banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Ngôn từ lễ độ


Gs Đàm Trung Pháp
                                                                                                                        
Trong tiếng Anh có một ngạn ngữ  rất khôn ngoan là Sticks and stones may break our bones, but words will break our hearts. Theo đó, lời nói có thể là phương tiện trả thù tàn bạo hơn cả gậy đập và đá liệng. Thực vậy, ngôn từ khéo léo là phương tiện hữu hiệu nhất để giao hảo của loài người, cho nên để đạt được mục đích ấy, người khôn ngoan phải sử dụng lời nói sao cho ấm lòng người nghe và yên tâm lòng mình. Đồng nghĩa với động từ nói ngọt của tiếng Việt, động từ sweet-talk của tiếng Anh cho thấy rằng sự khôn khéo trong lời ăn tiếng nói rất hiệu nghiệm trong ý định biến người mới sơ giao thành bạn của mình, hoặc thuyết phục người đã quen biết làm những chuyện có lợi cho mình. Hãy nghe lời một thanh niên Mỹ khôn ngoan giải thích với bạn bè tại sao anh ta mới được lên lương: “Well, I simply sweet-talked my boss into giving me a pay raise and she did!”  Ta cũng nên biết một ngạn ngữ tuyệt vời của người Nhật là Một lời nói tử tế có thể làm ấm lòng người nghe trọn ba tháng mùa đông.
Người Mỹ thường dùng uyển ngữ (euphemism) để làm nhẹ bớt đi những ý nghĩ tiêu cực của ngôn từ. Thí dụ, thay vì dùng chữ garbage collector để diễn tả một công việc làm không được trọng vọng cho lắm, người Mỹ sử dụng chữ sanitation engineer nghe “mát lòng” hơn nhiều. Họ cũng có mặc cảm với tuổi già, cho nên khi áp dụng để tả một người tuổi đã cao, hình dung từ  old làm người nghe buồn lòng không ít. Vì vậy các bậc cao niên tại Mỹ được gọi là senior citizens một cách trịnh trọng. Người Mỹ da đen không thích người khác gọi mình bằng màu da, cho nên các chính trị gia khôn khéo gọi họ là African Americans. Trong xã hội Mỹ ngày nay, the N-word là một xúc phạm khó tha thứ đối với người Mỹ gốc Phi châu và có thể làm cho người lỡ dùng chữ ấy ân hận không ít.  

ĐẠI TỪ XƯNG HÔ NGÔI THỨ NHẤT SỐ ÍT
Có lẽ không một ngôn ngữ nào khác có thể so với Việt ngữ về bản chất đa dạng, đa năng của đại từ xưng hô ngôi thứ nhất số ít. Quả thực, trong khi đa số ngôn ngữ chỉ sử dụng một dạng cho ngôi này, như Je trong Pháp ngữ, I trong Anh ngữ, Ich trong Đức ngữ, và Wo (我) trong Hoa ngữ quan thoại, Việt ngữ chúng ta có cả một kho tàng xưng hô cho ngôi thứ nhất số ít ngoài đại từ Tôi thông thường. Mỗi dạng khác nhau của đại từ “tôi” nói lên được mối liên hệ đặc biệt giữa người nói và người nghe. Con cái chẳng bao giờ dám xưng “tôi” với cha mẹ, cũng như học trò chẳng hề xưng “tôi” với thầy và cô giáo. Tao chỉ có thể thay thế cho tôi giữa các bạn bè thân nhất hoặc trong các cuộc chửi bới lẫn nhau. Tất cả các danh từ diễn tả mối liên hệ họ hàng như “bố, mẹ, chú, bác, cô, cậu, ông nội, bà ngoại” đều có thể được dùng làm đại từ xưng hô ngôi thứ nhất. Và một nét rất đặc thù của tiếng Việt là tên người đang nói có thể được dùng làm đại từ xưng hô thay cho “tôi” như trong câu nói nũng nịu của một cô Lan xinh đẹp nào đó với người bạn trai tốt số mới được quen nàng: “Lan muốn cùng anh đi Vũng Tàu tắm biển cuối tuần này, anh có chịu không, hả anh?”

ĐẠI TỪ XƯNG HÔ NGÔI THỨ HAI
Nhiều ngôn ngữ trên thế giới có hai dạng cho đại từ xưng hô ngôi hai, một dạng thân mật và một dạng trang trọng. Tiếng Pháp có tu và vous, tiếng Đức có du và Sie, tiếng Tây ban nha có tú và usted, và tiếng quan thoại có ni (你) và nin (您).Các động từ mày tao chi tớ trong tiếng Việt, tutoyer trong tiếng Pháp, tutear trong tiếng Tây ban nha, duzen trong tiếng Đức đều diễn tả hành động dùng các dạng thân mật để xưng hô giữa bạn bè hoặc bà con thân thích.
Cũng giống như trường hợp ngôi thứ nhất, ngôi thứ hai của đại từ xưng hô trong tiếng Việt đa diện, đa năng hơn hẳn nhiều ngôn ngữ khác. Mỗi dạng của ngôi này nói lên được mối liên hệ đặc biệt giữa người nói và người nghe. Những danh từ diễn tả mối liên hệ họ hàng (bác, chú), những tước vị (bác sĩ, đại úy), cũng như tên người (Lan, Tuấn) đều có thể dùng làm đại từ xưng hô ngôi hai.
Tất nhiên, muốn đẹp lòng người nghe, người nói phải lựa chọn đại từ xưng hô cho phù hợp. Khi một người trẻ nói chuyện với những người lớn tuổi bằng cha mẹ, bằng ông bà mình mà xưng hô tôi với họ thì người trẻ ấy hoặc quả thực quá kém tiếng Việt hoặc cố tình cư xử vô lễ. Người viết bài này đã từng vô cùng bực bội và bỏ ra về sau khi nghe một người còn trẻ trên bục thuyết trình mở đầu cuộc nói chuyện với đủ mọi lứa tuổi, từ rất trẻ cho đến rất già, với câu bắt đầu vô lễ “Thưa toàn thể anh chị em, tôi rất vui được ban tổ chức mời lên đây…”

NGÔN TỪ TRONG THƯƠNG MẠI
Trong lãnh vực thương mại, ngôn từ lễ độ lại càng cần thiết. Người Pháp thường kết thúc một lá thư thương mại bằng câu Veuillez agréer, Monsieur/Madame, l’expression de nos sentiments les plus chaleureux (Xin Ông/Bà nhận cho sự biểu lộ những cảm tình nồng hậu nhất của chúng tôi). Người làm thương mại tại các nơi sử dụng tiếng Tây ban nha còn lễ độ hơn nữa. Trước khi họ ký tên vào lá thư cho thân chủ, họ tự nhận họ là những atentos seguros servidores (tôi đòi trung kiên và đầy quan tâm) của các thân chủ của họ!  

NGÔN TỪ ĐỂ TRI ÂN
Dân tộc nào cũng biết nói lên lòng biết ơn sau khi nhận ân huệ. Người Đức dùng động từ danken và người Mỹ dùng động từ thank để cám ơn. Hai động từ này từa tựa âm thanh như hai động từ denken và think có nghĩa là suy nghĩ. Phải chăng các dân tộc ấy nghĩ ngợi nhiều mỗi khi họ tri ân?
Arigato – viết bằng kanji (有難),phát âm Hán-Việt “hữu nan”–là từ ngữ người Nhật dùng để tỏ lòng biết ơn với nghĩa đen là có khó khăn. “Khó khăn” ở đây hàm ý nỗi nhọc nhằn của người mình mang ơn khi làm ân huệ cho mình. Người Việt bầy tỏ lòng biết ơn với nhiều xúc cảm, như “Tôi xin đội ơn ông!” Cảm khái thay, người Việt không những chỉ biết nhớ mà còn mang trong lòng hoặc đội trên đầu cái ơn ấy nữa!
Cách thức đáp lại lời tri ân cũng có thể làm người nghe “yên tâm.” Người Tây phương cũng như người Việt thường đáp lại Không có chi! Và để trấn an người nhận ân huệ hơn thế nữa, người Tây phương có thể dùng những lời nói xã giao như Niềm vui đó là của tôi! Chúng ta cũng có một lời đáp lại sự “đội ơn” một cách khiêm cung là Tôi không dám!

NGÔN TỪ GIỮA KHÁCH VÀ CHỦ NGƯỜI TÀU
Trong mối tương quan giữa khách và chủ, người Tàu khá thận trọng. Tiếng quan thoại dùng từ ngữ kechi (客氣) (“khách khí” phát âm kiểu Hán Việt) để nói lên cách cư xử của người khách: lễ độ, lịch duyệt, khiêm cung, đầy cảm thông, và để tâm đến người khác. Để người khách được thoải mái hơn, người chủ dùng thành ngữ phủ định bukechi (不客氣) (“bất khách khí” phát âm kiểu Hán Việt) tương đương với câu xin đừng làm khách của người Việt.
Trong văn hóa Tàu, kechi (客氣) liên hệ mật thiết với lijiao (礼教) (lễ giáo). Vì vậy, do ảnh hưởng văn hóa Tàu, người Việt chúng ta ưa dùng những thành ngữ Hán Việt khiêm tốn như tệ xá (敝舍), tiện nội (賤内), thiển ý (浅意) … khi chúng ta nói về chúng ta, và những thành ngữ Hán Việt trang trọng như quý quyến (貴眷), lệnh ái (令愛), tôn ý (尊意) … khi chúng ta nói với khách của chúng ta.
Người Tây phương cũng muốn cho khách của họ cảm thấy thoải mái trong cuộc giao tiếp, nhưng ngôn từ của họ ít khách sáo hơn ngôn từ Đông phương. Nếu người Mỹ nói thẳng ra Xin vui lòng cứ coi như ở nhà (Please make yourself at home) thì người Tây ban nha còn nói rõ hơn thế nữa: Nhà của tôi cũng là nhà của ông (Mi casa es su casa).

KÍNH NGỮ TRONG TIẾNG NHẬT
Nhật Bản là nơi có nhiều lễ nghi cho nên người dân nước này coi việc sử dụng kính ngữ (敬語) là rất quan trọng trong khi giao tiếp. Người Nhật dùng tôn kính ngữ (尊敬語) để nói về sự việc liên quan đến người đối tác được coi cao sang hơn mình, và khiêm nhượng ngữ  (謙讓語) để tự hạ mình xuống thấp hơn người đối tác khi nói về sự việc liên quan đến chính mình. Thí dụ: o- là một tiền tố (prefix) đánh dấu sự tôn kính, và genki (元氣) nghĩa là sức khỏe. Khi hỏi thăm về sức khỏe của người đối tác thì genki trở thành o-genki, như trong câu hỏi thăm “Thưa ông mạnh không ạ?” bằng Nhật ngữ: o-genki desu ka? Nhưng trong câu đối đáp “Dạ, tôi mạnh” thì genki không có “o-” đứng trước: genki desu.
Hậu tố -sama (gắn thêm vào tên hoặc họ) diễn tả mức kính mến khi đối tác ở địa vị cao hơn mình nhiều hoặc có tài năng nổi bật. Trong cao điểm sự nghiệp điện ảnh của diễn viên Leonardo DiCaprio (vai chính trong Titanic sản xuất năm 1997), ông được người Nhật mệnh danh là Leo-sama.  Người Nhật cũng chuộng những người phục vụ trong lãnh vực giáo dục, y khoa và luật khoa, và những người có quyền lực trong xã hội.  Để tỏ lòng mến mộ dành cho những vị này, người Nhật cho gắn thêm hậu tố cung kính -sensei (先生) (“tiên sinh”) vào danh tính của họ. Trộm nghĩ người viết bài này (full professor of linguistics emeritus của một đại học Mỹ) sẽ ấm lòng biết mấy khi được một người Nhật Bản nào đó nhận ra nghề nghiệp cũ và ngả mũ khi gọi mình là “Pháp-sensei!”  

Gs Đàm Trung Pháp - 2010

 

Đăng ngày 11 tháng 06.2020