19 tháng 8, 1945: Cách mạng
hay Việt minh cướp Chính quyền?
Gs Phạm Cao Dương
Dù trong nước mười phần chết chín, chúng tôi sẽ lập một xã hội mới với một thành phần còn lại còn hơn với chín phần kia.
Chúng tôi sẽ cướp quyền để tỏ cho các nước đồng minh biết chúng tôi mạnh, chứ không chịu cho ai nhường.
(Lời của Đại Diện Việt Minh Lê Trọng Nghĩa nói với Thủ Tướng Trần Trọng Kim)
Tương lai còn dài, các ông nhận lấy trách nhiệm đối với quốc dân và lịch sử.
(Trả lời của Thủ Tướng Trần Trọng Kim)
Cách Mạng Tháng Tám năm 1945 là một sự kiện vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Cuộc cách mạng oai hùng đó đã phá tan xiềng xích nô lệ của thực dân Pháp, kéo dài hơn 80 năm, và của phát xít Nhật, đồng thời lật nhào chế độ quân chủ chuyên chế tồn tại ngót ngàn năm. Với thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, nước ta từ một nước thuộc địa đã trở thành một nước độc lập dưới chế độ dân chủ cộng hòa, nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người dân độc lập, tự do làm chủ nước nhà.
(Nhà giáo nhân dân – GS Sử học Đinh Xuân Lâm
Phó Chủ tịch Hội Khoa Học Lịch Sử Việt Nam
TS. Nguyễn Văn Khoan – HKHLS Việt Nam
Trích Lời Giới Thiệu tác phẩm "Cách Mạng Tháng Tám, Những Giờ Phút Lịch Sử")
Gọi là cách mạng trước hết là không chính xác… Sau 70 năm, nhìn lại không thể gọi biến cố đó là Cách Mạng Tháng Tám. Gọi vậy là “ngoa ngôn”, là “đại ngôn”, …
(Bùi Tín, Cựu Đại Tá Quân Đội Nhân Dân Việt Nam,nguyên Phó Tổng Biên Tập Nhật Báo Nhân Dân)
***
“Cách Mạng Tháng Tám hay Việt Minh Cướp Chính Quyền”, gọi thế nào cho đúng? là câu hỏi liên hệ đến biến cố 19 tháng 8 năm 1945 và luôn khoảng thời gian kéo dài cho đến hiện tại. Chúng phản ảnh sự khác biệt về quan điểm giữa hai thành phần Quốc Gia và Cộng Sản và sau này giữa người Việt ở trong nước và người Việt ở Hải Ngoại. Khác biệt này không những được thấy rõ trong sinh hoạt chánh trị, truyền thông mà luôn cả trong chương trình học và các sách giáo khoa nữa.
Ở miền Bắc thời trước năm 1975 và trên toàn thể Việt Nam sau năm 1975, “19 Tháng Tám 1945 là ngày cách mạng hay ngày tổng khởi nghĩa, ngày kết thúc hơn 80 năm thống trị của thực dân Pháp và hàng nghìn năm áp bức của vua chúa phong kiến. Nó đã đưa nhân dân Việt-nam từ địa vị nô lệ lên địa vị làm chủ nước nhà”. Đó là nhận định người ta có thể thấy trong các sách xuất bản ở Hà Nội. Tuy nhiên bên cạnh các từ ngữ cách mạng hay tổng khởi nghĩa, từ ngữ “cướp” cũng đã được dùng để chỉ biến cố này và dùng không riêng trong ngôn ngữ nói mà luôn cả trong sách vở, báo chí và các văn kiện chính trị “qua các bài viết của Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp… còn lưu giữ không sao kể hết” , luôn cả trong các văn kiện chính thức của Đảng Cộng Sản. Hiệu Triệu Của Tổng Bộ Việt Minh ngày 14 tháng 8 năm 1945 là trường hợp điển hình. Tiếp theo là trong ngôn từ của giới viết sử chính thức của Chính Quyền Miền Bắc qua hai tác giả Trần Huy Liệu và Văn Tạo của Viện Sử Học Hà Nội. Cuối cùng là Lê Trọng Nghĩa, một người trong cuộc, một nhân chứng có thẩm quyền, người đã đại diện cho Việt Minh gặp Thủ Tướng Trần Trọng Kim, Khâm Sai Phan Kế Toại, Giáo Sư Hoàng Xuân Hãn và Bác Sĩ Nguyễn Xuân Chữ để giải quyết tình hình ít ngày trước biến cố 19 tháng 8 năm 1945 ở Hà Nội. Trong hồi ký của mình, đăng trên Tạp Chí Xưa & Nay, cơ quan của Hội Khoa Học Lịch Sử Việt Nam, số 5 (06), VIII, 1994, tr. 4-6 và số 6 (7), IX, 1994, tr. 9-1, Lê Trọng Nghĩa đã nhiều lần dùng nhóm chữ “cướp chính quyền” để chỉ mục tiêu chính yếu của Việt Minh trong biến cố quan trọng này.
Ở miền Nam và sau này ở các cộng đồng người Việt Hải Ngoại, đó là ngày Việt Minh cướp chính quyền không hơn, không kém. Nó đã mở đầu cho những ngày đen tối nhất của lịch sử Việt Nam hiện đại. Nhiều người khác cũng dùng nhóm chữ Cách Mạng Tháng Tám nhưng lại thêm năm chữ “Việt Minh cướp chính quyền” đi kèm: “Cách Mạng Tháng Tám - Việt Minh Cướp Chính Quyền”. Nhiều người thay vì chỉ ghi nhận một cách vắn tắt, lại đi sâu hơn vào chi tiết và chứng minh là cả cách mạng lẫn cướp chính quyền của Việt Minh và luôn cả bản Tuyên Ngôn Độc Lập ngày 2/9/1945 của Hồ Chí Minh đều không cần thiết nếu người ta chỉ nhìn tới nhu cầu độc lập của dân tộc mà thôi. Đây là những nhận xét quan trọng mà người viết sẽ chú trọng tới nhiều hơn trong bài này, đồng thời đối chiếu với những tài liệu mới được phổ biến so với thời trước năm 1975.
I. Biến cố 19/8/1945 và bản Tuyên Ngôn Độc Lập của Hồ Chí Minh là không cần thiết cho dân tộc Việt Nam
Lập luận này được dựa trên sự kiện là người Pháp đã bị người Nhật loại khỏi chính trường Đông Dương từ sau cuộc đảo chính ngày 9/3/45 và Vua Bảo Đại đã tuyên bố hủy bỏ các hòa ước đã được triều đình Huế ký kết vào cuối thế kỷ XIX. Sau đó đến lượt người Nhật đầu hàng. Cả hai mục tiêu đánh Tây, đuổi Nhật đều không còn nữa và Việt Nam đương nhiên đã trở thành hoàn toàn độc lập.
Duy nhất còn lại ở thời điểm 19 tháng 8, 1945, là Vua Bảo Đại và Chính Phủ Trần Trọng Kim như là những cơ chế hợp pháp hiện diện trên lãnh thổ Việt Nam, trong khi Việt Minh và Đảng Cộng Sản chưa được bất cứ một thế lực nào thừa nhận, nếu không nói chỉ là những nhóm phiến loạn, bất hợp pháp có những hành vi khủng bố, tự ý cho mình quyền giết người, tịch thu, cướp bóc bừa bãi của họ. Vua Bảo Đại và Chính Phủ Trần Trọng Kim, do đó đã trở thành mục tiêu cuối cùng cần phải loại bỏ của hai tổ chức này. Tại sao cần phải loại bỏ? Tại vì Vua Bảo Đại và Chính Phủ Trần Trọng Kim đang ở vị thế cầm quyền và Đảng Cộng Sản theo lý thuyết của họ phải là đảng cầm quyền và duy nhất cầm quyền với mục tiêu tối hậu của họ không phải là để giành độc lập mà là để thiết lập chế độ chuyên chính vô sản và từ đó xây dựng xã hội chủ nghĩa. Giành độc lập chỉ là bước đầu. Người ta cũng có thể lấy cớ Chính Phủ Trần Trọng Kim là do người Nhật lập ra, do đó thân Nhật và sẽ không được Đồng Minh chấp nhận, chưa kể có thể bị trừng phạt. Điều này không đúng vì quân Đồng Minh kéo vào hay đổ bộ lên Việt Nam ở thời điểm này chỉ là để giải giới Quân Đội Nhật chứ không phải là để lùng bắt và xử những người bản xứ theo hay thân Nhật. Lập luận có thể bị Đồng Minh trừng phạt này chỉ là để tuyên truyền, hù dọa mọi người để mọi người tự nguyện rút lui và mở đường cho Việt Minh cướp chính quyền mà thôi. Nên để ý là sau này khi Hoàng Đế Bảo Đại thoái vị rồi, nhà vua đã được Hồ Chí Minh đưa ra Hà Nội làm Cố Vấn Tối Cao, rồi đi đâu cũng đưa ông đi theo, để ngồi cạnh hay đứng bên mình như là một biểu trưng để chứng minh sự kế thừa hợp pháp của Việt Minh và vai trò chủ tịch của mình, kể cả để cho nhà vua thay thế ông đọc diễn văn khai mạc Tuần Lễ Vàng nhằm lôi cuốn quần chúng nữa.
Một câu hỏi cần được đặt ra ở đây là Chính Phủ Trần Trọng Kim có bao giờ tiếp xúc với Việt Minh và đề nghị họ tham chính không? Nếu có, những người Cộng Sản đã trả lời những đề nghị này như thế nào và đã làm gì trước khi họ cướp chính quyền? Để trả lời những câu hỏi này trước kia người ta chỉ có những tài liệu của phía những người quốc gia, chính yếu là tập hồi ký của chính Trần Trọng Kim, nhan đề Một Cơn Gió Bụi (Kiến Văn Lục) mà thôi, nhưng hiện tại chúng ta có thêm hồi ký của nhân vật đại diện của Mặt Trận Việt Minh, công cụ chính yếu của Đảng Cộng Sản, Lê Trọng Nghĩa, người đã gặp Khâm Sai Phan Kế Toại, Thủ Tướng Trần Trọng Kim , Giáo Sư Hoàng Xuân Hãn và người cuối cùng đại diện cho chính phủ Trần Trọng Kim ở Phủ Khâm Sai Hà Nội, Bác Sĩ Nguyễn Xuân Chữ , nếu chỉ kể những tài liệu quan trọng nhất do những người trực tiếp liên hệ tới biến cố quan trọng này để lại.
II. Năm lần tiếp xúc và mời Việt Minh hợp tác đều bị từ chối
Trước ngày 19 tháng 8, có ít nhất năm lần chính phủ Trần Trọng Kim đã tiếp xúc với đại diện Việt Minh để mời hợp tác. Những chi tiết liên quan tới các cuộc tiếp xúc này đã được những nhân vật chính trong các biến cố này là Phan Kế Toại, Trần Trọng Kim, Hoàng Xuân Hãn và Nguyễn Xuân Chữ thuộc chính phủ của nhà vua đương thời và Lê Trọng Nghĩa, tự xưng là giáo sư Lê Ngọc trong thời gian tiếp xúc, người đại diện cho Việt Minh trong tất cả các buổi họp mặt kể lại trong hồi ký của các ông. Sau đây là một số chi tiết được chính các đương sự ghi lại.
Trần Trọng Kim, như đã nói ở trên, từ trung tuần tháng 7 đến thượng tuần tháng 8, đã ra Bắc với mục đích đòi trả lại các thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và xứ Nam Kỳ cùng các cơ sở mà người Nhật còn chiếm giữ cho chính phủ Việt Nam, trong đó có việc bãi bỏ Phủ Toàn Quyền Đông Dương, vốn có từ trước, từ thời Pháp thuộc, đồng thời đòi trả tự do cho các thanh niên theo Việt Minh đi tuyên truyền bị Nhật bắt rất nhiều ở Hà Nội. Phan Kế Toại là Khâm Sai Bắc Bộ lúc đầu, từ chức vào những giờ phút chót và được thay thế một cách không chính thức bởi Bác Sĩ Nguyễn Xuân Chữ, người được coi như chủ tịch của Ủy Ban Giám Đốc Chính Trị Miền Bắc. Ủy ban này gồm có năm người, bốn người kia là Phan Kế Toại, Trần Văn Lai (lúc đó là thị trưởng Hà Nội), Đặng Thái Mai, nhà giáo, và Nguyễn Tường Long tức nhà văn Hoàng Đạo. Lê Trọng Nghĩa, người có lẽ là đảng viên đảng Dân Chủ của hai ông Dương Đức Hiền và Vũ Đình Hòe, lúc đó đã trở thành đảng viên Đảng Cộng Sản, mới vượt nhà pha Hỏa Lò ra và được Trung Ương của Đảng Cộng Sản điều động về công tác Mặt Trận và được giao cho phụ trách khối Dân Chủ trong Mặt Trận Việt Minh ở Hà Nội và một số thành phố miền Bắc, trên lý thuyết dưới quyền Tổng Thư Ký Dương Đức Hiền nhưng trên thực tế là dưới quyền của Lê Đức Thọ, người vừa thay mặt Trung Ương Đảng Cộng Sản vừa thay mặt Tổng Bộ Việt Minh. Cả hai người này, Dương Đức Hiền và Lê Đức Thọ, lúc đó đều đi họp ở Tân Trào nên không có mặt ở Hà Nột trong thời gian tiếp xúc.
1. Cuộc họp lần thứ nhất
Cuộc họp này có tính cách sơ khởi và bí mật giữa Khâm Sai Phan Kế Toại và đại diện Việt Minh Lê Trọng Nghĩa. Thời gian là vào một buổi sáng không rõ ngày nào nhưng có lẽ vào cuối tháng bảy vì theo Lê Trọng Nghĩa, nó chỉ cách buổi móc nối tiếp theo nhằm dẫn tới cuộc tiếp xúc của ông với Thủ Tướng Trần Trọng Kim ít ngày sau đó. Địa điểm họp là Dinh Khâm Sai, trong giờ làm việc. Trong buổi họp này đại diện Việt Minh Lê Trọng Nghĩa đã trình bày chủ trương và hoạt động chống Nhật của bên mình, cục diện chiến tranh, chuyện Hoa quân nhập Việt và đồng minh có thể đổ bộ. Phan Kế Toại thì lắng nghe, hỏi và đề nghị tiếp tục giữ mối quan hệ, liên lạc nhưng “chú ý giữ kín đáo” ...Bốn chữ “chú ý giữ kín đáo” cho phép người ta nghi rằng cuộc tiếp xúc này của Phan Kế Toại là của riêng cá nhân ông.
2. Cuộc tiếp xúc lần thứ hai
Cuộc tiếp xúc này quan trọng hơn, nếu không nói là quan trọng nhất trong cả năm lần tiếp xúc vì đó là do sáng kiến của chính Thủ Tướng Trần Trọng Kim. Cả hai nhân vật chủ cốt trong trong cuộc gặp gỡ này, Thủ Tướng Trần Trọng Kim và đại diện Việt Minh Lê Trọng Nghĩa, đều đã kể lại chi tiết trong các hồi ký của mình. Thời gian gặp gỡ là đầu tháng 8, người móc nối cho cuộc gặp gỡ là Phan Kế Toại và địa điểm là phòng khách của Phủ Khâm Sai Bắc Bộ. Vì đây là một cuộc tiếp xúc quan trọng, nó phản ảnh quan điểm của cả hai phía, có những chi tiết trùng hợp và những chi tiết khác biệt, nên người viết thấy cần phải ghi lại đầy đủ theo lời của các nhân chứng, kể cả lý do của cuộc tiếp xúc để người đọc có thể đối chiếu và thấy rõ nội dung của cuộc trao đổi như thế nào.
Theo Trần Trọng Kim thì:
Đảng Việt Minh lúc ấy rất hoạt động, đánh huyện này, phá phủ kia, lính Bảo An ở các nơi, phần nhiều bị Việt Minh tuyên truyền, tuy chưa theo hẳn, nhưng không chống cự nữa. Nhân dân bấy giờ rất hoang mang, một đường có chính phủ quốc gia, nhưng vì thời gian eo hẹp, chưa kịp sắp đặt gì cả, công việc thấy có nhiều sự khốn khó mà thường nghe sự tuyên truyền của Việt Minh nói họ đã có các nước đồng minh giúp đỡ cho nước Việt Nam hoàn toàn độc lập. Dân ta từ khi bị người Pháp sang cai trị, cứ khao khát độc lập, nay nghe Việt Minh nói như thế, ai nghe nói đảng Việt Minh lên cầm quyền, dân không phải đóng thuế nữa, được hoàn toàn tự do và có nhiều hạnh phúc, thành ra ai cũng tin theo. Ngay những đạo thanh niên tiền tuyến do Bộ Thanh Niên lập ra, cũng có ý ngả về Việt Minh.
Tôi thấy tình thế ấy, tôi bảo ông Phan Kế Toại đi tìm một vài người Việt Minh đến nói chuyện, vì lúc ấy tôi còn tưởng đảng Việt Minh dù theo chủ nghĩa cộng sản, nhưng chắc cũng nghĩ đến tương lai nước nhà. Hôm sau ông Toại đưa một thiếu niên Việt Minh đến, tôi nói “chúng tôi ra làm việc chỉ vì nước mà thôi, chứ không có ý cầu danh lợi gì cả, tôi chắc đảng của các ông cũng vì nước mà hành động. Nếu vậy chúng ta tuy đi con đường khác nhau, nhưng cũng cùng một mục đích như nhau, các ông thử xem ta có thể hợp tác với nhau, kẻ ở trong người ở ngoài để cứu nước được không?”
Người ấy nói:
- Sự hành động của chúng tôi đã có chủ nghĩa riêng và có chương trình nhất định để đem nước đến chỗ hoàn toàn độc lập. Chúng tôi có thể làm lấy được.
- Sự mưu cầu cho nước được độc lập cũng là mục đích của chúng tôi nhưng vì đi đường thẳng có nhiều sự khó khăn, nên chúng tôi phải uyển khúc mà đi từ từ có lẽ chắc chắn hơn.
- Chúng tôi chỉ có một con đường thẳng để đi đến hoàn toàn độc lập chứ không có hai.
-Theo như ý của các ông như thế, tôi sợ rất hại cho dân, mà chưa chắc đã thành công được.
- Chúng tôi chắc thế nào cũng thành công. Nếu có hại cũng không cần, có hại rồi mới có lợi. Dù trong nước mười phần chết chín, chúng tôi sẽ lập một xã hội mới với một thành phần còn lại còn hơn với chín phần kia. (PCD đánh máy đậm)
Rồi người ấy đọc một bài hình như đã học thuộc lòng để kể những công việc của đảng Việt Minh. Tôi thấy thái độ người ấy như thế tôi biết không thể lấy nghĩa lý nói chuyện được.
Tôi nói:
- Nếu các ông chắc lấy được quyền độc lập cho nước nhà, các ông vào chính phủ làm việc, cần gì phải đánh phá cho khổ dân?
- Chúng tôi sẽ cướp quyền để tỏ cho các nước đồng minh biết chúng tôi mạnh, chứ không chịu cho ai nhường. (PCD đánh máy đậm).
- Các ông chắc là các nước đồng minh tin ở sức mạnh của các ông không?
- Chắc lắm. Chắc trăm phần trăm.
- Tương lai còn dài, các ông nhận lấy trách nhiệm đối với quốc dân và lịch sử.
Đại diện Việt Minh Lê Trọng Nghĩa cũng mở đầu hồi ký của ông bằng chuyến ra Bắc của Thủ Tướng Trần Trọng Kim với những mục tiêu tương tự nhưng thêm mục tiêu là để xem xét tình hình sau vụ Việt Minh đánh đồn Bần Yên Nhân. Ông viết trong hồi ký của mình:
Ngay từ phút đầu, qua thái độ và vẻ mệt nhọc, hơi khô khan của ông Kim, khi nghe ông Toại giới thiệu, tôi linh cảm thấy như cuộc gặp gỡ và cá nhân tôi không được coi trọng đúng mức. Phải chăng vì mình quá trẻ và lại chỉ đến đây có một mình, đã không có được những hình ảnh như ý ông Thủ Tướng trông đợi.
Với ý thức là một cán bộ của Mặt Trận VM, tôi đàng hoàng trình bày ngắn gọn chương trình hành động của Mặt trận, nêu lên cái ưu thế của VM là đã cùng đứng về phía Đồng Minh chống lại phát xít Nhật ngay từ nhiều năm… Ông nghe, tôi thấy cũng có vẻ chú ý nhưng không hỏi gì thêm. Rồi đến lượt ông phác ra điều mà chính phủ ông chủ trương, đã và đang làm: chương trình xây dựng một nước Việt Nam mới, chống thực dân và thống nhất... Đoạn, không đi xa thêm như lúc đầu tôi tưởng, ông lại lạnh lùng nói một cách trống không nhưng mà là để kết luận “Lịch sử sẽ phán xét công việc của chúng tôi”. Những câu nói này đã gợi cho tôi nhớ ngay đến quyển Việt Nam sử lược Trần Trọng Kim thời đi học.
So sánh các chi tiết được hai bên kể lại, người ta thấy phần quan trọng nhất của buổi họp với những lời lẽ được trao đổi liên quan tới lập luận của hai bên về đường lối đi tới hoàn toàn độc lập, những tai hại mà người dân phải lãnh chịu, đặc biệt gợi ý của Trần Trọng Kim mời Việt Minh vào chính phủ làm việc đã được Trần Trọng Kim tường thuật đầy đủ, trong khi Lê Trọng Nghĩa thì hoàn toàn không nói tới. Trái lại, người đại diện Việt Minh này lại khẳng định là Trần Trọng Kim đã không đề nghị gì cả qua câu ông viết: “Đoạn, không đi xa thêm như lúc đầu tôi tưởng, ông lại lạnh lùng nói một cách trống không nhưng là để kết luận: “Lịch sử sẽ phán xét công việc của chúng tôi!” Giữa hai tường thuật này, người viết nghĩ rằng Trần Trọng Kim đã nói thật và đầy đủ vì bản chất của ông là một nhà giáo đã lớn tuổi, một sử gia, lại chịu ảnh hưởng của Khổng Mạnh và phần nào Phật Giáo, với tư cách người có thẩm quyền cao nhất, đồng thời ông viết hồi ký của mình vào lúc về già, chưa kể tới sự mệt mỏi sau một chuyến đi dài và muốn rút lui của ông vào lúc hai bên gặp nhau. Chính người đại diện cho Việt Minh cũng nhận thấy sự mệt mỏi này của vị thủ tướng ngay lúc mới vào họp. Không những thế, mục tiêu chính yếu của Trần Trọng Kim khi yêu cầu Phan Kế Toại móc nối và cho mời đại diện Việt Minh vào gặp ông ở Dinh Khâm Sai trong chuyến ra Bắc với rất nhiều việc phải làm trong lúc tình hình vô cùng cấp bách không thể chỉ là để tìm hiểu suông. Cuối cùng là trong câu “Lịch sử sẽ phán xét công việc của chúng tôi!” hai chữ “chúng tôi” hoàn toàn lạc lõng không hợp với toàn thể mạch văn. Chúng phải là “các ông” như trong câu của Trần Trọng Kim và cả phần đối thoại với những lời căn vặn được lập đi, lập lại như Trần Trọng Kim thuật lại mới hợp lý.
Nếu ta tin rằng Trần Trọng Kim đã nhớ đầy đủ và đã tường trình trung thực về cuộc gặp gỡ này thì câu hỏi tiếp theo sẽ là tại sao Lê Trọng Nghĩa lại nói ngược lại: Trần Trọng Kim đã không đi xa hơn nữa? Ta có thể có hai giải thích. Thứ nhất, Lê Trọng Nghĩa sống trong chế độ cộng sản khi viết hồi ký này, do đó đã bị cấm hay không dám viết hết sự thực, nhất là sự thực về bản chất luôn luôn tìm cách chiếm đoạt và sau đó là giữ độc quyền lãnh đạo đất nước bằng mọi giá, mọi phương tiện kể cả những phương tiện bất nhân tàn bạo nhất qua câu nói “mười phần chết mất chín, chúng tôi sẽ lập một xã hội mới với một phần còn lại, còn hơn với chín phần kia”, một câu nói không một nhân vật nào dám nói trong suốt lịch sử dân tộc kể cả vào những lúc nguy nan nhất. Một câu nói có thể là do tuổi trẻ bồng bột nhưng cũng có thể ông đã được nghe trong khi được các lãnh tụ Cộng Sản huấn luyện. Nên nhớ là theo Lê Trọng Nghĩa, Lê Đức Thọ là cấp trên trực tiếp của ông, từ đó ông chỉ là kẻ thừa hành. Giải thích thứ hai là Lê Trọng Nghĩa mang mặc cảm bị coi thường vì còn quá trẻ trước một vị giáo sư già và nổi tiếng đương thời. Sự kiện còn quá trẻ của người đại diện Việt Minh được cả hai bên ghi nhận. Trần Trọng Kim gọi Lê Trọng Nghĩa là thiếu niên (ông Toại đưa một thiếu niên đến), còn chính đương sự thì dùng chữ quá trẻ (Phải chăng vì mình quá trẻ). Trần Trọng Kim chỉ kể như vậy thôi, không nói thêm gì về yếu tố này mà chuyển ngay sang phần nội dung của cuộc trao đổi. Còn Lê Trọng Nghĩa thì ngay từ lúc đầu đã cho biết là ông linh cảm thấy như cuộc gặp gỡ và cá nhân ông không được coi trọng đúng mức. “Phải chăng vì mình quá trẻ và lại đến đây có một mình, đã không có được những hình ảnh như ý ông thủ tướng trông đợi..... Lúc ấy, tôi đã cảm thấy hơi nóng nóng mặt”. Những chi tiết này cho phép ta đặt giả thuyết rằng phải chăng ngay từ phút đầu tiên, người thiếu niên đại diện cho Mặt Trận Việt Minh đã bị mặc cảm quá trẻ, bị coi thường, từ đó phần nào mất bình tĩnh, không còn nghe rõ và nghe hết những gì người mà ông có dịp gặp gỡ đã đề nghị hay vặn hỏi, để chỉ còn trả lời ngang bướng như đã được học và như một thiếu niên còn nông nổi, ở tuổi trên dưới hai mươi mà thôi. Cuối cùng với tâm trạng đầy bất mãn, bực tức và mặc cảm, ông đã kết luận rằng “từ đó tôi cảm thấy không hào hứng và quan tâm nhiều lắm nữa đến mối liên lạc với các lãnh đạo cao cấp chóp bu của chính quyền để dồn hết tâm sức đẩy nhanh việc xây dựng lực lượng - mà tôi thấy rõ lúc đó còn đuối (PCD đánh chữ đậm) - để chuẩn bị gấp cho cuộc võ trang khởi nghĩa như chỉ thị của trung ương đã nêu và tình hình đang thôi thúc...” và tất cả những gì ông nói với hay trả lời Trần Trọng Kim đều là dựa theo cấp trên của ông hay xa hơn, chỉ thị của Trung Ương Đảng Cộng Sản và những gì ông được học tập trước đó. Điều này cũng cho thấy là trong thời gian này Lê Trọng Nghĩa hoạt động một mình; các người trực tiếp lãnh đạo của ông như Lê Đức Thọ, Dương Đức Hiền đều đã đi họp ở Tân Trào. Những người khác đứng sau lưng ông lúc đó cũng chưa nhận được chỉ thị nào rõ rệt. Ta cũng nên để ý là trong phần trình bày hoạt động của Việt Minh, Lê Trọng Nghĩa có “nêu lên cái ưu thế của VM là đã cùng đứng về phía Đồng Minh chống lại phát xít Nhật ngay từ nhiều năm”… Đây là một yếu tố quan trọng trong sách lược tuyên truyền của Việt Minh đương thời được nhiều người nhắc tới và tin tưởng mà Lê Trọng Nghĩa đã học thuộc lòng.
3. Cuộc tiếp xúc lần thứ ba: Việt Minh đòi Phan Kế Toại từ chức trao chính quyền cho mình
Cuộc họp này xảy ra vào buổi sáng ngày 16 tháng 8 tại Dinh Khâm Sai và cũng do Phan Kế Toại đứng ra móc nối. Người được tìm kiếm cũng là Giáo Sư Lê Ngọc, bí danh của Lê Trọng Nghĩa. Về chi tiết của cuộc tiếp xúc này, ta chỉ có bài hồi ký của ông này. Phan Kế Toại không để lại hồi ký và luôn cả truyện kể cho người thứ ba. Viên chánh văn phòng và hai hay ba cộng sự viên của ông cũng như các nhân vật mang tên Khang và Trần Đình Long cũng vậy. Ông Khang lúc ấy đã chính thức trở thành Chủ Tịch Ủy Ban Quân Sự Cách Mạng Hà Nội, còn Trần Đình Long là một thứ cố vấn mới được xứ ủy Đảng Cộng Sản cử đến. Lần này có lẽ vì tình hình khẩn trương hơn trước và vì tổ chức của Việt Minh và Đảng Cộng Sản ở Hà Nội đã rõ ràng, kèm theo với các nhân sự với những chức vụ đứng đầu, đồng thời rút kinh nghiệm lần trước, bên phía Việt Minh có tới ba đại diện, thay vì một người. Nội dung của cuộc trao đổi cũng đã được Lê Trọng Nghĩa tường thuật chi tiết và đầy đủ hơn có lẽ là vì sự có mặt của nhiều người nên không còn sợ như trước. Nguyên văn lời kể như sau:
Hai bên đều nhấn mạnh đến tình hình khẩn cấp, lợi ích cao cả của đất nước, vận mệnh dân tộc... Ông Khâm sai chính thức mời Mặt trận Việt Minh cộng tác với Chính phủ cụ Trần và vui lòng chờ Mặt trận cử người tham gia Chính phủ. Từ tốn, lịch sự, anh Khang đã thẳng thắn đáp lại là tốt nhất ông Toại nên từ chức (PCD đánh chữ đậm), trao chính quyền lại cho VM, chúng tôi đã đủ danh nghĩa và đã sẵn sàng. Anh còn đề xuất thêm việc chuyển số vũ khí nghe nói Nhật sắp giao cho Phủ Khâm sai... để chống thực dân đang lăm le đe dọa.
Phát biểu của đại diện Việt Minh cho ta thấy rõ chủ tâm từ đầu đến cuối của họ trong thời gian này là phải cướp toàn bộ quyền hành thay vì chỉ tham gia chính phủ đúng với chủ trương căn bản của họ: Đảng Cộng Sản phải là đảng cầm quyền và duy nhất cầm quyền. Đồng thời họ cũng muốn có thêm võ khí do người Nhật cung cấp để dùng vào các cuộc bạo động khi cần. Người chủ động cho phía Việt Minh kỳ này không còn là Lê Trọng Nghĩa mà là Nguyễn Khang.
4. Cuộc tiếp xúc lần thứ tư: Việt Minh nắm các vùng nông thôn để cho Chính Phủ quản lý các thành phố lớn mà nói chuyện với Đồng Minh không thì nguy cả
Cuộc tiếp xúc này xảy ra vào lúc 8 giờ sáng ngày 18 tháng 8, một ngày trước khi xảy ra biến cố 19 tháng 8 và đại diện cho phía chính phủ là Bộ Trưởng Giáo Dục và Mỹ Thuật Hoàng Xuân Hãn, một nhà giáo, đồng thời cũng là một nhà nghiên cứu về lịch sử và văn hóa Việt Nam có uy tín, một học giả lỗi lạc, bậc thày đáng kính (lời của Lê Trọng Nghĩa) nhất đương thời. Vào lúc này tình thế đã không còn như trước nữa vì từ ngày hôm trước, ngày 17, Việt Minh đã cướp ngang được cuộc biểu tình của Tổng Hội Công Chức để mừng đất nước được hoàn toàn độc lập sau khi Nhật Bản đã đầu hàng và để ủng hộ Nhà Vua và chính phủ Trần Trọng Kim. Chi tiết về cuộc biểu tình và chuyện Việt Minh cướp máy vi âm để biến tất cả thành của Việt Minh đều đã được các sách giáo khoa cũng như các sách khác ở trong vùng Quốc Gia hay ở Miền Nam nói tới đầy đủ, còn các sách ở miền Bắc trước kia và luôn cả hiện tại đã nói rất sơ lược hay không hề đả động tới. Đồng thời Việt Minh cũng đột nhập vào tòa soạn báo Tin Mới, dùng võ lực bắt ép báo này phải loan những tin tức có lợi cho họ. Khâm Sai Phan Kế Toại thì đã bỏ nhiệm sở. Địa điểm của cuộc tiếp xúc lần này là ngôi nhà số 101 đường Gambetta, nay là đường Trần Hưng Đạo, một biệt thự của Nguyễn Bá Chính một công chức cao cấp, thân thuộc của Tổng Đốc Hoàng Trọng Phu, từ lâu đã để cho Việt Minh sử dụng như trụ sở chính của họ ngay tại Hà Nội. Lê Trọng Nghĩa, tác giả của hồi ký duy nhất có nói về cuộc gặp gỡ này và cũng là người duy nhất đã tiếp chuyện Hoàng Xuân Hãn vì hai thượng cấp của ông Nghĩa, người mang tên Khang (đúng hơn là Nguyễn Khang) bận ở phòng bên cạnh (hay không muốn tiếp, hay thấy không cần tiếp nữa) đã kể lại như sau:
Đúng hẹn 8 giờ sáng, ông Hãn một mình đến, được mời vào phòng giữa, phòng khách của gia đình trước bố trí bộ xa lông gụ đen, nửa cổ nửa kim mà ông chủ nhà tốt bụng còn để nguyên lại đó. Ông ăn mặc chỉnh tề (so với chúng tôi quần dài, sơ mi vắn tay) trông vẻ hiền lành nhưng không giấu được những cử chỉ hấp tấp của người đang xúc động. Tôi trịnh trọng mời. Ông cũng không chờ thêm, tự giới thiệu ngay là người đại diện cao cấp nhất của Thủ tướng Chính phủ tại Hà Nội lúc đó, đến để thông báo một tin, đúng hơn là những tin thực hết sức bất ngờ:
Ông cho biết ông Khâm sai Phan Kế Toại ngay từ đêm 17 (!) đã từ bỏ nhiệm vụ và rời nhiệm sở (Dinh Khâm sai). Chính phủ Nhà Vua hôm nay, 18, đã cử bác sĩ Nguyễn Xuân Chữ, Chủ tịch UB Chính trị kiêm nhiệm thay... Tôi nghe mà giật mình. Ông lại chầm chậm tiếp, đại ý nói Việt Minh các ông chắc đã kiểm soát được tất cả thôi. Nhưng chúng tôi biết chắc chắn có tin quân đội Đồng minh đã bắt đầu lên đường chia nhau vào chiếm nam, bắc vỹ tuyến 16 nước ta rồi. Ông ngừng lấy hơi rồi rồi như tự than: đất nước đang có nguy cơ đe dọa lại bị xâm chiếm và chia cắt một lần nữa thôi! Tôi như ù tai, nhưng cũng còn nghe ông nói: Chúng ta hãy tiếp tục thương thảo, nói chuyện với nhau. Ông gợi ý luôn: Việt Minh các ông cứ nắm tất cả các vùng nông thôn nhưng để cho Chính phủ quản lý một số thành phố lớn, cốt để có danh nghĩa mà nói chuyện với Đồng Minh trong lúc này, không thì nguy cả...
Lời tường thuật kể trên cho ta thấy trái với chủ trương duy nhất là cướp chính quyền của Việt Minh, chủ trương của Hoàng Xuân Hãn, người đại diện cho Chính Phủ Trần Trọng Kim, là làm tất cả những gì có thể làm được để đối phó với tình hình nguy ngập ở thời điểm này bằng cách giữ chính phủ hợp pháp để “có danh nghĩa mà nói chuyện với Đồng Minh” bảo vệ đất nước, tránh “bị xâm chiếm và chia cắt một lần nữa”, “không thì nguy cả”.
5. Cuộc tiếp xúc lần thứ năm: chỉ là để do thám tình hình
Đây là cuộc tiếp xúc cuối cùng, trước khi xảy ra cuộc “cướp chính quyền”, chữ Lê Trọng Nghĩa dùng trong hồi ký của ông. Cuộc tiếp xúc này cũng xảy ra vào ngày 18 tháng 8, vào lúc 2 giờ chiều. Người đại diện cho Chính Phủ là Bác Sĩ Nguyễn Xuân Chữ, và đại diện cho Việt Minh vẫn là Lê Trọng Nghĩa và địa điểm là Dinh Khâm Sai. Lần này sáng kiến đã đến bất ngờ và từ phía Việt Minh, và nhằm do thám tình hình chứ không phải là để đối thoại hợp tác.
Theo Lê Trọng Nghĩa, sau khi gặp Hoàng Xuân Hãn, Lê Trọng Nghĩa đã sang phòng bên gặp thượng cấp của mình để tường trình thì …Ai đó lại lên tiếng ngay: “Này, cậu phải nhanh chân nữa lên, vào ngay Dinh Khâm Sai xem sao đi, khéo mà họ - tôi nắm bắt được ý là nói đến Đại Việt – nẫng tay trên mất thì toi cả nút đấy! Cuộc gặp gỡ lần chót này được cả hai phía là Bác Sĩ Nguyễn Xuân Chữ và đại diện Việt Minh Lê Trọng Nghĩa kể lại qua hồi ký của hai người. Điều cần biết là Bác Sĩ Chữ lúc này là Chủ Tịch Ủy Ban Giám Đốc Chính Trị Miền Bắc. Xin được nhắc lại là Ủy Ban này gồm có năm ủy viên là Phan Kế Toại, Trần Văn Lai, lúc đó là Thị Trưởng Hà Nội, Đặng Thái Mai, Nguyễn Tường Long và Nguyễn Xuân Chữ. Nhưng vào thời điểm này Phan Kế Toại đã từ bỏ nhiệm sở, Đặng Thái Mai thì tản cư vào Thanh Hóa chưa về, Nguyễn Tường Long thì bị bịnh thương hàn phải vào nằm bệnh viện, còn Trần Văn Lai thì bận việc bên Tòa Thị Chính nên chỉ có một mình Bác Sĩ Chữ với vị thế không rõ ràng, “khâm sai không ra khâm sai, chủ tịch không ra chủ tịch” như nhận định của chính ông, đảm đương mọi chuyện, ra lệnh không ai thi hành. Về buổi họp này, hai hồi ký đã kể lại khác nhau.
Theo Lê Trọng Nghĩa thì “Mười bốn giờ ngày 18, tôi một mình đạp xe đạp tới Dinh Khâm Sai. Ông Chữ, ông Chương, ông Chánh văn phòng và một số người nữa đã thấy tề tựu, có vẻ nôn nóng chờ.” Còn theo Bác Sĩ Chữ thì “Tối thứ Bẩy, thanh niên Việt Minh, lần này đến có một người, gặp lại mỗ y sĩ.” Tại sao lại có sự sai biệt về giờ giấc như vậy và tại sao không hẹn trước khi đến mà khi Lê Trọng Nghĩa tới nơi thì toàn bộ ban tham mưu của Bác Sĩ Chữ đã tề tựu và nôn nóng chờ? Riêng Bác Sĩ Chữ đã dùng hai chữ “lần này” trong lời tường thuật của ông và trong phần trước còn cho biết thêm là trước đó ông đã có dịp gặp người thanh niên ở Phủ Khâm Sai do Phan Kế Toại mời cả hai bên tới. Nhưng dù được tường thuật khác nhau, cuộc gặp gỡ lần cuối này cũng đã không mang lại kết quả gì vì bên Việt Minh đã có mục tiêu tối hậu của họ, có đến chỉ là để do thám tình hình và rất vội vã vì sợ “Đại Việt nẫng tay trên thì toi cả nút”, còn một bên thì vừa mới lãnh trách nhiệm trong cùng ngày, còn rất nhiều do dự, lại biết rõ kẻ địch là Cộng Sản và chỉ muốn cướp chính quyền. Có họp cũng vô ích. Một chi tiết đáng chú ý do Bác Sĩ Chữ ghi lại là trong cuộc gặp này thanh niên có hỏi ông là “ai đã ra lệnh tăng cường phòng thủ Bắc Bộ Phủ?” Đây là một câu hỏi liên quan tới một sự kiện sáng hôm sau mới xảy ra mà ngay tối hôm trước Lê Trọng Nghĩa đã biết và vặn hỏi. Điều này chứng tỏ những gì xảy ra ở Bắc Bộ Phủ, Việt Minh đều được mật báo cho biết trước, đồng thời phải chăng khi đặt câu hỏi này, Lê Trọng Nghĩa đã ngầm đe dọa Bác Sĩ Chữ?
Nói tóm lại, trong năm lần gặp gỡ kể trên, ngoại trừ cuộc gặp gỡ lần thứ năm, bốn lần đầu, lần nào phía chính phủ cũng đưa ra những đề nghị mời Việt Minh vào chính phủ làm việc để cứu nước nhưng tất cả đều bị từ chối. Lý do là Việt Minh, với Đảng Cộng Sản đứng đằng sau, đã chủ trương cướp chính quyền để từ đó một mình lãnh đạo đất nước để thực hiện cuộc cách mạng riêng của mình, bất chấp mọi nguy hiểm có thể xảy ra cho dân tộc, phản ảnh qua những câu trả lời của người đại diện Việt Minh cho những câu hỏi do chính Thủ Tướng Trần Trọng Kim đặt ra và kể lại. Biến cố 19 tháng 8 do đó đã xảy ra và làm lỡ dở cuộc cách mạng phi bạo lực hướng tới độc lập, thống nhất, tự do và dân chủ từ trên xuống của giới sĩ phu tân học đương thời.
III. Cách Mạng hay Cướp Chính Quyền - Chữ cướp do ai đặt ra?
Việt Nam ta nổi lên
Đạp phăng quân giặc Pháp!
Phá tan lũ cường quyền
Cướp lấy chính quyền!
Một hai ta đi một hai...
(Lời một bài hát phổ thông thời năm 1945)
Sau 70 năm, nhìn lại không thể gọi biến cố đó là Cách mạng tháng Tám. Gọi vậy là “ngoa ngôn”, là “đại ngôn”, vì “cách mạng” là phải thay đổi hẳn chế độ cai trị, đổi mới hoàn toàn bản chất chế độ, đem lại dân chủ, tự do cho mọi công dân, quyền tự do bình đẳng trong kinh doanh, cốt lõi là tự do ngôn luận, tự do báo chí.
(Bùi Tín, Cựu Đại Tá Quân Đội Nhân Dân Việt Nam, nguyên Phó Tổng Biên Tập Nhật Báo Nhân Dân)
Từ ngữ cách mạng trong lịch sử Việt Nam hiện đại là một từ ngữ mới, nhưng là một từ ngữ đẹp. Nó liên hệ chặt chẽ với cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc, sự hy sinh và lòng ái quốc chung của hầu hết mọi người Việt Nam. Điển hình là trường hợp của Nguyễn Thái Học và Việt Nam Quốc Dân Đảng mà chính những người Cộng Sản cũng phải công nhận. Cách Mạng là đánh đuổi người Pháp, giành độc lập cho Việt Nam dù phải hy sinh, kể cả hy sinh hạnh phúc của gia đình mình và luôn cả mạng sống của chính mình. Chính vì vậy có một thời tham gia hoạt động chống Pháp nói chung hay tham gia các phong trào giành độc lập cho đất nước đã được người ta gọi chung là tham gia cách mạng, là làm cách mạng dù là thuộc khuynh hướng nào. Cướp, trái lại, là một từ ngữ xấu, là dùng bạo lực, thường là bất hợp pháp và công khai hay bằng mưu mô, lừa lọc trước đó để giật từ tay người khác cái gì không phải là của mình, đặc biệt là vào những lúc tình hình hỗn loạn, an ninh không được bảo đảm. Hai từ ngữ hoàn toàn không giống nhau nếu không nói là trái ngược nhau đứng trên quan niệm giá trị đạo đức. Điều nghịch lý ở đây là chữ cướp đã được chính Việt Minh, những người tạo ra biến cố 19 tháng 8 năm 1945 dùng để chỉ việc làm của mình. Bằng chứng là ngay từ trước ngày 19 tháng 8, khi Mặt Trận này, qua những bài hát hay những khẩu hiệu, tuyên truyền thúc đẩy người dân nổi lên chống lại chính quyền đương thời, chính quyền Bảo Đại-Trần Trọng Kim, chữ cướp đã được dùng để diễn tả mục tiêu của các cuộc nổi dậy của mình. Điển hình trong số những bài hát rất phổ thông ở thời này là bài Một Hai Ta Đi Một Hai với nguyên văn sau sáu, bảy chục năm nhiều người vẫn còn nhớ:
Một, hai ta đi một hai...
Tiền xưa đã tranh đấu
Còn nhiều con đường máu
Ta xá chi chông gai!
Việt Nam ta nổi lên
Đạp phăng quân giặc Pháp!
Phá tan lũ cường quyền
Cướp lấy chính quyền!
Một hai ta đi một hai...
Tuy nhiên đó chỉ là một bài hát phổ thông. Trên tờ Việt Nam Độc Lập cơ quan chính thức của Mặt Trận Việt Minh, Tỉnh Bộ Cao Bằng lúc đầu do chính “đồng chí” Nguyễn Ái Quốc sáng lập và chăm sóc những ngày đầu, trong số 226, đề ngày 20-8-1945 có đăng một bài thơ với nhan đề “Cướp Ngay Chính Quyền” với nguyên văn như sau:
“CƯỚP NGAY CHÍNH QUYỀN”
Chính phủ phát xít Nhật hoàng,
Đã vô điều kiện đầu hàng đồng minh.
Thế là kết thúc chiến tranh,
Á châu sẽ lại thái bình từ nay!
Hỡi dân Nam Việt ta đây,
Trong tình thế ấy làm ngay việc cần:
Việt Minh hiệu triệu toàn dân,
Lập ngay chính phủ nhân dân của mình….
Sau này, có lẽ vì thấy chữ “cướp” không được đẹp cho biến cố vô cùng quan trọng trong lịch sử của đảng mình, người Cộng Sản đã thay thế bằng chữ “giành” nhưng ý nghĩa của cả hai chữ trong trường hợp này vẫn là một.
Về phía người Việt không Cộng Sản, việc sử dụng những từ ngữ này thoạt tiên là do những người đương thời có dịp tham gia hay chứng kiến biến cố 19/8/1945 lúc khởi đầu. Họ có thể là những người chống đối ngay từ trước nhưng cũng có thể là những người đã vì lý do này hay lý do khác theo và ủng hộ Việt Minh trong buổi đầu rồi sau đó chuyển hướng, chưa kể tới đa số quần chúng nông nổi, bị hướng dẫn sai lạc và luôn cả hiếu kỳ. Điều cần được ghi nhớ là những người Cộng Sản trong thời gian trước biến cố này đã quyết tâm và dùng đủ mọi thủ đoạn để lôi cuốn quần chúng theo mình trong đó có tuyên truyền, dối trá, dọa dẫm xuyên qua những đội võ trang tuyên truyền của họ. Sự kiện này đã được Trần Trọng Kim và Nguyễn Xuân Chữ nói rõ trong các hồi ký của các ông. Riêng Nguyễn Tường Bách, một lãnh tụ Đại Việt Dân Chính đương thời đã kể lại kinh nghiệm cá nhân của ông khi ông cùng với nhà văn Khái Hưng đến gặp Dương Đức Hiền, lãnh đạo Đảng Dân Chủ, lúc đó đã gia nhập Việt Minh. “Nếu các anh cứ lừng khừng như thế mãi, thì có ngày Nhật sẽ beng đầu các anh, mà nếu không thì cách mạng sẽ beng đầu các anh!” (PCD đánh chữ đậm) là câu nói nguyên văn của Dương Đức Hiền với Nguyễn Tường Bách và Khái Hưng nhằm thuyết phục hai người này phải dứt khoát gia nhập Việt Minh. Tất nhiên là hai người không sợ vì đã có lập trường từ trước, nhưng với những người khác thì sợ, nhất là những người có dính dáng với chính quyền Pháp và quân đội Nhật trước kia và trong thời đó, đúng như phân tích của Nguyễn Xuân Chữ về thành phần của những người theo Việt Minh trong hồi ký của ông. Không sợ sao được khi mình có quá khứ thân hay đã cộng tác với Pháp hay Nhật, khi báo chí bí mật không ngớt nhấn mạnh đến tinh thần triệt để cách mạng và phải thẳng tay trừng trị bọn “bù nhìn tay sai bán nước” một cách có phân biệt, luôn cả sự trừng phạt của Đồng Minh. Công tác trừ gian, trừng trị một cách đích đáng, chính xác có chọn lọc “một số tên đầu sỏ” như “trùm mật thám ác ôn” (Phán Sinh, Võ Văn Cầm, Nga Thiên Hương, Đỗ Đức Phin...) đang được đầu óc giầu tưởng tượng của quần chúng thổi phồng lên như những câu chuyện thần thoại. Bằng chứng cụ thể là một truyền đơn ký tên Đội Danh Dự Việt Minh nguyên văn được in trong Tổng Khởi Nghĩa Tháng Tám, Tài Liệu Tham Khảo Lịch Sử Cách Mạng Cận Đại Việt Nam do Trần Huy Liệu và Văn Tạo biên soạn như sau:
Việt minh là một đoàn thể cách mạng chân chính yêu nước, đang hô hào dân chúng chống nộp thóc, nộp thuế đi lính, đi phu cho giặc Nhật, đang sửa soạn tổng khởi nghĩa đánh đuổi giặc Nhật, lấy lại nước Việt Nam mưu sung sướng cho nhân dân.
Ai vào Việt minh hoặc ủng hộ Việt minh là người có công yêu nước, đáng được hoan nghênh.
Ai đã hại Việt minh hay đang mưu hại Việt minh là có tội với nước, đáng xử tử.
[…] Những kẻ đáng bị xử tử như lý trưởng Phách làng Bần yên nhân tỉnh Hưng yên, phó lý Khám làng Vĩnh lạc, phủ Mỹ Đức tỉnh Hà đông ức hiếp bóc lột nhân dân, tâng công hãm hại cách mạng, đều đã bị đội danh dự Việt minh bắn chết. Những tên mật thám thực thụ của Nhật như Nguyễn Thiện Giám (Sơn tây), Ngô Xuân Điều (Hải phòng), Hoàng Sĩ Nhu và Cai Long (Hà nội) v.v… cũng đều đã chết không kịp ngáp dưới mũi súng Việt minh. (PCD đánh đậm)
Giặc Nhật sắp chết rồi!
Bạn của Nhật là Đức, Ý đã ngã quỵ, Nhật đang thua liểng xiểng ở Diến-điện, Thái bình dương và chính đất Nhật. Việt minh quyết cùng các bạn Đồng minh Anh, Mỹ, Trung-hoa, tống cổ Nhật ra khỏi xứ Đông dương nay mai. Việt minh quyết lấy lại nền độc lập của dân tộc Việt nam.
Giặc Nhật chết, bọn tay sai của Nhật tất phải rụng đầu.
Kẻ nào tin Nhật thắng trận cuối cùng là kẻ ngu dân bị nhồi sọ, kẻ nào tin chính phủ Trần Trọng Kim không phản nước hại dân và sẽ đứng vững là những kẻ khờ khạo bị lừa bịp, kẻ nào nghe theo bọn Tân Việt Nam Quốc dân đảng, Đại Việt quốc gia liên minh, Thanh niên ái quốc hội,v.v… là những kẻ tự lao mình xuống hố.
Đội danh dự Việt-minh nhắc cho những kẻ đó mau mau tỉnh ngộ quay về đường đại nghĩa “Kháng Nhật cứu nước” cho xứng đáng là dân tộc Việt nam.
Đội danh dự Việt minh cũng cảnh cáo cho những kẻ nào đang manh tâm hại Việt minh, hại dân hại nước phải mau mau, đổi lại ý nghĩ và hành động mới mong bảo đảm được tính mệnh.
Đội trinh thám Việt minh luôn luôn để tai mắt vào việc làm của những bọn đó.
Ai muốn có công với nước? Ai muốn có tội với nước?
Công được hoan nghênh!
Tội phải xử tử!
ĐỘI DANH DỰ VIỆT MINH
Các đội tuyên truyền võ trang do Võ Nguyên Giáp chỉ huy được thành lập chắc chắn cũng để làm những công tác này chứ không phải chỉ là để đánh mấy đồn Nhật. Một trong số những người đã tham gia các đội danh dự này là Nhạc Sĩ Văn Cao. Người ta khó mà hiểu được trường hợp hoàn toàn nghịch lý trong con người của Văn Cao khi đối chiếu những bài hát mang đầy mầu sắc hoài cổ, vô cùng đẹp đẽ và lãng mạn, ở trình độ cao, ông làm trước đó với thái độ của ông khi ông chờ đợi lãnh khẩu súng và tham gia đội vũ trang: “Hôm nay phố đông người hơn và tôi thấy lòng vui hơn. Tôi đang chờ nhận một khẩu súng và được tham gia vào đội vũ trang”. Không chỉ dùng thủ đoạn với người khác, các người chủ động còn dùng thủ đoạn với chính đồng bạn của mình. Lê Trọng Nghĩa khi kể lại hoạt động của ông trong ngày 19/8 đã cho biết ông luôn luôn dẫn đầu, còn những nhân vật lãnh đạo của ông mang tên Khang (tức Nguyễn Khang, Xứ Ủy), tên Bình (Trần Tử Bình, cố vấn) thay vì đi trước ông, đã đi theo sau ông cả chục mét cho đến khi tình hình đã rõ rệt, Bác Sĩ Chữ ra, hạ lệnh cho Bảo An mở cổng, mọi người ùa vào, mới “từ dưới vọt lên”. Để làm gi? Ai cũng có thể đoán được, y hệt sự kiện xua đàn bà, trẻ con đi trước trong các cuộc biểu tình chống chính quyền ở miền Nam sau này mà báo chí hay nhiều người đã thuật lại.
Câu hỏi tiếp theo là, ngoài chuyện cướp của ai, khi nói tới “cướp”, người ta phải hiểu thêm là cướp cho ai? Lê Trọng Nghĩa, cũng trong hồi ký của ông, đã nói rõ “cướp chính quyền về tay mình” và để sáu chữ này vào trong ngoặc kép. Để trong ngoặc kép có nghĩa là đó không phải những chữ ông dùng mà là của người khác, rõ hơn là của cấp trên trong đảng Cộng Sản của ông mà ông đã theo lệnh. Chưa đủ, ông còn giải thích trong ngoặc đơn: (lúc đó có nghĩa là, như là ở một vài nơi đã làm: chiếm cơ quan, huyện, phủ đường và bắt giữ những người đương chức cầm đầu chống đối…) và hai chữ “cho mình” ở đây người ta phải hiểu là cho Việt Minh, cho Đảng Cộng Sản, ở thời điểm cuối tháng 8 đầu tháng 9 năm 1945.
Danh từ cách mạng còn được hiểu là thay thế cái cũ tệ hại bằng một cái mới tốt hơn, trong chính trị là thay một chế độ với những nhân vật tồi tệ, bất nhân bằng một chế độ tốt hơn, với những nhân vật tốt hơn, có khả năng hơn, hợp thời thế hơn và đạo đức hơn, đặc biệt là trong một xã hội chịu ảnh hưởng của học thuyết Khổng Mạnh với phần nào của quan niệm về Thiên Mạng của nhà vua nhằm thay thế một hôn quân, bạo chúa. Áp dụng nhận định này vào biến cố 19 tháng 8, bình thường người ta phải suy luận là chính phủ Trần Trọng Kim phải là một chính phủ ác ôn, tệ hại, là Việt gian, bù nhìn, tay sai, thân Pháp, thân Nhật. Điều này như người viết đã trình bày ở trên là hoàn toàn không đúng. Ngoài những lý do đã được nêu, ngay chính người đại diện Việt Minh, Lê Trọng Nghĩa, cũng phải công nhận là chính phủ này “vẫn còn có sức thu hút” trong những ngày cuối của nó, khi ông nói tới một buổi họp đầy xúc động của nhiều nhân vật thuộc nhóm Thanh Nghị, có lẽ là buổi họp cuối cùng để chia tay, trong đó chỉ có Vũ Đình Hòe và Đỗ Đức Dục dứt khoát ra chiến khu với Việt Minh. Những người khác đều ở lại.
Nguyên văn lời kể của Lê Trọng Nghĩa như sau:
Các anh Vũ Đình Hoè, Đỗ Đức Dục dứt khoát ra chiến khu với Việt Minh. Còn một số các vị, lớp trí thức đàn anh, có người nghỉ, có người lại lên đường trở về với Chính phủ Huế (lúc này là Chính phủ do Trần Trọng Kim làm thủ tướng), nhưng lòng đầy trăn trở.
Nghe anh kể, tôi cảm nhận được là lúc này đương diễn ra một sự kiện khá quan trọng. Nhóm Thanh Nghị vốn là một nhóm trí thức nhân sĩ có tiếng, có uy tín và được nhiều giới mến phục ở thủ đô, cũng như ở miền Bắc và miền Trung, nổi lên trong và sau thời kỳ Nhật - Pháp cấu kết với nhau, khủng bố dữ dội phong trào dân chủ yêu nước những năm 42, 43… Trong Thanh Nghị có các nhà trí thức được coi vào lớp đàn anh như ông luật sư Phan Anh hùng biện và các vị trong nhóm “Trois H” (như anh em sinh viên thường gọi): Hoàng Xuân Hãn, Vũ Văn Hiền, Nguyễn Văn Huyên.
Nhưng qua đó tôi lại thấy được rằng Chính phủ của nhà học giả Trần Trọng Kim, đang bị khủng hoảng nghiêm trọng, nhưng vẫn còn có sức thu hút và đang được người Nhật hỗ trợ nhằm tập hợp lực lượng để vươn lên trong tình hình mới.
Nhóm Thanh Nghị và rộng ra là Hội Tân Việt Nam ở thời điểm này, một hội được thành lập theo Dụ số 7 của Vua Bảo Đại, đã thu hút được rất đông trí thức tên tuổi đương thời. Hội đã dùng tờ Thanh Nghị làm cơ quan ngôn luận để phổ biến tư tưởng trong giới trí thức, thanh niên, sinh viên. Các nhân vật tham gia vận động thành lập buổi đầu gồm có các trí thức nổi tiếng đương thời như các ông Đào Duy Anh, Phan Anh, Phạm Đỗ Bình (tức Nhật Trương), Đỗ Đức Dục, Ngô Thúc Địch, Trần Khánh Giư (tức Khái Hưng), Ngô Tử Hạ, Vũ Văn Hiền, Vũ Đình Hòe,, Nguyễn Văn Huyên, Trần Duy Hưng, Ngụy Như Kontum, Nguyễn Lân, Vũ Đình Liên, Phạm Lợi, Nguyễn Ngọc Minh, Nguyễn Quang Oánh, Tôn Quang Phiệt, Phạm Khắc Quảng, Phan Huy Quát, Ngô Bích San, Nguyễn Hữu Tảo, Hoàng Thúc Tấn, Nguyễn Đình Thụ, Hoàng Phạm Trân (tức Nhượng Tống), Bùi Như Uyên, Lê Huy Vân, Nguyễn Xiển, Nghiêm Xuân Yêm, và do Vũ Đình Hòe làm tổng thư ký. Cả một nhóm đông như vậy mà chỉ có hai người quyết định ra chiến khu theo Việt Minh chứng tỏ đa số đã đứng về phía chính phủ, ít ra là cho đến thời điểm này, đặc biệt nếu ta để ý tới chủ trương của hội này như giữ vững nền độc lập và thống nhất quốc gia Việt Nam trong phạm vi Đại Đông Á, đoàn kết hết thảy các giới trong xã hội và các khuynh hướng chính trị..., những chủ trương phù hợp với chủ trương của Chính Phủ của Thủ Tướng Trần Trọng Kim và của Hoàng Đế Bảo Đại. Hai chữ “cách mạng” trong trường hợp này do đó cần phải được xét lại, ít nhất là bởi các sử gia, những người có trách nhiệm tìm sự thực của quá khứ, nhất là sự thực liên hệ tới Trần Trọng Kim và Hoàng Xuân Hãn, hai nhà nghiên cứu sử học tiền phong của thời hiện đại, đồng thời cũng là hai nhà giáo dục lớn, những người đã đặt những viên đá đầu tiên cho nền giáo dục bằng tiếng Việt Nam của một nước Việt Nam độc lập.
Ngày 19/8 mở đầu cho một khúc quanh đầy nguy hiểm và nhiều ngã rẽ trong lịch sử Việt Nam và đám đông người Việt vì quá bồng bột, kém cỏi, vừa quá nóng lòng, quá tha thiết với nền độc lập của dân tộc mình, lại chưa có đủ những kiến thức và kinh nghiệm cần thiết để lựa chọn trong khi thời gian không cho phép. Ngày 2/9 do đó là một hậu quả tất nhiên của ngày 19/8. Nó chấm dứt một giai đoạn ngắn và mở đầu cho một giai đoạn khác dài hơn, nhiều biến cố hơn, nhiều bi thảm hơn và nhiều oan khuất hơn, kéo dài ít ra là cho đến tận khi những dòng chữ này được viết. Người viết sẽ viết thêm trong những bài kế tiếp.
Cuối cùng ta cũng nên để ý tới hai nhận định về biến cố 19 tháng 8 này của chính những người đã từng đóng vai trò quan trọng trong chế độ Cộng Sản, Người thứ nhất là Trường Chinh, nguyên Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Đông Dương, lý thuyết gia chính trong buổi đầu của đảng này, trong tác phẩm Cách Mạng Dân Tộc, Dân Chủ Nhân Dân Việt-Nam, Tác Phẩm Chọn Lọc, Tập I, xuất bản năm 1975 tại Hà Nội. Người thứ hai là Cựu Đại Tá Quân Đội Nhân Dân Việt Nam Bùi Tín, nguyên Phó Tổng Biên Tập của tờ Nhân Dân kiêm Tổng Biên Tập của tờ Nhân Dân Chủ Nhật, qua bài ông viết, nhan đề “Cướp” đăng trên trang mạng của Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ, VOA, ra ngày 27 tháng 8 năm 2015.
Trong tác phẩm của mình, Trường Chinh viết:
Tháng Tám năm 1945, bị Quân đội xô-viết đánh bại, phát xít Nhật đầu hàng không điều kiện. Dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Đông-dương đứng đầu là Chủ tịch Hồ-Chí-Minh, Mặt trận Việt-minh cùng toàn thể nhân dân Việt-nam tổng khởi nghĩa, lật đổ ách thống trị của phát xít Nhật, thiết lập chính quyền nhân dân trong toàn quốc.
Đoạn văn ngắn ngủi, vỏn vẹn có hai câu, nhưng chứa đựng những sai lầm căn bản về lịch sử do tác giả vì không biết hay cố tình bóp méo sự thật nhằm hướng dẫn sai lạc người đọc.
Có hai sự kiện:
Thứ nhất: Nhật Bản không đầu hàng vì bị “Quân đội xô-viết đánh bại” mà vì bị Hoa Kỳ phản công và đẩy lui trên khắp các mặt trận ở Thái Bình Dương và Đông Nam Á và cuối cùng vì hai quả bom nguyên tử được bỏ xuống Hiroshima và Nagazaki. Điều này ai cũng biết.
Thứ hai: Cuộc biểu tình ngày 17 tháng 8 năm 1945 không phải do Mặt Trận Việt Minh tổ chức mà là của Tổng Hội Công Chức nhằm ủng hộ Chính Phủ Trần Trọng Kim vào lúc Nhật Bản đã đầu hàng. Việt Minh chỉ lợi dụng sự sơ hở của ban tổ chức để làm có một việc là cướp ngang cuộc biểu tình này rồi sau đó mới cướp chính quyền mà thôi. Điều quan trọng ở đây là biến cố Nhật Bản đầu hàng đã xảy ra quá nhanh chóng và bất ngờ đối với Đảng Cộng Sản Đông Dương và Mặt Trận Việt Minh vào lúc tất cả các nhà lãnh đạo cao cấp nhất của đảng này đều đang họp Đại Hội Tân Trào. Họ đã không biết gì rõ ràng về những biến chuyển đang đồng thời xảy ra ở Hà Nội và ở các địa phương khác. Tất cả những gì xảy ra ở thủ đô miền Bắc này đều do một nhóm nhỏ ở địa phương gồm có Nguyễn Khang và Trần Tử Bình, đại diện Xứ Ủy Bắc Kỳ. Những người này đã phải tự mình quyết định, từ việc thành lập Ủy Ban Khởi Nghĩa Hà Nội với 5 ủy viên gồm Nguyễn Khang chủ tịch, Nguyễn Huy Khôi (Trần Quang Huy), Nguyễn Duy Thân Lê Trọng Nghĩa, Nguyễn Quyết, với Trần Đình Long làm cố vấn (chiều ngày 15), đến cách thức đối phó với cuộc biểu tình ngày 17 tháng 8 của Tổng Hội Công Chức, việc lựa chọn ngày 19 tháng 8 cùng các chi tiết của ngày cướp chính quyền này. Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh… chỉ về đến Hà Nội ngày 29 tháng 8, mười ngày sau đó, sau khi đã “thẩm tra chắc chắn” tin “Hà Nội khởi nghĩa thành công”. Nhóm đảng viên địa phương này cũng bị ngạc nhiên không kém. Họ cũng không ngờ sự ủng hộ quần chúng dành cho Chính Phủ Trần Trọng Kim lại “lên cao quá sức tưởng tượng” đến độ “các anh linh cảm thấy tình huống có thể trở thành cực kỳ nghiêm trọng” và phải đổi thái độ từ “phá cuộc biểu tình” sang “đồng ý để tổ chức” nhưng phải “biến cuộc mít tinh thành cuộc biểu tình của quần chúng cách mạng ủng hộ mặt trận Việt Minh” và “làm xong phải kịp thời rút ngay, không để quân Nhật, lúc ấy còn đang mạnh, gây thiệt hại”. Một chi tiết khác, riêng tờ Đông Phát, số 6095, ra ngày 18/8/1945, trên trang đầu, có bài viết nhan đề “Một Cuộc biểu Tình Khổng Lồ Tại Thăng Long” tường thuật cuộc biểu tình ngày 17 tháng 8 nhằm ủng hộ Chính Phủ Trần Trọng Kim ngày hôm mà Đỗ Sâm, người viết những câu trích dẫn kể trên ghi lại, nguyên văn như sau:
20 vạn dân Việt Nam biểu hiện tình đoàn kết và lòng quả quyết chống giữ đất nước đối với bọn thực dân. Một điều đáng ghi nhất trong lịch sử, một số đông phụ nữ đủ các giới, vừa già vừa trẻ, cùng sát cánh làm phận sự của dân nước, hưởng ứng tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc.
Tiếng kèn gọi thiêng liêng của Tổ quốc trong lúc nguy biến hiện thời, chiều hôm qua đã hấp dẫn tới trước và quanh rạp hát thành phố cùng phố Tràng Tiền và các phố lân cận một bể người, tới biểu lộ lòng nhiệt liệt, lòng hăng hái quả quyết bảo vệ nền độc lập và nền tự do của nước Việt Nam. Cái rừng người có một không hai trong lịch sử, người ta ước lượng con số 20 vạn không phải là ngoa. Dân chúng đủ các giới, đủ cả nam, phụ, lão, ấu ở Thăng Long, Gia Lâm, Hà Đông cùng ở các tỉnh lân cận đều kéo tới, sát vai cùng nhau, áo nâu pha lẫn áo màu của phụ nữ, ô xen với nón lá, trí thức xen với lao động thành một cảnh tượng vô cùng cảm động. Cảm động hơn nữa là khi anh chị em nắm tay nhau giơ lên trời thề: “cùng giữ nền độc lập cho non sông bất diệt” hoặc hô “Đoàn kết” “Chiến đấu”, “Hy sinh”… Sau trên một tiếng đồng hồ, biển người ấy trước nhà hát lớn mới đi diễu qua các phố, trời mưa tầm tã nhưng mặc, anh chị em vẫn vừa hô vừa đi, một lần nữa tỏ lòng quả quyết chống giữ đất nước.
Nói cách khác, vì mắc kẹt Đại Hội ở Tân Trào, Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh và các nhà lãnh đạo tối cao của Đảng Cộng Sản hoàn toàn không có quyết định gì hay vai trò gì trong biến cố 19 tháng 8 năm 1945 ở Hà Nội. Nói cách khác, tất cả ngay từ đầu, từ việc tiếp xúc với Khâm Sai Phan Kế Toại, Thủ Tướng Trần Trọng Kim, Bộ Trưởng Hoàng Xuân Hãn, Bác Sĩ Nguyễn Xuân Chữ… đến việc thành lập Ủy Ban Khởi Nghĩa Hà Nội, lựa chọn ngày “khởi nghĩa”, lựa chọn mục tiêu, hoạch định kế hoạch cho ngày này…, tất cả đều do nhóm lãnh đạo trẻ ở tuổi trên hai mươi ở địa phương tự quyết định và tự thực hiện không có chỉ thị nào đến từ lãnh đạo cấp trung ương của Đảng. Vì vậy các vị lãnh đạo cao cấp này đã hoàn toàn bỡ ngỡ trước chuyển biến quá mau chóng và mười ngày sau, ngày 29 tháng 8, mới về đến Hà Nội.
Về phía những người tổ chức cuộc biểu tình ngày 17 tháng 8 của Tổng Hội Công Chức, họ cũng nói tương tự. Theo họ cuộc biểu tình này không do chính quyền trung ương từ Huế, không do Phủ Khâm Sai Bắc Bộ hay Ủy Ban Giám Đốc Chính Trị Miền Bắc tổ chức hay ra chỉ thị yêu cầu tổ chức, mà là do các công chức qua Tổng Hội của họ làm với mục tiêu để mừng độc lập hoàn toàn và thực sự nên được quần chúng nhiệt tình ủng hộ. Chính vì vậy sau này nguyên Chủ Tịch Trần Ngọc Sâm của Tổng Hội đã tâm sự với bạn bè và cho rằng “Đây là cuộc biểu tình của những người yêu nước chứ không như có người cho đây là biểu tình của chính phủ bù nhìn”. Sau này ngày 17/8/1994, Ông Sâm cũng đã gửi thư cho Tổng Bí Thư Đỗ Mười và Bí Thư Thành Ủy Hà Nội Phạm Thế Duyệt để yêu cầu đính chính chuyện này và cho biết sự thực. Ông viết: “Năm 1971, thấy thông tin đại chúng khẳng định cuộc mít tinh ngày 17/8/1945 do bù nhìn mà cấp ủy Đảng ta ở Hà Nội đã quyết định cho đi phá rối biến thành tuần hành của Việt Minh… Ngay khi thấy tài liệu đó, tôi viết thư ngày 19/8/1971 gửi đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí Thư Trung Ương Đảng kiêm Trưởng ban Nghiên cứu lịch sử Trung ương đề nghị cho nghiên cứu lại vấn đề ngày 17/8/1945…” . Ông Trần Ngọc Sâm không nói tới mục tiêu thứ hai sau mục tiêu mừng độc lập thực sự và hoàn toàn vì hoàn cảnh không cho phép, nhưng người đọc phải hiểu là còn mục tiêu ủng hộ chính phủ hợp pháp đương thời là Chính Phủ Trần Trọng Kim nữa. Ngoài ra qua những lời viết kể trên, người ta thấy các nhóm chữ “bảo vệ nền độc lập và nền tự do”, “cùng giữ nền độc lập” đã được dùng. Điều này chứng tỏ là ở thời điểm này độc lập và tự do là đã có nên mới phải bảo vệ và cùng giữ, ít nhất là theo người phát biểu.
Bảy mươi năm sau, đến lần mình, sau khi định nghĩa từ ngữ “cướp”, nguyên đại tá Bùi Tín, trong bài viết trên trang mạng của ông, dẫn trên, đã đặt vấn đề nghiên cứu sâu thêm sự kiện lịch sử này để trả lời câu hỏi Tổng Khởi Nghĩa hay Cách Mạng Tháng Tám, hay Cướp Chính Quyền, gọi sao cho chính xác? Đặt câu hỏi nhưng ông đã lập tức trả lời ngay sau câu hỏi do ông đặt ra và trả lời một cách khẳng định:
Sau 70 năm, nhìn lại không thể gọi biến cố đó là Cách mạng tháng Tám. Gọi vậy là “ngoa ngôn”, là “đại ngôn”, vì “cách mạng” là phải thay đổi hẳn chế độ cai trị, đổi mới hoàn toàn bản chất chế độ, đem lại dân chủ, tự do cho mọi công dân, quyền tự do bình đẳng trong kinh doanh, cốt lõi là tự do ngôn luận, tự do báo chí.
Ông lý luận nguyên văn như sau:
Gọi là cách mạng trước hết là không chính xác. Cách mạng là một cuộc thay đổi chế độ trong đấu tranh quyết liệt, thường có bạo lực chống đối, giằng co nhau, có đổ máu, như cách mạng ở Pháp, ở Hoa Kỳ mà ông Hồ chí Minh đã dẫn ra trong bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945.
Biến cố gọi là Cách mạng tháng Tám 1945 ở Việt Nam hoàn toàn không đổ máu, không có đấu tranh giằng co bằng bạo lực quyết liệt. Chính quyền thực dân Pháp đã bị phát xít Nhật lật đổ ngày 9/3/1945 trong một cuộc đảo chính nhẹ nhàng. Trước đó cả Đông dương thuộc Pháp đã đầu hàng phát xít Đức, Việt Nam trở thành thuộc địa của nước Pháp thua trận đã đầu hàng phát xít, cho nên bị khối Đồng minh xếp vào loại bị quân Đồng minh là quân đội Anh và quân đội Trung Hoa Dân quốc chiếm đóng để giải giáp quân đội Nhật đã đầu hàng Đồng minh. Quân đội Trung Hoa vào miền Bắc, quân Anh vào miền Nam.
Việt Nam trở thành đất trống về quyền lực cai trị, chính phủ Trần Trọng Kim vừa thành lập được 6 tháng còn non yếu, tuy về danh nghĩa đã giành được nền độc lập từ tay phát xít Nhật đã buông súng đầu hàng Đồng minh. Do sức ép của quần chúng xuống đường theo lời hiệu triệu của Mặt Trận Việt Minh do đảng CS Đông Dương tổ chức ra. Vua Bảo Đại thoái vị nhanh chóng, bày tỏ niềm vui “từ bỏ ngai vàng để trở thành một công dân tự do”.
Bây giờ nói tới bản Tuyên Ngôn Độc Lập của Hồ Chí Minh. Bản tuyên ngôn này cũng bị nhiều người coi là không cần thiết vì từ ngày 11/3 trước đó, Hoàng Đế Bảo Đại, với tư cách nguyên thủ quốc gia và là người thừa kế Vua Tự Đức, đã tuyên bố hủy bỏ hết các hòa ước bảo hộ 1883 và 1884 mà Vua Tự Đức và những người kế vị ông đã ký kết với người Pháp rồi và Hồ Chí Minh đã làm một việc thừa, không cần thiết. Có người cho là bản tuyên ngôn độc lập của Vua Bảo Đại không thể coi là tuyên ngôn độc lập được vì bản này được công bố vào lúc Việt Nam chưa hoàn toàn độc lập mà phải đợi sau này mới có. Điều này cần phải được xét lại vì thứ nhất một bản tuyên ngôn chỉ là một bản tuyên ngôn, không hơn, không kém với mục đích là để nói lên nhận định, từ đó lập trường, chủ trương và ý định của một người hay một nhóm người về một sự kiện, một biến cố hay một vấn đề gì. Thứ hai là nếu căn cứ vào trường hợp của bản Tuyên Ngôn Độc Lập của Hoa Kỳ trước đó thì bản tuyên ngôn này đã được công bố năm 1776, trong khi Hoa Kỳ chỉ thực sự độc lập từ năm 1783, bảy năm sau đó, khi Thỏa Ước Versailles được ký kết, mà thôi. Nhưng bản tuyên ngôn của Hoa Kỳ này vẫn có giá trị riêng của nó. Ngoài ra, vì là tuyên ngôn nên một văn kiện thuộc loại này mang nặng tính cách chủ quan, từ đó người ta không thể đòi hỏi hay cho nó một giá trị hợp với công pháp quốc tế được. Đi sâu hơn vào chi tiết, người ta thấy Bảo Đại và những vị thượng thư của ông đã tỏ ra rất thận trọng và cân nhắc từng câu, từng chữ để chỉ nói lên những gì cần phải nói và nói một cách rõ ràng từ phía mình, còn bản tuyên ngôn của Hồ Chí Minh thì dài lòng thòng, mang nặng tính cách kể công và xách động quần chúng. Ngay cả những tư tưởng chủ cốt liên hệ tới độc lập, tự do cũng phải đi vay mượn của người Mỹ hay người Pháp. Có điều là Hồ Chí Minh có những chủ trương riêng của ông. Chủ trương đó không đơn thuần là độc lập, tự do cho tổ quốc Việt Nam mà là Cách Mạng Vô Sản theo chủ nghĩa Cộng Sản, là Xã Hội Chủ Nghĩa. Nhưng đây chỉ là nhận định tổng quát, người học sử cần phải đọc kỹ hơn trước khi đối chiếu hai văn bản. Người viết sẽ xin trình bày chi tiết hơn trong một bài riêng khác trong phần thứ hai của tác phẩm này.
IV. Ba cách nhìn điển hình về ngày 19 tháng 8 từ phía quần chúng tham dự: “Tưởng là biểu tình ủng hộ Trần Trọng Kim!” – “Bọn thanh niên chúng tớ ngơ ngác về chính trị, cứ thấy Mít tinh là ào ào đổ ra đường chẳng hiểu ai lãnh đạo.”
Cách nhìn thứ nhất là của Đoàn Thêm, cách nhìn thứ hai là của Nhạc Sĩ Tô Hải và cách nhìn thứ ba của Luật Sư Trần Thanh Hiệp.
1. Đoàn Thêm
Đoàn Thêm sinh năm 1915, lúc đó 30 tuổi, cử nhân luật khoa, công chức cao cấp của Phủ Toàn Quyền trước đó và là tác giả của hồi ký Những Ngày Chưa Quên, xuất bản năm 1969 tại Saigon, đã được trích dẫn trong những bài trước, người đã trực tiếp tham gia cuộc biểu tình vào lúc 3 giờ chiều ngày 17 tháng 8 năm 1945 ở Hà Nội do Tổng Hội Công Chức tổ chức nhằm mừng độc lập hoàn toàn, thâu hồi toàn vẹn lãnh thổ và ủng hộ Chính Phủ Trần Trọng Kim.
Sau đây là nguyên văn lời tường thuật về những gì đã xảy ra trong cuộc biểu tình ngày 17 tháng 8 năm 1945 của Đoàn Thêm 24 năm sau:
Trước Nhà Hát Lớn, 15 giờ ngày 17-8, trời kéo con mưa, nhưng hàng vạn công chức đã sắp thành đoàn đứng chặt đường Paul Bert, kéo dài suốt Hàng Trống. Dân chúng tới xem, chen chúc trên các ngả phụ cận, Bobillot, Amiral Courbet.
Trên bao-lan Nhà Hát, cờ ba vạch gãy Quẻ Ly được từ từ đưa lên, trong tiếng đồng ca vang dội Tiếng gọi Thanh-Niên... Mây xám giãn dần; chợt thấy giọng ai như của L. béo ngập ngừng qua ống phóng thanh: “mặt trời tỏ, một điềm vui… Hôm nay chúng ta họp mặt tại đây để mừng cho chủ- quyền đã thâu hồi toàn-vẹn, và hoan hô Chánh-phủ Trần-Trọng-Kim…”
hoan-hô! V.N. độc-lập muôn năm!
Hoan-hô VM!
Những tiếng sau là của kẻ nào lén vào hàng ngũ công-chức. Những người quanh đó sửng-sốt ngơ-ngác… Còn đa-số vẫn mải reo to: Hoan hô V.N. muôn năm
Rồi đoàn biểu-tình được lịnh chuyển bước tuần-hành qua nhiều đường lớn, nhưng mỗi lúc những tiếng lạ tai khi nãy lại được gào thét nhiều hơn. Tới ngã sáu Cửa-Nam, vài anh áo cộc quần đen, chắc chắn không phải là công-chức, vừa chạy vừa phất là cờ đỏ giữa có ngôi sao vàng, anh khác giơ một vật ít thấy có thời đó là khẩu súng lục, bắn vài phát chỉ-thiên như để thị-uy: anh em hãy cùng chúng tôi hô Mặt Trận Giải Phóng muôn năm!
Vài công-chức, có lẽ hoảng sợ quá, đành “muôn năm” theo một các gượng-gạo và máy-móc. Mấy cảnh binh đứng cạnh dọc đường lấm lét hỏi nhau với vẻ kinh ngạc, nhưng không can thiệp, tuy nhiều đám người khác trên các vỉa hè cũng nắm tay giơ chào như Phát-xít Ý, và hoan hô một đoàn-thể mà nhân-viên công-lực cũng không biết là gì.
Nhưng cần chi biết? Hàng chục, hàng trăm, rồi hàng ngàn người cứ việc “muôn năm” mãi cho tới khi giải-tán, vào khoảng sáu bảy giờ chiều.
Ông tham Đ dừng lại hỏi ông phán N: tưởng là biểu-tình hoan-hô Trần-Trọng-Kim, mà chẳng thấy ai kêu cụ Trần cả? V.N. chứ sao lại mặt-trận VM? Một số ông nữa xen vào câu chuyện: ai bảo hoan-hô như thế, bây giờ còn băn khoăn? Người ta hô, thì làm sao khác được? – Thôi, nó bắn, ông mất hết vía rồi!
Mất vía còn ít. Như thế này thì mất cả những gì đáng quí hơn tâm hồn tham phán. Đó là cảm-tưởng sám ngắt như trời mây phủ, nó theo đuổi tôi trên lối về nhà. Đêm hôm ấy, tôi trằn trọc khó ngủ, vi đầu óc rối ren như cảnh đã mục-kích ban trưa, và như cảnh hỗn độn mà tôi ngại cho những ngày sắp tới.
2. Nhạc Sĩ Tô Hải
Cách nhìn thứ hai là của Nhạc Sĩ Tô Hải, sinh năm 1927, tác giả bài ca Nụ Cười Sơn Cước và Hồi Ký của Một Thằng Hèn . Ở vào thời điểm tháng Tám 1945, Tô Hải 18 tuổi, mới qua tuổi thiếu niên, bước sang tuổi thanh niên và đã có bằng tú tài. Mãi 64 năm sau, đến ngày 19 tháng 8 năm 2009 người nhạc sĩ này mới có dịp ghi lại những gì ông còn nhớ và ghi trên trang mạng riêng của mình, trong tuần ký số 17, với tiểu đề “Tớ đúng là một tên gà mờ”, nguyên văn xin được trích như sau:
Như tớ đã thú thật, trong tuần ký số 16 là tớ chỉ viết về những gì tớ đã tham gia hoạt động thật sự cho những tổ chức có thật trong những ngày nhốn nháo tù mù đó. Cho nên do không được hân hạnh có nhiều tư liệu như các friends, tớ chỉ mong muốn các nhà viết sử sẽ dựa vào những tư liệu có thật, không phán đoán, phê phán vô bằng cớ, không cắt gọt xuyên tạc… cùng tớ bạch hoá cái chặng đường từ 9/3/45 đến ngày ra mắt chính phủ Cách Mạng lâm thời Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà thì chính phủ có cái cờ vàng, quẻ ly đó mà chính bản thân tớ và cả các ông “to” trong chính phủ từng cất cao, với câu ca “Này thanh niên ơi!” nó… biến đi đâu? Nhìn ra đường phố, hôm nay 19/8/2009 ai cần biết cần hát cái bài “Mười chín tháng tám! Chớ quên là ngày khởi nghĩa” nữa rồi!
Thế đấy! chỉ qua những tài liệu văn bản thu thập được chỉ trong có một tuần, so với lúc tớ viết tuần kí số 16, thì tớ đã tự trả lời được rất nhiều câu hỏi, để cỏ thể đủ khả năng kết luận vì sao? Tai ai? Cụ thể là:
Chỉ đơn cử 2 ngày 17 và 19/8/1945 là đã có sự lẫn lộn rồi. Thì ra 17/8 là cuộc Mít tinh của công chức biểu tình ủng hộ chính phủ Trần Trọng Kim. Còn ngày 19/8 là ngày Mít tinh ủng hộ Việt Minh. Bọn thanh niên chúng tớ ngơ ngác về chính trị, cứ thấy Mít tinh là ào ào đổ ra đường chẳng hiểu ai lãnh đạo? Ai hô thế nào thì hô theo thế ấy. Cờ vàng, cờ đỏ chẳng có gì quan trọng. Miễn là đi qua trại lính Nhật chẳng thấy đứa nào dám nổ súng dù có hô to “Đả đảo Phát xít Nhật!” “Việt Nam muôn năm!” Cả hai cuộc mít tinh nói trên đều có mặt cái thằng tớ. Cũng may là tớ chẳng vướng vào các cuộc mít tinh có lính Tầu Tưởng đứng gác ở chợ Đồng Xuân để bị nghe “Tỉu cái là ma lồng pào!” khi bị Việt Minh giải tán!....
3. Luật Sư Trần Thanh Hiệp, từ Paris 55 năm sau
Luật Sư Trần Thanh Hiệp là một luật gia, một nhà nghiên cứu về nhân quyền và tranh đấu cho nhân quyền cho Việt Nam. Trong một tiểu luận nhan đề Việt Nam Trên Đường Đi Tới Tương Lai Dân Chủ Hóa, khi viết về Cách Mạng Tháng Tám, để trả lời câu hỏi mà ông đặt ra là Cách Mạng Hay Cướp Chính Quyền và sau đó Cách Mạng Tháng Tám thành công như thế nào? Ông viết nguyên văn như sau:
Chính biến mùa Thu năm 1945 đúng ra là đã không mang lại một thành công cách mạng nào, dù cách mạng dân chủ nhân dân hay cách mạng xã hội chủ nghĩa. Vì chúng chưa bắt đầu. Nói là Cách mạng tháng Tám “thành công” là để tuyên truyền. Thật ra bản thân chính biến này cũng không mang dự án cách mạng mà cộng sản đã vạch ra trước. Do đó nó chỉ là một vụ “cướp chính quyền” để Đảng làm Cách mạng. Trường Chinh gọi đó là “tổng khởi nghĩa”. Người thầy của cách mạng cộng sản Việt Nam, Hồ Chí Minh, trong thư gửi đồng bào nhân dịp tổng khởi nghĩa này cũng chỉ thúc dục tiến lên dưới lá cờ Việt Minh, không đả động gì tới cách mạng cộng sản: “Hỡi đồng bào yêu quý! Giờ quyết định cho dân tộc đã đến. Toàn quốc đống bào hãy đem sức ta mà giải phóng cho ta. Nhiều dân tộc bị áp bức đang đua nhau tiến bước giành quyền độc lập. Chúng ta không hể chậm trễ. Tiến lên! Tiến lên! Dưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm tiến lên!
Vậy nói Cách mạng tháng Tám đã thành công thì chỉ có thể là vì nó đã cướp được chính quyền cho đảng. Thế thôi. Nhưng nếu vậy thì tất lại phải đặt ra những vấn đề mới. Cướp chính quyền cho ai? Cướp chính quyền sau đó sẽ làm gì? Và những việc làm này có giải quyết được vấn đề tiến bộ hay không?
Thực tế chính trị hơn nửa thế kỷ qua đã trả lời câu hỏi thứ nhất là “cướp cho Đảng Cộng Sản”. Thực tế này cũng trả lời câu hỏi thứ hai: để Đảng thiết lập “chuyên chính” dưới nhiều hình thức (chuyên chính công, nông, chuyên chính vô sản mà chuyên chính là cưỡng đoạt nhân quyền). Câu hỏi thứ ba muốn trả lời phải vượt ra khỏi hệ thống tư tưởng cộng sản. Nếu không câu trả lời đã có sẵn rồi và sẽ là “có tiến bộ”. Lập luận như vậy không rút ra được những bài học của quá khứ.
V. Những giờ phút cuối cùng ở Phủ Khâm Sai theo Bác sĩ Nguyễn Xuân Chữ
1. Ủy Ban Giám đốc Chính trị miền Bắc, Vai trò của Bác sĩ Nguyễn Xuân Chữ
Bác Sĩ Nguyễn Xuân Chữ là chủ tịch của Ủy Ban Giám Đốc Chính Trị Miền Bắc, một cơ quan mới được Chính Phủ Trần Trọng Kim thành lập ít ngày trước khi Việt Minh nổi lên cướp chính quyền và sau khi Khâm Sai Phan Kế Toại ngỏ ý với Thủ Tướng Trần Trọng Kim xin từ chức trong thời gian Thủ Tướng ra Bắc và theo đề nghị của Bộ Trưởng Hoàng Xuân Hãn lúc đó là Đặc Ủy Viên của Chính Phủ ở Miền Bắc nhằm đối phó với tình hình. Ngày thành lập không được Nguyễn Xuân Chữ nói rõ là ngày nào, nhưng theo Sử Gia Vũ Ngự Chiêu là ngày 16 tháng 8. Ủy ban này, xin được nhắc lại, gồm có 5 người là Phan Kế Toại, Trần Văn Lai, Đặng Thái Mai (sau này đổi sang Đặng Thai Mai), Nguyễn Tường Long tức Nhà Văn Hoàng Đạo và Bác Sĩ Nguyễn Xuân Chữ với Nguyễn Xuân Chữ làm chủ tịch. Vào thời điểm này, Trần Văn Lai bận việc bên toà thị chánh, Đặng Thái Mai chưa hề có mặt, Nguyễn Tường Long bị đau nằm bệnh viện và Phan Kế Toại thì tránh mặt ngay sau khi Ủy Ban được thành lập nhưng chỉ gửi thư cho các ủy viên khác thông báo từ chức vào ngày chót, ngày 19 tháng 8. Cuối cùng thì chỉ còn một mình Bác Sĩ Chữ là có mặt tại Phủ Khâm Sai khi đám đông kéo tới và Việt Minh cướp chính quyền. Ông bị kẹt trong một hoàn cảnh vô cùng bất lợi. Lý do là vì ngoài vị thế là chủ tịch mà chỉ có một mình lãnh nhiệm vụ, một bất lợi khác vô cùng quan trọng mà Bác Sĩ Nguyễn Xuân Chữ gặp phải là thời gian không đứng về phía ông: tất cả đã xảy ra vào những ngày chót khiến ông không có thì giờ sửa soạn. Sắc lệnh bổ nhiệm mà ông nhận được tới tay ông ngày 16 tháng 8 và tất cả các biến cố quan trọng đưa tới sự xụp đổ của Đế Quốc Việt Nam đã xảy ra liên tiếp trong ba ngày sau đó. Không có lễ bàn giao hay nhiệm chức khiến nhân viên dưới quyền không ý thức được là họ đã có người lãnh đạo mới. Tất cả chỉ vắn tắt qua điện tín với vai trò và nhiệm vụ không rõ ràng. Chức vụ khâm sai của Phan Kế Toại trong Ủy Ban Giám Đốc Chính Trị không được định rõ. Có thể chức khâm sai này không còn nữa và cũng có thể chức này vẫn còn những được đặt dưới quyền của Ủy Ban và cũng có thể cả hai đều song hành tồn tại và Ủy Ban được đặt ra để trợ lực cho khâm sai.
2. Khâm Sai Phan Kế Toại từ chức
Tình trạng kể trên chỉ chấm dứt khi các vị trong Ủy Ban Giám đốc nhận được thư thông báo xin giải nhiệm và giao quyền của Khâm Sai Phan Kế Toại. Thư đề ngày 19 tháng 8, nguyên văn thư này như sau:
Hanoi 19-6-1945
Thưa các ngài,
Đứng trước tình-hình nghiêm-trọng này, có nhiều đảng phái trong nước không ủng hộ và muốn đánh đổ tôi, như những việc xảy ra trong cuộc biểu tình ngày hôm qua, và các việc làm rối cuộc trị an và khủng bố từ đêm đến giờ.
Tôi tự xét bất-lực để đối phó với tình thế, nên tôi đã đánh điện vào Kinh-đô xin giải chức và nay tôi xin đem chức-vụ của tôi giao lại Ủy-ban chỉ-huy chánh-trị đảm-nhận đợi lịnh nội-các.
Ký tên
Phan-Kế Toại
Nguyễn Xuân Chữ đương nhiên ở vào vị thế không nhận vai trò lãnh đạo thay thế Phan Kế Toại là không được vì theo ông không nhận là vô trách nhiệm, mà nhận thì khó mà làm gì được. Lý do: tất cả đều quá trễ, đúng như ông tâm sự trong hồi ký sau này của ông:
Khâm Sai không phải Khâm Sai, Chủ tịch không phải Chủ tịch, mỗ y sĩ ở một địa vị bẽ bàng, làm một chức vụ dở dang, có những quyền hạn không định rõ. Bỏ mà đi nốt là trốn trách nhiệm. Trước có thể từ chối và đã từ chối. Ngày nay bó buộc phải ở chỗ mà tình thế bỗng nhiên đặt vào. Nhưng “chân ướt chân ráo” bước vào địa vị, uy quyền chưa vững, hơn thế chưa có mệnh lệnh được tuân theo.
Khi biết tin Việt Minh treo cờ đỏ sao vàng trên gác chuông nhà thờ lớn và chiếm cứ một nhà in , ra lệnh cho Bảo an binh hạ cờ và trục xuất những người vi phạm. Buổi chiều hỏi lại xem mệnh lệnh đã thi hành chưa thì được trả lời là chưa vì ông Đổng lý văn phòng phủ Khâm sai không cho thi hành.
Hôm sau một toán đông người không ai ngăn cản, rầm rộ kéo vào tận sân Bắc Bộ Phủ yêu cầu chính quyền bắt nhốt tất cả người Pháp lại. Người Nhật, sau ngày đảo chính không hề nhốt người Pháp, ngoài những nhân vật quan trọng. Chính Việt Minh sau này, khi có chính quyền ở tay, không những không làm việc ấy, còn khuất thân trong những cuộc thương thuyết và điều đình với người Pháp. Nhưng bây giờ thì Việt Minh đòi. Mỗ y sĩ cho biết là chính quyền không thấy cần làm công việc ấy thì ông Đổng lý văn phòng và một bạn khác tự đứng ra giả lời cho đám biểu tình là chính quyền sẽ giải quyết nguyện vọng.
Cũng theo Nguyễn Xuân Chữ, cuộc biểu tình ngày Chủ Nhật, 19 tháng 8 đã được Thị Trưởng Hà Nội Trần Văn Lai, vì có bạn trong hàng ngũ cao cấp Việt Minh, cho phép. Ông kể lại nguyên văn như sau:
Ông Đô trưởng có ít nhiều bạn trong hàng ngũ cao cấp Việt Minh, cho phép Việt Minh biểu tình ngày Chủ nhật, tức ngày 19 tháng 8.
Đây là một điều quan trọng về lịch sử. Không ai không biết rằng Việt Minh sẽ nhân cơ hội cướp chính quyền. Nhiều người đã báo tin cho mỗ y sĩ, chính ông Đặc phái viên họ Hoàng cũng đã cho mỗ y sĩ sĩ biết sự kiện có thể xảy ra và nói thêm là thấy mỗ y sĩ có đủ tư cách đối phó. Ông Đô trưởng đã cho phép vì cảm tình? Vì nhẹ dạ? Sau này, ông đã hối hận. Trước ngày này, công chức cũng tổ chức một cuộc biểu tình lớn. Việt Minh đã nhân cơ hội làm một vài việc thử thách. Trà trộn vào hàng ngũ công chức, chăng những cờ đỏ sao vàng, những biểu ngữ riêng. Cảnh binh không can thiệp, công chức hoan hỉ có sự hiện diện của Việt Minh.
Điều cần để ý qua lời kể trên đây của Nguyễn Xuân Chữ là cuộc biểu tình ngày 19 tháng 8 năm 1945 là do Việt Minh tổ chức nhưng có xin phép trước và đã được Thị Trưởng Hà Nội Trần Văn Lai chấp thuận khiến sau này Trần Văn Lai đã hối hận. Sự kiện này chứng tỏ rằng chính quyền đương thời cho đến giờ phút này vẫn còn tồn tại và được mọi người tôn trọng, kể cả Việt Minh và Dụ mới được ban hành về tự do hội họp đã được mọi người tuân hành chứ không phải chỉ là một quyết định trên giấy.
Câu hỏi được đặt ra là công chức và cấp chỉ huy của họ, những người cầm quyền hành chánh cũng như cảnh sát thì như vậy, quân đội thì sao? Câu trả lời, cũng theo Nguyễn Xuân Chữ, còn tệ hơn, không phải chỉ vì quân số quá ít mà vì các cấp chỉ huy đã bị tuyên truyền và ngả theo Việt Minh gần hết, thậm chí viên trung úy chỉ huy phó Bảo An Binh còn đến xin phép Bác Sĩ Chữ cho đi biểu tình theo lời mời của Việt Minh cùng với ban quân nhạc.
Tình trạng bi đát kể trên sau này Bác Sĩ Chữ tóm tắt như sau:
Ôn lại tất cả các sự kiện kể trên trong tình thế dồn dập để có những nhận xét xác đáng, có thể nêu ra những điều tóm tắt dưới đây, chứng thực câu đã viết “không ở nơi nào thấy một cột nhỏ có thể dựng được” để chống đỡ.
Ông Bộ trưởng, Đặc phái viên họ Hoàng không có thái độ rõ rệt, không dám nói ông có thể liên lạc với Việt Minh.
Phan Khâm Sai đã ngã lòng trước thời cuộc, không dám nói ông đã ngầm đi với Việt Minh.
Trần Đô trưởng không chống lại Việt Minh.
Ông Đổng lý văn phòng phủ Khâm Sai ủng hộ Việt Minh, không dám nói ông có thể đi với hoặc mơn trớn Việt Minh.
Các công chức có cảm tình nồng hậu với Việt Minh.
Các cảnh binh không can thiệp vào những hành động phi pháp của Việt Minh.
Về phía chính quyền dân sự, như vậy, từ trên xuống dưới, dầu không ra mặt ủng hộ Việt Minh cũng ngầm hưởng ứng. Không một nơi nào có sự ra mặt công khai chống Việt Minh.
Về phía quân nhân, các cấp chỉ huy đã theo Việt Minh.
Rút lại, rõ rệt có ý chống đối Việt Minh, cũng lại còn một người, tức mỗ y sĩ.
3. Phản ứng của các đảng phái quốc gia
Nếu “MTĐVQGLM” không đồng ý mà cứ đoạt chính quyền trước, thì “MTVM” cũng sẽ đoạt ngay hết chính quyền ở các tỉnh; đồng thời cho phá vỡ ngay đê sông Hồng cho nước tràn đầy Hà Nội, cô lập hóa Thủ Đô theo kế hoạch đã được bố trí sẵn sàng.
(Đại biểu Mặt Trận Việt Minh)
“Thì ra đến giờ phút này mà các anh vẫn chưa hiểu rõ Việt Minh Cộng Sản là thế nào cả? Huống hồ là dân chúng!
“Tôi xin nói thẳng mong các anh đừng mếch lòng! Những phần tử CS họ rất sẵn sàng đi đôi với tất cả các thế lực, mặc dầu là thực dân Pháp hay quân phiệt Tầu, nghĩa là tiêu diệt được những những người cách mạng dân tộc chúng ta. Nếu nay để cho CS nắm được chính quyền, họ sẽ đặt tình thế trước sự đã rồi.
(Lê Khang, Việt Nam Quốc Dân Đảng )
Cũng trong thời gian này, từ bên ngoài, các đảng phái chính trị cũng có những hoạt động hướng vào Phủ Khâm Sai nhưng không phải là để bảo vệ chính quyền mà là để giành chính quyền cho họ. Mở đầu là cuộc tiếp xúc ở Phủ Khâm Sai, có sự tham dự của Bác Sĩ Nguyễn Xuân Chữ. Bác Sĩ Chữ không nói rõ là ngày nào nhưng cho biết là “nội buổi tối” sau khi ông mới nói về chuyện Nhật Hoàng hạ lệnh cho quân đội Nhật giải giáp ở mọi nơi, khiến ta có thể hiểu là tối ngày 15 tháng 8, ông được Phan Kế Toại cho xe ra đón vào Phủ để giải quyết một vấn đề khẩn cấp. “Đến nơi, thấy trước đại quan có hai người khách ngồi nói chuyện biết đấy là lãnh tụ và phó lãnh tụ của một đảng cách mệnh đã từng cộng tác chặt chẽ với quân đội Nhật thời kỳ đảo chính.” Bác Sĩ Chữ không cho biết tên hai người này nhưng theo tác giả Hoàng Văn Đào vị lãnh tụ này là Nguyễn Xuân Tiếu của Đại Việt Quốc Xã “là một đảng được người Nhật giúp đỡ nên rất hoạt động trong thời Nhật chiếm đóng. Đảng này công khai hoạt động, có trụ sở ỏ nhiều nơi và thu hút được khá nhiều thanh niên yêu nước”. Hai nhân vật này đến “với mục đích ép ông Khâm Sai từ chức để nhường chức cho lãnh tụ đảng”. Vì cho rằng đòi hỏi như vậy là quá đáng, lại ra ngoài pháp lý, Bác Sĩ Chữ yêu cầu được nói chuyện riêng với hai nhà cách mệnh. Cuộc đối thoại giữa hai bên đã được ông kể lại như sau:
Lãnh tụ nói:
Người Nhật chỉ tin có chúng tôi và chỉ giao khí giới cho chúng tôi.
Người Nhật cũng đã giao khí giới cho ông Phan Kế Toại ở nơi Bảo Anh Binh.
Nhưng cần phải có tất cả khí giới hiện ở tay người Nhật trước khi quân đội Nhật giải giới
Mỗ y sĩ ngờ là nhân vật Nhật, đã nói đến nhiều lần, bầy mưu kế cho hai nhà lãnh tụ.
“Nếu người Nhật quả thật chỉ tin có các vị, người Nhật phải chính thức đề đạt các vị nơi Triều đình Huế để Triều đình bổ nhiệm, sau khi đã cất chức ông Phan Kế Toại hoặc bắt họ Phan từ chức. Một đường quan chỉ có thể từ chức trước Triều đình. Chưa bao giờ có chuyện một công khanh từ chức với một người để nhường địa vị cho người ấy. Nếu các vị muốn sung chức Khâm Sai, tất phải làm một cuộc đảo chính, hạ đương sự mà thay thế.”
Không biết ông Khâm Sai có từ chức hay không? Nhưng mỗ y sĩ cảm thấy ông không muốn ngồi ở địa vị trước tình thế khó khăn. Cho nên về sau, nhân cơ hội, ông đã lặng lẽ đặt trách nhiệm nặng nề vào mỗ y sĩ. Ngày ấy và cho đến bây giờ người ta vẫn cho rằng mỗ y sĩ đã lĩnh chức Khâm Sai. Sự thực không phải thế
Điều cần để ý ở đây là tại sao hai vị lãnh tụ kể trên lại nêu vấn đề “cần phải có tất cả khí giới ở tay người Nhật trước khi quân đội Nhật giải giới”? Câu trả lời đã được Bác Sĩ Chữ gián tiếp cho biết khi ông kể lại sự kiện “một toán đông người không ai ngăn cản, rầm rộ kéo vào tận sân Bắc Bộ Phủ, yêu cầu chính quyền bắt nhốt tất cả người Pháp lại.” Lý do là vì “Người Nhật, sau ngày đảo chính không hề bắt nhốt người Pháp, ngoài những nhân vật quan trọng.” Nói cách khác, đó là để chống lại người Pháp nổi dậy tái lập chế độ bảo hộ của họ, điều mọi người Việt Nam ở thời này đều e ngại và đề phòng. Sự kiện này phù hợp với những gì Hoàng Văn Đào ghi rõ hơn trong tác phẩm của ông là sau khi gặp Bác Sĩ Nguyễn Xuân Chữ và bị Bác Sĩ Chữ bác bỏ đề nghị Phan Kế Toại từ chức của Nguyễn Xuân Tiếu, Nguyễn Xuân Tiếu đã quyết tâm đảo chính.
Nguyên văn lời viết của Hoàng Văn Đào như sau:
Hôm ấy vào buổi chiều ngày 17 tháng 8, Nguyễn Xuân Tiếu cùng 4 vị sĩ quan Nhật Bản hoá trang, mỗi người vai đeo một khẩu tiểu liên, ngoài phủ chiếc áo dài thâm Việt Nam, hướng dẫn 300 thanh niên võ trang súng trường, không ai ngăn cản, rầm rộ tiến vào Khâm Sai phủ. Một cuộc mà bề ngoài coi như là “Biểu Tình”, đòi Chính quyền bắt nhốt hết tất cả người Pháp lại.
Đổng Lý văn phòng Khâm Sai họ Phạm trả lời: “Chính quyền sẽ giải quyết nguyện vọng.”
Giữa khi ấy, một cán bộ trong Mặt Trận ĐVQGLM được phái đến mật báo cho ông Tiếu biết rằng” Quân đội Pháp ở trong thành đã đào lấy lên được một số võ khí quan trọng mà chúng đã chôn dấu từ trước, quyết định tối nay tràn ra đánh chiếm Hà Nội yêu cầu tạm lui quân để chặn đánh Pháp trước, rồi sáng mai hãy đoạt chính quyền chưa muộn.”
Nguyễn Xuân Tiếu còn đương phân vân chưa quyết định. Lãnh tụ Trương Tử Anh cỡi xe đạp tới, cùng báo mật tin như trên, và yêu cầu giao ngay số 300 thanh niên võ trang lại cho họ Trương, kịp gấp đi bố trí các nơi, phòng bị Pháp quân từ trong thành đánh ra.
Tức thời Trương Tử Anh chỉ huy 300 thanh niên võ trang ra khỏi Khâm Sai phủ. Nguyễn Xuân Tiếu cùng 4 sĩ quan Nhật Bản cùng nhau trở về. Chờ mãi tới đêm 18 rạng ngày 19 mới thấy một số thanh niên trở về báo cho Nguyễn Xuân Tiếu biết: “ Lãnh tụ họ Trương đã trao họ cho Trung và Quế tức Cối Kê là Hiến binh Nhật Bản, bị tên Quế tước hết khí giới, rồi đưa đến giữ ở trong trại Bảo An Binh.”
So sánh nội dung đoạn sách kể trên với nội dung văn thư Phan Kế Toại gửi cho các Ủy Viên Ủy Ban Giám Đốc Chính Trị thông báo từ chức cũng như lời kể của Nguyễn Xuân Chữ, việc Đại Việt Quốc Gia Liên Minh dự định đảo chính ở Phủ Khâm Sai trước khi Việt Minh cướp chính quyền là có thực. Chi tiết này cũng được Đoàn Thêm ghi vắn tắt mấy chữ: 18-8-1945. Bắc bộ phủ bị quần chúng ùa tới bao vây, Khâm-Sai Phan Kế Toại vắng mặt, rồi loan tin từ chức.
Câu hỏi được đặt ra là tại sao nỗ lực kể trên đã bị đã bị thất bại? Câu trả lời là vì phía những người Quốc Gia không có lập trường dứt khoát và thống nhất, chưa kể tới chủ quan, khinh địch, hiểu sai và coi nhẹ thế lực của Việt Minh và không hiểu rõ vai trò của quân đội Nhật và Đồng Minh ở vào thời điểm này và luôn luôn e ngại bị Đồng Minh cho là thân Nhật. Điều này có thể được thấy rõ qua hai buổi họp là buổi họp chiều ngày 11 tháng 8 năm 1945 của Ban Chấp Hành của Mặt Trận Đại Việt Quốc Gia Liên Minh để quyết định về vấn đề đoạt chính quyền ở Miền Bắc và buổi họp khẩn cấp tối ngày 17 tháng 8 của “Liên Minh Quốc Dân Đảng.”
Hoàng Văn Đào đã ghi lại các chi tiết sau đây:
Về buổi họp thứ nhất:
Trong cuộc thảo luận, hội nghị chia làm hai phái, ý kiến mậu thuẫn nhau. Một phái gồm có Chu Bá Phượng, Trương Tử Anh và đại diện của Nguyễn Tường Long (ông Long bị bệnh thương hàn phải điều trị tại bệnh viện) chủ trương rằng: “Muốn được Đồng Minh công nhận Chính phủ của chúng ta sau này, thì chúng ta không được phép hợp tác với Nhật Bản bất cứ dưới hình thức nào. Nếu hợp tác với họ, đó là chống lại Đồng Minh và đi ngược với trào lưu Quốc Tế, chúng ta tất sẽ bị tiêu diệt. Còn nếu Việt Minh Cộng Sản có cướp chính quyền chăng nữa, cũng chẳng quan ngại gì! Vì lực lượng của phe cách mạng dân tộc chúng ta có thể nói là mạnh gấp bội phe VMCS kể cả về mọi phương diện; chúng ta có đủ sức tiêu diệt họ. Vậy tốt hơn hết là chúng ta hãy nên chờ quân ở Hải ngoại cùng quân đội Đồng Minh sắp nhập cảnh nay mai bằng ba ngả đường Lao Kai, Lạng Sơn và Móng Cái; rồi sẽ liên hiệp lập chính phủ có Đồng Minh đứng sau ủng hộ; đại cuộc của chúng ta tất sẽ thành.” Một phái chủ trương nên dựa vào thế lực quân đội Nhật Bản cướp chính quyền ngay. Sau khi đã có quyền, đợi các đồng chí cách mạng từ Hải ngoại về tới, sẽ cùng nhau lập Chính phủ. Đại biểu cho phái này là Nguyên Xuân Tiếu tức Nguyễn Lý Cao Kha.
Hội nghị đương họp chưa quyết định bề nào, thì đột nhiên Trần Văn Cương cùng Đặng Đức Hinh đại diện nhóm “Phụng Sự Quốc Gia” hướng dẫn Đại Biểu “Mặt Trận Việt Minh” tới, đề nghị không nên đảo chính vội, viện lý do khi quân đội Đồng Minh tới sẽ cho là chính phủ thân Nhật Bản, không có lợi. Nếu “MTĐVQGLM” không đồng ý mà cứ đoạt chính quyền trước, thì “MTVM” cũng sẽ đoạt ngay hết chính quyền ở các tỉnh; đồng thời cho phá vỡ ngay đê sông Hồng cho nước tràn đầy Hà Nội, cô lập hóa Thủ Đô theo kế hoạch đã được bố trí sẵn sàng.
Hội nghị đâm hoang mang rồi giải tán.
Ta thấy ngay là quan điểm của đa số người Việt thời này là sợ mang tiếng thân Nhật khi Đồng Minh tới, trong khi Việt Minh thì được tiếng là chống cả Pháp lẫn Nhật. Những gì xảy ra sau này cho thấy sự thực không hoàn toàn như vậy. Đồng Minh không hề làm khó dễ cho những người bị coi là thân Nhật mà chỉ lo tước khí giới quân đội Nhật mà thôi. Đó không phải là việc làm của Đồng Minh mà chỉ là sự tuyên truyền, hù dọa do Việt Minh gây ra mà thôi.
Buổi họp thứ hai được triệu tập một cách bất ngờ vào buổi tối ngày 17 tháng 8 sau khi cuộc mít-tinh của công chức tại Nhà Hát Lớn Hà Nội bị biến thành cuộc mít-tinh biểu tình của Việt Minh, mà Hoàng Văn Đào ghi lộn là ngày 18 tháng 8. Trong buổi họp này, về phía Việt Nam Quốc Dân Đảng có Chu Bá Phượng, Nguyễn Văn Viễn, Lê Khang, về phía Đại Việt Quốc Dân Đảng có Trương Tử Anh, Phạm Khải Hoàn, và một người được gọi là Đồng Chí Kim… để bàn về việc đoạt chính quyền vào đêm hôm này.
Hoàng Văn Đào đã viết nguyên văn về cuộc thảo luận này như sau:
Các đồng chí ĐVQĐD cho rằng: “Cuộc cách mạng nào cũng chỉ đi tới mục đích là giành lại độc lập cho tổ quốc. Thì dẫu Mặt Trận Việt Minh hay đoàn thể nào cũng vậy! VM nắm được chính quyền, chúng ta sẽ tham gia hướng dẫn họ trên công cuộc phụ vụ nhân dân, nếu họ muốn trở mặt, lúc đó chúng ta sẽ lấy nhân dân làm hậu thuẫn mà hạ họ xuống. Vả lại, lực lượng của họ có gì đáng cho chúng ta lo ngại! Nếu nay chúng ta dùng võ lực để đối phó, trong lúc này ắt có cuộc lưu huyết! Cộng Sản chưa thấy đâu mà đã thấy ngay dân chúng bị tàn sát. Sau đây lịch sử sẽ quy tội cho chúng ta là tham cầu địa vị, gây nên cảnh nồi da sáo thịt; tội đó há riêng một cá nhân gánh chịu!
Lê Khang cực lực phản kháng:
“Thì ra đến giờ phút này mà các anh vẫn chưa hiểu rõ Việt Minh Cộng Sản là thế nào cả? Huống hồ là dân chúng!
“Tôi xin nói thẳng mong các anh đừng mếch lòng! Những phần tử CS họ rất sẵn sàng đi đôi với tất cả các thế lực, mặc dầu là thực dân Pháp hay quân phiệt Tầu, nghĩa là tiêu diệt được những những người cách mạng dân tộc chúng ta. Nếu nay để cho CS nắm được chính quyền, họ sẽ đặt tình thế trước sự đã rồi. Chúng ta sẽ đi tới tự sát. CS sẽ áp dụng mọi thủ đoạn để tiêu diệt chúng ta ngay. CS sẽ tuyên truyền công bố ngay với dân chúng: chúng ta là những tên phản động, phản quốc, Việt gian!
“Chúng ta không nên đóng vai rò thụ động, không được phép chờ họ khủng bố rồi mình mới đánh lại; chúng ta nên tấn công họ trước, mới nắm được phần thắng về mình. Tôi khẩn khoản yêu cầu các anh hãy mau nắm lấy chính quyền, rồi tóm cổ hết những phần tử CS nhốt lại, để trừ mối họa cho dân tộc.
“Chúng ta nắm được chính quyền, chỉ thu số súng đạn của Bảo An Binh cũng có tới 5.000 khẩu, cùng với số súng đủ loại ở kho Ngọc Hà của Pháp trước mà Nhật tước được có trên 20.000 khẩu, mà nay Nhật Bản sẵn sàng trao lại cho chúng ta. Với lực lượng ấy chúng ta có thể lập ba sư đoàn cách mạng quân để đối phó với tình thế, tiến tới một chính quyền thống nhất toàn quốc.
“Nếu các anh cương quyết không chịu nghe ý kiến tôi, thì một ngày rất gần đây khi CS đã nắm vững tình hình, họ sẽ sách động gây nên cuộc giai cấp đấu tranh, hủy diệt Tôn Giáo, tổ chức phong trào đấu tố, thì ngay vợ con các anh sẽ đấu tố các anh là phản động, là…các anh sẽ không còn đất để đứng! Để họ tạo nên một giai cấp quan liêu thống trị mới hưởng mọi đặc ân và sẽ loại trừ hết các đảng phái Quốc Gia, họ sẽ đưa quốc gia ta lệ thuộc vào hàng ngũ Đệ Tam Quốc tế”.
Ý kiến của Lê Khang không được hội nghị chấp thuận, bởi Chu Bá Phượng, Nguyễn Văn Viễn… vì quá nhu nhược lừng chừng, thiếu quả quyết.
Thấy cơ hội độc nhất đã lỡ! Vô phương cứu vãn! Lê Khang cùng một số đồng chí lặng lẽ bỏ lên Vĩnh Yên tìm Đỗ Đình Đạo thảo kế hoạch đoạt chính quyền tỉnh Vĩnh Yên làm địa bàn hoạt động.
Các võ trang đảng viên QDĐ được huy động từ chiến khu triệu về tập trung tại trường tiểu học Hàng Kèn, Hà Nội để đợi lệnh đoạt chính quyền cũng thứ tự rút lui
Cũng về biến cố này, Hoàng Tường, một đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng khác đã kể lại câu chuyện như sau:
Các cán bộ quốc-gia chứng kiến cuộc biểu tình tuần hành của Việt Minh ngạc nhiên tự hỏi: Tại sao VM không chiếm chính quyền ngay chiều hôm 17? Có lẽ chưa được lệnh của thượng cấp? Có lẽ đấy chỉ là một cuộc biểu tình để trắc nghiệm xem phản ứng của Nhật bản ra sao, rồi mới đặt kế hoạch? Mãi đến sáng hôm sau họ mới cho loan truyền quyết định tổ chức biểu tình cướp chính quyền vào ngày 19 tháng 8, 1945.
Từ ngạc nhiên đến toan tính: Trung ương Đảng bộ ra lệnh chuẩn bị gấp, đoạt chính quyền tối 18 rạng 19, trước rạng đông. Mọi việc cần phải làm đều được sắp xếp: cờ xí, biểu ngữ, bích chương và tuyên cáo quốc dân. Tất cả cán bộ và đảng viên hiện diện được lệnh chia nhau túc trực ở các cửa ô đợi lệnh. Võ khí tuy chưa có nhiều nhưng theo báo cáo thì “ta” đã có một số anh em binh sĩ trong trại bảo an binh sẵn sàng tiếp tay. Như dự định, anh em cán bộ và đảng viên đã sắp đặt ai nhiệm vụ ấy, kéo đến phủ Khâm sai, nhà máy đèn, đài phát thanh.
Nhưng, lúc ba giờ sáng ngày 19-8-45, không biết vì nhũng lý do gì mà hội nghị cấp lãnh đạo lại hủy bỏ kế hoạch đoạt chính quyền, và ra lệnh cho tất cả phân tán mỏng, ai về nhà nấy, nhường cho Việt Minh làm công cuộc ấy sáng hôm sau, 19-8-45.
Hồi ấy, người viết chỉ là một đảng viên cấp thấp, không được dự hội nghị có tính cách quyết định lịch sử ấy, nên không tường sự việc. Hai hôm sau, người viết hỏi anh Chu Bá Phượng (cũng gọi là anh Hai) thì anh cho biết là theo quyết định của hội nghị, “ta” hãy tạm thời nhường Việt Minh một bước, để sau khi quân Đồng minh vào, sẽ tính.
Nói tóm lại qua những tài liệu kể trên, ta thấy các đảng phái Quốc Gia cũng có kế hoạch cướp chính quyền trước cả Việt Minh, nhưng vì nhiều lý do như thiếu thống nhất, thiếu quyết đoán, coi thường đối thủ, lại sợ bị mang tiếng thân Nhật có hại khi quân Đồng Minh tới, sợ Việt Minh phá đê Sông Hồng để nước tràn vào Hà Nội và Cộng Sản sẽ làm chủ nông thôn, cô lập Hà Nội, cũng như đặt quyền lợi của quốc gia lên trên quyền lợi của phe nhóm, trong đó có Cộng Sản… nên nửa chừng bỏ dở giúp cho Việt Minh nắm được cơ hội cướp được chính quyền trước khiến tình hình sau đó trở thành quá trễ và là thảm họa lớn cho chính họ, đúng như Lê Khang cảnh cáo trước. Nên để ý là Lê Khang hay Lê Ninh ở thời này được coi là một lãnh tụ sáng giá của Việt Nam Quốc Dân Đảng qua câu nói được truyền tụng “Việt Quốc Lê Ninh, Việt Minh Trần Văn Giàu”. Ông bị Việt Minh giết sau này.
Cuối cùng, về thái độ của các đảng phái quốc gia trong thời gian này, Nguyễn Tường Bách, trong Việt-Nam Một Thế-Kỷ Qua, Hồi Ký Cuốn Một 1916-1946, in năm 1998, 53 năm sau đã viết:
Cần phải khách quan để rút kinh nghiệm về những bài học lịch sử. Lực lượng các đảng phái quốc gia Việt Nam thiếu tổ chức có hệ thống chặt chẽ, thiếu lãnh đạo sáng suốt, thiếu võ trang, tuyên truyền trong quần chúng, thiếu khu căn cứ, tới ngày quyết liệt lại không mạnh dạn cướp lấy thời cơ trăm năm có một, kết quả lâm vào thế bị động và nguy nan.
Có anh em lại chủ trương không nên xung đột với Việt Minh gây đổ máu giữa người Việt với nhau vô ích, đợi CS lên cầm quyền rồi dần dần nó sẽ lộ chân tướng, và tất sẽ bị nhân dân lật đổ. Một chủ trương quá lý tưởng và quá tin ở người khác. Vì không nghiên cứu kỹ càng về sách lược, chiến thuật nên không hiểu gì về câu châm ngôn của CS “tất cả vì chính quyền” – có chính quyền là có tất cả. Đến bây giờ, người CS vẫn coi trọng câu châm ngôn ấy, bám chặt chính quyền là vấn đề số 1 đối với họ.
Chưa hết, về thái độ đối với chính quyền của Hoàng Đế Bảo Đại của các đảng phái quốc gia, tác giả Nguyễn Tường Bách nhận định thêm:
Nếu trước kia, các đảng phái quốc gia biết cách hợp tác với chính quyền Bảo Đại, dựng một chính phủ vững mạnh thì đã không những ngăn ngừa được nền chuyên chính của CS, mà còn có thể lãnh đạo toàn dân chống đế quốc Pháp quay trở lại.
Bất cứ một chính phủ dân tộc nào lúc đó cũng có khả năng chỉ huy cuộc kháng chiến, cũng như ở nhiều nước khác trên thế giới. Việc đảng CSVN ngụy biện là đã đánh đuổi được hai đế quốc Pháp-Nhật, giải phóng cho dân tộc lúc ấy, chỉ là một tuyên truyền vô căn cứ, để mê hoặc dân chúng. Dựa vào lập luận ngụy biện này, đảng CS đã có thể lôi kéo dân chúng đi theo con đường tai họa xã hội chủ nghĩa và chuyên chính vô sản. Thật ra lúc này Pháp đã bị Nhật tước quyền rồi, mà Nhật lại đã đầu hàng.
Nhận định của Nguyễn Tường Bách như một người đương thời về chuyện “Nếu trước kia các đảng phái quốc gia biết cách hợp tác với chính quyền Bảo Đại”, phần nào tương tự như cái nhìn của Giáo Sư Tiến Sĩ Phạm Hồng Tung thuộc trường Đại Học Quốc gia Hà Nội sau này trong tác phẩm Nội Các Trần Trọng Kim: Bản Chất, Vai Trò và Vị Trí Lịch Sử xuất bản năm 2009. Phạm Hồng Tung coi sự thiếu vắng các chính khách chuyên nghiệp là tử huyệt đầu tiên trong hai tử huyệt của Nội Các Trần Trọng Kim. Giáo Sư Phạm Hồng Tung viết:
“Thứ nhất, tất cả những thành viên của nội các đều không phải là chính khách chuyên nghiệp, không có kinh nghiệm trong hoạt động lãnh đạo, quản lý. Hơn nữa, họ không hề có hậu thuẫn chính trị từ bất kỳ đảng, nhóm chính trị nào. Dù họ có tài năng, học thức, và là người chân thành yêu nước, có đạo đức tốt thì họ cũng chỉ có thể làm tốt vai trò bộ trưởng trong những điều kiện bình thường. Nhưng chắc chắn họ đều không thích hợp cho một chính phủ như nội các Trần Trọng Kim ở vào hoàn cảnh khó khăn, đầy thách thức từ sau cuộc đảo chính Nhật-Pháp cho tới khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc.
Tuy nhiên như đã dẫn ở trên, trong hồi ký của ông, Trần Trọng Kim đã giải thích sự không mời các chính khách chuyên nghiệp là vì “Những người làm chính trị nói huyên thuyên thì nhiều, song người chín chắn biết suy nghĩ và biết cách đối lại với dân chúng cho êm ái thì ít.” Ngoài ra ta cũng cần phải để ý tới sự khác biệt về chủ nghĩa, về chính kiến, nói riêng, và cách nhìn thời cuộc, nói chung, của các vị này khiến cho từ Vua Bảo Đại đến Thủ Tướng Trần Trọng Kim và luôn cả báo chí, đã luôn luôn kêu gọi mọi người phải đoàn kết, tôn trọng kỷ luật, cùng nhau làm việc, điển hình là Bác Sĩ Phạm Hữu Chương qua bài tường thuật buổi lễ ra mắt của Nội Các Trần Trọng Kim ở Huế đã dùng nhan đề “Bình Tĩnh Để Suy Xét” đăng trong Trung Bắc Tân Văn số 245, ngày 20 tháng Năm 1945, để kêu gọi mọi người. Cuối cùng ông viết:
Quản ngại chi. Bám chặt lấy rồi sẽ mon men tìm lối lên bờ. Những ai quá nóng nảy hãy nên bình tĩnh xét lại thế cờ xem cách chống đỡ có đúng phép hay không? Khi ta đã đồng ý kiến tất con đường đi chung của ta sẽ dễ tìm.
Sau này khi phải đối phó với thực tế trong những ngày trước ngày 19 tháng Tám, các vị này đã cho người ta thấy nhận xét của Thủ Tướng Trần Trọng Kim là đúng.
Có điều “hoàn cảnh khó khăn, đầy thách thức” này không do người ngoại quốc gây ra mà như Nguyễn Tường Bách viết mà là do Việt Minh, qua châm ngôn “tất cả vì chính quyền” – có chính quyền là có tất cả, như một mục tiêu giai đoạn nhằm thực thi xã hội chủ nghĩa và chuyên chính vô sản, mục tiêu tối hậu của họ, đặc biệt là trong những ngày cuối của trung tuần tháng 8 năm 1945 vì ở thời điểm này người Nhật đã đầu hàng và Quân Đội Nhật chỉ còn nhiệm vụ do Đồng Minh trao phó là giữ an ninh trật tự cho đến khi Quân Đồng Minh tới. Trong khi đó Chính Phủ Trần Trọng Kim, qua đích thân Thủ Tướng, Khâm Sai Phan Kế Toại và sau cùng là Bộ Trưởng Hoàng Xuân Hãn, như đã nói ở trên, đã cố gắng mời tổ chức này hợp tác nhưng đều bị từ chối.
Trích từ tác phẩm "Trước Khi Bão Lụt Tràn Tới: Bảo Đại - Trần Trọng Kim và Đế Quốc Việt Nam" (chương 8)
Tác giả: Ts Phạm Cao Dương - Xuất bản năm 2018.
Đăng ngày 31 tháng 07.2021