Chủ nghĩa quốc tế vô sản ngày nay không còn là vấn đề gì quan trọng trên khắp thế giới nữa. Tuy nhiên, trên TV vừa rồi vẫn còn có người nhắc đến nó một cách say mê nhiệt tình; hoặc có thể chỉ là một biểu hiện bề ngoài, nhưng cũng có thể là một thật lòng được nuôi dưỡng từ những tình cảm, niềm tin, hay cảm xúc quá khứ nào đó.

Từ ý nghĩa đó, tác giả bài viết này cũng cần nên phát biểu riêng tư một đôi điều thêm về chủ nghĩa quốc tế vô sản vốn đã có từ lâu để mọi người cùng nhận xét, phê phán hoặc thưởng lãm.

Thật ra chủ nghĩa quốc tế vô sản cũng là bản thân, khởi điểm và mục đích của chủ nghĩa Mác-Lênin mà không là gì khác. Cả hai là một nhưng tính chất vận dụng và tiến trình nắm bắt đối với nhiều người có thể khác nhau.

Khởi đầu của học thuyết Mác là nổi bức xúc về tình cảnh thợ thuyền và giai cấp công nhân Anh nói riêng và phương Tây nói chung trong thời kỳ tiền tư bản chủ nghĩa. Từ đó kết hợp lý thuyết biện chứng trong triết học của Hegel, những tìm hiểu nghiên cứu phần nào về kinh tế xã hội của mình, nói cụ thể là các lý thuyết kinh tế cổ điển Anh, những lý thuyết cách mạng xã hội Pháp, Mỹ lúc đương thời, cùng với những mục tiêu thực tiển trong hoạt động cách mạng của bản thân, ông mới đúc kết lại, hình thành nên toàn bộ các nội dung lý thuyết của mình.

Cho dù như vậy, cái cốt lõi nhất trong học thuyết của Mác vẫn chính là quy luật biện chứng trong quan niệm của Hegel, bởi nếu không có cái cốt lõi này, ý nghĩa và dự kiến của học thuyết Mác cũng không thể nào đạt được. Đó chính là điều mà Mác từng nói ông lật ngược hệ thống Hegel lại, bởi theo Mác, Hegel là con người đi bằng đầu, ông cần phải lật ngược lại để Hegel đi được bằng chân.

Cái đi được bằng chân đó chính là nguyên lý biện chứng áp dụng vào cho kinh tế chính trị học, tức là quy luật mâu thuẫn và giải quyết mâu thuẫn để tiến lên và hoàn thành toàn bộ cuộc cách mạng xã hội. Con người khởi thủy là vô sản trong xã hội cộng sản nguyên thủy, tất nhiên xã hội loài người cũng là xã hội vô sản trong xã hội cộng sản khoa học nơi xã hội tương lai.

Mác nhất thiết cho học thuyết của mình là học thuyết khoa học, bởi vì ông tin chắc chắn quy luật biện chứng của thực tại do Hegel đưa ra là chân lý khách quan, bao trùm, nên hoàn toàn và chắc chắn duy nhất đúng. Đó là cơ sở của quan điểm cộng sản khoa học mà Mác luôn luôn nhấn mạnh. Bởi trên cơ sở của quy luật biện chứng khách quan và thực tại đó, nền kinh tế tư bản chủ nghĩa tự nó chứa đựng mâu thuẫn, tự nó sẽ đào mồ chôn nó, tự nó tiến đến chỗ dẫy chết, để cuối cùng chuyển sang nền kinh tế cộng sản khoa học.

Ý nghĩa của mâu thuẫn đó nói rút lại là mâu thuẫn trong quan hệ sản xuất, mâu thuẫn trong xã hội tư sản, mâu thuẫn trong hàng hóa và tiền tệ, mâu thuẫn trong diễn biến số lượng giữa giai cấp công nhân và giai cấp chủ tư bản, để cuối cùng lượng sẽ dẫn đến chất, lượng sẽ làm chuyển biến, thay đổi chất, đưa đến tiến hành và hoàn thành cuộc đại cách mạng xã hội, và cuối cùng là thiết lập nên xã hội vô sản, tức xã hội cộng sản khoa học.

Trong bản Tuyên ngôn cộng sản Mác có nói xã hội loài người từ khởi thủy đến nay là xã hội đấu tranh giai cấp. Đấu tranh giai cấp vì có phân chia giai cấp. Nguồn gốc của phân chia giai cấp theo Mác chính là tư hữu. Có tư hữu nên cũng phát sinh ra sản xuất hàng hóa, phát sinh ra giao dịch mua bán, phát sinh ra tiền tệ. Như vậy để thực hiện được xã hội cộng sản tương lai, tất cũng đi đến dẹp bỏ tư hữu, dẹp bỏ xã hội sản xuất hàng hóa, dẹp bỏ phân công lao động tự phát, dẹp bỏ thương mại và tiền tệ, xã hội chỉ còn thuần là giai cấp công nhân, không còn chủ tư bản, đó chính là nền kinh tế hiệp đồng, sản xuất tự giác theo kế hoạch, sản phẩm tuông ra dồi dào được phân phối tùy thích, tức làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu. Ở xã hội này mọi con người mới thật sự giải phóng, không còn tư sản, không cần tư hữu, tức chỉ sống bằng tinh thần, tình yêu thương nhau và sở thích.

Có nghĩa theo Mác, tư hữu, giai cấp, tiền tệ là những phạm trù tội lỗi của lịch sử loài người. Đó là gốc phát sinh ra mọi tệ nạn của xã hội. Phải cần tiến lên dẹp bỏ mọi nguyên nhân thực tế này, cuộc đại cách mạng xã hội cũng sẽ được hoàn tất, hay thực sự mới có thể thực hiện được.

Nguyên lý biện chứng của lịch sử và nguyên lý kinh tế xã hội trong học thuyết Mác chủ yếu là như thế. Kết hợp quan điểm duy vật tuyệt đối với quan điểm biện chứng của học thuyết (duy tâm) Hegel, Mác đưa ra quan điểm về biện chứng duy vật và biện chứng lịch sử của mình như đã nói trên. Có nghĩa không có lý thuyết biện chứng cũng không thể có học thuyết Mác, và nguyên tắc nổi bật nhất trong lý thuyết biện chứng của Hegel chính là nguyên lý lượng biến thành chất.

Thật ra nguyên lý lượng biến thành chất của nhà đại triết học Hegel (1770 – 1831) chỉ là nhận xét khập khiễng. Bởi lượng của một chất và bản chất của chất đó hoàn toàn khác nhau. Đó là hai phạm vi hay hai phạm trù riêng biệt không thể nhập nhằng và hoàn toàn đồng hóa vào nhau được. Nước nhiều hay nước ít thì bản chất của nước vẫn là lưu chảy. Đá nhiều hay đá ít thì bản chất của đã vẫn là đứng yên. Còn nói nước nhiều thì chảy mạnh hơn, đá nhiều thì nặng cân hơn, đó lại là chuyển sang ý nghĩa một tính chất khác, một phạm trù khác chẳng còn liên quan gì đến ý nghĩa hay bản chất ban đầu. Sự nhập nhằng, sự hàm hồ ở đây chính là ở đó. Quan điểm của Hegel đã chuyển từ một nhận xét thực tại trở thành một ý nghĩa của phán đoán tinh thần. Phạm trù vật thể khách quan trở thành phạm trù ý thức, phán đoán hay nhận thức chủ quan. Đấy cái nguyên lý lượng biến thành chất trong thực chất nó chỉ là như thế.

Nhưng chính từ trên quan điểm lượng biến thành chất đó mà Mác đã vội vã xây dựng nên toàn bộ học thuyết của mình. Tức khi ý thức giai cấp công nhân thay đổi, cuộc đại cách mạng nhất định phải nổ ra, ý thức công nhân trở thành làm chủ lấy mình, làm chủ lịch sử, đó là tiền đề của tương lai xã hội cộng sản khoa học.

Tuy nhiên, Mác vẫn quên một điều, quan điểm biện chứng của Hegel dầu sao vẫn là quan điểm trong một toàn bộ hệ thống duy tâm. Nguyên lý duy tâm là nền tảng hay cơ sở của thuyết biện chứng. Thế nhưng quan điểm của Mác ngược lại là quan điểm hoàn toàn hay tuyệt đối duy vật. Như vậy có nghĩa nếu áp dụng nguyên lý biện chứng thì hoặc lý thuyết Mác đã trở thành duy tâm, hoặc đó chỉ là một sự áp dụng không tương thích hay hoàn toàn trái khoáy. Có lẽ sự quá bức xúc của Mác về tình cảnh đau khổ của thợ thuyền, mà gặp quan được điểm biện chứng của Hegel ông giống như người vớ được phải cọc, khiến trào dâng lên một quan điểm lý thuyết đầy cảm hứng, đầy cảm xúc mà mất đi tính cách trầm tĩnh của ý thức khoa học chính xác và khách quan chăng.

Đó là chưa nói cho dù là người công nhân hay người chủ tư bản chăng nữa, họ đều cũng là những con người như nhau, có nghĩa vẫn phải luôn chịu nhưng quy luật, những áp lực tự nhiên của tâm lý ý thức mà mọi người đều có tương đối như nhau. Tức những nhu cầu tự nhiên về sinh tâm lý, các khuynh hướng, bản năng, cá tính, các tình trạng bản thân và môi trường, các hoàn cảnh khách quan và điều kiện lịch sử bản thân cũng như của xã hội, các cơ may, các nổ lực, thói quen, các năng lực riêng, hay các thành tựu của kết quả của đào tạo, giáo dục v.v… Do vậy sự đối lập giữa các cá nhân con người cụ thể, linh hoạt thành những phạm trù trừu tượng, cứng nhắc là điều chưa hẳn đã hoàn toàn hợp lý. Hơn thế, hoàn cảnh mỗi con người, vị thế mỗi con người đều luôn luôn có thể hoán đổi nhau một khi có hoàn cảnh thay đổi, có nghĩa mỗi người đều vẫn là sản phẩm lịch sử riêng của mình cũng như sản phẩm của hoàn cảnh lịch sử chung, họ thật sự có gì nhất thiết là thần thánh hay đáng trách.

Sự bất công xã hội nếu có, sự không hợp lý hay chưa phù hợp trong những điều kiện hoàn cảnh kinh tế đời sống nào đó của những số ít hay số đông con người, đáng lẽ ra chỉ cần giải quyết một cách đơn giản bằng các biện pháp xã hội hay pháp lý một cách tiết kiệm, thông minh, cần thiết hoặc hiệu quả, đâu có cần gì phải tính đến những chuyện động trời hay long trời lở đất. Tất cả những tồn tại đó, ngay cả đến trong các xã hội ngày nay trên toàn thế giới, người ta vẫn còn phải tiếp tục giải quyết mà vẫn tồn đọng, chưa xong, có gì đâu là lạ, bởi vì lịch sử khách quan vẫn luôn giống như một dòng chảy không ngừng, có những cái mới vẫn nảy sinh ra, có những cái cũ vẫn tiếp tục biến thiên, có khi nào mà hoàn chỉnh hay kết thúc được mọi sự.

Bởi vậy xã hội loài người từ chỗ hoang dã đến chỗ phát triển đi lên, thật ra do rất nhiều yếu tố, có những yếu tố đã biết, nhưng vẫn còn những yếu tố chưa biết. Hành tinh xanh của chúng ta thật ra chỉ là một hạt bụi rất nhỏ bé trong không gian vô hạn giữa các thiên hà. Một cái vô cùng nhỏ so với cái vô cùng lớn, có gì đâu mà có vai trò tiêu biểu, toàn diện, tổng thể, hay quyết định. Đó quả là một sự lạc quan quá đáng. Đó chỉ là một sự suy diễn nặng phần tư biện về toàn bộ lịch sử khách quan. Ngay như trong môi trường tự nhiên của địa cầu cũng có thể có những yếu tố ngoại lai bất ngờ tác động, ảnh hưởng quyết định đến dòng biến thiên của lịch sử loài người, đừng nói tới bao quy luật hay ngẫu biến xảy ra bất ngờ trong thiên hà hay trong toàn vũ trụ.

Trở về với thực tế cuộc đời, xã hội con người cộng đồng nguyên thủy là xã hội sơ khai tự nhiên, đêm gán ép vào với khái niệm xã hội cộng sản nguyên thủy là một điều khiên cưỡng, giả tạo, không khách quan hoặc không tự nhiên. Ý nghĩa tài sản hay tư hữu chỉ là ý nghĩa về sau này khi đời sống thực sự phát triển. Đó là sự diễn tiến tự nhiên, không thể chê trách, phê phán hay kết án gì được. Bởi không một cá nhân hay tầng lớp nào tạo ra nó, mà là diễn tiến của toàn thể lịch sử nói chung. Giữa cái chưa có, cái đã có, và cái sẽ có là hoàn toàn khác nhau. Bức vách giữa chúng là khoảng trống vắng, là số 0, là cái hư vô, đó không hoàn toàn là sự diễn tiến của cái continum trong khái niệm toán học. Do đó từ xã hội cộng đồng nguyên thủy, qua xã hội phong kiến (có những nơi có xã hội nô lệ), đến xã hội quân chủ, rồi xã hội tư sản dân quyền chỉ là điều hoàn toàn khách quan, đã có và tự nhiên. Lịch sử phải tiến lên không ngừng nhưng cũng không khi nào có thể lùi lại. Lên án những giai đoạn lịch sử xã hội đã qua, xiển dương những ý nghĩa xã hội chưa tới, quả là điều chỉ mang tính lý thuyết suy luận máy móc kiểu tư biện trừu tượng mà không phải hoàn toàn thực tế.

Con người là sinh vật có lý trí. Với lý trí và sự hiểu biết của mình, có nhiều vấn đề thuộc xã hội và lịch sử con người vẫn có thể giải quyết được trong thực tế một cách thông minh và hiệu lực, kết quả, chẳng phải cần gì đến những giải pháp mơ hồ, huyễn mộng. Tất nhiên, lịch sử là kết quả của toàn thể mà không phải của cá nhân, của số đông mà không phải của chỉ vài người, mặc dầu trong ngắn hạn nào đó, vẫn có thể có những yếu tố khách quan bất ngờ nào đó của tự nhiên, của xã hội, thậm chí của một vài cá nhân đặc thù nào đó tác động đến nhất thời khiến làm thay đổi, biến chuyển thoáng qua những bước phát triển tổng thể, tự nhiên của toàn xã hội.

Nhưng có điều quan trọng, mọi sự phát triển quyết định nhất của lịch sử vẫn là do những phát kiến, những khám phá, do trí tuệ con người, không phải thuần túy đơn giản do mối quan hệ con người, hay mối quan hệ đấu tranh giai cấp như Mác đã nói. Bởi lẽ chính sự khám phá ra lửa, sự phát kiến ra nam châm, dòng điện, máy hơi nước, máy điện, rồi điện toán ngày nay … mới chính là những dấu mốc vĩ đại của lịch sử nhân loại mà không là gì khác. Bởi vì mối quan hệ con người, hay quan hệ sản xuất, nhiều lắm cũng chỉ là những hình thái xã hội chính trị nào đó, như bộ lạc, phong kiến, quân chủ, tư bản … mà chẳng gì mới. Chính khi nào có sự tích lũy về các kết quả kỹ thuật quan trọng, khi đó thực tiển xã hội mới buộc phải hoàn toàn thay đổi. Xã hội hái lượm nhiều lắm chỉ đánh nhau bằng tay chân, cây, đá. Nhưng khi phát minh ra lửa, ra cung tên, dáo mác … rồi ngày nay là kỹ thuật hạt nhân, thì đó hoàn toàn lại là chuyện khác. Hoặc nhân loại sẽ phải chuyển biến hoàn toàn, hoặc phải đi đến chỗ tự hủy diệt.

Thế cho nên, mối quan hệ giữa con người và con người, hay trong các giai cấp, chẳng qua cũng chỉ giống mối quan hệ giữa những gợn sóng trên hồ, trên sông hay trên biển. Đó là những mối quan hệ bình thường, trừ khi có những yếu tố tác động từ bên ngoài gây nên những đợt triều lớn. Thổi phồng các mối quan hệ bình thường này là điều quá đáng, vì những biến động chính yếu của lịch sử cơ bản không phải ở đó mà chỉ có thể do những nguyên nhận thực tế khác quyết định hoặc kích thêm vào.

Vả chăng, nếu tư hữu là khuynh hướng khách quan, tự nhiên của mọi loài sinh vật, thì tiền tệ chính là một khám phá vĩ đại của lịch sử loài người. Rõ ràng điều này là đúng vì phải cần phân biệt giữa phương tiện và mục đích. Mục đích của mọi sinh vật là sự sống và phát triển, nâng cao sự sống, còn các yếu tố phục vụ cho điều đó thật sự hay thực chất đều chỉ là phương tiện. Con sư tử no rồi thì chẳng thèm săn mồi. Nhưng con báo khi được mồi thường phải đem lên cây để giấu nhằm riêng hưởng được phần mình. Yêu cầu tư hữu như vậy là yêu cầu tiện dụng, tiện nghi, lợi ích, sự cần thiết khách quan mà không là gì khác. Con cái lớn lên đều cần phải có các sở hữu riêng tư, đó là các thực tế của gia đình cũng như của xã hội. Nguyên tắc quyền sử dụng và quyền di sản thừa kế cũng là ý nghĩa hay yêu cầu tự nhiên trong pháp luật mà nghìn đời vẫn luôn thừa nhận.

Thế nên lên án, đả kích quyền tư hữu là điều hoàn toàn không đúng, nó hàm chứa tính đố kỵ, sự bất chấp trong đời sống, tính cách phi trách nhiệm nói chung. Bởi vì nói cho cùng ý nghĩa của sự tư hữu cơ bản vẫn chỉ luôn là phương tiện, điều tiện ích, mà không phải là mục đích hay ý nghĩa sau cùng của cuộc sống. Cho nên không thể vì ý nghĩ sai lệch của số ít, của đặc thù những cá nhân mà lên án, chỉ trích, chê bai, cốt nhằm triệt tiêu hay loại bỏ sự tư hữu. Bởi vì nếu muốn, nếu thấy có những phân hóa quá đáng trong thực tế đời sống về thực tế này, luật pháp chỉ cần đưa ra các biện pháp hạn chế thông minh nào đó, như thuế khóa, chính sách, để nhằm chế ngự, điều hòa một cách hợp lý, hiệu quả, mà chẳng cần gì phải vận dụng đến những điều đao to búa lớn.

Vậy thì điều còn lại cuối cùng chỉ là quyền tư hữu trong tư liệu sản xuất. Cốt lõi của học thuyết Mác chính là lên án và tập trung giải quyết chính ý nghĩa gai góc này. Mác cho rằng tư hữu trong sản xuất chính là nguyên nhân, nguồn gốc của mọi sự, như sự làm phát sinh ra giai cấp, tạo ra cơ chế sản xuất hang hóa, làm phát sinh tiền tệ, cho nên dẹp bỏ nó cũng dẹp bỏ được tất cả, giải quyết nó cũng là giải quyết được tất cả. Xã hội sẽ tuyệt đối lý tưởng, tròn đầy nếu hoàn toàn không có, không còn nó. Và cũng nhằm để giải quyết điều này mà Lênin đã áp dụng quan điểm làm ăn, sản xuất tập thể ở Nga từ cuộc cách mạng 1917 khi Liên xô thành lập mà ai cũng biết. Kết quả những công nông trường ban đầu sụp đổ và Lênin đã phải đối phó lại bằng các chính sách kinh tế mới.

Thế cho nên, tâm lý ý thức con người vẫn là cái ngưỡng khó vượt qua, vẫn là điều gì tự nhiên, khách quan, chính đáng nhất. Đó là tâm lý an toàn, tâm lý tự vệ, tâm lý phòng xa, thậm lý tâm lý kèn cựa, đố kỵ, tâm lý đối phó, tâm lý cạnh tranh v.v… bởi vì chung qui lại vẫn chỉ do bản năng tự nhiên về sinh tồn, phát triển, tự chủ, tự do và tự lập … mà nói chung ai ai cũng có. Đó không phải tâm lý ích kỹ mà chỉ là nhu cầu, ý thức tự nhiên, thậm chí bất kỳ loài sinh vật nào đều có. Có nghĩa sự khôn ngoan sắc sảo của con người chính là thích ứng với tự nhiên một cách thông minh mà không phải đi ngược, đi ngoài, hay phản lại tự nhiên.

Bởi vậy, đời sống của xã hội là luôn luôn phải sản xuất và phân phối. Nhưng cơ chế nào là cơ chế tự nhiên, năng suất, hiệu quả và hợp lý nhất, đó mới thật là điều đáng nói. Tất nhiên cơ chế nào phù hợp với các yêu cầu, tâm lý tự nhiên của cá nhân vẫn phải là cơ chế khách quan, cần thiết, đúng đắn, hữu lý nhất. Nguyên lý liên kết tập thể chỉ có thể là những kịch bản nhỏ, nhất thời, khu biệt, nhưng không thể là cơ chế đại trà, tự nhiên, hằng cửu của toàn xã hội. Bởi vì xã hội là kết tập của những cá nhân con người. Nhưng cá nhân này luôn luôn thay đổi về số lượng, chất lượng, đến và đi, có và hết, còn và mất trong xã hội, đó là một yếu tố động, linh hoạt, một biến số tự nhiên, nên mọi phương trình giải quyết nó cũng phải hoàn toàn là một chuỗi các hệ thống phương trình hoàn toàn tự nhiên và sinh động. Phản ứng tự nhiên chính là phản ứng tự phát hợp lý nói chung của các sinh vật, từ hạt nhân tế báo, các vi thể trong tế bào, đến các con vật đơn bào, đa bào, cá thể con người và toàn bộ xã hội nói chung. Điều này các quy luật trong lý thuyết sinh học, tiến hóa, phân tử đều đã biết nhiều, không cần nhắc tới.

Nói khác đi, quy tắc hay quy luật xã hội không thể vượt ngoài quy tắc hay quy luật sinh học vẫn luôn luôn là điều cần thiết, hữu lý, và hoàn toàn chính đáng. Xã hội con người thực chất là một quần thể sinh học trong chính môi trường tự nhiên. Các quy luật tác động qua lại, nội tại cũng như bên ngoài đều luôn luôn khách quan và cũng luôn luôn là cơ chế có phần tự động hóa. Có nghĩa mọi sự can thiệp thông minh của con người chỉ có thể là sự can thiệp bổ sung, điều tiết hay điều chỉnh mà không thể là sự can thiệp hoàn toàn thay thế.

Chính vậy mà mọi sự thay thế bằng cách duy ý chí trong quá khứ rõ ràng đã thất bại, gây biết bao nhiêu hậu quả tệ hại cho bản thân cá thể cũng như cho toàn thể xã hội cũng những nguy hiểm biết bao cho xã hội con người. Nhưng rồi tất cả những gì phiến diện, vô lý cũng đã bị chính lịch sử đào thải và cũng đã đi qua. Ngày nay sự đổi mới của nhiều nơi cũng như sự hội nhập toàn cầu nói chung chính là con đường tất yếu không ai có thể đi ngược hay đảo ngược lại được nữa.

Vả chăng ý nghĩa của cách làm ăn hay sản xuất theo kiểu tập thể mà Lênin quan niệm là nhằm để xóa quyền tư hữu trong sản xuất, tức xóa bóc lột và thặng dư giá trị mà Mác đã quan niệm. Điều này quả thật Mác vẫn có khuynh hướng nhìn kinh tế xã hội trên bình diện vi mô, cả lẻ, mà không nhấn mạnh về khía cạnh hay ý nghĩa vĩ mô, toàn cục. Quan niệm về sự bóc lột thật ra là một quan niệm toán học mang tính cứng nhắc. Mác đã dùng cả một phương trình toán học cổ điển và cơ bản để nhằm chứng minh cho lập luận này của mình. Nhưng trong phương trình đó Mác quên đưa vào các biến số hay thông số về lịch sử, tâm lý cũng như xã hội. Tóm lại là một phương trình quá đơn giản, loại biệt, giản ước và chưa thật sự hoàn toàn bao quát hay toàn diện. Bởi vì mọi mối quan hệ xã hội luôn luôn là mối quan hệ nghịch đảo, song phương, đa chiều, mà không phải chỉ đơn giản là mối quan hệ đơn phương hay chỉ một chiều. Cho nên hoàn cảnh xã hội, yếu tố kỹ thuật, thông số chỉ tiêu, các ngoại biến số khác phần lớn đều không được Mác tính đến. Đó là chưa nói đến yêu cầu tái đầu tư, mở rộng sản xuất trong kinh tế xã hội, là điều hình như Mác đã phớt lờ, không quan tâm, hay chỉ giải thích cố ý theo quan điểm lập luận riêng của mình.

Nói khác đi, bộ Tư bản luận của Mác như Mác nói không phải dành cho những nhà kinh tế cổ điển thông thường, mà chính là dành riêng cho ý nghĩa và mục tiêu cách mạng. Có nghĩa cơ sở của nó là cơ sở phép biện chứng (lịch sử) của Hegel được mang áp dụng vào nhưng không phải các ý nghĩa nội dung khoa kinh tế học khách quan của bản thân chính nó. Nói theo lối ẩn dụ, Mác giống như gọt chân cho vừa giầy trong kinh tế học nơi bộ Tư bản luận mà không là gì khác. Đó cũng là lý do có những nhà kinh tế học thật sự đọc vào thấy hết sức khó hiểu là như thế, bởi vì có khi hay có nhiều chỗ nó không phải ngôn ngữ khách quan, tự nhiên của kinh tế học.

Cho nên, điều cuối cùng quan trọng hay điều mà Mác không để ý hay chẳng quan tâm đến, đó là tính cách phương tiện xã hội của chính bản thân nhà tư bản. Mác lên án lợi nhuận, lên án tiền tệ, bởi vì coi đó là mục đích của nhà tư bản. Thật ra giữa mục đích và chức năng cũng là điều cần nên cân nhắc. Mục đích hay chức năng của nhà tư bản cũng đều chỉ là lợi nhuận. Đó không những là chức năng xã hội mà cũng là ý nghĩa hay yêu cầu bản thân của họ. Bởi lợi nhuận là điều kiện, là cơ sở của mọi hoạt động sản xuất. Nó là yêu cầu cho mọi chi phí, đặc biệt chi phí cho tồn tại của hoạt động, cho tái sản suất, mở rộng đầu tư và phát triển sản xuất. Nguyên tắc cạnh tranh trên thị trường là thực tế tự nhiên và không tránh khỏi. Vô hình chung người công nhân và cả chủ tư bản cũng đều trở nên như phương tiện chung của toàn thể cộng đồng xã hội. Một bên bỏ sức lao động thể xác của mình ra, một bên bỏ khả năng và tài nghệ quản lý, điều khiển của mình ra. Kết quả cuối cùng cũng chỉ là hàng hóa càng ngày càng mở rộng, gia tăng hơn cả về mặt số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng chung cho cả xã hội. Như thế, nền sản xuất xã hội cũng giống như một cái mô đun, một hộp đen tự điều tiết tự động, theo nhu cầu hàng hóa và giá cả thị trường. Tính cách tự điều chỉnh đó hoàn toàn linh hoạt và chính xác. Đầu vào gián tiếp là lao động liên đới của tất cả mọi người, trong đó trực tiếp có giới công nhân và chủ tư bản. Đầu ra trực tiếp cũng nhằm đến tất cả mọi người, trong đó kể cả những công nhân và các chủ tư bản. Bởi vì hàng hóa là yêu cầu tiêu dùng cần thiết chung nhất không ngoại trừ bất cứ một ai. Vả chăng sự tiêu thụ về năng lượng sinh học cũng như các yêu cầu thiết cốt cho đời sống hang ngày thật ra mọi người cũng đều không chênh lệch hay khác nhau là bao nhiêu, có thể khác nhau về chất lượng hay tính cách, nhưng cái chính vẫn là đáp ứng yêu cầu tùy theo hoàn cảnh và bản thân. Cho nên quy luật tái phân phối lợi tức, tái phân phối hưởng dụng, quy luật kế thừa quyền quản lý cũng chỉ là thông lệ chung trong toàn xã hội. Cả nhiều khi sự hưởng thụ về đời sống của những nhà tư bản thật sự cũng không hơn gì người bình thường là mấy. Giống như câu ngạn ngữ nói người thợ giầy thường phải mang giầy rách, và người thợ làm hòm thường chết phải bó chiếu. Mặt khác, sự nộp thuế và những đáp ứng từ thiện, đó cũng là sự phân bố lại hay sự chia sẻ phần nào các lợi nhuận nhà tư bản thu về trên một phương diện khác. Nói chung mọi dòng sông đều quy về biển, và nước lại bốc hơi đổ xuống các dòng sông, đó vẫn là quy luật tự nhiên chung của mọi sự vật khách quan không loại trừ bất cứ khía cạnh đặc thù nào.

Thế cho nên, cái cuối cùng vẫn là quan niệm sống, quan điểm làm việc, đóng góp hay thụ hưởng nơi tất cả mỗi con người. Thông thường sự trì lực tự nhiên của mỗi cá nhân vẫn làm cho họ không muốn lao động nếu không có nhu cầu hấp lực hay kích thích. Sự kích thích nơi mọi người lao động bình thường chính là điều kiện của cuộc sống, sự kích thích nơi những người chủ tư bản chính là lợi nhuận. Như thế mọi sự đòi hỏi công bằng hay lý tưởng xã hội không phải chỉ đòi hỏi nơi người quản lý sản xuất mà thật sự là nghĩa vụ góp phần giải quyết của tất cả mọi người. Cho nên khoa học kỹ thuật, văn hóa, tri thức, chính là những nhân tố mạnh mẽ, hiệu quả góp phần to lớn cho chính các yêu cầu này. Sự khác nhau giữa năng suất lao động cơ bắp của con người không phải đặc thù lắm, nhưng sự khác nhau giữa trí tuệ, ý thức, thói quen hay trách nhiệm giữa các con người mới thật sự là nhiều. Một ngàn người nông dân, một vạn người công nhân, tuy về giá trị và ý nghĩa con người thì giống nhau, nhưng tính chất của hiệu quả trí tuệ vẫn không so được với vài cá nhân tầm cỡ của những nhà khoa học. Những con người như Edison, Newton, Einstein … thì lại hoàn toàn không thể so sánh.

Cho nên bài toán kinh tế xã hội là bài toán chung cho toàn xã hội, kể cả cho phát triển lịch sử, mà không phải chỉ thu gọn vào trong cá nhân, giai cấp, hay kể cả những giai tầng xã hội nào. Sự chan hòa và hiệu quả trong xã hội chính là yêu cầu thực tế mà toàn bộ loài người phải luôn hướng đến. Đó cũng là lý do tại sao quy luật khách quan vẫn luôn luôn là yêu cầu thiết yếu cho tất cả mọi hoạt động của xã hội con người. Vận động hợp quy luật chính là vận động có kết quả, nếu không chỉ hoàn toàn ngược lại. Chiếc xe chạy nhanh được bởi vì nhờ hai bánh hình tròn, hợp với quy luật chuyển động tròn. Thử hỏi nếu hai bánh là vuông, hay có những bánh xe trong một guồng máy là vuông, tất nhiên sẽ thành tắt tị và nhất thiết phản lại hiệu quả. Bởi vậy mọi quy luật của xã hội, của tâm lý con người, của lịch sử nói chung, cũng phải đều là những quy luật có thật, khách quan, tự nhiên, mà không thể chỉ là những quy luật tưởng tượng, áp đặt, huyền hoặc hoặc thiếu khách quan.

Mác đã đưa ra những quy luật về lịch sử xã hội, được nhiều người cho là tất yếu và duy nhất đúng, nhưng những quy luật ấy ngày nay đã tỏ ra không thành thực tế, và có lẽ cũng chẳng bao giờ có thể trở thành thực tế, bởi vì lịch sử sẽ không thể nào quay lại chỗ cũ bao giờ. Cho nên phần lớn những điều Mác nói đều có tính hấp dẫn bởi vì nó vượt xa lên trên mọi sự hiểu biết của những con người bình thường hàng ngày. Chính vì vậy người ta khó bẽ lại nó, cũng như thấy nó hoàn toàn hấp dẫn hoặc thuyết phục. Nhưng đó chỉ do tính lười suy nghĩ và chẳng thích đào sâu. Bởi khoa học và học thuật vẫn luôn yêu cầu các tinh thần, các đầu óc trầm tính, khách quan, và quyết ý tìm tòi. Đó là của giới chuyên môn, không phải của tất cả mọi người trong bàng dân thiên hạ. Đó cũng là lý do khoa học không thể truyền miệng mà phải là sự lập chí của mỗi một con người.

Nhưng điều oái oăm nhất là Mác quá tin chắc vào lý thuyết “biện chứng” của Hegel, nên cũng tin tưởng vào lý thuyết lịch sử của mình là tuyệt đối đúng, nên ông cũng chủ trương sự độc tài quyền lực hay sự chuyên chính vô sản (Diktatur des Proletariats). Nhưng chính điều này dẫn đến chỗ không phát huy, không tập hợp được mọi tài năng, mọi tinh hoa, sáng kiến của xã hội, do đó mà nó cũng trở thành trở ngại cho mọi sự phát huy, phát triển nói chung của toàn xã hội. Đó là một thực tế mà ngày nay ai cũng thấy, và đó cũng chính là nhu cầu của mọi sự đổi mới và mọi mục tiêu dân chủ hóa.

Nói chung lại, học thuyết của Mác đúng là một sự cao hứng, một sự bồng bột, say sưa có phần quá đáng. Sở dĩ ít có người bác bẽ lại Mác, bởi vì ông chủ trương chuyên chính, các lý luận của ông vượt lên trên tầm hiểu biết chung của nhiều người, nhất là lý tưởng của ông quá cao vời, đẹp đẽ (tuy không thực tế), nên phần lớn gây nên mặc cảm tự ti, thấp kém, nếu có những người nào thật sự muốn công khai phân tích, nhận xét hay đánh giá lý thuyết của ông. Do vậy, những người vận dụng, nghiên cứu học thuyết của ông từ xưa này phần lớn đều chỉ rập khuôn, minh họa, sao chép thụ động theo, mà họ gọi là “lý luận”, điều đó không ngoại trừ cả Nguyễn Bách Khoa (Trương Tửu), Trần Đức Thảo … cùng nhiều người khác.

Cho nên, cái gì của César cần trả lại cho César, cái gì của khoa học, học thuật cũng nên trả về cho khoa học, học thuật. Do vậy, nói rút lại, sự không tách bạch rạch ròi giữa ý nghĩa phương tiện và ý nghĩa mục đích có lẽ là điều dễ thấy nhất trong Mác. Chẳng hạn, hàng hóa và tiền tệ là yêu cầu phổ biến, tự nhiên và thiết yếu trong xã hội phát triển, tì ngay từ đầu Mác đã gắt gao lên án, muốn dẹp bỏ, cho là nguồn gốc của mọi tệ nạn xã hội, và muốn quay về tình trạng sản xuất vật phẩm trực tiếp để phân phối, không phải qua trung gian của thị trường và tiền tệ. Điều này ai đọc sâu vào bộ Tư bản luận của ông đều nhất thiết phải thấy. Cũng chính vì thế mà Mác chủ trương một xã hội vô sản trong tương lai, tức mọi của cải tài sản chỉ còn là tài sản của cộng đồng chung, nhất là các phương tiện sản xuất trong kinh tế. Đó là một xã hội hoàn toàn đồng thuận, tự nguyện, tự giác, tự đề ra kế hoạch sản xuất và phân phối cho nhau giữa tất cả mọi người không phân biệt, không còn và cũng không cần thông qua thị trường bán buôn và tiền tệ. Một xã hội quá khác thường, thần thánh như vậy quả thật cũng là một điều rất lạ, bởi vì Mác hầu như đã quên mất chính quy luật vật chất và tự nhiên vẫn chi phối mọi người trên cơ sở của chủ thuyết duy vật. Như thế đúng là trên cơ sở duy vật như là nguyên lý được chấp nhận, Mác lại xây dựng một phạm trù xã hội hết sức duy tâm, quả là điều nghịch lý và mâu thuẫn lại chính nền tảng cơ sở ban đầu của lý thuyết mình. Vả chăng, nếu theo đúng quan điểm lý thuyết biện chứng, xã hội vẫn phải luôn biện chứng, biến đổi không ngừng, vậy thì những mô thức hoàn thiện, bất biến như vậy trong tương lai liệu có phải tự nghịch lý với chính nó hay không.

Thật ra, mọi nền sản xuất trong kinh tế xã hội tự nó chẳng bao giờ nhất thiết ổn định hay bất di bất dịch. Bởi vì yếu tố đầu vào, yếu tố đầu ra, yếu tố phân phối luôn luôn tự nó là những biến số. Tập hợp con người trong bất kỳ không gian hay thời gian nào đó không khi nào tuyệt đối bất biến. Đó là một tập hợp biến chuyển. Sự phát triển khoa học kỹ thuật cũng luôn không ngừng đổi mới. Yếu tố tài nguyên thiên nhiên cũng không phải luôn luôn ổn định. Do vậy mọi bài toán quy hoạch mà không theo phương thức xác suất ở đây là hoàn toàn không đủ cơ sở. Đó không những là yếu tố của tương lai, mà cả chính yếu tố trong hiện tại cũng như trong quá trình phát triển kinh tế trong quá khứ trên toàn thế giới của nhân loại nói chung.

Chẳng hạn có những kỹ thuật sản xuất trước kia không có mà ngày nay đã có, và trong tương lai cũng sẽ còn nhiều bước ngoạn mục như thế. Đó cũng là lý do phải luôn luôn nên xem mọi thể chế xã hội, mọi cơ chế của nền kinh tế đều luôn luôn chỉ là phương tiện mà không bao giờ là cứu cánh tối hậu của chính xã hội con người. Cứu cánh đó không gì khác hơn là đời sống, là văn hóa, là tinh thần, mà không bao giờ là tiền tệ hay hàng hóa, bởi vì chúng vẫn chỉ là các vật chất, các phương tiện, cho dù hoàn toàn hiện thực, thiết yếu và luôn luôn cần thiết.

Bởi vậy ý nghĩa giai cấp của Mác cũng luôn luôn nặng về tính biện chứng theo công thức của Hegel, tiền đề - phản đề - hợp đề, mà không nhìn thuần túy trên thực tế luôn luôn chuyển biến tự nhiên trong toàn xã hội. Bởi vì nếu khởi đầu giai cấp nông dân là nhiều nhất, rồi đến giai cấp công nhân, vì đó là những lực lượng lao động trực tiếp của con người khai thác tài nguyên đất đai, tài nguyên tự nhiên, và các yêu cầu chế biến, tạo tác ra các sản vật nói chung trong toàn xã hội. Nhưng khi kỹ thuật thay đổi, phát triển, năng suất lao động nâng cao, tất nhiên sức lao động giản đơn, cơ bắp được giải phóng nhiều hơn, đó là kết quả của nền kinh tế tri thức mà không phải là của kết quả trong tiến trình đấu tranh giai cấp. Quả là Mác vẫn luôn luôn bị buộc chặt trong hoàn cảnh thời đại của mình nhưng lại phóng một cái nhìn hết sức quá chừng viễn tưởng.

Nên nói chung lại, quan điểm của Mác hình như quá nhiều chỗ còn nhập nhòe giữa phương tiện và cứu cánh. Tiền tệ và hàng hóa thật sự là phương tiện hiệu quả nhất trong mọi giao dịch, quan hệ cần thiết, tự nhiên nhất của nhân loại, lại bị ông lên án, coi như những phương thức quá độ của tiến trình lịch sử. Thật sự đó là sự tiết kiệm nhất trong giao dịch, sự tiện nghi nhất trong nhu cầu, sự hoàn thiện nhất trong phát triển và tích lũy về mọi mặt, là cuộc cách mạng lớn lao nhất thay thế cho sự trao đổi hoán vật trực tiếp của quá khứ, thì ông lại cho đó là bước thụt lùi, phản động trong lịch sử nhân loại. Tính ưu việt trong các chức năng của tiền tệ, cũng như tính tiết kiệm, hiệu lực trong sản xuất hàng hóa, rõ ràng là sự tiện ích không thể phủ nhận của đời sống thực tế mọi mặt của xã hội con người, vậy mà muốn trở nên một xã hội không còn hàng hóa, không còn tiền tệ trong tương lai, thì thật sự đó là bước thụt lùi hay phát triển.

Cho nên bài viết này cũng chỉ là sự bổ sung cho bài viết trước, nó không khác nhau mà thật sự chỉ giống nhau, có điều được nhìn ở một số khía cạnh phần nào khác hẳn. Tựu trung lại, sự phân biệt của Mác là hết sức rạch ròi, dứt khoát giữa xã hội tư sản và xã hội vô sản. Xã hội tư sản là xã hội đặt nền sản xuất trên tư hữu, hàng hóa, tiền tệ, thị trường, còn xã hội vô sản là xã hội hoàn toàn loại bỏ tất cả mọi thứ trên. Nhưng ở đây rõ ràng là giữa hai xã hội đó, xã hội nào là phát triển tự nhiên, khách quan, hiện thực, hiệu quả, mang lại nhiều tiện ích, tiết kiệm, hiệu lực cho con người, đó chính là một chủ đề cần để so sánh. Sự so sánh này chính con người cũng đã thực hiện nhiều trong thực tế. Vì tất cả đều không thể không thông qua chính nhân tố quản lý và quan hệ giữa con người và con người. Trong khi đó, sự phân biệt về giai cấp của Mác lại hết sức rành rọt. Ông cho rằng chỉ có hai giai cấp cơ bản là giai cấp vô sản và giai cấp hữu sản, tức giai cấp tư sản hay tư bản. Ông không thừa nhận có ranh giới tập mờ trung gian nào giữa hai lằn mức. Tức hoặc chỉ có những người làm chủ, hoặc chỉ có những người làm thuê trong xã hội tư sản. Bởi vì chỉ trên nền tảng phân hóa, đối nghịch giai cấp dứt khoát như, thì tính chất biện chứng mới có ý nghĩa, tức sự đối kháng tạo nên và hoàn thành chính cuộc cách mạng vô sản. Một xã hội vô sản chính là một xã hội giải quyết được tiền đề tư sản, phản đề vô sản, để đi đến hợp đề phi giai cấp của toàn xã hội mà ông nhất thiết tiên báo. Nhưng một xã hội như thế trên toàn thế giới, có nghĩa là phải xóa bài để làm lại tất cả, quả thật nếu không phải là quy luật tự nhiên, khách quan của trời đất, thì không phải sức mọi người đều có thể làm nổi. Đó là chưa nói nó suýt đưa nhân loại đến chỗ diệt vong trong cuộc khủng hoảng đối đầu trước kia trong thời kỳ chiến tranh lạnh về ý thức hệ vô sản, phi vô sản ở tại Cu Ba.

Thật ra trong tự nhiên có những thực tại không hoàn toàn mang tính chất biện chứng như Hegel quan niệm. Chẳng hạn giống tính, như nam nữ, đực cái, vẫn là quy luật phổ biến tự nhiên, cụ thể và khách quan trong phần lớn các loài sinh vật. Điều ấy không thể cho là hai trạng thái đối lập để cùng đấu tranh loại bỏ nhau theo như ý nghĩa cơ bản của biện chứng. Sự phân cực của trái đất hay của thanh nam châm, đó là do cấu trúc vật lý về từ tính của thành phần cấu tạo mà không liên quan gì đến sự đấu tranh giữa hai mặt đối lập buộc tuân theo trong công thức của lý thuyết biện chứng được Hegel nêu ra cả. Chưa nói đến quan điểm phân tâm học ngày nay, cõi siêu thức nơi tâm lý bản năng con người, trong đó có bản năng phá hoại và bản năng quyền lực cũng là điều rất nên được nói đến.

Nói sơ qua thế để thấy rằng thật sự còn rất nhiều vấn đề đáng nói mà không thể nào nói hết. Do đó có rất nhiều sách viết về lý thuyết Mác mà đúng nghĩa đó chỉ là thói quen sao chép, minh họa, chấp nhận một chiều, điều đó phỏng có ích gì cho học thuật, khoa học, hay sự phát triển chân lý của thực tại khách quan. Bởi thế bài viết này trong chừng ấy trang cũng gọi là vừa, bởi vì tuy không đầy đủ những nó cũng đã cố gắng gói ghém vào đó tất cả những nội dung và ý nghĩa cốt lõi nhất không thể nào không nói đến. Trong ý nghĩa đó, đây cũng có thể coi là bài viết sau rót của tác giả trong loạt bài phân tích về các vấn đề căn cơ và bao quát nhất trong lý thuyết của Mác. Điều này cũng coi được như sự tạm khép lại những tranh luận có phần bổ ích, cần thiết, mà trong non hai thế kỷ quả ở khắp nơi trên toàn thế giới không biết bao nhiêu người bàn thảo trên khía cạnh này hoặc khía cạnh khác. Song đó vẫn là việc của xứ người, là các sản phẩm của xứ người, có thể có nhiều điều chúng ta không hề biết tới. Bởi vậy đây cũng chỉ là một sản phẩm thuần túy của Việt Nam, được thể hiện chính trong hoàn cảnh và điều kiện của Việt Nam. Dầu sao cây nhà lá vườn, tuy thô sơ những vẫn thấy hết sức mát lòng và hoàn toàn an ủi.

 

Võ Hưng Thanh
Đà Lạt, một ngày cuối đông Canh Dần
(18/01/2011)