banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn tạm ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Một thoáng thi ca trữ tình Đức ngữ

Đàm Trung Pháp

Thành kiến cho rằng Đức ngữ chói tai, vụng về và nặng nề đã bị thi ca trữ tình Đức ngữ phản bác bằng bản chất uyển chuyển, linh động, và đầy nhạc tính của nó. Chính bản chất này đã giúp thơ trữ tình Đức ngữ đi sâu vào di sản văn học nhân loại, qua một cơ duyên hy hữu: sự thăng hoa của loại thơ chan chứa tình cảm này xảy ra cùng lúc mà âm nhạc đang đi đến tột đỉnh tại Đức Quốc. Mối liên kết diệu kỳ giữa chữ nghĩa và âm điệu trong thế kỷ 18 và 19 đã tạo nên những bài ca bất hủ cho các danh tài âm nhạc Brahms, Schubert, và Schumann.  Trong bài viết này, bút giả mời quý bạn đọc một vài bài hoặc đoạn thơ chan chứa tình người, trong đó – theo lời HERMANN HESSE (giải Nobel văn chương 1946) – các thi sĩ sẵn sàng “gọi tên từng con thú, từng phiến đá với tất cả yêu thương.”

“Du bist wie eine Blume” (Em như một đóa hoa) là một tuyệt tác của HEINRICH HEINE (1797-1856). Bài thơ này đã được ROBERT SCHUMANN phổ nhạc nên lại càng thêm lừng danh hoàn vũ. Nó phản ánh mối tình tuyệt vọng giữa thi nhân và một người bà con trong họ mang tên Amalie, xinh đẹp nhưng rất thực tế. Nàng làm ngơ Heinrich để đi lấy chồng giàu sang, gây ra một vết thương lòng dai dẳng cho nhà thơ.  Trong đoạn mở đầu bài thơ, người đọc đã thấy ngay mức xót xa khôn tả của Heinrich – Amalie yêu kiều bao nhiêu thì chàng đau lòng bấy nhiêu:

Em trông như một đóa hoa – Du bist wie eine Blume
Thắm tươi duyên dáng mặn mà băng trinh – So hold und schoen und rein
Ngắm em anh thấy khổ đau – Ich schau’ dich an und Wehmut
Lẻn vô tâm thất thảm sầu lòng anh – Schleicht mir ins Herz hinein

Tuyệt vọng nhưng lại là một người thua cuộc cao thượng, trong phần còn lại của bài thơ ấy Heinrich đã nguyện cầu Ơn Trên ban phước lành cho Amalie được mãi mãi là một đóa hoa rực rỡ làm đẹp cho đời. Người ta thường coi Heine là nhà thơ lớn sau cùng của trào lưu lãng mạn Đức đã có thể viết lên những bài thơ tráng lệ tiêu biểu nhất của thời điểm ấy. Chẳng hạn, bài thơ “Im wunderschönen Monat Mai” (Trong tháng Năm rực rỡ) của Heine cho người đọc thấy con người và thiên nhiên, vốn đã sẵn có những liên hệ mật thiết, cùng chợt bừng tỉnh khi mùa xuân trở lại:

Trong tháng Năm rực rỡ – Im wunderschoenen Monat Mai
Khi muôn hoa đua nở – Als alle Knospen sprangen
Là lúc trong tim tôi – Da ist in meinem Herzen
Tình yêu bừng thức dậy – Die Liebe aufgegangen

*
Trong tháng Năm rực rỡ – Im wunderschoenen Monat Mai
Khi chim chóc líu lo – Als alle Voegel sangen
Tôi cùng nàng thú thật – Da hab’ ich ihr gestanden
Lòng ham muốn của tôi – Mein Sehnen und Verlangen
                                                                                                                        Chủ đề “carpe diem” hoặc “xuân bất tái lai” không thể thiếu trong thi ca trữ tình, và thi sĩ LUDWIG HEINRICH CHRISTOPH HOELTY (1748-1776) tài hoa mệnh yểu viết về  chủ đề này như có linh tính về cuộc đời ngắn ngủi của chính mình. Giỏi thần học và bi quan về cuộc sống phù du, Hoelty mê say thiên nhiên, ái mộ tuổi trẻ, và ngợi ca tình ái. Nhưng cạnh niềm vui trong thơ Hoelty, người ta thấy lẩn quất đâu đây một thiên tai đang đợi, một Tử Thần đang chờ. Trong bài “Lebenspflichten” (Trách nhiệm cuộc đời), giữa khung cảnh tráng lệ của mùa xuân Hoelty đưa ra cái chết bất ngờ của một chàng trai đang dồi dào sinh lực:

Hôm nay trong điệu xuân vũ – Heute huepft, im Fruelingstanz
Chàng thanh niên còn vui thú nhảy cao – Noch der frohe Knabe
Mai đây vòng hoa thương nhớ – Morgen weht der Todtenkranz    
Trên mộ chàng đã theo gió phất phơ – Schon auf seinem Grabe

Nhưng từ cái nhìn thực tế đến cõi đời ngắn ngủi, Hoelty không buồn mà chỉ muốn xác định mục đích cuộc đời một cách giản dị và hợp lý: vì cái chết không thể tránh được, chúng ta hãy tận hưởng cuộc sống phù du ấy trong niềm vui cùng thiên nhiên, tình ái, và say sưa:

Chớ để chim họa mi nào – Lasset keine Nachtigall
Líu lo không ai biết – Unbehorcht verstummen        
Con ong nào lúc xuân về – Keine Bien’ im Fruehlingsthal
Rầm rì chẳng ai nghe – Unbelauschet summen           

*
Hãy tận hưởng khi Trời ưng thuận – Fühlt, so lang es Gott erlaubt   
Nụ hôn cùng những trái nho ngon – Kuss und suesse Trauben
Cho đến khi Thần Chết tham ô – Bis der Tod, der alles raubt’
Cướp đi hết những gì anh có – Kommt, sie euch zu rauben

Thi nhân trữ tình lẫy lừng nhất trong văn học Đức phải là JOHANN WOLFGANG VON GOETHE (1749-1832). Bậc thiên tài hy hữu trong lịch sử loài người đã thành công trong đủ mọi loại văn chương. Trong cõi thơ trữ tình của ông, nổi bật nhất là ngôn ngữ bình dị và cấu trúc ngữ pháp đơn sơ theo truyền thống dân ca. Trọn bài thơ “Gefunden” (Tìm thấy) dịch sang thơ Việt dưới đây phản ánh vẹn toàn các đặc trưng đó:

Tôi đi trong rừng – Ich ging im Walde
Một mình cô quạnh – So für mich hin   
Chẳng tìm kiếm chi – Und nichts zu sehen  
Đó là chủ ý – Das war mein Sinn

*
Bỗng trong bóng mát – Im Schatten sah ich
Ló rạng nụ hoa – Ein Bluemenchen stehn  
Long lanh tựa sao – Wie Sterne leuchtend  
Đẹp đôi mắt hiền – Wie Aeuglein schoen

*
Tôi muốn bẻ hoa – Ich wollt’ es brechen    
Nhưng hoa khẽ bảo – Da sagt’ es fein
Hoa sao khỏi héo – Soll ich zum Welken
Nếu phải lìa cành – Gebrochen sein

*
Tôi đào tất cả – Ich grub’s mit allen  
Rễ nhỏ cây hoa – Den Würzlein aus
Đem về vườn cây – Zum Garten trug ichs  
Bên nhà lộng lẫy – Am huebschen Haus

*
Tôi trồng lại hoa – Und pflanzt’ es wieder
Trong góc vườn vắng – Am stillen Ort
Giờ đây cây lớn – Nun zweigt es immer
Mãi mãi trổ bông – Und blueht so fort
                                                                                                                                                                            
Cái cây hoa tươi tốt mà lại biết nói tiếng Đức rất có duyên trong bài thơ hiền hòa chan chứa ân tình nêu trên chính là cô Christiane Vulpius. Cô là một thanh nữ đẹp cả người lẫn nết mà thi nhân đã bất ngờ “tìm thấy” trong một công viên tại La Mã và mang ngay về nhà làm bạn đời đấy!
     
Một nhà thơ rất ái mộ Goethe là JAKOB MICHAEL REINHOLD LENZ (1751-1792). Lenz bắt chước cả lối sống lẫn phong cách làm thơ của Goethe. Nhiều bài của Lenz giống thơ Goethe đến nỗi người đương thời không thể phân biệt nổi. Bài thơ thống thiết “Wo bist du itzt?” (Em ở đâu bây giờ?) mà hai đoạn được trích dẫn dưới đây cho thấy thêm vài chi tiết thú vị. Lenz làm bài này để tặng Friedericke Brion, một phụ nữ mà thi nhân đang choáng váng say mê. Friedericke cũng đã là nguồn cảm hứng dạt dào một năm trước đó cho các bài thơ tình nồng nàn nhất của Goethe!  Chắc hẳn Lenz đã làm bài thơ đó trong lúc thương nhớ người trong cuộc đến tái tê, viết ra những câu không gò bó, chất ngất đắm say riêng tư, rập theo khuôn mẫu những bài thơ trữ tình ban đầu của Goethe. Có lẽ chỉ những ai đã có kinh nghiệm với sự kiện người yêu mình tự nhiên biệt tích tăm hơi mới có thể hiểu thấu nỗi đau lòng của Lenz lúc đó:

Từ buổi em đi, mặt trời hết sáng – Seit du entfern will keine Sonne scheinen
Và có mối tâm đồng tha thiết – Und es vereint                                      
Giữa trời xanh và người bạn em đây – Das Himmel sich, dir zartlich nachzuweinen
Nhớ thương em than khóc vơi đầy – Mit deinem Freund

*
Mọi lạc thú cùng em xa vắng – All unsre Lust ist fort mit dir gezogen
Lặng tanh thành phố lẫn đồng hoang – Still ueberall Wald und Feld
Theo em đã vụt bay đi khỏi – Ist dir nach ist sie geflogen
Cả chú chim nhỏ bé họa mi – Die Nachtigall
                                                                                                                                                                                    
Một trong những bài thơ trữ tình thấm thía nhất mang tên “Der Wirtin Toechterlein” (Con gái nhỏ bà chủ quán) là sáng tác của LUDWIG UHLAND (1787-1862). Tuyệt tác ấy cũng đã trở thành một dân ca thượng đẳng:

Ba chàng trai trẻ vượt sông Rhein –  Es zogen drei Bursche wohl ueber den Rhein,
Đến ghé thăm một bà chủ quán – Bei einer Frau Wirtin, da kehrten sie ein
“Bà chủ còn rượu ngon chắc hẳn? – “Frau Wirtin, hat Sie gut Bier und Wein?
Ái nữ yêu kiều của bà đâu?” – Wo hat Sie Ihr schoenes Toechterlein?”

*
“Rượu tôi còn, vẫn mới và trong, – “Mein Bier und Wein ist frisch und klar,
Con nằm yên trên chiếc xe đòn.” – Mein Toechterlein liegt auf der Totenbahr.”
Và khi họ bước vô phòng lớn, – Und als sie traten zur Kammer hinein,
Thấy cô nằm trong chiếc hòm đen. – Da lag sie in einem schwarzen Schrein.

*
Chàng thứ nhất lật tấm khăn che mặt – Der erste, der schlug den Schleier zurueck
Ngắm nhìn nàng qua tia mắt khổ đau: – Und schaute sie an mit traurigen Blick:
“Em đẹp xinh ơi, nếu em còn sống! – “Ach, lebtest du noch, du schoene Maid!
Anh sẽ yêu em mãi mãi chẳng ngừng.” –  Ich wuerde dich lieben von dieser Zeit.”

*
Chàng thứ hai đậy tấm khăn che mặt – Der zweite deckte den Schleier zu
Rồi quay lưng, cho lã chã lệ rơi: – Und kehrte sich ab und weinte dazu:
“Hỡi em yêu nằm trong quan tài tối! – “Ach, dass du liegst auf den Totenbahr!
Anh trót yêu em đã mấy năm rồi.” – Ich hab’ dich geliebet so manches Jahr.”

*
Chàng thứ ba bước tới lật khăn lên – Der dritte hub ihn wieder sogleich
Hôn miệng nàng đã ngả mầu trắng bệch: – Und küsste sie an den Mund so bleich:
“Anh đã yêu, vẫn yêu em hôm nay  – “Dich liebt’ ich immer, dich lieb’ ich noch heut
Và sẽ còn yêu em đến muôn đời.” – “Und werde dich lieben in Ewigkeit.”

Bài ca này dễ làm cho người nghe xao xuyến trong lòng, cay cay khóe mắt, và chia xẻ nỗi tiếc thương – và tuyệt vọng – của ba chàng trai trẻ cùng “thầm yêu trộm nhớ” cô gái nhưng chưa kịp tỏ tình với nàng. Nụ hôn vào miệng nàng đã đổi mầu của chàng trai thứ ba – với lời hứa sẽ tiếp tục yêu cô đến muôn đời – để kết thúc bài thơ là một tuyệt chiêu bất ngờ. Chẳng thế thì làm sao “Der Wirtin Toechterlein” đang từ là một bài thơ (Gedicht) đã thăng hoa thành một bài dân ca (Ballade) phổ cập trong dân gian nước Đức có tác dụng đi thẳng vào tâm tư người nghe và ở lại trong đó dài lâu?

Gs Đàm Trung Pháp
tuyển lựa và dịch thuật
(phiên bản bổ sung 2020)

 

 Đăng ngày 15 tháng 07.2020