banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Về bài thơ "Tây tiến" của Quang Dũng

Đàm Trung Pháp


Quang Dũng sáng tác bài  Tây Tiến năm 1948, đúng một năm sau ngày Trung Đoàn Thủ Đô của nhà thơ rời Hà Nội. Vào cuối năm 1946 Trung Đoàn này ra quân lần đầu, trong đó 8.000 thanh niên trí thức bảo vệ thủ đô Hà Nội đã đối diện với 4.500 binh sĩ Pháp. Đây cũng là nỗ lực đầu tiên của những thanh niên yêu nước đó để ngăn cản ý đồ trở lại của thực dân Pháp. Quang Dũng là bút hiệu của Bùi Đình Diệm (1921-1988) sinh quán là làng Phùng, phủ Phượng Trì, tỉnh Sơn Tây. Thân phụ là một nho gia từng làm chánh tổng. Là anh trai trưởng của bốn em gái và một em trai, Quang Dũng theo học tại Trường Bưởi rồi được tuyển lựa vào Trường Sư Phạm Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp trường đào tạo giáo chức, ông ra dạy học, nhưng chẳng bao lâu sau đó thì ông bỏ nghề sư phạm và trở thành “trưởng ga” xe lửa Yên Bái. Lúc này Quang Dũng cũng gia nhập Quốc Dân Đảng.

Vang lên như một thiên anh hùng ca, Tây Tiến được các chiến hữu của Quang Dũng trân quý và được phổ biến rộng rãi. Tuy nhiên nó chỉ được chính thức cho xuất bản tại Hà Nội năm 1986, tức là hai năm trước khi nhà thơ tạ thế. Đây là một tuyệt tác thi ca nói lên mức phản kháng anh dũng của dân Việt đối với chế độ thuộc địa của thực dân Pháp. Bài thơ – gồm 34 dòng, mỗi dòng 7 chữ – hồi tưởng lại chuyến hành trình cực kỳ gian lao cho các chiến sĩ di chuyển về hướng tây. Mỗi hồi tưởng là một bức tranh nổi bật và một lời ca nhiệt tình cho người đọc thấy một kinh nghiệm gian nan khó quên của những người trai trẻ sẵn sàng hy sinh tính mạng cho đất nước.

So với tất cả những bài thơ kháng Pháp khác trong khoảng thời gian từ 1945 đến 1954, Tây Tiến là đỉnh cao nhất. Bài thơ không hoan hô ai là lãnh tụ và cũng chẳng ngợi ca lý tưởng chính trị nào, vậy mà mỗi câu trong đó đều tỏa ra một tình yêu đất nước hăng say, một thiên nhiên hùng vĩ, một tình bạn thắm thiết, và một quyết tâm đập tan chế độ thực dân. Mời quý độc giả thưởng lãm tuyệt tác thi ca bất hủ ấy mà nhà thơ Quang Dũng đã để lại cho hậu thế, với phần cước chú theo sự hiểu biết và suy luận của tôi:

TÂY TIẾN
Sông Mã xa rồi, Tây Tiến ơi[1]
Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi         
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi[2]
Mường Lát hoa về trong đêm hơi[3]
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây, súng ngửi trời   
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống  
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi [4]
Anh bạn dãi dầu không bước nữa  
Gục lên súng mũ bỏ quên đời        
Chiều chiều oai linh thác gầm thét            
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người [5]        
Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói          
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi [6]         
Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa      
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên Man điệu nàng e ấp [7]   
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ [8]
Người đi Châu Mộc chiều sương ấy [9]
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc [10]
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa                
Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc [11]
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới [12]
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm [13]
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu, anh về đất [14]
Sông Mã gầm lên khúc độc hành
Tây Tiến người đi không hẹn ước
Đường lên thăm thẳm một chia phôi
Ai đi Tây Tiến mùa xuân ấy
Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi.

Ghi chú:
[1] Sông Mã bắt nguồn từ vùng tây bắc Việt Nam, uốn quanh Điện Biên qua Sơn La, Lào, và Thanh Hóa trước khi đổ ra Vịnh Bắc Việt.
[2] và [3] Thị xã Mường Lát và làng Sài Khao thuộc tỉnh Thanh Hóa, cách nhau bằng  một con đường rừng hiểm trở. Vùng này nổi tiếng là bị sương mù luôn bao phủ, cho nên binh sĩ di chuyển ban đêm qua đó phải đốt đuốc, khiến họ trông giống như “hoa về trong đêm hơi.”
[4] Núi Pha Luông thuộc tỉnh Thanh Hóa. Chính trên ngọn núi này mà nhiều thanh niên dãi dầu kiệt sức đã “gục lên súng mũ bỏ quên đời.”
[5] và [6] Làng Mường Hịch và thị trấn Mai Châu thuộc tỉnh Hòa Bình. Mường Hịch được biết đến là nơi có những con cọp liều lĩnh lui tới để ăn thịt heo sống của dân làng.
[7] Khèn là một nhạc cụ thổi hơi gồm có những ống tre nối vào một hộp gỗ. Nó được coi là linh hồn của các dân tộc thiểu số Mông, Mường, Tầy ở khu vực miền núi bắc Việt Nam để họ gửi gấm lòng mình với bạn tình, với thiên nhiên.
[8] Viên Chăn (cũng gọi là Vạn Tượng hay Vientiane) là thủ đô nước Lào, nằm trên bờ sông Cửu Long
[9] Châu Mộc là một thị trấn xinh tươi với nhiều sắc dân chung sống, nơi mà hàng năm có nhiều lễ lạc được tổ chức để trai gái có dịp gặp nhau.
[10] Các thiếu nữ địa phương thường dùng thuyền độc mộc để giúp binh sĩ qua sông. Lèo lái con thuyền nhỏ trên dòng nước chảy mau, họ giống như một “lũ hoa đong đưa.”
[11] Bệnh sốt rét (ngã nước) gây ra bởi muỗi anopheles trong vùng binh sĩ di chuyển, làm tóc họ rụng và da xanh mét.
[12] và [13] Hai câu thơ tuyệt hay này đã gây ra phiền toái cho Quang Dũng, vì chúng bị cho rằng là quá ủy mị có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần binh sĩ.
[14] Đám táng cho các tử sĩ này còn tệ hơn cả đám táng cho người nghèo khổ, vì thân xác họ còn được gói trong chiếu trước khi hạ huyệt.

Đàm Trung Pháp - 2019

 

Đăng ngày 11 tháng 06.2020