Tác phẩm đầu tay lẫy lừng

của Johann Wolfgang Goethe

Đàm Trung Pháp

 



Johann Wolfgang von Goethe (1749 -1832) là vị văn sĩ, thi sĩ, kịch tác gia, triết gia, khoa học gia lừng lẫy nhất của Đức Quốc. Trong vô số những tác phẩm quan trọng của Goethe, vở bi kịch tràng giang mang tên Faust được coi là vĩ đại nhất. Trong đó vai chính Faust là một tay đại bịp thành công to nhưng chưa thỏa mãn với đời, cho nên hắn đã bán linh hồn cho quỷ để có được kiến thức lớn lao và tận hưởng thú vui vật chất. Nhưng lạ thay, khi nói đến văn thi hào Goethe thì nhiều người dân Đức nghĩ ngay tới cuốn tiểu thuyết đầu tay do ông sáng tác khi còn là một thanh niên, mang tên Die Leiden des jungen Werther (Nỗi u sầu của chàng trai Werther), dựa vào tâm tư thực sự của tác giả và trình bầy theo lối “biên thư” (編書) riêng tư và lôi cuốn. Tiểu thuyết theo lối viết độc đáo này được mệnh danh là “Briefroman” (Đức), “epistolary” (Anh).

Die Leiden des jungen Werther là một tiểu thuyết tâm lý và tình cảm về một “cuộc tình tay ba” bi thảm giữa ba nhân vật Werther, Albert, Lotte – với  Werther đóng vai chính. Ba người ba tính tình hoàn  toàn khác biệt. Werther thông minh nhưng kiêu căng, nghệ sĩ tính nhưng ít hứng thú, lại đa sầu đa cảm và không hài lòng với cuộc đời. Tinh thần Werther thay đổi giữa trạng thái vui tươi quá mức và trạng thái u sầu đến tận cùng. Anh ở trong một thế giới quay cuồng sau khi gặp và mê cô Lotte ngay lần đầu. Duyên dáng, đảm đang và tử tế, Lotte đã đính hôn với Albert lớn hơn nàng cả chục tuổi. Cô có nhiều cảm tình với Werther, nhưng cô biết “điều chỉnh” xúc cảm và chỉ coi anh như một người bạn thôi. Còn Albert, vị hôn phu của Lotte, là một người đàn ông bình tĩnh, thân thiện, và có trách nhiệm – hoàn toàn trái ngược với Werther. Mới đầu Werther và Albert khá thân thiện với nhau, mãi cho đến khi sự mê say và chú ý đến Lotte của Werther đã đi tới mức quá lố như điên loạn. Mối tình say đắm “một chiều” này cuối cùng đã dẫn tới thảm kịch Werther tự tử bằng khẩu súng mà anh mượn của Albert, nói dối là để đi săn bắn giải sầu.

Ta thử đọc đôi lời than thân khóc phận mà Werther* diễn tả trong những lá thư gửi cho người bạn Wilhelm thân nhất của anh:
“Đôi khi tôi không hiểu tại sao là một người nam có thể yêu nàng hoặc được phép yêu nàng, bởi vì tôi yêu nàng trọn vẹn rồi, yêu đến nỗi tôi chẳng còn ham gì, chẳng còn biết gì, tôi chẳng có gì cả, tôi chỉ có nàng thôi!”
“Cả hàng trăm lần rồi tôi gần như sắp được ôm nàng. Trời ơi, thực là một sự hành hạ đau đớn mỗi khi thấy nàng đi qua đi tới với bao duyên dáng mà mình không dám chạm tay đến! Chạm vào nhau là cái bản năng tự nhiên nhất của loài người mà. Trẻ nít luôn đòi có trong tay mọi vật chúng nhìn thấy và thích thú, phải không? Nhưng còn tôi, thì ….”
“Trời biết đấy, tôi đã bao lần nằm trên giường với lời ước rằng tôi sẽ không thức dậy. Và trong buổi sáng, khi tôi ngắm mặt trời thêm một lần nữa, lòng tôi càng tan nát thêm!”
Ngay sau khi được xuất bản năm 1774, Die Leiden des jungen Werther đã làm rung động  u châu và đưa Goethe lên đỉnh cao danh vọng lúc mới 24 tuổi đời. Tuyệt tác ấy là một “bestseller” tại Đức, Anh, và Pháp quốc và đã được dịch sang ngôn ngữ của hầu hết các quốc gia kế cận. Tên tuổi lớn nhất đã công khai ca ngợi cuốn sách và tác giả chính là Napoléon Bonaparte, vị hoàng đế yêu văn chương, đã đọc nó nhiều lần, ngay cả trong lúc tuần du. Nó cũng là khởi điểm cho trào lưu Sturm und Drang (cuồng phong và thúc hối), trong đó trên hết là yếu tố  Selbstausdruck (tự ngã biểu hiện). Văn thi sĩ thả cửa thốt ra trong văn chương những cảm xúc thầm kín nhất cũng như những thành quả vinh quang nhất của mình một cách ngay thẳng và chân thành. Chủ quan tính cũng được tán thành trong giai đoạn “cuồng phong và thúc hối” này. Cái trào lưu nhấn mạnh và nâng cao những xúc cảm riêng tư này cũng chính là tiền thân của trào lưu Romantik (lãng mạn) bên  u châu.
Goethe xa lánh và nhạt nhẽo với thành công văn chương vĩ đại này của mình khi thấy nó đã gây ra Wertherfieber (cơn sốt Werther), trong đó một số độc giả mang tâm sự đau thương tương tự đã theo gương Werther trong truyện để tự kết liễu đời mình – với cuốn sách ấy còn để trong túi! Cũng vì lẽ đó ông cũng không thiết tha gì lắm với trào lưu Sturm und Drang và Romantik sau đó. Ông thất vọng vì thấy có người đã theo lối sống của Werther, một cá nhân mà ông cho thấy đã biểu hiện “tất cả những gì bệnh hoạn nhất” trong tâm trí loài người.
--------------------------------------
*Các bác sĩ tâm thần (psychiatrists) ngày nay, sau khi quan sát tâm trạng và hành vi của Werther, có lẽ sẽ kết luận chàng mắc chứng “rối loạn tâm thần lưỡng cực” (bipolar mental disorder). Tâm thần người bị chứng bệnh này luân phiên giữa “rối loạn hưng cảm” (mania disorder) và “rối loạn trầm cảm” (depression disorder), với mỗi giai đoạn rối loạn kéo dài khoảng vài tuần lễ. Trong giai đoạn hưng cảm, người bệnh thấy mình lên tinh thần, thêm nhiều nghị lực, và thích hành động sôi nổi quá mức bình thường (như lúc Werther tiếp tục mê say theo đuổi Lotte, mặc dù biết rõ nàng đã là vị hôn thê của Albert). Trái lại, giai đoạn trầm cảm chỉ mang đến cho người bệnh những u sầu, mệt mỏi, tuyệt vọng, và ý muốn rời bỏ cuộc đời (mạnh đến nỗi Werther đã tự tử).

Gs Đàm Trung Pháp            


 

Đăng ngày 20 tháng 07.2020