Võ Hưng Thanh sinh năm 1944 tại Quảng Nam. Tiến sĩ Triết học.
Ông hành nghề Luật sư đồng thời cũng là một nhà nghiên cứu triết học và khoa học xã hội, nhân văn.
NÓI VỀ VẤN ĐỀ TƯ SẢN VÀ VÔ SẢN
Con người cả hàng nghìn năm nay đều có tài sản, đó là đặc trưng phân biệt giữa tính chất con người và tính chất loài vật. Xã hội loài người nguyên thủy không có tài sản bởi vì tất cả là thiên nhiên và xã hội con người khi ấy cũng là thiên nhiên. Nhưng khi xã hội loài người phát triển tiến lên thì cũng dần dần tách ra khỏi thiên nhiên và tài sản cũng thành cần thiết. Mỗi cá nhân có tài sản riêng, mỗi bộ lạc có tài sản chung, tức là tài sản riêng của bộ lạc đó, phân biệt với các bộ lạc chung quanh khác. Quyền tư hữu như vậy là đã thành hình. Nó là công cụ, là phương tiên thiết yếu để con người và xã hội con người sống như là người, không còn hòa lẫn tuyệt đối vào thiên nhiên như xã hội toàn sinh vật lúc ban đầu nữa.
Loài vật không có tư hữu bởi vì chúng không có nhu cầu phát triển mọi mặt, chúng chỉ tồn tại là chính và tồn tại duy nhất theo bản năng sinh tồn tự nhiên thế thôi. Nhiều lắm cái gọi là “tư hữu” của chúng là cái hang, vùng lãnh thổ săn bắt mà chúng đánh dấu bằng những chất tiết ra từ thân thể của chúng như phân, nước tiểu, dịch mùi nào đó. Sẽ có sự chiến đấu bảo vệ hay trục xuất bằng cách đánh đuổi sau khi cảnh cáo mọi địch thủ xâm nhập. Tài sản như vậy nơi loài vật cũng có. Có thể do chúng tạo ra hay không, nhưng do chúng chiếm lĩnh trong trường hợp nào đó cho riêng mình, như con cọp lấy cái hốc đá, con chồn đào hang, nhưng khi đã có thì cũng là của riêng của chúng, đi theo với chúng trong việc sống, nhưng đó chỉ là khái niệm tài sản trực nhận và mơ hồ trong đầu óc của chúng, dựa trên nền tảng thiên nhiên, không mang tính cách lâu dài và bền chắc. Các tài sản đó luôn luôn có thể thay đổi từng lúc, như vật phẩm nào đó bắt được, chúng phải lo bảo vệ riêng cho đến khi ăn hết, chỉ tồn tại trong thoáng chốc vậy rồi xong, loài vật không có công cụ sử dụng lâu dài, lặp đi lặp lại như nơi con người. Rõ ràng sự khác nhau giữa loài vật hoang dã và con người văn minh là thế. Bởi loài vật chỉ sống đơn độc hay bầy đàn nhỏ trong tự nhiên, loài người trái lại sống thành toàn bộ xã hội nhân loại trong suốt quá trình lịch sử phát triển khắp nơi của mình.
Bởi vậy khi con người phát ra những công cụ đầu tiên, bước tách hẳn với loài vật dần dần hiện rõ. Các công cụ đó chính là những tài sản khởi thủy đầu tiên của mỗi cá nhân, họ cần giữ để săn bắn riêng cho mình như hòn đá, phiến đá mài đẻo, mũi tên, cung nỏ, ngay cả cái hang riêng hay một chỗ nằm riêng nào đó được chiếm hữu trong cái hang chung mà không phải của người khác. Tài sản nói chung chỉ là công cụ để giúp sinh tồn và phát triển mà không nhằm mục đích gì khác. Đó là công dụng hay công năng tự nhiên, chính đáng, cần thiết, buộc phải tôn trong của nó. Khi nó bị xâm phạm coi như lợi ích hay cả bản thân chủ nhân của tài sản đó cũng bị xâm phạm. Do vậy ý thức về tư hữu cũng dần dần hình thành và phát triển lên về nhiều mặt theo đà tiến hóa văn minh dần lên của toàn thể loài người. Có nghĩa dẹp tư hữu là đẩy lùi con người về thế giới tự nhiên, là sự thoái hóa, thụt lùi trong xã hội, trong đời sống mà không gì khác. Sự hiểu lầm này thật hết sức tai hại, phi lý trong xã hội con người, nên khái niệm “cộng sản” thực chất chỉ là khái niệm ngây thơ, sự ích kỷ che đậy, không muốn ai hơn ai, mà thực chất không phải hoàn toàn tốt đẹp, cao cả hay hữu lý gì. Khái niệm “xã hội cộng sản nguyên thủy” do Mác đưa ra thực chất chỉ là ngụy tạo, không khách quan, không chân xác hay chỉ phịa đặt là như thế. Vì khởi đầu con người chưa có ý thức tài sản mà chỉ là trong một trạng thái hoang dã, tự nhiên thuần túy, đó chỉ là xã hội sơ khai, hoang dã, không thể mặc cho nó cái tên chủ yếu áp đặt là “xã hội cộng sản nguyên thủy”. Sự ý đồ không khách quan của Mác khi sử dụng tên gọi này là như vậy. Đó là điều gì chúng ta cần phân tích tiếp tục sau đây.
1/ Nguồn gốc và ý nghĩa ra đời của giai cấp công nhân công nghiệp.
Đến hết thế kỷ 18, các nước châu Âu chủ yếu cũng chỉ là những đất nước quân chủ phong kiến, nền kinh tế nông nghiệp và thủ công nghiệp là chính yếu, lúc đó chưa hề có giai cấp công nhân. Nhưng sang thế kỷ 19, dần dần khoa học kỹ thuật phát triển, các máy móc công cụ mọi loại xuất hiện, từ đó các xưởng thợ, xí nghiệp, công ty mọc lên, giai cấp công nhân cũng phải theo đó mà ra đời. Chẳng hạn ở Anh, ban đầu máy hơi nước, tiếp theo các máy cơ giới, rồi máy dệt ra đời, thế là có kỹ nghệ dệt sợi, và giai cấp công nhân cũng phát triển dần tăng lên. Ban đầu họ cũng chỉ là các nông dân, các thợ thủ công, nhưng khi vào nhà máy làm việc chung nhau, họ trở nên những công nhân. Chính khoa học kỹ thuật và giới doanh nhân tạo ra giai cấp công nhân mà không ai khác. Chỉ thiếu một trong hai yếu tố này cũng không có giai cấp công nhân. Đó là phát triển lịch sử xã hội khách quan, tự nhiên, chẳng có gì thần thánh hay bí mật hết. Giai cấp công nhân không tự tạo nên mình, họ cũng không thay được giới khoa học kỹ thuật chuyên môn riêng, cũng không thay được giai cấp doanh nhân, bởi tính cách tài bộ trong kinh doanh riêng của giới này. Và tư bản ban đầu bỏ ra thật sự cũng là tài sản tài chánh trong xã hội quy tụ lại để đi vào đầu tư sản xuất bằng máy móc và sự chỉ huy của nguyên tắc quản lý, vận hành hoạt động các xí nghiệp mọi mặt nói chung. Dĩ nhiên sản phẩm hay của cải ban đầu làm ra còn ít, nó phải được tung ra thị trường trước nhất để tồn tại, rồi thu lợi nhuận, tái đầu tư, mở rộng sản xuất để cứ thế đi lên. Không những giới công nhân lúc đầu phải buộc bụng mà cả giới chủ cũng thế. Đó chỉ là quy luật kinh tế xã hội khách quan, vì không cạnh tranh thì không trụ lại được, do bị ngưng trệ và bị phá sản, bị đào thải. Nhưng nếu phát triển lên được, lương hướng cũng phải dần dần cải thiện hơn, sản phẩm cũng đi đến được với người công nhân hơn. Kể cả khi xã hội và nhà nước nhận thấy sự bất công nào đó quá đáng cũng gây ra dư luận áp llực điều chỉnh, nhà nước cũng phải dùng pháp luật để điều tiết, đó là ý nghĩa chung lluôn có của toàn xã hội. Vả nguyên tắc cạnh tranh trong tiền lương giữa các xí nghiệp trong thị trường lao động tự do thật sự, mức lương dần dần trở nên hợp lý trừ trường hợp có sự độc quyền phi pháp nào đó những cũng chỉ có thể cá biệt hoặc nhất thời. Do đó thị trường tự do, xã hội tự do thật sự, luôn luôn phải là yếu tố tồn tại và phát triển của chính ban thân xã hội tư bản.
2/ Sự lăng xê giai cấp công nhân như giai cấp tiên phong cách mạng, giai cấp mang sứ mệnh lịch sử giải phóng nhân loại, thực chất chỉ là sự lếu láo, nông cạn, mê tín và mù quáng của Mác.
Bởi Mác phiên dịch sai trái học thuyết cạnh tranh sinh tồn của Darwin, lý thuyết biện chứng luận duy tâm của Hegel, nên mới có kết luận tầm vơ này. Mác không hiểu rằng giai cấp công nhân và giai cấp nông dân không bao giờ mất đi trong xã hội. Vì đây là hai hoạt động chính yếu của xã hội loài người, dựa vào kết quả phát triển của khoa học kỹ thuật và dựa vào sự khai thác đất đai nói chung. Con người cần vật phẩm tiêu dùng không ngừng và cần lương thực để luôn được tồn tại, đó là ý nghĩa phải có thường xuyên của giai cấp công nhân và nông dân mà không gì khác. Vả chăng cạnh tranh sinh tồn cũng có nhiều mặt, mặt tiêu cực và mặt tích cực, đồng thời mặt trái của nó cũng còn là sự cộng sinh hay sự điều hòa nguyên lý môi trường nói chung. Đó là chưa nói nguyên tắc này không thể áp dụng máy móc vào xã hội, bởi vì tuy dựa vào nền tảng sự chọn lọc tự nhiên, nhưng trong xã hội còn có pháp luật, có văn minh, không phải hoàn toàn chỉ cạnh tranh sinh tồn như trong hoang dã, trong tự nhiên. Còn nguyên lý biện chứng luận của Hegel là trên cơ sở hoàn toàn duy tâm, Mác vơ vào làm nền tảng cho lý thuyết hoàn toàn duy vật của ông là hoàn toàn trái cựa, phi lý, giả tạo và giả dối, tất nhiên không đúng sự thật nên cũng không bao giờ có giá trị, ý nghĩa hay kết quả gì mà thực chất nó chỉ hoàn toàn phản kết quả, nguy hiểm và tai hại.
Kiểu Mác dựa vào nguyên lý phủ định của phủ định, mâu thuẫn tự giải quyết chính nó bằng một hợp đề mới trong biện chứng luận của Hegel, để cho rằng giai cấp công nhân sẽ chôn vùi xã hội tư bản để xây dựng xã hội cộng sản trong tương lai mà Mác tự mệnh danh là xã hội cộng sản “khoa học” của ông là hoàn toàn cường điệu, tưởng tượng và ngụy biện. Bởi khoa học càng tiến bộ, máy móc thông minh sẽ thay dần giai cấp công nhân, và chính yếu tố khoa học kỹ thuật là nguyên lý giải phóng con người, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng loài người, giải phóng lịch sử, mà không phải kiểu lý luận thuần túy tư biện, ngu dốt và ngờ nghệch bằng hình thức lý luận toán học trừu tượng hay lô-gích học hình thức mà Mác đã sử dụng. Vả lịch sử xã hội luôn là xã hội đa giai cấp, đó là quy luật tự nhiên, tất yếu, không có xã hội nào chỉ có một giai cấp mà tồn tại được, cũng không có xã hội nào không có giai cấp mà hiện hữu được. Điều đó chỉ nói lên tính ngu xuẩn, tính mê tín hay tính u mê tuyệt vời trong học thuyết của Mác. Mác cũng cho rằng ai không lý lluận như ông ta đều là bọn tư sản, bọn phản động, nhưng chính bản thân ông ta lại phản động nhất, vì ông ta hầu như không hiểu chính xác tư hữu là gì, hoặc giả cố tình không muốn hiểu.
3/ Mục đích hay giải pháp của Mác là xây dựng kinh tế tập thể, và dùng chuyên chính vô sản để duy trì, bó buộc và củng cố ý muốn đó.
Mác cho rằng tư hữu là nguồn gốc của phát sinh giai cấp, là cơ sở của bóc lột, là công cụ của giá trị thặng dư trong kinh tế tư bản, nên phải dẹp tất cả những cái đó bằng vô sản hóa hết cả, không còn tư hữu thì chỉ kinh tế tập thể, phải dùng chuyên chính chính trị để tổ chức và duy trì nó nhằm tiến đến xã hội cộng sản thật sự. Mác cho rằng chuyên chính là chuyên chính của giai cấp công nhân, nhưng không phân biệt được rằng giữa kinh tế sản xuất và chính trị quản lý là hai ý nghĩa, hai phạm trù hoàn toàn khác nhau tuy có bổ sung cho nhau trong xã hội. Mác không nghĩ rằng mọi cá nhân nếu có điều kiện và hoàn cảnh đều có thể lợi dụng chuyên chính để thủ lợi riêng cho mình theo những cách nào đó mà không phải thuần túy chỉ là giai cấp công nhân. Bởi mọi sự nhân danh và lợi dụng đều có thể xảy ra trong xã hội loài người, lý do xã hội loài người là xã hội có ngôn ngữ đa dạng và phong phú, không thuần chất như xã hội loài vật chỉ có tiêng kêu đơn giản. Lưỡi con người không xương và ngôn từ của loài người luôn tinh vi và lắt léo, đó là điều mà Mác hoàn toàn ngây thơ hay bất chấp nên luôn luôn không thấy.
Cho nên trong thực tế, kinh tế tập thể luôn luôn phi năng suất, phản hiệu quả, phản kết kết quả, vì cha chung không ai khóc, con chung không ai giữ, nó trở thành một xã hội phi cấu trúc, phi trách nhiệm, phi sáng tạo, phi linh hoạt, phi mục đích, vì mọi người chỉ còn sống cầm chừng, thụ động, chẳng muốn làm cho người khác hưởng, chẳng muốn làm cho thiểu số nào đó hưởng không liên quan tới mình. Tính chất phản khoa học, phản thực tế của lý thuyết Mác trong kinh tế là thế, vì nó trái lại mọi quy luật tâm lý khách quan, tự nhiên của cá nhân cũng như các quy luật chung của xã hội. Mọi cá nhân đều luôn luôn thích độc lập tự do, thích sở hữu của riêng mình, thích đi theo khuynh hướng và mục đích riêng của mình, và cho dù có nhu cầu hợp tác với nhau cần thiết và chính đáng thì cũng phải theo sự tự nguyện, tự giác, không muốn bị ai ép buộc. Do đó kinh tế tập thể, chuyên chính vô sản mà Mác đưa ra thực chất chỉ là sự ngu ngốc, dại dột và phả nhân văn, phản nhân bản, phản thực tế khách quan, tức cũng phản khoa học. Bởi vì tinh hoa của con người không thể hoạch định trước được, tinh hoa của xã hội không thể tiền chế được, nó luôn luôn tự phát theo từng hoàn cảnh và điều kiện. Mà tinh hoa dầu tiềm lực cũng phải có giáo dục, có đào tạo đúng mức mới có thể phát huy. Không phải ai cũng có thể trở thành tiên tiến, ai cũng có thể thành tài năng hay thành nhà khoa học, mà phải có bẩm thụ hơn người, được đào tạo giáo dục trang bị nhận thức có chất lượng và thích hợp. Bởi đó giai cấp công nhân là giai cấp có nhiều mặt hạn chế vì hoàn cảnh của riêng họ, lại đi phong thánh họ như giai cấp tiên tiên nhất, có sứ mệnh lịch sử khác thường, đó chẳng phải là sự ngu dốt, sự mê tín, sự điên khùng và cả sự cuồng loạn mà chính Mác đã phạm phải hay sao.
Bởi vì khi một cá nhân hay một nhóm người nào đó đã nắm được quyền lực chuyên chính trong xã hội rồi thì chắc chắn sẽ không bao giờ tự nguyện rời bỏ, trừ những người chân tu hay những vị thánh mà không phải những người dung tục hay những người thế tục. Như vậy Mác cho chuyên chính vô sản chỉ là giai đoạn quá độ tạm thời là hoàn toàn ngốc nghếch, đó là đem xiềng xích nặng nề để xiềng xích xã hội và con người bất tận, là lý thuyết nô lệ hóa cá nhân con người và xã hội, đâu phải lý thuyết giải phóng như Mác mê sảng hay tưởng tượng. Có người bảo thời kỳ quá độ không thể ngắn quá mà phải từ cả trăm năm hay nhiều trăm năm, người ta không hiểu rằng vật quán tính theo quy luật của Newton thì quán tính mãi mãi hay vĩnh viễn nếu không có lực nào khác tác động từ ngoài vào. Nhưng nếu toàn thể xã hội đều như thế thì chỉ có nội lực bất lực mà đâu dễ gì có ngoại lực ngẫu nhiên, trừ phi có thiên thể nào đó va vào và tiêu diệt cả trái đất. Thật là cái ngu không tiền khoáng hậu của Mác là như thế.
Như vậy Mác quên ý nghĩa chung và muôn đời của xã hội là sự hòa hợp hay sự cộng hợp. Người mình có nói mọi nếp nào cũng vô xôi. Sông nào cũng đều chảy ra biển. Mọi giai cấp sản xuất tài sản khác nhau cho xã hội, nhưng mọi tài sản đó đều llà điều kiện và phục vụ cho nhau, hữu ích cho nhau. Xã hội cũng như cái cây thống nhất, sinh vật thống nhất, không thể định trước tế bào nào, mô nào, tổ hợp mô nào sẽ ở đâu hay đảm nhận chức năng nào quy định trước cả. Cho nên mọi kiểu quy hoạch hóa xã hội theo cách tổng thể, xác định đều là phi lý, giả tạo và phi nhân. Qui định giai cấp công nhân như não bộ tiền chế của toàn nhân loại, thật là ngờ nghệch không gì nói được. Giai cấp công nhân thực chất chỉ là lực lượng lao động làm ra sản phẩm công nghiệp cho toàn xã hội, giai cấp nông dân cũng thế, giai cấp trí thức cũng thế, giai cấp dịch vụ cũng thế, mỗi thứ có sản phẩm riêng, nhưng đều hòa chung vào cùng lợi ích công cộng và mọi người không phân biệt ai đều được hương dụng, hưởng lợi từ đó tất cả. Chính Mác không hiểu về xã hội học, về kinh tế học, về lluật pháp học, về lịch sử học, về khoa học nói chung, nên cũng hiểu sai lầm về chủ nghĩa xã hội, tưởng rằng chủ nghĩa cộng sản máy móc, chủ nghĩa bình quân, đếm đầu chia xôi mọi mặt, mà Mác quan niệm đó là chủ nghĩa quốc tế vô sản thì thật là điên loạn hết chỗ chê được.
Thực ra giai cấp khoa học kỹ thuật cùng với khoa học xã hội nhân văn, bao giờ cũng phải là giai cấp tiên tiến nhất trong phát triển lịch sử mà không phải giai cấp công nhân. Chính sự thông minh, tài năng bẩm sinh, sự đào tạo và nghiên cứu mới llàm nên tinh hoa riêng của mỗi giới, tinh hoa chung của xã hội, và là mọi cái gì tiên tiến nhất ở mọi thời, mọi nơi, không phải chỉ giai cấp công nhân được hiểu theo kiểu phạm trù máy móc, giả tạo, mê tín và ngờ nghệch của Mác. Không có nhà khoa học, nhà kỹ thuật đi trước hết, làm gì mà giai cấp công nhân đi trước được, họ chỉ là lực llượng áp dụng trực tiếp và qua kinh nghiệm bổ sung trong nhà máy những gì vốn đã có từ trước họ thế thôi. Và thực ra toàn bộ xã hội là cơ chế vận hành tự động, tự điều chỉnh chung nhất, không cần phải một kế hoạch, một quy hoạch tiên chế do cá nhân nào, do giai cấp nào hay do quyền lực nào đưa ra trước cả thảy. Mỗi cá nhân đều là đơn vị duy nhất đầu tiên nhất trong xã hội mà không phải giai cấp. Giai cấp chỉ là cái đến sau do hoàn cảnh lịch sử cũng như do điều kiện xã hội tạo thành. Mọi giai cấp do vậy chỉ là thực thể nhất thời, luôn luôn biến đổi, chỉ có cá nhân mỗi con người nói chung là yếu tố hay đơn vị tồn tại lâu dài và cơ bản nhất. Đó chỉ là nguyên lý nguyên tử, nguyên lý phân tử trong xã hội cũng như trong mọi vật thể tồn tại khác. Trái lại Mác hiểu giai cấp như một bản thể mơ hồ và trừu tượng, không có ranh giới bên ngoài cụ thể, xác định, đó là cách hiểu theo lối siêu hình sai trái, phi khoa học, phi thực tế, phản khoa học, rồi bảo giai cấp đó đấu tranh nhau theo thuyết đấu tranh giai cấp của Mác, thật là hoàn toàn huyễn hoặc, dựng chuyện mà chính đầu óc tơ lơ mơ của Mác đã phạm phải. Tức học thuyết Mác không phải là học thuyết khoa học, chỉ là học thuyết siêu hình học nông cạn, thiển cận, nhưng tự mệnh danh là khoa học để thu hút và lừa dối mọi người tuy dù có thiện chí nhưng vì nhận thức kém cõi và ngây thơ dễ nghe và tin theo Mác và chính đó mới là những sự nhầm lẫn vô tội vạ cũng như vô ích về mặt kết quả nhưng đồng thời cũng nguy hiểm nhất. Bởi không có cái trừu tượng nào đấu tranh nhau mà chỉ có cái cụ thể mới đấu tranh nhau. Chỉ có những cá nhân con người luôn đấu tranh trong đời sống thực tế về mọi mặt, vì đó là quy luật sinh tồn và phát triển tự nhiên. Phịa vào đó là giai cấp đấu tranh dể mang mang lại bao hậu quả phi lý, bao máu xương không đúng và không đáng của nhân loại, bao phí phạm mọi mặt của xã hội con người, đó không những là tội lỗi trực tiếp mà còn kể cả tội ác gián tiếp của học thuyết và của bản thân chính Mác.
4/ Cộng sản và tư bản.
Cái được gọi là chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa tư bản như vậy thực chất chỉ hoàn toàn giả tạo. Cái gọi là chủ nghĩa tư bản thực ra chỉ là xã hội loài người phát triển đi tới một cách khách quan. Từ xã hội tư sản nói chung trong lịch sử, khi nền công nghiệp phát triển, nó hình thành nên xã hội tư bản một cách tự nhiên. Tức phải có tư bản (máy móc, tài chánh) đầu tư vào để sản xuất và phát triển kinh tế. Nó không do ai đặt ra cả, không có lý thuyết nào bao quát từ đầu cả. Sở dĩ nó được gọi thế là do sự mệnh danh, gọi tên giả tạo để đối ngược, hay so sánh với chủ nghĩa cộng sản, vì chủ nghĩa cộng sản là học thuyết của một người là Các Mác đưa ra từ đầu. Tư bản có nghĩa là thị trường hoàn toàn tự do phát triển, nó phải là thị trường hoàn toàn lý tưởng cho mọi mặt sản xuất và tiêu thụ. Trong khi đó cộng sản có nghĩa là kinh tế tập thể, kinh tế chỉ huy, kinh tế tập trung theo kế hoạch sản xuất và phân phối một cách máy móc, phi thị trường, phi từ do kinh doanh, tức dẹp bỏ mọi kinh tế tư nhân mà chỉ do nhà nước chi phối và điều khiển. Nó hoàn toàn là nền kinh tế được tổ chức toàn diện theo lối chủ quan. Nó hoàn toàn bị động theo lãnh đạo, có nghĩa nó được hành chánh hóa mọi mặt, tất cả đều do mọi cá nhân tham gia thực hiện theo mệnh lệnh như nhau. Đó là lý do tại sao nó mất hết mọi sinh động tự nhiên, trở thành thụ động, nghèo nàn, trì trệ, không đáp ứng được mọi nhu cầu cần thiết của xã hội và người dân, đó là hình ảnh và tính chất của những nền kinh tế bao cấp trong quá khứ mà mọi người đều biết.
Nói khác, nền kinh tế tư bản thì không có sự cưỡng hành hoặc khống chế nào cả. Trái lại nền kinh tế cộng sản hay gọi là xã hội chủ nghĩa là hoàn toàn ngược lại. Nó phải được thực hiện theo các kế hoạch máy móc và giả tạo do một số cán bộ điều hành hay công chức nhà nước xếp đặt, tức là nền kinh tế vận hành theo mệnh llệnh, theo những sự tính toán nhất thời, chủ quan mà không phải phát sinh thật sự từ nhu cầu khách quan tự nhiên nào cả. Mác muốn tránh một xã hội mà ông cho là phân chia giai cấp và bóc lột, cuối cùng kết quả của nó chỉ là như thế. Tức giai cấp sản xuất hay kinh doanh không được có tài sản riêng, tất cả đều chỉ là tài sản chung của xã hội, của nhà nước, mọi người đều là công nhân, đều làm công chung, y hệt như một xã hội trại lính hay là một nền kinh tế trại lính, chỉ có một đầu não chỉ huy duy nhất, một sự phân chia kết quả theo một hệ cấp thống nhất duy nhất. Đó thực chất là nền kinh tế đàn bầy kiểu loài vật, xã hôi trở thành như một đụn mối khổng lồ, như tổ ong, tổ kiến, mọi nhiệm vụ đều được phân công theo hình thức, và thậm chí người ta muốn dần dần còn biến thành bản năng tự nhiên trở lại như trong loài vật. Sự kéo tính cách phát triển của con người và xã hội đi xuống như thế, quay lại với thế giới tự nhiên như thế, Mác cho là cuộc cách mạng, là sự tiến bộ của lịch sử mà Mác quan niệm như đó là cuộc cách mạng vô sản. Bởi mọi người đều không có công cụ sản xuất nào riêng, mà mọi công cụ sản xuất đều do nhà nước nắm, đều do những thành phần chỉ đạo cao nhất nắm. Mác muốn một xã hội kiểu vô chính phủ như loài vật, thật tình trở thành xã hội tổ chức chặt chẽ, toàn diện, độc tài độc đoán khốc liệt mà trước kia lịch sử loài người chưa từng có. Nên đó trở thành một thứ xã hội chai lỳ, một nền kinh tế chai lỳ, thụ động, triệt tiêu mọi tiềm năng, mọi sáng kiến và kể cả mọi triển vọng. Nó tạo nên một xã hội uể oải, lười biếng, giả dối nhiều mặt, thậm chí gian dối nhiều mặt, sợ hãi mọi mặt, bởi vì không còn an toàn nếu ngay thẳng, nên làm phát sinh nhiều tầng lớp nịnh bợ, cơ hội, lạm dụng, hay thậm chí hèn hạ, đi ngược lại các nhân cách hay các tính cách tốt đẹp nhất của con người. Đó là một xã hội thực chất bị xuống cấp, bị hạ thấp, bị biến chất và cả bị biến thái qua thời gian. Tính cách phản nhân văn của nó là như thế mặc dầu nó được che đậy bằng bao thủ thuật và bao ngôn ngữ tuyên truyền để che giấu nó.
5/ Ý nghĩa đích thực của tài sản nơi con người và xã hội.
Tài sản không bao giờ là mục đích mà chỉ là công cụ, phương tiện cần thiết cho cá nhân và xã hội. Mọi tài sản chỉ đều là những thứ tiện ích. Cho dù tiền bạc, vật quý, hay các vật dụng thông thường trong đời sống cũng vậy. Nó có sẳn trong tay là để nhằm tiện dụng một cách nhanh chóng nhất. Nó có thể mang lại mọi an toàn trước mắt và hạnh phúc lâu dài cho con người. Không có tài sản hay nghèo khó, con người phải khổ sở vì không có tiện ích, không có điều kiện sống tốt. Tuy vậy không có nghĩa mọi con người trên thế gian này đều say mê tài sản hay đặt nặng tài sản hoặc tiền bạc. Phần nhiều chỉ có những giai cấp trực tiếp sản xuất mới bức thiết về điều đó. Chẳng hạn giới khoa học, giới nghệ thuật, giới tư duy, dĩ nhiên họ hướng đến nhiều ý nghĩa cao quý hơn. Nhưng trong những giới trước, tiền bạc chắc chắn là thứ tài sản linh hoạt nhất, nó có thể đổi ra mọi thứ ngay tức khắc mà người sở hữu nó phải cần đến. Do đó công dụng lớn nhất của nó là để đáp ứng nhu cầu sống mọi loại và đầu tư sản xuất. Nếu tất cả đều trở thành vô sản thì đều hoàn toàn bất lợi, mất hết khả năng hoạt động đời sống, kinh tế, trở thành lệ thuộc vào nhau và lệ thuộc vào người khác theo kiểu nô lệ hay thấp kém. Vậy mà Mác chủ trương một xã hội hoàn toàn vô sản trong tương lai, hoàn toàn không có thị trường, không dùng tiền bạc, tất cả đều lao động trực tiếp trong guồng máy phân công xã hội, và chia nhau sản phẩm làm ra theo phân phối trực tiếp. Quả thật đó là một ý tưởng hoàn toàn điên loạn và đẩy lùi hóa xã hội con người về quá khứ, về thời kỳ hoang sơ của nhân loại.
Mác cũng không nhớ ra rằng tài sản không bao giờ cứ cố định mãi. Nó là vật tiêu dùng nên phải hao mòn và luôn luôn phải cần cái khác thay thế. Bởi thế trong xã hội mọi tài sản phải luôn đổi mới, thêm mới hoài mới có thể đáp ứng được mọi nhu cầu phát triển. Và cái gì mới làm ra đều ít, đều đáp ứng không đủ, nhưng làm ra nhiều quá về sau thì lại không có nhu cầu nữa, lại phí phạm, phung phí nhiều mặt. Vậy mà Mác đưa ra nguyên tắc xã hội cộng sản tương lai vật phẩm được làm ra như nước, mọi người đều làm theo khả năng hưởng theo nhu cầu, thật là ý tưởng dụ phỉnh những người dốt nát hay dụ phỉnh con nít. Vì muốn làm ra một vật phẩm cần rất nhiều điều kiện, không phải tự nhiên thò tay lấy được từ trời xuống, cho nên điều kiện then yếu nhất vẫn là khoa học kỹ thuật càng phát triển càng giúp tạo ra nhiều hàng hóa mới, nhiều đặc tính và công năng mới. Như vậy Mác quan niệm tài sản giống như chỉ cố định, thật là quan điểm nghèo nàn, ngây thơ, nông cạn hết sức. Vả chăng tâm lý con người có nhiều tài sản trước hết là đáp ứng yêu cầu tiêu dùng và tích lũy của mình, không những bảo đảm đời sống tốt đẹp của mình mà còn cho gia đình, cho con cái cũng như truyền kế lại cho đời sau. Vậy mà khi nhà nước Liên Xô mới được lập ra liền bỏ ngày quyền thừa kế và tướt đoạt hết những tài sản của các giai cấp cũ một cách không thương tiếc, bất chấp mọi mặt, thật là phi nhân quá mức. Đấy mọi tính cách trong thực tiển của Mác chỉ như thế, cho dầu ông ta đưa ra mọi lý luận trong lý thuyết như thế nào, nên chúng chỉ là ngụy biện hay quỷ biện thế thôi, không thực chất, phi ý nghĩa và giá trị.
Thật ra thế giới loài người được xây dựng trên nền tảng tự nhiên. Thiên nhiên đó là tài sản khách quan chung của tất cả mọi người. Nhưng con người và xã hội nhờ trí tuệ mà tạo ra mọi tài sản phù hợp cho cá nhân và giống loài của mình. Đó là mọi sản phẩm do khoa học kỹ thuật, do lao động chân tay và trí óc chủ yếu mang lại. Có nghĩa trước khi có tư hữu mọi loại, thì đó không hề là tài sản công cọng mà chỉ là tài sản khách quan tự nhiên chung. Chỉ có mọi cái gì do một xã hội làm ra, như của riêng của mình, nhưng để sử dụng chung cho mọi thành viên trong đó mới là tài sản công cộng. Như mọi hạ tầng cơ sở, tài nguyên một nước là tài sản của riêng nước đó, không phải tài sản của nước khác. Do đó khái niệm xã hội cộng sản nguyên thủy của Mác chỉ là sự hiểu biết nông cạn và ngu dốt tận cùng. Thật ra ý đồ của Mác là muốn đánh tráo, muốn dùng ý niệm giả tạo nầy để hứa hẹn môt xã hội cộng sản ảo trong tương lai mà Mác cho là cộng sản khoa học như là đích đến cuối cùng. Học thuyết của Mác chỉ là học thuyết hoàn toàn huyễn tưởng là như thế.
Bởi vì thật ra mọi sự giàu nghèo của con người trong xã hội cũng đều chỉ tương đối, cả giàu vật chất của cải hay giàu tinh thần, đạo đức cũng thế. Người Việt có câu không ai giàu ba họ không ai khó ba đời. Có nghĩa tài sản nói chung đều mãi luân lưu. Và tài sản thật ra cũng chỉ trên danh nghĩa còn thực chất thuộc về cá nhân nào là cũng là chỉ do sự quản lý chung nhất của người ấy thôi. Bởi không ai có thể giữ bo bo mọi tài sản mình có được mà thường khi phải tiêu xài hay lúc nào đó phải tiêu xài. Mà tiêu xài tức là đã chi ra cho toàn xã hội để đánh đổi hay mua lại một cái gì đó. Như thế trên thế giới sự giàu nghèo khắp nơi đều theo quy luật kim tự tháp. Tức phải có chỗ cao nhất và chỗ thấp nhất, không bao giờ cào bằng được hết cả. Sông núi vô tri còn có chỗ lồi chỗ lỏm huống chi xã hội con người. Nên mọi sự vận hành tài sản đều giống như mưa trên trời đổ xuống, trước tiên phải qua chỗ nào cao nhất rồi mới lan ra đều khắp cả. Dĩ nhiên tư hữu luôn luôn phải đặt nền tảng trên ba năng quyền của con người mà mọi truyền thống pháp luật và xã hội đều thừa nhận, đó là quyền quản lý, quyền sử dụng, quyền chuyển giao hay chuyển nhượng. Đối với bất kỳ tài sản nào hay bất kỳ ai cũng thế, tài sản vô hình cũng như tài sản hữu hình, tài sản công cộng cũng như tài sản riêng tư, sự đương quyền hay sự chuyển sang thừa kế cũng thế, sự có hưởng lợi hay sự hoàn toàn vị tha, vị xã hội cũng vậy. Có nghĩa tài sản chính yếu là do mục đích sử dụng của nó, phương thức sử dụng của nó, tính chất sử dụng của nó, còn số lượng hay đặc điểm riêng, phẩm tính riêng của tài sản không hề quyết đinh. Giống như trong thế giới ngày nay, mọi người giàu có trên khắp thế gian đều là danh nghĩa chủ sở hữu trên tài khoản tài chánh của họ ở ngân hang, còn mọi hiện vật quan trọng hay trị giá của lượng tiền thực chất đều do các ngân hàng nắm giữ, và thực tế qua hoạt động cho vay, số tiền này đều lưu chuyển, lưu hành khắp nơi trong nền kinh tế, góp phần làm giàu chung và đáp ứng mọi yêu cầu đầu tư sản xuất nhằm lợi ích chung. Đấy nguyên tắc xã hội và nguyên tắc tư hữu thực chất nó chỉ như vậy. Nói thì có vẻ biện luận nhưng thực chất và sự thực như vậy. Cho nên tư hữu tự nó không xấu, người chủ tư hữu tự họ không xấu, chẳng qua do cách tích lũy của họ như thế nào, đạo đức hay không đạo đức, hợp pháp hay phi pháp, và tính cách cũng như mục đích họ sử dụng tài sản đó ra sao. Tất cả những điều hay họ này bị Mác phớt lờ cả, ông ta chỉ gom vào duy nhất một cách phiến diện có hai giai cấp tiêu biểu là giai cấp vô sản và giai cấp tư sản, và về so còn được nâng lên thêm là giai cấp tư bản. Ông ta cũng quên ý nghĩa của nhà nước hay chính quyền trước sau gì rồi cũng phải áp dụng mọi biện pháp điều tiết, biện pháp phúc lợi để quân bình sự sai biệt giàu nghèo phải được cải thiện hơn, nhưng Mác chỉ ghim một điều bọn tư bản chỉ là bọn bóc lột, và nhà nước tư bản chỉ là công cụ thống trị của giai cấp bóc lột, phục vụ giai cấp bóc lột. Nhưng quy luật xã hội và lịch sử khách quan luôn luôn chỉ có một. Cho nên khi chủ nghĩa quốc tế vô sản sụp đổ, tan rã trên toàn thế giới, khi các nước cộng sản cũ quay lại khởi điểm kinh tế thị trường, lại phải rơi vào giai đoạn tư bản sơ khai là điều không tránh khỏi, và tất nhiên một tầng lớp giàu có mới nhờ dựa vào vị trí của ảnh hưởng quyền lực đang có và tạo thành một lớp tư bản mọi loại được mệnh danh là tư bản đỏ. Mác phủ nhận quy luật khách quan của xã hội, cố tìm cách thế vào đó bằng những tính toán giả tạo, những quy luật tưởng tượng kiểu năm hình thái xã hội phải phát triển liên tục theo tuyến tính, nhưng cuối cùng đều chỉ rỗng tuếch vì mọi sự giả tạo, tưởng tượng đều không thể qua mặt hay thắng được mọi thực tế khách quan là như thế.
Nói chung lại Mác lẫn lộn công năng của tài sản và mục đích sống của con người. Con người sống nói cho cùng là để biểu hiện nhân cách, để phát huy mọi ý nghĩa và giá trị nhân văn mình có. Mục đích sống nói cho cùng chỉ là như thế. Người Việt chưa bảo sống gởi thác về là như thế. Sống không phải để nhằm đạt tới một kiểu tổ chức xã hội lý tưởng nào đó, như xã hội cộng sản thêu dệt mà Mác muốn. Thật ra ngày mọi định chế hay mọi hình thức tổ chức xã hội cho dù tốt đẹp đến đâu cũng là thoáng qua, cũng là biến chuyển luôn luôn, không bao giờ cố định hay bất biên, chúng cũng chỉ là công cụ phục vụ nhất thời cho con người và xã hội chẳng khác gì mọi loại tài sản trong thế gian này thế thôi. Chẳng ai chết đi lại mang theo được mọi sự. Tính cách coi tài sản như là mục đích của đời sống con người, coi tổ chức xã hội nào đó như là đích điểm phải tiến tới của lịch sử con người đều là những suy nghĩ nông cạn và tầm ruồng. Cho nên chính mọi sự hiểu biết hời hợt, nông cạn của Mác về mặt triết học, mặt kinh tế, mặt xã hội, mặt nhân văn, kể cả mặt khoa học nói chung mà tạo nên hệ thống Mác chẳng khác gì một hệ thống chắp vá hoàn toàn rời rạc và giả tạo mà Mác lấy làm hãnh diện, điều đó cũng khiến một số người tâng bốc theo cách vừa nịnh bợ vừa dốt nát khi cho học thuyết Mác là kết tinh của tư tưởng xã hội Pháp, kinh tế chính trị học cổ điển Anh, và triết học Đức. Giống như lượm lấy ba cục đất của ba nơi hoàn toàn không ăn nhập gì nhau để kiến tạo nên tòa lâu đài tưởng tượng và huyền hoặc của mình.
6/ Quan điểm chủ nghĩa quốc gia dân tộc đúng đắn và chủ nghĩa quốc tế vô sản đầy ảo tưởng.
Đúng ra “chủ nghĩa” cũng chỉ là một mớ những quan điểm, hoài vọng, chủ trương nào đó mà một người theo đuổi. Nhưng sở dĩ ý niệm chủ nghĩa được nhiều người tung hô lên, vì nó thường được gắn theo ý nghĩa chính trị từ bao lâu nay. Như chủ nghĩa quốc tế vô sản của Mác đưa ra được nhiều người mê như điếu đổ, những người như thế sẳn sàng đánh đánh đổi mọi việc cho nó. Có một thời nó lên tột đỉnh khi sức mạnh của Liên Xô cũ lên tốt đỉnh, và sau năm 1975 ở Việt Nam nó cũng lên tột đỉnh. Giờ thì cũng đã nguôi ngoa ít nhiều rồi nếu không nói nói chỉ còn như một chứng tích của quá khứ hay như một giấc mơ đẹp của những kẻ lãng mạn đã tan thành mây khói từ lâu rồi. Chủ nghĩa vô sản quốc tế có nghĩa là chỉ còn coi lực lượng công nhân quốc tế là lực lượng duy nhất thống lĩnh toàn cầu, tiên tiến còn hơn mọi nhà khoa học đích thực, thế giới sẽ không còn biên giới nữa, hay biên giới Liên Xô sẽ trải rộng ra tất cả, vì đó là thành trì của cách mạng, cái nôi của giai cấp, là đầu mối giải phóng toàn thể loài người. Như vậy mọi biên giới quốc gia của mỗi nước trở thành không còn quan trọng, chính quyền mỗi nước trở thành không còn quan trọng, lãnh thổ mỗi nước hay dân tộc từng nước không còn quan trọng. Bởi tất cả đều sẽ được quốc tế hóa, giai cấp hóa, mác xít hóa, chính trị hóa, và chỉ còn có màu đỏ chói lọi quệt lên hết mọi ngóc ngánh, mọi phương diện, mọi phạm vi trên toàn cầu một cách quyết liệt và thống nhất. Đấy mơ ước vàng son của chủ nghĩa quốc tế vô sản là vậy, và nhiều người cảm thấy lâng lâng hay sung sướng tận cùng là như vậy. Tất cả mọi sự trên đời này đều không còn quan trọng nữa mà chỉ có giai cấp, quyền lợi chung của giai cấp công nhân vô sản trên toàn thế giới mới quan trọng, chỉ có mục đích học thuyết Mác và chủ nghĩa quốc tế vô sản mới hoàn toàn và tuyệt đối quan trọng, là đích điểm tối hậu mà mọi nước phải đến, mọi người phải đến. Từ đó chủ nghĩa quốc tế vô sản cũng cho rằng chủ nghĩa quốc gia dân tộc theo lối cũ là lạc hậu, là lỗi thời, là thiển cận, là hẹp hòi theo kiểu tư sản nên cần phải bỏ đi hay bị loại đi. Đó cũng là điều mà ông Hồ Chí Minh từng viết trong một số các bài báo ở Hồng Kông trước kia.
Trong khi đó chủ nghĩa quốc gia dân tộc theo truyền thống thì chỉ quan tâm tới quyền lợi chung của đất nươc, quốc gia, dân tộc mình trước hết. Quốc tế theo quan điểm này chỉ là thực tại khách quan bên ngoài, chừng nào tới đó hãy hay, còn trước mắt ưu tiên gìn giữ và phát triển phần của mình là trước nhất, trên nhất. Có nghĩa mọi chủ nghĩa quốc gia dân tộc ở mọi nước đều không hề mâu thuẫn nhau, cũng giống như mọi cá nhân phải lo cho mình trước, rồi mọi người mới tính sau, cho dù vẫn sống hòa hợp và hữu ích cho nhau. Có nghĩa biên giới quốc gia, lãnh thổ, tài nguyên đất nước mọi mặt, sự an ninh của dân tộc phải đặt lên hàng đầu và trước nhất. Lợi ích quốc tế hay quan niệm quốc tế chẳng qua tùy trường hợp đòi hỏi mà các quốc gia cùng thỏa thuận nhau, cùng lo toan chung để có mọi lợi ích chung và riêng mà không có gì khác. Có nghĩa đây chỉ là một quan điểm hoàn toàn thực tế, thực tiển, cụ thể mà không xa xôi trừu tượng hay ảo tưởng thường xuyên như mọi loại chủ nghĩa quốc tế khác nhau, nhất là chủ nghĩa quốc tế vô sản và đấu tranh giai cấp rạch ròi như chủ nghĩa Mác.
Ngày nay thì rõ ràng chủ nghĩa quốc gia dân tộc đã cho thấy sự thắng thế và sự ưu việt hơn chủ nghĩa quốc tế vô sản rất nhiều. Bởi chủ nghĩa quốc tế vô sản đã hầu như bị loại ra khỏi lịch sử hẳn rồi. Ngày nay Liên Xô và khối XHCN cũ đã không còn nữa, các nươc cộng sản cũ trước kia chỉ còn lại có 4, nhưng cũng cùng gia nhập nền kinh tế toàn cầu và chuyển hướng tất cả sang kinh tế thị trường chỉ trừ có bắc Triều Tiên. Tất cả ngày nay mọi nước đều tuân thủ theo tổ chức Liên Hiệp Quốc, đó vô hình chung là quan điểm quốc tế thiết thực và thực tế nhất, bởi nó hoàn toàn khách quan, tự nhiên, cụ thể, dung hòa giữa cái chung và cái riêng, mà không phải chỉ hoàn toàn giáo điều cứng nhắc, giả tạo, tưởng tượng và không tưởng như chủ nghĩa được gọi là chủ nghĩa quốc tế vô sản trước kia.
Như vậy nói chung, rốt lại chỉ do Mác hiểu không đúng đắn, không sâu sắc, không chính xác ý niệm về tài sản. Về nguồn gốc của nó, về mục đích của nó, về công năng của nó, về nội dung của nó, về tính chất của nó v.v… và đi đến tưởng tượng về một trạng thái vô sản hết sức vô lý của thế giới loài người, phủ nhận mọi ý nghĩa tài sản chính đáng nơi mỗi con người, từ đó đưa ra học thuyết vô sản, học thuyết đấu tranh giai cấp một cách tưởng tượng và sai trái, và học thuyết chủ nghĩa cộng sản hoàn toàn không thực tế, vô bổ, huyễn hoặc cũng như thậm chí tai hại về nhiều mặt trên mọi phương diện. Điều này nhân loại từng bị buộc phải bỏ ra non cả một thế kỷ để thử nghiệm với nhiều mất mát, đau xót, tốn kém, hi sinh vô tích sự ở khắp nơi qua bạo động, qua cưỡng chế, qua chiến tranh tàn phá không thương tiếc ở nhiều nước, để cuối cùng trở về khởi điềm trở lại, đó là nền kinh tế thị trường, hội nhập toàn cầu hiện nay mà mọi người đều biết. Như vậy cũng có nghĩa học thuyết Mác thực chất không đóng góp gì tích cực, tốt đẹp cho nhân loại mà nó chỉ gây hoang mang, chia rẽ, nghi kỵ, thù hận, triệt phá và giết chóc nhau trong cả thời gian dài trên thế giới mà nhiều nơi phải chịu, nhiều người phải chịu, khiến cho nhiều người buộc phải ca thán và chán ngán.
Bởi thế nói cho cùng chỉ có khoa học kỹ thuật, đạo đức, tri thức, tinh thần nhân văn nhân bản mới gìn giữ được và phát triển thế giới văn minh mãi mãi đi lên một cách hiệu quả và tốt đẹp mà không phải bât kỳ lý thuyết không tưởng hay vẩn vơ nào cả. Bởi chân lý khoa học và chân lý đạo đức luôn chỉ có một, bởi tồn tại thế giới loài người chỉ có một, thế giới chỉ có một, tình cảm cao quý đúng đắn và lý trí hữu lý của loài người chỉ có một. Mọi sự sai lầm chẳng khác gì đi trệch ra khỏi con đường chính đáng, kiểu ngông cuồng tự thị hay khùng điên trong giấy lát thế thôi. Thời gian thế gian cũng là thời gian duy nhất và thời gian vĩnh cửu, mọi hiện tượng lịch sử nào đó xảy ra nếu không chính đáng thì cũng đều bọt bèo, bất cẩn và phương hại. Đó là điều mà mỗi người Việt Nam sáng suốt đều có thể tự rút ra cho bản thân mình, cho đất nước dân tộc mình để tìm một lối ra cần thiết, hữu lý, kết quả nhất như ngày nay đòi hỏi phải có thế thôi. Đó là phải từ bỏ hết mọi quả khứ không đúng đắn, trở lại với những gì thiết thực nhất, hiệu quả và tốt đẹp nhất cho cá nhân cũng như xã hội, đó cũng là ý nghĩa và giá trị nhân văn cũng như khoa học về mọi phương diện, là quan điểm xã hội rộng rãi xác đáng, là tinh thần ái quốc và nhân văn đúng nghĩa chân chính, được xây dựng trên một nền tảng dân chủ tự do đích thực, mang ý nghĩa và giá trị chung nhất, mà trong quá khứ tiếc thay lại chính học thuyết Mác đã cố tình muốn xóa bỏ một cách hoàn toàn vô ích và sai trái. Tất nhiên mọi quan điểm trên đây chỉ là những ý kiến riêng. Do đó tất cả mọi người cũng phải đọc với mọi tinh thần khách quan, nhận xét, phê phán và phản biện. Bởi đây là ý nghĩa vấn đề căn bản nhất có liên quan đến mọi người, nên đó cũng là vấn đề người viết quan tâm nhất và mong chờ nhiều phản biện tích cực và rộng rãi nhất
VÕ HƯNG THANH
(21/10/2015)
Đăng ngày 28 tháng 10.2015a