Ngược đường cái quan
Phí Ngọc Hùng
Tháng ngày đắp đổi, tôi đang bí ngô bí khoai chưa biết viết bài mới nào cho ra hồn ra vía. Thì đụng đầu ông giáo sư về bộ môn “Những mảnh khuyết của sách vở” của Leiden University có từ thế kỷ XVI ở Hoà Lan. Ông Erik Kwakkel dậy việc góp nhặt và diễn giải là chuyện của người viết. Nhưng làm thế nào để chuyển tải các dữ kiện đến bạn đọc xa lạ với đề tài của văn bài là một khái niệm tương đối còn mới. Vì vậy với những đề tài khô khan như cổ thư, nhân chủng…người viết phải thay đổi cách hành văn về sự kiện của lịch sử, nhân văn…Tránh dùng những chữ “hàn lâm” mà thay vào những chữ bình thường với bài viết ngắn, giản dị, luôn luôn mở đầu bằng cách kể chuyện có lớp lang để người đọc có thể theo dõi từ đầu mà không ngáp dài rồi bỏ qua. Ông dặn dò thêm: “Dường như sách vở mang theo cái hồn của người viết và người đọc, với cảm giác bâng khuâng khi ngửi mùi giấy, mùi mực. Còn khi đọc trên mạng lưới không biết người ta còn bắt gặp cảm nhận bâng khuâng kia không? Hay người ở đây mà hồn năm xưa đã biền biệt”.
Với kể chuyện có lớp lang thì từ năm 2013, qua bài Xuôi đường thiên lý, người viết là thiên cổ chi mê tôi đây đã dẫn dắt cụ Nguyễn Trãi, cụ Tản Đà xuôi theo con đườg thiên lý của Hồ Đăng Trừng từ Ải Nam Quan tới Quảng Trị. Rồi từ Huế xuống tận Cà Mau này. Còn nhiễu sự khi đọc trên mạng lưới không biết người ta còn bắt gặp cảm nhận bâng khuâng kia không? Hay người ở đây mà hồn năm xưa đã biền biệt…Thì đây:
(….) Trời mỏng dần như sắp tối, nhưng lại tối sáng, tối đến xắt ra từng miếng một. Ngỡ Cụ bay về trời thật với trời đất từ nay xa cách mãi, hóa ra Cụ lững thững bước xuống ghe taxi, rồi lồm cồm leo lên ghe lớn để vượt biên, vượt biển. Mình nhòm rõ mồn một Cụ kẹp nách xị “Nước mắt quê hương”. Còn lại một mình trong bóng tốI dài ngoằng ngoẵng, dưới ánh đèn hột vịt, lòng mình cứ dàn dạt thắt lại như sóng biển ngoài kia nghe ong cả tai với việc trần ai, ai tỉnh ai lo, say túy lúy nhỏ to đều bất kể. Cũng đến lúc phải nhúc nhắc thôi, rúc vào bóng tối đường chiều, mình cắm cúi lọng đọng gậm vần nhả chữ bài Vịnh bức dư đồ rách nọ bức dư đồ thử đứng coi, thôi để rồi ta sẽ liệu bồi (….)
Ấy vậy mà ăn khan nằm khàn ở cái quán nhậu ở ven phố Cà Mau từ năm ấy đến năm nay là năm 2015, bút một túi giấy một túi tôi vẫn bí rị chưa có một chữ nào. Mà nào đất Cà Mau có gì không ngoài “Cà Mau hãy đến mà coi, muỗi kêu như sáo thổi, đĩa lội lềnh như bánh canh”. Chả lẽ lại viết truyện khỉ Cà Mau làm món nhậu như…bà Từ Hy Thái Hậu, thì khỉ gió cắn răng gì đâu chả biết nữa, vừa lấy tay đập con muỗi đậu trên trán một cái chát…Hốt nhiên có ông khách mặc quần đen áo đen, vai vắt miếng “khăn rằn” đi vào, ngỡ là VC vì cụ Nguyễn Trãi vừa việt biên ngoài bãi biển đằng kia. Nhưng thiên cổ chi mê tôi nom dòm ra ngay ông đây vẫn ngồi ở cái quán nhậu này là,,,là ông già Ba Tri.
Ông người gốc Quảng Ngãi, lập nghiệp tại Ba Tri từ thế kỷ 18. Trong một vụ kiện về chợ búa, ông đi bộ từ Ba Tri ra Huế và nhờ vua Minh Mạng nên ông thắng kiện…Từ đó, dân Bến Tre gọi ông là “Ông già Ba Tri”. Cho đến ngày nay, khi nghe nói đến Bến Tre là liên tưởng đến vùng đất của ông già Ba Tri gốc Quảng...đi bộ từ Bến Tre ra Huế!
Ha! Đi bộ Bến Tre ra Huế với thiên cổ chi mê tôi chả lạ lẫm cho mấy vì cũng đã từng đi từ Huế xuống Cà Mau bằng…”xe con”. Nhưng lạ lẫm là cụ ông đi với ông già Ba Tri in hịt người Huế rặt. Vì cụ ông đây áo lương khăn lượt, và va vào mặt tôi cụ đeo thẻ bài ngà trước ngực. Thấy quan chức đeo thẻ lủng lẳng, như bị hồn ma nát thần tính, thiên cổ chi mê tôi dấu biến mảnh giấy viết về bộ môn Những mảnh khuyết của sách vở vào túi và lôi bài viết Xuôi đường thiên lý của mình để lên bàn để cho có cơ sở văn hoá một chút…
Khi không ở bàn bên kia, cụ quan chức khục khặc ngâm nga bài cổ thi:
Minh nguyệt muội tưởng hắc dạ
Muội tọa, muội khỏa thế sự xuất
Thế sự như diệp đa
Hắc tựa khẩu khuyển, trảm phụ thế sự
Hơ! Bài thơ này thiên cổ chi mê tôi đã đọc đâu đó trong Chữ nghĩa làng văn của cụ Ngộ Không và được cụ Ngộ Không đâm bà chày củ như thế này đây…
Sáng trăng em tưởng tối trời
Em ngồi, em để cái sự đời em ra
Sự đời như chiếc lá đa
Đen như mõm chó chém cha sự đời
Trong cái tâm hồn nõ nường, thiên cổ chi mê tôi cười tũn một cái trộm nghĩ cụ đây ắt hẳn mang cái tâm thái…chém cha sự đời. Chả là với những mảnh khuyết của sách vở có nhà biên khảo cho là bài thơ ấy của cụ bà Hồ Xuân Hương. Vì với cụ chém cha sự đời áo lương khăn lượt đây với mục sở thị cũng văn vẻ, văn nhân lắm. Thế nên tôi có ý đồ hỏi cụ nguồn gốc cội nguồi nhân văn của bài cổ thi trên. Nghe thiên cổ chi mê tôi cười như chó hóc xương, cụ chém cha sự đời xách nguyên xị nước mắt quê hương qua bàn tôi, vừa lúc tôi lực đực tới phần chú thích của bài viết: Cà Mau là tiếng Khmer “Tuck Khmau”, có nghĩa là nước đen. Thêm một lần bị ám ảnh vì cụ đeo cái thẻ như cán bộ văn hoá A25 nên thiên cổ chi mê tôi vội lắp bắp câu ấy của ông…Sài Gòn năm xưa họ Vương.
Làm một hơi hết xị đế Bà Điểm, cụ chém cha sự đời sổ nho táo: “Giới tửu hậu ngữ, giới thực thời sân. Nhẫn nan nhẫn sự, thuận bất thuận nhân” mà thiên cổ chi mê tôi hiểu lơ mơ lỗ mỗ là không nói sau khi uống rượu, không giận dữ khi đang ăn, nhịn được chuyện khó nhịn, thuận với người không thuận mình. Xong, cụ mặt mũi nhăn quéo lại mà rằng câu chú thích ấy của ông nhà văn Rừng Mắm có bút hiệu “bình nguyên” là “đồng”, “lộc” là “nai”, với văn dĩ tải đạo quê miệt vườn của ông ở Đồng Nai. Vẫn chưa xong, cụ nho phong sĩ khí tiếp: “Vô đạo nhân chi đoản, vô thuyết kỷ chi trường. Thi nhân thận vật niệm, thụ thi thận vật vong.” Không đợi tôi có ngộ chữ chăng, cụ nôm na là không nên nói cái kém của người, không nên khoe cái hay của mình. Làm ơn cho ai đừng nhớ, chịu ơn ai đừng quên. Tiếp đến cụ chém cha sự đời móc cái móc cái “điện thoại thông minh” Galaxy S6 Edge của Đại Hàn, cụ ới cái “xe con” và nói tôi lên Sài Gòn với cụ để gặp nhà bác vật Vương Hồng Sển cho ra ngô ra khoai.
Ngồi trong xe, trong cái đầu đất tôi cứ loáy nhoáy hai câu “dậy đời” trên đều nằm ở Kiến văn tiểu lục trong Chữ nghĩa làng văn của cụ Ngộ Không nên quên bu nó mất ông già Ba Tri đang ngồi trơ thổ địa ở quán nhậu. Riêng Kiến văn tiểu lục chép vặt những điều thấy nghe, những chuyện hay, nhỏ, vui, lạ và khoảng 100 câu người xưa để lại từ đời Trần đến đời Lê những nhời dậy khôn cho người đời. Và thiên cổ chi mê tôi chịu đèn nhất câu văn mình vợ người: “Đạo ngô ác giả thị ngô sư, đạo ngô mỹ giả thị thị ngô tặc” hiểu nôm na là cha mách qué là kẻ nào chê ta là thầy ta, kẻ nào khen ta là kẻ hại ta.
Ấy là chưa kể trong cái đầu củ chuối tôi cứ loáy nhoáy với mình vừa xuôi con đường thiên lý của nhà Hồ, bây giờ lại ngược đường cái quan của nhà Nguyễn tới quận Bình Thạnh để bòn gio đãi sạn gì đây với Vương Hồng Sển với Sài Gòn năm xưa!
***
Ra khỏi Cà Mau, xe phom phom trên Quốc Lộ 1. Qua những mảnh khuyết của sách vở với văn minh miệt vườn của ông già Ba Tri, tôi chỉ chỏ cho cụ chỗ này là đầm, là chỗ trũng nước quanh năm. Ở Cà Mau có Đầm Dơi, Đầm Cùn, lát nữa tới Sài Gòn có Đầm Sen cụ tha hồ mà “tham quan”,…tham nhũng. Rồi đến chỗ kia là bưng, là từ gốc Khmer là bâng, chỉ chỗ đất trũng giữa một cánh đồng, mùa nắng không có nước đọng, nhưng mùa mưa ngập khá sâu và có nhiều cá đồng. Ca dao có câu “Về bưng ăn cá, về giồng ăn dứa” là thế. Ở Ba Tri của ông già Ba Tri, tỉnh Bến Tre, có hai bưng là Bưng Trôm và Bưng Cốc.
Tiếp, tôi nói vãi thì lại nói vơ về “giồng”ăn dứa có thêm câu “Ai dzìa Giồng Dứa qua truông, gió rung bông sậy, bỏ buồn cho em…”. Được thể tôi hợm chữ với cụ rằng giồng là chỗ đất cao hơn ruộng, trên đó “người Việt Nam” cất nhà ở và trồng rau, khoai củ và cây ăn trái. Bởi vậy nên mới có câu: “Trên đất giồng mình trồng khoai lang…”. Ở Bến Tre có Giồng Trôm, ở Mỹ Tho có Giồng Dứa, sở dĩ có tên như thế vì vùng này ở hai bên bờ sông có nhiều cây dứa. Dứa đây không phải dứa của “người nước Bắc kỳ” tôi có trái mà “người Việt Nam” gọi là thơm, khóm. Đây là loại cây có lá gai như lá thơm, khóm. Lá này vắt ra một thứ nước màu xanh, có mùi thơm dùng để làm bánh…bánh da lợn.
Chữ là nghĩa với bánh da lợn chả thấy cụ bung bét gì. Tôi bèn chó thánh nhai ra chữ với Cần Thơ, với người Việt và người Khmer văn hoá ảnh hưởng lẫn nhau. Như ông già Ba Tri vắt cái ‘khăn rằn” qua vai như VC, ấy là ảnh hưởng văn hoá nhân bản…Khmer. Như địa danh Cần Thơ, tên gọi rất Việt Nam nhưng lại bắt nguồn từ tiếng Khmer “kìntho” là cá sặc rằn, nhưng người ở Bến Tre gọi là cá “lò tho”. Vì vậy địa danh với râu ông nọ cắm cằm bà kia vì xuất phát từ “kìn” của Khmer và “tho” của Bến Tre, ra…Cần Thơ.
Còn “khăn rằn” có “liên hệ” với “cá sặc rằn” hay chăng thì phải hỏi nhà văn Rừng Mắm Bình Nguyên Lộc, tôi thưa với cụ vậy. Thêm nữa với tiếng Khmer hoá thân, lột xác thành tiếng Việt thì chẳng quên ông già Ba Tri với Bến Tre. Xưa kia người Khmer gọi nơi đó là Srok Treay. Srok là xứ, treay là cá. Sau người Việt biến chữ srok thành “Bến” nhưng chữ “treay” không tha ma mộ địa là cá mà phát âm theo tiếng Khmer thành…“Tre”. Ăn mặn nói ngay hơn ăn chay nói dối là nói cách mấy quả tình nơi đó không có…tre mà chỉ có…cá.
Mưa chẳng qua ngọ, gió chẳng qua mùi hiểu là chóng vánh, là vừa đụng đến chữ “Bến” là đến…Bến Lức trước khi tới Sài Gòn. Thế nhưng nói cho ngay đúng ra là…“Bến Lứt”. Lứt là tên ban đầu, vì nơi đó có nhiều cây lứt vì phát âm sai nên là…Bến Lức. Qua cầu Bến Lức với “lức” là “lứt” chả thấy cụ nhe răng cười cho một tiếng cho đỡ phải ngáp ngáp như ông giáo sư về những mảnh khuyết của sách vở đã dậy… để người đọc có thể theo dõi mà không ngáp dài rồi bỏ qua. Tôi đành quang gánh quay quả về…Cái Răng thuộc Cần Thơ với “k’ran” tiếng Khmer chả phải là cái răng mà là….
Đến cái lúc không mưa thì nắng này, cụ len chân vào chuyện và ăn chữ mòn răng rằng ở thung lũng vùng Donai gần Biên Hoà vào cuối thế kỷ 18 có người Mạ, người Stiêng mà thằng Tây nó gọi là “mọi” vì họ…“cà răng căng tai”. Vì vậy từ “mọi” do thằng Tây mà có, ta gọi là người Thượng, còn người trong nước hôm nay gọi họ là “người dân tộc”.
Sau khi căng tai ra nghe đâu vào đấy rôi, tôi trỏ lại chuyện vưa bị tắt ngóm là: “k’ran” tiếng Khmer chả phải là…cái răng mà là…cá rán.
***
Trước khi đến Sài Gòn phải qua Hóc Môn…Cụ nói “lái xe” bắt một chai bự sự thế mới kinh chứ. Tôi hỏi gì mà khiếp vậy? Cụ sành điệu củ kiệu là để làm “ít ly”. Bèn không chịu hiểu? Cụ tê tái con gà mái “ít ly” là…“y một lít”. Ăn chơi sợ gì mưa rơi, sau đấy cụ “lỳ một lam”, tôi “làm một ly”. Tửu nhập ngôn xuất, tôi nói nhặng xị cả lên chuyện người vùng Hóc Môn nấu toàn bằng nếp, ủ cho đúng ngày giờ để vô chõ, bên hông chõ kháp với một ống tre dưới có đặt một cái chai. Khi đun lửa, nước cơm rượu bốc hơi đọng lại chảy xuống ống tre, nhỏ từng giọt vào chai. Rượu đế Hóc Môn nấu nguyên chất, có mùi thơm, bọt nhiều, uống không gắt, có hậu ngọt, nổi tiếng khắp xa gần.
Nói gần chẳng bằng nói xa, tôi xa vắng với cụ qua nhà bác vật Vương Hồng Sển:
(...) Có nhiều giả thuyết về nguồn gốc địa danh Sài Gòn: Trước tiên có tên là Sài Côn, phiên âm của tiếng Prei-kor nguyên là tư dinh của phó vương Cao Mên, thuộc vùng Chợ Lớn, lối chùa Cây Mai. Nơi đây năm 1778, người Minh Hương từ Cù lao Phố rút về, xây bờ cao dọc theo kinh Tàu Hủ để ngăn nước, nên được người Tàu gọi là Thày Ngòn, do tiếng Thày Ngòn nầy, người Pháp phiên âm ra Saigon, còn chỗ có tên Sài Côn hay Thày Ngòn lại gọi là Chợ Lớn. Thuyết này cho Sài Côn hay Sài Gòn là tiếng phiên âm của chữ Tây Cung là vòng thành của phó vương Cao Mên. Sài Côn, Sài Gòn là phiên âm của Tây Cống, có nghĩa là nơi nhận cống lễ của các đời vua Cao Mên dâng cho vua Việt Nam. Như vậy, dầu do tiếng nào phiên âm ra, Sài Gòn khi xưa là Chợ Lớn ngày nay. (...)
Chợt nhớ tới hồn ma bóng quế Erik Kwakkel dậy là tránh dùng chữ “hàn lâm” mà thay vào chữ bình thường với câu viết ngắn, giản dị. Nên tôi chữ nghĩa ngập răng với cụ là: Từ Thày Ngòn, người Pháp phiên âm ra Saigon. Gia Long đổi Sài Thị là Sài Côn. Năm 1861, từ “Sài Côn”, người Pháp đặt tên là “Thành phố Sài Gòn”.
Ha! Nghĩ cũng hay bởi cụ không có tướng lại có tính, tính cụ sáng nắng chiều mưa vui buồn thất thường. Dám cụ đây là Đức Tả quân ái nam ái nữ Lê Văn Duyệt lắm ạ. Vì vừa vui vẻ lai rai ba sợi, nay nghe chuyện Sài Thị là Sài Côn. Cụ mặt chàu bàu…
- Ra thế đấy! Cậu nói hay nhể.
Rồi làm như có gì suy nghĩ lung lắm, cụ óc bóc:
- Cậu biết quái gì về kinh Tàu Hũ.
Nghe lạ! Vì người Tàu xây bờ cao dọc theo kinh Tàu Hủ để ngăn nước chứ còn khỉ gì nữa. Thế nhưng cụ quân tử hiếu cổ, phi cổ bất thành kim như thể như thế này đây:
- Theo Bình Nguyên Lộc vì có nhiều người cho rằng người Tàu ở miệt dưới kinh Tàu Hũ nên có…thịt kho tàu. Nhưng thịt kho tàu không phải là món ăn của người…Tàu. Vì “tàu” đây hiểu theo người Nam là…“lạt”. Vi kho tàu là kho lạt chứ không phải là kho mặn. Nói thẳng mực tàu đau lòng gỗ thì ta ăn nước mắm, Tàu ăn xì-dầu. Dễ hiểu vậy thôi.
Ha! Tôi ngộ ra từ lúc tương kiến bất tương phùng với “Cà Mau là tiếng Khmer” mà cụ cho là của Bình Nguyên Lộc, nên cụ thân già vác dùi nặng với tác giả Rừng Mắm là thế.
Và cụ thêm mắm thêm muối như vầy:
(…) Ðã có nhiều thuyết về nguồn gốc địa danh Sài Gòn. Theo tôi, tất cả những thuyết ấy đều có chỗ không ổn. Vì Sài Gòn là từ…”Sài Gòong”, mà Sài Gòong là tên của một vùng ở tỉnh Quảng Ðông bên Tàu. Ðất Sài Gòn vốn là Gia Ðịnh kinh. Khi Gia Ðịnh kinh bị Pháp chiếm, người Việt bỏ đi nhiều, người Tầu từ Ðề Ngạn (Chợ Lớn) ùa ra ở, đặt lại tên thành phố là Sài Gòng để tưởng nhớ quê hương bên Tầu của họ đấy thôi. Nhưng tất cả chỉ là giả thuyết? Sai hay đúng thì cái tên Sài Gòn đã đi vào…cổ sử từ lâu (…).
Tôi không biết làm gì là…làm thinh, bằng cách ngắm phong cảnh... Xe chạy qua Gò Vấp, cụ nói với “lái xe” ngừng lại mua ít thuốc rê. Đến tao đoạn này, tôi không thể không khua môi múa mép thuốc trồng toàn bằng phân trâu, phân bò trộn với bánh dầu đập nhỏ để bón vào gốc nên thuốc được tốt, lá lớn. Thuốc Gò Vấp tàn trắng, khói thơm, để lâu không bị mốc. Nhưng vì trồng toàn bằng phân trâu, phân bò trộn nên…hôi rình.
Lúc này cụ mới ngoả nguê:
- Cậu chỉ bịa là giỏi.
- Cụ nói gì vấy.
Hơ! Nãy giờ bị cụ đe nẹt nên cứ ngỡ cụ là Tả quân Lê Văn Duyệt, là “người Việt Nam”. Nhưng cụ nói rặt giọng “nước Bắc kỳ” đặc với thổ âm đồng chua nước mặn Thái Bình quê tôi với “con tâu tắng buộc bờ te tụi”, dám đồng hương, đồng khói với tôi lắm ạ. Đang ngẫn ngẫn vậy, chưa kịp cãi nhắng lên vì bị mắng là dệt chuyện, cụ đã xẵng xớm:
- Cậu chỉ bừa phứa thôi. Vi tên Sài Gòn nay đi vào cổ sử được Petrus Trương Vĩnh Ký đưa ra đầu tiên và ông dựa theo "nghe nói" như sau: "Sài là mượn chữ viết theo chữ Hán có nghĩa là củi gỗ; Gòn là chữ Nam chỉ bông gòn. Bởi nhiều cây bông gòn do người Cao Miên đã trồng chung quanh đồn đất xưa của họ, mà dấu vết nay vẫn còn ở chùa Cây Mai và các vùng lân cận". Nhưng không biết sao sau này Louis Malleret và Vương Hồng Sển lại quả quyết thuyết này là "của" Trương Vĩnh Ký. Mặc dù ngay sau đoạn này, Trương Vĩnh Ký viết tiếp: "Theo ý tôi, hình như tên đó là của người Cao Miên đặt cho xứ này, rồi sau đem làm tên gọi thành phố. Tôi chưa tìm ra được nguồn gốc đích thực của tên đó".
Vấn xong điếu thuốc rê, cụ đủng đỉnh như chĩnh trôi sông với trên bến dưới thuyền:
- Sài Gòn từ Thầy Ngòn là thuyết được đưa ra bởi 2 người Pháp là Aubaret và Francis Garnier. Thuyết này được Vương Hồng Sển và Thái Văn Kiểm đồng ý. Vì với phương diện ngữ âm "Thầy Ngòn", rất giống "Sài Gòn". Tuy nhiên, theo lịch sử không phải vậy, vì lịch sử chứng minh rằng: ”Sài Gòn có trước”. Mãi sau người Tàu mới đọc theo và đọc chại là Thầy Ngòn. Ngoài ra, về nghĩa lý thì cả hai chữ này hầu như vô nghĩa theo tiếng Hán. Nếu dịch sát "Đề Ngạn" là "nắm lấy (đề), bờ sông cao dốc (ngạn)". Nhưng thành phố trên bến dưới thuyền nào mà không có bờ sông cao dốc, mà không là đề ngạn.
Tôi nghe vào tai chui ra miệng với cụ rằng chuyện là thế, con dế nó bế con giun, con giun nó đùn con dế từ Vương Hồng Sển, thêm Sơn Nam, Thái Văn Kiểm, Nguyễn Ngọc Huy và những ai khác nữa đều dựa dẫm vào hai ông Tây Aubaret, Francis Garnier và Trương Vĩnh Ký. Làm môt hơi thuốc, cụ gật gù là tích mặc như kim là trong việc viết lách, không phí bút mực vì mực như vàng. Được mở như cởi tấm lòng, tôi bèn thưa với cụ:
- “Lịch sử” nào chứng minh rằng tên Sài Gòn có từ trước?
Nhả khói mịt mùng gió mây xong, cụ nhả ra chữ:
- Năm 1767, Nguyễn Cư Trinh trình lên chúa Nguyễn Phúc Khoát một bài sớ rằng:
(…) Từ xưa việc dùng binh chẳng qua là trừ kẻ cầm đầu mà mở mang đất nước. Nay Nặc Nguyên đã hối lỗi nạp đất xin đầu hàng, nếu không giữ nó, thì nó chạy trốn. Từ Gia Định đến thành La Bích đường sá xa xôi không tiện đuổi đến cùng. Muốn mở mang đất đai nên lấy hai phủ này để củng cố mặt sau cho hai doanh trại. Vì lấy được tuy dễ mà giữ được thật khó. Năm xưa mở mang Gia Định, trước hết mở đất Hưng Phúc rồi đến Đồng Nai, quân dân đông đủ rồi sau đó mới mở đến Sài Gòn. Đó là kế tằm ăn dâu (tàm thực). Sài Gòn địa thế rộng rãi, dân số đến vạn người, đóng quân giữ thực sợ chưa đủ. Vậy xin cho Chân Lạp chuộc tội, lấy đất hai phủ ấy uỷ cho phiên đặt thành đóng quân, chia cắt ruộng đất cho lính và dân, vạch rõ biên giới, cho lộ vào châu Định Viễn để thu lấy toàn khu. (…)
Quay cửa kính xuống, búng tàn thuốc cái vù, cụ khẽ đánh mắt một cái…
- Mấy ông biên khảo biên chép chỉ nói nhăng cho có…chuyện. Vì họ nào có hay biết trước Nguyễn Cư Trinh một phần tư thế kỷ đã có người viết về Sài Gòn rồi:
(…) Theo Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn viết năm 1674, Thống suất Nguyễn Dương Lâm vâng lệnh chúa Nguyễn đánh Cao Miên và phá vỡ "Luỹ Sài Gòn" (…).
Mặt tỉnh rụi, cụ câu thừa chữ thiếu:
- Đây là lần đầu tiên chữ "Sài Gòn" xuất hiện trong lịch sử Việt Nam. Vì chữ Tàu không có chữ “Gòn”, gòn là tên Nôm nên chữ Tàu "Côn" được dùng thế cho "Gòn". Ấy đấy, thiên bất đáo địa bất chi, chả phải đợi đến 1778 khi người Tàu ở Cù Lao Phố bị Tây Sơn đánh phải chạy đi rồi lập nên Thầy Ngòn tức Đề Ngạn. Cậu ăn chữ mẻ bát thiên hạ nên chả cần ngôn nhi dụ. tức không nói ra cũng hiểu được là thế đấy.
Miệng giật giật, cụ câu đọng chữ thừa:
Như vậy, ngay từ năm 1674, thời Lê Quý Đôn trong Phủ Biên Tạp Lục đã có tên Sài Gòn rồi. Vậy mà chẳng ai biết, không ai hay, 300 năm trươc, 300 năm sau nữa, các nhà biên khảo, các nhà văn hoá cứ rối inh cả lên. Nói cho lắm tắm cởi truồng chẳng qua Sài Gòn chỉ là cái tên, như tên “Phở” vậy thôi.
Xe con qua Lái Thiêu, Thủ Đức, mắt đảo tít như lạc rang để tìm…tiệm phở nên tôi chả buồn ba mươi sáu cái răng đóng trăng cái lưỡi với giai thoại ông tên Lái uống rượu…Hóc Môn say bí tỉ thiêu cái chợ nên mới có tên…Lái Thiêu. Hay “Thủ” chỉ đồn canh gác dọc theo đường sông chứ không phải là…thủ lợn, đầu heo, Vì vậy nên “thủ” đã đi vào một số địa danh như: Thủ Thiêm, Thủ Thừa (Long An),Thủ Dầu Một (Bình Dương). Theo lời già làng: Xưa, có vị thủ đồn đầu tiên ở nơi này tên là Đức. Cư dân nhớ đến công vị thủ đồn tên Đức, nên lấy tên và chức tước của ông mà đặt cho chợ, gọi là chợ Thủ Đức.
Thủ Đức, Xuân Trường là hai địa danh của Gia Định gắn liền với nhau qua câu truyền tụng “nem Thủ Đức, suối Xuân Trường”. Nem làm bằng thịt heo sống quết gia vị tiêu, tỏi, bột ngọt, rượu Absithe, Cognac...đoạn gói với lớp lá vông chừng hai, ba ngày vừa chua là ăn được. Nem chua Thủ Đức ăn với bún ở chợ Búng gần đấy. Ăn như cũ, ngủ như xưa chợ Búng nguyên thủy chỉ bán mặt hàng bún, sau này bán đủ mặt hàng. Từ “bún” ở chợ Bún, “người Việt Nam” đọc chẹo quai hàm là…Búng như…búng tai một cái cóc.
Đến chợ Thủ Đức, đến cớ sự này ai biết quan mót đái mà hạ võng, tôi thưa thốt với “lái xe” là muốn xuống làm một bãi sè sè ngọn cỏ bên đường. Yên sĩ phi lý thuần xong, leo lên xe đã thấy cụ chém cha sự đời ôm hai, ba xâu nem chua và đang rị mọ với đế Hóc Môn.
Trực chỉ Biên Hoà, cụ chỉ thấy “đồng” là đồng. Khi rày cụ mới vén môi hỏi. Tôi nhờn môi múa mép rằng: Đồng khoảng đất hoang chưa khai phá. Như hồi nãy từ Gia Định đi Thủ Đức, qua ngã tư Bình Hoà, toàn ruộng hoang nên gọi là Đồng Ông Cộ. Trên đường đi Lái Thiêu có Đồng Chó Ngáp, trước kia là vùng đất phèn nên bị bỏ hoang, vắng vẻ, trống trải nên chó chỉ biết…ngáp thôi. To, rộng hơn là Đồng Tháp Mười, xưa thật là xưa tại đây có mười cái tháp Chàm nay chỉ còn dấu tích nền đá tường gạch hoang tích cô liêu.
Ở Củ Chi có Đồng Dù, trước là nơi tập nhảy dù, nhưng vì dù bay lạc qua Củ Chi rơi vào…địa đạo Củ Chi của VC, nay bãi dù thành đồng hoang. Ngoài ra Củ Chi còn đi vào văn học sử với “gái Củ Chi chỉ cu hỏi…củ chi”. Củ Chi có Hố Bò, vì bò đến đó ăn cỏ. Biên Hoà có Hố Nai, nơi những người Bắc di cư Công Giáo lập nghiệp nên không hiểu sao nai trốn mất tiêu. Lúc này tôi mới thật thà như đếm với cụ, một là với địa đạo Củ Chi. Hai là với ông già Ba Tri có cái “khăn rằn” trên vai nên tôi hãi quá thể. Thế nên trên đường đi tôi không dam hó háy với cụ về “Láng”. Vì đọc chuyện VC phục kích quân ta chạy té đái ra quần ở hai bên…láng, tôi cóc hiểu “láng” là cóc khô gì hết. Sau mới vỡ bọng cứt ra láng chỗ đất thấp sát bên đường ẩm ướt quanh năm. Ở Đức Hoà giữa Long An, Sài Gòn có
Láng Le, vì ở láng này có nhiều chim le le đến kiếm ăn và…đẻ đái.
***
Mặc chim le le đẻ đái, leo lên xe, cụ quen quén là chỉ quanh quéo ở xứ Thuận Hóa và Quảng Nam, Quảng Ngải nên mới gặp…ông già Ba Tri. Vì vậy nghe chuyện bưng biền, vào bưng ra bưng nghe chán lắm. Thời cụ dẹp loạn Lê Duy Mật ở Thanh Hóa, xong cụ dâng khải xin khẩn hoang là hết đất. Ha! Cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra “khẩn hoang” với dẫn thủy nhập điền nên tôi chắc như bắp luộc cụ đây là cụ Nguyễn Công Trứ làm quan ở Thái Bình quê tôi. Chuyện này xọ qua chuyện kia đến tơm tởm tối…đên Hội An thuộc Quảng Nam quen thuộc của cụ. Tôi hỏi chuyện ông Tây thuộc địa lần đầu tiên tới thành phố mới lớ quớ thấy phố Nhật, phố Tàu mà chả nom dòm thấy…phố Tây nên hỏi: “Phải phố không?”. Từ đấy tên: Faifo nằm chết bẹp dí trong văn học sử?
Đợi tôi nói dơi nói chuột xong, cụ rỉa rói:
- Cậu chỉ nói nhảm.
Tiếp đến, cụ phăm phở:
- Dựa theo bản đồ của Alexandre de Rhodes, ghi chú: Hai Phố. Người Tàu phát âm là “Hải Phố”. Gần đây qua chữ nghĩa trên văn đàn của các cậu còn có những tên tình tự như Hoài Phố, Phố Hoài…nghe thối inh. Thế nhưng theo Voyage from France to Cochi-China của Captain Rey, người Pháp vào năm 1819 viết:
(…) Vịnh Tourane đã được ghi lại trong chuyến Hải trình đến Trung Hoa năm 1972 của Lord Macartney. Nay tôi vẽ lại chính xác hơn và thêm một bờ biển từ đến đảo Tiger gân Huế. Fai-Fo giống như một hải cảng ở Ấn Độ. (…)
Đợi tôi tri kỳ nhất bất nhi kỳ nhị, tạm hiểu là biết một mà không biết hai. Cụ dàng dênh:
- Như vậy tên Fai-Fo đã có từ năm 1802 thời vua Gia Long. Cậu nghe rõ chửa.
Ba điều bốn chuyện xong, thiên cổ chi mê tôi nhẩm chừng sẽ được leo lên đỉnh đèo Hải Vân ngắm cửa ải “Hải Vân quan” với biển đề “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”. Đây là ranh giới Đại Việt và Chiêm Thành thời nhà Trần. Lại nữa, đất có thổ công, sông có hà bá, cụ chém cha sự đời là thổ địa đất Quảng Nam, thế nào cụ chả biết câu ca dao, ca trù “Đường bộ thì sợ Hải Vân. Đường thủy thì sợ sóng thần Hang Dơi”. Đang định hỏi cụ Hang Dơi ở đâu thì xe con chui tọt vào cái hang sâu thun thút. Bèn ớ ra “ba dòng thác cách mạng” thay vì làm…thác thì họ lại làm đường hầm xuyên qua núi làm tôi sợ muốn thác luôn. Trong bóng tối u u minh minh của đường hầm, tôi để ho6`n đi hoang theo ông giáo sư người Hoà Lan: “Dường như chữ nghĩa thời nào cũng mang theo cái hồn của người viết và người đọc với người ở đây mà hồn năm xưa đã biền biệt”. Những cảm hoài mang mang ấy, tôi tính thưa với cụ sau chuyến đi này, tôi sẽ chẻ câu vót chữ cho nhọn hoắt bài du ký Ngược đường cái quan để dối già. Chưa kịp ăn ngay nói dối thì xe chạy mất tiêu qua Huế lúc nào chả hay và ngừng ở chân thành cổ Quảng Trị.
Lăng xăng như thằng mất khố, tôi vội hỏi cụ:
- Cụ đi đâu vấy.
Làm như điếc đặc, cụ nói “lái xe” bắt lít rượu Kim Long. Rồi cụ khẽ khàng:
- Cậu chỉ được cái nước nói bừa phứa là gỉoi nên chả biết đếch gì sất. Vì con đường thiên lý của họ Hồ từ Thanh Hoá tới Quảng Nam. Còn từ Huế xuống Cà Mau có tên là con đường cái quan của nhà Nguyễn. Thời nhà Nguyễn, trên đường cái quan triều đình cho đặt nhiều dịch trạm để chuyển công văn, sắc lệnh của nhà vua. Những công văn thường được cuộn tròn đựng trong một ống tre nhỏ, có bao giấy và niêm phong, đóng dấu mộc cẩn thận. Tại mỗi dịch trạm đều có phu trạm chạy bộ chuyển công văn. Nhưng cũng có dịch trạm được cấp ngựa, phu trạm là quân lính cầm đuốc ù té chạy…hoả đầu quân. Ấy xin lỗi nói lộn, chạy hoả tốc suốt đêm nếu là công văn khẩn. Làm một hai ngụm xong Kim Long xong, cụ làm như chăn trâu nhân thể dắt nghé:
- Năm 1636, Nguyễn Phúc Lan chọn làng Kim Long làm nơi đặt phủ, khởi đầu cho sự hinh thành Huế sau này. Năm 1687, Nguyễn Phúc Thái dời phủ đến làng Thụy Lôi, đổi tên là: “Phú Xuân”. Phú Xuân trở thành kinh đô dưới triều đại Quang Trung (1788 - 1801) cho đến năm 1802, sau khi thống nhất, Gia Long: "Đóng đô ở Phú Xuân, gọi làKinh sư".
Những tài liệu sử học cũ ngoại trừ Quốc triều chính biên toát yếu khi nói tới Huế, đều dùng cái tên “Phú Xuân ” chứ không dùng tên Huế. Trong hồi ký của Pierre Poivre, một thương nhân Pháp đến Phú Xuân năm 1749, tên Huế xuất hiện nhiều lần là “Hué”. Bộ Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim là bộ sử đầu tiên của Việt Nam viết bằng chữ quốc ngữ, tác giả đã sử dụng nguồn sử liệu của phương Tây, và tên…“Huế” xuất hiện.
Phải gió phải giây gì chả biết nữa, đầu tôi cứ óc ách phải chăng vì rượu Kim Long mà chúa Nguyễn Phúc Lan chọn làng Kim Long để thành Huế sau này. Tiện mồm hỏi cụ tên “Huế” từ đâu mà có? Cụ búi bấn:
- Tất cả từ thằng tây mà ra, từ Dictionnaire Căm-Vietnamien-Français(Từ điển Chăm-Việt-Pháp)của Gerard Moussay xuất bản tại Phan Rang năm 1971 ghi là Hwe. Mà Hwe tiếng Chăm có nghĩa "mùi thơm", "hương thơm"..., chẳng mấy chốc chuyển thành Huế tiếng Kinh. Vì vậy nhiều nhà biên khảo ngộ nhận rằng Huế do Hoá đọc trại ra.
Thêm nhà biên khảo cổ đại căn thì chữ Huế đã xuất hiện trong thời kỳ Nam Bắc phân tranh. Chữ Huế bắt nguồn từ chữ Hóa trong địa danh Thuận Hóa. Hóa biến thành Huế do kị huý tên ông Nguyễn Nạp Hóa, cháu 6 đời của ông Nguyễn Bặc là tổ của nhà Nguyễn. Hoặc có thể do kiêng tên bà Hồ Thị Hoa, chánh cung của vua Minh Mạng, vì Hoa và Hóa đọc na ná nên Hóa phải đổi thành Huế. Thế nhưng theo nhà biên khảo cổ đại này thì vào thời Alexandre de Rhodes, dạng Huế như hiện nay với âm “ê” chưa có.
Ấy là chưa kể những nhà văn hoá, sử học quá mù sa mưa với dạng Hoé tiền thân của địa danh Huế đã tồn tại trong dân tộc người Chăm. Vì trước thế kỷ XIV, chính xác trước năm Đinh Mùi 1307 lúc triều Trần chính thức nhận hai châu Ô và Lý người Chăm gọi nơi mình trú ngụ với tên...Hoé. Họ dựa vào Đại Việt sử ký toàn thư ghi: Năm Nhâm Thìn 1472, niên hiệu Hồng Đức thứ III, dân lưu xứ Thuận Hoá bấy giờ vẫn gọi đất này là Hoé.
Thế nhưng lẩm cẩm như xẩm chống gậy thì địa danh Huế cũng đã có từ đời Lê, trong Thập giáp cô hồn quốc ngữ văn, vua Lê Thánh Tông có viết: “Hương kỳ nam, vảy đồi mồi, búi an túc, bì hồ tiêu, than Lào, thóc Huế…”.
***
Xe lui cui bò qua cầu Long Biên vào Hà Nội, tôi xằn xò hỏi cụ rằng gần đây ông sử gia Trần Quốc Vượng, cho rằng tên Hà Đông là ta mượn từ Tàu. Thêm ông nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn, nay biên khảo, biên chép cho độc giả hay tên Hà Nội, Hà Đông từ bền Tàu mà có. Bởi các địa danh như Sài Gòn, Hà Nội, Hà Đông, Sơn Tây, Hà Nam, Hà Bắc, Hoàng Sa, Truờng Sa tại nước ta đều đã được dùng tại Tàu, và họ dùng trước ta lâu đời, sau ta bắt chước họ chăng? Không trả lời ngay mà cụ gánh bùn sang ao:
- Đời Tây Sơn đóng đô tại Phú Xuân, trong những văn thư Ngô Thì Nhậm tấu lên Quang Trung, Ngô Thì Nhậm gọi Thăng Long là Bắc Thành. Từ đó thành tên chứ không phải Quang Trung đổi tên như nhiều sử gia đã viết. Cứ theo sách vở tam sao thất bản thì: Dưới thời Gia Long đất nước được chia thành dinh, trấn.Năm Minh Mạng thứ 12 (1831), vua này bãi chức vụ tổng trấn Bắc Thành vì vụ Lê Văn Khôi, con nuôi Tổng trấn Gia Định Lê Văn Duyệt dấy loạn, Vì vậy vua xóa bỏ Bắc Thành gọi là Hà Nội. Vua còn đổi tỉnh Cầu Đơ thành Hà Đông. Tên Hà Đông, Hà Nội bắt đầu có từ bấy giờ.
Trong phiếu hốt, cụ chém cha sự đời chép miệng cái tách mà rằng:
- Các cụ ta xưa gọi địa danh theo đông, nam, tây bắc quanh Hà Nội như Bắc Ninh, Trấn Sơn Nam, Sơn Tây, Hải Đông tức Hải Dương thì cớ sự gì tỉnh Cầu Đông ở phía tây Hà Nội lại có tên Hà Đông. Nên tôi không nghĩ Minh Mạng… tâm viên ý mã như vậy. Vì vậy như Quang Trung với Bắc Thành, theo ngu ý tôi chả có chuyện Hà Đông gì sất.
Tiếp đến cụ rè ràng:
- Chuyện Hà Nội ở bên Tàu lấy từ câu sách Mạnh Tử: "Hà Nội hung tắc di kỳ dân ư Hà Đông, chuyển kỳ túc ư Hà Nội" tức Hà Nội bị tai họa thì đưa dân về Hà Đông, đưa thóc từ Hà Đông về Hà Nội. Thời Mạnh Tử phía bắc sông Hoàng gọi là đất Hà Nội, phía nam là Hà Ngoại. Vùng đất Hà Nội ấy nay thuộc về tỉnh Hà Bắc. Sông Hoàng khi tới tỉnh Sơn Tây chạy theo hướng Bắc-Nam, trở thành ranh giới hai tỉnh Thiểm Tây và Sơn Tây. Sơn Tây ở phía Đông sông Hoàng nên thời cổ có tên là đất Hà Đông, còn Thiểm Tây là Hà Tây.
Từ chuyên Tàu, cụ lan man qua chuyện Ta và Tây:
- Ngày 25-8-1883 Trần Đình Túc và Nguyễn Trọng Hợp thay mặt triều đình Huế ký với Harmand và De-Champeau đại diện phía Pháp một bản Hiệp ước thừa nhận Nam Kỳ là thuộc địa của Pháp và thừa nhận nền bảo hộ của Pháp ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Như vậy, Hà Nội thuộc quyền bảo hộ của Pháp.
Năm 1890, Pháp lập ra Hà Nam nhưng chỉ tồn tại 20 năm rồi nhập vào Nam Định. Đến năm 1896, Pháp bắt hai quan Trần Đình Túc và Nguyễn Trọng Hợp dời Hà Nội vào Cầu Đơ. Năm 1904, Pháp lập ra tỉnh Hà Đông vốn có tên cũ là Cầu Đơ. Họ dựa vào cái tên “Hà” của Hà Nội đã có từ trước để đặt tên…Hà Đông.
Lạy Chúa tôi! Thiên cổ chi mê tôi nghe ù cả tai mà chả hiểu gì sất. Đang bối rối như sư đẻ thì cụ chém cha sự đời đã buộc chỉ chân voi:
- Vì vậy ông nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn hay mấy thằng Tây ở Viện Viễn Đông Bác Cổ nào có đọc sách Mạnh Tử để luận ra Hà Đông, Hà Nội là ở Tàu mà ra. Nhảm thật!
Cụ gật đầu tắp lự:
- Như tôi đã nói Minh Mạng chả dính dáng gì đến Hà Đông hết! Thế nên chuyện Minh Mạng năm 1831 đổi tên Bắc Thành là Hà Nội theo tôi nên xem lại, vì già hay đái tật…
Đột biến tôi lưỡi đá miệng “đái” là…đái? Cụ nhìn tôi như nhìn người cõi trên và mọt chữ đái đây là…quên. Và cụ bàu bạu:
- Với tật quên tôi đọc ở đâu đó: Năm 1831, Minh Mạng cải tổ hành chính 34 tỉnh, vua tham khảo cơ cấu chính quyền nhà Thanh để cải cách như chức tổng đốc coi tỉnh lớn do 2, 3 tỉnh nhỏ gộp lại. Tỉnh nhỏ do do tuần phủ trông coi. Ngắn gọn vậy thôi và…chấm hết.
Làm như bị giời đày, cụ chém cha sự đời lầu bầu như mèo vật đống rơm với đại mộc lưu giang, bất đắc hồi cố, hiểu theo thiên cổ chi mê tôi là khúc gỗ to trôi trên dòng sông, xuôi theo con nước, không thể quay lại được nữa....
- Đừng nói gì đến Hà Đông, Hà Nội, Nam Định (Minh Mạng đổi tên từ Trấn Sơn Nam Hạ) xa tít mù. Ngay tại kinh đô, chợ Đông Hoa vì kỵ húy đổi tên là Đông Ba. Vậy chứ âm vận của “huế” gần với…“huê” là…hoa. Như Hoa và Hóa đọc na ná ở trên sao không vì kỵ húy mà đổi đi? Hoặc giả như tên của kinh đô từ người Chàm, từ Hoé, Hué, Hwe thành Huế một âm ngủn sao không đổi tên hai âm như Hà Nội, hay Nam Định?
Tôi lộng thiên hí địa thế này chả hiểu có đúng chăng, cậu xem lại cho tôi nhá…
- Với vùng đất mới của vua Gia Long có tên Long An, Long Thành, Long Khánh…Trong khi người Tàu đông như tổ đỉa, như “Bạc Liêu nước chảy lờ đờ, đưới sông cá chốt, trên bờ Triều Châu” mà có tên Sơn Đông mãi võ khỉ nào đâu? Láo toét hết! Lại nữa: Chữ “long” của Gia Long là “hưng thịnh”. Còn “long” của đồng bằng Cửu Long long thăng, long giáng, là rồng 3 ngón nên tôi cho là những tên tỉnh miền Nam từ dân gian hay già làng mà có. Lại các nhà biên khảo, nhà làm văn hoá, lại cũng rối như canh hẹ thêm nữa như tên “Phở” thôi. Với những cái tên, với người miền Nam “thấy em nhỏ xíu anh thương”, với họ….“nhằm nhò gì ba cái lá hẹ”. Ngay như lá mơ của người miền Bắc, người miên Nam gọi là…“lá thối địt” thì có chết thằng Tây đen nào đâu.
Cuối cùng cụ chém cha sự đời cũng trói voi bỏ rọ:
- Mọi sự tất cả ở các nhà biên khảo, nhà làm văn hoá của cậu nhồi nhét “đông giáp địa danh, tây giáp địa chi” từ hồi nảo hồi nào. Lúc nào họ cũng: “Minh Mạng…thứ 12…năm 1831“ này kia kia nọ. Họ trích lục sách vở từ đẩu từ đâu nên người đọc chả biết đâu mà mò. Nếu như họ có tham khảo Đại Nam nhất thống chí về địa lý, lịch sử địa phương của nhà Nguyễn. Hay Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, họ chỉ thấy phong thổ địa chí với phong tục tập quán của địa phương. Mọi sự chỉ có vậy và không hơn.
Hốt nhiên cụ bảo “lái xe” tới ngõ Bảng nhãn Lê Quý Đôn, nay lấy lại tên xưa là ngõ Cháo Lú. Ắt hẳn cả chuyến đi chả có cơm cháo gì chăng!? Bỗng không cụ chửi đổng: “Sư bố mấy thằng Tây ở Viện Viễn Đông Bác Cổ nhá, tại chúng nó mà ra cả”. Nhá nhem xong cụ gật gừ: “Mà nó cũng hay ra phết”.
Và cụ ư hử theo giọng cò lả, cò leo gì chả biết nữa…
Thằng Tây nghĩ nó cũng tài
Chế ra đèn điện thắp hoài năm canh
Thằng Tây nghĩ nó cũng sành
Chế ra tàu điện chạy quanh phố phường
Thiên cổ chi mê tôi chợt ớ ra bài cổ thi:
Sáng trăng em tưởng tối trời
Em ngồi, em để cái sự đời em ra
Sự đời như chiếc lá đa
Đen như mõm chó chém cha sự đời
Vì với những mảnh khuyết của sách vở có người cho là bài thơ của cụ bà Chúa thơ Nôm. Bây giờ tôi mới có dịp hỏi cụ cội nguồi nhân văn của bài cổ văn này. Cụ cập rập mà rằng: Ấy là bài Diệp đa trong Vân Đài loại ngữ, trang 17, chương 2, quyển 4, viết năm 1773. Sinh quán, sinh phần tác giả ở tỉnh Thái Bình. Bút hiệu tác giả là Quế Đường, tự Doãn Hậu, tên thuở nhỏ là Lê Danh Phương. Tên thật là Lê Quý Đôn.
Quay sang “lái xe” cụ chém cha sự đời nói muốn “ai biết quan mót đái mà hạ võng”. Xe ngừng, cụ bước xuông đi thun thút qua bên đường. Thiên cổ chi mê nhòm theo thấy cụ mất hút vào con ngõ nhỏ, ngước mắt lên nhìn cột đèn có bảng tên: ngõ Cháo Lú.
Hơ!
Thạch trúc gia trang
Lập xuân, Ất Mùi 2015
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng
Nguồn:
Trần Lý Lê, Lê Văn Đức, Lê Ngọc Trụ, Sơn Nam, Thái Văn Kiểm, Phạm Trung Tùng, Hồ Đình Vũ, Bùi Đức Tịnh, Tô Hoài, Nguyễn Vinh Phúc, Thu Tứ, Ngự Thuyết.