, người nộp quyển nhật ký của Tuân cho chi bộ Phòng Văn nghệ chuyển lên lãnh đạo là H., cùng phòng với Tuân Nguyễn. Không biết đến bây giờ H. còn sống để đọc cuốn Nhớ Tuân Nguyễn không? Nếu đọc thì “con người lập trường” ấy có chút gì ân hận về việc làm hèn mạt của mình không? Trong cuốn nhật ký ấy còn có bài thơ rất cảm động nhưng “gay cấn”, là bài “Khóc thầy”. Thầy đây là ông Dương Bạch Mai, người bị quy tội “đại xét lại”: “Một tiếng nói chúng tôi chờ đã mất / Tiếng nói của lương tâm / Đau đớn này đau đớn nào hơn / Chân lý không muốn nằm dưới đất / Chúng tôi sống bây giờ / Mỗi khuôn mặt đều có phần bí ẩn / Mỗi trái tim đều có phần im lặng / Mỗi niềm tin đều mất chút ngây thơ…” Và đây là hai câu kết:
Chúng con đi sau linh cữu của thầy
Nhưng không phải đưa thầy ra nghĩa địa
Ta đã biết ai là kẻ đã ăn cắp cuốn nhật ký của Tuân Nguyễn để tâng công với cấp trên. Nhưng theo nhà văn Xuân Đài, cái anh H. ấy rồi sau này vẫn không cứu được mình, do sống tha hoá nên bị khai trừ ra khỏi Đảng. Nhưng không hiểu sao, khi Tuân Nguyễn mất cuốn nhật ký, nhiều anh em trong giới văn nghệ lại nghi là Trần Nguyên Vấn (tức nhà thơ Trần Phương Trà, người biên soạn cuốn sách này), là người cùng phòng, lại là đồng hương, lấy. Chính tôi thế hệ sinh sau, ra Hà Nội đầu những năm 80 của thế kỷ XX, khi nhắc đến Tuân Nguyễn cũng nghe nói như vậy. Một mất mười ngờ. Trần Nguyên Vấn rất đau khổ trước sự độc mồm độc miệng của thiên hạ. Mặc dù ngay lúc đó Tuân Nguyễn đã khẳng định Trần Nguyên Vấn là một người bạn tốt. Nhưng “nghi án” vẫn không được gỡ bỏ. Nhưng anh Vấn chẳng thanh minh với ai. Anh lặng lẽ gửi đồ tiếp tế, sách, bút Trường Sơn, và cả cuốn Từ điển Nga-Việt vào trại cải tạo cho Tuân Nguyễn tự học tiếng Nga, để dịch được cuốn sách Bim trắng tai đen của G. Troyepolsky ra tiếng Việt, được tái bản nhiều lần. Tuân Nguyễn đi tù, Trần Nguyên Vấn vẫn bảo quản cái bàn, chiếc ghế và tủ sách của bạn. Và lần này anh cất công làm cuốn sách Nhớ Tuân Nguyễn, vừa tôn vinh một người bạn tài hoa mệnh yểu, lại vừa làm rõ “nghi án” bao năm đè nặng trái tim mình. Cảm ơn tấm lòng và sự kiên nhẫn của nhà thơ Trần Phương Trà!
Trong chuyện bị bắt của Tuân Nguyễn, có một chi tiết Phùng Quán kể làm người đọc cười ra nước mắt. Trước khi bị bắt, Tuân Nguyễn là thanh niên chưa vợ, suốt ngày vùi đầu vào sách vở, nên khi viết về một nhân vật chơi bời, Tuân Nguyễn thiếu thực tế, liền nhờ Phùng Quán kiếm cho một cái “đồng tiền vàng”, tức là nhãn hiệu của cái bao cao su của Tiệp Khắc sản xuất. Thời đó loại bao cao su này không được bán tự do bên ngoài, mà chỉ có ở cửa hàng phân phối có giấy giới thiệu của công đoàn cơ quan mới mua được. Phùng Quán ngờ bạn mình đang cần cái đó vì yêu. Nhưng không phải, Tuân Nguyễn chỉ xem để biết, để mô tả cho chính xác khi viết văn. Phùng Quán bảo với Tuân Nguyễn rằng “tay H. (H. đã nói ở trên) hay chơi bời, cùng cơ quan với cậu, lúc nào cũng có “đồng tiền vàng” trong túi, cậu hỏi xin nó một cái”. Và cái ngày định mệnh 21/10/1964 ấy, Tuân Nguyễn gặp H. tại cổng cơ quan, hỏi xin một “đồng tiền vàng”. H. móc túi lấy cho Tuân Nguyễn một “đồng tiền vàng”. Tuân Nguyễn đút túi chưa kịp bóc xem thì người ta đến đọc lệnh bắt. Sau lệnh bắt, người ta yêu cầu Tuân Nguyễn cởi bỏ hết đồ mang theo trong người, kể cả kính cận, để lập biên bản. Thế là “đồng tiền vàng” trong túi bị phát hiện. Tuân Nguyễn hổ thẹn lắm, vì anh bị quy thêm một tội nữa: Chưa vợ mà có “đồng tiền vàng”, tức là “hủ hoá”! Sau này Tuân Nguyễn kể với Phùng Quán: “Lúc đó, một chi tiết khó tin trong tác phẩm Kỷ niệm ngôi nhà những người chết của Dostoievsky vụt hiện lên trong ký ức mình. Có một người tử tù sắp sửa phải thụ hình. Y bị trói vào cọc hành hình, cố vươn ra chuẩn bị đón lưỡi dao bén ngọt của đao phủ. Y chợt ngoảnh lại, run rẩy nói với người đao phủ: Trên gáy tôi có cái ung nhọt đang mưng mủ. Ông làm ơn đừng chém vào chỗ cái nhọt! Rất đúng với hòan cảnh của mình lúc đó, sắp phải đi tù không biết bao nhiêu năm, thế mà mình lại không cảm thấy đau khổ bằng sự việc trong túi có đồng tiền vàng”. Đi tù cải tạo 9 năm 7 tháng, cho đến khi ra tù, Tuân Nguyễn vẫn chưa biết “đồng tiền vàng” ấy hình thù như thế nào…
Sau khi bị bắt, Tuân Nguyễn bị đưa vào các trại cải tạo ở Nghĩa Đàn (Nghệ An), Cẩm Thuỷ (Thanh Hoá). Trong bài “Nhớ thương anh”, Phạm Ngân Giang, là người đã cưu mang Tuân Nguyễn nơi ở khi ra tù trong một thời gian, cho biết, ở trại cải tạo Nghĩa Đàn, anh được làm thống kê đi khắp các đội sản xuất để ghi số liệu, thời gian rỗi thì miệt mài học tiếng Nga, tiếng Hán, làm thơ… Anh sống nhân cách, không kêu ca phàn nàn, lại hay nhường nhịn giúp đỡ mọi người, nên ai cũng thương anh. Trong trại người ta nhốt cao bồi riêng, gái điếm riêng, họ nhờ anh đưa thư cho nhau, anh thương tình đưa hộ, bị giám thị trại bắt được, cảnh cáo nếu tái phạm thì chuyển đi lao dộng chứ không được làm thống kê nữa. Ở trại Nghệ An được 1 năm thì trại bị máy bay Mỹ bắn nên chuyển ra Cẩm Thuỷ (Thanh Hoá). Thời hạn cải tạo được 4 năm anh được ban giám thị trại cho làm bản tự kiểm điểm để được tha, nhưng Tuân Nguyễn không tự kiểm điểm mình mà lại viết bản lên án, tố cáo ban giám thị ăn hối lộ, đút lót, nên không những không được tha mà bị chuyển qua trại Bá Thước (cũng ở Thanh Hoá) làm công việc khai thác gỗ rất nặng nhọc thêm gần 6 năm nữa. Khi được tha, anh khoác ba lô về, loanh quanh mấy tháng trời không biết đi đâu, về đâu, làm gì. Anh buồn chán, lại khoác ba lô quay trở về trại Cẩm Thuỷ. Mọi người trong trại khuyên anh hãy về với cuộc sống để yêu, để bảo vệ cái đẹp. Về để đi tiếp chặng đường dang dở của mình. Và anh lại về Hà Nội sống nương tựa vào bạn bè… Anh đi đánh véc-ni, đi dọn vệ sinh (đổ thùng nhà cầu) ở ga Hàng Cỏ để sống qua ngày.
Cuối năm 1974, một người con gái đã đến với Tuân Nguyễn như là sứ giả của Thượng đế sai về để đánh thức trái tim cô độc của anh. Đó là Phương Thuý, con gái ông Nguyễn Đức Phiên, tức Hoài Chân, một trong hai tác giả Thi nhân Việt Nam lừng danh. Chị Thuý làm thơ, dạy đàn tam thập lục ở Nhạc Viện Hà Nội. Chồng trước của chị là một tiến sĩ vật lý danh tiếng, nhưng chị đã ly dị để đi theo tiếng gọi của trái tim, lấy anh chàng Tuân Nguyễn vừa được tha tù sau 10 năm, dù bị gia đình phản đối quyết liệt. Có lẽ chị Phương Thuý đã nhận ra cái CHẤT NGƯỜI cao cả rất đậm đặc hiếm có ở Tuân Nguyễn chăng? Nhà văn Thái Vũ (Bùi Quang Đoài) viết: “Quả là ‘mệnh trời’ khi Tuân gặp Thuý, khi nỗi buồn khó dứt của một người đang mong có một niềm vui, đúng hơn là một chỗ dựa. Trong thời buổi chữ ‘tài’ đang lay lắt thì chữ ‘mệnh’ đúng là đã cứu vãn một kiếp người…”
Lấy nhau rồi mà phải ở nhờ nhà những người em, người bạn như Phạm Ngân Giang, Vũ - Điều, Băng Sơn. Hơn tháng sau, chị Thuý đem tất cả số tiền dành dụm được, rồi bạn hữu góp thêm, mua một gian buồng 6 mét vuông gần Ga Hàng Cỏ. Bạn bè xúm tay góp nồi, góp soong, bếp dầu, chén bát, bàn viết, ghế ngồi, giá sách, giường… Hoạ sĩ Chu Hoạch góp một bức chân dung Đốt treo trước bàn viết; Phùng Quán, Lê Huy Quang góp tre đóng chạn đựng bát đĩa, soong nồi… Sau khi có nhà, Tuân Nguyễn - Phương Thuý tổ chức “lễ thành hôn” theo kiểu riêng của mình. Tuân Nguyễn làm một bài thơ “Thơ mời bạn bè ngày cưới”, chép tay thành nhiều bản gửi đi mời bạn bè.
Quá nghèo nên tạm thế này thôi
Đâu dám làm cho khác mọi người
Thiếu rượu vì tin tình nghĩa bạn
Không hoa, mong hiểu vợ chồng tôi
Bao năm ngoảnh lại hoàn tay trắng
Một sáng nhìn lên miệng hé cười
Thiếp báo là thơ - giờ gửi tới
Xin mời có dịp đến nhà chơi
Dự cuộc “tiệc cưới” ở nhà Tuân Nguyễn - Phương Thuý, Phùng Quán có bài thơ ứng tác đọc lên nghe lạnh người:
Có nơi nào trên trái đất này
Mật độ nhà thơ như ở đây?
Ba thước vuông sáu nhà thơ ngồi
Ba phải đứng vì không đủ chỗ…
Có nơi nào trên trái đất này
Mật độ cô đơn như ở đây?
Một đám trẻ bơ vơ không nhà cửa
Sống bằng thơ đau với rượu cay
Có nơi nào trên trái đất này
Mật độ yêu thương như ở đây?
Mỗi tấc đất có một người quỳ gối
Dâng trái tim và nước mắt
Cho nỗi đau của cả loài người…

Sau năm 1975, vợ chồng Tuân Nguyễn - Phương Thuý vào Sài Gòn ở lô K, cứ xá Thanh Đa, quận Bình Thạnh. Nhờ một người học sinh miền Nam cũ giúp đỡ, anh đã được đi dạy học ở Trường Nghiệp vụ Bộ Văn hoá ở Thủ Đức; ngoài giờ thì dịch sách báo. Buồn cười nhất là khi khai lại lý lịch để vào Sài Gòn dạy học, đoạn thời gian 9 năm 7 tháng đi tù, tổ chức bảo anh kê khai là “nghỉ chữa bệnh”. Vui thật. Còn chị Phương Thuý ở nhà mở quán bán báo kiếm sống. Ngày 25/4/1983, trên đường đi lấy báo về cho vợ bán, Tuân Nguyễn đã bị một chiếc xe đang lùi tông phải. Anh ngã giúi dụi, kính cận văng một nơi, báo văng một nơi. Người lái xe hoảng hồn chạy đến đỡ anh dậy, anh bảo: “Không việc gì, may cái kính không vỡ”. Rồi anh đạp xe về nhà, lúc đó mới biết mình bị chấn thương sọ não phải vào cấp cứu tại bệnh viện. Khi biết mình không qua khỏi, anh đã trăn trối câu nổi tiếng: “Đừng bắt tội người lái xe… Tôi là người có lỗi…”.Câu nói thể hiện bản chất thương người của Tuân Nguyễn, cũng là một lời nhắn đối với tất cả trí thức trong cuộc đời này: Chính trí thức là người có lỗi, vì từng lớp trí thức tài giỏi của đất nước đã không làm được gì để cho người dân bớt khổ, cho xã hội công bằng dân chủ văn minh. Vâng, chúng ta là người có lỗi!
Huế, 30-5-2008
© 2008 talawas
_______________

Phụ đính II:


Quê nội Phùng Quán, biết mấy mà thương

Nhụy Nguyên

Phùng Quán sinh năm 1932, tại làng Thanh Thủy Thượng, tổng Dạ Lê, nay là phường Thủy Dương, huyện Hương Thủy.
Với tấm lòng của họ thân thuộc và bè bạn trên khắp đất nước, ông đã được đưa về quê nội nơi đây. Một cuộc “trở về” gợi thật nhiều kỷ niệm…

NGÔI LÀNG HOÀI NIỆM
Thủy Dương được hình thành với tên làng Thanh Thủy Thượng vào năm Cảnh Hưng nguyên niên (1740), do số dân nghèo từ làng Thanh Thủy Chánh (nay thuộc xã Thủy Thanh với di tích Cầu Ngói Thanh Toàn nổi tiếng) tiến vào núi Sầm sinh sống. Địa hình làng Thanh Thủy Thượng hình một con dơi. Đáng chú ý nhất là phía đông với dòng sông Lợi Nông uốn lượn (dân bản địa gọi là Lệ Nông - giọt lệ của nhà nông). Là một nhánh của dòng sông Hương thơ mộng, nó dài khoảng 60km, đổ ra phá Tam Giang; chảy qua xã Thủy Dương như một nét vạch tự nhiên của người hoạ sĩ trên bức vẽ. Dòng Lợi Nông nước mặn tình người tục truyền, được vua Gia Long đào với mục đích: hình thành tuyến đường vận chuyển vật liệu để xây lăng cho mình ở núi Sầm. Nguyên nhân bởi núi Sầm có hình thù giống một con voi đang quỳ ngủ - ai làm gì mặc, voi cứ ngủ. Vậy là chốn đất lành. Nhưng đấy không phải là niềm vui của dân làng nơi đây. Bởi theo người xưa, nếu làng nào có lăng mộ vua, ắt làng đó mạt! Chuyện kể: làng Thanh Thủy Thượng đã bí mật thuê thầy địa lý về giả bộ xem đất rồi tung truyền tin xấu, rằng chỗ này không được tốt - voi ngủ, rồi voi sẽ trở dậy phá phách... Tuy nhiên núi Sầm vẫn là chốn “có duyên” với bậc đế vương. Dưới chân núi Sầm giờ còn chùa Bà Hoàng, vốn là vợ của vua Khải Định, không có con. Khi vua có vợ hai, Bà Hoàng xin được hồi tôn, tới dựng một ngồi chùa dưới chân núi Sầm để ngày đêm niệm Phật quên muộn phiền.
Theo Lê Quý Đôn trong Phủ biên Tạp lục: trước năm 1776, làng Thanh Thủy Thượng đã trở thành một đơn vị hành chính dưới thời chúa Nguyễn Phúc Khoát. Đến thế kỷ 18, vùng Thanh Thủy Thượng vẫn còn là rừng núi với nhiều loài thú như vượn, nai, báo, voi trú ngụ. Sang thế kỷ 19, dân cư của làng quy gọn trong 4 ấp, sống hai bên sông Lợi Nông. Do làng rất gần với sông, hơn nữa ruộng trũng, nên voi trong núi thường kéo nhau ra tắm. Dần dà làng có vinh dự là nơi giữ voi, chăm sóc voi cho vua; tầng lớp chuyên trách được gọi là lính Kinh tượng. Trong sổ đinh được bảo lưu tại làng Dã Lê Thượng (xã Thủy Phương) niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 7 (1799) thời Tây Sơn có ghi: Dã Lê Thượng và Thanh Thủy Thượng (đều thuộc huyện Hương Thủy) đóng 30 xuất binh voi trận (Tượng cơ), trong đó Thanh Thủy Thượng có tới 16 quản tượng các Tượng cơ. Sử cũ thì viết: khi đại thắng quân Thanh, vua Quang Trung ngồi trên mình voi trận, áo bào nhuộm thuốc súng tiến vào thành Thăng Long... Các viên quản tượng, võ quan, binh lính của đất Hương Thủy cũng có mặt trong ngày hội ấy.
Song song với dòng Lợi Nông, Thủy Dương có con hói hướng lên núi Sầm rất đẹp. Không có tài liệu xác định rõ sự thể, song con hói tên gọi Bến Quan này được dân đây đào trong thời Gia Long, dài chừng ba cây số, nơi rộng nhất trên 10m. Ngày trước sống dọc con hói chủ yếu là địa chủ phú hào. Sự giàu có là điều kiện trực tiếp của vô vàn ngôi nhà rường to đẹp hiện diện trong làng. Tiếc thay nó đã đi vào cổ tích từ ngày giặc Pháp đốt làng dồn dân mà cố nhạc sĩ Văn Cao từng chứng kiến. Nhẩn nha cuốc bộ dọc con hói, ta sẽ gặp lại hình dáng quê xưa với cây cao, bến nước, mái đình cong. Đình làng nằm khoảng giữa con hói Bến Quan, cắt con hói bằng một hồ sen rộng hàng ngàn mét vuông. Trước đình làng có bàu nước sâu gọi là bàu Choàng. Loại cá nhiều nhất, béo và ngon nhất ở đây là cá rô, đã đi vào câu ca dao: Gạo de An Cựu, cá rô bàu Choàng. Cánh đồng Thanh Thủy Thượng quanh năm ngập nước, chỉ có vùng An Cựu là khô ráo, mới trồng được gạo de. Gạo de được coi là cây thần nông - chủ yếu dùng để tiến cung, dân chẳng mấy ai được ăn. Tôi về đất này có nhặt được hai cây “tuyệt bút”, đặt sệt tính dân gian: Mẹ già ăn tấm gạo de/ Đẻ con tóc quắn đi ve cả làng...
Theo bài văn tế làng có từ cuối triều Nguyễn: làng Thanh Thủy Thượng có 13 vị khai canh, là thủy tổ của các dòng họ: Lê Diên, Ngô, Nguyễn Diên, Lê Bá, Lê Viết, Lê Đô, Nguyễn Thanh, Phùng, Phan, Đặng, Trần, Phạm, Hồ (họ Lê Đô đến đời thứ 5 thì tuyệt tự, việc tế kị được làng ấn định vào tháng 7 âm lịch hàng năm để ghi ơn). Đa số các vị gốc ở Thanh Hoá theo Tiên chúa Nguyễn Hoàng vào khai khẩn Đằng Trong từ thế kỷ 16. Ngoài ra còn một số họ khác không được thờ tự trong đình, đều nhập cư sau này...
Tôi biết đến ông Chủ tịch là ngày vào trình tờ giấy giới thiệu của huyện năm 2002. Khuôn mặt ông tròn, hơi béo chút đỉnh, không thấy có ria mép song nụ cười cực kỳ bí ẩn. Hết nhìn tờ giấy có con dấu đo đỏ tròn tròn, ông lại nhìn mặt tôi vẻ ngờ vực. Nhưng rồi cũng ổn, tôi được chỉ định xuống tầng dưới làm việc với anh Trọng, phụ trách Ban Văn hoá. Ở đấy tôi thấy khá nhiều ảnh các vị lãnh đạo Đảng chụp trong những lần về thăm xã, như Lê Đức Anh, Phạm Văn Đồng, Đỗ Mười... Âu cũng là sự “thơm lây” từ tấm bằng Anh hùng Lao động Nhà nước tặng Hợp tác xã nông nghiệp Thủy Dương thời bao cấp. Với hơn 700 mẫu ruộng, Thủy Dương luôn đạt năng suất tuyệt đối cho giới truyền thông ngắm đến. Được biết chủ nhiệm Hợp tác xã ngày đó là ông Phanh (tên cứ như người Liên Xô thời Đất vỡ hoang). Đồng chí Lê Duẩn lần đến thăm đã ghi vào sổ lưu niệm như sau: “Tôi khen chú giỏi nhưng nhờ dân cũng giỏi”. Văn phòng Hợp tác xã giờ đã được xây lại hai tầng to rộng, thoải mái cho trên chục người làm việc. Một lần tới đây xin vài số liệu, thấy quá khó khăn khi phải làm việc với ông “phó” hay đi chiếc rim Tàu đời F9, nên tôi đã bỏ về tay trắng. Chẳng bù cho một nhà văn tên tuổi từng được Hợp tác xã nuôi một thời gian khá đài đổ mong viết được “cái gì đó” tô điểm cho sự làm ăn khấm khá. “Bỗng nhiên tôi cụt hứng” - đó là đầu đề một bài viết được đăng ở Tạp chí hẳn hoi, làm người làng người xã ai từng đọc đều cười chảy nước mắt. Chuyện rằng: có viên chức trên tỉnh xuống thăm Hợp tác xã, ông không được đón tiếp như bao người khác trong bắc ngoài nam có tước hiệu. Ông lạc loài giữa đón rước và tiệc tùng, bởi ai bảo cán bộ quyền cao chức trọng mà lại cưỡi mình trên chiếc xe đạp cà tàng...!
Thủy Dương chừ khác hẳn chuyện trầu cau... Khoảng giữa thế kỷ 16, sử cũ mô tả: Trên con đường giao thông chính chạy dọc Thuận Hoá đến tận đèo Hải Vân chỉ có bốn cái quán, cả xứ chỉ có ba chợ. Thiệt chẳng thể nào sánh được một góc nhỏ của Thủy Dương hôm nay. Khi mà bất động sản đang được chia xẻ đổi lấy đô la. Khi mà đâu đó đã rục rịch khởi động những ngôi nhà năm bảy trăm triệu để đua ganh với ông C. ông H. ông Z… nào đấy trưởng một phòng ban trên huyện. Và đâu đó đã hình thành nên những cụm dân cư “chả thiếu thứ gì”, gọi là tiền lệ để “lên thành phố”. Khu đô thị mới đang dần lộ hình hài...

DẤU ẤN PHÙNG QUÁN
Phùng Quán mồ côi cha từ năm lên hai. Mẹ là một thiếu phụ thuộc hoàng tộc. Bà ở vậy nuôi con cho đến lúc mất ở Huế. Mới bằng “hột mít”, Bê (tên hồi nhỏ của Phùng Quán) đã giúp mẹ chăn trâu, cắt cỏ ở làng, người đen nhẻm và nồng mùi bùn đất quanh năm.
Tuổi thơ của Phùng Quán tuy dữ dội nhưng lại được ẵm trong tầng không gian mượt mà cổ tích; đã khiến thằng Bê chăn bò vượt qua “lời nguyền số phận” theo như lời phán của một ông thầy bói trong làng: “Khi lớn lên, thằng này không ăn mày cũng ăn cướp”. Sau này ngồi với bạn bè gợi lại chuyện ngày cũ, Phùng Quán vin vào hai câu thơ của Etsenhin: Những số phận khác thường, sinh ra đều định trước. Tôi không nhà thơ thì cũng thành trộm cướp. Và chính vùng quê ấy, là “điểm nhớ” dai dẳng nhất trong chặng đời trầm luân của Phùng Quán, mặc dầu đấy là quãng thời gian ông chả được học hành gì.
Ai cũng biết đến một Phùng Quán câu trộm cá Hồ Tây, và sau khi “bỏ nghề”, ông lại làm một cái chòi, vừa để ngắm sóng vừa hưởng thú tao nhã của cụ Tam Nguyên Yên Đỗ gửi lại (trầm mình bách kế bất như nhàn). Cái thú đó, thật ra tiềm ẩn trong “thằng Bê” thủa nào. Anh Lê Viết Lãm, cựu học sinh trường làng Thanh Thủy Thượng khóa 1956 - 1958 nhớ lại: “Những kỷ niệm ở trường làng thật là đẹp. Thủa ấu thời, vào khoảng bốn, năm tuổi tôi đã đi học vỡ lòng a, b, c tại đình làng được thầy giáo Lưu dạy. Lúc đó, bạn bè của tôi chỉ vỏn vẹn ba người là anh Bê, chị Lượng và chị Sen - ba người này học lớp cao hơn tôi; tôi được gần gũi với anh Bê nhiều hơn hết vì anh thường hay ra câu cá ở hồ sen trước đình làng. Tôi xách oi, cuốc trùn, móc mồi vào lưỡi cho anh. Những buổi trưa hè, tôi cũng thường theo anh ra bờ hồ, ngồi dưới gốc cây cổ thụ để hóng mát. Mùa này sen nở rộ khắp mặt hồ, mùi thơm dìu dịu thoảng bay trong gió...”. Ấy là thời khắc hiếm hoi để Phùng Quán nhận ra sự vô ơn của một câu ca cần phải đuổi mặt…
Cách mạng tháng Tám bùng nổ khi Bê mới được 13 tuổi. Giã từ những đóa sen thanh khiết, cậu bé Phùng Quán hòa mình vào dòng sông cách mạng hùng vĩ, làm một chiến sĩ của trung đoàn Trần Cao Vân; cùng những tháng ngày oanh liệt, được ông khắc họa bằng máu và nước mắt trong hơn một ngàn trang sách quý. Nhưng, can qua vô thường, sự chân thật như lưỡi dao vạch dòng thơ trên đá đã đẩy ông tới tận cùng sự cô đơn giữa một biển người. Im lặng. Một nỗi im lặng kiêu dũng “Như con còn vàng” lặn lội bên sông... Mãi cho tới năm 1984, “rời bỏ vùng núi Thái Nguyên, con suối Linh Nham, cái lán xiêu vẹo mái lợp tranh lá mía dột nát bốn bề”, ông trở về quê nội. Trước mắt ông là màu xanh ngọc của những thửa vườn lá non chen với màu xanh mượt mà của cánh đồng lúa đang độ con gái. Đằng đông sau rặng tre bên kia đồng, vài cánh buồn nâu thuắt ẩn thoắt hiện nhắc ông nhớ tới dòng Lệ Nông bi lụy. Những mái nhà gianh đứt rồi lại nối bởi các ngõ ngang dọc dẫn vào xóm. Ngậm ngùi:
Ngày ra trận
Tóc tôi còn để chỏm
Nay trở về
Đầu đã hoa râm...
Xóm làng nghẹn ngào đón đứa con bao năm xa quê. Đêm ấy, Phùng Quán quỳ xuống lạy quê hương, lạy bà con lối xóm. Rồi ông Tạ:
Con tạ đất làng quê
Thấm đẫm máu bao anh hùng đã khuất
Không ngọn cỏ nào không long lanh nước mắt
Không lá cây nào không mặn chát gian lao

Nhiều người đã chép lại bài thơ Tạ ông đã sáng tác ngay chính trên đất làng quê nội sau hơn 30 năm “trăng mới tỏ Hoàng thành” dằng dặc xa cách. Ngay những đứa trẻ được chứng kiến ông “quỳ rạp trán” trước mọi người, mai lại gặp ở đâu cũng chỉ tay: “Ông Tạ. Ông Tạ đó!” Phùng Quán rất mãn nguyện, lại nấn ná ở lại thăm thú xóm giềng thân thuộc. Tới nay, tại đôi quán cà phê sáng bình dân dọc quốc lộ thuộc địa phận phường Thủy Dương, người ta còn nhắc mãi câu chuyện Phùng Quán tới nhà Ngô Hữu Giã. Hữu Giã là một ông giáo làm thơ trong làng. Lối sống của Hữu Giã rất khắt khe, kỳ cục đến nước vợ con chịu không nổi. Hữu Giã sống trong đói rách, quanh năm ăn xúp nhưng không hề nợ ai một đồng. Lần Phùng Quán vào chơi, thức ăn chỉ có khế chấm ruốc và rau sam luộc, cộng thêm một xị rượu độc nhất. Phùng Quán vỗ tay phét đùi khen bữa ăn ngon, cùng nâng ly ngâm thơ. Quà tặng chia tay là một quả bí to nhất trong vườn Hữu Giã, mà Phùng Quán đã phải rất nặng nhọc trên chuyến hành trình dọc chiều đất nước. Tôi cứ băn khoăn: chẳng rõ “món hàng” đó có liên quan gì tới Quả bí xanh tuyệt ngon mắt trong tập “Trăng Hoàng Cung” của Phùng Quán hay không? Chỉ biết, ông quý nó hơn cả quả dưa hấu ông từng cúi lạy!
Mùa đông năm 1994, ông mặc chiếc áo trắng “bám” chi chít chữ ký của bạn bè từ Sài Gòn ghé thăm Thanh Thủy Thượng lần chót. Đúng vậy, Phùng Quán ra Hà Nội và không còn gượng dậy được nữa! Thật đáng tri ân, ông đã được bạn bè đưa về quê nội nên thơ; ở đấy, tin chắc nhà thơ sẽ yên bình mơ về Tuổi thơ dữ dội./.

(còn tiếp)

 

Đăng ngày 18 tháng 12.2017