banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Từ kỳ thị tù nhân

đến kỳ thị hệ thống ở Québec

Lâm Văn Bé

Kỳ thị là hiện tượng có từ cổ chí kim và nơi nào cũng có, chỉ khác nhau ở hình thái và mức độ. Tại Canada, sự kỳ thị giữa người gốc Pháp với người gốc Anh, giữa người Anh và Pháp với người Thổ dân đã bắt đầu từ khi lập quốc ngày 1 tháng 7 năm 1867 chưa kể thời chiến tranh trước đó. Cho đến khi hoàn tất liên bang vào năm 1949, trong số 10 tỉnh bang, chỉ có Québec là tỉnh bang Pháp thoại, 9 tỉnh còn lại (ROC/Rest of Canada) kể cả 3 vùng lãnh thổ của người Thổ dân đều là Anh thoại.
Sau thế chiến thứ hai, những dân nhập cư vào Canada phần lớn đều định cư ở các tỉnh bang Anh thoại, và từ năm 1977, khi Québec ban hành đạo luật 101 buộc trẻ con di dân phải học tiếng Pháp, những di dân mới đến vẫn muốn chọn các tỉnh bang Anh thoại, và nếu «phải» định cư ở Québec, họ vẫn thích chọn học ở CEGEP và đại học tiếng Anh vì tiếng Anh là ngôn ngữ quốc tế và kinh tế.
Từ đấy, Québec có thêm một đối tượng kỳ thị là những di dân không có tiếng mẹ là tiếng Pháp mà Québec gọi chung là minorités ethniques (thiểu số sắc tộc). Mức độ kỳ thị ở Québec thay đổi tùy theo đảng cầm quyền, càng rõ rệt hơn với đảng có chủ nghĩa quốc gia (nationalisme), như trước đây là Parti Québécois, và hiên nay là CAQ (Coalition Avenir Québec). Bài viết nhận định vài sắc thái  kỳ thị nổi bật ở tỉnh bang Québec.

Ở tù vẫn bị kỳ thị
Một nghiên cứu tựa là «Le profil des personnes judiciarisées au Québec » của hai tác giả Pierre Tircher và Guillaume Hébert do Institut de recherche et d’informations socioéconomiques (IRIS) vừa được phát hành ngày 17/11/2021 liên quan đến chủ đề người bị kết án tội hình sự và bị giam ở Québec. Theo hai tác giả, những tù nhân loại nầy vô tù năm 2019-2020 bị xếp  theo màu da thuộc 4 loại với tỉ lệ như sau :
Da lợt (pâle) :                35.37%
Da «sáng» (clair) :         31.20%  
Da trung bình (moyen) : 24.20%
Da sậm (foncé) :              9.23%  
(sđd, tableau 11, p. 11)
Sự phân loại nầy thực là đặc thù của «quốc gia» (nation) Québec mà Thủ Tướng Legault luôn lạm ngôn khi nói về tỉnh bang của mình. Nhận định về cách phân loại, tác giả Pierre Tircher cho là «không thể chấp nhận được, kỳ thị, kỳ dị, phản khoa học, đặc biệt là trái với những tiêu chuẩn và phương pháp thống kê của Statistique Canada»
Khi nói đến da trung bình và da sậm, bảng phân loại muốn nói đến các sắc tộc mà Statistique Canada gọi là minorités visibles. Theo định nghĩa, minorités visibles là những dân tộc không phải là Thổ dân (Autochtones) , không phải là chủng tộc trắng hay da trắng. Đó là những dân tộc Nam Á (bán đảo Ấn Độ), Đông Nam Á, Tây Á, Trung Quốc, Phi Luật Tân, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ Châu La Tinh, Á Rập, Da Đen.  
Trừ người da đen có thể nhận biết rõ là da sậm, nhưng với các sắc dân khác như Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, Á Rập…  có màu da từ lợt, trung bình đến sậm, vậy Québec xếp theo loại nào ? Dựa vào yếu tố nào để phân biệt da lợt và «da sáng».
Ngoài ra, theo Statistique Canada năm 2016 (thống kê 2021 chưa công bố đầy đủ), tổng số dân «minorités visibles» ở Québec là 13% so với dân số toàn tỉnh. Nếu tính theo bảng phân loại tù nhân da trung bình và da sậm như trên là 33.43% trong khi tỉ lệ dân minorités visibles chỉ có 13%, như vậy  số tù nhân loại nầy chiếm gấp 2.6 lần. Phải chăng qua cách phân loại, Québec muốn chứng minh là các dân tộc có da trung bình và da sậm có tỉ lệ phạm pháp hình sự cao hơn dân da lợt và da «sáng» ? Được hỏi là sự phân loại nầy có dụng ý gì, đại diện Bộ An Ninh Công Cộng (Sécurité publique) trả lời là dùng để nhận diện tù nhân khi mãn án ra khỏi nhà tù hay khi vượt ngục. Maria Mourani, giáo sư về Tội Phạm học (Criminologie) ở Đaị học Montréal nhận định cách phân loại  nầy là « ngu xuẩn và kỳ thị » (JdM, 17/11/2021). Người viết muốn nói rõ hơn đó là loại kỳ thị tinh vi gọi  là kỳ thị hệ thống.

Thế nào là kỳ thị  có hệ thống (racisme systémique)
Trước hết người viết không có ý định đi sâu vào lãnh vực môn Ý nghĩa ngôn ngữ  học (sémantique) cũng như các môn học khác để đưa ra định nghĩa hai danh từ phân biệt đối xử (discrimination) và kỳ thị chủng tộc (racisme) vì trang giấy có hạn, nhất là quan điểm của các chuyên gia cũng khác nhau. Một cách tổng quát :
Phân biệt đối xử  là hành động tạo ra sự phân biệt một cách sai trái giữa những con người với nhau dựa trên các đặc điểm như giới tính, tuổi tác, xu hướng tính dục (LGBTQ / lesbian, gay, bisexual, transgender, queer), quốc tịch, màu da, tôn giáo, sắc tộc, địa vị kinh tế, địa vị xã hội, ngôn ngữ…Cường độ và chủ đích của phân biệt đối xử thường nhẹ nhàng hơn kỳ thị.
Kỳ thị chủng tộc là dựa vào các thuyết  về ưu thế các chủng tộc. Mặc dù ý niệm về chủng tộc (race) đã có từ thời Thượng cổ biểu hiện qua chế độ bộ tộc và nô lệ, nhưng danh từ chủng tộc chỉ thực sự chính thức xuất hiện từ đầu thế kỷ XVII và danh từ racisme từ đầu thế kỷ XX. Bởi lẽ những cuộc tranh chấp dữ dội vì kỳ thị đẳng cấp (caste) ở Ấn Độ, kỳ thị chủng tộc ở Nam Phi (apartheid), màu da ở Hoa Kỳ, diệt chủng ở Đức, Soudan, Campuchia, Bosnia, tất cả những tranh chấp đẫm máu nầy đã hằn sâu thêm vấn đề kỳ thị chủng tộc, do đó danh từ kỳ thị đã lần lần phổ quát sử dụng trong mọi trường hợp kỳ thị hay phân biệt đối xử.

Kỳ thị có thể biểu hiện dưới  3 trạng thái
1- Kỳ thị trực tiếp : là sự phân biệt đối xử của một cá nhân với một cá nhân, một cá nhân với một tập thể, hay giữa các tập thể với nhau, biểu lộ qua lời nói hay hành động, gây ra những thiệt hại về vật chất, tinh thần, phẩm giá cho người hay tập thể bị kỳ thị. Lý do kỳ thị là một hay những yếu tố đã nêu trên. Kỳ thị trực tiếp có thể là hành động tự phát của cá nhân hay tập thể quyền lực. Loại kỳ thị nầy thường bị luật pháp trừng phạt vì dễ nhận diện.
2- Kỳ thị gián tiếp : biểu hiện qua các chính sách, luật lệ, tổ chức… trông có vẻ hợp lý, công bình, nhưng ngầm chứa những thiệt hại vô tình hay cố ý cho đối tượng bị kỳ thị. Thí dụ : Một công ty quyết định cho con của nhân viên cấp chỉ huy (staff) được ưu tiên thu nhận làm việc mùa hè. Quyết định nầy là một kỳ thị gián tiếp vì đa số cấp chỉ huy là người da trắng, con của những nhân viên sắc tộc ít có cơ may được hưởng quyền lợi nầy. Một thí dụ khác : Sở Địa Ốc phân phối nhà xã hội cho cư dân theo những tiêu chuẩn rất minh bạch, công bình, nhưng trong giá tiền mướn nhà có cung cấp bữa ăn trưa theo thực đơn của người Tây phương. Như vậy, một cách gián tiếp, người sắc tộc mặc nhiên bị kỳ thị vì đa số không ăn được (hay không thích) thức ăn của người Tây phương mà vẫn phải trả tiền.
Một thí dụ khác gần đây. Ngày 18/11/2021, Thủ tướng Legault thành lập một « Ủy ban nghiên cứu về hockey » do Bộ trưởng Tài Chánh giám sát để cứu nguy môn thể thao quốc gia của Québec là hockey vì từ 20 năm nay, hockey đã lần lần giảm người ham mộ, dĩ nhiên phải nhờ tài trợ của chính phủ và mạnh thường quân. Ngoài ra, trong khi Québec đang đối đầu với cơn đại dịch mà chưa thấy lối ra, kinh tế khó khăn, thiếu nhân công và đình công hàng loạt, thì chính ông lại chủ trì vận động kế hoạch tái lập đội hockey Nordiques cho thành phố Québec (vì bị thua lỗ đã phải bán năm 1995 cho đội Colorado), trong khi tại Montréal đã có đội Canadien từ cả thế kỷ nay, chưa kể người dân Québec còn thích các môn thể thao khác như baseball, soccer. Báo chí và giới thể thao đã phản ứng bất lợi, ngay cho George Laraques, một thủ môn hockey nổi tiếng của đội Canadien cũng chỉ trích vì cho đó là một cách kỳ thị với dân sắc tộc.
Nếu khi xưa (và cả đến hôm nay), Québec có « Hai nỗi cô đơn »(tác phẩm nổi tiếng Two Solitudes  của Hugh Mac Lennan xuất bản năm 1945 nói lên sự phân cách giữa người Anh thoại và Pháp thoại, bản dịch tiếng Pháp là Les deux solitudes) thì hôm nay, với chính sách dân túy (populisme), Legault đã thêm 2 nỗi cô đơn nữa là phân cách thành thị và thôn quê, chia rẻ thành phố Québec và thành phố Montréal.
3- Kỳ thị có hệ thống: là loại kỳ thị thâm độc nhất, phát xuất từ những định kiến (thí dụ di dân là những voleurs de jobs, a tòng với người Anh thoại để chống lại người Québécois…), những tập tục đã tồn tại từ lâu đời, và mặc dù có những thay đổi, nhưng xã hội và những nhóm đa số quyền lực không muốn tuân hành hay tuân hành không trọn vẹn khiến cho những nhóm thiểu số yếu kém tiếp tục bị dồn nén trong bất công, bất bình đẳng và bất mãn.  Chế độ kỳ thị chủng tộc apartheid  ở Nam Phi, chế độ đẳng cấp (caste) ở Ấn Độ, chính sách di dân, cung cấp dịch vụ cho di dân là điển hình chính sách kỳ thị có hệ thống.

Kỳ thị có hệ thống ở Québec
Sau đây là vài  thí dụ điển hình theo các lãnh vực và theo dòng thời gian :
1. Tuyển chọn những ứng viên thường trú y khoa (résidence), giai đoạn cuối cùng để có thể hành nghề bác sĩ ở Québec
Tại Québec, các di dân tốt nghiệp từ các đaị học y khoa ngoài Canada và Hoa Kỳ khó có thể tìm được một chỗ thường trú tại 4 trường đại học y khoa ở đây, ngay cả họ tốt nghiệp từ các đại học lớn trên thế giới, có nhiều kinh nghiệm hành nghề trước khi nhập cư Québec và mặc dù đã được Hiệp Hội Y sĩ Québec (Collège des médecins du Québec) chấp nhận văn bằng tương đương. Năm 2007, tất cả các bác sĩ tốt nghiệp từ 4 trường Y khoa đều đương nhiên có một chỗ thường trú trong khi 2/3 bác sĩ tốt nghiệp ở các nước khác không tìm được chỗ. Những bác sĩ di dân nầy khiếu nại với Ủy Ban Bảo vệ Nhân Quyền Québec (Commission des droits de la personne du Québec). Phải chờ đến 3 năm điều tra, Ủy Ban mới xác nhận vào năm 2010 là các đại học y khoa và Hiệp Hội Y sĩ đã áp dụng chính sách kỳ thị có hệ thống đối với các bác sĩ di dân vì những lý do sau đây :
- Hội đồng tuyển chọn ứng viên thiên vị đối với các ứng viên nói tiếng Pháp và trẻ tuổi, không quan tâm đến kinh nghiệm và khả năng của các bác sĩ di dân so với ứng viên tốt nghiệp từ các đại học địa phương.
-Tiêu chuẩn «công trình nghiên cứu» bất công đối với bác sĩ di dân vì các bác sĩ địa phương được trợ cấp trong khi làm nghiên cứu.
- Tiêu chuẩn «gián đoạn hành nghề» bất công vì người di dân phải chờ đợi thời gian dài để làm thủ tục nhập cư, cứu xét bằng cấp, và chờ quyết định của Ủy Ban tuyển chọn, điều mà người bác sĩ di dân không trách nhiệm để bị gián đoạn nghề nghiệp.
- Hội đồng tuyển chọn không có đại diện của nhóm bác sĩ di dân…
Những lý do mà Ủy Ban nêu lên thực sự chỉ là những lý do nhận thấy được, nhưng tiềm ẩn cái lý do sâu kín là chánh sách bảo thủ nghiệp đoàn (corporatisme) không muốn có bác sĩ được đào tạo ở ngoại quốc. Đó là chính sách kỳ thị có hệ thống trong y giới. Cho đến nay, Québec đang bị thiếu nhân viên y tế trầm trọng, nhưng chính phủ vẫn không nhận các bác sĩ, y tá tốt nghiệp ở ngoài Québec.
2. Kỳ thị vì cái tên
Trong một luận án tiến sĩ ở Đại học Sherbrooke về đề tài kỳ thi chủng tộc ở Québec, tác giả L.T-M ngụy tạo 8 cái CV của 8 ứng cử viên để gởi xin một chỗ kỹ sư cơ khí ở Lévis. Các CV nầy ghi cấp bằng, kinh nghiệm, và một số điều kiện yêu cầu tương đương, trong đó 4 người có tên họ Québécois tốt nghiệp ở Québec, 4 người có tên «ngoại quốc» trong đó 3 tốt nghiệp cũng ở Québec và 1 ở Toronto. Trong số 8 ứng viên ấy, 4 ngưới Québécois và người tốt nghiệp ở Toronto được mời phỏng vấn, và sau cùng 1 người Québécois tốt nghiệp ở Québec được tuyển chọn. Như vậy, 3 người di dân đã bị loại ngay từ đầu vì cái tên. Đó là kỳ thị hệ thống trong cách tuyển chọn nhân viên.
3. Kỳ thị vì chánh sách phân biệt đối xử với di dân và Thổ dân
Chiều ngày 26/09/2020, bà Joyce Echaquan, một thổ dân ở vùng Manawan đến phòng cấp cứu ở bịnh viện Joliette, cách Montréal chừng 50 km. Bà được nhập viện nhưng không thấy nhân viên nào đến, bà kêu la rên siết, nhấn chuông kêu cứu nhiều lần, nhưng không ai đến. Một y tá nói với đồng nghiệp : « C’est une Indienne, c’est pas grave, elle sonne pour rien ». Phải rất lâu sau, một y tá đến và sỉ vả ngay : «Tu es épaisse en câlisse ». Cuối cùng, khuya ngày 28, bà Echaquan chết. Khi được biết bà vừa chết, một y tá thông báo : «Enfin, on va avoir la paix, elle est morte»! Thật là dã man.
Cũng tại bịnh viện nầy trước đó, trong phòng định bịnh (salle de triage) cho một bịnh nhân người Syrien, một y tá đã  tỏ vẻ bực mình nói với đồng nghiệp : « J’ai passé beaucoup de temps avec cette famille qui ne parlait qu’arabe».
Bịnh viện nầy nổi tiếng kỳ thị  nguời thổ dân, và di dân, nhưng giới chức trách nhiệm không bao giờ cải thiện cho đến khi scandale nầy bùng nổ. Khi bị khiếu nại, một y tá đã sống sượng nói : «Ça aime mieux se faire fourrer, pis faire des enfants, pis se plaindre, pis c’est nous autres qui paye pour ça» (C’est une indienne, c’est pas  grave/Le Devoir 26/05/2021)
Kỳ thị có hệ thống với người thổ dân và di dân vẫn còn ăn sâu trong tâm thức của người Québécois, nhất là ở vùng xa thành phố. (người viết không dịch để độc giả cảm nhận được sự vô cảm và những lời nói  thô lỗ với ngôn ngữ bình dân của những người kỳ thị).
4.  Kỳ thị trong giới công quyền
Sau cái chết bi thảm của bà Joyce Echaquan, dân chúng biểu tình khắp nơi đòi hỏi chính phủ phải giải quyết vấn đề kỳ thị có hệ thống đối với người di dân và Thổ dân, do đó chính phủ phải bổ nhiêm một Bộ Trưởng phụ trách chống kỳ thị chủng tộc (Ministre responsable de la lutte contre le racisme). Điều cần nói rõ là thủ tướng Canada  Justin Trudeau và 9 thủ tướng tiểu bang, các cơ quan hiệp hội các tỉnh đều xác nhận Canada vẫn còn chìm đắm trong nạn kỳ thị chủng tộc có hệ thống, kể cả dân chúng Québec, duy chỉ có ông thủ tướng Legault nhứt định  phủ nhận sự kiện nầy  tại tỉnh bang ông cai trị. Trong nội các của ông có 2 người bộ trưởng gốc người Haïtien (Nadine Girard và Lionel Carmant), nhưng ông bổ nhiệm một người Québécois da trắng đang là Bộ trưởng bộ Môi Trường kiêm nhiệm chức vụ nầy. Bị báo chí chất vấn, ông trả lời là không nhất thiết một người da đen thì bảo vệ người da đen. Ông còn bồi thêm : « Ce qui était le plus important, c’était de trouver une personne qui a ce dossier à cœur». Họ tiếp tục đặt câu hỏi : Môi trường có liên quan gì với Kỷ thị…, khi ông bổ nhiệm một người da trắng phụ trách  chuyện người da đen thì tại sao ông không bổ nhiệm một người đàn ông phụ trách chuyện phái nữ (Ministère de la Condition féminine) Le Soleil, 24/02/2021).
5. Kỳ thị vì cái gốc (souche)
Người viết xin kể lại chuyện xưa ở Việt Nam trước khi kể chuyện nay ở Québec.
Philippe Franchini, là con lai, cha là Mathieu Franchini, chủ nhà hàng Continental ở Saigon và mẹ là con gái của đốc phủ Lê Văn Mầu, lãnh chúa vùng cù lao Năm Thôn ở Mytho, quốc tịch Pháp, nhà giàu nức đố đổ vách. Hơn ai hết trong số người Pháp ở VN, Philippe Franchini là người biết tường tận ngọn rau cọng cỏ của quê mẹ ông và có hơn 10 tác phẩm nổi tiếng viết về xã hội và lịch sử VN. Lúc trẻ thơ, từ Saigon ông về nghỉ hè ở cù lao Năm Thôn, sống hồn nhiên cùng với các bạn trẻ VN cùng lứa tuổi, nghèo nàn, thất học.
Trong quyển Continental Saigon ông kể lại khi ông bà ngoại của ông từ Mỹtho lên Saigon đến trường đón ông trong chiếc xe Peugeot lộng lẫy có phủ rèm. Ngày hôm sau, các bạn hỏi ông :
- Qui c’était la vieille Annamite qui t’embrassait hier? - Bà già Annam nào hôm qua ôm hun mầy là ai?
- C’était ma grand-mère  - Bà ngoại tao
- Ta grand-mère est Annamite? Mais alors tu n’es pas Français. - Bà ngoại mầy người Annam? Như vậy mầy không phải là người Pháp
- Si, je suis Français. Mon père est Français – không, tao là người Pháp, cha tao là người Pháp
- Non, tu n’es pas Français. Tu es un métis!  Không, mầy không phải là người Pháp, mầy là người lai
Ils se mirent à rire, je rougis… Désormais, je craignais que mes grands-parents ne viennent m’y chercher… - Chúng nó cười rộ lên. Tôi đỏ mặt. Từ nay, tôi sợ ông bà ngoại tôi đến trường đón tôi… (Philippe Franchini. Continental Saigon. - Paris : Métaillé, 1995, p.72).

Một đoạn khác, Philippe Franchini viết về nỗi cô đơn của ông «Sans savoir encore que les Vietnamiens appelaient les métis «dau ga dit vit», tête de poulet, cul de canard, je ressentis très tôt l’ inégalité des conditions et l’ isolement…» (p. 21). Câu chuyện người Việt Nam gọi đứa con lai Philippe Franchini là «đầu gà đít vịt» đã xảy ra gần một thế kỷ trước ở VN, nhưng chuyện tương tự như vậy cũng đã xảy ra tại Collège de Brébeuf ở Montréal hơn mươi năm gần đây nhân một cuộc tranh cử Ban đại diện sinh viên giữa Jacques Tremblay và Thanh Nguyễn. Sau đây là đoạn kết cuộc đấu khẩu gay go :
- Jacques: Toi, tu n’es pas Québécois
- Thanh: Si, si !!! Je suis Québécois comme toi. J’étais né ici, ma mère est Québécoise
- Jacques: Non, tu n’es pas Québécois de souche. À la rigueur, on te dirait Québécois  de racine !
Thanh bỏ cuộc và Jacques cũng bị bỏ cuộc vì kỳ thị. Thanh hôm nay đã thành danh và hội nhập tích cực vào xã hội Québec, nhưng anh vẫn nhớ mãi vết thương năm nào. Câu chuyện do cha của Thanh kể lại. Ông nói thêm: không biết bao giờ người Việt từ cái rễ (racine) trở  thành cái gốc (souche).

Kết luận
Viết về kỳ thị như viết chuyện dài «nhân dân tự vệ». Viết về chuyện kỳ thị tại một địa phương lại càng vô duyên hơn vì chuyện kỳ thị có trăm hình vạn trạng, xảy ra khắp năm châu bốn biển và càng ngày càng thêm dữ dội. Ngoài ra, kỳ thị là một căn bịnh của con người. Vẫn biết thế, người viết muốn dùng một vài hình thái điển hình của căn bịnh để chia sẻ cùng bạn đọc nỗi niềm cố không ta thán mà cũng không oán giận bởi lẽ con người vừa là nạn nhân mà cũng vừa là tác nhân của kỳ thị. Giảm thiểu, chớ không bao giờ chấm dứt kỳ thị không phải bằng bạo lực mà bằng giáo dục. Giáo dục mỗi người và mọi người.
Lâm Văn Bé
25/11/2021

Đăng ngày 05 tháng 12.2021