Sự hình thành của siêu quốc gia VN thiên niên kỷ thứ ba
và việc dựng tượng Đức Thánh Trần ở Little Sàigòn
Phạm Cao Dương
Biến cố 30 tháng Tư 1975 đã bẩy tung người Việt Tị Nạn ra khắp thế giới, xa cách quê hương và người thân của họ cả ngàn vạn dặm. Đó là một sư thực lịch sử không ai chối cãi dược. Có điều trong cái rủi vẫn có cái may, biến cố này đã đưa tới sự hình thành của Cộng Đồng Việt Nam Hải Ngoại, thành phần thứ hai của Dân Tộc việt Nam phát triển mạnh mẽ và độc lập đối với thành phần thứ nhất còn lại ở quê nhà. Hậu quả là đến ngày nay, sau người Anh của Thế Kỷ 19, chỉ còn người Việt Nam là có thể hãnh diện để dạy con cái mình rằng “Mặt trời không bao giờ lặn trên những phần đất có người Việt Nam cư ngụ”. Từ cuộc di cư vĩ đại này, sự hình thành của một Siêu Quốc Gia Việt Nam đã bắt đầu với những con người của thế giới hữu hình xuất phát từ mảnh đất nhỏ bé bên bờ phía tây của Thái Bình Dương. Nó đã được hoàn tất bằng một biến cố khác mang tính cách tâm linh, vô hình và truyền thống của dân tộc Việt: việc dựng tượng Đức Thánh Trần Hưng Đạo vào mùa thu năm 2014, 39 năm sau. Một cơ hội lớn, ngàn năm một thuở đã mở ra cho dân tộc chúng ta.
Tôi không rõ trên giấy tờ liên lạc với Toà Thị Chính Thành Phố Westminster, thuộc Quận Cam, California, ban tổ chức dựng tượng đã dùng danh xưng gì để gọi tượng nhưng ở đây tôi xin được phép dùng danh xưng là Tượng Đức Thánh Trần. Tôi dùng danh xưng Đức Thánh Trần là vì đây là danh xưng mà quảng đại dân gian Việt Nam từ Bắc chí Nam đã dùng và bây giờ ở Hải Ngoại nên dùng, để vừa tỏ ý sự tôn kính, vừa biểu lộ lòng yêu thương, gần gũi hơn là các danh xưng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn hay Trần Hưng Đạo… những danh xưng được nói tới nhiều hơn trong học đường hay trong sách vở. Điều này cũng có nhiều lý do, tôi xin được lần lượt trình bầy trong bài viết này.
Đức Thánh Trần là nhân vật lịch sử duy nhất được dân gian coi là đã hiển linh che chở giúp đỡ mọi người, chống lại tà ma quỷ quái, từ đó được mọi người coi như một vị Thánh của cả dân tộc
Khác với các nhân vật lịch sử khác như Hùng Vương, Hai Bà Trưng, Triệu Quang Phục, Lý Thường Kiệt, Lê Thái Tổ, Quang Trung Nguyễn Huệ …, tất cả đều có đền thờ và được dân chúng địa phương quanh năm hương khói và đến ngày kỵ đều được các quan lại địa phương hàng năm chính thức đến tế. Chỉ riêng có Trần Hưng Đạo ngoài đền thờ còn được coi là đã hiển linh để phủ hộ, giúp đỡ đồng bào của mình, che chở mọi người chống lại tà ma, quỉ quái. Đức Thánh Trần với các con trai và các gia tướng của Ngài như Yết Kiêu, Dã Tượng luôn luôn được truyền tụng là đã hiển linh trong các công tác này. Những chuyện như Phạm Nhan chuyên môn tìm ăn máu dơ của phụ nữ làm cho họ bị mắc bệnh, mảnh chiếu lấy từ đền thờ của ngài là những chuyện phổ thông trước đây ai cũng biết
Một sự kiện liên hệ khác ít ai biết tới là sự hiển linh của Đức Thánh Trần và sự tin tưởng của quần chúng vào sự hiển linh này đã đưa tới sự hình thành của một tôn giáo mới của người Việt gọi là Nội Giáo. Nội Giáo là tôn giáo từ bên trong để phân biệt với Ngoại Giáo du nhập từ bên ngoài mà ngài là vị thần chính được thờ. Nội Giáo là tôn giáo riêng của ngươì Việt Nam, của nước Việt Nam độc lập. Sự xuất hiện của Nội Giáo với Thánh Địa là Đền Kiếp Bạc đã nói lên tinh thần độc lập của người Việt mà cho tới thời Ngài chưa có. Cùng với Thánh Mẫu Liễu Hạnh, một trong “Tứ Bất tử” của người Việt, Ngài đã được thờ như vị Cha chung của cả dân tộc: Tháng Tám giỗ Cha, tháng Ba giỗ Mẹ.
Tháng Tám âm lịch từ ngày 16 đến ngày 18 là ngày giỗ Đức Thánh Trần và trong 10 ngày từ 1 đến 10 Tháng Ba âm lịch là Ngày hội Phủ Giầy ở làng Tiên Hương, huyện Vụ Bản tỉnh Nam định là ngày giỗ Chúa Liễu Hạnh, hai ngày hội lớn được rất đông người tới dự trước kia, trước thời chiến tranh và đông hơn rất nhiều trong thời hiện tại. Hội Phủ Giầy được tổ chức hàng năm là hội lớn nhất, vui nhất, có nhiều trò chơi nhất. Con số người tham dự càng ngày càng gia tăng, gia tăng gấp bội so với thời Pháp thuộc, trong đó có rất đông các cán bộ Cộng Sản “đi xe con tới dự”.
Chưa hết, song song với truyền thống thờ Đức Thánh Trần và Chúa Liễu Hạnh, người Việt Nam còn có tục lên đồng. Nếu Đức Thánh Trần và Chúa Liễu Hạnh chỉ được chính thức thờ ở các đền thì trong dân gian, các ngài được thờ ở rải rắc khắp nơi qua các đền miễu do các cộng đồng địa phương lớn nhỏ, do tư nhân xây dựng và được các ông đồng, bà đồng coi giữ. Nơi đây các cuộc lên đồng thường xuyên được thực hiện, kể cả hiện tại ở Westminster, ở Garden Grove ở Hải Ngoại mà người viết đã có dịp nhiều lần tới dự và rất vui khi thấy một tín ngưỡng xưa, có thời bị bài bác, nay lại sống lại ở nơi đất khách quê người. Chính ở những nơi này, lịch sử của dân tộc Việt Nam, đúng hơn những bài dã sử, đã được gìn giữ xuyên qua những bài hát chầu văn, một thứ văn chương, âm nhạc vô cùng phong phú cho tới nay đã được nhiều học giả Việt Nam và ngoại quốc sưu tầm, nghiên cứu, tìm hiểu một cách khoa học tương đối đầy đủ, tường tận và bao dung hơn.
Người Tàu và người Hy Lạp khi dời bỏ quê hương ra đi tị nạn hay lập nghiệp ở Hải Ngoại cũng đã mang theo thần linh của họ.
Cuối cùng, sự kiện các dân di cư tị nạn khi ra đi đã mang theo các thần của mình là một sự kiện đã xảy ra từ lâu trong lịch sử nhân loại. Dân Hy Lạp trong các thế kỷ thứ bảy và thứ tám kéo dài đến hết thế kỷ thứ năm trước Thiên Chúa, khi có những cuộc tranh chấp nội bộ ở các đô thị-quốc gia, những city-states, những polis, của họ, điển hình là hai đô thị Athens và Sparta, các phe bại trận bị loại trừ (ostracized, ostracism) phải bỏ xứ mà đi. Họ đã tạo nên một đường viền Hy Lạp chung quanh Địa Trung Hải với nhữngđô thị-quốc gia, những polis mới ở Nam Âu, ở Tây Á và luôn cả ở Phi Châu. Khi ra đi họ đã mang theo văn minh Hy Lạp và đặc biệt là các thần linh Hy Lạp của họ. Với những yếu tố văn minh, văn hóa và đặc biệt là tín ngưỡng này, những đô thị-quốc gia mới của họ, mặc dù vẫn giữ được những liên hệ lịch sử, văn minh và văn hoá với các đô thị mẹ ở chính quốc, đã trở thành hoàn toàn độc lập với các đô thị-quốc gia mẹ, đã tự mình đứng vững và phát triển, không còn bị các quốc gia-đô thị mẹ chi phối về phương diện chính trị và sinh hoạt hàng ngày nữa.
Người Tầu khi di cư ra khỏi quê hương của họ cũng làm những việc tương tự. Bằng chứng là các “chùa Tầu” đã hiện diện ở khắp thế giới và ở miền Nam Việt Nam rất nhiều, đặc biệt là ở Saigon. Tất cả đã trở thành những nơi thăm viếng mà du khách khi tới Saigon đều phải biết và ít nhiều ghé qua. Chính người viết bài này hồi trước năm 1975, khi dẫn sinh viên đi du khảo quanh vùng Thủ Đô Saigon, cũng đã ghé thăm những nơi được coi là “cổ tích liệt hạng” này. Điều đáng để ý là những nơi này luôn luôn có nhiều khách hành hương tới viếng trong đó rất đông là người Việt. Nơi đây khói hương ngày đêm nghi ngút, không bao giờ tàn lạnh.
Dựng tượng Đức Thánh Trần không chỉ là để tôn vinh một vị anh hùng có công ơn bậc nhất của cả dân tộc mà còn biểu lộ tinh thần độc lập của Người Việt Hải Ngoại là chỗ dựa tinh thần của người Việt nhằm hướng tới một Siêu Quốc gia Việt Nam của Thiên Niên Kỷ Thứ Ba
Cho tới nay, Cộng Đồng người Việt ở Hải Ngoại đã được ngoài 40 tuổi, đã trải qua giai đoạn sống còn, đã mỗi ngày mỗi thêm vững mạnh về đủ mọi phương diện để trở thành thành phần thứ hai độc lập với thành phần thứ nhất của dân tộc Việt Nam.
Cộng Đồng Hải Ngoại của chúng ta trẻ trung hơn, năng động hơn, có tiềm năng hiểu biết cập nhật hơn, có nhiều khả năng phát triển hơn nhờ đã hình thành và phát triển trong những quốc gia tân tiến nhất trên thế giới, so với thành phần thứ nhất mỗi ngày già cỗi hơn, mòn mỏi hơn, kiệt lực hơn, không còn đủ khả năng nhận thức và ngay cả sử dụng những khả năng trí tuệ vẫn còn tồn tại không ít của mình. Tuổi trẻ Việt Nam ở Hải Ngoại có thể vào và đã vào bất cứ một đại học danh tiếng nào nếu các em mong muốn và được cha mẹ khuyến khích. Rất đông các em đã đạt được điều này. Cộng Đồng Việt Nam Hải Ngoại đã tự mình hội đủ mọi điều kiện để tự đứng vững. Chúng ta đã có đầy đủ nếu không nói là khá đông các chuyên viên trí thức thượng thặng từ các khoa học gia, các giáo sư đại học, các học giả tốt nghiệp từ các học viện lớn và hiện đang phục vụ trong các trung tâm, các viện nghiên cứu bậc nhất trên thế giới để góp sự hiện diện của mình với các sắc tộc khác. Chúng ta cũng đã có những chỉ huy cao cao cấp trong quân đội, kể cả tướng lãnh. Hãy tưởng tượng hình ảnh một vị chỉ huy dẫn đầu nhiều ngàn sĩ quan, binh sĩ dưới quyền, thuộc đủ mọi thành phần, chủng tộc, dẫn đầu các cuộc thao diễn, dẫn đầu họ chạy bộ hàng ngày hay nghiêm chỉnh chào cờ trong căn cứ của đơn vị mình. Vị chỉ huy đó là người Việt. Anh là vị tướng đi sát với binh sĩ của mình, tướng của trận mạc, không phải tướng của phe phái, nói cách khác, tướng cảnh. Con em của chúng ta đó! Hãnh diện biết là chừng nào! Chúng ta cũng có những chỉ huy trưởng khu trục hạm tối tân nhất của Hải Quân Hoa Kỳ, những nữ đại tá người nhỏ thó chỉ đứng đến nách những đồng sự hay thuộc cấp của mình nhưng vẫn được họ chào kính một cách trịnh trọng. Họ cũng là con em của chúng ta đó. Hãnh diện biết là chừng nào! Họ thuộc thế hệ một rưỡi, luôn cả thế hệ thứ hai của tị nạn Việt. Tất cả đều vẫn còn thông thạo tiếng Việt, đã trả lời dễ dàng, trôi chảy các cuộc phỏng vấn bằng tiếng Việt. Tất cả đều đã trở thành “người”, đã “nên người”, đã lập được sự nghiệp trên quê hương mới mà không cần tới sự trợ giúp của các “đỉnh cao trí tuệ của loài người”. Chưa hết! Bây giờ thì họ đã ngồi lại với nhau để trở thành một lực lượng quân nhân gốc Việt trong quân đội Hoa Kỳ và sẽ dẫn đường cho thế hệ thứ ba. Cầu mong các em sẽ thành công mỹ mãn. Trong địa hạt chính trị, người Việt nay cũng đã đi rất sâu và rất cao trong hệ thống chính quyền của nhiều nước, ở đủ cả ba ngành, ngay cả ở cấp trung ương. Nhiều người trẻ cũng đã xuất hiện và đã thành công xuất sắc. Họ thông thạo ngôn ngữ, được học, được sống và hiểu biết về xã hội nơi họ đang cư ngụ. Họ bắt đầu thay thế cho thế hệ cha anh đã đến tuổi xế chiều, nhưng vẫn hiểu biết về Việt Nam và thông thạo tiếng Việt. Trong tương lai, các em sẽ còn đi xa và lên cao hơn nữa.
Sang một địa hạt khác gần gũi với mọi người hơn là địa hạt giáo dục. Ở đây tôi chỉ nói vế các cấp trung tiểu học và mẫu giáo, những cấp học cơ bản liên hệ trực tiếp tới các em nhỏ của chúng ta trong cộng đồng. Con số những thày cô giáo người Việt hiện diện trong các trường địa phương mỗi ngày một nhiều. Nghề làm thày cô giáo không còn bị chê so với các nghề khác như trong những thập niên đầu. Nhiều người tỏ ra đã yêu mến nghề dạy học ngay từ khi còn học ở bậc trung và luôn cả tiểu học. Họ đã đạt được ước vọng và sau nhiều năm hành nghề vẫn tỏ ra yêu nghề hơn bao giờ hết. Nhiều người đã chuyển sang cấp chỉ huy làm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường khi chán phụ trách lớp. Nên nhớ là, ít ra là ở Mỹ, dạy ở cấp nào cùng được coi là quý, là trọng, không nhất thiết là ở bậc đại học, nơi kiếm được một chỗ làm rất khó vì rất hiếm vì sự cạnh tranh giữa các sắc dân Á Châu rất nhiều và nạn bè cánh, phe phái rất cũng không phải là hiếm. Yếu tố quan trọng mà các em phải dựa vào để lựa chọn là chính mình, là thiên tư và hạnh phúc của chính mình. Kinh ngiệm của cha mẹ, ông bà của các em và những người đi trước thuộc thế hệ của các ngài cũng vẫn còn là những gì đáng quý cho các em khi chọn ngành và nhất là khi hoạt động cộng đồng.
Để hướng về các con em nhỏ trong cộng đồng, riêng ở miền Nam California hàng trăm trung tâm Việt Ngữ đã được thành lập ở các chùa, các nhà thờ hay các lớp mượn của các trường địa phương trong những ngày cuối tuần do các thày cô đã về hưu hay các sinh viên đại học phụ trách. Hàng ngàn thày cô đã tham gia công tác này với hàng chục ngàn trẻ em được cha mẹ mang tới dự. Hãy tưởng tượng các vị này đã kiên trì, cố gắng như thế nào để cứ tình nguyện mỗi cuối tuần mỗi đến, tuần này qua tuần khác, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác, thường xuyên dạy các em, không nửa chừng bỏ dở. Họ âm thầm làm công việc của mình và dường như ít được cộng đống biết đến, thăm viếng và khích lệ.
Cộng đồng của chúng ta đã độc lập, đã tự đứng vững và phát triển trong suốt 41 năm qua không hề phải nhờ vả vào chính quốc. Trái lại, hàng chục tỷ đô la hàng năm đã được gửi về dưới hình thức này hay hình thức khác, làm giàu cho các cán bộ và các đại gia ở trong nước và gián tiếp giúp họ chuyển tiền ra ngoại quốc phòng ngừa khi tháo chạy. Có điều thay vì để yên cho thành phần thứ hai của dân tộc ở Hải Ngoại phát triển để hỗ trợ lẫn nhau, cùng nhau song song phát triển, cùng hướng tới một tương lai dài nhằm biến dân tộc Việt Nam thành một dân tộc lớn của nhân loại thì các “đỉnh cao trí tuệ” ở trong nước đã coi nó như một con gà đẻ trứng vàng, tìm cách ảnh hưởng tới nó, bắt nó đẻ nhiều hơn, thậm chí bắt và giết nó.
Lịch sử dân tộc Việt Nam phải được tính bằng ngàn năm.
Trong một bài viết trước đây, nhằm kỷ niệm một ngàn năm Lý Thái Tổ từ Hoa Lư thiên đô ra Thăng Long, đăng trong Tập San Thế Kỷ 21,số 1, số ra mắt,người viết có đưa ra cái nhìn hơi khác về lịch sử của dân tộc Việt Nam. Đó là lịch sử phải được tính bằng ngàn năm với ba dấu mốc chính: 111 trước Tây Lịch, 1010 sau Tây Lịch và những năm hiện tại của thiên niên kỷ thứ ba mà chúng ta đang sống, chứ không thể chỉ tính bằng chục năm, bằng trăm năm như lịch sử bình thường. Nhìn như thế để chúng ta có thể thấy những điều vô nghĩa mà nhiều người đã và đang làm. Nhìn như thế đế chúng ta có thể lạc quan về tương lai của dân tộc Việt Nam qua sự hình thành của Cộng Đồng Người Việt ở Hải Ngoại trong thế kỷ 21 này.
Cơ hội ngàn năm một thuở: Mặt trời không bao giờ lặn trên những miền đất có người Việt cư ngụ.
Sự hình thành của Cộng đồng Việt Nam Hải Ngoại coi như thành phần thứ hai của dân tộc là một cơ hội ngàn năm một thuở chúng ta có được, sau khi người dân Việt Nam đã phải trải qua nhiều chục năm dài đầy chiến tranh, đau thương, chết chóc và bất hạnh. Biến cố bi thảm 1975 đã bẩy tung bà con chúng ta ra khắp thế giới để rồi sau ngót bốn mươi năm cũng họ, cũng những bà con đã bị bấy tung ra khắp thế giới, bây giờ là Người Việt Hải Ngoại đã định cư và đã thành công ở khắp năm châu, không nơi nào là không có. Chúng ta đã không có được một lãnh thổ duy nhất, một chính quyền chung nhưng chúng ta có những con người, có chung một lịch sử, một nguồn gốc, đã ra đi trong cùng một hoàn cảnh, một thời điểm. Nói một cách khác, chúng ta đã có một Siêu Quốc gia Việt Nam không có lãnh thổ, không có chính quyền, không có thủ đô nhưng tất cả đều nằm sâu thẳm trong lòng mọi người dân của mình. Một siêu quốc gia như vậy thích hợp hơn với sinh hoạt quốc tế trong thời hiện tại, thời mà biên giới giữa các nước đã mờ dần trước sự phát triển chung của cả loài người. Cũng nói cách khác, nếu trong thế kỷ 19, một học sinh người Anh được học rằng “Mặt trời không bao giờ lặn trên Đế Quốc Anh” thì khác đi một chút, kể từ thế kỷ 20, một học sinh Việt Nam phải được học rằng “Từ sau năm 1975, mặt trời không bao giờ lặn trên những miền đất có người Việt Nam cư ngụ.”
Người Tầu cũng có thể nói câu tương tự. Họ cũng hiện diện ở khắp nơi trên thế giới nhưng vẫn không thể so sánh với người Việt. Lý do là vì người Tầu bỏ nước ra đi là họ chọn tha phương cầu thực, do họ chọn lựa còn người Việt thì không được chọn lựa. Sau ba chục năm triền miên đầy đau thương giết chóc với ít ra là bốn năm triệu người đã bị hy sinh, nước mắt tràn ngập khắp Trường Sơn, ra tận Biển Đông. Người Việt đã bất đắc dĩ phải ra đi mà không biết sẽ đi đâu. Đến bây giờ thì tự mình và với sự giúp đỡ của các chính quyền và của người địa phương, bất chấp những sự dè bỉu, mỉa mai của nhà cầm quyền ở trong nước trong những năm đầu, các cộng đồng Việt Nam ở khắp nới trên thế giới đã trở thành vững mạnh thực sự so với thành phần còn lại ở trong nước. Bổn phận của chúng ta là phải bảo vệ và phát triển nó. Chúng ta không thể để cho những người đang nhận sự giúp đỡ vô cùng to lớn của cộng đồng chúng ta, coi cộng đồng chúng ta là con gà mái đẻ trứng vàng bắt nó đẻ nhiều hơn, đẻ mãi, lợi dụng và giết nó. Chúng ta cũng phải lo cho chính chúng ta và con cháu chúng ta. Chúng ta đang sống ở đây và sẽ chết ở đây. Con cháu chúng ta cũng vậy. Những thế lực luôn luôn gây bất ổn từ bảy mươi năm qua sẽ không tha chúng ta, không để cho chúng ta yên. họ luôn luôn muốn làm chủ chúng ta rồi làm chủ con cháu chúng ta như họ đã làm ở trong nước, bây giờ là Cộng Đồng Người Việt ở Hải Ngoại, cơ hội ngàn năm một thuở của chung cả dân tộc, cơ hội sẽ đưa dân tộc ta thoát khỏi tình trạng nhỏ bé và chậm tiến.
Bất cứ hành động nào phá hoại Cộng Đồng Việt Nam Hải Ngoại đều là một tội đại ác đối với dân tộc Có điều họ sẽ bất cần, sẽ tiếp tục như họ đã làm trong quá khứ như các năm 1954, 1975. Nhưng họ sẽ không làm gì được chúng ta. Chiêu bài độc lập thống nhất không còn hiệu nghiệm nữa. Chuyện đó qua rồi. Cộng Đồng Hải Ngoại của chúng ta đã vững mạnh và luôn luôn được các nhà cầm quyền và luật pháp bản xứ che chở. Chúng ta cũng đã có đủ mọi khả năng để tự mình đứng vững, nhất là kể từ bây giờ, với sự phù hộ ngày đêm của Đức Thánh Trần và bên cạnh Ngài là Chúa Liễu Hạnh. Chúng ta không cần phải có sự giúp đỡ từ bên ngoài, nói trắng ra là từ những người này. Phạm Nhan đã bị chém đầu từ bảy thế kỷ trước tuy vẫn còn lảng vảng khắp nơi để kiếm máu dơ của phụ nữ nhưng y sẽ không làm gì được chúng ta vì chúng ta đã có Đức Thánh Trần và Chúa Liễu Hạnh luôn luôn hiển linh và che chở cho chúng ta. Chúng ta hãy cùng nhau giữ cho tượng Ngài quanh năm sạch sẽ và nếu có, hương khói lúc nào cũng nghi ngút, để trở thành một thắng tích bất cứ ai ghé Little Saigon đều phải ghé qua để tỏ lòng tôn kính Ngài.
Để kết luận, tôi mượn chữ và ý của Nhà Văn Ngô Nhân Dụng. Chúng ta đã đứng vững ít ra là hai ngàn năm và chắc chắn sẽ còn đứng vững thêm nhiều ngàn năm nữa. Vấn đề là do chúng ta. Chúng ta đã khơi lại được mạch sống của bảy trăm năm trước. Chúng ta có sống lại được với sức sống do tiền nhân truyền lại cho chúng ta hay không? Điều này tùy thuộc ở chính chúng ta. Chúng ta sẽ coi quyền lực, danh lợi tiền bạc của cá nhân hay phe nhóm là trọng hay sự tồn vong và phát triển của cả Cộng Đồng, cả dân tộc Việt Nam và tới một giới hạn nào đó, sứ mạng Trời trao cho chúng ta là trọng. Điều này tùy thuộc ở chúng ta, điều mà bà con đang sống trên đất mẹ của chúng ta xem ra khó mà làm được vì dù có muốn họ cũng không được phép làm chưa kể tất cả đều đã quá mòn mỏi, khô cằn đến độ vô cảm, nếu không nói là kiệt lực. Tất cả chỉ còn trông cậy ở chúng ta và con cháu chúng ta. Hãy chứng tỏ chúng ta có đủ khả năng và bản lãnh; chúng ta dời bỏ quê hương ra đi không phải để tha phương cầu thực.
Little Sàigòn những ngày cuối xuân 2016
Gs Phạm Cao Dương
Đăng ngày 15 tháng 05.2016