banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Tạp ghi sau 40 năm

Ngộ Không Phi Ngọc Hùng

tap ghi

Nếu bạn bắn súng lục vào quá khứ, tương lai sẽ bắn đại bác vào bạn.
Rasul Gamzatov

Bạn có thể từ bỏ được mọi thứ nhưng bạn không thể từ bỏ được quá khứ.
Abraham Lincoln


Kỳ 4


Ngày thứ 10 : 19-3-1975

Trận chiến Quảng Trị
Ngày 13-3, Trung tướng Ngô Quang Trưởng được triệu tập về họp tại Sài Gòn. Trong cuộc họp, tướng Trưởng được Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu yêu cầu bỏ một phần Quân khu I, rút về phòng thủ vùng duyên hải miền Trung.
Một tuần sau, quân lực VNCH rút khỏi Quảng Trị ngày 19-3.
(Wikipedia – SQTB K10B/72)

Sử lịch với ngày tháng
Ngày 9-3-175, Bắc quân đánh Đức Lập ở Ban Mê Thuột. Cũng ngày này 9-3, Bắc quân tấn công Tây Ninh gần Thủ Dầu Một kế cận Sài Gòn, đồng thời đánh Hải Lăng sát Quảng Trị.

Tháng ba gãy súng (Quảng Trị)
Sáng hôm sau, 21-3-175, tôi thấy một đơn vị địa phương quân kéo từ phía bắc về đến chỗ tôi một cách hỗn độn. Liên đoàn 913 Ðịa phương quân này nằm ở bờ bắc sông Mỹ Chánh, thuộc
tiểu khu Quảng Trị, không hiểu có đánh đấm gì không mà họ lại chạy như thế này.
Lữ đoàn 1 Thiết kỵ ra lệnh tôi tập trung liên đoàn địa phương quân và bắt buộc họ di chuyển về hướng tây. Tôi làm xong việc này không khó ắm nhưng chán nản vô cùng. Một ông thiếu úy trẻ hông đeo Colt, tay cầm bản đồ, trông oai phong lẫm lẫm tâm sự với tôi.
- Nếu không gặp mấy anh chúng tôi còn chạy nữa. Anh thấy không, bọn tôi dừng lại trước khi anh cho lính ra chận nút mà. Tôi biết chắc chắn trung úy không ra lệnh bắn nếu bọn tôi cứ tiếp
tục chạy, phải không?
Tôi nghĩ bụng, tay này cũng là một tay “xịn” đây. Anh ta nói tiếp:
- Từ khi thủy quân lục chiến rút khỏi Quảng Trị, tụi tôi có cảm tưởng mình bị bỏ rơi. Dân bỏ đi theo các anh, bọn tôi ở lại để tự sát à?
- Tại sao gặp tụi tôi, mấy anh không chạy nữa?
- Tụi tôi nghĩ thủy quân lục chiến đã về hết Ðà Nẵng rồi, như vậy tức là bỏ Quảng Trị, bỏ Huế, nên chúng tôi chạy.
Sau khi Liên đoàn 913 di chuyển hết vào phía núi, tôi nhận lệnh tiểu đoàn lên quan sát công binh giựt cầu Mỹ Chánh.
(Cao Xuân Huy)

Trận chiến Quảng Trị
Kế từ 0 giờ ngày 8-3-1975, bộ đội Bắc Việt tổng công kích cao điểm 367, 235, Dốc Dầu, Tân Điền Động Ông Do, Hải Lăng…Trong khi Trung tướng Lâm Quang Thi đang đòi Trung tướng Ngô Quang Trưởng tăng viện cho Quảng Trị thì sáng ngày 8-3, Sư đoàn 324 thuộc Quân đoàn 2 Bắc quân bắt đầu tấn công căn cứ Mỏ Tàu, các điểm cao 224, 273 và 303 ở tây nam Huế.
Ngày 9-3-1975, quân đội VNCH buộc phải bỏ Hải Lăng. Bắt đầu từ đêm 18, Bắc quân tấn công các cứ điểm quan trọng quanh tại thị xã Quảng Trị.

tap ghi
3 giờ ngày 19-3, bộ đội Bắc Việt chiếm cổ thành Quảng Trị.
(Wikipedia)

Góp nhặt…ghi chép…
Mùa hẻ đỏ lửa tháng 6 năm 1972, LĐ147 (1) từ đông-bắc và LĐ258 từ tây-nam Quảng Trị đã đụng độ với 2 Sư đoàn 304 và 325 để chiếm lại Cổ thành Quảng Trị.
Cũng khoảng thời gian này, Đại tá Bùi Thế Lân TLP/SĐ TQLC được bổ nhiệm giữ chức vụ Tư lệnh binh chủng TQLC thay thế Trung tướng Lê Nguyên Khang.
(1) Lữ đoàn 147 TQLC gồm các Tiểu đoàn 3, 4, 5 và 7.

Tao ngộ chiến…
Vì địa thế đặc biệt của 2 tỉnh Quảng Trị-Huế cách Đà Nẵng bởi đèo Phước Tượng, đèo Hải Vân
với 1 con đường duy nhất để thông thương 210 được chia ra:
Quân đoàn I tiền phương, chỉ huy bởi Trung tướng Lâm Quang Thi, bảo vệ 2 tỉnh phía bắc Hải Vân là Quảng Trị-Huế, bộ chỉ huy đóng tại tại Huế.
Quân đoàn I, chỉ huy bởi Trung tướng Ngô Quang Trưởng, tư lệnh Quân đoàn 1, bộ chỉ huy tại Đà Nẵng, bảo vệ các tỉnh phía nam đèo Hải Vân.
(Phạm Vũ Bằng)
- : Tựa “Tao ngộ chiến…”, nguyên tác của tác giả Phạm Vũ Bằng là: “Thủy quân lục chiến hy sinh”. Tựa đề khơi lại một trùng hợp với LĐ147 (và LĐ258) tháng 3-1975 gặp lại Sư đoàn 304 và 325 Bắc quân vào Mùa hẻ đỏ lửa năm 1972.

Góp nhặt…ghi chép…
Ngày 9-3-1975, quân du kích (MTGOMN), đánh 15 ấp rải rác giữa Quảng Trị và Huế, cùng lúc ở Quân khu III, quân Bắc Việt đánh Tây Ninh, Như vậy, một, hai ngày sau cuộc tấn công Ban Mê Thuột, quân chính phủ mất hết quyền chủ động và bộ tổng tư lệnh Sài Gòn rất bối rối trong việc tìm cách thoát khỏi tình hình.
Mặc dù có những sai lầm về chiến thuật, Thiệu chưa hẳn là gã giở người. Ông đã đọc chiến tranh nhân dân, đã chỉ huy quân đội với nhận thức và biết rằng mục tiêu cuối cùng của những cuộc tấn công của Bắc Việt là cô lập Sài Gòn và phân tán quân đội Nam Việt Nam. Vì bảo vệ Sài Gòn chỉ có ba sư đoàn phòng thủ. Ngày 12-3, Thiệu đánh điện ra lệnh cho tướng Trưởng ở Đà Nẵng thay đổi kế hoạch và cho ngay sư đoàn lính dù về Sài Gòn.
(Decent Interval - Frank Snepp)

Tháng ba gãy súng (Quảng Trị)
Ngày 23-3, tiểu đoàn cho biết là tôi hết nhiệm vụ tăng phái. Chúng tôi trở về đại đội nhưng không có xe đến đón, có nghĩa là chúng tôi phải cuốc bộ.
Khoảng 4 giờ sáng ngày 24-3 đại đội tôi nhận nhiệm vụ làm gạch nối ở làng Ðồng Lâm để yểm trợ cho đại đội 1 và 2 rút ra từ phía núi.
Buổi trưa đại đội tôi phối hợp với một đại đội biệt động quân không hiểu từ đâu hiện ra rải quân nằm ở bờ bắc sông An Lỗ. Nhưng rồi khoảng 2 giờ trưa, đại đội biệt động quân lại biến mất. Lúc 4 giờ chiều tôi nhận lệnh rút về phía nam cầu. Chúng tôi về nằm dọc bờ sông ngay chân cầu. Súng vẫn nổ liên hồi ở sông Bồ nhưng tôi đã mất liên lạc với trung đội 2 của Huy mập từ đêm hôm qua, khi chúng tôi rời bỏ căn cứ Hòa Mỹ, không hiểu bọn nó giờ này ra sao.
Tôi bước ra, muốn khóc. Mẹ kiếp, bạn nhà binh tình nhà thổ, không ai lo cho bọn nó cả, còn tôi lại không thể nào lo được cho tụi nó. Tiếng súng vẫn nổ dữ dội phía sông Bồ. Ðại đội tôi trang bị nhẹ. Súng cối mang theo mười quả đạn, đại liên một dây 100 viên, M79 một dây sáu quả, M16 một băng; mỗi người lính hai quả lựu đạn, một bao gạo sấy, một lon thịt hộp, tất cả những
thứ bỏ lại vứt hết xuống sông An Lỗ, quần áo mùng mền cũng vứt.
9 giờ tối tôi nhận lệnh di chuyển, tôi liên lạc một cách nhẫn nại với trung đội 2. Trời đã không phụ tôi. Trung sĩ Khang trung đội phó trả lời tôi ở đầu máy bên kia:
- Cố gắng kéo hết con cái ra quốc lộ, theo dòng người về Huế.
(…)

Tao ngộ chiến (Thuận An)
Về tình hình chiến sự tại QK1 trước ngày 25-3 thì phải nói là yên tĩnh, đã không có một trận đánh nào lớn hơn cấp trung đoàn, tuy nhiên địch đã bám sát quân ta để chờ thời cơ. Đại họa đã xẩy ra vào ngày 25-3, khi QĐ1 quyết định bỏ Huế-Quảng Trị để rút đạo quân tiền phương về bảo vệ Đà Nẵng, và tướng Tư lệnh tiền phương Lâm Quang Thi quyết định (được sự chấp thuận của tướng Ngô Quang Trưởng) (1), rút quân bằng hải quân tại bãi biển Thuận An…

tap ghitap ghi  HQ 801 tại Thuận An

tap ghi  HQ 802 tại Đà Nẵng

 

Thay vì lui binh theo đội hình trên Quốc lộ 1 vì ông nghĩ rằng có một trung đoàn địch cắt đứt Quốc lộ 1 tại đồi 500, Phú Lộc.
(…)

Cuộc rút quân tại Thuận An
Vào thời điểm này Hải quân Thiếu tá Nguyễn văn Hy là chỉ huy trưởng liên đoàn đặc nhiệm nhận chỉ thị từ Phó đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại: Chuẩn bị một giang đỉnh có khả năng di chuyển cả trên sông lẫn trên biển và đặt hệ thống truyền tin, sẵn sàng để tướng tư lệnh tiền phương Lâm Quang Thi xử dụng.
Khoảng 6 giờ 30 chiều ngày 20-3, Băc quân bắn hai hỏa tiễn 130 ly vào bên kia sông, nơi cửa Thuận An. 15 phút sau, Trung tướng Lâm Quang Thi cùng vài sĩ quan tham mưu đi thẳng xuống cầu tàu, cho người tìm thiếu tá Hy đưa tất cả ra tàu! Thiếu tá Hy dùng LCM8 đưa tướng Lâm Quang Thi và đoàn tùy tùng ra tuần dương hạm Trần Bình Trọng, HQ 5, nơi đặt bộ chỉ huy của hạm đội hải quân tại cửa Thuận An.
Tin Trung tướng Lâm Quang Thi rời căn cứ hải quân Thuận An “bay” ra rất nhanh khiến một số sĩ quan trong bộ tham mưu của bộ tư lệnh tiền phương bị bỏ lại hoảng hốt. Trong số sĩ quan này có trung tá Thanh, chánh văn phòng của tướng Lâm Quang Thi cũng…bay theo!
Đến 10 giờ tối, tướng Lâm Quang Thi chỉ thị Hạm trưởng HQ 5, Hải quân Trung tá Phạm Trọng Q. ra lệnh cho thiếu tá Hy di chuyển tất cả đơn vị khỏi căn cứ Hải quân Thuận An. Trung tá Q. trình bày: Thưa trung tướng, quyền hạn của tôi chỉ vỏn vẹn trong phạm vi HQ 5 này. Tôi không có thẩm quyền để ra lệnh cho thiếu tá Hy.
Từ đài chỉ huy HQ 5, tướng Lâm Quang Thi ra lệnh trực tiếp, bằng bạch văn, cho thiếu tá Hy: “Đây Quốc Bảo (mật hiệu truyền tin của tướng Thi), chỉ thị cho thiếu tá Hy điều động mọi đơn vị rời căn cứ hải quân tức khắc và phá hủy tất cả quân dụng”.
(trích Hải Quân VNCH ra khơi, 1975)

Tháng ba gãy súng (Quảng Trị)
Tôi yên tâm. Với trung đội 2 tôi đã cố gắng hết khả năng của tôi.
Bập bùng trước mặt là đám lửa của chiếc M48 cháy nằm ngay trên quốc lộ. Ðó đây trên đường lộ, xác của những người lính bất hạnh nằm chết đủ kiểu. Ðoàn người vẫn đi qua, chỉ có những cái nhìn ném về phía những xác chết. Dòng người càng lúc càng đông, đại đội tôi bị lẫn trong dòng người đang di chuyển về phía nam. Thỉnh thoảng trên đường chúng tôi di chuyển, bọn du kích xuất hiện bắn chận chúng tôi, y hệt cái kiểu năm 72 đã tạo ra đại lộ kinh hoàng, nhưng lần này không phải là cuộc rút chạy hỗn loạn của năm 72.
Thật tôi không thể hiểu nổi tại sao mấy ông xếp lại có thể nhẫn tâm bỏ lại lính tráng mà chạy lấy thân như vậy, trong khi tình hình đâu đến nỗi. Trung đội 2 của Huy mập đã bị mấy ông xếp bỏ rơi. Không hiểu hiện giờ ở khắp Quảng Trị Thừa Thiên này có bao nhiêu đơn vị nhỏ còn đang phải thi hành nhiệm vụ nào đó trong khi các ông xếp của họ đã ung dung ở Ðà Nẵng hoặc Sài Gòn. Xin hãy gắn anh dũng bội tinh với nhành dương liễu cho những ông xếp này. Ờ mà hình như cũng chẳng phải xin, vì thường ra thì huy chương được gắn nhanh và nhiều vào ngực áo của những thằng chẳng bao giờ biết đánh đấm là gì. Xin cám ơn những cái huy chương.
()

Tao ngộ chiến (Thuận An)
Ngày 24-3-75 lúc 6 giờ chiều các TQLC của LĐ147 được lệnh bỏ lại vũ khí cộng đồng và đạn dược cùng lương thực, mỗi quân nhân trang bị nhẹ và gọn, đoạn chiến với quân BV, đi bộ hỏa tốc trên 30 km từ Quảng Trị đến điểm tập họp là bãi biển Thuận An, Huế, vì tàu hải quân không chở được các chiến cụ nặng, nên dọc đường họ thấy vô số đại bác, chiến xa và GMC của các
đơn vị bộ binh vứt đầy đường.
()

Cuộc rút quân tại Thuận An
Hạm đội hải quân bắt đầu thực hiện cuộc triệt thoái thủy quân lục chiến và bộ binh. Lúc này những đơn vị thiết giáp và biệt động quân cũng về đến cửa Thuận An, từ phá Tam Giang.
Đặc lệnh truyền tin bị địch bắt được. Tất cả hệ thống truyền tin PC25 của bộ binh đều bị Bắc quân xâm nhập, quấy phá chỉ có thủy quân lục chiến liên lạc được với hải quân bằng tần số riêng. Vì hệ thống truyền tin của bộ binh không liên lạc được nên cuộc đón quân của Sư đoàn 1 BB rất gay go. Để tránh lộ mục tiêu, ngại địch pháo kích, hầu hết các cuộc đón quân được thực hiện ban đêm. Với mục đích này, hải quân yêu cầu thủy quân lục chiến phối hợp với hạm đội, đưa bộ binh xuống phía nam, cách cửa Thuận An khoảng 5 cây số để tàu vào đón. Tuy đã nghi binh nhưng Bắc quân vẫn biết, địch dùng đại bác 105 ly và 81 ly của ta bắn xối xả ra bờ biển.
Tối 26-3, HQ 801 và HQ 502 được lệnh ủi bãi, đón lữ đoàn thủy quân lục chiến. Nhưng chiến hạm lớn quá, mực nước không đủ sâu, cả hai chiến hạm đều không vào được. Khoảng cách từ bờ ra tàu quá xa, thủy quân lục chiến không lội ra được. Trong khi lềnh bềnh, HQ 801 bị sóng đánh tạt ngang, gần bể lái tàu nên hạm trưởng HQ 801 cố giữ thăng bằng rồi vội lui ra, lềnh bềnh ngoài xa. Khuya 26-3, Tiểu đoàn 7 Thủy quân lục chiến về đến Thuận-An. Thiếu tá Nguyễn Văn Hy được lệnh điều động toán LCU (10 LCU trong toán này được biệt phái từ Sài Gòn) và một số LCM của Giang đoàn 32 xung phong, ủi vào bờ, đón thủy quân lục chiến đưa ra chiến hạm. Kế hoạch này thực hiện an toàn được đợt đầu.
Phần lớn quân nhân trong đợt này là thương binh. Đặc biệt trong chuyến tản thương có một tiểu đoàn trưởng TQLC cũng bị thương, nhưng, không những ông nhất quyết không chịu lên tàu mà ông còn điều động binh sĩ còn vũ khí chống trả, tiêu diệt các “chốt” của địch. Và cũng chính ông liên lạc trực tiếp với chỉ huy trưởng Hải đội 3 Tuần dương, yêu cầu hải quân vớt hết lính của ông thì ông mới lên tàu!
(…)

Tháng ba gãy súng (Huế)
Một bà già đứng ở cửa một túp lều bên vách tường thành Phú Văn Lâu, một tay cầm đèn dầu, nhìn chúng tôi. Huế đang là một thành phố chết và đang là một thành phố bị bỏ ngỏ. Đạn pháo nã đều vào cầu Trường Tiền và khách sạn Hương Giang, đó đây người ta đang đạp xe ba bánh, xe xích lô đi hôi của. Ði lối cầu mới thì được an toàn, nhưng tôi sẽ đi lối cầu Trường Tiền mặc dù cầu này đang bị pháo. Một chút lãng mạn trong người tôi nổi dậy, chẳng gì cũng chỉ còn là lần chót. Ngay đầu cầu, một chiếc M48 nằm chình ình, máy vẫn còn nổ mà không có người. Bản thân tôi cũng đã hai lần đổ máu ở nơi này, bây giờ bỗng chốc bỏ đi, hỏi ai là người không tức tưởi. Ðù má những thằng chịu trách nhiệm trong vụ bỏ Huế này, lịch sử sẽ bôi tro trát trấu vào mặt chúng! Những ai đã từng hô hào tử thủ Huế giờ này ở đâu? Khốn nỗi, những thằng đánh trận mà luôn luôn đi đàng sau và luôn luôn bỏ chạy trước lại là những thằng có quyền, có quyền mà hèn nhát, đốn mạt nên bây giờ bao nhiêu người khốn đốn, rút chạy như một lũ thua trận. Nhưng thực sự chúng tôi đã đánh nhau đâu để bị gọi là thua!
Qua hết cầu, tôi gặp đại úy Chiêu, tay cầm chai rượu chát khổng lồ, túi đút chai rượu mạnh.
Thấy tôi ông kêu lớn: Ê Huy, nhậu mày.
Bao nhiêu tủi hờn, căm hận, buồn bực biến mất nhanh như viên đạn ra khỏi nòng súng. Bọn tôi ngồi quây tròn giữa ngã tư đầu nam cầu Trường Tiền nhậu không có mồi, không có nước đá “chữa lửa” thì chúng tôi nhậu chay. Câu chuyện lại vui như pháo Tết. Mấy tên lính không biết lấy xe xích lô của ai chở đầy xe thuốc lá Ruby và bia Quân tiếp vụ đến tiếp tế và nhập cuộc. Tôi đập vỡ cổ chai bia rót từ đầu xuống, người ướt đẫm bia thích thú, từ bé đến lớn chưa bao giờ được tắm bằng bia mà. Nhưng chẳng có cái dại nào giống cái dại nào: bị ướt bia, người tôi dính nhem nhép khó chịu. Ðang ngồi nhậu, đại đội trưởng tôi không biết từ đâu tới cho biết điểm hẹn đã thay đổi vì những kho đạn, kho xăng ở Thuận An đã bị cháy..
()

Chữ nghĩa của một thời chinh chiến
trong quán nhậu
Trước 75, miền Nam có những câu “thành ngữ” về thuốc lá xuất xứ từ quán nhậu, như:
Salem: Sao anh làm em mệt.

Thuận An bên bờ chiến địa
Ngày 24-3 được lệnh di tản, tôi cùng 5, 6 sĩ quan khác và đồng đội chạy trên một chiếc xe jeep về hướng Thuận An, nhưng giữa đường xe bị hư nên phải bỏ lại và đi bộ. Đến gần cửa Thuận An trời đã chiều. Bỗng có một người mặc quân phục ra chận đường và chào rất lịch sự. Tôi tự hỏi sao giờ này lại còn có người lính nào đàng hoàng đến thế?...
Tôi chưa kịp chào lại vì còn đang phân vân thì người lính nọ đã nói với tôi: Xin Tr/úy cho em cái đồng hồ!. Một thoáng ý nghĩ qua trong đầu tôi nên tôi liền lột đồng hồ đưa cho hắn. Xong hắn lại nói: Tr/úy có đôi giày đẹp qúa, xin Tr/úy cho luôn. Tôi cũng đành cởi đôi giày ra…
(Nguồn: Tr/úy L. ĐĐ Tiếp liệu/TĐ1)

Tao ngộ chiến (Thuận An)

tap ghi

Ngày 25-3-1975 lúc 8 giờ sáng. Những người lính thủy quân lục chiến từ Khe Sanh, Lao Bảo, Hướng Hóa, Quảng Trị chạy về Huế, rồi từ Huế lại chạy ra bờ biển An Dương, và tất cả LĐ147 đã tập họp tại bãi biển Thuận An để đợi lên tàu...
()

Cuộc rút quân tại Thuận An
Đến đợt đón quân thứ hai, địch dùng hỏa tiễn tầm nhiệt AT3 bắn thẳng vào các LCU. Bốn LCU bị trúng đạn, một số nhân viên bị thương. Một LCU do Chuẩn úy T. làm thuyền trưởng bị sóng đánh dạt vào bờ. Trong bờ, không ai biết chiếc LCU đang lâm nguy. Mọi người ùa ra, tràn lên tàu, bao quanh tàu. Thiết giáp M113 cán bừa lên mọi người để lên tàu, tạo nên một đường máu khổng lồ, dài ngoằng! Trong khi thủy thủ đoàn cố vận dụng tất cả khả năng, mọi phương cách để đem chiếc LCU ra thì chân vịt xoắn tít vào đám người lố nhố phía sau tàu và thân tàu rướn trên biển người, tạo nên một vùng nước đỏ tươi những máu ngổn ngang xác người! Trong khi những LCU khác sợ mắc cạn, không dám vào nữa, chỉ ủi vào những cồn cát phía ngoài, chờ quân bạn bơi ra.
Sáng 27-3, khoảng 6 giờ, biển động dữ dội, không tàu nào có thể vào được nữa. Trên bờ còn M113 lội nước, rất nhiều thủy quân lục chiến, một số quân nhân thuộc những đơn vị khác và đồng bào. Hải quân tận dụng tất cả PCF, chạy dọc theo bãi biển từ đèo Hải Vân đến cửa Thuận An, thả rất nhiều phao nổi, với hy vọng quân bạn có thể dùng phao bơi ra tàu. Khi đoàn LCU lui ra dần, địch lại pháo kích ngay vào chỗ lính tập trung! Bắt được mấy tên Bắc quân mặc quân phục bộ binh và biệt động quân đang dùng máy truyền tin cho tọa độ để Bắc quân pháo kích vào toán quân, thủy quân lục chiến bắn hết. Rồi cứ thấy ai mặc quân phục không phải là quân phục lính Mũ Xanh, thủy quân lục chiến cũng bắn luôn! Do đó, bộ binh và các binh chủng khác hoảng sợ, lấy ghe dân, ào ra biển hoặc là liều, chạy bộ về cửa Tư Hiền, chỉ còn thủy quân lục chiến ở lại trên bãi! Số thủy quân lục chiến ở lại lập tuyến phòng thủ. Bắc quân tấn công, thủy quân lục chiến chống trả cầm chừng, vì không còn đạn!
(…)

Thuận An bên bờ chiến địa
Khi đến Thuận An và qua được bên kia cồn cát thì trời đã tối sẫm. Sáng ngày 25-3 chúng tôi thấy một chiếc tàu đậu ngoài khơi nhưng không có phương tiện bơi ra.
Chung quanh, trên bờ và cả dưới nước, đa số là TQLC, BĐQ, và SĐ1 BB. Đến 3 giờ chiều thì có một chiếc tàu loại nhỏ (LST) cập bến. Mọi người có mặt tại đó đều ào ào bơi ra, tất cả đã giành nhau, xô nhau, níu kéo nhau để lên cho được tàu, cố bám lấy vị cứu tinh vừa xuất hiện.
Tôi cũng lên được nhưng sau đó, những người lính TQLC lại đuổi xuống. Họ nói chiếc tàu này là do họ độc quyền xin vào để chở TQLC mà thôi. Những người lính này đã dùng M16 để đuổi những người không phải là TQLC. Nếu ai không xuống là bị bắn ngay tại chỗ. Một trung tá BB đứng cạnh tôi bị một người lính tiến đến hỏi một cách xấc xược:
- Yêu cầu trung tá xuống. Tàu này của chúng tôi!
Vị trung tá lắp bắp: “T.. ộ..i ngh..i.. ệ..p..” và chưa nói hết lời thì một phát đạn bắn ngay ngực và người Tr/tá rơi xuống biển, máu lênh láng, bềnh bồng…
Cứ thế, những người nào mà không phải binh chủng TQLC thì bị cho đếm 3 tiếng để nhảy xuống biển và sau 3 tiếng mà không nhảy thì bị bắn.
()

Bên lề trận chiến
Vì tình hình đột biến quá nhanh, Phó đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại chỉ thị HQ 13 tách rời đội “bán kim cương”, tăng phái về Thuận An tuần tiễu, giữ an ninh cho HQ 5, vì tướng Lâm Quang Thi đang xử dụng HQ 5 làm bộ chỉ huy lưu động. Chiều 23-3, khoảng 4 giờ, HQ 13 chạy ra khơi, cách bờ khoảng 25 cây số.
Gần 5 giờ, Hạm trưởng HQ 13, Hải quân Thiếu tá Phạm Trọng Th. hét lên trong máy liên lạc với hạm trưởng HQ 7:
- Trình thẩm quyền, máy bay nó dội bom tàu tôi.
Hạm trưởng HQ 7, sĩ quan thâm niên hiện diện, ra lệnh:
- Nó dội bom bạn thì bạn bắn nó.
- Máy bay A37 của ta đó, thẩm quyền.
- Có thể địch cướp máy bay A37 của ta. Bạn bắn nó không thôi bạn chết.
Thấy súng từ chiến hạm bắn lên, A37 không dám xuống thấp thả bom mà ở trên cao độ dội rockets xuống. Một rocket lọt vào hầm tạm trú khiến 20 thủy thủ chết và bị thương. HQ 13 được lệnh tức tốc rời vùng hành quân.
(trích Hải Quân VNCH ra khơi, 1975)

Tháng ba gãy súng (Thuận An)
Khoảng 11 giờ đại đội tôi vượt xong phá Tam Giang.
Nơi mới đến tôi chỉ biết duy nhất có một điều là bốn bề là nước, phía bắc là cửa Thuận An, phía nam là cửa Tư Hiền, phía tây là phá Tam Giang và phía đông là biển Ðông.
Hơn 12 giờ trưa, chúng tôi được lệnh di chuyển ra bờ biển đã thấy một chiếc tàu mang số HQ 801. Nhưng lên tàu cũng còn có nghĩa là chấm dứt một cách nhục nhã và vô lý cuộc chiến đấu khủng khiếp mấy năm trời nay để giữ vùng Quảng Trị và Huế. Sóng có vẻ cao ở sát bờ nên tàu phải đậu cách bờ có đến khoảng năm mươi mét. Những người dân chạy loạn và lính tráng của các đơn vị khác tan hàng đã đứng đầy ở bờ biển. Họ đã chạy theo chúng tôi từ Quảng Trị, Huế và các vùng phụ cận về đến đây.
Cả lữ đoàn tập họp đứng khơi khơi quay lưng ra biển từ hơn 12 giờ trưa cho đến 4 giờ chiều trong khi chiếc HQ 801 vẫn dập dềnh chờ đợi. Không hiểu để làm gì và không hiểu tại sao. (1)
Trong khi đang tà tà dạo mát như vậy, một chiếc trực thăng từ phía biển bay vào, quần trên đầu chúng tôi rồi ném chừng một chục bao cát đựng gạo sấy và thịt hộp (2). Có tin đồn là chính tướng Lân (3)ngồi trên chiếc trực thăng tiếp tế này với mục đích là để thị sát, nhân tiện ném xuống cho một ít lương thực. Tôi không tin điều này vì hai lý do, thứ nhất theo tôi nghĩ là tướng Lân không thể ra đây trong tình trạng này, và thứ nhì là nếu tướng Lân có trên trực thăng, chắc chắn người anh cả đã ra lệnh cho chúng tôi xuống tàu bằng mọi giá chứ không phải để chúng tôi cứ tà tà rước đèn như thế này.
()
(1) Xem “Cuộc rút quân tại Thuận An - Hải Quân VNCH ra khơi, 1975ở trên.
(2) Xem “Tháng 3 buồn…hiu” của Nguyễn Thế Thụy,ở tiết mục Ngày thứ 11: 20-3-1975.
(3) Không phải là Thiếu tướng Bùi Thế Lân, tư lệnh TQLC mà là Đại tá Tham mưu trưởng SĐ/TQLC Lê Đình Quế.

Thuận An bên bờ chiến địa
Tôi khiếp sợ trước cảnh đó nên không chờ đến khi người lính TQLC quay qua tôi, tôi liền nhảy nhào xuống biển. Trên bờ, một Tr/tá BĐQ nhìn thấy cảnh một Tr/tá BB bị bắn chết một cách thảm thương liền hô to câu: “Biệt Động Quân!”. Tức thì tất cả các quân nhân BĐQ có mặt lúc đó liền hô “SÁT” và nhảy lên mấy chiếc xe bọc thép M113 bắn xối xả vào tàu. Một quả M72 rồi 2, 3 quả khác được thụt trúng tàu. Chiếc tàu bốc cháy rồi chìm dần. Không một ai trên tàu còn sống. Trong chốc lát, mặt biển đầy xác người với máu và lửa…
Khi tôi tỉnh lại và nhìn quanh thì thật ghê sợ: Một thây người mất nửa cái đầu đang nằm bên tôi. Tôi sực nhớ ra lúc nãy khi còn bơi ra tàu, chính anh này đã bị cánh cửa tàu kẹp nghiến nát nửa cái đầu và có lẽ sóng đã tấp anh và tôi cùng vào một lúc. Cũng có anh bị cả 2 cái chân đứt hẳn ngay tại miệng tàu và chết chìm tại chỗ.
Không biết bao nhiêu cảnh ghê sợ hơn đã xảy ra tương tự như thế trên đường “di tản”!
(Nguồn: Tr/úy L. ĐĐ Tiếp liệu/TĐ1)

Tao ngộ chiến (Thuận An)
Ngày 25-3-75 lúc 8 giờ tối, tất cả LĐ147 đã tập họp tại bãi biển Thuận An, ngoài khơi là một lực lượng hải quân hùng hậu, nhưng không có một chiếc tàu nào vào đón! LĐ147 được lệnh chờ và chờ…Đại họa biến thành đại thảm họa khi tướng tư lệnh tiền phương Lâm Quang Thi bỏ về Đà Nẵng ngày 25-3-75, như vậy, đạo quân tiền phương bị bỏ rơi trên bãi biển Thuận An đã mất đi cấp chỉ huy tối cao, cấp QĐ có thẩm quyền điều động không quân và hải quân.
Buổi chiều cùng ngày quân truy kích đuổi kịp, chúng chiếm các đồi cao, bao vây LĐ147 trên bãi cát trống trải, tấn công TQLC bằng đủ loại súng cộng đồng tối tân. Sáng ngày 26-3-75 có 1 chiếc LCU duy nhất vào đón được bộ chỉ huy LĐ147, thương binh, và chừng 200 TQLC. Địch quân càng ngày càng đến đông hơn để tấn công TQLC trên bãi cát, TQLC hết đạn, hết nước uống, hết lương thực, ngoài khơi các tàu hải quân vẫn vô cảm, không tiếp tế, không yểm trợ hỏa lực, im lặng vô tuyến.
Tối ngày 26-3-75, TQLC đã chiến đấu đến viên đạn và giọt máu cuối cùng, không chấp nhận đầu hàng hay bị bắt nên đã có rất nhiều TQLC tự sát tập thể bằng lựu đạn M26 và chuyện phải đến là rạng sáng ngày 27-3-75 thành phần còn lại của LĐ147 TQLC bị bắt.
()

Lạc đạn

tap ghi

Bắc quân nón cối (1) đang ngồi trên đồi thông quan sát, cách chổ những người lính TQLC & BB đang đợi lên tàu chừng 100 m...và…bắn.
(1) Trung đoàn 1 Sư đoàn 324.

Cuộc rút quân từ cửa Tư Hiền đến Thuận An
Trong khi những kinh hoàng đang xảy ra thì tại cửa Tư Hiền, chỉ huy trưởng Duyên đoàn 13, Hải quân Thiếu tá Trương Văn Phương, nhận lệnh trực tiếp từ Phó đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại: Phải ở lại căn cứ để đưa Sư đoàn 1 BB qua sông. Thiếu tá Phương được chỉ thị cho nhân viên cột những chiếc ghe của Duyên đoàn 13 từ bên này sông qua bên kia sông, đồng thời kéo ponton, đánh chìm ngay tại cửa Tư Hiền để làm đầu cầu cho Sư đoàn 1 BB băng qua sông, lên đèo Hải Vân, về Đà Nẵng bằng đường bộ.
Cửa Tư Hiền tuy hẹp nhưng nước chảy xiết, không thể nối ghe làm cầu được. Hơn nữa, các giàn đại liên 50 của địch từ mé núi bắn xuống xối xả. Không một đoàn quân nào không có khí giới tự vệ, không được yểm trợ, không được bảo vệ mà có thể vượt qua đoạn cầu tử thần này cả! Còn chiếc ponton được tàu kéo, kéo từ Đà Nẵng ra, dự trù đánh chìm ngay cửa Tư Hiền, thì lại không đưa vào được, vì lạch nước quá nhỏ và cạn! Mặc dù địa thế quá khó khăn, Thiếu tá Phương vẫn đôn đốc nhân viên thực hiện kế hoạch đã được giao phó. Nhưng, bất ngờ, một thiếu tá thuộc Trung đoàn 54 BB chụp cổ áo thiếu tá Phương (thiếu tá Phương không mang cấp bậc) gằn giọng: Đơn vị trưởng của mày đâu? Tìm tới đây, lẹ lên để đưa trung đoàn của tao qua sông. Thiếu tá Phương “dạ, dạ” rồi xuống ghe, ra HQ 7!
Được báo cáo đầy đủ, Trung tướng Ngô Quang Trưởng chỉ thị hải quân đón Sư đoàn 1 BB. Nhưng Sư đoàn 1 BB đang tự túc rút về Đà Nẵng bằng đường bộ. Dọc đường, binh sĩ bỏ đơn vị đi tìm gia đình, vũ khí vất đầy hai bên quốc lộ. Sư đoàn 1 BB, một trong những đơn vị ưu tú của quân lực VNCH. tan rã từ đây!
(trích Hải Quân VNCH ra khơi, 1975)

Tháng ba gãy súng (Thuận An)
Chiếc tàu HQ 801 từ từ vào điểm hẹn.
Từ bờ ra đến tàu khoảng cách hơn trăm thước, tôi không còn trông thấy mầu xanh của nước biển mà chỉ thuần một mầu đen của đầu người. Ðầu của những người đang cố gắng bơi ra chiếc tàu. Chiếc tàu bắt đầu kéo bửng, chiếc tàu phụt khói từ từ quay mũi ra biển. Chân vịt đạp nước đẩy không biết bao nhiêu người ra xa tàu, và không biết là đã chém đứt bao nhiêu người. Thân tàu quay ngang đập vỡ không biết bao nhiêu đầu người, và không biết đã nhận chìm bao nhiêu người xuống sâu dưới đáy tàu. Biết bao nhiêu người đã chết vì chiếc tàu quay mũi.
Nhưng...
Chiếc tàu đã không ngừng quay khi cái mũi đã hướng ra biển. Mà, chiếc tàu vẫn tiếp tục quay, mũi tàu lại từ từ hướng vào bờ. Chân vịt lại chém thêm không biết là bao nhiêu người. Thân tàu lại đập vỡ thêm không biết là bao nhiêu cái đầu, và lại nhận chìm thêm không biết là bao nhiêu người xuống sâu dưới đáy tàu. Chúng tôi ngơ ngác nhìn nhau, nhưng chúng tôi không có thời giờ để ngạc nhiên. Hai chiếc M113 chở đầy người chạy từ hướng mặt trận đã cán bừa lên những người vừa từ biển lên còn đang nằm vật ra mà thở, và cán luôn cả những người không kịp chạy tránh đường...

Tao ngộ chiến (Thuận An)
Theo Đ/úy Nguyễn Quang Đan thì vào một buổi sáng tháng ba, anh không nhớ ngày, (theo tôi thì có lẽ là sáng 25-3-75) anh nhận được bản sao của lệnh hành quân triệt thoái QĐ1 tiền phương đã được tướng Trưởng ký (tướng Trưởng ký chấp thuận lúc 5 giờ 30 chiều 24-3-75.
(*** TT2 TQLC trang 537-538).
Anh vội vã đưa cho Thiếu tướng Bùi Thế Lân, đọc xong ông than: ĐM thế này thì chết lính tao rồi!. Ngay sau đó ông ra lệnh cho anh bay ra Thuận An đưa cho Đại tá Nguyễn Thế Lương LĐT/LĐ147 một lá thư kèm theo lời dặn “Tìm ra QL1 mà đi” rồi tướng Lân đi thẳng lên trung tâm hành quân sư đoàn. Tiếc thay Đ/tá Lương đã không nghe lời.
Ngoài ra tôi còn được biết trong khi LĐ147 TQLC bị vây hãm tại bãi biển Thuận An, vì chỉ là tư lệnh của một sư đoàn tăng phái cho QĐ1, tướng Lân không có quyền điều động hải-lục-không quân của QĐ1 để tiếp cứu LĐ147 TQLC (1), quyền này nằm trong tay của Trung tướng Ngô Quang Trưởng (2), TL/QĐ1 và Trung tướng Lâm Quang Thi, TLP/QĐ1, nhưng hai vị tướng này đã không làm gì để cứu đạo quân tiền phương bị bỏ rơi này.
()
(1) Lữ đoàn 147 TQLC gồm các Tiểu đoàn 3, 4, 5 và 7.
(2) Được báo cáo đầy đủ, Trung tướng Ngô Quang Trưởng chỉ thị hải quân đón, v…v…
(…trích Hải Quân VNCH ra khơi, 1975)

Cuộc rút quân từ cửa Tư Hiền đến Thuận An
Thành phố Huế không còn quân trú đóng. Nhưng số binh sĩ và đồng bào không vào Đà Nẵng được, đành phải đi ngược ra Thuận An, chờ tại phá Tam Giang. Ngoài biển, chiến hạm hải quân vẫn giàn từ cửa Thuận An đến cấp Chân Mây, cố vớt thủy quân lục chiến. Nhiều thủy quân lục chiến liều lĩnh, nhào xuống biển, bơi ra tàu.
HQ 7 vẫn tuần tiễu từ cửa Tư Hiền đến cửa Thuận An. Trong khi tuần tiễu, HQ 7 thấy một ghe nhỏ nhấp nhô, sắp chìm. Hạm trưởng HQ 7 đặt ống dòm và thấy rõ trên ghe là một toán bộ binh. Thiếu tá Hưng điều động chiến hạm đến vớt mới biết trong toán quân nhân trên ghe có Chuẩn tướng Nguyễn Văn Điềm, tư lệnh Sư đoàn 1 BB.. Sau khi gọi một WHEC đến để đưa
chuẩn tướng Điềm về Đà Nẵng, HQ 7 tiếp tục tuần tiễu trong vùng đã được ấn định.
Chiều 25-3, lúc 5 giờ, trong khi bay điều động cuộc rút quân, trực thăng chở tướng Điềm bị trục trặc kỹ thuật, phải đáp khẩn cấp phía bắc đèo Hải Vân.
Lúc đó, tại bãi cát bên kia đầm Cầu Hai có một chiếc trực thăng đang thả cơm sấy và thịt hộp tiếp tế quân nhân thủy quân lục chiến ở dưới đất, Nghe tiếng kêu cứu trên máy truyền tin, chiếc trực thăng của thủy quân lục chiến vội rời vùng Cầu Hai, đến cứu tướng Điềm.
(…)

Tháng ba gãy súng (Thuận An)
Vừa thấy bóng Thiếu úy Ngô Du từ dưới biển trở lên, đang lảo đảo như muốn ngã gần mé nước, tôi và Sĩ chạy vọt tới đỡ và kéo Du chạy thật nhanh vừa kịp chiếc M113 chạy lướt qua sát người chúng tôi. Hai chiếc M113 lội xuống nước để ra chiếc tàu. Những cái bánh xích đua nhau cán lên đầu của không biết bao nhiêu là người đang nhấp nhô từ bờ ra đến tàu. Ra đến nơi, chuyển hết người lên tàu xong, hai chiếc xe lội nước quay đầu lội vào bờ. Lại không biết bao nhiêu là đầu người bị nghiền nát bởi những cái bánh xích.
Vào đến bờ, hai chiếc M113 ngừng lại. Sĩ và tôi đưa thiếu úy Du lên thiết vận xa. Trước khi leo
lên, tôi nắm chặt vai Sĩ: Hy vọng sẽ gặp mày ở Ðà Nẵng.
Hai chiếc M113 lại lội nước ra tàu. Lần này tôi mục kích tận mắt những cái xích sắt nghiến nát những đầu người. Tiếng máy nổ và tiếng nước vỗ đã át đi những tiếng thét tiếng la và có thể, cả tiếng vỡ của những cái đầu, nhưng không có gì có thể che lấp được những mảnh quần áo và mầu đỏ của máu cuộn theo chiều quay của xích sắt. Màu đỏ của máu và những mảnh vải cuộn theo chúng tôi suốt cả lộ trình khoảng một trăm thước. Màu đỏ của máu và những mảnh quần áo chắc chắn còn dính cả thịt còn trồi lên, trồi lên xen lẫn với bọt nước phía sau chúng tôi. Không hiểu tôi có chai đá không, không hiểu tôi đã trở thành súc vật chưa, hay vì tôi đã nhìn thấy quá nhiều cái chết từ sáng đến giờ, hay vì tôi trên đường ra tàu an toàn mà lòng tôi rất bình thản khi nhìn những cái chết, quá nhiều cái chết ngay dưới chỗ mình ngồi, bị chết bằng ngay cái phương tiện mình đang sử dụng. Tôi nhìn những cái chết như một kẻ bàng quan, vô thưởng vô phạt.
(…)

Cuộc rút quân từ cửa Tư Hiền đến Thuận An
Ngày 26-3, HQ 17 đến Vùng 1 duyên hải, nhận lệnh trực chỉ ra phía nam vĩ tuyến 17. Sau khi vớt rất nhiều đồng bào và quân bạn, HQ 17 lềnh bềnh từ cửa Thuận An đến cấp Cân Mây, cố vớt hết thủy quân lục chiến, đưa về Đà Nẵng.
Ngày 27-3, HQ 7 vớt được 10 thủy quân lục chiến trên một ghe chài. Nhóm quân nhân này cho hạm trưởng HQ 7 hay: Số thủy quân lục chiến kẹt lại trên bờ, đa số đã tự tử tập thể vì không còn đạn để chống trả với địch, phần còn lại bị địch bắt khi họ chạy theo đoàn người di tản về phía cửa Tư Hiền! Sở dĩ 10 quân nhân này không tự tử là vì họ được dặn dò phải sống để đem tin tức về cho gia đình và vợ con của những người đã chết!
Sau khi được ủy thác sứ mệnh đó, những quân nhân này vào nhà dân, lấy một ghe máy, uy hiếp chủ ghe, buộc chủ ghe đưa họ về Đà Nẵng. Vì suốt thời gian qua, những quân nhân này chiến đấu trong tuyệt vọng và đói khát nên, sau khi lên ghe, tất cả đều lã đi vì kiệt sức. Chủ ghe lợi dụng cơ hội này, đưa toán quân nhân lên hướng bắc, thay vì xuôi về hướng nam. Khi tỉnh lại, biết mình bị lừa, nhóm thủy quân lục chiến lấy một ghe khác về hướng nam, gặp HQ 7.
Tối 28-3, HQ 17 đến Đà Nẵng, nhận thêm thủy quân lục chiến và đồng bào. Sau đó HQ 17 được chỉ thị yểm trợ HQ 405 đưa tiểu đoàn dù về Vùng 2 duyên hải.
(trích Hải Quân VNCH ra khơi, 1975)

Tháng ba gãy súng (Thuận An)
Chiếc M113 cặp sát vào thành tàu. Người trên tàu phần lớn là thủy quân lục chiến. Lính của Tiểu đoàn 4 tôi cũng khá đông. Lên đến trên tàu, không khí quá nặng nề ngột ngạt. Không phải nặng nề ngột ngạt vì số người trên tàu quá đông, mà vì cả tàu đang bị bao trùm bằng mùi giết chóc, căng thẳng. Huy mập nhét vào tay tôi khẩu súng ngắn, dặn dò: Súng tôi lên đạn sẵn, ông giữ cẩn thận.
Chưa kịp tìm chỗ ngồi, tôi nghe một tiếng súng nổ.
Hai người lính thủy quân lục chiến cúi xuống khiêng xác một người lính bộ binh vừa bị bắn chết ném xuống biển. Tên lính vừa bắn người thản nhiên tiếp tục chĩa súng vào đầu một thiếu tá bộ binh đang sợ hãi nằm mọp người ở cạnh đó, mặt lạnh băng đầy sát khí: Ðụ mẹ, tới thằng này, mày có xuống không?
Ông thiếu tá bộ binh này hơi lớn tuổi, mặt cắt không còn hột máu, run lên cầm cập, năn nỉ:
- Anh tha cho em, anh tha cho em.
- Ðụ mẹ, một.
- Thôi, thôi, thôi anh để em xuống.
Lết ra tới lan can tàu, ông ta quay lại năn nỉ lần chót:
- Anh tha cho em, anh thương em với.
- Ðụ mẹ, hai.
Biết là không thể năn nỉ, xin xỏ gì được, ông ta vừa khóc vừa nhảy xuống biển.
Tiếng súng vẫn đì đoành đây đó trên tàu. Xác người vẫn tiếp tục bị ném xuống biển. Nhiều người vừa khóc vừa nhảy ra khỏi tàu. Những khẩu súng vẫn được kê vào đầu những người
lính bộ binh, vẫn đì đoành.
Tình người! Tình chiến hữu! Tôi đứng nhìn bất lực. Tôi hoàn toàn bất lực...
()

Tháng 3 buồn…hiu
Ngày 25-3-1975, mới 6 giờ 30 sáng, Đại úy Nguyễn Quang Đan (K21VB), chánh văn phòng tư lệnh sư đoàn thủy quân lục chiến, gọi tôi (là lính truyền tin mang máy đi theo tư lệnh) trình diện gấp, và nói với tôi như có việc khẩn cấp:
– Tiểu Cần mang PRC25 ra ngay bãi trực thăng TL/SĐ chờ tôi.
Tôi mang máy chạy thẳng ra chỗ trực thăng của tư lệnh đang đậu, nhưng trong đầu không khỏi thắc mắc về cử chỉ vội vã khác thường này của đại úy Đan. Nhưng cũng không còn thì giờ để nghĩ tiếp vì xe jeep của TĐ/THD chở phi hành đoàn cũng vừa tới, hai phi công phóng vội lên trực thăng và cho nổ máy. Khoảng 5 phút sau thì đại úy Đan đi tới cùng với Đại tá Tham mưu trưởng SĐ Lê Đình Quế, danh hiệu Quang Trung, chúng tôi cùng leo lên trực thăng ngay.
Cất cánh lên cao, đại úy Đan ghé sát miệng vào tai tôi để át tiếng cánh quạt máy bay:
– Tiểu Cần gọi LĐ147 để Quang Trung nói chuyện với Long Mỹ.
Long Mỹ là Đại tá Nguyễn Thế Lương, lữ đoàn trưởng LĐ147 TQLC. Khoảng 30 phút sau, trực thăng đến vùng bờ biển Thuận An, nơi tập trung quân lữ đoàn. Trực thăng bay thấp đến độ tôi có thể nhìn rõ các anh TQLC ở dưới ngước lên đưa tay vẫy mỗi khi trực thăng bay qua phạm vi đóng quân của từng đơn vị, những gương mặt hy vọng dù rằng cả một ngày và đêm các anh phải đi bộ từ tận cùng phía bắc Huế về đây theo kế hoạch lui binh. Nhưng các anh vui tươi và hy vọng điều gì khi chỉ một chiếc trực thăng bay ngang? Hẳn nhiên là mong thẩm quyền “cõi trên” nhìn thấy và biết rõ những gì các anh đang cần để mà đáp ứng hầu tiếp tục chiến đấu.
Là lính truyền tin mang máy đi theo tư lệnh nhiều năm, loáng thoáng nghe qua cuộc điện đàm giữa Quang Trung và Long Mỹ nên tôi hiểu được tình hình và những chuyện gì đang xảy ra dưới bờ biển kia! Tôi thông cảm với hy vọng của các anh mỗi khi trực thăng bay qua, dù rằng không biết là giới chức nào ngồi trên đó, nhưng ít nhất “trực thăng” cũng đã thấy tận mắt hoàn cảnh bi đát của các anh, “kìa đoàn quân chiến thắng” không phải trở về mà bị buộc lui binh, lui binh trên lộ trình “rút cầu”! Cầu phao ở cửa Tư Hiền, trên đường lui binh đã không được thực hiện theo kế hoạch Alfa!
Trực thăng bay dọc theo bờ biển và ngược lại nhiều lần để Quang Trung nói chuyện với Long Mỹ, khoảng 30 phút sau trực thăng quay về BTL/SĐ TQLC tại căn cứ Non Nước.
Về đến BTL/SĐ chưa đầy 10 phút, đang uống ly nước lạnh thì đại úy Đan gọi:
– Tiểu Cần, tụi mình sẽ bay ra Thuận An nữa để tiếp tế gạo cho anh em, chúng ta vẫn dùng trực thăng của thiếu tướng tư lệnh.
Khi tôi đến nơi thì một số anh em thuộc TĐ/THD đang chất những thùng gạo sấy lên chiếc trực thăng, tôi phụ một tay để cố sắp xếp sao cho càng nhiều càng tốt, nhưng khoang tàu chỉ có sức chứa 10 thùng là tối đa. Vậy với chỉ một chiếc như thế này thì phải bao nhiêu chuyến trong lúc hơn 3.000 người đang “bụng không, bãi cát trống”.
Vẫn bay dọc theo bờ biển lên hướng bắc, khi gần đến vị trí LĐ147, anh Đan cho lệnh đáp xuống bãi cát, anh em dưới đất phụ vào để giải tỏa rất nhanh cho trực thăng cất cánh làm chuyến khác. Qua chuyến thứ hai, theo tính toán của anh Đan và phi công thì đáp và cất cánh tốn nhiều thời gian nên các anh cho trực thăng bình phi cách mặt đất chừng 10 m rồi chúng tôi xô các thùng gạo sấy xuống, làm cách này rất nhanh, nhưng sau đó thì được biết một vài anh em bị thương vì thùng gạo rơi trúng người!
Xin lỗi các anh, cái khó nó bó cái khôn, chúng tôi không biết làm gì hơn. Chuyến thứ ba đã hoàn tất, như vậy chúng tôi đã thẩy xuống được tất cả 30 thùng gạo sấy, nhưng một thùng có bao nhiêu bịch gạo thì khó mà biết.
Vội vã quay trở lại Non Nước để làm chuyến thứ tư trước khi phi cơ phải đi đổ xăng thì một bất ngờ, hết sức bất ngờ xẩy ra. Phi công báo cho đại uy Đan biết là trực thăng của chuẩn tướng Điềm, TL/SĐ1/BB lâm nạn, rớt xuống đất, hiện ông tướng tư lệnh, sĩ quan tùy tùng và phi hành đoàn đang trong tình trạng hết sức nguy hiểm, lại chưa liên lạc được với giới chức nào để tiếp cứu, phi công xin ý kiến đại úy Đan.
Nên nhớ trực thăng đại úy Đan đang sử dụng là trực thăng chỉ huy của TL/SĐ TQLC và được thiếu tướng tư lệnh cho dùng để tiếp tế gạo cho lính của ông, vì không còn bất cứ phương tiện nào khác, nên trong trường hợp cần thiết và nguy hiểm này đại úy Đan hiểu được chuẩn tướng Điềm cũng sẽ không còn “chuồn chuồn” nào tới cứu ông!
Đại úy Đan OK với phi công đi cứu người ngay trước khi thông báo về BTL/SĐ TQLC để xin “hợp thức hóa” sự liều mạng này.
Trực thăng đang xuôi nam liền “quẹo” phải về hướng tây (Trường Sơn) rồi “quẹo” phải một lần nữa về hướng bắc, bay chừng 5 phút thì chúng tôi phát hiện trực thăng của tướng Điềm nằm nghiêng đằng sau hàng dương liễu gần QL1, khoảng 10 km phía bắc Lăng Cô. Chúng tôi vừa đáp xuống cách trực thăng bị nạn chừng 150 m thì phi hành đoàn, chuẩn tướng Điềm và một vị thiếu tá rời khỏi trực thăng chạy về hướng chúng tôi.
Lập tức toán cán binh Bắc quân ở bìa làng gần QL1 cũng đang tiến đến chỗ trực thăng bị nạn liền khai hỏa về phía chúng tôi.! Có lẽ trước khi chúng tôi đáp xuống cứu chuẩn tướng thì toán cán ngố này còn ở xa hoặc đang thăm dò tình hình và xin lệnh “thủ trưởng” là bắt sống hay giết chết! Nhất định phải bắt sống, vì toán cán ngố này nghĩ những “địch quân” ngồi trên “máy bay lên thẳng” ắt phải là cấp “sư”. Nay thấy chúng tôi đến cứu vớt, “hớt tay trên” những nhân vật quan trọng từ “trời rơi xuống”, những mồi ngon của chúng nên chúng vội vã xả súng để hy vọng gỡ gạc may ra gây cho địch “từ chết tới bị thương”.
Nhìn thấy chuẩn tướng Điềm khập khiễng khó khăn chạy trên cát mà Bắc quân thì bám sát bắn rát sau lưng ông, tôi tự động không cần đắn đo suy nghĩ mà phóng ào ra khỏi trực thăng, chạy thật nhanh đến ông, dìu tiếp sức giúp ông chạy nhanh hơn. Ông và tôi là hai người cuối cùng còn “đầu đội trời, chân đạp đất”, vừa chạm tay vào mép sàn trực thăng thì trên máy bay bao nhiêu cánh tay của các “thượng đế” đưa ra nắm lấy chúng tôi, người túm áo, người nắm vai, thậm chí còn có thượng đế dám nắm…cổ ông tướng kéo lên.
Trực thăng bốc lên ngay khi hai chân tôi còn đang tòng-teng phía ngoài, vài tràng súng bắn theo, tôi lạnh giò đúng nghĩa, nhưng khi đã an vị trên sàn thì tôi đưa tay vẫy vẫy chọc quê mấy cán binh cháu “bác”, giã từ vũ khí AK.
Cùng lúc một bàn tay vỗ nhẹ vai tôi, tôi quay lại, ông tướng mỉm cười nói:
– Cám ơn em, em tên gì?

***
Trực thăng của TL/SĐ TQLC đưa TL/SĐ1 BB và phi hành đoàn bị nạn về đến phi trường Đà Nẵng (SĐ/KQ) là đại úy Đan cho quay trở về BTL/SĐ ở Non Nước ngay. Tôi chuẩn bị sẵn sàng chất gạo xấy lên máy bay cho chuyến tiếp tế thứ tư, nhưng khi anh Đan và tôi vừa nhẩy ra khỏi thì trực thăng bốc cao, tôi hỏi:
– Trực thăng đi đâu vậy?
– Đi đổ xăng. Anh Đan lắc đầu đáp gọn, giọng nói như nghẹn họng!
Sau ba phi vụ tiếp tế, tôi không còn nhận được lệnh gì nữa, coi như chuyện bay ra Thuận An để thả những thùng gạo xấy xuống cho anh em nhai chấm dứt. Tôi xin nhấn mạnh chữ “nhai”, vì anh em có còn giọt nước nào đâu để đổ vào gạo xấy cho gạo sẽ thành cơm! Dù xung quanh các anh là những đầm nước, là đại dương mênh mông, vì người ta có thể uống nước tiểu chứ không thể uống nước biển.
Quả thật LĐ147 đang chết “vì nước” trước biển cả! Nếu anh em ăn được cát thì đâu cần trực thăng tiếp tế lương thực! Không ăn được cát thì “cát ăn”, cá ăn kiến, kiến ăn cá mà, đã có nhiều xác vùi vội vàng xuống cát vì không có tiếp tế! Chết vì không có trực thăng tiếp tế đạn dược, thuốc men, nước uống và lương thực dưới bầu trời đầy “chuồn chuồn” đang xuôi Nam!
Dưới bầu trời đầy “chuồn chuồn” đang xuôi Nam!
Vậy mà khi điều binh cuộc chiến “Tháng ba buồn…hiu!” này, dưới tay tướng tư lệnh có SĐ1/KQ và HQ Vùng 1 duyên hải đủ loại mà ngài lại quên sử dụng để yểm trợ hỏa lực và đạn được khiến LĐ147/TQLC thiếu đạn để bắn, anh em chúng tôi bèn dùng lựu đạn M26 để ôm nhau rút chốt! 35 năm sau hay 70 năm thì vẫn thắc mắc xuông vậy thôi chứ nào dám hỏi ai đâu!
Ngay việc muốn hỏi đại úy Đan sao không tiếp tục tiếp tế gạo xấy cho LĐ147 mà tôi còn không dám hỏi thì nói chi tới chuyện lấy “sào khều mặt trời”, dám thắc mắc với trung tướng Tư lệnh tiền phương QĐ1, tác giả “Hell In An Lộc - Lâm Quang Thi” rằng sao ông không cho lui binh theo QL1 mà lại điều quân ra bờ biển, bảo quân đi qua cầu phao ở cửa Tư Hiền, nhưng ngặt nỗi cầu phao thì không bắc mà những con thuyền (tàu) thì cũng “viễn xứ”! Thôi thì đành anh em ta ôm “em 26” (lựu đạn M26) vào lòng cho sướng!
Đại tá Nguyễn Thành Trí, tư lệnh phó, chỉ huy lực lượng TQLC tại mặt trận Quảng Trị-Huế đã ghi lại lệnh rút lui của tướng tiền phương Lâm Quang Thi như sau:
– “Lực lượng tây bắc Huế do tôi (Tướng Thi) chỉ huy sẽ rút về Thuận An, sau đó di chuyển về cửa Tư Hiền. Tại đây hải quân và công binh QĐ1 sẽ thiết lập cầu phao để các cánh quân vượt sông nhanh chóng và dễ dàng. LĐ468 TQLC từ đèo Hải Vân sẽ cử một đơn vị đến chiếm núi Vĩnh Phong để bảo vệ điểm vượt sông đồng thời làm thành phần tiếp đón. SĐ1/BB do tướng Điềm chỉ huy sẽ rút theo trục QL1 và sẽ tập trung về điểm vượt sông (cửa Tư Hiền), song song cùng với cánh quân TQLC…”.
Hay quá! Nhưng chỉ kẹt một sợi tóc là “cóc có” cầu phao nên SĐ1 tan hàng và LĐ147 TQLC bị đưa ra “pháp trường cát Thuận An”! Tại sao không có cầu phao? Câu trả lời thuộc về HQ vùng 1 và CB/QĐ1, cao hơn là tư lệnh tiền phương?!
Ngày 26-3-1975
Phạm vi trú đóng của TL/SĐ yên lặng, mọi người làm việc bình thường, cái bình thường hình như không yên ổn. Tôi chỉ loanh quanh trong vị trí đóng quân, sẵn sàng xách máy chạy theo tư lệnh bất cứ lúc nào ông đi bay. Thỉnh thoảng tôi lên TOC (TTHQ/SĐ) để kiểm soát lại hệ thống liên lạc, mật hiệu, tần số xem có gì thay đổi hay không rồi trở về ngay chốn cũ “bến đò xưa”.
Ngày 27-3-1975
Tin LĐ147 bị hốt trọn gói, bị bắt hết (trừ một số thương binh đã được LCM vào bốc từ hôm trước) chỉ vì hết đạn và tàu HQ không vào đón theo kế hoạch lui binh Alfa khiến chúng tôi rụng rời tay chân. Tôi thực sự bàng hoàng sửng sốt, không tin là sự thật! Mới chỉ hôm qua hôm kia thôi, các anh còn cười đùa “vẫy tay chào nhau” với chúng tôi để đón những bịch gạo xấy. Cái kết thúc quá tàn nhẫn và đau thương!.
Các anh còn đội ngũ đội hình vững vàng, còn đầy đủ cấp chỉ huy can trường luôn sát cánh cùng quân sĩ của mình, các anh vẫn còn đầy đủ hay dư thừa sự gan lì và kỷ luật của một đoàn quân luôn chiến thắng và chưa bao giờ chưa bao giờ biết lùi bước.
Nhưng các anh lại thiếu đạn dược lương thực và đau đớn là bị bỏ rơi chỉ vì bờ biển “cạn” tàu không vào được! Các anh bị bắt chỉ vì cầu phao tại cửa Tư Hiền không được HQ và công binh thiết lập theo lệnh của trung tướng Tư lệnh tiền phương (Lâm Quang Thi). Ai là người gây ra thảm họa này. Nếu tư lệnh tiền phương chọn lui binh theo QL1 thì chắc chắn không có thảm cảnh cá nằm trong rọ. Ai đã đơm LĐ147?
Lữ đoàn 147/TQLC gồm các Tiểu đoàn 3, 4, 5 và 7 chính là những tiểu đoàn tái chiếm Cổ thành Quảng Trị thì nay những tiểu đoàn ấy lại bị bỏ rơi một cách khó hiểu.
(Nguyễn Thế Thủy)

* Nguyễn Thế Thủy là hạ sĩ quan truyền tin cho Thiếu tướng TQLC Bùi Thế Lân.

Lịch sử là gì
Nhà sử học người Hy Lạp Halikamasseus sống ở thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên. Sau trận chiến Thermopylae, Ba Tư thắng Hy Lạp. ông thấy Ba Tư ca ngợi cuộc chiến thắng của mình đến mực độ…”ngu xuẩn” vì vậy ông gọi kẻ chiến thắng là…“ông tổ nói láo”. Qua tác phẩm Historical, ông viết chữ nghĩa hơn: “Lịch sử là gì? Lịch sử là chuyện kể của kẻ chiến thắng”.
***
- : Đến thế kỷ 20 sau Công nguyên, chuyện kể vẫn còn tiếp tục….

Chuyện kể của kẻ chiến thắng
Ở một khía cạnh nào đó, có thể nói rằng chỉ trong 55 ngày mà chính quyền Sài Gòn tan rã là do họ liên tục phạm sai lầm chiến lược. Điều đáng nói, sự sai lầm đó ngày càng bị khoét sâu bởi những hành động của tướng Giáp. Đầu tiên là cuộc triệt thoái khỏi cao nguyên của quân đội Sài Gòn đã được ông dự liệu từ trong bức điện ngày 13-3. Bởi thế, khi địch rút chạy khỏi Tây Nguyên, quân ta đã phản ứng khá nhanh, khiến cuộc rút chạy của chúng trở thành một thảm họa quân sự. Toàn bộ Quân đoàn II của địch tan rã.
Tình hình Tây Nguyên vừa tạm ổn, tướng Giáp liền điện cho tướng Dũng yêu cầu đưa quân xuống Nam bộ. Mục đích là không cho địch có cơ hội co cụm về phòng thủ ở ven Sài Gòn. Một lần nữa, ý định co cụm chiến lược của địch lại bị tướng Giáp chặn đứng ở Đà Nẵng. Vào ngày 22-3, khi quân ta đã đánh thiệt hại nặng Sư đoàn 1 của Sài Gòn và bao vây Huế, tướng Giáp điện cho Quân đoàn 2 bịt cửa biển Thuận An không cho địch rút vào phía trong theo đường biển. Trung đoàn 1 Sư đoàn 324 lập tức hành quân, khiến hàng ngàn quân địch hoảng loạn tan vỡ vứt bỏ súng ống, xe pháo trên một đoạn đường dài từ thành phố Huế xuống cửa Thuận An.
Trong cuộc họp Bộ chính trị và Quân ủy trung ương ngày 24-3, ông phân tích: “Nếu chúng thoát được vào phía nam thì cuộc Tổng tiến công của ta sẽ gặp khó khăn. Vậy ta cần nhanh chóng đánh chiếm Đà Nẵng, tiêu diệt sinh lực địch ở đây. Chúng có thể "tử thủ", có thể rút, rút nhanh hay rút chậm, nhưng ta thì phải chuẩn bị đánh trong tình huống địch rút nhanh, nhất thiết phải đánh nhanh. Không chờ giải phóng xong Huế, mà ngay từ bây giờ, phải bắt đầu mở cuộc tiến công Đà Nẵng. Diễn biến trận Đà Nẵng sau đó, quân ta chỉ chuẩn bị trong 3 ngày nhưng đã nhanh chóng giải phóng thành phố lớn thứ 2 miền Nam”. Đáng chú ý là với những chỉ đạo của tướng Giáp, toàn bộ Quân đoàn I của địch tan rã bị loại khỏi vòng chiến, số thoát vào tuyến trong không đáng kể. Điều đó tạo thuận lợi cho chiến dịch cuối cùng giải phóng Sài Gòn.
(Trần Vũ)

Ngày thứ 11 : 20-3-1975
Huế di tản
Ngày 20-3, Bắc quân tung một trung đoàn đánh vào quận Phú Lộc ở cực nam Thừa Thiên địa hình dọc theo Quốc lộ 1. Để ngăn chận cuộc tấn công, Sư đoàn 1 BB đã điều động Trung đoàn 1 đang ở gần đó đến giải tỏa áp lực của địch quân. Trong ngày này, với sự yểm trợ tối đa của pháo binh và không quân, Bắc quân bị đẩy lùi ra khỏi một số vị trí trong một thời gian ngắn,
Giao tranh kéo dài từ chiều ngày 21 đến trưa ngày 22-3.
Ngày 22-3, 1 giờ chiều, Bắc quân điều động thêm 2 trung đoàn tung vào trận chiến và gia tăng pháo kích. Pháo bắn tới tấp vào khu vực quân trú phòng, sau đó xung phong biển người.
2 giờ chiều cùng ngày, Liên đoàn 15 BĐQ và Trung đoàn 1 BB đã phải rút lui để bảo toàn lực lượng. Người dân Huế di tản, nhưng đoạn đường Huế-Đà Nẵng trên Quốc lộ 1 bị Bắc quân cắt đứt, Bắc quân lập chốt chận tại Đá Bạc cách Huế 30 km về phía nam và cách Đà Nẵng 70 km.
- : Lực lượng Bắc quân tại Quân khu I (VNCH) chia hai địa bàn hoạt động lấy đèo Hải Vân làm ranh giới do các tướng Lê Tư Đồng, Nguyễn Hữu An, Chu Huy Mân chỉ huy.

Bên lề trận chiến
Ngày 21-3, trong khi quân đội miền Nam đang rút chạy từ cao nguyên về miền duyên hải thì Polgar thuyết phục tổng thống Thiệu tái tổ chức, và không ngừng mời Đặng Văn Quang, Nguyễn Khắc Bình, Hoàng Đức Nhã dùng cơm để bàn việc.
Ngày 22-3, Polgar cho Trần Thiện Khiêm và Đặng Văn Quang xem các tấm ảnh chụp từ trên không cảnh rút quân hỗn loạn của quân đội VNCH trên đường Pleiku-Phú Bổn. Ngày hôm sau, Quang trình các tấm ảnh đó cho Thiệu xem.
Chủ nhật 23-3, Polgar báo cáo về Washington: Hà Nội đang thắng lớn, miền Nam đang thua đậm! Polgar cho biết Hà Nội đã đưa 5 sư đoàn trừ bị (có nhiệm vụ bảo vệ miền Bắc) vào Nam, bỏ ngỏ miền Bắc và yêu cầu Langley (phó đại sứ) thông báo cho ngoại trưởng Kissinger và Bộ trưởng quốc phòng Schlesinger rằng theo nhận xét của ông: Miền Nam đang sụp đổ.
(Decent Interval - Frank Snepp)

Ngày thứ 12 : 21-3-75
Đèo Hải Vân

tap ghi
Ngày 21-3, nguyên gia đình bị Bắc quân bắn chết ở Quốc lộ 1 gần đèo Hải Vân đang trên đường di tản.

Ngày 21-3, Bắc quân cắt đứt Quốc lộ 1 ở Truồi, giữa Huế và Đà Nẳng. Bắc quân đống chốt ở đèo Phú Gia, có nhiều người dân di tản trên đoạn đường này bị chết. Dân chúng di tản trên Quốc lộ 1 từ Huế hướng về Đà Nẵng và Bắc quân đả pháo kích trúng những vào những người dân đang di tản họ chết nằm bên lề đường, người sống bị thương nằm, ngồi la liệt .

Góp nhặt…ghi chép…
Ngày 22-3-1975, suốt buổi sáng Trưởng nói chuyện với Thiệu báo tin thảm hại.
Huế bị bao vây, Sư đoàn 1 đang nguy khốn. Ông không còn lực lượng để mở đường trên Quốc lộ 1, phía nam Huế, ở đây quân Bắc Việt Nam chắc chắn có hai sư đoàn (Sư đoàn 324 và 325). Ông phải bắt đầu cho tản cư ra bờ biển những người còn lại của Sư đoàn 1. Còn có thể giữ Huế một thời gian ngắn nữa, nhưng với giá thật đắt. Phải hy sinh một phần Sư đoàn 1.
Thiệu không phản đối gì. Thiệu chỉ còn một biện pháp: Cho sư đoàn dù ra tiếp viện nhưng còn an ninh của Sài Gòn nên ông ta để mặc Trưởng hành động. Giữa chiều, chỉ còn một đơn vị duy nhất, Lữ đoàn 147 TQLC, đóng tại một vị trí ở phía bắc Huế. Trường không muốn hy sinh đơn vị này vì đó là một đơn vị thiện chiến! Ông ta ra lệnh cho rút tất cả các đơn vị còn ở chung quanh Huế, TQLC cũng như lính của Sư đoàn 1 đang chạy rải rác.
(Decent Interval - Frank Snepp)

Bên lề trận chiến
Ban Mê Thuột mất, và Pleiku, Kontum bỏ ngỏ để di tản vào ngày 16-3-75. Vùng 1 và tướng Trưởng chờ một quyết định tối hậu từ Sài Gòn: Tử thủ hay rút quân về những cứ điểm để phòng ngự. Ngày 13-3, Sài Gòn gọi tướng Trướng về để duyệt xét lại kế hoạch phòng ngự Vùng 1. Trong buổi họp này, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh cho tướng Ngô Quang Trưởng phải giữ Vùng 1 với số quân cơ hữu của quân đoàn và sư đoàn TQLC. Trong buổi họp, tướng Trưởng biết Quân đoàn I phải “trả” sư đoàn dù lại cho Bộ tổng tham mưu, tướng Trưởng xin tổng thống Thiệu cho ông giữ lại sư đoàn TQLC để dân quân có được tinh thần.
Trước mặt ông, tổng thống Thiệu cho ông tùy nghi xử dụng TQLC, chỉ trả sư đoàn Dù lại mà thôi. Nh­ưng sau buổi họp, trong lúc nói chuyện riêng giữa ông và thủ tướng Khiêm…Ông Khiêm nói hé cho tướng Trưởng hay là Sài Gòn có thể lấy TQLC ra khỏi Vùng 1.
(Nguyễn Kỳ Phong)

(còn tiếp)

 

Đăng ngày 02 tháng 08.2016