banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn tạm ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Dân chủ : Thay dân

Nguyễn văn Trần

Liên-xô và khối cộng sản Đông Âu sụp đổ. Lịch sử kết thúc một giai đoạn, mở ra thời đại Dân chủ tự do sẽ vỉnh viễn ngự trị thế giới loài người. Đó là lý thuyết của Giáo sư Francis Fukuyama ở Huê kỳ (La fin de l’histoire, Poche, Paris). Theo ông, lịch sử loài người trong giai đọan qua là cuộc tranh đấu khốc liệt,dai dẳng, giữa những ý hệ, nay chấm dứt. Lịch sử chấm dứt.
Vừa rồi, ông cho phổ biến một bài báo trên Wall Street Journal (Courrier International, 2015, đăng lại bản tiếng Pháp) để kiểm điểm lại quan điểm 26 năm trước của ông, đối chiếu với tình hình thực tế trong gần đây.
Tiến sĩ Alexandre Del Valle, nhà nghiên cứu về địa chánh trị ở Viện Choiseul, giảng dạy tại Đại Học La Rochelle, Pháp, trong quyển sách «Le Complexe occidental» của ông, cho rằng khối cộng sản Liên-xô sụp đổ, giải thoát cho một không gian khỏi ách đô hộ độc tài và đánh dấu thế giới lưỡng cực kết thúc để chỉ còn lại thế giới đơn cực, đứng đầu là cường quốc Huê kỳ, chấm dứt tình trạng xung đột giữa hai khối. Ông đồng ý với ông Fukuyama ở điểm này và chỉ tới đây.
«Khối Liên-xô sụp đổ mở ra một kỷ nguyên dân chủ toàn cầu», theo ông Alexandre Del Valle, lại là vấn đề cần phải được suy nghĩ lại. Còn theo học giả Samuel Huntington, khi đề cập tới «đợt sóng dân chủ thứ ba», thì hiện tượng xuất hiện dân chủ từ sau thế chiến có thể ghi nhận là từ sau khi chế độ độc tài ở Espagne và Portugal sụp đổ trong những năm 70 của thế kỷ trước.
26 năm sau, ông Francis Fukuyama, trong bài viết trên, vẫn xác định lại niềm tin Dân chủ rồi đây cũng sẽ thắng vì mô hình xã hội khi lịch sử chấm dứt chắc chắn phải dẫn tới dân chủ tự do.
Chúng ta sẽ tìm hiểu dựa vào những yếu tố nào mà sự quả quyết của ông vẫn không thay đổi, mà còn đưọc củng cố thêm.

Dân chủ suy yếu
Phong trào Đoàn kết ở Ba-lan thành công chấm dứt chế độ độc tài do Staline dựng lên, thanh niên, sinh viên biểu tình ở Thiên An môn đòi dân chủ, bức tường Bá-linh sụp đổ, kết thúc hơn 70 năm cầm quyền của cộng sản.
Nhắc lại năm 1974, thế giới chỉ có 35 nưóc dân chủ vì có bầu cử tương đối tự do. Tới năm 2013, có gần 120 nước dân chủ (30% - 60%, theo Giáo sư Larry Diamond, Stanford). Năm 1989 khởi đầu một xu hướng dân chủ nở rộ và Giáo sư Samuel Huntington gọi đó là «đợt sóng dân chủ thứ ba». Nó bắt đầu ở Âu châu rồi hơn mươi năm sau, lan qua Nam Mỹ, Phi châu và Á châu. Phải chăng vì vậy mà ông Francis Fukuyama nhận định khi xã hội tiến bộ, tức khi kinh tế và chánh trị cải thiện, thì tiến trình ấy sẽ dẫn tới chánh trị dân chủ tự do và kinh tế thị trường, chớ không thể theo hướng cộng sản như những lý thuyết gia công sản dự đoán. Lịch sử, không cách gì khác hơn, sẽ mở ra một thế giới tự do, với những chánh phủ dân cử, với những quyền cá nhơn được luật pháp bảo đảm, tư bản lưu hành dưới sự kiểm soát tương đối của Nhà nước.
Khi đối chiếu với thực tế ngày nay, thế giới từ năm 2014 đã thay đổi. Nước Nga có bầu cử nhưng dưới sự kiểm soát chặt chẽ của nhà cầm quyền, trở thành một mối hăm dọa an ninh chung, nhứt là đối với các nước láng giềng. Tàu vẫn là một nước độc tài tuy kinh tế có phát triển mạnh trong thời gian qua.
Vấn đề của thế giới ngày nay là những chế độ độc tài, vừa trở lại hoặc còn lại, chẳng những mạnh, hung hăng mà nhiều nước dân chủ, kỳ cựu hoặc vừa chuyển đổi, lại có sức khoẻ trên đà suy yếu. Những nước vừa thay đổi dân chủ như Turquie, Sri-Lanka, Nicaragua,… lại trở lại chế độ độc tài hoặc như Bulgarie, Roumanie bị tham nhũng hoành hành, khó thực thi dân chủ.
Nhìn chung, từ năm 2005, theo Freedom House, số nước đạt được dân chủ dựa trên cách đo «bầu cử hạn kỳ, tự do báo chí, tự do tập họp,… và phẩm chất dân chủ đã bắt đầu giới hạn trong những năm sau này. Về mặt tâm lý xã hội, Huê kỳ và Tây Âu là mô hình dân chủ tự do, nhưng vì bị hơn mươi năm kinh tế khủng hoảng nghiêm trọng nên lập luận dân chủ tự do là điều kiện nền tảng để kinh tế thị trường phát triển đã mất đi sức hấp dẫn khá nhiều.

Dân chủ vẫn thắng
Dựa trên những xu hướng lớn của lịch sử, người ta ghi nhận thế giới thay đổi sâu xa trong vài thập niên qua. Sản xuất xã hội gia tăng mạnh, ít nhứt từ năm 1970 cho tới năm khủng hoảng 2008. Mặc dầu bị khủng hoảng nhưng thạnh vượng của thế giới vẫn giữ ở mức cao nhờ biết dựa theo hệ thống tự do trao đổi và đầu tư. Ngay cả nưóc cộng sản độc tài như Tàu và Việt nam cũng biết tuân thủ luật thị trường và cạnh tranh để kinh tế phát triển. Mà dân chủ tự do thường nảy sanh từ từng lớp dân chúng khá giả và có học thức. Vì người dân càng có tiền, đóng thuế càng cao thì càng đòi hỏi nhà cầm quyền phải biết tôn trọng quyền lợi của họ. Trái lại, những quốc gia giàu nhờ dầu hỏa như Nga, Vénézuela, các nước vùng Vịnh, ngân sách không phụ thuộc thuế nên dễ trở thành độc tài.
Về mặt tư tưởng, dân chủ định hình thành thể chế thường rất chậm. Nhưng dân chủ cho tới ngày nay vẫn chưa có cạnh tranh tương xứng. Ngước Nga của Poutine, Iran của Ayatollah, Tàu và Việt nam của đảng cộng sản, vẫn khoe khoang mình là nước dân chủ. Chưa bao giờ có nước độc tài nào dám vổ ngực xác nhận «chúng tôi là độc tài đây». Nên Poutine mới cho tổ chức trưng cầu dân ý ở Đông Ukraine. Ở Việt nam, đảng cộng sản đã quyết định xong mọi việc, vẫn tổ chức bầu Quốc Hội để vổ tay chào mừng chánh phủ mới.
Dân chủ là cái gì mà những người độc tài cần như ánh sáng rọi vào gương mặt âm u của họ để mong làm cho dịu bớt nét rùng rợn.
Xưa nay, người cầm quyền không do dân bầu tự do và có định kỳ, mà do cướp được, như các chế độ cộng sản, thì không bao giờ họ muốn thực hiện dân chủ. Họ phải giữ quyền lực bằng mọi giá như tư hữu của họ và xem dân là kẻ thù nguy hiểm hơn hết vì người dân chính là kẻ lấy lại quyền lực quốc gia. Nên muốn giành chánh quyền về mình, giành lại quyền tự mình cai trị chính mình, thì người dân phải tranh đấu. Phải dám quyết định và dấn thân.
Khi thấy kinh tế quốc gia bắt đầu tăng trưởng, xã hội bắt đầu thay đổi thì sự thay đổi này luôn luôn đòi hỏi, tiếp theo đó, chánh trị mở rộng để mọi người có thể tham gia. Vì dân chủ mới bảo đảm được sự tăng trưởng kinh tế và cải thiện xã hội.
Ai cũng biết Dân chủ là quyền của người dân tự quyết định vận mệnh của mình. Nhà cầm quyền là sản phẩm của dân. Nhưng trên thực tế, không thiếu nhà cầm quyền phản dân, hại nước mà vẫn tồn tại bởi người dân không quyết định thay đổi. Vì không dám hoặc vì thiếu ý thức và vô trách nhiệm.

Thay đổi dân
Người ta chỉ nói thay đổi chánh quyền, chớ chưa nghe nói «Thay đổi dân». Nay cần đặt vấn đề «Thay đổi dân» khi không thể thay đổi thứ nhà cầm quyền phản dân, hại nước. Ý nghĩ nghe qua rất nghịch lý nhưng đã đặt thành vấn đề khi nói về kết quả bầu cử ở Do Thái vừa rồi, ông Benyamin Nétanyahou tái đắc cử.
Kết luận đầu tiên từ kết quả thăm dò cử tri vừa ra khỏi phòng phiếu rất bi quan: «Dân chúng cử tri phải được thay đổi».
Dư luận Do thái giải thích về hiện tượng đắc cử của cựu Thủ tướng Benyamin Nétanyahou «Chúng tôi không đặt vấn đề tổ chức bầu cử lại để chọn người lãnh đạo khác, mà muốn đem lại cho Do Thái một dân tộc mới, khác hơn, để tổ chức lại tổng tuyển cử. Nhơn dân Do thái không thể chịu nổi thêm một nhiệm kỳ nữa của ông Benyamin Nétanyahou».
Bình luận gia Do thái Gideon Levy, trên báo Ha'aretz ngày 18/03/2016, mạnh dạn phê bình đồng bào của ông đã chọn ông Benyamin Nétanyahou làm Thủ tướng thêm một nhiệm kỳ nữa, chẳng khác nào «chọn cách giải quyết hòa bình với Á-rập». Vậy thì chỉ còn cách phải «thay dân» mà thôi.
Ông Gideon Levy tìm liên kết với trí thức Á-rập, những người thất vọng về những cuộc cách mạng vừa qua.
Chính những người Á-rập này cũng kêu gọi hãy «thay đổi dân».
Dưới thời Đông Đức, soạn giả hài kịch người Đức Bertolt Brecht, trong một bài thơ châm biếm, đã đề nghị những người cộng sản nếu thấy nhơn dân không đáp ứng được sự mong đợi của họ thì hãy thay bằng một thứ nhơn dân khác.

Vấn đề thay dân, tưởng có lẽ cũng nên thử đặt ra cho trường hợp Việt nam. Trước nhà cầm quyền cộng sản đại gian, đại ác như vậy mà dân vẫn tỏ thái độ vô cảm. Thanh niên, sinh viên ái quốc đã đứng lên tranh đấu đòi thay đổi chế độ bạo ngược, chịu đàn áp, trù dập, tù đày, nhưng vẫn chưa thức tỉnh được lương tâm xã hội thì còn cách nào khác hơn là thay thứ dân này bằng một thứ dân khác, biết nhạy cảm về thảm họa mất nước, dân tộc bị diệt vong do đồng chí Bắc kinh của nhà cầm quyền ở Việt nam hiên nay gây ra?
Thật đau lòng!

Ts Nguyễn văn Trần

 

Đăng ngày 13 tháng 05.2016