ODA, FDI : Nợ công và tham nhũng ở Việt Nam
Lâm Văn Bé
Tháng năm 1975, các dép râu nón cối từ Trường Sơn, từ các hầm hố chui ra, từ miền Bắc xã hội chủ nghĩa tràn vào miền Nam «Mỹ Ngụy». Những người chiến thắng ngồi chồm hổm trên xe, nuôi heo trên cao ốc, ngơ ngác trước cảnh sống tự do sung túc mà đã 30 năm họ chưa bao giờ được trông thấy. Họ vơ vét của cải của người dân miền Nam, và trong hành trang mang về quê quán, ít nhất có ba bảo vật mà họ hằng mơ ước là chiếc xe đạp, chiếc đồng hồ và cái radio (đạp-đồng-đài). Từ năm ấy, Cộng Sản đã thống nhất nghèo đói và chế độ độc tài trên toàn cả nước Việt Nam.
Để cứu giúp Việt Nam thoát ra khỏi tình trạng chậm tiến và bần cùng, tháng 11 năm 1993, một số quốc gia phát triển và các quỹ tiền tệ quốc tế họp tại Paris để chấp nhận tài trợ cho Việt Nam với chương trình ODA và trước đó vài năm, một số doanh thương ngoại quốc cũng đã bắt đầu đem vốn đến Việt Nam đầu tư dưới dạng FDI.
Ngoại tệ ào ạt đổ vào Việt Nam. Một số hạ tầng cơ sở được trùng tu phát triển, các tòa nhà chọc trời của giới tư bản được dựng lên tại các thành phố lớn. Bộ mặt của xã hội chủ nghĩa đã nhanh chóng đổi thay cùng nhịp với sự thay hình đổi dạng của các cán ngố. Một giai cấp mới tư bản đỏ xuất hiện, làm giàu với một vận tốc phi mã bằng tham nhũng trên số ngoại tệ tài trợ và tài sản quốc gia, khiến đất nước bên ngoài trông có vẻ «văn minh» hơn, nhưng che giấu bên trong một thực trạng phân cách giàu nghèo trầm trọng, số nợ công thêm chồng chất và vụ thất thoát 5 tỷ mỹ kim của công ty Vinashin là điển hình của chánh sách tham nhũng và bạo lực của Việt Nam hôm nay.
Bài viết đề cập đến một vấn đề tuy «đã nghe, đã đọc», nhưng những con số kinh hoàng sẽ giúp độc giả biết rõ hơn một hiểm họa đè nặng trên vai của nhiều thế hệ người Việt về những món nợ công mà tập đoàn tham nhũng cộng sản từ nhiều thập niên qua đã vơ vét tận tình.
Phần 1 . ODA
ODA là chữ đầu của cụm từ Official Development Assistance là chương trình tài trợ của các nước giàu, các quỹ tiền tệ quốc tế giúp cho chính phủ các nước chậm tiến để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Số tiền tài trợ thường dưới hai hình thức là cho vay không phải hoàn lại, gọi là viện trợ và cho vay với lãi suất nhẹ, thường dưới 3%, thời gian cho vay dài hạn (30-40 năm) với ân hạn khoảng 10 năm. Trong thời gian 10 năm ân hạn chỉ phải trả tiền lời, đến năm thứ 11 thì mới bắt đầu phải trả lời lẫn vốn. Tùy theo tình trạng kinh tế của nước nhận tài trợ, số tiền viện trợ thường chiếm khoảng 20-25% trong tổng số tiền tài trợ.
Sự giúp đỡ nầy, tuy đem lợi ích cho các nước nghèo, nhưng cũng góp phần cho các nước tài trợ những lợi ích kinh tế, chính trị và chiến lược trong thời gian tài trợ và sau đó.
Về kinh tế, nước nhận tài trợ phải chấp nhận bỏ dần hàng rào quan thuế, dành ưu tiên cho hàng hóa của nước tài trợ. Trường hợp như VN là nước nhận nhiều tài trợ nhất của Nhật Bản, VN phải nhập cảng ưu tiên xe hơi và các dụng cụ, máy móc của Nhật. Tuy nước nhận tiền ODA, trên nguyên tắc, có toàn quyền sử dụng và quản trị các dự án tài trợ, nhưng trong thực tế, sự tham gia của các chuyên viên, nhiều khi cả nhân công của nước tài trợ trong các giai đoạn chuẩn bị và thực hiện, là điều kiện cần thiết để dự án được dễ dàng chấp thuận. Ngoài ra, các nguyên liệu, trang bị cung cấp cho dự án cũng phải mua ưu tiên từ nước tài trợ, chi phí đào tạo nhân viên, chi phí hành chánh được tính trong số tiền tài trợ hay viện trợ.
Về lãi suất cho vay, tuy ưu đãi, nhưng số tiền lời và vốn khi trả nợ tăng lên rất nhiều vì phải tính thêm tỷ lệ phá giá đồng bạc của quốc gia thiếu nợ. Một yếu tố khác còn tác hại hơn là nợ phải trả bằng USD, điều nầy sẽ đưa đến việc tăng nợ vì khác biệt hối suất giữa đồng tiền của nước cho vay và đồng tiền đổi ra là USD. Việt Nam nợ Nhật Bản nhiều nhất, đồng yen là đồng tiền mạnh, do đó khi đồng tiền yen tăng giá, VN phải trả phần phụ trội giữa đồng yen và đồng bạc VN, cộng thêm phần phụ trội giữa đồng yen và USD.
Về chiến lược, ODA là một lợi khí chính trị và an ninh quốc phòng cho nước cung cấp ODA, thí dụ như Hoa Kỳ cung cấp mỗi năm trên 5 tỷ ODA cho Do Thái và Ai Cập cốt là để bảo đảm sự có mặt của Hoa Kỳ trong vùng đất chiến lược nầy.
ODA Việt Nam
Cho đến nay, VN là một trong 5 quốc gia đứng đầu trên thế giới tiếp nhận ODA của 51 nhà tài trợ trong đó có 28 nhà tài trợ song phương (quốc gia tài trợ trực tiếp cho VN) và 23 nhà tài trợ đa phương (các quỹ tiền tệ, các cơ quan quốc tế). Ngoài các quốc gia thuộc khối OECD (Organisation for Economic Co-operation and Development gồm 34 quốc gia hậu kỹ nghệ và phát triển trên thế giới) còn có Trung Quốc và vài quốc gia khối Liên Sô cũ (Nga, Hung Gia Lợi, Serbie). Nhật là quốc gia tài trợ ODA nhiều nhất cho VN trong số các nhà tài trợ song phương, chiếm 30% trong tổng số ODA cho VN. Ngân Hàng Thế giới (WB=World Bank) đứng đầu trong số các nhà tài trợ đa phương với 14 tỷ USD, chiếm 20% ODA. Về viện trợ không hoàn lại, Pháp là quan trọng nhất, kế là Đan Mạch. Trung bình, mỗi năm VN nhận được khoảng 2 tỷ, những năm gần đây tăng lên đến hơn 5 tỷ. Cho đến cuối năm 2011, tổng số tài trợ cam kết cho Việt Nam lên đến hơn 64 tỷ USD, số giải ngân hơn 34 tỷ, chiếm 53% tổng số ODA cam kết (theo Vụ Kinh Tế đối ngoại, Bộ Kế hoạch Đầu tư).
Trong phiên họp giữa các nhà tài trợ và VN ngày 6 tháng 12 năm 2011 tại Hà Nội, Bộ Trưởng Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh đã tuyên bố : «Tổng đầu tư xã hội vẫn còn phải tăng lên do nước ta còn nghèo đang phát triển, nhu cầu về hạ tầng rất lớn và nợ công ở mức cao hiện nay, tiết giảm đầu tư công từ ngân sách nhà nước là một trong những biện pháp mà chánh phủ quyết tâm theo đuổi.».
Nợ công mà ông bộ trưởng đề cập đến là mối lo âu không phải cho chính phủ của ông mà cho cả nhiều thế hệ người Việt. Đại diện của Ngân Hàng Thế Giới (WB) tại VN đã tuyên bố trong hội nghị là «Tổng số nợ công của VN ước lượng bằng 57% GDP trong đó nợ chánh phủ là 46%, nợ được chính phủ bảo lãnh là 11%. Ngoài ra, còn phải kể thêm nợ của khu vực ngoài quốc doanh bao gồm các khoản vay của doanh nghiệp nhà nước và tư nhân không được chánh phủ bảo lãnh lên đến 11%». Báo cáo của NHTG tại Hội Nghị các nhà tài trợ cho VN, 6/12/2011). Như vậy, theo WB, tỷ lệ mắc nợ của VN đến cuối năm 2011 là 68%.
Nhưng theo tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện Trưởng Viện Quản Lý Kinh tế Trung ương ở Hà Nội, tổng số nợ công của VN cao hơn rất nhiều so với con số của WB ước tính. «VN hiện nay đang nợ 15 quốc gia và 8 tổ chức quốc tế, chưa kể các ngân hàng thương mại và các tư nhân nắm các trái phiếu mà chính phủ phát hành bằng ngoại tệ trị giá 1 tỷ mỹ kim trong năm 2010. Tính đến năm 2010, VN nợ nước ngoài 32,5 tỷ, chiếm 42,2% GDP và số nợ nầy tăng thêm hàng năm, chỉ trong 5 năm từ 2005 đến 2010, nợ nước ngoài của VN đã tăng gấp đôi. Năm 2011, nợ công là 58,7% GDP. Ngoài nợ của chính phủ vay, chính phủ còn bảo lãnh nợ cho một số công ty quốc doanh như vậy tính tổng số nợ công và nợ của công ty quốc doanh thì nợ của VN đã trên 100% GDP » nguồn : VN nợ nước ngoài 32,5 tỷ. BBC ngày 15/8/2011).
Theo khuyến cáo của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF), tỷ lệ vay nợ của một quốc gia không nên vượt quá 50% của GDP để bảo đảm sự ổn định của nền kinh tế. Tuy nhiên, tiềm năng kinh tế, mục đích vay nợ và cách sử dụng nợ là điều quan trọng hơn. Trường hợp một số quốc gia có tỷ lệ vay nợ cao so với GDP như Nhật Bản 200%, Pháp 87%, Canada 82%, Hoa kỳ 69% nhưng vẫn được xem là những quốc gia có nền kinh tế vững mạnh bởi lẽ họ vừa là con nợ mà cũng vừa là chủ nợ. Ngoài ra, cơ cấu kinh tế, tài nguyên thiên nhiên, trình độ nhân lực và kỹ thuật của các quốc gia nầy đảm bảo sự phát triển kinh tế và dĩ nhiên khả năng trả nợ. Trái lại, một số quốc gia khác như Ý, Hy Lạp có nợ công cao (Hi Lạp : 135%, Ý : 120%) vừa bị khủng hoảng tiền tệ, hỗn loạn kinh tế trong mùa hè 2011, bởi lạm phát, cơ cấu sản xuất yếu kém và dân chúng mất niềm tin về khả năng lãnh đạo của chánh phủ. (Những thống kê trên dựa vào The Economist.The Global debt clock)
Đối với VN, bởi lẽ nợ công đã vượt quá « ngưỡng an toàn» mà tiềm năng kinh tế cũng như khả năng quản trị còn yếu kém, đặc biệt tham nhũng đã trở thành một quốc nạn, vấn đề nợ công đang là một đe dọa lớn cho sự ổn định kinh tế xã hội và là một gánh nặng cho nhiều thế hệ phải trả món nợ nầy.
1- Tổng số nợ công VN
Bảng 1 : Số nợ công của VN năm 2010
Cơ quan |
Tổng số (tỷ USD ) |
% GDP |
Economist |
50.7 |
51.7 |
Factbook of CIA |
32.8 |
57.1 |
World Bank |
35.1 |
56.6 |
Bộ Tài Chánh VN |
32.5 |
42.2 |
Về tổng số nợ công của VN, các thống kê công bố những con số không hoàn toàn giống nhau bởi định nghĩa nợ công và phương pháp sưu tập dữ liệu không giống nhau, nhưng các cơ quan quốc tế đều đồng thuận trên một điểm là tỷ lệ nợ công của VN đã vượt quá 50% GDP vào năm 2010.
Riêng với VN, Bộ Tài Chánh công bố chỉ có 42.2% bởi lẽ VN là một trong số rất ít quốc gia trên thế giới không công nhận nợ của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là nợ công. Điều cũng dễ hiểu vì sinh hoạt kinh tế của VN chủ yếu dựa vào các DNNN, chính phủ phải bơm tiền thường xuyên cho các DNNN vì làm ăn luôn thua lỗ do tham nhũng và lãng phí.
Hiện nay, VN có 4200 DNNN được nhà nước bỏ vốn đầu tư 100% hay một phần. Với các doanh nghiệp được nhà nước bỏ vốn một phần thì phải đi vay vốn ở các ngân hàng trong nước hay ngoài nước theo nguyên tắc tự vay tự trả, chánh phủkhông có trách nhiệm gì về số nợ nầy. Về điểm nầy, đảng Cộng Sản VN thực mưu mô khi lập ra các DNNN trách nhiệm hữu hạn một thành viên, không có Hội Đồng Quản Trị, chỉ giao cho một thành viên làm chủ mà không ai khác hơn là bè đảng. Sau khi đi vay vung vít, chia nhau tẩu tản tài sản của công ty rồi khai lỗ, phá sản, quịt nợ, nói văn vẻ theo ngôn từ cộng sản là khoanh nợ. Vụ kiện của công ty Elliot Advisors tại Tòa Án Anh Quốc khởi tố công ty nhà nước Vinashin đòi phải trả 600 triệu mà Vinashin đã vay hồi năm 2007 với sự «ủng hộ» (support) của chính phủ, nhưng chính phủ từ chối trả nợ vì ủng hộ không phải là bảo lãnh (co-sign). Đó là trò chơi chữ trong các văn kiện pháp lý và các diễn từ, sở trường của cộng sản.
Đoạn văn sau đây đăng trong báo điện tử «An Ninh Thủ Đô», cơ quan thông tin của TP Hà Nội khiến người đọc phải kinh hoàng như cái tựa. « Hiện nay cả nước có trên 1200 DNNN là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Trong năm 2009, theo báo cáo của Chính phủ gửi Quốc Hội ngày 1-11-2010 thì nợ của 81/91 tập đoàn, tổng công ty nhà nước (chưa tính Vinashin) là 813 435 tỳ đồng (khoảng 40 tỷ USD) Nếu tính cả nợ Vinashin, theo báo cáo của Bộ Tài Chính là 86 000 tỷ đồng (khoảng 4.3 tỳ USD) thì nợ của khu vực DNNN đến 2009 không kể 10 tập đoàn, tổng công ty chưa có số liệu đã lên đến 54.2% GDP năm 2009….Theo số liệu của Ngân Hàng Thế Giới, hiện các DNNN chiếm tới 60% tín dụng của ngân hàng, đặc biệt, mức nợ của DNNN đang chiếm đến 70% nợ xấu các ngân hàng. Tính đến hết tháng 8-2011, nợ xấu toàn ngành ngân hàng ở mức trên 76 000 tỷ đồng (khoảng 3.5 tỷ USD) và có xu hướng tăng …. » (Nguồn : Những con số kinh hoàng /An Ninh Thủ Đô 26/11/2011). Chú thích : con số bằng mỹ kim trong dấu ngoặc là của người viết.
Đó là một trong những lý do giải thích tại sao nợ của các doanh nghiệp nhà nước không được chính phủ kể là nợ công, và tuy mắc nợ đã hàng chục năm, VN chỉ mới ban hành «Luật Nợ Công» vào năm 2009 và vẫn đứng bên ngoài của những luật lệ tài chính quốc tế. Những dự án tái cấu trúc DNNN, bài trừ tham nhũng do thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hô hào mà các chuyên viên kinh tế thành tín như Bùi Ngọc Sơn cho là hiện tượng «tráo đầu đủa lau cho sạch», vụ kiện Vinashin và những scandales tham nhũng ODA liên tục xảy ra từ nhiều năm nay và vẫn tiếp diễn đã làm mất uy tín VN trên thị trường tín dụng thế giới. Alain Cany, Chủ Tịch Phòng Thương Mại Âu châu tuyên bố : Niềm tin của giới đầu tư châu Âu đối với VN đang suy giảm ( BBC 1/12/2011. VN bớt hấp dẫn với nhà đầu tư)
2- Nợ công tăng với tốc độ lũy tiến
Nợ công VN tăng rất nhanh, chỉ trong 10 năm, từ 2001 đến 2010, số nợ công đã tăng từ 8.5 tỷ đến 50.7 tỷ, đặc biệt những năm gần đây, mỗi năm tăng từ 5 đến 10 tỷ
Theo ước tính của báo kinh tế The Economist, tổng số nợ công của VN vào năm 2010 là 50.7 tỷ USD, chiếm 51.7% GDP. Nếu tính theo lợi tức đồng niên trung bình của mỗi người dân là 1160 USD theo thống kê của WB, thì năm 2010, mỗi người dân VN phải nợ 50% trên lợi tức đồng niên. Nhưng phải hiểu rằng hơn 70% người Việt sống ở nông thôn, lợi tức rất thấp, VN hôm nay có 23% người dân sống dưới ngưỡng nghèo tuyệt đối theo chỉ số của WB (1.25 USD/ngày). Theo Bộ Xã Hội và Thương Binh Việt Nam, ngưỡng nghèo năm 2011 áp dụng ở thành phố là 6 triệu đồng /năm (300 USD) và ở nông thôn là 5 triệu đồng (250 USD), như vậy, hiện nay tỷ lệ nợ công đã gấp 4 lần lợi tức đồng niên của người nghèo. Với khuynh hướng gia tăng nợ lũy tiến, vào năm 2020, người nghèo phải làm việc 10 năm mới đủ để trả nợ công một năm. Ngoài ra, cũng cần biết là ODA dành ưu tiên cho các quốc gia nghèo, và khi mức lợi tức đồng niên của quốc gia đạt đến mức trên 1000 đồng, như trường hợp VN hôm nay, số tiền viện trợ sẽ giảm xuống và số tiền cho vay sẽ tăng lên trong tổng số tài trợ, lãi suất ưu đãi cũng cao hơn, Việt Nam sẽ phải đối diện với nợ công chồng chất trong những năm tháng sắp đến mà không biết bao nhiêu thế hệ mới trả hết.
Bảng 2 : Nợ công tính theo GDP và lợi tức đầu người từ năm 2001 đến 2010
|
Tổng số (tỷ USD) |
Dân số (triệu) |
Nợ/người (USD) |
% GDP |
Lợi tức/ người |
% lợi tức |
|
2001 |
8.5 |
79.7 |
107 |
26.7 |
410 |
26.1 |
|
2002 |
12.8 |
80.6 |
159 |
37.6 |
430 |
37 |
|
2003 |
15.4 |
81.5 |
189 |
40.4 |
480 |
39.3 |
|
2004 |
18.5 |
82.4 |
225 |
42.3 |
550 |
41 |
|
2005 |
22.2 |
83.3 |
267 |
43.7 |
630 |
42.3 |
|
2006 |
26.7 |
84.2 |
317 |
45.4 |
700 |
45.2 |
|
2007 |
33.3 |
85.1 |
395 |
48.9 |
790 |
50 |
|
2008 |
40 |
86 |
464 |
48.9 |
920 |
50.4 |
|
2009 |
45.1 |
86.8 |
521 |
51 |
1030 |
50.5 |
|
2010 |
50.7 |
87.6 |
579 |
51.7 |
1160 |
Nguồn :The Global Public debt clock 2010
World Bank : GNI per capita /Atlas method
3- Hiệu quả và hậu quả của ODA
Trong gần 20 năm qua, kể từ 1993, tuy ODA đã giúp cho VN trùng tu và phát triển một số hạ tầng cơ sở, giảm bớt tỷ lệ dân số nghèo đói, nhưng những thành quả của ODA mang lại cho VN xét ra khiêm tốn hơn so với số nợ quá cao mà VN phải trả. Lý do của tình trạng nầy phát xuất từ cả hai phía, từ phía các quốc gia tài trợ ODA và từ phía Việt Nam.
* Về phía các quốc gia tài trợ ODA, vì những thuận lợi và quyền lợi cho họ, nhiều dự án tài trợ không nhất thiết phù hợp với ưu tiên nhu cầu kinh tế và xã hội của VN.
- Các số dự án rất tập trung vào một số ngành, thí dụ như riêng ngành giao thông chiếm đến 64% dự án trong đó có 8 quốc gia tài trợ. Sự kiện nầy tạo ra tình trạng quá tải trong việc quản trị các dự án, nhất là ở các địa phương mà khả năng nhân lực còn yếu kém và tệ nạn tham nhũng, phép vua thua lệ làng làm thất thoát công quỹ.
- Sự phân phối ODA cũng không đồng đều, nhiều địa phương nghèo cần nhiều đến ODA thì lại ít nhận được ODA. Bảng thống kê sau đây xác nhận tình trạng nghịch lý nầy.
Bảng 3 . Phân phối ODA theo vùng
Vùng |
% vốn ODA |
$/đầu người |
Trung du và miền núi Bắc Bộ |
8.07 |
33.98$US |
Đồng bằng sông Hồng |
13.69 |
18.42 |
Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung |
12.82 |
52.46 |
Tây Nguyên |
4.43 |
21.86 |
Đông Nam Bộ |
15.62 |
25,4 |
Đồng bằng song Cửu Long |
9.36 |
11.19 |
Liên vùng |
36.01 |
|
(Bộ Tài Chánh. Báo cáo đánh giá các chương trình dự án ODA giai đoạn 2000-2007)
Bảng thống kê cho thấy Vùng Trung du và miền núi Bắc bộ, vùng Tây Nguyên và vùng Đồng bằng sông Cửu Long là những vùng nghèo khó, nhưng lại nhận được ít ODA hơn vùng trù phú nhất của VN là vùng Đông Nam Bộ.
- Một phần lớn viện trợ không phải nhận được bằng tiền mà bằng dịch vụ. 65% ngân khoản viện trợ được tính trên tiền thuê chuyên gia cố vấn và 35% trên chi phí quản lý (11% đào tạo nhân viên, 8% hội thảo, 5% khảo sát, 5% thông tin và 6% chi phí sinh hoạt). Thì ra, tiền viện trợ trong gần như tất cả các dự án là chi phí hành chánh và quản trị có lợi cho phía nhà tài trợ và sự lạm dụng, tham nhũng trong các mục nầy là điều dễ xảy ra trong hệ thống công quyền nhà nước Việt Nam. Tiến sĩ Bùi Kiến Thành (con của BS Bùi Kiện Tín, chuyên gia kinh tế người Mỹ gốc Việt, có thời làm cố vấn kinh tế cho Võ văn Kiệt lúc VN mới bắt đầu mở cửa ) cho biết Nhật buộc thuê kỹ sư Nhật, có trường hợp đắt hơn giá thị trường 20-30% (info.vn.kinh-te/chinh-sach/ )
* Về phía Việt Nam, tệ nạn tham nhũng, thiếu khả năng quản trị và lãng phí tiền tài trợ là những yếu tố quan trọng nhất trong việc sử dụng ODA.
- Vấn đề tham nhũng luôn là đề tài trong các phiên họp giữa VN với các nhà tài trợ. Trong phiên họp ngày 29/11/2011 tại Hà Nội, đại sứ các nước tài trợ đã có những chỉ trích trực tiếp và nghiêm khắc với Ủy Ban Chống Tham Nhũng Việt Nam. Đại sứ Thụy Điển và Tân Tay Lan yêu cầu VN phải đẩy mạnh tinh thần minh bạch, có sự tham dự của các tổ chức dân sự độc lập trong Ủy Ban Chống Tham Nhũng. Đại sứ Canada phát biểu là tham nhũng vẫn chưa giảm bớt và quyền tiếp cận thông tin phải là quyền đương nhiên của người dân và báo chí chứ không phải là một đặc ân. Đại diện Liên Hiệp Âu Châu (EU) cho biết luật lệ chống tham nhũng và thực tế có một khoảng cách lớn. Đại diên Ngân Hàng Á Châu, nhà tài trợ đa phương thứ hai sau WB thì quyết liệt hơn với chính phủ VN : Tham nhũng đã tác động đầu tư công từ lúc lập dự án tới khi phát triển dự án. Đánh giá của chúng tôi cũng cho biết các dự án từ trung ương đến địa phương đều có khiếm khuyết, thông đồng nhau trong việc đấu thầu. VN đang có dự án giảm đầu tư công, nhưng tôi cho rằng phải giảm tham nhũng đầu tư công »
(Nguồn : Người đứng đầu tham nhũng còn chưa nhiệt tình. Dantricom.vn ngày 29/11/2011).
Thực là nhục nhã khi các nhà tài trợ, sau nhiều lần cảnh cáo, đã không kềm giữ được ngôn ngữ ngoại giao trước một con nợ không biết xấu hổ như VN.
Về điểm nầy, trong khi báo cáo của chính phủ luôn có những từ ngữ muôn thuở như «triển khai tốt, đánh giá cao, tiến độ vượt bực…» một số các kinh tế gia có thành tín, ưu tư với vận mệnh đất nước đã công khai nói lên thực trạng nghiêm trọng của nợ công.
Tiến sĩ Bùi Kiến Thành, trong cuộc phỏng vấn báo Tiền Phong, có đoạn ông đã nói : «…Ở VN có vấn đề cực kỳ nghiêm trọng là nạn tham nhũng và rút ruột các công trình đầu tư từ nợ công. Theo báo cáo của Quốc Hội, công trình nào cũng bị rút ruột 5, 10, 20 thậm chí đến 30%. Con đường người ta làm chạy được 20-30 năm thì mình làm chỉ chạy được 3-4 năm đã phải đào xới lên sửa chửa…Nếu nợ công tiếp tục tăng cao mà mình không có khả năng trả nợ thì có thể dẫn đến vỡ nợ như Hi Lạp…». ( Nợ công là đại họa . Tienphongonline ngày 03/11/2011)).
Chẳng những phẩm chất xấu mà chi phí lại quá cao. Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành, giảng viên chương trình Kinh tế Fulbright nêu lên một trường hợp điển hình . « Không kể các chi phí bồi thường đất, chi phí xây đường cao tốc TPHCM - Long Thành dài 55km với 4 làn đường tốn 930 triệu USD, tức 17 triệu USD cho mỗi km, trong khi đó, chi phí ở Mỹ chỉ có 1.4 triệu tức 5.6 triệu cho 4 làn. Ở Trung Quốc và Nigéria chỉ có 1 triệu. Chi phí ở VN quá cao, gấp 3 lần ở Mỹ khiến cho một dự án, dù cho có hiệu quả kinh tế vẫn có nguy cơ khó trả nợ và tăng nhiều nợ công» (Nguồn : Làm con đường tốn gấp 3 lần Mỹ. VNexpress, 21/10/2011).
Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám Đốc nghiên cứu Chương Trình Giảng Dạy Kinh Tế Fulbright đã có nhận định tổng thể về ODA và nợ công của VN như sau : « Theo tôi, nợ công của ta hiện nay có nhiều rủi ro. Rủi ro lớn nhất xuất phát từ việc đầu tư kém hiệu quả. Rủi ro thứ hai là một bộ phận rất lớn nợ công của doanh nghiệp nhà nước chưa được đưa vào thống kê nợ công. Rủi ro thứ ba là nợ công tăng quá nhanh trong khi thâm hụt ngân sách luôn ở mức rất cao»
Về rủi ro thứ nhất, ông Anh có nêu lên một thí dụ điển hình về việc sử dụng ODA theo quyền lợi chính trị của phe nhóm, của địa phương, bất chấp quyền lợi tối thượng của quốc gia. Đó là dự án xây Bệnh viện cấp vùng ở tỉnh Tiền Giang để giảm tải bệnh viện trung ương, và tuy dự án đã thành hình chờ thực hiện nhưng bị đột ngột cắt bỏ vì nhu cầu và nguyện vọng của dân cư vùng Đồng Bằng sông Cửu Long không đủ trọng lượng trước áp lực của một nhóm quyền lực khác muốn sử dụng đầu tư nầy cho địa phương được ưu ái và mạnh thế hơn. (Thanhnienonline.vn ngày 10/1/2012).
Những quan điểm của các kinh tế gia uy tín trên nói lên một thực trạng là các cấp lãnh đạo cộng sản đã sử dụng ODA như một phương tiện để làm giàu cho cá nhân và phe đảng.
Chuyện khôi hài là chánh phủ đi vay nợ của ngoại quốc để rồi đem cho vay lại trong nước, dùng tiền tài trợ với lãi suất kém đem cho các doanh nghiệp và địa phương vay với lãi suất cao hơn để lấy lời. Với quan niệm tiền tài trợ là tiền cho không, hay phải chờ đến 30-40 năm sau mới trả, các người có chức có quyền tranh nhau để lập dự án, tỉnh nào cũng lập sân bay, đường xa lộ, nhà máy làm đường tuy không phải là vùng đất trồng mía, nhà máy chế biến thủy sản ở vùng đất trồng lúa. Tiền ODA là của trời cho để các cấp lãnh đạo chia chác qua các dự án dễ sinh lợi trong chốc thời và khi quản trị kém vì thiếu khả năng, vì luật lệ chồng chéo không rõ ràng, các công ty vỡ nợ, các người trách nhiệm đỗ lỗi cho nhau rồi giựt nợ.
Dân chúng không biết ODA là gì, chính phủ xem ODA là một bộ phận của ngân sách nên quản trị như tài sản quốc gia, mặc tình phung phí và vơ vét, và các nhà tài trợ, vì nguyên tắc không can dự vào nội tình chính trị của nước tài trợ, đành bất lực nhìn tài sản của nhân dân họ đóng góp để phát triển các dân tộc nghèo lại rơi vào tay các nhà tỷ phú tham nhũng. Tuy đã biết vậy mà vẫn tài trợ, có khi còn tăng thêm tài trợ như Nhật Bản và WB, vấn đề nghịch lý nầy không thuộc đề tài phân tích của bài viết nầy.
-Về chuyện kém khả năng quản lý làm trì trệ dự án, gia tăng chi phí và chậm giải ngân, trường hợp điển hình là WB tài trợ cho tỉnh Bắc Giang một chương trình xóa đói giảm nghèo, nhưng phải chờ đến 2 năm mới đào tạo đủ cán bộ. Chuyện cầu đường đang xây hay sau khi khánh thành thì bị hư sập là chuyện quá quen thuộc đối với người Việt Nam, khiến Quốc Hội phải báo động và nêu lên con số thất thoát vì tham nhũng và sửa chửa lên đến 30%. Dĩ nhiên, trong một quốc gia mà dân biểu được chỉ định thì chuyện Quốc Hội lên tiếng là chuyện trang trí hay chỉ là tiếng nói lạc điệu của những đảng viên bất mãn vì không được chia phần.
Nợ công và tham nhũng đã đến hồi báo động, nhưng không phải chỉ liên hệ đến nguồn tài trợ ODA mà còn liên quan đến đến một khối ngoại tệ khác của tư bản ngoại quốc đổ vào Việt Nam để đầu tư gọi là FDI.
Phần 2 . FDI
FDI là chữ tắt của Foreign Direct Investment là chương trình ngoại quốc đầu tư trực tiếp vào Việt Nam sau khi Việt Nam ban hành luật đầu tư nước ngoài năm 1987 và sau khi Mỹ bỏ cấm vận VN vào tháng 2/1994 dười thời Clinton. Lúc ban đầu, từ 1988 đến 2003, FDI thường hoạt động với số vốn đầu tư nhỏ, khoảng 10 triệu USD một dự án, chủ yếu liên doanh với các công ty nhà nước hay giữa các công ty nước ngoài đầu tư vào VN. Kể từ sau năm 2003 khi chính phủ VN tu chính luật đầu tư giành nhiều ưu đãi cho đầu tư nước ngoài, hình thức đầu tư 100% vốn ngoại quốc bắt đầu và cho đến nay khoảng phân nửa là liên doanh với VN và phân nửa là sở hữu hoàn toàn của ngoại quốc. Số vốn cam kết cho mỗi dự án cũng tăng lên hàng trăm triệu, có khi hàng tỷ USD.
Bảng 4. Đầu tư nước ngoài được cấp giấy phép 1988-2010
Năm |
Vốn đăng ký (triệu USD) |
Vốn thực hiện (triệu USD) |
1988-1990 |
1 601 |
|
1991-2000 |
43 922 |
19 462 |
2001-2005 |
20 720 |
13 853 |
2006 |
12 004 |
4 100 |
2007 |
21 347 |
8 030 |
2008 |
71 726 |
11 500 |
2009 |
23 107 |
10 000 |
2010 |
18 600 |
11 500 |
Tổng số |
213 627 |
78 445 |
Nguồn : Thống kê VN. Đầu tư nước ngoài
Qua bảng thống kê trên, FDI tăng nhiều từ năm 2001 đến 2008 nhưng từ 2009 thì sụt giảm mạnh vì khó khăn kinh tế vĩ mô của VN. Theo Bộ Kế hoạch Đầu tư, năm 2011 số vốn đăng ký là 14,7 tỷ, chỉ bằng 74% năm 2010 và hi vọng năm 2012 sẽ kềm giữ ở mức nầy. Điều đáng lưu ý là tổng số vốn đăng ký từ khi FDI bắt đầu năm 1988 cho đến năm 2010 là 213.6 tỷ USD, nhưng thực hiện chỉ có 78.4 tỷ, như vậy tỷ lệ giải ngân chỉ có độ 1/3 trên số vốn đăng ký, điều đó cho thấy FDI không hiệu quả trong việc đầu tư ở VN.
Một cách cụ thể hơn, hiệu quả của đầu tư thường được đo lường bằng chỉ số ICOR (Incremental Capital Output Rate), chỉ số càng cao thì hiệu quả đầu tư càng thấp. Năm 2005, chỉ số ICOR doanh nghiệp của VN là 5, có nghĩa là phải bỏ ra 5$ vốn đầu tư mới thu được 1$ sản lượng, đến năm 2009 tăng lên đến 8, trong khi đó chỉ số ICOR của Trung Quốc là 4, Nhật và Hàn Quốc là 3.2, Đài Loan là 2.8. Riêng các công ty quốc doanh VN, chỉ số ICOR là 12, cao nhất thế giới (có nghĩa là đầu tư kém nhất thế giới). Theo khuyến cáo của WB, chỉ số tốt là 3.
1- Số quốc gia đầu tư FDI từ 1990-2010
Có khoảng 60 quốc gia và lãnh thổ đầu tư vào VN, trong đó 5 quốc gia ở Đông Nam Á là Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore, Nhật và Mã Lai đứng hàng đầu chiếm 55% tổng số FDI. Đầu tư Hoa Kỳ chỉ tăng nhiều từ sau khi VN với Hoa Kỳ ký kết hiệp định thương mãi Việt-Mỹ năm 2001, số đầu tư của Hoa Kỳ tăng nhanh về số dự án và số tiền cho mỗi dự án, thường vài trăm triệu.
Nguồn : FDI Việt Nam
2- Hiệu quả và hậu quả của FDI
Tuy FDI đã đóng góp vào GDP từ 13.3% năm 2000 đến 18.7 năm 2008 (theo Niên giám Thống kê 2008), giúp VN thoát ra khỏi tình trạng lạc hậu kinh tế, nhưng FDI cũng tạo ra những hậu quả không nhỏ trong một số lãnh vực, do đó FDI không phải là một nguồn ngoại tệ hữu hiệu để người Việt Nam đặt hết niềm tin.
- FDI thường đầu tư chủ yếu vào các ngành sản xuất loại lắp ráp, những sản phẩm gia dụng. Do đó, số tiền đưa vào VN để đầu tư lại trở ra ngoài để mua nguyên liệu, bộ phận rời, chính phủ mất thuế nhập cảng, và tư bản đỏ lợi dụng để rửa tiền. Phương thức nầy chẳng giúp ích nhiều cho việc chuyển giao kỹ thuật, đào tạo chất xám cho chuyên viên VN.
Tuy nhiên, đối với các đại công ty thực tâm muốn kinh doanh, họ cũng phải bó tay vì VN không có sẵn một đội ngũ chuyên viên kỹ thuật đảm nhận công tác giao phó. Năm 2011, công ty Nokia đã ký kết với VN thiết lập một nhà máy sản xuất điện thoại di động tại tỉnh Bắc Ninh với số vốn đầu tư 2 tỷ USD và khi dự án hoàn tất, nhà máy nầy sẽ là nhà máy thứ tư quan trọng ở Á Châu. Nhưng Nokia vấp phải một trở ngại lớn cũng như Intel trước đây khi thiết lập nhà máy trị giá 1 tỷ USD ở TPHCM là thiếu chuyên viên Việt Nam lành nghề. Báo cáo của Harvard Kennedy School đã viết : «Với 2000 ứng viên, chỉ có 90 người đạt đủ tiêu chuẩn (5%) và sau cùng trong số nầy chỉ có 40 người có trình độ tiếng Anh đạt yêu cầu tuyển dụng. Intel xác nhận đây là kết quả tồi tệ nhất trong số các nước mà họ đầu tư» (Memorandum Higher Education Task Force, November 2008, p.2).
Như vậy, khi ODA và FDI lập dự án và đem nhân viên vô VN làm việc, có khi là lạm dụng, có khi là chuyện chẳng đặng đừng. Và ngay đối với loại kỹ nghệ lắp ráp, VN vẫn thiếu thợ chuyên môn. Cho đến nay, sau 20 năm, kỹ nghệ lắp ráp xe hơi chỉ đạt được 7% sản phẩm nội địa thay vì phải đạt được 30% theo như ước định vào năm 2006. Chính cơ cấu giáo dục đào tạo của chánh phủ cộng sản là căn nguyên của tình trạng lạc hậu nầy.
- FDI có tạo công ăn việc làm cho khoảng 2 triệu công nhân VN tính đến năm 2010, nhưng không phải là nhân công mới tạo thêm mà chỉ là sự chuyển đổi từ các ngành thủ công nghệ, nông nghiệp. Điều tệ hại hơn là số nhân công nầy đa số là phụ nữ, giá nhân công rẻ, thậm chí còn lợi dụng dưới hình thức nhân công thử việc, học việc để dễ dàng sa thải, khỏi phải trả lương cao với thâm niên. Một số hãng xưỡng thiết lập trên vùng đất nông nghiệp, phát sinh nạn chiếm đất, đầu cơ đất, làm công nhân điêu đứng, mất nhà mất đất canh tác, khi bị thất nghiệp hay xí nghiệp đóng cửa vì làm ăn theo lối chụp giựt. Trong viễn tượng nầy, FDI góp phần không nhỏ trong việc bần cùng hóa nông dân, gia tăng số người nghèo đói ở ven đô, hỗn loạn xã hội và tạo nên một giai cấp tỷ phủ địa ốc mà đa số là đảng viên cộng sản hay họ hàng.
- FDI đầu tư vào các ngành dễ sinh lợi mau chóng, đặc biệt ngành xây cất và địa ốc, chiếm 25% trong tổng số vốn FDI. VN hiện có khoảng 40 cao ốc tại Hà Nội và TPHCM là sở hữu 100% của ngoại quốc hay liên doanh với tư bản đỏ. Chỉ cần đan kể tòa nhà chọc trời cao nhất VN với 72 tầng ở Hà Nội tên là Keangnam Hanoi Landmark Tower là của tập đoàn tư bản Hàn Quốc, Bitexco Financial Tower 68 tầng ở TPHCM là của tập đoàn tư bản đỏ Bitexco. Từ năm 2006, tại TPHCM đã có những dự luật ngăn cấm việc xây cao ốc tại trung tâm thành phố để giảm bớt kẹt xe và ô nhiểm khí thải, nhưng chuyện luật lệ với cộng sản là trò đùa, FDI đang xây cất hay đang vẽ 30 dự án cao ốc trong những năm sắp tới cho TPHCM, Hà Nội, Đà Nẳng…
- Ngoài chuyện xây cao ốc, FDI chú tâm vào việc đầu tư ở những vùng thuận lợi giao thông, khí hậu tốt, có nhiều tài nguyên thiên nhiên trong khi những địa phương kém phát triển cần mở mang kỹ nghệ thì FDI lãng tránh. VN là quốc gia nông nghiệp, nhưng trong lãnh vực nầy, FDI chỉ tập trung vào một số ngành như chăn nuôi, chế biến thức ăn và trồng rừng. Về kỹ nghệ, tập trung vào các ngành khai thác như gỗ, khoáng sản, đặc biệt là thép, ciment, những ngành sản xuất làm tài nguyên cạn kiệt. Để trục lợi nhanh chóng, các công ty không chú trọng bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe nhân công, do đó khi FDI ra đi thì địa phương phải lãnh đủ những hậu quả tai hại lâu dài mà lợi nhuận mang đến cho địa phương còn ít hơn các tổn thất để lại. Những vụ ô nhiểm các sông Thị Vãi, sông Cầu, sông Nhuệ là điển hình.
- Các FDI có khuynh hướng sản xuất cho thị trường tiêu thụ VN thay vì để xuất cảng bởi lẽ dễ cạnh tranh với sản phẩm nội địa vì phẩm chất cao hơn, bán giá cao hơn và thu nhiều lợi nhuận. Làm như vậy, chẳng những FDI làm thương tổn các ngành kỹ nghệ, thủ công nghệ VN mà còn làm mất đi ngoại tệ xuất cảng, mục tiêu tối hậu khi cộng tác với FDI.
- Một số ngành mà FDI cạnh tranh nhau khai thác là cung ứng dịch vụ như resort, sân golf và đặc biệt là lập casino. Hiện nay, tại VN đã có 4 casinos hoạt động ở Đồ Sơn, Quảng Ninh (2) và Lào Cai. Một số dự án casinos có tầm vóc quốc tế với số vốn đầu tư 3-4 tỷ USD cho mỗi dự án đang thực hiện hay sẽ thực hiện trong thời gian sắp tới. Địa phương nào cũng muốn mở casino để hốt bạc, rửa tiền. Chỉ cần đan kể những dự án lớn : Hoàng Đồng (Lạng Sơn), New City (Phú Yên), Nam Hội An (Quảng Nam), Bà Rịa-Vũng Tàu với hai dự án Hồ Tràm Strip và Saigon Atlantic, Phú Quốc ở Khu Bãi Đá Chồng. Các dự án trên phần lớn do các quốc gia Á Châu đầu tư nhiều vào VN như Mã Lai, Singapore, Macau, Hồng Kong chủ trì. Hoa Kỳ và Canada cũng gia nhập vào kỹ nghệ nầy bằng dự án khu giải trí Hồ Tràm ở Xuyên Mộc (Cà Mau), đã bắt đầu khởi công từ tháng 8/2008 và dự trù hoàn tất năm 2015 sẽ có 5 khách sạn 5 sao, 2 casinos trong đó có 1 casino trên biển.
Tập đoàn Las Vegas Sands cũng đang thương lượng với các chóp bu cộng sản thành lập tại Saigon một đại khu giải trí gồm khách sạn, khu thể thao, casino, theo kiểu Las Vegas, dự án có thể lên đến 10 tỷ USD. Thành ủy TPHCM đã đồng ý, chỉ cần chờ Nguyễn Tấn Dũng bật đèn xanh. Vấn đề là Sheldon Adelsom, chủ tịch của tập đoàn Las Vegas đòi phải cho dân VN «tiếp cận» với sòng bạc. Chuyện sửa luật, đặt luật mới là chuyện dễ dàng nếu «các cụ» ăn chia sòng phẳng với nhau. Nhiều địa phương khác cũng lao nhao «chào mời» FDI đến xây dựng casino, đó là dấu hiệu sự trù phú của VN dưới mắt du khách ngoại quốc và Việt Kiều !
- Nhiều doanh nghiệp FDI thu được nhanh chóng nhiều lợi nhuận với những phương thức bất chính bằng cách thỏa hiệp với tham nhũng như khai gian vốn đầu tư, vay tiền của ngân hàng VN thay vì mang tiền vào, vay tiền của ngân hàng một số tiền cao hơn trị giá tài sản rồi khai phá sản hay bỏ trốn. Phân nửa số công ty FDI khai lỗ triền miên để xin miễn thuế và để chuyển giá, tình trạng mà giới doanh nghiệp VN gọi là «lỗ giả, lãi thật». Nhiều công ty bị rút giấy phép vì không thi hành cam kết, thí dụ như công ty liên doanh Bãi biển Rồng (Quảng Nam) của Vina Capital (Việt) và Global C&D (Mỹ) với số vốn cam kết là 4 tỷ USD, nhưng không chịu đóng ký quỹ 4 triệu, không bồi thường đất giải tỏa. Dự án Nhà máy thép và xây cảng Sơn Dương ở khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh) với vốn đầu tư cam kết là 16 tỷ USD do Đài Loan liên doanh vớì VN, sau khi được chính quyền Hà Tĩnh trưng thu đất đai hàng ngàn mẫu giao cho công ty, chủ đầu tư lại đòi nhiều yêu sách mới như vay ngân hàng VN thay vì đem vốn vào, được giảm thuế…và sau cùng ngưng việc xây nhà máy năm 2010, nợ nhân công 4 tỷ đồng.
Trong cuộc thi đua những toan tính bất chính của FDI và tham nhũng, thành phần bị thiệt hại, tán gia bại sản vẫn là người nghèo, nông dân, bị mất đất, mất nhà khi các đại dự án bị hủy bỏ hay chậm lại. Chỉ cần đan kể vài đại dự án bị «bể» gần đây. Chỉ riêng tỉnh Phú Yên, có hai dự án đến hàng trăm tỷ USD : công ty SP Chemicals (Singapore) với dự án 11 tỷ, đặc khu kinh tế Phú Yên của Tập Đoàn Sama Dubai (các tiểu vương Á Rập) với dự án 250 tỷ. Ngoài ra, còn có dự án Nhà máy Thép Eminence (Mỹ) ở Thanh Hóa với vốn 30 tỷ, nhà máy thép Guang Lian (Đài Loan) ở Quảng Ngãi (5 tỷ), nhà máy thép Cà Ná (Ninh Thuận) : 10 tỷ. Điểm cần lưu ý là số tiền nhiều dự án khổng lồ đến độ không tưởng (như dự án Sama Dubai), nhưng đó cũng là một lối lừa đảo của FDI để thu hút giới đầu tư trong nước với sự đồng lỏa của cấp lãnh đạo cộng sản cốt để khoe thành tích, lừa dân cướp đất để bán cho FDI.
Hiện nay, tại VN có 65 dự án nhà máy gang thép (theo Vietnam Steel Corporation) đang thực hiện, sẽ thực hiện hay đã hủy bỏ. Trước đây, chỉ có nhà máy gang thép Thái Nguyên, có thời phải ngưng hoạt động vì không mua được quặng sắt, nay thì tỉnh nào ở miền Bắc cũng muốn có, thậm chí Hả Tĩnh có 3 dự án, Thanh Hóa có 2 dự án. Lập nhà máy mà phải nhập cảng quặng sắt, các nhà máy phần lớn xa hải cảng, không có đường sắt chuyên chở, đó là lý do giải thích tại sao hai đại dự án ở Vũng Áng (Hà Tỉnh) và Eminence ở Thanh Hóa không tiến hành được sau khi chủ đầu tư đã vay các ngân hàng trong nước, được cấp hàng ngàn mẫu đất, xây cất qua loa để rồi ngưng dự án, đầu cơ đất..
Đó là một số mặt trái của tấm huy chương vàng về sự hợp tác kinh doanh của đảng cộng sản VN với FDI trong 20 năm nay. Vỏ quýt dầy thì có móng tay nhọn, chánh phủ cộng sản VN đâu phải là siêu việt hơn các công ty FDI trong các mưu chước và ngang ngược.
Tuy nhiên, một số công ty tuân thủ theo các qui luật kinh doanh bắt đầu rút lui khỏi thị trường VN bởi những yếu tố thuận lợi mà họ nhắm váo lúc ban đầu không còn nữa cộng thêm với tình trạng tham nhũng lộng hành đã khiến họ mất niềm tin. Theo báo cáo năm 2010 của Cục Đầu Tư Nước Ngoại thuộc Bộ Kế hoạch Đầu tư, dựa theo sự khảo sát gần 1500 doanh nghiệp kỹ nghệ trong đó có 57% công ty có vốn FDI thì : «động lực để các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào VN là khai thác thị trường và nguồn nhân công rẻ, nhưng những năm gần đây các yếu tố nầy đã mất dần sức hấp dẫn do trình độ nhân lực hạn chế trong khi nhu cầu tiêu dùng nội địa bị ảnh hưởng bởi khó khăn kinh tế. Chỉ có 8% trong số các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cho biết có ý định mở rộng đầu tư trong 3 năm tới » (www.sggp.org.vn/kinhte/ FDI đang rút dần khỏi công nghiệp VN)
Về vấn đề mất niềm tin với luật lệ đầu tư VN, theo báo cáo Doing Business in VN 2011, Ngân Hàng Thế Giới xếp VN hạng 166 trong số 181 quốc gia về chỉ số bảo vệ doanh nghiệp (Protecting investors) liên quan đến các yếu tố như : thông tin trung thực cho cổ đông, khả năng các cổ đông kiểm soát Hội Đồng Quản Trị khi có hành động gian dối. Và khi phải giải quyết chuyện nợ nần trước tòa án VN, quả thật là nhiêu khê. Về mục nầy, VN được xếp vào hạng 142. Bảng thống kê sau đây nói rõ điều nầy.
Bảng 5. Giải quyết nợ trước tòa án (Resolving insolvency)
|
Viêt Nam |
Đông Nam Á |
OECD |
Thời gian (năm) |
5 |
2.9 |
1.7 |
% thu tiền lại |
16.5% |
29.5% |
68.2% |
Nguồn : World Bank. Doing Business 2011:Measuring business regulations .
Các hoạt động của FDI vừa kể nhằm mục tiêu tự nhiên là đi tìm lợi nhuận, nhưng nếu có những lạm dụng gây tác hại cho nền kinh tế VN thì tác nhân cũng một phần phát xuất từ phía VN. Bởi lẽ luật lệ VN lỏng lẻo, cùng một luật mà mỗi cơ quan giải thích và áp dụng một cách khác nhau, chánh sách kinh tế thuộc loại «phi chánh sách» mà các quyết định thường dựa trên sức mạnh của phe đảng và sức nặng của phong bì, chưa kể các người cầm quyền là những người ít học, thiếu đạo đức thì làm sao mà ODA và FDI có thể mang lại phúc lợi trọn vẹn cho người dân được.
Phần 3. ODA, FDI và tham nhũng
Kể chuyện tham nhũng VN là vô tận, chúng tôi muốn thử tìm một con số khả dĩ ước lượng độ lớn của tham nhũng và lãng phí trong thời đại ODA và FDI. Ở VN có một cơ quan gọi là Ủy Ban Chống Tham Nhũng, nhưng đó chỉ là trình diễn vì trong một chế độ ai cũng tham nhũng thì ai kết tội được ai. Những con số của Ủy ban nầy thỉnh thoảng công bố là chuyện vẽ rồng vẽ rắn và những người bị đưa ra vành móng ngựa lãnh những bản án tượng trưng là những kẻ bị thất sủng, làm ăn không khéo bị đem ra làm vật tế thần.
Về tỷ lệ tham nhũng, vài con số có thể kể đến. Trước tiên, lúc VN mới bắt đầu mở cửa, giới doanh thương muốn thông qua dự án thì phải tìm bà Mười Cầm tên thật là Phan Lương Cầm, vợ kế của Thủ tướng Võ văn Kiệt (bà vợ đầu đã chết trong chiến tranh). Tất cả dự án lớn nhỏ qua tay bà đều phải có «thủ tục đầu tiên» nhất định là 10% nên biệt danh của bà là Mười Cầm. Năm 2008, khi công ty Nhật Bản PCI muốn thông qua một dự án do ODA Nhật tài trợ, Huỳnh Khắc Sỹ, sui gia của Lê Thanh Hải, Thành Uỷ TPHCM, đòi hối lộ 15% sau sụt xuống 10%. Bị Nhật dọa cúp tất cả ODA, Nguyễn Tấn Dũng bất đắc dĩ phải đưa Sỹ ra tòa. Như vậy, để được thông qua một dự án công, tỷ lệ hối lộ chuẩn là 10%.
Trong những «lời qua tiếng lại» của một số đại biểu Quốc Hội, con số thất thoát vì tham nhũng xây cất xa lộ và sửa chửa lên đến 30% mà Tiến sĩ Bùi Kiến Thành có nhắc trong bài viết của ông. Nói tóm lại, dự án bắt đầu với 10% và kết thúc với 30% tham nhũng và thất thoát.
Trong số các nước tài trợ ODA cho VN có Phần Lan. Một nhóm chuyên viên nghiên cứu của United Nations University của quốc gia nầy đã làm một cuộc điều tra về tham nhũng bằng cách khảo sát chi tiết từ 2005 đến 2007 trên 1661 công ty lớn nhỏ ở VN. Bản báo cáo của trường đại học nầy có thể là tài liệu nghiên cứu khoa học nhất, cập nhật hóa nhất về tình trạng tham nhũng ở VN. Chúng tôi sử dụng một vài số thống kê sau đây liên quan đến tỷ lệ tham nhũng.
Bảng 6 : Độ lớn trung bình các loại hối lộ của các công ty cho giới thẩm quyền(%)
Dịch vụ |
Số công ty đóng tiền hối lộ |
% số tiền hối lộ đã trả (trên trị giá dịch vụ) |
Đề có thông tin dịch vụ công |
30% |
10% |
Để có được giấy phép |
35% |
7% |
Để trốn thuế, giảm thuế |
21% |
10% |
Để có hợp đồng chánh phủ |
16% |
15% |
Để đối phó với quan thuế Trung bình toàn thể |
25% |
61% 13% |
Nguồn: Firm-level corruption in VN /John Rand. Helsinki : United Nations University,
World Institute for Development Economic Research, 2010.
Từ những dữ kiện trên, chúng tôi phỏng định một tỷ lệ tham nhũng ở VN chiếm khoảng 20% của GDP. Ngoài ra, nếu sản lượng của ODA và FDI sung vào GDP, nhưng số tiền tài trợ ODA giải ngân (không kể tiền viện trợ, khoảng 20-25% số tài trợ) và số vốn FDI thực hiện (tức số vốn thực sự đầu tư) là những khối ngoại tệ khổng lồ mà tham nhũng VN xâu xé, chúng tôi cũng dùng tỷ lệ 20% áp dụng vào hai nguồn tiền nầy.
Bảng 7 . GDP, ODA giải ngân và FDI thực hiện từ 2001 đến 2010 (tỷ USD-số tròn)
Năm |
GDP |
ODA |
FDI |
Tổng số |
2001 |
32.7 |
1.4 |
2.4 |
36.5 |
2002 |
35.1 |
1.3 |
2.6 |
39 |
2003 |
39.5 |
1.8 |
2.7 |
44 |
2004 |
45.4 |
1.8 |
2.8 |
50 |
2005 |
52.9 |
1.9 |
3.3 |
58.1 |
2006 |
60.9 |
1.8 |
4.1 |
66.8 |
2007 |
71.1 |
2.5 |
8 |
81.6 |
2008 |
91.1 |
2.6 |
11.5 |
105.2 |
2009 |
97.2 |
3.8 |
10 |
111 |
2010 |
106.4 |
3.5 |
11.5 |
121.4 |
Tổng số |
632.3 |
22.4 |
58.9 |
713.6 |
Nguồn : Ngân hàng Thế giới (GDP và ODA); Thống Kê VN( FDI)
Tổng cộng GDP, ODA giải ngân và FDI thực hiện trong 10 năm (2001-2010) : 713.6 tỷ ; trung bình mỗi năm : 71.3 tỷ
Trung bình tham nhũng mỗi năm : 14.2 tỷ USD. (20% của 71.3 tỷ). Những năm đầu của thập niên thì số tiền tham nhũng ít hơn (thí dụ năm 2000 : 7.3 tỷ), những năm gần đây, bởi sản lượng tăng lên, số tiền tham nhũng cũng tăng theo (thí dụ năm 2010 : 24.3 tỷ).
Thay lời kết
ODA và FDI đã góp phần tạo ra những cảnh tượng và hình tượng đặc thù cho VN trong hai thập niên qua.
VN hôm nay có nhiều xa lộ, nhiều nhà chọc trời tối tân, nhiều con đường tráng nhựa và nhiều nơi có điện lực dẫn đến làng xã. Tuy nhiên, với đa số người dân trong nước, họ thờ ơ với những thay đổi nầy, bởi họ vẫn quen thuộc với mái nhà dột, con đường lội nước. Cái cột điện dù cho ở trước nhà cũng là vật trang trí, mặc dù họ đã có đóng góp nhiều hơn giá tiền làm cái cột điện, và bởi họ không có tiền đong gạo thì làm gì có tiển để mắc điện và trả tiền điện.
Một số người đi xa trở về, nhất là các Việt kiều khi nhớ lại cái thời xuôi ngược buôn bán chợ trời, lúc bị cầm tù phải lên rừng đốn củi đem về dựng chòi để ở, hay phải nằm trong đám lau sậy chờ giờ lên ghe để trốn chạy chế độ bạo tàn, thì hôm nay, sau khi đi du hí qua các thị thành, trở về đất định cư hết lời ca tụng đất nước hôm nay văn minh, giàu có hơn xưa. Họ có biết đâu đa số đồng bào của họ còn phải cam chịu sống lầm than trên vĩa hè, bên bờ kinh, và hơn 15 triệu người phải chấp nhận một lợi tức dưới 1,25 mỹ kim mỗi ngày, mức nghèo tuyệt đối theo chỉ số của Liên Hiệp Quốc.
VN hôm nay vẫn còn có cảnh dùng sức người thay trâu để bừa ruộng. Ngày mùng 6 tháng giêng năm nay, bà Hòe ở xã Lạc Hồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên đã cùng với 3 cô con gái dùng sức người để bừa căn ruộng nhà vì không có tiền để mướn trâu.(www.khoahoc.net 4/2/2012))
Từ 20 năm qua, ODA và FDI đã đem ngoại tệ vào VN để giúp đỡ VN phát triển kinh tế và xã hội nhưng cũng đổng thời phát triển tham nhũng, tạo nên sự phân cách giàu nghèo một cách thô bạo. Một thiểu số giai cấp cầm quyền và tư bản đỏ lên xe xuống ngựa, vung tiền qua cửa sổ với những bữa ăn hàng ngàn mỹ kim, trong khi trẻ thơ phải lội sông băng suối để đến trường học, 4000 trẻ con và phụ huynh phải chờ chực mỗi buổi sáng trong sân Bệnh Viện Nhi Đồng để được khám bịnh, và muốn được nhập viện phải trả tiền hối lộ cho nhân viên các cấp.
Không, nước Việt Nam không giàu, không văn minh bởi lẽ những tòa nhà chọc trời là sở hữu của tư bản ngoại quốc và tư bản đỏ, và những cư dân trong các tòa nhà ấy đa số là những người thuộc giai cấp thống trị hay làm ăn với giai cấp thống trị.
Giai cấp nầy thường dễ nhận diện. Từ khi VN mở cửa, các đảng viên Cộng Sản đã vứt bỏ dép râu nón cối, lột bỏ bộ y phục của người lãnh tụ tối cao của họ để thay bằng những bộ âu phục đắt tiền, những khăn choàng «hàng ngoại», xuất hiện trong các buổi họp với bó hoa trước mặt hay ôm trên tay và tuyên bố những lời sáo ngữ muôn thuở mà chẳng ai hiểu. Hãy nghe thông điệp đầu năm 2012 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng : « Phải chuyển nhận thức, quyết tâm hành động và quyết liệt để vượt qua sức ỳ của quá trình khởi động, đặt tiến trình phát triển của đất nước vào quỹ đạo mới...».
Giai cấp nầy là những triệu phú, tỷ phú dollars, làm giàu nhanh chóng bằng tham nhũng, lừa đảo mà báo chí Tây phương gọi là những tên ăn cướp mang cà vạt (voleurs à cravates). Họ là những ủy viên trung ương đảng, những đảng viên mọi cấp, những sứ quân và cường hào ác bá thống trị tại 63 tỉnh và thành phố. Họ ăn cướp, ăn cắp có hệ thống từ trung ương đến địa phương, hổ trợ bởi một đạo quân áo vàng có mang cầu vai đỏ mà Tổ chức Minh Bạch Thế giới, trong báo cáo Tham Nhũng 2010, đã tuyên dương đạo quân nầy là «cảnh sát đứng đầu về tham nhũng». Một cách chi tiết hơn, 82% người dân VN cho là cảnh sát là ngành tham nhũng nhứt, kế đó là giáo dục (67%), công chức (61%) và tư pháp (52%). (Nguồn :Transparency International. Baromètre 2010 de la corruption).
Nói sao cho hết những chuyện tham nhũng từ cung vua phủ chúa với các hợp đồng hàng tỷ mỹ kim đến các trụ sở Ủy ban nhân dân xã với cái giấy khai tử mà người nghèo phải bị hạch hỏi nếu không chịu trả vài trăm ngàn đồng. VN hôm nay tự hào đứng hạng 14 trong 16 quốc gia tham nhũng nhất vùng Á châu-Thái Bình Dương, chỉ hơn có Indonésia và Cambot, là quốc gia tham nhũng nhất (Báo cáo 2010 của Tổ chức Rủi Ro chính trị kinh tế PERC =Political& Economic Risk Consultancy, trụ sở ở Hong kong).
Khi viết đến những dòng nầy, có tin anh Đoàn Văn Vươn và gia đình ở huyện Tiên Lãng, tỉnh Hải Phòng, đã liều chết chống lại bọn cầm quyền tham nhũng vì không chịu nổi những áp bức cùng cực của tập đoàn nầy đã ngang nhiên cướp đất, phá nhà mà gia đình anh đã bao năm gian khổ để tạo dựng. Sự kiện nầy có khác chi chuyện anh Mohamed Bouazizi, một sinh viên người Tunisien bán trái cây dạo đã tự thiêu vì bị cảnh sát ức hiếp không cho anh bán trên đường phố. Cái chết của Bouazizi đã bùng dậy sự căm hờn của người dân Tunisien sau 23 năm bị áp bức dưới chế độ độc tài của Ben Ali, mở đầu cho cuộc Cách Mạng Hoa Lài, lật đổ Ben Ali rồi lan dần đến cách mạng mùa xuân Á Rập.
Trả lời cuộc phỏng vấn của BBC-Việt Ngữ, bà Lê Hiền Đức, 81 tuổi, người công dân được giải thưởng của Transparency International về chống tham nhũng đã nói : «Những vụ mất đất như Đoàn Văn Vươn rất nhiều, nhưng vì Vươn là một kỹ sư có trình độ nên anh làm như vậy. Còn những nông dân quá khổ uất ức lắm, nếu có trình độ như anh Vươn thì sẽ có nhiều Đoàn Văn Vươn nữa, người ta sẽ vùng lên. Nông dân rất căm thù, phải dùng từ căm thù mới đúng» (nguồn: Sẽ có nhiều Đoàn Văn Vươn. BBC ngày 29/1/2012).
Chúng tôi tự hỏi người dân VN có thể chịu đựng được nỗi căm thù nầy cho đến bao giờ ?
10/02/2012
Lâm Văn Bé
(Cựu Hiệu trưởng trường TH Nguyễn Đình Chiểu-Mỹ Tho)