banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Tạp ghi sau 40 năm

Ngộ Không Phi Ngọc Hùng

tap ghi

Nếu bạn bắn súng lục vào quá khứ, tương lai sẽ bắn đại bác vào bạn.
Rasul Gamzatov

Bạn có thể từ bỏ được mọi thứ nhưng bạn không thể từ bỏ được quá khứ.
Abraham Lincoln


Kỳ 3


Ngày N + …

Ngày N + 3, 4 giờ chiều
Chỉ còn vài cây số nữa là tới quận lỵ Củng Sơn, một quận lỵ của tỉnh Phú Yên, từ đây vượt mười cây số nữa sẽ tới sông Ba, con sông hiền hòa, mở ra bát ngát ớ cửa bể Tuy Hoà.
Qua sông Ba, con đường trên bản đồ lại trở thành một đường vẽ liền lạc, không còn những gạch đứt quãng. Tôi tính thầm trong bụng, nhiều lắm hai ngày nữa đoàn xe sẽ tới Tuy Hoà, bởi lẽ qua khỏi sông Ba, chúng tôi sẽ hiện diện trên thượng nguồn của đập Đồng Cam. Từ đó về quận lỵ Hiếu Xương hơn hai mươi cây số, con đường xe cộ vẫn sử dụng trong bao nhiêu năm nay, sẽ không còn những chướng ngại vật thiên nhiên như khi rời Phú Túc.

tap ghi
(ảnh T.L.)

Những người lính công binh chiến đấu đã công tác cả tuần lễ trước dọc theo con đường. Họ đã san bằng những chướng ngại. Và chướng ngại sau cùng của họ: sông Ba. Họ làm việc suốt đêm, ủi bãi để lập đầu cầu, song không thể nào lập nổi cây cầu, sông không sâu nhưng bây giờ là mùa nước lũ. Nước từ rừng, từ các triền núi đổ về, chỗ sâu nhất chỉ tới đầu gối, nhưng nước chảy xiết vô cùng. Lòng sông toàn cát và sỏi, thượng sĩ Quán công binh điều hành ở đây, trong lúc chờ vật liệu là những tấm PSB được gởi tới, ông đốc xuất binh sĩ dưới quyền sử dụng hai chiếc máy ủi kéo xe qua sông.
Họ làm việc suốt đêm, mỗi lần kéo độ ba xe lớn, hay năm xe nhỏ. Tất cả các xe đều nổ máy sử dụng hết số phụ, xe ủi chỉ kéo phụ lực. Nhiều chiếc Jeep bị ngập nước chết máy giữa dòng, phải nằm lại chờ kéo riêng.
(Hoàng Khởi Phong)

Kontum-Pleiku di tản
Chính Luận: Sáng nay (thứ hai 17-3) bản báo đặc phái viên Nguyễn Tú, tại một địa điểm dừng chân trên đường rút lui của của quân dân hai tỉnh Kontum-Pleiku báo tin qua điện thoại cảnh di tản bi thảm của đồng bào. Bạn Nguyễn Tú cho biết qua điện thoại nguyên văn như sau:
Trên đường nóng bỏng. Sáng nay, cuộc di tản đang tiếp diễn dưới ánh mặt trời huy hoàng của một ngày đầu tuần. Hàng ngàn chiếc xe dân sự và quân sự vẫn nối tiếp nhau trên Quốc lộ 19 đi về hướng Phú Bổn. Nhiều xe vì chở quá nặng không chạy nổi đã bỏ lại trên đường. Các quân nhân được lệnh triệt thoái dưới quyền tư lệnh của tướng Tất đã thi hành một cách rất trật tự và kỷ luật. Các đơn vị biệt động quân đã được lệnh đi hai bên Quốc lộ 14 ở những chỗ xung yếu để bảo vệ đoàn xe di tản dân sự và quân sự. Các đoàn người đi bộ thật là thảm thương. Đàn bà, con trẻ đi bên lộ dưới ánh nắng nóng bỏng không giọt nước để uống.
Dọc quốc lộ từ Pleiku đến Hậu Bổn là tỉnh lỵ của Phú Bổn, đoàn xe cứ nối dài. Đoàn người đi bộ bị bỏ lại sau, nhưng họ cũng vẫn cố gắng lết đi trên đường nóng bỏng dưới ánh nắng của Pleiku. Chưa biết tối nay họ có thể tới Phú Bổn bằng đôi chân của chính họ hay không. Sẽ có nhiều người bị chết đói, chết khát dọc đường. Dọc Quốc lộ 14 đi về Phú Bổn, các làng, các ấp, các buôn đều trống trơn không còn một ai. Cảnh hoang tàn dọc Quốc lộ 14 tôi không làm sao mà còn trí óc để nghĩ ra những danh từ tường trình với độc giả. Bi thảm quá đồng bào ơi!
(…)

Ngày N + …
Ngày N + 5, 3 giờ chiều
Xe tôi sắp sửa xuống bờ sông hai lần, hai lần đều bị dội ngược lại bởi tiếng súng của người anh em biệt động quân. Người tài xế già nhìn tôi, người lính đi theo cũng nhìn tôi. Thật tình tôi không sợ phải đụng. Nhưng đụng làm gì khi qua con sông Ba này chúng tôi vẫn kẹt lại. Mấy ngày nay, Tiểu khu Phú Yên mở đường lên không được, hai tiểu đoàn địa phương quân không thể nhúc nhích nổi vì những cái chốt kinh hồn đóng dọc hai mươi cây số đường. Ít ra phải là năm chục cái chốt. Ông ta cũng chờ bắt tay với địa phương quân cả tuần nay.
Trực thăng mang sắt PSB đến sông Ba, không thấm vào đâu với nhu cầu của công binh, song cũng đủ cho một lằn đường trên bãi cát. Khi bay ngang qua chỗ cây cầu gỗ nhỏ, có người khênh ra một cái băng ca, người phi công động lòng trắc ẩn sà xuống, vài người khênh người bi nạn lên, rồi người ta ùa tới, phi cơ phải cất cánh khẩn cấp. Bây giờ chắc không có ai dám đáp xuống đám đông hỗn loạn này. Buổi chiều bọn trẻ ùa xuống nước. Chúng la hét, nghịch ngợm ồn cả một vùng. Bóng mấy người vợ lính lui cui với bầy con nhỏ.

tap ghi
Liên tỉnh lộ 7B Pleiku-Phú Bổn-Phú Yên
(ảnh T.L.)

Gặp Thái Tăng An giữa cầu. An vẫn giữ được nụ cười tươi. Tôi theo An về xe anh, vẫn có ly cà phê buổi chiều. An là loại người cần cà phê hơn cơm, ngày một bữa cơm đủ rồi nhưng cà phê phải ba cữ. Tốt nghiệp trường Mỹ thuật Huế, anh vẫn vẽ mỗi khi rảnh rỗi. Anh nói, nếu thoát về được sẽ ghi lại trên khung vải những hình ảnh đặc biệt của chuyến đi này.
(…)

Chữ nghĩa của một thời chinh chiến ở quán cà phê
Trước 75, miền Nam có những câu “thành ngữ” về thuốc lá xuất xứ từ quán cà phê, như:
Lucky : Lòng ước có khi yêu.

Kontum-Pleiku di tản
Từ năm 1954 cho tới nay chính tôi đã chứng kiến bao cuộc di tản. Cuộc di tản Pleiku-Kontum để lại cho tôi một nỗi chán chường. Sống với những hy vọng mong manh từ năm 1954 đến năm 1975 tới nay tôi cảm thấy không còn đủ sức, đủ ý chí để bấu víu lấy cái chút hy vọng mong manh ấy nữa. Ngoảnh về Pleiku khói vẫn ngùn ngụt bốc lên vì những đám cháy đêm qua. Dọc lộ, xe tăng và đại pháo dạt ra hai bên đường để bảo vệ những chỗ xung yếu để cho đoàn xe di tản dân sự và quân sự có thể đi chót lọt tới Hậu Bổn tức tỉnh lỵ Phú Bổn.
Nhưng trên đoạn quốc lộ 14 từ Pleiku đến Hậu Bổn vẫn xẩy ra nhiều đoạn đương kẹt xe.. có thể hàng 5 đến 10 cây số chưa biết rằng đoàn xe có thể tới Hậu Bổn được không.
13 giờ, đoàn xe về gần tới Phú Bổn. Một số xe bị ứ đọng. Nhừng lệnh cần thiết được ban hành.
Các tướng Cẩm và Tất đích thân chỉ huy, điều động. Các đơn vị vào vị trí phòng thủ.
Và từ Hậu Bổn sẽ đi đâu chưa ai rõ. Riêng cho tôi không còn có trí óc nào để nghĩ đến tương lai dù rằng tương lai chỉ là ở một giây, một phút sau đó.
….
Điện đàm đứt đoạn.
(Báo Chính Luận - Nguyễn Tú)

Ngày thứ 8 : 17-3-1975
Tuy Hoà
Kể từ ngày 16-3, Pleiku, KonTum, Phú Bổn nói chung các tỉnh trên cao nguyên đang hấp hối...
Theo lịch trình triệt thoái khỏi cao nguyên, ngày 16-3, một số đơn vị tiếp vận, pháo binh, công binh di chuyển với sự yểm trợ của thiết giáp, đã khởi hành ra khỏi Pleiku, đây là lực lượng đi đầu của của đoàn quân triệt thoái. Sau thành phần đi đầu, lịch triệt thoái của ngày kế tiếp các đơn vị sẽ di chuyển vào ngày 17-3. Phần đuôi đoàn xe di tản bị mắc kẹt trên liên tỉnh lộ 7B cách thành phố Tuy Hòa khoảng 40 km, vì pháo Bắc quan bắn vào đoàn xe ở phía trước.
(SQTB K10B/72)
- : Ngày 1-4-1975 đã có một số bộ phận Bắc quân lọt vào Tuy Hòa và rạng sáng ngày 2-4, toàn thị xã này đã lọt vào tay Bắc quân. (Vương Hồng Anh)

Quân đoàn II triệt thoái với CIA
Sau khi mất Ban Mê Thuột, ông Thiệu họp với tướng Phạm Văn Phú tại Cam Ranh, ra lệnh triệt thoái cao nguyên. Tôi nhớ buổi họp ấy nhằm thứ sáu. Phú cho thực hiện kế hoạch vào thứ bảy. Nhận tin sáng thứ bảy ấy, tôi chạy theo tướng Charles Timmes (1) ra Bộ tổng tham mưu, và nói rằng: “Tôi chẳng biết chuyện trời đất gì đang xảy ra đây nữa!”. Tôi cho một phụ tá cao cấp đi gặp tướng Đặng Văn Quang, cố vấn an ninh của Thiệu, hỏi chuyện gì đang xảy ra ở Vùng 2. Quang bảo: Ông thấy, tình hình không được tốt. Chúng tôi không mở đường lại được, chúng tôi đang lo ngại về tình hình và sẽ phải thay đổi vị trí một vài đơn vị chứ chẳng có chuyện gì xảy ra ở Vùng II cả. Hiển nhiên, ông Quang không hay biết ông Phú đang di tản.
Tướng Timmes vào Bộ tổng tham mưu Việt Nam, nhưng không gặp tướng Cao Văn Viên, tổng tham mưu trưởng. Mọi sự ở đấy có không khí của một buổi sáng thứ bảy. Nhưng ông đã gặp tướng Trần Đình Thọ, là trưởng phòng hành quân để hỏi thăm tin tức Vùng 2. Ông Thọ nói: Còn có cái gì xảy ra mà quý ông không hay biết cả đâu?. Rõ rệt, ông trưởng phòng hành quân bộ tổng tham mưu cũng không biết gì việc ông Phú đang triệt thoái.
(Thomas Polgar & Larry Engelmann)
(1) Thiếu tướng Charles Timmes, phụ tá trưởng nhiệm sở CIA Tom Polgar. Tướng Charles Timmes là sĩ quan liên lạc chính của CIA với giới chức quân đội Nam Việt Nam.

Góp nhặt sỏi đá
Không phải mãi hai ngày sau người Mỹ mới biết lý do đằng sau vụ di tản rút quân bỏ cao nguyên. Vào buổi tối ngày 17-3-1975, tại bữa cơm đãi một số viên chức cao cấp Mỹ và Việt Nam tại nhà ông Thomas Polgar, trưởng CIA, ở Sài Gòn, tướng Ðặng Văn Quang cố vấn an ninh của tổng thống Thiệu, đã lật trang sử khi giải thích quyết định của ông Thiệu.
Rất giống người Nga tiêu diệt đội quân của Nã Phá Luân vào năm 1812 bằng cách bỏ đất để hầu chấn chỉnh tổ chức quật ngược thế cờ. Tướng Quang cho rằng quyết định của ông Thiệu đi theo chiến lược đó sẽ đánh bại quân Bắc Việt. Tướng Quang nói:
- Có thể mùa mưa sẽ giúp chúng tôi như thể Ðại tướng mùa Đông đã giúp người Nga.
(Cuộc di tản đầy máu và nước mắt - Trịnh Tiếu)

Ngày N + …
Ngày N + 4, 3 giờ chiều
Sau cùng xe tôi cũng qua được dòng sông cuồng nộ đó. Biết bao giờ tôi quay lại được bến sông này. Xe bò từng thước trên bãi cát, có lúc bánh quay tít, xe vẫn đứng yên một chỗ, mọi người xúm vào đẩy, cát bắn vào mặt đau rát, không một ai lơi tay, chiếc xe lết từng đoạn, từng đoạn, sau cùng cũng lên đến mặt đường. Đúng lúc đó địch pháo vài trái ngắn ngủi, nổ vu vơ giữa rừng chồi. Không ai bị thương, nhưng ảnh hưởng của vài trái pháo này thật lớn. Nó cho mọi người biết địch có mặt ở đây. Không biết chúng sẽ tấn công lúc nào.
Ngày N + 4, 6 giờ chiều
Cây cầu nhỏ, ván gỗ, trụ xi măng, sườn sắt, bề ngang vừa đủ một xe lớn. Cây cầu bắc ngang dòng nước chảy xiết...Đoàn xe ngừng lại tại đây, xe tôi cách xe đầu đoàn chừng một cây số, cứ vài phút tôi lại thấy những xe sang sông sau ùa tới. Xe tôi đậu ngay đầu cầu. Địch đóng chốt trước mặt. Con đường bây giờ tương đối tốt, tuy mặt đường không tráng nhựa, nhưng đó là con đường người ta vẫn sử dụng từ hai mươi năm nay. Nếu không có những chốt phía trước, thì nhiều lắm là hơn một tiếng nữa tôi sẽ có mặt tại Tuy Hoà, ăn một tô phở, kiếm vài người bạn, kiếm một quán nào đó, kiếm rượu, kiếm những con sò nổi tiếng của đầm Ô Long.
(…)

Góp nhặt sỏi đá
Một ngày sau khi bỏ Pleiku, hội đồng nội các nhóm họp… Tổng trưởng Ngô Khắc Tĩnh dơ tay lên, nói: Thưa thủ tướng, tôi xin thủ tướng một faveur, dầu sao, chúng tôi cũng là nhân viên hội đồng nội các, bà xã tôi vừa nghe tin Pleiku mất trên đài BBC và VOA, mới nói lại cho tôi biết. Vậy xin thủ tướng nếu có tin gì thông báo chúng tôi, chớ không kỳ quá. Lúc đó, trên bàn chủ tọa, thủ tướng Khiêm xoay qua tôi (Phó Thủ tướng Nguyễn Lưu Viên, ngồi bên phiá trái), nói nhỏ: Moa cũng vậy” [sic]. Tôi ngạc nhiên trả lời: Bộ nói giả ngộ hay sao? Anh là thủ tướng kiêm tổng trưởng quốc phòng, đại tướng bốn sao mà!. Ông Khiêm gật đầu: Thật chớ.
(Nguồn: Nguyễn Lưu Viên)

Ngày thứ 9 : 18-3-1975
Phú Yên
Ngày 15-3, bộ tư lệnh Quân đoàn II và một phần bộ tư lệnh Sư đoàn 23 BB rời Pleiku.
Ngày 16-3, toàn bộ bộ tư lệnh Quân đoàn II triệt thoái theo.
Ngày 18-3, đoàn xe nối đuôi qua cầu phao sông Ba quãng đường còn lại về tỉnh Phú Yên.
Ngày 25-3, sau 10 ngày hành trình. 17 giờ 30 đoàn quân xa tới tỉnh Phú Yên.
(SQTB K10B/72)

Quân đoàn II triệt thoái với CIA
Trước buổi họp Cam Ranh, tôi liên lạc với Hoa Thịnh Đốn để ghi nhận cuộc chơi đã xong. Tôi nhớ tôi nói chuyện với một viên chức có liên hệ khá chặt chẽ với tôi (xin miễn đưa tên), ông ta bảo: Nam Việt Nam không thể nào tiêu hoá nổi việc mất Ban Mê Thuột cùng với cái hậu quả tất yếu của nó là mất toàn thể cao nguyên (ông là một sĩ quan cấp tướng).
Lúc ấy vẫn chưa có gì xảy ra ở Vùng 1. Rồi tai họa bắt đầu. Thiệu quyết định rút cả thủy quân lục chiến lẫn nhảy dù khỏi Vùng 1. Quyết định này giống như chợt rút đi cái chiếu trong lúc tướng Trưởng còn đang đứng trên ấy, nó làm ông ta hổng cẳng.
Tiếp đến, mất cả sư đoàn thủy quân lục chiến. Họ trở nên vô dụng, vì đầu tiên người ta ra lệnh triệt thoái, sau lại ra lệnh “quay đàng sau, quay,” để quay trở lại! Đó là chuyện bất khả thi về quân sự. Sư đoàn thủy quân lục chiến mất rất nhiều chiến cụ vì không thể nào lấy ra được trong cái dòng người tỵ nạn tràn lan.
Lúc này ông Thiệu đang ngoi ngóp trong biển nước, ông cố bám lấy vài cọng cỏ. Nhưng ông có làm bất cứ cái gì cũng không còn có thể thay đổi tình thế lại được nữa. Cuộc chơi đã xong…
(Thomas Polgar & Larry Engelmann)

- : Larry Engelmann,giáo sư khoa Sử của đại học San Jose, California. Thomas Polgar là chỉ huy trung ương tình báo Mỹ tại Việt Nam, là 1 trong 300 người trong vòng 5 năm được Larry Engelmann phỏng vấn để hoàn thành tác phẩm Tears Before The Rain.
Bài phỏng vấn có tựa đề “Chúng tôi là một đoàn quân chiến bại”.

Ngày thứ 17 : 26-3-1975
Phú Thứ
Ngày 26-3 là ngày thứ 17 của cuộc triệt thoái lực lượng Quân đoàn II khỏi cao nguyên. Lữ đoàn 2 Kỵ binh, biệt động quân kịch chiến với Bắc quân chốt chận tại Phú Thứ, phía tây thị xã Tuy Hòa. Thiếu tướng Phạm Văn Phú ra lệnh cho Chuẩn tướng Trần Văn Cẩm, bay chỉ huy lực lượng xung kích và các phi đội trực thăng võ trang nỗ lực tấn công, xạ kích để triệt hạ các chốt chận nhỏ còn lại của địch. Chuẩn tướng Tất chỉ huy cuộc triệt thoái điều động 13 thiết vận xa M113 phối hợp với biệt động quân "dọn sạch" cụm chốt chận của Bắc quân ở Phú Thứ. Với sự yểm trợ của các chiến xa M113, lực lượng biệt động quân đã mở nhiều đợt xung phong triệt hết chốt chận này đến chốt chận khác của Bắc quân.
(SQTB K10B/72)

Ngày N + …
Ngày N + 10 giờ tối
Đêm nay là đêm thứ sáu ngày 22-3-1975 của cuộc hành trình. Suốt đêm qua và cả ngày nay tôi thấy xe cứ ùn ùn kéo đến, cái đuôi mỗi lúc một tăng trưởng. Rồi người đi bộ, gánh gồng bồng bế nhau tới, có người già chống gậy, có em bé còn ẵm ngửa, phần lớn đều nghèo, chắc chắn là nghèo, hoặc là bắt đầu nghèo.
Có tiếng súng đại liên ở trước mặt, tiếng AK nổ thật ròn. Súng nổ liên hồi trong vòng mười phút. Chập sau vài kẻ mạo hiểm trở về, địch đã xả súng bắn vào những người này không thương tiếc. Chúng chờ cho cả đoàn lọt vào ổ phục kích mới khai hỏa, không có vụ bắn dọa. Chúng bắn chí tình. Súng đại liên có sẵn yếu tố tác xạ bắn như mưa bấc từ phía sau, phía trước ập lại, súng nhỏ bắn tự động ngang hông. Vài kẻ chạy lẹt đẹt sau cùng thoát nạn. Trung sĩ nhất Mười, người lính cũ của tôi thoát nạn, anh là một trong những kẻ dẫn đầu, khi địch quân khai hỏa, anh bò nhảy đại xuống nước, núp vào một bụi lau. Anh thấy rõ chi tiết của cuộc thảm sát. Những kẻ bị thương nặng bị thanh toán ngay tại chỗ, vài người bị thương nhẹ bị bắt sống mang đi. Xác chết kéo dài cả cây số, xe cộ nằm tênh hênh giữa đường. Mười chờ cả tiếng đồng hồ sau, anh
nương theo những bụi lau ven bờ, quay ngược về chỗ cũ.
Ngày N + 10, 1 giờ trưa
Ba xác chết trôi lững lờ trên dòng nước, một xác trương to và trắng như một con heo cạo. Kỳ lạ một điều là hình như chúng tôi không thể vượt khỏi ba xác chết này, bởi lẽ chúng tôi vừa chạy vừa bứng chốt đằng trước. Cứ khoảng hai cây số một chốt lớn, ngừng lại chờ thiết giáp và biệt kích dọn xong con đường. Khoảng thời gian chờ đợi này, ba cái xác cứ tuần tự lướt qua.
(Ngày N +… - Hoàng Khởi Phong)

Góp nhặt…ghi chép…
Quyển Where The Domino Fell cho biết: Đại pháo Bắc quân đã cắt đoàn người và xe di tản thành nhiều khúc…và hơn 100 nghìn dân và 15 nghìn quân miền Nam trong cuộc rút lui này.
Các nhà báo ngoại quốc từ trên máy bay nhìn xuống cho biết "đoàn xe di tản (quân xa, xe dân sự, xe gắn máy) giống như 1 giòng sông, và mỗi khi khi có đạn đại bác rơi xuống “giòng sông” thì họ thấy, nước văng lên (giống như khi ta ném đá xuống nước) . . .". Nhà báo này đã gọi liên tỉnh lộ 7 là con đường của máu và nước mắt. Vì trong suốt cuộc chiến Việt Nam, chưa bao giờ có một cuộc lui binh mà tổn thất về quân và dân lại khủng khiếp như vậy. Như ta đã biết, cuộc triệt thoái này đã mở đầu cho sự sụp đổ dây chuyền, giống như các con cờ domino của các tỉnh và thành phố còn lại của miền Nam Việt Nam.
Công tâm mà nói, cho dù Thiệu cho rút khỏi cao nguyên hay không thì cũng không tránh khỏi sự sụp đổ sau cùng, vì miền Nam Việt Nam không còn hy vọng được Hoa Kỳ cấp viện trợ để tiếp tục chống sự xâm lăng của Bắc Việt. Ngay cả Nixon cũng không thể quay ngược bánh xe lịch sử, vì người Mỹ đã quá chán chê chiến tranh.
(Where The Domino Fell - James Olson & Randy W,Roberts)

Ngày thứ 18 : 27-3-1975
Bình Định
Vào 0 giờ sáng ngày 27-3, Bắc quân tấn công ngập phòng tuyến Tam Quan, tỉnh Bình Định do 1 đơn vị của Sư đoàn 22 BB phòng ngự. Lực lượng Bắc quân với các đơn vị từ Quảng Ngãi tiến vào, phối hợp với Trung đoàn 95 và Sư đoàn 3 (1) của Bắc quân đã gây áp lực nặng tại vùng phía bắc của Bình Định.
Trước đó trận chiến tại Tam Quan khai diễn từ ngày 25-3 với những đợt xung phong của Bắc quân, nhưng đều bị lực lượng trú phòng đánh bật. Sau 2 ngày kịch chiến, Bắc quân tăng cường lực lượng, mở cuộc tấn công với hỏa lực mạnh để tràn ngập phòng tuyến này.
(SQTB K10B/72)
(1) Sư đoàn 3 Sao Vàng từ Pleiku kéo xuống.
Sau Bình Định, Sư đoàn 3 Sao Vàng kéo vào Nam đánh Bà Rịa và Vũng Tàu.

Tàn cuộc binh đao
Ngày 16-3 đến 1-4-1975: Cuộc triệt thoái Pleiku, Kontum do Chuẩn tướng Phạm Duy Tất chỉ huy dưới sự giám sát của Chuẩn tướng Trần Văn Cẩm, gồm 60.000 lính và 400.000 dân. (?)
Cuộc rút lui bị Bắc quân tấn công. Chỉ có 20.000 quân và 100.000 dân về đến Tuy Hòa.
(Nguồn: NDT)

Vượt sông Kinh Ðà về Bảo Lộc
Tôi cho lệnh đoàn quân phía trước tiếp tục đi theo đường mòn về hướng xã Tân Rai (Lâm Ðồng) mặc dù phải băng qua các hậu trạm của địch. May mắn không có gì trở ngại trên đường hành quân, nhờ vậy thời gian đến Lâm Ðồng rất nhanh, chỉ 3 đêm 4 ngày.
Đến phi trường Bảo Lộc trời đã xế chiều. Sáng ra, tôi và các quân nhân thuộc cấp ra ăn sáng tại một quán xập xệ ngoài chợ. Tứ bề yên tĩnh không nghe một tiếng súng nào nổ cả…
Nào ngờ, đang ăn ngon miệng bà chủ quán bỗng nói
- “Xe tăng VC vào thành phố từ hôm đến giờ, sao mấy ông còn ngồi đây”?
- “Vậy hả! Bà nói đùa hay nói thật đó?” Tôi hỏi lại bà chủ quán.
- “Ai dám đùa với mấy ông chuyện quan trọng như vậy”. Bà chủ nói tiếp…
(Trần Văn Bường)
- : Sau trận Đức Lập, tác giả (th/tá Pháo binh?) theo đường rừng chạy về Bảo Lộc, Lâm Đồng.

Ngày thứ 20 : 29-3-1975
Lâm Đồng
3 giờ sáng ngày 28-3, Bắc quân đã tấn công quận Bờ Sa, tỉnh Lâm Đồng. Đến 7 giờ 15 sáng cùng ngày, Bắc quân bắt đầu pháo kích vào thị xã tỉnh lỵ Lâm Đồng. Đến 10 giờ 45, phòng tuyến thị xã tỉnh lỵ bị tràn ngập. Trong ngày 29-3, Bắc quân tràn chiếm các vị trí còn lại của lực lượng tiểu khu Lâm Đồng. Bộ tư lệnh Quân đoàn II đặt tại Nha Trang đã điều động Liên đoàn 24 Biệt động quân tăng cường cho tiểu khu Lâm Đồng. Nhưng sau đó theo báo cáo của trung tâm hành quân Quân đoàn II thì diễn tiến tình hình chiến sự tại Lâm Đồng: Bắc quân pháo kích vào Lâm Đồng. Liên đoàn 24 Biệt động quân chưa kịp tới. Đến 10 giờ 45, Bắc quân đã tràn ngập tỉnh lỵ.
Bộ chỉ huy tiểu khu Lâm Đồng đã triệt thoái về đến Phan Rang vào 8 giờ tối ngày 29-3.
(Phạm Huấn)

Góp nhặt…ghi chép…
Tuy nhiên, theo ông trưởng ty thông tin chiêu hồi tỉnh Lâm Đồng, người đã rời Bảo Lộc vào 12 giờ trưa ngày 29-3, thì: Không hề có chuyện Bảo Lộc (tỉnh lỵ tỉnh Lâm Đồng) bị tràn ngập, tính tới 12 giờ trưa, mà chỉ có việc quân ta tự ý rút lui và đồng bào di tản mà thôi.
(Vương Hồng Anh)
Vượt sông Kinh Ðà về Bảo Lộc
Ðang do dự, bổng thiếu tá Nguyễn Văn Ấn từ bên kia máy PRC25 rủ rê tôi: Mày đến đâu rồi, đến quận ăn cơm rồi tử thủ với tao. Tôi trả lời nửa đùa nửa thật: Mày lạnh cẳng rồi hay sao rủ tao, mày hảy chuẩn bị heo gà nhiều đi, Cậu sẻ đến ngay. Bổng lệnh của đại tá Nghìn:
- Anh phải tập trung các đơn vị của mình vào phòng thủ quận Di Linh.
Tại quận, tình cờ gặp trung tá Phong, tỉnh trưởng Lâm Ðồng đến đây từ hồi nào. Tôi trình trung tá Phong về ý định phòng thủ Di Linh của đại tá Nghìn. Vừa nghe xong ông hỏi tôi:
- Tỉnh trưởng anh đang ở đâu?
- Đang bay trên vùng để hướng dẫn các cánh quân còn kẹt trong rừng.
Không cần suy nghỉ, trung tá Phong nói:
- Tình hình như thế này, tỉnh trưởng anh có máy bay, có chuyện gì ông ta bay đi, còn tôi với anh…thì sao?. Không cần tôi có ý kiến ông tiếp:
- Vậy anh muốn ở lại thì ở, tôi đi. Nói xong, ông chuẩn bị di chuyển. Nghĩ một lát, tôi báo cáo đại tá Nghìn quyết định của trung tá Phong. Im lặng một hồi lâu, đại tá Nghìn nói:
- Thôi, ai sao mình vậy. Suy nghỉ một lúc không tìm ra cách nào khác, chúng tôi âm thầm rời Di Linh. Ðứng trước đàn em thuộc cấp đang bố trí chờ lệnh, tôi chậm rải nói trong nghẹn ngào:
- Thôi…các anh tìm mọi phương tiện…về Ðà lạt.
(Trần Văn Bường)
- : Bốn ngày sau: Ngày 3-4-1975, tỉnh lỵ và thành phố cuối cùng của cao nguyên bị Bắc quân chiếm là tỉnh Tuyên Đức và thành phố Đà Lạt.

Ngày thứ 21 : 30-3-1975
Quy Nhơn
Ngày 30-3, Bắc quân đã xâm nhập vào thành phố Qui Nhơn, tỉnh lỵ tỉnh Bình Định. Trong khi đó, tại phía tây Quy Nhơn, lực lượng Bắc quân gồm Sư đoàn 3 và Trung đoàn 95 đã tấn công vào phòng tuyến Bình Khê. Để bảo toàn lực lượng, hai Trung đoàn 41 và 42 của Sư đoàn 22 Bộ binh được lệnh rút khỏi Bình Khê. Trung đoàn trưởng Trung đoàn 42 bất mãn về quân lệnh này, ông khẩn khoản trình với bộ tư lệnh Sư đoàn 22 cho Trung đoàn 42 được cố thủ, nhưng

thỉnh cầu này đã không được chấp thuận.
Khi 2 trung đoàn này về đến Quy Nhơn thì Bắc quân đã đào giao thông hào tại một số khu vực trong thành phố. Kịch chiến đã diễn ra ở phía nam hải cảng Qui Nhơn.
(SQTB K10B/72)

Một cơn gió bụi
Trong cuộc triệt thoái tại Qui Nhơn, trung đoàn trưởng Trung đoàn 42 BB là Đại tá Nguyễn
Hữu Thông từ chối cuộc di tản và sau đó ông đã tự sát bằng súng Colt.

 

Ngày thứ 22 : 31-3-1975
Bình Định thất thủ
Ngày 31-3, Bắc quân đã tràn chiếm các quận lỵ của tỉnh Bình Định.

Tại Quy Nhơn, Sư đoàn 3 Bắc quân đã chiếm nhiều vị trí trọng yếu trong thành phố, trong đó có hải cảng, lực lượng Sư đoàn 22 BB với Trung đoàn 41 và Trung đoàn 42 đã nổ lực mở cuộc phản kích với sự yểm trợ hỏa lực hải pháo từ tàu hải quân ở ngoài biển, nên địch quân bị đánh bật ra khỏi ra khỏi khu ven bờ biển, để tàu hải quân cập bến đón các đơn vị còn lại của Sư đoàn 22 BB triệt thoái khỏi tỉnh Bình Định.
(SQTB K10B/72)
- :
Tại Quy Nhơn và Bình Định, Sư đoàn 22 BB, tư lệnh là Chuẩn tướng Lê Đức Đạt đối đầu với Quân đoàn 3, tư lệnh là Thiếu tướng Vũ Lăng với Sư đoàn 3 Sao Vàng từ Pleiku kéo xuống.

Góp nhặt…ghi chép…
Tướng Fred C.Weyand, nguyên tư lệnh MACV bay ra Nha Trang, Phú thuyết trình cho Weyand nghe về tình hình chiến sự. Nha Trang còn yên tĩnh. Là sĩ quan hành quân, Weyand lạc quan cho là: Quân Bắc Việt sau khi chiếm được những vùng lãnh thổ rộng lớn và những trung tâm dân cư, sẽ phải ngừng bước tiến để củng cố nhân sự, hành chính và bổ sung lực lượng.

Vào thời điểm ấy, các các sĩ quan tình báo Sài Gòn cho rằng chiến thuật Bắc quân vẫn như cũ. Họ đã thu được thành quả ở cao nguyên thì Bắc quân hẳn phải dừng lại củng cố. Các đường tiếp tế phải đuổi bắt kịp xe tăng và bộ binh. Đấy là cách mà mấy năm qua họ đã từng chiến đấu. Chẳng ai nghĩ hoặc nghĩ quá ít đến việc Bắc quân đã cải tiến phương thức tác chiến và trên thực tế đã giao thêm quyền cho các tư lệnh chiến trường. Các tuyến tiếp tế đang đi theo quân Bắc quân chứ không còn nằm cố định sau phòng tuyến nữa. (1)
(Black April: The Fall of Sourh Viet Nam - Alan Dawson)
(1) Tuy nhiên tại mặt trận Xuân Lộc:
Theo tướng Trần Văn Trà, tình hình lúc đó khiến cho đồng chí Văn Tiến Dũng và cả anh Lê Đức Thọ hết sức lo lắng. Vì Quân đoàn 1 đang được điều động từ miền Bắc vào. Quân đoàn 2 (Lê Trọng Tấn) vừa hành quân vừa tác chiến dọc theo bờ biển. Tướng Trà viết:
Có đơn vị vào tới, nhưng đạn dược chưa tới, pháo chỉ còn hai viên. Có xe tăng đến nơi nhưng xăng dầu hết, hậu cần vùi đầu vơi công việc. (*** Kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm – trang 258)
Xem Quân sử ngoại truyện ở tiết mục Ngày thứ 43: 21-4-1975 - Sài Gòn thay đổi nhân sự.
Cuộc hội ngộ cuối cùng của hai vị tư lệnh quân đoàn:
5 giờ chiều ngày 30-3-1975, tướng Phú bay ra Cam Ranh để cùng với Phó đề đốc Hoàng Cơ Minh, tư lệnh hải quân vùng 2 duyên hải, đi trên một soái hạm chỉ huy ra vùng biển ngoài Cam Ranh để đón trung tướng Trưởng đang bị bệnh nằm trên tàu HQ 404 từ Đà Nẵng vào.
Theo lời của hạm trưởng HQ 404, tối ngày 1-4-1975, tướng Phú đi tàu nhỏ cập vào chiến hạm để lên tàu thăm và nói chuyện với tướng Trưởng. Trên tàu lúc này có rất đông thủy quân lục chiến từ Quân khu I vào. Tướng Phú và phó đề đốc Minh phải khó lắm mới lách xuống được chỗ tướng Trưởng nằm dưỡng bệnh, lúc này tướng Trưởng thở thoi thóp nhờ bình nước biển. Thiếu tướng Phú ghé sát tai trung tướng Trưởng hỏi hai lần, nhưng sắc diện trung tướng Trưởng không thay đổi. Nhưng rồi có một giây tướng Trưởng ngước nhìn lên. Đôi mắt như muốn bật máu vì uất ức.
Cần ghi nhận rằng tướng Phú đã có một thời gian làm việc chung với tướng Trưởng: năm 1967, khi là đại tá, ông là tư lệnh phó Sư đoàn 1 BB do tướng Trưởng làm tư lệnh. Năm 1972, khi tướng Trưởng là tư lệnh Quân đoàn I thì tướng Phú là tư lệnh Sư đoàn 1 thuộc quân đoàn này. Cuộc gặp gỡ của hai vị tư lệnh quân đoàn diễn ra đúng 10 phút. Sau đó, thiếu tướng Phú đứng nghiêm chào từ biệt trung tướng Trưởng. Ông bước nhanh ra khỏi căn phòng nhỏ của chiến hạm, những sự kiện bi tráng đang chờ đợi ông, người hùng Điện Biên Phủ năm nào…
(Phạm Huấn)

Ngày thứ 23: 1-4-1975
Ngày cuối cùng của Quân đoàn II
Trong nhật ký hành quân mang sang Mỹ được và được phổ biến trong cuốn Cuộc triệt thoái Cao Nguyên 1975, Thiếu tá Phạm Huấn đã ghi lại một số sự kiện xảy ra cho vị tư lệnh Quân đoàn II trong ngày 1-4 với nội dung được tóm lược như sau…

5 giờ 50 chiều ngày 1-4, Thiếu tướng Phạm Văn Phú vào bộ tư lệnh Sư đoàn 2 Không quân ở Nha Trang, nhưng vị tư lệnh sư đoàn này đi vắng. 20 phút sau thì Chuẩn tướng Nguyễn Ngọc Oánh, chỉ huy trưởng trung tâm huấn luyện không quân và Chuẩn tướng Nguyễn Văn Lượng, tư lệnh Sư đoàn 2 không quân, bước vào. Lúc bấy giờ tướng Phú ngồi ở chiếc ghế sát bàn của tư lệnh Sư đoàn 2 không quân. Tướng Lượng và tướng Oánh thấy tướng Phú không chào hỏi và tới ngồi ở bàn đối diện. Thấy cách xử sự khác thường của vị tư lệnh Sư đoàn 2 không quân, một trong 2 sư đoàn không quân thuộc quyền điều động của bộ tư lệnh Quân đoàn II.
Tướng Phú hơi ngạc nhiên hỏi chuẩn tướng Lượng:
- Có chuyện gì xảy ra?
Chuẩn tướng Lượng không trả lời, chuẩn Oánh từ tốn nói với tướng Phú:
- Tôi muốn thưa với thiếu tướng tôi được chỉ định làm tư lệnh mặt trận Nha Trang, vì Quân đoàn II không còn nữa.
Tướng Phú mặt biến sắc, hỏi dồn:
- Lệnh ai? Anh nhận lệnh ai?
Tướng Oánh vẫn điềm đạm, chậm rãi nói:
- Thưa thiếu tướng, lệnh của Bộ tổng tham mưu, của Trung tướng Đồng Văn Khuyên (tham mưu trưởng bộ tổng tham mưu) từ Sài Gòn.
Nghe tướng Oánh trình bày, tướng Phú cảm thấy danh dự bị tổn thương, vì theo tổ chức quân đội, người có quyền ra lệnh cho ông là Đại Tướng Cao Văn Viên, tổng tham mưu trưởng, còn trung tướng Khuyên là tham mưu trưởng, không có quyền ra lệnh cho các tư lệnh quân đoàn, về vai vế và quyền hạn thì tư lệnh quân đoàn chỉ xếp sau tổng tham mưu trưởng.
(Vương Hồng Anh)
- : Đến ngày1-4-1975 đã có 14 tỉnh trong số 44 tỉnh lỵ của miền Nam đã bị mất,

Những ngày cuối VNCH
Sau khi Quân đoàn II triệt thoái khỏi cao nguyên, bấy giờ Vùng 2 chiến thuật chỉ còn 4 tỉnh duyên hải: Phú Yên (Tuy Hoà), Khánh Hòa (Nha Trang), Ninh Thuận (Phan Rang), Bình Thuận (Phan Thiết) và một số khu vực thuộc hai tỉnh Lâm Đồng và Tuyên Đức đang bị áp lực nặng của Bắc quân.

Để chỉ huy lực lượng Quân đoàn II tại mặt trận Phú Yên, Thiếu tướng Phạm Văn Phú đã cho lập bộ tư lệnh tiền phương Quân đoàn II tại Tuy Hòa và cử Chuẩn tướng Trần Văn Cẩm, phụ tá hành quân tư lệnh Quân đoàn II, trực tiếp chỉ huy, sau khi rút khỏi Pleiku.
(Vương Hồng Anh)

Góp nhặt sỏi đá
(…trích lục lại)

Với hai Sư đoàn 22 và Sư đoàn 23 BB, Quân đoàn II phải bảo vệ 7 tỉnh cao nguyên:
Kontum, Pleiku, Phú Bổn, Darlac, Quảng Đức, Tuyên Đức và Lâm Đồng.
Và 5 tỉnh duyên hải: Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận.

Những ngày cuối VNCH
Sư đoàn 320 tấn công vào các quận của tỉnh Phú Yên. 7 giờ sáng, Bắc quân pháo kích vào thị xã, một số doanh trại trong đó bộ chỉ huy tiểu khu Phú Yên. Chuẩn tướng Trần Văn Cẩm, chỉ huy bộ tư lệnh tiền phương của Quân đoàn II đã gọi máy báo cáo tình hình cho Thiếu tướng Phạm Văn Phú ở Nha Trang. Theo tường trình của tướng Cẩm, Bắc quân pháo kích rất dữ dội, và bắt đầu tấn công cả 2 mặt vào thị xã. Doanh trại của bộ chỉ huy tiểu khu Phú Yên, cũng là nơi trú đóng của bộ tư lệnh tiền phương Quân đoàn II, đã bị pháo kích nặng.

Sau lần gọi này, tướng Cẩm không còn liên lạc với thiếu tướng Phú. Sau khi báo cáo tình hình cho tướng Phú, tướng Cẩm cho lệnh rút ban tham mưu của ông ra khỏi doanh trại tiểu khu, và ông đã sử dụng tần số không lực liên lạc với không quân để yêu cầu cho trực thăng đến bốc ban tham mưu của ông, nhưng mọi sự liên lạc không có kết quả…
Sau đó Chuẩn tướng Trần Văn Cẩm, phụ tá hành quân tư lệnh Quân đoàn II đã bị Bắc quân bắt cùng với một số sĩ quan tham mưu. Tất cả bị đưa về Đà Nẵng.
(…)

Ngày thứ 24 : 2-4-1975
Nha Trang
Trong ngày 2-4, không có lực lượng nào có đủ sức duy trì an ninh trật tự trong thành phố.

Theo tài liệu của Đại Tướng Cao Văn Viên thì bộ tư lệnh Quân đoàn II vẫn tiếp tục hoạt động tại Nha Trang (Khánh Hoà) đến hết ngày 2-4. Nhận định về tình hình Nha Trang trong ngày này, Đại tướng Cao Văn Viên cho biết: Do hỗn loạn, Quân đoàn II phải bỏ Nha Trang.
(Vương Hồng Anh)
-
: Ngày 2-4-1975 Đặc khu Cam Ranh thất thủ.

Bên lề trận chiến
Ngày 2-4-1975. Trong cảnh di tản ra khỏi Nha Trang

tap ghi tap ghi
Một người dân đang đu trên cánh cửa máy bay

Ngày cuối cùng của Quân đoàn II
Đêm 1-4-1975, Thiếu tướng Phạm Văn Phú nằm dưới chân núi, trên một cái giường bố, tại ban chỉ huy của một tiểu đoàn địa phương quân Ninh Thuận, phòng thủ căn cứ Phan Rang.
Ngày 2-4, 1 giờ 45 trưa, tướng Phú bay đến ngọn đồi "Lầu Ông Hoàng" ở Phan Thiết chờ Thiếu tướng Nguyễn Văn Hiếu, tư lệnh phó Quân đoàn III, để thảo luận về việc bàn giao phần lãnh thổ còn lại của Quân đoàn II được lệnh sát nhập vào Quân đoàn III. Theo kế hoạch, Quân đoàn III chính thức phụ trách tuyến Ninh Thuận-Bình Thuận từ ngày 3-4-1975.
Vào giờ này, cạnh tướng Phú chỉ còn lại thiếu tá Vinh, chánh văn phòng, thiếu tá Hóa tùy viên, thiếu tá Huấn, sĩ quan báo chí và Đại tá Lê Hữu Đức, quyền tư lệnh Sư đoàn 23 BB.
Đúng 2 giờ 12 phút chiều cùng ngày, thiếu tá Hóa trình với thiếu tướng Phú là trực thăng của thiếu tướng Hiếu sắp đáp xuống. Khi thiếu tá Hóa vừa quay gót, thiếu tướng Phú rút khẩu súng ngắn ra khỏi vỏ, nhưng tiếng hét thất thanh của đại tá Đức vang lên: "Thiếu tướng!", ngay sau đó, khẩu súng trên tay tướng Phú bị đại tá Đức gạt xuống đất.
Tướng Phú không chết trong ngày 2-4-1975, nhưng 28 ngày sau ông đã tự sát tại Sài Gòn.

Góp nhặt sỏi đá
Quân đoàn I có 3 sư đoàn: Sư đoàn 1, Sư đoàn 2 và Sư đoàn 3.

Quân đoàn II có 2 sư đoàn: Sư đoàn 22 và Sư đoàn 23.
Cho đến khoảng thời gian này, 5 sư đoàn bộ binh của 2 quân đoàn được xem như tan hàng. Những tên tuổi tư lệnh sư đoàn như Trần Văn Nhựt, Lê Hữu Đức (thay Chuẩn tướng Lê Trung Tường bị thương), Nguyễn Văn Hiếu, Nguyễn Duy Hinh, v…v…hầu như vắng bóng.
Sau Nha Trang tới Phan Rang, điều động “trận địa” bởi…“Hải quân” và “Không quân”.
Tuyến thép Nha Trang và Phan Rang
Chỉ vài ngày sau khi Đà Nẵng thất thủ, bộ tư lệnh hải quân lập chiến tuyến mới: Tuyến phòng thủ cuối cùng dự định tại Nha Trang (1), mang tên “Tuyến thép cuối cùng Nha Trang”, Phó đề đốc Hoàng Cơ Minh là tư lệnh chiến trường. Nhưng lệnh chưa kịp chính thức loan tải thì lãnh thổ kiểm soát của VNCH đã phải cắt thêm tới Phan Rang.
Rồi cũng từ Phan Rang, chưa kịp thực hiện những nghi lễ mang tính tử thủ và bảo vệ tuyến thép thì tư lệnh Hoàng Cơ Minh đã phải xuống chiến hạm HQ 3 xuôi Nam dọc theo bờ duyên hải để đón quân dân di tản từ Phan Rang và các thành phố khác nữa về BTL/HQ.
Kế hoạch “Tuyến Thép cuối cùng Phan Rang” cũng thất bại!.
(Phạm Kim)
(1) Trước đó ngày 22-3-1975, tổng thống Thiệu ra lệnh cho tướng Trưởng mang sư đoàn dù và sư đoàn thủy quân lục chiến từ Đà Nẵng (Vùng 1 CT) về giữ Nha Trang (Vùng 2 CT).

40 năm Ban Mê Thuột nhìn lại
Ngày 10-3-1975, quân đoàn Tây Nguyên dưới quyền tổng chỉ huy của Tổng tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng đến từ Hà Nội đồng loạt tấn công vào thị xã Ban Mê Thuột với những sư đoàn 324, 324B, 320, 308, 316 và cả sư 341 tổng trừ bị của quân đội miền Bắc. Với sư đoàn F10 làm mũi nhọn được hai sư đoàn 320, 316 tăng cường, và sư 341 làm tổng trừ bị (1) , lực lượng Bắc quân có khoảng 25,000 người được pháo binh, chiến xa nặng yểm trợ phối hợp.
Đối lại tại thị xã Ban Mê Thuộc phía VNCH chỉ có khoản 1.200 lính chiến đấu trong tổng số lính hậu cứ của Sư đoàn 23 Bộ binh, lực lượng địa phương quân tiểu khu Đắc-lắc. Thế nên từ 2 giờ sáng ngày 10-3, giờ mở lệnh tấn công mà tướng Dũng ước tính chiến trận Ban Mê Thuột sẽ chấm dứt sau một tuần nhưng chỉ đến 5 giờ 30 chiều cùng ngày, thị xã Ban Mê Thuộc hầu như thuộc về phần kiểm soát của quân Bắc Việt cho dù bộ binh vẫn tiếp tục chiến đấu. Dũng cứ tưởng như là giấc mơ. Và Dũng đã đi từ giấc mơ sang một vùng ảo giác vào những ngày sau khi được báo cáo: Quân đoàn II tháo chạy!
Cuộc di tản dọc Tỉnh lộ 7 theo lộ trình Pleiku-Phú Bổn xuống Tuy Hòa quá lớn với mối đau thương dài đặt trên hai trăm cây số đường núi với hai trăm ngàn dân thường đi từ hai thành phố Kontum, Pleiku. Trời cao nguyên buổi tàn xuân gây gây rét vào sáng, càng về trưa nắng cao và nóng khô khan, đường bụi mù tung đỏ bám vào thành xe, nòng pháo, khí cụ, tóc và da mặt người, vạn tròng mắt đỏ rực. Những tròng mắt mệt mỏi lo âu, tuyệt vọng. Phía sau lưng, thị xã Pleiku bốc lửa ngọn, khói đen đặc ngật ngật bay lên cao hơn đỉnh núi Hàm Rồng. Lửa lóng lánh ánh sáng kinh dị trong đôi ngươi những người lính Liên đoàn 7 Biệt động quân, thành phần hậu vệ đoàn di tản. Trời cao nguyên với thị trấn Pleiku thường chĩu lặng sương mù nay oằn thân vật vã trong màu lửa địa ngục. Màu đỏ của máu lửa soi chập chờn đoàn người di tản thê thiết. Đoàn di tản qua đói, khát, nhục nhằn và lo âu. Lính gục trên mũi súng, đàn bà, con trẻ nằm rũ lên hành lý, thành xe, đất cát. Còn biết kêu vào đâu? Với ai?
(Phan Nhật Nam)

Góp nhặt…ghi chép…(1)
Tấn công Ban Mê Thuột chỉ có ba Sư đoàn 316, 320 và F10.

Sư đoàn 308 ở lại miền Bắc để bảo vệ Hà Nội.
Sư đoàn 324 thuộc QĐ2 tại Vùng 1 chiến thuật.
Sư đoàn 341 thuộc QĐ4 có mặt ở miền Nam.

40 năm Ban Mê Thuột nhìn lại
Quân đoàn II đang tính gì sau chấn thương ngày 10-3 tại điểm bất ngờ Ban Mê Thuột? Qua máy dò tìm làn sóng điện, bộ tư lệnh mặt trận B3 Bắc quân khám phá những phi cơ C47, C130 xuất phát từ phi trường Cù Hanh (Pleiku) đi Nha Trang không có lượt bay về. Sự kiện nầy đã trút mối âu lo của tướng Dũng về việc lực lượng VNCH có thể điều quân tái chiếm Ban Mê Thuột. Nên Dũng cho Sư đoàn 320 băng rừng truy kích đoàn di tản và Sư đoàn 968 từ Lào bôn tập về hướng Pleiku cũng được lệnh chuyển hướng hành quân dài theo Tỉnh lộ 7.

Ngày 16-3, một chủ nhật điêu linh tan nát dọc con đường đỏ sẫm đất núi và máu. Đoàn di tản bị chận ở phía đông Củng Sơn, bị cắt rời ở quận Phú Túc, bị đuổi dập từ tây quận lỵ Phú Bổn. Xe tăng cán lên GMC, xe GMC hất xe đò chở thường dân xuống vực thẳm, cũng hất luôn những xe jeep nhỏ, cán qua những chiếc xe Dodge 4 của địa phương quân chở những người già và trẻ em tan tác. Chiếc vespa của một gia đình chạy lông lốc, xiêu vẹo trên sườn đồi, đứa con, người vợ rơi tơi tả, người chồng, người cha rơi với chiếc xe vỡ toang trên mỏm đá. Và súng nổ… 105, 155 pháo binh, hỏa tiễn TOW, XM72 của phía VNCH…130 ly, 122 ly, B40, B41 của phía Bắc quân cả cùng hòa vào nhau thành một luồng hỗn âm tan tác, làm rung rinh sắc núi mờ nhòa ánh nắng. Mặt trời bị chìm khuất trong khói xám. Có xác bà già ngồi dựa bờ đất bên lề đường, người khô quắt không vết thương. Dấu hiệu sự chết chỉ được nhận biết nơi ổ mắt, mũi, miệng… Đám kiến rừng bò lúc nhúc quay quắt đánh hơi…
(…)

Bên lề trận chiến
Sau 10 ngày di tản trên đoạn đường 250 cây số từ Pkeiku-Kontum tới Phú Bổn. Đến nay không biết con số tử vong quân cũng như dân chính xác là bao nhiêu vì mỗi tác giả có mỗi con số khác nhau. Nhưng quân cũng như dân vừa chết vừa bị thương ước tính cả chục ngàn người.

40 năm Ban Mê Thuột nhìn lại
Sư đoàn 320 Điện Biên bắn thẳng xuống đoàn di tản. Lính còn rõ phản ứng trú ẩn, chống cự, người dân chỉ biết đưa mắt nhìn lên nơi đặt súng, nơi có những tiếng nổ khô, ngắn trước khi bị bùng vỡ phá toang. Xác người tung lên theo đất bay bay. Cái chết không đơn giản, mau chóng bởi súng đạn. Chết còn bị nhận chìm từ từ trong lòng chiến xa khi chiếc xe tăng chúc đầu xuống đầu cầu nổi bắc qua sông Ba. Chiếc cầu bắc vội mỏng manh không thể nào chứa nỗi sức nặng vạn con người, vạn chiếc xe. Chiếc tăng M48 như khối đá ấn mạnh xuống lòng chén nứt vỡ. Trong lòng xe có tiếng người hét nghẹn, trên pháo tháp có đám người ngoi ngóp, người đạp lên đầu, lưng, vai người để được thở được sống thêm vài giây ngắn. Chiếc xe chìm xuống im lặng, kéo theo, mang theo, đè xuống rất nhiều thây xác. Xích sắt điên cuồng đào xoáy giòng sông máu sẫm làm quẫy lên, tung tóe những tay chân người kẹp dính đâu dưới lưng xe.

Cuối cùng đoàn di tản cũng về đến Tuy Hòa vào ngày 25-3-1975 do Tiểu đoàn 58 Biệt động quân dẫn đầu. Hai trăm ngàn dân theo lính chạy loạn từ Kontum, Pleiku nay còn khoảng sáu chục ngàn người. 200,000 trừ đi 60,000 vậy đã chết bao nhiêu? Không ai có thể tính chính xác được số dân thiệt mạng. Người chỉ biết và đau với trường hợp của từng người thân, của mỗi gia đình, của chính thịt da mình. Trên bãi biển Nha Trang người ngồi chập choạng dưới trăng vàng chạch, đỏ nhừ nhừ như máu bầm. Trong lòng người di tản từ cao nguyên đồng bằng trong tháng 3-1975 hầu như ai cũng đọng khối máu uất nghẹn đau thương. Khối máu oan hờn của một dân tộc điêu linh chỉ khác người dân miền Trung chịu sớm nhất. Đau nhất.
Bắt đầu từ ngày 10-3 ở Ban Mê Thuột, dọc TỈnh lộ 7B, con lộ máu dẫn về miền duyên hải. Hóa ra không cần đủ hết tháng 3, để tiếp theo tháng 4 thấm máu toàn miền Nam sụp vỡ.
(Phan Nhật Nam)

Giã từ vũ khí
19-3-1975 Phú Bổn mất, đúng một tháng sau.

Sáng ngày 29-4-1975, tại nhà riêng ở đường Gia Long, Thiếu tướng Phạm Văn Phú, cựu tư lệnh Quân đoàn II đã uống một liều thuốc cực mạnh tự tử. Nhờ có các bác sĩ Pháp gần nhà giúp đỡ. Ông được đưa vào bệnh viện Grall để cấp cứu. Nhưng ông mê man mãi đến sau buổi trưa ngày 30-4-1975, ông mới tỉnh được giây lát và thều thào hỏi vợ ông đang ngồi cạnh:
- Tình hình đến đâu rồi?
- Ông Dương Văn Minh ra lệnh quân đội bỏ súng đầu hàng. Họ đã vào tới Sài Gòn!
Nghe xong ông nhắm mắt lại và "ra đi".

Vùng 1 chiến thuật – Quân đoàn I
Vùng I CT từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi.

(gồm các tỉnh: Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Tín, Quảng Ngãi)
Quân đoàn I có 3 sư đoàn: Sư đoàn 1, Sư đoàn 2 và Sư đoàn 3.

Tang thương ngẫu lục
Đại tướng Nga Viktor Kulikov, phụ tá bộ trưởng quốc phòng tới Hà Nội thúc đẩy Bắc Việt tấn công miền Nam. Bộ chính trị trung ương đảng Lao động Việt Nam dự định trong kế hoạch tấn công. Vào lúc này, Hà Nội dốc hết toàn lực đánh chiếm miền Nam.

Theo tin tình báo, Trung đoàn đặc công 116, Lữ đoàn tăng 203 tăng cường 54 xe tăng vượt vĩ tuyến 17, qua sông Thạch Hãn, tiến vào Quảng Trị để sẵn sàng tấn công Huế và Đà Nẵng.

Quân đoàn 2 tại Vùng 1 chiến thuật
Tại Vùng 1 CT, ngoài một số du kích của MTGPMN, Quân đoàn 2 (Binh đoàn Hương Giang) đã có mặt ở đây từ lâu gồm: Các sư đoàn bộ binh 304, 325, 324, lữ đoàn phòng không 673, lữ đoàn pháo binh 164, v…v...

Ngày thứ 4
Di tản miền Trung : 13-3-1975
Ngày 13-3, Trung tướng Ngô Quang Trưởng, tư lệnh Quân đoàn I được gọi về Sài Gòn để tham dự cuộc họp mật tại dinh Độc Lập do Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu chủ tọa. Cuộc họp hôm ấy có sự hiện diện Thủ tướng Trần Thiện Khiêm, Tổng tham mưu trưởng Đại tướng Cao

Văn Viên và Phụ tá an ninh Trung tướng Đặng Văn Quang.
- Tại cuộc họp, trung tướng Trưởng trình bày trước Hội đồng an ninh quốc gia về tình hình tại chiến trường Quân khu I, sau đó tổng thống phân tích tình hình chung đang gặp phải khi thiếu quân viện. Tổng thống nhìn nhận rằng không hy vọng không quân Hoa Kỳ sẽ can thiệp trong trường hợp VNCH bị tổng tấn công.
- Theo lời kể của đại tướng Viên, thì tổng thống nói rằng trước tình hình như vậy chỉ còn một cách duy nhất là thay đổi chiến lược để giữ vững những nơi hiểm yếu. Tại Quân khu 1 có 5 tỉnh: Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Tín, Quảng Ngãi, và hai thành phố Huế, Đà Nẵng), khu vực cần phải giữ là Đà Nẵng.
- Chi tiết mà đại tướng Viên kể lại ở trên khác với nội dung lời kể của trung tướng Trưởng, theo đó, trong buổi họp ngày 13-3, tổng thống Thiệu ra lệnh cho tướng Trưởng lập kế hoạch rút toàn bộ lực lượng VNCH khỏi Vùng 1 và rút về tỉnh Phú Yên.
Như thế lãnh thổ VNCH sẽ bị mất 6 tỉnh miền Trung, từ Quảng Trị đến Bình Định.
(SQTB K10B/72)

Quân sử ngoại truyện
Chấp hành mệnh lệnh của Bộ tổng tư lệnh, ngày 21-3, từ ba hướng bắc, tây và nam, các lực lượng Quân khu Trị Thiên (MTGPMN) và Quân khu 2 (Bắc Việt) đồng loạt tiến công vượt qua các tuyến phòng thủ của địch hình thành nhiều mũi bao vây Huế, đánh thiệt hại nặng Sư đoàn 1 Bộ binh, và Lữ đoàn 147 Thuỷ quân lục chiến Ngụy, cắt đứt Huế và Đà Nẵng trên đoạn đường số 1 ở Mũi Né-Bái Sơn …địch chỉ còn một lối thoát là rút chạy ra biển theo cửa Thuận An và cửa Tư Hiền. Con đường Huế-Thuận An là niềm hy vọng cuối cùng của chúng, nhưng thực tế đã biến thành con đường chết đối với chúng.

tap ghiNắm vững ý đồ muốn tẩu thoát của địch, pháo ta một mặt khống chế chặt cửa Thuận An và không cho tầu địch vào đón bọn rút lui, mặt khác bắn vào trung tâm của đội hình dày đặc của địch còn ở lại ở cửa Thuận An và cửa Tư Hiền làm cho chúng thiệt hại nặng nề.
Xe tăng, xe bọc thép, xe vận tải và hàng chục nghìn lính địch kéo đi kín đường bị pháo ta bắn, đạp lên nhau mà chạy…Ngày 25-3, các cánh quân của ta đã kịp hợp vây tiêu diệt và làm tan rã quân địch rút lui còn lại ở cửa Thuận An và cửa Tư Hiền.
(Đại thắng mùa xuân - Văn Tiến Dũng)

Những ngày cuối VNCH
Ngày 19-3-1975, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu lại mở cuộc họp đặc biệt để duyệt xét tình hình Quân khu I. Cuộc họp bắt đầu 11 giờ, ngoài các nhân vật đã tham dự hai cuộc họp trước có

Phó tổng thống Trần Văn Hương tham dự và Trung tướng Ngô Quang Trưởng.
Theo lệnh của tổng thống được chuyển đến tư lệnh Quân đoàn I trước đó, tướng Trưởng trình bày về kế hoạch rút quân của Quân khu 1 tập trung về Đà Nẵng. Huế và Chu Lai chỉ là nơi tập trung tạm thời để sau đó các đơn vị được hải vận về Đà Nẵng. Như vậy, Đà Nẵng sẽ trở thành một “ốc đảo” đơn lẻ trong lòng địch để cố thủ bằng 3 sư đoàn bộ binh, sư đoàn thủy quân lục chiến và 4 liên đoàn biệt động quân.
(Vương Hồng Anh)

(còn tiếp)

 

Đăng ngày 01 tháng 07.2016